27 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 202

Cách tân giáo dục, cuộc săn người lái “con tàu” lạc hướng

Featured Image: Be’mine

 

Nói thẳng. Là một kẻ chưa một ngày ngồi trên chiếc ghế giảng đường thì rõ ràng chẳng có tư cách gì để luận bàn về hai chữ giáo dục. Nhưng thói thường thì chính những kẻ vô học ấy mới hay săm soi luận bàn về những việc không phải là của mình, và thường “múa rìu trước mắt thợ” hay “cầm đèn chạy trước ô tô”. Hôm nay, khi đặt bút viết về chủ đề này là tôi đã tự biến mình thành kẻ vô lại nói trên.

Trong hai năm qua, tôi luôn theo dõi sát sao mọi thông tin xung quanh chủ đề cải cách giáo dục. Từ các thông tư, hội thảo, hội đàm của bộ ngành cho tới những kế sách và ý kiến của các học giả, chuyên gia, nhà hoạt động giáo dục. Đến giờ, tất cả những gì tôi thấy được, nghe được là một đống hỗn độn với mớ ý kiến trái chiều, những cuộc tranh cãi và những trận “chịu đòn” đau thương của các nhân vật đầu nghành. Nhìn vào bức tranh u ám đó, tôi chẳng biết đến bao giờ cuộc “cách mạng” mới đi vào hoạt động và bộ giáo dục mới tổ chức được những “trận đánh lớn” mang tính cách mạng thật sự.

Lục lại lịch sử phát triển nền giáo dục thế giới thì ta thấy, nền tảng tri thức trên “con tàu” giáo dục hiện đại được bắt đầu từ thế giới Hy Lạp, rồi dịch chuyển sang thế giới Muslim; từ Muslim sang Tây Âu, nội trong tây Âu; từ Ý sang Anh, đến Pháp rồi Đức; sau đó rời khỏi châu Âu đến Hoa Kỳ. Trong mỗi bước dịch chuyển nó đều ghi dấu một nhà cách mạng hoặc một nhóm nhà cách mạng của nước sở tại.

Trong quá trình “tiến hoá” từ College lên University thì Wilhelm được xem như là nhà cải tổ nền giáo dục nước Đức. Ông được ca tụng là cha đẻ của nền giáo dục hiện đại, và là “kiến trúc sư” của trường đại học Humboldt ở Berlin. Chính thành công vang dội của Wilhelm ở Humboldt đã châm ngòi cho cuộc “cách mạng” giáo dục ở Mỹ, ở đó Daneil Coit Gilman là người tiên phong. Sau thí nghiệm bất thành tại viện đại học California vì một bộ máy bảo thủ. Gilman chuyển sang đầu quân cho Johus Hopkins và xây dựng ngôi trường này thành biểu tượng của nước Mỹ lúc bấy giờ.

Hopkins chính là trường đại học hiện đại đầu tiên của Hoa Kỳ và Gilman chính là người hùng Vĩ đại. Thành công của ông đã tạo ảnh hưởng hứng khởi cho hàng loạt tên tuổi khác nối gót theo chân. Nhưng nổi bật nhất có lẽ là Clark Kerr, hiệu trưởng trường Berkeley – tác giả cuốn sách The uses of the university (các công dụng của đại học) một tác phẩm kinh điển vẽ lại bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển nền giáo dục thế giới và nước Mỹ.

Tới giữa thế kỷ XIX làn sóng giáo dục hiện đại bắt đầu lan rộng sang châu Á. Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên đón nhận “làn sóng” này một cách nồng nhiệt nhất. Nhắc đến nền giáo dục ở đất nước mặt trời mọc thì cái tên Fukuzwa Yukichi sẽ là câu cửa miệng. Ông sống vào cuối thời Mạc Phủ đầu Minh Trị. Ông là nhà tư tưởng lớn, một nhà giáo xuất sắc, là tác giả của hàng chục cuốn sách nổi tiếng. (trong đó có cuốn “Khuyến Học” đã được dịch sang tiếng Việt). Ông viết lên một trang sử hào hùng cho nước Nhật, đến giờ hình ảnh ông đang được lưu giữ trên đồng 1000 yên.

Tôi điểm lại lịch sử như vậy để thấy rằng, trong mỗi cuộc “cách mạng” đều được tạo nên bởi những vị “Anh Hùng” – những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Vì vậy, tôi nghĩ trong hành trình dịch chuyển NÓ về nước ta cũng cần có một “vị tướng” có tâm, đủ tầm và có khát vọng dấn thân để kiến tạo một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, có khả năng đua tranh với các nền giáo dục ở các xã hội Văn Minh. Như vậy, chúng ta mới hy vọng cứu vớt được “con tàu” lạc lái đang sắp chìm kia.

Trong kỷ nguyên của xã hội hiện đại và hội nhập sâu rộng. Để xây dựng nền kinh tế tri thức với một xã hội văn minh thì vai trò của giáo dục là quan trọng hơn tất cả. Để không bị tụt lại trong cuộc đua tranh khắc nghiệt ấy, giáo dục phải làm tốt nhiệm vụ trồng người cho thời đại mới và tạo ra một nền văn hoá quốc gia mạnh mẽ với những con người có tư duy độc lập, tự chủ, nhân văn và khai phóng. Muốn cải cách một xã hội trong cảnh đỗ nát phải bắt đầu bằng cải cách con người, tinh thần con người, mà trước nhất là sự trỗi dậy và thăng tiến của nền giáo dục hiện đại.

Một dự đoán thú vị của các học giả hiện nay là, sau thành công tột bậc của nền giáo dục Mỹ thì bến đỗ của “con tàu tri thức” trong tương lai sẽ là nơi đâu? Câu hỏi này đã dần được “tiết lộ” khi nền giáo dục Phần Lan đã cho Mỹ “hít khói” trong thời gian gần đây. Chỉ trong 40 năm Phần Lan đã “lột xác” từ một nền kinh tế Lâm Nghiệp (phá rừng, xuất khẩu gỗ) thành một quốc gia đứng đầu thế giới về cải tiến, khởi nghiệp và sáng tạo. Được PISA xếp ở vị trí số 1 về chất lượng giáo dục. Một cú đại nhảy vọt làm thức tỉnh người Mỹ, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, trầm trồ và tìm cách sao chép.

Bí mật trong công cuộc “lột xác” của Phần Lan bắt nguồn từ tư duy của những người đứng đầu đất nước. Với cách nghĩ để có được học trò giỏi thì người thầy phải giỏi, để có được thầy giỏi thì thầy của thầy phải giỏi. Ở quốc gia này, để được đứng trên bục giảng thì người thầy ít nhất phải có bằng thạc sỹ, kể cả người dạy ở bậc tiểu học. Nghề giáo là nơi tập trung những tri thức tinh hoa của đất nước này, là một nghề không chỉ được tôn trọng mà còn được tôn sùng. Vì vậy, một người làm nghề giáo có thể mua được một chiếc xe hơi hạng ưu chỉ với hai tháng lương của giáo viên tiểu học.

Khi đọc những con số đó tôi không khỏi sửng sốt và chạnh lòng cho nghề giáo nước ta. Nghề được ca tụng là “cô giáo như mẹ Hiền” đã dần biến thái thành “con buôn bán chữ” trong một bộ phận không nhỏ mà đã được xã hội gọi nhầm là “người lái đò” tận tuỵ. Nhiều ngôi trường lập ra không phải để thực hiện sứ mệnh cao cả của người dẫn đường mà chỉ với mụch đích buôn chữ và bán bằng. Nói thẳng ra, bộ phận những con người ấy không xứng đáng với chữ “thầy” họ chẳng qua chỉ là những tên thợ dạy mà thôi. Nói vậy nhưng tôi cũng cảm thông và hiểu rằng, thu nhập bình quân trong nghề giáo ở Việt Nam chỉ đủ ăn quà vặt. Đó là một phần trong nguyên nhân gây ra sự biến thái và tha hoá nói trên.

Có thể nói, hiện tượng Phần Lan gần đây như một nhát dao đâm vào lòng tự ái của người Mỹ. Cả chính trường Mỹ và giới tri thức nơi đây đang đang phải sôi sục trong chiến dịch tái thiết hệ thống giáo dục. Một quốc gia được xem là “cái nôi của tri thức” đã tự thấy mình thua kém, phải sốt vó, cong đuôi với công cuộc cải tiến để đua tranh cho kịp thời đại. Trong khi ở cái xứ sở lạc hậu của chúng ta lại cứ “bình chân như vại” và vô cảm với những “bước chạy” thụt lui của chính mình.

Tôi không dám viễn vông rằng chúng ta sẽ bắt kịp Mỹ, hay Phần Lan trong đôi năm, ít tháng. Tôi chỉ hy vọng rằng thế hệ con em chúng ta không phải chui dưới “mái nhà” tri thức tụt hậu và giột nát như chúng ta lúc này. Để thoát ra được bối cảnh đó, thì Việt Nam nhất thiết phải cần có một cuộc dịch thuật vĩ đại như thời Trung cổ ở châu Âu hay thời Minh Trị ở Nhật Bản, để đưa tinh hoa văn hóa thế giới vào đất nước. Điều này đòi hỏi xã hội phải có một thái độ cởi mở, phải có văn hóa trọng đãi nhân tài, phải lấy giáo dục làm gốc. Vì gốc của văn minh, hiện đại là giáo dục, mà giáo dục là nơi “sản xuất” ra Khoa Học, Công Nghệ, Kinh Tế, Văn Hoá, Xã Hội… Đây đều là những mảng phát triển nhờ con người xây dựng. Mà xây dựng con người lại là giáo dục.

Với thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay thì xem như cái “gốc” ấy đang bị thối nát hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Thay vì đào tạo ra con người tự chủ, độc lập, khai phóng thì chúnh ta lại “sản xuất” ra các công cụ lao động và những “chiếc máy” chỉ biết vâng lời. Nếu không có bài thuốc nào chữa trị thì có hết cải tiến rồi lại lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cục lại quay về điểm xuất phát. Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được cái lý trên, nước nào không hội nhập, không thích nghi được tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi, chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ.

Rõ ràng, bản thân tôi không phải là học giả, lại càng không phải nhà hoạt động giáo dục. Những dòng trên đây chỉ đơn giản là của một kẻ ít học nhưng thèm học. Và chính nổi thèm khát được học đã dẫn đường cho cho tôi đi tìm câu hỏi: “Tại sao ta phải học?” Để tôi hiểu được giá trị của tri thức và sự nguy hiểm của thằng “giặc dốt”. Nói vậy, nhưng với sức yếu tài mọn của mình tôi ý thức rằng mình chẳng thể làm gì được với “con tàu” khổng lồ đang ì ạch mất phương hướng ấy.

Tôi chỉ mong rằng đất nước này sẽ ngày một ít đi những con người vô lại và ít học như tôi. Thay vào đó là một dân tộc hùng cường với nền kinh tế tri thức. Để hiện thực ước muốn ấy thì chúng ta phải có một “chiến sỹ tiên phong” lãnh đạo cuộc cách mạng trường kỳ dai dẳng này, khi đó ta mới hy vọng điều điều khiển được “con tàu” ấy đi đúng hướng và theo kịp với thời đại.

P/s: Dạo này tự nhiên có hứng viết. Đặc biệt về chủ đề giáo dục. Mỗi khi nhắc đến nó là lập tức muốn hạ bút hành văn. Nhưng có lẽ chỉ vì chút tự ti của một kẻ vô lại nên đành nuốt chữ vào trong. Tuần qua, đoàn giáo sư gồm những tên tuổi đang thỉnh giảng tại các đại học hàng đầu Hoa Kỳ đang về nước đối thoại và hội đàm với thủ tướng và bộ giáo dục. Nhưng đến nay, mọi giải pháp đang dừng lại ở mức khả thi và hướng đi vẫn còn mù mờ phía trước. Bất giác, một tên vô lại đã vượt qua nỗi sợ hãi để ghi lại nỗi lòng dồn nén bấy lâu.

 

Nguyễn Văn Thương

Chủ nghĩa tư bản vs. Chủ nghĩa xã hội

“Một xã hội lựa chọn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội thật ra không phải là đang lựa chọn giữa hai chế độ xã hội; mà nó đang lựa chọn giữa sự hợp tác xã hội và sự phân hủy xã hội. Chủ nghĩa xã hội không phải là một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa tư bản; nó là một giải pháp thay thế cho bất kì chế độ nào mà trong đó con người có thể sống như một con người.”

Ludwig von Mises

Get Lost. Be found

Featured Image: 3594 Miles

 

Tính đến thời điểm tôi đang viết những dòng này, chúng tôi đã đi qua những cung đường nước Mỹ trên dưới 5 năm. Quãng thời gian ấy không hẳn là dài; nhưng tôi cho rằng khi ta dành tuổi trẻ của mình – đặt biệt là quãng đôi mươi – ở nơi nào, nơi đó sẽ trở nên thật sự quan trọng. Đó là nơi chúng tôi đã bước vào cuộc sống, đã học tập, đã cố gắng và đã yêu. Chúng tôi đã “get lost” không biết bao nhiêu lần, và đã vẫy vùng hoặc chờ đợi một ngày được “be found” chừng ấy bận. Sự chờ đợi có lúc kiên nhẫn, có lúc tuyệt vọng, có lúc thanh thản, mà cũng có những lần hoang mang tột cùng.

Chúng tôi chờ điều gì? Có khi đơn giản là một công việc trả lương không quá tệ, hay mong đến ngày tốt nghiệp, có khi là chờ được yêu, và được sống – sống hết mình với đam mê và mơ ước. Cũng có khi là tha thiết chờ mong một lúc quay về để nói một câu: “Mời cả nhà ăn cơm.”

Cuộc đời dài rộng, sau này chúng tôi sẽ trôi dạt về những vùng trời khác nhau nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ quên được tuổi 20 ở nước Mỹ. Nơi này đã cho chúng tôi biết mình là ai, ước mơ của mình là gì, và mình có thể làm được gì. Tất cả những trăn trở hồn nhiên, những trải nghiệm tươi trẻ, những âu lo vội vã trước cuộc sống nơi đây chưa một lần nào ngừng làm chúng tôi ngạc nhiên. “Get Lost. Be Found.” vì thế mà ra đời như một món quà ; trước là tri ân những người đã luôn ở bên cạnh 3594 Miles, sau là trao tặng cho chính chúng tôi, 20 năm nữa có thể hồi tưởng lại một thời mình đã sống như thế.

Trước khi chính thức bắt đầu dự án này, chúng tôi đã tự hứa với nhau: “Có chuyện gì thì viết thật hết, không giấu diếm, tráo đổi gì hết.”Sau này, khi chuyến đi được biết đến nhiều hơn, một vài anh chị – đại diện của các công ty xuất bản sách – đã ưu ái trao cho nhóm cơ hội được xuất bản “Get Lost. Be Found.” một cách rộng rãi ở Việt Nam. Rốt cuộc chúng tôi quyết định từ chối tất cả những lời mời, đành thất hẹn với những người đã mang cơ hội hiếm có đến cho ba đứa con gái không tiếng tăm gì. Hãy để “Get Lost. Be Found.” là quyển sách được kết tinh thuần túy từ đam mê, từ cảm nhận, từ tình bạn và tình yêu của Rio, Zi và Iris.

Trong bộ phim truyền hình yêu thích nhất của tôi, Doctor Who, có một câu nói thế này: “The soul’s made of stories, not atoms.”Những câu chuyện chúng tôi sắp kể có thể mang cái nhìn còn non trẻ, còn đôi phần lệch lạc, thiếu hoàn chỉnh, nhưng chúng là những kỷ niệm tinh tuyền đã không bị sửa đổi hay cắt bỏ vì bất kỳ tác động nào. Bạn đang nhìn thấu suốt tâm hồn 20 của chúng tôi . Những ngày ấy, Việt Nam là người thân mà nước Mỹ là người yêu.

 

Rio Lam

Link Download Ebook

6 năm học đại học và bài học trách nhiệm

Featured Image: Nathan Siemers

 

Xã hội chung quanh đem đến cho chúng ta rất nhiều kiểu mẫu đa dạng, thành công lẫn thất bại, ở những thái cực đối lập nhau (…) Cái gì cũng vậy, không chỉ là học, nếu làm không đến nơi đến chốn, thì ngay đến những việc nhỏ nhặt, tầm thường nhất, cũng có kết quả là thất bại.

Trong bầu không khí đầy cảm xúc của những vui, buồn, sung sướng và thất vọng sau kết quả của kỳ thi đại học, tôi cảm thấy mình cần góp thêm một góc nhìn cho những tân sinh viên cũng như “tân lập nghiệp”.

Tôi đã trải qua cảm giác đậu đại học và thất vọng với môi trường đại học sau một học kỳ. Tôi tiếp tục thi lại vào một trường khác và mất nhiều năm mới tốt nghiệp được. Quả là một hành trình gian nan mà tôi không dám quay trở lại.

Như bao sinh viên khác, sau 12 năm đèn sách “nhọc nhằn” (có lẽ do chúng ta nghĩ thế thôi), tôi tự cho mình thả cửa trong thời gian mới vào đại học. Một cuộc sống tự do xa gia đình, nhiều thú vui, cộng thêm những môn học đại cương nhàm chán khiến tôi rời xa giảng đường và dần dần không còn biết mình đi học làm gì. Tôi kết thúc đại học sau năm đầu tiên vì mất phương hướng hoàn toàn.

Mất một năm nữa để ôn thi lại khối khác mong có niềm cảm hứng mới, tôi lại đậu. Nhưng cảm hứng chỉ kéo dài hơn hai học kỳ, tôi lại tiếp tục thấy chán và nghỉ học triền miên. Tôi nhớ có một lần, tôi bước vào lớp, cả lớp đồng loạt vỗ tay rần rần. Ai cũng chắc mẩm là tôi đã bỏ học. Nếu các bạn muốn biết thời gian thì đó là một năm rưỡi. Tôi không biết tại sao mình không bị đình chỉ học. Có lẽ do tôi vẫn đóng học phí đầy đủ và đi thi cuối kỳ đều đặn (tất nhiên kết quả là toàn rớt).

Noi gương các bậc tiền bối thành công, tôi định bụng sẽ nghỉ học và đi làm. Để chắc chắn về quyết định này, tôi tham khảo ý kiến của hai người cố vấn mà tôi tin tưởng. Lời cố vấn đầu tiên ủng hộ tôi cứ hành động theo những điều mình cảm thấy đúng. Lời cố vấn thứ hai thì bảo tôi đừng bỏ đại học. Thực tình, tôi không nhớ là người thứ hai đã khuyên tôi cụ thể những gì nhưng kết quả thì tôi đã quyết định sẽ đi học lại.

Một năm rưỡi bỏ, một khối lượng môn học khá lớn phải theo kịp, tôi chắc các bạn có thể hình dung được. Mới quyết định chơi lại đã gặp ngay màn khó. Tôi quyết định xin học lùi khóa, một tiền lệ mà cũng chưa ai nói tới, tôi chỉ liều làm đơn xin như vậy. Mất rất nhiều công sức và giấy tờ thủ tục này nọ, cuối cùng, tôi cùng vào học với một lớp toàn những gương mặt mới toanh. Đây là màn khó thứ hai. Tuy nhiên, tính ra, tôi vẫn mất thua họ một học kỳ, cộng thêm khá nhiều môn bị nợ ở năm học đầu tiên. Đó là màn khó thứ ba.

Tôi không biết mà bằng cách nào đó, tôi đã xốc được tinh thần, lên lớp chăm chỉ, trả nợ môn đều đều qua các học kỳ và cuối cùng là tốt nghiệp. Ngày tôi nhận bằng, ông thầy dạy môn biên dịch trợn mặt bảo: “chú mày cũng ra trường được hả” (chả là tôi với thầy có vài kỷ niệm nho nhỏ, gần như là tôi bị thầy “đì” vì cái tội “lì”). Cùng hội ham chơi với tôi, một số bạn bè tôi đều bỏ học giữa chừng.

Tính ra tôi đã mất 6 năm cho trường đại học thứ hai. Không thể xem nó là thành công được. Mất quá nhiều thời gian và công sức mà kiến thức tích lũy được cũng không bao nhiêu. Vậy thì tôi kể câu chuyện này để làm gì?

Các bạn thân mến, cuộc đời chúng ta lúc lắm lúc sẽ định hình bằng những quyết định, rất quan trọng, vào những thời điểm khó khăn. Nhưng tôi tin rằng, chính những quyết định đó, sẽ làm nên con người của chính bạn.

Việc học đại học hay bỏ đại học để lập nghiệp phải dựa trên thiên hướng của chính bạn. Vì biết đâu, bạn sẽ cảm thấy chán nản giữa những năm đại học như chính tôi, hoặc cũng có thể tuyệt vọng trên con đường lập nghiệp chông gai, đầy va chạm. Ở những thời điểm khốn khổ đó, chúng ta thường hay ngước nhìn những gương mẫu đối lập để tìm lối thoát.

Tuy nhiên, điều đo lường mức độ trưởng thành của một con người chính là mức độ chịu trách nhiệm. Ít ra bạn cũng 18 tuổi rồi, độ tuổi của quyền công dân, vậy hãy tập cho mình thói quen chịu trách nhiệm. Bạn quyết định thế nào? Đeo đuổi việc học hay đam mê khởi khiệp. Bạn nên tự chọn lấy và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho điều đó. Cá nhân tôi, mất 6 năm để lấy bằng đại học vì biết mình chả có ý tưởng nào cho việc khởi khiệp cả, đồng thời, việc học bê bối là từ chính bản thân tôi chứ không phải vì môi trường đại học.

Điều tôi học được trong những năm ở giảng đường chính là vấn đề chịu trách nhiệm. Tôi đã quyết định vào đại học, vậy thì tôi có trách nhiệm phải kết thúc nó, không bao biện, không đổ thừa. Những ngày tháng vô cùng khó khăn khi quay lại trường đi học với mấy đứa đàn em và vất vả đi học trả nợ môn đã cho tôi nhiều giá trị thấm thía. Đôi lúc buông bỏ và đổ thừa vì hoàn cảnh thì dễ, nhưng ở lại với một tinh thần trách nhiệm, chơi đến hết trận đầu thật gian vô cùng.

Xã hội chung quanh đem đến cho chúng ta rất nhiều kiểu mẫu đa dạng, thành công lẫn thất bại, ở những thái cực đối lập nhau. Học đại học ra trở thành những bác học danh tiếng cũng có mà thành những công chức rỗng tuếch cũng đầy. Khởi nghiệp rồi trở nên giàu có lẫy lừng hay phá sản, ăn bám vào tiền bố mẹ cũng không thiếu (và đôi khi, vì không cam chịu thất bại, nhiều người đã đi theo con đường làm ăn bất chính).

Như vậy, dù bạn chọn đại học hay khởi nghiệp, thì hãy tin tưởng vào quyết định của chính mình. Và quan trọng, hãy chịu trách nhiệm cho quyết định đó. Đừng là một nạn nhân của hoàn cảnh, cố gặp đi tìm một phao cứu sinh để thoát khỏi bế tắc. Bởi vì, một khi bạn đã quen với việc vô trách nhiệm, thì dù bạn đi học hay bạn ra đời, bạn sẽ dễ dàng trở thành kẻ vô giá trị.

Tôi muốn trích dẫn điều tiến sĩ Lý Khai Phục (phó tổng giám đốc Google Châu Á) từng chia sẻ:

“Tôi chưa từng bao giờ nghĩ bằng cấp là thứ quan trọng, thiên tài với danh nhân đâu phải từ lò luyện và trường lớp mà ra. Nhưng nếu bạn không học tới nơi tới chốn, thì dù có đi làm cửu vạn, ngay cả bao cát cũng sợ rằng chẳng biết cách mà vác.”

Cái gì cũng vậy, không chỉ là học, nếu làm không đến nơi đến chốn, thì ngay đến những việc nhỏ nhặt, tầm thường nhất, cũng có kết quả là thất bại.

 

AVKH

Nhãn hiệu, không nên dán cho con người!

Featured Image: L1g

 

Nước tương, nếu được đựng trong một chai có nhãn là “giấm”, dù cho người ta có nói với bạn đó là nước tương, bạn có thoáng thấy nó giống màu nước tương, ngửi thấy mùi nước tương rồi, bạn vẫn không tài nào ngăn được nỗi nghi ngờ của mình, phải đem nếm thử. Xác minh rõ ràng rồi, vẫn còn đặt dấu hỏi to đùng trong đầu: “Là nước tương sao lại ghi ‘giấm’ ?” hoặc: “Là chai giấm sao lại đựng nước tương?”

“Nhãn hiệu” có tác động rất lớn đối với nhận thức của con người. Bởi quá trình nhận thức của con người bắt đầu từ tri giác: Là nghe, nhìn, sờ, nếm, cảm nhận. Thông qua tri giác, con người sẽ có sự so sánh giữa biểu tượng được lưu trữ trong trí nhớ và biểu tượng đang tác động, từ  đó mới hình thành nên nhận thức của con người về sự vật hiện tượng. Ví dụ như ta đã quá quen với “chai ghi chữ giấm thì đựng giấm” (là biểu tượng có sẵn trong trí nhớ), khi nhìn thấy chai giấm (biểu tượng đang tác động) ta sẽ có nhận thức ngay về vật chứa trong đó, sẽ là loại chất lỏng màu trắng/ hoặc đỏ, có vị chua đặc trưng…Và khi có một kích thích đi ngược với vốn hiểu biết mà ta đã có, lập tức sẽ phát sinh nghi ngờ, đó là một hiện tượng rất tự nhiên.

Thông qua kinh nghiệm của mình, từ quá trình tri giác, ghi nhớ, tư duy… con người sẽ dần đúc kết cho mình những hiểu biết, nhận định chung về một “nhãn hiệu” nào đó. Nhãn hiệu cũng như tên gọi giúp con người có thể dễ dàng hình dung về sự vật hiện tượng đang được đề cập đến, ví dụ như thông qua kinh nghiệm mua sắm, khi nghe nhắc đến Gucci, ta sẽ biết ngay “À, món hàng đó giá trị lắm”, còn những sản phẩm không bao bì thì được qui định ngay là “giá trị không đáng là bao”. Nhưng cũng vì những hiểu biết mặc định đi liền với  “nhãn hiệu” như vậy, con người lại gây ra khó khăn cho mình. Có thể thấy chúng ta sẽ dễ dàng bị đánh lừa thế nào khi ta dán mác Gucci lên cho món hàng “không bao bì”, và ngược lại, một  chiếc túi Gucci không nhãn mác cũng rất tự nhiên, khiến người mua phải chần chừ, nghi ngờ về giá trị thực của nó.

Con người nhờ cách thức đặt tên và ghi nhớ dấu hiệu (nhãn hiệu) mà dần dần củng cố hiểu biết của mình đối với thế giới xung quanh. Và dần dần con người mang cả thói quen đó áp dụng vào chính con người, khi đó ta có từ DÁN NHÃN, trong ngoặc kép.

“Khi gặp cô ấy lần đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng với vẻ ngoài ngây thơ trong sáng đó” và nhân vật “tôi” cứ đeo mang “ấn tượng” đó mãi về sau. “Cô ấy” đã được tôi “dán” cho cái nhãn “ngây thơ, trong sáng”. Chưa biết “cô ấy” đã “ngây thơ, trong sáng” đến thế nào trong khoảnh khắc “đầu tiên” ấy, chỉ có điều, lỡ như trong một hoàn cảnh khác, những nét khác của cô ấy bộc lộ ra, đôi khi là không thât sự ngây thơ trong sáng như mong đợi của “tôi”, thì chính “tôi” lại trở nên thất vọng với chính những nhận định tự xây đắp của mình, “cô ấy” hoàn toàn không hay biết, cũng không có cơ hội mà giải bày. Ai cũng có quyền cảm nhận chủ quan về người khác, mà đã là chủ quan thì chỉ mình ta biết, đúng hay sai thì chẳng ai xác minh được.

Tác giả Mike Georgetrong cuốn The 7 Myths about Love… Actually!: The Journey from Your Head to the Heart of Your Soul, đã đặt vấn đề: “Hãy hình dung ra một thế giới không có nhãn mác gắn trên bất cứ ai hay vật gì (…) Hãy hình dung ra một thế giới mà mọi hình thức dán nhãn đều biến mất khỏi tất cả các cuộc chuyện trò. Vậy, chúng ta sẽ nói nhiều hay nói ít đi? Nhiều hơn bao nhiêu hoặc ít đi bao nhiêu? Chúng ta sẽ dùng gì để lấp đầy “khoảng trống” ấy? (…) Bạn có thể tiếp tục cuộc trò chuyện không cần kể ra bất kỳ cái nhãn nào chứ? Nếu vậy, bạn sẽ nói về điều gì? Hãy thực tập ngay trong ngày hôm nay. Bạn sẽ nhận thức sâu sắc việc “gắn nhãn mác” đã choán hết nhận thức, suy nghĩ của bạn về bản thân, về người khác nhiều bao nhiêu”

Dán nhãn, theo suy nghĩ tích cực thì là tin tưởng, còn nghĩ tiêu cực thì sẽ là thành kiến, đều là những nhận định khó thay đổi về người khác. “Mày đang nói đến thằng A hả, tao biết nó, nó rất là có uy tín trong công việc nha, làm gì cũng rất là chu đáo và có trách nhiệm.” “Cô B này hả, chảnh chẹ lắm, không dễ gì tiếp cận được đâu, lúc nào cũng nhìn người ta có nửa con mắt thôi à.” Và từ tin tưởng sẽ kéo theo cảm giác quý mến, có thành kiến rồi thì cũng chẳng muốn đến gần. Khi bạn tin tưởng một ai đó, bạn đã cho họ (và cho chính mình) cơ hội đến gần nhau hơn. Và thành kiến càng sâu thì khoảng cách mà bạn vô tình (hay cố tình) xây nên sẽ ngày càng ngày càng xa, càng sâu, không dễ gì mà xóa bỏ được.

Dĩ nhiên, ngoại trừ ấn tượng đầu tiên thì những gì ta cảm nhận về người khác đều cần thông qua một khoảng thời gian tiếp xúc. Nhưng, con người vô cùng phức tạp, với hoàn cảnh riêng, cá tính riêng, quan điểm riêng. Bạn có công nhận hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng? Tâm trạng sẽ ảnh hưởng đến thái độ? Tình cảm lại càng ảnh hưởng đến thái độ nhiều hơn hết. Có chắc rằng bạn sẽ luôn tiếp xúc với một ai đó trong cùng một hoàn cảnh ngày này qua ngày khác, với tâm trạng của họ mỗi ngày đều như nhau và tình cảm họ dành cho bạn không có chút gì thay đổi? Vậy thì vì sao nhận định của bạn về một người nào đó cứ chắc chắn là đúng trong mọi trường hợp?

Nếu như nói: “Tôi hiểu tính người đó.” Thì càng không phải, chỉ là bạn nghĩ mình biết người đó có tính cách đó mà thôi. Chắc gì người đó cư xử với bạn thế này, với người khác,  họ cũng cư xử y như vậy. Hay họ đối đãi với bạn thế này trong hoàn cảnh này, trong hoàn cảnh khác họ cũng sẽ làm như thế? Tâm lý con người hoạt động vô cùng phức tạp, muốn hiểu trọn vẹn một con người, trừ khi bạn là chính người đó. Hãy thử tham gia một trò chơi nhỏ, người quản trò sẽ ghi vài nhận xét trái ngược về những người bạn của bạn rồi dán trước ngực họ (bạn không biết mình đang tham gia trò chơi), bạn được mời đến với tư cách là tham gia “ngày nói thật”, vậy thì bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn thấy bạn mình với những “cái nhãn”  nhận xét như thế? Như vậy mới thấy được, cảm nhận của chúng ta về người khác, dù là vô hình nhưng cũng có tác động mạnh mẽ y như những miếng dán hữu hình đó vậy.

Và một chai giấm còn có thể được dùng để đựng nước tương (nếu không phải có ai cố tình “chơi” bạn thì chắc là lúc đó hết chai rồi nên… hết cách!), vậy thì tại sao một người mà bạn luôn nghĩ rằng “thế này” không thể là “thế khác”? Và bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu như bị một người mà bạn luôn tin tưởng phản bội? Hay như một lúc nào đó nhận ra mình đã có thành kiến sai về người khác? Dù cảm thấy như thế nào thì chuyện cũng đã rồi. Bạn dù gì cũng đã bị tổn thương ( vì lòng tin bị mất) hoặc làm người khác tổn thương (vì hiểu lầm họ). Nỗi đau nào sẽ dễ xoa dịu hơn?

Giữ thành kiến về người khác là việc không nên, nhưng lẽ nào ta cũng không nên tin tưởng ai? Không phải vậy, ta có thể giữ cảm tình tốt về người này hay ấn tượng không hay về người khác. Chúng ta là con người mà, cũng phải có suy nghĩ và tình cảm riêng chứ. Chúng ta cũng có quyền sai lầm. Chỉ là ta nên hiểu rằng con người luôn thay đổi, hoặc như họ không thay đổi thì những điều “khác lạ” mà ta “phát hiện” thấy ở mỗi người, mỗi ngày đều là cá tính riêng của họ, bản chất của họ, là góc khuất con người họ mà ta chưa có dịp “nhìn thấy”. Thì cứ thế mà trải nghiệm thôi. Quá tin tưởng sẽ thành ra thất vọng, giữ thành kiến quá sâu sẽ lỡ mất cơ hội tìm hiểu về đối phương, và biết đâu bạn sẽ đánh mất cơ hội được nhìn thấy (hay tận hưởng) những điều tốt đẹp từ ai đó.

Quan hệ giữa người với người cần nhất là sư thông hiểu, là thông cảm và thấu hiểu. Cần phải thấu hiểu sự đời, để biết rằng vạn vật luôn thay đổi, “không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, để biết rằng ta tin tưởng vì ta đã lựa chọn tin tưởng, không phải là người bất tín hay đáng tin, chỉ là người đã không như ta nghĩ, không cần phải thất vọng rồi tự chuốc khổ cho mình. Và cần phải thấu hiểu một ai đó để biết rằng con người không ai là toàn diện, có mặt tốt và cũng có mặt xấu, có lúc đúng và cũng có lúc sai, cần phải dùng sự thông cảm của mình mà đối đãi.

Nhãn hiệu, chỉ nên dán lên đồ vật để củng cố thêm cho hiểu biết của con người về thế giới xung quanh. Nhãn hiệu, đừng nên dán lên con người để củng cố cho những nhận định không biết là đúng hay sai, lúc nào đúng và lúc nào sai. Nhãn mác dán trên đồ vật khi tháo ra vẫn để lại dấu keo hay vết trầy trước, còn khi dán lên con người, dù có tháo ra được, “vết thương” dù là vô hình cũng khó lòng mà bôi xóa được.

 

 Little WormBed

Sự lựa chọn giữa cao đẳng và đại học

Featured Image: Fadelf Kuzins

 

Đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn giữa cao đẳng hay đại học, hiển nhiên ai cũng chọn đại học rồi, khỏi cần bàn. Vì “đại học ”bản thân hai từ ấy từ xửa từ xưa đã là niềm mơ ước của tất cả mọi người khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa kể các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình kèm theo. Ở đây tôi chỉ đề cập đến ranh giới chơi vơi giữa trượt đại học và đỗ cao đẳng. Nếu bạn còn đang băn khoăn có nên đi học cao đẳng hay ở nhà ôn tiếp một năm nữa để thi đại học và phải đỗ bằng mọi giá mới thôi, thì tôi xin kể lại câu chuyện của chính mình cách đây 15 năm.

Khi ấy cũng như bạn bè cùng thời, tôi ấp ủ bao nhiêu ước mơ, hy vọng về một thế giới rộng lớn, tươi đẹp sau cánh cổng trường đại học. Trong đầu óc tôi chỉ đại học mới có được điều đó, đơn giản là vì chả thấy ai nói sau cánh cổng trường cao đẳng bao giờ. Thế là, với một tâm niệm duy nhất là đỗ đại học và chỉ đại học mà thôi nên năm đầu tiên làm hồ sơ dự thi, tôi tự tin, kiêu hãnh tuyên bố không thi cao đẳng, thà trượt một năm đại học còn hơn là đi học cao đẳng.

Chắc tuyên bố ấy “hoành tráng” quá, nên tôi “trượt cái oạch”. Thiếu nửa điểm thôi nhưng trượt vẫn là trượt, chẳng ai bảo cái đứa ấy trượt mà vẫn giỏi cả. Một năm đau khổ, oán hận đầy mình, đóng cửa học hành, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Đến năm thứ hai thi đại học, bắt đầu biết “sợ”, thôi thì cứ thi thêm cao đẳng cho chắc, mặc dù chẳng mặn mà gì. Buồn thay lại trượt, tuy điểm năm sau có cao hơn năm trước tí ti. Ôi chao lúc này “sức đã cùng lực đã kiệt”, mơ ước duy nhất là đi học, đi học và chỉ đi học mà thôi. Đúng lúc ấy trường cao đẳng mà tôi luôn “hạ bệ” trong suy nghĩ có giấy gọi. Như chết đuối vớ được cọc, tôi vội vã làm thủ tục nhập học, không còn dám so đo hơn kém nữa.

Nhưng có một thực tế là suốt những năm học ở đó, tôi vẫn luôn mặc cảm với từ cao đẳng. Đi đâu, nhỡ có ai hỏi: “Cháu học trường gì?” Thôi thì cứ nói chung chung là sư phạm, ai biết đấy là đại học hay cao đẳng, chẳng may đôi lúc cũng có người truy tìm đến ngọn nguồn gốc rễ lại hỏi tiếp “Thế cháu học sư phạm ở đại học hay cao đẳng?” Trời ạ, nói dối thì hổ thẹn với lương tâm mà nói thật thì sao khó khăn thế, cứ lý nha lý nhí. Nào chỉ có thế, ngồi giữa một đám bạn cũ toàn đỗ đại học , bọn nó khoe trường tao thế này trường tao thế kia mà mình chẳng dám mở miệng khoe gì về trường mình. Thấy nó cứ ngài ngại làm sao ấy. Thậm chí tôi còn thấy cái mác sinh viên hơi cao xa quá so với mình.

Mặc dù thời gian học ở trường cao đẳng tôi luôn cố gắng nằm trong số những người nổi bật. So với các bạn học cùng lớp thì tôi có vẻ tự tin, năng nổ hơn một chút. Tôi dần khám phá ra mình có khả năng ăn nói lưu loát trước đám đông, nếu thời học sinh tôi luôn bị động, rụt rè, lo sợ khi bị gọi bất chợt thì bây giờ hoàn toàn ngược lại, bất kể lúc nào tôi cũng có thể trả lời lưu loát, rõ ràng những suy nghĩ của mình. Thậm chí tôi còn cho đó là cơ hội thể hiện bản thân, để khẳng định mình với mọi người. Thật lạ! Nhưng chẳng phải tôi bỗng dưng thông minh, tài giỏi hơn đâu, chẳng qua là tôi thấy mạnh dạn, tự tin hơn trong một môi trường vừa sức. Bỏ qua tất cả những yếu tố mà cao đẳng còn thua kém Đại học như trình độ giảng viên, cơ sở trang thiết bị, giáo trình… thì đây là điều mà tôi thấy may mắn vì đã học cao đẳng.

Điều hay ho thứ hai nữa là khi mấy đứa bạn thân của tôi thi đỗ đại học ngay năm đầu, ra trường thì tôi cũng ra trường vì đại học học những 4 năm, còn cao đẳng chỉ học có 3 năm thôi. Thế là tuy chậm hơn so với điểm xuất phát nhưng thời gian về đích là như nhau. Đến khi vác đơn xin việc, chúng tôi cùng đậu công chức như nhau. Bạn tôi dạy cấp 3, còn tôi dạy cấp 2, không sao đều là giáo viên cả mà,đều là ăn lương tập sự như nhau, và cũng chẳng ai hơi đâu đi so sánh khập khiễng kiểu như giáo viên cấp 3 chắc chắn phải giỏi hơn giáo viên cấp 2, vì mỗi cấp học có một đặc thù khác nhau. Đến lúc này, tôi mới phần nào vơi đi những mặc cảm giữa cao đẳng và đại học.

Trong thời gian đi làm tôi vẫn giữ vững phong độ thời sinh viên nghĩa là cố gắng để mình không đứng phía sau. Kết quả là công việc đã không phụ lại tâm huyết của tôi. Là giáo viên dạy giỏi, được học sinh yêu mến, đồng nghiệp nể trọng, như thế có thể tạm coi là một thành công nho nhỏ rồi.
Tôi viết bài này không nhằm mục đích đề cao cao đẳng mà chỉ dùng kinh nghiệm bản thân để khuyên một ai đó đừng vì cái sự “oai hão” mà để tuột mất cơ hội của bản thân. Cao đẳng hay Đại học không quan trọng mà quan trọng là bạn đã học được gì ,đã làm việc như thế nào sau khi ra trường. Chất lượng công việc mới là vấn đề mấu chốt quyết định sự thành bại của bạn chứ không đơn thuần là sự đánh giá về bằng cấp.

 

 Phương Liên

Lọc thông tin

Featured Image: John

 

Thời buổi thông tin lan truyền nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Chỉ một tin thôi, hàng loạt kiểu đưa tin và muôn vàn bình luận. Đọc tới đọc lui cũng chỉ có nhiêu đó thông tin. Đứng ở góc độ này ta thấy thế này, đứng ở góc ngược lại, ta sẽ thấy khác. Nhận thức ở mức này ta thấy vậy, nhận thức khác ta thấy không phải vậy.

Những người có công việc liên quan đến truyền thông, thì người ta viết gì, nói gì, cũng là nghề của họ. Họ được trả lương để làm việc đó. Những người có đạo đức nghề nghiệp, họ sẽ đưa ra những thông tin có giá trị và có trách nhiệm. Ok.

Những người khác, những người kinh doanh, họ vừa biết tận dụng, khai thác thông tin và thu được lợi nhuận từ thông tin, hợp pháp mà vẫn nghĩ đến trách nhiệm với xã hội. Cũng tốt.

Còn những người phó thường dân chúng ta thì sao?

Trong một thế giới mà từ lúc mở mắt tới khi khép mắt lại trong suốt một ngày, chúng ta có thể tiếp nhận ti tỉ thông tin từ vô số các nguồn, các phương tiện rất dễ dàng. Việc chúng ta đọc gì, nghĩ gì, chính kiến của chúng ta là gì mới là cái cần nói.

Đọc thì cứ đọc. Đọc để nắm bắt thông tin, tình hình thời sự, kinh tế, chính trị, xã hội, để áp dụng, điều chỉnh cho cuộc sống của bản thân và gia đình mình… Tốt quá.

Đọc để mở mang kiến thức, có cái nhìn sâu rộng, đa chiều về cuộc sống, để học hỏi từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm, có tâm hồn phong phú, để áp dụng và thực hành rèn luyện những thói quen tốt, những kỹ năng sống thực tế của bản thân… Trên cả tuyệt vời.

Nhưng đọc để chìm sâu trong tranh luận vô bổ, sa đà mất thời gian, không chọn lọc những thông tin khách quan, nhiều chiều, gợi suy ngẫm mà để mình bị dẫn dắt theo những thông tin khác lề, bị cuốn vào lối suy nghĩ của số đông, quên cả chính kiến và nguy nhất là quên rằng khoảng thời gian mình bỏ ra cho một sự kiện hot này là quá nhiều. Nồi cơm nhà bạn có thể chưa bị ảnh hưởng, nhưng chắc chắn, công lực của bạn thì sẽ bị phân tâm ít nhiều. Những sự kiện như vậy nhan nhản hàng ngày, đó là nghệ thuật của truyền thông, họ đang làm việc và được trả lương. Gì chứ đưa một sự kiện nào ‘lên đĩa’ hay ‘xuống cống’ là nghề của họ. Cãi nhau, tranh luận phỏng có ích gì?

Với những sự kiện, câu chuyện, chủ đề ta quan tâm, ta dành cho chúng nhiều thời gian hơn để đọc và suy ngẫm. Cái không thuộc phạm vi, thói quen, sở thích của mình, đơn giản là lướt qua hoặc bỏ qua. Chứ nếu đã không thích lại còn hăm hở xông vào đọc, rồi thấy trái chiều hay thấy mình đứng trong đội hình số đông ngược với quan điểm đọc được là la toáng lên, phán xét, dùng những lời lẽ cay nghiệt để bôi nhọ, chỉ trích, hạ bệ… thì quả là một trò chơi “hại não” của chính mình. Sử dụng những nơ-ron thần kinh của mình hoang phí, vô bổ quá. Có một điều tôi nghiệm được rất hay và chưa bao giờ chứng kiến nó sai là: “Đừng bao giờ phán xét người khác, nhất là khi bạn chưa trải nghiệm thực tế đó, vì bạn chưa bao giờ biết tại sao họ lại có thể làm như thế.”

Kinh Phật cũng dạy rằng: ” Hãy nhìn sự việc đúng với bản chất của nó, không thêm bất kỳ định kiến nào vào.” Ai cũng biết mà làm được thì khá khó, bởi vì chúng ta thường có xu hướng làm theo những gì dễ dàng, làm những gì bản năng mách bảo. Mà bản năng chúng ta, nếu hiểu rõ nó, ta biết chắc chắn rằng nó có đôi lúc phản chủ, là những khi nó nuông chiều theo cái tôi to lớn, vuốt ve những hư danh, ảo vọng, vị kỷ, hiếu thắng … khiến ta quên đi rằng đó hoàn toàn chỉ là cảm xúc nhất thời và chỉ đẹp đẽ như một lâu đài xây trên bờ cát.

Trở lại về chuyện lọc thông tin. Nếu chúng ta, mỗi ngày trôi qua, chỉ để tâm sức vào việc của người khác, thương vay khóc mướn chuyện của ông Trời… thì chúng ta tự đánh mất khoảng thời gian quý báu của mình lẽ ra làm được những việc hay ho hơn nhiều. Nhưng ngay cả tôi đôi khi cũng vậy. Khi đưa ra những điều này, tôi cũng mất 15-20 phút để gõ. Cũng vô bổ không kém J.

Nên tôi thích nói KHÔNG với những gì không thuộc về thế giới của mình để tập trung cho những việc tôi muốn làm, mà luôn cảm thấy không đủ thời gian.

Không chính trị, không tôn giáo!

Vâng. Tôi chẳng làm gì thay đổi được thế giới, tôi chỉ có thể chấp nhận thế giới như nó vốn có. Tôi thay đổi mình, để thích nghi, tồn tại và nhất là cố gắng sống một đời đáng sống.

 

Julia Le

Bàn về chủ nghĩa cá nhân – Bài 7

Featured Image: Trenton Gartke

 

Những người theo phái tự do (Liberals) thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của cá nhân. Những người theo phái tự do thế kỷ XIX từng coi sự phát triển của cá nhân là vấn đến quan trọng nhất. “Cá nhân và chủ nghĩa cá nhân” từng là khẩu hiệu của phái tự do và tiến bộ. Bọn phản động đã tấn công quan điểm này ngay từ đầu thế kỷ XIX.

Những người duy lý và tự do thế kỷ XVIII từng chỉ ra rằng cần phải có những luật lệ tốt. Những phong tục cổ xưa, không thể biện hộ được bằng lý trí phải bị bãi bỏ. Lời biện hộ duy nhất cho một điều luật là nó có thúc đẩy sự thịnh vượng xã hội hay là không. Ở nhiều quốc gia, những người duy lý và những người tự do đòi hỏi rằng hiến pháp thành văn, quá trình sọan thảo luật lệ và những điều luật mới phải tạo điều kiện cho sự phát triển năng lực của từng cá nhân.

Phản ứng đã gia tăng, đặc biệt là ở Đức, mà luật gia, đồng thời là sử gia trong lĩnh vực luật pháp Friedrich Karl von Savigny (1779–1861) là người có đóng góp cực kì tích cực. Savigny tuyên bố rằng người không thể viết được luật, luật pháp là do tâm hồn của toàn thể bộc lộ ra bằng con đường bí mật. Đấy không phải là cá nhân suy nghĩ – đấy là cả dân tộc hay thực thể xã hội sử dụng cá nhân chỉ nhằm để thể hiện những tư tưởng của nó. Marx và những người Marxist đặc biệt nhấn mạnh tư tưởng này. Về mặt này, những người Marxist không phải là đồ đệ của Hegel, tư tưởng chính của Hegel về quá trình tiến hóa của lịch sử là tiến hóa về phía tự do của cá nhân.

Theo quan điểm của Marx và Engels, trong con mắt của cả dân tộc, cá nhân là không đáng kể. Marx và Engels phủ nhận ý kiến cho rằng cá nhân có vai trò trong quá trình tiến hóa của lịch sử. Theo họ, lịch sử đi theo con đường riêng của mình. Các lực lượng sản xuất vật chất đi theo con đường riêng của mình, chúng phát triển độc lập với ý chí của các cá nhân. Và các sự kiện lịch sử xảy ra là do sự tất yếu của quy luật tự nhiên. Các lực lượng sản xuất họat động như là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng vậy, chúng phải có người thay thế sẵn sàng, như người chỉ huy dàn nhạc phải có người thay thế nếu ca sĩ bị ốm. Theo tư tưởng này, Napoleon và Dante, là nói thí dụ thế, đều là những người không quan trọng – nếu họ không xuất hiện để đóng vai trò đặc biệt của mình trong lịch sử thì một người nào đó sẽ xuất hiện trên sân khấu để thay thế họ.

Muốn hiểu một số từ, bạn phải hiểu tiếng Đức. Từ thế kỷ XVII trở đi người ta đã tập trung nhiều cố gắng vào cuộc đấu tranh chống lại việc sử dụng những từ Latin và loại bỏ chúng khỏi tiếng Đức. Trong nhiều trường hợp, vẫn còn từ ngọai quốc mặc dù có những từ tiếng Đức cùng nghĩa. Hai từ này trở thành những từ đồng nghĩa, nhưng theo dòng lịch sử, chúng lại có những nghĩa khác nhau. Thí dụ, từ Umwälzung, nghĩa đen của từ cách mạng (revolution) trong tiếng Latin. Trong tiếng Latin từ này không có nghĩa nào là chiến đấu hết. Như vậy là từ cách mạng (revolution) đã có hai nghĩa – một nghĩa là bằng bạo lực, còn nghĩa kia là cách mạng từ từ, tương tự như “cuộc cách mạng công nghiệp”. Nhưng Marx sử dụng từ cách mạng (tiếng Đức) không chỉ cho những cuộc cách mạng bạo lực như Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nga, mà còn cho cuộc Cách mạng công nghiệp diễn ra một cách từ từ nữa.

Nhận tiện nói them rằng thuật ngữ cuộc Cách mạng công nghiệp là do Arnold Toynbee (1852–1883) đưa ra. Những người Marxist nói rằng “Sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản thì không còn cách mạng nữa – hãy nhìn cuộc Cách mạng công nghiệp”.

Marx gán cho từ nô lệ, nông nô và những hệ thống ép buộc ý nghĩa đặc biệt. Công nhân cần phải được tự do, ông ta nói, để những kẻ bóc lột bóc lột họ. Ý tưởng này xuất hiện từ lời giải thích của ông ta cho sự kiện là chúa đất chăm sóc người công nhân ngay cả khi anh ta không làm việc. Marx giải thích những thay đổi theo hướng tự do vừa xuất hiện như là việc giải phóng những kẻ bóc lột khỏi trách nhiệm trước đời sống của người công nhân. Marx không nhận ra rằng phong trào tự do hướng tới việc lọai bỏ sự bất bình đẳng trước pháp luật, cũng như bất bình đẳng giữa chủ và tớ.

Karl Marx tin rằng tích lũy tư bản là trở ngại. Dưới mắt của ông, chỉ có một lý giải duy nhất cho việc tích tụ tài sản là một người nào đó cướp của một người nào đó. Đối với Marx, tòan bộ cuộc Cách mạng công nghiệp chỉ đơn giản là công nhân bị tư bản bóc lột mà thôi. Theo ông, sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản làm cho hòan cảnh của người công nhân càng tồi tệ them. Sự khác biệt giữa hòan cảnh của họ với hòan cảnh của nô lệ và nông nô chỉ là ở chỗ tư bản không có trách nhiệm lo lắng cho những người công nhân mà họ không thể bóc lột được nữa, trong khi chủ phải chăm sóc người nô lệ và nông nô. Đây mà một trong những mâu thuẫn không thể hóa giải được của hệ thống của Marx. Nhưng hệ thống này lại được nhiều nhà kinh tế học hiện nay chấp nhận mà không nhận thức được rằng có mâu thuẫn như thế.

Theo Marx, chủ nghĩa tư bản là giai đọan tất yếu và không thể tránh được trong lịch sử nhân lọai, tức là lịch sử đưa con người từ hoàn cảnh sơ khai đến thiên đường của chủ nghĩa xã hội. Nếu chủ nghĩa xã hội là bước đi tất yếu và không thể tránh được trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội thì người ta không được liên tục phàn nàn rằng những điều tư sản làm là xấu về mặt đạo đức – đấy là theo quan điểm của Marx. Thế thì tại sao Marx lại tấn công các nhà tư sản?

Marx nói rằng một phần sản phẩm bị tư sản chiếm đoạt và bóc lột từ người công nhân. Theo Marx, đây là điều rất xấu. Hậu quả là người công nhân không được tiêu thụ tòan bộ sản phẩm được sản xuất ra. Vì vậy mà một phần sản phẩm do họ làm ra không được tiêu thụ, nghĩa là “tiêu thụ dưới mức”. Vì lý do đó, vì có hiện tượng tiêu thụ dưới mức, cho nên suy thóai kinh tế xảy ra thường xuyên. Đấy là lí thuyết tiêu thụ dưới mức của Marx về suy thóai kinh tế. Nhưng ở chỗ khác, Marx lại mâu thuẫn với lý thuyết này.

Những người cầm bút theo trường phái Marxst không giải thích vì sao sản xuất lại đi từ những phương pháp đơn giản sang những phương pháp ngày càng phức tạp hơn.

Marx cũng không nhắc đến sự kiện sau đây: Khoảng năm 1700 dân số nước Anh khỏang 5,5 triệu người; giữa những năm 1700 dân số tăng lên thành 6,5 triệu người, 500.000 người ở trong tình trạng thiếu thốn. Tòan bộ hệ thống kinh tế đã tạo ra dân số “thặng dư”. Vấn đề thặng dư dân số xuất hiện ở Anh sớm hơn lục địa châu Âu. Điều này xảy ra trước hết là vì Anh là đảo quốc, không bị quân đội nước ngòai xâm lược cho nên dân số không bị giảm như ở châu Âu. Chiến tranh ở Anh là nội chiến; đấy là những cuộc chiến tranh tàn bạo, nhưng đã chấp dứt rồi. Và khi mà lối thóat cho dân số thặng dư biến mất thì số người thặng dư gia tăng. Tình hình ở châu Âu có khác; vì một lí do là cơ hội làm trong ngành nông nghiệp thuận lợi hơn là ở Anh.

Hệ thống kinh tế cũ ở Anh không thể giải quyết được công ăn việc làm cho số người gia tăng. Đa phần những người tăng thêm đều là những người khốn khổ – ăn xin, ăn cướp, ăn cắp và gái điếm. Họ được một số định chế như luật về người nghèo[1] và hội từ thiện của cộng đồng giúp đỡ. Một số bị bắt vào quân đội và hải quân để phục vụ ở nước ngòai. Trong nông nghiệp cũng thừa người. Hệ thống phường hội và những tổ chức độc quyền khác trong ngành công nghiệp chế biến làm cho công nghiệp không thể mở rộng được.

Trong những giai đọan tiền tư bản đó, sự phân biệt giữa các giai cấp trong xã hội, tức là giữa những người có thể mua được quần áo và giầy mới với những người không thể mua được, thể hiện rất rõ. Những ngành công nghiệp chế biến được sản xuất chủ yếu là cho những tầng lớp thượng lưu. Những người không có tiền mua quần áo mới mặc những đồ bỏ đi. Lúc đó ngành buôn bán quần áo cũ khá phát đạt – ngành này hầu như đã biến mất hoàn toàn sau khi nền công nghiệp hiện đại bắt đầu sản xuất cho cả những tầng lớp bên dưới. Nếu chủ nghĩa tư bản không cung cấp đủ phương tiện sống cho số người “thặng dư” này thì họ đã chết đói hết rồi. Trong thời tiền tư bản, bệnh đậu mùa từng làm chết rất nhiều người, ngày nay căn bệnh này gần như đã bị xóa sổ rồi. Những cải tiến trong lĩnh vực y tế cũng là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản.

Điều mà Marx gọi là thảm họa lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lại hoàn toàn không phải là thảm họa, nó mang lại sự cải thiện khác thường trong điều kiện sống của người dân. Nhiều người đáng lẽ đã chết thì nay có cơ hội sống. Marx nói rằng những cải tiến trong lĩnh vực công nghệ chỉ dành cho những kẻ bóc lột và hiện nay quần chúng sống trong tình trạng tồi tệ hơn thời trước khi diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp là sai. Tất cả những điều mà những người Marxist nói về bóc lột là hoàn toàn sai! Hoàn toàn dối trá! Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã làm cho nhiều người đáng lẽ đã chết thì nay có cơ hội sống. Và hiện nay nhiều người, phải nói là đa số người sống với mức sống cao hơn là tổ tiên họ cách đấy 100 hay 200 năm.

Trong thế kỷ XVIII đã có một số tác giả kiệt xuất – nổi tiếng nhất trong số đó là Adam Smith (1723–1790) — người biện hộ cho tự do thương mại. Họ tranh cãi chống lại độc quyền, chống lại các phường hội và đặc quyền đặc lợi do nhà vua và quốc hội ban phát. Thứ hai, một số người tài trí, những người hầu như không có tiền tiết kiệm và tư bản, đã bắt đầu tổ chức những người cùng khổ để tiến hành sản xuất, không phải trong nhà máy mà bên ngòai nhà máy, và không chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu mà thôi. Những người sản xuất vừa được tổ chức lại này bắt đầu làm ra những món hàng đơn giản cho quảng đại quần chúng. Một sự biến đổi to lớn đã xảy ra, đấy chính là cuộc Cách mạng công nghiệp. Và cuộc Cách mạng công nghiệp này đã làm ra cũng nhiều lương thực và những hàng hóa khác như số người đang gia tăng vậy. Karl Marx cũng nhìn thấy những điều đang diễn ra như bất cứ người nào khác. Ngay trước Thế chiến II dân số tăng nhanh đến nỗi ở Anh đã có 60 triệu người.

Không thể so sánh Mỹ với Anh. Ngay từ đầu Mỹ đã gần như là một nước tư bản chủ nghĩa hiện đại rồi. Nhưng chúng ta có thể nói rằng cứ tám người đang sống trong những nước thuộc nền văn minh phương Tây hiện nay thì bảy người sống được là vì có cuộc Cách mạng công nghiệp. Bạn có tin chắc rằng bạn là người sẽ sống sót ngay cả khi không có cuộc Cách mạng cộng nghiệp hay không? Nếu bạn không tin chắc thì xin dừng lại và cùng xem xét hậu quả của cuộc Cách mạng công nghiệp.

Cách Marx giải thích cuộc Cách mạng công nghiệp cũng có thể được áp dụng cho “thượng tầng kiến trúc”. Marx nói rằng “lực lượng sản xuất vật chất”, tức là công cụ và máy móc, sinh ta “quan hệ sản xuất”, tức là cơ cầu xã hội, quyền sở hữu..v.v.., quan hệ sản xuất lại sinh ra “thượng tầng kiến trúc”, tức là triết học, nghệ thuật và tôn giáo. Thượng tầng kiến trúc, Marx nói, phụ thuộc vào phụ thuộc vào địa vị giai cấp của cá nhân, nghĩa là phụ thuộc vào việc anh ta là nhà thơ, họa sĩ..v.v.. Marx giải thích mọi thứ diễn ra trong đời sống tinh thần của dân tộc từ quan điểm này.

Arthur Schopenhauer (1788–1860) được gọi là triết gia của những ông chủ kho hang và trái phiếu. Friedrich Nietzsche (1844–1900) được gọi là triết gia của các thương vụ lớn. Mỗi thay đổi trong ý thức hệ, trong âm nhạc, trong nghệ thuật, trong sáng tác tiểu thuyết và sáng tác kịch bản, những người theo trường phái Marx đều có ngay một lời giải thích. Mỗi cuốn sách mới đều được giải thích bằng “thượng tầng kiến trúc” của cái ngày cụ thể đó. Mỗi cuốn sách đều được gán cho một tính từ – “tư sản” hay “vô sản”. Giai cấp tư sản bị coi là đám người phản động, không cần phân biệt.

Đừng nghĩ rằng một người có thể suốt đời theo một ý thức hệ mà không tin vào nó. Việc sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản chín muồi” chứng tỏ một cách rõ ràng rằng những người không hề nghĩ rằng mình là người theo thuyết của Marx đã chịu ảnh hưởng của Marx. Ông bà Hammond, trên thực tế là tất cả các nhà sử học, đều chấp nhận các giải thích của Marx về cách mạng công nghiệp[2]. Trừ Ashton[3].

Karl Marx, trong giai đoạn hai của sự nghiệp của mình, đã không còn là người ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào họat động kinh tế nữa; ông ủng hộ laissez-faire. Vì ông mong chờ sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thay thế nó bằng chủ nghĩa xã hội sẽ diễn ra sau khi chủ nghĩa tư bản đã chín muồi hoàn toàn, ông ủng hộ việc để cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Vế khía cạnh này,trong các trước tác và tác phẩm của mình, Marx là người ủng hộ tự do kinh tế.

Marx tin rằng những biện pháp can thiệp là không tốt vì nó trì hõan sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội. Các liên đòan lao động đề nghị những biện pháp can thiệp, vì vậy mà Marx chống lại họ. Liên đòan lao động không sản xuất được gì và vì vậy mà nó không thể tăng được tiền lương nếu người sản xuất không sản xuất được nhiều thêm.

Marx tuyên bố rằng can thiệp gây thiệt hại cho quyền lợi của người công nhân. Những người xã hội chủ nghĩa Đức bỏ phiếu phản đối những cuộc cải cách xã hội của [Otto von] Bismarck dự định thực hiện vào khỏang năm 1881 (Marx chết năm 1883). Ở nước này (Mỹ – ND) những người cộng sản cũng chống lại kế họach kinh tế mới (New Deal). Dĩ nhiên là lý do thực sự của việc chống lại chính quyền là rất khác. Không có đảng đối lập nào muốn dành cho đảng khác quá nhiều quyền lực. Trong khi xây dựng cương lĩnh xã hội chủ nghĩa ai cũng ngấm ngầm nghĩ rằng mình sẽ là người lập kế họach hay nhà độc tài hoặc về mặt trí tuệ người lập kế họach hay nhà độc tài sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào anh ta và người lập hế họach hay nhà độc tài kia chỉ là nhân viên sai vặt của anh ta. Chẳng có người nào muốn trở thành thành viên bình thường trong kế họach của một người nào hết.

Ý tưởng về lập kế họach có nguồn gốc từ chuyên luận bàn về chế độ cộng hòa của Plato. Plato là người rất bộc trực. Ông đã phác thảo hệ thống do các triết gia cai trị. Ông muốn bãi bỏ tất cả các quyền và quyết định của cá nhân. Nếu chưa có lệnh thì không ai được đi, được nghỉ, ngủ, ăn, uống, tắm rửa. Plato muốn biến người ta thành những con tốt đen trong kế họach của ông. Cần phải có một nhà độc tài, ông này sẽ chỉ định một triết gia làm thủ tướng hay chủ tịch trong ủy ban quản lý sản xuất trung ương. Cương lĩnh của tất cả những người xã hội chủ nghĩa kiên định như thế — thí dụ như Plato và Hitler — còn lập kế họach sản xuất cho những người xã hội chủ nghĩa trong tương lai, cho việc nuôi dạy những thành viên tương lai của xã hội nữa.

Trong suốt 2.300 năm kể từ thời Plato, người ta thấy rất ít người phản đối ý tưởng này của ông. Thậm chí ngay cả Kant. Xu hướng ủng hộ chủ nghĩa xã hội về mặt tâm lý cần phải được tính đến trong khi thảo luận các tư tưởng của Marx. Chứ không chỉ giới hạn ở những người tự nhận là đồ đệ của Marx.

Những đồ đệ của Marx phủ nhận sự kiện, thí dụ như tìm kiếm kiến thức chỉ vì kiến thức. Nhưng trong trường hợp này họ cũng không phải là những người kiên định, vì họ nói rằng một trong những mục tiêu của nhà nước xã hội chủ nghĩa là chấm dứt việc tìm kiếm kiến thức như thế. Họ nói rằng nghiên cứu những thứ vô ích là sự xúc phạm con người.

Bây giờ tôi muốn thảo luận ý nghĩa của việc xuyên tạc sự thật. Ý thức giai cấp không xuất hiện ngay từ đầu, nhưng nó nhất định sẽ tới. Marx phát triển học thuyết về ý thức hệ của ông vì ông nhận thức được rằng mình không thể trả lời được những lời phê phán chủ nghĩa xã hội. Câu trả lời của ông là: “Điều anh nói là không đúng. Đấy chỉ là ý thức hệ thôi. Khi chúng ta chưa có xã hội phi giai cấp thì tất cả những gì người ta nghĩ cũng đều là ý thức hệ giai cấp hết – nghĩa là dựa trên ý thức sai lầm”. Không cần bất kỳ giải thích nào nữa, Marx cho rằng ý thức hệ như thế có ích cho giai cấp và cho những thành viên của giai cấp làm ra ý thức hệ đó. Những tư tưởng như thế là nhằm theo đuổi mục đích giai cấp của họ.

Marx và Engels xuất hiện và trình bày tư tưởng giai cấp của giai cấp vô sản. Vì thế, từ đó trở đi học thuyết của giai cấp tư sản trở thành hoàn toàn vô ích. Người ta có thể nói rằng giai cấp tư sản cần sự giải thích như thể để làm an lòng lương tâm tồi tệ của họ. Nhưng tại sao họ lại có lương tâm tồi tệ nếu sự tồn tại của họ là tất yếu? Nó là tất yếu – theo học thuyết của Marx – vì không có giai cấp tư bản thì chủ nghĩa tư bản không thể phát triển được. Khi chủ nghĩa tư bản “chưa chín muồi” thì không thể có chủ nghĩa xã hội.

Theo Marx, kinh tế học tư sản, đôi khi được gọi là “lời biện hộ cho quá trình sản xuất của giai cấp tư sản”, giúp đỡ chính giai cấp tư sản. Những đồ đệ của Marx cũng có thể nói rằng dưới mắt của họ cũng như dưới mắt của những người bị bóc lột, tư tưởng mà giai cấp tư sản đổ vào lí thuyết tư sản sai lầm này cũng như phương thức sản xuất tư bản là có thể biện hộ được vì nó giúp cho hệ thống tồn tại. Nhưng đấy lại là lời giải thích rất phi-Marxist. Trước hết, theo học thuyết của Marx, hệ thống sản xuất tư sản không cần lời biện hộ nào hết, giai cấp tư sản bóc lột là vì việc của họ là bóc lột, cũng như việc của vi trùng là sống ký sinh vậy. Giai cấp tư sản không cần bất kỳ lời biện hộ nào. Ý thức giai cấp của họ chỉ cho họ rằng họ phải làm điều đó. Bản chất của tư sản là bóc lột.

Trong thư gửi cho Marx, một ông bạn người Nga viết rằng nhiệm vụ của những người xã hội chủ nghĩa là phải giúp giai cấp tư sản bóc lột hiệu quả hơn, Marx trả lời rằng không cần. Sau đó Marx viết một nhận xét ngắn, nói rằng nước Nga có thể tiến lên xã hội chủ nghĩa mà không cần trải qua giai đọan tư bản chủ nghĩa. Sáng hôm sau, chắc chắn là ông đã nhận ra rằng nếu ông thừa nhận là một nước có thể nhảy qua giai đọan tất yếu thì tòan bộ học thuyết của ông sẽ bị phá sản. Cho nên ông không gửi lời nhận xét này. Engels, người không sáng suốt bằng, phát hiện ra mảnh giấy trên bàn viết của Marx, ông liền chép lại và gửi bản sao của mình cho Vera Zasulich (1849–1919). Bà này là người nổi tiếng ở Nga vì đã tổ chức ám sát giám đốc sở công an thành phố St. Petersburg và được tha bổng – bà có nhóm luật sư biện hộ thông minh. Người đàn bà này đã cho công bố nhận xét của Marx và lời nhận xét này đã trở thành tài sản lớn của đảng Bolshevik.

Hệ thống tư bản chủ nghĩa là hệ thống, trong đó phải có công thì mới được thưởng. Nếu người ta không tiến bộ được thì người ta cảm thấy đau khổ. Họ không chịu công nhận rằng họ không tiến được là vì họ thiếu kiến thức. Họ đổ cho xã hội. Nhiều người lên án xã hội và quay sang chủ nghĩa xã hội.

Trong hàng ngũ trí thức xu hướng này còn mạnh hơn. Vì những người có nghề thường đối xử với nhau một cách bình đẳng cho nên những người có tay nghề thấp tự coi mình là “giỏi” hơn những người không có tay nghề và cảm thấy là xứng đáng hơn so với những thứ họ được nhận. Lòng đố kỵ có vai trò quan trọng. Đây là khuynh hướng mang tính triết học của những người bất mãn với tình trạng hiện hành. Có cả thái độ bất mãn với điều kiện chính trị nữa. Khi bất mãn, bạn sẽ hỏi nên tìm hiểu kiểu nhà nước nào.

Marx là người bất tài. Ông ta chịu ảnh hưởng của Hegel và Feuerbach, đặc biệt là những tác phẩm phê phán Thiên chúa giáo của Feuerbach. Marx công nhận rằng thuyết bóc lột được rút ra từ cuốn sách mỏng không có tên tác giả được xuất bản trong những năm 1820. Kinh tế học của ông ta là sự xuyên tạc học thuyết của [David] Ricardo (1772–1823)[4].

Marx chẳng hiểu gì về kinh tế học hết, ông ta không nhận thức được rằng người ta có thể lưỡng lự khi lựa chọn những phương tiện sản xuất tốt nhất. Một câu hỏi lớn là chúng ta phải sử dụng những tác nhân khan hiếm như thế nào. Marx cho rằng người ta thấy ngay cần phải làm gì. Ông ta không nhận thức được rằng tương lai bao giờ cũng là bất định, nghĩa là công việc của mỗi doanh nhân là lo liệu cho tương lai bất định. Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa công nhân và những người làm công nghệ tuân thủ doanh nhân. Trong chủ nghĩa xã hội họ sẽ phải tuân thủ các quan chức xã hội chủ nghĩa. Marx không xem xét sự kiện là có sự khác biệt giữa nói rằng cần phải là gì và làm cái mà một người nào đó nói rằng cần phải làm. Nhà nước xã hội chủ nghĩa chắc chắn là nhà nước cảnh sát.

Marx cố gắng tránh trả lời câu hỏi điều gì sẽ diễn ra trong chủ nghĩa xã hội, đấy chính là sự coi thường nhà nước. Trong chủ nghĩa xã hội tù nhân biết rằng họ bị trừng phạt là vì lợi ích của tòan thể xã hội.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Ludwig von Mises – Chủ nghĩa cá nhân và cách mạng cộng nghiệp


[1] English legislation relating to public assistance for the poor, dating from the Elizabethan era and amended in 1834 in order to institute nationally supervised uniform relief.
[2] J.L. and Barbara Hammond, authors of the trilogy The Village Labourer (1911), The Town Labourer (1917), and The Skilled Labourer (1919).
[3] T.S. Ashton, The Industrial Revolution 1760-1830 (London: Oxford University Press, 1998 [1948, 1961]).
[4] On the Principles of Political Economy and Taxation (London: John Murray, 1821 [1817]).

Sống sao cho sôi động, sống sao cho hạnh phúc!

Featured Image: Ezgi Koyagasioglu

 

Có một câu hỏi mà tôi nghĩ rằng sẽ nhận được sự quan tâm của rất nhiều các bạn trẻ đó là: “Làm sao chúng ta có thể xin được việc sau khi ra trường?”

Đầu tiên, tôi thấy rằng, chúng ta nên bỏ khái niệm hay cơ chế “xin–cho”, trên vị thế là những người có năng lực lao động, chúng ta không đi “xin” của ai cái gì cả, thực chất, chúng ta đang mang khả năng của mình đến chào hàng những tổ chức, doanh nghiệp đang có nhu cầu về năng lực và họ sẽ phải trả giá để mua lại cái năng lực của chúng ta mang đến. Đó là một giao dịch kinh doanh, tôi có năng lực, anh có tiền, chúng ta trao đổi với nhau một cách công bằng, không có sự xin–cho ở đây. Với góc nhìn tự chủ về bản thân và vị thế là một người bán năng lực của mình như vậy, chúng ta buộc phải tìm cách tự nâng cao chất lượng mặt hàng của mình để cạnh tranh với các hàng hóa từ người khác, không những để bán được mà còn phải mang lại sự hài lòng từ cả hai phía cho năng lực của mỗi con người.

Ngày nay, không thiếu những tấm gương trên mặt báo kể về những sinh viên trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bi đát vẫn vươn lên đạt kết quả học tập xuất sắc, nhưng rồi chúng ta nghĩ rằng đó là do hoàn cảnh khó khăn khiến họ có động lực để vươn lên. Cũng có những tấm gương khác hoàn toàn đối lập, trưởng thành trong những gia đình có điều kiện, học tập và sinh sống tại nước ngoài rồi thành danh, nhưng rồi chúng ta lại cho rằng đó là do họ có điều kiện để thành công.

Vậy một tấm gương như thế nào mới xứng đáng để cho chúng ta trân trọng và học tập đây, hay phải chăng thay vì tìm cách vươn lên, chúng ta luôn luôn tìm những lý do bao biện cho sức ì của bản thân để rồi chưa một lần cất bước phấn đấu trưởng thành hơn, hoàn thiện năng lực bản thân hơn, được xứng đáng với một công việc tốt hơn, thay vì cứ ngồi thẩn thơ suy nghĩ làm sao để có thể “xin việc”. Với tôi, cho dù là ai trong những đối tượng trên thì họ đều đáng trân trọng vì những cố gắng họ bỏ ra để đạt được thành công và để người khác phải ghi nhận và chúng ta cần phải học hỏi.

Nếu bạn chẳng thuộc diện đối tượng nào kể trên, hoàn cảnh chưa đủ khó khăn để có động lực phấn đấu, hay gia đình chưa đủ điều kiện để thành danh thì cũng chẳng sao cả. Bạn vẫn có thứ tài sản to lớn nhất mà tuổi trẻ ban cho là thời gian, với khối tài sản đồ sộ đó mà nhiều người phải mơ ước, tại sao bạn không sử dụng thời gian của mình để đánh đổi với những gì thú vị trong cuộc sống và nâng cao giá trị cho bản thân nhỉ.

Hãy dùng thời gian để tham gia học tập thật tử tế?

Có nhiều người không học đại học nhưng vẫn thành công như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, vậy tại sao tôi lại phải cần học đại học, xin lưu ý một điều trước khi bỏ học đại học, họ đều là những sinh viên của các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Standford, MIT… và việc được nhận vào những trường đại học danh tiếng như vậy đã khẳng định phần nào năng lực xuất sắc của họ. Vì vậy, nếu bạn đang học tập tại những ngôi trường hàng đầu thế giới kia và đang ấp ủ ước mơ kinh doanh, xin chúc mừng bạn, bạn có thể bỏ học được.

Dẫu có thất bại bạn một vài dự án, bạn vẫn có thể đường hoàng vui sống với vốn ngoại ngữ bạn nắm trong tay rồi, nhưng nếu ai đó vẫn đang được ngồi trên ghế giảng đường ở những ngôi trường khác, nơi bạn vẫn còn đang yếu về ngoại ngữ, còn hơi non nớt về kiến thức chuyên ngành, xin hãy hãy tập trung học hành một cách nghiêm túc nhất có thể với năng lực của bản thân, điều đó thể hiện sự tôn trọng của bạn trước hết với chính mình và sau đó là cho xã hội. Nơi đây, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nơi chúng ta không thiếu những kẻ khôn lỏi, nhưng lại khao khát những con người tài năng thật sự.

Hãy dùng thời gian để trải nghiệm cuộc sống thật thú vị?

Học tập chăm chỉ nhưng không có nghĩa phải trở thành một con mọt sách, còn trẻ, còn nhiều thời gian, hãy đối đầu với những thách thức, khó khăn, quen với chúng, gạt bỏ sự sợ hãi, sẵn sàng thử nghiệm những gì mới và chấp nhận thất bại. Nếu bạn còn yếu và sợ giao tiếp, hãy tham gia một lớp học giao tiếp hoặc những câu lạc bộ khắp các trường đại học, điều đó sẽ cho chúng ta mối quan hệ, rèn luyện khả năng nói chuyện với mọi người. Nếu bạn gầy ốm, đi học bơi, học nhảy hoặc tham gia vào một môn thể thao hoàn toàn mới lạ sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm rất bất ngờ thú vị, cùng với sức khỏe để học tập và tiếp tục chinh phục những thử thách mới.

Quan niệm về việc tham gia những trải nghiệm thứ thế đòi hỏi phải có nguồn tài chính, tôi không nghĩ vậy, chỉ mất vài trăm nghìn đến một, hai triệu động là bạn có thể tự mình xách ba lô và bắt xe đi đến những miền đất đất mới như Hạ Long, Đà Nẵng hay Hội An, gặp những con người bản xứ hay những vị khách du lịch khắp bốn phương, cùng nhau nhảy múa, hát ca kết nối bạn bè. Rất nhiều người phương Tây phải đi máy bay từ một nơi xa xôi đến Việt Nam chỉ để được trải nghiệm đi thuyền ở Hạ Long thì tại sao người bản xứ chúng ta lại không tận hưởng.

Hoặc bạn có thể bắt một chuyến xe từ Sài Gòn đi đến Angkor, một di sản của thế giới, chỉ mới vài USD, hãy đi và trải nghiệm cuộc sống. Có thể bạn không tin, nhưng tôi nghĩ những điều đó sẽ giúp bạn xây dựng nên những tính cách và góc nhìn mới, hoàn thiện bản thân mình hơn, điều đó quý giá không hề kém so với những kiến thức hàn lâm trên giảng đường và những kinh nghiệm trong môi trường công sở của bạn. Và tôi cũng tin rằng, sẽ chẳng có một nhà tuyển dụng nào có thể từ chối một cậu sinh viên với kết quả học tập khá ổn kèm theo những thành tích hoạt đồng xã hội và trải nghiệp phong phú như vậy đâu.

Thật sự, mỗi chúng ta sinh ra có thể khác nhau ở hoàn cảnh, nhưng xuất phát điểm thì đều như nhau ở số vốn thời gian nắm giữ. Hãy sống và khát khao khám phá như chưa bao giờ được sống, làm sao để thu được nhiều thứ quý giá nhất với số vốn thời gian mà tạo hóa đã ban tặng.

Sống sao cho sôi động, sống sao cho hạnh phúc!

 

Patrick

Những lẽ nghịch đời: Đến lúc phụ huynh cũng nên được… định hướng lại

Featured Image: Daniel Ong

 

Lẽ nghịch đời…

Có những chuyện thực tế đang xảy ra, mà chúng ta cảm thấy thật lạ lùng và… ngớ ngẩn. Sự mâu thuẫn kinh điển giữa lý thuyết và thực tế cũng không khủng khiếp cho bằng sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. Đáng tiếc hơn, những mâu thuẫn, nghịch lý đó vẫn xảy ra hàng ngày, ở khắp mọi nơi và trong mọi lĩnh vực. Riết rồi chúng ta không thể biết mình đang sống trong một xã hội như thế nào, khi mọi thứ cứ rối tung lên, nhập nhằng và bất định. Từ lịch sử, chính trị, kinh tế cho đến những việc rất nhỏ hàng ngày. Có quá nhiều những điều nghịch lý đang tồn tại, chẳng hạn như là:

Định hướng cho phụ huynh ư?

Vâng, tất nhiên không phải định hướng nghề nghiệp cho các bậc phụ huynh để họ chọn nghề cho họ, mà là giúp họ có đủ thông tin và kiến thức để hướng dẫn và hỗ trợ con cái mình làm theo điều đúng đắn. Cho họ những lý do để họ tiếp sức cho con cái mình trên con đường mà chúng đã chọn, hơn là con đường mà chính họ chọn cho con cái. Các bạn cũng biết tiếng nói của các bậc phụ huynh Việt Nam nặng thế nào rồi đấy. Một khi cha mẹ đã quyết, mấy ai dám cãi lời?

Nhưng nhiều sự lựa chọn của phụ huynh ngày nay không còn phù hợp nữa. Nhưng các bậc làm con, chẳng thể nào mà cãi lại, hay không đủ sức mà phản đối những con đường vẽ sẵn. Thế rồi chúng ta không phản kháng, chúng ta làm theo, như con rối, rồi sau đó có thể dùng cả cuộc đời để sống trong tiếc nuối và dằn vặt. Thế thì, ngoài học sinh – sinh viên cần định hướng nghề nghiệp, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần định hướng cho cả các bậc phụ huynh nữa chăng?

Xin được phép bắt đầu bằng cái số liệu “giật gân” khiến bao người thở dài khi được nhắc đến gần đây:

Theo số liệu thống kê năm 2012 của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) thì cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học. Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng thì (2010), mỗi năm cả nước chỉ cần từ 13.000 – 15.000 cử nhân. Nhưng ngay tại thời điểm đó, mỗi năm các trường ĐH và CĐ cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người – gấp hơn 10 lần so với nhu cầu, và con số đó hiện nay là 400.000 người.

Đánh giá về con số 72.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp trên cả nước mà Bộ LĐTBXH công bố, nhiều người am hiểu tình hình cho rằng, thực tế con số này còn cao hơn nhiều, đó là chưa kể số cử nhân, thạc sĩ làm trái ngành nghề, làm những công việc không cần bằng cấp, trình độ. Có nghĩa là người thất nghiệp ngày càng nhiều, càng đông đảo và chắc dư sức lập ra một Đảng riêng. Và cũng đồng nghĩa với việc, bằng cấp mà họ theo đuổi và giành giật chẳng còn giá trị gì ngoài việc trưng trong tủ kiếng. Đó là một sự thật khủng khiếp và đau lòng, xã hội biết điều đó, nhà trường không biết điều đó, sinh viên biết nhưng phần lớn đều né tránh điều này, còn phụ huynh, một đối tượng quan trọng, họ có biết không?

Hình như là không, bởi vì họ đang quá bận rộn, bận rộn cơm áo gạo tiền, bận rộn đổ mồ hôi sôi nước mắt chắt bóp từng đồng cho con em mình được đi học. Và rồi tự hào hãnh diện khi chúng đậu trường này trường kia. Rồi sau đó thì sao? Các bậc phụ huynh nghèo khổ sẽ lại quay về vòng xoáy gạo tiền cơm áo quần quật. Để làm gì? Để bao nuôi những đứa con sinh viên vàng bạc của mình. Nếu họ biết khi con cái mình ra trường sẽ có nguy cơ lớn là thất nghiệp, họ có còn muốn cố gắng? Hay họ nghĩ rằng con cái họ sẽ khác, sẽ giỏi giang, sẽ thành công, không như phần lớn những cử nhân ngoài kia? Nếu như họ biết nền kinh tế suy giảm người kiếm việc gấp ngàn lần công việc sẵn có, liệu họ có sẵn sàng cho con cái mình lựa chọn một con đường khác?

Theo cá nhân tôi, việc các bạn trẻ có muốn đi học, muốn làm sinh viên hay muốn trải nghiệm cuộc sống, tự lập và lập nghiệp không hẳn thuộc về quyền quyết định của họ, mà phần lớn là của ba mẹ, những người đã quá trông đợi vào nền kinh tế và kỳ vọng vào con em mình quá nhiều. Các bậc phụ huynh vô tình đặt lên vai các em một áp lực quá lớn, khiến các em không còn tâm sức và thì giờ để nghĩ cho chính mình, cho những gì mình mong muốn và yêu mến.

Thiết nghĩ, chừng nào các bậc phụ huynh còn tự hào vì mình nghèo khổ nhưng vẫn quyết tâm cho con cái đi học, học, học bằng mọi giá. Thì chừng đó các em sinh viên vẫn còn quay cuồng với bằng cấp và với nỗi thất vọng về nghề nghiệp, về cuộc sống và tương lai dài dài. Vậy nên, thay vì làm công tác tư tưởng chuyện học vấn với các bạn học sinh, sinh viên thì chúng ta cần làm công tác tư tưởng cho chính các bậc phụ huynh nữa. Có ai quan tâm và từng nghĩ đến điều này không?

Tôi từng trải qua kỳ thi tuyển sinh đại học và cũng từng được chứng kiến cuộc thi đó mỗi năm trên báo đài. Vẫn một hình ảnh đó hiện ra, những bậc phụ huynh khắc khổ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khuôn mặt lo lắng bồn chồn, đứng, ngồi, nằm la liệt trước các cổng trường để đợi con em mình thi thố. Các bạn thí sinh nhìn thấy ba mẹ mình như vậy có vui nổi không? Có còn tâm trạng mà làm bài thi cho tốt không? Có lẽ các bậc phụ huynh đang nghĩ rằng họ làm vậy là yêu thương con cái, là quan tâm con cái, là đang cho con sự động viên cần thiết trước một bước ngoặt lớn của cuộc đời? Tôi thì không nghĩ vậy. Nhìn những cảnh tượng đó tôi thật sự đau lòng, thậm chí nhiều lần cố gắng lướt qua mà không dô xem cho hết các bài viết đó, sợ một cảm xúc không phải là nghẹn ngào, mà đúng hơn là buồn và cả tức giận đối với các bậc phụ huynh.

Họ khổ cực như vậy để làm gì? Con họ sẽ thi tốt hơn sao? Sẽ chứng minh là mình yêu con nhiều hơn sao? Tuổi trẻ ngày nay đi học dường như đa phần không phải vì họ thật sự thích học hay muốn học, mà chỉ là đang cố gắng học để giúp ba mẹ mình hoàn thành giấc mộng học vấn giang dở từ lâu của họ. Rồi việc học, đi học có phải là được dạy mọi thứ đâu, có phải đi học là được hướng dẫn, được quan tâm đâu. Người ta chả quan tâm học sinh sinh viên cần có những kiến thức gì, người ta chỉ dạy cho chúng ta những thứ mà họ muốn chúng ta biết, muốn chúng ta tin, muốn chúng ta tuân lệnh. Từ đó nảy sinh biết bao con người bất mãn, uất ức và thất vọng.

Một ngành giáo dục mà người ta không dạy những thứ cần thiết và đối tượng tiếp thu cũng không mặn mà những kiến thức được biết. Thì nền giáo dục đó là vô dụng cũng không có gì lạ. Cử nhân tốt nghiệp đó rồi cũng là những người vô dụng, vô dụng vì không thể dùng được kiến thức đã học, vì không thể tự hành động theo chính kiến của mình, vô dụng vì cả một con người chỉ cần một mảnh giấy nhỏ đại diện cho toàn bộ khả năng của họ.

Buồn thay cái quan niệm, không có tấm bằng chẳng có tương lai. Một nền giáo dục đào tạo ra những người vô dụng thì nó có vô dụng không? Tất nhiên tôi hoàn toàn không phản đối việc học, giáo dục là cần thiết, nhưng dạy cái gì, nội dung gì mới là quan trọng. Kiến thức là quan trọng nhưng thực hành còn quan trọng gấp bội phần nữa mà sao chúng ta chẳng chịu nhận ra mà thay đổi? Buồn làm sao, chúng  ta đang được ở trong một nền giáo dục mà ngoài lý thuyết ra, còn có lý thuyết, và… lý thuyết nữa. Chỉ toàn là lý thuyết.

Mỗi năm lại có hàng ngàn người thất nghiệp gia nhập đội quân. Tôi băn khoăn không biết lực lượng cử nhân thất nghiệp hùng hậu đó hiện nay đang làm gì? Xin trích một đoạn tâm sự từ góc nhìn của Tony Buổi Sáng:

“Đáng nói hơn là lượng thạc sĩ thất nghiệp ngày càng lớn. Cử nhân ra trường có thể chấp nhận đi làm việc chân tay, nhưng thạc sĩ có mấy ai chấp nhận điều này? Ngoài ra, nhiều cử nhân ra trường, do loay hoay không xin được việc nên đành tiếp tục học luôn cao học cho… được việc, sau đó tính tiếp. Lượng thạc sĩ ngày càng dư thừa, là điều chẳng có gì khó hiểu.

Sao không đi xa xa chút mà mần, về quê tổ chức sản xuất kinh doanh. Sợ gì mà không đi? Hay làm biếng? Chả có gì nhàn hạ mà kiếm nhiều tiền cả. Như dượng nè, cũng có học hòm học vị chứ không phải không có, nhưng vẫn bỏ đi trồng nấm trồng hoa, vì thấy thị trường lớn. Nếu giờ dượng đi bán rau ngoài chợ vẫn làm, chả sợ ai. Gương mặt thanh tú và đôi tay búp măng ấy sẽ gói rau thoăn thoát, nụ cười sáng bừng cả góc chợ. Ai khinh kệ mẹ nó. Việc mình mình làm, hơi đâu để ý. Mình có ăn cắp tiền hay ăn bám của ai đâu. Đứa nào nó khinh. Vẽ vời chi mấy cái viển vông dự án, cổ phiếu cổ đông gì đó rồi người ta lao vô thì úp sọt hết. Nền kinh tế gì cứ ở chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng và mua qua bán lại cổ phiếu vậy?

Phải sản xuất và sản xuất, chưa đủ trình làm ra smartphone như Hàn Quốc thì phải đủ gà vịt để ăn. Chứ 70% dân số nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, tăm xỉa răng cũng nhập? Lê Quý Đôn nói: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phí trí bất hưng, phi nông bất ổn.” Tức nếu muốn giàu có, phải làm công nghiệp. Nếu muốn ổn định, phải đầu tư nông nghiệp. Muốn hưng thịnh đất nước, phải đầu tư giáo dục. Và muốn xã hội nó nhộn nhịp, người dân lanh lợi..thì phải có giao thương.”

Câu nói kia sao mà đúng và đau lòng quá: Dân số 70% nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, cây ăn trái nhập, gạo nhập, đường nhập, gia vị nhập, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, cái gì cũng nhập. Thậm chí đến rác cũng nhập được nữa, Thì thử hỏi có đau lòng không? Có tổn thương lòng tự trọng không? Người ta nhập là nhập những thứ ngon thứ đẹp, mình nhập là nhập quần áo sida, nhập hàng thải, nhập hàng thừa, nhập hàng phế liệu, trái cây độc, chân gà thối, lòng lợn ôi, nội tạng phân hủy… Chán ngán làm sao!

Lại đôi khi, không phải là do các bạn trẻ không muốn lăn xả vào nông nghiệp, vào sản xuất, mà lại là vì một lực cản khác, ngoại lực, nhưng tương đối mạnh, đó là sự ngăn cản đến từ các… bậc phụ huynh.

Có bao nhiêu bậc phụ huynh sẵn sàng ủng hộ con cái mình khi chúng có những quyết định “không giống số đông”? Hình như là không nhiều lắm, phần lớn những ý tưởng hay khuynh hướng tự lập đều gặp phải sự phản đối dữ dội của các bậc cha mẹ. Đương nhiên bậc phụ huynh nào cũng muốn điều tốt nhất cho con em mình, nhưng điều tốt nhất mà họ nghĩ, không hẳn phù hợp với thời đại này và với mong muốn của chúng ta. Kiếm một công việc ổn định, lương cao thời buổi này không phải là việc dễ dàng và gần như không tồn tại nữa.

Thế nào là ổn định? Ổn định là được công ty lo cho từ chuyện ăn ở tới chuyến du lịch hàng năm tới khi về hưu ư? Không, nhìn vào thực tế hiện nay thì thấy, ổn định không thể nào là việc chán ngán đi làm mỗi ngày, ổn định không thể nào là việc sợ hãi mỗi khi công ty cắt giảm nhân sự, nỗi lo nơm nớp về việc mình có thể bị tống ra khỏi công ty bất cứ lúc nào. Kiếm việc đã khó, đi làm rồi cũng chẳng dễ dàng gì, công việc ổn định thì lương không đủ ăn, công việc lương cao thì đi kèm nó là trách nhiệm và áp lực cực khủng khiếp. Đi đêm về sáng, ăn suy nghĩ ngủ cũng suy nghĩ, chẳng còn thời gian đâu mà dành cho gia đình và bản thân.

Rõ ràng đó không phải loại công việc ổn định chúng ta mong muốn. Nhưng các bậc phụ huynh không hiểu. Họ thường chỉ thấy được một mặt của vấn đề mà thôi. Và chừng nào còn nhiều bậc phụ huynh tự hào “con tôi làm cơ quan này, con tôi làm ngân hàng nọ” thì chừng đó, tuổi trẻ đừng mơ việc sống theo đam mê và sở thích một cách dễ dàng.

Có lẽ, hơn cả việc lo cho tương lai con em, phụ huynh còn sợ “mất mặt” nữa. Mất mặt với người quen, họ hàng, hàng xóm… vì con mình không giỏi như con người ta. Con mình học ngu thì xấu hổ, con mình không có việc tốt thì xấu hổ, con mình mà đòi nghỉ học về làm nông dân bố mẹ nào không tức điên. Bởi con hàng xóm đang làm này làm nọ làm kia cơ mà. Con mình không thua con người ta được. Hay là mình không thua thằng hàng xóm được?

Ai cũng có lý do riêng khi định hướng nghề nghiệp cho con cái, nhưng chừng nào xã hội này, các bạn trẻ còn phải học cho cha mẹ, đi làm công việc theo ý ba mẹ, thì chừng đó xã hội còn khó mà phát triển. Nhưng các bậc phụ huynh lại chưa có được nhận thức đúng đắn về tình hình xã hội và khuynh hướng kinh tế hiện hành. Thì làm sao họ biết điều gì là nên và không nên làm với con em mình. Sao họ biết là nên hướng nó theo guồng quay học hành – kiếm việc – về hưu, hay giúp nó trải nghiệm – sống vì đam mê – làm điều mình mong muốn. Sao họ biết được cái quy trình nào thì tốt cho con cái và xã hội, quy trình nào cản trở sự hoàn thiện bản thân và phát triển xã hội. Không, họ không thể biết được, nếu như truyền thông chỉ chăm chăm khuyến khích chuyện học hơn chuyện làm, khuyến khích bắt chước hơn trải nghiệm, tránh né những vấn đề nhức nhối của nền kinh tế hoặc chỉ nói qua loa đại khái.

Phụ huynh chúng ta không có điều kiện để nghiên cứu nhu cầu thực tế của xã hội và thực tế cũng chả có hoạt động nào giúp họ hiểu biết hơn, nên việc định hướng nghề nghiệp cho phụ huynh thường do chính con cái họ đảm nhiệm. Khó khăn làm sao, nan giải làm sao! Đó luôn là cửa ải khó khăn nhất khi các bạn muốn thực hiện đam mê của mình. Vậy nên, thiết nghĩ, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên “định hướng nghề nghiệp” cho các bậc phụ huynh, song song với định hướng cho các bạn học sinh-sinh viên nữa. Nếu như các bậc phụ huynh luôn sẵn lòng ủng hộ con cái mình đi theo đam mê thì hẳn chỉ số hạnh phúc của Việt Nam sẽ tăng đáng kể. Và đất nước sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu? Biết đâu đấy?

 

Phi Tuyết