29 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 171

[Review] Xấu – Natsuo Kirino

2
Featured Image: Kafka Bookstore

 

Điều đầu tiên tôi nghĩ khi đọc xong cuốn sách này là: Natsuo Kirino, bà ấy có xấu không? Có xấu như các nhân vật mà bà ấy viết không? Có tàn nhẫn, có độc ác, có tăm tối và phản trắc thế không? Hơn hết, bà nghĩ gì khi dửng dưng làm một việc là lộn trái con người ta như lộn trái một cái áo rồi nạo vét bằng hết tâm hồn cho tới đáy, ở chỗ chỉ còn từng lớp bùn đen váng vất đóng dày đặc? Làm thế thì sẽ được gì? Sẽ chiếu rọi, sẽ khai mở, sẽ chứng minh cho chúng ta thấy là chúng ta đã xấu như thế nào? Hay chỉ để cho bà ấy được thanh thản?

Xấu. Thế nào là xấu? Cũng như cái đẹp, cái xấu cũng tràn đầy cảm tính. Tối tăm là xấu? ghen ghét đố kỵ là xấu? phóng đãng là xấu? Đâu là tiêu chuẩn cho những cái đẹp và những cái xấu kể trên? Cái tên tiếng Anh có vẻ phù hợp hơn: Grotesque – lố bịch. Sự lố bịch của các nhân vật trong câu chuyện này đó là chạy theo ảo tưởng và ham muốn mà quên đi những thứ vừa vặn với bản thân mình.

Yuriko chính là hiện thân của cái ảo tưởng ấy. Sắc đẹp của cô ấy được tôn thờ trong những tâm hồn tràn ngập ganh ghét đố kỵ, những tâm hồn đầy gai nhọn tua tủa để phòng bị trước một xã hội đuổi theo sư phù phiếm tới lạc lối, hoang mang. Nhan sắc của Yuriko như một thứ ánh sáng mạnh mẽ, gay gắt vụt xuất hiện trên những nẻo đường, càng nhấn mạnh thêm sự tối tăm ở những ngõ ngách khác của con đường ấy. Cái đẹp đâu chỉ cứu rỗi, cái đẹp còn là động cơ cho cái ác trỗi lên.

Giống như kẻ bị lóa mắt trước ánh sáng, khi bước vào một vùng tối hơn, sẽ không còn nhìn thấy gì nữa ngoài những tối tăm dày đặc, chị gái Yuriko – cô gái ấy cho đến phút cuối cùng vẫn không xưng tên, và không ai nhớ được tên cô – cũng nhìn cuộc đời bằng ánh mắt tối tăm hằn học như thế. Cô ấy sống bằng cái khoái lạc được chứng kiến những nỗi thống khổ mà bạn bè mình gánh chịu, bằng sự đố kỵ hằn học, bằng sự căm ghét và thù hận tất cả mọi người. Dưới vỏ bọc bình lặng và bình dị, cô ấy âm thầm thù ghét cuộc đời, âm thầm phán xét, khinh miệt rồi nhấm nháp hương vị của sự trả thù.

Một nhân vật mà toàn bộ hình hài được xây dựng nên từ hình bóng của kẻ khác, bằng toàn bộ sự khác biệt của một xã hội mà cô ấy từ chối đứng chung. Không có gì rõ ràng ngoài một cõi lòng tăm tối đầy bất an, không có gì ngoài một ngoại hình mờ nhạt mang vác một tấm áo giáp đan dệt từ đố kỵ và căm thù. Không có gì cả. Cô ấy là một cái hồ nước đen để bạn soi thấy đáy của mình, và chẳng cho bạn thấy gì hơn ngoài cái đáy tăm tối ấy để suốt đời, đối xử với chính bản thân mình một cách tàn tệ.

Cuộc đời của Kazue có thể sẽ khá hơn nếu cô ấy không gặp chị gái Yuriko, nếu con quái vật trong lòng cô ấy không trỗi dậy, nếu cô ấy biết rằng cô ấy không chỉ có một con quái vật, cô ấy còn những thứ tốt đẹp hơn để yêu. Nhưng số phận của cô ấy là thế, con quái vật ấy đã thức giấc rồi, con quái vật tham lam không ngừng nuốt trọn những tiêu chuẩn, những nguyên tắc và định kiến của cuộc đời, để tiêu hóa thành một thứ còn xấu xa hơn những gì nó thấy.

Đó là Kazue, suốt đời chạy theo đám đông, sống hết mình vì giấc mơ của kẻ khác. Cô ấy không biết được điều cô ấy mong muốn nhất trong cuộc đời đó là được người khác đối xử tốt với mình, cái hạnh phúc nhỏ nhoi một lần trước khi chết cô ấy đã thốt lên, vô tình nhưng tận từ đáy lòng. Cái chết của Kazue xem như một sự đánh đổi, bằng cái chết của mình, cô đã khiến dư luận xôn xao, chú ý. Nhưng liệu cô có biết rằng rồi cuối cùng người ta cũng qua nhanh cơn tò mò và rồi cái sinh mạng của cô cũng sẽ nhanh chóng rơi vào lãng quên? Hy vọng là cô ấy không biết.

Nhưng ta là ai mà phán xét họ? Ai cũng có lý do cho sự độc ác của mình. Yuriko, cô ấy phản kháng với sự thao túng của xã hội, vì nhan sắc của cô khiến cả xã hội muốn chiếm hữu nên cô ấy vùng vẫy thoát ra. Yuriko đào thoát đến với tự do bằng tất cả bản năng và để bản năng chi phối toàn bộ cuộc đời mình. Cái bản năng đam mê tình dục cuốn cô ấy trong cơn lốc của nó, để từ một nhan sắc lẫy lừng trở thành gái điếm hạng bét lúc cuối đời, đó là cái giá mà Yuriko chấp nhận đánh đổi ngay từ khi còn trẻ. Kazue cũng tìm đến với tự do, nhưng cô ấy không biết lắng nghe bản thân mình, cô ấy mải mê vì cái tự do mà Yuriko có và tin rằng đó mới là tự do đích thực. Kazue nghiệt ngã với chính mình để đuổi theo Yuriko, và cuối cùng thì cũng gặp. Chỉ có điều khi ấy, hào quang đã tắt lịm.

Natsuo kể một câu chuyện với thái độ thản nhiên, dưới giọng của nhân vật xưng tôi – chị gái của Yuriko, cứ như mình là người vô tội. Và chính ra, cô ấy cũng tin rằng mình có quyền được như thế, quyền phán xét, quyền căm ghét, quyền thù hận. Cô ấy có quyền sống bằng tất cả sự khinh miệt dành cho cuộc đời. Nhưng rồi cuộc đời nào đâu phải như thế. Nhan sắc của Yuriko đã tàn phai, Kazue không còn sức lực để đuổi theo nỗi ám ảnh nữa. Những con quái vật rồi cũng đến ngày tàn. Vậy cô ấy còn gì? Chẳng còn gì nữa cả, chẳng còn gì để biện minh cho sự ganh ghét, cay độc. Người phụ nữ ấy không thể tự lừa dối được bản thân mình. Đó mới chính là lúc, con quái vật của riêng cô trỗi dậy.

Câu chuyện kết thúc với một sự khởi đầu, của những điều tốt đẹp lẫn những điều tối tăm. Cái gì sẽ thắng, hay sẽ không bao giờ có sự chiến thắng, chỉ có sự thỏa hiệp để có thể đi cạnh nhau, bởi bản chất cuộc đời sẽ luôn dung nạp cả hai, bởi vì có những số mệnh sinh ra để làm bóng hình của một số mệnh khác? Natsuo, như thái độ từ ban đầu, thản nhiên chấm hết câu chuyện với vô vàn dư âm và câu hỏi, nhưng thực ra mỗi người đã luôn có kết luận của mình rồi.

 

Kafka Bookstore

Nàng khôn ngoan nên biết cách chọn chồng?

50
Featured Image: Laura Gordon

 

Vài tháng trước, nàng cắt lẹm mái tóc dài bồng bềnh thành mái tóc nhát cắt nhát bỏ, vài tháng sau nữa nàng than thở tình trạng mất ngủ, sút cân, tâm trạng thất thường triền miên trên mạng xã hội, rồi vài tháng nữa nàng deactive hẳn tài khoản facebook của mình. Một thời gian sau đó, nàng xuất hiện lại với một hình ảnh mới, tinh thần mới, cố gắng xóa bỏ những vết tích tổn thương. Và… người ta ngỡ ngàng biết nàng đã ly hôn. Khi cái đám cưới hào nhoáng và tráng lệ của nàng diễn ra, ai nấy đều nức nở khen ngợi chồng nàng đẹp trai, giàu có, gia đình bề thế, ba mẹ nàng nở mặt nở mày với hàng xóm, những kẻ khác ganh tỵ trêu đùa “nàng khôn ngoan nên biết cách chọn chồng”.

Nhiều ả đàn bà lầm tưởng, hạnh phúc của một người phụ nữ là cưới một ông chồng có thể dựa dẫm, bám víu và chăm lo. Cái ví tiền và gia thế của người đàn ông mặc nhiên trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sự viên mãn của người phụ nữ. Đầy rẫy những lần mà thiên hạ vẫn trầm trồ kèm lẫn sự ganh tỵ với nhau câu nói “Ồ, con bé đó tốt số, cưới được chồng giàu, nhà gia thế”, để rồi 1 -2 năm sau hoặc thậm chí chỉ vài ba tháng người ta lại chứng kiến cảnh ly hôn trong nước mắt.

Bởi thế, hạnh phúc thực sự của một người phụ nữ chính là sự độc lập. Có nghĩa, đủ khả năng và tự tin để làm mọi thứ mà chẳng cần bất cứ người đàn ông nào bên cạnh. Họ đủ năng lực kiểm soát được tương lai và cuộc đời mình. Đàn ông trở thành một thứ gia vị chỉ để tô điểm thêm cuộc sống vốn dĩ chỉ phụ thuộc vào bản thân họ. Phụ nữ độc lập tìm kiếm một người con trai để yêu – là chỉ để yêu, cưới một người đàn ông để làm chồng – là chồng đúng nghĩa, chứ không phải vì những thứ vật chất phù phiếm mà người đàn ông có thể mang lại.

Phụ nữ độc lập không đặt hết kỳ vọng vào người đàn ông của mình, cũng như không đặt hết tình yêu của mình vào đàn ông, họ hiểu được rằng điều quan trọng nhất của người phụ nữ là phải biết yêu quý bản thân mình trước tiên, họ biết làm đẹp và đẹp cả tâm hồn lẫn vẻ ngoài, cái đẹp của họ không phải làm mục tiêu quyến rũ những gà đàn ông trong tầm ngắm, cái đẹp họ hướng tới để thõa mãn và nuông chiều bản thân, là vì họ yêu chính họ.

Có biết bao kịch bản diễn ra của những người phụ nữ đặt yêu thương và niềm tin quá nhiều vào đàn ông, rồi tới lúc đỗ vỡ, họ ngã quỵ, sợ hãi và không đủ can đảm để tiếp tục yêu. Có biết bao người đàn bà mặc định số phận của mình vào tay người đàn ông mà họ đã gửi gắm, để rồi tới khi những người đàn ông rời xa bỏ mặc họ bơ vơ lạc lõng. Bạn có thể hy vọng chứ đừng kỳ vọng, có thể yêu nhưng đừng đặt trọn niềm tin.

Phụ nữ độc lập thường khiến đàn ông hút hồn, họ hấp dẫn bởi cái sự cá tính, mạnh mẽ và bất cần, khơi gợi nên những cảm giác muốn chinh phục của đàn ông. Nhưng có khi sự độc lập lại khiến cho những gã đàn ông yếu bóng vía khiếp sợ, những gã chỉ mong đợi người phụ nữ yếu đuối cần sự che chở của đàn ông. Phụ nữ cần đàn ông, tất nhiên, cũng giống đàn ông cần phụ nữ, nhưng những kẻ độc lập không cần ví tiền của những gã đàn ông bóng nhoáng. Điều họ cần là sự tôn trọng, sự sẻ chia, sự quan tâm và trên hết là tình yêu, để lúc rũ bỏ cái vẻ mạnh mẽ, tự tin khi bon chen với xã hội xô bồ bên ngoài, trở về bên cạnh vòng tay của người đàn ông thì họ cũng chỉ là người người đàn bà yếu đuối, mỏng manh.

 

Trang Nguyễn

Từ những câu chuyện thành công nghĩ về việc dạy và học

18
Photo: Wikipedia

 

 

Tuần vừa rồi mình đọc được vài mẩu chuyện thú vị, rồi từ đấy nghĩ về việc học thêm dạy thêm va thi cử ở Việt Nam.

Những câu chuyện về thành công

Xin được bắt đầu câu chuyện từ Bill Gates. Ông đã đạt được những thành tựu hiếm có trong thời đại chúng ta. Điều này khỏi phải bàn. Nhưng tại sao lại là Bill Gates mà không phải người khác? Vì ông đã làm một khối lượng công việc khủng khiếp. Vì ông rất thông minh. Chắc chắn rồi. Nhưng nhiều người khác cũng làm việc rất chăm chỉ, đâu phải chỉ một mình Gates. Và ai có thể khẳng định rằng Bill Gates ở tuổi thiếu niên thông minh hơn một học sinh khác? Tại sao lại là Gates? Trong Outliers – Câu chuyện về thành công Malcolm Gladwell đã viết về Bill Gates thế này:

Bill Gates sinh trưởng trong một gia đình sung túc ở Seattle, bang Washington. Cha của ông là một luật sư giàu có còn mẹ ông là con gái của một chủ ngân hàng. Từ nhỏ Bill Gates đã không mấy hứng thú với việc học ở trường, vì thế, năm Gates học lớp bảy, cha mẹ ông đã gửi ông đến Lakeside, một trường tư dành cho những gia đình danh giá. Trong thời gian đó, lần đầu tiên nhà trường khai trương một phòng máy tính. “Đó là một điều ngoài sức tưởng tượng”, Bill Gates nhớ lại. Tất nhiên là “ngoài sức tưởng tượng”, bởi vì đó là vào năm 1968, thưở bình minh của máy tính. Đa số các trường đại học ở Mỹ chưa có phòng máy. Không chỉ có vậy, máy tính của Lakeside là loại máy tân tiến vào thời điểm đó, máy ASR-33. Ý tưởng chế tạo những chiếc máy kiểu này mới xuất hiện vào năm 1965, tức là ba năm trước đó. Và thế là, ngay từ năm lớp tám, Bill Gates đã có cơ hội lập trình trên những chiếc máy tính hiện đại nhất vào lúc đó. Tất nhiên, thời gian sử dụng máy tính bị giới hạn. Cùng lúc ấy, ở trường đại học Washington (University of Washington-UW), một trường đại học trong vùng, mở một trung tâm tin học và cho thuê máy tính. Monique Rona, một trong những người sáng lập ra trung tâm này có con học ở Lakeside. Bà muốn một số người tình nguyện test phần mềm cho hệ thống máy tính của UW, đổi lại, người test sẽ được dùng máy tính ở UW miễn phí. Đúng là một cơ hội trời cho với một học sinh cấp hai như Bill Gates, một cơ hội mà rất ít người trên thế giới vào thời điểm ấy có được. Từ đó trở đi, Gates sống cùng với những chiếc máy tính (1).

Câu chuyện thứ hai

Ở Canada, khúc côn cầu là môn thể thao vua. Hàng năm, các chuyên gia tìm kiếm tài năng thường đi săn lùng những cầu thủ tiềm năng trong độ tuổi mười một, mười hai để làm hạt giống cho giải vô địch quốc gia. Khi nhìn vào danh sách những cầu thủ xuất sắc nhất, người ta nhận ra là đa số họ sinh vào đầu năm, khoảng từ tháng một đến tháng ba. Lời giải thích cho hiện tượng này chẳng liên quan gì đến các cung hoàng đạo. Đơn giản là vì mỗi lứa tuyển sinh đều có giới hạn về ngày sinh là ngày ba mươi mốt tháng mười hai của một năm. Vì vậy, các cháu sinh đầu năm phải chờ đến mùa tuyển sinh năm sau. Có thể nhận thấy là, với cách tuyển sinh này, các cháu sinh đầu năm luôn già nhất, phát triển nhất cả về thể chất lẫn tâm lý với các bạn cùng khoá, và đương nhiên, tiếp thu tốt hơn các bạn sinh vào cuối năm. Vậy là, cách tuyển sinh như thế vô tình trao cơ hội cho các cháu sinh đầu năm để trở thành những cầu thủ lớn sau này (2).

Từ hai câu chuyện trên, mình thấy được là những người thành công phần lớn là do có môi trường tốt, được trao cơ hội để chứng minh bản thân mình. Ngô Bảo Châu là một nhà toán học lớn, nhưng ai dám khẳng định ông sẽ làm được những việc mà ông đã làm nếu như không được đi Pháp, Mỹ, được làm việc với những giáo sư giỏi, có môi trường làm việc khuyến khích phát triển. Hoặc như một người nông dân ở Tây Ninh, bác Trần Quốc Hải, có thể chế tạo được xe bọc thép nếu như vẫn đang chờ giấy phép ở nước mình? Có khi lúc đó bác vẫn chỉ ngày ngày cặm cụi rồi dần dần chìm vào quên lãng thôi.

Việc dạy và học thêm

Quay trở lại Bronx, một khu nghèo ở thành phố New York. Marita, một cô bé mười hai tuổi, đang sống cùng với người mẹ đơn thân và chưa bao giờ vao đại học của em trong một căn hộ ở đó. Với một hoàn cảnh như vậy, ít người kỳ vọng Marita sẽ vào đại học. Tuy nhiên có một điều đặc biệt nho nhỏ. Em đang theo học chương trình KIPP – Knowledge Is Power Program, một chương trình khuyến khích người học có ở khắp nước Mỹ. Hãy nghe em kể về lịch làm việc một ngày của mình:

Em dậy lúc sáu giờ kém mười lăm, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đi bus đi học. Lớp học bắt đầu lúc bảy giờ hai lăm. Thật ra bạn bè em ai cũng dậy vào giờ đó, có người còn dậy vào bốn giờ sáng để học bài trước khi đi học. Em học liên tục từ sáng đến chiều và rời trường lúc năm giờ chiều. Về đến nhà, em bắt đầu làm bài tập, nghỉ giải lao ba mươi phút để ăn tối và lại tiếp tục làm bài. Mọi việc kết thúc lúc mười rưỡi; em và mẹ em trao đổi với nhau một chút rồi em đi ngủ. Ngày hôm sau mọi việc diễn ra y như vậy. Nhờ được tạo điều kiện học tập, Marita hơn hẳn các bạn trong cùng một khu phố, những người không tham gia chương trình. Mô hình này đang được nhân rộng ra ở nước Mỹ như là một giải pháp vực dậy cho chất lượng học tập của trẻ em ở những khu nghèo. Lưu ý là triết lý giáo dục phổ thông ở Mỹ là chơi nhiều hơn học và trẻ con thường không phải làm bài tập về nhà (3).

Đọc đến đây bạn có thấy thời gian biểu của Marita giống với một học sinh cấp hai ở Việt Nam không? Các em cũng phải dậy sớm ăn sáng, học chính, học thêm cả ngày và tối về nhà làm bài tập. Có điều, ở nước ta đang ra sức lên án còn ở Mỹ đang khuyến khích đưa vào áp dụng. Học sinh Việt Nam trước đến giờ ra nước ngoài luôn có một lợi thế không nhỏ ở các môn khoa học tự nhiên chính là nhờ chính sách học thúc ép như vậy. Mình nghĩ rằng, tự bản thân việc dạy thêm học thêm không có tội. Trái lại, học thêm là cơ hội để phát triển. Tội chẳng qua là ở thái độ quan trọng hoá của người ta đối với nó thôi. Không có luyện tập căng thẳng, không có “cày” thì làm sao cho ra lò những học sinh có năng lực?

Lại có ý kiến cho rằng nên cấm học thêm, vì như thế là không công bằng. Thế nào mới là công bằng? Chẳng nhẽ bắt tất cả mọi người học cùng một giáo trình, luyện tập cùng một thời lượng ròi đi thi cùng một bài mới là công bằng? Không, đấy là cao bằng chứ không phải công bằng. Thay vì khuyến khích người nào học được cứ học, làm được cứ làm thì ta lại cấm không cho ai làm nữa. Thay vì để cho mọi người có cơ hội để phát triển tự do thì ta lại kéo tất cả xuống thấp để mọi người bằng nhau. Như vậy có đúng không? Mà nữa, việc cấm chẳng qua là giải pháp cuối cùng, vì không thể kiểm soát, điều tiết nổi nên cực chẳng đã mới phải cấm.

Những kỳ thi học sinh giỏi

Ở Việt Nam có nhiều người đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của những kỳ thi học sinh giỏi, từ cấp quận đến quốc tế. Nhiều người cho rằng thi học sinh giỏi là vô bổ. Các tập đoàn về công nghệ thông tin lớn trên thế giới hằng năm vẫn tổ chức những cuộc thi lập trình cho mọi lứa tuối, để rồi từ đấy tuyển được nhũng những nhân viên có năng lực. Những cuộc thi này hình thức như thế nào? Thật ra, nó chẳng khác mấy những kỳ thi học sinh giỏi Tin học ở Việt Nam, đó là giải một số bài toán trong một khoảng thời gian qui định. Suy rộng ra, nó cũng giống hệt với mọi kỳ thi học sinh giỏi ở Việt Nam. Lại một lần nữa, việc loại bỏ các kỳ thi học sinh giỏi ở Việt Nam, chỉ giữ lại ở lớp chín và mười hai lại cho thấy chúng ta làm ngược lại với Mỹ. Các kỳ thi học sinh giỏi là những cơ hội tuyệt vời để những người có năng lực được học sâu hơn, được tiếp cận với những kiến thức cao hơn, được nghe từ những thày giỏi. Trong những người đạt được giải cao trong những kỳ thi ấy, nhiều người vươn lên đỉnh cao của tri thức, như giáo sư Ngô Bảo Châu. Mình muốn nói là, các kỳ thi không hề có tội mà chẳng qua là tâm lý đặt nặng thành tích của người tổ chức cũng như người thi mà thôi. Nếu bây giờ cứ tổ chức thi học sinh giỏi, đồng thời coi nó là những việc bình thường, gạt bỏ đi tâm lý thích thành tích thì tốt hơn nhiều so với lên án và cấm thi.

Kết

Thành công xuất phát từ cơ hội. Chuyện về Bill Gates, chuyện về giải khúc côn cầu ở Canada, về giáo sư Châu hay bác nông dân Trần Quốc Hải là những minh chứng. Ở Việt Nam mình, người tài không thiếu, chỉ thiếu cơ hội. Nếu những người làm giáo dục có thể cởi mở hơn để người học có nhiều cơ hội được học thêm, tạo ra sân chơi để người có năng lực thể hiện mình, đồng thời làm cho mọi người hiểu rằng, những kỳ thi ấy, cuối cùng cũng chỉ là những kỳ thi thôi, và cuộc sống này còn nhiều màu sắc hơn như thế, thì hay biết mấy.

*********

(1), (2), (3) Những câu chuyện này được mượn từ quyển Outliers – The Story of Success của Malcolm Gladwell

Ám ảnh cuộc đêm

0
Featured Image: Mikko Lagerstedt

 

Anh đón cuộc đêm bằng đỏ ối đường chân trời
mặt trời nhẩn nha còn không xuống vội
tẩn mẩn trên đầu ngọn cỏ
giọt sương lạnh lùng rơi…

Anh đón cuộc người bằng những nhớ và quên
những được – mất , hơn – thua trần truồng trong yên lặng
dẫu so đo luôn đượm màu hương phấn
tháng ngày vẫn hồn nhiên ăn mất tuổi xanh.

Anh đón nỗi cô đơn bằng đêm dài ngợp mặt
những đến và đi những mất và còn
có cuộc trốn tìm bằn bặt
để tình yêu nấp sâu vào hơi thở ký ức
khuyết dần một mảnh trăng non.

Anh vớt nỗi tư riêng trong trận mộng du
sấp mặt hứng vô tri từ lòng sâu dội lại
trên bàn, chiếc điện thoại nảy tưng vì những hồi chuông dài tưởng tượng.
tin nhắn gửi đi không lối quay về.
ám ảnh không lời
ngằn ngặt cơn mê.

đêm hun hút dài hơi cơn mất ngủ nũng nịu không chịu xa rời ký ức em
bàn tay khô vuốt ve nỗi cô đơn bằng chiếc bóng mình trên vách
trong kỳ hôn ám
mặt trăng và mặt trời hờn nhau cùng khuất mặt
chiếc bóng này rồi cũng sẽ theo em…

 

Phương Uy

Tôi muốn bước vào thế giới thượng lưu

159
Featured Image: Russ Morris

 

Vừa mới xem xong bộ phim The Intouchables, bộ phim thứ 16 đáng để xem nếu có một bài nữa để giới thiệu 5 phim đáng xem. Nhưng bài viết này không viết về nó mà là về tôi. The Intouchables đã nhắc lại những ước vọng mà tôi luôn khao khát – một đời sống thượng lưu nhiều ý nghĩa.

Bạn nghĩ về điều gì trước tiên khi nghe đến 2 từ “thượng lưu? Chắc hẳn là sự giàu sang với sự xa hoa của nó? Hay là những buổi tiệc linh đình với thật nhiều quý cô xinh đẹp? Không! Điều tôi mơ ước không phải thế, hay nếu có thì chỉ là một mong muốn nhỏ nhoi khi so với một thứ khác to lớn hơn, đó chính là tri thức. Không chỉ lúc này, ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng ta đã ước mơ mình là một hoàng tử phong nhã đang rong rủi trên đường đi tìm nàng công chúa. Mơ sở hữu một tòa lâu đài tráng lệ để sống cùng nàng trọn đời. Nhưng khi ta lớn lên, ta trưởng thành hơn, ta không chỉ nhìn sự giàu sang ở phương diện vật chất mà còn ước mơ ở những gì thuộc về tinh thần.

Sống và lớn lên trong một gia đình bình thường, cha mẹ không thuộc về những con người có nhiều học vấn và cũng không phải thiếu hiểu biết. Ta có một cuộc sống như bao người, tri thức tiếp thu không có gì đột phá, và có lẽ sẽ sống như vậy suốt đời nếu không gặp phải những biến cố buột ta phải hiểu nhiều hơn về mình và về đời. Khi đó ta biết hướng tới những tầm cao mới, hiểu rằng còn có rất nhiều thứ cao vời mà ta khó lòng với tới.

Một ngày nào đó ta đọc được tin nói về cuộc bán đấu giá các bức tranh của Picasso, Van Gogh hay Monet với những cái giá trên trời. Ta tự hỏi tại sao bức tranh ấy lại giá cao thế, trong khi nhìn vào thì chẳng hiểu được gì, màu sắc thì lòe loẹt, ta nghĩ họ điên rồi khi mua một bức tranh vài chục triệu đô la. Nhưng họ có phải là điên không hay chính là ta dốt nát? Trong các tạp chí hay trong điện ảnh, nhiều người tài giỏi cứ nói về những điều ta không biết, và cũng từ đó ta ước mình cũng như họ, cũng có thể mang vài cái tên của họa sĩ nổi tiếng vào cuộc tranh luận với những người hiểu biết. Tất nhiên điều tôi nói là khi ta thực sự hiểu chứ không phải để lòe thiên hạ.

Ngoài hội họa thì còn có âm nhạc, tại sao một loại nhạc chỉ có những người trình độ mới thưởng thức được? Tại sao khi nghe những bài của Bach, Mozart hay Beethoven ta cảm thấy dở tệ? Trong khi đó ngày ngày cứ ngân nga “…anh nói rằng anh đi giăng câu…”, đã có sự khác biệt nào ở đây giữa tôi và những người kia? Hoặc khi viết những bài nói về cuộc sống, cứ lâu lâu ta lại gặp những cái tên như Heidegger, Nietzsche hay Kierkegaard. Nhiều người mang ra để minh chứng cho những lập luận của họ. Trong khi ta chẳng biết gì về những vị đó.

Cũng không chỉ về những phương diện văn học, nghệ thuật, tôn giáo hay chính trị. Có những độ cao của sự cảm nhận về cuộc sống mà ta không với tới nổi. Những sản phẩm, những trào lưu mà người người đang chạy theo cũng được sinh ra từ đó – giới thượng lưu. Hạnh phúc hay nỗi đau của ta bị tác động trực tiếp hay gián tiếp mà ta không hề biết. Trong khi những con người trên ấy làm những chuyện to lớn và vĩ đại thì ta cứ mãi loay hoay trong thế giới nhỏ bé của mình.

Từng ngày qua tôi ước mình sống trong thế giới tri thức của tần lớp thượng lưu, thượng lưu của quý tộc phương tây chứ không phải thế giới của những người giàu có ở Việt Nam. Nhưng đó cũng chỉ là mơ ước mà thôi. Vì trong thân phận là một người bình thường nên ta bị rất nhiều giới hạn cũng như trở lực. Ta phải học trong một ngôi trường chỉ dạy về những con số của các môn tự nhiên, ta không được học nhạc hay tiếp xúc với hội họa, ta không được học để làm một bài văn có giá trị.

Rồi khi lớn lên thì ta phải làm một công việc bình thường, tiếp xúc với những con người bình thường như ta, và có lẽ một ngày không xa sẽ lấy một cô gái bình thường làm vợ để ngày ngày nếm những hạnh phúc rất đỗi bình thường, cuối cùng chết đi với một cuộc đời bình thường. Nghe tôi nói thì bạn có cảm thấy chán ngấy hay không? Trong khi ở trên cao kia, có rất nhiều điều tuyệt diệu mà ta không biết, một thế giới hoàn toàn khác – cái thế giới của đỉnh cao trí tuệ. Và dù muốn hay không thì những con người đó đang nhìn ta như những kẻ u mê và thiếu hiểu biết. Có lẽ nói thế sẽ có rất nhiều người bị chạm tự ái nhưng sự thật là vậy.

Vì sao tôi viết bài này? Viết để nhắn nhủ những ai còn nhiều thời gian và có nhiều điều kiện hãy ngước mắt nhìn lên, cố gắng bước lên với tất cả sức lực để đặt chân vào cái thế giới đó, cái thế giới thượng lưu của trí tuệ loài người. Còn tôi thì chỉ mới bắt đầu nghĩ về nó và bước những bước đầu tiên. Tôi ước gì điều này đã đến sớm hơn với mình.

À, những cái tên được nêu ra trong bài đều được tìm kiếm từ Google, nhưng đến một ngày nào đó tôi sẽ trích dẫn ra với sự hiểu biết thật sự.

 

Mắt Đời

Cái giá thật sự của sự thành công!

50
Featured Image: zhiken

 

Thời gian trôi qua quá nhanh khiến chúng ta không thể nào bắt kịp được nhịp sống và sự đổi thay của nó theo từng ngày. Vạn vật đều thay đổi, những phát minh mới luôn được ra đời và thay thế cho những sáng chế cũ. Cuộc đời quá ngắn cho những ai biết trân trọng cuộc sống và cuộc đời dài quá đỗi cho những ai chỉ mải rong chơi và phí phạm thời gian quý báu của mình. Bời tất cả mọi sản phẩm được làm ra chỉ quy về một mục đích chung là làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn và tiết kiệm được thời gian hơn mà thôi.

Những điều tôi sắp nói ở đây không phải là một công thức hay lý thuyết, triết lý hay học thuyết bất kỳ nào mà thực sự nó chỉ là những suy nghĩ, những tâm tư nguyện vọng mà tôi đã từng trăn trở với bản thân qua rất nhiều ngày, sự dằn vặt ám ảnh nó cứ không ngừng khi mà tôi vẫn là một kẻ vô dụng và chưa có gì để cống hiến cho cuộc đời này. Ít nhất là như vậy!

Nhiều người luôn luôn muốn tạo ra sự thay đổi ở bên trong họ, họ đủ khả năng để ý thức được việc thay đổi sẽ tốt cho họ biết nhường nào, nhưng cái ý chí đó nó rõ ràng là không đủ, và sự nhận thức được việc thay đổi nó sẽ tốt như thế nào thì họ chỉ có thể nhận thức được, thấy được hầu như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bởi vì hầu như mục đích chính người ta muốn thay đổi chỉ là vì tiền bạc, muốn trở nên giàu có trong tương lai. Chỉ vậy thôi! Chính vì thế, họ luôn luôn đi theo những hệ thống, những cách thức đã có sẵn, nó còn được gọi là đường tắt, luôn muốn được người khác dẫn dắt và chỉ bảo mình thật chi tiết.

Chúng ta tin răm rắp vào những lời nói, những cách thức của những người cho chúng ta con đường mà không hề có một chút hoài nghi, chúng ta cứ đi theo như bị thôi miên vậy! Cái này các bạn có thể liên tưởng nó như là một giáo hội nào đó bất kỳ hoặc một công ty bất kỳ. Điều này giống như việc bạn tự hạn chế đi khả năng sáng tạo một cách tự do và trí tưởng tượng của bạn để làm hay nghĩ bất kỳ một vấn đề gì đó. Bạn bị dập khuôn như một cái máy, điều này sẽ tạo ra sự xung đột trong bản thân bạn khi bạn không thể làm được những yêu cầu mà giáo hội đưa ra hay là người chỉ dẫn cho bạn yêu cầu. Việc lập trật tự và kiểm soát cảm xúc của chính mình chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với con người cả.

Ai cũng muốn trở thành người đặc biệt nhưng ai cũng răm rắp làm theo những người không đặc biệt. Khi bạn chưa hiểu nỗi chính mình thì làm sao bạn có thể lắng nghe cảm xúc của bạn, tâm bạn chưa tĩnh thì làm sao bạn có thể đối thoại nội tâm. Theo Krishnamutri: “Bạn nên cự tuyệt mọi sức mạnh uy quyền ngoại vi. Khi bạn làm được điều này, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy sợ hãi.” Bạn như một ly nước rỗng và bạn có thể đổ vào đó những gì bạn thích, bạn sẽ được tự do, không phải sao?

Bạn muốn khám phá cái gì, hãy tự do đi tìm hiểu nó!

Chẳng phải khi đó bạn sẽ rất hạnh phúc và cuộc sống bạn có ý nghĩa hơn chăng. Lúc này mọi sự khó khăn chỉ là trải nghiệm và bạn không còn phải sợ vì nó là quy chuẩn chung của xã hội, sẽ không còn sợ đám đông luôn chờ đợi để chụp mũ và chỉ ra những cái sai của bạn. Khi bạn đạt được đến cảnh giới này, bạn thừa hiểu được rằng nó không còn quan trọng và không nặng nề nữa. Một tâm hồn không lo sợ, luôn lạc quan yêu đời là hình ảnh cho một tâm hồn chứa đựng đầy tình yêu thương và lòng vị tha. Tình yêu có thể thực hiện được tất cả bất kỳ điều gì mà nó muốn.

Khi đã quyết định chọn con đường này, bạn chỉ có một người bạn thân duy nhất đó là sự cô độc. Hãy nhìn lại những cá thể riêng biệt đã làm thay đổi thế giới này đi, thành công phải được trả giá bằng máu và nước mắt, và chỉ có cá nhân riêng biệt mới làm nên sự thành công to lớn này mà thôi, đừng viển vông nữa. Hãy thức dậy đi, bởi vì chẳng có gì là dễ dàng cả, đừng bao giờ trốn chạy nó, chỉ cần bỏ chạy, bạn sẽ bị sợ hãi.

Hãy tự cảm nhận và hòa mình vào những nét đẹp mộc mạc của tự nhiên mà bạn đã bỏ quên nó quá lâu, hãy gột rửa tâm hồn để thưởng thức những nét đẹp của thiên nhiên, và tận hưởng những cảm giác mà bạn chưa từng có được của cuộc sống. Dành cho mình thời gian để thả diều, đi công viên, ngắm nhìn sự chuyển động của cây cối, ra biển để cảm nhận vẻ đẹp của đại dương, hãy làm những điều như vậy. Hãy vận động cơ thể một cách đồng bộ, để những mạch cảm xúc có một sự liên kết chặt chẽ và bảo vệ tinh thần ta một cách tối đa trước xã hội đầy dối trá và mục ruỗng này.

Sóng là hồn của đại dương, nếu không có sóng, đại dương chỉ là một vùng nước chết. Và ngược lại, nếu phải xa đại dương, sóng chỉ là một vũng nước ngục tù. Nó giống như thân và tâm của chúng ta vậy. Chúng ta cần tái tạo lại một màu xanh của thiên nhiên trong tâm hồn chúng ta để loài người sẽ không bị diệt vong trong tương lai.

Lời cuối, nếu như bạn cảm thấy bài viết khá nặng nề về việc tự đè nén mọi cám dỗ của cuộc sống và luôn trong tình trạng phải ép mình để có sự thành công như các vĩ nhân thì vẫn có thể có những tiêu chí thành công khác đơn giản hơn trong cuộc sống. Và cũng không cần phải cô độc đến mức đó. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và chỉ là ý kiến trăn trở của bản thân mong có thể làm một điều gì đó lớn lao hơn.

Hãy đứng dậy và mạnh mẽ như một con hổ để có thể đập tan đi sự thị phi của bầy đàn, và hãy là con hổ mạnh nhất! Lúc đó, bạn đã thực sự chiến thắng bản thân.

Trượt qua những đêm mùa đông

2
Featured Image: Noah Weiner

Lội qua vũng đen của đêm mỏi mệt
đám mây di trú trở về
lóng lánh mật ong nắng
ngày đẹp như quả táo cổ tích
mặc những âm u của người đàn ông muộn phiền trong anh
đám ký âm bay lên từ bộ não mù lòa rưng rức mủ
vỡ ra một loạt những giai điệu lừa dối
thiên đường khoác bộ mặt bằng những xô lệch chăn gối
em đã cháy từ dạo mùa thu

Trầm ý nghĩ
ảo ảnh nứt nụ từ những lặng thinh
giả vờ đến rồi đi từ những bình an phố
ngày nắng đẹp buồn như vết di căn
mọc rễ trong cơn mưa lỗi thời từ năm ngoái
khu rừng cháy đen trong tiềm thức mệt mỏi
trận ngái ngủ ru à hời
bằng ngôn từ thoái hóa
cố gắng níu kéo chiếc vỏ trứng rỗng không

Phía xa xôi kia
em mỉm cười sau ám ảnh chiếc gương
người đàn ông bất lực không dịch được tình yêu ra thành bài thơ
hoang mang cháy trong sự quẫy lượn của đám ngôn ngữ phế thải
đóa hoa hồng đã đạp gió bay lên thiên hà xa xăm từ lâu
bỏ trống những sinh phần lạnh lẽo
nằm mơ giấc trăm năm

trong ngày lóng lánh nắng
chỉ còn lại đám diệp lục mùa đông trên lá cây.

 

Phương Uy
14.11.14

 

Liệu chúng ta có đang sống chỉ để làm việc và mua sắm?

81
Featured Image: Keoni Cabral

 

1. Chúng ta sống để làm gì? Câu hỏi này gần như được đặt ra mỗi ngày, với mỗi người. Bạn, những người quanh bạn đang sống để làm gì? Tất cả chúng ta, mọi người trên thế giới này đang sống để làm gì? Những câu trả lời sống để ăn, để ngủ, sống để tìm ý nghĩa cuộc đời, sống để yêu thương… tôi cho rằng đều là những câu trả lời chưa thỏa đáng. Chúng ta sống tất nhiên không chỉ vì những việc tầm thường như ăn và ngủ. Chúng ta càng không sống vì những mục đích lớn lao cao cả như tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, ghi dấu ấn vào cuộc đời hay thay đổi thế giới. Ít nhất không có nhiều người làm được những điều đó trên cuộc đời này, hình như không phải chúng ta. Vậy thì phải có thứ gì đó ở giữa, thứ gì đó mà mọi người đều sống vì nó như một quy luật tất yếu, thứ mà phần đông mọi người đều chấp nhận và tuân theo, một thứ gì đó đại trà và phổ biến.

Tôi không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng gần đây, khi tiếp xúc với một số lý thuyết và luận điểm thú vị, tôi đã bắt đầu mường tượng ra. Liệu, chúng ta, tất cả chúng ta đều đang chỉ sống để… làm việc. Vâng, là làm việc, có bao nhiêu người trên đời này sống mà không cần làm việc hay chưa từng làm việc? Bản thân việc “làm việc” đôi khi không hẳn là thứ mọi người muốn nhưng chẳng mấy ai có thể tách nó ra khỏi cuộc sống cả. Khi còn nhỏ chúng ta được đẩy đến trường học ngày qua ngày tháng qua tháng không phải vì mục tiêu hiểu biết, mà để mong sau này đậu đại học, ra trường kiếm được một công việc làm. Khi lớn lên đã có việc làm, chúng ta gần như dành trọn tuổi trẻ cho công việc, lãng quên đam mê và những thứ khiến ta hạnh phúc thật sự. Cho đến khi về hưu mục tiêu của mọi người luôn là cố gắng làm việc để chứng tỏ bản thân, để được cống hiến và cụ thể hơn là để được không phải làm việc khi về già.

Đúng vậy, mọi người làm việc để không phải làm việc về sau. Việc làm từ khi nào đã trở thành nỗi ám ảnh, thành mối quan tâm hàng đầu của mọi lớp người trong xã hội. Tất nhiên, mục tiêu của nó là làm việc để kiếm tiền duy trì cuộc sống, duy trì rồi thì làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống và theo đuổi các tiện nghi khác. Vậy tôi có thể nói “làm việc” chính xác là thứ người ta sống để làm hay không?

Tất nhiên theo cách này hay cách khác, dù việc ta thích hay không, dù việc to hay nhỏ, dù làm vì mục tiêu gì, mọi người đều sống để làm việc. Không giây phút nào trên trái đất này không có người làm việc, dù ngày hay đêm, dù trên mặt trời hay dưới lòng đất, trên biển hay trong đất liền, dù làm việc bằng tay chân hay bằng đầu óc, dù ở bờ biển hay trong nhà hàng… Mọi nơi, mọi lúc đều có người đang làm việc.

Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thật sự cần làm việc nhiều như thế để duy trì cuộc sống? Thế giới này có cần nhiều người làm việc như vậy mới có thể duy trì và phát triển? Tại sao người ta không sống vì hạnh phúc, sống để tạo ra những giá trị đích thực hay tạo ra những thứ lớn lao ý nghĩa mà cứ phải sống để làm việc ngày qua ngày? Liệu có một tương lai nào tốt đẹp cho những con người chỉ muốn làm việc vừa đủ không?

2. Tôi từng đọc được một bài luận rất hay, đại ý bài luận ấy nói rằng chúng ta hoàn toàn không cần thiết phải làm việc 8 tiếng/ngày để duy trì cuộc sống. Bài luận đưa ra những luận điểm thuyết phục mọi người hãy quẳng bớt công việc đi, hãy sống cho ra sống, sống để hưởng thụ, để trải nghiệm, để trân trọng thời gian chứ không phải sống để làm việc. Một bài luận nhận được rất nhiều sự phản đối từ mọi người, đúng vậy, phản đối, chứ không phải đồng tình. Như kiểu ai cũng thích làm việc cả, kiểu như phải làm việc không ngơi nghỉ thì mới tồn tại được trên trái đất này.

Làm tôi lại nhớ tới một câu nói trên status của anh H.H (founder Triết Học Đường Phố):

“Bạn có để ý thấy những ai thường bị giết, ám sát không? Luôn là những người kêu gọi hòa bình, đoàn kết, yêu nhau: Jesus, Gandhi, Lincoln, John Kennedy, John Lennon, Bobby Kennedy, Martin Luther King, Malcom X… và Bùm một phát, ngay đầu. Rõ ràng là loài người chưa bao giờ sẵn sàng cho những tư tưởng như thế.” – George Carlin.

3. Công nghiệp hóa là một bước tiến vĩ đại của loài người, nhưng lại là một bước tiến tồi tệ đối với trái đất. Nó khiến cho hàng hóa dư thừa, khiến cho tất cả mọi người phải quay cuồng theo cái vòng xoáy bất tận của sản phẩm, sản xuất, hàng hóa, lưu thông, mua sắm rồi lại làm việc, kiếm tiền, mua sắm, sản xuất, khai thác, vứt bỏ rồi lại làm việc, lại mua…

Hãy bắt đầu với thời gian làm việc của loài người nói chung. Ngày xưa người lao động phải làm việc tới 16 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần để có thể bắt kịp tiến độ của máy móc đang dần trở nên thịnh hành. Mọi việc thay đổi khi một người có tên Robert Owen bắt đầu tổ chức chiến dịch đòi quyền cho công nhân không làm việc quá 8 tiếng/ngày, khẩu hiệu của ông là “một ngày làm việc 8 tiếng, vui chơi tận hưởng 8 tiếng và 8 tiếng còn lại để nghỉ ngơi”.

Thật không may, một trong những người đầu tiên đáp ứng yêu sách này của ông, chính là vị doanh nhân nổi tiếng Henry Ford. Ông đi đầu trong việc phê chuẩn cho công nhân của mình rút ngắn giờ làm còn 8 tiếng và thậm chí còn tăng gấp đôi lương. Điều này đã tạo nên bước ngoặt rất lớn cho sự phát triển của xã hội. Mọi người làm việc hăng say hiệu quả hơn, chỉ trong một thời gian ngắn đã đem về cho công ty gấp đôi lợi nhuận.

Các doanh nghiệp và tập đoàn lớn bắt đầu học theo ông và chẳng mấy chốc, cả thế giới bằng lòng với mức lao động 8 tiếng/ngày và 5-6 ngày/tuần. Vấn đề ở chỗ, khi Henry Ford kí quyết định đó, không phải vì ông lo lắng cho sức khỏe của công nhân hay gì tương tự thế, lý do của ông được tiết lộ rằng: “Tôi đồng ý mọi người cần làm việc ít đi, để có thời gian mà ra ngoài mua sắm, phải vậy thì nền kinh tế mới phát triển được, tất nhiên, mua sắm ô tô cũng nằm trong danh sách đó.” Đó có thể coi như một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của xã hội, khi người ta giảm ½ thời gian làm việc để dành thời gian cho việc mua sắm, vô hình chung đã hình thành nên xã hội đương đại của chúng ta hiện nay. Xã hội của vật chất, của tiêu dùng, phá hoại và rất nhiều điều tệ hại đi kèm.

4. Đồng ý với quan niệm của Story of Stuff, tôi cũng phản đối sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng, không phải lên tôi, mà lên xã hội này cũng như trái đất này. Công nghiệp hóa khiến cho hàng hóa trở nên dư thừa. Các nhu cầu căn bản được đáp ứng lại nảy sinh ra những nhu cầu mới, hết nhu cầu mới lại có những nhu cầu cũ được làm mới, cứ thế nó xoay tròn loài người trong cái vòng xoay bất tận để thỏa mãn những thú vui vật chất mà quên đi cái đích đích thực của kiếp người. Chính chủ nghĩa tiêu dùng, chứ không phải cộng hòa, dân chủ hay quân chủ mới là siêu chủ nghĩa, mới là thứ chi phối tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, đủ mọi lứa tuổi, màu da, giới tính… Mọi người đều ở trong nó, bị nó chi phối, hoàn toàn tự nguyện.

Vậy tại sao chủ nghĩa tiêu dùng lại không tốt? Vì nó khiến cho chúng ta, tất cả chúng ta, đều chạy theo vật chất, chạy theo những thứ hàng hóa bám ngoài da. Nó thay đổi nếp suy nghĩ và cả phương thức sống của mọi người. Chủ nghĩa tiêu dùng nói rằng, nếu như bạn không mua sắm, bạn là người tệ hại, bạn không giúp xã hội phát triển, bạn là người vô dụng. Nó nói rằng, nếu bạn không mua sắm bất cứ gì, thì cuộc sống của bạn là vô nghĩa, bạn tụt hậu, bạn thua kém mọi người. Chủ nghĩa tiêu dùng nhồi vào đầu óc người ta rằng sống là phải mua sắm, rằng giá trị con người bạn nằm ở những thứ đồ vô tri trên người bạn, xung quanh bạn chứ không phải bản thân bạn, nó nhất định cho rằng mua sắm là cách làm cho xã hội phát triển, là cách khiến bạn chứng tỏ giá trị và là cách để đánh giá một con người, một quốc gia.

Tại sao người ta không đánh giá một quốc gia bằng những chỉ tiêu như độ hài lòng, độ hạnh phúc, độ an toàn, độ trong lành xinh đẹp, mà lại chỉ đánh giá qua những con số “tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm xuất nhập khẩu”. Tại sao người ta không đánh giá nhau qua những giá trị đóng góp cho người khác, cho gia đình, cho xã hội mà lại đánh giá qua những đồ vật họ có thể mua và có thể mang bên mình? Sở dĩ chúng ta phải làm việc 8 tiếng cũng chỉ vì lẽ đó, vì phải kiếm tiền để mua sắm, vì nếu không có tiền, không mua sắm ta sẽ bị tụt hậu, bị người khác chê cười, bị đánh giá là người tụt hậu, nghèo hèn.

Ta không thể nào cứ đi mãi chiếc cub cùi khi được nói mỗi ngày bên tai rằng xe này mới sành điệu, xe kia mới mạnh mẽ. Ta không thể dùng mãi cái điện thoại cùi khi 24/7 mọi phương tiện truyền thông đều bô lô ba la rằng dòng điện thoại mới này là cần thiết, là tuyệt vời, là hoàn hảo, là không thể thiếu trong cuộc sống. Mà cho dù ta có giữ được bản thân khỏi sự hấp dẫn của những món hàng, chỉ sử dụng những thứ đúng nhu cầu, thì, liệu những người xung quanh có còn ai muốn chơi, muốn quen biết, muốn giao thiệp hay hợp tác với ta không?

Thật ra đây chỉ là một khía cạnh nhỏ tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng. Sự thật nó còn tệ hại hơn nhiều. Theo Story of Stuff, sản xuất hàng hóa chính là chủ đề được ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới này. Vâng, không phải y tế, giáo dục, đời sống, an toàn hay gì cả, mà chính là kinh tế, chính là việc sản xuất hàng hóa. Chính phủ các cấp quan tâm và ưu tiên nó đến nỗi, ở nhiều nơi, các tập đoàn còn giàu mạnh và ảnh hưởng nhiều hơn cả chính phủ, thậm chí nó chi phối cả chính phủ các nước.

Tất cả những gì chủ nghĩa tiêu dùng quan tâm, là làm sao để sản xuất được nhiều hàng hơn, bán được nhiều hàng hơn cho mọi người. Vâng, chỉ có thế. Và nó làm mọi cách để đạt được điều đó. Chắc hẳn bạn còn nhớ khi đi học chúng ta được dạy về quy trình sản xuất hàng hóa như thế nào, rằng hàng hóa đến từ nhà sản xuất, qua kênh phân phối, đến tay người tiêu dùng.

Đó chỉ là một phần rất nhỏ của quy trình. Họ không dạy chúng ta rằng trước cả khâu sản xuất, hàng hóa là những tài nguyên bị đào khỏi lòng đất, bị chặt khỏi rừng, bị xới tung và tận diệt. Họ cũng quên không nói rằng, hàng hóa nào cũng chứa những hóa chất độc hại sẽ đi vào cơ thể theo cách này cách khác.

Họ càng quên không nói rằng, để làm ra được một sản phẩm người ta phải thải ra bao nhiêu chất độc hại, ô nhiễm ra môi trường, phải tận dụng bao giờ làm việc của những người lao động cùng khổ và sau cùng phải mất bao nhiêu chi phí để hàng hóa đến được tay chúng ta. Và họ cũng chẳng nói với ta rằng những thứ hàng chúng ta mua sẽ mau chóng bị lỗi thời và hư hỏng, chúng ta sẽ lại phải mua những món hàng mới, còn những thứ đồ cũ vất đi sẽ bị chôn vào lòng đất, sẽ góp phần hủy hoại môi trường.

Không, họ không nói với chúng ta điều đó, bởi vì họ còn bận nhồi vào đầu ta rất nhiều thứ khác: rằng mua sắm là việc nên làm, cần làm và phải làm, rằng hãy mua sắm để thể hiện giá trị con người bạn, rằng bất cứ thứ gì bạn cần trên đời, bạn đều có thể mua được. Các tập đoàn, các công ty và xí nghiệp làm mọi biện pháp để duy trì thứ chủ nghĩa này. Họ biến chúng ta thành những kẻ thụ động, những kẻ sống hời hợt, chạy theo trào lưu, vây quanh những món hàng vô tri vô giác, họ biến mục đích sống của chúng ta trở nên tầm thường. Biến mọi con người thành nhỏ nhen, ích kỷ, vụ lợi và tính toán. Đó chính là mặt trái xấu xí của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó bắt chúng ta làm lụng vất vả để có tiền mua sắm, mua mỗi ngày, mua nhiều hơn nữa và sau cùng đút tiền vào túi của các nhà tài phiệt.

Theo một vài khảo sát, người Mỹ ngoài thời gian làm việc chính thức thì chỉ làm hai việc: mua sắm và xem tivi, mua sắm thì là mua sắm rồi, nhưng xem tivi cũng lại là một kênh mua sắm khác nữa, tivi ném vào bạn hàng trăm mẫu quảng cáo mỗi ngày, quảng cáo trực tiếp, gián tiếp, quảng cáo liên tục không bao giờ ngừng nghỉ. Đó chính là cách thức chủ nghĩa tiêu dùng chi phối chúng ta. Nó nhắc ta mỗi ngày rằng ta là người tụt hậu, quê mùa, xấu xí, răng ta xấu, tóc ta hư, da ta tệ hại và đồ dùng của ta thì lỗi thời và quê kệch.

Truyền thông là một công cụ hữu hiệu phục vụ cho chủ nghĩa tiêu dùng. Nó nhắc ta mua sắm mỗi ngày, nó làm mọi việc chỉ để chạy theo mục tiêu lợi nhuận và bán hàng của các nhà sản xuất. Nó không quan tâm tâm tư tình cảm và nhu cầu cao cấp của con người, nó đơn thuần chỉ là một công cụ. Và dường như càng ngày thứ công cụ này càng lớn mạnh, đến nỗi con người không thể sống mà thiếu chúng?

Chủ nghĩa tiêu dùng, nói tổng quát, chính là chủ nghĩa vật chất, nó làm cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường, nó khiến con người phải làm việc ngày đêm cho những sản phẩm họ không thật sự cần tới, để làm hài lòng những người không quen biết, làm vừa lòng cái xã hội này.

5. Nếu như một ngày làm việc rút ngắn lại 4 giờ cho mọi người làm việc sản xuất đủ nhu cầu tiêu dùng của thế giới, hàng hóa không còn dư thừa, mọi người trân quý đồ dùng hơn, có nhiều thời gian để sống cho chính mình, cho những đam mê, những nghiên cứu, những sáng chế và nhiều thời gian hơn cho con cái, cho gia đình. Điều đó không phải rất tuyệt sao? Bạn nghĩ điều này là vô tưởng? Nhưng chẳng phải nó đã từng xảy ra trong quá khứ rồi sao? Khi giờ làm việc chính thống 16 tiếng được rút thành 8 tiếng/ngày. Vậy giờ nếu lịch sử lặp lại một lần nữa, thời gian làm việc được rút thêm một lần ½, thế giới này sẽ ra sao?

Chắc hẳn rất nhiều người chưa bao giờ hình dung được cuộc sống trong thế giới đó. Liệu người ta làm việc ít hơn trái đất có ngừng quay không, cây cối có ngưng sản xuất oxi và người ta có chết vì lo lắng cái ăn cái mặc? Không, nhất định là không, có thể người ta sẽ bớt mua sắm chi tiêu lại một chút, có thể người ta sẽ muốn dành nhiều thời gian bên con cái, dạy dỗ chúng trở thành người tự lập, tự kiếm tiền, tự mua nhà chứ không cố sống cố chết mua nhà để sẵn cho chúng.

Có thể người ta sẽ có nhiều thời gian để đi du lịch khắp nơi cùng nhau, biết rõ và tường tận về địa lý và các vùng miền của nước nhà, trải nghiệm những không gian văn hóa khác nhau. Có thể người ta sẽ muốn đi ra thế giới nhiều hơn, học hỏi được tinh hoa văn hóa của cả nhân loại nhiều hơn. Có thể người ta sẽ có nhiều thời gian để vui chơi, đọc sách, trau dồi tri thức, kỹ năng và dành nhiều thời gian, tình cảm hơn để ở bên người thân. Có thể bọn trộm cắp sẽ thôi không hoành hành khi họ cũng có thể có được cuộc sống như bao người, khi đồ dùng đắt giá không phải mối quan tâm của ai cả mà tâm tư, tình cảm và những hoạt động nhân văn mới là thứ người ta mong muốn.

6. Tổng lại hai ý lớn ở trên, rằng con người có cần làm việc 8 tiếng/ngày không để suy trì và làm hài lòng cái chủ nghĩa tiêu dùng ích kỷ? Tôi cho rằng không. Tại sao phải làm việc 8 tiếng/ngày khi chỉ cần 4 tiếng/ngày chúng ta có thể giải quyết mọi việc sản xuất mọi thứ đủ cho nhu cầu của cả thế giới? Tại sao người công nhân phải làm 8 tiếng để sản xuất gấp đôi những cái kẹp ghim, những cái móc quần áo, những cái tăm xỉa răng chất đầy trong kho?

Điều đó là không cần thiết. Thế giới không cần đến những kho hàng đầy ắp dư thừa như thế chỉ vì mục tiêu lợi nhuận của các tập đoàn. Thế giới cần được phát triển theo những phương thức khác, nhân văn hơn, sâu sắc và ý nghĩa hơn. Trái đất lại càng căm ghét chủ nghĩa tiêu dùng, nó hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên mất hàng tỉ năm mới có được. Nếu như con người chỉ sản xuất những thứ cần thiết, vừa đủ cho nhu cầu thì hẳn trái đất này sẽ rất đẹp xinh. Không khí trong lành, cây cối xanh tươi, chim thú đa dạng, con người và thiên nhiên hòa nhập với nhau.

Các bạn sẽ nói đó là một thế giới không tưởng hay lý tưởng, sao cũng được, chúng ta hãy cứ hình dung, cứ tưởng tượng đi, chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực cả, nhưng nếu ý tưởng này có thể tác dụng dù chỉ một chút ít lên lối sống của chỉ một ai đó, làm cho nó tốt đẹp hơn, không phải thế cũng tuyệt rồi sao? Tin vui là chúng ta có tiền đề và nền tảng để xây dựng thế giới đó, chỉ là chúng ta có thực sự muốn và đủ năng lực tư duy để chấp nhận nó hay không mà thôi. Tại sao thế giới không cần người ta phải làm việc 8 tiếng/ngày? Nếu nhìn theo một góc nhìn khác bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.

Các bạn sẽ nói đó là một thế giới không tưởng hay lý tưởng, sao cũng được, chúng ta hãy cứ hình dung, cứ tưởng tượng đi, chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực cả, nhưng nếu ý tưởng này có thể tác dụng dù chỉ một chút ít lên lối sống của chỉ một ai đó, làm cho nó tốt đẹp hơn, không phải thế cũng tuyệt rồi sao? Tin vui là chúng ta có tiền đề và nền tảng để xây dựng thế giới đó, chỉ là chúng ta có thực sự muốn và đủ năng lực tư duy để chấp nhận nó hay không mà thôi. Tại sao thế giới không cần người ta phải làm việc 8 tiếng/ngày? Nếu nhìn theo một góc nhìn khác bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.

Bạn có cho rằng, chúng ta không cần quá nhiều đồ dùng, thế giới này không cần đầy ắp hàng hóa như hiện tại không? Và đặc biệt là trái đất này càng không hề muốn chủ nghĩa tiêu dùng được duy trì quá lâu, quá sâu sắc như hiện nay. Chẳng việc gì phải chặt hàng rừng cây để sản xuất ra những bộ bàn ghế cồng kềnh chất đầy các showroom hay đóng thành những tập giấy chất đầy ắp các kho hàng. Nếu chúng ta chỉ sản xuất đủ nhu cầu của thế giới, không dư thừa thì bao nhiêu tài nguyên, bao nhiêu cánh rừng trên đời được bảo tồn và tươi tốt? Chẳng việc gì phải mất hàng ngàn giờ lao động của những đứa trẻ vị thành niên ở thế giới thứ ba để sản xuất ra một kho quần áo khổng lồ lỗi mốt mỗi ngày, hàng tấn tấn thực phẩm hư hỏng hết hạn dùng phải thiêu hủy mỗi giây.

Đó là một sự lãng phí khủng khiếp mang tính tàn bạo của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó thà sản xuất ra hàng đống hàng đống hàng dư thừa để rồi phải thiêu hủy còn hơn là chia đều cho những người cần đến chúng. Theo S.O.T, chỉ trong vòng vài trăm năm loài người đã khai thác hết 1/3 tổng lượng tài nguyên trên trái đất, cứ cái đà khai thác, sản xuất như thế để thỏa mãn những nhu cầu thứ cấp thì loài người sẽ phải cần tới 5 trái đất mới đủ tài nguyên cung cấp thỏa mãn nhu cầu ảo này. Vâng, là 5 trái đất, nhưng bạn biết đấy, trái đất đẹp xinh này chỉ có một thôi, một duy nhất thôi. Sao chúng ta lại lỡ quên điều đó mà cứ thoải mái ăn xài như hiện tại?

Con người được đặt lên trái đất này với một sự ưu tiên tuyệt đối so với mọi loài, được sử dụng mọi quyền lợi trong khả năng với điều kiện con người phải bảo tồn những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của trái đất này. Tiếc thay loài người chúng ta là những kẻ tham lam, chúng ta tận diệt trái đất mà chẳng có biện pháp nào để bảo vệ và bảo tồn nó cả, chưa đủ và sẽ không bao giờ đủ.

Chúng ta không chỉ lấy mọi thứ của trái đất, chúng ta cũng trả về cho nó, nhưng là trả về những hóa chất độc hại, những nguồn nước bị ô nhiễm và hàng tỷ tỷ tấn rác thải trong đó rất rất nhiều là rác thải công nghiệp, độc hại, không bao giờ phân hủy. Chúng sẽ mãi còn ở đó dù hàng ngàn năm nữa trôi qua. Thế hệ con cái chúng ta nhất định sẽ phải gánh đủ hậu quả, yên tâm là thế, nhất định là thế nếu chúng ta không có biện pháp và hành động nào khắc phục.

Hãy tưởng tượng, rác thải tiêu dùng chúng ta thải ra môi trường mỗi ngày là 1, thì rác thải trong sản xuất, trong công nghiệp nhân lên con số 70, bạn có thể hình dung nổi không? Và những thứ rác thải siêu độc hại này, là rác vĩnh viễn, không thể tái chế và không thể phân hủy được. Bạn có hình dung được trái đất của chúng ta đang phải gánh chịu một sức ép lớn như thế nào từ đống rác loài người thải ra?

Và không chỉ trái đất mà từng cá thể chúng ta cũng phải chia nhau gánh nặng đó. Những cá thể ở các nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam ta còn chịu sức ép lớn hơn. Khi các nước lớn tha hồ dùng phần tài nguyên trên đất của ta sản xuất ra sản phẩm cho nhu cầu của họ, và rồi, thải ngược lại cho chúng ta hàng trăm ngàn tấn rác thải mỗi năm trong sự chào đón nhiệt tình của mọi người.

Chẳng cần nói nhiều ai trong chúng ta chẳng biết thừa Việt Nam từ lâu vốn đã bị xem như cái thùng rác của thế giới. Xe hơi cũ không xài nữa, nhập về đây, quần áo sida chẳng ai còn mặc, nhập về đây. Linh kiện, máy móc, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu, đồ điện tử… tất cả những gì thế giới thải ra đều sẽ được nhập về Việt Nam dưới những tên gọi mỹ miều. Tôi thật sự đau lòng về điều này. Tài nguyên của chúng ta đâu hết rồi? Tại sao chúng ta không là cái nôi, là cái nguồn hay là một thứ gì giá trị hơn. Tại sao chúng ta lại chỉ là cái thùng rác của thế giới? Xấu hổ quá, thất vọng quá!

7. Quá nhiều những bất cập càng nói càng đau lòng, nhưng làm sao chúng ta có thể thay đổi điều đó, liệu một thực tại khác có thể xảy ra trên trái đất này? Có thể lắm chứ, miễn sao chúng ta không ngừng tìm cách, không ngừng suy nghĩ, đừng cổ súy và chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng như những tín đồ mất hết chính kiến. Từ đó xây dựng nên những khái niệm, những hệ thống và quy trình mới cho thế giới này. Chẳng phải thế giới này mọi thứ đều thay đổi bắt nguồn từ những ý tưởng hay sao? Đừng xem thường bất cứ ý tưởng nào dù nhỏ bé hay điên rồ.

Tin vui là cho đến nay, khá nhiều những lý thuyết mới đã và đang dần xuất hiện hứa hẹn thay đổi hệ thống kinh tế, xã hội ở mức vĩ mô. Đó là điều hoàn toàn có thể. Chỉ cần chúng ta chịu khó tìm hiểu nó, chấp nhận nó và để cho nó được chứng tỏ sự đúng đắn của bản thân. Bởi lẽ cái gì không đúng sẽ tự nhiên bị triệt tiêu khỏi thế giới này, đó là quy luật.

Chẳng hạn sự xuất hiện của Bitcoin là một ví dụ điển hình. Nếu các bạn có tìm hiểu sẽ thấy ngay, nó là một bước tiến cực kỳ đáng chú ý cho nền kinh tế cả về phương thức lẫn giá trị. Nếu như nó được chấp nhận và ủng hộ rộng rãi, tôi không biết người ta còn cần đến hệ thống ngân hàng để làm gì? Cần các dịch vụ chuyển tiền làm gì? Mọi thứ bỗng trở nên dễ dàng, đơn giản, tiết kiệm và gọn gàng hơn bao giờ hết.

Rồi hãy thử nhìn mô hình kinh tế Kibbutz tôi từng đề cập trong bài viết về Israel, không phải đó là một mô hình quá tuyệt vời sao? Người ta tha hồ sống khỏe chả cần mua các thiết bị máy giặt vì có đội giặt ủi cho cả làng, người ta chẳng cần mua xe hơi vì đã có sẵn một bãi xe miễn phí ai thích chạy thì lấy chạy… Điều tưởng chừng vô lý đó hoàn toàn có thật, không cần nghi ngờ nữa. Giờ thì xin giới thiệu với các bạn thêm một ý tưởng về một thế giới mới, một nền kinh tế kiểu mới, nếu hình thái kinh tế này được phát triển và duy trì, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều tưởng chừng vô tưởng: không mua sắm vẫn sống tốt và chẳng cần gì phải làm việc quá nhiều.

8. Trước tiên xin lấy bản thân mình làm ví dụ đầu tiên cho việc kiểm soát thói quen mua sắm và hạn chế tác động của truyền thông lên cuộc sống cá nhân. Tôi đã làm được, bằng cách nào? Chỉ một vài năm trước đây có thể coi tôi như một tín đồ của chủ nghĩa tiêu thụ và mua sắm, cũng như mọi người, đặc biệt cũng như mọi cô gái trẻ khác, tôi yêu việc mua sắm, tôi không thể ngừng mua sắm thêm quần áo mới, đồ dùng mới hàng tuần, thậm chí hàng ngày.

Không thể ước chừng được số tiền tôi bỏ ra cho thói quen tai hại này, dù nhiều khi thứ đồ tôi mua về có khi chẳng bao giờ được đụng đến. Vậy mà giờ đây, vẫn là một cô gái trẻ, tôi lại chẳng mất nhiều chi phí cho khoản này, không phải vì tôi không thích những món đồ mới, không phải vì tôi không có điều kiện, mà chỉ đơn giản vì tôi thấy chúng không còn cần thiết nữa.

Tôi mặc đi mặc lại chỗ quần áo đã mua từ lâu, tôi đi hoài một đôi giày yêu thích và kiểu tóc thì để mãi ngàn năm chẳng buồn thay đổi. Tôi quên luôn cái ý định đổi điện thoại mỗi khi ra dòng mới dù trước đây đã từng đặt nó như việc nhất định phải làm. Và tôi nhận ra, mọi thứ chẳng có gì thay đổi, mặc đi mặc lại một vài bộ quần áo không khiến cho bản thân tôi mất giá trị, xài một món đồ lỗi mốt cũng không vấn đề. Mọi thứ chẳng có gì to tát nữa. Tôi dành nguồn lực tập trung cho những mục đích cao hơn, như học những kỹ năng mới, nghĩ ra những cơ hội kinh doanh mới, trau dồi bản thân bằng những giá trị tốt đẹp hơn như vốn kiến thức, sự hiểu biết và rất nhiều thứ khác. Những thứ sẽ không bị lỗi mốt và không bị vứt đi như những món hàng.

Tôi nhận ra thời gian và tiền bạc dùng để mua những bộ đồ hợp mốt có thể dùng để tập thể thao và đầu tư ăn uống hợp lý, rồi thì ta sẽ có một cơ thể đẹp đẽ cân đối. Khi có một cơ thể đẹp, cân đối rồi thì mặc gì cũng sẽ đẹp cả thôi, không nhất thiết phải là những bộ đồ đắt đỏ hay thời thượng. Giả sử thế. Hoặc tôi biết rất nhiều bạn nữ, mỗi khi có dịp tiệc tùng, như sinh nhật, đám cưới, lại phải đi mua những bộ quần áo váy đầm mới. Nhưng hãy thử một lần, lục lại tủ và mặc một bộ đồ cũ đi, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng rằng chẳng mấy ai bận tâm chuyện bạn mặc gì cả, ngoại trừ chính bản thân bạn. Và rằng bạn sẽ nhận ra quần áo là phù phiếm thế nào.

Tất nhiên tôi hoàn toàn không khuyên các bạn chê bai quần áo, chỉ là hãy nhìn nhận nó đúng với giá trị nó mang lại, đừng quá phụ thuộc và ảo tưởng về quần áo. Tôi là người chuyên bán quần áo thời trang, nhưng lại khuyên các bạn điều ngược đời như vậy nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng lời khuyên này, và thử tự mình kiếm chứng đi.

Nếu như mỗi lần ra đường bạn lại băn khoăn nên mặc gì, thử một lần mặc đại vài món cơ bản trong tầm tay, dám chắc khi bạn không chú ý tới vẻ ngoài của mình quá nhiều thì tâm trạng của bạn cũng thoải mái hơn nhiều lắm. Đừng xem tivi, xem quảng cáo quá nhiều. Nó chẳng có tác dụng gì hơn việc cố bán cho được nhiều hàng, sự thật răng bạn không xấu, tóc bạn không xấu, xe bạn không lỗi thời, điện thoại của bạn vẫn ngon lành lắm.

Mọi thứ vẫn ổn, chỉ có trong mắt truyền thông quảng cáo, chẳng cái gì là ổn cả, bạn phải mua đồ mới thì mới ổn được, nhưng sự thật chúng ta đều biết, món đồ mới sẽ nhanh chóng bị cũ đi, bị lỗi thời và bạn lại phải quay cuồng vào những món mới khác nữa. Cứ thế, khi để mặc cho truyền thông dắt mũi đưa bạn vào mê cung mua sắm bạn sẽ mãi sống trong thế giới vật chất tầm thường, không bao giờ thỏa mãn và góp phần không nhỏ hủy hoại môi trường sống cũng như trái đất này. Bạn có muốn như vậy không?

Tôi không tin mình có thể khiến cho ai đó ghét mua sắm hay ít mua sắm hơn sau bài viết này. Tất nhiên, đó là một căn bệnh, một loài virut đáng yêu chẳng ai muốn khỏi cả. Nhưng tất cả những gì tôi muốn, là đem đến cho những ai chưa từng quan tâm, hãy có một cái nhìn toàn cảnh về mọi việc, bao gồm cả việc mua sắm, chủ nghĩa tiêu dùng đã và đang phá hoại trái đất, phá hoại cuộc sống và các giá trị xã hội nhiều đến thế nào.

Chính vì chủ nghĩa tiêu dùng mà truyền thông ngày càng biến dạng. Bạn có biết tại sao các trang tin tức ngày càng tiêu cực, vớ vẩn và tệ hại không? Vì họ phải đăng những tin như thế để thu hút nhiều người đọc, nhiều người đọc để bán quảng cáo, bán quảng cáo để bán được nhiều hàng. Tất cả chỉ có thế. Nếu như một xã hội người ta không cần mua sắm nhiều, các công ty không cần quảng cáo quảng bá ra rả ngày đêm thì các trang tin có cần đăng những thứ rác rưởi, giật gân, tiêu cực như hiện tại? Tôi nghĩ rằng không.

Dù là một người học chuyên ngành truyền thông – quảng cáo, nhưng tôi phải thừa nhận tôi ghét nó. Càng đi sâu vào nó tôi càng ghét, khi tất cả mọi hoạt động truyền thông gần như đều vì mục đích bán hàng, bán nhiều hàng, nhiều hàng hơn nữa. Tôi phát chán đọc những tài liệu, những dự án, những cuốn sách chật ních những “thông điệp truyền tải, sự thật ngầm hiểu, thõa mãn tức thời, nghiên cứu hành vi, thị hiếu, thói quen khách hàng, marketing, quảng cáo, bảng khảo sát, chiến lược tiếp cận khách hàng, tạo ra nhu cầu …” vân vân. Thật sự quá mệt mỏi khi phải gặp những từ ngữ chuyên ngành đó thường xuyên. Tôi ghét chúng, tất cả chúng. Chúng biến con người thành những thực thể yếu đuối và hay thay đổi, chúng đào sâu từng ngóc ngách trong tâm tư con người không phải để làm cho nó tốt đẹp hơn, mà chỉ để bán hàng, để sinh lợi nhuận mà thôi. Tôi ghét những mẫu quảng cáo ngập tràn báo chí, truyền hình, website, diễn đàn, ngập tràn đường xá, cầu cống và thậm chí cả trên giấy vệ sinh cũng gặp quảng cáo nữa.

Tôi ghét chúng, tôi ghét những chương trình truyền hình, những sân khấu, những con đường ngập tràn các bảng hiệu, các tên thương hiệu, các băng rôn áp phích. Tôi ghét những cảnh phim lạm dụng quảng cáo sản phẩm, tôi ghét những cuộc gọi chào hàng, ghét những gương mặt, những con người hoàn hảo, những gia đình hoàn hảo trong các phim quảng cáo. Ghét những người yêu nhau vì một loại dầu gội, ghét những gia đình hạnh phúc nhờ một loại thuốc đông y nào đó, ghét những đứa trẻ chỉ thông minh được khi ăn một loại bánh này, lễ phép khi được uống một loại sữa kia. Tôi ghét những hình ảnh hàng hóa tràn ngập trang facebook của mình, ghét những tờ rơi bay đầy phố… Tôi ghét mọi thứ liên quan đến quảng cáo, truyền thông, ghét những hành động chỉ mang mục đích bán hàng.

Tôi ước hàng hóa không nhiều, không dư thừa để người ta biết trân quý hơn những gì người ta có. Để người ta không làm mọi việc chỉ để có tiền mua sắm, để người người không nghĩ về vật chất mà nghĩ về tâm hồn nhiều hơn. Chắc chắn sẽ có người nói tôi điên rồi, đúng vậy, tôi điên rồi, cái chủ nghĩa tiêu dùng này khiến tôi phát điên rồi. Tôi chỉ muốn đập nát nó đi thôi. Còn nếu ai nói nếu không sản xuất, không mua sắm xã hội không thể phát triển, hẳn người đó sẽ phải suy nghĩ lại.

Đúng thế, có thể kinh tế hàng hóa phát triển chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ theo hướng bền vững hơn, hài hòa hơn và tuyệt đẹp hơn. Khắp mọi nơi trên thế giới ai cũng có thời gian để làm việc và nghiên cứu những gì mình giỏi. Mọi người nông dân đều hiểu rõ cách nuôi trồng nông sản của mình cho hiệu quả. Các nhà khoa học có nhiều nguồn lực hơn để nghiên cứu sáng chế, các y bác sĩ sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu, bào chế các phương thức chữa bệnh mới, những bài thuốc mới hiệu quả hơn.

Nhất định nếu có điều kiện để mọi người dù nông dân hay tri thức cùng nhau nghiên cứu mọi vấn đề, lĩnh vực thì trái đất này sẽ càng xanh tốt, những nguồn năng lượng sạch được khai thác và tìm thấy sớm hơn. Tất cả các tiến bộ khoa học, công nghệ trên đời sẽ tiến nhanh thêm một bước, thậm chí nhiều bước. Vì chúng ta tận dụng được kho ý tưởng của toàn nhân loại và chúng ta có gấp đôi lượng thời gian hữu ích được sử dụng cơ mà.

9. Giờ xin quay lại việc giới thiệu về hình thái kinh tế mới mà tôi đã nhắc ở trên: Nền kinh tế chia sẻ

Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm này? Để đơn giản, hãy tưởng tượng một viễn cảnh mà nơi đó, mọi người đều dùng chung đồ dùng của nhau, nói gọn là mọi người chia sẻ đồ dùng với nhau, từ những thứ đồ sử dụng mỗi ngày như xe hơi, như bếp nấu ăn, cho đến những thứ đồ ngàn năm mới sử dụng một lần như đồ nghề câu cá, dụng cụ cắm trại, bộ dụng cụ sửa xe, làm vườn. Mỗi khu phố lại có một nhà kho chứa những thứ đồ dùng từ phổ biến đến chuyên môn cho mọi người trong phố ai có nhu cầu thì đến lấy về dùng, xong lại đem trả… Như thế không phải thật tiện dụng và thật tiết kiệm sao? Như một thư viện công cộng cấp khu phố, ai có sách lại mang đên đây góp lại, mọi người đến đọc tự do và chịu trách nhiệm bảo quản.

Ngay cả những đồ dùng như đồ chơi con nít, quần áo, đồ nội thất, đồ công nghệ, đồ dùng nhà bếp hay ti tỉ thứ đồ dùng khác, hễ ai có mà không dùng tới nhiều sẽ tự động quyên vào nhà kho chung cho mọi người cùng sử dụng. Và hãy tưởng tượng những căn nhà được đề bảng chia sẻ ở khắp nơi, ai cũng có cơ hội kiếm được một chỗ ở nơi mình yêu thích, thuận tiện cho công việc và vui chơi. Có thể đây là một khái niệm khá mới và bạn chưa kịp hiểu lẫn thấm nó. Vậy thì đừng tiếc bỏ ra một khoảng thời gian nhất định tìm hiểu về mô hình kinh tế chia sẻ này, tôi hứa đó sẽ là khoảng thời gian xứng đáng không bị phí trong cuộc đời bạn đâu.

Ưu điểm của nền kinh tế chia sẻ này không còn gì phải nghi ngờ. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên của trái đất, tiết kiệm được rất nhiều thời gian hoang phí trong việc cố sản xuất hàng hóa cho dư thừa như mô hình cũ. Không chỉ tài nguyên trái đất mà tài nguyên của mỗi cá nhân cũng được trân trọng hơn, bao gồm cả vật chất và phi vật chất, như công sức, tình cảm, thời gian. Mọi người không cần đi làm cật lực để mua những thứ đồ dùng chạy theo mốt mới. Chỉ sống đủ nhu cầu và dành thời gian công sức để theo đuổi đam mê, sáng tạo những ý tưởng mới, bào chế ra những phương thuốc mới, cách thức chữa bệnh mới. Nhiều thời gian hơn để đi du lịch khắp nơi, trải nghiệm thế giới phẳng. Nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình, cho con cái và cha mẹ. Ai cũng hài lòng.

10. Có một câu nói ngắn gọn mà rất nhiều người chúng ta đã nghe qua và từng cảm thấy xấu hổ về nó, một câu nói mô tả chân thực thực tế hành động của chúng ta khi bị chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa hàng hóa chi phối và điều khiển, xin được nhắc lại:

“Rất nhiều người trong chúng ta, tiêu những đồng tiền không phải do ta kiếm được, để mua những thứ ta không thật sự cần, nhằm để chứng tỏ với những người ta không thích.” – Dave Ramsey, (Fight Club)

Vâng, bạn có thấy không? Có thừa nhận câu nói này rất đúng không? Nếu viết đầy đủ câu nói đó có thể như này: “Rất rất rất nhiều người trong số chúng ta, tiêu những đồng tiền do người khác làm việc cật lực có được, hoặc những đồng tiền do chính chúng ta đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, để mua những món đồ ta chẳng thật sự cần, chỉ để lấy le với những người ta không quen biết, không quan tâm, làm giàu cho một nhóm nhỏ người khác mà ta chẳng hề biết đến, rồi sau đó nhanh chóng quăng nó đi, quên nó thật nhanh và góp một tay đẩy trái đất này đến ngày tận kiệt.”

Liệu sau bài viết này có ai muốn cùng tôi căm ghét cái chủ nghĩa tiêu dùng chết tiệt này? Có ai đó muốn nhìn lại cuộc sống của bản thân và bắt đầu thay đổi?
Đừng ai nói những người như tôi làm cản trở sự phát triển của xã hội, vì tôi dám khẳng định rằng xã hội này cần nhiều người có những ý tưởng, những hành động thiết thực hơn, ý nghĩa hơn việc ngồi hàng giờ xem quảng cáo và mua sắm. Thế giới này chắc chắn sẽ thay đổi vì những người có những hành động đi ngược số đông, chứ sẽ không thay đổi vì những hành động của bầy cừu hay của đàn chuột lemping. Không, nhất định không!

Và cũng đừng ai nói thế giới này không thể thay đổi, nếu bạn cho rằng như thế thì bạn cũng không nên ngăn cản những người đang cố thay đổi nó. Còn giả như bạn cho rằng thế giới này không cần thay đổi ư? Bạn thật ích kỷ. Chúng ta cần thay đổi nó, không phải vì chúng ta, mà vì con cái chúng ta, vì tương lai của trái đất này, vì đó là trách nhiệm của loài người khi mang danh thống trị muôn loài, đừng đùn đẩy cho loài nào khác.

Còn nếu như bạn nghĩ đó không phải việc của bạn, thật tốt vì bạn đã đọc đến đây. Sau nữa dành cho những người thật sự quan tâm, hãy tìm hiểu, đây có thể là thời cơ, là cơ hội của bạn. Hãy thử nghiên cứu sâu hơn về nền kinh tế chia sẻ, bạn sẽ nhận ra được nhiều cơ hội có thể ứng dụng vào thực tế. Bạn có thể sẽ trở thành người đi đầu trong nền kinh tế mới mẻ này vì nhu cầu chia sẻ luôn luôn tồn tại, không bao giờ mất đi cả. Và chia sẻ đồ dùng, kinh tế nhất định sẽ không ngoại lệ.

Hôm nay tôi làm được nhiều việc nên cảm thấy mệt mỏi quá, có ai dư một bờ vai rảnh rỗi để chia sẻ cho tôi lúc này không? (Đó cũng là một ý tưởng về kinh tế chia sẻ nhỉ)

 

Phi Tuyết

[Review] Núi Thần – Thomas Mann

0
Featured Image: Kafka Bookstore

 

Có gì trên ngọn núi ấy?

Thomas Mann đã nói trong cuốn sách này rằng: thời gian là một bí mật. Người ta cố gắng nhốt kín thời gian và đong đếm nó bằng tiếng tích tắc của các thể loại đồng hồ, nhưng người ta chưa bao giờ điều khiển được nó. Ngược lại, nó điều khiển ta và đo lường cuộc đời ta. Người ta chạy trốn thời gian bằng những cuộc xê dịch, mà cụ thể ở đây là một cuộc đào thoát đồng bằng lên núi cao, nơi người ta trả tự do cho thời gian để giải thoát cho chính mình khỏi nỗi ám ảnh của những cột mốc, của những đơn vị ngày tháng. Nhưng rồi, bằng một cách nào đó, thời gian vẫn lao đi và cuốn tất cả theo dòng chảy bất kham của nó để đối diện với một cột mốc duy nhất của đời người: cái chết.

Hans Castorp đã đối diện với cái chết khá sớm, khi những người thân lần lượt bỏ chàng ra đi. Đối với Hans, chết là một cuộc chia ly linh thiêng và trang trọng. Nhưng sau này, khi Hans lên sống ở Sơn trang, chàng mới hiểu rằng có vô vàn khuôn mặt của cái chết cũng như chừng ấy thái độ của sự biệt ly. Và vì thế dần dần chàng đánh mất đi sự tôn kính của mình dành cho sự kiện đặc biệt ấy, để trơ lì đối diện nó bằng một cái nhún vai. Rốt cuộc thì, dù người ta có muốn đối diện với nó vì quá chán ngán chốn hồng trần, hay muốn trốn chạy nó vì quá lưu luyến hồng trần, thì cái chết cũng sẽ đến dưới bàn tay quyết định của thời gian chứ không phải của chúng ta. Vô vọng, dường như là câu trả lời cho tất cả.

Và bởi vì con người không quyết định được cái chết của mình, nên họ bằng mọi cách sống một cuộc đời như mình mong muốn. Ngọn núi Davos, nơi đóng đô của An dưỡng đường Sơn trang, nơi thời gian tự do một cách toàn năng và bất kham, nơi bốn mùa bất chấp luật lệ thích ghé lúc nào thì ghé, nơi người ta miễn cưỡng đến ở để chiến đấu cho cuộc sống của mình. Ở đó, không có một bầu không khí tang thương ngự trị, hoặc nó vẫn ngự trị nhưng nó đã bị ngó lơ, hoặc khỏi cần ngó lơ mà người ta tự luyện cho nó thứ nội công thâm hậu có tên là vô cảm. Bằng mọi giá, họ đấu tranh cho lý tưởng, cho ước mơ, cho quan điểm sống và cho tình yêu. Cả Sơn trang là một hợp chủng quốc ngồi chờ đợi giây phút cáo chung, nhưng vẫn không thôi va chạm nhau bằng những cuộc cãi vã liên hồi kỳ trận.

Cuốn sách là những cuộc hành trình, không chỉ riêng cua Hans Castorp. Những nhân vật khác trong này cũng hết sức đặc sắc, từ Settembrini đến người đồng minh thù địch Naphta, từ Joachim đến cô nàng người Nga Clawdia Chauchat, họ đều trưởng thành trên hành trình đi đến cái chết, bằng những nụ cười trên môi như sự lựa chọn sau cùng cách thức đối diện với số phận của mình. Với Settembrini là nụ cười ý vị thâm trầm, với Hans là nụ cười hồn nhiên nông nổi, với Clawdia là nụ cười kiêu kỳ, họ đều cười với cuộc đời tiếng cười của chính mình, một cách để chạm khắc vào thời gian vô định những dấu ấn, trước lúc nó kịp xoá sổ tất cả…

Núi thần, đúng như tên gọi của nó, là một ngọn núi đồ sộ và vĩ đại. Tuy nhiên nó không đòi hỏi ở người khác một phẩm chất cao siêu để vượt qua. Nó, cũng như một vài cuốn sách được liệt vào hàng kinh điển khác, chỉ chờ đợi ở bạn một sự kiên trì, một nỗ lực bền bỉ để đi hết hành trình. Bù lại, nó sẽ dành tặng bạn thứ văn chương hảo hạng, một bản hoà âm đẹp đẽ của triết lý, chất thơ và tình yêu, nó tặng bạn những đoạn văn tả cảnh đẹp rụng rời đến mức bạn chỉ ước ao gì mình được ở đó – là con bệnh cũng được, nó tặng bạn những cuộc tranh luận đầy tính triết học nhưng rất dí dỏm hài hước, tặng bạn bức tranh sinh động về cả thế gian. Cuối cùng, nó tặng bạn những nụ cười, như một cách tiêu xài cuộc đời mà không hề hối tiếc…

 

Kafka Bookstore

Người Việt có nên uống sữa?

34
 Featured Image: Chiot’s Run

 

Uống sữa có tốt cho người Việt không? Ngày nay, có rất nhiều thông tin gây tranh cãi về vấn đề này. Để giúp hiểu rõ hơn, tôi muốn đề cập về lịch sử và những ảnh hưởng đến sức khỏe của sữa. Trước tiên, con người uống sữa từ khi nào và vì sao?

Khoảng 8000 năm trước đây, cùng thời gian với người dân Đông Á học cách trồng lúa và làm rượu gạo, những người Bắc Âu đã uống sữa bò và ăn phô mai cùng các sản phẩm từ sữa. Ở Đông Á, chúng ta trồng lúa nước, uống rượu gạo bởi cùng lý do với người Bắc Âu uống sữa, ăn phô mai: Tại cả hai nơi, những động vật có vú lớn nhất đã biến mất vì săn bắn quá mức và thay đổi khí hậu, vì vậy tình trạng đói khổ hoành hành. Khi những người châu Á đầu tiên uống rượu bị say vì dùng quá nhiều thì những người Bắc Âu đầu tiên thử uống sữa cũng bị vấn đề về tiêu hóa bởi họ thiếu gen sản xuất ra lactase, một loại enzyme giúp tiêu hóa đường lactose có trong sữa.

Trước đây, tất cả các loài động vật có vú đều mất lactase trong thời kỳ trưởng thành, nhưng ở một vài nơi trên thế giới, con người cuối cùng đã biến đổi về gen để cho phép họ và con cái tiêu hóa sữa tốt hơn. (Cũng như vậy, nếu sữa được ai đó uống đủ một thời gian dài thì sẽ xuất hiện sự thích ứng ở ruột trong việc tiêu hóa sữa, sẽ làm tăng men tiêu hóa lactose và sản sinh ra ít khí hydro hơn).

Hơn 80% dân số ở quần đảo Anh và Scandinavia khi sinh ra đã có enzyme lactase và có thể tiêu hóa được sữa vào tuổi tuổi trưởng thành). Ở Bắc Ấn Độ, khoảng 63% dân số có lactase, ở phía Nam Ấn Độ, tần suất là từ 10 đến 20%. Ở Đông Phi và Trung Đông, sữa bò và lạc đà đã được uống từ hàng ngàn năm, vì thế, tỷ lệ dân số có enzyme lactase là cao.

Ở phía đông Địa Trung Hải, tần suất có lactase là khoảng 15% (trong lịch sử, người ta có ăn pho mát dê). Ở Tây Phi, Đông Á và Tân Thế Giới, rất ít người có lactase vĩnh viễn. Người Mông Cổ cưỡi ngựa và dùng sữa của nó, trong khi đó ở Trung Đông, người Bedouin uống sữa lạc đà, thậm chí người nghèo Bedouin sống lệ thuộc vào sữa là chủ yếu. Sữa trâu được uống thường xuyên ở Nam và Đông Nam Á. Thông thường, phô mai, sữa chua và bơ để được lâu hơn sữa và dễ dàng tiêu hóa hơn.

Nhìn chung, cứ hai trong số ba người trên thế giới không có khả năng sản xuất ra lactase. Nói cách khác, sữa không phải là một phần quan trọng của chế độ ăn uống truyền thống cho hai phần ba dân số thế giới.

Bây giờ sữa bò phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, chúng ta có nên uống sữa?

Câu trả lời của tôi là không, vì ba lý do sau:

Thứ nhất, có một vấn đề về các yếu tố sinh trưởng tương tự insulin (viết tắt là IGF-1), một loại protein điều chỉnh sự tăng trưởng. Uống sữa làm tăng IGF-1. Trẻ em uống nhiều sữa có xu hướng tăng chiều cao hơn. Chiều cao có giá trị trong xã hội loài người, tuy nhiên uống sữa để tăng chiều cao cũng chứa đựng những nguy cơ bệnh tật như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, đại tràng và phổi. Sữa cũng liên quan tới mụn trứng cá: Một loạt nghiên cứu trên diện rộng (47.355 người tham gia mỗi nghiên cứu) được tiến hành bởi Đại học Harvard cho thấy sự liên quan giữa lượng sữa tiêu thụ và mụn trứng cá ở tuổi vị thành niên.

Thứ hai, người Việt không nên uống sữa vì lượng canxi trong sữa cao. Các công ty sữa thường thuyết phục chúng ta rằng có nhiều canxi sẽ tốt cho xương. Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta thực sự cần bao nhiêu lượng canxi trong mỗi bữa ăn? Tiêu chuẩn ở Mỹ và Canada về canxi cho người lớn nên tiêu thụ là 1.000 mg canxi mỗi ngày; ở châu Âu, mức tiêu thụ là 800 mg, còn tại Nhật Bản là 500 mg.

Thật là nghịch lý, từ nhiều năm nay người ta đã thấy rằng, tại các quốc gia nơi người dân tiêu thụ nhiều canxi trong khẩu phần ăn, bệnh gãy xương hông trở nên phổ biến. Bổ sung nhiều canxi dường như tăng nguy cơ gãy xương hông. Vượt qua ngưỡng tiêu thụ 400 mg canxi mỗi ngà dường như chẳng giúp gì cho xương của chúng ta mà còn làm vấn đề tồi tệ hơn. Trong bữa ăn truyền thống Việt Nam, mọi người đã có đủ canxi từ rau có lá xanh đậm.

Khi tôi đi du lịch ở Papua New Guinea, người dân ở đây không uống sữa hàng ngày ngoài sữa mẹ trong giai đoạn phôi thai, nhưng họ rất chắc khỏe. Papua Guinea là một trong những nước có tỷ lệ gãy xương hông thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ gãy xương hông cao nhất xảy ra ở những người Bắc Âu cao lớn, ưa thích uống sữa. (Sữa đậu nành, trái lại, lại làm giảm tỷ lệ gãy xương hông ở phụ nữ, có lẽ do ảnh hưởng của kích thích tố nữ hoặc vitamin K tìm thấy trong các sản phẩm đậu nành lên men). Dùng canxi hàng ngày cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cũng được chứng minh trong nhiều nghiên cứu.

Lý do thứ ba khiến tôi nghĩ sữa không cần thiết với người Việt là chúng ta đã có lối ăn truyền thống không cần tới sữa. Ở Bắc Âu và một vài nơi của châu Phi, Trung Đông, Nam và Trung Á, sữa có một lịch sử lâu đời và là một phần quan trọng và ngon lành trong bữa ăn của họ, như tôi được học khi tôi đi du lịch qua Thụy Điển và Iceland. Nói họ dừng uống sữa có khác nào bảo người Việt dừng ăn cơm hay nước mắm. Còn ở Việt Nam, chúng ta có một lối ăn ngon lành dựa trên rau, gạo, cua, cá, trái cây, trứng gà vịt, thịt heo, bò, đậu nành, nước mắm chứ trước đây chúng ta không dùng tới sữa bò. Không có lý do gì khiến chúng ta phải dừng những thức ăn truyền thống cũng như không có lý do gì phải bắt đầu việc uống sữa.

[themify_box style=”purple rounded” ]Stephen Le được đào tạo về Sinh nhân chủng học. Anh lấy bằng tiến sĩ của Đại học California, Los Angeles (UCLA) và hiện là giáo sư thỉnh giảng của Khoa Sinh học, ĐH Ottawa. Trong hai năm nay, anh đã viết một cuốn sách về lịch sử thức ăn, chuẩn bị được NXB Picador USA and HarperCollins Canada xuất bản trong năm 2015. Anh là người Việt, sinh ra ở Canada và đã trở về Việt Nam nhiều lần. Anh cũng sống và du lịch tới 40 nước trên thế giới với cơ hội chứng kiến và thảo luận về văn hóa ăn uống tại nhiều quốc gia.[/themify_box]

 

Stephen Le
Via Hằng Mắm Ruốc