18.4 C
Da Lat
Thứ Hai, 21 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 265

Họ, người Trung Quốc, cũng là người bình thường như chúng ta

*Photo: Life in AsiaNZ

 

Không biết tự bao giờ cái thành kiến ghét người Trung Quốc nó đã hình thành và ăn sâu vào trí não của đại đa số người dân Việt Nam. Số trời đã định khi chúng ta phải nhắm mắt sống chung sát vách với một người hàng xóm không được tốt bụng cho lắm. Ông bạn láng giềng to xác và xấu tính luôn ra oai bắt nạt, tranh giành từng miếng ăn của những cậu hàng xóm nhỏ bé xung quanh. Những đức tính không lấy gì đẹp đẽ đó của Trung Quốc khiến các nước ở bên luôn phải canh chừng lo sợ. Hãy nhìn lại lịch sử và chúng ta sẽ thấy, bao minh chứng không gì có thể chối cãi vẫn còn hiển hiện.

Ngàn năm Bắc thuộc – chính khoảng thời gian tăm tối đó đã định hình trong tâm trí dân tộc Việt một hình ảnh không thể xấu hơn của cái gọi là bè lũ xâm lược đến từ Trung Quốc. Nếu chẳng may có một cuộc khảo sát trên mọi lứa tuổi với một câu hỏi: “Nước nào người dân Việt Nam ghét nhất?” Tôi cam đoan rằng phần lớn phiếu khảo sát sẽ hiện lên hai chữ Trung Quốc. Tại sao không phải là Mỹ, Pháp hay Nhật, những nước đã trực tiếp tham gia những cuộc chiến phi nghĩa, gây ra bao đau thương mất mát cho Việt Nam?

Câu trả lời đơn giản đó là vì Trung Quốc đã đánh mất niềm tin nơi người dân Việt Nam quá nhiều. Nếu không nói đến những mưu đồ chính trị và những lợi ích bộc lộ mười mươi trên trường quốc tế thì ngay cả những việc buôn bán giao thương nhỏ lẻ, người dân Việt từ lâu cũng đã chẳng dám tin tưởng gì nhiều vào những hàng hóa “made in china”. Tất cả những gì được gọi là chất lượng kém đều được hoạch định là có chung nguồn gốc từ bạn Tàu đưa qua.

Ừ, thì có cơ số cái gọi là nguyên do để chúng ta không thích Trung Quốc, tuy nhiên bài viết này sẽ không đi sâu vào phán xét những gì gọi là cái-chúng-ta-không-thích ấy của Trung Quốc. Tôi xin nói về văn hóa trong cách cư xử với người Trung Quốc hiện nay.

Theo quan sát của tôi, từ lâu nay khi bàn luận chung chung về một chuyện gì đó có liên quan tới Trung Quốc, đa số các bạn trẻ đều rất sôi nổi bày tỏ những ý kiến vô cùng tiêu cực, chỉ trích nặng nề về những cái xấu của Trung Quốc mà không cần quan tâm đến đúng sai trước sau. Tất cả phải đảm bảo theo quy tắc “chụp mũ” và phải theo đường hướng “ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”, vơ đũa cả nắm để xỉ vả, có kèm theo những lời lẽ thiếu tôn trọng dành cho cả một quốc gia láng giềng.

Tâm lý đám đông là thế, vui lắm khi mỗi người góp một câu, vì là chung nên nào ai biết đó là ai, mạnh miệng chém gió nói càng hay càng nhiều “like“… Thật buồn cho những cách biểu thị tình cảm yêu nước đáng xấu hổ đó. Thưa các bạn, các bạn nói như thế được gì và mất gì khi người nghe lại chính là những người đồng bào của bạn, suy cho cùng thì vẫn chỉ là một nhóm cùng kêu ộp ộp với nhau dưới cái giếng tối tăm, cùng bàn luận ra rả về con chim trên cây cao kia.

Sao các bạn không mài dũa thêm ngoại ngữ và vốn hiểu biết của các bạn để đem nó ra tranh luận trên những diễn đàn quốc tế. Họ cũng đang nói xấu, cũng đang có những tư tưởng sai lệch về đất nước Việt Nam ta đó. Thật buồn khi trên những diễn đàn chung trên thế giới, bàn luận về những cái đúng cái sai của nước ta thì lại chẳng thấy bóng dáng một nhà hiền triết Việt Nam nào có thể lên đó chém vài ba chữ, dù chỉ là để bảo vệ hình ảnh của đất nước.

Hiếm hoi lắm một vài bạn có khả năng ngôn ngữ thì lại hạn chế về khả năng tranh luận. Họ – người Trung Quốc, không thiếu những người có thể đưa ra những dẫn liệu xác đáng cho câu trả lời của họ, vậy khi đó chúng ta ở đâu?

Một số đông các bạn hiện nay dường như đang bị che phủ trong một cái vòm thành kiến ghét Trung Quốc mà không cần biết lý do, đơn giản nghe thấy liên quan đến Trung Quốc là ghét. Khi hỏi sâu xa về cái nguồn gốc đó thì chỉ biết trả lời chung chung qua loa. Nếu cho các bạn ở bên Trung Quốc một thời gian, ở tại gia đình một người Trung Quốc nào đó và nhìn nhận về cách sống của họ thì có lẽ tôi tin rằng cách nhận xét của bạn sẽ khác đi nhiều.

Họ – người Trung Quốc, cũng là người bình thường như chúng ta, họ cũng có cuộc sống và có đất mẹ chở che cho họ. Những cuộc chiến mà quốc gia của họ liên quan họ nào có muốn, đó không phải lỗi của họ. Xin đừng đánh giá hay chỉ trích cả một quốc gia dân tộc chỉ vì cái nhìn mù quáng hạn hẹp.

Gần đây thôi khi bài viết “Khi người Việt dạy cho Tây một bài học về văn hóa ứng xử“ của tác giả Dũng Taylor được đưa lên mạng, nhà nhà đọc, người người đọc, tất cả cảm thấy hả hê khi rất hài lòng với cách xử sự của tác giả. Chúng ta đã học được gì khi đọc bài báo này, tôi nghĩ là có nhiều thứ chứ không chỉ vấn đề kỳ thị chủng tộc. Tôi xin trích một câu nói của tác giả trong bài viết đó khi nói với người khách Tây kia:

“Ông có quyền không thích nhưng không có quyền xúc phạm.“

Vâng, câu nói này giờ đây khi áp dụng với thực tế ở Việt Nam thì đúng lắm, tôi cũng mong các bạn khi suy xét về người Trung Quốc cũng như vậy. Các bạn yêu nước, muốn nước khác tôn trọng mình thì xin các bạn đừng có những lời xúc phạm đến nước khác. Hãy tỏ ra các bạn là một người Việt Nam với cách hành xử văn hóa văn minh, hãy chứng tỏ cho họ thấy rằng dù nước chúng ta nhỏ nhưng cách chúng ta cư xử không nhỏ.

Không thể phủ nhận đi rằng những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc rất gần gũi và đã có một khoảng thời gian dài dân tộc hai nước đã cùng học hỏi những cái hay cái tốt của nhau. Vậy cớ gì mà giờ đây một số các bạn lại dựa vào cái trào lưu ganh ghét Trung Quốc, đòi tẩy chay những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có nguồn gốc từ họ?

Vừa rồi tôi có đọc một vài chủ để đòi tẩy chay bài hát “Con Bướm Xuân“ của ca sĩ Hồ Quang Hiếu vì nó là nhạc hoa, nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thật nực cười, ấy thế mà một loạt các bạn trẻ nhảy vào hòa chung khí thế tẩy chay. Tôi lấy làm bất ngờ về cái sự mù quáng đến mức không thể tưởng được của các bạn.

Kỳ thị, phân biệt đối xử văn hóa nước khác, chính các bạn đang tẩy chay những gì mà nên văn hóa các bạn đang có phần nào thừa hưởng từ chúng. Nghệ thuật là vô biên giới các bạn ạ, đừng để nó làm mục tiêu để công kích cho những mưu đồ ẩn chứa điều xấu xa gây chia rẽ. Những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc như Tây Du Ký hay Hoàn Châu Cách Cách,.. Vẫn là một phần tuổi thơ của biết bao thế hệ đấy.

Con sâu làm rầu nồi canh, ở đâu cũng có người xấu và kẻ tốt cả, chỉ tiếc là những người xấu từ Trung Quốc mà chúng ta gặp phải đổ bộ vào nước ta hiện nay hơi nhiều hơn một chút thôi. Những thương lái xấu tính đưa ra những trò lạ lùng để phá hoại kinh tế hay những phần tử kích động vẫn còn đó. Tuy nhiên ngoài ra thì không thể phủ nhận rằng người Trung Quốc không thiếu những cá nhân tốt đẹp.

Tôi tin rằng triết lý Khổng Tử hay tinh thần hiệp nghĩa của các anh hùng võ hiệp ngày xa xưa vẫn còn lưu truyền rộng rãi trong đời sống nhân dân Trung Hoa. Chúng ta – người Việt Nam, hãy cư xử theo tinh thần những anh hùng mà họ đang ngưỡng mộ, chúng ta sẽ luôn là người chiến thắng.

Điều cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng: Họ – người Trung Quốc, đang đóng góp công sức rất nhiều của họ để Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Hiện nay Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các bạn ơi, các bạn không thể cứ ngồi đó mà chỉ trích họ trong khi họ vẫn đang phát triển ngày một nhanh hơn. Muốn sống cạnh họ thì các bạn trước tiên hãy cố hoàn thiện chính các bạn trước đi, đừng mù quáng nữa, Việt Nam lớn và mạnh hay không cũng là do chính chúng ta cả.

 

 

Thiên Khánh

Nếu biết trước là thất bại, bạn có làm không?

*Photo: Zach Dischner

 

Nếu có một việc mà khi kết thúc, bạn chẳng còn gì, bạn mất tất cả, những gì còn lại của bạn, những gì bạn làm ra sẽ trở thành của người khác, chỉ có điều là bạn muốn làm, hậu quả thì bạn gánh chịu lấy vậy bạn có làm không?

 

Nếu câu trả lời của bạn là có, chúc mừng bạn, chúc bạn hạnh phúc với quyết định của mình. Còn nếu câu trả lời của bạn là không. Xin được hỏi vì sao vậy? Sao bạn lại không làm những gì mình muốn? Vì sau cùng bạn sẽ mất hết và chẳng có ý nghĩa gì?

Vậy bạn đang nghĩ tôi nói về cái gì nào? Là Sống, là việc bạn đang sống đó, bây giờ thì bạn có còn trả lời là không? Nếu không muốn thì cứ chết đi, chả ai cản được bạn nếu bạn muốn chết cả, và sau đó thì bạn cũng mất tất cả thôi.

Có thể là bạn cho rằng đó là một ngoại lệ, việc sống khác với những việc khác. Ờ thì đúng là khác thật đấy, 100% mọi người rồi sẽ phải chết thôi, còn những việc khác thì chả có gì là chắc chắn thất bại cả vậy thì tại sao cái chết còn không thể ngăn cản sự sống của bạn mà sự thất bại lại có thể?

Sợ thất bại!

Đó có vẻ như là lý do lớn cho những lần bạn muốn làm gì đó rồi lại không làm! Ai cũng có nỗi sợ của mình, nhưng ai cũng có thể vượt qua, nếu bạn đang đọc những gì tôi viết, tôi giám khẳng định dù ít hay nhiều thì bạn cũng đã từng vượt qua nhưng nỗi sợ của mình. Chả ai muốn ngã cả, nhưng để có thể đi được thì bạn đã phải ngã rất nhiều lần và rồi những cú ngã bây giờ quá đơn giản đối với bạn.

Để có thể đọc, nói, ăn đúng cách bạn đã làm sai rất nhiều, chẳng thể đếm nổi những lần sai đó nhưng ai quan tâm chứ? Dù gì bạn cũng đã chiến thắng rồi đúng không?

Khi bé tí mà bạn còn làm được như thế thì tại sao lớn lên bạn không thể? Chính xác thì bạn không thể hay là bạn đã không cố hết sức mình? Khi bạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình, phần lớn người lớn sẽ bảo bạn phải thi trường này, trường kia mới kiếm được việc được nghề. Nếu bạn vẫn đi theo tiếng gọi trái tim thì xin chúc mừng bạn, chúc bạn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Còn nếu bạn đi theo tiếng gọi của lí trí những lời khuyên của mọi người thì hãy cùng xét theo mặt lí trí nhé.

Cứ cho là bạn học thành công và kiếm được việc làm “ổn”, vậy bạn định sống cả đời với công việc mình không thích ư? Vậy nó có ý nghĩa gì không? Nếu bảo bạn lấy một người vợ (chồng) mà bạn không hề có tí tình cảm nào cả thì bạn có chịu không? Như đã nói ở trên, rồi bạn và tôi, chúng ta sẽ chết nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền chọn cho mình cái cách sống, vậy tại sao không chọn một cuộc sống mà bạn thích mà lại chọn theo ý của người khác, bạn sống chứ đâu phải là họ sống cho bạn đâu?

Đừng sợ, hãy đối mặt và vượt qua nó!

Khi tôi học lớp 10, tôi rất thích đá bóng nên đã huy động lũ con trai trong lớp lập đội đá bóng. Chúng tôi đá không hay nhưng vẫn cứ gạ hai lớp đá tốt nhất khối để đá cùng khi những lớp khác không đá, khi tôi hỏi ai cũng sợ thua và nghĩ mình sẽ thua nhưng mọi người vẫn quyết đá và quyết tâm hết mình. Và chúng tôi thua rất nhiều, hầu như là toàn thua nhưng tần suất đá của chúng tôi ngày càng tăng, thua ngày càng nhiều. Lũ con gái lớp tôi bĩu môi bảo thua hoài đá làm gì nhưng chúng tôi vẫn đá. Đơn giản vì đó là điều chúng tôi muốn.

Với sự kiên trì và quyết tâm, chúng tôi đã có được những trận thắng, và sau đó sự tự tin ngày càng tăng. Chúng tôi không còn sợ thua mà đã tin tưởng vào chiến thắng của cả đội. Và cùng nhờ đó, chúng tôi đã thân thiết với nhau như anh em vậy.

Cho dù tất cả mọi người xung quanh bạn đều nói rằng quyết định của bạn là sai, hãy chứng mình rằng bạn đúng. Nếu cứ khi nào cả thế giới đều nói một người sai thì người đó sẽ theo cả thế giới thì bây giờ mặt trời vẫn sẽ quay quanh trái đất đấy. Đúng vậy! Người tôi đang nói đến chính là Galileo Galilei – Cha đẻ của khoa học cận đại, ông đã hi sinh, nhưng những gì ông để lại sẽ còn mãi.

Nói vậy không có nghĩa là lúc nào bạn cũng đúng, sẽ có những lúc bạn mắc phải sai lầm, vấp ngã trong cuộc đời nhưng bạn hoàn toàn có thể đứng lên, tiếp tục bước đi trên con đường của mình.

Cái chết không phải thất bại, nó là hồi kết của câu chuyện về cuộc sống của mỗi người chúng ta. Câu chuyện nào rồi cũng đến hồi kết mà, nhưng câu chuyện ấy có hay không, có ý nghĩa gì không hay chỉ là thứ bỏ đi? Điều đó phụ thuộc vào cách bạn sống mà thôi.

Vậy bây giờ xin được hỏi lại bạn nếu biết trước là thất bại, bạn có làm không?

Câu trả lời của tôi là: Nếu bạn không làm thì bạn đã thất bại hoàn toàn rồi, còn nếu bạn vẫn tiếp tục thì bạn đã thành công rồi vậy nên làm thôi còn chờ đợi gì nữa. Rồi những thành công lớn hơn sẽ đến với bạn!

Nếu có ai hỏi bí quyết để thành công là gì? Tôi xin được trả lời bí quyết của thành công là thất bại!

 

FLY

Niềm tin bắt nguồn từ năng lượng của sự thành thật

Đọc bài “Hy vọng những đốm lửa nhỏ, cần mẫn” của tiến sĩ Giáp Văn Dương, tôi thấy hứng thú viết bài này, với ý muốn nương theo và bàn sâu hơn vào đề tài niềm tin mà tiến sĩ nói đến. Hi vọng cùng nhau góp phần giúp khơi dậy một chút niềm tin trong chúng ta hôm nay.

Thực tế đúng là xã hội Việt Nam đang mất niềm tin trầm trọng.

Vậy niềm tin là gì?

Thực ra hầu như ai cũng biết niềm tin là gì, nhưng động tác đặt ra câu hỏi làm cho ta có thêm không gian cho một vấn đề, mà cuộc sống vốn vội vã của chúng ta đều thiếu chỗ cho hầu hết mọi điều.

“Niềm tin” là từ mà loài người chúng ta dùng cho nhau, nhưng nếu quan sát các vật vô tri trong quy luật vật lí, các vật có thể ở bên nhau khá lâu, hay có khả năng gắn kết với nhau đều phải đạt một số điều kiện tương đồng nào đó, thì đó cũng là niềm tin của chúng.

Ví dụ các viên gạch đều có những mặt phẳng là điều kiện để dễ bề xây nên bức tường, hay hai cái móc đều cong quặp tương ứng, để móc vào nhau cho việc lôi kéo hay níu giữ. Một cái cây đứng vững chãi trên mặt đất, là vì bộ rễ mềm mại của nó vươn sâu vào lòng đất, cùng lòng đất có thể mềm đủ, để cho phép nó chui sâu, và rễ cây ôm lòng đất hay lòng đất ôm rễ cây cũng là một dạng tin cậy.

Niềm tin không xảy ra khi có một sự đe dọa bị xâm hại. Niềm tin biểu hiện ra bề ngoài là sự cam kết, nhưng hun đúc ở bên trong không nhìn thấy là sự thật. Vì thế, đơn giản là: ở đâu có sự thật, ở đó có niềm tin và ngược lại. Hay cũng có thể nói: Sự thành thật là năng lượng cho niềm tin.

niềm tin

Lão Tử và niềm tin

Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh về lòng tin cậy như sau:

“Kẻ nào biết quí thân vì thiên hạ, nên giao phó thiên hạ cho họ.
Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ, nên gửi gắm thiên hạ cho họ.”

(“Quí dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ. Ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ.”)

Đây là trích từ bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần mà tôi tìm được trên internet. Thật tiếc là tôi không tìm thấy bản dịch tiếng Việt nào nói lên được vẻ đẹp cao siêu và kì diệu của câu này cũng như hầu hết pho kinh, thế nên ít người hiểu và cảm thụ được. Bây giờ pho Đạo Đức Kinh cũng kể như pho kinh chết.

Chữ “vi” ở đây nghĩa rất rộng, không chỉ nghĩa là , mà còn là: ở trong. Nghĩa là: Ai biết quí, cùng tôn trọng thân mình và biết mình trong vòng tay trời đất và vì trời đất (chữ “Thiên hạ” cũng thường bị hiểu hạn hẹp là quốc gia, đất nước, mà thực ra phải là: trời đất) thì trời đất mới có thể chui vào trong nóAi biết yêu thương thân mình trong trời đất, vì trời đất, thì người đó mới có thể thả mình tan biến, hay hoà tan trong trời đất, vũ trụ.

Sự quí trọng và yêu thương mới là yếu tố cần thiết để con người đạt đến thông minh, hiểu biết, và cũng là sự thành thật. Nhưng Lão Tử nói quí và yêu bản thân mình, điều này nghe có vẻ ích kỉ tiêu cực, song không phải thế.

Vì: quí yêu bản thân trong Trời Đất. Chính đây là điểm khó hiểu của lời kinh. Nếu một người ý thức được mình ở trong trời đất (mặc dù ai cũng đều ở trong trời đất mà nhiều người không hề biết!), liền xảy ra một niềm tin cậy lớn, tin cậy nơi sự sống. Nó thấy mình bắt rễ sâu trong nguồn mạch sự sống và có bản lãnh cùng vinh dự vươn cao đến tận cùng của sự tồn tại.

Lúc ấy nó trở nên siêu việt trong tình yêu, không chỉ đơn thuần tình yêu vợ chồng, bạn bè, người thân, bố mẹ, con cái… Lúc này người ấy mới biết tình yêu thực sự, chỉ có tình yêu thực sự này mới là phép màu, làm người ấy đủ can đảm tan biến vào vũ trụ cũng như là chủ cả vũ trụ. Đó là mục đích tận cùng của loài người.

Ai biết quí yêu bản thân mình, người đó mới biết quí yêu tha nhân hay ngoại cảnh. Còn người  chưa biết yêu quí được chính mình mà nói yêu người khác, chắc chắn không thể được, và đó cũng chính là bộ mặt đạo đức giả hay chủ nghĩa giáo điều, mà ngày nay chúng ta thấy nhan nhản trên mặt đất, cho dù họ mang danh tôn giáo hay dân chủ hay nhân dân…

Lão Tử dùng hai vế đối, trên là , dưới là thác để nói lên sự đón nhận và phó thác. Đón nhận và phó thác chính là nguyên lý của niềm tin. Và niềm tin trong câu  kinh trên của Lão Tử là niềm tin lớn nhất trong toàn bộ mọi niềm tin.

Đó là: Con người có thể ôm lấy cả vũ trụ và con người cũng hoàn toàn ở trong tay vũ trụ mà không còn có thể đi đâu khác được nữa. Hay đơn giản hơn là: Vũ trụ giao mình cho con người và con người giao mình cho vũ trụ. Đó là một bảo đảm mà không có sự bảo đảm nào lớn hơn được.

niềm tin

Muốn có niềm tin cần có bảo đảm, muốn có bảo đảm cần có thành thật

Và đến đây ta thấy điều kiện cho lòng tin là sự bảo đảm. Ít nhiều thì ở các nước tiến bộ, người ta đã hiểu và thực hiện điều này, chứ không chộp giật và phản trắc như trong xã hội Việt Nam hôm nay. Ít nhiều ở các nước ấy người ta đã nghĩ ra mô hình các quỹ tín thác (trust) hay các hãng bảo hiểm hay nhà băng… Cho dù các mô hình đó chỉ là mô phỏng na ná thô sơ theo qui luật về sự tin cậy thường hằng trong vũ trụ. Nhưng dầu vậy cũng thật đáng khen.

Tới đây chúng ta tạm có công thức: Muốn có niềm tin cần có bảo đảm, mà muốn có bảo đảm cần có thành thật.

Thành thật là khởi sự và nền móng cho công trình sự sống mà con người thật vinh dự biết bao tham dự.

Để có lòng thành thật là chỗ khó nhất trên quá trình tiến hoá của nhân loại. Và Việt Nam hiện nay đang ở chính giữa của điểm kẹt này. Nơi nào không thông, ùn tắc nhiều quá thì sự cộng hưởng đau khổ sẽ tạo nên thù nghịch và chiến tranh.  Muốn cho thông thì phương thuốc chính là: Mỗi người phải hướng vào trong chính mình.

Cách duy nhất để thoát ra ngoài là đi vào trong

Đã luôn không thiếu những tâm hồn nhiệt huyết muốn thay đổi thế giới bằng các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo, Song trên thế giới đến ngày nay dường như sự xấu càng gia tăng và bất hạnh của loài người là không kể xiết. Bởi vì đó là những phong trào chỉ lo bên ngoài. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới bề ngoài theo cách nào đó, nhưng giải pháp cho sự đau khổ của con người chỉ có thể bắt đầu từ bên trong.

niềm tin

Và tôi đồng ý với tiến sĩ Giáp Văn Dương khi ông nói:

“Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn.”

Vâng, theo tôi, không thể thay đổi người khác nếu mình không hơn người ta. Nhưng tôi không thích dùng từ thay đổi vì rất dễ bị hiểu lầm và lạm dụng, mà tôi thích dùng từ ảnh hưởng.

Và chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người  khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực.

Cách thực tập để quay về bên trong thì rất đơn giản mà lại rất khó. Đơn giản là vì chỉ cần bắt đầu từ thật thà. Khó là vì nếu tôi bắt đầu thật thà mà người khác thì không, khiến tôi bị thiệt. Ta hãy bỏ qua phần đơn giản mà xem xét phần khó. Tuy khó đấy nhưng không phải là không có cách. Đó là hãy chậm rãi và thực tập thật thà từng cái nhỏ. Nếu có bị thiệt thì cũng thiệt nhỏ thôi. Đương nhiên là cần chút kiên nhẫn vì ta hay muốn mau chóng.

Sự đau khổ vì mất niềm tin mà dối trá gây nên cho chúng ta đến như ngày nay cũng là vì dối trá rất kiên nhẫn. Chúng từng tí, từng tí len lỏi vào tâm hồn vốn trong trắng của nhân loại cả muôn ngàn năm rồi. Vậy để cho công bằng thì ta cũng phải kiên nhẫn ít ra như thế, thậm chí tốt hơn nếu có thể kiên nhẫn hơn. Rồi khi bén lửa, chúng bừng cháy và ta sẽ hân hoan.

Để cho cảm thấy đỡ khó, tôi nói đến cái lợi của sự thật thà mà chính tôi trải qua. Trước đây tôi đã từng dối trá và rất dối trá. Lòng tôi vì thế cũng rối tung lên và tôi đau khổ. Cái dối trá lần trước nhỏ thì cái lần sau phải to hơn và suy nghĩ phải chạy nhanh hơn và đương nhiên là mệt mỏi hơn.

Khi mệt mỏi thì làm sao làm việc hiệu quả tốt được, nên mọi chuyện trở nên xấu xí. Cho tới khi tôi không thể chịu nổi và phải thoát ra. Tôi đã đầu hàng và quay lại tập thật thà. Quả thật, nay một chút, mai một tí, mỗi lần thật thà là mỗi lần nhẹ hơn, sung sướng hơn. Mỗi lần thành thật nho nhỏ, là mỗi lần một niềm tin nhỏ nhỏ thắp lên.

Tôi hiểu kinh nghiệm kiểu như thế này ít nhiều ai cũng trải qua. Và tôi cũng hiểu còn rất nhiều người biết thế nhưng nghĩ: mình, thấy sống như hiện tại vẫn còn được nên cứ từ từ rồi hãy thay đổi.

Tôi cũng từng chứng kiến những người đã qua đời mà chưa kịp thay đổi.

Còn hiện nay tôi cũng chứng kiến nhiều bạn bè tôi, nhiều người thân trong gia đình tôi sống trong dối trá, mà tôi chưa đủ mạnh để ảnh hưởng họ chuyển sang thành thật.

Thành thật và dối trá

Kì lạ lắm, khi ta đang trong tình trạng dối trá, giống như con gà con sắp nở trong vỏ trứng. Khi ấy ai bảo ta rằng ngay bên ngoài vỏ, cách 0,1 mm thôi là cả một sự lớn rộng bao la, ta không tin, làm sao tin nổi trong vỏ trứng kín mít thế này! Ấy thế mà khi gà mẹ mổ cho một cái vỡ vỏ trứng, thế là một thế giới hoàn toàn trái ngược với không gian trong vỏ trứng ùa vào. Gà con dù bé nhỏ, nhưng nó cũng đủ mạnh để đạp thoát ra ngoài vỏ trứng.

Sự thật ở bên ngoài vỏ trứng, vậy làm sao chúng ta có thể bị thiệt thòi khi từ bỏ dối trá. Sự từ bỏ dối trá đáng giá cho ta cả đất trời. Hãy đón nhận sự bảo đảm ấy.

Muốn có sự thành thật với người khác, thì ta phải thành thật với chính mình trước. Điều này hầu như ai cũng nghe nhiều và “biết rồi khổ lắm nói mãi”, song quả thực để bắt tay thực hiện thì không dễ.

Ta thường trải qua một giai đoạn ngần ngại và hoài nghi. Có một sự đổ vỡ lớn mà ta lơ mơ cảm thấy khiến ta ngần ngại. Có một cảm giác mất mát mơ hồ khiến ta băn khoăn. Liệu khi chuyển sang thành thật, tôi sẽ được bù lại gì trước những mất mát? Thực ra chúng ta chưa hề cho mình cơ hội xem xét những thứ đổ vỡ mất mát đó là những gì. Thực sự chúng chỉ là rác và đồ giả lộn xộn chồng đống trong tâm hồn chúng ta. Cũng từ đống rác đó mà buồn bực sinh ra, phiền não sinh ra, thù hận sinh ra…

Chỉ cần chúng ta hãy đặt câu hỏi: Có ai hạnh phúc vì dối trá không? Và chúng ta xem xét câu trả lời một cách nghiêm túc trên mọi khía cạnh. Câu trả lời đúng nhất là rất ngắn gọn một từ: “Không.” Chừng nào mà ta còn chưa cảm nhận và thấu hiểu điều đơn giản: dối là ảo, là bất hạnh; thật là thật, là hạnh phúc, thì dù có làm gì ta cũng chỉ là đang giãy giụa chứ chưa ngả mình trong vòng tay sự sống.

Thành thật ư? Đầu tiên là tôi cảm thấy không thích khi coi mình là người giả dối. Tôi thậm chí sẽ rất ghét nếu ai đó coi tôi là giả dối. Và như thế một hàng rào do cái tôi giả dối sẽ dựng nên, hàng rào đó được xây đắp bởi kĩ thuật của chính sự dối trá càng lúc càng tinh vi. Khiến cho không biết bao nhiêu người không biết chính mình là người giả dối. Không những chỉ cá nhân, mà còn cả những tập thể cũng không hề biết họ đang bảo vệ và vun bồi cho sự giả dối tinh vi đang choáng ngợp, ngự trị trong cộng đồng và xã hội.

Sự giả dối tinh vi thường nguỵ trang khéo léo trong các nhãn hiệu của tôn giáo hay đạo đức hay tình yêu

Lấy ví dụ: Tình yêu nước chính là một thứ tình yêu giả, thế mà nó gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại từ xưa đến giờ. Trong tự nhiên không hề có cái gọi là lòng yêu nước. Đó hoàn toàn là sản phẩm nhân tạo. Chúng chỉ tồn tại trong sự mê muội của tâm trí loài người chứ không liên quan gì đến tình yêu của sự sống tự nhiên. Và đến ngày nay trái đất chịu bao vết hằn ngang dọc vì biên giới quốc gia. Con người bị thít chặt trong mớ dây hận thù, tham lam, sợ hãi và chia rẽ.

Thêm một ví dụ khác nữa: Chỉ có một Thượng Đế duy nhất (nếu có), thế mà bao nhiêu tôn giáo mặc dù công nhận như thế, song lại tranh giành nhau độc chiếm, thậm chí đổ không biết bao nhiêu là máu xương!

Tôi chỉ nêu ra vài ví dụ trong biết bao trường hợp không đếm xuể mệnh danh là đạo đức mà con người phải gánh vác được trao cho bởi chính con người. Kẻ tạo ra chúng là sự dối trá và cách mà chúng được tạo thành cùng được nuôi dưỡng là do chiều hướng sống ra bên ngoài. Ta hãy cẩn trọng phân biệt thế nào là đạo đức tự nhiên và thế nào là đạo đức nhân tạo.

Sự cứu rỗi duy nhất

Quay vào bên trong hay ngoảnh đầu là bờ là lời năn nỉ của sự thật và cũng chỉ có cách đó là duy nhất cứu rỗi.

Người ta nói mất niềm tin là mất tất cả, tôi thì cho là chưa mất tất cả. Chúng ta luôn luôn còn sự khởi đầu mới ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Và đó cũng là một đảm bảo nữa của sự sống, đó là chúng ta luôn có thể bắt đầu từ ngay bây giờ và ở đây. Đó chính là nhiệm màu.

Đà Lạt tháng Một năm 2014

Tác giả: Nguyễn Minh Thành
Biên tập: THĐP

Xem thêm

💎 Niềm tin tích cực kiến tạo cuộc đời tích cực

Đại học là một nơi xứng đáng để vào

*Photo: Fi Fich

 

Thi đại học là mục tiêu tối thượng của hầu hết các cô cậu học sinh. Mười hai năm khổ cực với đống chữ nghĩa gánh trên vai, cũng chỉ vì kì thi vào đại học. Tôi cũng vậy, đã từng miệt mài với những công thức, số má rồi học văn thơ như một chú vẹt, thấy chả hiểu. Tôi đã nghĩ rằng học để lấy cái bằng đại học cho bố mẹ vui, có cái mà khoe với họ hàng làng xóm, chứ nghề nghiệp thì có nhiều cách, đâu cần phải đánh đổi 12 năm trời, rồi thêm 4 năm với nhiều môn học tưởng chừng như cả đời chả áp dụng.

Xóm trọ của tôi, có một bác bán bánh mì, làm bánh rất ngon và tử tế. Niềm vui của bác là khi các cô cậu sinh viên chúc mừng và nhớ tới bác nhân ngày phụ nữ Việt Nam, ngày tết nhất. Tôi thấy sống thế cũng vui, đâu cần nhảy vào chỗ cam co căng thẳng làm gì.

Ở quê hương tôi, có một làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng, nhiều giám đốc sinh ra từ đó. Sáng họ thuê taxi đi cả trăm cây số để ăn một bát phở bò, rồi đi mua sắm. Có người trong số đó không biết cách ký tên. Có thể họ có kinh nghiệm trong việc  buôn bán hay chọn gỗ gì đó, nhưng cái sự thật đó càng làm tôi mù mờ về lợi ích của việc học đại học. Không học đại học vẫn có thể sống tốt hoặc rất tốt.

Tôi đã hỏi một người bạn cùng lớp, bạn í nói: “Có thể họ kiếm được nhiều tiền, nhưng cách tiêu tiền của người có học nó khác.” Hẳn là, mỗi người sẽ có cách thưởng thức cuộc sống khác nhau tùy thuộc nhiều yếu tố, và nhận thức là một yếu tố quan trọng.

Thực ra thì chưa học đại học thấy thắc mắc vậy thôi, chứ trải qua rồi mới biết giá trị của nó lớn như thế nào

Chưa ở đâu có thể dễ dàng gặp được những bầu nhiệt huyết khao khát khám phá, sự sẻ chia hào sảng không toan tính, những trái tim và khối óc tuyệt vời như ở môi trường đại học. Đơn giản bởi vì mật độ tri thức nhiều, nên xác xuất bạn gặp được những người có chí hướng giống bạn là lớn. Đó là cơ hội.

Sinh viên có tất cả: Thời gian, sức khỏe, và sự ảo tưởng và mơ hồ về cuộc sống. Hơn nữa, họ được giải phóng khỏi tầm mắt của các bậc phụ huynh. Thế nên mọi thứ lan tràn, không kiểm soát: rất tốt hoặc là rất tệ hại. Đại học trở thành một bức tranh cực lớn với nhiều gam màu mà bạn là một trong những người họa sĩ. Muốn vẽ thế nào, bạn là người quyết định.

Tôi có một đám bạn ham chơi, đến nỗi mà được các bạn ở lớp gán cho cái tên là “team đi chơi”. Chúng tôi đã đi phượt các vùng đất lân cận nơi tôi sống, và các chuyến đi đó với tôi có rất nhiều ý nghĩa. Điều này không được ba má tôi ủng hộ vì lí do an toàn. Trước đây tôi vẫn thường áy náy, và nghĩ rằng nếu con mình sau này mà cũng như vậy thì thế nào nhỉ? Và câu trả lời làm tôi hài lòng nhất là, tôi sẽ tự hào vì có một đứa con như thế.

Ở đại học tôi đã có một số “kinh nghiệm”, nghiệm lại mà thấy kinh hãi, nhưng cũng chẳng hề gì. Coi như chuẩn bị cho những gì tôi sẽ gặp sau này, có thể còn sốc hơn. Cuộc sống mà. Hơn nữa, nhờ vậy mà tôi thấy biết ơn những cánh tay kéo tôi lên khi tôi định rơi mãi.

Đại học là nơi tôi gặp được chính tôi. Những người thân yêu của tôi, ba mẹ, bạn bè,… Có thể hi sinh vì tôi, hết lòng vì tôi nhưng không thể hiểu được tôi, không thể bên tôi mãi. Có những rào cản về văn hóa giữa những thế hệ, có những cách nhìn nhận khác nhau giữa những con người, dù là bạn thân đi nữa. Và sự lạc lõng xuất hiện ngay cả khi tôi đang ở chốn vui chơi ồn ào. Thêm vào đó là sự bất lực đối với sự biến chuyển không ngừng của cuộc sống, với những thứ của tôi mà không phải của tôi.

Có thể là do tôi đã quen với sự có mặt của mọi người trong cuộc sống của mình, nên khi ngày đó xảy ra, tôi đã hụt hẫng không hề nhẹ. Nhưng nó là tất yếu và tôi không có sự lựa chọn nào khác. Đối diện với bản thân, sẽ biết được nhiều thứ. Ví dụ như, tôi đã biết rằng, “mãi mãi” nhiều khi đơn giản chỉ là một khoảnh khắc, nó qua đi nhưng nó không hề biến mất. Thay vì ngồi đó mà thương tiếc vô ích, hãy đi tạo ra thêm nhiều điều “mãi mãi”.

Bốn năm đại học mang lại cho tôi nhiều hơn rất nhiều so với những gì mà 12 năm phổ thông đã mang lại. Nhưng tôi biết, đó chỉ là nơi tôi bắt đầu.

 

 

 Getaline

Đôi dòng tản mạn về lòng hiếu thắng

Ảnh: VLADSTUDIO

Trước đây, tôi vẫn đinh ninh rằng con người ai cũng muốn hơn người khác chẳng hạn như giàu hơn, đẹp hơn, giỏi hơn vân vân và vân vân. Nhưng giờ, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ. Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này:

– Ôi mày ơi, nhà tao nghèo quá..

– Nhà mày mà nghèo? Giàu nứt đố đổ vách ý, nhà tao mới nghèo.

– Thôi đi, nhà tao nghèo lắm, nhà mày mà nghèo thì nhà tao đi ăn xin rồi!

Vâng, và câu chuyện còn chưa chấm dứt tại đây đâu. Chỉ là khi nghe câu chuyện này tôi rất muốn cười. Bạn có biết điều gì khiến tôi muốn cười đến vậy không? Đó chính là lòng hiếu thắng của con người. Hóa ra lòng hiếu thắng của con người rất mãnh liệt, luôn muốn HƠN.

Bất cứ chữ gì có thể ghép được với chữ HƠN thì con người ta đều thích cả dù là mang nghĩa tích cực hay tiêu cực. Lòng hiếu thắng của con người là luôn muốn HƠN mọi người ở một phương diện so sánh nào đó. Đây chỉ là một trông số câu chuyện tôi từng chứng kiến, và còn rất nhiếu câu chuyện như thế.

Tôi tin là bạn cũng từng được chứng kiến cảnh này một lần trong đời.  Xin lưu ý thêm, câu chuyện tôi đưa ra là một ví dụ cho lòng hiếu thắng của con người, nó không phải là KHIÊM TỐN bởi lẽ nếu câu chuyện bắt đầu việc khoe giàu thì những người bạn của tôi-những nhân vật chính trong câu chuyện trên đều cố tỏ ra mình rất giàu. Vậy nên tôi mới nói rằng con người luôn thích hơn mà

Tôi cho rằng hiếu thắng là một phần của con người. Ai cũng đều tồn tại trong mình tính hiếu thắng, chỉ có điều là cái cách mỗi người thể hiện ra như thế nào thôi. Hiếu thắng là muốn khẳng định bản thân, muốn được chú ý và nhiều khi là thấy người khác hơn mình thì không thoải mái,… Nói thật đi, có bao giờ bạn muốn nổi bật hơn người khác không?

Chẳng hạn như thành tích của bạn cao nổi bật so với xung quanh hay bạn được khen năng nổ hoạt bát hơn người này người kia. Cũng có khi là những người xung quanh bạn đều thành công tốt đẹp còn bạn thì thất bại thảm hại. Và khi đó, trong lòng bạn liệu có thực sự chúc mừng những người bạn bạn mình hay cảm thấy có chút không phục, có chút ganh tỵ?

Đối diện với chính mình và trả lời thành thực bạn nhé! Tôi tin câu trả lời của bạn là CÓ. Và nếu bạn nói KHÔNG thì cho tôi xin lỗi. Từ chính bản thân mình và những người xung quanh, tôi nhận thấy ai cũng mang trong mình máu hiếu thắng, thật hiếm có một người cao thượng như bạn.

Lòng hiếu thắng-kẻ thù hay người đồng hành?

Thực lòng mà nói thì tôi không cho rằng hiếu thắng là xấu. Bởi khi trong lòng mình tồn tại tính hiếu thắng, tức là mình không muốn thua kém người khác (ở phương diện thua kém một điều gì đó tích cực) thì chúng ta sẽ lấy đó làm động lực để cố gắng chứng tỏ bản thân không hề thua kém ai. Điều đó không phải là rất tốt sao?

Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, lòng hiếu thắng cũng vậy. Khi tính hiếu thắng quá cao thì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mỗi người, trước hết là bản thân chúng ta. Khi ta quá hiếu thắng, ta sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu, lúc nào cũng nghĩ cách hơn thua với người khác bằng được.

Trong người dần sẽ tích tụ ức chế, bực dọc và khi tâm không ổn, lòng không thông thì ta lại càng dễ thất bại. Thứ hai, khi ta để lòng hiếu thắng chế ngự mình thì ta có thể có những hành động mà tôi cho rằng hết sức ngớ ngẩn như nói xấu, dìm người khác để nâng mình.

Và tất nhiên là những mối quan hệ của chúng ta sẽ đi đến hồi kết. Chưa kể đến việc là dìm người khác như vậy nhiều khi bị phản tác dụng. Người bị dìm chưa chắc đã bị nghĩ xấu đi mà ta, cái người đi nói xấu sẽ được đánh giá là kẻ xấu tính, ích kỷ,…

Tôi luôn thích ví lòng hiếu thắng với một con ngựa hoang. Ai không thể điều khiển nó thì chỉ mang đến những tổn thương cho bản thân. Trên một con đường đua, người chế ngự được con ngựa này sẽ nhanh chóng về đích, còn kẻ nào không làm được thì cả chặng đường phải vật lộn với nó mà lợi ích đâu thì chưa biết, chỉ biết rằng mình phải giương mắt nhìn người ta đua nhau về đích còn mình thì mãi dậm chân tại chỗ.

Nhân nói chuyện về lòng hiếu thắng…

Tôi lại nghĩ tới sự kiện Flappy Bird đang rất hot trong cộng đồng người Việt. Tại sao trò chơi này lại hot đến thế? Bản thân tôi cho rằng lòng hiếu thắng góp một phần không nhỏ đâu. Một số người Việt dùng sản phẩm này và cả cánh báo chí đã thổi phồng sự kiện, béo méo, làm biến dạng bản chất sự việc. Tại sao nhiều người Việt phê phán, phàn nàn một cách gay gắt trong khi người sử dụng trên thế giới lại có những đánh giá tích cực về trò chơi này cũng như sự thành công của lập trình viên Nguyễn Hà Đông?

Đó chính là người dân Việt Nam (tất nhiên khôn phải là tất cả người Việt đều vậy) có tính hiếu thắng quá cao hay nói cách khác là ghen ăn tức ở khi thấy được sự thành công của người khác. Sự thành công của Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird chỉ là do may mắn? Có thực sự vậy không?

“May mắn chỉ đến khi đã có sự chuẩn bi tốt đi kèm với cơ hội.” – khuyết danh

Đúng là không thể phụ nhận có sự tồn tại của may mắn, nhưng may mắn này là nhờ những kinh nghiệm tích lũy trong bao năm trời và đam mê nữa. Vậy đó, cái giá của may mắn cũng đâu hề nhỏ. Liệu bạn có còn muốn nói thành công này chỉ như sự may mắn, ngẫu nhiên tình cờ không?

Vậy nên…

Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta hãy biết kiềm chế tính hiếu thắng trong mình. Giữ trong mình một chút hiếu thắng để ta phấn đấu tốt hơn, chứ đừng nên thả dây cương để con ngựa mang tên Hiếu Thắng tự do tung hoành. Tôi cho rằng một người biết kiềm chế cong ngựa hoang này sẽ là người đạt được nhiều thành công hơn người khác. Bởi họ biết cái gì tốt cho mình, nên sử dụng cái gì ở mức độ như thế nào để có thể giúp mình thành công.

Và quan trọng hơn là họ dám vươn lên để khẳng định mình. Và tôi cũng tin những người này sẽ không mãi dừng chân ở một cột mốc thành công. Họ sẽ luôn nỗ lực vươn lên để không tụt hậu so với thời đại

 Chỉ Vậy Thôi

15/2/14

Liều Thuốc Nào Cho Tình Yêu?

*Photo: Fjola Dogg

 

Tình yêu à! Nó cũng giống như bạn đang uống thuốc vậy. Đối với những người đang yêu thì nó giống như liều thuốc yêu thương. Đối với những người cô đơn thì nó cũng giống như liều thuốc giảm đau. Đối với những người đã chia tay thì nó giống như liều thuốc độc. Đừng nghĩ rằng đó là điều đơn giản vì bạn phải uống đúng thuốc và liều lượng để chữa lành căn bệnh. Thứ mà tôi gọi nó là căn bệnh tình yêu.

Tình yêu! Tôi nghĩ đó là thứ mà Thượng Đế đã tạo ra để trêu chọc con người vậy. Người ta yêu nhau, giận nhau, ghét nhau rồi lại yêu nhau. Người ta khi yêu trải qua biết bao nhiêu cũng bậc cảm xúc, trải qua biết bao nhiêu sóng gió, trải qua biết bao nhiêu khó khăn rồi họ cũng nhận ra rằng họ đang trêu đùa với những cảm xúc của chính họ.

Hãy bắt đầu với những người cô đơn hoặc người đã chia tay mà chưa tìm thấy tình yêu mới!

Con người ta cô đơn vì hai lý do đơn giản, một là do chúng ta chẳng chịu chấp nhận cho một người nào đó bước vào cuộc đời ta, mặc dù người đó có tốt đến mức nào đi chăng nữa. Chúng ta đang cố chờ đợi một tình yêu nào đó thật sự tốt hơn mà ta đang hằng tưởng tượng.

“Khi bạn không thích một người nào đó, thì cho dù người khác có nói gì chăng nữa, bạn vẫn không thay đổi quan điểm của mình, bởi “cảm xúc” mới chính là sự thật.” – khuyết danh

Hai là những người cô đơn vì họ đã trải qua một tình yêu đầy sóng gió, họ không thể quên về những ký ức cũ, họ cố gắng thoát ra để tìm một tình yêu mới những không thể được. Vì họ quá nghi ngờ, họ quá sợ hãi về một tình yêu mới, họ không đủ can đảm để tiến tới một cuộc tình mới. Họ sợ rằng họ sẽ dính vào những cảm xúc cũ mà họ đã từng trãi qua. Họ sợ bị thất tình, họ sợ bị bỏ rơi.

“Việc yêu và thất tình vẫn tốt hơn không bao giờ yêu nữa. Có nhiều thứ để học ở một mối tình dang dở hơn từ một mối tình trọn vẹn.” – Trang Nguyễn

Nhưng người đang yêu à! Thật tuyệt vời, chúc mừng bạn nếu bạn đang yêu

Nếu bạn đang yêu thì bạn đang uống liều thuốc yêu thương vậy! Bạn sống trong những cảm xúc hạnh phúc, giận hờn. Đôi khi bạn thấy rằng bạn không thể nào chấp nhận những gì ở đối phương nhưng rồi bạn cũng phải chấp nhận. Bởi vì cảm xúc của bạn mới là điều quan trọng. Hãy cứ yêu đi, tình yêu cũng giống như cuộc sống vậy.

Bạn không thể nào biết ngày mai bạn sẽ thế nào? Bạn không thể biết rằng mai bạn có yêu như ngày hôm nay hay không? Hoặc mai bạn sẽ lìa xa người đó một cách không ngờ tới vì những lý do vớ vẫn nào đó. Tình yêu mà! Nó không phải là những thứ bạn nghĩ rằng sẽ vạch sẵn ra một kế hoạch về tình yêu hay hôn nhân. Nó vô định, không thể nào tìm thấy được hồi kết thúc.

Thực ra thì trên đời này, yêu nhau cũng do một phần bởi duyên số. Tại sao có những người yêu nhau, lấy nhau rồi ly dị. Hoặc có những người yêu nhau sâu đậm bao nhiêu năm nhưng rồi họ cũng không thể cùng nhau vượt qua được khó khăn và kết thúc bằng lời nói chia tay. Tại sao bạn lại yêu anh ấy? bạn lại yêu cô ấy? Có trời mới biết được. Mà trời cũng chả biết được. Vì khi yêu nhau cảm giác yêu mới là điều quyết định.

Không phải người ta lúc nào cũng chăm chăm vào sắc đẹp, tiền bạc hay những thứ khác. Đôi khi ta thích một người nào đó chẳng vì lý do gì cả. Mà điều quan trọng là khi ở bên người đó, ta cảm thấy được đau, được khóc và được thương yêu.

Tôi nghĩ rằng! Tình yêu giống như một căn bệnh lạ

Rồi ai cũng có thể mắc phải. Rồi cũng phải uống thuốc để chữa lành.

Nếu người đang yêu thì hãy uống thuốc yêu thương để đong đầy tình yêu của mình. Cho đến một ngày ta chẳng thể hối hận về những gì ta đã yêu thương. Để không phải tiếc nuối về một thời mà ta đã từng yêu, từng khóc, từng đau và từng được yêu.

Người cô đơn hoặc đã chia tay thì hãy uống liều thuốc giảm đau. Hãy mở rộng vùng thoái mái, cho người khác bước vào cuộc đời bạn. Hãy nói những lời yêu thương trước khi quá muộn. Nhưng cũng đừng đùa giỡn với tình yêu. Bởi vì tình yêu là một căn bệnh mà. Đùa giỡn với tình yêu thì bạn cũng đang đùa giỡn với cảm xúc của bản thân vậy. Hay yêu đi rồi khóc cũng không muộn.

Còn đối với tôi! Có lẽ tôi cũng nên uống thuốc, liều thuốc mang tên tình yêu. Bởi vì tôi luôn muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Tình yêu là gì?” mặc dù biết rằng có thể rằng tôi chẳng thể nào tìm thấy.

Bởi vì chỉ có tình yêu mới chữa lành căn bệnh tình yêu mà thôi!

 

 

Quang Nam

Triết lý về những vòng sóng nhỏ

Photo: Nino Panzarella

 

Có hai bài học sau khi rời khỏi công ty, đó là “Triết lý những vòng sóng nhỏ” và “Chửi ít thôi, làm đi.” Nếu ghép lại có thể dùng thành một câu đầy văn vẻ là: “Hãy tạo ra những vòng sóng nhỏ mà ở đó trung tâm là những con người của hạnh phúc và hành động.”

 

Câu chuyện của những cơn sóng mạng ném đầy gạch đá vừa qua làm tôi nhớ lại hồi tôi còn làm việc tại FPT. Do công ty có hệ thống mạng nội bộ nên chuyện bàn luận về các vấn đề lớn nhỏ của công ty cũng sôi nổi chả kém trên facebook và báo chí bây giờ. Vì văn hóa công ty khá mở nên các ý kiến được bày tỏ một cách thẳng thắn, khen chê hết lời. Hễ có một sự kiện gì xảy ra, hoặc ai đang làm một cái gì đấy, thì gạch đá cũng được ném tùm lum. Tuy nhiên ở FPT có cái hay là mọi người khá lạc quan, các đương sự bị chửi vẫn cười hề hề: “Bố” đ’ quan tâm, miễn “bố” làm “bố” thấy sướng là được.”

Ở một tổ chức nhỏ, không khác gì một xã hội thu nhỏ, chỗ nào cũng cần phải hoàn thiện và cải tiến. Có một câu nghe rất quen quen mỗi khi bạn đề xuất ý kiến lên sếp trên rằng “cái quy trình này nó rất không ổn, chỗ này làm sao mà nó lởm thế hả sếp ơi”, thì sếp (dù là sếp to nhưng vẫn dùng điện thoại đểu), ngồi vắt chân chữ ngũ, nói tỉnh bơ: “Anh biết rồi, thế em có thể làm được gì để thay đổi hoặc cái tiến nó. Tóm lại, em định làm gì?”. Cái đứa mà lúc nào cũng đau đáu tâm huyết như mình, ban đầu thì cũng ý kiến ý cò lắm, cũng ngồi vẽ hươu vẽ vượn ra bao thứ, xong lúc làm thật thì thối inh. Ngượng quá lần sau im luôn, cắm mặt vào mà làm.

Có hai bài học sau khi rời khỏi công ty, đó là “Triết lý những vòng sóng nhỏ” và “Chửi ít thôi, làm đi”. Nếu ghép lại có thể dùng thành một câu đầy văn vẻ là: “Hãy tạo ra những vòng sóng nhỏ mà ở đó trung tâm là những con người của hạnh phúc và hành động.”

Nói về triết lý “những vòng sóng nhỏ”, thì thật ra không phải ai trực tiếp dạy, mà do tôi quan sát cách vận hành của văn hóa công ty. Ngoài những bộ phận thông thường như phòng ban các kiểu chính thống, thì công ty còn phân nhánh ra các hội thuộc khối chuyên môn. Ví dụ Hiệp hội thư ký, nơi tụ tập các chị em chuyên làm hành chính, nhưng sử dụng vào mục đích loan tin thì vô cùng nhanh chóng, hiệu quả. Hiệu quả hơn nữa là các câu lạc bộ gắn kết với nhau bằng sở thích.

Ví dụ như hội thích xem phim, hội thích viết lách, hội bóng đá, hội cầu lông, hội thích hát karaoke, hội thích đạp xe, hội thích chơi games, hội ghét hút thuốc… Ban lãnh đạo cần biết dân thường buôn bán gì về mình thì cứ chơi thân với các trưởng hội, khi cần truyền đi một thông điệp sâu sắc gì chỉ cần nhờ các trưởng hội, hoặc thân thiết hơn nữa thì đi nhậu cùng các hội này, cũng như tài trợ kinh phí cho hội hoạt động. Thế là tình dân với sếp rất “tình thương mến thương”, bao nhiêu bức xúc rồi cũng đều giải tỏa được hết, niềm tin và lòng nhiệt tình với công việc lên cao phơi phới.

Sau này, khi triển khai công việc kinh doanh riêng của mình, tôi cũng áp dụng nguyên lý “những vòng sóng nhỏ”, nhưng dành thời gian tâm huyết để xây dựng nên những vòng sóng trong cộng đồng hiểu và ủng hộ những công việc mình làm, và tất nhiên toàn bộ nhân viên của mình cũng được coi là một trong những vòng sóng đó. Sử dụng lợi thế của mạng xã hội, tự tạo những hội nhóm mà hoạt động của nó có liên kết vững chắc với giá trị thương hiệu mình muốn xây dựng, quan hệ mật thiết với những hội nhóm đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng.

Khi đưa ra một thông điệp nào đó đến với cộng đồng hoặc bất cứ có một hoạt động nào cần được nhiều người biết đến, ngoài sự chủ động phát tán thông tin bằng những kênh cá nhân, thì “những làn sóng nhỏ” trong cộng đồng kia tạo nên một hiệu ứng đầy tin cậy.

Câu chuyện của những “xã hội thu nhỏ”, không khác gì câu chuyện của xã hội chúng ta đang sống. Đó là bất cứ mỗi cá nhân hay tổ chức nào, cũng cần có rất nhiều điều cần hoàn thiện. Và để giải quyết những vấn đề quá vĩ mô, phụ thuộc vào nhiều điều còn đang chồng chéo lẫn nhau, trước hết cần giải quyết những vấn đề trong những không gian sống nhỏ, trong từng tổ chức nhỏ, trong từng mỗi cá nhân.

Tôi rất không phải là một con người của hành động, nên tôi hiểu rằng việc hành động một cách thực sự để làm một điều gì đó thực sự có kết quả, là một điều rất khó khăn với từng cá nhân. Bằng những trải nghiệm qua nhiều không gian của công việc, lẫn tham dự nhiều cộng đồng, tôi tránh ngồi nhận xét hay đưa quan điểm, chỉ quan sát và ngẫm xem những việc như thế có tác động tiêu cực hoặc tích cực gì đến bản thân mình, hoặc quan sát để hiểu thêm về thời đại mình đang sống.

Mỗi khi bắt tay làm được một việc gì nho nhỏ, tôi đều cảm thấy rất vui, niềm vui thực sự và vững chắc không chỉ đến từ suy nghĩ, sự hiểu biết. Niềm vui đích thực chỉ đến được từ hành động và có kết quả.

Nhiều năm trước tôi xem một phim ngắn của Pháp có tiêu đề “Những Con Chim Trắng Và Những Con Chim Đen” Những con chim trắng biểu tượng cho những lời nói hay được bay ra, những con chim đen biểu tượng cho những lời nói xấu được bay ra. Trên bầu trời tràn ngập những con chim trắng và những con chim đen.

Cứ mỗi lần trên những diễn đàn của truyền thông và mạng xã hội, dâng lên những làn sóng mà ở đó người ta chửi bới nhau, bày tỏ quan điểm đúng sai loạn hết cả lên, tôi chỉ nhìn thấy trên bầu trời là những con chim trắng và những con chim đen va vào nhau loạn xạ. Những lúc như thế, tôi không ước làm sao mình có thể làm cho bầu trời được trở nên trong xanh hơn, tôi chỉ suy nghĩ mình nên hành động thế nào để những cánh chim đen không bay vào tâm hồn mình, hay không gian sống xung quanh mình.

Mỗi chúng ta đều có khả năng tự là trung tâm của “một làn sóng nhỏ”, nếu như bản thân trong tâm hồn chúng ta có những hiểu biết nhất định, suy nghĩ vững chắc, cảm giác bình yên và tỏa ra một nguồn năng lượng sống tích cực. Đầu năm nay tôi đọc được một bài báo mang tên “Niềm Tin” của tác giả Nguyễn Minh Thành, có viết:

“Đã luôn không thiếu những tâm hồn nhiệt huyết muốn thay đổi thế giới bằng các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo, Song trên thế giới đến ngày nay dường như sự xấu càng gia tăng và bất hạnh của loài người là không kể xiết. Bởi vì đó là những phong trào chỉ lo bên ngoài. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới bề ngoài theo cách nào đó, nhưng giải pháp cho sự đau khổ của con người chỉ có thể bắt đầu từ bên trong.

… Chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là: càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực.”

Ở đây, tôi không muốn nói rằng mình phản đối những mong muốn thay đổi thế giới bằng “các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo”. Tôi chỉ muốn nói rằng không phải tất cả mỗi chúng ta khi sinh ra đều có một sức mạnh phi thường hoặc là những người xuất chúng. Ngoài ra, để trở thành những người xả thân vì nghiệp lớn hay những người của công chúng, mỗi chúng ta cần xác định và cân nhắc rất nhiều về sự được mất trong đời sống cá nhân. Ngay trong những việc cuộc sống có quá nhiều vĩ nhân, bản thân cũng khiến cho xã hội bị mất cân bằng và có những lỗ hổng mà ai đó nói rằng: “Điều này đã bị sai ở đâu đó mà không thể lý giải được”.

Trong sâu thẳm tâm hồn, ngoài những điều người ta dễ dàng có thể nhìn thấy là những gì rất mong manh, bất ổn và cần được yêu thương. Nếu thật sự bạn tâm huyết với xã hội này, với cuộc đời này, bạn không cần phải quá tài giỏi để đứng lên trở thành những người thủ lĩnh của các cộng đồng.

Việc duy nhất bạn cần làm là, hãy bình tĩnh ngồi xuống thật bình yên, mỉm cười và biết cách yêu bản thân mình, trao đi yêu thương để thấy mình hạnh phúc. Trao đi yêu thương dường như vẫn còn chưa đủ, bạn cần hành động nhiều hơn trong công việc của mình. Hành động để bắt tay vào một công việc gì đó thiết thực, cũng luôn là việc làm rất khó.

Nếu như tất cả những việc trên đều khó với bạn cho một sự khởi đầu, thì việc cần làm là bạn hãy bao bọc xung quanh mình bởi những người có năng lượng tích cực, tư tưởng tích cực. Họ sẽ truyền cho bạn nụ cười, tình yêu thương, niềm tin và bạn cũng cần tích lũy nó, biến nó thành nguồn năng lượng tích cực của mình, rồi lại lan truyền đến những người xung quanh khác.

Ai cũng muốn sống trong một xã hội bình ổn và hạnh phúc, nơi tình yêu và niềm tin gắn kết từng cá nhân với nhau thành những mắt xích chặt chẽ và bền vững. Để làm được điều đó, mỗi một người bình thường như chúng ta chỉ cần có ý thức gắn kết bền chặt hơn với không gian sống nhỏ xung quanh của mình, trao đi và nhận lại những nguồn năng lượng tích cực, hành động nhiều hơn nữa để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân và cuộc sống.

Những vòng sóng nhỏ mà tâm điểm của nó là những cá nhân biết hạnh phúc và biết hành động, sẽ lan tỏa, giao nhau, lan truyền đi, lan truyền đi mãi những điều tốt đẹp của cuộc sống.

 

 

Đoàn Minh Hằng

Ảo tưởng về sự lựa chọn

(Bấm vào ảnh để phóng to)
(Bấm vào ảnh để phóng to)

 

Nguồn: Reddit

Sẵn sàng đánh cược, chấp nhận chịu thua

Photo: Nguyen Minh Son

 

Không biết có ngẫu nhiên không mà mùa hè năm 22 tuổi, tôi đã bắt đầu vài thứ lạ lạ cho mình. Mùa hè năm 22, tôi đã cười nhiều hơn tất cả mùa hè trước đó, đi nhiều hơn, làm nhiều trò mèo hơn, chụp hình nhiều hơn, té xe nhiều hơn, cảm nhiều hơn, sáng suốt và u mê nhiều hơn, hư hỏng nhiều hơn, cũng hạnh phúc nhiều hơn.

Tôi vẫn tin, tất cả những chuyện này, đều tốt đẹp.

Như chuyện tôi bị tai nạn…
Như chuyện tôi chạy xe máy một mình từ Sài Gòn về Đà Nẵng…
Như chuyện tôi từ bỏ một vài điều, quyết tâm từ bỏ, quyết tâm nhiều…
Như những chuyện tôi đang “manh múng” trong đầu…
Như chuyện tôi thích một mình, lười có người yêu và ngại chia sẻ…

Những ngày bị tai nạn phải nằm một chỗ ở nhà, tôi nghĩ hơi nhiều, và quyết định vài điều. Chết dễ quá nhỉ, chớp mắt đã nằm xuống đường, chớp thêm cái nữa có thể đã tan tành. BÙM. Xong! Nếu khi ấy mình không chết mẹ nó luôn đi mà sống dở người kiểu què chân hay ngu ngu ăn hại trưa nắng ngẩng mặt nhìn trời đếm sao gì đấy thì sao?! Nghĩa là, tất cả những gì tôi muốn làm nhưng chưa làm được sẽ không còn cơ hội thực hiện. Nghĩa là, tôi sẽ ăn bám bố mẹ. Nghĩa là tôi cần rất rất nhiều nghị lực để làm lại từ đầu…

Mà tôi thì, thỉnh thoảng còn không đủ “nghị lực” để dậy sớm ăn sáng uống cà phê… Đôi khi, chết dễ hơn sống là vì thế.

Tôi nảy sinh ý đồ về Đà Nẵng trước đó 1 tháng, quyết định đi một mình vào tuần gần cuối, và lên kế hoạch chi tiết trước khi đi 2 ngày. Cái khoảnh khắc ấy, tôi hiểu rõ là mình có (chút) ngông, thậm chí là ngu và liều… Nhưng, điều đó không thể ngưng cái ước muốn của tôi lúc ấy. Chưa bao giờ tôi muốn một điều gì nhiều và rõ ràng như vậy. Nó kích thích vô cùng! (Và trong từ điển của tôi: Ngu + liều = đáng yêu)

Thế nên, tôi đi thôi!

Thế nên, tôi quyết tâm rời bỏ cái điều làm tôi day dứt bấy lâu. Là câu chuyện tình dài đằng đẳng dai dẳng tốn nhiều xăng và nước mắt. Là những đêm bắt tay lên trán đắn đo mình nên yên phận hay lận đận. Là sự quyết tâm rời bỏ yêu thương đã thành hình để chọn chính bản thân mình…

À, và… Thế nên, tôi sống! Sống một mình, đi đi về về một mình, ngông cuồng dại dột một mình. Và tất nhiên, hạnh phúc một mình… Dẫu sao, tôi cũng đã sống, không đơn thuần tồn tại.

1000km thần thánh!

Những ngày rong ruổi trên chiếc xe thân yêu về Đà Nẵng, tôi đã ngộ ra nhiều điều. Đầu tiên là tôi có thể ca hát, la ré, nhảy múa trên xe mà không cần quan ngại hay quan tâm cái nhìn của bất kì ai (ngoại trừ “ốc bưu vàng”). Tôi phấn khích nhiều nhiều!

Khi tôi hát bài “nhong nhong cha là con ngựa…” tôi đã khóc vì nhớ Bố, vì thương Bố, vì ước mong được xuyên Việt cùng Bố…

Khi tôi ngã xuống đường và xung quanh toàn xe tải đang lượn lờ, tôi đã quyết tâm sống thấy mẹ luôn ấy. Khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy gia đình… Và suốt chặng đường tiếp theo, tôi đã vừa niệm chú câu kinh Phật vừa nhắc nhở mình rằng: Có thể suy nghĩ của mình thuộc về mình, nhưng thân thể của mình còn thuộc về Bố Mẹ nữa, nên tất nhiên mình không có quyền đánh mất nó, không có tư cách ấy. Không có!

Khi tôi run rẩy đi qua đoạn đường tối tăm không bóng người, tôi tin tôi đã dốc hết niềm tin 22 năm sống trên đời của mình vào 5m ánh sáng trước mặt. Tôi tin tôi đã không (dám) nhìn về phía sau hay băn khoăn về phía trước. Tất cả chỉ có 5m đường duy nhất. Tôi đi trong sợ hãi, nhưng kể cả là vậy, tôi cũng đã vượt qua Cam Ranh đến được Nha Trang, dù hơi trễ, nhưng tôi cũng đã đến được. 2 tiếng rưỡi diệu kì!

Khi tôi hạnh phúc lướt qua từng con đèo, tay run run chụp từng tấm ảnh, tôi đã nghĩ tôi là một người yêu nước.

Và khi tôi nhìn thấy những chữ “Hòa…” đầu tiên trên đất Đà Nẵng, tôi khóc. Tôi đã khóc rưng rức như một đứa trẻ cho đến khi về đến trung tâm thành phố… Tôi nghĩ, tôi yêu Đà Nẵng cũng nhiều đó!

Một chuyến đi ngu ngốc

9731-10731. Tình cờ, 5731 là biển số xe tải ngày xưa Bố tôi chạy-chiếc xe gắn bó với Bố nhiều gần bằng số tuổi của tôi.

Xe chạm vạch 10731 km, tôi đang đứng ở góc đường Nguyễn Văn Linh tự chụp lại sự ngu ngốc của mình. Kết thúc một chuyến đi ngu ngốc, tôi tin là tôi vẫn sẽ muốn ngu ngốc như vậy đến cuối đời. Và, một mình tôi ngu cũng đủ đầy…

28h chạy xe, tôi chỉ nghĩ về một điều mà thôi. Rằng: “Ngâng này, sau này mày có muốn làm bất cứ điều gì, cũng hãy nghĩ về 1000km mày đã từng đi ngày ấy. Ngần ấy cảm xúc, ngần ấy niềm tin, ngần ấy sự ngông và ngu. Mày chỉ cần từng ấy thứ để làm tất cả những điều mày mong mỏi trong đời thôi, con hâm ạ!”

“Sẵn sàng đánh cược, chấp nhận chịu thua.”

Tôi đã nghĩ tôi sẽ nói nhiều điều về chuyến đi này, về cả mùa hè năm ấy nữa…

Nhưng, suy cho cùng, khi mọi thứ lắng lại, tôi muốn giữ tất cả cho riêng mình. Vì, dạo này, tôi hóa ích kỉ. Và cũng vì, tôi tin chẳng ai cảm được đâu, cho đến khi họ làm chính xác cái điều tôi đang làm, cho đến khi họ nghĩ y chang cái điều tôi đang nghĩ, sống chính xác cuộc đời tôi đang trải.

Nhưng, tôi vẫn muốn nói lại một điều: Khi tôi quyết định hơn thua với cuộc đời, tôi luôn xác định “Sẵn sàng đánh cược, chấp nhận chịu thua.” Đôi khi, tôi vẫn thắng cuộc đời. Những khi tôi thua, nghĩa là tôi chưa muốn thắng (đủ nhiều)!

Ngày tháng trải dài, tôi thấy lòng thanh thản lạ…

P/S: Tôi tin, may mắn là một loại năng lực!

Yên

Yêu thì liên quan quái gì đến trái tim

*Photo: Katin The Cupboard

 

Đó là lời thằng bạn thân của tôi thốt ra trong một buổi chè chén say sưa tại nhà nó. Hỏi ra mới biết cu cậu cưa gái, không hiểu nổi hứng thế nào lại viết thư tình gởi người trong mộng. Trong thư hết giơ tim gan về phía mặt trời lại đưa phèo phổi trao tay người yêu. Tôi không đọc thư nên không biết văn chương nó lai láng thế nào. Chỉ biết cô gái nó yêu gởi thư trả lời đúng một câu: “Cảm ơn, nhưng bạn nhầm, tình yêu do não bộ quyết định, không liên quan đến tim gan.”

Khỏi nói cũng biết cu cậu sốc thế nào. Trai đa tình sợ nhất là tán gái thực tế. Gái thực tế lại không đáng sợ bằng gái tỉnh táo. Tỉnh đến độ phân tích cơ thể người khi đọc thư tình lại càng là cực phẩm. Bạn tôi đánh trống lui quân nhưng khi nào bia bọt vào là bóng ma ám ảnh lại nổi lên, nói về tình yêu toàn lôi chuyện này ra chém gió.

Hôm đó gần ngày 14/2, chúng tôi chém say sưa về chủ đề này. Bia không làm người say mà câu chuyện đã khiến máu trong não sôi lên sùng sục. Sẵn trong nhóm nhậu có mấy thằng chuyên văn thơ nên cực lực lên án cách suy nghĩ phản nhân văn, phản mơ mộng như trên. Bạn tôi không kém cạnh, lôi tổ, tông, ông, cháu, chắt, chút, chít nhiều đời của khoa học ra phản bác. Nó lôi từ Plato, Aristotle cho đến Karl Marx, Engels. Hết triết học lại qua khoa học. Đám thơ văn kia thì có vẻ đuối lý nhưng được cái đông nên rất hùng hãn.

Thường nghe tụi bạn chém gió về chính trị chính em tôi chả lọt tai thứ gì. Tụi nó không đòi bắn giết thì cũng đòi lấy xe công nông đi xới tung đồng ruộng. Nhưng khi tụi nó nói về tình yêu thì có nhiều thứ đáng quan tâm. Tôi chắm chú, vểnh tai, mồm nhẹ nhàng phá sạch mồi nhậu.

Thằng bạn tôi đem cả bầu trời tư cách ngời ngời của khoa học ra đàn áp chí hướng văn thơ của mấy đứa còn lại. Nó nói nào là khoa học đã chứng mình cảm xúc yêu đương bắt nguồn từ các xung điện và chất hóa học trong não bộ. Nó giảng giải quá trình yêu từ khi ánh mắt đến não, rồi từ não chạy loạn khắp bộ óc, sau đó mới truyền phản ứng cho tim đập lên vài cái. Nói chung nó kết luật một câu xanh rờn “tim phổi chả liên quan cái vẹo gì đến yêu đương.”

Lũ bạn bên kia không chịu yếu thế, bọn nó đưa ra hàng đống ví dụ “thực tiễn” như tình yêu sét đánh, tình yêu qua mạng, tình yêu luân hồi (lúc này thì mồ hôi chảy đầy mặt tôi). Hai bên chém gió tung nóc quán nhậu, thật là một cuộc đụng độ nổi bão giữa duy tâm chủ nghĩa và duy vật chủ nghĩa đây mà. Tôi xung sướng ở trong mắt bão yên tâm phá mồi và ngồi nghe tụi nó cãi lộn.

Tôi cho rằng toàn một lũ FA cả, cãi nhau cái vụ vớ vẫn đó làm quái gì. Vẫn là nhậu nhẹt sướng sung hơn cả. Thằng bạn tôi đã nói đúng. Nó nói theo khoa học không lẽ lại sai. Nhưng ở đời chuyện gì “đúng” thì cũng sẽ đi kèm với “đắng”. Quan tham đầy đó nhưng nói ra thì lại chả tù mọt gông vì tội vu khống. Bản chất của tình yêu cũng vậy. Ông nào thông thái thì đã nhìn ra từ lâu rồi, chém gió cũng chém rồi vậy mà đến thế kỷ 21 nhân loại vẫn cho rằng yêu đương xuất phát từ tim gan đó thôi.

Nhân loại sai thì sai đấy nhưng không lẽ hét lên: Các người sai rồi, chỉ mình ta đúng thôi ha ha ha. Mỗi người nhổ một ngụm nước miếng cũng đủ dìm chết bạn rồi. Hôm qua báo Dân Trí có đăng một bài viết Tình Yêu Đến Từ Nơi Đâu? giải thích tình yêu bắt nguồn từ não bộ. Nhìn vào số like ít ỏi của nó cũng có thể hiểu được đôi chút.

Thật ra bản chất tình yêu như chiếc hộp Pandora, chiếc hộp cấm không nên mở ra. Có tình yêu, con người sẽ có hạnh phúc, dù đó là thứ hạnh phúc mù quáng thì vẫn là hạnh phúc hàng thật giá thật. Nhận ra bản chất tình yêu đến từ não bộ và cũng chỉ là tư duy trần trụi để làm gì. Cái được chỉ là bi kịch và sự cô độc mà thôi.

Thời đại này tuy khoa học phát triển, nhưng đi tán gái thì vẫn phải lôi trái tim ra mà chém gió đấy. Không lẽ khi quỳ xuống đưa nhẫn lại phải thốt lên: “Anh yêu em bằng tất cả bộ óc của mình, em chấp nhận vào óc anh cư ngụ mãi mãi nhé!” Gấu chó không lồng lộn lên tát phát văn óc của bạn thì thật là uống phí khung cảnh lãng mạn đó.

Tôi và thằng bạn đã nhìn ra được bản chất của tình yêu nhưng chúng tôi làm ly bia và ném nó ra khỏi đầu giống như các bậc tiền bối. Cố gắng tẩy não chính mình để yêu thương còn hơn là tỉnh táo nhưng cô độc cả đời.

 

 

Bút Đỏ