25 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 228

Học phổ thông, bao nhiêu năm là đủ?

Photo: Amelia Rhea

 

Trước khi đọc bài, tôi xin khẳng định với các bạn tôi là một người ham chơi (đặc biệt là game online, bạn có thể đọc thêm bài viết “Không chỉ là Game, tôi gọi nó là Esport” để xác thực) và tương đối lười học, nói như thế để các bạn biết rằng đây không phải là bài viết của một con mọt sách đích thực.

Trước đây chúng ta quy định thời gian học phổ thông là mười năm, sau đó đổi thành mười hai năm giống như hầu hết các quốc gia (có khác chỉ là cách phân thời gian học ở các cấp, ở nhiều nước, cấp 1 kéo dài sáu thay vì năm năm như chúng ta, có điều đó không ảnh hưởng gì lớn). Vậy có thể khẳng định phần nào, mười hai năm là quãng thời gian cần thiết để có thể giáo dục nên một con người có đầy đủ kiến thức phổ thông.

Nhưng gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng chỉ cần học phổ thông chín năm là đủ. Ý kiến này dựa trên những luận điểm:

  • 16 tuổi (học hết lớp 9) là đủ độ trưởng thành, chín chắn để có thể xác đinh hướng đi cho tương lai, xác định điều gì cần thiết cho cuộc sống.
  • Chương trình học cấp ba quá nặng và nhiều thứ không cần thiết, học khoa học tự nhiên thì không cần đến cảm thụ văn học, học khoa học xã hội thì không cần đến phương trình chuyển động…
  • Thi tốt nghiệp cấp phổ thông có nhiều tiêu cực, tốn kém…

Đây là những luận điểm thoạt nghe vô cùng thuyết phục, nhưng nếu phân tích kỹ, thực tế lại vô cùng phi lý.

Thứ nhất, 16 tuổi là đủ độ trưởng thành?

Không phải tự nhiên mà hầu hết các quốc gia đều quy định mười tám tuổi mới là độ tuổi trưởng thành, chịu trách nhiệm trước pháp luật, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều đó chắc chắn đã được kinh qua rất nhiều các nghiên cứu về tâm lý học, sinh lý học, xã hội học v…v. 16 tuổi, cái tuổi mộng mơ, dở dở ương ương, thay đổi sở thích nhanh hơn thời tiết ấy liệu có đủ năng lực để xác định con đường mình đi trong tương lai, đủ năng lực để xác định đam mê cả đời của mình? Chắc chắn là không. Cái ngày tôi 16 tuổi, tôi vẫn còn thích lắm nghề luật sư, bây giờ nhìn lại những thứ mấy đứa bạn trường luật đang học, tự nhiên thấy thở phào nhẹ nhõm…

Thứ hai, chương trình học phổ thông quá nặng, nhiều thứ không cần thiết?

Đây là luận điểm rất có sức thuyết phục bởi nó đánh vào tâm lý chúng ta, cảm giác rằng những kiến thức đã học phổ thông hình như chẳng áp dụng gì vào cuộc sống. Thực ra không phải như thế. Tôi xin lấy vài ví dụ: Chắc có nhiều người đã đọc qua các tác phẩm của Dan Brown, ngoài tài năng văn học, trí tưởng tượng phong phú, cái để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc đó là phông kiến thức cực rộng và sâu sắc của ông, từ toán học, tin học, mật mã, lịch sử, văn hoá, tôn giáo..v..v.. Tất nhiên trong quá trình sáng tác, ông cần phải tìm hiểu thêm các tài liệu chuyên ngành, nhưng chắc chắc để làm được điều đó, Dan Brown chắc chắc phải phải có kiến thức phổ thông ở tất cả các lĩnh vực tự nhiên cũng như xã hội.

Bạn là một nhà thơ cũng được, nhưng bạn biết trả lời thế nào khi con bạn hỏi: “Ba ơi, tại sao bầu trời lại có màu xanh?” “Tại sao cầu vồng lại đẹp thế ?” Câu trả lời nằm trong phần về “ánh sáng” trong chương trình vật lý cấp ba. Bạn là một nhà báo cũng được, nhưng nếu không học về sinh học cấp ba phần về “di truyền nhóm máu” bạn sẽ không thể thấy bất thường khi mà bạn và vợ có nhóm máu O, còn đứa con ruột lại có nhóm máu A. Bạn là một kỹ sư cũng được, nhưng bạn biết dạy con về tình yêu nước thế nào khi mà bạn không cả hiểu rõ về ba lần thắng quân Mông Nguyên? Nếu bạn muốn có một cái nhìn hoàn thiện về xã hội, cuộc sống xin đừng bao giờ có ý nghĩ học cái gì là không cần thiết!

Thứ ba, thi tốt nghiệp còn nhiều tiêu cực, tốn kém? Tiêu cực trong thi cử muốn tránh thì cần phải thay đổi đạo đức và ý thức người học chứ không thể bỏ hẳn kỳ thi. Ý thức người học không nghiêm túc thì bỏ thi tốt nghiệp vẫn còn rất nhiều cách khác để gian lận, ngược lại nếu người học ý thức được tầm quan trọng của giáo dục phổ thông, không có tư tưởng học đối phó, không có tư tưởng “thi khối tự nhiên thì xem nhẹ các môn xã hội” thì với độ khó của bài thi tốt nghiệp hiện tại, việc tiêu cực là không cần thiết.

Làm ơn trước khi chỉ trích chương trình học, chỉ trích người giáo viên thiếu tâm huyết, biện pháp, các bạn học sinh xin hãy nhìn lại mình đã thực sự nghiêm túc với việc học hành? thực sự khát khao kiến thức? xin đừng ngáp ngắn ngáp dài khi nhìn những cuốn sách lịch sử, đừng hoa mắt chóng mặt trước những phương trình, các pháp tính tích phân, hãy tự tìm cho mình sự lý thú trong đó!

Có thể các bạn khôg tin, hoặc cho rằng tôi thần kinh không bình thường, nhưng cá nhân tôi đã từng từ chối việc học chuyên sâu một môn chuyên để đi thi, thay vào đó được lên lớp, được học đầy đủ các môn phổ thông bình thường. Có thể giờ đây tôi không còn nhớ toàn bộ những gì đã học, nhưng tôi không thể phủ nhận, nền tảng kiến thức phổ thông giúp ích cho tôi rất nhiều, không chỉ trong sự nghiệp học hành, mà còn trong cuộc sống, giúp tôi hoàn thiện nhân sinh quan và thế giới quan của mình.

Một kỳ thi tốt nghiệp nữa lại đến, chúc các sỹ tử năm nay có một kỳ thi thành công và sạch!

 

Voldemort VN

Sống bằng niềm tin

Painting: Wasfi Akab

 

Một câu nói cửa miệng rất quen thuộc của “bọn trẻ”: “Sống bằng niềm tin à?” Ừ, đúng rồi đấy, sống bằng niềm tin.

Trong class cuối cùng của dự án tiếng Anh tôi đang học, chủ đề ngày hôm đó là “Like & Dislike”, bạn phải đưa ra ý kiến đồng ý/không đồng ý với một sự việc. Và sự việc thứ ba là “có hay không nên có án tử hình”. Tôi đã rất lưỡng lự, đứng ở giữa hai hàng ở một lúc lâu, rồi lòng không kiềm chế được thêm, đứng về bên ít ỏi – mà hẳn là các bạn đã biết là bên nào “không nên có án tử hình”. Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, thậm chí là ý kiến tôi bắt buộc phải lựa chọn trong buổi học ngày hôm ấy, giữa agree và disagree, thực sự tôi vẫn còn lưỡng lự chưa biết nghiêng về bên nào.

Nhưng tôi mượn cái đó, để nói về cái tiêu đề  của bài viết “sống bằng niềm tin”. Ngày hôm đó, tôi đã đưa ra một cái lý luận cho sự lựa chọn của mình là thế này: “Có thể các bạn tin, không có câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nhưng tôi lại là một cô gái có niềm tin mãnh liệt đối với thế giới này. Tôi tin, trước khi là tội phạm, là kẻ giết người, những người đó là một đứa trẻ, họ cũng có ước mơ, họ cũng có khao khát. Tôi tin, trong sâu thẳm một con người độc ác, vẫn là một trái tim nóng, vẫn có thể thức tỉnh yêu thương.” Thực sự ngày hôm đó, tôi đã lúng túng không biết tìm giải pháp nào để trừng trị những kẻ giết người thích đáng, mà không phải giết họ đi, nhưng tôi vẫn cứ tin vô điều kiện rằng, nhất định sẽ còn một cách khác tốt hơn…

Và khi ngồi lơ mơ nhớ lại chuyện đó, tự nhiên…tôi nhớ đến một người – Lê Văn Luyện. Chúng ta quá căm phẫn với tội ác mà cậu ta đã gây ra – giết hại cả một gia đình. Cái án tử hình là xứng đáng, đúng không? Thời gian đó, cả dư luận dậy sóng đòi tử hình kẻ đọc ác. Nhưng khoan, tôi không tranh luận về việc Lê Văn Luyện xứng đáng nhận án tử hay không, tôi chỉ tự hỏi mình câu này, liệu hồi bé, Lê Văn Luyện có đôi mắt trong sáng không, có cười tươi tắn như cô cháu tôi bây giờ không, có sún răng không, và có đã – từng ngây thơ không. Điều gì tạo nên một Lê Văn Luyện giết người, một Lê Văn Luyện đầy thản nhiên, chẳng chút hối lỗi trước vành móng ngựa, điều gì tạo nên tội ác?

Và một câu chuyện này, không có thực. Một câu chuyện trong tuyển tập truyện ngắn Nam Cao – Tư Cách Mõ. Tôi đọc mà thấy đau. Từ một người nông dân hiền lành, chân chất, nhận một công việc ở chùa mà người ta gọi là “sãi” – như kiểu giống một người đi “truyền thông” – thông báo những việc trong làng, Lộ biến thành một thằng có “tư cách mõ” chính cống – chỉ vì cả làng thấy thằng đó nó có ăn dễ dàng quá, được mấy sào đất làng cho, tự nhiên được ăn không, được ăn sung sướng, cả làng ghen, mọi người cứ lảng dần, vì thằng đấy “mõ”. Và thế, là Lộ thành mõ, một thằng trơ trẽn, một thằng ăn tham, một thằng chẳng còn đáng để nhìn. Tại sao Lộ trở thành như thế? Vì những người xung quanh, đã cho anh một niềm tin mạnh mẽ: Anh – là – Mõ.

Một đứa con nữa của Nam Cao, là Chí Phèo đấy thôi. Xã hội đưa đẩy, cuộc đời dồn dập, từ một chàng thanh niên, bóp chân cho một con đàn bà mà như khúc gỗ biến thành một thằng rạch mặt ăn vạ, vết rạch chằng chịt. Tại hắn một phần, và phải chăng, cả tại sự dồn hắn vào chân tường của cụ Bá – kẻ đại diện cho giai cấp thống trị phong kiến lúc bấy giờ. Vào tù, hắn ra trở thành một người khác hẳn, chẳng còn biết đã bao nhiêu tuổi. Đời dồn vào chân tường, cả xã hội cho hắn niềm tin – hắn là một thằng như thế. Thị Nở cho hắn hy vọng hắn có thể làm người một lần, có thể có mái ấm gia đình, có thể có tình yêu giản dị: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui…” Nhưng thật tiếc,…

Dù là trong truyện, hay ngoài đời, hay một nơi nào đó không phải trái đất nếu như có sự sống, thì tôi tin rằng, niềm tin là một thứ ảnh hướng rất lớn đến cuộc sống của bạn. Niềm tin của bạn về chính bản thân mình là một phần cực kỳ quan trọng, nhưng niềm tin của người khác vào bạn cũng rất quan trọng. Vậy thì, những “người khác” ơi, khi bạn đọc được những dòng này, hãy mang đến cho những người xung quanh mình những niềm tin tốt đẹp vào điều họ có thể làm được. Hãy luôn nhìn vào những điều tốt đẹp của người khác. Hãy sống mở lòng. Hãy trân trọng thành công của người khác. Hãy nâng đỡ, tạo dựng niềm tin cho người khác. Như thế, càng ngày sẽ càng ít Chí Phèo, ít Lộ, ít Lê Văn Luyện. Như thế, cuộc đời sẽ đẹp hơn…

 

Totto Chan

Giáo dục có vai trò gì?

Photo: Wikimedia Commons

Tôi đặt câu hỏi này một cách ngu ngơ và tự nhìn lại giai đoạn mà bản thân đã đi qua và tôi viết nên những điều này. Có thể đó là những điều mà cá nhân tôi thấy nó chưa hợp lý, thấy nó còn nhiều điều để bàn luận hay đó chính là những khuyết điểm. Còn quan điểm của bạn, người đọc được bài viết này như thế nào tôi không rõ lắm. Nếu các bạn có các quan điểm đối lập, hoặc một câu chuyện của chính mình, các bạn hãy bình luận để tôi có thêm cơ hội được mở rộng tư duy của mình.

Có ai trong số các bạn nghĩ: Giáo dục giúp chúng ta có được một công việc tốt hoặc giáo dục làm cho chúng ta tự giới hạn chính mình?

Nghe có vẻ vớ vẩn quá nhỉ, từ lắm tắm bé tôi đã được bố mẹ cho đến trường mẫu giáo. Ở đó, tôi được giáo dục là cần phải cạnh tranh để có cờ thi đua, cờ bé khỏe bé ngoan, đại loại vậy. Những năm tháng mà đáng nhẽ ra tôi phải được vui chơi đúng ý nghĩa của nó. Thì cũng là lúc người lớn gieo vào đầu những đứa trẻ con như tôi những tư tưởng, suy nghĩ rất người lớn. Cuộc sống luôn vận động, để có thể tồn tại thì tôi phải hiểu được sự cạnh tranh giữa con người với nhau. Chỉ có người giỏi, người xuất sắc mới nhận được sự kính trọng.

Lên cấp một cũng không khá gì, tư tưởng đó càng được thấm nhuần hơn, cứ như kiểu mưa lâu thấm đất. Cùng trang lứa với tôi có rất nhiều người cạnh tranh với tôi, đó chỉ là một khu vực tôi sống mà thôi. Nếu khái quát lên thì ở thời điểm đó chắc là có rất nhiều người thuộc thế hệ tôi, họ phải vác những chiếc cặp nặng nề đi học, rồi đi học viết vở sạch chữ đẹp, học viết đúng chính tả. Các mà tôi cho rằng tôi khó đào tạo. Vì đến tận bây giờ chữ tôi vẫn không khá lên, vẫn còn những lỗi chính tả. Ở lứa tuổi này, theo nền giáo dục tiến bộ ở Châu Âu họ không hề chấm một con điểm số nào cho học sinh của họ. Họ không vạch ra những  khuyết điểm của bất kỳ một đứa học sinh nào trước lớp cả. Với tôi, tôi thì ngược lại các bạn ở phía trời Tây, giỏi thì cũng được thầy cô khen, còn yếu kém thì cũng được thầy cô khen trước lớp. Rất xấu hổ.

Khi đó, tôi được dạy là phải học đạt điểm mười, học phải có giấy khen và xếp loại giỏi. Điểm số với tôi nó quan trọng cực kỳ, nếu tôi đạt điểm cao mà cụ thể mà điểm 10 thì đó là một bầu trời sung sướng cho cha mẹ tôi, thầy cô tôi và cả nhà trường tôi nữa. Khi tôi đạt điểm kém thì cả lớp đều biết, cha mẹ tôi biết và cả những người ba mẹ bạn tôi cũng biết. Tại sao giáo dục lại gieo vào đầu tôi biết bao là thứ áp lực, cái thứ mà tôi không hề thích cũng như có ích cho một đứa trẻ. Các thứ đó nó tạo điều kiện cho bạn bè ghanh ghét nhau, và trở nên ích kỷ hơn thôi. Có phải chúng ta đã đi ngược với các nền giáo dục khác. Cụ thể là Phần Lan, họ không chấm điểm ở các năm cấp một, không hề có xếp loại. Họ khuyến khích học trò sáng tạo, không giới hạn khuôn mẫu cho chúng. Đó là những năm học họ dạy học sinh của họ cách làm người và quá trình dạy chúng cách làm người, hình thành nhân cách trong suốt những năm trước khi họ vào đại học.

Tiếp nhé, càng lớn lên thì tôi lại phải rèn luyện tính cạnh tranh của mình. Khi bé tôi chỉ cần hơn các người bạn cùng thời của tôi là được. Nhưng khi học cấp 2 hoặc cấp 3 tôi cần phải chiến đầu loại nhiều người hơn. Khi ấy, tôi được so sánh với nhiều người hơn, do đó tôi phải học nhiều hơn, chơi ít lại. Thậm chí đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình cũng bị giới hạn. Thời gian đó tôi lại phải lên cặp của mình đến các lớp học thêm toán lý hóa tiếng anh. Có hai mốc quan trọng ở cấp 2 và cấp 3. Tôi vẫn phải thi tốt nghiệp cấp 2, không hiểu lý do gì mà tôi lại được điểm trong ở các môn thi. Đó là tất cả đều là điểm mười. Bạn không biết thời điểm đó tui vui như thế nào đâu. Vì tôi đã hơn điểm đứa bạn của tôi – cô ấy là người học giỏi nhất trường. Giờ nghĩ lại thì đó thật là hài hước, giống như tôi tồn tại ở trong thế giới hoang dã vậy. Các con thú cạnh tranh để mà sống, tôi chiến đấu vì danh dự.

Cấp ba, tôi được học tại ngôi trường điểm, hiển nhiên đối thủ tôi nhiều hơn. Tôi giành nhiều thời gian cho việc học tại trường và học thêm. Tôi cũng đạt được những điều mà mọi người kỳ vọng về tôi. Nhưng khi bước vào Đại học tôi bị ngộp với môi trường này. Thời điểm này, tôi phải đi học xa nhà, cha hay mẹ không có thể quản tôi như lúc trước nữa. Nhưng giai đoạn này tôi ý thức hơn về việc học của mình nhưng cũng giống như nhiều người đi trước. Đó là ai cũng cố gắn học thật tốt, giành học bỗng, rồi trao dồi tiếng anh  và tin học để…sau khi ra trường có một công việc tốt. Phải chăng cái đích đến của những người học đại học là vậy. Hay chỉ có như vậy chúng ta mới không làm khác người.

Vậy có ai tự đặt cho mình câu hỏi đại loại như: “Tại sao bạn được giáo dục?”  Cha mẹ gửi bạn đến trường học. Bạn theo học những lớp học, bạn học  toán, bạn học địa lý, bạn học lịch sử. Tại sao vậy? Liệu có khi nào bạn tìm hiểu tại sao bạn muốn được giáo dục, mục đích của việc được giáo dục là gì? Mục đích của đậu những kỳ thi và nhận được những mảnh bằng là gì? Liệu nó là lập gia đình, có một việc làm và ổn định sống như hàng triệu và hàng triệu người trên thế giới đã làm.

Các quốc gia từ lớn đến nhỏ trên thế giới đều giống nhau một cách lạ thường. Ai trong cuộc đời đều được học từ thấp cho đến cao. Rồi đều có cơ hội vào đại học hay cao đẳng,..và cuối cùng quá trình ấy được khẳng định bằng một việc làm, một gia đình hạnh phúc hay đó là một vị trí trong xã hội. Bạn có suy nghĩ gì khi đọc đến đây hay không? Bạn có chấp nhận tự giới hạn chính mình không? Tự do hay trở nên bị cuốn hút mạnh mẻ hơn. Với tôi, đã đến lúc tôi thoát ra khỏi giới hạn do chính mình tạo ra; đã đến lúc tôi nên đi tìm ý nghĩa của cuộc sống này, để tôi có thể hạnh phúc hơn.

 

Mr Lias

Câu chuyện cây bắp cải và niềm tin bị đánh mất

Photo: Zsaj

 

Tôi đã từng nghĩ cách duy nhất để thoát ra khỏi cái mớ hỗn loạn của cuộc sống này là… ngủ. Khi ngủ người ta đâu có suy nghĩ được nữa, không suy nghĩ thì thôi buồn phiền và làm phiền người khác. Nhưng hình như không phải thế…

“Những ai chưa hoàn thành bài tập này tự giác đứng lên đi ra khỏi lớp!” Tôi choàng tỉnh, mồ hôi đẫm trán dù hôm nay là một ngày mát trời. Mệt mỏi và uể oải hồi tưởng lại giấc mơ rồi lại nghĩ về thực tại. Cuộc sống của mình sao lại ra nông nỗi này. Toàn là những tiếng thở dài và chán nản. Chán là một cảm giác rất đáng sợ, còn đáng sợ hơn cả buồn. Khi người ta buồn, người ta sẽ khóc, sẽ nghĩ đến việc làm những chuyện điên rồ hay đơn giản chỉ là tìm người để than vãn. Nhưng một khi đã chán thì sẽ không muốn làm bất cứ việc gì kể cả mở miệng ra kêu ca. À, trừ việc suy nghĩ, khi chán hình như người ta nghĩ rất nhiều và toàn nghĩ về những điều làm người ta chán hơn.

Tôi quyết định phải thay đổi trạng thái này. Vùng dậy khỏi chiếc giường đang nằm, thay quần áo với tốc độ bình thường tôi chỉ làm khi sắp đi học muộn và dắt chiếc xe đạp thân yêu ra khỏi nhà. Tôi đạp hùng hục như trâu và toát một đống mồ hôi. Khi tôi bị cảm bố tôi hay bắt uống thuốc rồi trùm kín chăn để toát mồ hôi cho nhanh khỏi nhưng tôi không biết rằng toát mồ hôi không chỉ giải cảm mà còn giải được cả nỗi chán chường.

Đang nghĩ vu vơ, tôi thấy mình vừa lướt qua một điều gì đó. Là một bác bán rau. Phải, bán rau. Nó thực sự không có gì lạ nếu như bây giờ không phải đã 9 giờ tối và chỗ tôi vừa đi qua là trước cổng trường học chứ không phải một khu chợ bán nông sản nào đó. Tôi đạp chậm lại, vừa đạp vừa phân vân không biết có nên quay lại không. Cho đến khi đạp được hơn nửa cây số tôi mới quyết định được.

Tôi dựng chân trống xe, ngồi xuống nhìn hàng rau của bác. Vài quả bí, một mẹt bắp cải và ít rau sam đã héo lắm rồi. Rau đã ôi cả, nếu bình thường tôi sẽ chẳng bao giờ mua, mua về mẹ sẽ mắng chết mất. Nhưng hôm nay thì khác: “- Bác ơi, bắp cải bán thế nào đấy ạ?” “- 4 nghìn/cái.”

Cái bắp cải nhỏ hơn quả bưởi, không còn lớp lá xanh đậm mà chỉ còn lá trắng, lớp lá non phía trong cùng của một cây bắp cải. Nhưng ngay đến cái lớp lá ấy cũng không còn lành lặn, nó đã úa nhiều rồi. Tôi cầm lên nhìn rất lâu, không phải đắn đo xem có nên mua không mà chỉ là đang suy nghĩ một điều gì đó mơ hồ không thể diễn đạt được. Như sợ tôi sẽ không mua bác bán hàng nói vội: “- 10 nghìn/3 cái, bán nốt để còn về nào.”

Dù thế nào tôi cũng sẽ mua mà. Nhưng thái độ hơi lạnh lùng và giọng điệu đầy tính chất buôn bán của bác làm tôi cứ buồn buồn thế nào ý. Bác làm tôi có cảm giác bác ngồi đây để bán sự cảm thông chứ không phải bán rau. Đặt 3 chiếc bắp cải vào rỏ xe, tôi lại đạp đi. Những vòng quay xoay cùng một nhịp với nỗi lòng của tôi. Nó cứ xoay, xoay tròn như thế không biết bao nhiêu vòng nữa. Đưa tôi trở về ngày xưa…

Hồi ấy, tôi còn bé, đang ngồi chơi bên hiên nhà thì có một bà cụ đi qua: “- Cháu ơi, cháu rủ lòng thương cho bà xin ít tiền…” “- Bà chờ cháu tý nhé!”  Tôi không suy nghĩ gì nhiều, chạy thẳng vào trong nhà lấy cái ví màu xanh yêu thích của mình ra đưa cả cho bà cụ.

Bố tôi ngăn cản mà tôi cứ một mực làm theo ý mình. Còn nói đây là tiền của con, bố mặc kệ con đầy quyết liệt. Cuối cùng thì bố cũng chịu thua. Nhưng bố bảo tôi cho bà cụ tiền thôi, giữ lại cái ví. Tôi chẳng nhớ rốt cuộc tôi cho bà được cái gì, cả ví và tiền hay chỉ mỗi tiền mà tiền thì được bao nhiêu. Tôi không nhớ rõ chi tiết ấy, chỉ biết rằng lúc đó tôi rất vui vì làm được một việc tốt. Vậy sao bây giờ cũng là một hành động như thế, tôi lại suy nghĩ quá nhiều như vậy, lại không thể nào nở một nụ cười hồn nhiên như ngày xưa. Cuộc sống đã đánh cắp đi niềm tin giữa con người với con người rồi sao? Tôi đã bị mất cắp mà không biết sao?

Tôi ngoái lại hàng rau, thấy có một cặp tình nhân trẻ cũng đang cúi xuống mua bắp cải. Tôi mỉm cười, một nụ cười thật sự chân thành…

 

Phong Linh

Chọn dòng nước tốt nhất

Photo: Katjathekid

 

“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
Nên chọn một dòng hay để nước trôi”

Tôi xin trích ra 2 câu thơ để nói lên những khó khăn trong sự lựa chọn cách học, cách sống của những người “đang lớn” như tôi.

Tôi là một sinh viên trường y, khả năng viết văn trung bình thôi. Trước đây hồi còn học cấp 3, môn văn của tôi cũng được tổng kết 6,5, thực ra là được cô giáo nâng điểm cho để lấy danh hiệu học sinh giỏi. Chả là tất cả các môn tự nhiên của tôi cũng đứng top trong trường, nên các thầy cô cho điểm cũng “thoáng” hơn, để “phấn đấu” danh hiệu. Đấy, thời cấp 3 của tôi, với những danh hiệu, học bổng và những lỗ hổng về kiến thức xã hội, tôi bước qua thật nhẹ nhàng và ưỡn ngực tự hào làm sao. Khi thi tốt nghiệp cấp ba, tôi chỉ được bằng trung bình vì điểm môn văn và địa lý quá thấp, mặc dù toán, hóa, sinh luôn tối đa. Lúc đó đã có một số người nhìn tôi với cái gì đó hoài nghi. Mặc kệ, chỉ cần giỏi toán, hóa, sinh là vào được trường y, theo mong mỏi của gia đình rồi. Tôi nghĩ chả có gì sai hay phải thay đổi cả.

Thật vậy, tôi thi vào trường y mơ ước và vẫn nghĩ việc học cũng nhẹ nhàng như hồi cấp 3 mà thôi. Nhưng tôi đã lầm, học đại học thực sự vất vả, ít nhất là với những đứa như tôi. Đến mùa thi tôi “cày” đề cương như con trâu cày ruộng, bời vì những tháng trước đó tôi còn “bận” hát hò vui chơi với lũ bạn ở ký túc xá. Vậy mà không lần nào tôi học hết được đề cương, chẳng có gì khó hiểu khi sự lo lắng luôn cùng tôi vào phòng thi. Ở trường y, có cái đặc biệt là hầu hết các môn phải thi 2 lần, một lần thi thực tập thường là vấn đáp với giảng viên – để làm quen với cách giao tiếp như khi nói chuyện với bệnh nhân, và một lần thi lý thuyết nữa.

Năm đầu tiên, quả thật tôi rất sợ thi. Phải đối mặt với các thầy cô có khi tôi không dám nhìn, bởi vì lo sợ mình học chưa đủ để trả lời câu hỏi của họ. Thi lý thuyết thì không thuộc đề cương. Nhưng may mắn thay, tôi đã “cày” đủ và đủ may mắn để có học lực khá, có học bổng. Nhưng sau kỳ thi, đầu tôi trở về trống rỗng. Trong khi đó, bạn tôi, cậu ta phải thi lại một vài môn nhưng kiến thức cậu ta nhớ được thì hơn hẳn tôi. Tôi bắt đầu nghĩ về số tiền cầm trên tay và về khả năng thực sự của mình. Liệu sau này mình có đủ tự tin và khả năng khi đói mặt với bệnh nhân, mình có thể không vì ngu dốt mà làm hại họ, vì thực sự tôi biết một sai sót nhỏ trong y khoa có thể gây ra những hậu quả gì. Tôi lại lo lắng và muốn tìm cách giải quyết vấn đề của mình.

Sang năm thứ hai đại học, tôi nghĩ phải thay đổi. Tôi không dùng thời gian và tiền bạc cho những lần vui chơi vô bờ bến, tôi quyết định đi làm thêm, học guitar, karate và đi tình nguyện nếu có cơ hội. E rằng nó sẽ chiếm nhiều thời gian của tôi hơn, nhưng lạ thay tôi học không mệt mỏi như trước, tôi học trước kì thi sớm hơn và thoải mái hơn. Dường như những việc chẳng liên quan kia lại cho tôi niềm vui khi học bài. Tôi có thể cười khi trả lời câu hỏi của thầy cô và tự tin hơn với bài thi lý thuyết. Tôi thật vui quá.

Nhưng chưa hết, trong một lần lang thang trên facebook, tôi đọc, tôi thấy ở những nơi này, những trường kia có những người bạn giỏi hơn mình rất nhiều. Tôi càng đọc thì càng thấy mình nhỏ bé, càng thấy biển kiến thức rộng lớn và những người kia trên mình cả một tầng cao. Tôi bắt đầu nghĩ mình đã sai khi cho rằng mình đang làm đúng đam mê của mình, rằng “cày quốc” cả ngày cũng chẳng bằng học ít mà hiệu quả, với lại học vì đam mê chứ chẳng phải vì điểm mà. Học càng thoải mái tôi càng lệch hướng và dành quá nhiều thời gian cho những thứ khác thì phải.

Tôi lại muốn thay đổi. Chẳng phải tôi đã chứng minh học ít mà hiệu quả thì tốt hơn học nhiều mà học vẹt hay sao. Và nhiều người khác lại cho tôi thấy rằng học ít mà hiệu quả không bằng học nhiều mà hiệu quả đấy thôi. Bài học của tôi là phải tự cân bằng mình giữa đống bài vở, thú vui, công việc, biết tìm niềm vui khi làm mọi chuyện và biết ưu tiên cái gì hơn giữa bao nhiêu thứ bề bộn của cuộc sống sinh viên. Người ta nói còn trẻ thì nên thử và sai làm lại, không sợ thất bại. Nhưng ai lại muốn thất bại chứ. Nếu đã thấy lao vào chơi bời thả ga với bạn bè trong ký túc xá là sai lầm, ai dại gì như thế phải không? Nếu thấy học nhiều mà mệt mỏi không bằng học ít mà tập trung thì chọn học ít nhỉ. Và biết học ít mà tập trung không bằng học nhiều mà tập trung thì còn sự lựa chọn nào khác đâu.

Hãy chọn “dòng nước” đúng đắn nhất cho mình, giải quyết thật tốt mớ bòng bong trong đời sống sinh viên dữ dội của mình thôi. À đấy, cám ơn mọi người đã đọc, tôi có một mớ quần áo cần giải quyết nữa. Hi.

 

 Duy Tùng

Sống cho tương lai là không quên những gì thuộc quá khứ

Photo: Risa Rodil

 

Thế kỷ 21 chứng kiến nhiều cuộc cách mạng không hề nhỏ trong mọi mặt đời sống, tiêu biểu nhất phải kể đến sự bùng nổ khoa học và kỹ thuật. Nhờ sự thay đổi đó, cuộc sống trở nên dễ dàng và tiện ích hơn bao giờ hết. Phải kể đến đó là sự bùng nổ công nghệ thông tin- smartphone, internet..- con người thay đổi cách tiếp cận với nhau, thay vì liên lạc với nhau nhờ điện thoại thư từ, bây giờ chỉ cần có smarphone laptop, chúng ta có thể nói chuyện mặt đối mặt, việc thông báo nhắn tin cho nhau dễ dàng hơn, không cần đi xa gửi thiệp, thư mời…

Có hàng ngàn lý do giải thích tại sao con nguời không thể sống thiếu internet, đó là sản phẩm kết tinh của lao động trí óc. Nhưng ta đã lạm dụng nó quá nhiều đến mù quáng, công nghệ thông tin can thiệp quá nhiều vào đời sống con người kể cả khi ngủ, khi đi ăn, để rồi chính ta trở thành con nghiện từ nào không hay. Nghiện ma túy là bệnh của thể chất và xã hội, nhưng nghiện internet là bệnh của trí óc và thời đại.

Đồng ý là rất thú vị khi ta có thể vừa xem nhiều kênh tivi vừa chat chit, tìm được những cuốn sách hay, những câu hỏi không biết lời đáp, những cuốn truyện ngỡ như sẽ không bao giờ kiếm lại được, nhờ có công cụ tìm kiếm hầu như những vấn đề trên được giải quyết, thế nhưng có một điều chúng ta đã quên.

Trong quá khứ khi khoa học và công nghệ chưa phát triển bùng nổ như bây giờ , có những thứ đã gắn liền với cuộc sống trước đây. Một thời trẻ con rất mê mẩn những cuốn thần đồng đất việt, đôrêmon, thủy thủ mặt trăng hay pokemon… mỗi tối tụ họp gia đình, xem những bộ phim hay, quây quần vui đùa bên nhau với tụi con trai không thể quên trò bắn súng nước, bắn đạn, rồi gameboy, thổi bóng xà phòng, bịt mắt bắt dê hay với con gái nhảy dây cò chẹp (bây giờ tìm lại cũng khó), những cuộc vui đùa, những bữa tiệc sinh nhật vui nhộn bên bạn bè chung quanh… Đại đa số Chúng ta đã quên đi quá khứ.

Trở lại những năm 1999, 2000, xa hơn là 2005, khi internet chưa định hình rõ ở nước ta, lúc đó còn những cô cậu học trò nhỏ với đôi mắt trong veo, khuôn mặt trẻ thơ đâm chất hài tuế. Chẳng quá khi nói trẻ em ngày trước hồn nhiên vui tươi trong sáng, trai và gái như nhau, không có khái niệm quan hệ nam nữ, chụp hình kiểu hàn quốc, khăn khít bên nhau. Từ khi facebook phát triển rầm rộ, nơi chia sẻ những bức ảnh những dòng suy nghĩ cảm xúc của cá nhận lại là nơi để khoe thân của một số bộ phận “hot girl” cấp 1, cấp 2, em đã biết chải chuốt, tạo dáng sexy gợi cảm, em đã biết khoe vòng 1 vòng 3 mặc dù chưa “chín mùi”, các hotboy cũng chẳng kém cạnh, lấp ló những dòng gạ tình, đùa cợt thô tục, bình luận vô văn hóa, thiếu tôn trọng người khác.

Không chỉ có hotboy, người lớn trẻ nhỏ đều một, hai lần “nhả ra các từ khiếm nhã”… Có những việc chúng ta không giải quyết được, hay có những câu hỏi không dễ để trả lời, để tìm câu trả lời ấy, thay vì như bây giờ tìm gõ nhờ google, đã có biết bao cuộc hành trình khám phá, nhờ những cuộc hành trình đó mà ta biết thêm nhiều điều ngoài mong đợi, câu trả lời đó không gói ghẹm trong giới hạn điều ta muốn biết mà còn khai sáng những điều ta không biết.

Tôi vừa có một kết luận từ thực tại ngày hôm nay, lấy theo ý kiến cá nhân: “Thời gian tỷ lệ thuận với khoa học công nghệ nhưng lại tỷ lệ nghịch với quá khứ.” Quá khứ có thể buồn có thể vui có thể thiếu thốn, nhưng xin đừng đánh mất nó, vì nó buồn là để nhắc ta đừng sống quá tự mãn, vì nó thiếu thốn là để nhắc ta sống sao cho đầy ngày mai, vì nó vui để nhắc ta nhận ra hạnh phúc luôn kề gần ta kể cả khi niềm hạnh phúc ấy nhỏ bé nhất, khó tìm thấy nhất. Quá khứ là bài học là kinh nghiệm và cũng là con người trước đây của ta, hãy sửa khi nó mắc lỗi, hãy thay đổi khi nó không tốt, để hoàn thiện ta từng ngày, đừng vì cuộc đời này đi quá nhanh mà chạy theo, ta thừa sức biết ta không thể địch nổi trong cuộc đua ấy, cuộc sống thay đổi theo từng ngày, công nghệ khoa học phát triển theo từng thời kỳ vài tuần, vài tháng có thể vài năm nhưng ta chỉ có một đời để sống.

 

Victor Tien

Trời chuyển -20/5/2014

Thần tượng của tuổi trẻ

Photo: Wikipedia

 

“Nếu bạn không học hành hẳn hoi thì đừng nhận là fan của tôi.”

– Shim Chang Min (thành viên của nhóm nhạc Dong Bang Shin Ki)

“Quái lạ, cái nhóm nhạc gì mà đông thành viên quá vậy? Đã vậy dòm đứa nào cũng na ná nhau.”

Đó là cảm nhận của tôi sau khi xem mv Run Devil Run lần đầu tiên. Hôm đó tự dưng ông anh nổi hứng bật nhạc thiệt là lớn, lớn đến nỗi còn nghe được mấy chữ “you better run run run” rồi “neon neon neon” gì nữa kìa. Cũng do cái tật tò mò vô tội vạ, nên nhào vô xem ké mv với ảnh một hồi rồi hỏi đang nghe bài gì, của nhóm nhạc nào đây.

Phần cũng do hồi đó tôi cũng có một cô bạn, hầu như ngày nào đi học cũng líu lo về nhóm này hoài, trong khi bình thường cô bạn này rất mê… trai đẹp. Tự hỏi cái tụi gái Hàn Quốc này có gì hay ho mà sao mấy bạn nữ mê quá trời, thôi thì cũng chịu khó làm mặt dày hỏi cô bạn này, đi nghe lại mấy bài hit trước đó, rồi đi xem mấy cái show truyền hình thực tế mà nhóm này đã từng tham gia như Hello Baby, Invincible Youth…

Rung rinh. Loảng xoảng. RẦM!

Đó là cách mà tôi và 9 cô gái Girls’ Generation đã yêu nhau… à nhầm, đến với nhau như vậy đấy.

Kể từ dạo đó tôi rất thích xem các chương trình thực tế, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của 9 cô gái ở trên. Bạn sẽ được nghe họ nói chuyện, chia sẻ những câu chuyện về sự nghiệp và đôi lúc là chuyện đời tư của họ. Chưa kể có mấy trò chơi vận động và nhiều thứ khác cũng rất hay ho, mà tôi không thể viết gói gọn trong vài trang giấy như thế này được. Vì nếu bạn thật sự thần tượng một người nào đó, mà bạn chỉ xem mv và thưởng thức các bản nhạc mp3 trên mạng, có lẽ bạn đã bỏ qua những thứ vô cùng thú vị khác để tìm hiểu thêm về thần tượng của chính mình, ngoài khả năng ca hát của họ.

Khi họ tham gia những chương trình này, chúng ta sẽ được thấy rất nhiều khía cạnh khác về thần tượng của mình. Dĩ nhiên, những chương trình như vậy sẽ có kịch bản, cơ mà chuyện đó là chuyện của nhà đài và ekip, việc ngồi xem và thưởng thức hãy cứ để fan lo hết.

Có những lời nói, những hành động chỉ nhìn thấy thôi mà đã muốn cười bể bụng. Có những tâm sự, những giọt nước mắt chứng kiến xong mà muốn xốn xang cõi lòng.

Tôi yêu quý 9 cô gái này vì nhiều lý do khác nhau: Đẹp gái, tài năng, có ước mơ, luôn tập trung vào mục tiêu của mình,… trong đó lý do quan trọng nhất để tôi thần tượng họ, là vì họ có NHÂN CÁCH. Họ có những thứ thật sự đáng để tôi học hỏi. Chẳng hạn như Seohyun có thể nói tới mấy thứ ngôn ngữ khác nhau, Hyoyeon là một chuyên gia chọc cười và gây bất ngờ của nhóm mỗi khi đi show, vân vân và còn nữa…

Theo thời gian, họ đã trở thành thần tượng của tôi

Bây giờ bạn sẽ thắc mắc vì sao bạn bè, những người xung quanh và rất nhiều cư dân mạng lại si mê và nói về thần tượng suốt ngày như vậy phải không? (Nhắc nhỏ: Đoạn sau có những từ “đao to búa lớn” có thể khiến bạn nhức đầu nhẹ)

Trong bất cứ xã hội nào, ở bất kỳ tầng lớp giai cấp và hoàn cảnh nào đi chăng nữa, con người luôn muốn mình trở nên tốt đẹp hơn và hoàn thiện hơn. Để chạm được tới cái đích đến chính đáng đó, người ta thường có xu hướng lựa chọn cho mình một/nhiều hình mẫu để noi theo, ngưỡng mộ và làm mục tiêu phấn đấu. Nhu cầu về thần tượng ra đời từ đó.

Hay nói cách khác, thần tượng là người được ngưỡng mộ, tôn sùng hơn mức bình thường một chút. Như vậy, định nghĩa về thần tượng là một khái niệm đẹp, chẳng có gì sai trái cả. Vấn đề chỉ xoay quanh hai thứ: nhân vật được thần tượng – hay các giá trị mà nhân vật đó đại diện có xứng đáng hay không, và những hành động ủng hộ thần tượng diễn ra như thế nào.

Trên thế gian này, thần tượng của bạn có thể là nghệ sĩ âm nhạc nào đó – Super Junior hoặc Girls’ Generation của K-pop. Thần tượng của bạn cũng hoàn toàn có thể là một nhà văn nào đó, như chú Nguyễn Nhật Ánh hay cô Nguyễn Ngọc Tư. Thần tượng cũng có thể là một nhân vật… hư cấu trong một bộ truyện như Son Goku hay Doraemon chẳng hạn.

Bất kỳ ai mà bạn có thể tưởng tượng ra!

Lý do để hâm mộ thì nhiều. Các bạn trẻ hâm mộ hai nhóm nhạc Hàn Quốc nêu trên – có thể vì họ hát hay, đẹp trai, xinh gái chẳng hạn. Vậy còn hai nhà văn nêu trên thì sao? Nhiều người thần tượng họ vì những tác phẩm, những con chữ đi vào lòng người của họ, chứ đâu có ai đòi hỏi họ phải đẹp trai đẹp gái và hát hay như các nhóm nhạc K-pop đâu phải không? Chẳng qua xu hướng bây giờ người ta thần tượng ca sĩ nghệ sĩ nhiều thôi, và đó là một chuyện rất bình thường.

Tuy nhiên, những điều ở trên chỉ mới là một mặt của đồng tiền

Một cô bé 13 tuổi ở Trung Quốc mê nhóm EXO của Hàn Quốc đến nỗi bỏ bê học hành, không màng ăn ngủ. Trong một lần cãi vã, em nói: “Bố mẹ không tốt bằng thần tượng.” Điều đó đã vô tình làm cho người cha bị kích động dẫn đến… giết chết con gái.

Hay vào dịp Super Junior biểu diễn tại Việt Nam, trong khoảng thời gian nhóm di chuyển từ khách sạn ra sân bay về nước, có rất nhiều “fan cuồng” đã bám theo để mong được nhìn thần tượng lần cuối. Thế là xe máy, xe ôm, thậm chí cả taxi đã được thuê để… “đón đầu” thần tượng. Tuy nhiên, những điều đó lại gây nguy hiểm cho chính họ và còn làm cản trở giao thông của những người đi đường nữa.

Và cũng không phải ngẫu nhiên mà cách đây vài năm Bộ Giáo Dục đã từng ra một cái đề thi văn đánh trúng vào “chỗ hiểm” của rất nhiều bạn trẻ – đặc biệt là những fan K-pop: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.” Chính cái đề bài này đã khiến cho một số bạn có quyết định khá tức cười là bỏ thi chỉ vì nó… động chạm đến mình, mà họ không biết rằng hành động đó chỉ càng chứng tỏ họ “mê muội” mà thôi. Vì giữa “ngưỡng mộ” và “mê muội” là một khoảng cách rất mong manh. Mê muội quá mức có thể khiến bạn có những hành động thiếu suy nghĩ, si mê, thậm chí chẳng còn là chính mình nữa.

Nếu bạn ngưỡng mộ người ta và muốn học hỏi những cái tốt của họ, điều đó rất đáng khen ngợi. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh với bạn thêm điều này, rằng dù thần tượng có là ca sĩ nghệ sĩ nổi tiếng đến mấy đi chăng nữa, họ cũng chỉ là người bình thường, chứ không phải thần thánh. Họ cũng cần có những thời gian riêng tư, và chúng ta – những fan hâm mộ cũng nên biết cách thần tượng họ trong một khuôn khổ nào đó, không nên đi soi mói quá sâu vào đời sống của người ta.

Tôi không biết ở Việt Nam đã có kiểu fan này chưa, nhưng ở Hàn Quốc thì lượng sasaeng fan thâm nhập đời tư của thần tượng khá nhiều. Thâm nhập đời tư thần tượng đến mức phải gọi là khủng hoảng. Cụ thể là những fan này theo đuổi thần tượng sung đến mức, họ còn dám lắp đặt thiết bị ghi hình và ghi âm trong… phòng tắm của người ta, nghe mà cứ như thể mình đang xem một bộ phim hành động của Hollywood với những phân cảnh đột nhập hoành tráng tập trung vào các điệp viên của FBI hoặc CIA vậy!

Bản thân tôi đã và đang là fan của một nhóm nhạc thần tượng trong một thời gian không ngắn mà cũng chưa lâu. Chỉ mới trải nghiệm đủ để biết mà tự giới hạn bản thân không phát cuồng tới mức xúc phạm gia đình, bỏ học bỏ hành, quên ăn quên ngủ, thậm chí là… bán thân để có tiền đi xem thần tượng diễn. Chỉ mới trải nghiệm đủ để biết rằng những giá trị mà tôi thần tượng ở họ là hoàn toàn xứng đáng với tình cảm mến mộ của mình, không phải đọc mấy cái tin khoe hàng, không phải nghe thấy những phát ngôn gây sốc cùng những scandal có thể làm mất lòng tin người hâm mộ, gây đen tối đầu óc xuất hiện nhan nhản trên mấy tờ báo lá cải trong và ngoài nước. Thành ra nhiều khi cũng chẳng thể ưa được một vài người cứ nói này nói nọ về thần tượng của mình mà chẳng có thông tin cụ thể, trong khi bản thân họ cũng cuồng thần tượng có thua gì ai. Cuồng tới mức mà bố mẹ bạn bè xung quanh còn phải lắc đầu vì đã hết thuốc chữa!

Ca sĩ thần tượng dù cho có đẹp trai đẹp gái tới mấy, tôi cũng chưa thấy ai có những ca khúc “hit” để đời chỉ vì họ… quá đẹp hay thường xuyên khoe hàng bao giờ cả. Khoe hàng, gây scandal thì cũng có thể nổi tiếng đấy, nhưng sẽ chẳng giành được sự tôn trọng đúng nghĩa từ phía người hâm mộ, thay vào đó là những cái lắc đầu ngao ngán cùng những thái độ tiêu cực khác. Vì cái chính là giọng hát thì chẳng nghe thấy đâu, chỉ toàn ba cái gì linh tinh chẳng liên quan.

Dù chúng ta thần tượng những con người khác nhau, có khi người tôi thích lại là người bạn ghét hoặc ngược lại, nhưng tôi tin là đa phần chúng ta đều muốn hướng tới hai chữ “lành mạnh” khi nhắc đến văn hoá thần tượng. Hâm mộ người nào đó, không nhất thiết cứ phải bất chấp tất cả mọi thứ chỉ để được gặp người trong mộng, không phải xù lông lên bật lại người khác khi họ động chạm đến thần tượng của mình, không nhất thiết cứ phải nói này nói nọ về thần tượng của người khác khi mình không thích họ. Miễn là bạn đừng có trao hết tất cả ước mơ, hy vọng của bạn đem đi cho người ta là được. Vì nếu bạn xem thần tượng của bạn là cả thế giới, vậy bạn có bao giờ nghĩ đến việc một ngày nào đó thần tượng của mình chấm dứt sự nghiệp, hoặc thậm chí là dính scandal chưa? Khi thế giới sụp đổ rồi, bạn sẽ sống thế nào đây?

Đã là con người, thì chẳng ai trên thế giới này hoàn hảo tuyệt đối 100% cả, và thần tượng cũng sẽ khó tránh khỏi sai lầm. Thần tượng của tôi cũng đã từng có những sai lầm nhất định khi mới bước chân vào showbiz Hàn Quốc, thậm chí họ đã vắng bóng một khoảng thời gian khá dài trước sóng gió dư luận, chủ yếu là đến từ… fan của các nhóm nhạc cạnh tranh khác. Thế nhưng cuối cùng họ cũng đã vượt qua được, trở lại mạnh mẽ và trở thành một trong những nhóm nhạc nữ được yêu thích nhất tại xứ sở Kim chi, không chỉ có các bạn trẻ mà cũng có khá nhiều người lớn tuổi yêu thích họ nữa.

Cuộc sống thì luôn cần cái gì đó để yêu thích, và thần tượng là một trong số đó. Một chút gì đó để ngưỡng mộ. Một chút gì đó để học hỏi. Một chút gì đó để giải trí…

Chỉ cần một chút thôi, chứ đừng là tất cả…!

 

Nhật Niên

Hãy sống như bạn muốn!

Photo: Kirstin Mckee

 

Trong số những điều mà con người thường hối tiếc nhất lúc lâm chung, điều đầu tiên người ta thường ao ước được làm lại đó là: Sống thật với bản thân!

Tôi tuổi Thân, người ta nói cuộc đời những người tuổi này thường gặp nhiều đâu buồn, trắc trở. Tôi không mấy tin vào tướng số nhưng kiểm nghiệm thực tế, tôi cũng thấy điều này có vẻ đúng. Nhưng tôi cũng phải tự hào mà nói rằng, quan sát những người bạn tuổi Thân của tôi, theo dõi quá trình sống của họ tôi nhận thấy dường như những người tuổi Thân là những người sống thật, rất thật. Họ không che đậy hoặc không cố tình che đậy suy nghĩ, lối sống và sự lựa chọn cuộc sống của mình. Có lẽ, chính vì lẽ đó mà người đời nhìn vào cuộc sống của người tuổi Thân luôn thấy họ có số phận dường như bất hạnh, kém may mắn.

Tôi có một ngươi bạn cùng tuổi, có lẽ nếu là một ngươi nổi tiếng cô đã bị ném đá tơi tả khi tuyên bố: “Cô không lấy chồng, cô thích cuộc sống như hiện tại, được bố mẹ bao bọc và sống cho bản thân mình.” Với “tuyên ngôn” này cô đã gắn liền với định nghĩa: Cô- một cô gái lười, đoảng, hoang và chẳng ra gì. Nhiều người hồ nghi với suy nghĩ của cô, họ nói chẳng qua là không có ai yêu, chẳng qua như thế nên chả ma nào tán..v..v.. Tôi thì không hiểu tại sao, nhưng tôi thầm khâm phục và tự hào về cô. Tự hào về sự dũng cảm nói ra lựa chọn của mình một cách thành thật, tự hào về cách cô kiên định bảo vệ quan điểm của mình.

Cô không yêu tại sao? Vì những người đàn ông cô gặp không mang đến cho cô cảm xúc, cô không thấy họ thuyết phục mình ở điểm gì. Những người đàn ông đến với cô cũng không đến nỗi tệ, họ thường là những người có ăn, có học, công việc ổn định, gia đình cơ bản, giai tân…Thông thường, phụ nữ ở tuổi này mấy ai còn đủ tỉnh táo mà lựa chọn ngươi mình yêu bằng tình cảm xuất phát từ con tim mà phần nhiều họ để lý trí quyết định nhân duyên của mình. Ấy thế mà cô cứ “vững” như thép, như đồng mặc cho bố mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp sốt ruột “hộ”. Họ khuyên cô: “Thôi thì lấy đi, anh A; anh B thế là được rồi.” Cô chẳng ngại ngần mà chia sẻ: “Lấy chồng à? Thôi khỏi đi! Đàn ông bây giờ nhạt toẹt, rỗng tếch. Sinh con à? Cũng chịu. Cứ nhìn những bà mẹ đầu bù tóc rối, cứ nhìn vào xã hội hiện hành đã thấy oải.” Và cô cứ sống như vậy, an nhiên tự tại trước dè bỉu của dư luận.

Tôi cũng vậy, cũng trong số đám đông bình thường thấy bất bình và bất thường với suy nghĩ của cô bạn cùng tuổi. Nhưng càng ngẫm, càng thấy mình vô duyên và thiển cận. Mình có quyền gì mà phán xét quyết định của người ta? Có nhiều cái mình thấy rõ mình làm sẽ không ổn nhưng vì dư luận, vì mọi người mà làm và kết quả là chả có gì xấu xảy ra, mọi thứ vẫn tốt đẹp chỉ có bản thân mình là không thoải mái nhưng vẫn phải chịu đựng. Dần dần, tôi thầm khâm phục người bạn đó, dần nhận ra bạn không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn có trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình và người thân.

Hãy thử tưởng tượng bạn lựa chọn cách giống mọi người. Ừ thì tặc lưỡi lấy đại một anh chàng với tiêu chí “thế là được” để phù hợp với cái chung, vừa lòng bố mẹ. Kết thúc sẽ ra sao? Có thể là một gia đình tan vỡ, một đứa trẻ lại thiếu cha thiếu mẹ, bố mẹ đau lòng, bạn bè thương cảm… cũng có thể sẽ là không thế, mọi thứ vẫn tồn tại nhưng bạn tôi sẽ sống thế nào? Và dù có kết quả là thế nào đi chăng nữa, đó cũng không phải là sự lựa chọn của cô ấy, cuộc đời mà cô ấy muốn sống.

Lại có người bạn tuổi Thân của tôi khi cô ấy nói muốn từ bỏ công việc hiện tại, không ít người đã khuyên can rằng cô ấy đang có một công việc tốt, dù sao cũng là tri thức, là giáo dục..v..v.. chẳng ai quan tâm cô ấy có yêu nó không, có tâm huyết với nghề nghiệp… ai cũng chỉ biết khuyên và khuyên can mà thôi. Và rồi sau nhiều thời gian do dự mà chủ yếu bởi dư luận, bởi đám đông cô ấy đã dũng cảm dứt bỏ. Công việc mới bây giờ vất vả hơn nhiều lần nhưng cô ấy hứng thú và quan trọng cô ấy thấy niềm vui trong công việc.

Từ rất lâu rồi, chúng ta quen với việc phán xét người khác hoạc can dư vào cuộc đời người khác một cách thô bạo mà chẳng cần xem xét cảm xúc của người đó ra sao, họ mong muốn điều gì?

Tôi có một người bạn tuổi thân, anh hay nói với tôi: “Em có thật sự muốn làm điều đó không? Hãy làm đi!” Nếu tôi hồ nghi anh sẽ bảo: “Anh luôn ủng hộ em, dù quyết định đó điên rồ thế nào cũng được miễn em thấy hạnh phúc.” Tự nhìn nhận thực tế cùng trải nghiệm bản thân, tôi đã dần dũng cảm hơn để đưa ra những quyết định đi ngược với suy nghĩ bình thường, trái chiều với số đông, vươt qua các áp lực tâm lý để được sống với những điều mình thật sự mong muốn và thoải mái.

Phải thừa nhận rằng, những quyết định hoặc lựa chọn mang tính “gàn dở” “ngược đời” hay “ngang tàn bảo thủ” thậm chí là “điên rồ” “ngu dại” đó thường làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn, lợi ích của bạn sẽ ảnh hưởng, các mối quan hệ sẽ có những biến động… Không những thế, bạn còn phải đối mắt với “búa rìu dư luận” sự suy diễn đơm đặt của người đời và điều khiến bạn áp lực hơn cả đó chính là sự lo lắng, khuyên răn thậm chí là áp đặt, cưỡng buộc của người thân.

Chắc chắn rồi vì thường đó là những quyết định mang tính “đột phá” hoặc “dị thường” bởi nó không tuân theo những tính toán thông thường mang tính an toàn đảm bảo lợi ích vốn sẵn có mà những người yêu thương lo lắng cho bạn đã dày công chuẩn bị, hoặc đã so đo tính toán thiệt hơn cho bạn rất kỹ càng….

Nhưng bù lại, khi bạn can đảm đương đầu với tất cả những áp lực đó một cách bình tĩnh, khi những sóng gió dần lắng xuống và đi qua, bạn sẽ được tận hưởng hương vị tuyệt vời của cái cảm giác gọi là: “Vì đó là em.” Nó khó diễn tả vô cùng bởi nó không giống thứ gì cả, mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng nhưng tôi chắc chắn nó không phải là ngọt ngào, nó còn hơn thế nữa. Nó giống hương vị của chocolate nguyên chất, bạn sẽ shock bởi vị đắng ngắt của nó, khi nó từ từ tan ra trong miệng bạn sẽ mất rất lâu để quen dần với cái đắng đót không hề ngon lành ấy. Nhưng khi chất bột sền sệt tan biến hoàn toàn thì dư vị của nó còn lại là ngọt bùi, thơm ngậy.

Nó cũng không phải là hạnh phúc bởi nó không mơ hồ như vậy… Biết diễn tả sao về cảm giác đó nhỉ? Với tôi, nó giống như một đứa trẻ được buông tay thả chùm bóng bay khổng lồ nó buộc phải giữ quá lâu; để quăng mình xuống thảm cỏ xanh mát, ngước mắt ngắm nhìn chùm bóng dần khuất xa cho chìm lẫn vào mây xanh. Hãy khép hờ bờ mi, nghe gió mát mơn man trên da thịt, thả lỏng cơ thể tận hưởng cảm giác khoan khoái tuyệt vời này…

Sống thật với chính mình điều này chẳng thể là một sự lựa chọn dễ dàng và khôn ngoan, nhưng nếu bạn biết Bill Gates đã từ bỏ Harvard vào năm thứ 2 để làm việc mà ông đam mê từ thiếu thời, Putin – một cậu con trai “độc” được bố mẹ hết mực yêu thương đã trái lại lời bố mẹ và thầy giáo Judo của mình. Họ muốn ông vào học tại một trường đại học kỹ thuật nơi đó ông không phải thi tuyển và vẫn có thể tham gia tập Judo môn võ thuật mà ông đầy triển vọng. Putin đã ngược đường quyết tâm thi vào đại học luật để theo đuổi niềm đam mê trở thành một KGB. Steves Job cũng “bỏ học” để làm theo đuổi tiến trình làm tròn trái táo Apple của mình…

Tất nhiên, không phải ai cũng lựa chọn cho mình một con đường đúng đắn, không nhiều người “bất trị” mà thành công. Tôi không cổ súy cho cái tôi cố hữu, thói ngang ngược, hoang tưởng về bản thân, bệnh không biết mình là ai để thích làm gì cũng theo ý mình, gây phiền toái, mệt mỏi cho mọi người.

Tôi cổ vũ cho lối sống dám lựa chọn niềm đam mê, nỗi khao khát cháy bỏng mà bạn luôn ao ước đạt được. Nó là cái tồn tại trung thành trong bạn, nó ám ảnh đeo đuổi bạn, bạn biết rằng có nó bạn mới thấy mình được thoả mãn. Bạn đã “nhớ nhung” nó từ tiềm thức và bất cứ lúc nào nó cũng trỗi dậy trong bạn. Đó mới là mong muốn, là nhu cầu, là khát khao thật sự của bạn. Hãy lấp đầy kiến thức để phân định được giữa nhu cầu mong muốn và cái tôi đỏng đảnh, hời hợt nửa vời.

Và tất nhiên bạn sẽ hài lòng với những lựa chọn mà mình mong muốn bằng sự nỗ lực, tinh thần dám chịu tránh nhiệm khi đã dũng cảm lựa chọn cách sống là mình!

 

May1980

Sự học

Photo: Lifehack Quotes

 

Tôi 21 tuổi, sắp hết quãng đường học hành đại học và chẳng biết có thể học được xa hơn nữa không. Nhưng câu hỏi tại sao phải học lúc nào cũng là nỗi băn khoăn lớn của một người chưa trưởng thành như tôi. Và sợ rằng những băn khoăn này mai sau sẽ bị phai nhạt theo thời gian vì mấy chữ cơm áo gạo tiền, thế nên tôi phải ghi chép lại để ghi nhớ luôn luôn và cũng có thể là để dạy lại cho con cái nữa.

Lúc còn nhỏ, sự học đến với ta giống như một điều ham thích, và học được điều gì lúc bấy giờ là tuyệt vời lắm. Cái hay của việc làm trẻ con là chúng nó chẳng biết gì cả, thế nên hiếm có đứa trẻ nào có thói ngạo mạn nghĩ rằng mình biết tuốt giống như người lớn. Như tôi đây, hồi bé tí được ông ngoại truyền lại cho cuốn “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” và đọc ngấu nghiến, khi ấy tôi có cảm giác sảng khoái và ngưỡng mộ dân tộc vô cùng, chỉ muốn kể cho bạn bè nghe rằng dân tộc ta đã trải qua biết bao triều đại oai hung và có bao nhân tài kiệt xuất. Đổi lại bây giờ mà đọc cuốn sách ấy, có khi ý nghĩ đầu tiên của tôi lại là khoe khoang sự thông thái của mình ra để nâng tầm sự ngu dốt của một vài cá nhân mình ghét trong hiện tại.

Và hồi còn bé, ngắm bản đồ Việt Nam, hay xem chương trình “thế giới động vật”, hay “khám phá kỳ thú”, hay ngồi nghịch đất cào giun lên cũng chỉ để cho thỏa cái thú tò mò và khát khao biết thêm và biết rộng.

Lúc ấy chúng ta là những con nòng nọc muốn mau mau hóa thành đàn cá mập đi ra biển

Rồi thì vào học phổ thông, cấp 2, rồi cấp 3, sự học phai nhạt dần, nó trở thành một cuộc ganh đua ngầm giữa những con người lỗi lạc trong lớp (tôi thích gọi bạn bè học hành siêu đẳng của mình như vậy) hoặc là trở thành một gánh nặng kinh hoàng với những đứa luôn luôn mong được vui chơi như thời mẫu giáo. Sự học đã trở nên nghiêm túc, nó không phải là một điều gì lung tung và đến bất ngờ nữa, nó là một hệ thống, có giáo trình, có người hướng dẫn, có kiểm tra.

Chao ôi, và có khi vì sự nghiêm chỉnh ấy nên đa số chúng ta mất dần hứng thú vào học hành. Ở thời điểm những cô cậu tuổi teen vừa phải trải qua sự phát triển về giới tính vô cùng phức tạp, lại vừa bị gò não vào những khuôn phép của tri thức nữa, học hành thật làm mất hết cả vui sướng còn gì. Đọc những điều mới cũng thú vị đấy, nhưng ta chẳng buồn tự tìm hiểu nữa. Sự muốn học lúc đó là để thi đại học, để đi du học, còn học để làm gì khác không thì bao nhiêu cô cậu nghĩ tới?

Kiến thức ta muốn có thì ta không nghĩ tới

Lên đại học, thoát khỏi cái kiếp bị người lớn gọi là “trẻ con”, chúng ta bắt đầu tận hưởng sự tự do và có những khi đã thực sự quên mất rằng chúng ta vẫn là “học sinh” – nghĩa là những người làm việc bằng cách “học”. Sinh viên chúng ta không ít người đam mê hoạt động ngoại khóa và rồi lấy cớ ấy để bỏ bê việc học, vì rằng họ quá bận rộn và nhiều trách nhiệm nên họ không thể nào đảm đương được việc học một cách đàng hoàng.

Sau này ít nhiều chúng ta đều hối hận đấy các bạn ạ. Không phải hối hận vì đã tham gia những hoạt động ấy, những chương trình ấy, mà hối hận là mình không học được rằng mình phải biết nói “không” với một số thứ. Sự thật là chúng ta rất hiếm khi thực sự bận rộn, chúng ta thường xuyên bận rộn không cần thiết. Sự thật là chúng ta có đủ thời gian để làm rất nhiều thứ, nhưng chúng ta thường xuyên nghỉ ngơi quá nhiều. Sự thật là chúng ta nghĩ rằng việc học có thể cứ từ từ.

Tôi không phải một con mọt sách, điều đó không có nghĩa là tôi không trân trọng việc học. Và tôi luôn hiểu rằng học không đơn giản chỉ là đến trường, ngồi vào bàn và lắng nghe. Và tôi cũng hiểu rằng tất cả những việc đó chỉ thuộc một quá trình gọi là giáo dục cho tất cả các thanh niên trên thế giới.

Mỗi lần học gạo là một lần bạn nên tự xấu hổ với bản thân

Có thể lúc nào đó bạn buông miệng nói rằng học hành bao năm thật vô nghĩa, vì mọi thứ sau này khi bạn làm việc chẳng giống những gì bạn đã học. Nhưng chẳng hạn đọc một bản báo cáo chuyên ngành và nhìn thấy những thuật ngữ đã được kinh qua thì bỗng nhận ra những lời nói của bạn mới thật là vô nghĩa. Và người ta cũng hay chê bai người khác vì có những suy nghĩ không hợp thời nữa, ví dụ như đừng tin tưởng vào sách vở mà hãy học từ thực tế. Nhưng mà biết sao được, trớ trêu thay, những thứ học được trong sách thì lại…hiếm khi sai.

Chuẩn bị ra trường và xin việc tôi mới hiểu được những điều này liệu có là trễ không? Và liệu suy nghĩ của tôi có quá gương mẫu và thừa thãi trong thế giới hằng ngày đổi thay như vầy không?

 

Street Footer

Giá trị Nhật tôi thấy qua một con người

Photo: Nazariy Kryvosheyev

 

Người đàn anh Nhật tôi biết đã sống ở Hà Nội 5 năm, nếu không có gì thay đổi anh sẽ sống ở đây thêm 3 năm nữa. Một ngày, anh làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc vào lúc 7 giờ tối. Mỗi ngày, anh đều đặn chúc tôi ngày tốt lành vào buổi sáng và chúc tôi ngủ ngon vào đêm khuya. Từ khi tôi biết anh, không ngày nào anh quên làm việc đó. Thi thoảng Yucchan mời tôi đi uống cafe hoặc ăn tối, chúng tôi nói nhiều về cuộc sống, về con người, về gia đình. Nhưng chỉ vậy thôi, tất cả dừng lại ở sự quý mến quan tâm chân thành, đúng mực và bền bỉ.

Một lần tôi hỏi anh:
– Anh có thích Hà Nội không?
Anh trả lời:
– Rất thích chứ!
Tôi lại hỏi:
– Sao anh không đưa vợ con sang đây? Xa nhau lâu vậy có ổn không?
Anh trả lời:
– Đó không phải vấn đề, chỉ cần có niềm tin và sự chung thuỷ của mỗi người. Đàn ông phải làm việc ở khắp mọi nơi.
Tôi thắc mắc:
– Anh sống ở Hà Nội có khó khăn không??
Anh cười bảo:
– Không có vấn đề gì, anh thích!

Một ngày, người đàn ông Nhật này thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, tôi cũng không rõ anh làm những gì nhưng chắc chắn có việc anh tự nấu ăn sáng cho mình. Vào lúc 06 giờ 45, anh đến nhiệm sở để làm việc, làm việc và làm việc… Từ khoảng thời gian này, ngoài thông tin về công việc, các vấn đề của công việc được tiếp nhận và giải quyết thì không một thông tin hay việc gì khác được hồi âm. Trở về nhà thường vào lúc 7 giờ tối. Tôi cũng không biết hết anh sử dụng nó vào những việc gì nhưng lại một lần nữa chắn chắn có việc tự nấu ăn cho mình và nhắn tin chúc tôi ngủ ngon lúc 23 giờ. Khi đó, anh có thể trò chuyện và bông đùa với tôi một chút nhưng không bao giờ quá 15 phút là “goodnight”.

Là chủ tịch một tập đoàn lớn, tôi thật sự không biết người đàn ông này có giàu có không bởi không có gì chứng tỏ điều đó. Nhưng tôi khẳng định anh có lòng đam mê công việc, làm việc vô cùng chăm chỉ và nghiêm túc. Ngoài ra, Yuchan còn có tinh thần trách nhiệm cao cả với cộng đồng dù cho cộng đồng đó không phải là quê hương anh. Một tuần Yuchan dạy học 3 buổi tối từ 8 giờ đến 11 giờ. Dù là một công việc không vì mục đích kinh tế, nhưng không bao giờ Yuchan bỏ dạy. Hôm qua, anh nói với tôi anh rất mệt, anh bị ốm. Tôi khuyên anh nên nghỉ dạy ở nhà nghỉ ngơi. Lời khuyên ấy vô ích!

Trở về nhà lúc 10 giờ 15 và rất mệt nhưng anh vẫn kiên định tự nấu ăn cho mình không ăn hàng dù gần nhà Yuchan có quán chuyên đồ Nhật tuyệt ngon. Tôi đã từng thắc mắc về việc này, từng khuyên anh nên ra ngoài ăn, tôi đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục nào là: Đỡ vất vả, đỡ mất thời gian…nhưng dường như Yuchan không hiểu những gì tôi nói và ngạc nhiên vô cùng vì điều đó.

Tôi biết khá nhiều bạn bè người nước ngoài, nhưng với Yuchan tôi luôn thấy chuẩn mực đạo đức trong từng lời nói, cử chỉ, hành động. Mọi cư xử suy nghĩ của anh trong cuộc sống đều có giá trị văn hoá và tư tưởng mà tôi phải suy nghĩ. Một người Nhật xa quê nhưng rất yêu nơi xa lạ anh đang sống, những vấn đề mà người dân bản địa kêu ca, phàn nàn hình như Yuchan không nhận thấy. Trong khi đa số người dân ca thán về đủ các vấn đề của Hà Nội thì với Yuchan: “Không có vấn đề” và “anh thích Hà Nội”.

Tại sao Yuchan dường như không gặp những vấn đề mà hàng ngày chúng ta đối mặt? Phải chăng Yuchan không có thời gian để gặp phải vấn đề đó. Anh không lê la các quán nhậu mỗi ngày, không có tư tưởng thích hưởng thụ, thích tụ tập chém gió, thích bớt xén thời gian, thích cái hay cái lạ v.v…Thời gian, anh dành hết cho tình yêu công việc và cống hiến cho xã hội.

Tôi hỏi anh có biết về vấn đề Biển Đông không? Yuchan trả lời: “Biết chứ, anh đọc báo hàng ngày.” Tôi bất ngờ với thái độ bình thản của Yuchan, tuy vậy cũng không bất ngờ bằng việc Yuachan đã cho tôi một bài học giá trị:
– Nhiều người đang đạp phá các nhà máy, anh sợ không?
– Anh không sợ, anh tin họ đã có kế sách đo là việc của họ. Còn anh là thương gia, anh chỉ cần làm tốt công việc của mình. Em sợ à! Đừng lo, Chính phủ Việt Nam giỏi lắm! Họ biết cách đối phó.

Đôi khi, tôi không thể lý giải nổi về những gì người đàn ông Nhật này suy nghĩ và hành động. Nhưng tôi thấy rất nhiều giá trị Nhật qua anh và tôi phần lý giải được tại sao nước Nhật bé nhỏ thế, nghèo tài nguyên như vậy, luôn hứng chịu các thảm hoạ thiên tai, trải qua sự tàn phá thảm khốc của chiến tranh họ đã vươn lên thành một cường quốc siêu đẳng.

Nhiều người nói tôi lý tưởng hoá con người Nhật, nước Nhật. Họ bảo cũng gặp nhiều người đàn ông Nhật trăng hoa, đàn ông Nhật rất thoáng trong vấn đề luyến ái chư không chung thuỷ như tôi tưởng. Điều này tôi biết, nhưng tôi hiểu họ phân định một cách rạch ròi giữa các mối quan hệ khác giới. Cũng giống như người Châu Âu có hai khái niệm khác biệt trong đời sống tình dục: Làm tình với người phụ nữ mình yêu và quan hệ tình dục với người phụ nữ nhằm mục đích giải quyết nhu cầu sinh lý. Đàn ông Nhật chỉ nói lời yêu với người phụ nữ có thể lấy làm vợ nhưng nếu không thể họ sẽ không tùy tiện nói mà luôn cư xử đúng mực với những người phụ nữ họ trân trọng. Đàn ông Nhật cũng như tất cả những người đàn ông xa nhà khác, họ cũng phải tìm cách giải quyết các nhu cầu thiết yếu của họ nhưng họ khá chung thuỷ với lựa chọn ban đầu. Những cô gái họ đã lựa chọn lần đầu sẽ có cơ hội phục vụ họ lâu dài. Nhưng tất nhiên, đừng hy vọng ở họ sự quan tâm với những lời yêu thương tha thiết.

Điều tuyệt vời ở người Nhật là sự ham học, say mê tích lũy kiến thức. Có một di sản quý báu mà người Nhật truyền tụng từ đời này qua đời khác đó là câu “khẩu truyền”: Tài nguyên của chúng ta có hạn nhưng sức sáng tạo của chúng ta là vô cùng. Câu nói này như một mệnh lệnh nhắc nhở người Nhật rằng muốn đưa đất nước đến đỉnh vinh quang thì không còn cách nào khác là phải học, không ngừng học, học mọi lúc mọi nơi. Điều này quả không sai, khi tôi đi cùng yuchan đến những nơi chuyên biệt của người Nhật, mới cảm nhận thấy rõ ràng điều đó. Yuchan thường dẫn tôi đi ăn ở những nhà hàng dành cho người Nhật. Nó khác với nhưng nhà hàng mang phong cách Nhật ở chỗ: Nhà hàng dành cho người Nhật chỉ bán đồ Nhật cho người Nhật.

Còn nhà hàng mang phong cách Nhật bán đồ Nhật cho thực khách khắp nơi đên thưởng thức. Ngoài những món Nhật là chủ đạo còn có các món ăn Âu, Á để phục vụ mọi nhu cầu của thực khách. Điều khác biệt dễ nhận thấy nhất để phân biệt giữa hai loại nhà hàng này là nếu là nhà hàng dành cho người Nhật thì chắc chắn phải có giá sách để khắp mọi nơi. Người Nhật tiết kiệm từng phút để tích luỹ kiến thức, ngay trong thời gian chờ đồ ăn họ không nói chuyện hay lướt web mà đọc sách. Có thể nói, họ là những người lặng lẽ nhất khi vào ở chốn đông người.

Tôi có lý tưởng hoá giá trị Nhật hay không? Hay tôi cũng như bao nhiêu người trên thế giới từng nghiêng mình trước tinh thần Nhật được lan toả qua hình ảnh người Nhật đối phó với sóng thần, người Nhật chia sẻ với nhau lúc gian nan, người Nhật trật tự xếp hàng ngay cả trong loạn lạc. Hình ảnh những hàng người xếp hàng thứ tự sau cơn sóng thần có lẽ là một minh chứng thuyết phục nhất với mỗi chúng ta. Nó hiện lên giá trị Nhật ở mọi tầng lớp, thành phần xã hội. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến đàn bà, người giàu sang kẻ bần hàn tất cả cùng chung một hàng ngũ lúc gian nguy tạo nên một sức mạnh Nhật Bản chói loà.

Những hè oi ả như càng nóng rừng rực hơn lên bởi tình hình chính trị, không khí hừng hực bao trùm khắp nơi. Yuachan vẫn vậy, bình thản an nhiên làm tốt công việc của một thương gia, lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng mà mình gắn bó vơi tình yêu Hà Nội và niềm tin tưởng vào Chính phủ. Những điều đó làm tôi rất khâm phục, nó là trải nghiệm chân thực về tinh thần, giá trị xứ hoa anh đào mà trước kia tôi chỉ biết qua báo chí và truyền thông.

Cảm ơn Yuchan, cảm ơn Nhật Bản!

 

May1980