16.5 C
Da Lat
Thứ Ba, 6 Tháng 5, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 277

Bóng hình của tuổi thơ…

*Feature Image: Minato

 

Đôi lúc thấy mình lo lắng, mỏi mệt và hoang mang, tôi thường lặng ngắm phố phường trong hương hoa sữa thơm thơm ngòn ngọt và tự vòi mình một vé đi tuổi thơ. Những gương mặt thân thương ấy cứ lần lượt hiện về cùng những xúc cảm dào dạt, mãnh liệt mà trong trẻo. Và tôi nghĩ đến chị, người hàng xóm bé nhỏ của tôi, cũng chẳng hiểu tại sao phải đến gần mười lăm năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in cái gương mặt cháy nắng, cái nụ cười nheo nheo tinh quái, cái mũ hoa viền da cam ngả màu của chị.

Cảm ơn Triết Học Đường Phố

*Photo: Paul Downey

 

Sẽ là một thiếu sót nếu điểm danh 2013 mà thiếu Triết Học Đường Phố.

Nói thế nào nhỉ, một cây bút bình thường, chỉ cố gắng lưu lại suy nghĩ của mình bằng cách gửi gắm nó vào các con chữ lại có một may mắn được trở thành tác giả của Triết Học Đường Phố _ chiếc cầu nối tuyệt vời giữa người viết lách tự do với những người đọc tinh tế.

Mạng Internet là nơi có hàng ngàn thông tin, cả triệu bài viết và vô vàn những tác giả, những ngòi bút sâu sắc thể hiện mình nhưng chẳng thể phủ nhận rằng, bên cạnh số ít những trang web mang đến thông tin bổ ích, những bài viết chất lượng thì số lượng các trang rác, các cây bút nhảm nhí, các bài viết hời hợt thiếu chiều sâu đang ngày ngày phủ sóng mạnh mẽ.

Vì thế, để có thể duy trì và phát triển một trang web sạch, một trang web không mang tính thị trường, không chạy theo xu hướng mà chỉ tập trung mang đến cho người đọc những góc nghĩ trong tâm hồn, những khoảng lặng vừa đủ để họ đọc, họ ngẫm, họ gật gù, họ yêu thích và họ tìm ra cho mình những hướng nhìn đúng đắn hơn cho vấn đề của bản thân. Ở đó, họ có thể chạm phải một giọng văn sâu cay hay một cây bút ngọt ngào, ở đó, họ có thể đụng đến một vấn đề xã hội đang quan tâm nhưng lại dưới cái nhìn của những người trẻ tinh tế _ có nơi đó không? Có chứ.

Với tôi, đó chính là Triết Học Đường Phố. Tôi không viết bài này theo kiểu PR vì làm thế thật thừa, vị trí của THĐP vốn chẳng cần đến chiêu bài PR của tôi mà đã để lại chút dấu ấn trong lòng người đọc rồi đấy thôi.

Tôi chỉ viết với tư cách của một tác giả _ người may mắn được anh Nguyễn Hoàng Huy đưa đến đây, làm quen với rất nhiều bạn bè, học hỏi được rất nhiều điều thú vị và quan trọng hơn hết, ở đây, tôi được viết, được thỏa mãn đam mê, được viết với sự tự do, phóng khoáng của bản thân mà không bị bất cứ một ràng buộc nào cả.

Có rất nhiều người hỏi tôi: “Viết cho Triết Học Đường Phố như thế, chắc kiếm tiền không ít nhỉ?”

Tôi chỉ biết cười và đáp: “Nếu đây là trang web trả tiền thì tôi đã từ chối hợp tác.”

Họ lại bảo: “Viết hay thế thì viết tự do phí lắm, làm nhà văn, ra sách hay hướng đến gì đó to tát hơn đi chứ.”

Tôi chỉ nghĩ thế này: “Việc ra sách là ước mơ của mọi người cầm bút nhưng trước khi hiện thực hóa ước mơ đó, tôi muốn hoàn thiện bản thân, làm chủ cảm xúc, điều khiển được ngôn ngữ để những ý tưởng, những câu văn của tôi được trôi chảy hơn và dễ đến với người đọc hơn. Sự cẩu thả trong văn chương, với tôi, là một tội lỗi không thể tha thứ. Tôi chọn viết là niềm vui và mang những điều mình viết giúp ích cho những tâm hồn mỏng manh, nhiều nỗi đau nhưng chưa tìm được lối thoát. Thế thôi, viết lách, chỉ đơn giản là mang niềm vui đến cho người khác.”

2013 với tôi là một bước tiến lớn, vào một buổi sáng khi anh Nguyễn Hoàng Huy inbox cho tôi và đề nghị tôi về làm tác giả cho THĐP, tôi còn chưa hình dung được nó là gì, vừa định hỏi anh là viết ở đó có tiền không, nếu có tôi sẽ không nhận lời nhưng rồi cảm thấy bắt đầu câu chuyện bằng đồng tiền hình như hơi khó, vì thế, tôi tự mình tìm hiểu và quyết định gắn bó với nó. May thay, đến nay, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận về quyết định này.

2013 và Triết Học Đường Phố như một món quà lớn hứa hẹn 2014 tôi sẽ còn nổ lực hơn nữa, mang đến cho bạn đọc thật nhiều điều hay ho hơn nữa.

Tôi viết bài này, chẳng để làm gì ngoài mục đích cảm ơn THĐP và cảm ơn những bạn đọc đã ủng hộ tôi trong suốt khoảng thời gian qua. Rất nhiều, rất nhiều người đã đến và cảm ơn tôi vì những điều tôi viết. Tuy đó là những người xa lạ chưa một lần chạm mặt nhưng, câu cảm ơn, sự đồng cảm của họ chính là nhuận bút rất lớn đối với người viết lách tự do như tôi.

Cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Huy, một năm 2013 đi qua, sẽ là một thiếu sót nếu không gửi đến anh lời cảm ơn, thay mặt các tác giả cũng như cả ngàn bạn đọc của THĐP, cảm ơn anh đã mang lại một mảnh đất tuyệt vời như vậy để mọi người cùng đến với nhau và tìm thấy nhau qua con chữ.

Cảm ơn các tác giả khác của THĐP, những người cho ta thấy được rất nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc sống, họ làm cho bức tranh của tôi trong năm qua được hoàn chỉnh hơn đôi chút và phát giác ra được những góc khuất mà bản thân mình vẫn chưa chạm đến được.

Cảm ơn và hi vọng rằng, 2014 sẽ là một năm gặt hái được nhiều thành công hơn nữa của Triết Học Đường Phố, sẽ là một điểm hẹn lý tưởng của cộng đồng mạng, sẽ là chỗ níu kéo những điều tuyệt vời bên cạnh thật nhiều tin rác trên Internet.

Cảm ơn.

 

Yến Mèo

 

 

Triết lý là thật hay giả?

Photo: h.koppdelaney

Uhm… Chắc cũng đã lâu rồi, từ cái ngày tôi đến với những dòng triết lý đầu tiên. Khi đến với nó, tôi chỉ có một niềm “mong muốn vô độ” là tìm được ý nghĩa cuộc sống và thoát khỏi cái lý lẽ thường tình: “đời là bể khổ”. Vì sao tôi ao ước dữ dội vậy? Bởi vì đời tôi lúc đó quá khổ rồi, nên tôi mới phải bám víu vào triết lý để neo mình.

Từ đó đến giờ, cũng đã 6 năm, đương nhiên là trong khoản thời gian đó, tôi đi lòng vòng. Có một sự thật là, nếu không học thì không thể làm thầy. Chúng ta không thể ngồi im một chỗ rồi sáng tạo ra triết lý tầm phào hay những công thức tự chế được! Nhà khoa học nào cũng học rất nhiều trước khi trở thành nhà khoa học thực thụ. Bởi vậy, ai cũng phải học và trải nghiệm rất nhiều trước khi tự sáng tạo ra một cách riêng của chính mình, bởi chúng ta không thể bịa ra những thứ mà không có nền tảng thuyết phục được.

Trong lúc đi tìm, trên con đường đó, đã có nhiều lần tôi vấp ngã rồi thất vọng, tôi bắt đầu nghi ngờ về tính thực tiễn của triết lý. Tôi tự hỏi, có phải tôi đang đi tìm một thứ trên trời không, có phải tôi đang “phi thực tế” không, có phải tôi đã “tách biệt mình khỏi cuộc sống bằng triết lý xa vời” không, có phải có gì đó đã sai không? Rất nhiều lần tôi chán và bỏ đi, tôi chả tin vào triết lý nữa, rồi những nỗi buồn, sự cô đơn, nỗi đau, sự khốn khổ bắt đầu quay trở lại và vây lấy tôi. Tôi lại chạy đi tìm ông thầy mang tên “triết lý”, tại sao thì tôi không hiểu, chắc nó có một năng lượng ngầm quyến rũ nào đó.

Rồi bắt đầu dần dần, qua nhiều năm và liên hệ với các trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy những triết lý có vẻ như trở nên dễ hiểu hơn và hình như chúng có liên kết với nhau. Chúng bắt đầu gôm lại làm một, một sự đồng nhất. Tôi bắt đầu ngờ ngợ hiểu ra câu nói của Socrates: “Tâm trí của bạn chính là khó khăn của bạn.” Đó là toàn bộ vấn đề theo cách hiểu của tôi.

Có quá nhiều người nói với tôi triết lý là lý thuyết, là phi thực tế, họ phản đối nó theo cách nào đó và tiếp tục sống “ất ơ”. Tôi tự hỏi, nếu không có lý thuyết thì chúng ta sẽ làm gì? Chiếc máy vận hành như này, như kia, rõ ràng là chúng ta phải xem qua bảng thiết kế hoặc có ai đó nói cho nghe (những thứ phi thực hành đều gọi là lý thuyết) trước khi chúng ta khởi động chúng. Rõ ràng, lý thuyết là chìa khóa, nhưng hành động có vai trò là tra chìa vào ổ khóa và mở nó ra. Đó là một sự suy luận hết sức đơn giản, chả lẽ chúng ta không hiểu? Hay, chúng ta cố tình không chịu hiểu? Chúng ta không làm được, không có nghĩa là nó nhảm nhí hay không đúng, mà là vì chúng ta chưa làm đủ, và chưa có niềm tin, nếu không có niềm tin thì trên đời này chúng ta chả làm được gì cả.

Triết lý nói ra sự thật (đương nhiên là triết lý chính thống, không phải triết lý tầm phào). Và kết quả của những người chống lại sự thật là nỗi đau khổ. Cuộc sống này vô thường, thay đổi là bản chất của cuộc sống – đó chính là sự thật. Trong khi dè bỉu những triết lý, thì người ta vẫn đang hứng chịu những nỗi đau, những sự chán chường, nỗi khổ, sự ngán ngẩm, và hàng tá những mớ cảm xúc thất thường khác chứ cuộc đời không khá hơn. Vậy thì phải có một lối thoát chứ? Ít nhất là theo một cách nào đó thực sự đơn giản, nhưng điều đó phần lớn đã không xảy ra, người ta vẫn lặn lội và ngụp lặn trong đau khổ và than phiền và phán xét: “Đời là bể khổ.”

Nếu không thể tự cứu mình thì hãy để người khác cứu. Nếu không để người khác cứu, thì hãy chấp nhận số phận và đừng có than phiền. Tôi rất ghét những người sống theo cách mà không có lối ra, làm cái này cũng không được, làm cái kia cũng không xong, làm cái nọ thì mệt, khổ… kiểu nào cũng chui tọt vào ngõ cụt. Tự ép mình vào ngõ cụt rồi thấy cuộc đời toàn màu đen, kể cả động vật cũng không làm thế!

Những lời than vãn của tôi càng về sau càng bắt đầu giảm dần. Đương nhiên khi tôi nói ra điều này không có nghĩa là tôi khoe mẻ. Ý tôi là, triết lý đã bắt đầu có tác dụng, và tâm trí của tôi đã bớt lăn tăn đi rất nhiều, mọi thứ bắt đầu dễ hiểu và đồng nhất chứ không còn rắc rối và mâu thuẫn như trước nữa. Ai cũng phải học từ bậc thấp nhất cho đến khi làm thầy, rồi từ thầy người ta sẽ có khả năng để sáng tạo nên những thứ mới cho riêng mình, nếu bạn không tin, lật lại lịch sử!

Triết lý không phải là con đường duy nhất để diệt khổ. Bạn có thể tìm mọi cách dễ nhất để giúp cho đời sống của mình phấn khởi hơn. Tôi không biết, bạn phải tự tìm ra cách phù hợp nhất vời mình.

Bạn tôi này! Nếu bạn không làm được một điều, không có nghĩa là nó không có gì hay, chỉ có nghĩa là bạn làm chưa đủ, bởi vì chưa đủ nên nó cũng chưa đúng, cũng bởi vì chưa đủ nên nó không thể trở nên thuần thục. Vậy thì điều bạn cần là làm thêm nữa, làm nữa, cho đến khi nó đúng, lúc đó sẽ xuất hiện một vẻ đẹp mà bạn chưa bao giờ được nhìn thấy. Đừng đánh giá nếu bạn không chịu làm, hoặc làm chưa có đủ.

Cuộc đời này là sự phát triển, cây cỏ cũng mọc cao lên, con người thì lớn lên rồi già đi, vậy thì cái tâm trí đó cần phải phù hợp với thân xác và tuổi tác của mỗi người. Cần có một “ý thức” dẫn đường cho đời sống của bạn, một ý thức đồng nhất giữa tâm trí và trái tim, hài hòa giữa hai cái đó thành một, đó là lúc mà bạn hình thành sự “duy nhất” của chính bản thân mình.

Bằng bất cứ cách nào, bạn cũng phải yêu đời. Triết lý hay không cũng không còn quan trọng. Chân lý cũng trở thành một thứ dễ hiểu, vì rõ ràng, yêu đời chính là chân lý… Đừng một lần nào đem những ngụy biện của mình ra để phản kháng và biện minh cho chính bản thân mình nữa. Bạn thất tình à, bạn bị bỏ rơi, bạn cô độc, bạn bị cha mẹ ruồng bỏ, bạn bị đủ thứ chuyện đau khổ trên đời… Đó không phải là lý do để bạn chui vào cái vỏ bọc để sống tách biệt, sống giả tạo hay sống vô tình với đời. Nếu vịn vào chúng để làm cái cớ, bạn đang vô nhân đạo, bạn đang trốn tránh trách nhiệm và trút lỗi lầm lên quá khứ, lên ai đó, lên cuộc đời. Rồi bạn nói, đời là thế! Tôi không hiểu “là thế” nghĩa là thế nào nhỉ? Nghĩa là đời có lỗi, đời rách nát tươm bươm nên nhào nặn bạn ra một con người không ra gì, sống ích kỷ, tách biệt, cười giả tạo, hay sao? Nếu không tự mình coi đó là những bài học và những món ăn tinh thần đầy giá trị, thì bạn sẽ vẫn giậm chân tại chỗ với cái trí óc đầy ấu trĩ của mình. Nếu như vậy thì đáng tiếc cho bạn, một cuộc đời nhiều sắc màu đã bị bạn gắn cái kính đen xấu xí.

Triết lý là thật, đường lối là thật, lời dạy, lời khuyên, lý thuyết đều là thật. Cái nào giúp người ta sống ngon lành hơn đều là thật hết. Và nếu bạn vẫn giữ cái quan điểm chống lại sự thật để tự đau khổ thì đừng có bảo là không có ai nói với bạn đấy nhé. Mọi thứ đều là thật, và hãy thực hành để nó trở thành của riêng bạn.

Tôi nói vậy thôi, tin hay không tin là quyền của mỗi người. Khôn được, dại chịu. Đời ai người đó sống và tự chịu trách nhiệm. Nếu chạy trốn khỏi tránh nhiệm lại sẽ là một chuỗi dài những hèn nhát khác xảy ra đến cuối đời. Bi hài!

 

Lục Phong

2/1/2014

Bất hạnh của phụ nữ nằm ở đâu?

*Feature Image: Leland Francisco

 

Bất hạnh của phụ nữ, nằm ở cái miệng của chính họ.

“Hạnh phúc ư, xa xỉ quá.”

“Tình yêu sao, giả dối quá.”

“Cuộc sống sao, cô đơn quá.”

….

Và hàng tá những câu than vãn luôn có sẵn trong từ điển của một người phụ nữ. Họ đổ lỗi cho cấu tạo trái tim mềm yếu của tạo hóa tạo ra cho phụ nữ rồi đổ lỗi cho tất cả mọi bất hạnh trên đời đều xuất phát từ đó. Họ không nghĩ rằng, mình có thể mạnh mẽ. Vì thế, họ than nhiều hơn đàn ông.

Đó là lý do khiến phụ nữ trở nên bất hạnh. Không thể xuất hiện khái niệm hạnh phúc với một người luôn tâm niệm rằng mình không – hạnh – phúc.

“Cuộc đời thật bất công”

Là một chiêu so sánh ngầm của đa số phụ nữ, họ nhìn những thứ mà họ không có, nhìn những bộ quần áo sang trọng, nhìn những người đàn ông lịch lãm, nhìn những người phụ nữ quý phái khác rồi tặc lưỡi “đời thật bất công”.

Họ chỉ biết so sánh với những cái cao hơn mà không bao giờ chịu nhìn xuống những cái thấp hơn.

Về những người đàn bà chỉ thèm có cái chỗ ngủ lúc đêm xuống, có cái áo không chắp vá để đi làm, có người đàn ông để dựa dẫm và có cái ăn cái mặc để chống chọi với sương gió bụi trần.

“Giá mà trời sinh tôi đẹp hơn, giàu hơn….”

Không, trời đâu có sinh người, cha mẹ sinh đấy chứ. Nhan sắc vốn là thứ không thuộc phạm trù của ước mong chỉ có tiền tài là nằm trong khả năng của sự cố gắng. Họ đổ lỗi cho nhan sắc kém mặn mà nên duyên tình lận đận. Nào có phải như thế, nếu tình yêu chỉ nảy nở bằng chữ sắc thì thứ tình đó liệu sẽ được bao lâu.

Họ than vãn trời sinh họ số nghèo nhưng họ chẳng chịu nổ lực để xóa nghèo, không lẽ họ nghĩ, ngồi một chỗ và than vãn thì tiếng than sẽ chạm đến trời cao và ban phép cho họ hết nghèo sao?

Thay vì ở nhà và ca thán, hãy ra đường và tìm kiếm cơ hội. Thay vì soi gương rồi nhăn nhó, hãy đến với các mối quan hệ, hãy mở rộng lòng ra, hãy cười, hãy hạnh phúc vì phụ nữ đẹp nhất là lúc họ mỉm cười.

Có một khái niệm, không biết là bị bỏ quên hay vốn không tồn tại trong đầu người phụ nữ “Nụ cười là trang sức lộng lẫy nhất và tự tin là bức nền vững chắc nhất đưa phụ nữ đến gần hơn với bến bờ của hạnh phúc.”

Đừng tự mình khỏa lấp những sức mạnh của bản thân mình, phụ nữ rất mạnh mẽ và sương gió cuộc đời, đau đớn tình đời, vấp váp sự đời và trắc trở dòng đời nào có là gì để có thể quật ngã được phụ nữ cơ chứ.

Nếu một ngày, khi đường tình đứt quãng và người tình ra đi, hãy mỉm cười và nói với bản thân “ta là của một người tốt hơn thể.”

Nếu một ngày, khi sự nghiệp gặp phải khó khăn, hãy đặt tay lên ngực và tự nhủ “hòn đá này sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn thôi.”

Và nếu một ngày, bạn thực sự cảm thấy cô đơn và mềm yếu, hãy soi gương, nhìn vào mắt của chính mình và nói với mình rằng “đừng lo, chỉ hôm nay nữa thôi, qua ngày mai, ta sẽ không mang sự ủ dột này về nhà nữa đâu.”

Mọi chuyện, đều có thể giải quyết, mọi con đường rồi sẽ có hướng ra. Số phận này ta không thể thay đổi nhưng ta có quyền tự thay đổi chính mình để vui vẻ với mọi sự an bài. Đừng than vãn, đừng để sự bất hạnh ở trên môi. Hãy mỉm cười, vì đôi môi chính là cánh cửa gần nhất đưa ta đến với hạnh phúc.

 

Yến Mèo

Dám…. cô đơn!

*Feature Image: Ewitsoe

 

Tôi luôn luôn có cảm giác rằng con người được tạo nên từ những thái cực đối lập nhau, như những con lắc đồng hồ cứ chao qua, đảo lại giữa những thái cực ấy. Một mặt bạn và tôi, hiện thân của giới trẻ hiện nay, luôn luôn tìm đủ mọi cách, thậm chí bằng những cách thảm hại nhất, để cá biệt hóa bản thân, làm cho mình trở nên khác biệt, luôn cố gắng khẳng định bản thân, tất nhiên mỗi người làm điều đó bằng những cách khác nhau, phụ thuộc vào trình độ nhận thức và tư duy của chính họ.

Tại sao chúng ta phải làm như vậy? Theo quan điểm của Jiddu Krishnamurti con người ta sẽ cảm thấy an toàn hơn khi xây dựng được cho mình một thế giới riêng, hơn là so với việc bị “hòa tan” trong xã hội, bị coi là mass products, đó là một thứ hàng rào hữu ích với phần còn lại của thế giới để mỗi cá nhân có thể cảm thấy an toàn trong đó. Một quan điểm khá hay và chính xác phải không? Và nếu ta mở rộng xem xét dưới phạm vi cộng đồng người, điều đó nghiệm đúng với các thứ như dân tộc chủ nghĩa, khuynh hướng co cụm, các liên minh, liên kết giữa các quốc gia, các cá thể kinh tế. Tôi thì lại hơi bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hóa của Darwin trong việc giải thích điều trên.

Có hai cơ chế chọn lọc cơ bản trong lý thuyết của ông đó là chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính, và tôi nghĩ rất có thể cái việc con người luôn cố gắng không mệt mỏi trong công cuộc tự khẳng định mình là việc tuân theo quy luật chọn lọc giới tính ấy. Giống như con công đực luôn tìm cách hấp dẫn con công cái bằng cái đuôi của mình, loài người chúng ta cũng có những “cái đuôi” riêng của chúng ta phải không nào?

Cái đuôi lộng lẫy sắc màu khiến cho chú công đực được nổi bật giữa đám đông và thu hút được sự chú ý của mấy cô mấy chị công cái mới lớn. Loài người chúng ta cũng nỗ lực để nổi bật để cá biệt hóa bản thân và tất nhiên động cơ của chúng ta không đơn giản như loài công nhưng tôi nghĩ rằng đó là một cơ chế tự nhiên, bản năng chúng ta được thừa kế và đã được tích lũy từ triệu năm trước. Rõ ràng là cái lứa tuổi mới lớn, nói theo ngôn ngữ nôm na là đến tuổi “cập kê” cái nỗ lực khẳng định bản thân dược thể hiện đậm nét nhất đó thôi.

Một mặt chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt, mặt khác chúng ta lại có những nỗ lực hòa đồng trong xã hội. Điều đó lại quá dễ dàng để giải thích, điều đó tự nhiên như việc tổ tiên chúng ta từ hàng triệu năm trước đã sống thành bầy đàn, sau đó dần hình thành cộng đồng, nhà nước, con người khi chung sống cùng nhau có cơ hội sống sót cao hơn và cũng có cơ hội cao hơn để duy trì nòi giống nữa. Từ vô thức, chúng ta sợ hãi và trốn tránh cô đơn, tìm mọi cách để được xã hội cộng đồng ủng hộ và chấp thuận. Điều này có thể giải thích rất tốt cơ chế đám đông. Chúng ta đôi khi sợ khác biệt, sợ dư luận và chiều theo ý kiến số đông. Cái nỗ lực khẳng định mình bên trên tôi đã trình bày tới một mức tới hạn nào đó sẽ không là an toàn nữa, những người-khác-biệt đó bị đặt trước nguy cơ bị cô lập, bị ruồng bỏ.

Hai cơ chế trái dấu này tồn tại một cách tự nhiên trong mỗi con người chúng ta, chúng có mỗi quan hệ biện chứng với nhau, mâu thuẫn, tương hỗ lẫn nhau. Đôi khi chúng đặt ta dưới những sự lựa chọn, để cơ chế này hoạt động thì ta phải chiến thắng cái còn lại. Chúng ta tìm mọi cách để khằng định mình để cá biệt hóa nhưng vẫn luôn đòi hỏi sự chấp nhận, ủng hộ và cảm thông từ phía mọi người, những người mà ta cố gắng thoát khỏi cái bóng của họ, điều đó rõ ràng có lúc không khả thi. Vậy có khi nào bạn nên nghĩ rằng hãy chấp nhận sự cô đơn, biệt lập như là một phần cái giá của sự khác biệt, là cái giá của việc sống là chính mình và không là bóng của bất kì ai.

Krishnamurti đã tự thông báo giải tán chính cái tổ chức đã nuôi dưỡng ông và từ đó đi chu du khắp nơi rao giảng về những quan điểm, lối sống của chính ông mà không thuộc bất cứ một giáo phải triết học nào. Ông nói rằng mọi người vẫn sợ hãi cô đơn, nhưng ông không sợ điều đó, ông chỉ quan tâm đến điều ông muốn và thực hiện điều đó mà thôi.

Tôi vẫn thường hay nói với những người bạn của tôi rằng: “Kệ nó đi, quan tâm đến người khác làm gì, cứ làm những gì mình cho rằng đúng là được.” Rõ ràng là bản thân tôi vẫn chưa làm được điều đó. Tôi và cả những người xung quanh tôi nữa vẫn trốn tránh cô đơn, vẫn không dám sống, không dám là chính mình, cứ chọn những gì an toàn những “mì ăn liền”, dần dà như vậy, suy nghĩ sẽ trở thành những lối mòn, ta không còn thói quen khám phá bản thân và theo đuổi những gì mình muốn, ta bỗng nhận thấy mình chẳng khác gì những cỗ máy, những cỗ máy tinh vi không hơn không kém.

Điều đó nghe có vẻ đáng sợ phải không, nhưng đó lại là sự thật, hãy quan sát một chút, đó là sự thật. Ta đã để cho cái cơ chế thứ hai quá lấn át và cái cơ chế thứ nhất vào quên lãng. Hãy dám sống, dám cô đơn đi, dám khác biệt đi! Bạn không thể nỗ lực khác biệt mà phải nỗ lực tìm tòi khám phá bản thân, sự khác biệt là hệ quả tất yếu, đơn giản là vì chúng ta không ai giống ai, mỗi người có cá tính riêng, khả năng riêng, tâm tư tình cảm, nguyện vọng riêng cơ mà, cứ như vậy hoài làm sao khá nổi?

 

Nancy

Thoát Khỏi Biển Lửa, một bộ phim, những cuộc đời và vô vàn suy nghĩ!

*Feature Image: Poster phim “Thoát Khỏi Biển Lửa”

 

Cách đây không lâu tôi có xem một bộ phim ngắn!

Thông thường thì xem phim hầu như tôi ít khi để ý mấy đến cốt truyện hay tình tiết trong phim cho lắm. Nhưng khi xem bộ phim đó, tự nhiên khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Và những điều tôi suy nghĩ có thể rất hợp lý với cuộc sống hiện tại của tôi và có thể là bạn. Bộ phim kể về một đám cháy lớn ở một Trung Tâm Thương Mại ở Trung Quốc. Thực tế thì nó cũng giống như bao phim hành động khác, nhưng ẩn chứa trong đó là một câu chuyện. Một câu chuyện đáng suy ngẫm. Và điều tôi rút ra được khi xem bộ phim đó!

Mỗi người sinh ra đều có một công việc, một bổn phận

Trong bộ phim đó, khi đám cháy xảy ra có một cô bé bị lạc bố mẹ trong một căn phòng, không thể thoát ra ngoài được. Và lúc đó có một ông bác sĩ và một cô ý ta ở ngoài căn phòng đó, xung quanh lửa cháy bốn bề, không thể nào vào trong để cứu cô bé đó. Rồi họ lên một căn phòng khác, cô ý tá cứ mãi day dứt và trách mắng bác sĩ rằng tại sao lại không vào trong phòng để cứu cô bé đó. Bác sĩ cũng rất đau lòng mà trả lời rằng

“Tôi sinh ra để làm bác sĩ, tôi có trách nhiệm cứu sống bệnh nhân trên gường bệnh chứ không thể cứu người trong hỏa hoạn. Tôi là con người, tôi cũng phải sống.”

Thực sự, tôi thấy rằng lời của bác sĩ rất đúng. Mỗi con người chúng ta sinh ra có một nhiệm vụ nào đó và sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ đó. Chúng ta rất khó để vượt qua giới hạn những gì bản thân ta có thể làm được. Cũng như ông ấy có thể cứu bệnh nhân trên gường bệnh chứ không thể nào cứu người khi đang gặp hỏa hoạn. Mỗi người chúng ta sẽ giỏi về một lĩnh vực nào đó và sẽ chuyện tâm vào lĩnh vực đó. Đừng bắt một người phải làm những việc mà họ không hề có một tí kiến thức nào về lĩnh vực đó. Có một câu nói nữa:

“Mình không vì mình, trời tru đất diệt.”

Ông bác sĩ nói đúng ông ta cũng là người, ông ta cũng phải sống vì bản thân ông ấy. Đừng bắt ông ấy làm những việc mà vượt qua khỏi khả năng của ông. Tôi nghĩ rằng, trong nhiều trường hợp xảy ra, chúng ta phải nghĩ đến chính mình trước tiên. Không phải là mình quá ích kỷ nhưng mà điều đó là bảo vệ chính bản thân mình. Mình sống trên đời cũng là một phần sống vì bản thân mình chứ không phải vì sống vì một ai khác. Tất nhiên sẽ có nhiều người không đồng ý nhưng tôi nghĩ tôi đang nghĩ đúng.

Trong nhiều trường hợp, công tư hãy phân minh

Trong bộ phim đó, đội trưởng lính cứu hỏa chính là chồng của cô ý tá đã nhắc đến ở trên. Trong lúc giải cứu người ra khỏi đám cháy, người lính cứu hỏa đã giải cứu một người đàn ông khác trước khi giải cứu vợ mình. Cô vợ trách mắng chồng mình tại sao lại cứu ông kia trước mà không phải là cứu cô ấy. Người lính cứu hỏa trả lời:

“Trong công việc, anh phải cứu người mà anh nhìn thấy đầu tiên, không thể nào anh bỏ người ta để cứu người thân của mình.”

Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên vậy. Nhiều khi trong công việc, chúng ta không nên quá thiên vị cho những người thân của mình mà bỏ quên đi những người khác. Chúng ta không thể nào quên đi đạo đức nghề nghiệp hay là nguyên tắc làm việc của mình. Cũng như người lính cứu hỏa kia, nhiệm vụ anh ta là cứu người, anh ta không thể nào chọn người để cứu được.

Có thể nhiều người nghĩ rằng, người thân của mình, máu mủ của mình thì phải được ưu tiên đầu tiên. Mọi người trong nhiều trường hợp đều bình đẳng như nhau, không hơn không kém. Nếu bạn dành cho người thân mình sự ưu tiên thì chính là bạn đang đánh mất đi cơ hội của người khác và làm cho người thân mình ỷ lại vào bạn.

Cuộc sống là sự lựa chọn

Trong phim, lúc đứng giữa sự sống và cái chết. Người lính cứu hỏa đã phải hiến thân mình để bảo vệ mọi người, làm mọi cách để giúp mọi người thoát ra khỏi biển lửa đó. Đó dường như đó là đạo đức nghề nghiệp hay chính là tôn chỉ của một người lính cứu hỏa. Điều này có vẻ đối nghịch với ông bác sĩ, nhưng tôi nghĩ khi mình đã gắn bó với một công việc, thì đó chính là trách nhiệm hay là máu thịt của mình.

Dẫn chứng thực tế, vụ sóng thần xảy ra ở Nhật Bản đã khiến cho nhà máy điện hạt nhân trong tình trạng báo động. Một số nhân viên hạt nhân đã hiến thân mình, chịu nhiễm phóng xạ để không xảy ra thảm họa hạt nhân. Một tinh thần Nhật Bản thể hiện rõ trong hành động của họ. Trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

Nhiều lúc, trong cuộc sống chúng ta đứng giữa những sự lựa chọn khó khăn. Không hẳn là giữa sự sống và cái chết. Đơn giản như việc lựa chọn giữa yêu hay ghét, được hay mất… Chúng ta thường cố gắng cân đo đong đếm giữa những sự lựa chọn đề tìm ra những lựa chọn tối ưu. Nhưng có những lúc, chúng ta phải lựa chọn trên cả sự ngẫu nhiên hay là lựa chọn cả những thứ mà rằng chúng ta không hề thích.

Có một câu nói rất hay:

“Khi bạn lựa chọn điều gì đó, hãy tung một đồng xu lên, trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi đồng xu ở trên không trung, bạn bỗng dưng nhận ra mình đang mong đợi điều gì.” – Khuyết Danh

 

Quang Nam

P/s: Bạn nào muốn rõ hơn về câu chuyện thì hãy xem phim “Thoát Khỏi Biển Lửa” nhé! Chúc các bạn xem phim vui vẻ!

Bức thư gửi những người đang sống

Photo: Trân Nguyễn

 

1. Bạn và một sáng thứ Bảy

Hôm nay là một buổi sáng thứ Bảy. Trời lạnh se se, mưa rỉ rả, và bạn thì chẳng biết làm gì cả. Thế nên bạn quyết định làm một ly chanh nóng, hoặc trà gừng, hoặc trà mật ong, hoặc cacao nóng, hay cà phê nhỉ, và bạn tò mò đọc note này như một cách giết chết thời gian.

Con gái sexy trong mắt tôi

Photo: simplysmilingandsmoking

Vô thẳng vấn đề luôn, không vòng vo, đó là: Tui khoái! Tôi cũng như bất cứ thằng đàn ông khác trên đời này, thấy gái đẹp, hẳn là mê! Đó là lý do mà “mỹ nhân kế” là chiêu đã nghe nói đến thuộc lòng nhưng chả thể nào “đỡ” được. Mấy ông vua thời xưa, có được mấy ông thoát khỏi ải mỹ nhân? Cứ một mùi thơm của mái tóc cũng làm mấy gã thô xác chết mê chết mệt! Thế nên đó là cái lý do mà phụ nữ cứ tận dụng cái thế mạnh này để đánh bại đàn ông. Phụ nữ không dùng sức mạnh cơ bắp mà dùng nước mắt và sự quyến rũ. Nhưng tôi thiết nghĩ, họ “nghĩ là” vẻ đẹp bề ngoài có thể đánh bại đàn ông hay nó đánh bại được đàn ông “thật”? Đó là một câu hỏi mà tôi đã luôn hỏi từ nhỏ đến giờ.

Làm đẹp, điệu, diện, ngựa, chảnh… là thiên chất của phụ nữ. Mà đúng là, phụ nữ sinh ra để làm điều đó thật. Họ sinh ra cho đàn ông ngắm nhìn và… ôm một cái! Họ hợp với chuyện đó hơn là bưng bê tông hay vác củi, đương nhiên là họ cứ hãy tiếp tục làm đúng cái thiên chất của mình đi ạ.

Ngày xưa, người ta không có nhiều tiền bạc, của cải, và vật chất như thế giới hiện đại để có thể liên tục chưng diện cho mình những bộ cánh tuyệt vời hay cả tủ quần áo. Có chăng là tích góp, để dành nhiều tháng ngày mà có thể mua cho mình một bộ “trông dễ coi” là cùng.

Nhưng ngày nay thì khác à…

Làm đẹp ngày nay, phần lớn đã lên đến mức “đua đòi”, có phải thế không? Nó đã không còn đơn giản như cái nghĩa “làm đẹp” nữa. Con gái bây giờ sợ mình xấu hơn mấy nhỏ khác. Từ nhỏ chưa có bồ, sợ hông được trai dòm; cho đến nhỏ đã có bồ, sợ con khác giựt, nhỏ nào cũng chạy đua “quần áo”… Nhìn khách quan thì rõ là, có cung thì có cầu, đàn ông mê đẹp nên con gái mới tiếp tục làm. Rõ ràng là con gái không mặc để bị chê xấu hay làm đẹp để… đi ngủ.

Nhưng mà con gái này, trên đời này, cái gì quá cũng không tốt đâu. Ra đường mà lúc nào cũng với tiêu chí đinh ninh trong đầu là phải “sexy” để “trai dòm” là không tốt đâu nhé, nó sẽ chẳng dẫn con gái đến đâu cả! Tôi không muốn đả kích ai cả, nhưng đã từng đôi tai của mình nghe rằng: Một người (thằng đàn ông) giàu có, thì chẳng biết người ta yêu anh ta vì cái gì cả. Trong tâm tưởng của mình, tôi cũng luôn thấy, khi con gái ăn mặc sexy thì rõ là: Chẳng biết đàn ông có yêu họ vì mọi thứ không hay chỉ muốn… Nói rõ luôn, với tôi thì mỗi khi nhìn thấy một con bé đẩy đà, sexy, thì tôi chỉ muốn “ba chấm” thôi! “Ngon” cũng là từ mà con gái nên biết khi con trai bàn tán khi nhìn thấy một em “sexy” nào đó.

Con gái này! Đây là những lời thật tình của một thằng đàn ông con trai như tôi nói ra cảm nhận thật của mình, không phải là dạy đời, cũng chả phải muốn thay đổi thế giới…

Con gái nghĩ vẻ đẹp là cái gì? Có phải là cả những thứ thấy được và không thấy được không? Phải vậy không? Quy luật cơ bản của vũ trụ là hai cực: Nam – nữ, trắng – đen, trong – ngoài, trên – dưới… Vậy nên, vẻ đẹp của đàn ông là: Tài năng tạo ra vật chất và tâm hồn ảnh; vẻ đẹp của con gái là vẻ đẹp hình thể và cả vẻ đẹp tâm hồn nữa. Nói thì nói vậy chứ đa phần bọn con gái vẫn cứ “bên ngoài” là tốt hơn cả! Tôi biết mà!

Nhưng, vẻ đẹp thực sự, làm người ta nhớ nhung thực sự, làm người đàn ông phải suy nghĩ – nhớ về khi đang đi với con nhỏ sexy khác, đó là vẻ đẹp nội tâm của con gái đó. Đó là cảm nhận của bản thân tôi. Giả sử như người đàn ông của bạn luôn khen bạn “đẹp”, nghĩa là một lúc nào đó anh ta sẽ thấy có người khác “đẹp hơn” bạn. Đó là sự thật không bằng cách nào có thể chối cãi. Đương nhiên tôi không phải là một người duy tâm, cực đoan và bảo thủ đến mức bảo với con gái hãy cứ coi trọng cái nội tâm còn vẻ bề ngoài bết bát sao cũng được. Tôi hoàn toàn không có ý đó.

Mà nè, dù gì thì, vẻ đẹp bề ngoài chỉ có thể cải thiện rất ít (đừng nghĩ đến phẩu thuật thẩm mỹ!), trong khi vẻ đẹp tâm hồn thì đúng là đào được sâu vô tận, là một chân trời mà nhiều khi sống với nhau cả chục năm người đàn ông mới bất giác khám phá ra. Cách duy nhất để ai đó nhớ đến bạn, hay kể và tự hào về bạn là khi bạn có một vẻ đẹp đặc biệt xuất phát từ “nhân” – nội lực từ bên trong. Thực sự thì mấy gã đàn ông thực sự yêu bạn, không có gã nào khoe bồ mình “ngon” cả! (Nếu bạn thực sự “đam mê” chuyện 3x thì mọi điều mình nói không có ý nghĩa gì nhé.)

Ồ, khoan hãy cau mày… nếu đẹp cả ngoài và trong thì tốt quá! Nhưng cái gì có thể trường tồn thì chúng ta nên chú trọng nó hơn một chút… Đó gọi là “đầu tư lâu dài”, sẽ có lợi nhuận đó.

Nếu mình là con gái (chỉ là nếu thôi nhé), mình sẽ chỉ sexy cho người yêu mình “dòm” thôi. Mình không thích làm hàng free, nhìn không tốn tiền. Mình đâu có rãnh mua đồ đẹp để cho mấy thằng ất ơ ngoài đường dòm, mình thì tốn tiền mà tụi nó thì được miễn phí? Bạn có nghe câu: Nếu bạn giỏi làm một điều gì đó thì đừng làm nó miễn phí chưa? Thằng bồ có trả phí nên nó được “dòm”, mấy thằng khác không trả, suy ra, không được “dòm”. (Đừng hiểu nhầm ý tôi ở luận điểm này bằng cách hiểu rằng: Trả phí có liên hệ gì đó với “đại gia” và “trai giàu”, một sự hiểu lầm tai hại! “Phí” nhiều khi còn là “thời gian” và “công sức” nữa!).

Được nhiều người nhìn thì thích thật, cứ như mình là trung tâm vũ trụ vậy, cơ mà những chuyện sau đó, nhìn chung, không có nhiều tích cực. Và, thực sự thì, khi là một thằng đàn ông, tôi cũng chỉ thích người yêu mình sexy cho mỗi một mình mình “dòm”, ích kỷ vậy thôi!

Đương nhiên là phong cách này sẽ không phù hợp với những bạn nữ thích được nhiều người chú ý, và những bạn nữ “đam mê” 3x nữa. Thế nên đừng cố gắng áp đặt bài viết của tôi cho tất cả mọi người, nó không phù hợp. Đương nhiên những chuyện sexy tiêu cực mà tôi nhắc đến không có nghĩa là tất cả mọi người đều như thế; bao giờ cũng vậy, tôi không bao giờ muốn cực đoan quơ đũa cả nắm, luôn có những ngoại lệ, thế nên đời lúc nào cũng có những điều làm cho ta bất ngờ mà.

Tóm lại, đây là quan điểm của bản thân tôi, như tiêu đề đã nói rõ. Nó sẽ giúp một vài bạn lệch hướng với bản chất của họ, tìm ra con đường phù hợp với mình để sống, mà theo tôi gọi là “đầu tư” có hiệu quả!

Lục Phong

Tình yêu và chữ thiệt

*Feature Image: Rovina Elisabeth

 

Hôm nay vô tình đọc được một câu trong “status” của Trang Hạ, người đàn bà đích thực trong tôi nói về “nỗi sợ trong mỗi chúng ta: đó chính là sợ thiệt.” Giật mình thấy sao đúng với bản thân quá; ngẫm sự đời, về tất cả những người tôi đã tiếp xúc, những trải nghiệm tôi đã đi qua chua xót thấy rằng “ừ vậy SỢ THIỆT đã cản đường ta nhiều đến thế ư?”

Có tình yêu thì phải nắm lấy đi chứ?

Có người chỉ mất một giây để cảm nắng một ai đó, một tháng để tìm hiểu và chỉ một lời tỏ tình cùng cái gật đầu là đã có đôi. Có người mất cả quãng đời sinh viên, nghĩ rằng đây là giai đoạn thích hợp để yêu, mong tìm thấy một người thương của đời mình, mượn đôi vai dựa một tí mỗi lúc mệt mỏi, chỉ là một tí thôi nhưng sao vẫn chơi vơi chờ đợi vô vọng.

Và có người mất cả một cuộc đời vẫn chưa tìm thấy một người gọi là tri kỷ, một người mà chỉ mới nghĩ thôi đã thấy thương, thấy nhớ, thấy phấp phỏm trong lòng, nhưng ông trời trớ trêu thay vẫn muốn tiếp tục trò chơi trốn tìm mãi không chịu chỉ cho. Vì đã là người thì ai chẳng cần được yêu thương, được quan tâm, được vỗ về mỗi lúc chênh vênh giữa những thăng trầm của cuộc sống để thấy lòng ấm hơn mà bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn dẫu chông gai, vất vả…biết vẫn có một người luôn ở bên cạnh thế đã là quá đủ.

Ai cũng biết rằng đời người hữu hạn, và đôi khi lại rất mong manh, sống chết chỉ trong gang tất, nhưng điều gì lại làm cho những người đã có được tình yêu mà mình mong muốn lại ngập ngừng trong giây lát phân vân, suy nghĩ “liệu rằng mình có nên yêu anh/cô ấy không?” hay chẳng qua cái sự sợ thiệt lấn át những mong muốn thực sự của mỗi người. Mở lòng ra, nhìn thẳng vào tim gan nói thật với chính mình đi nào.

Có phải bạn sợ rằng nếu tối nay mình đi chơi thì ngày mai làm sao có thể đi làm đúng giờ? Có phải bạn sợ rằng ngao du ít ngày ở một vùng đất mới thật tuyệt, đó là điều mình thích nhưng vậy thì cái chức trưởng phòng kia chắc chắn sẽ thuộc về tay ông/bà kia vào cuối năm mất thôi?

Có phải bạn sợ rằng thương con nhỏ kia dễ thương đấy nhưng không xinh làm sao nở mày nở mặt với bạn bè, yêu thằng kia đàng hoàng đấy nhưng hiền quá làm sao có thể chở che, dựa dẫm? Có phải bạn sợ rằng tình yêu của người kia không đủ mạnh, đủ nồng, nhỡ may họ đổi lòng thì mình sẽ phải làm lại từ đầu, mà ta lại không cam tâm làm điều đó, thôi thì chia tay khi thấy còn chưa thiệt hại nhiều?

Liệu có phải là tình yêu?

Nhưng bạn ơi, bạn nhầm rồi đó. Cứ ngồi đó mà tính toán thiệt hơn thì tình yêu của bạn đã đến nơi mà nó xứng đáng thuộc về rồi, có thể không phải là một cô công chúa xinh đẹp, một chàng trai lịch lãm, một cuộc sống sung túc nhưng ở đó có sự chân thành, bao dung, và quan trọng hết là ở đó có Tình Yêu không sợ thiệt. Khi tình yêu cần dùng cả lý trí để phân chia thiệt hơn thì đó có còn được gọi là tình yêu hay chỉ là sự ích kỷ của bản thân muốn thể hiện mình khi trái tim đã không còn lửa yêu thương?

Muốn yêu, muốn được yêu, muốn sống một cuộc sống đáng gọi là sống, muốn nắm lấy cái khoảnh khắc đôi lúc thật giản đơn đối với người này nhưng lại là cả một đời chờ mong của người kia, thì đôi lúc ta phải dám BUÔNG những cái cần buông, dám BỎ những điều cần bỏ, những cái sợ thiệt không đáng mang theo cho đời bớt nhọc.

Bởi vậy có tình yêu thì phải nắm lấy, chỉ lơ là một giây, chỉ lạc nhau một vòng tay, chỉ hờ hững một ánh nhìn là bạn có thể mất cả đời liệu có thể tìm thấy nhau?

Còn tôi, tôi chọn:

“Thà biết trước mình sẽ sống vì một người nào đó ngày mai
người có khi không phải thấy hối tiếc
người có khi làm cả triệu cái xích đu rồi đặt trên khắp các nẻo đường mà không cần biết
người mình yêu thương có chịu ngồi xuống hay không?
Ở đâu đó trong cuộc đời vẫn luôn có một chiếc xích đu treo trong lặng im
chờ một người đến ngồi và đọc sách…” – Nguyễn Phong Việt

 

Thanh Ngân