27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 27 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 272

Viết cho những người đàn ông tốt, yêu những người phụ nữ khờ dại

*Photo: Dulcinea Studio

 

“Tàu vừa đỗ, nàng bước xuống và khuôn mặt đầu tiên nàng nhìn thấy là ông chồng. “Chao, lạy Chúa tôi! Sao đôi tai ông ấy lại to đến thế kia?” Nàng vừa nghĩ thầm vừa nhìn vào khuôn mặt lạnh lùng, tao nhã của chồng, nhất là đôi vành tai đội cả vành mũ tròn lên và đó khiến nàng sửng sốt…”

— Leo Tolstoy, Anna Karenina, NXB Văn hóa Thông tin, 2004, tr 174

Anna Karenina là một quý phu nhân ở Nga vào thế kỉ 19, đã có chồng và một đứa con trai xinh xắn. Nhưng sau một lần đến Moscow, gặp gỡ Vronxki, nàng đã phải lòng chàng – người đàn ông trẻ trung phong lưu hào hoa và cũng yêu nàng say đắm. Để rồi sau khi đi như chạy trốn khỏi Moscow, nàng được chồng đón đợi ở ga xe lửa và bất giác câu nói trên vang lên trong đầu nàng, khi nàng nhìn thấy ông  chồng ra đón. Để rồi sau đó Anna lao theo tiếng gọi của tình yêu như một con thiêu thân và cảm thấy bế tắc trong cái xã hội thượng lưu ngột ngạt, nàng đã lao đầu vào xe lửa để kết thúc cuộc đời mình…

“Chao, lạy Chúa tôi! Sao đôi tai ông ấy lại to đến thế kia?”

Ai cũng nói làm người thì không được tham, sân, si, không được có dục vọng… làm phụ nữ càng nên chăm lo vun vén cho tổ ấm của mình, phải làm một người vợ, người mẹ biết hy sinh cho những gì mà cô ấy yêu quý.  Nhưng bạn có bảo đảm rằng cô ấy sẽ sống cả đời với bạn mà không có những lúc “sửng sốt” như Anna? (Nếu quả thật bạn không lâm vào hoàn cảnh này thì xin chúc mừng bạn, bạn đã có một cuộc sống viên mãn rồi! Hoặc là cuộc sống của bạn sẽ rất bất hạnh vì nó cứ đều đều, nhàn nhạt và chắc chắn đến một lúc nào đó, cả hai bạn sẽ phải “sửng sốt” chứ không riêng gì cô ấy.)

Phụ nữ, trong quan niệm của tôi là những người dám sống hết mình với những xác tín và sự tôn thờ của họ. Họ có thể nổi nóng  nhưng ngay lập tức trở lại mềm yếu, họ có thể không xinh nhưng luôn nỗ lực để làm mình đẹp hơn trong mắt bạn, họ có thể rất lí trí trong công việc nhưng trong tình yêu họ luôn khờ dại… Họ lúc nào cũng là những thái cực, họ lúc nào cũng làm cho bạn điên cuồng khổ sở, nhưng bạn không thể phủ nhận rằng, họ cho bạn nhiều niềm vui hơn bất cứ thứ gì bạn có.

Ngay cả khi họ giận dỗi, khóc lóc, cầu xin, van lơn hay lừa dối bạn điều gì đó… với tôi, cũng chỉ là cách họ muốn chứng minh sự hiện hữu của họ trên cuộc đời này và vị trí của họ trong cuộc sống của bạn mà thôi.

Tôi biết một đôi bạn yêu nhau hơn 5 năm và có lẽ họ đã hướng tới một “happy ending” cho câu chuyện cổ tích của mình. Rồi một ngày kia, cô ấy bỗng “sửng sốt”, như nàng Anna kia vậy, về một đặc điểm của người yêu mà bấy lâu cô ấy không nhận ra… Và cô ấy chạy trốn khỏi chàng trai ngay sau đó, vì nếu giây phút đó đến khi cô ấy mặc váy cưới tiến đến gần chàng trai, ai dám bảo đảm là cô ấy không ôm tùng váy bỏ chạy?

Chẳng ai là hoàn hảo trong tình yêu

Thế nên mọi người mới nói tình yêu là sự “bù đắp” và hạnh phúc là sự “vun đắp”. Nếu bạn đã “lỡ” yêu một cô gái cá tính, nông nổi, xin hãy chấp nhận sự bồng bột của cô ấy, xin hãy nghiêm khắc với cô ấy, xin hãy dịu dàng với cô ấy, xin hãy tha thứ và bao dung hơn với cô ấy… Lý do tại sao bạn phải làm thế ư? Vì cô ấy là một phụ nữ không chịu được cái màu nhàn nhạt của tình yêu. Cô ấy có quẫy đạp trong thế giới của cô ấy đến đâu thì cuối cùng người chịu tổn thương nhiều nhất vẫn là cô ấy. Trong bất cứ chuyện gì xảy ra, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ.

Thế nên tôi mới gọi phụ nữ là Gió, tôi thay lời những người phụ nữ ngốc nghếch trong tình yêu mà cất lên tiếng ca này:

“Em là gió, vần xoay và vũ bão,
Cũng nhẹ nhàng lả lướt thênh thênh.
Gió chẳng ở chẳng đâu là ràng buộc,
Hoang hoài dài dừng lại đúng nơi anh.”

Nếu bạn yêu cô gái ngốc ngếch và tội nghiệp của bạn chân thành, hãy là nơi dừng chân của gió! Và hãy chấp nhận nếu cô ấy lại một ngày khởi phát cuộc phiêu lưu của mình, hãy là chuông gió để gọi gió về, bạn nhé…

 

Hai Yan

Tiền, tình yêu, thành công, hạnh phúc và bảng xếp hạng

*Featured Image: Tax Credit

Tương đối

Bạn thấy bốn danh từ đó nhan nhản trong hầu hết các mục báo về đời sống xả hội, tình yêu, hôn nhân, già đình từ các trang báo giấy và báo mạng và rộng hơn từ những kênh truyền thông yêu thích của bạn, chúng chẳng còn xa lạ trong cuộc sống của bạn nên đôi khi, bạn lại quăng cục lơ nếu thấy chúng lần nữa ở đâu đó.

Xin nán lại chút thôi để thử làm cái việc mà mình đang làm: Thêm những dấu cộng và dấu bằng giữa chúng, hoặc đơn giản là xếp hạng chúng xem, chắc rằng sẽ có nhiều điều thú vị, đặc biệt là, việc này sẽ trở nên ý nghĩa hơn sau những va vấp, thành tựu cá nhân, những biến cố lớn nhỏ, thoáng cảm xúc vu vơ. Hay nói bằng ngôn từ bình dân, cứ vật lộn với chúng đi, trật tự trong chính cuốc sống sẽ sáng tỏ hơn.

Thứ tự của tiêu đề cũng là bảng xếp hạng riêng của chính mình, đầu bảng là hạnh phục, chót bảng là tình yêu + tiền. Thực tế mà nói, xếp hạng cao chưa chắc là mức độ ưu tiên cao nhất, nhưng là mục tiêu cao nhất, cái đích cuối cùng trong cuộc đời này, và tất nhiên, phải có cái thấp mới có cái cao, có cái nhỏ rồi có cái lớn, với mình là thế. Sẽ không nói riêng từ thứ một, vì sẽ rất dông dài, nhưng ôn lại một vài quan điểm mà chúng ta thấy khá nhiều ở đâu đó.

Tiền không mua được tình yêu

Với mình thì hai thứ đó là hai phạm trù rất khác nhau, đơn giản vì tiền thấy được, còn tình yêu thì không. Nói vui thôi, chúng thuộc hai phạm trù khác nhau thì sao đặt lên cân để cân đo và có giá trị trao đổi được. Nếu anh hùng nào cố ngã giá cho tình yêu, thì hắn chắc hẳn đã bất lực với tình cảm, chỉ còn khả năng tài chính (mình nói trên quan điểm tích cực và đầy cảm thông nhé, vì bất lực là ngoài ý muốn của hắn rồi, hắn không thể yêu nên mang tiền để đổi lấy tình. Ngược lại, người bán bán sự quan tâm vuốt ve yêu chiều, tình yêu bằng mắt…. Suy cho cùng thứ mà tiền đối lấy không phải là tình yêu, mà là một thứ gì giông giống như thế, hoặc hiểu đơn giản là: Tình yêu đích thực và giả dối.

Nhiều tiền nghĩa là thành công

Nếu mỗi người đều sỡ hữu riêng khái niệm thành công cho riêng mình, thì quan điểm trên một mặt nào đó, đúng với một số người. Họ đơn giản kiềm tiền và thành công, nghĩa là không bạn bè, không gia đình, không con cái cũng là thành công, miễn nhiều tiền. Nếu thế thì với họ, cuộc đời là sự phấn đấu không ngừng, mệt bở hơi tai, vì tiền thế nào là đủ. Nhưng họ cũng hay đấy, nhu cầu cực kỳ đơn giản, và rất dễ thành công, và nếu họ xem thành công đơn giản là hạnh phúc, thì tuyệt với, xem như “xong phim”. Thật ra thì, người như thế hơi hiếm nhé, với mình, họ là siêu nhân rồi.

Trường hợp khác nhiều tiền chưa hẳn là thành công, vì rất nhiều người thành công được người khác công nhận mà không phải vì giàu khẩm, nhưng bằng trí tuệ, cuộc sống mẫu mực, v.v….bạn tin không, sẽ không khó để liệt kê vài danh nhân thuộc giới nghệ sỹ, danh nhân tôn giáo, khoa học. Rồi nhiều tiền cũng không hẳn là thành công, vì có ai nói thừa kế, trúng sổ xố là thành công bao giờ?

Tiền không mua được hạnh phúc

Như mình đã nói ở trên, tiền có thể mua được hạnh phúc, và hạnh phúc ấy luôn phải bồi dưỡng bằng tiền nhiều hơn.

Còn nếu người ta biết hạnh phúc chỉ bằng bữa cơm đạm bạc, bằng sự quan tâm và có ai đó để yêu thương, bằng tiếng khóc chào đời của con, thì mình biết, họ là người rất dễ hạnh phúc nhất thế giới. Họ đã thành công, vì hạnh phúc chắc chắn đã là thành công lớn nhất trong cuộc đời rồi.

Vì sao mình lại nói về những thứ có quan hệ với tiền, đơn giản vì nhu cầu căn bản nhất thì gắn liền với tiền. Không có tiền lấy gì ăn để sinh tồn, nếu không sinh tồn thì hạnh phúc chẳng có nghĩa lý gì. (Trường hợp này không tính đến các Đức Lạt Ma ở Tây Tạng, hoặc bộ tộc tách biệt với thế giới hiện đại nhé)

Vấn đề ở đây, tiền là công cụ tiên quyết để cán đích cuối cùng. Nhưng trớ trêu, ta quá hăng say với tiền, muốn sắm loại công cụ này càng nhiều càng tốt, công cụ khác bị xem nhẹ, chính thói quen đã là kẻ thù hữu hình mà bị phớt lờ thì chả khác nào vô hình.

Mỗi chúng ta đều có cuộc sống riêng, mục tiêu và lý tưởng khác nhau, nên mối tương quan giữa bốn danh từ đó là muôn vẻ trong tư duy cá nhân. Dù mục tiêu của bạn là gì, bạn có sở đoản năng khiếu gì, bạn xuất phát từ đâu, bạn luôn được khuyến khích để đạt mục tiêu, nhưng có điều, tiền-phương tiện chỉ là phương tiện, nó không bao giờ là mục đích.

Tôi có một cái nhìn phiến diện về hạnh phúc qua bảng thống kê chỉ số hành tinh hanh phúc (*), tuy mang tính tương đối và có tầm vĩ mô, nhưng thực tế, những cường quốc không có chỗ đứng trong bảng này.

* (Quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thới giới năm 2012)

1. Costa Rica

2. Việt Nam

3. Colombia

4. Belize

5. El Salvador

Câu hỏi gợi mở xin thay cho một lời kết

Đang hạnh phúc hoặc thành công hoặc đơn giản…có tình yêu rồi, bạn muốn đổi ngược lấy tiền không? Đó cũng là câu hỏi cho mọi người và cho tác giả.

 

Trí Xích Lô

Nguồn tham khảo

Xin đừng đặt tất cả vào niềm tin…

*Featured Image: Minato

 

Niềm tin… thật chẳng dễ dàng gì để định nghĩa và nói về nó. Theo triết lý khoa học của bản thân tôi thì đó là… một dạng vô định hình của một nguồn năng lượng ổn định và dồi dào luôn được bơm đều đặn cho tinh thần. Có lẽ người đọc khi nhìn một câu dài ngoằng của một đứa chẳng-ai-biết-là-đứa-nào thì cũng muốn mất luôn niềm tin vào bài đọc này. Cơ mà tôi không muốn đi sâu vào định nghĩa của nó, cũng chẳng đi sâu vào phân tích những gì tốt đẹp của nó. Tự bản thân nó đã là động lực vô tận để sản sinh ra vô số những câu chuyện mang tính cổ vũ và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp con người trong xã hội.

Ở đây tôi sẽ không nói sâu về niềm tin giữa con người với con người, niềm tin của chính bản thân họ hay niềm tin vào một sự vật hiện tượng trong cuộc sống hàng ngày…. Tôi chỉ muốn nói về liều lượng, vâng, chính xác là mức độ, cường độ “quá mức” của niềm tin và những ảnh hưởng của nó đến người mang nó.

Niềm tin được xây dựng và hình thành dựa trên sự tin tưởng và về một cảm nhận chắc chắn nào đó sẽ xảy ra trong cuộc sống. Xây nhà phải có móng, phải có điểm tựa, chí ít là một điểm tựa nhưng nếu chắc chắn thì ta vẫn có quyền hy vọng. Niềm tin cũng được xây dựng như vậy, tuy nhiên nếu niềm tin được đẩy lên cao quá mức, mà cái nền tảng để xây dựng lên niềm tin đó nó mong manh và không đủ gánh vác được cả sức nặng đó thì sao… đến một ngưỡng nào đó niềm tin sẽ đổ vỡ, nó rơi xuống và chắc chắn rằng không chỉ người mang niềm tin mà đám đông những người kỳ vọng vào tòa tháp niềm tin đó cũng sẽ cực kỳ hụt hẫng. Leo càng cao càng ngã đau chính vì thế xây tháp thật cao để rồi rớt tự do thì không chỉ đau, khó đứng dậy mà có thể chết mà không nhắm mắt. Đã có bao nhiêu người rơi vào tình huống tồi tệ đó…

Cha mẹ… đấng sinh thành, họ luôn là những người có niềm tin vào con cái của họ nhiều nhất. Sinh con ra, nuôi con lớn lên, có vui sướng nào hơn khi nhìn thấy con mình đạt thành công qua từng năm tháng. Niềm tin dành cho con cái là vô bờ bến đặc biệt là đối với những người con giỏi giang, ngoan hiền, hiếu thảo, họ có tất cả những cái tốt mà những người cha mẹ khác luôn lấy ra để so sánh với con của họ…

Vậy mà, chỉ trong giây phút… khi dính vào vòng tội lỗi, lao tù họ đã phá nát tất cả… những danh vọng trong tương lai, những cống hiến đã đạt được… họ sai, họ phải chịu hình phạt mà họ phải gánh lấy, thế nhưng còn cha mẹ họ, những người đã xây niềm tin với một nền móng vững chắc như thế giờ đây phải sống thì quả thật là khó khăn. Họ ở đó đang nằm dưới những mảnh niềm tin vụn vỡ, niềm tin xây dựng vời vợi bao năm giờ chỉ còn là những một đống hỗn độn với những lưỡi dao nhọn đâm vào da thịt. Có tránh được niềm đau đó không khi những lỗi lầm mà con họ đã gây ra lớn như thế…

Trong những trường hợp này bi kịch về niềm tin sụp đổ thật là kinh khủng. Tôi đang nói đến trường hợp của bác sĩ Cát Tường, bảo mẫu ở nhà trẻ Phương Anh hay ông Dương Tự Trọng. Nếu xã hội phẫn uất và bất bình bao nhiêu thì cha mẹ họ lại đau khổ về hành động của con mình hàng vạn lần… Con người ai cũng phạm phải những sai lầm nhưng sai lầm lớn ở những người đang là một tấm gương đẹp thì thật khó chấp nhận.

“Xin đừng đặt tất cả vào niềm tin” trong trường hợp này có thể là một chiếc phao cứu sinh nhỏ nhoi để người nắm giữ bi kịch bấu víu. Con người ai cũng sẽ có lỗi lầm, dù nhỏ dù to xin các bậc cha mẹ hãy hiểu điều đó, tôi không khuyên các vị rủ bỏ bớt niềm tin cho con cái mà chỉ xin rằng hãy nhớ chừa lại một chút, một chút thôi để có thể chấp nhận sự thật nhỏ nhoi rằng tòa tháp đó có thể sụp đổ ở bất kỳ giây phút nào.

Nói thì hơi phủ phàng nhưng sự thật đúng là như thế, có quá nhiều yếu tố khách quan không thể nào đoán trước và ảnh hưởng trực tiếp đến tòa tháp niềm tin ấy. Chừa ra một con đường để chấp nhận nó vẫn hơn là nằm im và gánh lấy nỗi đau cùng cực khi mọi thứ tan vỡ.

Chắc hẳn không ít bạn trẻ đã từng rơi vào cái vòng xoáy không thể cưỡng lại của niềm tin, vòng xoáy đó lại được tạo nên bởi chính những người thân của mình. Kỳ vọng quá lớn vô hình chung hình thành nên một quả cân lớn đè nặng những bạn trẻ trong vòng xoáy đó. Họ không tự xây nên cái tháp niềm tin ấy, họ đứng đó nhìn nó cao dần, cao dần… sợ hãi vì họ biết nền móng và điểm tựa vẫn chưa chắc chắn… lung lay, chơi vơi, lo lắng là thế nhưng trong thâm tâm chính họ cũng không nỡ dỡ bỏ đi những viên gạch đang dần được chất cao lên. Họ che dấu đi nỗi lo sợ của sự sụp đổ, không muốn xóa tan niềm hy vọng lớn lao của những người thân yêu…

Một số bạn trẻ may mắn khi cố gắng củng cố và bồi đắp thêm chắc chắn cái nền móng vẫn còn yếu ớt đó, họ thành công và vượt qua được, thế nhưng còn số khác thì sao? Sức tàn phá của sự sụp đổ, hệ lụy của nó gây ra ảnh hưởng nặng nề không chỉ với chính bản thân họ mà còn với mọi người xung quanh. Mọi người ơi, đừng xây dựng niềm tin một cách mù quáng và thiếu những bước đệm vững chãi, áp lực lắm cho những người mang trọng trách gánh vác niềm tin ấy.

Mới cách đây mấy ngày thôi khi đội tuyển U19 Việt Nam tham dự giải đấu Nutifood, trận đầu tiên diễn ra đã làm mãn nguyện hàng triệu trái tim người hâm mộ trong cả nước. Sau trận đấu ấy hàng loạt các tờ báo đã đưa tuyển U19 lên mây với vô số lời khen ngợi tán dương, người hâm mộ bao gồm cả những-người-hùa-theo-số-đông vội vàng đưa ra những nhận định và dự tính mang tầm đột phá cho tương lai.

Niềm tin cao ngất trời được xây dựng nhanh chóng và vội vàng để rồi sau đó chỉ hai ngày, niềm tin ấy đã được đáp lại bởi thất bại nặng nề, sự hụt hẫng tột cùng lan tỏa… những ảo tưởng nhất thời đã che lấp đi sự thật là chúng ta cần phải làm nhiều lắm để củng cố niềm tin đó. Các cầu thủ trẻ của chúng ta cần thêm thời gian để chín chắn và học hỏi, đừng đặt tất cả niềm tin chỉ vào họ để rồi hụt hẫng và phê phán đổ lỗi cho mọi thứ. Chấp nhận những yếu tố khách quan dù là nhỏ nhất vẫn luôn là một sự sáng suốt trong mọi hoàn cảnh.

Ước mơ về tình yêu, công việc hay vô vàn những điều mong ước khác đều có chỗ dựa là niềm tin. Như trong các phản ứng hóa học, một chất xúc tác khi được bổ sung ít quá hay nhiều quá cũng đều gây ra những phản ứng phụ không ai mong muốn. Niềm tin là một chất xúc tác như thế, khi bỏ vào đó quá liều lượng và chỉ trong giây lát tất cả bỗng chốc tan biến, kết quả chỉ còn lại là một màn khói bụi mờ ảo. Tỉnh táo khi mang tất cả vốn liếng, hy vọng về niềm tin của bạn đặt vào điều gì đó nhé, hãy chừa lại một một khoảng trống để còn mỉm cười và an ủi khi mọi thứ không như ý muốn. Niềm tin ơi, xin đừng để bị thả rơi vào biển khơi của ảo vọng.

 

Fantoms

Thế giới là của những cô gái

*Featured Image: monia merlo

 

Nó ăn rất nhanh. Với thân hình béo mập chậm chạp và nặng nề có lẽ ăn là việc nhanh nhất nó có thể làm. Tuy răng nó còn khỏe nhưng nó gần như không nhai, nó tin việc này không làm hại dạ dày của nó – đó là việc của các hợp chất hóa học được tiết ra từ hệ tiêu hóa (hay đại loại như thế), có chăng nó chỉ giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn vào cơ thể và nếu điều đó là sự thật thì nó có ích trong kế hoạch giảm béo chưa bao giờ thành hiện thực của nó. Nếu nó bị thủng dạ dày hay bị các bệnh khác liên quan đến đường tiêu hóa thì lý do là do nó ăn quá cay, quá chua, và quá mặn.

Nó ăn nhanh từ trước – nó nghĩ người ta không nên tốn quá nhiều thời gian vào việc nhét thức ăn vào dạ dày – dẫu cho nó không có gì bận rộn nhưng thà ngồi nghe nhạc hoặc duyệt web ở đâu đó còn hơn việc nhét thức ăn. Khi vào đây nó cố gắng ăn nhanh hơn, nói chính xác thì nó cố gắng ngồi dậy khỏi bàn ăn càng nhanh càng tốt.

Những chủ đề xung quanh bàn ăn đôi khi là bóng đá, là game, là phim hoạt hình, tai nạn giao thông, động đất hay sóng thần ở đâu đó và rồi sẽ được tập trung vào lĩnh vực tình dục học – một lĩnh vực đầy quyến rũ và có khả năng kích thích não bộ của con người nhiều nhất nhì, đặc biệt là đàn ông, con trai – đại loại là giống đực. Nó không thuộc về nơi này, nó cảm giác không có chút liên hệ gì với những con người ở đây và thật sự không muốn tạo mối liên hệ nào hết. Từ khi mới vào, nó biết ngày nó rời đi sẽ không xa.

Khi bán tàn về tình dục học. Nó ngồi im, ngoài việc không có hứng thú ra thì thật sự nó chả có kinh nghiệm gì hết và cũng có thể do nó không có kinh nghiệm nên nó không hứng thú, không biết nữa, có  khi nó nên thử tiêm một vài liều testosteron vào đâu đó thật gần tim để dễ dàng đi khắp cơ thể, hoặc nên nó thử “nếm mùi” vì biết đâu đó nó sẽ thích. Sự im lặng của nó làm cho những thằng đàn ông thật sự thích bàn luận với nó về tình dục học. Chúng nó có cảm giác mình đứng ở vị trí xã hội cao hơn với đứa yếu sinh lý và bất lực chỉ biết ngồi lắng nghe (ngồi nghe thì đúng, nó không hề có mong muốn để ý). Trong giới đực (trong suy nghĩ) vị thế đôi khi được đánh giá bằng số lần nhét chim vào âm hộ của đứa con gái nào đó, thỉnh thoảng là số người và có khi là độ tuổi của lần đầu tiên. Cùng lắm, là độ dài của chim, độ tuổi dậy thì hay là độ cong của nó.

Có lúc nó cảm thấy buồn nôn và nó thường hướng sang suy nghĩ chuyện khác, về việc làm thế nào để nhét thức ăn nhanh hơn.

Tuy nhiên, thế giới là như thế, nó không có quyền oán trách thế giới hay thậm chí thay đổi con người kể cả khi nó có thể. Nhưng nó có thể làm cuộc sống nó thú vị hơn bằng việc đặt ra những chuẩn mực của riêng mình, những chuẩn mực đôi khi không cần ai biết.

Nó thích con gái. Nó thích sự dịu dàng và nữ tính, sự khiêm tốn và chăm chỉ. Nó không thần tượng hóa nữ giới như một số người nó biết (dẫu cho các bà mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng tất cả thế giới này) thì nó vẫn phải tin chính họ đã định hình và xây dựng thế giới bằng tình mẫu tử, tình yêu và sức lao động và lương tâm của họ. Đàn ông cũng có một vài tác dụng khi xua đuổi thú dữ vào thời xa xưa. Họ có công trong việc tạo ra các cuộc cách mạng, nhưng vẫn như cũ, cuộc cách mạng nào cũng được tạo nên bởi bạo lực, sự bạo tàn và oán hận, đập đi rồi xây lại, nhưng không có kết cấu nào bền vững nào được tạo nên bởi sự oán hận và vì vậy sẽ cần có cách mạng.

Đàn ông đi nhanh hơn, khỏe hơn, nói to hơn nhưng không hề thông minh hơn (dẫu cho họ có nghĩ như thế) và tâm lý, thể trạng bất ổn định hơn nữ giới cùng với tuổi thọ thấp hơn, ngạo mạn hơn, tàn độc hơn, ích kỷ hơn, hằn học hơn – thi thoảng nó thấy mình thật bất hạnh khi sinh ra là giống đực và nó sẽ dập tắt suy nghĩ này bằng việc làm gì đó có sử dụng sức mạnh cơ bắp để nó có thể yêu giới tính của mình vì dụ như cầm đá ném hết sức thật xa và mỉm cười vì không có đứa con gái nào nó biết có thể ném xa hơn nó.

Đến tận bây giờ nó vẫn còn băn khoăn về ý nghĩa của đàn ông trên thế giới này.

 

Itlboy

Tôi đã nói với mình và giờ tôi nói với bạn

*Featured Image: Leslie

 

Ta phải sống, đó là chân lý.

Ta không thể chết chỉ vì cuộc đời quá bất công, vì số phận quá khắc nghiệt, vì hoàn cảnh quá nghèo khó, vì bản thân quá ngu dốt, vì duyên tình thật lận đận hay vì thất bại phủ kín đường công danh. Ta không thể chọn cái chết một cách hèn hạ như thể đầu hàng trước số phận. Ta phải sống và phải đi qua những thách thức khắc nghiệt của cuộc đời để cập bến bình yên.

Vậy nên, để tiếp tục cuộc sống này, thay vì than vãn và nhìn vào mảng tối sao ta không tự tô vẽ những gam màu sáng hơn cho bức tranh cuộc đời của chính mình nhỉ.

Ai cũng có cho mình những cách riêng và theo cách của chính mình, bạn đã thực sự cảm thấy cuộc sống mình đẹp hơn chưa, cảm xúc mình cân bằng chưa, tâm trạng mình vui tươi chưa?

Khi đứng trước gương và mỉm cười, bạn có cảm thấy hài lòng với nụ cười đó của mình chưa hay vẫn thoang thoảng một nỗi buồn hằn sau đôi mắt. Nếu thế, hãy thử cách của tôi xem sao.

Tôi học cách tự nói với mình những điều tốt đẹp

Lúc đầu, nó như một cách tự huyễn hoặc chính mình nhưng dần dần những điều đó ăn sâu vào trong tôi và tôi thấy cuộc sống của tôi bây giờ đẹp lắm, cảm xúc cân bằng lắm, tâm trạng thư thái lắm và quan trọng là tôi tự hào khi đã trả nụ cười lại đúng với giá đỡ niềm vui chứ không phải là bia chắn cho nỗi buồn.

Tôi tự nói: Xã hội này vẫn có nhiều người tốt

Tôi luôn tin điều đó dù ngày ngày báo mạng ngập các tin cướp, giết, lừa đảo. Tôi luôn tin điều đó ngay khi chính bản thân mình bị lừa vì tôi nghĩ xã hội này là nơi tôi sống, tôi không nên chỉ vì một bộ phận người xấu mà quy chung cho xã hội xấu xa. Mà nghĩ nó xấu thì có được gì đâu, tôi cũng chẳng thể tự đào thải mình ra khỏi cái xã hội đó vì thế, tôi bấu víu vào những điều tốt đẹp.

Cứ như thế, khi tôi lạc đường tôi đã gặp được các bác xe ôm tận tình chỉ dẫn, tôi gặp được chủ quán ăn tốt bụng trả lại điện thoại cho tôi khi tôi để quên, tôi gặp cô bán xôi hàng ngày đều dành riêng một gói cho một cậu học sinh nghèo mặc dù cô cũng chẳng giàu có là mấy. Thế đấy, tôi thấy mình đã đúng khi luôn tin vào người tốt trong xã hội đầy những cám dỗ và xấu xa này.

Tôi tự nói: Yêu thương không phải là thứ xa xỉ và hạnh phúc không phải cô công chúa kiêu kì

Yêu thương thực ra luôn ở quanh ta chỉ vì ta đóng cửa lòng quá kĩ nên chẳng nhận ra thôi. Hạnh phúc vốn tồn tại bên ta chỉ vì ta cứ mãi đi tìm ở những nơi xa xôi mà chẳng chịu nhìn đến những điều giản đơn bên cạnh đó chứ.

Nghĩ thế nên tôi mở lòng hơn với những người bên cạnh dù cho cái tôi nhận được không phải là một cậu người yêu để gọi là yêu đương mà là những người bạn chân tình để gửi gắm yêu thương.

Tôi không còn là đứa khờ dại đi tìm hạnh phúc nữa mà tôi trân trọng hiện tại, tôi yêu thương nhiều hơn, tôi cho đi nhiều hơn và tôi chân thành hơn với các mối quan hệ rồi tôi nhận thấy, hóa ra khi mở lòng để cho đi yêu thương ta sẽ nhận lại hạnh phúc.

Thế đấy, yêu thương nắm sẵn trong tim và hạnh phúc luôn liền kề bên nó, tôi đã nhận ra điều đó.

Tôi tự nói: Mình là duy nhất

Những lúc phải đối diện với thị phi, thay vì cuống cuồng giải thích hay thay đổi để chiều lòng thiên hạ thì tôi lại tự nói với mình “Vì mình là duy nhất” nên hãy sống theo cách của riêng mình, đừng biến mình thành bản sao để chiều lòng thiên hạ. Ta chỉ có một cuộc đời để sống nhưng ở cái cuộc đời đó lại có trăm vạn miệng lưỡi, lẽ nào ta bán cuộc sống của mình, ta xẻ nhỏ nó ra để bưng biếu cho người đời hài lòng?

Không! Ta là ta với những cái riêng biệt, ta dung hòa chứ ta không bão hòa, ta thay đổi nếu sự đổi thay ấy khiến ta sống tốt hơn chứ ta không biến thành người khác chỉ vì ai đó thích thế.

Điều đó khiến tôi mạnh mẽ hơn khi bước ra và gặp gỡ miệng đời. Bạn cũng sẽ có những câu nói cho riêng mình, những cách đưa chính mình vượt qua sự khủng hoảng tinh thần và làm đẹp hơn cuộc sống của mình.

Mỗi người mỗi cách và riêng tôi, tôi vẫn tin rằng, vỗ về mình bằng những điều tốt đẹp thì đến một lúc nào đó nó sẽ hiển nhiên trở thành mặc định trong tâm trí bạn và một người luôn hướng mình về những điều tích cực chắc chắn hạnh phúc sẽ tìm đến bạn và bình yên sẽ về với bạn trong từng giấc ngủ.

Tin tôi đi!

 

Yến Mèo

Giống cũng không được, khác cũng không xong vậy thì tôi phải làm sao?

Photo: Mac Calarco

 

Đã khi nào bạn nghe tới mấy câu đại loại như…

“Chia tay vì không hợp nhau.”

“Chẳng thể nào tìm thấy điểm chung cả.”

Hoặc “Anh ấy quá khác mình và làm những điều mình không thích.”

Hay “Cô ấy không giống tôi, cô ấy luôn làm những việc khác thường.”

Vậy bạn có nghĩ rằng, trong tình yêu phải chăng cần hợp nhau và giống nhau hay là sự khác nhau về nhiều khía cạnh? Hay chỉ là cần một từ hiểu nhau là đủ?

Giống và khác?

Bạn nghĩ rằng việc yêu một người nào đó thì hai người phải có nhiều điểm chung, nhiều điểm giống nhau? Hay là chung sở thích, thú vui?

Không hẳn thế! Theo tôi nghĩ trong tình yêu nếu hai người yêu nhau mà họ quá giống nhau thì kết cục đau buồn nhất của chuyện tình đó sẽ là một cuộc chia ly đầy nước mắt… Lý do vì sao à?

Đơn giản, khi hai người có quá nhiều điểm chung… Họ luôn làm những gì họ thích, cảm thấy đối phương thật sự tốt thì đến một lúc nào đó, họ sẽ cảm nhận được sự nhàm chán rằng tình yêu của họ không đẹp như họ tưởng. Hoặc có thể trong tình yêu, một người quá nuông chiều, cố gắng làm hài lòng những sở thích người còn lại và theo thời gian họ nhận ra họ đang đánh mất bản chất của mình. Họ đang cố gắng trở thành một kẻ khác để tốt trong mắt người còn lại…

Và quan điểm, suy nghĩ của hai người quá giống nhau thì họ sẽ đánh mất chính kiến của bản thân mình mà hùa theo quan điểm của người còn lại. Họ sẽ nghĩ rằng, mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ khi bộc phát ra thành lời của đối phương đều là lý tưởng, đều là chân lý. Đôi khi, có khá nhiều người mụ mị trong tình yêu, yêu điên cuồng mà không biết rằng mình đang lạc hướng, mơ hồ giữa một mớ hỗn độn do người còn lại sắp xếp.

Khi hai người yêu nhau mà quá giống nhau, họ biết được cả những ưu điểm và khuyết điểm của đối phương, thì đến một lúc nào đó họ sẽ không còn gì để khám phá, không còn gì thú vị và họ cố tìm những khuyết điểm của đối phương để tận dụng vào những lúc mắc lỗi mà có thứ để ngụy biện cho lý lẽ của họ.

Nhưng nếu hai người quá khác nhau thì kết cục cũng buồn không kém…

Yêu nhau mà mỗi người một tính cách, một sở thích… Không thể nào tìm ra được một điểm chung nhất định. Người thích phim này, kẻ thích phim khác… Hay người ăn món này, người ăn món khác… Họ không thể nào tìm ra những điểm tương đồng trong quan điểm của họ.Và đôi khi, họ cố gắng làm hài lòng người còn lại bằng cách chấp thuận vô điều kiện những yêu cầu, những ý kiến hay cả yêu sách.

Khi quan điểm, suy nghĩ quá khác nhau thì rõ ràng rằng họ sẽ không thể nào cùng nhau chung lý tưởng, một con đường và khó lòng để bước hết con đường đó. Nói một cách khác, họ không thể nào đồng điệu hay chung nhịp đập của trái tim.

Khi mà hai người quá khác nhau, suốt ngày giận dỗi vì những lý do không đâu vào đâu thì chợt nhận ra rằng họ không là gì của nhau cả… Họ đi đến một quyết định chia tay để giải thoát cho nhau và tìm một tình yêu mới với mong đợi hấp dẫn hơn… Vậy có người sẽ tự hỏi rằng: “Giống cũng không được, khác cũng không xong vậy thì tôi phải làm sao?”

Hiểu và thay đổi để phù hợp!

Trong tình yêu, tôi nghĩ rằng hai người nên hiểu nhau… Hiểu ở đây là gì? Hiểu là nắm bắt được những sở thích, thú vui, quan điểm và suy nghĩ của người còn lại. Hiểu để biết rằng người còn lại muốn gì? cần gì? và sẽ như thế nào?

Hiểu nhưng không phải là quá hiểu… Hiểu một cách có chừng mực, không cố gắng hiểu quá sâu mà hãy cho đối phương có không gian được cảm thấy thoải mái. Hiểu nhau nhằm  tìm thấy và phát huy những điểm mạnh của đối phương. Hiểu nhau để cùng nhau khắc phục những điểm yếu của đối phương thay vì đi trách mắng hay lợi dụng những điểm yếu đó để mong rằng mình sẽ chiến thắng.

Trong tình yêu, nếu hai người đều muốn thắng người còn lại thì cả hai sẽ đều thua.

Và điều nên làm là phải thay đổi để phù hợp. Nếu hôm nay, người yêu của bạn thích ăn món cá mà bạn không muốn ăn thì bạn cũng không nên phản bác hay chê trách mà hãy đón nhận bằng sự biết ơn. Và hôm sau đổi lại, bạn sẽ ăn món bạn thích và người yêu của bạn sẽ cũng ăn cùng bạn. Hoặc đơn giản, người yêu bạn thích xem bóng đá, còn bạn thì không. Lúc đó, bạn không nên tỏ thái độ lên khuôn mặt bạn, không nên tỏ ra vẻ khó chịu khi nhìn thấy điều đó.

Mỗi người sinh ra là một phiên bản khác nhau, đừng nên đánh giá hay phê phán những thú vui của người khác. Mà phải hiểu rằng, đôi khi mình phải thay đổi cách nhìn nhận của chính mình, và nên chăng hãy cổ vũ,  cố gắng động viên họ.

Thay đổi để phù hợp có vẻ rất mơ hồ… Nhưng nếu bạn thay đổi theo chiều hướng tích cực để phù hợp với tình yêu của bạn mà bạn không hề đánh mất đi những bản sắc, giá trị riêng của bản thân thì tình yêu của bạn sẽ được duy trì một cách bền vững.

“Đừng chọn một người hoàn hảo để yêu mà hãy chọn một người khi yêu sẽ giúp bạn trở nên hoàn hảo.” (Khuyết danh)

Quang Nam

Thôi kệ mọi chuyện cũng qua

 

Trích: Ai cũng muốn một phần nào đó – một phần thiếu trong cuộc đời họ để rồi vẫn hay tặc lưỡi “thôi kệ mọi chuyện sẽ qua.” “Thôi kệ mọi chuyện sẽ qua” cũng giống như việc người lớn tặc lưỡi khi mình làm sai, học sinh/sinh viên nhắm mắt khi bị điểm kém và quá rõ kiểu gì mình cũng tốt nghiệp, giáo viên/giảng viên mắt nhắm mắt mở vì biết “chúng nó ra rồi kiểu gì chả có việc”, và cả cộng đồng thì luôn sử dụng từ “bình thường” đối với những điều trái tai gai mắt. 

 

Một câu nói đơn giản mà tưởng chừng không đơn giản chút nào! Một câu nói cũng giống như “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” nhưng về cơ bản chúng ta có thể quẳng được những điều chúng ta lo lắng sang một bên, để cười thật vui, để thở phào nhẹ nhỡm và để rạng ngời với đời và với người?

Tôi thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng đã từng biết đến và từng đọc cuốn sách “Quẳng gánh lo đi mà vui sống”, và tôi cũng vậy, đã đọc nhiều, đọc rất nhiều, và cũng thấm hiểu được phần nào của cuốn sách nhỏ đó. Giống như “Đắc Nhân Tâm” cũng vậy, để thấu được cuốn sách đó bạn cần rất nhiều thời gian, công sức và cả sự bình tĩnh đến kỳ lạ của bạn khi đối mặt với một vấn đề?

Vậy thì ai trong chúng ta có thể đủ sức để đấu tranh lại được chính con người chúng ta để mà “quẳng gánh lo đi” và để mà “đắc nhân tâm”? 

Thứ nhất: Thấu rõ tâm lý loài người và khi lên sân khấu, ông có sức quyến rũ và gây hứng. Mỗi cử chỉ của ông, mỗi lần ông chuyển giọng nói, mỗi nét cau mà là cả một công trình luyện tập. Mà hết thảy công trình đó chỉ có mục đích làm cho khán giả say mê và thì giờ chóng qua. 

Thứ nhì: Ông thành thật chú ý tới khán giả. Những nhà ảo thuật khác ở trên sân khấu ngó xuống trừng trừng, như có vẻ nói “Tụi này toàn đồ mắt thịt. Ta sẽ bịp chúng dễ như chơi.” Phương pháp của Thurston khác hẳn. Mỗi lần sắp ra sân khấu, ông tự nói: “Ta mang ơn những người tới đây coi ta diễn trò. Nhờ họ, ta sống được phong lưu. Vậy ta phải hết sức trổ tài cho họ vừa lòng.” Rồi ông vừa nhủ: “Tôi yêu khán giả của tôi. Tôi yêu khán giả của tôi,” vừa tiến ra ngoài sân khấu. Bạn cho là “lố bịch”, và vô lý ư? Đó là quyền của bạn. Nhưng đó chính là nguyên nhân sự thành công của một trong những nhà ảo thuật danh tiếng nhất từ xưa tới nay.

(Trích từ Đắc Nhân Tâm & Quẳng gánh lo đi và vui sống của Dale Carnegie)

Vâng, tôi không rõ suy nghĩ của các bạn như thế nào khi tôi viết lại những điều trên như vừa đọc. Nhưng tôi lại giật mình tự nhủ? Tại sao cùng một tác giả, trong hai cuốn sách khác nhau, lại có hai chiều hướng khác nhau như vậy? Trước hết ông nói người ta phải lo lắng tới công việc của hiện tại và chỉ hiện tại thôi, hay nói cách khác một trong những ngôn ngữ của nhà Phật là chúng ta cần hiểu ĐỊNH vào thứ đang có, đừng ĐỊNH vào thứ đã qua hay sắp tới.

Nhưng, trong chính cuốn Đắc Nhân Tâm, chỉ vài dòng ngắn ngủi chúng ta lại thấy được rằng để cố được tương lai tốt đẹp thì con người phải có được sự chuẩn bị rất lớn. Để làm hài lòng khán giả chúng ta phải tự luyện tập từ trước đó rất nhiều? Để thấu hiểu tập lý của con người, chúng ta cần phải thực hành rất nhiều. Vậy chăng, bản thân nhà ảo thuật cũng đã rất lo lắng về cái gọi là gánh lo trong cuộc đời ông ấy?

Tôi đưa ra những điều trên không nhằm ý để phản đối hay suy xét tác giả! Chỉ vì tôi cũng rất thích hai cuốn sách này và ngày qua ngày tôi luôn cố gắng thực tập hai cuốn sách này một cách tốt nhất, một cách chỉnh chủ nhất và đấu tranh lại với chính con người thực của mình nhiều nhất.

Nhưng điều con người, những con người đang sống và đang tồn tại, thực sự muốn gì trong sâu thẳm mong muốn của họ? Thực sự họ cần gì? Họ có cần tiền tài, địa vị và quyền lực không? Hay họ cần một thứ tình cảm sâu sắc nhất, chân thành nhất. Người có tiền tài địa vị lại mong một cuộc sống hạnh phúc bình an. Người có được cuộc sống hạnh phúc bình an, lại mong có chút quyền chút tiền. Ai cũng muốn một phần nào đó – một phần thiếu trong cuộc đời họ để rồi vẫn hay tặc lưỡi “thôi kệ mọi chuyện sẽ qua”

‘Thôi kệ mọi chuyện sẽ qua” cũng giống như việc người lớn tặc lưỡi khi mình làm sai, học sinh/sinh viên nhắm mắt khi bị điểm kém và quá rõ kiểu gì mình cũng tốt nghiệp, giáo viên/giảng viên mắt nhắm mắt mở vì biết “chúng nó ra rồi kiểu gì chả có việc”, và cả cộng đồng thì luôn sử dụng từ “bình thường” đối với những điều trái tai gai mắt.

Có phải chăng họ đều biết “thôi kệ mọi chuyện sẽ qua”. Có phải chăng họ đều rõ nếu chúng ta quẳng đi những trăn trở về đạo đức của chúng ta, chúng ta vui hơn và hạnh phúc hơn. Có phải chăng nếu chúng ta cứ cố gắng làm hài lòng người khác thì chúng ta sẽ được an toàn hơn? Hay bản thân tôi cũng vậy: Thôi kệ mọi chuyện sẽ qua.

 

 

Nếu bạn vào đại học để học đại

Hôm nay tôi lại nói về một trong những chủ đề nhạy cảm nhất của xã hội Việt Nam thời hiện đại. Thiết nghĩ, sống trong đời cần có những ước mơ. Vậy nên, chúng ta đã lỡ sinh ra trong đời này cần tìm cho mình một ý nghĩa cho sự tồn tại. Đó là việc được học và làm những gì mình khao khát bên cạnh niềm yêu thương chan hòa với mọi người xung quanh. Cuộc sống đơn giản chỉ là một cuộc dạo chơi. Lẽ tất nhiên, đã chơi thì phải vui và thích thú!

Có lẽ chúng ta đã quá quen với câu nói: “Học đi con, chỉ có học mới đổi đời được.” Tôi còn nhớ khá rõ thời khắc chuẩn bị khăn gói quần áo lên thành phố học đại học. Bà cụ chung xóm vốn rất quý tôi cứ nắm lấy nắm để bàn tay dặn dò: “Cố gắng mà học nha con, tội nghiệp thằng cha mày.” Đó là cụ ở xóm dưới, còn cụ gần nhà tôi cũng qua nhắn nhủ: “Học giỏi nha mi, ừ, tội nghiệp, anh em nhà mi chịu học vậy là tốt rồi.” Tôi nhớ lắm chứ, vì lúc đó tôi cảm động lắm. Tâm hồn tôi lúc đó lồng lộng như ngàn cơn gió thổi vào vậy. Tôi muốn giương cánh buồm đi thật xa, học thật giỏi  để làm nở mày nở mặt mọi người, để giúp cho những người xung quanh có được cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhớ lắm!

Nhưng nói đi thì phải nói lại, ở đâu đó có tích cực thì luôn tồn tại những điều tiêu cực kề bên. Tôi biết, trong trường đại học của mình có nhiều người rất cố gắng học tập. Có người học đúng cách, có người học sai cách, dù gì chung quy cũng là chăm học đáng khen. Nhưng có lẽ đó lại là một câu chuyện khác về việc học như thế nào. Hôm nay, tôi chỉ muốn nói đến việc: “Học đi con, học để lấy tấm bằng đi xin việc, học đại đi, có tấm bằng dễ kiếm cơm hơn. Hôm nay tôi có hứng hơn với chuyện này.

Nền giáo dục nước nhà tồn tại đầy bất cập. Tuy nhiên, tôi sẽ không xúi ai đó nghỉ học đại học nếu họ “không dám”. Tôi chỉ không thích những luận điệu về trách nhiệm, về những gì “phải làm” mà người ta đổ lên vai những đứa đi học đại học trong nỗi chán chường. Luận điệu từ cha mẹ, từ họ hàng, từ người xung quanh. Bởi vì đất nước chúng ta có một tư tưởng quá khép kín, cứ như một căn nhà bị cô lập trong rừng và suốt ngày đóng cửa vậy. Tất cả những điều mà họ làm chỉ là quanh quẩn với những gì trong đầu họ. Không có ánh sáng để đọc thêm sách, không được ra ngoài để mở mang. Và bất cứ ai toan mở cửa lao ra khỏi căn nhà để đến một thế giới tươi mới đầy màu sắc hơn là sẽ chắn chắn bị ngăn cản, bị siết chặt bàn tay, một màu đen, cứ thế mãi dù cho ngày đã đến.

Tư tưởng tiến bộ không thiếu ở Việt Nam, nhưng chúng ta thích chọn cách cũ, thích đứng trên tảng băng an toàn hơn. Mọi thứ chỉ là bề mặt và chúng ta thích bề mặt. Cho đến khi hiểu ra những tư tưởng mới, có lẽ đó là lúc mà ta đã chìm sâu trong dòng nước giá lạnh sau những mãnh vụn của tảng băng đã có những vết nứt từ lâu.

Học đại đi để lấy tấm bằng nuôi thân / Học không thừa / Học có mất mát gì đâu mà mày không học…

PHÒNG THỦ! Chúng ta luôn phòng thủ. Chúng ta luôn chọn đường đi an toàn. Và mọi cố gắng thử những điều mới của chúng ta, nói cho cùng cũng chỉ là “thử”. Vì mọi thứ xung quanh an toàn, vì tao có bằng đại học, nếu tao thất bại, tao lấy nó đi làm công còn kịp. Chúng ta luôn cho mình con đường để lui về sống an nhàn, vậy thì chúng ta sẽ an nhàn. Chúng ta là thế, đất nước chúng ta là thế. Đã lâu lắm rồi, cái thời mà nghị lực và học thức của người Việt Nam cũng làm Mỹ và các nước phương Tây phải thán phục. Thời của Nguyễn Hiến Lê có lẽ là sau cùng của nền học thức Việt Nam.

Tôi không thích các lý luận này. Tôi muốn đá các quan điểm cổ hủ biến mất khỏi Việt Nam. Nên tôi sẽ cho bạn biết, nếu bạn vào đại học để học đại bạn sẽ học được nhiều ơi là nhiều những điều gì nhé.

1. Học đại bạn sẽ học được cách đối phó

Bạn sẽ đối phó đủ các kiểu với vòng xoáy của tiểu luận, thuyết trình, thi cử. Tiểu luận lên mạng cóp (có khi cóp còn chưa ra hồn và đủ đòi hỏi tối thiểu của giáo viên). Thậm chí ra nhà in có sẵn, in luôn. Thuyết trình thì làm qua loa cho đủ điểm đậu. Thi cử thì học thuộc là tốt lắm rồi, đa phần vẫn còn quay cóp, mua đề ngoài tiệm photo về học tủ. Được nghỉ tối đa bao nhiêu buổi thì tận dụng nghỉ cho bằng hết. Dần dần, chúng ta được đào tạo ĐỂ trở thành người thiếu trách nhiệm hồi nào chẳng hay. Chúng ta thậm chí còn thua những chiếc máy photocopy, thua những con robot. Kiến thức chúng ta so với bách khoa toàn thư trong máy tính chả là gì cả. Khả năng sao nguyên bản chính cũng quá chậm so với máy photo. Chúng ta thua máy móc về mọi mặt.

2. Học đại bạn sẽ học được sự ảo tưởng

Phần lớn mấy đứa đi học hay mơ hơn mấy đứa làm đổ mồ hôi. Đơn giản là vì không cảm nhận được độ khắt khe và khó khăn của cuộc đời. Có trải nghiệm gì đâu mà biết. Có tiền được cung cấp hàng tháng chả phải lo nghĩ gì nhiều. Suốt ngày họ sống trong mộng mị, trong vui chơi, đợi đến lúc ra trường trở thành một kẻ không có ích lợi cho xã hội thì mọi chuyện đã rồi. Gạo đã nấu thành cơm.

3. Học đại bạn sẽ học được cách nói không với ước mơ

Sau những buổi học chán chường chỉ là những giờ ngủ vùi hay vui chơi để tự thưởng cho một sự cố gắng ngán ngẩm mỗi ngày. Đó là cách mà cả thế hệ trẻ Việt Nam giết thời gian và tự làm tuột đi cảm xúc của mình với cuộc đời lao vào những cuộc vui ngắn hạn. Tôi thiết nghĩ trong ai cũng có những ước mơ và khát vọng. Tôi cũng biết trong ai cũng có ít nhất một tài năng cần được khám phá. Nhưng quá tiếc, chúng ta không có thời gian làm điều đó. Chúng ta giờ bận phải đối phó với bài vở và các con điểm vô nghĩa kia kìa. Làm gì có giáo viên đại học nào dư thời gian đến nỗi ngày nào cũng lên động lực cho sinh viên, giảng cho sinh viên phải theo đuổi ước mơ cho đến cùng. Làm gì có ai dạy cho sinh viên những câu nói như: Ý nghĩa của cuộc sống là làm những gì mình mơ ước, dù cuộc sống có khó khăn cũng không được từ bỏ.

Chẳng ai nói điều đó, chẳng có ai hết! Họ thích dạy chúng ta cách kiếm cơm trong sự nhàm chán và ích kỷ hơn. Kiểu như: Trả tiền đây thì tôi làm, không thì khỏi! Người Việt trẻ đã ít đọc sách, nay lại được dạy cách sống ngắn hạn: Học cái này, học cái kia, lấy bằng, kiếm cơm, nuôi thân, lập gia đình, già, chết, thì rõ ràng là vòng xoáy của ngu muội ngày càng lớn thêm.

Chẳng có vĩ nhân nào sống trong cảnh “mọi thứ đều an toàn” cả. Họ luôn phải đi làm công nhân, làm nông dân, làm lụng cực nhọc để nuôi lớn ước mơ. Họ không đòi tiền hay nghĩ đến chuyện lời – lỗ khi họ chưa làm gì được cho xã hội. Họ chấp nhận một cuộc sống cơ cực trong một khoản thời gian để đầu tư cho ước mơ. Họ dám làm, còn chúng ta thì lười biếng, sợ cực và nhát cáy. Sợ cực, sợ lỗ! Tất cả cách sống của chúng ta chỉ có vậy.

4. Học đại bạn sẽ học được cách thiếu tự tin

Tôi phải dùng từ “học được” thì các bạn cũng nên nghĩ về nó một chút nhỉ? Thiếu tự tin là một căn bệnh ăn sâu vào máu. Nó không phải là bản chất sinh ra có sẵn của con người. Để tôi cho bạn thấy nó xuất hiện ở đâu nhé:

Thiếu tự tin trong việc học. Có mấy người hiểu rằng tự học là phương pháp tạo nên những thiên tài và cả thế giới đang chuyển sang xu hướng này? Ở Mỹ, 3.8% trẻ em tự học ở nhà. Tại Canada, nó chiếm 1%1 (Đây là phương pháp giáo dục thiên tài, nó không dành cho chúng ta – những người nhát cáy).

Xin hiểu rõ giữa chữ “tự học” và “không được đi học” nhé bạn tôi. Chúng ta thì khác họ: chúng ta “nghĩ rằng” người khác có thể dạy cho chúng ta những gì chúng ta cần, hơn là chúng ta tự đi tìm tòi những gì chúng ta biết mình cần. Chúng ta thích làm theo, học theo, bắt chước, thấy người ta làm được rồi mới làm. Chúng ta thích vậy hơn là sáng tạo, vì nó “khỏe”! Nói ngắn gọn, thẳng thắn là: Chúng ta cóc tin! Cóc tin vào bản thân mình! Chúng ta nghĩ cái bằng đại học giúp chúng ta kiếm được cơm ăn hơn là kiến thức, một cách suy nghĩ quá nông cạn.

Xin đừng nói với tôi cụm từ “ở đây là Việt Nam.” Thứ lỗi cho tôi nói thẳng, đây chẳng phải là vấn đề Việt Nam hay Mỹ gì cả. Thời đại nào, nơi nào cũng cần người có kiến thức cả. Cầm tờ giấy vào đứng ngó trước sau gì cũng bị tống cổ. 

5. Học được cách sống phụ thuộc

Chả có gì khó hiểu khi chúng ta sống trong vòng an toàn được cung cấp thì phụ thuộc là điều hiển nhiên. Vấn đề chính là chỗ đó, chúng ta sợ mọi thứ đến nỗi phải phụ thuộc. Sợ không có cơm ăn, sợ đi lượm ve chai, sợ bị chê cười, sợ không còn được ba mẹ chu cấp, sợ phải làm lụng vất vả, sợ quê… Rồi chúng ta chẳng còn muốn rời xa đời sống xa hoa, hưởng thụ, thoải mái này nữa. Tôi tự hỏi, đó là ý nghĩa à? Đó là ý nghĩa chúng ta được sinh ra, hưởng thụ ăn ngủ chơi bời rồi chết à, đó là thoải mái hay là sự ngu dốt hãy tự hiểu.

Chưa hết đâu, chúng ta còn phụ thuộc vào người khác ở ngôi trường đại học nữa. Hầu hết những thành phần học đại sẽ: Trông chờ vào sự phân công của nhóm trưởng, trông chờ vào chỉ thị của giáo viên, trông chờ vào số lượng kiến thức hạn hẹp của người khác. Đó là cách dễ nhất để chúng ta cảm thấy “sướng”. Sướng của chúng ta nó thế đấy bạn ạ. Sự sung sướng với “không suy nghĩ”, và cái đầu được gắn lên cơ thể dường như có tác dụng chính là để trang trí.

Chà, bạn có thấy chưa, chúng ta học được rất nhiều điều kỳ thú từ việc “học đại” đó chứ. Thế nên chúng ta mới tiếp tục duy trì nó chứ, đúng không?

Kết luận

Không ai trên đời có thể bắt ép bạn học đại hay đại học hay bất cứ gì trên đời đi nữa, mà vấn đề chính là những nỗi sợ bên trong con người bạn.

Sẽ không có bất cứ giải pháp hay kết luận nào được đưa ra, tôi vẫn luôn nghĩ, chúng ta luôn tự biết giải pháp, chỉ là chúng ta (lại một lần nữa) không tin vào bản thân mình rồi nghĩ rằng giải pháp nó nằm ở đâu đâu ấy mà không biết là tiếng nói bên trong mình.

Chỉ đơn giản là những dòng phân tích mà có lẽ nhiều người đã biết rồi. Chỉ là điều gì nói đi nói lại thì sẽ thành sự thật mà thôi, tôi đang chờ điều đó và thầm nghĩ: Nếu bây giờ không phải lúc thay đổi thì sẽ là khi nào?

Hãy nhớ:

“Bạn có thể phớt lờ sự thật. Nhưng bạn sẽ không thể phớt lờ được hệ quả của việc phớt lờ sự thật.” — Ayn Rand

 Tác giả: Lục Phong
Biên tập: THĐP

Featured image: Eric Behrens – Parrish Hall at Swarthmore College

Tham khảo

  1. Homeschool: What happens when a kid leaves traditional education ↩︎

2. Thực trạng đại học ở Việt Nam từ đầu đến cuối

Nếu quá mệt mỏi

Photo: black-sheep88

Nếu quá mệt mỏi, hãy khóc đi em!
Hãy tựa lưng vào tường và khóc
Hãy để những giọt nước mắt có thể rơi theo chiều thẳng đứng
Sẽ bớt xót xa…

Tựa lưng vào tường, và khóc, như một ngọn cây
Trút lá xuống sau những ngày giông bão
Cứ rơi xuống mặc kệ bình yên hay huyên náo
Như một lần giặt đời mình trên vai áo
Bằng nước mắt của mình…

Nếu cuộc đời này là suôn sẻ, nước mắt còn biết dành cho ai?

Hãy tựa lung vào tường và khóc
Như một bầu trời vẫn tựa vào cơn mưa…

– Nguyễn Phong Việt

Nếu quá mệt mỏi, hãy tìm một góc nhỏ, cuộn mình lại, và khóc đi em

Cứ giương lớn đôi mắt để ngăn lệ rơi giữa chốn đông người, ngăn cho kẻ khác không thấy được phần yếu đuối của mình mà quên mất rằng đôi khi bật khóc chẳng phải vì em yếu đuối mà vì em đã mạnh mẽ quá lâu rồi.  Cứ như vậy rồi sau này, chẳng có cách nào ép được nước mắt rơi.

Nếu quá mệt mỏi, hãy tìm riêng cho mình một góc nhỏ, và hãy khóc thật lớn, hãy khóc để gột rửa hết những hờn tủi, những bất công, những mệt mỏi mà cuộc đời mang tặng. Sau đó, hãy đứng lên, gạt sạch nước mắt, mạnh mẽ và tươi cười như xưa. Chứ đừng bao giờ nén lệ vào trong tim, đề rồi bây giờ, cười cũng mệt mà khóc cũng chẳng xong.

Em có biết ánh mắt em vì giọt lệ nén mà uất ức màu buồn

Hãy nhớ em nhé, đừng bao giờ cất những giọt nước mắt vào trong tim, bởi tim có vui thì ánh mắt mới vui cho được.

Cuộc đời này vốn dĩ đã chẳng bao giờ yên bình, dù biết rằng bản thân mình cần mạnh mẽ, cần dũng cảm, cần kiên cường bởi chẳng có kẻ nào thay ta kiên cường cùng dũng cảm nhưng dũng cảm không có nghĩa là không bao giờ khóc, kiên cường không có nghĩa không bao giờ buồn.

Nếu một ngày, chợt cảm thấy quá mệt mỏi, chợt cảm thấy mọi chuyện không đi theo ý mình, chợt cảm thấy mọi thứ xung quanh như sắp sụp đổ, chợt cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, thì đừng quên nước mắt cũng là một giải pháp không tệ em nhé!

Đôi khi, nước mắt giúp em gạt sạch những u buồn, xua đi nỗi sợ hãi, và giúp em kiên cường hơn bao giờ hết

Ai bảo nước mắt là sự yếu đuối? Thật nhảm nhí. Người ta không biết, đôi khi không cười được thật đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn nữa là không cách nào khóc được. Tìm mọi cách rặn ra vài giọt nước mắt. Tìm mọi cách vắt ra vài giọt nước mắt. Nhưng như một thói quen, chúng quen chảy vào trong. Và điều gì sẽ xảy ra? Em uất ức, em u buồn.

Nếu muốn khóc, hãy khóc. Kệ cha mấy đứa nhòm ngó. Khóc để giải tỏa hết u buồn. Nếu muốn hét, hãy hét lớn. Kệ đi, phải giải tỏa hết mới thoải mái được. Căn bản đơn giản thế này thôi, nếu cứ mang chúng bên mình, chẳng khác gì cứ mang khư khư những củ khoai hôi thối bên mình, chịu đựng chúng, nhẫn nhịn chứng, mang vác chúng nặng nề nhưng lại không cách nào đáp chúng đi. Bởi ta còn tiếc nuối. Vứt đi rồi lấy cái gì mà vui mà buồn.

Tiếc vài củ khoai thối, rồi ám ảnh cả một đời. Đi đâu cũng thum thủm mùi khoai thối, ngồi đâu cũng tưởng tượng ra khoai thối. Dù không mang khoai thối nhưng khoai thối vô hình chung đã làm nỗi ám ảnh không tên, kinh khủng, dai dẳng.

Vậy đấy, cái gì qua đi hãy để nó qua đi. Giấu nó phía sau lưng, sẽ chỉ là hận thù thối nát, ghen ghét thum thủm, chứ không phải thứ khoai nảy mầm rồi kết nhiều trái đâu.

 

Như Nhiên

Đừng Bao Giờ Lệ Thuộc Vào Tình Yêu

Photo: Goda

 

Tình yêu vốn dĩ là một thứ “vật phẩm” xa xỉ mà không phải ai, lúc nào, ở đâu cũng có thể rước về được. Hai con người tìm đến nhau và ở trong mối quan hệ gọi là tình yêu đôi khi chỉ là những hàng fake. Nó là một loại hàng cao cấp nên tất nhiên cũng sẽ có những độ fake khác nhau, fake 1, fake 2, fake 3… Hai con người ấy chơi những trò cút bắt, ve vởn, luần quần nhau không phải vì sự rung cảm xuất phát từ hai con tim đồng điệu mà đơn thuần vì những tư lợi ẩn sâu kín bên trong mỗi người. Có người vì muốn tìm kiếm một đối tác phù hợp để tiến tới cuộc hôn nhân xứng đôi, có người vì những cái vẻ bề ngoài hào nhoáng của đối phương nên đem lòng sa ngã, có người khác lại là vì muốn lấp đi một chỗ trống trong lòng họ…

Vậy có tình yêu thật sự không? Tất nhiên rồi, hàng xa xỉ phẩm cũng có hàng thật chứ. Đối với tình yêu thật, bạn hãy yêu thật lòng, chân thành và nhiệt tình nhưng nên nhớ đừng bao giờ lệ thuộc vào nó. Vì các vật xa sỉ phẩm là những món đồ rất mắc tiền, nếu lệ thuộc vào nó và lỡ một ngày bạn mất đi, bạn sẽ rất khổ sở đấy, khổ vì bạn tiếc rẻ cho cái món tiền lớn đã bỏ ra để mua và càng khổ hơn nữa để kiếm một cái thứ khác để thay thế vào. Nếu bạn bị lệ thuộc vào tình yêu, một ngày đẹp trời tình yêu bỏ bạn mà đi, bạn sẽ bị chao đảo, bạn dường như muốn buông bỏ hết mọi thứ trên cuộc đời này. Bởi thế, Yêu là chỉ yêu thôi, đừng bao giờ xem ai đó là tất cả đối với mình.

Tumblr's gif: Tracy
Tumblr’s gif: Tracy

Tình yêu là sự cảm thông cho nhau, không phải là kiểm soát nhau. Liệu có dễ dàng như thế không? Bởi bản chất căn bản nhất của tình yêu chính là sự ích kỷ. Dù ít hay nhiều thì người ta vẫn luôn tìm cách kiểm soát cuộc sống của đối phương. Bạn có chắc rằng bạn sẽ không ghen – không giận khi người yêu bạn quan tâm và đi chơi với người khác. Nếu bạn không biểu hiện ghen tuông, đối phương cho rằng bạn hời hợt, thiếu quan tâm. Nếu bạn ghen, đối phương lại cảm thấy khó chịu vì kiểm soát. Vậy phải làm sao cho vừa lòng nhau, cái này gọi là nghệ thuật khôn khéo của sự ích kỷ (Đợi tớ nghiên cứu nghệ thuật này đã  ^_^)  Và rồi tính ích kỷ quá mức lộ liễu sẽ phá hỏng đi một tình yêu bình thường.

“Mãi mãi một tình yêu – Lại một khái niệm quá ư xàm xí. Nhiều người cứ luôn miệng bảo “Anh/Em là tình yêu duy nhất của cuộc đời em/anh” hay “Anh sẽ mãi yêu em.” Quy luật của cuộc sống là chẳng có cái gì là mãi mãi, tình yêu cũng sẽ không nằm ngoài quy luật này. Khi yêu, người ta thường huyễn hoặc nhau bằng những câu nói mà  ai–cũng–biết–là vô nghĩa, vậy mà người ta vẫn cứ thích nghe và thích nói. Có phải yêu là cái trạng thái hơi điên rồ một tí, hơi mơ mộng một tí? Chẳng rõ, nhưng hãy tôn trọng và yêu thương nhau ở những giây phút hiện tại, làm cho nhau những điều tốt đẹp nhất bằng hành động thực tế. Đừng bao giờ dùng những lời nói khoa môi múa mép để chứng tỏ cái mãi mãi xa vời. Bởi thế, “Hãy yêu thôi – đừng nói yêu mãi mãi.”

 

— Trang Nguyễn