30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 200

Quá nhiều bí mật

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Hôm nay anh gặp một đôi bạn người Pháp, bọn anh kể chuyện cho nhau nghe. Họ kể về ba tuần của họ ở Việt Nam, về những cảnh quan tuyệt đẹp phủ rất nhiều rác rưởi, về việc họ vừa sợ vừa thích khi bị nhồi lên xe đò đầy gà và xe máy. Anh kể về những điều anh đang làm, về cách người Việt Nam đang sống, về em. Họ kể về châu Âu, về việc thật khó khăn khi là một đứa trẻ lớn lên ở lục địa già – cùng với nỗi cô đơn, sự lên ngôi của đồng tiền và sự biến mất của các giá trị cốt lõi. Anh kể về nỗi sợ hãi ăn sâu của một dân tộc vừa ra khỏi hàng nghìn năm chiến tranh, và sống cạnh một nước lớn côn đồ quỷ quyệt. Họ kể về nỗi căm hận và sợ hãi nước Nga tương tự như thế ở châu Âu. Và rồi bọn anh cùng nói về nỗi sợ hãi.

Nỗi sợ hãi là một thứ do các chính phủ tạo ra để dễ bề điều khiển dân chúng. Mỹ muốn gây chiến với Iraq để tạo tiền lệ cho học thuyết “chiến tranh phòng ngừa” của mình, và họ tạo ra vụ 11/9 – giết hại dân chúng và phá hủy chính đất nước mình – để làm dân chúng khiếp sợ, rồi đổ tội cho một mục tiêu thực ra là vô cùng yếu ớt. Các vấn đề nhập cư và Hồi giáo ở châu Âu được thổi phồng lên thành những mối đe dọa khủng khiếp. Ở châu Á, người ta tạo ra các sự kiện – như sự kiện giàn khoan HD981 vừa rồi – để kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa và làm tăng nỗi sợ chiến tranh trong lòng dân chúng. Tất cả những điều này để làm gì? Để dân chúng luôn trong tình trạng bất ổn và để yên cho đám người phía trên mặc sức làm điều họ muốn.

Có thể em không biết, nhưng tất cả những điều này có liên hệ mật thiết đến em. Họ muốn em sợ hãi. Họ muốn em cắm đầu làm việc (và trả thuế, tất nhiên). Họ muốn em thù hận. Họ muốn em trở nên vô cảm và cô độc. Nếu em đang ở một trong hoặc tất cả các tình trạng trên, em đang làm chính xác vai trò của một nô lệ.

“Vậy em cần phải làm gì?” – Em sẽ hỏi.

Noam Chomsky sẽ trả lời thay anh một phần, bằng đoạn này trong cuốn “Tham vọng bá quyền”:

“Câu hỏi thực sự của mọi người, tôi nghĩ thế, là: “Tôi có thể làm gì để chấm dứt những vấn đề này, nhưng phải nhanh chóng và dễ dàng cơ?” Tôi đã đã tham gia một cuộc biểu tình, và chẳng có gì thay đổi cả. Mười lăm triệu người tuần hành trên đường phố hôm 15 tháng 2 năm 2003, thế mà Bush vẫn lao vào chiến tranh; thật là vô vọng. Nhưng sự đời không diễn ra như vậy được. Nếu muốn thay đổi thế giới, ta phải ở đó ngày này qua ngày khác, làm những việc nhàm chán đơn điệu chỉ cốt để có thêm được một vài người nữa cùng quan tâm đến một vấn đề nào đó, xây dựng tổ chức lớn hơn được một chút, tiến hành hoạt động tiếp theo, nếm trải tâm trạng bức xúc vì vẫn chưa đạt được như mong muốn, và cuối cùng mới đến được một nơi nào đó.

Đấy, thế giới thay đổi theo cách như vậy. Đó là cách chúng ta đã chấm dứt chế độ nô lệ. Đó là cách chúng ta đã giành được nữ quyền. Đó là cách chúng ta đã giành được quyền đầu phiếu. Đó là cách chúng ta đã có được chính sách bảo vệ người lao động. Bất kỳ thành tựu nào cũng phải trải qua những nỗ lực như thế, chứ không phải nhờ vào những người chỉ đi biểu tình một lần rồi bỏ cuộc hoặc cứ bốn năm lại đi bỏ phiếu một lần rồi lại chỉ ngồi nhà.”

Có thể em vẫn thấy khó khăn, bởi đúng là Chomsky đang tập trung vào các hoạt động chính trị và bởi ông đang ở tâm thế của một người có điều kiện thuận lợi để làm việc đó. Nhưng đừng để ý nhiều đến các ví dụ của ông, hãy tập trung vào tinh thần bên dưới. Tinh thần đó nói rằng, bất kể điều gì em chọn làm, em cần phải chủ động làm một cách kiên nhẫn, bền bỉ, để bảo vệ những giá trị mà em cho là đúng. Có quá nhiều cách để có thể làm cuộc sống của em và những người xung quanh em tốt hơn, chính trị chỉ là một trong số đó. Và cho dù em làm gì đi nữa, hãy giữ cho mình một tư cách độc lập, hãy giữ mình ở bên ngoài quyền lực, quyền lợi. Đó là điều Chomsky đã làm, Fukazawa đã làm, Gandhi đã làm. Nếu em muốn thực sự tự do và tỉnh thức, đó là điều em cần làm.

Thế, và nếu em vẫn còn hơi sợ, anh sẽ kết thúc bằng một câu anh đọc được hôm nay trên bìa một 8tracks playlist:

“Not to spoil the ending for you, but everything is going to be okay.”
(Không phải cố tình tiết lộ đoạn kết cho em đâu, nhưng cuối cùng rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mà.)

Yêu em,

 

But Chi

Quá khứ và những chuyện chưa kể…

Featured Image: Lauren Friedman

 

Một trong những điều ước muôn thưở của con người là muốn thời gian ngừng trôi. Nhưng có lẽ điều này sẽ không xảy ra được…

Thời gian có lẽ là một khái niệm vô cùng trừu tượng. Xét trên phương diện chủ quan thì nhắc đến thời gian thì con người ta sẽ nghĩ ngay đến cái đồng hồ. Nhưng đó không phải tất cả, rộng hơn nữa đó là quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó chắc là những gì khách quan và “bình dân” nhất để nói về thời gian. Hôm nay tôi chọn nói về quá khứ!

Quá khứ là gì? Đơn giản nó là những gì đã xảy ra trong cuộc sống, những gì mình trải qua và không thay đổi được nữa. Đó có lẽ là những gì cơ bản nhất để nói về khái niệm quá khứ. Chúng ta hãy thành thật với nhau, tôi dám chắc là tất cả chúng ta đều đã từng có những điều đã làm trong quá khứ khiến chúng ta nuối tiếc về nó. Tại sao bạn lại có sự nuối tiếc ở đây? Như ở phần khái niệm ở trên thôi, đó là bởi vì bạn không thể thay đổi được điều đó. Chính vì không thay đổi được nên bạn nuối tiếc.

Vậy đã bao giờ khi ở một mình, bạn nghĩ về những điều đã xảy ra hay chưa? Ngày hôm qua mình đã làm gì? Tháng trước mình đã làm gì? Hoặc thâm chí 10 năm trước mình đã làm gì? Bạn có nhớ những điều đấy không? Muốn làm lại những điều đấy không? Tôi tin là vài điều bạn muốn trải nghiệm thêm một lần nữa nhưng kể cả có cơ hội được trải nghiệm một thứ y hệt thì cảm giác cũng sẽ không bao giờ được như lần mà bạn trải qua trong quá khứ đấy. Tôi luôn nghĩ rằng mọi sự kiện trong cuộc đời chúng ta có những mắt xích gắn kết với nhau, mọi điều chúng ta làm đều mang đến kết quả và dẫn tới một sự việc khác.

Tôi rất sợ nghĩ về quá khứ. Nhiều lúc giật mình nghĩ tới việc đã là một thằng học sinh lớp 11, nhớ lại những ngày học lớp 1 quả thực lạnh gáy. 10 năm trôi qua, muốn gặp lại cô giáo chủ nhiệm, những thằng bạn thân đi học thêm cùng xong còn ngủ trưa lại nhà cô. Cô nuôi cho ăn uống đầy đủ mỗi chủ nhật hàng tuần. Những hôm hứng lên cho lại cho chơi chứ chả học hành gì, chiều về vẫn khoe với bố mẹ là học được thêm nhiều kiến thức. Cô giáo lớp 1 cũng là người duy nhất tôi luôn có những bông hoa tặng cô vào mỗi dịp 20-11 suốt từ những ngày đầu theo học cô đến bây giờ. Thực sự rất nhớ và muốn được quay trở lại thời gian để cảm nhận những món ăn cô nấu vào mỗi bữa trưa đó, cảm nhận cái lớp học thêm toàn con trai đó, gác chân lên người nhau mỗi giờ ngủ. Nhưng không được, không bao giờ được nữa rồi…

Nhớ lại ngày đám tang ông ngoại, thấm thoát cũng đã được 3 năm từ ngày ông từ giã cõi đời, để lại bà ngoại cùng đàn cháu khóc hết nước mắt vào ngày hôm đó. Có gì đó mong manh… Nhớ nụ cười hiền hậu của ông mỗi lần ông phát oản cho mỗi đứa, điệu cười thả ga khi ông thắng những trận chắn với hàng xóm. Vậy mà giờ muốn cũng không được nhìn thấy ông nữa..

Hay nhiều khi nghĩ về những con người đã từng được gặp và làm việc chung, có thể khoảng thời gian ở bên họ rất ngắn ngủi nhưng cũng để lại nhiều điều đọng lại. Giờ họ đang ở đâu?? Họ làm gì? Liệu còn cơ hội gặp lại họ không?

Hay là những người gắn bó đã lâu nhưng tình cảm giờ đây với họ thì lạnh nhạt, không sâu đậm như trước, có gì đó xa cách và rất chi là khách sáo với nhau? Còn đâu những ngày tháng tình cảm gắn bó đó?

Tất cả đã trôi vào quá khứ… Muốn lấy lại cũng không được nữa rồi. Bạn có tiếc không?

Quá khứ cũng là điều mà nó rất rõ ràng và không mông lung như tương lai, điều mà chưa ai đoán định được? Nay sống mai chết biết đâu mà lần… Nó rõ ràng đề ta có thể học từ nó để rồi khi có cơ hội gọi là ngày mai ta sẽ không mắc phải những sai lầm khiến ta nuối tiếc trong quá khứ. Và với những người anh em, bạn bè, hãy trân trọng từng phút giây được ở bên họ, bởi biết đâu sau này những con người đó phiêu bạt khắp nơi mà có thể ta sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại họ. Hãy dành cho họ những tình cảm từ sâu thẳm trái tim cho dù đó có là yêu hay ghét. 😉

Thôi có lẽ xin dừng tại đây! Cảm ơn vì đã đọc hết.

Thời gian nhanh một cách đáng sợ đấy, nó là hữu hạn và hãy sử dụng một cách hợp lý!

 

No Name

Rớt đại học, lùi lại hay bước tiếp?

Featured Image: Richard Gaston

 

Đại học từ lâu đã là ước mơ của biết bao nhiêu thế hệ học sinh và đặc biệt là học sinh cuối cấp, sau 12 năm “dùi mài kinh sử” đều ao ước có một tấm vé bước vào cánh cổng của trường đại học.

Thế nhưng để vào được đại học không phải là điều dễ dàng gì, nó không chỉ bao hàm trong kiến thức, kỹ năng mà còn phải có cả sự may mắn nữa. Và tất nhiên rớt đại học là điều không ai mong muốn cả. Bản thân tôi cũng như vậy.

Gia đình tôi bảo tôi nên thi lại thế nhưng lúc ban đầu tôi còn chần chừ không nói gì… Bởi lẽ tôi đã quá sợ năm 12 này, đối với một đứa chưa bao giờ cố gắng thật sự như tôi, việc học thi nó rất là ghê gớm. Thế nhưng suy nghĩ lại tôi cho rằng ba mẹ tôi đã nói đúng. Tôi nên thi lại. Và tôi biết một năm khi thi lại ấy hoàn toàn không hề đơn giản một chút nào. Tôi sẽ phải đối mặt với những ánh mắt tò mò, cười chê của mọi người và chắc hẳn ít nhiều cũng cảm thấy bị mặc cảm với đám bạn.

Nhưng tôi quyết định không chọn chạy trốn mà sẽ chọn đối mặt với tất cả bởi lẽ việc rớt đại học ít nhiều cũng là do lỗi của tôi, là bởi vì tôi chưa cố gắng thật sự, tôi đã từng coi nhẹ việc thi đại học, tôi nghĩ thi đại học cũng sẽ đơn giản như những kỳ thi khác thôi.. Và rồi tôi sẽ dễ dàng qua được thôi… nhưng tôi đã lầm, thi đại học hoàn toàn không đơn giản như tôi nghĩ mà đó là một đấu trường “khốc liệt” mang tính cạnh tranh cao. Có lẽ đây cũng là một bài học đáng nhớ cho tôi, một bài học kinh nghiệm, bài học về cuộc đời không hề đơn giản như tôi vốn nghĩ.

Rớt đại học… chắc hẳn nhiều bạn cũng đang có tâm trạng giống như tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên chọn lạc quan bước tiếp hơn là cứ ủ rũ ngồi buồn không tiếp xúc với bất cứ ai. Như thế thì không khác gì việc tự hành hạ bản thân và làm khổ mọi người. Hãy cứ yêu đời mà sống tiếp, tuổi trẻ của chúng ta không thế bị mài mòn vì những vấp ngã ban đầu này được. Vấp ngã thì ta hãy chọn làm lại. Điều quan trọng nhất là tôi và các bạn phải xác định được hướng đi cho mình, chấp nhận làm lại nhưng phải biết được mình nên làm gì và làm gì sẽ tốt cho mình. Bởi lẽ cuộc đời là của chúng ta, sống là sống cho bản thân chứ không phải sống cho người khác. Một năm tới nó sẽ không quá dài nhưng cũng không quá ngắn, nó đủ để ta có thể nhận ra được nhiều điều, hãy lập ra mục tiêu và quá trình cần phải thực hiện trong năm tới để ta không bị lãng phí quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ.

Với riêng tôi thì tôi chọn đầu tư vào việc học ngoại ngữ, bởi không sớm thì muộn Ngoại ngữ sẽ rất quan trọng đối với tôi sau này, và biết đâu ngoại ngữ sẽ giúp thay đổi cuộc đời tôi sang một trang mới tích cực hơn, tuyệt vời hơn trong những năm sắp đến. Có thể tôi cũng sẽ đăng ký vào những chuyến đi phượt để được học hỏi, được trải nghiệm thêm nhiều hơn. (Điều này tôi đã đọc được trên một trang mạng rằng: Học sinh Mỹ thường dành ra một năm trước khi vào đại học cho những trải nghiệm mới-những trải nghiệm không ít thì nhiều sẽ làm cho nhận thức của chúng ta được nâng lên một tầm cao mới. Tôi tin chắc là như vậy!) Họ làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được.

Tôi là vậy, còn bạn thì sao?

 

Hải Hà

Cho ngày nỗi nhớ không trở lại

Featured image: Louise

Em nhặt mùa thu trên cánh lá
có gì ở đó không?
chỉ mùa qua trong lòng người rất thật
gió lùa qua lá nao lòng

em gọi mùa thu về rối tóc
ngày buồn như cánh chiêm bao
cơn mưa xanh non không chờ đợi
thản nhiên ngó trắng mùa rằm

đêm vỡ từng mảnh trong lòng tay
rưng rưng gió ngày áp thấp
phiến dương cầm loang dài
nụ cười buồn đẫm mưa mùa trước.

em vẽ mùa thu màu mực nước
nỗi đau lộng lẫy bàn tay
mảnh thời gian màu tàn thuốc
cuồng dại xóa trắng ngày

đêm tan từng sợi trên màu mắt
sáng nay rớt xuống hiên nhà
nỗi nhớ có hóa thành nhánh khói
về tạ tội với mùa qua?

 

Phương Uy
3.8.14
ngày gió và áp thấp

Tại sao chúng ta cần nhà văn?

Featured Image: Ellen

 

Tôi mới đọc trên tờ The Sydney Morning Herald bài viết của Elizabeth Farrelly với nhan đề “Tại sao chúng ta cần nhà văn?” (Why we need writers). Bài viết, từ một nhà báo, thành thực mà nói, không có gì sâu sắc. Nhưng tôi bị mê hoặc bởi cái nhan đề. Hình như, từ lâu, tự trong tâm thức, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi ấy. Tại sao chúng ta cần nhà văn?

Cần, dĩ nhiên, không phải để giải trí. Đã đành, đọc sách cũng là một cách giải trí phổ biến, và khá lành mạnh (trừ những loại sách quá nhảm nhí). Nhưng đó không phải là lý do chính để người ta đọc sách. Với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu thụ và của các kỹ thuật liên quan đến giải trí, người ta có thể tìm vui bằng vô số cách thức khác nhau, từ việc xem ti vi, nghe nhạc, chơi game trên internet hoặc tán dóc với bạn bè trên các diễn đàn mạng. Người ta không nhất thiết phải cắm cúi và cặm cụi đọc những cuốn sách dày cộm và nặng trịch hàng năm bảy trăm trang. Không, mục tiêu giải trí, tuy có thật, nhưng chắc chắn đó không phải là mục tiêu chính.

Tôi cho lý do chính khiến chúng ta cần các nhà văn là vì nhu cầu nhận thức hơn là giải trí, hoặc nếu muốn gọi là giải trí thì đó là một thứ giải trí “cao cấp” của đầu óc: Qua việc đọc sách, người ta được ngao du vào một thế giới khác, thế giới tưởng tượng của các nhà văn và nhà thơ. So với phim ảnh, thế giới ấy đa dạng, đa sắc và đa tầng hơn, ở đó, chúng ta không những nhìn thấy con người, những sự tương tác giữa con người cũng như các diễn biến quanh co phức tạp của cuộc sống, mà còn nhìn thấy được những chuyển biến tinh tế bên trong của những con người ấy.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta giao tiếp với người này người khác, kể cả những người thân yêu nhất của mình, nhưng chúng ta không bao giờ “đọc” được những ý nghĩ hoặc cảm xúc thầm kín của họ. Chúng ta chỉ cảm, và, khi cần, đoán, nhưng không thấy. Làm sao bạn có thể biết được những người sắp chết nghĩ gì; những người mới bắt đầu chớm yêu nhau cảm xúc ra sao? Trong đời sống, hầu như không ai kể cho chúng ta nghe những điều ấy cả. Tất cả những điều ấy chỉ có thể thấy được trong văn chương.

Chính vì có thể đọc được thế giới bên trong của con người như thế, lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn chương giúp chúng ta hiểu rõ con người một cách sâu sắc hơn. Thực tình, tôi không dám chắc là những người đọc thơ văn nhiều sẽ am tường tâm lý nhân loại hơn những người ít đọc. Tuy nhiên, tôi tin chắc một điều: Việc đọc thơ văn nhiều sẽ giúp chúng ta hiểu được tâm hồn của một thời đại hoặc một thế hệ hơn. Cũng có thể nói, cách khác, một thời đại không có văn chương là một thời đại không có tâm hồn.

Cứ tưởng tượng giai đoạn 1930-45 mà không có tiểu thuyết Tự Lực văn đoànThơ Mới thì sao nhỉ? Thì chúng ta không biết gì về các diễn biến trong tâm hồn và ý thức của thế hệ ấy cả, chứ sao? Nhờ tiểu thuyết và thơ thời ấy, chúng ta biết được, giữa cơn đại suy thoái trên thế giới và Thế chiến thứ hai, ở Việt Nam, đã có sự xuất hiện của ý thức cá nhân chủ nghĩa và những khao khát về tình cảm gắn liền với ý thức ấy, từ những khao khát về tình yêu và hạnh phúc đến những khao khát khẳng định bản sắc cá nhân.

Trong mấy thập niên vừa qua, nhất là những năm đầu sau phong trào đổi mới tại Việt Nam, nếu không có những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, làm sao chúng ta có thể thấy được những đổ vỡ trong quan hệ giữa người và người trong xu hướng thương mại hoá; nếu không có các truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, làm sao chúng ta thấy được những tác động dữ dội của xu hướng đô thị hoá đối với tính cách của con người cũng như quan hệ giữa họ với nhau; nếu không có các cuốn tiểu thuyết của Dương Thu Hương, làm sao chúng ta thấy được sự đổ vỡ niềm tin của cả một thế hệ từng hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt trước năm 1975?

Cũng vậy, sẽ không ai có thể hiểu được cộng đồng Việt Nam lưu vong sau năm 1975 nếu không đọc thơ của Cao Tần, Thanh Nam, Mai Thảo hay tuỳ bút của Võ Phiến và Nguyễn Bá Trạc: Tất cả đều cho chúng ta thấy không phải chỉ có những con số vô hồn của những người vượt biên, những nguy hiểm mà họ phải gánh chịu từ bão tố đến hải tặc mà còn cả những tâm trạng ngỡ ngàng, hoang mang của những người bỗng dựng bị đẩy tạt ra ngoại quốc, sống trong một môi trường hoàn toàn khác, từ cấu trúc xã hội đến ngôn ngữ và văn hoá.

Còn bây giờ? Hằng ngày chúng ta chứng kiến bao nhiêu biến cố, từ những biến cố nhỏ nhoi trong xã hội đến những biến cố lớn lao của đất nước; những biến cố ấy ít nhiều đã được nhiều người ghi chép và phân tích. Nhưng còn tâm trạng chung của mọi người khi đối diện với những biến cố ấy ra sao? Câu hỏi ấy, theo tôi, chỉ được trả lời khi có một cây bút thật tài hoa xuất hiện.

Nói một cách tóm tắt, có nhiều lý do khiến chúng ta cần nhà văn và nhà thơ. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào một lý do chính: Chúng ta cần họ vì, qua tác phẩm của họ, chúng ta mới có thể nhìn thấy được tâm hồn của một thời đại, một thế hệ, trong đó có chính chúng ta. Không có họ, thời đại ấy, dù có nhiều sóng gió và bão táp đến mấy vẫn chỉ là một vùng quên lãng.

 

Nguyễn Hưng Quốc
Via VOA tiếng việt

Nếu bạn thấy một người không hoàn hảo

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Nếu bạn thấy một người không hoàn hảo
Bạn sẽ nhìn họ như thế nào?
Ánh mắt của bạn có chứa những mai mỉa?
Bạn có những suy nghĩ ra sao?

Nếu bạn thấy một người không hoàn hảo
Hãy hỏi họ: “Tôi có thể giúp gì cho bạn không?”
Bạn sẽ thấy những nụ cười của họ
Lời cảm ơn xuất phát tự đáy lòng…

Nếu bạn thấy một người không hoàn hảo
Bạn hãy nở một nụ cười thật tươi
Đó là một món quà vô giá
Mà bạn đã trao tặng cho một người…

Nếu bạn thấy một người không hoàn hảo
Có khi nào bạn tránh họ thật xa?
Vậy xin hãy xem lại con người bạn
Xem bạn có hoàn hảo hơn người ta..?

 

Một Đời Quét Rác

[BDTT8] Truyện ngắn: Cánh Đồng Bất Tận – Nguyễn Ngọc Tư

Featured Image: Bìa sách “Cánh Đồng Bất Tận”

 

Càng lớn, cái thói quen mua truyện vì sở thích, ngồi ôm truyện hàng giờ trong hàng truyện của tôi cứ mất dần. Bắt buộc lắm mới ra hàng mua mấy cuốn sách liên quan đến ngành học về để tu luyện, trong lúc mua sách cũng chẳng buồn lượn lờ xem trên kệ có truyện gì thú vị không, cầm mấy cuốn sách ngành học đi thẳng tới bàn thu ngân trả tiền và phóng ra lấy xe. Tác phong nhanh nhẹn như vậy vì tự bản thân thấy mình đang bận nhiều thứ, bận lên mạng xem hôm nay ở  rạp chiếu phim gì,  nhắn tin rủ mấy con bạn đi coi. Đến rạp rồi lại thấy cảnh đứa nào cũng bận cầm điện thoại, lướt web, check in. Xem xong phim, chê, khen vài câu, tất cả châu đầu vào làm bô ảnh đăng lên facebook, rồi ra về.

Cái gì trên mạng cũng có, lại hấp dẫn nên tôi dần quên sở thích đọc truyện, cũng tại một vài lần lướt mạng xem có truyện gì mới xuất bản, thấy mấy tên truyện rất hay, bìa đẹp, tựa đề trích rất thú vị, vậy là ra hiệu sách khuân mấy cuốn về. Rồi lại để đó, lên mạng. Không phải không chịu đọc mà thấy cách viết, nội dung không phù hợp với bản thân, không thu hút được mình và tôi đưa ra kết luận với bản thân: Sách “hot”, hấp dẫn với số đông chưa chắc phù hợp với mình.

Đối với tôi truyện giống như một người bạn, phải có cơ duyên, sự đồng cảm và bản chất giống nhau thì mới có thể gặp và gắn kết với nhau. Cơ duyên đưa tôi đến với “người bạn”: Tập truyện ngắn: Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đó là những lùm xùm xung quanh bộ phim “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang được đăng tải trên khắp trang mạng, những tin mổ xẻ quanh việc tác phẩm động đến chính quyền (khi tác phẩm được nhận nhiều giải thưởng trong nước, cũng như nước ngoài cũng chẳng thấy báo chí viết nhiều đến thế). Vậy là quyết định ra hiệu sách rước về, chỉ là để xem những cảnh “nóng” “mát mẻ” trên phim được tác giả miêu tả trên trang giấy ra sao, và tác giả đã viết những gì mà đến cả chính quyền cũng phải lên tiếng.

Đọc truyện ngắn đầu tiên trong tác phẩm…, tất cả những ngôn từ tôi đọc trên mạng, những bàn cãi, tranh luận sôi nổi xung quanh những vấn đề lãng xẹt của tác phẩm tôi đều để lại phía sau, lãng quên trong nhẹ nhõm, xúc động,…

“Cải ơi”- tiếng gọi xé lòng của ông Năm Nhỏ, muốn một lần được nói với đứa con riêng của vợ đã bỏ nhà đi được 20 năm, và cũng là 20 năm ông đi phiêu bạc, làm đủ nghề thuê mướn để tìm con. Kiếm tiền, tìm đủ mọi cách để lên đài, lên truyền hình nói đôi câu: “Cải ơi, ba là Năm nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ ở nhà một mình. Con là trọng chứ đôi trâu có nhằm nhò gì…Về nghe con, ơi Cải…” câu nói khiến ông rơi nước mắt, nghẹn ngào mấy chục năm như vậy mà nhà đài cười, họ cắt, ông già “nhép miệng một cách tuyệt vọng”.

Thiết nghĩ, có nhiều người ngày nào cũng lên truyền hình nói theo kịch bản, nói cái người khác viết, người khác nghĩ, nói những lời đầu môi vậy mà được phát hoài, còn những lời nói chân chất, thật lòng, thật đến xót xa thì bị cắt, cắt hết.

Ông Năm nhỏ trụ ở ngã ba Sương để tìm con, còn Diễm Hương-cô tiếp viên quán nhậu thì: “Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha mẹ mà không thèm về…, còn tui, người ta đã quăng quật ở đây mười tám năm, mà không ai trở lại tìm, tui chờ hoài..”

Tôi đã khóc mỗi lần đọc đến đoạn ông Năm nhỏ gọi “Cải ơi”, mỗi lần mường tượng cảnh ông cười “héo queo héo quắt” và khuôn mặt “lạnh trơ, bình thản, vui buồn không ra” của Diễm Hương.

“Đời nào chẳng có bánh đúc có xương, đời nào chẳng có cha dượng thương con vợ.” Tôi đã muốn gọi ngay cho bố tôi lúc đó, chỉ để hỏi, để kể chuyện, để nghe giọng bố mẹ, để bố mẹ biết tôi vẫn tốt, và nhớ bố mẹ đến chừng nào. Vậy là ngày nào tôi cũng gọi hoặc nhắn tin về cho bố mẹ, thay vì nhắn và gọi điện buôn với bạn bè. Tôi chú ý đến mấy tờ rơi tìm người thân được dán trên tường hơn, nhìn thấy chúng, tôi luôn có một nỗi day dắt trỗi dậy, tôi ghi nhớ thông tin, khuôn mặt của người thất lạc, thay vì mấy tin quảng cáo, sale đủ thứ trên khắp đường phố, mặt báo.

Những truyện ngắn trong tác phẩm dẫn tôi từ cuộc sống này đến cuộc sống khác, từ con người này đến con người khác, từ cái Tình này đến cái Tình khác. Để rồi những cảm xúc, những thương yêu cứ len lỏi vào tâm hồn mình.

Cái Tình của Trưởng ấp Tư Mốt đối với mảnh đất, người dân Cù lao Mút Cà Thìa. Ông viết lên tường trạm xá “Cương quyết chỉ chết vì già”, ông nghĩ rằng có thể dùng cái tình thuần như cây cỏ, sự quan tâm của mình để níu kéo nhân viên y tế ở lại với trạm “dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi”.

Chất văn của Nguyễn Ngọc Tư giống như những làn gió, chúng cứ bay, chúng hòa quyện, rồi lan tỏa, để người đọc trải lòng mình. Những làn gió lật giở từng trang giấy và dẫn tôi tới với “Cánh đồng bất tận”. “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước…những cánh đồng vắng bóng người..” Những khắc khoải, những lo lắng về hiện thực và tương lai, những tình cảm ngọt như nước sông, tâm hồn thuần phác như đồng lúa lại là những điều dễ bị chà đạp và ép đến bước đường cùng nhất, để rồi họ bơ vơ, chếnh choáng, vô vọng, để rồi tình thương lại trở lại để bao bọc lấy những đớn đau.

Đọc truyện giống như đang đi đến từng mảnh đất, lúc lang thang trên những con phố, xóm nhỏ, có khi lại tìm đến những hòn đảo, cù lao, rồi lại lênh đênh trên những chiếc ghe qua những con kênh, nghe nỗi nhớ tràn về, nghe những nỗi day dắt từ những cuộc tình, chứng kiến cuộc sống của những người bình dân, để đôi khi mình thấy mình trong đó, và ngờ ngợ hình như mình đã từng gặp những người như vậy nhưng mình lướt qua họ nhanh quá.

Thấy rằng tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không đao to búa lớn, chỉ là những cảm xúc mình chôn giấu, mình không biết diễn tả, mình lãng quên, để rồi đôi khi bàng hoàng nhận ra nó đang biến chất, tưởng là mình đang bắt đúng nhịp với xu thế nhưng có những lúc cảm xúc chới với, chẳng biết bấu víu vào đâu, đâu mới là đạo đức, tử tế, là mình, là Con Người. Tác giả dường như cũng trăn trở và đặt những câu hỏi, những dấu ba chấm để tìm lại những cảm xúc, để thấu hiểu mình, thấu hiểu người.

“Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giằn dỗi, nặng lời. Và mình thì chưa bao giờ yêu đến như vậy?!” “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường nghịt người… Lúc ấy, tôi có một cảm giác kỳ lạ chỉ mình trên đời này chỉ một mình…Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…” “Mà hơi mắc cười, tình yêu, ai cũng khoái, sao cha nội này chạy trốn?!”  Hỏi vậy thôi, buồn vậy thôi, ngây ngô vậy thôi. Để rồi vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn trông ngóng, chờ đợi, vẫn cố sống sao cho tốt đời đẹp đạo.

Những câu truyện ngắn mà ý nghĩa thì dày quá trời. Cảm hứng về những con chữ lại quay trở lại với tôi, thấy nó sống động làm sao, chúng như đang nhảy nhót, rồi có lúc chúng đứng lặng nhìn chằm chằm vào mắt tôi và hỏi: Hiểu tôi không sao đọc hoài. Phải hiểu thế nào đây? Tôi chỉ thấy nội tại mình đang thay đổi, tôi sống chậm hơn, lắng nghe hơn, cố gắng thông cảm với người khác hơn, học cách chia sẻ. Tôi đang cố gắng hiểu bạn.

 

Nguyễn Ngọc Bích


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Chảy máu chất xám, trách nhiệm thuộc về ai?

Featured Image: Milo Baumgartner

 

Sau khi xem màn “leo dốc” ngoạn mục của em Nguyễn Trọng Nhân kết thúc, dư luận đã dấy lên câu hỏi, 13 nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia giờ ở đâu? Câu trả lời, chỉ duy nhất Lương Phương Thảo – nhà vô địch năm thứ 3 của giải đang sống và làm việc tại Sài Gòn, còn 12 người kia đang sống, và cống hiến cho một trong những quốc gia văn minh và hiện đại nhất thế giới – Australia.

Đáp án của câu hỏi thứ nhất đã nổi trăn trở cho hàng loạt những câu hỏi tiếp theo. Tại sao 12 nhà vô địc kia lại “vắng bóng” trên quê hương mình? Tại sao một dải đất có chiều dài hơn 2000 km, diện tích hơn 330.000 km2, đã chứa được 90tr dân mà lại không “đựng” thêm được 12 con người ấy? Phải chăng nơi đây đã quá chật chội?

Xin thưa, không chỉ 12 nhà vô địch ấy bị “lạc đường” mà hơn 70% những người con ưu tú khác của mảnh đất này ra đi không tìm được lối về. Lý do không phải vì miền đất này quá chật chội mà là lòng người nó chật, cơ chế nó hẹp, xã hội nó bất công, con người nó u minh, nó không có văn hoá trọng nhân tài, đãi hiền sĩ. Bởi vậy, dù diện tích nơi đây vẫn thênh thang nhưng lại không có đất cho “người tài dụng võ” nói cách khác là đất ở đây không lành nên “chim khôn nó không đậu”.

Trước khi nói thêm về “sự ra đi” không hẹn ngày trở lại của những người con ưu tú và trách nhiệm của người trong cuộc tôi xin phép được điểm qua đôi nét về môi trường chính trị của nước ta như sau: Nếu ai trong chúng ta đang có người thân bạn bè làm trong “vành đai” chính trị, hoặc có quan tâm đến các “vấn đề” xã hội thì ít nhiều ta cũng có được cái nhìn cơ bản về “cảnh quang” của môi trường chính trị Việt Nam, về sự nhập nhằng, nhiễu nhương của của một bối tơ vò chưa có người xở. Và nếu những bạn thật sự quan tâm đến chính trị nhưng chưa được đọc tác phẩm Đại Gia của Thiên Sơn thì quả là một thiệt thòi lớn. Những câu chữ trong tác phẩm ngàn trang ấy tựa như một bản CÁO TRẠNG ĐẦY ĐỦ NHẤT, TRUNG THỰC NHẤT về tội ác của nhà cầm quyền và giới trọc phú trong xã hội Việt Nam đương thời.

Tác giả không những gióng lên hồi chuông báo động đỏ về sự tha hoá và xuống cấp đạo đức trầm trọng của giai cấp quan tham, trọc phú và con buôn, mà còn là tiếng thét gào bi ai của những thân phận cơ hàn, thấp cổ bé họng, những nạn nhân của xã hội nhiễu loạn và cả những tiếng thở dài bất lực của của một bộ phận người tri thức – những nhân tài bị thất sủng, bị trù dập, bị đè đầu cởi cổ. Dù tôi có đọc một số tài liệu lịch sử và chính trị của Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông, Singapore, Hàn. Nhưng tôi chưa thấy tác phẩm nào có thể vẽ nên bức tranh sinh động, rõ nét và chân thực về một xã hội đương đại như tác phẩm này.

Đọc Đại Gia, ta không chỉ như được xem những trò “ảo thuật” của các chính trị gia và tầng lớp thượng lưu trên sân khấu mà chúng ta còn được ngó thấy những mảng miếng thấp thoáng hai bên cánh gà và phía sau hậu trường. Một cái nhìn đa chiều, khách quan, và chân thực. Chỉ tiếc tác phẩm đã bị nhà nước cấm bán ngay trong lần xuất bản đầu tiên, số lượng được bán ra (trước khi cấm) là vô cùng ít ỏi. Tôi là một trong những người may mắn vì đã nhanh tay chụp được nó.

Để miêu tả về tác phẩm Đại Gia một cách chi tiết và rõ nét hơn tôi xin phép được mượn đoạn trích của tác giả Park Chung Hee viết về đất nước Hàn Quốc những năm 1960 trong cuốn sách đầu tay của ông mang tên “Con đường đi của đất nước chúng ta“, xuất bản năm 1961.

“…Trong bối cảnh đó, ý tưởng nguy hiểm đã thắng thế rằng bất kể kẻ khác sống hay chết, bất kể số phận quốc gia mất hay còn, miễn là bản thân tao sung túc no đủ, miễn là gia đình tao giàu sang, miễn là bạn bè tao giành được phần ngon so với bọn khác. Những kẻ láu cá được coi là các gã chơi đẹp, thông minh, còn những người làm tròn bổn phận lại bị coi là ngu ngốc và khờ dại. Những viên chức chính quyền trung thực và liêm khiết không nhận hối lộ thì bị chế độ hắt hủi như kẻ lập dị, còn lũ bê bối và kiếm chác được coi là tất yếu và những ai không làm như vậy bị coi là kỳ cục, điên rồ…

Đó là một thế giới mà trong đó, nắm đấm mạnh hơn luật pháp, là một cộng đồng trong đó chỉ có tiền bạc và con ông cháu cha mới được coi trọng, là một xã hội mà trong đó những người không có quyền hành, không có quan hệ với đám quan chức, và không có tiền bạc thì bị xem rẻ và đá ra rìa không thương tiếc. Đó là một xã hội mà trong đó nghịch lý được coi là logic, sự bất công và phi pháp thịnh hành. Mọi thứ đều bị đảo ngược. Đó là một xã hội của những giá trị đảo ngược..”

Những gì Park Chung Hee viết về Hàn Quốc cách đây nữa thế kỷ chẳng khác gì Thiên Sơn viết về Việt Nam năm 2011.

Đọc báo đọc sách nhiều tôi nhận thấy một luồng dư luận chung rằng, đa số chúng ta đều trách móc xã hội này. Nhưng chẳng mấy ai chịu hiểu chính chúng ta là những người tạo nên xã hội. Nếu nhà nước không biết nhìn người, trọng người và dùng người thì ta hãy học cách tự dùng mình. Không ai khác chính chúng ta phải tự ý thức để ghánh vác trách nhiệm cũng như vai trò của mình để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu chứ không phải ai đó, một vị cứu tinh nào đó. Chúng ta có thể tạm thời phải chấp nhận chảy máu chất xám vì nhát dao của thời đại, của thể chế nhưng chúng ta đừng để lãng phí chất xám ngay bên trong bản thân mình vì như thế không những ta có tội với đất nước mà còn có tội với chính bản thân ta.

Khi viết những dòng này tôi đã cố ngước cổ lên phóng tầm nhìn xa khơi để dò tìm nguyên nhân sâu xa gây ra “vết thương” làm chảy máu chất xám. Trong khoảng không rộng lớn đó tôi nhìn thấy một con “bọ” bụng bự mang tên Hoa Kỳ, nó luôn săn lùng để “hút” mọi nhân vật trí thức tinh tú nhất về phía mình. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới này đều là “nạn nhân” của nó nếu không biết cách phòng vệ.

Trong thế giới hiện đại, khi chiến tranh vũ trang đã lùi sâu về quá khứ thì ngày nay xuất hiện một cuộc chiến mới không kém phần khốc liệt – cuộc chiến dành dựt chất xám. Trong sân chơi ác liệt này, miếng bánh dành cho những miền đất u minh, lạc hậu teo tóp đến thảm hại. Nếu chúng ta chưa tìm ra cách ngăn chặn “con dao” đang ngày càng thọc sâu vào “dòng máu chất xám” thì ta nên biết học cách “ăn mày” chất xám khôn ngoan của người Hàn, tinh thần Samurai của người Nhật và nghệ thuật đứng trên vai người khổng lồ của người Israel. Chỉ như vậy ta mới có hy tự cứu được mình trong hoàn cảnh nhiễu loạn, thối nát và gian manh của thời cuộc.

Tôi nghĩ, nếu chúng ta nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của bản thân thì sẽ nhận thấy nguyên nhân của một nền kinh tế ì ạch, lẹt đẹt, èo uột của nước ta là do giới tri thức của chúng ta chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Một phần là dòng máu chất xám đang bị chia nhánh đến các xã hội văn minh; phần khác là chúng ta đang bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt, tư duy, tư tưởng và ý thức hệ bởi gọng kìm và sợi dây của chế độ. Trong bối cảnh này, nếu chúng ta không sớm thức tỉnh để tự mình ngăn chặn, phá khoá, chặt dây thì chẳng thể nào thoát được ra cái vòng xoáy luẩn quẩn nghèo nàn và lạc hậu. Dần dà, những tri thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hoá” phải dẫm đạp lên nhau để mưu sinh và tồn tại. Đó là một viễn cảnh đau thương mà tôi tin không ai trong chúng ta muốn chứng kiến và bị nhúng vào.

Trên cái mảnh đất mà những “con chim ưu tú” không thèm đậu, vậy những bầy chim “tuấn tú” đã lỡ đậu rồi phải làm sao? Tôi gọi chúng ta là những bầy chim tuấn tú là vì, nước ta hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học (theo thống kê của Gs Nguyễn Văn Tuấn). Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nước ta còn có lợi thế về giao thông thuận lợi, giàu tài nguyên và một nguồn lao động trẻ dồi dào. Thế nhưng chúng ta vẫn đang mãi nằm trong danh sách “đội sổ” của thế giới về mọi mặt.

Đưa ra con số thống kê trên là tôi đang muốn nói đến vai trò và trách nhiệm của giới trí thức trong xã hội chúng ta. Tôi cảm thấy dường như họ đang dùng cái “trí” mà mình có được để “ngủ” chứ không phải để thức tỉnh và dẫn dắt xã hội, để đấu tranh cho công lý và quyền bình đẳng của con người, để ngăn chặn, bà bài trừ những con dao đang khoét sâu vào nguồn tài nguyên “chất xám” của đất nước, để cải tạo và thuần hoá mảnh đất nguy hiểm này thành mảnh ĐẤT LÀNH, phì nhiêu và màu mỡ, để những “con chim” khôn dù đã sãi cánh bay xa cũng sẽ bị “quyến rũ” và luôn sẵn lòng quay về đất mẹ, để cải tạo, cống hiến và dựng xây quê hương đất nước.

Bây giờ, đã đến lúc chúng ta ngồi lại để nhìn thấu vào sự thật, nhận lãnh vai trò và trách nhiệm của chính mình. Dẫu biết rằng chẳng dễ gì để xoay chuyển càn khôn. Để thức tỉnh và dẫn dắt một xã hội u minh và phá bỏ gông cùm của những kẻ khổng lồ quyền lực không phải là việc sớm chiều. Nó là một cuộc chiến trường kỳ và dai dẳng, cần phải hợp nhất được lòng dân và công lý, mà ở đó nhóm người trí thức nắm vai trò chủ chốt. Chỉ có như vậy thì bình minh mới có ngày ló rạng, và “chim khôn mới có đất để đậu”.

Hãy tin rằng nếu Hàn Quốc làm được ta cũng làm được, nước khác làm được nước ta cũng làm được. Nó là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta chứ ko phải ông quan tướng hay thái quốc nào cả.

 

Nguyễn Văn Thương

Đi tìm nền giáo dục khai minh?

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Tôi tìm đến với khái niệm nền giáo dục khai minh từ khi tôi tham dự chương trình diễn thuyết của Giản Tư Trung –  người làm giáo dục theo một triết lý riêng. Các bạn có cảm thấy nó lạ lẩm như tôi khi lần đầu được nghe đến nó không. Vậy khai minh là gì? Tại sao chúng ta lại cần một nền giáo dục như vậy?

Có phải giáo dục của chúng ta quá tệ, đất nước chúng ta thực hiện biết bao là cải cách cũng như chính sách về giáo dục cứ thay đổi theo từng năm ấy vậy mà nó vẫn chưa tốt. Ở xứ sở của chúng ta, ai cũng được giáo dục và học hành chăm chỉ vì đó chính là cách duy nhất giúp các bạn vươn lên và trở nên giàu có. Mỗi ngày khi ra ngoài chúng ta sẽ thấy được các dòng chữ nói về định nghĩa của UNESCO về “học”. Với UNESCO thì học là:

  • Học để biết”
  • Học để làm việc
  • Học để làm người
  • Học để chung sống

Nó có ảnh hướng rất lớn và đó chính chiếc la bàn của rất nhiều người trên thế giới. Họ lấy nó làm cơ sở, điểm tựa để học và phất đấu phát triển bản thân. Khi chúng ta hoàn thiện cả bốn điều trên thì chúng ta sẽ trở thành người phát triển toàn diện cả đức lẫn kiến thức. Nhưng ở xứ sở của chúng ta, việc học đang bị thiên lệch rất lớn hầu hết chúng ta chỉ tập trung vào “học để làm”, nó lớn đến mức mà chúng ta quên đi các định nghĩa khác và chỉ tập trung vào nó.

Thời gian 12 năm trước khi vào đại học là lúc chúng ta học để làm người, ấy vậy mà nhà trường, gia đình và giáo viên chúng ta quên hẳn đi phần quan trọng này. Họ giáo dục chúng ta học rất nhiều kiến thức và cần phải tích lũy các kiến thức đó cho ngày mai tươi sáng phía trước. Đó chính là đạt được mục tiêu học để làm. Nó lớn đến mức chúng ta ai ai cũng đi theo lói mòn này, nghĩa là là ra trường thì phải đi làm hoặc bằng mọi cách chúng ta cần phải được học đại học.

Với rất nhiều người và nhiều gia đình thì chỉ có đại học mới là cánh của tốt nhất để tiến thân. Nếu không học đại học thì đời bạn xem như chấm hết. Bạn sẽ phải chấp nhận nhìn bạn bè của mình – những người được học đại học đi xe đẹp, mặc đẹp hay có được vợ đẹp con ngoan và được xã hội nể trọng. Chính vì những điều phù phiếm vụn vặt này mà con người cứ như con thêu thân cứ lao vào cánh cửa trường đại học bằng mọi cách. Nếu không đỗ trường tốt thì đi đường vòng, nếu không đỗ trường thuộc nhóm đầu thì học trường tư hoặc trường nhỏ hơn vì những trường đó có tiền là bạn có thể học đại học.

Nhưng sau thời gian được dạy thì các bạn sẽ làm gì tiếp theo. Các bạn sẽ không trả lời được đâu, vì giáo dục chúng ta chưa bao giờ dạy cho chúng ta lối tư duy là: “Cái tiếp theo của cái tiếp theo nữa là cái gì?” Nếu mỗi người chúng ta có thể tư duy độc lập và ngồi xuống suy nghĩ về nó thì chắc chắn đất nước chúng ta thừa người không có việc làm kỷ lục như bây giờ. Lỗi do ai thì mỗi người chúng ta tự đi tìm câu trả lời cho mình nhé.

Qua đó các thực trạng của hệ thống giáo dục của chúng ta, tôi muốn nhắc đến nền giáo dục khai mình. Khai minh là gì, đây là một khái niệm đã được một triết gia người Đức viết năm 1783, ông là Immanuel Kant. Chính Kant là người đã đặt nền móng về giáo dục khai minh cho nhân loại. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều quốc gia xem nó như một kim chỉ nam trong việc phát triển con người mà vai trò chủ yếu chính là giáo dục. Với nền giáo dục khai minh nó có vai trò khai sáng người học. Nó tạo ra những con người biết học biết suy nghĩ một cách độc lập và sử dụng trí tuệ của mình để nhận ra các vấn đề của cuộc sống và giải quyết nó.

Chúng ta đang đi ngược với nó, hàng năm hệ thống giáo dục đào tạo ra rất nhiều tân cử nhân cũng như tân kỹ sư, phần lớn họ thiếu kỹ năng, thiếu khả năng để tự mình dùng lý trí của mình giải quyết chuyện của chính mình. Họ cầm tấm bằng trên tay nhưng họ không có tư duy độc lập. Khi có vấn đề trong cuộc sống của họ điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là ai sẽ giúp chúng ta làm việc này. Hầu hết chúng ta ra sức đá quả bóng trách nhiệm đó sang cho người khác, để họ giải quyết vấn đề của chúng ta. Giả dụ nếu tự trang bị cho bản thân mình kỹ năng tự học thì chúng ta đâu phải đến các trung tâm ngoại ngữ để nhờ họ giải quyết chuyện học tiếng Anh của ta. Nếu chúng ta có kỹ năng mẹ này thì chúng ta đâu vất vả, khổ sở để khi học xong lại rơi vào cảnh không tìm được việc làm. Nếu chúng ta sống trong nền giáo dục khai sáng thì chúng ta sẽ là những con người minh định thế thì chúng ta đâu vất vả và khổ sở để xác định đâu là đúng sai trong cuộc sống này.

Với nền giáo dục khai minh chúng ta sẽ là những con người thực học tức cái mà chúng ta học sẽ được sử dụng ngoài thực tế chứ không phải kêu ca là đào tạo và doanh nghiệp đang rẻ đi hai nhánh khác nhau. Học xong không thể làm việc vì thực tế quá khác so với lý thuyết. Hoặc chúng ta sẽ không phải kêu ca rằng tôi cần phải đi làm đúng chuyên ngành nếu không tôi sẽ không phát triển được. Nhưng với nền giáo dục khai minh sẽ tạo ra những con người đa năng. Bạn đi làm là bạn sử dụng năng lực của mình để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp nhưng lối suy nghĩ làm đúng chuyên ngành thì là một trong rất nhiêu phương pháp để giải quyết vấn đề. Bạn nên nhớ và với một vấn đề sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau. Vấn đề nào cũng vậy đều có hai mặt, bề mặt càng lớn thì bề lưng càng lớn. Vậy khi gặp vấn đề các bạn sẽ làm như thế nào? Với những con người trong nền giáo dục khai sáng họ sẽ:

  • Phát hiện vấn đề
  • Suy nghĩ và phân tích về vấn đề đó từ nhiều gốc độ
  • Đưa ra nhiều giải pháp để thực thi và giải quyết vấn đề đó.
  • Triển khai thực thi: đây là một bước rất quan trọng bạn cần phải linh hoạt, mềm mỏng  đôi khi cứng rắn và cần phải nhẫn. Thành công ở mức độ nào tùy thuộc vào bạn.

Chúng ta hay so sánh cách giáo dục con của các nước như Mỹ, Nhật và các bà mẹ Việt Nam. Chúng ta ai cũng muốn con chúng ta tiếp thu điều hay lẻ phải. Chính điều nó là cho chúng ta quan tâm con nhiều hơn, can thiệp nhiều hơn và bảo vệ chúng nhiều hơn. Điều chúng ta đang làm là điều rất dễ, điều khó hơn chính là dạy con chúng ta hiểu được điều hay, hiểu đâu là tốt, đâu là xấu hoặc rèn về nhân cách như tĩnh tâm, điềm đạm thì chúng ta hay tránh, vì các điều đó rất khó. Chửi thề là điều xấu nên để cho con không nói thề nói tục thì chúng ta cấm chúng không được làm; thấy chúng chơi ở những nơi nguy hiểm thì điều dễ là chúng ta cấm chúng không được chơi ở những nơi như vậy hoặc bảo vệ con bằng cách bế con đến nơi an toàn hơn và còn muôn điều mà chúng ta cấm đoán chúng không được làm. Điều khó hơn ở giáo dục là bằng cách nào chúng ta giúp chúng hiểu những điều đó là không tốt, không nên làm thì những lần tiếp theo chúng sẽ tự nhận thức và tránh xa nó.

Vậy đi đâu để tìm nền giáo dục này đây, một nền giáo dục giúp chúng ta suy nghĩ nhiều hơn và cống hiến cho xã hội này nhiều hơn. Các bạn có nghĩ là có phải chỉ ở các nước phát triển như Âu – Mỹ mới tồn tại nền giáo dục như vậy đúng không. Quả thật không sai nhưng các bạn có bao giờ nghĩ rằng ở xứ sở chúng ta cũng có thể phát triển hệ thống giáo dục này nếu chúng ta muốn và quyết tâm. Môi trường tồn tại xung quanh chúng ta là nơi mà chúng ta không thể thay đổi được thì chúng hãy tiếp nhận nó và điều chỉnh mỗi chúng ta theo hướng phát triển mà chúng ta mong muốn.

Nếu chúng ta chịu sự giáo dục của một nền giáo dục không tốt thì không hẳn chúng ta sẽ không tốt. Toàn cầu hóa với biết bao kiến thức của nhân loại có thể tiếp cận một cách dể dàng nếu mỗi chúng ta tự thay đổi và tự phát triển. Lẻ thường chúng ta sẽ than trách số phận, trách hệ thống gây ảnh hưởng chúng ta nhưng điều cẩn đó không thể thay đổi. Vậy nên chúng ta hay thay đổi điều kiện đủ của chúng ta, nó chính là chúng ta muốn trở thành ai, chúng ta có muốn học và phát triển hơn hay không, hay chúng ta chỉ muốn là một sản phẩm không ra gì của nền giáo dục này. Tương lai nằm trong tay chúng ta cả, quan trọng là chúng ta quyết định thực thi nó như thế nào mà thôi. Hãy xây dựng một nền giáo dục khai sáng cho chính mình nhé các bạn.

 

Mr Lias

Khát khao “dốc hết trái tim” của chàng trai 24 tuổi

Featured image: Nhân viên Windmills Đà Lạt

 

Sáng lập chuỗi café Windmills (tạm dịch: Cối xay gió) là Nguyễn Đăng Phong (cựu sinh viên ĐH Mở TP.HCM). Không chỉ gây dựng một quán café, Phong đang vun đắp một “không gian thứ 3” tiếp năng lượng cho ước mơ của người trẻ Việt.

 “Dốc hết trái tim” như Howard Schultz

“Kinh doanh hoa hay bán trà đá cũng được, chỉ cần được trải nghiệm một điều gì đó!” – Bắt đầu từ khao khát dấn thân của một sinh viên năm 3, Nguyễn Đăng Phong từ bỏ ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Mở TP.HCM, trở về Đà Lạt thành lập một hệ thống phân phối hoa giúp cải thiện giá cả cho nông dân.

Nhiệt huyết của Phong đã cuốn hút bốn bạn khác cùng đồng hành. Suốt bốn tháng, năm người đã làm việc cật lực. Nhưng “thương trường là chiến trường”, mà “người cầm cương” chỉ mới 21 tuổi, non cả kiến thức lẫn kinh nghiệm. Khi bán hoa đang sinh lời thì Phong lãnh một đòn đau vì đối tác quỵt tiền. Không cách nào đòi được 84 triệu, Phong nhận ra cuộc chơi hoa quá lớn vượt ngoài khả năng của mình.

Trong lúc bế tắc, một ý tưởng lóe lên trong đầu Phong: “Tại sao không kết hợp hoa với café?”. Ngày 1/1/2012, với 460 triệu đầu tư, cửa hàng café hoa đầu tiên của năm bạn trẻ mang tên Windmills đã ra mắt tại số 133 Phan Đình Phùng, Đà Lạt.

“Phá băng” thành phố mù sương tại vị trí tuyệt đẹp ngay trong lễ hội hoa chào mừng năm mới, mọi ánh mắt tò mò đều đổ về Windmills. Nhưng ngày đầu khai trương là một thảm họa. Thiếu và yếu kinh nghiệm quản lý, các bạn làm theo cách “vá đắp”, thấy chỗ nào hỏng hóc thì sửa cho ổn thêm. Cửa hàng chưa chỉn chu, khách uống nước bỏ quá nửa ly, loa hư không phát nhạc được. Trong 1 tháng, Phong liên tục “cắm rễ” ở Windmills từ 7 giờ kém đến 23 giờ đêm. Mỗi sáng mở mắt ra, Phong đều phải vắt óc nghĩ cách xoay đủ vài triệu để trả chi phí: Tiền thợ hồ, lương nhân viên, phí mặt bằng…

Nhưng đã quyết tâm làm thì cứ làm cho tới, năm bạn trong Ban quản trị Windmills (BQT) đặt ra khát vọng: “Đưa Windmills trở thành 1 trong 10 công ty có nền văn hóa tốt nhất Việt Nam.” Từ đó, những luật lệ ngược đời đã xuất hiện: Người làm bể ly sẽ… không phải đền tiền, doanh số lời lỗ hàng ngày được công khai tới toàn bộ 12 nhân viên… Phong chia sẻ: “Ở Windmills, nếu BQT không tiên phong làm được thì đừng bảo nhân viên hành động! Mình tin rằng, nếu để nhân viên biết mỗi giờ Windmills lời lỗ bao nhiêu đồng, thì bạn sẽ hiểu mỗi tổn hại bạn gây ra, dù chỉ là rót quá chút sữa, sẽ ảnh hưởng đến quán ra sao thì các bạn sẽ tự nhiên ý thức được, không cần ai gò ép.” Như Howard Schultz đã dốc hết trái tim để làm nên Starbucks, Nguyễn Đăng Phong đã đem trọn tâm huyết xây dựng gia đình chung trong một quán café.

Tan vỡ

Một năm sau, chính Phong và cộng sự vô tình cầm đá đập vỡ khát vọng của mình.

Mỗi ngày, BQT Windmills phải căng thẳng đối mặt với rắc rối liên miên của quán: tranh chấp với thợ, sửa máy pha café hư,… Cho dù quyết tâm lớn, nhưng những người trẻ 22 – 23 tuổi không tránh khỏi bồng bột, dẫn đến mâu thuẫn với nhân viên. Từ một nền văn hóa “gia đình”, các “anh chị em ruột” (nhân viên) bắt đầu phàn nàn về cách quản lý thiếu chặt chẽ của “cha mẹ” (BQT) suốt 3 tháng mà Phong không mảy may biết. Khi chất lượng dịch vụ của cửa hàng đi xuống, Phong mới phát hiện ra sự thật. Đau lòng ở chỗ, các bạn có quyền làm việc đó vì lỗi bắt nguồn từ chính BQT. Tháng 3/2013, ngược với ước mơ xây dựng nền văn hóa công ty hàng đầu, Phong phải cho thôi việc 5/12 người – một nửa nhân sự của Windmills. Nội bộ BQT rơi vào khủng hoảng bởi chính Phong và bốn bạn đồng hành cũng bất đồng, mỗi người ôm một tâm sự suốt ba tháng qua.

“Mình ra biển đi!” – Muốn một bước ngoặt đột phá cho nhóm, Phong đề nghị. Năm người thuê một con tàu, lênh đênh giữa biển Nha Trang. Gió biển thổi vào mọi người tâm trạng mới, để dũng cảm quay về khách sạn nói cho ra vấn đề: “Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao mình không đi đúng mục tiêu ban đầu?” Năm người người rút ruột gan trút vào nhau những sự thật đau lòng nhất.

Phong chia sẻ: “Có lúc, mình chỉ muốn nói “mọi người đừng kể nữa” vì không khí quá nặng nề. Nhưng rồi cả nhóm đều ngộ ra, dù cãi nhau tới mấy, mọi người vẫn còn thương Windmills. Còn quá nhiều thứ tốt đẹp trên thế giới này, và chúng mình còn trẻ, chỉ mới 23, vẫn muốn sống tiếp với khát khao. Cuối cùng, tụi mình quyết định dốc hết sức xây giấc mơ Windmills một lần nữa.”

Trở lại Đà Lạt với ý tưởng “giấc mơ” sôi sục trong người, 19 thành viên của Windmills lao vào brainstorm suốt 48 tiếng. Cuối cùng, Windmills đã hồi sinh với slogan “Be the dream inside you”. (Tạm dịch: Hãy theo đuổi giấc mơ trong bạn).

Nơi những giấc mơ hát

Howard Schultz đã khởi xướng câu chuyện Starbucks không chỉ bán café, mà bán “nơi chốn thứ 3” sau gia đình và nơi làm việc. Phong và các bạn đã xây lại Windmills như một “nơi chốn thứ 3” sau gia đình và trường học, để những bạn trẻ có tinhh thần tiên phong và lãnh đạo nuôi dưỡng ước mơ. “Nếu muốn nhảy flashmob, tại sao cứ phải nhảy lén trong nhà vệ sinh? Tại sao không lao ra ngoài và biến giấc mơ thành hiện thực?” Bằng suy nghĩ ấy, Windmills tổ chức thành công chương trình flashmob tại phố đi bộ Hòa Bình với 200 bạn trẻ tham gia.

Tháng 3/2014, Windmills xuất hiện tại TP.HCM. Đập ngay vào mắt khách hàng tại Windmills quận 1 là 12 tấm ảnh chụp 12 giấc mơ của nhân viên treo ngay cửa quán: “Với tôi, không gì tuyệt vời hơn là trở thành một kỹ sư nông nghiệp” (Lý Ngọc Lâm), “Chỉ có nỗ lực thôi là chưa đủ, cần phải có đầy đủ đam mê và nhiệt huyết ta mới có thể trở thành một Barista hạng nhất!” (Đoàn Bảo Tín). Thông điệp “giấc mơ” được Phong rào chặt chẽ từ slogan đến password wifi “Dream on” (tạm dịch: Cứ mơ đi).

Phong cho biết, khách hàng mục tiêu của Windmills là những bạn trẻ, nhiệt huyết, suy nghĩ tích cực, đang tìm kiếm/theo đuổi giấc mơ.Rất khôn ngoan, Windmills chọn cách xây dựng cộng đồng khách hàng thân thiết theo mô hình kim cương. Trong một viên kim cương, mỗi nguyên tử carbon liên kết với bốn nguyên tử khác tạo cấu trúc bền chặt khó lòng đổ vỡ. Tương tự, Phong khuyến khích khách hàng tới Windmills tự kết bạn với nhau không cần sự can thiệp của BQT, tạo thành một cộng đồng quen biết bền chặt. Bằng các kế hoạch: xây phòng họp nhóm riêng, chạy khuyến mãi giảm giá cho nhóm đông người, tổ chức những buổi aucostic guitar “cây nhà lá vườn”…, Phong muốn tạo ra không khí nhộn nhịp, dồi dào năng lượng, nhiều cảm hứng; khiến khách hàng thấm nhuần suy nghĩ: “Tại Windmills, mình năng động hơn, mình tập trung hơn, chứ không ù lì như ở nhà trọ”. Dần dần, Windmills sẽ trở thành “nơi chốn thứ ba” của khách hàng.

24 tuổi, Nguyễn Đăng Phong vẫn chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH Mở TP.HCM. Phong còn bận rộn đi về giữa Đà Lạt và TP.HCM chăm lo cho Windmills. Phong và cộng sự để lại trong lòng những người đang hoài nghi thế hệ trẻ nhiều suy nghĩ. Về làn sóng cuộn trào của những người Việt chẳng có gì trong tay ngoài tuổi trẻ sôi sục khát khao, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng theo đuổi một giấc mơ lớn vượt tầm vóc.

 

Đỗ Thanh Lam