19 C
Da Lat
Chủ Nhật, 27 Tháng 7, 2025

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 181

Hai tư rồi…

Featured Image: Amanda Mabel

 

Hai tư rồi, có còn kịp nữa không
Có là muộn lắm không, để bắt đầu tất cả
Đứng dậy đi, từ nơi mình vấp ngã
Đừng ngồi đó mà nhìn đời hối hả dần trôi…

Ừ thì đã hai tư rồi
Ngẫm lại xem đã làm được gì cho cuộc đời chưa nhỉ?
Hay là chỉ ngồi một chỗ và tự kỷ
Với những dòng suy nghĩ chẳng nói được thành lời…

Mới hai tư thôi, chứ đâu phải ba mươi
Ừ thì cứ cho là ba mươi đi, thì cũng chẳng sao hết
Bởi vì tôi đã biết
Chẳng bao giờ là quá muộn cho một sự bắt đầu…

Chẳng cần phải đợi đến ngày mai đâu
Bắt đầu ngay từ bây giờ luôn nhé…
Bởi vì không có điều gì là không thể
Trừ khi bạn thật sự không muốn mà thôi…

Nào, bây giờ hãy nở một nụ cười thật tươi…

 

Một Đời Quét Rác

Totto-chan: Cô Bé Bên Cửa Sổ

Featured Image: Bìa sách “Totto-chan: Cô Bé Bên Cửa Sổ”

 

Đọc Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ của nữ tác giả Tetsuko Kuroyanagi, tôi cứ ngẩn ngơ mãi.

Ngẩn ngơ vì tìm thấy hình bóng đáng yêu của tuổi thơ ở Tottochan. Trong lớp học, cô bé cứ ngồi nhìn ra khung cửa để trò chuyện với đôi chim nhạn, rồi hồn nhiên gọi đoàn hát rong và yêu cầu họ chơi một bài vui vui. Tôi đã bật cười với những “trò lạ mà quen” của em. Nào là đóng mở liên tục ngăn bàn vì thấy thích thú với nó, tưởng tượng mình là một tảng thịt bò treo trên móc để rồi tự đu mình lên xà, và rớt xuống ê hết mông. Em nghịch ngợm nhảy vào tờ báo mà không biết rằng dưới đó là hố phân, làm mẹ được một phen kỳ cọ vất vả.

Tôi cũng thấy tâm hồn trong trẻo của em khi yêu thương chú chó Rocky, khi biết bênh vực, giúp đỡ bạn. Tôi cũng như nhìn thấy mình năm nào, khi chọn một cái cây làm “nhà” rồi mời bạn bè tới thăm trong một chiều lộng gió. Những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên cứu ùa về, ngọt ngào, vui tươi và càng làm tôi thêm tiếc nuối.

Tôi càng ngẩn ngơ hơn khi tự hỏi tại sao lại không còn nữa ngôi trường Tomoe với các phòng học là các toa tàu cũ kỹ nhưng rất đỗi thân thương. Ngồi học trong đó, cứ cảm tưởng như đang trong một chuyến du hành kỳ thú. Lớp học cho bạn tự chọn chỗ ngồi, tự chọn thời khóa biểu. Có bạn thì làm thí nghiệm vật lý, có bạn thích thú làm toán, hay bò lăn ra sàn để vẽ tranh. Còn gì vui hơn thế!

Tomoe ngôi trường thú vị với giờ ăn trưa là các món từ biển và từ đất, các học trò biết trân trọng thức ăn hơn và còn biết nguồn gốc của các món ăn nữa. Và điều đáng trân trọng nhất ở Tomoe là những người thầy, người cô ở đấy. Đặc biệt là thầy hiệu trưởng Kobayasi.

Ôi, tôi ước gì mình được là học trò của Thầy. Được Thầy ngồi chăm chú nghe mình nói huyên thuyên 4 giờ đồng hồ như Thầy đã làm trong lần gặp Tottochan đầu tiên. Được Thầy nói: “Em thật là một cô bé ngoan.” Câu nói giản đơn nhưng đã tác động rất nhiều tới Tottochan, dù sau nay em mới hiểu ý nghĩa của hai từ “thật là”. Thầy luôn tin bản chất em là tốt, dù em có nghịch ngợm, có làm những việc mà mọi người cho là ngớ ngẩn. Câu nói đó đã động viên Tottochan, khiến em tự tin mình là một cô bé ngoan và luôn cố gắng sống đúng với câu nói đó.

Tôi đã rát thích thú với chi tiết Thầy “để” cho Tottochan tự múc phân từ hầm chứa ra bãi cỏ để tìm cái ví yêu thích. Thầy chỉ lâu lâu đi đến và hỏi: “Em tìm thấy chưa?” và “Nhớ dọn sạch phân sau khi tìm thấy nhé.” Mấy ai có thể bình tĩnh khi nhìn thấy một đứa trẻ 7 tuổi đang xúc phân từ hầm chứa ra bãi cỏ? Mấy ai đủ sự tôn trọng, tìm hiểu, lắng nghe và đồng tình với cái lý do của đứa trẻ 7 tuổi khi nó làm như thế?

Hay là quát tháo, kêu ca này kia? Và dù hơi tiếc vì không tìm thấy chiếc ví xinh xắn, nhưng quan trọng là em đã nỗ lực hết mình, xúc cả một bể phân to ra, rồi lại xúc vào gọn gàng, sạch sẽ. Thầy hiệu trưởng đã để em làm điều mình muốn, để em biết tự chịu trách nhiệm phải dọn dẹp những thứ mình bày ra. Và thầy tôn trọng, tin là em làm được điều đó.

Thầy Kobayasi trân trọng sự phát triển tự nhiên của các em. Thầy đã nói với một cô giáo: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.” Thế nên những giờ học, các em thích môn nào thì các em có thể học môn đó trước. Các em được đi dạo, tìm hiểu về thiên nhiên, cỏ cây.

Thầy luôn lắng nghe các em, cùng các em giải quyết mọi phiền toái. Thầy cho các em được ở trần khi tắm cùng nhau trong bể, để thêm yêu cơ thể mình và không có sự phân biệt màu da, không làm các bạn bị khuyết tật thấy tự ti. Thầy còn nghĩ ra các trò chơi trong các cuộc thi để cậu bé khuyết tật có thể tham gia cùng chúng bạn.

Tôi học được nhiều điều từ cuốn sách và vẫn nhớ mãi câu:”Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân lý; có trái tim, nhưng không bao giờ rung động, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ.”

Không tìm thấy một ngôi trường như Tomoe nên lúc nhớ, tôi lại tìm đến với Tottochan-Cô bé bên cửa sổ để được gặp lại thầy Kobayashi đáng kính, gặp lại bé Totto hồn nhiên, gặp lại đoàn tàu Tomoe thân thương ấy…

 

Thuy Tran

Bếp nhà mình có còn ấm nữa không?

Featured Image: Quang Ho

 

Bếp nhà mình có còn ấm nữa không?
Khi màu thời gian đã bao trùm lên tất cả
Con muốn thấy bếp lửa của ngày xưa mẹ ạ
Không phải là lửa của bếp điện, bếp ga…

Hôm nay con muốn ăn một bát cơm được nấu từ nồi gang
Rồi ăn thêm một bát cháy rổm vàng thơm phức
Khóe mắt chợt cay khi nghe mùi ký ức
Bao lâu rồi con chẳng được ăn một miếng cháy chấm mắm thịt rang…

Bếp nhà mình có mùi thơm của những bó rơm vàng
Có con mèo nhỏ cuộn tròn mình ngủ nướng
Những ngày đông, bếp bao giờ cũng ấm
Có mùi của trấu, mùi của khói bếp cay...

Đến bao giờ mới có thể trở lại những ngày
Chân tay nhọ nhem khi nấu xong bữa cơm nóng hổi
Cả nhà mình chẳng có ai vội vàng tất bật
Ngồi ăn cùng nhau một bữa cơm theo đúng nghĩa gia đình…

Bao lâu nay con vẫn cứ ăn cơm một mình
Ở bất cứ nơi nào trên phố phường tất bật
Có đôi khi bưng bát cơm lên mà thấy hiu quạnh
Nhà hàng sang trọng cũng chẳng ấm như bếp nhà mình…

Con muốn ăn cơm mẹ nấu, chứ không phải là của một người dưng…

 

Một Đời Quét Rác

Những ý tưởng lột xác giáo dục

Featured Image: Klaas Verplancke

 

Hôm nay, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đặt vấn đề, tiếp vận và suy nghĩ theo một hướng khác với thông thường.

Vẫn là chủ đề về giáo dục, những yếu kém, cải cách và hệ lụy. Nhưng nói mãi rồi cũng chán. Phân tích mãi cũng chẳng tới đâu. Chỉ hôm nay thôi, chúng ta hãy thôi phân tích, thôi nhìn lại. Hôm nay chúng ta chỉ cần nói thực trạng và đưa ra giải pháp, thế thôi.

Nêu thực trạng và đề giải pháp trong cải cách giáo dục, đó không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng nhà giáo dục nào. Đó phải là trách nhiệm của tất cả mọi người, những người đã từng đi học, từng ghét học, những người yêu việc học, những người không còn đi học nữa, cho tới những người đang có con cái đi học mỗi ngày hay những người độc thân…

Tất cả chúng ta dù ít dù nhiều đều có những bất mãn và ý tưởng sáng tạo cho việc học nói riêng và giáo dục nói chung. Hãy cùng nhau góp bão ý tưởng cho vấn đề này. Cùng nhau góp gió cho một cuộc thay da đổi thịt một ngày không xa mà ta mong đợi. Đừng phản đối ai, đừng chỉ trích ý tưởng nào, chỉ ghi nhận, góp ý và bổ sung thôi, được chứ?

Đây là một vài ý kiến kèm giải pháp của riêng tôi:

Người nhà giáo

Không thể để nhà giáo là một ngành dễ dãi, ai vào cũng được, ai vào cũng xong, không biết thi cái gì thì thi sư phạm, không thể để cho giáo viên lương không đủ ăn để rồi quay cuồng với cơm áo gạo tiền đến mức chẳng còn thiết tha truyền đạt kiến thức, chẳng còn thiết tha quan tâm đến việc giáo dục thật sự. Người giáo viên phải được tuyển chọn từ những cá nhân ưu tú, vốn hiểu biết phong phú, đầy tính sáng tạo và giỏi truyền đạt cảm hứng đến những người khác.

Để thu hút được những cá nhân đó, ngoài đánh vào niềm đam mê, khát vọng cống hiến còn phải trả cho họ một mức lương xứng đáng đủ để họ không còn phải bận tâm cơm áo gạo tiền. Không có học sinh ngu, chỉ có giáo viên chưa đủ giỏi, chưa đủ tầm để dạy dỗ những người khác. Nếu chúng ta gầy dựng được một thế hệ nhà giáo tâm huyết, tài giỏi, sáng tạo và cấp tiến, trọng chất lượng chứ không trọng số lượng, sức học và trình dân trí của thế hệ trẻ nhất định sẽ thăng tiến rất nhanh.

Sách giáo khoa

Chỉ nên là một bộ sách tham khảo, giáo trình dạy và học nên được mở rộng theo hướng hòa nhập với kho tri thức khổng lồ của nhân loại và thế giới. Giáo viên nên được tự soạn bài vở giáo trình những kiến thức, thông tin nào họ tâm đắc nhất, muốn truyền đạt nhất cho các thế hệ tiếp nối. Người viết sách, phải là người có tâm, có tầm, vốn hiểu biết lớn và nhất là phải đứng ở vị trí trung dung, không thiên vị, không bị định hướng. Phải là người công bằng, trung thực và khách quan. Những người này, rất hiếm, nhưng không phải là không có. Nếu cần, cứ tìm, sẽ thấy ngay.

Giáo dục cần tôn trọng sự thật

Sự thật từ bộ môn lịch sử, tới những tinh thần triết học, kể cả các thể chế chính trị cho tới thực trạng thực tế của đất nước. Xin đừng ru ngủ các thế hệ học sinh bằng những mỹ từ hào nhoáng: “Rừng vàng biển bạc, bốn ngàn năm văn hiến, các danh xưng vĩ nhân, những chiến thắng oanh liệt…”

Tôn trọng sự thật từ những chính sách thất bại, những đường lối sai lầm trong quá khứ. Chúng ta học được kinh nghiệm, từ cái sai, cái bại, không bao giờ dám nhận sai, thì ai còn học được gì?

Tôn trọng sự thật từ những bài làm văn ngây ngô của các em học sinh lớp một, đừng bắt chúng phải tả gia đình theo một khuôn mẫu: “Ba ngồi xem tivi, mẹ dạy em học bài, bà nội ngồi đan len, ông nội ngồi đọc sách…”

Giáo dục phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, trong mọi lĩnh vực và mọi hành động. Chỉ khi nào sự thật được tôn trọng, dù cho nó không tốt, thì lúc đó chúng ta mới có thể ngậm ngùi oai phong đứng lên từ đống tro tàn, rũ bỏ quá khứ như loài chim Phượng Hoàng cao quý rũ bỏ lớp tro. Chứ cứ mãi nhầy nhụa trong đám tro tàn của những thứ cũ kỹ, giấu diếm, những lời dối trá và những câu chuyện bị bóp méo, thì ta mãi chỉ là loài quạ đen tầm thường bị cả thế gian nhìn bằng con mắt mỉa mai khinh thường. Sao ta có thể chấp nhận chuyện đó? Sao ta có thể để cho con cháu mình sống trong một viễn cảnh như vậy?

Ý tưởng, sáng tạo

Giáo dục phải hướng về tương lai, phải khuyến khích sáng tạo, đề cao sáng tạo, tập trung vào sáng tạo nên cái mới và đưa ra mọi ý tưởng. Cần phải có những bộ môn chuyên về giới thiệu những tinh hoa ý tưởng của thế giới và những bộ môn chỉ tập trung vào cách tạo ra các ý tưởng giá trị, khơi gợi trí óc cũng như khả năng sáng tạo vô biên của con người, của thế hệ trẻ. Và xem đó là nguồn tinh lực của quốc gia để nghiên cứu, đầu tư vào những ý tưởng đáng giá.

Đọc sách

Trường học nên là nơi đọc sách không giới hạn, phải là nơi khơi gợi, thậm chí ép buộc người ta phải đọc sách. Sách là cách ngắn nhất và hiệu quả nhất giúp người ta tiếp cận nền tri thức vĩ đại của loài người từ ngàn xưa đến nay, và thậm chí dự đoán trước cả những diễn biến trong tương lai nữa. Mở rộng nhận thức, mở rộng tư duy rồi thì chúng ta sẽ mở rộng được khả năng cũng như tiềm năng của bản thân mỗi người, của đất nước. Từ cấp học nhỏ nhất đến lớn nhất, nên có những bộ môn chuyên việc khuyến khích, giới thiệu và bàn luận về sách, những tư tưởng trong sách, từ sách văn học đến khoa học, kinh tế và triết lý sống…

Trường học theo mô típ đơn vị kinh doanh sinh lợi cũng là một ý hay. Hệ thống trường học hiện tại là một mô hình độc tài không cho phép học sinh lựa chọn nội dung học và cách thức học. Nếu như trường học là những đơn vị độc lập, muốn thu hút học sinh, sinh viên, họ buộc phải xây dựng yếu tố chất lượng lên hàng đầu, tất cả những cải cách và chính sách đều hướng về đối tượng tiếp nhận là học sinh sinh viên, thậm chí có thể xem họ như khách hàng mà đặt họ vào trung tâm, rồi từ đó cung cấp dịch vụ là những thứ khách hàng cần chứ không phải thứ mình có. Hẳn giáo dục sẽ khởi sắc và được thay gia đổi thịt.

Cách đánh giá, điểm số

Trình độ và nhận thức cũng như trí óc của con người không thể được cào bằng và đánh giá bằng những thang điểm cứng nhắc. Hãy bỏ luôn thang điểm đi mà chú trọng vào những cách đánh giá thiết thực và hiệu quả hơn. Thay vì giáo viên đánh giá học sinh, hãy để cho học sinh đánh giá và chấm điểm chính giáo viên của mình. Giáo viên hãy đánh giá học sinh không phải bằng điểm số, mà bằng những lời nhận xét, định hướng, những lời khuyên chân thực và khách quan nhất.

Ngoại ngữ

Là một bộ môn quan trọng, cánh cửa thần kỳ giúp chúng ta tiếp cận và hòa nhập với cả thế giới, từ kinh tế đến văn hóa, du lịch, tri thức và thông tin. Chúng ta vốn dĩ vẫn xem trọng ngoại ngữ nhưng phương pháp dạy lại sai hoàn toàn với mục đích mà ta mong muốn và thực tế chẳng đem lại kết quả gì cho phần lớn học sinh. Bằng chứng là sau 6 năm trời học Anh văn bắt buộc, mấy ai có thể giao tiếp được với người nước ngoài?

Để học được ngoại ngữ và sử dụng được ngoại ngữ chúng ta nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn phương cách giảng dạy và tiếp cận. Kể cả những giáo viên giảng dạy, chỉ cho những người thành thạo ngoại ngữ, phát âm chuẩn để giảng cho thế hệ trẻ. Chứ thế hệ chúng ta, đã lệch đường quá nhiều rồi, giao tiếp không được, ngữ pháp không xong, đến phát âm cũng trở thành thảm họa.

Ngoài tiếng Anh, trường học nên có dạy cả những ngoại ngữ khác, như tiếng Trung, tiếng Pháp hay thậm chí tiếng Nhật, Hàn, Thái Lan… muốn học hỏi đất nước nào, muốn giao thương kinh tế với nước nào, hãy học ngay ngôn ngữ của họ, không cần qua một tầng Anh Văn trung gian chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển đất nước.

Nghệ thuật, thể dục thể thao

Cần được chú trọng nhiều hơn nữa cả về số lượng và chất lượng. Nghệ thuật đừng chỉ dừng ở nhạc và họa, thể thao đừng dừng ở nhảy cao nhảy xa, hãy tập trung vào những bộ môn giúp nâng cao thể chất con người. Hãy tập trung nhiều cho những môn như cầu lông, bơi lội… và biến nó thành bộ môn bắt buộc vừa có tác dụng về sức khỏe vừa có tác dụng nâng chiều cao trung bình của người Việt trong tương lai. Không nên xem nhẹ bất cứ bộ môn nào, kể cả những bộ môn như sức khỏe giới tính, triết học, đạo đức, thủ công… Những môn học phụ này không nhất thiết phải kéo dài cả năm như hiện hành. Có thể cô đọng lại thành những khóa nhỏ, nhưng phải thiết thực, bổ ích và hiệu quả.

Dạy về đạo đức và văn hóa

Xem đây là xương sống của nền giáo dục, hãy dạy về nó mỗi năm, biến nó thành một nét văn hóa tốt đẹp, đồng nhất, gắn liền với bản thân mỗi người từ cấp học nhỏ nhất đến cấp cao nhất. Hãy luôn để những triết lý sống đúng đắn, những nét văn hóa tinh hoa đồng hành cùng thế hệ trẻ. Dạy họ nghĩ về chúng, nói về chúng, bàn về chúng, viết và thậm chí cả phản biện chúng. Trí óc của chúng ta rất là hay, nếu được “nhồi sọ” rằng mình là người tốt thì tự ắt sẽ có xu hướng sống tốt. Nếu có tư tưởng nào cần được nhồi sọ, thì chắc chắn chỉ có thể là những tư duy đúng đắn về cuộc sống này. Giáo dục đổi mới cần phải biết điều này.

Bạn có ý tưởng gì không?

Một câu chuyện thú vị có thể khiến bạn suy nghĩ: Những quốc gia Phi Châu nghèo khó, họ đi sau thời đại quá lâu, nhưng cũng có một điều thuận lợi khi họ dễ dàng ứng dụng những tiến bộ mới nhất của thế giới. Tiêu biểu nhất là họ đã bỏ qua hẳn thời kỳ tiếp cận điện thoại bàn để sử dụng luôn điện thoại di động. Một bước nhảy cóc cực kỳ khôn ngoan. Giáo dục của chúng ta không phải lạc hậu, mà là lạc đường, thì thiết nghĩ việc cải cách một cách toàn diện, thay đổi một cách mạnh mẽ hẳn cũng không quá là điều khó khăn. Vấn đề là, làm sao để những người cầm quyền nhận ra được điều đó.

Và dành cho những ai phản đối những ý tưởng cải cách, những người nói rằng những điều này là không thể:

“Nếu như bạn cho rằng hệ thống này là không thể thay đổi, thì bạn cũng đừng ngăn cản những người đang cố thay đổi nó.” – Khuyết danh

Và:

“Mọi bước ngoặt lớn lao trong lịch sử loài người, đều bắt nguồn từ những ý tưởng điên rồ và lẻ loi.” – Khuyết danh

 

Phi Tuyết

5 quyển sách ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất

Featured image: Dream on

1. Truyện cổ Andersen  – Nhà trẻ

Đây là bộ sách đầu tiên tôi đọc, hay đúng hơn là mẹ đọc cho tôi. Đến giờ tôi vẫn tin đây là nơi đã bắt đầy tất cả, những lời của Andersen là hạt giống nguyên thuỷ của hết thảy những dòng văn tôi viết sau này. Dẫu rằng tôi đã sa theo hướng triết lý, gọt giũa câu chữ, nhưng viên pha lê màu xanh lục trong vắt lấp lánh đó vẫn là hạt nhân. Và tôi không muốn mất nó.

truyen co andersen

2. Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống (Flotsam – Erich Maria Remarque) – Lớp 7

Tôi không nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, bằng chứng là Google và Wikipedia không cung cấp nhiều thông tin lắm. Thế nhưng một quyển khác nổi tiếng hơn của Erich, Lời bộc bạch của một thị dân, tôi lại không ưu ái bằng quyển này.

Bản du ca cuối cùng bỏng rát như ngọn lửa Thế chiến, hoang dại như đốm lửa du mục, và đẹp như một khúc ca hồn nhiên phóng khoáng. Đến giờ tôi vẫn nhìn thấy mình nơi Kern, Steiner và Ruth – những con người đang trẻ, bị trục xuất khỏi nơi chôn nhau cắt rốn bởi sự tàn nhẫn của đồng loại, lang thang không nơi thừa nhận, không có quê hương để quay về, không có mục tiêu để đi tới. Họ cứ tiếp tục trôi dạt và lẩn trốn.

Và cách mà họ duy trì hy vọng không còn là điều gì đó lãng mạn. Nó đã trở thành vấn đề sống còn. Trong hoàn cảnh đó, nếu không hy vọng thì chỉ có tự vẫn.

 

 

3. Mùi hương (Perfume – Patrick Suskind) – Năm 1

Mùi hương, nó là một tuyệt tác. Tôi không biết diễn tả về nó như thế nào cho chính xác. Tôi đọc nó liên tục trong hai ngày, gác hết cả bài vở sang một bên.

Mùi hương không có tính thiện và tính ác, không có protagonist lẫn antagonist. Mùi hương chỉ có hương, thứ hương thơm mãnh liệt, nồng nàn nhắc cho chúng ta ở một thế giới nào đó vẫn tồn tại chuyện đẹp – không đẹp, chứ không có ranh giới thiện – ác. Và đôi khi ta ngờ rằng thế giới đó cũng không xa đây lắm đâu. Nhắm mắt lại và chìm sâu vào những góc tối khuất nhất trong tâm hồn mình, ta sẽ thấy ở đó một lọ nước hoa lặng lẽ toả sáng, ánh trong như ngọc. Và ta sẽ bất chấp mọi thứ để hé mở nắp lọ, kể cả khi ta biết mở lọ nước hoa ra sẽ như mở chiếc hộp Pandora của cõi hồn mình. Có những lúc ta không còn định nghĩa giữa thiện và ác, chỉ còn cái đẹp và một tình yêu thuần khiết.

4. Suối nguồn (The Fountainhead – Ayn Rand)

Viết đến đây lại bị crash mà không kịp copy. Cảm phiền tôi chỉ để lại vài câu chính, không rườm lời:

– Tôi mất một năm để đọc hết Suối nguồn

– Tôi đã khóc vài lần, có lần vì sự tương cảm thuần khiết của Mallory và Roark, và của những người cực đoan như họ – thứ mà tôi sẽ không bao giờ có được, lần khác vì Roark nói những điều tôi nghĩ, và cách anh nói nghe như thể đang chửi vào mặt một đứa sống mòn như tôi.

– Trong phạm vi tôi quen, người nghĩ mình giống Roark thì nhiều. Người giống Roark – tuyệt không có ai.

– Khi gấp quyển sách lại, tôi nhận ra là mình đã rất yêu quý nhưng không hề đồng ý với anh.

ab_662

 

5. Giết con chim nhại (To Kill a Mocking Bird – Harper Lee)

Vì nó là một tuyệt phẩm tràn đầy sự điềm nhiên. vì tôi thấy mình giống Jean Louis “Scout” Finch. Lẽ ra tôi còn có thể giống hơn nữa, và đáng ra tôi nên như thế.

 

Rio Lam

Lao vào giông bão… ta đi tìm bình yên…

 Photo: Jurí

 

Nếu không dám đi giữa bão giông thì làm sao ra khỏi được tâm bão ?
Nếu không dám bước đi trong bóng tối thì làm sao ra khỏi nơi tăm tối ?

Lao vào giông bão… ta đi tìm bình yên…

Có khi nào trong cuộc đời này người muốn tin vào phép màu như trong những câu chuyện thần tiên ?
Cất lời nguyện cầu như chú sâu đang giam mình trong kén ?
Đặt cược toàn bộ cuộc đời cho lần tái sinh với hình hài trọn vẹn ?
Sẽ phải đau nỗi đau cuối cùng…
Hay là được bắt đầu sống những giấc mơ…

Có phép màu nào khiến cho tất cả bão giông chỉ còn là chuyện của ngày xưa ?
Nơi những giọt mưa rơi cũng đủ khiến tấm thân yếu mềm chai sạn
Nơi những cơn gió khẽ sượt qua cũng đủ khiến môi hồng nứt rạn
Sao chẳng thể tìm thấy chiếc lá nào đủ che chắn đời sâu ?

Có phép màu nào gieo trồng được hoa trên nỗi đau ?
Để những giọt nước mắt rơi còn biết mình xứng đáng
Khi đánh đổi cuộc đời để tưới cho những mầm hoa ló dạng
Mới thấy được rằng chẳng giọt nước mắt nào vô nghĩa khi sinh ra…

Có ai đi qua tuổi thơ mà chưa từng ước mơ được sống trong những câu chuyện thần tiên qua lời kể của bà ?!
Nơi đóa Bồ Công Anh chết đi để trái tim mình được sinh ra lần nữa
Nơi nàng Bạch Tuyết được tái sinh lần cuối bởi nụ hôn của hoàng tử kèm theo một lời hứa
Kể từ bây giờ chúng-ta-sẽ-sống-một-cuộc-đời-chẳng-còn-cần-chọn-lựa-được-tái-sinh !

Nhưng sẽ ra sao nếu giờ đây ta ăn trái táo của chính mình
Rồi lại tự hôn chính mình – thì không biết có được xem như nụ hôn của hoàng tử ?
Làm sao đây… khi chẳng còn cách nào hơn… – thôi thì đành phải thử !
Bởi nếu thực sự có phép màu…
Thì chắc cũng cần có sự đánh đổi nhiều đớn đau…

Có ai biết phải cần bao nhiêu chiếc lá mới đủ che chắn đời sâu ?
Phải cần bao nhiêu nỗi đau mới đủ khiến mình thôi không còn khờ dại ?
Phải cần bao nhiêu lần chết đi mới đủ để cho mình thôi không còn muốn sống lại ???
Phải cần bao nhiêu lời nguyện cầu…
Mới đủ để thấy được hình-hài-mang-đôi-cánh-bình-yên…?

Ta giờ đây chẳng mong chờ gì hơn là một phép màu như trong những câu chuyện thần tiên !
Ta giờ đây chẳng biết làm gì hơn là cất lời nguyện cầu và giam mình vào trong kén
Chờ ngày được sinh ra lần nữa với hình hài trọn vẹn…
Đi qua hết bão giông rồi…
Sẽ thấy được cầu vồng đẹp như trong những câu chuyện thần tiên !

Cũng có những lúc trong cuộc đời mình
Thực sự muốn hát như một người điên !

Lao vào giông bão…
Ta đi tìm…
Bình yên…

 

–The Kid Falling From Heaven–

Tara Tara

Featured image: Thegoodvybe

 

Đi bao chốn xa để rồi tìm và nhận ra nơi chốn bình yên cho tâm hồn mình, dù chỉ là trong một khoảnh khắc nào đó, dù nơi đó không phải là NHÀ. Nơi đó, nó lại được là chình mình. Được vắt vẻo trên cành ổi với gói muối cùng quả ổi xanh, được vác cần đi câu dù chẳng hề biết câu cá, được nhảy chân sáo dù đã 23 tuổi đầu. Nơi đó, có nó với bầu trời vàng cam của ban mai tinh khiết, với cái nắng chói chang ban trưa, với màu trời đỏ ối khi chiều tà và màu đen huyền ảo khi đêm xuống cùng với những con người chân chất, ấm nồng.

Nó ngủ ngon đến lạ và cũng dậy sớm hơn hẳn. Tiếng chim chuyền cành, tiếng hót véo von, tiếng gà râm ran như gọi mời nó. Chạy ra và hít lấy hương thơm ngọt lành của trời đất, nó khẽ cười. Dòng nước mát lành của buổi sớm mai ấy như đánh thức mọi giác quan, tiếng róc rách như lời thì thầm của nguồn cội mà giữa chốn thị thành xoa hoa, nó chưa một lần nghe thấy. Những tia nắng ban mai như những sợi chỉ vàng đung đưa trên cành lá. Một ngày mới đã đến.

Nơi đây đang ngày mùa, những người nông dân chân chất đang gieo những hạt lúa trên cánh đồng được cày ải kỹ càng. Mùi thơm của đất, hòa lẫn mùi rơm rạ của mùa trước và cả mùi nồng ấm của vôi, đạm, phân bón như đưa nó về với tuổi thơ. Nơi đó cũng đầy nắng và gió, cũng các mẹ các chị cấy lúa trên cánh đồng làng, cũng vị mồ hôi mặn chát của cha chú lầm lũi bước đi sau cái cày, con trâu. Những mùi vị rất riêng mà chỉ những đứa trẻ sinh ra từ quê mới cảm nhận được. Nơi đó cũng cánh diều no gió của lũ trẻ con hồn nhiên, cũng bầu trời cao lồng lộng, nó cảm thấy bình yên đến lạ!

Nó cũng mướt mát mồ hôi, cũng chạy ra chạy vào để chuẩn bị bữa cơm chiều như ngày xưa. Bữa cơm thân thương ấy với canh chua, cá rán, thịt rang. Ngon đến lạ lùng. Cũng thức ăn ấy, cũng mùi vị ấy nhưng sao bình yên đến thế! Là khung cảnh bữa cơm chiều bên gốc khế, bờ ao, là tiếng cười nói vui tươi chân chất của những người nó yêu quý và cũng là người luôn giang rộng vòng tay với nó giữa nơi đất khách xa lạ. Nó tìm thấy hương vị quen thuộc của gia đình nơi xa, trái tim nó như đập rộn ràng một khúc ca bình dị. Đúng vậy, cái cảm giác bấy lâu mong ngóng đang hiện hữu trước mắt nó đây mà…

Nơi đó, nó nằm đung đưa trên chiếc võng dù, tắm mình trong ánh trăng vàng và đưa ánh mắt xa xăm tìm cho mình một ngôi sao lẻ loi trong cơn gió nhè nhẹ và tiếng xào xạc của lá. Văng vẳng bên tai nó là tiếng ồm ộp của ếch, tiếng chó sủa xa xa, là tiếng điếu cày rít lên vui tai, là mùi ngai ngái của thuốc lào, là hương thơm của ấm trà mạn, là hương nồng của đất, là mùi hương ngọt lành của hoa thiên lý trong đêm. Nó hít căng lồng ngực mùi của đất, của cây cỏ, hoa lá, của con người thôn quê. Miệng khe khẽ vu vơ một câu hát. Bao mệt mỏi, uất ức, bao bận rộn, nhọc nhằn nó gửi lại nơi phồn hoa đô hội, để tìm cho mình những phút giây quý báu này.

Nó chợt nhớ Scarlet O’hara trong Cuốn theo chiều gió. Mỗi lần gặp gian nan, đau buồn thì Tara luôn là lựa chọn của nàng. Mảnh đất phì nhiêu với mùi ngai ngái của phân ngựa, với cái nắng đặc trưng của miền Nam, với màu trắng của bông ấy sẽ chữa lành mọi vết thương mà thành phố Atlanta xa hoa gây ra cho nàng. Trái tim nhức nhối của nàng sẽ được êm dịu, tâm hồn bão giông của nàng sẽ lại bình yên. Và nàng sẽ lại ra đi với một niềm tin và nghị lực mới, sẽ chinh phục tất cả mọi thử thách gian lao vì nàng biết, Tara vẫn sẽ giang rộng vòng tay chào đón đứa con nhỏ của mình, dù nó có hư hỏng, có bướng bỉnh đến đâu.

“Mình đâu chỉ có một Tara”, nó tự nhủ và mỉm cười bước đi. Dấu chấm nhỏ hòa vào màu trời đỏ lựng…

Con đường của sự suy tư

Featured image: Unmotivating

 

16 năm trước chính là lúc tôi thấy mình chật vật nhất, yêu cô lớp trưởng mà không dám bày tỏ. Nó giống như trước đó ta chỉ toàn ngủ mê trong cái thế giới của mình thì chợt tỉnh giấc, ta thấy thế giới của ta không còn mang nhiều ý nghĩa nữa, những gì ta muốn là cái thế giới của con người xa lạ kia, cái thế giới mà ta chưa từng tìm hiểu và tiếp xúc. Những cảm giác lạ lẫm khiến ta run sợ và háo hức, ta thấy không còn điều khiển được suy nghĩ và cảm xúc của mình nữa. Tình yêu xâm chiếm tâm hồn ta nên khi không được đáp lại thì bỗng thấy như bị ngắt kết nối, bị chia lìa với những gì ta vẫn tưởng là của ta. Thì ra ta và thế giới là hai phần riêng biệt.

Cũng từ lúc ấy tôi bỗng biết suy tư, tôi nghĩ về chính tôi, tôi nghĩ về thế giới, về những gì đang diễn ra quanh mình. Tôi là ai trong cuộc đời này? Tại sao cái thế giới kia không chịu sự chi phối của tôi? Làm sao để tôi đạt được điều tôi muốn? Và quan trọng hơn hết là làm cách nào để thấy mình hòa làm một với thế giới như trước chứ không phải là sự chia cách và cô đơn.

Tôi đã đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Nhưng tiếc thay, ở cha mẹ, thầy cô, những người quen biết lại không có những điều mà tôi tìm, hay có lẽ những lời giải đáp của họ không đủ để tôi thỏa mãn. Tôi muốn tìm những câu trả lời gần gũi hơn, sâu sắc hơn và chính xác hơn. Và chúng ở trong những quyển sách.

Cho đến lúc này tôi cũng hiểu được một số điều quan trọng. Đó là:

– Thế giới thực thì không đẹp như truyện cổ tích
– Tính cách và tầm nhìn mỗi người được hình thành từ hoàn cảnh sống của họ
– Chân lý vẫn có thể bẻ cong bằng cách chỉ nhìn vào một mặt trong nhiều mặt của sự việc
– Con người nếu không có những lý tưởng siêu việt vượt lên trên những đòi hỏi của sinh tồn thì chưa phải là con người chân chính
– Tinh thần thì nhận ra những gì là tốt đẹp nhưng thân xác cứ trơ ỳ và yếu đuối
– Con người tới với thế gian để học hỏi và vươn lên đến gần thượng đế dù điều đó là bất khả
– Chỉ có tình yêu vô bờ bến mới giúp ta cảm thấy không bị chia cắt và phân ly với thế giới.
– …
Nhưng hiểu là hiểu còn để làm, để sống theo những gì mình hiểu lại không dễ tí nào, vì ta vẫn là con người, ta bị sự chi phối của sự tham lam ích kỷ, của bản năng, của quy luật sinh tồn, của xã hội ta sống. Chính vì thế sự cố gắng vượt qua là điều hết sức quan trọng.

Có nhiều cách giúp ta tiến lên sự hiểu biết, là học hỏi từ nền giáo dục (nếu nó có mang các bài học về cuộc sống), là đọc sách, là viết ra những gì mình nghĩ, là lao vào cuộc sống để cảm nghiệm về nó.

Vì sao chúng ta phải đọc sách?

Có nhiều lý do để đọc sách, nhưng lý do lớn nhất là để có thêm tri thức và hiểu cuộc sống. Để trưởng thành từ một đứa trẻ, mỗi người chúng ta cần phải học hỏi từ cuộc sống, mà điều đó cần rất nhiều thứ, là thời gian, là hoàn cảnh sống với gia đình và xã hội. Nhưng ta cũng thấy, có những người sống rất lâu mà tâm trí chẳng tiến được bao nhiêu, tất cả chỉ là sự ngu muội và cổ hủ. Chính không gian sống giới hạn con người phát triển tư duy, trong khi đó sách là nơi truyền tải kinh nghiệm sống của tác giả trong một cuộc sống khác, bằng sự phân tích hay thông qua một câu chuyện, tác giả phơi bày những gì tinh túy nhất của đời mình. Với vài ngày đọc sách ta có thể có được một phần những cảm nghiệm đó.

Bạn chỉ có một cuộc đời, nhưng nếu đọc sách bạn có nhiều cuộc đời. Với tuổi thọ của bạn, nếu không đọc sách thì thông thường bạn chỉ nắm được một lượng kiến thức tương đối của thời đại bạn. Nhưng nếu bạn chăm đọc sách, bạn giống như sống qua hàng bao thế kỷ trong sự phát triển của nhân loại. Mỗi cuốn sách là một đời người thu gọn, đọc càng nhiều nghĩa là bạn đã sống càng nhiều, kinh nghiệm càng phong phú và từ đó bạn thấy được nhiều quy luật của cuộc sống, ý nghĩa tình yêu, điều gì mới được gọi là quý giá. Một cuốn sách giá trị có thể rút ngắn một chặn đường dài có khi là 5-10 năm để hiểu được chân lý. Tiếc là người ta tham sống lâu để hưởng thụ chứ không phải cho mình thêm nhiều quãng đời nhỏ để tâm trí phát triển.

Vì sao phải viết ra những gì ta nghĩ?

Thường thì những hiểu biết của bạn chỉ tồn tại dưới dạng ý niệm, để định hình chúng thì cần viết ra một cách rõ ràng, từ những gì viết ra ta mới có thể quan sát – chỉnh sửa – xây dựng cho tốt hơn. Huống hồ lúc bạn viết ra cũng chính là lúc bạn tập trung vào nó, ôn lại những kinh nghiệm sống từng trải qua. Khi cảm thấy những tư tưởng của mình khá chặt chẽ thì bước tiếp theo là chia sẻ cùng những người khác để hoàn thiện nó, sức của nhiều người thì luôn hơn một người. Đó cũng chính là lý do tôi viết bài và thường bình luận rất dài, có hằng hà sa số ý niệm trước đó chưa rõ ràng bỗng trở nên thông suốt khi tôi viết chúng.

Tôi rất thường khi dạo quanh các trang cá nhân, muốn tìm những bài viết giá trị để đọc nhưng thấy ít quá. Viết bài, tôi luôn mong được những bình luận nói lên suy nghĩ của người đọc để tham khảo nhưng cũng quá ít. Tôi tự hỏi là người ta đã nghĩ gì sau khi đọc một bài viết. Lười nói lên quan điểm của mình? Hay sợ viết ra mà nó chưa hay thì sẽ bị chê cười? Hay cảm thấy những gì đang đọc không đáng giá để bình luận?

Có rất nhiều người đọc bài chỉ để mà đọc, đọc nhưng không xem trọng nó nên chọn cách đơn giản nhất là bấm “thích” nếu thấy hợp lý. Tất nhiên với những bài mà bản thân thấy chưa hay thì không cần bình luận, nhưng nếu bạn thấy đúng hoặc sai thì hãy dừng lại một tí để nói cho mọi người biết mình đang nghĩ gì, biết đâu sẽ có những bình luận khác giúp bạn nhận ra những gì mình còn thiếu.

Vì sao phải trải nghiệm cuộc sống?

Tầm quan trọng của việc trải nghiệm thì chắc không nói mọi người cũng hiểu. Trải nghiệm giúp ta nhìn rõ hiện thực cuộc sống và hiểu nó sâu sắc hơn. Không khó để thấy có 2 loại quan niệm trái ngược về vấn đề này, một phía là đề cao những trải nghiệm thực tế, phía khác thì cho rằng chỉ cần chăm đọc cũng có thể biết chuyện thiên hạ. Thật ra thì cái nào đúng cái nào sai? Nhiều người chắc nhận ra rằng cả 2 đều quan trọng như nhau và thúc đẩy lẫn nhau.

Nếu chỉ có trải nghiệm trong khi bản thân không có một sự hiểu biết nhất định thì để tìm ra chân lý cần một thời gian rất dài. Nếu chỉ cảm nhận cuộc sống chỉ qua những gì ta đọc thì những cảm nhận đó trở nên méo mó và có rất ít sự sâu sắc. Vì sao định luật hấp dẫn vẫn chưa được tìm ra dù táo – nho – xoài – sầu riêng – măng cụt… đã rơi hàng ngàn năm trước Newton? Hàng triệu triệu người thấy chúng rơi nhưng vì thiếu một lượng kiến thức nào đó mà nó rơi cứ rơi họ nhìn cứ nhìn. Nếu Newton chỉ ngồi trong phòng ôm mớ kiến thức mà không ra bên ngoài thì có là thần ông mới tìm ra định luật ấy.

Học và hành cần phải đi đôi. Tình yêu không phải thế sao? Hãy nhìn những người yêu đơn phương, nhìn những người tuổi tác nhiều mà chưa thật sự qua cuộc tình nào. Đa số suy nghĩ của họ về tình yêu đều bị méo mó, hoặc nó rực rỡ vô cùng hoặc nó tàn tạ đến không chịu nỗi.

Đọc cho ta những kinh nghiệm sơ khởi, cho ta biết đâu là trọng tâm của cuộc nhân sinh. Trải nghiệm giúp chứng thực những gì ta nghĩ và giúp ta hiểu sâu hơn. Nhưng tâm trí thì luôn đi trước thân xác và có tính chủ động, nên học hỏi kiến thức qua việc đọc cần sự ưu tiên. Ví dụ như để đi đến mặt trăng, bằng suy nghĩ ta có thể tính toán ra chính xác thời gian đi bao lâu, bằng trí tưởng tượng chúng ta sẽ hình dung ra cảm xúc mình sẽ ra sao trên con đường đi đến đó.

Những điều trí óc đang làm diễn ra tích tắc so với thời gian phải đi từ trái đất lên mặt trăng để cảm nhận thực tế. Thành ra với những người đã đạt đỉnh cao của trí tuệ thì hầu hết thời gian của họ là suy tư, là đọc những kinh nghiệm của nhân loại. Vì những điều họ nghĩ vượt qua giới hạn của sự chứng minh thực tế. Vì vậy khi nghe một điều gì đó khác xa với những gì ta biết, ta nghĩ thì đừng vội mà chê cười, nên tìm hiểu điều đó do ai nói, nếu là một kẻ điên thì cho qua, còn của một vị tên tuổi tầm cỡ thế giới thì cần phải xem lại một cách cẩn thận.

Về nền giáo dục? Cái này thì tôi xin cho qua vì những gì tôi học được từ nó trong quá khứ chỉ là một mớ kiến thức vô cảm dành cho thân xác, còn về tinh thần, về cuộc sống thì ít ỏi vô cùng.

Bài khá dài nên xin cảm ơn những ai đã cố gắng dành thời gian để đọc hết.

Mắt Đời

22:50 15/10/2014

4 nhân tố làm nên thành công

Featured image: Dream on

 

Thú thật với các bạn, tôi khá phân vân khi lựa chọn đề tài này để viết. Thành công, cũng như tình yêu – tình bạn là một đề tài muôn thuở, mà có rất nhiều cây bút đã thử sức, và cũng không kém chừng ấy là đúc kết từ những doanh nhân thành đạt trên thế giới. Vì vậy, chính bản thân tôi cũng nghi ngại khi viết về vấn đề này, nhưng bỏ qua tất cả, với sự động viên của mọi người, tôi quyết định vẫn viết. Tất cả dựa trên quan điểm cá nhân tôi là chủ yếu, vì vậy có thể không hợp ý một số người.

Thành công, với những gì tôi đã được biết, cần những yếu tố sau:

1. Bản thân bạn

Người Việt Nam chúng ta có câu: “Khi có sức khỏe, ta có cả ngàn ước mơ. Khi không có sức khỏe, ước mơ duy nhất là có được sức khỏe.” Bản thân tôi cảm thấy câu này vô cùng đúng. Khi không có sức khỏe thì bạn không thể làm được điều gì. Một bộ óc sáng tạo chẳng bao giờ có thể tồn tại trong một cơ thể ốm yếu. Và bạn đang cảm thấy ổn không có nghĩa rằng sức khỏe của bạn là bất bại.

Bên cạnh đó, tôi học được lời khuyên của một doanh nhân nổi tiếng rằng: “Đam mê không tạo nên thành công, cái bạn cần là nỗi ám ảnh thật sự.” Thành công trong cuộc sống không chỉ nằm ở vấn đề đam mê hay không, nó phải được phát triển thành sự ám ảnh. Nếu bạn muốn thành công hơn người bình thường thì bạn chỉ cần đam mê thôi, nhưng nếu bạn muốn đứng trên đỉnh cao của sự thành đạt hay trở thành một vĩ nhân thì đó phải thực sự là “sự ám ảnh”.

Nhưng điều quan trọng là làm sao để bạn có được “sự ám ảnh” đó? Đó là khi đam mê song hành cùng với ý chí vô cùng mạnh mẽ. Khi hai điều đó gặp nhau, bạn sẽ hiểu đâu là “sự ám ảnh” cho cả cuộc đời mình.

Và “sự ám ảnh” phải được bộc lộ thông qua thái độ sống của bạn. Có một câu nói của Roman Price mà tôi vô cùng tâm đắc rằng:

“Nếu bạn đang tìm kiếm một ai đó để thay đổi cuộc đời bạn, hãy nhìn vào gương.”

Thay thái độ, đổi cuộc đời từ xưa đến nay chưa bao giờ là một triết lý cũ mòn.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi nói với bạn những điều này. Cố CEO của Apple – Steve Jobs, luôn bị ám ảnh với cái đẹp và sự hoàn hảo. Và kết quả là ông đã cho ra đời những tuyệt phẩm làm thay đổi làng công nghệ thế giới như Ipod, Iphone, Ipad…

2. Tiền

Trong thời buổi hiện nay đồng tiền đã trở thành chiếc gương soi của nền văn hóa. Những gì chúng ta nhìn thấu qua nó nói lên chúng ta thật sự là ai. Thực sự mà nói, thì tiền chính là một trong những nhân tố chính để đánh giá mức độ thành công của một ai đó. Thành công xét đến cùng chính là giá trị mà bạn đem đến cho chính bạn, gia đình và xã hội. Và những điều này không chỉ nằm ở giá trị tinh thần mà còn ở giá trị vật chất. Tỷ phú Bill Gates đang đứng ở đỉnh cao của sự thành công, và giá trị vật chất mà ông đem lại cho nhân loại là không thể phủ nhận. Chính ông cũng đã có câu phát biểu rất hay về tiền rằng: “Khi bạn có tiền trong tay, chi có bạn quên mất mình là ai. Nhưng khi bạn không có đồng nào, cả thế giới sẽ quên đi bạn là ai.” Điều đó nói lên phần nào tầm quan trọng của tiền.

Đối với một start-up, khởi nghiệp cũng như leo núi và tiền như là oxy. Oxy có hạn và núi thì rất cao. Người leo núi giỏi phải tính được sẽ cần bao nhiêu oxy, bao nhiêu lương thực để đem theo khi leo núi, nếu không tính toán đúng thì sẽ không thể leo tới đỉnh được. Bởi vậy, tiền chính là đòn bẩy để đam mê chạm đến thành công.

3. Những người ủng hộ

Bạn không thể thành công một mình, đó là điều chắc chắn. Một trong những điều các doanh nhân hay những người vươn tới đỉnh cao quyền lực sợ nhất không phải là sự khó khăn mà chính là sự cô độc.

Bạn nhìn vào sự thành đạt của những vĩ nhân trên thế giới như Steve Jobs, Bill Gates…. và tự nhủ họ đã thành công một mình đấy thôi. Nhưng sự thực không phải vậy.

Steve Jobs thành lập Apple Computer cùng với  Steve Wozniak, đặt nền móng đầu tiên cho người khổng lồ trong ngành công nghệ thế giới sau này. Và đằng sau những tuyệt phẩm của Apple còn có hình bóng của người thiết kế Jony Ive, hay Tim Cook – vị CEO hiện tại của Apple được coi là cánh tay phải của Steve Jobs. Để thành công, bạn không cần phải là những người khổng lồ, mà hãy đứng trên vai những người khổng lồ.

Và chắc hẳn trong số các bạn không ai là không biết hãng café nổi tiếng thế giới Starbucks. Thành công của hãng đến ngày hôm nay không thể không kể đến sự chèo lái của vị CEO tài ba Howard Schultz. Nhưng ít ai biết được rằng khi Starbucks còn là một tiệm café nhỏ, Howard đã phải đi kêu gọi sự ủng hộ của rất nhiều nhà đầu tư, và chính những sự ủng hộ đó đã góp phần làm nên một đế chế café như ngày hôm nay.

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện của một người bạn tôi. Cậu ấy là chủ của một trung tâm tiếng anh tên PEC tại Hà Nội, được định hướng trở thành tổ chức phi lợi nhuận. Với tất cả các khóa học, cậu ấy không thu tiền học phí mà chỉ thu phí duy trì 370.000 cho 16 buổi học. Nhưng một mình cậu ấy thì không thể thành công. Với sự giúp đỡ của các bạn và em học viên, người thì thiết kế, người làm kỹ thuật, người thì tư vấn (tất cả đều tình nguyện)…. tất cả đã góp phần giúp ước mơ giảng dạy miễn phí cho 500.000 học viên của cậu ấy trở thành hiện thực.

Vì vậy điều tôi muốn nói với các bạn là khi cần sự giúp đỡ, đừng e ngại yêu cầu điều đó, vì ngoài bạn ra, còn rất nhiều người sẵn sàng đứng chung con thuyền với bạn.

4. Nghịch cảnh

Chắc trong chúng ta không ai xa lạ gì với câu nói: “Thời thế tạo anh hùng. Anh hùng làm nên thời thế.” Chỉ trong khó khăn, nghịch cảnh chúng ta mới dám phá vỡ “sự an toàn” để hướng tới những điều khác biệt. Nghịch cảnh tạo ra sự thách thức khiến cho chúng ta quyết tâm hơn. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều vĩ nhân thành công đều có một tuổi thơ không êm đềm.

Và nếu không có các đối thủ như IBM, Microsoft làm “kẻ khổng lồ thống trị thế giới”, làm sao Apple có cơ hội trở thành “vị anh hùng cứu thoát cả thế giới”? Hay nếu không có Apple, Samsung làm sao sáng tạo ra được những tuyệt phẩm như Galaxy S?

Con đường thành công không phải ai cũng giống ai. Cuộc đời không trải thảm đỏ để bạn bước đến đỉnh vinh quang. Thành công phụ thuộc cả nhân tố chủ quan và khách quan. Có thể bạn không có đầy đủ tất cả những yếu tố trên, nhưng không sao cả, lịch sử đã cho thấy rằng, chỉ một phần trong đó cũng dường như là đủ…

 

Lê Hoài Thương