30 C
Nha Trang
Thứ tư, 30 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 235

Không phải nghĩa vụ mà là nghĩa tình

Photo: Modern Photographics

 

Tuần này có 2 người hỏi tôi: “Tình yêu là gì?” Bản thân tôi cũng chẳng biết tình yêu là gì. Dù bản thân đã mất gần 6 năm để trải qua một cuộc tình, để rồi khi mọi chuyện qua đi, tôi lại tự hỏi, tình yêu là gì?

Rose và Jack, Romeo và Juliet, có phải là tình yêu không? Và giữa tôi và anh có phải là tình yêu không? Trong cơn say tình, tôi đã gọi đó là tình yêu, tôi nói tôi đã biết yêu. Nhưng rồi kết quả tình yêu của tôi là gì? Cũng chỉ là một hồi ức. Và bây giờ nhìn lại, tôi lại tự hỏi, liệu đó có phải là yêu?

Có chứ. Tôi đã yêu. Đã yêu hết những gì có thể. Đã sống trọn vẹn với tình yêu đó. Dù bây giờ đã không còn yêu, nhưng tôi vẫn cảm ơn anh vì những gì anh đã dành cho tôi khi ấy.

Có người bảo hôn nhân là mồ chôn của ái tình. Tôi cho là đúng. Nhưng chưa đủ. Việt Nam có cụm từ “tình nghĩa vợ chồng”. Tại sao không phải là “tình yêu vợ chồng”? Bởi vì, đôi lứa đến với nhau bằng tình, nhưng sẽ sống với nhau bằng nghĩa. Cái tình như nấc thang đưa con người tới thiên đường còn cái nghĩa sẽ bảo bọc con người trong cuộc đời.

Khi còn tuổi trẻ, khi còn khỏe mạnh, bạn cho mình có thể làm được mọi thứ, có thể bay nhảy khắp nơi. Nhưng một khi bệnh tật tìm đến, bạn mới thấm thía chữ nghĩa tình.

Câu nói cuối cùng mà cha tôi nói với mẹ tôi: “Đến giờ phút này anh mới biết thương vợ thương con.” Sau bao đau khổ cha dành cho mẹ, đến khi ngã bệnh, Mẹ là người duy nhất bên cạnh cha. Vì đâu, vì một chữ “nghĩa”. Không phải “nghĩa vụ” mà là “nghĩa tình”.

Tuổi trẻ bây giờ đề cao tự do yêu đương, đã vô tình quên mất cái chữ nghĩa tình cao quý ấy. Tôi nhớ cái ngày ông ngoại tôi bệnh liệt giường, dù đã nằm một chỗ, ăn một chỗ, tiểu tiện đại tiện cũng một chỗ ấy cả tháng trời, nhưng lúc nào ông ngoại cũng thơm tho sạch sẽ. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để kể với bạn về điều này, tôi chỉ nhớ rằng mỗi lần ông đi ngoài, bà tôi đều giúp ông lau chùi cẩn thận, bà còn xức phấn thơm cho ông vì sợ ông nằm một chỗ bị ẩm, nổi sảy. Ông tôi ngượng lắm (dù đã là vợ chồng già rồi), bảo: “Tôi đã làm khổ mình.” Nhưng Bà tôi đã luôn xem chuyện ấy là niềm vui vì bà nói: “Miễn là mình còn ở bên cạnh tôi.”

Tất cả những thứ bình thường, dung dị ấy, tuổi trẻ tụi mình có thể cảm nhận được không? Tôi không biết tôi sẽ lại yêu như thế nào, sẽ kết hôn như thế nào, và sẽ sống như thế nào với hôn nhân ấy. Nhưng trong thâm tâm tôi, tận đáy lòng, tôi vẫn mong người chồng của tôi sẽ đến với tôi bằng tình yêu, và sẽ sống với tôi bằng tình nghĩa. Sự tôn trọng và tin tưởng nhau sẽ cùng nâng đỡ nhau suốt cả đời. Có được như vậy thì câu “vợ chồng tương kính như tân” “bách niên hảo hợp” sẽ có gì mà khó. Chỉ cần hai chữ “nghĩa tình” được trọn vẹn.

 

Gania

Tại sao chúng ta kể chuyện cổ tích cho trẻ em?

Featured image: Alice Lạc Vào Xứ Thần Tiên

Người lớn chúng ta thật lạ khi kể những câu chuyện cổ tích cho trẻ em. Chúng ta kể về một thế giới mà chúng ta biết chẳng hề tồn tại & đối lập hoàn toàn với thế giới thực đầy tàn nhẫn, tầm thường & dối trá của người lớn. Những nguyên tắc hành xử mà trong cái thế giới sáng đẹp ấy thật hay ho: phải luôn thẳng thắn, phải dũng cảm,… bla bla. Thế nhưng, chúng ta đều biết sẽ thật là khờ khạo và luôn chịu thua thiệt nếu áp dụng những nguyên tắc đó trong cuộc sống thực.

Vậy nếu như cái DREAMLAND chẳng hề tồn tại, sao chúng ta cứ mãi lải nhải cho con em của chúng ta nghe. Tại sao chúng ta không kể cho chúng nghe về cái thế giới thực mà chúng ta đang sống: rằng chúng ta vừa ăn hoa hồng của 1 nhà cung trong khi công ty cấm chuyện ăn hoa hồng, hay chuyện chúng ta vừa được thăng chức nhờ xuất sắc trong việc hầu hạ sếp hay chuyện chúng ta vừa thoát khỏi 1 cú xấu mặt nhờ việc chối bay biến những sai lầm vừa gây ra. Sao chúng ta không đơn giản là kể sự thật? Phải chăng chúng ta không dám cho chúng đối diện với thế giới khắc nghiệt ấy? Hay là vì cái thế giới thực ấy chẳng có gì hay ho để là một câu chuyện cho chúng ta kể?

Hay nhìn một cách tích cực hơn, đó có thể là vì chúng ta vẫn tin rằng thế giới ấy vẫn tồn tại, rằng cuộc sống vẫn còn đó những điều kỳ diệu & rằng người ta vẫn có thể thành công & hạnh phúc nếu vẫn áp dụng những nguyên tắc hay ho. Bởi vì thật ra trong thế giới thực này, chúng ta vẫn thấy 1 số ít người làm được chuyện đó.

Phải chăng chúng ta vẫn đang hy vọng khi kể chuyện cổ tích?

Ở một khía cạnh nào đấy, tôi nghĩ rằng quá trình trưởng thành cũng chính là quá trình tha hóa. Mỗi ngày chúng ta càng lớn hơn và càng trở nên xấu xa hơn. Những ý tưởng tốt đẹp mà chúng ta được biết khi còn nhỏ dần dần xa rời chúng ta. Và có thể nói, thế giới này bao gồm những kẻ xấu xa thành công, những kẻ xấu xa thất bại, những kẻ xấu xa tầm thường (chiếm đa số), những kẻ tốt đẹp khờ khạo bị thua thiệt và những kẻ tốt đẹp thành công (rất ít).

Chúng ta ngày càng lớn hơn và ngày càng thấy thế giới này chẳng có gì hay ho.

Tôi thì thích những kẻ tốt đẹp thành công bởi vì đó là những kẻ duy nhất sống ở thiên đường. Bởi đó có lẽ là cách duy nhất để sống trọn vẹn cuộc sống ngắn ngủi. Khi đã là một kẻ xấu xa thì có thành công hay không có lẽ họ cũng chẳng hạnh phúc mấy. Làm một kẻ tốt đẹp nhưng khờ khạo thì càng không phải là một ý tưởng hấp dẫn.

Thế nhưng, thích là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Làm một kẻ tốt đẹp thành công chẳng hề là một con đường giản đơn và có rất ít người đi hết con đường đó.

ANYWAY (btv: dù sao thì). Khi bắt đầu học tiếng Anh, tôi chẳng ngờ từ ANYWAY lại là một trong những từ tôi thích nhất trong tiếng Anh. Có thể tôi sẽ không thể đi hết con đường đó. Anyway, đi được 99% đã là thiên đường rồi.

 

Khi phụ nữ khóc và tưởng tượng

Photo: Kaya Scodelario

 

Xưa nay chúng ta thường nghe con người có 2 loại vũ khí mà nhờ nó, chúng ta mới có thể sinh tồn và phát triển, đó là răng và móng vuốt… Vậy thì, theo logic ấy, phụ nữ cũng có từng đó vũ khí. Nhưng cá nhân tôi thì lại cho rằng vũ khí lớn nhất của phụ nữ là nước mắt và trí tưởng tượng vô bờ bến.

“Khí giới của đàn bà là những giọt nước mắt.” – Shakespeare

Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của những giọt nước mắt người ta yêu. Nó là biểu hiện của một trái tim đa cảm, một sự yếu đuối mong manh… Người phụ nữ dù mạnh mẽ bao nhiêu cũng có lúc rơi lệ và những giọt nước mắt ấy chính là cánh cửa cho ta khám phá một góc khuất nơi con người họ. Nước mắt là mãnh lực của cả những người phụ nữ yếu đuối và mạnh mẽ. Và hình như ta yêu họ cũng chính từ những lúc họ yếu mềm như thế. Vì ta là phái mạnh và những lúc đó bản năng của một người đàn ông thúc giục ta phải chở che, vỗ về hay đơn giản là im lặng ở bên họ. Với phụ nữ, khi họ khóc, chỉ cần họ nghĩ đến bạn, thế là quá đủ!

“Đàn bà yêu bằng tưởng tượng. Đàn ông yêu bằng cảm tưởng.” – Shakerley

Kể cả trong hay sau tình yêu, trí tưởng tượng của đàn bà vẫn rộng lớn vô cùng. Đã qua rồi hình ảnh các nàng thiếu nữ trong thơ Mới “Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” khi đọc một cuốn thơ tình hay một cuốn tiểu thuyết diễm lệ. Những người phụ nữ của ngày hôm nay sống thực tế hơn nhưng không vì thế mà họ bớt lãng mạn hơn. Khi sắp yêu, họ tưởng tượng về một hình bóng tương lai với tất cả sự háo hức… Khi đang yêu họ nghĩ đến những kì nghỉ, những nụ cười hay vô vàn tình huống gian nan nào đó đòi hỏi hai người sẽ phải vượt qua… Và tất nhiên, họ nghĩ đến một happy ending diễm lệ chứ. Còn khi chia tay, họ nghĩ ra muôn vàn điều tồi tệ mà nhìn vào đó họ vật vã, họ khổ sở…

Vậy ở người phụ nữ: Khi nước mắt+ trí tưởng tượng?

Thế thì thật tồi tệ!

Với phụ nữ, nước mắt ít khi tượng trưng cho niềm vui. Những giọt nước mắt rơi đúng thời điểm, gặp đúng người thì dù được lau khô hay tiếp tục lăn nhanh cũng là những hạt ngọc ta muốn trân trọng nể vì. Ngược lại, người phụ nữ nào biết lợi dụng những giọt nước mắt của mình thì sớm hay muộn cũng gặt trái đắng.

Khi phụ nữ đau khổ, họ khóc và nghĩ rất nhiều. Đó là nỗi khổ muôn đời của phụ nữ: ngồi một xó, khóc và tự mình tưởng tượng ra toàn những thứ mình không muốn nghĩ đến bao giờ… và rồi lại ủ rũ, lại khóc. Anh ấy ít nói “Anh yêu em”, thế là lại băn khoăn: “Hay là anh ấy không yêu mình thật?” “Hay trước đấy anh ấy thề chỉ nói câu đó với ai đó?”… Mà quên mất rằng “chồng yêu vợ” là câu người ấy nói với bạn hằng ngày.

Thế nên phụ nữ à, khi khóc hãy tìm cho mình một bờ-vai-tin-tưởng để dựa, khi không có bờ-vai-tin-tưởng thì hãy tìm đến những người thân yêu xung quanh bạn, tìm đến những đứa trẻ, đi đến một quán cafe xa lạ hoặc đứng trước một cái gương và khóc… Khi khóc, tuyệt đối đừng tưởng tượng. Vì trái tim đang rạn thì làm gì có một cái đầu minh mẫn? Dù trái tim đó mềm yếu hay lạnh tanh thì phản ứng đi sau chắc chắn sẽ tiêu cực.

Phụ nữ à, hãy nhớ lấy một điều, có thể trong lúc bạn đang vật vã trong dòng nước mắt với cái mặt nhem nhuốc và những đau khổ do mình tạo ra thì đàn ông chúng tôi đang phải chải chuốt đi ký kết một hợp đồng, mà không, có thể đang làm vài cốc bia với bạn rồi. Cuộc sống hài hước thế đấy! Nhưng hãy nhìn thẳng vào nó đi, và đừng nghĩ ngợi nhiều nhé.

 

Hai Yan

2/5/2014

Tình yêu hãy bắt đầu bằng tình yêu

Featured image: Patrick Cooper

 

Khi lớn lên con người ta thường luẩn quẩn với rất nhiều câu hỏi. Cứ loay hoay mãi trong ti tỷ thắc mắc của bản thân, đồng thời sốt sắng nỗi lo lắng sợ mình đang ngày một “già” đi. Trong số những câu hỏi ấy, có lẽ người ta chưa dưới một lần thắc mắc “yêu là gì?” “thế nào là yêu thực sự?” và cả tá các câu hỏi nhang nhác như thế. Tôi cũng như bạn, cũng trẻ và vẫn cứ đang mải miết đi tìm câu trả lời cho trái tim mình. Tôi chưa tìm được câu trả lời mà mình muốn và có lẽ cả đời cũng chưa chắc đã tìm thấy, nhưng cũng có sao. Ai đó đã từng nói, đích đến không quan trọng bằng những con đường mà mình đã đi qua để đến được nơi đó. Chỉ cần biết rằng đâu đó cũng có những tâm hồn đồng điệu, để biết rằng mình không cô đơn giữa thế giới rộng lớn này, không lạc lõng trên con đường mình đi, có lẽ thế là đủ. Đó là lý do tôi viết những dòng này…

Hãy để tình yêu bắt đầu bằng tình yêu

“Tình yêu không phải là một quyết định. Nó là một cảm xúc. Nếu chúng ta có thể quyết định được mình yêu ai, nó sẽ đơn giản hơn rất nhiều, nhưng cũng sẽ mất đi sự mầu nhiệm hơn rất nhiều.”

— Lời thoại trong phim hoạt hình South Park (dịch: THĐP)

Tình yêu là cảm xúc và ai thì lại đi quyết định xem cảm xúc của mình nên như thế nào? Dĩ nhiên việc này không phải là không làm được, đặc biệt là đối với những người tự chủ và có khả năng kiềm chế tốt. Tuy nhiên, một khi đã là cố gắng và là kết quả của sự tập luyện thì lúc ấy không còn là cảm xúc hay tình yêu nữa mà nên gọi là gì nhỉ… kỹ năng. Phải, một kỹ năng của một anh thợ lành nghề. Đừng để tình yêu của mình đi đến cái ranh giới khiến nó thay đổi bản chất như thế. Nó chỉ khiến cho những người trong cuộc đau khổ, không mang lại kết quả viên mãn bao giờ.

Tôi từng thấy có những người bắt đầu cuộc tình bằng những toan tính vật chất, chấp nhận đi đến hôn nhân để cốt có một cuộc sống đầy đủ và tiện nghi. Liệu họ có bao giờ tự hỏi rằng tình yêu sẽ ra sao khi những tiện nghi vật chất ấy không còn hoặc không đủ sức giữ chân trái tim? Chẳng phải là sẽ rất bất hạnh sao? Cũng có những cuộc tình bắt đầu bằng tình thương. Mở đầu có vẻ như một trong hai người đã rất nhân đạo và có tinh thần nhân văn, nhân bản cao cả. Nhưng rốt cuộc tình yêu cũng chết yểu khi chuyện ban phát tình cảm khi không có cảm xúc có lẽ là quá sức cho trái tim chăng?

Nhiều người thường hay hỏi tôi, nên lấy người yêu mình hay lấy người mình yêu. Bản thân tôi thấy rằng, dù là ít thôi nhưng tình yêu nên bắt đầu từ cả hai phía. Có như vậy thì hai người sẽ dễ bao dung và chấp nhận nhau trước sóng gió cuộc đời. Sau này, dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa thì cũng không có ai trách người kia vì đã tạo nên cuộc tình này.

Kinh nghiệm yêu

Bạn tôi thường hỏi chắc tôi có nhiều kinh nghiệm tình trường lắm vì bản thân cũng đang trải qua nhiều mối tình lớn nhỏ. Những lúc ấy, tôi chỉ hoặc ngẩn người ra cố gắng lục lọi trong tâm trí mình để xem có cái ngăn kéo nào gọi là ‘kinh nghiệm yêu’ không. Thường thì càng tìm càng không thấy. Càng tìm càng thấy biệt tăm. Dần dà, cách phản ứng của tôi với những câu hỏi kiểu đó của bạn tôi là… cười. Vốn dĩ làm gì có cái gọi là kinh nghiệm yêu. Lần nào yêu, trái tim của người ta cũng chỉ như yêu lần đầu. Vẫn mù quáng, vẫn hồi hộp và có cảm giác của một cô gái tuổi 18 – 20. Yêu mà thành kinh nghiệm thì còn gì là yêu. Tôi rất tâm đắc những lời của một người bạn ‘lớn’:

“Làm gì có cái gọi làm mối tình đầu, mối tình cuối. Người ta chỉ có các mối tình đầu được đánh số từ 1 đến dương vô cùng mà thôi.”

Sau mỗi cuộc tình người ta sẽ có những bài học này bài học kia có thể về cách cư xử hay cách thức thể hiện cảm xúc, tình yêu. Nhưng về mặt cảm xúc và những rung cảm – cốt lõi bản chất bên sâu tình yêu thì cơ bản vẫn là một số 0 tròn trĩnh. Người ta chẳng thế quyết định thay cho con tim và sẽ yêu ai, sẽ chọn ai và đôi lúc bằng sự cố chấp và mù quáng của mình, tình cảm có lúc lại thêm một lần nữa đổ sầm về phía người vừa làm cho nó bị tổn thương.

Trái tim luôn có những lý lẽ mà bằng lý trí, ta khó có thể hiểu được, cắt nghĩa và giải thích. Có thể sẽ là ngu ngốc và ngây ngô, nhưng tình yêu thì hãy cứ để trái tim được ‘cuốn theo chiều gió’. Trích dẫn thế này không liên quan lắm nhưng mà Steve Jobs đã từng nói: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.” Dù vấp ngã, dù đau đớn nhưng đừng bao giờ hối tiếc. Hạnh phúc thật đẹp thật dễ chịu nhưng thường không dạy được cho chúng ta nhiều điều. Hạnh phúc là để trân trọng, không phải là một người thầy tốt. Con người ta thường trưởng thành và lớn lên từ nỗi đau. Đừng sợ hãi những trải nghiệm không đẹp và những thứ cảm xúc xấu. Sau này nhìn lại, bạn sẽ phải cảm ơn chúng nhiều lắm đấy.

Tình yêu luôn có muôn hình vạn trạng nhưng hãy luôn yêu bằng cả trái tim mình. Đừng vị kỷ, hãy vị tha…

 

Bảo Bình

Tình yêu học đường, một dòng suy nghĩ…

Featured image: Phiêu Media

 

Vâng, đây là chủ để chả có gì mới mẻ, nhưng nó cũng chưa bao giờ bị lãng quên. Đã có hàng trăm hàng ngàn ý kiến, bài viết của các chuyên gia tâm lý, các nhà văn, nhà văn hóa về vấn đề này. Có nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có không ít ý kiến đồng tình với “tình yêu học đường” (yêu sớm). Nhưng dù ý kiến đó là gì, dù có thuyết phục đến đâu, thì chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều rằng:

Chúng ta không thể ngăn cản bọn trẻ nếu chúng muốn “yêu”

Tôi khẳng định rằng chúng ta, khi còn ở trong môi trường học đường, chúng ta cũng đã một lần “say nắng” một cô nàng (một anh chàng) nào đó. Nếu nó, và cả chúng ta nữa, còn quá non nớt để gọi là “yêu”, nhưng nó cũng ít nhiều tác động đến tâm tư và hành động của chúng ta. Để rồi khi chúng ta trưởng thành hơn một chút, biết suy nghĩ hơn một chút, những lần “say nắng” đó không chỉ đơn giản là thứ tình cảm trẻ con.

Nhờ nó, chúng ta đã biết thế nào là nhớ, thế nào là ghen, thế nào là ngại ngùng, thế nào là ngốc nghếch là khù khờ. Những khung bậc cảm xúc đó thực sự đã làm cho cuộc sống của chúng ta thêm màu sắc, thêm xinh tươi và lý thú. Nó đã biến đổi chúng ta một cách mạnh mẽ đến mức ngay cả đến chúng ta cũng chẳng thể nhận ra chính mình!

Nhưng vì lý do này lý do nọ mà thứ cảm đó chỉ dừng lại ở mức độ chớm nở mà không thể đi đến tận cùng. Nhưng hơn hết, có một điều mà hầu hết chúng ta đều cảm nhận được: Chúng ta đã trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã. Chúng ta có thể đã phải trải qua vô vàn đau đớn, buồn tủi khi chúng ta không thể có được, hoặc có nhưng đã đánh mất người mà chúng ta thực sự “yêu”. Nhưng một khi chúng ta đã vượt qua được thời gian đó, vâng như bạn đã biết, chúng ta đã “lớn” lên rất nhiều.

Tôi cũng đã trải qua thứ cảm giác đó, thứ khiến tôi ôm mặt khóc không biết bao nhiêu lần mỗi khi đêm về. Không phải vì tôi là người yếu đuối, mà là vì thứ tình cảm đó quá mãnh liệt. Và khi tôi vượt qua nó, tôi đã rút ra được một châm ngôn cho riêng mình. Tôi đã sống theo châm ngôn nó, và nhờ nó tôi gần như đã trở nên “bất khả xâm phạm” đối với nỗi buồn.

Và châm ngôn của tôi cũng rất đơn giản: Đau khổ cũng là hạnh phúc.

Nếu bạn thực sử hiểu câu châm ngôn đó, nụ cười sẽ luôn bên bạn trong mọi hoàn cảnh. Trở lại với tình yêu học đường, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chỉ nên “yêu” khi chúng ta có công ăn việc làm, khi chúng ta đã thực sự ” trưởng thành”.  Nhưng tôi xin phép hỏi bạn, liệu có thể có một “tình yêu” đúng nghĩa khi mà ở lứa tuổi đó, những vấn đề tiền bạc, gia đình, sự nghiệp, công danh đang chi phối mọi suy nghĩ và hành động của bạn một cách mạnh mẽ?

Thay vì một “tình yêu trong sáng”, thứ chúng ta có sẽ là những toan tính, những lừa lọc, những sự giả dối. Tất nhiên tôi không dám khẳng định tất cả đều như thế, nhưng bạn không thể phủ nhận rằng những điều tôi nó không sai sự thật.

Với tất cả những gì tôi nêu ra, tôi hy vọng rằng bạn đã có một chút gì đó hữu ích. Và tôi cũng tin bạn đã có quyết định và suy nghĩ riêng của mình.

 

Mặt Mo

Nếu quay lại nhặt chiếc giày, có thể Cô Bé Lọ Lem đã không trở thành vợ Hoàng tử

Có người đã khẳng định với tôi. Nếu quay lại nhặt chiếc giày, Cô Bé Lọ Lem sẽ không thể trở thành vợ Hoàng tử, và tiếp tục sống cuộc sống khổ đau nơi gác xép. Vì vậy, đừng nuối tiếc những gì đã qua. Biết đâu, tương lai sẽ cho bạn thứ tốt đẹp hơn gấp nhiều lần những gì trong quá khứ….

Không bình luận nhiều về tính đúng sai, tôi chỉ phân tích cho rõ xem,  dấu câu cuối tựa đề này nên là (.) hay (?)

Trong câu chuyện, Cô Bé Lọ Lem  đã vội vàng để về trước 12h. Và vì vội vàng như thế, nàng chẳng biết mình đánh mất một chiếc giày thủy tinh. Câu hỏi đặt ra là, nếu chưa về đến nhà, và nàng biết 1 bên chiếc giày đã rơi mất, liệu nàng có quay lại nhặt hay không? Tôi thực sự không biết. Và muốn biết, có lẽ chỉ có thể tìm cách tạo ra một Lọ Lem thật và hỏi xem nàng sẽ làm gì…

Trong tưởng tượng của mình, nếu tôi là nàng Lọ Lem ấy, có lẽ tôi sẽ tức tốc quay lại để tìm chiếc giày bị rơi. Lý do ư?

Thứ nhất, trong đời tôi, chưa từng đc sở hữu một bộ váy đẹp, một thứ đồ trang sức lấp lánh, hay một đôi giày thủy tinh lung linh và (có lẽ) duy nhất như vậy . Nó đối với tôi là RẤT QUÝ!

Thứ hai, dù sao thì cũng đã sắp đến 12h. Kiểu nào cũng về trễ. Và dù có bị mẹ con nhà dì ghẻ quát mắng, đánh đập, thì cũng chỉ là thêm 1 hạt cát vào đại dương mênh mông.

Thứ ba, đã sắp 12h, tất cả mọi thứ sẽ về lại như cũ. Cỗ xe ngựa sẽ thành trái bí ngô. 4 con bạch mã thành 4 con chuột. Người phu xe biến thành con ngựa. Và tất nhiên, bộ váy lộng lẫy trên người Lọ Lem sẽ trở về nhàu nát và cũ kĩ.

Tuy nhiên, chiếc giày thủy tinh đã chính là nó ngay từ khi bắt đầu. Bà tiên rút ra từ túi áo của mình. Vậy nên, có 12 giờ hay đêm nay, đêm mai nữa, nó vẫn chẳng thể biến hình hay đi đâu mất cả. Ít ra thì sau khi tỉnh giấc mơ, tôi vẫn có thể tiếp tục ấp ủ cho mình một chút hi vọng về ngày mai tươi sáng.

Và tôi quyết định quay lại.

Tất nhiên, khi vội vã về nhà mà xe ngựa vẫn biến thành bí ngô, thì hình ảnh Lọ Lem mặc bộ đồ xấu xí và cầm đôi giày thủy tinh lấp lánh trên tay cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ chắc một điều, cô nàng sẽ nở một nụ cười còn lung linh hơn thứ cô đang sở hữu. Và biết đâu, trong lúc đẹp hồn nhiên ấy, Lọ Lem lại sớm được gặp chàng Hoàng tử đang luống cuống đuổi theo mình?

Lại tất nhiên, điều may mắn ấy chỉ là “biết đâu”. Nếu không may, Lọ Lem vẫn sẽ lại là Lọ lem gác xép. chỉ có một điều khác, đó là từ ngày mai, sau những vất vả, mệt mỏi, cô lại đắm mình vào những giấc mơ đã từng là sự thật trong quá khứ. Đau sẽ lại càng đau hơn.

Nếu một ai đó trong các bạn là Cô Bé Lọ Lem

Nàng sợ về nhà trễ sẽ bị mắng. Nàng sợ cỗ xe ngựa sẽ biến thành trái bí ngô và nàng không thể về nhà. Nàng nghĩ rằng, so với những đau khổ mà nàng đã và đang nếm trải, đêm nay đã là quá tuyệt vời. Và nàng chấp nhận “một phút huy hoàng rồi chợt tắt.”

Nàng không quay lại.

Hoàng tử nhặt được chiếc giày.

Có thể như câu chuyện, Cô Bé Lọ Lem trở lại và thành công chúa, và sống hạnh phúc bên Hoàng tử đến mãi mãi về sau.

Cũng có thể, dù Hoàng tử đuổi theo, nhưng trời tối om. Và chiếc giày xinh đẹp nằm lẫn bên bụi cỏ vệ đường. Chàng không nhìn thấy nó.

Cũng có thể, Hoàng tử nhặt chiếc giày lên, thấy chiếc giày thật đẹp, nhưng lại chẳng để ý, nó là của cô gái xinh đẹp đã khiêu vũ cùng mình… Hoàng tử trở về trong vô vọng. Và đêm vũ hội cùng cô nàng xinh đẹp kia cũng trở thành giấc mơ đẹp nhưng vĩnh viễn không thành với chàng.

Cũng có thể, khi hoàng tử mở hội ướm giày, mụ dì ghẻ bằng mọi cách ngăn cản Lọ Lem.. Một giả thuyết khác, hai cô con gái riêng trộm được chiếc giày còn lại và nghiễm nhiên trở thành công chúa…

Tóm lại, dù quay lại hay không quay lại nhặt chiếc giày, cơ hội Lọ Lem được làm vợ Hoàng tử vẫn là như nhau. Chỉ là tác giả đã chọn một trong những cốt truyện ly kì nhất để hấp dẫn những fan cuồng cổ tích.

Và cho dù ta có nói cho công chúa tất cả những sự lựa chọn, chưa hẳn nàng đã quyết định đi về luôn và không quay lại tìm chiếc giày thủy tinh ấy. Chỉ là nàng phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, dù có Hoàng tử cùng tiếp tục những tháng ngày còn lại hay không.

Cuộc sống này cũng vậy. Nuối tiếc một thứ gì đó chưa hẳn đã là không đúng. Kỉ niệm là động lực cho hiện tại hướng đến tương lai. Quay lại với một điều đã cũ, chấp nhận, tha thứ, và sống lại với nó một lần cũng không phải là không nên. Quan trọng là bản thân bạn, phải sẵn sàng để chấp nhận những gì ngày mai đưa đến. Dù có hạnh phúc hay khổ đau.

Tương lai có mang đến cho ta những điều tốt đẹp hơn, hay tồi tệ hơn quá khứ, điều đó vẫn mãi là “biết đâu” cho đến khi nó trở thành “hôm qua” cho một “ngày mai” hay “hôm nay” khác!

 

4 cái còn nghèo lắm của Việt Nam

Photo: Wiki Commons (Tạm dịch: Bạn có thể yêu tổ quốc mà không cần phải yêu chính phủ.)

 

Với một kỳ nghĩ dài, một chuyến đi ngắn, đã cho tôi một cơ hội suy nghĩ về cái gì đó lớn lao hơn. Nghĩ về người Việt, chúng ta giàu về hạnh phúc nhưng chúng ta lại nghèo về rất nhiều điều. Cụ thể là:

Nghèo về lòng tin

Đây là điều đáng báo động của đất nước tôi. Dường như chúng ta đã hoàn toàn mất lòng tin về tất cả mọi chuyện đã và đang diễn ra tại cái xứ sở này. Bắt đầu từ kinh tế nhé, chúng ta mất lòng tin về thể chế chính trị, về hệ thống ngân hàng và pháp luật của chính chúng ta. Có những thời điểm người Việt chúng ta đầu tư vàng. Nhưng mấy ai biết được SJC lại là công ty kiểm soát khoảng 80% thị trường vàng của đất nước này. Tất nhiên, chuyện điều tiết giá là chuyện tất yếu xảy ra. Gần đây nhất là dịch sởi bùng phát mạnh mẽ, dẫn đến hàng chục gia đình phải mất con. Thật ra, dịch sởi không thật sự nguy hiểm, cũng không gây chết người nhưng tại sao tình trạng ở xứ sở chúng ta lại trở nên tồi tệ đến vậy? Cũng chính từ đây, chúng ta lại phát hiện ra một sự thật nữa, đấy là phần lớn người dân chúng ta vẫn chưa tim vacxin cho con trẻ. Vì một tâm lý rằng, tim phòng vacxin hiện nay thật sự rất nguy hiểm. Từ các điều này, có thể ngẫm một điều rằng: Niềm tin trên đất nước tươi đẹp của chúng ta hiện tại đang cạn đáy.

Nghèo về lòng tự trọng

Chúng ta quay về chuyện nữ tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airline bị bắt ở Nhật về hành vi không được đẹp mà chắc hẳn ai cũng biết. Đằng sao bộ áo dài sang trọng, gương mặt sáng đẹp với nụ cười thân thiện. Đại diện cho một đất nước quảng bá hình ảnh của dân tộc, được sự chấp cánh của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, bấy nhiều chưa đủ nếu mang hình ảnh dân tộc so sánh với những khoảng lợi nhuận mà những người đẹp này mang về cho chính bản thân mình. Trước đó, thì một số phương tiện truyền thông của ta đưa tin, một số quốc gia như Thái, Nhật, Đài Loan tại nhà hàng, của hiệu  họ có những biển cảnh báo về trộm cắp, thừa thức ăn bằng tiếng Việt. Trong thực tế, tôi đã từng nghe một số người thân quen họ hay đi nước ngoài vào bảo rằng khi có ai hỏi đến từ đâu thì cứ bảo “Tôi đến từ Nhật hoặc Philippines” rồi khi quen thân rồi chúng ta từ từ giải thích về cái nguồn gốc của chúng ta. Tại sao lại có cách cư xử này, phải chăng là vì người Việt chúng ta tự hạ uy tín của dân tộc chúng ta trên thới giới.

Nghèo về đạo đức xã hội

Hiện trạng này đang báo động, con người trở nên vô cảm hơn bao giờ hết. Cuộc sống nhộn nhịp khiến chúng ta không còn dành nhiều thời gian quan tâm lẫn nhau. Ngày càng có nhiều phương tiện khiến quả đất chúng ta trở nên nhỏ bé hơn. Nhưng khoảng cách về lòng người thì ngày càng xa. Một cảnh tượng quen thuộc nơi café chính là mỗi người cái điện thoại thông minh, mỗi người một việc tại các nơi mà họ hẹn hò. Hay trào lưu chụp ảnh và cập nhật trạng thái qua mạng xã hội, chính điều này khiến cho điện thoại thông minh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Một mối quan hệ nào đó đỗ vỡ đối với chúng ta là một điều rất bình thường. Nhưng khi Smartphone rơi vỡ hoặc mất đi chúng ta lo lắng khôn cùng.

Hoặc khi tham gia giao thông ngoài đường, gặp sự cố giao thông thì phần đông chúng ta dừng lại và quan sát nhưng không hành động. Vì rất nhiều lý do, nhưng suy cho cùng thì xuất phát từ niềm tin của chúng ta đã bị cạn đáy rồi, chúng ta ai cũng sợ, lo sợ về rủi ro, phiền phức khi làm điều tốt. Quay lại dịch sởi thì mới thấy người Việt mình tốt xấu ra sao. Trẻ em rất tội nghiệp khi phải gánh chịu hậu quả từ những hành động sai trái của người lớn. Dịch bùng bổ, bà bộ trưởng lo giữ ghế mà đỗ lỗi cho dân, do trời mà ra. Các tay buôn thì tranh thủ có dịch và tin đồn là hạt mùi có thể trị bệnh sởi, thế là hét giá gấp ba đến bốn lần. Thử hỏi lòng người ở đâu, tấm lòng con người đâu bằng vài ba trăm nghìn đúng không nhỉ?

Đặc biệt thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp người nhặt được của rơi của người khác và trả lại cho khổ chủ, được các cấp quản lý chúng ta khen thưởng, biểu dương. Theo quan điểm của cá nhân, nếu điều này càng được nhân rộng thì giá trị về đạo đức xã hội của chúng ta đang xuống dốc không phanh. Tôi nhắc lại điều này, vì tôi nghĩ bài học đạo đức trong hệ thống giáo dục của chúng ta đã ít được quan tâm. Học sinh chúng ta họ quan tâm đến học để thi Đại học họ sẽ không quan tâm đến đạo đức vì đó chỉ là một môn điều kiện để khống chế xếp loại mà thôi. Đó là khoảng thời gian mười hai năm chúng ta “học để làm người” thì vô tình chúng ta lại đang đi lệch hướng hoặc bị bỏ qua. Mục đích xây dựng nền tảng cho mười hai năm của giáo dục và cả học sinh chúng ta là đỗ vào Đại học.

Nghèo về tiền của

Điều này là diễn nhiên rồi, vì chúng ta là một quốc gia đang phát triển, với biết bao nhiêu khó khăn trong việc xây dựng  đất nước. Có đến hơn 96% doanh nghiệp chúng ta là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ai cũng biết GDP của chúng ta chừng hơn 150 tỷ đô, nhưng nợ công của chúng ta thì có rất nhiều con số nhưng với tình hình này, con số này cụ thể là bao nhiêu chắc ai cũng đã rõ. Chúng ta đang xây dụng một nền kinh tế yếu từ số lượng cho đến quy mô thì đồng nghĩa cái giá trị chúng ta tạo ra và tiêu xài gần như chưa thật sự cân đối. Rủi ro rất cao. Nhưng chúng ta đã đi trên một con thuyền này, mỗi cá nhân cần phải nỗ lực và cố gắng để đưa con thuyền kinh tế tiến về phía trước.

Khi rôi viết cái này, đây là cảm nhận, đúc kết và viết thành quan điểm cá nhân. Chắc hẳn sẽ có bạn đọc sẽ hiểu và đồng cảm và ngược lại. Tuy nhiên, điều tôi muốn gửi vào đây, đó chính là mỗi chúng ta điều mang những cái nghèo này trong cuộc đời của chính mình. Nếu chúng ta lờ nó đi và tiếp tục sống thì tôi nghĩ vẫn sẽ không có vấn đề gì đâu. Nhưng mỗi cá nhân gớp sức, chia sẻ và đẩy lùi những cái nghèo đi, không hi vọng người Việt sẽ sánh vai với cường quốc năm châu. Chỉ hi vọng mỗi cá nhân chúng ta có thể tự tin nói với mọi người trên toàn thế rằng “Tôi là người Việt Nam” vì tôi tự hào vì điều đó.

 

Mr Lias

Những cung bậc của “cái sự đi” (du lịch)

Featuted image: Strelec

Hầu như chúng ta đều yêu thích đi du lịch. Lý do được đưa ra thường là đi để mở rộng tầm hiểu biết, làm phong phú thêm vốn sống hay để vượt qua cuộc sống đơn điệu hằng ngày. Tôi không có số liệu chứng minh, nhưng quan sát thực tế có thể thấy số người trung thành với mục đích này không nhiều, mà phần lớn đi du lịch để khoe chuyện với đám bạn: Du lịch ở ABC à? Đi nước XYZ hả? Tao đi rồi. Mày đi chưa? Hình tao chụp nè, đẹp độc lạ không? Và vênh vênh mũi khoái chí.

Du lịch đem đến những trải nghiệm quý báu. Thật ra, tất cả mọi người đều được trải nghiệm, nhưng như đề cập ở trên, phần lớn chỉ dừng ở mức trải nghiệm thô thiển nhất. Đó là mức độ thỏa mãn giác quan, phục vụ cái nhìn cái thấy, đáp ứng sự tò mò & hưởng thụ hoặc sự so đo bằng chị bằng em. Ở mức độ này hầu như những câu hỏi đơn giản cũng trở nên thật khó trả lời: Đến địa điểm đó, bạn cảm nhận thế nào về con người, về văn hóa của họ? Bạn học hỏi được điều gì cho cuộc sống?

Những câu hỏi như vậy chỉ được chia sẻ sâu sắc khi trải nghiệm được nâng lên mức học hỏi. Mỗi bước chân, mỗi chuyến đi là sự lăn xả và quan sát. Từng nét chấm phá của cảnh và người ở mỗi vùng đất đều là nguồn kiến thức hữu ích, và cao hơn nữa là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho những tâm hồn đồng điệu. Cánh cửa mở vào vùng trải nghiệm này lúc nào cũng bỏ ngỏ không khóa, nhưng khi ta vác lên vai sự hờ hững thờ ơ hoặc sự thụ hưởng thô thiển thì khó lòng chạm được vào cánh cửa ấy.

Sau khi chu du với khát khao học hỏi, nếu dũng cảm dấn bước sâu thêm nữa, ta sẽ được dẫn đến miền đất thần tiên của sự trải nghiệm. Ở đó, ta sẽ thấy mỗi âm thanh hình ảnh, mỗi cử động sinh hoạt như chính là quê hương của ta, và sâu sắc hơn thì đó chính là ta. Ta thấy bóng hình của mình phản chiếu trong từng cảnh vật, từng nét sinh hoạt và ngược lại, tất cả như đã tồn tại trong ta tự bao giờ. Ta thấy mình như kẻ lữ hành bấy lâu, lang thang khắp nơi và bây giờ tìm về người xưa chốn cũ, vỡ òa trong xúc động vô biên. Ta trở nên yêu thương cuộc sống hơn bao giờ hết, yêu thương từng nhành cây ngọn cỏ, từng con kiến con sâu, từng số phận giàu nghèo... Đây là mức trải nghiệm sâu sắc nhất của “cái sự đi”, ở đó không còn đường biên chia cắt sự sống của ta và sự sống của muôn loài, hơi thở của ta tràn đầy trong từng hơi thở của người của cảnh. Đạt đến mức trải nghiệm này không hề dễ dàng tí nào. Nhưng đi rồi sẽ đến, miễn rằng ta quyết tâm lên đường và hành trang của ta là một tâm thái rỗng rang và bén nhạy. Để có được tâm thái ấy, ta phải trút bỏ mọi định kiến, mọi kiến thức hiểu biết đã cố hữu bấy lâu trong trí óc, mọi sự phân biệt vụn vỡ, chỉ còn lại một tâm hồn rộng mở không chướng ngại, luôn sẵn sàng giao thoa và lấp đầy cùng muôn vạn tâm hồn khác.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến một cuộc tranh cãi ồn ào trên Internet gần đây giữa nhóm ủng hộ và phản đối việc ăn thịt chó. Khi chúng ta có được sự trải nghiệm cuộc sống một cách thực sự và sâu sắc thì ta thấy cuộc tranh cãi này trở nên ấu trĩ biết bao. Trước mỗi hành trình khám phá, ta đã đặt ra “lời thề Hyppocrates”: Đi để hiểu biết, đi để yêu thương. Nhưng tiếc thay, phần lớn ta lại phản bội “lời thề” này một cách phũ phàng.

Nhân đây, tôi muốn giới thiệu đến các bạn muốn đi du lịch và viết về chuyến đi của mình hãy tham khảo những cuốn hồi ký du lịch được viết bằng nhiều cung bậc cảm xúc tinh tế và hiểu biết sắc sảo của tác giả:

  • Mùi hương trầm của Nguyễn Tường Bách
  • Một mình ở Châu Âu của Phan Việt
  • Con đường Hồi giáo của Nguyễn Phương Mai

Võ Quân Zeroman

Chiến tranh không phải trò đùa!

Featured image: David Guttenfelder

 

Khi tôi biết anh, anh đã là một CEO thành đạt. Cuộc sống của anh là những chuyến đi khắp thế giới. Ấn tượng của tôi dành cho anh là sự ngưỡng mộ, tự hào, là niềm vui khi nhận được những bức ảnh anh gửi về từ khắp nơi trên thế giới, là những quãng thời gian ngăn, rất ngắn anh tranh thủ về VN, chúng tôi thường nói với nhau rất nhiều chuyện, tôi thật sự rất thích thú và háo hức được nghe những câu chuyện anh kể – một người có nhiều trải nghiệm lý thú.

Khi anh nói với tôi: Anh sẽ cho em xem những bức ảnh thời gian anh ở… nơi đó đạn bay vèo vèo, con người vừa giây phút trước còn ở ngay cạnh mình, nói cười hớn hở trong tích tắc đã gục chết trên vai đồng đội, máu tràn từ tim đẫm áo mà nụ cười chưa kịp tắt trên môi vì một viên đạn lạc.

Câu chuyện làm tôi hãi hùng nhưng vẫn thấy thản nhiên vì trong suy nghĩ của tôi vẫn là anh đến đó để triển khai những dự án của mình như những dự án anh đang thực hiện ở các quốc gia anh đã đi qua. Chỉ đến khi anh gửi cho tôi rất nhiều bức ảnh về nơi anh đã cầm súng để chiến đấu với đạn dược, súng ống, vũ khí tối tân, với những vòng rào thép gai chằng chịt gai lạnh, tôi mới thật sự tin anh đa trải qua một cuộc chiến ác liệt, một cuộc chiến tranh thật sự và may mắn trở về nguyên vẹn để sực tỉnh và bàng hoàng hoảng hốt:

– Trời ơi! Nghĩa là a đi đánh nhau thật sao? A biết bắn súng? A dùng khẩu súng kia để bắn ngươi ta sao?

Có lẽ, lúc đó anh thật buồn cười về nhưng câu hỏi quá ngô nghê đối với một phụ nữ hơn 30 tuổi.

– Phải thế! vì nếu mình không bắn người ta, người ta cũng bắn mình chiến tranh là như thế!

Câu nói nhẹ nhàng vậy thôi nhưng đã lột tả hết quy luật tàn khốc của chiến tranh: PHẢI GIẾT NGƯỜI! Chiến tranh – với tôi là một khái niệm vừa quen và vừa lạ. Quen vì tôi đã từng được nghe rất, rất nhiều trên TV, đọc rất rất nhiều báo, truyện viết về nó, xem rất nhiều bảo tàng, nhà tù lưu giữ lại những tội ác chiến tranh. Lạ vì tất cả chỉ là qua tưởng tượng, qua lời kể và nó đa là một ký ức đã lùi xa…. rất xa. Đau thương, chết chóc, căm thù… là những khái niệm hiện hữu nhưng mơ hồ. Chỉ đến khi tôi được xem những bức ảnh của anh, được trò chuyện với một người lính bằng xương bằng thịt cùng trang lứa, trở về từ một cuộc chiến tàn khốc cách đây không lâu ngay tại thời đại này đã làm tôi thấy khái niệm chiến tranh “gần gũi” hơn, “rõ nét” hơn.

Những cuộc chiến ở đâu đó mà tôi vẫn nghe trên ti vi và luôn đón nhận thông tin đó một cách hờ hững vì nghĩ rằng nó ơ những nơi mà tôi không biết đến và ở đó toàn người xa lạ thì hoá ra lại có những người bạn của tôi đã tham gia. Tôi bàng hoàng nhận ra chiến tranh vẫn đang diễn ra ngay thế kỉ này, ngay thời đại tôi đang sống nó không hề xa lạ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

“Anh may mắn đã trở về nguyên vẹn.” Khi anh nói với tôi câu này, tôi đã bật khóc, tôi muốn lao đến để ôm anh thật chăt, nhưng thật tiếc tôi không thể làm được điều đó vì chúng tôi xa nhau quá!

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra một người bạn nào đó của tôi đã phải cầm súng chiến đấu. Tôi hạnh phúc biết bao khi bạn tôi trở về từ nơi cái chết tựa ” lông hồng”. Đối với anh sự trở về là may mắn nhưng đối với tôi sự trở về của anh là kỳ diệu!

Hôm nay, ngày 30/4 sau 39 năm ngày đất nước trọn niềm vui, câu chuyện về một người Việt Nam ở Mỹ tham chiến tại một chiến trường xa lạ đã cho tôi cảm nhận về niềm hạnh phúc dâng trào khi ngươi thân của mình trở về sau chiến tranh nguyện vẹn để tôi hiểu thêm nỗi đau tận cùng của những người ơ hậu phương đau đáu chờ đợi tin tức của người thân nơi tiền tuyến.

Những dấu tích đau thương, nhưng tai nạn thảm khốc vì tàn dư của chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày, những lớp người đã đi qua chiến tranh vẫn còn đó như những chứng nhân lịch sự. Hậu quả của chiến tranh vẫn trĩu nặng trong những gia đình có người tham gia kháng chiến thế hệ hôm nay chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày… Vậy nhưng sao giá trị của sự hi sinh, ý nghĩa của cuộc kháng chiến, nhưng bài ca lịch sử hào hùng cứ nhạt nhoà, mơ hồ với chúng ta hôm nay!?!

Chiến tranh đi qua chưa lâu trên đất nước Việt Nam, nhưng thú thật tôi và nhiều bạn trẻ đã gần như không nhớ. chúng tôi đang sống trong hoà bình và cuộc sống ngày càng dư thừa về vật chất cùng nhiều thú vui và nỗi lo toan để quan tâm. Chúng tôi vẫn ý thức về sự biết ơn với những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc dành lại độc lập cho chúng tôi hưởng thành quả ngày hôm nay, chúng tôi vẫn kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sỹ, vẫn xúc động nghẹn ngào khi xem những thước phim tư liệu lịch sử…. nhưng chúng tôi thờ ơ với lịch sử, chúng tôi hờ hững và không mấy ai thực tâm muốn dành thời gian, công sức để đọc, tìm hiểu và suy ngẫm về lịch sử của dân tộc. Chúng tôi tri ân bằng sự ám thị chư không phải bằng trách nhiệm, bằng khao khát muốn biết và hiểu về lịch sử dân tộc. Giờ đây, câu chuyện của bạn đã thức tỉnh nhận thức trong tôi về vấn đề trách nhiệm lịch sử.

Cũng giống trong tình yêu, bạn chỉ yêu mà không hiểu người mình yêu thì dù bạn có dành tình cảm cho họ đến đâu vẫn thấy khoảng xa lạ giữa hai người. Thế hệ chúng ta ai cũng sẵn trong lòng niềm tự hào dân tộc, sẵn trong lòng tri ơn với sư hi sinh của thế hệ những người cầm súng dành lại độc lập dân tộc, sẵn trong lòng tình yêu nước thiết tha…nhưng chưa sẵn niềm đam mê lịch sử, chúng ta đang nuôi nấng tình yêu lịch sử một cách bản năng như vô thức. Nhưng câu chuyện lịch sử ghi dấu trong tâm trí một cách gần như mơ hồ bởi sự nhơ nhớ quên quên hời hợt, lãng đãng…

Giờ đây, tôi đã quan tâm nhiều hơn đến lịch sử bằng tư duy, bằng việc tìm đọc các tài liệu, tôi muốn yêu lịch sử dân tộc bằng cả tình yêu bản năng lẫn tình yêu tri thức, phải hiểu rồi sẽ thêm yêu và đã yêu thì phải hiểu…Tôi thật sự bất ngờ, hoá ra lịch sử không hề nhạt nhẽo như những bài giảng trên học đường. Khi bạn thật sự muốn tìm hiểu về lịch sử bạn sẽ thấy nó thú vị như đang đoc cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci hay Pháo đài số của Dan Brown, có những nhân vật lịch sử mà cuộc đời của họ không chỉ là trận mạc mà còn là những câu chuyện tình yêu lãng mạn và kì bí. Tôi không còn thờ ơ với vẫn đề “chiến sự” xảy ra hàng ngày, những cuộc nội chiến tại Ukraina, thảm sát tại ga tàu ở Trung Quốc khiến tôi suy ngẫm về sự bình yên mình đang thụ hưởng….

Chiến tranh giờ với tôi không còn xa lạ nữa nó không giống trò chơi đánh trận giả mà tôi đã tham gia mỗi dịp cuối tuần. Chiến tranh là nỗi bất hạnh của nhân loại. Chiến tranh không chỉ là nhưng cuộc chiến xâm lược của ngoại bang mà nó là cuộc chiến, tranh đấu giữa hai lục lượng đối kháng.

Tôi cũng như các bạn, chúng ta đang sống giữa thời bình nhưng chúng ta không chỉ cần biết ơn lịch sử, chúng ta cần có trách nhiệm với lịch sử để hiểu rằng lịch sử ngày hôm qua là máu đã đổ đầy biển Đông, là xương đã chất cao như dãy Trường Sơn để có được hoà bình hôm nay. Chúng ta không có quyền chỉ hưởng thụ mà có trách nhiệm duy trì bảo vệ nền hoà bình đôc lập dân tộc. Thờ ơ với lịch sử, mơ hồ với khái niệm về chiến tranh là chính chúng ta đang dần tự đưa mình đen gần với cuộc chiến. Chiến tranh không hề vui như những cuộc chơi trận giả tại các câu lạc bộ mà bạn tham gia cuối tuần. Nó là mất mát, là chết chóc, là li biệt, là đau thương, bởi chiến tranh không phải trò đùa.

Sự nguy hiểm của truyện cổ tích đối với các bé gái

Albert Eisntein từng nói “Hãy kể chuyện truyện cổ tích cho trẻ em nếu muốn chúng trở nên thông minh.” Theo mình câu nói này chỉ cho thấy sẽ thật là không sáng suốt nếu lúc nào cũng làm theo lời khuyên của các thiên tài.

Có lẽ, các câu truyện cổ tích là một trong những bằng chứng tốt nhất cho quan điểm rằng lịch sử là câu chuyện của những người đàn ông. Lịch sử trong tiếng Anh là history, chứ không phải là herstory – it is his story, not her story.

Đó là những câu chuyện diễn ra trong chế độ phụ hệ. Ở đó, hầu hết các nhân vật chính hay những người hùng hiếm khi nào là các nhân vật nữ. Đó là thường là câu chuyện về những chàng trai ở hiền gặp lành được Trời thương Bụt giúp; hay là câu chuyện về những chàng trai thông minh hoặc có khả năng trừ ma diệt quỷ lên đường giải cứu công chúa & trở thành phò mã. Hoặc là câu chuyện về những chàng Hoàng Tử đi kiếm vợ.

Rõ ràng, đó là những câu chuyện dành cho các bé trai. Trong thế giới cổ tích, câu chuyện về các nhân vật nữ thì it ỏi về số lượng, buồn chán & thụ động về cốt truyện & tính cách.

Điển hình là câu chuyện Tấm Cám, được xem là câu chuyện cổ tích hay nhất thế giới. Và đây cũng là câu chuyện có nhiều văn bản tương đồng nhất trên khắp thế giới. Ước tính, tổng cộng có khoảng 1.500 câu chuyện tương tự nhau xoay quay motif của Cinderella. Mình thì chẳng hiểu tại sao nó lại được xem là hay nhất trong khi nó chỉ là câu chuyện về một cô gái hiền lành chỉ biết khóc, chờ đợi người khác giúp đỡ & cuối cùng may mắn lấy được hoàng tử.

Câu chuyện về Nàng Tiên Cá thì cũng chẳng khá hơn. Đó là một câu chuyện tuyệt vọng – một cô gái đánh mất tất cả vì đặt nhầm niềm tin vào một chàng hoàng tử bá vơ.

Bạch Tuyết & Bảy Chú Lùn – câu chuyện về nàng công chúa xinh đẹp chạy trốn & chờ đợi chàng hoàng tử của mình.

Hình ảnh các cô gái trong truyện cổ tích hầu như chỉ là các cô gái xinh đẹp, hiền lành, hay hát múa & chờ đợi chàng Bạch Mã Hoàng Tử đến cưới mình. Cuộc sống của họ là chuỗi của những nhẫn nhục & chờ đợi. Hạnh phúc của họ phụ thuộc vào việc xuất hiện của một chàng trai nào đó. Số phận của họ là bị chèn ép, bị giam giữ & được giải cứu.

Đó là những câu chuyện phiến diện & buồn chán cho các bé gái.

Đáng nguy hiểm là người ta vẫn kể những câu chuyện cổ tích đó. Các cô bé lớn lên với một cái la bàn sai lệch về cuộc sống hình thành từ những câu chuyện đó. Và rõ ràng, cô bé cũng chẳng hề có một hình mẫu nào để hướng đến và làm theo.

Những nhân vật nữ trong những câu chuyện cổ tích hiện đại thì khác – như cô bé Boo dũng cảm trong phim Monster Inc, công chúa Rapunzel xinh đẹp, thông minh & mạnh mẽ trong phim Tangled hay cô bé Merida bướng bỉnh trong phim Brave. Hay nhân vật nữ mà mình thích nhất là cô bé Hermione trong Harry Potter.

Đó là những câu chuyện của những cô gái mạnh mẽ & thông minh nỗ lực hết mình để đi tìm hạnh phúc. Họ không hề đóng vai phụ trong cuộc sống của mình bên cạnh những chàng trai khác & tự quyết định cuộc sống của chính mình chứ không chờ đợi ai đó đến giải cứu.

Đó là những câu chuyện nên kể cho các bé gái. Chúng sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, giúp hình thành một thế giới quan đúng đắn & lạc quan.