24 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 204

Nếu ngày mai chẳng may bạn mất đi, bạn có nuối tiếc không?

Featured Image: Richard Gaston

 

Hôm nay là sinh nhật tôi, tất nhiên tôi còn khá trẻ, chưa nhiều vốn sống, các mối quan hệ hay hiểu cho hết cái sự đời, nhưng tôi chán ghét các vị, nếu các vị là những kẻ hay đổ lỗi cho tuổi trẻ của mình, như cách tôi làm cách đây 2 năm. Giờ đây tôi có một lượng bạn đọc quen thuộc, có 3 trang fanpage cá nhân của mình, viết bài cho một vài trang fanpage hơi bự xíu, nhận những dự án viết, từng làm event, tư vấn, chụp ảnh, đi nhậu và nói chuyện nhân sinh, học hỏi cùng những người lớn hơn mình cả chục tuổi, tìm kiếm những đồng đội để nung nấu một vài dự án khởi nghiệp (dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay), v…v… Tôi kể chẳng phải để khoe khoang, tôi cũng chẳng dạy đời bởi tôi biết ngoài kia có nhiều người giỏi hơn tôi gấp trăm ngàn lần, vốn sống chưa đủ lận lưng thì đi mà dạy đời ai? Nhưng qua họ, qua chính 2 năm dài dằng dặc cùng lắm trải nghiệm, tôi nhận ra chẳng phải do tuổi trẻ đâu. Đa phần các bạn đang đọc những dòng tôi viết đều rất trẻ, nếu sau bài viết này các bạn vẫn nghĩ mình thực nghèo nàn, vô dụng và dùng thời gian mình làm chuyện vô bổ thì tôi thất bại.

Trẻ thì ngoài khỏe có làm được gì? Thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm, thiếu va vấp, thiếu các mối quan hệ, an phận thì tốt hơn, chết lúc nào không hay.

Trẻ thì thiếu nền tảng, mới chớm vụt khỏi vòng tay ôm ấp của cha mẹ, thất bại thì ra đê à? Cái gì cũng vậy, phải từ tốn, chầm chậm mới chắc ăn. Kiểu như vầy: Nhỏ thì đi nhà trẻ ăn học cho khỏe, lớn lên xíu thì học 12 năm phổ thông, sau đó học đại học kiếm cái bằng, đang tuổi ăn tuổi học mà, mần chi? Biết chi mà mần? Sau đó ra trường đi làm, kiếm công việc ổn định, tốt nhất là “nhàn hạ mà lương cao”, sau đó lấy vợ lấy chồng, rồi chăm con, rồi con nó đi học, đi làm, lấy vợ lấy chồng…

Thật ra đó là chuyện của xa xưa rồi, và đừng vịn cớ vào những điều trên, để tôi nói sự thật nhé:

1. Sợ:

Sợ giao tiếp:

Con người vốn là động vật của cảm xúc, họ vui thì họ làm tốt, cười và mang niềm vui đến mọi người, họ buồn thì cả ngày ủ rũ, chẳng làm gì ra trò trống. Mà cách hay nhất để tạo được cảm xúc là giao tiếp, tạo niềm vui, sự thú vị cho người khác và nhận những điều thú vị, cảm xúc vui vẻ, thăng hoa về phía mình. Vốn việc giao tiếp ngày càng dễ dàng, có các công cụ tiên tiến hỗ trợ để thế giới ngày càng phẳng hơn, khoảng cách địa lý ngày càng rút ngắn hơn nhưng người ta lại ngại giao tiếp hơn, thật lạ!

Sợ thất bại:

Sợ thuyết trình, sợ bán hàng, sợ giao tiếp, sợ các cuộc thi, sợ nộp CV, sợ phỏng vấn, v…v… Đơn giản là sợ thất bại! Sợ mất mặt với bạn bè, với những người chung quanh, sợ tiếng chê cười của người đời.

Nhưng mà nói không phải chửi, đang là sinh viên, đang còn trẻ “trâu”, có danh có tiếng có miếng cơm manh áo nào đâu mà sợ mất? Càng sợ mất càng đánh tuột mất một đống cơ hội, thế là đã sợ ngày càng sợ hơn!

2. Lười:

Lười suy nghĩ:

Đầu tiên là lười đọc, đọc sách, đọc báo chí (kiểu như Forbes), đọc những bài phân tích sâu, hơi dài xíu là lướt qua ngay. Tôi gặp rất nhiều người comment kiểu: “Dài quá lười đọc.” Ngay cả kiên nhẫn dăm ba phút còn chẳng làm được, sao họ nghĩ mình đi làm công ăn lương, ngày 8 tiếng, năm 350 ngày họ sẽ làm được?

Thứ hai là lười trao đổi những thứ thực sự hay ho, chỉ ngồi gặm nhấm chuyện ngày xưa, chuyện tào lao, chuyện scandal, chuyện thế giới rồi đi về với cái đầu rỗng tuếch!

Lười hoạt động:

Cứ nhắc đến các buổi hội thảo, các khóa học về kỹ năng, các buổi sinh hoạt của CLB là lại lười, cứ vịn cái cớ có cái gì hay đâu, đi chỉ tổ tốn thời gian. Các diễn giả bỏ ra cả gần chục năm, vừa đúc kết cái của thầy họ dạy, sách dạy, cái chính cuộc sống dạy họ ra chia sẻ mà bảo tốn thời gian, vớ vẩn. Cũng vì vậy mà cả 1 lớp mấy chục đứa, kể các những trường năng động nhất như Ngoại Thương, Kinh Tế, IU cũng chỉ vài ba đứa thuyết trình tốt, dõng dạc, biết cách nói chuyện, lên kế hoạch, teamwork, còn lại cứ như nông dân xài điện thoại, loay hoay chả biết làm sao.

Cứ nhắc đến các hoạt động bên ngoài, đi làm thêm, tham gia tình nguyện, đi phượt, du lịch là lại lười, bảo thôi tốn tiền ba mẹ, đi cũng chỉ ngửi bụi chứ làm được gì, cũng vì vậy mà cả thành phố bự chỉ biết được vài ba đường cỏn con quanh khu mình ở, vốn sống cụt lủn mà đòi làm cao, chán nốt!

Trước ngày sinh nhật của mình, nhận được tin Toàn Shinoda mất đi, tôi chột dạ và nhớ đến bài dạy của thầy tôi, ảnh nói cuộc sống có 2 bài học kỳ diệu lắm:

  1. Bạn chắc chắn sẽ chết
  2. Bạn không biết lúc nào cái chết sẽ đến với mình

Thấy anh Toàn mất đi mà tôi chợt nghĩ, liệu mình còn mấy ngày nữa? Bao nhiêu người trong các bạn đã từng trải qua cảm giác người bạn đồng trang lứa của mình bỏ mình đi rồi? Nếu bạn là nó, bạn có hối tiếc không? Nếu ngày mai chẳng may bạn mất đi, bạn có nuối tiếc không? Tiếc những ngày lười biếng, tiếc chưa nhận ra được những điều thú vị trong cuộc sống này? Tiếc chưa từng biết yêu thương? Tiếc chưa từng làm điều gì để ba mẹ mình tự hào?

Nếu thấy tiếc thì đọc tiếp, còn tiếc thời gian đọc bài của tôi thì nghỉ. Bản thân tôi cũng có nỗ lực, nhưng vẫn còn nhiều lúc lơi lỏng, lười biếng lắm, nhưng nhìn tin anh Toàn ra đi thì tôi chả dám tiếc nữa. Phục các bạn thật đấy nếu sau khi đọc bài viết này các bạn vẫn chây lười được.

Vậy tuổi trẻ thì có điều gì?

1. Chẳng có cái quái gì cả!

Kỳ vậy, nhưng thật đấy, vì chẳng có cái quái gì nên cũng chẳng có gì để mất, không tiền bạc, không danh tiếng, không sự nghiệp, thua thì làm lại, có mất mát gì đâu? Tại sao không làm một cái gì đó thú vị xem? Lỡ thành công thì sao? Bao nhiêu gương thành công tuổi 8x, 9x đấy còn chưa là cảm hứng à? Hoặc ít ra tránh được cái lý do LƯỜI ở phía trên!

2. Có một đống thứ!

Thời gian, đừng bảo các bạn bận, nhìn ba mẹ các bạn đi làm rồi trông con đi, các bạn sẽ biết thế nào gọi là bận! Sức khỏe, sự tò mò, tinh thần mạo hiểm. Đây đều là độc quyền của tuổi trẻ, lớn lên rồi chúng ta có lắm thứ phải gánh gồng lắm, thời gian đâu mà trải nghiệm cái mới, có dám mạo hiểm hay không?

3. Có những người đồng đội tuyệt vời nhất!

Giai đoạn tuổi trẻ là lúc bạn chẳng có cái quái gì cả, cũng vì vậy nếu ta chơi thân được với nhau là vì hợp tính, vì chân thành, vì tình bạn chứ chưa bị nhuốm bẩn bởi cơm áo gạo tiền, đây là lúc tốt nhất để thành lập các đội nhóm. Bạn chơi khác, bạn làm ăn khác à nha, 100 người chơi cùng thì may ra có được vài người vừa hợp tính, vừa hợp chí hướng, bởi vậy chơi đâu với chục đứa bạn, chưa bao giờ làm chung một cái gì đó thú vị rồi lại bảo chẳng có ai làm cùng, buồn cười!

Tuổi trẻ thì làm được gì?

Các bạn có biết câu chuyện của cô bé Alexandra Scott? Cô bé được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước khi tròn 1 tuổi, cuộc sống của cô bé chỉ xoay quanh ốm đau, hóa trị và phẫu thuật. Đến năm lên 4, Alex hỏi mẹ: “Mẹ ơi, chúng ta có thể bán nước chanh trước sân không?” Cô bé làm vậy để quyên tiền giúp đỡ trẻ bị ung thư. Trong 1 ngày, hàng nước chanh của cô bán quyên được 2.000$ . Điều thú vị là sau đó có hàng loạt hàng nước khác mọc lên, và họ quyên được 200.000$, Alex đặt ra mục tiêu mới: 1.000.000$! Và thế là hàng trăm hàng nước chanh ở khắp các bang mọc lên. Gần 2 tháng sau thì Alex mất trong vòng tay ba mẹ cô, khi cô 8 tuổi. Nhưng trước khi mất, Alex đặt mục tiêu là 5 triệu đô! Và đến hôm nay, số tiền cô bé muốn gây quỹ là 45 triệu đô!

Một người khác là Toàn Shinoda, anh ra đi là một sự tiếc thương vô hạn của tôi bởi tôi thích phong cách làm Vlog của anh, cái tiếng cười anh tạo cho người xem vừa châm biếm lại chặt chẽ và sâu sắc. Cùng sự tiếc thương của gia đình, bạn bè và các fan hâm mộ, dù Toàn bỏ dở cuộc chơi của mình, tôi tin là những gì anh để lại ở tuổi 27 cũng là một dấu ấn khó phai.

Thật ra trước kia tôi là một sinh viên kỹ thuật, ngại giao tiếp và chẳng muốn đi đâu, bởi tôi nghĩ những thứ đó khó nhằn, nhất là nói chuyện với người lạ, tổ chức những event, làm marketing hay làm việc với nhiều người. Nếu bạn cũng từng có suy nghĩ như vậy, tôi xin tặng các bạn một điều mà tôi rút ra như sau:

Đến khi bạn thực làm được một điều gì đó thực sự có ý nghĩa, bạn mới biết thực sự nó không khó như mình tưởng.

Này, đừng ười nữa, và chẳng việc gì phải sợ cả. Nên nhớ, có thể bạn sẽ chết bất cứ lúc nào đấy, đừng biến mất như thể chưa bao giờ tồn tại.

Thân mến!

À, chúc mừng sinh nhật chính tôi, 29/7
Ưng Đen

Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 4

Featured Image: Trevor Williams

 

Chủ nghĩa cá nhân là quan niệm cho rằng mỗi người đều có những quan niệm riêng về mặt đạo đức và một số quyền nhất định, đấy là những thứ có nguồn gốc thánh thần hay cố hữu trong bản chất của con người. Mỗi người sống, nhận thức, trải nghiệm, tư duy và hành động trong và thông qua cơ thể của mình và vì vậy mà xuất phát từ những điểm duy nhất trong không gian và thời gian. Chỉ cá nhân mới là người có khả năng hành động hợp lý một cách sáng tạo và mới mẻ. Các cá nhân có thể có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng tư duy lại đòi hỏi phải có người tư duy duy nhất, đặc thù. Cá nhân nhận trách nhiệm tư duy cho chính mình, hành động dựa trên tư tưởng của chính mình và đạt được hạnh phúc của chính mình.

Tự do là điều kiện tự nhiên của cá nhân. Ngay từ khi chào đời, mỗi cá nhân đã có khả năng suy nghĩ những ý nghĩ của chính mình và kiểm soát năng lực của mình trong những cố gắng nhằm hành động phù hợp với những ý nghĩ đó. Người ta có thể khởi sự những hành động có mục đích của mình khi không gặp phải những cản trở mang tính mệnh lệnh – đấy là khi không có những ép buộc do những cá nhân khác, những nhóm người hay chính phủ gây ra. Tự do không phải là khả năng nhận cái mà chúng ta mong muốn. Những cản trở không mang tính mệnh lệnh như thiếu khả năng, thiếu kiến thức và nguồn lực có thể làm cho người ta không đạt được ước mơ. Tự do nghĩa là không có những trở ngại mang tính ép buộc, nhưng đấy không có nghĩa là không có tất cả những trở ngại. Như vậy là, tự do là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ, để được hạnh phúc.

Có thể coi hạnh phúc cá nhân là trải nghiệm tình cảm tích cực, có ý thức, đi kèm với hoặc xuất phát từ việc sử dụng tiềm năng của con người, trong đó có tài năng, khả năng và đức hạnh. Cảm nhận về việc mình thuộc về cộng đồng do mình tự do lựa chọn là thành phần quan trọng của hạnh phúc.

Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận quan niệm cho rằng cộng đồng hay xã hội có thể tồn tại bên ngoài những cá nhân tạo ra nó. Cộng đồng hay xã hội là tập hợp của những cá nhân – đấy không phải là một vật cụ thể hay một cơ thể sống tách biệt khỏi những thành viên của nó. Sử dụng thuật ngữ trừu tượng như cộng đồng hay xã hội là để nhắm tới những con người nhất định, tức là những người chia sẻ những tính chất đặc biệt và quan hệ với nhau theo những cách đặc biệt nào đó. Không có những thứ như ý chí chung, lý trí chung hay thịnh vượng chung; chỉ có ý chí, lý trí và sự thịnh vượng của từng cá nhân trong một nhóm mà thôi. Cộng đồng hay xã hội chỉ đơn giản là tập hợp của những con người để hoạt động một cách có phối hợp. Hành động có phối hợp của nhóm là chức năng của những cố gắng mang tính tự chủ của mỗi cá nhân trong nhóm đó.

Mặc dù về mặt siêu hình học thì cá nhân là tối thượng (cộng đồng là phụ và phái sinh), nhưng cộng đồng cũng rất quan trọng vì người ta cần cộng đồng để đạt tới tiềm năng hạnh phúc của mình. Những ràng buộc xã hội là những ràng buộc mang tính công cụ nhằm thỏa mãn những khát vọng phi xã hội của từng cá nhân, là những giao kèo thiết yếu cho sự thịnh vượng. Trật tự chính trị tự do, là trật tự tôn trọng những quyền tự nhiên, trong đó có quyền tự do cá nhân, tạo điều kiện tốt nhất cho sự hình thành những cộng đồng tự nguyện, thông qua những cộng đồng này mà người dân lựa chọn cách sống phù hợp với những giá trị chung do chính họ lựa chọn.

Cộng đồng chân chính là cộng đồng do người ta tự do lựa chọn

Nhấn mạnh vai trò tối thượng cho cá nhân không có nghĩa là giảm giá trị của hợp tác xã hội. Con người không chỉ là những cá nhân tách biệt với nhau mà còn là sinh vật mang tính xã hội nữa. Hành động có phối hợp thúc đẩy cơ hội phát triển và mang lại lợi ích, nếu không thì từng cá nhân riêng lẻ không thể nào đạt được. Lý tính của con người tạo điều kiện cho anh ta hợp tác và giao thiệp với những người khác. Trong xã hội tự do, người ta tự nguyện tham gia vào tất cả những công việc hợp tác xã hội. Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân cung cấp cho người ta nền tảng lý thuyết tốt nhất cho cộng đồng chân chính, tức là cộng đồng xứng đáng với đời sống của con người. Quan hệ tự nguyện, cùng có lợi giữa những cá nhân tự chủ là nền tảng cho việc hành thành những cộng đồng thực sự. Tính độc đáo và giá trị của mỗi người được khẳng định khi mỗi cá nhân cấu thành cộng đồng tự do lựa chọn tư cách thành viên trong cộng đồng đó.

Chủ nghĩa cá nhân và sự tự chủ giải phóng người ta khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau. Trong cuốn bestseller có nhan đề Bảy thói quen của người có hiệu quả cao, ông Stephen Covey nhận xét rằng sự tương thuộc là lựa chọn mà chỉ có những người tự chủ mới làm được mà thôi. Một người có thái độ tích cực, tôn trọng nguyên tắc, hành động vì những giá trị, tức là người tổ chức và thực hiện những ưu tiên trong cuộc đời của anh ta bằng tấm lòng chính trực là người có khả năng xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và có hiệu quả với những người khác. Tính tự chủ thật sự tạo điều kiện cho người ta hành động chứ không chỉ phản ứng.

Tính tự chủ đòi hỏi người ta phải liên kết một số nguyên tắc (đức tính) nhất định như trung thực, dũng cảm, công bằng, lương thiện và ngay chính vào trong bản chất của mình. Những người tương thuộc lẫn nhau kết hợp cố gắng của riêng họ với cố gắng của những người khác nhằm đạt được thành công và hạnh phúc lớn hơn. Họ là những người tự tin và có năng lực, là những người nhận thức được rằng làm việc cùng nhau thì có thể làm được nhiều hơn là làm một mình. Những người tương thuộc lẫn nhau tìm cách chia sẻ với nhau, học hỏi nhau, hiểu và yêu mến nhau và vì vậy mà có quyền tiếp cận với nguồn lực và tiềm năng của những người khác.

Cộng đồng chân chính tôn trọng các cá nhân tự do

Thuật ngữ cá nhân phải bao gồm tự do, công lý, đức hạnh, nhân cách và hạnh phúc; nhưng việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân đương nhiên là và hầu như bao giờ cũng diễn ra trong cộng đồng. Người ta, như những cá nhân, có những nhu cầu mà không hợp tác với người khác thì không thể nào thỏa mãn được – thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của con người trong tình trạng cách ly là việc làm bất khả thi. Cộng đồng chân chính tôn trọng những con người tự do. Cộng đồng thật sự xuất hiện khi người ta được tự do thành lập những hiệp hội tự nguyện nhằm theo đuổi quyền lợi cá nhân và quyền lợi có tính hỗ tương với nhau. Tôn trọng con người hàm chứa sẵn trong lòng nó sự tôn trọng quyền hình thành hiệp hội mà họ lựa chọn cho mục đích đó.

Cá nhân không bắt đầu trong điều kiện cách ly – tồn tại nghĩa là cùng tồn tại. Sinh, về bản chất, là trong gia đình, với cha mẹ, anh em, ông bà, chú bác và anh em họ. Đến lượt mình, các thành viên trong gia đình lại có rất nhiều mối quan hệ với những thành viên khác trong những cộng đồng và hiệp hội tự nguyện khác nhau. Trong xã hội tự do, các cá nhân thường đồng thời là thành viên của nhiều cộng đồng khác nhau. Ở những mức độ khác nhau, mỗi người đánh đồng mình với những cộng đồng như gia đình, tôn giáo, địa phương, địa vị, nghề nghiệp, nơi làm việc, dân tộc, sắc tộc, văn hóa, chính trị và những cộng đồng khác nữa. Đấy thường là những cộng đồng có tính khu vực, nhưng không phải dứt khoát như thế, và có số người rất giới hạn, đấy là những người mà cá nhân có thể quen, có quan hệ và chia sẻ quyền lợi chung. Sự tiến bộ về mặt công nghệ ngày càng gia tăng trong lĩnh vực thông tin liên lạc và giao thông làm cho người dân có thêm điều kiện lựa chọn những cộng đồng đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu và kì vọng của họ.

Chính phủ tối thiểu tạo điều kiện cho các cộng đồng chân chính nở hoa kết trái

Liên kết vào trong những cộng đồng và hiệp hội tự nguyện tạo điều kiện cho các công dân giữ được sự độc lập đối với nhà nước. Cuộc sống trong những cộng đồng do người ta tự do lựa chọn tốt hơn là cuộc sống của một cá nhân rời rạc trong một quốc gia-dân tộc to lớn. Những người nghi ngờ quyền lực của nhà nước ủng hộ việc thành lập thật nhiều nhóm tự nguyện nằm trung gian giữa nhà nước và cá nhân – những định chế trung gian này giúp các cá nhân thực hiện những mục tiêu của mình một cách tự do hơn và đầy đủ hơn.

Nguyên tắc phân cấp là nhà nước nên giới hạn hoạt động của mình vào những lĩnh vực mà cá nhân và những hiệp hội tư nhân không thể thực hiện một cách hiệu quả. Các cá nhân và tổ chức khu vực gần gũi nhất với hiện thực xảy ra hàng ngày thường là có những quyết định sáng suốt nhất, cơ quan cấp trên chỉ nên quyết định khi có những vấn đề vượt quá khả năng của cấp dưới mà thôi. Phân cấp tạo điều kiện cho những người tự do phát triển trong những cộng đồng đúng nghĩa mà không cần có sự can thiệp của nhà nước.

Mục tiêu của nhà nước không phải là giúp người ta về mặt vật chất hoặc tinh thần để họ có thể theo đuổi quan niệm của họ về hạnh phúc – đấy là công việc của các cá nhân, cộng đồng và những hiệp hội tự nguyện khác. Vai trò thật sự của nhà nước chỉ là bảo vệ người dân trong khi họ theo đuổi hạnh phúc riêng của mình. Điều đó đơn giản có nghĩa là ngăn chặn sự can thiệp của những người khác.

Vì nhà nước có thái độ thù địch đối với sự hình thành và hoạt động của các cộng đồng tự nguyện, nhà nước tối thiểu – tức là nhà nước hoạt động trong những giới hạn của chủ nghĩa cá nhân tự do – làm cho việc hình thành những cộng đồng như thế được dễ dàng hơn. Những mối quan hệ cá nhân sâu sắc và có lợi trên cơ sở hợp tác tự nguyện và giúp đỡ lẫn nhau sẽ sinh sôi nảy nở trong những hệ thống tối thiểu, dựa trên quyền của con người. Tự do cá nhân là điều kiện cần cho sự hình thành và sức sống của những cộng đồng chân chính.

[themify_box style=”blue rounded” ]Edward Younkins là giáo sư kế toán và quản trị kinh doanh tại Wheeling Jesuit University, Wheeling, West Virginia.[/themify_box]

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Chủ nghĩa cá nhân và tự do: Những cây cột trụ sống động của cộng đồng chân chính

Còn đâu nữa những “con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ”?

Featured Image: Kei Densetsu

 

Đường Hà Nội xưa thanh tĩnh và mộng mơ. Đường Hà Nội nay bốn bề hối hả, nhộn nhịp xô bồ.

Những ký ức về đường phố Hà Nội xưa có lẽ chỉ còn trong những lời thơ, câu hát:

“Em ơi , Hà Nội phố
Ta còn em
Mùi hoàng lan
Ta còn em
Mùi hoa sữa
Con đường vắng,
Rì rào cơn mưa nhỏ…”

Hà Nội nay còn bao hoa sữa với hoàng lan? Hà Nội nay có còn không những con đường vắng lặng, yên bình, nơi khiến người ta chỉ cần “thả hồn” vào đó bỗng hóa thành thi sĩ. Còn đâu nữa những hàng cây, những hè phố đỏ au màu gạch, nghe đâu đó loẹt quẹt tiếng bước chân người đi hòa cùng tiếng chim ca…Còn đâu ngõ vắng năm nào, bóng nàng thiếu nữ áo dài trong trắng làm ai mê mẩn…Đâu những buổi tan trường hò hẹn…

Những người yêu Hà Nội sáng trong, thuần khiết không biết mấy lần phải giật mình bởi sự đổi thay nhanh chóng nơi chốn đế đô. Mấy chục năm trời, đời sống vật chất tuy có cao hơn, song những giá trị tinh thần đậm nét nhất thì mãi không quay về nơi đây nữa.

Giao thông Hà Nội xưa với xích lô, xe đạp, một vài chiếc xe cúp, chưa khi nào “nghẽn mạch” như ngày nay. Đường Hà Nội gần trăm năm vẫn sạch như thể bụi trần không vướng víu. Hơn Singapore nhiều. Người điều khiển giao thông khi ấy là những chiến sĩ công an thân thiện, hết lòng vì nhân dân.

Ngay cả khi phải chống chọi với bom đạn Mỹ, việc lưu thông hàng hóa vẫn được đảm bảo. Mà cái điều đặc biệt là ngày ấy người ta thích đi tàu hỏa, đi đò. Tính cố kết cộng đồng rất cao. Một phần bởi phương tiện cá nhân chưa phát triển, nhưng đồng thời, nhân dân cũng đón nhận các phương tiện giao thông công cộng ấy với một niềm ham thích. Không phải ngẫu nhiên mà ga Hà Nội trở thành biểu tượng, đi vào trong từng câu hát, câu thơ, từng bộ phim thời chiến. Ngoài ý nghĩa “nhân chứng sống” cho các “cuộc chia ly màu đỏ”, sân ga ấy còn chứng minh cho sự phát triển của giao thông đường sắt lúc bấy giờ.

Nay thì sao?

Nghĩ mà buồn khi người nước ngoài đến Việt Nam mãi lắc đầu nguây nguẩy về đường sá nước ta, về ý thức đi đường của công dân ta. Không rõ bởi nguyên cớ nào mà tâm tính người Việt lại đổi thay nhanh như thế. Xưa kia dân ta thế đâu? Hệ thống quản lý giao thông của ta thế đâu? Ấy vậy mà…

Đường có tắc thì có phân làn nữa, phân làn mãi cũng đến thế thôi, có mở rộng thêm vài chục mét thì đến giờ cao điểm vẫn ùn ùn. Những điều cốt lõi nhất ta không lưu tâm đến. Sao nhập ô tô con, xe máy “bãi rác” của Nhật, của Thái, của Tàu nhiều như vậy? Sao ở nội đô lại nhiều điểm bán xe như thế? Người Nhật có còn thiết tha đi xe máy nữa đâu. Các hãng xe trong nước không bán được sản phẩm của mình, họ phải xuất ra nước ngoài. Như vậy là ta mua hàng “tồn kho” của họ, ta lạc hậu hơn nhiều so với tư duy người ta. Chậm tiến về công nghệ không phải điều gì ghê gớm, nhưng chậm tiến về tư duy là một điều nguy hiểm. Cứ giữ mãi nếp suy nghĩ đó, khi nào mới “nước mạnh, dân giàu”?

Có cần thiết người dân nội thành phải đi học, đi làm với phong thái vội vã kia không? Đường đến trường, đến công sở không xa, sao không chịu khó dậy sớm một chút, về nhà muộn một chút? Sao không chịu nhường đường cho nhau, ai cũng muốn vượt lên? Sao cứ thích liều lĩnh vượt đèn đỏ để rồi mất oan vài trăm nghìn thay vì chờ đợi có mấy giây? Có lẽ kinh tế thị trường làm cho người ta sống gấp hơn, vội vã hơn, muốn giành giật lợi ích nhanh hơn. Nhưng một nền kinh tế vội vã chưa khi nào là nền kinh tế vững bền. Lịch sử đã trải qua nhiều bài học rất đắng lòng về phát triển. Thiết nghĩ, điều quan trọng là khi bắt đầu làm việc, chúng ta làm ra sao, năng suất lao động thế nào, chứ đi đến công sở chậm một vài bước chân đâu phải vấn đề gì quá lớn?

Một tệ nạn nữa, là nhậu nhẹt quá nhiều. Giờ tan sở, rất nhiều người không về nhà ngay mà toàn tụ tập ở những quán xá, những địa điểm ăn chơi. Hà Nội chưa khi nào mọc lên nhiều nhà hàng, vũ trường, quán bia, quán karaoke đến thế. Điều đó tưởng chừng như không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy đó là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Bởi những nơi ấy là chốn tập trung đông người, nên dòng người cùng đổ về một hướng chắc chắn sẽ chật chội, và điều không may phải đến, như một lẽ tự nhiên.

Chuyện điều tiết giao thông còn bất cập lắm. Tôi đi trên đường, nhiều khi đông quá, chả nhìn thấy ông CSGT đâu, chả biết chỉ dẫn thế nào. Sao không xây bốt CSGT cao hơn mặt đường cho mọi người cùng nhìn thấy?

Nhiều khi đi đường mà nhớ lại chuyện xưa bố kể, tôi ngậm ngùi. Khi nào mới trở lại ngày xưa, một Hà Nội mộng mơ, với những “con đường vắng, rì rào cơn mưa nhỏ”? Thèm lắm!

 

Duy Hùng

Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 3

Featured Image: Brendan Ó Sé

 

Con người ta có tri thức đến mức nào?

Câu hỏi ngắn này lại là câu hỏi phức tạp. Dĩ nhiên là tri thức tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Một thiên tài toán học có thể tin vào khả năng dự toán của những quân bài Tarot, một nhà văn vĩ đại có thể lúng túng trước một cách lập luận đơn giản nhất, một nhà quản lý hàng đầu có thể mù tịt về văn chương.

Đó là vấn đề thú vị, nhưng không phải là mối quan tâm của tôi ở đây. Tôi muốn làm rõ vấn đề sâu sắc hơn: Mỗi người chúng ta, khi đứng một mình, đều là những người tối tăm đến kinh ngạc và thường làm những việc ngu xuẩn.

Lời khẳng định này có thể là một cú sốc xuất phát từ một người cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế như tôi. Nhưng cú sốc lại xuất phát từ việc không hiểu được chủ nghĩa cá nhân. Như vậy là, muốn tìm hiểu vấn đề trí tuệ của con người, trước hết chúng ta phải hiểu chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân, được sử dụng ở đây, là một triết lý chính trị. Nó là một tập hợp những chân lý nói về bản chất của xã hội và tập hợp những luật lệ về quan hệ phù hợp giữa chính phủ và các cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận quan điểm cho rằng xã hội tách biệt với những cá nhân hợp thành xã hội đó. Nó phủ nhận sự tồn tại của “ý chí chung”. Nó công nhận rằng những tập hợp được sử dụng nhằm thảo luận về xã hội – như “GDP”, “nhân dân Mĩ” hay “thành phố Chicago” – chỉ là kết quả của ảnh hưởng qua lại của những sự lựa chọn và hành động của rất nhiều cá nhân riêng biệt mà thôi. Những tập hợp này chỉ là sản phẩm được tạo tác bởi từng cá nhân trong hàng triệu cá nhân tương tác với nhau theo những cách rất phức tạp, không thể nào mô tả bằng lời được.

Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận tuyên bố cho rằng chính phủ phản ảnh một cách chính xác ước muốn của “nhân dân” – vì chủ nghĩa cá nhân không công nhận nhân dân, như một nhóm người, là thực thể có ý thức, có ước muốn. Tôi có ước muốn, vợ tôi có ước muốn, người hàng xóm của tôi có ước muốn. Một số ước muốn có thể được toàn thế giới chia sẻ. Một số ước muốn khác có thể xung đột kịch liệt với nhau. Nhưng ngay cả thậm chí ước muốn được mọi người chia sẻ cũg vẫn chỉ là ước muốn của từng cá nhân riêng biệt mà thôi. Tách khỏi những cá nhân như thế thì không tạo vật nào có ước muốn hết.

Một trong những hậu quả của quan niệm này là sự nghi ngờ của người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa về việc sử dụng chính phủ để buộc một số người phải tuân lệnh một số người khác. Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa bác bỏ huyền thoại đầy thơ mộng rằng một số người được nhà nước chuyển hóa một cách thần kỳ thành tương tự như thánh thần, tức là thành những người có thể phân biệt và tập hợp được biết bao nhiêu kiến thức nằm rải rác trong hàng triệu người. Kết quả là, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa thù địch với mọi cố gắng nhằm buộc bất cứ người nào phải khuất phục cái thực thể được cho là “cao hơn” đó.

Chủ nghĩa cá nhân không phải là niềm tin rằng mỗi người là hay tìm cách trở thành cách biệt, giống như một hòn đảo, với những người khác. Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa công nhận sự kiện đáng mừng là mỗi người chúng ta đều phụ thuộc vào vô số người khác – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nói một cách văn hoa là phụ thuộc vào hàng trăm triệu người mà ta không hề quen biết trên khắp thế giới, sự sáng tạo và cố gắng của họ thể hiện trong những món hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng chính là sự thịnh vượng của chúng ta.

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa hiểu rằng xã hội chỉ có thể phát triển từ ảnh hưởng qua lại của những sự lựa chọn và hành động của từng con người với sự lựa chọn và hành động của hàng triệu người khác, và rằng sự cưỡng chế của chính quyền trung ương ngăn cản sự phát triển đó.

Tri thức của con người

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa đánh giá một cách sâu sắc giới hạn của sự hiểu biết của mỗi cá nhân. Ngoài việc nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác xã hội, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa còn nhận thức được rằng:

  • Hợp tác không thể là công việc ép buộc;
  • Hợp tác thường kéo theo sáng tạo (thí dụ như người sản xuất thiết kế ra cái bẫy chuột tốt hơn để bán);
  • Vì có sự sáng tạo và vì mỗi người đều có một số kiến thức độc đáo nhưng giới hạn, cho nên kết quả của sự hợp tác là không lường trước được;
  • Mỗi cá nhân đều là những người dốt nát, dễ hiểu sai và lầm lẫn cho nên việc tìm ra chân lý – tức là phân biệt giữa những ý tưởng đúng và ý tưởng sai – buộc người ta phải liên tục thực hiện quá trình thử và sai; và
  • Khi người ta tự do hợp tác, chỉ phải thuyết phục người khác hợp tác với mình thì sẽ hình thành trật tự xã hội, trong đó mỗi người đều nhận được lợi ích từ những mẩu kiến thức độc đáo mà mỗi người trong số hàng triệu người khác đem vào trong quan hệ thị trường. Thông qua thị trường, tôi nhận được lợi ích từ kiến thức độc đáo của anh hàng thịt, anh hàng bia và anh hàng bánh mì, mặc dù tôi chẳng biết một tí gì về công việc của những người kia.

Như vậy là, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa cho rằng kiến thức mỗi cá nhân sở hữu là vô cùng nhỏ bé, nhưng chỉ tính những người phục vụ anh ta thôi thì kiến thức của họ đã là vô cùng to lớn rồi. Anh ta nhận thức được rằng mình biết rất ít. Anh ta hiểu rằng một người hay một nhóm người trong một ủy ban nào đó tưởng tượng là hắn ta hay bọn họ có thể nắm được toàn bộ những chi tiết của những dàn xếp trên thương trường là sự kiện cực kỳ khôi hài.

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa chỉ có thể chế nhạo vào sự giả dối của những kẻ tưởng tượng rằng họ có thể đoán được hay lập kế hoạch cho thị trường vì đấy sẽ là dự đoán hay lập kế hoạch cho hàng trăm triệu người, mà mỗi người trong số đó lại có một ít kiến thức độc đáo.

Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa biết rằng một người hoàn toàn tách biệt với xã hội của những người đàn ông và đàn bà tự do là người không chỉ nghèo một cách tuyệt vọng mà còn là người luôn luôn sợ hãi và sai lầm một cách vô lý nữa.

Xin hãy suy nghĩ về một chút kiến thức – thí dụ, trái đất tròn hay vi khuẩn có thể giết người. Đối với chúng ta, đây là những sự kiện rõ ràng. Nhưng chúng không phải đã là những sự kiện rõ ràng. Hàng bao nhiêu ngàn năm, đa số dân chúng không biết gì về những sự kiện như thế. Và độc giả thân mến của tôi, bạn biết những sự kiện đó không phải vì bạn phát hiện ra chúng mà bởi vì biết bao nhiêu người đã tư duy một cách sáng tạo và hữu lý, và tìm cách chia sẻ ý tưởng của họ với những người khác, đem ý tưởng của mình ra cho người khác đánh giá và chau chuốt thêm. Sự tương tác giữa những con người tự do và hữu lý là tác nhân khám phá ra và khẳng định những sự kiện đó.

Tôi thấy trái đất phẳng, tôi chưa bao giờ nhìn thấy con vi trùng nào. Nhưng tôi biết rằng trái hình tròn, rằng có những con vi trùng và chúng rất nguy hiểm. Tôi được lợi từ kiến thức đó, mặc dù đấy không phải là phát minh của cá nhân tôi. Và khi tôi nghĩ về những lợi ích đó, tôi nhận thức được rằng hầu như mọi thứ tôi biết đều do những người khác phát hiện ra. Đấy là kiến thức mà nếu ở một mình với chiếc máy tính mạnh nhất, thì hàng tỉ năm tôi cũng không thể nào tự mình phát hiện ra được.

Một mình, tôi là người ngu dốt và tăm tối; nhưng như một thành viên của xã hội thị trường, tôi là người có kiến thức và được khai minh. Tôi có kiến thức và được khai minh là nhờ sự cố gắng mang tính cá nhân của biết bao nhiêu người, họ là những người sử dụng một cách sáng tạo quyền tự do và khả năng tư duy một cách hữu lí của mình.

 

Phạm Nguyên Truờng dịch
Nguồn: Donald J. Boudreaux – Chủ nghĩa cá nhân và tri thức

 

[themify_box style=”blue rounded” ]Donald J. Boudreaux là giáo sư kinh tế tại George Mason University, là cựu chủ tịch của Foundation of Economic Education (FEE), là tác giả cuốn Toàn cầu hóa (Globalization).[/themify_box]

 

Mại dâm và bất bình đẳng xã hội

 Featured Image: mafate69

 

Hai cái vòng luẩn quẩn này có lẽ không bao giờ giải quyết được!

Tình dục là nhu cầu bản năng nhưng cũng rất nhân văn của con người. Nam có, nữ có, và có một sự thật mà trước đây không mấy người để tâm: Nhu cầu tình dục của nữ thường cao hơn nam. Đặc tính sinh học riêng đã giúp cho người nam nhận được sự thỏa mãn lớn hơn nữ nhiều. Đã thế, xã hội nam quyền còn tạo ra những dịch vụ luôn sẵn sàng làm hài lòng họ. Nếu không hạnh phúc trong chuyện phòng the với người tình, nam giới có thể tìm đến mại dâm, nữ giới thì ít khả năng hơn. Sự bất bình đẳng về thỏa mãn tình dục đã tồn tại hàng ngàn năm nay.

Những cô gái mại dâm không được thỏa mãn về tình dục. Họ phải lao động. Lao động tình dục và thưởng thức tình dục là hai ý niệm hoàn toàn khác nhau. Như nhiều công việc khác, lao động tình dục cũng mệt mỏi và căng thẳng, đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, nhiều khi phải đào tạo mới thành. Tệ hại hơn, rất hiếm cô gái tự nguyện chọn nghề mại dâm, yêu thích nghề mại dâm. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến năng lực phục vụ tình dục của họ. Nhất là trong văn hóa Á Đông vốn khắt khe và mâu thuẫn, người ta có thể chấp nhận sự tồn tại của kỹ viện như một lẽ tất nhiên, nhưng vẫn rẻ rúng người kỹ nữ đến tàn tệ.

Tôi cho rằng mại dâm chỉ bắt đầu xuất hiện khi chế độ nam quyền thay thế nữ quyền và gia đình manh nha hình thành. Thời tiền sử, giai đoạn mà con người còn quần hôn ngẫu phối với nhau và vai trò của những người phụ nữ trong một bầy người rất quan trọng, hẳn tình dục vô cùng tự do thoải mái cho cả nam và nữ. Khi ấy, loài người đã được thỏa mãn nhu cầu bản năng của mình một cách trọn vẹn mà không bị tác động bởi những yếu tố như đạo đức và thương mại. Khi người phụ nữ làm chủ, gia đình là thứ không cần thiết, vì người ta chỉ cần quan tâm những đứa con sinh ra là của người mẹ nào mà không cần biết cha nó là ai. Nhưng khi người đàn ông có vị thế cao hơn, họ đòi hỏi con cái phải thuộc về mình, và đẩy người phụ nữ vào trong những mớ bòng bong tiết hạnh. Đòi hỏi phụ nữ phải thủy chung chẳng qua xuất phát từ nỗi sợ hãi và tính ích kỷ của đàn ông, không ai muốn vợ mình có con với kẻ khác bao giờ.

Tuy nhiên, nhu cầu tình dục của đàn ông vẫn được thỏa mãn. Họ không cần nhiều giờ làm tình, song bản chất của họ là ham tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ hơn. Bởi vậy, họ thích tán tỉnh, chinh phục và quan hệ với những người phụ nữ khác nhau. Bằng cách nào đó, họ vẫn khiến một số phụ nữ không giữ được đức hạnh, lòng thủy chung của mình với chồng. Lẽ dĩ nhiên, những người phụ nữ ấy không bao giờ được chấp nhận trong những gia đình có tôn ti trật tự. Tôi cũng nghiệm ra, hẳn kỹ viện được lập nên bởi những phụ nữ bị ruồng bỏ ấy, những con người luôn đầy rẫy khát khao đạp đổ những giá trị đạo đức gia đình chết tiệt chà đạp lên họ, và muốn làm hài lòng đàn ông hơn những người vợ đức hạnh kia. Tình dục bắt đầu trở thành một nghề “kiếm cơm”, nuôi sống những người phụ nữ không còn chỗ dựa quan trọng nhất là gia đình.

Tôi có thể mường tượng ra hoạt động mại dâm như một minh chứng rõ ràng cho sự bất bình đẳng xã hội đã diễn ra trong hàng thế kỷ qua. Nam giới được thỏa mãn tình dục hơn phụ nữ, người giàu, người có địa vị thụ hưởng cuộc sống tình dục ở mức độ cao hơn người nghèo.

Thuyết “nam nữ bình quyền” đã được hưởng ứng hơn trăm năm nay, cơ bản vẫn tắc nghẽn khi thực thi. Bởi suy cho cùng, vấn đề mấu chốt vẫn là bản năng. Con người không được giải phóng bản năng thì mọi thứ ý thức mãi chỉ là sáo rỗng mà thôi. Hàng ngàn năm nay, vẫn tồn tại những người làm nghề “làm tình”, chỉ có điểm khác là hiện nay có thêm nhiều lao động tình dục là nam giới và người đồng tính, khiến nữ giới không còn chiếm địa vị độc tôn trong nghề này nữa. Phần đông vô cảm với nghề, chấp nhận kiếm tiền thực dụng và cả việc bị người đời coi rẻ. Khách hàng của họ càng đa dạng hơn, nhưng thường nữ giới đi mua dâm hay mặc cảm, bởi họ mãi chẳng thể nào trút bỏ được những giá trị “phụ nữ” ở trên đầu (mà chính những người đàn ông nghĩ ra và buộc họ phải theo). Đã cảm thấy tội lỗi, cắn rứt lương tâm thì làm sao có thể thỏa mãn những ham muốn bản năng?

Chống mại dâm hay cho phép mại dâm tồn tại và phát triển đều là những chính sách vô cùng dở nếu làm không triệt để. Vừa rồi, đọc được đề xuất công khai danh tính người mua dâm, nghĩ bụng, cũng là một cách làm nhằm đạt được sự trừng phạt bình đẳng về độ “ô nhục” giữa những người lao động tình dục và “khách hàng” của họ. Như trước đây người đi mua dâm được thảnh thơi tận hưởng lạc thú ở đời, còn kẻ bán dâm luôn phải trầy trật, lo sợ công an “sờ gáy”. Giờ cùng sợ là tốt, phải lén lén lút lút sẽ không giúp kẻ nào thỏa mãn cả, rồi nhu cầu ấy sẽ lịm tắt dần đi. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng trên đất nước này, càng những chính sách hay càng khó thực hiện, bởi nó dám động chạm đến nhu cầu, lợi ích sát sườn của nhiều người, bị xù lông ném đá âu cũng là lẽ thường.

Cho phép mại dâm tồn tại vốn là một ý tưởng không tồi, nhưng động đến cái phông văn hóa Nho gia ngoại nhập khắc kỷ (nó trái với văn hóa Việt Nam thuở ban sơ là thứ văn hóa phồn thực, khuyến khích tự do yêu đương và tình dục) đã ăn sâu vào máu dân tộc ta bao đời nay thì không thực hiện được đâu. Mới chỉ là bước đầu nêu quan điểm đã bị đánh tơi tả rồi, chưa nói gì đến chuyện thay đổi nhận thức phiến diện của chúng ta về người lao động và thụ hưởng tình dục. Rốt cuộc thì, ý thức, nhất là ý thức hệ cao hơn bản năng sẽ cho ra kết quả là một sự bế tắc quẩn quanh, bắt không ra bắt mà thả cũng không ra thả, không bao giờ thay đổi!

 

Duy Hùng

Hơi ấm mèo con

Photo: Stefany Alves

 

(The tales from Heaven – tale 2)

Ta thấy nhà cạnh bên có cô bé ôm mèo con kể về những hoang mang
Về nỗi buồn khi những yêu thương sinh thành lại bất hòa lần nữa
Khó hiểu sao những yêu thương lớn khi giận nhau lại thường giận lây sang yêu thương nhỏ
Bé mèo con cất lên những lời ngô nghê ủi an cô chủ
Cũng may còn được nhìn thấy đây hai sự ngây thơ bé bỏng
Biết giữ gìn cho nhau hơi ấm khi những khờ dại khác đang bận làm giá băng…

Hơi ấm mèo con

Ta vừa nghe câu chuyện kể của bé mèo con sát bên nhà
Về những ngày hơi ấm đi chơi quên về khi đóng cửa
Cô chủ nhỏ lạnh run đi tìm hơi ấm nhỏ
Luôn để dành nơi em, lúc hơi ấm kia chưa về

Cô chủ thích ôm em dỗ dành những ngô nghê
Dỗ dành đôi bàn tay, dỗ dành đôi mắt ướt
Hát cho em nghe về những vô tình lạnh buốt
Của những yêu thương đôi khi cũng biết buồn

Những yêu thương dẫu chẳng hề cố tình – nhưng vẫn làm mưa tuôn
Vẫn quên hơi ấm kia còn bên ngoài khi đóng cửa
Em thì bé nhỏ thôi, hơi ấm cũng bé nhỏ
Nên chỉ đủ hong khô một chút những ưu phiền

Em muốn hát cô chủ nghe về những hồn nhiên
Meo meooo… meo meooo... – cô chủ nhỏ đừng khóc !
Hơi ấm sẽ về thôi, cửa sẽ không còn đóng
Khi những yêu thương biết sợ tim mình lạnh cóng
Biết sợ tim mình không thể ấm lại thêm một lần

Cánh cửa nơi trái tim từ đó sẽ không còn bị khóa bởi những phân vân
Bởi những gì vô tình, bởi những gì xuẩn ngốc
Khi những yêu thương biết thứ tha cho nhau dù khó nhọc
Khi những yêu thương đã thực-sự-biết-yêu-thương

Cánh cửa nơi trái tim từ đó sẽ luôn được mở trong những ngày bình thường
Cánh cửa nơi trái tim từ đó sẽ luôn được mở dù những ngày mưa gió
Chờ hơi ấm kia trở về ngôi nhà và trở về những trái tim lớn nhỏ
Dẫu có tạt ít nhiều gió mưa thì cánh cửa cũng sẽ luôn mở
Đợi hơi ấm kia trở về
Hong khô tất cả những gì là yêu thương…

Em sẽ luôn ở đây dẫu những ngày bình thường
Hơi ấm nhỏ ở đây dẫu những ngày mưa buốt
Dù bây giờ cửa chưa mở nhưng đã có em ở đây cô chủ nhỏ đừng khóc
Hơi ấm em nhỏ thôi nhưng đủ hong khô đôi mắt ướt
Chờ đến khi hơi ấm kia về
Gõ cửa những trái tim…

Rồi một hôm ta nghe bé mèo con kể hơi ấm kia đã trở về ngôi nhà vào một ngày lặng im.

********

From a friend’s status
[Nhà sát bên có con mèo con
Cô bé con ôm con mèo con vuốt ve rồi tâm sự: “Hôm nay ba mẹ tao lại cãi nhau, mẹ la qua tao nữa mèo. Tao buồn ghê!”
“Meo… meooooo” tiếng kêu non nớt, non nớt…]

 

–The Kid Falling From Heaven–

Mê tín và kẻ sợ chết

Featured Image: George Christakis

 

Ta đều có những vấn đề mê tín nho nhỏ. Nếu việc đó không phải là tin vào những bước tượng thần, thì cũng là tránh ổ gà trên đường, hoặc luôn xỏ giày chân phải trước. Chạm gỗ cầu may, đâm vào ổ gà, tối về gặp ma. Chọc giận thần linh là điều cuối cùng ta muốn làm.

Vào những tháng đầu năm, cả thế giới đón nhận tin về chiếc máy bay MH370 nhưng bao nhiêu người thật sự quan tâm đến số phận của những hành khách xấu số? Vài tháng trôi qua, MH370 cuối cùng chỉ là một trong vô số những tai nạn máy bay và tất cả cũng dần chìm vào quên lãng.

Thế nhưng, khi liên liếp những vụ tai nạn máy bay xảy ra vào tháng 7, người ta vội vẽ nên câu chuyện về những lời tiên tri, về số 7 tử thần, về năm chết chóc của nhân loại. Và cái chết bất ngờ của một vlogger nổi tiếng lại càng khiến những người trẻ sợ hãi về sự tồn tại của những thứ tâm linh kia. Liệu rằng những lời nguyền, lời tiên tri kia sẽ trở thành sự thật? Đó dần biến thành nỗi lo lắng trong mỗi người. Họ tin vào sự đen đủi số 7 mang lại. Họ tránh toàn bộ những chuyến bay có số 7, hay thậm chí hủy cả những chuyến đi đã dự định.

Chúng ta mê tín, kiêng kỵ, sợ hãi chỉ vì một lý do duy nhất: Ta sợ cái chết. Điều này làm tôi nhớ đến Ronan – một anh chàng tôi tình cờ quen được trong thời gian ở Bangkok. Đó là một anh chàng 28 tuổi người Pháp gốc Việt mắc chứng rối loạn cưỡng chế: Ám ảnh con số 33. Ronan có một khối u trong não, đã trải qua gần chục ca phẫu thuật và những đợt điều trị khắc nghiệt. Trông anh ta chẳng khác nào một người khỏe mạnh ngoài vết sẹo to tướng ở đầu.

Tôi gặp Ronan trong một hoàn cảnh trớ trêu, khi anh ta ngất xỉu trước cửa nhà tôi. Bác sĩ chỉ được phép đẩy anh ta vào phòng cấp cứu sau khi Ronan đã nghe đủ 33 tiếng còi từ xe cứu thương. Kể từ đó tôi nghiễm nhiên trở thành người thân duy nhất của anh trên mảnh đất chùa vàng này. 10 tháng, trải qua biết bao ca phẫu thuật, biết bao lần đứng giữa ranh giới với tử thần, nhưng khi được hỏi tới, Ronan vẫn luôn trả lời rằng mình sợ chết, đặc biệt khi đó là một ngày nắng đẹp.

“Tìm một đồng xu, nhặt nó lên, cả ngày may mắn.” Câu thần chú may mắn được Ronan lẩm nhẩm 33 lần trước mỗi ca phẫu thuật hay thậm chí đi gặp bác sĩ. Anh còn bắt tôi uống một cốc café đen – thứ mà tôi ghét cay ghét đắng – trong khi chờ đợi anh trước phòng mổ để cầu may cho cả hai. Điều này có vẻ điên rồ với nhiều người, nhưng đối với Ronan, nó lại có tác dụng đáng kể. Mọi người trong bệnh viện đều cảm thấy khó chịu về hành động của anh ta. Nhưng vì nó luôn đem lại điềm may cho anh, họ đều thở dài cho qua.

Cho đến một buổi sáng cuối tháng 11, chúng tôi đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật thứ 6. Cũng như thường lệ, tôi nắm chặt tay anh khi người ta đẩy băng ca đến phòng mổ. Và lúc chúng tôi buông tay thì câu thần chú thường lệ lại được cất lên. Ronan của tôi cũng đến lúc phải đối mặt với nỗi sợ lớn nhất: cái chết, và đó là một ngày nắng đẹp. Hôm ấy tôi đã quên mất cốc café đen của mình. Tôi cũng không biết liệu Ronan có lỡ mất lần nào của câu thần chú hay không, hay liệu một vị bác sĩ vô ý nào đã tiêm thuốc mê khi anh vẫn chưa hoàn thành những lần cuối cùng… Phải chăng chúng tôi đã chọc giận thần linh?

Mê tín chen vào giữa những gì ta có thể kiểm soát, và những gì không thể.

“Tìm một đồng xu, nhặt nó lên, cả ngày may mắn.” Không ai muốn bỏ qua cơ hội được may mắn. Nhưng liệu nói 33 lần có giúp ích gì không? Có ai đó thật sự nghe không? Và nếu chẳng ai lắng nghe, tại sao chúng ta phải làm những chuyện kỳ quái?

Chúng ta mê tín, bởi vì ta đủ thông minh để hiểu là không phải lúc nào ta cũng biết câu trả lời. Và cuộc đời thường vận động theo những cách bí ẩn. Đừng coi thường bùa may, dù nó tới từ đâu.

Còn bạn, bạn sợ chết chứ?

https://www.youtube.com/watch?v=wLUOt_DwpZY

 

Vy Nguyen

Tình yêu, hôn nhân và sự tự do

Featured Image: Wikimedia Commons

 

Trong một cuộc sống hiện đại, tràn đầy năng động và trẻ trung. Thế giới của những ánh đèn lấp lánh về đêm và sự bon chen ồ ã của ngày dài. Giữa dòng chảy xối xả, như đang giận dữ và gầm thét lên những tiếng gọi của dục vọng. Mỗi con người nhanh chóng phải chịu thêm vô số những áp lực từ xã hội và dần không còn thời gian để quan tâm tới chính mình và rồi buông xuôi theo dòng chảy đó.

Nếu bạn là một người từ 6 tuổi trở lên, xã hội này sẽ nói với bạn rằng, bạn cần phải học, học để trở thành người tài giỏi, học để xây dựng đất nước. Nhưng xã hội lại không có gì đảm bảo với bạn, để bạn sẽ không phải đưa những gì đã học vào thùng rác và bấm phím delete.

Nếu bạn là một người ngoài 20, xã hội này sẽ nói với bạn rằng, bạn phải lao động kiếm tiền. Để trước tiên là cho bạn, hai là để dựng xây đất nước. Nhưng xã hội lại chẳng có gì đảm bảo, khi bạn kiếm được nhiều tiền, thì bạn sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc cả.

Nếu bạn là môt người ngoài 30, xã hội này sẽ nói với bạn rằng, bạn cần phải lập gia đình để ổn định cuộc sống và chứng minh bạn đã thực sự trưởng thành. Nhưng xã hội lại chẳng có gì để đảm bảo, sau khi bạn kết hôn, thì bạn sẽ có một cuộc sống ổn định cả.

Tất cả những gì mà xã hội đang nói với bạn đều nhằm mục đích giúp xã hội này phát triển. Vì với bản năng sinh tồn, xã hội cũng cần phải sống. Nhưng những gì xã hội này đang mong cầu đã thực sự tốt chưa? (Lắc đầu) Mình không dám chắc về điều đó. Có lẽ đây là một trò hên xui.

Trong bài viết này mình chỉ muốn đề cập tới vấn đề tình yêu và hôn nhân. Vì với mình thì có lẽ hôn nhân là bước cuối cùng để chứng tỏ với xã hội này, rằng mình đã trưởng thành. Đó là con đường mà mình đã, đang và sẽ chọn để đi, dù rằng ở đâu đó bên trong, nó vẫn đang đấu tranh để kéo mình đi theo con đường khác. Vì điều đó nên đôi khi, mình đứng lại, lạc lõng, như một kẻ vô phương. Nhưng trên ai hết mình biết mình không phải là một người đủ mạnh mẽ để có thể quay lưng lại với thế giới, giơ ngón giữa ra và nói với nó hai từ “****you”. Và ngày hôm nay mình sẽ chạy, chạy thật nhanh mặc kệ đôi chân vẫn còn lỏng vài con vít, mình cứ chạy vì mình không muốn đứng đó mãi. Nhưng chặng đường sẽ là rất xa, sao mình không dành một chút thời gian để nhìn về cái đích đến ấy, lấy một chút chủ động để đối đầu với những gì chờ đợi trước mắt.

Theo như mình quan sát và để ý, thì giữa những cặp vợ chồng, dù họ đang sống với nhau rất hòa thuận. Nhưng đôi khi vẫn có những đêm, họ quay lưng lại với nhau, để đi đến những vùng trời riêng và tìm cho mình một giấc mơ đẹp. Bởi có lẽ trong mỗi chúng ta đều có những khoảng trống mà không ai có thể lấp đầy ngoài chính mình.

“Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” là một định kiến của xã hội. Định kiến xã hội cũng giống như virut máy tính, chúng xâm nhập vào não bộ của bạn, nhằm phá hoại cấu trúc và lập trình lại bạn theo một khuôn mẫu định sẵn. Vậy nên nếu bạn nhận thấy được điều đó, thì dù bất kể bạn là ai, gái hay trai, thì bạn hoàn toàn có thể sống với những khát khao đang cháy trong bạn mà chẳng cần phải giống một ai. Để bạn vững tin rằng, nếu bạn sống thật với chính mình, một ngày nào đó, bạn sẽ được đền đáp và sẽ không phải hối hận vì đã nhắm mắt chọn bừa ở một thời điểm nào đó. Theo mình thì đó là một ý nghĩa của cuộc sống này. Một hành trình đi tìm sự tự do.

Cảm giác cô đơn là thứ chẳng dành cho riêng ai, cả tôi và bạn, chúng ta đều đang cùng cảm nhận nó theo cách của riêng mình. Kết hôn với người bạn tin yêu, giống như việc bạn có thêm một người bạn thân, đi cùng bạn cho đến hết cuộc đời. Đó là món quà vô giá mà cuộc sống này đem tặng. Nhưng nó là không đủ để bạn có thể bước tới tượng đài của sự tự do. Vì bởi lẽ tình cảm trai gái cũng vẫn chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, nó không phải là đích đến của một đời người. Tình cảm đó cũng giống như vạn vật, nó không thể trường tồn cùng với thời gian. Một ngày nào đó rồi bạn cũng sẽ quên. Thứ bạn quên không hẳn chỉ là ký ức, mà nó còn là những cảm giác mà bạn từng rung động trong tim. Vậy bạn hãy cứ yêu, cứ thoải mái chọn lựa người phụ hợp với mình, nhưng đừng đặt niềm tin quá nhiều rằng, nó sẽ giúp bạn không còn cô đơn. Nếu bạn bám chấp vào thứ tình cảm đó, rồi một ngày bạn sẽ cảm nhận được sự đau khổ mà nó mang đến.

Vậy hãy nói về tình yêu, tình yêu là gì? Nếu như mình ví tình yêu giống như những ngôi sao trên trời, thì tình yêu có lẽ không phải là thứ dùng để định nghĩa mà chỉ để cảm nhận và gửi gắm những hy sinh. Nhưng không, điều mà nhiều người vẫn đang theo đuổi, giống như những gì mình cũng đã từng. Là thay vì ngắm nhìn những ngôi sao đó, ta lại cố gắng ôm trọn một cục đất không hơn, hay cố gắng lao vào ngọn lửa hồng như những con thiêu thân.

Điều mà mình đang cố gắng nói ra nơi đây không phải là một định nghĩa về tình yêu mà chỉ là: Tình yêu không mang tới khổ đau, nếu như bạn cảm thấy điều đó, thì nó chỉ là những ái dục tầm thường.

Có đôi khi ta băn khoăn và lạc lõng giữa cuộc đời, thì khi ấy ý nghĩa của cuộc sống này có lẽ chỉ đơn giản là để được nhớ và rồi được ra đi.

 

Phan Trẫm

Ứng xử với tờ rơi quảng cáo

Featured Image: Clivez

 

Tờ rơi quảng cáo đối với doanh nghiệp là hình thức quảng cáo khá đơn giản, rẻ tiền và tương đối chính đáng đối với các doanh nghiệp nhỏ chưa có điều kiện tiếp cận với các hịnh thức quảng cáo cao cấp hơn như internet, báo, tạp chí, truyền hình… Đối với sinh viên và những người chưa có việc làm, đây là hình thức mưu sinh không cần trình độ và dễ dàng tiếp cận. Vấn đề là chúng ta, những người nhận tờ rơi ứng xử như thế nào khi đã nhận chúng.

Tờ rơi quảng cáo được phát cho ai?

Phát tờ rơi quảng cáo ở các trung tâm thành phố như là chuyện thường ngày ở huyện. Mỗi sáng đi làm từ nhà đến công ty hoặc chiều từ công ty về nhà, ai trong chúng ta ít nhiều cũng vài lần nhận được các tờ rơi quảng cáo tại các giao lộ có đèn xanh đèn đỏ. Đây là nghề các bạn sinh viên hoặc những người chưa có việc làm kiếm thu nhập trong thời buổi kinh tế khó khăn chưa biết đến bao giờ mới phục hồi trở lại. Bài viết không bàn về vấn đề xử phạt với hình thức quảng cáo phát tờ rơi mà nói về ứng xử của người nhận tờ rơi như thế nào?

Đối với doanh nghiệp mới thành lập, để khách hàng biết đến thì hình thức phát tờ rơi quảng cáo là khá dễ dàng với chi phí chấp nhận được bên các hình thức quảng cáo cao cấp khác. Tổng chi phí in 1000 tờ quảng cáo 1/2A4 khoảng 400.000đ và chi phí thuê phát tờ rơi là 20.000 đ/giờ. Với hình thức này, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí dành cho quảng cáo. Cá nhân tôi thấy hình thức quảng cáo này là chính đáng và rất cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ.

Người phát tờ rơi sẽ không thể biết được ai có nhu cầu đúng sẩn phẩm mình đang quảng cáo. Các bạn sẽ phát cho bất kỳ ai dừng xe gần mình nhất trong thời gian từ 30 – 60 giây đèn đỏ. Cho nên khi phát là cho tất cả mọi người càng nhanh càng tốt. Ai có nhu cầu sản phẩm thì giữ lại nhưng phần nhiều tôi thấy là không có nhu cầu. Điều đó dẫn đến câu chuyện về ứng xử với tờ rơi quảng cáo của những người không có nhu cầu.

Chúng ta, những người không có nhu cầu nên ứng xử thế nào?

Tôi thấy có rất nhiều người cứ nhận tời rơi xem xong không có nhu cầu là xả ngay xuống đường xuống đường hoặc nhét bất kỳ chỗ nào trên xe mà chỉ cần chạy qua đèn đỏ là bay luôn xuống đường. Thế là xảy ra tình trạng xả rác vô tội vạ tại các giao lộ có người phát tờ rơi. Tôi thấy khá nhiều người ăn mặc rất đẹp và nghiêm chỉnh, thể hiện là người có trình độ nhưng khi nhận tờ rơi đọc xong vẫn vô tư ném luôn xuống đường. Chúng ta thử tưởng tượng, sau khi các bạn phát tờ xong sẽ để lại một giao lộ với đầy tờ rơi quảng cáo dưới mặt đường sẽ có hình ảnh xấu như thế nào đối với các du khách người nước ngoài? Hơn nữa, toàn bộ TP. HCM hoặc các thành phố lớn trong cả nước có bao nhiêu giao lộ đang được phát tờ rơi. Mỗi tối các công nhân vệ sinh đô thị sẽ làm công việc cực nhọc để quét sạch các giao lộ chúng ta đã vô tình xả rác.

Ứng xử với tờ rơi trong trường hợp này là một biểu hiện của ứng xử với môi trường, với nếp sống văn minh nơi đô thị. Chúng ta có nhiều cách để ứng xử văn minh hơn với tời rơi quảng cáo như:

  • Chúng ta có thể chọn không nhận tờ rơi quảng cáo
  • Hoặc nếu đã chấp nhận tờ rơi quảng cáo thì hãy giữ lại; nếu không có nhu cầu về sản phẩm thì hãy bỏ vào thùng rác.

Có như vậy chúng ta mới góp phần vào việc giữ gìn môi trường sống xanh-sạch-đẹp phù hợp với nếp sống văn minh nơi đô thị. Chúng ta hãy thể hiện mình là người văn minh trong những tình huống nhỏ mỗi ngày.

 

Lê Thanh Trông

Có một thế giới rất khác, rất tuyệt ở trường đại học, khi là sinh viên, đừng bỏ lỡ nó

Featured Image: Nadiaux

 

Dạo này nhiều bài viết về chủ đề đại học quá (cả cao đẳng nói chung), nhưng gần như đều có một mẫu số chung là “đại học không học chẳng sao”. Đồng ý là việc học đại học và có bằng cấp ngày nay không còn là thứ đảm bảo bạn sẽ có một công việc tốt, ổn định khi ra trường và càng không đảm bảo bạn sẽ thành công trong cuộc sống. Quanh ta có rất nhiều những tấm gương các ông to bà lớn cực thành công mà chả cần học hành đại học làm gì, như Bill Gates, Ralph Lauren, Michael Dell, Mark Zuckerberg, Steve Jobs… Việt Nam thì có ông Đoàn Nguyên Đức, bà Như Loan, ông Phước Vũ… Họ đều không cần trường đại học mà vẫn xây dựng lên được những siêu cơ đồ khiến bao người nể phục.

Rồi thì những bài viết cho thấy nền giáo dục chẳng qua mục đích chỉ là tạo nên một tầng lớp những nhân công ngoan ngoãn, biết nghe lời phục vụ cho nền kinh tế hàng hóa (cái này tôi đăng chứ ai). Rồi các trang tin tức ngập tràn thông tin về tình trạng thất nghiệp, hình ảnh thạc sĩ bán xôi, trà đá vỉa hè… mà dân mạng có câu chế vui: “Cô gái bán khoai đậu 2 trường đại học sau 4 năm, tốt nghiệp cả 2 trường và tiếp tục về bán khoai.” Rồi thì là mà những câu chuyện bỏ học về tự lập, kinh doanh, khởi nghiệp vô cùng thú vị của thế hệ anh chị đi trước khiến cho các bạn trẻ ngày càng giảm ham muốn đại học.

Tất nhiên rồi, những bài viết chia sẻ đều có lý cả và rất thuyết phục, nhất là đối với những bạn có niềm ham mê kinh doanh (ham mê kiếm tiền) và tính cách tự lập, tự tin, muốn khác biệt. Tôi cũng là một người như thế, tôi cũng không yêu thích trường đại học (cao đẳng) gì cho cam, cũng chẳng hứng thú gì mớ kiến thức lõm bõm xa rời thực tế và những buổi học nhàm chán đó. Nhưng tôi yêu những năm tháng khi là sinh viên, và sẽ không đánh đổi bất cứ gì để lấy nó.

Bạn chia sẻ với tôi về quyết định nghỉ học để theo đuổi đam mê, có lẽ một phần vì bạn tìm được sự đồng cảm và quyết tâm khi đọc bài “Tuổi 24 – Tôi hài lòng với cuộc sống chỉ toàn tiếng cười chê“, tôi thì luôn ủng hộ mọi quyết định mang tính tự lập, trải nghiệm và trưởng thành đó của bạn. Với chỉ một điều kiện là bạn phải chịu trách nhiệm về quyết định đó, và đừng bao giờ phải để bản thân nói ra hai chữ: “Giá như ngày xưa cứ đi học…” Và để cho bạn có thêm một góc nhìn khác trước khi ra quyết định rằng có nên nghỉ học hay không, tôi hy vọng bạn sẽ đọc những lời góp ý chân thành này. (Cũng xin tặng các bạn đang và sắp là sinh viên những góc nhìn khác biệt, hi vọng bạn sẽ tìm được gì đó hay ho cho đời sinh viên của mình)

Dành cho bạn đang chán học và muốn rời xa nơi giảng đường

1. Cứ nghỉ học nếu như bạn đã có sẵn hay đã thiết lập được con đường đi cho riêng mình

Những vị doanh nhân trên kia, họ không nghỉ học để lập nghiệp vì đột nhiên một ngày cảm thấy chán nản đâu, bạn biết không, họ không đi học vì tình thế bắt buộc hoặc phần lớn vì họ đã có một ý tưởng, một ý tưởng khiến họ tự tin và mạnh mẽ, một ý tưởng về lĩnh vực họ đam mê hoặc tài giỏi. Họ có đủ bản lĩnh và quyết tâm để theo đuổi con đường họ đã chọn, nên họ không cần đi học.

Còn bạn? Khi quyết định nghỉ học bạn đã có con đường và kế hoạch cho riêng mình chưa? Nếu chưa có, thì hãy khoan, đừng vội, đừng vội, đừng vội.

Trước tiên, hãy thật sự dành thời gian cho chính mình (việc này có thể áp dụng cả trong giờ học) để tìm hiểu bản thân muốn gì, cần gì, thích gì? Rồi sau đó lên kế hoạch để đạt được điều đó. Nhớ nhé, hãy có một kế hoạch cụ thể, trước khi quyết định rời khỏi trường học. Việc này cực kỳ quan trọng và không bao giờ phí thời gian của bạn đâu.

Sẽ thế nào khi nghỉ học mà không hề có chút dự tính gì, không hề biết mình muốn gì và sẽ làm gì? Thật là vô nghĩa. Bạn sẽ dễ dàng rơi vô trạng thái chán chường và suy sụp, rất nhanh thôi, bạn sẽ nghĩ mình yếu kém và vô dụng, lúc này thì còn tâm trí đâu mà suy nghĩ với chả lập nghiệp cơ chứ.

Nên lời khuyên chân thành của tôi, dành cho những bạn đang học mà muốn bỏ ngang. Đó là trước khi buông, hãy chuẩn bị sẵn cho mình một kế hoạch, một con đường cụ thể, chứ không chỉ đơn thuần một mục tiêu mờ ảo kiểu như “thu nhập 30-50 triệu/tháng” nữa. Vì chỉ khi có con đường, bạn mới có thể bước đi những bước đầu tiên, tự tin và đầy hào hứng, việc này sẽ tránh cho bạn những ngày tháng quay cuồng trong bóng đêm của những ảo tưởng mà trước đây bạn chỉ nằm tưởng tượng.

Bạn yêu thích nấu ăn và muốn mở một quán ăn, ok tốt lắm, hãy viết ra một bản kế hoạch cho quán của bạn và phương hướng phát triển cho nó mà bạn hy vọng.

Bạn thích mở một quán cafe hay một shop thời trang, tốt lắm, hãy lên kế hoạch cụ thể trước khi nghỉ học bắt tay vào việc.

Và hãy nhớ rằng, với việc lập được mục tiêu, lên được kế hoạch và viết nó ra giấy (sổ, file) là bạn đã hoàn thành được 50% chặng đường mà bạn muốn đến rồi đó.

2. Bằng cấp chẳng quan trọng gì, nhưng có một cái thì vẫn hơn không có cái nào

Bằng cấp, hãy xem như nó là một đường lùi, một kế hoạch B trong tủ kiếng.

Việc đi học đối với nhiều người, suy cho cùng chỉ vì một mục đích là để tăng sự lựa chọn trước các ngã rẽ cuộc đời. Nhiều sự lựa chọn thì luôn tốt hơn việc không có hay chỉ có duy nhất một sự lựa chọn.

Hãy cứ hoàn thành việc học, với một tấm bằng trong tủ kiếng, bạn có thể lấy ra sử dụng khi cần kíp, điều này cũng khá quan trọng trong con đường khởi nghiệp sau này. Giả dụ như công ty bạn lập bị phá sản, bạn chưa thể tái lập nó và đang cần gấp một việc làm để trả nợ và nuôi sống gia đình, chiếc bằng cất trong tủ chưa được dùng đến sẽ cho bạn một con đường lùi đắc lực.

Lại giả dụ, bạn muốn lập một công ty nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và chưa có kinh nghiệm gì. Thì việc cần kíp đầu tiên là nên xin vào một công ty về lĩnh vực đó để học hỏi, mà muốn xin vào làm, hẳn bạn nên có một tấm bằng, gì cũng được. Có thể chỉ từ một tấm bằng Marketing sau đó bạn sẽ được đảm nhận cả các chức vụ khác nữa như nhân sự, quản lý, kho vận… thì tha hồ mà học hỏi, mà trau dồi nhé.

Rồi thêm một giả dụ, như trường hợp của tôi, sau những tháng ngày tự kinh doanh, nhìn bạn bè đi làm văn phòng thật thích, mặc đồ công sở, những mối quan hệ công sở, những buổi tiệc công sở. Dù đang có một công việc tự do và thu nhập tốt, nhưng vì là một người thích trải nghiệm nên tôi rất muốn được thử hòa mình vào môi trường đó. Tôi muốn xin một công việc văn phòng nào đó làm một thời gian, lẽ dĩ nhiên, lúc này, tấm bằng cũ kỹ cất sâu trong góc phòng lại phát huy tác dụng.

Bằng cấp, đối với những người thích tự lập thì hẳn nhiên nó chẳng quan trọng gì. Nhưng trong nhiều trường hợp, rõ ràng nó là một kế hoạch B, một kế hoạch dự phòng, kế hoạch background hoàn hảo cho bạn.

Xin được nhắc lại câu này: Bằng cấp thì chẳng quan trọng gì trong việc tự mình khởi nghiệp, nhưng dù sao, có một cái để đó vẫn hơn không có cái nào.

Trường học cho bạn nhiều thứ hơn là kiến thức. Có một thế giới khác sau trường đại học, bạn biết chưa?

Và đây là điều quan trọng nhất tôi muốn nói, cho những bạn đang là sinh viên hoặc sắp làm sinh viên. Hẳn các bạn cũng biết hoặc nghe nói, đời sinh viên là một thế giới khác, rất khác so với thời học sinh, khi mà đi trễ hả? Vô tư đi. Nghỉ học hả? Vô tư luôn. Này thì thích ăn thì ăn thích ngủ thì ngủ, chỉ cần điểm danh và qua kỳ thi là ổn, chẳng ai quản, chẳng ai la… Và cứ thế, tôi biết và tin rằng phần lớn các bạn sinh viên chỉ chăm chăm dùng những tháng ngày này để ăn chơi cho bõ những ngày tháng học hành gian khổ thời học sinh cấp 3 mà thôi. Chẳng ai còn lạ gì hình ảnh những cô cậu sáng ngủ tới trưa, trưa đi học tới chiều và chiều về đi chơi tới tối. Tất nhiên vẫn còn những bạn sinh viên chăm chỉ học hành, chăm chỉ đi làm thêm và tham gia các hoạt động, nhưng số này dường như rất nhỏ so với lực lượng đông đảo “sinh viên lười biếng” ngoài kia.

Đây thực sự là một thực trạng đáng buồn, đáng báo động và cần phải thay đổi. Khi các bạn đang dùng những năm tháng tuyệt vời nhất cuộc đời chỉ để chơi bời, ngủ nghỉ và kể cả… học hành. Có một thế giới tuyệt vời sau trường đại học, một thế giới chỉ dành riêng cho các bạn sinh viên mà thôi. Hãy khám phá nó.

Hơi vô lý nhưng thật sự đối với tôi mà nói, 3-4 năm trời làm sinh viên, mà bạn chỉ biết mỗi chuyện học, tức là biết mỗi trường học, nhà trọ và những cuộc chơi bời linh tinh, thì thật là phí phạm, vô cùng phí phạm.

Bạn có biết bạn có thể làm bao nhiêu việc tuyệt vời trong khoảng thời gian này, hơn là chỉ học. Này, đừng hiểu lầm nhé, tất nhiên việc đến trường và nghe giảng để vượt qua kì thi là rất quan trọng, nhưng bạn biết đấy, tuổi trẻ, nhất là thời sinh viên, là một môi trường hoàn hảo dành cho bạn khám phá cuộc sống này. Đây là lúc bạn có mọi thứ người ta mong muốn: sức khỏe, thời gian, tự do và cả tiền (không nhiều nhưng bạn vẫn có, phần lớn do ba mẹ chu cấp, không sao, vẫn được tính là có tiền). Thế nên thật hoang phí và ngu dốt nếu để nó trôi qua vô ích. Mà thực tế là phần lớn các bạn sinh viên hiện nay đang để nó trôi qua, trôi mãi. Tôi thấy rõ nét một thực trạng lười biếng của đa phần sinh viên, chỉ toàn chơi bời và hưởng thụ. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn, cả tiền bạc, thời gian và công sức của không chỉ bạn, mà cả cha mẹ bạn nữa. Khi là sinh viên phần lớn mọi người đều mong được đi làm, khi đi làm rồi thì ai nấy lại mong được là sinh viên không lo nghĩ không ưu phiền, không áp lực và ganh đua. Còn tôi, nếu được quay lại làm sinh viên một lần nữa, như các bạn hiện nay, tôi không hứa sẽ chăm học hơn, nhưng nhất định, tôi hứa sẽ làm cho đời sinh viên rực rỡ hơn, hơn nữa…

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ về quãng đời sinh viên tuyệt vời mà bạn đang vô tình bỏ phí.

1. Đời sinh viên – đời trải nghiệm

Tự kiếm tiền bằng chính sức lực của mình

Hãy xin một việc làm thêm nào đó, việc này không chỉ là vấn đề tiền bạc đâu, mà nó còn rất vui nữa. Cái cảm giác học hỏi và trải nghiệm được rất nhiều thứ hay ho bổ ích, sau đấy là niềm vui khi nhận khoản tiền lương đầu tiên trong đời. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa biết bao nhiêu, thấm thía từng đồng tiền mồ hôi công sức của ba mẹ, bạn sẽ không còn muốn hoang phí nữa. Khi là một cô cậu sinh viên mà có thể đi làm thêm là bạn đã lớn hơn rất nhiều bạn bè của mình rồi. Chưa kể nếu như bạn có thể tự nuôi mình và không cần khoản trợ cấp của ba mẹ thì bạn sẽ không biết ba mẹ vui và tự hào về bạn đến thế nào đâu.

Hoặc cũng nên giữ lại làm một khoản vốn riêng vì đôi khi ba mẹ không muốn biết bạn đi làm mà không chịu tập trung học hành. Hãy trữ khoản vốn riêng này lại, tích tiểu thành đại, bạn có thể tự mua sắm những vật dụng mình yêu thích, một chiếc điện thoại mới, một cái máy ảnh, thậm chí một cái xe máy cũ hoặc những chuyến du lịch… Lúc này, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu việc làm chủ cuộc sống của mình.

Việc làm thêm thật sự mang lại cho bạn rất rất nhiều những thứ hay ho khác, bạn sẽ quen nhiều bạn bè hơn, sẽ biết thêm nhiều thứ, chưa kể đến sự tự tin, khả năng giao tiếp và những bài học cuộc sống. Hãy thử làm nhiều việc nhất có thể, vì mục đích đi làm của bạn là để trải nghiệm mà. Hãy thử làm công việc của một nhân viên phục vụ, một nhân viên bán hàng, gia sư hay cộng tác viên cho báo chí… Có hàng trăm hàng ngàn công việc thú vị và vừa sức dành cho bạn. Đừng lười biếng!

Tham gia các câu lạc bộ và các công tác xã hội

Càng nhiều càng tốt, có rất nhiều những đoàn công tác xã hội ngoài kia, đừng nói bạn không thấy, chỉ cần gõ một vài từ khóa vào ô tìm kiếm, sẽ có trăm ngàn hội cho bạn chọn lựa. Hãy tích cực tham gia những hoạt động này, bạn sẽ thấy được giá trị của cuộc sống, sẽ biết mình may mắn thế nào với những mảnh đời ngoài kia. Ngoài ra bạn sẽ dễ dàng quen thêm được rất nhiều những người bạn mới, những người bạn tốt cũng cùng chung suy nghĩ và đầy lòng trắc ẩn.

Sau nữa, dù đây không phải và không nên là mục tiêu chính, nhưng tin tôi đi, nếu như bạn vẫn luôn mong một công việc sau khi ra trường và sợ hãi hành trình xin việc thì những hình ảnh của bạn trong các chuyến đi thiện nguyện thời sinh viên, chắc chắn sẽ là thứ “trang trí” đẹp cho bản hồ sơ xin việc của bạn sau này. Nhất định rồi.

Những câu lạc bộ trong hay ngoài trường học đều có rất nhiều, chắc chắn sẽ có hàng đống sự lựa chọn cho sở thích và khả năng của bạn. Những câu lạc bộ như ý tưởng đột phá, đọc sách, tổ chức sự kiện, khiêu vũ, thiết kế thời trang, thậm chí là câu lạc bộ búp bê… cũng có rất nhiều điều hay ho mà bạn chỉ biết khi hòa mình vào nó. Đó biết đâu lại là mầm mống cho những niềm đam mê mà bạn tìm thấy cho bản thân mình. Đam mê chính là thứ mỗi người cần phải có, để định hướng, để phấn đấu và cố gắng không ngừng. Hãy tìm ra niềm đam mê của chính bạn.

2. Thế giới của những cơ hội

Khi là sinh viên, bạn sẽ có vô vàn và cơ man những cơ hội để tham gia những cuộc thi, tìm kiếm những chuyến đi và những học bổng cực kỳ hay ho, bạn biết chứ?

Học bổng nghe cao vời quá và thường là thứ chúng ta hiếm khi nghĩ mình có thể dành được khi đối đầu với những “siêu sinh viên” mọt sách giỏi giang, chăm chỉ. Ồ, đừng quá lo lắng. Để tôi kể bạn nghe.

Tôi là một sinh viên chẳng giỏi giang hay chăm chỉ gì, như phần lớn các bạn. Điều này không có gì đáng tự hào cả, nhưng tôi lại chẳng thấy xấu hổ hay tự ti chút nào. Vì dù học trên trường không quá tốt nhưng tôi có rất nhiều thứ hay ho thú vị để làm khi ở ngoài trường. Một trong số đó là việc tham gia một cuộc thi nhỏ mà tôi vô tình tìm thấy thông tin trên mạng. Vốn chẳng có duyên với các giải thưởng, nhưng tôi vẫn tham gia và rủ cả cô bạn thân tham gia cùng. Hay ho làm sao, cả hai chúng tôi đều lọt vòng sơ khảo và giành được mỗi đứa một suất học kỹ năng khá cool với mức phí tượng trưng.

Các khóa kỹ năng mềm ngoài thị trường không nói đến nhé, phần lớn toàn là bịp dân, ăn to nói lớn, thùng rỗng kêu to, chui rúc những nơi chật chội tù túng nhìn đã muốn chạy huống hồ gì là học. Đàng này chúng tôi được học một khóa kỹ năng mềm rất tuyệt trong một tòa nhà văn phòng mát mẻ sang trọng, lớp học được trang bị đầy đủ tiện nghi và các giảng viên toàn những người tuyệt vời, những người thành công ở từng lĩnh vực của họ, họ lên giáo án chi tiết, rất hấp dẫn và vô cùng hữu ích.

Mới đầu vào lớp chúng tôi được làm trắc nghiệm nhận diện tính cách khả năng bản thân, sau đó chia nhóm cùng nhau hoàn thành một bài luận “quy mô” nhằm chứng tỏ chúng tôi không phải là một sinh viên “tầm thường”. Chúng tôi được học rất nhiều thứ, từ kỹ năng đàm phán với việc chia đội đại diện cho những công ty lớn, đàm phán với nhau trong một hợp đồng truyền thông tầm cỡ. Rồi buổi học xoay xở giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, lớp chia làm những đội nhỏ, mỗi đội chỉ được phát một số tiền tượng trưng và phải đi xoay xở mua đủ thứ, làm đủ chuyện trong danh sách dài được giới hạn bởi một khoảng thời gian cụ thể, cuối buổi, toàn bộ thành quả thu được cả lớp ngồi liên hoan với nhau quá xá là vui. Rồi vô vàn những buổi học khác, nhận diện giải quyết vấn đề, thuyết trình, làm việc nhóm… Thật sự đi tham quan nhiều lớp kỹ năng mềm sau này tôi vẫn thấy lớp tôi được học miễn phí này là lớp tuyệt vời nhất. Tất cả chỉ vì một chút tự tin làm một bài viết nhỏ mà không nghĩ mình sẽ đạt. Giờ nghĩ lại tự nhiên thấy nhớ và thèm khóa học đó quá thể…

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ thôi, bạn tôi kìa, trường tổ chức một cuộc thi nhằm tìm kiếm một số ít ứng viên cho chuyến thực tập tại Thái Lan. Tất nhiên tôi cũng có tham gia chứ, nhưng rớt oạch.. còn hai cô bạn tôi thì đậu, thế là sau đó hai bạn ấy được đi học tiếng Thái rồi sau đó nữa là được qua bên Thái thực tập cả tháng trời trong sự thèm muốn và ngưỡng mộ của bạn bè. Rồi khi ra trường, với một vết son trên CV như thế, bạn có nghĩ họ sẽ dễ dàng tìm được những công việc tốt hơn một số người? Thực tế là họ đã và đang có những công việc rất tốt rồi đó thôi.

Thêm một cấp nữa, có cô bạn bằng tuổi tôi tuy không quen thân, nhưng biết, cô ấy chỉ học một trường dân lập bình thường thôi và sức học cũng không có gì làm nổi trội. Tuy nhiên trong một cuộc thi nhà trường tổ chức, cô ấy dành được một học bổng toàn phần qua Hàn Quốc học vài năm. Giờ đây cô ấy đang làm việc như một giảng viên bộ môn tiếng Hàn-Việt và sắp cưới một anh chồng Hàn khá là xinh trai.

Thế đấy, rất nhiều cơ hội thi thố cực kỳ thú vị ở cả trong trường và ngoài trường, chỉ chờ bạn chộp lấy và a lê hấp, trải nghiệm những thứ tuyệt vời không phải ai cũng có được, đôi khi chỉ đơn giản là nhờ… may mắn. Sao bạn biết được bạn không phải là người may mắn nếu bạn không thử? Có những cuộc thi sẽ là những bước ngoặt to lớn thay đổi đời bạn, hãy mạnh dạn lên. Cơ hội là dành cho mọi người, nhưng khi là sinh viên, bạn có nhiều cơ hội tuyệt lắm lắm mà thường bạn chọn cách bỏ qua, như bao người khác. Cứ như vậy, bạn cũng sẽ chỉ là một người bình thường, như bao người khác. Như thế thì thật chán đúng không?

3. Thế giới của những chuyến đi

Chúng ta ai cũng thích du lịch, ai cũng mong muốn được ra khỏi môi trường học vấn để được tự do, tự do rồi thì sẽ rong ruổi, sẽ kiếm tiền đi du lịch, sẽ được đi những chuyến đi do công ty tổ chức… Bạn có biết, khi là sinh viên, bạn có nhiều cơ hội du lịch hơn tất cả mọi người? Những chuyến du lịch đúng nghĩa du lịch và trải nghiệm. Bạn đã bao giờ nghĩ về nó chưa?

Hồi còn là sinh viên năm nhất, tôi chẳng đi đâu cả, loanh quanh làm quen phố xá và bài vở. Nhưng rồi đến khi là cô sinh viên năm 2, tôi đã tự tin đi rất nhiều nơi, du lịch trải nghiệm một mình, từ Sài Gòn, tôi đi Đà Nẵng, thăm thú Hội An rồi ra Hà Nội lần đầu, vòng về các tỉnh miền Trung sau đó ngược lên phía bắc, tới nơi xa nhất là Việt Trì-Phú Thọ. Đó là chuyến đi đánh dấu tuổi 20 của tôi, được thực hiện nhân dịp nghỉ hè, tự thân kiếm tiền trang trải và đi một mình. Đó là một chuyến đi được lên kế hoạch cụ thể nhưng có rất nhiều tình tiết tự phát cực hay ho và đáng nhớ. Chi phí của chuyến đi là kết quả sau thời gian tự bán hàng online trong năm học. Bạn hoàn toàn có thể du lịch mà không cần nhiều tiền và không cần xin tiền ba mẹ, dù cho bạn là sinh viên, nếu bạn có đủ quyết tâm, một kế hoạch chi tiêu hợp lý và một công việc part-time ngoài giờ học.

Sinh viên năm 3, tôi có chuyến xuất ngoại đầu tiên, qua Thái Lan, cũng với một mức chi phí rẻ ngạc nhiên so với những chuyến đi của người khác. Và cũng hoàn toàn không phải xin ba mẹ một đồng nào cả. Nên nếu bạn nghĩ cứ phải ra trường đi làm mới có thể đi du lịch nước ngoài thì bạn hoàn toàn sai lầm rồi nhé. Còn nơi nào và khi nào tốt hơn để du lịch nếu không phải là thời sinh viên? Bạn có sức khỏe, bạn có nhiều thời gian, bạn có một sự tự tin và không ngại gian khổ. Hãy tận dụng nó, ít nhất trong việc du lịch.

Đấy là tôi, với những chuyến đi nhiều ngày (5-10 ngày) và hay thích đi một mình. Còn những bạn bè của tôi, họ cũng đi du lịch rất nhiều và tận dụng khá tốt lợi thế của một sinh viên. Chắc chắn bạn cũng biết, lớp học đại học là lớp của “dân nhập cư”, phần lớn các bạn trong lớp đều đến từ mọi tỉnh thành trong cả nước, rất ít là dân thành phố chính gốc. Đó chính là cơ hội, hãy thử tưởng tượng trong một lớp 100 mạng, bạn chỉ chơi với 2 nhóm, mỗi nhóm 5 người, khả năng lớn bạn có 10 tỉnh thành khác nhau để đi du lịch, chỉ cần một lời đề nghị, rủ rê cô/cậu bạn trong các ngày nghỉ lễ.

Bạn sẽ tha hồ được đi đây đó, 1 năm đi về nhà 10 người bạn là bạn đã đi được hơn rất rất nhiều người rồi. Mà những chuyến đi này thường rất vui và rẻ. Về quê bạn bè, bạn được tiếp đón thân tình, ăn ở phủ phê miễn phí và được dẫn đi những địa danh nổi tiếng của nơi đó nữa, chưa kể nếu về những vùng như miền tây, vùng biển, bạn sẽ tha hồ được ăn đặc sản, hải sản thỏa thuê với chi phí rẻ nhất có thể. Nhưng đừng chỉ đi không, hãy dẫn bạn bè về nhà bạn nữa, đây là một kiểu “cộng sinh” hai bên cùng thắng vô cùng vui vẻ và tuyệt vời.

Bạn nghĩ khi đi làm bạn sẽ có những cơ hội du lịch đó sao? Rằng các bạn đồng nghiệp sẽ dẫn bạn về nhà chơi thỏa thích? Không đâu, ít lắm bạn à, khi đi làm chúng ta có xu hướng tính toán căn ke, và phần lớn đồng nghiệp họ đang tìm cách hạ gục bạn bằng cách nào đó, thì tâm trí đâu mà dẫn bạn đi chơi chứ.
Khi là sinh viên, bạn có thể rủ những người bạn thân trong nhóm, đi du lịch đến nơi nào mọi người cùng thống nhất, chi phí share đều rất rẻ và cả đám sẽ có những chuyến đi ngập tiếng cười và những kỷ niệm.

Giá như tôi nhận ra được điều này sớm hơn thì hẳn hồi sinh viên tôi sẽ đi được nhiều lắm, nhưng không sao, dù sao tôi cũng đi được một số nơi theo cách này: Bình Thuận-Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng… Có thể bạn sẽ chọn việc về thăm ba mẹ, gia đình cho những ngày nghỉ, thay vì đi chơi đâu đó. Rất tốt, thăm ba mẹ là một việc rất đáng quý, nhưng tuổi trẻ và nhất là thời sinh viên thì không quay trở lại, hãy tận dụng nó cho đáng, để rồi không phải hối tiếc. Còn ba mẹ và gia đình, hẳn còn rất nhiều cách khác để quan tâm họ mà, đúng không? Giả sử như một ngày lễ, bạn không về nhà nhưng báo cho ba mẹ biết rằng: “Con đang đi du lịch nơi này kia a bê cê đê, ở đây nhiều cái hay lắm ạ thế này thế kia.” “Con ở nhà bạn nên miễn phí ạ.” “Con đi chơi chỗ này chỗ kia bằng tiền con làm thêm ạ, ở đây có đặc sản này con sẽ mang về làm quà cho mẹ nhé bla bla.”

Tôi tin ba mẹ bạn sẽ vui không kém khi bạn về thăm nhà, vì bạn đã chứng tỏ được rằng bạn là một người-đã-lớn, biết tính toán và có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Làm gì có ba mẹ nào không vui khi thấy con mình lớn khôn? Nhưng thôi, không làm bàn chuyện này. Tôi tin nếu đang là sinh viên, bạn sẽ có những quyết định đúng đắn cho chính mình.

Viết một đoạn dài thế, sau cùng chỉ kết lại một câu này thôi, có thể bạn đã biết hay chưa biết, nhưng chắc chắn thời sinh viên là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất đời để đi du lịch.

4. Thế giới của những mối quan hệ

Hãy nghĩ đi, lớp học đại học thường cả trăm người, không phải ai sau này ra cũng làm cùng một ngành, mà tỉ lệ làm trái ngành là vô cùng lớn. Khi học đại học chúng ta có xu hướng chơi theo nhóm, không thể thân được với cả lớp như hồi trung học. Nhưng tin tôi đi, khi bạn ra đi làm, sẽ chẳng còn khoảng cách nhóm nhiếc gì nữa. Sau một thời gian, hãy cố gắng giữ liên lạc và update thông tin bạn bè trong lớp. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy bạn bè của mình đang rải đều khắp mọi thể loại công việc, từ những việc tay chân đến văn phòng, từ nhân viên quèn cho tới anh quản lý, từ người học việc cho tới những đứa bạn tự khởi nghiệp kinh doanh.

Bạn sẽ nắm giữ một lượng “mối quan hệ” khổng lồ cực kì hữu ích mà nếu không đi học bạn sẽ khó lòng có được. Những mối quan hệ này theo khía cạnh nào đó, nhất định sẽ có ích, họ có thể giới thiệu cho bạn một việc làm, chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm, trở thành đối tác và khách hàng trong những tình huống đặc biệt, và được làm việc với bạn bè, nhất là bạn học cũ, thì vui hơn với người lạ nhiều đúng không?

Chưa kể những mối quan hệ bên ngoài bạn có thể xây đắp được trong những năm tháng sinh viên, đó là những người giảng viên trên trường hay trong các khóa học bên ngoài, đó là những người bạn, người anh chị trong các câu lạc bộ từ thiện, câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ sống tốt bla, đó là những người bạn đủ độ tuổi bạn quen trên các chuyến đi trải nghiệm, đó là những bạn đồng nghiệp ở cửa hàng part-time, đó là những người bạn có cùng ý tưởng kinh doanh hay cậu bạn cực siêu lớp anh văn… Hãy cố gắng duy trì những mối quan hệ đó, chúng sẽ có ích cho bạn trong đa số trường hợp trên đời.

Bạn có một khởi đầu thuận lợi khi là sinh viên, vì phần lớn mọi người đều dễ có thiện cảm với cái mác sinh viên hơn là một anh nhân viên nào đó. Nó có vẻ ngây thơ, ngờ nghệch, thiệt thà, đáng tin và rất dễ thương nữa. Tôi cũng có những mối quan hệ hay ho như thế. Một ông anh quen trong cửa hàng lưu niệm (khi tôi muốn xin việc) sau này trở thành người dẫn tôi đi chuyến xuất ngoại đầu tiên đầy thú vị. Một người thầy khá có tiếng trong một khóa học chuyên môn trở thành người tư vấn cho công việc kinh doanh khởi sự của tôi. Một ông anh cùng thói quen đọc sách đã trở thành người tư vấn cực kỳ nhiệt thành và tin cậy cho mọi ý tưởng tôi nhen nhóm.

Một người bạn thân có được từ những chuyến đi từ thiện. Một chuyến đi tự phát hoàn toàn miễn phí và vô tình khi làm quen nhau trên chuyến tàu xe lửa…. Ồ, rất nhiều những chuyện hay ho tôi có được từ những mối quan hệ không hề định trước như thế, tất cả những mối quan hệ đó đều bắt đầu khi tôi là sinh viên. Bạn cũng hãy tranh thủ thời sinh viên của mình để mở rộng các mối quan hệ đi, đừng nhút nhát và lười biếng nữa.

“Bạn thường sẽ hối tiếc về những việc mình có thể mà đã không làm nhiều hơn…” – Khuyết danh

Nhớ nhé, tôi không phải là một sinh viên giỏi và cũng chẳng hứng thú gì với đa số kiến thức ở trường học. Tôi đã không chọn học lên cao mà chọn con đường làm theo ý thích của mình. Nhưng thời sinh viên của tôi thật sự đáng giá và tôi không bao giờ hối hận. Đó chính là điều tôi muốn nói với bạn. Mỗi ngày càng có thêm nhiều bài viết theo hướng “tại sao phải học, tại sao không tự khởi nghiệp”, đó cũng là điều tôi nghĩ và khuyến khích.

Nhưng nhìn ra xã hội, vẫn rất nhiều, rất rất nhiều bạn trẻ dù muốn dù không vẫn chọn con đường đi học, con đường trở thành một sinh viên. Dù cho bạn học vì ba mẹ muốn, học vì muốn kiếm việc làm ổn định, học vì không biết nghỉ thì làm gì, học vì nhìn quanh ai cũng học… Nhưng hãy nhớ, những năm tháng sinh viên không chỉ gồm kiến thức trên trường, không chỉ bao gồm giảng đường và giáo trình tài liệu. Đó thật sự là một thế giới vô cùng thú vị và đầy ắp những điều hay ho chờ bạn khám phá. Đừng bỏ lỡ nó, đừng bỏ lỡ thời sinh viên tuyệt vời.

Còn điều này nữa, không biết có liên quan không nhưng biết đâu hữu ích. Nhiều bạn sinh viên ra trường, hoang mang khi đi xin việc vì nhà tuyển dụng nào cũng muốn bạn phải có kinh nghiệm, trong khi bạn chưa đi làm ở đâu cả. Theo tôi, kinh nghiệm không chỉ là những năm tháng ngồi một chỗ làm chuyên môn, là một sinh viên-rực-rỡ, bạn có thể hoàn toàn tự tin khi điền vào bản CV những kinh nghiệm – tuyệt – vời thế này:

  • Người sáng lập và điều hành câu lạc bộ từ thiện “nụ-cười-sún bla”. (dù cho câu lạc bộ của bạn chỉ có vỏn vẹn 5 thành viên và công việc là tập cho trẻ mẫu giáo đánh răng mỗi ngày :D)
  • Cộng tác viên cho bla 3-4-5 tờ báo, tạp chí, trang mạng chuyên đề này nọ, dù cho nghe tên lạ hoắc.
  • Thành viên câu lạc bộ tổ chức sự kiện, đã tham gia tổ chức các sự kiện ích y zét. (dù cho sự kiện bạn tổ chức chỉ to tầm mắt muỗi)
  • Đã từng đạt học bổng này, cuộc thi nọ, sự kiện kia. (giải sau khuyến khích)
  • Đã từng đi du lịch en nờ tỉnh thành với chi phí tượng trưng en nờ cộng một số nghìn đồng

Bla bla bla chắc chắn hồ sơ của bạn sẽ sáng giá hơn nhiều một tấm bằng.

Chúc bạn trở thành một sinh viên-cực-kỳ-rực-rỡ, để xin được một công việc mơ ước hoặc đơn giản chỉ là để luôn có một thời đáng tự hào khi nhắc lại.

Lưu ý: Đây chỉ là một bài viết mang tính góc nhìn cá nhân và không áp đặt cho mọi trường hợp. Hãy thoải mái với sự lựa chọn của riêng mình!

 

 Phi Tuyết