17.4 C
Da Lat
Chủ Nhật, 27 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 218

Tháng 6 ngày mưa

 Featured Image: ArTeTeTrA

 

Ta để chiều tàn trong thương nhớ
Hồn miên man để lạc đâu đâu
Chẳng hay biết trái tim đành vụn vỡ
Chuyện ngày xưa đã mất một bắt đầu

Cơn mưa nhỏ nép mình nơi cuối phố
Đường vắng tanh sao cứ trắng nhạt nhòa?
Trời bỗng tối một phía đầu bão tố
Ta bỗng đau lòng vì một nửa phôi pha

Giọt nước chảy qua lặng thầm cuối mắt
Hạt mưa lăn trên má những con đường
Khoanh tay lại tự ôm mình thật chặt
Mới hay tim mình quá bé nhỏ, đau thương

Ký ức chảy tràn qua những hoang mang
Ai đã lội giữa dòng tan vỡ ấy
Hạt máu ngày xưa đã đành hóa cạn
Mà tình xưa sao vẫn cứ tràn đầy

Ta thở nhẹ tìm một lần khép mắt
Mối tình riêng chôn chặt để riêng ai
Mưa gió đó ngày xưa nay đã tắt
Ngọn lửa giờ ướt một nửa đâu hay

Tháng sáu những ngày không có trời mưa
Là những ngày ta không là ta nữa
Tháng sáu những ngày mưa giăng mờ khung cửa
Ta cũng chẳng là mình của những ngày xưa...

 

TL

18/06/14

Viết trong chiều mưa rào (Amethystium)

Featured image: Marcela Bolivar

Sấm ì ạch nổi lên ở đằng xa, vang vọng khắp bầu trời đùng đục ủ ê. Gió nặng nề cõng đầy hơi nước mát lạnh.  Hơi ẩm hòa với mùi của bụi đất, lá rụng, của những bức tường đổ đầy rêu báo hiệu một cơn mưa rào nữa chuẩn bị ập đến.

Trời tối sầm lại và sấm sét xé toạc chiều muộn. Mưa đổ xuống, lăn ào trên mái, nhảy múa trên vỉa hè. Mưa huyền ảo dưới ánh đèn đường. Mưa trong như thủy tinh, hóa thành bong bóng lấp lóa khi chạm đất. Mưa ngân nga trong gió.

Vào lúc này, nếu không phải ra ngoài, điều tôi muốn làm nhất không hẳn là ngắm mưa bên cửa số, mà là cắm tai nghe vào máy nghe nhạc và bật nhạc của Amethystium. Lắng lại, tập chung và cảm nhận âm nhạc đang hòa vào không gian nơi mình đang ngồi.

Thực ra, Amethystium không phải là cái tên đầu tiên đưa tôi đến với ambient/electronica. Mà là cái tên nào đó tôi cũng không nhớ rõ nữa.

Tôi biết đến âm nhạc của Amethystium từ năm 2008 – 2009 khi chộp được ba album đầu. Quả là một sự ngạc nhiên thú vị khi được thưởng thức những album này.

Âm nhạc Amethystium mở ra cánh cửa bước chân vào vùng đất diệu kì, huyền bí. Vùng đất của trí tưởng tượng và những cảm xúc tự do. Và cả nhũng góc bị bỏ hoang trong tâm tưởng. Những âm thanh giúp tôi chạm vào những phép màu mà bản thân chưa bao giờ biết tới. Một khung cảnh đẹp đến nghẹt thở hiện ra trong tâm trí tôi khi âm nhạc cất lên. Đó là cuộc hành trình bước vào khu rừng đẹp mê hồn, thoát hẳn khỏi những ồn ào thường nhật. Ban ngày, mặt trời chiếu xuống không quá chói gắt, rực rỡ mà êm dịu lạ thường. Những cơn mưa thì mát lành còn nắng thì ấm áp, ngọt dịu. Khi bóng đêm nhuộm kín cả bầu trời, ánh sáng lập lòe của những con đom đóm hòa vào với vẻ tĩnh lặng của bầu trời sao.

Về Amethystium

Amethystium là tên một dự án của nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Øystein Ramfjord (thú thực tôi cũng không biết gì về người đứng sau dự án này, ngoại trừ cái tên!). Trên website của mình , Øystein nhận âm nhạc của mình là sự kết hợp của ambient, electronica, world music và neo – classical/darkwave.

Âm nhạc của Amethystium cũng mang những âm thanh đặc trưng của các dòng nhạc nói trên. Những tác phẩm của dự án thường có sự xuất hiện của synthesizer (ambient/string/drum) và piano. Tất cả những phần này đều được Øystein Ramfjord tự thể hiện, thu âm và sản xuất. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của giọng hát (cả bè lẫn giai điệu chính) và một số nhạc cụ dây (violin, cello) do những nghệ sĩ khách mời thể hiện . Đặc biệt trong album gần đây nhất – Transience (phát hành tháng 3/2014) có sự xuất hiện của hardingfele – một nhạc cụ 8 dây gần giống với violin, là nhạc cụ truyền thống của Na Uy.

Cho đến nay, Amethystium đã phát hành sáu album (tính cả một tuyển tập) và 2 EP. Từ năm 2012 đến nay, Amethystium phát hành album qua hãng đĩa độc lập của riêng mình – AM.mu Records. Trước đó, các album được phát hành bởi Neurodisc Records với thành công vang dội : 100,000 đĩa được bán ra, các album đều có vị trí trên bảng xếp hạng Billboard.

Album Transience (2014)

Tôi sẽ dành vài dòng để viết về album mới nhất này. Nó không hẳn là album mà tôi yêu thích nhất nhưng cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó phai.

Một điểm đáng chú ý phải nhắc tới ở Transience là sự nổi trội của các nhạc cụ dây. Điều này mang đến cho tôi những cảm xúc gần mà bay bổng: vừa thanh thoát, vừa trầm ấm, vừa trong trẻo, vừa u tối và vừa hân hoan lạ kì. Đặc biệt, tôi phải nhắc lại sự xuất hiện của hardingfele – nó mang tới một màu sắc rất Na Uy mà lại cực kì gần với chất nhạc của Amethystium. Một sự chọn lựa tuyệt vời của Øystein Ramfjord.

Synth và giọng hát vẫn đạt được hiệu quả thường thấy. Và piano thì vẫn nhẹ rơi…

Cùng thưởng thức !

Link: http://bandcamp.am.mu/album/transience

Nụ cười

Featured Image: Cris Romagosa

 

Ngày nào thiếu vắng đi tiếng cười, hay chỉ là một nụ cười chợt hé trên môi, đó chắc chắn là một ngày u ám trong tâm hồn.

Ai đã lấy đi nụ cười của ta? Ai đã mang bầu trời xám ngoét đến bên ta? Đừng nói là tại thời tiết hôm nay xấu, vì ông A, bà B nói lời khó nghe, bởi cái chuyện không đâu tự dưng quàng vào làm ta bực mình… Không. Không ai có thể bắt ta phải vui hay buồn mà chính ta tự nguyện ôm lấy những cảm xúc bực bội, phiền não, chán ngán vào người. Cũng chính ta tự đánh mất đi nụ cười của mình khi ta chỉ tập trung vào những cảm xúc đen tối đang vần vũ trong đầu khiến nụ cười sợ hãi trốn biệt tăm, mất dạng.

Chính ta để cho những cảm xúc tiêu cực cuốn ta vào càng lúc càng sâu hơn cái vòng rối ren, càng nghĩ càng rối, càng rối càng muốn đổ lỗi cho người, cho đời, càng nghĩ tới lỗi của người khác càng muốn hờn trách, lỗi lầm cứ thế chất chồng lên lỗi lầm…

Vậy ta phải làm sao? Ai chẳng có lúc buồn? Ai chẳng có lúc gặp xui xẻo?

Đúng vậy. Nếu ta nghĩ đời vốn không công bằng với ta thì ta sẽ luôn thấy thiệt thòi, luôn bất ý với chính mình. Nếu ta nghĩ đời vốn công bằng, thì hôm nay nếu ta cảm thấy chưa được may mắn lắm, ta cũng sẽ tin ngày mai may mắn sẽ tìm đến với ta.

Cuộc đời vốn vẫn thế thôi. Có những điều không công bằng, có những điều rất công bằng. Nếu đời chỉ toàn là công bằng – chắc chỉ có trong Thượng Giới, hoặc trong sách vở – thì có đâu chiến tranh, giết chóc, tai họa… xảy ra mỗi ngày như cuộc đời ta đang sống. Vì đời thực là như thế, nên con người luôn phải hướng đến những luật lệ, những quy tắc để cho đời công bằng nhất có thể, mà thực ra cũng chỉ là tương đối thôi.

Bởi vậy, nếu ta biết mọi việc trên đời xảy ra đều có nguyên do của nó, mọi việc xảy ra với riêng ta lại càng là những thứ liên quan trực tiếp tới ta, do những thói quen hành xử, do tính cách và số phận của ta định đoạt, thì ta sẽ đối diện với mọi vui buồn thật nhẹ nhàng. Nó xảy ra bởi vì… nó là điều phải xảy đến với ta.

Với mỗi sự kiện tác động mạnh tới tâm trí và cảm xúc, ta nên là người tự quyết định, nắm thế chủ động nên vui hay nên buồn, nên tiếp tục suy nghĩ tìm giải pháp hay cho qua. Thay vì để cho những sự việc bên ngoài, những người khác tác động, điều khiển cảm xúc của ta, còn ta lại là người chỉ biết phản ứng, lại càng bị cảm xúc u mê, tối tăm dẫn dắt đi rất xa, rất mệt mỏi.

Vui cũng vui vừa đủ, buồn cũng buồn vừa độ. Là người, sao cứ phải gồng mình lên thế, khổ lắm? Không. Vui thì cứ vui, buồn vẫn cứ buồn chứ. Vui thì dễ rồi. Cứ vui tự nhiên thôi. Nhưng buồn thì khác một chút.

Những khi buồn là những khi ta nên lắng lòng, chiêm nghiệm lại những gì đã và đang xảy đến với ta. Nhìn thật sâu vào bản thân, ta sẽ nhận ra ta đã sai lầm ở một điều gì đó. Nếu thực sự ta không có lỗi, nỗi buồn tự thân nó không có chỗ để tồn tại trong ta mà sẽ tan biến đi rất nhanh.

Khi đã nghĩ đủ chín, ta sẽ nhìn ra rất rõ vấn đề của mình. Nỗi buồn vì thế cũng sẽ tự vơi dần và trôi qua lúc nào chẳng biết.
Trong những lúc cảm xúc nóng giận bùng phát, ta thường để cho bản năng làm chủ tình thế. Những lúc đó, hãy cố gắng đẩy lý trí ra mặt trận làm vị tướng điều khiển trận mạc, đưa cảm xúc vào vị trí nghỉ ngơi. Hít thật sâu, bỏ đi chỗ khác, hay chỉ là cố gắng giữ im lặng, không nói gì, không làm gì cả.

Khi đã lấy lại bình tĩnh, lúc đó suy nghĩ logic đã trở lại, ta sẽ nhìn ra vấn đề thực ra rất đơn giản mà trong khi khởi bùng cảm xúc ta đã bị che mắt, không thấy gì ngoài những đám khói lửa nóng bỏng đang ngùn ngụt dâng trào.

Những lúc buồn, cứ thả tâm trí cho cảm xúc chạm tới tận cùng nỗi buồn, nghe cô đơn dâng trào trong tim để từ từ gặm nhấm và cảm nhận. Thế giới đông người ồn ào bên ta dường như im vắng quạnh hiu, không thể kéo ta thoát ra khỏi nỗi buồn đau thấu tâm can. Đó chính là lúc tâm hồn ta, bản thể của ta tìm thấy chính nó. Nó lên tiếng bởi vì lúc này là lúc tâm hồn bị tổn thương ghê gớm và đây chính là lúc nó cần được yêu thương, cần che chở, cần nâng niu vỗ về biết bao.

Trong sâu thẳm, con người chúng ta thực ra vô cùng yếu đuối, sợ cô đơn, sợ thế giới quay lưng lại. Bởi vậy, chúng ta sợ bị tổn thương là như thế. Ta sợ vậy đó, nhưng làm tổn thương người khác thì dường như chúng ta lại vô tình đến không ngờ.

Nghe những bản nhạc ta thích nghe, xem bộ phim ta thấy vui, đi ra ngoài trời, về với thiên nhiên, không nghĩ gì cả… Đó là những cách rất dễ làm cho ta nguôi ngoai cảm giác lạc lõng, cô đơn và mau chóng đón cảm xúc tích cực quay trở về. Dĩ nhiên còn vô vàn cách khác, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi người mà chọn cho phù hợp, nhưng những cách trên vô hại nhất, ít hao tốn và cũng đỡ mắc thêm sai lầm. Ví dụ như buồn tí ti nhưng lại tiêu xài mất nhiều tí ti, hay ăn uống quá đà lại mất công ép xác sau đó…

Hãy yêu tâm hồn mình, đừng phó thác nó cho người khác quyết định quyền cho nó được vui hay buồn. Cứ cố nặn ra những nụ cười, kể cả trong lúc buồn chán nhất, dù chỉ là hơi hướng của nụ cười, thì ta cũng nhẹ lòng hơn. Hoặc nghĩ tới những người còn đang bất hạnh hơn ta nhiều, những người còn vất vả mưu sinh, hay số phận không may chẳng bao giờ được nhìn thấy cầu vồng bảy sắc…

Không hiểu sao tôi lại yêu nỗi buồn, vì nỗi buồn đối với tôi thật xa xỉ và cũng thật hiếm hoi. Bởi vì khi gặp vấn đề, tôi thường tập trung tìm ra giải pháp xử lý vụ việc, hơn là thả cho nó rơi tự do. Chuyện gì nhỏ, không đáng thì cho qua. Chuyện thấy cần phải giải quyết thì chờ tới lúc bình tâm rồi tiếp cận ‘mục tiêu’. Khi mình thiện chí xây dựng, chắc chắn ‘mục tiêu’ cũng thiện chí theo.

Một ngày chỉ có 24h, tôi không thể phung phí nó cho những nỗi buồn không tên, vô cớ. Cuộc đời này còn biết bao điều thú vị chưa trải nghiệm qua, còn bao việc ý nghĩa muốn làm, cần làm… còn chưa đủ thời gian.

Tôi cũng thường cho phép mình đi tới tận cùng nỗi buồn, nếu một lúc nào đó cảm thấy chơi vơi, cảm thấy chống chếnh…trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nhanh chóng thôi. Đó chính là lúc những cảm xúc thực nhất dâng trào, là lúc tôi cảm nhận thật sâu sắc tôi đang trôi qua cuộc đời này với những vui buồn cuộc đời mang lại. Có lẽ tôi cũng hơi bị ‘dở hơi’, khi lại thích đắm chìm trong những cảm xúc mênh mang đó, đủ để ngộ ra những điều hay lẽ phải trên đời, đủ để ngấm những bài học đã nếm trải, đủ để mở lòng ra với người, với đời, bớt sân si.

Dở hơi vậy, nhưng nó còn có nghĩa là ở cái góc trái ấy có một thứ thực sự không phải là gỗ, đá chỉ trơ lỳ, vô cảm J.
Buồn xong thì tự thưởng cho mình một nụ cười. Đời rất ư nhẹ nhàng. Biết là có người thiếu vắng đi nụ cười của mình cũng trở nên chông chênh thì nụ cười ở đâu bỗng dưng quay trở lại .

Ngày mai nắng lên. Bầu trời u ám đã tan…

Đừng quên cười mỗi ngày, bạn nhé.

 

Julia Le

Con gái ơi, hãy yêu thương chính mình!

Featured Image: Shelby Ann Gill

 

Tất nhiên, con trai con gái gì thì cũng hãy yêu thương chính mình, nhưng con trai à, yêu chính mình ít thôi, còn con gái à, hãy yêu chính mình nhiều hơn, nhiều hơn nữa… Và học cách yêu thương bản thân, nghe đơn giản nhưng thực chất là chuyện không hề đơn giản. Vậy bạn đã biết cách yêu thương chính mình chưa?

Đừng quá dễ dàng hâm mộ bất kỳ ai

Hâm mộ là một nhu cầu, một việc đơn giản, chả phiền ai, chả ảnh hưởng đến ai. Ừ thì cứ cho là vậy. Nhưng em ơi, hâm mộ một người, chỉ vì người đó xinh đẹp, chỉ vì người đó hát hay, chỉ vì người ta giàu có… Điều đó có công bằng không? Có công bằng với bản thân của em không? Khi em hâm mộ ai đó vì người ta đẹp, em vô tình xem thường vẻ đẹp của chính mình. Em sẽ trở nên so sánh rồi tự ti. Khi đã tự ti rồi, làm sao em có thể đẹp? Hâm mộ một người vì họ giàu có, vì những thứ vật chất bên ngoài của họ, chẳng phải em đang ngụ ý chê trách cha mẹ mình?

Hãy chỉ nên hâm mộ một người, khi người đó có điều khiến em nể phục, mà những điều khiến em nể phục, đừng nên là thứ hào nhoáng bên ngoài, một nhan sắc, một giọng ca, một gia đình giàu có... Hãy chỉ nên hâm mộ, khi nhìn vào người đó ta có thêm niềm tin, thêm động lực cho cuộc sống của mình. Đừng suốt ngày chỉ chăm chăm đọc tin tức của các hotgirl, đừng like-comment mọi bức ảnh một cô gái đang hot post lên mỗi ngày với những từ cảm thán cao vợi: “Ôi chị thật xinh đẹp, chị đẹp quá, ước gì được một góc của chị, ước gì da em được như chị bla bla…”

Hãy nghĩ đi, em đang khen ngợi ai, một người lạ thậm chí chẳng biết em là ai trên đời, câu khen sao dễ dàng đến thế. Đã bao giờ, em mang một lời khen đó, đến cho người phụ nữ mỗi ngày chăm sóc em? Một lần thôi, em đã từng?

Khi hâm mộ ai đó, em bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống của họ. Nỗi bận tâm của em chỉ là hôm nay cô ấy đi đâu, hôm nay anh ấy ăn gì? Em gần như vô thức sống tầm gửi vào cuộc sống của họ. Ơ em này, còn cuộc sống của em thì sao? Ai sẽ lo cho nó? Người em hâm mộ có hỏi thăm em một câu khi em gặp chuyện va vấp trên đời?

Em mặc những gì người đó mặc, em xài những gì người đó xài? Điều đó có giúp em trở nên giống họ không? Hay chỉ làm em mất đi bản sắc của riêng mình? Rồi một ngày nào đó, em tự hỏi mình, em là ai? cá tính của em là gì?

Hãy ngưng việc so sánh bản thân với mọi người

Bởi lẽ con người không ai hoàn hảo, em cũng biết thế, nhưng sao em lại cứ cố công trở thành người hoàn hảo? Em so sánh vóc dáng mình với những cô nàng người mẫu, em cứ hay tìm tòi rồi so sánh từ mái tóc tới hàng mi. Trong vô thức, em sẽ không bao giờ hài lòng với chính mình. Rồi em sẽ ra sao?

Thời gian so sánh đó, em hãy phát triển những tố chất riêng của bản thân mình. Những thứ mà chính bản thân em đang sở hữu. Em có biết bao người cũng đang mong được như em mỗi ngày?

Yêu thương bản thân, theo nghĩa đen nhất, là hãy yêu những gì em đang có, thân hình của em, cuộc sống của em, tất cả những gì thuộc về em, đó là duy nhất, đó là thứ đáng được tự hào

Nên con gái à, hãy yêu thương bản thân, bắt đầu bằng việc hài lòng với bản thân mình, đừng so sánh nó với bất kỳ ai cả, và tuyệt đối đừng dễ dàng hâm mộ bất kì ai. Đã đến lúc, tự em lo cho cuộc sống của mình.

 

Phi Tuyết

 

Hunter Lewis – Tác phẩm náo động dư luận của Thomas Piketty

Featured Image: Pgarrigos Photography

 

Có thể hiểu vì sao Nhà Trắng thích Piketty. Ông ta ủng hộ câu chuyện của họ, rằng chính phủ là người uốn nắn sự bất bình đẳng, trong khi trên thực tế chính phủ là nguyên nhân chính làm cho bất bình đẳng ngày càng gia tăng.

Thomas Piketty, một nhà kinh tế học 42 tuổi, từ một viện nghiên cứu của Pháp vừa cho in một cuốn sách mới gây chấn động dư luận: Tư bản trong thế kỷ XXI (Capital in the Twenty-First Century). Phiên bản ở Mỹ do Đại học Harvard xuất bản và đang dẫn đầu danh sách sách bán chạy nhất; lần đầu tiên một cuốn sách do Harvard xuất bản làm được như vậy. Một bài điểm sách gần đây gọi Piketty là người “đã chỉ ra sai lầm chết người của chủ nghĩa tư bản”.

Sai lầm gì vậy? Người ta vẫn giả định rằng trong chủ nghĩa tư bản, người giàu ngày càng giàu thêm; bất bình đẳng ngày càng xấu hơn. Điều đó đã nằm sẵn trong nhân cái bánh, không thể nào tránh được.

Nhằm củng cố quan điểm này, Piketty đã đưa ra một logic đáng ngờ và không có chỗ dựa về mặt tài chính, nhưng ông còn trình ra cái mà ông gọi là “một biểu đồ ngoạn mục” của những dữ liệu lịch sử. Biểu đồ đó thực sự cho thấy những gì?

Trong năm 1910, 10% người giàu nhất ở Myx chiếm khoảng 40% thu nhập của cả nước, trước vụ Sụp đổ năm 1929, thu nhập của nhóm người này đã tăng lên đến khoảng 50%, rồi giảm xuống, và trở lại khoảng 40% vào năm 1995, và sau đó lại tăng lên đến khoảng 50%, trước khi giảm phần nào sau vụ Sụp đổ năm 2008.

Điều này thực sự có nghĩa là gì? Trong giai đoạn này, thu nhập của 10% người giàu nhất so với những thành phần dân cư khác không phải lúc nào cũng tăng. Không những thế, hai lần nó đạt được cực đại: Ngay trước những cuộc Đại suy thoái năm 1929 và 2008. Nói cách khác, bất bình đẳng gia tăng trong những thời kỳ bong bóng kinh tế và sau đó giảm đi.

Cái gì đã gây ra và đâu là đặc trưng thời kỳ bong bóng? Đấy chủ yếu là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác, họ đã phát hành quá nhiều tiền mới và tạo ra nhiều những món nợ mới. Đặc điểm của nó là sự bùng nổ của chủ nghĩa tư bản ô dù, một số người giàu đã chiếm dụng tất cả những đồng tiền mới đó, cả trên phố Wall lẫn thông qua những mối liên hệ với chính phủ ở Washington.

Chúng ta có thể học được rất nhiều về chủ nghĩa tư bản ô dù bằng cách nghiên cứu giai đoạn từ cuối Thế chiến I đến cuộc Đại suy thoái và cả từ 20 vừa năm qua, nhưng chúng ta sẽ không học được nhiều về chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản ô dù là cực đối lập của chủ nghĩa tư bản. Nó là sự xuyên tạc thị trường chứ không phải là kết quả của giá cả tự do và thị trường tự do.

Có thể hiểu vì sao Nhà Trắng thích Piketty. Ông ta ủng hộ câu chuyện của họ, rằng chính phủ là người uốn nắn sự bất bình đẳng, trong khi trên thực tế chính phủ là nguyên nhân chính làm cho bất bình đẳng ngày càng gia tăng.

Nhà Trắng và IMF còn thích những đề nghị của Piketty, họ không chỉ thích đề nghị về biểu thuế thu nhập cao, mà còn thích những khoản thuế đánh vào tài sản sản nữa. IMF đặc biệt đánh trống khua chuông cho những khoản thuế đánh vào tài sản, coi đó là biện pháp khôi phục nền tài chính của chính phủ trên khắp thế giới và là biện pháp nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng về kinh tế.

Chúng ta sẽ còn được nghe ngày càng nhiều hơn về những khoản thuế đánh vào tài sản. Chúng ta sẽ được nghe nói rằng đấy sẽ là những khoản thuế đánh “một lần” và sẽ không được tái sử dụng nữa, nhưng nó sẽ thực sự giúp kinh tế tăng trưởng bằng cách giảm sự bất bình đẳng về kinh tế.

Tất cả những chuyện này đều là nhảm nhí. Tăng trưởng kinh tế xảy ra khi xã hội tiết kiệm tiền và đầu tư tiền tiết kiệm một cách khôn ngoan. Không phải số tiền đầu tư mà chất lượng đầu tư mới là điều quan trọng nhất. Chính phủ không có cả khả năng tiết kiệm lẫn đầu tư, chưa nói đến đầu tư một cách khôn ngoan.

Chớ có nghĩ rằng những khoản thuế đánh vào tài sản sẽ là khoản thuế “một lần”. Không có khoản thuế nào chỉ thu một lần bao giờ. Được thiết lập rồi, nó sẽ không chỉ tồn tại một cách dai dẳng, mà còn tăng đều theo thời gian.

Piketty cũng nên tự đặt ra cho mình một câu hỏi. Điều gì sẽ xảy ra khi các nhà đầu tư phải bán cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay các tài sản khác để nộp thuế tài sản? Làm sao thị trường hấp thụ hết tất cả những thứ người ta sẽ bán? Ai sẽ mua? Và làm thế nào mà nó giúp được tăng trưởng kinh tế vì thị trường và giá trị tài sản sẽ sụp đổ do áp lực bán gây ra?

Năm 1936, một cuốn sách hàn lâm, khó đọc, dày đặc thông tin được xuất bản, dường như để nói với các chính trị gia chính những thứ mà họ muốn làm. Đây là cuốn Lý Thuyết Chung (General Theory) của Keynes. Cuốn sách của Piketty cũng nhắm cùng mục đích như vậy trong năm 2014, tức là cùng phục vụ cho chính sách mang tính phá hoại và thiển cận.

Nếu Nhà Trắng của ông Obama, IMF, và những người như Piketty mặc kệ nền kinh tế thì nó có thể phục hồi. Nhưng như đã thấy, họ tiếp tục phát minh ra những biện pháp mới nhằm tiêu diệt nó.

Hunter Lewis là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có hai cuốn mới là Free Prices Now! và Crony Capitalism in America: 2008-2012. Lewis đồng sáng lập website Against Crony Capitalism.org (Chống chủ nghĩa tư bản ô dù) cũng như đồng sáng lập và cựu Giám đốc điều hành công ty đầu tư quốc tế tên là Cambridge Associates. Ông đã và đang là thành viên ban giám đốc của 15 tổ chức phi lợi nhuận, trong đó có các tổ chức về môi trường, dạy học, nghiên cứu và văn hóa cũng như Ngân hàng Thế giới.

 

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn: Thomas Piketty on Inequality and Capital

Làm gì khi bị sỉ nhục?

Featured Image: Giorgio Vianini

 

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ một điều, cái này là kiến thức tâm lý học:

Rằng nếu bạn bị sỉ nhục và bạn cảm thấy phẫn nộ, cảm thấy khó chịu, điều đó có nghĩa là trong lời sỉ nhục đó có một phần sự thật, hoặc là trong vô thức, bạn tin rằng điều đó là thật. Thật đơn giản, nhưng rất ít người nhận ra mánh khóe này.

Bạn không tin ư? Vậy hãy lấy vài ví dụ nho nhỏ: Giả sử bạn gặp Bà Tưng, hoặc Elly Trần, và bạn nói với cô ấy rằng: “Đồ màn hình phẳng!” Thử đoán xem bạn sẽ nhận được phản ứng thế nào từ cô nàng? Giận dữ, gào rú, quát mắng ư?

Không, đơn giản bạn sẽ chỉ nhận được một cái nhìn khinh miệt: “Thằng/con này bị não à?” Và bạn không tồn tại trong suy nghĩ của cô ấy tới 1/10 giây, chứ đừng nói tới chuyện để bụng hờn giận gì.

Hoặc bạn gặp Rô điệu, và bạn bĩu môi: “Đồ con lừa không biết đá bóng!” Hắn ta sẽ chỉ coi bạn như một con sâu băng qua đường, và không thèm ngó bạn lấy một cái chứ đừng nói tới chuyện cầm lấy cái giầy phang vào mặt bạn.

Có một câu chuyện về Thích Ca: Hôm đó có một người đi tới chỗ của ổng, và buông lời mạt sát thậm tệ. Nhưng ông ấy vẫn thản nhiên, không có chút phản ứng nhỏ nào. Người kia lấy làm lạ lắm, và tò mò hỏi: “Vì sao tôi mắng ông mà ông không có phản ứng gì vậy? Ông không biết tức giận sao?” Thích Ca trả lời: “Ông chửi tôi thì đấy là vấn đề của ông chứ liên quan quái gì đến tôi.”

Chuyện này không có triết lý sâu sắc hay vĩ đại gì cả, cũng không cần phải là một người giác ngộ mới có thể hiểu được. Đơn giản là Thích Ca biết rất rõ bản thân ông ấy, và ông ấy không thèm tin vào ý kiến của người khác nhận xét về mình. Bạn có thể ca tụng ông ấy, bạn có thể chửi mắng ông ấy, ông ấy đơn giản là không thèm quan tâm. Có ích gì khi người khác khen bạn hay chê bạn? Điều đó chả liên quan gì tới mức độ nhận biết về bản thân của bạn cả. Chỉ kẻ ngốc mới vui mừng khi được khen, và tức giận khi bị chê.

Hãy thử tự nhìn lại các tình huống mà bạn phát rồ lên khi bị chê bai, hoặc sỉ nhục, có phải trong thâm tâm bạn tin rằng/ sợ rằng điều đó có chút sự thật không? Hãy thử thật trung thực với bản thân, và nó sẽ hé lộ cho bạn nhiều điều về bản thân bạn.

Lần sau, nếu bạn bị người ta sỉ nhục, hãy nghĩ thử xem điều đó có chút nào sự thật không? Nếu là thật, thì hãy cám ơn người đó. Còn nếu không ư? Chỉ là một con sâu băng qua đường.

Ngược lại, khi người ta khen bạn, có phải bạn vui vì tự nhiên bạn thấy mình quan trọng hơn, tốt đẹp hơn không?

Thế thì bạn đích thị là một kẻ ngốc. Nhưng đừng buồn, vì những tên ngốc cũng có sự đáng yêu của hắn. 😉

 

Vuong Quang Vu

Vị đắng

Featured Image: Any Direct Flight

 

Có khi, để người khác tôn trọng và nhìn lại cách ứng xử, bạn cũng cần phải cho người ta nếm một chút vị đắng. Vị của bạn phải đủ đắng để tác động tới người ta, để họ nhận ra bạn không còn ngọt ngào như họ tưởng nữa. Bởi vì nếu bạn chỉ luôn tạo cho người ta cảm giác bạn chỉ có có vị ngọt, dễ ưa đấy, nhưng bạn khó làm người ta nể, trọng mà có khi còn ngược lại.

Cái gì dễ chịu quá cũng dễ quên, dễ nhàm, dễ xem nhẹ. Đó là thông lệ ứng xử chung của con người. Đôi khi dĩ hòa vi quý được xem như thực phẩm chức năng, chẳng có tác dụng gì cho con bệnh ngay mà cần phải trông chờ vào niềm tin và thời gian.

Chúng ta thường được dạy dỗ rằng đừng làm tổn thương người khác, đừng gây chiến tranh. Đúng, nhưng chưa đủ. Nếu bạn bị làm tổn thương, bạn bị gây chiến thì sao? Nếu người ta tát bạn vào má trái thì bạn chìa nốt má phải ư? Ôi không! Bạn chỉ cần lùi bước nghĩa là bạn sẽ bị dồn tới chân tường. Bạn chỉ cần tỏ ra không thể chống cự nghĩa là bạn sẽ bị thôn tính.

Thời nay mà còn dạy con kiểu đó thì con chỉ có nước ngồi ở dưới… mông người khác suốt. Xin lỗi thô nhỉ, nhưng nếu không phải vậy thì con bạn sẽ chỉ nên ở trong nhà, chỉ giao du với người nhà có tình thương mến thương thôi. Còn ra xã hội, ra đời thì phải chuẩn bị cho con đủ lông đủ cánh và cứng cáp.

“Khi con chưa đủ mạnh, con có thể chấp nhận cái tát đó, coi như một bài học cho sự non nớt để khôn lớn. Còn rất nhiều thời gian để con rèn luyện tinh thần, thể chất để chờ một ngày đủ mạnh có thể bơi giữa dòng đời. Con có thể không cần phải tát lại cái người đã tát con, nhưng khi con lớn mạnh, người ta cũng e dè, nể nang hơn. Sức mạnh đó là để phòng vệ và chống trả, chứ không phải để gây chiến với người yếu thế.” Tôi đã từng phải dạy con trai của mình như vậy khi con bức xúc vì bị đồng nghiệp chèn ép, chơi xấu lúc mới ra trường đi làm.

Cuộc đời xem ra rất thích đùa vui. Khi bạn dễ thương, bạn dễ chịu, bạn bị xem thường. Còn khi bạn tỏ ra dữ dằn, “hổ báo” chút, người ta lại ngại. Không nhất thiết lúc nào cũng phải xù lông nhím, nhưng khi “đụng chuyện” thì cứng rắn là cần thiết đấy.

Nếm trái đắng người khác tặng bạn cũng là cách để hoàn thiện mình. Khi mình sai, mình nên dũng cảm nhận lỗi. Ai mà chẳng sai lầm. Sai thì sửa, có gì đâu mà sợ.

Nếu bạn đang ở “cửa trên”, thì thấy người ta biết sai bạn nên cho người ta một cơ hội, đừng truy sát họ tới đường cùng. Để tránh cho bạn cảm giác tội lỗi và hối hận khi rơi vào tình cảnh trớ trêu ấy, thì đã muộn màng. Biết mình, biết ta, không phải để thắng thua gì cả, chỉ là để ta sống cho đúng đạo, đúng đời, cho lương tâm thanh thản.

Con trai tôi mới đi làm vài năm, thỉnh thoảng cháu về kể chuyện gặp phải chuyện không vui abc, gặp phải người chơi xấu gây chuyện xyx…. Không thể sống và trải nghiệm thay con, tôi chỉ có cách dạy con biết nhận diện bản chất sự việc, bản chất con người và thích nghi với nó. Chúng ta cũng nên cảm ơn những người đã làm ta khốn đốn, làm ta đắng cay… vào một lúc nào đó trong đời, vì chính họ chứ không phải cha mẹ, anh em, thân hữu… mới làm cho ta hiểu đầy đủ rằng cuộc sống này dù ta muốn đón nhận hay không, mọi sự vật, hiện tượng tốt hay xấu vẫn xảy ra mỗi ngày, không với người này thì với người kia. Dù ta có thừa nhận hay chối bỏ thì những tương tác, ứng xử từ người khác, dù trực tiếp hay gián tiếp vẫn tác động tới ta trong mọi cung bậc cảm xúc, vui sướng, buồn đau, hờn trách, oán giận… Không ai trải nghiệm thay giùm ta được.

Không sợ hãi, can đảm đối diện và vượt qua nó nghĩa là ta trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn chính ta của ngày hôm qua.

Vấn đề là bạn đã nếm vị đắng nhiều chưa? Bạn có đủ đắng không? Uống cafe mỗi ngày nhấm nháp dần đi nhé J.

 

Julia Le

Chuyện đi và chuyện về

Photo: Frank Dang

 

Gần đây tôi đọc được một câu chuyện khá ngắn, xúc tích và cũng rất chủ quan về một gia đình, về một con người “Đi đi, đừng về!” Hình như câu chuyện đi du học và trở về vốn vẫn nóng hổi theo cách của riêng nó.

Nhiều người bảo rằng, đi đi, rồi đừng về Việt Nam này làm gì bởi họ sợ hãi, bởi họ khiếp sợ con người nơi đây. Nơi mà đồng bào đạp lên sự ngu dốt của nhau để kiếm đồng tiền, bát gạo. Nơi mà đồng bào dần thiếu đi tình thương yêu cùng bao bọc. Nơi mà đồng bào dần thiếu chữ “người”.

Nhiều người lại bảo rằng, đi đi, rồi nhớ trở về để xây dựng quê hương, để thể hiện tình yêu nước cao vời vợi. Đi đi rồi trở về với tri thức và đam mê để gây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn.

Chuyện đi đi về về, chuyện ở chuyện đi dường như là câu chuyện muôn thuở, dường như là câu chuyện ngàn đời nay. Họ gọi những người đi rồi không bao giờ về là những con người không biết yêu quê hương, rũ bỏ nguồn gốc tổ tiên. Họ gọi những người vì tình yêu nước nồng nàn mà quay về, rồi vì tình yêu đó bị trà đạp đến hèn mọn mà cất bước ra đi là những con người ngu ngốc. Vậy họ gọi họ, những con người vẫn ở đó, miệng chửi đổng những người hơn họ, miệng nguyền rủa những người thua kém họ, miệng oang oang tinh thần yêu nước bất diệt, họ gọi họ là gì?

Tôi chẳng bàn nhiều chuyện khác, riêng cái chuyện đi đi về về là câu chuyện riêng của mỗi con người. gần đây, tôi đọc được một câu trích dẫn như thế này:

“Mọi người đều làm việc theo phong cách riêng, lựa chọn theo cảm giác của mình. Bạn không thể nói người khác đã sai, cũng không thể đảm bảo mình tuyệt đối đúng. Nếu thay đổi góc nhìn, kết luận về sự việc cũng sẽ khác đi. Con người, sự việc, tình cảm, ai đúng, ai sai, chỉ chính mình mới hiểu.”

Chẳng phải như vậy sao. Mỗi người chọn cho mình một con đường riêng, chọn cho mình một cuộc đời riêng, vậy hà cớ gì bạn cứ ngồi đó mà phán xét kẻ khác, hay phán xét chính tác giả về con đường mà nhân vật trong câu chuyện đã lựa chọn, thay vì tự tìm cho chính mình một con đường riêng để giúp ích cho đất nước này.

Cô giáo tôi từng nói:

“Nếu cô kể cho các em tình hình hiện giờ của Việt Nam, có lẽ các em sẽ muốn chuyển quốc tịch hay vượt biên ngay lập tức.”

Nhưng một thầy giáo khác của tôi lại nói rằng:

“Xã hội nào cũng có những thời điểm loạn như thời điểm hiện tại, nên thầy luôn luôn tin tưởng rằng sẽ có một Việt Nam tốt đẹp hơn.”

Bạn có thể nói rằng ai là người sai? Thầy tôi hay là cô giáo của tôi? Có lẽ chẳng ai sai cả vì mỗi người họ chọn cho mình một cách riêng. Một người không kể lể cho chúng tôi sự thật vì sợ rằng chúng tôi sẽ chạy trốn như bao con người muốn chạy trốn khỏi quốc gia nghèo, lười nhác và đầy điều xấu này. Một người kể hết mọi chuyện cho chúng tôi vì người đó tin tưởng rằng khi chúng tôi nhận ra điều tất yếu thì chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại, tiếp tục học tập và làm việc vì đất nước nhỏ bé và vô cùng nghèo về cả nghĩa đen và nghĩa bóng này.

Chuyện đi và chuyện về là chuyện riêng của mỗi người, tôi tin nếu họ đủ khả năng đi du học, ra nước ngoài làm việc thì họ cũng có đủ nhận thức để hiểu việc mình đang làm, và tất nhiên chẳng cần bạn dạy đúng dạy sai.

Bà ngoại tôi thường răn dạy con cháu trong nhà bằng đôi ba câu thơ của Đỗ Trung Quân với tư tưởng truyền thống của người Việt rằng con cháu sẽ ở thật gần bà, sẽ sống và làm việc cách nhà bà chưa đến chục km.

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày…”

Nhưng thật sự, chúng tôi hiểu rằng, cho dù yêu thương cha mẹ ông bà đến bao nhiêu, cho dù cảm thấy nhà là nơi tuyệt vời nhất để nghỉ ngơi, cũng là nơi cảm thấy ấm áp và được yêu thương nhất. Và thật sự, chẳng ai là không muốn về nhà, muốn được yêu thương vỗ về, muốn được thưởng thức những bữa cơm gia đình ấm ấp, muốn được ngồi cạnh ông, cạnh bà nghe kể chuyện xưa (dù nó đã được kể đi kể lại hàng chục lần trước đó), muốn được chuẩn bị vài món ăn thịnh soạn cho mẹ cha. Ai mà không muốn như vậy?

Nhưng:

“Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt”
(Người không vì mình, trời tru đất diệt)

Ai cũng muốn vì chính mình mà gây dựng nên cái gì đó, ai cũng muốn được thỏa mãn những ngông cuồng của tuổi trẻ, vậy nên họ lựa chọn ra đi. Còn chuyện về hay không về lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Vậy nên đừng đứng trên góc độ của mình mà phán xét kẻ khác, cũng đừng đứng trên góc độ của mình mà phê phán kẻ khác. Mỗi người có một hệ quy chiếu riêng của mình, vậy tại sao bạn cứ muốn ép người khác vào hệ quy chiếu của chính mình? Quan trọng là mỗi người, sống tốt cuộc đời của mình và không hổ thẹn hay nuối tiếc là điều tuyệt vời lắm rồi.

 

Như Nhiên

Ra trường rồi, giờ theo startup hay theo công ty khủng?

Featured Image: Ottost Rto

 

Mùa hè đã đến! Đây cũng là lúc các bạn sinh viên chuẩn bị được cầm trên tay tấm bằng đại học, mảnh giấy chứng nhận bạn đã kết thúc một quãng thời gian “dễ dàng” nhất trong cuộc đời. Xin đừng cười, đối với nhiều người đó thật sự chỉ là sự khởi đầu của nhiều ngã rẽ cho chặng đường phía trước. Chúng ta sẽ phải luôn phân vân, cân đong đo đếm để lựa chọn lối đi nào với bãi cỏ xanh tươi hơn, mảnh đất đặt chân nào tốt lành hơn.

Vậy nếu bạn đã là một trong số những người đang đứng ở ngã rẽ này, hãy cùng chúng tôi nhìn vào những điểm mạnh yếu giữa một bên là các công ty khởi nghiệp, còn bên kia là các công ty khủng. Tôi ví von và hỏi rằng: bạn muốn lựa chọn theo “chim sẻ” hay “đại bàng”?

Sinh viên ra trường hãy nghĩ về startup

Thứ nhất, hãy cùng nhìn vào những lợi ích của việc nhảy vào một startup khi bạn là một sinh viên vừa ra trường, tinh tươm như một tờ giấy trắng! Khi còn trẻ, việc được đứng cùng hàng ngũ với một đội ngũ sáng tạo và nhiệt huyết là một trong những điểm cộng đầu tiên cho lựa chọn của bạn. Bạn sẽ luôn được truyền cảm hứng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút và mỗi giây. Ở một khía cạnh khác, làm việc cùng những founder luôn có ngọn lửa khởi nghiệp cháy hừng hực trong huyết quản sẽ giúp cho bạn hiểu thế nào là đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Ngoài ra, khi đầu quân cho startup, bạn sẽ được có cơ hội nhìn thấy một công ty hình thành từ những giai đoạn sơ khai nhất, có khi chỉ là 2 thành viên với một cái laptop “thời đồ đá” ăn mì tôm cầm hơi, cho đến khi công ty họ nằm trên một toà nhà “bảnh” nhất thành phố với diện tích vài trăm m2. Được thấy ước mơ của một đời người trở thành hiện thực, cũng giống như chứng kiến một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, một trải nghiệm thú vị phải không?

Ở một công ty lớn, bạn sẽ ít khi được cùng những người lãnh đạo trải qua những thăng trầm và sóng gió kiểu “vạn sự khởi đầu nan”. Đây cũng là một cơ hội cực tốt để học cách giải quyết khủng hoảng của các “sếp” mà ít khi ở các công ty lớn bạn được dịp chứng kiến tận mắt. Hãy có niềm tin một ngày nào đó “chim sẻ” sẽ hoá “đại bàng”!

Không thể không nhắc đến điều này, khi quyết định ở với một startup, bạn sẽ có nhiều không gian để “thở” hơn, cũng như việc bạn có thể vùng vẫy và thể hiện tài năng của mình một cách khá thoải mái. Lý do chỉ đơn giản vì startup luôn cần sự toả sáng của từng cá nhân, điều đó cũng có nghĩa rằng, bạn sẽ được tự do phát triển hơn thay vì bị đóng khung trong một tổ chức lớn mà mọi thứ đã được sắp đặt chặt chẽ và khó lòng có thể thay đổi linh hoạt. Ở môi trường startup, ý kiến của bạn sẽ chắc chắn được lắng nghe và tôn trọng hơn rất nhiều, nếu không tin bạn có thể thử.

Nhiều người cho rằng ở những công ty lớn, nếu nhân viên có muốn đóng góp ý kiến cho các dự án lớn thì thường sẽ rơi vào trường hợp “cảm ơn em đã phát biểu, mời em về chỗ”, nhưng ở startup các ý kiến sẽ luôn được lắng nghe và được xây dựng đóng góp. Ít ra là tỉ lệ ý kiến được đón nhận cao hơn bội lần. Nếu bạn muốn được công ty đánh giá cao và trân trọng như khả năng của mình ngay từ những ngày đầu, có lẽ startup là một lựa chọn không chê vào đâu được. Dù gì thì làm vua nước nhỏ hơn là làm quan nước lớn, bạn có suy nghĩ khác không?

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất cho sinh viên Việt Nam là trong startup, các bạn được có cơ hội làm nhiều loại việc khác nhau, để trải nghiệm cũng như mài dũa những kỹ năng mà chắc chắn cả 20 năm ngồi trên ghế nhà trường bạn cũng không thể tích góp cho mình sự hiểu biết sâu sắc và trải nghiệm tinh tế như vậy. Ở một startup bạn sẽ “tình nguyện bị giao” cho rất nhiều loại việc khác nhau. Ví dụ như có khi bạn sẽ vừa làm dev, có khi sẽ phải làm một ít việc của sale, rồi lại phải xắn tay lên làm một ít việc về truyền thông hay thậm chí là đi giao hàng.

Nghe có vẻ hơi cực nhưng nếu bạn là người muốn thử thách bản thân thì chẳng việc gì phải ngại cả, càng làm ở nhiều mảng bạn sẽ càng có được chiều sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không bổ chiều ngang cũng sẽ bổ chiều dọc.

Những khó khăn cần phải đối mặt khi chọn về với đội startup

Thật ra, làm việc cho startup cũng có rất nhiều bất cập. Đó cũng là lý do vì sao các bạn trẻ thường lè lưỡi và lắc đầu khi nhắc tới startup. Dễ nhận thấy nhất là sự không ổn định trong công việc, nếu bạn là một người bị phụ thuộc toàn bộ vào đồng lương và những phúc lợi xung quanh như bảo hiểm, nghỉ lễ hoặc lương thưởng thì xin hãy nghĩ lại về việc chọn startup.

Khi làm việc cho startup, những bạn sinh viên trẻ sẽ có thể phải cắn răng để cùng chịu đựng sự thiếu thốn về mặt quản lý và chế độ chăm sóc cho nhân viên, vì mọi thứ vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu. Vì thế, nếu quyết định làm việc cho startup, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý để đối phó với những “bất tiện” trên.

Hơn nữa, việc trao thân gửi phận cho một startup cũng là một vấn đề rất phức tạp. Hiện nay cũng không có một tiêu chuẩn nào có thể giúp các bạn trẻ chọn lựa công ty startup để theo đuổi. Điều duy nhất các bạn có thể làm là tin vào cảm giác của mình khi tiếp xúc với founder cũng như các thành viên trong team, nếu bạn cảm thấy phù hợp và yêu thích thì có thể đó là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, không gì có thể đảm bảo rằng cảm giác của bạn đúng trong mọi hoàn cảnh và nó sẽ giúp bạn tìm được một startup vững mạnh để theo. Không phải ai cũng có thể tìm được một Facebook, một Google hay một Twitter để theo. Vì vậy, nếu đã biết một công ty lớn thành công, những bạn trẻ sẽ có được tâm lý ổn định vì tin tưởng và an tâm hơn khi làm việc. Họ sẽ không phải lo sợ công ty bị sụp đổ bất thình lình và kéo luôn công việc ổn định của mình xuống vực thẳm.

Nhìn đi thì cũng nhìn lại, không phải ngẫu nhiên mà nhiều sinh viên lại ôm mộng làm cho các “đại bàng” sừng sỏ ngay từ đầu chứ không dại gì chui vào tổ của các chú “chim sẻ” startup nhỏ và bấp bên từng ngày. Làm ở những công ty lớn lương cao, thêm vào là bộ CV đẹp trong tương lai, lại còn nở mày nở mặt với thiên hạ. Vậy sao lại không chọn đại bàng? Thậm chí tiền lương còn giúp gia đình hoàn vốn nhanh sau bao nhiêu năm mình dùi mài kinh sử. Đó cũng là một mindset mà nhiều người trẻ tại Việt Nam chưa thể thay đổi được. Mộ phần họ chịu áp lực gia đình, xã hội, phần khác chịu áp lực cuộc sống mưu sinh. Họ bắt buộc phải chọn một công ty “đàng hoàng” chỉnh chu ngay từ đầu để có thể ổn định. Đây cũng là điểm mà các startup không thể nào “đọ sức” với những công ty lớn.

Tuy nhiên, nếu có được nhiều cơ hội tiếp xúc và hiểu hơn về thế giới startup, có lẽ sẽ có nhiều sinh viên “liều lĩnh” hơn trong việc chọn lựa con đường startup cho mình. Đường dù có chông gai nhưng những thành quả kinh nghiệm và tầm nhìn của họ sẽ được thay đổi bởi những “gã điên” trong thế giới khởi nghiệp đầy màu sắc này.

 

Hiếu Lê Đặng

Biên tập bởi Quyen Quyen

Tản mạn về tình yêu

Featured Image: Khomenkho

 

Có lần, anh bạn lớn tuổi nói với tôi ngắn gọn: Những câu chuyện của em, thiếu một thứ quan trọng …

Rồi anh bỏ lửng câu ở đó, để tôi hụt hẫng như lọt thỏm xuống đáy hồ trong vắt, tôi nheo mắt: “Thiếu gì hả anh?” Hỏi xong, tôi trở lại ngay trạng thái hào hứng, tập trung nghe câu trả lời của anh như một cậu bé hào hứng khi sắp được biết món quà sinh nhật của mình. Anh lại nói với giọng điệu chậm chãi: “Thiếu tình yêu! Toàn là chữ nghĩa, mơ màng, cô độc.” Anh nói rồi tôi mới ồ lên! Là tình yêu

Đầu tiên, phải nói rằng tôi là mẫu người luôn có nhu cầu được yêu, thể hiện tình yêu. Tôi từng có những mối tình đẹp, rồi phai đi, để lại kỷ niệm, niềm đau và sự hàm ơn tình yêu. Yêu là một sự va đập tâm can dữ dội hơn bất kỳ ngọn sóng lớn nào của biển.

“Tình yêu là cố gắng tột cùng của con người chống lại sự ích kỷ.” – Nhạc sĩ Dương Thụ

Nó giống như tu hành, vượt qua khổ nạn, tình yêu cho ta thấy Phật, thấy Chúa. Còn ngược lại là… đổ vỡ.

Tôi sợ nhắc đến những đổ vỡ, mất mát trong tình yêu. Vì vậy chẳng bao giờ tôi dám viết, để đối mặt, nhìn lại mình.

“Tôi mơ sự dịu dàng,
Mơ còn mãi những gì chúng ta yêu quý,
Không có đổ vỡ, mất mát, chia ly
Nhưng tôi biết chẳng bao giờ
Chẳng bao giờ..”

– Dương Thụ

Tôi biết ơn những người phụ nữ mà tôi đã gặp. Và không chỉ tôi, cuộc mỗi người hẳn phải mang niềm hàm ơn ít nhất một người phụ nữ nào đấy. Là mẹ ta hiền hậu, bạn đời ta dịu dàng, em gái ta yêu kiều hay cô bạn đồng nghiệp xinh xắn tặng ta đôi mắt cười…

Tôi chưa lập gia đình, bên cạnh tình thương dành cho mẹ tôi, thì những cô gái tôi gặp, thân quen, tôi dành tình cảm cho họ rất nhiều. Và họ cũng cho tôi trải qua biết bao cung bậc cảm xúc. Họ, viết nên giai điệu trần gian thành thực cho lòng tôi. Cung thanh, cung trầm, những luyến láy, trắc trở rồi ngân nga. Họ, có người yêu tôi, có người từ chối tôi, có người hận tôi, có người lại chỉ là bạn. Họ cho tôi hạnh phúc và đau buồn, êm ái rồi cô đơn. Họ dạy tôi bài học về tình yêu, cho tôi tìm thấy bản ngã của mình, rồi biết mình là ai.

“Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa – Như, từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau.” – Nhạc Sĩ Quốc Bảo (Bình Yên)

Ra đời trong nhau, lớn lên cùng nhau, hiểu nhau, tìm thấy nhau, đấy chính là tình yêu thực sự.

….

Tôi rất thích ca từ trong Let It Be của band nhạc huyền thoại The Beatles:

“When I find myself in times of trouble, Mother Mary comes to me, speaking words of wisdom, let it be…”

(Tạm dịch: Khi tôi rơi vào khoảng thời gian tăm tối của cuộc đời, đức mẹ Maria đến với tôi, Người ban cho tôi câu nói mầu nhiệm: Hãy để mọi chuyện thật tự nhiên!)

Cách đâu không lâu, tôi uống trà với một cô gái trong một không gian ấm cúng. Đó là một cô gái thông minh, mặn mà với phong thái cuốn hút. Thoạt đầu, chúng tôi nói về nghề nghiệp, về sở thích âm nhạc… Dần dà, chén trà thơm tỏa khói nghi ngút đưa chúng tôi đến câu chuyện về tình yêu. Tôi nói rằng thật khó tìm kiếm được người yêu hiểu mình trọn vẹn. Cô ấy, với vị thế là người trải nghiệm nhiều hơn tôi, cô khuyên tôi đừng vội vã tìm kiếm, hãy để mọi thứ tự nhiên. Cách nói thật rõ ràng, đơn giản làm tôi ngẩn ngơ. Tôi nhớ cô gái và câu nói ấy mãi những hôm sau…

Vậy thì tình yêu, em hãy để nó đến thật tự nhiên

Tình yêu thật sự là thứ dìu dắt tâm hồn về bình yên. Tình yêu thể hiện thành những hình ảnh, mơ ước về sự viên thành, giản dị. Một buổi sáng, từ ban công, tôi nhìn người báo đến đưa nhật báo cho gia đình hàng xóm. Chỉ thế thôi, và tôi mơ:

Tôi mơ sau này có gia đình ổn định, tôi sẽ đặt báo hàng ngày. Sáng sớm bác đưa báo đến, con Bông của bà xã tôi sẽ sủa inh ỏi báo cho chủ biết. ( Bông là con cún tôi tính rủ bà xã nuôi – tôi tính nó sẽ là giống cho Husky trắng). Tôi sẽ bảo: Xí Muội ( nếu con tôi là con gái ) hay Mon ( nếu con tôi là con trai ) ra lấy báo cho ba. Đứa nhỏ sẽ lon ton ra hòm thư ở cổng lấy báo vào đưa cho tôi, và nũng nịu: Ba thưởng gì cho con. Và tôi sẽ hôn lên má nó.

Trong bếp mẹ của đứa trẻ nhìn hai ba con cười khúc khích. Con mèo Nấm ( Con mèo của chị Hai tôi, nếu đến lúc tôi có gia đình nó còn sống – tôi sẽ xin chị Hai mang nó về nuôi ) quấn lấy chân cô ấy đòi ăn.

Ít phút sau, bữa sáng thơm tho đã sẵn sàng. Cả nhà, ba mẹ, những đứa trẻ, vật nuôi.. đều no bụng, hạnh phúc. Yêu em, tôi mơ về những giấc mơ như thế!

Từ nhỏ, tôi đã là một người nhút nhát và khép kín. Tình cảm thường để trong lòng, cái thể hiện ra bên ngoài là vẻ mô phạm, lạnh ngắt. Thêm nữa, tôi rất sợ những cô gái. Đụng vào họ không “Trái tim bên lề” thì cũng “Buồn ơi chào mi” hay “Cô đơn” (“Buồn ơi chào mi” và “Cô đơn” là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9). Thế nên, tôi chẳng có gì đặc biệt, chẳng thể hiện được gì khi giao tiếp với một cô gái. Vài lần giao tiếp như thế, tôi đoán hẳn cô gái trước mắt tôi đang thầm nghĩ: “Thằng cha này đúng là…chán ngắt.” Thế là an toàn.

Vậy mà tôi lại chẳng thể giấu nổi cảm xúc của mình trước những cô gái mình thực sự có tình cảm. Ở công ty, tôi có một bạn nữ đồng nghiệp rất duyên dáng (có lẽ là đúng mẫu người con gái tôi thích). Cô ấy có đôi mắt biết cười, giọng Hà Nội êm thủ thỉ… Mỗi lần gặp cô ấy, tay chân tôi lúng túng như thừa thãi, mặt đỏ & chỉ biết cười, thật hiền, thật ngây ngô. Những hành động ấy tố cáo tôi, cô ấy và mọi người đều biết tình cảm của tôi. Nhưng bản thân tôi hiểu, đó đơn giản chỉ là tình yêu sự quan tâm dành cho cái đẹp, con người đẹp. Tình cảm ấy ngây ngô, trong vắt và tôi chỉ để đó, chỉ để đó tình yêu. Cô bạn đồng nghiệp nọ cho tôi cảm xúc để viết Yêu Nhau Để Đó – một ca khúc vụng về, chậm chạp như tình yêu của tôi.

Yêu nhau, ta để đó.
Cho tình thắm lên hoa,
Cho ngày tháng trôi xa,
Tình thơ ngây như lá,
Tình êm ái như nhung.
Ơi em sao đứng đợi.
Sao để đó. Tình yêu.

Thị trấn tôi ở bước vào những ngày mưa cuối mùa nên mát mẻ & ướt át (giống kiểu giai điệu trung – trầm trong điệp khúc Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn). Thời tiết thế này làm ta dễ vui, dễ buồn, dễ nhung nhớ nhởn nha & dễ dại dột nói câu tỏ tình. Tôi thì rất sợ lời tỏ tình được nói ra, mất đẹp, mất trong veo như lúc vẫn giữ gìn nó ở trong tim, mất luôn cái cảm giác bồi hồi khi chực chờ muốn gửi nó tới vòm họng. Thế nên, hầu như những ngày này, tôi chẳng giao tiếp với ai…

Còn tình yêu, xin hãy để nó đến tự nhiên.

Đông Thụ

Bienhoa 13.10.2013