24.2 C
Da Lat
Thứ Năm, 10 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
$PRANA Market Cap: Calculating…
Trang chủ Blog Trang 288

Thiên Nga Đen: Cuộc đấu tranh đạt tới sự cân bằng hoàn hảo

0
*Photo: Black Swan Poster

 

Black Swan – đáng lẽ hồi chiếu phim này tôi nên ra rạp xem, dù cũng được biết nhiều cảnh bị cắt. 108 phút phim trôi qua và tôi không ngừng suy nghĩ lại những gì vừa chứng kiến. Và tôi tự hỏi vì sao Darren Aronofsky lại đặt tên bộ phim của ông như vậy.

Nina (Natalie Portman) đã hoàn thành xuất sắc vai diễn và mãn nguyện khi cảm nhận được sự hoàn hảo. Nhưng đó không phải sự hoàn hảo trong lốt của Thiên Nga Đen hay Thiên Nga Trắng. Sự hoàn hảo của Nina là sự cân bằng tuyệt đối giữa kiểm soát và đánh mất bản thân, giữa Cái Ấy – Cái Tôi – Cái Siêu Tôi trong quan điểm của phân tâm học (Id – Ego – Super Ego).

Mở đầu phim, chúng ta nhìn thấy một Nina với tính thiện, những quan niệm đạo đức được hình thành từ sự giáo dưỡng của người mẹ. Bản ngã (Ego) của Nina bị kiểm soát và chi phối gần như tuyệt đối bởi những quan niệm đạo đức ấy (Super Ego). Sự mất cân bằng quá lớn khiến cô hoàn thành xuất sắc một Thiên Nga Trắng trong sáng, lương thiện nhưng không thể diễn được một Thiên Nga Đen với sự quyến rũ xuất phát tự nhiên từ bản năng, dục vọng (Id).

Id bị kiềm chế quá thô bạo nên bắt đầu phản kháng. Ban đầu chỉ là những vết cào cấu trong vô thức. Tiếp đó là dục vọng được khai mào sau yêu cầu đánh mất bản thân của thầy Thomas. Thế nhưng dục vọng đó vẫn chưa thể thoát khỏi vòng kiểm soát của người mẹ (Super Ego). Đó là những hành động như ép cắt móng tay, yêu cầu ngừng cào cấu, hay túc trực bên Nina khi cô ngủ. Khi Id của Nina đang được Ego thỏa mãn thông qua thủ dâm, thì ngay lập tức bị ngăn chặn khi Nina nhìn thấy mẹ đang ngủ trên ghế salon.

Sự phản kháng của Id ngày một mạnh mẽ hơn khi cô gặp và tiếp xúc với Lily – con Thiên Nga Đen hoàn hảo mà cô đang muốn đạt được: sự quyến rũ, phong cách tự nhiên, mất kiểm soát bản thân.

Cái tôi của Nina ban đầu chỉ là sự cố gắng theo đuổi phong cách diễn của Lily nhưng như thế là chưa đủ. Một quá trình trong phân tâm học được gọi là đồng nhất hóa đã diễn ra. Id bắt đầu tỏ ra thắng thế Super Ego, cái tôi của Nina tìm cách hòa nhập với Lily, coi Lily là cái tôi lý tưởng cần phải đạt tới. Nina cần phải trở thành Lily một cách tuyệt đối. Cô buông thả bản thân khi tới quán bar, dùng thuốc lắc, nhảy điên cuồng và đạt đến đỉnh cao khi cô thủ dâm và nằm mơ làm “chuyện ấy” với Lily.

Bản năng, dục tính của Nina đã trỗi dậy mạnh mẽ và kiểm soát cái tôi. Người mẹ – cái Siêu Tôi từng nắm quyền kiểm soát lúc này trở nên yếu ớt. Id của Nina bắt đầu suy nghĩ một cách thú tính, tìm mọi cách để sinh tồn. Nó cho rằng không thể có hai con Thiên Nga Đen trên đời, không được đánh mất cơ hội để thể hiện sự lý tưởng và hoàn hảo đã cất công tạo dựng suốt thời gian qua.

Một ảo tưởng tương tự tính đa nhân cách được tạo ra. Cái tôi thứ hai – Lily bị chính cô giết chết bởi sự phản kháng khi quyến rũ Thomas và chiếm đoạt vai diễn. Lily không còn là thứ chi phối Id của Nina nữa, cô đã thực sự trở thành Thiên Nga Đen, bản năng của cô trở nên tuyệt đối, giống như Super Ego của cô đã làm được lúc ban đầu.

Nhưng chính sau thời điểm đó, Nina tìm lại được chính mình. Cô hiểu rõ từng động cơ, suy nghĩ và hành động. Cô nhận thức rõ mình đang tự hủy hoại bản thân. Khi Nina đã đạt được sự đánh mất bản thân hoàn toàn giống như sự kiểm soát bản thân tuyệt đối, cũng có nghĩa là Ego của Nina đã cảm nhận được sự tối thượng của cả Id lẫn Super Ego – một sự cân bằng hoàn hảo.

Khi cô hoàn thành vở ballet và ngã xuống tấm đệm trắng, cô không phải là Thiên Nga Trắng, cũng không phải Thiên Nga Đen. Cô chính là cô – Nina. Một Nina thực sự trưởng thành khi cân bằng được cả ba mặt trong con người mình. Một Nina vừa tự do tuyệt đối vừa kiểm soát bản thân một cách tuyệt đối. Đó chính là “sự hoàn hảo” mà cô đã cảm nhận được.

Đặt tên bộ phim là Black Swan – Thiên Nga Đen, có lẽ Darren Aronofsky đang muốn thức tỉnh những người xem về cách sống, quan điểm sống. Những chiếc mặt nạ Siêu Tôi, mặt nạ Tôi che giấu những khao khát bản năng. Chúng ta né tránh, để nó chìm nghỉm trong vô thức, chúng ta luôn cố tỏ ra mình sống một cách có đạo đức và hướng tới những giá trị tốt đẹp. Nhưng sự hoàn thiện bản thân, kiếm tìm sự lý tưởng theo hướng đó là không hoàn hảo như chúng ta suy nghĩ. Bởi khi ấy, chúng ta bị mất cân bằng và không thể thỏa mãn mình ở những nhu cầu sinh tồn tối thiểu. Hãy kiếm tìm sự cân bằng hoàn hảo.

 

HoanDesign

40% là phù phiếm, 40% là học hỏi bổ ích, còn lại chính là sáng tạo

0
 Tranh: Tào Linh

 

“Theo lý trí thì gặp trở ngại. Theo tình cảm thì bị cuốn trôi. Theo chí hướng riêng thì bế tắc. Nhìn theo kiểu nào thì thế giới con người cũng là một nơi khó sống. Khi cảm thấy khó sống thì người ta thích tìm đến nơi nào dễ chịu. Và khi nhận ra rằng chẳng có nơi nào dễ chịu để sống thì người ta làm thơ, vẽ tranh.”

– Soseki Natsume, Gối Đầu Lên Cỏ

 

Làm thi, họa theo Soseki tức là làm nghệ thuật để sống dễ chịu hơn, là con đường duy nhất thoát ra khỏi đời thường ‘luôn không dễ chịu’ bởi người ta về bản chất luôn không thấy dễ chịu với đời mà chết thì cũng không muốn. Ngay cả khi có đủ Phúc – Lộc – Thọ, khi được ôm ấp trong vòng tay mẹ hay người tình, khi trên đỉnh vinh quang trần thế… người ta vẫn thấy mình cô độc và sinh tồn là vô nghĩa. Cái ‘thiên cổ sầu’ của Lý Bạch là một định mệnh con người cũng là suối nguồn của nghệ thuật và động lực sống. Nghệ thuật là sáng tạo để tạm thời ‘xử lý’ cái ‘thiên cổ sầu ấy’. Tú Xương có câu thơ thật hay: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn!” Cái sầu bản thể hơn hẳn cái sầu mùa thu của Nguyễn Khuyến, sầu mất nước của Lục Du hay sầu thất tình của Thơ Mới. Tại sao lại sầu về đêm, tại sao dịch học khuyên nghĩ gì thì nghĩ vào giờ Tý? Đêm thì mọi thứ khép lại, ngủ cả nên ta tự nhiên thoát khỏi đời thường. Tình cảm có cơ được thanh lọc, suy nghĩ được gỡ khỏi mớ bòng bong mưu sinh ‘ô trọc’. Các khớp nối thần kinh hoạt động thanh thoát và tinh nhậy nhất. Các giác quan và suy tưởng cũng tinh nhậy theo.

Phải chăng ta đang nhầm lẫn về tình đầu?

0
*Photo: .mini

 

Tại sao mối tình đầu lại khó quên (hoặc không thể nào quên?) Phải chăng đó là mối tình đẹp nhất, phải chăng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất? hoặc phải chăng, bởi những cảm giác lạ lẫm đầu đời? Có thể là do tất cả những thứ đó. Hoặc cũng có thể hoàn toàn không phải!?

Cuộc đời có một quy luật quái lạ. Đó là đôi khi niềm vui thuờng không thể nào kéo dài đuợc lâu, như những buổi tiệc, rồi cũng sẽ tàn. Nhưng nỗi đau lại khác, nó luôn âm ỉ, nỗi đau càng lớn thì lại càng in sâu, như những vết thuơng vậy, nó càng nặng vết sẹo càng to và có thể sẽ không bao giờ lành.Không tin thì thử nghĩ xem ta sẽ nhớ những điểm muời đạt đuợc hay nhớ những lần bị cô giáo đánh đòn hơn, ta sẽ nhớ những lần ăn no căng bụng hay nhớ những khi ta đói vật vã hơn. Hoặc thử nghĩ một chuyện đơn giản thôi, rằng ta sẽ nhớ những lúc bạn bè tốt với ta hay những lúc bọn chúng có lỗi với mình hơn? Chắc hẳn ai cũng có câu trả lời cho riêng mình! Có lẽ tình đầu cũng thế. Ta không thể quên đuợc bởi nó thuờng tan vỡ. Mà sự tan vỡ của tình đầu hiển nhiên là một nỗi đau cực lớn rồi. Nào, nhớ lại xem… Vì là mối tình đầu nên đó chính xác là lần đầu tiên trong đời ta nếm mùi đau khổ vì tình. Chỉ những hờn dỗi, những ghen tuông đầu đời thôi cũng đã khiến ta khổ sở như nào rồi! Bạn gọi cả trăm cuộc cũng không ai nhấc máy hay bạn vô tình thấy nguời mình yêu đi với kẻ khác, những cảm xúc lúc đó ta có thể quên đuợc chăng? Không, chắc chắn là không, những dư vị đầu tiên đó, những nỗi đau tâm hồn đầu tiên đó làm sao mà quên đuợc nhỉ? Trừ khi là đập đầu vào…gối mất trí nhớ thì hoạ may! Còn khi nó tan vỡ, dù là ngừơi chủ đông chia tay (có thể là do hiểu lầm, hoàn cảnh, không hợp nhau về lối sống, do bạn…bất lực, một giây bồng bột…) hay là kẻ bị đông thì chắc chắn cũng sẽ đau nhói tận tâm can  mà thôi.

*Photo: Forsight

 

Trừ khi mối tình đầu không thật sư là… mối tình đầu, nghĩa là đó không là tình yêu thật sự mà chỉ là đến với nhau cho… vui.  Hoặc tệ hơn nữa là những kẻ bị động sẽ tìm đến (hoặc chỉ dự định tìm đến) những cây cầu cao vút, những viên thuốc ngủ, con dao cắt cổ gà,… như một cách để gột rửa nỗi đau nhanh nhất và ngu ngốc nhất có thể. Những chấn đông tâm hồn ghê gớm lần đầu tiên bạn trãi qua đó chắc chắn không thua gì vết thuơng đuợc gây ra bởi một nhát kiếm kinh điển. Đó là vết sẹo muôn đời.  Và khi ta đó có những “kinh nghiệm đau khổ” rồi thì những lần sau dĩ nhiên nỗi đau không còn lớn như truớc nữa, và dần dà nó sẽ chay sạn như một thứ kháng sinh. Thế nên mối tình nó mới khó phai nhạt như thế. Như đã nói, nỗi đau càng lớn thì sẽ càng in sâu. Thi sĩ Hồ Dzếnh cũng đã chia sẻ rồi đấy: “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề, đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở.” Thế nên nhiều nguời còn nhận định rằng không những tình đầu là mối tình khó quên nhất mà còn là mối tình đẹp nhất đấy thôi!

Có thể đa số chung ta sẽ nghĩ rằng tình đầu khó quên là do những lý do đuợc đưa ra ở đoạn đầu? Nhưng có thật sự như vậy không?

 

 monkey.D.Bectam

 

Hạnh phúc khi được là chính mình

0
*Photo:  cold air

Hạnh phúc theo quan niệm truyền thống và ngôn ngữ hàng ngày đều đưa lại cho mỗi chúng ta ý niệm chung là sự liên tưởng đến tình yêu nam nữ, đến gia đình ấm no,  đến những nguyện vọng được thành đạt, những nhu cầu được thỏa mãn… Với mỗi con người lại tự tạo cho riêng mình một định nghĩa về hạnh phúc khác nhau. Người gắn hạnh phúc với những ước mơ, hoài bão nhỏ bé của bản thân, đôi khi nó đơn giản chỉ là cơm no, áo ấm, gia đình đầy đủ. Người lại gắn hạnh phúc với những vấn đề lớn lao, tầm cỡ của đất nước và dân tộc như tự do, độc lập, dân chủ, phát triển quốc gia. Hạnh phúc của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Nhưng hạnh phúc chân chính sẽ là hạnh phúc dung hòa được cả hạnh phúc của cá nhân với hạnh phúc của xã hội và chắc chắn một điều rằng không bao giờ lấy hạnh phúc của mình làm đau khổ của người khác mà được coi là hạnh phúc chân chính.

Làm thế nào để trở thành một giáo viên tồi

0
*Photo: ShironekoEuro

 

Giáo viên được giao phó chăm lo châu ngọc cuộc đời: Con em chúng ta. Đôi khi giáo viên có thể bị choáng ngợp với nhiệm vụ rất quan trọng này. Mối quan hệ hoặc sự thân thuộc giữa thầy và trò là yếu tố quan trọng nhất góp phần vào việc giảng dạy hiệu quả. Làm thế nào một giáo viên biểu hiện bản thân hay tạo được thiện cảm của sinh viên, cái nhãn hiệu giáo viên tạo ra (giáo viên tốt hay xấu) quyết định chất lượng của quá trình dạy và học. Nhiều nghiên cứu, khảo sát, nhiều sách vở và bài viết đã soi sáng tất cả về chủ đề này. Giáo viên được giới thiệu nhiều đề xuất và ý tưởng về cách thức trở thành một giáo viên tốt. Mặt khác, có vẻ như là giáo viên bị tấn công dồn dập với những ý tưởng mà họ hầu như không thể tiêu hóa và sử dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tôi muốn có một cách tiếp cận khác nhau và làm nổi bật một góc thường bị bỏ qua của lĩnh vực này: Làm thế nào để trở thành một giáo viên tồi.

Các nguyên tắc của mối quan hệ thầy trò

Thiết lập tình bạn với các sinh viên của bạn, nhưng không dừng lại ở đó: hành động như một đứa trẻ. Hãy lo lắng về những thứ phải dạy chứ không phải cách thức thúc đẩy quá trình học tập. Hỗ trợ một học viên tại một thời điểm là tốt lắm rồi. Những sinh viên khác có thể chờ đợi. Đừng lo lắng về nỗ lực hỗ trợ nhiều hơn một sinh viên trong các hoạt động nhóm. Hãy tự phụ đối với học viên. Bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm, bạn có thể giải mã một học sinh trong một vài phút. Học sinh có phát triển mối quan hệ tốt với nhau hay không chẳng phải là việc của bạn. Chớ thèm bận tâm chấp nhận một vai trò lãnh đạo vì mục đích này. Một số giáo viên cố gắng mang những sinh viên có tiếng và những sinh viên không tiếng tăm lại bên với nhau, giúp họ tôn trọng lẫn nhau. Những nỗ lực này là vô ích. Với sự hiện diện mạnh mẽ của bạn tất cả mọi người sẽ biết cư xử và thế là tốt lắm rồi. Dầu sao thì, sinh viên còn quá trẻ để phát triển ý thức trách nhiệm. Không thể dạy họ cách giải quyết vấn đề của riêng mình, tự quyết định và tự phê bình. Bạn phải có mặt để thi hành kỷ luật.

Hành vi của giáo viên được mong đợi

Ra bài tập về nhà như một cách trừng phạt và đe dọa học sinh bằng điểm số. Áp dụng một phương pháp giảng dạy, tốt nhất là phương pháp bạn nói và họ lắng nghe. Nếu nó đã làm có tác dụng cho rất nhiều thế hệ, nó hẳn sẽ có tác dụng đối với bạn. Không sử dụng việc khuyến khích hay khen ngợi. Không kể bất kỳ câu chuyện đùa nào. Không kiểm tra công việc hoặc giám sát tiến độ của học sinh. Chỉ cho phép học sinh có thành tích cao phát biểu trong các cuộc thảo luận ở lớp. Bạn không có thời gian để lãng phí vào việc nghe học sinh có thành tích kém phát biểu. Rất có thể là họ không có gì để đóng góp vào các cuộc thảo luận. Chớ nói cho học sinh biết về những hành vi được mong đợi. Không cung cấp một môi trường thích hợp, trong đó hành vi được mong đợi có thể phát triển. Hãy để hành vi của bạn không tương thích với ứng xử của các đồng nghiệp. Khi đáp lại những hành vi hoặc sai lầm không thể chấp nhận, hãy sử dụng kiểu phê bình tiêu cực. Chỉ trích các học sinh của bạn thay vì phê phán hành động của họ. Hãy để bạn dễ bị ảnh hưởng và bị phân tâm bởi nhận xét không hay về bạn. Kỷ luật học sinh bằng cách chỉ sử dụng những lời khiển trách và trừng phạt. Chớ cho sinh viên của bạn thời gian cho để tự sửa sai. Không nên soạn một giáo án tốt và thỉnh thoảng nên để cho sinh viên chơi không. Hãy đưa vào bài thi các chủ đề mà bạn chưa từng đề cập trong các bài tập trước đó. Hãy là một giáo viên định hướng theo sách. Lên lớp, dạy bài rồi đi. Hãy giữ khoảng cách với sinh viên. Không đứng ở vị trí mà tất cả sinh viên trong phòng có thể nhìn thấy bạn. Thường xuyên quay lưng lại với lớp học của bạn. Bằng cách đó họ sẽ học được cách quý trọng thời gian của họ bên bạn. Không nêm xem xét các giai đoạn phát triển sinh lý và xã hội hoặc cấp học của học sinh. Không đáp ứng các nhu cầu của sinh viên có tốc độ học tập khác nhau. Không để cho người học được thưởng thức những thành tựu của họ. Tập trung vào hành vi không được mong muốn chứ không phải là hành vi được mong muốn. Xưng hô với một số học sinh một cách suồng sã trong khi gọi những sinh viên khác là “thằng” hay “con.” Đừng lo lắng về sự công bằng trong khen thưởng hoặc trừng phạt học sinh. Chớ nói rõ ràng trong sáng. Hãy sử dụng các từ lóng. Xử lý mạnh mẽ ngay cả những vi phạm kỷ luật nhỏ nhặt. Đừng bỏ qua bất cứ điều gì dù cho nó có nhỏ nhặt thế nào. Không bao giờ cười với học sinh của bạn và luôn luôn ghi nhớ rằng bạn có thể mất kiểm soát lớp học nếu bạn làm như vậy. Luôn luôn yêu cầu sinh viên vâng lời mà không được chất vấn bất cứ điều gì. Làm bẽ mặt học sinh trước mặt học sinh khác nếu cần. Không bao giờ quên rằng kỷ luật là một vấn đề lớn, và đã được đề xuất bởi rất nhiều giáo viên khác. Hãy bỏ qua thực tế là đôi khi học sinh có thể vi phạm các quy tắc vì thái độ của bạn. Không để cho học sinh biết rằng hành vi xấu thực sự cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với chính họ. Giáo viên phải nhỏ nhen mới kỷ luật được học sinh. Trừng phạt cả lớp nếu bạn không thể tìm thấy sinh viên phạm kỷ luật. Hãy ghi nhớ rằng trừng phạt thì dễ dàng hơn phòng tránh. Không thông báo cho nhà trường, ngay cả khi sinh viên làm cho bạn không thể điều hành lớp học. Giữ bí mật cho chính bạn vì điều này sẽ bảo vệ danh tiếng của bạn.

Kết luận

 

Hãy chống lại sự cám dỗ muốn lắng nghe những lời khuyến nghị của các nhà giáo dục từ khắp nơi trên thế giới, hãy đi theo con đường dễ dàng hơn để trở thành một giáo viên tồi. Hãy tin tôi đi, điều này dễ lắm mà.

 

Ibrahim Sel

Fountain magazine
Số 56 / Tháng 10-12/2006
Dịch bởi NguyenQuang

Cách nghĩ của một đứa đi xe bus không nhiều như tôi

0
*Photo: Внутри

 

“Rồi có bao giờ, bạn, một người trẻ, tháo chiếc tai nghe ra, nghe âm thanh trên radio của chuyến xe hôm đó, đơn giản chỉ là để có một cảm nhận mới hơn chuyến xe của hôm qua….”

– Áo Hồng, Yêu kiểu… trên xe bus!

Tôi, một người trẻ chẳng khoái gì xe bus. Tôi chỉ bước lên nó khi đi đâu đó theo bầy đàn hay đường đi quá xa mà trình độ đi xe máy chẳng thể nào đáp ứng nổi. Từ cái nhìn ban đầu cho tới cách đây không lâu, khi tôi đặt bút viết những dòng này thì với tôi: xe bus nóng, xe bus chật, xe bus chạy “xi-đa”, blabla…xe bus chạy lòng vòng và lâu lắc. Như cái cách tôi nhìn nhận con người nơi đây, vội vã, nóng nảy và chẳng chút thiện ý nào cả. Thường người ta sẽ luôn bị cái ấn tượng đầu tiên đeo bám dai dẳng rồi từ từ hình thành cái thói quen “vơ đũa cả nắm”. Thật vậy bạn ạ! Một đứa dân tỉnh mới lên thành phố, lơ ngơ giữa chốn đông người, lại gặp phải một tình huống và nhận cách đối xử kiểu như “mày bị đào thải” thì nó chỉ muốn vác ba lô và chạy đi ngay cùng với cái tư tưởng tồi tệ hình thành ngay lúc đó.

Vì sao chúng ta dần cô đơn?

0
*Photo: Telstra Corp

 

Một ngày nhìn lại, bạn sẽ thấy công nghệ mang đến những đổi thay quá dễ sợ trong cuộc sống của chúng ta. Sự phát triển của các ứng dụng (apps) trên điện thoại, máy tính bảng và những thiết bị điện tử khác làm cho đời (có vẻ như) dễ dàng hơn nhiều. Với ứng dụng, ta có thể đọc hàng nghìn tờ báo cùng lúc; có thể mua hàng sale trước cả những đứa đang xếp hàng trước shop; có thể điều khiển máy tính ở công ty ngay cả khi mình đang nằm dưới bóng dừa ở Boracay; có thể biết rõ ràng cách mình mấy mét có ai đó thích nhạc Johnny Flynn, yêu màu tím nhưng ghét thủy chung….

Hôm nọ tôi vừa xem một cái video rất dễ sợ. Nó vẽ ra một viễn cảnh, mà có vẻ không khó khăn gì để trở thành hiện thực nay mai. Buổi sáng bạn thức dậy, đứng trước gương thông minh chạm chạm một hồi, nó sẽ nhắc bạn hết: hôm nay sinh nhật em A cùng lớp tiếng Ý, hãng thời trang B đang sale… Bạn bấm nút cái bụp, sẽ kết nối được với em A, nói chúc mừng sinh nhật.

Rồi bạn đến trung tâm thương mại. Sau một hồi bấm nút trên màn hình thông minh để tìm chỗ đậu xe, bạn vào shop quần áo. Bạn đặt smartphone của mình lên một cái bục, thông tin sản phẩm trong cửa hàng sẽ mau chóng được truyền vào điện thoại, và bạn chỉ việc chạm để chọn. Trên mặt gương của phòng thử đồ có nút camera. Bạn bấm chụp hình sau khi thử áo, post lên Facebook, hỏi “ê nên lấy cái nào?” rồi thì bạn bè sẽ comment ngay lập tức để cho lời khuyên.

Mua đồ xong, bạn chỉ cần bấm điện thoại để biết cách mình năm mét về hướng đông có một cửa hàng bánh ngọt mới ra một mẻ nóng hổi, mười bảy mét về hướng Tây Nam có tiệm cà phê đang giảm giá 25% cho cô gái nào mặc áo hồng… Nói chung tôi kể ra nghe không hoành tráng, có đoạn nhớ nhớ quên quên. Bạn phải coi hết cái clip đó mới thấy đường đi nước bước cách nghĩ của con người đã bị ứng dụng thông minh “bắt bài” kiểu gì.

Nhưng càng nhớ lại để kể tôi càng thấy kinh hãi. Nhân vật chính trong video đó từ đầu đến cuối chỉ một mình. Cô ta chơi hết với điện thoại đến những màn hình tương tác, không có ai bên cạnh, vậy mà vẫn vui. Kỳ không?

Mỗi khi đi công tác, vào tàu điện ngầm, tôi hay đứng kín đáo quan sát mọi người (ồ xin lỗi về cái tật nhiều chuyện này). Tàu điện ngầm là nơi có nhiều người đứng tụ lại một chỗ, không thể làm gì khác ngoài chờ đợi, nên nếu để ý, bạn sẽ có vài kết luận về hành vi của đám đông trong một hoàn cảnh nhất định. Tôi đã từng rút ra kết luận cho riêng mình, rằng người ta có hai thứ chủ yếu để cầm khi đi tàu điện: một là bàn tay ai đó, hai là một thiết bị điện tử. Sau vài năm, tôi cảm giác điều mình quan sát được đã ít nhiều thay đổi. Hiếm hoi lắm trong đám người đang hí húi cầm điện thoại/máy tính bảng, tôi mới thấy có người cầm một bàn tay.

Tôi không hề là một kẻ cổ lỗ sĩ phản đối công nghệ và những bước tiến kinh hãi của nhân loại nhờ vào khoa học kỹ thuật. Thỉnh thoảng tôi chỉ tự hỏi, không biết làm thế nào để chúng ta có thể cân bằng giữa hai điều: Cuộc sống được che chở bởi những ứng dụng thông minh thoải mái và cuộc sống đòi hỏi nhiều nỗ lực tự thân mà không phải ai cũng can đảm và vui lòng đối mặt.

Chúng ta ngày càng cô đơn hơn, không phải vì cuộc sống này lạnh lùng hơn. Mà chắc bởi vì chúng ta đang dần thấy yên ổn khi chơi với một cái máy hơn là với một con người.

 

 

Nguyễn Thiên Ngân

Những ngày cuối tháng ba

0
*Photo: Vumalu

 

Trong đêm tối, tôt chợt nghe rõ âm vang đâu đó, giọng hát ru khuya của những nàng ca sĩ yếu gầy. Rồi tôi thấy những con đường Sài Gòn phủ đầy lá vàng. Rồi tôi thấy tuổi trẻ chạy trốn, và những con sông chảy âm thầm về biển…

Tôi đã từ bỏ sông Sài Gòn để trở về biển, tôi về đây, sống biệt lập trên một đồi cao. Những đêm khuya nằm nghe gió đìu hiu và tiếng sóng vỗ xa, tôi bỗng nhớ lại những ngày vui của chúng mình ở Sài Gòn.

Ôi! Những ngày vui ấy qua mau quá. Qua mau như khói thuốc. Qua mau như nắng quái chiều hôm. Qua mau như tuổi trẻ chúng mình. Và tất cả chỉ còn là kỷ niệm sẽ làm ta đau khổ. Nước mắt sẽ tuôn chảy và tuổi trẻ gục mặt buồn…

Tuổi trẻ gục mặt buồn như bức tượng gục đầu của Rodin. Kiên nhẫn, kiên nhẫn âm u. Tuổi trẻ Rilke gặp Rodin và hỏi: “Phải sống như thế nào?” Rodin trả lời: “Làm việc”. Không phải làm việc như tên nô lệ, mà phải làm việc với tiếng hát của con chim họa mi.

Có thể người ta sẽ bảo chúng mình là những kẻ sướt mướt. Những kẻ chạy trốn, những kẻ thua cuộc và đầu hàng trước cuộc đời. Và chúng ta chỉ biết trả lời bằng nụ cười câm lặng, hay một tia nhìn chứa chan. Rồi chúng ta lạy trời cho mưa rơi thật nhiều. Ừ, mưa rơi đi, rơi nữa đi! Mưa hãy rơi thật nhiều vì trần gian này khô cạn quá rồi. Đất đã cằn, và lòng người đã biến thành sỏi đá…

Tuyệt vọng và hy vọng như hai quả cân, đi lên và đi xuống. Tất cả sự đi lên đều là “anh hùng rơm.” Dám đi xuống, xuống, xuống tận đáy. Hố thẳm.

Tôi là con người ấy. Bởi vì Huy còn hy vọng, nên Huy còn đau khổ. Trái lại, tôi hết hy vọng, nên tôi mới sung sướng. Còn hy vọng, nghĩa là còn nghĩ đến ngày mai, nghĩa là đã quên ngày hôm nay. Huy đau khổ vì Huy đã quên ngày hôm nay, vì Huy đã trông chờ ngày mai. Mà ngày mai sẽ không bao giờ đến, vì ngày mai cũng sẽ chỉ là ngày hôm nay…

“Ôi những ngày vui qua mau!” Huy thường nói với bạn bè như vậy. Huy đã buồn khổ vì những ngày vui trôi đi nhanh quá. Tôi lại khác Huy, tôi hoàn toàn sung sướng khi thấy những ngày vui bỏ đi quá mau. Tôi ngược hẳn Huy. Đối với tôi, những ngày vui qua càng mau thì tôi càng sung sướng. Tôi rất yêu những đóa hoa chóng tàn. Hoa càng mau tàn thì lại càng đẹp. Tôi rất ghét những bông hoa nở lâu. Lạy trời cho những ngày vui qua thật mau. Cho tuổi trẻ chóng tàn và cho những người con gái chết lúc hãy còn xuân đẹp…

Hiện nay, mỗi ngày, tôi đều sống với sự chết trên đôi mắt tôi. Tôi yêu sự chết. Tôi đã “làm ái tình” với cái chết. Chính sự chết đã làm cuộc đời trở nên đẹp. Đẹp như một đóa phù dung chóng tàn.

Vì tôi yêu sự chết, nên tôi yêu cuộc đời đến độ ngây ngất. Tình yêu ấy chính là Ý thức mới thoát hiện lên từ cơn tuyệt vọng cùng cực của con người. Tôi đã từng nói với Huy rằng chính Charlot là một thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại, vĩ đại hơn Shakespeare, vĩ đại hơn tất cả những văn hào, triết gia cao siêu ở thế giới. Đối với tôi, Charlot vĩ đại nhất, vì Charlot đã làm tôi cười tất mọi sự bi đát ở đời!
Khỉ có cười không? Nếu tất cả mọi người đều cười hết thì thế giới trở thành chuồng khỉ lớn rộng.
Ừ, tôi đang cười. Và tôi muốn mọi người cùng cười với tôi.

 

 Trích từ cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.”

Nhà văn, triết gia, học giả, thi sĩ và cư sĩ Phạm Công Thiện

Đừng ngạc nhiên vì sự thay đổi

0

Gần đây, tôi gặp khá nhiều những than thở từ những người xung quanh, đại loại như: “Nó thay đổi rồi không còn như ngày trước”, “Tại sao tình yêu vẫn thế, chỉ có con người là thay đổi?”, v.v… Người ta trách cứ, dằn vặt mãi về sự thay đổi. Nhưng liệu có bao giờ họ tự hỏi thế giới họ đang sống có cần sự thay đổi và chính họ đã từng thay đổi không?

Xin nói một chút về triết học: Con người là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội. Có ba hệ thống quy luật quyết định việc hình thành và phát triển của một con người: Quy luật về sinh học, quy luật về tâm lý và quy luật về xã hội. Vậy thì sao? Ta cứ tự xét cả ba mặt này nhé.

Sinh học thì luôn luôn vận động, tiến hóa và thay đổi mặc cho chúng ta có nhận biết hay không thì điều này vẫn cứ diễn ra. Ta được hình hài như thế này cũng do tiến hóa mà nên và cũng chẳng ai chắc được rằng trong tương lai hình hài của con người sẽ thế nào.

Tâm lý cũng là thứ luôn luôn biến đổi, nó được quyết định phần nào bởi yếu tố sinh học, khi trạng thái cơ thể bạn biến đổi, cho dù không chịu tác động nào bên ngoài đi chăng nữa nó cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu như bạn đang khỏe mạnh, tâm lý bạn sẽ có thiên hướng lạc quan và vui vẻ, ngược lại bạn sẽ có thiên hướng bi quan, chán nản hoặc lo sợ. Điều này chứng tỏ tâm lý của bạn luôn luôn thay đổi mỗi ngày.

Xã hội thì sao? Có cần phải bàn cãi rằng xã hội có thay đổi hay không? Câu trả lời dường như quá rõ ràng rằng xã hội này luôn luôn thay đổi, thay đổi rất nhiều, vô số chiều hướng, vô số hình thái…

Chung quy lại thì thế nào nhỉ? Cả ba yếu tố hình thành nên con người đều vận động, thay đổi mỗi ngày. Thì cớ sao bạn lại ngạc nhiên khi con người thay đổi?

Chúng ta, những con người vẫn luôn thay đổi mỗi ngày đấy thôi, tôi cũng vậy và bạn cũng thế, chẳng ai phủ nhận được điều này cả. Nếu ai đó mang cái nhìn quá khắt khe về sự thay đổi chứng tỏ người đó không thể hiểu được cuộc sống này cần điều gì. Bản chất bên trong con người luôn mong đợi sự thay đổi nhưng mỗi khi cất lời lại bảo rằng chán ghét sự đổi thay.

Có bao giờ bạn muốn ngày mai mình đẹp đẽ hơn hôm nay chưa? Có bao giờ bạn muốn năm sau mình kiếm được 20 triệu mỗi tháng thay vì chỉ 10 triệu như năm nay? Hoặc có bao giờ bạn mong muốn một điều xấu xa nào đó sẽ bị trừng trị và không còn trên cõi đời này không? Vâng, tất cả những điều đó do sự thay đổi mà ra đấy bạn ạ. Không có sự thay đổi thì thế giới này chẳng có gì để bạn có thể sống vì nó cả. Vì vậy, bạn hãy nên hiểu rằng sự thay đổi là hết sức cần thiết và là một chuyện tất yếu diễn ra liên tục, đều đặn mà bạn không thể làm gì để ngăn cản nó được.

Bạn hay than thở rằng một người nào đó thay đổi. Nhưng bạn không hiểu rằng nếu người đó mang suy nghĩ như bạn, họ cũng đánh giá bạn tương tự. Bản thân con người tốt hơn hay xấu đi cũng nhờ sự thay đổi, và tốt hay xấu cũng đều là một khái niệm tương đối mà thôi. Một người, một việc có thể tốt với người này, nhưng không tốt với người kia. Có thể tốt trong hoàn cảnh này, nhưng không tốt trong hoàn cảnh kia. Bản thân tôi cũng thế, tôi có thể là tốt, là chuẩn mực trong mắt một số người, nhưng một số khác thì trái ngược, hoặc tôi đã từng gặp những người đối xử rất tốt với mình nhưng với kẻ khác thì ngược lại. Vậy ai là người thực sự tốt? Và thực sự tốt mãi?

Tôi thường xuyên tự nhìn lại bản thân mình, tự cảm thấy mình thay đổi, thay đổi rất nhiều. Tôi bây giờ khác tôi của năm trước, thậm chí của tháng trước, ngày trước. Khác nhiều hay ít đó tùy thuộc vào mỗi người. Có phải cứ khác nhiều thì là xấu và không khác gì thì là tốt đâu? Đôi lần tôi thấy có những suy nghĩ trong quá khứ của mình mà đến giờ tôi tự cho nó là sai trái, và suy nghĩ của tôi bây giờ đang chống lại chính cái suy nghĩ ngày trước. Và tôi tin chắc chắn bạn cũng có, đúng không?

Vì thế, bạn cần hiểu rằng sự thay đổi là rất bình thường và cần thiết với cuộc đời này. Bạn nên tập cách đón nhận hơn là đánh giá và than vãn về nó. Biết đâu sự thay đổi của một người bạn làm cho bạn hoặc họ tự thấy bạn và họ có hợp nhau không? Hay sự thay đổi của một kẻ trước đây bạn chẳng muốn quan tâm lại làm cho họ trở thành người bạn tốt. Biết đâu việc người yêu bạn thay đổi sẽ mang họ đến một người phù hợp với họ hơn là bạn, hoặc ngược lại… Mọi thứ trong cuộc đời này xảy ra đều có nguyên do và có một lẽ hết sức tự nhiên đó là sự phù hợp. Mọi thứ sẽ tự tìm đến sự phù hợp cho chính bản thân nó theo lẽ tự nhiên nhất mà nó cần phải có.

Hãy cứ trải nghiệm cuộc sống, hãy cứ để mọi thứ thay đổi vì đó bản chất của cuộc đời. Đừng bao giờ cố gắng đi ngược với tính tự nhiên. Nếu bạn thấy một sự thay đổi nào đó là xấu, hãy tác động và cải biến nó. Nếu bạn thấy sự thay đổi nào đó là tốt, hãy tác động và bồi đắp nó. Đó mới là việc bạn có thể làm.

Tác giả: Lê An NevaDie

*Featured Image: KaiPilger

Việc đầu tiên cần làm khi tiếp cận các vấn đề đạo đức

0
*Photo: Ewitsoe

 

Nhân dịp kết thúc dạy môn Ethics in IT ở Đại học FPT, đăng bài dịch này để biết đâu giúp ích được bạn bè đôi chút khi tranh cãi trên facebook.

Ngày nào chúng ta cũng phải đối mặt vối vô số các vấn đề về đạo đức mà chúng ta buộc phải bày tỏ chính kiến, mở mắt là thấy facebook hoặc những trang báo sáng đầy rẫy những tít giật gân. Đến cơ quan thì nào là nhân viên trốn việc, khách hàng chưa trả tiền, sản phẩm lỗi cần thu hồi…. Đạo đức đuổi theo chúng ta đến sân chơi của bọn trẻ con, và chúc chúng ta ngủ ngon từ màn hình TV thời sự buổi tối. Suốt ngày chúng ta cãi nhau về đạo đức của chính phủ, của dân làm ăn, của các thầy cô giáo, về quyền của người nghèo, hay những ngôi sao.