26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 27 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 270

Chọn cách tha thứ cho bản thân, để nhìn thấy những điều tốt đẹp trên chính mình

*Photo: monia merlo

 

Nhiều người hay nói rằng chia tay đau, không chỉ vì việc phải cách xa người mình yêu. Mà còn vì phải dừng lại tình yêu mình đang có, ngừng nhớ một ai đó. Có hàng vạn lý do để khi chia tay, nhưng cuối cùng trước sau gì cũng phải quên người cũ.

Chia tay rồi. Nhiều người vẫn yêu người họ từng là người yêu của họ. Như một tình yêu đơn phương. “Yêu đơn phương, giải thoát là tỏ tình. Nhưng đơn phương người cũ là lãng quên.” Chỉ là không biết sau bao lâu sẽ quên. Chỉ biết chắc chắn sẽ quên.

Yêu đơn phương một người mình từng yêu. Đau. Rất đau. Nhưng có người vẫn tiếp tục. Bạn tôi cho rằng điều đó thật  lãng phí. Tôi lại không cho như vậy. Tôi đơn phương người yêu trước.

Tại sao một người yêu đơn phương, không ai ngăn họ từ bỏ. Vậy tôi cũng đơn phương, họ lại muốn tôi từ bỏ. Một người có thể yêu một người mãi mãi, trọn vẹn và cầu toàn. Tôi không tin. Tôi tin sẽ có những lúc họ chán ghét nhau, có lúc thấy thất vọng, có cả khi nghi rằng mình đã hết yêu. Tôi tin câu nói rằng yêu rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng là anh.

Tôi cũng đau, cũng buồn, nào đâu có riêng anh. Anh mệt mỏi rồi, nên anh ngừng lại. Tôi cũng mệt rồi, nhưng tôi vẫn đi tiếp. Tôi, trong sâu thẳm mình, cám ơn anh, đã dành thời gian cho tôi nghỉ ngơi giữa những cảm xúc không phải tình yêu thế này. Nhưng tôi vẫn đi. Vì tôi chỉ biết yêu anh, không lý do hoặc cả hàng vạn lý do. Tôi phải đi tiếp con đường yêu của chính mình, dù anh không còn bước đi cùng tôi, hoặc đã lỡ bước sang con đường khác, không phải là tôi. Vì tôi yêu anh thật nhiều, không có cách nào dừng lại.

Tôi sẽ không lãng phí, bạn tôi ơi. Tôi tận hưởng sự thanh thản, và thoải mái của một người độc thân. Tôi còn bạn. Và còn cả gia đình mình. Tôi phải vui vẻ THẬT, nếu không mọi người sẽ la mắng tôi mất. Tôi vẫn là tôi, vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, vẫn mơ ước, vẫn hành động. Và tôi vẫn yêu, chứ chưa từng dừng lại. Tôi nghỉ ngơi, nhưng không dừng lại hành trình yêu của chính mình. Tôi tách bạch từng phần cuộc đời mình như thế. Tôi đơn phương người yêu trước của mình.

Tôi không biết mình có thể tiếp tục trong bao lâu. Một mối tình đơn phương có thể kéo dài bao lâu. Khi tất cả tình cảm đều được giấu kín trong lòng. Khi tình cảm ấy, có lẽ sẽ chẳng có ai biết, sẽ chẳng có ai đáp lại. Thậm chí có lẽ còn không hưởng ứng, ủng hộ. Nhưng kể cả có như vậy, tôi vẫn sẽ yêu. Có bao giờ trái tim nghe lời lý trí. Có bao giờ tình yêu tuân theo quy luật xã hội, mà không tuân theo quy luật do chính nó đặt ra. Phải, tôi vẫn yêu, dù đau, và dù đơn độc. Như bao tình yêu đơn phương khác.

Một người từng yêu bạn. Giờ họ không còn yêu. Vậy bạn làm gì?

Tôi chọn cách hành động để chứng minh rằng tình yêu của họ là xứng đáng. Chọn cách để họ lại yêu tôi một lần nữa. Chọn cách trưởng thành từ những vết thương. Chọn cách tha thứ cho bản thân, để nhìn thấy những điều tốt đẹp trên chính mình. Tôi yêu như một người đơn phương. Nhưng tôi “lợi thế” hơn nhiều. Tôi biết đối phương là ai, thích gì, và đã có tình cảm như thế nào với tôi. Tôi biết, tại sao đối phương chú ý đến tôi ở lần đầu tiên thay vì cô gái khác. Tôi chỉ không biết đối phương đang nghĩ gì. Và đối với người ấy, tình cảm dành cho tôi là gì.

Tôi cũng sợ, như bao cô gái khác. Nhưng tôi không muốn để ý. Kể cả khi anh chưa từng yêu tôi, tôi vẫn sẽ cố gắng để anh nhìn tôi nhiều hơn một chút, chú tâm vào tôi một tý, và thích tôi thêm từng xíu nữa. Tôi nghĩ mình có lợi thế. Tôi sẽ cố gắng. Bởi tôi không muốn đơn phương người tôi yêu trong im lặng.

Nhưng thật khó, thật khó để đơn phương anh, người từng là người yêu của tôi. Anh cư xử không hơn một người bạn. Anh giữ khoảng cách với tôi. Anh không muốn yêu tôi nữa. Anh muốn tôi dừng lại. Sống với cuộc sống của mình, thay vì chạy lăn xăn quay anh.

Anh không biết một phần cuộc sống của tôi là anh. Trong phần ấy, anh là tất cả. Anh là điều hạnh phúc, là chốn yên bình của tôi. Tôi đi thế nào, bỏ thế nào. Trong phần còn lại của tôi, tôi hết mình vì nó. Tôi vẫn tiếp tục ước mơ, vẫn yêu quí bạn bè, vẫn kín trọng gia đình. Và trong những phần ấy, họ cũng là tất cả của tôi. Anh kéo sụp phần thế giới của anh trong tôi, nhưng những người khác giúp tôi đứng vững.

Anh à, tôi vẫn biết đau, biết buồn, kể cả khi tôi đơn phương anh. Tôi đau đớn, nhưng cất cao đầu tuyên bố rằng tôi yêu anh, và tôi đơn phương anh. Nhưng anh, từ trước đến giờ, chưa bao giờ có thể khiến tôi sống không với cuộc sống của mình.

Chỉ là tôi yêu anh, rất nhiều, nhưng lại quá kiêu ngạo. Tôi không biết mình có thể tiếp tục đến khi nào. Nhưng tôi sẽ vẫn yêu anh, chỉ vì anh. Tôi sẽ cố gắng hết sức, như mọi lần. Dù cho tôi đau. Tôi sợ anh thật xa rồi. Tôi sợ. Sợ … tôi xấu tính, nên anh chẳng thể nào yêu tôi nữa.

Cuối cùng, gửi anh, tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Vì tôi yêu anh, không có lựa chọn nào khác. Trái tim này vì anh mà reo vui.

 

 

Tyara

Tham quan một “lớp học tình thương” miễn phí ở Ấn Độ

Một ngôi trường khác thường nằm ở một vị trí khác thường và được điều hành bởi một thầy giáo cũng khác thường. Rajesh Kumar Sharma có công việc bình thường hằng ngày là trông coi một tiệm tạp hóa ở Shakarpur, nhưng mỗi buổi sáng anh đều dành ra 2 giờ để dạy học cho ít nhất 30 trẻ em rất nghèo sinh sống ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ. Ban đầu khi mới thành lập lớp học, anh có được 140 em học sinh, sau một năm 70 em đã vào học trường chính quy.

Cách đây vài năm người thầy giáo “bất đắc dĩ” 43 tuổi này đã ghé ngang qua trạm xe điện đang được xây dựng ở Delhi và đã gặp thấy cảnh nhiều trẻ em đang đứng chơi ở đây thay vì ngồi trong một lớp học. Khi anh hỏi thăm phụ huynh các em thì tất cả họ đều nói rằng trong vùng này không có một ngôi trường nào, và không một ai quan tâm. Thời còn là sinh viên, anh đã buộc phải bỏ học ở năm thứ ba vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhìn thấy cảnh này anh đã động lòng vì không muốn những đứa trẻ này lớn lên mà không được học hành đến nơi đến chốn như anh.

Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, anh đã quyết định lập ra một “lớp học tình thương” ngay tại đây, một lớp học ngoài trời, giữa những cột trụ khổng lồ và bên dưới làn đường xe điện. Vì nằm dưới tuyến đường ray nên cứ vài phút là có một chiếc xe điện chạy ngang qua dẫn tới sự gián đoạn của lớp học.

“Thầy chúng em bảo chúng em rằng khi bạn sống trong cảnh nghèo khổ, bạn nên cởi mở đầu óc của mình ra, và điều đó chỉ có thể thực hiện được qua giáo dục,” Abhishek, 15 tuổi, một học sinh của Sharma kể lại cho Indian Express.

Bên cạnh Sharma còn có thêm một giáo viên khác hỗ trợ, Laxmi Chandra, một nghiên cứu sinh (postgraduate), anh dạy môn khoa học. “Tôi không điểm danh. Các em học sinh rất thích đến lớp bởi vì không có những rào cản giống như một trường học bình thường. Thật sự thì tôi muốn giữ nó được như vậy,” anh nói.

Lớp học này không hề có ghế ngồi, hay bàn học. Các em phải ngồi trên những tấm chiếu như có thể thấy trong hình. Cũng không có bảng đen. Thay vào đó có 2 khoảng trống được sơn đen để làm “bảng”. Đã có một số nhà từ thiện đóng góp sách vở, giày dép, quần áo, cho các em vì gia đình quá nghèo không thể mua được. Có một nhà từ thiện ẩn danh khác mỗi ngày còn mang đến một bao bánh biscuits và nước trái cây cho các em, như một nguồn động lực nhỏ giúp các em đến lớp đều đặn.

lớp học tình thương ấn độ 9 lớp học tình thương ấn độ 10 lớp học tình thương ấn độ 11 lớp học tình thương ấn độ 12 lớp học tình thương ấn độ 13 lớp học tình thương ấn độ 14 lớp học tình thương ấn độ 1 lớp học tình thương ấn độ 2 lớp học tình thương ấn độ 3 lớp học tình thương ấn độ 4 lớp học tình thương ấn độ 5 lớp học tình thương ấn độ 6 lớp học tình thương ấn độ 7 lớp học tình thương ấn độ 8

 

THĐP tổng hợp từ nhiều nguồn

Photos: Altaf Qadri

Cứ mơ về một anh chàng trong truyện đi, còn việc gọi bạn dậy, cứ để tôi!

*Photo: Jamison Elizabeth

 

Bạn đang ngong ngóng một chàng trai lạnh lùng, nhiều tiền, ăn chơi sa đọa, lăng nhăng, xấu tính, v..v.. Sẽ gặp bạn, phải lòng bạn, say đắm bạn và đột nhiên “cải tà quy chính?”

Tỉnh dậy đi!

Đàn ông xứng đáng để yêu và tiến đến hôn nhân sẽ không phải là người dành hàng đêm vật vờ say xỉn ở quán bar, dính líu vào những trận ẩu đả không đâu vào đâu, hay thậm chí là thuộc dạng: “Sáng khoác vai em A, chiều dẫn em B đi ăn, tối nhắn tin mùi mẫn với em B.” Nói chung, đàn ông để yêu là đàn ông tốt, mà đàn ông tốt thì không làm thế.

Vậy tại sao các tác giả tiểu thuyết ba xu hiện nay đang cố nhồi nhét hình ảnh những anh chàng “hư” vào đầu óc giới nữ trẻ ngày nay? Chỉ một câu trả lời thôi. Phụ nữ cũng như đàn ông, họ yêu cảm giác chinh phục!

Đàn ông cảm thấy bị thách thức trước những cô nàng gai góc, đối với phụ nữ cũng vậy, họ yêu cảm giác chinh phục được một anh chàng cứng đầu, họ yêu cảm giác đó khi họ là người duy nhất có thể làm chàng nghe lời, làm chàng quỳ phục dưới chân họ. Phụ nữ tìm kiếm sự an toàn, cũng như tin cậy khi yêu các chàng trai này, vì ngoài nàng ra, ai còn có thể làm trái tim chàng trai tiểu thuyết này xao xuyến đây? Phụ nữ sẽ cảm thấy đặc biệt khi là người duy nhất trong trái tim của anh chàng ba xu.

Nhưng nếu giấc mơ này quá ư là diệu kì, sao tôi phải đánh thức bạn dậy?

Phải rồi, thực tế đang reo lên từng hồi đấy!

Giả sử anh chàng của bạn có thật đi, anh ta cũng không thể sống đến cuối đời bằng món mì úp của bạn mãi được đâu. Hay là khi đến đoạn anh ta thẳng thừng tuyên bố sẽ bỏ toàn bộ quyền thừa kế của anh ta và bỏ nhà đi vì bạn, nhất là khi anh ta là kẻ từ bé mọi thứ đã được làm hộ, bạn sẽ làm gì để nuôi sống anh ta và bạn?

Trong truyện lúc nào cũng có thể bịa ra hàng trăm thứ công việc lương cao cho bạn, hay cái nền kinh tế này không quá thối nát để bạn có thể gánh vác cả gia đình. Thế nhưng, đây là đời thật và sự thực rất đau lòng. Điều này gợi lại cho tôi về một câu nói của Nam Cao:

“Trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ…”

Và hãy tưởng tượng xem, bạn cũng đâu thể yêu một đứa trẻ to xác mãi được, bạn có thể phải lòng anh ta vì sự cô đơn ẩn sâu trong tâm hồn, hay ánh mắt đượm buồn; nhưng hãy thử quay về với những điều nhỏ nhặt: Bạn có thích cách anh ta ngoáy mũi không? Nhỡ anh ta không bao giờ lấy thêm cuộn giấy vệ sinh mỗi khi hết thì sao? Hay anh ta có tật ngủ ngáy? Bạn có sống được với điều đấy không?

Anh ta chỉ hoàn hảo khi ở trong tiểu thuyết ba xu, vì khi đó mọi tật xấu của anh ta sẽ trở nên quyến rũ, khi cái tính trẻ trâu và bạo lực của anh ta sẽ được biện hộ bằng sự cô đơn lạc lõng suốt thời thơ ấu, khi anh ta căm ghét mẹ mình vì bà ta là một con người độc ác như Cám và bị ám ảnh bởi sự nghiệp.

Thế nhưng, trong con mắt của xã hội hiện thực, anh ta chỉ là người nông cạn, bạo lực, công tử bột, bất hiếu… Và theo một cách nào đấy, anh ta là con người thế thật! Một kẻ ăn bám xã hội, vô ơn, là cái ung nhọt dưới mông!

Giờ bạn đã thức dậy chưa?

 

 

Thi Thi

Trở lại Hong Kong

*Photo: Tomasito.!

 

Trở lại Hồng Kông cho một hội nghị. Trong chuyến đi chớp nhoáng lần trước, Hồng Kông đối với mình chỉ là các tòa nhà chọc trời và những thương hiệu hào nhoáng không thể nào sờ nổi. Lần này, mình quyết tâm tìm kiếm những góc nhìn khác về vùng đất này.

Ở lại thêm vài ngày sau hội nghị, mình dành thời gian lang thang bên ngoài các địa điểm du lịch. Bắt một chuyến xe buýt bất kỳ rồi để nó đưa mình đến nơi chẳng biết là đâu rồi loanh quanh khắp các ngõ nhỏ, dạo quanh một khu chợ địa phương và nhìn người ta buôn bán, hay đi bộ lên đỉnh núi và nhìn xuống bao quát biển đông.

Và Hồng Kông cho mình thấy những góc nhìn sâu hơn vào lòng thành phố.

Hồng Kông không chỉ là những cô gái ăn mặc thời trang như đang trên sàn catwalk bước đi kiêu hãnh qua đại lộ đầy những thương hiệu nổi tiếng. Hồng Kông còn là những tòa chung cư cũ nát với những căn hộ san sát bé như tổ chim cúc cu, những hẻm vắng đọng rác mờ tối trong đêm khuya vẳng bước chân người đi làm về muộn.

Hồng Kông là những công viên rộng lớn với nhiều tiện nghi, cũng là nơi những người giúp việc nhập cư tụ tập trải bạt ăn uống trò chuyện dịp cuối tuần, là những tòa nhà chọc trời sáng rực phản chiếu trong ánh mắt mờ đục của người vô gia cư vừa ngước lên nhìn khách qua đường vừa phủ chiếc chăn rách che đôi chân lạnh cóng trong tiết trời sương giá.

Hồng Kông với đoàn người đông đúc lũ lượt kéo nhau đi hết ga tàu này đến ga tàu khác như những kẻ mộng du cùng bị lùa đi về một phía, những con người bị giam mình trong không gian chật hẹp và cuộc sống tù túng, cố gắng xoay xở với cái tiện nghi đôi khi khiến ta nghẹt thở. Nhưng Hồng Kông cũng là cảm giác chưa bao giờ thấy tự do hơn khi đứng trên đỉnh núi, nhìn bầu trời mênh mông chao lượn những cánh đại bàng, tiếng gió thổi rừng trúc lao xao trên con đường leo núi Lưng Rồng, mảng trời xanh vắt hiện lên trong rừng già, và bãi biển đầy người phơi nắng với bầu trời xanh không gợn mây trong buổi chiều mùa xuân mát lạnh.

Hồng Kông không chỉ là chi phí sinh hoạt đắt đỏ với bốn mẩu thịt gà tí hon bằng giá nguyên một con gà ở Việt Nam, mà còn là những quả táo quả dâu đỏ tươi căng mọng rẻ bất ngờ, khiến mình phải mua liền cả ký ăn cho đỡ ghiền. Khu chợ địa phương người mua kẻ bán nhìn không chán mắt, nông sản tươi xanh ngon lành bày bán khắp nơi, người bán hàng cạy vỏ hàu và cười với mình thật vui, dân bản địa thong dong mua bán với thần thái an yên tỏa ra từ khuôn mặt. Vừa gặm táo vừa đi dạo một vòng khu chợ, mình cảm nhận thật rõ cái hương vị rực rỡ sinh động của cuộc sống, đầy màu sắc và mùi vị, âm thanh và cảm giác. Quà về Việt Nam là một túi đầy dâu tây và dưa chuột.

Hồng Kông không chỉ là những trung tâm thương mại nêm kín người qua lại, đông đến nỗi tưởng như chẳng đủ không khí để thở, mà còn là những con phố dài thênh thang phủ đầy cây cối, những lane đường dành riêng cho xe đạp, những hàng xe đạp dài dựng dọc hè phố cứ thế để qua đêm, những đứa trẻ mặt tươi như hoa tung tăng đi học, và không khí tinh khiết thoáng đãng vùng New Territories.

Dịp cuối năm, Hồng Kông càng thêm đông đúc vì người Trung Quốc đổ sang mua sắm chuẩn bị cho tết âm lịch. Có thể dễ dàng phân biệt người Hồng Kông với người Trung Quốc, người Hồng Kông thường có phong cách cực kỳ lịch sự, thời trang, có phần lạnh lùng, còn người Trung Quốc đại lục có vẻ ngoài hơi quê mùa, thần thái kém hơn, ăn mặc xanh đỏ tím vàng lạc mốt, và ăn to nói lớn, hễ người Trung Quốc đi đến đâu là tiếng ồn ào trò chuyện vang lên đến đấy.

Người Hồng Kông có tiếng bảo thủ và hơi khép kín, nhưng một khi đã có được lòng tin nơi họ, mối quan hệ hữu hảo sẽ kéo dài bền lâu và tạo thâm tình khiến ta phải cả đời trân trọng. Người Hồng Kông cũng nổi tiếng là lịch sự, tờ The Economist viết: “It is almost impossible to be too polite in Hong Kong”. Vô tình đụng vào người khác vì đường quá đông, nhưng họ luôn nhanh chóng xin lỗi, dù chẳng phải là lỗi của họ. Xin lỗi và cảm ơn cũng là những từ mà mình thường xuyên được nghe trên phố.

Người Hồng Kông giao tiếp với một phong cách lịch thiệp và trân trọng làm mình liên tưởng tới những giá trị đạo đức tốt đẹp của Nho giáo xa xưa, mà chính người Trung Quốc đại lục bây giờ ít ai còn giữ vì nền văn hóa chạy theo vật chất. Giới trẻ Hồng Kông cũng mắc bệnh chúi mũi vào sản phẩm công nghệ, mắt cứ gắn chặt vào điện thoại trong khi di chuyển. Cả tuần liền chỉ thấy một quyển sách duy nhất được đọc bởi một cô gái trẻ trên tàu điện ngầm, quyển Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất.

Mình ngưỡng mộ hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng ở Hồng Kông. Những con đường leo dốc được phủ xi măng và lưới xanh để chống xói mòn, các rãnh thoát nước chảy dọc từ trên núi, từng bậc thang nhỏ trên khắp các dốc núi cho người đi bảo trì đồi núi, những cây cầu nối biển giữ kỷ lục thế giới, các tòa nhà cao tầng xây dựng theo kiến trúc đô thị hiện đại, nổi bật mà vẫn hài hòa, mang lại cho Hồng Kông vẻ rực rỡ hoành tráng thuộc top những skyline đẹp nhất thế giới.

Đi hiking qua những ngọn núi chẳng một mẩu rác, mình không khỏi bật lên một tiếng thán phục. Từ đỉnh núi nhìn xuống, một bên là mặt biển đầy những cánh buồm bé xíu của người lướt ván, bán đảo bên kia vịnh với những căn hộ xây dọc triền đồi đẹp như tranh vẽ trong phim của Ghibi, một bên là thị trấn đánh cá nhỏ bé mà hiện đại, xinh đẹp nép mình ngay dưới chân núi bên bãi biển xanh trong. Vùng đất này sao mà giàu đẹp thế. Người ở đây làm việc như điên và hưởng thụ cũng dữ, lại thoáng chạnh lòng nghĩ dân nước nghèo phải dành cả đời để kiếm miếng ăn.

Tự hỏi Hồng Kông đã làm thế nào để biến một làng chài chuyên nghề làm muối và đánh bắt cá thành một đô thị hiện đại như thế, với GDP đầu người đứng thứ sáu thế giới. Với tất cả những đầu tư và tiền bạc để xây dựng thành phố trên một vùng đồi núi nhấp nhô ven biển này, không rõ Hồng Kông của thời khai hoang vỡ đất ra sao, không rõ những hiện đại tiện nghi này đều là do người Anh đem đến hay bao nhiêu phần trăm là người Hồng Kông tạo dựng? Và mình không khỏi ghen tỵ và lại tự hỏi, tại sao con người lại đổ tiền của vào xây dựng vào một mảnh đất này, mà không phải là nơi khác, Việt Nam chẳng hạn, khi quê hương mình cũng có vị trí địa lý hết sức thuận lợi.

Trời Hồng Kông gần tết âm lịch thật lạnh, đêm đầu tiên đến nơi mặc hai ba lớp áo mà vẫn run cầm cập. Nhưng sang những ngày sau, không biết vì trời đỡ lạnh hay vì mình đã quen, mà bắt đầu thấy thích cái tiết trời nơi đây. Thích cái cảm giác se se len lỏi vào lớp áo thể dục, thích cảm giác khô ráo không nhễ nhại mồ hôi sau gần mười cây số leo núi, thích cái cảm giác ước ao có một ai đó để vùi mặt vào lồng ngực to lớn, hít hà cái mùi hương cơ thể, và ôm thật lâu.

Lần trước lang thang một mình Ladies market, mình đã suýt bật khóc vì cô đơn giữa biển người trong đêm lạnh. Lần này cảm giác vui vẻ và ấm áp, bật cười nhìn người đàn ông già nhảy moon walk và lẩm nhẩm theo giai điệu của Billie Jean, len lỏi giữa khu mua sắm đông nghẹt rồi gật gù nhấm nháp món súp rong biển ăn kèm cơm phá lấu. Thấy mình đã đi một quãng đường dài, đã trưởng thành hơn trong suốt hai năm.

Lần trước visa Hồng Kông được cấp riêng, lần này chỉ là một mảnh giấy lưu trú mà không có cả con dấu, dường như Hồng Kông đang dần bị mất đi quyền đặc khu tự trị của mình, sắp chính thức trở thành một phần thật sự của Trung Quốc, với chính sách hải quan và hệ thống thuế mà Trung Quốc đang áp dụng, có lẽ sẽ mất đi một phần lợi thế. Khi Trung Quốc chính thức sở hữu một trong bốn trung tâm tài chính lớn nhất thế giới này, thế lực của họ sẽ lớn đến mức nào.

Ở gần Tsim Sha Tsui, người ta đang đào công trình để xây đường tàu cao tốc nối liền Hồng Kông với Bắc Kinh, chỉ mấy năm nữa, vùng đất phồn hoa đô hội này sẽ tràn ngập người từ đại lục. Trong đầu mình vang lên câu hỏi: lẽ nào dân Hồng Kông cam chịu như vậy? Để rồi tự trả lời: cũng không có lựa chọn nào khác ngoài thích nghi theo thời cuộc, số phận của họ đã an bài từ cách đây gần hai mươi năm trước, khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, cái mình thấy bây giờ chỉ là những kết quả của cuộc đàm phán ngày đó.

Dù gì, thì những cảm hoài cũng không làm mình vơi bớt niềm vui du lãng. Trong những chuyến đi, mình thường “đóng băng” một khoảnh khắc trên đường hành trình, để cái không gian đẹp đẽ xung quanh thấm đẫm vào tim, khắc in hình ảnh đó, lưu nó vào trong bộ nhớ. Rồi mỗi lần buồn chán mài quần ở công sở, lại lấy ra gặm nhấm những kỷ niệm đẹp đẽ đó, mà có thêm động lực cày bừa tiếp.

Và cái buổi chiều mình nằm dài trên bãi biển mùa xuân nhìn những người lướt ván đang lộn nhào trên từng ngọn sóng, nhìn người đàn ông dịu dàng bế đứa trẻ trên tay sưởi nắng cuối chiều, nhìn bầu trời xanh ngắt không một gợn mây chao cánh đại bàng, mình đã nghĩ, có thể cho cái khoảnh khắc đó vào “favorite moment list” của mình, và lại một lần nữa để cảm giác vui sướng dâng lên, len lỏi tràn khắp lồng ngực, làm tim mình thắt lại vì tình yêu cuộc sống.

Tạm biệt Hồng Kông, nhìn thành phố lộng lẫy bên bờ vịnh biển đông đang mờ dần dưới làn mây khi máy bay cất cánh, mình thở một hơi dài thật chậm, tự hỏi làm thế nào để Việt Nam mới giàu đẹp như thế, người Việt Nam mới văn minh như thế. Và mình sẽ làm gì để góp phần vào tương lai ấy?

 

 

Rosie Nguyen

Vài thế kỉ nữa, các học giả sẽ tìm thấy gì về chân dung người phụ nữ Việt Nam bây giờ?

Photo: Izzy

 

Đã có ai từng tự hỏi rằng: Khi các học giả trong tương lai khi tìm hiểu về thời xưa thì lịch sử hiện hữu hình ảnh người phụ nữ như thế nào? Người phụ nữ xuyên suốt lịch sử Việt Nam, vào các thời kì vua chúa là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn có khả năng làm lay chuyển cả một triều đại, vào thời kì đấu tranh giành độc lập lại ánh lên chân dung người con gái trung kiên, vì tình yêu đất nước và mong muốn giành được tự do cho quê hương, đã dâng hiến tuổi thanh xuân, trí tuệ, sắc đẹp cho công cuộc giải phóng đất nước. Vậy, người phụ nữ bây giờ, người phụ nữ của một xã hội hiện đại và không ngừng phát triển, sẽ là ai?

Một người phụ nữ mãi đứng sau một người đàn ông mà chính bản thân cô ấy tài năng cũng không kém cạnh gì? Một người phụ nữ có một công việc bàn giấy tẻ nhạt 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần; là người đi chợ từ sáng sớm để có được những bữa ăn ngon cho gia đình, là người ngồi bên bàn ăn cùng mâm cơm đã nguội ngắt hàng đêm chờ một người, là người  đảm nhận hàng trăm thứ việc không tên trong ngôi nhà. Một người phụ nữ vì bộn bề lo toan cho cuộc sống của người khác đã mất đi chiều sâu, sở thích, đam mê, và trí tụê của chính bản thân. Lý do là sao? Là vì cô ấy đã được giáo dục như thế, vì cô ấy chỉ được dạy phải giúp một người đàn ông thành đạt, vì cô ấy nghĩ rằng đấy là bổn phận của cô ấy là phải làm tròn cái nghĩa vụ cô ấy được sinh ra để thực hiện. 

Hay một người con gái vì sa ngã thời niên thiếu mà không thể đứng dậy nổi? Cô hối tiếc vì đã dành thời gian của mình trong quán bar, trên sàn nhảy, từng lỡ mang trong mình một sinh linh chỉ vì cô đã cố dâng hiến hết cho tình yêu. Vì một gã đàn ông đã từng hứa với cô mọi điều tốt đẹp trên thế giới này, mỗi tội quên thực hiện. Vì lúc đấy cô còn quá trẻ để có thể hiểu mọi lời cha mẹ nói. Cô có thể đứng dậy được chứ, chính xã hội là người liên tục đạp cô xuống.

Photo: Hippielove
Photo: Hippielove

Hay là một người phụ nữ độc lập, hội tụ tất cả tài năng và sự dũng cảm cô ấy cần để quyết định từ bỏ tình cảm và theo đuổi hoài bão, theo đuổi hoàn mĩ cùng sự tự do tuyệt đối? Nhưng sau ánh hào quang thành công đấy là sự cô quạnh đến thấu tâm gan, là những chiều mở cửa trở về ngôi nhà trống rỗng, là sự nuối tiếc về một mối tình bất thành do cái sĩ diện đàn ông của người cô yêu, vì định kiến của xã hội không cho phép anh sống cùng một người phụ nữ thành đạt hơn mình. Cô sẽ giấu nhẹm đi sự cô đơn đấy, hoặc chí ít là lặng lẽ khóc trong một góc nhà, để rồi ngay hôm sau lại xuất hiện cùng nụ cười thường trực và tiếp tục thực hiện niềm đam mê vô tận của mình.

Phụ nữ ngày nay là thế, không ai là được hưởng sự trọn vẹn. Người đạt đến đỉnh cao của thành công thì phải chịu đựng sự cô đơn, sự lạnh lẽo khi vào mùa đông chỉ biết đút tay vào túi áo. Người hưởng được sự đầm ấp của gia đình lại tiếc nuối những dự định còn dang dở; hay theo như Peter Pan thì “Cất tất cả những giấc mơ vào một cái hộc tủ, và rồi mỗi đêm lại lôi ra ngắm nhìn chúng.” Hình ảnh người phụ nữ bây giờ, trong vài thế kỉ nữa, sẽ được biết đến như một bức tranh luôn có khuyết thiếu, luôn một phần nào đấy bị vơi đi, một niềm hạnh phúc không trọn vẹn. Nhưng, sẽ là ai?

   Thi Thi

Giới trẻ có thể tệ trong suy nghĩ của họ, nhưng có hề chi?

*Photo: APRILCANIPE

 

Giới trẻ ngày nay đang tự định hình cuộc sống của họ theo một chiều hướng riêng, là tốt hay là xấu thì chỉ có tương lai mới có lời giải đáp? Vậy tại sao người lớn lại có những sự gò bó, họ cứ áp đặt suy nghĩ rằng cứ phải sống theo suy nghĩ của họ thì mới được cho là tốt, là giỏi.

Bài viết này bỏ qua mọi sự kiện liên quan đến Huyền Chip, một cái tên đang nổi đình nổi đám hiện nay. Tôi chỉ đơn thuần viết nhằm đưa ra một góc nhìn xung quanh cuộc sống của chính những 9x đời đầu như tôi về một cái gọi là “Định hình cuộc sống”.

Giới trẻ tấn công thị trường ngách?

Càng ngày thì báo chí càng đưa tin nhiều hơn về những nhà lãnh đạo; những con người tài giỏi trong mọi lĩnh vực; từ âm nhạc cho tới báo chí điện ảnh.

Image
Ảnh: Tạp chí Forbes Việt Nam

Điểm chung thú vị của họ là gì? Họ đều là những 9x giỏi giang và vô cùng năng động, họ lăn lộn sớm và rời ghế nhà trường từ khi mới bắt đầu học đại học. Thành công của họ không có một mẫu số chung nào có thể so sánh; nhưng phải chăng đều thấy ở họ sự không nản lòng, sự chấp nhận những búa rìu, những ngăn cản của xã hội.

Người ta hàng ngày đọc báo, thán phục xuýt xoa tài sản mà họ có, những gì mà họ đã làm được, ít ai để tâm đến những cái họ đã phải trải qua để có được điều đó. Cho dù công việc đó là làm bầu sô, quản lý ca sĩ thì họ cũng đang định hình một phong cách riêng của họ. Đó là bất kỳ việc gì các 9xers cũng có thể làm được miễn là họ có thể tìm được một “thị trường ngách” để thoả sức tung hoành.

Sự nhạy bén trong việc tìm kiếm những “phân khúc thuộc về mình” khiến cho những 9x này có một mảnh đất hoang tha hồ khai phá. Và khi họ đứng ở vai trò tạo lập thị trường thì chắc hắn sẽ là những người có khả năng nhất trong việc trở thành Leader của mọi thời đại.

Tuy nhiên, thành công hay thất bại, mọi thứ mới chỉ bắt đầu, hãy chờ xem họ làm được gì nhé?

Giới trẻ định hình một cuộc sống mới?

Như một bài viết gần đây tôi được đọc, những thứ mà 9x ngày nay vẫn đang được học có lẽ đã không còn đúng với những gì họ gặp phải hàng ngày. Những câu thơ của một thời lịch sử hào hùng đã đi vào dĩ vãng, họ có bị bắt đọc và bắt cảm cũng chả thể nào cảm nổi khi mà bản thân họ còn chưa trải qua những mưa bom bão đạn như thế.

Thiết nghĩ dẫu quá khứ có hào hùng đến đâu thì vẫn chỉ là quá khứ? Trân trọng nó để nhớ cội nguồn, nhưng đâu phải cứ ôm ấp mãi những hình bóng của một quá vãng vàng son để quên đi một hiện tại đang diễn ra hàng ngày. Mà thực tế là hiện tại thì bao giờ cũng nóng hổi và khó đoán biết tương lai hơn quá khứ rất nhiều.

Nói thế để thấy, những phát ngôn gây sốc của “các người nổi tiếng” (nổi tiếng ở đây với nghĩa được nhiều người biết đến) đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ. Họ ăn ngủ cùng những câu nói ấy “Không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”,”Không có học thì cạp đất mà thi à?”…v…v…Rồi thì “Mục đích em đến trái đất này là để khoe ngực.” Rồi những màn nhảy cuồng nhiệt trên bar của Phương Trinh.  Tôi không phản đối chuyện người A nhảy nhót, người B lộ hàng…

Vì tôi biết họ nhảy mà vẫn có người coi, họ lộ mà vẫn có người xem thì họ vẫn còn hot lắm. Nghĩa là xã hội thị phi đang đón nhận những thị phi theo một chiều hướng là có một phần chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của cuộc sống. Vậy nên, nếu phản đối những thứ kia, bạn hãy đừng coi nữa, cũng đừng coi xong lại phản ứng theo kiểu “phí 60s cuộc đời”.  Thật là buồn cười!!!!

Con người ai cũng có hai mặt, tốt và xấu đan xen. Giới trẻ cũng thế, họ đang đi qua cái giai đoạn chấp nhận mọi thứ như một mặt của cuộc sống, và những ảnh hưởng từ người nổi tiếng, dù tốt hay xấu đều đang đi sâu vào một bộ phận của giới trẻ, góp phần hình thành nên trong tâm thức người trẻ những suy nghĩ khác biệt so với thế hệ đi trước.

Giới trẻ tự mình

Chuyện họ tự mình mò mẫm là đúng, vì lớp người đi trước chỉ để lại quá ít những thứ họ có thể dùng được, mà con người có đặc tính ham khám phá và có mới nới cũ, nhanh nhàm chán, nên việc người trẻ tự bước đi trên con đường họ chọn cũng chả có gì là lạ lẫm. Có điều mình thắc mắc chỉ không hiểu sao người lớn ạ, mọi người đâu có sống thay cuộc sống của chúng tôi, sao các người cứ ra sức ngăn cấm, rồi nói rằng những thứ đó là không tốt? Chẳng phải trong lịch sử đã từng nói rồi sau: Chuyện của đời trước thì cứ để đời sau hậu xét? Hãy cứ để dòng thời gian trả lời, vì phải có trải nghiệm thì mới đi đến kết luận được chứ?

Họ còn trẻ và họ có quyền dò dẫm, và họ có cả cái quyền thất bại, vì thất bại thì mới có thể có thành công. Cho nên đấy cũng là lợi thế của họ!

“When things are bad, we take comfort in the thought that they could always get worse. And when they are, we find hope in the thought that things are so bad they have to get better.” – Malcolm Forbes

Tạm dịch: “Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng ta được an toàn trong ý nghĩ rằng chúng luôn có thể trở nên tệ hơn. Và khi đúng như vậy, chúng ta lại tìm thấy hi vọng trong ý nghĩ rằng vì nó quá tệ nên nó phải trở nên tốt hơn thôi!”

Giới trẻ cũng thế. Có thể họ tệ trong suy nghĩ của chính họ. Nhưng có hề chi, họ vẫn định hướng cho cuộc sống của họ, vẫn có những tấm gương và cả những thị phi. Nhưng vì xã lội luôn là một tập hợp của rất nhiều con người, nên đón nhận ra sao và như thế nào? Ấy là thái độ của bạn? Ai quan tâm?

Kết lại, dù tốt lên hay xấu đi, mỗi người trong một xã hội vẫn đang tự mình làm cho mình khác biệt đi, đấy là một sự định hình cuộc sống của chính họ rất tốt, mà không phải ai cũng có thể có được và dám làm. Thử hỏi rằng trong xã hội, ai cũng đi theo một lối mòn sáo rỗng chung, thì cuộc đời đâu còn thị phi mà xem, đâu còn người xấu mà bắt. Kể ra lúc ấy thì có nhiều bộ phận phải nghỉ việc lắm, không những không làm cho xã hội phát triển mà còn đẩy lùi xã hội sang 1 bậc vì tình trạng thất nghiệp rơi vào mức đáng báo động?

 

Thu Li

Bảo mẫu và Hôi bia: Cái chung giữa rất nhiều cái riêng – Người Việt xấu xí!

*Photo: soulaaurelien

 

Cũng đã rất lâu rồi, bản thân mình ít viết gì, thậm chí là về những vụ việc đình đám. Mặc dù ngày ngày vẫn đọc tin và lọc tin, nhưng hầu như mình đều chọn hướng là im lặng đối với tất cả. Nhưng sau hai vụ việc vừa rồi, có những thứ khi mình nhìn thấy, và cảm thấy nó rất gần kề rồi nên mới viết ra những dòng này.

Trước hết, có lẽ có người sẽ thắc mắc về cái tiêu đề bài viết, thì mình xin nói trước là bài viết này không phải là nơi để thóa mạ hay chỉ ra cái lỗi lầm của từng ấy con người đã mắc lỗi, mình nghĩ là họ đã có quá nhiều “tòa án lương tâm” để tự phán xét chính bản thân họ rồi.

Vì vậy bài viết này mình sẽ phân tích ở một khía cạnh khác, theo một hướng nhìn mà mình ít thấy truyền thông trong nước chú ý đến.

Theo như thông tin hiện tại mình cập nhật được thì ở cả hai vụ việc: Bảo mẫu bạo hành trẻ em và người dân hôi bia ở Đồng Nai, các đài truyền hình quốc tế như Nga, Nhật đều đưa tin. Điều này gây nên một làn sóng trong toàn dư luận cả thế giới về những vụ việc trên, chứ không trong tiểu phạm vi là Việt Nam nhỏ bé nữa? Vậy bạn có bao giờ từng nghĩ là người nước ngoài nghe tin về những điều trên, họ sẽ coi thường người Việt mình như thế nào không?

Ở vụ hôi bia, người ngoài sẽ càng có cơ sở khẳng định thói ăn cắp vặt của người Việt, đã ăn sâu vào máu và là bản chất của một nhóm người Việt. Còn với vụ bạo hành trẻ em, người Mỹ sẽ nghĩ gì? Ừ chúng mày cứ bảo là chúng tao cho sử dụng súng là vô nhân đạo với nguy hiểm, đấy, chúng mày xem lại người của chúng mày đi,đánh đập người khác cũng có tàn nhẫn kém gì chúng tao đâu? Vậy là hai hành vi này vô hình trung đã hình thành trong tâm thức của người nước ngoài về một người Việt Nam xấu xí.

Ở cả hai vụ việc đều không phải là những vụ giết người  hoặc vụ án gì quá rung rợn, giá trị thiệt hại ở cả hai vụ việc đều là nhỏ nhoi so với những vụ giết người nổ súng hàng loạt ở trường tiểu học của Mỹ, hay những vụ án rơi máy bay, thiệt hại không những cả về người và của. Những vụ có tính chất nghiêm trọng như vậy thì truyền thông các nước đều đưa tin, mình thấy không có gì lạ. Nhưng hai vụ này, so về mức độ nghiêm trọng thì chưa đạt đến độ phải đưa tin trên bản tin của đài truyền hình các nước lớn kể trên. Vậy đâu là nguyên nhân cho việc hai sự việc này trở nên như vậy?

Trước hết, mình thấy nên khởi nguồn từ hình thức hai vụ việc này được phát tán. Cả hai vụ việc đều thông qua một hình thức chung là từ một đoạn video clip trên mạng. Ở cả hai vụ việc, sau khi clip được tung lên mạng thì lập tức đạt tốc độ sao chép một cách kinh hoàng. Đối tượng share và chia sẻ những clip này là những ai? Lại chính là người Việt chứ ai? Chính xác hơn là những người Việt là cư dân mạng. Kèm theo clip là những dòng bày tỏ cảm xúc, phần lớn đều là bức xúc, phẫn uất trước hành vi của những con người trong clip. Vậy là quân cờ domino đầu tiên đổ dẫn tới loạt đổ dây chuyền, cứ như một lò phản ứng hạt nhân được kích hoạt, mọi hạt electron Hidro đều chuyển động quanh notron với một vận tốc như có người đuổi theo sau, người người share, nhà nhà like.

Tiếp theo là gì, truyền thông (báo chí, chủ yếu là báo mạng) nhận thấy miếng mồi ngon về traffic truy cập, liên tục đưa tin về vụ việc, với rất nhiều bài báo về vụ việc, lặp đi lặp lại. Đầu tiên là vụ việc hôi bia, phao tin về việc tài xế phải trả tiền phạt, rồi tiếp theo là một series loạt bài về hoàn cảnh túng quẫn của bác tài xế sau khi xảy ra vụ việc. Rồi tiếp tục dùng dư luận tạo sức ép để thổi bùng sự quan tâm của dư luận, dẫn tới việc có những nhà hảo tâm đóng góp giúp bác tài xế. Chơi chán bác tài xế, giới truyền thông chuyển sang tung tin đồn thổi về việc chính hãng bia đã dàn dựng nên vụ việc này.

Mình thì mình chỉ nghĩ, sau tất cả thì truyền thông vẫn được lợi nhất vì ngay khi có tin về hãng bia thêu dệt nên vụ việc thì ngay lập tức, đã xuất hiện bài viết đính chính từ hãng bia. Liệu nếu không chi ra một khoản nào đó thì hãng bia có tiếp tục an toàn cho đến khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức về vụ việc không?

Đến lúc có kết luận điều tra, hai năm rõ mười rồi thì nghe có vẻ như chả còn cái gì để khai thác nữa. Đúng lúc đó thì lại có tin là người quyên góp hiến tặng đến đòi lại tiền. Liệu có gì mà trùng hợp nhiều đến thế không? Cứ cho là từ vụ hôi bia suy ra thói ăn cắp vặt của một bộ phận người Việt. Thì việc truyền thông đẩy con thuyền đi quá xa, dẫn tới một loạt phản ứng và những vụ việc sau đó? Ai được lợi, ai bị hại, hi vọng là tất cả đều đã thấy rõ.

Trường hợp tương tự với vụ việc của nhà trẻ Đông Phương, xuất hiện dưới dạng một clip do Tuổi trẻ đăng. Sau đó là dư luận lên tiếng, những bài báo về gia đình của các bảo mẫu, những tin tức như facebook cá nhân của họ bị rò rỉ, lan truyền. Sự vụ tuần hoàn.

Như vậy, sau cả hai vụ việc, ta đều có thể nhận thấy chính người Việt, cư dân mạng và truyền thông đã tự tạo nên một sợi dây kết nối, và mỗi người đều tưới xăng vào mình rồi tự cháy lúc nào không hay. Điều này dẫn tới sự chú ý của dư luận quốc tế vào Việt Nam. Việc lên án hành động là rất đúng, nhưng với những việc như vậy đều đã có cơ quan chức năng vào cuộc, vậy thì còn bàn tán, còn viral như vậy để làm gì? Và truyền thông (báo mạng) đã thực sự làm “tốt” vai trò của họ khi dùng dư luận như một con át chủ bài để kiếm thêm công ăn việc làm cho chính bản thân họ.

Kết lại bài viết này, tất cả những điều mình muốn nói, gói gọn trong một điều là: Không phải chỉ có những con người trong clip mới xấu xí, mà chính chúng ta cũng nên tự nhìn nhận lại mình. Liệu có phải chính chúng ta đang đào những nấm mồ mang tên mình không? Câu hỏi này hẳn các bạn cũng tự có trong lòng! Còn đối với người cầm bút, mình có mong muốn tột bực sao cho hãy viết không chỉ để phản ánh cuộc sống, mà còn là đem lại bài học cho mọi người. Nhưng có lẽ phải rất lâu nữa, khi mà báo chí có tự do, thì có lẽ điều tốt đẹp này mới có thể xảy ra!

 

 

Thu Li

Nhốt ngựa vào chuồng hay nhốt chính ta?

*Photo: debi.bishop

 

Nhà triết học duy vật người Hy Lạp Heraclitus (535 – 475 TCN), người được coi là cha đẻ của phép biện chứng mà đây đó không ít người vẫn lặp đi lặp lại và nói theo trên các phương tiện truyền thông, từng có phát biểu kinh điển:

“No man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man.”

Tạm dịch: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, vì nó không còn là dòng sông xưa, và hắn cũng không còn là con người xưa.”

Dưới nhãn quan của Heraclitus, mọi sự vật luôn biển đổi, vận động và phát triển không ngừng. Nôm na là vũ trụ này như một dòng sông chảy mãi, trôi mãi, cứ thế đến vô tận của chiều kích thời gian, và ngay cả thân thể con người cũng thế. Ở phương Đông, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh từng phát biểu tư tưởng triết học này trong bài thơ, tưởng chỉ rất “tình”, có tên “Thuyền và biển”, thể hiện cái chân lý “không đứng yên” đó: Cũng có khi vô cớ/ Biển ồ ạt xô thuyền/ Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên? Nếu xem cái “phi bất biến” của tình yêu là chính cuộc sống này, thì thực ra nó là vậy. Chẳng có gì là đứng yên.

Trong tiếng Anh, tôi khá “ám ảnh” với cái từ mà với những ai học và thi chứng chỉ quốc tế của môn này đều hầu như phải biết: “stable”. Từ này, ở dạng tính từ, có nghĩa là “ổn định”, “không thay đổi”, “không dịch chuyển”, nhưng ở dạng danh từ nó lại mang nghĩa là “cái chuồng ngựa”, và khi là động từ nó lại có nghĩa “nhốt ngựa vào chuồng”. Sở dĩ bị ám ảnh, bởi trong ngôn ngữ tự nhiên “các cụ” đã “cấy” vào đó những thông điệp đắt giá.

Con người qua quá trình dụng ngôn, lập ngôn và diễn ngôn, họ đã truyền tải vào ngôn ngữ tư tưởng của mình và những bài học triết lý của cuộc sống này. Chúng ta thích sự ổn định, nhưng sự ổn định đó lại manh nha một vòng kim cô của tính bảo thủ và trì trệ. Bản thân khái niệm ổn định không hàm chứa ý nghĩa cải thiện về mặt chất lượng (theo hướng tốt hơn) của các thực tế. Thực tế thì sinh động và không đứng yên, trong khi “ổn định” thực chất là ta đang đứng lại. Về bản chất, những đổi thay có chất lượng là nguyên liệu của sự phát triển, nó như là củi để duy trì đám lửa đêm đông.

Vài người bạn của tôi khi qua ngưỡng tuổi 30, đứng trước những ngả đường, họ thường ngại ngần, từ chối sự đổi thay và biện minh bởi lý do “thích ổn định”. Họ ngại khi phải bước vào một cuộc dấn thân mới với những thử thách mới. Ổn định mang lại cho họ cảm giác an toàn, dù là nhất thời. Một hôm nọ, tình cờ tôi gặp tổng biên tập của tờ báo được coi là lớn ở xứ ta, hỏi facebook để kết nối, anh bảo: “Kinh tế khó khăn, mải lo cho đời sống của hàng trăm anh em phóng viên, nên mình chưa có thời gian… mở tài khoản.”

Tôi cố an ủi mình rằng, một người nắm giữ vị trí cực kỳ quan trọng ở một tòa soạn như anh chẳng thể nào không biết một trong những lý do chính khiến tờ báo giấy (vốn có truyền thống) của mình tụt dốc là vì sự cạnh tranh của… mạng xã hội?! Còn một ông giáo sư về truyền thông, trong lúc đám sinh viên hỏi địa chỉ hòm thư điện tử để gửi bài, anh không thiếu hồn nhiên dõng dạc bảo… “Cái đó mình để quên trong ngăn kéo ở nhà.”

Nhìn rộng hơn, đôi khi nhân danh sự ổn định, để ai đó không chịu đổi mới chỉ vì “sở thích” này, và quan trọng hơn, vì chính quyền lợi của những nhóm nhỏ. Nhưng mà, trong cơn say của việc “tham một bát”, chúng ta đã “bỏ cả một mâm”. Tâm lý ngại cái mới, “ta được ăn 5 còn thiên hạ lỗ, còn hơn ta ăn 10 nhưng thiên hạ ăn 5” cũng cột chân con ngựa phát triển. Nhiều khi, dân tộc mình đã lỡ cái “mâm cỗ” thịnh soạn là kết quả hứa hẹn của cuộc canh tân, chỉ vì mải mê với tâm lý tiểu nông và cái vòng kim cô cũ kỹ. Như vậy, sự ổn định không chỉ là “đưa (bầy) ngựa vào chuồng” mà còn là ta tự “nhốt” cơ hội phát triển của chính ta.

Ngay trước Minh Trị Duy Tân, nước Nhật đứng trước nguy cơ mất nước, một đất nước phong kiến dưới sự trị vì (bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ 17) của Mạc Phủ (dòng họ Tokugawa) ở Edo (nay là Tokyo), và sự xé lẻ cát cứ của 262 lãnh chúa với lãnh địa riêng. Khó khăn chồng chất khó khăn, thách thức cộng thêm thách thức. Nếu sợ cái mới, chuộng sự “ổn định” thì nước Nhật ắt hẳn chẳng có một Minh Trị Duy Tân (nửa cuối thế kỷ 19) tạo đà cho nước Nhật thay đổi về chất và hùng cường như ngày nay.

Cũng cùng thời kỳ đó, ở nước ta, bi kịch của sự thích ổn định lại bao trùm lên tầng lớp lãnh đạo lúc bấy giờ, phủ bức màn lên số phận của dân tộc, và nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ là một nạn nhân của “tệ” tâm lý này. Chính quyền phong kiến lúc bấy giờ từ chối những tư tưởng canh tân, như một kẻ sống lâu ngày trong môi trường yếm khí sợ bước ra ánh sáng. Và số phận đất nước đôi khi rẽ ngoặt vì không ít người sợ đổi mới và ánh sáng của sự đổi thay.

Năm mới Giáp Ngọ 2014, thay vì “nhốt ngựa vào chuồng” và giam hãm chính mình, hãy chuẩn bị áo giáp, nắm lấy yên cương, đi về nơi ánh sáng, chinh phạt thử thách, và giành lấy thành công. Tin rằng, chẳng ai trói số phận mình hay muốn sống mãi trong cái chuồng ngựa của cuộc đời. Sự chây ì trong những giai đoạn nhất định chỉ là khoảnh khắc nào đó trong ánh chớp của lịch sử. Vì rằng, những người con của dân tộc này chưa bao giờ đứng yên, chưa bao giờ quỳ gối đầu hàng trước những thử thách của số phận.

Hãy cùng chúc cho mỗi chúng ta, dân tộc ta “lên ngựa” 2014 và phi nước đại thành công!

 

 

Lê Ngọc Sơn 

 

Học từ “cái chết” để thực sự “sống”

*Photo: Michael Wifal

 

Thật ra, tôi cũng nghĩ rằng vào dịp đầu năm mới thì không nên viết về những thứ mang màu sắc u ám hay tiêu cực (theo cách nghĩ của nhiều người) như cái chết. Theo lẽ thường, ta nên viết về cái gì đó thật vui, thật hân hoan. Nhưng tôi vẫn muốn viết, bởi vì với tôi, khi có cảm xúc thì mọi suy nghĩ và từ ngữ sẽ tự động xuất hiện, và việc còn lại tôi phải làm là dùng tay để thể hiện những suy nghĩ đó ra văn bản. Mặt khác nữa, tôi nghĩ rằng bản chất của mọi thứ đều có hai mặt, quan trọng là cách chúng ta nhìn mà thôi, có những điều tích cực về cái chết mà tôi muốn chia sẻ với bạn.

Đầu tiên cho tôi hỏi bạn một câu. Bạn có sợ chết không?

Riêng tôi thì sợ lắm, mỗi lần tôi nghe tin một người nào đó qua đời thì tôi lại bị ám ảnh. Mới mấy hôm trước, bà ngoại của một người bạn của tôi qua đời và thế là dòng suy nghĩ về cái chết lại được khơi dậy trong đầu tôi. Tôi từng đối mặt không dưới năm lần với cái chết. Lúc còn nhỏ, khoảng tám tuổi, tôi đã suýt chết đuối vì không biết bơi nhưng vẫn theo bạn tắm sông. May mắn thay, có người đã thấy và cứu tôi lên. Một lần khác, tôi đang ngồi trên một chiếc taxi ra sân bay, đột nhiên chiếc taxi bị nổ lốp và đâm vào dải phân cách. Một lần nữa, tôi may mắn thoát chết.

Bạn đã có trường hợp nào đối diện với cái chết chưa?

Nếu đã từng, bạn hẳn sẽ hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Đó là một trạng thái hỗn độn với những cảm xúc khác nhau: Nỗi sợ hãi, sự kinh hoàng xen lẫn cảm giác hạnh phúc và may mắn vì thoát chết. Nhưng sau những thời khắc như vậy, nhiều câu hỏi lại xuất hiện trong đầu tôi: “Tại sao tôi lại thoát chết?” “Nếu không may tôi chết đi, tôi sẽ tự hào về điều gì? Tôi sẽ hối tiếc về điều gì? Tôi để lại gì cho cuộc đời này?” “Rốt cuộc, tôi sống trên đời này để làm gì?”

Những câu hỏi đó cứ làm tôi trăn trở và suy nghĩ mãi về cuộc sống mà tôi đang sống. Và rồi tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Có một câu như thế này “Cứ gõ, cửa sẽ mở. Cứ đi, sẽ đến. Cứ tìm, sẽ thấy!”  Theo thời gian, tôi cũng đã tự tìm thấy cho mình những câu trả lời. Và những câu trả lời đó giúp tôi có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình nhiều hơn. Tôi cũng nhận ra rằng, suy nghĩ về cái chết không phải là điều gì tiêu cực, và có nhiều điều chúng ta học được từ cái chết để sống một cuộc sống xứng đáng hơn.

Bạn đang sống cuộc đời của mình chứ?

“Hầu hết mọi người là người khác, những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn.” – Oscar Wilde

Nếu bạn biết được rằng hôm nay là ngày cuối cùng của bạn trên cuộc đời này, bạn sẽ làm những điều mình thích, những dự án mình tâm huyết và thực hiện ước mơ lớn nhất của đời mình?

Tôi nghĩ rằng câu trả lời của bạn sẽ là “Có”. Chỉ tiếc một điều rằng, có quá nhiều người trong chúng ta không ý thức về điều này. Thay vì sống cuộc sống của chính mình, thực hiện ước mơ của đời mình, họ lại để những định kiến, áp đặt của người khác chèo lái cuộc đời của mình. Hết ngày này qua ngày khác, họ mải mê trên con đường xây dựng ước mơ cho người khác và quên đi ước mơ của chính mình. Đến khi nhận ra thì mọi thứ đã quá muộn. Tôi có đọc được một câu chuyện về một người y tá đã ghi chép lại năm điều hối tiếc nhất của những người hấp hối. Bạn biết điều hối tiếc lớn nhất là gì không? Đó là: “Tôi ước rằng tôi có đủ can đảm để sống cuộc sống của mình chứ không phải sống theo sự mong đợi của người khác.”

Còn bạn, bạn có muốn khi hấp hối, bạn cũng sẽ hối tiếc về điều này?

Có nhất thiết phải thành công bằng mọi giá?

Trước tiên, tôi không có ý rằng thành công là xấu và ta không nên cố gắng để thành công. Thành công là điều tốt nhưng tôi muốn bạn chú ý đến cụm từ “bằng mọi giá”. Điều hối tiếc đứng thứ hai của những người hấp hối chính là họ đã dành quá nhiều thời gian cho công việc trong khi dành quá ít thời gian cho vợ, con, gia đình và bạn bè. Tôi chưa có gia đình riêng, nhưng một trong những điều tôi day dứt nhất chính là vì tôi quá tập trung vào công việc đến nỗi khi mẹ tôi ốm nặng, tôi không ở bên cạnh chăm sóc nhiều, và khi mẹ tôi mất, tôi cũng không về kịp để nhìn mẹ tôi lần cuối.

Có những người khác, vì thành công, vì tiền bạc mà sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để vơ vét tài sản về phía mình, để được thăng quan tiến chức. Nhưng những gì họ có được là những mối quan hệ dựa trên sự vụ lợi và có thể đỗ vỡ bất kỳ lúc nào khi hai bên không còn giúp ích được gì cho nhau. Họ nhận được sự xa lánh và coi thường của những người chính trực, thậm chí bi kịch hơn là từ người thân của họ.

Như vậy có đáng không? Khi bạn ra đi, những gì bạn để lại cho cuộc đời là gì?

Sống hết mình cho hiện tại

Chúng ta phải ý thức được một điều rằng chỉ có hiện tại mới có ý nghĩa và thời gian của chúng ta trên đời này có thể kết thúc bất kỳ lúc nào. Vậy thì có cần thiết phải day dứt về những lỗi lầm trong quá khứ, ôm lấy nó vào người, khiến nó trở thành gánh nặng suốt đời của chúng ta? Hãy chấp nhận quá khứ và để quá khứ mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm, những bài học giúp chúng ta sống tốt hơn ở hiện tại.

Còn tương lai là một điều gì đó bất định, có thể ngày mai sẽ không bao giờ đến với bạn hoặc tôi. Vì vậy, tất cả những gì bạn muốn làm, tất cả những lời yêu thương bạn muốn nói, hãy làm ngay bây giờ, đừng để đến ngày mai, đừng để đến tuần tới. Bởi lẽ có khi chúng ta sẽ không còn cơ hội để thực hiện nữa.

“Cuộc sống là một hành trình, không phải là một đích đến.” – Ralph Waldo Emerson

Có nhiều người đợi đến lúc mình đạt được điều gì đó mới thấy hạnh phúc. Họ đặt ra những mục tiêu và chỉ khi đạt được mục tiêu thì mới cảm thấy hài lòng. Nhưng những người như vậy thường có gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống bởi vì không phải lúc nào họ cũng đạt được những mục tiêu họ đặt ra. Vậy thì đến lúc mới được hạnh phúc?

Cuộc sống là một hành trình, vậy nên cứ tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống mà chúng ta có được. Hãy cứ vui với những điều bình dị nhất, hãy cứ sống hết mình mỗi ngày và hạnh phúc với điều đó.

Những điều cần làm trước khi chết

Bộ phim “The Bucket List” ra đời năm 2007 đã làm dấy lên một làn sóng trong một lớp trẻ. Bộ phim nói về hai ông già mắc bệnh ung thư gặp nhau trong bệnh viện. Họ được bác sĩ cho biết cơ hội của mình chỉ còn vài tháng nữa. Khi nỗi tuyệt vọng ban đầu qua đi, họ quyết tâm cùng nhau thực hiện những ao ước lâu nay vốn bị công việc, cuộc sống bộn bề cản trở.

“Bucket list” – danh sách những điều cần làm trước khi chết ra đời. Sau đó, họ cùng nhau trải qua một trong những khoảng thời gian ý nghĩa nhất cuộc đời: Nhảy dù, leo núi, đua xe, viếng thăm những kỳ quan của thế giới như Vạn lý Trường Thành, cung điện Taj Mahal, Kim tự tháp Ai Cập hay hát sảng khoái trên những cánh rừng hoang dã Châu Phi bên những đàn linh dương, voi và sư tử. Bộ phim kết thúc khi dòng cuối cùng của danh sách được gạch bỏ, cũng là lúc họ yên nghỉ thiên thu trên đỉnh Himalaya tuyết phủ trắng xóa, ngắm nhìn thế giới.”

Thời gian chúng ta có mặt trên cuộc đời này là hữu hạn, đừng tốn thời gian vào những định kiến của người khác, hãy cứ làm những gì bạn ao ước trong cuộc sống miễn là những điều đó không trái với đạo đức và pháp luật. Tôi đã lập danh sách 101 điều cần làm trước khi chết của mình, trong danh sách đó có những điều thật lớn lao, có những điều thật nhỏ nhưng cứ mỗi khi đọc lại danh sách đó, tôi lại cảm thấy mình có động lực hơn để sống cuộc sống của chính mình.

Tôi không biết bạn thế nào nhưng riêng tôi học được rất nhiều điều từ cái chết. Những điều tôi học được giúp tôi sống cuộc sống của mình ý nghĩa hơn. Và tôi biết rằng, nếu tôi tâm niệm và áp dụng những điều tôi học được từ cái chết để sống, một ngày nào đó khi ra đi, tôi sẽ không còn sợ hãi, không còn hối tiếc nữa.

 

 

Đỗ Tiến Minh

 

Phê bình, có hay không cần tư cách?

Photo by: david-plus-1

 

Tôi sẽ không làm một việc trẻ con là lên Google tìm định nghĩa từ “phê bình” rồi copy vào bài viết này, chỉ là chúng ta phê bình và nghe phê bình hàng ngày hàng giờ phát chán rồi, nên thiết nghĩ ta cần dừng lại đôi chút mà ngẫm về bản chất của vấn đề thường nhật này.

Bản chất của phê bình, tôi nghĩ cũng đơn giản thôi-sự thật, dù đó có là thứ sự thật khó nghe đến thế nào, nếu ngoài sự thật, dù hay ho to tát đến đâu cũng không bao giờ là lời phê bình đích thực. Còn để nó là lời phê bình chân chính, tôi sẽ nói với bạn sau.

Nếu bạn tạm chấp nhận cái cách định nghĩa của tôi, thì thử dùng nó như một dữ kiện để giải các câu hỏi kinh điển liên quan đến phê bình xem sao nhé:

Cái gì cũng có hai mặt, không nhìn vào mặt tốt, cứ chăm chăm phê bình mặt xấu làm cái gì?

Ừ thì hai mặt, đó là quy luật rồi, miễn bàn cãi, nhưng, đừng tùy tiện sử dụng quy luật đó, rất nguy hiểm. Tại sao? Vì nó dễ làm ta ảo tưởng, ngộ nhận. Chúng ta luôn sống trong hai mặt tốt-xấu, nhưng nếu không ai chỉ ra mặt xấu nó to và có xu hướng to đến nhường nào, ta sẽ lầm tưởng mình đang ở trong cái vị thế cân bằng xấu-tốt, cái trạng thái cân bằng hoàn hảo của tạo hóa. Mà đã ở trong cái trạng thái đó rồi thì cần gì cảnh giác bài trừ cái xấu, cần gì nỗ lực triệt tiêu cái xấu, cái xấu đã có cái tốt “bù lại”, cứ thế mà an phận với cái “phép thắng lợi tinh thần” tầm thường đó thôi. Tôi rất ủng hộ phong cách sống lạc quan, nhưng lạc quan mù quáng trước cái tốt thì không còn là lạc quan nữa, mà là thờ ơ, là vô trách nhiệm, là yếu đuối trước cái xấu.

 Lấy tư cách gì mà đòi phê bình kẻ khác?

Này tôi hỏi, “tư cách” là gì thế, tại sao kẻ xấu, kẻ sai chỉ cần vin vào đó là có thể áp đảo chính kiến của người khác, của chúng ta, để mà nhởn nhơ làm những thứ đáng phê bình mà không bị phê bình cơ chứ? Nếu bạn biết chúng xấu, chúng sai mà chúng vẫn cứ nhe răng lởn vởn thong dong ngoài xã hội, thì là không hẳn là do chúng tài-giỏi-mạnh hết đâu, mà là do chúng ta, do tôi, do bạn, đang góp phần vào cái xấu đó. Vì chúng ta biết nhưng chúng ta hoặc phê bình chưa đúng và chưa đủ, hoặc chưa để sự phê bình đạt tới mức đúng và đủ. Còn khi sự phê bình đạt đến ngưỡng đúng và đủ đó, cái xấu đã bị đe dọa, đã mất đất sống, đã thất bại rồi.

Một lý do lớn khiến việc phê bình, đặc biệt là ở nước ta, vì nước ta có rất nhiều thứ đáng và cần phê bình, chưa chạm đến cái đỉnh đó chính là chúng ta đã hạn chế sự phê bình vốn đang cần yếu bằng một từ khá hay ho: “Tư cách”.

Theo bạn thì ai có “tư cách” phê bình kẻ khác: Anh cảnh sát phê bình thằng ăn cắp vặt? Hay một thằng cắp vặt đi phê phán thằng giết người cướp của? Hẳn ít nhiều gì thằng cắp vặt cũng bị gạt phăng vì “không có tư cách”.

Tôi thì nghĩ thằng “không có tư cách” cũng có quyền phê bình. Việc phê bình của họ có thể khả ố đấy, thằng giết người cướp của sẽ bĩu môi khinh thường lời phê bình thằng cắp vặt, người bị cắp vặt lại càng nhăn mặt tặc lưỡi kị ghét hơn. Lời phê bình đó sẽ chả đến được ai, đả động ai, thay đổi ai. Nhưng quan trọng nhất và ý nghĩa nhất, lời phê bình sẽ có công dụng với chính bản thân tên cướp vặt đó, có thể chưa đủ để thằng cướp vặt hoàn lương nhưng sẽ đủ để làm thằng cướp vặt mãi ngừng lại là thằng cướp vặt, không phải là tên giết người. Bởi nó xấu, nhưng nó vẫn đủ tốt để nhận ra và phơi bày cái xấu của tên giết người.

Chỉ cần thằng ăn cắp vặt không bon chen đi phê bình sự thiếu mẫu mực của một anh cảnh sát vốn rất mẫu mực chỉ vì anh này bắt nó-lúc này phê bình không còn đảm bảo là sự thật nữa mà mà đã bị méo mó bởi tư lợi-thì chẳng có ai có quyền phán xét thằng ăn cắp vặt đó có tư cách để phê bình hay không.

Quyền sống bình đẳng và tự do ngôn luận để làm gì? Để ghi vào bộ luật cho nó “đủ bộ” với chả đẹp mặt tiền à? Bạn là một công dân, một con người, và không ít khi bạn đã tự còng tay mình khỏi cái quyền tự do vốn có. Tạm thời cứ nhìn sự tự do dưới góc nhìn chủ quan và trong phạm vi đề tài bài viết này, bạn có thấy mình đã tự do ngôn luận chưa? Tôi không nói đến sự tự do tùy tiện, tôi chỉ hướng tới những lúc bạn thấy cái xấu, cái sai, cái bất ổn, bạn khó chịu trước chúng, bạn căm ghét sự tồn tại của chúng, nhưng những gì bạn làm sau đó chỉ là im lặng mà ngó lơ qua chỗ khác (chỗ tốt hơn chẳn hạn, và tự huyễn mình mọi thứ vẫn ổn).

Vì sao bạn im lặng? Vì bạn sợ hãi tầm vóc cái xấu đã vượt qua ngưỡng đấu tranh của cái tôi bé nhỏ của mình? Vì bạn quan ngại có nói ra, có phê bình thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới? Vì bạn còn tệ hơn “thằng cướp vặt”, bạn cũng có cái xấu riêng nên thu mình lại, sợ bị moi móc, so sánh khi phê phán cái xấu của người ta, của xã hội?

Hay vì bạn đã tự giới hạn “tư cách” của chính mình và của người khác bởi những sợ hãi và quan ngại đó, để rồi trở nên thờ ơ vô cảm trước cái xấu trong im lặng, để một ngày nào đó, cũng với sự sợ hãi và quan ngại đó, bạn chấp nhận cái xấu rồi cũng hòa mình vào cái xấu (đừng quên không ít người quanh bạn cũng đã làm thế, cái xấu gắn liền cái lợi nên nó rất hấp dẫn). Đó là khi cái xấu thắng thế, cái sai lên ngôi!

Tôi xin trích dẫn lại một câu nói nổi tiếng của một người cũng rất nổi tiếng:

“Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt.” – Napoleon

 Chỉ được cái mồm, phê bình có được tích sự gì đâu?

Sao lại không? Phê bình rất “được tích sự” nữa là khác, chỉ cần bạn ý thức: Phê bình để làm gì?

Phê bình vô mục đích hay mục đích chưa chính đáng (phê bình để thể hiện bản thân có con mắt tinh đời, để chứng minh mình là người tốt, lăng mạ hoặc bôi nhọ đối tượng mà mình không thích..) Thì chỉ  bới móc cái xấu ra cũng giống như việc bới rác lên khỏi mặt đất, đôi khi khỏi thùng rác. Chỉ tổ làm môi trường thêm ô nhiễm và mũi người thêm khó chịu thôi.

Theo tôi thì tự phê bình chính là cái mục đích chính đáng tối giản nhất (bới rác lên mà khó chịu trước cái mùi hôi thối đó để mà không góp thêm phần mình vào cái bãi rác) còn phê bình để hành động khắc phục (tìm ra và thực hiện biện pháp xử đẹp đống rác đó) chính là đỉnh cao của cái việc phê bình chẳng mấy “thơm tho” này.

Chúng ta thường chỉ nghĩ đến mục đích thứ hai, tức là gắn liền mục đích việc phê bình với một thành quả vật chất có thể thấy được. Và đôi lúc ta quên rằng, mục đích của việc phê bình, dù hình thức của nó không phải là một hành động, nhưng nó luôn thôi thúc chúng ta, chính người nói và người nghe hành động. Hoặc là làm một điều tốt, hoặc không làm một điều xấu. Không làm một điều xấu thì có lẽ dễ dàng hơn, vì không phải ai cũng có điều kiện, khả năng, tố chất để làm được điều tốt. Vậy thì để ngăn mình không làm điều xấu, chúng ta phải phê phán cái xấu, phải phê bình để tự phê bình: mình có làm điều xấu đó không, mình sẽ không làm điều xấu đó…

Chỉ cần thế, phê bình đã đạt được cái mục đích cao đẹp của nó, không phải thay đổi thế giới, mà thay đổi chúng ta. Tất nhiên, chúng ta cứ thay đổi đã, thế giới nó sẽ thay đổi theo.

 Sao cứ phải sống gay gắt/khổ sở/mệt mỏi thế, cứ đi phê bình đủ thứ?

Câu này thì tự bạn phải trả lời rồi, không câu trả lời nào có sẵn cho cách sống của bạn, cho cuộc đời của bạn.

Riêng tôi, tôi chỉ ngừng “gay gắt/khổ sở/mệt mỏi” vào hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là thế giới này đạt tới cái mức hoàn hảo, khi có sự bất hảo là có sự phê bình. Trường hợp thứ hai là tôi thỏa hiệp với cái phần bất hảo, nghĩa là tôi thua cuộc, thua bọn họ, thua cuộc đời, thua chính mình.

Trường hợp thứ nhất thì vẫn chưa đến, trường hợp thứ hai thì tôi không muốn nó đến. Thế nên tôi cứ sống “gay gắt/khổ sở/mệt mỏi” và “cứ đi phê bình đủ thứ” như này thôi.

Vậy thì một lời phê bình đích thực thì phải tôn trọng sự thật, còn một lời phê bình chân chính thì phải có mục đích, và mục đích đó phải tích cực, tích cực cho thế giới hay cho người khác hay thậm chí chỉ cho chính bạn cái đã.

Nếu bạn là người đã nhìn, đã nghe, đã hiểu và khó chịu trước cái xấu, bạn muốn phê bình nó, một lời phê bình chân chính (tất nhiên để chân chính thì phải là lời phê bình đích thực trước) mà người ta vẫn dè bĩu bạn “không có tư cách phê bình” thì sao, xì, để ý làm gì, họ đang không có tư cách phê bình bạn đấy.

 

Leona