26 C
Nha Trang
Thứ sáu, 25 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 298

18 năm sau, bạn đang làm gì, và ở đâu?

Photo: jeroen_bennink

 

“Các bạn hãy từ từ nhắm mắt lại, hãy hồi tưởng và nhớ lại cách đây 18 năm, ngày các bạn còn là một đứa trẻ. Hãy nhớ lại lúc đó bạn đã có những phút giây hạnh phúc bên gia đình và người thân của bạn như thế nào. Lúc đó bạn đang làm gì và ở đâu?

18 năm sau, bạn của bây giờ đang ở đâu? Bạn đang làm gì vào lúc này, 18 năm sau từ lúc bạn bắt đầu là một đứa trẻ? Vào lúc này đây, bạn đang làm gì, và ở đâu? Hãy nhớ lại cách đây 18 năm, khi mà bạn đã vui như thế nào khi còn là một đứa trẻ, bên những người thân yêu của bạn.

18 năm sau ngày các bạn bắt đầu là một đứa trẻ, đất nước Việt Nam của các bạn đang đứng ở đâu ? Các bạn hãy suy nghĩ về điều đó. Và vào ngay lúc này đây, các bạn đang làm gì, và ở đâu?

Các bạn sẽ phải tự mình trả lời câu hỏi: 18 năm sau nữa, các bạn muốn mình sẽ đang làm gì, và ở đâu?”.

Đó là những lời phát biểu của một người đã phải rời bỏ quê hương Hàn Quốc theo gia đình sang Mỹ để có cơ hội học tập tốt hơn, lúc còn là một đứa trẻ. Ông là David Kim, hiện đang là chủ của hai cửa hàng thức ăn nhanh Chick-fil-A nổi tiếng tại Mỹ. Tôi có cơ hội được gặp ông thông qua SERVE Conference – một hội nghị về mô hình lãnh đạo SERVE dành cho các bạn trẻ (hầu hết là sinh viên) do AIESEC Hồ Chí Minh phối hợp với các diễn giả đến từ Chick-fil-A tổ chức. Các bạn có thể đọc thêm thông tin về David Kim tại đây.

Tất nhiên sau khi nghe xong những lời này thì ắt hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ dừng lại lại đôi chút để xem lúc này mình đang đứng ở đâu, và mình cần phải làm gì để trở nên tốt hơn. Nhưng sau đó không lâu chúng ta lại quên mất rằng có những lúc ta đã quyết tâm sắt đá như thế nào, chỉ vì những điều hết sức bình thường. Dĩ nhiên là đất nước Việt Nam của chúng ta hiện nay vẫn chưa thể sánh được với Thái Lan, Malaysia, thậm chí là Indonesia, chứ chưa nói đến Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên chúng ta có quyền mơ ước về một ngày Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tôi tin rằng có rất nhiều người trong các bạn từng có ý nghĩ và mong muốn rằng mình sẽ làm được một điều gì đó lớn lao cho xã hội, cho đất nước. Tôi cho rằng không có điều gì tuyệt vời hơn thế, nếu như nhiều lúc chúng ta không quên mất những điều nhỏ nhặt.

Buổi sáng, khi dắt xe ra khỏi nhà, hãy chào và hỏi thăm bác hàng xóm vừa đi chạy bộ về.

Hãy cám ơn cô bán hàng đã làm cho bạn một hộp xôi nóng hổi cho bữa sáng.

Bạn cũng đừng quên từ chối cô bán nước trước cổng trường bằng cách tặng cho cô một nụ cười.

Và khi ra về, nếu có thể hãy giúp đỡ một bạn nữ nào đó đang loay hoay trong bãi xe với chiếc xe của mình.

Nếu bạn có thể làm được những điều nhỏ nhặt đó mỗi ngày, bạn sẽ biết mình sẽ phải làm gì, và sẽ ở đâu.

 

Snowball

Muốn có đạo đức, hãy để thị trường được tự do

Trích: Khi thị trường trở nên tự do, những dịch vụ tốt nhất, với giá rẻ nhất sẽ được lựa chọn. Tỷ lệ cung cầu sẽ tự động quyết định mức lương hợp lý cho mỗi giáo viên hay bác sĩ.

Ngành y, ngành giáo, hành chính công và nhiều dịch vụ công cộng khác đang phải đối mặt với những khủng hoảng về đạo đức nghề nghiệp. Tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi tiền của người dân, chất lượng dịch vụ thấp, gian dối là những hiện tượng phổ biến trong tất cả các lĩnh vực này.

Các nỗ lực của nhà nước nhằm thay đổi điều này dường như không hiệu quả, từ các cuộc thanh tra, các cuộc vận động về đạo đức cho tới các giải pháp mang tính chế tài như cấm giáo viên dạy thêm, cấm bác sĩ nhận phong bì, tăng lương … Trong ngành giáo dục, các giải pháp mang tính kỹ thuật đều đã được thử nghiệm như giảm tải chương trình cũng không mang lại hiểu quả.

Sài Gòn và những câu chuyện

Photo:  WU KACHI

 

“Phàm những nơi càng hoa lệ và rộn ràng thì ẩn sâu trong nó đã tồn tại những nỗi tuyệt vọng và cô độc đến tận cùng. Chưa bao giờ tuyệt vọng và cô độc lại trở thành một trường đoạn dài đến vậy.” – Gió-

Cô gái, gương mặt đỏ lựng và nhăn nhúm, khuôn miệng xinh xắn thường ngày nay trở nên méo mó một cách kì lạ, hai tay cô ôm lấy đầu gồi và gục mặt khóc như thể cô sẽ chẳng bao giờ khóc được nữa. Thi thoảng người ta có thể nghe thấy những tiếng nấc cố tình bị che giấu bởi tiếng nước chảy rỉ rả . Chẳng biết từ bao giờ, phòng vệ sinh chung trở thành chốn riêng tư để cô tống hết những nỗi tuyệt vọng ra ngoài bằng những giọt nước mắt nóng hổi và mặn chát. Mặn, như chính cuộc sống của cô bây giờ vậy.

Trưa nay, cũng như bao trưa khác, dãy phòng trọ vắng hoe và im ắng đến một con muỗi bay qua cũng bị phát hiện. Sài Gòn vào giờ này, yên bình và buồn đến lạ.

Cũng đã gần hai tháng kể từ ngày cô nghỉ việc, vì một số lý do mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, đôi khi không kể ra đây cũng là 1 điều tốt. Không biết bao nhiêu bộ hồ sơ được cô gửi đi một cách trân trọng đến những nhà tuyển dụng, bao nhiêu mối quan hệ cô đều hỏi cả. Nhưng cuối cùng vẫn là những dấu lặng trượt dài qua từng ngày. Mỗi ngày qua đi sự tự tin và xông xáo của cô mất đi một ít, mà chi phí sinh hoạt và áp lực lại tăng lên một cách chóng mặt. Tiền nhà sắp đến ngày đóng, tiền học phí kỳ tiếp theo chẳng biết nên làm thế nào, tiền sinh hoạt rồi sẽ tính ra sao…chỉ cần nghĩ đến đó thần kinh cô đã căng như dây đàn, nghĩ tiếp chắc tất cả các dây thần kinh của cô sẽ đứt đồng loạt mất.

Những buổi tối thao thức nghĩ về việc làm, những buổi trưa không ngủ nghĩ về việc làm, cả ngày lang thang trên mạng kiếm việc làm, những cuộc nói chuyện với bạn bè cũng về việc làm, những cuộc điện thoại hẹn phỏng vấn cũng việc làm (từ những công ty tài chính- cô tốt nghiệp quản trị kinh doanh, hệ cao đẳng), mọi thứ đang lao đi nhưng chưa có kết quả tốt đẹp nào cho cô.

Cô rất yêu sài Gòn, một phần vì cô thích những nơi náo nhiệt, nhưng phần quan trọng hơn là Sài Gòn tạo cho cô động lực để cố gắng. Nhưng, chưa bao giờ cô thấy chán ghét Sài Gòn như bây giờ. Với cô, Sài Gòn lúc này là những đêm dài cô độc đến phát ngán, những trưa tuyệt vọng gằn trên khuôn mặt vốn dĩ hay cười, và những ngày nhịn đói vì hết tiền.

Khóc trong im lặng khi đối diện với khó khăn của chính mình thì đối với bất kỳ ai đó cũng là một sự cô độc và tuyệt vọng ghê gớm. Và chưa bao giờ tôi thấy cô gái ấy khóc, nhưng hôm nay thì có lẽ tôi đã cảm nhận được.

.

.

.

Từ trong nhà vệ sinh, nước vẫn chảy rỉ rả…thật buồn.

 

Gió

Trại của những kẻ không tự do

Photo: Bohman

 

“Tự do cũng như sự thật, khi nếm rồi, người ta có thể bị nghiện.”

Tự do là một thứ gì đó kỳ diệu, và kỳ lạ.

Tự do như không khí vậy, có ở khắp mọi nơi, len vào từng ngõ ngách trong nhưng câu chuyện đời sống của chúng ta. Nó phổ biến và vô hình đến mức chúng ta dường như lãng quên sự có mặt của nó.

Tự do như một thứ tôn giáo vậy. Người ta tôn thờ nó, đấu tranh vì nó, coi nó là lý tưởng, là mục tiêu.

Tự do cũng như một dòng chảy, thúc đẩy những chuyển mình của xã hội, hội tụ những thay đổi đang diễn ra.

Đời

Photo:  Alex McCranor

 

Có những ngày mệt mỏi, ta và đời lại dựa dẫm vào nhau.

Lách mình qua từng con hẻm nhỏ của cuộc đời, hạnh phúc thì le lói trong khi đau thương thì chất đầy.

Chen lấn giữa biển người bao la, chân thành thì ít ỏi khi dối trá thì phủ kín cả lối về.

Đã có lúc những tưởng mình đổ gục, đường thì dài trong khi chân thì ngắn, đời thì phũ trong lúc lòng mềm yếu.

Triết học đường phố là gì?

Triết học là gì? Là yêu mến sự thông thái. Sự thông thái là gì? Là hiểu biết của con người về tự nhiên, về xã hội và về chính mình.

Đường phố là gì? Là con đường dưới mỗi bước chân, là căn nhà mỗi người dùng để ở. Đường và Phố – đó là cuộc sống xung quanh ta và ở trong ta.

Triết học đường phố là gì? 

Là những hiểu biết của con người về con đường dưới chân ta, là căn nhà mà thường ngày ta ở trong đó, là thể xác mà ý thức ta nương nhờ, là tự nhiên mà cuộc sống ta nương tựa…

Triết học có thể nằm ngoài đường phố được không? Câu trả lời của tôi là: KHÔNG! Nói đến hiểu biết tức là hiểu biết về… Hoặc là hiểu biết về thế giới tự nhiên, hoặc là hiểu biết về xã hội quanh ta, hoặc là hiểu biết về chính ta, và ngay cả hiểu biết về hiểu biết như một dạng thức tự phản tỉnh thì hiểu biết vẫn cứ luôn phải là hiểu biết về…

Con người có thể nằm ngoài đường phố được không? Câu trả lời của tôi là: KHÔNG! Nói đến con người là nói đến môi trường bao quanh anh ta và ở trong anh ta. Hoặc là anh đi trên đường, hoặc là anh nằm trên giường, hoặc là anh ngồi trên xe, hoặc là anh ở trong nhà, hoặc là anh ở trong phố, hoặc là anh ở trong chính thể xác của anh. Trên và Trong – đó là thuộc tính của Tồn tại.

Triết học không nằm trong tháp ngà, không ở trong Viện hàn lâm, không nằm trên giấy tờ bằng cấp. Tranh cãi về chuyện hoa hồng trên thiên đường có gai hay không có gai là tranh cãi của những ảo tưởng của ảo tưởng. Triết gia trong những Viện hàn lâm không phải là triết gia thực thụ, họ chỉ là những con mọt sách, gặm nhấm hết lý thuyết này đến lý thuyết khác để cân đo đong đếm. Năng lực hiểu biết được cấp chứng chỉ không phải là năng lực hiểu biết thực sự, bởi những thứ đã được cấp chứng chỉ nghĩa là những thứ được nhai lại.

Triết học đích thực phải nằm ở đường phố. Triết gia thực sự phải sống trong đường phố. Hiểu biết thực sự phải là hiểu biết về đường phố. Chỉ có ở đường phố mới nảy sinh những vấn đề cần tư duy. Chỉ có ở đường phố mới nảy sinh những mâu thuẫn cần giải quyết. Và cũng chỉ có ở đường phố mới cần đến những dự phóng cho tương lai. Cách ly khỏi đường phố là cách ly cuộc sống, cách ly cuộc sống thì mọi hiểu biết đều chỉ là những hiểu biết chết.

Hiểu biết là gì? 

Đó là ý thức phản tỉnh. Phản tỉnh về những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và có khả năng sẽ xảy ra. Tại sao cần phải phản tỉnh? Tại vì tò mò? Chưa đủ. Tại vì đau khổ? Chưa đủ. Tại vì sợ hãi? Chưa đủ. Tại vì muốn tự do? Chưa đủ… Tại vì tất cả những tại vì…, đó là lý do con người cần phải phản tỉnh.

Phản tỉnh để làm gì? Phản tỉnh để bớt đi sợ hãi, phản tỉnh để bớt đi thất bại, phản tỉnh để có tự do hơn, phản tỉnh để tăng khả năng tự chủ, phản tỉnh để sống có mục đích…. Không có sự phản tỉnh, không có khả năng biết mình. Không biết mình, không có khả năng tự chủ. Không có khả năng tự chủ thì suốt đời làm nô lệ.

Có phải hiểu biết nào cũng là triết học không? 

KHÔNG. Tất cả những hiểu biết rời rạc, cảm tính, cục bộ, cụ thể… thường ngày chỉ là chất liệu cho tư duy triết học. Tư duy triết học phải vượt qua cái rời rạc, cụ thể, cảm tính… để tìm ra quy luật, tìm ra cái chung nhất, tìm ra chân lý vận hành của Tồn tại. Không phải cứ tâm sự chuyện riêng tư, nói lên quan điểm của mình về một vấn đề nào đó nghĩa là ta có tư duy triết học. Một trong những phương pháp cơ bản của suy luận là biết xâu chuỗi, nối kết, phân tích diễn giải những gì khác biệt, quy nạp những gì tương đồng…

Có phải cứ nói khác người khác để thể hiện bản thân mới là có tư duy độc lập không?

KHÔNG. Chân lý vốn không có tính địa phương, không bị thay đổi bởi tuổi tác hay giới tính, không bị o ép bởi số đông và cũng không bị khoái cảm thích chơi trội cám dỗ. Chân lý thì khách quan, mà đã khách quan thì ai cũng bị chi phối. Có những chân lý tồn tại cho một cá thể, có những chân lý cho một nhóm người, có những chân lý cho một giai cấp và có những chân lý cho tất cả. Tư duy càng rộng mở thì càng hướng đến sự phổ quát, mà càng phổ quát thì càng có nhiều điểm chung cần chia sẻ…

Có phải cứ khư khư vào cái thấy biết của mình thì cho đó là kiên trì với tư tưởng và lối sống của mình không? 

KHÔNG. Bị giới hạn bởi thể xác vật lý, bị giới hạn bởi nhận thức chủ quan và hoàn cảnh khách quan… nên cái biết của ta luôn là cái biết nửa vời, phiến diện. Vì nửa vời, phiến diện… nên chúng ta cần trao đổi, tranh luận, tiếp biến nhằm hoàn thiện dần sự hiểu biết đó. Tranh luận là để hướng tới sự đồng thuận, hướng tới cái phổ quát chứ không phải để thắng thua hay dùng cái Tôi của mình lấn át cái Tôi của người khác. Tranh luận, trao đổi là con đường khả dĩ để bổ sung sự hiểu biết bất toàn của mình…

– Nói tới triết gia là nói tới những con người không ngừng suy tư, không ngừng thao thức, không ngừng tìm kiếm, không ngừng tra vấn và không ngừng học hỏi. Suy tư và thao thức về số phận của con người trong tự nhiên và xã hội nhằm tìm kiếm bản thể và bản vị của chính mình. Học hỏi kho tàng tri thức của tiền nhân và người khác, tra vấn không ngừng về lẽ đúng sai nhằm định hướng cho mình và xã hội quanh mình một hình mẫu đạo đức và lý tưởng cần phải đi.

– Nói tới đường phố là nói tới sự đổi thay không ngừng của thực tại, sự vận động liên tục của mọi đối tượng trong đó. Đã có những con đường mòn, đang có những con đường tấp nập người bước và có cả những con đường quạnh vắng chỉ vài người đi. Hôm nay chúng có thể là đường mòn, nhưng ngày mai chúng có thể sẽ bị cỏ mọc che lối; ngược lại cũng có con đường hoang ngày hôm nay, lại có thể là đường mòn của ngày mai. Đường phố là thế, cuộc sống là thế.

 
Triết học đường phố là triết học về đường phố. 
Triết gia đường phố là triết gia sống trong và trên đường phố.
Suy tư và thao thức về đường phố là suy tư về chính mình, về xã hội và tự nhiên quanh mình.
Tra vấn và tìm kiếm về đường phố là tra vấn và tìm kiếm cho mình một con đường để đi, một căn nhà để ở, một lý tưởng để sống, một môi trường để làm chủ và một không gian tự do để vẫy vùng.

Tác giả: Trí Không
Thân tặng Triết Học Đường Phố
(27/10/13)
*Featured Image: ksa61011

[Bài dịch] Làm thế nào để vượt qua trạng thái “OK, biết rồi”?

“Khi bạn muốn trở nên giỏi về một việc gì đó, thì CÁCH THỨC bạn sử dụng để thực hành nó quan trọng hơn rất nhiều LƯỢNG THỜI GIAN mà bạn dành cho nó.”

“Mọi chuỗi hành động tâm lý được thường xuyên lặp lại sẽ có xu hướng tự nó kéo dài mãi”, đó là nhận định của William James, một nhà tâm lý học và triết học người Mỹ, “chính vì thế chúng ta thấy mình tự động suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo cách mà chúng ta  ĐÃ suy nghĩ, cảm nhận và hành động trong những hoàn cảnh tương tự.” Tâm lý này là con dao hai lưỡi: Một mặt, nó giúp chúng ta tự động “kích hoạt” và “tải lại” những dữ liệu có trong hệ thần kinh của chúng ta khi đối diện với những vấn đề quen thuộc, nhưng mặt khác, điều nguy hiểm là chính nó cũng là bức tường cao ngút mà chúng ta phải vượt qua khi mong muốn phát triển thêm kỹ năng đang có hoặc học thêm một kỹ năng mới.

Trong một chương của cuốn sách Maximizing Your Potential – một nguồn tư liệu tuyệt vời hướng dẫn bạn cách thức tạo ra may mắn cho riêng mình – nhà khoa học Joshua Foer đã nghiên cứu trạng thái tâm lý trì trệ này và hướng dẫn chúng ta cách phá bỏ nó. Ông nêu vấn đề:

“Trong thập niên 60, các nhà tâm lý học đã xác định ra ba giai đoạn chúng ta lần lượt trải qua trong quá trình lãnh hội kỹ năng mới. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn “nhận thức” (cognitive stage), trong giai đoạn này chúng ta “trí tuệ hóa” kỹ năng mới, phân tích và phát triển những chiến lược để hấp thụ nó tốt hơn, đây cũng là giai đoạn chúng ta mắc rất nhiều lỗi. Tiếp theo là giai đoạn “kết hợp” (associative stage), khi đó chúng ta dần phạm ít lỗi hơn, và thật sự chúng ta đang làm việc tốt hơn. Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn “tự động” (autonomous). Trong giai đoạn này chúng ta đã “nhập” kỹ năng mới học được vào tiềm thức của mình và sẵn sàng “bật” nó lên một cách tự động.”

Và cũng chính khi đó, chào mừng các bạn đến với thế giới của “OK, biết rồi” (tên nguyên bản là “OK Plateau”). “OK, biết rồi” là trạng thái tâm lý mà trong đó, khi bạn đã tiếp nhận kỹ năng mới đến giai đoạn “tự động”, bạn sử dụng kỹ năng mới này một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả. Điều này làm cho bạn thấy thoải mái và chính ĐIỀU NÀY ngăn trở bạn phát triển nó lên một tầm mới. Tình trạng “OK, biết rồi” xảy ra trong mọi kỹ năng, từ lái xe đến học một ngoại ngữ mới. Sau một giai đoạn tích lũy ban đầu, bạn tiến bộ rất nhanh. Tuy nhiên theo sau đó là cảm giác “ờ, được rồi”, “thế là đủ” và sự tiến bộ của bạn chậm lại hoặc ngừng hẳn.

Tại sao bạn không thể tiến xa hơn khi rơi vào trạng thái “tự động”?

Dĩ nhiên, điều khó khăn ở đây là, chúng ta không thể trở nên tốt hơn nữa khi rơi bước vào giai đoạn “tự động”. Nhưng may mắn thay, các nhà tâm lý học đã tìm ra một số chiến lược giúp chúng ta có thể vượt qua giai đoạn này bằng cách “chặn lại” giai đoạn “tự động”, trong đó những thất bại đến từ quá trình suy nghĩ phá cách và thử nghiệm và việc chủ động mắc lỗi trở nên quan trọng, chúng cũng là những điều mà nhà văn J. K. Rowling đã trải nghiệm và xác nhận. Foer viết:

“Trong tất cả các lĩnh vực, những chuyên gia thật sự thường thử nghiệm những điều mới mẻ và sẵn sàng đón nhận thất bại đến từ quá trình thử nghiệm đó. Những tay trượt ván giỏi nhất sẽ thử nghiệm những pha biểu diễn chưa ai thử. Những nhạc công tuyệt vời nhất, thay vì chơi đi chơi lại những đoạn nhạc mà mình đã thành thạo, sẽ dành nhiều thời gian cho những khuôn nhạc họ chưa thể hiện xuất sắc. Cách thức để trở nên giỏi hơn nữa là ép bản thân mình luyện tập vượt qua giới hạn của chính bản thân.”

Foer trải nghiệm trạng thái “OK biết rồi” khi đang viết cuốn sách “Moonwalking with Einstein: The Art and Science of Remembering Everything” – cuốn sách về tăng cường trí nhớ bằng cách kết hợp những nguyên lý của các nhà thông thái cổ đại và khoa học hiện đại. Khi viết cuốn sách đó, ông cố thực hiện bài tập nhớ tất cả những lá bài của một bộ bài, ông nhanh chóng đạt tới trình độ “OK biết rồi”, nhưng nhà tư vấn tâm lý của ông khẳng định rằng đó là quá trình tiến bộ bình thường. Cảm thấy hào hứng, Foer quyết định tìm đọc lại những nghiên cứu của Paul Fitts và Michael Posner, những nhà tâm lý học phát hiện quá trình ba bước “nhận thức”, “kết hợp” và “tự động”, trong đó giai đoạn cuối cùng là giai đoạn mà ông quan tâm nhiều nhất, ông viết tiếp:

“Trong giai đoạn “tự động”, bạn mất ý thức kiểm soát đối với điều bạn đang làm (“tự động” mà). Trong đa số trường hợp thì điều này là tốt, bởi vì não bạn phải xử lý ít công việc hơn. Thực tế là, “tự động” rất cần thiết cho chúng ta. Bạn càng ít quan tâm đến những việc lặp đi lặp lại hàng ngày, bạn càng tập trung hơn cho những điều quan trọng hơn, những điều mà bạn chưa từng thấy trước đây. Và như thế, khi chúng ta “giỏi” làm cái gì đó, chúng ta sẽ đưa mọi dữ liệu về vấn đề đó vào bộ nhớ của mình và dừng chú ý về nó.”

Bạn có thể thấy giai đoạn này khi xem hình chụp fMRI não bộ của những người đang học kỹ năng mới. Khi người ta trở nên nhuần nhuyễn khi làm một điều gì đó, những phần não liên quan đến ý thức hoạt động kém sôi nổi hơn. Đây là trạng thái “OK, biết rồi”, thời điểm mà bạn hài lòng với level của mình, bật chế độ “lái tự động” và ngưng tiến bộ.

Sự khác nhau giữa thiên tài và phần còn lại của thế giới

Những nhà tâm lý học thời kỳ đầu, theo Foer, tin rằng trạng thái “OK biết rồi” là chặn trên của khả năng nội tại của một người. Nói cách khác, họ cho rằng điều tốt nhất bạn có thể làm chính là điều tốt nhất bạn đã làm. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Anders Ericsson người Thụy Điển ở Đại học Florida State và các cộng sự đã theo dõi vấn đề này một cách sát sao và phát hiện rằng yếu tố quan trọng duy nhất để vượt qua ngưỡng “OK biết rồi” cũng chính là yếu tố giúp Mozart trở thành một thần đồng âm nhạc ở tuổi còn rất nhỏ cũng như giúp lý giải thói quen làm việc nghiêm khắc của các nhà văn thành công của mình. Foer viết:

“Điều khác biệt giữa kẻ xuất sắc và phần còn lại đó là thiên tài có xu hướng dồn sức vào những thói quen quan trọng mà Ericsson gọi đó là ‘thực hành có chủ động’. Đã làm việc với những người xuất sắc nhất trong những lĩnh vực khác nhau, Ericsson phát hiện rằng dù là những kẻ xuất chúng, họ vẫn có quá trình phát triển như chúng ta. Tuy nhiên, điểm chung của họ là họ phát triển ba chiến lược để giữ mình khỏi rơi vào chế độ “lái tự động”: Tập trung vào kỹ năng, giữ cho mình luôn ý thức về mục tiêu, và thường xuyên thu nhận và kiểm định các phản hồi về quá trình của mình. Nói khác đi, họ ép mình phải tự lái chiếc máy bay chứ không để mọi thứ cho chế độ ‘lái tự động’ xử lý.”

Foer cũng rất cẩn thận chỉ ra, chỉ có luyện tập không thì cũng khó có thể khẳng định rằng bạn sẽ có sự tiến bộ – yếu tố then chốt ở đây là sự chủ động có ý thức trong luyện tập. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trong nhiều lĩnh vực, từ bóng rổ đến cờ vua, số năm bạn dành ra để luyện tập có độ tương quan rất thấp đến mức độ lãnh hội của bạn. Ericsson cũng kết luận, đó chính là cách tốt nhất để thoát khỏi trạng thái ỳ “OK biết rồi”.

Thực hành chủ động, về mặt bản chất, là gian khổ.

Khi bạn muốn trở nên xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, lượng thời gian bạn đầu tư không quan trọng bằng bạn đầu tư cho chính bạn như thế nào. Luyện tập theo kiểu bình thường là chưa đủ. Để phát triển, bạn phải chứng kiến bản thân mình thất bại, và học hỏi từ chính sai lầm của mình.

Tác giả: Maria Popova
Dịch: Khoa Candoo
Edit: Triết Học Đường Phố 

*Featured Image: Free-Photos

Đánh giá lòng tốt của Hồ Ngọc Hà và Kỳ Duyên???

Sớm nay lên mạng đọc tin tức, đập vào mắt mình là hai cái tít khá giật gân: “Sau đêm diễn với JYJ, Hồ Ngọc Hà tất bật đi từ thiện miền Trung”“Kỳ Duyên: văn hóa Việt chỉ ngồi rình để chỉ trích”. Nói là giật gân cũng không sai bởi vì các tờ báo mạng dạo này chăm chỉ đặt tiêu đề chả liên quan đến nội dung nhiều lắm. Họ biết và đã dần trở thành bậc thầy trong lĩnh vực kích động dư luận và khiến cho đám độc giả không có chính kiến dễ dàng bị xỏ mũi mà không hề hay biết mình đang trở thành con mồi của mấy cái lều dựng ra để bán cải.

Để cuộc sống có giá trị

Photo: Fey Ilyas

 

Trích: Tôi tin con người cần phải sống có đức – thì bởi vì từ bé ông Ba suốt ngày rao giảng giá trị của việc luôn sống đức độ, làm điều tốt, sống tốt với những người xung quanh. Tôi không theo đạo Chúa, không theo đạo Phật, cũng chưa tìm hiểu về các tôn giáo. Nhưng Tôi tin tất cả các đức tin đều hướng con người những thứ tốt đẹp. Con người nên hướng về những điều chân thiện mỹ.

Tôi ghét cái việc đem mình ra so sánh với người khác. Bởi Tôi tin Tôi – hay bất kỳ ai cũng có những điều đặc biệt, mỗi người đều có những giá trị và khả năng đặc biệt đã hoặc sẽ được khám phá. Đừng bao giờ bào mòn những giá trị riêng của bản thân. Mỗi con người chính là một bản thể duy nhất. Ai cũng có thể là một ngôi sao luôn sẵn sàng tỏa sáng ở bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Dù Trái Đất này có bao nhiêu tỉ tỉ người đi nữa, thì chỉ có bạn – duy nhất bạn luôn khác biệt, không bao giờ giống một ai khác.

Bỏ là bỏ..

Photo: BlackJack0919

 

Trút hết ưu tư

nhẹ tấm lòng

Bỏ mặc đau khổ

sống an nhiên ..

 

Sống ở đời có đến thì phải có đi, có hợp hẳn sẽ có tan, có vui rồi cũng có buồn, trái tim nhỏ đâu đủ chỗ để chất chứa hết yêu cầu của lòng tham.

Sống trên đời có nắm thì phải có buông, có nhớ hẳn phải có quên, khối óc nhỏ nào có chỗ cho tất cả mọi ham muốn của con tim.