26 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 230

Bạn lựa chọn đứng về phía nào?

Photo: Wikimedia

 

Hôm vừa rồi có một người bạn hỏi tôi: “Nếu bây giờ bạo loạn xảy ra thì mày đứng về phía nào?” Tôi xin phép chưa đề cập đến câu trả lời của mình lúc này.

Nói về tình hình gần đây, tôi không chắc về việc ai đứng sau những cuộc bạo động gần đây ở Bình Dương và Vũng Áng. Cho đến khi có đầy đủ bằng chứng, tôi không dám khẳng định cũng như phỏng đoán tổ chức nào đứng sau những vụ này, tôi nghĩ các bạn cũng nên như thế.

Tôi hay lướt đọc những thông tin và tranh luận về chính trị trên một số diễn đàn, tôi cảm thấy rằng một phần không nhỏ (nếu không nói là đa số) các bạn không dùng lý lẽ để tranh luận với nhau mà chỉ thấy người này chửi người kia “phản động”, rồi người kia phản bác lại: “Mày làm dư luận viên được trả bao nhiêu?” Tôi không dám khẳng định là có một lực lượng nào đó mang tên “phản động” hay không, có thể có, cũng có thể không. Tương tự như vậy với đội ngũ mà các bạn hay gọi là “dư luận viên”. Tôi chẳng có tư cách gì để khuyên nhủ hay dạy đời các bạn, tôi chỉ có đôi lời chân thành từ đáy lòng mình dành cho các bạn, với tư cách là một người Việt Nam, như các bạn.

Đối với các bạn bị gọi là “dư luận viên” vì lúc nào cũng cho rằng người này phản động, người kia phản động. Có thể rằng có một số thành phần chống phá nhà nước, tuy nhiên tôi không nghĩ rằng có một tổ chức nào có đủ “tiền” để lôi kéo được một lực lượng “phản động” đông đảo đến mức đi đâu bạn cũng thấy như vậy. Có thể dễ nhận thấy rằng lực lượng này đa phần đều là giới trí thức trẻ, đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Họ hoàn toàn có đầy đủ nhận thức để nhận biết cái nào là tốt, cái nào là xấu. Thêm vào đó chẳng ai dại gì đi công khai thông tin cá nhân của mình cho tất cả mọi người biết nếu như họ thật sự “phản động”. Nếu có rất nhiều người nói về một vấn đề nào đó một cách khác hẳn với những kiến thức mà bạn từng biết, ắt hẳn phải có lý do của nó. Hãy kiểm chứng thông tin đó trước khi phản bác lại người đưa ra nó và cho rằng họ “phản động”.

Đối với các bạn bị gọi là “phản động” vì lúc nào cũng đưa ra những thông tin trái ngược hoàn toàn với những gì mà các bạn “dư luận viên” từng được biết. Tôi rất cảm kích trước tinh thần tìm tòi của các bạn để khám phá ra những điều mà một ai đó đã cố giấu nó đi. Tuy nhiên, hãy chia sẻ thông tin mà các bạn có được một cách lịch sự và văn minh hơn. Tôi thấy nhiều bạn chửi người khác ngu, trong khi bản thân lại chẳng đưa ra được một dẫn chứng nào để thuyết phục người khác.

Thay vì chỉ trích người khác, các bạn hãy đưa ra dẫn chứng một cách lịch sự để cho người khác hiểu và như thế bạn có thể thuyết phục được họ. Nhiều bạn tự mãn với thông tin mà mình có được, cho rằng mình hơn người và có quyền chỉ trích người khác mặc dù trước đó các bạn cũng chẳng khác gì họ, tràn ngập trong một mớ thông tin được mặc định sẵn. Các bạn không chịu thông cảm cho người khác. Thử hỏi nếu bạn sống trong một xã hội mà tất cả mọi thứ đều được sắp đặt sẵn thì bạn có thể dễ dàng thoát ra khỏi nó hay không? Chỉ có một số ít may mắn thoát ra được, và sau khi thoát ra được, các bạn lựa chọn vùi họ vào đó sâu hơn thay vì kéo họ ra.

Cho dù bạn là “dư luận viên” hay “phản động”, tôi tin rằng nó đều xuất phát từ lòng yêu nước và mong muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Và một cách để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn là thay đổi cách mà các bạn tranh luận với nhau. Điều đó sẽ làm cho những sự thật được che giấu sớm muộn cũng sẽ bị phơi bày. Bởi vì vốn dĩ “chỉ có những gì bạn không làm thì người khác mới không biết”.

Điều khiến tôi sợ nhất là các bạn không tranh luận thẳng thắn với nhau mà thay vào đó là công kích lẫn nhau. Và khi tranh luận, nhiều bạn bị xoáy vào những câu nói mang tính kích động của một người mà bạn chẳng hề biết họ là ai cả. Hãy tranh luận một cách thẳng thắn và lịch sự với nhau, và chỉ tranh luận với những người mà các bạn có thể biết được họ là ai.

Mỗi con người trong chúng ta đều có một niềm tin riêng dựa vào những gì mà chúng ta tiếp xúc và nhận thức được. Vì vậy, đừng bắt một người nào đó phải từ bỏ ngay lập tức niềm tin của họ, điều đó là không thể. Thay vào đó, hãy chia sẻ với họ niềm tin của bạn, biết đâu họ sẽ đi theo bạn, có thêm một người bạn tất nhiên sẽ tốt hơn nhiều so với việc có thêm một kẻ thù.

Ngay lúc này đây, bánh xe lịch sử vẫn đang quay, như nó vốn vẫn quay hàng ngàn, hàng triệu năm nay vậy. Chúng ta không thể bắt nó quay chậm hơn hay nhanh hơn, cũng không thể bắt nó dừng lại. Nhưng chúng ta vẫn có thể (một phần nào đó) kiểm soát được hướng đi của nó theo hướng mà chúng ta mong muốn.

Lúc này không phải là lúc dành cho những hiềm khích và mâu thuẫn. Nó chỉ làm cho chúng ta yếu đi mà thôi. Bất cứ kẻ nào nhân cơ hội này để thổi bùng lên những hiềm khích, đều là kẻ thù chung của dân tộc.

Nếu bạn thắc mắc về việc tôi sẽ đứng về phía nào, tôi sẽ là một thằng “phản động” hay sẽ là một “dư luận viên”? Câu trả lời của tôi chỉ có một, tôi đứng về phía Tổ quốc. Và tôi hy vọng bạn cũng vậy.

 

Snowball

Chuyện “theo đuổi đam mê” và tấm ảnh chụp người yêu

Photo: Giang Phạm

 

Chiều thứ hai nắng. Tại quán “Clover & Crepes”, tôi gặp anh bạn cũ. Anh bạn cũng nổi bật. Anh thích đi, thích viết, thích chụp. Với tôi, anh chưa đến mức gọi là “influencer”, nhưng là người có những status đáng đọc. Mỗi bài anh viết đều có một giá trị để trân trọng. Anh tốt nghiệp rồi, chiều thứ hai lý ra anh phải đi làm, vậy mà lại chui vào đây, gọi cafe đen, lên mạng, gõ lách cách. Tôi thắc mắc, hỏi:

“Không đi làm hả anh?”
“Anh là freelancer em ạ. Chụp ảnh và viết bài.”
“Anh viết thế có đủ ăn không anh?”
“Không đủ em ạ.”
“Vậy cả viết, cả chụp ảnh có đủ tiền cà phê không?”
“Uhm… cũng được.”
“Vậy là ổn rồi” – Tôi cười. Anh cười. Chẳng biết cười vì vui hay buồn.

“Clover & Crepes” chiều hôm ấy thơm ngào ngạt mùi trà và matcha. Chúng tôi, những người rất trẻ, thừa hoài bão nhưng thiếu trải nghiệm, cứ ngồi im lặng trong quán. Tôi viết cái tôi thích (đó là bài “Cô giáo, đừng về Việt Nam!”). Anh viết cái anh muốn. Và câu nói “theo đuổi đam mê” cứ theo tôi suốt ngày dài. Khi chúng tôi còn chẳng biết quyết định hôm nay của mình, ngày mai trở đúng hay hóa sai.

Một lần khác cùng ngồi trong US Nguyễn Thị Minh Khai, anh gặp vài người bạn cũ. Họ vỗ vai thân mật, hỏi: “Dạo này mày đang làm ở đâu?” Anh trả lời: “Chẳng chỗ nào, đi làm tự do thôi.” Họ trố mắt lên: “Giỏi như mày sao lại không vào chỗ A, chỗ B…?” Chắc đây là lần thứ N anh bị hỏi vặn như vậy. Tôi nhe răng cười, thấy họ cũng giống tôi ngày xưa. Gặp một người trẻ măng 23 tuổi, không đi làm văn phòng, mà theo đuổi một thứ đam mê xa vời thì ngạc nhiên kinh khủng.

**

Tôi cho rằng, “theo đuổi đam mê” là một mỹ từ rất hay. Hay ở chỗ nó đánh vào cảm xúc. Hay ở chỗ nó dễ làm người khác ảo tưởng. Khiến đôi người mơ mộng rằng cứ “theo đuổi đam mê” rồi thì tiền sẽ tới ngay, kéo vào ùn ùn như thác lũ. Không có đâu. Trước lúc tiền tới là rất nhiều ngày vất vả. Cái chữ “vất vả” đó nó dài và nặng trĩu đến mức nào chính tôi còn chưa hiểu hết. Vì cái tôi đã, đang trải qua chỉ là một phần bé xíu xiu của cụm từ “theo đuổi đam mê”- viết thì hay mà làm thì khó nhọc ấy thôi. Rồi đôi khi ngồi cùng chúng ta lại hỏi nhau, với ý đùa cợt nhưng cũng có chút xót xa rằng: “Làm thế có đủ ăn không anh?”

Nhưng tôi biết làm sao được, bởi con người bị chi phối bởi cảm xúc. Tôi không còn lựa chọn nào khiến tôi vui hơn là đi theo đam mê. Và khi làm những thứ tôi yêu, bất chấp nó xấu xí thế nào, tôi vẫn thấy hạnh phúc. Giống như một bài viết nhỏ của anh – Giang Phạm – về bức ảnh vụng về của hai người đang yêu nhau:

“Sài Gòn, 11/3/2014
Chụp người yêu,

Tôi thấy họ, trên một cây cầu bên kia thành phố, trong một buổi tối đẹp trời có gió thổi lồng lộng từ sông và có ánh đèn đường vàng vọt chạy dọc đại lộ.

Chàng trai đang chụp hình người yêu mình, một chiếc máy Canon DSLR cho người mới bắt đầu với ống kính “kit” – ống kính đi với máy, dĩ nhiên cũng thường dành cho người chụp nghiệp dư mới làm quen với máy ảnh ống kính rời. Chàng cứ say mê xoay vặn rồi chụp, nàng cứ mải miết làm dáng rồi cười. Một mô-tip điển hình: hai người quen nhau, chàng dùng số tiền mình để dành (hay xin gia đình) mua máy ảnh xịn để chụp cho người yêu nhằm lưu giữ những kỉ niệm đẹp.

Tôi có nhìn lỏm hình mà chàng trai chụp, không khác gì những tấm hình tôi chụp khi mới bắt đầu. Với ánh sáng như vậy, tôi và nhiều người chụp lâu năm khác có thể chụp được những tấm tốt hơn. Anh bạn đi cùng nhìn vào cái máy của chàng trai rồi nhận xét: “Nhìn cái ống kính và cách cầm là biết chất lượng ảnh như thế nào rồi.”

Nhưng khi nhìn cách chàng trai chụp cô gái và cách họ xem lại hình cùng nhau, tôi tuyệt nhiên tin rằng những bức ảnh ấy sẽ chắc chắn rất đẹp, chí ít là theo cảm nhận của hai người ấy. Bất luận dùng máy ảnh nào, trình độ nào, chỉ cần chụp hình người bạn yêu thương, thì bức ảnh đó chắc chắn là sẽ đẹp.”

Giống như câu chuyện này vậy. Tôi viết ra, tuy không ai cho tôi một xu một đồng nào, nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc.

 

Đỗ Thanh Lam

Có một kẻ thù lớn hơn Trung Quốc ngoài kia

Featured Image: Tamypu

 

Thời gian gần đây, chuyện  Trung Quốc tiến vào vùng biển Việt Nam đang trở thành vấn đề nóng hơn bao giờ. Và chính khi đất nước đứng trước nguy cơ chiến tranh do thế lực ngoại xâm, tinh thần của người Việt Nam được bộc lộ thật rõ ràng. Dù thể hiện dưới hình thức nào, tôi cũng trân trọng tình yêu của người dân Việt với Tổ quốc

Chuyện bạo động và mâu thuẫn manh nha

Ngay bây giờ, trên cá trang báo, các trang mạng xã hội (tiêu biểu là facebook), bên cạnh những bài viết, hình ảnh thể hiện lòng yêu nước là những hình ảnh, bài viết chế giễu của người Việt mình với nhau. Đó là những câu chuyện về người dân vùng Bình Dương, Hà Tĩnh- nơi xảy ra bạo động. Thật đáng buồn!

Giờ đây những người công nhân ấy đã bị coi như những kẻ tội đồ của Tổ quốc (đây là theo “quan điểm” của các facebook-er). Mọi người thi nhau chỉ trích họ, nào là họ sai, họ ngu, họ dốt, nào là những kẻ phá hoại, thiểu hiểu biết vân vân và mây mây.

Vâng, đúng là họ sai! Tôi thừa nhận điều đó bởi đó là điều quá rõ ràng. Thế nhưng chúng ta chỉ trích những người công nhân đó như vậy liệu có quá đáng lắm không?

Những người công nhân ấy, cũng giống như chúng ta, đều là người Việt, đều yêu quê hương đất nước mình vậy. Trước hành động của Trung Quốc, họ bức xúc. Hoàng Sa – Trường sa là của Việt Nam, Trung Quốc có còn gì đòi cướp. Chúng ta, những con người không tham gia biểu tình ở KCN Bình Dương và Hà Tĩnh hiểu được điều đó và tất nhiên những con người kia cũng hiểu được điều đó. Họ là con dân đất Việt, họ mang trong mình dòng máu Lạc Hồng và niềm tự tôn dân tộc, họ ý thức được hành động của Trung Quốc nên họ bất bình, họ muốn đòi quyền lợi cho đất nước. Đó là sai? không hề sai. Cái họ sai là chưa thể hiện tình yêu một cách đúng đắn.

Trên thế giới, biểu tình là hoạt đồng thường thấy khi một tập thể muốn đòi quyền lợi. Thật ra, về bản chất, hành động biểu tình của công nhân là đúng bởi họ nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Nếu biểu tình được tiến hành trong hòa bình với sự tổ chức chặt chẽ, không vi phạm pháp luật thì đây là hành động thiết thực.

Điều đáng tiếc là  những người công nhân ấy đã bị các thế lức phản động lợi dùng lòng yêu nước và dân trí thấp để gây ra các vụ bạo động gây thiệt hại lớn cho nước nhà.  Những thiệt hại này không chỉ về mặt kinh tế mà còn là vấn đề ngoại giao và an ninh trật tự nước nhà. Nó góp phần làm căng thẳng mối quan hệ Việt-Trung. Tôi tin, những người công nhân ấy, khi biết được hậu quả mình gây nên sẽ vô cùng hối hận.

Nhưng sự cũng đã đành…

Giờ chúng ta chỉ trích họ ngu liệu có thây đổi được những việc đã qua không? Chúng ta-những con người luôn tự hào mình có hiểu biết, sẽ không làm những chuyện dại dột và ngu ngốc đó liệu chỉ nên ngồi đây và chỉ tríhc họ không?  Nếu chúng ta hiểu biết thực sự thì việc quan trọng nhất là chỉ cho họ biết họ sai như thế nào chứ không phải là ra vẻ ta đây hơn người

Có một kẻ thù còn lớn hơn Trung Quốc…

đó chính là mâu thuẫn nội bộ. Giặc nào ta cũng sẽ đánh thắng được, miễn là dân đù lòng đoàn kết!

Tôi đọc trên facebook tin này:

CÔNG THỨC TẠO CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM CỦA TRUNG QUỐC

1. Đưa giàn khoan vào biển Việt Nam để khiêu khích.

2. Người Việt yêu nước muốn đấu tranh bảo vệ chủ quyền và phong trào phát động trong toàn quốc.

3. Lợi dụng một số tầng lớp yêu nước nhưng thiếu hiểu biết để gây ra bạo động.

4. Tầng lớp trí thức lên tiếng phản đối, chửi bới -> mâu thuẫn nội bộ.

5. Người Việt tự đánh người Việt -> công nhân mất việc, chính trị bất ổn, uy tín Việt Nam giảm.

6.  Trung Quốc rút về nước và người Việt tiếp tục tự đánh nhau.

Tất nhiên đây chỉ là nhận định của một số người Việt, nhưng nó cũng đáng để chúng ta tự xem xét lại. tôi thắc mắc liệu âm mưu của Trung Quốc có như vậy hay không? giả  là vậy thì Việt Nam ta đã thua bước đầu rồi!

Những vấn đề về tình hình biển Đông  hiện nay tôi xin phép không bàn đến (các bạn có thể tìm đọc được rất nhiều bài phân tích sâu sắc của các chuyên gia rồi), tôi chỉ muốn nói rằng tôi có niềm tin mãnh liệt là Trung Quốc sẽ biến khỏi nước ta, sớm thôi. và vì vậy, nỗi lo lớn nhất của tôi không phải là nỗi lo từ giặc bên ngoài mà chính là nỗi lo nội bộ. không có gì đáng sợ bằng lòng người bất nhất

Đó chính là thời cơ, điểm yếu mà chúng đang đợi từ ta. Chúng đang thử thách  tình đoàn kết dân tộc của Việt Nam. Giơf lên fb chỉ toàn hình ảnh, bài viết chế giễu AHBP to mồm yêu nước nhưng không có hành động thực tiễn, chỉ toàn sự xỉ vả công nhân những nơi bạo loạn.

Thôi xong, chúng ta mắc mưu Trung Quốc rồi! Bị lừa toàn diện luôn! Người dân trí còn thấp thì bị kích động chống phá nhà nước. Người có hiểu biết  thì bị kích động mâu thuẫn nội bộ. Và thế là Việt Nam ta tan đàn xẻ nghé! Trong lúc đáng lẽ chúng ta cần đoàn kết nhất để chống giặc trong giặc ngoài thì chúng ta lại mâu thuẫn với nhau

Việt Nam ơi, xin hãy bình tĩnh!

Giờ là lúc chúng ta phải bình tĩnh! Bình tĩnh để nhận ra âm mưu chủa Trung Quốc. Cứ tiếp tục chỉ trích nhau thế này chỉ làm cho bọn chúng thêm hả dạ. tình yêu cần cái đầu lạnh và trái nóng! giờ chúng ta hãy cứ cố gắng làm tốt phận sự của mình, đừng để bị xúi giục! nHớ nhé mọi người: BÌNH TĨNH, BÌNH TĨNH VÀ VIỆT NAM SẼ CHIẾN  THẮNG

 

Chỉ Vậy Thôi

Họ nói rằng họ yêu nước

Photo: Unknown/Via Baomoi.com

Họ nói rằng họ yêu nước. Họ nói rằng họ là người Việt. Họ nói là họ cảm thấy xấu hổ trước đất nước thấp hèn về mọi mặt. Họ nói rằng đất nước cần phải thay đổi. Họ luôn sẵn sàng chỉ trích và với sự hiểu biết của mình họ có thể làm bạn cảm thấy xấu hổ vì cảm thấy mình thật ngu dốt – là kẻ chỉ biết ở một nơi trong khi họ đã được đi rất nhiều nơi, nhiều nước nhìn thấy nhiều thứ và hầu hết đang định cư ở nước ngoài.

Tôi không thích gọi họ là “phản động” vì: Tôi không phải là người của Đảng Cộng Sản và họ cũng không phải là người của ĐCS (một phần là từ đó nghe rất ngu) hơn nữa họ có quyền nói những gì mình nghĩ – thậm chí dù họ có là người Việt hay không.

Có thể họ đúng:

Họ căm ghét chính phủ: Không sao, chính phủ chỉ là một tập hợp ít dân số với công việc là để phục vụ cộng đồng.
Họ căm ghét nền giáo dục: Không sao, nhiều khi tôi cũng thấy thế (:D)
Họ thấy tởm lợm về y tế.
Họ thấy đạo đức công an xuống cấp.
Họ thấy tham nhũng.
Họ thấy tư duy trộm cướp của tiểu thương.
Họ thấy thứ manh mún của nông dân.
Họ thấy cướp giật.
Họ thấy kinh tế kiệt quệ.
Họ thấy đất nước thấp hèn.
Họ thấy đất nước bị cô lập.

Họ thấy hay họ muốn cho chúng ta thấy đất nước, con người thối nát, bẩn thỉu, vô phương cứu chữa, cũng không sao, có thể đất nước như thế thật, con người như thế thật.

Nhưng tôi không thấy ở họ một chút thương xót nào. Tôi chỉ thấy ở họ sự hận thù, sự khinh bỉ và coi thường. Thương xót, thứ mà tôi tin rằng nó đi đồng với tình yêu.

Lý lẽ của họ có thể sắc bén, họ có thể hiểu biết nhiều (điều này không phải lúc nào cũng đúng) nhưng nếu không có sự thương xót, họ trở nên thật đáng sợ, đáng sợ bởi vì bạn không biết họ hành động vì điều gì, có thật sự hay không và vì ai: vì bạn, vì tôi, vì đất nước, vì họ hay vì sự hận thù, sự hấp dẫn của việc chỉ trích những kẻ ngu độn hay vì cái long lanh của thứ quyền lực mà họ chưa có được. Đôi khi nghĩ đến điều này mà tôi thấy sợ.

Không phải tất cả họ đều như thế, nhưng xin hãy tránh xa những kẻ không có lòng thương xót. Tình yêu có nhiều kiểu, chẳng ai có thể dạy ai phải yêu như thế nào nhưng nếu bạn không yêu bất cứ điều gì của một cô gái thì đừng nói là bạn yêu cô đấy, đó là điều giả dối.

Cuối cùng, đất nước bẩn thỉu, con người đáng khinh bỉ hay không hay phải thay đổi điều gì chỉ cần bạn cảm nhận, trích dẫn một câu nói hoa mỹ: “thế giới không phải là thế giới mà là cách cảm của ta về thế giới”, đó là cách mà tôi nghĩ một con người  nên sống và tôi cũng nghĩ một đất nước nên sống – với sự hiểu biết ít ỏi của mình.

Và nếu bạn muốn xuống đường, hãy đi xuống muốn nói gì hãy nói, miễn là tự bản thân bạn cảm thấy cần phải làm thế và nên nhớ là không ai làm thay bạn điều đó được.

PS: về vấn đề của biển đảo với anh bạn Tàu, tôi nghĩ việc quan trọng nhất lúc này là đoàn kết, mọi thứ xin hãy để sau.

 

Itlboy

Thông điệp của trái tim mặt trời

Photo: kiwikiss 

 

Mấy hôm nay trời nắng gắt, nóng bức đi đâu cũng nghe người ta than phiền về cái nóng hết. Nhiều người tỏ vẻ mệt nhọc, khó chịu lắm, nhất là mấy anh mập ú ì, cao huyết áp, tim mạch, các cụ già… có người đã vào viện, cũng có người không có cơ hội để chịu nóng nữa. Thấy mấy bác phụ hồ, thợ xây, bốc vác, anh công nhân, chị bán bán hàng rong… phải làm việc dưới trời nắng thế này mà thương quá. Mấy bác làm vườn, trồng rừng, nông dân cũng lo sốt vía, mới nắng mấy bữa mà đất khô hạn rồi, đã có cháy rừng, lỡ mưa trễ thì chết hết cây. Đêm qua còn nghe tiếng đứa nhỏ hàng xóm khóc không ngủ được vì nóng quá, trưa qua có đứa nhỏ bị chảy máu cam… Có trách móc, oán ghét ông trời thì được gì chứ. Tồn tại lúc nào cũng hợp lý. Nắng nóng như thiêu như đốt là một thông điệp khẩn, là lời nhắn nhủ, kêu cứu của trái tim mặt trời, cứ nghĩ vậy đi. Cái nóng thật mát mẻ và từ bi.

Trong lồng ngực mỗi chúng ta ai cũng có một trái tim nhỏ bé, nóng bỏng và tươi hồng nhịp đập không ngừng nghĩ suốt ngày đêm để nuôi dưỡng sự sống cho ta, khi nó ngừng đập thì mình không còn trên cõi đời này nữa. Và ngoài lồng ngực, trên đầu chúng ta còn có một trái tim khác, rất nóng bỏng, đỏ chói và vĩ đại, đó là trái tim mặt trời. Nó cũng hoạt động không ngừng nghĩ suốt ngày đêm để nuôi dưỡng sự sống cho ta, cho cả nhân loại, cho muôn thế hệ về sau và cho tất cả sự sống trên hành tinh kỳ diệu này. Khi trái tim mặt trời ngừng đập thì tất cả sự sống chấm dứt.

Chúng ta có thể không biết hoặc biết nhưng vẫn vô tư phớt lờ làm tổn hại trái tim nhỏ bé. Chúng ta uống bia rượu, thức khuya, dùng hoá chất độc hại, ăn thịt nhiều quá, lười vận động hay căng thẳng, sân hận, lo lắng buồn phiền… khiến trái tim tổn thương. Có thể là máu nhiễm mỡ (rối loạn lipit máu), cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, xơ vữa động mạch… lúc đó trái tim nhỏ bé sẽ gửi những thông điệp khẩn, nó cầu cứu rất tha thiết: Nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, giảm trí nhớ, mệt mỏi, tức ngực… Nếu mình cứ tiếp tục phớt lờ thì đến một lúc nào đó trái tim nhỏ bé sẽ ngừng đập.

Chúng ta có thể không biết hoặc biết nhưng vẫn vô tư làm tổn hại trái tim mặt trời. Sông suối, kênh mương, ao hồ, biển cả… là những mạch máu chẳng chịt của cơ thể lớn trái đất, con người đã đổ vào đó biết bao hoá chất và rác thải độc hại, rất nhiều con sông con suối đã chết. Những cánh rừng xanh bạt ngàn chính là lá phổi thứ hai ngoài lồng ngực ta, nó đã bị tàn phá đến trơ trọi, nhỏ dần và cằn cỗi. Bầu trời xanh kia khác gì làn da mềm mại, nó đã bị đâm thủng nhiều mãn lớn, từ chỗ thủng ấy các tia độc hại không ngừng chiếu vào làm huỷ diệt cân bằng sự sống, đã vậy các khí độc vẫn không ngừng thổi vào bầu trời xanh. Cây cỏ, động vật, côn trùng là những sinh vật cộng sinh, những người bạn, là chân tay của mình, không có những sinh vật ấy con người sẽ chết, vậy mà chúng đang chết dần chết mòn vì chính con người.

Mặt đất như cơ thể của ta, nó đã bị dày xéo, khoan thủng, đào bới, chôn lấp không biết bao nhiêu là hoá chất, rác thải độc hại. Trái đất đang bị sốt cao, nhiệt độ càng lúc càng tăng và nó đang run cầp cập, cơ thể lớn của chúng ta đang run cầp cập… Trái tim mặt trời đau xót lắm và nó đã không ngừng gửi đi lời cầu cứu, những bức thông điệp khẩn ngày càng tha thiết: Nóng, nóng và nóng; đó là thông điệp của ngày hôm nay, nóng của ngày hôm nay sẽ cao hơn ngày hôm qua và không bằng ngày mai.

Rồi không chỉ nóng mà sẽ là lạnh, lạnh và lạnh, siêu bão, ngập lụt, động đất, sóng thần, dịch bệnh… Chúng ta không thể chỉ trách móc, oán ghét những thông điệp buồn ấy được, cũng như không thể trách các triệu chứng bệnh mà cơ thể mình báo động cho mình, trái tim đã đau xót lắm rồi. Hãy thừa nhận nó như một sự thật hợp lý, chúng ta cần thay đổi, trách móc và oán ghét chúng ta sẽ không có cơ hội nhìn lại mình, không có cơ hội để thay đổi và tự mình sẽ huỷ diệt mình trong sự ngỡ ngàng và bất lực của chính mình.

Trái tim mặt trời không chỉ là hình ảnh ẩn dụ so sánh đơn thuần mà đó cũng là sự thật, mình phải nhìn thật sâu bằng trái tim mới thấy được sự thật ấy. Cơ thể chúng ta là đất, nước, gió, lửa (có thể hiểu là N, H, O, C; là protein, chất liệu của sự sống) được vay mượn từ tự nhiên, cơ thể mình không phải hoàn toàn thuộc về mình, chúng ta như những người “thuê nhà” vậy, đến cuối cuộc đời phải trả thân xác này về cát bụi. Con người là một phần của tự nhiên, chúng ta không bao giờ chiến thắng được tự nhiên cả, mỗi chiến thắng đều là mỗi chiến bại. Cơ thể mình không chỉ giới hạn ở thân xác này, cây cỏ, sông núi, mây trắng, mặt trời, vì sao… cũng là cơ thể của mình.

Trong vũ trụ có chúng ta và trong mỗi chúng ta có vũ trụ. Một chứa tất cả, trong tất cả chứa một; cái vô cùng lớn chứa vô cùng bé và trong cái vô cùng bé chứa cái vô cùng lớn. Đây là sự thật, ngày nay khoa học có thể nhân bản vô tính con người chỉ từ một tế bào, nghĩa là trong tế bào nhỏ bé ấy chứa đựng cả cơ thể chúng ta, rồi các thế hệ tổ tiên ta, cũng chứa đựng sự sống của muôn loài sinh vật, có cả vũ trụ luôn. Giữa con người và tự nhiên luôn có sự liên hệ kỳ diệu không thể tách rời. Trái tim mặt trời là một sự thật, những thông điệp cầu cứu tha thiết là một sự thật.

Chúng ta cần tiếp nhận thông điệp ấy và hành động ngay, không cần phải chờ đợi một cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hiệp hội nào; cũng không cần phải chờ đợi giải pháp của các nhà khoa học, luật gia, chính trị; và cũng không cần phải chờ có người đồng hành, nhắc nhở, ủng hộ, biểu dương… Mỗi người chúng ta chưa cần phải làm điều gì to tát hết, ngay lúc này và ở đây, mình luôn ý thức sinh hoạt và tiêu thụ một cách thông minh là thế giới đã có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực: Không vứt rác bừa bãi, hạn chế hoặc không sử dụng túi nylon, máy điều hoà, không uống bia rượu, trồng thêm một cây xanh, giảm lượng thịt tăng lượng rau, đi xe đạp hay đi bộ mỗi khi có thể, thay thế sản phẩm hoá chất nhân tạo bằng sản phẩm tự nhiên, tắt đi một bóng đèn khi không sử dụng…

Bạn cũng có thể nhắc nhở người khác, gieo vào tâm hồn con cháu mình tình yêu thiên nhiên, sự ý thức về bảo vệ môi trường. Nếu có điều kiện thì hoạt động xã hội thay vì đi cafe, nhậu nhẹt, tán gẫu vô bổ; có thể trồng cây xanh, dọn rác công viên, bãi biển, tuyên truyền môi trường… vừa vui vừa bổ ích. Nếu có điều kiện nữa mình có thể lựa chọn nghề nghiệp sao cho hữu ích hoặc ít nhất cũng không làm tổn hại môi trường. Làm gì cũng được, miễn là luôn ý thức về điều mình làm. Nếu mình ý thức được rằng cơ thể mình và môi trường sống cũng là một thì mình sẽ không có khái niệm phân biệt, như bàn tay phải chăm sóc cho bàn tay trái vậy, tình yêu thiên nhiên đến rất tự nhiên và bảo vệ môi trường cũng là một việc tự nhiên.

Tiếp nhận thông điệp của trái tim mặt trời và chỉ cần những hành động nhỏ thôi đã tốt lắm rồi, cuộc sống mình cũng thêm ý nghĩa. Nắng nóng vẫn còn đó nhưng thông điệp tha thiết của nó đã được tiếp nhận, được ôm ấp và chuyến hoá, nắng sẽ không còn nóng nữa, nắng cũng thật mát mẽ và dịu hiền.

 

Hữu Lâm

Biểu tình và những bài học lịch sử

Photo: Carlos Ruiz

 

Hiện nay, Việt Nam đã và đang đơn độc trong cuộc chiến trước sự xăm lăng và bá quyền của chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, việc đưa thông tin này một cách nhanh nhất đến cộng đồng quốc tế là điều quan trọng để ngăn cản bước tiến này. Việc gây hấn này là nước đi quan trọng của chính phủ Trung Quốc đang làm nhằm tháo gỡ những bất ổn nội tại trong xã hội, mà dường như không thể kiểm soát được bởi hệ thống an ninh và công an của bộ máy công quyền Trung Quốc. Do đó, ngân sách dành cho duy trì trật tự đã vượt qua ngân sách dành cho quân đội [1]. Những sự kiện gần đây diễn ra ở biên giới Việt Nam do những người Tân Cương cùng đường phải vượt biên gây ra do xung đột sắc tộc, cũng như các cuộc tấn công vào lực lượng trị an tại Trung Quốc [2] do lực lượng này thường xuyên gây ra cái chết thương tâm cho người dân là mầm mống cho một cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Quốc.

“Mỗi đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc tới trật tự thế giới hiện hành không bắt nguồn từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng hay sự bành trướng quân sự, mà bởi những hỗn loạn nội địa của đất nước này” [3]- nó sẽ tước đi toàn bộ quyền lực hiện tại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cách duy nhất để đánh lạc hướng dư luận và người dân Trung Quốc là khiêu khích với Việt Nam – một nước ở vị trí yếu hơn và nằm trong vùng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Khi tình hình bất ổn trong nước dâng cao và nằm ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì việc gây hấn là nước đi cuối cùng phải làm trong trò chơi chính trị của những nhà lãnh đạo Trung Nam Hải để duy trì quyền lực độc tôn của họ.

Đất nước Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử quan trọng, đòi hỏi mỗi người dân phải ý thức trách nhiệm thiêng liêng của mình đối với Tổ Quốc. Mỗi cá nhân giờ đây cần nhận thức sâu sắc về tình hình chính trị trong nước [4], và đồng thời phải phân biệt rõ ràng được tình yêu đất nước [5], nhân dân, chính quyền và đảng phái. Chính quyền và đảng phái chỉ có một vai trò lịch sử nhất định trong từng thời kỳ của mỗi quốc gia, và có thể sụp đổ hoàn toàn khi đã hết vai trò của nó đối với đất nước. Nhưng mỗi mét đất của Tổ Quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, không một tổ chức nào có quyền đánh đổi để đạt lấy bất kỳ mục đích chính trị nào. Cuộc sống của nhân dân là nền tảng và mục đích chính trị duy nhất của mỗi quốc gia. Tình mạng của từng người dân là tài sản cao quý nhất, và không bao giờ được hi sinh mạng sống của người dân cho bất kỳ mục đích chính trị nào khác, ngoài bảo vệ biên cương và lãnh hải của Tổ Quốc.

Hiện nay, Tổ Quốc Việt Nam đang đơn độc trong việc đối đầu với Chính Phủ Trung Quốc. Nhân dân đang trông đợi một tiếng nói rõ ràng từ những người đứng đầu đất nước hiện nay, nhưng đã hơn một tuần trôi qua, không một ai có trách nhiệm và sẵn sàng đưa ra một thông tin hay phương hướng cần thiết nào cho người dân an tâm. Vì vậy, mỗi người cần phải tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết và cụ thể để nhận thức rõ tình hình hiện nay của đất nước. Chúng ta cần hiểu rằng kẻ thù của đất nước và nhân dân Việt Nam là Chính Quyền và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chứ không phải là đất nước và nhân dân Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là điều vô cùng nguy hại cho chúng ta, nó sẽ giết chết hình ảnh của chính đất nước chúng ta và làm cho bạn bè thế giới quay lưng, thậm chí có thể bỏ rơi chúng ta.

Những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong vài ngày qua (13-14/05/2014) là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi người về hành vi bạo lực và kích động bạo loạn. Những hành vi này chỉ có mang lại lợi ích cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và đồng thời đánh mất uy tín của những cuộc biểu tình ôn hòa thể hiện lòng yêu nước sâu sắc của những người con đất Việt. Hơn nữa, đây sẽ là cớ để Chính Quyền Trung Quốc hợp thức hóa hành động khiêu khích Việt Nam, đồng thời dành sự đồng thuận từ nhân dân Trung Quốc dưới danh nghĩa bảo vệ cộng đồng gốc người Hoa. Điều mà nhiều người không nhận thức được rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã được dung dưỡng từ lâu tại Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Nhà cầm quyền Trung Nam Hải luôn muốn khắc sâu lòng thù hận và hướng sự tức giận của nhân dân Trung Quốc vào nhân dân Việt Nam như những kẻ vô ơn và tráo trở, còn nhân dân Nhật Bản và nhân dân Hàn Quốc là những kẻ xâm lược và lính đánh thuê. Mọi sự lên tiếng của các nước và sự tham gia của truyền thông quốc tế chỉ chứng minh sự trỗi dậy đầy ngạo mạn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trên trường quốc tế. Điều đó chỉ có lợi tạm thời, nhưng không thể ngăn cản sự bá quyền, cũng như bước tiến gây hấn của Chính Phủ Trung Quốc. Những hỗ trợ về kinh tế và quân lúc này mới mang lại ý nghĩa thật sự cho quê hương Việt Nam để bảo vệ đất nước. Hơn hết, sẽ không có một nước nào sẵn sàng đánh đổi những lợi ích về kinh tế của họ và Chính Phủ Trung Quốc, và sẽ không có một nước nào đem mạng sống của nhân dân họ cho đến khi vụ việc này là mầm mống cho những bất ổn leo thang trong khu vực và lan ra toàn cầu, ngoài việc đứng ngoài chờ đợi chúng ta với những hợp đồng buôn bán vũ khí. Mọi hành động khiêu khích và kêu gọi chiến tranh với Chính Phủ Trung Quốc là hành động điên rồ.

Những bài học và cái giá phải trả trong chiến tranh biên giới 1979 vẫn còn nằm ở đó, khi vẫn còn đó những tên gián điệp và việt gian nằm trong hàng ngũ. Những người lính sẽ không bao giờ tiếc máu xương của mình cho đất nước và nhân dân, nhưng xin đừng vì sự mê muội và háu chiến đó, mà chúng ta sẵn sàng phung phí những người con của Tổ Quốc. Những cái chết thương tâm của những người lính dũng cảm nằm trên biên giới năm xưa vẫn luôn được Chính Quyền Trung Quốc tự hào về hệ thống thông tin gián điệp như một chiến thắng oanh liệt. Bài học này luôn là lời cảnh tỉnh để chúng ta luôn luôn cảnh giác với “thù trong, giặc ngoài”.

Việc trông chờ vào sự vay mượn và giúp đỡ của nước khác chỉ làm mọi thứ trở nên chậm trể và đôi khi cái giá phải trả cho sự giúp đỡ đó sẽ vô cùng đắt đối với dân tộc, mà giờ đây, nhiều người đã từng bước nhận ra cái giá cho những ánh hào quang chấn động địa cầu. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm mọi cách có thể để giải quyết tình huống này bằng con đường hòa bình và tránh đổ máu của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

Đất nước Việt Nam đang trong tình trạng vô cùng rối ren. Vì vậy, mỗi người dân cần ý thức trong việc lên tiếng vì lương tâm xã hội[8] để tình hình không bị các thế lực kích động và bạo loạn. Mọi người cần lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực, và đồng thời không ca ngợi biện pháp bạo lực như một phương án duy nhất để giải quyết các vấn đề của xã hội. Vì một xã hội tôn vinh bạo lực thì sẽ nhận lại một xã hội với chính những gì đã tôn vinh. Song song với đó, chúng ta cần phải có cái nhìn thông cảm và chia sẻ với những người công nhân[8]. Vì họ là một tầng lớp ít được tiếp cận với thông tin và tri thức, mà luôn là nạn nhân và đối tượng dễ bị lợi dụng nhất cho các ý đồ chính trị.

Những người có tri thức cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để làm những cái đầu nóng của đám đông và tránh đi những điều đáng tiếc xảy ra như những ngày vừa qua (13-14/05/2014). Việc sẳn lùng và tấn công những người yêu nước khác biệt về quan điểm chính trị là điều vô cùng nguy hiểm, nó dễ dẫn đến một cuộc nội chiến mới ngay trong lòng dân tộc, chứ chưa nói gì đến việc chống lại kẻ thù xâm lược. Hơn hết, những người con đất Việt cần phải đứng lại với nhau để bảo vệ đất nước và nhân dân, và tuyệt đối cẩn trọng trước bất kỳ hành vi cơ hội chính trị nào. Sự mù mờ về chính trị và thiếu thông tin sẽ luôn là miếng mồi béo bở cho những tên ma cô chính trị, và nhân dân sẽ phải trả giá cho chính sự thiếu hiểu biết của mình.

Chúng ta lên án việc bài Hoa dựa trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ gây hại nặng nề về ngắn hạn và dài hạn cho cả dân tộc. Chúng ta hãy nhìn những người Mỹ đã bảo vệ tài sản và đền thờ của những người Hồi Giáo như thế nào sau khi xảy ra sự kiện 11-9, hay những người Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo thay phiên bảo vệ nhau ở Ai Cập [9,10]. Vì vậy, đây là lúc những người Việt Nam cần phải chứng minh cho thế giới thấy sự nhân bản của chính dân tộc mình. Những cuộc biểu tình của Philippines và Nhật Bản là điều mà mỗi người Việt Nam yêu chuộng hòa bình nên học tập và làm theo. Việc sử dụng cùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan như một số cuộc biểu tình ở Trung Quốc chống Nhật Bản cho thấy sự bế tắc trong suy nghĩ của nhiều người, và sẽ khó tìm ra lối thoát cho công cuộc chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam[11].

Chúng ta nên nhớ rằng Myanmar xây dựng từng bước một xã hội dân sự trong hòa bình là nỗi khiếp sợ hơn bất kỳ sự uy hiếp về quân sự nào đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì vậy, đối với tình hình trong nước, “việc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do, và một xã hội dân sự phát triển chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước Châu Âu, Úc, Hàn, Nhật và Mỹ. Khi đó, sự ủng hộ Việt Nam sẽ mạnh hơn nhiều”[12]. Sự phát triển dựa trên nguyên tắc cạnh tranh công bằng, tôn trọng tri thức và con người là cách duy nhất loại bỏ hoàn toàn vấn nạn tham nhũng hiện nay, đồng thời, những kẻ cơ hội chính trị sẽ bị loại bỏ và không thể manh động được. Việc làm thiết thực này sẽ hiện thực hóa mong muốn của cụ Phan Chu Trinh:”Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Biểu tình ôn hòa và bất bạo động là hành vi lên tiếng của người dân trước những bất công trong xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân. Trước hành vi xâm lược và gây hấn của Chính Phủ Trung Quốc, việc biểu tình của nhân dân trong và ngoài nước chỉ có một mục đích duy nhất nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và giữ gìn từng tất đất của cha ông. Hơn hết, mỗi người cần đủ tỉnh táo để không bị chi phối bởi bất kỳ dụng ý chính trị nào, nhằm chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc. Việc biểu tình không chỉ lên án hành vi xâm lược của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà phải khắc họa đầu đủ một tổ chức “phát xít” dung dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và đang tìm cách kích động chiến tranh, nhằm đưa nhân dân Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh vô nghĩa để củng cố quyền lực.

Tổ chức mà chúng ta lên án và chống lại là Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chứ không phải là nhân dân Trung Quốc. Lúc này đây, chúng ta cần hơn bao giờ hết nhân dân Trung Quốc đứng về phía chúng ta để chống lại tổ chức “phát xít” này. Chúng ta nên dươi cao khẩu hiệu “Bảo vệ nhân dân Trung Quốc và Việt Nam”, “Chống ĐCS Trung Quốc kích động chiến tranh”, v.v, chỉ cần chúng ta chứng minh cho nhân dân Trung Quốc thấy chúng ta đứng lên bảo vệ mạng sống của nhân dân họ, chúng ta lên án sự đàn áp của Chính Phủ Trung Quốc đối với nhân dân Trung Quốc thì mọi tuyên truyền về sự xảo trá và phản bội của truyền thông Trung Quốc là vô hiệu. Không nhân dân nước nào khác có thể cứu lấy nhân dân Việt Nam, ngoài chính nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

Một người Trung Quốc yêu hòa bình đứng về nhân dân Việt Nam là một que diêm sẵn sàng để đốt cháy toàn bộ hàng không mẫu hạm, tên lữa đạn đạo, xe tăng và tàu chiến của quân đội Trung Quốc. Và sẽ không bao giờ có một cuộc chiến đẫm máu nào nữa giữa nhân dân 2 nước, thù hận mấy ngàn năm giữa 2 dân tộc có thể được xóa bỏ ,chỉ khi cả 2 dân tộc cùng có lòng bao dung và sự hiểu biết. Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy, không ai có thể gây áp lực cho chính quyền Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam ngoài chính những công dân Mỹ muốn bảo vệ mạng sống của những người con, người cha, người chồng họ. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngày nay đủ sức để thuyết phục những người dân Trung Quốc, yêu chuộng hòa bình và khao khát tự do, đứng vào phong trào phản chiến này.

Theo ý kiến cá nhân mình, sắp tới “Fête de la musique” 21-6, lại các thành phố lớn có hội sinh viên Việt Nam, chúng ta nên tìm một vị trí thích hợp và tổ chức một buổi hòa nhạc với chủ đề chống chiến tranh, kết hợp với các tổ chức người Hoa và du học sinh Trung Quốc tại Pháp(nếu có thể thuyết phục họ cùng tham gia). Việc đưa những hình ảnh những người dân Trung Quốc bị đàn áp, bên cạnh sự gây hấn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở biên Đông là sợ dây liên kết rõ ràng giữa nhân dân 2 nước yêu chuộng hòa bình. Mình tin rằng một Việt Nam có nhiều John Lennon được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến sẽ là một thông điệp và hình tuyệt vời cho đất nước Việt Nam lúc này, và giá trị truyền thông của chúng ta sẽ đi nhanh hơn.

Cuối cùng, trách nhiệm giờ đây nằm trong hành động của mỗi người dân Việt Nam để cùng nhau bảo vệ đất nước trước giặc ngoại xâm.
“Tổ quốc lâm nguy, xin đừng vô cảm”.

 

Thanh Nghi Nguyen

**************

Tài liệu tham khảo:

Cấp ba của tôi

Photo: Kirstin Mckee

 

Cấp ba của tôi
Phông màu lạnh
Tiếng cười đùa lanh lảnh những chiêm bao
Hạ đến tìm ai trong gió lao xao
Thu về đợi ai trên cao những sắc vàng nhợt nhạt
Ngày mai là nóng lòng hay là tươi mát
Những khoảng trời xưa ngào ngạt tiếng thơ

Cấp ba ngày ấy những giấc mơ
Đâu đó trở về niềm vui bỏ lỡ
Có chăng là những chuyện tình dang dở
Bước chân ai chở cả mùa buồn

Trên muôn vạn những nẻo đường
Nhìn theo cả trăm ngàn những cánh tay chỉ hướng
Ngày ấy đâu là cụ thể đâu là tiên lượng
Chỉ thấy toàn thương thương nhớ nhớ bâng quơ

Gọi là giấc mơ hay là ước mơ?
Dẫu sao vẫn chỉ từng là những ngày thơ sầu cũ
Nghe tiếng ai hay tiếng lòng tự nhủ
Vui hay buồn phủ kín nỗi tương tư?

 

Hạt Bụi To

12/5/2014

Tôi thật sự yêu quý các chú cảnh sát giao thông

Photo: Matthew Bennett

 

Tôi luôn được nghe những lời nói không hay, thậm chí là chửi rủa tục tĩu dành cho các chú cảnh sát giao thông. Vì xung quanh tôi, hầu hết mọi người đều cho rằng cảnh sát giao thông là những kẻ cướp ngày. Một thời gian dài trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng bây giờ thì khác rồi.

Vì tôi biết, ngành nghề nào, hay ở bất kỳ đâu cũng có có kẻ xấu, người tốt. Cảnh sát giao thông cũng vậy thôi. Tôi thừa nhận là có nhiều chú cảnh sát giao thông luôn tìm mọi lý do để bắt và phạt tiền của những người đi đường. Nhưng ngoài những phần tử xấu đó ra, thì hầu hết những người còn lại đều tốt, thậm chí là rất tốt.

Tôi không biết bạn thấy ấm ức điều gì mỗi khi các bạn bị các chú cảnh sát giao thông tuýt còi khi mà chính bạn là người đã phạm luật. Không đi sai làn thì vượt quá tốc độ, vượt đèn đỏ…. và ti tỷ những lỗi mà bạn biết thừa nhưng vẫn cố tình vi phạm vì nghĩ rằng không có công an ở đó. Và tôi thấy thật lạ là nếu các chú ấy yêu cầu lập văn bản thì các bạn nằng nặc xin tha, xin được nộp phạt thôi cho nhanh gọn. Nhưng chưa đi khỏi đã lầm bầm chửi thầm. Còn nếu như các chú ấy làm đúng luật, kiên quyết đòi lập văn bản, thu bằng lái xe và yêu cầu bạn đến kho bạc nộp phạt, thì bạn lại càng tức tối hơn gấp nhiều lần. Và còn “dành tặng” cho các chú ấy nhiều lời chửi rủa hơn nữa. Không muốn bị phạt, sao bạn không chấp hành đúng luật đi?

Bạn bè tôi hầu hết gọi cảnh sát giao thông là “thằng”. Tôi cũng được nhen nhóm cái tư tưởng ấy từ rất nhỏ, nên tôi cũng thản nhiên kêu các chú là “thằng”. Và tôi đã từng mặc định rằng cảnh sát giao thông là người xấu. Cho đến khi tôi lên Hà Nội học.

Tôi đã được chứng kiến cảnh giữa trưa hè nắng chang chang, chỉ với một chiếc mũ trên đầu, các chú cảnh sát giao thông đứng giữa đường làm nhiệm vụ. Mặt đỏ gay gắt, mồ hôi đầm đìa. Nhưng vẫn giữ vẻ nghiêm trang, làm việc hết sức cố gắng và nghiêm túc.

Tôi đã được chứng kiến những giờ cao điểm: Đường chật như nêm, tiếng còi xe inh ỏi, bụi đường mù mịt, ai nấy đều mệt mỏi nhích từng cen-ti-met trên đường thì các chú cảnh sát giao thông vẫn nỗ lực chia làn, phân làn giao thông, phồng mồm lên thổi còi cho các xe được lưu thông một cách nhanh nhất. Các chú ấy có được bịt khẩu trang như những người đi đường khác đâu.

Tôi đã được chứng kiến những buổi trời mưa tầm tã, chỉ với bộ áo mưa trên người, các chú cảnh sát giao thông miệt mài đứng giữa ngã ba, ngã tư, những đoạn đường thường xuyên ách tắc để làm nhiệm vụ.

Tôi đã được chứng kiến cảnh các chú cảnh sát giao thông nỗ lực thế nào để giải tỏa được đám đông mỗi khi có vụ va chạm xe cộ làm mấy ki-lô-mét đường không lưu thông được.

Tôi đã được chứng kiến cảnh một chú cảnh sát giao thông cầm chổi quét lá ven đường.

Tôi đã được chứng kiến cảnh các chú cảnh sát giao thông vội vã đưa người bị tai nạn đi cấp cứu khi người đó chỉ còn cách cái chết trong gang tấc.

Tôi đã được chứng kiến cảnh các chú cảnh sát giao thông lội mưa đến ngang hông để giúp một người đi đường đang chở hàng bị sa vào vũng nước sâu…. Và còn nhiều, nhiều lắm….

Tôi bắt đầu suy nghĩ lại về cách nhìn nhận con người của mình. Có thể bạn cho rằng tôi có cái nhìn chủ quan, phiến diện. Hay tôi chưa thấy những hành động xấu của các chú cảnh sát giao thông nên có phần ưu ái. Nhưng tôi khẳng định là không phải vậy.

Tôi đã không dưới ba lần bị công an tuýt còi khi đang lái xe. Một lần vào năm lớp 12, khi tôi mới nghe tin đỗ đại học. Chị tôi muốn mua tặng tôi một chiếc cặp sách mới. Tôi chưa đủ tuổi lái xe nên tất nhiên là không có bằng lái. Tôi bị chặn lại và cảm thấy ấm ức lắm. Lúc đó tôi thực sự chưa hiểu chuyện. Lần thứ hai, khi tôi cùng đám bạn đi chơi và vượt đèn đỏ. Lúc ấy, bị bắt phạt nhưng tôi đã cười. Vì tôi biết mình sai. Lần thứ ba, tôi cùng anh trai đi từ Hải Dương lên Hà Nội. Anh tôi bị phạt 200 nghìn. Tôi chỉ nhìn anh và cười: Ai bảo anh đi cho nhanh vào, đáng đời.”

Mọi người, ở trong những hoàn cảnh khác nhau sẽ suy nghĩ khác đi. Và cách nhìn nhận sự việc cũng khác. Tôi thật sự thấy thương các chú cảnh sát giao thông. Nên đã từ rất lâu rồi, tôi luôn gọi các chú ấy với cái tên thận mật nhưng đủ để tôn trọng “chú cảnh sát”.

 

Lai Ka

Immanuel Kant – Trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là khai minh?”

Photo: Wiki Commons

“In truth that which you call freedom is the strongest of these chains, though its links glitter in the sun and dazzle your eyes.”

— Khalil Gibran, On Freedom

Trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là khai minh?”

Immanuel Kant

Konigsberg nước Phổ, 30 tháng 9, 1784

 

Khai minh là việc thoát ra khỏi tình trạng chưa-lớn do tự thân kìm hãm. Chưa-lớn ở đây chỉ việc con người ta không có khả năng tư duy tự chủ mà luôn cần phải có sự hướng dẫn chỉ bảo của ai đó. Nói rằng cái tình trạng chưa-lớn này là do tự bản thân kìm hãm, ý là nhận thức và hiểu biết thì đã có mà không chịu quyết tâm và nghị lực để tự vận dụng lấy cái hiểu biết ấy, mà tư duy tự chủ. Vì thế, người ta có khẩu hiệu của khai minh: Sapere aude! Hãy can đảm mà tự dùng lấy trí khôn!

Lười biếng và hèn nhát là hai nguyên do làm cho phần lớn con người ta cứ khoái để mặc mình chưa-lớn suốt đời, dù cho về mặt sinh học hay pháp lý, họ đủ lớn để chẳng phải phụ thuộc vào một sự giám sát bên ngoài nào cả. Vì lười và nhát, đơn giản là cứ để cho người khác giám hộ mình. Cứ thơ dại mới sướng! Bận óc làm gì khi đã có những quyển sách để lưu trữ hộ tri thức, một ông bác sĩ cân nhắc hộ việc ăn uống, rồi một ông cố vấn tâm linh nào đó chăm sóc cho lương tâm đạo đức, vân vân và vân vân. Sao phải nghĩ ngợi khi mà ta chỉ việc trả tiền, rồi người khác sẽ nhận lấy những công việc buồn tẻ dùm ta.

Những người giám hộ tốt bụng vừa nêu hẳn cũng tin rằng một phần cực lớn của nhân loại (trong đó có toàn bộ phái đẹp) nhìn nhận việc lớn-lên không chỉ vô cùng khó khăn mà còn hết sức nguy hiểm. Những người giám hộ, sau khi đã làm ngây dại đám động vật thuần hóa của mình, sẽ cấm lũ này không được tự ý nhấc chân dù chỉ một bước nếu thiếu sợi dây dắt mũi, kế đó lại trưng ra những mối hiểm họa ghê sợ đang chờ đón để dọa bất cứ kẻ nào to gan. Thực tế thì cái hiểm họa này cũng chả phải gì to tát lắm, ai chẳng ngã vài lần rồi mới tự biết đi. Tuy nhiên lấy ví dụ kiểu này thì cũng dễ hãi, và thường sẽ hù người ta chạy mất tăm, khỏi phải lăm le tò mò hay thử mạo hiểm gì nữa.

Thế nên việc để cho mỗi cá nhân riêng lẻ biết tự lớn-lên là rất khó, khi mà trong họ cái bản tính chưa-lớn đã lần ăn sâu, làm cho họ ngày một thích thú. Và theo thời gian những người này sẽ thực sự mất đi khả năng tự vận dụng vốn tri thức, bởi lẽ có bao giờ được thử đâu. Xiềng xích ở đây chính là một đống những công thức, giáo lý, những thứ vốn được mang tiếng là công cụ kỹ thuật giúp hỗ trợ việc tư duy (nhưng thực tế lại làm cho con người ta khỏi phải dùng đến tư duy luôn). Ngay cả khi có ai đó rũ bỏ được đống xiềng xích ấy rồi, người này rồi cũng sẽ hết sức lưỡng lự, chẳng dám nhảy qua dù là những khe dốc hẹp nhất trên con đường tự bước đi của mình, bởi lẽ anh ta quá lạ lẫm đối với cái thứ vận động tự do kiểu này. Do đó, chỉ một số rất ít, bằng cách thường xuyên thao luyện tinh thần, mới có thể thành công trong việc tự giải phóng mình mà lớn-lên, tự tin bước tiếp trên con đường mới.

Dầu vậy, cơ hội cho một cộng đồng tự khai minh lại cao hơn. Nói cho đúng thì điều này sẽ là tất yếu, chỉ cần trong cộng đồng đó có tự do. Bởi lẽ kiểu gì cũng sẽ có những cá nhân suy nghĩ độc lập, có thể là nằm ngay trong số những người giám hộ. Những người giám hộ như thế, một khi đã rũ bỏ được những xiềng ách của bản thân, sẽ tiếp tục gieo cấy cái tinh thần mới là: tôn trọng các giá trị cá nhân và đề cao bổn phận nghĩ cho bản thân của tất cả mọi người. Điều đáng nói ở đây là một khi công chúng, vốn đang trong tình trạng u tối, giờ lại bị khuấy động bởi những người giám hộ biết tự khai minh (cũng nằm trong số những kẻ tạo ra xiềng xích trước đó), nhiều khả năng sẽ kìm ép ngược trở lại chính những người giám hộ này về với xiềng ách.

Gieo gió thì gặt bão, định kiến được gieo rắc sẽ quay lại tấn công chính những người từng một thời khuyến khích nó, hoặc gián tiếp chuyển hậu quả sang lớp người kế tục. Vì vậy, một cộng đồng chỉ nên tiến đến khai minh thật chậm rãi. Một cuộc cách mạng có thể chấm dứt nhanh chóng một thể chế độc tài hay những cuộc đàn áp chính trị, nhưng sẽ không bao giờ có thể đem tới những cải cách thực sự trong nếp nghĩ. Rồi những định kiến mới thay thế sẽ được tạo ra và xiềng xích lại chất lên vai đám đông quần chúng vĩ đại vốn lười động não.

Đối với khai minh thuộc loại này, điều kiện cần duy nhất là tự do. Và thứ tự do đang được bàn đến ở đây là loại vô hại nhất – tự do để một cá nhân sử dụng tri thức mình theo lối công khai. Trên thực tế, tôi vẫn hay nghe khắp chung quanh mình những tiếng kêu kiểu:

Đừng tranh luận!

Viên sĩ quan: Cấm cãi, bước đều! Viên thu thuế: Đừng lôi thôi, nộp tiền đi!

Vị mục sư: Không tranh luận nữa, phải có đức tin!

(Chỉ duy nhất một kẻ trị vì trên thế giới từng nói: Cứ tranh luận đi, bao nhiêu cũng được, về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh!) [Friedrich Đại đế, vua nước Phổ đương thời – ND]

Tự do bị hạn chế khắp mọi nơi như vậy đó. Nhưng những hạn chế nào sẽ ngăn trở khai minh, và loại nào thì lại thúc đẩy nó? Xin trả lời: Với điều kiện cần duy nhất là tự do để sử dụng tri thức theo lối công khai, ta sẽ có khai minh cho nhân loại. Sử dụng kiểu công khai ở đây được hiểu chẳng hạn như trường hợp một người hiểu biết đem sở kiến của mình trình bày trước đông đảo cộng đồng độc giả. Ngược với nó sẽ là sử dụng theo lối riêng tư, khi ai đó vận dụng tri thức cho riêng công việc hoặc một vị trí mà mình được giao phó. Sử dụng kiểu này thì nên bị hạn chế, trong chừng mực không gây ra những tổn hại nghiêm trọng tới tiến trình khai minh.

Ta nhận thấy trong những vấn đề có tác động đến lợi ích của cộng đồng, cần có cơ chế nhất định mà theo đó một vài thành viên trong cộng đồng buộc phải chấp nhận hành xử thụ động để khi đó những người này có thể làm việc cho chính quyền, dưới một hợp đồng đã được vạch ra rõ ràng, nhằm phục vụ những mục tiêu mà cộng đồng hướng tới (hay ít ra là ngăn không để họ làm cản trở những mục tiêu này). Tất nhiên trong những trường hợp như vậy, sự phục tùng tuyệt đối là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng một người như vậy thì vẫn có thể tham gia tranh luận mà không gây ảnh hưởng đến công việc chung, trong chừng mực anh ta tự xét mình dưới tư cách một cá nhân thuộc cộng đồng lớn, thành viên của xã hội phổ quát (vượt lên trên phạm vi của một guồng máy chính quyền), và trong xã hội đó anh ta là một kẻ hiểu biết, bằng việc viết ra các tác phẩm, đang trình bày mối quan tâm của mình trước đông đảo công chúng.

Ví dụ, sẽ là rất nguy hiểm nếu một viên sĩ quan cứ đi chất vấn về sự hợp lý hay tính hữu dụng của mệnh lệnh mà mình đang được cấp trên yêu cầu thực thi. Việc của anh ta đơn giản là tuân lệnh. Nhưng sẽ chẳng có lý do gì để cấm anh ta, trong vai trò một người hiểu biết, quan sát những sai phạm đang diễn ra trong quân đội và truyền tải những quan sát này cho công chúng đánh giá.

Hay một công dân thì không thể chối bỏ nghĩa vụ đóng thuế; những động thái vô lối như thế sẽ bị trừng phạt nhằm tránh cho sự vi phạm trắng trợn này dẫn tới tình trạng bất tuân trên diện rộng. Tuy nhiên, anh này sẽ không hề đi ngược lại những ràng buộc nghĩa vụ dân sự, nếu anh ta – như một kẻ có học – phản ứng bằng cách công khai nói lên những suy nghĩ của mình về tính phi lý hay bất công của các công cụ thuế khóa đang có.

Tương tự, một vị mục sư thì bị ràng buộc trong việc hướng dẫn giáo sinh và giáo đoàn của mình đi theo những học thuyết của nhà thờ, bởi đó là những gì mà ông đã hợp đồng với tổ chức tôn giáo đó. Nhưng với tư cách một học giả, vị mục sư cũng chịu xu hướng chia sẻ những suy tư cẩn trọng, có định hướng của mình với công chúng, và ông ta hoàn toàn được tự do làm vậy. Đó có thể là những suy tư trên một vài khía cạnh sai lầm nào đó trong học thuyết đang được rao giảng, đi kèm những đề xuất cho một cải biến tích cực hơn trong các vấn đề giáo hội hay đức tin tôn giáo.

Sẽ chẳng có vấn đề gì phải lăn tăn về lương tâm ở đây cả. Bởi những gì mà vị mục sư đó dạy không phải là những thứ mà tự ông muốn truyền đạt. Đó là những thứ mà ông – kẻ bề tôi của nhà thờ – được chỉ định để diễn giải, nhân danh một người khác. Ông sẽ nói như vầy: “Nhà thờ dạy ta điều này… điều này…” Và đây là những lập luận được dùng tới… Sau đó mục sư sẽ giúp giáo sinh của mình rút ra tất cả những áp dụng thực tiễn có trong hệ thống giới luật, cái hệ thống mà có thể ông không hoàn toàn tán đồng nhưng vẫn nhận dẫn giải, bởi chưa loại trừ được khả năng chúng có hàm chứa sự thật, và cũng là do suy cho cùng thì chưa có gì mâu thuẫn về bản chất với thứ tôn giáo mà ông tôn thờ. Bởi lẽ nếu ông nhận ra một mâu thuẫn nào đó như vậy, tất sẽ khó lòng dồn tâm cho việc thực thi những nghĩa vụ được giao phó, và rồi sẽ phải xin từ nhiệm.

Việc sử dụng tri thức của người mục sư trong trường hợp này là hoàn toàn theo lối riêng tư, với chú ý rằng một giáo đoàn, dù to hay nhỏ, cũng chỉ là một tập hợp nội bộ. Và như thế, ông ta – trong vai trò tu sĩ – không phải và cũng không thể được tự do, khi vẫn còn đang thực hiện nhiệm vụ do người khác phó thác. Ngược lại, trong vai trò một học giả đang gửi tới công chúng thực sự (thuộc thế giới rộng lớn bên ngoài giáo đường) những bài viết của mình, vị mục sư do đó đang sử dụng tri thức theo lối công khai, và sẽ được hưởng tự do không giới hạn để vận dụng lý trí và nói lên quan điểm bản thân. Còn nếu thay vì vui hưởng cái sự tự do này, những người giám hộ tinh thần lại cứ khăng khăng tự thân chưa-lớn, thì rõ thật là một điều ngu dại, và cái ngu dại này sẽ còn sinh ra hàng tấn ngu dại nối đuôi mãi tiếp diễn.

Nhưng liệu một đoàn thể những tu sĩ, kiểu như một đại hội giáo hội hay hội đoàn trưởng lão tôn kính (theo lối tự xưng của các vị ở Hà Lan), có nên được cho mình cái quyền tự nguyện tuyên thệ trước một biểu tượng tâm linh bất di bất dịch nào đó, lấy cớ ấy mà tăng cường sự giám hộ liên tục và vĩnh viễn lên từng thành viên của đoàn thể tu sĩ, và thông qua họ là lên toàn thể dân chúng? Tôi xin trả lời: Không. Một giao kết nhằm ngăn chặn vĩnh viễn cơ hội khai sáng cho nhân loại như vậy là hoàn toàn trống rỗng và vô giá trị, ngay cả khi nó được chấp thuận từ một thẩm quyền tối cao, nghị viện hoàng gia hay qua những hiệp ước hòa bình tôn nghiêm nhất. Không thể có chuyện một thế hệ cứ thề nguyện rồi đặt thế hệ tiếp theo trong cảnh bất lực nếu muốn hiệu chỉnh hoặc mở mang tri thức để đi tới khai minh, nhất là trong những vấn đề quan trọng về tâm linh như này. Đó là tội ác chống lại loài người, khi ngăn cản cái tiến trình tìm về bản chất tối hậu của nhân sinh như vậy. Bởi thế, những thế hệ kế tục hoàn toàn được quyền gạt bỏ tất cả những thỏa ước vô lối và sai trái ấy.

Muốn biết một chính sách nào đó liệu có được đồng thuận khi đem áp dụng thành luật rộng rãi hay không, chỉ có cách là xem xem dân chúng có tự nguyện áp mình theo những điều luật ấy được không. Và như thế, tối thiểu điều luật ấy cần được đem ra thực thi trong một thời gian ngắn xác định nhằm minh họa cho trật tự đang được đề xuất, cũng là trong lúc chờ cho một giải pháp khác tối ưu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi công dân, trong trường hợp này là các vị tu sĩ, sẽ được quyền tự do trong vai trò học giả để công khai (thông qua những bài viết) đánh giá những bất cập trong các thiết chế hiện thời.

Cái trật tự xã hội vừa mới thiết lập vẫn tiếp tục tồn tại, cho đến khi nhận thức của công chúng về bản chất vấn đề dần tiến bộ và tự chứng tỏ đã đạt tới chỗ đồng thuận về đại thể (nếu không phải là nhất trí tuyệt đối), đủ để đệ trình lên nhà vua một đề xuất thay đổi. Đề xuất này là nhằm để bảo vệ, chẳng hạn, những giáo đoàn đã đồng thuận thay đổi thay đổi thiết chế của họ cho thống nhất với tư tưởng nhận thức bên trong, mà không cản trở đến những người ủng hộ việc duy trì trật tự cũ. Nhưng cần phải cấm tuyệt đối những hành động chấp nhận cái thứ hiến chương tôn giáo cố định cứng nhắc, mà không ai (dù chỉ giới hạn trong một thế hệ) được quyền công khai chất vấn. Bởi hành động như vậy sẽ gần như triệt tiêu một giai đoạn phát triển trong tiến bộ nhân loại, biến nó trở thành vô ích, thậm chí còn mang hại cho lớp hậu sinh.

Một người, vì những mục đích cá nhân, có thể hoãn lại tiến trình khai minh của bản thân trong một vài vấn đề, và anh ta cần nhận thức được điều đó, (mà ngay cả như vậy thì sự trì hoãn này cũng chỉ được phép trong một thời gian ngắn). Nhưng chối bỏ hoàn toàn khai minh, bất kể là khai minh cho thế hệ kế tục hay cho bản thân, đều đồng nghĩa với việc xâm phạm và chà đạp lên những quyền thiêng liêng của nhân loại. Vả chăng, những thứ mà quần chúng nhân dân không tự thuận mình áp theo, càng không thể bị áp đặt bởi cá nhân một vị quân vương nào; bởi quyền lực pháp trị của ông ta phụ thuộc hoàn toàn vào ý nguyện toàn thể của đám đông quần chúng.

Chừng nào mà vị quân vương còn nhìn nhận những tiến bộ có thực hay được dẫn ra là tương thích với trật tự xã hội, ông ta vẫn có thể để mặc cho thần dân của mình làm bất cứ thứ gì mà họ thấy cần thiết để cứu rỗi bản thân, vốn là việc chẳng can dự gì đến nhà vua cả. Mà nhiệm vụ của đức ngài ở đây sẽ là ngăn chặn bất cứ kẻ nào trắng trợn gây trở ngại cho người khác, khi người này đang nỗ lực định hình và xúc tiến cho sự cứu rỗi của bản thân. Tôn nghiêm của nhà vua sẽ thực sự bị tổn hại nếu ngài can dự vào những vấn đề này bằng việc kiểm soát những bài viết mà qua đó, đám thần dân đem trình bày những ý tưởng tôn giáo của mình cho chính quyền giám sát thấy rõ. Hành động như vậy của nhà vua có thể chỉ đơn giản xuất phát từ những thiên kiến cao thượng của riêng ngài.

Trong trường hợp này ngài có nguy cơ nhận lấy lời trách cứ: Caesar non est supra Grammaticos [Caesar cũng không được vượt các nhà ngữ pháp học – Dù có là vua thì cũng phải tuân theo những quy tắc phổ quát – ND]. Nhưng sẽ còn tệ hơn trong trường hợp hành động của nhà vua xuất phát từ sự ủng hộ dành cho một nền chuyên chế tâm linh của số ít những kẻ bạo cường áp đặt lên đám thần dân kia của ngài; điều này hẳn sẽ hạ thấp quyền uy tối cao của nhà vua.

Nếu có ai đó hỏi rằng: Phải chăng chúng ta đang sống trong một thời đại đã được khai minh; câu trả lời sẽ là không, nhưng hẳn chúng ta đang sống trong thời đại của công cuộc khai minh. Căn cứ tình hình hiện tại mà nói, còn xa mới đến lúc toàn thể con người đạt tới (hoặc sẵn sàng để được đưa tới) tình trạng mà những hiểu biết của cá nhân trong các vấn đề tôn giáo được đem ra vận dụng một cách tự tin và nhuần nhuyễn, không cần viện tới sự hướng dẫn hay giám hộ bên ngoài. Nhưng chúng ta cũng có những chỉ dấu rất rõ ràng rằng con đường phải đi giờ đã hiện ra hết sức quang đãng, sáng sủa; những chướng ngại cho một nền khai minh phổ quát, cho sự thoát khỏi tình trạng chưa-lớn bởi tự thân kìm hãm đã dần ít đi; mọi người được tự do phấn đấu trên con đường khai minh của mình. Bởi thế mới nói thời đại của chúng ta là thời đại của công cuộc khai minh, trong kỷ nguyên Friedrich này. [Vua Friedrich là người bảo trợ rất nhiệt tình cho phong trào khai minh – ND]

Một bậc vương giả không hề xem mình là thấp kém khi tuyên bố rằng bổn phận của người trong các vấn đề tôn giáo là không ra lệnh bất kì điều gì cho thần dân, mà để họ hoàn toàn tự do; và vì thấy như thế vốn không phải là thấp kém nên người chẳng ngại từ chối cái danh hiệu Bao Dung đầy tự phụ mà kẻ khác định gán cho mình; một bậc quân vương như thế thực sự đã biết tự khai minh. Ngài xứng đáng được ca tụng bởi cả thế giới ngày nay cũng như toàn bộ hậu thế như người đầu tiên (ít nhất là người đầu tiên về phía chính quyền) giải phóng nhân loại khỏi tình trạng chưa-lớn, người đã để cho tất cả dân chúng tự do vận dụng lý trí của riêng mình trong mọi vấn đề về lương tâm. Dưới sự trị vì của người, các chức sắc giáo hội, vượt lên những bổn phận công vụ, có thể tự do và công khai truyền tải những nhận định và ý kiến của mình cho toàn thế giới đánh giá trong tư cách học giả, ngay cả khi những ý kiến này có đôi chỗ đi chệch học thuyết chính thống.

Còn những người không bị giới hạn bởi bổn phận công vụ thì thậm chí được tự do nhiều nữa. Tinh thần tự do này cũng đang lan rộng ra cả bên ngoài quốc gia, ngay cả những nơi mà nó phải đấu tranh với những ngăn trở do các chính quyền vốn hiểu sai về chức năng của mình dựng lên. Những chính quyền này đang được chứng kiến một ví dụ hết sức sinh động trong đó tự do có thể tồn tại mà không gây hại chút nào tới sự hòa hợp của công chúng và sự thống nhất của khối cộng đồng. Con người sẽ biết tự lần thoát ra khỏi man rợ, bằng ý nguyện của chính họ, chừng nào mà những biện pháp nhân tạo cố tình được đưa ra nhằm kìm giữ họ không còn nữa.

Tôi vừa phác họa điểm cốt lõi của khai minh, tức là sự thoát ra của con người khỏi tình trạng chưa-lớn do tự thân kìm hãm, chủ yếu trong các vấn đề tôn giáo. Ấy trước hết là bởi những bậc trị vì của chúng ta không hứng thú lắm với việc thiết lập vai trò giám hộ trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật; và sau nữa cũng bởi sự chưa-lớn trong hoạt động tôn giáo là thứ nguy hại và đáng hổ thẹn nhất trong tất cả. Nhưng nếu một nguyên thủ quốc gia có tư duy ưu ái cho tự do trong khoa học và nghệ thuật thì nhìn chung mọi thứ sẽ còn tiến xa hơn, bởi vị ấy kiểu gì cũng nhận ra rằng sẽ chẳng có nguy hiểm nào đe dọa tới nền pháp trị của ông ta khi cho phép thần dân mình vận dụng theo lối công khai lý trí của chính họ, đem trình bày trước công chúng những suy tư của họ về việc tạo dựng một thứ luật pháp tốt hơn, thậm chí bao gồm cả những chỉ trích trực diện lên nền pháp lý hiện hữu. Chúng ta đã có ở đây một ví dụ tuyệt vời, [vua Friedrich] người mà chúng ta vẫn đang hằng tôn thờ, người mà chưa một vị quân chủ nào khác có thể vượt qua.

Tất nhiên, chỉ có đấng trị vì nào biết tự khai minh, không còn sợ hãi những bóng ma, đồng thời có trong tay một quân đội đông đảo và kỷ luật đủ sức giữ vững an ninh, mới có thể nói lên điều mà chưa nền cộng hòa nào dám nói: Cứ tranh luận đi, bao nhiêu cũng được, về cái gì cũng được, nhưng phải tuân lệnh! Điều này gợi ra cho chúng ta một mô thức kỳ lạ đầy bất ngờ thuộc vấn đề nhân sinh (mà chúng ta sẽ luôn nhận thấy nếu xem xét trên một diện rộng, ở tầm mà gần như mọi thứ đều trở nên nghịch lý). Một mức độ cao về tự do dân sự dường như có lợi cho tự do tư tưởng của quần chúng, nhưng đồng thời nó cũng đặt lên đó những rào cản không thể vượt qua được.

Ngược lại, một mức độ tự do dân sự thấp hơn lại cho phép những không gian đủ rộng để tự do tư tưởng được phát triển đến tột độ. Một khi cái hạt giống mà thiên nhiên nâng niu nhất – thiên hướng tự do tư duy của con người – đã nảy mầm dưới lớp vỏ cứng, dần dần mầm mống này sẽ tác động trở lại tinh thần của quần chúng, những người nhờ đó cũng dần cải thiện khả năng hành động một cách tự do. Và cuối cùng mầm mống này sẽ tác động lên ngay cả những nguyên tắc của chính quyền, để họ thấy rằng sẽ hoàn toàn là có lợi khi đối xử với con người (vốn vượt trên một thực thể máy móc) sao cho tương xứng với phẩm giá của họ.

*************

*Hồi bé dịch cái này, nay nhân đang “tuyên chiến” với Tractatus tự thấy nên đăng lên 🙂

 

Nhật Nam Trần

Là người ở xa – 6 điều chúng ta có thể làm để đóng góp cho đất nước khi nhiều kẻ kích động công nhân trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc

Photo: Hieu Nguyen

 

“Thế giới nguy hiểm không phải vì những kẻ gây ra tội ác mà là vì những người đứng nhìn tỏ ra có đạo đức mà chẳng làm gì cả.” – Albert Einstein

Chỉ 3 tên quậy trong lớp học nhưng 97 tên còn lại chỉ đứng nhìn hoặc hùa theo nên 3 thằng mất dạy đó có thể quậy tan nát lớp học đó.

Vụ việc ngày hôm qua ở Bình Dương chỉ là một nhóm quá khích gây ra, kèm theo những kẻ ăn theo để đi bão, hôi của các doanh nghiệp. Đó là một bộ phận nhỏ trong hàng nghìn công nhân chân chính lương thiện ở đây đang mong chờ được tiếp tục công việc để nuôi gia đình. Những người công nhân lương thiện ở Bình Dương rất tội nghiệp các bạn à… Họ phải làm việc 12 giờ, họ không có nhiều thời gian để cập nhật nhiều thông tin, và hiểu sâu một sự kiện gì đó như chúng ta đâu.

Các công nhân cũng đã tập trung xin lỗi và giúp các công ty bị đập phá dọn dẹp sữa chữa hư hại… Giờ không phải lúc chửi ai đó chỉ biết “yêu nước quá khích”. Mỗi người có một cách yêu nước riêng của họ. Điều quan trọng là họ cũng yêu nước như bạn bởi vì họ cũng là người Việt Nam. Nếu bạn muốn chửi ai đó, giờ là lúc để chửi những kẻ đang muốn cướp nước mình.

Giờ không phải lúc để lên mạng vặn vẹo, chỉ trích nhau, để tranh cãi chỉ trích đồng bào mình là ngu, là hèn, là chỉ biết nói…mà là lúc giúp cho đồng bào mình hiểu thế nào mới thật sự là khôn ngoan, là dũng cảm, là hành động đúng đắn.

Giờ không phải là lúc để hỏi người khác: “Bạn đã làm được gì cho đất nước?” Mà là tự hỏi chính mình: “Tôi có thể đóng góp gì cho đất nước?”

Trung Quốc đang làm tất cả những điều đó để kích động. Vì thế giờ không phải là lúc chúng ta bị kích động

Từ kinh nghiệm mấy ngàn năm chiến tranh với Việt Nam, Trung Quốc cũng thừa biết tính cách của người Việt Nam: Đánh nhau sẽ đánh đến cùng. Do đó, khi khai chiến với Việt Nam, họ biết cuộc chiến ấy sẽ khó có ngày kết thúc.

Họ thừa biết chiến tranh sẽ làm cho nhà cầm quyền Việt Nam mạnh hơn vì sẽ được sự ủng hộ của toàn dân. Họ thừa biết chiến tranh sẽ làm cho các quốc gia Đông Nam Á sợ hãi, từ đó, đoàn kết hơn, có thể hợp thành một liên minh để chống Trung Quốc.

Giờ là lúc 80 triệu trái tim hướng về biển đông

Tình hình lúc này đã và đang được các lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý. Mong mọi người, cũng như các fanpage, cá nhân truyền thông thực hiện 5 điều có thể làm khi ở xa:

  1. Hạn chế đưa những thông tin dạng “nghe đồn” “nghe nói” “chưa xác minh rõ”.
  2. Tránh sử dụng các từ ngữ nghiêm trọng như “chết” “biểu tình” “bạo động” “bạo loạn” “chiến tranh”..v.v…
  3. Đây là thời điểm cần đại đoàn kết dân tộc, phải dừng ngay kích động vùng miền, phân biệt, ám chỉ “Bình Dương” “Khu 4” “Nghệ An” “Thanh Hóa”..v.v…
  4. Đừng post status với nội dung gây hoang mang cho dư luận cũng như bạn bè, người thân.
  5. Hiện tại mọi việc tại Bình Dương đã đi vào bình thường, những kẻ chủ mưu đã bị bắt. Nếu các bạn phát hiện ai khả nghi đang tung tin đồn thất thiệt hay rải truyền đơn, hãy báo cho công an để nhanh chóng xử lý, mọi người đừng quá lo lắng.

Cuối cùng là chúng ta yêu tất cả các bạn công nhân Bình Dương tội nghiệp bị kẻ xấu lợi dụng, vì tất cả chúng ta đều yêu nước.

“Truyền thông giờ mỗi một thông tin có thể như một quả đạn pháo bắn vào lòng dân. Các bạn hãy đưa tin lên trang cá nhân của mình có trách nhiệm!” – Đơn vị tác chiến điện tử (Comrade Commissar)

 

Tolamon