26 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 220

Giàu! Bạn đã giàu theo kiểu nào?

Photo: Wikimedia

 

Hôm nay luận bàn về chữ giàu. Ý nghĩ đầu tiên mà người đời hay nghĩ đó là khi nói đến giàu nghĩa là phải có nhiều tiền, có nhà lầu, có xe hơi hay sử dụng các dịch vụ đắt tiền như ở khách sạn 5 sao trở lên, ăn uống ở nhà hàng sang trọng, vân vân.

Như vậy có phải là giàu chưa?

Ngay từ bé chúng ta thường gặp những tư tưởng như vậy, người lớn gieo vào đầu chúng ta những quan điểm về làm giàu. Ai cũng nghĩ như vậy, mọi người bỏ công sức ra làm việc vất vả để kiếm tiền và chính vì quan điểm đó nên có những người sẳn sàng bỏ công sức rất nhiều để tích lũy những đồng tiền mà mình kiếm được. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, không quan tâm gì đến sức khỏe của bản thân. Để rồi khi tuổi lao động qua đi thì suy nghĩ và hối tiếc về những chuyện trước đây. Lúc bấy giờ muốn ăn nhưng không ăn được, muốn ngủ nhưng không ngon giấc, muốn đi đó đây thì bệnh tật đeo bám. Vòng đời chẳng lẽ nó là như vậy?

Còn chúng ta những người trẻ thì sao? Chúng ta cũng không thoát ra được vòng xoáy này. Chúng ta được dạy để cạnh tranh, để chiến đấu vì đồng tiền vì danh dự. Học xong đại học mỗi người một công việc, năm hay mười năm sau gặp lại thì hỏi thăm nhau xem mày thành đạt cỡ nào. Mày kiếm được nhiều tiền không, hay chức vụ mày ra sao rồi. Ở cái xã hội mà có tiền sẽ nhận được sự kính trọng, nể nang. Chính vì vậy nó như một thỏi nam châm hút rất nhiều người về với nó. Khoảng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều diễn giả dạy cho người trẻ chúng ta về cách làm giàu. Không ngờ giàu cũng có công thức, họ bảo giàu có là chuyện mà ai cũng có thể làm được nên chúng ta được chính họ gieo rắc vào đầu những suy nghĩ về chuyện làm giàu. Hiển nhiên với họ giàu ở đây là có nhiều tiền.

Còn nhớ thời gian mà bán hàng đa cấp làm mưa làm gió trên thị trường việc làm cho sinh viên. Những chuyên gia của các công ty ban hàng đa cấp họ dùng các từ ngữ vô cùng mạnh bạo để nói đến con đương sự nghiệp mà họ chia sẻ cho những người tham gia. Họ bảo: “Tôi sẽ trở thành triệu phú đô la năm 28 tuổi hay năm 30 tuổi.” Vân vân. Họ hay dùng từ “tự do tài chính” và thời gian mà họ được tự do tài chính rất sớm. Họ làm cho người trẻ có một niềm tin là giàu có rất dễ, dễ đến bất ngờ. Đó là các bạn gia nhập công ty và lập cho mình công ty riêng thế là có thể kiếm tiền, rất dễ. Bán hàng đa cấp không hề xấu, đó là một phát minh của ngành kinh doanh ở thế kỷ hai mươi mốt này. Nhưng ở xứ mình mọi điều có thể thay đổi, đổi thay đến ba trăm sáu mươi độ.

Đấy khái niệm giàu và làm giàu của chúng ta là như vậy. Có mấy ai trong chúng ta nhận thức được thành công về tiền bạc là thành công thấp nhất. Tại sao nó được xã hội nể trọng lại là kiểu thành công thấp nhất. Đó là vì tiền bạc chỉ là dạng vật chất sinh ra được sẽ mất rất nhanh. Nó không có giá trị để lại. Nhiều người trên hành trình đi đến sự giàu có về tiền bạc họ bấp chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Đó có thể là những quyết định thâu tóm hoặc dùng sức mạnh tài chính đề đè bẹp đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Có thể họ sẽ đạt được mục đích của họ đó là “TIỀN” nhưng để có được sự kính trọng và nể nan thực tâm từ đối thủ và những người xung quanh thì họ cần làm khác đi.

Sự khác này chính là “Đức” “Công” và “Ngôn”. Đây là ba thứ trên đời này mà sau khi bạn mất đi nó còn để lại đến nhiều thế hệ sau. Các bạn biết Bill Gates chứ, khi còn điều hành công ty Microsoft ông ấy là rất giàu có là chuyện ai cũng biết nhưng sẽ chóng quên thôi. Thế hệ sau sẽ nhớ đến ông ấy vì hành động quyên hơn 50% giá trị tài sản của ông ấy để làm từ thiện và giúp thế giới này cân bằng hơn. Vì một lẽ duy nhất đó là vòng tròn của tiền bạc. Ông ấy đã kiếm được tiền từ thế giới này thì những đồng tiền này nên trở về giúp đỡ những người cần được hổ trợ là điều hiển nhiên. Như thế sẽ tạo ra một sự cân bằng cho thế giới này. Đồng thời cũng tạo được sự cân bằng cho chính ông ấy. Dám chắc một điều rằng, khi làm công việc từ thiện này ông ấy sẽ hạnh phúc hơn khi kiếm được nhiều tiền và thành tỷ phú thế giới. Đấy là cái mà ông ấy sẽ lưu danh đến nhiều năm sau. Đấy là tích công và đức.

Những nhà văn, nhà khoa học, chính trị gia hay các tỷ phú. Họ là những người tài giỏi họ có tiền và có khả năng sử dụng đồng tiền để nâng cao giá trị của bản thân. Có một câu nói rất hay: “Phú quý sanh lễ nghĩa.” Tức là khi bạn có tiền thì bạn sẽ có lễ nghĩa. Bằng nhiều cách có thể bạn dùng tiền mà bạn kiếm được quay lại đầu tư cho chính bạn. Bạn đi học, tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện hay xây dưng cho mình một thư viện. Có nhiều cách giúp cho bạn thành người trí thức, thành người có học. Đó là một chân lý đến giờ vẫn chưa có ai phản biện một cách xác đáng. Người đời sẽ còn nhớ đến câu nói này thêm nhiều thế hệ nữa. Đấy là lưu ngôn.

Đấy chính là cách mà chúng ta có thể lưu lại thế giới này, tích công, tích đức hay là những phát ngôn. Kiếm tiền và làm giàu không khó và cũng không dễ. Nhưng sau khi trở nên giàu có, tự do tài chính thì chúng ta nên hành động để thế hệ sau này vẫn nhớ chúng ta là ai và chúng ta có đóng gớp gì cho xã hội này. Làm giàu chân chính khi chúng ta lao động, hy sinh mà có được. Cuộc sống này không chấp nhận những người chỉ muốn làm giàu mà không lao động.

 

Mr Lias

Và tôi cúi đầu im lặng!

Featured Image: Ðariusz

 

Trước tiên, tôi xin nói với các bạn đây là câu chuyện từ chính trải nghiệm của sếp tôi, một người nước ngoài “trăm phần trăm”, nhưng lại được nhìn nhận qua con mắt của tôi và suy nghĩ bằng cái đầu của tôi.

Tại sao lại là “trăm phần trăm” à? Bởi vì cô ấy chỉ vừa đến Việt Nam chưa đầy năm, và cô ấy có thể sẽ sống tại đây một thời gian dài. Mà người nước ngoài sống lâu ở nước mình thì không còn là “trăm phần trăm” nữa mà phần nào đã bị Việt hóa để có thể tồn tại rồi, còn ai mà chỉ vừa mới thì nhiều khi họ chỉ định ở vài tháng rồi thôi thì cũng coi như là một cuộc viếng thăm. Còn cái nghĩa của tôi ở đây là người nước ngoài vừa đến nhưng kế hoạch là họ buộc phải sống lâu dài ở đây.

Tôi cũng chỉ vừa vào làm cùng cô chỉ mới 4 tháng, nhưng cảm giác bị nước lạnh tạt vào mặt thì hầu như ngày nào tôi cũng trải qua. Đến nỗi bạn tôi nói rằng: “Chắc bà ấy đang tiêm thuốc chống nhục cho mày.” Tại sao à? Vì cách làm việc của họ khác lắm các bạn à. Cách sống, suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề nữa, và quan trọng hơn là chính những hoàn cảnh “trời ơi đất hỡi” mà cô ấy gặp phải cứ luôn xảy ra, và cái câu hỏi “Why? Why?” cứ lảng vảng trước mặt tôi. Nhưng tôi chỉ im thin thít, và ước gì có thể lặn luôn thì hay quá.

Chúng tôi làm việc dựa trên nguyên tắc là không đi trễ, đúng giờ làm việc, sau công việc, vứt tất cả tại văn phòng và không liên lạc trong ngày nghỉ trừ phi có trường hợp khẩn cấp. Từ hành động đến quyết định cần nhanh và quyết đoán, không do dự và dây dưa. Cả văn phòng chỉ có hai người phụ nữ nhưng ngày nào cũng có âm thanh của sự tranh luận. Thời gian đầu đương nhiên là tôi chỉ im lặng, nghe câu nào câu nấy thấm vào tận tim. Chưa bao giờ tôi thấy xấu hổ khi nhận lương cho đến khi tôi làm ở đây, dù tôi đã cố gắng hết sức.

Và lúc nào đi làm tôi cũng mong một điều duy nhất, hôm nay tôi sẽ được yên thân, đừng ai nói gì tôi. Nhưng mà nào có được vậy, riết rồi từ một kẻ chỉ biết im lặng, tôi mạnh dạn đáp trả, nói lên những gì tôi nghĩ và mạnh dạn nói rằng tôi không như thế. Khi đó, tôi nhận ra, một nụ cười trên gương mặt cô ấy, và cô ấy kết luận rằng: ”Ít nhất bây giờ mày đã hiểu nên làm gì ở đây.”

Ôi trời! Thì ra đây là cái cô ấy muốn, cô ấy muốn tôi phải mạnh mẽ, phải kiểm soát tất cả những thứ mà cuộc sống này có thể quẳng vào tôi và mong rằng tôi có thể đấu tranh cho chính cái cuộc sống của mình. Cô ấy đã dạy tôi biết rằng sự phản kháng không hẳn là sai, nếu tôi phản kháng nhưng không thay đổi, có thể tôi đã nghỉ việc từ tuần đầu tiên, nhưng cô ấy thấy tôi có sự thay đổi dù là rất ít qua mỗi ngày của tôi ở đó, điều này có nghĩa là tôi “có hy vọng”.

Thế nhưng, có những chuyện rất kỳ lạ xảy ra đối với tôi, những việc mà có lẽ khi tôi nói ra không người Việt nào lại không biết đến nó. Thế nhưng, đối với sếp tôi, đương nhiên là mới mẻ rồi, nhưng đối với tôi, sao tự nhiên nó cũng trở nên… mới đến nỗi tôi chỉ biết im lặng.

Người cùng một nước nhưng không tin tưởng nhau sao?

Vì công việc của tôi là bán hàng, tôi thường xuyên trò chuyện với khách hàng, qua điện thoại có, gặp trực tiếp có. Thế nhưng, có cái khó là khi tôi gọi, hầu hết receptionist không muốn chuyển máy vì họ được dặn là không tiếp điện thoại chào hàng. Nhưng nếu là sếp tôi, một người nước ngoài thì họ nhanh nhảu chuyển máy. Có thể, một số không hiểu tiếng Anh, có thể một số nghe người nước ngoài thì thấy vấn đề chắc nghiêm trọng nên sẽ chuyển. Đến khi gặp khách hàng cũng thế, nếu họ nghe từ tôi, họ sẽ ngờ vực, nhưng nếu họ nghe từ sếp tôi, hay thậm chí không cần nói chuyện, chỉ cần nhìn cô ấy, thì họ sẽ tin.

Họ thường xuyên nói dối với tôi những lý do trời ơi đất hỡi và bị tôi phát hiện ra, tôi phải mất rất lâu mới thuyết phục họ đồng ý gặp mặt hay hợp tác. Nhưng nếu là sếp tôi gọi thì họ có bao nhiêu sự thật đều nói hết và chỉ chừng hai câu như: “Can I see you on…” hay “We would like to invite you to go to…” là y như rằng câu trả lời là “Yes”. Do đó, cô ấy kết luận rằng: “Tại sao người Việt và người Việt không muốn cùng nhau làm việc, không nói sự thật với nhau?” Vì thế, khi gặp một khách hàng có bản lĩnh, có kiến thức, lại nói tốt tiếng Anh, và quan trọng là biết chừng mực thì tôi cảm thấy rất cảm kích. Ít nhất thì dù không bán được hàng nhưng tôi vẫn thoải mái vì ít nhất người Việt ta có thể làm chủ được tình thế, và không để người nước ngoài xem thường như thế. Nhưng, được bao nhiêu người như thế?

Hoa hồng – Loài hoa giúp giải quyết tất cả vấn đề?

Đó là gì à? À, đơn giản lắm. Cái đầu tiên là tiền hoa hồng. Lần đầu tiên tôi làm Sale và cũng là lần đầu tiên có người nhìn thẳng mặt tôi và nói rằng, nếu không có hoa hồng, họ không làm việc. Tôi đứng chết trân, trong khi cô sếp bên cạnh liên tục hỏi: ”Cái gì? Cái gì?” Tôi nói lại thì bạn biết tôi nghe được gì không? “Tại sao lại cần hoa hồng, công ty không trả tiền lương cho họ à? Vậy họ đến với chúng ta vì cái gì? Vì mong muốn cho chất lượng sản phẩm hay chỉ vì tiền của chúng ta?” – Làm sao tôi trả lời câu hỏi đó đây, nhưng bà ấy cứ hỏi mãi một câu đó suốt ngày hôm đó kèm theo cái lắc đầu và tặc lưỡi.

Tôi vốn thấy nó cũng bình thường, ở nước mình thì điều này là dễ hiểu mà. Nhưng cô ấy nói rằng: “Nó không dễ hiểu tí nào cả, nó là một nỗi nhục, mày biết không? Ở Singapore không hề có điều đó.” Vâng nhưng nhập gia tùy tục. Tôi đã nói như thế, và cô ta hất văng cái ghế và nói rằng: “Thảo nào đất nước của mày không bao giờ khá nỗi – never, never.” Tôi muốn hất luôn cái bàn nữa kìa, nhưng lại tự chủ và suy nghĩ lại. Họ nói đúng không? Đúng hay sai? Và tôi im lặng nghĩa là tôi thừa nhận, nhưng tôi cãi như thế nào, làm sao để cãi đây? Rõ ràng nếu có hoa hồng, chúng tôi sẽ kinh doanh tốt hơn, nhưng trước khi tôi nói câu đó, tôi cần động não để trả lời cái câu hỏi lớn kia cùng cái câu kết luận hất văng ghế kia nữa.

Khi nào thì gọi là “cướp”, mà khi nào thì gọi là “ăn trộm”?

Đó là câu hỏi của cô ấy sau khi trải qua một vài cú sốc mà cô ấy bảo rằng tất cả đều là lần đầu tiên của cô ấy trong đời.

Cô ấy bị giật túi, nhưng may mắn là không mất gì vì tên cướp chỉ có một mình, và nó còn gan đến mức ngừng xe, quay đầu lại nhìn thẳng vào mặt cô. Và theo cô nói thì những người đàn ông ngồi bên đường vẫn thản nhiên uống cà phê và chẳng ai thèm tóm hắn giúp cô. Đương nhiên rồi, cô nói tiếng Anh nên họ không hiểu điều gì xảy ra. Lúc ấy cô ấy tạt vào mặt tôi một câu: “C0hẳng lẽ không có mắt để nhìn sao? Tao không thể nói tiếng Việt nhưng tao đã la lên rất to, và họ đều nhìn thấy cái gì xảy ra, nhưng không ai giúp tao cả, và tên cướp vẫn có thời gian ngừng lại, nhìn thẳng vào mặt tao. Tại sao? Mọi người vô cảm thế? Tại sao?”

Tôi chỉ biết im lặng. Một lát sau tôi dạy cô nói từ “cướp”, và dặn rằng lần sau nếu có hoàn cảnh tương tự hãy nói to từ đó lên, sẽ có người giúp cô. Và đó là từ đầu tiên cô ấy học sau mấy từ như “xin chào hay xin lỗi, cảm ơn”. Trời ạ! Vì mấy từ này cô ấy tự học chứ chẳng cần tôi dạy.

Thế nhưng, tôi lại được học một từ khác đó là “burglary” là để chỉ kẻ đột nhập vào nhà, hay chúng ta hay gọi là “ăn trộm”. Không biết bạn tin hay không, nhưng đó là từ thứ hai tôi dạy cô ấy. Vì khu văn phòng của chúng tôi bị trộm nhập nha, chúng đột nhập hơn mười hai văn phòng trong khu và đương nhiên phòng chúng tôi cũng có. May mắn là chúng tôi không mất gì, vì sếp của tôi kỹ đến mức dùng cả hai ổ khóa và thêm một ổ phụ, nhưng tất cả đều bị nạy hết. Hay thật, bọn trộm xem ra đã mất thời gian với cái văn phòng nhỏ của chúng tôi nhiều nhất, nhưng chúng chẳng thể trộm được gì, có thể vì hai người phụ nữ chúng tôi ngăn nắp quá chăng?

Và cô cứ ngồi hỏi tôi: “Tại sao không thấy cảnh sát, chúng ta đã đợi hơn 30 phút rồi?” Tôi muốn nói rằng từ từ sẽ có, thì một chú cảnh sát khu vực, nhẹ nhàng cắp tập tài liệu đi vào, xem xét qua loa, rồi đi loanh quanh. Cô ấy lại hỏi tôi: “Anh ta là ai? Sao lại được đi vào thế?” Khi biết đó là cảnh sát cô lại hỏi: ”Sao chỉ có một cảnh sát? Lại còn từ từ, đủng đỉnh trong khi chúng ta đang lo lắng không biết chúng ta có mất gì không? Hôm nay chúng ta không thể làm việc?”

Vâng, và tôi lại…im lặng. Tôi làm sao trả lời được chứ, không lẽ tôi nói rằng ở Việt Nam việc mất trộm là bình thường. Hay tôi phải nói rằng vì đến đông thì cũng có bắt được kẻ trộm đâu, chỉ điều tra thôi thì từ từ cũng được. Nhưng nói sao cũng không được, nên tôi giữ yên lặng cho khỏi nghe cái từ “Why” nữa. Ấy vậy mà, hai giờ sau thì cả đống cảnh sát, người chụp hình, người lấy lời khai, làm tùm lum thứ đến hết buổi sáng, và coi như công việc ngày hôm đó của tôi bắt đầu sau giờ cơm trưa.

Và cô ấy vẫn tiếp tục hỏi: “Tại sao lại chậm chạp như thế? Ở Singapore, chỉ cần 15 phút, cảnh sát sẽ đến và làm nhanh chóng những gì cần làm và tạo điều kiện cho chúng ta tiếp tục làm việc.” Tôi muốn nói rằng đây không phải Singapore, nếu thích đến thế thì về nơi đấy mà sống. Nhưng, có cái gì cứ nghẹn ở cổ làm tôi không nói được. Và ngày hôm ấy tôi phải giải thích rằng không thể gọi là “cướp” mà nên gọi là “ăn trộm”. Và tôi biết đến từ “burglary”.

Không có lối thoát hiểm sao?

Bạn biết đấy, ở Việt Nam, cúp điện là chuyện bình thường. Nhưng thật nguy hiểm cho người nước ngoài nếu họ không được dạy điều đó. Câu chuyện dở khóc dở cười là sáng hôm ấy, cô ấy không thể đến chỗ làm đúng giờ vì cúp điện, và lúc cúp điện, cô ấy đang ở trong… thang máy. Cô ấy không biết nên đã không mang điện thoại, không mang bất cứ cái gì để có thể gọi ra bên ngoài. Vì cô chỉ định đi thang máy xuống để ra ngoài hút thuốc. Kết quả là cô sợ hãi đập cửa, kêu gào và, ơn trời, có người nghe thấy. Họ kéo cô ra và hỡi ôi, cái cửa cuốn vì cúp điện nên không thể mở ra được.

Mọi người không ai ra ngoài được, họ không thể chạy ra ban công mà nhảy xuống vì khá cao, và hầu hết đều là người nước ngoài với tùm lum các thứ ngôn ngữ được phát ra, mà đương nhiên là người chủ Việt Nam không thể hiểu, vì họ chỉ là người được thuê ở đây để trông nom và phụ giúp chứ cũng chẳng phải là chủ nhà thật sự. Phải mất hơn một giờ mới tạo được một khe hở cho cửa cuốn và mọi người cùng nhau đẩy nó lên. Khi sếp tôi đến công ty, thi cũng gần hết buổi sáng, và cô lại hỏi: “Sao không có bình điện dự trữ? Đối với loại cửa đó, luôn có bình điện dự trữ kia mà? Tại sao cái chuông khẩn cấp trong thang máy không thể sử dụng? Và tại sao không có lối thoát hiểm, nếu xảy ra cháy thì sẽ như thế nào, tất cả sẽ chết như gà nướng à?”

Và lần này tôi trả lời được, câu hỏi này dễ quá mà. Tôi nói rằng bình điện dự trữ rất tốn kém, và các ông bà chủ thì tiết kiệm chi phí nên không muốn lắp đặt. Thang máy thì chắc chuông khẩn cấp bị hỏng. Lối thoát hiểm à? Tôi không chắc nhưng nhà ở Việt Nam không có nó. Và ngay sau câu trả lời của tôi, tôi nhận ra mình trả lời thật tệ. Vì “cái gì? Tốn kém à, vậy hôm nay hơn mười người không thể ra ngoài đi làm đúng giờ, mỗi người sẽ bị trừ lương hoặc ngày phép, thử hỏi cái nào tốn kém hơn, nếu vì vậy mà hết mười người này dọn đi nơi khác thì sao? How? Rồi thang máy không bảo trì định kỳ à, không biết nó hư chuông à? Hay chuông đó chưa từng được lắp đặt để hoạt động? Vậy nếu tao chết ở đó vì thiếu oxy thì sao? Lối thoát hiểm à? Vậy các ngôi nhà ở Việt Nam không có, vậy khi xây nhà xong không có người của chính phủ đến kiểm tra độ an toàn à? Hay chỉ cần đưa hoa hồng thì mọi việc đều OK hết?” À, lần này tôi lại… im nữa. Tôi chỉ dặn cô là nên đem theo điện thoại để đề phòng bất cứ trường hợp nào có thể xảy ra.

Thế nhưng những điều trên đây có là gì so với bài học bự mà tôi sắp nói đây. Và có lẽ cái này là cái phiền muộn nhất. Khi câu hỏi là…

Nghèo và tự trọng, cái nào quan trọng hơn?

Một buổi sáng tháng sáu, tôi bước vào văn phòng, tôi thấy gương mặt đăm chiêu của sếp mình. Chắc lại đang có cú sốc mới rồi. Nhưng lần này khác, cô không dồn dập hay bất bình nữa, mà nhẹ nhàng từ tốn, chậm rãi kể với tôi và sau câu chuyện, có lẽ cô cảm thấy buồn nhiều hơn là bất bình như những lần trước đó.

Cô nói rằng cô rất yêu quý hai vợ chồng giữ nhà nơi cô ở. Họ chỉ làm công cho chủ nhà, họ thay chủ nhà trông nom hết mọi thứ, như là dọn dẹp, giữ xe, bảo vệ. Chủ nhà thì ở nơi khác và mỗi tháng ghé qua để lấy tiền nhà. Cô thấy họ rất nghèo, nhưng tốt bụng và hay giúp đỡ cô. Tôi đã thấy có chút vui khi cô nhận xét về họ vì ít nhất người Việt chúng ta không hẳn để lại ấn tượng xấu trong cô. Nhưng, sáng nay, cô nói rằng cô đã lầm, hoàn toàn lầm. Cô nói rằng đêm hôm qua, một người bạn của cô đang bệnh và họ cần cô giúp đỡ. Vì đã rất trễ, khoảng gần 11 giờ tối, cô lò mò đi trong bóng tối bởi ở bên dưới cửa cuốn đã đóng và đèn tắt hết. Nhưng có một thứ ánh sáng le lói khiến cô phải chú ý, ánh sáng từ chiếc điện thoại di động. Cô đi theo ánh sáng đó, và khi mắt cô dần quen với bóng tối, cô đã thấy người đàn ông hằng ngày vẫn dắt xe, giữ nhà cho mọi người đang… trộm xăng trong những chiếc xe của mọi người sống ở đây.

Khoan đã, tôi biết các bạn mong muốn biết tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng xin hãy bình tĩnh. Hãy khoan nói đến diễn biến tiếp theo, mà hãy nói đến phản ứng của tôi. Đôi mắt buồn ngủ của tôi tỉnh hẳn, mở to, và miệng tôi cứng như người bị tai biến. Cô nói rằng mặt người đàn ông thảng thốt, và ông ta gần như chết đứng ở đó. Nhưng vì cô cần phải đến giúp bạn mình nên cô đi ngay khi ông ta mở cửa giúp cô. Và tôi đã hỏi sau đó thế nào? Cô nói rằng cô đi thẳng lên phòng mình. Lát sau, cả hai vợ chồng họ cùng đến gõ cửa phòng cô và nắm lấy tay cô nói gì đấy nhưng cô không hiểu gì ngoài từ “xin lỗi”. Cô nói với tôi rằng cô đối với họ không tệ, hằng tháng ngoài tiền thuê nhà, và tiền giặt ủi, lần nào cô cũng đưa dư khoảng một trăm đến hai trăm và thường mua thêm thịt, cá cho họ nếu cô đi siêu thị. Vì cô chỉ sống một mình nên thỉnh thoảng cô mua luôn cho cả họ một ít thức ăn hay rau. Cô không nghĩ rằng họ lại như thế, họ đang trộm từ chính những khách hàng của họ, những người gián tiếp tác động đến tiền lương của họ và cô tự hỏi đây là lần thứ bao nhiêu họ làm điều này.

Và cô lại hỏi tôi, nhưng nhẹ nhàng hơn và không gắt gỏng như trước: “Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Tôi có nên nói cho người chủ nhà thật sự, người đã đứng ra ký hợp đồng với tôi. Nếu tôi nói, có lẽ họ sẽ mất việc, và tôi hoàn toàn không muốn điều đó. Nhưng nếu tôi tiếp tục ở lại, tôi e mình sẽ chết vì mất ngủ, vì tôi không thể tin họ nữa khi mà chính mắt tôi nhìn thấy họ trộm cắp, và làm sao tôi có thể im lặng với tất cả hàng xóm của mình, những người mỗi ngày đều bị lấy trộm như thế. Họ cùng là người nước ngoài đến nơi xa lạ để sống, làm việc như tôi, chỉ có chúng tôi mới hiểu sự khó khăn khi sống ở một quốc gia khác như thế nào? Tôi phải làm sao? Làm sao đây? Xin hãy cho tôi lời khuyên?”

Lần này câu hỏi của cô ấy lại vang lên, không gắt gỏng như mọi khi, rất nhẹ nhàng, lại mang một chút van lơn. Nhưng sao tôi lại thấy nặng lòng thế này. Thà cứ như những lần khác, cứ phàn nàn, la lối um xùm, hỏi tôi gắt gỏng, có lẽ tôi còn thấy dễ chịu hơn lần này. Không biết nỗi buồn có lây lan hay không mà sau đó hai chúng tôi ngồi cạnh nhau nhưng đều im lặng, đâu đó vang lên tiếng thở dài.

“Thất vọng” là từ tôi hỏi cô ấy có cần tôi dạy cách nói bằng tiếng Việt hay không. Nhưng cô nói cô không cần, vì cảm giác của cô giờ đây hơn cả từ đó, cô muốn bỏ việc và quay về Singapore, cô muốn nói với bạn bè mình rằng không nên đến Việt Nam nữa vì nó đã làm cô quá thất vọng. Tôi chợt giật mình, lo sợ và nhanh chóng biện minh theo lối xuẩn ngốc nhất mà tôi từng làm. Tôi đã nói rằng hãy hiểu cho họ, vì có lẽ, chỉ là có lẽ thôi vì tôi không chắc. Vì họ nghèo quá, vì họ ở miền quê xa xôi, có thể họ còn có con, hay cha mẹ già. Tôi nói rằng trong cái nghèo, nó có rất nhiều điều phức tạp, và tôi hy vọng cô có thể hiểu cho họ, và đừng đánh giá người Việt chúng tôi qua tất cả những cái đó. Thế nhưng, câu trả lời tôi nhận được là..

“Tôi biết, tôi hiểu rằng nghèo không phải là một tội lỗi, thậm chí tôi đã rất thương họ khi thấy họ làm việc chăm chỉ mỗi ngày. Nhưng bạn có biết đến lòng tự trọng không? Nếu bạn dùng nghèo để biện minh, vậy lòng tự trọng bạn để đâu? Nó là cái bạn giữ lại cho chính mình, nếu nghèo mà không có lòng tự trọng, đất nước của bạn sẽ mãi như thế này, sẽ mãi không thể khá nổi. Đừng dùng cái nghèo để nói thay tất cả, bạn nghĩ rằng tôi giàu có à, không đâu, tôi cũng chỉ là người làm thuê, có khác chăng vì tôi đến từ nơi phát triển hơn với mệnh giá đồng tiền cao hơn mà thôi, tôi vẫn phải chăm chỉ mỗi ngày nếu không muốn bị đói. Vậy thì tại sao? Tôi coi họ như người nhà, vì chúng tôi cùng sống với nhau, thế nhưng họ lại trộm của tôi, người nhà của họ sao? Làm sao tôi có thể tin tưởng khi tôi đi làm mỗi ngày 10 giờ ở bên ngoài, làm sao tôi ngủ yên khi họ làm những việc đó?

Vấn đề không phải là tiền nữa, mà là sự nguy hiểm, bạn có chắc rằng họ làm thế sẽ không gây hỏa hoạn hay tai nạn? Bạn có chắc rằng nó chỉ là vấn đề nghèo thôi? Ở đây chính là con người, giữa người và người đấy. Hãy nhìn nước Nhật, họ đã từng nghèo, từng đói, từng bệnh tật. Bạn nghĩ nỗi đau của họ là đã nguôi ngoai? Không đâu, đến nay, họ vẫn chưa thể thống kê được bao nhiêu người chết từ hậu quả của hai quả bom nguyên tử và họ đã làm gì để họ được như ngày nay? Đó là nhờ lòng tự trọng đấy.”

Và lần này thì, tôi đã thật sự im lặng hoàn toàn, tôi không tỏ thái độ gì, tôi chỉ nhìn ra cửa sổ, và tôi thấy mặt tôi lạnh toát. Lần này gáo nước lạnh như bắc cực tạt vào mặt tôi, cả người tôi như run lên. Và tôi thở dài, thở dài cho một chuyện chẳng liên quan gì đến tôi nhưng lòng tôi nặng thế này.

Ngày hôm nay tôi đã hỏi rằng cô ấy định sẽ thế nào. Cô ấy bảo rằng cô sẽ tha thứ cho họ, cô không nói với người chủ nhà, nhưng cũng sẽ dọn đi ngay khi cô tìm được nơi ở mới, và cô đã kể cho một vài người bạn của mình đang làm việc tại đây về điều này. Cô nói rằng nếu cô muốn sống ở đây thì cô cần phải quen với những việc này, cô chỉ muốn truyền đạt kinh nghiệm của chính mình lại cho bạn bè của cô, và hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp họ không bị sốc với những điều này.

Tôi cũng chỉ biết im lặng khi nghe như thế, vì tôi đang nghĩ đến số lượng khách du lịch mỗi năm chúng ta bị mất đi. Số lượng người nước ngoài không thể làm việc được và quay về nước, hay số người Việt trẻ ra đi và không muốn quay trở lại vì họ tìm thấy một nơi mà họ cho là tốt hơn.

Thật ra trước đây tôi cũng từng bảo thủ và thầm trách một vài người mà tôi biết rằng họ tài giỏi và tư duy rộng mở nhưng lại ra đi và không muốn quay về. Tôi cho rằng họ ích kỷ, họ không biết cống hiến. Nhưng sao giờ đây tôi lại cảm thấy họ không hề như thế, có chăng họ đã tiếp cận với một môi trường mà ở đó cái tư duy của họ không bị hạn chế, cái nhân sinh quan của họ phù hợp. Bởi theo như tôi thấy thì ở thời điểm này, ngay tại đây, nhân sinh quan của cô sếp tôi không hề phù hợp với điều kiện đất nước ta. Thế nhưng, cái gì cũng phải thay đổi, nhưng quan trọng là thay đổi như thế nào. Một là đất nước ta thay đổi và khiến nhân sinh quan của cô ấy trở nên phù hợp. Hay cô ấy thay đổi để phù hợp với đất nước ta?

Bằng chứng cụ thể là giờ đây cô ấy có thể thoải mái hút thuốc và quăng tàn thuốc xuống chân mà đạp đạp, không thua gì người Việt chúng ta. Trong khi thời gian đầu, tôi thấy cô ấy mang theo cái túi nhỏ, cho tàn vụng vào đấy, rồi tìm thùng rác mà đổ. Nhưng giờ đây, cô thoải mái hút thuốc ở quán cà phê hay một vài nhà hàng có để gạt tàn trên bàn. Đấy, giờ cô ấy có thể như thế, và tôi hỏi, nếu cô ấy quay về Singapore, liệu có “dám” như thế? Câu trả lời là:”Of couse, no.”

Và tôi cúi đầu im lặng…

 

Kachi

Ép học là tội ác

Photo: Brien Aho

Cả nhân loại này đều biết tri thức là sức mạnh, là kho tàng, là châu báu, vậy nên đừng có ai cố chứng minh nó là thật nữa, bởi vì nó đã thật lắm rồi. Tôi cũng như bao người khác, hiểu chứ, rằng phải học mới có thể đem lại hạnh phúc cho chính mình, dù là ở phương diện nào đi nữa. Nhưng tôi sẽ bác bỏ, thậm chí phê phán cái thói nhân danh chính nghĩa để trục lợi một cách không thương tiếc là “ép” con người ta đi học.

Chưa bao giờ tôi nghĩ con người sinh ra “phải học” cả, cũng như phải là thứ gì đó trên đời. Đúng là chuyện học rất quan trọng, quan trọng vô cùng thật đấy, nhưng nếu người ta bị “ép” để phải học, đó là tội ác. Và đừng cố phân biệt giữa tội ác ghê tởm và tội ác nào bớt ghê tởm hơn. Tội ác nào cũng là tội ác cả.

Con người! Nói cho cùng tận, sinh ra để làm gì? Đã lỡ sinh ra trên cái cõi đời này, biết còn để làm gì hơn là để sống cho tốt, để tận hưởng cái cuộc đời này? Và có nhiều người lôi từ đâu ra cái tư tưởng lệch lạc rằng “tận hưởng” là xấu xa, là lười biếng, là hưởng thụ, là đáng chê trách? Có phải vì cái lẽ đó, người ta đã tự tạo thêm một số thứ khác để cảm thấy rằng mình “thần thánh” hơn, rằng mình “người” hơn, rằng mình “đẹp” hơn? Đó là khi người ta bị bắt phải đi học cũng như biết bao thứ khác từ cả thảy các nền truyền thống, văn hóa trên thế giới?

Cả đất nước đang bước vào giai đoạn của chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách giáo dục, của những tiếng than từ các em học sinh, của những góp ý từ các bậc trí thức để đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn hiện tại. Bởi vì sao thế? Bởi vì nền giáo dục của đất nước đã quá cổ lỗ sĩ, coi trọng hình thức, từ nhà tuyển dụng cho đến các bậc phụ huynh.

Không biết kết quả cải cách sẽ ra sao, nhưng tôi tự hỏi, các em sinh ra để làm vật thí nghiệm hay sao? Để rồi nếu thí nghiệm có không may chẳng thành, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các em ư? Cải cách, ngày một nhiều bất cập hơn chứ không hề ít đi. Và tôi thấy các em học sinh tiểu học phải mang những chiếc cặp nặng đến vài ký lô trên cái thân hình bé nhỏ của trẻ em Việt Nam. Một số chịu không nổi, phải mua cặp có 2 bánh xe kéo đi. Tôi không nghĩ chuyện học lại trở nên nặng nề đến vậy, và các bậc phụ huynh phải đưa rước con em đến say xẩm. Không những đưa rước, còn phải lo cho con em vào cấp 1 trường đẳng cấp quốc gia, cấp 2 trường chuyên, cấp 3 trường tuyển, đại học quốc gia.

Chúng ta là những cổ máy, hãy thành thật nhận thức điều đó một cách dũng cảm. Tôi có thể lên lịch cho TV sau 5 phút sẽ tắt, và các bạn sẽ lên lịch cho các em, những đứa trẻ kia, phải học thêm này, phải học ngoại ngữ nọ, phải điểm cao môn kia, phải biết về tin học, phải đậu vào trường chuyên. Rằng bao nhiêu tuổi đậu đại học, tốt nghiệp đại học, làm gì. Tôi đang cố ý nói đến số đông, xin đừng bảo quơ đũa cả nắm. Càng tệ hại hơn nếu bạn nói đó chỉ là số ít.

Chúng ta, những người lớn thật là vô tư và ngày càng thiếu trách nhiệm. Không những thế, chúng ta còn hèn nhát trong việc thừa nhận lỗi lầm của mình khi đem các em ra làm vật thí nghiệm cho cái hệ thống giáo dục ngày càng nhiều bất cập hơn này. Chúng ta thích gửi các em vào nhà trẻ, vào các trường học, thậm chí là trường nội trú, để chúng ta rảnh tay, để chúng ta khỏe, để chúng ta có nhiều thời gian hơn để làm việc, để kiếm tiền, để lo cho cuộc sống của con sau này. Cao cả quá đi, cha mẹ kiếm tiền cho con đi học, con đi học trong sự chán ngán mỗi ngày, trở thành một cỗ máy, một con vẹt, tiền bạc bị phí phạm, công sức lao động để có tiền rốt cuộc bị ngốn hết bởi hệ thống giáo dục ép buộc vô ích này.

Trẻ em bị ép học, đó là một thực tế, và dù bạn có chấp nhận thực tế hay không, nó vẫn là thực tế. Có bao nhiêu trẻ em cảm thấy hạnh phúc khi được đi học, có bao nhiêu trẻ em thấy muốn được chơi thêm, bắn bi, thả diều, vẽ, hát thêm? Đã có ai làm khảo sát chưa? Và đừng cố chống chế với tôi là chúng ta không đủ cơ sở vất chất, bởi vì trẻ em không cần cơ sở vật chất. Vẽ, hát, bắn bi, chơi đùa, không cần phải xây dựng thêm cơ sở vật chất.

Và vì trẻ em bị lập trình bởi những người lớn, chúng trở thành những cổ máy. Chưa bao giờ được tiếp xúc với tâm hồn đích thực hay thiên nhiên vĩ đại. Chưa bao giờ có đủ thời gian để đọc một cuộc phiêu lưu, thay vào đó là những quyển sách giáo khoa đầy tính hàn lâm, giáo điều. Chưa bao giờ gặp những trường hợp đáng để khóc, nước mắt chưa bao giờ được chảy vì cảm động, có chăng là vì đau khi bị té ngã. Và khi những đứa trẻ được nuôi dưỡng như thế, tâm hồn chúng rỗng tuếch, nhưng với cái tâm trí đầy chất chứa, đến mấy giờ là học bài, mấy giờ xem TV, mấy giờ đi ngủ, mấy giờ đến trường. Con người cho đó là kỷ luật, tôi cho đó là những cỗ máy, không thể nào con người lại trở thành cỗ máy được.

Và do đó, ép học làm tâm hồn con người xơ cứng, vì đã mất đi cái bản chất của nó: TÒ MÒ. Bạn không thể bắt tất cả mọi người đều tò mò giống nhau được, hay tò mò cùng một lúc trong ngày được. Càng tồi tệ hơn khi trong những quyển sách giáo khoa không đủ thông tin để giải thích cho tính tò mò đó thay vì những kiến thức trên trời chả bao giờ được ứng dụng.

Rốt cuộc, chúng ta bị ép học, là bởi vì học để dễ sống hơn, kiếm được tiền nuôi miệng, và quanh đi quẩn lại chỉ có nhiêu đó. Tôi cũng bác bỏ luôn cái ý kiến phải lo được miệng ăn của bản thân rồi mới nên học cao lên, bởi vì như thế quá trễ, trẻ em phải được học như những gì chúng thích, nếu không, xem chúng ta có gì, rất nhiều những người lớn đi làm trong sự vô thức, chờ đèn đỏ trong mệt mỏi, chẳng còn tò mò gì về cuộc sống. Điều mà những người mất đi tính ham học không phải chỉ là mất đi kiến thức mà còn là cả sự phớt lờ với thực tại. Bởi vì họ quá mệt, họ không có thời gian nào ngoài làm việc và ngủ.

Con người được giáo dục: Đi học để cống hiến cho thế giới. Và với cái tư tưởng đó, người ta quần quật làm từ sáng tới tối, nhiều người chẳng thích thú gì với việc họ đang làm, giống y như ngày bé họ bị học những gì họ không thích học. Tôi cho rằng sống như thế là vô nghĩa. Nhắc lại quan điểm chính, con người sinh ra không phải để cống hiến cho xã hội, không phải để buộc phải học hành, và tôi luôn trung thành với quan điểm này. Xã hội bị thiếu thốn, mất cân bằng do những thế hệ trước làm nên, và bắt các học sinh phải bù vào, phải cống hiến để cái thế giới đẹp hơn, bởi vì ngay từ đầu nó đã sai rồi.

Người ta sinh ra chả cần phải có thêm tư chất này, phẩm chất nọ, tài năng kia, bởi vì họ đã vốn có sẵn trong người rồi, và đáng buồn là nó đã bị thui chột, bị chôn vùi. Người ta sinh ra chỉ cần được tự do. Với cái tâm luôn tò mò của trẻ em, với những khả năng vô hạn của trẻ em có, hãy để chúng được làm những gì chúng thấy yêu thích. Và thế giới sẽ không cần đến cái khái niệm “cống hiến thế giới”, “trách nhiệm quốc gia” gì cả. Khi trẻ em được tự do, được khuyến khích phát triển, được làm những gì chúng yêu thích, thế giới sẽ tự khắc được xoa dịu, và từ đó không cần phải cố gắng để sửa chữa những lỗi lầm vớ vấn mà trước giờ con người vẫn sinh ra.

Chả có chuẩn mực nào cho việc phải đến trường, phải có bằng cấp hay phải học để cống hiến gì ở đây cả. Thế nên, đừng sống theo cách bắt ép để rồi tước đi tự do của trẻ em.

Ép học là tội ác, tội ác với trẻ em, và đó là lý do gây nên sự rối loạn của thế giới…

Xin đừng tiếp tục như thế nữa!

-Lục Phong-

Xem thêm:
1/ Heal the world – Michael Jackson (Bài diễn lớn nhất ở sân vận động 1993)

2/ Cậu bé 9 tuổi không đến trường

Đảo xa xứ và giấc mơ đắng

Featured Image: Viet Anh

 

Nhìn facebook của chính mình, của bạn, cô bé cũng thấy hay hay, một cái gì đấy rực rỡ, và rạng ngời của tuổi trẻ, đi khắp nơi, làm bạn với thế giới, đến những miền đất mới và học ở ngôi trường “tiếng tăm” tí, “đắt đỏ” tí, và mang chút hư danh: Du học sinh.

Nhưng thế thì đã sao, bởi facebook, báo chí không mang vị nước mắt, không mang mùi đắng cay nơi xứ người

Du học, một thời đã ước mơ đến cháy bỏng, để những đêm dài hì hụi, với bài tập, với kỹ năng, và hoạt động xã hội. Dù sao thì, đã có một thời, du học là một thứ xa vời, một thứ hạnh phúc “viễn vọng” của những kẻ chưa đi. Nhưng chính vì thế, những kẻ du mục kiếm tìm hoang đảo nơi xứ người mới mạnh mẽ hơn tất cả, họ vượt qua sa mạc, qua bão cát và đến được mảnh đất có nước suối nguồn của tinh hoa trí tuệ.

Xong thì sao, đến được được đó rồi sao

Trên đảo xa xứ, sao đêm lặng lẽ đưa cô bé về với một miền nỗi nhớ. Nhớ vòng tay của mẹ, nhớ tiếng mẹ cằn nhằn mỗi sáng vì dậy muộn, vì không kịp ăn sáng, vì bàn học và giường ngủ là một đống hỗn độn đầy quen thuộc. Nỗi nhớ đau thắt để trưởng thành, để tự lập. Bố sẽ không còn là “vật hy sinh cuối cùng”, giải cứu con gái khỏi cơn lạnh tanh bành mỗi sáng của mẹ già nữa. Sẽ không còn ai để cô bé năn nỉ ỉ ôi: “Đưa con đi học nốt lần này thôi, bố ơi, con bị muộn rồi…”

Đảo xa xứ là bài học đầu tiên của sự sinh tồn. Là khi mới đến với những lần đau quặn người vì đồ ăn không hợp, vì khí hậu khắc nghiệt. Không người quen biết, không ngôn ngữ,… là nhớ mẹ, nhớ bố mà tủi thân thều thào thứ ngôn ngữ bản địa chỉ với hai từ xin chào và xin lỗi để giao tiếp. Và cuối cùng thì vẫn là cô bé tự mình vác xác đến trung tâm y tế, chứ đâu còn mẹ với bố tất bật mỗi sáng mà ỉ ôi nữa!

Đảo xa xứ là: “Ước muốn cho thời gian trở lại, để rồi mai chia xa lòng chợt mong nhớ thiết tha, nhớ bạn bè nhớ mái trường xưa.” Những cánh chim trời đưa cô bé lại trường xưa, với bằng lăng tím và hoa phượng đỏ. Cô bé muốn, lại là cô trò nhỏ, ríu rít với bạn, từ khi sớm tinh mơ, buộc áo dài và xách dép lên chạy cùng nhau cho kịp giờ học; cho đến lúc tối muộn, vẫn hì hụi cùng nhau chiến đấu với từng đồ thị, từng anh chí phèo. Những lớp học đêm, căng thẳng đến mục não, nhưng vẫn thấy cuộc đời thật đẹp sao. Đời học trò của cô, con ngoan trò giỏi, học đến điên loạn nhưng cũng quậy điên đảo trên sân bóng ngày mưa, hay dọa ma các bạn trai xinh đẹp trong nhà vệ sinh một tối muộn nào đấy.

Nhưng trên đảo du học, cô bé nhìn thấy, thế giới thật xa lạ. Cô có bạn và vui vẻ. Nhưng đâu đó, vẫn là sự cạnh tranh đến khốc liệt trong từng lớp học. Sẽ không còn là học cùng nhau, cùng tiến lên. Mà là đối thủ, hoặc là trở thành kẻ đứng đầu, hoặc trở thành người thất bại khi trong lớp bắt buộc phải 30% hứng trên đầu điểm C D, 30%B và A+ thì phải là tốt nhất … Sẽ không còn là niềm vui đến rung ring được bạn lớp toán kèm từng bài một, hay vui vẻ chọc cho cậu bạn lớp hoa phát điên lên vì làm rối tung các công thức lên. Thế nhé, du học trên đảo xa xứ là cạnh tranh lắm đấy, sứt đầu mẻ trán để thành người thắng cuộc!!

À hoang đảo hoa lệ kia còn là những bước đầu tiên vào thế giới người lớn. Sẽ không còn bác hàng xóm già tốt bụng với nụ cười hiền hòa nữa, mà là cuộc sống ký túc và đại học đầy màu sắc tuổi trẻ. Ấy sẽ là lúc, thật giả, đen trắng lẫn lộn. Bài học niềm tin 99% cho người, 1% giữ lại bảo vệ chính mình. Khi bạn bè đến từ mọi ngách của thế giới, không phải họ xấu hay ta xấu, mà là văn hóa khác biệt. Bạn và bè không còn là những cô bé cậu bé cấp ba trong sáng nữa, mà họ biết quy luật sinh tồn, kẻ mạnh và chiến thắng, kẻ yếu và những ám ảnh. Những đứa trẻ được bao bọc, khi ra đời sẽ thấy đắng cay lắm thay tuổi trưởng thành!

Nhưng đảo hoa lệ, cũng là miền đất phì nhiêu cho cây nhỏ lớn lên, và cô bé cũng vậy. Dù đi học, khắc nghiệt lắm thay, cô đơn và buồn tủi lắm, nhưng cô bé thấy được điều kì diệu của giáo dục. Muốn đi nhiều hơn, học nhiều hơn và giúp đời nhiều hơn. Cô bé hiểu nền giáo dục chân chính làm cho người ta hoàn thiện và sống nhân ái hơn. Dù nhiều lúc, tức lắm, bạn quốc tế không hiểu mình, bị phân biệt vì đến từ nước thứ ba,… nhưng cô bé vẫn luôn tự nhủ, phải tin vào những điều tốt đẹp. “Return Society” là những gì cô tự nhủ từ những ngày đi học ở đảo hoang. Vì được học cái mình thích, tim cô đập loạn nhịp. Cô biết mình được may mắn hơn bao người khác, và lần đầu tiên, ước muốn lớn hơn tất cả mọi thành công là trẻ em quê mình có thể đi học và được làm cái mình thích như cô.

Bản nháp những dư án nhỏ cho một ước muốn ấy đang dần hoàn thiện, cô bé thấy một niềm vui rung rinh mỗi ngày vì học thật nhiều thứ, và những thứ mình học, nhất định sẽ giúp được cho các em í.

Đang mùa thi, cô bé vật vờ không ngủ la lê học bài từ phòng học, đến phòng sinh hoạt chung, phòng giặt đồ … mà không dám về phòng vì sợ ngủ quên mất! Hôm kia cô bé cũng vừa khóc lóc chỉ vì hồn nhiên như con điên đi hỏi bài như ngày cấp ba (không phải giờ thi và không cùng lớp nhé), mà không cân nhắc kĩ nên đã gây họa!!! Mùa thi đầy máu còn chưa hết, tức là còn nhiều cái khó lắm! Thế nhưng mà, vẫn có những cái hay ho bé bé của những đứa sinh viên, có những đứa 2,5 ngày không tắm? Có những survey hỏi đi hỏi lại: “Mày có muốn tự tử ko, mày có kế hoạch tự tử chưa?” Nghĩ mà cũng khổ thân mấy bác counseling mỗi mùa thi!

Đang hì hụi học lịch sử thế giới, thế nhưng cô vẫn vui vui, vì thật tuyệt vì được học những cái mình thích! Thế nên, đảo xa xứ và những giấc mơ đắng là thế, quả có thể ngọt nhưng hạt và nhành cây trên đảo nhất định đắng!

Dù sao thì, du học, là lựa chọn không tồi, để hiểu và yêu thế giới này hơn, để trân trọng từng phút đang sống, nếu nhỡ sau này cô sẽ đi làm, lại nhìn về thời đại học trên đảo này như bây giờ nhìn lại tuổi học trò thì sao nhỉ, thì sẽ thấy, ôi nhiều nước mắt, tủi thân lắm, cơ mà cũng nhiều lắm những yêu thương và hi vọng!

Những kẻ qua hoang đảo, sẽ nỗ lực để tìm đường về với đất liền, hoặc lên trời! Như các chú NASA í. Thế nên mới bảo, chúng không giỏi, không thông minh hơn người khác, mà chỉ là chúng đã chiến đấu và nỗ lực gấp đôi gấp ba, đánh đổi rất nhiều thứ để làm tốt những gì chúng đã mơ!

 

Little Tree ở Đảo xa xứ!

Du học – “Đi đi, đừng về!”

Featured image: Bob Jagendorf

 

Đây là những tâm sự thật của một bạn du học sinh Mỹ hiện đang ở Việt Nam hè 2014. Tôi quyết định giấu tên người chia sẻ câu chuyện này.

Góc nhìn Việt Nam: “Đi Mỹ được rồi, về làm gì?”

“Tôi năm nay 21 tuổi, đang du học tại Mỹ. Kết thúc 4 năm Đại học, tôi muốn về Việt Nam. Nhưng ai cũng ngăn cản: “Đi đi, đừng về!”

Bố mẹ tôi làm trong ngành y. Hai người bắt đầu nói về chuyện du học và định cư tại Mỹ khi tôi mới học 11. Mẹ thường hay kể công việc hằng ngày tại bệnh viện, để tôi hiểu lời hối thúc “đừng về Việt Nam” bắt nguồn từ 20 năm sống trong bức xúc của mẹ:

“Bệnh viện của mẹ có một bác giám đốc lên chức từ những năm 80. Kể từ đó, bác đã cho không biết bao nhiêu họ hàng từ Bắc, Trung vào làm hộ lý, điều dưỡng, kỹ thuật viên,… Với “quyền lực mềm” của giám đốc, bác chỉ nói một tiếng, có anh trưởng khoa nào không dám nhận người? Toàn con ông cháu cha. Còn những sinh viên chính quy, nắm tấm bằng Đại học, phải trầy trật khổ sở để được bước chân vào cổng viện. Không chỉ ở đây, mà bất cứ nơi đâu tại Việt Nam này cũng có “quyền lực mềm” giống thế hoặc hơn thế. Nhiễu nhương lắm. Hách dịch lắm. Về làm gì hả con?”

Khi không thuyết phục được tôi, ba mẹ viện đến dì. Dì bảo: “Dì hiểu là con muốn về Việt Nam để cống hiến. Nhưng, ở nơi này, tài năng của con không có cơ hội phát triển. Tìm cách định cư đi. Khi đã có kinh tế, con muốn làm gì cho quê hương mà chẳng được!” Không chỉ bố mẹ, dì, mà các bác đang sống ở Mỹ đều đồng ý với quan điểm ấy.

Lăng kính Mỹ: “Lý do nào để quay về quê hương?”

Trong vòng tròn bạn bè của tôi, chỉ ra ai không muốn về Việt Nam thì rất dễ. Còn tìm người quyết tâm trở lại thì thật khó khăn. Nhiều bạn lưỡng lự, không ai dám chắc chắn hai chữ: “Sẽ về!”

Tôi có một cô bạn thân đang học ngành Công nghệ thực phẩm. Cô bảo: “Ngành mình học, về nước không xài được. Còn đường ở Canada thì rộng mở. Mình không muốn trở về để chật vật kiếm một chỗ làm sau 4 năm vất vả!”

Một người bạn khác chia sẻ: “Từ lúc quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, mình đã biết. Tại Việt Nam, mình sẽ không làm được.”

Một chị theo học kinh tế thì bảo: “Đơn giản chị không muốn!” Chị đang đi thực tập rất nhiều nơi, kiếm tìm một chỗ tài trợ visa cho mình.

Anh bạn học kỹ sư hóa, vừa apply thạc sĩ thành công nói với tôi: “Anh thích nghiên cứu khoa học, Việt Nam sao có đất cho anh? Về ư? Anh không thể.”

Những thằng Mỹ thì hỏi thẳng vào mặt tôi: “Tụi mày từ Việt Nam đến đây học, thụ hưởng văn hóa của tụi tao, thụ hưởng cả những đồng tiền bố mẹ tao còng lưng đóng thuế. Học xong mày phủi tay quay về nước, thế thì có công bằng với tụi tao hay không?”

*

Giữa dòng ý kiến “Đi đi, đừng về!” dữ dằn như thác lũ đẩy tôi lùi lại, tôi nhìn về quê hương, cố gắng tìm một lý do cho mình quay lại. Nhưng tìm hoài mà không thấy. Chưa bao giờ sách giáo khoa nói về những cái cúi đầu của chúng tôi trên đất Mỹ, vì nỗi tự ti quê hương thua kém hơn, mà chỉ bảo: “Nước ta rừng vàng biển bạc.”

Chưa bao giờ chúng tôi được dạy về “trách nhiệm công dân”. Chúng tôi chỉ học ganh đua điểm số, chứ không học cách cùng nắm tay nhau mà đi xây dựng đất nước.

Chưa bao giờ bố mẹ nói tôi phải có trách nhiệm với Việt Nam, mà chỉ nói: “Đừng về để dẫm vào đường cụt. Trên mảnh đất này, người tài không có cơ hội. Vì tương lai của con, hãy đi đi!”

Việt Nam ơi, người có cho tôi một lý do để trở về?”

 

Đỗ Thanh Lam

Ngừng việc so sánh bản thân với người khác?

Featured Image: Photography 23

 

Có lẽ phần lớn chúng ta thường hay ghen tị với thành công của người khác. Có thể bạn không nhận biết về điều đó, tuy nhiên chúng ta thực sự như vậy. Hoặc ít nhất chúng ta thường so sánh bản mình với những người khác. Anh ta giàu hơn tôi, bạn gái xinh hơn bạn gái tôi, anh ta học giỏi hơn tôi, công việc ngon hơn, may mắn hơn tôi hay avatar facebook nhiều like hơn của tôi.

Không chỉ chúng ta so sánh mà bố mẹ thường so sánh hộ chúng ta, và nhân vật hay được đem ra so sánh nhất vẫn là “con nhà người ta”. Và tất nhiên, chúng ta chẳng bao giờ làm ngược lại được “bố mẹ nhà người ta” 🙂 Thực ra bố mẹ so sánh con cái mình với con cái nhà người ta cũng chỉ là so sánh cho chính bản thân họ.

Tại sao chúng ta hay so sánh? Chịu. Tôi cũng không rõ, tuy nhiên thực tế thì sự so sánh đó thường không tốt lành gì vì nó hết sức vô lý và sẽ gây ra tâm lý không tốt chút nào. Đồng ý rằng việc so sánh với người khác sẽ là động lực thúc đẩy sự đi lên của cá nhân và xã hội. Chẳng hạn như khi thấy một người nào giàu có, bạn cảm thấy ghen tị và muốn đạt được cuộc sống thành công như họ, đó là động lực làm giàu của bản thân. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ nhấn mạnh vào một số khía cạnh tiêu cực và vô lý mà một số so sánh đem lại.

Chúng ta thường so sánh những thứ dễ thấy

Vì nó đập vào mắt, não chúng ta nhận biết dễ dàng mà không cần tư duy. Ví dụ như nhà cửa, quần áo, điện thoại, xe cộ… hay thậm chí số lượng like trên facebook. Tuy nhiên, những giá trị “bề ngoài” đó không phải lúc nào cũng là những sự đo lường tốt nhất. Bạn nghĩ sao về một người nào đó mà chỉ suốt ngày chăm chăm so sánh vẻ bề ngoài hay các giá trị vật chất của mình với người khác?

Chúng ta thường so sánh những thứ kém nhất của mình với những thứ tốt nhất của người khác

Bạn sẽ luôn thua trong một cuộc so sánh với người khác vì chúng ta luôn có xu hướng đem những thứ kém nhất của chúng ta để so sánh với những thứ tốt nhất của người khác. Nếu bạn là một họa sĩ, bạn sẽ không bao giờ giỏi về máy tính như những anh chàng học về CNTT. Và tất nhiên anh chàng kia không vẽ đẹp bằng bạn rồi. Đó là chuyện đương nhiên.

Vì thế đừng buồn nếu bạn không có một vẻ ngoài hấp dẫn, bạn có tài ăn nói hơn khối người. Hoặc nếu thấy ai đó vừa đẹp trai/xinh gái, vừa khéo léo, vừa học giỏi hay công việc tốt, thì không có nghĩa đó là một người tốt bụng và biết cư xử hơn bạn. Chúng ta luôn có xu hướng hoàn thiện bản thân. Thực tế, bạn luôn có một số điểm hơn người khác mà bạn không có được và cần nhìn vào những điểm mà chúng ta có thể tự hào.

Chúng ta thường quên đi sự cố gắng của người khác

Bạn có thường hay ghen tị với sự thành công của người khác? Không phải là Bill Gates hay Steve Jobs, chúng ta chỉ nói về người trên Trái Đất thôi :), ý tôi là những người bạn quen biết và giờ đây thành công hơn mình.

Có thể bạn không biết, cơ mà họ đã thực sự cố gắng để có được những thành công hôm nay. Họ chỉ không để bạn biết thôi, họ không cần phải rùm beng lên cho thế giới biết rằng họ học/làm việc 16 tiếng/ngày hay họ đã hi sinh những gì. Trong khi bạn đang tung tăng mua sắm thì họ làm việc. Đó là lý do tại sao họ có thành công như hôm nay còn bạn thì không.

So sánh không phải mục đích

Việc so sánh chẳng có tác dụng gì cả vì cuộc đời không phải là một cuộc đua mà chúng ta cần phải vượt lên trên 50% dân số thế giới. Trên facebook hay có những status, những bài chia sẻ dạng kiểu: “Nếu bạn đủ ăn thì bạn đã sướng hơn bao nhiêu triệu, tỷ những người ở Châu Phi rồi đấy.” Bạn cứ sống tốt với bản thân, cố gắng mỗi ngày là được.

Việc so sánh làm mất đi niềm vui của bạn

Mỗi người đều có những mỗi quan tâm riêng, niềm vui riêng, cuộc sống riêng. Tại sao bạn phải bận tâm vì người khác hơn bạn một số điều mà mình không hề quan tâm? Trong mỗi người đều có một chút ích kỷ, và đôi khi chúng ta thấy việc ngừng so sánh với người khác có chút khó khăn. Tuy nhiên, khi không còn quan tâm tới sự thành công của người khác nữa mà tập trung vào đam mê của mình, bạn sẽ thấy cuộc sống rất thoải mái.

 

Cuong Tran

Cuộc sống

Photo: Nguyễn Quỳnh Anh

 

Trong cuộc sống con người luôn có nhiều điều phải lo nghĩ, nhiều cảm xúc đan chen mỗi ngày! Ai cũng có thể vui cười hay mạnh mẽ, nhưng trong một khoảng trống tâm hồn ai cũng cần được thương yêu và chia sẻ, và đó là những lúc người ta sống thật với những cảm giác của mình!
Một cái nắm tay thật khẽ, một lời khuyên, hay đơn giản chỉ là một ánh nhìn cũng làm cho ta cảm thấy ấm lòng những lúc mệt mỏi, chán chường, những lúc muốn từ bỏ cả mọi thứ trong cuộc đời, chợt có một bàn tay kéo ta lại, làm cho ta thấy cuộc sống này còn gì đó để lưu luyến…

Người ta thường bảo: Bạn không cần làm ánh mặt trời của mọi vật, chỉ cần là vũ trụ của  một người là đủ! Ừ thì, cũng có những lúc xung quanh thật nhiều người, nhưng lại cảm thấy thật trơ trọi, thật lẻ loi, và càng muốn thu nhỏ mình lại như một chú ốc sên trong chính cái vỏ của mình!

Có những lúc ta luôn so sánh với những người xung quanh ta, cảm thấy mình thật tệ, thật nhỏ bé và thật tự ti, cũng tự hỏi không biết mục đích sống của mình là gì. Nhưng đôi khi, khi ta đã xác định được hướng đi của mình nhưng vẫn không thể bước đi theo hướng đó vì những người xung quanh ta, kể cả những người thân yêu cũng không thể hiểu và đồng tình với những gì ta đã chọn, ta cảm thấy suy sụp tinh thần, tự hỏi “mình làm vậy có đúng không, nên đi tiếp hay dừng lại?”

Với những mối quan hệ trong cuộc sống, ta gặp và quen nhiều người, có những người chỉ để xã giao, có người chỉ nói việc học hành, cũng có người ta kể hết mọi tâm sự, mọi mệt mỏi của cuộc sống chính mình, ta sống hết lòng vì mọi người, mọi việc ta gặp phải. Nhưng cũng có lúc, khi thấy một phản ứng ngược lại những gì ta nghĩ, hay khi người khác không hiểu đúng về mình làm ta thất vọng, mất hết niềm tin và tự hỏi mình sống vậy có đúng không, có đáng không hay chỉ là một tên ngốc, một trò hề của một ai đó!

Những câu hỏi luôn đặt ra trong lòng trong mỗi chúng ta, mỗi khi gặp phải việc gì đó trong cuộc sống nó lại làm cho tâm trạng chúng ta xáo trộn, không biết đâu là hướng đi trong cuộc sống này! Để rồi có lúc ta lại thốt lên: Phải chi là một đứa bé, lúc nào cũng còn nhỏ để có thể cười khi vui, khóc thỏa thích khi muộn phiền, vô tư làm những gì mình muốn mà không cần để ý đến cái nhìn của những người xung quanh!

Ừ thì, cuộc sống vốn dĩ là vậy! Luôn mệt mỏi, luôn có nhiều nỗi buồn, niềm vui xen lẫn, có nhiều việc cần phải làm, phải nghĩ, nhưng nó cũng có lúc làm ta hạnh phúc, nó giúp ta vẽ nên nhiều gram màu cho bức tranh cuộc sống của mình!

Nếu có những lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ tất cả và không muốn đối diện với những thứ xung quanh mình, bạn hãy dừng lại, đi đến một nơi nào đó, có thể là một mình hay tìm đến một ai đó thật sự hiểu bạn để tâm sự, họ có thể cho bạn một niềm tin, một sự cảm thông và nâng bạn lên những chông chênh của cuộc đời, để bạn có thể bình tâm lại suy nghĩ, bình tâm lại nhận ra chính mình và nhận  rằng cuộc sống này không chỉ có một mình bạn lẻ loi, mà bên cạnh bạn còn có những người thật sự hiểu và thương yêu bạn!

 

Hồng Liên Thanh

Bàn về trách nhiệm

 Featured Image: Pushp Deep Pandey

 

Chú ý: Tất cả những nội dung dưới đây thể hiện quan điểm và tư tưởng cá nhân của tác giả, chứ không phải một sự khẳng định chân lý nào cả.

1. Trách nhiệm là:

+ Việc trả lời hoặc/và đưa ra hành động khi được yêu cầu hay khi cần thiết về một điều gì đó.

Ở đây chú ý đến việc định nghĩa về trách nhiệm không mang hàm nghĩa đúng/sai hay tốt/xấu nào. Nó đơn thuần chỉ là một hành vi, một lựa chọn của con người như bao hành vi, lựa chọn khác diễn ra hàng ngày. Nó cũng không bị hạn chế trong một bối cảnh nhất định nào cả.

Với cách hiểu như trên, trách nhiệm không nhất thiết phải là một gánh nặng hay một cái gì đó quá trừu tượng. Từ việc uống nước khi khát, thay tã khi con tè dầm, hay nhấc điện thoại khi có chuông reo, cho đến việc quyết định xem mình sẽ làm công việc gì, vào đại học nào, hay đưa ra những quyết sách, chỉ thị để giải quyết các vấn đề trọng đại quốc gia đều là các ví dụ về trách nhiệm.

2. Nhận trách nhiệm về mình đối với một vấn đề/công việc tức là:

+ Coi bản thân là chủ thể trong vấn đề/công việc đó chứ không phải là một yếu tố bên ngoài. Đồng thời chủ động và tích cực đưa ra hành động và kết quả chứ không bỏ mặc, chờ đợi, hay đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài.

Ở đây chú ý đến việc hành vi nhận trách nhiệm là một hành vi tự giác, xuất phát từ bản thân chứ không phải là từ tác động bên ngoài, mang tính chủ động chứ không bị động. Điều đó có nghĩa là nó có thể diễn ra đối với một vấn đề/công việc nào đó trước mắt, chứ không chỉ sau khi một sai lầm/thất bại nào đó đã diễn ra. Đồng thời nó cũng không chịu sự chi phối hay hạn chế của các yếu tố bên ngoài như các mối quan hệ xã hội hay các nền tảng luật pháp/đạo đức/văn hóa/truyền thống/tôn giáo. Thêm vào đó, hành vi nhận trách nhiệm có hai mặt là tư tưởng và hành động. Trong đó, mặt tư tưởng đóng vai trò quan trọng và đi trước dẫn đến hành động. Tuy nhiên chỉ khi có đủ cả hai mặt này thì mới có thể coi là đã nhận trách nhiệm một cách hoàn chỉnh.

Ta có thể lấy ví dụ về một anh nhân viên quèn trong một công ty nào đó. Công ty không có ai biết về máy tính, nhưng anh ta thì lại có hứng thú với máy tính dù chuyên môn có thể khác. Khi có ai đó gặp khó khăn về máy tính đến hỏi, anh ta đều vui vẻ nhiệt tình trả lời và giúp đỡ. Như vậy là anh ta đã nhận trách nhiệm đối với việc giúp đỡ mọi người xung quanh về vấn đề máy tính. Xa hơn nữa, anh ta có thể tự mang cho mình vai trò và quyền hạn quản lý toàn bộ mạng máy tính công ty, từ đó đề xuất các giải pháp mới để cải thiện chất lượng công việc, hoặc cấm đoán mọi người thực hiện một số thao tác máy tính nhất định, dù không bổ nhiệm hay giao phó cho anh ta cả. Tất cả đều là các dạng khác nhau của việc nhận trách nhiệm.

Trong một ví dụ khác, giả sử anh nhân viên kia không biết gì về máy tính nhưng lại bị sếp giao cho việc phụ trách mạng máy tính công ty. Anh ta có thể cảm thấy đây không phải công việc của mình, hoặc đơn gián là anh ta không thích, và do đó thực hiện công việc một cách chểnh mảng, hoặc thực hiện tốt nhưng một cách miễn cưỡng. Trong trường hợp đó anh ta đang không nhận trách nhiệm đối với công việc quản lý mạng máy tính công ty. Ngược lại, nếu sau khi được giao công việc, anh nhân viên kia quyết định sẽ làm tốt việc được giao và bắt đầu tự mình tìm tòi học hỏi về máy tính, thì như vậy là anh ta đã nhận trách nhiệm đối với công việc của mình.

3. Trách nhiệm và tự do đi liền với nhau

+ Nhận trách nhiệm sẽ đem lại sự tự do về tư tưởng và hành động. Ngược lại muốn có tự do thì cần phải sẵn sàng nhận trách nhiệm về những hệ quả nảy sinh.

Ở đây ta nói đến “tự do” trong tư tưởng của bản thân, chứ không phải tự do theo nghĩa không có ràng buộc pháp lý hay xã hội. Con người ta cảm thấy không được tự do khi không được làm theo như mình muốn. Nhưng một người khi đã nhận trách nhiệm về một việc gì đó, tức là đã coi bản thân là chủ thể quyết định mọi yếu tố khác. Khi đó mọi việc người đó làm đều là vì người đó muốn, và mọi việc người đó muốn thì người đó đều có thể làm. Do vậy người đó sẽ cảm thấy được “tự do”. Có quan niệm cho rằng trách nhiệm càng nhiều thì tự do càng ít, nhưng việc cảm thấy không được tự do thực chất chính là không muốn nhận trách nhiệm. Mọi hành động, mọi quyết định có ý thức đều là thể hiện của ý chí tự do và đi kèm là trách nhiệm. Việc nhận trách nhiệm đến đâu, đồng nghĩa với cảm thấy tự do đến đâu, hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân và cũng là một trách nhiệm/tự do của mỗi người.

Ta hãy thử xét một ví dụ cực đoan. Một người bị kẻ xấu dí dao vào cổ đòi tiền. Anh ta có thể cho rằng mình không có tự do lựa chọn và do đó bắt buộc phải đưa tiền cho kẻ kia. Nhưng thực sự đó chỉ là một lý do cho việc anh ta không muốn nhận trách nhiệm đối với việc đưa tiền cho kẻ xấu. Anh ta không muốn phải suy nghĩ xem còn lựa chọn nào ngoài đưa tiền không. Anh ta không muốn làm chủ thể mà chỉ muốn làm nạn nhân. Trên thực tế anh ta có đầy đủ tự do để đưa quyết định của riêng mình: Tri hô, giằng co, chây lỳ, từ chối, thậm chí là tự cứa cổ vào dao, v.v.. Kể cả khi anh ta quyết định đưa tiền dù với bất cứ lý do nào đi nữa, nếu anh ta nhận thức được quyết định đó là của bản thân, và sau đó không hề hối hận hay kêu ca, thì đó cũng là một quyết định của ý chí tự do và anh ta đã nhận trách nhiệm đối với quyết định của mình. (Lưu ý rằng ở đây không hề có ý ám chỉ việc nhận trách nhiệm là tốt và chịu làm nạn nhân là xấu)

4. Đúng sai và trách nhiệm là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt

+ Nhận trách nhiệm không có nghĩa là sai, và không sai không có nghĩa là không cần nhận trách nhiệm.

Như đã nói ở trên bản thân trách nhiệm và việc nhận trách nhiệm không mang hàm nghĩa đúng/sai hay tốt/xấu nào. Đồng thời việc nhận trách nhiệm cũng là một tự do. Do đó bất luận là khi tranh luận hay khi đối chiếu với các chuẩn mực bên ngoài, một kết luận đúng/sai không nhất thiết là lý do dẫn đến hành vi nhận trách nhiệm. Việc “phải nhận trách nhiệm” hay “có trách nhiệm” theo cách nói thông thường đơn thuần chỉ là “được trông đợi sẽ nhận trách nhiệm”. Tuy đa số trường hợp đi kèm theo là các ràng buộc pháp lý hay xã hội, nhưng đó cũng vẫn chỉ là một trong các yếu tố được xét đến trong việc quyết định có nhận trách nhiệm hay không. Vì vậy, điều quan trọng không phải là tranh cãi hay suy nghĩ xem “có phải nhận trách nhiệm hay không”, mà là quyết định xem “có nhận trách nhiệm hay không”. Tuy nhiên cần chú ý một điều là không ai muốn giao trách nhiệm cho người không muốn nhận trách nhiệm, dù người đó đúng hay sai.

Ta có thể lấy ví dụ về anh chàng nhân viên được giao công việc quản lý mạng máy tính. Một ngày đẹp trời sét đánh trúng công ty anh ta và toàn bộ dữ liệu máy tính của công ty được nướng thơm lừng. Sau đó công việc công ty đình trệ nặng nề do không có phương án dự phòng dữ liệu. Anh ta có thể nghĩ trong đầu rằng đó là tai nạn bất khả kháng, hay anh ta không phải người trong nghề thì chỉ làm được đến thế thôi. Tuy nhiên dù anh ta có đúng đến đâu, thì mọi người xung quanh vẫn có thể sẽ trông đợi anh ta nhận trách nhiệm, và rất có thể sẽ tin tưởng hơn, đánh giá cao hơn, giao phó nhiều trách nhiệm hơn cho anh ta nếu anh ta chủ động đứng ra nhận trách nhiệm. Do đó, một quyết định có trách nhiệm về việc có nhận trách nhiệm hay không sẽ dựa trên kết quả đánh giá mức độ kỳ vọng của mọi người xung quanh và lợi ích tiềm tàng từ việc nhận trách nhiệm, chứ không phải là lý lẽ đúng sai.

5. Kết luận:

+ Hãy ý thức đến việc nhận trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày để được tự do về tư tưởng và hành động, bao gồm cả việc nhận trách nhiệm đối với việc quyết định xem có nhận trách nhiệm hay không.

Xin hoan nghênh mọi sự đóng góp/chất vấn/cảm tưởng về bài viết và đề tài.

 

Hawkie

Lòng tốt rất cần sự dũng cảm, mạnh mẽ, và dứt khoát

Featured Image: Erika Groeschel

 

Nhà bạn có chuột không? Không sao, bạn cứ cười cho câu hỏi có phần ngớ ngẩn của tôi đi. Là vì có những ngôi nhà sạch sẽ tiện nghi, chủ nhà sẽ kinh khiếp mà nghe nhắc đến tên loài vật này. Còn những ngôi nhà ẩm thấp, hở trước trống sau, thì chắc thế nào cũng có, chỉ là nhiều hoặc ít. Nhà tôi không cao sang, cũng chẳng đến độ toang hoác trước sau, ấy thế mà thỉnh thoảng lại có vài chú mon men ở nhờ.

Tôi đọc đâu đó rằng, những ai sống chung một mái nhà, chắc chắn là có mối quan hệ nào đó với nhau, do họ có duyên với nhau từ muôn nghìn năm trước, như mối dây ràng buộc giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu… Các bạn thử ngẫm mà xem, ngoại trừ những mối quan hệ giữa người với người, đôi khi, người ta còn nói chú chó này, cô mèo nọ, có duyên mới được vào ở nhà chủ này chủ kia; chứ chưa có ai nói, lũ chuột này kia, có duyên với nhà này nhà nọ. Tôi lại nghĩ như thế đó. Tại sao lại không? Chúng ta cứ quen nghĩ chuột là chuột, nhiều lắm là chuột to chuột nhỏ, ngoại trừ những chàng và nàng chuột bạch xinh đẹp, ai biết được trong thế giới của chúng cũng có chuột A, chuột B, chuột C… gì đó.

Tại sao con chuột này nó vào nhà tôi mà không vào nhà bên cạnh, tại sao nhà khác có con chuột khác chứ không phải là con chuột đã vào nhà tôi? Tóm lại, sự gặp gỡ giao thoa, nhìn thấy nhau giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, kể cả con người với động vật, đều là căn duyên cả. Ồ, tôi không rành về thuyết lý tôn giáo gì đó đâu. Nhưng bạn hãy trả lời tôi, bạn sẽ làm gì khi chuột vào nhà bạn? Ngớ ngẩn. Ai chả biết chuột là lũ phá phách, có hại, mầm mống bệnh dịch, phải bẫy chúng đi. Than ôi, tôi rất yếu tay, gan lại nhỏ, nên khi một chú chuột rột rẹt trên gác mái, tôi đã lắc đầu, đêm đêm cho ít thức ăn vào cái chén đặt góc nhà, nghĩ nó đói cũng tội. Chắc vì tôi cầm tinh con chuột nên tôi nhân từ với nó chăng? Tôi không biết.

Có thể tôi đã sai khi làm chuyện đó. Vì “đất lành chim đậu”. Chẳng bao lâu sau, tôi thấy chúng lừng lựng đi ra đi vào, rất là đủng đỉnh nhé, như tôi là kẻ ở trọ chứ không phải là chúng vậy. Không biết bao nhiêu đứa, mà đêm nào chúng cũng rần rật đuổi nhau trên nóc mái nhà. Chẳng đặng đừng, để bảo vệ cuộc sống của mình, tôi phải đi chợ mua cái bẫy.

Đến đây, tôi lại có câu hỏi, bạn sẽ xử trí thế nào với những chú chuột đã lọt bẫy? Sẽ không ít bạn bảo tôi rằng: “Hâm à, cái thứ có hại thì giết đi, để làm gì.” Đúng quá. Chúng ăn tất tật thức ăn mà bạn để hở, chúng gặm nhấm áo quần, có hôm tôi gài hộp thức ăn bằng xốp để thử xem chúng sẽ ăn bằng cách nào, lọ mọ mà không ăn được, thế là nửa đêm chúng mò lên cắn vào ngón tay tôi một nhát, nhói đến tận tim. Chín mươi chín phần trăm chúng là lũ phá hoại, chỉ một phần trăm tôi phát hiện ra, là khi có chuột thì nhà tôi không có con gián nào nữa. Nhưng không thể bênh vực được, chín mươi chín phần trăm là xác suất quá lớn. Phải tiêu diệt chúng, nhưng bằng cách nào đây.

Trong ba ngày, tôi bẫy được năm chuột con (mà ba lần bẫy thôi đấy nhé, vì chúng rủ nhau chui vào một lần hai đứa), hé nắp bẫy dồn lần lượt chúng vào cái xô to, cho vào mấy miếng vải làm nệm, kèm thêm cơm và bánh mì, chờ chuột lớn vào luôn rồi tính. Các bạn ạ, không phải người mộ đạo nhưng tôi biết tôn giáo bảo đừng sát sinh. Dĩ nhiên, kẻ gan nhỏ như tôi không muốn sát sinh. nhưng người ta thả chim, thả cá, có ai thả chuột bao giờ. Vả chăng, thả ra đường, chúng vào nhà khác phá phách, thì rõ tôi là cái đứa đem rắc rối của mình giao cho người khác rồi. Còn thả ra thùng rác công cộng hay mương cống gì đó, mặc chúng ngắc ngỏm sống chết thì cái sự “thả” ấy, cái sự nhân đạo dỏm đó thành ra phũ phàng.

Tôi lại bâng quơ nghĩ, những linh hồn sinh ra trong những hình hài khác nhau, thế tại sao ta không mạnh tay tận diệt để những linh hồn trong xác chuột ấy có thể mất đi rồi lại bắt đầu tiếp tục tồn tại trong thân xác khác, biết đâu là thân xác con người chẳng hạn. Nghĩa là khi loại bỏ một sinh mệnh nào đó, là bạn đã hóa kiếp cho sinh mệnh đó. Ậy, đừng lôi những chuyện phạm pháp vào đây mà biện minh, tôi chỉ nói về chuột thôi đấy nhé.

Ấy thế nhưng, tôi không đủ lòng tốt (nếu có thể gọi việc hóa kiếp đó là lòng tốt) để hóa kiếp cho những chú chuột đó, tôi xách chiếc xô có năm chú chuột bé xíu bằng hai ngón tay, xách chiếc bẫy có chú chuột to ra bờ suối, một con suối to thoát nước ngay giữa lòng thành phố, thả đi kèm thêm mấy miếng vải và một nồi cơm, để chúng tự giải quyết cuộc đời của chúng. Tôi không biết chúng sẽ ra sao. Để chúng sống, có hại cho loài người chúng ta quá, nhưng hóa kiếp để cho chúng một bắt đầu khác, thì tôi không làm được, tôi không đủ dũng cảm. Hóa ra, lòng tốt cũng cần, rất cần sự dũng cảm, mạnh mẽ, và dứt khoát. Nhưng bạn ạ, tôi cứ băn khoăn, mặc kệ chúng sống chết, thì khác gì sát sinh?!

Rốt cuộc, khi bẫy được chuột, bạn sẽ làm gì? Thả đi là nhân từ, đúng hay không đúng? Giết đi là giúp linh hồn ấy hóa kiếp, sai hay không sai?
Hay là chúng ta nuôi mèo nhé, để tạo hóa tự phân xử trò vui cuộc đời mà Ngài đã tạo ra?! Thế nhưng (lại “nhưng”), với những người bệnh dị ứng lông thú thì phải làm sao?

 

Gold

Định nghĩa của tình yêu

Photo: Any Direct Flight 

 

Có bao giờ bạn đột nhiên dừng lại giữa cái dòng suy nghĩ bận rộn của mình và tự hỏi: “Mình đang nhớ ai?” “Mình đang thích ai?” “Mình đang yêu ai?” Tôi thì đã vô vàn lần như thế. Và lần nào cũng phải mất một lúc thì những cái tên mới xuất hiện. Rồi lại phân vân lựa chọn giữa những cái tên ý sao cho phù hợp với câu hỏi trong đầu. Đối với tôi, tình yêu chưa bao giờ là dễ dàng…

Tình yêu dành cho gia đình. Đây có lẽ là tình yêu “đầu đời” của mỗi con người. Tình yêu dành cho bố, cho mẹ, cho ông, cho bà, cho anh, chị, em trong nhà. Chưa cần đến lúc sinh ra, ngay từ khi còn trong bụng mẹ chúng ta đã cảm nhận được thứ tình yêu ấy. Nó nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên từng ngày, dạy ta biết khóc, biết cười, biết bò, biết lẫy, biết gọi bố, gọi mẹ. Và nó theo ta đến tận cuối cuộc đời… những người ta yêu thương. Không biết có phải ngốc nghếch không nhưng đã có lúc tôi ước mình là trẻ mồ côi. Vì sao ư? Vì tôi thấy mình quá hạnh phúc, tôi vô cùng yêu thương cha mẹ mình. Và tôi sợ đến một ngày họ rời xa tôi thì tôi sẽ không chịu nổi nỗi đau ấy. Tình yêu đôi khi hèn nhát như thế đó. Sợ yêu không phải vì không muốn hạnh phúc mà vì sợ tổn thương. Nhưng rồi khi được bố ôm ấp, mẹ vuốt ve và nũng nịu hai người, tôi hối hận vì suy nghĩ trẻ con của mình. Người dũng cảm sẽ được hưởng hạnh phúc và có thể chịu đựng cả nỗi đau. Tôi tin là vậy!

Tình yêu dành cho “những yêu thương”. Là tình bạn, tình đồng chí… Con người luôn sống mà không thể thiếu đi sự liên kết với xã hội. Chính mối liên kết ấy đã đưa những con người xa lạ trở thành quen thuộc. Cho dù có nhiều hay ít bạn thì bạn cũng có những người bạn của riêng mình. Những người bạn để chia sẻ khi vui, buồn; để cho nhau lời khuyên khi gặp rắc rối và để cùng nhau thực hiện những điều điên rồ nhất mà bố mẹ không cho phép còn người yêu thì phản đối. Tôi có những người bạn như thế. Không phải một người hội tụ đủ mọi yếu tố nhưng là những người bạn cho tôi tất cả những điều trên. Ngày trước cứ nghĩ bạn thân là cái gì cũng chia sẻ với nhau, chuyện gì cũng kể cho nhau và đi đâu cũng có nhau nhưng giờ mới biết bạn thân là khi cần sẽ sẵn sàng có mặt, đơn giản và thế là đủ.

Tình yêu dành cho “một người”. Là tình yêu chỉ có hai người mà nhiều lúc bạn thấy mênh mang như sóng tràn. Đố ai định nghĩa được “tình yêu” bởi “tình yêu” vốn dĩ rất kỳ lạ, nó chẳng có một quy tắc nào cả. Nó là một trò chơi may rủi không dành cho lý trí. Nó không tính toán được. Nó không cho bạn lựa chọn. Nói chung nó cực kỳ bí ẩn và nguy hiểm. Nhưng rồi ai cũng ít nhất phải trải qua một lần trong đời. Dù là đơn phương hay được đáp lại. Cá nhân tôi luôn thích một tình yêu đơn phương. Nó buồn, ừ, vì tôi thích những câu chuyện buồn. Và nó âm thầm, ừ, vì tôi là người ưa từ bỏ một cách dễ dàng. Mỗi người chọn cho mình một cách yêu nhưng khi cảm xúc đã rơi vào trạng thái đó, đừng sợ sệt hay chối bỏ, giống như thời tiết có nắng và mưa, tình yêu cũng có hạnh phúc và khổ đau.

Tình yêu dành cho đam mê. Đây có lẽ là thứ tình yêu trong sáng nhưng cũng mong manh tựa tình yêu học trò. Bạn rất rất thích một thứ gì đó, bạn cố gắng nỗ lực theo đuổi nó và hạnh phúc khi được theo đuổi nó. Là hạnh phúc khi được theo đuổi chứ chưa cẩn phải thành công hay đạt được kết quả gì cả. À, tất nhiên, nếu thành công thì hạnh phúc sẽ được nhân đôi. Còn nếu được mọi người công nhận thì hạnh phúc ấy phải nhân ba cũng nên. Như khi tôi chụp ảnh, cảm giác được cầm máy ảnh ngắm những góc mà chỉ riêng tôi nhìn thấy, đó là một hạnh phúc. Chọn được dù chỉ một, hai tấm ưng ý giữa có đến mấy trăm kiểu đã chụp lại là một hạnh phúc nữa. Không cần nhiều người công nhận nhưng có một người đồng cảm thì đó thực sự là hạnh phúc viên mãn. Nhưng cuối cùng bạn sẽ nhận ra nó sẽ không thể cùng bạn đi đến cuối cùng. Nó khó có thể cho bạn một công việc đủ sống. Nó khó có thể tồn tại giữa vô vàn áp lực của cuộc sống. Ừ, hãy chỉ giữ nó như một đam mê, một con đường song song với con đường cuộc đời của bạn. Để mơ mộng một chút, yêu một chút và được là chính mình một chút.

Tình yêu dành cho cuộc sống. Nghe có vẻ to tát và trừu tượng nhưng thực ra nó chỉ ngắn gọn là “yêu đời”. Là khi bạn bất ngờ nhận ra chậu cây mình tưới nước hàng ngày đã lên một mầm non mới. Là khi sau những ngày mưa dài dằng dặc thì bình minh của ngày hôm nay ngập tràn nắng ấm. Là khi chú mèo cưng cuộn tròn trong lòng bạn ngủ vào một ngày mùa đông lạnh lẽo… Tôi không biết mình có phải là người yêu đời không nhưng tôi rất hay mỉm cười và cảm thấy hạnh phúc với những điều nhỏ bé như thế. Mỗi lần nhận ra một điều đặc biệt nào đấy tôi đều thấy dường như cuộc sống ý nghĩa hơn và đáng yêu hơn. Cứ thế, mỗi ngày, tôi sống, và hân hoan đón chờ.

Mỗi tình yêu cho tôi một cảm nhận khác nhau về cuộc sống xung quanh mình. Có tốt có xấu, có buồn có vui. Đôi khi tôi tuyệt vọng trong những nỗi buồn nhưng rồi ngay sau đó lại ngập tràn niềm vui. Tôi sợ sự thất vọng khi tình cảm không được đáp lại nhưng tôi lại mong mỏi được trao đi yêu thương. Mâu thuẫn, rất mâu thuẫn. Nhưng tôi vẫn sống và yêu, theo cách của mình.

 

Phong Linh