28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 25 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 293

Câu chuyện thứ hai: Lần đầu tiên đứng trước mặt xấu của đời

0
*Photo: the girl who made it on her own

 

Lời bình của tác giả: Lại là một câu truyện nhẹ nhàng khác. Hình như trong truyện, tôi đã nói đúng không rằng: “Mọi thứ xảy đến trong cuộc đời bạn đều mang một ý nghĩa nào đó.”

Trong những điều bình thường và tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống, cậu bạn Ric lại phân tích mổ xẻ và trên hết cho tôi nhiều bài học.

Vỏ ốc của tôi quá lớn và tôi hiểu rằng tôi phải dám phá vỡ nó để thoát ra ngoài. Ngay lúc đó tôi mới có thể bay nhảy và trở thành người tự do.

Triết học đường phố – Tôi gọi nó bằng cái tên như vậy

0

Triết học đường phố – Tôi gọi nó bằng cái tên như vậy bởi đó là những triết lý, những ngóc ngách nhỏ trong cuộc sống mà tôi tìm thấy nó ngoài đời thực, ngoài cuộc sống chứ không nằm trong sách vở hay những cuốn lý thuyết bay bỏng nhưng sáo rỗng và vô hồn.

Bạn thân? Không phải là chính mình ư?

0
Photo: ready4thehouse

Không ai cấm một đứa con gái khóc khi bị người yêu đá, khi bị kẻ khác chơi xấu, lợi dụng… nhưng tại sao cô lại không khóc?

Cô ôm nỗi đau vào trong mình làm cái quái gì? gắn gượng như vậy chả được gọi là mạnh mẽ! Mà tưởng gì chứ, cô đem nổi niềm mình kể hết cho con bạn thân nhất (ờ, thì cô cho là thân thôi, có ai công nhận điều này). Bây giờ thì thế nào? Khóc rồi phải không? vừa lắm cô ơi….

Sống chung với một đàn lừa thì chả sung sướng gì

0
Photo: Matt Jones

 

Dân mình, muốn khá hơn, “giới có học” ngoài những kiến thức được học (và nhồi nhét) thì mỗi cá nhân nên tìm đọc thêm sách về triết học, văn học, nghệ thuật (tốt nhất là các tác phẩm đoạt giải vì đở mất thời gian sàng lọc mấy thứ tiểu thuyết vớ vẩn, ý này ông nhà văn Nhật Bản có nói trong quyển rừng rú gì đó rất hot..)

Chờ Đèn Đỏ Đúng 3 Phút Và Trải Nghiệm Về Sự Kiên Nhẫn

0
*Ảnh: Billy Rowlinson

 

Tôi sẽ kể cho bạn hai câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất: Nhà tôi cách chỗ làm tương đối xa, trên đường đi vướng nhiều đèn đỏ, có đèn đỏ dài những hơn 100 giây. Vốn là một người hay quan sát, tôi nhận ra có vài nhóm người chờ đèn đỏ. Một nhóm thì chờ 5 đến 10 giây và vượt ngay, không một chút do dự – nhóm này không nhiều,  lác đác vài người. Một nhóm khác sẽ chờ hầu hết thời gian, dù cho đó là hơn 100 giây hay 20 giây, nhưng điểm đặc biệt là tôi thường nghe thấy tiếng rú ga ngày một gấp gáp trong 3 giây cuối, và khi một người quyết định “tiết kiệm” 3 giây đó bằng cách vượt đèn đỏ, và một hiệu ứng dây chuyền xảy ra, hầu hết sẽ vượt trước khi có đèn xanh.

Câu chuyện thứ hai: Nhiều người hay hỏi tôi “Làm thế nào để kiên nhẫn làm việc A, việc B”. Tôi thường nghĩ kiên nhẫn là việc làm thực ra không khó, nhưng đòi hỏi “công phu”. Thực chất bạn chỉ cần làm một việc lặp đi lặp lại HÀNG NGÀY, có khi chẳng cần đột phá gì cả. Ngày hôm nay học ba từ mới tiếng Anh, ngày hôm sau cũng ba từ (mà thực ra một từ mới cũng đã là quá nhiều) và dần dần bạn sẽ cảm thấy đó là việc đương nhiên bạn phải làm, nếu không làm nó bạn sẽ bứt rứt và khi người khác hỏi bạn “Tại sao mày lại kiên nhẫn vậy?” bạn sẽ chỉ cười và cũng không hiểu tại sao luôn. Ồ, vậy hóa ra kiên nhẫn cũng chỉ giống như việc đánh răng trước khi đi ngủ, nó chỉ nhỏ gọn, dễ dàng vậy thôi, nhưng tháng qua tháng, năm qua năm, sẽ đến lúc bạn sẽ không ngủ được nếu không đánh răng buổi tối. Không khó lắm nhỉ, chỉ là khá “công phu” thôi. Công phu có nghĩa là mỗi ngày làm nó một tí, có nghĩa là một lần/ngày trong 1 năm sẽ tốt hơn 365 lần/ngày.

Vậy có mối quan hệ giữa hai câu chuyện này không? Tôi là người hay quan sát và xét nét, tôi nhận ra trong ba giây cuối đó, dường như tim đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp hơn, bạn rung đùi, dần dần rú ga đến một mức nào đó vượt quá sức chịu đựng, cộng thêm một sự thỏa hiệp rằng “vượt mấy giây cuối đâu có tính là vượt đèn đỏ”. Cũng như vậy, bạn nghĩ rằng học một từ mới/ngày làm sao khiến bạn học giỏi tiếng Anh, tập đàn 30’/ngày sao khiến bạn chơi được như một nghệ sỹ. Điều đó đúng trong vài tuần, vài tháng nhưng không đúng cho một quá trình vài năm.

Về mặt sinh học, khi quyết tâm một điều gì, lượng dopamine trong não sẽ tiết ra nhiều khiến bạn hưng phấn và vô cùng quyết tâm, như một ngọn lửa hừng hực vậy. Nhưng lẽ thường, nồng độ dopamine sẽ giảm theo thời gian và bạn sẽ rơi vào trạng thái mất hứng thú, chưa kể còn gặp khó khăn (vẫn không hiểu khi đọc tiếng Anh, chơi đàn vẫn vấp váp nhiều), sự bỏ cuộc sẽ đến càng nhanh hơn. Sự thực, bạn chỉ cần cố gắng vượt qua giai đoạn đó, cứ tiếp tục làm nó một chút, một chút nữa thôi, cứ làm nó kể cả không thấy có gì tiến triển, bạn sẽ tiến được đến giai đoạn biến “nó” thành một phần cuộc sống của mình. Nó giống như 3 giây chờ đèn đỏ thôi, chỉ 3 giây thôi, nếu không 97 giây chờ kia của bạn sẽ thành vô nghĩa. Thực sự rất thú vị khi tôi nhìn thấy mọi người vượt đèn đỏ trong 3 giây đó trong khi bản thân thì vẫn cố chờ 3 giây mặc cho tiếng còi đằng sau inh ỏi. Đến giờ, trong 3 giây đó, tôi vẫn thở bình thường, tim vẫn 70 nhịp/phút và đôi chân vững vàng chờ đèn xanh, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tràn đầy trong cơ thể – năng lượng của sự kiên nhẫn.

*Ảnh: Billy Rowlinson

 

Hình ảnh 3 giây đèn đỏ kia có gợi cho bạn về các hình ảnh khác không? ví như những người bạn của bạn học ngày học đêm tiếng Anh rồi bỏ cuộc sau vài tuần hay họ vô cùng hứng thú mua một chiếc đàn guitar, violin rồi xếp xó nó sau vài tháng. Hay chính bản thân bạn, có bao giờ bạn nghĩ rằng trong 6 tháng bạn bỏ cuộc kia, nếu bạn cố gắng duy trì nó đến tận bây giờ, hiệu quả sẽ như thế nào?

Suy cho cùng, nếu 3 giây bạn không chờ được, thì liệu bạn có thể chờ được 5 năm để nắm bắt một ngoại ngữ hay 10 năm cho một nhạc cụ.

Không quan trọng bạn làm gì, quan trọng là bạn làm được bao lâu.
 

 

“Hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng”

0
*Photo:  sqfp

Một lần chúng tôi đi hộ niệm bằng xe ô tô của một cô Phật tử. Trên xe, cô Phật tử lái xe hỏi chúng tôi rằng: “Tại sao có những quý Thầy cả đời tu hành mà lâm chung vẫn hiện tướng ác?” Cô lấy làm hoang mang vì “tu hành cả đời đến như quý Thầy” mà lâm chung vẫn hiện tướng ác, thì Phật tử tại gia “có còn hy vọng gì không?” Chư Tổ ngày trước, dù là tu hành theo pháp môn nào, khi ra đi rất tự tại, cho dù có tật bệnh hay không, thần thức không mê mờ, lúc ra đi ai nấy đều sáng suốt, tỉnh táo. Lúc đó, khi đối trước câu hỏi của cô Phật tử, chúng tôi có cả người xuất gia và tại gia không biết nên trả lời như thế nào. Sau cùng, chúng tôi nói với cô rằng: “Tu Phật thì hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng.”

Truyền thuyết ghi lại rằng, ba lần vua Càn Long đến núi Phổ Đà (Trung Quốc), là đạo tràng của Quán Thế Âm Bồ Tát, đều gặp một nhóm sư sãi uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, ôm vai bá cổ, la hét lớn tiếng. Vua thường nghe mẫu hậu nói về đạo hạnh cao siêu, oai nghi tế hạnh của những người xuất gia ở núi Phổ Đà, nay chứng kiến những cảnh này thấy rất mâu thuẫn. Khi vua hỏi họ tại sao lại như vậy, những nhà sư trả lời rằng: “Đó là gia phong hải ngoại, cảnh giới La Hán, không việc gì đến ông.” Ba lần mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, vua tức giận quyết định cho binh lính san bằng núi Phổ Đà, bắt hết nhóm sư sãi uống rượu hút thuốc kia cho chém đầu. Khi dẫn binh lính vào chánh điện, thấy áo bào và mũ của mình bị mất do đánh bạc thua đám sư sãi, đội trên tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, vua mới hiểu ra rằng đám sư sãi đó chính là Bồ Tát hóa thân để thử ông, đúng như lời mẫu hậu của ông đã nói. Ông liền sám hối trước tượng Bồ Tát, phát nguyện từ nay không dám coi thường sư tăng. Trở về cung, vua kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mẫu hậu nghe. Mẫu hậu của ông nói rằng: “Từ nay, khi nào con thấy nhà sư quần áo không chỉnh tề, hành vi không đoan chính, thì con hãy nhớ lấy lời mẹ dặn, con ơi, công đức của Phật vô biên, hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng.”

photo: sacred-circle
photo: sacred-circle

Bạn xem, câu nói này biết bao ý nghĩa, “Hãy nhìn vào Phật, chớ nhìn vào Tăng?”

Thế nào gọi là “nhìn vào Phật?” Đó là lấy những hành động, lời nói, suy nghĩ của Phật để làm chuẩn cho những hành động, lời nói, suy nghĩ của mình. Từ đâu mà biết được hành động, lời nói, suy nghĩ của Phật như thế nào? Từ kinh điển mà biết được. Đạo tràng chúng tôi vào những ngày tu thường tụng kinh Vô Lượng Thọ, khi đọc tới phẩm 8 “Tích Công Dồn Đức” nói về sự tu hành của Đức Phật A Di Đà khi còn ở quả vị Bồ Tát, trong kinh chép: “Khéo gìn khẩu nghiệp, không chê lỗi người. Khéo gìn thân nghiệp, không mất luật nghi. Khéo gìn ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm.” Hằng ngày chúng tôi tự hỏi mình đã làm được như vậy hay chưa? Khẩu nghiệp không nói lỗi của người, thân nghiệp luôn giữ oai nghi, ý nghiệp thanh tịnh không ô nhiễm, đã làm được hay chưa? Nếu chưa, thì hằng ngày đọc tụng đoạn kinh này, có thấy xấu hổ hay không?

Có một cô Phật tử ở đạo tràng nói với tôi rằng, mỗi lần hồi hướng cuối thời khóa, khi đọc tới Tứ Hoằng Thệ Nguyện “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ – Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn – Pháp môn vô lượng thệ nguyện học – Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành,” cô thấy rất xấu hổ. Xấu hổ nhất là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” cô nói, thậm chí chưa đoạn được phần phiền não nào, mà hằng ngày còn tạo thêm phiền não cho chính mình! Nếu hằng ngày đọc tụng cho nhiều, mà không thực hiện được lời trong kinh, vậy thì chúc mừng bạn, hằng ngày bạn lừa Phật dối Bồ Tát rất nhiều!

Vì vậy, “hãy nhìn vào Phật” để tự phản tỉnh và sửa lại hành động, lời nói, suy nghĩ của chính mình, để chính mình chân thật có được lợi ích từ việc học Phật, chứ đừng “nhìn vào Tăng” để phán xét đúng sai rồi chính mình làm tâm mình không tròn vẹn, không được sự lợi ích thân thật.

 

Tâm An

Quyển nhật ký bị phanh phui

0
*Photo:  the twinkling of an eye

 

Em biết mình có thể viết, và em đã tập làm điều đó từ năm 9 tuổi. Tất cả những gì em thấy, em nghĩ, em thắc mắc…đều được em cho vào trang giấy. Bằng thứ ngôn từ ngây thơ, chân thật nhất có thể, một tâm lý non nớt của con bé 9 tuổi đều được thể hiện qua đấy. Quyển nhật ký của em.

Em xem nó là bạn, một người bạn khôn ngoan. Bởi lẽ, nó biết khi nào nó nên xuất hiện, và khi nào nó nên biến mất. Không ồn ào, không hờn giận, không khiến em lo lắng, hay sợ bị bỏ rơi…Và em quý nó bởi những điều ấy.

Những cảm xúc đầu đời, những bực dọc của tuổi học trò, những oan ức của một đứa trẻ thiếu tình thương, quyển nhật ký biết hết. Nó giữ kín lắm, nó trốn mọi người bằng cách lẫn sâu mình dưới gầm giường, chỉ khi nào em gọi, thì nó mới xuất hiện. Khoảng thời gian ấy, em ít bạn, và thân thì chỉ có mỗi quyển nhật ký.

Nhưng rồi, em cũng lớn, em đi học nhiều hơn, khoảng thời gian trống dành chơi với quyển nhật ký cũng không còn như trước, em cũng phải quên nó thôi. Nhưng không phải kiểu quên mất tiêu đâu. Chỉ là thay vì trước đây mổi ngày đều gặp nhau, lúc này thì mỗi tuần gặp một lần. Cũng thấy có lỗi, nhưng cảm giác ấy được lắp đi bởi những lo toan khác của tuổi dậy thì…

Rồi năm ấy sửa nhà, em được đưa đến nhà người quen sống cho đỡ vướng tay chân người lớn, và điều đáng tức ở đây là em quên mang theo quyển nhật ký. Tất cả được lục tung lên, căn phòng gỗ màu nâu bị phá bỏ, chiếc giường gỗ bị bẻ gãy, quyển nhật ký không có chỗ trốn. Thế là nó bị phát hiện, bị bắt, bị phanh phui. Năm đó em 14 tuổi. Tình bạn của tụi em chấm dứt.

Những lời nói mỉa mai, những câu nói cay độc, trách móc, theo em đến tận lớn. Nó khiến em thấy dằn vặt, thấy khó sống, em như kẻ tội đồ sai trái vì đã phanh phui suy nghĩ của bản thân bằng một kiểu gián tiếp. Tất cả người lớn nói rằng họ bị em làm tổn thương, họ nói rằng em thiếu suy nghĩ, họ nói rằng em không biết đúng sai, em không biết họ thương em thế nào, em không biết như thế là hỗn hào, họ nói rằng em viết thật tệ… Và em đã nghĩ, chắc là em không biết viết thật.

Em ít nói hẳn từ đó, chỉ là với gia đình thôi. Nhưng ngược lại, em giao tiếp nhiều với người ngoài, nhiều lúc em chỉ muốn trời mau sáng để tới lớp. Trốn ánh mắt soi mói của người lớn. Đi học rồi về, trốn trên căn phòng gỗ trắng tinh, được gọi thì xuống.

Em không muốn mình như thế, nhưng em buồn lắm, em không làm gì được, quyển nhật ký bỏ em thật rồi. Em từng có suy nghĩ tìm lại nó, nhưng không được. Dù cầm nó trên tay, nhưng em không thấy mình còn có thể giao tiếp với nó như trước. Đối với em, nó như đã chết.

Em cũng có đi tìm quyển khác, nhưng vẫn không được, em không thấy, không cảm được gì hết, cầm bút lên, đầu óc em lại trống rỗng. Suốt thời gian ấy, em không viết được gì. Mãi cho tới lúc này cũng vậy.

*Photo:  the twinkling of an eye

Những thứ em viết ngày nay mang một thứ gì đó sáo rỗng, nhảm nhí, tự em cho là vậy. Em luôn có tâm lý thế này: Viết ít thật thôi, sẽ có người đọc, chắc chắn là vậy, phần này có nên nịnh nọt một tí hay không? Ôi, tình cảm ở đây hơi quá rồi, sẽ bị nói là không thực tế mất…

Cứ thế, câu chữ của em dần dần đi theo mong muốn của người khác, còn phần tâm, phần hồn của em thì lại chết dần đâu đó. Một kẻ có suy nghĩ chắc chắn không muốn điều đó xảy đến. Em tìm và lục lọi những nơi có thể cho mình cảm hứng viết trở lại, hay ít nhất cũng là một không gian để em chứa đựng, và facebook là một nơi như thế.

Nhưng rồi, quá khứ lặp lại khi facebook dần dà trở nên phổ biến, ngay cả người già về hưu, trẻ nhỏ mới biết chữ cũng có thể chơi. Thâm tâm em lại bị lục lọi một lần nữa. Và em chắc rằng lần này mình không thể viết thêm một thứ gì nữa…

Triết Học Đường Phố là điểm dừng cuối cùng  của em. Em muốn thử thêm một lần nữa. Tất cả những gì em có thể làm là đọc, viết, cảm nhận, và không ai trong người thân gia đình biết được. Có thể đó là sai, nhưng quá khứ về sự xem thường đã khiến em không thể lớn.

 

Chạy trốn cô đơn, thì ở đâu cũng thấy cô đơn

0
*Photo: Sam Li

 

Người ta cứ vồ vập yêu, cũng do vì nóng lòng quá đỗi chạy trốn nỗi cô đơn trong lòng, mà kết cục ai nấy ra đi với một tâm hồn đầy ắp thương tổn. Chạy trốn cô đơn, thì ở đâu cũng thấy cô đơn.

Tôi tình cờ nhớ ra có lần đã đọc một đoạn viết ngắn trên mạng, đại ý nói Tình Yêu gồm có bốn giai đoạn: Hợp – Yêu – Hiểu – Cần. Người viết chắc hẳn có lý do riêng để sắp xếp bốn giai đoạn như vậy. Tôi thấy thích thú vì người ta để chữ “Cần” ở cuối cùng. Người ta yêu nhau suy cho cùng là vì người ta cần có nhau. Và trong bất cứ cuộc tranh luận nào về thứ tự của bốn giai đoạn, không ai đặt chữ “Yêu” ở đầu như một điểm xuất phát. Giống như đi chơi xa, yêu thương cũng cần có sự chuẩn bị.

Người ta thường lấy lý do “hợp (nhau)” để nói về một xuất phát điểm cho tình yêu. Hòa hợp về sở thích, tính cách là một cơn gió nhẹ dễ dàng thổi bùng một ngọn lửa lớn. Không phải chỉ có trên phim ảnh hay trong những tiểu thuyết văn học lãng mạn mới có những tình yêu xuất phát từ một sở thích chung be bé nho nhỏ nào đó như cùng yêu động vật, cùng thích một quán café… Nhưng cũng phải nói luôn, từ “hợp” nhau đến “yêu” nhau chắc cũng còn xa, vì rất nhiều cặp đôi sau một thời gian yêu nhau thì đã chia tay vì “quá khác biệt” và “không hợp nhau”.

Tôi có một thói quen kỳ cục thỉnh thoảng xuất hiện, đó là tự vấn: “Điều gì khiến hai người đó yêu nhau?”. Có những chàng và nàng dường như đến từ hai thế giới hoàn toàn xa lạ, chàng thích viết lách; nàng thích shopping, chàng thích café đọc sách một mình; nàng thích lượn đường cùng bạn bè… Dường như không có điểm nào trong sở thích, tính cách của hai-người-đang-yêu-nhau-đó được xem là ‘giống nhau’ (chứ chưa nói là ‘hợp nhau’). Vậy thì, khởi điểm của tình yêu đâu phải lúc nào cũng là sự hòa hợp về sở thích, tính cách? Và còn những mối quan hệ thân thiết trên mức bình thường khác cũng bắt đầu từ sự hòa hợp này, đâu phải tất cả đều được gọi chung là tình yêu?

*Photo: Sam Li

Tôi thường nghĩ, yêu thương một người là một quyết định có ý thức, chứ không phải là một cảm giác vô thức “không rõ từ khi nào.” Có rất nhiều trạng thái cảm xúc na ná như tình yêu, nhưng để trở thành một thứ tình cảm gọi là tình yêu, cần có một cam kết yêu thương giữa hai người. Những thiện cảm, những ấn tượng, những “say nắng” và nhớ nhung, những ngại ngùng rụt rè ban đầu chỉ là những cảm xúc nhất thời trong khi yêu thương thực sự bắt đầu khi đã trải qua những thử thách, ta hiểu và chấp nhận bản thân ta và người ta thương. Bởi vậy thường nói, có hiểu mới có thương. Khi đã thương rồi, thì không còn thấy bốn “giai đoạn” kia nữa. Thương là thương, là hiểu, là hợp, là yêu, là cần. Là tất cả, mà cũng có thể là chẳng có gì.

Cho nên xin đừng yêu quá vội vàng mà không hiểu vì sao ta yêu, có chắc ta đã hiểu người. Hiểu người thực ra chính là hiểu ta. Ta đang tìm kiếm điều gì ở người? Ta đã có chắc mình sẽ bao dung với những lỗi lầm của người? Ta đang yêu người hay yêu chính ta? Người ta cứ vồ vập yêu, cũng do vì nóng lòng quá đỗi chạy trốn nỗi cô đơn trong lòng, mà kết cục ai nấy ra đi với một tâm hồn đầy ắp thương tổn. Chạy trốn cô đơn, thì ở đâu cũng thấy cô đơn.

Đáng tiếc là ta thường nói yêu nhau mà không yêu nỗi cô đơn của nhau. Thậm chí còn chưa từng chạm tới.

Và cũng chưa bao giờ biết yêu nỗi cô đơn của chính mình.

 

 

Tâm An

Hà Nội cái gì cũng có nhưng chỉ thiếu… tình người

0
*Photo: hktang

 

“Hà Nội cái gì cũng có nhưng chỉ thiếu… tình người” câu nói này được chia sẻ tràn lan trên mạng Facebook cách đây hai năm rồi. Giờ nói lại thì cũng đã quá cũ, nhưng với tôi nó như một “châm ngôn” đời người của mình vậy… Một người tỉnh lẻ sống leo lét giữa thủ đô Hà Nội để học tập và làm việc, ngoài các thứ vật chất, tôi vẫn khát khao … tình người.

Hà Nội ơi! Nhà tôi trong một con hẻm nhỏ, của một con ngõ lớn, lại cạnh một vườn hoa be bé giữa lòng Hà Nội. Tôi sống ở ngôi nhà này cũng được tròn trịa hai năm. Hà Nội ạ! Mở cửa ra thì trước nhà là một quán nước với đủ loại nước. Quẹo phải 5 mét có một hàng tạp hóa đẩy đủ bim bim, dầu gội đầu, còn tiến thêm 4m nữa có ngay quán cơm nằm sâu trong ngách. Còn nếu tôi đi 10 mét ra đến vườn hoa thì cái gì cũng có… cafe có hẳn năm quán, bao gồm quán “sang chảnh” cho đến quán vỉa hè; đan xen là quán lẩu, quán phở, một siêu thị mini,… và thậm chí là một cái chợ cóc.

Hà Nội ơi, bốn mùa đều đẹp!

Nhưng Hà Nội ơi… tình người ở đâu? mà đôi lúc tôi phải nằm vắt óc lên nghĩ rằng “hay tại mình chưa trải nghiệm, chưa cảm nhận đúng về Hà Nội” rồi tâm sự với đứa bạn thân, nó đã phải phũ phàng trả lời rằng “mày đúng là thằng rỗi việc”.

Tôi nhớ như in hồi tôi sinh viên năm nhất, tôi thuê trọ một căn phòng nhỏ mà chủ nhà là một đôi vợ chồng trẻ. Họ là người đưa ra quy định cho toàn bộ sinh viên thuê trọ trong nhà họ là phải về đúng 11h đêm, nếu về quá sẽ bị khóa cửa. Vì cái lý do đó mà tôi đã tức ách ách nhiều lần, chuyện là cạnh phòng tôi có bốn bạn sinh viên cùng tuổi, vì họ đi làm thêm buổi tối nên thường về muộn, mà muộn đúng 10 phút. Tôi là người luôn được mấy bạn sinh viên đó nhờ xuống nói với chủ nhà mở cửa hộ. Tôi đã xuống gõ cửa không được, đành đập cửa “sầm sầm!” nhưng chủ nhà vẫn quyết không ra. Và rất nhiều lần như vậy… tôi chỉ thương mấy bạn nữ kia đành ngồi vật vã, dựa vào lưng nhau ngủ ở cửa nhà.

Đến sinh viên năm hai tôi đành chuyển trọ. Tôi chuyển đến ở một khu trọ sinh viên trên đường Đê La Thành. Thiết nghĩ chủ nhà ở đó sẽ chẳng phải làm gì mà cứ đầu tháng đi thu tiền phòng của sinh viên họ cũng tiêu cả tháng không hết. Ấy vậy mà họ bơm nước từ dưới lòng đất lên cho sinh viên dùng, nhà vệ sinh dùng chung, tiền điện, tiền nước, tiền phòng cứ tăng theo giá xăng…. Mỗi lần lũ sinh viên chúng tôi mà hò hét, hát hò tổ chức sinh nhật cho ai đó là chị chủ nhà chửi đổng lên, nói chúng tôi là “lũ nhà quê”, “lũ chúng mày tao tống hết ra khỏi đây”… một chị chưa đủ! mà còn cả chị chồng cũng thỉnh thoảng ghé qua chơi, hễ thấy rác rơi là lại chửi. Ồ, chưa hết, còn bà mẹ nữa, ai gặp lần đầu chắc phải tưởng bà ấy là phật sống, bởi bà dành ra một phòng riêng để lập bàn thờ, sáng sớm 4 giờ sáng khi mọi người đang ngủ thì bà gõ mõ tụng kinh… nhưng ai ngờ, chiều bà quét sân hay đi ra khu vực nhà vệ sinh là bà chửi.

Chao ôi! sinh viên năm hai, cũng chính là trong đời tôi được nghe những câu chửi thô tục của từ tất cả các thành viên trong gia đình này. Tôi đặt cho họ một câu hỏi to đùng “họ có phải là người Hà Thành không?”  trước khí tôi rủ toàn bộ xóm trọ chuyển đi chỗ khác trước sự choáng váng của họ.

Cả xóm trọ chuyển đi mỗi người một nơi, nhưng hai phòng sinh viên chơi thân của bọn tôi lại thuê một ngôi nhà bốn tầng của một đôi vợ chồng trẻ người Bắc Ninh để ở. Quả thực họ không phải là người Hà Nội! Bởi họ cho chúng tôi ở nửa tháng không mất tiền nhà, không thu tiền đặt cọc, mà chỉ cần đưa cho họ tiền thuê nhà đầu tháng. Căn nhà lại đầy đủ tiện nghi điều hòa, nóng lạnh,…

Nhưng… hàng xóm ở đây thì quá chán!… Nhưng tôi cũng đã trải qua hai năm sinh viên còn lại ở chính ngôi nhà này.

Khi mới chuyển đến thì nhà bên phải căn nhà chúng tôi thuê đang xây lại, suốt ngày đục, khoan,… hẳn 6 tháng liền tôi không biết thế nào là một giấc ngủ trưa hay ngủ chiều, bởi họ xây nhà họ mà như xây chính ngôi nhà mình đang ở vậy.

Cách ngôi nhà mới xây là nhà của chị bán nước, khi nào chúng tôi uống nước thì chị hiền từ, dịu dàng bao nhiêu thì lúc chúng tôi mở cửa mạnh thì chị hung giữ bấy nhiêu. Chuyện là cửa sắt của ngôi nhà chúng tôi ở có rỉ đi một ít nên khi kéo nó kêu khá to, khiến chị ấy tỉnh giấc vào buổi trưa, thế là chị hàng xóm lồng lộn lên chửi thế này, thế kia, dọa gọi tổ trưởng dân phó đến làm việc các kiểu. Tôi lại hỏi “Chị có phải người Hà Nội không?”.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, khi nhà hàng xóm xây xong, chủ nhà chuyển về ở là một cặp vợ chồng già. Tôi vẫn hay chào ông chào bà mỗi khi đi học về. Trước nhà họ là một cái sân mà mỗi lần lười dắt xe vào tôi lại xin phép để nhờ, ông bà đều gật đầu mà không nói gì. Một lần bạn tôi đến nhà chơi nó dắt xe để nhờ, thì bà hàng xóm chạy ra quát “tao không cho mày để” rồi chỉ thẳng vào mặt bạn tôi mà nói “Vì mày gặp tao mà không chào.” Tôi và đứa bạn đành dắt xe vào nhà mà tôi cũng đành phá lên cười.

Các lần sau tôi gửi nhờ xe thì bà hàng xóm quyết tâm không cho để nữa, bặt đi một thời gian tôi lại xin để nhờ họ lại đồng ý. Cho tới một hôm tôi về không thấy cặp vợ chồng đâu mà chỉ thấy con dâu của gia đình họ. Tôi cũng xin phép người con dâu của họ cho để nhờ xe từ 5 giờ chiều cho đến 7 giờ tối thì thấy cửa nhà đập sầm sầm, mở cửa ra thì thấy bà hàng xóm đứng ngay ở cửa, liền cầm tay tôi kéo ra “nè nhìn đi, bỏ xe thế này thì tắc hết đường, đi thế nào? ” Tôi cũng thấy hơi có lỗi vì tôi bỏ xe mình vào sân họ khiến xe của con bà ấy không còn chỗ bỏ nữa nên phải để ngay giữa lối đi. Tôi xin lỗi và giải thích có xin phép để nhờ, nhưng vẫn được trận mắng đáng nhớ.

Vào nhà thì mấy đứa bạn tôi cũng bảo “ôi dời, thỉnh thoảng bà ấy lại đập cửa chửi vì vụ để xe ấy mà, chưa kể con gái bà ấy cũng thỉnh thoảng đập cửa chửi thay bà ấy.” Tôi lại đặt dấu hỏi? Tại sao mình bây giờ mới được chứng kiến trong lúc bạn bè mình lại thường xuyên nhận được trước đây? Và họ có phải người Hà Nội không?

Hà Nội ơi, Hà Nội cái gì cũng có… nhưng chỉ thiếu mỗi tình người thôi!

… Những chia sẻ trên không đánh đồng tất cả mọi người, mà đó chỉ là quan điểm của cá nhân tác giả và sự trải nghiệm của mình.

Hà Nội cuối thu đầu đông… đẹp lắm.

 

Anh Minh

Câu chuyện đầu tiên: Tôi bị “out” khỏi môn học mà tôi thích nhất

0
*Photo: Missy Prince

Lời bình của tác giả: Câu chuyện đầu tiên của tôi mang đậm tính nhẹ nhàng. Đó thực tế lại là câu chuyện có thực, câu chuyện của chính bản thân tôi hay đúng ra là tình trạng của tôi bây giờ.

Cái quan trọng là lúc tôi đau nhưng những người bạn của tôi khi tôi cần đến họ, họ đều nói bận. Chỉ có duy nhất một người bạn, người tôi đôi khi phải bực mình đã lắng nghe tôi tâm sự. Lúc này, tôi mới hiểu tầm quan trọng của bạn bè.

Tôi đã thực sự nghĩ ông trời trừng phạt tôi vì tôi chưa đam mê hết mình. Cái quan trọng là tôi hiểu ra việc Ông quật ngã tôi không có nghĩa là Trời hại tôi mà đó chỉ là vì Ông muốn tôi đứng lên và trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê của mình một cách thực sự hơn.

 

Câu chuyện đầu tiên: Tôi bị “out” khỏi môn học mà tôi thích nhất.

Sáng nay, trời không đủ đẹp nhưng tôi vẫn thấy vui. Có một sự hứng khởi nhen nhóm trong lòng.

Hôm qua tôi đã bày la liệt các sách văn ra giường, tôi ngồi đọc chúng với tâm trạng rộn rã. Còn 16 ngày đêm nữa để chiến đấu, tôi làm sao không vui được. Tôi vui vì được bận rộn. Tôi vui vì tất cả. Có lẽ vậy nên sáng nay tôi học như điên và có vẻ làm đươc nhiều thứ. Tiết ba và bốn, chúng tôi xuống học đội tuyển văn. Cô giáo tôi – hồn thơ hay nhất nhì Đông Dương – đã truyền lại cho chúng tôi được nhiều điều.

Cái tin sét đánh đó đến và lẹ như một cơn gió thoảng qua trên đỉnh Phanxipang. Cảm xúc rạo rực mới bập bùng trong tôi như ngọn lửa thì bị dập một tràng không thể tiếc hơn được. Tôi chính thức phải “out” khỏi đội tuyển văn, môn học tôi vốn coi như sinh mệnh. Tôi như người bị rơi từ chín tầng mây xuống. Mắt méo xệch, còn có thể khóc được không? Bước lẹ về lớp đầu tôi cúi gằm. Có môt chút gì đó… hình như là tất cả. Tôi thấy xấu hổ. Tôi nghĩ mãi, tự nhủ không hiểu tôi đã làm gì sai chăng. Và chẳng có đáp án nào cho tôi cả. Chiều tôi vẫn như thường lệ, trong quán cà phê Lucky Roses, bên cửa sổ trắng, trước mặt là chậu phong lan mang mùi hương tôi vẫn luôn thích, tôi nhâm nhi cốc Latte và nhìn ra khoảng không, nơi dòng nước vẫn chảy. Nó chảy mà không hề biết rồi nó sẽ không đi đâu được, nó sẽ mãi ở trong cái hồ này. Tôi thở dài nhắm mắt lại, cắn một miếng bánh kem. Đồ ăn luôn khiến tôi bình tĩnh lại…

– Có chuyện gì với cậu vậy? – một giọng nói truyền đến tai tôi.

Tôi choàng mở mắt. Đó là Ric. Cậu bạn Tây của tôi.

– Này Ric, cậu có nghĩ cuộc đời này bất công với tớ không? – Tôi nói vẻ chán đời.

– Cậu thấy cuộc đời này công bằng với ai bao giờ chưa? Nên nhớ không phải chỉ mình cậu thấy bất bình – Ric ngả người ra ghế, tu mạnh chai coke.

Đó chính là lí do tôi thích nói chuyện với cậu ấy, không giống như những kẻ an ủi khác, ở cạnh cậu tôi thấy thoải mái.

– Bất công như việc tớ cao điểm hơn nhỏ bạn trong lớp và tớ không thể trở thành dự bị chỉ vì tớ học đội truyển sử. Và kì lạ hơn tớ lại không buồn vì bị cướp mất cơ hội mà tớ buồn bản thân chưa đủ khả năng – Tôi lắc đầu – Họ nói họ “kích” tớ ra chỉ vì tớ theo đội tuyển sử nhưng tớ lại không nghĩ thế Alaric ạ!  Tớ đoán tớ không có tố chất? Cậu nghĩ thế không?

– Chào ôi! Điều gì khiến cậu nghĩ như vậy nào? Nếu cậu không có khả năng thì từ bé đến giờ cậu đã không yêu và theo đuổi nó đến thế! Điểm số trên lớp không đánh giá được gì nhiều nhưng nó vẫn cho mọi người thấy rằng cậu có một phần khả năng với môn văn. Câu có khả năng Moky ạ!

– Nếu như cậu nói – Tôi nhún vai – Thì có lẽ nào ông trời đang trừng phạt tớ không? Phạt tớ vì theo đuổi văn học – đứa con của trời- mà tớ không đặt toàn bộ tâm huyết cho nó.Tớ đã “lăng nhăng” Alaric ạ! Có quá nhiều thứ cám dỗ tớ!

– Đây là bài học cho cậu, Moky! Nó có thể là sinh mệnh của cậu. Nhưng đến bản thân cậu còn bỏ bê, coi thường thì sinh mệnh của như vậy, càng chẳng phải là một cái gì – Ric nhẹ nhàng nói- Nó có thể là thất bại của cậu nhưng quan trọng không phải giờ cậu ngồi đây buồn khóc nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu cậu có đứng dậy được không?

– Tớ có thể không? Tớ có thể không chứ? – Tôi đưa tay ôm đầu – Đôi khi tớ thấy cô đơn. Hình như cả thế giới đều quay lưng lại với tớ.

– Cô đơn? Cậu nói buồn cười thật. Thế tớ ở đây để làm gì? Tớ là bạn cậu! Bạn bè chẳng phải luôn giúp nhau khi hoạn nạn sao?- Ric đột nhiên nổi sung lên. Cậu ấy đập bàn. Và cả quán quay ra nhìn chúng tôi.

– Thôi nào! Đấy là cảm giác của tớ! Tớ không có ý gì đâu – Tôi đưa tay ngăn Ric lại – Tớ chỉ luôn thấy buồn và căng thẳng. Tở quả thật đã không tôn trọng linh hồn tớ.

– Cậu đúng điều này, Moky ạ! – Ric giật miếng bánh của tôi nhai nhồm nhoàm – Cậu cần phải “chia tay” ngay với cái máy tính! Cậu muốn học văn nhưng lại để thứ khác cám dỗ. Cậu bỏ bê nó và rồi hôm thi đội tuyển, nhờ số kiến thức còn sót lại trong đầu cậu, cậu may mắn được điểm cao vòng này. Đó là điểm may mắn, với điểm đó nó không nói lên điều gì cả. Rất nhiều người bây giờ giỏi văn. Cậu không thể đấu với họ được! Điều quan trọng hơn cả của việc thì học sinh giỏi không phải là cậu có thắng hay không mà là cậu học được bao nhiêu từ việc đấy! Đây không phải một cuộc đua, người ta cho thi học sinh giỏi là để tìm ra ngòi bút sắc bén. nếu cậu phân tích một vấn đề: Đúng và hay, sáng tạo, cậu qua! Tức là sau việc đó cậu đã học được cách phân tích một bài thơ, văn thật tuyệt rồi! Điều đó không rõ sao? Theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi cậu.

– Cậu luôn thích triết lý Ric ạ! Nhưng đó lại là điều tớ thích ở cậu. Cậu biết sao không? Tớ nghĩ lần này tớ đã nhận được một bài học khá lớn rôi! TỚ SẼ ĐỨNG DẬY VÀ KHÔNG BAO GIỜ GỤC NGÃ.

– Ấy! Làm gì có chuyện không bao giờ gục ngã. Cứ gục ngã đi! Nhưng tớ sẽ giúp cậu tự đứng trên đôi chân của mình…

 

Mốc