Nói về nền giáo dục ở nước ta, thì có không biết bao nhiêu chuyện cần bàn, bao nhiêu việc cần làm. Nào là đổi mới phương pháp dạy học,chế độ thi cử, thay sách giáo khoa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao trình độ giáo viên…vv. Là người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, tôi thiết nghĩ 2 giải pháp quan trọng nhất, cần thực hiện trước tiên là:
1. Trả lương thật cao cho giáo viên
Xin lưu ý là thật cao, chứ không phải tăng nhỏ giọt theo kiểu lộ trình 5%, 10% lương cơ bản, hoặc cứ tà tà, xã hội phát triển đến đâu ta tăng đến đó. Cần có một bước đột phá trong cải cách tiền lương thì mới tạo ra sự nhảy vọt về chất.
Vì tôi là người trong cuộc nên hiểu rõ thực trạng lương giáo viên như thế nào. Giáo viên mới đậu công chức thì đừng có mơ vượt qua mức 3 triệu đồng một tháng, giáo viên có thâm niên mười năm trong nghề được khoảng 5 triệu, đến hiệu trưởng, hiệu phó “đầu tầu trách nhiệm” “chức cao vọng trọng” và sắp sửa nghỉ hưu mới dám chạm đến mốc chục triệu một tháng. Trong khi đó, ngay khu tập thể nơi tôi ở, chị bán hàng ăn sáng, anh xe ôm, ông sửa xe cũng có mức thu nhập tương tự như hiệu trưởng.
Chưa dám so sánh đến những đối tượng “cao xa” hơn như chủ tiệm may, chủ tiệm cắt tóc gội đầu, tiểu thương buôn bán ngoài chợ. Thật mỉa mai, nghề được coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề được tôn vinh bằng đủ các mỹ từ đẹp đẽ lại có thu nhập không bằng lao động chân tay. Hãy khoan bàn đến chất lượng lao động vội, điều này tôi sẽ đề cập đến ở phần sau. Lương thấp, theo tôi đưa lại những hậu quả sau:
Thứ nhất: Lương thấp thì chất lượng daỵ học còn thấp
– Vì lương thấp thì chỉ daỵ thế thôi. Đó là câu cửa miệng của nhiều giáo viên khi nói chuyện với nhau. Điều này chẳng sai, ai hơi đâu tốn công, tốn sức, hao tâm tổn lực cho một ít tiền công rẻ mạt, không xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Tại sao phụ huynh sẵn sàng trả giá cao cho gia sư daỵ một mình con mình, trong khi đó nhà nước lại trả một giá rất bèo cho giáo viên đứng lớp trước mấy chục học sinh. Thật nghịch lý! Phải chăng, ngay trong suy nghĩ người trả tiền đã quan niệm daỵ ít thì phải đến nơi đến chốn, còn daỵ nhiều thì “sống chết mặc bay”. Bởi vậy mà chất lượng daỵ học chung thấp là đúng rồi, còn kêu ca gì nữa.
Thực tế, để soạn được một giáo án chất lượng khi lên lớp khó hơn nhiều so với một giáo án tự biên tự diễn khi làm gia sư vì nó đòi hỏi người thầy phải tư duy sáng tạo để thiết kế bài giảng thích hợp với nhiều đối tượng học sinh, nhiều trình độ nhận thức khác nhau, phải sử dụng đồng thời nhiều kỹ năng: Nói,viết, trình chiếu máy tính, làm thí nghiệm nếu có, chưa kể lên lớp còn những tình huống sư pháp muốn khóc hơn muốn cười. Ngoài ra về nhà lại phải chấm bài, chữa bài, sổ sách hội họp, gặp gỡ trao đổi với phụ huynh.
– Vì lương thấp thì phải lo “chạy sô”. Những giáo viên dạy các môn chính thì sấp ngửa đi daỵ thêm hết ca này đến ca khác, những giáo viên daỵ môn phụ không có điều kiện daỵ thêm thì phải “tháo vát” tìm việc tay trái như làm thêm nghề may, mở cửa hàng bán tạp hóa, cho thuê nhà (nếu may mắn có tí đất mặt đường…) Đấy là ở thành phố, còn với những giáo viên ở nông thôn thì tranh thủ đồng áng hoặc làm nghề phụ. Cá biệt, có cô bạn tôi còn chăn nuôi gà, vịt, mỗi năm xuất chuồng mấy tấn, mấy tạ thịt, xây nhà, mua xe nhờ chăn nuôi chứ không phải nhờ dạy học (may mà cô ấy vẫn dạy tốt).
Thế thì thử hỏi thời gian đâu mà dành cho chuyên môn, nghề nghiệp nữa. Việc lên lớp đúng giờ, có giáo án đầy đủ là tốt lắm rồi. Nói gì đến tâm huyết nghề nghiệp, trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn. Tất nhiên cũng có người vừa dạy tốt vừa làm kinh tế giỏi như cô bạn tôi nhưng hiếm lắm. Và tôi thầm nghĩ nếu họ được toàn tâm toàn ý cho giáo dục thì còn tốt đến đâu, học sinh được lợi đến mức nào.
Hậu quả thứ hai: Lương thấp thì không thể thu hút được nhân tài
Ngoài một phần nhỏ làm việc vì đam mê thì phần lớn làm việc vì cơm, áo, gạo, tiền. Tại sao các thí sinh thi Đại học thường né tránh sư phạm, nhất là các bạn có học lực thực sự giỏi. Đơn giản vì giáo viên nghèo có thu nhập khiếm tốn, trong khi làm cho các ngành tài chính, ngân hàng dễ kiếm tiền hơn nhiều. Mặc dù nhà nước có ưu ái đãi ngộ sinh viên sư phạm không phải nộp học phí, nhưng cũng chỉ được vài năm đầu là có vẻ thu hút được những cử nhân chất lượng cao. Song không có sự thay đổi đồng bộ về lương thưởng cho giáo viên nên bây giờ chẳng còn nhiều người mặn mà nữa, trừ một số bạn học giỏi, con nhà nghèo, mới đành phải chọn giải pháp học sư phạm.
Ngay đến trong ngành cũng không thu hút nổi giáo viên dạy giỏi. Vì người dạy giỏi và người dạy bình thường có được hơn gì nhau đâu. Ai tha thiết với nghề, ai muốn phấn đấu thì cứ việc phấn đấu, còn ai không tha thiết, không phấn đấu cũng chẳng sao. Vẫn lĩnh lương đều đều như nhau thôi. Nếu có sự phân biệt rõ ràng bằng lương thưởng thì chắc chắn sẽ không có chuyện mọi người đùn đẩy, hoặc “nhường nhau” đi thi giáo viên dạy giỏi, thậm chí còn dùng từ “ thoát” nếu không phải đi thi.
Hậu quả thứ 3: Lương thấp làm hạ mất giá trị nghề giáo trong xã hội
Bây giờ ra đường, người ta hỏi bạn làm gì, trả lời giáo viên. Thế là biết rồi, người này cũng chỉ thường thôi. Bản thân hai từ giáo viên chả có tội tình gì nhưng sao nghe nó “nhẹ bẫng” so với mấy từ “ngân hàng” “bưu điện” “bảo hiểm” bởi vì đằng sau nó không có sức nặng của “money” đấy mà. Chả thấy ai “ô’’ “a”, mắt tròn mắt dẹp nói: “Làm giáo viên à, thích thế, sướng thế.” Mà người ta thường hay chép miệng: “Giáo viên à, thôi cũng được.” Đau lòng chưa?
Nếu có ai thích lấy chồng hoặc lấy vợ làm giáo viên thì chỉ vì một trong hai lý do: Nhiều thời gian, sau này có điều kiện dạy con học. Chấm hết. Chả thấy ai nghĩ lấy được giáo viên là để mát mặt với thiên hạ, để có gì đấy mà tự hào, hỉ hả.
Hậu quả thứ tư: Lương thấp dễ dẫn đến những tiêu cực trong giáo dục
Vấn nạn dạy thêm học thêm, xin điểm, chạy điểm, thu nhiều loại phí trái quy định… cũng từ đấy mà ra. Nếu lương cao, giáo viên sẽ dễ dàng nói không với các loại phong bì từ phía phụ huynh học sinh. Không có chuyện, cứ đến ngày lễ tết là phụ huynh lại lo ngay ngáy cái khoản “đi thầy, đi cô”. Như thế là bớt đi một gánh nặng cho phụ huynh đồng thời làm trong sạch môi trường giáo dục.
Ngoài ra, còn nhiều những hậu quả khác nữa từ sự bất cập của chế độ tiền lương dành cho giáo viên đưa lại. Nhưng thiết nghĩ bao nhiêu đó cũng đủ là lý do để cải cách rồi. Nhìn ra các nước xung quanh, chẳng đâu xa lạ, ngay ở Trung Quốc, lương của giáo viên trung bình một năm là hơn 17.000 USD gấp 3, 5 lần thu nhập bình quân đầu người là 5.000 USD. So sánh một chút như vậy để thấy chính sách ưu tiên cho giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu ở nước ta mới chỉ mang tính khẩu hiệu mà chưa thực sự đi vào thực tế hoặc có đi vào thực tế nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức thuyết phục.
Nếu có ai cho rằng trả lương giáo viên cao quá so với mặt bằng công chức sẽ gây bất bình, xáo trộn trong xã hội. Xin thưa vì dạy học là một lao động đặc biệt (vừa chất xám, vừa chân tay), để tạo ra những sản phẩm đặc biệt (đó là con người), làm nên những giá trị đặc biệt cho xã hội (bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần). Ai ghen tỵ, thèm muốn thì cứ học cho giỏi mà thi vào sư phạm, mà làm giáo viên.
Nhân đây tôi lại liên tưởng đến nghề ca sĩ, sao chả thấy ai ghen tị với catsê “khủng” của họ, phải chăng lao động nghệ thuật là lao động đặc thù mang lại giá trị tinh thần to lớn cho cả xã hội, vậy nghề giáo thì sao, có kém cạnh gì đâu. Thế mà tôi chỉ thấy người ta đua nhau đi làm ca sĩ, hết cuộc thi này đến cuộc thi khác được mở ra để tìm kiếm nhân tài ca hát, chứ chả thấy ai đua nhau đi làm giáo viên, chả có cuộc thi nào mang tầm cỡ quốc gia để tìm kiếm nhân tài sư phạm. Giá mà đổi chỗ được cho nhau nhỉ?
Nhưng sẽ vô cùng sai lầm nếu như chỉ dừng lại ở đề xuất cải cách tiền lương không thôi. Đi đôi với hưởng thụ thì phải làm việc, hưởng thụ càng cao thì đương nhiên phải làm việc càng nhiều. Đó mới là lẽ công bình.
2. Yêu cầu thật gắt gao
Vì sao những người đi làm cho các công ty liên doanh với nước ngoài được trả lương cao thế. Vì họ phải làm việc cật lực, phải chịu một sức ép lớn từ công việc. Giáo viên cũng cần phải như vậy. Nếu ai không chịu được thì tự nguyện rút lui hoặc sẽ bị đào thải theo quy luật. Không nên duy trì mãi chế độ biên chế vĩnh viễn cho giáo viên, thay vào đó là các hợp đồng lao động kèm theo đóng bảo hiểm xã hội. Có như vậy giáo viên mới không dậm chân taị chỗ, “ung dung, tự tại” trong mớ kiến thức cũ kỹ, lạc hậu, hời hợt của mình.
Thế nào là yêu cầu cao? Thực ra không có gì mới cả, chỉ cần người giáo viên thực hiện đầy đủ 8 tiêu chuẩn dài dằng dặc của BGD&ĐT đề ra là tốt lắm rồi. Từ trước đến nay người ta vẫn dựa vào đấy để đánh giá xếp loại giáo viên đấy thôi. Nhưng sao trình độ giáo viên vẫn thấp kém, nền giáo dục vẫn ì ạch không phát triển được? Đấy là vì sự đánh giá chỉ mang tính hình thức, không đi vào thực chất, không thực sự cầu thị để giúp nhau cùng tiến bộ. Nó nhằm mục đích đối phó với yêu cầu của cấp trên nhiều hơn là nhu cầu thấy cần thiết phải làm như thế.
Gạt qua một bên các tiêu chí về quy chuẩn giáo viên mà nhiều khi chẳng đi đến đâu, ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến 2 yếu tố quan trọng nhất trong nghề giáo là: Trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Trình độ chuyên môn bao gồm kiến thức, phương pháp dạy học, kỹ năng sử dụng ICT và các dụng cụ thí nghiệm trực quan.
– Về kiến thức: Phải phong phú sâu rộng, liên tục cập nhật cái mới. Chấm dứt tình trạng dạy bài nào biết bài ấy, sách giáo khoa có bao nhiêu chữ thì dạy lại bấy nhiêu chữ. Ví dụ với tác phẩm dài hơi như Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên trong văn học, tôi tin chắc nếu khảo sát thực tế thì nhiều giáo viên chưa một lần đọc hết toàn bộ tác phẩm, nói gì đến việc am hiểu sâu sắc về tác phẩm. Do đó, khi dạy đoạn trích nào thì chỉ “loanh quanh” ở đoạn trích ấy thôi, không dám mở rộng, so sánh, liên hệ thêm. Thế mới có chuyện, thư viện trường có cũng như không, sách hay để bụi bẩn bám đầy không ai biết. Thời đại bùng nổ thông tin, muốn tìm hiểu gì, cứ vào Google là có hết, mà cũng chả mấy người thiết tha đến nó.
– Về phương pháp dạy học: Cần phải đa dạng, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc trưng bộ môn, với đối tượng học sinh. Theo tôi, đây là yếu tố quyết định nhất trong quá trình dạy học, nó phân biệt sự khác nhau giữa người này với người kia, giữa một giáo viên giỏi và một giáo viên chưa giỏi. Kiến thức chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng cách truyền đạt nó cho học sinh hiểu và thích thì vô cùng, mỗi người một phương pháp. Chấm dứt vĩnh viễn tình trạng đọc chép, nhìn chép, ngồi yên… mà chép.
– Về trình độ công nghệ thông tin: Bắt buộc phải sử dụng thành thạo những phần mềm dành riêng cho dạy học và cho từng môn học. Tránh tình trạng giáo viên không tự thiết kế nổi một bài giảng điện tử như phần đông hiện nay. Nghèo về kiến thức, yếu về công nghệ nên đa số giáo viên biến mình thành cái máy photocopy những bài giảng, giáo án có sẵn trên mạng.
– Về kỹ năng sử dụng giáo cụ trực quan: Điều này không quá khó chủ yếu là khắc phục tâm lý ngại và lười đã ăn sâu vào suy nghĩ của giáo viên mỗi khi dạy bài có phần thực hành.
Nói đến đạo đức nghề nghiệp là nói đến cái tâm của người làm nghề. Với bất cứ nghề nào cũng cần có lương tâm và trách nhiệm, song làm nghề giáo thì càng cần hơn bao giờ hết.
– Trước tiên cần đề cao lòng tự trọng nghề: Nếu mỗi giáo viên luôn ý thức rằng mình là thầy là cô, là tấm gương sáng cho lớp lớp các thế hệ học sinh noi theo; nghề của mình cao quý, được xã hội tin tưởng, trọng vọng thì họ sẽ có những hành xử chuẩn mực, mô phạm, không tùy tiện quát mắng, sỉ vả học sinh, không buôn chữ bán điểm, không tiếp tay cho gian lận, không ăn rắp chất xám của người khác…vv.
– Yêu thương tôn trọng học sinh: Điều này được thể hiện ngay trong mỗi bài giảng, mỗi hành động, lời nói của thầy cô. Luôn đặt mình ở vị trí của học sinh, lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc của học sinh, dành thời gian nghiên cứu, giải đáp, không trả lời qua loa, đại khái, không lấp liếm cái mình chưa biết.
Ngoài ra còn rất rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp khác cần có ở người thầy để nhân lên niềm tin yêu của học trò, của xã hội với nghề giáo. Trong khuôn khổ bài viết có hạn, tôi chỉ nhấn mạnh vào hai phẩm chất trên.
Cuối cùng là khâu kiểm tra, đánh giá cần trung thực, khách quan, cầu thị. Theo cách làm việc hiện nay, cả năm có hai học kỳ, mỗi học kỳ chỉ dự giờ thực tế được một tiết duy nhất với mỗi giáo viên mà tiết đó đã được lên lịch báo trước cả tuần cả tháng rồi thế thì còn đâu là thực chất nữa. Đến khi nhận xét, đánh giá tiết dạy, lại nể nang, ngại nói thẳng nói thật, sợ mất lòng. Kết quả ai cũng tốt cũng giỏi cả, chỉ có học sinh thì ngày càng… dốt đi.
Gần đây cả thế giới đang ca ngợi mô hình giáo dục của Phần Lan. Giáo viên nước họ không bao giờ bị thanh tra, giám sát gì cả, hoàn toàn tự chủ trong giờ lên lớp, đến cả hiệu trưởng cũng hiếm khi góp ý về cách dạy. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, ở Việt Nam một trăm năm nữa chưa chắc đã thực hiện được điều đó vì ý thức tự giác của người Việt nhìn chung còn kém, ý thức tự trọng nghề của một bộ phận giáo viên còn thấp.
Thiết nghĩ nếu chưa làm được hai việc là trả lương thật cao cho giáo viên và yêu cầu thật gắt gao về năng lực, đạo đức nghề nghiệp thì mọi đổi mới đều thất bại, chỉ là phần ngọn, chứ chưa phải là gốc.
Phương Liên