19.3 C
Da Lat
Thứ Bảy, 12 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 285

Tản Mạn Về Chuyện Thần Tượng

*Photo: Adrian Steirn

 

Ta thường có phản xạ mạnh khi ai động đến thần tượng của mình. Nhiều khi giận mất khôn, cải vã ngây ngô đến buồn cười. Hình như bản tính rất phổ biến này không tùy thuộc nhiều vào dân tộc, tuổi tác, quan điểm chính trị, hay cả học vấn. Theo nhận xét rất giới hạn của tôi thì những tay chuyên về khoa học kỹ thuật ít bị ảnh hưởng “ấu tròn, bồ hòn méo” vì cảm xúc hơn một chút, nhưng cũng chỉ một chút thôi. Tuy biết mình cũng không ngoại lệ, tôi vẫn thường châm biếm cái yếu điểm này nơi người khác, nhất là khi bàn về chính trị, lịch sử. Cái note Ấu Bồ Hòn của tôi làm nhiều người, thân cũng như sơ, rất xùng nhưng chưa ai có phản bác gì hợp lý cả. Cười đùa người khác là tính xấu, nhưng đã quen nết rồi. Thôi thì đành biện minh rằng làm thế không chỉ để tiêu khiển, mà để góp phần cải thiện chất lượng của cuộc tranh luận.

Hôm trước vừa đi leo núi, vừa tán dóc với một thằng bạn Mỹ. Tôi kể cho nó chuyện mình hì hà với đồng hương trên mạng. Nó chê là tôi đánh lén. Tôi trố mắt, “Tên tuổi hình ảnh tao rõ ràng. Rút súng nã đạn ngang nhiên còn hơn John Wayne trong phim cao bồi. Lén lút gì?” Nó giải thích, “Không phải thế. Người ta bày bàn thờ để bạn bè, đồng chí đến chiêm bái, ngưỡng mộ. Mày tình cờ đi ngang, dừng lại cười đùa, báng bổ, rồi chuồn đi. Cho công bằng, mày cũng phải đem bàn thờ của mày ra. Thần tượng của mày là ai? Đừng nói ngông mà dại như mấy em mới lớn là không có thần tượng nhé. Tụi mình đã qua cái giai đoạn đó lâu rồi.”

Tôi gật gù đồng ý rằng dù có gọi là thần tượng hay không, ai cũng có những người làm mình rung động với cái mình cho là chân thiện mỹ. Ai làm ta cảm xúc có thể nói lên ta là người như thế nào. Có lẽ vì thế mà khi thần tượng bị đụng chạm ta hay nổi dóa. Thằng bạn của tôi đồng ý nhưng lại láu lĩnh giàn bẫy, “OK, nhưng mày cũng không được nói thần tượng của mày là Jesus như George Bush nhé.” Câu trả lời của Bush bị nhiều người chế giễu vì giống như em bé trả lời em yêu mẹ em, không sai nhưng chẳng có gì đáng nói. Biết nó đang kiếm chuyện để lý sự, tôi tung đòn phủ đầu trước, ” Không như bọn trí thức nửa mùa tìm cách màu mè để hù mấy em nai tơ mới lớn, Bush thành thật tôn thờ Jesus. Ai cũng biết y rất ngoan đạo.” Thằng bạn tôi khiêu khích, “Jesus? OK. Phật? OK. Muhammad? OK. Rồi sao nữa?” Nó và tôi tranh luận suốt cả cuộc leo núi về một tay chính khách Mỹ.

Những người mà tôi cảm thấy là “thần tượng” phải có cái gì quen thuộc, gần gũi. Nếu không được gặp mặt, nghe tiếng, tôi phải biết người ta qua phim ảnh, sách báo thì mới cảm xúc được. Chỉ biết về lý trí thôi thì cũng không thật sự rung động. Tôi kính phục những người đang hy sinh chống độc tài nhưng không cảm thấy gần gũi vì không biết họ. Người như tôi chính là đối tượng béo bỡ của các cơ quan tuyên huấn. Sau mấy chục năm bị ảnh hưởng bởi văn hóa, giáo dục, cuộc sống và mọi hoạt động tuyên truyền, tẩy não của mọi bên (bên nào tôi cũng tò mò muốn biết họ nói gì), tôi có một số thần tượng.

Người đầu tiên rất đúng với nghĩa đen của hai chữ này. Tượng thì ông có rất nhiều, thần thông thì tương truyền cũng ghê gớm lắm. Ông tên hiệu là Thích Ca, chết lâu rồi. Tôi lớn lên với hình bóng ông trong gia đình. Bây giờ nhận ra là từ lâu cảm xúc của mình đối với ông giống như con em với thầy, với cha hơn là tín đồ với giáo chủ. Có nhiều điều tôi vẫn chưa thông, vẫn nghi ngờ, nhưng nói chung thì ông là thần tượng pít-ti gút của tôi.

Hai người tôi rất kính mến thì cũng vừa mới qua đời, cả thế giới đều có nhắc đến. Hai ông Võ Nguyên Giáp và Nelson Mandela đều có dính dáng đến độc tài cộng sản là điều tôi không ưa nhưng cũng hiểu. Ông Phi đến cuối đời vẫn hết lòng với những đồng chí từng cùng tranh đấu chống thống trị, Fidel Castro và Robert Mugabe, mà không chấp nhận sự thật rằng những tay này đã trở thành độc tài, tham quyền, hại dân. Ông Việt thì một đời tận trung với Đảng, ngay cả khi trên thực tế Đảng đã trở thành một đảng cướp. Nhưng cuộc đời và nhân cách của hai ông thì tôi khâm phục lắm. Ông Việt thì tôi có viết một cái note về suy luận của mình. Ông Phi thì chưa có dịp. Có thể sẽ có người khách quan vô tư nhận xét rằng ảnh hưởng và tiếng tăm của ông Phi phải để trên hàng ông Việt nhiều. Hà hà, đây là danh sách của tôi, và tôi là người Việt.

Chưa chết, còn đang chạy lòng vòng với chúng ta thì có ba nhân vật. Lớn tuổi nhất là ông Jimmy Carter. Tôi rất ngưỡng mộ những hoạt động của ông sau ngày tái ứng cử không thành. Ông quả là người tận tụy vì lý tưởng dân chủ, tự do, không màng danh lợi. Sau ông, cũng như trước ông, chưa có tổng thống Mỹ nào về hưu mà lại vẫn lăn lóc, miêt mài với số phận dân nghèo trên thế giới.

Nhỏ tuổi hơn là Đức Dalai Lama. Ông có nhiều bài diễn thuyết, nhiều sách rất hay. Cách ông ứng xử với Trung Quốc, kẻ xâm lăng Tây Tạng đang cố đồng hóa dân ông, khiến tôi phải suy nghĩ và cảm phục. Nhưng tôi chọn ông là thần tượng không phải bằng đầu óc. Ông hiền hoà, vui tính và để lại trong tôi một ấn tượng thật sâu nhưng khó tả. Giống như tình yêu, hay như bị ma ám, không giải thích được nhưng mổi lần nghĩ đến ông tôi lại mĩm cười. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng tiếng tăm như cồn, nhất là trong hàng trí thức Âu Mỹ, tư tưởng thì cũng giống như Dalai Lama, nhưng tôi lại không có cảm xúc đặt biệt gì về thầy. Chọn một trong hai, tôi chọn ông Tây Tạng.

Trẻ nhất và xinh nhất là bà Aung San Suu Kyi. Môt người phụ nữ quả cảm, tay không tấc sắt mà kiên trì chống lại môt tập đoàn quân phiệt. Giam chặt, giam lõng, họ vẫn không thể khuất phục được bà. Cả thế giới kính phục bà. Nhưng riêng tôi thì không biết nhiều, nghe nhiều về bà như về ông Mandela. Chỉ vì bà đẹp quá, một vẻ đẹp vừa thông minh, vừa dịu dàng, kín đáo, nên đàn ông như tôi rất ái mộ. Tôi phải đưa bà lên làm thần tượng của mình.

Hiện nay thì danh sách thần tượng của tôi chỉ có thế. Còn có ba nhân vật rất thú vị nữa. Hai vị tôi vẫn còn chần chờ. Người thứ ba thì tôi sẽ nghe theo thằng bạn mà cho là tạm thời chưa đủ tiêu chuẩn để cứu xét.

Người thứ nhất thì rất khó cho tôi. Ông chết lâu rồi. Bí ẩn, nghi vấn lịch sử còn nhiều rối rắm. Theo những người tin yêu ông cũng như theo một ít dữ kiện khách quan thì ông là người tận tụy hy sinh, vì dân vì nước không thua gì Nelson Mandela. Rất nhiều người khác lại cho ông là hiện thân của ác quỷ. Dù sự thật có thế nào đi nữa thì có hai vấn đề khiến ông khó có thể đứng cùng hàng với Mandela và Aung San Suu Kyi trong lịch sử nhân loại. Thứ nhất là ông chọn lầm đường. Đến đầu thâp niên 1960 thì người sáng suốt phải nhận ra là đã lầm đường. Thứ hai là hậu duệ tinh thần của ông quá tệ. Dù ý nguyện và ước mơ chân thật của ông có tốt như thế nào thì thực tế đã và đang rất phũ phàng.

Nhưng khi nói đến cá nhân thì tôi bao giờ cũng đặt tâm niệm và nhân cách lên hàng đầu. Vì vậy mà vẫn lưỡng lự, không biết đến bao giờ. Nhưng chắc chắn là ông không bị thiệt hại gì vì sự biếng nhác, kém trí của tôi. Đã có một thành phố lớn mang tên ông rồi. Ai căm ghét ông đến đâu, dù đúng hay sai, khi đến nơi này trên những chuyến bay quốc tế đều phải nghe, phải đọc mấy chữ Thành Phố Hồ Chí Minh.

Người thứ hai thì ngược lại, quá dễ dàng. Lý do duy nhất mà ông không, hay đúng ra là chưa, nằm trên danh sách thần tượng của tôi là vì ông mới xuất hiện. Từ khi cả thế giới biết đến ông, những việc ông làm, những điều ông nói đều khiến tôi hết sức ngưỡng mộ, tâm phục, khẩu phục. Ông chính là Đức Giáo Hoàng Francis, đương kim giáo chủ của Thiên Chúa Giáo La Mã. Trong hoàn cảnh này, trong truyền thống đó mà ông đã như thế thì không chừng trong hai mươi năm nữa ảnh hưởng tích cực của ông với nhân loại sẽ vượt qua tất cả những thần tượng khác của tôi (phải nói thêm là trừ Phật Thích Ca cho phải đạo, hè hè.)

Nhân vật bị loại là anh Barack Obama. Tôi rất thích suy nghĩ của anh, vẫn nghĩ anh là người rất có tâm hồn. Nhưng anh làm ăn hơi bết bát. Anh lại bị mất điểm vì tôi bắt đầu ngông nghênh nghĩ rằng tôi có cách làm hơn anh trong vài việc quan trọng. Thằng bạn tôi thì tin rằng anh đã theo tiền nhiều hơn là theo dân. Tôi phải đồng ý là để xem sau này anh Barack có được như bác Jimmy không rồi mới xét lại.

Danh sách thần tượng của tôi vắng bóng các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ. Không phải tôi thiếu cảm nhận hay rung động với họ. Như hầu hết mọi người, tôi say mê với sách truyện, thơ nhạc hay. Tôi nghĩ mấy ông tổ của cơ học lượng tử đã làm nên một tác phẩm vĩ đại hàng đầu của nhân loại sau nhiều tranh cải và thay đổi tư duy rất cơ bản. Ngay cả Albert Einstein, nhà bác học số một ai cũng biết, đến lúc chết hơn hai mươi năm sau khi quantum mechanics đã hình thành vẫn không chấp nhận cái tư duy mới với câu nói nổi tiếng “Thượng Đế không thảy hột xí ngầu.” Trí tuệ siêu đẳng như Einstein mà vẫn không chấp nhận cái tư duy cơ bản của khoa học hiện đại, cái mà chính ông đã góp phần xây dựng làm tôi không khỏi không liên tưởng đến Mandela và Võ Nguyên Giáp với những điểm thiếu sáng suốt của họ – Nhân vô thập toàn.

Thay đổi tư duy vật lý, thay đổi cuộc sống của nhân loại một cách sâu xa. Có thể nói không chút ngượng ngập hay châm biếm, cơ học lượng tử là đỉnh cao của trí tuệ con người. (Theo chủ quan của tôi thì tất cả những tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội hoạ, điêu khằc… đều chỉ được đứng ở hàng hai thôi. Đỉnh đầu đã bị chiếm rồi, hà hà.) Thế nhưng tất cả những sản phẩm của trí tuệ và tác giả của chúng đều không thể thay thế những người dấn thân, đứng mũi chịu sào, lăn lóc với dân bát nháo để cải thiện cuộc sống. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

Người Việt lại đặt biệt cần phải cảnh giác với những sản phẩm tư tưởng chưa được thực tế thử thách. Nhiều người có tâm huyết hình như cũng đang “ra đi tìm đường cứu nước”. Bước ra từ trong bóng tối, dễ bị choáng ngợp bởi nhiều ánh đèn. Một bà Nga viết vài cuốn tiểu thuyết, một ông giáo sư kinh tế được vài giải thưởng với vài cuốn sách. Dù có hợp khẩu vị cũng đừng coi đó là kinh điển chính trị kinh tế. Chính trị và kinh tế đầy rẫy những lý thuyết hay giáo điều nửa đúng nửa sai. Ông này, bà kia luôn mồm tranh luận. Từ thời tổng thống Truman đến nay vẫn chưa tìm được nhà kinh tế học một tay nào có thể phán quyết chắc chắn để làm cố vấn cho hữu hiệu. Những cái gì xã hội tự do dân chủ chưa thử qua và chấp nhận ta đừng vội vã ôm vào dù nó nghe êm tai, hợp với cảm tính mình.

Một trăm năm trước, thành lập công đoàn, luật lao động bảo vệ người công nhân, đoàn kết chống tư bản bóc lột nghe hay lắm chứ. Trong lúc những nước có nền tảng dân chủ vững chắc thử nghiệm và chọn lọc, ông Hồ Chí Minh thấy Marx hay quá nên ôm nguyên trọn bộ kinh điển về khiến sau này đất nước hoà bình đã lâu mà vẫn tụt hậu, lại mắc vào cái ách độc tài. Ta đừng quên bài học đó. Có được một thể chế dân chủ rồi, ta tha hồ tranh cãi, thí nghiệm, và chọn lọc. Chưa có dân chủ thì vẫn còn lòng vòng trong bóng tối, lâu lâu lại chói mắt vì ánh đèn xanh đỏ bên ngoài.

Chuyện thần tượng tưởng chừng ngắn gọn nhưng lại cũng dài dòng.

 

Chanh Nguyen

Chuyện Xứ Khác….

*Phôt: Báo Tuổi Trẻ Cười

 

Chuyện xứ khác, dĩ nhiên là chuyện diễn ra ở… xứ khác, có thể đây là chuyện ở một đất nước khác, một hành tinh khác hoặc là một vũ trụ khác… chứ hoàn toàn không phải ở nơi ta đang sống. Nếu có một sự trùng hợp nào đó thì dĩ nhiên đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.

Ý nghĩa thật sự của hai chữ “phản động” đã bị bóp méo như thế nào

Photo: Think Squad

 

Đã theo dõi nhiều cuộc tranh luận trên diễn đàn BBC, tôi nhận thấy những ai bênh vực cho chế độ hiện hành thường kết luận những ý kiến khác là “phản động”, hoặc “nói xấu tổ quốc”. Ở đây tôi xin mạn phép nói về nội hàm của hai chữ này.

Từ điển Hán Việt Thiều Chửu trang 55 định nghĩa: “Động (1) động, bất cứ vật gì, không bàn là tự sức mình, hay tự sức khác mà chuyển sang chỗ khác, đều gọi là động”. “Phản” có khá nhiều nghĩa, nhưng có thể hiểu đơn giản là chống lại, đi ngược lại. Kết hợp hai chữ này ta có một định nghĩa về ngôn ngữ học như sau: Phản động là chống lại với sự thay đổi do tác động của nội lực hay ngoại lực khách quan. Ví dụ như nếu tồn tại một nguyên tử đứng yên không chuyển động thì nó phản động, vì bản thân nó và sức hút của những nguyên tử khác tạo ra những lực bắt nó phải chuyển động.

Đi theo đám đông là đang tự biến mình thành những kẻ lố bịch

*Featured image: Zing News

 

Cuối cùng thì vụ hôi bia ở Đồng Nai cũng đã “vinh dự” được lên báo nước ngoài. Anh tài xế thì đang có nguy cơ ngồi tù. Hẳn sẽ có nhiều người tham gia vào “cuộc vui” đó đang rất xấu hổ vì hành động của mình.  Mà thật ra không cần phải đến mức như thế họ mới phải xấu hổ, nếu ai biết sử dụng internet thì những chỉ trích dồn dập của cư dân mạng tuần qua cũng đủ khiến họ phải tự xem lại mình.  Nhưng cũng phải nghĩ một chút cho họ, liệu rằng những người chỉ trích kia và cả chúng ta nữa, nếu có mặt tại hiện trường có tham gia vào vụ hôi bia đó không?

Đi Tìm Giá Trị Của Bản Thân

*Photo:  DCL Michael Maslan Historic Photograph

 

Và tôi lại suy nghĩ về giá trị của mỗi con người. Con người thì hẳn nhiên không phải là một kim loại có những đặc tính cố định. Và giá trị của mỗi con người thì không thể nào chỉ nói đến “giá trị sử dụng” Nhưng chung quy vẫn là một câu hỏi, “Giá trị của mỗi người từ đâu mà có, do ai xác định và tồn tại đến khi nào?”

Có lẽ cuộc sống là sự kiếm tìm, lưu giữ và lãng quên

 *Photo: Oksana

 

Đông đến rồi.. Trời cũng bắt đầu lạnh hơn. Dường như cái cảm giác se lạnh của đêm đông khiến một số người hạnh phúc trong hơi ấm yêu thương rạo rực. Nhưng mấy ai hiểu được cái giá buốt của mùa đông cũng đang âm thầm khiến cho một số người thấy chạnh lòng và thoáng buồn hơn… Đơn giản vì họ cô đơn. Đêm đông giá lạnh nhưng trái tim họ còn nguội lạnh hơn, tựa như một tảng băng đang khao khát từng tia nắng xuân sưởi ấm lòng mình.

Càng khi cô đơn con người ta mới biết rằng mình đang nhớ quắt quay một điều gì đó, một người đặc biệt nào đó đã hoặc đang đi bên cuộc sống của mình… Thực ra, định mệnh vốn không quá khắc nghiệt với những thứ na ná tình yêu. Chỉ là trái tim vốn chẳng có nhiều không gian cho những xúc cảm chưa chín tới. Được gặp nhau một lần là duyên, nhưng để ở cạnh nhau người ta cần phận. Đành dặn lòng đừng trách ai, cũng đừng trách mình nữa. Chỉ là, cái gì đến cũng sẽ đến thôi…

Tình yêu… Ở độ tuổi nào cũng có những cung bậc của cảm xúc, của yêu thương. Có những yêu thương kết thúc khi ta chưa bắt đầu, có những yêu thương dừng lại khi mới ở điểm xuất phát của nó, có những yêu thương vẫn đang còn đó chưa bắt đầu cũng chưa thực sự kết thúc… Đó là cái yêu thương đem lại cho ta sự hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi; đôi khi là sự giận dỗi, thất vọng vì sự mong ngóng đợi chờ mãi không được đền đáp.

Ta có đòi hỏi quá nhiều không khi yêu thương ta đang trao vẫn thật nhiều. Ta có hi vọng quá nhiều không khi niềm tin ta trao là chân thành. Sẽ chẳng ai hiểu được ta khi cả hai không một ai chịu lên tiếng… Ta là con gái, ta ngại. Bạn là con trai, bạn sợ…

Đôi lúc thấy rất nhớ! Nhớ người bạn đã từng giúp ta, từng cùng ta cười tan bao âu lo trong cuộc sống này… Nhưng nhớ rồi cũng chỉ để nhớ thôi, ta im lặng bạn cũng im lặng và chắc là chúng ta sẽ xa cách trong im lặng… Hình như ai cũng có tự trọng, ai cũng có cái “tôi” quá lớn nên chẳng ai chịu nên tiếng trước cả… Nhớ lại ngày xưa đó sao mà nhiều niềm vui, và nhớ lại ngày hôm nay sao lại càng xa cách. Có lẽ giống nhau quá cũng là một nỗi khổ. Nhìn nhau trong im lặng và ra đi trong im lặng mà lòng ai đau nhói… Buồn và thật buồn!

Có lẽ cuộc sống là sự kiếm tìm, lưu giữ và lãng quên trong bản thân mỗi người. Ở đó… có nhớ và quên. Và dường như hạnh phúc luôn dễ bị lãng quên hơn là niềm đau. Bất chợt ta tự hỏi mình rằng: liệu bạn đã thật sự bị quên lãng trong ta chưa? Ai rồi cũng có lúc yếu lòng, có lúc thấy mình trống rỗng và lạnh lẽo. Bởi tình yêu vốn dĩ chưa bao giờ là một thứ vĩnh cửu. Chỉ có sự trân trọng, quan tâm và biết mình cần có nhau trong cuộc đời này mới là điều mà mỗi chúng ta nên tin là bất biến!

Ta lại nhủ lòng: Tình yêu thà thiếu chứ đừng dễ dãi, cũng đừng quá nôn nóng. Lúc có tình yêu nên đối xử với nhau thật tốt, lúc không có tình yêu thì cố gắng một mình vẫn vui vẻ. Phải tự mình học cách sống độc lập cho dù bên cạnh có người yêu hay không, dù có tình yêu hay không cũng nên đối xử thật tốt với bản thân. Cuộc đời này sẽ chẳng ai tốt với ta hơn chính ta đâu!

Ta lại trở lại là ta không tô vẽ. Trở lại với hiện thực cuộc sống, với năm tháng tuổi trẻ, với cống hiến cho công việc bộn bề để quên đi những buồn thương sầu não. Khoảng lặng nhỏ thôi, nhưng hãy để khoảng lặng ở nơi trái tim mình.

 

Khoảng Lặng

Vọng tưởng là gì và tác hại của nó đối với đời sống con người

*Photo: Brit.

 

Vọng tưởng (tưởng sai lầm), là từ chỉ chung cho những gì xuất hiện trong tâm ngoài cái biết của mình.

Ngày tôi mới theo Hòa thượng học thiền, tôi nhặt được một chú mèo con còn chưa mở mắt. Tôi nuôi nó bằng ống kim với sữa bò cho đến ngày nó lớn. Lần nào nó sinh, tôi cũng phải ngồi vuốt lấy sống lưng cho nó. Nó hiền lành dễ thương. Nuôi ba đứa con mà còn kiêm luôn ba đứa cháu. Nhưng chưa được mấy ngày thì nó bị người ta thuốc chết. Tôi tìm thấy xác nó ở gầm xe. Máu còn loang nơi khóe miệng. Mắt mở trừng trừng, sáu đứa con khát sữa kêu inh ỏi.

Kẻ đáng xấu hổ nhất thì đã không còn biết xấu hổ

Mấy ngày nay từ báo chí lề đảng đến cộng đồng mạng đều nhảy vô xỉ vả những người nhân việc chiếc xe tải chở bia bị lật đã xúm vào cướp của người bị nạn. Một hành động dù nhìn ở góc độ nào cũng đáng lên án bởi nó quá phản cảm và vô nhân. Thế nhưng có khi nào chúng ta suy ngẫm lại vì sao thời nay lại xảy ra những việc đáng xấu hổ này? Phải chăng người Việt chúng ta xấu xí từ trong bản chất? Câu trả lời của tôi là “không phải” bởi nội cái chuyện chúng ta tồn tại cho đến ngày nay khi đứng kế bên một anh hàng xóm hùng mạnh, nhiều mưu mẹo và luôn tìm đủ mọi cách thống trị để đồng hóa nhưng vẫn chưa thành công là một minh chứng người Việt không xấu.

8

 

Cha ông ta từng lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, phải luôn đoàn kết để giữ gìn và phát triển văn hóa Việt cho đến bây giờ thì nhất định cái tốt đẹp là có thật. Những chuyện giết người, cướp của, hiếp dâm còn đáng sợ hơn việc cướp bia rất nhiều lần vẫn đang diễn ra hằng ngày, và gần như chỉ trở thành thường nhật, lúc nào cũng có ngay trong thời buổi này, thời buổi mà người ta luôn tuyên truyền là thờ “đẹp nhất, nhân ái nhất, dân chủ nhất” để tiến lên một chốn đầy tính phĩnh phờ có tên gọi chủ nghĩa xã hội. Ai là người phải xấu hổ hiển nhiên chúng ta đã biết, vấn đề là chúng ta đang hùa theo kẻ kẻ đáng phải phỉ nhổ kia, để chửi bới không tiếc lời một hiện tượng, mà nếu không có những suy đồi của “chính danh thủ phạm” thì cái hiện tượng cướp cạn kia cũng không có hoặc ít hẵn đi!

Hơn ba năm trước tôi có quen với một cô gái xinh đẹp, mãnh mai, yếu đuối. Cô ấy quê ở một tỉnh miền Tây lên Sài Gòn làm thợ sửa móng tay. Nhưng rồi gia cảnh dưới quê quá đổi ngặt nghèo: gia đình không có đất canh tác, cha chạy xe lôi bị mất xe chuyển qua chạy xe ôm bị tai nạn, mẹ bán gánh bị trật tự đô thị đuổi đánh… Đường cùng, cô nghĩ đến lời rủ rê của một cô bạn gái rằng qua Sing dễ kiếm tiền, tất nhiên cái đánh đổi là thân xác.

Trước khi đi, cô rủ tôi đi uống cà phê và kể tất cả. Tôi im lặng nghe, rồi hỏi: Em qua đó sao nói chuyện được? Bên đó người ta dùng tiếng Anh. Cô nói: Em biết được… vài chục chữ, như Yes, No hay You give money me!!! Cô hỏi: Anh khinh em đúng không? Anh xấu hổ vì đã quen biết em đúng không? Tôi chỉ biết lắc đầu, hoàn toàn bất lực. Đúng, tôi xấu hổ, không phải vì việc làm can đảm, có tính tận hiến như cô, mà xấu hổ cho cái đất nước này!

13

Cướp giết hiếp, hôi của, các cô gái thì đem thân làm gái xứ người, đó là chuyện hằng ngày hiện nay tại Việt Nam. Kẻ đáng xấu hổ nhất thì đã không còn biết xấu hổ bởi họ đã đạt đến cái thượng thừa nhất của sự nói dối, mà khi đã là “vua nói dối” mà đòi hỏi phải xấu hổ thì đó chính là điều xa xỉ. Vậy thì ai đáng phải xấu hổ? Tôi nghĩ là tôi, kẻ có đọc vài ba cuốn sách, ưa ngẫm ngợi sự đời mà cứ co đầu rụt cổ, không dám nói lên, kêu lên cái quyền được xấu hổ của mình để mà đòi những quyền lợi khác!

 

 

Nguyễn Đình Bổn

Photos: Zing News

Điều gì đã khiến chúng ta phải lưỡng lự?

*Photo: d2francis2

 

Đã bao giờ bạn chạy xe ngoài đường, thấy một vụ tai nạn hoặc một trường hợp éo le nào đó và lưỡng lự không biết mình có nên dừng xe lại để giúp họ hay không? Tôi tin rằng hầu hết trong chúng ta ai cũng đã từng ít nhất một lần gặp tình huống như thế.

Tôi đã từng chạy xe suốt mấy vòng trên đường Võ Thị Sáu và Trần Quốc Thảo chỉ vì lưỡng lự không biết mình có nên dừng xe lại để hỏi thăm một bà cụ đang ngồi khóc một mình bên vệ đường hay không. Cuối cùng lựa chọn của tôi là tấp xe vào. Hỏi ra mới biết bà cụ mới bị giật mất xấp vé số gần 1 triệu đồng. Sau tôi có khoảng 5,6 người dừng xe lại và hỏi thăm bà cụ. Sau khi biết chuyện, mỗi người góp một ít tiền để bù đắp sự tổn thất của bà cụ.

Lúc này bà vẫn ngồi khóc nức nở như một đứa trẻ vậy. Có một anh kia thực sự làm tôi rất ấn tượng mặc dù anh chỉ là công nhân (tôi đoán qua trang phục của anh). Sau khi móc trong ví tờ 50 ngàn đưa cho bà, anh lưỡng lự một chút rồi lại lấy thêm tờ 100 ngàn và đưa tiếp. Tôi quan sát thì thấy đó là tờ tiền cuối cùng trong ví của anh.

Nếu có bạn nào tò mò về việc tôi đã cho bà cụ bao nhiêu tiền thì tôi sẽ trả lời một cách thành thật, đó là không một đồng nào cả vì lúc đó tôi không mang tiền. Đôi lúc điều chúng ta cho đi không nhất thiết phải là tiền bạc hay vật chất mà đơn giản chỉ là sự an ủi và động viên đúng lúc. Vậy điều gì đã khiến chúng ta phải lưỡng lự?

Sợ người khác chê cười

Đám đông luôn là một thứ gì đó rất đáng sợ, và họ sẽ luôn tìm mọi cách để hạ thấp bạn cho dù việc bạn làm có tốt đến mấy đi chăng nữa. Có thể khi dừng xe lại giúp người khác, sẽ có những kẻ cho rằng bạn chỉ lo chuyện bao đồng. Nhưng chỉ khi lâm vào hoàn cảnh đó, họ mới hiểu rằng sự giúp đỡ của bạn quý giá đến nhường nào.

Việc này cũng giống như câu chuyện trong lớp học khi giáo viên hỏi một câu hỏi đơn giản và bạn xung phong trả lời. Nếu bạn trả lời đúng: “Dễ vậy ai trả lời mà chẳng được.” Còn khi câu trả lời của bạn không đúng “dễ vậy mà trả lời cũng không xong.” Và có một sự thật là với câu hỏi “dễ” đó chưa chắc họ đã trả lời được.

Bạn thấy đó, sẽ luôn có những người luôn muốn hạ thấp những việc làm tốt của bạn mặc dù trong thâm tâm họ cũng muốn làm được điều mà bạn đã làm được. Vì vậy hãy luôn kiên định và tự hào với sự lựa chọn của bạn.

Sợ bị lừa, sợ mang vạ vào thân

Trong mỗi con người chúng ta luôn có những nỗi sợ nhất định, nhất là khi nhìn thấy những người khác đã gặp những trường hợp như vậy. Nỗi sợ này càng được củng cố khi hàng ngày chúng ta đọc những thông tin về những vụ lừa đảo, bị hành hung khi giúp đỡ người khác trên báo chí. Có nhiều người sau khi đọc những thông tin đó liền bảo rằng: “Xã hội như vậy thì làm sao dám giúp đỡ người khác nữa đây.” Trong khi thực tế thì một phần không nhỏ trong số họ hầu như chẳng bao giờ giúp đỡ người khác. Thế đấy!

Tất nhiên là khi giúp đỡ người khác, bạn có thể bị lừa hoặc gặp phải một số tình huống bất lợi khác, tôi không phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu được rằng những con người khó khăn ngoài kia đang rất cần đến sự giúp đỡ của bạn thì bạn có thể vượt qua được nỗi sợ hãi đó. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện:

“Một buổi tối nọ tôi về nhà khá khuya, lúc đó khoảng 11 giờ đêm. Lúc vừa đi ngang qua ngã tư An Sương một chút thì có một anh tài xế taxi hoảng hốt chạy vào vỉa hè và liên tục kêu “Giúp em với, giúp em với, tụi nó đòi đánh em.” Tôi ngay lập tức dừng xe lại, lúc đó chỉ có khoảng vài người đang ở vỉa hè. Tôi nhìn ra đường thì thấy hai người đàn ông đang rất hung hăng chửi bới bên cạnh chiếc taxi đang dừng trên làn xe ô tô, bên cạnh là chiếc xe máy của họ nằm bên cạnh.

Hai người đàn ông, có vẻ như đã say xỉn, chạy ngược chiều trên làn xe ô tô và đã đâm vào xe taxi. Hai người họ vẫn rất hung hăng, liên tục dùng chân đá vào xe và  liên tục dọa nạt: “D.M, mày vô đây tao đập chết mẹ mày”. Anh taxi thì liên tục van xin những người ở vỉa hè vào giúp anh, gương mặt của anh lúc đó mếu máo như muốn khóc.

Lúc đó tôi rất muốn giúp anh, và thật sự thì lúc đó tôi đã rất sợ. Sau một hồi lưỡng lự, tôi đã quyết định giấu hết nỗi sợ hãi của mình và nói với anh: “Anh vào với em thử xem sao”. Tôi đi ra với anh tài xế taxi và hỏi có chuyện gì vậy thì hai người đàn ông hỏi “Mày là thằng nào?” Và xô tôi một cái rất mạnh làm tôi loạng choạng. Đang trong lúc hoang mang không biết phải làm gì tiếp theo thì lúc đó hai người đang đứng trong trong vỉa hè lúc nãy đã đứng sau lưng tôi và lớn giọng: “Tụi mày làm gì vậy?”. Cảm thấy yếu thế, hai người đàn ông lúc này đã bớt hung hăng và nhẹ giọng hơn. Một lúc sau thì có nhiều người đi đường thấy việc bất bình nên dừng lại, số người đứng về phía anh ngày một đông hơn. Cảm thấy không ổn, hai tên này tính đánh bài chuồn nhưng đám đông đã giữ họ lại. Sau đó một lúc thì công an cũng tới và dẫn hai tên về đồn.

Hãy trở nên khác người

Chúng ta đều biết rằng mỗi một phút có rất nhiều phương tiện chạy qua một khúc đường nào đó, tuy nhiên lại chỉ có rất ít người dừng lại để giúp đỡ một người nào đó đang gặp khó khăn. Vậy nên họ là những con người “khác người”, tất nhiên là theo ý nghĩa tích cực. Thi thoảng chúng ta bỏ qua hành động giúp đỡ người khác chỉ vì nghĩ rằng sẽ có một người nào đó tới sau bạn sẽ giúp họ. Nếu tất cả mọi người đều nghĩ giống ta thì sẽ như thế nào? Và tại sao người đó không thể là bạn?

Chúng ta đang sống trong một xã hội bị chi phối quá nhiều bởi đám đông, vì vậy đừng bao giờ cố gắng chỉ để làm một người bình thường. Hãy trở nên khác thường, hãy làm những điều mà bạn tin là đúng cho dù đôi lúc nó hơi kì quặc một chút. Bởi vì, những việc làm khác thường có thể tạo nên những điều phi thường. Và sau cùng, tôi sẽ cho bạn biết một bí mật. Người làm nên điều phi thường đó, hoàn toàn, có thể, là bạn.

 

Snowball

Về lòng biết ơn và mối quan hệ sòng phẳng giữa nhà nước và nhân dân

Photo: Public domain

 

Chúng ta hãy hiểu rằng hành vi biết ơn, hay ghi công gì đấy chỉ nên được dành cho những người đã làm gì đó tốt đẹp cho mình mà mình đã không phải trả công lại cho họ lúc họ thực hiện điều đó và điều đó là một chiều. Ví dụ: Biết ơn bố mẹ, ông bà là điều bình thường, vì họ đã ban cho mình những điều quý báu nhất: cuộc sống, ăn học, vật chất từ nhỏ đến lớn – họ tự nguyện thực hiện những điều đó mà không cần và không nhận đền đáp từ mình một chút nào trong suốt quá trình mình thừa hưởng thành quả của họ. Cũng như không có công cụ bạo lực bắt buộc hay cưỡng chế ta phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng lại. Thế nên Cha mẹ mình thì mình không chỉ tôn vinh mà thậm chí xưng tụng, thờ-bái-vái-lạy cũng chẳng vấn đề gì, vì họ nuôi mình không cần điều kiện, THƯƠNG mình KHÔNG CẦN mình làm gì cho họ.