24 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 179

5 quyển sách ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất

Featured image: Dream on

1. Truyện cổ Andersen  – Nhà trẻ

Đây là bộ sách đầu tiên tôi đọc, hay đúng hơn là mẹ đọc cho tôi. Đến giờ tôi vẫn tin đây là nơi đã bắt đầy tất cả, những lời của Andersen là hạt giống nguyên thuỷ của hết thảy những dòng văn tôi viết sau này. Dẫu rằng tôi đã sa theo hướng triết lý, gọt giũa câu chữ, nhưng viên pha lê màu xanh lục trong vắt lấp lánh đó vẫn là hạt nhân. Và tôi không muốn mất nó.

truyen co andersen

2. Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống (Flotsam – Erich Maria Remarque) – Lớp 7

Tôi không nghĩ đây là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, bằng chứng là Google và Wikipedia không cung cấp nhiều thông tin lắm. Thế nhưng một quyển khác nổi tiếng hơn của Erich, Lời bộc bạch của một thị dân, tôi lại không ưu ái bằng quyển này.

Bản du ca cuối cùng bỏng rát như ngọn lửa Thế chiến, hoang dại như đốm lửa du mục, và đẹp như một khúc ca hồn nhiên phóng khoáng. Đến giờ tôi vẫn nhìn thấy mình nơi Kern, Steiner và Ruth – những con người đang trẻ, bị trục xuất khỏi nơi chôn nhau cắt rốn bởi sự tàn nhẫn của đồng loại, lang thang không nơi thừa nhận, không có quê hương để quay về, không có mục tiêu để đi tới. Họ cứ tiếp tục trôi dạt và lẩn trốn.

Và cách mà họ duy trì hy vọng không còn là điều gì đó lãng mạn. Nó đã trở thành vấn đề sống còn. Trong hoàn cảnh đó, nếu không hy vọng thì chỉ có tự vẫn.

 

 

3. Mùi hương (Perfume – Patrick Suskind) – Năm 1

Mùi hương, nó là một tuyệt tác. Tôi không biết diễn tả về nó như thế nào cho chính xác. Tôi đọc nó liên tục trong hai ngày, gác hết cả bài vở sang một bên.

Mùi hương không có tính thiện và tính ác, không có protagonist lẫn antagonist. Mùi hương chỉ có hương, thứ hương thơm mãnh liệt, nồng nàn nhắc cho chúng ta ở một thế giới nào đó vẫn tồn tại chuyện đẹp – không đẹp, chứ không có ranh giới thiện – ác. Và đôi khi ta ngờ rằng thế giới đó cũng không xa đây lắm đâu. Nhắm mắt lại và chìm sâu vào những góc tối khuất nhất trong tâm hồn mình, ta sẽ thấy ở đó một lọ nước hoa lặng lẽ toả sáng, ánh trong như ngọc. Và ta sẽ bất chấp mọi thứ để hé mở nắp lọ, kể cả khi ta biết mở lọ nước hoa ra sẽ như mở chiếc hộp Pandora của cõi hồn mình. Có những lúc ta không còn định nghĩa giữa thiện và ác, chỉ còn cái đẹp và một tình yêu thuần khiết.

4. Suối nguồn (The Fountainhead – Ayn Rand)

Viết đến đây lại bị crash mà không kịp copy. Cảm phiền tôi chỉ để lại vài câu chính, không rườm lời:

– Tôi mất một năm để đọc hết Suối nguồn

– Tôi đã khóc vài lần, có lần vì sự tương cảm thuần khiết của Mallory và Roark, và của những người cực đoan như họ – thứ mà tôi sẽ không bao giờ có được, lần khác vì Roark nói những điều tôi nghĩ, và cách anh nói nghe như thể đang chửi vào mặt một đứa sống mòn như tôi.

– Trong phạm vi tôi quen, người nghĩ mình giống Roark thì nhiều. Người giống Roark – tuyệt không có ai.

– Khi gấp quyển sách lại, tôi nhận ra là mình đã rất yêu quý nhưng không hề đồng ý với anh.

ab_662

 

5. Giết con chim nhại (To Kill a Mocking Bird – Harper Lee)

Vì nó là một tuyệt phẩm tràn đầy sự điềm nhiên. vì tôi thấy mình giống Jean Louis “Scout” Finch. Lẽ ra tôi còn có thể giống hơn nữa, và đáng ra tôi nên như thế.

 

Rio Lam

Lao vào giông bão… ta đi tìm bình yên…

 Photo: Jurí

 

Nếu không dám đi giữa bão giông thì làm sao ra khỏi được tâm bão ?
Nếu không dám bước đi trong bóng tối thì làm sao ra khỏi nơi tăm tối ?

Lao vào giông bão… ta đi tìm bình yên…

Có khi nào trong cuộc đời này người muốn tin vào phép màu như trong những câu chuyện thần tiên ?
Cất lời nguyện cầu như chú sâu đang giam mình trong kén ?
Đặt cược toàn bộ cuộc đời cho lần tái sinh với hình hài trọn vẹn ?
Sẽ phải đau nỗi đau cuối cùng…
Hay là được bắt đầu sống những giấc mơ…

Có phép màu nào khiến cho tất cả bão giông chỉ còn là chuyện của ngày xưa ?
Nơi những giọt mưa rơi cũng đủ khiến tấm thân yếu mềm chai sạn
Nơi những cơn gió khẽ sượt qua cũng đủ khiến môi hồng nứt rạn
Sao chẳng thể tìm thấy chiếc lá nào đủ che chắn đời sâu ?

Có phép màu nào gieo trồng được hoa trên nỗi đau ?
Để những giọt nước mắt rơi còn biết mình xứng đáng
Khi đánh đổi cuộc đời để tưới cho những mầm hoa ló dạng
Mới thấy được rằng chẳng giọt nước mắt nào vô nghĩa khi sinh ra…

Có ai đi qua tuổi thơ mà chưa từng ước mơ được sống trong những câu chuyện thần tiên qua lời kể của bà ?!
Nơi đóa Bồ Công Anh chết đi để trái tim mình được sinh ra lần nữa
Nơi nàng Bạch Tuyết được tái sinh lần cuối bởi nụ hôn của hoàng tử kèm theo một lời hứa
Kể từ bây giờ chúng-ta-sẽ-sống-một-cuộc-đời-chẳng-còn-cần-chọn-lựa-được-tái-sinh !

Nhưng sẽ ra sao nếu giờ đây ta ăn trái táo của chính mình
Rồi lại tự hôn chính mình – thì không biết có được xem như nụ hôn của hoàng tử ?
Làm sao đây… khi chẳng còn cách nào hơn… – thôi thì đành phải thử !
Bởi nếu thực sự có phép màu…
Thì chắc cũng cần có sự đánh đổi nhiều đớn đau…

Có ai biết phải cần bao nhiêu chiếc lá mới đủ che chắn đời sâu ?
Phải cần bao nhiêu nỗi đau mới đủ khiến mình thôi không còn khờ dại ?
Phải cần bao nhiêu lần chết đi mới đủ để cho mình thôi không còn muốn sống lại ???
Phải cần bao nhiêu lời nguyện cầu…
Mới đủ để thấy được hình-hài-mang-đôi-cánh-bình-yên…?

Ta giờ đây chẳng mong chờ gì hơn là một phép màu như trong những câu chuyện thần tiên !
Ta giờ đây chẳng biết làm gì hơn là cất lời nguyện cầu và giam mình vào trong kén
Chờ ngày được sinh ra lần nữa với hình hài trọn vẹn…
Đi qua hết bão giông rồi…
Sẽ thấy được cầu vồng đẹp như trong những câu chuyện thần tiên !

Cũng có những lúc trong cuộc đời mình
Thực sự muốn hát như một người điên !

Lao vào giông bão…
Ta đi tìm…
Bình yên…

 

–The Kid Falling From Heaven–

Tara Tara

Featured image: Thegoodvybe

 

Đi bao chốn xa để rồi tìm và nhận ra nơi chốn bình yên cho tâm hồn mình, dù chỉ là trong một khoảnh khắc nào đó, dù nơi đó không phải là NHÀ. Nơi đó, nó lại được là chình mình. Được vắt vẻo trên cành ổi với gói muối cùng quả ổi xanh, được vác cần đi câu dù chẳng hề biết câu cá, được nhảy chân sáo dù đã 23 tuổi đầu. Nơi đó, có nó với bầu trời vàng cam của ban mai tinh khiết, với cái nắng chói chang ban trưa, với màu trời đỏ ối khi chiều tà và màu đen huyền ảo khi đêm xuống cùng với những con người chân chất, ấm nồng.

Nó ngủ ngon đến lạ và cũng dậy sớm hơn hẳn. Tiếng chim chuyền cành, tiếng hót véo von, tiếng gà râm ran như gọi mời nó. Chạy ra và hít lấy hương thơm ngọt lành của trời đất, nó khẽ cười. Dòng nước mát lành của buổi sớm mai ấy như đánh thức mọi giác quan, tiếng róc rách như lời thì thầm của nguồn cội mà giữa chốn thị thành xoa hoa, nó chưa một lần nghe thấy. Những tia nắng ban mai như những sợi chỉ vàng đung đưa trên cành lá. Một ngày mới đã đến.

Nơi đây đang ngày mùa, những người nông dân chân chất đang gieo những hạt lúa trên cánh đồng được cày ải kỹ càng. Mùi thơm của đất, hòa lẫn mùi rơm rạ của mùa trước và cả mùi nồng ấm của vôi, đạm, phân bón như đưa nó về với tuổi thơ. Nơi đó cũng đầy nắng và gió, cũng các mẹ các chị cấy lúa trên cánh đồng làng, cũng vị mồ hôi mặn chát của cha chú lầm lũi bước đi sau cái cày, con trâu. Những mùi vị rất riêng mà chỉ những đứa trẻ sinh ra từ quê mới cảm nhận được. Nơi đó cũng cánh diều no gió của lũ trẻ con hồn nhiên, cũng bầu trời cao lồng lộng, nó cảm thấy bình yên đến lạ!

Nó cũng mướt mát mồ hôi, cũng chạy ra chạy vào để chuẩn bị bữa cơm chiều như ngày xưa. Bữa cơm thân thương ấy với canh chua, cá rán, thịt rang. Ngon đến lạ lùng. Cũng thức ăn ấy, cũng mùi vị ấy nhưng sao bình yên đến thế! Là khung cảnh bữa cơm chiều bên gốc khế, bờ ao, là tiếng cười nói vui tươi chân chất của những người nó yêu quý và cũng là người luôn giang rộng vòng tay với nó giữa nơi đất khách xa lạ. Nó tìm thấy hương vị quen thuộc của gia đình nơi xa, trái tim nó như đập rộn ràng một khúc ca bình dị. Đúng vậy, cái cảm giác bấy lâu mong ngóng đang hiện hữu trước mắt nó đây mà…

Nơi đó, nó nằm đung đưa trên chiếc võng dù, tắm mình trong ánh trăng vàng và đưa ánh mắt xa xăm tìm cho mình một ngôi sao lẻ loi trong cơn gió nhè nhẹ và tiếng xào xạc của lá. Văng vẳng bên tai nó là tiếng ồm ộp của ếch, tiếng chó sủa xa xa, là tiếng điếu cày rít lên vui tai, là mùi ngai ngái của thuốc lào, là hương thơm của ấm trà mạn, là hương nồng của đất, là mùi hương ngọt lành của hoa thiên lý trong đêm. Nó hít căng lồng ngực mùi của đất, của cây cỏ, hoa lá, của con người thôn quê. Miệng khe khẽ vu vơ một câu hát. Bao mệt mỏi, uất ức, bao bận rộn, nhọc nhằn nó gửi lại nơi phồn hoa đô hội, để tìm cho mình những phút giây quý báu này.

Nó chợt nhớ Scarlet O’hara trong Cuốn theo chiều gió. Mỗi lần gặp gian nan, đau buồn thì Tara luôn là lựa chọn của nàng. Mảnh đất phì nhiêu với mùi ngai ngái của phân ngựa, với cái nắng đặc trưng của miền Nam, với màu trắng của bông ấy sẽ chữa lành mọi vết thương mà thành phố Atlanta xa hoa gây ra cho nàng. Trái tim nhức nhối của nàng sẽ được êm dịu, tâm hồn bão giông của nàng sẽ lại bình yên. Và nàng sẽ lại ra đi với một niềm tin và nghị lực mới, sẽ chinh phục tất cả mọi thử thách gian lao vì nàng biết, Tara vẫn sẽ giang rộng vòng tay chào đón đứa con nhỏ của mình, dù nó có hư hỏng, có bướng bỉnh đến đâu.

“Mình đâu chỉ có một Tara”, nó tự nhủ và mỉm cười bước đi. Dấu chấm nhỏ hòa vào màu trời đỏ lựng…

Con đường của sự suy tư

170
Featured image: Unmotivating

 

16 năm trước chính là lúc tôi thấy mình chật vật nhất, yêu cô lớp trưởng mà không dám bày tỏ. Nó giống như trước đó ta chỉ toàn ngủ mê trong cái thế giới của mình thì chợt tỉnh giấc, ta thấy thế giới của ta không còn mang nhiều ý nghĩa nữa, những gì ta muốn là cái thế giới của con người xa lạ kia, cái thế giới mà ta chưa từng tìm hiểu và tiếp xúc. Những cảm giác lạ lẫm khiến ta run sợ và háo hức, ta thấy không còn điều khiển được suy nghĩ và cảm xúc của mình nữa. Tình yêu xâm chiếm tâm hồn ta nên khi không được đáp lại thì bỗng thấy như bị ngắt kết nối, bị chia lìa với những gì ta vẫn tưởng là của ta. Thì ra ta và thế giới là hai phần riêng biệt.

Cũng từ lúc ấy tôi bỗng biết suy tư, tôi nghĩ về chính tôi, tôi nghĩ về thế giới, về những gì đang diễn ra quanh mình. Tôi là ai trong cuộc đời này? Tại sao cái thế giới kia không chịu sự chi phối của tôi? Làm sao để tôi đạt được điều tôi muốn? Và quan trọng hơn hết là làm cách nào để thấy mình hòa làm một với thế giới như trước chứ không phải là sự chia cách và cô đơn.

Tôi đã đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Nhưng tiếc thay, ở cha mẹ, thầy cô, những người quen biết lại không có những điều mà tôi tìm, hay có lẽ những lời giải đáp của họ không đủ để tôi thỏa mãn. Tôi muốn tìm những câu trả lời gần gũi hơn, sâu sắc hơn và chính xác hơn. Và chúng ở trong những quyển sách.

Cho đến lúc này tôi cũng hiểu được một số điều quan trọng. Đó là:

– Thế giới thực thì không đẹp như truyện cổ tích
– Tính cách và tầm nhìn mỗi người được hình thành từ hoàn cảnh sống của họ
– Chân lý vẫn có thể bẻ cong bằng cách chỉ nhìn vào một mặt trong nhiều mặt của sự việc
– Con người nếu không có những lý tưởng siêu việt vượt lên trên những đòi hỏi của sinh tồn thì chưa phải là con người chân chính
– Tinh thần thì nhận ra những gì là tốt đẹp nhưng thân xác cứ trơ ỳ và yếu đuối
– Con người tới với thế gian để học hỏi và vươn lên đến gần thượng đế dù điều đó là bất khả
– Chỉ có tình yêu vô bờ bến mới giúp ta cảm thấy không bị chia cắt và phân ly với thế giới.
– …
Nhưng hiểu là hiểu còn để làm, để sống theo những gì mình hiểu lại không dễ tí nào, vì ta vẫn là con người, ta bị sự chi phối của sự tham lam ích kỷ, của bản năng, của quy luật sinh tồn, của xã hội ta sống. Chính vì thế sự cố gắng vượt qua là điều hết sức quan trọng.

Có nhiều cách giúp ta tiến lên sự hiểu biết, là học hỏi từ nền giáo dục (nếu nó có mang các bài học về cuộc sống), là đọc sách, là viết ra những gì mình nghĩ, là lao vào cuộc sống để cảm nghiệm về nó.

Vì sao chúng ta phải đọc sách?

Có nhiều lý do để đọc sách, nhưng lý do lớn nhất là để có thêm tri thức và hiểu cuộc sống. Để trưởng thành từ một đứa trẻ, mỗi người chúng ta cần phải học hỏi từ cuộc sống, mà điều đó cần rất nhiều thứ, là thời gian, là hoàn cảnh sống với gia đình và xã hội. Nhưng ta cũng thấy, có những người sống rất lâu mà tâm trí chẳng tiến được bao nhiêu, tất cả chỉ là sự ngu muội và cổ hủ. Chính không gian sống giới hạn con người phát triển tư duy, trong khi đó sách là nơi truyền tải kinh nghiệm sống của tác giả trong một cuộc sống khác, bằng sự phân tích hay thông qua một câu chuyện, tác giả phơi bày những gì tinh túy nhất của đời mình. Với vài ngày đọc sách ta có thể có được một phần những cảm nghiệm đó.

Bạn chỉ có một cuộc đời, nhưng nếu đọc sách bạn có nhiều cuộc đời. Với tuổi thọ của bạn, nếu không đọc sách thì thông thường bạn chỉ nắm được một lượng kiến thức tương đối của thời đại bạn. Nhưng nếu bạn chăm đọc sách, bạn giống như sống qua hàng bao thế kỷ trong sự phát triển của nhân loại. Mỗi cuốn sách là một đời người thu gọn, đọc càng nhiều nghĩa là bạn đã sống càng nhiều, kinh nghiệm càng phong phú và từ đó bạn thấy được nhiều quy luật của cuộc sống, ý nghĩa tình yêu, điều gì mới được gọi là quý giá. Một cuốn sách giá trị có thể rút ngắn một chặn đường dài có khi là 5-10 năm để hiểu được chân lý. Tiếc là người ta tham sống lâu để hưởng thụ chứ không phải cho mình thêm nhiều quãng đời nhỏ để tâm trí phát triển.

Vì sao phải viết ra những gì ta nghĩ?

Thường thì những hiểu biết của bạn chỉ tồn tại dưới dạng ý niệm, để định hình chúng thì cần viết ra một cách rõ ràng, từ những gì viết ra ta mới có thể quan sát – chỉnh sửa – xây dựng cho tốt hơn. Huống hồ lúc bạn viết ra cũng chính là lúc bạn tập trung vào nó, ôn lại những kinh nghiệm sống từng trải qua. Khi cảm thấy những tư tưởng của mình khá chặt chẽ thì bước tiếp theo là chia sẻ cùng những người khác để hoàn thiện nó, sức của nhiều người thì luôn hơn một người. Đó cũng chính là lý do tôi viết bài và thường bình luận rất dài, có hằng hà sa số ý niệm trước đó chưa rõ ràng bỗng trở nên thông suốt khi tôi viết chúng.

Tôi rất thường khi dạo quanh các trang cá nhân, muốn tìm những bài viết giá trị để đọc nhưng thấy ít quá. Viết bài, tôi luôn mong được những bình luận nói lên suy nghĩ của người đọc để tham khảo nhưng cũng quá ít. Tôi tự hỏi là người ta đã nghĩ gì sau khi đọc một bài viết. Lười nói lên quan điểm của mình? Hay sợ viết ra mà nó chưa hay thì sẽ bị chê cười? Hay cảm thấy những gì đang đọc không đáng giá để bình luận?

Có rất nhiều người đọc bài chỉ để mà đọc, đọc nhưng không xem trọng nó nên chọn cách đơn giản nhất là bấm “thích” nếu thấy hợp lý. Tất nhiên với những bài mà bản thân thấy chưa hay thì không cần bình luận, nhưng nếu bạn thấy đúng hoặc sai thì hãy dừng lại một tí để nói cho mọi người biết mình đang nghĩ gì, biết đâu sẽ có những bình luận khác giúp bạn nhận ra những gì mình còn thiếu.

Vì sao phải trải nghiệm cuộc sống?

Tầm quan trọng của việc trải nghiệm thì chắc không nói mọi người cũng hiểu. Trải nghiệm giúp ta nhìn rõ hiện thực cuộc sống và hiểu nó sâu sắc hơn. Không khó để thấy có 2 loại quan niệm trái ngược về vấn đề này, một phía là đề cao những trải nghiệm thực tế, phía khác thì cho rằng chỉ cần chăm đọc cũng có thể biết chuyện thiên hạ. Thật ra thì cái nào đúng cái nào sai? Nhiều người chắc nhận ra rằng cả 2 đều quan trọng như nhau và thúc đẩy lẫn nhau.

Nếu chỉ có trải nghiệm trong khi bản thân không có một sự hiểu biết nhất định thì để tìm ra chân lý cần một thời gian rất dài. Nếu chỉ cảm nhận cuộc sống chỉ qua những gì ta đọc thì những cảm nhận đó trở nên méo mó và có rất ít sự sâu sắc. Vì sao định luật hấp dẫn vẫn chưa được tìm ra dù táo – nho – xoài – sầu riêng – măng cụt… đã rơi hàng ngàn năm trước Newton? Hàng triệu triệu người thấy chúng rơi nhưng vì thiếu một lượng kiến thức nào đó mà nó rơi cứ rơi họ nhìn cứ nhìn. Nếu Newton chỉ ngồi trong phòng ôm mớ kiến thức mà không ra bên ngoài thì có là thần ông mới tìm ra định luật ấy.

Học và hành cần phải đi đôi. Tình yêu không phải thế sao? Hãy nhìn những người yêu đơn phương, nhìn những người tuổi tác nhiều mà chưa thật sự qua cuộc tình nào. Đa số suy nghĩ của họ về tình yêu đều bị méo mó, hoặc nó rực rỡ vô cùng hoặc nó tàn tạ đến không chịu nỗi.

Đọc cho ta những kinh nghiệm sơ khởi, cho ta biết đâu là trọng tâm của cuộc nhân sinh. Trải nghiệm giúp chứng thực những gì ta nghĩ và giúp ta hiểu sâu hơn. Nhưng tâm trí thì luôn đi trước thân xác và có tính chủ động, nên học hỏi kiến thức qua việc đọc cần sự ưu tiên. Ví dụ như để đi đến mặt trăng, bằng suy nghĩ ta có thể tính toán ra chính xác thời gian đi bao lâu, bằng trí tưởng tượng chúng ta sẽ hình dung ra cảm xúc mình sẽ ra sao trên con đường đi đến đó.

Những điều trí óc đang làm diễn ra tích tắc so với thời gian phải đi từ trái đất lên mặt trăng để cảm nhận thực tế. Thành ra với những người đã đạt đỉnh cao của trí tuệ thì hầu hết thời gian của họ là suy tư, là đọc những kinh nghiệm của nhân loại. Vì những điều họ nghĩ vượt qua giới hạn của sự chứng minh thực tế. Vì vậy khi nghe một điều gì đó khác xa với những gì ta biết, ta nghĩ thì đừng vội mà chê cười, nên tìm hiểu điều đó do ai nói, nếu là một kẻ điên thì cho qua, còn của một vị tên tuổi tầm cỡ thế giới thì cần phải xem lại một cách cẩn thận.

Về nền giáo dục? Cái này thì tôi xin cho qua vì những gì tôi học được từ nó trong quá khứ chỉ là một mớ kiến thức vô cảm dành cho thân xác, còn về tinh thần, về cuộc sống thì ít ỏi vô cùng.

Bài khá dài nên xin cảm ơn những ai đã cố gắng dành thời gian để đọc hết.

Mắt Đời

22:50 15/10/2014

4 nhân tố làm nên thành công

Featured image: Dream on

 

Thú thật với các bạn, tôi khá phân vân khi lựa chọn đề tài này để viết. Thành công, cũng như tình yêu – tình bạn là một đề tài muôn thuở, mà có rất nhiều cây bút đã thử sức, và cũng không kém chừng ấy là đúc kết từ những doanh nhân thành đạt trên thế giới. Vì vậy, chính bản thân tôi cũng nghi ngại khi viết về vấn đề này, nhưng bỏ qua tất cả, với sự động viên của mọi người, tôi quyết định vẫn viết. Tất cả dựa trên quan điểm cá nhân tôi là chủ yếu, vì vậy có thể không hợp ý một số người.

Thành công, với những gì tôi đã được biết, cần những yếu tố sau:

1. Bản thân bạn

Người Việt Nam chúng ta có câu: “Khi có sức khỏe, ta có cả ngàn ước mơ. Khi không có sức khỏe, ước mơ duy nhất là có được sức khỏe.” Bản thân tôi cảm thấy câu này vô cùng đúng. Khi không có sức khỏe thì bạn không thể làm được điều gì. Một bộ óc sáng tạo chẳng bao giờ có thể tồn tại trong một cơ thể ốm yếu. Và bạn đang cảm thấy ổn không có nghĩa rằng sức khỏe của bạn là bất bại.

Bên cạnh đó, tôi học được lời khuyên của một doanh nhân nổi tiếng rằng: “Đam mê không tạo nên thành công, cái bạn cần là nỗi ám ảnh thật sự.” Thành công trong cuộc sống không chỉ nằm ở vấn đề đam mê hay không, nó phải được phát triển thành sự ám ảnh. Nếu bạn muốn thành công hơn người bình thường thì bạn chỉ cần đam mê thôi, nhưng nếu bạn muốn đứng trên đỉnh cao của sự thành đạt hay trở thành một vĩ nhân thì đó phải thực sự là “sự ám ảnh”.

Nhưng điều quan trọng là làm sao để bạn có được “sự ám ảnh” đó? Đó là khi đam mê song hành cùng với ý chí vô cùng mạnh mẽ. Khi hai điều đó gặp nhau, bạn sẽ hiểu đâu là “sự ám ảnh” cho cả cuộc đời mình.

Và “sự ám ảnh” phải được bộc lộ thông qua thái độ sống của bạn. Có một câu nói của Roman Price mà tôi vô cùng tâm đắc rằng:

“Nếu bạn đang tìm kiếm một ai đó để thay đổi cuộc đời bạn, hãy nhìn vào gương.”

Thay thái độ, đổi cuộc đời từ xưa đến nay chưa bao giờ là một triết lý cũ mòn.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi nói với bạn những điều này. Cố CEO của Apple – Steve Jobs, luôn bị ám ảnh với cái đẹp và sự hoàn hảo. Và kết quả là ông đã cho ra đời những tuyệt phẩm làm thay đổi làng công nghệ thế giới như Ipod, Iphone, Ipad…

2. Tiền

Trong thời buổi hiện nay đồng tiền đã trở thành chiếc gương soi của nền văn hóa. Những gì chúng ta nhìn thấu qua nó nói lên chúng ta thật sự là ai. Thực sự mà nói, thì tiền chính là một trong những nhân tố chính để đánh giá mức độ thành công của một ai đó. Thành công xét đến cùng chính là giá trị mà bạn đem đến cho chính bạn, gia đình và xã hội. Và những điều này không chỉ nằm ở giá trị tinh thần mà còn ở giá trị vật chất. Tỷ phú Bill Gates đang đứng ở đỉnh cao của sự thành công, và giá trị vật chất mà ông đem lại cho nhân loại là không thể phủ nhận. Chính ông cũng đã có câu phát biểu rất hay về tiền rằng: “Khi bạn có tiền trong tay, chi có bạn quên mất mình là ai. Nhưng khi bạn không có đồng nào, cả thế giới sẽ quên đi bạn là ai.” Điều đó nói lên phần nào tầm quan trọng của tiền.

Đối với một start-up, khởi nghiệp cũng như leo núi và tiền như là oxy. Oxy có hạn và núi thì rất cao. Người leo núi giỏi phải tính được sẽ cần bao nhiêu oxy, bao nhiêu lương thực để đem theo khi leo núi, nếu không tính toán đúng thì sẽ không thể leo tới đỉnh được. Bởi vậy, tiền chính là đòn bẩy để đam mê chạm đến thành công.

3. Những người ủng hộ

Bạn không thể thành công một mình, đó là điều chắc chắn. Một trong những điều các doanh nhân hay những người vươn tới đỉnh cao quyền lực sợ nhất không phải là sự khó khăn mà chính là sự cô độc.

Bạn nhìn vào sự thành đạt của những vĩ nhân trên thế giới như Steve Jobs, Bill Gates…. và tự nhủ họ đã thành công một mình đấy thôi. Nhưng sự thực không phải vậy.

Steve Jobs thành lập Apple Computer cùng với  Steve Wozniak, đặt nền móng đầu tiên cho người khổng lồ trong ngành công nghệ thế giới sau này. Và đằng sau những tuyệt phẩm của Apple còn có hình bóng của người thiết kế Jony Ive, hay Tim Cook – vị CEO hiện tại của Apple được coi là cánh tay phải của Steve Jobs. Để thành công, bạn không cần phải là những người khổng lồ, mà hãy đứng trên vai những người khổng lồ.

Và chắc hẳn trong số các bạn không ai là không biết hãng café nổi tiếng thế giới Starbucks. Thành công của hãng đến ngày hôm nay không thể không kể đến sự chèo lái của vị CEO tài ba Howard Schultz. Nhưng ít ai biết được rằng khi Starbucks còn là một tiệm café nhỏ, Howard đã phải đi kêu gọi sự ủng hộ của rất nhiều nhà đầu tư, và chính những sự ủng hộ đó đã góp phần làm nên một đế chế café như ngày hôm nay.

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện của một người bạn tôi. Cậu ấy là chủ của một trung tâm tiếng anh tên PEC tại Hà Nội, được định hướng trở thành tổ chức phi lợi nhuận. Với tất cả các khóa học, cậu ấy không thu tiền học phí mà chỉ thu phí duy trì 370.000 cho 16 buổi học. Nhưng một mình cậu ấy thì không thể thành công. Với sự giúp đỡ của các bạn và em học viên, người thì thiết kế, người làm kỹ thuật, người thì tư vấn (tất cả đều tình nguyện)…. tất cả đã góp phần giúp ước mơ giảng dạy miễn phí cho 500.000 học viên của cậu ấy trở thành hiện thực.

Vì vậy điều tôi muốn nói với các bạn là khi cần sự giúp đỡ, đừng e ngại yêu cầu điều đó, vì ngoài bạn ra, còn rất nhiều người sẵn sàng đứng chung con thuyền với bạn.

4. Nghịch cảnh

Chắc trong chúng ta không ai xa lạ gì với câu nói: “Thời thế tạo anh hùng. Anh hùng làm nên thời thế.” Chỉ trong khó khăn, nghịch cảnh chúng ta mới dám phá vỡ “sự an toàn” để hướng tới những điều khác biệt. Nghịch cảnh tạo ra sự thách thức khiến cho chúng ta quyết tâm hơn. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều vĩ nhân thành công đều có một tuổi thơ không êm đềm.

Và nếu không có các đối thủ như IBM, Microsoft làm “kẻ khổng lồ thống trị thế giới”, làm sao Apple có cơ hội trở thành “vị anh hùng cứu thoát cả thế giới”? Hay nếu không có Apple, Samsung làm sao sáng tạo ra được những tuyệt phẩm như Galaxy S?

Con đường thành công không phải ai cũng giống ai. Cuộc đời không trải thảm đỏ để bạn bước đến đỉnh vinh quang. Thành công phụ thuộc cả nhân tố chủ quan và khách quan. Có thể bạn không có đầy đủ tất cả những yếu tố trên, nhưng không sao cả, lịch sử đã cho thấy rằng, chỉ một phần trong đó cũng dường như là đủ…

 

Lê Hoài Thương

10 quyển sách phải đọc trước tuổi 30

Featured image: Thegoodvybe

 

Trong công việc và cuộc sống, tôi thường được nghe câu hỏi: “Đâu là quyển sách gối đầu giường của bạn?” Tôi mỉm cười và trả lời, tôi gối khá nhiều quyển vì ngày xưa không có tiền mua gối nên phải dùng sách để gối. Đây là câu trả lời vui nhưng nó là sự thật, bởi ngày trước tôi thường ngủ chung với sách và dùng nó gối đầu. Nhưng thời nay tôi thấy đa số các bạn trẻ không mấy ai còn mặn mà “ngủ” với sách nữa, thay vào đó là những chiếc Smartphone hay các thiết bị công nghệ.

Tôi nhớ, có lần Anh Nguyễn Cảnh Bình – CEO của Alpha Book đã từng bộc bạch: “Tôi luôn “dành được” cảm giác THƯƠNG HẠI và MUỐI MẶT khi phát biểu với những đồng nghiệp quốc tế rằng, ‘Những cuốn sách Best Seller ở đất nước chúng tôi có doanh số khoảng mười ngàn bản.’ Còn ở nước họ, Hàn, Nhật, Pháp… Thì con số từ một đến ba triệu bản là chuyện bình thường, trong khi dân số của ta chẳng thua kém nước bạn, thậm chí là còn áp đảo.”

Điều đó đã nói lên lý do tại sao nhiều nhà xuất bản và các đơn vị phát hành sách của chúng ta đang “sống” trong tình trạng thoi thóp, và cũng phần nào lý giải cho nguyên nhân vì sao đất nước ta đang là một xã hội dân trí thấp. Tất nhiên, một xã hội dân trí thấp vẫn sinh ra ai đó trở thành thủ tướng hoặc triệu phú, nhưng nhìn chung, khi phải đối chọi với thế giới, xã hội ấy sẽ có sức cạnh tranh kém. Nó sẽ rất khó vươn lên thành một xã hội tri thức, nơi con người đạt tới trình độ tổ chức và công nghệ cao, mà chủ yếu nó vẫn sống dựa vào đất đai, tài nguyên và nhân công giá rẻ. Xét về mặt nhân văn, một xã hội ít đọc sách cũng là một xã hội thô lậu, kém tinh tế, rất khó sinh ra các nhà tư tưởng, nhà văn hoặc nghệ sĩ lớn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những tên “mọt sách” chẳng qua chỉ giỏi hoa miệng, múa bút chứ đâu có làm được tích sự  gì. Trong một thế giới có tốc độ thay đổi được tính bằng giây thì những kiến thức cũ kỹ trong sách còn ai thèm dùng nữa. Tất nhiên bạn có quyền giữ quan điểm của riêng mình. Nhưng có một thực tế mà chắc chắn chúng ta không thể phủ nhận là hầu như những người thành đạt đều đọc rất nhiều sách. Và họ cũng rất coi trọng việc chọn trường và chọn sách cho con em họ.

Có thể bạn sẽ hơi ngạc nhiên khi biết mình đang đọc bài giới thiệu sách của một cậu bé có trình độ lớp 9. Đã mười năm nay tôi chưa một lần được ngồi trên ghế của một ngôi trường chính thống. Thường ngày, tôi vẫn luôn tự nhận mình là kẻ thất học. Nhưng kỳ thực, tôi vẫn luôn đều đặn “đi học” ở hai ngôi trường khác, đó là “trường đời” và những quyển sách. Đối với tôi, sách không chỉ là tệp giấy có in chữ, nó còn là người bạn, người thầy, người dẫn đường thông thái.

Tuy không được đến trường, nhưng tôi lại có may mắn khi đem lòng “yêu sách” ngay từ thuở thiếu thời. Cũng như các bạn, tôi có chút bối rối và khó khăn trong những ngày đầu bước chân vào “làng đọc”. Vừa mù mờ về kỹ năng đọc, vừa chẳng biết đọc gì cho hữu ích và mang lại nhiều giá trị nhất.

Là người ít học – cũng là người trẻ, tôi tự thấy chẳng có tư cách gì để lên lớp hay chỉ giáo cho bạn một điều gì cả. Tuy vậy, qua mười năm miệt mài trong “ngôi trường” rộng lớn ấy. Tôi chắt lọc lại và xin giới thiệu đến bạn những đầu sách dưới đây. Theo cảm nhận của cá nhân tôi đây là những quyển sách rất hay và nhiều giá trị mà những người trẻ chúng ta cần phải đọc. Tôi tin rằng, khi đọc nó bạn sẽ nhận thấy SÁCH là một “ngôi trường” tiện lợi nhất, thân thiện nhất, phí thấp nhất nhưng cung cấp cho ta một lượng kiến thức rất phong phú và bổ ích.

Chúc bạn sẽ có những giờ phút thư  thái và tìm thấy nhiều điều thú vị, hữu ích trong các tác phẩm dưới đây.

1. Thế giới phẳng – Thomas L. Friedman

Thể loại: Kinh tế – chính trị

Bằng những câu chuyện hứng thú và sinh động, Friedman đã mô tả quá trình giác ngộ của bản thân khi ông chạm trán với thế giới phẳng. Nhưng có lẽ điều làm nên giá trị đích thực của cuốn sách với khả năng diễn đạt kiểu “người thật việc thật”, tác giả đã kiến giải sự vận động chính trị – kinh tế thế giới một cách dễ hiểu và rất thuyết phục.

2. Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Hàm Châu

Thể loại: Bút ký – chân dung

Với bút pháp đầy cảm xúc khi kể về con người, lại chính xác, khoa học khi kể về những công trình, thành tựu. Hàm châu đã miêu tả vô cùng rõ nét và chân thực về con đường của cha ông, trí tuệ của cha anh. Tác phẩm là bức hoạ hoành tráng phản ánh về giai thoại lịch sử Việt Nam đương đại.

3. Những giấc mơ từ cha tôi – Barack Obama

Thể loại: Hồi ký

Những Giấc Mơ Từ Cha Tôi là một cuộc nghiên cứu nhạy cảm và tinh tế về chuyến hành trình của Barack Obama vào thế giới tuổi trưởng thành, cuộc tìm kiếm của ông về cộng đồng và vai trò của mình trong đó, một cuộc tìm kiếm sự cảm thông đối với cội nguồn, và sự khám phá của tác giả về chất thi vị của cuộc sống con người. Mẫn cảm và uyên thâm, đây là cuốn sách mà tất cả những người trẻ chúng ta nên đọc, để hiểu chân dung của một trong những vị chính khách có tầm vóc và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, không chỉ là ảnh hưởng về quyền lực mà còn cả về tư tưởng.

4. Rừng Na Uy – Murakami Haruki

Thể loại: Tiểu thuyết

Có thể nói Rừng Na Uy là một trong những tác phẩm hay nhất mà tôi từng đọc. Một quyển sách dành riêng cho thế hệ trẻ, xoay quanh các nhân vật ở độ tuổi sinh viên. Câu chuyện kể về những cuộc chơi bời vô độ, những khoảng trống vắng trong tâm hồn của những con người trẻ không thỏa hiệp được với cuộc sống, và sự dằn vặt trong sâu thẳm con người họ để tìm cho mình lối thoát. Họ tự “tầm thường hoá” bản thân bằng sự che giấu những khuyết điểm của mình, không mở lòng với nó, sống với nó, cũng như  sống với chính con người thật của họ. Đây là quyển sách cần phải đọc với bạn trẻ ở tuổi sinh viên, để tìm ra “bánh lái” cho chính cuộc đời mình và để cảm nhận tâm trạng của giới trẻ Nhật Bản khi nước này đang ở một giai đoạn phát triển khá giống với Việt Nam hiện nay.

5. Tôi là ai – Và nếu vậy thì bao nhiêu – Richard David Precht

Thể loại: Triết học, xã hội học

Richard David Precht đưa độc giả đi qua hành trình mấy nghìn năm triết học để loại bỏ những tư tưởng sai lầm và chắt lọc những tư tưởng vẫn còn được coi là đúng đắn hoặc vẫn được tiếp tục thảo luận. Đây là cuốn cẩm nang quan trọng để những người trẻ chúng ta hình dung ra quy mô các vấn đề trong xã hội hiện đại, để trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Ta đang sống ở thời đại nào? Ta nên làm gì?

6. Trăm năm cô đơn – Gabriel Gacía Marques

Thể loại: Tiểu thuyết

Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất đã mang lại giải Nobel cho Gabriel Cacía Marques. Nó là sự kết hợp của thần thoại của thổ dân da đỏ với trí tuệ của văn minh hiện đại, sự pha trộn giữa các yếu tố hiện thực và hoang đường đã tạo ra một hệ thẩm mỹ đặc biệt mà các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, một sản phẩm đặc thù của Mỹ Latinh hiện đại, đã đưa tâm hồn xứ  sở này ảnh hưởng khắp thế giới.

7. Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh

Thể loại: Tiểu thuyết

Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam, gây tiếng vang lớn trên phạm vi quốc tế, được nhanh chóng dịch ra tiếng Anh và đã bán được trên 100.000 bản ở Mỹ, con số sách bán kỷ lục của một tác giả Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm kể về một thế hệ thanh niên trong một cuộc chiến tàn khốc, hủy diệt, những con người để tuổi trẻ trôi đi trong bom đạn và những cơn mưa rừng, trong cô đơn và lãng quên, và trên hết là nỗi buồn. Ta không thấy trong Nỗi buồn chiến tranh tâm trạng “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như ở các bài ca chống Mỹ, mà là một tâm trạng đau xót, mất mát, tiếc nuối của tuổi trẻ. Một tâm trạng chán ghét chiến tranh và khao khát hòa bình.

8. Dân chủ và giáo dục

Thể loại: Triết học, giáo dục.

Cuốn sách này là kết quả của một nỗ lực nhằm phát hiện và trình bày những quan niệm gắn liền với một xã hội dân chủ, và vận dụng các quan niệm đó vào những vấn đề của hoạt động giáo dục. Cuốn sách chỉ rõ những mục tiêu và phương pháp kiến tạo của nền giáo dục công lập xét từ quan điểm nói trên, và đưa ra đánh giá có tính phê phán các lý luận về nhận thức và sự phát triển đạo đức. Đồng thời nó cũng giúp ta trả lời cho ba câu hỏi. Bản chất của con người là gì? Chúng ta muốn trở thành con người như thế nào? Và làm thế nào để có được con người như ta muốn?

9. Quốc gia khởi nghiệp – Dan Senor & Saul Singer

Thể loại: Kinh tế, chính trị, kể chuyện

Pha trộn giữa một chút khám phá, một chút tranh cãi và những câu chuyện kỳ thú. Cuốn sách đã làm toát lên phẩm chất vượt trội của con người và đất nước Israel, một quốc gia nhỏ bé, một nền kinh tế thần kỳ. Thể hiện khát vọng to lớn về một dân tộc vĩ đại và tư duy toàn biên – toàn diện – toàn cầu. Đó cũng là lời nhắc nhở dành cho thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta phải soi mình và tự vấn chính mình.

10. Trò chuyện triết học – Bùi Văn Nam Sơn

Thể loại: Tập hợp các bài viết về triết học.

Quyển sách không chỉ là “bữa tiệc triết học” hoành tráng để thưởng lãm, mà quan trọng hơn nó có tác dụng như  một thứ hoạt chất kích thích tư  duy nói chung, trong bối cảnh đình trệ tư  duy và tinh thần bế tắc của xã hội. Đọc “trò chuyện triết học” ta có cảm tưởng như đang bước lên những bậc thang ngày càng cao của “tháp ngà triết học”, nhưng không phải để tách rời khỏi xã hội, mà để nhìn qua các cửa sổ thấy được thế giới nhiều hơn, xa hơn, và để trở lại hiểu xã hội nhiều hơn.

Cuối cùng, đối với những bạn trẻ mới bắt đầu bước vào “làng đọc”, theo tôi trước hết nên đọc quyển “phương pháp đọc sách hiệu quả“, một cuốn sách hướng dẫn về kỹ năng đọc rất hay và nổi tiếng. Sự chuẩn bị ấy có ý nghĩa như việc chúng ta “mài rìu” trước khi vào rừng đốn củi vậy. Nó không những giúp ta đốn nhanh mà còn thu về rất nhiều “chiến lợi phẩm”.

 

Nguyễn Văn Thương

Thị trường và đạo đức (kỳ 12)

 

 

Tom G. Palmer – Adam Smith và huyền thoại về lòng tham

Trong tiểu luận này, tác giả kết liễu huyền thoại về một ông Adam Smith ngây thơ, một người tin rằng chỉ cần dựa vào “tính tư lợi” là có thể tạo ra được sự thịnh vượng. Những người nói như thế về Smith dường như chỉ mới đọc một vài trích đoạn từ các công trình của ông và không biết rằng ông đặc biệt chú ý nhấn mạnh vai trò của định chế và hậu quả tai hại của hành động tự tư tự lợi, được thực hiện thông qua những định chế cưỡng bức của nhà nước. Chế độ pháp quyền, quyền sở hữu, hợp đồng và trao đổi biến tính tư lợi thành lợi ích của cả hai bên, trong khi tình trạng vô luật pháp và không tôn trọng quyền tư hữu làm cho tính tư lợi trở thành hoàn toàn khác và rất có hại.

——————————————————————————————————————————–

Người ta thường nghe nói Adam Smith tin là dân chúng chỉ hành động vì tính ích kỷ của mình và mọi người sẽ thoải mái trong một thế giới mà “lòng tham làm cho thế giới chuyển động”. Dĩ nhiên là Smith không tin rằng chỉ dựa vào những động cơ ích kỷ ta có thể làm cho thế giới trở thành tốt đẹp hơn, ông cũng không khuyến khích hay cỗ vũ cho những hành động ích kỷ. Cuộc thảo luận sâu rộng vai trò của “người quan sát vô tư” trong tác phẩm Lý thuyết về cảm nhận đạo đức (The Theory of Moral Sentiments) phải đặt dấu chấm hết cho sự hiểu lầm như thế. Smith không phải là người biện hộ cho tính ích kỷ, mà ông cũng không ngây thơ đến mức tin rằng hết lòng vì hạnh phúc của người khác (hoặc bày tỏ thái độ như thế) có thể làm cho thế giới trở thành tốt đẹp hơn.

Như Steven Holmes đã nhận xét trong tiểu luận Bí ẩn của lịch sử về thói tư lợi (The Secret History of Self-Interest)[1] rằng Smith biết rất rõ hậu quả tai hại của những tình cảm “bất vụ lợi” như đố kỷ, ác ý, thù hằn, cuồng tín và những tình cảm tương tự như thế. Những kẻ cuồng tín bất vụ lợi của Tòa án dị giáo Tây Ban Nha làm những việc mà họ làm vì hy vọng rằng trong giây phút đau đớn tột cùng, những kẻ dị giáo có thể sẽ sám hối và được Chúa tha thứ. Người ta gọi đấy là cứu rỗi.

Trong huấn thị dành cho những quan tòa của toà án dị giáo, Humbert de Romans nhấn mạnh rằng họ được cộng đoàn cho phép áp dụng những hình phạt đối với những kẻ dị giáo vì: “Chúng tôi cầu xin Chúa và cầu xin các vị rằng các vị phải cùng với tôi cầu xin ngài rằng nhờ lòng từ bi của ngài mà ngài sẽ làm cho những kẻ bị trừng phạt nhẫn nại chịu đựng hình phạt mà chúng ta định thực hiện đối với họ (theo yêu cầu của công lý, nhưng đau đớn), những hình phạt có thể làm cho họ được cứu rỗi. Vì vậy mà chúng ta áp dụng những hình phạt như thế.”[2] Theo quan điểm của Smith thì người hết lòng vì hạnh phúc của người khác cũng chẳng phải là người đức hạnh hơn những thương nhân bị nghi ngờ là ích kỷ đang tìm cách làm giàu bằng cách bán bia và bán cá muối cho những người đang đói khát.

Nói chung, Smith không phải là người biện hộ cho những hành vi ích kỷ vì những động cơ như thế có dẫn tới – “như bởi một bàn tay vô hình” – sự gia tăng quyền lợi chung còn phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh của hành động, nhất là môi trường định chế. Đôi khi ước muốn hoàn toàn mang tính vị kỷ là được người khác yêu – buộc chúng ta phải nghĩ về hình ảnh của mình trong mắt những người khác – có thể làm ta chấp nhận một quan niệm đạo đức nào đó. Trong khung cảnh quan hệ cá nhân hạn hẹp, được mô tả trong Lý thuyết về cảm nhận đạo đức, động cơ như thế có thể góp phần tạo ra lợi ích chung vì “ước muốn trở thành những người được người khác yêu mến, trở thành người đáng yêu và đáng hâm mộ như những người mà chúng ta yêu quý và hâm mộ nhất” đòi hỏi chúng ta phải “trở thành người quan sát không thiên vị tính cách và đạo đức của mình”[3].

Ngay cả khi tính tư lợi rõ ràng là quá mức nhưng trong môi trường định chế đúng đắn thì vẫn có thể có lợi cho những người khác. Đấy là câu chuyện Smith kể về con một người đàn ông nghèo, tham vọng của anh ta đã buộc anh ta làm việc không biết mệt để rồi sau khi có một gia tài thì lại cảm thấy mình không hạnh phúc hơn một gã ăn mày đang nằm phơi nắng bên vệ đường. Việc theo đuổi tư lợi quá đáng của con trai người đàn ông nghèo kia đã mang lại lợi ích cho nhân quần vì anh ta đã sản xuất và tích cóp được tài sản làm cho nhiều người khác có thể sống được vì “nhờ lao động của con người mà đất đai màu mỡ hơn và có thể nuôi sống được nhiều người hơn”[4].

Còn trong bối cảnh kinh tế chính trị học rộng lớn hơn, được mô tả trong tác phẩm Tài sản của các quốc gia (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), nhất là những bối cảnh liên quan đến các định chế của nhà nước thì việc theo đuổi tư lợi có vẻ như không tạo ra những kết quả tích cực như thế. Thí dụ như vì theo đuổi quyền lợi riêng tư mà thương nhân vận động nhà nước thành lập các tập đoàn độc quyền, thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, thậm chí là gây chiến nữa: “Hy vọng rằng một lúc nào đó tự do thương mại sẽ được tái lập hoàn toàn ở Anh quốc là hy vọng hão huyền, chẳng khác gì hy vọng một ngày nào đó Xã hội không tưởng được thiết lập tại đây. Không chỉ các định kiến của xã hội mà quyền lợi riêng tư không thể nào chế ngự được của rất nhiều người cũng sẽ chống lại nó.”[5] Lợi ích vặt vãnh mà những người buôn bán thu được nhờ các doanh nghiệp độc quyền tạo ra gánh nặng khủng khiếp cho xã hội dưới hình thức các nhà nước đế quốc và chiến tranh:

Trong hệ thống luật pháp được thiết lập để quản lý các thuộc địa của chúng ta ở Mĩ và Tây Ấn, quyền lợi của người tiêu dùng chính quốc đã bị hy sinh cho lợi ích của những nhà sản xuất nhiều hơn là những quy định về thương mại khác của chúng ta. Một đế chế lớn hơn đã được thiết lập chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tạo ra đất nước của những người tiêu dùng, những người buộc phải mua từ cửa hàng của những nhà sản xuất khác nhau tất cả các món hàng mà họ có thể cung cấp. Chỉ vì muốn giữ giá cao, tức là giá mà sự độc quyền có thể bảo đảm cho các nhà sản xuất của chúng ta, mà người tiêu cùng ở chính quốc phải gánh trên vai mình toàn bộ chi phí cho sự giữ gìn và bảo vệ đế chế đó.

Để thực hiện mục tiêu đó, và chỉ vì mục tiêu đó mà thôi, mà trong hai cuộc chiến tranh gần đây người ta chi tới hai trăm triệu đồng và ngoài tất cả những khoản chi cho cùng mục tiêu đó trong những cuộc chiến trước, đất nước còn mắc thêm một khoản nợ mới là hơn một trăm bảy mươi triệu đồng nữa. Tiền lãi của khoản nợ này không chỉ lớn hơn toàn bộ lợi nhuận do độc quyền buôn bán với thuộc địa mang lại mà còn lớn hơn toàn bộ giá trị của ngành thương mại này hay lớn hơn giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm tới các thuộc địa đó[6].

Như vậy là, quan điểm của Smith, nếu thể hiện bằng ngôn từ của Gordon Gecko, một nhân vật trong bộ phim Wall Street của Oliver Stone “lòng tham là tốt” thì câu trả lời dứt “cũng có lúc tốt, cũng có lúc xấu” (với giả định rằng tất cả những hành vi tư lợi đều bị coi là “tham” hết). Khác nhau như thế là ở môi trường pháp lý.

Còn về quan điểm của nhiều người cho rằng thị trường cổ vũ cho những hành động ích kỷ, rằng tâm lý sinh ra trong quá trình trao đổi khuyến khích tính ích kỷ? Tôi chẳng thấy có lý do gì để nghĩ rằng thị trường khuyến khích thói ích kỷ hay lòng tham hết, theo nghĩa là tương tác trên thương trường làm cho người ta tham hơn hoặc làm người ta ích kỷ hơn, so với những xã hội do nhà nước bao cấp, tức là nhà nước đè nén hoặc ngăn chặn hay cản trở hoặc có những hành động quấy nhiễu thị trường. Trên thực tế, thị trường làm cho những hành động vị tha nhất cũng như ích kỷ nhất có cơ hội bộc lộ, nhằm thúc đẩy những mục tiêu của chúng một cách hòa bình.

Những người dành trọn đời mình cho việc giúp đỡ những người khác sử dụng thị trường để thúc đẩy những mục tiêu của họ cũng chẳng khác gì những người mà mục tiêu là gia tăng khối tài sản của họ. Một số người tìm cách tích tụ tài sản còn nhằm mục đích là làm cho họ có nhiều khả năng giúp đỡ người khác hơn. George Soros và Bill Gates là những thí dụ như thế, họ kiếm được hàng núi tiền, một phần là để gia tăng khả năng giúp đỡ tha nhân thông qua những hoạt động nhân đạo của họ. Kiếm được tài sản trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận làm cho họ trở thành những người hào phóng hơn.

Những người nhân đức hay các vị thánh thường thích sử dụng tài sản có sẵn để nuôi ăn, cung cấp quần áo mặc và ai ủi cho càng nhiều người càng tốt. Thị trường tạo điều kiện cho người ta tìm được những tấm chăn, thức ăn, thuốc chữa bệnh với giá thấp nhất để có thể chăm sóc cho những người cần giúp đỡ. Thị trường tạo điều kiện cho người ta tạo ra tài sản để có thể sử dụng vào việc giúp đỡ những người bất hạnh và tạo điều kiện cho những người từ tâm tăng đến mức tối đa khả năng giúp đỡ người khác của họ. Thị trường làm cho những người từ tâm có của mà bố thí.

Sai lầm của nhiều người là coi mục tiêu của người ta chỉ là “tư lợi”, rồi sau đó lại lẫn lộn tư lợi với “ích kỷ”. Mục tiêu của những người tham gia thị trường là mục tiêu của bản thân, nhưng như những con người sống có mục đích, chúng ta còn lo lắng đến quyền lợi và hạnh phúc của những người khác nữa – các thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm và thậm chí những người hoàn toàn xa lạ, những người chúng ta chẳng bao giờ gặp. Thực ra, thị trường tạo điều kiện cho người ta để ý tới nhu cầu của tha nhân, kể cả những người hoàn toàn xa lạ.

Philip Wicksteed đề nghị cách xử lý tế nhị hơn với động cơ trong mua bán trên thương trường. Thay vì sử dụng “tính ích kỷ” để mô tả động cơ trong việc tham gia vào thương trường (người ta có thể ra chợ để mua thức ăn cho người nghèo, thí dụ như thế) thì ông đặt ra thuật ngữ “không quan tâm tới quyền lợi của đối tác”[7]. Chúng ta có thể bán sản phẩm của mình lấy tiền để giúp bạn bè của chúng ta, thậm chí giúp những người hoàn toàn xa lạ, nhưng khi chúng ta mặc cả giá thấp nhất hoặc giá cao nhất thì chúng ta hiếm khi làm điều đó vì lo lắng cho hạnh phúc của đối tác mà chúng ta đang mặc cả. Nếu chúng ta làm như thế thì có nghĩa là chúng ta vừa trao đổi vừa tặng, điều đó sẽ làm rắc rối cho việc trao đổi. Người nào cố tình trả nhiều hơn số tiền cần phải trả thì khó mà trở thành doanh nhân thành đạt và như H.B. Acton nhận xét trong tác phẩm Đạo đức của thị trường (The Morals of the Markets[8]): kinh doanh lấy lỗ nói chung là cách trở thành người nhân từ ngốc nghếch, thậm chí là ngu xuẩn nữa.

Rất nên nhắc cho những người coi trọng việc làm quan hơn là sản xuất hoặc kinh doanh rằng quan chức có thể làm nhiều việc tai hại và chẳng mấy khi làm được những việc tốt. Voltaire, một người cầm bút trước Smith, đã nhìn thấy rõ sự khác biệt này. Trong tiểu luận Bàn về thương mại (On Trade) trong cuốn Những bức thư liên quan đến dân tộc Anh (Letters Concerning the English Nation), (do Voltaire viết bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ mà ông khá thành thạo, rồi sau đó được ông viết lại bằng tiếng Pháp với đầu đề là Những bức thư triết học – Lettres Philosophiques), ông nhận xét như sau:

“Ở Pháp danh hiệu hầu tước được tặng miễn phí và những người từ vùng quê xa xăm có tiền rủng rỉnh trong túi, họ của những người này kết thúc bằng chữ “ac” hay “ille”, đến Paris đều có thể tự tin và gào lên: “Ta là người cao quý làm sao!” Và hắn ta có thể nhìn một nhà buôn với vẻ khinh miệt; trong khi nhà buôn kia – vì thường nghe nói là người ta coi thường nghề của mình – phải đỏ mặt lên vì chuyện đó. Nhưng tôi không thể nói rằng một quý ông quyền cao chức trọng, một quan chức trong văn phòng thủ tướng hay một thương nhân, người đang làm cho đất nước mình giàu lên, người đang gửi hàng từ công ty của mình tới Surat và Cairo và góp phần làm cho thế giới hạnh phúc hơn, thì ai là người có ích hơn.”[9]

Các thương nhân và các nhà tư bản không cần phải đỏ mặt khi các chính khách và những người có học đương thời nhìn họ bằng nửa con mắt, và khệnh khạng ca ngợi cái này, chê bai cái kia, trong khi lúc nào cũng đòi các thương nhân, các nhà tư bản, công nhân, nhà đầu tư, thợ thủ công, nông dân, nhà phát minh và những người sản xuất hữu ích khác phải làm ra của cải để các chính trị gia tịch thu và những người có học ghen tị nhưng lại thèm khát tiêu thụ ngay lập tức.

Tương tự như chính trị, thương trường không phụ thuộc vào và cũng không giả định trước rằng dân chúng là những người ích kỷ. Buôn bán trên thương trường cũng không khuyến khích những hành vi và động cơ ích kỷ. Nhưng khác với chính trị, tự do trao đổi giữa những người tham gia có thiện ý tạo ra của cải và hòa bình, thiện ý và hòa bình cũng là điều kiện cho lòng hào phóng, tình bạn và tình yêu đơm hoa kết trái. Đấy là một vài điều cần lên tiếng, Adam Smith hiểu rõ như thế.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: The Morality of Capitalism


[1] “The Secret History of Self-Interest,” in Stephen Holmes, Passions and Constraints: On the Theory of Liberal Democracy (Chicago: University of Chicago Press, 1995).
[2] Quoted in Christine Caldwell Ames, Righteous Persecution: Inquisition, Dominicans, and Christianity in the Middle Ages (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2008, p. 44.
[3] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, ed. D.D. Raphael and A.L. Macfie, vol. I of the Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund, 1982. Chapter: a chap ii: Of the
love of Praise, and of that of Praise–worthiness; and of the dread of Blame, and of that of Blame–worthiness; Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/192/20125) on 2011-05-30.
[4] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, ed. D.D. Raphael and A.L. Macfie, vol. I of the Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund, 1982. Chapter: b chap. i b: Of the
beauty which the appearance of Utility bestows upon all the productions of art, and of the extensive in9 uence of this species of Beauty; Accessed from http:// oll.libertyfund.org/title/192/20137 on 2011-05-30.
[5] Adam Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Vol. 1 ed. R.H. Campbell and A.S. Skinner, vol. II of the Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund: 1981. Chapter: [IV.ii] CHAPTER II: Of Restraints upon the Importation from Foreign Countries of such Goods as can be Produced at Home. Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/220/217458/2313890 on 2010-08-23.
[6] Smith, An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Vol. 1 ed. R.H. Campbell and A.S. Skinner, vol. II of the Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith (Indianapolis: Liberty Fund: 1981. Chapter: [IV.viii] CHAPTER VIII: Conclusion of the Mercantile System. Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/200/217484/2316261 on 2010-08-23.
[7] “The specific characteristic of an economic relation is not its “egoism,” but its “non-tuism.” Philip H. Wicksteed, The Commonsense of Political Economy, including a Study of the Human Basis of Economic Law (London: Macmillan,
1910. Chapter: CHAPTER V: BUSINESS AND THE ECONOMIC NEXUS. Accessed from http://oll.libertyfund.org/title/141538938/104356 on 2010-08-23.
[8] H.B. Acton, The Morals of Markets and Related Essays, ed. by David Gordon and Jeremy Shearmur (Indianapolis: Liberty Fund, 1993.
[9] Voltaire, Letters Concerning the English Nation, ed. Nicholas Cronk (Oxford: Oxford University Press,1999, p. 43.

Joshua Wong sẽ là một nhân viên tuyệt vời

Featured image: Wiki Commons

 

Joshua Steimle, CEO của công ty marketing MWI [1] ở Hong Kong, cho rằng Joshua Wong – (Hoàng Chi Phong), chàng trai 17 tuổi nổi bật trong những cuộc biểu tình làm rung chuyển Hong Kong – có những phẩm chất để là một nhân viên tuyệt vời đối với bất cứ người chủ lao động nào.

Vị CEO này đã có một bài viết chỉ ra những phẩm chất đó của Joshua Wong. Điều mà chúng ta có thể thấy là, dường như những đặc điểm ấy là chung cho cả người hoạt động xã hội, lẫn người muốn theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, hoặc người chỉ có nhu cầu làm một nhân viên văn phòng bình thường: Sống có trách nhiệm, khiêm nhường, không háo danh, và quyết tâm theo đuổi ước mơ.

* * *

Tại sao Joshua Wong sẽ là một nhân viên tuyệt vời?

Ở tuổi 17, Joshua Wong [2] đã trở thành gương mặt nổi bật nhất trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ gần như không ai lãnh đạo và làm rung chuyển Hong Kong tuần qua. Tôi không biết cậu có ước vọng nghề nghiệp gì. Tôi không tin cậu ta có những gì mà nhiều người sẽ coi là kinh nghiệm phù hợp và có liên quan trực tiếp tới lĩnh vực của công ty tôi. Điểm thi tuyển đầu vào đại học của cậu cũng xoàng so với tiêu chuẩn của Hong Kong. Nhưng bất chấp tất cả những cái đó, tôi vẫn sẽ nhanh chóng thuê cậu thanh niên này, không phải vì cậu ta nổi tiếng, mà vì cậu thể hiện nhiều đặc điểm mà tôi – với tư cách chủ lao động – luôn kiểm tra gắt gao ở nhân viên.

Tôi thuê nhân viên căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm, và thái độ, trong đó cái thứ ba là quan trọng hơn cả trong hầu hết trường hợp. Tôi thấy, khi người ta thiếu khả năng và kinh nghiệm, cái đầu tiên còn có thể học được, cái thứ hai sẽ được tích lũy dần theo thời gian. Nhưng nếu thái độ không đúng, thì sẽ rất khó mà thay đổi. Dưới đây là đánh giá của tôi về Wong trên từng phương diện trong ba phương diện kể trên, nếu tôi thuê cậu ta.

Năng lực

Công ty tôi cung cấp dịch vụ marketing trên nền tảng số cho khách hàng. Thoạt nhìn thì có vẻ như Wong không có kỹ năng nào liên quan. Nhưng Scholarism – tổ chức mà Wong thành lập khi mới 15 tuổi – đã thu hút tới 277.000 người theo dõi trên Facebook, và đã sử dụng các kênh truyền thông xã hội để truyền tải thông điệp của họ. Wong hiểu sức mạnh của truyền thông xã hội và đã cho thấy rằng cậu biết cách dùng nó để tạo ra, không chỉ nhiều người theo dõi, mà còn những người thực sự tham gia. Wong cũng dùng chiêu thức marketing nội dung và PR để kích thích mọi người hành động. Cậu ta đã sản xuất ra những nội dung được lan truyền khắp Internet và xuất hiện trong gần như tất cả các tờ báo lớn.

Joshua Wong có thể không thành thạo kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông xã hội, có thể chưa bao giờ nghe nói đến marketing nội dung. Cậu ta cũng chẳng phải là một chuyên gia PR. Nhưng các kỹ năng về kỹ thuật dễ dạy hơn nhiều so với việc hiểu và thấy được có thể sử dụng các công cụ đó như thế nào để truyền bá ý tưởng. Tôi tin tưởng rằng tôi có thể trao cho Wong vai trò điều hành các chiến dịch marketing trên mạng xã hội, marketing nội dung, hoặc PR, và cậu ta có thể làm khá tốt bất kỳ việc nào trong số đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Kinh nghiệm

Joshua Wong có thể có chút kỹ năng về kỹ thuật mà công ty của tôi đang tìm kiếm, nhưng với tôi, điều thú vị hơn cả là kinh nghiệm lãnh đạo của cậu. Khi cậu mới 15 tuổi, tổ chức Scholarism của cậu ta đã thành công trong việc đấu tranh với chính quyền Hong Kong và Trung Quốc, phản đối chương trình giáo dục nhằm mục đích nâng cao tình cảm yêu nước đối với Trung Hoa. Hàng chục nghìn người đã tuần hành phản đối, và kế hoạch của Bắc Kinh đã thất bại. Với thành công mới đây nhất của Wong, dễ thấy Wong có một quá trình tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo – sẽ là một tài sản quý báu cho bất kỳ tổ chức nào.

Thêm vào đó, tổ chức một phong trào cũng rất giống làm một doanh nhân, và tôi thích thuê doanh nhân. Vâng, điều đó có thể là một sự mạo hiểm, bởi vì người làm doanh nhân có những ý tưởng, mục tiêu và tham vọng riêng, và chưa chắc những cái đó tương thích với người chủ lao động, nhưng khi hai bên ăn khớp với nhau thì sự mạo hiểm có thể được đền bù bằng thành công rất lớn.

Thái độ

Joshua Wong đã bày tỏ ngạc nhiên về thành công của mình. Điều ấy cho thấy tính khiêm nhường của cậu ta. Joshua đã nói cậu không phải là người làm chính trị và những phong trào này không phải là chuyện làm cậu thật sự thích thú. Joshua đã xuất hiện như một người vào cuộc gần như bất đắc dĩ, bị lôi cuốn phải hành động vì một thứ tình cảm giống như trách nhiệm hơn là tham vọng. Từ đây, tôi thấy cậu ta không phải người tham lam hay háo danh – những nhược điểm lớn cần phải tránh trong sinh hoạt đồng đội.

Bằng việc đứng lên trước một nhà cầm quyền có tiền sử giết hại sinh viên biểu tình, Wong cho thấy sự can đảm và lòng quyết tâm hy sinh vì một lợi ích cao cả hơn. Wong từng nói cậu không muốn làm gương mặt đại diện của phong trào biểu tình, và không muốn những cuộc biểu tình chỉ xoay quanh cậu. Điều này cho tôi thấy cậu ta luôn tập trung vào các mục tiêu của tổ chức chứ không phải sự nghiệp riêng của cá nhân mình. Có một nghịch lý, rằng đó lại chính là cách tốt nhất để tạo dựng sự nghiệp. Thế nhưng rất nhiều nhân viên chỉ tập trung vào cái ngắn hạn và vì thế họ đưa ra những quyết định sai lầm.

Tôi rất muốn thuê Joshua Wong và bất kỳ người trẻ tuổi nào giống như cậu. Tôi thà thuê một thanh niên 17 tuổi như Joshua trước khi tính chuyện thuê một người tốt nghiệp MBA ở Harvard với điểm số tốt nhất. Nhưng tôi nghĩ Joshua sẽ không muốn làm việc cho tôi. Tôi đồ rằng cậu sẽ muốn làm những việc lớn hơn là đi làm cho một công ty marketing.

Nếu Joshua muốn thay đổi thế giới, lời khuyên của tôi cho cậu ấy là nên bỏ học ở trường ngay lập tức và tự học. Joshua nên ghi danh tham gia chương trình Thiel Fellow [3] và chú trọng vào cái mà tác giả Dale Stephens [4] gọi là “hacking your education” (tự học). Với một thái độ như Joshua Wong đang có, cậu sẽ học hỏi nhiều hơn ở ngoài trường lớp hơn là ở trong đó. Và với kinh nghiệm của mình, Joshua cũng chẳng cần phải đem bằng cấp đại học ra chứng minh điều gì. Đi học đại học, tuy rất tốt, nhưng sẽ làm cậu ta mất tập trung khỏi những việc lớn.

Tôi có lời khuyên tương tự cho các bạn trẻ muốn làm việc lớn để thay đổi thế giới. Học là một điều tuyệt vời — đừng bao giờ ngừng học tập. Nhưng đừng để chương trình giáo dục ngăn cản bước đường học vấn của mình. Thay vì thế, hãy làm như Joshua Wong đã làm, và hãy mạo hiểm đi. Điều tệ nhất có thể xảy ra là… bạn sẽ có một cái gì đó rất tuyệt vời để bổ sung vào hồ sơ của mình. Đừng sợ ước mơ, và hãy hành động ngay đi. Thế giới đang phụ thuộc vào bạn.

 

Dịch: Chân Tuệ, Dân Luận

————–

Chú thích:

[1] MWI là một công ty marketing trực tuyến có văn phòng ở Mỹ và Hong Kong.

[2] Joshua Wong sinh ngày 13/10/1996, nên bước sang tuổi 18 từ ngày này.

[3] Thiel Fellowship là một chương trình học bổng tài trợ 100.000 USD trong hai năm cho những thanh niên dưới 20 tuổi, bỏ học để theo đuổi đam mê của mình trong các lĩnh vực: khoa học, kinh doanh, hoạt động xã hội.

[4] Dale J. Stephens là người sáng lập ra Uncollege.org, một phong trào xã hội nhằm làm thay đổi quan niệm “chỉ có vào đại học mới thành đạt”. Dale là một trong 24 người đầu tiên nhận học bổng Thiel Fellowship và là tác giả của cuốn sách Hacking Your Education [tự học] (2013).

Nếu một ngày nào đó bạn thất nghiệp

Featured image: Plaza Cleaners in Portland, Oregon

Những biến cố cuộc đời

Cuộc đời chúng ta nhất định sẽ có lúc xảy ra những biến cố lớn hoặc nhỏ. Đó là điều không ai mong muốn, trông đợi hay thậm chí chỉ là nghĩ tới cả. Nhắc đến biến cố, trong ta chắc hẳn toàn dâng lên cảm giác sợ hãi, lo lắng và bất an khủng khiếp. Thay vì ngồi cầu nguyện biến cố đừng xảy ra, chúng ta hãy thử ngồi lại và nhìn thẳng vào chúng, như một bước chuẩn bị sẵn sàng để nếu chúng có xảy ra thật, ta sẽ không sợ hãi, ta sẽ không trốn tránh và than thở, mà sẽ đối mặt và đạp lên chúng để tiếp tục xây dựng một cuộc sống mới ngập tràn hi vọng.

Giống như câu chuyện, nếu tôi đưa bạn một tờ giấy bị nhỏ một giọt mực lên, và hỏi bạn thấy gì? Phần lớn mọi người sẽ trả lời, thấy giọt mực. Chỉ một số ít trả lời rằng họ thấy một giọt mực nhỏ trên tờ giấy trắng. Và càng ít hơn, người có thể thấy được bức tranh toàn cảnh: “Ồ, tôi thấy còn khá nhiều chỗ trống để sử dụng tờ giấy.” Đúng vậy, đó mới là câu trả lời chính xác và cần thiết đối với cuộc sống của chúng ta. Hãy tập trung vào những việc bạn có thể, thay vì không thể. Hãy để những biến cố cuộc đời trở thành những giọt mực nhỏ, trên một tờ giấy to, nó có thể không đẹp, nhưng chẳng ảnh hưởng gì mấy đến tác dụng của cả tờ giấy. Nếu như bạn cũng có thể đối xử với những biến cố cuộc đời như thế, bạn sẽ nhận ra, biến cố cũng không có gì quá đáng sợ.

Bài trước chúng ta đã nói về biến cố tai nạn, tàn tật, tiếp theo hôm nay sẽ là:

Nếu một ngày nào đó bạn Thất Nghiệp

Đã từng có một bài viết khá hay trên Triết Học Đường Phố về đề tài này, bài viết của bạn Ngựa Hoang với tựa đề “Thất nghiệp – nguy hiểm hay cơ hội”. Đối với tôi, dù không thất nghiệp nhưng đó quả thực là một bài viết hay, những lời khuyên hữu ích và những gợi ý tuyệt vời. Thế nên thật sự tôi đã rất bất ngờ khi chỉ thấy người ta comment chê bai và phản biện bạn tác giả quá nhiều. Với trăm ngàn lý do được đưa ra từ hợp lý cho tới vô lý, tất cả đều chỉ để biện minh rằng họ không thể làm được. Tất cả chỉ là lý do thôi, lý do biện minh cho sự yếu kém, nhút nhát và lười biếng của bản thân. Sao các bạn cứ chỉ nhìn thấy mặt tối trong bức tranh thất nghiệp như vậy? Sao các bạn không tận dụng những lợi thế của việc thất nghiệp: lợi thế về thời gian, thời gian để tận hưởng và để trau dồi khả năng của bản thân sẵn sàng cho những công việc sắp tới? Vì bạn biết đấy, mọi việc đều có hai mặt cả.

Thất nghiệp là một tình trạng không ai mong muốn, đó là điều ngoài sự kiểm soát của mọi người và ảnh hưởng trực tiếp lẫn sâu sắc đến cuộc sống của mỗi người chúng ta. Có thể coi thất nghiệp là một biến cố không may trong đời. Trong khi những người khác ủ ê, đau khổ, lo sợ và hoang mang. Bạn hãy bình tĩnh lại và thử suy xét thêm vài điều. Hãy xem như nó là cơ hội, cơ hội để bạn nghỉ ngơi giữa một chặng đường, nhìn lại bản thân, tận hưởng hiện tại và chuẩn bị tốt hơn cho những bước đi kế tiếp. Hãy tận dụng cơ hội thất nghiệp, bạn có thể làm được những việc sau.

Đi du lịch

Với tôi, đây là điều hấp dẫn nhất, đừng nghĩ du lịch chỉ đơn thuần là đi xả stress hay vui chơi, đừng nghĩ du lịch thì phải có thật nhiều tiền. Hãy thử kiểu du lịch trải nghiệm, làm quen bạn mới, xin ngủ home-stay, làm những công việc part-time tại địa phương bạn đến, đói có thể ăn bánh mì, mì gói… miễn sao là được trải nghiệm, được học hỏi và được đi, đâu đó xa nơi bạn từng mọc rễ. Rất có thể sau những chuyến đi này, bạn sẽ học được những điều hay ho, nhận ra những cơ hội kinh doanh thú vị hoặc làm quen được nhiều người có thể giúp đỡ bạn sau này. Điều này hơi khó đối với những người đã lập gia đình với gánh nặng cơm áo gạo tiền, không sao, vì vẫn còn nhiều việc đáng làm hay ho khác.

Chắc chắn rất nhiều người sẽ phản đối việc làm này, với trăm ngàn lý do. Lý do nào cũng bắt đầu bằng câu “tôi không thể, vì…”. Bản thân từ “không thể” là một động từ mạnh, nó ngăn cản người ta suy nghĩ, nó hủy hoại những ý tưởng vừa mới nảy ra trong đầu, nó khẳng định bản thân là một kẻ kém cỏi, nó lờ đi mọi trường hợp người khác đã làm được, nó giúp bản thân được lười biếng, được bình thường. Từ “vì” cũng mạnh không kém. Nó chính là loại từ khiến chúng ta không thể làm được việc lớn. Những từ này, bạn nên bỏ ra khỏi đầu, càng sớm càng tốt, càng ít dùng tới nó càng tốt. Càng thoát khỏi nó bạn càng làm được nhiều việc hay ho và càng dễ tiến tới một cuộc sống ngập tràn tươi vui và ý nghĩa.

Muốn làm việc lớn hay đơn giản muốn thoát khỏi cái bóng nhàn nhạt của bản thân, chính bạn phải đủ sức bứt mình ra khỏi lũy tre làng, bứt ra khỏi cái nơi chốn bạn đã cắm rễ quá lâu. Lũy tre làng không chỉ nói về quê hương chôn rau cắt rốn, lũy tre hiện đại còn là cái nơi bạn đang sống, cái công việc bạn đang làm, và lũy tre trong tâm trí bạn nữa. Thoát khỏi lũy tre thế giới có ti tỉ việc thú vị chờ đợi bạn, cần đến bạn. Du lịch chính là bước đơn giản để thoát khỏi lũy tre. Những vùng đất mới, những người bạn mới, ý tưởng mới, tư duy mới.

Xin đừng hỏi “tại sao phải đi du lịch khi thất nghiệp” mà hãy hỏi “tại sao không?” Xin đừng nói “tôi không thể làm thế” mà hãy hỏi bản thân mình rằng “Tôi cần làm gì để có thể”. Rất rất nhiều người vẫn đang sử dụng thời gian thất nghiệp để đi du lịch, người nước ngoài là điển hình nhất. Bạn cho rằng ở Việt Nam thì thật khó khăn hay hoàn cảnh của bạn thì đặc biệt, đó hẳn là vì bạn chưa đọc, chưa nghe, chưa được kể nhiều về họ: Những người rong ruổi khăp bốn phương trời trong thời gian nhàn rỗi bị động này. Đi nhiều lên, biết đâu sau những tháng ngày du lịch, trải nghiệm, bạn có thể thành lập công ty chuyên tạo tour kết nối dành cho những người thất nghiệp thì sao. Chắc chắn sẽ nhiều người cần đến dịch vụ của bạn.

Kiếm việc trái ngành, việc tay chân làm part-time cũng được

Đừng ở nhà than thở, ăn mòn tiền tiết kiệm hoặc bám vào người thân. Không có việc gì là xấu hổ cả chưa kể đến trăm ngàn thứ bạn có thể học được từ những công việc không đúng chuyên ngành này. Biết đâu sau khi làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng tiệc cưới, bạn có thể trở thành người cung cấp một nhóm thực phẩm nào đó từ địa phương bạn cho họ. Biết đâu sau một thời gian làm phục vụ quán cafe, bạn biết tường tận mọi ngóc ngách để tự tin mở một quán cho riêng mình. Biết đâu trong thời gian làm tài xế cho một ông sếp, bạn trở thành thư ký của ông ta…

Việc làm part-time khi thất nghiệp, đó không phải khi nào cũng mang lại cơ hội, nhưng cũng đáng để trải nghiệm và nhất là cho bản thân được nỗ lực không ngừng, không bị thui chột ý chí hay để tay chân mốc meo vì thiếu vận động. Theo Ybox.vn, 75% cácchuyên gia trên lĩnh vực tuyển dụng khuyên người lao động làm các công việc tạm thời hay các hợp đồng ngắn hạn. Rõ ràng lợi ích trước mắt của các công việc part time là đem lại một nguồn thu thập đáng kể cho bạn. Đừng lo lắng vì nếu công việc không đúng chuyên ngành của bạn, những gì bạn nhận lại được là kinh nghiệm. Và những người có kinh nghiệm phong phú trong công việc chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà tuyển dụng trong lần phỏng vấn kế tiếp.

Đi học

61% các giám đốc tuyển dụng cho rằng công nhân nên đi học trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tham gia một khoá học trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi cũng là một bằng chứng cho sự nghiêm túc với nghề và được các ông chủ đánh giá cao. Một thuận lợi nữa của việc đến các lớp học đó là bạn sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi với nhiều người khác. Kiếm thêm kiến thức từ những khóa học chuyên ngành ngay cả khi thất nghiệp. Đó chính là bạn đang tạo sự khác biệt với hàng ngàn người đang thất nghiệp ngoài kia. Mặt khác, bạn có thể tranh thủ khoảng thời gian nhàn rỗi này để học vô vàn thứ khác: học nấu ăn, học may, học lái xe, học khiêu vũ, tập luyện thể dục thể thao hoặc chuyên tâm học thêm một ngoại ngữ khác chẳng hạn. Biết đâu chính từ những khóa học này mà cuộc đời bạn sẽ rẽ sang một trang mới, một hướng đi hoàn toàn mới mẻ và thú vị mà chính bạn cũng không ngờ.

Tự kinh doanh thì sao?

Chắc chắn đây là một công việc khó khăn và tốn nhiều thời gian nhưng điều quan trọng là bạn có đủ dũng cảm để vạch cho mình lối đi riêng hay không? Dù hoài bão kinh doanh có không thành thì những cố gắng của bạn sẽ được các doanh nghiệp ghi nhận. Bởi trong thời kỳ nhàn rỗi, bạn vẫn làm việc bán thời gian hay toàn thời gian cố định để học hỏi các kỹ năng và tự phát triển mình. Nếu may mắn thì bạn sẽ không chỉ cứu chính mình mà còn mang lại công việc cho nhiều người cũng đang thất nghiệp khác. Và theo một điều tra cho thấy hầu hết các nhà tuyển dụng đều đánh giá cao những người đã tự mình khởi nghiệp dù quy mô nhỏ hoặc vừa, dù thất bại hay thành công bởi những bài học họ học hỏi được,những kinh nghiệm mà họ đã học được là vô giá.

Phần lớn chúng ta đều đam mê kinh doanh nhưng lại không đủ điều kiện hoặc sức mạnh để thực hiện đam mê đó. Lý do phần lớn là không có vốn hoặc không có thời gian, hoặc không có kinh nghiệm. Tin vui cho bạn rằng khi bạn tự sức kinh doanh, bạn không cần vốn lớn. Rất nhiều việc kinh doanh vừa sức với số vốn nhỏ đang đợi bạn thử sức. Còn kinh nghiệm ư? Bạn không bắt tay dô làm thì kinh nghiệm ở đâu chui ra bây giờ? Chỉ còn một thứ khiến bạn chưa hành động: không có thời gian. Khi bạn thất nghiệp, lý do này bị đập tan ngay lập tức.Thất nghiệp rồi, không bắt tay kinh doanh lúc này thì còn là khi nào?

Tham gia các hoạt động tình nguyện

Ngoài ra, bạn còn có thể tranh thủ khoảng thời gian này để: tham gia các hoạt động tình nguyện, xây dựng nét đẹp trong nhân cách bao gồm cả phát triển những kĩ năng của bản thân. Biến bạn thành một người sống vì cộng đồng và luôn là một cá thể năng động, hoạt bát… Đó cũng có thể trở thành một nét đẹp trong CV của bạn về sau đấy. Và qua những hoạt động này, giúp đỡ những con người khốn cùng nghèo khổ. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn là một người may mắn, rằng bạn đã được cuộc đời ưu ái biết bao nhiêu mà chính bạn không nhận ra. Bạn sẽ biết rằng thất nghiệp hóa ra không phải là việc ghê gớm tồi tệ như bạn nghĩ. Người ta còn không có đủ các bộ phận trên cơ thể, người ta còn không có cơm ăn, không có áo mặc, không có một người thân thích nào, thì bạn, không có một công việc, thì có hề gì?

Nếu bạn là nam giới

Thời gian thất nghiệp, có thể bạn sẽ muốn giúp đỡ vợ mình trong những công việc nhà, quan tâm hơn đến gia đình lớn và người thân, chơi nhiều hơn với con cái, dạy chúng học và những giá trị của cuộc sống, dạy chúng lạc quan như bạn đang cố gắng và nhất là hãy liên lạc, trò chuyện với bạn bè nhiều hơn. Đó cũng chính là bạn đang mở rộng hoặc làm ấm lại các mối quan hệ cũ kĩ mờ nhạt. Mà biết đâu, chính họ sẽ giúp bạn đến những cơ hội việc làm khác nữa. Đừng ngại ngùng, hãy cho bạn bè biết bạn đang cần một công việc và may mắn thì có một vài ai đó trong số hàng trăm những người bạn kia sẽ giúp được bạn thì sao.

Tài chính khi thất nghiệp

Thất nghiệp – có nghĩa bạn đang mất khả năng chi trả những chi tiêu hàng ngày và có thể phải dựa dẫm vào khoản trợ cấp của gia đình hoặc những khoản tiết kiệm trước đó. Chắc chắn một kế hoạch tài chính hợp lý sẽ là bước đầu tiên giúp bạn đứng vững và để đủ sức mạnh chống trọi lại công cuộc xin việc trường kỳ trong tương lai. Đừng đợi tới khi thất nghiệp mới chuẩn bị thắt lưng buộc bụng.

Để không quá sợ hãi và lo lắng, cũng như để có đủ bình tâm mà đối phó với những biến cố cuộc đời, kiểu như thất nghiệp, hãy chuẩn bị ngay bây giờ. Có lẽ bạn sẽ muốn cắt giảm những chi tiêu không cần thiết. Có thể bạn sẽ muốn có một quỹ đen dự phòng đủ để nuôi sống bản thân một vài tuần (tháng) nếu chẳng may bị thất nghiệp. Bạn sẽ không muốn để cho ai gọi mình là kẻ ăn bám, đúng không? Vậy thì hãy nghĩ đến việc tiết kiệm và thành lập quỹ cứu tế tương lai ngay từ bây giờ cũng không muộn đâu.

Chơi thể thao

Thất nghiệp là thời gian tốt để bạn thực hiện những bài tập luyện thể chất, chơi thể thao nhằm giúp tinh thần được thoải mái và cơ thể khỏe mạnh. Tất cả những hoạt động tích cực này sẽ giúp bạn có hình ảnh đẹp trong mắt nhà tuyển dụng tương lai. Đừng để sức ì cản trở bạn, hãy đứng dậy và “vận động”ngay thôi. Chắc chắn bạn sẽ có một tinh thần thoải mái sau khi luyện tập thể thao và biết đâu đó lại đem lại cho bạn một tinh thần mới, suy nghĩ mới và cơ hội mới chắc chắn sẽ đến ngay thôi!

Hãy thử dành thời gian tìm và nuôi dưỡng cho đam mê bạn đang ấp ủ

Đừng chết vì đam mê, nhưng cũng đừng để đam mê bị chết mòn. Tôi đang thất nghiệp, nếu xét về ngành học chuyên môn. Tấm bằng cử nhân của tôi đang xếp xó và chẳng có công ty nào nhận tôi cả (có thể vì tôi không đi kiếm việc). Tôi đang làm một công việc trái ngành, tôi mở những việc kinh doanh nho nhỏ và điều hành chúng.

Một ngày kia, do quá nhiều thời gian rảnh, tôi bắt đầu viết. Và rồi viết viết viết, ban đầu chẳng ai bận tâm, nhưng sau đó tay bút của tôi được nâng cao, những điều tôi viết bắt đấu có giá trị. Công việc này đơn thuần vì thích chứ hoàn toàn không mang lại lợi nhuận gì cả. Tôi nhận thấy việc viết là việc rất dễ làm và là cách tận dụng thời gian vô cùng hiệu quả, cứ có thời gian hay có ý tưởng là tôi lại viết. Với tôi điều này mang lại rất nhiều niềm vui, nhưng điều tôi không ngờ là công việc tay trái này lại mang đến nhiều hơn thế nữa. Chúng mang đến cho tôi vô vàn cơ hội: cơ hội làm quen với những người bạn ở khắp mọi nơi, cơ hội gặp gỡ những người có cùng đam mê, sở thích và chí hướng, những cơ hội kinh doanh và tuyệt nhất là những cơ hội việc làm thú vị khác nữa.

Từ Sài Gòn rồi tới Hà Nội, tôi nhận được những lời đề nghị cộng tác rất tuyệt vời, những công việc tôi từng ao ước. Bạn thấy đó, đam mê có thể không mang tiền về cho bạn, nhưng nó mang đến rất nhiều những thứ còn giá trị hơn nữa. Hãy cố gắng tìm ra đam mê của mình và nuôi dưỡng nó. Mà thật ra, ai nói đam mê không mang lại tiền? Nếu hát hay, đàn giỏi bạn có thể đi xin đi biểu diễn, nếu thích nấu ăn, làm đồ thủ công bạn có thể làm thêm để kiếm tiền. Nếu thích đọc bạn có thể làm nguồn cung cấp sách. Nếu đam mê du lịch bạn có thể làm hướng dẫn viên…

Đam mê là thứ không chỉ có thể mang lại tiền mà còn mang đến nhiều niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống. Khi bạn thất nghiệp hãy thử nghĩ đến nó một lần đi. Nếu trải qua thời gian thất ngiệp mà bạn tìm được niềm đam mê cho mình thì tôi hứa khoảng thời gian thất nghiệp đó là đáng giá. Vì rất nhiều người mất rất nhiều năm mới tìm ra nó cơ.

Thất nghiệp là cú shock không nhỏ với bất kỳ ai, nhưng quan trong là bạn phải biết vượt lên chính mình để tìm thấy cơ hội tốt hơn trong tương lai. Đừng đứng một chỗ khi cả thế giới đang không ngừng chuyển động. Mong rằng từ bây giờ khi nghe đến từ “thất nghiệp”, bạn sẽ không còn quá sợ hãi nữa, không còn cảm thấy nó quá đáng ghét nữa.

Và cũng để chuẩn bị tốt nếu chẳng may trường hợp đó xảy ra, ngoài việc dành ra một khoản “chi phí dự phòng” bạn sẽ còn muốn kết thêm bạn mới ở những vùng đất khác. Những người bạn đủ thân để một ngày bạn có thời gian đi du lịch, họ sẽ sẵn lòng mời bạn đến nhà, sẵn lòng cho bạn một chỗ ngủ ké hoặc những bữa ăn đạm bạc. Đó cũng là một ý hay, hẳn có thể bạn sẽ muốn tiếp đón một người bạn mới nào đó ngay hôm nay khi họ đến thành phố của mình, rồi tương lai họ cũng sẽ giang tay chào đón bạn.

Có thể bạn sẽ muốn giữ mối quan hệ tốt với những người làm việc trong ngành nhân sự, những người làm việc trong các công ty đối thủ… để một ngày kia chính họ sẽ giúp bạn tìm được công việc dễ dàng hơn. Có thể bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ nếu bạn có đủ điều kiện tự kinh doanh, bạn sẽ kinh doanh thứ gì? Và trên hết, điều nhất định bạn phải làm, để không bị thất nghiệp, là hãy làm thật tốt công việc của mình, tốt hơn cả yêu cầu. Hãy chứng tỏ mình là một người quan trọng và được việc trong công ty, thế thì chẳng có gì phải lo sợ cả.

Và cách tuyệt nhất để không còn sợ hãi việc thất nghiệp nữa. Đó là hãy luôn giữ cho mình một ý tưởng, một kế hoạch dự phòng để bạn luôn có thể sẵn sàng ứng phó nếu chẳng may nó  xảy ra thật. Trừ khi bạn đảm bảo, bạn cam đoan mình sẽ không bao giờ bị sa thải, bị thất nghiệp, thì rất tốt.

Hay một cách thiết thực hơn, hãy làm việc chăm chỉ, chứng tỏ bản thân mình là một người được việc, một nhân viên ưu tú, đừng than van hay nói xấu ông Sếp khó ưa mà hãy bắt tay dô làm nhiều việc hơn với thành quả tốt hơn, đừng ngồi văn phòng chat chít, tán gẫu, thay vào đó hãy làm việc thật sự là làm việc. Ai mà để cho những người như thế thất nghiệp cơ chứ.

 

Phi Tuyết

 

 

Việt Nam – Một dân tộc chưa trưởng thành

Featured Image: Guido Da Rozze

Khi nói về văn hóa là ta đang nói về mọi mặt đời sống tinh thần của một dân tộc. Chúng ta vẫn luôn tự hào có nền văn hiến 4000 năm nhưng theo tôi đó chỉ là cái ảo ảnh mà chúng ta tự vẽ lên để huyễn hoặc mình, nó không có thật, nó là cần thiết để gắn kết những cá thể của một dân tộc lại với nhau, cho chúng ta một niềm tin để vượt qua những khó khăn để tồn tại. Vì sao là huyễn hoặc? sự hình thành văn hóa của một dân tộc giống như quá trình phát triển của một con người từ sinh ra đến trưởng thành, già cỗi và tái sinh hoặc chết đi.

Một con người muốn trưởng thành phải trải qua sự học hỏi bởi những sóng gió trong đời và quan trọng là cần sự tiếp nối liên tục. 4000 năm chúng ta có được bao lâu là tự đứng trên đôi chân của mình? Cứ mỗi lần bị đô hộ là mỗi lần những thành quả mà chúng ta xây dựng bị tẩy sạch, và những quảng thời gian ấy chúng ta sống dựa vào nền văn hóa của “nước mẹ”, rồi sau đó khi dành lại độc lập, chúng ta lại bắt đầu lại từ đầu với những gì của mình và tiếp nối cái văn hóa từng là “nước mẹ” kia, nó giống như một đứa trẻ đang trong quá trình phát triển thì bỗng dưng bị mất trí, phải học lại những bài học đầu tiên, phải sống dựa vào sự hiểu biết của kẻ khác – mà sự hiểu biết này không phải là tinh túy vì nó chỉ do vay mượn mà có. Chính vì thế với tôi Việt Nam là một dân tộc chưa trưởng thành.

Dân tộc ta giống như một cậu thiếu niên chưa lớn, do thời gian bắc thuộc quá dài mà nền văn hóa phần lớn đều là vay mượn. trong văn hóa Việt Nam có bao nhiều phần trăm vay mượn từ Trung Quốc? Chí ít cũng 70-80%, sự ảnh hưởng sâu rộng đến nỗi kể cả ngôn ngữ cũng hao hao giống nhau. Theo tôi văn hóa chúng ta là thứ văn hóa bắt chước, cái gì chúng ta cũng bắc chước, hãy tìm trong những biểu hiện của nền văn hóa, bạn sẽ thấy rất rất nhiều, nó đều giống giống như của Trung Quốc. Nếu có sự khác biệt thì đó chính là ý chí kiên cường, tình đoàn kết đùm bọc lẫn nhau của… một kẻ yếu, vì nếu không có những đức tính đó thì dân tộc ta bị diệt vong từ rất lâu.

Cũng có thời chúng ta muốn thoát ly nền văn hóa vay mượn như việc bỏ chữ Hán dùng chữ Nôm, nhưng than ôi! Chúng ta có thể làm được sao? Khi mà những gì chúng ta được dạy được học và sống bằng những gì được vay mượn, đó có lẽ là nỗi đau của tiền nhân nước Việt. Chúng ta là một dân tộc yếu kém và lạc hậu thì lấy gì để tạo ra một con đường mới ưu việt hơn cái nền văn hóa vĩ đại ở kề bên?

Bằng sức của mình chúng ta tiến 1 thì kẻ kia đã tiến đến 4-5, đơn giản vì kẻ kia có một nền tảng vô cùng vững chắc, trong khi nền tảng của chúng ta là sự vay mượn. Khi con đường chúng ta tự tạo kém cỏi hơn thì không có cách nào khác ngoài sữ dụng những thành quả đã đạt được của kẻ kia. thế nên chúng ta cứ mãi đi sau, chúng ta sử dụng thành quả của nó nhưng lại không có nền tảng và tinh túy. Đó là nỗi đau của một dân tộc ở bên cạnh một dân tộc lớn.

Nhưng cuối cùng thời đại đã thay đổi, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mọi nền văn minh được kéo lại gần nhau và hòa lẫn vào nhau. tất cả tinh hoa nhân loại đều phơi bày ra trước mắt ta, đó là cách tốt nhất để có thể thoát khỏi nền văn hóa to lớn bên cạnh. Đơn giản vì nền văn hóa đó so với các nền văn hóa vĩ đại khác thì vẫn còn kém vài bước. Một dân tộc thông minh là một dân tộc biết học hỏi những gì là tinh túy và biến thành của mình.

Nhật và Hàn là những ví dụ cụ thể. còn chúng ta thì thế nào? Chúng ta vẫn mãi dậm chân tại chỗ, không những thế nền văn hóa chúng ta ngày càng trở nên suy đồi hơn, chúng ta mãi là cậu thiếu niên chưa lớn, chỉ biết bắt chước, chỉ lười biếng học những gì có sẵn, chỉ ham muốn những hạnh phúc nhỏ nhoi do vật chất mang lại, chỉ nhìn thấy những gì trước mắt, chỉ thấy bản thân mình là lớn nhất vĩ đại nhất, chỉ biết đỗ lỗi cho hoàn cảnh, chỉ biết che dấu và biện hộ cho những sai trái của mình, chỉ biết bo bo giữ lấy những thành quả của mình trong khi đặt trên bình diện thế giới thì nó nhỏ nhoi vô cùng, chỉ biết sống trong một cái ao bé tẹo để được yên thân trong khi những kẻ khác đang cố gắng tìm ra biển lớn. Ôi! bao giờ dân tộc ta mới thật sự trưởng thành?

Nếu sự thay đổi của thời đại là một cơ hội cho chúng ta chuyển mình thì khi không biết nắm bắt cơ hội sẽ trở thành tiền đề cho sự diệt vong. bởi vì cái cơ hội đó không chỉ đến với riêng chúng ta. Ngày xưa để diệt một dân tộc thì người ta chỉ có một biện pháp là chiếm đóng bằng vũ lực rồi đồng hóa dần, để tự vệ chúng ta có thể đoàn kết giết giặc chống ngoại xâm. Nhưng ngày nay thì sao? Có vô số cách để đô hộ, dùng kinh tế, dùng chính trị, dùng văn hóa, dùng vũ lực… đó là sự xâm lăng một cách từ từ không đau đớn.

Chúng ta giống như một con ếch trong nồi nước nóng dần, con ếch vẫn cứ hồn nhiên bơi lội và khi nước sôi cũng là lúc nó chết, chết bởi sự hôn mê mà nó không biết. Hãy nhìn những gì diễn ra với Ukraine, một phần quốc gia mất đi với sự ủng hộ đa số của dân chúng nơi đó, sự phân hóa đã ngấm vào tận xương tủy dân tộc đó và nhiều dân tộc nhược tiểu khác. Than ôi chúng ta vẫn là một đứa trẻ tưởng mình đã lớn.

Không ít lần tôi đã khóc cho quê hương khi nhìn con đường mà chúng ta đang đi, tôi thấy mình bất lực, có lúc tôi đã cố gắng lên tiếng, nhưng sau đó tôi thấy tim mình chai đá. Trên đất nước này chúng ta tự hào mình là người Việt Nam, nhưng hãy hỏi những ai từng đi ra ngoài, hỏi họ xem khi đứng trước những dân tộc khác họ cảm thấy gì. Ước gì đứng trước Mỹ ta có thể vỗ ngực: “Kinh tế và giáo dục nước tôi không hề thua bạn”, đứng trước Nhật chúng ta tự hào: “Dân tộc tôi là một dân tộc chăm chỉ và có lòng tự trọng cao”, đứng trước Đức chúng ta mỉm cười và nói: “Nền triết học nước tôi đang tiến gần sát anh” và đứng trước Trung Quốc chúng ta có thể lớn tiếng bảo: “Hãy giao trả Hoàng Sa – Trường Sa, nếu không quân đội chúng tôi sẽ đè bẹp các người”. Nếu chúng ta có thể làm được những điều đó thì mới đáng để tự hào, còn lúc này? tự hào để làm chi khi nền dân trí thấp và đang sống trong nghèo nàn lạc hậu.

 

Mắt Đời
20:02 – 10/10/2014