19 C
Da Lat
Chủ Nhật, 27 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 252

Đứa trẻ bên trong mỗi người không bao giờ chết

 *Featured Image: Jim Pennucci

Tất cả chúng ta đều muốn làm nghệ thuật, chúng ta thích cắm hoa, nấu ăn, vẽ, chơi nhạc, ca hát, làm thơ, viết văn, vân vân. Chúng ta thích trang trí phòng ốc sao cho đẹp, màu mè, trang trí tập vở bằng nhiều loại bút khác nhau, trang trí cơ thể bằng quần áo và trang sức… Chúng ta thể hiện sở thích về nghệ thuật của mình ở khắp nơi và nếu chúng ta làm điều đó chỉ vì ta thích thế, nó làm ta vui thì có khả năng rất cao là đứa trẻ bên trong chúng ta vẫn luôn luôn tồn tại dù cho ta có bao nhiêu tuổi đi nữa.

Tất cả những lời tôi viết không phải hoàn toàn xuất phát từ suy nghĩ của tôi, tôi được nghệ sĩ Young-ha Kim truyền cảm hứng bằng bài diễn thuyết của anh mà tôi xem trên Ted talks. Vì vậy, để bài viết này “coi cho được” đối với tôi thực là khó, nó có phải là ý tưởng của tôi đâu.

Theo anh Young-ha Kim, trẻ con dành tất cả thời gian để chơi đùa với nghệ thuật. Chúng ca hát, kể chuyện, vẽ vời, nhảy múa, đóng kịch, nấu ăn… Và chúng không bao giờ biết mệt, chúng chỉ mệt khi người lớn bắt chúng ăn và đi ngủ thôi. Đến khi lớn hơn một chút, nghệ thuật trở nên nhàm chán khi chúng bị ép buộc phải thi đấu và chiến thắng, tính sáng tạo bị người lớn bóp chết bằng việc phê bình đúng sai, đẹp xấu, hay dở.

Còn đối với những ai thậm chí chẳng còn nhớ nổi vì sao mình đã từ bỏ nghệ thuật thì bị nhồi nhét bởi những quan niệm ghê gớm về nó. Chúng ta nghĩ làm nghệ thuật ắt hẳn phải có năng khiếu thiên bẩm, phải được dạy dỗ đàng hoàng đầy đủ các kĩ năng này nọ, phải được trang bị các loại dụng cụ đặc biệt này kia, tác phẩm nghệ thuật phải có giá trị cốt lõi nhân văn, phải hàm chứa gì gì đó… Hay ghê gớm hơn là chúng ta thường có ý nghĩ rằng người nghệ sĩ, họ phải có “máu điên” hay sao ấy, phải “đi mây về gió” hay sao ấy, phải hâm hâm dở dở một chút hay sao ấy…  Để nổi tiếng, được ghi danh muôn thuở thì những điều đó có thể đúng nhưng để cho cuộc đời vẫn đẹp sao thì chúng ta đã hiểu sai rồi.

Cuộc sống của chúng ta không biết đã trở nên nghiêm túc, căng thẳng từ bao giờ. Chúng ta mệt mỏi vì làm việc chúng ta nghĩ rằng mình thích, nếu thực sự thích thì ta không thấy mệt mỏi đâu. Vấn đề là ta không dám dành một phần trong con người mình để nuôi sống đứa trẻ ở bên trong, không dám dành một phần thời gian để làm điều khiến chúng ta vui. Chúng ta bận rộn, bận rộn và bận rộn rồi tự hào vì chúng ta đang bận rộn lắm không có dư hơi làm việc của trẻ con. Chúng ta vội vã trưởng thành để rồi sợ hãi rằng mình đã già.

Phần lớn chúng ta ở trong diễn đàn này, ngoài viết ra thì còn làm gì khác? Tôi thích vẽ nhưng tôi không có can đảm vẽ vì tôi vẽ xấu kinh khủng. Tôi thích chụp ảnh nhưng điện thoại của tôi từ chối việc đó, thế là tôi chỉ còn mỗi việc viết. Điều này có vẻ đơn giản hơn. Tôi rất hy vọng biên tập viên của web cho phép tác giả được phép đăng những tác phẩm khác của mình như tranh vẽ hay ảnh chụp hoặc các đoạn phim ngắn… Có khi tác giả có hứng viết, cũng có khi tác giả chỉ muốn vẽ, có khi một bức ảnh lại hàm chứa cả ngàn lời nói dông dài miên man.

Chỉ là một chút suy nghĩ, một chút cảm hứng mà thôi.

 

Quyên Quyên

Sau ô cửa tháng 3

 *Featured Image: Any Direct Flight

 

Chiều cười cười với em qua ô cửa sổ hẹp
em muốn đưa tay ra để chạm tháng 3
hương điệp vàng lóng lánh
trang điểm một mùa xa
chiều thầm thì hát khúc ca không trở lại
nắng biếng lười rớt trên tán cây đã khô
chút diệp lục tàn không níu được dư âm xưa
rát gió cười lẫm liệt
vòng tay khát một cơn mưa
chiều ngân nga trên em nỗi nhớ cẩm thạch
màu son môi thường mau lem
khoảnh khắc nào khó níu giữ
ừ, em thèm chút êm đềm
anh đừng sáo mòn ngày tháng cũ
cồn mưa hư hoại vừa lên
đừng xếp cho thẳng thớm những câu từ đã đã lâu rồi héo rũ
để cho em một chiều xông xênh
câu ca mắc lưới ràng ở lại
cải ngồng chưa độ ra hoa
chiều rơi tự do như câu hát
ngàn năm đâu đã xoa nhòa

 

Phương Uy

 

3 cô gái tôi đã yêu

*Featured Image: Biró

Cuộc đời tôi trải qua 3 mối tình, những cô gái tôi yêu đều xinh đẹp, đáng yêu và sâu sắc theo những cách riêng.

Người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời tôi trong giai đoạn hừng hực lửa trẻ, đầy đam mê và cảm xúc. Thời điểm đó tôi có nhiều cô gái để lựa chọn yêu nhưng tôi đặc biệt chú ý đến em vì sự đặc biệt. Em mang những cảm xúc và suy nghĩ sâu lắng trong một thế giới vội vàng và đầy biến động, dù em có phải lao theo nó, nhưng em luôn biết cách dừng lại đúng lúc, cân bằng và bước tiếp.

Em thu hút tôi bằng sự tinh tế trong cách thể hiện cảm xúc, luôn chọn điểm rơi thích hợp để bày tỏ. Chẳng trách ở khoảng đầu tuổi thanh niên chập chững tôi đã quay quắt vì em, và tôi bắt đầu kinh nghiệm thế nào là nỗi nhớ, là sự bồn chồn và tâm trạng như lửa đốt lòng. Tôi đã xem em như một phần quý giá của chính mình, quan tâm em và giới thiệu em cho những bạn bè thân thuộc. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa xem em như một phần không thể thiếu vì tôi vẫn có thể phiêu du đây đó với nhiều thú vui mà không cần em. Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại em để ôn lại những kỷ niệm thì em đã không còn nữa. Nhiều lần tôi liên lạc cố tìm em mà không được, người ta chỉ lạnh lùng thông báo là tôi không thể gặp em nữa.

Người con gái thứ hai hội tụ nhiều yếu tố gần như hoàn hảo, em trưởng thành, chín chắn và sở hữu một ngoại hình lý tưởng. Tình cảm tôi dành cho em không ùa đến bất chợt mà lặng lẽ và lớn dần theo năm tháng. Tôi trân trọng mỗi phút giây gặp em và khao khát được nghe em nói dù thực sự là em không hề dành cho tôi một ưu ái nào vì bên cạnh em đã có một lượng fan hâm mộ đông đảo. Tôi lặng lẽ quan sát họ cũng như vẫn âm thầm dõi theo em. Em quả thật đạt đến mức tuyệt vời để họ phải đắm đuối như vậy. Tôi thì không có được sự say mê mạnh mẽ như vậy, nhưng bền bỉ và dai dẳng, tôi vẫn cố gắng tiếp xúc với em thường xuyên.

Dù thực tế là em rất tự tin về vẻ ngoài xinh đẹp của mình, nhưng tôi lại yêu thích bởi sự chín chắn và già dặn trong suy nghĩ của em hơn. Em chỉ cho tôi biết nhiều điều mà tôi chưa hề nghĩ tới khiến tôi cảm nhận, giữa tôi và em là khoảng cách của cả một thế hệ. Và rồi cuộc sống ai cũng gặp phải những điều không như ý, những lúc như vậy, em chia sẻ cho mọi người và nhận được nhiều lời an ủi. Tôi cũng hết sức để cho em thấy là tôi quan tâm em thế nào.

Đến lượt bản thân mình gặp chuyện, tôi hy vọng tìm nơi em một sự đồng cảm nhưng không tìm thấy. Em xa xôi trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và tôi dần nhận ra: Em tươi trẻ nhưng sự trưởng thành quá sớm đã khiến em già trước tuổi. Dù sở hữu vốn kiến thức và nhiều kinh nghiệm phong phú nhưng em lại dần mệt mỏi với những điều “biết rồi”, em biết cái gì sai và cái gì đúng, nhưng tuổi trẻ lại cần một điều quan trọng hơn việc làm sai hay làm đúng đó là dám làm hay không dám làm.

Tôi máu lửa, tôi thích thử thách, thích sự tương tác mạnh mẽ để có thể chạm đến những ngóc ngách sâu kín của con người mình, đánh thích những giới hạn cảm xúc dào dạt nhất. Nhưng em từ chối tôi, em quá hiểu biết để có thể mạo hiểm, em an toàn nên không muốn phiêu lưu nữa và nhiều lúc, sự “già dặn” như một quy luật áp đặt lên em phải sống như vậy. Không hẳn rời bỏ em nhưng tôi nhận ra rằng, tôi chẳng thể tìm kiếm nơi em điều gì khác hơn là một sự “hiểu biết đầy trưởng thành”.

Người con gái thứ ba, em có tuổi đời nhỏ hơn hai người con gái trước đó và cũng không thể sánh bằng nét tinh tế hay độ trưởng thành của họ, em tự nhận mình phiêu lưu, khó hiểu nhưng tôi lại thấy em hiền hòa và giản dị vô cùng. Cái cách em sống chan hòa với mọi người nói lên bản chất hồn nhiên và vô tư của em. Và điều ấn tượng nhất chính là em luôn thể hiện mình một cách nồng nàn, hoang dại và máu lửa.

Tôi thích thú vì tìm được nơi em sự đồng cảm của những con người trẻ: Chúng ta dấn thân, chúng ta sai lầm, chúng ta phiêu lưu, chúng ta vấp ngã, và chúng ta lại đứng dậy, sau rất nhiều suy nghĩ, để lại tiếp tục hành trình bỏ dở. Cho dù đích đến có là gì, em vẫn sống trọn những giây phút của hiện tại trước mắt. Em khác biệt vì em luôn sáng tạo, ở giữa nhưng cô gái na ná nhau vì copy những hình mẫu lý tưởng hay hùa theo thị hiếu của đám đông những anh chàng vô công rỗi nghề suốt ngày tìm gặp các cô gái để khen chê, bình phẩm.

Em đặc biệt, em chỉ dành cho những người biết ưu tư, biết suy nghĩ, biết rung động và biết kiên nhẫn để nghe hết nhưng tâm tư mà em chia sẻ. Em vẫn đang hành động, vẫn sống động trong cuộc đời chứ không phải chỉ ngồi không nói những chuyện huyễn hoặc. Có lẽ tôi chưa hiểu hết về em nhưng ở em có một điều gì đó đặc biệt khiến tôi phải hành động, và thực sự là tôi đã hành động, để chứng minh cho em biết là tôi thích em đến thế nào và thực sự, tôi muốn cùng em đi hết quãng đời trai trẻ này!

Tên gọi của ba cô gái tôi yêu lần lượt là: chungta.com, gocnhinalan.com và triethocduongpho.net (sau thời điểm tác giả viết bài này thì được biết là trang chungta.com đã được phục hồi lại).

AVKH

Đừng phí hoài tuổi trẻ để tiếc nuối những gì đã qua

*Featured Image: Anh’s Photo

 

“Love comes slow and it goes so fast” – Passenger, Let Her Go

(Tạm dịch: Tình yêu đến chậm nhưng đi nhanh)

Tình yêu đến rồi đi. Đó là quy luật tự nhiên

Có bạn sẽ hỏi lại: “Vậy tại sao lại có những người có thể yêu và sống với nhau đến cuối đời?” Tôi có hai lời giải thích:

  1. Hoặc là những người đó may mắn khi khoảng cách giữa điểm đầu và điểm kết thúc tình yêu của họ khá là xa nhau. Thậm chí có thể là 1 đời, có thể là nhiều kiếp. Và dù là bao xa thì tôi phải thừa nhận với bạn: họ quả thật là may mắn và hạnh phúc.
  2. Hoặc là tình yêu của họ đã kết thúc từ lâu rồi chỉ là họ không để cho bạn và những người xunh quanh biết mà thôi.

Năm tôi 20 tuổi, tôi tin vào thứ gọi là tình yêu vĩnh cửu. Tôi hằng tin nếu tôi tìm được Prince Charming của mình, chúng tôi sẽ có cái gọi là “happy ending” hay “happily ever after” như trong chuyện cổ tích. Nhưng càng lớn lên, càng trải qua nhiều mối tình khác nhau và lần lượt nhìn thấy các princes-charming-to-be của mình nối gót ra đi thì tôi nhận ra ai đó đã thật sáng suốt mà nói rằng: “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi.” Mãi mãi – cái từ mang nghĩa “tuyệt đối” ấy hóa ra có lẽ chỉ là một khái niệm “tương đối” mà thôi. Đừng tự huyên hoặc mình rằng trái tim ai đó sẽ mãi mãi thuộc về bạn. Nếu không, một ngày nào đó bạn sẽ tự làm đau trái tim và tổn thương niềm tin của mình như tôi mà thôi.

Nếu bạn không tin vào kinh nghiệm của tôi, bạn có thể tìm đọc cuốn Why Men Want Sex And Women Need Love của Allan & Barbara Pease (2009) để có thêm những dẫn chứng khoa học về sự hữu hạn của tình yêu. Để biết rằng, theo một cách khoa học “khô khan” nhất thì tình yêu chỉ là các phản ứng hóa học trong não, là sự nổi dậy của các hormones (sự giảm thấp serotonin và tăng cao oxytocin).

Và rằng sớm hay muộn (thường là từ 3-9 tháng), giai đoạn yêu đương say đắm cũng sẽ qua đi. Chuyện kéo dài của tình yêu sau đó cần sự cố gắng vun đắp, sự tin tưởng và kiên tâm rất lớn từ hai người. Cho nên nhưng mối tình kéo dài, dù với lý do gì đi chăng nữa cũng thật đáng ngưỡng mộ. Hai người ấy thực sự là những kẻ dũng cảm và kiên nhẫn.

Dù đứng trên góc nhìn kinh nghiệm của tôi hay góc nhìn khoa học của Pease (2009) thì chắc giờ bạn cũng đồng ý với tôi rằng: Không có thứ gọi là tình yêu vĩnh cửu đâu.

Mà nếu đã tin như vậy rồi thì: Bạn à, bạn vừa chia tay phải không? Bạn đừng buồn nữa nhé. Cái gì đến lúc phải đi thì nó sẽ tự khắc đi mà thôi. Đừng cố công níu giữ và đừng phí hoài tuổi trẻ của mình để dằn vặt, trách móc và oán hận nữa. Vì bạn à, hãy để tôi nói với bạn như thế này:

Tuổi trẻ này ngắn lắm

Tuổi trẻ có lẽ đẹp nhất từ năm 20 đến 30 tuổi. Mà một nửa số đó từ 20 đến 25 tuổi bạn đã tiêu tốn khá nhiều thời gian cho việc theo học một trường dạy nghề, cao đẳng hay đại học nào đó rồi đúng không? Vậy bạn chỉ còn 5 năm. Không phải là quá ít ỏi để mà dù chỉ là dành một ngày thôi để than khóc để buồn đau thì cũng đã là rất phí hoài rồi sao? Tuổi trẻ của bạn còn nhiều cái khác để làm mà: Tập yêu thương bản thân đi, quan tâm gia đình, kết bạn, yêu đương, đi du lịch hay học một ngôn ngữ mới. Tất cả đều thật thú vị. Đừng chìm đắm trong sự bi lụy nữa. Cái gì đã đi thì điều duy nhất bạn có thể làm đó là vẫy tay chào nó mà thôi.

Một điều cũ kỹ ra đi chỉ để nhường chỗ cho một điều tốt đẹp hơn sắp đến

Có lẽ đã rất nhiều người nói với bạn điều này rồi và bạn chắc cũng đã có lúc tin có lúc nghi ngờ về một tương lại lại-hạnh-phúc của mình. Vậy thì bạn à, hãy để tôi một lần nữa khẳng định với bạn: Bạn nhất định rồi sẽ lại được yêu, nhất định rồi sẽ lại được hạnh phúc mà. Đừng bi quan về tương lai của mình. Hãy cứ sống tốt và hãy cứ lạc quan. Dù sớm hay muộn thì con tàu cuộc đời cũng sẽ đưa bạn đến sân ga Hạnh Phúc mà thôi. Có một số thứ bạn nên tự nói với mình nếu một ngày nào đó lại tự tìm thấy mình ngồi trong bóng tối khóc một mình:

  • – Nhất định sẽ có cái gọi là tình yêu định mệnh đến gõ cửa nhà bạn.
  • – Người đó bước đi vì có lẽ số phận đã ghi rõ bạn cần yêu một ai đó tốt hơn.

Đôi lúc tự vỗ về và an ủi bản thân cũng đâu có phải là tội lỗi gì đâu đúng không nào?

Tuổi trẻ có nhiều thứ cần thực hiện lắm

Có nhiều người bạn của tôi đã từ bỏ đam mê vì tình yêu. Họ đã buông tay với ước mơ để níu giữ một cuộc tình bằng lí do này hay lí do khác. Và ngoài kia, cũng đang có rất nhiều người đi đến quyết định ấy và rồi sẽ có ngày họ phải tiếc nuối hoặc không. Nhưng nếu mà họ hối tiếc ấy, cái ngày ấy có thể còn sớm để thay đổi nhưng với một số người, khi nhận ra cũng là lúc tuổi già đã tới. Không thể thay đổi được gì nữa ngoài những cái chậc lưỡi “giá mà”.

Còn bạn, chia tay ư? Dù đó là chuyện chẳng vui vẻ gì nhưng cuộc sống đã được sắp đặt như thế thì bạn cứ an nhiên mà chấp nhận, mà tự cảm thấy may mắn hơn những người khác đi. Bạn không còn phải phân vân lựa chọn giữa tình yêu và đam mê nữa. Giờ bạn có thể toàn tâm toàn ý cho đam mê, cho ước mơ và khát khao bay xa bay cao của tuổi trẻ. Cùng bước về phía trước thôi nhé!

“Đừng kết hôn trước tuổi 30”. Thật đấy. Cho nên chia tay trước tuổi 30 cũng đâu phải là điều gì to tát lắm, đúng không?

Thất tình và chia tay. Bạn cứ cho phép mình buồn đi, cho phép mình khóc đi. Nhưng rồi cũng hãy tự biết kéo bản thân mình đứng dậy, bước ra khỏi nỗi tủi hờn, bi lụy của bản thân để ngày mai lại có đủ dũng khí và sức lực mà bước tiếp mà sống một cuộc đời tươi đẹp – một cuộc sống, một tuổi trẻ mà sau này khi bạn già đi, không phải chép miệng và ước mong “giá mà”..

Tuổi trẻ ngắn lắm, đừng phí hoài vì những thứ đã trôi xa về phía sau, bạn nhé!

 

Bảo Bình

Niềm tự hào cùn…

*Featured Image: Etienne Despois

 

Gần đây, tôi lại đọc được ở đâu đó câu này: “Tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp!” Một câu mọi người đều quen. Tiếng Việt là niềm tự hào mặc định người Việt. Thỉnh thoảng, nó vẫn được nhắc lại. Xen lẫn đó, sự kiện bức thư của du học sinh Nhật về Việt Nam làm dấy lên không ít dư luận, và khiến nhiều người nổi giận tìm cách phác họa những nét đẹp Việt Nam để lấy lại tinh thần dân tộc. Hai sự kiện có vẻ không liên quan gì đến nhau, nhưng khiến tôi suy nghĩ đến một vài điểm mà chúng ta thường lấy làm tự hào khi nhắc tới đất nước mình, dân tộc mình.

Ngôn ngữ

Tiếng Việt giàu và đẹp. Chúng ta thường tự hào như thế. Còn tôi không chắc về điều đó. Nếu tiếng Việt giàu và đẹp, tôi tự hỏi, vậy thì so với ngôn ngữ nào? Không có sự so sánh thì chẳng có sự tôn vinh. Khi bạn nói mình xinh gái, đẹp trai, chắc hẳn bạn cũng có vài đối tượng xấu xí trong suy nghĩ.

Các nhà ngôn ngữ có lẽ có đáp án về điều này!? Còn phần lớn chúng ta không biết. Bản thân tôi, tôi trân trọng tiếng Việt vì đó là tiếng mẹ đẻ, là thứ tiếng gắn bó mật thiết với đời sống và tâm hồn tôi. Chứ không phải vì nó giàu và đẹp. Vì tôi không biết tiếng Việt có thực sự giàu và đẹp không.

Buồn cười hơn là, bất cứ dân tộc nào cũng có thể, và có quyền không ai dám phủ nhận khi khẳng định ngôn ngữ của họ tuyệt vời. Nếu ngôn ngữ nào trên thế giới cũng đều tuyệt vời, đâu là ngôn ngữ yếu kém hơn, và sự tuyệt vời cũng còn giá trị gì nữa, khi trở nên đại trà?

Lịch sử và con người

Không giống ngôn ngữ, lịch sử là niềm kiêu hãnh mà ta có thể nắm chắc hơn. Chúng ta bị đô hộ 1.000 năm nhưng vẫn giữ được đất nước. Chúng ta là một trong những dân tộc hiếm hoi đã ngăn cản bước tiến của quân Nguyên – Mông. Chúng ta có Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, v.v… Những dấu mốc ấy khó có thể phủ nhận. Thế nhưng, chúng ta cũng đã bị đô hộ suốt 1000 năm, và thêm gần 1000 năm tiếp theo là bản sao không hoàn chỉnh của văn hóa Trung Quốc, trước khi rơi vào tay người Pháp. Chúng ta điêu linh trong 2 cuộc chiến tranh lớn suốt thời hiện đại…

Các dân tộc trên thế giới này đều có những khoảng thời gian đáng tự hào nào đó trong quá khứ, so le với những khoảng thời gian yếm kém, bị chèn ép, xâm lược. Lịch sử có thể là niềm kiêu hãnh, cũng có thể là sự đáng buồn, và thường là cả hai. Điều quan trọng là chúng ta đã làm gì trong hiện tại. Nếu chúng ta đang không xứng đáng với quá khứ tươi đẹp của mình, chúng ta nên lấy làm xấu hổ?

Và hiện tại – thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử, nơi chúng ta đang THẬT SỰ sống – Việt Nam vẫn chỉ là một đất nước thấp bé nhẹ cân với nhiều sự kiện buồn.

“Tôi tự hào vì cha ông tôi giàu có, học thức, mặc dù bản thân tôi thất nghiệp và thất học?” Chúng ta không thể nói như thế.

Buồn một niềm “tự hào cùn”

Đọc các tin xấu về đất nước, con người Việt Nam, đã có lúc tôi nghĩ: “Mặc các vị nói gì, bôi xấu gì đi nữa, tôi vẫn tự hào vì tôi là người Việt Nam.” Cũng đã có những lần tôi phản pháo theo cách ấy trên mạng xã hội. Dân tộc tôi, tôi phải tự hào chứ? Không lẽ tôi tự đánh giá thấp dân tộc mình? Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã lầm. Bởi vì TÔI là người Việt Nam, nên không chịu được những lời nói xấu về người Việt – một tập hợp lớn gồm có tôi bên trong. Nói người Việt xấu xí, chẳng hóa ra tôi cũng xấu xí? Hóa ra, tôi chỉ đang tự ái, cho chính mình!

Nói như thể Việt Nam rất xấu xí, nhưng vẫn đáng tự hào, vì Việt Nam có TÔI vậy. Có lẽ, đó là… một niềm tự hào cùn, khi tôi và các bạn thật sự không tìm thấy những lý do chính đáng để kiêu hãnh, nên đành phản ứng lại bằng sự tự ái, nhân danh dân tộc.

Chúng ta đã từng tự hào có rừng vàng, biển bạc, rồi xấu hổ che lại niềm tự hào này. Chúng ta từng tự hào dân tộc anh hùng, để sau đó hôi bia lên báo thế giới. Tự hào yêu thương đồng bào, và Việt Nam sắp trở thành thiên đường ung thư trong quốc nạn thực phẩm bẩn, nơi người người đầu độc lẫn nhau. Niềm tự hào đã gần như rời bỏ chúng ta. Chúng ta chỉ còn là một dân tộc tự sát. Những niềm tự hào cùn cũng chẳng thể khiến cuộc tự sát đó diễn ra trong danh dự.

Chúng ta phải bắt đầu từ đâu, nếu không phải là những niềm tự hào? Nếu không mang theo những niềm tự hào?…

 

Den Pho

Mùi và Phả – Ngày ấy và bây giờ

*Featured Image: Nguyễn Khánh/Tuổi Trẻ Online

 

Liệu các bạn còn nhớ bộ ảnh Mùi và Phả của nhiếp ảnh gia Justin Maxon – bộ ảnh đã đoạt giải nhất tạp chí ảnh thế giới năm 2008 hạng mục Daily Life. Quả thật, bộ ảnh đã đem lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, bởi những giá trị nhân văn, bởi tình mẫu tử cao đẹp… và còn nhiều hơn thế nữa. Ấn tượng đó đã thôi thúc tôi phải đi, phải đến và phải tìm hiểu để làm rõ hơn đằng sau bộ ảnh tuyệt diệu đó là một số phận con người như thế nào. Nghĩ là làm, tôi rủ thêm một người bạn nữa, chúng tôi xách máy ảnh lên… Và đi khi tất cả những gì chúng tôi biết chỉ là một điểm đến Văn Quán (Hà Đông).

Có câu: “Cứ đi… sẽ đến” Và đúng là chúng tôi “đến” thật, thậm chí còn khá dễ dàng, chỉ sau một lời hỏi thăm. Đứng trước căn hộ nhỏ nằm sau khúc quanh tầng 7, nếu không dám chắc đây là nhà của “mẹ điên”, tôi đã nghĩ đây chắc hẳn là mầm non tư thục bởi vô số chữ viết và hình vẽ chi chít trên cửa. Sau khi bấm chuông cửa, đón tiếp chúng tôi là một chú mèo tam thể khá đẹp, nhưng cậu này có vẻ không hề mến khách khi lại cong đuôi bỏ chạy. Thật may mắn cho chúng tôi, chủ nhà Nguyễn Tuấn Nghĩa lại vô cùng niềm nở và hiếu khách. Có vẻ như anh đã quen với việc có người lạ đến thăm.

Anh Nghĩa là một người rất cởi mở, anh sẵn sàng chia sẻ mọi thứ về cuộc sống. Khi được hỏi tại sao anh lại yêu và muốn gắn bó với một người mang tiếng là “điên” và mắc bệnh “truyền nhiễm” như chị Mùi, anh tâm sự: “Tình yêu mà tôi dành cho Mùi là một thứ tình yêu thánh thần Platon, không phải là thứ tình yêu ích kỉ tầm thường. Tình yêu này vượt lên trên cái chết của chính bản thân mình. Đây là tình yêu vô cùng chân chính, hướng đến giải thoát người khác. Bởi tôi muốn cảm hóa dần dần con người Mùi.”

Anh còn tự nhận mình là thánh thần, là cha mẹ chúng sinh, bởi anh quan niệm: “Trong cuộc sống, không nên phân biệt đâu là cha mẹ, đâu là con cái mà đơn thuần chỉ có hai loại người là người trưởng thành và người chưa trưởng thành. Người giác ngộ là thay của người. Tôi chỉ kính những người giác ngộ trước tôi. Văn hóa tuyên truyền của xã hội là sai, không nên đua đòi theo xã hội. Mô hình nhà trường, gia đình còn nhiều khiếm khuyết, nên để cho trẻ phát triển tự nhiên.”

Bởi suy nghĩ tiêu cực như thế nên anh không cho các con đến trường mà chỉ tự dạy chúng ở nhà. Nhưng chỉ e rằng, khi còn mang cái tôi như vậy, liệu anh có thể dạy lũ trẻ trở nên những con người có ích cho xã hội trong khi chính bản thân anh không thể tự nuôi sống chính bản thân mình?
Tôn sùng Phật pháp, nhưng trái với lối sống của Phật là tránh xa nhục dục, anh lại đam mê nó. Không chút ngượng ngùng, anh khoe những “chiến tích” chinh phục các cô gái như thế nào. Hầu hết các cô gái đó đều được anh “nhặt” trên đường đi tập thể dục dọc sông Hồng. Không ngại ngần, anh còn bảo trong số mười cô mà anh “nhặt” được ấy, có đến chín cô là có quan hệ tình dục với anh. Anh còn bảo: “Mong ước của tôi là được lấy vợ mới, có thêm con trai.”

Không phải là tôi cố tình nhiều chuyện hay phê phán lối sống dễ dãi, buông thả của các cô gái ngày nay (nếu đó có là sự thật đi chăng nữa) mà điều tôi muốn nói ở đây là sống với một người chồng như thế, liệu chị Mùi có thực sự hạnh phúc?

Đành rằng chị đã có một mái nhà, chị không phải lang thang bờ bụi ngoài sông Hồng nữa nhưng cuộc sống của chị đâu có yên bình và thay đổi nhiều là mấy khi hàng ngày chị vẫn phải đi xin ăn ở các chợ; chính anh Nghĩa cũng bảo chị là trụ cột chính chứ anh chẳng làm ra tiền. Liệu đó có phải là một cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa khi trong nhà thường xuyên có sự xuất hiện của những người phụ nữ thứ ba, phải chứng kiến cảnh họ thân mật cùng nhau, bởi căn nhà hầu như không có cánh cửa ngăn cách.

Chị Mùi, theo ấn tượng của chúng tôi, vô cùng hiền dịu và kiệm lời, chị khẽ nép mình bên cạnh chồng và dịu dàng ôm lấy Hạnh (đứa con gái chung của chị và anh Nghĩa), vẫn không quên nhắc cô bé chào chúng tôi. Người phụ nữ đó, đâu có “điên”, thậm chí chị rất tỉnh. Và thẳm sâu trong đôi mắt chị, chúng tôi cảm nhận một nỗi buồn vời vợi. Khi được hỏi mong ước lớn nhất của chị là gì, chị trả lời: “Chị chỉ muốn chuyển đến nơi ở mới, ở gần đứa con đang ở Hải Dương, không ở cùng chồng nữa.”

Vậy đấy, không phải là mơ ước về một cuộc sống với vật chất đủ đầy, chị bình dị và đẹp như trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Justin Maxon thuở nào, có chăng thời gian chỉ làm đằm thêm nét đẹp ấy. Và thực sự thì trong cuộc hôn nhân “lệch pha” này, liệu ai mới thực sự là người may mắn?

Trước khi rời khỏi nhà anh chị, chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm mẹ anh và thắp hương cho bác trai. Bác gái là một người phụ nữ thân thiện và tốt bụng. Bác vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi nhưng từ chối khi chúng tôi xin một bức ảnh. Mặt trời đã lên cao, chúng tôi ra về trong lòng không khỏi vương vấn những câu hỏi còn để ngỏ, đặc biệt đau đáu một nỗi niềm trăn trở: “Tương lai của những đứa trẻ va chị Mùi sẽ đi đâu về đâu?”

 

  Lê Hoài Thương

Không có động lực hay chỉ là lười biếng? Có một cách khác nữa để giải thích

*Featured Image: Thụy Du Photo

 

Tôi muốn bắt đầu với sự lười biếng vì nó thường xuyên là lí do người ta bấu víu vào để đánh giá ai đó. Bạn không muốn học, có người sẽ suy ra rằng bạn là đồ lười biếng. Bạn không thích chơi thể thao, có người sẽ suy ra rằng bạn chỉ biện minh. Bạn không muốn đi làm, người nào đó sẽ suy ra rằng bạn thích ăn không ngồi rồi. Ngay cả khi bạn không muốn ra ngoài vui chơi cũng sẽ có ai đó suy ra rằng bạn lười đến nỗi không muốn vác xác đi đâu…

Chung quy, chỉ cần bạn không làm điều gì đó mà người khác muốn bạn làm, bạn đương nhiên sẽ bị gọi là đồ lười. Nguyên nhân vì sao thì có khi bạn biết, có khi bạn cũng không biết nốt. Đôi khi tôi cũng hay tự hỏi mình làm sao vậy nhỉ, không muốn làm gì cả, chán hết thảy, chỉ muốn lẻn về phòng ngồi ngây người ra nhìn vào kệ sách rồi cứ để mặc cho đầu óc mơ mơ màng màng muốn trôi đi đâu thì đi. Đôi khi tôi lại muốn viết, viết thật nhanh, thật nhiều cho thỏa cơn điên trong lòng nhưng đến khi mở laptop ra thì không biết bắt đầu từ đâu, cứ ngây ngây ngồi nhìn cái màn hình thật lâu rồi tắt máy đi ngủ.

Đôi khi tôi bải hoải đến mức chỉ muốn tiêm một liều cafein vào người để tinh thần phấn chấn lên, tôi nghiện cafe nhẹ thôi nhưng có lúc uống cũng thấy nhạt thếch, ngoài cách tiêm thẳng vào người ra thì đâu còn đường nào khác nữa. Rồi tôi tự hỏi điều gì khiến cho tôi rơi vào trạng thái tê liệt như thế này? Tôi cố gắng vỗ về giấc ngủ cho qua cái cảm giác chơi vơi, cảm giác bạn thiếu thiếu điều gì trong lòng nhưng hoàn toàn “đủ rồi” cho tất cả các hoạt động thường ngày khác, nhưng ngủ đẫy giấc rồi nó cũng vẫn còn chình ình tại chỗ quyết thắng không bỏ đi. Không phải tôi rảnh rang quá mức mà ngồi nghiệm suy ra đủ thứ, nhưng cái cảm giác đó đeo bám lấy tôi, nặng trình trịch, tôi có thể làm điều gì khác được ngoài việc nghĩ xem có chuyện gì xảy ra với mình rồi?

Tôi nghĩ có một phần dân số trong chúng ta thường cảm thấy mắc kẹt như tôi. Từ những chuyện to tát như lập nghiệp, xây dựng gia đình, xây dựng mối quan hệ đến những chuyện thường ngày ở huyện như tập thể dục, học hành đến những chuyện be bé như tốn mớ tiền mua cái gì đó về nhà chưng chơi cho vui chứ không có hứng thú xài. Hoặc cũng có khi chúng ta cứ ngủ trầy trật đến trưa mới dậy vì đơn giản là dậy sớm để làm cái giống gì chớ? Khi ai đó hỏi chúng ta có làm cái này không? Có đi chỗ kia không? chúng ta trả lời ngay “lười quá”.

Có lẽ, “đã có gì đó xảy ra với chúng ta rồi”. Có điều gì đó từng làm cho chúng ta đau, sợ hãi, chán ghét, mệt mỏi… Và những điều đó không mất đi, nó tồn tại âm ỉ như tro than đợi đến lúc bùng cháy mạnh mẽ trở lại. Có điều gì đó khiến chúng ta sợ hãi nếu phải đưa ra quyết định cuối cùng, chọn bên này không được, bên kia cũng không xong, vùng vằng lửng lơ con cá vàng. Có điều gì đó mà ta cố quên, vờ như nó không tồn tại, vờ như ta không nhìn thấy, không cảm thấy. Có điều gì đó khiến ta mệt mỏi , chán ghét nên ta phải cố lập luận tự an ủi rằng mình đã làm hết khả năng…

Có rất rất nhiều thứ trong đời ta mơ ước nhưng chưa từng được bắt đầu, có những thứ trong đời ta căm ghét nhưng ta phải hợp tác, có nhiều thứ trong đời ta hăm hở vô cùng nhưng vẫn còn dở dang… Có nhiều thứ khiến ta đau đớn như bị xé toạc làm hai vì sự đối đầu của trái tim và khối óc.

Rất nhiều. Một phần không ít trong chúng ta đến một lúc nào đó bỗng dưng sẽ ngồi xuống và tự hỏi ta đang làm gì, ta là ai, ta muốn trở thành người như thế nào, đã muộn màng quá hay chưa… Tin buồn là không phải ai cũng làm như vậy vì họ quá bận rộn từ chối tiếng nói từ bên trong. Mỗi khi nó định cất tiếng lên thì họ nhét đầy mồm nó nào là nhạc pop, nào là truyện tranh, nào là game show, nào là tám chuyện tào lao, nào là nói xấu kẻ khác… Có đôi khi họ cũng đọc sách, như tôi chẳng hạn. Họ sẽ làm tất cả mọi thứ chỉ để chạy trốn vấn đề thật sự của mình.

Và vì thế mà tôi thấy mình chơi vơi, tôi cảm thấy thiếu điều gì đó từ bên trong nhưng đã “đủ rồi” từ các hoạt động thường ngày khác ở bên ngoài. Tôi không lười biếng và tôi hoàn toàn có động lực về việc làm đẹp, nhưng có rất nhiều những khi tôi thức dậy, chỉ muốn ngồi vào nhìn kệ sách của mình, nhìn màn hình laptop, nhìn ra cửa sổ trong khi còn chưa đánh răng. Ai đó, trong số chúng ta, nếu rơi vào trạng thái tương tự thì hãy tự hỏi mình rằng: “Đã có chuyện gì xảy ra với tôi rồi?”

Bài viết của tôi dĩ nhiên không khuyến khích những phần tử lười biếng vì sự ích kỉ muốn thỏa mãn cái sung sướng của bản thân. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của tôi thì cũng đã có chuyện gì xảy ra với họ rồi và trong bản chất con người ta không ai lười biếng hay không có động lực để thúc đẩy, vì việc tự hoàn thiện chính mình đã là một thứ động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất rồi. Tôi nhấn mạnh là trong suy nghĩ của tôi nhé (và tôi không đưa nó vào bài viết này vì tôi chả thích gây chuyện lùm xùm vô ích).

Ừ, tôi đang kết thúc bài viết với động lực thúc đẩy, tôi nghe ai đó nói rằng chỉ khi nào bạn dám đấu tranh cho chính mình đó mới là lúc bạn mạnh nhất (truyện Naruto thì phải).

 

Quyên Quyên

Số không và những mảnh ghép tháng năm

*Featured Image: Next_in_line

 

Số không đóng vai trò như một phần không thể thiếu trong cách người ta hay đánh giá những giá trị tương đương. Một người đang ở đỉnh cao của sự nghiệp có thể rơi vào bế tắt và vô vọng khi xung quanh chỉ là những số không. Những số không cũng có thể là niềm sung sướng của ai đó mới khi vừa nhận được tháng lương đầu tiên. Những số không tròn vạnh trên tờ hoá đơn biến thành nỗi lo nhăn nheo trên gương mặt mẹ. Tiếng thở dài của cô chủ nhiệm khi nhìn điểm thi chuyển cấp của học trò mình xuất hiện con số không.

Tôi nhớ tiếng không và những lời chê bai xua đuổi khi gia đình tôi chưa có gì cả. Tôi nhớ cái nắng hè cuối năm học nào đó càng gay gắt hơn khi tôi nhận được con điểm không ở cái môn mà tôi tự tin nhất. Tùy vào chỗ đứng mà số không luôn có giá trị khác nhau. Trong những người con trai mà tôi từng biết có một người rất đặc biệt. Anh thêm số không vào nick name của mình. Hai năm trước tôi từng thắc mắc về cái từ “zero” ấy, tôi không hiểu anh muốn nói gì sau cái tên kỳ lạ kia. Phải chăng là cuộc sống anh chỉ đơn giản hai từ trống rỗng. Hay anh muốn trả lùi quá khứ của bản thân tất cả về con số không?

Hai năm sau tôi thấy anh trên một bài báo. Cái tên lạ lùng ngày xưa được thế chỗ bằng tên đầy đủ kèm theo một mớ chiến tích không nhỏ nhưng rất đáng nể của chàng trai bỏ ngang việc học luật để đi theo con đường riêng của mình. Số không để anh tự nhắc nhở những gì đã làm được vẫn chưa là gì, phải cố gắng nhiều hơn. Số không có nghĩa là sự tự vươn lên từ hai bàn tay trắng. Số không là vạch xuất phát thấp nhất để dẫn đến điểm cao nhất của thành công dù hiện tại bản thân tưởng chừng như vô vọng.

Tôi nhớ một người thầy nào đó đã nói với tôi năm cuối cấp hai. Thầy bảo rằng tôi không là đứa học trò tài năng nhất của thầy nhưng là đứa xoay xở giỏi nhất trong các đứa thầy từng dạy. Chỉ có một điều thầy lo lắng nhất ở tôi là tôi chưa biết đặt điểm chạy của mình ở nơi nào để hiệu quả cao nhất. Lời thầy nói khiến tôi trăn trở mãi suốt thời gian đầu những năm học cấp ba. Có phải tôi nên dừng lại để xem mình đang đứng ở đâu không. Gần mười sáu tuổi, tôi chưa làm được cái gì ra hồn. Không phải tôi đặt tiêu chuẩn quá cao cho bản thân, tôi biết tôi là người hiểu tôi nhất. Thời gian trôi đi, tôi mắc kẹt giữa được và mất. Cuộc sống nhiều lúc như một vở kịch diễn đi diễn lại. Đã từng có lúc biết bản thân rất sai nhưng vẫn cố chối cãi. Đã từng có lúc muốn nói rất nhiều cho ai đó hiểu nhưng lại thôi.

Người ngoài cho tôi là đứa khó đoán, cả gia đình tôi cũng không hiểu tôi đang muốn gì. Có thể nhìn bề ngoài tôi là một đứa trẻ con nhưng biết đâu sau lưng tôi là những nỗi đau không hề non trẻ. Người ta hay nói tôi mang trên đôi mắt tuyến lệ bị tắt nghẽn nhưng ai có thể thấy và lau nước mắt cho tôi. Có thể tôi là đứa được bạn bè đánh giá là đứa vô tư và có nụ cười tươi nhất nhưng ai biết tôi đang chênh vênh vì không có một điểm tựa vững chắc. Có lẽ nhìn tôi rất hồn nhiên nhưng biết đâu tôi biết rõ chuyện gì đang xảy ra với chính mình và những người xung quanh tôi.

Tôi chọn cho mình cách sống. Tôi sống rất nội tâm nhưng vẫn vui một cách tự nhiên và đúng lúc. Tôi không muốn bản thân đa sầu đa cảm để rồi tự gặm nhấm những góc khuất thật sâu. Tôi sống rất vội nhưng vẫn có thể chờ đợi rất lâu nếu biết chờ cũng là một cách tích luỹ. Tôi không thể hiểu hết những gì bạn bè hay người thân nói nhưng vẫn muốn là đứa được lắng nghe đầu tiên. Tôi sống vì tiền bởi vì khi nghĩ đến nó tôi lại có động lực để phấn đấu. Tôi không đủ dũng cảm để làm những gì thiêng liêng nhưng vẫn vui vì mình góp một phần nhỏ nào đó vào bảo vệ sự bình yên của tổ quốc.

Tôi biết, tôi còn những kẻ hở trong tâm hồn nhưng tôi không muốn lấp đầy vì nhờ chúng tôi biết mình chưa là ai, mình còn bé nhỏ và còn có một ai đó như mình trên đời. Để tôi hiểu và cảm thông nhiều hơn cho những người khác. Tôi luôn coi trọng những mối quan hệ dù cho nó ngắn hay dài. Vì tôi biết rằng dù sao đi nữa thì tình cảm trao đi là mãi mãi.

Tôi biết vẫn có những bờ vai dù không trọn vẹn dành hết cho tôi nhưng vẫn thương tôi lắm và luôn bên tôi khi tôi cần san sẻ. Tôi biết có những cánh tay có thể nắm lấy tay những chàng trai khác nhưng vẫn muốn dành một khoảng đủ lớn để kéo tôi dậy khi tôi vấp ngã. Tôi biết con đường phía trước còn xa lắm nhưng tôi tin có những động lực để tôi vượt qua. Tôi sẽ làm tất cả vì tôi và vì một ai đó dù chỉ còn một người tin tôi có thể làm được thôi.

Lớn rồi, tôi hiểu tình người đâu phải lấy thước dây mà đo được. Có những tình bạn theo tôi suốt, có ai đó ra đi, có người nào đó tôi chưa hề gặp mặt nhưng vẫn tặng cho tôi những bước ngoặc khó phai. Lâu rồi tôi chưa viết. Lâu rồi chưa nói chuyện với ai quá lâu. Lâu rồi chưa có ai ngồi gần cho tôi kể. Lâu rồi và đã quen với cô đơn. Khi bé có thế này đâu.

Hồi bé, tôi nghe ai đó nói trái tim con người rất yếu đuối và luôn khao khát được ai đó chạm vào. Hồi ấy từng nghĩ trái tim mình phải thật mạnh mẽ và can trường để xoa dịu hết những trái tim ấy. Nghe buồn cười quá. Càng lớn càng bất an, đôi cánh mơ ước dường như bị gãy lìa. Không thể thu hồi những lời tự nhủ năm xưa, tôi tự thề với lòng mình rằng dù cuộc đời có nắng hay là mưa thì tôi cũng không có quyền đổ thừa cho số phận.

Tại sao có những người họ kém may mắn hơn mình nhưng họ vẫn sống tốt đó thôi. Tôi đã là gì chưa, chỉ là một đứa mỏng manh dễ vỡ hay hại gia đình lại dám có những suy nghĩ như thế sao. Tôi không biết kết thúc như thế nào nhưng tôi đã biết mình cần bắt đầu lại từ đâu. Nhớ có một câu hát mà tôi nghe lâu rồi:

“Nhiều năm sau cậu quay về bên tớ
Nỗi lo lắng tràn ngập trong đôi mắt mệt mỏi của cậu
Nhìn tớ đi rồi hãy nói cho tớ biết
Cậu có còn tin vào những câu chuyện cổ tích nữa không?”

 

Lâm Lê Khánh Hảo

5 dấu hiệu giúp bạn xác định cuộc sống mà bạn xứng đáng

Featured Image: Đặng Quốc Bảo

 

Trong suốt hơn 10 năm, kể từ khi bắt đầu học cấp III đến khi tốt nghiệp đại học và đi làm, nếu chúng ta quen nhau thì bạn sẽ rất khó để hẹn tôi đi uống café, hay xem phim vào những buổi chiều thứ bảy. Đó là lúc mà tôi gác lại mọi công việc, cuộc hẹn của mình để theo đuổi một sở thích. Chính là bóng rổ.

Bạn đã từng đam mê một môn thể thao nào đó như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, tennis hay khiêu vũ, nhảy hiện đại, bắn cung, đánh kiếm…? Hay bất kỳ hoạt động nào mà bạn đam mê khác? Nếu câu trả lời là “có”, tôi tin rằng bạn sẽ đồng cảm với tôi về việc dành riêng một khoản thời gian cho những hoạt động này.

Cảm giác đó như thể dẫu đã trải qua một tuần làm việc mệt nhọc căng thẳng, nhưng bạn vẫn tràn đầy năng lượng và chỉ mong đến cuối tuần để có những giây phút cực kỳ thư giãn với niềm đam mê đó. Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác háo hức mỗi khi xỏ giày ra sân banh? Đã bao giờ bạn cảm thấy run người đầy hào hứng khi bước ra sàn khiêu vũ? Giả sử như hôm đó có mưa một chút, bạn có sẵn sàng đội mưa đi đến nơi sinh hoạt hay không?

Mỗi khi làm điều gì mà chúng ta say mê và khao khát, những trở ngại đều trở nên nhỏ bé hơn. Không cần ai thúc đẩy nhưng chính chúng ta luôn sẵn sàng để đi tới đó. Tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Mỗi tuần, cứ đến khoảng 1 giờ trưa thứ bảy là tôi lại thầm cầu mong trời đừng mưa để được chơi bóng rổ. Nếu như có mưa chút ít, tôi vẫn cố gắng lên sân với hy vọng mưa sẽ tạnh. Còn nếu như trời nắng thì quá tuyệt vời rồi. Thậm chí, nếu quá nắng, tôi vẫn lên sân và kiên nhẫn ngồi chờ đợi nắng sẽ nhạt đi trong thời gian ngắn thôi.

Những cuộc hẹn của tôi đều được khéo léo sắp xếp vào một thời điểm khác. Ngay cả khi đó là cuộc hẹn với người yêu. Còn nếu như buộc phải gặp bạn ấy trong thời điểm này, giải pháp sẽ là rủ cô ấy cùng lên sân bóng rổ và chơi. Chuyện này đã xảy ra trong hơn 10 năm nay. Tôi vẫn hy vọng rằng mình sẽ còn đủ sức khỏe để duy trì điều này trong 10 năm sắp tới.

Điều thú vị nhất là khi tôi phát hiện ra không phải chỉ duy nhất bản thân mình nghĩ như vậy; mà hầu hết tất cả những người bạn chơi bóng rổ cùng tôi đều có chung một phản ứng như thế. Mỗi khi lên sân bóng, tôi đều nhìn thấy những khuôn mặt đầy năng lượng như thế. Mỗi khi trời mưa, tôi cũng cảm nhận được sự thất vọng khi các bạn đã nuôi một chút hy vọng để lên sân nhưng vẫn phải thất thỉu đi về. Một vài người với quyết tâm lớn hơn thì sẵn sàng ngồi đợi đến khi mưa tạnh để được chơi môn thể thao mình yêu thích. Đó chẳng phải là những hình ảnh rất đẹp đấy sao? Tất cả những việc đó chỉ xảy ra khi chúng ta thật sự được làm những điều mình yêu thích.

Tuy nhiên, bóng rổ, cũng như nhiều thú vui giải trí khác, không phải là ước mơ của tôi mà chỉ là một sở thích mà thôi. Điều đáng nói ở đây, dù chỉ là một sở thích, chúng ta vẫn cảm nhận được sự vui sướng khi thực hiện nó. Như vậy nếu như bạn đang sống ước mơ của mình thì niềm vui sướng đó sẽ được nhân lên gấp bao nhiêu lần nữa? Tuy nhiên, một trong những thử thách lớn nhất của mỗi người trên con đường tìm kiếm ước mơ của mình đó chính là sự nhầm lẫn giữa ước mơ và sở thích đơn thuần. Nguyên do vì đôi khi chúng ta chưa hiểu rõ bản thân hay vị trí hiện tại trên con đường thực hiện ước mơ. Điều này khiến chúng ta phải mất rất nhiều thời gian thử sai, tìm kiếm và thật sự, quá trình này đầm cam go xen lẫn với cảm giác thất vọng. Vậy làm cách nào để có thể xác định được “Đâu là ước mơ của mình và đâu chỉ là một sở thích?”

Mặc dù đam mê bóng rổ là thế nhưng tôi luôn biết được rằng đây chỉ là sở thích chứ không phải là ước mơ của mình. Lý do bởi vì tôi biết chiều cao và kỹ thuật của mình không phù hợp để trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Vì vậy, một lần nữa, việc xác định được mình là ai có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tìm kiếm cuộc sống mơ ước của mình. Tuy nhiên, với những sở thích khác? Câu chuyện không hề đơn giản…

Khi tôi còn học những năm cuối cấp của tiểu học, tôi có một cơ hội hiếm có khi tham dự cuộc thi tin học không chuyên của thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, tin học và máy vi tính vẫn còn là những khái niệm khá mới mẻ với nhiều người. Tôi may mắn có một người chú ruột làm trong lĩnh vực này nên đã được tiếp cận máy tính vào thời điểm còn rất sớm. Với những hệ điều hành DOS, NTSC còn rất sơ khai (có thể bạn chưa bao giờ nghe nói đến những hệ điều hành này), những chương trình vẽ bằng Paint hay những trò chơi được chép qua những đĩa mềm 1,4Mb, tôi say mê trong thế giới điện tử. Tôi say mê đến mức mà mỗi tháng bố mẹ của tôi đều cho tôi tiền để mua tạp chí PCWorld, một tạp chí đầy thách thức để hiểu với một em bé tiểu học.

Tôi đã nghĩ ước mơ của mình sẽ trở thành một nhà lập trình, một chuyên viên máy tính hay tương tự. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình thì ước mơ này ngày một phai nhạt hơn. Đến năm cấp II, tôi hứa với thằng bạn thân của mình sẽ trở thành bộ trưởng tài chính. Ước mơ đó phần nào đã đi đúng hướng khi tôi đậu vào trường đại học ngân hàng TP.HCM với chuyên ngành quản trị kinh doanh. Khi ra trường tôi vẫn tìm kiếm công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng ước mơ đã có thay đổi đôi chút khi tôi nghĩ rằng mình sẽ trở thành một chuyên viên đầu tư tài chính trong một thị trường chứng khoán đầy năng động lúc bấy giờ.

Để thực hiện ước mơ này, tôi cũng đã nỗ lực khi tham dự kỳ thi CFA (một chứng chỉ đầu tư tài chính thế giới) cũng như quyết định theo học thạc sỹ ngành tài chính tại Úc. Sau đó nữa thì rất nhiều thời điểm trong tâm trạng cực kỳ phấn khích, tôi mong muốn trở thành nhà diễn thuyết, nhà văn, thợ làm bánh, chuyên viên trang điểm, tạo mẫu tóc, nghệ sỹ pha chế café… Tôi tin rằng, sự mong muốn này cũng sẽ chưa dừng lại.

Đã bao giờ bạn rơi vào những trường hợp tương tự khi mình có quá nhiều lựa chọn?

Cách thức thử sai sẽ cho bạn rất nhiều cơ hội trải nghiệm nhưng cũng chính vì thế bạn dễ dàng trở nên lạc lối hơn. Vì vậy, rất cần một công cụ để bạn có thể xác định được ước mơ của mình một cách chính xác nhất. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hết mọi nguồn lực từ thời gian, công sức, tài chính để phục vụ mục tiêu đó. Một khi bạn càng sớm xác định được ước mơ của mình, không những bạn sẽ có thể gặp nhiều thuận lợi hơn trên con đường sự nghiệp, mà hơn thế nữa, bạn sẽ càng có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống này một cách đầy đam mê nhất.

5 dấu hiệu để xác định ước mơ của bạn

  • Thứ nhất, bạn luôn tìm kiếm thông tin về lĩnh vực này ngay cả khi nó không liên quan đến công việc hay chuyên ngành bạn học. Bạn có thể ngồi trên máy tính hàng giờ đồng hồ, mày mò tìm cách để làm công việc đó tốt hơn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Có thể đó là trang web Việt Nam, trang web nước ngoài, diễn đàn, forum, bài viết hay video liên quan. Bạn không ngại đọc những cuốn sách, bài hướng dẫn về chủ đề này cho dù nó được viết bằng ngôn ngữ khác và gây cho bạn không ít trở ngại. Bạn luôn khao khát cập nhật những thông tin mới nhất về chủ đề này và mong muốn mình sẽ là người được biết đầu tiên.
  • Thứ hai, bạn không hề cảm thấy thiếu năng lượng khi làm điều đó. Bạn có thể thức đến 1, 2 giờ sáng để may những chiếc túi da hoặc viết cuốn sách của mình. Bất cứ thởi điểm nào, bạn luôn cố gắng tìm kiếm những khoảng thời gian trống trong ngày để nghĩ về nó, để thực hiện nó. Bạn luôn hy vọng có thể làm việc đó một cách hiệu quả hơn. Bạn trau chuốt cho tác phẩm của mình để nó trở nên hoàn hảo nhất.
  • Thứ ba, bạn tự hào và vui sướng khi chia sẻ những thành quả của mình.
  • Thứ tư, bạn không quan tâm đến những lời chê bai chỉ trích của người khác về đam mê của bạn. Ngược lại, bạn lại cảm thấy rất hạnh phúc và sảng khoái khi có người ủng hộ. Cho dù thế nào, bạn vẫn muốn thực hiện điều đó.
  • Cuối cùng, bạn mơ ước mình có thể bán được sản phẩm này và tạo được nhiều giá trị hơn nữa trong lĩnh vực bạn đang đam mê. Bạn cũng muốn nhiều người tham gia cùng bạn để thực hiện và sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho những người mới.

Bạn đã có bao nhiêu dấu hiệu cho ước mơ của mình?

Ngoài ra, còn một cách nữa để bạn xác định được đâu là ước mơ và đâu chỉ là sở thích. “Điểm khác nhau giữa yêu một người và thích một người là gì? Dấu hiệu của tình yêu là gì?”

Tình yêu chỉ có một nhưng những thứ tương tự như tình yêu thì lại rất nhiều. Cảm xúc tương tự yêu đó được đặt nhiều tên khác nhau như cảm, thích, quý, mến … Bạn có thể dễ dàng bị cuốn hút bởi một hay vài đặc điểm của người khác, và từ đó có thể dẫn đến một tình yêu. Tuy nhiên, có một sự thật là để biết mình có yêu một người hay không, bạn không thể nào dựa vào những đặc điểm của đối phương, kể cả hình thức lẫn nội dung!

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, phần bản chất bên trong người yêu mình mới quan trọng vì bề ngoài quá dễ thay đổi. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đã bao giờ bạn chứng kiến tính cách của một người mình yêu thương thay đổi? Có thể đó là một tai nạn, một hiện tượng, một cú shock mà tâm tính người đó thay đổi hoàn toàn. Lúc đó, tình cảm của bạn dành cho người đó thế nào?

Vì vậy, việc xác định mình yêu một ai, không phụ thuộc vào đối phương. Đơn giản tình yêu đó là của chính bạn, không thể nào liên quan đến người khác. Nếu như chúng ta nói rằng chúng ta yêu một người nào đó vì tính cách người đó dễ thương hay một ngoại hình hấp dẫn thì có lẽ đó chưa phải là tình yêu. Vì một người như vậy thì ai cũng có thể yêu thương được, không cần một tình yêu từ chúng ta. Tình yêu đối với tôi cùng với cảm xúc là một sự nhận thức song hành là ta đồng cảm, thấu hiểu và yêu cả những điểm chưa hoàn thiện của người yêu. Chính vì vậy, để có thể xác định được mình yêu một người bạn phải tìm hiểu từ chính bản thân mình, không phải đối phương. Đó là hành trình tìm kiếm những dấu hiệu bên trong chúng ta.

  • “Bạn có mong muốn gặp lại và luôn chờ từng ngày để gặp lại người ấy?”
  • “Khi ở cạnh người ấy, bạn có luôn cảm thấy thoải mái vì được là chính mình?”
  • “Có đôi lúc mối quan hệ giữa bạn và người ấy thật khó khăn, nhưng bạn không bỏ cuộc vì bạn hiểu được rằng mình rất muốn gắn bó với người ấy?”
  • “Bạn tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc khi ở bên cạnh người ấy?”

Có lẽ dần dần cuốn sách này đang dần trở thành cuốn sách tư vấn về tình yêu mất nên tôi sẽ tạm thời dừng ở đây.

Bây giờ, điều bạn nên làm để xác định ước mơ là đặt những câu hỏi tương tự với bất kỳ hoạt động nào đó bạn yêu thích như: ca hát, khiêu vũ, thể thao, chơi game…

  • “Bạn có chờ đợi được đến ngày đi học khiêu vũ và luôn mong ngóng đến buổi tập?”
  • “Khi ca hát, tinh thần bạn có hết sức thư giãn và thoải mái không?”
  • “Chơi thể thao mệt thật đấy, nhưng bạn thích đến mức có thể chấp nhận luyện tập mệt mỏi hơn nữa để ngày càng chơi giỏi hơn?”
  • “Bạn có hạnh phúc và mãn nguyện khi chơi game không?”

Những biểu hiện bên ngoài có thể đánh lạc hướng bạn, nhưng những dấu hiệu bên trong bạn sẽ có tính chính xác cao hơn. Hãy tin vào trực giác, cảm xúc và suy nghĩ của mình để tìm được những gì bạn đam mê. Khi bạn theo đuổi được điều này, cuộc sống trong mơ của bạn đang dần trở nên rõ rệt hơn. Bạn cảm nhận được từng tế bào trong cơ thể mình reo lên sung sướng.

Tại sao lại không biến cuộc đời bạn, công việc mỗi ngày của bạn trở thành điều bạn mơ ước? Thay vì bạn phải dành cả tuần để làm một công việc buồn tẻ, chỉ để có trang trải cuộc sống và dành những ngày nghỉ hiếm hoi để trải nghiệm cảm giác đam mê qua việc chơi tenis, bóng rổ hay khiêu vũ. Bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Hãy tự mình kiểm chứng với những hoạt động chung quanh bạn, bạn sẽ xác định được đâu là ước mơ, đâu có thể chỉ là những sở thích nhất thời. Hãy tin vào những dấu hiệu bên trong. Khi đó, bạn sẽ thức dậy mỗi ngày với niềm hạnh phúc dâng trào trong từng hơi thở.

 

Đặng Quốc Bảo

Đi tìm giá trị thật sự con người?

*Featured Image: Cameron Gardner Photography

 

Con người sợ tự do và trách nhiệm, do vậy họ tình nguyện ẩn thân trong cái nhà giam do chính mình tạo ra

Nếu nói về giá trị con người chúng ta không thể chỉ dựa trên hai chỉ tiêu vật chất và tinh thần? Bởi vì, sẽ có người được cái này, mất cái kia, hay cả hai. Thậm chí dựa trên hai tiêu chuẩn này cũng chưa toàn vẹn, bởi những giá trị này có thể thay đổi theo thời gian, bởi cuộc đời có lúc “lên voi, xuống chó”. Giá trị con người không tự người khác mặc định cho anh ta, được xu nịnh hay tân bốc lên với một giá trị ảo và thông qua một vụ scandal ầm ĩ tai tiếng nào đó.. Có người thì có giá trị đối với người này nhưng với người khác thì không có giá trị. Như vậy giá trị thật sự con người nằm ở đâu?

“Chân giá trị của mỗi người không nằm trong bản thân anh ta, mà nằm ở những sắc màu và đường nét đã trở nên sống động trong người khác.” – Albert Schweitzer

Chân giá trị thực sự nằm ở tố chất có sẵn ở mỗi người, ở khả năng phát huy tiềm năng con người của anh ta. Những tố chất này được hình thành thông qua rèn luyện, kiên trì nỗ lực, phát triển cá nhân. Sau đó mang lại sự ổn định, hạnh phúc, thịnh vượng cho xã hội, đó là sự đóng góp mang tính tổng thể cho cộng đồng xã hội.

Những giá trị này do chính tố chất và bản năng của một người tự xây dựng nên, anh ta không cần phô trương danh thế, địa vị, tiền của, chức tước quyền cao. Mà chính sức ảnh hưởng của anh ta đến với bạn bè, gia đình, xã hội, nó không được mặc định bởi một người mà là một cộng đồng. Bên cạnh đó khả năng yêu thương, chia sẻ, đồng cảm ảnh hưởng đến những thành viên trong tổ chức. Cũng như những đóng góp đối với xã hội của anh ta mà không cần báo chí PR, ca ngợi để biết đến “hữu xạ tự nhiên hương”. Giá trị của anh khiến cho người khác cũng phải kính trọng ở đức độ, đối nhân xử thế.

“Điều đếm được không nhất thiết đáng kể; điều đáng kể không nhất thiết đếm được.” – Albert Einstein

Chúng ta không thể dựa trên những gì có thể điếm được có ở một người rồi tự dán cho cái nhãn “người có giá trị”. Giá trị con người không thể đem ra để cân đo đong đếm mà nằm ở khả năng của anh ta phát huy được bản chất, tài năng để đem lại lợi ích cho xã hội. Nếu giá trị đem ra cân đo được thì nó sẽ xuống giá và leo thang thị trường như giá “xăng-dầu” khi đó giá trị được người khác ví như khói ống xe, cuối cùng chỉ là đồ thải đi sau khi đã hết hạn sử dụng.

“Không có giá trị nào trong cuộc sống trừ những gì bạn chọn đặt lên nó, và không có hạnh phúc ở bất cứ đâu trừ điều bạn mang đến cho bản thân mình.” – Henry David Thoreau

Bản thân một người có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an cho một cá nhân cũng là người có giá trị. Tình bạn của một người cũng là thước đo tốt nhất giá trị của anh ta.

Như vậy khi nói đến giá trị một người chính là nói đến bản năng hay tự tánh của một người, trở thành một con người với năm giá trị tiêu chuẩn: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” Đạo Phật gọi là “Phật Tánh”. Đây mới chính là cái gốc giá trị con người, cội nguồn của sự ổn định, phồn vinh, hòa bình, phát triển của xã hội “tự tánh bổn lai diện mục – nhân chi sơ tánh vốn thiện”. Gốc rễ nằm ở chữ “Tâm”.

“Chữ Tâm độc tự thế mà hay
Thành bại nên hư bởi chữ này
Tuổi trẻ gắn rèn, già cố giữ
Cuộc đời gắn trọn cả vào đây”

Hãy là con người có một trái tim biết ơn, trân trọng sinh mạng của mình, học hỏi càng nhiều, chia sẻ với người khác càng nhiều thì cuộc đời càng trở nên tươi đẹp.

 

 

Tuệ Phúc