29 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 161

Tản mạn 2014

16
Featured image: Sarawut Intarob

 

Năm 2014 sắp qua đi, cứ mỗi năm trôi qua, tôi lại có thói quen viết một bài tản mạn về cuộc sống, đất nước và những gì mình suy nghĩ. Năm nay xin dành những dòng này cho các bạn trẻ, những người đồng trang lứa, những người bạn, những người anh em và cũng là tương lai của đất nước này. Nói về cuộc sống thì hẳn phải nhìn lại những gì xảy ra trong suốt một năm vừa qua, 2014 là một năm mà những người vô tâm nhất cũng không thể làm ngơ với những gì đã xảy ra. Tôi sẽ không dành thời gian để liệt kê những gì đã xảy ra, hiện tại tôi đã chọn một đoạn phim ngắn mà tôi rất thích, các bạn có thể xem đoạn phim dưới đây để có cái nhìn thoáng qua về năm 2014 đã qua:

 

Về những việc xảy ra trong một năm dài và nhiều sự kiện xin nhường lại cho mỗi người có một cảm nhận khác nhau, tôi, đơn giản là nói về những điều mình cảm nhận. Một năm dài và chúng ta có gì? Chúng ta có những mất mát, có những hạnh phúc, có những thay đổi, có chiến tranh, có những trào lưu và có cả những điều bất ngờ. Vậy chúng ta thấy gì qua những điều đó? Đó mới là điều quan trọng, quan trọng không phải là ta biết bao nhiêu, ta thấy bao nhiêu mà ta nghĩ gì, ta nhận thức thế nào mới là chuyện quan trọng.

Ta thấy một thế giới đang chuyển mình rất nhanh. Một thế giới mà một ngày nọ khi ta thức dậy, một căn bệnh mới đã xuất hiện, nước Mỹ đã tìm ra cách ép đá ra dầu, ép điện ra nước. Con người tìm ra cách đi lên sao hoả, dự tính cho những cuộc di dân chưa bao giờ có trong lịch sử. Các công nghệ mới ra đời ngày một nhanh và ngày một nhiều. Những thế hệ cũ dần dần qua đi, những thế hệ mới cũng đang từng bước kế thừa thế giới này. Chỉ qua một đêm, có thể buổi sáng ngày hôm sau mọi thứ đã không bao giờ còn như cũ… Vậy nên đừng mãi an nhàn, đừng mãi bằng lòng với bản thân, đừng ngại thay đổi vì rồi mọi thứ rồi cũng sẽ đổi thay. Chẳng có gì còn mãi. Cũng đừng bao giờ làm cho bản thân mình quá phụ thuộc vào điều gì, đi theo những lối mòn, lề thói mà bạn không muốn, hãy sống vì bản thân mình, đi theo những ước mơ. Vì biết đâu ngày mai những lề thói, những phép tắc sẽ chẳng tồn tại nữa, khi đó phải chăng bạn sẽ buồn vì mình đã đánh mất một cuộc đời đáng sống chỉ vì những nỗi sợ. Thêm nữa, nếu bạn không là người dẫn dắt sự đổi thay, thì cũng đừng tạo thêm đất cho những điều đó tiếp diễn. Hãy dành cho thế hệ tương lai những điều tốt đẹp, chứ đừng để những thế hệ đó phải chịu những nỗi đau chúng ta đã trải qua.

Ta cũng thấy một thế giới thay đổi rất chậm. Một thế giới mà cuối cùng người ta vẫn không thế thoát ra được khỏi những nỗi đau thương mà ngàn năm nay vẫn hiện hữu. Chiến tranh vẫn luôn luôn được treo trên đầu mỗi quốc gia, mỗi người dân, chỉ đợi có cơ hội là nó rơi xuống. Những tổ chức cực đoan vẫn không ngừng xuất hiện là hậu quả của những hận thù giữa các dân tộc, tổ chức khủng bố, giết chóc, đe doạ nhân danh lý tưởng và những vị chúa của họ. Một thế giới mà sự nghèo đói, những nỗi khổ vẫn còn quá nhiều… Vậy mới hiểu được rằng có những thứ sẽ mãi mãi tồn tại, dù cho con người có thay đổi như thế nào, mọi thứ có đổi thay nhanh bao nhiêu, hay chúng ta có cố gắng đến mức độ nào thì chúng ta cũng sẽ không thể mong muốn một ngày nào đó mọi thứ sẽ tốt đẹp hoàn hảo theo ý chúng ta muốn. Nhưng chúng ta nhận ra rằng nhân loại, dù không phải tất cả, vẫn không ngừng cố gắng không phải vì họ không biết điều này, cũng không phải vì họ mong muốn sống ở thiên đường mà chỉ vì một mong muốn làm cho cuộc sống này, cũng như trái đất này trở thành một nơi đáng sống hơn. Đó là một điều rất đáng khâm phục.

Về đất nước, đất nước luôn là điều mà tôi luôn băn khoăn, không chỉ một năm mà rất nhiều năm rồi

Tôi, bản thân có thể tự nhận thấy mình là một người có tình cảm kì lạ với đất nước, chưa bao giờ đúng với cái định nghĩa một người yêu nước truyền thống.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào trước những ánh hào quang của dân tộc, những chiến thắng vẻ vang trong quá khứ. Tôi cũng không có ý thức cổ vũ cho quốc gia trong những cuộc ganh đua trên trường quốc tế, bạn bè thường không đồng tình với tôi về việc tôi chả bao giờ quan tâm đến những trận đấu bóng hay mỗi kì thế vận hội có đội tuyển Việt Nam. Tôi cũng thực lòng không quan tâm đến việc những cây đa cây đề ra đi, khi mà bao thế hệ tiếc nuối khóc thương thì tôi cũng chẳng mảy may quan tâm. Tôi cũng không thấy gì vui mừng đặc biệt khi nghe tin các bạn Việt Nam được giải này giải kia trên thế giới. Lúc nghe tin Trung Hoa kéo giàn khoan vào tôi cũng không ầm ĩ lên mạng hay ra đường hô khẩu hiệu.

Với tôi, đất nước là một cái gì đó thuộc về linh hồn, về dân tộc này hơn. Cái tôi đau đáu trong lòng nhiều năm nay là về cuộc sống của những người dân đất Việt, về tương lai và về số phận của dân tộc này. Một năm vừa qua, trước bao nhiêu biến cố và thay đổi của đất nước, sự đe doạ của ngoại xâm, sự chảy máu chất xám, sự di dân ngày càng mạnh mẽ, những thay đổi trong đời sống kinh tế, những bê bối trong chính trường, những trò lố của truyền thông và mạng xã hội, những phút bùng nổ của giới trẻ, những việc dang dở và những nhức nhối mãi mà vẫn chưa hết của đất nước. Đất nước này, dân tộc này đang có những thay đổi nhất định, dù nhỏ, nhưng cũng đã là một sự cố gắng không nhỏ. Mặc dù vậy những điều chưa tốt vẫn còn quá nhiều. Chúng ta ai cũng mong chờ sự thay đổi, mong chờ mọi thứ sẽ tốt đẹp lên, nhưng bản thân thì vẫn chấp nhận đi theo, làm theo những điều mà chúng ta biết là sai lầm vậy thì đất nước làm sao có thể tốt lên? Có một điều nữa cũng làm tôi luôn trăn trở trong lòng là đất nước này dù đã già, đã có hơn 2000 năm tuổi đời, nhưng mãi vẫn chưa trưởng thành.

Chúng ta vẫn chưa bao giờ dám thẳng thắn thừa nhận những lỗi lầm, chúng ta cứ mãi nói dối, chúng ta vẫn cứ mãi chấp nhận những điều chúng ta không thích và chúng ta cũng vẫn chưa thể học được cách tha thứ.

Nhớ năm vừa rồi, có một blogger sang Mỹ để tìm cách phát triển phong trào tự do ngôn luận cũng như định cư tại Mỹ. Trong buổi họp hôm đó, rất rất nhiều người Việt, dù đã gần nửa thế kỉ trôi qua, sống ở một trong những chân trời tiến bộ nhất thế giới, nhưng vẫn chưa thoát khỏi cái hồn của một dân tộc chưa trưởng thành. Vẫn mãi cố gắng níu kéo, đào xới thêm những nỗi đau và ép buộc những người xung quanh phải có cùng quan điểm với mình. Lá cờ, cũng là đại diện cho một quốc gia, một dân tộc, nhưng có màu cờ nào hạnh phúc bằng màu cờ hoà bình, độc lập và tự chủ trên mảnh đất này. Có màu cờ nào đẹp bằng màu cờ của một đất nước hạnh phúc, người dân ấm no. Đó mới là màu cờ mà người ta cần phải đi tìm. Vàng hay đỏ có ý nghĩ gì đâu, phải chăng chỉ một dân tộc chưa trưởng thành mới không nhận ra điều đó.

Đó là phía bên ngoài, còn ở bên trong, dân tộc tôi hẳn là một dân tộc vất vả, từng ngày bươn trải kiếm miếng cơm manh áo, nuôi sống những người thân. Ngay kể cả những người làm việc ở vị trí cao trong xã hội cũng không sung sướng gì, nếu có sung sướng về vật chất thì họ sẽ phải đánh đổi những điều khác. Năm vừa qua rất nhiều cán bộ, triệu phú của Việt Nam qua một đêm thức dậy cũng không còn như ngày hôm qua nữa. Mặc dù vậy, họ cũng vẫn chưa trưởng thành. Nếu họ trưởng thành thì có lẽ họ cũng không thể sống chỉ lo cho bản thân mình mà mặc kệ ngoài kia là một xã hội đang trên con đường sụp đổ, các giá trị nhân văn thì nhanh chóng biến mất, những lọc lừa ngày càng nhiều. Họ cũng không chạy theo những thứ xa hoa phù phiếm và đắt tiền, không tiếp tay cho những lề thói và luật đời tệ hại tiếp tục tiếp diễn. Họ có lẽ cũng không nên ép những đứa trẻ của họ đi vào con đường nó không thích chỉ vì một xã hội rối ren. Và điều cuối cùng tôi muốn nhắc đến là hãy sống cho tương lai, hãy để lại cho thế hệ sau một đất nước trọn vẹn, một nơi mà người ta còn có thể sống được chứ không phải bỏ đi để tìm một chân trời khác có lẽ đơn giản chỉ cần họ thôi nói dối và làm những điều trái với lương tâm mình thì tôi có thể tin tưởng vào một ngày dân tộc này, đất nước này sẽ là một dân tộc trưởng thành, một đất nước trưởng thành.

Phần cuối cùng là tất cả những gì tôi đã mong ước từ lâu và muốn gửi đến cho các bạn trẻ, thế hệ tương lai. Các bạn sẽ là đất nước này, dân tộc này một ngày nào đó.

(Phần bên trên tôi có nói rất nhiều vấn đề, nhưng tôi chưa một lần đề cập đến nguyên nhân cũng như giải pháp vì tôi sẽ giành lại nó cho phần này. Tôi mong các bạn sau này khi tiếp cận một vấn đề nào đó cũng nên suy nghĩ về nguyên nhân dẫn đến chuyện đó và tìm hiểu giải pháp. Chứ trong năm vừa qua, quả thực tôi thấy rất nhiều bài viết chỉ mang mục đích đả kích, đó là một điều tôi không lấy làm vui)

Có một điều khắc nghiệt của cuộc sống mà không ai có thể thoát ra khỏi, đó là sự lão hoá và sự thay thế. Trong một năm vừa rồi, có rất nhiều chuyện xảy ra trên thế giới, có rất nhiều công nghệ cũng bắt đầu tạm biệt thế giới, những con người phụng sự cho cuộc sống ngày hôm nay, ngày mai họ cũng sẽ nói lời chào tạm biệt và nhường lại trái đất này cho thế hệ mai sau. Tôi biết có rất nhiều người nặng lòng với đất nước và với tổ quốc này, tôi mong các bạn hãy giữ vững niềm tin đó. Vì không có cái gì có thể tồn tại mãi mãi, cái ngày mà thế hệ trước lui về đằng sau khi sức khoẻ và khả năng của họ không còn, các bạn sẽ là đất nước và là dân tộc này, đó cũng chính là lí do tôi viết những dòng này, mong sao các bạn có thể có một cái nhìn đúng đắn cũng như có thể làm được điều gì đó cho chính các bạn, chính dân tộc này trong tương lai.

Phần trên đã nêu rõ thực trạng đất nước và dân tộc hiện tại, thực lòng không có một chút nào vui vẻ. Chỉ có những người tự bịt mắt tự bịt tai mình thì mới có thể nghĩ đất nước vẫn còn đang ổn và mọi thứ vẫn đang tốt. Lại nói về nguyên nhân, trong năm vừa qua đọc rất nhiều bài viết trên trang cũng như ở nhiều nơi, tôi thấy phần nhiều là sự đổ lỗi (Chính quyền, đảng, nhà nước…). Đó phải chăng chính là sự chưa trưởng thành nơi dân tộc này vẫn còn sót lại của thế hệ trẻ, người ta thích đổ lỗi hơn tự nhìn nhận chính mình. Các bạn nên nghĩ về 2 vấn đề sau:

Những người lãnh đạo và chính quyền cũng là người Việt Nam. Họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Họ cũng từ xã hội này và từ đất nước này đi lên. Họ, đơn giản chỉ là sản phẩm của một xã hội. Bản thân tôi cũng không chắc là khi các bạn ngồi vào những vị trí đó, liệu các bạn có làm khác không hay cũng chỉ như vậy thôi? Phải nhìn nhận một thực tế rằng, tầng lớp tinh hoa trong một xã hội dù dẫn dắt xã hội đó nhưng cũng là sự phản ánh 2 chiều của xã hội. Nếu một dân tộc tốt liệu có sinh ra một tầng lớp tinh hoa không tốt không? Hay liệu một dân tộc không tốt có thể sinh ra một tầng lớp tinh hoa tốt không? Trách người sao không tự sửa mình trước?

Nếu như quả thật tình trạng của dân tộc và đất nước như bây giờ là do chính quyền. Thì tôi thấy vui chứ không thấy buồn, nhưng sự thực thì có vẻ không giống thế. Lý do vui của tôi là gì? Đó là không có một dân tộc nào, đất nước nào trên trái đất này không phải trải qua những năm tháng đen tối trong lịch sử của họ. Nhưng không có gì là vĩnh viễn, nếu họ là một dân tộc kiên cường, một đất nước bản lĩnh, họ sẽ có thể vượt qua những khó khăn và sớm trở lại với chính mình. Nếu như các bạn nói tình cảnh hiện tại của đất nước là do chính quyền thì tại sao hơn 2000 năm nay, dân tộc này chưa bao giờ là một dân tộc tốt, đất nước này chưa bao giờ là một đất nước mạnh? Đó mới là điều đáng buồn và đáng lo, một học sinh đã quen đứng bét lớp mãi, sẽ lấy đó làm cái sự tất nhiên. Đã bao nhiêu nhà nước, ông vua, vị tướng ra đời, đất nước đã bao lần đổi người lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ khá lên. Vẫn mãi giữ cái thân phận là một nước nhược tiểu vậy thì chúng ta nên trách ai? Trách tầng lớp lãnh đạo hay trách chính chúng ta?

Người xưa có nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Đó thực sự là những lời vàng. Một ngày nào đó, đất nước này sẽ được giao vào tay các bạn, khi đó các bạn có gì và sẽ làm gì? Nếu như có thể thay đổi sao không thay đổi từ chính mình, sống thực với bản thân, làm những việc tốt, tránh xa những thói hư tật xấu, ngừng việc giả dối, xu nịnh lại. Nếu như bạn có thể làm được tại sao bạn không tin người khác không làm, và kể cả có những kẻ không làm, nhưng phần đông xã hội là một xã hội tốt, thì liệu cái xấu có bị tẩy chay, có còn đất sống không? Chúng ta không thể trông chờ ai và cũng không có khả năng trông chờ một ai giúp chúng ta.

Nếu bạn nhận ra rằng giải Nobel hoà bình năm nay được trao cho một cô bé 17 tuổi và lãnh đạo sinh viên của cuộc biểu tình ở hồng kong mới chỉ 18 tuổi. Tôi nghĩ các bạn cũng sẽ nhận ra rằng bản thân mình cũng đã đủ già để dám đứng lên và dám thay đổi, không phải vì một đất nước bậc nhất, vì một thiên đường mà là vì một việt nam đáng sống hơn và tốt đẹp hơn trong tương lai. Không ai khác mà chính là các bạn và cách các bạn sống, cùng nhau các bạn có thể thay đổi tương lai của đất nước, của dân tộc và cùng nhau truyền tinh thần đó cho tất cả mọi người.

Trước khi kết thúc tôi xin nhắc lại hai câu truyện làm tôi thấy rất khâm phục trong năm vừa qua

Thứ nhất là câu chuyện nước Mỹ tìm cách ép đá ra dầu, họ luôn là những người đi đầu thế giới và điều khiển cả thế giới bằng sự phát triển và tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật. Hẳn họ cũng nhận ra rằng khoa học kĩ thuật mới là nền móng của một đất nước, là điều giúp con người làm chủ thế giới và mưu cầu những điều mà họ đã mơ ước, thậm chí vươn ra đến vũ trụ. Ở một phương trời nào đó, nếu ai cũng ngại khổ và không học kĩ thuật thì đất nước đó có gì? Và quả thực đất nước là một trong những nước có nền khoa học kĩ thuật kém nhất thế giới. Câu chuyện thứ 2, giải Nobel hoà bình năm nay được trao cho một cô bé 17 tuổi, đã dám đứng lên chống lại lực lượng Taliban và đòi quyền được giáo dục cho thanh thiếu niên và trẻ em. Ở một vài nơi khác, khi người ta không bị doạ bắn, doạ giết nhưng vẫn ù lì và không dám đứng lên thay đổi, không dám sống tốt, nói thật, theo đuổi ước mơ và chống lại những thói xấu nghìn năm mình không thích vì sợ bị mất quyền lợi, sợ khổ, sợ bị người khác ghét và thiệt thòi. Đó là lỗi ở chính quyền hay ở dân tộc?

Năm 2014 đã qua đi, cầu mong một năm 2015 sắp đến thế giới sẽ bớt đau thương, con người sẽ sống hạnh phúc hơn và cầu chúc cho dân tộc tôi, đất nước tôi già thêm một tuổi sẽ trưởng thành hơn, cũng như cầu cho thế hệ trẻ đang dần dần trở thành những người chèo lái đất nước, dân tộc này có thể làm cho nó tốt đẹp hơn 2000 có lẻ đã qua.

Hà Nội, 31 tháng 12 năm 2014

 

Tiểu Long

Có những đợi chờ được dừng lại ở trăm năm

12
photo: TKFFH

 

(The tales from Heaven – tale 3)

Ở một nơi không dành cho hoa có một loài hoa vẫn nở
Dù được bảo đã là hoa thì không thể làm gì khác hơn là phải luôn tỏ ra mong manh bé nhỏ
Thì mới luôn được ủi an, thì mới luôn được che chở
Nhưng vì những cánh hoa mỏng manh đã lỡ mang trong mình phần linh hồn tột cùng hoang dại
Nên vẫn lựa chọn một điều dại khờ… dẫu biết rằng có thể phải trả giá bằng những phí hoài tươi xanh…

Có những đợi chờ được dừng lại ở trăm năm

Em có từng nghe kể về một loài hoa mong manh nhưng vô cùng hoang dại và hoang dại nhưng vô cùng mong manh ?
Vậy thì để anh kể em nghe câu chuyện của một loài hoa diệu kỳ mà anh từng biết
Trong một lần tình cờ nghe những đóa hoa kể cho nhau về một loài hoa đặc biệt
Chỉ nở nơi mùa đông giữa những lạnh lẽo, hoang vu và khắc nghiệt
Một nơi không phải dành cho hoa

Em có biết những đẹp xinh nào mới xứng đáng được hát lên trong những bài ca ?
Chính là những-đẹp-xinh-đã-từng-phải-trả-giá
Đây là những gì loài hoa ấy đã kể cho anh nghe trong lần đầu gặp như giận hờn trách móc
Và như tột cùng biết ơn cho một người dám kiếm tìm giữa muôn trùng khó nhọc
Vì những đẹp xinh đã phải đợi chờ tưởng như là đến tận cùng của trăm năm…

. . .

Người đến thăm hoa một ngày đông !!!
Nơi con đường nhỏ người vắng không
Nơi phương trời nhỏ nhưng gió lộng
Nơi đồng hoa nhỏ vàng mênh mông…

Hoa chờ biết mấy mùa đông
Nhưng người không thấy người không thấy người !
Rồi xanh, rồi vàng, rồi tươi,
Rồi mênh mang héo, rồi cười, rồi quên…

Người đã ở đâu khi những mùa gió lên ?
Khi những mùa hết quên rồi lại nhớ ?
Khi những cánh hoa hết đóng rồi lại mở ?
Những lúc mênh mông đủ điên cuồng để muốn chối từ rực rỡ
Nhưng rồi lại xanh…?

Người tìm đến đây vì đã nghe kể về một loài hoa mong manh một cách hoang dại và hoang dại một cách mong manh ?
Vậy những loài hoa kia có kể cho người rằng đây là một lời nguyền ?
Hay là một phúc lành nào ai biết…
Một lựa chọn dại khờ – thay vì những ấm êm lại chọn những khắc nghiệt
Tột cùng của cô đơn, tột cùng của lạc loài… là một cái giá thường mang lại nhiều hối tiếc
Vì có loài hoa nào từng muốn mình bị lãng quên ?

Vì có loài hoa nào không muốn nở ra ở những mùa ấm êm ?
Được nâng niu, được chở che khỏi những gì giá buốt
Được gọi tên như những điều đẹp xinh
Không phải mang nỗi lo sợ của một loài hoa dại khi phải đợi chờ những điều không thể biết trước
Vì nếu chưa được gọi tên thì vẫn phải làm một loài hoa dại, nên liệu có ai đó sẽ tìm thấy mình được ?
Hay là phải một mình đi qua những lụi tàn của trăm năm ?

Nhưng mà người có biết nếu như không bao giờ được nở ra những cánh hoa cho riêng mình mới thật sự là tột-cùng-của-thương-tâm !!!

Không ai tìm thấy những-cánh-hoa-của-mình có thể là cô đơn
Nhưng mình không tìm thấy những-cánh-hoa-của-mình mới thực sự là đau đớn !!!
Nở ra những cánh hoa cho mọi người là một lựa chọn dễ dàng
Nhưng nở ra những cánh hoa cho riêng mình mới là một lựa chọn xứng đáng !
Sao lại phải nở ra những đẹp xinh cho người nhưng cuối cùng cũng phải nhận về riêng mình những tàn phai ???

Khi tìm thấy hoa chắc người cũng đã biết để tìm thấy những điều diệu kỳ đôi khi phải đi qua những điều bi ai
Là một-loài-hoa-không-giống-mọi-loài-hoa có thể là một điều diệu kỳ
Nhưng cũng có thể là một điều ngang trái…

Để hoa kể người nghe nơi bắt đầu cuộc hành trình
Vì không có xuân, hạ, thu nào muốn nhận về mình một loài hoa quá đơn sơ và hoang dại
Giữa biết bao loài hoa long lanh, lộng lẫy, lung linh luôn luôn lưu lại
Nếu có một loài hoa nào nơi đây vẫn dám dại khờ mơ về những điều vượt ngoài thực tại – thì phải chấp nhận mình không thể làm gì khác hơn là ra đi…

Người đến được đây chắc cũng đã hiểu như thế nào là một cuộc hành trình ngược với những loài thiên di
Thay vì chạy trốn mùa đông thì bây giờ lại đi tìm mùa đông
Là một nơi mọi loài hoa đều chối từ vì không có những ấm êm mà chỉ toàn buốt giá
Một loài hoa bị chối từ đi tìm một mùa bị chối từ – là một cuộc kiếm tìm bình yên hay là một cuộc kiếm tìm nghiệt ngã ?!
Giữa những xác xơ, lạnh lẽo, hoang vu là nơi dành cho hoa để nở ra những cánh hoa cho riêng mình
Hay biết đâu là nơi dành cho hoa để trả giá
Vì giấc mơ trong những cánh hoa mong manh mà hoang dại, hoang dại mà mong manh

Nếu đã đi qua đủ những tự do, đi qua đủ những cô đơn… chắc người cũng sẽ hiểu rằng chúng ta đâu có muốn đi mãi một mình qua những phí hoài tươi xanh…

Sau khi mình tìm được những-cánh-hoa-của-mình đã mang lại biết bao yên lành
Nhưng hoa-cuối-cùng-cũng-vẫn-là-hoa !
Nên cũng chờ mong ai đó tìm được những-cánh-hoa-của-mình dù biết rằng sự đợi chờ này sẽ mang lại chút lo sợ
Vì giữa những xác xơ, lạnh lẽo, hoang vu chẳng mấy ai nghĩ có một loài hoa nào dám rực rỡ
Bởi ai cũng nghĩ đâu có loài hoa nào đủ dại khờ để lãng phí cuộc đời mình cho những cánh hoa vẫn nở
Khi biết rằng đâu có mấy ai cũng đủ dại khờ để vượt qua bao lạnh lùng, xa xôi, cách trở
Mà tìm đến thăm…

Hoa đã đợi chờ tưởng trăm năm
Hoa đã ngóng trông người vạn dặm
Hoa chờ lâu lắm……… chờ-lâu-lắm………
Người tưởng quên hoa tưởng quên người !

Từng xanh, từng vàng, từng tươi
Từng mênh mang héo, từng cười, từng quên…
Cuối cùng người cũng đã lên
Cuối cùng cũng được nghe tên gọi mình !

Nếu như đây có là lần cuối cùng được nhìn thấy bình minh
Thì cũng đã không còn gì những cánh hoa này phải tiếc nuối
Đợi chờ cả trăm năm… hoang dại cả một đời… cũng chỉ để được thấy những mong manh của mình lần sau cuối
Được nở ra rồi tàn đi trong xứng đáng một bàn tay…

Tại sao ư ?
Người có từng nghe ai kể về loài hoa nào muốn chối từ quyền được mỏng manh khi biết bàn tay thực sự muốn chở che mình đang ở đây ?…

. . .

Anh còn nghe những đóa hoa kia kể cho nhau có những cuộc kiếm tìm của trăm năm thức trắng
Và cũng có những sự đợi chờ của trăm năm nằm đau
Vậy nên ở đâu đó những cánh hoa vẫn rơi trên bước chân người đi tìm miền hoang dại
Để biết đâu có những đợi chờ sẽ được dừng lại ở trăm năm…

Nhưng mà này em… là đóa hoa hay là người con gái ?
Sẽ lựa chọn nở những mong manh của mình ra ở một nơi êm đềm hay một nơi hoang dại ?
Muốn sắc hương của mình được mọi người ngắm nhìn ?
Hay muốn sắc hương của mình chỉ dành cho những ai xứng đáng mới được gần lại ?
Dù biết có những lựa chọn đôi khi phải trả giá bằng những phí hoài tươi xanh…

Nhưng chỉ cần đủ hồn nhiên thì sẽ bình yên thôi em
Dẫu là tột cùng hoang dại cũng hãy cứ nở đi hỡi những cánh hoa mỏng manh !!!

 

–The Kid Falling From Heaven–

Nhân sinh quan của Nguyễn Hiến Lê

14

 

Mấy tuần nay tôi suy nghĩ nhiều về hạnh phúc, về việc tìm cho mình một nhân sinh quan – một cách nhìn đời để giữ cho mình ‘một thân thể không đau, một tinh thần không loạn’ (Epictetus). Nhân cơ duyên đó mà tìm đọc được những bài viết sâu sắc, thâm trầm như Hạnh phúc là gì, Cuộc chiến bên trong và nỗi khổ của con người rồi cảm hứng mà viết một bài lạm bàn về Nền văn minh vật chất của chúng ta

Theo dòng cảm hứng đó, tôi xin phép được chia sẻ với các bạn một đoạn trích trong Hồi Ký của Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê – một nhà văn, học giả lớn ở thế kỷ XX. Đoạn trích này cụ Lộc Đình có trình bày sơ qua về cái nhân sinh quan của mình… Bản thân tôi rất tâm đắc cái đoạn trích này, thường đọc đi đọc lại nhiều lúc, những lúc buồn, những lúc chán chường, nhờ nó mà yêu đời trở lại… Hi vọng mỗi bạn đọc sẽ tìm được đôi điều tâm đắc cho riêng mình từ đoạn trích này…

 *****************

Nhân sinh quan của tôi – Trích từ ‘Hồi ký Nguyễn Hiến Lê‘ NXB Văn Học, 2007 (trang 730 đến 734)

Rải rác trong các tác phẩm của tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan:

Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại quả đã tiến về rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

Quan niệm thiện ác thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa, mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, toàn tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ, không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc nào văn minh cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bằng, sự tự do, tự chủ…

Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

Mỗi người đã phải đóng vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền.

Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.

Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.

Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người.

Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư, không phải nghề tự do, thì không thể gọi là một xã hội tự do được.

Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn thì mới giữ được độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội.

Có những hoa màu sắc vô hương mà ai cũng quí như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường.

Chơi hoa tôi thích loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.

Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.

Cơ hồ không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già cũng vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.

Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.

Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền sau quẻ ký tế (đã xong) tiếp ngay tới quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi còn thì để lại cho các thế hệ sau.

Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

Chuyện vớ vẩn – Ai thèm quan tâm!

24
Featured Image: Kevin Dooley

 

Nghe nói: Bao nilon vô cùng độc hại, từ khâu sản xuất đến sử dụng, tiêu hủy, chôn xuống đất không được, đốt lên trời cũng không xong. Một cái bao nilon cỏn con mà 500 năm chưa phân hủy hết. Giật mình, hoảng hốt! Có lẽ nào hôm nay mình dùng nó đến mấy đời sau vẫn có “cơ may” nhìn thấy nó. So với tuổi thọ trung bình của một con người, nilon há chẳng phải là “trường sinh bất lão” hay sao?

Quay về nhìn thực tế, lại càng giật mình hoảng hốt. Trời ơi, nilon ở đâu ra mà nhiều quá vậy… Từ nhà ra đường, từ đường tới chợ, từ chợ tới siêu thị, cơ quan, đâu đâu cũng thấy hiện hữu cái bao nilon. Không mua gì, bán gì, đựng gì mà người ta không dùng tới nó như một giải pháp nhanh chóng, thiết thực, gần gũi nhất. Và cũng không có cái gì người ta lại dễ vứt đi nhanh như nó.

Chính vì thế một khối lượng khổng lồ nilon được sản xuất ra mỗi năm cũng đồng nghĩa với việc một gã nilon khổng lồ khối lượng được thải ra cho môi trường. Nếu trong lịch sử có thời kỳ đồ đá, đồ sắt, đồ đồng thì xã hội Việt Nam hiện nay phải chăng đang trải qua “thời kỳ” bao nilon? Nó là thành tựu cuả nền văn minh hay một bước đệm cho sự tàn phá, hủy hoại âm thầm, dai dẳng?

Tôi là người cũng “biết sợ”, nên bản thân “tự giác ngộ” phải tiết chế tối đa việc sử dụng bao nilon. Đi đâu mua gì người ta có cho thêm cái nilon đựng thì phải “nhã nhặn” từ chối, về nhà tái sử dụng những túi còn sạch sẽ, cố gắng không vứt bỏ một cái nào “oan uổng”. Ngoài ra, vận động mẹ đi chợ bằng làn, mang hộp nhựa đựng thịt cá.

Nói chung, lúc đầu có vẻ rất nhiệt tình, hăng hái, muốn ta đây một tay bảo vệ môi trường. Nhưng than ôi, mới được một thời gian ngắn ngủi đã vội tắt ngấm. Vì thấy mình chả giống ai, xung quanh người ta cứ dùng đầy ra đấy, mình có tiết kiệm một hai cái cũng chẳng thấm vào đâu, khác nào cất vài hạt muối ở biển mà mong nó bớt mặn. Mẹ đi chợ bằng làn được vài bữa thấy lỉnh kỉnh, bất tiện lại cứ phải nhắc đi nhắc lại điệp khúc “không cần cho vào nilon” với người bán hàng, nghe vừa chán, vừa lạc lõng giữa rừng người, rừng nilon. Thôi, thế là chấm hết một ý định tốt đẹp vừa mới chớm.

Lại nghe nói: Pin đã qua sử dụng vứt bỏ vào thùng rác, rồi bị đem chôn lấp dưới đất cũng vô cùng độc hại. Lượng chì, lượng thủy ngân từ pin ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra đủ các thứ bệnh khủng khiếp cho con người.

Sợ quá, lại tự dặn lòng mình từ nay sẽ thu gom pin vào một chỗ, không tùy tiện vứt vào thùng rác nữa. Vấn đề là phải tìm chỗ nào người ta thu gom pin. Nghe đâu như ở siêu thị X. Nhưng chẳng lẽ cất công từ nhà đi siêu thị chỉ để vứt mấy cục pin. Thôi đành phải đợi khi nào mua sắm gì nhân tiện mang đi vậy. Ấy thế mà mãi chả thực hiện được, vì xung quanh nhà đã có vài cái siêu thị rồi, chưa kể chợ búa đủ cả, cần gì phải “lặn lội” ra tận chỗ siêu thị X kia nữa.

Thở dài ngao ngán, muốn chung tay bảo vệ môi trường cũng khó. Kết quả là tôi có cả một túi đựng đầy pin đã qua sử dụng vứt lăn lóc trong tủ, chưa biết bao giờ mới đem được đến nơi cần thu gom. Rất có thể một hôm nào đấy, “ngứa mắt” “tiện tay”, lẳng luôn vào thùng rác, cho hết hẳn cái ý định tốt đẹp nửa vời kia đi.

Còn một vấn đề khỏi cần nghe ai nói cũng biết rồi: Đó là rác thải. Hàng ngày, hàng giờ bản thân mình và mọi người đang “sản xuất” ra nó. Xã hội không ngừng vận động, phát triển thì rác cũng không ngừng tuôn chảy, dịch chuyển từ chỗ này qua chỗ khác. Rác ở đô thị đã chất cao như núi, mà không hề có dấu hiệu sụt giảm. Rác ở nông thôn, miền núi thì gần như buông lỏng, chả ai quản lý.

Những vấn đề ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, dịch bệnh, tốn diện tích đất, tôi không bàn đến. Thắc mắc của tôi là tại sao Việt Nam mình không phân loại rác như các nước khác, tại sao các sở ban ngành quản lý về môi trường không hướng dẫn và đưa vào sử dụng những thùng rác các màu khác nhau để thuận tiện cho việc tái chế. Điều này, cả thế giới biết, chẳng lẽ Việt Nam không biết. Cứ nói đến rác là người ta lại đổ lỗi cho người dân không có ý thức. Riêng tôi (và chắc là nhiều người khác nữa) thì muốn được phân loại rác quá chừng mà chẳng biết phân loại xong sẽ vứt ở đâu, cho chung vào xe rác hổ lốn các thứ trên đời, còn có ích gì nữa.

Bất kỳ một loại rác thải nào cũng có thể đem tái chế được, nếu không tin bạn cứ vào google mà xem. Này nhé, thức ăn thừa có thể biến thành phân vi sinh cho cây trồng, các chai lọ đồ nhựa có thể chuyển hóa thành xăng dầu, vỏ hộp sữa hộp nước giải khát hô biến ra các tấm lợp, thậm chí mẩu bút chì vứt đi có thể trồng cây, vỏ trứng tạo ra chất dẻo, bã kẹo cao su tạo ra nhựa..vv, độc hại như nilon, pin, cao su đều tái chế được hết.

Trình độ thẩm mỹ cao còn có thể biến rác thành các tác phẩm nghệ thuật, công viên vui chơi, giải trí. Chẳng có cái gì vứt đi cả, vừa tiết kiệm vừa tránh được bao nhiêu vấn đề phát sinh. Nhiều nước trên thế giới còn lạc quan cho rằng rác đang là một nguồn tài nguyên mới chưa được khai thác hết tiềm năng.

Vậy câu hỏi đặt ra: Tại sao nilon được sử dụng tràn lan vô tội vạ, tại sao pin đã qua sử dụng không có chỗ thu gom lại, tại sao rác không được phân loại tái chế, tại sao những ý tưởng xanh, những dự án vì môi trường đều chết yểu hoặc chỉ được biết đến trong một phạm vi hạn hẹp. Và tại sao tất cả mọi người từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp sản xuất, người dân thường đều thờ ơ, bàng quan, vô tự lự trước tất cả những điều đó?

Câu trả lời có lẽ là: Chuyện vớ vẩn, ai thèm quan tâm.

 

Phương Liên

[Review] Người Truyền Ký Ức – Những gì ta nắm giữ

0
Featured Image: Bìa sách “Người Truyền Ký Ức”

 

Người Truyền Ký Ức – Cuốn sách gây ấn tựợng mạnh với tôi không chỉ bởi cái tên mà còn là hình ảnh trang bìa, một màu xám nhợt nhạt của khung nền cùng với hai đôi bàn tay, một gầy guộc và một non trẻ đựợc làm nổi bật bởi sắc đỏ tươi của quả táo. Tò mò là điều đầu tiên tôi cảm nhận từ cuốn sách và ngay từ trang sách đầu tiên càng làm cái cảm giác đó được tô đậm.

Đọc xong cuốn sách này, tôi không rõ tâm trạng, cảm xúc của mình là như thế nào. Tôi dường như muốn nhiều hơn, muốn cuốn sách này dài thêm hay đại loại như thế, cậu chuyện cần được nối tiếp. Trong đầu tôi cứ suy nghĩ về phần tiếp theo cho câu truyện, có lẽ tôi sẽ thử viết tiếp câu chuyện này.

Một thế giới tưởng tượng được viết cho một tương lai xa xôi không có thực, tôi mong là như vậy, chính cái ý nghĩ này dường như quấn lấy và bám riết những suy nghĩ của tôi sau khi kết thúc chặng đựờng ngắn ngủi của Jonas trong Người Truyền Ký Ức.

Cậu được chọn một cách đầy bất ngờ để trở thành Người Kế Nhiệm, điều mà mọi ngừơi trong cộng đồng đều cho là vinh dự, nhưng đối với cảm nhận của riêng tôi là một may mắn đầy hạnh phúc. Cậu có cơ hội để thực sử trở thành khác biệt, để sống đúng nghĩa và để trải nghiệm toàn vẹn cuộc sống của một con người thực sự. Chính điều này là điều mà bản thân tôi muốn câu chuyện được tiếp tục với cậu bé Gabriel, hình ảnh của cả một thế hệ mới được thực sự sống để trải nghiệm bằng chính bản thân mình chứ không phải qua lời kể. Thế nhưng cậu chuyện dừng lại ở một kết thúc mở, điều mà tôi cho đó là chưa hoàn chỉnh, một câu chuyện còn dang dở.

Xuyên suốt câu chuyện, ngay từ những trang đầu tiên, từ “phóng thích” đã làm tôi thực sự bị ám ảnh, câu hỏi luôn thường trực riêng về từ ngữ này. Phóng thích, tại sao bị phóng thích và phóng thích đi đâu? Để rồi cuối câu chuyện tôi khám phá ra được sự thật nghiệt ngã đằng sau cái từ thường bị cộng đồng hạn chế.

Ban đầu, cảm nhận của mình về cộng đồng này thực sự ấn tượng. Đúng như cuốn sách giới thiệu, một cuộc sống mọi người thừong mong muốn, yên bình (đến quá mức), có lẽ là cuộc sống xã hội chủ nghĩa. Thế rồi lật giở từng trang sách làm suy nghĩ của tôi cũng thay đổi theo từng câu chữ trong đó.

Tôi thích nhất đoạn trao đổi giữa Jonas và Người Truyền Thụ về màu sắc, sự lựa chọn và bản chất của sự chọn lựa. Lúc chính bản thân mình đưa ra quyết định, có thể đúng, có thể sai nhưng chính bản thân phải chịu trách nhiệm về cái sự không chắc chắn này. Còn ở thế giới của Người Truyền Ký Ức, con người được an toàn trong mọi thứ đơn giản vì mọi chuyện đã được sắp đặt và mọi người chỉ cần tuân theo những cái chỉ dẫn đó để sống an toàn và yên ổn.

Jonas thì khác, cậu đã được chọn lựa để thấy được thế giới nhưng cũng phải đón nhận những điều đau đớn về thể xác mà cộng đồng muốn né tránh, vì vậy mà tôi cho rằng Jonas may mắn và hạnh phúc tuy cậu phải trải nghiệm sự đau đớn. Bỗng nhiên tôi ngẫm lại bản thân và những người bạn xung quanh mình cùng thế hệ tại cái thời điểm chúng tôi chọn lựa để chuẩn bị cho những bước chân sau này bước vào đời, tuổi mười tám và bốn năm sau đó, cái tuổi hai mươi hai. Càng ngẫm tôi có thể hiểu tại sao cuốn sách này lại được đưa vào chương trình giảng dạy tại Mỹ theo như cuốn sách giới thiệu.

Cảm xúc vẫn còn chông chênh, hy vọng tôi sẽ tiếp tục với phần kết mình dự định. Sống và chịu trách nhiệm hơn với chính mình là một phần nhỏ từ cuốn sách mà tôi đúc kết.

 

Kite Sky

Rơi ra từ đêm

2
Featured image: Chaosophia

 

Trên bức tường ý nghĩ
những tính toan nhập nhằng mới cũ
lướt nhanh một âm mưu chợt cạn trên não bộ thời gian
nhặt cơn mộng du đi tìm Nữ thần mặt trời
trong những buổi đêm đang gõ từng canh bạc số phận
mụ mị thông gian tưởng tượng
bất chấp mọi cản ngăn khởi sinh

Đêm mở mắt màu đen nhắm mắt màu đen
ruồng bỏ tồn tại ngày
chiếm hữu nền trời độc tôn

Khèo từng ngôi sao hình tròn
bàn tay quỹ đạo chơi trò carom ẩn dụ
ngực đêm gầy
hơi thở đám mây mềm lũn
cư ngụ nơi hốc mắt mùa chật chội

Từ tường thành đức tin
siêu âm hoài nghi dội lại tần số không rõ nét
bầy dơi gục ngủ
treo ngược giấc mơ không có mặt trời.

 

Kai Hoàng

Ở phía đáy là trắng

6
Featured Image: Piero Fissore Follow

 

Như cá hớp khí
đáy bóng
người tìm trăng
lòng tối
gào thao thức.
nơi đáy tim là biển
ngập mặn
chát cuồng
ở phía đáy là khoảng trắng
mặt trời không bắt sáng
hút hồn tôi
hoang tưởng lạ
ngắc ngoải nhịp sóng
câu thời gian hát mãi nên cũ mèm
chiêm bao khóc
tràn bờ thơ dại
buổi sáng
lặng trên tiếng chuông cầu hồn
trắng
ở phía đáy của một năm
là một ngày
cuối năm

nghìn
năm
chưa
chạm
trổ
hạt
bùi ngùi
nơi mà con mèo nằm đợi nắng
ngái ngủ
ở phía đáy của tưởng tượng
là mùa thay tóc.

 

Phương Uy
27.12.14

Toán học và cuộc sống

14
Featured Image: Quinn Dombrowski

 

Toán học và cuộc sống có rất nhiều điểm tương đồng. Tìm một lời giải bài toán giống như việc bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Học toán không đơn thuần chỉ là để có điểm cao hay biết giải một dạng hay bài toán nào đó. Học toán là để hiểu được quá trình giải toán, từ đó có thể hiểu được quá trình giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Có lẽ quá trình tìm lời giải cho một bài toán hay giải quyết một vấn đề là như nhau, chính vì thế mới có sự khác biệt giữa những bạn trẻ. Có bạn học 1 biết 10, có bạn học 1 biết 1, thậm chí biết 0. Những bạn hiểu được quá trình giải toán có thể đem kiến thức đó áp dụng cho mọi bài toán, sự khác biệt chỉ đến từ thông tin được đưa ra và kiến thức được áp dụng để giải. Còn những bạn không hiểu được, họ chỉ như những chú vẹt, cố gắng nhớ, học thuộc lòng lời giải. Chính vì thế, nhiều khi, đề bài chỉ thay đổi một chút số liệu, hay lắt léo hơn một tẹo, họ lại coi nó là một bài toán mới và bó tay trước đề bài.

Toán học trong nhà trường

Vậy quá trình giải toán gồm những bước nào?

1) Phân tích vấn đề

Mọi bài toán đều có 2 phần: thông tin được đưa ra và câu hỏi.

Thông tin được đưa ra như là những tư liệu, những dữ kiện cần thiết để người giải toán có thể đưa ra lời giải. Không phải lúc nào những dữ kiện được đưa ra cũng đầy đủ và chi tiết. Người học phải có khả năng phân tích dữ kiện để hiểu rõ hơn những gì mình đang có. Chẳng hạn, bài toán nói cho hình thang cân, người học phải hiểu là mình đang nắm trong tay một hình tứ giác, 2 cạnh đối song song, 2 đường chéo bằng nhau, hai góc ở đáy bằng nhau… Khả năng phân tích càng chi tiết thì mình càng có tiềm năng tìm ra lời giải.

Câu hỏi là những gì đề bài bắt mình đi tìm, giải quyết hoặc chứng minh. Phân tích câu hỏi là việc bóc tách câu hỏi để có thể trả lời từng phần một cách rõ ràng hay dự đoán những phương pháp có khả năng sử dụng để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn đề bài bắt chứng minh tam giác ABC vuông cân ở A. Bóc tách câu hỏi: (a) chứng minh 2 cạnh bên bằng nhau, (b) chứng minh góc A vuông. Liệt kê các phương pháp có khả năng để chứng minh góc A vuông: (a) định lý Pytago, (b) góc ở đỉnh = 90, (c) đường trung bình tại A bằng ½ BC… Việc bóc tách vấn đề giúp việc trả lời câu hỏi phụ dễ hơn, còn liệt kê các phương pháp giúp dự đoán cách giải dựa trên thông tin được đưa ra.

2) Áp dụng kiến thức

Mình phân chia bài toán theo các cấp độ khác nhau dựa trên số lần phải áp dụng kiến thức đã học.

Cấp độ 1: áp dụng kiến thức 1 lần và tìm ra lời giải. Ví dụ, xe máy chạy với vận tốc 30km/h, đi 1h. Tìm quãng đường? Bước 1: quãng đường = 30 * 1 = 30km.

Cấp độ 2: áp dụng kiến thức 2 lần và tìm ra lời giải. Ví dụ, 2 xe máy chạy ngược chiều với vận tốc 20km/h và 30km/h. Quãng đường 100km. Sau bao lâu 2 xe gặp nhau?

Bước 1: tổng vận tốc = 20+30 = 50 km/h

Bước 2: thời gian = 100/50 = 2h.

Cấp độ 4: áp dụng kiến thức 4 lần và tìm ra lời giải. Ví dụ, xe máy chạy từ A lúc 8h, vận tốc 30km/h. Ô tô chạy từ B lúc 8h30, vận tốc 50km/h. Quãng đường 95km. Hỏi 2 xe gặp nhau lúc mấy giờ?

Bước 1: quãng đường xe máy chạy cho đến thời điểm 8h30: 30*0.5 = 15km
Bước 2: tổng vận tốc = 30+ 50 = 80 km/h
Bước 3: Thời gian 2 xe sẽ gặp nhau kể từ khi ô tô khởi hành: (95-15)/80 = 1h
Bước 4: Thời điểm 2 xe gặp nhau: 8h30 + 1h = 9h30.

Cấp độ càng cao thì bài toán sẽ trở lên càng khó. Những ai càng giải được cấp độ càng cao thì càng giỏi toán, bởi sự tưởng tượng và liên kết thông tin sẽ tăng dần theo cấp độ. Một ví dụ tương tự: một cờ thủ bình thường có thể nghĩ trước 2 bước tiếp theo còn những cờ thủ hàng đầu thế giới tưởng tượng ra 8 bước tiếp theo trong ván cờ. Ai càng giỏi tưởng tượng hay dự đoán trước, sẽ càng có khả năng chiến thắng.

Nếu để ý các 3 ví dụ trên, mọi người sẽ thấy một số khó khăn khi giải toán: (1) áp dụng những kiến thức nào, (2) thứ tự áp dụng kiến thức. Nếu như không giải đáp được 2 câu hỏi đó cho các em, thì việc học toán biến thành học thuộc. Các em biết giải bài đó, nhưng không thể đem đi áp dụng ở nơi khác.

Làm thế nào để học giỏi toán?

1. Làm thật nhiều

Luyện tập nhiều tăng tăng phản xạ. Kiến thức sẽ bị lãng quên nếu không có sự luyện tập. Nếu không làm nhiều, nhiều em cũng chẳng còn nhớ là hình thang cân có 2 đường chéo bằng nhau. Khi mình không có khả năng khai thác hết thông tin, sẽ rất khó để giải toán. Không luyện tập nhiều, các em quên mất kiến thức, chẳng hạn các em sẽ không nhớ “Quãng đường = vận tốc * thời gian”. Kiến thức mà không nhớ thì lấy gì để giải. Hơn thế nữa, điều quan trọng nhất, làm nhiều sẽ giúp giảm các bước xử lý trong não bộ. Khi các em làm bài toán cấp độ 2 nói trên quá nhiều, bài toán đó sẽ biến thành cấp độ 1 (hay gọi là làm tắt – 100/(20+30)=2h). Khi gặp bài toán khó hơn như cấp độ 4, sự nhuần nhuyễn bài toán cấp độ 2 sẽ biến bài toán cấp độ 4 thành cấp độ 3 (bước 2, 3 được hợp nhất). Não bộ có khả năng xử lý thông tin nhanh và linh hoạt, giúp giải các bài toán khó hơn.

2. Đi ngược từ cuối lên (phân tích câu hỏi)

Mục đích của phân tích câu hỏi cũng là để làm giảm cấp độ bài toán. Chẳng hạn bài toán cấp độ 4 hỏi là 2 xe gặp nhau lúc mấy giờ? Để biết 2 xe gặp nhau lúc mấy giờ thì phải biết sau bao lâu 2 xe gặp nhau? Như vậy, bài toán cấp độ 4 đã biến thành bài toán cấp độ 3.

3. Phân tích hết các hướng đi từ đề bài

Nếu gặp một bài toán mà ta đi từ trên xuống, đi ngược từ dưới lên mà vẫn không thể liên kết 2 đầu lại với nhau thì ta phải làm như thế nào? Liệt kê hết tất cả các hướng đi và khả năng. Phân tích và tìm hiểu từng hướng đi một cho tới khi tìm ra lời giải. Mình tâm đắc với một câu: Khi giải toán, chúng ta không nên cố tìm ra lời giải đúng mà hay loại hết đi những lời giải sai. Bạn có thể tìm ra lời giải đúng ngay lần đầu tiên, nếu như bạn gặp những dạng toán mà bạn đã học rồi. Nếu như đề bài trở lên lắt léo và nâng cấp bậc, việc áp dụng y nguyên con đường giải bài trước để giải bài toán mới gần như là không thể.

Nếu như không có ai hướng dẫn và không có kĩ năng loại bỏ những lời giải sai, bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào thì bạn sẽ đến đích. Nhưng nếu biết loại bỏ những lời giải sai, bạn có thể đánh dấu con đường đi của mình. Khi mà bạn đã đi hết tất cả các con đường mà không tìm ra lời giải, đó là lúc bạn biết bạn phải dừng lại, đó là lúc bạn cần tiếp nhận kiến thức mới. Edison đã 10000 thử nghiệm mà không thành công trong việc sáng chế ra bóng đèn điện, và ông đã nói: Tôi chưa từng thất bại, tôi chỉ tìm ra các những lần thử nghiệm không thành công mà thôi. Một người chỉ thất bại khi họ thử tất cả các hướng đi mà không tìm ra lời giải.

Toán học trong cuộc sống

Có rất nhiều điểm tương đồng giữa tư duy toán học trong nhà trường và tư duy toán học trong cuộc sống. Để hiểu hơn, hãy cùng xem xét một ví dụ: Bạn muốn thành lập một công ty bán sách. Làm thế nào để công ty phát triển có lợi nhuận? (Phân tích ví dụ này chỉ mang tính chất tương đối, đơn giản hóa để mọi người cùng hiểu)

1) Phân tích ví dụ

  • Thông tin hiện có: tình hình HIỆN TẠI của công ty như thế nào? Vốn: 100 triêu, nhân lực: 4 người, thời gian làm việc mỗi người: 2 người full time, 2 người 4 giờ/ngày…
  • Phân tích câu hỏi? Để công ty có lợi nhuận, doanh thu phải lớn hơn chi phí. Chi phí cần thiết là bao nhiêu? Doanh thu ước tính là bao nhiêu? Để công ty thành công thì chiến lược, cấu trúc nhân sự, quảng cáo… của công ty như thế nào?

2) Áp dụng kiến thức

Để có thể làm giảm sự phức tạp, hãy giải quyết 1 ý nhỏ của phân tích câu hỏi: chiến lược cạnh tranh của công ty như thế nào.

Áp dụng kiến thức đã học

Cấp độ 1: Có 2 phương thức cạnh tranh là cạnh tranh về giá và cạnh tranh về chất lượng. Cạnh tranh về giá yêu cầu sự đầu tư về công nghệ và lượng người mua lớn để giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành để chiếm lĩnh thị phần. Với vốn đầu tư công ty là 100 triệu, điều này gần như không khả thi. Vì thế cạnh tranh về chất lượng khả thi hơn.

Cấp độ 2: Nếu cạnh tranh về chất lượng thì cạnh tranh về mặt nào? Độ bền, thẩm mỹ, dịch vụ bán hàng hay cái nào khác??

Cấp độ 3: Chẳng hạn, ta chọn cạnh tranh về dịch vụ bán hàng. Với nhân lực gồm có 4 người, toàn người ít giao tiếp thì việc làm hài lòng tất cả các khách hàng rất là khó. Vì thế, cạnh tranh về dich vụ bán hàng không khả thi. Ta quay lại bước 2, chọn yếu tố khác.
Sau cấp độ 3, còn cấp độ 4, 5…

Ngoài ra, việc xét chiến lược cạnh tranh phải phù hợp với kế hoạch quảng cáo, thành phẩm…
Nói chung, vấn đề được đưa ra rất phức tạp. Cuộc sống là một “bài toán” vô cùng khó.

Giải một vấn đề trong cuộc sống khó hơn giải một bài toán rất nhiều. Không có ai nói cho bạn thông tin cần thiết đề giải quyết vấn đề là thông tin nào. Có hàng ti tỷ thông tin bao quanh chúng ta hàng ngày, thông tin nào là cần thiết, thông tin nào dư thừa, đó là việc chúng ta phải làm. Điều này khác với giải một bài toán, khi những thông tin cần thiết đã được gói gọn trong vài dòng. Ngoài ra, kiến thức nào cần thiết cũng là một dấu hỏi lớn. Trong sách giáo khoa toán, bài tập áp dụng thường được đưa ra ngay trong bài dạy về kiến thức. Mọi học sinh đều biết phải dùng kiến thức vừa mới học để giải quyết bài tập của chương đó.

Còn vấn đề của cuộc sống thì phức tạp hơn nhiều. Toàn bộ những kiến thức bạn tích lũy được đều có khả năng giải quyết vấn đề hoặc không. Chọn kiến thức nào để áp dụng là một câu hỏi nhức đầu. Cuối cùng, mức độ phức tạp của vấn đề trong cuộc sống thường cao hơn nhiều so với một bài toán trong trường. Các thông tin trong cuộc sống thường có sự đan xen, chồng chéo, và không phải lúc nào ta cũng lường hết được tất cả các tình huống các trường hợp có thể xảy ra.

Ít nhất, toán học trong nhà trường cũng dễ hơn toán học trong cuộc sống. Hãy dạy cho trẻ cách suy nghĩ giải toán và cách vận dụng kiến thức linh hoạt. Đừng có chỉ cho trẻ con đường thành công, hãy chỉ cho chúng tại sao bạn tìm ra con đường ấy. Hy vọng một ngày nào đó, tư duy toán học sẽ giúp các em giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

 

Nguyễn Đình Tùng

Chẳng ai thông minh hơn bạn

26
Featured image: Thewayofthewizard

 

Thông minh là gì? Thông minh thường được nhiều người hiểu là khả năng trời phú cho mỗi con người, sự thiên bẩm mà từ khi sinh ra những đứa trẻ đã sở hữu. Chính vì thế, trong xã hội, luôn tồn tại người này giỏi hơn và thành đạt hơn người kia. Không, mình không tin thế. Mình tin là không có người thông minh hơn người mà chỉ có người cố gắng hơn người.

Con người hay lấy thời gian để đo độ thông minh. Người nào thành thạo tiếng Anh trong 1 năm sẽ thông minh hơn người khác học 12 năm mà vẫn chưa thành thạo được. Ai học đàn nhanh hơn người khác, ai biết trượt pa-tin sớm hơn người khác, ai làm được những điều người khác không làm được trong cùng một khoảng thời gian, họ là những người thông minh hơn người khác. Thành công nào cũng gán cho sự thông minh, mà chúng ta lờ đi những yếu tố quan trọng khác: sự cố gắng, phương pháp học, kĩ năng… Một người học trong 1 năm nhưng ngày nào cũng cặm cụi 4h phải khác với 1 người học 12 năm mà 1 tuần mới học vài lần. Một người học một năm với một phương pháp, hệ thống tổng hợp ghi nhớ kiến thức rõ ràng thì phải khác với một người học 12 năm mà động cái gì học cái đó. Học xong vứt xó rồi quên. Một người đã biết trượt băng đương nhiên sẽ học trượt pa-tin rất nhanh, bởi sự tương đồng về kĩ năng của 2 môn thể thao.

Đừng gán ghép khả năng của một con người với thông minh. Con người là tổng hợp tất cả những gì họ đã làm trong quá khứ, chứ không chỉ là những gì họ vừa mới làm ở một thời điểm hiện tại. Vì không ai có thể nhìn được toàn bộ cuộc sống của người khác. Cố gắng mới là những gì thực sự đem lại thành công của họ. Nếu bạn gặp ai đó làm việc gì đó dễ dàng, đó là bởi vì:

Có thể sự cố gắng không đem lại kết quả ngay lập tức. Tôi có một người anh diễn thuyết rất tốt, nói tự tin trước đám đông. Nhưng có một điều mọi người ít để ý là, trước đây, anh ấy đã từng làm trong đoàn đội. Không phải anh ấy nói tốt nên được vào đoàn đội, mà vì vào đoàn đội, anh nói tốt. Tôi có một người bạn, chơi thể thao trò gì cũng giỏi và khéo léo: bóng rổ, đá bóng… Nhưng mọi người hay lờ đi hay không biết sự thật là bạn ấy đã vào đội tuyển thể dục dụng cụ toàn quốc hồi còn là tiểu học.

Nhiều khi con người cố gắng nhưng không nghĩ họ đang cố gắng. Một người bạn khác của mình có khả năng biểu đạt cảm xúc vô cùng ấn tượng khi thuyết trình. Và? Khi còn học trung học phổ thông, cứ mỗi khi trống ra chơi, bạn lại cầm cuốn sách ngữ văn, tìm một chỗ trống và đọc thật truyền cảm theo đúng cảm xúc của nhân vật. Mình cũng biết một em đạt học sinh giỏi văn quốc gia. Hằng ngày, bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, chẳng hạn trên xe buýt, em ấy lại nhìn trời, nhìn cây, nhìn hoa, cố gắng miêu tả thật sinh động và hấp dẫn những gì mình nhìn thấy. Những con người đó, họ cố gắng nhưng họ không nghĩ họ đang cố gắng mà thôi. Họ đang tìm niềm vui trong những việc họ làm.

Nếu như mình hỏi một ai đó: “Bạn có cảm thấy khó khăn khi để đạt được những thành công như mong đợi hay không? Và họ trả lời là không.” Đối với mình, chỉ có 3 khả năng: 1. Họ không nhận ra những cố gắng trước đây của họ đang đem lại lợi ích, 2. Họ không nghĩ họ đang cố gắng bởi họ tìm thấy niềm vui trong việc họ làm và 3. Họ đang nói dối. Trong cuốn sách 48 nguyên tắc của quyền lực, có một lời khuyên cho mọi người là: “Nếu như bạn muốn người khác đổ rạp dưới chân bạn, đừng bao giờ nói cho họ biết rằng bạn đã cố gắng như thế nào để đạt được thành quả như bây giờ. Họ sẽ tin rằng họ không bao giờ làm được những điều bạn đã làm.” Khi một người biết trượt patin và họ ra sân học trượt băng, họ sẽ như một ngôi sao sáng. Nếu họ không nói ra quá trình họ đã học patin trước đây, hiển nhiên, tài năng và sự thông minh là những gì mọi người gán ghép cho khả năng của họ. Đừng tin rằng ai đó làm việc gì đó dễ dàng, và cũng đừng mong chờ bản thân dễ dàng đạt được điều đó.

Sự thông minh chỉ là điểm xuất phát, còn sự cố gắng là vận tốc và gia tốc. Thông minh giúp cho chúng ta học một thứ gì đó nhanh hơn những bạn khác, nhưng chỉ ở những bước ban đầu. Càng lên cao, sự cố gắng, kiên trì rèn luyện càng mang tính quyết định. Những con người thông minh hơn người khác lại thường cố gắng hơn. Họ nhận được những lời khen ngợi, có được sự tự tin mà nhiều người khác không có. Những ai có điểm khởi đầu tốt hơn, thường chạy nhanh hơn và bứt phá nhiều hơn. Có lẽ chính vì lẽ đó, mà người ta hay lẫn lộn giữa thông minh và sự cố gắng. Thông minh thì dễ nhìn thấy, còn sự cố gắng không phải ai cũng nhìn ra được.

Thông minh là một lợi thế, nhưng TRÊN QUÃNG ĐƯỜNG DÀI, sự cố gắng luôn chiến thắng. Vận tốc và gia tốc thì quan trọng hơn điểm xuất phát. Không một ai đứng trên đỉnh thế giới mà không phải cố gắng. Những game thủ hàng đầu trước những giải đấu lớn có khi phải tập hợp trước 1 tháng, ngày qua ngày luyện tập 12-15h/ngày. Những ca sĩ hàng đầu ngủ 4-6h khi sắp đến những đợt lưu diễn lớn là không hiếm. Những cầu thủ bóng đá ngày nào cũng ra sân tập luyện, có một chế độ ăn uống và ngủ nghỉ hợp lý. Mặt khác, lại có nhiều ví dụ về những con người bị coi là kém cỏi hay phá gia chi tử đã cố gắng thay đổi để rồi thành công trong cuộc sống sau này.

Chính vì thế, đừng có nói là mình không thông minh hay cái gì cũng gán ghép cho sự thông minh. Nếu bạn đặt ra mục tiêu và kế hoạch học tập nhưng không thể làm được, thì bạn ko có quyền nói bản thân mình không thông minh hay nhiệm vụ khó quá. Hãy nói tại tôi chưa cố găng đủ, nếu tôi cố gắng thì tôi đã làm được.

Mọi người đều có quyền lựa chọn trong cuộc sống. Bạn có thể muốn thay đổi, muốn cố gắng hoặc không. Nếu bạn không muốn cố gắng, vậy thì cứ làm những gì bạn muốn thôi. Bạn chịu trách nhiệm với cuộc sống của bạn mà. Nhưng nhớ, đó là con đường bạn đã chọn, đừng hối hận sau này là được. Không phải lúc nào cố gắng cũng đem đến thành công, và không cố gắng sẽ đem lại thất bại. Trong cuộc sống, không có gì là tuyệt đối cả, nhưng cố gắng chắc chắn sẽ gia tăng khả năng thành công trong mọi việc.

Mọi thứ đều có lý do của nó. Không nên cũng đổ tại trí thông minh hay khả năng có hạn. Sẽ có những siêu thần đồng (tỉ lệ rất rất bé), nhưng mỗi chúng ta luôn có quyền chọn cách suy nghĩ cho bản thân, sao ta lại không chọn một cách suy nghĩ tích cực??

Mọi người thường hay gán ghép vị trí của một người với điểm xuất phát của họ (sự thông minh) còn mình coi điểm xuất phát của tất cả mọi người là 0, chỉ có sự khác biệt về vận tốc và gia tốc thôi (sự cố gắng, kiên trì). Mình chẳng thông minh hơn ai mà chẳng ai thông minh hơn mình cả. Mình biết điều đó không đúng, nhưng mình thích cách suy nghĩ đó hơn. Bất cứ khi nào gặp người những người tài giỏi, mình luôn ngưỡng mộ họ, bởi mình tin rằng, con đường đến thành công của họ đầy chông gai và trắc trở, chỉ có điều họ có nhận ra nó hay không thôi. Nếu muốn được như họ, việc duy nhất mình có thể làm là không ngừng cố gắng (nhưng không phải lúc nào mình cũng muốn điều đó).

Đó là suy nghĩ của mình, còn suy nghĩ của bạn thì sao?

***********

Bài liên quan

 

Tôi

4
Featured image: Cosmic-rebirth

 

Đừng mải miết một cách vô nghĩa. Đừng chăm chỉ mà không mục đích. Đừng động viên nhau cố lên mà không biết cố vì cái gì hoặc cố vì những điều mà chính tiếng nói bản thân không hề muốn cố.

Tuổi hai mươi chỉ với một câu hỏi. “Ta tìm kiếm gì trong cuộc sống?” Tôi không biết Bạn là ai. Tôi biết rất rõ Bạn đang nghĩ gì. Hãy nghe đây: Bạn đang tìm kiếm Tôi.

Tôi muốn nói: Tất cả chỉ là một, mọi thứ. Sự nghiệp của Bạn, ngành nghề mà Bạn đang theo đuổi. Công việc mà cha mẹ Bạn đang làm. Tình yêu của Bạn. Tất cả chỉ là một cuộc đấu. Một cuộc đấu súng. Chỉ có một đấu một. đếm ngược từ 10 đến 0 và Bạn chết hoặc kẻ Bạn đang đối đầu phải chết. Chỉ có một trong hai còn sống. Theo đúng nghĩa của nó.

Bạn đang chiến đấu với chính mình. Điều đó đã quá quen thuộc. Đến nỗi không ai thèm bận tâm đến “Mình”, ở đây, là ai?

Tôi bán mình. Tôi bán với giá rất cao và cho không bản thân mình khi Tôi muốn. Tôi quyết định cuộc đời mình. Tôi quyết định yêu ai, Tôi quyết định làm gì, Tôi quyết định mọi thứ thuộc về mình, Tôi quyết định thế giới này.

Bạn than vãn về ngành học của mình, Bạn than vãn về công việc của mình, Bạn than vãn về gia đình của mình, Bạn than vãn về những người Bạn xung quanh. Hãy than vãn về chính mình. Và sau đó, hãy ngừng than vãn. Ai là người ném Bạn vào mớ bòng bong của cuộc sống. Chính Bạn, không ai khác. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó Bạn không thể chọn ngành thời trang? Vì bố mẹ Bạn quá giàu để Bạn không thể chọn làm một công nhân tưới cỏ? Vì anh trai Bạn đang làm chủ doanh nghiệp nên Bạn cần học kế toán? Vì ông bác đang làm trên sở đầu tư nên Bạn lao vào xây dựng? … Tất cả những thứ gọi là lý do đều vô nghĩa. Bạn đã giải sai bài toán có quá nhiều ẩn số bằng quá nhiều giả sử. Hãy làm cái Bạn muốn. Bằng trực giác, bằng tiếng thình thịch của con tim. Quên bói toán đi, quên những phân tích bằng lý trí đi. Hãy lắng nghe trong đêm tối và quyết định. Chỉ một mình Bạn thôi. Chỉ một mình.

Họ phân chia công việc, bạn bè, gia đình. Họ dành 8 giờ cho công việc. Họ không nghĩ đến công việc khi hết giờ làm và thời gian còn lại họ chia cho những phần khác của cuộc sống. Tôi dành 24 giờ của mình cho công việc. 24 giờ cho yêu thương, 24 giờ cho bè Bạn, 24 giờ cho bản thân mình. Với Tôi, tất cả là cuộc sống. Sự nghiệp, tình yêu, cuộc sống chỉ là một. Chỉ là một khi Bạn là chính mình. Đừng bao giờ xin việc, Bạn không thể từ bỏ điều gì khi ai đó ban phát cho Bạn như một ân huệ. Hãy tìm việc, đất nước Việt Nam không thiếu công việc để Bạn làm, nếu chưa có, hãy làm ra công việc. Bằng cách đó Bạn sẽ tìm thấy cuộc sống.

Bạn là người quét đường, hãy nhìn thấy con đường sạch sẽ trước khi Bạn làm nó. Bạn là giáo viên đang giảng bài, hãy nhìn thấy chân trời của tri thức và chinh phúc nó bằng đội quân của mình. Bạn đang là một sinh viên ngành lịch sử, hãy phiêu lưu vào đó để khám phá tương lai, trước hết, của chính mình. Bạn đang doanh nhân, hãy bán chính mình. Bạn có thể làm bất cứ việc gì hãy làm bằng lửa. Nếu không thể bốc cháy, hãy dũng cảm chọn một con đường khác. Đừng ép mình phải cháy với những gì không phải của mình.

Họ rao giảng về Chúa trời tạo ra mọi thứ trên mặt đất này, đúng đấy. Chính Bạn là hiện thân của Chúa trời. Họ nói Bạn nên tôn thờ Chúa. Tôi nói, hãy tôn thờ chính Bạn.

Họ than rằng Ông Trời không có mắt và ngậm ngùi cay đắng. Không. Chính Bạn không có mắt Bạn không nhìn thấy những gì ở ngay trước mắt. hãy trả lời Tôi: Bạn nhìn thấy gì khi đứng trước một cánh đồng bát ngát? Bạn thấy lúa? Bạn thấy mồ hôi? Bạn thấy nắng? Bạn thấy mưa? Bạn thấy bát cơm no lành? Bạn thấy đàn châu chấu? Bạn thấy bùn đất? Bạn thấy gió? Bạn thấy? Bạn thấy bò? thấy trâu? Thấy 80c? thấy 380c? Bạn thấy tiền? thấy những chuyến xe chở gạo? Thấy những con tàu xuất ngoại? Bạn thấy gì… quên cánh đồng đi, hãy nhìn căn phòng của Bạn và quan trọng hơn, hãy nhìn vào tấm gương bất kỳ trong phòng. Tôi không phán quyết Bạn, hãy tự phán quyết mình.

Họ nói đến bát khổ của Phật giáo. Tôi không quan tâm. Tôi uống rượu khi Tôi muốn. Tôi không tìm kiếm sự giải phóng từ thế lực siêu nhiên nào cả. Tôi tự trói buộc mình và Tôi tự giải phóng mình.

Tôi yêu thiết tha đất nước mình, từ những con người quanh Tôi. Tôi yêu mẹ của mình. bởi Tôi yêu chính Tôi. Tôi yêu chính tình yêu của mình. Tôi yêu thế giới này bởi thế giới này là chính Tôi. Tôi chính là thế giới này.

Khi leo lên đỉnh núi cao ngất trời. Bạn nghĩ gì? ta thật nhỏ bé giữa đất trời bao la? Mình thật vĩ đại khi tất cả những gì ta thấy đều thuộc về ta? Bạn có thể nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Hãy giữ nó cho mình. Giữ lấy và nó sẽ quyết định Bạn là ai?

Bạn bị cảm vì một cơn mưa gió vặt. Bạn không yếu ớt. Bạn yếu ớt khi Bạn lùi bước trước sóng gió cuộc đời.

Cuộc sống là một cuộc dạo chơi, là một cuộc chiến, là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, là tất cả. Tất cả chúng chỉ là một. Một cuộc sống cộng với một cuộc chết. Nếu Bạn muốn sống đến nghìn năm tuổi, hãy là một cục đá. Nếu Bạn muốn chết, hãy sống.

Tôi là nô lệ của các con người đã chết. Khi Tôi đeo kính cận để nhìn cuộc sống. Khi Tôi dùng điện để chạy chiếc lap này. Khi Tôi dùng đòn bẩy để nhâng chiếc tủ. Khi Tôi sống trong thế giới an bình này. Họ là nô lệ của Tôi khi Tôi của ngày hôm nay là tương lai của họ. Họ đã tuân thủ tiếng gọi của Tôi để tạo nên thế giới này. Tôi là nô lệ của Bạn khi Tôi cống hiến tất cả những gì Tôi đang nghĩ cho Bạn. Bạn là nô lệ của Tôi khi Bạn đọc đến dòng chữ này. Tôi là ông chủ, của mình. Bằng cách đó, Tôi là chủ nhân của thế giới.

Tôi là nô lệ của chính mình. Tôi buộc phải viết những gì đang bùng cháy trong não bộ của mình. Nếu không, sẽ tệ hơn cái chết. Tôi sẽ mất chính mình. Đó mới chính là Tôi, Tôi đang chi phối Tôi. Tôi là chủ nhân của Tôi.

Tôi là ai? Tôi là Alpen buratino, là bút chì, là caubeburatino2212, là Alpenduong, là presentlife là Nguyễn Ngọc Dương, là Cu, là Mốc, là những cái tên mà gia đình gọi, cái tên mà Bạn bè gọi. về bản chất. Tôi là Tôi, hãy gọi tên Bạn.

Bằng cách gọi ” Tôi”.

Tôi kinh doanh sản phẩm của mình. Do chính tay Tôi sản xuất. Tôi không bán sản phẩm. Tôi bán Cầu An. hãy bỏ vào đó một mảnh giấy ghi điều ước của mình. Điều đó sẽ thành hiện thực. Đó là cách Bạn định nghĩa chính mình. Hãy treo nó trong phòng của mình và để nó ngắm nhìn Bạn. Phép màu không đến từ Cầu An, phép màu đến từ chính sự khát khao của Bạn. Từ chính Bạn.

Tôi bán thiên thần của mình. Tôi bán tình yêu của Tôi. Tôi đem người Tôi yêu đến cuộc sống. Và đem cuộc sống vào người Tôi yêu, người Tôi yêu là hiện thân của cuộc sống. Tôi không bán thiên thần của mình, Tôi bán cho Bạn khẩu súng, nếu Bạn có nó, Bạn đang dấn thân vào cuộc đấu. hãy ngắm nhìn thiên thần, Bạn sẽ thấy mình trong đó. hãy nuôi dưỡng từng ngày, phần thiên thần trong Bạn.

Với Tôi, cuộc sống là giá trị vô giá. Tình yêu là thiêng liêng cao cả. Gia đình là sự sống. Bè bạn là tài sản khổng lồ. Sự nghiệp là cách Tôi đối xử với tất cả. Bằng cách đó, cái chết là mục đích cuối cùng. Tôi có tất cả. Những vì sao đêm ở thiên hà xa xôi, chúng sinh ra không mục đích nào khác, dành cho Tôi, ngắm nhìn và khám phá. Khám phá chính Tôi khi ngắm nhìn chúng.

Tôi không lên án phần con, Tôi không khinh thường phần người, trong mỗi con người. Tôi đem chúng đấu tranh để được giải phóng, đấu tranh vì tình yêu cuộc sống. Như lịch sử nước Tôi, hai miền nam bắc tổ quốc thân yêu. Tôi đấu tranh không vì đất nước Tôi, không vì thế giới, vì chính Tôi. bằng cách đó, Tôi đấu tranh cho mọi thứ, bảo vệ mọi thứ. Bằng cách đó, Tôi tỏ tình với vạn vật trong vũ trụ bao la này.

Bằng cách yêu thương một con người. Tôi yêu cuộc sống. Tôi không hỏi tổ quốc đã làm gì cho Tôi, Tôi hỏi Tôi đang làm gì cho tổ quốc, Tôi không hỏi cuộc sống đã làm gì cho Tôi, Tôi hỏi Tôi đang làm gì cho cuộc sống. Tôi không hỏi em có yêu Tôi, Tôi hỏi Tôi có yêu em. đừng đòi bất kỳ ai, hãy đòi hỏi chính mình.

Một cụ già bị vứt ra ngoài đường bởi chính cụ đã sinh ra những người đã vứt họ. Họ quên lịch sử mà không biết rằng, lịch sử chính là tương lai. Không ai có được tương lai khi không còn lịch sử. Họ không có hiện tại. Tôi không yêu cụ già đó. Tôi yêu ông bà của Tôi.

Một đứa trẻ được sinh ra từ đâu? Từ tình yêu. Đừng để một đứa trẻ sinh ra trong lò gạch hay một bụi rậm ven đường. Một đứa trẻ được lớn lên từ đâu? Từ tình yêu cuộc sống. Đừng để lớn lên bằng lòng căm hờn. Đứa trẻ chính là tương lai cuộc sống. Nó sẽ đối xử với cuộc sống như cuộc sống đối xử với nó. Nó là chủ nhân cuộc sống này. Đừng đánh một đứa trẻ khi nó lên án người lớn, đừng cho nó một bộ quần áo đắt tiền rồi cấm nó nghịch đất. Đừng cười nhạo một đứa trẻ khi trong nó là mơ ước xa vời, đừng bỏ mặc một đứa trẻ khi nó đơn độc. Tôi là một đứa trẻ, Bạn cũng thế. Tôi không bỏ rơi Bạn.

Bạn đã là một đứa trẻ. Nếu may mắn, Bạn sẽ là một cụ già. Sự tồn tại của Bạn đã chứng minh sự tồn tại của đứa trẻ và Bạn quyết định vận mệnh của cụ già đó. Bằng chính cuộc sống của Bạn lúc này. Bằng chính thái độ đối xử của Bạn với cuộc sống. Bạn cho cuộc sống những gì, cuộc sống sẽ trả lại Bạn y như thế. tất cả những gì trong cuộc đời của Bạn, chỉ để đổi lấy một phần ngàn giây nếu tính bằng đại lượng thời gian vật lý. Đó là khoảnh khắc vô tận của thiên đường hay địa ngục. Tôi sẵn sàng từ chối Thiên Đường nếu cuộc chiến của Tôi còn chưa chấm dứt. Tôi sẽ tiếp tục khi ở dưới Địa Ngục, đối với Tôi, đó là Thiên Đường. Ngay lúc này, Bạn đang ở đâu, Bạn là người biết rõ điều đó, hơn ai hết.

Bắt đầu với bất kỳ điều gì, Bạn đều bắt đầu bằng Tôi. Tôi muốn, Tôi mong, Tôi ghét… hãy lắng nghe. Bạn đang nói với Bạn. Tôi đang nói với Tôi.