27 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 164

Nếu có thể

6
Featured image: Prohodna Cave, Bulgaria

 

Nếu có thể, ta muốn ta là một người khác
Ta muốn trở nên độc ác để không phải chịu đựng những nỗi đau
Ta muốn trở lại những ngày trước, để làm lại những gì đã khiến ta hối hận thật lâu
Và ta muốn tìm lại chính mình sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống…

Nếu có thể, ta vẫn muốn giữ lại cho mình một chút hi vọng
Dẫu rằng cuộc sống có chà đạp lên những hi vọng nhỏ nhoi
Ta muốn được một lần sống cho riêng bản thân mình thôi
Ta muốn làm những điều mà người ta cho là điên dại…

Nếu có thể, ta muốn ta cứ đi và đi mãi
Không bao giờ dừng lại giữa dòng đời hối hả những guồng quay
Ta muốn ta sẽ không bao giờ trở lại nơi này
Và ta muốn quên, muốn quên đi tất cả…

Nếu có thể, ta muốn ta được sống như cây cỏ
Ta muốn được rũ bỏ những lo toan
Ta muốn sống với hiện tại, bỏ qua quá khứ và không lo lắng về tương lai
Nếu có thể, nếu như ta có thể…

 

Một Đời Quét Rác

Mỗi cô gái đều xứng đáng được yêu và tôn trọng

6
Featured image: Rebeca Losada

 

Em thật may mắn

Ngồi trong không gian thật yên bình. 3 giờ 49 phút sáng. Thời gian như đọng lại. Linh tính mách bảo em rằng em không nên ngủ. Em quyết định mở laptop và viết ra vài dòng cho chính mình. Em đã sai khi cho rằng mình độc lập và mạnh mẽ, như cây xương rồng khô trên sa mạc, không cần ai bên cạnh cũng có thể sống và sống khỏe mạnh được.

Cây xương rồng dù tràn đầy nghị lực. Nhưng hình ảnh cây xương rồng có giống em không? Em có muốn mình nhiều gai, trơ trọi, sống tách rời nước, ốc đảo và cây xanh hay không? Cây vẫn sống, nhưng đó có phải là cuộc sống mà chính em mơ ước?

Nhiều người thích xương rồng. Và họ hài lòng và mãn nguyện với hình ảnh xương rồng đó. Em hạnh phúc cho họ. Ban đầu em cũng cảm thấy hạnh phúc cho chính mình. Nhưng thật ra em khác họ. Em đã lầm tưởng mình là cây xương rồng, trốn tránh ốc đảo, xù gai, để tránh mình bị thất vọng một lần nữa. Em lầm tưởng mình là cây xương rồng, nhưng thực ra em là cây cỏ dại – vẫn hoang dã, rắn rỏi, nhưng cần nước và đất đai màu mỡ. Em phát hiện ra, em cần anh.

Em thú nhận rồi đấy, và chỉ một lần này thôi.

Tại sao em cần anh?

Vì anh là nước, là đất đai màu mỡ của em.

Như một lẽ tự nhiên, em chấp nhận bản thân em cần một người đặc biệt, để vui sướng buồn khổ với mình. Em nhận ra cần người khác không đáng để xấu hổ hay là biểu hiện của sự yếu đuối. Cần người khác không phải là bản thân mình không mạnh mẽ, mà là ngược lại. Cần người khác nghĩa là em chấp nhận là chính em. Em có những điểm yếu, em có những nhu cầu được chia sẻ, giúp đỡ, và em dũng cảm thể hiện những điểm đó, với anh.

Hoặc cũng chẳng cần lý do gì cả. Chỉ vì em là một con người thôi, với những nhu cầu cơ bản. Mà bấy lâu nay em biết, nhưng cố tình bỏ quên.

Tại sao em cần anh?

Vì đơn giản thôi, anh à, vì em xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. Và vì bởi niềm tin đó, em dũng cảm nói với anh rằng em cũng sẽ yêu thương và tôn trọng anh như thế. Con trai thường thích chở che người phụ nữ của mình. Em chắc cũng giống con trai. Em muốn chở che cho anh, chăm sóc anh, làm anh hạnh phúc, với sự chân thành thuần khiết của mình.

Bấy nhiêu đó đã đủ chưa?

Và lời cuối cùng, dành cho các cô gái của tôi: Mỗi cô gái đều đặc biệt, đều đẹp theo cách của riêng họ. Bạn đã từng nghe ai nói như vậy bao giờ chưa? Nghe xong rồi, cảm giác của bạn như thế nào? Dè bỉu, nghi ngại, chắt lưỡi? Tôi cũng đã từng như thế.

Và rồi tôi nhận ra rằng, ý nghĩa thực chất của câu nói trên nằm ở chỗ: Con người với con người vốn không thể so sánh được với nhau. Tương tự, phụ nữ với phụ nữ, cô gái này với cô gái nọ, cũng chắc chắn không thể so sánh được.

Tôi có nhiều bạn bè. Đôi khi tôi thích chơi với nam hơn. Ở một góc độ nào đấy, nam có so sánh với những người bạn cùng giới, nhưng họ biến sự so sánh thành hành động và phấn đầu trở thành một con người tốt hơn (ít nhất là đối với những người bạn nam của tôi). Còn nữ thì ẩn đằng sau những sự so sánh là sự ghen ghét, đố kỵ, tự ti, không thương yêu bản thân mình.
Tại sao thế các cô gái của tôi?

Ngay ngày hôm nay, ngay giờ phút này, đừng so sánh bản thân mình với bất cứ cô gái nào. Bạn đặc biệt vì bạn là chính bạn. Bạn là người quyết định bạn có đẹp hay không. Không so sánh với người khác, kiên trì theo đuổi hình mẫu bản thân mình muốn trở thành. Tôi không biết những điều này có đủ thu hút người mà bạn mến mộ hay không. Nhưng ít nhất, nó sẽ làm bạn hạnh phúc hơn, bạn bộc lộ con người của mình thoải mái hơn. Từ đó, “chàng bạch mã hoàng tử” mới có thể nhận ra bạn giữa đám đông chứ đúng không?

Bởi vì, mọi cô gái, mỗi con người, đều xứng đáng được yêu và tôn trọng, bởi vì họ là chính họ mà thôi.

Vân Anh

Nếu có du học thì hãy về đây nhé!

38
Featured image: Smilebeforeyougrin

 

Hãy du học nếu có thể nhưng hãy nhớ một điều đơn giản như thế này “đất nước mình còn nghèo lắm”, không đủ tiền cho trả lương cho những nhân tài đâu. Hãy xóa hết mọi ranh giới chủ nghĩa chỉ còn một chủ nghĩa duy nhất, đó là chủ nghĩa yêu thương dựa trên niềm tự hào của dân tộc “anh em như bát nước đầy, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” Trước khi chia sẻ những suy nghĩ này, tôi phép khép lại những hậu trường chính trị, đây là suy nghĩ dựa trên tình yêu của tuổi trẻ đối với đất nước.

Chúng ta cứ tuân theo quy luật phát triển của xã hội, một ngày nào đó sẽ từ cái chưa hoàn thiện đến cái hoàn hiện hơn. Nếu những người đang đương nhiệm làm sai tự khắc họ sẽ đào thải bản thân mình.

Có một lần vô tình xem một bài viết trên Triết Học Đường Phố, với tiêu đề “Đi đi, đừng về”. Tôi cảm thấy thật buồn nếu chúng ta cứ suy nghĩ một chiều như thế, nhưng tôi cũng hiểu lý do tại sao mà người khác lại kêu gọi như thế. Nên trước khi viết bài viết này tôi xin khép lại những lý do ấy với những gì đơn giản nhất. Và đặt câu hỏi tại sao, chúng ta là người Việt Nam, quê hương chúng ta là Việt Nam vậy mà chúng ta không “chết” trên đất mẹ chứ.

Vài ngày trước, tôi có tâm sự với một vài người bạn của mình học tại Hoa Kỳ, định cư tại Hoa Kỳ. Với những câu nói liên quan đến nội dung bài viết này, “Có nên trở về Việt Nam, khi họ có cơ hội ở lại làm việc?” Tôi phân vân không biết phải nói như thế nào để cho họ hiểu, tôi đồng ý nếu ở lại Mỹ họ sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, đời sống tốt hơn.

“Thu nhập trung bình hàng năm của một chuyên gia trong ngành nghề sáng tạo khoảng 137.000 đô la vẫn cao hơn rất nhiều các doanh vẫn cao hơn nhiều doanh nghiệp cỡ trung của Viêt Nam.” – Alan Phan

Nhưng bạn tôi bảo rằng đời sống về tinh thần thì nó lại không như ở quê nhà, chỉ biết đi làm rồi về, áp lực công việc,… đâu như Việt Nam nếu “tao có buồn thì tao có thể gọi điện mày, chạy xe máy qua nhà tao rồi cùng tao dạo phố, café chia sẻ vui buồn cuộc sống chứ.”

Đó là 2 lý do cơ bản là sự khác nhau giữa nước ngoài và Việt Nam. Suy nghĩ của một cuộc sống cá nhân, bình thường, đủ ăn đủ mặc, làm sao để có tiền và hạnh phúc là được. Còn đối với những người trẻ yêu nước muốn thực sự đóng góp cho quê hương thì phải làm sao? Tốt nhất là nên ở lại Hoa Kỳ, vì đó là môi trường có đủ điều kiện để ta phát huy tiềm năng của mình hơn là Việt Nam, nhưng một ngày nào đó khi cảm thấy đủ rồi thì hãy trở về Việt Nam, vì đất nước mình còn nghèo lắm. Chúng ta cũng chẳng cần phải làm những việc gì vĩ mô hay cao cả đâu, nên nhớ một xã hội phát triển không phải là có nhiều người giàu, mà là xã hội mà ai cũng có công ăn việc làm ổn định, kinh tế vĩ mô không giải quyết điều này mà chính là những cơ sở, doanh nghiệp nhỏ giải quyết những tình trạng đó.

Tôi không thích phải giải thích vòng vo, nên nói đơn giản có thế, cũng có thể là tôi viết không hay. Nhưng hãy nhớ những dòng sông nơi có con đò, những cánh đồng vàng khi mùa lúa chín, những cây dừa, cây chuối, lũy tre,… Rồi nhớ Sài Gòn những buổi chiều mưa bất chợt, những cô em gái lả lơi trong tà áo dài trắng. Hãy quên đi, chúng ta là người Việt Nam.

Người trẻ và lối đi riêng cho cuộc đời

10
Featured image: Andy Fillmore

 

“Mỗi một phút bạn đau khổ là bạn đang đánh mất đi 60 giây để sống hạnh phúc. Mỗi giờ mỗi phút mỗi giây dù làm gì, bạn cũng đều có một sự lựa chọn.”

Cùng một lượng thời gian, bạn đầu tư cho điểm mạnh thì khả năng tạo ra sự khác biệt sẽ lớn hơn là khắc phục điểm yếu. Ý nghĩa của việc khắc phục điểm yếu có lẽ chỉ giúp bạn rèn luyện và vượt qua giới hạn bản thân. Còn không, điều quan trọng là bạn phải tìm ra được điểm mạnh của mình để phát triển nó. Einstein từng nói “Tất cả mọi người đều là thiên tài, nhưng nếu như đánh giá khả năng leo cây của một con cá thì cả đời nó sẽ mãi mãi nghĩ rằng nó là kẻ ngu ngốc.”

Thế nhưng thực tế thì ở trường học, giáo dục thường đánh giá con người dựa trên yếu tố kết quả học tập. Vậy những người có điểm số thấp thì sao? Liệu có nghĩa là họ dốt? Liệu có nghĩa là họ kém? Liệu có nghĩa là họ không thành công? Bộ giáo dục cho thi chung một kì thi quốc gia, nhưng hệ thống trường đại học vẫn còn đó, tức là các em khóa sau, các em sẽ vật lộn vất vả, chiến đấu với học và thi, nhưng thực chất thì trường đại học đâu có đập đi, vào đại học, các em lại vẫn bắt đầu một hệ giáo dục cũ. Thế nên mọi thứ vẫn sẽ chỉ là bắt đầu, thế hệ học sinh cuối cấp, các em có chắc là sẽ chọn đúng trường? Có chắc là sẽ đi được theo thế mạnh? Có chắc là hiểu bản thân và xác định được ước mơ? Hay chăng lại là vòng luẩn quẩn xả hơi sau khi thi đại học, rồi bắt đầu vòng lặp lãng phí thời gian và loanh quanh trong “cái bẫy” của tâm trí khi không xác định được một con đường?

Con người ta, họ đặt ra những con đường mặc định, rồi đặt niềm tin vào đó. Nhưng thật kì lạ, họ vịn vào đó mà bắt thế hệ sau cũng phải tin theo và đi theo. Chẳng hạn phải được điểm cao trong học tập, bằng mọi giá phải đỗ vào đại học. Thế nhưng, điều quan trọng trong quãng thời gian của tuổi trẻ là việc chúng ta sống như thế nào, chứ đâu phải là chúng ta sẽ trở thành ai. Trước khi xây dựng năng lực làm việc, phải học cách xây dựng năng lực làm người, tức nền tảng văn hóa. Bởi vì nếu không có nền tảng văn hóa, khác gì ngôi nhà không có móng, lên cao sớm muộn rồi cũng đổ vỡ.

Có lần mình nghe được câu này “Bi kịch lớn nhất của đàn ông Việt là không biết và không thể làm người bình thường.” Ôi sao mà hay đến thế, thâm thúy đến thế. Người đàn ông bình thường, sống thanh thản, sống trong sạch, biết yêu thương, như thế là bản lĩnh lắm rồi. Còn có tài nhưng thiếu đi cái văn hóa, ôi, cứ chạy theo cái ham muốn của tham, sân, si, lúc lên cao rồi thì ngã cũng đau lắm. Có nhất thiết cứ phải quyền lực cao sang, nhà lầu xe hơi là đẳng cấp đâu. Chính những cái nho nhỏ như dành thời gian nấu bữa tối cho gia đình, ấy mới là bản lĩnh. Vậy nên nhìn những người bình thường, rất đời, rất người, vô tư lự, họ hăng say và đón nhận cái hạnh phúc của lao động, nỗ lực cho đi, ấy thế mà hạnh phúc vô cùng.

Quyền lực là thứ trao tay, đến rồi đi. Nhan sắc là thứ chóng tàn, chả mấy chốc cũng mất, và cuộc đời cũng hợp rồi tan, không tránh khỏi cái quy luật tự nhiên, ấy thế nên làm sao con người ta tìm được cái hạnh phúc và bình an nơi tâm hồn, đó mới là đỉnh cao của hạnh phúc. Để có được điều ấy, có lẽ chỉ có một cách là sống cuộc sống của riêng mình, tại sao lại phải sống vào cái định kiến và niềm tin của xã hội, tại sao lại phải lựa chọn những lựa chọn vốn dĩ là của xã hội, không phải của mình. Tại sao lại phải chạy theo cuộc đua leo cây của loài khỉ, loài vượn trong khi mình là cá? Tại sao không lắng nghe tiếng nói của trái tim? Tại sao không dành thời gian mỗi ngày để làm những điều thực sự ý nghĩa và tìm ra một lối đi riêng cho bản thân mình.

Tư duy lớn, nghĩ việc lớn, nhưng không có nghĩa là không làm những việc nhỏ. Ước mơ xa, chặng đường dài không có nghĩa là không làm tốt những điều ngay trong hiện tại. Nhưng dẫu gì thì cũng vẫn phải là sống cuộc sống của riêng bản thân mình, phải tìm một lối đi riêng để khẳng định bản thân mình.

“Mỗi một phút bạn đau khổ là bạn đang đánh mất đi 60 giây để sống hạnh phúc. Mỗi giờ mỗi phút mỗi giây dù làm gì, bạn cũng đều có một sự lựa chọn.”

Freelancer – Công việc làm nên một tuổi trẻ đầy ý nghĩa

34
Featured image: Comicbook.com

Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc.”

Tôi 20 và tôi chọn xây dựng cho mình một ước mơ người trẻ. Đã là một người trẻ thì chặng hành trình vào đời chắc chắn sẽ vấp phải những chông gai, những đau khổ… nhưng bạn phải vượt qua chính những khó khăn đó để có thể trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.

Một vài người bạn của tôi nói rằng: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tao muốn đi làm nhưng ở đâu cũng cần kinh nghiệm. Ai cho tao kinh nghiệm?” Có một sự thật là trong lớp người trẻ rất nhiều người nói thế. Ai cho bạn kinh nghiệm? Nếu không phải là chính bạn. Vậy làm cách nào để có được kinh nghiệm trong ngành hay nghề bạn yêu thích.

Freelancer chính là một trong những câu trả lời

Bạn thiếu thời gian?

Bạn thiếu những bằng cấp cần thiết để có thể xin một công việc cụ thể?

Và bạn đang cần trải nghiệm để có kinh nghiệm?

Freelancer được gọi để chỉ những người làm việc độc lập và tự do. Họ cung cấp những dịch vụ có phí nhưng không yêu cầu những ràng buộc nào với bên sử dụng dịch vụ.

Freelancer là những ông chủ của chính mình và là người làm những công việc mà họ yêu thích.

Freelancer họ có thể làm gì?

Theo kinh nghiệm của tôi, thì hiện tại không có một ngành nghề nào là không có freelancer. Những freelancer họ có thể là tất tần tật mọi việc như: thiết kế web, lập trình di dộng, copywriter, coach, kế toán, chăm sóc sức khỏe…

Vậy làm thế nào để trở thành một Freelancer?

Bạn phải là một chuyên gia trong lĩnh vực bản chọn.

Để có thể trở thành một freelancer “lành nghề” thì bạn phải thật sự giỏi lĩnh vực của bạn. Bạn phải làm tốt nhất các công việc mà đối tác giao cho bạn một cách nhanh nhất và chất lượng nhất. Bạn phải sở hữu trong mình khả năng làm nhiều việc (multitasking) vì những việc mà đối tác giao cho bạn không hề đơn giản. Như bạn được giao là một website thì bạn phải biết lập trình, thiết kế đồ họa…..thậm chí bạn còn phải quảng cáo chính website đó.

Bạn phải có khả năng chịu áp lực cao

Thật sự Freelancer là một công việc đòi hỏi một thái độ làm việc và tinh thần trách nhiệm với công việc đó cực kì cao. Một dự án, một sản phẩm bạn tạo ra phải là tốt nhất và nhanh nhất để có thể giao hàng kịp với deadline mà đối tác giao cho.

Bạn phải tạo ra sự khác biệt

Để giỏi hơn người khác, bạn sẽ làm gì? Nhiều người cho rằng phải là tốt hơn người khác. Song, để giỏi hơn người khác bạn phải khác biệt họ. Vì người giỏi có người giỏi hơn, nhưng trong những người giỏi, sự khác biệt sẽ tạo giá trị và định vị bạn đang ở đâu trong hàng nghìn người cùng làm một công việc như bạn.

Bạn phải liên tục học hỏi để có thể giỏi hơn

“Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi.” Có một vĩ nhân nào đó đã nói thế. Freelance cũng vậy, bạn phải liên tục trau dồi bản thân để có thể giỏi hơn. Bạn phải giỏi hơn để có thể đảm nhiệm những công việc khó hơn và nâng cao chất lượng sản phẩm mà mình tạo ra. Bạn phải tinh tế và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Triết lí Kaizen của Nhật Bản nói rằng “Khi bạn làm những việc nhỏ một cách tốt nhất, bạn sẽ gặt được những kết quả thật sự to lớn”.

Bạn phải thật tỉnh táo

Trong nghề Freelancer có rất nhiều góc tối. Có những lần đối tác bạn “hủy hợp đồng” mà không báo trước, gửi tiền trể và thậm chí là không gửi……. Bạn hãy bình tĩnh và tìm cách giải quyết. Bạn hãy tìm những nơi uy tín và có hợp đồng để tránh lép vế trước pháp luật. Bạn cũng nên dùng đến các dịch vụ của ngân hàng và thỏa thuận về tài chính trước khi chấp nhận làm.

“Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc.”

Dù tuổi trẻ có những khó khăn, freelancer có những cám dỗ và mặt trái. Nhưng đã là tuổi trẻ thì hãy dám sống và trải nghiệm. Hãy sống và viết lên những trang viết của tuổi trẻ của bạn là “Yes! I did it!”

 

Lê Trường An

 

Sinh viên toàn cầu — Cá mè một lứa

10
Featured image: TnB

 

Trong diễn đàn kinh tế thế giới 2012, một thuật ngữ từng được dùng trong thời kì thế chiến thứ nhất được dùng lại cho một thế hệ đã mất trong thời kì gần đây,  The Lost Generation. Theo số liệu thống kê thì ở Anh hiện có khoảng 1 triệu người thất nghiệp. Ở Tây Ban Nha có 20% người thất nghiệp và 40% trong số đó là thanh niên. Và tại Việt Nam, con số cử nhân thất nghiệp lao vào khoảng 162.000 người. Vậy tại sao số người thất nghiệp lại cao đến thế?

Khủng hoảng kinh tế

Một số người cho rằng, khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu việc làm trầm trọng hiện nay trên toàn thế giới. Song, đó thật sự không phải là một câu trả lời toàn diện. Theo ông Paul Hưng Nguyễn, tổng giám đốc mạng việc làm CareerBuilder thì hiện tại các công ty đang thật sự “khát nhân viên”, đặc biệt là các nhân viên có năng lực làm việc và đảm nhiệm các vị trí cấp trung trong công ty. Vậy đâu là vấn đề chính?

Thiếu kỹ năng làm việc

Trong diễn đàn kinh tế thế giới, các lãnh đạo hàng đầu đã phải thừa nhận là thanh niên châu âu đang thiếu kỹ năng làm việc. Như những phần mềm, các công cụ đơn giản thanh niên châu Âu hiện tại không biết làm. Do một thời gian quá dài họ đã đẩy các công việc gia công này cho Ấn độ, Trung quốc và Việt Nam…

Sinh viên Việt Nam có cái mà thanh niên Châu Âu đang thiếu

Nói thanh niên châu Âu thiếu kĩ năng làm việc đúng nhưng vẫn chưa đủ. Thanh niên châu Âu có đầy đủ các kỹ năng mềm, kỹ năng cứng để làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn. Song, cái mà họ đang thiếu đó chính là Tinh Thần Khởi Nghiệp và họ đang thừa sự Tự Tôn.

Đối với thanh niên châu Âu, các công việc như code, may mặc, mài giũa,… chỉ là các công việc hạng bét và không xứng đáng để họ làm. Trong khi đó, các công việc này đang tạo ra nguồn thu nhập để cứu một lượng người khổng lồ trên thế giới vượt qua đợt khủng hoảng toàn cầu này. Các chính phủ châu Âu nói rằng “phải mang các công việc nhỏ ấy về vì hiện tại tình trạng thiếu việc làm quá khủng khiếp rồi”. Song, rất khó để có thể mang các công việc đó về vì “tư duy hưởng lạc” bên trong họ quá cao và thật sự họ đang thiếu các kỹ năng để làm chúng.

Người châu Âu đang thiếu tinh thần khởi nghiệp

Theo thống kê trong diễn đàn kinh tế thế giới, 40% thanh niên châu âu thiếu việc làm và 60% thanh niên Pháp ra trường là ra đi với thất nghiệp. Ở Việt Nam cũng thế, hàng loạt sinh viên thiếu việc làm. Song, cái đáng nói là ở Việt Nam, những sinh viên thất nghiệp thì họ đã tự khởi nghiệp từ những công việc nhỏ từ thời sinh viên như Handmade, mở công ty riêng, freelance……. Như Nguyễn Hà Đông người làm dạy bão toàn cầu với game Flappy Bird, hay Bùi Thị Phương chủ một nhà hàng và các trung tâm Anh ngữ.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trầm trọng trên toàn cầu?

Câu trả lời trong diễn đàn kinh tế thế giới đó chính là “Giáo dục truyền thụ”. Mấy trăm năm qua, nền giáo dục truyền thụ đã ăn sâu vào tinh thần của người dân trên toàn thế giới. Mối quan hệ học tập chỉ diễn ra giữa thầy và trò. Vô hình chung, chúng ta đang tự giới hạn kiến thức của mình qua một “ông thầy” như lượng kiến thức của thế giới truyền vào chúng ta qua một cái phễu với tấm lọc là một ông thầy. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, kiến thức là vô tận với công cụ Google đang làm phai nhạt đi vai trò của một người thầy thực sự. Lượng kiến thức khổng lồ ấy phải được tự thân chúng ta lĩnh hội và phát triển. Trong bộ phim Kungfu Panda vào những phút cuối phim sư phụ nói với Panda rằng “Con đã đủ khả năng để xuống núi, nhưng ta muốn nói với con rằng con làm gì thì đừng nói tên sư phụ ra.”

Có một sự thật ra, nền giáo dục truyền thụ đang bóp chết sức sáng tạo của người học. Chính lối giáo dục truyền thụ đã dần dần làm hạn chế tiềm năng con người. Vì chỉ có 10% người học bằng với thầy của mình và 90% người học còn lại có sức thấp hơn thầy của mình. Và sẽ có rất nhiều người trong 90% ấy tiếp tục đi làm thầy. Vậy đâu là lời giải cho “The Next Generation”?

Giáo dục kiến tạo là câu trả lời

Một học thuyết giáo dục mới dựa trên một kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Jean Piaget về mô hình phát triển trí thông minh của trẻ em từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành. Từ mô hình này, việc hình thành và tích luỹ tri thức của trẻ con là nguyên lý cơ bản để xây dựng các học thuyết về phương pháp học tập của con người. Theo mô hình này, Jean Piaget đã thay đổi căn bản quan niệm về sự học của đứa trẻ. Ông được coi là nhà tâm lý học nhận thức đã sáng lập lý thuyết “kiến tạo” (constructivism) trong giáo dục. Thuyết này gắn bó sự phát triển trí khôn của chủ thể với sự trưởng thành tự nhiên về mặt sinh học của chính chủ thể đó.

Ngay từ sơ sinh, chủ thể đã tự học, mà cách thức tự học chính là những phản xạ. Cách “học tập” tự nhiên ban đầu đó được Piaget đặt tên là trình độ trí khôn cảm giác-vận động trước khi trở thành trí khôn tiền-thao tác, trí khôn thao tác cụ thể và trí khôn trừu tượng. Các “kiến thức” được phát triển ở con người khi thông tin mới đi vào tiếp xúc với kiến thức đã có trong con người nhờ những kinh nghiệm trước đó và đã được “xây dựng” trong những cấu trúc tư duy. Vậy kiến thức là cái được sáng tạo trong quá trình chủ thể khám phá thế giới. Đứa trẻ tự tạo nên kiến thức có nghĩa là làm nên thế giới của chính mình từ kinh nghiệm, thay đổi nó từ chỗ hỗn loạn đến chỗ có tổ chức. Và theo cách đó, Piaget tin rằng một người thầy chủ yếu là người tạo điều kiện thuận lợi, quan sát và hướng dẫn học sinh xây dựng nên kiến thức của chính chúng, hơn là người truyền thụ kiến thức.

Theo đó, thuyết Constructivism bao gồm các thành tố Aspiration (sự yêu thích, mong muốn), Individual – Seeking knowledge (tư duy độc lập với việc tự nghiên cứu và tìm ra những kiến thức mới), Team (có tranh luận).

Một số kinh nghiệm áp dụng mô hình Giáo dục kiến tạo ở các nước như Israel, Nhật Bản cho thấy, mô hình này có khả năng khai phá tiềm năng của con người và thúc đẩy sức sáng tạo. Áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục, các em học sinh được thực hành giải toán trên máy tính bảng. Trong 20 giờ đầu tiên, có một em giải được toàn bộ các bài toán. Và 3 tháng sau chỉ 1 em không giải được. Ở Việt Nam cũng thế, song chúng ta đang làm một việc đó là ép những người giỏi phải chờ một người kém phát triển kia.

Giáo dục kiến tạo là một nền giáo dục cá thể dựa trên tập thể. Các hình thức đước áp dụng trong giáo dục kiến tạo như phương pháp giáo dục tích hợp (Blended Learning), học theo mô hình đội nhóm, Project base Learning, Discovery Learning…….sẽ giúp người học chủ động thu nhận kiến thức và áp dụng một cách triệt để vào công việc và cuộc sống. Chúng ta sẽ loại bỏ hoàn toàn việc đánh giá việc học của người học qua những con điểm vô hồn và việc giảng dạy của giáo viên qua các tiết dự giờ. Giáo dục kiến tạo sẽ đánh giá người học và người dạy qua chặng đường mà họ thu lượm kiến thức và vai trò của người thầy sẽ được chuyển từ người “thầy” sang “người truyền lửa”.

Giáo dục kiến tạo được tóm gọn trong một mô hình của TS. Phan Phương Đạt – Phó Hiệu trưởng ĐH FPT đó là “Làm-Nghiệm-Ngộ-Dụng”. Giáo dục kiến tạo là trách nhiệm thực học và tự học của mỗi người. Đừng quá trong chờ vào nhà trường “dọn sẵn” tiệc cho bạn, hãy tự “nấu” và thưởng thức nó. Việc có trở thành một “thế hệ tiếp nối” hay không là ở chính lớp người trẻ chúng ta.

Lê Trường An

*Bài viết có sử dụng tư liệu của fpt.edu.vn và diễn đàn kinh tế thế giới 2012

 

Gã, 22 tuổi, tốt nghiệp đại học

40
Featured image: Sandara

 

Phải nói thế nào về gã? Một kẻ suy tư, hẳn là bạn bè nào của gã cũng miêu tả về gã như vậy nếu chỉ trong 5 từ miêu tả về gã. Một kẻ thất thường – gã hay tự nhận là như vậy.

Hiện trạng của gã, lại rơi vào một mô thức chung của những tay cựu sinh – những cử nhân đại học vừa bị cuộc sống kéo ra khỏi thời kì bao cấp, mà cũng đúng thôi, 22 tuổi, tay nào chả vậy. Duy có một điểm gã khác phần đông những kẻ 22 còn lại, là suy tư và trăn trở của gã. Ngay từ những năm cuối cấp trung học phổ thông, trong khi bạn bè hoặc do định hướng gia đình, hoặc nhắm mắt đưa chân, hoặc ghi tên trường vì thích thì gã đã có những toan tính cho đời gã, vậy mà giờ gã lại thấy chơi vơi – một chiến lược chơi vơi.

Những năm đại học, trong khi bạn bè hoặc là hùng hục lao vào cày cuốc như trâu mộng (dù là game hay giáo trình, ngoại ngữ) vì mới thoát khỏi lao tù quản chế trung học, thì gã cứ có một vẻ thong dong nhẩn nha, khi gã học chỗ này một tí, khi thì làm chỗ kia một tẹo. Gã cũng học, cũng chơi, nhưng ai đứng hoàn toàn ngoài những cuộc ấy, thì mới thực thấy gã chẳng trọng, chẳng thú với cuộc nào, mà đúng là gã cũng không bao giờ bị cuốn theo những thứ ấy.

Có những năm, những kỳ của tuổi trẻ, người ta nhao nhao xách xe chạy lên rừng, lao xuống biển, hùng hục chạy ngược đâm xuôi, kỳ nào nở hoa gì, mùa cỏ gì, ba cực bốn đỉnh đèo là nhất định phải đến, phải qua, phải có vài dòng caption cộng thêm với cái mặt cười toe, hoặc 2 ngón tạo hình chữ vê, hoặc giơ cả hai tay thành biểu tượng của Yahoo tím mơ tím mộng ngày xưa.

Gã lầm lũi, có đi, có đến, có ngắm nhìn núi non và hít sương đêm, nhưng là dáng đi của một con thú lạc bầy. Chẳng hiểu sao, gã lại thấy thoải mái với việc đó – cái việc lạc bầy đó. Xuống biển, về rừng đều làm gã thấy thoải mái hơn cái không khí ngột ngạt chen chúc của thành phố; nhưng rồi chẳng bao lâu, gã lại thấy nhớ người, thậm chí là nhớ da diết như tay kĩ sư khí tượng của Lặng Lẽ Sa Pa, gã nghĩ gã cũng thèm đến độ lăn cây ra giữa đường mà kiếm người mất. Gã cũng hiểu thứ cảm xúc thất thường và chông chênh của mình, nên độ nào thấy cuồng chân nhớ rừng là gã đi, nhưng dăm bẩy ngày gã lại về phố ngay chứ không ở lâu, gã biết mình không chịu được. Lẽ tất nhiên là thế.

Ấy, là thứ cảm xúc chông chênh và dễ bị đẩy về một thái cực như vậy, nó giải thích cho cái sự vui vẻ vô cùng của gã khi ở giữa đồng bạn mà có thể ngay lập tức chìm sâu vào thinh lặng một vài giờ sau đó. Gã – một cách không tưởng nhất – thường được đồng bạn nhìn nhận như là một kẻ hài hước có khiếu, thậm chí ở những nhóm bạn nhỏ gần gũi, gã là tay đưa trò, làm chuyện và dẫn dắt tiếng cười cả nhóm.

Nhưng cũng chính gã – trong chính những suy nghĩ xác tín nhất của gã – là một tay cực kỳ nghiêm nghị và luôn soi vào những thứ giá trị trừu tượng to lớn mà thường những kẻ đồng niên tặc lưỡi bỏ qua, những suy tưởng mà gã thường kiếm tìm câu trả lời trong suốt khoảng thời gian dài, như là, ý nghĩa của cuộc sống, tình bạn chân chính, tình yêu đích thực, về cơ bản là ý nghĩa của mọi hành động và suy nghĩ mà bạn bè gã đang làm.

Gã đích thực là kẻ lao đầu vào những câu hỏi hóc búa đầy khí chất của một bậc trượng phi thường thấy trong phim cổ trang kiếm hiệp. Hiếm ai có thể hoàn toàn tin tưởng vào những tính cách này lại có thể tồn tại trong cùng một con người, một gã trai 22.

Ấy, cũng dễ hiểu khi anh em bạn bè, rất nhiều người bằng tuổi, thậm chí hơn tuổi gọi gã là anh. Những tay 22 biết gã từ lâu thì vì những sự suy tư về cuộc sống, cách nói trầm tĩnh và mang góc nhìn từng trải của gã mà gọi gã là anh. Còn những tay 22 mới quen gã, thì vì cái điệu bộ và độ nhăn của da mặt gã cũng rất hợp với cái lối suy tư thủng thẳng mà chiêm nghiệm của gã, nên cũng gọi gã là anh nốt.

Còn chính gã, cũng thấy bọn đồng trang cùng lứa kia, rặt một màu non và xanh. Vậy là gã đang tự phụ và có nghĩa là đang hành động như một kẻ non và xanh; hay gã đúng là đang thấu lũ kia dưới ánh nhìn của một kẻ thường được tôn làm trưởng bối. Đây đúng là một thứ lập luận tự vấn gã vẫn thường dùng để làm tiêu hao năng lượng của bộ não.

Gã đúng là một kẻ mang lại những cảm nhận đối lập hoàn toàn cho tất cả những người từng quen biết gã đủ lâu và đủ sâu; những cảm nhận đó thật quá thường tình, vì chính bản thân gã, rất nhiều khi còn sửng sốt trước những thứ cảm xúc đối lập nảy sinh trong gã suốt rất nhiều năm qua, năm nay, gã vừa tròn 22.

Quay lại cái bẫy chung của những tay 22 mà, giống như đồng bạn, gã cũng đã rơi vào. Cái bẫy tốt nghiệp đại học. Người ta thường nhìn nhận việc học đại học – phần lớn phải sống xa nhà, tiếp xúc nhiều thứ mới mẻ, môi trường khác lạ là một thứ nguy cơ tiềm ẩn rủi ro – là một thứ cạm bẫy ẩn mình.

Còn gã, thì, và đương nhiên là, với tư duy của mình nhận thấy cái bẫy sập lớn vô hình lao đến mỗi kẻ 22. Mà để mô tả hình dạng của cái bẫy này thì nó giống hoàn hảo với hình một chiếc quan tài – bất kỳ chiếc quan tài nào mà người ta thấy hay ấn tượng về.

Từng ngày, cái thứ bẫy quan tài vô hình này lại dịch đến gần những con cừu 22 vừa mới bị – cũng chính là thời gian – lôi xềnh xệch từ vòng rào chăn dắt của trường đại học, quăng ra vùng không gian vô định được gọi là trường đời. Thật vậy, chẳng phải người ta vẫn thường trích dẫn từ một ông nào đó “Hầu hết người ta chết khi 25 tuổi, nhưng khi 75 tuổi mới được chôn” hay sao? Tầm phào, chúng chết từ khi 22 rồi.

Vậy là, gã, với cái kiểu suy tư lập dị của mình, gã thấy rõ mồn một cái thứ quan tài mà chẳng cần gã nhón thêm bước nào, thời gian sẽ lôi tụt gã vào đó. Vậy nên, gần đây gã cứ có một thứ tâm trạng chết tiệt, một kiểu cảm xúc mà hẳn là người già gần đất xa trời, thấy tử thần đã lởn vởn dạo quanh sẽ đồng cảm với gã nhất khi này.

Gã, do đã tri thấu những căn bệnh tuổi trẻ được sắp đặt từ cuộc sống – giống như người già biết được bệnh tật của mình – đã chạy vạy đi vái tứ phương. Gã làm nhiều thứ, khá nhiều so với những kẻ chỉ biết rong chơi, những cuộc thi, khóa đào tạo, huấn luyện gã cũng đã nghĩ mình kinh qua đủ. Gã chơi nhiều nhóm, khá nhiều so với những con mọt sách, những hội nhóm, trại hè gã góp mặt cũng không ít. Gã đi nhiều và trải nghiệm nhiều, không thể gọi là dân phượt, nhưng quả là gã đã đi, đến và trải những chốn hoang sơ trên đất này. Gã cũng làm, có những khi làm mải miết, kiếm được, kiếm đủ trang trải cho cuộc dạo chơi lững thững của gã trong lúc gã – cũng như đồng bạn – học đại. Giờ gã đã bước qua lằn ranh Tốt nghiệp, gã hoang mang…

Gã chưa thực lòng đọc Sống mòn, nhưng đại ý của chuyện thì gã biết, mà cái tên của chuyện cũng đã hoàn thiện ý nghĩa mà hiện trạng của gã đang va phải lúc này. Gã thậm chí còn tưởng tượng thấy mình đã nằm trong cái quan tài vô hình kia, còn cái nắp chỉ chực chờ gã hoàn toàn mất ý chí là đổ sập xuống.

Gã hoang mang về định mệnh cuộc đời gã, trong khi bạn bè thì lo hết chứng chỉ nọ lại canh dè công ty đơn vị mở hòm thư mà lao vào dúi ngay cái CV. Loay hoay cả bốn năm gã chưa tìm ra cái thứ ý nghĩa cuộc đời, tình yêu của gã. Vậy đấy, 22 thực là một con số cực kì khó chịu và nên được gọi là số tử thần, chứ không phải là con số 13. Gã cứ như vậy, ngồi lặng lẽ nhìn lưỡi hái thời gian chuẩn bị cắt đứt “nhiệt huyết”, “ tuổi trẻ”, “tinh thần” khỏi mình để biến gã thành một cái thây ma di động đợi đến ngày 75 tuổi để hạ thổ.

Là vì gã chưa sống đủ sâu? Là vì gã chưa yêu đủ say? Hiện tại, gã chỉ có thể đổ lỗi cho mình như vậy.

 

 

Em có mệt không em? (Phần 2)

10
Featured image: A Dose Of Words by The Noisy Plume

 

Em có mệt không em?
Khi em cứ phải gồng mình lên mà tỏ ra mạnh mẽ
Tại sao em phải tự hành hạ mình như thế
Em thậm chí còn không thể tự thương lấy bản thân mình…

Em có mệt lắm không khi em đang cố gắng từ bỏ chính mình
Em chạy theo những hình tượng mà người đời mong muốn
Em cố gắng vì mọi người muốn em như vậy
Thế còn em, em thật sự muốn cuộc sống thế nào?

Em có mệt lắm không khi em cứ mãi mãi ước ao
Ước được bằng người, sống như người ta sống
Còn cuộc sống của em thì em coi như vô nghĩa
Như vậy liệu có đáng không em?

Có một điều tôi muốn nói với em
Mỗi chúng ta đều là một thế giới riêng biệt
Không có ai phải cố gắng để “được như ai” hết
Nên em hãy sống đúng là bản thân mình!

Em buồn thì cứ khóc, mà em vui thì hãy cười
Nếu em sợ thì em hãy la hét
Đừng cố gắng tỏ ra em không hề mỏi mệt
Vì như vậy, sẽ càng mệt mỏi hơn…

Một Đời Quét Rác

Quan chức Việt Nam – Vừa ăn cắp vừa la làng

48
Featured image: Transparency International

 

Ở nước ta, để thông hành và xuôi chèo mát mái mọi việc thì mọi công dân đều phải “làm luật”. Đó là luật “bôi trơn” dù không chính thống nhưng sự thật đã được ngầm định như vậy. Bất cứ ai khi đụng đến các vấn đề pháp lý và quyền lợi, nếu không có quan hệ hoặc ông bà nào đó chống lưng thì phải làm luật tất.  Đó là lý do vì sao tổ chức Minh bạch quốc tế Trace International, (một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ) chấm điểm Việt Nam đứng hạng 188/197 với 82/100 điểm, thuộc nhóm 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Văn hoá “lại quả” và quan liêu đã ăn sâu vào từng cơ quan cũng như cá nhân con người Việt Nam. Kể cả cơ quan phòng chống tham nhũng. Nói cách khác là chúng ta nuôi “mèo” để bắt “chuột” nhưng chính Chuột lại mở đường cho Mèo chạy và quay trở lại ăn vụng.

Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân và tác nhân của tham nhũng. Thỉnh thoảng được dự các bữa tiệc đi tết các sếp hoặc phải mất phí bôi trơn khi muốn làm giấy tờ thủ tục hay ký một hợp đồng kinh tế nào đó hoặc nhiều khi chỉ là để “bảo kê” cho công việc làm ăn, sinh sống.

Trong những hôm trà dư tửu hậu thỉnh thoảng tôi lại được nghe các bác mèo kể về những vụ bắt chuột và các món hời được Chuột cống nạp rất hấp dẫn. Khi đã thân với Mèo thì những thông tin ấy không còn phải là thứ cần phải dấu diếm nữa mà nó đã trở thành “thành tích” để khoe. Những người kín tiếng hơn hay còn gọi là những “đồng chí chưa bị lộ” còn lại, không phải là chưa lộ, mà hầu hết đã lộ giữa ban ngày, thể hiện qua khối tài sản không thể biện minh, là thực tế trên cả nước. Vấn đề là không ai dám đứng lên nói ra thôi.

Theo ông Soren Davidsen – chuyên gia ngân hàng thế giời (WB) thì “tham nhũng ở Việt Nam đang nằm trong vòng luẩn quẩn”. Vòng luẩn quẩn đó, là hành vi công chức nhà nước gây khó dễ khiến doanh nghiệp và người dân phát sinh động cơ đưa hối lộ, sau đó khó khăn được giải quyết khiến công chức có động cơ để tiếp tục chu trình gây khó dễ. Một vòng tuần hoàn đã được ngầm định thành thói quen và thông lệ.

Ông Davidsen cho biết 63% doanh nghiệp phải trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% doanh nghiệp nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng… Đặc biệt, 75% doanh nghiệp hối lộ dù không bị gợi ý.

Tham nhũng ở nước ta hiện nay đã trở thành thói quen, là văn hóa, tập quán của người Việt trưởng thành khi bước vào ngưỡng cửa công chức. Nó đã làm cho xã hội bị đình trệ phát triển, một nguồn nhân lực lớn của đất nước chỉ mong xây dựng cuộc sống của mình gắn liền với quan niệm phải ổn định, được nhàn hạ, ít động não, làm ra thật nhiều tiền từ những trạng thái làm việc mơ hồ, hơn là tạo ra sản phẩm vật chất lẫn sản phẩm tinh thần có cạnh tranh, có ích cho xã hội. Bởi vậy chúng ta mới có câu tục ngữ “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.”

Nguyên nhân cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta ngày càng đi vào bế tắc là vì người thực thi pháp luật chống tham nhũng cũng chính là người dung dưỡng tham nhũng, đã từng phụng sự tham nhũng, đã tham nhũng hoặc vẫn đang trong nhóm lợi ích, đang là hậu duệ, có ân huệ, có quan hệ…với tổ chức, cá nhân tham nhũng.

Trong một Đảng độc quyền với một cơ chế xin cho, công cuộc chống tham nhũng chẳng khác gì cuộc chiến tương tàn giữa các tầng lớp đồng chí, dòng họ, ơn nghĩa thừa kế, có quan hệ chằng chịt về kinh tế, đã hoặc đang hoạt động chung lợi ích. Ở đất nước Việt Nam này, chỉ có duy nhất nhà nước là có súng (một đảng) và tất nhiên họ không thể tự bắn vào chân mình được. Trong lúc không một ai có đủ sức để buộc họ phải làm việc đau đớn đó.

Do đó hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng cũng chỉ dừng lại ở số ít cá nhân đại diện cho một bộ máy tham nhũng có hệ thống khổng lồ bị lộ qua phản ánh từ nước ngoài, qua doanh nghiệp phá sản, qua đấu đá nội bộ mà thôi.

Tục ngữ có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, để đưa được ba từ “chống tham nhũng” về đúng nghĩa và có hiệu quả thì phải thực hiện một cuộc cách mạng đồng bộ từ trên xuống dưới. Xoá bỏ cơ chế xin cho, độc quyền, “tuốt” lại đạo đức và trách nhiệm của những người thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng. Còn không, những khẩu hiệu hô hào sáo rỗng, những giải pháp vụn vặt, chắp vá chỉ là thứ phấn son tô trét lên khuôn mặt những tên trộm đội lốt chính nghĩa mà thôi.

Tóm lại là các bác ấy vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa ăn cắp vừa la làng. Kinh tế đất nước ngày càng tụt hậu, ì ạch, èo uột. Ngân sách ngày càng thâm hụt, thủng đáy (nợ công hơn 60% GDP). Mạnh ai người ấy bòn, người ấy rút. Coi thường luân lý, pháp luật, không ai sợ bị trừng trị nữa. Mỗi ngày người ta “ăn” từng tí của dân, từ liều vacxin cỏn con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm. Ăn cầu, ăn đường, ăn bê tông cốt thép, ăn tài nguyên khoáng sản, đến rác thải và nhà vệ sinh công cộng cũng ăn nốt. Ăn kín, ăn hở, ăn nằm, ăn đứng, ăn công khai lộ liễu. Nhiều ông bụng to như cái trống vẫn còn thèm ăn. Ăn không chừa thứ gì, nhưng vẫn hàng ngày lanh lảnh, hảo sảng là phòng chống tham nhũng, bài trừ tham nhũng.

 

Nguyễn Văn Thương