32 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 224

Trời đổ mưa, người đổ lệ

Photo: Bojan Gazibara

 

Gã ngồi trong góc quán, trước mặt là ly cafe đen cùng những giai điệu Âu Châu quen thuộc mà gã chẳng thể nào thuộc nổi tên bài, chỉ biết là quen thôi, không hơn.

Trời đổ mưa. Cũng chẳng có gì lạ trong cái tiết trời chuyển hạ này, nhất là với cô nàng Sài Thành đỏng đảnh, chẳng biết lúc nào cười tỏa nắng, lúc nào buồn mà rải mưa, phức tạp như con gái đôi mươi vậy.

Bản thân những cơn mưa không có gì lạ, thậm chí đôi khi còn phiền đến phát ngán đi được. Giày dễ ướt, mưa dễ len lỏi vào bên trong, ướt và lạnh thấu tâm can – dù có mặc áo-chống-đạn hay không. Đường thì trắng xóa, trơn trượt, người người thì vội vã, lắm kẻ phải bỏ dở những cuộc chơi của mình, những tay bán hàng rong trú dưới một mái hiên nào đó, nhìn mưa với ánh mắt đờ đẫn như cách họ sống hằng ngày. À, còn thiếu những kẻ lười biếng, cuộn mình trong chăn, bật quạt và lướt Facebook nữa chứ. Họa may chỉ có lũ nhỏ là vô ưu vô lự, lấy trời làm sân, lấy mưa làm bạn, để rồi có đứa mai mốt lại lăn ra ốm run trên giường, thế mà lại vui.

Góc hiên đối diện có vài cặp tình nhân kéo nhau vào trú mưa, mưa lúc này như ông tơ bà nguyệt, vô tình kéo khoảng cách của cả hai ngày một xa hơn, xa như một-vòng-trái-đất vậy. Tất nhiên đâu đó ngoài đường, có những kẻ-điên ôm nhau chạy xe dưới mưa, lạnh mà ấm, ướt mà hạnh phúc, điên thật. Gã thẫn thờ nhìn theo những kẻ điên ấy, chẳng biết gã nghĩ gì nữa, hay đúng hơn là nhớ lại gì, có lẽ gã cũng từng có những giây phút như vậy chăng?

Thực ra trời lúc nắng lúc mưa, hiếm ai từng yêu mà chưa một lần cùng nhau đứng dưới mưa lắm. Lại hay nghe những câu chuyện về mưa, nghe nói mưa rất là lãng mạn, cứ thế mà mưa chịu tội oan, tự dưng lại bị gán vào tình cảm của khối người – cái chuyện phức tạp nhất thế gian – để rồi khi người ta chia tay, mưa lại phải đóng cái vai ngược lại, chịu tải lắm nỗi sầu man mác của những kẻ từng yêu đương.

Người đang yêu-lại-từ-đầu như đôi tình nhân ngồi góc đằng xa kia còn đỡ, có một thoáng ngẩn người của cô gái, một chút giấu giếm xẹt qua ánh mắt của chàng trai, thế rồi họ lại cùng nhìn mưa, lấy mưa làm nơi chịu tải cuộc tình của mình như cách họ yêu những lần trước. Có lẽ khi về nhà, ở một góc riêng nào đó mà ngay cả tình yêu cũng khó chạm vào, họ sẽ thờ thẫn, thậm chí bật khóc vì nhớ đến những điều không nên nhớ, dù sao cũng là con người, đâu phải cỏ cây đâu mà chẳng động lòng, nhưng ít ra bây giờ, ở bên cạnh một nửa mới của mình, họ vẫn đang hạnh phúc, hay ít nhất là nhìn như hạnh phúc vậy.

Chỉ thương những người như cô gái ngồi đối diện gã, hai tay ôm lấy chân mình, ngồi hẳn cả người lên ghế, ngẩn ngơ nhìn những giọt mưa ngoài hiên, bỏ quên cả ly cafe đen trước mặt, lạ nhỉ, con gái mà cũng thích cafe đen cơ đấy. Rồi bất tri bất giác, trời đổ mưa, người đổ lệ, chắc cô bé cũng không muốn khóc đâu, nhưng biết sao được, nước mắt tự rơi mà, mà có khi cô bé cũng không biết là mình đang khóc, buồn thật. Những người hết yêu, hay ít ra là họ nghĩ mình đã hết yêu luôn nhạy cảm đến lạ với cái thứ mà họ ký gửi nhiều cảm xúc, một vài kỉ niệm mà ngay cả thời gian cũng khó lau nhòa đi được này.

Trời hết mưa chưa hẳn là nắng
Kết thúc rồi chưa hẳn đã hết yêu

Chẳng nhớ đã đọc ở đâu đó, gã khẽ ngâm, nhấm nháp từng lời. Gã nhếch miệng cười nhẹ, trả tiền, thọc tay vào túi áo, lặng lẽ bước ra ngoài quán cafe, bóng gã trải dài trong đêm, người gã hòa mình vào trong mưa. Đối với gã, tắm chỉ gột rửa thân mình, dầm mưa gột rửa cả tâm hồn. Gã chẳng biết là mình yêu hay hận những cơn mưa nữa, có lẽ là cả hai. Không ai biết gã có khóc trong mưa không, có lẽ có, có lẽ không. Nếu gã khóc được thì tốt, nhiều kẻ muốn khóc cũng chẳng xong cơ.

Mưa vốn vô hồn, chính con người ta thổi hồn vào nó mà thôi, dù là yêu thương, nuối tiếc hay hoài niệm, dù sao nó không chỉ còn đơn thuần là những giọt nước của trời nữa.

 

Ưng Đen

Viết cho những ngày chúng ta đang sống (I)

Photo: DdotG

 

Những con người đi qua nhau

chẳng thèm nhìn,

những thành phố ngủ quên

sau vạt áo,

những đôi mắt ưu tư

khổ đau sầu não,

những bàn tay gầy guộc

chẳng tìm nhau,

những ngày tháng thật dài

mà trôi đi thật mau,

những cuốn tiểu thuyết yêu đương

toàn trang giấy trắng

những nụ cười hồn nhiên

cũng trở nên thiếu vắng,

những ngọn nến thắp niềm tin một đêm mưa

cũng đã dần lụi tắt,

giọt sương trong mắt em bình yên

chẳng thể nào trong vắt,

người với người như xưa cũ

chỉ còn là câu chuyện phiếm

kể cho nhau những lúc qua đường.

 

Cái thời đang sống của chúng ta

quá gấp gáp, quá ư vội vã

thờ ơ với nhau để rồi một mình phải ngao du buồn bã

những giá trị cuộc đời và tất cả

ai giỏi giang tìm thấy được

khi chúng ta chỉ biết chuyện riêng mình.

 

Em thấy không

chiếc ghế đá rêu phong

thời gian đâu có bào mòn được miền ký ức

vẫn lặng lẽ góc công viên giữ bao điều có thực

của đôi lứa chúng ta, của tình yêu và hy vọng

dù ta chẳng thể nào nhớ nữa.

Đôi lúc anh thường nghĩ về những đêm mưa

con hẻm nhỏ cô đơn, đèn đường vàng vọt

cái loa cũ rích

văng vẳng bài hát về tháng mười một buồn

và nước mắt,

“chẳng có gì là mãi mãi”…

Quá khứ của chúng ta dằng dặc

mà tương lai thì vời vợi khôn cùng.

Sao chúng ta chẳng giữ lại mùa xuân

cười với nhau mỗi khi chạm mặt,

sao ta chẳng nhớ những điều tưởng chừng vụn vặt

mà không có lại chẳng thể nào

giữ được lửa yêu thương vô tận,

sao ta không biểu hiện sự ân cần

chào hỏi người già, đùa vui con trẻ

sao ta không dành cho nhau những niềm vui mới mẻ

những món quà bằng ánh mắt yêu thương,

sao cuộc sống của chúng ta hoặc im lặng đến khinh thường

hoặc gào thét đập vào nhau hết thảy

sao ta chẳng tự trồng cho vườn cây nhà mình đầy hoa trái

để tất cả mọi thứ đều ở lại

trong gia tài hạnh phúc của chúng ta.

 

Hãy an ủi lẫn nhau

hãy cứ kể cho nhau nghe suy nghĩ dù vô nghĩa

ai cũng cần được lắng nghe

ai cũng cần được hiểu,

vì người với người sống ở trên đời

đã dư thừa nỗi khổ

nên sinh ra phải để được yêu nhau.

 

Phong Kim

Viết cho những ngày chúng ta đang sống (II)

Photo: Cris Romagosa

 

Những cô bạn cũ của tôi

ai cũng đang rầu rĩ

ai cũng mang trong lòng mình một chút buồn phiền

với biết bao câu chuyện

về tiền về bạc

về công việc, gia đình,

về tình cảm và cả hy sinh

về cả những chuyện vô tình trên phố…

 

Tôi quá đủ buồn rồi

cũng chẳng muốn nhét vào đầu thêm nữa

sợ sẽ như ngọn lửa

cháy bùng lên khi được đổ thêm dầu.

 

Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn

chả thấy vui khi xăng giảm nửa ngàn một lít

người ta ào ạt đổ ra đường

ai cũng bàn về chuyện xe chính chủ

cái Nghị định cũ thay bằng cái mới

ồn ã sự đời

Ôi toàn những con người,

nói nhăng nói cuội

suy nghĩ thì nóng vội

rồi cũng có ngày cơm nguội

cũng chẳng có mà ăn…

 

Thôi thì đừng lăn tăn

cả thế giới đều như thế

bên cạnh những buồn phiền

bên cạnh những đau khổ triền miên

vẫn còn đấy những con tim khát sống

vẫn còn đấy những khung trời mơ mộng

và còn biết bao nhiêu hy vọng

bao yêu thương giản dị của con người.

 

Hãy cứ cười

rộn ràng như hôm qua

khi ta ngồi với nhau trên hè phố không quen

uống với nhau vài ly bia giờ tan sở

bỏ sau lưng vất vả ngày xưa cũ

có được bao nhiêu đâu, những giây phút thế này.

 

Rồi hãy cứ mơ đi

những ước mơ có bao giờ chết

những con đường ta chưa bao giờ đi hết

những thành phố lạ

có hoa thơm, quả ngọt, cánh đồng

những chân trời mở tới mênh mông

nơi hạnh phúc là hàng đêm ta chắt chiu nước mắt

là đừng ném vào nhau dù một câu chua chát

để vẹn nguyên trong ta một sắc hình hài…

 

Dù ta có buồn, vẫn phải sống ngày mai

mùa vẫn qua hàng đêm trên cây bàng,

trên hàng me trước ngõ…

ta vẫn phải lấy vợ, lấy chồng

tập làm đàn ông, tập làm mẹ trẻ

tập làm ông, làm bà

để con cháu được sinh ra…

 

Hạnh phúc, niềm vui đâu phải quá xa xôi

có lẽ là người ta cứ hay vội vàng chối bỏ

Thế hạnh phúc ở đâu?

ở ngay trên đôi tay khi nựng con vào má

là cái hôn đầu tiên giữa đêm mưa tầm tã

là một ánh nhìn vô tư của những người xa lạ…

Thế hạnh phúc còn ở nơi nào nữa?

Hạnh phúc còn là nơi ta cố gắng,

là nơi ta vượt qua

là những đam mê,

là cả những dại khờ

là hết mình cho những giấc mơ mà ta tin,

ta phải tập để tin

ngày mai sẽ trở thành hiện thực…

 

Phong Kim

Vô thường 7

Photo: Magdalena Berny

 

Có những chiều em theo gió đi hoang
Tâm trí say sưa ngủ vùi trên tóc
Ánh hoàng hôn tựa hòn đá lăn lóc
Từng viên từng viên… rơi vỡ dưới chân chiều…
Đếm bước chân mình – em đã đếm bao nhiêu ?
Từng cánh hoa… từng cánh hoa… – xơ xác
Từng vết thương… từng vết thương… – ngơ ngác
Em cứ thế đi… giẫm nát… những vô thường…
Gió đã đi rồi sao em còn vấn vương ?
Còn khép bờ mi ? Còn chờ hoài cơn gió ?
Sao không về đi… tội trái tim bé nhỏ !
Nghe không em ?
Trái tim đang khóc đó !
Tim khóc đòi về
Về đi em…
Về đi…!

 

The Kid Falling From Heaven

Đường Về Nô Lệ – Friedrich A. von Hayek (giới thiệu)

Tác phẩm Đường Về Nô Lệ của F.A. Hayek đến với độc giả trong nước từ năm 2008. Đây là một trong những tác phẩm kinh tế chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

*  *  *

Việt Nam đã từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp được hơn hai thập kỷ. So sánh những kết quả đạt được giữa hai thời kỳ trước và sau đổi mới ta có thể khẳng định quyết định chuyển sang cơ chế thị trường của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đời sống vật chất và tinh thần của từng người dân không ngừng được cải thiện. Những vật dụng được xem là xa xỉ thời kế hoạch hóa như xe máy, tivi, dầu gội đầu v.v… thì nay đã trở thành những vật dụng tối thiểu trong mỗi gia đình; trước kia người dân Việt Nam chỉ có thể biết được tin tức thế giới qua hệ thống loa truyền thanh, thì ngày nay họ có thể tìm hiểu mọi thứ qua internet, truyền hình cáp, và thậm chí có thể đi hàng nghìn cây số đến tận nơi để quan sát. Tuy thế, những di chứng mà cơ chế này gây ra cho xã hội vẫn còn đó và đang gây nhức nhối cho xã hội.

Đây không phải là nhận định được nói ra bởi những người dân thường hay các học giả; trên thực tế nó thường xuyên được những vị lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước nhắc đến (1). Nhưng cụ thể cơ chế kế hoạch hóa trước kia đã gây ra những căn bệnh xã hội gì cho hiện nay? Làm thế nào để khắc phục được chúng? Đấy quả thực là những câu hỏi hóc búa cho bất kỳ ai có trách nhiệm với xã hội. Cuốn sách Đường Về Nô Lệ của F. A. Hayek, một trong những kinh tế gia và tư tưởng gia xuất sắc nhất của thế kỷ XX, có thể được xem như là cuốn “cẩm nang” hàng đầu để giải quyết những vấn nạn này cho xã hội Việt Nam hôm nay.

Những khó khăn mà người Việt Nam chúng ta đã trải nghiệm trong thời kỳ kế hoạch hóa đã được Hayek nhìn thấy trước từ cách đây hơn 60 năm khi ông cảnh báo những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra cho nước Anh nếu đất nước này áp dụng cơ chế hoạch định tập trung (2) sau thế chiến II. Khi phương tiện sản xuất bị quốc hữu hóa, cơ chế giá cả bị xóa bỏ, và mọi thứ đều phải tuân theo những kế hoạch cứng nhắc do trung ương áp đặt xuống thì động lực sáng tạo của các cá nhân sẽ bị mai một, trí tuệ cá nhân sẽ không được khai thác, chi phí cho hệ thống quan liêu cồng kềnh ngày một phình to, nguồn lực sẽ bị phân bổ vào những lĩnh vực không hiệu quả, và hậu quả tất yếu là nền kinh tế của quốc gia sẽ bị suy yếu, đời sống của dân chúng bị sút kém, và bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng. Những gì nền kinh tế Việt Nam phải trải qua trong giai đoạn áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đổi mới, chẳng hạn khan hiếm lương thực thực phẩm – điều khó có thể tượng tượng được ở một đất nước được xem như là vựa lúa của thế giới, có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho những tiên đoán của Hayek trên khía cạnh này.

Nhưng kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất mà cơ chế kế hoạch hóa tập trung gây ra hệ quả xấu. Thực ra trong cuốn Đường Về Nô Lệ Hayek chỉ điểm qua các tác động thuần túy kinh tế của cơ chế này. Ông chỉ ra rằng trong cuộc sống không thể tách rời “động cơ kinh tế” ra khỏi các mục tiêu khác mà con người muốn hướng tới vì một khi chúng ta không có cơ hội đạt được mục tiêu kinh tế thì khó có thể đạt được các mục tiêu khác. Khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung ngăn cản các cá nhân quyền tự tìm kiếm thu nhập và sử dụng tài sản của mình cho những mục đích riêng tư tất dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt đạo đức, thái độ, lối sống và cách ứng xử của con người, mặc dù sự thay đổi này diễn ra từ từ và gần như không thể nhận ra được.

Kế hoạch hóa tập trung khiến cho người ta chỉ biết phục tùng, mất khả năng tư duy độc lập và phản biện, và có xu hướng thích sử dụng ngôn từ sáo rỗng dập khuôn; khiến cho người ta sợ chịu trách nhiệm cá nhân, kích thích lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; khiến cho người ta mất động lực vươn lên và thay vào đó là tư duy bình quân chủ nghĩa; khiến cho người ta mất đi cảm giác phân biệt thiện – ác trong hành động và thay vào đó là các biện minh nhân danh cộng đồng hay sứ mệnh cao cả; kích thích người ta chạy theo lối sống xin xỏ, chạy chọt để hưởng đặc quyền đặc lợi, và quyền ban ơn huệ cho người khác, v.v…

Có lẽ đa phần người Việt Nam đều nhận ra được những thái độ và lối sống như thế của chính họ trong thời gian trước đây và ở một mức độ nào đó, trong hiện tại. Nhiều người lờ mờ cảm thấy rằng đó là do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng cụ thể cơ chế đó tác động như thế nào theo những kênh dẫn nào thì ít người có thể hiểu được tường tận. Khi đọc tác phẩm này, chúng ta sẽ hiểu được tại sao chúng ta lại có thái độ và hành vi như vậy. Nó giúp chúng ta giải tỏa được rằng đấy không phải là do “bản tính xấu xí của người Việt Nam” như nhiều người đổ tại, mà là do những nguyên nhân sâu xa khác. Nó cho chúng ta niềm tin rằng chúng ta có thể khắc phục được những thói hư tật xấu đó nếu như chúng ta có thể rời xa hẳn được cơ chế kế hoạch hóa tập trung.

Nếu cuốn sách chỉ dừng lại ở việc phê phán những hậu quả tai hại của hệ thống kế hoạch hóa tập trung, những kết cục trái ngược hẳn với những mong muốn tốt đẹp ban đầu của những người thực tâm cổ vũ nó, thì chắc hẳn cuốn sách đã không thể nào có được tầm ảnh hưởng vượt thời gian và không gian đến như vậy; nó cũng khó thể trở thành cuốn sách gối đầu giường của những nhà cải cách kinh tế khắp nơi trên thế giới, từ Anh, Mỹ, cho tới Đức và Nhật, từ các nước chuyển đổi ở Đông Âu cho tới các nước Châu Mỹ La tinh và các nước châu Á. Giá trị của cuốn sách thực chất lại nằm ở chỗ, thông qua phê phán nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bằng cách so sánh các nguyên lý của nó với các nguyên lý của nền kinh tế thị trường, Hayek đã gián tiếp làm nổi bật được thị trường là gì, đâu là những thứ thị trường có thể mang đến cho con người, và làm thế nào để con người có thể khai thác được thị trường một cách có hiệu quả. Ông đã giúp chúng ta hiểu được rằng thị trường, hay môi trường để mọi người trao đổi hàng hóa, không phải là chân không là bất biến, mà là một tập các định chế xã hội do con người hình thành và tích lũy từ bao đời.

Nội dung của nó là các quy tắc, luật lệ, tập tục, hay chuẩn mực hình thức giúp con người xác định quyền sở hữu, trao đổi quyền sở hữu, và bảo vệ quyền sở hữu. Trên nền tảng những quy tắc này, con người được tự do sáng tạo, tự do theo đuổi mưu cầu hạnh phúc riêng của mình; nhờ đó con người có cơ hội mở rộng khả năng lựa chọn trong việc định đoạt số phận của mình, có cơ hội khai thác được tốt nhất những của cải vật chất cũng như tri thức riêng biệt của mình, và quan trọng hơn cả, khuyến khích người ta dám dấn thân khám phá ra những chân trời tri thức mới. Và một khi chúng ta hiểu được rằng nội dung của thị trường là một tập hợp các quy tắc hình thức ràng buộc hành vi của mỗi con người, thì chúng ta, những người thực tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của xã hội, sẽ xác định được mục tiêu hành động là khám phá và chia sẻ các quy tắc mà chúng ta tin rằng chúng hiệu quả hơn những quy tắc hiện hành.

Bằng việc đối sánh giữa kế hoạch hóa tập trung và thị trường, Hayek cũng đã giúp chúng ta hiểu đúng khái niệm kế hoạch, giúp chúng ta tránh được bối rối khi nói đến hoạch định hay kế hoạch hóa. Kế hoạch hóa đúng ra cần phải được hiểu là cách thức mà các chủ thể dùng để giải quyết các vấn đề mà họ phải đương đầu một cách hợp lý nhất, bằng năng lực viễn kiến mà họ có thể kiểm soát được. Theo nghĩa đó các cá nhân sẽ phải tự lo liệu hay hoạch định cho cuộc sống của chính mình, và chính phủ chỉ nên giới hạn công việc hoạch định của mình vào việc “thiết lập một hệ thống pháp chế duy lý, có tính ổn định lâu dài, rồi để cho những người tham gia tự hoạt động theo các kế hoạch của riêng mình” (tr. 106). Kế hoạch hóa như thế là kế hoạch hỗ trợ thị trường, khuyến khích sự cạnh tranh. Nghĩa là, như Hayek tổng kết: “Có thể kết hợp giữa kế hoạch hóa và cạnh tranh để lập kế hoạch hỗ trợ cạnh tranh chứ không phải lập kế hoạch để chống cạnh tranh” (tr. 115).

Như vậy, khi nhấn mạnh đến thị trường Hayek không có ý cho rằng cứ để kệ thị trường muốn ra sao thì ra. Hayek luôn nhấn mạnh đến khả năng của con người trong việc thay đổi các quy tắc, chuẩn mực chung trong xã hội. Theo ý đó Hayek hoàn toàn không phải là người bảo thủ – điều mà chính ông đã khẳng định trong phần cuối của một kiệt tác khác, cuốn Hiến Pháp Tự Do (Constitution of Liberty). Khi ông viết tựa cho cuốn Đường Về Nô Lệ ông đề tặng cuốn sách cho “tất cả những người xã hội chủ nghĩa” với ý nghĩa hoàn toàn chân thành. Ông chia sẻ về mục tiêu của những người xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái mà ông không đồng tình với họ là phương pháp mà họ chọn để đạt tới mục tiêu đó, tức việc áp dụng mô hình kế hoạch hóa tập trung. Ông chỉ ra rằng có một con đường khác để những người có tâm với xã hội có thể can thiệp vào đời sống xã hội, làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, phồn thịnh hơn.

Đấy là con đường hình thành những quy tắc hình thức và lối sống mới, kích thích mọi người làm chủ bản thân mình, không xâm phạm sở hữu của người khác, và có ý thức hợp tác cao trong công việc. Nhưng những quy tắc này phải được đưa vào cuộc sống thông qua các quá trình tự thử nghiệm, đàm phán và thuyết phục lẫn nhau, thay vì giao cho một nhóm nhỏ nào đó áp đặt lên toàn thể xã hội. Những người tham gia vào việc giới thiệu các quy tắc mới cũng phải chấp nhận một sự thật rằng các quy tắc cụ thể mà họ giới thiệu cũng chỉ là những tuỳ chọn thêm vào cho xã hội chứ không phải là những quy tắc tối ưu mà xã hội bắt buộc phải theo. Quá trình lựa chọn các quy tắc phù hợp cho xã hội là một quá trình chọn lọc từ những tuỳ chọn do những người thực tâm đề xướng. Ta không thể thấy được kết quả tốt đẹp của nó trong ngày một ngày hai, nhưng đấy lại là con đường duy nhất để “cải tạo xã hội” theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn trong hòa bình.

Cuốn sách của Hayek gửi đến cho chúng ta một thông điệp rõ ràng rằng những hậu quả mà kế hoạch hóa tập trung gây ra cho xã hội đều có thể được khắc phục bằng cách áp dụng các nguyên lý thị trường. Những điều mà chúng ta không bằng lòng về đời sống đạo đức của người Việt Nam ngày hôm nay không phải là do cơ chế thị trường, không phải là bản tính của người Việt Nam, mà đa phần là di chứng của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, của những quá khứ nơi chủ nghĩa tập thể ngự trị. Nhưng chúng ta có thể tác động vào việc hoàn thiện các quy tắc hình thức kiến tạo nên trật tự thị trường để dần khắc phục chúng. Thật may mắn là chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều từ những quốc gia đi trước.

Những quy tắc thương mại và ứng xử mà chúng ta cam kết khi nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chẳng phải là một kho tàng vô giá để chúng ta tự hoàn thiện mình hay sao? Có lẽ nhắc lại cũng không thừa, ngay cả khi dân tộc ta có thể rút ngắn được thời gian trong việc hoàn thiện các quy tắc hành xử của chính mình thì chúng ta vẫn phải hiểu rằng đây là một quá trình lâu dài, cần phải nỗ lực liên tục và bền bỉ. Đối với những người cấp tiến, nếu vượt qua được rào cản thuật ngữ (3), thì tác phẩm Đường Về Nô Lệ chính là một hành trang không thể thiếu vì nó không những đã nói ra được hầu như tất cả những điều tồi tệ nhất chúng ta đã phải trải qua, chứng kiến, hay cảm nhận nhưng không hiểu được nguyên nhân từ đâu, mà còn chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì để vượt qua chúng. Có lẽ đấy là ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhất mà cuốn sách này mang lại cho chúng ta trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tự do và phồn thịnh.

 

Chú thích:

(1) Chẳng hạn, trong buổi làm việc với bộ Khoa học và công nghệ hôm 27/06/2008, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nông Đức Mạnh có nhắc đến một di chứng có hại của cơ chế kế hoạch hóa tập trung đối với nền khoa học của nước nhà như sau: “Chủ nghĩa bình quân và tư duy hành chính kéo dài nhiều năm đã là một trong những nguyên nhân làm giảm sút sức sáng tạo và nhiệt huyết của các nhà khoa học.” Trước đó ngày 22/01/ 2008, trong buổi phát biểu bế mạc hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, ông cũng đã nói đến việc Việt Nam đã chuyển đổi thành công “thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp trước đây sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thông qua các biện pháp như thay đổi hình thức sở hữu, hình thành các loại thị trường, xác lập tự do bình đẳng trong kinh doanh, áp dụng luật pháp để vận hành nền kinh tế v..v..

(2) Trong nguyên tác, Hayek sử dụng khái niệm “chủ nghĩa xã hội” với nghĩa xác định, để chỉ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp (tr. 20) được một số người cấp tiến lúc bấy giờ lựa chọn như là phương tiện để đạt được những mục đích cao đẹp của mình về tự do, bình đẳng, dân chủ và thịnh vượng (xem các trang 97-100). Ông đã nhấn mạnh trong lời tựa cho lần tái bán năm 1976: “Khi tôi viết cuốn sách này thì chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất và kế hoạch hóa tập trung” (tr. 20). Chính vì lẽ đó, để tránh những hiểu lầm không đáng có với quan niệm chủ nghĩa xã hội theo nghĩa mục tiêu cao đẹp mong muốn đạt được đang thịnh hành ở Việt Nam hiện nay như “chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, tôi sử dụng thẳng thuật ngữ “cơ chế kế hoạch hóa tập trung” để nói về phương thức tổ chức kinh tế – xã hội mà Hayek muốn phê phán.

(3) Về vấn đề khác biệt nguôn ngữ nhưng lại chia sẻ cùng nội dung tri thức khi tiếp cận các tác phẩm của Hayek tôi đã đề cập đến trong lời giới thiệu cuốn F.A. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp, của Ebeinstein, do Nguyễn Anh Hùng dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu, NXB Tri Thức, 2007.

 

(Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu)

Via Thị Trường Tự Do

Edit: Triết Học Đường Phố

Thà để giọt mồ hôi rơi trên trang sách, còn hơn để nước mắt rơi cuối mùa thi

Mùa thi sắp đến rồi đấy các em lớp 12 cũng như sinh viên đại học, nếu muốn có một nụ cười mãn nguyện vào cuối mùa thi thì chỉ có một cách đó chính là: Học miệt mài. Hãy cười tươi sau khi biết kết quả chứ đừng gục mặt vào bàn mà khóc nức nở bạn nhé.

Tháng 5 đến, ve kêu phượng nở, đã là lúc tín hiệu của sự chia ly, của nỗi niềm thương nhớ không nguôi, nhưng cũng là một cánh cửa tương lai đang mở ra trước mắt bao cô cậu học trò lớp 12 cuối cấp.

Tháng 5 đến, là lúc các bạn sinh viên đại học cuống cuồng bắt tay, vắt chân vào ôn thi cuối kỳ, họ không còn hồi hộp như cái ngày thi tốt nghiệp, thi vào đại học đầy gian nan, nhưng thay vào đó là cảm giác lo sợ vì năm qua mình học được gì, tiếp thu được gì để chuẩn bị cho kì thi cuối năm đây?

Học không  phải ngày một, ngày hai

Muốn có một kết quả thi tốt nghiệp và đại học tốt không đơn thuần là phụ thuộc vào nỗ lực những tháng cuối kì của lớp 12. Đúng là các đề thi chủ yếu tập trung vào chương trình học lớp 12, nhưng muốn học lớp 12 chắc thì phải nắm vững kiến thức lớp 10, 11 nữa. Nhiều em học sinh phổ thông đang có xu hướng lên lớp 12 rồi hẵng hay, bây giờ ăn ngủ, online và game cái đã. Lo gì. Nhầm rồi các em ạ, lớp 12 còn biết bao việc, nào là các ngày nghỉ lễ, hồ sơ thi đại học, rồi học vội để chuẩn bị cho ôn thi tốt nghiệp, đại học,…

Các em có tin chắc là mình sẽ học tốt chỉ trong năm lớp 12 không? Không đâu, học không đơn thuần là ngày một ngày hai là được, học là một quá trình dài tiếp thu những kiến thức từ dễ đến khó, làm bài tập từ chậm đến giải nhanh chóng,… Tất cả đều cần có thời gian các em ạ! Đợi đến lớp 12 thì thật sự đã muộn mất rồi.

Còn các bạn sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học thênh thang và rộng lớn. Họ vui sướng lắm, tự hào lắm vì mình đã chễm chệ có 1cái bằng sau khi ra trường rồi. Một điểm khác của hệ thống giáo dục đại học giữa Việt Nam và nước ngoài khác nhau thế đấy, ở nước ngoài bạn có thể đăng kí vào một ngôi trường nào đó để theo học (ngoại trừ những ngôi trường danh tiếng bậc nhất thì cần phải thi đầu vào), nhưng một khi đã vào học rồi thì phải nỗ lực hết mình, bằng không cứ ngồi ở đó mãi đi. Còn ở Việt Nam, học sinh muốn thi đậu vào một trường đại học tốt và mình mơ ước là điều không hề dễ dàng chút nào, nhưng một khi đã vào được rồi, thì ít nhất bạn có thể tự tin rằng sẽ có một cái bằng tốt nghiệp không đỏ thì xanh. (hầu hết các trường đại học ở Việt Nam là như vậy)

Chính vì điều đó mà hầu như nhiều sinh viên Việt khi học cấp 3 trường Chuyên này nọ, nhưng khi vào đại học kiến thức trong đầu không những không thể phát huy mà còn bị tụt xuống nặng nề.

Phân vân với quan điểm: “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”

Nhiều sinh viên vừa mới thi đỗ vào đại học, họ vui sướng, hãnh diện và tự cho mình quyền được “xả hơi” sau thời gian ôn thi lúc lớp 12 mệt mỏi. Họ mạnh miệng cho rằng: Mình sẽ đuổi kịp được kiến thức khi học năm 2, năm 3, hay thậm chí năm 4.

Có một điều sai lầm mà đa số sinh viên mắc phải là: “Học đại học dễ hơn rất nhiều so với cấp 3.” Nói đúng thì cũng có chút đúng, nói sai thì cũng thấy sai. Nhưng cái cơ bản là cách nhìn nhận và hành động của mỗi sinh viên về vấn đề này mà thôi. Hầu hết họ cho rằng học đại học thật dễ dàng nên đến năm 2, năm 3 rồi hẵng học sau, bây giờ nghỉ “giải lao” cái đã.

Với quan niệm: “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai.” Dường như học sinh, đặc biệt là sinh viên đại học đang mơ màng, thậm chí là không biết giải thích và hành động sao cho đúng với câu nói này. Họ nghĩ có vẻ 2 vế này rất mâu thuẫn đối lập nhau, chẳng biết nên học hay nên chơi đây?

Có nhiều người hiểu và nhận thức được vấn đề chơi và học nhưng lại không làm được. Sinh viên không có nghĩa là ăn rồi cặm cụi ngồi vào bàn đọc đọc, viết viết, sinh viên không có nghĩa là ăn rồi chỉ biết cắp sách tới trường, không tham gia bất cứ hoạt động đoàn thể nào toàn thời gian chỉ để dành cho việc học,… Thật không nên hoàn toàn làm như thế, bởi sinh viên là quãng thời gian nói dài không dài, nói ngắn không hề ngắn, nên phải biết tận dụng lúc còn trẻ cũng phải biết “chơi”, không bỏ lỡ những cơ hội chỉ có ở tuổi trẻ, ví dụ như yêu chẳng hạn. Có người nghĩ, sinh viên không nên yêu, nếu bạn biết xây dựng một tình yêu trong sáng, lành mạnh thì điều đó hoàn toàn tốt mà thôi.

Phải biết khi nào chúng ta nên học hành cật lực, khi nào nên “xoã” cùng bạn bè cho tuổi trẻ thêm tràn trề năng lượng.

Cái kết của việc không chú trọng việc học

Tôi đã từng đọc rất nhiều bài báo về việc học sinh nhảy cầu tự tử vì không đỗ đại học, hay sinh viên phải dừng lại việc học vì điểm quá thấp… Có nỗi nhục nào ê chề hơn chưa? Tôi không nói là việc trượt đại học là nhục mà là cái suy nghĩ nhảy cầu tự tử vì không đỗ mới là nhục, bị đình chỉ học mới là nhục thôi, các bạn cứ nghĩ đi bố mẹ đã mất bao mồ hôi nước mắt để nuôi mình học đến chừng này lại đi tự tử, lại về quê “nghỉ ngơi” một năm trời…

Có nỗi đau buồn nào hơn dành cho cha mẹ mình?

Hãy cố gắng thà để giọt mồ hôi rơi trên trang sách còn hơn là giọt nước mắt cuối mùa thi nhé các sĩ tử, các bạn sinh viên, học sinh!

Hải Văn

Lại có một mùa chia tay như thế…

Photo: Hoàng Phương Lâm

 

Nếu có thể khóc, ôm chầm lấy nhau thì hãy cứ làm như thế mà các em muốn, bởi sau vài ngày nữa cánh cửa cấp 3 sẽ khép lại. Sẽ không một ai trong số chúng ta có thể cười đùa, trêu ghẹo nhau thêm một lần nữa. Và mùa chia tay sắp đến gần thật rồi học trò ạ!

Mùa hè oi bức như đang thiêu đốt cả cái thân thể mệt mỏi này, đã thế biết bao bộn bề của các em lớp 12 lại nóng hơn bao giờ hết, nào là thi cử: Thi tốt nghiệp, nhất là kỳ thi Đại học một sống một còn sắp tới… Hay đơn giản chỉ là những công việc mà trong suốt 3 năm cấp 3 qua mình chưa làm được, đây là thời điểm để mình gấp rút thực hiện nó.

Các cô cậu học trò cuối cấp thân mến! Sẽ chỉ còn vài ngày nữa thôi – Cái ngày Tổng kết cuối năm là thời khắc chính thức cho sự khép lại 12 năm đèn sách của thời phổ thông và cánh cửa đại học mở toang trước mắt mỗi chúng ta, chỉ có điều là các em có biết nắm bắt lấy nó hay không thôi.

Còn bao nhiêu dự định đang dang dở

Tuổi trẻ mà, có ai lớn lên, hành động mà không vấp ngã chứ. Ngay cả chính bản thân anh cũng vậy, ra trường biết bao nhiêu năm nhưng vẫn thấy mình lúc đó còn quá non nớt và nông nổi nên không thể làm hết những điều mình muốn.

Các em cũng vậy! Bởi thế anh muốn nhờ vài dòng chữ này phần nào sẽ giúp các em chợt nhận ra hay còn kịp thời níu kéo thời gian dài thêm một chút mà thực hiện vội.

Hẳn các em còn rất hối tiếc vì 3 năm đèn sách, mình đã không dốc hết sức lực cho việc học, nhiều đêm buồn ngủ quá, mắt nhắm mắt mở soạn văn, làm bài tập toán… Ôi thôi nhức đầu quá! Ngày mai dậy sớm làm tiếp vậy. Nhưng có ngờ đâu ngày mai chuông kêu nhức óc nhưng lười biếng với tay tắt rụp nó đi…

Chắc có nhiều cậu trai thích một cô bạn lớp bên cạnh nhưng chẳng lúc nào dám nói ra, nhiều khi còn ngồi viết 3, 4 bức thư liền nhưng đều giấu tên và nhờ thằng bạn gửi hộ. Hay có cô học sinh nhỏ nhắn đang thầm thương trộm nhớ anh chàng hot boy của trường nhưng có dám mở miệng để nói tau thích mi hay em yêu anh bao giờ đâu. Mỗi khi anh chàng vô tình nở nụ cười về phía cô nàng thì ngay lập tức tay chân bủn rủn, mặt đỏ tía tai.. Và sau đó là nhảy cẫng lên và hét sung sướng…

Mối tình thuở học trò luôn là mối tình đẹp nhất: Không vụ lợi, trong sáng, hồn nhiên và đẹp như chính tâm hồn của các em.

Đừng buồn vì sau ngày mai sẽ có cánh cửa rộng mở hơn

Buồn, hối tiếc, nhớ nhung,… Tất cả đều sẽ đến và đi, các em cũng phải mạnh mẽ lên để chuẩn bị cho một tương lai, sẽ rộng mở hơn, tương sáng hơn ngoài kia. Thời gian không cho phép các em than vãn hay ủ rũ vì sắp chia xa, nó sẽ dành cho các em một khoảng thời gian nhỏ nào đó để chúng ta cùng ôn lại ký ức đã qua.

Nhưng sau ngày mai, ngày kia gạt đi những giọt nước mắt, các em phải bắt tay vào học tập, bắt tay vào làm những điều còn lại mà mình chưa thực hiên được hoặc mong muốn thực hiện nó.

Đúng là ở ngoài xã hội to lớn này, con người ta đôi khi sống với nhau bằng đồng tiền vô cảm, có thì đến với nhau, một khi không có thì bạn bè, anh em đồng nghiệp cũng vứt. Thật đấy các em ạ! Nó không hồn nhiên, thấy hoạn nạn thì giúp như ở chính trong cái ngôi trường bé nhỏ này đâu.

Nhưng có đi ra các em mới thấu hiểu được bao nhiêu. Các em sẽ biết thương cha mẹ hơn, biết học cách sống tự lập, đôi khi tự kiếm tiền cho chính bản thân mình… Các em sẽ học được những sự mỉa mai, châm chọc của những con người ngu ngốc, giàu sang ngoài kia, các em sẽ biết trân trọng những đồng tiền dù là 1 ngàn, 2 ngàn ra sao…

Nhưng quan trọng hơn hết ngay bây giờ, các em chỉ còn một chút thời gian giống như bóng nắng xế chiều – Yếu ớt, ít ỏi, nhưng sẽ đủ cho ai biết lập kế hoạch, biết tận dụng nó.

Và cứ thế mỗi năm trôi qua ta lại chứng kiến một mùa chia tay đến nao  lòng!

 

Hải Văn

Harry Potter và chủ nghĩa tư bản (Chế)

“Con là phù thủy, Harry Potter,” Hagrid nói. “Con phải tới Hogwarts.”

“Hogwarts là cái gì?” Harry Potter hỏi.

“Nó là một ngôi trường phù thủy.”

“Nó không phải là trường công, đúng không?”

“Không, nó được tư nhân vận hành.”

“Tốt. Vậy thì con chịu. Con nít không phải là một tài sản của nhà nước; tất cả những ai muốn làm thế đều phải có quyền được cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giáo dục ở mức giá thị trường công bằng. Chúng ta hãy đi ngay.”

***

“Malfoy đã mua cho toàn bộ đội của nó những cây Nimbus Quét Sạch mới tinh!” Ron nói, như một người nghèo. “Thật không công bằng!”

“Tất cả những thứ có thể đều công bằng,” Harry Potter nhẹ nhàng nhắc hắn. “Nếu nó có thể mua được dụng cụ tốt hơn, thì đó là quyền cá nhân của nó. Sức mua vượt trội của nó khác chất khả năng bắt Snitch vượt trội của tao như thế nào?”

“Tao đoán nó chả khác gì,” Ron cáu kỉnh nói.

Harry Potter bật cười, lạnh lùng và xa xăm, như nếu một ngọn núi có thể cười. “Một ngày nào đó mày sẽ hiểu, Ron.”

***

Giáo sư Snape đứng ngay trước lớp, kiểu như dáng đứng người Do Thái. “Sẽ không có cái trò vẫy đũa vớ vẩn hay niệm chú tầm phào trong lớp này. Như thế, tôi không hy vọng nhiều người trong số các em sẽ biết cảm kích cái khoa học tinh vi và cái nghệ thuật tỉ mỉ của bộ môn chế potion. Tuy nhiên, cho một số ít người được chọn lọc, những người có năng khiếu bẩm sinh…Tôi có thể dạy các em làm thế nào để bỏ bùa tâm trí và gài bẫy giác quan. Tôi có thể chỉ cho các em làm thế nào để đóng chai danh tiếng, hấp ủ vinh quang, và thậm chí chặn đứng cái chết.”

Tay Harry Potter giơ lên.

“Cái gì vậy, Potter?” Snape hỏi, khó chịu.

“Giá trị của những lọ potions này trên thị trường mở là bao nhiêu?”

“Hả?”

“Tại sao thầy lại đi dạy cho học trò cách tự chế ra những sản phẩm có giá trị này với mức lương của một thầy giáo thay vì tự mình sản xuất ra chúng rồi bán ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người ta?”

“Vô lễ.”

“Ngược lại, ai sẽ cấm không cho em bán ra những lọ potions này sau khi thầy dạy bọn em cách tạo ra chúng?”

“Ta—”

“Câu hỏi này thật ra chuyên về bộ môn Kinh Tế Độc Dược hơn, em đoán thế. Khi nào thì thầy mới dạy về mấy bài kinh tế?”

“Chúng ta không có mấy bài học kinh tế ở đây, thật là lố bịch.”

Harry Potter dũng cảm đứng dậy. “Vậy thì bây giờ có. Hãy đi theo mình nếu các bạn muốn học về các thế lực thị trường!”

Học sinh ùa ra hành lang theo Harry. Cuối cùng thì bọn chúng đã có được một đại ca.

***

“Đưa đũa của mày đây, thằng nhóc,” Voldermort rít lên.

“Tôi không thể làm thế được. Cây đũa này đại diện cho tài sản của cải của tôi, về bản chất nó là kết quả hữu hình của những thành tựu tôi đã đạt được. Của cải là sản phẩm của khả năng tư duy của một người,” Harry Potter nói một cách can đảm.

Voldermort há hốc.

“Có một mức độ đê tiện còn thấp hơn kẻ tuân thủ: kẻ bất tuân thủ hợp thời.”

Voldermort bắt đầu tan chảy. Harry Potter đốt một điếu thuốc, bởi vì nó là một master về lửa.

“Thiểu số nhỏ nhất trên đời này chính là mỗi cá nhân. Những ai từ chối các quyền cá nhân không thể tuyên bố rằng mình là người bảo vệ thiểu số. Lương tối thiểu chính là sưu thuế đánh vào những người thành công. Thị trường sẽ tự động đưa ra được mức lương tối thiểu một cách tự nhiên mà không cần chính phủ nhúng tay vào điều chỉnh các giới hạn tùy tiện.”

Voldermort hú lên.

“Tôi sẽ bán ra những bản copy của cây đũa của mình với mức giá trên trời,” Harry Potter nói, “Và ông có thể mua một cây như bao người khác.”

Voldermort đã bị đánh bại.

“Hắn ghét chúng ta là vì tự do của chúng ta,” Ron nói.

“Không, Ron,” Harry Potter nói. “Hắn ghét chúng ta là vì thị trường tự do của chúng ta.”

Hermione đang khao khát hai anh chàng chú ý đến mình, nhưng chẳng ai thèm để ý tới cô bé. Bọn chúng còn cả những đế quốc để xây dựng lên.

***

Tác giả: Mallory Ortberg (28k Likes trên trang The Toast)
Biên dịch: Nguyễn Hoàng Huy

Chiều Sân Bay

Photo: Wiki Commons

Vẫn là một câu chuyện khác của tôi. Tôi đã viết câu chuyện này tại cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Trong lúc chờ đến chuyến bay vì chuyến bay từ Phú Quốc về nhà của tôi bị trễ hơn ba giờ đồng hồ. Tôi lại nhận được thông tin quá trễ từ nhân viên của mặt đất của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, nên khi đó tôi đã có mặt ở sân bay. Thời điểm đó rất cận với giờ bay chính thức của tôi. Đấy là cách làm việc của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Thật xấu hổ.

Chính vì vậy, tôi đã có thời gian suy nghĩ và viết nên bài này và đặt cho nó một cái tên là “Chiều sân bay”. Nghe thấy kêu kêu các bạn nhỉ nhưng câu chuyện thì không ăn nhập gì với cái tựa đề bài viết đâu á.

Trong hai ngày tôi ở Phú Quốc cho chuyến đi này, tôi đã gặp “nó” ba lần, mỗi lần nó lại gieo vào đầu tôi một suy nghĩ và sự nể trọng. Nó là nhân vật trong câu chuyện của tôi. Nó là một đứa nhỏ ăn xin ở chợ đêm Dinh Cậu, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Nó là một đứa nhỏ khoảng mười tuổi, nếu được đi học thì chắc cũng học được lớp bốn hay lớp năm gì đấy. Nó gầy lắm, nó hơi bẩn, đầu tóc thì rối ben, tay chân thì lắm tắm dơ. Có lẽ do đặc thù của công việc mà nó như vậy.

xin sự chia sẻ của những người khách du lịch người đến đây và mang theo rất nhiều tiền. Họ có nhiều tiền thật đấy nhưng họ không hào phóng nên nó cũng không xin được bao nhiêu. Lúc tôi gặp nó lúc đó cũng đã hơn chín giờ lẻ ba mươi phút tối. Người qua lại tấp nập, buôn bán thì nhộn nhịp nhưng lòng người thì đâu mất hết cả rồi. Chắc là bị lãng quên tại các nhà hàng hải sản nơi được mọi người chú ý nhiều nhất khi đến đây. Chính vì lẽ đó mà hiệu quả làm việc của nó rất tệ.

Lần đầu tôi gặp nó tôi cũng không chú ý nhiều lắm vì tôi đang thưởng thức những món hải sản cực kỳ hấp dẫn tại đây. Đến lần thứ hai thì tôi bắt đầu chú ý nó từ lúc tôi gặp nó ở đầu vào chợ đêm. Nó có bạn nữa cũng là những đứa nhỏ ốm người, quần áo thì bẩn và chắc cũng là những đứa trẻ xin sự chia sẻ của người khác như nó. Thật tội, tôi ngồi vào bàn vừa chờ thức ăn vừa chờ nó, cuối cùng nó cũng đến và làm việc gần nơi tôi ăn tối.

Nó được một gia đình hào phóng, gia đình này họ không cho nó tiền mà họ gọi đồ ăn và cho nó. Nó mừng lắm và nó ngồi vào bàn cùng gia đình này, có lẻ vì nó sợ nên nó chọn một vị trí khá xa gia đình hào phóng này. Nhưng chỉ hơn 5 phút  ngồi thì nó bật dậy, chạy tất bật, vội vã để đi tìm cái gì đó. Nó tìm cái hộp để dựng đồ ăn mà nó được nhận và mang ra ngoài cửa vào chợ đêm, ngồi bệt trên lề đường và chia sẻ món đồ ăn rất ngon mà nó được một gia đình tốt bụng cho nó. Nó có thể một mình thưởng thức đĩa tôm nướng đó, sự cám dỗ là không thể cưỡng lại được. Nhưng nó đã cư xử khiến tôi rất nể trọng. Đó là sự chia sẻ. Đĩa tôm đó nếu tự nó dùng tiền để mua thì chắc phải lâu lắm nó mới mua được đấy.

Một sự chia sẻ đáng quý, đáng trân trọng của nó khiến tôi suy nghĩ nhiều. Phần lớn những người đến chợ đêm Phú Quốc là những người khách du lịch, họ mang theo rất nhiều tiền họ đến đó để tiêu tiền vào các dịch vụ tại nơi này. Nhưng họ không chia sẻ, họ gặp người khó khăn thì họ dè chừng họ sợ họ bị gạt. Nhưng nếu bị gạt một vài nghìn thì cũng có làm sao đâu. Nhưng nếu họ đúng thì chỉ một vài nghìn đó có thể giúp nó và nhóm bạn của nó có một phần cơm. Chắc lúc đó nó sẽ vui sướng lắm.

Trong xã hội của chúng ta hiện tại, tôi có cảm giác như sự sẻ chia giữa con người với nhau càng hạn chế. Nó cũng giống như khoảng cách giàu nghèo của ta vậy, càng xa. Chúng ta giàu chúng ta làm công tác xã hội nhưng chúng ta luôn hoài nghi. Hoài nghi về điều chúng ta cho đi có đến tay người nhận không. Vì xã hội hiện tại có quá nhiều sự lừa bịp, kịch bản của những người siêu lừa dựng lên để lợi dụng tấm lòng tốt của nhiều người. Nên tiền có đến được tay người nhận không thì tôi cũng không biết nữa, chỉ có trời biết đất biết và người sử dụng tiền biết mà thôi.

Gần đây, chúng ta kêu gọi xã hội quyên gớp ủng hộ Trường Sa và Hoàng Sa hay ủng hộ cảnh sát biển bảo vệ vùng biển của tổ quốc. Thông qua dịch vụ SMS của nhà mạng, mỗi tin nhắn vậy nhà mạng truy thu 300VNĐ, số tiền bé thật nhưng nếu cả nước đồng lòng thì thiết nghĩ các nhà mạng sẽ thu rất nhiều tiền các bạn nhỉ. Đó là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với doanh thu hàng năm hơn cả trăm nghìn tỷ. Một con số ấn tượng, phải chăng đó là cách mà những nhà mạng đó mang về cho mình doanh thu siêu khủng như vậy. Họ đã giàu vậy tại sao họ không cùng nhân dân cả nước chia sẻ với vấn đề mà đất nước đang gặp phải?

Qua những điều như vậy, tôi có một sự liên tưởng là chỉ có người nghèo với nhau họ mới sống với nhau bằng tấm lòng thật. Một sự tốt đáng kính trọng của những người nghèo. Còn các bạn những người dư giả về vật chất các bạn thế nào? Các bạn có dè chừng khi chia sẻ không, các bạn có để lý trí át đi sự đồng cảm với những cuộc đời khó khăn hơn các bạn hay không? Tôi mong bạn và tôi hãy đi tìm sự đồng cảm cho chính mình để mỗi chúng ta có một cuộc đời vui vẻ và hạnh phúc hơn.

 

Mr Lias

Ngày Quốc tế thiếu nhi

Photo: Linh Nguyen

 

Ánh hoàng hôn của chiều tà buông xuống trong khi người người đang kéo nhau về dẫn con cái đi chuẩn bị ngày Quốc tế thiếu nhi thì còn đâu đó những em nhỏ phải theo mẹ theo ba đi làm bởi hôm nay là thứ bảy đâu có ai trông trẻ… Cuộc sống là tổng hợp sắc màu của một bức tranh.

Nó cũng không để ý… chiều nay nó đã gọi điện về hỏi đứa cháu gái hơn 2 tuổi đã chuẩn bị gì cho ngày Quốc tế thiếu nhi nhưng vì quá nhỏ nên cháu chưa biết là ngày gì… trong cơn ngủ mới tỉnh cháu nó chỉ ngồi nghe cô nói chuyện mà không biết trả lời… ừ vì cháu nó là trẻ con mà…

Dẫu nền kinh tế đang khó khăn và nó cũng vậy nhưng ngày của trẻ con mà có mỗi một mình nó là cô nên loanh quanh ở nhà sách tìm quà cho cháu gái. Trẻ con ngày nay nếu là ngày cuối tuần sẽ được ba mẹ dẫn vào nhà sách huống hồ hôm nay lại vừa là ngày cuối tuần và mai là ngày lễ của các trẻ nhỏ nên tiếng trẻ con chơi trò chơi, tiếng trẻ nít hò hét làm náo động cả nhà sách… Trên lầu, những bé nhỏ mới chập chững biết đi thì chạy lui chạy tới khuynh hết món đồ chơi này đến món đồ chơi khác. Có cháu nhỏ dáng người đen nhẻm, với tay lên nghịch mấy món đồ chơi này rồi tranh thủ chạy qua góc khác chơi thử trò chơi khác.

Góc bên kia, có mấy nhỏ lớn hơn đã biết đọc thì đứng đọc lướt qua những trang sách hay. Góc kia nếu là ngày bình thường chắc hẳn sẽ rất nhiều người ngồi tô tượng nhưng hôm nay vắng quá. Nó loanh quanh dạo hết lượt nhà sách chọn hết  áo quần đến đồng hồ, đồ chơi nhưng rồi không chọn gì cả… Thôi thì có ông bà và bố mẹ ngoài nhà mua cho cháu rồi là được… Lúc khác có điều kiện sẽ mua sau. Nó sống với phương châm quan tâm dàn trải chứ không phải tập trung những ngày lễ đặc biệt như thế này. Phải chăng đó là lời biện minh cho kết quả chiều nay đi mà không chọn được món quà nào vừa ý?

Nó chạy xe qua chợ mua ít thức ăn… thấy vẫn còn gì đó thiêu thiếu và mấy ngày chưa đi chợ nên tranh thủ ghé mua đồ ăn vặt… Chiếc xe bán bánh chiên tắt lửa nguội lạnh từ bao giờ nằm nép gọn một góc đường tối chỉ có ánh đèn đường phía xa xa le lói hắt qua… Ghé thấy nhỏ bé cũng hơi bụ bẫm đang ngồi nhìn quanh con phố đông người qua lại… Bé thấy nó đứng mua hàng thì nó vừa nhìn nó như sợ nó bỏ đi mất, vừa nhìn về phía góc đường kêu ơi ới: “Mẹ ơi có người mua hàng!” Nó vẫn đứng yên quan sát. Tiếng đứa bé lại cất lên lanh lảnh: “Mẹ ơi! Có người mua hàng kìa mẹ!” … Vẫn chưa thấy mẹ đáp trả, nhỏ chạy thêm mấy bước cùng với mấy người lớn bán xung quanh phụ gọi mẹ. Cuộc sống đã làm cho bé lớn hơn so với tuổi.

Bóng người mẹ để bộ đồ xuống nền (chắc đang chọn cho nhỏ con làm quà Quốc tế thiếu nhi) rồi vội vã chạy tới chiếc xe bán hàng rong.

Sau khi mua hàng xong nó hỏi chị bán hàng:

–  “Nhỏ bao nhiêu tuổi rồi mà nhanh nhẹn quá chị?”
– “Cháu nó 5 tuổi rồi em à!”

Nó mỉm cười và khen cháu ngoan rồi theo hướng nhà trọ đi về. Đoạn đường có xíu từ chợ về nhà mà sao hôm nay dài và đông nghẹt người vậy … À thì ra ngày mai là lễ nên tranh thủ nhiều gia đình cho con đi chơi… Tệ nhất, những đứa trẻ cũng được đi nhà sách xem đồ hoặc đi công viên chạy nhảy lung tung, chỉ có bé nhỏ kia, mới 5 tuổi mà biết trông chừng hàng cho mẹ và nhanh nhẹn phụ mẹ canh bán hàng. Không biết để có món quà cho con bữa chợ ngày hôm nay đủ cho chị mua sắm hay không? Cuộc sống có nhiều cái phải lo toan nhưng những người mẹ như chị không quên những món quà nho nhỏ cho con mình bằng bạn bằng bè và trên hết là bé có một cái tết đúng theo nghĩa Tết thiếu nhi.

Ngoài kia, có bao nhiêu trẻ nhỏ đòi hết quà này đến quà khác vẫn chưa hài lòng, lại còn giận lui giận tới vì cho rằng ba mẹ không mua theo sở thích là không thương mình… Vẫn có những trẻ ngoan biết hoàn cảnh gia đình và tự giác ý thức về hoàn cảnh của mình để thấy mình đủ đầy theo cách của hoàn cảnh. Nó chỉ biết lặng nhìn cuộc sống và cảm nhận mà thôi.

Tối nay, tiếng bác tổ dân phố hỏi thăm các gia đình và đi ghi tên các cháu nhỏ lên danh sách phát quà… Vậy còn các bé ở trọ thì sao?

Mong sao, những ngày Quốc tế thiếu nhi sau này sẽ đủ đầy cho tất cả!

 

Hải Hiền