Thời gian gần đây, chắc hẳn rất nhiều người đều biết đến một cơn gió mới của bóng đá nước nhà, đó chính là U19 Việt Nam. Nhớ lại quãng thời gian U19 Việt Nam gặp thất bại, chợt nhớ đến một số bài viết sau trận thua U19, mình thực sự khó chịu về cách người ta nói về U19 nói chung cũng như thường nhìn về những thất bại của thế hệ trẻ.
“Trận thua 0-6 của U19 Việt Nam chiều qua khiến nhiều người nhớ lại trận thua 0-7 của thầy trò HLV Guillaume trước U19 Nhật Bản ở giải giao hữu quốc tế hồi đầu năm nay tại TP.HCM. Và trận thua chiều qua cũng là một minh chứng rõ nhất để tất cả cùng nhìn nhận lại U19 Việt Nam không phải là một điều gì đó đặc biệt để có thể mơ mộng hoang đường.
Kết quả thua 0-1 trước U19 Nhật Bản ở trận chung kết giải U19 Đông Nam Á 2014 trên sân Mỹ Đình cách đây 1 tháng đơn thuần chỉ màn ý nghĩa khích lệ, động viên mà những “người bạn” dành cho nhau mà thôi.
Muốn thi đấu ngang ngửa được với những đối thủ hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, bóng đá Việt Nam không còn cách nào khác phải đưa được bóng đá vào trong trường học, nâng được “cái nền” thể lực, sự hứng thú của trẻ em với môn thể thao vua. Tiếp đến, cần có thêm nhiều Học viện như HAGL-Arsenal JMG, thì may ra 20-30 năm nữa mới bắt kịp trình độ bóng đá châu lục.”
Cá nhân mình nghĩ người đời đã phán xét quá nhiều vào người khác. Bàn về giải pháp, bàn về tầm nhìn, chiến lược có quá nhiều người rồi, cái mà thực sự cần bây giờ phải là HÀNH ĐỘNG. Thiết nghĩ, muốn nâng cao trình độ, phải cọ xát với đối thủ giỏi, vậy nên U19 Việt Nam đá với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – 3 đội mạnh nhất của Châu Á thì hiển nhiên mới có thể nâng cao trình độ, chứ muốn giải thưởng thì cần gì cọ xát, cứ đi tìm Lào với Campuchia mà đá.
Cái ý nghĩa lớn nhất của U19 là họ dám đột phá, dám làm những điều mà trước đây chưa từng ai dám làm, đó là thi đấu một cách ngang ngửa và bằng vai, sòng phẳng với những đội bóng lớn. Như thế mới có được cuộc cách mạng. U19 sau 5 năm nữa sẽ khác, sau 7-8 năm nữa sẽ vào độ chín. Rồi kể cả khi, ước nguyện của họ không làm được, thì thế hệ con em họ sẽ nhìn vào để mà tự hào, để mà có niềm tin, có động lực để thay đổi nền bóng đá nước nhà.
Khi người ta thua, người ta tự biết nỗi đau họ cảm nhận được, đâu cần thêm những lời bình phẩm, chỉ cần lắm một lời động viên. Cái xã hội này là cái xã hội của nhiều thứ văn hóa đã bị ăn sâu.
Mình sực nhớ câu trích trong Kỷ niệm sân khấu của Nguyễn Ngọc Ngạn:
“Văn hóa Mỹ thiên về khuyến khích, văn hóa Việt nặng về đả kích. Con em chúng ta làm trăm điều hay chúng ta không dám khen vì sợ nó kiêu căng. Bạn bè chúng ta làm nghìn điều tốt đẹp chúng ta không dám khen vì sợ nó phách lối. Nhưng hễ cứ làm một điều lầm lỗi thì chúng ta chỉ trích, đay nghiến mãi không thôi.“
Đành rằng nét văn hóa nào cũng có 2 mặt tốt và đẹp của nó nhưng khi mà hy vọng mới hình thành trong trứng nước mà đã cứ dập tắt như thế này thì chịu chết.
Người trẻ, họ có quyền tự tin chứ. Vì sao? Vì họ chẳng có gì để mất cả. Cứ thử, cứ sai, cứ thất bại, có sao đâu? Có 2 cách để học một điều gì đó, cách thứ nhất là thử và sai; cách thứ hai là học từ người đi trước. Nhưng có những thứ không thể học theo cách thứ hai được, mà buộc phải học theo cách thứ nhất. Chẳng hạn ai cũng biết để đi được thì phải đứng vững bằng hai chân, nhưng có ai biết đi mà không từng bị ngã rất rất nhiều lần?
Có thời gian, mình thực sự ngấm câu nói: “Thắng không kiêu, bại không nản.” Có lẽ nó rất rất đúng với người trẻ. Tuổi trẻ trèo cao ngã đau, điều đó đúng. Nhưng cái đáng sợ nhất là không bao giờ dám trèo cao. Khi đó lúc nào cũng an phận với cuộc sống tầm thường về cả trí tuệ lẫn tinh thần thì có khác gì một đứa trẻ tồn tại trong một cái thể xác của người trưởng thành. Không dám dấn thân thì cho dù có 30, 50 tuổi có khác gì đứa trẻ 1 tuổi sống một cuộc đời lặp đi lặp lại 30, 50 lần?
Suy cho cùng, những định kiến xã hội, đó là hoàn cảnh, quan trọng nhất cần sự phản ứng điềm đạm và tỉnh táo của những người trẻ, đó gọi là BẢN LĨNH. Mà bản lĩnh nhiều khi lại phải cần thời gian mới có được. Vậy nên, CỨ TIN, CỨ THỬ, CỨ TIẾN. Điều gì đến rồi sẽ đến, quan trọng là dám hết mình.
Bắt đầu từ đâu nhỉ, tôi cũng chẳng biết nên nói từ đâu thôi thì vào đề mà không văn vẻ cũng được nhỉ, từ tôi đi. Từ lúc bé, tôi đã ấn tượng rất sâu sắc về một chất giọng của một người dẫn chương trình. Tôi đã rất thích thú có thể nói là mê mẩn đến mức nhiều khi xem truyền hình mà cũng chẳng quan tâm đến chương trình đang nói gì, bàn gì và cả những con người thu nhỏ trong chiếc hộp vuông vuông mà người ta gọi là tivi đó họ đang làm gì nữa; tôi chỉ chăm chú hoạt động cái đôi tai nhỏ bé để ngồi nghe một luồn âm thanh phát ra từ một người mà tôi chẳng hề quen – người dẫn chương trình trên tivi ấy.
Lúc nhỏ, ta cứ thích cái gì là thích cho tới cùng, đòi cho bằng được và cũng chỉ chăm chăm đến cái thứ mà mình thích vì thế khuôn mặt của chú ấy tôi chỉ kịp nhớ mang máng, nhớ một cách mơ hồ. Tôi cứ mải mê như thế cho đến một ngày tivi ngừng chiếu chương trình ấy, tôi không nhớ rõ nữa nhưng có lẽ cách đây khoảng 10 năm, lúc ấy tôi được tầm 10 tuổi.
Và thế là tôi buồn, buồn vì cái chương trình yêu thích của mình biến đi đâu mất rồi nhưng có lẽ cái sự buồn đó phải xuất phát nhiều lắm vì không được “gặp” chú ấy nữa, không được nghe chú nói chuyện nữa… Nhưng cảm xúc của con nít thì rất hời hợt, buồn đó rồi để đó, trẻ con mà “ăn no chóng chán”, dễ đổi mau quên. Thế rồi cả mấy năm không cả chục năm ấy chứ, tôi không nghe giọng nói đó trên tivi nữa. Tôi cũng chẳng biết tên chú ấy nữa, cũng lãng quên mất cái âm vị đó.
Nhưng bỗng một ngày, rất lạ, rất tình cờ, tôi mở youtube xem những thước phim về văn hoá – những thứ mà tôi vẫn hằng thích, vẫn hay xem khi thấy trống trải. Tôi đã bắt gặp lại giọng nói ấy ở “ký sự mùa thu vàng” (đó là chương trình ký sự về những ngày trải nghiệm ở nước Nga của một đoàn phim Việt Nam). Chất giọng ấy, cái chất mà tôi nghĩ Việt Nam mình chẳng có thể có người thứ hai vang lên nhẹ nhàng, ấm áp, truyền cảm đến mức những hình ảnh, những gom nhặt về khuôn mặt, dáng dấp của chú từ thuở thơ bé hiện lên một cách rõ rệt hơn bao giờ hết dù đã qua cả thập kỷ. Cảm giác đó phải nói sao nhỉ tôi chỉ nghĩ được hai từ: hạnh phúc.
Hình như quy luật của tự nhiên có lẽ thế này: khi ta cố tìm một thứ thì hiếm khi ta tìm được, nhưng lúc ta chẳng tìm, cứ bình thản thì nó lại đến một cách bất ngờ, một cách hết sức ngẫu nhiên mà có lẽ xác suất thống kê cũng chỉ tính được phần ngàn. Hay thiệt! Mọi thứ trên đời đều xuất phát từ chữ “ngờ” thì phải. Chắc bạn sẽ nghĩ tôi hơi quá khi chỉ vì một chất giọng mà lại viết dài đến thế này. Nhưng những thứ tạo cho con người hạnh phúc thường chỉ là những thứ đơn giản và nhỏ nhặt mà trong đó âm thanh hẳn là một thứ tuyệt vời tô điểm cho cuộc sống. Một người có thể đang vui nhưng sau khi nghe một bài hát lại thấy buồn ngay hay thử nghĩ một buổi sáng ta thức dậy trong cơn mê của cái sự buồn ngủ bỗng nghe một tiếng chim hót, một tiếng gà gáy chắc hẳn những thứ âm thanh đơn điệu đó cũng đủ làm bạn tỉnh giấc và thấy yêu đời hơn.
Và chất giọng của chú ấy cũng vậy, nó khiến con người ta mê đắm, dễ chịu, ấm áp đến lạ lùng. Con người có nhiều cách để khiến cho mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa hay có thể tìm được nhiều cách để tăng động lực cuộc sống như một bài viết mà Triết Học Đường Phố đã đăng (một bài tôi đã rất tâm đắc) như viết ra mục tiêu mỗi ngày, chạy bộ, tập thể dục… và sao bạn lại không thử nghe một thứ âm thanh không hẳn là một bản nhạc có lời, có giai điệu được sắp xếp sẵn mà thay vào đó là những chất riêng của cuộc sống, những thanh vị không lẫn vào đâu được, những thức quà mà tự nhiên đã mang lại. Đó đơn giản chỉ là những âm thanh hết sức đời thường, những dư vị cuộc sống, nhiều khi chỉ là một tiếng mưa thôi cũng làm cho chúng ta có nhiều xúc cảm với cuộc sống hơn.
Và cũng rất tự nhiên, chất giọng từ chú ấy khiến những tập “ký sự mùa thu vàng” ấy thêm phần đậm đặc, quyến rũ mà không phải chương trình nào cũng có được. Lại một lần nữa, tôi trở về với thưở xưa bé, lại xem đi xem lại một chương trình vì một chất giọng mà mình yêu thích, nhưng có pha chút người lớn: xem để hiểu hơn về văn hoá, xem để học hỏi, xem để thấy đất nước mình còn nhỏ bé lắm để rồi cũng mơ ước nước mình cũng có những thứ như người ta và lại mong mỏi hơn quê hương mình cũng có được những thước phim hay như vậy…
Giờ tôi đã lớn, đã tìm được tên của chú ấy rồi – một người dẫn chương trình mà nay người ta hay gọi là MC ấy – Nguyễn Hữu Chiến Thắng… Bạn có thấy quen không? Nhờ giọng nói ấy cùng với những câu chuyện rất nhẹ nhàng tôi trở nên yêu thêm miền đất lạ mà quen đó, miền đất đã gắn với tên tuổi bao thế hệ đi trước, một thời Liên Xô cũ, và nay là đất nước Nga xinh đẹp với màu vàng rực của rừng thu thay lá, với những câu hát Đôi Bờ say đắm lòng người…
Sáng ra, mình đến công ty trả lời câu hỏi của các bạn gửi qua tin nhắn, thấy vui vì được làm một công việc ý nghĩa, trong đó có một bạn hỏi rất hay. Bạn này rất trăn trở vì thấy mấy năm ở đại học gần như là lãng phí thời gian, quanh quẩn bên việc học mà chưa tìm được ý nghĩa cuộc đời, định hướng tương lai, xin trích lại tin nhắn mình trả lời bạn, cũng như một thực trạng chung (chứ không phải tất cả) mà mình thấy ở những sinh viên được coi là sắp “thất nghiệp”.
Có những cái bẫy sai lầm mà nhiều bạn gặp phải, đó là không rõ ràng về định hướng tương lai, và quan trọng nhất là thiếu sự chuẩn bị cho tương lai. Bắt đầu ra tết, các bạn đi thực tập, rồi làm đồ án, rồi bảo vệ đồ án. Thông thường tầm tháng 6 sẽ xong. Nếu bạn chưa tính trước về công việc, mà đợi đến khi đó thì đã quá muộn rồi.
Lựa chọn đi học tiếp Thạc sĩ, thông thường có 2 loại, hoặc là xuất sắc đi học, hoặc là một cách khéo léo để tránh đối mặt với thực trạng gọi là “thất nghiệp”. Học cũng chỉ là để phục vụ làm việc, (ngoại trừ nghiên cứu), còn không thì đừng trốn tránh nữa mà cứ đi học hoài.
Cái đáng sợ nhất là sai lầm trong tư tưởng
Một là tư duy mì ăn liền, cái gì cũng muốn ngon ngay, ăn ngay, ăn nhanh, công việc lương cao, không cần trình độ. Khi bạn còn trẻ, bạn chưa có kinh nghiệm thì đương nhiên với một công việc, bạn có thể bị thay thế bất cứ lúc nào, vì thế đừng nói đến chuyện ngay và luôn từ khi mới đi làm.
Hai là định vị nhầm định nghĩa thành công. Thước đo thành công không phải là quyền lực, không phải là những chứng chỉ, không phải là hình thức, mà quan trọng là bạn đã làm được gì. Người ta tin những gì bạn đã làm được, chứ không tin những gì bạn nói.
Ba là lãng phí thời gian. Đây là cái phổ biến nhất. Nhàn cư vi bất thiện, không đi làm đi, ở nhà thì lấy đâu ra mà lương thiện. Hết facebook, cày phim, game, rồi lông bông đi chơi chỗ nọ chỗ kia đã hết nguyên ngày rồi. Thì lấy đâu ra cái thứ gọi là kinh nghiệm. Bảo sao CV ông nào cũng viết rằng em thích đọc sách, yêu việc chơi thể thao. Hóa ra toàn đọc Đô Rê Mon với ngồi luyện cơ tay trên bàn phím.
Còn đây là thư mình trả lời bạn sinh viên hỏi mình.
“Chúc mừng em vì đã làm được điều mà rất nhiều người không làm được, đó là vẫn ảo tưởng về cuộc sống và chưa chịu trách nhiệm 100% cho cuộc đời mình.
Bắt đầu lại từ đầu, bây giờ vẫn là quá sớm với em. Có mấy thứ sau, em cần chuẩn bị tốt, trong 5 năm nữa, chắc chắn em sẽ khác.
1. Sức khỏe
Làm gì cũng phải khỏe, phải ăn ngủ điều độ, ngủ sớm, dậy sớm, sống khoa học. Đừng thấy sinh viên họ thức khuya dậy muộn mà mình cũng làm theo. Thứ hai là phải chịu khó tập thể dục thể thao, cơ thể khỏe thì mới có năng lượng, học cách chăm sóc cho bản thân, đó là điều vô cùng quan trọng
2. Ngoại ngữ
Không có cái học nào bằng cái tự học. Nhưng tự học bây giờ không chỉ là đọc sách, mà phải qua internet. Để làm được điều đó, thì buộc phải có ngoại ngữ. Tiếng Anh là điều chắc chắn, mà tương lai, phải biết cả đến những tiếng phổ biến như Tiếng Trung, tiếng Pháp.
3. Kỹ năng
Cách nhanh nhất là đi làm sẽ có kỹ năng thực tế, va vấp cuộc sống sẽ có kinh nghiệm cuộc đời, còn không thì phải đọc sách. Kỹ năng quản trị, kỹ năng sử dụng thời gian hiệu quả, kỹ năng về IT, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng về làm việc đội nhóm (team building), cái này sinh viên Việt cực kỳ yếu, kỹ năng quản lý tài chính,.. mọi thứ đều quan trọng.
Thành công đến khi nào bản thân mình nói với bố mẹ rằng con tự lập được, và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, chứ không phải là khoe khoang những gì mình đang có, hay những thứ hiện vật bên ngoài mình đang sở hữu, cũng như những cuộc vui chơi vô bổ hàng đêm để lãng phí tuổi trẻ. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân đầu tiên.
Mong tin tốt lành từ em!”
*********
P.S: Bài viết có những quan điểm của tác giả về một thực trạng, chứ không phải là phủ định hay bao trùm điều gì cả, hy vọng mang đến những điều tốt đẹp, không có ý nghĩa đánh giá phán xét ở đây. Vì là nói thẳng nên xin lỗi một số bạn nếu làm bạn chạnh lòng, mong rằng điều đó tốt cho bạn.
Nỗi buồn nào sầu đọng trên dãy phố
Từng heo hắt nắng dài chợt không xa
Đau đáu nào ẩn hiên trong khóe mắt
Di căn vào tận sâu trái tim ta
Người ơi đừng bao giờ khép cửa
Cho ta hãy một lần hãy ghé thăm
Thăm cuộc đời tràn nắng hạ trên mắt
Lấp lánh cong bờ mi ai đang nằm
Phố xá đó không nằm im được nữa
Chỉ là người chưa vội cất bước đi
Ta cô đơn trong chiều mưa phố cũ
Cười nhẹ nhàng khi bóng đổ trên vai.
Có rất nhiều tiền có phải là giàu có không? Tuỳ mỗi người quan niệm sẽ có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Đối với tôi sự giàu có là sự thỏa mãn. Tiền là một trong nhiều công cụ để giúp tôi thỏa mãn cho riêng mình.
Tôi thích tiền vì lý do gì? Đó là những thứ mà tiền có thể mua được, nhưng món ăn ngon, những bộ quần áo đẹp, những chiếc điện thoại đẳng cấp… và rồi tôi sẽ nhanh chán những thứ đó và đòi hỏi những thứ cao xa hơn. Đó là sự thỏa mãn. Có nhiều tiền tôi sẽ trở nên sành điệu, chơi đẹp hơn, thoải mái về tiền bạc hơn, nhậu nhẹt, ăn chơi tiêu tiền không tiếc tay…. Điều này đem lại gì cho tôi, được người khác nể mình hơn, tôn trọng mình hơn… Đó là sư thỏa mãn cái tôi của mình.
Và tôi tự hỏi liệu điều này có phải là giá trị thực của con người tôi không? Chắc chắn là không. Giá trị của tôi là những suy nghĩ của mình, những hành động của mình, mục đích sống của tôi, lý tưởng của tôi. Đó mới là giá trị thực sự.
Và câu hỏi đặt ra bây giờ là tôi phải sử dụng công cụ tiền bạc như thế nào để đạt được ước mơ của tôi, lý tưởng của tôi, và giúp tôi trở nên giàu có, thỏa mãn ở mọi phương diện mà tôi muốn. Dưới đây tôi sẽ liệt kê danh sách những điều mà tiền mang lại cho tôi và tôi mong rằng những bạn sau khi đọc bài này hãy cùng nhau nhìn lại, đánh giá việc sự dụng tiền như thế nào, có hợp lý để giúp bạn trở nên giàu có chưa và đóng góp ý kiến cho bài viết này.
Thứ nhất nó giúp tôi trang trải được những nhu cầu của cuộc sống: ăn, mặc, ở. Điều này thì ai cũng cần và điều đáng buồn là nhiều người dùng tiền chỉ cho mỗi việc này – kiếm tiền để sống là đủ.
Thứ hai nó giúp tôi có nhiều trải nghiệm hơn, những chuyến du lịch những chuyến đi, khám phá về thế giới xung quanh.
Thứ ba nó giúp tôi có những khoá học, mua nhiều sách, học được nhiều điều bởi tôi biết rằng kiến thức là sức mạnh, đầu tư sinh lợi nhiều nhất là đầu tư vào bản thân.
Thứ tư đó là cảm xúc, khi tôi mất tiền, kinh doanh không thành công, đến những cảm xúc khi tôi có nhiều thật nhiều tiền, 2 thái cực hoàn toàn đối ngược.
Thứ năm nó giúp tôi học được tính kỹ luật bản thân trong việc quản lí tiền bạc. Kiếm tiền ai mà không kiếm được, giữ được tiền và tạo ra nhiều tiền hơn từ số tiền đã kiếm được thì có mấy ai. Kỹ luật bản thân và kiềm chế những ham muốn mà tiền mang lại đó là điều tôi luôn rèn luyện.
Thứ sáu giúp tôi hiểu thêm về con người, về những người xung quanh mình, tôi xem thấy được khi tôi có nhiều tiền và khi không có đồng nào trong tay. Tôi sẽ biết được ai là những người bạn thực sự của mình.
Có nhiều tiền chưa hẳn là giàu có, và phương diện giàu có của tôi là sự thỏa mãn, còn bạn quan niệm về chủ để này như thế nào. Dù thế nào thì hãy sử dụng tiền bạc và biến chúng thành công cụ để đáp ứng những thỏa mãn cho riêng mình bạn nhé!
“Sự giàu có rốt cục cũng chỉ là một thứ tương đối. Vì một người có ít tiền và ít nhu cầu sẽ giàu hơn những kẻ nhiều tiền nhưng lắm nguyện vọng.”
Từ lâu trong tôi đã có rất nhiều suy nghĩ về giáo dục. Chủ đề này được đề cập rất nhiều. Kiến thức nặng, không thực tế, hàn lâm, sinh viên đào tạo ra chất lượng thấp, không việc làm… có người viết, có người làm clip để nói. Tôi thấy chúng ta đang tốt hơn mỗi ngày. Mọi người đã thấy được chúng ta chưa tốt ở điểm nào. Điều đó thật tốt, phải nhìn được thiếu sót, sai lầm ở đâu thì mới có cách sửa đổi. Việt Nam đang rất nhiều người trẻ, chúng ta có nguồn lực lớn để làm việc, làm việc thì họ kiến ra tiền sử dụng cho mình và giá trị cho xã hội. Họ cần có suy nghĩ để đi đúng hướng. Theo cách thông thường là chúng ta trang bị kiến thức cho cá nhân đó, họ đến trường và được giáo dục.
Tôi sẽ không trình bày rộng nữa. Tôi sẽ đi vào cái nhỏ hơn. Khi tôi học toán cấp 3, giáo viên của tôi đã bắt chúng tôi ghi vào vở rằng trong không gian hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành sẽ vẽ thành hình bình hành. Hình tròn sẽ được vẽ thành hình oval. Và lúc đó tôi nghĩ rằng thầy cho ghi vậy làm gì, ai chẳng biết. Cho đến khi tôi xem một đứa em học hình không gian. Sau khi đọc đề để vẽ một hình hộp chữ nhật. Trước tiên nó vẽ một hình chữ nhật trên mặt phẳng, bắt đầu vẽ chiều cao, vẽ thêm mặt đáy chữ nhật, liên tục tẩy xóa và không biết làm sao cho nó ra hình hộp chữ nhật. Tôi nói nó vẽ cái hình bình hành thay cho hình chữ nhật. Nó cãi là hình hộp chữ nhật mà, phải hình chữ nhật chứ. Đây là một thói quen khi học toán trong mặt phẳng. Điều này không được viết trong sách.
Điều tôi muốn nói là có những chi tiết nhỏ, chúng ta vì vội vàng, vì nghĩ nó đơn giản ai cũng biết và bỏ qua. Những cái đầu non trẻ mới lớn còn thiếu sót lắm. Chúng ta cần tỉ mỉ hơn. Có bao nhiêu học sinh được dạy là các em nên chủ động tìm hiểu kiến thức, trường học chỉ dạy cho các em một số kiến thức cơ bản. Học sinh hay nghĩ mình bị áp đặt phải học cái này, đây là thứ các em cần học mà chưa ai nói thêm còn nhiều thứ khác các em sẽ tự khám phá.
Điều này tạo ra cho cá nhân em đó biết rằng bản thân mình là một chủ thể riêng biệt hãy tự làm điều tốt nhất cho mình, chúng tôi chỉ giúp em được như thế. Chúng tôi không đánh giá được hết năng lực của em. Giáo dục chỉ giúp xã hội định vị em ở một mặt nào đó thôi. Còn nhiều thứ khác giúp em có thể khẳng định mình. Thay vì áp đặt hãy nói với học sinh em chủ động đi. Hãy nói điều đó, nói nhiều lần, bởi cái tuổi đang chơi, ngây thơ đó không nhớ ngay được đâu. Hãy nói điều nhỏ hơn, đừng lầm tưởng rằng ai cũng biết.
Môn văn, kiểu học văn của học sinh như tôi đang diễn ra đại trà. Mai có môn văn, mở sách tham khảo, văn mẫu chép vào. Kiểm tra văn muốn điểm cao đọc văn mẫu chép vào. Những bài phân tích văn đó rất lan man. Có đứa bạn từng hỏi tôi Rừng Xà Nu viết gì vậy. Nó chép văn mẫu thôi và không biết nó viết gì, nhìn dài quá không muốn đọc. Và hai vấn đề ở đây, thứ nhất chỉ một vài của hàng triệu tác phẩm được đưa vào giáo dục, trong khi văn học nước ta nhiều và đa dạng, thứ hai vì viết phân tích quá dong dài mà đi xa những cái tác giả muốn nói. ( Nhiều khi tôi nghĩ tác giả có nghĩ nó cao siêu, vĩ đại đến thế không.)
Dưới đây là điều tôi mong muốn khi học văn thay vì cách dạy trên. Đọc hiểu được nhiều tác phẩm hơn (Khi nào thì các tác phẩm như Kính Vạn Hoa, Harry Potter… tác phẩm hiện đại được đưa vào giáo dục) để học sinh được tiếp cận được nhiều thông tin, đa dạng vốn hiểu biết của bản thân. Sẽ có tranh cãi là: Muốn đọc sách thì ra ngoài mua đọc, đây là giáo dục, sách dạy văn không phải sách truyện, sách khoa học, sách hạt giống tâm hồn… Ý tôi là chúng ta đang dạy trẻ viết văn sao. Viết là một kỹ năng để diễn đạt ngôn ngữ, nhưng trước khi viết phải hiểu ngôn ngữ.
Điều học sinh cần ở giáo dục là phương pháp đọc hiểu tốt. Đọc hiểu tốt thì khi tiếp cận kiến thức các em có thể biết sách này nói gì, ý của tác giả muốn truyền đạt là gì, sách khoa học viết thế này nên đọc sao mới hiểu được, đưa ra đánh giá với nguồn tin đọc được … nhiều tác phẩm thật sự khó đọc khi không có sự hướng dẫn đọc và học sinh không có cái nhìn đúng về các thông tin hỗn độn trên mạng xã hội.
Điều này tạo kỹ năng cho học sinh đọc hiểu tốt hơn khi mà thông tin kiến thức ngày càng nhiều mà tác phẩm văn học thì bị giới hạn trong sách giáo khoa. Điều này hướng tới việc giáo dục ban đầu mà tôi muốn chia sẽ hãy đi và tìm kiến thức cho bản thân.
Hơn khi nào hết, tôi muốn nói: Hãy trao cho các em kỹ năng tìm kiến thức, hiểu kiến thức chứ đừng nói phải học cái này đi. Lợi ích của việc này thì học sinh sẽ được tiếp nhận kiến thức thời cuộc hơn, nhà trường sẽ trở thành kênh liên kết thông tin hiện thời với học sinh. Chúng ta thường giáo duc đạo đức bằng các câu chuyện thì sẽ chia sẻ được với học sinh nhiều câu chuyện hơn theo cách này. Và mặt nào đó là nền văn học Việt Nam sẽ được khai thác tốt hơn.
Cách thức thực hiện
Tôi không có nhiều chuyên môn để nói sâu vào chi tiết. Đơn giản là chúng ta sẽ tổng hợp lại cách đọc hiểu văn bản, tác phẩm. Kỹ năng này sẽ được luyện nhiều trong 12 năm học và tăng theo cấp độ, kết hợp cả viết. Chúng ta sẽ có những bài cơ bản trong sách giáo khoa, cách đọc tác phẩm, đưa ra ý nghĩa từng phần, mấu chốt nội dung chính là gì.
Hình thức kiểm tra: Đọc tác phẩm, viết ra thông điệp của từng đoạn văn, hay là tóm tắt cái ý chính em hiểu ở mỗi đoạn văn. Cuối bài sẽ có một bài viết ngắn gọn và xúc tích theo để tài (không dài dòng) và đương nhiên làm kiểm tra sẽ có thời gian nhất định để làm bài. Đánh giá được năng lực tiếp cận kiến thức của học sinh.
Một số thứ ban đầu sẽ có như một kho đề chung để trường chọn đề kiểm tra, sau đó ổn hơn thì nhà trường có thể tự trích thông tin trên sách báo, tác phẩm có tên tuổi để làm đề. Kiến thức sẽ nhiều và linh động hơn. Sẽ tốn giấy hơn khi in đề vì bây giờ đề không chỉ nằm trong mẫu giấy A4 cắt 3 ngắn gọn, mà sẽ là 2,3 trang để đọc (có thể nhiều hơn.) Ban đầu nên áp dụng với vài nơi, để nếu có sai sót thì dễ chỉnh sửa. Viết văn chuyên sâu thì nên để đại học làm.
Tôi nghĩ học sinh Việt Nam rất thông minh, điều này không làm khó các em. Nếu chương trình được giàn trải tốt các em sẽ có thời gian để làm việc khác. Và nên nói với các em tại sao văn lại được thi bắt buộc. Chắc các em chưa biết đâu trong khi chúng luôn phải thi văn.
Lời hứa về một sự trải nghiệm, lời hứa về những khoảnh khắc, tôi trở lại Hà Giang vào một ngày đầu tháng 11, trong ba lô không gì hơn ngoài một vài bộ quần áo, một cuốn sách và một chiếc máy ảnh. Tôi có thói quen đánh giá những gì mình thu lại được từ mỗi chuyến đi qua những trang sách và những khung hình. Khi bạn còn trẻ bạn lên đường với trái tim hừng hực, khát khao sự trải nghiệm, khát khao chinh phục những cột mốc, những cung đường nhưng cái hừng hực của tuổi trẻ đôi khi đánh lừa bạn bởi có những thứ quý giá, dung dị cũng cần thiết cho tuổi trẻ nhưng lại cần một trái tim điềm tĩnh và sâu lắng.
Càng đi nhiều tôi càng thấy mình cần phải chậm lại, một cuốn sách và những bức ảnh luôn là cách để tôi làm chậm mình lại, là cách để tôi cảm nhận một cách sâu nhất về những nơi tôi đi qua và đặt chân đến.
Trước chuyến đi nhiều người nói với tôi rằng: Đi như vậy thì nên đi độc hành nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn cho mình một chuyến đi cùng rất nhiều bạn đồng hành mới. Tôi biết mình có những cách nhìn và quan niệm khác mọi người nhưng đôi khi chỉ nhìn cuộc sống qua đôi mắt của bản thân là chưa đủ, tôi muốn mình có một cái nhìn đa chiều mà điều đó chỉ có được qua con mắt, trái tim của nhiều người, nhất là những bạn trẻ như tôi. Đi để có những trải nghiệm, để có những giây phút lắng mình suy ngẫm cũng tốt, nhưng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu mỗi chúng ta không chỉ suy ngẫm riêng tự tại mà còn biết bày tỏ quan điểm, truyền cảm hứng cho những người xung quanh hay chí ít là biết cách chia sẻ, thế nên suy cho cùng quan trọng vẫn là cách nhìn, nên hay không nên nhiều khi cũng chẳng có ranh giới.
Chiều Hà Giang lạnh buốt bởi những cơn gió đầu mùa rít gào từng đợt qua thung lũng và những con đèo mù sương, vài bản làng heo hút nép mình bên sườn núi, cái ôm chặt của người bạn đồng hành không giúp tôi tránh khỏi cái rùng mình. Đường đi Đồng Văn, chúng tôi dừng chân ven một ngôi nhà có ruộng tam giác mạch trước hiên. một vài bà cụ cầm gậy với lũ trẻ ăn mặc sơ sài đứng trước cửa ngăn chúng tôi lại để thu tiền. Trời đã xẩm tối, tôi đứng ven đường set máy bấm vội vài tấm ảnh.
Hà Giang thay đổi nhanh quá, không còn là cô gái nhu mì nép sau khung cửa nữa… nhưng vẫn rất đẹp, cái đẹp lúc dung dị, lúc kiêu sa. Ngôi nhà thật ấm cúng, cả đống rơm và ruộng hoa tam giác mạch, bà cụ cười hiền nhìn tôi rồi bảo: “Chụp nhanh lên không bà thu tiền đấy, đêm nay ngủ đâu?” Tôi vội vã thu đồ, không quên hứa với bà cụ lần sau trở lại sẽ xin một đêm ngủ lại nhà bà. Biết vậy, nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng, du lịch Hà Giang vì ai nên nỗi? Nhiều người bạn của tôi quay lại Hà Giang cũng không tránh khỏi cái sự chạnh lòng ấy. thế nhưng tôi vẫn nghĩ câu chuyện chỉ là cái nhìn, bạn nhìn theo góc này góc khác mọi thứ đã trở lên khác biệt, đừng bi quan và thất vọng quá sớm. Trở lại lần này, Hà Giang rõ ràng đã đem đến cho tôi những khung hình khác và một cái nhìn rất khác…
Đêm Đồng Văn se lạnh, sau khi làm vài chén rượu ngô cho ấm người, tôi lại lang thang vác máy ngắm nhìn và cố tìm cho mình một khung hình đẹp nhưng cuối cùng lại về không. Đồng Văn giờ không còn gì nữa, tôi buồn bã chấp nhận cái sự thật ấy dù vẫn hơi bàng hoàng vì mọi thứ thay đổi quá nhanh.
Tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là sự rối rắm đến nhức mắt, cái sự mất bản sắc đến ghê gớm, có lẽ cụm từ đầy xao xuyến: “Thương nhớ Đồng Văn” giờ nghe lại càng xót xa hơn. Cafe phố cổ giờ quá đông đúc và ngột ngạt, người ta đặt một cái sân khấu ở giữa, một vài tiết mục thổi khèn xen lẫn một vài bài hát theo yêu cầu. Vội rời đi trong giai điệu của Niệm khúc cuối, một vài người bạn của tôi tìm đến những quán karaoke giờ đầy rẫy ở Đồng Văn. Trở về nhà nghỉ, tôi lôi cuốn sách ra đọc nhưng cái mệt nhoài sau những khúc ôm cua ban ngày khiến tôi vội vã gấp sách chìm vào giấc ngủ.
Ở vùng đất mà cột mốc biên giới cắm dày đặc, nhiều hơn cả cột điện dưới xuôi, tôi gặp những đứa trẻ vùng biên, ngoài cái nét hồn nhiên thơ ngây vốn dĩ của tuổi thơ chúng luôn gợi cho tôi về một sức sống mãnh liệt, như bông hoa cúc dại nhỏ đâm lên từ những kẽ đá tai mèo lởm chởm. Những đứa trẻ áo quần mong manh, phơi mình ra với gió và sương lạnh nhưng không bao giờ thiếu nụ cười, thiếu những trò chơi ngộ nghĩnh. Nếu ở dưới xuôi nhìn hình ảnh này tôi có thể tiên đoán về tương lai của cậu bé nhưng ở cái vùng đất chỉ toàn đá và đá liệu lấy gì và lấy ai quan tâm để vun đắp cho những ước mơ của em. Tôi ngờ rằng những mơ ước của em rồi sẽ nhỏ dần, nhỏ dần, đến một ngày có khi nó chỉ gói gọn trong hai từ cỏn con: “No ấm.”
Tương lai của em rồi cũng liêu xiêu như chính căn nhà mà em đang dựng và liệu lớn lên em có như bố em say sưa trong những phiên chợ mà quên mất đường về, lúc đấy có khi nào em nghĩ về những mong ước thủa bé. Rời Lũng Cú, mốc 422, tôi không khỏi suy nghĩ ngổn ngang, ông trời đã đưa đẩy mỗi người chúng ta vào những hoàn cảnh khác nhau mà đôi khi quẩn quanh chẳng thể thoát ra được, thế thì việc của chúng ta là hãy vui sống và làm tròn bổn phận của mình. Tôi có bổn phận đi xây dựng đất nước, còn em, cái sự tồn tại của em trên mảnh đất khắc nghiệt địa đầu tổ quốc đã là một điều thật thiêng liêng và đáng quý…
Chúng tôi gặp lại những đứa trẻ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, những đứa trẻ phong phanh, chúng chạy ùa theo chúng tôi, chìa tay đón những chiếc kẹo hay những bộ quần áo chúng tôi cho chúng. Ở nơi lưng chừng trời đất và cái lạnh phả từng đợt theo gió, nhưng sự hiện diện của những đứa trẻ mang đến cho chúng tôi một cảm giác ấm áp khác lạ, tôi không thể lý giải.
Trở về sau chuyến Phượt, hình ảnh những đứa trẻ trên đỉnh Mã Pí Lèng cứ ảm ảnh tôi. Một người bạn rỉ tai tôi rằng, có vào những xã vùng sâu hơn của Hà Giang mới thấy hết được những khó khăn của đồng bào dân tộc, những đứa trẻ ở đấy ăn còn không đủ no nói gì đến chuyện đến trường. Vậy là có thứ gì đó cứ thôi thúc tôi, một tuần sau đó tôi lại sắp xếp ba lô để lên đường quay lại Hà Giang. Lần này, tôi đi cùng một người em, chúng tôi nhen nhóm cùng nhau ý tưởng về một chương trình từ thiện dành cho những đứa trẻ vùng cao. Tôi hi vọng sức trẻ của em cùng những trải nghiệm của tôi có thể làm được một điều gì đó ý nghĩa.
4 giờ sáng, Hà Giang lại chào đón các vị khách bằng cơn mưa tầm tã, tưởng như không bao giờ dứt. Chuyến xe sớm nhất đi Mèo Vạc ngổn ngang hàng hóa chất đầy dưới gầm xe cả trên nóc xe. Rồi những con đường đèo mù sương quanh co, dốc ngược, những khúc ôm cua táo tợn của tài xế khiến hơn 5 tiếng đồng hồ tiếp theo của chúng tôi trôi qua trong những cảm xúc lẫn lộn.
Ăn tạm bát cơm cùng một vài người bạn dẫn đường đã hẹn trước, hai đứa chúng tôi lại vội vã lấy chiếc xe máy đã đặt thuê trước đó để lên đường vào xã Thượng Phùng, một trong những xã vùng biên khó khăn của Hà Giang. Cơn mưa nặng hạt ban sáng đã làm con đường vào xã trở nên đặc biệt gian nan với chúng tôi, sau này nói chuyện với các thầy cô trong trường, tôi mới biết được rằng những con đường này nhà nước chỉ đầu tư kinh phí cho việc nổ mìn phá đá còn lại toàn bộ được huy động bằng sức dân, vì thế những con đường ở đây vốn đã lởm chởm đá lại càng trở lên lầy lội vào những ngày mưa.
Đường đi hơn 3 chục cây số nhưng phải 5 giờ chiều hôm đó chúng tôi mới vào được xã, điểm đến của chúng tôi là trường tiểu học bán trú và mầm non Thượng Phùng. Chào đón chúng tôi là những âm thanh rộn ràng, những nụ cười dường như không bao giờ ngớt trên môi các em nhỏ nơi đây. Chiều mờ sương, những cơn gió lạnh không ngừng thổi, trong những nụ cười đã thoáng thấy cái run run, một thầy giáo nói nhỏ với tôi rằng: “Em đã nghe câu: Bọ chó Đồng Văn, gió Thượng Phùng chưa? Gió ở đây chưa bao giờ ngừng thổi và sương mù thì cũng quanh năm may ra chỉ trừ có tháng 7 đến tháng 8.”
Chúng tôi cứ hồn nhiên chơi đùa với lũ trẻ mà quên mất thời gian, đêm ở Thượng Phùng phải nói lạnh đến tê người mặc dù mới chớm vào đông, các thầy cô giáo nơi đây tiếp đón chúng tôi thân tình bằng bữa cơm khá đầy đủ và những chén rượu ngô không thể thiếu. Thầy Nam, phó hiệu trưởng nói với tôi: “Thượng Phùng là xã giáp biên nên may mắn được được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm, mùa đông năm nay ở điểm trường trung tâm các em đã có áo ấm để mặc nhưng về bữa ăn hàng ngày thì vẫn hết sức khó khăn, nhiều lúc bữa cơm chả có gì ngoài cơm và nước mắm, nhìn các em ăn ngon lành mà thấy thương.”
Trong câu chuyện, tôi cứ tự hỏi điều gì đã níu chân những người thầy cô giáo vốn vượt bao dặm đường từ dưới xuôi lên đây? Chắc không phải những lí tưởng cao xa đâu, bởi kể cả lí tưởng có đẹp đẽ đến đâu thì rồi cũng bị cái hiện thực trần trụi đè nặng. Vậy thì đơn giản thôi chỉ là những nụ cười hồn nhiên trong từng giây từng phút kia hay như chén rượu ngô ấm áp sự sẻ chia và cảm thông.
Rượu ấm người, tôi ngồi trò chuyện với anh Tịch người quê gốc Hưng Yên, giáo viên một trong những điểm trường xa nhất giáp ranh với Trung Quốc. Anh Tịch khoe với tôi vài bức ảnh anh chụp cảnh tuyết rơi trắng xóa mùa đông năm ngoái ở điểm trường. Sau phút hào hứng ban đầu anh trầm ngâm nói: “Khó khăn lắm em à, mình không chỉ làm nhiệm vụ là một người giáo viên mà còn làm cả nhiệm vụ chính trị, ở những xã giáp biên như thế này việc gần gũi với dân, động viên và tuyên truyền đôi khi cũng quan trọng không kém cái việc đem con chữ tới cho lũ trẻ. Do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp nên hầu như những vai trò chủ chốt trên này như giáo viên, công an… đều do người dưới xuôi lên đảm nhận.”
Thượng Phùng có một trường tiểu học và mầm non trung tâm với điều kiện vật chất tương đối tốt còn lại rải rác hơn 7 điểm trường cực kỳ khó khăn với nhà gianh vách đất, có những điểm trường phải học nhờ nhà dân và tất cả đều chưa có điện nước. Tôi ngồi với anh Tịch cho tới tận nửa đêm, những câu chuyện về tình hình biên giới hay cuộc sống của đồng bào nơi đây cứ cuốn hút tôi. Càng về đêm trời càng lạnh buốt, nhưng cái không khí chân tình ấy làm tôi cảm thấy ấm áp, đêm hôm đó tôi đã có một giấc ngủ rất sâu.
Trong chuyến đi này, anh Trọng một công an viên của huyện Mèo Vạc có nói với tôi rằng: “Hầu như các tất cả các xã của huyện Mèo Vạc như Sơn Vĩ, Xín Cái, Pả Vi… đều có những điểm trường khó khăn chứ không chỉ riêng Thượng Phùng.” Và thế là sáng hôm sau chúng tôi rời đi Pả Vi theo lời mách của anh Trọng, Pả Vi là một xã giáp với thị trấn Mèo Vạc nên dường như ít được sự quan tâm mặc dù cũng đặc biệt khó khăn.
Gặp chị Hằng một cán bộ xã, chúng tôi bày tỏ ý định được đến thăm các điểm trường của xã nhưng chị Hằng cho biết: “Là ngày nghỉ nên các học sinh và thầy cô không có mặt ở điểm trường, hơn nữa đường vào các điểm trường rất khó khăn, hầu như phải đi bộ và leo núi.” Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi phải khép lại cuộc hành trình của mình ở đây. Trước khi chia tay chị Hằng trỏ tay chỉ cho chúng tôi những ngọn núi chót vót rồi nói: “Các điểm trường đều không có điện nước và heo hút nên các thầy cô giáo ở đây ngày nào cũng phải đi bộ 7-8 km đường núi để đến điểm trường dạy học. Đến ngay cả các em học sinh bán trú ở tại đây khẩu phần ăn cũng còn thiếu thốn chứ nói gì đến con em đồng bào ở các điểm trường.” Rời Pả Vi dường như chúng tôi mới chứng kiến một phần rất nhỏ những khó khăn của bà con cũng như lũ trẻ nơi đây…
Chợ Mèo Vạc, điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trước khi lên đường trở về Hà Nội. Nếu bạn cần tìm một nơi đầy màu sắc với đầy đủ những bản sắc độc đáo thì chỉ có ở phiên chợ vùng cao. Ở chợ Mèo Vạc người ta bầy những chiếc bàn thấp, trên mỗi bàn đặt vài chai rượu ngô với vài cái chén, khách đi chợ có thể dừng chân uống mà hoàn toàn miễn phí. Ở đây tôi gặp từng tốp những người đàn ông và cả những người phụ nữ váy áo đặc trưng từng dân tộc ngồi uống rượu không khác gì người thành phố tụ tập uống trà đá vỉa hè.
Sau vài cái nâng chén chuếnh choáng với một nhóm phụ nữ dân tộc, tôi lặng lẽ rời đi rồi bắt gặp đôi vợ chồng này. Nét suy tư của người vợ trong lúc ngồi đợi anh chồng say sưa sau phiên chợ buổi sáng, một hình ảnh đặc trưng của những phiên chợ vùng cao, khoảnh khắc đó đã trao cho tôi một khung hình đẹp, nó làm tôi thêm suy ngẫm, thêm yêu và nghĩ mình phải làm một cái gì đó cho mảnh đất này. Ra khỏi chợ Mèo Vạc, trong lúc đợi xe, chị bán hàng ở cổng chợ bảo chúng tôi chụp một vài bức ảnh kỉ niệm và không quên dặn dò: “Về nhớ gửi ảnh cho chị qua facebook nhé,” chị hồ hởi nói: “Mấy đứa Hà Nội xuống cứ ngạc nhiên bảo bọn chị biết dùng cả facebook cơ à, chị mới bảo với chúng nó là chúng mày tưởng ở đây quê lắm à, ở đây bây giờ còn ăn chơi hơn ở Hà Nội ý chứ.” Tôi cười trừ và chẳng biết là nên vui hay buồn với câu nói ấy.
Trời chiều bảng lảng, trên chuyến xe từ Mèo Vạc về thành phố Hà Giang, tôi ngắm nhìn những ruộng tam giác mạch còn sót lại ven đường. Loài hoa thời vụ mong manh ấy khiến tôi liên tưởng đến những con người nơi đây, giàu sức sống là vậy nhưng có điều gì đó cứ bấp bênh. Chuyến xe lại phì phò trên những con dốc mệt nhoài, một vài lời tán tỉnh của những đôi trai gái học sinh dân tộc bán trú, tôi thở dài và mê man trong những giấc ngủ, đến khi giật mình tỉnh giấc thì đã thấy những ánh đèn lấp lánh như những ánh sao từ trên trời rơi xuống của thành phố Hà Giang hiện ra dưới thung lũng.
Có những sự kiện lịch sử mà vô tình đã bị lãng quên, Hà Giang là chiến trường của những cuộc chiến tranh giành cao điểm. Năm 1984 đã có hàng ngàn chiến sĩ của chúng ta đã ngã xuống để chiến đấu bảo vệ và giành lại những cao điểm trên mảnh đất này. Ngày nay thời bình, tưởng như mọi thứ yên bình trước mắt nhưng vẫn có một cuộc chiến cũng đầy gian nan và khó khăn, cuộc chiến cho sự tồn tại, cho những nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ Quốc.
Tôi còn nhớ cái đêm tôi ngồi với các thầy ở Thượng Phùng, thầy Nam có nói với tôi rằng: “Anh biết bọn em sẽ làm được, nhưng anh muốn nói rằng chỉ riêng việc bọn em lặn lội vào tận đây để thăm các em cũng đã là một điều hết sức đáng quý, đối với bọn anh đó là sự chia sẻ và động viên.” Đúng vậy, chia sẻ luôn là điều rất quan trọng, chia sẻ sẽ tạo nên sức mạnh và sự lan tỏa.
Xã hội này, đất nước này sẽ chẳng đi đến đâu nếu có những bộ não biết suy nghĩ đứng đắn nhưng lại chỉ giữ suy nghĩ ấy cho riêng mình. Cái mà những đứa trẻ và người dân nơi đây cần không chỉ là cái ăn, cái mặc, cái chữ mà cần lắm cả sự sẻ chia. Vậy nên tôi muốn chia sẻ câu chuyện về chuyến đi này đến nhiều người, câu chuyện về một vùng đất đẹp, đa văn hóa nhưng cũng ẩn chứa những nỗi buồn riêng. Biết đâu trong số nhiều người đọc sẽ có những người cùng cách nghĩ như tôi và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong những dự định sắp tới.
Thay cho lời kết, tôi xin trích một câu nói mà tôi rất thích của người Nga: “Nếu có hai cái bánh mỳ, tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng.” Sau này, tôi mới hiểu rộng ra rằng hoa hồng là cái đẹp, hay tượng trưng cho những điều tốt đẹp. Cuộc sống của chúng ta ngoài những nhu cầu về vật chất còn cả những nhu cầu về tình thần, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần có thể là khi ta ngắm một loài hoa, hay cả khi ta rong chơi trên những cung đường, nhưng nó cũng có thể là khi ta làm một việc thiện, một việc tốt lành. Vâng, tôi xin bớt một chút lãng mạn, chút phiêu lưu tuổi trẻ của mình để dành chỗ cho những điều tốt đẹp nho nhỏ, những điều tôi đã và đang chia sẻ với các bạn.
Những ai có tấm lòng hoặc chỉ đơn giản là quan tâm, chia sẻ đến chương trình từ thiện “Sưởi ấm nụ cười Pả Vi” có thế liên hệ với chúng tôi qua group facebook hoặc trang facebook cá nhân của tôi.
Bài viết có quy mô hạn hẹp chỉ đề cập đến một số tính mà theo người viết là xấu, nhưng tồn tại xung quanh chúng ta hàng ngày đến nỗi hình như đã thành quy chuẩn chung. Chung đến mức khi mà muốn thoát khỏi quy luật đó thì bị nhìn với ánh mắt kiểu như người ăn chay chứng kiến người ta giết mổ gia súc.
Một là đổ lỗi
Xung quanh chúng ta có nhiều người có thói quen hay đổ lỗi và hay than thở, ý tôi muốn nói ở đây là đổ lỗi cho những gì khách quan xung quanh, cho mọi thứ có thể ngoại trừ chính bản thân mình. Ví dụ như nếu học sinh đi học có điểm số không tốt: do đề khó, do giáo viên chấm kỳ quặc, do không đủ thời gian, do thời tiết không đẹp, do abcxyz làm tôi phân tâm, do ti tỷ thứ khác. Nếu đi làm không được suôn sẻ: do công việc khó khăn, đồng nghiệp xấu tính, lão sếp hà khắc, mọi thứ thật bất công, vân vân…
Những hành động này ban đầu khiến cho mọi người có thể thấy dễ chịu hơn, nhưng nó luôn luôn là một vòng tròn luẩn quẩn của những sự suy ra vòng vo mà sau một hồi truy ngược mà cuối cùng ai cũng sẽ thấy mũi tên chỉ về hướng mình, trừ những người hoặc quá cố chấp không chịu chấp nhận sự thật rằng cá nhân ai cũng có thể phạm sai lầm và cần chịu ít nhất phần trách nhiệm nào đó cho sai lầm của chính bản thân.
Đổ lỗi có khiến cho lỗi lầm của bạn giảm đi không? Không! Thậm chí trong một số trường hợp nó còn vô tình làm cho tội lỗi ấy lớn lên trong sự suy diễn của người khác. Than thở với mọi người xung quanh có khiến cho vấn đề của bạn được giải quyết không? Không! Mọi người biết về vấn đề của bạn, nếu mười người thì may ra được một người thực sự có chút quan tâm thông cảm, nhưng gần như họ chẳng giúp được điều gì cho bạn.
Còn lại thì sao, gần như chỉ là hóng chuyện để thị phi. Cuối cùng thì vẫn chỉ là bạn tự thân đi giải quyết vấn đề của chính mình, vì người khác cũng có công việc của riêng họ. Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ làm điều này hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống thường nhật? Quanh ta có quá nhiều “người bán than” rồi nên cũng cần hoà đồng với những người như họ sao? Tôi tin trong chúng ta chắc hẳn ai cũng từng ít nhất một lần nghe qua câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Nhưng thành thật với chính mình xem, mười lần phạm lỗi thì có được quá nửa số lần bạn thốt lên được câu trách mình đầu tiên? Nhận xét có phần phiến diện cá nhân khi chỉ qua một số lần quan sát phản ứng của những người xung quanh, nhưng thực sự tôi thấy chỉ cần quá bán đã là một con số tiến bộ so với mặt bằng chung rồi.
Hai là phê bình
Có phải văn hoá Việt Nam là văn hoá phê bình? Tôi đồng ý nhưng không hoàn toàn. Về phần đồng ý thì vì có nhiều người làm tôi có cảm giác họ coi việc phê bình người khác là một thói quen, một hành vi mà không thực hiện hàng ngày thì họ không chịu được hay sao ấy. “Criticism is easy, but art is difficult.” hay là đơn giản gần gũi hơn chút thì “Nói thì dễ, làm mới khó.” Câu này thì quen quá đi chứ. Còn về phần không đồng ý thì do sau một số lần để ý lắng nghe lời phê bình thì tôi thấy chẳng có mấy phần là phê bình mang tính xây dựng góp ý, đa số đều là chỉ trích hoặc có lúc tệ hơn là miệt thị đến cá nhân người nghe lời phê bình. Mà như vậy thì sao lại gọi là “văn hoá”?
Thứ ba là thái độ tiếp nhận những lời nói phê bình hay mang tính tiêu cực
Một thói xấu khác liên quan đến cả hai thói xấu trên mà tôi nghĩ tồn tại ở rất nhiều người, ngay cả chính bản thân tôi cũng có, đó là có thể nói bản thân muốn nghe góp ý phê bình cho hoàn thiện hơn, nhưng nếu nhận được góp ý thì dù chân thành thẳng thắn tử tế hay mang tính chỉ trích miệt thị, phản xạ đầu tiên luôn là nhảy dựng lên và tìm cách bao biện đổ lỗi. Phản ứng thông thường khi cảm thấy bị xúc phạm là điều dễ hiểu, đặc biệt là khi điều ấy nói sai về mình.
Nhưng rồi tôi học được đầu tiên cần biết lắng nghe có chọn lọc những gì người khác nói, nếu người ấy đúng và thay đổi điều đó làm cho bản thân mình tốt lên thì sao lại không cố gắng? Người nào thực sự góp ý muốn tốt cho bạn thì còn cần cảm ơn họ nữa. Còn nếu sai, đương nhiên là mặc kệ họ rồi, chẳng lẽ người khác chửi mình mình cũng phải gân cổ lên đáp trả cho xứng đáng, rồi ôm cục tức hậm hực mãi sao?
“Nó như vậy không chửi lại tao không chịu được!” Câu này tôi đã nghe khá nhiều lần, và nó cũng là một trong những lý do khiến cho từ vài câu nói vu vơ có thể dẫn đến cả một trận khẩu chiến hay hỗn chiến ác liệt. Nói, hay hoa mỹ hơn thì là tự do ngôn luận, là cái quyền mà theo lý thuyết ai cũng có (dù rằng thực tế không phải ai cũng hiểu và lúc nào cũng có khả năng vận dụng đúng đắn), nhưng nghe và tin hay quan tâm không thì là quyền của bạn, trên cả lý thuyết lẫn thực tế.
Tại sao phải cố gắng điều khiển “quyền của người khác” trong khi lựa chọn quyền của mình thì đơn giản hơn nhiều? “Nói thì dễ lắm”, nhưng nếu không bắt tay vào việc quyết định lựa chọn của mình mà đã than khó, than lười thì không bao giờ bạn làm được cả.
Nếu cần ví dụ, tôi có thể lấy chính mình ra làm ví dụ, tôi cũng có trải qua quãng thời gian cố gắng cư xử đường hoàng đúng mực nhất có thể, vì sợ bị đánh giá này kia, nhưng rồi cũng phát mệt vì thực tế hẳn ai cũng hiểu là chẳng bao giờ bạn có khả năng làm vừa lòng tất cả mọi người. Điều này các bài viết về cách để sống hạnh phúc vui vẻ cũng nhai đi nhai lại nhiều rồi: Thay vì cố gắng chạy theo làm vừa lòng ai đó xa lạ thì hãy chuyển sự quan tâm của mình sang những người rõ ràng là xứng đáng hơn nhiều: gia đình bạn, bạn bè tốt của bạn, những người thực sự quan tâm đến bạn…
Dù rằng khi mới bắt đầu điều đó thì có thể vài đứa bạn sẽ nhìn bạn với con mắt kì quái như thể bạn là tâm thần vừa trốn trại, còn bố mẹ bạn thì hỏi “Rốt cuộc là muốn xin xỏ điều gì đây?”… nhưng bạn có muốn thay đổi cho bản thân vui vẻ hạnh phúc hơn không? Thực sự muốn thế thì hãy bắt tay vào thực hành, vượt qua được giai đoạn thấy kỳ cục, ba chấm này kia đầu tiên thì việc quan tâm người khác rất thú vị, và cảm nhận được sự quan tâm từ người khác theo một cách khác thay vì thụ động chờ đợi cũng thú vị hơn rất nhiều.
Kết
Những điều tôi liệt kê ở trên chắc không lạ lẫm gì, mà có khi đã được nói trước đây vài lần rồi nhưng tôi vẫn muốn lên tiếng chia sẻ suy nghĩ cá nhân, cũng có phần muốn hiểu hơn cảm giác nói lên ý kiến của mình thay vì thụ động và im lặng như đã từng. Và tôi tin cũng có rất nhiều người đã muốn và can đảm thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn, nếu có ai từng lựa chọn một con đường sống vui vẻ hơn tương tự như điều tôi nói mà đọc được đến đây thì hãy chia sẻ nhé.
Trung Quốc, một đất nước có 4000 năm văn hóa cùng với 1,3 tỷ dân số. Và trong đó rất nhiều người là tài năng, có thể nói đây là nguồn lực dồi dào. Với việc sở hữu một nguồn lực như vậy thì việc người Trung Quốc tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới là một điều hoàn toàn có thể. Nhưng để làm được như vậy họ phải thực hiện chiến lược ra sao, họ gặp phải trở ngại như thế nào.
Thế hệ thứ 4 của họ vẫn trung thành với giáo huấn của Đặng Tiểu Bình: “Chỉ có tăng trưởng kinh tế liên tục để nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia mới có thể nhanh chóng đưa Trung Quốc đứng đầu các cường quốc, buộc Mỹ phải dè nể, tôn trọng và đảm bảo được sự sống còn của chế độ.”
Thứ 1 người Trung Quốc đủ sức để hiểu rằng, muốn được phát triển họ phải cần phải có một xã hội ổn định, không nên tiếp nối sai lầm của các quốc gia khác, như việc thách thức trật tự thế giới như người Nhật và người Đức đã làm, hay việc chi tiêu quá nhiều vào quân sự như người Nga,… Nên họ cần một thời gian dài ẩn mình rồi sau đó mới trỗi dậy.
Thứ 2 người Trung Quốc rất chú trọng việc giáo dục thế hệ trẻ của họ, người Trung Quốc đặc biệt rất quan tâm và coi trọng vấn đề này. Họ luôn hướng những con người tài giỏi của đất nước họ đến với khoa học kỹ thuật.
Chiến tranh Việt Nam 1979 đã dạy cho họ một bài học rằng “không thể lấy thịt đè người”. Khi nào khoa học quân sự họ mạnh hơn Hoa Kỳ thì tôi nghĩ họ sẽ chủ động đụng độ quân sự với Hoa Kỳ, khi đó người đặt ra luật chơi là Trung Quốc mà không còn là Hoa Kỳ nữa.
Thứ 3 họ luôn cải thiện môi trường để thu hút đầu từ trực tiếp từ nước ngoài. Tôi tin với dân số như vậy nó có thể đánh bật tất cả các nước khác. Với một nền dân số khổng lồ như vậy họ có thế xốc dậy sự tiêu thụ nội địa của mình để tránh tình trạng suy thoái.
Thứ 4 họ tập trung mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua kinh tế bằng các biện pháp ngoại giao trong chính sách đối ngoài. Ngay cả người Việt Nam chúng ta cũng bị ảnh hưởng thị trường của Trung Quốc, không tin thì các bạn cứ tìm đi xung quanh những vật bạn sử dụng đa phần đều “Made in China”. Kể cả Hoa Kỳ.
Và rất nhiều những chiến lược cơ bản khác như: phát triển công trình xã hội, phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, …
Nhưng để làm được như thế họ cũng gặp rất nhiều trở ngại
Thứ 1, nền văn hóa của Trung Quốc rất lâu đời nên vấn đề hòa nhập rất khó, Trung Quốc không như Hoa Kỳ với nền văn hóa đa phương. Việc từ bỏ văn hóa đối với họ thì không thể xảy ra, chỉ có các bạn mới là những người bị ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, cứ đọc lại lịch sử các triều đại Nguyên, Thanh hay việc Phật giáo du nhật vào Trung Quốc điều bị ảnh hưởng bởi văn hóa của họ.
Thứ 2: chữ viết, một ngôn ngữ rất khó học. Nhưng người Trung Quốc họ vẫn tự hào rằng không cần biết tiếng Anh chỉ cần biết tiếng Trung là đủ. Vì sao, vì trên trái đất này có hơn 1,3 tỷ người biết tiếng Trung nhiều hơn những người biết tiếng Anh.
Thứ 3, sự sáng tạo nếu quay trở lại lịch sử ở những thời đại trước thì tôi tin trình độ sáng tạo của người Trung Quốc không thua bất cứ quốc gia nào, nhưng giờ đây thì khác. Nên văn hóa của họ đang làm rào cản cho sự sáng tạo của họ.
Thứ 4 về vấn đề xã hội các bạn có thể tham khảo trên nhiều trang mạng, Trung Quốc không phát triển đồng đều, tình trạng thiếu pháp trị ở nhiều nơi, sự quan liêu từ ảnh hưởng cách cai trị phong kiến,… rất nhiều lý do mà không biết bao giờ bùng nổ. Họ cũng như đang ngồi trên một quả bong bóng đang được bom nhưng chưa căng.
Vậy bạn nghĩ gì về Trung Quốc, liệu trong 5 đến 6 thập niên tiếp theo họ có thể trở thành cường quốc hay không?
Nếu tính theo thống kê về trong các thập niên vừa qua, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, cứ tiếp tục giữ vững tốc độ phát triển này trong khoảng 5 đến 6 thập niên nữa thì tôi tin Trung Quốc sẽ vượt qua mặt Hoa Kỳ về GDP là điều tất nhiên. Nhưng về khoa học kỹ thuật thì họ chẳng thể nào bằng Hoa Kỳ được vì những trở ngại họ gặp phải là một điều vô cùng khó khăn để thu hút nhân tài đến với đất nước họ. Cùng với cách ứng xử của họ hiện nay đã phần nào biểu hiện sự vội vàng làm cho những cường quốc phải đặt họ ở một vị trí khác.
Cũng như cách họ ứng xử với các nước Đông Nam Á bằng biện pháp quá cứng rắn để họ phải dè chừng mà không thể cùng Trung Quốc thực hiện chính sách “Hãy lớn mạnh cùng chúng tôi” được.
Nếu lịch sử quay trở lại thì Trung Quốc sẽ là cường quốc số 1 nhưng các bạn biết đó lịch sử có bao giờ quay trở lại không?
CÓ đôi khi… thèm như gió đi hoang…
ĐÔI bàn chân trần mỏi mòn năm tháng
KHI cuộc đời tàn – nỗi buồn lênh láng
THÈM được một lần chếnh choáng men say
NHƯ linh hồn mỏi rã rời giọt cay
GIÓ khẽ len qua làn tóc mây tha thiết
ĐI tìm bóng hình của niềm-đau-bất-diệt
HOANG hoải đường về… trống trải bàn tay…