26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 182

Hai căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam: nói trễ và nói dối

Featured Image: Noah Weiner

 

Giới thiệu: Tuổi trẻ Việt Nam chậm tiến về nhận thức chính trị hơn các tuổi trẻ các nước khác. Đó là sự thật. Nhưng không phải tại các em. Nhận thức của các em sinh ra là những tờ giấy trắng, xã hội Việt Nam (trong trường hợp này là cơ chế CS) qua các phương tiện tẩy não đã viết lên đó một màu đen lạc hậu. Bài viết dưới đây, viết 9 năm trước, để phân tích bệnh “nói trễ và nói dối” tại Việt Nam. Phần sau của bài viết tôi dành phê bình các chi tiết sai của nhà văn Lê Lựu khi viết về thành phố Boston, nơi tôi đang sống, trong tác phẩm Một thời lầm lỗiTrở lại nước Mỹ của ông.

Tác phẩm Một thời lầm lỗi Trở lại nước Mỹ đã được đăng báo nhiều kỳ và xuất bản nhiều lần tại Việt Nam. Ngày nay, sở dĩ đa số tuổi trẻ Việt Nam còn “hát như vẹt”, sống như “chim công nghiệp” cũng tại vì những cây bút “chống Mỹ cứu nước” như thế này. Những “nhà văn” “nhà thơ” này là dầu, nhớt, mỡ của bộ máy độc tài toàn trị CS. Một khi họ trở thành cặn bã, bị cơ chế đào thải, bỏ rơi, lại có một lớp khác lên thay tiếp tục là nô bộc cho chế độ. Nhân việc so sánh tuổi trẻ Hong Kong và tuổi trẻ Việt Nam, xin chia sẻ bài viết với các bạn để thấy tai họa của cây bút vô trách nhiệm, thiếu tư cách đạo đức, đang sống trong thời đại toàn cầu hóa nhưng tư duy vẫn còn ở trong rừng:

Hai căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam: nói trễ và nói dối

Sinh viên, học sinh Việt Nam vẫn nghĩ khẩu hiệu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.” Là câu nói bất hủ của ông Hồ. Thật ra, câu nói đó lấy ý từ câu: “Nhất niên chi kế, mạc như thọ cốc, thập niên chi kế, mạc như thọ mộc, bách niên chi kế, mạc như thọ nhân.” Nghĩa là: “Kế hoạch cho một năm, không gì bằng trồng lúa, kế hoạch cho mười năm, không gì bằng trồng cây, kế hoạch cho trăm năm, không gì bằng trồng người.” Trong văn học Trung Quốc.

Dù sao, sau hơn nửa thế kỷ trồng người, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, ngoài việc sinh ra các tình trạng mà Giáo sư Hoàng Tụy gọi là “nguy kịch” như chạy theo bằng cấp, bằng giả, học giả, làm luận án thuê v.v.., còn gây ra hai căn bệnh rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, theo tôi, còn trầm trọng và khó chữa trị hơn nhiều, đó là bệnh nói trễ và nói dối.

Trẻ con trung bình vào khoảng hai, ba tuổi là bắt đầu tập nói. Nếu đến bốn tuổi mà chưa nói được, đứa bé sẽ bị xem như mắc triệu chứng nói trễ. Theo các tài liệu y khoa, đây không phải là căn bệnh làm chết người nhưng vẫn là một mối lo canh cánh bên lòng các bậc cha mẹ khi nghĩ đến việc con mình không biết nói. Chúng ta không hiểu được nỗi lòng của các em bé, nhưng chắc các em cũng khổ tâm ghê lắm khi không nói được một cách bình thường như những đứa trẻ khác.

Tôi không biết Việt Nam có bao nhiêu em bé bị mắc phải triệu chứng nói trễ, tuy nhiên, phát biểu trễ, trong đó tính chung cả nói và viết, thì rất đông. Ðông đến nỗi, khi có một em phát biểu được những gì em suy nghĩ, ai nấy đều xem đó như một hiện tượng lạ, không những cha mẹ em mừng, anh chị của em mừng, bà con em mừng, mà tám chục triệu đồng bào trong nước và cả hai triệu người Việt ở hải ngoại cũng mừng theo.

Ðó là trường hợp của em Nguyễn Phi Thanh, học sinh lớp 11A18 trường THPT Việt Ðức, Hà Nội. Trong lúc Autism Spectrum Disorders là do sự phát triển chậm của khu vực nói trong hệ thần kinh trẻ em, bệnh nói trễ ở Việt Nam là do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa gây ra và tồn tại không chỉ trong trẻ em mà cả trong nhiều người lớn tuổi.

Nhận xét của em Phi Thanh về đề thi “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải khá nhiều, tôi chỉ trích một đoạn ngắn:

“Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen–chê, hay-dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được “mới”? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.”

Sự đồng tình của nhiều người, nhiều giới, trong đó có một số người đang làm công tác giáo dục, về bài viết của em Phi Thanh, chứng tỏ sự khát khao, chờ đợi của người dân dành cho một tiếng nói trung thực, một phản ứng tích cực thay vì rập khuôn một cách thụ động theo dấu chân của đảng trên con đường mòn giáo dục xã hội chủ nghĩa như năm chục năm qua.

Nền giáo dục vẹt tồn tại trong xã hội Việt Nam từ bao nhiêu năm qua đã giết chết mọi mầm mống sáng tạo tự nhiên trong con người. Không một giáo án, giáo trình, diễn văn, tham luận, tuyên ngôn, tuyên cáo nào mà không trích dẫn vài “lời dạy” của các lãnh tụ cộng sản. Sự nô lệ trí thức như là một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ, xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người.

Trong lúc bệnh nói trễ dù sao cũng tùy trường hợp mỗi người, bệnh nói dối là cả một hệ thống, dối có chủ trương, dối có sách vở, dối có tổ chức. Ðó chính là một hậu quả tai hại khác của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam nói riêng và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung.

Vì hoàn cảnh, con người phải lừa dối nhau để tồn tại. Ðiều đó đôi khi còn có thể thông cảm. Thế nhưng một tác phẩm văn học xây dựng trên sự lừa dối và nhằm mục đích lừa dối người khác là một điều không thể chấp nhận được. Rất tiếc, việc hình thành một đội ngũ của những người viết dối để phục vụ cho chế độ, cũng là một trong những đặc điểm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Ðể chứng minh cho tính nói dối trong văn học Việt Nam, tôi xin giới thiệu đến độc giả một đoạn văn của nhà văn Lê Lựu viết về thành phố Boston, nơi tôi đang sống, trích trong tác phẩm Một thời lầm lỗiTrở lại nước Mỹ của ông, do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2000.

Trước khi đánh máy lại đoạn văn của nhà văn Lê Lựu, tôi xin giới thiệu vài dòng về Boston, để độc giả chưa đến hay chưa biết nhiều về thành phố lịch sử này của nước Mỹ, có một khái niệm tổng quát về thành phố. Boston là trung tâm lịch sử và một trong những thành phố trù phú nhất của liên bang Hoa Kỳ. Nơi đây, từ bốn trăm năm trước đã có những di dân đầu tiên trên chiếc tàu Mayflower giong buồm tiến vào vịnh Provincetown, Cape Cod. Tên tuổi và địa danh của những quận như Concord, Lexington, Bunker Hill đã đi vào lịch sử vẻ vang của cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay đế quốc Anh.

Boston cũng là thành phố kỹ thuật lớn, với hàng trăm công ty kỹ thuật cao cấp nằm hai bên các xa lộ chung quanh thành phố, và là trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới với Đại học Harvard, Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Đại học Boston, Đại học Massachusetts và hàng chục trường đại học tên tuổi khác.

Theo thống kê năm 1990 (thời gian nhà văn Lê Lựu đến thăm), Boston có dân số là 574.282 người, với lợi tức trung bình của một gia đình Boston khoảng 40 ngàn Mỹ kim một năm. Giống như các thành phố lớn khác của Mỹ trong xã hội tư bản, bên cạnh sự thịnh vượng của thành phố, Boston cũng có những người không nhà. Hai lý do chính của tình trạng không có nơi ở (homelessness) là lợi tức tăng chậm hơn tiền mướn nhà và giá nhà ở tại Boston quá cao. Mỗi năm, Thị trưởng Boston công bố một thống kê chính thức về tình trạng không nhà của người dân Boston và các biện pháp ngăn ngừa. Năm 1992, Boston có 4411 người không có nơi riêng để ở và phải ở trong các khu nhà tạm trú (shelter) do chính phủ cung cấp với điều kiện sống chật chội và thiếu tiện nghi hơn ở nhà riêng.

Và sau đây là đoạn văn tả thành phố Boston của nhà văn Lê Lựu sau chuyến viếng thăm Boston của nhà văn vào năm 1989:

“Boston, thủ đô của nền văn hóa sang trọng, lịch lãm nhất nước Mỹ. Nhìn về Boston, người Mỹ có thể vênh vang ngửa mặt ra bốn phương mà kiêu ngạo, mà tự tin chỉ cần mặc chiếc quần soóc, chiếc áo may ô, bất kể đàn ông hay đàn bà có thể nghênh ngang đi khắp trái đất, không thèm nhìn ai. Vậy mà giữa bão tuyết của đêm mùa đông ngoài trời có hơn 130 ngàn người không cửa, không nhà.

Chị Liliên (bạn của nhà văn và là người làm việc ở trung tâm cứu trợ người nghèo) nói: Con số này tự tôi và đồng nghiệp của tôi đã đi đếm suốt đêm. Bằng mọi cách phản đối, kiến nghị lên chính phủ địa phương, chính phủ liên bang và kêu gọi lòng từ thiện của nhân dân, đến nay mới kiếm được chỗ ở cho 54 ngàn người, còn 77.600 người vẫn đêm đêm nằm lại vườn hoa và hè phố. Nhưng trong thực tế sẽ lớn hơn nhiều so với 77.600 vì mùa đông năm ngoái chúng tôi chưa đếm lại.”

Và trong đoạn sau, nhà văn Lê Lựu so sánh Boston và Hà Nội:

“Ở đất nước ta nghèo túng là thế, ở thủ đô có số dân bằng số dân Boston, mà đã ai trông thấy, đã ai đếm được con số một nghìn người đêm đêm lăn lóc ở lề đường, trong các vườn hoa Hà Nội! Sự giàu sang ở Hà Nội không thể đem so sánh với Boston. Ai làm công việc đó được coi như kẻ mắc bệnh tâm thần, kẻ dở hơi. Nhưng sự vất vưởng của con người Boston đem so sánh với Hà Nội cũng là giữa trời và vực.”

Nếu những dữ kiện của nhà văn Lê Lựu viết ra là đúng thì Boston, thành phố đầy kiêu hãnh của nước Mỹ, trong mùa đông đã có gần một phần tư dân số phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Số người do chị Liliên nào đó và các bạn chị đếm cao hơn con số do Thị trưởng Boston công bố gấp 30 lần! Con số của chị Liliên chỉ cần đúng một nửa thôi, chẳng những Thị trưởng Boston mất chức, Thống đốc bang Massachusetts mất chức, mà cả Tổng thống Mỹ cũng phải từ chức vì nạn đói năm Ất Dậu ở Việt Nam hình như đang tái diễn ngay tại quốc gia cường thịnh nhất thế giới này. Chị Liliên (tạm cho là một nhân vật có thật), trong tư cách là người làm việc cho một cơ quan xã hội và hẳn nhiên am tường tình trạng không nhà, đào đâu ra con số vô cùng khủng khiếp và phi lý đến thế?

Hình ảnh 130 ngàn người lay lắt trong một thành phố với diện tích 125 cây số vuông như Boston, ngay cả đạo diễn các phim chiến tranh thế giới, chắc cũng không nghĩ ra. Boston, nếu quả thật như vậy, không còn là thành phố cảng tuyệt vời và là quê hương của John F. Kennedy, George Herbert Walker Bush, Quincy Adams, John Quincy Adams, Henry Wadsworth Longfellow, Ralph Waldo Emerson, Emily Dickinson mà là Rwanda, Bangladesh, Ethiopia.

Và cho dù chị Liliên là người có thật và thích bịa chuyện đi nữa, trong tư cách một nhà văn đã viết nhiều tác phẩm, không phải lần đầu tiên viếng thăm Mỹ, nhà văn Lê Lựu cũng nên có một thái độ nghi ngờ dữ kiện cần thiết, một lý trí trưởng thành để cân nhắc và đánh giá những gì nhà văn nghe, nhà văn thấy, trước khi cầm bút viết lại câu chuyện và in thành sách.

Và “một thời lầm lỡ” in thành sách rồi, khi tái bản vào năm 2000, nhà văn cũng nên xét lại những đoạn viết dối quá lố lăng để khỏi làm trò cười cho độc giả, nhất là các em du học sinh đang theo học tại Boston. Nhưng không, nhà văn vẫn nghĩ rằng những dữ kiện lạ lùng đó là sự thật và in lại mà không cần cắt bỏ. Nếu tác phẩm hay đoạn văn đó được dịch sang tiếng Anh, độc giả Mỹ sẽ nghĩ sao về tư cách và trình độ kiến thức phổ thông của một nhà văn Việt Nam?

Chắc chắn họ sẽ vô cùng thất vọng

Người Mỹ bỏ tiền mua vé máy bay cho nhà văn, lo chỗ ăn chỗ ở, đưa đón, hướng dẫn tham quan, tiếp xúc, thảo luận, không phải để nhà văn ca ngợi nước Mỹ hay chửi cha mắng mẹ họ, nhưng chính là để nhà văn được thấy sự thật và mang về lại Việt Nam sự thật của đời sống Mỹ, con người nước Mỹ, và qua trung gian nhà văn, các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội hội nhập vào thế giới trong tinh thần cảm thông và đối thoại.

Nhà văn may mắn được đi tham quan nước ngoài, lẽ ra nên mang về lại nhà những tin tức khách quan, những cái mới, cái hay cái đẹp đang xảy ra phía bên kia ô cửa của ngôi trường nhỏ hẹp, để giúp cho sinh viên học sinh cơ hội được nhìn xa hơn, rộng hơn đến những chân trời văn minh của nhân loại. Nếu không được như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, thì nhà văn cũng không nên đào sâu thêm hận thù, ganh ghét trong lòng người dân hai nước.

Ðọc xong tác phẩm Một thời lầm lỗiTrở lại nước Mỹ, các em học sinh Việt Nam có thể nghĩ rằng không chỉ Việt Nam nghèo nàn, mà ngay cả một siêu cường cỡ Mỹ cũng đang khốn đốn vì miếng cơm manh áo; không phải chỉ Việt Nam có những kẻ khố rách áo ôm, mà nước Mỹ cũng đầy những cảnh đầu đường xó chợ.

Thưa nhà văn, thời đại của “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ” đã qua xa rồi. Hãy để cho các em có cơ hội được thấy những đổi thay bên ngoài đất nước. Không có sự so sánh thì làm sao các em biết nỗ lực để vươn lên.

Nhà văn cũng không cần phải bôi đen thành phố lịch sử Boston của Mỹ chỉ để chứng minh cho cái nghèo nhưng sạch, rách nhưng thơm của Hà Nội như là “giữa trời và vực”. Kỹ thuật tự khen mình bằng cách bêu xấu đối phương không phải tư cách của một người lương thiện, và tương tự, hạ thấp giá trị của thành phố nhà văn đang thăm viếng chỉ để biện hộ cho cái mặc cảm nghèo nàn của một thành phố Việt Nam không phải là cách viết của một nhà văn trưởng thành và thái độ của một con người lịch sự.

Hà Nội không cần nhà văn ca ngợi hay binh vực bằng phương cách đó. Trong trái tim của mỗi người Việt Nam, dù trong nước hay ngoài nước, Hà Nội tuy nghèo, Hà Nội tuy xưa, Hà Nội tuy cũ, nhưng Hà Nội vẫn uy nghi như một trung tâm văn hóa lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Nếu ai nói khác hay khinh thường Hà Nội, không đợi đến nhà văn đứng ra bảo vệ mà tám chục triệu người, trong đó có kẻ viết bài này, sẽ làm công việc đó. Ca ngợi Hà Nội như cách của nhà văn chẳng khác gì trét bùn lên một bức tranh tuyệt mỹ.

Ðộc giả sẽ thắc mắc, làm thế nào một nhà văn như đại tá Lê Lựu lại có thể viết những chuyện xa vời thực tế như thế. Câu trả lời chắc sẽ dành cho nhà văn mặc dù những tham luận, bút ký có khả năng giết người vẫn nhan nhản trong xã hội cộng sản, sá chi là chuyện vài con số tuyên truyền. Với tôi, câu trả lời rơi vào một trong hai trường hợp, nếu chị Liliên không nói thì chính nhà văn đã viết dối và nếu chị Liliên không biết đếm thì nhà văn là người không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa giả dối và thành thật.

Chúng ta thường lo âu về những tình trạng chậm tiến về khoa học kỹ thuật, nghèo nàn lạc hậu về kinh tế, nhưng nghĩ cho cùng, cái nghèo đói trí thức, nghèo đói tinh thần, nghèo đói đạo đức tại Việt Nam còn trầm trọng và thúc bách hơn nhiều.

Với óc cần cù, thông minh của người Việt và cơ hội học hỏi khắp năm châu, chúng ta không phải quá lo lắng về một nền khoa học hiện đại, một nền kỹ thuật hiện đại. Ðiều đáng lo lắng nhất vẫn là làm thế nào để có những con người Việt Nam biết sống lương thiện và thành thật, làm thế nào có được một nền giáo dục biết đặt cơ sở trên tinh thần nhân bản, dân tộc và khai phóng thật sự làm nền tảng cho một xã hội dân chủ pháp trị tiên tiến trong tương lai. Ðó là một cuộc cách mạng tư duy và tâm thức lâu dài.

Mới chỉ năm mươi năm thôi mà các giá trị luân lý, đạo đức Việt Nam đã suy đồi và băng hoại đến thế này, nếu đợi đúng “một trăm năm trồng người” xong thì đất nước sẽ ra sao?

 

Trần Trung Đạo

Hố sâu kề bên vườn xoan nhà chú ếch con

Featured Image: Lora-Zombie

 

Nhân tình cờ đọc bài “Biến trẻ thành cụ non”[1] của cô Hoàng Xuân, một bài viết được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội gần đây. Nói một cách tóm lược, theo như cô Hoàng Xuân, thứ nhất là trẻ con “trong trẻo, hồn nhiên”, thứ hai là chúng ta không thiếu bài hát hay cho thiếu nhi, nên đừng bắt trẻ con phải gắng gượng hát những bài ca của người lớn. Về phần mình, tôi cũng muốn chia sẻ một số ý kiến cá nhân, với những ví dụ minh họa gần gũi nhất có thể với tất cả mọi người, đồng thời phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại.

Thế nào là trong sáng?

Ta thường nói những đứa trẻ sơ sinh là hiện thân của sự thánh thiện, bởi ở chúng không có bất cứ suy nghĩ xấu xa nào. Đúng hơn, chúng chưa có bất kỳ suy nghĩ nào. Và ta gọi đó là sự trong sáng. Vậy khi lớn dần lên, chúng va vấp nhiều với cuộc sống, thấy những điều bất công, tâm trạng thường xuyên ưu tư, trí óc nhiều khi trăn trở, như thế là không còn trong sáng? Dù cho chúng vẫn là người lương thiện hết mực?

Tôi quan niệm “trong sáng” ở thời đại này theo cách khác. Cái trong sáng của trẻ sơ sinh, ấy là bởi chúng chưa biết gì. Quan niệm trong sáng của tôi ở đây là biết tất cả, nhưng không làm điều xấu.

Thứ nhất, bởi ngày nay thông tin đã được truyền tải và cập nhật đến từng nhà, từng người, một cách “quá nhanh, quá nguy hiểm”, thì một đứa trẻ năm tuổi cũng đã được tiếp xúc rất nhiều thông tin. Làm thế nào trong tình cảnh đó, chúng ta có thể ép chúng phải trong sáng theo kiểu “chưa biết gì”? Điều đó là bất khả.

Thứ hai, với một khối óc không có nhiều hiểu biết sớm về thế giới bên ngoài, liệu khi lớn lên chúng có đủ khả năng để đối phó và tự bảo vệ mình trước những hiểm họa của cuộc sống bên ngoài? Tội phạm ở độ tuổi trẻ em ngày càng gia tăng, nếu không có hiểu biết, chúng làm sao tránh được sa ngã?

Ai đã xem bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” đều biết đến đám mây “cân đẩu vân”, nó chỉ cho những ai có tâm hồn trong sáng ngồi lên. Và Songoku đã ngồi lên nó từ khi còn là cậu bé ba tuổi đến năm sáu mươi. Một người đã làm ông nội, chiến đấu chống bao kẻ âm mưu làm bá chủ thế giới, thâu tóm vũ trụ, chẳng lẽ lại không biết đến điều xấu? Ông biết rõ cái xấu, nhưng tránh xa cái xấu, đấu tranh tiêu diệt cái xấu, và “cân đẩu vân” mãi luôn chào đón ông.

Nhà khoa học máy tính Lý Khai Phục cũng đã từng chia sẻ trong bài “Đàn ông, nếu đã hai mươi, nếu chưa hai lăm” rằng: “Em không có quyền ngồi trong cái tháp ngà của trường học, rồi bảo em yêu thế giới này tươi đẹp. Tôi muốn em phải nhìn thấy cái đen tối của thế giới, sự bẩn thỉu của cuộc đời, sự xấu xa của con người, sau đó mới nói rằng em vẫn yêu thế giới này, em vẫn yêu cuộc sống và em sống.”[2] Theo thiển ý của tôi, câu này dành cho mọi lứa tuổi.

Thiết nghĩ, đó mới là cái trong sáng tối thượng.

Cái hố sâu làm gì trong vườn nhà chú ếch con?

Tuy nhiên, hầu hết mọi bậc phụ huynh đều muốn ngăn chặn con cái tiếp xúc với cái xấu. Nhân cô Hoàng Xuân nói về các bài hát thiếu nhi, tôi cũng muốn kể một chuyện, chuyện thằng em hàng xóm hay qua nhà tôi chơi, lúc nó còn nhỏ xíu, độ hơn bốn tuổi. Có lần đang nghe bài hát “Chú ếch con” của nhạc sĩ Phan Nhân, nó đột ngột hỏi tôi: “Sao mẹ nói với em là con còn nhỏ phải đi học, mà chú ếch lớn rồi, làm chú rồi, mà vẫn còn phải ngồi học bài vậy anh? Mà sao kế bên vườn xoan lại có cái hố sâu kỳ vậy anh?”

Câu đầu làm tôi phì cười, nhưng câu sau tôi hơi thấy lạ. Tua lại cuốn băng, tôi nghe thấy đúng là cô bé trong băng đang hát: “Chú ngồi học bài một mình bên hố sâu kề vườn xoan.” Ngày xưa khi tôi học hát bài này thì phần lời đó là “hố bom kề vườn xoan”. Bài hát được viết trước 75, thời mà hố bom nhà nào cũng có. Tôi không thể giải thích cho một thằng bé bốn tuổi về sự hãi hùng của chiến tranh, nhưng bom thì nó biết, là cái “đụng là nổ cái bùm, chết liền”, nên nó có thể hiểu vì sao lại có hố bom.

Đây chỉ là một ví dụ, có thể bài hát sau khi truyền miệng thì trở thành một dị bản vô tình. Nhưng trên thực tế, chuyện những bài hát thiếu nhi bị sửa lời không hiếm (ví dụ như bài “Khăn quàng thắp sáng bình minh” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta vẫn ghi “Nhạc và lời: Trịnh Công Sơn”, nhưng bao nhiêu phần còn lại trong đó thực sự là bút tích của Trịnh?), đa phần là vì quan niệm: “Những cái đó, để trẻ con biết sớm làm gì?” Cái tâm lý né tránh đó chẳng đưa đến đâu cả, nó chỉ kéo dài cái quãng thời gian “không biết gì”, và “không có phương pháp phòng vệ” của trẻ em. Điều đó rất nguy hiểm. Nếu chúng không biết thế nào là tốt xấu, làm sao chúng tránh xa những đứa bạn xấu ở trường? Nhất là trong bối cảnh trẻ con thời nay lớn rất sớm, tiếp xúc rất nhiều thông tin. Cha mẹ cấm cản thì chúng thỏa trí tò mò ở bạn bè, và không hề phòng vệ.

Vẽ đường cho hươu chạy, có gì sai?

Ngày nay cha mẹ không có nhiều thời gian bên con cái, nhất là đối với những gia đình ở thành phố. Chúng đa phần được đưa đến nhà trẻ, hoặc do những cô giúp việc chăm nom. Chúng bắt gặp rất nhiều khái niệm mới từ nhỏ. Và hiểu theo cách riêng của mình. Chúng học hỏi theo cách ấy: thu thập những ý niệm, hình dung về nó, và đến khi lớn lên, một ngày đẹp trời chúng sẽ thốt lên: “À, thì ra chính xác nó là như thế.”

Còn về nhạc, chúng sẽ được nghe nhiều lắm. Hàng xóm bật loa to ầm ầm, các cửa hàng buôn bán ngoài đường, thậm chí các xe bán kem hay kẹo kéo dạo vẫn mở băng “cho cả xóm cùng thưởng thức”. Chúng nghe nhiều như vậy, hằng ngày như vậy, bắt chúng đừng nhập tâm, suốt ngày phải “hổng dám đâu”, là vô lý!

Chúng ta không cho chúng hát những bài hát của người lớn, nhưng chúng ta vẫn kể chuyện cổ tích cho chúng nghe. Chúng đã nghe chuyện “Hòn Vọng Phu”, thì chúng sao lại không thể hát “Đá trông chồng”? Chúng không biết những cảm giác yêu đương “gặp nhau là say, say ngất say ngây”, nhưng chúng biết rằng tình cảm gia đình, bố mẹ yêu thương nhau là có thật. Chúng không biết thế nào là chiến tranh, nhưng chúng biết rằng nó đáng sợ lắm, ghê gớm lắm, và cầu trời đừng để nó diễn ra. Còn về chi tiết hơn, lớn lên chúng sẽ nghiệm ra.

Thứ đến, chúng nghe nhạc người lớn, đâu có nghĩa là chúng không nghe nhạc thiếu nhi? Chúng nghêu ngao về tình yêu thì đâu phải là chiều chiều chúng không còn thơi thả diều? Cứ để chúng thấy tất cả và tự do lựa chọn cho mình.

Hơn nữa, chúng ta là người lớn, đều từng qua thời trẻ con, đều từng thấm thía một điều rằng: những cái thuộc về thế giới người lớn, những điều người lớn vẫn bảo “tụi con còn nhỏ lắm, lớn lên rồi ba mẹ nói”, đối với trẻ còn luôn hấp dẫn khôn cùng. Ta càng cấm cản, chúng càng tìm mọi cách để biết. Lấy gì đảm bảo chúng sẽ không hiểu sai, lệch lạc vấn đề?

Ông cụ non hay “mãi mãi tuổi sơ sinh”?

Trẻ con hát nhạc tình yêu người lớn không xấu, tôi chỉ phản đối nếu chúng say mê những bài hát ủy mỵ, trầm cảm, chán đời, nói khái quát là những loại tình cảm tiêu cực. Để chúng có ý niệm rằng tình yêu thật đẹp, có vui có buồn, có yêu thương, có chia tay, có hết thảy mọi cung bậc, thậm chí đễn nỗi đau chia ly do tình yêu đem lại cũng đẹp khôn cùng, để rồi khi lớn lên chúng tự trải nghiệm và cảm nhận, vẫn hơn là để chúng coi tình yêu luôn là điều gì đó ướt át, và thất tình thì thật là sầu đời, mọi thứ chẳng còn nghĩa lý gì cả.

Các nền giáo dục tiên tiến luôn cố gắng tập cho trẻ tiếp xúc với thực tế sớm. Lớp học vốn dĩ là xã hội thu nhỏ đủ mọi tính cách tốt xấu. Những đội hướng đạo sinh được lập ra với mục đích trang bị cho trẻ những biện pháp đối đầu với mọi tình huống trong cuộc sống. Chúng ta thì ngược lại, muốn trẻ em “chỉ biết học thôi, chẳng biết gì”. Vậy việc học còn có ích gì mấy? Mỗi lần cãi nhau với bạn, chúng không thể tự mình tìm cách xử lý tranh chấp, mà luôn kết thúc bằng câu “mày chờ đó, tao về méc má”, không phải là điều hay. Chúng ta quan sát để can thiệp kịp thời, nhưng nếu chưa có gì nghiêm trọng, thì cứ để trẻ con tự xử lý với nhau, rồi sau mỗi mâu thuẫn, chúng lại trưởng thành hơn. Đó là giáo dục thời hiện đại.

Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, để trẻ con làm ông cụ non thì an toàn và vững vàng hơn nhiều so với việc để chúng “mãi mãi tuổi sơ sinh”, và kết thúc bằng việc “chết vì thiếu hiểu biết”.

Thà chúng ta tìm cách để bầy hươu đừng chạy sai đường, còn hơn để chúng tự mò mẫm rồi lạc lối, vô phương cứu vãn. Nếu không thì có khi chúng lại thắc mắc: “Cái hố sâu đào bên vườn xoan đó để làm gì? Chuẩn bị ngâm rượu ếch à?”

 

Trần Sơn Huy

Tham khảo:

Phận làm dâu

Featured Image: Carly Brown

 

Được tin ông anh hàng xóm cạnh nhà tôi chuẩn bị lấy vợ. Nghe tin đó tôi cũng mừng thay cho anh. Tuổi đã ngoài “băm”, bố mẹ, họ hàng giục lấy vợ suốt mà đâu chịu lấy. Cứ tưởng “ế”. Mãi gần đây tình yêu mới “vẫy gọi”. Thế nhưng tôi lại nghe đồn gia đình chồng có vẻ không thích con dâu tương lai cho lắm.

Thứ nhất chê về ngoại hình. Nào gò má hơi cao có tướng sát chồng, người gầy đét thế kia đẻ kiểu gì, thua anh có ba tuổi cũng xếp vào hàng “hết đát” đến nơi rồi. Mà cũng không thấy đả động đến công việc hiện tại, gia đình nhà chị. Có lẽ vấn đề này không có gì chê được nên không đề cập đến.

Ừ thì đúng là ngoại hình chị ý không được đẹp cho lắm, cũng không có gì là sai trong cách mô tả kể trên. Ai chả thích cái đẹp nên xấu thì phải chấp nhận “bị chê” như một lẽ đương nhiên.

Nếu chỉ đến đây thì không có gì phải bàn. Thế nhưng gia đình anh chê cả chị không biết nấu ăn. Rau thì xào lúc mặn lúc nhạt, món nấu hầm nhừ quá, đồ kho không đủ vị… Vậy xin hỏi lấy cái gì ra làm chuẩn cho sự ngon lành của món ăn? Chị sống trong môi trường hoàn toàn khác, phong cách ăn uống cũng không thể nào giống gia đình anh được. Món này hợp khẩu vị với nhà này nhưng chắc gì đã đúng ý với gia đình nhà khác.

Trong một bữa cỗ có vài ba mâm gia đình họ hàng, nội ngoại hai bên nhà anh. Mỗi người có thể là đại diện cho gia đình nhỏ khác. Mỗi người một ý cũng không thể chiều lòng được tất cả mọi người. Đương nhiên sẽ có người chê. Thiết nghĩ ngay cả những nhà hàng sang trọng bậc nhất chắc gì đã làm hài lòng được tất cả mọi người. Mà chung quy cũng toàn đàn bà, con gái “soi” nhau là chính. Đàn ông họa hoằn lắm mới có người để ý.

Nói đi cũng phải nói lại, cũng không thể trách được phụ nữ vì ai chả mong con/cháu dâu mình hoàn hảo, nội trợ tươm tất, biết thu vén gia đình. Người ta chả chả có câu “đường đến trái tim đàn ông luôn đi qua cái dạ dày” đấy thôi.

Có được người chồng tâm lý hiểu được ý vợ sắp cưới thì không sao. Chẳng may vô tình chồng không để ý hoặc vô tư quá thì cô ấy sẽ tủi thân vô cùng và tự nhiên có một rào cản vô hình ngăn cách giữa con dâu và nhà chồng. Tạo những ấn tượng không tốt về nhau và tình cảm sau này ảnh hưởng đáng kể.

Về làm dâu họ đã chịu bao nhiêu áp lực, đơn giản nhất như: nhớ tên và thứ tự vai vế của tất cả thành viên trong gia đình có đến mấy chục con người, có nhà đông phải đến hàng trăm chứ chẳng chơi. Tập thích nghi với môi trường mới không tránh được cảm giác cô đơn, tủi thân khi phải sống trong gia đình toàn người lạ và cảm giác nhớ nhà không tránh được. Họ phải cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người trong khi đó tất cả mọi người lại chỉ nhìn vào mình họ. Có phải là quá chênh lệch lắm không? Chưa kể nhiều con dâu mới trầm tính, ít nói việc run rẩy, ngại ngùng trước đám đông là điều không tránh được.

Vậy nên các bà/mẹ/cô/dì hãy thông cảm, vị tha, bao dung và kiên nhẫn với các con/cháu dâu của mình. Có thể những việc trước mắt do chưa quen nên làm chưa tốt nhưng lâu dần nhờ sự dạy dỗ, chỉ bảo với lòng yêu thương coi con/cháu dâu như con/cháu đẻ thì tôi nghĩ chẳng nàng dâu nào lại cố chấp, ngang ngạnh không chịu thay đổi đâu. Nếu gia đình nhà trai tự tin con/cháu trai mình là một người hoàn hảo không chê vào đâu được thì tôi nghĩ rằng anh ta đủ thông minh để lựa chọn một người vợ tương xứng với mình.

Phụ nữ bao giờ cũng vất vả và chịu nhiều đau khổ hơn so với nửa thế giới còn lại. Vậy nên các bà/mẹ/dì/cô cũng đã từng làm dâu mong rằng sẽ là người hiểu hơn ai hết. Chỉ có hiểu nhau, đồng cảm, yêu thương nhau thì nền tảng gia đình mới giữ vững và gắn bó bền chặt lâu dài được.

 

Trần Trang

Thị trường và đạo đức (kỳ 9)

 

Mao Vu Thức – Nghịch lý của đức hạnh

Trong tiểu luận này, Mao Vu Thức (茅于轼), một nhà kinh tế học và đồng thời cũng là một doanh nhân người Trung Quốc, trình bày kiến giải của mình về vai trò của thị trường trong việc tạo lập sự hài hòa và hợp tác. Ông làm nổi bật lợi ích của việc tìm cách hạ giá thành và kiếm lời do những người tham gia vào quá trình trao đổi thực hiện bằng cách so sánh hành vi “tự tư tự lợi” với những huyền thoại mà những người phê phán chủ nghĩa tư bản đã tạo ra. Ông đưa ra các thí dụ từ di sản văn học Trung Quốc cũng như từ kinh nghiệm của mình (cũng là kinh nghiệm của hàng triệu người Trung Quốc trong cuộc thí nghiệm bài trừ chủ nghĩa tư bản kinh hoàng ở nước này).

Mao Vu Thức là người sáng lập, đồng thời là giám đốc Viện nghiên cứu Unirule có trụ sở tại Bắc Kinh. Ông là tác giả của mấy cuốn sách và nhiều bài báo dành cho giới học giả cũng như dân chúng. Ông từng giảng dạy kinh tế học tại nhiều trường đại học và là người sáng lâp một số quỹ cứu tế và tổ chức tự lực phi chính phủ đầu tiên ở Trung Quốc và là một người tranh đấu cho tự do dũng cảm nổi tiếng.

Trong những năm 1950 ông từng bị trừng phạt bằng lao động khổ sai, lưu đầy, “cải tạo” và suýt chết đói chỉ vì nói: “Nếu không mua ở đâu được thìa dĩa thì giá thìa dĩa sẽ tăng.” và “Nếu Mao chủ tịch muốn gặp một nhà khoa học thì ai phải đến thăm ai?” Và năm 2011, ngay trước khi cuốn sách này được đưa đi in, ở tuổi 82, ông đã viết một luận văn được đăng trên mạng của tờ Caixin với nhan đề: “Đưa Mao Trạch Đông trở về với hình thức nhân văn”. Bài tiểu luận này đã mang đến cho ông những lời đe dọa chết người và làm cho ông càng nổi tiếng hơn vì đấy chính là tiếng nói của lòng trung thực và công lý. Mao Vu Thức là một trong những nhân vật theo tư tưởng tự do kiệt xuất trong thế giới đương đại và là một người làm việc không mệt mỏi nhằm đưa những tư tưởng tự do và trải nghiệm tự do đến với nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới.


Xung đột quyền lợi trong Vùng đất của những người quân tử

Khoảng giữa thế kỷ XVIII và XIX một nhà văn Trung Quốc tên là Li Ruzhen đã viết một cuốn tiểu thuyết với nhan đề Hoa trong gương (Flowers in the Mirror). Cuốn sách kể về một người tên là Tang Ao vì bị thất bại trong công việc làm ăn cho nên đã theo người anh rể xuất ngoại. Trong cuộc du hành này, anh ta đã đi qua nhiều nước có phong cảnh rất kỳ thú. Nước đầu tiên họ đến thăm có tên là Vùng đất của những người quân tử (The Land of Gentlemen).

Tất cả những người ở Vùng đất của những người quân tử đều cố tình chịu đau khổ để chắc chắn là họ sẽ được những người khác giúp đỡ. Chương 11 kể về một người cảnh sát (Li Ruzhen cố tình sử dụng nhân vật mà người Trung Quốc xưa từng quan niệm, lúc đó cảnh sát có nhiều đặc quyền đặc lợi và hay bắt nạt dân chúng) đi mua hàng:

Sau khi đã xem xét một số hàng hóa, anh cảnh sát này bảo người bán hàng: “Bạn ơi, hàng của bạn tốt quá mà giá lại rẻ quá. Làm sao tôi có thể an tâm khi bạn tỏ ra hào phóng đến như thế? Nếu bạn không nâng giá lên thì chúng tôi đành không mua nữa vậy.”

Người bán hàng đáp: “Có ông đến là chúng tôi mừng rồi. Người ta thường nói người bán thì đẩy giá lên trời còn người mua thì hạ xuống sát đất. Giá của tôi đã cao ngất trời rồi mà ông còn muốn tôi tăng nữa. Tôi khó mà đồng ý được. Xin ông đến cửa hàng khác mà mua vậy.”

Sau khi nghe người bán nói như thế, anh cảnh sát bảo: “Ông đã ra giá thấp cho những món hàng chất lượng cao thế này. Thế có phải là ông bị thiệt không? Chúng ta không được lừa dối và phải bình tĩnh. Không phải là mỗi chúng ta đều biết tính toán cả hay sao”. Sau một hồi tranh cãi mà người bán vẫn khăng khăng không chịu nâng giá, còn anh cảnh sát thì phát bực và chỉ mua một nửa số hàng đã chọn mà thôi. Nhưng người bán hàng cản đường không cho anh ta đi ra. Đúng lúc đó thì có một ông lão đi ngang qua. Sau khi cân nhắc tình hình, ông già này giải quyết bằng cách buộc anh cảnh sát phải mua 80% số hàng mà anh ta đã chọn.

Tiếp theo là câu chuyện mua bán giữa khách hàng cho rằng giá quá thấp mà chất lượng lại cao, trong khi người bán khẳng định rằng hàng không còn tươi cho nên chỉ được coi là chất lượng bình thường. Cuối cùng người mua chọn những món hàng có chất lượng xấu nhất. Đám đông đứng gần đó kết án người này là “chơi không đẹp”, anh ta đành phải lấy một nửa hàng có chất lượng cao và một nửa chất lượng thấp. Trong vụ giao dịch thứ ba thì hai bên cãi nhau về trọng lượng và chất lượng bạc được đem ra thanh toán. Bên trả nợ khẳng định rằng bạc của anh ta vừa kém về chất lượng vừa không đủ cân lạng, trong khi bên được trả nợ lại nói rằng bạc có chất lượng rất cao và đủ trọng lượng. Khi bên trả nợ đi rồi thì bên được trả nợ thấy rằng anh ta có trách nhiệm tặng số bạc mà anh ta cho là dư cho một người ăn xin đến từ vùng đất xa xôi.

Cuốn truyện này đặt ra hai vấn đề cần phải nghiên cứu.

Thứ nhất, khi hai bên đều từ chối phần lợi nhuận mà họ được chia hay đều khẳng định rằng lợi nhuận của họ là quá cao thì sẽ có tranh cãi. Đa số những cuộc tranh cãi mà chúng ta gặp trong đời sống là do chúng ta theo đuổi quyền lợi của chính mình. Kết quả là chúng ta thường mắc sai lầm khi cho rằng nếu chúng ta chấp nhận quyền lợi của phía bên kia thì sẽ không còn tranh cãi. Nhưng như đã thấy, trong Vùng đất của những người quân tử thì coi quyền lợi của phía bên kia làm cơ sở cho quyết định cũng dẫn tới xung đột và như vậy là chúng ta phải tìm cho ra cơ sở mang tính logic cho xã hội hài hòa và hợp tác.

Tiến thêm một bước nữa trong công việc nghiên cứu, chúng ta phải công nhận rằng trong công việc kinh doanh của thế giới hiện thực cả hai bên đều tìm kiếm lợi ích của riêng mình và thông qua thương lượng về các điều khoản (trong đó có giá cả và chất lượng), hai bên có thể đạt được thỏa thuận. Ngược lại, trong Vùng đất của những người quân tử thỏa thuận như thế là bất khả thi. Trong cuốn truyện, tác giả phải đưa vào một ông già và một người hành khất, thậm chí phải viện dẫn đến những biện pháp ép buộc mới có thể giải quyết được xung đột[1]. Ở đây chúng ta gặp một chân lý quan trọng và sâu sắc: những cuộc đàm phán, trong đó hai bên đều tìm kiếm lợi ích cá nhân của mình có thể đạt đến điểm cân bằng, trong khi nếu cả hai bên đều tìm kiếm lợi ích cho phía bên kia thì họ không bao giờ đạt được đồng thuận.

Hơn thế nữa, điều đó sẽ tạo ra một xã hội suốt ngày tranh cãi với chính mình. Sự kiện này trái ngược hẳn với kỳ vọng của đa số người. Vì Vùng đất của những người quân tử không thể thiết lập được sự cân bằng trong quan hệ của những cư dân của nó cho nên cuối cùng nó đã biến thành Vùng đất của những kẻ trục lợi và thô lỗ. Vì Vùng đất của những người quân tử hướng tới quyền lợi của người khác cho nên nó sinh ra những kẻ đồi bại. Trong khi những người quân tử không thể tiến hành trao đổi được thì những kẻ trục lợi và thô lỗ lại có thể giành được lợi thế bằng cách lạm dụng sự kiện là những người quân tử kiếm lời bằng cách hy sinh quyền lợi của mình. Nếu cứ tiếp tục như thế mãi thì người quân tử sẽ chết hết và sẽ chỉ còn lại bọn trục lợi và thô lỗ mà thôi.

Từ đó ta có thể thấy rằng con người chỉ có thể hợp tác khi họ tìm kiếm lợi ích của chính mình. Đấy là nền tảng an toàn, chỉ có dựa vào nền tảng như thế nhân loại mới có thể đấu tranh cho một thế giới lý tưởng. Nếu nhân loại chỉ tìm kiếm lợi ích cho người khác thì không lý tưởng nào có thể trở thành hiện thực được.

Dĩ nhiên là trong khi coi thực tế là xuất phát điểm của mình, muốn giảm xung đột, chúng ta phải quan tâm tới những người xung quanh và phải tìm cách ngăn chặn những ước muốn ích kỷ của mình. Nhưng nếu chú ý đến quyền lợi của người khác trở thành mục tiêu của mọi hành vi của chúng ta thì nó sẽ tạo ra xung đột giống như Li Ruzhen mô tả trong tác phầm Vùng đất của những người quân tử.

Có thể có người nói rằng những tình tiết tức cười trong đời sống ở Vùng đất của những người quân tử không thể nào xảy ra trong thế giới hiện thực được, nhưng, như cuốn sách này dần dần làm rõ, những sự kiện trong thế giới thực và những sự kiện ở Vùng đất của những người quân từ đều có những nguyên do giống nhau. Nói cách khác, cả thế giới hiện thực lẫn Vùng đất của những người quân tử đều không có nguyên lý rõ ràng về cách thức tìm kiếm lợi ích riêng.

Động cơ của cư dân Vùng đất của những người quân tử là gì? Trước hết chúng ta phải hỏi: “Tại sao người ta lại muốn trao đổi?” Dù là hàng đổi hàng sơ khai hay việc trao đổi hàng-tiền trong xã hội hiện đại thì động cơ đằng sau nó vẫn là cải thiện hoàn cảnh của người ta, làm cho đời sống của người ta thuận lợi hơn và tiện nghi hơn. Không có động cơ như thế, người ta trao đổi những thứ tự mình phải khó nhọc mới làm ra được để làm gì? Tất cả những thú vui vật chất mà chúng ta nhận được, từ cái kim sợi chỉ cho đến tủ lạnh và TV màu đều do trao đổi mà ra.

Nếu người ta không trao đổi thì mỗi người chỉ có thể trồng được thóc và bông trên những mảnh ruộng ở nhà quê, chỉ có thể sử dụng gạch bằng đất để xây nhà và chiến đấu với đất đai để giành lấy tất cả những thứ cần thiết để tồn tại mà thôi. Với cách làm việc như thế, con người chỉ có thể kéo lê đời sống như tổ tiên ta đã sống hàng chục ngàn năm trước. Chắc chắn là chúng ta không được thưởng thức bất kỳ lợi ích nào của nền văn minh hiện đại ngày nay.

Vùng đất của những người quân tử đã có nhà nước và thị trường, điều đó chứng tỏ rằng người dân ở đấy đã rời bỏ nền kinh tế tự cấp tự túc và đã chọn con đường trao đổi nhằm cải thiện hoàn cảnh kinh tế của mình. Thế thì tại sao họ lại không nghĩ đến quyền lợi của mình khi tham gia trao đổi kinh tế? Dĩ nhiên là, nếu ngay từ đầu trao đổi là để làm giảm lợi thế của mình và tăng lợi thế của người khác thì hành vi “quân tử” là có thể xảy ra. Nhưng mọi người tham gia trao đổi hay có kinh nghiệm về trao đổi đều biết rằng hai bên tham gia trao đổi đều tham gia vì lợi ích của mình, còn người nào hành động ngược lại với quyền lợi của mình trong quá trình trao đổi là người có động cơ sai lầm.

Có thể thiết lập được xã hội trên cơ sở các bên cùng có lợi mà không cần thương thảo về giá cả hay không?

Trong giai đoạn khi mà cuộc đời và sự nghiệp của Lôi Phong[2] còn được đề cao ở Trung Quốc người ta thường thấy trên màn ảnh truyền hình một người tốt bụng và tận tụy như Lôi Phong đang chữa nồi niêu xoong chảo cho đám đông. Người xem có thể thấy một hàng người trước mặt anh ta, mỗi người đều cầm những món đồ cũ cần phải sửa chữa. Những hình ảnh này là nhằm động viên mọi người làm theo người môn đệ đầy lòng từ tâm của Lôi Phong và làm cho quần chúng chú ý đến anh ta. Nếu hàng không dài thì bộ máy tuyên truyền không đủ sức thuyết phục. Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng những người xếp hàng với nồi niêu xoong chảo cần phải chữa ở đó không phải là để học Lôi Phong mà ngược lại, để tìm kiếm lợi ích của mình trong khi người khác bị thiệt.

Trong khi chính sách tuyên truyền như thế có thể dạy được một số người làm việc tốt cho những người khác thì đồng thời nó thậm chí còn dạy cho nhiều người cách tìm kiếm lợi ích từ những người khác. Trong quá khứ người ta từng nghĩ rằng tuyên truyền kêu gọi dân chúng làm việc nhằm phục vụ người khác mà không đòi hỏi thù lao có thể cải thiện được đạo đức xã hội. Nhưng đây chắc chắn là một sự lầm lẫn lớn vì những người học cách giành giật lợi ích cá nhân sẽ nhiều hơn nhiều lần số người học cách làm việc nhằm phục vụ những người khác. Từ quan điểm lợi ích kinh tế, việc mọi người đều có trách nhiệm phục vụ người khác là việc làm vô nghĩa.

Những người mang đồ đạc đến chữa miễn phí có thể mang cả những thứ không đáng chữa, thậm chí có thể mang cả những thứ nhặt được từ thùng rác nữa. Nhưng vì giá chữa những thứ đó là bằng không, thì giờ vàng ngọc dành để chữa chúng sẽ gia tăng cũng như sẽ gia tăng vật tư quí hiếm dùng cho việc sửa chữa những món đồ đó. Đấy là do gánh nặng của việc sửa chữa những đồ đặc đó được đặt lên vai người khác, chi phí cho việc sửa chữa miễn phí của chủ nhân món hàng chỉ là thời gian chờ đợi mà thôi.

Nếu xét theo quan điểm lợi ích của toàn xã hội thì toàn bộ thời gian, công sức và vật tư dùng để sửa chữa những món đồ đó chỉ mang lại những chiếc nồi niêu xoong chảo chẳng có lợi ích bao nhiêu. Nếu thời gian và vật tư đó được dùng cho những hoạt động có năng suất cao hơn thì chắc chắn là có thể tạo ra những giá trị lớn hơn cho xã hội. Từ quan điểm hiệu quả kinh tế và thịnh vượng của cả cá nhân lẫn xã hội thì trách nhiệm và quá trình sửa chữa không được trả công như thế có hại nhiều hơn là lợi.

Hơn thế nữa, nếu những đồ đệ tốt bụng của Lôi Phong lại còn xếp hàng hộ những người đang cầm xoong chảo đợi chữa thì việc giải thoát cho những người nghèo đó khỏi cả công việc xếp hàng chán ngắt như thế có thể thậm chí làm cho hàng còn dài ra hơn. Đấy thật là một cảnh tượng vô lý, một nhóm thì đứng xếp hàng để cho nhóm người kia không phải làm như thế. Hệ thống trách nhiệm kiểu đó giả định rằng có một nhóm người muốn được phục vụ như là điều kiện tiên quyết. Cái đạo đức vị tha như thế không thể là đạo đức mang tính phổ quát được. Rõ ràng là những người ca ngợi tính ưu việt của hệ thống mình vì mọi người mà không cần viện dẫn đến giá cả như thế đã không suy nghĩ vấn đề một cách thấu đáo.

Trách nhiệm sửa chữa đồ dùng cho người khác còn tạo ra hậu quả phụ mà ít ai ngờ tới. Đấy là nếu những người từng tham gia vào việc sửa chữa bị các đồ đệ của Lôi Phong đẩy ra khỏi thương trường thì họ sẽ mất việc và sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tôi không bao giờ phản đối việc học theo tấm gương của Lôi Phong trong việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, đấy là công việc có ích, thậm chí là cần thiết đối với xã hội. Nhưng nếu coi việc trợ giúp người khác là trách nhiệm phải làm thì nó sẽ tạo ra sự rối rắm, hỗn loạn và xuyên tạc tinh thần tự nguyện của Lôi Phong.

Trong xã hội của chúng ta có những người rất yếm thế và những người căm thù cái xã hội mà theo họ là coi đồng tiền là tất cả. Họ nghĩ rằng những người có tiền là những kẻ không thể chịu đựng nổi và người giàu tự coi là mục hạ vô nhân, còn người nghèo là những người lo lắng cho quyền lợi của nhân loại. Họ tin rằng tiền làm méo mó quan hệ bình thường giữa người với người. Kết quả là họ muốn xây dựng một xã hội dựa trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, không cần nói đến tiền và giá cả. Đấy là xã hội, nơi người nông dân trồng cấy mà không hề nghĩ đến công xá, nơi người công nhân dệt vải cho tất cả mọi người, cũng không cần công xá, nơi người thợ cắt tóc làm việc miễn phí ..v. v.. Xã hội lý tưởng như thế có thể tồn tại được hay không?

Muốn trả lời chúng ta phải quay trở lại với lý thuyết kinh tế về sự phân bố nguồn lực, mà như thế thì sẽ lạc đề và hơi dài. Để đơn giản, xin bắt đầu bằng một thí nghiệm tưởng tượng như sau. Hãy lấy trường hợp anh thợ cạo. Hiện nay đàn ông thường cắt tóc ba hay bốn tuần một lần, nhưng nếu có người cắt miễn phí thì họ có thể đi cắt mỗi tuần một lần. Tiền công cắt tóc sẽ làm cho lao động của người thợ cạo được sử dụng một cách hữu hiệu hơn.

Trên thị trường, tiền công cắt tóc phụ thuộc tỉ lệ lao động xã hội làm trong ngành này. Nếu nhà nước giữ giá cắt tóc thấp thì số người muốn cắt tóc gia tăng, số thợ cạo cũng gia tăng tương ứng và như vậy là số người làm trong những ngành khác phải giảm, đấy là nói trong trường hợp lực lượng lao động không thay đổi. Cái gì đúng trong trường hợp thợ cạo thì cũng đúng cho những ngành nghề khác.

Trong nhiều khu vực nông thôn ở Trung Quốc giúp đỡ miễn phí là việc bình thường. Nếu một người nào đó muốn dựng nhà thì tất cả họ hàng và bạn bè đều đến giúp. Thường là không phải trả tiền, chỉ phải chi phí thức ăn cho những người đến phụ giúp mà thôi. Lần sau, khi bạn của người đã được giúp đỡ xây nhà thì anh ta cũng sẽ đến giúp miễn phí. Thợ điện cũng thường sửa đồ điện miễn phí, chỉ cần tặng quà nhân dịp tết nhất là được. Những vụ trao đổi phi tiền tệ như vậy không thể là đơn vị đo lường chính xác lao động đã bỏ ra. Hậu quả là giá trị lao động không được khai thác một cách có hiệu quả và sự phân công lao động trong xã hội cũng không được khuyến khích.

Tiền và giá có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Không được để cho đồng tiền chiếm chỗ của những tình cảm như tình bạn và tình yêu. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là tình bạn và tình yêu có thể thay thế được đồng tiền. Chúng ta không thể loại bỏ được đồng tiền chỉ vì sợ rằng nó sẽ ăn mòn những mối ràng buộc trong quan hệ của con người với nhau. Trên thực tế, giá cả bằng tiền là phương pháp hiện có duy nhất để ta có thể phân bố nguồn lực sao cho chúng có thể được sử dụng một cách hữu hiệu nhất. Nếu chúng ta duy trì cả giá trị bằng tiền lẫn tình cảm và những giá trị cao quí khác của chúng ta thì chúng ta có thể hy vọng xây dựng được một xã hội vừa hiệu quả lại vừa nhân ái.

Sự cân bằng quyền lợi cá nhân

Giả sử A và B phải chia hai quả táo trước khi ăn. A chạy trước và nhặt được quả to hơn. B cáu kỉnh hỏi: “Sao anh lại có thể ích kỷ thế nhỉ?” A vặn lại: “Thế nếu anh nhặt trước thì anh chọn quả nào?” B đáp: “Tôi sẽ nhặt quả nhỏ hơn.” A vừa cười vừa nói: “Tôi chả làm đúng như anh muốn là gì?”

Trong câu chuyện trên A đã được lợi hơn B, trong khi B theo nguyên tắc “đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình” mà A thì không. Nếu chỉ một bộ phận trong xã hội tuân theo nguyên tắc này còn những bộ phận khác không theo thì bộ phận theo sẽ bị thiệt trong khi những bộ phận không theo sẽ được lợi. Nếu hiện tượng này không được ngăn chặn thì nhất định sẽ dẫn tới xung đột. Rõ ràng là, nếu chỉ có một số người đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình thì cuối cùng hệ thống này nhất định sẽ dẫn tới xung đột và hỗn loạn.

Nếu cả A và B đều quan tâm đến quyền lợi của phía bên kia thì vấn đề chia hai quả táo bên trên sẽ không thể nào giải quyết được. Nếu cả hai đều tìm cách ăn quả táo nhỏ hơn thì sẽ xuất hiện vấn đề mới, như ta đã từng thấy trong Vùng đất của những người quân tử. Cái gì đúng với A và B thì cũng đúng với tất cả những người khác. Nếu toàn bộ xã hội đều tuân theo nguyên tắc làm lợi cho người khác, chỉ có một người không, thì cả xã hội sẽ phục vụ cho người đó; xã hội như thế có thể tồn tại được, đấy là về lý thuyết.

Nhưng nếu cả người này cũng quay ra theo nguyên tắc trên thì xã hội – như một hệ thống của sự hợp tác – sẽ không thể tồn tại được nữa. Nguyên tắc mình vì người khác nói chung chỉ khả thi với điều kiện là những người khác sẽ quan tâm tới quyền lợi của toàn xã hội, còn mình thì không. Nhưng trên bình diện toàn cầu thì đấy là điều bất khả thi, đấy là nói trừ phi ta có thể buộc mặt trăng phải quan tâm đến quyền lợi của dân chúng trên trái đất.

Lý do của sự rắc rối như thế là vì xét một cách tổng quát thì trong xã hội không có sự phân biệt giữa “ta” và “người”. Dĩ nhiên là đối với một anh chàng John hoặc Jane Doe cụ thể nào đó thì “ta” là ta, còn người là “người”, “ta’ không thể lẫn lộn với “người” được. Nhưng từ quan điểm của xã hội thì mỗi người đều vừa là “ta” vừa là “người”. Khi nguyên tắc “vì người trước khi vì mình” được đem ra áp dụng cho anh A thì trước hết anh A phải suy nghĩ về sự thiệt hơn của những người khác. Nhưng khi nguyên tắc này được anh B áp dụng thì quyền lợi của anh A lại nằm ở vị trí quan trọng nhất.

Đối với các thành viên trong cùng xã hội đó thì câu hỏi là liệu họ phải nghĩ đến người khác trước hay những người khác phải nghĩ đến họ trước sẽ dẫn đến rối loạn và mâu thuẫn. Vì vậy mà, trong bối cảnh này nguyên tắc vị tha là không phù hợp và mâu thuẫn, và cũng vì vậy mà không thể dùng để giải quyết nhiều vấn đề xuất hiện trong quan hệ giữa người với người. Nhưng dĩ nhiên điều đó cũng không có nghĩa là tinh thần cỗ vũ cho nó không đáng được ca ngợi hay những hành động vì người khác là không đáng ca ngợi, nhưng nó không thể tạo ra cơ sở mang tính phổ quát để các thành viên trong xã hội theo trong khi tìm cách bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.

Những người đã trải qua cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản hẳn còn nhớ rằng khi khẩu hiệu “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và phê phán chủ nghĩa xét lại” vang lên khắp đất nước thì cũng là lúc mà những kẻ lắm mưu mô và nhiều tham vọng lên như diều gặp gió. Thời gian đó đa số người dân Trung Quốc có thể thực sự tin rằng cuộc “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và phê phán chủ nghĩa xét lại” có thể trở thành tiêu chuẩn xã hội và kết quả là họ đã tìm mọi cách để chỉ trích chủ nghĩa cá nhân.

Cũng trong thời gian đó những kẻ cơ hội đã lợi dụng khẩu hiệu này nhằm thu lợi riêng. Chúng lợi dụng chiến dịch bài trừ bóc lột nhằm biện hộ cho việc lục soát nhà của người khác và cướp đoạt tài sản của họ. Chúng kêu gọi người khác bài trừ chủ nghĩa cá nhân và vì lợi ích của cách mạng mà thừa nhận là những kẻ phản bội, gián điệp hay phản cách mạng và bằng cách đó ghi thêm cho họ những tội lỗi mới.

Không cần suy nghĩ, những kẻ cơ hội chủ nghĩa đã đẩy tha nhân vào hoàn cảnh đầy nguy hiểm cho cuộc sống của họ, mà tất cả chỉ nhằm giành một chức vụ nào đó trong chính quyền mà thôi. Như vậy là, chúng ta đã phân tích những vấn đề lý luận liên quan đến nguyên tắc “mình vì mọi người”, nhưng Cách mạng văn hóa còn cho thấy mâu thuẫn của nguyên tắc này khi nó được đem ra áp dụng vào thực tế.

Trong ký ức, Cách mạng văn hóa đã phai mờ dần, nhưng chúng ta phải nhớ rằng lúc đó tất cả các khẩu hiệu đều bị đem ra phê phán và kiểm soát một cách kỹ lưỡng. Nhưng hiện nay thì không thế nữa, vì khi câu hỏi đặt ra là phải dùng nguyên tắc nào để xử lý những vấn đề xã hội thì dường như người ta đã không còn kỹ lưỡng nữa. Chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp tuyên truyền cũ nhằm động viên người dân giải quyết những cuộc tranh luận, thậm chí ngay cả tại tòa án những phương pháp lỗi thời vẫn có ảnh hưởng khá lớn.

Những độc giả đã quen lật đi lật lại vấn đề chắc chắn sẽ có một vài câu để hỏi về vấn đề chia một cách hợp lý nhất hai quả táo vừa nói. Nếu chúng ta đồng ý rằng “mình vì mọi người” không thể là nguyên tắc giải quyết tốt nhất vấn đề chia hai quả táo thì có phải là không có cách nào tốt hơn hay không? Xin nhớ rằng ở đây có một quả táo to và một quả táo nhỏ và chỉ có hai người tham gia chia mà thôi. Có thể là ngay cả những những vị thần bất tử huyền thoại của Trung Quốc cũng thấy khó mà tìm được giải pháp thỏa đáng?

Nhưng trong xã hội thị trường câu hỏi hóc búa vừa nói thực ra là có thể giải quyết được. Hai người đó có thể thảo luận xem phải giải quyết như thế nào. Thí dụ A lấy quả to hơn với thỏa thuận là lần sau B sẽ được lấy quả to hơn hoặc nếu A lấy quả to hơn thì B sẽ được đền bù một khoản nào đó. Món tiền do A trả sẽ giúp giải quyết vấn đề khó khăn này. Trong nền kinh tế có sử dụng tiền tệ thì chắc chắn là hai bên sẽ áp dụng biện pháp này. Bắt đầu bằng khoản đền bù nhỏ (thí dụ, 1 xu), số tiền sẽ được nâng dần lên cho đến khi một bên đồng ý lấy quả táo nhỏ cùng với món tiền đền bù.

Nếu số tiền ban đầu quá nhỏ thì ta có thể cho rằng cả hai bên đều muốn lấy quả to và trả khoản đền bù nhỏ bé kia. Nhưng khi số tiền đền bù được nâng lên thì sẽ đến một lúc một trong hai bên đồng ý lấy quả táo nhỏ cùng với tiền đền bù. Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng nếu hai bên đều đánh giá vấn đề một cách hữu lý thì họ sẽ tìm ra được biện pháp giải quyết cuộc tranh luận. Và đấy cũng là biện pháp giải quyết một cách hòa bình khi quyền lợi của các bên xung đột nhau.

Ba mươi năm sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, một lần nữa vấn đề giàu nghèo lại được gióng lên, lòng thù hận với những người giàu có đang ngày một tăng lên. Trong giai đoạn khi mà người ta tập trung vào cuộc đấu tranh giai cấp – khởi đầu của mọi phong trào quần chúng – thì những đau khổ của quá khứ lại được đem ra so sánh với hạnh phúc của ngày hôm nay. Xã hội cũ bị phủ nhận và sự bóc lột trước đó được sử dụng như là hạt giống nhằm kích động lòng hận thù của dân chúng.

Khi cuộc Cách mạng văn hóa được khởi động vào năm 1966 (một phong trào nhằm quét sạch những hiện tượng xấu xa của hệ thống giai cấp cũ), tại nhiều khu vực con cháu của giai cấp địa chủ đã bị chôn sống, mặc dù đa số địa chủ đã chết từ trước rồi. Không ai thoát: cả già lẫn trẻ, thậm chí phụ nữ và trẻ con cũng không thoát. Dân chúng nói rằng phải có lý do thì người ta mới yêu cho nên cũng phải có lý do thì người ta mới ghét. Lòng căm thù con em của giai cấp địa chủ xuất phát từ đâu?

Nó xuất phát từ lòng tin tưởng nhiệt thành rằng hậu duệ của giai cấp địa chủ tìm cách bóc lột để tạo dựng địa vị của chúng. Hiện nay khoảng cách giàu nghèo còn nổi bật hơn nữa. Và trong khi thừa nhận có những người sử dụng các phương tiện phi pháp để làm giàu thì trong bất kỳ xã hội nào khoảng cách giàu nghèo cũng là hiện tượng không thể tránh được. Ngay cả trong các nước đã phát triển, nơi những cách làm giàu phi pháp bị ngăn chặn một cách quyết liệt thì khoảng cách giàu nghèo vẫn là hiện tượng thường thấy.

Lý lẽ chống lưng cho lòng căm thù những người có của là lý lẽ sai ngay từ căn cốt. Nếu một người nào đó căm hận người giàu vì anh ta chưa giàu thì chiến lược tốt nhất mà anh ta có thể áp dụng là trước hết hãy lật độ người giàu và đợi một thời gian khi đã giàu rồi thì mới ủng hộ việc bảo vệ quyền của người giàu. Đối với một số nhóm người thì đây là biện pháp hợp lý nhất. Nhưng đối với toàn xã hội thì không có cách nào phối hợp tiến trình để cho tất cả mọi người trong xã hội cùng giàu lên với tốc độ như nhau được. Một số người sẽ giàu trước, còn nếu ta đợi để mọi người cùng giàu với tốc độ như nhau thì sẽ chẳng có ai giàu hết.

Chống lại người giàu là vô lý vì người nghèo chỉ có thể trở thành giàu có nếu mọi người và bất kỳ người nào cũng được bảo đảm có quyền làm giàu, nếu thành quả lao động không bị xâm phạm, và nếu quyền sở hữu được tôn trọng. Một xã hội mà trong đó càng ngày càng có nhiều người có tài sản và đồng ý rằng “làm giàu là vinh quang” thì trên thực tế có thể làm được một cái gì đó.

Nhà khoa học Li Ming của Trung Quốc đã viết rằng chia nhân dân thành hai nhóm “giàu” và “nghèo” là cách phân biệt không đúng giữa hai nhóm người này. Đúng ra là phải chia thành nhóm những người có quyền và nhóm những người không có quyền. Ý ông muốn nói là trong xã hội hiện đại, vấn đề giàu nghèo thực chất là vấn đề quyền. Người giàu trở thành giàu là vì họ có quyền, còn người nghèo thì không. Quyền mà ông nói tới là quyền con người chứ không phải là đặc quyền đặc lợi. Không thể có chuyện là tất cả các công dân đều có đặc quyền đặc lợi được. Chỉ có một nhóm thiểu số có thể tiếp xúc với đặc quyền đặc lợi mà thôi. Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề giàu nghèo thì trước hết chúng ta phải thiết lập nhân quyền ngang nhau cho tất cả mọi người. Phân tích của Li Minh là sâu sắc và thấu đáo.

Bản dịch tiếng Anh của Jude Blanchette, Phạm Nguyên Trường dịch từ Anh ngữ
Nguồn: The Morality of Capitalism


[1] Người ăn mày may mắn là người ngoài, vì nếu ông ta cũng là người sống trong Vùng đất của những người quân tử thì cuộc cãi vã sẽ chẳng bao giờ kết thúc được.
[2] Lôi Phong (18/12/1040-15/08/1962) là một chiến sỹ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trở thành anh hùng dân tộc sau khi chết vào năm 1961 trong một tai nạn giao thông. Phong trào “Học tập đồng chí Lôi Phong” diễn ra trong toàn quốc được khởi động vào năm 1963, phong trào này kêu gọi nhân dân Trung Quốc theo gương phấn đấu hy sinh của anh trong việc phục vụ Đảng cộng sản Trung Quốc và chủ nghĩa xã hội.

Thương con

Featured Image: navelless

 

Thế là con đã vào lớp hai được một tháng. Năm học mới đồng nghĩa với những ước mơ, hy vọng, những háo hức, đợi chờ về thành tích học tập mới của con nhưng năm học mới cũng khiến mẹ lo lắng hơn, thương con nhiều hơn.

Thương vì nỗi trường lớp chật chội, các con đều lớn lên mà bàn ghế chẳng “nở” ra. Năm, sáu mươi học sinh trong một căn phòng mấy chục mét vuông, bàn ghế thiết kế cho hai người ngồi mà toàn phải nhồi nhét thêm một bạn ở giữa. Cặp sách chẳng có chỗ mà treo, đồ dùng chẳng có chỗ mà cất, nếu không để sau lưng thì phải vứt luôn xuống đất. Sân trường cũng bé tí tẹo, hơn một nghìn học sinh trong khuôn viên mấy trăm mét vuông.

Thử hình dung giờ ra chơi tất cả cùng ùa ra sân một lúc thì sẽ thế nào, với tốc độ chạy nhảy chóng mặt của trẻ con không cẩn thận là “chết như chơi”. Hồi năm ngoái đấy thôi, nghe lời mẹ “động viên”, con vừa “mon men” xuống sân đùa nghịch cùng các bạn đã bị ngã chảy máu đầu, làm cả nhà được một phen khiếp vía… Chẳng hiểu sao chung cư, siêu thị mọc lên như nấm mà trường học mãi không xây thêm được cái nào. Buồn quá, vô lý quá!

Thương con vì thêm một lớp là phải gánh thêm một ít sách vở, nhìn cái cặp sách to quá khổ của con kìa. Năm ngoái cái cặp bé hơn đã chẳng đeo vừa, năm nay lại còn to hơn thì đeo sao nổi. Kiến thức học có bao nhiêu đâu mà sao lại đẻ ra lắm sách vở đến thế, người ta có biết một đứa trẻ như nặng 17 cân như con mà phải cõng cái cặp sách nặng đến 7 cân không. Mỗi lần soạn sách vở hộ con hoặc thử nhấc cái cặp sách lên giúp con là mẹ lại xuýt xoa kêu trời. Các con bé bỏng, chiều cao còn hạn chế vậy mà phải xách cái cặp ấy hàng ngày thì lớn làm sao nổi, không gù lưng đi là tốt rồi. Thảo nào, bây giờ chẳng có bậc cha mẹ nào dám để con tự đi bộ đến trường như ngày xưa.

Nếu không có những lo lắng về các tệ nạn luôn rình rập con ngoài xã hội thì cha mẹ cũng chẳng nỡ lòng để con vác cái cặp như muốn đổ sập xuống người ấy. Mẹ không nhớ rõ cái thời đi học của mẹ cách đây ba chục năm, có tất cả bao nhiêu sách vở, mẹ chỉ biết rằng chưa bao giờ có ấn tượng là nó nặng, dù mẹ cũng chẳng to khỏe gì. Hàng ngày tung tăng nhảy múa với cái cặp sách từ nhà đến trường trên đoạn đường vài ba cây số, bất luận mưa nắng thế nào cũng thấy rất bình thường. Chắc hẳn nó phải nhẹ, rất nhẹ. Thế mà cái thời của mẹ có dốt nát gì đâu, bạn mẹ bây giờ khối người là kỹ sư, tiến sĩ , du học nước trong nước ngoài. Bản thân mẹ xếp vào hạng bét mà cũng nằm trong lứa “thế hệ vàng của ngành sư phạm Việt Nam” đấy.

Mẹ chả hiểu nổi người ta vẫn nói đến phương pháp tích hợp trong dạy học, rồi xu hướng chung của thế giới là liên kết các phân môn lại với nhau thành một mối quan hệ gắn bó, thế sao sách vở của con lại cứ đẻ ra hết quyển này đến quyển khác thế? Gộp tất cả chúng lại thành một hai môn thôi không được à? Đỡ tốn tiền in sách, đỡ mất công dạy đi dạy lại. Ví như khi dạy tiếng Việt về chủ đề gia đình thì lồng luôn vào đó những bài học đạo đức, truyện kể, âm nhạc cùng chủ đề; vở tập viết với vở chính tả cho vào một “rọ” có được không. Vì mẹ không rành cái này lắm nên chỉ dám trộm nghĩ thế thôi, lỡ mà nói sai mọi người lại cười chết.

Nhưng cái “vụ” này thì mẹ tin chắc mình không nói sai này, ấy là mấy quyển vở ghi bài của con, đã có sách giáo khoa phục vụ cho buổi học chính, sách bài tập phục vụ cho buổi học phụ rồi cô lại còn yêu cầu thêm 1 quyển vở toán cho buổi sáng, 1 quyển toán cho buổi chiều, 1 quyển vở tiếng Việt cho buổi sáng, 1 quyển tiếng Việt nữa cho buổi chiều, rồi lại vở bài tập về nhà. Trời ơi cứ gói tất cả lại làm một, có rơi vãi đi ít chữ nào không, dùng hết quyển này thì chuyển sang quyển khác như thế có phải gọn nhẹ biết bao. Mẹ thấy con nhớ hết được “mặt mũi” các quyển vở cũng tài.

Không thương sao được vì biết chẳng mấy con lại cận thị đến nơi. Cái dáng ngồi xiêu vẹo, cái đầu nghiêng nghiêng, cái mặt cúi gằm xuống trang vở, nắn nót theo từng con chữ. Ôi chao, lúc chưa đi học thì ngồi thẳng lưng thế, ngẩng đầu cao thế mà lúc đi học lại như thấp hẳn xuống. Mẹ mắng con thì con lý sự là ở lớp con bạn nào cũng thế, có bạn còn nằm bò ra bàn viết, bạn thì tì cằm lên tay để viết cho đỡ mỏi. À hóa ra chỉ cần chăm chăm viết chữ sao cho đẹp là được, còn ngồi thế nào không quan trọng. Hèn gì học sinh bây giờ cận lắm thế! Đứa nào không cận mới là lạ.

Chẳng bù cho cái thời của mẹ, phải cố gắng lắm mới tìm ra một bạn “bốn mắt”. Thời nay, trẻ con có ham học, ham đọc sách gì cho cam, cận thị “trăm sự” chỉ tại cái tội ngồi học không đúng tư thế, mà lại học những hai buổi một ngày, ngày nào cũng như vậy, chẳng mấy chốc thành quen. Về nhà, bố mẹ có chỉnh sửa cũng chẳng ăn thua gì. Hỏi rằng ở lớp cô giáo không uốn nắn à, chắc là có nhưng học sinh đông như thế, cô sức đâu mà uốn nắn mãi được, thôi kệ, đứa nào nghe thì tốt cho đứa ấy, không thì thôi, hậu quả đâu nó chịu, bố mẹ nó chịu và xã hội chịu. Lớp lớp các em thơ… cận thị cứ thế nối tiếp nhau ra đời.

Không biết thế giới họ sao chứ, ở Việt Nam tỷ lệ cận thị là… nhiều đến mức bố mẹ cũng tặc lưỡi cho qua: “Ôi dào, chuyện thường ở huyện, con người ta thế, con mình cũng vậy, có gì khác nhau đâu mà lo.” Thế nên mẹ xác định trước tư tưởng rồi, chẳng chóng thì chầy con cũng sẽ bị cận thôi, chỉ có điều kéo dài thêm ngày nào thì hay ngày ấy, kính mỏng đỡ chừng nào thì tốt chừng ấy.

Thương con còn bởi một nỗi sáng học, chiều học, tối lại học. Mở mắt ra, ăn vội ăn vàng để còn đi học, buổi trưa  ăn nhanh chóng, ngủ khẩn trương để còn kịp giờ vào lớp, buổi chiều đi học về, vừa ăn vừa tranh thủ xem phim hoạt hình để tối còn học sớm mà đi ngủ sớm, sáng mai dậy lại tiếp tục cái guồng quay như người lớn ấy. Chẳng có tí thời gian nào hở ra cho con chơi cả. Ấy là con còn “may mắn” có bà mẹ “hơi tiến bộ” một chút vì không bắt đi học thêm học nếm gì cả. Thứ bẩy, chủ nhật được xả hơi đến tối mới phải ngồi vào bàn.

Thương con vì bé tí đã biết thế nào là áp lực điểm số. Mỗi chiều đi học về, cả nhà xúm xít hỏi hôm nay con được mấy điểm. Nếu điểm cao thì cả nhà vui vẻ, mãn nguyện, điểm thấp thì ai nấy đều buồn so, có khi mẹ cũng bị mắng lây vì không biết dạy con. Đôi khi nhìn con vừa về đến cổng đã khoanh tay, xin lỗi mẹ vì hôm nay con chỉ được điểm 8, thương quá chừng. Nào mẹ có nói gì đâu, chỉ là tự con đã cảm thấy cái trách nhiệm lớn lao của mình là phải học thật giỏi để không phụ lòng trông đợi của mẹ. Con học thế nào, tự mẹ biết hơn ai hết, nhưng phần lớn mọi người đều phải nhìn vào điểm số để đánh giá sức học của con. Và mẹ nhiều lúc cũng không thoát khỏi cái “định kiến” lạc hậu ấy.

Bộ giáo dục dẫu có thay đổi cách chấm điểm bằng hình thức dán vào vở hình mặt cười, mặt mếu, hoa xanh, hoa đỏ hoặc xếp loại A,B,C gì thì cũng như nhau cả thôi, bình mới nhưng rượu vẫn là cũ. Có bậc cha mẹ nào nhìn cái “mặt mếu” mà không mắng con, không ngầm hiểu là “thằng này học ngu hơn các bạn”. Chỉ khi nào tiêu chí học tập của xã hội thay đổi thì mới mong không còn nỗi lo điểm số.

Chừng đấy lý do khiến năm học mới mà lòng mẹ chẳng bước sang trang mới. Thương con mà đâu giúp gì được con vì toàn những việc nằm ngoài tầm với của mẹ.

 

Phương Liên

Nghĩ về Đấng Sinh Thành

Featured Image: James Kendall

 

“Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi nghĩ về Đấng Sinh Thành”
Hay
“Đem lại ý nghĩa cho bữa tiệc sinh nhật”

Trước khi viết lên những suy nghĩ của mình tôi xin được hỏi bạn một câu: Sau này bạn có già không?

Thường vào dịp sinh nhật ta hay tụ tập bè bạn, đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu, nhỏ thì quà bánh thổi nến, nhỏ thì nhảy nhót hát ca, lớn nữa thì rượu bia ăn uống… hoặc những cuộc vui tương tự, tất nhiên là rất hay rồi, vì đây là dịp để bạn bè gặp gỡ nhau chia sẻ vui buồn sướng khổ, những dịp như thế nên lắm chứ! Và rất đáng để ta duy trì.

Tuy nhiên, có mấy ai những lúc đó tự hỏi, cái ngày này năm xưa của mình thế nào nhỉ?! cái này nên hỏi mẹ hỏi cha! Cái ngày ta được sinh ra trên đời ta nào đâu có biết, nhưng cái ngày đó – cảm giác được làm cha làm mẹ của Đấng Sinh Thành thật không thể nào tả xiết, có biết bao nhiêu là cảm xúc, biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm và tình yêu thương tràn về trong cái ngày trọng đại đó, mà có thể lại rất bình thường đối với những người khác, và rồi ta cũng chỉ biết đến cảm xúc đó vào cái ngày ta được làm cha làm mẹ, cái ngày con cái ta ra đời mà chính chúng cũng nào đâu có hay?!

Cuộc đời là vậy đó, những vòng xoay không bao giờ nối được điểm bắt đầu và điểm kết thúc, điều này là không thể, tuy nhiên có một điều mà bất cứ ai đều cũng có thể làm được, và nên làm cho bằng được, bằng cách này hay cách khác, và nó phải nên diễn ra ở cái giờ phút trọng đại nhất trong bữa tiệc sinh nhật, là nói nên lời cảm ơn Đấng Sinh Thành đã cho ta sự sống.

Và hàng năm, vào đúng ngày này năm xưa…

Nếu là sinh nhật của ta, ta sẽ nói điều đó với cha mẹ, ông bà nội ngoại của ta. Nếu mà Người đã khuất ta sẽ thắp nén hương lên để gửi về nơi Chín Suối lời cảm tạ sinh thành, nếu mà Người vẫn còn tự tại ta sẽ dành miếng bánh sinh nhật đầu tiên đến Người với cái ôm nồng ấm nhất… Cảm ơn Mẹ, cảm ơn Cha, cảm ơn Ông, cảm ơn Bà đã cho con sự sống!

Nếu là sinh nhật của các con ta, ta sẽ dạy cho các con biết làm những điều này đối với chính ông bà và cha mẹ chúng, điều này cũng nên làm lắm chứ, và lâu dần nó sẽ thành nếp nhà, truyền thống gia phong, đó mới là điều ý nghĩa nhất của bữa tiệc sinh nhật.

Người già cũng chỉ cần có vậy

Tôi viết lên đây những cảm xúc của mình để chia sẻ với những ai đang làm cha làm mẹ, và cả những ai là con của những người cha người mẹ, và cả với những ai muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con yêu của mình. Hãy làm điều gì đó, ngay ngày hôm nay, cho những người già xung quanh ta, không cần phải chờ đến ngày 1/10 hàng năm. Nếu mỗi người đều làm như vậy trong ngày sinh nhật của mình và con cái mình thì trên đất nước này, trên trái đất này, ngày nào đều cũng là ngày hạnh phúc của người già rồi đó.

 

Ngải Tướng Quân

Bạn có yêu công việc của mình không?

Featured Image: Becca Heuer

 

Bạn có yêu công việc của mình không?

Công việc tôi đang nói ở đây là công việc kiếm cơm của bạn, là công việc mà hàng tháng bạn khao khát lương nhảy về tài khoản như sa mạc khô cằn chờ ngày mưa đến. Là công việc sáng đi tối về đều đặn 2 buổi trên một cung đường với 1 tuần 7 ngày, đến nỗi bạn có thể đếm được hết bao nhiêu quán bán đồ ăn sáng, bao nhiêu công viên và bao nhiêu góc đường sẽ có các anh áo vàng cầm còi huýt huýt mỗi khi có người đi lệch tuyến, vượt đèn đỏ, ngược chiều hoặc cái gì tương tự như thế.

7 ngày của bạn…

Cung đường của bạn…

Công ty của bạn, đồng nghiệp của bạn…

Công việc của bạn…

Nhưng… bạn có yêu nó không?

Bạn học Đại học. Bạn tốt nghiệp. Bạn ra trường. Rồi từ đây, bạn đâm đầu vào đời như một kẻ vừa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm sau nhiều năm trời mê mải tìm kiếm, như một lữ hành kiệt sức vừa nhìn thấy suối nguồn và đất liền. Bạn mừng rỡ reo vang, phấn khởi, phấn chấn, bới móc tận con tim bao nhiêu nhiệt huyết, tuổi trẻ và sinh lực của bạn để đến với miền đất hứa đó.

Rồi bạn nhận ra đời không như mơ, không như những câu chuyện bạn vẽ ra hàng đêm trước khi đi ngủ để tự trấn an mình bằng những hình đẹp đẽ sau khi ra trường.

Cái thưở mới ra trường ấy, khi bạn vẫn còn rực cháy khao khát cống hiến và chứng tỏ bản thân, bạn nhận một công việc vì rất nhiều lý do:

  • Bạn muốn tích lũy thêm kinh nghiệm với một mức lương khiêm tốn và tự nhủ khi nào con chim đã đủ cánh thì việc tìm đến miền đất hứa để “vỗ béo” sẽ không phải là quá khó.
  • Bạn bị choáng ngợp bởi ánh hào quang của các công ty hàng đầu đất nước, thậm chí là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới và nhận ra rằng đó là thiên đường cho bạn cả về tiền và tiếng. Bạn nháo nhào tìm kiếm và đặt nỗ lực để tham gia chương trình quản trị viên tập sự của họ. Hẳn đó sẽ một trải nghiệm tốt đối với một đứa mới tập tễnh bước vào đời như bạn.
  • Hoặc đơn giản là bạn thích công việc đó dù rằng nó chẳng hề liên quan gì đến 4 năm ngồi mài mông trên giảng đường Đại học.
  • Hoặc càng đơn giản hơn nữa, bạn nhận việc vì nó đúng là ngành bạn đã theo học.

Và có thể còn vài lý do khác nữa mà tôi chưa đủ tầm để phát hiện ra, hoặc giả những lý do này quá phổ biến cho một người vừa rời ghế nhà trường để đến với một môi trường hoàn toàn mới khi nhận công việc đầu tiên trong đời mình.

Nhưng rồi… 1 năm hoặc 2 năm sau, hãy cho tôi biết, bạn có yêu nó không?

Có thể, sau 2 năm, cái nhiệt huyết của một sinh viên vừa ra trường đã giảm đi rất nhiều “nhờ” cái sự đong đưa, đưa đẩy của cuộc đời, của công việc và của con người. Có thể sẽ có nước mắt, rồi có quyết tâm rồi có cả bức xúc, hoặc có thể có sự an nhàn, thoải mái hoặc thỏa mãn. Ai mà biết được.

Lúc này, hãy thử trung thực nhìn lại, sau khi đi qua quãng thời gian đầu tiên cho một công việc trong đời, cái lý do để bạn vẫn đang làm công việc hiện tại, vẫn đang đi trên con đường ấy hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm… thì nó còn muôn màu muôn vẻ hơn cả 2 năm trước:

  • Bạn nhận được một mức lương tương đối tốt, kiểu như “ngó lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai được như mình”, và bạn biết là phải nắm lấy công việc này, chủ yếu là vì con số hàng tháng nhảy nhót trong tài khoản của bạn có thể giúp bạn sống đủ và lo cho gia đình (trả nợ cho bố mẹ, cưới vợ, cưới chồng….) dù rằng bạn ớn tận cổ mỗi sáng phải đặt chân vào công ty và nhe răng cười như thể cuộc đời này tuyệt vời lắm khi bạn được đi làm ở đây.
  • Bạn hài lòng với công việc hiện tại: nhàn hạ, “áp lực” chỉ là 2 từ bạn đọc trên báo chí và nghe than thở từ những người khác, vắng sếp thì trốn đi ăn sáng, uống café hoặc về sớm, chỉ phải lo báo cáo khi sếp cần, không cần lo nghĩ đến kế hoạch, doanh số, deadline…
  • Bạn sợ phải thay đổi sang một môi trường mới, con người mới, công việc mới, con đường đi làm cũng mới nốt. Bạn thích cảm giác an toàn hơn, thích gặp những con người mà mấy năm trời bạn từng gắn bó, công việc của bạn cũng cứ đều đều như thế từ năm này qua năm khác.
  • Bạn hài lòng với chế độ công ty, môi trường của công ty nhưng bạn không hài lòng với công việc hiện tại.
  • Hoặc bạn chỉ đang làm việc cầm chừng để ấp ủ mở công ty riêng hoặc buôn bán nhỏ trong vài năm tới…

Nhưng… bạn có yêu công việc của mình không?

Việc yêu thích công việc của mình, theo tôi là không quá khó. Không phải bạn làm đúng ngành học hoặc có một mức lương khủng là có thể khẳng định bạn có yêu công việc của mình không. Bạn chỉ cần thích nó, luôn mỉm cười với nó, muốn sống chung với nó, không muốn rời xa nó. Tôi thấy tình yêu như thế là quá đủ rồi.

Lương thì quan trọng đấy nhưng cái khiến cho tinh thần bạn phấn chấn và giúp cho hiệu suất công việc của bạn tốt trong thời gian lâu dài thì chưa chắc đã là lương đâu.

Bạn có thể đã có một thời gian mất phương hướng, loay hoay và bế tắc trong công việc nhưng đến thời điểm bây giờ, khi tôi hỏi “bạn có yêu công việc của mình không?” và nhận được câu trả lời “có” của bạn, tôi cho là tôi vô cùng ngưỡng mộ bạn. Tôi ngưỡng mộ bất cứ ai khi đọc bài này và có câu trả lời “có”. Vì bạn biết rồi đấy, bạn chỉ có một cuộc đời, một lần sống nhưng bạn có nhiều lựa chọn, nhiều con đường và nhiều công việc. Hãy chọn cho đúng để bạn luôn cảm thấy cuộc đời này ngày nào cũng đáng sống, và con đường đi làm hàng ngày của bạn sẽ ngắn hơn, nhiều tiếng hát hơn (nếu bạn biết hát và huýt sáo) và nhiều niềm vui hơn.

 

Nhóc Con Bon Chen

Viết về quan niệm của người Việt: Sự tai hại của những đồng tiền khôn và suy nghĩ “trẻ con thì biết cái quái gì?”

Featured image: Evgenegve

Như đã nói ở bài trước, văn hóa là một đề tài vô cùng rộng và sâu. Để nói hết về văn hóa là điều không thể, nhưng để nói những điều bất cập cơ bản đang tồn tại trong xã hội, trong cuộc sống của chúng ta, lại chẳng khó khăn gì. Vì chúng đã tồn tại một cách khách quan quanh ta quá lâu rồi, tệ hơn là chúng còn ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người đến mức khó lòng mà gỡ ra được, dù ta biết chúng chẳng tốt đẹp gì đi chăng nữa. Sau đây là một vài quan niệm trong đời sống, văn hóa ứng xử có lẽ đã lỗi thời, lạc hậu hay sai lầm trong đời sống mà chúng ta có lẽ đã ít nhất một lần gặp phải.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn

Đây có được coi là một “nét văn hóa” của người Việt Nam chúng ta không? Nó cũng là kinh nghiệm được đúc kết, là hoạt động con người tạo ra, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau, như một hành động khôn ngoan, như một bước đi tắt giúp chúng ta đạt được điều mình muốn. Nghe thì có vẻ tốt, nhưng hãy nhìn xem “nét văn hóa” này đã làm cho cuộc sống chúng ta trở nên trì trệ và xấu xí như thế nào.

Khoan hãy nói đến khôn và dại, trước tiên là cụm từ “đồng tiền đi trước”, khá rõ ràng ý của câu nói là chúng ta nên nghĩ về cách sử dụng tiền bạc sao cho đúng thời điểm để đạt được điều ta mong muốn, tránh gây phiền phức về sau. Chúng ta đã nghe lời dạy cha ông và thực hành câu nói này khá tốt, tốt đến nỗi nó tạo nên một nét văn hóa đặc thù: văn hóa của những đồng tiền. Một nét văn hóa xấu xí tác động lên mọi ngóc ngách của cuộc sống, khiến cho một phần nhỏ xã hội thích thú vui mừng, còn một phần lớn còn lại ức chế, tức tối và đau lòng. Càng đau lòng hơn khi gần như không có cách nào ngăn nét văn hóa này lại được cả.

Ai cũng muốn khôn, thế nên ai cũng muốn cho đồng tiền đi trước. Người muốn cho đồng tiền đi trước một, thì người muốn nhận đồng tiền đi trước lại nhiều gấp mười. Tất cả mọi người, dù cho làm nghề nghiệp gì, dù cho tuổi tác và giới tính ra sao, dù cho ở địa phương nào, cũng đều mong muốn được nhận những đồng tiền này. Những đồng tiền sinh ra trước cả khi họ bỏ công sức, dù cho công sức làm việc đó là nghĩa vụ của chính họ. Thật vậy, càng ngày chúng ta lại càng phải trả tiền nhiều hơn cho những dịch vụ chính đáng ta cần, một cách vô lý.

Nghĩ xem, nhiệm vụ của giáo viên là gì? Có phải là dạy dỗ học sinh thật tốt? Nghĩa vụ của bác sĩ là gì? Có phải là chăm sóc bệnh nhân thật tốt? Nhiệm vụ của những người làm công việc hành chính – nhà nước là gì? Có phải là phục vụ người dân? Những công việc đó, là nghĩa vụ của họ, họ việc họ PHẢI làm. Họ đã được trả lương để làm điều đó rồi. Vậy tại sao ta lại phải trả cho họ thêm một khoản khác ngoài lương, chỉ để họ làm công việc đó cho chúng ta, với cùng một chất lượng? Tại sao lại phải thêm tiền cho giáo viên để họ dạy con mình tốt hơn, chăm con mình chu đáo hơn? Tại sao phải trả thêm tiền cho bác sĩ để họ chữa bệnh cho ta? Tại sao phải trả thêm tiền cho những người làm việc hành chính để họ làm cùng một việc chẳng tốt hơn chút nào?

Thật ra thì ai cũng biết, tất cả vì những thứ này không đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cần họ, quá nhiều người cần họ nên họ mới làm cao và yêu sách. Thời gian là vàng bạc, ta muốn mọi việc được giải quyết nhanh chóng thì buộc phải “xì” ra một ít tiền đi trước. Mọi người đều muốn được giải quyết nhanh nên ai cũng cố nhồi tiền vào tay những người làm dịch vụ và rồi, có gì phải ngạc nhiên, văn hóa “tiền khôn” ra đời. Biết trách ai đây khi người đưa thì tự nguyện đưa, người nhận thì tự nguyện nhận. Hai bên chẳng ai trách ai chỉ về nhà rồi thở dài trách văn hóa Việt Nam ngày càng xuống cấp, trách tiền bạc sao quá lên ngôi. Hậu quả là một nét văn hóa đặc thù xấu xí kinh dị nhưng không cách nào xóa được. Muốn giải quyết ư, người dân không thể chỉ đơn giản không lót tay là xong, điều này sẽ gây ra nhiều rắc rối. Người nhận tiền không thể từ chối là xong, như thế không công bằng với bản thân vì mình không nhận người khác cũng nhận, và vì không nhận lấy gì mà ăn cho ngon mặc cho đẹp với đồng lương như hiện tại?

Lại theo tôi, một trong những lý do để nét văn hóa xấu xí này tồn tại, vì cung dịch vụ không đủ cầu, vì tình trạng độc quyền và trạng thái không minh bạch, tất nhiên, cả vì sự đạo đức giả dối nữa. Tại sao nhà nước phải cố công duy trì một bộ máy cồng kềnh nặng nề khủng khiếp để mọi hoạt động trở nên nhởn nhơ ì ạch như một bà già mập phì thừa cân như thế? Nếu như bộ máy chính quyền của chúng ta có thể tinh giảm thật sự để trở nên gọn gàng linh động thì chắc chắn tiền lương của những người làm công trong đó sẽ được nâng lên, họ sẽ luôn dư đủ cái ăn cái mặc, không còn phải đi tìm mọi cách thu thêm khoản lợi mờ ám nào nữa. Chẳng thà cứ để cho lương của mấy ông lãnh đạo cao ngút để họ tận tâm hơn cho đất nước, còn hơn những con số lương nhỏ bé giả tạo đến vô nghĩa khiến họ dành toàn bộ thời gian đi kiếm thêm bên ngoài như hiện nay. Mặt khác phải gỡ bỏ ngay các thủ tục hành chính nhiêu khê phức tạp, không được để tình trạng một hồ sơ phải lấy chục con dấu ở chục nơi trong chục ngày như hiện nay. Điều này làm thất thoát của xã hội biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc, thật là lãng phí. Tại sao lại đối xử với người dân như vậy? Còn nữa, để xóa bỏ tình trạng này, chúng ta cần phải thị trường hóa, cạnh tranh hóa những dịch vụ mà hiện nay một số tổ chức đang độc quyền phân phối. Tại sao rất nhiều những dịch vụ cần thiết nhất, như giáo dục, y tế, nhiên liệu, hàng không… đều không đủ nhiều hoặc không đủ tốt cho xã hội nhưng không mấy ai được quyền đứng lên cạnh tranh? Những điều này có lẽ lên tới tầm vĩ mô mất rồi và tôi không đủ hiểu biết để đi sâu thêm nữa. Chỉ đau đớn thừa nhận rằng, chính chúng ta đã tạo nên nét văn hóa xấu xí này, chúng ta đang phải oằn mình để chịu đựng nó nhưng chẳng có phương án nào triệt để để thay đổi nó cả.

Một xã hội trọng đồng tiền, tôn đồng tiền lên trước mọi giá trị cuộc sống là một xã hội tồi tệ. Xã hội tồi tệ bởi những nét văn hóa tồi tệ. Chính chúng ta là người tạo ra nó, thì hãy tìm cách thay đổi nó, hãy bớt than van đi. Chính tay ta dúi cho mấy ông cảnh sát vài trăm ngàn rồi về chửi bới họ làm tiền. Ta trách xã hội trọng đồng tiền nhưng chính ta cũng chẳng hề xem nhẹ nó. Ta đòi tăng lương khi bản thân chẳng làm được gì hơn những việc đã được kí kết thỏa thuận trong hợp đồng. Nói chung, ta quá quan trọng sức mạnh của đồng tiền đến nỗi quên đi những giá trị khác của cuộc sống, làm cho gía trị của đồng tiền trở nên sai lệch và đáng ghét. Trở nên thần tiên thay vì chỉ là công cụ, trở nên sức mạnh thay vì là giấy vô tri. Và nguy hiểm hơn, mỗi ngày dù vô tình hay cố ý, ta vẫn đang cố truyền lại những nét văn hóa xấu xí này cho các thế hệ sau. Làm sao để ngăn điều đó lại? Làm sao để dạy cho con cái ta rằng cuộc sống còn nhiều giá trị cao đẹp hơn những đồng tiền. Làm sao để cho chúng hiểu tiền bạc chỉ là một thứ công cụ, không phải mục đích, rằng con người nên tìm đến những giá trị nội tâm, hơn là giá trị bên ngoài? Làm sao để cho chúng có thể sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan và hữu ích?

Để có thể dạy được chúng điều gì, trước tiên, xin hãy làm gương! Bạn không thể dạy con mình xem thường đồng tiền, khi bạn xem trọng nó. Bạn không thể dạy con mình thanh liêm, khi bạn nhận tiền khôn từ người khác thường xuyên. Bạn không thể dạy con mình cố gắng khi bạn đem tiền ra cố gắng  giải quyết mọi chuyện. Chính bạn, chính chúng ta, đã tạo nên nét văn hóa xấu xí này, nếu như có cách nào để sửa đổi, hãy làm gương và giáo dục lại những nét văn hóa tốt đẹp khác (cả về tiền bạc) cho con cái của mình.

Điều này dẫn đến một nét văn hóa khá sai lầm tiếp theo của người Việt: Trẻ con thì biết cái gì?

Đúng vậy, sai lầm lần này, chính là văn hóa “xem thường trẻ em” của chúng ta. Chúng ta yêu thương chúng, chăm sóc chúng nhưng chẳng hề xem chúng như những con người thực sự. Phần lớn chúng ta xem con cái mình như những con búp bê thì đúng hơn. Và sai lầm nhất là luôn nghĩ chúng còn nhỏ, chẳng hiểu gì.

Không đâu, bạn sai rồi, bọn trẻ, dù rất nhỏ, chúng vẫn hiểu hết đấy. Hiểu về cuộc sống, hiểu về bạn và những việc bạn làm. Chính điều đó tạo nên nhân cách và hành vi của chúng sau này.

Trong khi bạn luôn mặc định rằng bọn trẻ thì chỉ biết ăn, biết chơi, bạn quên rằng chúng cũng biết suy nghĩ nữa. Thậm chí đôi khi chúng còn suy nghĩ và biết nhiều hơn cả những gì bạn nghĩ. Nếu như nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là dạy dỗ bọn trẻ từ những việc thường ngày thì phần lớn chúng ta chọn cách lờ chúng đi. Nếu như nhiệm vụ của cha mẹ là giải thích cho chúng hiểu về cuộc sống, về thế giới này thì phần lớn chúng ta cũng chọn cách trả lời mọi câu hỏi của chúng bằng một câu ngắn gọn “con hỏi nhiều quá, hỏi hoài à”. Nếu như nhiệm vụ của cha mẹ là làm cho bọn trẻ có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình thì phần lớn chúng ta cũng chọn cách giấu đi tất cả. Điều này thể hiện rõ trong vấn đề tiền bạc và chuyện về giới tính. Chúng ta luôn lấy lý do chúng còn nhỏ để lãng tránh nhiệm vụ dạy dỗ của mình.

Chúng ta thường hay cho rằng mình dạy bọn trẻ rất tốt, nhưng thật sự có bao nhiêu gia đình thực sự dạy dỗ bọn trẻ qua những bài học, qua những lời dặn dò hay tình huống thực tế? Phần lớn chúng ta để chúng tự học qua cách hành xử của chính mình. Và phần lớn chúng học được những điều ta không hề muốn chúng học, cũng từ tấm gương gia đình. Làm sao một đứa trẻ có thể tôn trọng người khác hoặc cảm nhận được tình yêu thương khi cha mẹ chúng suốt ngày chửi bới, sỉ vả lẫn nhau trước mặt chúng. Làm sao bọn trẻ có thể biết lời hứa là rất quan trọng khi cha mẹ chúng cứ hứa hết điều này điều kia rồi khiến chúng thất vọng. Những lời hứa như ăn hết cơm đi rồi mẹ mua đồ chơi cho, nín khóc đi rồi mai mẹ mua kem… Làm sao bọn trẻ biết được tiền bạc là đáng quý nếu cha mẹ luôn đáp ứng mọi thứ chúng yêu cầu? Làm sao bọn trẻ biết đến tình thương khi cha mẹ chúng bịt mũi đi qua những người ăn xin? Làm sao bọn trẻ biết hòa đồng khi chúng ta dặn con mình chỉ được chơi với bạn này không được chơi với bạn khác? Chúng ta muốn con mình học những điều hay lẽ phải, nhưng chính chúng ta lại làm gương xấu cho chúng mỗi ngày, dù vô tình vì một lý do rất đơn giản “Ôi dào, con nít ấy mà thì biết cái gì?”

Đó là một quan niệm sai lầm, và không tôn trọng trẻ em đúng mức cũng như quá bảo bọc chúng như kiểu những con búp bê là một nét văn hóa sai lầm cần thay đổi.

Ngày hôm qua tôi đọc được một bài văn của em học sinh tiểu học được chia sẻ trên mạng. Em miêu tả gia đình mình rằng bố làm hải quan thường xuyên mang hàng hóa như quần áo, mỹ phẩm, điện thoại về cho mẹ bán lại. Ông nội em phản đối hành vi ăn cắp này nên ông và bố thường cãi nhau vào bữa cơm tối mỗi ngày. Với những lời lẽ ngây ngô nhất, điều ước của em là bố hãy thôi lấy trộm đồ của người khác để ông và bố không cãi nhau nữa. Một bài văn hơi dễ thương nhưng quá sức đau lòng, hiện thực tham lam vô trách nhiệm của một số người làm hải quan lần đầu được nhìn thấy qua lăng kính vô tư của một cậu bé. Tôi không biết cha mẹ của cậu bé này sẽ nghĩ sao khi đọc được bài văn của con mình. Họ sẽ tức giận, hay xấu hổ, hay sợ hãi vì đã vô tình làm gương cho con họ một cách xấu xí như vậy? Khi ở nhà không biết họ có nghĩ là mình là những kẻ trộm cắp, trong mắt con cái mình là kẻ trộm cắp? Tôi nghĩ là không, tôi nghĩ là họ cũng như bao nhiêu gia đình khác. Nghĩ con mình còn nhỏ thì biết cái gì nên tha hồ làm những hành động xấu xí và hằn trong tâm khảm chúng những bài học tồi tệ. Nếu lỡ một ngày đứa trẻ này lớn lên và trở thành một kẻ trộm cướp, họ có ngạc nhiên không? Họ có thể dạy dỗ nó không khi nó trả lời “ngày xưa ba mẹ cũng ăn trộm thường xuyên thì lấy gì dạy tôi?”

Rồi sáng nay trong một quán ăn, tôi không khỏi thở dài ngán ngẩm khi nhìn một bà mẹ trẻ (cô này là giáo viên, tôi biết cô ấy tuy không học trực tiếp bao giờ) cúi gập người xuống sàn để xỏ giày cho cậu quý tử tầm 6-7 tuổi của mình. Chưa kể đến chuyện cô ấy là giáo viên, tôi ngạc nhiên tại sao chúng ta lại có thể biến con cái mình thành những đứa trẻ bù nhìn đến thế? Liệu sau này chúng có lớn lên với đầy đủ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và độc lập một người đàn ông cần phải có? Đây không phải hành động cá biệt, chị gái tôi đến giờ vẫn phải đút cơm cho cậu nhóc 6 tuổi vì lý do “cho nhanh, nó tự ăn chậm lắm”. Tôi yêu quý cháu mình, tất nhiên, nhưng tôi không thể nào chấp nhận những cảnh tượng đó. Đúng là do tôi chưa có con, tôi không thể yêu đứa trẻ cho bằng ba mẹ nó. Nhưng yêu thương con cái nhất thiết là phải làm mọi việc cho chúng, từ đút ăn, thay quần áo, xỏ giày… kể cả khi chúng đã lớn như những thanh niên nhỏ thế sao? Chẳng lẽ các ông bố bà mẹ hiện đại đó không ai muốn con mình trở thành một người bản lĩnh, tự lập à? Nếu có, hẳn họ đã không làm như vậy.

Luôn cho rằng con mình còn nhỏ, thậm chí khi con cái lập gia đình, nhiều bậc cha mẹ vẫn coi con mình như một đứa trẻ. Đó là một nét văn hóa lỗi thời lạc hậu. Khi cho rằng con cái còn nhỏ, ta nghĩ chúng không thể làm được việc gì, hoặc làm không tốt, nên ta làm mọi thứ cho chúng. Khi cho rằng con cái còn nhỏ, chúng sẽ không biết, không hiểu gì sự đời nên ta trốn tránh việc dạy dỗ chúng, trốn tránh việc làm gương sáng cho chúng và tự an ủi mình bằng câu “lớn lên rồi nó sẽ hiểu”. Cha mẹ càng yêu con bằng tình yêu mù quáng thì hiển nhiên con cái càng chẳng có cơ hội lớn  khôn được.

Rồi thậm chí, khi những đứa con lớn lên, các bậc phụ huynh vẫn xem chúng như trẻ nhỏ, vẫn giữ quan niệm “trẻ con thì biết cái gì?” và rồi họ nghiễm nhiên tiếm lấy của con cái những quyền cơ bản: quyền được chọn ngành nghề mình thích, quyền theo đuổi đam mê, quyền yêu đương và lựa chọn bạn đời, thậm chí cả quyền nuôi dạy con cái của chính chúng ta nữa. Người lớn – họ luôn cho rằng con cái thì không hiểu gì, không biết mình thật sự cần gì hay thứ gì là quan trọng nhất. Tất cả những điều này, tạo nên một thế hệ những người trẻ lạc lõng, chán chường, sống như những cái bóng làm vui lòng người lớn. Vậy rốt cuộc cuộc sống còn ý nghĩa gì?

Tôi ngạc nhiên khi rất nhiều bậc cha mẹ còn lấy con cái ra làm bình phong, làm lý do cho sự hèn nhát của họ. Khi cuộc sống không hạnh phúc, họ cho rằng họ phải làm mọi thứ để cho con cái một gia đình đủ cha đủ mẹ. Họ cho rằng mình hi sinh hạnh phúc cá nhân vì cuộc sống của con. Vậy có bao giờ họ thực sự hỏi con mình rằng: “con có hạnh phúc không nếu mẹ làm vậy?” Phụ huynh thường ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc con cái cần một gia đình đủ cha mẹ hay cần hạnh phúc hơn. Và tất nhiên, không phải khi nào gia đình đầy đủ cha mẹ cũng là hạnh phúc. Họ thường tự quyết điều đó thay cho con cái, thay vì thực sự hỏi chúng muốn gì. Tất nhiên đa phần đứa trẻ không bao giờ muốn cha mẹ mỗi người một nơi, nhưng cũng có những đứa trẻ thà để cho gia đình tan vỡ còn hơn phải chứng kiến những màn cãi nhau nảy lửa mỗi ngày, thậm chí những dối trá, khinh miệt nhau của bố và mẹ. Những hạnh phúc giả tạo, những trận khẩu chiến và cả động tay chân, không đứa trẻ nào hạnh phúc với điều đó cả. Nếu như đánh đổi những ngày bình yên với một gia đình đủ bố mẹ nhưng không bao giờ hạnh phúc. Đứa trẻ chọn gì bạn biết không? Muốn biết thì hãy hỏi nó, đừng đoán mò và rồi bắt chúng sống chung với sự lựa chọn sai lầm của mình. Những đứa trẻ sống trong một gia đình hỗn độn chiến tranh tâm lý sẽ lệch lạc, hoặc trở nên hung bạo hoặc trở nên sợ hãi yếu đuối. Nhưng một đứa trẻ sống trong một gia đình tan vỡ nhưng bố mẹ tôn trọng lẫn nhau và cùng dành cho chúng sự quan tâm cần thiết sẽ khác. Không hoàn toàn nhưng chúng vẫn còn có cơ hội để được hạnh phúc hơn. Kể cả những chuyện trọng đại này, bạn đã bao giờ hỏi ý kiến lũ trẻ chưa?

Nên, để thay đổi tư duy và nét văn hóa cũ kĩ này, xin hãy luôn nhớ rằng con bạn, ngoài ăn, chơi và ngủ, chúng còn có một cặp mắt quan sát nhạy bén, một bộ óc thông minh có thể suy nghĩ và hiểu rất nhiều vấn đề bạn không ngờ tới. Bạn cần phải tôn trọng và đối xử với con cái của mình như những cá thể đầy đủ nhận thức. Hãy tìm hiểu điều chúng hiểu, dạy những điều đúng và chỉnh lại những điều sai khi cần. Và dẹp ngay tư duy “trẻ con thì biết cái quái gì” đi nhé!

 

Phi Tuyết

 

 

Số phận một loài chim

Featured image: Anon

Giới thiệu

Tại sao tuổi trẻ Hong Kong đứng dậy mà tuổi trẻ Việt Nam lại không ? Bởi vì, ngoại trừ một số rất ít thoát ra được, nhận thức của đa số tuổi trẻ Việt Nam vẫn còn bị đầu độc bởi một hệ thống giáo dục ngu dân, lạc hậu, tẩy não. Nếu cần so sánh, nên so sánh tuổi trẻ Việt Nam với tuổi trẻ Bắc Hàn thay vì với tuổi trẻ Hong Kong. Hai cơ chế chính trị tại Bắc Hàn và Việt Nam ảnh hưởng đến đời sống của các em bé Bắc Hàn và Việt Nam về căn bản vẫn giống nhau. Cả hai cơ chế chính trị đều nhằm ngặn chặn mọi suy nghĩ độc lập và hủy diệt mọi khả năng phản kháng của con người. Bài viết dưới đây được viết đúng 10 năm trước, một lần nữa xin chia sẻ cùng các bạn.

***********

Cách đây không lâu. Anh chủ nhiệm của một tờ báo địa phương đến thăm và nghe các con tôi nói chúng thích nuôi thú vật kiểng (pet). Lần sau anh trở lại với một chiếc lồng và hai con chim nhỏ để tặng các cháu. Anh dặn kỹ: “Chim này chỉ nuôi trong nhà, đem ra ngoài gió chúng sẽ chết.”

Tôi thật không tin. Chim là phải bay nhảy chứ làm gì ngay cả gió cũng sợ. Tôi đến một tiệm bán chim hỏi lại. Bà chủ tiệm cũng đồng ý với anh chủ nhiệm: “Đây là loại chim được sản xuất theo lối công nghiệp chứ không phải chim sinh nở tự nhiên. Nếu đem ra ngoài trời, chúng sẽ chết vì không thích hợp với môi trường.” Tôi đành giữ kỹ chim trong nhà. Vài hôm sau, một người bạn cùng quê của tôi tới thăm. Anh nghiêm chỉnh khiển trách: “Mày là Phật tử mà bỏ tù sinh vật. Người ta chẳng ví cảnh tù đày như cá chậu chim lồng đó sao. Phải thả chúng bay đi.” Tôi thật khó xử, vừa cảm thấy việc “bỏ tù sinh vật” là không nên làm nhưng thả bay đi chúng sẽ chết. Tôi phân trần với anh: “Đây là chim công nghiệp, đem ra ngoài chúng sẽ chết, và thả bay đi chúng càng chết nhanh hơn.” Anh bạn Quảng Nam đáp: “Nếu chúng chết thì chúng sẽ trọn nghiệp vì biết đâu kiếp sau chúng sẽ là những con chim tự do.”

Tôi chưa hẳn đồng ý với cách cãi của anh ta nhưng phải công nhận việc tôn trọng tự do của mọi sinh vật là đúng, nên viết thư về Việt Nam hỏi ý một vị Đại Đức ở Hội An. Thầy trả lời theo lối “vạn sự do tâm”: “Chim công nghiệp vẫn là chim. Nếu môi trường xấu làm cho chúng xấu đi thì môi trường tốt sẽ làm cho chúng tốt trở lại. Hãy tập cho chúng quen dần, từng bước và khi chúng hoàn toàn quen thuộc với môi trường bên ngoài thì phóng sinh chúng đi.” Tôi cho đó là giải pháp hợp lý. Rất tiếc tôi lại quá bận để tập cho chim quen với thiên nhiên, bèn tặng chúng cho người em và dặn chú ấy tập cho chúng quen dần với đời sống bên ngoài, định bụng khi chúng hoàn toàn làm quen sẽ bàn với chú em làm lễ phóng sinh.

Tháng sau tôi trở lại nhà người em nhưng không thấy chim. Chưa kịp hỏi, chú em trả lời: “Chẳng giấu gì anh, ngày nào em cũng đem chim ra vườn tập. Chúng tiến bộ lắm. Chúng rất thích cảnh thiên nhiên. Vừa thấy cảnh cây lá sum sê là chúng kêu ríu rít lên ngay. Tuần trước, trong lúc em để chúng trên sân sau, chạy vào nhà trả lời điện thoại, khi trở ra thì chỉ còn mấy cái lông rơi rớt bên cạnh chiếc lồng vỡ nát và con mèo của hàng xóm đang nhảy sang bên kia hàng rào. Tôi an ủi chú em theo lý luận của anh bạn Quảng Nam: “Hai con chim đó đã trọn nghiệp trong kiếp này, hy vọng đời sống sau, chúng sẽ làm chim của núi rừng tự do thay vì làm kiếp chim công nghiệp.”

Mỗi khi nhớ đến câu chuyện hai con chim, tôi lại ngậm ngùi nghĩ đến số phận của các em bé Bắc Hàn. Cuộc đời của các em không khác gì những con chim công nghiệp kia. Ngay khi các em ra đời, các cơ chế chính trị và xã hội đã được chuẩn bị sẵn để các em sống, suy nghĩ và hành động một cách thích nghi.

Tương tự như môi trường dành cho loại chim công nghiệp, cơ chế chính trị Bắc Hàn được xây dựng và tồn tại bằng niềm tin tuyệt đối nơi lãnh tụ của họ. Trong cơ chế đó sự nhầm lẫn, hoài nghi dù hợp lý đều không được cho phép tồn tại.

Trong buổi phỏng vấn dành cho tuần báo Time, người cận vệ của Kim Chính Nhật đào thoát nhắc lại câu chuyện của một người lái xe vô tình chạy lạc vào khu vực dinh thự của Kim Chính Nhật. Sau khi thẩm vấn anh tài xế, đám cận vệ của Kim Chính Nhật đều đồng ý rằng anh ta thật sự đi lạc. Tuy nhiên cách giải quyết họ chọn trong trường hợp đó là bắn chết anh ta ngay tại chỗ. Gia đình anh tài xế được thông báo rằng anh đã “đền nợ nước” và thưởng công cho gia đình một cái tủ lạnh. Nhiều câu chuyện, đối với người sống bên ngoài bán đảo Bắc Hàn, có thể là chuyện hoang đường đến độ buồn cười, nhưng với người dân Bắc Hàn lại là chân lý, đúng như một nhà thơ Việt Nam có lần đã định nghĩa: “Chân lý là đường Đảng đã vạch ra và sự thật là gì Đảng đã dạy ta.”

Giờ sinh của Kim Chính Nhật, con trai Kim Nhật Thành và là đương kim lãnh tụ Bắc Hàn, được mô tả trong giáo trình tiểu học: “Lãnh Tụ Kính Yêu sinh ra trong một căn cứ quân sự bí mật bên rặng núi thánh Paektu-san (Bạch Đầu Sơn), lúc Người ra đời một có hai cầu vồng rực rỡ và một ngôi sao sáng hiện ra trên nền trời” (Người dân Bắc Hàn gọi Kim cha là Lãnh Tụ Vĩ Đại hay Lãnh Tụ Vĩnh Cửu và Kim con là Lãnh Tụ Kính Yêu). Thật ra làm gì có căn cứ quân sự nào, chẳng trên núi thánh nào và lại càng không có chuyện thần thoại như hai vòng cầu vồng ngũ sắc hiện ra trong giờ Kim Chính Nhật giáng trần.

Theo sử liệu của Sô-Viết cũ, anh chàng Kim Chính Nhật sinh ra trong một đồn lính nhỏ hẻo lánh ở Siberia vì cha anh ta làm lính cho Stalin sau khi trốn khỏi Mãn Châu. Một mẩu chuyện khác về Kim Chính Nhật: “Mặc dù trước kia chưa bao giờ chơi gôn (golf), khi cầm cây gôn lần đầu Lãnh Tụ Kính Yêu đã đánh trúng ngay 5 lỗ một lần.” Và nữa, “Một lần nọ, Lãnh Tụ Kính Yêu đến kiểm tra súng của một đơn vi quân đội và trước mặt binh sĩ Người đã rút súng bắn trúng ngay mắt trái của mười con bò rừng.”

Kim Chính Nhật không phải là người thường, trong ý thức của người dân Bắc Hàn, anh chàng là hiện thân của một thiên thần. Chàng ta tuy chưa bao giờ đi lính một ngày nhưng được gọi trong sách là “Tướng Trời”. Tại Bắc Hàn, ngay cả chiếc khăn để lau tấm ảnh của hai cha con họ Kim cũng không được phép dùng để lau các đồ vật khác trong nhà. Giống như những con chim công nghiệp, các em bé Bắc Hàn cũng líu lo mỗi sáng, nhưng nếu ai lắng tai nghe, bài hát các em hát trong giờ vào lớp luôn bắt đầu bằng câu: “Hoa nở nhờ có không khí và các em cười nhờ ơn của Kim Lãnh Tụ Vĩ Đại.”

Học sinh Bắc Hàn được dạy phải “yêu tổ quốc và yêu đồng bào” nhưng tổ quốc của em được mô tả trong sách vở không phải là một quốc gia nghèo đói, cô lập với thế giới bên ngoài mà một thiên đường trên trái đất dưới sự lãnh đạo anh minh của Kim Lãnh Tụ. Trong các ví dụ được dùng ở trường học, từ văn chương đến toán học, cuộc đời và sự nghiệp của hai cha con họ Kim luôn được dùng để ví những điều tốt đẹp và “đế quốc Mỹ xâm lược” luôn được dùng để ám chỉ những điều xấu xa tội lỗi nhất trên đời.

Sinh viên học sinh Bắc Hàn rất kiêu căng khi nói về lịch sử và dân tộc Triều Tiên vì một lý do đơn giản, ngoài những câu chuyện tuyên truyền được dạy ở trường, họ không biết gì về lịch sử loài người và cũng không biết đúng về lịch sử của tổ tiên họ. Và với một môi trường như thế, nhiều thế hệ người dân Bắc Hàn, hơn nửa thế kỷ qua đã tiếp tục sinh ra, lớn lên trong số phận một loài chim công nghiệp.

Mặc dù những mẩu chuyện trên có thể gợi lại trong ký ức của những người Việt lớn tuổi những hình ảnh, những tiếng thì thầm nghe rất quen quen, tuổi thơ Việt Nam ngày nay dù sao cũng may mắn hơn những người cùng tuổi với họ ở Bắc Hàn. Trong lúc nhiều nơi vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, đa số tuổi thơ Việt Nam đang có một đời sống tinh thần dễ chịu hơn tuổi thơ Bắc Hàn. Bài học của thiếu nhi Việt Nam học hôm nay không đến nỗi hoang đường như của thiếu nhi Bắc Hàn và bài hát của các em bé Việt Nam hát không trơ trẽn khó nghe như những câu mà thiếu nhi Bắc Hàn dùng để ca tụng cha con họ Kim.

Hai mươi năm qua, ánh sáng bên ngoài đã theo những khe hở của “chính sách đổi mới” rọi vào căn nhà Việt Nam mang theo kiến thức mới lạ từ những phương trời khác. Qua những khe hở đó, chúng ta cũng được nghe nhiều tiếng nói chân thành vọng ra từ trong nước tương tự như chúng ta đang nghe những ưu tư trăn trở của những người Việt đang sống ở ngoài nước dù họ đã một thời lớn lên bên này hay bên kia sông Bến Hải.

Như vậy có gì giống nhau trong hoàn cảnh của hai em thiếu nhi Bắc Hàn và Việt Nam không?

Có chứ. Hai cơ chế chính trị ảnh hưởng đến đời sống của các em bé Bắc Hàn và Việt Nam về căn bản vẫn giống nhau. Hai con nước đều bắt nguồn từ thượng lưu sông Volga trong những thập niên năm đầu của thế kỷ 20 và vẫn còn đang chảy xiết. Cả hai cơ chế chính trị đều nhằm ngặn chặn mọi suy nghĩ độc lập và hủy diệt mọi khả năng phản kháng của con người. Quyền căn bản đầu tiên trong nghiên cứu khoa học là quyền đặt vấn đề, thế nhưng quyền đó không đươc tôn trọng trong hai xã hội Bắc Hàn và Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia và hàng trăm tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, nhân đạo khắp thế giới đang tìm mọi cách để cứu giúp thiếu nhi Bắc Hàn, nhưng đồng thời, mọi người cũng đồng ý rằng, tất cả những gì họ đang làm chỉ là những biện pháp vá víu trong lúc chờ đợi một sự thay đổi toàn diện và căn bản.

Đúng vậy, sinh mệnh của một quốc gia không thể thay đổi bằng vài bao bột mì, hướng đi của một đất nước không thể được lót bằng dăm ba lon sữa và hạnh phúc của một dân tộc không bao giờ đến bằng sự vuốt ve an ủi từ những bàn tay thương xót bên ngoài.

Số phận của một dân tộc phải được quyết định bằng mồ hôi nước mắt, bằng những tấm lòng tận tụy với tương lai dân tộc, bằng đức tính kiên nhẫn làm việc vì đất nước của chính người dân nước đó. Và dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, nhẹ nhàng hay cứng rắn, xói mòn hay cường tập, thay đổi cơ chế chính trị vẫn là mục tiêu quyết định của mọi cuộc cách mạng xã hội.

 

Trần Trung Đạo

 

 

Tại sao chúng ta đọc những quyển sách này?

Featured image: Paperback Castles

Nhìn danh sách những cuốn sách bán chạy được công bố, có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao độc giả Việt Nam lại chọn đọc những cuốn sách này? Cơ chế nào đã hình thành lên những “best-seller” ở nước ta, hay rộng hơn là thói quen đọc đương đại? Rất dễ để trả lời, vì nó giống mọi thứ khác trong xã hội thôi, chính là cơ chế truyền miệng.

Những người đọc sách hẳn không ít người biết đến Publisher Weekly – Tuần báo xuất bản. Nó là tờ tạp chí nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ về xuất bản, và chủ yếu tập trung vào điểm sách. Mỗi năm, nó điểm 7.000 đầu sách. Và chỉ việc tờ tạp chí này đã tồn tại liên tục trong… 142 năm, kể từ cuối thế kỷ 19, đã cho thấy giá trị của nó.

Có một điều thú vị là mục “Phê bình” (Reviews) của tờ tạp chí này – vốn chiếm tới 40 trang báo với cả trăm bài phê bình – trước đây được gọi là mục “Dự báo” (Forecast, từ hay được dùng trong dự báo thời tiết). Bởi vì đó chính là nơi các tác giả, những chuyên gia về sách và thị trường sách, dự đoán cũng như tự tin rằng họ có thể định hướng xu thế đọc của độc giả.

Những nền xuất bản lớn luôn có những kênh uy tín như thế để giúp định hướng người yêu sách. Ngoài Publisher Weekly, ở Mỹ, người ta có thể kể đến Library Journal, tờ tạp chí chuyên về ngành thư viện đã tồn tại 138 năm, với hàng trăm bài điểm sách mỗi tháng. Booklist, tạp chí của Hiệp hội thư viện Mỹ, ra đời từ năm 1905. Tất nhiên, cũng phải kể đến những mục điểm sách của các tờ báo uy tín, như “Sunday Book Review” của The New York Times.

Tất nhiên là không thể khẳng định rằng ai đọc sách giỏi hơn ai, ai có quyền “dạy” ai rằng quyển sách này hay hơn quyển khác. Nhưng những kênh điểm sách chuyên nghiệp có lợi thế của họ. Đơn giản là họ đọc nhiều hơn, có tầm quan sát rộng hơn (chưa bàn đến sâu hơn) và có thể giúp độc giả “nhận diện” được các cuốn sách bằng những bài phê bình của mình. Chúng ta, những độc giả thuần túy, chỉ có thể đi dọc những giá sách ngồn ngộn của các nhà sách, nhận diện chúng bằng gáy sách, giở ra một vài quyển để đọc lướt, trước khi quyết định. Một quá trình không hề hiệu quả. Những kênh điểm sách, vì thế, rất quan trọng, ít ra là trong việc cung cấp thông tin về thị trường.

Nhưng tiếc rằng ở Việt Nam, không tồn tại một kênh điểm sách đủ uy tín. Hoàn toàn không có. Bản thân chuyên mục điểm sách trên các tờ báo có uy tín cũng được làm với một thời lượng rất hạn chế. Và cách duy nhất để xu hướng đọc sách ở Việt Nam hình thành, là “truyền miệng” – hoặc chúng ta sẽ gọi một cách học thuật hơn, là chia sẻ ngang hàng.

Mạng ngang hàng (peer-to-peer) nổi lên trong thời đại của chúng ta như một phương thức thần diệu của việc chia sẻ các tập tin trên máy tính. Không cần có máy chủ, không cần một nhà phân phối, mỗi thành viên của cộng đồng tự chia sẻ với nhau các tập tin của mình. “BitTorrent” – giao thức chia sẻ ngang hàng nổi tiếng nhất, trở thành một từ vựng toàn năng mỗi khi người ta cần phần mềm, trò chơi, âm nhạc, phim ảnh.

Nhưng phương thức ấy không chỉ tồn tại trong mạng máy tính, mà tồn tại trong cả xã hội. Kiến thức cũng được chia sẻ và lan tỏa trong xã hội theo phương thức ngang hàng. Internet, và hẹp hơn là các mạng xã hội như facebook, tạo ra một môi trường hoàn hảo cho cơ chế này. Hãy tạm gọi nó là cơ chế truyền miệng. Những đầu sách hay được cộng đồng “buôn” với nhau, rồi trở nên nổi tiếng mà không cần đến một kênh truyền thông đại chúng nào đó quảng bá.

Tất nhiên là mô hình ấy có lợi. Sẽ có chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” được tạo ra, sẽ có những quyển sách mà nhà xuất bản hay tác giả không có tiền để tiếp thị, được tôn vinh bởi cộng đồng nếu nó thực sự có chất lượng.

Nhưng cũng giống như rất nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, cơ chế truyền miệng kiểu này có thể tồn tại mặt trái – khi mà những độc giả bình thường không thể có đầy đủ thông tin về thị trường xuất bản bằng những người ăn lương để theo dõi nó.

Hãy nghĩ rộng hơn về xã hội: cơ chế chia sẻ thông tin ngang hàng đã từng tạo ra những hậu quả xấu rồi. Ví dụ, người ta có thể phao tin về “trong nồi nước lèo hủ tíu có thịt chuột” hoặc “virus Ebola đã về Việt Nam”. Khởi sinh của vấn đề cũng là không có một kênh thông tin đủ uy tín. Người ta không tin vào công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà chức trách, không tin sự minh bạch về dịch bệnh của ngành y tế,… nên những thứ như thế có thể lan truyền.

Tất nhiên là một quyển sách dở không gây tác hại trực tiếp nghiêm trọng bằng một thông tin như “hủ tíu có thịt chuột” – vốn đã khiến nhiều người bán hủ tíu rong điêu đứng. Nhưng nếu có quá nhiều quyển sách tầm phào trở nên nổi tiếng thì điều đó có thể gây xấu đến thị hiếu đọc, và văn hóa trong một tương lai dài. Nếu những quyển sách giá trị không mảy may được biết đến (chứ đừng nói tới thừa nhận), thì liệu tác giả trong nước có thể thối chí không?

Có một đặc điểm nữa của cơ chế “truyền miệng” này, đó là nó tôn thờ các giá trị bình dân. Cái gì đại đa số hiểu và chia sẻ thì sẽ chiến thắng. Cũng không có gì xấu trong văn hóa bình dân, nhưng nó không thể là sự duy nhất. Trong truyền miệng, nó là duy nhất. Và đôi khi, những quyển sách không-bình-dân cũng xứng đáng được vài vạn người biết đến và tìm đọc (nếu như chúng ta có một vài ấn phẩm như tạp chí Publisher Weekly hay Library Journal).

Bạn có thể lập luận rằng một người đọc sách sẽ tự có cách tìm được những đầu sách hay cho bản thân – nếu ai đó đã tin rằng mình phù hợp với những quyển sách “có chất” thì tự họ sẽ tìm đến, đừng đổ lỗi cho thị hiếu.

Nhưng hãy nghĩ về những người trẻ, những người mới bắt đầu công cuộc tìm hiểu tri thức vĩ đại của mình, những người chưa có kinh nghiệm đọc. Và họ sẽ bắt đầu tìm đọc sách theo cơ chế truyền miệng, sẽ hướng tới những quyển bình dân, dễ hiểu và được nhiều người thừa nhận. Người thanh niên ấy có thể, rất có thể, không-bao-giờ tìm được quyển sách có giá trị cho anh ta bởi đơn giản anh còn chẳng biết đến sự tồn tại của nó.

Đức Hoàng