18 C
Da Lat
Thứ Hai, 14 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 281

Tôi Bỗng Nhận Ra…

Photo: Rocknrollpartyqueen

 

Noel đang dần đến, những cơn gió lạnh đầu mùa mặc sức phả cái lạnh căm vô hồn thổi vào lòng ta một cảm giác khó tả, tựa như nhẹ tênh mà cũng nặng vô cùng. Để rồi khi ngẩn ngơ trước màn sương mờ còn lưu lại chút dấu ấn buổi sớm tinh mơ. Tôi bất chợt nhận ra những điều kì diệu…

Tôi bỗng nhận ra những bộ óc vĩ đại thật tuyệt vời, chúng đưa ta đến thế giới của sự khám phá, của tri thức mênh mông, của bí ẩn đại dương sâu thẳm. Nhưng những trái tim vĩ đại kì diệu hơn, chúng như mùa hè chan hoà ánh nắng sưởi ấm những con tim băng giá bởi bao tàn nhẫn của cuộc đời, chúng như chiếc băng gạt hàn gắn vết sẹo nơi nỗi đau đã chất chứa bao nỗi lòng, có sức mạnh kiên cường thay đổi cuộc đời của một người nào đó.

Tôi bỗng nhận ra hạnh phúc không tồn tại một khái niệm cụ thể nào, không xảy đến trước một hoàn cảnh chắc chắn nào đó, hạnh phúc là những giây phút ta sống cho hiện tại, lãng quên quá khứ khắc khoải lòng, hi vọng về tương lai phía trước. Đó có thể là những khoảnh khắc bên bạn bè đồng trang lứa, trao cho nhau những tiếng cười ngây dại, san sẻ nhau nỗi ưu tư vốn vẫn ngấm ngầm nơi tận cùng con tim.

Gif: Learningtheblues
Gif: Learningtheblues

 

Hạnh phúc ở thật gần mà cũng rất xa, rất đỗi bình dị nhưng cũng vô cùng phi thường. Tôi bỗng nhận ra cuộc sống vẫn tươi đẹp dẫu cho bao nhọc nhằn cứ quẩn quanh những tháng ngày thường nhật. Dẫu cho thời gian khắc nghiệt kia có biến mọi thứ thành tro tàn, dẫu trận cuồng phong có mặc nhiên cuốn phăng đi tất cả. Sơn ca ríu rít tiếng hót chao đảo cành lá, gió mãi miết thổi từng cơn, đâu đó biển hát khúc ca lay động lòng người…

Mọi vật muôn đời vẫn vẹn nguyên hương sắc thuở tinh khôi. Chỉ khi ta mở rộng tâm hồn mình, lặng nhìn mọi vật qua lăng kính lạc quan, ta sẽ thấy được điều kì diệu. Tôi bỗng nhận ra không có gì là vĩnh cửu, tình bạn cũng không thể mãi trường tồn với thời gian. Khoảng cách ẩn chứa sức mạnh khôn cùng không gì ngăn cản nổi. Nó đủ sức làm phai nhoà tình cảm sâu nặng bấy lâu, vô tình xoá tan bao kỉ niệm ta đã cùng nhau từng có, cuốn trôi tấm chân tình phủ kín trái tim thơ…

Nhưng giữ gìn tình cảm đẹp ấy lâu đến nhường nào, ta vẫn cố gắng duy trì, dẫu biết rõ sẽ có lúc chúng tan biến. Tôi bỗng nhận ra mọi thứ sinh ra để rồi kết thúc. Nhưng ắt hẳn tất cả chúng ta đều chọn bắt đầu. Khởi đầu để rồi kết thúc, đó là một hành trình dài. Hành trình dai dẳng ấy sẽ có đau thương, sẽ chất đầy niềm hạnh phúc. Điểm dừng ở phía chân trời xa xôi nhưng cách trở. Chỉ cần có quyết tâm, chỉ cần biết khao khát, biết hi vọng, kết thúc sẽ tựa như thiên đường.

Tôi bỗng nhận ra những cơn gió lạnh mang lẫn nỗi buồn man mác buổi sớm mai làm rạo rực tâm hồn đang nhạy cảm trước sự trôi chảy của thời gian, trước ngã rẽ vô định phía trước, trước dòng hạ lưu đang chảy xiết một cách dữ dội và điên cuồng. Gió vốn vô tình nghiêng ngã nhành cây, gió đâu thể thấu hiểu cõi lòng quạnh không khó cất thành tiếng… Nhưng gió giúp tôi biết cảm nhận cuộc sống xinh đẹp này.

Tháng Mười Hai, mùa cuối của năm. Tháng Mười Hai, tạm biệt những cố gắng đã từng quyết tâm đạt được. Tháng Mười Hai, kết thúc, để rồi bắt đầu một hành trình mới. Cảm nhận những phép màu, ta sẽ trưởng thành hơn…

 

L.W

“Khi nào tuyết rơi giữa Sài Gòn, em sẽ cưới anh.”

Photo: Lauraology

 

Tôi!

Tôi của những ngày tuổi 20, sôi nổi trong nhịp sống nhưng lặng lẽ lúc đêm về.

Tôi của những ngày tuổi 20, ồn ã trong dòng đời nhưng lặng lẽ lúc yêu em.

Hai mươi, tôi biết yêu, biết sai lầm và biết hy vọng.

Nỗi lo của hàng Việt Nam

Photo: Bùi Thụy Đào Nguyên

Trong cái ẩm ướt và buốt giá với những cơn mưa phùn nhỏ của mùa đông, tôi đến với chị, đến với hàng quần áo ở ven chân cầu thang dưới nhà. Và ngạc nhiên, và ngỡ ngàng, và chìm đắm trong suy nghĩ, trong sự trăn trở. Cảm giác không thể gọi tên…

Một lời chào đon đả, một biển sale off to đùng và một sự cảm thấy thiếu thốn mấy cái quần áo ấm cho mùa đông này, tôi đánh bay cái lười mà ghé vào xem. Ngó trước ngó sau, cầm lên thả xuống, tôi đánh bạo hỏi chị mấy câu:

“Quần áo này ở đâu đấy chị?”

“Quần áo của Việt Nam mình đó em, mà sao thế?”

“À, tại em chả thấy mã vạch gì hết, em hỏi xem,mà sao toàn mác quần áo chữ Lào với Trung Quốc thế này chị?”

Chị nhìn tôi tỏ vẻ ngại ngùng, nhỏ nhẹ mà bảo: “Tại họ gắn mác ấy để giảm thuế ấy mà.”

Tôi lắc đầu ngán ngẩm, cũng không hiểu câu nói của chị giảm thuế ở đâu. Chị tiếp lời: “Dán mác này thuế được giảm chỉ còn gần 1/3 thôi em ạ.”

Giật bắn mình mà quay ra chăm chú nhìn chị, mông lung và trống rỗng, thất thần và ngơ ngác, không thể ghép nối các chi tiết trong đầu mình lại. Không biết níu giữ vào đâu để lấy niềm tin.

Trên các mạng xã hội, các diễn đàn , các trang báo chị tràn ngập thông tin “hàng TQ đội lốt hàng Việt” rồi thì “ruột TQ nhãn mác Việt Nam” và cả “hàng tàu dán nhãn hàng ta” thế mà bây giờ lại có trường hợp “hàng ta dán mác hàng tàu”, mượn cái mác của bọn Trung Quốc mà dán vào hàng Việt. Người Việt Nam đang có xu hướng dùng hàng Việt Nam, thị phần của thị trường chia cho hàng hóa Made in Việt Nam ngày càng tăng, chất lượng hàng hóa khi gắn mác Made in Việt Nam ngày càng tốt và giá bán có thể tăng gấp 2 đến 3 lần khi cùng loại hàng hóa đó mà có nhãn mác Made in China.

Hiện nay tâm lý khách hàng có chuyển biến lớn khi dần tẩy chay hàng hóa kém chất lượng và phẩm chất từ Trung Quốc, ý thức người Việt dùng hàng Việt được nâng cao, hàng Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên thị trường Việt lại phải giải tiếp bài toán số 2. Với bài toán số 1 đã làm đau đầu không ít người từ chính phủ hải quan cho đến người bán hàng và cả khách hàng như đại loạn dán mác hàng hóa Made in Việt Nam cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngang nhiên nhập hàng Trung Quốc với nhãn Việt để xuất khẩu ra nước ngoài với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và sẽ làm ảnh hưởng to lớn đến uy tín của hàng Việt Nam xuất khẩu. Lại đến bài toán thứ 2 gay go hơn khi mà hàng Việt Nam đang dần tỏ rõ điểm mạnh lại phải đi nhắm mắt cúi đầu mà dán nhãn hàng Trung Quốc vì số tiền chi trả cho thuế quá cao.

Người tiêu dùng hoang mang lo lắng khi đứng trước thị trường thật giả lẫn lộn, tốt xấu không phân biệt. Hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Việt Nam, hàng Việt Nam lại dùng mác của hàng Trung Quốc. Phải làm sao để bảo vệ người tiêu dùng, phải là sao để bảo vệ hàng Việt, phải làm sao để có thể tạo niềm tin cho mọi người. Những câu hỏi nhức nhối đặt ra đang hi vọng có câu trả lời từ người tiêu dùng, từ hải quan, từ chính quyền.

Thật không biết tin vào đâu nữa? Ôi hàng hóa, bạn xuất xứ ở đâu ra khi tui không thấy nhìn thấy mã vạch trên người bạn.

Người nông dân sẽ không biết tin vào đâu, làm gì mà sống…

Cách hay nhất để thành công

“Một cách hay nhất để thành công trong đời là bắt đầu làm những gì mình thường khuyên người khác.”

– Abraham Lincoln

Im lặng là hèn nhát

“Chúng ta sẽ phải hối hận không chỉ vì lời lẽ và hành động xấu xa của những người xấu mà còn bởi sự im lặng đáng sợ của những người tốt.”

– Martin Luther King

Làm điều đúng

“Lúc nào cũng là thời điểm đúng đắn để làm điều đúng đắn.”

– Martin Luther King

Có nỗi nhớ nào ngang qua

*Photo: Minato

 

Và tôi cứ đợi mãi một chuyến xe

Chúng tôi vẫn thường như thế ngang-qua-nhau như những người lạ. Tôi không biết gì về anh, và dĩ nhiên là không thể hiểu được trong anh như thế nào. Vậy mà cứ ngang qua nhau nhiều lần như-những-người-bạn. Hay mỗi khi trong tôi trào lên thứ cảm xúc lạ lùng nào đó, tôi vẫn chỉ tự nói rằng chỉ là người-lạ thôi . Đó là điều duy nhất có thể khiến tôi ngang qua và không làm ai phải khó xử.

Nó vẫn luôn diễn ra như thế, một cách ngốc nghếch và thành thói quen. Tôi chờ. Chờ cái gì đó đến để tôi không còn trốn chạy bằng câu nói đó nữa. Chờ sự can đảm trong bản thân mình để kh ông ph ải ngang qua kh ông rõ ràng như thế, để tôi không chờ nữa. Kim đồng hồ vẫn chạy, cuộc sống vẫn tiếp tục, tôi vẫn đứng chờ một chuyến xe.

Đó chẳng phải là chuyến xe duy nhất đưa tôi đến bến đỗ. Có phải tôi cứng đầu? Bao nhiêu xe chạy đến như thế nhưng lại chỉ muốn lên đúng chiếc xe đã định trong đầu. Có lúc cứ ngỡ là nó, nhưng đến khi thật gần rồi mới biết là không phải. Ngóng chiếc xe chạy đến từ xa. Nín thở. Nhìn thật kỹ. Để rồi thất vọng. Và như thế, nhiều và nhiều nữa cứ qua đi…

*Photo: Minato

 

Gục đầu, buông cảm xúc. Rời bến…

Sẽ có nhiều người đi qua cuộc đời bạn như thế, theo cách này hay cách khác nhưng bạn lại chẳng hề nhận ra. Hay vì bạn hay chính tôi lúc này đây cứ phủ nhận mọi thứ đi qua đó vì chỉ đang đợi một cái duy nhất. Và có khi nào, tôi đang mệt nên đã bỏ lỡ điều mà tôi đang đợi. Tôi đã chẳng nhận ra nó nữa…  Chuyến xe đó nó đang chạy phía sau…Tôi không nhận ra, cũng chẳng kịp nữa rồi. Cuộc chơi nào cũng có luật của nó. Đơn giản hơn là khi bỏ cuộc bạn sẽ không còn quyền chơi với cái luật đã được đặt ra dành cho mình nữa. Tôi đã rời bến, cho qua đi. Nhìn theo thì muốn rồi…

Cứ đề gió cuốn yêu thương như thế, rồi tim chỉ còn lại nỗi nhớ khô cặn với cái lạnh và u ám của tiết trời mùa đông. Khi tôi quyết định mặc kệ mọi thứ để đối diện thì anh chưa sẵn sàng. Lúc anh đối diện thì tôi không còn can đảm nữa. Để yêu thương qua đi như thế nên giờ chờ nó quay về. Hay chưa bao giờ là yêu thương nên tôi vẫn đang chờ nó đến.

Và dĩ nhiên, cũng có thể sẽ lại chỉ là ngang qua nhau…tim khẽ bối rối, môi khẽ run, mắt chẳng muốn rời, chân muốn bước đến, nhưng rồi… mặt ngoảnh đi, đôi tay buống xuống chỉ để tìm cái lý do ngớ ngẩn nào đó mà khi chưa bước vào yêu thương thì tôi chẳng thể nào biết được. Cứ thế…mà ngang qua nhau, người lạ à!

Chiếc roi mây và sự giáo dục

*Photo: criket162

Gần đây dư luận dấy lên sự tức giận và phẫn nộ sau vụ hành hạ trẻ em ở nhà trẻ Phương Anh. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu và cũng không ai dám chắc là lần cuối sẽ gặp lại sự việc này – những bảo mẫu hành nghề bảo kê và sử dụng bạo lực với những đứa trẻ non nớt ngây thơ. Vậy mà vẫn có những con người cho rằng: những hành vi ấy không phải là “hành hạ” mà chỉ là một dạng biến chất của sự “giáo dục nghiêm khắc” của giáo viên mà thôi! Vậy đâu là quan điểm đúng và đâu là cái nhìn lệch lạc mà chúng ta cần phải lên tiếng phản bác?

Ai đã đọc qua tác phẩm “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cũng đều biết rằng nhân vật Ngạn đã có một tuổi thơ “dữ dội” với những trận roi mấy vỗ đen đét vào mông, vào đùi. Và cùng với sự răn đe và nghiêm khắc của ba mình, Ngạn đã tủi hờn biết bao. Nhưng anh cũng thừa nhận rằng chính nhờ sự giáo dục khắt khe đó mà anh so với những người bạn đồng lứa đã trưởng thành hơn rất nhiều. Đó là câu chuyện của Ngạn. Còn tôi, có một câu chuyện khác!

Ba tôi là giáo viên nhưng ông chưa từng dùng cây thước hay roi mây để đánh tôi. Điều đó không có nghĩa là tôi không nhận được sự giáo dục từ ông. Sự nghiêm khắc của ông toát ra từ đôi mắt và lời nói. Chỉ cần một tia nhìn là tôi sẽ biết ngay ba đang tức giận và tôi đã sai. Chỉ cần một lời dạy nhẹ nhàng và ân cần, cả đời này tôi mãi không quên.

Qua hai câu chuyện trên các bạn có thể thấy rằng: những bậc phụ huynh có những cách giáo dục khác nhau và không phải chiếc roi mây nào cũng cần phải vỗ đen đét vào mông, chỉ cần “đánh” vào sự nhận thức của một đứa trẻ là đủ! Để rồi khi những bậc làm cha, làm mẹ ấy bắt buộc phải san sẻ sự giáo dục cho những người xa lạ mà chúng ta gọi là cô, là thầy. Họ mong muốn con mình tốt hơn, giỏi hơn bằng sự vun đắp những kiến thức, sự dạy dỗ tốt đẹp hơn chứ không phải thấy con mình chịu những trận đòn roi, nhựng cái bạt tai hay những sự hù dọa khiếp vía không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần trên những đứa con yêu quý của chính mình. Là bậc làm cha, làm mẹ ai mà không xót, không đau!

Cứ cho là “giáo viên” có quyền răn đe bằng hành động. Nhưng thiết nghĩ những người có lương tâm sẽ biết đâu là điểm dừng cho một sự trừng phạt xứng đáng. Mà nói cho cùng mấy đứa mẫu giáo biếng ăn, quậy phá thì có làm gì nên tội. Đầu óc non nớt và thân hình bé nhỏ làm sao chịu đựng nổi những sự giày vò lố lăng của những kẻ độc ác đó.

Họ dường như đã biến những chiếc roi mây thành cây chùy sắt đáng sợ và giáng xuống thẳng tay những hình hài bé nhỏ mà không mảy may thương xót! Và những nỗi sợ hãi đã bao trùm những đứa bé ngây thơ thay vì cảm nhận về tình thương của sự giáo dục đúng mực mà các em đang cần và rất cần. Sự giáo dục không đi lên từ những trận đòn roi. Sự giáo dục tốt lên từ sự mong mỏi thật tâm về tương lai tươi sáng của trẻ thơ khi ta là người lớn.

Dew Nguyễn

Làm giàu từ mô hình cafe nguyên chất rang xay tại chỗ

*Photo: Thanh Hải

 

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, người người nhà nhà bị thất nghiệp và phải tìm đường để vượt qua là điều bình thường, và trong cái khó lại ló cái khôn (có thật không?) để tìm một ra mô hình tối ưu và an toàn lại phải đặt ra hàng đầu. Với một số vốn tích góp được (khoảng 50 triệu) thì giai đoạn này các bạn làm văn phòng, sau khi bị thất nghiệp, họ luôn muốn làm gì đó cho riêng mình vì lý do chọn được một việc ổn định và lương cao trong giai đoạn này cực khó. Mô hình trà sữa thì sợ trân châu giả, trà chanh thì không sang trọng (tâm lý người làm văn phòng thường nghĩ thế), shop lưu niệm hoặc đồ handmade thì lợi nhuận không nhiều. Vì vậy, mô hình cafe nguyên chất rang xay tại chỗ được có lý do để bùng nổ.

Chi phí đầu tư thấp (chỉ bằng 30-40% so với cafe take away do không tốn chi phí máy móc nhiều), sản phẩm ít (chỉ cần hai sản phẩm là cafe đá, cafe sữa), nhân sự ít… nên vì thế mô hình này hiện nay được xem như bùng nổ về số lượng, và bản thân các bạn văn phòng ở các tỉnh cũng dễ triển khai được. Nhưng mô hình này liệu có dễ thành công?

Với kiến thức có được từ thời làm trong ngành groupon, đang kinh doanh khai vị, và trong quá trình trò chuyện với các đối tác đang kinh doanh trong mảng dịch vụ (quán ăn , cafe sân vườn, làng nướng) thì tôi khẳng định rằng mô hình cafe nguyên chất có thể làm giàu được, nhưng đây không phải là đại dương xanh để tất cả có thể nhảy vào. Tỷ suất lợi nhuận trong ngành ăn uống trung bình là 35-40%, vì thế , nếu một ly cafe bạn uống tại quán giá 10.000 thì mặc định chủ quán sẽ lời từ 3500-4000.

Vì thế, nếu một ngày bạn bán được 100 ly giá 10.000 thì doanh thu là 1.000.000, tiền lời (chưa trừ các chi phí) sẽ là 400.000, và một tháng nếu được trung bình như thế thì lợi nhuận sẽ là 12.000.000, woa một số tiền lời thật lớn so với chi phí bỏ ra làm quán chỉ khoảng 50.000.000. Nhưng .. Chi phí một quán thông thường sẽ là tiền thuê mặt bằng khoảng 4.000.000 , hai nhân viên làm một ca tổng lương khoảng 3.000.000 x hai ca = 6.000.000 , tiền điện nước 500.000/tháng, thì một tháng bạn phải chi ra tối thiểu 10.500.000 , tức là nếu theo như đã trình bày ở trên thì bạn chỉ còn lời 1.500.00/tháng.

Đó là chưa kể tiền hoàn vốn đã đầu tư nhé (50.000.000 đã bỏ ra bạn định khi nào lấy lại?) Đây là lý do vì sao có câu “70-80 ly là đạt điểm hòa vốn, trên mức đó là có lời” trong bài báo Tuổi Trẻ viết về mô hình này. Ở mô hình này, chỉ bán hai sản phẩm chính là cafe sữa và cafe đá, nên việc tốn tiền để mua nguyên vật liệu, tính toán tỉ lệ thất thoát các sản phẩm, và kiểm tra nhân viên rất dễ, vì thế tiền khấu hao bạn không cần phải tính vào. Theo như đã đặt ra câu hỏi ở đâu bài, thì nếu bạn sa lầy vào việc chọn mặt bằng đẹp, đầu tư phần mềm vi tính để quản lý, hoặc thêm các dịch vụ kèm theo (wifi miễn phí, nhân viên giữ xe, máy xay cafe xịn…) chắc chắn khả năng kiếm lợi nhuận sẽ cực kỳ thấp và khó khăn.

Nếu bạn nghĩ khuyến khích khách hàng uống cafe sữa hoặc bán kèm sản phẩm khác để lời hơn thì chưa chắc sẽ có được lợi nhuận nhiều, vì chắc chắn sữa pha vào cũng phải trả tiền, thì dù giá bán 12.000 thì bạn cũng được lời ở mức 40-45% mà thôi. Vì thế, ở mô hình này phải làm sao để lượng bán (số ly bán ra) phải tăng hơn 100 ly (để bù vào chi phí), hoặc đi như mô hình Milano đang làm là phân phối cafe hạt, bột, hoặc bán kèm theo một sản phẩm khác để một khách sẽ mua hơn một sản phẩm.

Chia sẻ là trong kế hoạch kinh doanh khai vị, thì khi mình ra quán cafe sẽ bán kèm bánh, hoặc các sản phẩm khai vị tại quán để sẵn PR luôn. Về sử dụng cách phân phối để làm giàu thì hiện nay mình đang phân phối phô mai que cho trà chanh (vì cafe làm phân phối mình xác định là đại dương đỏ),và khai vị cho quán nhậu thì thấy cực ổn khi thời gian không nhiều và mình lấy hàng từ nhà sản xuất đi giao hàng cho quán. Theo như đánh giá của cá nhân, thì mô hình cafe hiện nay được quy lại thành 4 mô hình với phân khúc khách hàng rõ ràng: Cafe hộp, cafe sân vườn, cafe dành cho giới trẻ, và cafe bình dân.

Cafe hộp là mô hình cafe máy lạnh, với phân khúc chủ yếu lựa chọn là nhân viên văn phòng, các đối tượng khách hàng khác được xem như đi kèm. Ở mô hình này, chi phí đầu tư vào quán sẽ không ít hơn 500 triệu vì việc thiết kế quán, tiền đặt cọc quán, cũng như sắm sửa bàn ghế sẽ phải tốn hết 300 trệu. Chi phí hàng tháng bao gồm nhân sự, văn phòng, điện nước, vốn để trữ hàng. Vì thế, nếu muốn được có lợi nhuận ở mô hình này thì phải xác định việc hoàn vốn phải trước 18 tháng, vì sau đó chi phí sửa sang lại quán bắt buộc phải có. Nên nếu kinh doanh mô hình này thì mỗi tháng phải kiếm được ít nhất 70 triệu là điều cần nên tính đến (50 triệu cho hoàn vốn, và 20 triệu cho các chi phí hàng tháng). Có thể kiếm thêm bằng cách cho thuê các dịch vụ làm hội thảo và kinh doanh cơm trưa văn phòng.

Cafe sân vườn thì phân khúc khách hàng đa dạng hơn, do giá tiền nước không thể mắc hơn các quán cafe hộp, nếu quán sân vườn có phòng lạnh thì xem như được tính là cafe hộp. Mô hình này thì chi phí đầu tư có thể rẻ hơn hoặc bằng 500 triệu, nhưng ở giai đoạn hiện nay, và ở HCM, nếu chọn hình thức sân vườn này thì xem như nắm chắc phần lỗ vì ở mức giá này sẽ phải cạnh tranh rất nhiều với mô hình cafe nguyên chất, cafe take away. Chi phí hàng tháng rẻ hơn hoặc bằng với cafe hộp (giá thuê địa điểm tuy rộng nhưng không cần phải ở vị trí trung tâm) và không cần trả tiền điện nhiều lắm, nhưng ở mô hình này việc thu hồi vốn phải tốn thời gian lâu hơn, do rất ít cách để mời khách đến, và khi khách đến uống sẽ ngồi lại rất lâu, tỷ suất xoay vòng của chỗ ngồi không tốt.

Cafe dành cho giới trẻ hiện đang nổi lên là mô hình cafe nguyên chất, take a way vì số vốn để thành lập không nhiều, vì thế khả năng thành công sẽ cao. Nhưng mô hình này hiện nay xem như bão hoà do đã rất nhiều doanh nghiệp (hoặc cá nhân) thành lập năm vừa qua. Mô hình dễ thất bại do quá nhiều người thành lập , nên lợi thế cạnh tranh không có, lượng khách hàng của quán rất khó mở rộng do không gian quán ít có điểm nổi bật nên không tạo sự nhắc nhớ.

Khi đầu tư ở các quán này, điều tiên quyết bạn phải chú ý đó là view nhìn ra đường của khách hàng, lưu lượng xe di chuyển ở địa điểm mở quán, và nơi để đậu xe. Nhiều quán mở ra chưa đủ ba tháng đã phải đóng cửa do khi thuê , tuy diện tích lớn nhưng chiều dài nhiều hơn chiều rộng , vì thế khách ra vô rất chật, và xe dễ lấn chiếm lòng lề đường. Đó là lý do vì sao mà Passio, Milano đã thành công do giải quyết vấn đề này khá tốt. Ngoài ra, quan trọng là sau khi mở, bạn vẫn phải còn một lượng tiền mặt đủ để xoay vòng hàng hoá, chứ đừng tự tin khả năng sinh lời của quán, để nếu khách không đủ theo kế hoạch vẫn phải có thể mua thêm đồ, làm các chương trình khuyến mãi và trang trí tạo tính mới cho quán.

 

Thuan Nguyen Chính Chủ

Đừng bao giờ chạy trốn, tuổi trẻ sao tránh khỏi cảm giác cô đơn?

*Photo: ewitsoe

Đừng trốn! Tôi nói bạn nghe, đừng bao giờ chạy trốn khỏi nỗi sợ, khoảng lặng của sự cô đơn, sự thất bại, nỗi buồn hay gì đi nữa!

Đã có qua nhiều người bỏ cuộc và thoát khỏi cuộc chơi cuộc đời họ trước khi trò chơi được chinh phục. Gọi tắt nôm na theo kiểu game thủ là: Game Over! Có quá nhiều người bỏ cuộc và chấp nhận thất bại. Thực ra là họ đang chạy trốn thất bại, nếu nói theo cách khác. Sợ thất bại, và không còn dám làm gì nữa. Sợ thất bại, và kiếm mọi cớ để biện minh cho việc ngừng cố gắng hay trở nên tầm thường. Và chẳng ai cần biết điều đó, cho đến khi họ nhận ra, biện minh “để phòng thủ”, “để cảm thấy an toàn” không có chút giá trị nào cho cuộc đời họ hết.

Cuộc đời là trò chơi, và nó y hệt một “game” vậy. Bất cứ ai lười biếng sẽ không thể đạt được cấp độ cao trong khả năng chơi game. Thiết nghĩ, chơi game giỏi cũng là một cái tài mà không phải ai cũng làm được. Kể từ khi liên tiếp thua trong những cuộc “đại chiến”, tôi phát hiện ra, sở dĩ mình luôn thua bọn nó là vì mình quá “lười”. Đó là sự thật, đừng có bảo với tôi là game vô bổ và không dạy cho ai điều gì. Khi chúng ta chơi game, chúng ta bấm “bàn phím” và “chuột” một cách gượng ép khi mà đã mất gần như hoàn toàn hứng thú và năng lượng. Nếu như thế thì đừng chơi nữa, vì chúng ta sẽ không bao giờ bằng được người khác do quá thụ động. Chơi với sự cố gắng và tập trung, và khả năng sẽ được nâng cao mỗi ngày…

Đừng có bảo với tôi là “game” chỉ giành để giải trí, vì tôi đang cố gắng liên hệ giữa “game online” và “game cuộc sống”. Nếu chỉ chơi game để giải trí, chơi game chỉ để cho có với người ta, chơi game như là một thói quen, chơi game như là nô lệ của sự lặp lại chán chường và trốn thoát khỏi thực tế, chơi game “tàn tàn”, thì tôi thiết nghĩ bạn sẽ chẳng bao giờ biết được niềm vui của game nằm ở đâu. Với tôi thì niềm vui của việc chơi game nằm ngay cái lúc mà tôi được bấm bàn phím và nhấp chuột. Đó là lúc mà mọi thứ thật trực quan, tôi được sờ và điều khiển nhân vật của mình theo cách mà tôi mong muốn. Không phải những lúc bàn tán về game với lũ bạn khi đang đi học, cũng không phải những lúc đạp xe về nhà sau khi chơi game làm tôi vui, mà chính là lúc tôi đang được chơi. Lúc đó là điều quan trọng. Và dù rằng có đôi lúc tôi hơi bực mình vì sự thua cuộc hay kém cạnh về trình độ so với các game thủ khác, song, nhìn chung tôi vẫn thỏa mãn được niềm hứng thú của bản thân mình.

Đừng bao giờ chạy trốn sự cô đơn và nỗi buồn.

Tôi thường hay nghe mọi người nói về việc họ cô đơn. Có quá nhiều từ ngữ để người ta biểu diễn được điều này mà theo tôi là họ làm còn chuyên nghiệp hơn khi họ đi học hay đi làm. Tại sao người ta luôn vấp phải vỏ chuối nhưng không nghĩ: Sao nó lại nằm ở đó và làm sao để không trượt vỏ chuối nữa? Tôi thấy rất buồn cười nếu như cứ mỗi sáng mở cửa đón ánh mặt trời tươi mới và lại bị trượt vỏ chuối mà không “khôn” lên được tí nào. Đó có là gì nếu không phải là sự ngu ngốc, thụ động và lười động não?

Thường, người đã từng trải, nhất là ở độ tuổi trung niên trở đi, họ không dùng và không nghĩ đến những từ như “cô đơn”, “cô độc”, “chán”, vẫn có nhưng ít. Những từ ngữ này được dùng phổ biến ở giới trẻ, rất nhiều ở vị thành niên, giữ nguyên mức độ ở độ tuổi teen và giới sinh viên, bắt đầu giảm dần từ tuổi trưởng thành (khoảng 24 hay 25 trở đi). Ý tôi là, chúng ta phải nhìn vào điều đó, vào các thống kê, vào các thực trạng để hiểu tại sao và cách giải quyết cho những vấn đề của bản thân mình. Các vấn đề cá nhân cần được giải quyết, càng sớm càng tốt, không thể lặp đi lặp lại mãi được, vì đơn giản nó không thể “trôi đi đâu mất!”

Hỏi những người từng trải, và họ sẽ trả lời cho bạn biết rằng: Họ cũng có những cảm xúc y chang như bạn khi ở độ tuổi mà bạn đang trải qua. Giới trẻ thường nhanh nhảu, thông minh và năng động, vì thế mà họ làm mọi việc rất nhanh, gồm cả những suy nghĩ. Người trẻ thường cảm thấy cô đơn, trống trải là vì họ “có nhiều thời gian”. Và trong những lúc “một mình” đó, họ suy nghĩ thật nhiều, linh tinh cũng có, xa vời cũng có, mơ mộng cũng có… thế là họ bắt đầu cảm thấy “cô đơn”, “buồn”, “chán”. Có vấn đề gì đó cần phải được hiểu rõ giữa “một mình” và “cô độc”, giữa “cô độc” với “cô đơn”, giữa “khoảng lặng” và “chán”. Nếu chúng ta cứ mãi chạy trốn mà cóc cần biết nguyên nhân tại sao chúng ta mắc phải, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu và cảm nhận méo mó về ngôn từ cũng như cảm xúc bên trong mình.

Đừng chạy trốn, vì bạn sẽ không bao giờ có thể thoát được. Khi bỏ chạy, chúng ta rất hoang moang, mồ hôi nhễ nhại, mệt mỏi, mất bình tĩnh, dễ dàng té và “đo đường”. Bạn có thể liên tưởng tương tự không? Bỏ chạy là cách chúng ta thấy dễ dàng nhất, và đương nhiên cách dễ dàng thì ai cũng làm được, nó chả có giá trị gì nên chẳng hề nổi bật, rồi từ đó chúng ta bắt đầu tầm thường hóa chính bản thân mình.

Chạy trốn với vô vàn kiểu, muôn hình vạn trạng: Một mình thì cảm thấy chán và đi chơi những cuộc chơi nhí nhố. Không ai quan tâm thì thấy buồn và cặp kè những cuộc hẹn hời hợt. Thích ai đó và sẽ bắt đầu sợ họ một ngày nào đó sẽ rời xa ta, từ đó trở nên ích kỷ và mất đi cái cảm giác sung sướng ngày đầu (nếu vì mục đích ngoài sự chạy trốn, thì nó sẽ không nhí nhố và hời hợt nữa). Tóm lại là, tôi không thể liệt kê hết tất cả, nhưng hệ lụy của việc “bỏ chạy” là những kết quả không có gì tươi sáng. Chúng ta sẽ dần “suy thoái” theo cách đó. Đừng tự ái, vì tự ái nghĩa là tôi nói trúng tim đen của bạn rồi đó, và tự ái nghĩa là bạn sắp sửa chuẩn bị những “lý luận phòng thủ” mà tôi gọi là “biện minh” như trên vậy.

Tôi viết bài này dành cho tuổi trẻ. Căn bản là, tuổi trẻ cảm thấy cô đơn (theo tôi thì “một mình” đúng hơn), buồn, chán, thất bại, hay gì đó là điều “hiển nhiên” – nó tất yếu. Vì tuổi trẻ phải trải nghiệm và học! Học tất cả mọi thứ mà trong đó kiến thức khoa học, kiến thức chuyên ngành chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Không ai có thể vừa chạy vừa cầm cuốn sách để học. Theo tôi thì không thể vừa bỏ chạy trong sợ hãi vừa học được. Ví như thế để biết rằng, nếu những cuộc chơi được vạch ra với mục đích “trốn tránh cảm xúc” thì sẽ chẳng bao giờ dạy được cho người trẻ điều gì cả, nếu có thể, chắc chỉ dạy người ta trở nên hời hợt.

Tôi không có ý nói mọi người “nên buồn”. Tôi chỉ muốn nói nỗi buồn trong cuộc sống là cái gì đó rất bình thường, y chang niềm vui mà chả có gì cần phải né cả. Để ý và bạn sẽ trung lập thừa nhận với tôi vào một ngày nào đó, rằng: Chỉ có nỗi buồn, nhưng cảm xúc trầm lắng, những không gian im lặng, những cảm xúc chậm rãi, những trải nghiệm bản thân mới làm người ta trở nên có chiều sâu và có cá tính. Lại nói về cá tính, nó không chỉ là những bộ quần áo mình khoác lên, mà nó phần nhiều nằm ở những lời nói có trọng lượng, tính sâu sắc và một tâm hồn đẹp phong phú…

Ý tôi là, đừng bao giờ chạy trốn cảm xúc, nhất là những cảm xúc đã bị bạn “dán nhãn” tiêu cực. Nó bị dán nhãn là bởi vì định kiến xã hội nghĩ như thế và sự dạy dỗ của xã hội khiến bạn nghĩ như thế. Nhớ lấy, tuổi trẻ, với vô vàn cung bậc cảm xúc, nó phong phú, nó đa sắc màu, nó đẹp, nó bất ngờ và nó không nhàm chán. Nếu nó nhàm chán, có gì đó bất ổn! Nếu nó bất ổn, hãy tìm ra và cập nhật kiểu khác đỡ hơn.

Đừng bao giờ bỏ chạy! Đừng có núp! Trừ khi việc gì đó liên quan tới mạng sống của con người, hãy… chạy thật nhanh và núp thật kỹ cho tui! Còn tất cả những thứ khác đều không có cái cóc gì phải sợ. Nếu tôi lấy ví dụ nỗi sợ là một con ma, thì nó không sai chút nào. Người càng sợ ma, chỉ có càng tưởng tượng càng sợ chứ không cách chi mà hết sợ được cả. Cách hay nhất, đơn giản nhất mà ít ai nghĩ ra, đó là: Đừng Tưởng Tượng Nữa!

Tôi có nghe câu: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của Kim Woo Choong.

Nhiều việc ở đây theo tôi nghĩ: Là trải nghiệm, là tận hưởng, là lý tưởng, là học hành, là theo đuổi, là yêu thương, là rộng lượng, là thiện chí, là bao la, là bát ngát, là cánh đồng, là đại dương… Tại sao như thế? Vì tôi nghĩ: thể xác thì nhỏ bé, nhưng tâm hồn thì khổng lồ. Đừng chỉ nghĩ nó là một bộ óc làm việc, nó có nhiều thứ tuyệt vời hơn thế rất nhiều.

Thế nhé, bạn tôi, các em của tôi, đừng bao giờ than phiền về buồn chán nản, hay bất cứ cái gì mãi. Có quyền được cảm thấy xuống tinh thần và đôi lúc tiêu cực, nhưng chỉ là đôi lúc thôi nhé, chứ còn tôi thì tôi chán nghe những người gọi chung là “trẻ” THƯỜNG XUYÊN ca cẩm bài ca con cá lắm rồi.

Chúng ta sẽ có dịp gặp nhau. Và từ giờ cho đến khi đó, tôi mong là bạn có thể hiểu được những điều tôi nói mà có thể trau dồi cho cái cây tâm hồn của bạn được đẹp đẽ, được cao lớn đến tận trời xanh…

Xin chào, hẹn gặp lại và quyết thắng!

Lục Phong

(Kỷ niệm một năm sau ngày tận thế!)