28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 25 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 292

Người đã làm thay đổi cuộc đời tôi

0
*Photo: jeffrey james pacres

 

Trở về căn gác nhỏ sau một ngày bận rộn, ngồi vào bàn và đập vào mắt con là tấm ảnh thầy. Thầy vẫn đứng đó, vẫn nụ cười như ngày đầu tiên bước vào lớp.

Đã hai năm trôi qua kể từ ngày dời xa mái trường ấy, con chưa một lần về gặp thầy. Thầy nói đúng, cá tính trong con quá lớn, lớn đến mức con không dám tha thứ cho chính bản thân để quay về gặp thầy. Kì thi Đại học năm ấy chắc hẳn thầy thất vọng về con lắm!

Con sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ bố mẹ đã đem lại cho con một cuộc sống đủ đầy.Con sớm mang trong mình tính kiêu ngạo, nông nổi của tuổi trẻ. Năm con vào lớp 10, cũng là lúc công ty của bố con phá sản, công việc kinh doanh của gia đình liên tiếp gặp thất bại. Nhà con lâm vào cảnh mà người ta gọi là vỡ nợ. Bố mẹ con thường xuyên to tiếng với nhau. Chủ nợ xuất hiện ở nhà con như cơm bữa. Niềm động viên duy nhất của gia đình là thằng con trai vừa thi đỗ vào A1 với điểm toán cao nhất trường. Thế mà, quá tự mãn với thành quả vừa đạt được, con lao vào chơi bời, games, trốn học. Thầy đã gặp bố con để trao đổi về tình trạng đáng báo động của con. Khi ấy, đứa trẻ chưa hiểu biết là con, rất ghét thầy. Thầy luôn mắng mỏ và sẵn sàng kỉ luật mỗi khi con mắc lỗi. Kết thúc năm lớp 10, con đứng gần cuối lớp, có nguy cơ bị chuyển xuống lớp dưới. Con đang đứng bên bờ vực và đang giết chính gia đình mình.

Nhưng thầy là người đã giữ con lại, đặt vào tay con cơ hội, nói với con rằng: hãy đứng lên. Thầy luôn nhắc nhở con cố gắng học tập, không khuất phục trước khó khăn.Thầy kể cho con nghe cách thầy đã đứng lên sau khi thầy thất bại trong kì thi đại học. Và từ đó, con luôn tự nhủ con phải sống giống như thầy, phải đứng lên sống xứng đáng với những người luôn đặt niềm tin vào con. Thời gian đã trôi qua, con đã sống những giây phút khó khăn nhất đời mình dưới sự dìu dắt của thầy.

*Photo: Minato

Con quên sao được người thầy hay mắng học trò của mình mỗi khi lên lớp nhưng luôn đứng ra bảo vệ học sinh mỗi khi cần. Con quên sao được người thầy cần mẫn, dù mưa hay nắng vẫn luôn tới lớp cặm cụi bên tấm bảng đen đưa những thế hệ học trò qua con sông kiến thức. Con quên sao được người thầy thức trắng đêm bên trang giáo án với đôi mắt thâm quầng mỗi khi tới lớp. Và con sẽ chẳng bao giờ quên được niềm vui trong đôi mắt thầy khi chúng con mang giải học sinh giỏi về cho trường.

Bạn bè thường bảo con giống thầy, từ nét chữ cho đến dáng đi. Con thấy vui vì điều đó, bởi thầy của con là một người tuyệt vời. Con vào Đại học với 5 điểm Toán, sự kỳ vọng của thầy được đáp lại bằng thất bại của con. Con tránh mặt thầy, chỉ dám gọi về chúc thầy mỗi ngày 20/11 rồi vội vàng ngắt máy. Thầy ơi, bài học thầy dạy năm xưa con chưa bao giờ quên, mỗi khi thất bại, con sẽ đứng lên và bước tiếp. Bởi thành công luôn chờ đợi ta ở phía trước, phải không thầy?

Ruồi Trâu

Nỗi niềm tác giả..

0
*Photo:photosteve101

“… Bài viết dù là của ai thì nó cũng không tự mọc lên như cây cỏ để bạn bứng về trồng lên mảnh vườn của bạn. Và nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đủ thông minh để qua mặt được các cổ máy tìm kiếm, tác giả sẽ không truy được bài viết mà bạn đã chôm chỉa ngay cả khi bạn đã xóa bỏ thông tin tên tuổi của họ hoặc đã đổi luôn tựa đề thì tôi thật tình nghi ngờ về trí tuệ của bạn đấy.”

Tôi đã đọc được đâu đó câu nói này và tôi thấy nó thật đúng với cái xã hội này, khi mà mạng internet phủ sóng mạnh mẽ, các trang cộng đồng hoạt động rộng khắp để kết nối người – người với nhau thì việc của ông này nhưng bà kia bưng lấy nhận của riêng không còn là điều quá hiếm hoi.

Có rất nhiều người nói với tôi những câu đại ý như “Có mỗi cái bài viết mà làm thấy gớm, đăng lên mạng thì người ta lấy là chuyện thường, sợ người ta lấy thì đừng có đăng nữa.” Xin lỗi nhưng tôi không có sợ. Bản thân người viết lách luôn muốn bài viết của mình được sẻ chia với tất cả mọi người nhưng sẻ chia không có nghĩa là nhượng luôn cả quyền tác giả. Với mỗi người đều có cho riêng mình những thứ quan trọng, ví dụ như với bạn đó là tiền, là xe, là công việc hay là người yêu thì với các tác giả chính là tác phẩm của mình.

Đó không chỉ đơn giản là một bài viết với hàng tá con chữ ghép ghép lại với nhau vô hồn mà nó là tâm huyết, là chất xám, là biết bao tâm tư của người viết muốn nhắn gửi.

Đó không phải chỉ là một bài văn rác rưởi để bạn có thể mang đi chỗ này, bưng đi chỗ nọ thích thì ghi tên người này không thích lại trích dẫn nguồn chỗ khác.

Đó thực sự là một nỗi tổn thương lớn với người cầm bút.

Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là nỗi niềm của riêng mình mà còn là nỗi khổ của rất nhiều tác giả khác nữa. Tôi không phải là một người nổi  tiếng, bài của tôi chưa phải là một tác phẩm có giá trị được bảo vệ bản quyền nhưng với tư cách của người viết, tôi vẫn tha thiết mong những kẻ vô tâm đi cop bài kia xin hãy tôn trọng những đứa con nhỏ của chúng tôi.

Nếu các bạn cho rằng đó chỉ là những bài viết nhỏ nhặt và tác giả phải cảm thấy may mắn khi bài viết của mình được chọn đăng trên trang của các bạn thì không biết các tác giả khác ra sao chứ riêng tôi thì không cần.

Tôi độc quyền bài viết cho Triết Học Đường Phố, nơi mà không ai trả cho tôi một xu một cắt nào nhưng tôi vẫn đều đặn viết cho trang này thay vì chọn viết cho rất nhiều tờ báo uy tín khác trả tiền nhuận bút hậu hĩnh. Không phải vì tôi chê tiền mà bởi ở đây cho tôi cái cảm giác được trân trọng, được gần gũi và giao lưu với bạn đọc qua link facebook của tác giả ở cuối bài. Vì là bài độc quyền từ Triết Học Đường Phố nên khi các bài viết bị mang đi nơi khác thì tôi chắc chắn là người copy nó đã copy từ đây. Nhưng những kẻ vô tâm kia tại sao lại làm lơ cái tên của tác giả, tại sao lại bơ đi cái nguồn là Triết Học Đường Phố để khi mang đi nơi khác họ thoải mái ghi là Sưu tầm, là trích từ nơi này từ chỗ nọ. Tại sao họ không click vào facebook của tác giả ở cuối bài và hỏi ý kiến trước khi mang nó đi. Nỗi niềm dường như không phải của mình tôi.

Một bài viết mang ra các trang lớn có đến hàng ngàn lượt view _ vui lắm chứ.

Một bài viết vơi hàng ngàn lượt share _ tự hào lắm chứ.

Nhưng tìm mãi ở đứa con tinh thần chỉ thấy hai chữ Sưu tầm hay trích từ đâu đó là lại dâng lên cái cảm giác vừa hụt hẫng vừa khó chịu đến lạ.

Tôi viết bài viết này và đăng lên Triết Học Đường Phố để rất mong những anh/chị biên tập của những trang báo lớn xin hãy tôn trọng quyền tác giả không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều những bạn tác giả khác nữa. Xin đừng mang bài của chúng tôi đi về nhà của các bạn rồi thay tên đổi họ rồi đổi cả khai sinh của nó. Bài viết của chúng tôi không phải là hoa dại để bạn bứng gốc mang về trồng như thể nó là của riêng bạn. Làm ơn hãy tôn trọng chất xám của người khác.

 

Yến Mèo

Thư nói về quá khứ, chiến tranh gửi thế hệ đi trước và cả thế hệ đang đi cùng tôi

2
Photo: cliffedgeoftheworld

 

Tôi sinh năm 1985, đến giờ tôi đã mở một công ty thiết kế riêng, một nhà xưởng sản xuất và tôi có một con gái xinh xắn hai tuổi, điều đó có nghĩa là tôi sinh trong thời hòa bình của đất nước, và kể từ năm 1975 đến nay đã có ít nhất hai thế hệ ra đời sau các chú, các bác.

Thế nhưng, hôm nay tôi lại phải nói về những điều mà mình cố gắng dung hòa, bỏ qua và để phấn đấu cho tương lai của mình. Tôi nói ra đây không phải để khơi dậy những hiềm khích xưa cũ, mà nói ra mong các cha ông, các bạn cùng nhìn nhận khách quan mà gợi nên những điều tốt đẹp.

Đàn ông

0
Photo: Gaël Chardon

Có quá nhiều người đủ lớn tuổi nhưng chưa trở thành một người đàn ông, thậm chí một ông lão hơn 70 tuổi vẫn sống ích kỷ – trẻ nít – xảo trá như thường (tôi đã thấy). Ý tôi là, tư tưởng của một người đàn ông. Sẽ ra sao nếu óc của một đứa thiếu niên trong thân thể của một gã già khằng?

Đàn ông

Đừng nói quá nhiều về bản thân mình. Dù cho cuộc sống có nhiều đau thương, dù cho cuộc sống có nhiều khó khăn hay cực nhọc. Đừng có than vãn nhiều (ít thôi thì được), đừng có nghĩ cho mình quá, đừng có ao ước được yêu thương… Không! Đàn ông không sinh ra để ngồi mưu cầu về những điều đó. Vì nó dư thừa, không thực tế, và quá là yếu mềm đi được.

Đàn ông, cũng đừng nói những điều thừa thải để hạ bệ bất cứ ai “hiện tại” đang yếu hơn mình. Cũng đừng có đi rình mò, canh me chửi bới, hạ nhục, hay bình luận kém văn minh về ai đó. Đừng có đi đâu cũng tham gia vào, chuyện gì cũng bình luận, nhưng lời nói ra không có giá trị, không đáng được năm xu bạc cắc. Một người, bất kể đàn ông hay phụ nữ, khi sỉ nhục – chê bai – dè bỉu người khác đều là những người sống không có phong cách và không đáng được tôn trọng.

(Này, tôi không có ý nói chúng ta phải cứng nhắc như cục sắt. Chúng ta có thể vui cười mà, có thể nói thừa thải, nhưng trong những chuyện vui và tiết mục hài thôi nhé).

Đàn ông

Coi việc công ra việc công, việc tư ra việc tư, không thể lẫn lộn, chồng chéo cái này qua cái kia. Gia đình, cha mẹ là gia đình, cha mẹ, người yêu/vợ con là người yêu/vợ con, không bênh vực hay thiên lệch bên nào. Không vì bên này hay bên kia mà đổi thay. Đó mới là một người đàn ông có lập trường.

Đàn ông

Phải giữ chữ tín. Cuộc sống có khó khăn, bầm dập đến mấy cũng phải giữ cho được cái chữ tín. Dù có sống trong nghèo khó, có thất bại, có bị chê cười hay không được học hành đến nơi đến chốn cũng phải gắng mà sống cho nó chính trực. Dù gì thì, nó sẽ là niềm tự hào, là sức mạnh mà chẳng phải ai cũng có được đâu.

Đàn ông

Vóc dáng có thể nhỏ bé chứ tinh thần thì không được phép. Đừng có ngồi than vãn về bất cứ điều gì, hoặc chấp nhận, hoặc thay đổi, không than thở. Đàn ông, không được phép đánh mất niềm tin mà mình cho là đúng đắn. Đàn ông, Không được phép chấp nhận một vị trí thấp, một công việc dễ dàng, hay một sự hưởng thụ nhàn hạ nào như phái yếu. Đừng có bao giờ nghĩ rằng phải kiếm được một ai đó yêu mình và chấp nhận cái sự nghèo đói hay cái sự tầm thường hoặc yếu đuối của mình. Đừng có mong chờ như vậy, đừng có kém cỏi như vậy. Ý tôi là, làm việc đi, gì cũng được, cho mọi người thấy mình không phải là một gã lười cũng như một gã có phong cách sống quá tầm thường.

Đàn ông

Phải biết yêu thương tất cả mọi người. Yêu thương cha mẹ, anh chị em, người yêu của mình. Yêu thương đi, và không cần phải nói ra hay cố chứng minh điều đó cho mọi người thấy. Cũng đừng giả tạo như thể mình đang yêu thương người khác. Thật lòng, phải thật lòng, không cần phải “biểu diễn” nếu không thể. Yêu và đừng có mong ai đó phải công nhận hay khen ngợi, bởi vì 2 điều: yêu và sự thật thì không cần phải được ai thừa nhận gì cả.

Thật ra, tôi vốn không thích thú gì cho lắm với 2 từ “thanh niên”. Nó quá chung chung, nó không khơi dậy sự độc lập và ý thức cá nhân cao. Tôi thích “đàn ông” và “phụ nữ”. Tôi thích vậy hơn. Thiếu niên rồi thì đàn ông, thiếu nữ rồi thì phụ nữ.

Thoát khỏi tuổi 18, bắt đầu bước sang tuổi 19, bạn đã đủ điều kiện để trở thành “đàn ông” và “phụ nữ” rồi đấy. Chỉ là khi nào bạn ý thức “bạn là”, mà thôi!

 

 

– Lục Phong –

Nhìn ra Philippines và ngẫm….

0
*Photo: NASA Goddard Photo and Video

 

Không phải ở đâu cũng có tinh thần như người Nhật

Vào ngày 11/3/2011, Nhật Bản phải chịu một thảm họa khủng khiếp một trận động đất mạnh nhất trong lịch sự nước Nhật và một trong những trận động đất mạnh nhất thế giới từng ghi nhận. Động đất gây ra sóng thần khiến hơn 15 ngàn người chết, gần mười ngàn người bị thương, hơn ba ngàn người mất tích, thiệt hại cơ sổ vật chất và vô số, đặc biệt ba vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại nhà chứa các lò phản ứng. Đời sống người Nhật trong thảm họa trên cũng lâm vào cảnh cực kì khó khăn nhưng phản ứng của họ thì tuyệt vời, không có nạn cướp bóc, không có bạo loạn, không có tiếng súng, các cửa hàng mở cửa chia sẻ lương thực miễn phí, mọi người kiên nhẫn xếp hàng cùng chia sẻ thực phẩm và những thứ cần thiết.

Ngày 8/11/2013 cơn bão mạnh nhất thế giới bão Haiyan gây nên thiệt hại kinh khủng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 1774 người chết, gần 2500 người bị thương, ước tính ảnh hưởng 9.5. Những ngày qua ta luôn thấy thông tin về tình hình khẩn cấp ở Philippines. Nạn cướp bóc, hôi của khắp nơi, tù nhân trốn ngục, bạo loạn, súng nổ, các cửa hàng tìm mọi cách bảo vệ hàng hóa của mình. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất sự hiện diện pháp luật, đứng ở ranh giới sinh tồn, con người ta bộc lộ bản chất làm mọi cách để sinh tồn. Không ai trách được họ, nhưng nhìn họ, ta ngẫm lại chúng ta, nếu rơi vào hoàn cảnh như thế liệu sẽ thế nào.

Ta quan tâm một cách hời hợt

Báo đài, ti vi, người người bàn luận về cơn bão khủng khiếp này. Ta nói chuyện với nhau, tiếc thương cho đất nước họ, nhưng chỉ nói vài câu rồi thế thôi. Đương nhiên bởi vì ta còn nhiều thứ lo, lo cho đồng bào ta vừa gặp bão, lo cho quê hương, người thân ta gặp bao thiệt hại, ta còn nhiều khó khăn, còn phải quan tâm hơn đồng bào trong nước. Nhưng sự thật rằng họ đã gặp tai họa khủng khiếp thiệt hại mạng người quá nhiều, ta ở nơi yên bình nhìn về miền Trung, nhìn ra thế giới, có chút buồn thương, nhưng rồi tạ ơn trời đất, vì ta may mắn, vì ta vẫn an toàn, và ta tiếp tục cầu nguyện nhận sự che chở bề trên. Tôi hy vọng, mỗi người hãy dành ra vài phút thôi, để hình dung, để tưởng tượng, khung cảnh bao nhiêu người chết vì ngạt nước, chết vì những tòa nhà sụp đổ hay vì bao nguyên nhân khác, hãy nghĩ tới cảnh ta bất lực bảo vệ những người thân xung quanh để họ bị cơn bão cướp đi mạng sống, hãy hình dung sau cơn bão, ta nhìn quanh với bao xác chết, với cảnh hoang tàn, ta trắng tay trong phút chốc, lạc lõng giữa đống đổ nát, hoang mang về cuộc sống ngày mai. Hãy nghĩ tới cảnh đó để ta hiểu tầm quan trọng để tìm hiểu kĩ hơn nguyên nhân của một cơn bão.

*Photo: NASA Goddard Photo and Video

Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm

Hãy suy nghĩ tại sao những năm gần đây lại liên tục xuất hiện những thiên tại mạnh chưa từng có? Hãy đọc kĩ bài phát biểu của trưởng đoàn đàm phán Philippines ở Hội nghị Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19). Liệu thiên tai có thực sự chỉ là một sự ngẫu nhiên của tạo hóa, và thiệt hại nó gây ra chỉ là do thiếu may mắn, hay nó chịu ảnh hưởng của hàng tỉ con người sống trên Trái đất này đang thay đổi nó từng ngày, từng giờ. Đến lúc chúng ta dành thời gian ra để tìm hiểu khí hậu đã thay đổi thế nào, và chỉ để hiểu mà thôi.

Tôi đưa ra so sánh về cách cư xử của người dân hai đất nước khi gặp tai họa, nhưng không hề nói đúng sai, phải trái. Tôi hy vọng mọi người hiểu hơn về hoàn cảnh những người trải qua thiên tai bãi Haiyan và cũng không bắt mọi người buộc phải hiểu cho họ. Và tôi mong mọi người hãy tìm hiểu tác hại con người gây ra cho biến đổi khí hậu, chỉ để hiểu chứ không hề mong ta phải làm cái gì để bảo vệ nó. Ta chỉ cần hiểu, giúp mọi người xung quanh hiểu, giúp thế hệ đi sau hiểu. Một người muốn bảo vệ môi trường không đủ, cả đất nước ta muốn bảo vệ môi trường cũng không đủ, nhưng khi ta hiểu tầm quan trọng của nó, thì chỉ cần một cơ hội nhỏ đến khi thế giới cùng muốn chung tay bao vệ mội trường ta sẵn sàng tham gia. Từng nỗ lực nhỏ được thực hiện hy vọng sẽ lại được thắp lên.

 

Azeron

Anh vẫn chưa đánh mất chính mình bao giờ

0

 

Thật ra là, đến lúc này, mặc dù anh đã có đôi lần mất mát, có đôi lần đánh mất vài thứ, nhưng anh vẫn chưa đánh mất chính mình bao giờ.. nhưng, anh cũng tự nghĩ rằng, nếu như những thứ xấu xa ích kỷ, mình có thể đánh mất một cách tự nhiên như vậy, thì càng tốt chứ sao. Con người, thói thường hay đánh mất mình để đổi lấy những khoảng trống an toàn, những ham muốn nhất thời.

Em gái cũ nay nhắn tin, nụ cười anh giờ gượng gạo quá, lại lên facebook phê phán đủ thứ, khác anh quá.. đâu có, tại bức này nó dính vào lúc anh cười không được tươi, may cho em, hình này có lẽ được photoshop rất kỹ. 

Thật ra là, đến lúc này, mặc dù anh đã có đôi lần mất mát, có đôi lần đánh mất vài thứ, nhưng anh vẫn chưa đánh mất mình bao giờ.. Nhưng, anh cũng tự nghĩ rằng, nếu như những thứ xấu xa ích kỷ, mình có thể đánh mất một cách tự nhiên như vậy, thì càng tốt chứ sao. Con người, thói thường hay đánh mất mình để đổi lấy những khoảng trống an toàn, những ham muốn nhất thời. Còn có nhiều người, phải đánh đổi nhiều thứ mà mọi người cho là quan trọng để là chính mình. Hay dở ở cuộc sống này, không phải là được mất, mà là tâm hồn mình có được hoàn thiện lên từng ngày hay không. Đừng để cái được, nó che lấp sự hướng thiện mỹ nơi tâm hồn, đừng để cái được nhất thời kia, mà người đời hợm hĩnh tô gọt ra để lòe lẹt giá trị của bản thân. Anh nghĩ vậy, cần cởi mở hơn và kiên định hơn, hai thứ ấy dường như đối lập nhau, nhưng không thể thiếu nếu mình muốn sống tốt đẹp.

Photo: sadshounen
Photo: sadshounen

Đồng tính là một căn bệnh hay ngu ngốc là một căn bệnh?

0

Những tưởng sau sự vụ của Thạc sĩ Văn học Phạm Quốc Đạt hồi tháng 5 khi anh viết nguyên một bức tâm thư gửi cho Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu để phản đối bộ ảnh “Đồng tính – 10 điều muốn nói” của Thạc sĩ Hiếu bằng những lập luận thiếu khoa học, phi logic và có phần tủn mủn kiểu trẻ con thì mình sẽ không bao giờ phải thốt lên kêu trời vì một vị Thạc sĩ nào nữa ở Việt Nam. Ai dè hóa ra những Thạc sĩ kiểu như anh Phạm Quốc Đạt vẫn còn nhiều quá, những Thạc sĩ bị mắc bệnh “ngu”.

Tất cả những vấn đề của tôi

0
Photo: Space Station Freedom – wiki

Hm…Tôi đã đi tìm nguyên nhân cũng như cách thoát khỏi những tiêu cực trong cuộc đời giống như Đức Phật vậy đấy. Phải, đúng vậy đấy. Tất cả những tiêu cực: Buồn, chán, cái xấu xa, cái tệ hại, cái khổ đau, nỗi sợ hãi, điều ganh ghét, sự tị nạnh, tính ích kỷ – hẹp hòi, lòng giả dối, sự đánh lừa, mất niềm tin, sự thất vọng, sự hối hận, nỗi tiếc nuối, sự chê bai, cái tôi, bản ngã, lòng tham và… Ngoại trừ 1 thứ là: tình yêu thương…

Thật ra thì, thế gian này muôn hình vạn trạng, e rằng nói hết phần đời còn lại của chúng ta cũng chưa hết và cũng chẳng thay đổi được gì. Khi tôi nói không thay đổi được gì, có một số người bảo tôi là bi quan, chẳng lẽ chúng ta bất lực? Không, tôi không có ý đó…

Tất cả những tiêu cực, chúng ta không thể kể hết, phân tích cũng như giải quyết hết là không thể được. Tin tôi đi, cuộc sống vốn đã thế, nó không cần phải thay đổi cho phù hợp với ai, nó cần mỗi người hãy đón nhận. So với vũ trụ hay 4,5 tỷ năm tồn tại của trái đất, chúng ta là những sinh vật bé nhỏ, tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn rồi biến mất – như loài khủng long, nhưng chúng ta lại cho là mình có quá nhiều rắc rối. Tôi nghĩ chúng ta tự cao quá rồi đấy. Chúng ta, những sinh vật biết suy nghĩ, đang và sẽ từng tồn tại, thế thôi! Không có gì khác hay phức tạp quá đáng cả…

Có suy nghĩ là điểm mạnh nhất, cũng như điểm yếu nhất của con người. Nó tạo ra niềm vui, nó sinh ra đau khổ. Nó tạo ra tiếng khen, nó tạo ra lời chê. Nó đặt ý nghĩa cho sự sinh ra, nó nuối tiếc khi biến mất. So với động vật, con người khổ hơn nhiều. Ý tôi là, suy nghĩ này làm chúng ta khổ nhiều, đã nhiều rồi…

Tôi thấy người ta đi tìm điều tích cực, sự tự do, niềm hạnh phúc, niềm vui ở đâu đâu ấy. Nó không có ở đâu cả, nhưng nó có ở mọi nơi. Sao phải làm được cái này, làm được cái kia, chiếm được nhỏ này, thịt được nhỏ kia, sở hữu gã này, mua được chiếc xe mới cảm thấy hạnh phúc? Tôi không muốn nói chúng ta hãy chống cằm và tưởng tượng ra hạnh phúc. Không! Tôi không có ý đó, ý tôi nói là: Hãy cảm nhận nó, dù ở bất cứ đâu.

Niềm vui đơn giản ở mọi nơi, ở xung quanh, nó ở đó, không cần thiết phải tìm, nó ngay đó mà. Còn đi tìm, thì sẽ đi tìm mãi. Xa ở chân trời, vốn gần ngay trước mắt. Đi tìm là đòi hỏi, đòi hỏi là tham lam, tham lam là vô đáy… Vô đáy vốn căn bản là không có gì.

Ý tôi là, bạn, tôi, chúng ta, có thấy mình đang luẩn quẩn không? Luẩn quẩn trong lòng tham, sự mưu cầu, ước muốn, so sánh, phán xét, nuối tiếc của thời gian… Luẩn quẩn trong suy nghĩ. Một ví dụ phi logic mà tôi luôn muốn mọi người nhớ:

Suy nghĩ nằm trong hộp sọ, là một cái hộp kín với các mê cung, không có lối thoát…

Giờ, muốn thoát ra, thì nhảy ra thôi. Kim chỉ nam của tôi rất đơn giản, với mọi sự kiện:

Xuôi theo hoặc nhảy ra, đừng đi ngược lại.

Giờ, nhảy ra khỏi vòng luẩn quẩn đó và đừng bao giờ trở vào lại. Và đứng từ ngoài nhìn vào, bộ óc như một xã hội, suy nghĩ truyền qua các tế bào như xe lưu thông trên đường, ngày nào cũng như ngày nào, tai nạn vẫn hoàn tai nạn, không có gì đẹp hơn là những con thú bằng sắt cả…

Tôi không dạy đời ai cả, cũng không nói suông. Tôi cần mọi người học nhảy. Phải, học nhảy! Trên đời, thứ gì cũng phải học cả. Ai sẽ học và nhảy với tôi, quyết định nhanh nào. Gói gém đồ đạc đi, chúng ta sẽ cùng nhảy và trải nghiệm không gian mới, miền tự do! Sớm thôi! Sẽ sớm thôi.

Tôi sẽ chờ các bạn, trong khi đó, hãy luyện tập chăm chỉ!

Chào thân ái và quyết thắng!

– Lục Phong –

Biết ngắm hoa hồng và sử dụng súng

0
*Photo: CowgirlMs

 

Tôi không thích những triết lý hoa mỹ về “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, rằng con người ai cũng chứa bên trong mình Chân Thiện Mỹ, rằng luôn có những kết thúc như cổ tích giữa đời thường, và rằng hạnh phúc không khó tìm kiếm… Dù rằng nhân sinh quan mỗi người mỗi khác, nhưng tôi vẫn thuộc nhóm người ủng hộ các ý niệm trên, tôi ủng hộ và tin đến độ tôi thấy việc bàn về các ý niệm đó như thể các điều ấy sắp được đưa vào biên soạn thành kinh sách của một loại tôn giáo thời hiện đại, dù rằng chúng đã được đề cập trong rất nhiều giáo lý trước đây. Do đó tôi không thích bàn, không thích lặp đi lặp lại, như một nhà truyền giáo tân thời của một tôn giáo tân thời. Và đương nhiên việc làm lan tỏa ý niệm đại đồng nhân ái bình an là điều tốt đẹp, nhưng tôi không thích sự sa đà vào một thái cực.

Tôi thích nói về đấu tranh, tôi thích nói về tiền tuyến. Tôi vốn dĩ không thích lối sống cầu an, tôi luôn nghĩ hạnh phúc không bao giờ là thứ được cho không hay biếu không, hạnh phúc là cái phải mưu cầu mới có. Đừng nói nhiều về hậu phương, đừng nói nhiều về lương tâm, đừng nói nhiều về tương thân tương ái, về lòng tốt con người dành cho nhau, vì nó sẽ tạo tâm lý an nhàn, tâm lý thụ hưởng trước lao động sau, tâm lý ủy mị dễ xúc động. Hãy nói về phương pháp để bản thân mình được vững chãi, về cách thức để lòng dạ mình gan góc, vì rằng ngoại cảnh đúng là mẹ thiên nhiên nuôi sống và nâng đỡ chúng ta, nhưng cũng mang những yếu tố bào mòn xác thịt và tâm trí chúng ta; đúng là chúng ta có những người chúng ta phải yêu thương, trân quý, nhưng chúng ta còn có những kẻ thù bên kia chiến tuyến, chúng ta phải đấu tranh vì những người thương sau lưng chúng ta; luôn biết cảm nhận vẻ đẹp của hoa hồng và cách sử dụng súng.

*Photo: CowgirlMs

Trước khi cho đi, chúng ta hãy học cách làm ra và bảo vệ cái chúng ta có, sống tích cực với nguồn lực chúng ta có được, trước hết là thời gian tuổi trẻ. Trân trọng cảm kích khi được nhận nhưng không nên đưa yếu tố “lòng tốt con người” vào làm tham số nguồn lực cho quá trình xây dựng của chúng ta. Mỗi con người chúng ta phải hiểu giá trị tự do là không phụ thuộc ai, song song đó là cố gắng đừng làm cho người khác phụ thuộc mình. Để mỗi người rực rỡ tỏa sáng với tài năng cá nhân, đôi khi sự dìu dắt lại là sự cản trở cho cá nhân đó hoàn thiện mình, sự chỉ bảo là sự bóp nghẹt các tố chất đang manh nha.

Bất cứ lúc nào trong cuộc đời, hãy chọn cho mình một kẻ thù, tìm kiếm cho mình một vũ khí và cả cách sử dụng; kẻ thù đôi khi rất gần, chính bản thân ta, sự lười biếng, nhu nhược được vũ trang bằng sự biện hộ cho bản thân, bằng các lý lẽ giáo điều mà trước đây ta từng nghe giảng mà nội dung bị hiểu mỗi lúc một cách khác nhau. Phải biết rằng đấu tranh có ở khắp nơi và mọi lúc, đừng để bản thân an nhàn hưởng thụ quá lâu, đừng để bản thân chìm đắm trong các ý niệm “thấm đẫm tình cảm” quá lâu. Đấu tranh là con đường duy nhất mang đến cái mình muốn có, bản thân đấu tranh đã là tài sản lớn nhất của một cá nhân tự do và khao khát tự do.

Triết học đường phố là lý luận đời thực, đời thực có yêu thương và chiến đấu.

 

Bạn không phải là một cỗ máy trong xã hội này

0

Cái xã hội mà bạn đang sống trong là một mớ bòng bong đầy những lằng nhằng trói buộc bạn. Còn bạn, bạn không phải là một cỗ máy.

Trong bài viết này tôi xin được phân tích sơ qua những nhận định của tôi về một phần nhỏ trong nét tính cách chung của con người Việt Nam đã tạo ra những sợi dây ràng buộc như thế nào, và về lựa chọn của cái tôi cá nhân trong xã hội này.

Xã hội Việt Nam có gì?

Có ai đó đã từng ví von xã hội Việt Nam bây giờ giống một bầy cua trong chậu: Có con trèo thì tự khắc có con kéo nó lại, kết quả rằng chúng mãi ở trong cái chậu chẳng thể thoát ra. Ở đây, tôi lại dùng hình ảnh một mớ dây hỗn độn, ngoắc với nhau, buộc vào nhau, càng kéo ra thì càng thít chặt lại, khó gỡ vô cùng. Vậy, những sợi dây này từ đâu mà ra?

1. Tâm lý dân tộc và biến tướng – sợi dây đầu tiên

“Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.” (1)

Sự thật đúng là như vậy, người Việt Nam chúng ta cả ngàn đời nay luôn tự hào về nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên với những đức tính nổi bật như siêng năng, cần cù, hiếu học, chịu thương chịu khó, kiên trì, đoàn kết, đùm bọc, xả thân vì nghĩa lớn,… ngồi cả ngày kể cũng chẳng hết. Chính tâm lý dân tộc khiến người Việt Nam đoàn kết lại, sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ những người không quen biết trong cơn hoạn nạn, đồng tâm hiệp lực đánh giặc ngoại xâm. Nhưng trở về đời sống hàng ngày chúng ta có gì? Hay nên hỏi liệu chúng ta có đang quá khiên cưỡng huyễn hoặc về bản thân mình khi giờ đây cái tâm lý dân tộc ấy đã bị biến tướng thái quá để rồi trở thành những sợi dây tệ lậu mà người ta vẫn tự mua lấy để buộc mình?

Chúng ta buộc mình đầu tiên bởi cái dây hội chứng bầy đàn. Tính cộng đồng của người Việt khi được đề cao quá mức, nó thể hiện ở xu hướng kìm hãm những phát triển cá nhân hay đào thải sự khác biệt. Đỗ Nhật Nam, Huyền Chip, Lễ Nguyễn Quỳnh Anh là những nhân vật  được làm cho nổi tiếng bởi văn hóa ném đá trên mạng. Những phát ngôn “bất thường” của họ được những kẻ trên-tay-có-đá (2) vin vào “giường cột đạo lý” để mạt sát, chỉ trích con người họ. Tâm lý bầy đàn, thích bài trừ sự khác biệt đã tạo ra một đám đông giận dữ chỉ biết ném đá, cậy đông hiếp yếu, chửi cho đã cái mồm mà ít biết nhìn nhận con người như cách họ nhìn nhận chính mình. Một đám đông đòi hỏi người khác phải biết giữ lễ nghĩa, trong khi họ chẳng tôn trọng cái cá nhân của mỗi con người. Một đám đông thiếu lòng vị tha, đủ lời ngụy biện, và thừa sự phán xét.

Thứ hai, người Việt Nam ta cảm thấy tự hào vì nước ta có những vị tướng huyền thoại như Võ Nguyên Giáp hay Trần Hưng Đạo, có những người được trao giải Nobel hay Field như Lê Đức Thọ và Ngô Bảo Châu. “Cần cù”, “hiếu học”, “nhẫn nại”,… hàng ngày ta vẫn bước ra đường với những huân chương lấp lánh như thế trên người. Nhưng thử bước vào công viên, quán cà phê hay hàng nét và 24/7 ta thấy vô số người đang lê la trà đá, chơi game, buôn chuyện giết thời gian, đủ mọi thành phần từ học sinh cấp 2 đến nhân viên công sở. Chúng ta có thể viện cớ này, bám lý nọ rằng họ là những con sâu làm rầu nồi càng nhưng chúng ta đang phí phạm thời giờ của xã hội để biến thành những sợi dây cột chặt đất nước này lại mà thôi. Chúng ta có thể mãi tự hào về quá khứ, về một vài nhân vật, để rồi quên mất rằng chính chúng ta cũng là bộ mặt của đất nước này, cũng là tương lai của Việt Nam này.

2. Trí tuệ dân tộc – sợi dây thứ hai

Tuy rằng được đánh giá rằng có một nhận thức về dân tộc rất cao, nhưng người Việt Nam lại được nhà cách mạng Phan Bội Châu miêu tả :

“(…)Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.”

Người Việt Nam đã thể hiện sự thông minh xuất chúng của mình qua việc dò sóng nghe trộm tin mật của Mĩ bằng đài radio, qua đường mòn Hồ Chí Minh – “một trong những thành tựu vĩ đại trong kỹ thuật quân sự thế kỷ 20” (3)… nhưng khi quay trở về cuộc sống bình thường lại bộc lộ ra tính cách tư hữu, lý sự, khôn lỏi, óc bè phái, thích xa hoa. Đặc biệt nhiều người sử dụng trí thông mình để lách luật, lừa đảo người khác, hay lợi dụng kẽ hở trong bộ máy để trục lợi, đặc biệt còn sử dụng trí thông minh của mình để bao biện cho những tính xấu của chính họ.

Nhỏ là học sinh thì tìm cách quay tài liệu, lớn lên thì là tiêm thuốc vào rau củ quả, bòn rút vật liệu thi công. Nghiêm trọng hơn nữa là vụ việc tinh vi giấu xác nạn nhân để cản trở quá trình kết án. Người ở nước ngoài thì giấu rau củ quả đợi đến giờ giảm giá đem ra thanh toán, mua đồ trả góp trước khi về nước, tự lái xe đâm vào cây để được bảo hiểm, đỡ phải trả phí rác thải. Trí thông minh ngắn hạn được tận dụng triệt để ở mọi tình huống, mọi môi trường mà chẳng lường trước những hậu quả lâu dài.

Điều quan trọng nhất là khi những thói quen xấu sử dụng chất xám để chống đối hay làm cho qua chuyện dần dần ăn vào nếp sống người Việt, được biện minh bằng vô số những cái mác hoa mỹ, bỗng khiến cho “liêm chính”, “mô phạm” mới trở thành những hiện tượng lạ cần xem xét. Ngoài ra, chúng ta cũng có một bản năng đổ lỗi cho ngoại cảnh hay người ngoài. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là thế nhưng khắp nơi ta nghe đầy những phàn nàn, than thở: Phụ huynh lên án đạo đức người thầy; giáo viên chỉ trích học sinh bê tha, lười biếng; học sinh đổ lỗi cho hệ thông giáo dục; ngành này thì vun cớ sang cho ngành khác, bệnh nhân trách móc y đức, bác sĩ đổ lên cơ sở vật chất; người ỷ lại vào thiên tai, người oán thán chính phủ;…mà chẳng ai nhận ra bản thân mình cũng đầy khiếm khuyết và thiếu sót. Ai cũng đòi tự do, bình đằng trong khi còn thiếu hiểu biết, kiến thức về trách nhiệm về luật pháp. Chẳng ai chịu nhận lỗi, chẳng ai chịu thay đổi, muốn thay đổi cũng khó lòng thay đổi, khi mà cả một cơ chế từ cao xuống thấp đều có vấn đề.

3. An phận thủ thường – Sợi dây thứ ba

Đây là sợi dây khó cắt nhất, vì nó khó nhận biết, dễ đánh lừa con mắt mọi người. Nó còn được biết đến với cái tên “hội chứng con bò” (4). Văn hóa Việt Nam đi lên từ văn hóa làng, văn hóa lúa nước, nên con người Việt Nam vẫn còn nặng tư duy tiểu nông. Tư duy tiểu nông trong văn hóa của người Việt có thể được nhìn thấy ở tất cả mọi nơi: Cách làm việc thiếu khoa học, suy nghĩ chưa sâu sắc, tiếp cận vấn đề còn nông nổi, thói ngã mạn và dễ ảo tưởng về khả năng của mình. Nhiều tư tưởng văn minh của nước ngoài đã bị bóp méo khi tiếp cận với Việt Nam như sống thử, tự do ngôn luận, quyền bình đẳng, tự do cá nhân… do sự tiếp nhận dễ dãi, hời hợt thay vì hiểu trọn vẹn bề sâu văn hóa. Chúng còn khiến chúng ta mắc nặng bệnh thành tích, dễ thỏa hiệp, tôn sùng phù phiếm.

Không chỉ dừng lại ở đó, sợi dây an phận thủ thường chính là tác nhân kìm hãm sự thay đổi trong lòng xã hội Việt Nam. Dân tộc Việt Nam so với dân tộc khác thì có phần siêng năng, chịu khó hơn nhưng lại thích dễ dãi và ổn định. Chính điều này làm chúng ta có những thế hệ học sinh chăm chỉ học hành nhưng lại lười tiếp cận vấn đề theo cách mới, ít khi tìm hiểu những kiến thức nằm ngoài sách vở, thiếu khá năng ứng dụng thực hành. Chúng ta có những nhân viên đến cơ quan còn hội họp nhiều hơn làm việc, dễ luồn cúi, cầu cạnh, xin xỏ hơn là chứng minh khả năng của bản thân. Thử hỏi, một xã hội đầy rẫy đám mây đen ngòm xám xịt như thế lấp tịt bầu trời, thì lấy đâu những tia hy vọng cho những cái cây văn minh phát triển. Và nếu những cái cây không thể lớn lên, không thể sống được, thì còn bao lâu nữa để đến cái ngày mà chúng ta ngộp thở trong cái không khí chúng ta thải ra hàng ngày?

Chẳng có hạt mưa nào ý thức rằng nó đang tạo nên cơn bão. Tôi không nói tất cả đều là những kẻ biếng nhác, thiển cận, ngụy biện. Nhưng sống trong một xã hội đầy những kẻ như thế, đâu phải ai cũng có thể mở mắt ra, hay có mở mắt ra được thì liệu có đủ can đảm để sống theo ý mình, làm theo lương tâm của mình không? Bỏ ngoài tai những lời ra tiếng vào, mặc cho tên mình bị đem lên thớt để chặt chém, hay tách mình khỏi những bầy đàn để đi tìm vị thế riêng, đều là những việc làm đầy rủi ro mà không phải kẻ nào cũng dám chấp nhận. Mà kể cả chấp nhận và dám tiến tới đâu chắc chắn sẽ thành công. Chính xã hội với những ràng buộc lẫn nhau bằng sự trái khoáy sinh ra từ thói quen, nỗi sợ, tư duy lối mòn hàng ngày của con người, đã tạo ra một sự cộng hưởng của những rắc rối, để rồi tác động lại vào chính họ. Để đến một ngày họ sẽ như đoàn quân của Napoleon tự kéo chính mình xuống kết cục chết đuối dưới dòng sông (5).

Xã hội còn có những cô đơn

Và chúng ta có quá nhiều những con người đang cảm thấy cô đơn. Ý tôi nói đến ở đây không phải là cái cảm giác thiếu thốn bạn bè để tâm sự, hay như khi bị bỏ rơi mà ai cũng phải trải qua một hai lần trong cuộc đời mà là khi bạn thấy lý tưởng của mình vụn vỡ, trong ánh mắt những người mà bạn hằng tin tưởng. Như thể bạn vừa phát biểu về vật lý lượng tử trong lớp học và nhận được ánh nhìn chòng chọc của những người đồng môn. Là khi bạn cảm nhận rõ tình thương của của cha mẹ nhưng không thể chịu đựng được bao bọc mãi trong đó, bạn cảm thấy mình như một con sói đứng giữa giữa bầy cừu trên một thảo nguyên mênh mang rộng lớn.

Bạn không còn thích những câu chuyện phiếm về việc hôm nay ai mặc gì làm gì, mà muốn bàn luận về những giả thuyết xuyên không-thời gian, hay chỉ đơn giản là quan niệm của bạn về thức tỉnh. Bạn chẳng quan tâm việc người khác xấu tính ra sao vì bạn vừa chiêm nghiệm ra tha thứ là tài sản lớn nhất bạn có. Hay khi bạn cảm thấy tù túng và ngộp thở với với những điều thừa thãi chẳng định nghĩa được con người bạn hàng ngày như giành tình cảm của ông sếp, hay được điểm tuyệt đối trên lớp. Nhưng cho dù bạn đứng trước gương và hỏi câu tương tự Steve Jobs cả ngàn lần với câu trả lời “Không” duy nhất, bạn vẫn chấp nhận cái lịch trình của ngày hôm nay.

Và điều đang trói buộc bạn là sự sợ hãi: Sợ hãi về một tương lai không chắc chắn, về những ánh nhìn, về lời nói bóng gió, về những kỳ vọng. Hơn hết bạn sự hãi sợ vì còn nghi ngờ vào khả năng của chính mình. Bạn viện lấy cớ về trách nhiệm và bổn phận với gia đình để vứt bỏ đam mê của mình xuống hố đen bất tận. Bạn ép mình vào trong những cuộc nói chuyện vô vị tẻ nhạt vì chẳng có ai nói những điều vĩ đại và hay ho với bạn. Bạn cất những chuyến phiêu lưu vào trong hộc tủ, tự nhủ rằng cuộc sống yên bình ấm êm này cũng đã làm bạn đủ hài lòng.

Dừng lại đi, bạn đâu phải là một cỗ máy!

Máy móc thì chạy trên một chương trình đã cài đặt sẵn có chức năng, vai trò, nhiệm vụ. Đời sau sẽ cải tiến hơn đời trước. Bạn thì không. Bạn là một con người thực thụ, chẳng cần bất cứ phần mềm cài đặt nào. Bạn yêu thương, bạn đam mê, bạn và những thế hệ sau bạn đều bình đẳng. Hơn hết bạn có quyền tự do chọn lựa.

Tôi đã từng nói trong một bài viết, con người ta không thể nào có nhiều lựa chọn khi họ còn ở trong bốn góc tường nhà, muốn có được tự do chọn lựa, tự do tư duy, tự do sống thì chúng ta phải bước ra ngoài thế giới và tập nhìn đời bằng con mắt của chính mình chứ không phải con mắt của người khác.

Xin các bạn đừng hiểu ý tôi trong cái hạn hẹp về từ ngữ. “Bước ra ngoài thế giới” không nhất thiết cứ phải là bỏ nhà đi bụi, ngắm nhìn năm châu bốn bể. Điều bạn cần làm là phải tự mình trải nghiệm, chịu trách nghiệm cho những kết luận, hành động của bạn. Đừng từ chối đọc một cuốn sách vì có người bảo rằng nó dở, đừng khó chịu với một người vì mẹ bạn bảo nó không tốt. Đó chỉ là cảm xúc của họ chứ không phải một mớ dữ liệu để bạn khai thác như máy móc. Hãy loại loại bỏ những suy diễn, những định kiến thành kiến mà xã hội và truyền thông gieo rắc vào đầu bạn, bởi vì:

“Cuộc hành trình thật sự của khám phá không nằm trong việc tìm đến những những vùng đất mới, mà ở sở hữu những cách nhìn nhận mới.” – Marcel Proust

Đừng để những cái dây cột chặt lấy bạn một khi bạn đã chọn lựa. Đừng sợ sai, bạn đâu thể đi nếu chưa từng vấp ngã? Đừng sợ bị chê cười, khi người ta thích phán xét những điều họ không biết. Đừng bận tâm đến những lí do, những biện minh của người đời, nó chỉ làm bạn chùn bước. Cũng đừng chờ đợi ngoại cảnh vừa ý bạn, hay cố thay đổi ngoại cảnh, hãy thay đổi chính mình bằng cách tìm ra những con đường, chỉ có khi đó ngoại cảnh mới thay đổi.

“Chúng ta có thể lật ngược dòng thủy triều trong lòng chúng ta, thoát khỏi sự sợ hãi để có được tự do đích thực, thì chúng ta có thể đẩy dòng thủy triều đó đến thế giới bên ngoài. Và tất cả chỉ còn là một sự lựa chọn. Một sự lựa chọn giữa sợ hãi và tình yêu. Chỉ có vậy thôi.” – David Icke

 

Hạnh Phúc Đích Thực – David Icke, Terence McKenna (vietsub bởi Nguyễn Hoàng Huy)

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=Asjzw_cYyQ8]

(1) “Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh” – Báo Điện tử Tia Sáng, Bộ Khoa học & Công nghệ.

(2) “Trên tay có đá” – Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

(3) “The infamous and ingenious Ho Chi Minh Trail” – Cameron Paterson, TED.Ed

(4) “Ngày xưa có một con bò” – Camilo Cruz, PhD

(5) Ví dụ về sự cộng hưởng từ việc đoàn quân của Napoleon bước đều trên một cây cầu

Tác giả: Đơn Du

*Featured Image: Free-Photos