26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 185

Bạn đã thử điều khiển cuộc sống của mình theo cách này chưa?

Bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta, của tôi và của bạn, của bất kỳ ai đi chăng nữa đều bị chi phối bởi rất nhiều thứ, trong đó có hai điều chính yếu nhất. Hai điều này vốn dĩ là của chính chúng ta, từ chúng ta, nó chi phối ta nhưng ta lại không nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể điều khiển nó. Nắm giữ được cách chi phối và sử dụng tốt hai thứ này, ta sẽ thành công và làm chủ cuộc sống của mình.

Tạo thói quen, tạo cuộc đời

Có lẽ bạn đã phát chán những bài viết dài dòng của tôi, nên xin vào đề luôn bằng đoạn giới thiệu khá hay ho của Sean Covey về điều chính yếu đầu tiên: Lời bộc bạch của những thói quen, hãy ngẫm nghĩ kỹ những lời thói quen đang nói với bạn:

“Tôi ở đâu ư? Tôi luôn đồng hành cùng với bạn, trong bạn. Tôi có thể trở thành người trợ giúp đắc lực cho bạn nhưng cũng có thể là sự cản trở, là gánh nặng nhất của bạn. Tôi sẽ nâng bạn đến thành công hoặc biến bạn thành kẻ thất bại. Tôi sẽ luôn bên bạn và làm theo ý muốn của bạn.

Điều khiến tôi là một việc dễ dàng, nhưng bạn phải kiên quyết với tôi. Cho tôi biết thật chính xác bạn muốn ứng phó một vấn đề nào đó ra sao, rồi sau một vài lần thực hiện, tôi sẽ thực hiện đúng như vậy. Tôi là bạn của những bậc anh hùng vĩ nhân, và cả của những người ti tiện, đớn hèn. Ở những người vĩ đại, tôi cũng họ tạo nên những điều vĩ đại. Ở những ai chủ bại, tôi ra tay đẩy họ đến đường cùng, mà chính họ không hề biết.

Tôi không phải là một cái máy, dù vậy, tôi hoạt động với độ chính xác cao hơn một cái máy, cộng thêm trí thông minh của chính bạn. Bạn có thể sử dụng tôi để đạt tới thành công hoặc để tự hủy hoại mình. Vì với tôi hai điều đó không có gì khác biệt, chẳng có gì quan trọng.

Hãy nắm lấy tôi, huấn luyện tôi, kiên quyết với tôi. Rồi tôi sẽ đặt cả thế gian dưới chân bạn. Hoặc hãy dễ dãi nuông chiều tôi. Rồi tôi sẽ tiêu diệt bạn. Đầu tiên, tôi chỉ là một suy nghĩ hoặc là một hành động tình cờ của bạn. Rồi tôi trở thành THÓI QUEN của bạn. Và cuối cùng, tôi là người điều khiển bạn!”

Vâng, chỉ ngắn gọn thế thôi, hẳn bạn cũng đã hình dung ra thói quen có sức mạnh như thế nào và cuộc đời bạn sẽ bị tác động nhiều đến ra sao bởi những thói quen tốt hay tốt. Tôi đã từng gợi ý cho bạn một vài thói quen đơn giản nhưng tuyệt vời như là đọc sách, như là giữ bên mình một cuốn sổ tay để viết vào đó danh sách việc làm và những ý tưởng, như là luôn đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho cuộc đời, như là tìm hiểu thông tin về các chủ đề trong cuộc sống, như là tập thể thao giữ gìn sức khỏe và cơ thể đẹp, như là tập nêu chính kiến của mình sau các bài viết và mọi cuộc tranh luận, như là hãy cố gắng đem niềm vui đến cho mọi người bằng những món quà nhỏ…

Kể cả khuyên bạn rời xa những thói quen xấu xí như hãy dừng việc đọc tin tức vớ vẩn, đừng lãng phí thời sinh viên hay đừng hâm mộ một người nổi tiếng… Tất cả những bài viết trước đây, đều có thể quy về việc tôi đang cố khuyên bạn hình thành những thói quen có lợi. Tạo và duy trì được những thói quen đó, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Bạn sẽ khác biệt, bạn sẽ không còn tầm thường, không còn làng nhàng và chịu chung một cảnh của những người bị động mặc cho cuộc đời xô đẩy hay chèn ép.

Hãy cố gắng duy trì những thói quen đó. Đó là điều cần làm, nên làm và phải làm, không phải ngày mai, mà ngay hôm nay, ngay lúc này nè, hãy lên danh sách những thói quen bạn cần có để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn bây giờ, tôi xin nói về một thứ khác nữa. Một thứ không kém phần quan trọng giúp thay đổi cuộc đời bạn đang sống, tất nhiên theo chiều hướng tích cực hơn. Tôi thích những thứ tích cực, tôi khao khát tạo ra những điều tích cực trong cuộc sống và tôi sẽ làm mọi thứ để duy trì sở thích của mình, và để giúp các bạn, nếu có thể.

Kiểm soát cảm xúc – kiểm soát cuộc đời

Ngoài thói quen, có thể bạn đã biết rằng, thứ chi phối cuộc sống và hành động của bạn nhiều nhất, chính là cảm xúc. Dạ vâng, chính là cảm xúc. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều bị thứ bùa mê này toàn quyền kiểm soát. Bạn ở bên ai đó, người yêu, người nhà hay bè bạn nhiều hay ít, vì cảm xúc họ mang lại cho bạn, bạn ngồi trong một quán cafe yêu thích vì cảm xúc của bạn khi ở đó. Bạn mua một món đồ đôi khi biết không hợp với mình nhưng cảm tình với cô nhân viên khiến bạn không thể dừng lại. Bạn phản ứng quá mạnh trong những tình huống nhỏ bé vì không thể dừng lại cảm xúc.

Đã bao lần bạn có những quyết định sai lầm chỉ vì nghe theo những cảm xúc nhất thời. Đã bao lần bạn cố hình dung về một cảm xúc trong quá khứ mà mình đã đánh mất chỉ mong được trải nghiệm nó thêm một lần nữa. Đã bao lần bạn cảm thấy tâm hồn ngập tràn ánh nắng trong khi tiết trời âm u mưa gió, và đã bao lần bạn cảm thấy đất trời như không còn chút sinh khí chỉ vì chính tâm hồn bạn không còn chút sinh khí… Không thể kể ra hết những gì cảm xúc tác động tới bạn và cuộc sống của bạn đâu. Nó là điều bình thường thôi nhưng lại quá quan trọng, nó nhỏ bé thôi, nhưng tác động lại quá khủng khiếp. Cảm xúc chi phối mọi hành động, mọi con người, dù là bất kỳ ai trên đời, miễn bạn không phải là robot.

Một khi biết được cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của chúng ta thế nào, ta sẽ biết ngay việc cần làm, cũng như đối với thói quen, chính là tạo ra những cảm xúc tốt đẹp, duy trì nó và tránh xa những cảm xúc xấu xí. Đó là bước đầu để bạn kiểm soát cảm xúc của mình. Một khi kiểm soát được cảm xúc bạn sẽ không còn gặp nhiều khó khăn thường gặp trên đời nữa.

Tất nhiên nhiều người sẽ cho rằng chúng ta không thể kiềm chế được cảm xúc. Tôi cũng khá đồng ý với ý kiến này, nhưng mà nghe này, chúng ta không thể kiềm chế PHẦN LỚN cảm xúc, không có nghĩa là chúng ta không thể kiềm chế TẤT CẢ, và quan trọng hơn nữa, điều quan trọng nhất luôn mà bạn cần tin tưởng, đó là: Không có gì là không thể…

Là một người nhiều cảm xúc và hay bị nó chi phối, tôi có xu hướng nuông chiều và hay tự tạo ra những cảm xúc mình mong muốn. Bạn cũng có thể làm theo tôi trong một số trường hợp thế này.

Hãy tự tạo ra và duy trì những cảm xúc tốt đẹp

Tại sao chúng ta cứ luôn phải chờ đợi những điều tốt đẹp từ người khác, như một kiểu nhận ơn bố thí. Tại sao chúng ta không tự tạo ra nó? Tin tôi đi, bạn hoàn toàn có thể. Nếu như bạn thèm một món ăn, bạn sẽ đi tìm mua và ăn nó. Nếu như bạn thích cảm giác yên bình của một quán cafe quen, khi cần có cảm giác yên bình, bạn sẽ tìm đến nó. Nếu như bạn thích cảm giác ở bên một người, tại sao không tìm đến họ?

Tôi đọc nhiều sách nhưng thích nhất cuốn “Đắc Nhân Tâm“, vì đó là cuốn sách mà tôi yêu thích và tâm đắc nhất. Tôi thường xuyên nói về nó, nếu có ai hỏi xin ý kiến về sách, tôi sẽ giới thiệu nó ngay. Nếu như ai đó cần lời khuyên về giao tiếp, tôi cũng sẽ giới thiệu không chút ngại ngần. Tôi nói tới nó nhiều tới mức, giờ đây, cứ nhắc đến cụm từ “đắc nhân tâm” là tự nhiên tôi khựng lại, tất cả kiến thức trong sách như sống dậy, thôi thúc tôi hành động theo nó, thôi thúc tôi cư xử tử tế như sách yêu cầu.

Nó như là một liều thuốc hiệu quả tức thời vậy. Thế nên mỗi khi tôi nóng giận hay gặp những tình huống không như ý, tự động tâm trí tôi lặp đi lặp lại cụm từ “đắc nhân tâm”. Thế rồi tôi kìm nén cảm xúc lại, khi nhớ ra rằng cảm xúc nóng giận tức thời luôn là cảm giác tiêu cực nhất. Vì vậy, mỗi khi cần nhắc mình tử tế và hòa nhã, tôi lại tự đọc thần chú Đắc Nhân Tâm trong đầu và trong phần lớn tình huống, tôi xử lý êm xuôi. Mỗi khi tôi tức giận, thất vọng hay muốn phát điên lên, tôi lại nghĩ đến nó, như một liều thuốc an thần xoa dịu cảm xúc hiệu quả vô cùng. Đó là cách tôi kiểm soát cảm xúc hàng ngày của mình.

Bạn cũng vậy, nếu như có một cuốn sách nào khiến bạn tràn đầy năng lượng và quyết tâm, hãy đọc đi đọc lại nó, nhất là những lúc cần đến những cảm giác đó. Nếu như có một bản nhạc khiến lòng bạn thanh thản, khiến bạn yêu đời yêu cuộc sống, hãy nghe nó mỗi khi cảm thấy buồn. Nếu như việc nói chuyện với một người nào đó khiến bạn vui vẻ, hãy nói với người đó nhiều hơn. Đừng đợi người ta chủ động, mà chính bạn hãy chủ động bắt chuyện với họ, cùng nhau nói những điều vui vẻ, bạn sẽ thấy tìm niềm vui trong cuộc sống không phải là điều quá khó khăn.

Tôi thích cảm giác ghi danh sách công việc, hoàn thành nó rồi gạch bỏ nó đi, càng được gạch nhiều tôi càng vui. Nên đôi khi ngoài những công việc chính thống trong ngày, tôi hay viết thêm những việc nhỏ nhỏ mà mình chắc chắn làm được, những việc như là: “Nhắn tin chúc mẹ ngày mới, sắp xếp bàn làm việc, viết một status câu nói ý nghĩa nào đó, bấm móng tay, uống sữa, ăn trưa…”

Đây là những việc nhỏ bé tôi hoàn toàn có thể làm một cách dễ dàng, tôi ghi chúng ra, bịa thêm những việc nhỏ nhỏ tương tự cho đầy tràn một danh sách. Rồi tôi làm ngay để được gạch nó đi. Đúng vậy đó, có những việc tôi cố tình viết ra dù chẳng đáng, như việc uống sữa (tôi ghét sữa). Tôi cố tình viết nó ra để được gạch nó đi. Cảm giác sau đó thật tuyệt. Nhìn danh sách việc dài ngoằng được gạch đi dù phần lớn toàn việc vớ vẩn, tôi vẫn thấy mình làm được thật nhiều việc, tôi thấy mình thật giỏi giang, cảm giác khoan khoái vô cùng.

Có những loại cảm giác đúng đắn và tuyệt vời hơn mà bạn có thể thử nghiệm ngay. Chẳng hạn một ngày kia tâm trạng bạn rất vui, bạn cười với mọi người và thấy mọi người đều cười lại với bạn, thật đáng yêu. Một ngày khác tâm trạng bạn không tốt nữa, bạn vẫn có thể lập lại cảm giác lần trước bằng cách cứ tiếp tục mỉm cười với mọi người xem sao.

Nếu như một lời khen của ai đó khiến bạn thích thú và yêu đời. Hãy nhân cảm giác đó lên, bằng cách thỉnh thoảng lại đọc lại những lời khen đó, nhất là khi buồn. Bạn cũng có thể ghi chép chúng vào cuốn sổ tay tập hợp những lời khen người khác dành cho mình. Và mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn và đọc nó, đảm bảo ngày mới của bạn sẽ luôn vui tươi. Cách này nghe có vẻ hơi vớ vẩn con nít hả. Nhưng tin tôi đi, nó rất hiệu quả đấy.

Thật ra công thức đơn giản nhất để tạo cảm xúc, chỉ là “tìm ra loại cảm xúc mà bạn mong muốn, hành động nào khiến bạn có được cảm xúc đó. Rồi thì nhân nó lên, lặp lại liên tục”. Bạn sẽ thấy tạo cảm xúc tích cực không hề khó khăn như bạn nghĩ đâu.

Tôi thích tặng quà bất ngờ cho người khác vì tôi thích cái cảm giác họ bất ngờ, ngạc nhiên và bối rối, tất nhiên cả thích thú nữa. Tôi thích cảm giác đó nên tôi nhân nó lên nhiều lần bằng cách tặng quà cho nhiều người hơn. Được nghe cám ơn hoài nên tôi vui hoài là vậy. Tôi thích viết những bài viết có thể khiến cho ai đó thay đổi, từ suy nghĩ rồi sau đó có động lực để hành động.

Mỗi khi một ai đó thay đổi hay có động lực để hành động tích cực, họ thường không quên cám ơn tôi. Cảm giác mình có ích, cảm giác mình làm được việc gì đó tốt cho ai đó, nhỏ thôi, nhưng tuyệt vời vô cùng. Nó khiến tôi không muốn dừng lại, nó khiến tôi cứ muốn mãi được cám ơn như thế, muốn mãi được giúp đỡ mọi người, muốn mãi là người có ích. Nhờ đó, phần lớn tâm trạng trong mỗi ngày của tôi luôn rất vui vẻ và lạc quan. Rồi tôi lại dùng chính thứ cảm xúc đó để nhân nó lên lan truyền tới mọi người theo cách này cách khác.

Bạn cũng có thể làm như vậy, giúp đỡ ai đó, cha mẹ, bạn bè, nghe lời cảm ơn từ họ. Bạn sẽ muốn giúp họ nhiều hơn, nhiều nữa, nhiều tới mức họ sẽ yêu quý bạn vô cùng. Trong tất cả các loại cảm xúc, có gì tuyệt hơn được mọi người yêu quý?

Chắc hẳn bạn đã biết cảm giác xúc động bồi hồi nếu bạn từng đi làm các công tác từ thiện, đến những trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão hay các trung tâm y tế… Đến những nơi đó đi, bạn sẽ nhận ra mình là người thật sự may mắn đến mức nào. Rồi bạn sẽ biết thông cảm, biết yêu thương và biết trân trọng cuộc sống này hơn. Mỗi khi cần cảm giác đó, hãy lại đến những nơi đó, bạn vừa tìm được thứ mình muốn, những người cần giúp đỡ lại có thêm người giúp đỡ. Hai bên cùng có lợi và nhất định xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn có thể nhân cảm giác đó, hành động đó lên nhiều lần, với nhiều người hơn nữa. Hoặc khi bạn giúp đỡ một cô lao công, một người bán vé số điều gì nhỏ nhặt. Nhìn sự biết ơn ánh lên trong đôi mắt, tôi dám cá bạn sẽ muốn nhìn thấy ánh mắt đó thêm thật nhiều lần nữa cho coi.

Việc tạo cảm xúc hoàn toàn có thể áp dụng trong cả các mối quan hệ như tình bạn hay thậm chí cả tính yêu nữa. Nếu một người bạn chỉ toàn nói với bạn những điều tiêu cực, chỉ toàn chê bai, sỉa sói hay nói xấu những người khác. Nếu người bạn đó chẳng bao giờ làm gì khiến cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, hãy mạnh dạn rời xa họ. Nhưng nếu một người bạn luôn động viên, khuyến khích mọi việc bạn làm, luôn lắng nghe và làm bạn cười. Hãy ở bên người đó nhiều hơn nữa.

Hãy hạn chế thậm chí chặn đứng ngay những cảm xúc tiêu cực mỗi ngày

Tôi không thích giờ ăn cơm, trưa hay tối, vì một số lý do hàng ngày tôi đều phải ăn cơm hàng và toàn phải ăn một mình (dù đã đọc cuốn “đừng bao giờ đi ăn một mình” nhưng vô ích :(). Nhưng không thể không ăn đúng không, nên tôi phải tìm cách biến giờ ăn cho thật hứng thú, bằng cách để dành bộ phim yêu thích chỉ được coi lúc ăn cơm. Mỗi ngày, bữa cơm từ việc nhàm chán nhất trở thành việc vô cùng được mong đợi và hứng thú. Cái này hơi trẻ con ạ? Giống như dỗ con nít ăn cơm?

Thôi được rồi, ví dụ khác vậy. Tôi ghét phải chờ đợi, ghét phải lãng phí thời gian, nhưng dù sắp xếp tới đâu cũng vẫn luôn phí những khoảng thời gian trống vô nghĩa, như buổi hẹn cafe phải chờ đợi, như lúc đợi xe mỗi khi đi công việc, như lúc xe bị hư phải sửa… Trước đây tôi thường mang theo một cuốn sách, nhưng việc đọc sách không hứng thú bằng việc mang theo một cuốn sổ, mỗi lúc rảnh hay thời gian vô nghĩa tôi đọc lại những gì mình đã viết hoặc viết thêm vào đó những ý tưởng mới, nghĩ danh sách việc phải làm… Thế là chẳng bao giờ còn phải nuối tiếc thời gian cả. Việc này lại hứng thú vô cùng. Tôi thậm chí muốn có nhiều thời gian hơn ở bên cuốn sổ của mình. Nếu như trong buổi hẹn bạn trễ giờ, với cuốn sổ hay cuốn sách của mình, tôi sẽ không giận bạn đâu, chỉ có bạn phải xấu hổ vì trễ hẹn thôi.

Tôi cũng có những cách rất hay để hạn chế cảm xúc tiêu cực từ những nguồn cơ bản, như những người bạn. Bạn biết đấy, thông tin từ bạn bè của chúng ta phần lớn đến từ facebook, có những người chẳng bao giờ chia sẻ được điều gì hay ho bổ ích trên news feed cả. Tất cả những gì họ làm chỉ là khoe khoang hoặc xỉa xói, nói xấu, mỉa mai người khác.

Thậm chí có những người gần như chỉ dùng facebook để than thở mọi điều về cuộc sống hay quảng cáo loại mặt hàng mà tôi ghét, tôi không quan tâm hay đang cạnh tranh với tôi. Những người này thường làm tôi bực mình, thế nên, tôi chẳng ngại ngần chặn hoặc hủy bạn bè hoặc bấm nút ngừng theo dõi với họ ngay. Những người toàn tạo cảm giác xấu xí, dù thân mấy, tôi không cần. Tôi có thể vẫn làm bạn với họ ngoài đời, nhưng trên facebook, nơi tôi kiểm soát được, thì không. Bất cứ thứ gì mang lại cảm xúc tiêu cực. Tôi tìm cách chặn chúng lại ngay. Sao phải chần chừ, sao phải băn khoăn?

Facebook khiến cho chúng ta dễ dàng và thường xuyên ghen tỵ với người khác, biến chúng ta trở nên xấu tính, thích đi xăm soi, chỉ trích rất nhiều. Thế nên hãy kiểm soát nó, biến nó thành một nơi chốn tốt đẹp, bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn. Đừng để facebook kiểm soát cuộc đời bạn, nhưng chính bạn hãy kiểm soát nó.

Tôi và có lẽ tất cả chúng ta đều rất ghét cảm giác thèm thuồng. Thế nên tôi xử lý nó bằng cách cố gắng không để mình thèm bất cứ thứ gì cả. Thèm măng cụt ư, tôi sẽ mua nó và ăn trong nhiều ngày tới khi chán, tới khi măng cụt chẳng còn hấp dẫn tôi nữa. Thèm bít tết ư, tôi sẽ đi ăn nó mỗi sáng cho tới khi hoàn toàn không chút cảm xúc khi nhắc về nó. Thèm ở bên ai đó ư, tôi sẽ tìm mọi cách hoặc tạo mọi điều kiện để được ở bên họ.

Tôi không muốn đợi đến dịp nào cả, tôi ghét chờ đợi, tôi ghét bị động. Nên tôi sẽ chủ động sắp xếp mọi thứ sao cho ổn thỏa để tìm kiếm cảm giác mình mong muốn. Tôi ghét những cửa hàng cạnh tranh với tôi nên tôi hạn chế đi ngang qua nó. Tôi không bao giờ và không thích nghe người ta kể về nó, tôi chặn tất cả, để khỏi so sánh, khỏi bi quan, khỏi bức xúc, chỉ tập trung làm tốt công việc của mình thôi. Những điều này nghe có vẻ không hay ho gì lắm đúng không? Chẳng sao cả, mọi người có thể đánh giá về bạn không tốt? Chẳng sao cả. Thật tình mà nói, chẳng ai quan tâm đến bạn nhiều như chính bạn đâu. Nên thay vì đợi người khác mang lại cảm giác mà bạn mong muốn, hãy tự tạo ra nó.

Về tình yêu, tôi có cách này khá hay có thể giúp các bạn hoặc hạnh phúc hơn với sự lựa chọn của mình, hoặc sẽ bớt đau khổ hơn khi kết thúc một chuyện tình. Nếu như bạn thích ai đó hoặc đang yêu ai đó, hãy thử cầm giấy bút, viết ra những lý do vì sao hai người nên yêu nhau, những điểm tương đồng và những điều bạn yêu mến ở họ. Viết ra được những điều này, hoặc bạn sẽ có thêm can đảm để tỏ tình với người ta, hoặc là sẽ thêm quyết tâm ở bên người ấy cả đời, khiến cho tình yêu thêm bền chặt. Thật ra ý này chỉ là phụ thôi, vì khi người ta yêu và được yêu, là hạnh phúc quá rồi, ai mà cần làm những thứ này chứ.

Nhưng bạn đừng vội xem thường sức mạnh của hành động này, đặc biệt khi bạn vừa chia tay, dù vì bất cứ lý do nào. Việc làm này sẽ khiến bạn bớt dần đi sự đau khổ nuối tiếc một cách nhanh chóng. Đừng chỉ suy nghĩ, hãy viết nó ra, ra giấy trắng mực đen hẳn hoi nhé. Bạn hãy viết về những điểm khác biệt giữa hai người, từ tính cách, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, quan điểm sống… Rồi viết ra những lý do tại sao mối quan hệ này nên chấm dứt từ lâu. Viết ra những điều bạn không hài lòng, không thích hay thậm chí là rất ghét của người đó mà trước giờ bạn bị tình yêu làm cho mù mắt, lãng tai, miệng dính lại… viết cả những lỗi lầm của họ mà bạn từng bỏ qua hay chưa bỏ qua được.

Đặc biệt nhất, cũng trên chính trang giấy này. Hãy tưởng tượng và vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi đẹp, về tất cả những gì bạn có được và có thể làm, đạt được khi chia tay con người đó. Đó là một thế giới mới, bạn sẽ xinh đẹp hơn, sẽ có nhiều mối quan hệ thú vị, sẽ tìm được người cùng sở thích du lịch, một người khác mạnh mẽ hơn, một ai đó bảnh bao hay xinh xắn hơn người cũ thật nhiều. Một người mà mai này anh ta có nhìn thấy sẽ phải tiếc nuối và ghen tỵ… Đúng rồi, hãy viết ra những điều đó, tất cả những điều đó.

Đầu tiên, khi viết ra những lý do việc chia tay là đúng đắn bạn sẽ bớt đau khổ hơn khi trí óc bắt đầu kiềm chế được những cảm xúc vụn vỡ nơi trái tim. Sau đó, viết tiếp những điều tệ hại ở anh ta khiến bạn ghét cay ghét đắng hoặc không ưa nổi. Bạn lại tiếp thêm cho lý trí của mình sức mạnh, đồng thời như một thông điệp ngầm cho thấy trái tim bạn đang yếu đuối ngu si tới mức nào. Sau cùng khi nghĩ về một tương lai tươi sáng với một người nào đó tuyệt vời hơn, xứng đáng hơn với những cơ hội mà bạn có thể có được trong tương lai.

Trí óc bạn lúc này hoàn toàn mạnh mẽ và chiếm được phần lớn ưu thế trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Không những thế, trái tim của bạn sẽ lại bắt đầu lành lặn, bắt đầu khỏe mạnh và sẵn sàng cho những điều mới mẻ bạn đã hứa. Hãy viết ra những điều này và nếu cần thiết, hãy đọc đi đọc lại nó như một kiểu tiếp nhiên liệu cho tâm trí và trái tim của bạn vậy. Mọi việc đều rõ ràng mạch lạc, giấy trắng mực đen. Bạn thậm chí có thể không tin được mình lại mạnh mẽ như thế nào đâu. Và lúc này, bạn có thể hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình khi nghĩ về người đó. Không còn đau khổ khóc lóc, không còn sợ hãi lo âu.

Mọi thứ lại đâu vào đó. Trái tim lành lặn lại được dịp phục hồi để những lần yêu sau thêm ngọt ngào. Đây chính là một trong những hành động tác dụng mạnh nhất giúp tôi quên đi một chuyện tình yêu đau khổ. Thật sự chính tôi và tất cả bạn bè đều không thể ngờ được tôi chỉ mất một tuần để lại vui vẻ, tươi mới, lãng quên mọi chuyện như nó chưa hề xảy ra, lãng quên một con người như hề họ chưa từng tồn tại. Một tình yêu ngọt ngào 3 năm và tôi chỉ mất một tuần để cất nó đi như cất một món đồ chơi cũ kỹ nhàm chán. Đây là một trong những điều khiến tôi tự hào về bản thân mình. Đừng hòng mà kiểm soát được tôi, nhưng chính tôi, sẽ kiểm soát chính mình.

Dù vậy, tôi thật tâm hi vọng không quá nhiều người phải dùng đến cách này. Tình yêu là một thứ đẹp đẽ, là nguồn thực phẩm giàu năng lượng nhất cho cuộc sống của chúng ta. Sẽ thật tốt khi người ta yêu nhau mà chẳng có chia tay chia chân gì cả. Nhưng đời không nói được điều gì. Một người tuyệt vời hôm trước lại đột ngột thay đổi đến khủng khiếp ngay hôm sau. Hãy luôn chuẩn bị tinh thần cho mọi thứ. Bạn sẽ kiểm soát được cảm xúc của mình, kiểm soát được cuộc đời mình.

Lên kế hoạch trước cho mọi việc, cũng chính là cách bạn bồi thêm sự tự tin cho bản thân, và giảm thiểu cảm giác hoang mang, lo sợ lẫn thất vọng. Tôi hay lên kế hoạch cho mọi thứ, luôn sẵn sàng cho cả những việc tệ hại, nên bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy tôi chẳng bao giờ quá thất vọng về bất cứ thứ gì. Khi lên kế hoạch cho một công việc mới, tôi thường có các phương án A-B-C-D khác nhau để dự phòng. Nếu không mở được cái này sẽ mở cái khác, cái khác không được sẽ làm cái khác nữa, cái khác nữa không xong lại chuyển hướng sang cái khác khác khác. Tôi luôn có các kế hoạch dự phòng nên khi mọi việc không xảy ra theo ý mình muốn, dù có buồn, tôi vẫn không thất vọng. Tôi xác định trước ranh giới cho các mối quan hệ, chỉ là xác định thôi, còn sau đó tất nhiên vẫn tùy theo tình hình thực tế. Nếu như tôi muốn ở bên một người vì cảm giác bình an mà anh ấy mang lại, tôi sẽ tìm cách được ở bên họ nhiều hơn, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó, tôi sẽ dừng lại. Đôi khi cảm giác tiếc nuối làm tim tôi đau nhói, nhưng vì đã chuẩn bị tinh thần, nó thường hồi phục rất nhanh, và tôi lại thêm tin tưởng chính mình.

Mất kiểm soát bất cứ lĩnh vực nào: tình cảm, công việc, gia đình, các mối quan hệ, tiền bạc… đều khủng khiếp và tệ hại như nhau. Nên để không rơi vào trạng thái đó, tôi thật sự khuyên bạn hãy lên kế hoạch cho mọi thứ và xác định các ranh giới. Làm được điều này, bạn sẽ luôn kiểm soát được mọi thứ, tất nhiên sẽ rất nhiều chuyện ngoài lề đáng ghét xảy đến. Nhưng quan trọng nhất, bạn kiểm soát được cảm xúc của mình, luôn tràn đầy tự tin vì chủ động kiểm soát mọi thứ, không bao giờ quá thất vọng hay đau lòng nữa vì bạn đã có những kế hoạch dự phòng khác rồi cơ mà.

Trong khi phần lớn mọi người thường chỉ sống qua ngày và chờ đợi mọi thứ xảy đến, rồi bị kiểm soát hoàn toàn bởi các thể loại cảm xúc khác nhau, đa phần là cảm xúc không mong muốn. Thì chính bạn, hãy đứng lên, tự tìm kiếm cho mình những cảm xúc bạn mong muốn, vui vẻ ư, hạnh phúc ư, hài lòng ư, tất cả đều có thể kiếm được. Và quan trọng không kém là hãy hành động để chặn đứng ngay những loại cảm xúc tiêu cực đang bủa vây bạn. Chặn ngay nó lại và tìm thêm những cách để hạn chế những điều không mong muốn có thể xảy ra. Hãy lên kế hoạch, hãy xác định ranh giới và chuẩn bị tinh thần cho mọi vấn đề. Có điều này, bạn nhất định không được quên, rằng bạn, chính bạn, chứ không phải ai khác, chính bạn mới là và phải là người kiểm soát kiểm soát cuộc đời mình, và kiểm soát cảm xúc chính là một phần quan trọng trong đó, không xem thường được đâu.

Tác giả: Phi Tuyết

Con là nợ!

Featured Image: Susan Sermoneta

 

Sáng nay vào Facebook, gặp tâm sự của anh bạn:

“Tối qua tui mới đi đám tang con gái lớn của đứa bạn cùng lớp N3 LQĐ. Cháu cũng học LQĐ, đang là lớp trưởng một lớp 10. Cháu rất ngoan, học giỏi nhưng bỗng dưng quyết định chấm dứt cuộc sống của mình ở tuổi 15 vào chiều ngày chủ nhật. Cả nhà không ai hiểu vì sao, bạn bè thầy cô cũng không ai hiểu vì sao?

Được kể lại rằng hôm thứ sáu tuần rồi cháu vẫn đứng ra cùng các bạn tổ chức sinh nhật cho thầy chủ nhiệm, vẫn vui vẻ hòa đồng với các bạn trong lớp. Đến sáng chủ nhật ba cháu vẫn chở cháu đi học võ tại trường, trưa đón về nhà ăn cơm bình thường nhưng đến chiều thì xảy ra chuyện. Nhiều người nói có thể cháu bị áp lực học hành, bị một cú sốc nào đó về điểm số… (đối với cháu này thì nguyên nhân yêu đương được loại trừ).

Một sự mất mát không thể bù đắp cho gia đình, một nỗi đau quá lớn và tất cả bạn bè thân quyến. Vì sao? Vì sao nên nỗi? Rất nhiều câu hỏi vì sao không lời giải đáp! Phải chăng có một sự khiếm khuyết nào đó trong nền giáo dục hiện tại?“  (Trích từ Hội Huỳnh)

Một câu chuyện quá buồn, quá đau xót nhưng không phải là quá hiếm!

Năm 2000 đọc được cuốn “Rich Dad, Poor Dad” của Robert Kiyosaki , trong đó chủ yếu hướng dẫn về cách làm giàu từ bất động sản (điều này cần phải xem lại). Tuy nhiên có một quan điểm về giáo dục, tôi cho là đúng và đã áp dụng đến giờ.

Robert Kiyosaki cho rằng, để giáo dục một đứa trẻ sau này trở thành một người thành công thì phụ huynh cần phải làm 4 việc sau:

  • Giáo dục kiến thức nghề nghiệp.
  • Giáo dục về thể chất.
  • Giáo dục về kiến thức tài chính.
  • Giáo dục về kiến thức xã hội.

Kiến thức nghề nghiệp:

Giai đoạn phổ thông chỉ trang bị kiến thức chung và là giai đoạn chính để một đứa trẻ chọn nghề nghiệp trong tương lai. Học giỏi ở trường phổ thông không quyết định sẽ giỏi ở bậc đại học và càng không quyết định sẽ giỏi trong lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai. Nếu xuất sắc tất cả các môn học ở trường phổ thông thì sẽ rất khó khăn khi chọn nghề.

Nghề nghiệp phải được xác định rõ ràng trước khi học về nó. Lâu nay, công thức là lấy cái bằng, làm việc theo cái bằng, làm riết rồi thành cái nghề.

Kiến thức nghề nghiệp hoàn toàn không phải là bằng cấp, chỉ có kiến thức nghề nghiệp được học từ trường lớp mới có bằng cấp, các kiến thức do tự học (là chính), từ bạn bè, từ xã hội, từ internet… thì hoàn toàn không có bằng cấp. Thậm chí có những kiến thức về nghề nghiệp không dạy ở bất cứ trường lớp nào  (không tin cứ hỏi anh Tuấn, chủ của Kềm Nghĩa).

Nhìn xã hội Việt Nam xem, thiên hạ đang đua nhau ép con phải học thật giỏi kiến thức cơ bản chỉ để khoe nhau khi trà chanh chém gió hoặc chụp hình học bạ khoe lên Facebook, chả ai cùng thảo luận về nghề nghiệp tương lai của con. Con vào được trường điểm hoặc đại học là coi như hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù khi là cử nhân hoặc thạc sỹ xong vẫn phải nuôi, nhưng… không sao!

Giáo dục về thể chất:

Chỉ có ở những nước phát triển, thể thao học đường mới được chú trọng. Ở Việt Nam phụ huynh phải làm việc này. Một đứa trẻ, ngay từ lớp 1 đã phải bắt buộc phải “gắn” với 1 môn thể thao nào đấy, nên nhớ là “gắn” chứ không phải “chơi”. Mỗi ngày đều phải tập hoặc 3 buổi/tuần. Bơi lội và võ thuật là lựa chọn hàng đầu. Không có sức khỏe thì không học nổi những gì cần học, không làm nổi những gì muốn làm và không hưởng được những gì đáng hưởng. Đơn giản thế thôi!

Giáo dục về tài chính:

Trẻ con phải được giáo dục về tài chính từ nhỏ, tiền bạc chả có gì xấu xa, nếu xấu thì bố mẹ nó và cả xã hội đang còng lưng ra để kiếm cái gì đấy? Cây bút chì là một văn phòng phẩm rất quen thuộc, nhưng đâm vào mắt thì mù đấy. Những việc rất đơn giản như tiêu xài phải ít hơn số kiếm được, tại sao phải mua cái này? Lợi ích của tiết kiệm? Đầu tư? Vay mượn… tất cả những vấn đề này đều phải được rèn luyện và giải thích hằng ngày.

Giáo dục về kiến thức xã hội:

Cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. Kỹ năng thích nghi. Kỹ năng hòa nhập. Kỹ năng giải quyết vấn đề. Các giá trị căn bản của cuộc sống là gì? Phân biệt đúng sai thiện ác? Làm sao để đứng dậy sau khi vấp ngã?… Những việc này rất tốn thời gian và công sức của phụ huynh vì kiến thức xã hội chủ yếu được cung cấp cho trẻ qua các nguồn sau: Sách, các khóa kỹ năng mềm, nói chuyện với con. Phụ huynh chả bao giờ đọc một cuốn sách thì làm sao giới thiệu cho con? Suốt ngày bắt nó đi học thêm thì lấy đâu ra thời gian để học các lớp kỹ năng mềm? Nói chuyện với con mới 2 câu là sử dụng quyền lực, quát mắng, ra lệnh… thì làm sao mà chuyện trò?

Một người dù cầm trong tay một mảnh bằng danh giá, nhưng không thích thú với nghề nghiệp của mình thì làm sao tiến xa đến đỉnh cao của sự nghiệp? Làm sao có một cuộc sống hạnh phúc?

Một người chọn đúng ngành nghề mình yêu thích nhưng không đủ sức khỏe để theo đuổi cống hiến hoặc ngay cả để sống một cách bình thường thì giỏi để làm gì?

Một người khỏe mạnh, giỏi giang trong nghề nghiệp nhưng mù tịt về tài chính (các nhà bác học thường gặp tình trạng này) thì bản thân có thể ổn nhưng trách nhiệm đối với gia đình, người thân có vẻ không ổn lắm.

Một người khỏe mạnh, giỏi giang cả về nghề nghiệp lẫn tài chính, lỡ bị bồ đá một phát hoặc lỡ kinh doanh bị thất bại, tự tử chết mất béng, để lại bao tiếc nuối cho những người còn sống.

Một đứa trẻ bước vào đời trở thành một con người chỉ cần như vậy thôi: Tinh thông trong nghề nghiệp nó ưa thích, có sức khỏe và thể trạng tốt, biết cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền, khéo léo trong ứng xử và thích nghi được mọi hoàn cảnh.

Trong 4 nhiệm vụ giáo dục kể trên thì 3 điều phụ huynh phải tự làm (thể chất, tài chính, xã hội), và với tình trạng giáo dục của Việt Nam, các phụ huynh còn phải làm thêm ít nhất 50% phần giáo dục về kiến thức nghề nghiệp. Lo cho con cơm ăn áo mặc, chạy cho con vào trường điểm, chúng ta chỉ mới làm được 1/8 nhiệm vụ trồng NGƯỜI!

Người xưa nói “con là nợ”, mà nợ thì phải trả, nếu chúng ta không trả đủ, món nợ sẽ quay về trong tương lai và dĩ nhiên, kèm thêm lãi suất!

Có thật sự kiểm soát súng là để bảo vệ bạn?

Featured Image: Jonathan Morris

 

Nhiều người Việt Nam ngày nay vẫn tin tưởng một cách ngây thơ rằng chính phủ kiểm soát không cho người dân sở hữu và sử dụng súng là để bảo vệ họ, là để bảo vệ xã hội khỏi bạo lực do việc sở hữu súng của những kẻ tội phạm. Sự thật có phải đúng là như vậy?

Trên thực tế khi bạn hay tôi đối mặt với bọn tội phạm, chúng ta ngay lập tức trở thành những người ở tuyến đầu phòng vệ. Lúc đó quá trễ để gọi sự trợ giúp của một ai đó. Những công dân tuân thủ luật pháp luôn là những người ở tuyến đầu đối mặt với tội phạm để bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Trong khi đó, những chính trị gia lại nói với chúng ta rằng họ muốn bảo vệ chúng ta khỏi tội phạm có vũ trang bằng cách tước đi quyền sở hữu và sử dụng vũ khí của cá nhân để tự vệ. Đây là lời nói dối lớn nhất của tất cả bọn họ.

“Thế giới này tràn ngập bạo lực bởi vì bọn tội phạm có súng. Chúng ta, những công dân tử tế tuân thủ luật pháp, cũng nên có súng. Nếu không thì chúng sẽ thắng và những người tử tế sẽ thua” – James Earl Jones

Những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề kiểm soát súng thường gắn liền với những cảm xúc mạnh mẽ của cả hai phía. Bên cạnh đó việc lạm dụng khai thác đề tài này đã ít nhiều tầm thường hoá vấn đề kiểm soát súng. Nó cực kỳ nguy hiểm vì quyền được trang bị vũ khí để tự bảo vệ không phải là vấn đề tầm phào. Và quyết định không nên được đưa ra dưới bất cứ áp lực của sự sợ hãi hay hoảng hốt nào.

Kiểm soát súng đi ngay vào trái tim của khái niện mà chúng tôi gọi là Tự do và do đó nó cần được xem xét một cách tổng thể và thận trọng.

Vậy kiểm soát súng chính xác là gì? Nó là kiểm soát dòng chảy của súng trong nước. Nhiều người suy nghĩ đơn giản hơn thì cho rằng kiểm soát súng là tịch thu súng của tất cả mọi người. Kiểm soát súng không hề có nghĩa là tịch thu súng. Điều này là không khả thi bởi vì các phần tử tội phạm trong xã hội sẽ không bao giờ giao nộp súng của chúng, lực lượng quân đội và cảnh sát cũng không.

Câu hỏi đầu tiên khi đó trở nên rõ ràng: Ai là người kiểm soát súng? Câu trả lời là chính phủ mà ở đây chúng ta sẽ gọi là những Người Làm Luật.

Câu hỏi tiếp theo chúng ta cần phải hỏi là: Súng của ai bị kiểm soát? Câu trả lời là nhân dân, những người đã giao nộp súng của họ. Họ là những công dân tuân thủ luật pháp mà chúng ta sẽ gọi là những Người Tuân Luật

Câu hỏi cuối cùng, súng của ai sẽ không bị kiểm soát? Chúng ta có thể giả thiết là bọn tội phạm sẽ không giao nộp súng của chúng và chúng ta sẽ gọi là những Người Phạm Luật

Và như vậy bạn đã có bức tranh tổng thể. Khi nói về kiểm soát súng, chúng ta dễ dàng phân chia xã hội thành ba nhóm có thể nhận diện dễ dàng: Người Làm Luật, Người Tuân Luật và Người Phạm Luật.

Có một sự tranh cãi dai dẳng rằng: Có thật kiểm soát súng, bằng cách nào đó, sẽ làm suy yếu nhóm Người Phạm Luật? Làm thế nào có thể như vậy được? Bạn có tin rằng những tên tội phạm sẽ giao nộp vũ khí của chúng trong khi chúng lại phụ thuộc vũ khí đó để thực hiện tội ác? Ngay cả khi có lệnh kiểm soát súng đi vào hiệu lực thì những vũ khí này vẫn đang lưu thông và những kẻ tội phạm vẫn đang sở hữu súng.

Thomass Jefferson nói về kiểm soát súng:

“Họ tước vũ khí chỉ của những ai không có chiều hướng hoặc đã xác định không phạm tội. Những luật như vầy chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn cho người bị tấn công và tốt hơn cho kẻ tấn công.”

Biện pháp kiểm soát súng cũng không chứng minh được đã tạo được rào cản đáng kể nào cho những kẻ tội phạm đang muốn sở hữu súng. Bất cứ ai với một số vật liệu đơn giản và có truy cập internet là đã có thể tìm thấy hướng dẫn cách và tự mình chế tạo súng. Trên thực tế điều sẽ xảy ra chỉ là súng sẽ được mua bán chợ đen. Hệ luỵ của nó là việc củng cố quyền lực của, hoặc sinh ra các tổ chức mafia nắm quyền kiểm soát việc kinh doanh này.

Như vậy, liệu luật kiểm soát súng có nên được áp dụng lên những công dân tuân thủ luật pháp như là biện pháp để bảo vệ họ, những công dân tuân thủ luật pháp, khỏi bọn tội phạm không để luật đó ràng buộc chúng?

Do nhóm tội phạm không bị ảnh hưởng bởi luật kiểm soát súng. Trên thực tế nhóm này là những ngưởi ủng hộ mạnh mẽ việc kiểm soát súng bởi vì nó giải trừ một cách hiệu quả vũ trang của những người mà chúng muốn làm hại.

Theo bản khảo sát Tội Phạm Quốc Gia Mỹ: “Nếu nạn nhân của vụ cướp không tự vệ, thì những kẻ cướp sẽ thành công trong 88% các trường hợp và nạn nhân sẽ bị thương trong 25% các trường hợp. Nếu nạn nhân chống cự lại với súng, tỷ lệ “thành công” của vụ cướp rơi xuống chỉ còn rơi xuống chỉ còn 30% và tỷ lệ nạn nhân bị thương giảm xuống còn 17%.”

Vậy cái gì là lợi ích của việc kiểm soát súng đối với những Người Tuân Luật. Phải chăng là sự giảm đi của tội phạm? Điều đó là không thể. Các số liệu thực tế từ các quốc gia gần đây ban hành luật kiểm soát súng chứng thực điều này. Hãy lấy ví dụ của Úc. Úc thiết lập kiểm soát súng năm 1996 và chính phủ đã thu giữ và tiêu huỷ 640, 381 vũ khí cá nhân, chương trình này cũng tiêu tốn của người đóng thuế Úc hơn 500,000 dollar và kết quả thu được sau 12 tháng là: tội phạm giết người tăng 32%. trên toàn nước Úc, các vụ tấn công tăng 86%.. Trên toàn nước Úc, các vụ cướp có vũ trang tăng 44%.

Chỉ riêng trong tiểu bang Victoria, tỷ lệ giết người có vũ trang tăng 300%. Cần lưu ý rằng trên thực tế trong khi những công dân tuân thủ luật pháp giao nộp súng, thì những kẻ tội phạm không, chúng vẫn sở hữu súng. Trong khi số liệu của 25 năm trước cho thấy tốc độ giảm đều đặn tỷ lệ cướp có vũ trang thì điều này đã thay đổi hoàn toàn sau 12 tháng thực thi luật kiểm soát súng tại đây, do giờ đây tội phạm được đảm bảo rằng các mục tiêu của chúng không được tự vệ.

Cảnh sát Úc đã thất bại trong việc giải thích tại sao an ninh công cộng lại giảm sút sau khi chính phủ đã tiêu tốn hàng đống tiền của và nhân lực cho chương trình quét sạch súng khỏi xã hội Úc. “Tự vệ không phải là lý do để sở hữu súng” – John Howard, Thủ tướng Úc, phát biểu. Và đó là một trong những lời nói dối vĩ đại của các chính trị gia.

Giả sử nếu chúng ta cũng tin vào luật kiểm soát súng, ai sẽ là người chúng ta sẽ trông cậy khi đó. Chỉ có một nhóm cuối cùng: Nhóm Làm Luật, hay là chính phủ. Chính phủ sử dụng các lực lượng công an, cảnh sát để bảo vệ chúng ta.

Chúng ta có một quyền được ban tặng bởi Tạo hoá là quyền tự bảo vệ bản thân. Từ đâu mà công an lấy quyền bảo vệ chúng ta? Thật vô nghĩa khi để cho công an bảo vệ mạng sống của chúng ta trong khi chúng ta là một cá nhân thì lại bị từ chối quyền đó.

“Khi cảnh sát nổ súng, thì việc họ bắn nhầm người vô tội gấp khoảng 55 lần hơn là thường dân bắn nhầm.” – David Kople

Những người Tuân Luật cần phải được sở hữu súng không chỉ để bảo vệ họ khỏi nhứng kẻ Phạm Luật mà quan trọng hơn khỏi những Người Làm Luật. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ thậm chí đã đảm bảo quyền sở hữu súng của dân chúng bằng cách đưa nó vào ngay trong Hiến Pháp Mỹ. Tu chính án số 2 viết: “Quyền của mọi người được trang bị và giữ súng, sẽ không bị xâm pham.”

“Những dự định tốt sẽ luôn được dùng để biện hộ cho các giả thuyết của nhà cầm quyền. Hiến Pháp được xây dựng để bảo vệ chống lại sự nguy hiểm của các dự định tốt đó.” – Noah Webster

Đây là lý do tại sao bước đầu tiên diễn ra trong một xã hội độc tài là tịch thu vũ khí của tất cả người dân. Nhìn lại lịch sử số lượng người vô tội bị giết nhiều nhất không phải do những Kẻ Phạm Luật, mà luôn bởi những Người Làm Luật.

  • Năm 1929, Liên bang Sô Viết thiết lập kiểm soát súng. Từ 1929 tới 1953, khoảng 20 triệu những người bất đồng chính kiến, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
  • Năm 1911 Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập kiểm soát súng. Từ 1915 đến 1917, 15. triệu người Armenia, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
  • Đức quốc xã thiết lập kiểm soát súng năm 1938 và từ 1939 đến 1945, tổng cộng 13 triệu người Do Thái và người khác, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
  • Trung Quốc thiết lập kiểm soát súng năm 1935. Từ 1948 đến 1952, 20 triệu người bất đồng chính kiến, kkông thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
  • Uganda thiết lập kiểm soát súng năm 1970. Từ 1971 đến 1979, 300,000 người theo đạo Thiên Chúa Giáo, không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.
  • Campuchia thiết lập kiểm soát súng năm 1956, từ 1975 đến 1977, 1 triệu “trí thuc”+’ , không thể tự vệ bản thân, đã bị xếp hàng và hành quyết.

Kiểm soát súng dựa trên một câu hỏi hết sức cơ bản: Bạn tin tưởng ai hơn: chính phủ hay người dân?

“Trong số nhiều hành động sai trái dưới sự cai trị của Anh Quốc tại Ấn độ, lịch sử sẽ nhìn vào luật tước đi vũ khí của người dân trên toàn quốc như là một trong những luật đen tối nhất.” – Mohandas K Gandhi

Nhưng hãy quên tất cả lý thuyết và quên tất cả con số thống kê, bởi vì kiểm soát súng thực sự không phải là về kiểm soát súng, mà là một thứ lớn hơn rất nhiều. Đó là về kiểm soát quyền, nó là về quyền của mỗi chúng ta để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình khi bị đe doạ. Nó là về việc một người sở hữu súng không có nghĩa anh ta là tội phạm hay có tội. Và trên hết thảy nó là về TỰ DO.

“Giài giáp nhân dân là cách hiệu quả nhất để nô lệ hoá họ.” – George Mason (Phỏng theo Ron Ownby Frisco)

Tại Việt Nam vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tiệm vàng đã có thể có kết cục không bi thảm đến thế nếu gia đình người chủ tiệm vàng được phép sở hữu và sử dụng súng để tự bảo vệ mình. Rõ ràng tên cướp khoẻ mạnh sẽ bất lợi hơn khi đối mặt với hai vợ chồng già nhưng có súng để tự vệ. Hãy hỏi những người chủ tiệm vàng rằng họ có muốn mọi người được phép sở hữu súng hay không?

Một ví dụ khác, nếu những người nông dân được phép sở hữu và sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình, có thể sự việc đã không tồi tệ đến thế khi ông Vươn dùng súng chống trả lại lực lượng cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Những ông chủ tịch Huyện sẽ phải làm việc tôn trọng pháp luật hơn, sẽ phải nghiệm túc đàm phám với người dân, hơn là có thiên hướng sử dụng sức mạnh để trấn áp những người dân trong các giao dịch còn đang tranh cãi. Nếu người dân được phép sở hữu súng, sẽ có ít khiếu kiện đông người tranh chấp đất đai hơn, vì luật lệ khi đó sẽ được tôn trọng hơn do các ông chủ tịch xã hiểu được hậu quả khi người dân bị dồn vào bước đường cùng sẽ đứng lên và phản kháng với vũ khí của họ là như thế nào.

Nếu bạn nghĩ kiểm soát súng là để bảo vệ bạn, hãy suy nghĩ lại.

Quyền sở hữu và sử dụng súng để tự vệ là quyền cơ bản để bảo vệ tự do của chúng ta.

 

Thánh Ca Tự Do

Thị trường và đạo đức (kỳ 7)

 

Robert A. Sirico

Văn hóa của đức hạnh, Văn hóa của thương trường

Dẫn nhập

Tôi chọn Văn hóa của đức hạnh, Văn hóa của thương trường làm chủ đề cho bài viết này vì quan hệ giữa chúng là tâm điểm của Viện Acton. Người ta thường coi văn hóa của thương trường và văn hóa của đức hạnh là những tập hợp giá trị “mềm” đối chọi nhau và đã lỗi thời và có lý do xác đáng để làm như thế. Những người tuyên xưng nền văn hóa của đức hạnh thường phê phán thị trường tự do vì nó hạ thấp đời sống của con người và biến con người thành Con người kinh tế [Homo economicus], nó chỉ có giá trị vì khả năng kiềm tiền hoặc khả năng sản xuất mà thôi.

Tôi cho rằng quan điểm phê phán như thế – rất thịnh hành trong giới hàn lâm và tăng lữ – là thiển cận, mặc dù nó xuất phát từ thực tiễn và là mối quan tâm chính đáng đối với phẩm giá của đời sống và ước muốn nâng cao nền văn hóa nhằm bảo vệ cá nhân con người trong tất cả những biểu hiện phức tạp của anh ta. Nó là thiển cận vì không đưa ra được những điểm khác biệt chủ yếu và quan trọng – mà tôi sẽ lần lượt thảo luận – và như vậy là nó loại bỏ cái có thể trở thành công cụ đầy sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng nền văn minh hướng vào sự bất tử và hướng vào tiềm năng của mỗi cá nhân con người.

Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại không tôn trọng phẩm giá của con người. Nhưng nếu ta coi những người có thể trở thành đồng minh của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại những lực lượng làm băng hoại phẩm giá của con người khi họ gặp khó khăn là do họ đã hiểu sai nền kinh tế thị trường thì đấy là một đại họa. Tôi tin rằng có thể sử dụng sự năng động của nền kinh tế thị trường nhằm củng cố văn hóa của đức hạnh. Sự tương tác, mâu thuẫn và sự hài hòa chung cuộc giữa văn hóa của thương trường và văn hóa của đức hạnh là những đề tài cần được tìm hiểu một cách căn cơ hơn.

Văn hóa của đức hạnh

Trước hết phải là rõ các định nghĩa. Văn hóa của đức hạnh là sự công nhận rằng đời sống của con người trên mặt đất không phải là thực tại tối hậu mà là thực tại áp chót (Evangelium Vitae, ch. 2)[1], và cuộc sống trên trần gian của chúng ta có mục đích vượt xa chính nó, mục đích là cuộc sống vĩnh hằng của chúng ta. Cuộc đời này chỉ là giả tạm, chỉ là giai đoạn chuyển tiếp đến cuộc sống vĩnh hằng, sao cho những gì có trong ta sẽ trở thành hạt giống cho sự sống đời đời. C. S. Lewis đã thể hiện một cách đầy thơ mộng như sau:

“Không có ai là người bình thường. Bạn chưa bao giờ nói chuyện với một người hữu sinh hữu tử. Quốc gia, nền văn hóa, nền văn minh – tất cả đều là sinh tử; so với cuộc sống của chúng ta, chúng chỉ là phù du. Nhưng những người mà bạn chơi bời cùng, làm việc cùng, sống cùng, những người bạn khinh thường và bóc lột – tất cả đều là những nỗi kinh hoàng không bao giờ mất hay là sự tráng lệ bất tử… Kẻ đứng cạnh Thánh thể, hàng xóm của bạn là báu vật thiêng liêng nhất dành cho bạn[2].”

Cuộc sống là món quà mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải giữ gìn cuộc sống với một trách nhiệm và sự cẩn trọng tối đa. Vì cuộc sống là quà tặng của Tạo Hóa cho nên nó mang theo giá trị linh thiêng ngay từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, và mỗi người đều có quyền có một đời sống được tôn trọng ở mức cao nhất, có thể. Vì vậy mà chúng ta phải chống lại những tôn giáo không thể hiện phẩm giá của con người vì chúng đe dọa ngay chính cơ sở của nền văn minh, chúng chống lại tự nhiên và phá hoại chính bối cảnh, mà trong đó người ta được hưởng những quyền của mình.

Bất kỳ quy tắc đạo đức nào mà cho phép, thí dụ như: giết người, diệt chủng, kể cả diệt chủng nhiễm sắc thể (chromosonal genocide) và những trò hề kinh tởm của bác sỹ Kevorkian ở Mĩ, đều là trái với nền văn hóa của đức hạnh. Bất kỳ quy định đạo đức nào mà cho phép sự xúc phạm đối với phẩm giá của con người, như chế độ nô lệ, cầm tù một cách bất công và làm điếm cũng đều là trái với nền văn hóa của đức hạnh. Ta có thể nói tương tự như thế về những hệ thống chỉ coi con người là phương tiện cho những mục đích cao hơn chứ không phải là những con người tự do với phẩm giá vốn có của mình (Evangelium Vitae, ch. 2).

Nền văn hóa của đức hạnh đấu tranh nhằm bảo vệ cá nhân con người, kể cả những người yếu đuối nhất và không có khả năng tự vệ nhất. Đấy là nền văn hóa của sự bảo bọc, của lòng khoan dung và hòa bình. Nó là câu trả lời “Có” cho câu hỏi của Kinh Thánh: “Tôi có phải là người bảo vệ của người anh em của tôi hay không?” Nền đạo đức này quan tâm trước hết đến khía cạnh tinh thần, đồng thời còn chú ý đến cả chất lượng sống của con người nữa. Nó phải đấu tranh nhằm làm nhẹ bớt những nỗi khổ đau của con người và quan tâm đến việc phân bố một cách rộng rãi nhất, có thể, những nguồn lực của trái đất.

Văn hóa của đức hạnh và trật tự xã hội

Chỉ có trật tự xã hội đức hạnh – quy tắc hành xử của nó giữ cho xã hội không rơi vào hỗn loạn – mới có thể bảo vệ được phẩm giá của đời sống. Trật tự xã hội, như Russell Kirk nói[3], lớn hơn là luật pháp, mặc dù luật pháp được sinh ra từ đấy. Trật tự xã hội còn bao gồm cả phong tục, tập quán và đức tin của xã hội nữa. Muốn hiểu đúng nó thì chúng ta phải công nhận rằng xã hội dân sự gắn bó một cách không thể tách rời với tính cách của các cá nhân làm nên xã hội đó. Nếu xảy ra hiện tượng xuống cấp đạo đức, nghĩa là sự hỗn loạn trong tâm hồn của các cá nhân nằm trong xã hội đó, thì trật tự xã hội sẽ bị xấu đi.

Chúng ta có thể nung nấu trong lòng ước muốn cháy bỏng là phẩm giá của con người phải được thể hiện một cách rõ ràng trong các điều luật, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đôi khi tôi sợ rằng những cố gắng chính đáng của chúng ta nhằm bảo đảm rằng những điều luật khuyến khích nền văn hóa nhằm củng cố và tăng cường phẩm giá của con người được thông qua, thì sự chú ý của chúng ta đã bị đi chệch hướng, đã không hướng vào trách nhiệm căn bản hơn nhằm đảm bảo rằng tự thân nền văn hóa của chúng ta (bao gồm cả các quy tắc xã hội và những định chế trung gian) – là bối cảnh cho sự hình thành luật pháp – góp phần củng cố phẩm giá của đời sống của con người.

Thương trường khuyến khích nền hòa bình giữa người với người

Liệu những người tôn trọng đạo đức có được tự do lựa chọn một trong những hệ thống kinh tế hiện hữu nhằm thúc đẩy những giá trị của họ hay không? Tôi không tin là như thế. Thí dụ, ta hãy xem xét xem chủ nghĩa xã hội quan niệm về con người như thế nào. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mọi người và mọi tài sản đều là sở hữu của nhà nước, mọi hoạt động kinh tế đều nằm dưới quyền kiểm soát của tập thể. Điều này đã dẫn tới những hậu quả khủng khiếp.

Thí dụ, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhà nước coi trẻ con như chúng vốn là trên thực tế: tiêu tốn nguồn lực của xã hội. Ludwig von Mises từng viết: “Không thể tưởng tượng được cộng đồng xã hội chủ nghĩa mà lại không có sự điều tiết một cách cưỡng bức sự phát triển dân số… ngay cả nếu cộng đồng xã hội chủ nghĩa có thể cho người ta “tự do luyến ái” thì nó cũng không thể nào cho người ta tự do sinh đẻ được.[4]”

Và ông đã nói đúng: mọi cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa đều dẫn đến những vụ cưỡng bức phá thai và hạn chế số nhân khẩu trong từng gia đình. Theo tôi, ưu việt lớn nhất của kinh doanh tự do là tính năng động đủ sức đáp ứng cho sự gia tăng một cách nhanh chóng dân số mà không bị nạn đói đe dọa. Chỉ có nền kinh tế tự do và sự gia tăng của cải mà nó mang lại mới có thể làm cho điều này trở thành khả thi mà thôi. Chủ nghĩa xã hội không thể nào làm được như thế.

Đặc điểm của thời đại ngày nay, xét về mặt kinh tế, là thu nhập gia tăng, niềm tin của người sản xuất và tiêu dùng tăng lên, cơ hội kinh doanh tăng, và sự phát triển đến kinh ngạc của công nghệ. Mặc dù các đảng phái đang tranh nhau xem ai là người đáng được khen vì những giai đoạn bùng nổ kinh tế như thế, nhưng thực ra lời khen đang hiện diện khắp nơi. Nguồn gốc của sự thịnh vượng hiện nay cũng như mãi mãi vẫn là nền kinh tế thị trường.

Thị trường không chỉ là khái niệm trừu tượng hay hệ thống sản xuất và phân phối. Thị trường còn là người dân, những người thực hành tiết kiệm và đầu tư, gánh chịu rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, quan sát thương trường và thực hiện những giấc mơ của mình. Trong hoạt động kinh tế, họ là những nhà sản xuất, những người công nhân và người tiêu dùng đang cùng nhau hợp tác trong một mạng lưới trao đổi quốc tế rộng lớn, trong đó những người sống cách xa họ nửa vòng trái đất, mà họ chẳng bao giờ gặp, mua sản phẩm của họ và làm ra những sản phẩm mà họ sử dụng.

Trong một thời gian dài, các nhà triết học đã tìm cách trả lời cho câu hỏi chủ yếu của lý thuyết xã hội: xây dựng xã hội như thế nào để có thể có một nền hòa bình giữa các dân tộc, dù họ là những người khác nhau? Sự thành công của nền kinh tế thị trường cung cấp cho ta một câu trả lời: họ trao đổi. Từ những vụ trao đổi đơn giản nhất cho đến những vụ trao đổi phức tạp nhất trên thương trường người ta đều làm một việc giống nhau: những người tự nguyện trao đổi với nhau – đây chính là bản chất của thị trường – nghĩa là họ đang làm công việc nhằm làm cho ai cũng đều được thỏa mãn.

Đấy được gọi là “sự kỳ diệu của thương trường”. Không thể nào tưởng tượng nổi là hàng tỷ và hàng ngàn tỷ dollar trong quá trình trao đổi lại có thể đi khắp thế giới và đấy chính là nguồn gốc của sự thịnh vượng của gia đình chúng ta, vậy mà chúng ta chẳng cần để ý đến hoạt động của hệ thống này. Không có gì ngạc nhiên là cuối cùng thế giới đã nhận ra điều kỳ diệu của hệ thống hợp tác kinh tế toàn cầu. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy ý tưởng cho rằng nước nghèo sẽ càng nghèo hơn, còn nước giàu sẽ giàu thêm là sai.

Sự thật là trừ những nước còn tiếp tục tiến hành thí nghiệm với nền kinh tế kế hoạch hóa như Cuba và Bắc Triều Tiên, các nước nghèo đang giàu lên (thí dụ như Argentina và Trung Quốc) trong khi một số nước giàu – do việc bành trướng các kế hoạch do trung ương lập ra – mà đã gặp khó khăn (thí dụ như Đức và Pháp). David Dollar và Aart Krasy, trong một báo cáo gần đây do Ngân hàng Thế giới xuất bản, đã chứng minh rằng kinh tế phát triển làm cho thu nhập của người nghèo gia tăng theo cùng tỷ lệ với tất cả những người khác[5].

Nhưng thương trường không hoạt động một cách tự động, thị trường không được gắn la bàn đạo đức để người ta theo, văn hóa thương trường cần phải có điều kiện tiên quyết về mặt đạo đức, đấy là công nhận một số giá trị nền tảng. Những người tôn trọng thị trường cũng cần phải tôn trọng tính thiêng liêng của mỗi con người, tôn trọng sự phân phối một cách rộng rãi nhất tài sản, tôn trọng cơ hội rộng rãi nhất cho tính sáng tạo trong hoạt động kinh tế và vị trí cho mỗi người trong nền sản xuất của xã hội.

Điều đó có nghĩa là phải đặc biệt quan tâm tới định chế cực kỳ quan trọng là sở hữu tư nhân, tự do ký kết hợp đồng, cạnh tranh và sáng kiến trong kinh doanh; cũng cần phải hiểu rằng những định chế này không phải là mục đích tự thân mà là những công cụ được sử dụng nhằm vinh danh đấng Hóa Công, nhằm theo đuổi đức hạnh và lợi ích chung, nghĩa là sử dụng những cơ hội rộng rãi và thuận lợi trong khuôn khổ an toàn, tự do và tinh thần công dân.

Thị trường là định chế mạnh mẽ nhất mà ta có thể tưởng tượng được nhằm làm cho sự thịnh vượng và tính hiệu quả trở thành khả thi, nhằm thực hiện việc tính toán và phối hợp các nguồn lực trong xã hội, và đương nhiên là những điều kiện tiên quyết này là yếu tố cần thiết trong việc giúp đỡ người nghèo vì hiệu quả là điều kiện tiên quyết của quá trình phân phối. Nhưng tính hiệu quả phải được gắn vào trong khuôn khổ xã hội vì nó không chỉ là lời và lỗ. Xã hội tự do đòi hỏi những nền tảng đạo đức ngay từ nguyên tắc căn bản của chúng: sự cống hiến, lòng nhân từ, tinh thần trách nhiệm, hướng tới tương lai và tinh thần hy sinh.

Trái ngược với những khuôn mẫu do các phương tiện thông tin đại chúng dựng lên, người doanh nhân thành đạt hiểu rõ tất cả những tiêu chuẩn đó. Thành công trên thương trường xuất phát từ ước muốn phục vụ người khác, cả người tiêu dùng lẫn cổ đông; lợi nhuận bằng tiền có thể là động cơ hành động, nhưng tự bản thân, nó không thể là nền tảng của thắng lợi về mặt tài chính. Thị trường cạnh tranh buộc các doanh nhân lúc nào cũng phải nhìn ra bên ngoài và sẵn sàng phục vụ, nếu không họ sẽ mất thị phần.

Việc hướng ra bên ngoài như thế sẽ hình thành nên quan điểm xã hội của những doanh nhân thành đạt nhất; không phải ngẫu nhiên mà lĩnh vực từ thiện to lớn ở Mĩ lại do những người giàu có nhất trong xã hội tạo ra bằng cách hiến tặng tài sản của mình. Việc đóng góp cho quỹ từ thiện cũng gia tăng trong những giai đoạn kinh tế phát đạt. Đóng góp cho quỹ từ thiện là khẳng định rằng ích kỷ là không tốt, và cuối cùng thì tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu rộng lớn hơn của con người chứ không chỉ những thứ chúng ta bắt gặp trên thương trường.

Điều đặc biệt cần nhớ là mỗi người tham gia thị trường đều không phải là do áp lực mà là hành động một cách tự nguyện. Khi hành động của chúng ta mang lại lợi ích cho người khác thì mỗi người đều được lợi. Và ngược lại, nếu thị trường tỏ ra tàn nhẫn với bất kỳ một người nào đó thì nó cũng sẽ tàn nhẫn với kẻ coi thường nhu cầu và giá trị của cộng đồng và chỉ theo đuổi tư lợi một cách mù quáng. Như vậy là, thị trường và lòng vị tha là những thực thể gắn bó với nhau và có tác dụng tăng cường lẫn nhau, nhưng không phải là chỉ cho các ông chủ tư bản mà sự liên kết còn mở rộng phạm ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống lao động và trao đổi nữa.

Văn hóa của thương trường giúp chúng ta làm trọn ý Chúa

Văn hóa của đức hạnh buộc chúng ta phải ước mong rằng tất cả những người có thiên hướng hoạt động đều được phép làm như thế. Trong Sáng Thế Ký, Chúa đã kêu gọi gia đình nhân loại đến với điều có thể được gọi là thiên hướng kinh doanh – Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy rẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng (Sáng Thế Ký, 1: 28, Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, United Bibble Societies, bản in năm 1992 – ND) – một lời răn rõ ràng là phải làm việc và sáng tạo.

Thị trường cung cấp cơ hội tốt nhất cho người ta sử dụng khả năng sáng tạo trời cho của họ và trở thành người tham gia vào công việc xã hội một cách trọn vẹn. Những rào cản về mặt pháp lý và những sáng kiến trái khoáy do chính phủ dựng lên đẩy người dân ra khỏi nơi làm việc; ngăn cản nhiều người, không cho họ hoàn tiện khả năng của mình và không thể trở thành một phần sống động của quá trình phân công lao động của xã hội.

Văn hóa của thương trường còn có thể củng cố văn hóa của đức hạnh bằng một con đường khác nữa. Thị trường tự do – sự hợp tác một cách có kỷ luật và tự phát giữa hàng triệu triệu tác nhân riêng lẻ – tạo ra sự cải thiện điều kiện vật chất của nhân loại. Nó đã tạo ra nền y khoa hiện đại, cung cấp điện năng, nước sạch và bây giờ là khả năng tiếp cận thông tin đến những thành phần dân cư rộng rãi nhất trên thế giới.

Văn hóa thương trường thường được người ta mô tả như là “khả năng sống sót của những người phù hợp nhất”, trong đó đa số người hoặc là phải làm ra nhiều của cải hoặc là sẽ bị thương trường loại bỏ và trở thành thân tàn ma dại. Những người theo tư tưởng tập thể sẽ thuyết phục chúng ta rằng trên thực tế thị trường rất có hại đối với người nghèo. Nhưng sự thật là, nền kinh tế không bị chính trị nhúng mũi vào là phương tiện hiệu quả nhất trong việc sử dụng các nguồn lực và đáp ứng các nhu cầu của con người .

Để minh họa, tôi xin được trích dẫn một vài đoạn trong bài báo cuối cùng[6] của ông Julian Simon – một người bạn đã quá cố của tôi. Ông viết rằng mình đã tham dự một đám cưới và quan sát những người tham dự, từ những giám đốc các doanh nghiệp giàu có đến những người ăn mặc bình thường nhất. Ông nghĩ rằng cách đây hai trăm năm tổ tiên của mười chín trong số hai mươi người có mặt tại đó là những kẻ “vắt mũi chỉ đủ bỏ miệng”. Từ năm 1750 tất cả các chỉ số về điều kiện sống của người dân trong phần lớn các khu vực trên thế giới đã được cải thiện một cách đáng kể. Thí dụ như ở Anh, tuổi thọ trung bình lúc đó là khoảng 35, năm 1985 đa số dân Anh, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều sống đến khoảng 70 tuổi.

Simon chỉ ra rằng thị trường không chỉ mang đến cho chúng ta các công cụ và những món đồ tinh xảo, rằng sự phồn vinh là biểu tượng của sức mạnh chinh phục thiên nhiên nhằm mang lại lợi ích cho chúng ta. Nó còn – thông qua những ngành công nghệ do trời phú cho – cho phép chúng ta cải thiện và kéo dài cuộc sống nữa. Những khám phá làm người ta sửng sốt trong lĩnh vực y khoa rõ ràng là nhằm phục vụ con người.

Do sự gia tăng của những định chế thị trường mà những tiến bộ về mặt vật chất như thế không chỉ dành cho những dân tộc hiện đang giàu có. Theo tính toán của nhà kinh tế học Richard Easterlin[7], trong thập kỷ tới, thu nhập bình quân của các nước gọi là Thế Giới Thứ Ba sẽ bằng khoảng 80% thu nhập trung bình trên đầu người của Mĩ vào năm 1990. Còn trong xã hội của chúng ta, những người sống dưới mức nghèo khổ cũng có khẩu phần ăn khá hơn là tầng lớp quý tộc châu Âu thế kỷ XVIII. Trong suốt 100.000 năm nhân loại chỉ tìm được cách ăn đủ no, còn bây giờ vấn đế đối với đa số lại là làm sao ăn ít đi[8].

Sự phát triển của trao đổi tương đối tự do còn làm cho xã hội trở thành vô cùng năng động. Mô hình trước đây của phải tả – trong đó mỗi tác nhân kinh tế đều hoặc là người làm thuê, người chủ hay người nghèo – đã không đưa ra được bức tranh kinh tế chính xác nữa. Cách đây hai mươi năm, chỉ những người giàu có nhất mới đầu tư vào thị trường chứng khoán, còn hiện nay, một nửa giới trung lưu tham gia vào lĩnh vực này. Càng ngày càng có nhiều người có quyền sở hữu hơn. Nghĩa là lợi nhuận của công ty đã được dân chủ hóa. Hy vọng rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết sẽ lôi cuốn càng ngày càng đông người tham gia hơn.

Những vấn đề của thị trường

Nhưng thị trường cũng có một số vấn đề.

Thật bất hạnh và cực kỳ nguy hiểm là nhiều người lớn tiếng ủng hộ nhất cho thị trường đã không nhìn thấy nền tảng đức hạnh của tự do. Chúng ta phải gửi tới những người cho rằng xã hội có thể coi tài khoản ngân hàng là mối bận tâm chủ yếu thông điệp mạnh mẽ sau đây: trong nền kinh tế thị trường cũng còn cả những động cơ xấu xa nữa. Mục sư, Tiến sĩ Edmund Opitz nói như sau: “Thị trường còn cho thấy những người thiếu đạo đức, thể hiện trong suy nghĩ và hành động của họ – vì theo nghĩa rộng nhất của từ này – nó vẫn chỉ là thị trường mà thôi.[9]” Không phải tất cả các phương tiện kiếm tiền đều là đức hạnh cả, còn có những giá trị lớn hơn là lợi nhuận và sự thành công trên thương trường. Trong đó giá trị của cuộc sống phải giữ vị trí hàng đầu.

Như tôi đã nói, sự bùng nổ của các ngành công nghệ trong lĩnh vực y học góp phần nâng cao phẩm giá của con người. Chúng ta có những loại thuốc làm cho người ta sống lâu hơn, chúng ta có những biện pháp phẫu thuật có thể giúp cả những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ, chúng ta có những loại thuốc có thể làm dịu những cơn đau không thể nào chịu đựng nổi. Thị trường làm cho tất cả những tiến bộ như thế trở thành khả thi, tất cả đều nhằm nâng cao đời sống của con người.

Xin xem xét một trường hợp: Giáo sư Stephen Hawking. Cách đây ba mươi năm có thể ông đã phải nằm trong khu điều trị của bệnh viện của nhà nước, nhưng nhờ có công nghệ tiên tiến mà ông có thể trình bày trí tuệ và hiểu biết của mình (xin nói thêm là không phải tôi tán thành tất cả những điều ông nói) cho cử tọa rộng rãi trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ của công nghệ cũng lại xuất hiện những phương tiện có thể đe dọa chính cuộc sống. Khả năng tạo ra người bằng nhân bản vô tính là một trường hợp. Việc công nghệ có thể làm được một cái gì không có nghĩa là chúng ta phải làm cái đó, Acton từng nói: “Tự do mà chúng ta đang nói tới không phải là tự do muốn làm gì thì làm mà là tự do làm điều chúng ta nên làm.” Cho nên tất cả những cố gắng của chúng ta đều cần phải được hướng dẫn bởi chữ “nên” huyền bí.

Mục đích và tính chính đáng của công nghệ là nó phục vụ cộng đồng nhân loại. Nhưng nếu nhân bản vô tính con người đi quá xa ý nghĩa của nó đến mức là nhân loại có thể không còn là cha mẹ của những đứa con của mình nữa mà họ sẽ tạo ra chúng, và tất cả những gì chúng ta làm ra hay tạo ra đều là của chúng ta thì điều đó sẽ hạ thấp phẩm giá đời sống của con người và dẫm đạp lên quan niệm về tính bất khả xúc phạm nhân quyền và phẩm giá của con người.

Thị trường phải dựa trên cơ sở đạo đức của đời sống hay đạo đức của tôn giáo. Và trong khi những câu hỏi mang tính đạo đức về cuộc sống và sự chết chắc chắn không phải bao giờ cũng dễ hiểu, nhưng những câu hỏi này không xuất hiện trong chân không đạo đức vì nhiều người còn phải sống và chết với những nguồn lực giới hạn. Đức hạnh trong ngành y và công nghệ y học là những vấn đề khác nhau, và đạo đức phải thâm nhập vào công nghệ.

Sự tiến bộ của công nghệ không chứa đứng trong nó nguyên lý đạo đức nội tại làm kim chỉ nam cho chính nó. Nếu đúng là nó cải thiện điều kiện sống của nhân loại thì nó phù hợp với đạo đức của cuộc đời, nó phải có tiêu chuẩn đạo đức khách quan làm kim chỉ nam.

Chủ nghĩa tiêu thụ

Chủ nghĩa tiêu thụ – được nhiều người coi là nền văn hóa do thị trường tạo ra – thì sao? Đây đúng là vấn đề nhức nhối. Nó phát sinh khi mục đích của cuộc đời là gom góp tài sản và những thú vui vật chất. Theo nghĩa này thì nó đúng là hình thức mới của lời báng bổ thánh thần xưa cũ. Nhưng xin nhớ rằng khi nói về chủ nghĩa tiêu thụ và sự sùng bái vật chất là chúng ta đang nói về những vấn đề của văn hóa chứ không phải những vấn đề của kinh tế học.

Nói cho ngay, trong khi thị trường tạo ra nhiều sự cám dỗ thì nó cũng cung cấp cho chúng ta những biện pháp giúp khắc phục được chúng. Nó cung cấp cho chúng ta những phương tiện cụ thể nhằm giúp chúng ta hướng đến một đời sống vượt lên trên những mối lo lắng tại đây và lúc này.

Thí dụ như cuộc cách mạng thông tin đưa đến cho chúng ta những cơi hội mới nhằm củng cố đức tin của chúng ta: qua mạng. Cũng cần nhớ rằng sáng kiến đã giúp chúng ta đọc Kinh thánh nữa: trước đây chỉ trong nhà thờ mới có những cuốn sách đắt tiền và đa số người trên 40 hay 50 tuổi không thể nào đọc được. Bây giờ đèn điện cho phép ta đọc ngay cả khi trời tối. Xin hãy suy nghĩ về sự kiện sau đây: đọc sách trước khi đi ngủ, một cái thú mà phần lớn ông bà tổ tiên của chúng ta không được hưởng vì không có điện và không có những cuốn sách hợp túi tiền.

Quảng cáo

Xin được nói đôi lời về quảng cáo như một chức năng của thị trường. Quảng cáo có thể được coi là một công cụ giáo dục, một phương tiện cạnh tranh hợp pháp và một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu. Nó đáng được bảo vệ. Nhưng người sử dụng cũng phải có tinh thần trách nhiệm.

Thí dụ, không được khuyến khích người tiêu dùng coi tha nhân chỉ là những đối tượng. Xu hướng gợi dục thường được sử dụng trong lĩnh vực quảng cáo là một vấn đề. Nó khuyến khích người xem, thường là đàn ông, coi người đàn bà ăn mặc hở hang như là đối tượng – chỉ có thể xác mà không có linh hồn, coi thường nhân phẩm của người đó – mà không cần biết người phụ nữ ấy là ai.

Đây có thể là nhận thức mới đối với chân lý trong giới quảng cáo! Xếp sang một bên sự kiện là đã có nhiều vụ kiện tụng về thuốc lá ở Mĩ, tôi cho rằng có lý do để lo lắng về những chiến dịch quảng cáo nhằm tung ra thị trường những sản phẩm có hại cho sức khỏe của thanh niên.

Một hai năm trước nhiều người đã lên tiếng phê phán gay gắt ngành công nghiệp thời trang dị hợm gọi là: “heroin look” [tạm dịch: Vẻ ngoài ma cô – ND]. Đấy là sử dụng một cách vô trách nhiệm quảng cáo nhằm lôi kéo người ta vào những con đường có hại cho chính cuộc sống. Thông tin là một chuyện, còn lôi kéo người ta vào những việc xấu xa lại là chuyện khác.

Cũng cần phải nói rằng thị trường không chỉ là mua và bán. Nó còn là thuyết phục về mặt đạo đức, là sự xúc phạm đối với xã hội, sự tẩy chay và bảo vệ nữa. Tất cả những điều đó đều có chức năng xã hội. Thí dụ, những người theo tôn giáo truyền thống tẩy chay những người quảng cáo khi họ tung ra những hình ảnh bất công về tôn giao là hoàn toàn hợp pháp và đúng đắn. Nói cho ngay, ta phải có trách nhiệm – và rất cần – sử dụng tiếng nói của họ trong xã hội tự do.

Và những vụ phản đối chống lại những nhà quảng cáo sử dụng những kỹ thuật thiếu đạo đức đã làm cho ngành công nghệ thay đổi đột ngột cách tiếp cận của họ, bất ngờ tạo ra cái mà họ gọi là: “the happy look” [tạm dịch: Vẻ ngoài hạnh phúc]. Chỉ cần áp lực xã hội là ngành công nghiệp này, trong đa số trường hợp, đã từ bỏ những kỹ thuật hào nhoáng bề ngoài nhưng vô tích sự và tiếp thu cách tiếp cận thị trường gần gũi với cuộc đời hơn.

Tổng thống Mĩ, ông Bill Clinton, là một trong những người phê phán kiểu quần áo “vẻ ngoài ma cô”, điều thú vị là lúc đó ông đã đưa ra những nhận xét rất thích hợp và rất có sức thuyết phục. Nền tảng triết lý của những nhận xét đó là gì? Cơ sở của nó là triết lý cộng đồng luận, một phong trào trí thức xuất hiện đúng vào giai đoạn cầm quyền của Clinton. Phong trào này – thu phục được cả những người tân tự do lẫn tân bảo thủ – khẳng định rằng hiện nay chúng ta thảo luận quá nhiều về quyền nhưng lại ít thảo luận về trách nhiệm. Chúng ta nghe nói về “xã hội phải có trách nhiệm gì với tôi”, nhưng không nghe thấy nói về trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội.

Phong trào này đã cung cấp cho đất nước biện pháp chỉnh lý hữu ích đúng vào lúc nó phải suy nghĩ về sự kết hợp kỳ quặc giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cá nhân. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đối với những giải pháp của triết lý cộng đồng luận. Nếu quan niệm đạo đức của họ đối với xã hội thúc giục chúng ta quan tâm hơn nữa đến lợi ích chung và ít đòi hỏi chính phủ phải làm cho cá nhân chúng ta hơn thì đấy là phong trào tốt.

Nhưng nếu nó chỉ được sử dụng nhằm bao che cho sự can thiệp vào công việc kinh doanh của chúng ta, can thiệp vào đời sống cộng đồng và đời sống của gia đình chúng ta thì đấy là một phong trào nguy hiểm. Nhưng cần ghi nhận rằng đa số những vấn đề mà những người theo phái cộng đồng luận nêu ra đều là do sự can thiệp quá đáng của chính phủ vào hoạt động của xã hội vì chính phủ thường có xu hướng chia rẽ chứ không gắn kết con người lại với nhau.

Kết luận

Mặc dù chủ nghĩa xã hội – như một hệ thống kinh tế – đã thất bại, chúng ta vẫn thường nghe thấy người ta chê bai chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường vì những thất bại của chúng trong việc phục vụ quyền lợi của cộng đồng nhân loại. Một số thành tích của thị trường bị mang ra phê phán. Hệ thống lời và lỗ không phải là toàn bộ cộng đồng nhân loại, nhưng một số người ủng hộ thị trường lại nghĩ như thế.

Thiếu ý thức văn hóa về những giá trị cao hơn là sự thịnh vượng về kinh tế thì văn hóa không thể phát triển trong dài hạn được. Muốn cho sự thịnh vượng về vật chất có ý nghĩa nào đó thì những giá trị như tính trung thực, lương thiện và lòng nhân hậu ngay từ khởi thủy phải xuất phát từ nền tảng đạo đức.

Điều thường bị người ta đánh giá thấp – vì phải suy nghĩ nghiêm túc thì mới hiểu được quan hệ nhân quả của nó – đấy là quan hệ trực tiếp giữa thành công trong lĩnh vực kinh doanh, sự thịnh vượng ngày càng gia tăng và những bước tiến đầy ấn tượng trong việc nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Văn hóa của thương trường có thể củng cố văn hóa của đức hạnh. Thông điệp này cần được đem ra thảo luận công khai. Những người theo trường phái tự do cấp tiến phủ nhận điều này là đang làm những việc không có lợi cho nguyên tắc tự do kinh tế.

Đồng thời, chúng ta cũng phải giúp những trợ thủ của chúng ta, những người đang cổ vũ cho văn hóa của đức hạnh để họ hiểu rằng chúng ta không cỗ vũ cho chủ nghĩa tư bản chỉ biết đến lợi nhuận, tức là chủ nghĩa tư bản phó mặc con người cho những lực lượng kinh tế mù quáng và không ăn sâu bén rễ vào đạo đức nền tảng của cuộc đời, của con người và tài sản.

Điều chúng ta đề nghị là một nền kinh tế tự do, tức là nền kinh tế đặt con người vào chính trung tâm của những hoạt động kinh tế đơn giản là vì con người là nguồn gốc của mọi sáng kiến kinh tế. Cho phép tôi được nói một cách dứt khoát rằng thị trường thấm đẫm những giá trị của tự do và đức hạnh là người trợ thủ cực kỳ cần thiết của trật tự xã hội tôn trọng phẩm giá của con người.

Tôi xin kết thúc ở đây với một vài trích dẫn của Alexis de Tocqueville và Lord Acton.

Tocqueville viết: “Chế độ chuyên chế có thể cai trị mà không cần đức tin, nhưng tự do thì không…. Trong chế độ cộng hòa, tôn giáo còn cần thiết hơn các chế độ khác. Nếu những liên kết đạo đức không được củng cố khi những mối liên kết chính trị được buông lỏng ta thì làm sao xã hội không bị hủy diệt cho được?[10]”

Còn Lord Acton thì tuyên bố: “Không có tôn giáo thì không nước nào có thể được tự do. Tôn giáo tạo ra và củng cố khái niệm về nghĩa vụ. Nếu không dùng nghĩa vụ thì phải dùng sự sợ hãi để kiềm chế người ta. Mà càng bị kiềm chế bằng sợ hãi thì càng ít tự do. Tinh thần trách nhiệm càng cao thì càng nhiều tự do hơn.[11]”

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Capitalism, Morality and Markets


[1] Pope John Paul II, Evangelium Vitae, 25 March 1995, no.39.
[2] C. S. Lewis, The Weight of Glory and Other Addresses, Collier Books/Macmillan
Publishing Co., 1980, p. 19.
[3] Russell Kirk, The Conservative Mind, Regnery Publishing, Inc., Washington, 1995, p. 68.
[4] Ludwig von Mises, Socialism, Liberty Classics, Indianapolis, 1989, p. 175.
[5] David Dollar and Aart Kraay, ÔGrowth Is Good for the PoorÕ, World Bank, March
2000 .
[6] Julian Simon, “Simon Said: Good News! There Are Fewer Constraints With Each New Generation”, Washington Post, 22 February 1998, p. CO1
[7] Richard A. Easterlin, Growth Triumphant: The Twenty-first Century in Historical Perspective, The University of Michigan Press, Ann Arbor, MI, 1996.
[8] Simon, op cit.
[9] Edmund Opitz, Religion and Capitalism: Allies, Not Enemies, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, NY, 1992, p. 80.
[10] Alexis de Tocqueville, Democracy in America. trans. George Lawrence, ed. J.P.
Mayer, Harper Perennial, New York, 1988, p. 294.
[11] Lord Acton, Essays in Religion, Politics and Morality: Selected Writings of Lord Acton,
ed. J. Rufus Fears, Liberty Classics, Indianapolis, 1988, p. 650.

Joe Rogan — Lựu đạn bạn là một con NGƯỜI [THĐP Vietsub]

 

“Bạn ràng buộc bản thân và tâm trí vào một ý thức hệ nào đó thì bạn sẽ đi theo một con đường, và con đường đó có thể hoặc không thể dẫn bạn đi theo một phương hướng tốt nhưng bạn sẽ vẫn phải đi trên con đường chết tiệt đó nếu bạn dính mắc vào một hệ tư tưởng, và nó có thể là một con đường tồi tệ. Nó có thể là một con đường dẫn tới sự cắt bỏ âm vật của con gái bạn bởi vì đó là một truyền thống chết tiệt, giống như việc mấy bà điên ở Châu Phi cắt một lỗ trên môi, kéo dãn nó ra để nhét dĩa vào đó. Tại sao thế? Bởi vì họ đang đi trên một con đường chết tiệt.”

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=3OGa1guw9f8?rel=0]

Nói đi em…

Featured Image: Emily Soto

 

Em hãy nói đi em
Đừng chôn tất cả trong cõi lòng như vậy
Em sẽ mệt mỏi lắm đấy
Nên em hãy nói ra, nói với bất kỳ ai…

Em đừng để trái tim em mệt nhoài
Khi em cứ lặng im với bao nhiêu mỏi mệt
Em hãy nói với những người thân thiết
Và nếu không thể, em hãy nói với một người dưng…

Em vẫn trách cuộc đời chẳng ai hiểu em, có đúng không?
Em nhìn lại mình đi, em chẳng chịu mở lòng với ai hết cả
Tâm hồn em, em đã đóng lại với trăm nghìn chiếc khóa
Ai sẽ là người mở ra đây?

Xin em hãy dang rộng đôi tay
Hãy mở lòng mình ra, dù cuộc đời có bao nhiêu cay nghiệt
Có một điều mà em cần phải biết
Đó là…

Nếu như em không chịu nói ra
Thì em đừng trách là không ai nghe em nói
Em đừng trách tôi, bởi vì tôi cũng rất mệt mỏi
Mệt mỏi với chính sự im lặng của em…

Nào, bây giờ em hãy nói đi em…

 

Một Đời Quét Rác

Khi lòng đã tắt

Featured Image: Raffaele Camardella

 

Tôi đang thắc mắc những người tham nhũng, những người hủy hoại thế hệ đi sau, những người đạp lên đầu người khác giành sự tồn tại liệu có giật mình thức dậy lúc nửa đêm để thở hồng hộc với mồ hôi toát đầm đìa?

Nghĩ cũng ngộ, đất nước này chịu quá nhiều tổn thương trong suốt chiều dài lịch sử rồi (trong số những “vết thương” đó có tuyến đường sắt mà tới giờ không có cái thứ 2 thay thế trong trường hợp xấu nhất xảy ra, có những cây cầu già cỗi nhưng chưa có dấu hiệu thấm nứt như hầm chìm dưới sông hay nham nhở như đường cao tốc nào đó v.v..), hà cớ gì lại tiếp tục đóng cửa ẩu đả nhau để tự làm đau chính mình và người khác?

Nếu không làm việc gì xấu, nếu mình minh bạch thì mọi thế lực dù mạnh đến cỡ nào cũng không thể quật ngã. Vậy tại sao thỉnh thoảng lại chặn blog này blog kia, web này web nọ?

Tôi được coi là “chủ”, nhưng có cảm giác như tôi đang là “vật chủ” để bọn ký sinh trùng sống bám và hút triệt để đến giọt máu cuối cùng. Tôi kêu gào, tôi dùng dao thẻo từng thớ thịt để moi cho bằng được đám sinh vật vô lại ấy ra, nhưng chính hành động cầm dao của tôi lại bị quy chụp là có âm mưu sát hại đồng loại. Tôi mong chờ ngày được sang cái làng bên chữa vết thương, và khi tôi trở về, đừng gọi tôi là thằng phản bội làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên, bởi vì nơi đây không có nổi một bác sĩ giỏi để cho tôi một liều thuốc an thần chứ đừng nói chi là trị dứt căn bệnh trầm kha mà bọn tôi – công dân có chỉ số hạnh phúc cao ngất ngưỡng theo đánh giá vớ vẩn nào đó – đang dính hàng loạt. Liệu có nên cảm ơn “những người dẫn đường thông thái”?

Nên đọc truyện cổ tích Việt Nam nhiều hơn nữa, Mai An Tiêm từng nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ.” Chẳng lẽ ai cho cái gì mình cũng hí hửng nhận sao? Ví dụ: dân làng bán máu, bán mồ hôi và nước mắt để góp tiền mua siêu xe Bugatti Veyron và tin tưởng giao cho bạn để bạn lèo lái họ đi khai phá một mảnh đất mới – nơi chất lượng giáo dục và đào tạo sánh ngang tầm với thành thị, nơi người lao động không phải chật vật mưu sinh, nơi trẻ em, phụ nữ, người già được bảo vệ an toàn, nơi động vật hoang dã không phải kêu gào cùng những cánh rừng đang dần ngã quỵ, nơi khoáng sản sâu trong lòng đất có được giấc ngủ yên lành, nơi dân làng cùng báo chí có thể trải lòng ra một cách vẹn nguyên mà không bị kết tội phản bội, v.v..

Dù cho nó có bị gọi là “Utopia” đi chăng nữa – nhưng bản thân bạn không biết lái xe thì bạn cũng nhận sao? Bạn từng ngồi trên xe không có nghĩa là bạn biết lái xe, mà giả sử bạn biết lái xe chưa chắc gì bạn đã biết lái đến đúng chỗ mà dân làng muốn đến, bởi vì bạn cứ nghĩ lợi ích cho bạn thôi, bạn nghĩ là chỗ đó mới hợp với gia đình của bạn, để dễ dàng thâu tóm những vị trí đẹp nhất, sang trọng và tiềm năng nhất, chứ không phải gia đình của họ, dù họ chỉ cần những chỗ để ngã lưng một cách vô tư lự mà không phải lo canh cánh bị cướp bóc, trộm cắp và hiếp dâm! Đây chẳng phải là một điều đáng hổ thẹn, cần xin lỗi và cần trả xe lại cho dân làng để họ giao cho người phù hợp hơn sao?

Tôi cảm thấy lòng mình đã tắt với nơi đây rồi!

Khi lòng đã tắt, người ta không muốn hồi âm bất cứ cái thư gì của bất kỳ ai dù đã đọc đi đọc lại hàng chục lần (do ngày nào cũng check mail 5,6 lượt)…

Khi lòng đã tắt, người ta chỉ biết mỉm cười ban ngày với gia đình, bạn bè để rồi đêm về lúc chỉ còn một mình thì lại mếu máo như vừa mất đi thứ gì rất quý giá (giống Lão Hạc bán đi con chó Vàng).

Khi lòng đã tắt, người ta sẽ lắng nghe một cách quán tính những chia sẻ của người khác, lời nói đi vô lỗ tai này thì thoát ra lỗ tai bên kia, nếu cơn chán chường lên tới đỉnh điểm, người ta thậm chí còn hét toáng lên với người đang cố gắng kéo mình ra khỏi vũng lầy với bàn tay ấm áp và ánh mắt trìu mến nhất: “IM ĐI!”

Khi lòng đã tắt, người ta không còn chú trọng vào việc chăm chút cho bản thân nữa, người ta không còn sân si khi thấy người khác đang khoác những bộ cánh hàng hiệu, chạy con xe đắt tiền và xài điện thoại đời mới nhất nữa.

Khi lòng đã tắt, người ta coi chuyện tình cảm cũng chỉ là một liều thuốc an thần giống như một kẻ nghiện ngập đang tìm cách tái hiện cảm giác phê, đắm chìm trong thế giới màu sắc bay bổng bằng việc hút, hít, chích và cắn thuốc…

Khi lòng đã tắt, người ta lắc đầu trước những cơ hội việc làm, chỉ nằm bần thần ra đó hoặc đi ra đi vô như một bóng ma, lặng lẽ lướt trên đường phố và không nhận được sự quan tâm của bất kỳ ai.

Khi lòng đã tắt, người ta lao vào thế giới internet, ru ngủ mình bằng những lời khuyên sáo rỗng từ những fanpage hay status của bạn bè, nhanh chóng bấm like nhưng rồi cũng âm thầm bỏ đi.

Khi lòng đã tắt, người ta nghe nhạc với cường độ âm thanh lớn nhất nhưng giọng nói quá bé để có thể rên la như một con thú bị trúng bẫy, đang giẫy giụa từ ngày này sang ngày khác với luồng máu cạn dần.

Khi lòng đã tắt, người ta không còn tin nữa, không còn tin vào những phép màu nhiệm đã xảy đến trong quá khứ nữa. Người ta muốn tìm đến một tôn giáo để có thể trút bỏ những dối trá lọc lừa vô tình thu lượm được trong hành trình khổ đau kia.

Khi lòng đã tắt, người ta trở về đúng bản chất của mình, không còn đánh bóng vẻ hào nhoáng, không còn những xu nịnh, bon chen, không còn sự tự tin, năng động của một thời rực rỡ….

Và khi lòng đã tắt, nghĩa là người ta đã không còn mong chờ và đợi mong bất cứ điều gì nữa rồi…

 

Quách Dự Tây

Tôi là cây bút chì

 Featured Image: Andrew Taylor

 

Leonard E. Read (1898-1983) thành lập Tổ chức Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education-FEE) năm 1946 và làm chủ tịch của tổ chức này cho đến khi qua đời. FEE là một trong những trung tâm nghiên cứu tự do (think tank) đầu tiên của Mỹ.

“Tôi, Cây Bút Chì,” tiểu luận nổi tiếng nhất của ông, được ấn hành tháng 12, 1958 trong tạp chí Người Tự Do. Dù có một vài những thay đổi trong cách thức và nơi sản xuất bút chì, những nguyên tắc trong bài này vẫn không đổi.

***

Tôi là một cây bút chì–một cây bút chì bằng gỗ, tầm thường và quen thuộc với những em học sinh và người lớn biết đọc và biết viết.

Viết vừa là nghề chính vừa là nghề phụ và là thú vui của tôi. Đó là những việc tôi làm. Có thể bạn đang thắc mắc là tại sao tôi lại viết về gia phả của mình. Xem nào, để bắt đầu, phải nói là câu chuyện đời tôi là một chuyện rất thú vị. Và thứ nữa, tôi là một bí ẩn–còn bí ẩn hơn cả một cái cây hay một buổi hoàng hôn, hay ngay cả một tia chớp.

Nhưng, buồn thay, những người dùng tới tôi vẫn thản nhiên sử dụng và chẳng buồn tìm hiểu nguồn gốc của tôi như thế nào, cứ như thể sự hiện hữu của tôi chỉ là một tình cờ ngẫu nhiên và chẳng có căn nguyên chi hết. Cái thái độ rẻ rúng ấy đẩy tôi xuống hạng những đồ vật hạng xoàng. [Nhưng] Đó là một loại sai lầm khủng khiếp mà nhân loại không thể tồn tại lâu dài được mà không gặp nguy hiểm. Lý do là vì, như nhà thông thái G. K. Chesterton đã nói:

“Chúng ta bị héo tàn đi vì thiếu sự tò mò, chứ không phải vì thiếu những điều kỳ diệu.”

Tôi, Cây Bút Chì, dù có bề ngoài đơn giản, đáng để cho các bạn phải kinh ngạc, vâng, đó là điều mà tôi sẽ cố thuyết phục các bạn. Thực ra, nếu bạn có thể hiểu tôi–không, đối với nhiều người, đây quả là một đòi hỏi quá đáng–hay nếu bạn có thể cảm nhận sự huyền diệu được hình tượng hóa qua bản thân tôi, thì bạn có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được sự tự do đang bị mất dần đi. [Cuộc đời tôi] là một bài học thâm thúy. Và bản thân tôi có thể dạy bài học này hay hơn một chiếc xe hơi hay một cái máy bay, hay một cái máy rửa chén, bởi vì, thực ra, tôi có một bề ngoài đơn giản.

Đơn giản? Đúng thế! Nhưng tôi dám cá là không có một cá nhân nào trên trái đất này biết cách chế tạo ra tôi. Nói nghe có vẻ lập dị, phải không các bạn? Nhất là khi ta thấy có vào khoảng một tỷ rưỡi cây bút chì được chế tạo hàng năm tại nước Mỹ.

Xin bạn hãy cầm tôi lên và ngắm nghía xem. Bạn thấy gì nào? Chẳng có gì hấp dẫn đôi mắt cả–một chút gỗ, chút sơn, cái nhãn hiệu, than chì, chút kim loại, và một cục tẩy.

Vô số tiền nhân

Nếu như bạn không thể truy nguyên gia phả của bạn từ nhiều đời trước, thì đó cũng là điều bất khả cho tôi để kể tên và giải thích tất cả những tiền nhân của mình. Nhưng tôi cũng cố kể ra một số đủ để lấy le với bạn về cuộc đời phong phú và phức tạp của tôi.

Cây gia phả của tôi bắt đầu, thực ra, là một cái cây, chính là một cây tuyết tùng có thớ gỗ thẳng, mọc tại miền bắc của tiểu bang California và tiểu bang Oregon. Bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng ra tất cả những nào cưa, nào xe vận tải, dây chão và vô số những dụng cụ khác nhau để đốn những cây tuyết tùng xuống và kéo ra lề đường. Hãy thử nghĩ đến tất cả những người thợ và vô vàn những kỹ thuật cần thiết tạo nên nghề thợ rừng: đào mỏ lấy quặng sắt, luyện thép và chế biến thành lưỡi cưa, lưỡi búa, động cơ; việc trồng những cây gai dầu và quá trình chế biến thành những sợi dây chão to lớn và chắc chắn; rồi những trại cưa có phòng ngủ và phòng ăn và bếp núc cho nhân viên. Có cả hàng ngàn người không ai biết đến đã góp phần vào tạo nên một ly cà phê buổi sáng cho những người thợ rừng.

Những thân gỗ sau khi đốn xong được chuyên chở bằng xe lửa tới một nhà máy cưa ở San Leandro, bang California. Bạn có thể tưởng tượng ra những người chế tạo ra những toa xe lửa, đường rầy và những kỹ sư hỏa xa đã chế tạo và xây dựng ra những hệ thống thông tin phụ thêm vào đó? Những điều này thuộc về vô số tiền nhân của tôi.

Bây giờ hãy xem đến nhà máy xẻ gỗ ở San Leandro. Những thân gỗ tuyết tùng được xẻ thành những lát gỗ mỏng và cưa thành những thanh gỗ có chiều dài bằng cây bút chì, dầy khoảng 0.6 phân. Rồi lại còn có những lò nướng và nhuộm màu cho những thanh gỗ này như kiểu phụ nữ thoa phấn lên mặt. Người ta muốn tôi có màu sắc đẹp đẽ chứ không phải màu trắng nhợt nhạt của gỗ. Xong rồi những thanh gỗ này được thoa sáp và nướng khô thêm một lần nữa.

Bao nhiêu kỹ thuật đã đổ vào việc chế tạo nên lò nướng và máy nhuộm, vào việc tạo ra sức nóng, điện lực và ánh sáng, động cơ, dây cu-roa, và những vật dụng cần thiết khác trong một nhà máy cưa? Phải kể luôn những người thợ quét dọn nhà máy nữa chứ? Vâng, và phải kể luôn những người đã đổ bê-tông làm nên cái đập thủy điện cho Công ty Điện lực và Khí đốt thiên nhiên Thái Bình Dương, tức là công ty cung cấp điện cho nhà máy cưa này.

Cũng đừng nên quên những bậc tổ tiên hiện tại và quá khứ của tôi đã góp phần vào việc chuyển vận sáu mươi toa xe chở những thanh gỗ đi khắp nước.

Rồi vào đến xưởng làm bút chì–gồm có bốn triệu đô-la tiền máy móc và nhà cửa, tất cả vốn liếng tích lũy từ bao nhiêu tổ tiên của tôi ky cóp để dành–mỗi thanh gỗ được xẻ 8 cái rãnh bằng một cái máy rất phức tạp, sau đó một cái máy khác đặt chì vào những thanh gỗ khác, rồi được trét keo và đặt chồng lên nhau như những miếng bánh sandwich kẹp chì vậy. Tôi và 7 anh em khác được “đẻ” ra từ cái bánh mì kẹp chì này.

Cái “ruột” chì của tôi, gọi như vậy chứ thật ra chẳng có chút chì nào cả, cũng rất phức tạp. Bột than (chì) được lấy lên từ mỏ ở Ceylon. Hãy nghĩ đến những người thợ mỏ và những người thợ làm bao nhiêu những vật dụng khác và những người thợ làm bao giấy đựng bột than chì để chuyên chở, rồi những người thợ làm dây để buộc những bao này lại, rồi những công nhân bốc vác những kiện hàng này lên tàu thủy, rồi những người thợ đóng tàu thủy nữa. Ngay cả những người giữ hải đăng và những người tài công lái tàu ra vào hải cảng cũng góp phần vào việc sinh sản ra tôi.

Bột than chì được trộn với đất sét lấy từ Mississippi có chứa dung dịch ammoniac và được dùng trong quá trình tinh luyện. Rồi thì những hóa chất lỏng khác được thêm vào như chất mỡ sulfate–một loại mỡ động vật có phản ứng hóa học với axit sulfuric. Sau khi chảy qua vô số máy móc, hợp chất này cuối cùng được bơm ra thành những sợi dài, giống như từng thỏi xúc-xích, được cắt đúng cỡ và nướng thêm vài giờ với nhiệt độ 1010 độ C. Nhằm gia tăng độ cứng và trơn láng của những thỏi “chì,” chúng được nhúng vào một hợp chất nóng gồm có chất sáp làm nến lấy từ Mexico, sáp paraffin, và mỡ động vật được hy-drô hóa.

Cái vỏ gỗ tuyết tùng của tôi được sơn sáu lớp sơn láng. Bạn có biết loại sơn láng (làm sơn mài) có bao nhiêu chất không? Ai có thể nghĩ rằng những người nông dân trồng cây thầu dầu và những người thợ ép thầu dầu cũng dự phần trong tiến trình này? Nhưng mà thật như vậy đó. Ngay cả tiến trình pha sơn thành màu vàng đẹp đẽ cũng cần tay nghề của vô số bao nhiêu người.

Hãy xem đến cái nhãn hiệu. Đó là một lớp màng mỏng tạo nên bởi than đen trộn với nhựa cây và được hơ nóng. Bạn có biết người ta lấy nhựa cây như thế nào không?

Tôi có một chút xíu kim loại–cái vòng bịt đuôi cây bút chì–làm bằng thau. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những người thợ mỏ kẽm và đồng và những người có tay nghề tạo nên những tấm thau sáng loáng từ những sản phẩm đó của thiên nhiên. Còn cái vòng màu đen trên cái vòng bằng thau đó làm bằng chất kền màu đen. Kền màu đen là cái gì và dùng nó như thế nào đây? Để biết được tại sao ở giữa cái vòng bịt bằng thau đó lại không có vòng kền màu đen cũng phải mất thêm cả bao nhiêu trang nữa để giải thích.

Rồi đến cái vương miện của tôi, vẫn thường được gọi nôm na là “cái mấu,” tức là chỗ giữ cục tẩy để người ta xóa đi những chỗ viết sai. Cái chất gọi là “factice” chính là cái chất “tẩy” đi những chỗ viết sai. Cái chất này cũng giông giống như chất cao-su, nhưng thực ra là hợp chất của dầu hạt cải Canola trộn với chất sulfur chloric. Chất cao-su, trái với những gì ta nghĩ, không “tẩy” được và chỉ dùng để dính hợp chất này lại mà thôi. Rồi còn vô số những hóa chất và chất xúc tác khác. Còn thêm chất đá bọt đến từ Ý đại lợi và chất phẩm màu để nhuộm cái mấu là từ hợp chất cadmium sulfide.

Không một ai biết

Còn có ai muốn thử với điều tôi khẳng định ban đầu là không có một người duy nhất nào trên trái đất biết cách làm ra tôi không?

Thực ra, hàng triệu người đã góp tay vào việc cấu tạo nên tôi, nhưng mà không có ai biết được những người khác. Bạn cũng có thể nói rằng tôi đã nói phóng đại khi liên kết một người hái trái cà phê ở xứ Ba-tây xa lắc và những người trồng thực phẩm ở chỗ nào đó với sự cấu tạo ra tôi. Nhưng tôi vẫn giữ lập trường. Đó là, không có một người duy nhất nào trong số những triệu người này, kể cả ông chủ xếp sòng của công ty sản xuất bút chì, là người đã đóng góp hơn một phần nho nhỏ cách thức tạo ra tôi. Sự khác nhau giữa người thợ mỏ ở Ceylon và người thợ rừng ở Oregon là sự khác nhau về cách thức. Cả hai người thợ này không thể thiếu được, cũng như nhà hóa học trong xưởng hay người công nhân tại giếng dầu hỏa (sáp paraffin làm từ dầu hỏa) cũng không thể thiếu được.

Đây cũng là một sự kiện đáng ngạc nhiên nữa. Đó là, tất cả những người dính dáng đến tiền thân của tôi, từ người công nhân làm việc ở giếng dầu hỏa, đến nhà hóa học, hay người thợ mỏ đào than chì và đất sét, hay bất cứ ai chế ra tàu thủy, xe lửa, hay xe vận tải, hay những người thợ chạy cái máy làm “vương miện” cho tôi, hay ông chủ tịch hãng làm bút chì…làm những công việc của họ…đều không cần đến tôi.

Mỗi người trong số những người này không cần tôi bằng một em bé đang học lớp một. Thực ra, có một số người trong hằng hà sa số những người này chưa bao giờ thấy một cây bút chì chứ đừng nói gì đến sử dụng nó. Động lực để họ làm việc là điều gì khác chứ không phải tôi. Có lẽ phải nói như thế này: Mỗi người trong số hàng triệu người này thấy rằng họ có thể trao đổi một tí ti kiến thức về cách thức chế tạo đồ dùng và dịch vụ của họ với những nhu cầu khác mà họ cần. Tôi có thể không nằm trong danh sách những nhu cầu của họ.

Không có Nhà Tổng Đạo Diễn

Có một sự kiện còn đáng ngạc nhiên hơn: sự vắng bóng của một nhà tổng đạo diễn, một người chỉ đạo và ra mệnh lệnh điều khiển vô vàn những hoạt động kể trên để tạo ra tôi. Ta không tìm được dấu tích của một người như vậy. Thay vào đó, ta thấy có một Bàn Tay Vô Hình đang điều động mọi sự. Đó cũng chính là sự bí ẩn tôi nói tới lúc ban đầu.

Người ta thường nói là: “Chỉ có Thượng đế mới có thể tạo ra một cái cây.” Tại sao ta đồng ý với câu nói này? Chẳng phải vì ta nhận thức được là con người không thể tạo ra được một cái cây hay sao? Thực ra, liệu ta có thể mô tả được một cái cây hay không đã? Ta không thể làm được điều này ngoài một số những miêu tả hời hợt. Ta có thể nói, thí dụ như thế này, là một cấu trúc phân tử nào đó đã thể hiện thành một cái cây. Nhưng có một bộ óc con người nào đã có thể ghi chép lại, chứ đừng nói đến việc chỉ đạo, những thay đổi liên tục trong những phân tử đã diễn ra trong đời sống của một thân cây không? Đó là một kỳ tích không thể nào tưởng tượng nổi!

Tôi, Cây Bút chì, là một sự kết hợp phức tạp của nhiều điều kỳ diệu: một cái cây, kẽm, đồng, bột than, vân vân. Nhưng thêm vào trong những điều kỳ diệu đã thể hiện trong thiên nhiên còn có một điều kỳ diệu hơn nữa: sự phối hợp những năng lực sáng tạo của con người–hàng triệu những kiến thức nhỏ bé được phối hợp một cách tự nhiên và tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu và ước muốn của con người mà không có một bàn tay đạo diễn nào của con người cả! Vì chỉ có Thượng Đế mới tạo ra được một cái cây, tôi khẳng quyết là chỉ có Ngài mới tạo ra tôi. Con người chẳng có thể làm gì hơn là sắp xếp hàng triệu những phương thức sản xuất lại cũng như Ngài đã phối hợp những phân tử lại để tạo ra một cái cây.

Đó chính là những điều tôi muốn nói khi viết rằng: “Nếu bạn có thể cảm nhận sự huyền diệu được hình tượng hóa qua bản thân tôi, thì bạn có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được sự tự do đang bị mất dần đi.” Vì, nếu ta ý thức được rằng những phương thức sản xuất này sẽ, một cách tự nhiên và tự động, sắp xếp lại thành những công thức sản xuất đầy sáng tạo để đáp ứng những nhu cầu của con người–nghĩa là không có sự hiện diện của chính quyền hay một sự chỉ đạo mang tính cưỡng bách nào–thì con người sẽ thủ đắc được phần tử tuyệt đối cần thiết cho tự do: Niềm tin vào những con người tự do. Tự do sẽ không thể nào hiện hữu được nếu thiếu niềm tin này.

Một khi mà nhà nước có được độc quyền về một hoạt động sáng tạo, thí dụ như phân phát thư tín, thì hầu hết người ta sẽ nghĩ rằng thư tín sẽ không thể nào được phân phối một cách hữu hiệu bởi những người hoạt động một cách tự do. Và đây là lý do: Mỗi người trong chúng ta nhìn nhận rằng mình không biết mọi cách thức liên quan đến việc phát thư, đồng thời cũng nhận thức rằng không một cá nhân nào có thể biết hết được. Đó là những nhận thức đúng đắn. Không một cá nhân nào có thể biết được hết mọi cách thức phân phối thư tín cho toàn quốc, cũng như không có ai biết hết mọi cách thức làm ra cây bút chì. Và, khi mà ta không có niềm tin vào con người tự do–niềm tin rằng hàng triệu những phương thức sản xuất nho nhỏ sẽ tự động và tự nhiên phối hợp lại để tạo ra sản phẩm–thì người ta không thể nào mà không kết luận, một cách sai lầm, rằng thư tín chỉ có thể được phân phối bởi và qua sự “đạo diễn” của nhà nước.

Những bằng chứng hùng hồn

Nếu Tôi, Cây Bút Chì, chỉ là một đồ vật được dùng làm bằng chứng cho sự sáng tạo của con người khi họ được tự do để thử nghiệm, thì lập luận của những người thiếu niềm tin sẽ tương đối đứng vững. Nhưng, có vô số bằng chứng như vậy trên mọi lãnh vực. Việc phân phối thư từ coi vậy chứ thực đơn giản khi ta so sánh với, thí dụ, việc ráp một chiếc xe hơi hay một cái máy tính hay một cái máy xay lúa hay một cái máy tiện hay hàng chục ngàn những điều khác nữa.

Phân phối ư? Trên lãnh vực này khi người ta được tự do thử nghiệm, đã gởi giọng nói của con người vòng quanh trái đất trong vòng không tới một giây đồng hồ; họ đã chuyển đi hình ảnh và tiếng nói trực tiếp tới nhà khi sự việc đang xảy ra; họ đã chuyển 150 hành khách từ Seattle tới Baltimore[1] dưới 4 tiếng đồng hồ; họ đã chuyển xăng dầu từ Texas tới New York bằng một giá rẻ không ngờ và chẳng cần trợ cấp của chính phủ; họ đã chuyển 4 ký dầu hỏa từ Vịnh Ba Tư tới bờ phía đông nước Mỹ với một giá rẻ hơn là bưu phí gửi một lá thư qua bên kia đường.

Bài học mà tôi muốn truyền đạt như thế này: Hãy để cho tất cả những năng lực sáng tạo được tự do. Xã hội chỉ cần được tổ chức để hoạt động hài hòa với bài học này. Hãy để bộ máy pháp luật của xã hội dẹp bỏ hết những chướng ngại cho sự tự do càng nhiều càng tốt. Hãy để cho những phương thức sản xuất đầy sáng tạo được tự do tuôn chảy. Hãy có niềm tin là những con người tự do sẽ tương tác hài hòa với Bàn Tay Vô Hình. Niềm tin này sẽ được xác lập. Tôi, Cây Bút Chì, dù bản thân tôi rất ư là đơn giản đã thể hiện được sự kỳ diệu của sự sáng tạo ra tôi; đó là một bằng chứng hùng hồn cho thấy đây là một niềm tin thực tiễn và thực tế, cũng có thực như trời nắng, trời mưa, cây tuyết tùng, và trái đất của chúng ta.

 

© Học Viện Công Dân 2010

Nguồn: I, Pencil: My Family Tree as told to Leonard E. Read


[1] Seattle là thành phố thuộc bang Washington thuộc miền tây nước Mỹ, Baltimore là thành phố thuộc bang Maryland thuộc miền đông nước Mỹ.
[*] Tên chính thức của tôi là Mongol 482. Những bộ phận tạo nên tôi được lắp ráp, chế tạo, và hoàn tất tại xưởng của Công ty Bút chì Eberhard Faber (công ty sản xuất bút chì nổi tiếng trên thế giới; được thành lập tại Đức năm 1922, được công ty Faber-Castell (Mỹ) mua lại năm 1994, và sau trở thành một bộ phận của công ty PaperMate của Mỹ).

Để chạm vào hạnh phúc

Featured Image: Gummi Stóri

 

Với người Việt Nam thì từ hạnh phúc đã trở thành câu cửa miệng trong mỗi lời chúc. Nó cũng là từ được đưa lên làm tiêu ngữ của quốc gia. Vậy tại sao, mỗi khi đọc báo hay lướt web ta vẫn thấy nhan nhãn những chuyện đời bất hạnh, những tiếng thở dài và cả những cõi lòng rách nát… Vậy hạnh phúc là gì, sao nhiều người tìm mãi vẫn chưa ra?

Sáng thức dậy là một status chán đời, trưa là tiếng thở dài kêu than mệt mõi, tối đi ngủ là một loạt bức xúc với bạn bè, sếp, đồng nghiệp. Đó là những dòng newfeed tôi thường đọc được trong mỗi lần lướt Facebook. Ôi! Sao với nhiều người cuộc sống y như một ngục tù tăm tối vậy? Sao hạnh phúc trở nên xa xỉ và hiếm hoi đến thế?

Tất thảy, tôi kết luận trong hai từ ngắn gọn, đó là do chúng ta luôn ĐÒI HỎI và KHÔNG HÀI LÒNG. Chúng ta muốn mọi thứ đều theo ý mình, không hài lòng với những gì đang có, luôn sân si, hận thù oán ghét… Tóm lại, chúng ta tự BÓP CHẾT HẠNH PHÚC của mình bằng những cảm xúc tiêu cực mà lẽ ra bất cứ ai cũng có thể làm chủ được.

Dù là một ông tổng thống hay một kẻ bần hàn, tàn tật. Vì hạnh phúc là trạng thái cảm xúc bên trong tâm hồn ta chứ không phải là những thứ xa xôi ngoài tầm với. Bởi vậy, ta vẫn thường bắt gặp những hình ảnh trái ngược là những ông giám đốc mang vẻ mặt cau có và phẫn uất với những chú đạp xích lô rạng rỡ nụ cười hiền từ và ánh mắt rạng ngời. Hay những ca sỹ, diễn viên luôn phải đau khổ vì những con Mụn và lời đàm tiếu với những người tật nguyền luôn cười nói vô tư và an nhiên chấp nhận một cuộc sống thực vật.

Vậy hạnh phúc là gì?

Với nhiều người hạnh phúc là khi họ lên đến đỉnh cao quyền lực, còn nhiều người khác thì hạnh phúc là khi chinh phục được những mục tiêu về tài chính, học vị và danh tiếng, cũng có những người coi hạnh phúc chỉ đơn giãn là khi mình được yêu thương và chia sẻ yêu thương… Nhưng theo tôi nếu chỉ chờ đến khi ta đạt được những thành quả ấy mới cảm thấy hạnh phúc thì xem như cả cuộc đời ta sống trong đau khổ và bất hạnh.

Vì mỗi cuộc đời có mấy lần được bước lên đỉnh vinh quang cao ngất ấy, khi thời gian mà ta dành để chinh phục nó chiếm gần hết cuộc đời mình và phải trải qua bao thử thách gian truân, bao đắng cay tủi hổ. Nếu ta đánh đỗi nó để lấy những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi như vậy thì quả là quá đắt đỏ và chẳng xứng đáng chút nào. Bởi vì sau khoảnh khắc lên đỉnh ngắn ngủi ấy ta lại phải trở về với nhiều mối bận tâm và những vấn đề hóc búa khác của cuộc sống.

Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu bạn cũng như tôi khi được ngồi gõ bàn phím, được kết nối internet, được ăn ba bữa mỗi ngày, được ngủ trên một chiếc giường êm ái, có công việc để làm và được sống trong hoà bình tự do thì chúng ta đã may mắn hơn 3/4 dân số trên thế giới này. Với những điều kiện như vậy mà nếu ta vẫn không tìm được hạnh phúc thì thử hỏi 5 tỷ người còn lại họ sẽ sống ra sao?

Như vậy chúng ta đã hiểu rằng, hạnh phúc không phải chỉ có được qua những khoảnh khắc “lên đỉnh” hay xuất thần mà nó là một trạng thái cảm xúc an bình, tĩnh tại trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Ở đó mỗi chúng ta đều có thể làm chủ hay điều khiển được nó mà không hề phụ thuộc vào ta là ai, thuộc tầng lớp xã hội nào.

Nhưng qua 25 năm được sống, đã nhiều lần rơi xuống tận đáy cuộc đời, cũng đôi lần đạt được chút vinh quang. Đến giờ, tôi hiểu thêm một điều rằng, nếu chúng ta cảm nhận hạnh phúc bằng cách thoả hiệp với những gì mình đang có và ngừng khát khao đòi hỏi thì cảm giác như thứ hạnh phúc ấy là khá gượng gạo. Bởi khi ta luôn nghĩ rằng: “Ừ, vậy là được rồi…” Thì chính là lúc mà ta ngừng nỗ lực, ngừng cống hiến để làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng của mình tiến về phía trước. Những cái “biết đủ” và sự hài lòng dễ dãi này sẽ dễ làm ta chán ngán. Và rồi, thứ hạnh phúc “thoả hiệp” ấy sẽ dần biến mất khi ta không hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở nơi đâu.

Qua trải nghiệm đó, tôi nghĩ rằng, để cảm nhận được thứ hạnh phúc tự nhiên và viên mãn nhất thì ta vẫn phải khát khao, phải phấn đấu, phải sống có mục tiêu và lý tưởng. Nhưng không phải đợi đến lúc ta đạt được mục tiêu hay hoàn thành lý tưởng mới cảm thấy hạnh phúc mà ta phải luôn hạnh phúc với công việc của mình, với thực tại, và với cả chiều dài cuộc hành trình của đời ta.

Với xã hội mở ngày nay thì cuộc đời này không ai còn nhỏ bé nữa, trừ khi tự mình muốn nhỏ bé. Ai cũng có thể trở thành những con người lớn bằng cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!

 

Nguyễn Văn Thương

LSD và sự thật về chất thức thần này (“ma túy tổng hợp”)

LSD được viết tắt từ tên khoa học Lysergic acid diethylamide, vì thế trong tiếng Anh người ta cũng hay gọi nó bằng tên lóng acid (phát âm: ‘át-xít’). LSD là một trong những hoạt chất thông dụng nhất trong nhóm thuốc thức thần (psychedelic drugs). Chất thức thần là một nhóm riêng biệt, khác biệt so với hai nhóm Stimulants (Chất kích thích. VD: caffeine (cà phê), MDMA (hay còn thường được gọi là ecstasy, thuốc lắc), meth (đá), nicotine (thuốc lá), cocain…) và Opioids (Thuốc phiện. VD: ma túy, morphine, heroin…)

• • •

Bài viết này được chia thành hai phần: Phần đầu nêu ra facts ai cũng có thể kiểm chứng; phần sau nêu ra quan điểm của người viết.

LSD là gì?

“LSD phá tung cái địa miền tư sản táo bón tồi tàn như một thiên sứ của kỷ nguyên thức thần mới. Chúng ta chưa từng bao giờ giống thế trước đó, và sẽ không bao giờ, bởi LSD đã chứng minh, ngay cả với những kẻ nghi ngờ, rằng những tòa lâu đài trên thiên đàng và những khu vườn dưới địa đàng nằm trong mỗi và mọi người chúng ta.” — Terence McKenna (Huyền thoại trong cộng đồng psychedelics)

LSD được viết tắt từ tên khoa học Lysergic acid diethylamide, vì thế trong tiếng Anh người ta cũng hay gọi nó bằng tên lóng acid (phát âm: ‘át-xít’). LSD là một trong những hoạt chất thông dụng nhất trong nhóm thuốc thức thần (psychedelic drugs). Chất thức thần là một nhóm riêng biệt, khác biệt so với hai nhóm Stimulants (Chất kích thích. VD: caffeine (cà phê), MDMA (hay còn thường được gọi là ecstasy, thuốc lắc), meth (đá), nicotine (thuốc lá), cocain…) và Opioids (Thuốc phiện. VD: ma túy, morphine, heroin…)

Một số các loại chất thức thần thường gặp: Cần sa, LSD, psilocybin mushrooms (hay còn thường được gọi là magic mushroom, shrooms, tạm dịch là nấm thần, salvia, ayahuasca, và DMT.

Vào năm 1943, Albert Hofmann, tiến sĩ hóa học 37 tuổi người Thụy Sĩ, trong lúc đang làm việc trong phòng thí nghiệm thì tình cờ nếm phải một hoạt chất ông mới chiết xuất, tổng hợp ra được từ ergot fungus, một loại nấm từ hạt cựa lúa mạch, hoạt chất này về sau được gọi là LSD. Trong cuộc phỏng vấn lúc ông gần 100 tuổi, ông gọi LSD là “thuốc dành cho linh hồn”.[1] Thiên tài từng đoạt giải Nobel, Francis Harry Compton Crick, đã dùng LSD trong lúc khám phá ra bí mật của sự sống.

LSD không màu, không mùi, không vị.[2] Thường được bán dưới dạng những mẫu giấy thấm nhỏ có in họa tiết như trong hình.

LSD có gây nghiện không? LSD có phải là ma túy không?

Nếu định nghĩa ma túy là các loại chất gây nghiện (như heroin, cocain, cà phê, thuốc lá, bia rượu…) thì câu trả lời cho hai câu hỏi này đều là không.[3] LSD không gây nghiện; và LSD cũng không phải là ma túy. Các nghiên cứu khoa học cho thấy LSD cũng không gây tổn hại gì cho não bộ.

“LSD là một trong những hoạt chất ít độc tố nhất được loài người biết đến. Nó còn ít độc hại hơn cả aspirin* và vitamin C.” — Tiến sĩ Stanislav Grof

*thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm thông thường

Nhiều khi LSD còn ít độc hại hơn các loại thuốc bạn đang dùng mỗi ngày.

Tác dụng, ảnh hưởng của LSD

LSD là một loại chất thức thần khá mạnh, dù chỉ với một liều lượng cực nhỏ. Theo hiểu biết và kinh nghiệm của tôi thì liều lượng thông thường cho một lần trip với một người bình thường là từ khoảng 100 µg (micrograms) cho tới 150 µg (một microgram bằng một phần triệu gram).

Khi được hấp thụ, ảnh hưởng của nó tác động lên người dùng bao gồm: tâm lý, thị giác (nhắm mắt lẫn mở mắt), ý thức, nhận thức về thời gian, không gian, những trải nghiệm tâm linh… Một lần trip thường kéo dài từ 8 – 10 tiếng. Mỗi người đều có những trải nghiệm khác nhau. LSD cũng từng đóng một vai trò mấu chốt trong phong trào hippie, anti-culture những năm 1960.

“Psychedelics ‘đáng sợ’ là vì nó tiết lộ ra sự thật về tâm trí, mà người ta thì luôn sợ phải đối diện với tâm trí của họ.” — Tiến sĩ Robin Carhart-Harris

“Ảo giác” là gì?

Khi nhắc tới LSD và tác dụng của nó, nhiều người sẽ dùng từ “ảo giác” để miêu tả. Nhưng có lẽ bạn chưa bao giờ nghĩ ra hay tự đặt cho mình câu hỏi này như một triết gia: Ai là người có quyền định nghĩa cái gì là thật, cái gì là ảo?

Nếu “ảo giác” có nghĩa là thấy được những gì một người chưa từng thấy thì tôi không gọi đó là ảo giác, tôi gọi đó là thần giác, ngộ giác, hay bất cứ tiền tố nào không mang thành kiến tiêu cực như cách gọi “ảo giác” thông thường.

Terence McKenna đã từng nói, “Thế giới được tạo ra bởi ngôn ngữ.” Nếu bạn suy nghĩ về điều này một chút, có thể bạn sẽ nhận ra được là nó đúng, cũng có thể là bạn còn lâu mới hiểu được. Ngôn ngữ là cái chúng ta sử dụng mỗi ngày, song hiếm có ai từng suy ngẫm về nó, hiếm có ai nghiệm ra được điều ông McKenna vừa nói ngoại trừ những thiên tài; đôi khi chỉ có thiên tài mới nhận ra được thiên tài. Linh hồn không nhận ra nhau qua ngoại hình mà qua tần số.

“Bạn càng sống thật bao nhiêu thì bạn sẽ càng thấy thế giới này ảo bấy nhiêu.” — John Lennon

Đối với cá nhân tôi, mục đích thật sự của việc trải nghiệm LSD không phải là vì những “ảo giác” hay những cảm giác nó mang lại. Nó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Bề chìm 90% còn lại là những gì xảy ra trong ý thức, tâm thức của mình lúc đó. Vì là chất thức thần, nó có khả năng đánh thức cái thần trong bạn. Nó có khả năng mở rộng nhận thức một người; “nó mở bạn ra tới cái khả năng mọi thứ bạn biết đều sai.”

Sau mỗi chuyến hành trình, bạn trở về mang theo những món quà. Những món quà này này không quá to đến nỗi không tặng cho ai được, cũng không quá nhỏ đến nỗi có tặng cũng không ai thèm. Bạn lưới được con cá với kích thước hoàn hảo.

LSD không dành cho tất cả mọi người. Nó chỉ dành cho những ai được trời đất yêu quý với trái tim can đảm dám đối diện và dám khám phá những vùng sâu kín nhất trong tâm thức, tiềm thức của mình. Terence McKenna đã nói, loài người đã lên được mặt trăng, đã thăm dò thám hiểm được lòng đại dương, nhưng loài người vẫn còn sợ phải đối diện với tâm thức của chính mình, nơi mọi mâu thuẫn tồn tại.

Đó là tất cả những gì quan trọng; mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Thậm chí nếu bây giờ có dĩa bay xuất hiện giữa thành phố cũng không quan trọng bằng một lần bạn tìm lại được những gì đã mất trong tâm trí của mình, một lần trả lời được những khúc mắc, phân vân trong đời mình, như một người bạn của tôi lần đầu tiên trải nghiệm đã tường thuật lại.

Có nhiều người hỏi LSD có tác dụng phụ gì không? Hỏi như vậy cũng giống như hỏi đọc sách có tác dụng phụ gì không? Tất nhiên là đọc sách có tác dụng phụ. Câu hỏi không phải là nó có tác dụng phụ hay không, mà là so với tác dụng chính thì tác dụng phụ có đáng kể không, đáng kể bao nhiêu phần trăm.

Câu trả lời cho câu hỏi này theo cá nhân tôi chỉ đơn giản là không. Có người lại hỏi: Tại sao phải dùng LSD? Không có gì mà phải hay không phải, mà chỉ đơn giản là muốn hay không muốn. Phải nghe có vẻ như bị ép buộc. Người khác hỏi: Dùng LSD có phê không? Nếu mục đích bạn tìm đến LSD để tìm cảm giác phê thì đối với tôi bạn đang sử dụng nó sai mục đích.

Có những câu hỏi thông minh hơn để đặt ra là: Dùng LSD có khiến bạn trở thành một người tốt hơn hay không? Có thay đổi cuộc đời bạn theo chiều hướng tích cực hơn không? Có khiến cho nhận thức của bạn về thế gian, thực tại này sâu rộng hơn không? Có giúp bạn nhận ra được chân lý cao nhất của cuộc sống này là gì hay không?

Đó mới là những câu hỏi quan trọng mà mọi người nên đặt ra. Và khi đã trả lời được những câu hỏi đó tôi mới rút ra được một kết luận là càng có nhiều người trải nghiệm và dám can đảm đứng ra làm nhân chứng cho nó thì thế giới sẽ càng có cơ hội bước lên một bước nữa trong nấc thang tiến hóa, như loài nhộng đang ấp ủ biến mình thành bướm. “Ta bỏ lại đằng sau thân xác của loài khỉ. Ta dang cánh bay.”

Để tạm kết và nếu có duyên thì sẽ gặp lại, tôi muốn chia sẻ với các bạn một đoạn trích dẫn từ cũng lại là từ Terence McKenna. Bạn có thể thấy tôi là một fan cuồng của ông. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những thông điệp của ông thì cách hay nhất đó là vào xem những video clip trên Youtube tôi đã dịch. Bạn nào vẫn hay theo dõi tôi có lẽ đã biết tới thông điệp này lần đầu tiên tôi dịch ra tiếng Việt cũng đã hơn một năm, nhiều khi hứng lên vẫn hay đăng lại:

“Trải nghiệm thức thần thực sự cũng đóng vai trò nòng cốt để thấu hiểu về cái tính người trong bạn, ngang với những việc như làm tình, hay có con, hay có những trách nhiệm hay có những hy vọng và ước mơ, song nó phi pháp. Chúng ta bằng cách nào đó được bảo rằng…. Chúng ta đã bị ấu trĩ hóa. Chúng ta được bảo rằng chúng ta có thể đi lòng vòng trong cái lồng tâm thức của trẻ sơ sinh đã được phê chuẩn và chúng ta có một số chất gây say ở đây nếu bạn muốn đổ đốn: chúng ta có vài chai scotch đây, và vài điếu thuốc và thịt động vật, và một chút đường, một chút TV vân vân và vân vân. Nhưng, có những loại chất biến giác làm tan biến rào cản cách biệt và cho bạn một trải nghiệm về mối đoàn kết với những người anh em và thiên nhiên thì bằng cách nào đó bị cấm. Đây là một sự sỉ nhục! Đây là một dấu hiệu cho thấy một văn hóa thiếu trưởng thành và sự kiện là chúng ta vẫn còn chịu đựng điều này cũng là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị áp đặt y như bất cứ xã hội nào trong quá khứ.”

 

Tham khảo

  1. http://www.wired.com/2008/04/lsd-inventor-al/
  2. http://www.cs.cmu.edu/afs/cs.cmu.edu/user/ehn/Web/release/problem-child.html
  3. http://www.plosmedicine.org/article/info:doi/10.1371/journal.pmed.0030437#pmed-0030437-b044

Nguyễn Hoàng Huy