30 C
Nha Trang
Thứ hai, 28 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 258

Giàu – Nghèo

Photo: Vincenzo Pisani

 

Ta sinh ra trong nghèo nàn, khốn khó
Trách cha mẹ không có như bao người
Ta chẳng có nổi những nụ cười
Khi quanh ta lúc nào cũng thiếu thốn…

Ta có nhận ra… Tình thương mẹ cha trao ta là vốn…
Chứ không phải là vật chất phù du
Của cải nhiều, dễ làm ta hư
Mẹ cha muốn ta phải phấn đấu…

Trong nghèo khó, tâm ta sẽ không xấu
Thấy người nghèo, ta sẽ nghĩ đến ta
Chẳng có gì ngoài tấm lòng bao la
Của cải ít, nhưng tình người rộng lớn…

Ta đang sống trong nhà cao cửa lớn
Vật chất quanh ta vẫn cứ đủ đầy
Tưởng rằng ta có hạnh phúc trong tay
Nhưng không phải…

Nhà ta giàu, nhưng trái tim thắt lại
Khi ta nghèo, ta nghèo khó tình thương
Khi ta gặp bà cụ trên đường
Ta nhăn nhó vì áo quần của họ…

Ta không thương những mảnh đời khốn khó
Vì mẹ cha sống quá ích kỷ rồi
Ta chỉ biết đến mình mà thôi
Ta cần gì nữa đâu vì quanh ta đầy đủ…

Ta ngỡ rằng ta là một triệu phú
Làm từ thiện thì có đáng là chi
Nhưng đồng tiền đó đâu có ý nghĩa gì
Khi nó xuất phát từ cõi lòng lạnh giá…

Có những người nghèo nhưng tấm lòng cao cả
Sống với nhau bằng nghĩa xóm tình làng
Có những người nhà cửa rộng thênh thang
Đó cũng chỉ là lâu đài vắng…

Mỗi sớm mai, bầu trời ngập ánh nắng
Nhắc chúng ta hãy sống bằng tình thương
Giàu hay nghèo – vẫn là cõi vô thường
Tâm hồn ta mới là điều đáng quý…

Mỗi chúng ta đều là triệu phú
Khi chúng ta sống bằng những thương yêu
Lòng thảnh thơi, mỗi khi ngắm ráng chiều
Tất cả chúng ta đều là người giàu có…

Một Đời Quét Rác

Niềm tin và giá trị

*Photo: Billcoo

 

NIỀM TIN = GIÁ TRỊ. (Ký hiệu = có nghĩa là tạo ra)
Trung đã khám phá ra điều này khi sử dụng so sánh những sự việc mình đã thí nghiệm và thấy điều này là đúng đắn. Bạn hãy cho Trung nhận xét về bài viết này nhé.

Định nghĩa 1: Niềm tin = “Tiền”

Tiền theo định nghĩa hiện thời: Là chuẩn mực chung so sánh giá trị của hàng hóa và dịch vụ. Thông qua việc chứng thực các giá trị này dưới dạng của một vật thể (ví dụ: Tiền giấy, tiền kim loại).

Câu hỏi 1: Nếu không sử dụng tiền mà vẫn có một chuẩn mực chung so sánh giá trị của hàng hóa dịch vụ thì nó có được coi như là “tiền” hay không?
– Trả lời: Có thể được. Vì nó có giá trị tương đương.

Tình huống 1:

– Một người bạn rủ bạn đi uống cafe, bạn không có tiền nên từ chối. Người bạn của bạn hào phóng mời bạn mà không cần phải bạn thanh toán, họ sẽ thanh toán phần nước uống đấy.

Tình huống này cho biết rằng, bạn có thể sử dụng lời nói, để ghi nợ hoặc được người khác thanh toán giúp bạn một khoản tiền, khi bạn muốn mua một sản phẩm nào đó. Với giá trị nhỏ.

Tình huống 2:

– Bạn đang thiếu tiền, tìm trong danh sách bạn bè và gọi đến người giúp đỡ. Bạn mở lời vay người bạn một khoản tiền lớn. Bạn của bạn hỏi khi nào sẽ thanh toán cho họ. Bạn hứa rằng trong một tháng sẽ trả hết khoản tiền. Bạn của bạn đồng ý.

Tình huống này với khoản tiền lớn bạn vẫn có thể có được với một nguồn hỗ trợ khác, nhờ lòng tin và sự uy tín từ bạn, khoản tiền đó có thể bạn sẽ nhận được từ người bạn trao niềm tin.

Tình huống 1, và 2 chỉ là những tình huống nhỏ trong các vấn đề liên quan tới “tiền”. và cái quyết định quan trọng lớn nhất đó chính là: Bạn vẫn có thể có “tiền” khi trong tay bạn không có “tiền”.

Điều gì khiến một sự việc “không” trở thành “có” trong bài viết này đó chính là nhờ vào “niềm tin”. Như vậy có thể hiểu là: Nếu Trung gởi cho bạn “niềm tin” thì bạn có thể gởi Trung “tiền” của bạn. Điều này chỉ đúng khi “niềm tin” đó tạo dựng trên cơ sở “niềm tin” mang lại “giá trị” cho bạn, lợi ích đón nhận được từ “Trung”.

Định nghĩa 2: Giá trị = “Tiền”

*Photo: Billcoo
*Photo: Billcoo

Câu hỏi 2: Nếu bạn có một sản phẩm có giá trị thì có thể đổi với một sản phẩm có giá trị khác nếu giá trị đó được hai bên thỏa thuận tương đương hay không?
– Trả lời: Có thể được. Điều đó được hai bên đã thỏa thuận nên không có gì phải bàn.

Tình huống 3:

– Trung hái được quả chuối, Tâm hái được quả bưởi. Thường ngày Trung và Tâm đều ăn quả của mình hái cực kỳ ngán. Trung chưa bao giờ ăn bưởi còn Tâm thì chưa bao giờ ăn chuối của Trung. Một ngày Tâm suy nghĩ muốn trao đổi với Trung rằng trao đổi với nhau. Tâm gởi Trung quả bưởi còn Trung gởi Tâm quả chuối. Và Trung đã đồng ý. (Chất lượng hai quả đều tốt)

Khi hai giá trị được trao đổi cho nhau với cùng một chất lượng ngang nhau thì giá trị đó thay thế cho “tiền”

Tình huống 4:

– Một người làm ra được các sản phẩm phục vụ cho con người. Giúp con người có thêm nhiều kiến thức quan trọng cốt lõi. Sản phẩm sáng tạo giúp cho kích thích tư duy, não bổ thay đổi thói quen tiêu cực thường ngày. Khi tất cả các sản phẩm đó được tung ra thị trường, mọi người ban đầu chưa hiểu được giá trị nó, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng cho rằng điều đó có hiệu quả. Mọi người đã trả tiền cho những sản phẩm vô hình đó. Người tạo ra sản phẩm có một nguồn thu nhập mới từ sản phẩm mình tạo ra. (Đó là tác giả bài viết này)

Khi niềm tin tạo ra sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt đó khiến cho người dùng chấp nhận, bởi vì tính hiệu quả của sản phẩm mang lại. Người dùng chấp nhận trả một khoản tiền cho người tạo ra giá trị đó.

Tình huống 3, 4 cho rằng giá trị được trao đổi với nhau, tiền được trả cho giá trị được người dùng chấp nhận. Điều này có nghĩa “giá trị” tạo ra “tiền”.

Kết luận:

Khi bạn chia sẻ niềm tin và niềm tin đó có giá trị thì tiền sẽ được tạo ra. Nếu bạn vay một khoản vay, người khác tin tưởng bạn thì bạn sẽ vay được khoản vay đó. Tin tưởng trên cơ sở: “Lời nói, vật thế chấp, uy tín, hợp đồng, v..v..”

Bạn muốn có sự giàu có, hãy tạo ra nhiều niềm tin, niềm tin càng nhiều sẽ mang lại tiền cho bạn nhiều.

 

 

Trung Branding

Văn hóa và hủ tục: Đừng vội nghĩ mình đã là văn minh

*Photo: Unknown

 

Những nền văn minh cần được khai sáng

Đối với một con người của xã hội văn minh hiện đại, điều này có thể là phi lý, thế nhưng tục chôn con theo mẹ “Dọ-tơm-amí” là một tục lệ có thật vẫn đang tồn tại trong cộng đồng nhiều dân tộc như Bana, Jơ rai, Jẻ Triêng. Các dân tộc Tây Nguyên còn nhiều tục lệ được coi là “dã man” trong con mắt của người Kinh văn minh như tục “Joă ană” là đạp con cho chết. Cái tục này cho phép người đàn ông có quyền yêu cầu vợ mình đạp chết đứa con đầu lòng nếu nghi ngờ đó là con của một người khác, sự dã man của nó được mô tả như sau:

“Buộc phải tự thi hành án Joă ană, người phụ nữ vừa gượng dậy sau sinh nở sẽ phải bồng con vào rừng, dùng cây chụp loại chuyên đào củ mài đào một hố tròn sâu, thả đứa con mình vừa rứt ruột đẻ ra dốc ngược đầu xuống đáy hố để hồn ma bé khỏi biết đường về, rồi… đạp và …lấp. Hành đồng ấy được thực hiện trước sự chứng kiến của gã chồng, người cứ đinh ninh từ nay người vợ này mới hoàn toàn thuộc về mình, đứa con tiếp theo mới chắc chắn là con của mình.”

Chẳng riêng gì ở Việt Nam, trên thế giới có 3 triệu bé gái bị cắt âm vật mỗi năm, một hành động được coi là “truyền thống văn hóa” ở 29 quốc gia. Ở Amazon hay New Guinea vẫn tồn tại những bộ tộc ăn thịt người. Những ví dụ về “hủ tục” như vậy chẳng phải là ít, và mỗi con người chúng ta dường như sẽ chẳng mấy băn khoăn khi cho rằng nhiệm vụ của xã hội, nhà nước, thậm chí là Liên Hợp Quốc là nhằm khai sáng, can thiệp, và ngăn chặn những hành vi tội ác, ngu xuẩn, biểu tượng của một nền văn minh lạc hậu, của sự mê tín dị đoan… Giống như giải cứu những người rừng và đưa họ về với cuộc sống văn minh vậy.

Nhưng, xin các bạn chỉ một lần thôi, hãy ngừng lại và suy nghĩ

Chúng ta có thật là đã văn minh và hiện đại? Một nửa sự thật thì không phải sự thật, vậy thì có cái gì đảm bảo rằng sự thật mà chúng ta biết lại không phải là một nửa của một sự thật lớn hơn nữa?

Hãy nhìn vào giá trị đằng sau, không phải là thói quen đằng trước

Trong mắt bạn, cắt âm vật phụ nữ hay chôn sống trẻ em là một hành động dã man. Quả thực, những “hủ tục” này đã cướp đi sinh mạng của vô số người trong chiều dài lịch sử của nó. Thế nhưng, trải qua cả nghìn năm phát triển, những “hủ tục” ấy vẫn duy trì đến tận thế kỷ 21 này. Chính nhờ có chúng, các tộc người xưa kia có thể tồn tại qua những thế kỷ lạc hậu, thiếu thốn điều kiện y tế, ngừa thai… Những đứa trẻ mồ côi mẹ không trở thành gánh nặng cho buôn làng, những người phụ nữ mất đi ham muốn tình dục không trở thành cái máy đẻ để rồi chết vì băng huyết khi sinh.

1000 năm trước, chiếc bánh chưng có thể tượng trưng cho đất, chiếc bánh giầy tượng trưng cho trời, phản ánh quan niệm của cha ông ta về trời và đất. Bây giờ, tôi chả bao giờ thấy chiếc bánh giầy nào trong ngày tết như truyện vẫn kể, và bất cứ ai học qua cấp 2 đều biết rằng trời và đất đều có hình tròn, thế nên cái bánh chưng chỉ đơn giản là một loại bánh truyền thống mà thôi.

Có bao nhiêu người còn nhớ rằng chúng ta làm bánh chưng và bánh giày là vì lệnh của vua Hùng?
Có bao nhiêu người còn nhớ rằng chúng ta làm bánh chưng và bánh giầy là vì lệnh của vua Hùng?

Mỗi một tục lệ, đều có bối cảnh ra đời và giá trị ẩn chứa đằng sau đó. Đó có thể là một giá trị mang tính tinh thần như chiếc bánh chưng hay con gà trên mâm cúng, nhưng đó cũng có thể là một giá trị vật chất nhằm duy trì sự phát triển của xã hội như tục cắt âm vật. Xã hội thay đổi, con người thay đổi, liệu chúng ta có thể bình tâm suy xét trước mỗi phong tục tập quán của dân tộc mình, của dân tộc mà chúng ta can thiệp thay vì chỉ đơn giản phân chúng thành hai nhóm “truyền thống tốt đẹp” và “hủ tục”?

Mất đi giá trị, phong tục chỉ còn là một thói quen. Thế nhưng bất cứ cộng đồng nào cũng có thể khoác cho những thói quen ấy những cái tên mỹ miều như “bản sắc văn hóa dân tộc” hay “truyền thống lâu đời của cha ông”. Nếu chúng ta cho rằng hành vi đạp con đến chết hay cắt âm vật là dã man, liệu chăng 1000 năm sau con cháu chúng ta sẽ được dạy rằng án tử hình là những minh chứng cho sự dã man và tăm tối của cha ông chúng khi vẫn còn dùng bạo lực để đối xử với nhau? Chúng ta coi ăn thịt người là man rợ, chẳng khác gì người phương Tây bảo Việt Nam ăn thịt chó là dã man. Giả sử 1000 năm sau khi con người chung sống hòa hợp với thiên nhiên, việc ai đó giết thịt một con gà trống để cúng giao thừa có chăng sẽ được coi là hành vi man rợ?

Phải chăng 1000 năm sau, người ta sẽ nhìn vào hành động cắt tiết gà dã man chẳng khác nào chúng ta đang cắt âm vật của bé gái
Phải chăng 1000 năm sau, người ta sẽ nhìn vào hành động cắt tiết gà dã man chẳng khác nào chúng ta đang cắt âm vật của bé gái

Văn hóa cần bao dung, còn con người cần có óc phản biện

Trong bài viết này, tôi không muốn bàn về định nghĩa hủ tục hay phong tục, tôi muốn nói về hai điều quan trọng, mà theo tôi sẽ giúp xã hội chúng ta trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

Thứ nhất, là tư duy phản biện (critical thinking) trong văn hóa. Chúng ta làm quá nhiều thứ theo thói quen: Cúng gà, mừng tuổi, bốc mộ, xin chữ, lễ chùa, cúng rằm, ăn thịt chó giải hạn, đốt vàng mã… Bao nhiêu người thực sự có thể giải thích được ý nghĩa thật sự ẩn sau mỗi hành động đó. Quá nhiều những phong tục đã mất đi ý nghĩa văn hóa của nó, nhiều phong tục khác bị biến tướng theo những niềm tin tâm linh (ví như việc đốt nhà lầu xe hơi, nhét tiền vào tay tượng phật hay mài đầu cụ rùa trong Văn Miếu).

Khi người ta không hiểu được giá trị, ý nghĩa tốt đẹp đằng sau mỗi phong tục tập quán, những phong tục ấy sẽ trở nên sáo rộng, màu mè, lãng phí thời gian và vật chất của xã hội. Bản thân tôi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi với những mâm cỗ toàn thịt gà luộc, một món ăn vô cùng thiếu hấp dẫn với vô số gia đình nhưng vẫn phải tồn tại theo phong tục. Để rồi chúng bị đổ đi, hoặc chuyển thành món kho, món rim vào ngày hôm sau. Trong một nỗ lực tìm kiếm lý do việc phải tồn tại món gà luộc trong mâm cỗ, tôi tìm thấy không chỉ một dị bản lý giải cho cái con gà này.

Thế nên, điều tôi muốn chốt ở đây là mỗi chúng ta hãy dùng cái đầu để nghĩ, cũng như mỗi khi bạn hướng dẫn con cái mình làm theo một phong tục nào đó, hãy nói cho nó về lý do, nguồn gốc của điều đó. Nếu chính bạn cũng không biết vì sao chúng ta phải làm như vậy, hãy để con bạn yên.

Nếu đã không biết lý do vì sao chúng ta phải cúng gà hay cúng lợn, vậy thì cúng chó hay cúng vịt cũng đâu có sao?
Nếu đã không biết lý do vì sao chúng ta phải cúng gà hay cúng lợn, vậy thì cúng chó hay cúng vịt cũng đâu có sao?

 
Điều thứ hai tôi muốn nói là văn hóa cần có tính bao dung. Chính xác hơn là cả xã hội cần bao dung hơn. Những con người vĩ đại trong lịch sử như Gandhi, Nelson Mandela, Lão Tử… đều là những con người yêu hòa bình. Chúng ta căm ghét sự áp bức, chúng ta căm ghét chế độ nô lệ. Nhưng chúng ta lại vẫn ủng hộ việc nô lệ nhau từ tận linh hồn. Văn hóa, phong tục có thể là những thứ được thừa nhận bởi số đông, nhưng cũng chính vì thế mà nó trở thành gông xiềng, nô lệ đối với thiểu số. Những đứa bé gái sinh ra ở Somali phải chịu đựng nỗi thống khổ của việc cắt âm vật, vì đó là điều mà cộng đồng thừa nhận. Người cha khốn khổ trong những câu chuyện chôn con theo mẹ phải chấp nhận điều đó, vì anh ta chỉ là thiểu số khi so sánh với cả buôn làng của mình.

Chúng ta thích nhân danh xã hội, thích viện dẫn số đông để áp đặt lên thiểu số, cả về tinh thần lẫn cơ thể. Đấy là lý do vì sao chẳng có ai đặt thịt chó lên bàn thờ, cũng như nhà nhà đều ăn bánh chưng vào dịp Tết, con người trong xã hội trở thành nô lệ cho nền văn hóa của chính mình. Một cách bản năng, chúng ta sẽ trở thành người đầy tớ chung thành của văn hóa dân tộc. Chúng ta hành động như thế vì chúng ta tin rằng điều đó là hợp lý, rằng như thế mới là người Việt Nam chứ không phải người Mỹ, người Nhật, người Tàu. Văn hóa dân tộc cho phép chúng ta sỉ vả người phụ nữ không chồng mà chửa, cho phép bố mẹ dạy con bằng đòn roi, đốt cả hàng trăm tỷ đồng tiền vàng mã. Tất cả mọi thứ đều mang danh văn hóa.

Liệu một cô gái đã từng phá thai với bạn trai có thực sự là loại gái chẳng ra gì?  Liệu một cô gái điếm có phải là đã mất hết nhân phẩm? Liệu một đứa con cúng trâu thay gà trong đêm giao thừa có phải là bất hiếu? Liệu một thanh niên tóc nhuộm, nói tiếng Việt pha tiếng Anh có phải là mất gốc?

Văn hóa của chúng ta còn thiếu tính bao dung đối với những người không tuân theo nó. Ngủ với ai là quyền của cô gái, tóc màu gì hay nói tiếng gì là quyền của mỗi công dân, cũng như cúng cái gì trên bàn thờ là quyền của mỗi gia đình. Tất cả những thứ ấy chả làm cho bạn mất gì, tổn hại gì. Cũng như nếu vì một lý do gì đó mà cả đất nước Việt Nam có cúng vịt, lợn, chó, thay vì gà, tôi tin là điều ấy cũng chả ảnh hưởng gì lắm đến tương lai của đất nước 100 năm tới. Thế nhưng hãy thử nhìn lại cách mà xã hội áp đặt lên những con người không tuân theo những chuẩn mực văn hóa của nó: Lên án, dè bịu, khinh bỉ rồi thậm chí là thóa mạ họ.

Những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa sẽ chẳng thể được giữ gìn thông qua sự áp bức. Hàng trăm năm lễ giáo phong kiến cũng chẳng ngăn được những người đàn bà chửa hoang, ánh sáng cách mạng cũng chẳng ngăn nổi những người đàn ông muốn xem phim sex, thế nên hãy tin rằng những điều tốt đẹp của văn hóa chẳng thế đến với mỗi con người thông qua sự áp đặt. Muốn thuyết phục một đứa bé duy trì truyền thống cha ông, hãy làm cho nó nhìn thấy giá trị của cha ông để lại chứ không phải là một thói quen rỗng tuếch.

Bạn có muốn sống trong một thế giới mà ăn mặc sexy có thể bị xử bắn không?
Bạn có muốn sống trong một thế giới mà ăn mặc sexy có thể bị xử bắn không?

Kết

Chính vì cái sự áp đặt của văn hóa, thế nên mới có chuyện sửa kết chuyện Tấm Cám. Chính vì sự mất giá trị của các phong tục truyền thống, mới có chuyện ấn đền Trần bán đắt hơn tôm tươi. Đáng sợ thay ý chí của con người, hầu đồng có thể bị coi là mê tín, còn chen nhau cướp ấn lại coi là lễ hội văn hóa.

Con người ta cần sống có cả tấm lòng bao dung và cả cái đầu tỉnh táo tư duy, dù cho là với chuyện làm ăn kinh tế hay là đời sống văn hóa tâm linh.

Tôi thấy thực là rất cần.

 

 

Hoàng Đức Minh

Hà Nội, 03/02/2014

Bi kịch gia đình hay bi kịch chính trị?

*Photo: Frideryka

 

Nhận sự kiện rối loạn bạo động ở Ukraina, tôi xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện “chế” của mình. Câu chuyện này xoay quanh các sự kiện đã từng xảy ra ở Ukraina mà ít ai từng quan tâm. Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc hội họp của EU khi Ukraina nộp đơn xin gia nhập khối EU từ mấy năm trước. Ngoài ra chuyện cũng nhắc đến những xung đột giữa Nga và Ukraina và những tham ô chính trị của chính phủ. Vì đây là câu chuyện chế, cho nên có nhiều chi tiết được hư cấu. Và câu chuyện chế nó thành ra thế này:

“Trong xóm của trưởng thôn Êu đang bầu ra ai vào hội Tương Thân Tương Ái có thằng Việt ròm, con Nga béo, con Una, con Chi mập và nhiều người khác tham dự. Ông Êu đang giảng giải các tiêu chuẩn để xét vào hội Tương Thân Tương Ái. Con Una lần này lại không được vào, nó nói với thằng Việt ròm:

– “Nhà tao xin vào hội tương thân tương ái từ mấy năm, nhưng nhà con Nga béo nó giàu, nó giao du với ông Êu, không cho tao vào hội Tương Thân Tương Ái mày ạ!”
Thằng Việt nghểnh râu nói câu chí đểu:
– “Ai bảo mày nhận xin thóc gạo nhà nó chi!”
Con Una thở dài:
-“Mày tưởng tao không biết cái nhà Nga béo nó thâm sao. Mà bọn tao thỏa thuận làm ăn đàng hoàng chứ có xin xỏ ai đâu. Tao cho nó kéo đường ống sang nhà ông Êu để bán nước cho mấy nhà con lão. Đổi lại nó cho tao thóc gạo. Có gì mà xin!”
Thằng Việt lại hóng:
-“Thế cái quái gì mà con Nga nó không muốn mày giao du với ông Êu thế?”
Con Una chửi thằng Việt ngu mấy câu rồi bảo:
-“Tao mà giao du với gã Êu, gia nhập đươc hội Tương Thân Tương Ái của lão thì tao cần quái gì cho con Nga thâm đi qua đất nhà tao. Lão Êu giàu, tao vào sẽ được gạo, được thóc hội nhà lão bảo trợ. Tao thèm dây dưa với con Nga vừa béo vừa thâm đấy!”
Con Nga béo lắng tai nghe thấy, cười nhếch mép, liếc xéo con mắt sang con Una:
-“Mày tưởng tao không biết mày “đi đêm” với lão Êu để lão cho mày vào hội à. Mày lạng quạng, tao cắt nước, nhà mày chết khát con nhá!”
Con Una tức tối, méc lão Êu:
-“Ông Êu ơi, nó dọa cắt nước nhà tôi này ông ơi! Ông đi mà giúp tôi chứ! Cho tôi vào hội nhà ông với…”
Ông Êu ngó sang bà Nga béo đang đứng chống nạnh, mắt trợn trừng, liền bảo:
-“À ừ, tôi biết cô muốn gia nhập hội Tương ThânTương Ái. Tôi và hội đồng đang rất cân nhắc tình hình đói kém nhà cô. Nhưng chúng ta phải xét theo tiêu chuẩn. Mà danh sách xin vào nó dài, nó còn nhiều trường hợp bi đát lắm cô ạ. Cô chịu khó đợi vậy nhé!”
Con Una thở dài, con Nga béo tí tửng, thằng Việt thì chưng hửng. Riêng con Chi mập thì nhìn thằng Việt hau háu từ đầu buổi tới giờ.

Sau buổi họp, để cho con Una biết thế nào là lễ độ, con Nga quyết định cắt nước nhà con Una. Con Una thấy không có nước, biết ngay là con Nga giở trò, nó liền sai sấp nhỏ nhà nó cắt đường ống của con Nga dẫn nước tới nhà ông Êu. Con Nga điên máu, đến cuối tháng nó liền cắt gạo, cắt gà nhà con Una. Lũ con nhà Una đói khóc kêu la, con Una xót lòng xót dạ, chạy sang xin vay ông Êu, nhưng ông Êu bảo ông không thể cho nó vay được vì nó không có chỉ tiêu trong quỹ bảo trợ nhà ông. Thế là con Una lại chạy vạy xin lỗi con Nga lên xuống, mặc cho con Nga làm ỏng làm eo. Nhưng cuối cùng thì nhà Una cũng có nước, có đồ ăn.

Thằng con cả nhà Una thấy bất bình, không hiểu vì sao mẹ nó lại khổ sở với nhà bà Nga béo kia thế, vì sao ba nó không ý kiến ý cò gì. Nó nghi ba nó ngoại tình bà Nga. Đêm đêm rình mò, nó phát hiện, ba nó cứ nửa đêm lại lén lút tới nhà bà Nga khi mẹ nó ngủ. Bà Nga dọn cho ông mâm rượu thịt đầy ắp, còn cho ông tiền để đánh bạc. Và dặn đi dặn lại ông rằng:

-“Ông dạy lại vợ ông và lũ con nhà ông đi nhé. Đừng để chúng nó quấy rối mối quan hệ làm ăn, tình hàng xóm của nhà tôi và nhà ông Êu. Cứ như bây giờ có phải tốt không, ông cho tôi mượn đất để làm ăn, tôi lại cho ông rượu thịt, vợ con ông không chết đói. Chứ mắc mớ chi phải vô cái hội gì gì của ông Êu. Vào đấy chưa chắc ông đã sơ múi được gì. Mà tôi đảm bảo, ông cứ tốt tính với tôi, tôi không để nhà ông thiệt đâu. Mấy đứa con nhà ông cứ sang nhà tôi mà làm ô-sin kiếm tiền, ông cho tôi thuê mảnh đất trồng mì, lại có tiền. Lợi lộc thế sao phải đi với lão Êu. Vợ ông ngu lắm ông ạ!”
Ông Una ngà ngà rượu say và mắt lóa vì tiền liền bảo:
-“Bà nói chí phải, để tôi dạy lại vợ con tôi!”

Thằng con cả nhà Una nghe hết chuyện, buồn bực, lếch thếch về nhà trong đêm. Tối hôm đấy, 3giờ sáng bố nó say xỉn về, la mắng đánh đập mấy mẹ con nhà nó. Nó ức, nó đánh lại bố nó. Cả nhà nó làm náo loạn cả một vùng. Tiếng trẻ con khóc lóc, tiếng kêu la van xin của mẹ nó, tiếng chửi rủa của bố nó và nỗi căm hờn tới tuột đỉnh của nó với bà Nga!

Bên kia hàng rào bà Nga lo sợ cho đường ống dẫn nước, mấy khu đất được thuê và cả mối quan hệ với ông Êu. Ông Êu thấy sự vụ nhà Una bất thường, ông thức trắng đêm suy nghĩ cách giải quyết sao cho mình trung lập. Ông còn phải giữ mối làm ăn với bà Nga béo nữa chứ. Chỉ có nhà thằng Việt là đêm đấy nó ngủ ngon. Một phần vì nhà nó xóm dưới, cách xa nhà bọn kia. Một phần, nó chẳng ngu dại như mẹ Una, gây sự với con Chi béo làm gì. Cứ như vậy có phải là ngon lành không!”

Cái kết câu chuyện nó còn mở như chính cái cuộc sống nó đang diễn ra. Bạn có thể tự viết cho mình một cái kết theo ý. Nhưng cái cuộc sống thực nó như thế nào thì là do hành động và tư duy của tôi và bạn. Tôi sẽ tự viết cho tôi cái kết câu chuyện nhà Una riêng, và bạn cũng vậy nhé?!

 

 

NDLP

Tình bạn được hiểu thế nào cho đúng?

*Photo: Jakerome

 

Hầu như ai trong đời cũng có được một người bạn thân đúng nghĩa, và để tìm được một người như vậy thì không hề đơn giản như tôi vẫn tưởng khi tôi còn bé, và dù đã trải qua không ít thăng trầm của cuộc sống khi mà sự già nua vẫn chưa nhuốm đầy trên gương mặt 23 tuổi này, tôi vẫn còn là con bé con của ba mẹ, một đứa trẻ chưa bao giờ lớn của không ít người chưa “thân”.

Tôi đã từng được đọc một câu danh ngôn:

“Trong sự cô đơn, trong đau ốm, trong bối rối – nhận thức về tình bạn khiến ta có thể bước tiếp, thậm chí ngay cả khi bạn ta bất lực không thể giúp ta. Họ ở đó là đủ rồi. Tình bạn không phai nhạt bởi không gian hay thời gian, bởi sự giam cầm của chiến tranh, bởi khổ đau hay sự im lặng. Chính trong những thứ đó mà nó bắt rễ sâu nhất. Chính từ những thứ đó mà nó nở hoa.

In loneliness, in sickness, in confusion-the mere knowledge of friendship makes it possible to endure, even if the friend is powerless to help. It is enough that they exist. Friendship is not diminished by distance or time, by imprisonment or war, by suffering or silence. It is in these things that it roots most deeply. It is from these things that it flowers.”

– Pam Brown

Dĩ nhiên đến giờ này tôi đã có những người bạn tuyệt vời như thế, một cô bạn có thể thức cả đêm để chăm khi tôi ốm đau, một cô bạn có thể đi chạy vạy khắp nơi lúc tôi túng quẫn và cả những đứa bạn từ thuở bé đến nay khi chỉ cần tôi thốt ra “mở bài” thì tụi nó đã có thể đi đến “thân bài” và cả “kết luận” dùm tôi rồi. Kể cũng lạ Thượng Đế đã mang những con người dễ thương đó đến bên tôi để những khi tôi mệt mỏi chỉ cần ở bên cạnh chúng nó thì thấy mình lại nở nụ cười như một bông hoa héo úa trong những ngày nắng được trời thương cho một trận mưa rào ướt mi vậy.

Vậy thế mà cũng có khi lại gặp những người cũng gọi là “bạn”, cũng có khi ráng thêm chữ “thân” vào nhưng đến lúc hoạn nạn thì trốn biệt tăm, đúng như chữ thân trong câu “thân ai nấy lo”, trách người khác bằng chi tự trách bản thân vì có khi tôi không hết lòng vì họ nên nhận lại sự soi mói, thọc mạch, nụ cười hờ hững bay qua nhựng cuộc vui, con người lạ là ở chỗ những lúc vui vẻ bên nhau thì không nhớ, chỉ cần mình làm sai một việc họ sẽ nhớ cả đời không quên.

Và….

Bạn thân đúng nghĩa đối với tôi:

  • Một đứa dù bạn nghèo, bạn dở, bạn tệ thế nào thì nó luôn bên bạn.
  • Một đứa ngoài miệng nói “xấu” bạn nhưng sau lưng lại kể mọi điều tốt về bạn với người khác.
  • Một đứa mà khi bạn đang mắc nợ tứ phía, nó biết khi nó cho mình vay, không biết đến bao giờ mình trả thì nó vẫn tìm mọi cách để có cho bạn vay.
  • Một đứa mà có thể nói thằng thắn như tát nước vào mặt bạn khi bạn làm sai, khi bạn không hoàn hảo ở điểm nào đó.
  • Một đứa mà chính bạn khi bạn bên nó bạn cảm thấy thoải mái nhất, có thể huyên thuyên hàng giờ tâm sự cùng nó mọi chuyện trên đời không và nó cũng vậy.
  • Một đứa vì bạn, nó có thể ngồi cả đêm kế bên bạn chỉ để nghe bạn khóc mà không hề than phiền bỏ đi.
  • Một đứa.. có hàng ngàn lý do khác không nói nên lời mà khi ta bên nó như ta được là chính ta chứ không ai khác, không một sự giả dối hay ghanh ghét cùng nhau.

Và…

Đâu đó trong cuộc sống bạn sẽ bắt gặp những người bạn không dành cho mình, họ có lối tư duy riêng, cách sống riêng không phù hợp với mình, thay vì ghét họ như họ ghét mình thì bạn hãy cho qua đi vì hãy để dành thời gian đó yêu thương những người quý mến bạn, Àh! mà tôi cũng hay nói ghét đứa này đứa kia lắm… Đôi lúc đó là lời nói nhưng khi quay đi nó sẽ tan như một làn khói thuốc, không còn nhìn thấy gì nữa dù đôi lúc nó còn ám mùi trên cơ thể, ngửi thôi cũng đã đủ khó chịu chứ đừng nói gì đến việc rít một hơi dài.

Trong cuộc sống này không ai hoàn hảo cả, ngay cả chính tôi và cả bạn đều thế. Hãy dành cho mình một khoảng lặng, nếu suy xét hãy nhớ về những khoảnh khắc vui cùng nhau, hoặc là đã cố gắng suy xét vẫn không thể hòa hợp thì đừng nghĩ gì nữa… Cứ ghét như bạn có thể vì lương tâm con người không phải đặt ngay đầu lưỡi, lương tâm là nằm ở trong tim, trong óc, trong tâm can, có Thượng Đế biết, Đức A Di Đà biết, tôi biết và bạn biết…

Nếu có nói xấu một người đã từng là bạn mình điều đó không hay ho gì đâu vì khi bạn nói về họ thì người nghe cũng sẽ đi nói bạn như thế và rồi cái vòng lẫn quẫng, nó cứ xoay tròn như xoáy nước nhấn chìm tất cả những hồi ức đẹp của tình bạn mà tôi và bạn đã vun đắp bấy lâu!

Người ta nói: “Tình bạn cũng giống như tình yêu.” Quả là không sai… vì tôi đang “yêu” những người bạn thân đúng nghĩa theo cách của tôi, và tụi nó cũng thế. Tình bạn trên 10 năm là tình bạn vĩnh cữu và tình bạn 5 năm là vĩnh hằng. Mong đừng ai “yêu” mà “mù quáng”, hãy để tình bạn đó mãi xanh tươi như đồng cỏ thảo nguyên Yili bất tận.

 

 

Nguyễn Diệp Huỳnh Trang

Yêu là phải cưới?

Photo: Spiritual-shanti-deactivated201

 

Nhiều bạn có suy nghĩ “yêu là cưới” thật là táo bạo. Nhưng đâu phải đôi nào yêu nhau cũng đến được với nhau suôn sẻ đâu. Đôi khi không phải vì người thứ ba xuất hiện. Cũng chẳng phải vì “không hợp nhau”. Đơn giản một lý do thôi, rất ngắn gọn và xúc tích: Vì tiền.

Nhưng khoan. Đừng chớ vội hiểu tôi là người ham tiền. Nghe tôi nói đã.

Tôi không khuyên các bạn phải lấy chồng/vợ giàu. Chỉ cần đủ sống và đừng làm khổ nhau!

Lúc các bạn quyết định yêu say đắm một ai đó ở độ tuổi không nên. Các bạn làm đủ thứ, dâng hiến đủ thứ để hai bên gia đình đồng ý cho cưới. Có bao giờ nghĩ tới chuyện sau này sống với nhau mà hai vợ chồng bạn chưa có sự nghiệp, công việc làm bấp bênh, ba chìm bảy nổi chưa?

Lúc yêu nhau, người yêu bạn chiều bạn lắm. Sẵn sàng bỏ tiền của bố mẹ ra để mua cho bạn những gì bạn thích. Nhưng khi hậu cưới thì sao? Tôi chắc chắn rằng sẽ không còn đẹp như lúc yêu đâu (chắc các bạn cũng ước chừng được độ tuổi tôi nói tới ở đây).

Có bao giờ bạn tưởng tượng ra cảnh lũ bạn cùng trang lứa đang nhiệt huyết, vui vẻ theo đuổi ước mơ, tương lai sáng lạng trước mắt. Còn bạn thì lủi thủi bếp núc, chạy ngược chạy xuôi tất tần về gia đình, đồng lương năm cọc ba đồng “được bữa nào hay bữa ấy” chưa? Có bao giờ bạn nghĩ tới cảnh lũ bạn có công danh sự nghiệp đàng hoàng, tự tin đủ cản đảm để bước vào cuộc sống hôn nhân. Còn bạn thì chuẩn bị tâm lý gia đình đổ vỡ vì chuyện kinh tế chưa?

Có bao giừo bạn nghĩ tới cảnh lũ bạn có công danh sự nghiệp đàng hoàng, tự tin đủ can đảm để bước vào cuộc sống hôn nhân. Còn bạn thì chuẩn bị tâm lý gia đình đổ vỡ vì chuyện kinh tế chưa? Có bao giờ bạn nghĩ tới cảnh lôi thôi bế đứa con bồng trên tay khóc oe oe rồi nhìn lũ bạn đang tươi vui hưởng thụ tuổi thanh xuân chưa?

Có lẽ ai cũng biết tới “phát ngôn khủng” của người mẫu Ngọc Trinh: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn.”

Tôi thấy cũng đúng. Có lí đấy chứ. Vợ chồng cãi nhau, hôn nhân gia đình đỗ vở loanh quanh luẩn quẩn cũng chỉ vì chuyện tiền bạc chứ sao. Cữ nghĩ thử mà xem. Một tháng, nào tiền nước, tiền điện, tiền bảo vệ trất tự an ninh, tiền ăn… Có bao nhiều hóa đơn cần thanh toán. Mà với đồng lương ” độ tuổi không nên” của bạn thì có đủ không? Hay đóng xong thì gia đình bạn lại phải nhin ăn một, hai bữa. Tôi không hề nói những gì tôi bịa đặt ra. Đây là chuyện tôi tận mắt chứng kiến.

Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Nhưng thẳng ra mà nói thì.. Thân mình còn chưa lo xong tính chi mà lập gia đình

Nếu các bạn nói là yêu và cưới không quan trọng chuyện tiền nong thì tôi khẳng định rằng các bạn đã nhầm hoặc đang nói dối để bao biện cho mối tình nhạt nhẽo chưa chín chắn này. Tại sao tôi nói thế à? Thì hai bạn cứ thử tay trắng, không sự nghiệp cưới nhau đi thì biết. Chắc sẽ phải trùng tới 98% những gì tôi nói ở trên.

Vậy nên. Khi chưa đủ chín chắn, chưa gây dựng được tương lai thì đừng nên “chen chúc” vào cuộc sống hôn nhân làm gì, làm khổ nhau. Khi bạn còn trẻ, hãy cứ tươi vui hưởng thụ tuổi thanh xuân đi.

Nhưng này!

Khi bạn đã đủ tuổi. Đủ can đảm tự tin, đủ tất cả mọi thứ. Dám đứng lên hét to cam kết: “Tôi tự tin, tôi sẽ cho gia đình tôi một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc.” thì yêu là cưới đi.

Còn chần chừ gì nữa!

 

 

Lâm Phương Nhi

Bàn Về Cải Cách – Phần 3

Ảnh: Trí Tín

   Vấn đề thứ hai: Lực lượng công nhân (2)

Nền giáo dục nước ta đang bộc lộ khá nhiều bất cập, từ những vị chỉ huy lèo lái không có la bàn, đến những người công nhân chỉ cốt trục lợi cho bản thân mà mặc kệ hiệu quả công việc, và bây giờ, lại một vấn đề nan giải khác của Giáo dục, đó là chế độ đãi ngộ với nhà giáo – những người thầy của chúng ta.

Khác với những người kia, họ làm việc bằng một thái độ hoàn toàn khác. Những người làm nghề giáo vì “cái tâm”. Đối với kẻ có tâm, ấy không phải là công việc, ấy là một phần cuộc sống. Và giáo dục chúng ta thì không thể trông đợi gì ở đám vô tâm kia nữa rồi, chỉ còn lại số ít này, theo tôi, là xứng đáng với nghề, là còn có thể cậy nhờ trùng tu nền giáo dục. Đáng tiếc, chúng ta lại mù quáng quên mất điều đó. Do vậy, trong bài viết này, tôi lại phải nhắc về câu chuyện quen thuộc của ngành giáo dục bao lâu nay. Sự bất công “đáng trách” mà những người có tâm phải đương đầu.

Khó khăn thứ nhất: Thiếu sự ủng hộ từ gia đình, người thân

Ai cũng nói “dạy học” là một nghề cao quý, thế nhưng, có nhiều vị phụ huynh biết được con mình thi trường sư phạm đã lập tức làm ầm lên, cực lực phản đối. Thực tế đó đã mở ra viễn cảnh phũ phàng cho các bạn nuôi mộng gõ đầu trẻ, và cũng cho tất cả những ai hy vọng về một thế hệ người thầy tận tâm. Chưa kể có những ông bố bà mẹ, khi các bạn đã vào nghề, thậm chí còn đang đi học, thay vì bảo ban đạo làm thầy lại hướng họ vào tiền bạc, chức vụ,..

Hay cực đoan hơn, coi con là chân trong để sau này nhờ vả. Thực sự, tác động tiêu cực từ gia đình đã khiến bao “thầy cô tương lai” chết mòn ngay từ trong trứng nước. Tại sao lại vùi dập sư phạm, trong khi chính họ cũng có ngày hôm nay nhờ sư phạm? Tại sao lại lợi dụng kiếm chắc, để rồi lợi ích nhóm nuốt chửng lợi ích cộng đồng?

Một nghề cao quý nhưng nay đã bị chèn ép thành tầm thường.

Khó khăn thứ hai: Học sinh, phụ huynh thiếu tôn trọng

Đứng lớp, họ phải đối diện với những rắc rối đáng sợ – cơn thịnh nộ “học sinh”. Học sinh Việt Nam ngày nay dường như chẳng còn biết đến sự tôn trọng tối thiểu với người đối diện. Nếu cần, thậm chí các bạn sẵn sang mang cái “tôi vĩ đại” ra để mà làm mình làm mẩy, để đối chọi lại. Bất kì ai, đứng trên bục, đều không thể chịu đựng được cái thái độ đầy thách thức dưới kia. Các em trở thành ông chủ của các thầy cô vậy, thích thì “bật”, thích thì vứt cho cái nhìn “thích làm gì thì làm”, thích thì “tao đéo cần” rồi ra khỏi lớp..

Tất nhiên, để có cái nhìn khách quan ta cần phải xem xét cả hai phía, nhưng thực sự với cách cư xử “tức nước vỡ bờ” thiếu suy nghĩ này, trường hợp để có lí do ủng hộ là rất rất ít. Một sự xúc phạm nghiêm trọng với truyền thống, lịch sử, văn hóa nước ta. Một sự rẻ rúng thương hại, bố thí cho người thầy từng chút tôn trọng. Hậu quả là đương nhiên, chẳng còn ai lại đi học hỏi người mà mình căm ghét, coi thường.

“Sai lầm của kẻ đi học là không biết chọn thầy, sai lầm của người làm thầy là dạy nhầm kẻ không muốn học” – Ambitious Man

Họ bị học sinh khinh nhờn. Họ bị phụ huynh “đánh ghen ngược”!!!

Trong suy nghĩ nhiều bậc phụ huynh, giáo viên thực chẳng là gì. Nhiều người thấy họ dạy dỗ con mình không được như ý muốn là lập tức đổ lỗi và chỉ trích các thầy cô. Thật lạ một điều, ai cũng nhờ các thầy cô dạy bảo con mình nên người, nhưng kết quả chung mang lại thì phải giống với ý họ, thay vì hợp tác, việc này lại giống với hợp đồng hơn. Phụ huynh là ông chủ, sai bảo nhân viên của mình phải đào tạo ra những sản phẩm như này, như kia, để hàng tháng phát lương cho họ. Và nếu sản phẩm không đạt tiêu chí, chắc hẳn giáo viên sẽ bị quở phạt. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay và vẫn chưa có điểm dừng, khi mối quan hệ giữa giáo viên – phụ huynh trở nên mất cân bằng, chất lượng giáo dục đã bị ảnh hưởng rõ rệt.

Đó là thái độ kẻ mang ơn được dạy dỗ và nhờ dạy dỗ?

Khó khăn thứ ba: Dư luận viên – những kẻ phán xét

Hãy thử hồi tưởng lại mà xem, vốn là một nước có văn hóa trọng học vấn, từ xưa đến nay, chưa bao giờ vị trí người thầy lại bị hạ thấp đến thế. Xã hội luôn sẵn sàng công kích các thầy cô bằng đủ mọi ngôn từ, sự châm chích ấy quá đỗi “công hiệu”, đủ sức thổi phăng mọi nỗ lực bám trụ với nghề của bất kì ai. Các nhà giáo phải chịu những điều tiếng không hay từ chính những người mình đã dạy dỗ từ khắp mọi nơi, ở đường, trên bục..

Thậm chí ngay cả trên mạng, đám học trò cũng không buông tha. Nực cười! Cứ hô hào cải cách giáo dục rất kêu, rất mạnh nhưng tôi thấy ngay từ cái thái độ với giáo dục, đầu tiên là với thầy cô đã chẳng có gì cải thiện rồi. Giáo dục đi xuống, xã hội cũng ngoảnh mặt luôn với các thầy cô, trong khi đấy đâu phải do mỗi họ gây ra? Cái sự chịu đựng của người trong nghề, sự ngám ngẩm của người sắp vào nghề, cứ như ngày một to ra. Đối xử giáo viên thế mà cũng đòi cải cách giáo dục tiến bộ.

Tôi cho rằng không thể. Giáo dục không thể không dựa vào những người đó, nhưng ta lại “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, vậy nó đi lên kiểu gì? Như tôi đã nói, không ai đi dạy mà lại chịu được học sinh xấc láo, phụ huynh coi thường, và cái búa rìu dư luận cứ chực chờ để ai thò ra vụ gì là “chặt chém”. Chừng nào còn “bóc lột giáo viên”, chừng đó còn “nghèo tâm huyết”. Lực lượng “công nhân giáo dục” mà đã “nghèo tâm huyết” thì khó mà cải cách được, đừng nói tới “cách mạng giáo dục”. Ấy là cách nhìn của tôi về sự hà khắc với thầy cô vậy.

Ở một nơi mà người ta không cho rèn người bằng đe búa, nghệ nhân nào có thể tạo ra được những hiền tài sắc bén?

Khó khăn thứ tư: Những áp lực của “sếp”

Điểm qua, ta có thể thấy các giáo viên Việt Nam “được trọng đãi” như nào, từ gia đình, học sinh, phụ huynh cho tới toàn xã hội,… Chưa dừng lại ở đó, ngay cả cấp trên của họ cũng không “nhẹ nhàng” chút nào. Bộ giáo dục, hay tôi còn gọi là “Hội kiến trúc sư giáo dục”, gồm những con người định hướng, lèo lái cả ngành nhưng lại giao “bài tập về nhà” cho các công nhân của họ một cách phi khoa học, phản giáo dục.

Ai cũng biết cái đích của giáo dục con người là đào tạo ra nhiều “người”, nhưng ở Việt Nam ta, giáo dục lại không đi theo cái đích đặt ra ấy. Hệ quả gây ra đối với các thầy cô là những áp lực đè xuống đôi vai họ. Thực sự, “bài tập” này là quá sức! Vì chạy đua chỉ tiêu đề ra, họ dạy trên lớp cốt mong đủ chương trình, thậm chí “vắt chân lên cổ” mà chạy.

Chẳng có gì khó hiểu khi học sinh của ta lạ lẫm với câu hỏi: “Tại sao?” Khi mà mọi thứ trôi qua quá nhanh, đọc đủ – chép đủ, giảng đủ – nghe đủ đã là cố gắng lắm rồi, nói gì đến giải đáp thắc mắc học sinh. Đã vậy, năm nào cũng được giao kha khá thành tích “phải” đạt được, nếu không sẽ bị phạt, các thầy cô còn biết làm thế nào nữa. Phải bày cách làm, ôn tủ, “luyện công”… Bằng bất cứ giá nào, kể cả lách luật dạy thêm ngoài giờ, cũng phải cố mà nhồi nhét vào đầu học sinh đống đề thi, khi thi còn có cái mà chép. Điểm số, giấy khen, bằng cấp. Vâng, chỉ bằng mấy thứ vớ vẩn ấy mà họ có thể khuất phục được một đứa trẻ háo hức tìm hiểu thế giới, làm chúng không còn biết tò mò nghĩa là gì.

“Giáo dục” có còn là “giáo dục”? Áp lực khủng khiếp từ trên dồn xuống còn khiến quỹ thời gian của giáo viên eo hẹp dần, nếu dạy học là một nghề, vậy khi những người công nhân khác nghỉ ngơi, khi bác nông dân bật TV xem thời sự, ông giám đốc đọc báo,.. Thì giáo viên, lại phải căng đầu ra mà lo nghĩ cho công việc ngày mai, ngày kia, ngày kìa.

Ông chủ bóc lột. Xã hội làm ngơ.

Khó khăn thứ năm: Cơm, áo, gạo, tiền…

Thiệt thòi đủ đường là thế, giáo viên còn không có cái quyền cơ bản của một công nhân cống hiến cho xã hội. Ấy là quyền được tăng lương. Nghe sao mà chua xót. Vì cái nghề dạy học là nghề cao quý, nên giáo viên cũng phải cao quý cực kì, thậm chí, là thánh nhân. Những thứ vật chất tầm thường quá là bẩn thỉu với họ, chúng ta có quyền để mặc họ với vài đồng bạc rách. Cũng chẳng sao? Chính sách đã thế, giáo viên còn biết sao nữa, ngoài cách bán rẻ tài năng của họ ra thị trường “chợ đen”.

Lớp học thêm, lò ôn luyện. Bởi thế, áp lực đi học của học sinh cũng tăng dần theo cái áp lực đi dạy của thầy cô.  Tạo nên vòng luẩn quẩn cho toàn ngành. Tiền hàng tháng đã còi cọc, ngay cả tiền thưởng cũng chẳng khá hơn, nhiều giáo viên vùng cao còn chẳng biết “thưởng” là gì. “Lương giáo viên” – sự bất công cuối cùng mà tôi muốn viết. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để, thì e càng cải cách, giáo dục chỉ càng loanh quanh.

Một công trình muốn đạt tới đẳng cấp thế giới, nhất thiết phải trông mong ở kẻ làm công. Thế nhưng, xây cái cột trụ giáo dục ở nước ta lại không như thế, giữa người tâm huyết với kẻ thờ ơ ranh giới cứ mờ dần, người ta không còn biết ai xứng làm “thầy” mình nữa rồi. Cao quý cũng trở nên tầm thường và ngược lại, vậy còn ai muốn dốc lòng cho sự nghiệp khi mà bản thân lại cứ bị đánh đồng, bị đối xử như kẻ có tội?

Trong bốn lực lượng góp mặt vào hệ thống giáo dục Việt Nam, tôi đã nói đến Bộ Giáo Dục – những kiến trúc sư, giáo viên (có cả xứng đáng lẫn không xứng đáng) – công nhân giáo dục, bài viết tới tôi sẽ nói về các vị phụ huynh của chúng ta, với danh xưng tương ứng vị trí của họ trong hệ thống. Đặc biệt, nếu với các kĩ sư vẽ ra bản thiết kế sai, định hướng sai, công nhân người không xứng thì làm việc hỡ hững, kẻ xứng đáng lại bị rẻ rúng coi thường, thì với các vị phụ huynh, vấn đề của họ liệu sẽ ở đâu?

Ambitious Man

Các bài viết cùng chuyên mục:

Bàn Về Cải Cách – Phần 1

Bàn Về Cải Cách – Phần 2

Hướng dẫn sử dụng mạng Internet

*Tranh: Ala Rustom

 

(Bài viết không dành cho những người muốn tìm hiểu cách lắp đặt cũng như nối dây mạng như thế nào.)

Trừ những đối tượng “đặc biệt”, chắc hẳn ai cũng có một trong những tài khoản sau: gmail, yahoo, myspace, itunes, facebook, twitter, wordpress, blogspot… Hoặc đơn giản, cũng lên mạng đọc Dân trí, Vnexpress hay lang thang Kênh14, Zing cùng hàng trăm trang báo mạng khác. Mọi người dù ít dù nhiều đều có chút ràng buộc với cái gọi là “thế giới ảo”. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng và tận dụng triệt để những lợi ích nó mang lại. Dưới đây là một vài hướng dẫn sử dụng cơ bản trước khi bước vào “thế giới ảo”.

Không phải là nô lệ

Facebook đang là mạng xã hội được ưa chuộng nhất hiện nay. Thật là lãng phí nếu không lấy nó làm ví dụ cho mục này. Bất kì ai có tài khoản Facebook hoặc kể cả người không dùng Facebook đều đã từng nghe đến bệnh “nghiện” Facebook. Triệu chứng điển hình này là dành quá nhiều thời gian và sự quan tâm cho nó. Bất cứ sự việc nào dù là to hay nhỏ cũng được đưa lên Facebook. Có những người cập nhật trạng thái Facebook liên tục, đăng ảnh tự sướng, ăn uống chơi bời trác táng, xa xỉ… Đây là trang cá nhân của bạn, sẽ chẳng ai cấm bạn làm điều đó, nhưng thực sự không ai có thời gian để ý cứ mỗi 3 phút bạn sẽ đi đâu, làm gì. Nó vô cùng gây ức chế cho những người trong friendlist của bạn.

Và hành động thường xuyên thì sẽ trở thành thói quen, rất khó bỏ. Cũng giống như người nghiện thuốc lá nặng, một ngày không làm mấy điếu thì sẽ bứt rứt không yên. Là nô lệ của Facebook mà một ngày không đăng vài cái trạng thái cùng với ảnh thì sẽ không chịu được. Đã nghiện rồi thì khó cai và cả ngày bạn sẽ chẳng làm được việc gì ra hồn ngoài việc lên Facebook than thở và chém gió vớ vẩn. Facebook còn làm con quỷ ganh tị lớn dần trong bạn.

Trong khi bạn ngồi một chỗ, online Facebook thì mọi người ra ngoài làm việc. Rồi cũng chính nhờ Facebook, bạn thấy họ thành công khi giành được học bổng đi nước ngoài, những hoạt động ngoại khóa hoành tráng, những chuyến du lịch đáng ngưỡng mộ. Đương nhiên bạn thấy khó chịu, chán ghét thành công của người khác. Rồi bạn lại quay sang trách mình thật kém cỏi, đem mình ra so sánh với họ, sao họ làm được mà mình vẫn dậm chân tại chỗ? Đó chính là nguyên nhân khiến bạn lúc nào cũng thấy buồn và thất vọng về bản thân. Bạn đổ lỗi cho tất cả. Và bạn lại chỉ biết ngồi đó, than thở và đăng trạng thái: “Mình thật bất hạnh” hay “Đáng lẽ mình cũng được như thế”. Bạn rơi vào vòng luẩn quẩn chẳng thể thoát ra được.

Đừng u mê

Đọc báo trên mạng hiện nay đã nhanh và tiện hơn rất nhiều so với đọc báo giấy. Các báo bủa vây lấy người đọc bằng hàng trăm tin mới mỗi ngày. Có thể nói, hiện nay người ta không còn “mù” thông tin nữa mà đang “chết đuối” giữa một biển thông tin. Giá vàng, tin tức về phim ảnh, ca sĩ này, diễn viên nọ…thậm chí giá bắp cải, su hào cũng được tung lên mạng. Đọc báo thì tốt nhưng tiếp thu tin tức một cách thụ động và mù quáng thì thật tai hại.

Có nhiều bạn nữ muốn giảm cân, tin vào những cách tràn lan trên mạng. Họ thử làm và không những phản tác dụng, còn mang bệnh vào người. Rồi chuyện cô ca sĩ A được bạn trai tặng siêu xe trong dịp sinh nhật. Hôm trước báo ca ngợi cặp đôi tình cảm nồng nàn. Ngày hôm sau báo đưa tin đó là xe đi mượn rồi chê bai cặp đôi đóng kịch lừa người đọc. Đấy, cứ tin rồi chạy theo báo thì chẳng biết đâu là đúng đâu là sai. Hãy nhớ, không phải tất cả những gì báo đưa đều là sự thật và đáng tin.

Thêm vào đó, là hiện tượng các bạn trẻ thích xem phim AV của Nhật. Đó là nhu cầu sinh lý không ai có thể phủ nhận và ở Nhật thì đây còn là một nét văn hóa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ở Nhật người ta coi đó là một nền công nghiệp, họ tôn trọng và phân biệt được đâu giữa phim người lớn và mại dâm. Vì thế, AV ở Nhật là một thứ rất mình thường.

Còn khi được nhập khẩu về Việt Nam thì sao? Dám chắc không ít bạn nữ cũng như các bậc phụ huynh sẽ nghĩ đó là thứ bậy bạ, đồi trụy và ghê tởm….Vì sao ư? Vì rất nhiều bạn trẻ đã bị nghiện loại phim này cũng như các game 18+ và đã có không ít những vụ cưỡng hiếp, giết người cướp của xảy ra chỉ bởi nghiện sex. Đôi khi cách tiếp cận thông tin sai trái, mù quáng lại dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng mà tưởng chừng chẳng hề liên quan đến nhau.

Có văn hóa

Mạng Internet là nơi mọi người có thể kết nối và tự do ngôn luận, bộc lộ cá tính của mình. Nếu bạn không có những phát ngôn mang tính phản động, chống đối chính quyền một cách công khai thì bạn chẳng ai đưa bạn ra tòa vì những gì bạn nói trên mạng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bạn trẻ có những lời lẽ thô lỗ, văng tục chửi bậy trên các diễn đàn cũng như các trang mạng, mà theo tôi gọi thì là loại vô văn hóa. Vô văn hóa chứ không phải vô giáo dục nhé! Bạn tốt nghiệp cấp 3 rồi học đại học danh tiếng nhưng nó không phản ảnh mức độ “có văn hóa” của bạn.

Rồi có người còn tung những bức ảnh, clip phản cảm nhằm gây sự chú ý của cộng đồng – một chiêu thức PR thật rẻ tiền và đáng khinh. Xin lỗi, bạn đang làm ô nhiễm cộng đồng mạng, cho dù nguyên nhân sâu xa là bạn không được dạy dỗ tử tế. Không lí do nào có thể ngụy biện cho hành động này. Không chỉ vậy, có người ở trên mạng phát ngôn rất hùng hồn, rất hay nhưng ngoài đời thực thì lại chẳng làm được gì tử tế, mà các bạn trẻ gọi là “anh hùng bàn phím” hay bị “ảo tưởng sức mạnh”. Những người dùng có văn hóa, họ tôn trọng tác giả cũng như độc giả. Một câu chê cũng khiến đôi bên thỏa mãn chứ không làm người ta khó chịu. Hãy cư xử sao để người khác tôn trọng mình. Không có giáo dục thì còn có thể đào tạo được chứ không có văn hóa thì khó cải tạo lắm!

Hãy là người dùng thông minh. Rất rất nhiều người coi mạng internet là một công cụ hỗ trợ đắc lực và cũng coi nó như một phần trong đời thực của mình. Bạn biết không: Các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. Các chính trị gia dùng mạng xã hội để đến gần hơn với người dân. Ví dụ như năm 2008, tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất thành công khi ông khéo léo kết hợp Facebook, Twitter và Youtube để vận động tranh cử.

Dù là thế giới ảo nhưng hãy xây dựng một hình ảnh thật về mình. Có hàng triệu người đang học tập, lao động hàng ngày, họ dám đánh đổi mọi thứ để được là chính mình, làm điều mình thích thì tại sao bạn lại phải đóng vai một người khác trên mạng? Một cái profile hoành tráng trên trang cá nhân chỉ gây được chút ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng (thậm chí họ còn chẳng quan tâm bạn làm gì trên mạng!) Nhưng khi bước ra ngoài đời thực, không có năng lực thực sự thì bạn chỉ là một kẻ dối trá. Có hàng trăm hàng nghìn người đang được thỏa mãn đam mê và kiếm tiền nhờ internet. Suy cho cùng, việc gì cũng có hai mặt của nó, mạng internet là con dao hai lưỡi, nếu biết cách cầm, bạn sẽ không bị đứt tay.

“Internet: Absolute communication, absolute isolation.” – Paul Carvel

 

 Anh Nguyễn LP

Ngày còn rất trẻ

Photo: BlackJack0919

 

Ngày còn rất trẻ, tôi từng ao ước thay đổi cả thế giới, cũng ao ước vì chính mình mà thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Tôi từng tin tưởng tột cùng rằng: “If you want to change the world, you must change yourself first.” Chỉ cần bản thân tôi tốt đẹp lên, và những làn sóng nhỏ lan dần lan dần, biết đâu một ngày nào đó, cả thế giới sẽ vì tôi mà tốt đẹp, vì tôi mà rực rỡ cùng sáng lạng.

Ngày còn rất trẻ, tôi từng nghĩ cứ cho đi rồi sẽ nhận lại thật nhiều. Tôi ngu ngốc tâm tâm niệm niệm một điều:

“Let no one ever come to you without leaving better and happier. Be the living expression of kindness: Kindness in your face, kindness in your eyes, kindness in your smile.” – Mother Teresa

Cứ cười, cứ cho đi, rồi sẽ nhận lại thật nhiều. Cuộc sống này vốn dĩ rất công bằng

Ngày còn rất trẻ, tôi luôn tin rằng, chỉ cần tôi muốn, chỉ cần tôi thích, và chỉ cần tôi đủ cố gắng và nỗ lực thì nhất định một ngày nào đó, tôi sẽ đạt được giấc mơ của chính mình và cũng sẽ chinh phục đỉnh cao của danh vọng.

Ngày còn rất trẻ, tôi lên kế hoạch tới năm 80 tuổi, và cũng tính toán chết năm 80 tuổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ốm đau bệnh tật, cũng chưa bao giờ mình sẽ vì ai đó, hay điều gì đó mà thay đổi tất cả.

Ngày hôm nay, khi không còn rất trẻ, tôi chẳng ao ước xa xôi thay đổi thế giới, tôi chỉ ước ao mình có thể góp ích cho xã hội, cho đất nước này.

Ngày hôm nay, khi không còn rất trẻ, tôi chẳng còn nghĩ rằng cho đi thật nhiều sẽ nhận lại thật nhiều nữa. Những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” đã vẽ vời cho tôi một thế giới quá tốt đẹp, những cuốn sách như “You can do it” hay “Thay thái độ, đổi cuộc đời” đã khiến chính tôi tự huyễn hoặc mình, cũng khiến tôi ảo tưởng về sức mạnh, khả năng của chính mình.

Ngày hôm nay, khi không còn rất trẻ, tôi nhận ra rằng không phải cứ muốn, rồi sẽ có; không phải cứ yêu thích, rồi sẽ cùng nhau đi tới răng long bạc đầu; càng không phải cứ cố gắng rồi sẽ đạt được. Không phải như vậy. Thích, muốn hay hứng thú, đều có thể thử. Nhưng thử một lần, hãy cố lần hai. Thứ lần hai không được, hãy cố lần ba. Thử lần ba không được thì buông tay đi thôi. Đúng là ABC thì còn có khoảng 29 chữ cái nhưng mà những con số thì luôn là vô tận. Bạn nghĩ rằng hãy cố hãy cố rồi có ngày sẽ có được? Điên. Hãy dừng khi thấy mình nên dừng lại. Điên như vậy là đủ rồi. Bạn cần hiểu rằng đối với vài sự việc, đối với vài chuyện, không phải cứ muốn là sẽ có được, cũng không phải cứ cố gắng rồi sẽ có ngày thành công.

Ngày còn rất trẻ, nghe sao mà xa xôi tới lạ. Nhưng thật ra, những ngày còn rất trẻ ấy chỉ là những tháng năm mới vào đại học, những tháng năm chạy hùng hục từ đầu này Hà Nội tới đầu kia Hà Nội chỉ để dạy tiếng Anh tình nguyện khoảng 2 tiếng rồi lại hùng hục chạy về đầu kia đi học, đi làm. Những năm tháng cho đi không ngần ngại, cũng là những năm tháng cười đến hạnh phúc và vui vẻ.

Nhiều lúc bạn tôi hỏi: “Mày của ngày xưa đâu rồi?” Tôi cũng câm nín mà không biết trả lời sao cho phải. Có lẽ tôi của ngày xưa đã bị những thăng trầm trong cuộc sống, những mất mát trong tình cảm, những sự tàn nhẫn cùng nham hiểm của cuộc đời náy vùi dập, và xé nát tươm. Tôi bây giờ, chỉ còn biết thu mình nhỏ lại, nhìn ngắm thế giới từ phía xa xa, và tôi cũng chẳng còn muốn cho đi thật nhiều, bởi tôi sợ, cho đi hết rồi, thì tôi còn lại gì mà nương náu, còn lại gì để níu giữ.

Dần dần, thả mình theo dòng trôi của cuộc đời, tâm hồn dần rách nát, mà bản thân cũng chẳng còn muốn nỗ lực hay cố gắng chắp vá tâm hồn.

Dần dần, chạy theo nhịp sống chốn phồn hoa đô thị, tôi đánh rơi chính đam mê, ham muốn, và có khi cả bản ngã của chính mình.

Dần dần, chạy theo người khác, tôi không dám nhìn lại cuộc đời của chính mình, cũng không dám nhìn lại những tháng ngày đã đi qua.

Dần dần, mải chạy theo kẻ khác, tôi sợ hãi khi người ta hỏi tôi “Sau này, tôi muốn ra sao?”. Tôi sợ vô cùng sợ hãi khi ngắm nghía tương lai của kẻ khác, rồi lại so đo với con đường của chính mình. Hoang mang cùng hoảng hốt. Đường mình đi sao mù mờ tăm tối đến như vậy?

Ngày còn rất trẻ so với ngày không còn rất trẻ là một đoạn kí ức đẹp vì lúc đó, bản thân dám vì một điều gì đó, một việc gì đó, một thứ gì đó và vì một ai đó mà điên cuồng.

Ngày còn rất trẻ, đúng là rất đẹp nhưng nếu cân đo đong đếm, thì những ngày còn rất trẻ cũng chỉ là một phần của đời người, ai cũng sẽ đi qua những ngày tháng như vậy, nhưng chỉ là khi nào, ở đâu và cách người ta hưởng thụ nó ra làm sao mà thôi. Đúng là tiếc nuối khi không còn trẻ, cũng vô cùng tiếc nuối đi bỏ lại một phần con người mình ở lại những năm tháng ấy. Nhưng tiếc nuối vẫn chỉ là tiếc nuối, quan trọng là ngày mai, ngày sau nữa, sẽ sống ra sao để sau này nhìn lại, sẽ mỉm cười như bây giờ chính mình mỉm cười khi nhìn lại những tháng năm còn rất trẻ.

 

 

Như Nhiên

10 Nguyên Tắc Để Trở Thành Quý Ông Thời Hiện Đại

*Photo: Maria Gvedashvili Photography

 

Hãy lịch thiệp

Nếu bạn là đàn ông, khi đi đón người phụ nữ của mình thì bạn hãy là một người lịch sự, kiên nhẫn và bình tĩnh. Thứ nhất, phụ nữ có những thói quen và sở thích khác biệt với đàn ông. Cũng như chúng ta thích xem bóng đá, trong khi đó phụ nữ thích đi shopping vậy. Họ có thể làm mọi thứ lâu hơn, chậm hơn so với bình thường. Ví dụ như họ muốn trang điểm thật đẹp, mặc một bộ đồ thật hợp để đi dự tiệc cùng bạn.

Cũng giống như ta chọn một cuốn sách thì phải xem rất kỹ, phụ nữ chọn đồ cũng vậy. Bạn nên nhớ rằng, hãy đối xử với người phụ nữ như là một tâm hồn để được yêu hơn là xem họ như món hàng hóa, hay là thứ đồ trang sức mà bạn chiếm đoạt hay chinh phục để giành cho riêng mình.

Hãy mở cửa cho phụ nữ

Khi bạn cùng bạn gái hay bà xã vào uống cà phê ở một tiệm hay một quán ăn nào đó thì việc đầu tiên bạn nên làm là mở cửa cho họ bước vào. Và cũng mở luôn cửa cho những người đi sau vào, khi đã vào hết thì bạn mới bước vào trong. Điều này cho thấy rằng bạn đang tôn trọng phụ nữ một cách hết mực và không chỉ có phụ nữ mà đối với những người khác cũng vậy. Hoặc khi ngồi vào bàn ăn thì bạn hãy là người kéo ghế cho người phụ nữ của mình ngồi xuống, như vậy thể hiện sự quan tâm của bạn. Đây là những điều rất nhỏ nhặt và không tốn tí sức nào so với cơ thể lực lưỡng của bạn. Vậy nên hãy làm điều đó, vì nó sẽ mang lại hạnh phúc cho cô ấy và cả chính bạn nữa.

Nếu họ nói không thì là không

Nếu một cô gái nói với bạn rằng, cô ấy không muốn bạn đụng vào người cô ấy, hoặc bạn không nên làm một điều gì đó thì bạn nhất quyết không nên làm. Hãy tôn trọng họ hết mực. Vì khi một cô gái tỏ vẻ tức giận và không muốn ai đụng vào người mình thì lúc đó họ đang ở trong trạng thái muốn được yên hơn là bạn cố gắng làm cho cô ấy khó chịu. Nếu không là không, nên nhớ điều đó.

Hãy mặc đẹp và phù hợp

Nếu bạn đi cùng một cô gái, thì bạn nên mặc một bộ đồ đẹp, chỉnh chu và lịch sự. Chúng ta không cần phải mặc bộ đồ đắt tiền, nhưng những bộ đồ chúng ta mặc phải phù hợp với hoàn cảnh của buổi gặp hoặc chuyến đi chơi. Bạn cũng nên mặc đồ theo sở thích và phong cách thoái mái nhất có thể. Cũng không nên mặc một bộ đồ quá bóng bẩy, nhìn chói lóa vì lúc đó sẽ làm cho cô ấy bị che lấp mất. Hãy cùng người phụ nữ của bạn phối đồ cho phù hợp với phong cách của cả hai. Như thế mọi chuyện có vẻ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Tinh tế trong chuyện nhà bếp

Bạn có thể nấu một bữa ăn đơn giản hoặc có thể trồ tài một món độc chiêu nào đó của bạn để gây ấn tượng với người phụ nữ của mình. Đừng bao giờ tỏ thái độ chống tay vào hông và nhìn người phụ nữ của mình phải làm việc nhà vất vả. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như trông em bé, nhặt rau muống hay làm bất cữ việc nào mà bạn thấy có lợi cho người phụ nữ và gia đình của mình. Cho dù việc đó người ta gọi là “việc của phụ nữ”.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn là đàn ông mà không nhúng tay vào chuyện bếp núc thì thật sự đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đàn ông cũng con người, mà muốn ăn thì hãy lăn vào bếp. Ok?

Hãy học cách kiềm chế và giữ bình tĩnh

Thông thường, một người đàn ông sẽ nóng tính hơn người phụ nữ rất nhiều lần và điều này đã được khoa học chứng minh. Và rằng nếu bạn là đàn ông thì không thể tránh khỏi những lúc giận dữ . Hãy thật bình tĩnh và hít thật sâu. Thứ nhất, mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân và bạn phải tìm ra nguyên nhân của nó. Thứ hai, bạn nên biết rằng nóng giận sẽ mất khôn và ra quyết định khi nóng giận thì lúc đó không phải bạn ra quyết định nữa mà chính là sự nóng giận trong bạn ra quyết định. Hãy ngồi xuống, bình tĩnh, uống nước thật nhiều rồi sau đó nghe người phụ nữ của bạn giải thích. Đừng nóng giận quá mà dẫn tới hành vi bạo lực hay là dùng lời nói phũ phàng để chia tay. Thật là không tốt tí nào phải không các bạn.

Yêu tất cả mọi thứ thuộc về họ

Đừng bao giờ cho rằng, những sự thay đổi về hình thức bề ngoài như kiểu tóc hay vóc dáng của cô ấy là một điều gì đó tồi tệ. Và bạn cũng đừng tỏ thái độ lên mặt rằng bạn không thích những điều đó. Nếu bạn yêu cô ấy, bạn hãy chấp nhận sự thay đổi đó vì bạn cũng là một người phải thay đổi. Hãy yêu tất cả những gì thuộc về cả tính cách hay vẻ bề ngoài. Vì đơn giản tình yêu là cảm giác được yêu, chứ nhiều khi không phải những thứ ta tưởng chừng cái đẹp là yêu. Hãy luôn ủng hộ họ thay đổi những phong cách thật phù hợp và cùng nhau tư vấn về cách làm sao để họ thật đẹp nhất trong mắt bạn.

Đừng khoác lác về bất cứ thứ gì

Đừng có kể với cô gái của bạn về những thứ mà bạn không có hay bạn không sở hữu. Đừng có khoác lác về những khoản tiền mà bạn không có hay chiếc xe mà bạn sở hữu. Hãy tìm cách chứng minh rằng, bạn sẽ là một điểm tựa, một người có thể làm việc chăm chỉ để kiếm được những khoản tiền và những chiếc xe sang trọng thay vì bạn cứ nghĩ rằng mình chém gió thì người yêu mình sẽ thích và nghe theo. Phụ nữ họ rất tinh tế, dù biết là bạn chém gió nhưng họ sẽ không nói ra đâu. Hãy thật sự cẩn thận, đừng bao giờ kể lể hay khoác lác về bất cứ thứ gì mà bạn không có.

Đừng cố gắng trở thành một người mà mình không hề muốn

Dù bạn béo hay gầy, cao hay thấp thì đó điều thuộc về nét riêng vốn có của bạn. Vậy nên bạn cũng đừng cố gắng trở thành một người mà mình không hề muốn ví dụ như việc bạn tập thể hình quá sức để cố gắng có một body 6 múi nhưng thực sự bạn không thật sự muốn điều đó mà chỉ là mong mình đẹp trong mắt bạn gái bạn hơn. Đừng nên như vậy, hãy để mọi thứ tự nhiên như vốn có về bản chất của bạn. Hãy làm khi bạn thật sự thích. Đừng cố gắng sử dụng một số chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để thể hiện rằng mình là một người đàn ông thật sự. Bạn sai lầm rồi, người đàn ông thật sự là người có thể gánh vác và che chở cho người phụ nữ của mình chứ không phải những thứ đó. Ok?

Hãy là một người đàn ông đúng nghĩa

Nếu bạn thích một cô gái hãy sẵn sàng nói rằng: “Anh yêu em”. Dù rằng câu trả lời sẽ khó đoán nhưng nếu bạn không nói thì câu trả lời sẽ là không. Nếu yêu thì hãy dám nói lên nhé! Thứ hai, khi gặp chuyện bất bình hay điều gì đó có thể tổn thương người phụ nữ của mình thì hãy đứng lên và bảo vệ họ. Lúc đó chính là lúc bản lĩnh đàn ông của bạn được thể hiện.

Và điều cuối cùng, hãy là một người đàn ông chân thành, tốt bụng, lương thiện và cư xử một cách hòa nhã.

“Mọi giá trị trên cuộc đời này sẽ là vô nghĩa, nếu thiếu vắng đi hình bóng của người phụ nữ.” – Khuyết danh

 

Phiên bản việt tác giả: Nguyễn Quang Nam

(The 20 Rules Of Being A Modern Gentleman – Writer: Kate Balley)

Chuyển dịch: Hà Vũ Vũ