Photo: Jon Bunting
Và tôi hỏi anh ta về niềm tin tôn giáo
Anh ta nói thế này: “Tôn giáo của tôi có tất cả các giải pháp cho tất cả mọi người và tất cả mọi chuyện trên thế gian này”
Tôi nói: “Hay vậy sao, thế anh nói cho tôi biết một chút về hạnh phúc được không?”
Anh ta trả lời: “Chuyện này cũng khá phức tạp, khó mà giải thích được.”
Tôi nghĩ thầm rằng anh không giải thích được là vì anh không hiểu cái gì cả. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng gợi ý: “Có thể là về những thứ như sự bình yên trong nội tâm chẳng hạn?”
Anh ta bèn nói: “Cũng có thể, tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này.”
Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, tôi tự nhủ với chính mình rằng anh ta là tín đồ của một tôn giáo cực kỳ đúng đắn, có hầu hết mọi giải pháp cho mọi vấn đề trên thế giới này nhưng cuối cùng lại không thể hiểu được thế nào là hạnh phúc. Khá là buồn cười, làm sao tôi có thể tin lời anh ta nói?
Tôi thực sự không biết suy nghĩ của chúng ta bắt đầu từ đâu, từ khi nào nhưng tôi biết rằng chúng ta không được định nghĩa bằng suy nghĩ của mình, hay nói đúng hơn là bằng các quan điểm và niềm tin của mình. Chúng ta có thể đi xa hơn thế nhiều, chúng ta có thể vượt ra khỏi thứ gọi là “rẽ phải” hay “rẽ trái”, những thứ buộc ta phải lựa chọn, chấp nhận và đánh đổi. Ta có thể tung hê hết tất cả chữ nghĩa mình có, đừng để chúng cầm tù và lừa bịp, ta không cần phải lựa chọn lối rẽ nào đâu, “đã là đường thì có hàng nghìn”. Hoặc cũng có thể là ta không cần phải đi đâu hết, ta “đi” “tìm kiếm” điều gì đó cũng chỉ là sợ hãi phải đối diện với chính mình.
Bạn thử chỉ đơn giản ngồi một mình xem. Bạn một mình và bạn chỉ đơn giản là ngồi, không làm bất kỳ điều gì, rồi nó sẽ chẳng khác nào tra tấn tinh thần. Khoa học đã chứng minh rằng cách ly một người ở một nơi được cách âm hoàn toàn thì trong một thời gian ngắn, họ sẽ nhìn thấy hoặc nghe thấy ảo giác. Con người sợ hãi chính mình đến mức đó, nếu không chọ họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài họ sẽ tự mình ảo tưởng để tạo ra một thế giới khác, miễn là nó làm họ hạnh phúc.
Khi tôi học đại học năm thứ nhất, một sinh viên cùng lớp nói với tôi rằng những người điên là những người hạnh phúc nhất, người khác có thể xa lánh họ nhưng họ hạnh phúc hơn chúng ta rất nhiều. Tôi không đồng ý chút nào. Những người trốn tránh sự thật sớm muộn rồi cũng sẽ hóa điên, mà trốn tránh sự thật thì không thể nào hạnh phúc được. Nó là thứ hạnh phúc rẻ tiền bệnh hoạn. Cũng như trốn tránh chính mình thì không thể nào hạnh phúc vậy.
Tôi đã gặp vài người họ sống theo cách như thế này, có lúc tôi tự hỏi họ có mệt không nhưng lại không dám vì tôi không muốn chọc họ giận, rồi họ bảo tôi không có tinh thần cầu tiến, không có ý chí, không có tham vọng, không có mục tiêu, lý tưởng sống v.v… Tôi cảm thấy rất khó hiểu, tại sao họ lại nghĩ ra nhiều từ ngữ quá vậy để chỉ trích một người đơn giản cảm thấy “chỉ cần ngồi đây là đã đầy đủ lắm rồi”?
Tôi gặp những người mà tâm hồn của họ bị chia đôi, bị cắt làm hai. Một nửa họ quay về quá khứ, một nửa họ chạy đến tương lai. Họ chấp nhận đặt cọc hiện tại, đánh bạc với cuộc đời để đổi lấy một dự định không thể nào biết trước được sẽ ra sao. Sau khi mệt mỏi với những kế hoạch xa xôi họ tự xoa dịu tâm hồn mình bằng cách sống lại dĩ vãng. Hoặc là họ sẽ cố ru mình ngủ để quên đi hiện thực trống rỗng buồn tẻ. Con người rốt cuộc rồi cũng sẽ chán ngấy cái mình đang có, cho dù là có được nó một cách khó khăn hay dễ dàng, vấn đề chỉ là thời gian. Rồi lại loay hoay đi tìm sự thay thế. Họ bị tách đôi, bị kéo về hai hướng ngược nhau và tan rã. Tôi không còn cố gắng để hạnh phúc nữa, tôi chỉ đơn giản là chính mình, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
Tôi cũng bị người chỉ trích rất nhiều, phần lớn họ nói tôi ích kỷ vì tôi làm họ buồn. Sự thật là tôi không có ý làm họ buồn, tôi đơn giản không che đi cái xấu của mình, tôi để họ nhìn thấy rõ ràng tôi là loại người gì, khá là kỳ lạ vì họ không chịu chấp nhận điều đấy. Họ có quyền rời bỏ tôi chứ, cứ để mặc tôi là tôi đi rồi tôi hứa là sẽ để mặc họ là họ, nhưng con người ta hình như không thích như thế. Mỗi khi tôi làm điều gì đó tôi cảm thấy áy náy, tôi bị người này người nọ chỉ trích, tôi cũng cảm thấy hơi hơi có lỗi, thế là tôi tự nói với bản thân rằng “đáng lẽ ra mình không nên làm vậy” và chờ đợi sự biện minh của chính mình.
Đôi khi nó phủ nhận, đôi khi nó cũng im lặng đồng ý. Tôi không nghe ai ngoài con tim của tôi. Đó mới thực sự là khởi đầu của tình yêu, hạnh phúc và tự do. Hạnh phúc đích thực không cần sự ủng hộ của người khác, nó không được bòn rút từ việc mong mỏi sự quan tâm của ai. Đó là thứ niềm vui dịu dàng, hoàn toàn khác với thứ cảm giác vui sướng phát rồ, sẵn sàng làm mọi điều chỉ để được yêu.
Cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng hạnh phúc là đứa con đẻ của sự một mình (thật ra tôi cũng không biết nên gọi trạng thái đó là cô đơn hay cô độc nữa). Vì đôi khi phải trả giá, sẽ có rất nhiều người sợ hãi bạn, họ không hiểu nổi bạn đang làm cái trò điên gì. Trong khi bạn đang dần dần là chính mình thì họ lại nghĩ rằng bạn đang đánh mất chính bạn, cứ như là họ đã nắm rõ con người bạn trong lòng bàn tay. Bạn hạnh phúc hay không chỉ mình bạn hiểu, tuy nhiên nó sẽ được nhân lên khi bạn bắt đầu biết thông cảm cho hạnh phúc của người khác.
Bạn biết mình không phải là người điên khi bạn hạnh phúc và tuôn tràn cho người. Người thực sự hạnh phúc sẽ không thể nào làm người tổn thương vì một lẽ đơn giản là họ không ghen tỵ với hạnh phúc của bất kỳ ai, họ cùng nhau hạnh phúc. Cũng những người không hạnh phúc, ngay cả khi họ yêu, họ cũng yêu trong sự không hạnh phúc, họ cùng nhau không hạnh phúc.
Quyên Quyên