25 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 210

Cổng trường đại học, có nên bước vào?

Featured Image: Explore Lia

 

Vì lý do quá đau lòng do việc bị cắt gọt, mình đăng lại tại đây là nguyên văn bài “Trường đại học có phải giấc mơ duy nhất?” đăng trên Tuần Việt Nam.

Đột nhiên một ngày, tôi nhận ra rằng những người bạn thành đạt nhất xung quanh mình đều thuộc hai loại: Du học hoặc bỏ học (đại học).

Điển hình nhất là cô bạn Huyền Chip, trong lúc bạn bè chúng tôi miệt mài trên giảng đường sau kỳ thi đại học, cô ấy chu du khắp thế giới. Đến lúc thiên hạ tốt nghiệp đi làm, cô ấy lại xách ba lô lên và đi học Standford. Cá nhân tôi cũng từ bỏ việc có được một tấm bằng đại học sau 5 năm ngồi trên ghế giảng đường để theo đuổi công việc trong các dự án phát triển và trở thành một cây bút tự do, dù rằng quyết định này khiến nhiều người xung quanh tôi thất vọng.

Cách đây 2 năm, tôi và Huyền Chip tình cờ cùng tham gia một sự kiện có tên “20, bỗng nhiên tôi muốn bỏ học”, chẳng mấy ai ngờ 2 năm sau, cô ấy lại đi học còn tôi thì bỏ học

Gào, người cũng đã bỏ dở việc học để rồi bất chấp mọi tai tiếng thì cũng không thể phủ nhận một sự thật là chị là một tác giả sách thành công. Đối với chị, tấm bằng đại học có lẽ chỉ có tác dụng đơn giản là khiến một vài người khỏi vội vã coi thường năng lực của chị. Hà Thủy Nguyên, một cây viết tài năng với cuốn sách đầu tay năm 16 tuổi cũng rời bỏ khoa Văn trường Đại học KHXH&NV sau vài năm theo học.

Đại học không phải là mơ

Không phải tự dưng mà có nhiều người chủ động từ bỏ việc học đại học, bất chấp những rào cản và bất tiện trong một xã hội còn chuộng bằng cấp.

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng chất lượng đào tạo đại học Việt Nam nằm ở vị trí cực thấp trên bảng xếp hạng khu vực. Mãi đến năm 2014 mới có trường là ĐH Bách Khoa Hà Nội và hai trường ĐH Quốc gia nằm trong bảng xếp hạng của châu Á (bảng Quacquarelli Symond), và vị trí cao nhất thuộc về trường ĐH QG Hà Nội cũng mới chỉ nằm ở nhóm 161-170 . Tỷ lệ giảng viên/sinh viên thấp, thiếu vắng các nghiên cứu khoa học, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm đúng chuyên ngành là tình trạng chung của các trường. Đại học tại Việt Nam rõ ràng không phải là môi trường lý tưởng cho việc nghiên cứu và sáng tạo mà thay vào đó là một nơi đầy tù túng, định kiến và cả những tiêu cực nơi giảng đường.

Không chỉ biểu hiện trên bảng xếp hạng, thực tế thì tấm bằng đại học đang ngày càng ít trọng lượng hơn trong hồ sơ xin việc của các ứng viên. Xã hội chúng ta đang đối mặt với việc lạm phát cử nhân, thậm chí là bắt đầu tiếp cận tới việc lạm phát cả thạc sĩ. Cách đây vài ngày, bộ LĐTB&XH mới công bố số liệu rằng Việt Nam đang có hơn 162 000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, chiếm gần 1/5 số người thất nghiệp trên cả nước.

Học hành vất vả, cạnh tranh gay gắt mới đỗ được vào một trường đại học để rồi sau 4,5 năm ăn học tốn kém lại phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, làm việc trái ngành, năng lực không đảm bảo nói lên một điều: Đại học không phải là mơ.

Hướng nghiệp: Thầy bói xem voi

Kết quả đáng buồn như trên không chỉ đến từ sự yếu kém trong công tác tổ chức đào tạo của các trường mà còn đến từ chính tư duy, định kiến của xã hội về việc học đại học. Chính lối suy nghĩ “đỗ đại học là vinh quang” “học đại học để đối đời” đã đẩy bao gia đình nông thôn nghèo khó vào cảnh bán trâu, bán lợn, vay nợ cho con đi học để rồi lại chẳng biết vay tiếp ở đâu cho đủ tiền xin việc khi con tốt nghiệp. Trong khi nhiều cử nhân ra trường mãi mà chẳng có việc làm phải giấu bằng đi học nghề, bạn bè của họ lại đã có công việc ổn định dù chỉ học trung cấp hay kinh doanh nhỏ.

Điều đáng nói ở đây là việc cả các sĩ tử lẫn cha mẹ của họ đều đang ảo tưởng quá nhiều vào tấm bằng đại học, trầm trọng thành một căn bệnh của xã hội. Tất cả đứa trẻ Việt Nam đều được nuôi lớn và trao cho niềm tin rằng chúng cần học thật giỏi để đỗ đại học, áp lực và nỗi sợ trượt đại học lớn đến mức đẩy nhiều thiếu niên vào hố sâu tuyệt vọng, thậm chí là cả tự sát.

Công tác hướng nghiệp tại Việt Nam hiện nay không phải là yếu, mà là gần như không có. Hệ thống giáo dục ở các nước phát triển Tây phương không chỉ chú trọng đến tư duy phản biện, khả năng tự lập mà còn đề cao sự tự do trải nghiệm của các cá nhân. Dù vậy, hàng năm vẫn có vô số thiếu niên lựa chọn bỏ ra một, thậm chí vài năm để trải nghiệm và tìm kiếm con đường của mình.

Mỗi kỳ tốt nghiệp, thay vì gửi tới xã hội những con người nhiệt huyết, ước mơ, hệ thống giáo dục của chúng ta lại trả lại toàn những con người mờ mịt về tương lai, chất đầy hai vai gánh nặng thi cử, chọn trường theo điểm số và những lời khuyên truyền miệng. Để rồi 4,5 năm sau, họ ra ra đời khi đã mài mòn hết ngây thơ, nhiệt huyết bằng những comment đả kích trên facebook, bằng những lời dụ dỗ bán hàng đa cấp hay các khóa học làm giàu.

Hãy dũng cảm… không thi đại học

Đừng coi đại học như một con đường để rồi đặt ra câu chuyện là đi đường này hay đi đường kia. Hãy đặt các ngôi trường đại học trở về đúng bản chất của nó: Một ngôi trường. Người ta đến trường để đi học, mà học thì là một công việc suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn có thể chọn học ở đại học hoặc không, và bạn cũng có thể quyết định học ở đó lúc này hay lúc khác.

Theo tôi, câu hỏi quan trọng nhất lúc này không phải là học ở trường đại học nào, có nên học đại học không, mà là: “Học để làm gì?” Thật buồn thay cho những người học chỉ vì cha mẹ họ muốn thế, học vì xã hội cần bằng đại học hay học chỉ để có một công việc nuôi sống bản thân. Thực tế cho thấy những người làm việc không có đam mê thường chẳng thể tiến xa trong xã hội.

Bỏ ra một năm để trải nghiệm, quyết định học nghề, tự học hay khởi nghiệp sớm đều không phải là những quyết định dễ dàng, càng khó hơn khi bạn không thực sự hiểu về sức mạnh và ước muốn của bản thân. Đại học vẫn luôn là một lựa chọn dễ dàng khi bạn có đủ khả năng đỗ và trả tiền học phí, không ai sẽ dèm pha bạn vì đã học đại học, nhưng để có thể làm khác, cần cả sự hiểu biết và sự dũng cảm. Xin trích câu nói của Ts Giáp Văn Dương – người sáng lập của Giapschool thay lời kết:

“Hãy sống.
Hãy sáng tạo.
Hãy bay bổng.
Hãy tò mò khám phá.
Hãy cất bước dấn thân.
Hãy tin vào bản thân mình.
Hãy vun đắp những khát vọng lớn. ”

 

Hoàng Đức Minh
7/7/2014

Vị của con gái

Featured Image: Bùi Phương Linh

 

Có một thói quen thế này:

Ba cô gái: Nâu đá nhiều sữa, nâu đá ít sữa, nâu nóng cực ít sữa.

Tôi đã quen như thế với vị của các cô gái thường café phố cổ sáng thứ 7, mỗi người một vị và cùng thú thưởng thức từng giọt café chạm vào đầu lưỡi. Tôi vẫn thích cái cảm giác khó gọi thành tên đến thảnh thơi và quên đi mọi thứ xung quanh để chỉ tập trung vào cảm giác tận hưởng ngay lúc này. Vị cảm của từng thú vui cũng có khi được ví von với cách cảm về vị của con gái. Đỏng đảnh lắm, cá tính lắm, đáng yêu nhưng cũng có khi khó chiều, khó ưa lắm.

Con gái à, đổi vị thì sao nhỉ? Bất ngờ một sáng nào đó, tôi thích một ly đen nóng không đường?

Con gái hình như thường thích những gì mới lạ hơn con trai thì phải? Café ư… tùy địa điểm, tùy đối tượng để nàng gọi cho mình một loại đồ uống vô cùng nữ tính, điệu đà, độc đáo thay vì tính cách của con trai thường chỉ trung thành với một hoặc một vài loại đơn giản nào đó. Thế nhưng, con gái đôi khi cũng thích thử cảm giác mới của những vị mà nhiều người nghĩ chỉ dành cho con trai. Con gái nếu đi theo nhóm thì sẽ chẳng có đồ uống nào giống đồ uống nào, các nàng thích sự đa dạng cũng giống như vẻ phức tạp trong bản chất con người họ. Tùy cách con gái “chọn vị” – lấy ví dụ về đồ uống cũng như tôi gọi nhân hóa lên tất cả những gì tạo nên một con người mang tên “phái yếu”. Vị của mùi, của hình thức bề ngoài, của cách nói chuyện hoặc sâu hơn bên trong nữa là vị của tính cách, vị của tâm hồn. Mỗi sự lựa chọn và cách thể hiện của vị khiến cho người con gái ấy trở nên cá tính và cực kỳ đặc biệt như thế. Mỗi cô gái có một vị thú vị lắm!                                                                                                                             

Để viết về một người con gái, một người phụ nữ, một người đàn bà thì hẳn bạn đã nghe đến câu chuyện rằng tác giả sẽ mang đến cho bạn một tập rất dày nhưng chỉ toàn giấy trắng rồi chứ! Con gái vốn thế phải không – lúc thì ngây ngô đến dễ thương nhưng lúc thì phức tạp đến khó hiểu? “Cái cảm” của bản thân họ và “sự nếm” của người thưởng thức thường có sự pha tạp của sự hoài nghi khi người ta nghĩ về con gái. Đặc biệt với con trai, họ cứ tưởng dễ nắm bắt lấy một cô gái nhưng dường như vẫn có những lúc vắt tay lên trán than rằng, chẳng hiểu gì về họ cả. Đúng vậy đó, thực tế con gái là một giới tính trái dấu với con trai, cũng là con người có cách suy nghĩ, cá tính riêng; và chỉ có điều con gái có những cách thể hiện thế nào để phù hợp với người nếm trong từng hoàn cảnh.

Người phương Đông quan niệm có 5 vị cơ bản trong cách cảm nhận bằng vị giác: Mặn, ngọt, chua, cay và đắng. Sự cảm nhận của mỗi cá nhân về từng vị là khác nhau. Có người thích vị này, có người hợp vị khác, có người chịu được sự tột cùng trong giới hạn ngưỡng của vị đó, nhưng cũng có người đôi khi chỉ chạm vào vị đó để thưởng thức thêm cho đủ sự trọn vẹn của ngũ vị. Điều này hệt như cái cách chúng ta trải qua bất kỳ chuyện nào dù lớn, dù nhỏ trong cuộc sống. Liệu bạn có đủ tinh tế để cảm nhận: Đắng tượng trưng cho khó khăn ban đầu, cay tượng trưng cho sự nản chí, chua là sự thất bại, mặn là sự cố gắng, ngọt là sự thành công.

Từ những cung bậc cảm xúc và cách thể hiện ra bên ngoài khi đối diện với cuộc sống, mọi việc đều bắt đầu từ đắng, “thuốc đắng giã tật”, vượt qua đắng để mạnh mẽ hơn và cảm thấy ấm áp, nhẹ nhõm hơn khi nếm qua vị cay; nhăn nhó nhưng có lẽ sẽ dịu, thanh và chín chắn hơn khi vượt qua thất bại với vị chua; thêm vị mặn như một chất xúc tác để có thêm hứng thú, sáng tạo và thử thách để thấy rằng chẳng có gì là nhạt nhẽo trên cuộc đời này cả. Để rồi cuối cùng, vị ngọt luôn là cảm giác của sự chờ đợi nhất, ngọt vừa đủ, không quá để nếm từng giọt hạnh phúc của sung sướng, đón nhận niềm vui khi đã trải qua đủ cả đắng, cay, chua, mặn.

Tôi yêu những cô gái có vị ngọt nhưng lại tò mò về những cô gái có vị đắng

Đắng là vị nhạy cảm nhất trong các vị, của café, của socola, của bia. Đắng là vị phát hiện rõ rệt và là cảm giác của sự khó chịu. Đắng là vị khó kết hợp với tất cả các vị khác nhất. Đắng trong cảm nhận chưa quen ban đầu của một điều gì đó khó chạm tới. Những cô gái có vị đắng thường khoác lên mình một vẻ bề ngoài khó tiếp cận, một lối suy nghĩ không mấy dễ hiểu, đắng mà! Thế nhưng, phần thưởng dành cho những ai biết cảm thì sẽ thấy vị ngọt bí ẩn đằng sau một tách café đắng, vị ngậy bên trong thỏi socola nguyên chất và vị sảng khoái khi tận hưởng ly bia tươi đắng.

Sẽ thế nào nếu bạn là một cô gái có vị ngọt? Ngọt dễ làm ta liên tưởng đến một số tính từ như: xinh xắn, ngọt ngào, dễ thương, nhẹ nhàng… Vị ngọt thường được coi là mang đến cảm giác tích cực, thoải mái, dễ ưa nhưng đối nghịch với nó thì cũng dễ chán. Ngọt từ bên trong, sâu sắc một cách vừa phải và có chút gì đấy pha trộn của cay, chua, mặn nhé – sẽ là một vị của sự pha trộn hoàn hảo hơn. Thỉnh thoảng biến hóa và thử đổi vị xem sao?

Con gái à, bạn thấy mình có vị gì? Có bị quá đắng khiến mình trở nên khó chịu và bị tránh xa hay không? Quá cay đến xè lưỡi để bị ấn tượng không dám lại gần ở lần thứ hai? Quá chua đến đanh đá để người nếm phải nhăn nhó đến khó chịu và tẩy chay hay không? Quá mặn để đáng bị bỏ đi? Hay thậm chí quá ngọt để kích thích sự hưng phấn vượt quá ngưỡng cho phép hay không? Mỗi vị một chút, tùy theo hoàn cảnh để tự mình cảm nhận sự đa dạng và hoàn hảo trong tính cách của một người phụ nữ, trải nghiệm mọi cung bậc của cảm xúc, phù hợp trong cách thể hiện vị để người nếm luôn thích thú và mới mẻ với một người con gái đặc biệt.

Con trai à, gửi đến các chàng thông điệp về sự đa dạng vẫn luôn ẩn chứa ở những cô gái vẫn đang trải nghiệm để hướng đến vị ngọt thật sự nhé. Dành đủ thời gian để nếm trọn vẹn từng vị, không phán xét, không khó chịu có lẽ sẽ là giây phút thoải mái để hiểu rằng cuộc đời luôn mang đến đủ thứ, đủ loại người mà bạn cần và rồi sẽ có lúc bạn cảm nhận được vị ngọt ngay cả khi đang ngậm một thứ gì đắng nhất. Trọn vẹn trong sự cân bằng hoàn hảo!

Có nhiều cách để cảm nhận vẻ đẹp của một người con gái, qua vị có lẽ cũng là một góc nhìn mang tính cá nhân, cũng hấp dẫn đấy chứ nhỉ?

 

Bùi Phương Linh

Thế giới dạy dỗ con em họ như thế nào?

Featured Image: Robert Lang

 

“Ai làm chủ giáo dục người đó có thể thay đổi thế giới.” – Gottfried Leibniz

Chúng ta ai cũng biết tầm quan trọng của nền giáo dục từ ngàn xưa đến nay, bao gồm giáo dục con người, giáo dục nhân cách và tri thức, điều này ảnh hưởng vô cùng to lớn đến tương lai của không chỉ cá nhân đó mà còn ảnh hường trực tiếp đến tương lai của một đất nước và dân tộc anh ta. Giáo dục không còn là việc của riêng ai mà là công việc của toàn xã hội, từ gia đình, trường học đến những phong tục tập quán ngàn xưa cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên nhân cách và thói quen của con người.

Giáo dục không chỉ là học tiểu học – trung học – đại học mà còn là những bài học dạy cho trẻ từ thuở lọt lòng. Mỗi quốc gia khác nhau thì có những nét đặc trưng khác nhau trong cách dạy con cái và giáo dục văn hóa cho các thế hệ tiếp nối. Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng và phát triển cho thế giới này. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao có nước thì hùng mạnh nước thì không, tại sao có những con người thích tạo ra cái mới còn những người khác lại chỉ thích ngồi đợi những cái mới ấy? Tại sao có người coi sách như vàng còn những người khác lại coi sách là thứ chỉ để bán đồng nát? Phải chăng tất cả đều bắt nguồn từ những suy nghĩ và nhận thức mà mỗi người đều mang sẵn trong đầu. Và nhận thức đó từ đâu mà có? Phải chăng tất cả từ sự giáo dục, dạy dỗ mà họ nhận được từ khi còn thơ bé và luôn mang theo bên mình cho tới khi chết đi?

Chúng ta biết và đều ngầm thừa nhận rằng hầu hết con người Châu Âu – Mỹ đều tự lập và mạnh mẽ, người Pháp luôn điềm tĩnh chỉn chu, người Nhật thì cực kỳ khuôn phép và người Israel lại tuyệt đối thông minh sáng tạo… Tại sao lại có những sự khác biệt đó?

Hãy nghiên cứu nền giáo dục của họ, cách họ dạy dỗ một đứa trẻ từ khi lọt lòng cho tới khi nhận thức và trưởng thành. Sau đó hãy tự so sánh với nền văn hóa, giáo dục của Việt Nam chúng ta. Tôi tin bạn sẽ nhận ra và học hỏi được nhiều điều thú vị.

Bài viết có thể hơi dài, hãy kiên nhẫn…

Dạy trẻ kiểu… Anh

Mẹ Anh đối xử rất tốt với con theo nhiều cách khác nhau. Hầu hết họ không quát con to tiếng mà sử dụng những từ ngữ rất tình cảm và không bao giờ nói những điều tiêu cực về con mình, kể cả bé có hư đến thế nào. Có một mẹ Việt đi dạo đến công viên và nói chuyện với một vài người mẹ Anh cũng đang ở đó. Mẹ Việt kể về con mình với những từ đại loại như: “Nghịch như quỷ, hư lắm, đến giờ cầm thìa còn như cầm kiếm….” Và họ nói với cô rằng: “Có lẽ chị chưa kể về con mình một cách tích cực rồi!” Câu nói vu vơ nhưng làm mẹ Việt vô cùng xấu hổ. Cô chợt nhận ra nói đùa về con mình không làm cho vấn đề trở nên hài hước mà thậm chí biến cô thành một người mẹ tồi. Trong khi mẹ Anh luôn rất chu đáo, lịch sự và tôn trọng con mình. Ở những nơi công cộng, bến tàu điện ngầm, siêu thị, trong nhà hàng… nếu lớn tiếng mắng hay phạt con, bạn sẽ nhận được những ánh mắt như thể đang.. bạo hành bé vậy.

Mẹ Anh không bao giờ cạnh tranh hay dè bỉu nhau chuyện nuôi con. Thậm chí các bà mẹ thường xuyên chia sẻ về những điều vụng về của mình: “Sáng nay hết bánh mì nên cho con ăn khoai tây chiên vậy.” Những chia sẻ như thế thường nhận được rất nhiều đồng cảm của các bà mẹ khác. Tất cả những điều đó cũng chỉ để cho thấy rằng mẹ Anh không quan trong phải gồng mình thành những bà mẹ hoàn hảo.

Một bà mẹ Việt được mời đến gia đình người Anh dự tiệc Giáng Sinh, buổi tiệc rất đông con nít. Một cô bé mới 20 tháng tuổi tên là Ely, vừa đến là thích thú ngay với con heo bằng bông to đùng, nhấn vào mũi thì phát ra nhạc. Con heo đó thuộc ‘quyền sở hữu’ của một cô bé 10 tuổi khác, cũng là con cháu nhà đấy. Ban đầu, bé lớn sẵn lòng cho bé nhỏ mượn chơi, nhưng sau khoảng 30 phút thì bé lớn đòi lại. Lập tức, bé nhỏ khóc ré lên, lao về phía mẹ mình, chỉ tay về con heo. Mọi người trong nhà đều hiểu con bé muốn gì nhưng không một ai bênh vực bé cả. Mẹ của bé bế bé lên và chỉ cho bé những món đồ chơi khác, đứa bé vẫn khóc la nhưng mẹ bé kiên quyết không chiều theo.

Cuối cùng sau 10 phút, bé cũng quên con heo và bắt đầu chơi những món đồ chơi mới. Mẹ Việt thủ thỉ: “Ely ngoan quá! Nhưng sao chị không kêu Florence đưa con heo cho Ely, được vậy thì Ely đã không khóc lâu như thế!” Chị ấy mỉm cười giải thích: “Ồ, không nên chút nào! Đó vốn không phải là đồ chơi của Ely mà là của Florence. Florence đã cho mượn 30 phút, nếu Florence muốn lấy lại cũng là hợp lý! Quan trọng hơn là không nên tập cho trẻ con, dù còn rất nhỏ tuổi thói quen ĐÒI GÌ ĐƯỢC NẤY, NHẤT LÀ NHỮNG ĐÒI HỎI VÔ LÝ như vừa rồi!” Vậy mới thấy, mẹ Anh dạy con rằng không phải cứ nhỏ hơn là có quyền được ưu tiên mọi thứ.

Dạy con kiểu Đức

Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng. Mẹ Đức dạy con từ từ vựng đầu tiên mà các bé thực sự hiểu, đó là từ “không”. Khi nói “không” với bé, mẹ Đức nói rất nghiêm túc, rõ ràng để bé hiểu được đúng nghĩa của từ này, sau đó là giải thích tại sao bé “không” được phép làm. Bé chưa hiểu gì nhiều nhưng từ “không” được lặp đi lặp lại nhiều lần bé sẽ quen, bộ nhớ của trẻ như một cái tủ rỗng, từ “không” là thứ đồ đạc đầu tiên được đặt vào. Nên các bạn thấy, trẻ em phương Tây chơi chung với bạn rất tự giác và độc lập, chỉ cần nghe mẹ nói “không” là bé tự ý biết mình không được phép làm việc đó.

Đối với trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành tính cách cá nhân nên chúng có lý lẽ của chúng để tránh từ “không” của bố mẹ. Trong trường hợp này cần đến đàm phán và thương lượng. Mẹ Đức giải thích lý do tại sao một cách cặn kẽ cho bé, vì dù sao bé cũng nên biết cái vạch giới hạn của bố mẹ đề ra. Đặc biệt khi mẹ nói “không” thì bố cũng phải đồng tình và ngược lại, vì bé sẽ cầu cứu người thứ ba. Để cho bé biết rằng điều đó được sự nhất trí của bố mẹ thì bố mẹ phải phối hợp ăn ý, khi không cầu cứu ai được nữa bé sẽ hiểu: À, mình “không” được phép làm thật rồi.

Phương châm của các bậc cha mẹ người Đức là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói “Không”.

Mẹ Đức cho rằng, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách riêng của chúng nên họ không quan tâm nhiều đến chuyện cân nặng, chiều cao và nhất là không đem con mình ra so sánh với những trẻ khác. Điều này vừa khiến cho bố mẹ bận tâm suy nghĩ vừa thể hiện sự bất công đối với trẻ, khiến cho trẻ cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè.

Đối với người Đức, trẻ em cần được học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ việc nhỏ nhất. Ví dụ, khi mẹ làm cái gì nên cho bé đứng hay ngồi bên cạnh xem cùng hoặc hướng dẫn cho bé làm cùng, đừng nói: “Con không được sờ vào, để mẹ làm một loáng cho nhanh.” Mẹ làm thì nhanh thật nhưng bé sẽ không học được gì nếu bố mẹ cứ làm hộ mãi. Khi nấu cơm hãy cho bé đong gạo, giặt quần áo hãy để bé tự cho quần áo của nó vào máy giặt. Dọn nhà hãy đưa cho bé một cái khăn và khoanh vùng, đây là vùng của con. Đặc biệt rác phải được bỏ vào thùng rác. Trẻ em học rất nhanh và nhớ lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau bé sẽ nhớ và tự ý thức được việc đó phải làm như thế nào.

Nhiều người cho rằng không nên cho trẻ con tiêu tiền sớm, vì tiền thúc giục bản năng xấu xa của con người. Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Mỗi khi cho con đi mua đồ cùng, bé được phép chọn đồ và khi mẹ nói không được, cái này đắt quá, con chọn thứ khác đi, thứ nào rẻ hơn ấy. Lúc đầu bé không làm theo mà nằm ra đất khóc ăn vạ. Mẹ mặc kệ đẩy xe đi, bé khóc chán thì đứng lên chạy theo mẹ, nhiều lần như thế sẽ quen, để làm được việc này người mẹ cần phải rất kiên nhẫn.

Mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo: “Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp.” Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: À ha, phải trả tiền trước khi mang đồ đi. Phải cho trẻ biết giá của đồ vật ấy là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không. Không dạy cho trẻ cách “có tiền ta mua được tất cả”, hoặc chúng đòi cái gì cũng mua với ý nghĩ con mình không thua con hàng xóm được. Điều ấy tạo cho trẻ sớm có tính đua đòi, tồi tệ nhất sẽ dẫn đến ăn cắp. Trong một đám bạn chơi chung, nhưng khi ra về đồ chơi của bạn nào được trả về đúng cho bạn đó.

Còn mẹ Pháp dạy con như thế nào?

Họ cho rằng, làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái của mình. Có lẽ vì vậy, người mẹ Pháp lúc nào cũng chỉn chu, sang trọng. Không bao giờ chúng ta thấy cảnh họ phải tất tả vì lũ trẻ. Mẹ Pháp để con cái tự phát triển là chính.

Thực ra, họ không hoàn toàn để mặc con cái mình. Họ giải thích rằng, họ không muốn lúc nào cũng bao bọc con cái, biến chúng thành những con thú nhồi bông. Họ hướng cho bọn trẻ tự do phát triển. Như vậy sẽ đỡ mệt mỏi cho bố mẹ, mà lại tốt hơn cho con cái.

Các bậc cha mẹ Pháp ít khi an ủi, dỗ dành con mình. Một ví dụ cụ thể là khi đứa trẻ gặp ác mộng, bà mẹ Pháp sẽ bình tĩnh nói với con mình rằng: “Cuộc sống này là thế đấy. Rồi con sẽ gặp nhiều chuyện kinh khủng hơn nhiều.” Và kết quả là, những đứa trẻ Pháp rất dễ chấp nhận và thích nghi với những điều tồi tệ của cuộc sống.

Liệu đó có phải lý do chúng ta luôn thấy người Pháp trong bộ dạng bảnh bao bình tĩnh, họ luôn điềm tĩnh một cách lạ lùng, cứ như thể chẳng có gì trên đời khiến họ phải bận tâm vậy. Điều đó vô tình tạo nên những người con Pháp vô cùng thanh tao và luôn luôn trầm tĩnh trong mọi hoàn cảnh, bởi vì họ biết rằng, chuyện gì xảy ra cũng là lẽ rất thường?

Một so sánh khác là trong khi cha mẹ Mỹ thường có xu hướng ca ngợi, để khuyến khích con mình mỗi khi chúng làm được điều gì đó, dù chỉ là rất nhỏ, thì mẹ Pháp lại bình thường hoá những chuyện đó. Thậm chí, khi đứa trẻ khoe một bức tranh vừa mới vẽ, họ có thể cười nhạo và đùa rằng: “Còn lâu mới được bằng Picasso!” Mẹ Pháp không quá chú trọng đến chuyện con mình phải học nhiều, biết nhiều. Họ không khuyến khích con cái đọc sách trước khi lên sáu tuổi. Thay vào đó, họ để trẻ tự do phát triển trí não với những trò chơi thông minh, phù hợp lứa tuổi. Họ luôn nhiệt tình khi nói chuyện với con và dạy chúng nhận biết thế giới xung quanh.

Cách người Do Thái dạy trẻ

Từ lâu người Do Thái được biết đến là “dân tộc thông minh nhất thế giới”, chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich (người Nga gốc Do Thái), Albert Einstein…

Dành thời gian lặn lội sang mảnh đất Israel xa xôi, chuyên gia Lại Thị Hải Lý – Sáng lập Tập đoàn Giáo dục và đầu tư VSK – phương án 0 tuổi tại Việt Nam là người đưa giáo dục sớm Do Thái về Việt Nam, đã đến nhiều trường mầm non và thăm các gia đình ở nước này, tận mắt tìm hiểu, lắng nghe cách dạy con và những bí quyết để có những thế hệ tài năng. Cô nhận xét: Người Do Thái yêu thương con với tầm nhìn xa, trông rộng… Bất cứ phụ huynh nào trên thế giới này đều yêu thương con cái nhưng với các bậc cha mẹ Do Thái luôn mong muốn tình yêu giọt máu đào, thấm sâu và nuôi dưỡng đứa trẻ nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho con chứ không phải là tình yêu kiểu giọt nước mát thỏa mãn những nhu cầu tức thì của con. Người Do Thái muốn đào tạo những đứa trẻ bản lĩnh, mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày.

Theo quan niệm của các cha mẹ Do Thái, phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm. Chính họ cho rằng phải tránh 3 “không” gồm: Không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thì và không thỏa mãn quá mức. Phần 20 điểm còn lại không phải là không yêu con mà điều đó ẩn giấu vào tình yêu lý trí, khoa học, nghệ thuật. Ở Israel, có những trường mang tên quý tộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khi trẻ em học ở đây được rèn luyện nhiều về chỉ số vượt khó AQ. Học sinh sẽ trải qua thử thách kể cả những vất vả. Các phụ huynh Do Thái rất chú trọng dạy con về tính tự lập, trẻ em có được kỹ năng phục vụ bản thân từ rất sớm.

Nhiều phụ huynh Do Thái vẫn kể cho con về câu chuyện “Cà rốt, trứng gà, cà phê” để định hướng cho trẻ cách đương đầu với khó khăn thử thách, hoặc câu chuyện “con lừa thồ sách trên lưng” để nhắc nhở con về việc ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Việc phát triển trí tuệ rất được người Do Thái quan tâm, điều này là nhờ thói quen và đam mê đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có một thư viện với các đầu sách cực kỳ quá giá, cả nước có hơn 1000 thư viện công cộng. Chính vì vậy, trẻ con Do Thái thường chủ động đọc sách từ rất sớm, sách quý được truyền từ đời này sang đời khác, tủ sách thường được đặt đầu giường của các em.

Tại mỗi gia đình người Do Thái, phụ huynh luôn chú trọng việc dạy con làm việc nhà. Từ lúc 2 tuổi, các em đã phải bắt đầu học để tự làm mọi việc như tự xúc cơm ăn. Ở trường học thường xuyên tổ chức các chuyến thăm quan 1 ngày tới nơi làm việc của cha mẹ. Nhiều em đã chảy nước mắt vì chứng kiến cha mẹ là thợ dệt phải làm việc quần quật cả ngày bên máy khâu. Trẻ em Do Thái đều phải giúp bố mẹ làm việc nhà, kể cả những gia đình giàu có nhất. Sự nuông chiều vốn không phải là triết lý của người Do Thái, mà tình yêu của người mẹ dành cho con nằm ở khả năng tự lập và trưởng thành của người con sau này.

Câu chuyện về gia đình sư tử mà các phụ huỵnh Do Thái vẫn kể với mục đích để nhắc nhở cho mỗi người làm cha mẹ mang đến nhiều suy ngẫm cực kỳ sâu sắc. Chuyện là, có một bà mẹ sư tử nói sẽ dạy con đi săn. Hai anh em sư tử quá hứng khởi, chạy quá nhanh nên người anh lăn vòng tròn và bị thương. Sau đó, mẹ sư tử cho người anh ở nhà. Hàng ngày, mẹ và em sư tử vẫn đi săn mồi nhưng khi ăn không quên để phần cho người anh. Từ đó, anh sư tử sống trong sự thoải mái, hàng ngày được ăn mà không phải đi kiếm mồi. Cho đến khi trưởng thành, mẹ sư tử mất, lúc đó 2 anh em phải tự đi kiếm ăn nhưng rồi chúng lạc nhau, sư tử anh không thể kiếm nổi đồ ăn cho mình nên đói mà chết. Trước khi chết sư tử anh chỉ thốt lên một câu rằng: “Con hận mẹ.”

Đối với phụ huynh Do Thái, giáo dục con cách quản lý tài sản được thực hiện ngày từ khi trẻ còn bé. Một bà mẹ có con là triệu phú ở Israel cho biết, mục tiêu ban đầu không phải tạo ra triệu phú mà triệu phú là hệ quả tất yếu của quá trình giáo dục.

Theo Cựu Thủ tướng Israel, dân tộc này đã coi trí tuệ và nguồn nhân lực, 13 triệu người dân Do Thái trên toàn thế giới chính là tài sản lớn nhất của dân tộc. Tinh hoa của nền giáo dục Do Thái đã được đúc kết hàng ngàn năm qua Kinh Tohran và Kinh Talmudh, qua cách nuôi dạy con cái của các gia đình Do Thái. Đó chính là tính tự lập và khả năng sinh tồn. Theo triết lý của người Do Thái, chỉ số thông minh IQ chỉ chiếm có 20% trong bí quyết thành công, còn lại 80% nằm ở chỉ số vượt khó AQ và khả năng ứng dụng kiến thức và thích nghi với cuộc sống EQ.

Người Do Thái cũng sớm rèn cho con khả năng quản lý tiền bạc và dạy con hiểu về giá trị của đồng tiền từ khi các em còn rất nhỏ. Việc cho con sớm nhận biết với tiền là cách để các bậc phụ huynh Do Thái giúp con mình sớm hiểu được giá trị của lao động. Với trẻ em Do Thái, 3 tuổi được dạy cách phân biệt tiền và biết giá tri tiền, 4 tuổi được bố mẹ đưa tiền để dùng mua sắm những đồ đơn giản, 5 tuổi hiểu có được là nhờ lao động nên phải chi tiêu hợp lý. Từ 6-10 tuổi được bố mẹ cho số tiền lớn hơn một chút và học cách quản lý tiền, tài sản, khi trẻ 10 tuổi sẽ có tài khoản riêng. Thậm chí, tại nhiều gia đình Do Thái, khi con làm việc nhà có thể thưởng những khoản tiền nho nhỏ.

Ngoài ra còn có thể kể đến thuyết Thai giáo học “Thai nhi là thiên tài” và phương pháp giáo dục sớm 0-6 tuổi được lưu truyền lại trong kinh Tohran và kinh Talmudh của người Do Thái. Chính vì vậy, trò chuyện với thai nhi, vận động nhẹ nhàng, giải toán cho bà bầu,… là các cách đã được các bà mẹ áp dụng để nâng cao khả năng phát triển trí tuệ cho thai nhi. Các nhà khoa học cũng cho rằng con người chỉ sử dụng 3-5% tiềm năng của não bộ, còn ở thiên tài Albert Einstein là 10%. Chính vì thế, việc tìm ra khả năng sản sinh tối đa tiềm năng của não bộ sẽ là cách để tạo ra những thiên tài. Giống như việc các nhà công nghệ gen di truyền đã kích hoạt sự phát triển của cây cà chua bằng ánh sáng đỏ vào đúng thời điểm, khiến cây cà chua phát triển khổng lồ trên nền sa mạc.

Một sự kích hoạt não bộ của trẻ đúng thời điểm sẽ giúp sản sinh ra những thiên tài. Là một chuyên gia về Giáo dục sớm, bà Lại Thị Hải Lý đã áp dụng bí quyết của người Israel đối với cô con gái Bella, kết quả là bé biết nói từ lúc 6 tháng tuổi, 13 tháng tuổi đã biết đọc chữ và 15 tháng tuổi đã nói được 200 từ tiếng Anh, hiện giờ ở tuổi lên 4, bé đã có thể giao tiếp đơn giản bằng 6 thứ tiếng. Đại sứ Đinh Xuân Lưu và học giả Lại Thị Hải Lý hy vọng rằng tinh hoa của nền giáo dục Israel có thể được Việt Nam áp dụng để tạo đà cho một thế hệ trẻ Việt Nam trí tuệ cao trong tương lai.

Một chuyến “dự giờ” trẻ Nhật học mầm non

Mầm non tại Nhật là một hệ thống giáo dục có tính hòa nhập, các bé không phân riêng từng lớp mà học chung cả với nhau. Trước 9 giờ 30 sáng và sau 3 giờ 30 chiều, cả trường đều chơi chung. Trong sân, những đứa trẻ lớn cầm tay những đứa trẻ nhỏ, những đứa nhỏ đuổi theo những đứa lớn. Chúng chơi đùa rất vui vẻ, như thể anh chị em ruột.

Trong những trường mầm non ở Nhật, dường như họ không hề quan tâm đến việc dạy kiến thức cho bọn trẻ. Chúng không có bất kì quyển vở nào, chỉ có những cuốn phác thảo mỗi tháng một lần. Trong kế hoạch giáo dục của của nhà trường cũng không hề có những môn học như Toán, chữ kana (chữ Nhật), nghệ thuật hay âm nhạc. Và cũng không có cả Tiếng Anh hay những cuộc thi Olympia Toán học quốc tế. Họ cũng không dạy trượt băng hay bơi lội. Khi bạn hỏi họ dạy bọn trẻ những gì thì bạn sẽ không bao giờ đoán được câu trả lời: “Chúng tôi dạy bọn trẻ cách luôn luôn mỉm cười!” Ở Nhật, bạn ở đâu không quan trọng, bạn đang nói chuyện với ai không quan trọng, mà quan trọng nhất là bạn phải ‘luôn mỉm cười’. Một cô gái luôn mỉm cười là cô gái xinh đẹp nhất.

Ngoài ra họ còn rất nghiêm túc khi dạy bọn trẻ cách sử dụng hai câu nói thể hiện phép lịch sự căn bản: “Xin lỗi” “Cảm ơn”. Điều này thể hiện rõ thong cách phục vụ bữa trưa tại trường. Một vài em sẽ được chọn ra để cùng giáo viên phục vụ trà cho các bạn cùng lớp, trước khi ăn lũ trẻ sẽ cùng nhau hô to cảm ơn cha mẹ, nhà trường và cách giáo viên đã cho chúng một bữa ăn ngon và đôi khi nó sẽ được thay thế bằng một vài hát vui vẻ. Việc trẻ được chọn ra để phục vụ các bạn khác không được coi là việc vặt mà nó giống như một vinh dự, một điều rất đặc biệt mà đứa trẻ được phép làm. Và khi giúp các bạn khác ăn uống, các bé cũng được cảm ơn một cách lịch sự nhất.

Đặc biệt, trẻ học mầm non tại Nhật học rất ít, mà chỉ chơi là nhiều. Chỉ có 30 phút trước khi ra về là giờ hát tập thể và nghe cô giáo kể chuyện. Toàn bộ thời gian còn lại, các bé có thể chơi bất cứ trò gì mình thích trong khuôn viên nhà trường.

Trong trường, có rất nhiều thứ để chơi, từ trong nhà ra đến ngoài sân, ở ngoài sân có bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… còn trong nhà có các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu… Rất nhiều thứ để chơi, và những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Các bé được tự do chơi và làm thứ mình thích. Các cô giáo hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết.

Bọn trẻ được tham gia vô vàn các hoạt động dã ngoại và ngoại khóa cực kỳ thú vị: Leo núi, thăm cảnh quan tự nhiên, đền chùa, di tích lịch sử. Ngoài ra chúng còn rất nhiều những ngày hội thể thao, biểu diễn văn nghệ, tham gia các lễ hội và sự kiện cộng đồng, những buổi giao lưu và các hoạt động triễn lãm nghệ thuật khác nữa.

Chúng được dạy cách để luôn cư xử như những công dân mẫu mực và tự lập trong những hành động nhỏ bé nhất. Để giúp trẻ có tình yêu thương với động vật, cô giáo không nói “các em phải biết yêu thương động vật”, mà họ cho các bé tự nuôi và chăm sóc một loại động vật gì đó như: gà, chuột lang, thỏ, rùa, thậm chí là cả giun đất… mỗi một nhóm từ 4 – 5 em sẽ chăm sóc một con. Qua quá trình các bé ngày ngày chăm sóc thú cưng của mình, chơi đùa, trò chuyện, cho ăn, dọn chuồng… đặc biệt những khi thú bị ốm, tình cảm của các bé với các loài động vật sẽ dần được hình thành. Sau đó, cô giáo chỉ cần nói rất ít về tình yêu thương động vật mà trẻ vẫn hiểu được một cách sâu sắc.

Để giúp trẻ hiểu rằng không nên lãng phí đồ ăn, cô giáo không giảng “một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi, nên các em không được lãng phí…”. Các bé được trực tiếp trồng lúa hoặc các loại rau củ trong vườn cây hoặc bồn hoa của trường. Các bé sẽ tự gieo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch, tất nhiên là vẫn dưới có giáo viên hướng dẫn nhưng chủ yếu là các bé tự làm. Qua đó, trẻ hiểu được để làm ra được một củ cải hoặc một củ khoai cho các bé ăn, các bác nông dân đã vất vả như thế nào.

Và đặc biệt, trẻ rất ham học, một cách tự nhiên chứ không hề gò ép. Các cô giáo giải thích rằng, nhắc nhở hoặc thậm chí là cả quát mắng đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể khiến các bé im lặng trong ít phút, quan trọng là phải làm sao để khơi dậy được sự ham học trong trẻ. Trẻ em rất thích những điều mới lạ, nếu bắt các bé phải ngồi im trong lớp cả ngày thì lớp học sẽ trở thành một cái gì đó rất nhàm chán; ngược lại vì cả ngày đã được nô đùa chạy nhảy thoải mái rồi, do đó, với các bé việc học là một cái gì đó rất mới, rất hấp dẫn, rất thú vị (vì thật ra một ngày các bé chỉ ngồi trong lớp học có 30 phút), nên bé nào cũng háo hức và chăm chú lắng nghe. Các bé không phải học, mà là được học.

Cùng xem học sinh Mỹ học tiểu học

Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ có cảm giác rằng, một học sinh học lớp 5, chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học mà yêu cầu về năng lực toán học chỉ là biết cộng, trừ, nhân, chia, thì trình độ… thấp quá. Một cô giáo mẫu giáo người Trung Quốc về hưu thấy học sinh tiểu học Mỹ suốt ngày “chỉ biết chơi” thì không khỏi ngạc nhiên và lo lắng cho cậu cháu Hoa kiều ở Mỹ của mình. Bà nói với mẹ của cậu bé: Nếu là ở Trung Quốc, áp lực của học sinh chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học rất lớn, cả ngày phải cắm đầu vào làm bài tập… Nhưng cháu tôi thì sao? Mỗi ngày tan học về là đi đá bóng, chơi bóng bầu dục cùng lũ trẻ… thời gian cho việc làm bài, tập đàn ít như thế, làm mẹ thì phải chú ý!

Người mẹ nói, thành tích của cháu ở trường hầu như là điểm A, trừ đôi khi ngẫu nhiên sai sót, nhiều lần cháu đem về toàn điểm 100. Đối với học sinh tiểu học ở Mỹ thì như vậy là đủ rồi. Giáo dục tiểu học không phải là giáo dục tinh anh, cần tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, chú trọng việc kết bạn, vận động và những hoạt động ngoại khóa.

Đương nhiên, người bà của cậu bé vẫn không bằng lòng, bà nói bài giảng của Mỹ quá nhẹ nhàng, bài tập quá đơn giản, thì chắc thi cử cũng rất dễ dàng. Bà nhấn mạnh, người Trung Quốc chúng tôi coi trọng các nền tảng cơ sở vững chắc. Kỳ thực, người Mỹ cũng coi trọng việc xây dựng nền tảng.

Chỉ có điều cái gọi là “cơ sở” của người Trung Quốc và người Mỹ khác nhau. Người Mỹ coi trọng nền tảng làm người, quan niệm này đã được bồi đắp từ nhỏ. Cơ sở mà học sinh ở Mỹ cần tạo dựng là ý thức tự tin, thành thực, lương thiện, công bằng, bao dung và độc lập tự chủ để làm người, cũng có nghĩa là, ngay từ nhỏ, họ đã học được giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ, chứ không phải là tri thức để phục vụ giá trị cơ bản này.

Một người cha Trung Quốc đưa cậu con trai chín tuổi tới Mỹ, cho con vào học một ngôi trường ở Mỹ thì trong lòng lo lắng vô cùng, không hiểu đó là trường học kiểu gì! Trong lớp học sinh tự do tùy ý thảo luận, có thể cười ầm ĩ; giáo viên và học sinh thường xuyên cùng ngồi bệt trên mặt đất không phân biệt lớn bé; vào giờ học mà cứ như đang chơi trò chơi; Ba giờ chiều đã là tan học; lại không có sách giáo khoa thống nhất.

Ông đem cho giáo viên xem bài học tiểu học lớp 4 mà con ông đã học ở Trung Quốc, giáo viên nói với ông, cho tới lớp 6, con trai ông không phải học thêm môn toán nữa. Lúc đó, ông bắt đầu hối hận vì đem con đến Mỹ mà làm lỡ việc học của con. Ở Trung Quốc, cặp sách của học sinh nặng trịch những tri thức, còn nhìn con mình bây giờ, mỗi ngày mang cái cặp nhẹ tênh đến trường, đi học như đi chơi. Một học kỳ nháy mắt đã hết, ông không khỏi nghĩ ngợi, hỏi con, ấn tượng sâu sắc nhất khi đến Mỹ học là gì? Cậu bé đáp: “Tự do.”

Lại một bận, cứ tan học, đứa trẻ lại chạy tới thư viện rồi mang một lô sách về nhà, thế mà chưa tới hai ngày đã trả. Ông lại hỏi, mượn sách nhiều như thế để làm gì? Con trai đáp: “Làm bài tập.” Sau đó, ông nhìn thấy tên bài tập mà cậu bé đang làm trên máy vi tính “Hôm qua và hôm nay của Trung Quốc”, ông kinh ngạc suýt ngã, đây là chủ đề môn học gì vậy? Thử hỏi vị nào đang làmtiến sĩ dám “ôm” đề tài lớn như thế?

Ông chất vấn con trai, đây là chủ ý của ai, cậu bé hồn nhiên đáp: “Thầy giáo nói, Mỹ là một nước di dân, mỗi học sinh đều cần viết một bài về đất nước mà tổ tiên mình đã sinh sống, còn phải phân tích sự khác biệt so với nước Mỹ dựa trên địa lý, lịch sử, nhân văn, đồng thời phải đưa ra quan điểm và cách nhìn của mình.” Người cha im lặng.

Mấy ngày sau, ông thấy bài tập của con trai đã xong, một tập gồm hơn 20 trang giấy, từ Hoàng Hà chín khúc đến văn tự tượng hình; từ con đường tơ lụa tới lá cờ ngũ tinh… Cả bài văn được viết với một khí thế hào hùng, có lý lẽ, có căn cứ, phân chương phân tiết, đặc biệt là một danh sách thư mục tham khảo ở phần cuối khiến người cha không khỏi bàng hoàng, cái cách thức của một luận văn tiến sĩ này, ngoài ba mươi tuổi ông mới học được.

Còn Việt Nam…

Không có gì nhiều để nói cả, tôi muốn bạn hãy tự cảm nhận và đánh giá cách giáo dục trẻ em của chúng ta. Tôi cũng không hề chê trách cách thức và phương pháp mà chúng ta đang dùng dạy dỗ con em mình, từ lọt lòng, mầm non hay tiểu học. Cũng như không hoàn toàn cho rằng cách họ dạy con trẻ là hoản hảo, toàn diện hay tuyệt vời. Tôi chỉ thật sự mong muốn chúng ta nhìn lại nền giáo dục và cách giáo dục của chúng ta hiện nay, có gì bất cập, thật ra là quá nhiều bất cập, cần có chút gì đó đổi mới, cần phải đổi mới. Để các thế hệ tiếp nối có nhiều cơ hội làm rạng danh nước nhà.

Một đất nước muốn thay đổi thì trước tiên phải thay đổi con người, nhất là thế hệ trẻ, thế hệ tương lai. Chúng ta có lẽ đều muốn nhưng sự thật là để thay đổi cả nền giáo dục là một điều cực kỳ khó khăn, vậy thì hãy thay đổi từng bước một, bắt đầu từ việc làm mới lại cách giáo dục mầm non toàn diện hơn nữa, hãy chú trọng giáo dục nhân cách trước rồi hãy nhồi nhét kiến thức vào sau. Mỗi người chúng ta cũng đừng phí thời gian chờ đợi các chính sách của Nhà Nước, mà tự mình, hãy chắt lọc tinh hoa của thế giới mà giáo dục con cái của mình, ngay hôm nay. Để một ngày kia, Việt Nam tự hào là thế hệ vừa tự lập và mạnh mẽ, vừa đạo đức và sáng tạo, vừa bản lĩnh và không ngừng vươn xa…

Bài viết tham khảo từ các nguồn:

  1. www.meyeucon.org
  2. https://www.facebook.com/Dayconthongminh/posts/240272449498995
  3. http://edu.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/2007/8/CACHDAYHOC-1382007.htm
  4. http://phunuso.net/cach-day-con-cua-nguoi-anh-co-uu-diem-gi-noi-bat-hon-so-voi-day-con-cua-nguoi-viet-nam.html
  5. http://suckhoedoisong.vn/quoc-te/thien-tai-va-tinh-hoa-nen-giao-duc-israel-20130702110616650.htm
  6. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60851/day-tre-kieu-nhat–nhung-chuyen-dang-nho.html
  7. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/59897/me-my-sung-sot-voi-me-phap.html
  8. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/59898/day-con-kieu-phap–tai-sao-tre-ngoan-hon-.html

 

Phi Tuyết

Hiệp Hội Bitcoin Nhật Bản được chính phủ ủng hộ

3
Featured image: CoinDesk

 

Nhật Bản vừa thành lập một hiệp hội Bitcoin dành cho các doanh nghiệp, và đặc biệt là, nhóm này đã được chính phủ quốc gia lên tiếng chính thức bảo hộ.

Tên tiếng Anh chính thức của hiệp hội này là Japan Authority of Digital Asset (JADA) (tạm dịch: Cục Thẩm Quyền Tài Sản Điện Tử Nhận Bản). Nó sẽ là một câu lạc bộ bitcoin dành riêng cho doanh nghiệp, hoạt động với mục đích đưa ra những tiêu chuẩn và quy định cho các thành viên của nhóm.

Hiệp hội này là một đứa con tinh thần của một thành viên trong nghị viện Nhật Bản, Mineyuki Fukuda (thuộc Đảng dân chủ tự do) và Hội đồng IT của anh. Tổ chức này được hình thành sau khi nhiều cuộc thảo luận với các thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp bitcoin tại Nhật.

Chính phủ Nhật Bản đã công bố chính thức rằng họ không có ý định đưa ra bất kì luật lệ nào để kiểm soát bitcoin; thay vào đó, họ muốn để cho công nghệ còn non trẻ này được tự do phát triển và tự kiểm chế chính nó. Để đạt được mục đích đó, JADA sẽ đề xuất ra những hướng dẫn và “nhẹ nhàng theo dõi” những thành viên trong hội mình.

Coca Cola phải đóng thuế cho Việt Nam

Cùng theo xu hướng hiện tại mà mọi người đang nháo nhào lên bởi chiến lược marketing của Coca Cola cho phép người tiêu dùng in tên theo ý muốn của mình lên trên sản phẩm mình mua.

Các thông tin mình nhận từ các blog cá nhân, các bài báo, ghi chú, cập nhật trạng thái trên facebook mình đọc có thể nhận thấy là, những người làm trong nghề thì cho rằng kế hoạch marketing của Coca Cola thật quá thành công, thật quá tuyệt vời, nhiều người khác thì liên tục post các lon coca có ghi tên mình lên các trang mạng xã hội, diễn đàn, tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, người này mua tên mình, mua tên người kia để tặng, con mua tên cha mẹ, bạn gái mua tên bạn trai,… rồi giữ lại lon làm kỷ niệm, vì không ai nỡ quăng cái lon có ghi tên mình vào sọt rác…

Rồi chưa kể đến các ngày lễ lớn, Tết nhứt, món quà ý nghĩa sẽ lại là thùng coca có ghi tên của khách hàng, bàn tiệc có các lon coca có ghi tên của các thành viên,…

Chiến dịch đánh vào tâm lý cá nhân của mỗi người, thử hỏi ai mà không thích khi thấy tên mình trên sản phẩm. Hiệu quả của chiến dịch quảng cáo, tuy không có số liệu cụ thể về việc này, nhưng nhìn nhận ở góc độ cá nhân, Coca Cola đã thành công.

Đơn cử như ở trên mình nói, đó chỉ là một trong những chiến dịch thành công của Coca Cola, hiệu quả của chiến dịch marketing này xem như đã rõ. Tuy nhiên, mình muốn nói đến vấn đề trách nhiệm xã hội của Coca Cola, nhìn tình hình tiêu thụ thực tế cho thấy là Coca Cola không thể nào lỗ 20 năm đầu tư vào Việt Nam được (Kể từ tháng 2/1994), theo thông tin từ các bài báo trên các trang báo chính thống của Việt Nam.

Không những riêng Coca Cola các công lớn khác cũng liên tục báo lỗ qua các năm, vậy môi trường của Việt Nam mình phải chăng 20 năm nay vẫn không có gì khả quan khi các ông lớn liên tục báo lỗ, trong khi vẫn liên tục đầu tư ào ào.

“Cuối năm 2012, Cục Thuế TP.HCM công bố thông tin từ khi thành lập (tháng 2/1994) đến thời điểm trên, chưa năm nào Công ty Coca Cola Việt Nam khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm.

Năm 2004 doanh thu 728 tỷ đồng, số lỗ là 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỷ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỷ đồng. Tương tự năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm công bố thông tin của công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.

Tuy khai lỗ nhưng nghịch lý ở chỗ, Coca Cola Việt Nam liên tục tăng vốn đầu tư vào một loạt dự án khủng tại Việt Nam. Đơn cử, cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.”

Và 20 năm kể từ khi đầu tư vào Việt Nam, Coca Cola không đóng một đồng thuế nào cho Việt Nam.

Ý kiến của đa số các bạn đưa ra trên các diễn đàn thảo luận mà mình đọc được chủ yếu là:

“Tôi thấy vui thì tôi làm, còn việc lợi dụng hay không thì tôi không cần biết. Các bạn giỏi thì hãy làm như họ. Còn việc phát hiện trốn thuế hay chuyển giá là của nhà chức trách. Tôi đã đóng thuế để làm việc đó rồi.“

Hay:

“Cái này không thể trách họ trốn thuế vì người kiểm soát thuế là cơ quan của Việt Nam, làm ở một doanh nghiệp có hệ thống kế toán thuế tốt thì người ta sẽ tìm ra những chi phí phù hợp để cân đối là điều đương nhiên và cơ quan thuế là nơi kiểm soát điều đó, tìm được cái không đúng ở trong báo cáo đó mới là vấn đề của thuế chứ không phải của họ.”

Mình không hoàn toàn đồng ý với 2 ý kiến trên đó, trong rất nhiều ý kiến tương tự như vậy.

Không thể nào đổ lỗi hết cho các cơ quan thuế, vì trên thực tế, luật khó mà có thể cập nhật được tất cả để phù hợp với tình hình thực tiễn được, chưa kể các công ty luôn muốn lách luật để trốn thuế, tình hình thực tế ở các công ty, các bạn đi làm cũng đã hiểu, họ dùng mọi cách để tìm ra kẽ hở nhằm trốn thuế. Nhưng lách như Coca Cola, đến mức không đóng một đồng thuế nào thì quả là không thể chấp nhận được.

Chiêu của Coca Cola là: “Bí quyết” để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.

“Thủ đoạn nâng giá nhập nguyên vật liệu thường gặp ở các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát như Coca-Cola là chiêu thức cổ điển của chuyển giá. Đó là nâng giá nhập cao hơn thực tế sẽ làm tăng giá thành, dẫn đến kinh doanh thua lỗ và doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Lỗ hổng để doanh nghiệp lợi dụng là do nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm phát triển, nên hầu hết các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp FDI đều phải nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc đối tác do công ty mẹ chỉ định, với giá cao hơn giá thực tế.”

Lấy ví dụ thêm cho Starbucks tại Anh, năm 2013, sau khi liên tục báo lỗ tại đất nước này và chỉ đóng có 8,6 triệu bảng trong 15 năm hoạt động, họ đã bị người dân tổ chức biểu tình yêu cầu starbucks phải đóng thuế, nếu không sẽ bị tẩy chay.

“Starbucks né được thuế nhờ chiêu chuyển lợi nhuận qua một công ty “chị em” ở Hà Lan theo hình thức trả tiền bản quyền, trả mức lãi suất rất cao để vay tiền từ các công ty chi nhánh khác. Vì vậy, năm nào Starbucks cũng báo “lỗ”, do đó không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động phải có trách nhiệm xã hội, đây là câu nói nghe rất quen thuộc nhưng liệu các doanh nghiệp như Coca Cola đã ý thức được chưa?

Thực hiện trách nhiệm xã hội, một mặc vừa đóng góp cho xã hội, Coca Cola đang phát triển trên đất nước Việt Nam, khách hàng là người Việt Nam, tận dụng nguồn nhân lực của Việt Nam, môi trường, chính sách là của Việt Nam, trên cở sở tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên, vì vậy trách nhiệm xã hội là điều phải Coca Cola phải làm.

Mặc khác, trách nhiệm xã hội vừa là cách xây dựng lợi ích riêng cho Coca Cola khi mà tình hình hiện tại, những chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh cũng là một trong những thước đo đánh giá quan trọng của người tiêu dụng đối với thương hiệu và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Chúng ta không thể sử dụng một sản phẩm mà gần 20 năm hoạt động, không đóng một đồng thuế nào cho Việt Nam được, không có trách nhiệm xã hội, như vậy là chúng ta đã giơ tay đồng ý cho việc “hút máu” của chúng.

Chưa kể đến, hàng loạt các công ty khác liên tục các doanh nghiệp khác đã không thực hiện đúng trách nhiệm xã hội của mình, chính khách hàng mới là người có tiếng nói nhất để lên tiếng phán xét, đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội của mình.

“Như Metro sau 11 năm mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng do lỗ nên đến nay cũng không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỷ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỷ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỷ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỷ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỷ đồng.

Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỷ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỷ đồng.”

Cá nhân mình nghĩ, Việt Nam đã mở cửa thị trường, liên tục đưa ra các chính sách đãi ngộ cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát triển, vậy mà ý thức về trách nhiệm xã hội của họ coi như không có, họ không quan tâm, 20 năm đầu tư vào Việt Nam, họ không đóng một đồng thuế nào cho Việt Nam, thì không thể chấp nhận được.

Một trong những hành động phản kháng lại của chính quyền mà mình thấy “mừng rỡ” nhất là năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã không đồng ý cho công ty Coca Cola VN mở rộng quy mô kinh doanh tại Đà Nẵng với nguyên nhân là: “Doanh nghiệp làm ăn kiểu “chuyển giá, chuyển vốn”, rồi sau đó báo lỗ… khiến TP bị thất thu thuế nên TP sẽ không đồng ý để doanh nghiệp mở rộng dây chuyền, nhà máy sản xuất. Quan điểm này không chỉ dành riêng cho Coca Cola mà cho tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn TP.”

Trước khi chờ xử lý của các cơ quan thuế, với danh nghĩa khách hàng, mình tẩy chay Coca Cola, yêu cầu Coca Cola phải đóng thuế cho Việt Nam.

Những câu trong ngoặc kép, là được trích dẫn.

Nguồn trích dẫn:

  1. tuoitre.vn/Kinh-te/555648/ap-luc-du-luan- starbucks-chap-nhan-dong-thue-o-anh.html
  2. giaoduc.net.vn/Kinh-te/Khac-ten-tren-lon-Coca-Cola-Nguoi-tieu-dung-Viet-dang-bi-loi-dung-post147142.gd
  3. vtc.vn/1-359188/kinh-te/diem-mat-nhung-ong-lon-bi-to-lam-ngheo-dat-nuoc.htm
  4. http://tuoitre.vn/Kinh-te/524653/xem-lai-viec-mo-rong-dau-tu-cua-coca-cola-vn.html

 

Xanh Thẳm

Những nỗi thất vọng vừa phải

Featured Image: Charmaine Olivia

 

Thế nào là “vừa phải”? Thật khó để định lượng cái từ “vừa phải”, nhất là khi đem nó ra làm đơn vị đo cho một thứ vô hình như nỗi thất vọng. Nó làm tôi nhớ đến từ “bình thường”. Bình thường là một từ không bình thường tí nào vì biết thế nào là bình thường? Kiểu như:”Dạo này tớ cũng bình thường.” “Mẹ muốn con là người bình thường,” hay “Anh ta sinh ra trong một gia đình bình thường.” Bỏ qua những định nghĩa mông lung của câu chữ đi vậy. Không định nghĩa được từ “vừa phải” là một nỗi thất vọng với tôi khi viết bài này. Nhưng thôi, nó chỉ nên là một nỗi thất vọng vừa phải. Cái “vừa phải” là giới hạn khác nhau mà mỗi người có khả năng chấp nhận được.

Khi chúng ta lớn lên, có những nỗi thất vọng cũng lớn cùng. Nó lặng lẽ đi bên đời ta như một điều gì rất thực của cuộc sống này vốn thế.

Có thể khi nhỏ, cái khoảng trắng trong vở nháp là góc trời nhỏ của bạn, bạn múa bút vẽ đủ thứ trên đời, bạn thích thú khi tạo ra ngôn ngữ riêng để thể hiện cảm xúc mà đứa khác chẳng thể nào hiểu được. Nhưng rồi bạn nhận ra mình sẽ chẳng thể trở thành họa sĩ như bạn nghĩ được đâu, nhất là một họa sĩ có tranh treo trong bảo tàng nào đó trước khi thời gian và cơm áo gạo tiền phủ rêu lên ước mơ của bạn.

Có thể lúc xem phim lãng mạn, bạn sẽ nghĩ trên đời này có một đứa đang trốn đâu đó đợi mình, cái đứa đấy có tên khoa học là một nửa của mình, rồi bạn sẽ lục tung cả trái đất tìm nó. Và thế là trái đất xinh đẹp này có thêm một câu chuyện mới, có hai nhân vật chính. Hoặc là hiện tại nó có đang trót yêu đứa nào thì sớm hay muộn chúng nó cũng chia tay, ném những lời thề non hẹn biển vào thùng rác và bạn đang từ tuyến nhân vật quần chúng trong bộ phim của nó sẽ trở thành nhân vật chính. Nhưng mọi thứ có đơn giản thế không?

Sự thật là bạn sẽ gặp thật nhiều người. Bạn sẽ có thêm những khoảng trống không thể lấp đầy. Có thể nó không hẳn là nỗi đau hay cái gì rõ ràng, nó là một nỗi thất vọng mơ hồ lửng lơ bay trong bầu trời riêng của bạn mà thôi. Ví như ta chẳng thể đáp lại cảm tình của ai đó yêu mến ta. Với tôi, điều đó thật buồn, vì tôi đã trở thành nỗi buồn của ai đó, nhưng lại không thể làm khác. Dùng ai đó để lấp đầy khoảng trống chỉ tạo ra thêm những khoảng trống không thể lấp đầy.

Tôi không muốn đem ai ra làm thùng rác cho tuổi thanh xuân của mình chỉ để tôi vô cớ vu vơ ném những nỗi buồn, bực dọc vào đó. Cô giáo tôi nói ai cũng là một đỉnh trong cái tam giác tình yêu nào đó. Một tam giác thì có ba đỉnh, kiểu A thích B còn B thích C vậy. Thậm chí thì tôi nghĩ cuộc sống có cả những tứ giác, ngũ giác, lục giác tình yêu nữa cơ, khiến tất cả chúng ta đều thành… tê giác – các giác quan tê liệt – nếu bạn đã từng thích ai và bỏ đi ít nhất một lần trong đời, kể cả đó là thứ tình cảm ấu trĩ trẻ con nhất.

Hôm nay tôi ngồi trên xe bus cạnh một em gái vừa đi thi đại học xong môn Văn. Những đề bài, dàn ý, giấy trắng mực xanh, tôi cũng đã từng là cô cậu học sinh mà cả bầu trời là trang vở, đã từng học sống chết để vào đại học, và giờ, khi đã vào đại học thì sống chết muốn ra. Lúc 18 tuổi, tôi quá nhỏ so với một quyết định lớn. Học cái gì là một quyết định lớn. Trang vở quá nhỏ so với trang đời. Tôi đã không thích trường đại học của mình. Nhưng tôi đã nghĩ nếu tôi không vào đại học thì tôi sẽ không bao giờ biết là tôi không thích nó. Nó giống như bạn ăn một món mới vậy, làm sao mà bạn biết bạn có thích nó hay không khi chưa nếm thử?

Ngày bé, người lớn nói với bạn là ớt cay, bạn chẳng hiểu từ “cay” là gì cho tới khi ăn ớt và khóc thét. Chúng ta học qua trải nghiệm, hình ảnh và những tác động tâm lý, vật lý, bản thân từ ngữ không giúp chúng ta hình dung cái gì cả. Và tôi nghĩ tất cả mọi người đều sẽ học đại học, muốn học đại học, cho dù có bao nhiêu khủng hoảng được tiên liệu trước, và cũng chỉ có bằng cách đó, bằng trải nghiệm, chúng ta mới hiểu là mình có cần và thích học đại học hay không.

Khi còn học cấp 3, tôi đã nghĩ về Hà Nội và đại học không khác gì An và Liên mơ về đoàn tàu trong Hai Đứa Trẻ của Thạch Lam. 17 tuổi, tôi nghĩ rằng khi mình vào đại học, mình có thể thay đổi thế giới không chừng, hoặc là một phần thế giới nào đó sẽ vì có một đứa đang hừng hực khí thế lao vào đời mà trước tiên là lao vào cổng trường đại học sẽ thay đổi một chút đỉnh nào chăng. Tôi nghĩ mình sẽ tự do. Tôi nghĩ mình sẽ cống hiến. Tôi nghĩ đời mình hẳn sẽ sang một trang mới. Tôi nghĩ trường top nghe thật oai, ngành hot sẽ có tương lai chăng. Không có ngành nào hot mãi mãi, không có ngành nào dễ kiếm việc cho những người không giỏi. Ngành hot là một con đường dễ đi? Có con đường nào lại dễ đi với người không muốn đi, đúng không? Nhầm rồi tôi ơi, mày chỉ là một miếng ghép không vừa vặn chỉ vì cố gọt bản thân theo đám đông.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Tôi nhận lỗi. Tôi đã chìm quá lâu trong thất vọng. Cô Trang Hạ trong một talkshow có nói: “Đừng vội đặt tên cho những xúc cảm trong mình là đam mê.” Cũng đúng. Đam mê là từ gì nặng lòng lắm. Mỗi chúng ta có một câu chuyện, chẳng ai giống ai. Không phải tất cả mọi người đều tìm ra đam mê và theo đuổi nó lúc họ 18 tuổi, có thể muộn hơn, có thể sớm hơn. Tôi thích viết, tôi quay lưng lại với trường đại học và đặt tên cho viết là đam mê. Tôi chưa tạo ra cái gì nổi bật, cũng chẳng kiếm đươc đồng nào bằng mấy dòng chữ, và tôi đã trót quay lưng với trường đại học rồi – một nơi toàn những con số và không dành cho tôi. Nỗi lo lắng đang lớn nhanh hơn cả tôi đến mức tôi đã cảm nhân thấy những cơn đau cơ học bất thường chứ không còn là đau lòng nữa. Tôi chán ăn, mất ngủ và vùng vẫy trong chính suy nghĩ của mình.

Cô Trang Hạ nói: “Đừng vì đam mê mà coi thường những gì bạn đang có.” Tôi đang coi thường sức khỏe, tuổi trẻ và niềm vui sống của mình, tôi hủy hoại chính mình và cứu chính mình và rồi lại hủy hoại. Thật đáng thương. Tôi nhìn mình trong gương. Bao lâu không đi thả diều và ngắm trời, bao lâu tôi không đi dạo phố và mua sách, bao lâu tôi không tập thể dục, bao lâu tôi không sống một ngày vô lo trong chính hiện tại này. Giây phút ấy, tôi cho phép được vứt tạm đam mê vào một xó, không đáng để mất nhiều thứ như vậy, nhất là khi tôi đang hai mươi tuổi. Bạn tôi nói khi nào đạt được điều gì đấy, cô ấy sẽ sống vui vẻ. Biết bao giờ tôi mới đạt được cái “gì đấy” để mà đợi đây, đó là một đợi chờ hết sức vô lý và vô vọng, vì đến khi có nó rồi bạn chắc chắn sẽ muốn thứ khác. Ngay bây giờ, tôi xứng đáng được vui vẻ và bình an, không cần biết tôi còn cách ước mơ của mình bao xa.

Ai đó đã nói: “Ước mơ chỉ cần đủ lớn để bạn lớn lên trong đó.” Ước mơ được mặc định là những điều lớn lao. Không làm vĩ nhân, ngôi sao, hay trở thành triệu phú, tỷ phú thì không đáng sống và không được coi là không có ước mơ sao? Không phải thế. Tôi chỉ nghĩ việc khiến cho bạn có niềm vui sống, đó chính là điều đáng mơ ước. Nó thậm chí không cần sự công nhận của thế giới là bạn có một ước mơ để cuộc đời đáng sống.

Tôi vừa nghĩ ra một câu thần chú: “Đó không phải là tất cả cuộc sống của tôi.” Tôi sẽ thực hành nó như thế này. Viết lách không được đăng báo ư? Ừ viết không phải là tất cả cuộc sống của mình mà, có lẽ mình nên đi học yoga vì mình muốn khỏe. Xích mích với mẹ hay với bạn ư? Ừ họ không phải là tất cả cuộc sống của mình, có lẽ mình nên đi mua một cuốn sách mới. Học sinh lớp dạy thêm làm mình phiền lòng ư? Ừ công việc làm thêm không phải là tất cả cuộc sống của mình, có lẽ mình nên hỏi thăm một đứa bạn cũ và hỏi xem nó có ổn hơn sau lần cuối mình gặp nó không. Độc thân ư? Ừ tình yêu không phải là tất cả cuộc sống của mình, mình nên giải quyết các vấn đề của bản thân trước… “Cho tất cả trứng vào một rổ” vốn chẳng phải là một nguyên tắc đầu tư an toàn, không có cái gì là tất cả cuộc sống của tôi cả. Cuộc sống của tôi là tập hợp tất cả những điều như thế.

Không cần là họa sĩ, bạn cũng cứ tự do mà vẽ. Không cần là nhà văn, bạn cũng cứ viết đi. Không cần là ca sĩ, bạn vẫn cứ hát cơ mà. Những danh từ dễ gây tổn thương. Danh từ gắn với đam mê đã được gọi tên, và khi bạn còn trẻ, thật khó để lắp vừa vặn bản thân với những danh xưng như vậy. Thế thì tại sao phải làm đau mình? Bạn chỉ cần thêm những động từ để đời mình thêm thú vị, kiểu như: “Tôi là người thích vẽ thích viết thích hát, vậy thôi.”

Cho dù tôi thích viết, tôi cũng thích nhiều thứ khác. Có thể tôi sẽ không bao giờ là nhà văn. Ai đó nói nhà văn phải viết tiểu thuyết chứ. Một thứ thật đồ sộ. Chẳng nói trước được cái gì, tôi không thể đặt mục tiêu đến năm bao nhiêu mình phải có bao nhiêu trải nghiệm và phải viết tiểu thuyết. Nghe thật điên rồ. Nói tôi không có mục tiêu cũng được, tôi chỉ không muốn cố chấp ép khuôn chính mình. Tôi có những thất vọng vừa phải trong cuộc sống. Năm nay tôi hai mươi. Và hôm nay, tôi chỉ là người thích viết vậy thôi.

 

Trang Xtd

Khi ta lớn

Featured Image: Noelle Buske

 

Khi ta lớn, không phải lớn về hình dáng, tuổi tác mà lớn về sự nhận thức, ta dần vô cảm với những vui buồn của cuộc sống, với những cuộc gặp gỡ, chia tay vì ta nhận ra đó là những vô thường của cuộc đời, thoáng đến rồi thoáng đi!

Khi ta lớn, ta không còn những ham muốn của trẻ con, thay vì muốn nổi trội, muốn người khác công nhận thì ta lại muốn tự mình thừa nhận chính mình!

Khi ta lớn, ta không còn thích so sánh mình với người khác vì ta hiểu mỗi người luôn có những ưu và khuyết điểm khác nhau, ta sống thật với những suy nghĩ, cảm xúc của mình vì ta hiểu chỉ có ta mới biết ta muốn gì và cần gì trong cuộc sống này.

Khi ta lớn, ta không còn thích chạy theo những mỗi tình chóng đến, chóng đi, ta luôn muốn tìm một ai đó hiểu mình, một bàn tay luôn nắm lấy tay ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào..

Khi ta lớn, ta không còn dùng từ “nếu như, giá mà..” vì ta hiểu có những thứ trong cuộc sống đã xảy ra thì không thể quay ngược thời gian lại và ta phải chấp nhận, đối mặt với nó.

Khi ta lớn, ta không còn thích tranh luận vì những quan điểm sống khác nhau vì ta hiểu rằng mỗi người luôn có một đời để sống, ai cũng có quyền chọn và đi những con đường khác nhau, chỉ cần mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với những gì chúng ta đã chọn và con đường đó không gây thiệt hại, ảnh hưởng xấu tới ai.

Khi ta lớn, ta nhận ra không nên vội đánh giá một người là tốt hay xấu, đúng hay sai, mà ta hiểu trước tiên phải nhìn lại mình đã tốt hay chưa, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và ta nên nghĩ ta có quyền phê bình người khác hay không khi mà bản thân ta chưa thật sự tốt?

Khi ta lớn, nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, ta không còn chê trách, chế giễu mà ta cảm thấy thương họ nhiều hơn và luôn muốn tìm cách giúp họ chuộc lại những lỗi lầm, và chính họ là những tấm gương giúp chúng ta phản chiếu, cảnh tỉnh lại chính mình!

Khi ta lớn, ta chợt nhận ra ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ, chia tay, những mất mát, thất bại, thành công trong cuộc sống đều có ý nghĩa riêng của nó!

Khi ta lớn, ta càng nhớ về quá khứ và trân trọng những kỷ niệm đẹp mà ta đã có, những tình thương yêu mà người khác luôn dành tặng cho ta, ta chợt nhận ra đã có một thời vụn vặt, trẻ con; nhìn lại những nỗi buồn với tâm trạng bình thản hơn.

Khi ta lớn, ta không còn dùng những từ “để mai nhe, để sau này” vì ta hiểu cuộc sống này không ai biết trước những gì mà ngày mai sẽ xảy ra, và ta trân trọng hơn những giây phút của hiện tại.

Khi ta lớn, ta không còn hứa nhiều như trước và không nên hứa khi ta chưa chắc có giữ được lời hứa đó hay không vì ta hiểu mỗi lời hứa có thể mang lại niềm vui, hy vọng cho ai đó cũng như những nỗi buồn, thất vọng cho họ khi lời hứa đó không được thực hiện.

Khi ta lớn, ta chợt thấy bình yên khi nhìn nụ cười trẻ thơ, vẻ đẹp trong sáng mà một thời ta cũng vậy, ta thích cảm giác ngắm nhìn ngày mới lên, những giọt sương đọng lại trên lá, những bông hoa mới nở, những tia nắng nhạt dần khi hoàng hôn buông xuống.

Khi ta lớn, ta thầm cảm ơn những gì cuộc sống đã ban tặng cho ta: tình cảm thiêng liêng của gia đình, bạn bè, những người luôn nâng ta vượt qua những chông chênh của cuộc đời; những thất bại, khó khăn làm ta ngày một trưởng thành; những người cần sự giúp đỡ của ta giúp ta thấy cuộc sống mình ngày càng ý nghĩa hơn!

Và khi ta thật sự lớn, ta biết rằng hạnh phúc là cho đi không phải là nhận; yêu thương một ai đó là làm cho họ hạnh phúc, không phải là chiếm hữu. Ta chợt nhận ra mỗi con người luôn có những lỗi lầm của riêng mình, và ta hiểu, tha thứ, khoan dung cho người khác cũng chính là tha thứ, khoan dung cho chính mình; ta yêu hơn cuộc sống này, yêu thương mọi người cũng như yêu thương chính bản thân ta!

 

Hồng Liên Thanh

Cứ để hạnh phúc được công khai

Featured Image: Stephanie Reis

 

Có thể tôi không quyết đoán trong chuyện tình cảm của mình. Mối quan hệ hiện tại khiến tôi dễ thay đổi, khi thì muốn làm người yêu, khi thì muốn làm em gái, khi lại muốn làm chị gái dù tôi nhỏ tuổi hơn anh và có lúc muốn mình chỉ là một người bạn thân của anh thôi. Bầu trời đang mưa, khung cảnh thật đẹp. Tôi đang nhớ lại mình đã quen nhau như thế nào. Mối quan hệ của chúng tôi chưa thực sự đúng nghĩa để gọi là yêu. Chớp mắt là ngày lại qua ngày, ngày mai nắng lên lại có chuyện để kể.

Đó là một câu chuyện bí mật mà chúng tôi cùng che giấu. Tôi rất sợ những thứ mập mờ, sợ những cái mất mát mà chỉ một mình mình cảm nhận. Tình yêu như một quả cầu pha lê mong manh, tôi chạm vào thật khẽ, chầm chậm. Cẩn trọng và dè chừng từng xentimet. Tôi hiểu bây giờ chưa phải lúc để công khai nó. Thế nên rất khó để tôi toàn tâm toàn ý đặt trọn trái tim mình.

Cho tôi thời gian của một bài hát được không, để tôi lắng nghe chính bản thân mình đang cần gì. Những tình cảm bắt đầu từ mạng xã hội, rất khó để nuôi dưỡng và đem nó ra ngoài đời thực. Nhiều khi con người ta bất lực trước việc tìm cho mình một nửa kia ở ngoài đời nhưng cực kỳ dễ dàng để đặt trạng thái hẹn hò trên mạng. Bởi bản chất của thời gian là hữu hạn, nên yêu thương cứ phải vội vàng. Vài nốt nhạc thì quá ngắn.

Chúng tôi chưa từng gặp nhau ngoài đời và cũng không đặt trạng thái quan hệ trên mạng. Tôi muốn tránh ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác của anh và bản thân tôi vẫn chưa có điều gì là chắc chắn. Chính xác là tôi sợ những gì tôi thể hiện trên mạng làm anh suy nghĩ về con người thật của tôi ở ngoài đời, và nhiều khi con người mà anh nghĩ hoàn toàn khác xa với chính tôi. Người ta có xu hướng yêu nhau qua những câu trò chuyện, qua từng cái bình luận rồi tự mình vẽ nên con người trong suy nghĩ. Khi trò chuyện, chúng ta có thời gian để suy nghĩ câu trả lời, có không gian thuận lợi để nghĩ ra nhiều chiêu trò thú vị hay những điều sâu lắng. Theo cách này hoặc cách kia, chúng ta cần sự chú ý của người khác.

Anh còn một tương lai phía trước, con đường sẽ rất dài. Anh còn những nỗi lo cho gia đình anh. Tôi rất ngại để phải làm hòn đá chắn ngang đường hay gai nhọn cào xướt bước chân của anh. Tôi chỉ muốn mình là một cô gái bé nhỏ đang nổ lực từng bước trên chính con đường đã chọn, một sự xuất hiện nhỏ, một sự hiện diện lớn. Tôi và anh ai cũng có thế giới riêng, có cuộc sống riêng, có nhiều mối quan tâm riêng.

Tôi đã kết luận và đưa ra quyết định cuối cùng chỉ sau một bài hát. Tôi sẽ là bạn gái của anh. Khi nào cần quyết định, cứ lắng nghe trái tim mình. Nó chỉ hướng nào thì đi hướng đó. Cãi lại trái tim làm gì, sau này có thắng cũng thành thua. Cơ hội là do chúng ta tạo ra, không có lí do gì chúng ta phải trì hoãn điều đó. Bắt đầu yêu từ ngày hôm nay và bắt đầu yêu vào một ngày nào đó có gì khác biệt. Kết thúc hạnh phúc hay tan vỡ đâu còn quan trọng. Tôi chỉ mong rằng điều đọng lại cuối cùng vẫn sẽ là một cảm giác ấm áp, trong trẻo . Là thấy mình khi yêu, khi hờn giận, khi chợt nhận ra những gì lầm tưởng là tình yêu lại chỉ là một thoáng rung rinh. Rồi góp nhặt chúng làm thành góc kí ức cho hành trình đi tiếp sẽ bước cùng nhau hoặc đi song song và luôn dõi theo hỗ trợ bước chân người kia.

Tôi sẽ là một người yêu, nhưng một người yêu như là tri kỷ. Tri kỷ thì không có biệt ly. Cũng không có những tình cảm bi luỵ. Trong đời một người đàn ông có bao nhiêu người phụ nữ đáng nhớ? Người yêu, bạn đời, và một vị trí đặc biệt khác ít người nói ra mà đời vẫn thường gọi tên là tri kỷ. Người tình là người mang cho họ nhiều cảm xúc, bạn đời là người họ sẽ nắm tay đi suốt quãng đời còn lại và tri kỷ là người họ có thể nói với cô ấy tất cả mọi bí mật kể cả điều mà họ không bao giờ nói được với bạn đời hay người tình. Nhiều khi những vị trí ấy thay đổi cho nhau . Hoặc may mắn hơn, họ hội tụ cùng một người.

Tôi không thấy hối tiếc về điều tôi đã thể hiện trên mạng xã hội. Cuộc sống này quá chậm, nhưng dòng đời nhanh quá, xô chúng ta lướt qua nhau. Đến nỗi người ta sợ không dám đem hạnh phúc của mình lên mạng xã hội. Khi một trạng thái hình ảnh hạnh phúc hay khổ đau được đăng tải, ai sẽ buồn cho ta thật lòng, ai sẽ mừng cho ta thật dạ. Một nhóm người chà đạp lên hạnh phúc của một người đã không có gì là lạ. Và nếu chúng ta có thể kiểm soát được bản thân trước những phản ứng đó thì việc chuyện gì xảy ra đâu có quan trọng. Chỉ khi bỏ qua cái tôi, danh vọng và định kiến, lòng đố kị, người ta mới quay về chính con người thật của mình.

Chẳng cô gái nào muốn làm người tình hờ để rồi đợi chờ trong vô vọng. Anh sẽ yêu tôi khi tôi là chính con người thật của mình chứ.Cũng không ai muốn làm tri kỷ mãi của người đàn ông vẫn chưa có gia đình. Xin lỗi, tôi là cô gái ích kỷ, tôi không thích đùa cợt trái tim yếu đuối của mình. Thà va vào nhau rồi vỡ tan thật nhanh còn hơn bên nhau không vì yêu chính con người thật của nhau. Thà cho tôi vết thương tinh thần thật sâu nhưng lành rất mau ngay lúc này còn hơn đem cho tôi khối u tiến triển âm thầm ngày sau.

Tôi không muốn mang thân thể hay chiêu trò để dụ dỗ một người, vì rồi sẽ có kẻ mang thân thể cô ta dụ dỗ anh. Như vậy thì tôi sẽ có tư cách gì đi đòi công bằng. Nghe ra có vẻ tréo ngoe thế nào khi tôi từng làm ngược lại điều tôi vừa nói chỉ vì một cái thử nhỏ với anh. Tìm một người yêu cũng giống như làm quen một người bạn, muốn tìm một người thế nào thì phải tự hỏi bản thân đã xứng đáng để làm bạn của họ chưa.

Hạnh phúc là thứ dễ lây lan, tại sao lại phải giữ cho riêng mình biết. Tình yêu của tôi không cần phải thể hiện, chỉ cần thấu cảm lẫn nhau. Để có xa nhau mấy, vẫn cảm thấy nhau rất gần. Chờ một ngày nào đó, hạnh phúc và niềm tin đủ lớn để công khai. Nếu đó là tình yêu thật sự thì ở nơi đâu cũng tồn tại.

 

Lâm Lê Khánh Hảo

Tầm phào về chuyện kín hở

Featured Image: Wikipedia

 

Đàn ông phải dài, không được ngắn. Phụ nữ lại càng phải dài, không được ngắn. Dài và kín. Nếu ngắn thì sẽ gặp rất nhiều trắc trở trong cuộc sống. Tôi muốn nói tới quan niệm về trang phục của chúng ta.

Tại sao vào những chốn “linh thiêng” lại không được ngắn? Người ta đã từng sa sả phê phán những phụ nữ ăn mặc mong manh giữa địa phận của thánh thần. Có lẽ những người phê phán đã giao tiếp được với thần thánh hoặc ít ra cũng được thánh thần báo mộng, vậy nên mới biết các thần không thích nhìn phụ nữ mặc váy ngắn, áo ngắn, lộ khe ngực, khe đùi…

Nhưng tại sao thánh thần không thích nhìn? Chẳng ai nói rõ hết. Người ta chỉ nói chung chung: Ăn mặc như vậy là xúc phạm! Thế thôi.

Phải chăng bản thân bộ ngực của phụ nữ hoặc cặp đùi của họ, cái lưng trần của họ… tự thân chúng đã là một sự xúc phạm nặng nề của tạo hóa? Chắc chắn là không! Nếu vậy, việc để lộ nó ra một chút thì có gì mà xúc phạm?

Tôi không biết câu trả lời, chỉ xin phép đưa ra một vài giả thuyết:

Phụ nữ không được hở hang vì thuần phong mỹ tục. Đây là lý giải quá chung chung, xin phép bỏ qua.

Phụ nữ không được hở hang vì thánh thần không thích nhìn? Thánh thần đã thoát tục rồi thì việc nhìn hay không nhìn có ảnh hưởng gì đâu? Nói những kẽ hở trên trang phục phụ nữ “xúc phạm thánh thần” mới chính là sự xúc phạm thánh thần.

Phụ nữ không được hở hang vì sự hở hang sẽ gây ra ham muốn từ phía nam giới, có thể dẫn đến những ý nghĩ dâm ô và các hành vi đồi bại, từ đó gây ra phạm pháp và tệ nạn xã hội. Đây có lẽ là gốc rễ của mọi vấn đề liên quan tới sự hở hang. Nhưng quốc gia nào nổi tiếng nhất về hiếp dâm mà bạn biết? Đối với tôi đó là Ấn Độ, một quốc gia khá kín đáo.

Phụ nữ thuộc sở hữu của đàn ông: Trẻ thì của bố, lớn thì của chồng, già thì của con. Vậy nên phải kín giữa nơi công cộng để không rơi vào tay người đàn ông khác. Tôi tin đây mới là lý do chính yếu mà người ta ghét nhìn phụ nữ hở nơi công cộng (miệng thì ghét, mắt thì cứ nhìn thô lố).

Người ta có thể thích nhìn hở hoặc không thích nhìn hở, nhưng thiết nghĩ hở là quyền tự thân và phụ thuộc vào con mắt thẩm mỹ riêng của mỗi người. Con mắt đó có thể tốt hay xấu, một số người hở xấu như ma làm! Tuy nhiên, anh không thích không có nghĩa là nó tồi tệ.

Có một lý do khác, rất chung chung, nhưng được áp dụng phổ biến đối với cả phụ nữ hở và đàn ông hở. Nó là nguyên nhân người ta bắt các sĩ tử mặc quần ngắn phải về thay đồ trước khi vào phòng thi. Nó là: không phù hợp!

– Quần ngố không phù hợp với giảng đường! Về thay! Đây là môi trường học thuật chứ có phải chỗ chơi đâu!?

Tôi không biết tại sao môi trường học thuật lại không phù hợp với quần ngắn. Lẽ nào trang phục ngắn và hơi hở hở sẽ ngăn cản khả năng tiếp thu kiến thức và sự sáng tạo, ngay cả khi đó chỉ là một chiếc quần ngố, hay váy ngắn (lộ đầu gối)? Theo tôi biết thì một trong những thời điểm đầy sức sáng tạo của con người là khi họ đứng trong nhà tắm, hát nghêu ngao và không mặc gì cả!

Khi còn học đại học, trong một “hội nghị” sinh viên, tôi thậm chí còn được nghe một “sinh viên tiêu biểu” đề xuất ý tưởng đặt tấm gương cực lớn trước cổng trường để làm trong sạch học đường! Theo anh bạn mà tôi đã quên béng cả diện mạo lẫn danh tính này, mỗi khi đi đến trường, những nữ sinh mặc váy ngắn sẽ tự nhìn thấy họ trong gương nó phản cảm như thế nào, họ sẽ tự xấu hổ ra sao và từ đó không dám mặc ngắn nữa. Anh khác thì đề nghị dán khẩu hiệu phê phán việc mặc ngắn khắp nơi trong trường!

Gác lại chuyện khẩu hiệu, tôi chỉ muốn nói đến cái gương vì ý tưởng này lạ quá. Nếu để cái gương tại cổng chính hay cổng phụ, chắc người ta sẽ đứng ngắm nhiều đến nỗi tắc nghẽn lối đi, và các sinh viên khác tha hồ chậm giờ.

Khi vào công ty, sự bất công xảy ra theo chiều hướng khác. Tại đây, nữ giới được giải thoát khỏi quần dài: Họ đã có thể mặc váy ngắn quá đầu gối, dù không được quá ngắn. Còn nam giới chúng tôi, chỉ được quyền mặc quần ngố vào những ngày làm việc không chính thức; còn lại là cứ phải dài.

 

Vũ Kenzo

Chuyện về những bộ phim cuộc đời

Featured Image: Vivienne Gucwa

 

“Bi kịch cuộc đời chính là ta sống chỉ để cho người khác xem và rồi ngồi xem người khác sống” – Khuyết danh

Mỗi người trên thế giới này đều có một cuộc đời riêng và duy nhất, với những hoàn cảnh, ngoại hình, điều kiện và các mối quan hệ đặc biệt mà không ai có thể thay thế được mà họ có quyền điều khiển. Tôi gọi mỗi cuộc đời như vậy là một bộ phim, những bộ phim cuộc đời, của mỗi người, của bạn và của tôi. Theo đó thì bất cứ ai trên đời này cũng đều có bộ phim của riêng mình. Trong bộ phim đó, chúng ta vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí cũng là khán giả nữa. Nhưng có một sự thật đáng tiếc, thay vì làm đạo diễn điều khiển cuộc đời mình, dường như chúng ta lại thích thú hơn với việc làm khán giả cho bộ phim của những người khác, từ người thân quen, người xã giao và đôi khi là những người hoàn toàn xa lạ.

Việc làm khán giả tình nguyện cho những người khác là một thói quen nguy hiểm, nó không chỉ làm bạn hao phí nhiều sức khỏe, thời gian, tinh lực, hơn nữa, nó còn khiến bạn quen với thế bị động, bị động theo dõi người khác và rồi bị động luôn cả với chính cuộc đời mình. Mỗi ngày nhờ internet bạn biết được bao nhiêu chuyện “hay ho” trên toàn thế giới, từ cô nàng minh tinh màn bạc Hollywood lộ hàng khi dạo phố cho đến anh nhà quê tung clip âm nhạc mới, từ cô hot-girl khoe đường cong cho tới anh chàng trẻ tuổi công khai làm lành với vợ. Thừa nhận đi, một ngày bạn đọc bao nhiêu tin tức kiểu này? Kiểu làm khán giả tình nguyện vô hình cho những trò lố lăng vô bổ ngập tràn các kênh tin tức. Cứ thế, bạn định sẽ đóng vai quần chúng trong cuộc đời người khác đến bao giờ? Cứ vậy, cuộc đời bạn ai sẽ đóng thay đây?

Nếu nói mỗi cuộc đời là một bộ phim, thì mỗi giai đoạn chúng ta đang sống sẽ là một tập phim riêng lẻ. Tập phim thời thơ ấu, tập phim thời học sinh trung học, tập phim cuộc đời sinh viên, tập gầy dựng sự nghiệp, tập phim tình yêu, gia đình và tuổi già… Bạn đang ở tập nào của bộ phim cuộc đời mình? Những tập trước có gì thú vị và đáng xem không? Hay tất cả đều trôi qua nhàn nhạt, kiểu một cô sinh viên ngủ tới trưa chiều đi học tối về đi chơi, kiểu một anh nhân viên văn phòng sáng cơ quan chiều quán nhậu, một ông chồng yêu tivi hơn vợ, yêu công việc hơn gia đình, yêu trái banh tròn hơn con cái?

May mắn làm sao, nếu như những tập trước trong bộ phim của bạn nhàm chán và dở ẹt, thì bạn vẫn có cơ hội làm cho nó hay ho và thú vị hơn với tập mà bạn đang sống, và cả những tập sau này. Phim của bạn, cho dù dở, cũng sẽ không bị ngừng chiếu ngay như các bộ phim truyền hình trên tivi. Và bạn vẫn còn cơ hội. Còn nếu như bạn muốn cả cuộc đời mình trôi qua nhàm chán không có gì hay ho thì… ok không sao cả. Vì như tôi đã nói, bạn có toàn quyền điều khiến cuộc đời mình mà. Chẳng mấy ai có bộ phim mà tập nào cũng thú vị, chúng ta cũng không nhất thiết phải làm cho cả cuộc đời của mình giai đoạn nào cũng cam go hứng thú, nhưng ít nhất, hãy có trách nhiệm ở tập phim bạn đang sống, đừng tẻ nhạt mãi, có khó quá không?

Chuyện gì sẽ xảy ra cho một thế giới không hề biết “diễn”?

Hẳn sẽ có người nói: “Không, tôi sống là sống, cuộc đời tôi không phải phim và tôi không phải diễn viên.” Rồi thì: “Đời không trả catse nên hãy cứ sống mà không cần phải diễn.” Hãy bỏ ngay câu nói nhảm nhí ấy đi, người nói câu nói đó ra chỉ là trong phút giây tức giận hoặc mỉa mai ai đó về cách sống không thực, nếu nghĩ kỹ càng, đó là một câu nói vô cùng ấu trĩ. Chẳng ai trên đời này có thể sống mà không ít nhất một lần diễn: Đôi khi là một lần giả tạo, một lời nói dối, ngụy biện, một hành động che dấu đi cảm xúc thật trong lòng. Bởi lẽ một thế giới mà chúng ta hoàn toàn sống thật với nhau thì hẳn sẽ vô cùng lố bịch: Tưởng tượng cảnh bạn đến tiệc cưới của một người bạn, chúc họ hạnh phúc không quên câu giải thích: “Tao chúc vậy thôi chứ thật ra chả quan tâm gì hạnh phúc của tụi mày, coi chừng mấy bữa lại chia tay giờ. Dạo này cưới xin nhiều tốn kém chết đi được, cơ mà sao cô dâu xấu quá thế? Mỏ vàng à? À quên, món hôm nay hơi bị dở nhé, rút kinh nghiệm lần sau đi.”

Hoặc là: “Mẹ hả, không con không về thăm nhà được đâu, tại công việc bận rộn một phần thôi nhưng quan trọng là tại con lười đi xa lắm, còn phải đi nhậu với đám bạn và đi chơi với bạn gái nữa mẹ ạ.” Xong rồi thì bác sĩ sẽ thành thật thế này: “Chào bệnh nhân, tôi có tin buồn, bệnh của anh vô phương rồi, anh sắp chết, chỉ sống được một tháng nữa thôi, hãy về nhà mà lo hậu sự đi.” Lại còn đứa bạn thân: “Mày mới bị đá à? Đáng đời chưa con, cái thằng đấy có ra gì đâu mà cứ đu bám mãi, bị đá cho sáng mắt ra nhá. Ngu cho chừa đi, khóc lóc gì.”

Đấy, thử hình dung một thế giới mà mọi người đều “thẳng thắn, thật thà, dũng cảm” với nhau như thế thì sẽ ra sao? Cơ mà đôi khi cũng hay, lối sống này có thể dạy cho chúng ta cách kiên cường đối diện sự thật, nhưng tin tôi đi, một thế giới “phẳng lì” như thế sẽ không tồn tại, ít ra vài trăm năm nữa. Thế nên còn sống trên đời này, thiên niên kỉ này, muốn yên ổn, bạn phải diễn. Và diễn không có nghĩa là hoàn toàn giả tạo, chỉ đơn giản là che dấu một chút cảm xúc và suy nghĩ thật sự sâu trong lòng riêng mình ta biết mà thôi. Có thể bạn không biết, có thể bạn lờ đi và đôi khi bạn cố chấp không muốn thừa nhận, nhưng sự thực thì chúng ta đang “diễn” rất nhiều điều, nhiều hơn ta có thể hình dung nữa. Không hề gì đâu. Ta có quyền làm điều đó, vì không chỉ là diễn viên, ta còn là đạo diễn cho cảm xúc của mình nữa cơ mà.

Catse cuộc đời

Rồi thì, ai nói đời không trả catse? Catse của cuộc đời khác lắm, nó không chỉ đơn giản là tiền, nó còn là trăm ngàn thứ khác được ngụy trang bằng những lời cảm ơn, những mối quan hệ, cảm giác thanh thản. vân vân… sẽ được trả cho bạn trực tiếp hay gián tiếp, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Với điều kiện là hãy diễn trong bộ phim của bạn, làm cho nó hấp dẫn và có ý nghĩa với người khác, rồi thì bạn sẽ được trả công, chứ đừng chăm chăm nhảy vào bộ phim của người ta mà quậy nhé, không ai trả công đâu! Nếu bạn diễn vai đạt đến mức mọi người đều yêu mến, thì bạn thành công rồi, đời sẽ trả công cho bạn. Còn nếu bạn diễn vai xấu đạt đến mức ai cũng căm ghét, thì bạn cũng thành công luôn, khi đạt được mục tiêu của mình. Chắc chắn một người phải có mục tiêu ghê gớm mới có khả năng diễn vai phản diện đạt đến thế, đúng không?

Vai chính – vai phụ

Còn chuyện này nữa, bạn biết đấy, theo nguyên tắc của bộ phim cuộc đời. Vì bạn là đạo diễn bộ phim của bạn, nên hãy luôn nhớ rằng, bạn có quyền cho ai đó làm diễn viên chính trong phim của bạn, hoặc chỉ cho phép họ làm diễn viên phụ mà thôi, cá biệt có những người đáng ghét vô cùng, hãy chỉ đơn giản xem họ như một vai quần chúng bé nhỏ. Nếu như chỉ vì một câu nói châm chọc của ai đó mà khiến cho bạn bận tâm phiền não, thì bạn đang để họ đạo diễn bộ phim của mình mất rồi. Tất cả những ai bước qua đời bạn, sẽ đều là diễn viên phụ và bạn có quyền quyết định sẽ cho họ ở bên mình, hoặc tiễn họ vào dĩ vãng mãi mãi, bạn có quyền quyết định cho ai đó bước tiếp bên đời bạn, và quyết định ai đó phải tránh sang một bên. Tất cả đều là quyền của bạn. Hãy nhớ tuyệt đối đừng để ai điều khiển cuộc đời của mình. Bạn bị cô lập, bạn bị tổn thương, bạn bị xúc phạm, bị phản bội… những cảm xúc tiêu cực đó không dễ chịu chút nào, nhưng bạn được quyền quyết định mình sẽ làm gì với nó, vượt qua nó hay bị nó quật ngã. Hãy nhớ lấy một câu nói kinh điển này: “Không ai có quyền làm cho bạn tổn thương, trừ khi chính bạn cho phép họ làm điều đó.” Nhớ nhé!

Còn nếu như ai đó gạt bạn ra cuộc đời của họ, hãy chấp nhận trong vui vẻ, vì bạn có quyền quyết định cuộc đời bạn, thì họ cũng có quyền quyết định cuộc đời họ thôi. Họ không muốn bạn làm vai chính trong cuộc đời họ, thì đừng cố chấp làm gì. Hãy tìm một người khác, một người muốn bạn cùng nhau tạo nên một bộ phim tuyệt vời. Đừng bắt ép ai đó phải cho bạn làm vai chính trong bộ phim của họ vì bạn không có quyền đâu. Thế giới còn cả ngàn cả tỉ bộ phim khác để bạn cùng tham gia cơ mà. Hãy chấp nhận!

“Nếu cuộc đời là một bộ phim, hãy làm cho nó đáng xem”

Sau này khi bạn già cả và về hưu, không còn đủ sức khỏe để làm mọi việc, không còn đủ nhanh nhạy để quan tâm từng hành động của con cháu. Lúc đó, bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian để ngồi suy ngẫm, về cuộc đời, để hồi tưởng lại từng thước phim bạn đã đóng trong suốt những năm tháng tuổi trẻ. Tưởng tượng đến lúc đó, bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ hài lòng về cuộc đời của mình, hay chỉ là chuỗi dài những tiếc nuối, sao mình không sống khác đi, sao mình không làm thế này, ước gì mình đã làm thế kia… Có câu nói rằng: “Nếu cuộc đời là một bộ phim, hãy làm cho nó đáng xem.” Vậy bạn đã làm cho cuộc đi bạn đáng xem chưa? Hoặc bạn có kế hoạch gì cho nó đáng xem hơn chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc tự viết kịch bản cho cuộc đời của mình đi. Và sau này nhìn lại bạn sẽ đánh giá được cuộc đời mình có như mình mong đợi không. Mình đã làm tốt những phần nào? Bạn biết đấy, một câu chuyện về nhân vật bình thường nhỏ nhoi nhưng hấp dẫn cũng có thể trở thành phim bom tấn, nhưng một bộ phim nhàm chán không để lại bất cứ ấn tượng gì thì sẽ là thảm họa. Và rồi nếu như một ngày tình cờ trong tương lai, bạn được ông đạo diễn nào đó mua bản quyền cuộc đời bạn để dựng thành phim. Bạn có sẵn sàng?

 

Phi Tuyết