27 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 157

Đâu rồi khát vọng tuổi trẻ Việt

Featured Image: John Holcrof

 

Đánh thức một thế hệ trẻ đang ngủ quên…

5 năm kể từ ngày bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà. Cách đây 5 năm tôi chưa có gì cả. Bây giờ nhìn lại, tôi cũng vẫn không có gì cả. Nếu được hỏi về điều mà tôi làm được lớn nhất trong vòng 5 năm qua, có lẽ nó giống như hình ảnh những cầu thủ U19 Việt Nam khi họ thất bại: những giọt nước mắt.

Trải qua nhiều cung bậc cuộc sống, có khi hạnh phúc thăng hoa, có khi thất bại đau đớn ê chề, đằng sau đó, có một thứ tài sản quý giá vô cùng đối với tôi là những giọt nước mắt: nước mắt khi thất bại khó khăn, nước mắt khi thành công, hạnh phúc. Bởi đó là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Tôi là một người trẻ. Với những kinh nghiệm và vốn sống ít ỏi của mình, tôi chưa đủ tầm để đưa ra những phán xét, đánh giá. Tôi chỉ đơn giản là đưa ra những góc nhìn để hy vọng rằng bạn cũng như tôi – thế hệ trẻ của Việt Nam, nếu còn đang “ngủ quên” vào một số thực trạng thì hãy làm ơn cùng nhau tỉnh giấc để sống, để cống hiến, để làm nhiều điều ý nghĩa, để có thể thực sự trưởng thành, cho dù có phải khóc, cho dù có phải mất nhiều nước mắt khi nhìn về thực trạng tuổi trẻ bây giờ.

Tuổi trẻ bây giờ đang bị ngủ quên khi quá tập trung vào những khó khăn trong cuộc sống của mình.

Tuổi trẻ bây giờ đang bị ngủ quên khi quá thờ ơ và vô cảm vì quá nhiều người được đầy đủ dẫn đến việc không biết trân trọng những gì xung quanh.

Tuổi trẻ bây giờ ngủ quên khi đã quá lãng phí thời gian vào những việc vô bổ, tào lao như suốt ngày ngồi lỳ bên máy tính, la cà các quán nhậu.

Tuổi trẻ bây giờ ngủ quên khi ít người dám nghĩ lớn mà chỉ mơ ước những hiện thực vật chất tầm thường.

Tuổi trẻ bây giờ ngủ quên khi chẳng mấy người dám cống hiến sức trẻ mà đám đông chỉ để ý đến lợi ích cá nhân nhỏ nhoi cho riêng mình.

Tuổi trẻ bây giờ còn đang bị mắc kẹt trong cái tư duy “mì ăn liền”

Cái gì cũng muốn nhanh, muốn gọn, muốn rẻ. Tuổi trẻ bây giờ muốn làm giàu nhanh chóng, không mất sức nhưng mù quáng về hiểu biết và thiếu bản lĩnh, thế nên mới có chuyện bao nhiêu sinh viên bị lừa vào đường dây bán hàng đa cấp. Tôi không phản đối bán hàng đa cấp. Tôi là dân luật, tôi chỉ nói lên những điều mà pháp luật quy định. Ở Việt Nam bán hàng đa cấp được pháp luật chấp nhận bởi hình thức bán hàng này có những ưu điểm của nó.

Hành vi bán hàng đa cấp bất chính chủ yếu nằm ở hai chỗ: cách thức bán hàng và cách thức trả thưởng. Trong đó có một hành vi vi phạm phổ biến như bắt người tham gia phải nộp một khoản tiền đầu tư để trở thành thành viên, một món hàng nhưng bán đi bán lại nhiều cấp để lấy phần trăm; trả hoa hồng chủ yếu từ việc dụ dỗ, giới thiệu người khác vào mạng lưới mà không dựa trên kết quả bán hàng thực sự, thu phí từ việc đào tạo người trong hệ thống…

Bản chất bán hàng đa cấp là tốt, vì nó tiết kiệm chi phí khi phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất. Nhưng khi triển khai thì nhiều cái tốt bị biến tướng, và đặc biệt là nó đánh vào khát vọng làm giàu nhưng mù quáng về kiến thức và thiếu bản lĩnh của các bạn trẻ. Khi bạn còn trẻ, bạn không bao giờ thành công được nếu không xây dựng nền tảng kiến thức và kinh nghiệm vững chắc cho mình. Cứ đứng núi này trông núi nọ, làm nhiều thứ nhưng chẳng giỏi thứ gì thì làm sao mà đi xa được.

Bạn thường chỉ có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm đủ để trơ và có bản lĩnh khi làm việc trong một lĩnh vực ít nhất từ 3 năm – 5 năm, không bao giờ có cái gì là nhanh, là gọn cả. Và như nhiều người nói, để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực gì, bạn phải có 10,000 giờ cho nó. Thế nhưng, là chuyên gia thì phải là chuyên gia đúng nghĩa, và quan trọng nhất là phải có chữ TÂM. Khi có TÂM, có TÀI, chắc chắn sẽ có TẦM ảnh hưởng.

Tôi ngỡ ngàng khi được nghe chia sẻ thực trạng sinh viên Việt. Rằng Việt Nam mình bây giờ không phải là thừa thầy thiếu thợ, mà là thừa BẰNG nhưng thiếu cả thầy và thợ giỏi. Thực trạng đám đông: việc chân tay thì lười không muốn làm, việc chất xám thì không đủ trình độ để làm được. Tìm đâu một giải pháp?

Tuổi trẻ bây giờ lười học quá

Tôi dự một hội nghị tầm cỡ quốc tế được tổ chức ở Hà Nội – đại hội quảng cáo châu Á – Adasia 2013. Tôi ngỡ ngàng vì trước đây cá nhân tôi lúc nào cũng thoái thác việc học ngoại ngữ trong khi mọi giờ giải lao của hội nghị hôm đó, người ta đều chủ yếu nói hai thứ ngoai ngữ là Tiếng Anh và Tiếng Trung. Ngơ ngác chẳng hiểu gì, tôi thấy hổ thẹn, thấy mình kém cỏi và nhỏ bé. Tôi giật mình khi nghe câu chuyện của một đại biểu với lời khuyên về một thứ rất nhỏ, gần gũi thôi nhưng mà mình quá vô tình không để ý.

Đó là bài học về việc tiết kiệm nước bởi vì trên thế giới có hàng tỷ người không có nước sinh hoạt mỗi ngày trong khi bao lâu nay mình chẳng thèm quan tâm và cứ sử dụng một cách xả láng. Những bài học cho dù là nhỏ như vậy, cũng cần phải học. Lười đọc, lười học, lười phát triển bản thân. Cứ như vậy bao giờ mới lớn lên được? Nếu bạn 30 tuổi mà bạn không chịu học hỏi, phát triển bản thân mình cho tốt đẹp lên thì chẳng khác gì bạn chỉ là một đứa trẻ 1 tuổi sống cuộc đời mình lặp đi lặp lại 30 lần.

Tuổi trẻ bây giờ ít người “dám bước đi”

Nói đúng hơn là ngại bước đi. Tuổi trẻ bây giờ thích ngồi quá. Thích ngồi trong phòng trọ, ngồi trong lớp học, ngồi trong quán ăn, ngồi trong hàng net. Và đặc biệt là ngồi trong những cái sai lầm của tư tưởng. Có phải tự nhiên không khi mà Chế Lan Viên từng than rằng: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con?” Thơ ông sâu xa, nhiều tầng ý nghĩa. Nhưng có thể thấy một điều hiển nhiên rằng, cái sự không dám bước đi là ở chỗ mắc kẹt vào “những giấc mơ con” một cách quá sâu, quá lâu mà không tách ra được. Cứ mắc kẹt trong những cái giấc mơ tầm thường trong suốt cả cuộc đời mà không dám nghĩ lớn, không dám làm việc lớn.

Có lần được hỏi về điều trăn trở của vua cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ, ông trả lời rằng:

“Điều trăn trở của tôi còn là sự day dứt của nhiều bạn trẻ đang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti. Nhưng tiền bạc vốn không phải là vấn đề mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ đang mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâm huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước – đó cũng là một phần lỗi không nhỏ ảnh hưởng của nền giáo dục hiện nay đang làm bào mòn đi tính sáng tạo trong suy nghĩ của họ.”

Đâu rồi khát vọng tuổi trẻ Việt?

Lịch sử ghi nhận vô cùng nhiều con người trẻ nhưng thực sự tài năng, không chỉ có bài học ở người Việt, mà còn trên cả thế giới. Năm 27 tuổi, Gia Cát Lượng đã trở thành quân sư của Lưu Bị đi xây dựng mộng phục hưng nhà Hán sau 10 năm tu luyện ở Long Trung, là một “đứa con nít” trong mắt Tào Tháo nhưng đã làm kinh thiên động địa đánh tan 830,000 quân Ngụy sau trận Xích Bích.

Năm 37 tuổi, Võ Nguyên Giáp – một vị tướng không qua bất kỳ trường lớp quân sự chính thống nào được phong hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm cả thế giới bất ngờ và khâm phục khi chỉ huy các chiến dịch và các chiến thắng lớn đánh bại thực dân Pháp, đánh tan Mỹ thống nhất đất nước, dẹp loạn quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.

Chẳng có gì là diễn ra tự nhiên cả, những con người đó, họ cần rất nhiều yếu tố để làm được những việc đó, nhưng khởi đầu là họ phải có tư duy lớn, khát vọng lớn chứ không chấp nhận mơ những giấc mơ tầm thường.

Cuộc sống chỉ bắt đầu khi thực sự tỉnh giấc. Tuổi trẻ là thế hệ quan trọng của đất nước. Tự tin quá không tốt, bi quan quá cũng không tốt, hãy là một người thực tế biết hy vọng. Cuộc đời này ngắn ngủi, đừng lãng phí cuộc đời vào những giấc ngủ quá lâu.

Tự vấn bản thân mình, rằng mình đã làm điều gì khác biệt trong chính cuộc sống mình? Mình đã làm điều gì ý nghĩa cho cuộc sống của mình? Mình đã mang đến những giá trị gì cho cuộc sống của người khác? Mình đã tạo ra những giá trị gì cho cuộc đời? Mình đã cống hiến được những gì cho đời? Bởi những gì bạn làm được cho bản thân sẽ ra đi cùng bạn, những gì bạn để lại cho đời sẽ ở lại mãi mãi.

Để làm được những điều đó, thế hệ trẻ – quan trọng là phải DÁM BƯỚC ĐI.

 

Đỗ Việt Cường

Em có mệt không em? (Phần 3)

 Featured Image: Elizabeth Gadd

 

Em có mệt không em?
Khi em cứ yêu cầu mình là người giỏi nhất
Khi em cứ yêu cầu mình phải là người xuất sắc
Rằng em phải là người đặc biệt nhất cuộc đời.

Này em ơi
Xin em đừng tự giày vò mình như thế
Để tôi nói em nghe điều này nhé
Mỗi chúng ta đều là một người đặc biệt rồi đó em!

Em hãy nhìn chiếc lá rơi bên thềm
Đó chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi, không có gì đặc biệt
Nhưng chắc chắn em sẽ không tìm được chiếc lá nào giống như thế
Nên em hãy sống thật sự là chính mình!

Này em xinh!
Chỉ cần em cố gắng hết mình, làm những gì em có thể
Và em hãy mỉm cười để đón nhận kết quả
Vì đó là tất cả những gì em cố gắng, em à…

Đừng tự yêu cầu mình là người giỏi nhất nữa nhé em!
Sẽ khiến em vô cùng mệt mỏi…

Một Đời Quét Rác

Peter St. Onge – Cách mạng bạo lực thường ăn thịt những người sinh của nó

Featured image: the impossible cool

 

 

Lời người dịch: Đây có thể được coi là lời bạt cho những tác phẩm như: Đêm Giữa Ban Ngày, Bên Thắng Cuộc, Đèn Cù, Giai Cấp Mới… và nhiều tác phẩm khác nữa.

********

Cách mạng cánh tả* là một trong những cú lừa lớn nhất trong lịch sử. Cả các nhà trí thức, những người khao khát bắn phá lẫn những người bị thiệt thòi, những người bị đưa vào trại tập trung chứ không phải vào thiên đường trên cõi thế, đều được hứa như thế cả.

*THĐP: Cánh tả trong chính trị có nghĩa là những tư tưởng thiên về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Cánh hữu là thiên về chủ nghĩa tư bản.

“Cách mạng thường ăn thịt những đứa con của mình.” Nhận xét này, do một nhà báo đưa ra trong cuộc Cách mạng Pháp, chỉ đúng một phần. Trên thực tế, các cuộc cách mạng ăn thịt chính những người sinh ra nó. Cụ thể là, các cuộc cách mạng tả khuynh trong lịch sử ăn ngay những trí thức cánh tả, tức là những người tạo điều kiện cho cách mạng xảy ra. Tôi dùng từ “cánh tả” ở đây là để chỉ những cuộc cách mạng có mục tiêu rõ ràng là sử dụng sức mạnh của chính phủ nhằm cải tạo xã hội. Để cải tạo xã hội cho phù hợp với cách hiểu về “công lý” mà những người cổ động cho nó coi là hấp dẫn.

Tất nhiên, trong những cuộc cách mạng mang tính cải cách như thế, các nhà trí thức chỉ là một món khai vị mà thôi. Những cuộc cách mạng mang tính cải cách của lịch sử chuyển thẳng vào món chính: nó bắt đầu ăn xơi những người bị thiệt thòi và những người thiểu số, tức là những người ủng hộ cách mạng nhiệt tình nhất.

Tất cả những cuộc cách mạng cánh tả trong thế kỷ XX đều theo mô hình này: được những nhà trí thức không tưởng trợ giúp, quyền lực nhanh chóng bị các nhà chính trị chuyên nghiệp – những kẻ luôn luôn lợi dụng những bản năng thấp kém nhất của những người bình thường – chiếm đoạt. Ngay cả ở những nơi “văn minh” nhất, như nước cộng Weimar ở Đức hay “sân chơi của những ngôi sao” Cuba trong những năm 1950, những kẻ vừa mới được đưa lên ngai vàng đều lấy làm sung sướng khi nhìn thấy những nhà trí thức và những bạn bè “đã thoái hóa” của họ bị bỏ tù, bị tra tấn và bị treo cổ trên những cột đèn.
Nhắc lại chỉ thêm buồn. Nhất là đối với những người cấp tiến muốn lấy tiền của người đóng thuế để cổ vũ cho bạo lực. Mao nổi tiếng khi khoe rằng đã “chôn sống 46.000 trí thức”, ý là ông ta đã đưa tất cả bọn họ vào các trại tập trung để họ ngậm miệng và chết ở đó. Phong trào cộng sản cực đoan của Pol Pot nổi tiếng vì đã giết hàng ngàn trí thức, đến mức tất cả những người đeo kính đều bị giết. Ngay cả các chế độ được cho là “mát mẻ”, ví dụ như của Fidel Castro, cũng lập ra các trại tập trung dành cho cho người đồng tính, trong khi Liên Xô cấm đồng tính luyến ái trong hơn năm mươi năm, vượt cả Putin.

Khôi hài nhất là, từng là ngôi sao sáng trong trường đại học, nhưng người hùng cực đoan Che Guevara đã tỏ ra vui sướng và tự mình giết những người đồng tính, những người mà ông ghét cay ghét đắng, trong khi giúp xây dựng hàng loạt trại tập trung của Fidel trên khắp cả nước để tra tấn những người đồng tính và những người đàn ông biến thái nhằm buộc họ phải từ bỏ điều được coi là trụy lạc, được coi sản phẩm của chủ nghĩa tư bản suy đồi về mặt đạo đức.

Tại sao các cuộc cách mạng mang tính cải cách đều thích giết cả những người trí thức cánh tả và những “nhóm dễ bị tổn thương” vốn gần gũi như thế với trung tâm của cánh tả? Bởi vì quyền lực có logic riêng của nó. Bởi vì tất cả các chính phủ dựa vào bạo lực đều phải thường xuyên ngó lại phía sau. Và điều đó có nghĩa là nó phải kêu gọi những bản năng thấp kém nhất của quần chúng. Nếu quần chúng ghét người đồng tính, hay người Do Thái, hay các nhà trí thức thì chính phủ sẽ làm những gì nó nói, nó sẽ đưa những người đồng tính, người Do Thái và trí thức vào trại khổ sai. Những người thấp hèn nhất ghét cái gì thì chính phủ toàn trí toàn năng ghét cái ấy.

Tại sao các nhà trí thức lại không nhìn thấy mô thức hành động khủng khiếp này? Có lẽ, họ hy vọng rằng lần này khác và lần này những người cấp tiến trong các trường đại học và các chính trị gia sa lông của họ sẽ nắm được dây cương. Nếu lịch sử là người dẫn đường thì những người đó sẽ không giữ được dây cương. Không những thế, những nhà chính trị chuyên nghiệp sẽ giật mất cuộc cách mạng của họ và biến nó thành cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối với họ: biến thành cuộc cách mạng phản-trí-tuệ, chống người đồng tính, phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Dù khởi nguồn của cách mạng có trong sạch đến đâu thì lịch sử cũng cho thấy kết quả tất yếu là như thế.

Chẳng có gì vui cả. Không ai trong chúng ta muốn những người cánh tả cấp tiến bị treo lên cột đèn hay bị giết trong văn phòng của Che cho ông ta xem. Chúng ta muốn là những nhà cải cách ủng hộ bạo lực sẽ phải có thái độ thận trọng hơn nữa với mồi lửa mà họ đang nhóm lên. Họ nên nghiên cứu thêm một chút về lịch sử. Để hiểu lý do tại sao, lúc nào và ở đâu nó cũng như thế, để hiểu cưỡi lên con hổ mang tên chính phủ có quyền lực không hạn chế là việc nguy hiểm đến mức nào.

Những người cánh tả nghĩ rằng họ có thể kiểm soát được con hổ mang tên quần chúng đã được phá cũi sổ lồng. Nhưng họ không thể kiểm soát được và trên thực tế, họ sẽ là người đầu tiên bị treo lên cột đèn. Và đấy là điều rất đáng buồn cho tất cả chúng ta, cả những người tả khuynh lẫn hữu khuynh.
[themify_box style=”yellow rounded” ]Peter St. Onge là Phó giáo sư tại Taiwan’s Fengjia University College of Business.[/themify_box]

 

 

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Nguồn: https://mises.org/library/revolutions-eat-their-parents

Kenny Sang: thiên tài hay kẻ tâm thần?

Featured Image: Ibal

 

Mình thì trước nay không để ý đến Kenny Sang cho lắm, nhưng mấy hôm nay muốn học qua marketing nên nhớ đến những nhân vật scandal nổi cộm lên. Cái tên gần nhất hiện lên là Kenny Sang, thế là cũng tò mò vào page Kenny Sang tìm hiểu kỹ hơn. Hồi xưa toàn nhìn ảnh cái rồi tắt đi luôn.

Điều mà chắc ai cũng biết về Kenny Sang là những phát biểu “quái đản” như thách ai phát hiện phấn trên mặt, sẵn sàng trả 10 tỷ cho người đó hay những hành động “quái dị” như hóa thân thành Võ Tắc Thiên. Nhưng điều khá đặc biệt là khi vào trong page, bạn sẽ thấy hầu hết những comment ủng hộ hay thể hiện sự yêu quý Kenny Sang nhận được rất nhiều like và sự hưởng ứng (20-50 likes).

Trong đó những comment đả kích thường nhận được số likes khiêm tốn (4 -10 likes). Mình nhớ lần đầu tiên mình vào page, những comment chửi bới hay mắng nhiếc thường dài đến nửa trang A4 và nhận được rất rất nhiều sự ủng hộ. Toàn bộ những comment phản đối đều được highlight và đưa lên đầu. Vậy điều gì đã thay đổi?

Có lẽ là con người ta chửi mãi cũng chán. Những ai ghét từ cứ ghét, chửi thì cứ chửi nhưng dường như tất cả những tiếng chửi đó đều đi vào lỗ chân không: tan biến theo mây khói.

Giữa người với người luôn tồn tại sự khác biệt giữa suy nghĩ. Khi bạn thể hiện bất kể điều gì, dù điên cuồng đến mấy luôn luôn có những người ủng hộ bạn. Nếu như sự nổi tiếng của Kenny Sang có thể chạm tới 10 triệu người trên facebook, thì con số 500k người like fan page cũng sẽ không quá khó hiểu.

Có những người nghĩ hành động của Kenny Sang là gàn dở, nhưng tồn tại những người nghĩ đó chỉ là hình thức giải trí, mua vui. Cuộc sống sẽ thú vị hơn nếu có những câu chuyện “gàn dở” như thế để thảo luận!? Sự chọn lọc tự nhiên khiến những ai yêu thích Kenny Sang ở lại page, còn những ai chửi mãi không được cũng chán mà bỏ đi. Sự chán nản thể hiện rõ trong độ dài comment, với sự sụt giảm từ nửa trang A4 xuống còn một câu.

Dạo gần đây Kenny Sang có xuất hiện trên báo chí với những hình ảnh làm từ thiện. Sự thay đổi từ một kẻ “gàn dở” đến một người biết giúp đỡ người khác cũng thay đổi suy nghĩ của một bộ phận nào đó.

Con người luôn có sự thiên vị. Chỉ cần bạn đưa cho họ một lý do, họ sẽ bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Sau khi xem xong những hình ảnh làm từ thiện của Kenny Sang, rất nhiều comment phản đối, đề cập tới đạo đức giả của Kenny Sang, trong khi đó vẫn có nhiều comment bênh vực Kenny Sang với những lý lẽ khó phản đối như: “Người ta thể hiện sự khác người cũng chửi, giúp người cũng chửi, thế các bạn muốn gì.” Hay “Đã mấy bạn ở đây làm được việc tốt như Kenny Sang mà vào nói người ta.” Sự ủng hộ Kenny Sang có vẻ càng ngày càng gia tăng (ít nhất là ở trên page)

Kenny Sang có thể rất lạ đời hay hơi “điên điên” trên page Kenny Sang (được xếp vào mục giải trí), nhưng lại rất nghiêm chỉnh trên trang shopkennysangvest với những hình ảnh hotboy và ăn mặc chỉnh tề. Những status thì tương đối nghiêm túc. Dường như có một sự rạch ròi giữa page giải trí và page bán hàng.

Có vẻ như Kenny Sang là một con người bình thường, chỉ “giả điên” để có thể PR cho bản thân và shop quần áo. Nhưng có lẽ, người có thể chịu đựng hàng tấn gạch đá của dư luận như thế cũng không bình thường chút nào.

Như nhiều trang báo đã nêu ra, sự nổi tiếng của Kenny Sang đến từ những anh hùng bàn phím. Hành động của Kenny Sang dù có “tệ hại” đến đâu cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe, tiền bạc hay sự nghiệp của những người khác. Chỉ có những ai thích lo chuyện bao đồng hay thừa thời gian mới ngồi “chửi” nửa trang giấy với hy vọng Kenny Sang sẽ thay đổi.

“Chào anh Kenny Sang, tôi không hiểu tại sao tôi đã del và chặn đủ thứ nhưng thông tin của anh vẫn hiện trên facebook của tôi. Tôi không ấn like với trang fanpage này! Cảm phiền anh hãy chặn tôi với những thông tin của anh. Tôi biết là cha mẹ đẻ con mà đứa con đó có tật thì cha mẹ là người có lỗi, con cái buồn hơn cha mẹ! Chia buồn với anh! Tôi biết anh không muốn như vậy đâu nhưng do bẩm sinh thôi. Cảm phiền anh chặn tôi dùm ạ! Cảm ơn anh, xin lỗi làm phiền.”

Mình đã cười sặc sụa khi đọc comment trên. Trên phương diện truyền thông, mình thấy Kenny Sang quá giỏi.

 

Nguyễn Đình Tùng

Di sản của sự ích kỷ

Featured Image: Thằng Bé

 

Tự nhiên lại cảm thấy, mình chẳng còn đứa bạn nào cả. Đứa nào cũng đang chạy đua cho một mục đích cao đẹp nào đó, đứa nào cũng bảo mình hãy làm gì đó. Mình thì nghĩ rằng, khi đã chẳng có cam kết hay động lực để làm hoàn thiện một điều gì thì tốt nhất, đừng bắt đầu nó.

Những điều mà mình đang trải qua, có lẽ đó chỉ là câu chuyện của riêng mình mà chẳng ai chia sẻ được

Câu chuyện của một đứa không thích loài người. Một đứa vì sợ, và chán mới ngồi đọc sách. Phải, mình chỉ đọc sách như thói quen, từ rất nhỏ. Khi mà sự ám ảnh trong ngôi nhà của mình và cảm giác cô độc khi không có một người bạn nào để chia sẻ thì sách – thứ lặng im ấy, thứ đang trò chuyện mà không bao giờ bắt mình phải tạo ra một mối quan hệ nào giữa mình và tác giả ấy khiến mình cảm thấy an tâm. Ít nhất, mình có thể đọc những gì tác giả viết, chê bai, tán thưởng… nhưng chẳng cần phải quen biết tác giả.

Mình không phải là một người quá cuồng nhiệt cho bất kỳ ý tưởng nào, dự án nào nhằm giải quyết những vấn đề của con người. Mình mới bắt đầu nhìn con người như con người thôi. Mình còn chẳng biết đến cái lúc nào thì mình mới thấy rằng mình mới cảm thấy có trách nhiệm, hay yêu quý, hay muốn thay đổi điều gì ở cuộc sống này.

Có điều, mình đang sống, như thể ngày mai mình sẽ xuống mồ. Người ta, khi mà sắp chết ấy, nghĩ đến điều đó, thường mơ tưởng tới những thứ xa vời, tạo ra một thứ gì đó cho cuộc đời này, một sự thay đổi, một di sản nào đó để để lại. Còn mình, chỉ nghĩ đến việc là chính mình, giải quyết vấn đề của bản thân.

Mình ghét cảm giác những người đang làm từ thiện hoặc phi chính phủ khoác lên mình tấm áo của cái đúng hay là của chính nghĩa. Chính nghĩa hay cái đúng chẳng thuộc về ai cả. Họ cũng đang bước đi với sự hoài nghi của mình, đánh đổi rất nhiều thứ của những người có liên quan cho niềm tin ấy của họ. Họ đang ích kỷ chứ. Ích kỷ thì có gì sai. Chỉ là ích kỷ theo cách này hay cách khác. Cách của mình, cho đến tận bây giờ, mình vẫn không thấy nó sai.

Là một người bình thường thôi mà. Mình chỉ muốn là một người bình thường. Nhưng mọi người mong chờ một sự “bình thường” khác mà mình không có. Tại sao lại hỏi mình đọc sách để làm gì mà không hành động. Họ thích hành động thì hành động, mình đâu ngăn cấm cũng chưa chắc đã chỉ trích. Tại sao cứ phải trình bày cho người khác biết mình nghĩ gì, tại sao cứ phải đọc sách và thay đổi thế giới. Tại sao đọc sách là để thay đổi thế giới.

Ôi, cái cụm từ tạo ra di sản mới thật là buồn cười. Tạo ra “di sản”? Cho ai? Chắc gì cái thế giới kề cận bởi những con người mới kia đã nhìn nhận những gì anh tạo ra như một sự đóng góp. Anh chỉ đang làm việc cho anh. Tạo ra con đường của anh, hy vọng những người sau sẽ tiếp tục xây cái đường đó hoặc ít nhất, đi lại trên nó chứ không bỏ phí.

Nhưng mà. Tệ thật. Viết đến đây buồn ngủ quá quên mất mình nghĩ gì rồi. Tóm lại thì dù người khác có được hưởng lợi từ anh hay không thì vẫn là anh đang thỏa mãn anh, làm việc vì lý tưởng của anh, suy nghĩ của anh. Đừng nói anh làm việc cho thế giới nữa. Anh có phải là nô lệ của thế giới đâu mà khi sinh ra đã bắt anh phải tạo ra một cái gì đó cho thế giới rồi? Chẳng biết anh nghĩ thế thì khác gì anh nghĩ là con cái thì phải làm những gì bố mẹ nói, phải nghe lời bố mẹ.

Trách nhiệm với cộng đồng được tạo ra khi anh ký một cái gì đó với thế giới này. Sao anh phải phóng đại nó lên thành cái gì đó cao vời vĩ đại thế? Chẳng qua là một bản hợp đồng đôi bên cùng có lợi.

 

Thằng Bé

Ludwig von Mises (1881-1973) – Chủ nghĩa tự do truyền thống

 

Lời người dịch: Đây là một trong những tác phẩm hay nhất mà tôi từng được đọc trong suốt cuộc đời đọc sách của mình và theo thiển ý, tất cả những người quan tâm tới xã hội, những người muốn thảo luận những vấn đề mà xã hội của chúng ta đang phải đối mặt hiện nay đều nên đọc cuốn sách này.


 

Lời giới thiệu cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1985

Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” có xuất xứ từ tiếng Latin: “liber”, nghĩa là “tự do”, khởi kỳ thuỷ là để nói đến triết lý tự do. Ở châu Âu, khi tác phẩm này được chấp bút (1927), nó vẫn còn có nghĩa như thế, vì vậy độc giả của nó đã hy vọng là sẽ tìm được ở đây lý giải về triết lý tự do truyền thống. Đáng tiếc là trong mấy chục năm gần đây thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” đã có ý nghĩa hoàn toàn khác.

Thuật ngữ này đã bị những nhà triết học theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Mĩ, sử dụng để nói về chủ nghĩa can thiệp của chính phủ và những chương trình “nhà nước phúc lợi” của họ. Một trong rất nhiều thí dụ có thể dẫn ra ở đây là ông cựu thượng nghị sĩ Mĩ, Joseph S. Clark con, khi ông này còn làm thống đốc bang Philadelphia, đã mô tả lập trường “tự do” của ông ta bằng những từ như sau:

“Xin làm rõ ngay từ đầu và loại bỏ mọi sự mù mờ vể mặt ngữ nghĩa, người tự do được hiểu là người tin vào việc sự dụng mọi lực lượng của chính phủ nhằm thúc đẩy sự công bằng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội trên bình diện địa phương, bang, quốc gia và quốc tế… Người tự do tin rằng chính phủ là công cụ tốt cho việc phát triển xã hội, người muốn đưa những nguyên tắc của đạo Thiên chúa giáo vào đời sống.” (Tờ Atlantic, tháng 7 năm 1953, trang 27)

Quan điểm như thế về “chủ nghĩa tự do” đã giữ thế thượng phong vào năm 1962, tức là năm tác phẩm này được dịch sang tiếng Anh, Mises tin rằng dịch sát nghĩa tên gọi ban đầu của tác phẩm là Liberalismus có thể sẽ gây ra hiểu lầm. Vì vậy mà ông đền nghị gọi bản tiếng Anh là Cộng đồng tự do và thịnh vượng (The Free and Prosperous Commonwealth). Nhưng năm sau ông quyết định không nhường thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” cho các triết gia xã hội chủ nghĩa nữa.

Trong lời giới thiệu cho lần xuất bản thứ hai và thứ ba tác phẩm Hành vi của con người, tác phẩm quan trọng nhất của đời ông, Mises viết rằng những người ủng hộ cho triết lý tự do cần phải giành lại “thuật ngữ ‘chủ nghĩa tự do’ .. vì đơn giản là không có thuật ngữ nào thể hiện được đúng đắn phong trào trí thức và chính trị vĩ đại đó”, một phong trào dẫn đến nền văn minh hiện đại bằng cách thúc đẩy thị trường tự do, chính phủ hạn chế và tự do cá nhân. Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” được dùng trong tác phẩm này theo nghĩa đó.

Nhằm giúp những độc giả mới làm quen với các công trình của Ludwig von Mises (1881-1973), xin nói thêm rằng ông đã là người phát ngôn nổi bật của Trường phái kinh tế Áo. Trường phái này được gọi như thế vì Mises và hai vị tiền bối nối tiếng của ông là Carl Menger và Eugen von Behm Bawerk đều là những người sinh trưởng ở nước Áo.

Hòn đá tảng của Trường phái kinh tế Áo là lý thuyết về cách đánh giá chủ quan về giá trị hữu dụng cận biên. Lý thuyết này chỉ ra rằng tất cả mọi hiện tượng kinh tế, cả đơn giản lẫn phức tạp, đều là kết quả của những đánh giá mang tính chủ quan của từng cá nhân. Mises giải thích và phân tích phương pháp luận, giá trị, hành vi, giá cả, thị trường, tiền tệ, tập đoàn độc quyền, sự can thiệp của chính phủ, tăng trưởng nóng và sụp đổ kinh tế… trên cơ sở của lý thuyết đánh giá chủ quan đó và đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tiền tệ và tính toán kinh tế.

Mises bảo vệ luận án tiến sĩ ở trường đại học tổng hợp Vien vào năm 1906. Đề tài luận văn của ông, Lý thuyết về tiền tệ và tín dụng, được xuất bản ở Đức vào năm 1912 và ở Anh vào năm 1934, là tác phẩm đầu tiên trong rất nhiều công trình lý thuyết của ông về kinh tế học

. Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, ngoài những tác phẩm và bài báo viết về kinh tế, trong đó có tác phẩm tạo được tiếng vang như Chủ nghĩa xã hội, Mises còn là cộng sự của Phòng thương mại Áo (cố vấn về kinh tế cho chính phủ Áo) và giảng dạy bán thời gian tại trường tổng hợp Viên. Ông còn hướng dẫn những buổi thảo luận của các nhà nghiên cứu kinh tế, nhiều người trong số họ đã trở thành những học giả có ảnh hưởng quốc tế. Năm 1926 ông thành lập Viện nghiên cứu chu kỳ kinh tế ở Áo, Viện này vẫn còn cho đến ngày nay.

Ngay sau khi Hitler giành được chính quyền ở Đức, Mises đã nhìn thấy rằng nước Áo sẽ gặp rắc rối. Cho nên năm 1934 ông đã chuyển sang làm việc cho Viện nghiên cứu quốc tế ở Thụy Sĩ. Ở đây, ông bắt đầu chấp bút tác phẩm Nền kinh tế quốc dân (Nationaloekonomie-1940). Mặc dù ở châu Âu xã hội chủ nghĩa quốc gia hồi đó chẳng có mấy người biết tiếng Đức đọc tác phẩm này, nhưng cách lý giải những nguyên lý kinh tế sâu sắc của Mises đã tìm được nhiều độc giả qua bản dịch tiếng Anh, và sau đó được Mises viết lại cho độc giả Mĩ dưới nhan đề Hành vi của con người (Human Action – xuất bản lần đầu năm 1949)

Nhằm chạy khỏi châu Âu lúc đó đã bị phát xít Hitler chiềm đóng, Mises và vợ đã rời khỏi Thuỵ Sĩ và đến định cư ở Mĩ vào năm 1940. Tiếng tăm của ông đã vang dội ở châu Âu, nhưng ở Mĩ thì chưa mấy người biết. Vì vậy mà ông phải bắt đầu gần như từ con số không.

Những tác phẩm bằng tiếng Anh bắt đầu xuất hiện dưới ngòi bút của ông: Chính phủ toàn trí toàn năng và Bộ máy quan liêu, cả hai đều được xuất bản vào năm 1947. Sau đó là tác phẩm Hành vi của con người, một tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời ông, được xuất bản vào năm 1949. Và những tác phẩm khác: Kế hoạch hóa vì tự do (1952), Tâm lý bài tư bản (1952), Lý thuyết và lịch sử (1957), Những nguyên lý căn bản của kinh tế học (1962), lần luợt xuất hiện. Tất cả đều là những tác phẩm cực kỳ quan trọng về lý thuyết kinh tế.

Năm 1947 Mises giúp thành lập hội Mont Pelerin Society. Ông giảng dạy tại nhiều trường đại học Mĩ và Mĩ Latin và tiến hành những buổi hội thảo về kinh tế học tại trường đại học tổng hợp New York trong suốt 24 năm. Ông còn là cố vấn cho Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia và Quỹ giáo dục kinh tế.

Mises nhận được nhiều danh hiệu như: tiến sĩ danh dự của trường các Grove City College (1957), đại học tổng hợp New York (1963),và đại học tổng hợp Freiburg ở Đức (1964). Thành tựu của ông được trường học cũ, tức trường đại học tổng hợp Viên, công nhận và theo truyền thống châu Âu, trường này đã kỷ niệm lần thứ 50 ngày ông nhận bằng tiến sĩ và “tái” cấp bằng cho ông. Năm 1962, đến lượt chính phủ Áo vinh danh ông. Hiệp hội các nhà kinh tế học Mĩ bầu ông làm hội viên danh dự vào năm 1969.

Ảnh hưởng của Mises vẫn tiếp tục mở rộng. F. A. Hayek, người học trò nổi tiếng nhất của ông từ những ngày ông còn giảng dạy ở châu Âu, cũng là người từng được giải Nobel về kinh tế học, viết: “Ảnh hưởng của Mises đã vượt qua khuôn khổ cá nhân… Ngọn lửa mà ông thắp lên đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho một phong trào mới, một phong trào ngày càng có thêm sức mạnh.” Còn Giáo sư Israel Kirzner của trường đại học tổng hợp New York, một trong những người học trò nổi tiếng nhất của ông ở Mĩ, thì mô tả ảnh hưởng của ông đối với sinh viên hiện nay như sau: “Sự quan tâm đầy nhiệt tình và hăng hái đang tái xuất hiện đối với trường phái Áo mà ta chứng kiến hiện nay có đóng góp mang tính quyết định của Mises.

Mises là một lý thuyết gia sắc bén và rất thận trọng, nhưng ông không phải là lý thuyết gia ngồi trong tháp ngà. Được dẫn dắt bởi lý luận khoa học rằng xã hội tự do với nền kinh tế thị trường là con đường duy nhất đưa đến sự hài hoà và hoà bình cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, Mises cảm thấy trách nhiệm phải áp dụng những lý thuyết mà ông trình bày vào lĩnh vực chính sách của chính phủ.

Trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do, Mises không chỉ giải thích một cách ngắn gọn nhiều hiện tượng kinh tế quan trọng mà còn trình bày một cách rõ ràng quan điểm của ông về chính phủ và vai trò, tuy hạn chế nhưng vô cùng quan trọng, của chính phủ trong việc bảo đảm sự hợp tác của xã hội, chỉ có như thế thì thị trường tự do mới có thể hoạt động được. Quan điểm của Mises vẫn rất mới mẻ và hiện đại và độc giả sẽ thấy rằng ngày hôm nay lý giải của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Thông điệp của Mises: tư tưởng cai trị thế giới, là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trong tất cả các tác phẩm của ông. Nhưng tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do. “Kết của cuối cùng của cuộc đấu tranh”, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa toàn trị, “sẽ không được giải quyết bằng vũ lực mà bằng tư tưởng. Chính tư tưởng đưa con người vào các nhóm đấu tranh và đặt vũ khí vào tay họ, tư tưởng quyết định vũ khí sẽ được dùng để chống lại ai và vì ai. Cuối cùng, chính tư tưởng chứ không phải vũ khí sẽ quyết định kết quả”, ông đã viết như thế vào năm 1927.

Trên thực tế, chính hy vọng giữ cho thế giới không tiếp tục lao vào hỗn loạn và xung đột đã thuyết phục người ta từ bỏ chủ nghĩa can thiệp của chính phủ và chấp nhận chính sách tự do.

 

Bettina Bien Greaves, tháng 8 năm 1985.

Ludwig von Mises


Lời giới thiệu bản dịch tiếng Anh

Trật tự xã hội hình thành từ triết lý của thời Khai Sáng khẳng định vai trò tối thượng của người dân “thường”. Trong vai người tiêu dùng, người dân bình thường trở thành người đưa ra quyết định cuối cùng về việc cái gì sẽ được sản xuất, với số lượng là bao nhiêu, chất lượng như thế nào, ai sản xuất, sản xuất thế nào, sản xuất ở đâu; trong vai người đi bỏ phiếu, người dân bình thường có toàn quyền quyết định đường lối của chính sách quốc gia.

Trong xã hội tiền tư bản “ông trùm” là những kẻ có đủ sức buộc những người yếu hơn phải quy phục. Cái cơ chế bị nhiều người chỉ trích của thị trường tự do chỉ để ngỏ duy nhất một con đường dẫn tới thịnh vượng, đấy là phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và rẻ nhất có thể. Trong lĩnh vực công việc quốc gia, hệ thống chính phủ đại diện là hệ thống phù hợp nhất với “nền dân chủ” như thế của thị trường tự do.

Sự vĩ đại của giai đoạn giữa những cuộc chiến tranh của Napoleon và Chiến tranh thế giới thứ nhất chính là lý tưởng xã hội: tự do buôn bán trong thế giới của những dân tộc hoà bình, một nền tự do mà những người kiệt xuất nhất đang đấu tranh để biến nó thành hiện thực. Đấy là thời đại mà đời sống của người dân được cải thiện với tốc độ chưa từng có. Đấy là thời đại của chủ nghĩa tự do.

Hiện nay người ta gần như đã quên hết các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX rồi. Ở châu Âu lục địa chỉ còn vài người nhớ mà thôi. Ở nước Anh, thuật ngữ “tự do” được đa số người sử dụng nhằm ám chỉ cái cương lĩnh mà thực ra chỉ khác chủ nghĩa toàn trị của những người xã hội chủ nghĩa ở những tiểu tiết. Hiện nay ở Mĩ, từ “tự do” lại được dùng để chỉ một tập hợp các ý tưởng và định đề chính trị trái ngược hẳn với cách hiểu về chủ nghĩa tự do của các thế hệ tiền bối. Người tự do kiểu Mĩ là người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng, là kẻ thù không đội trời chung của tự do kinh doanh và là kẻ ủng hộ cho kế hoạch hoá mọi mặt của đời sống, tức là ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Những người “tự do” này vội vã nhấn mạnh rằng họ phản đối chính sách độc tài của nước Nga không phải là vì tính chất xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa của những chính sách đó mà vì chúng có xu hướng đế quốc chủ nghĩa. Tất cả các biện pháp nhằm tịch thu tài sản của những người giàu có và hạn chế quyền của những người có tài sản đều được coi là tự do và tiến bộ cả.

Các cơ quan của chính phủ nắm được quyền lực hầu như không hạn chế, toà án không có quyền phán xét quyết định của họ. Một vài công dân trung thực, những người dám phê phán xu hướng độc tài, bị coi là những kẻ cực đoan, phản động, bảo hoàng về kinh tế và phát xít. Người ta cho rằng đất nước tự do không thể dung thứ hoạt động chính trị của những “kẻ thù xã hội” như thế.

Đáng ngạc nhiên là ở đây người ta coi những quan điểm này là hoàn toàn của Mĩ và là sự tiếp tục của các nguyên tắc và triết lý của những người định cư đầu tiên (Pilgrim Father) ở Mĩ vào năm 1620, của những người đặt bút ký vào bản Tuyên ngôn độc lập, những tác giả của bản Hiến pháp và tờ Federalist. Chỉ một ít người biết rằng những chính sách được coi là tiến bộ này có xuất xứ từ châu Âu và trong thế kỷ XIX người đại diện tiêu biểu nhất của trường phái này chính là Bismarck, chẳng có người Mĩ nào lại coi chính sách của ông ta là tiến bộ và tự do hết.

Chính sách Sozialpolitik của Bismarck xuất hiện vào năm 1881, tức là hơn nửa thế kỷ trước khi bản sao của nó là New Deal của tống thống F.D. Roosevelt được thi hành ở Mĩ. Theo sau sự vùng dậy của Đế chế Đức, hầu hết các nước phát triển, tất cả các nước công nghiệp châu Âu, nơi nhiều nơi ít, đều áp dụng hệ thống làm như là mang lại lợi ích cho quần chúng bằng cách tước đoạt quyền lợi của thiểu số những kẻ “cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế”. Thế hệ những người đến tuổi bầu cử vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất coi việc dựa vào nhà nước là đương nhiên và khinh thường tự do, cho rằng đấy là “định kiến mang tính tư sản”.

Ba mươi lăm năm trước, tôi đã từng cố gắng viết một tác phẩm ngắn, trình bày tóm tắt những tư tưởng và nguyên tắc của môn triết lý xã hội từng có tên là Chủ nghĩa tự do. Tôi không nghĩ rằng cuốn sách của mình có thể ngăn chặn được những thảm hoạ mà chính sách của các nước châu Âu đang đưa tới. Ước muốn duy nhất của tôi là tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ những người ưu thời mẫn thế tìm hiểu mục đích của chủ nghĩa tự do truyền thống và những thành tựu của nó, và bằng cách đó, chuẩn bị cơ sở cho việc tái lập tinh thần tự do sau vụ sụp đổ đang đến gần.

Ngày 28 tháng 10 năm 1951, Giáo sư J. P. Hamilius từ Luxembourg hỏi nhà xuất bản Gustav Fischeri ở Jena (thuộc lãnh thổ Đức nhưng do quân đội Liên Xô chiếm đóng) để mua một cuốn Chủ nghĩa tự do. Ngày 14 tháng 11 năm 1951 nhà xuất bản trả lời rằng không còn cuốn nào và nói thêm: “Theo quyết định của chính quyền, tất cả các bản in cuốn sách này đều đã bị tiêu huỷ”. Bức thư không nói chính quyền ở đây là nước Đức quốc xã hay nhà nước “dân chủ” Đông Đức.

Trong những năm kể từ ngày xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do tôi đã viết rất nhiều về những vấn đề được nói tới trong tác phẩm này. Tôi đã nghiên cứu nhiều vấn đề mà lúc đó tôi không thể trình bày trong tác phẩm này vì không muốn làm cho độc giả chán nản vì quá dài. Mặc khác, lúc đó tôi đã xem xét một số vấn đề mà hôm nay thấy là không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, chỉ có thể hiểu và đánh giá đúng cách xem xét nhiều vấn đề thuộc về chính sách trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị khi tác phẩm này được chấp bút mà thôi.

Tôi không sửa chữa bất kỳ điều gì và không can thiệp vào quá trình dịch do tiến sĩ Ralph Raico thực hiện cũng như quá trình biên tập do ông Arthur Goddard tiến hành. Tôi xin cám ơn hai nhà khoa học này vì công sức họ đã bỏ ra để tác phẩm có thể đến tay bạn đọc rộng rãi bằng Anh ngữ.

 

Ludwig von Mises, New York, tháng 4 năm 1962.


 

Lời giới thiệu của Louis M. Spadaro

Tôi cho rằng cuốn sách tương đối mỏng này có tầm quan trọng gấp nhiều lần sức tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào độ dày và ngôn ngữ khiêm nhường của nó. Đây là tác phẩm bàn về xã hội tự do, bàn về điều mà hiện nay có thể được gọi là “chính sách” đối nội và đối ngoại cho xã hội như thế; và đặc biệt là bàn về những trở ngại và khó khăn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, trên con đường thiết lập và giữ gìn hình thức tổ chức xã hội như thế.

Trong khi tất cả những vấn đề này đều không có gì đặc biệt thì điều đáng ngạc nhiên là hầu như tất cả những người ủng hộ cho bất kỳ một hình thức tổ chức kinh tế thay thế nào khác đều không đưa ra được cách lý giải tương tự như thế về những đề nghị của họ. Ngay cả hiện nay, khi càng ngày càng có nhiều người tham gia vào việc cung cấp cho chúng ta những lời phê bình rất chi tiết về chủ nghĩa tư bản và những lời tiên đoán về sự cáo chung không thể nào tránh được của nó thì họ lại tỏ ra kín tiếng đến khó hiểu trong việc “xử lý” những mâu thuẫn hoặc những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình vận hành cái hệ thống mà họ bảo vệ hoặc tiên đoán.

Tuy nhiên, dễ dàng bỏ qua thái độ phớt lờ như thế vì rằng người ta thường gán trách nhiệm cho những người đáng ra là không phải chịu. Lên án Marx, đây là thí dụ dễ gặp nhất, rằng trong Tư bản luận, ông ta không chỉ ra được cách thức hoạt động cụ thể của xã hội xã hội chủ nghĩa, là việc làm không thể chấp nhận được; vì tác phẩm này nhằm đúng mục tiêu mà nó được trù liệu: nghiên cứu với tinh thần phê phán hoạt động của chủ nghĩa tư bản như Marx mường tượng.

Lên án Mises vì trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội ông đã không thảo luận những nguyên tắc của hệ thống tự do cạnh tranh cũng là việc làm vô nghĩa như thế. Điều quan trọng là Mises đã dành hẳn một cuốn sách để thảo luận bài toán này trong khi Marx thì không bao giờ làm như thế. Đấy là tác phẩm mà Marx không thể viết, còn những đồ đệ của ông cũng như những người phê phán chủ nghĩa tự do thì không thèm viết.

Nhưng giá trị thực sự của tác phẩm này không nằm ở ý nghĩa hạn hẹp và còn nhiều tranh cãi đó, nó có tính chất xây dựng và quan trọng hơn nhiều. Dù ngắn gọn, nhưng tác phẩm cố gắng giải đáp hàng loạt vấn đề, đánh tan những mối ngờ vực và lầm lẫn mà nhiều người gặp phải khi họ tìm cách giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, tình cảm còn nhiều tranh cãi. Ưu điểm đặc biệt của nó là đối với mọi vấn đề được bàn thảo Mises đều đưa ra được những nhận thức thấu triệt và những quan điểm để người ta có thể lựa chọn, và đấy là điều rất bổ ích.

Vì chắc chắn là độc giả muốn tìm hiểu ngay những vấn đề đó cho nên tôi sẽ không đưa những nhận xét riêng của cá nhân mình, ngoại trừ một vài suy nghĩ bắt buộc phải có. Thay vào đó chúng ta sẽ lựa ra những câu hỏi và những ý kiến sẽ nảy ra trong tâm trí độc giả khi họ xem xét những vấn đề còn gây tranh cãi được Mises nói đến ở đây và đáng được người đọc chú ý. Để tiện cho việc theo dõi, xin liệt kê chúng theo trình tự như được trình bày trong tác phẩm.

1. Hệ thống thị trường tự do đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng cũng đã chứng tỏ rằng đây là hệ thống kém hiệu quả.

2. Chủ nghĩa tự do bị phê phán vì chỉ tập trung chú ý vào ước muốn gia tăng sản xuất và thoả mãn nhu cầu vật chất và bỏ qua những đòi hỏi về mặt tinh thần của người dân.

3. Vì không phải lúc nào người ta cũng hành động một cách hoàn toàn hợp lý, có lẽ đối với một số vấn đề nên tin vào trực giác, xung lực và cái gọi là “tâm thức” thì sẽ tốt hơn là lý luận chặt chẽ?

4. Không thể phủ nhận sự kiện là chủ nghĩa tư bản thực chất là hệ thống có lợi cho người giàu và những người có tài sản và bất lợi cho những tầng lớp khác.

5. Tại sao lại phải bảo vệ cái hệ thống xã hội không tạo điều kiện cho mỗi người thực hiện ước mơ của người đó hay giành được kết quả mà anh ta cống hiến?

6. Quyền tư hữu tư liệu sản xuất có phải là món đồ lỗi thời trong cái “đồ thừa” của thời đã qua mà những những người cảm thấy khó chấp nhận và khó thích nghi với những điều kiện đã thay đổi phải mang trên lưng hay không?

7. Tự bản chất, nền kinh tế thị trường cạnh tranh, trong trường hợp tốt nhất, có chống lại nền hoà bình giữa các dân tộc và trong trường hợp xấu nhất, có gây ra chiến tranh hay không?

8. Lấy gì biện hộ cho cái hệ thống kinh tế-xã hội gây ra quá nhiều bất công trong thu nhập và tiêu thụ đến như thế?

9. Nếu để chủ nghĩa thực dụng sang một bên thì về mặt đạo đức, ta có thể biện hộ cho quyền sở hữu tư nhân được hay không?

10. Chống lại chủ nghĩa can thiệp của nhà nước, chủ nghĩa tự do có vô tình biện hộ cho một số biểu hiện của tình trạng vô chính phủ hay không?

11. Chưa có gì chứng tỏ rằng xã hội dân chủ và ổn định lại dễ dàng trở thành hiện thực trong hệ thống lập kế hoạch và ra quyết định phi tập trung hơn là trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

12. Vì sao lại cho rằng xã hội tư bản nhất định sẽ có thái độ khoan dung đối với bất đồng chính kiến hơn là xã hội xã hội chủ nghĩa?

13. Chủ nghĩa tư bản tạo ra và tiếp tục bảo vệ địa vị ăn trên ngồi trốc cho “giai cấp ăn không ngồi rồi”, những kẻ nắm được nguồn lực nhưng không làm và không có đóng góp gì đáng kể đối với xã hội.

14. Quyền tư hữu có có thể tốn tại lâu như thế là vì nó được nhà nước bảo vệ; thực ra, như Marx khẳng định, nhà nước chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ quyền tư hữu.

15. Luận cứ cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể hoạt động được vì nó không có phương tiện để thực hiện những tính toán kinh tế cần thiết là luận cứ rất đáng quan tâm, nhưng có chứng cớ cụ thể hay không?

16. Giả thiết cho rằng việc can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nhất định sẽ dẫn đến lệch lạc và vì vậy mà có tính phá hoại cũng là giả thiết hay, nhưng có thể chứng minh bằng thí dụ cụ thể rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra hay không?

17. Không phụ thuộc vào những bằng chứng chứng tỏ rằng những hệ thống được đề nghị nhằm thay thế cho chủ nghĩa tư bản đều thua kém hơn, có những lý do trực tiếp và chắc chắn biện hộ cho hệ thống tự do kinh doanh hay không?

18. Muốn hoạt động được, tất cả các hệ thống tự do cạnh tranh đều cần phải có rất nhiều công ti nhỏ, liên tục cạnh tranh với nhau, liệu hệ thống đó có teo đi khi các đại công ti và các cơ sở độc quyền phát triển hay không?

19. Vì ban quản trị các công ti lớn cũng có xu hướng trở thành bộ máy quan liêu, việc đặt bộ máy kiểm soát tư nhân đối lập với bộ máy quản lý công cộng có phải là vấn đề giả tạo hay không?

20. Có phải là trong chế độ tự do việc phối hợp giữa chính sách đối nội và đối ngoại dễ thực hiện hơn và nhất quán hơn là trong các hệ thống khác hay không?

21. Có phải sự tồn tại và việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân là cản trở chứ không phải là tác nhân cho việc giành và giữ hoàn bình và sự thông cảm giữa các dân tộc hay không?

22. Có vẻ như rõ ràng là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc chỉ có thể xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa.

23. Quyền lợi ích kỷ của các doanh nhgiệp tư nhân là trở ngại chính cho sự luân chuyển một các tự do hơn hàng hoá và con người giữa các vùng trên thế giới.

24. Vì là người đại diện và cổ vũ cho quyền lợi đặc biệt của một giai cấp – giai cấp những kẻ nắm được các nguồn lực hay giai cấp tư sản – Chủ nghĩa tự do đã có một sai lầm chiến thuật ngớ ngẩn nghiêm trọng khi không tự mình tạo ra một chính đảng và không theo đuổi mục tiêu của mình bằng cách thoả hiệp và phù hợp với thủ đoạn chính trị.

Bất cứ ai từng có điều kiện quan sát một cách trực tiếp cách thức những quan điểm có sẵn trong đầu, những nửa sự thật và những “giá trị” dường như hiển nhiên thường ngăn cản, không cho người ta xem xét một cách toàn diện và công bằng đối với những quan điểm xa lạ hoặc những quan điểm làm cho người ta khó chịu trong môn kinh tế học sẽ nhận ra ngay nhiều điểm vừa được liệt kê.

Câu trả lời của Mises cho mỗi điểm vừa nêu sẽ giúp độc giả bình thường (và những người mới bắt đầu nghiên cứu) có một cái nhìn toàn diện hơn đối với những vấn đề xã hội và lý giải được những mối ngờ vực của chính mình. Dễ hiểu vì sao Đông Đức lại cấm tác phẩm này – như Mises nhắc tới trong phần giới thiệu – và đấy là một bằng chứng nữa, tuy người ta không cố ý, chứng tỏ rằng đây là tác phẩm quan trọng.

Cuối cùng, xin được bình luận ngắn về hai điểm nữa. Điểm thứ nhất đã được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, nhưng được nói trong ngữ cảnh rất phức tạp và ở những chỗ cách xa nhau cho nên độc giả có thể không nhận ra tính phổ biến và vai trò quan trọng của nó.

Ý tưởng này – một ý tưởng cực kỳ quan trọng trong lập luận của Chủ nghĩa tự do chân chính – đấy là thường thường ta phải làm cái mà Mises gọi là “hy sinh tạm thời”, một việc làm cực kỳ cần thiết và hữu ích. Giành ngay những lợi ích trước mắt, tuy có vẻ là việc làm hấp dẫn, những sẽ là việc làm ngu xuẩn, nếu trong khi làm như thế ta tự tuớc mất lợi ích lớn hơn nhiều lần trong tương lai; tức là tước mất cái lợi ích lớn đến mức có thể bù đắp được lợi ích hiện tại và những phiền phức trong quá trình chờ đợi.

Dĩ nhiên là ít người khôn ngoan, trong khi “tính toán” với những điều kiện như thế, lại ngả về phía lợi ích trước mắt. Nhưng đấy chính là khó khăn lớn nhất, không phải lúc nào người ta cũng tính toán một cách thận trọng, họ cũng không được khuyến khích phải làm như thế. Sai sót như thế thường xảy ra trong những hoàn cảnh rất khác nhau và không chỉ xảy ra với những công dân hay người tiêu thụ “bình thường”.

Nó có thể xảy ra với những doanh nhân săn tìm lợi nhuận ngắn hạn hoặc lợi thế tương đối; nó có thể xảy ra với những nhà làm luật ủng hộ cho việc nâng ngay lập tức tiền tương tối thiểu, trả bảo hiểm xã hội, đặt ra thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế khoá khác; nó có thể xảy ra với những nhà kinh tế học khuyến cáo nới lỏng tín dụng hoặc tái phân phối thu nhập; và biết bao nhiêu người khác nữa. Trên thực tế, tìm ra những thí dụ nữa trong tác phẩm và đặc biệt là trong khi suy nghĩ về những vấn đề và những cuộc tranh luận hiện nay sẽ là một bài tập tuyệt vời đối với độc giả tập sách này.

Cuối cùng, xin được nói đôi lời về tên gọi của tác phẩm. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1927, với nhan đề Chủ nghĩa tự do và là tác phẩm bổ xung, như đã nói bên trên cho tác phẩm của Mises viết về chủ nghĩa xã hội. Sự kiện là khi dịch tác phẩm này trong tiếng Anh người ta đã muốn hoặc thấy cần phải đổi tên thành Xã hội thịnh vượng và tự do (Free and Prosperous Commonwealth), đã thể hiện rõ điều mà tôi tin là bi kịch trong lịch sử tri thức: đánh tráo thuật ngữ Chủ nghĩa tự do.

Vấn đề không chỉ là thuật ngữ, cũng không thể coi nó là một thí dụ đơn giản của sự thoái hoá ngôn ngữ – thường gọi là entrôpi từ ngữ – ý nghĩa và giọng điệu cũ biến mất cùng với thời gian. Ở đây chúng ta bắt gặp không chỉ sự mất giá của thuật ngữ, dù thuật ngữ ấy có quan trọng đến mức nào. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về tri thức lẫn thực tiễn.

Trước hết, từ “tự do” (liberal) có nguồn gốc từ nguyên rõ ràng, thể hiện trong lý tưởng về tự do cá nhân. Nó còn có gốc gác mang tính lịch sử đầy giá trị trong truyền thống và kinh nghiệm, cũng như được kế thừa di sản văn hoá sâu rộng trong những lĩnh vực như triết học xã hội, tư tưởng chính trị, văn học ..v.v.. Vì lý do đó và nhiều lý do khác nữa, thật không thể tưởng tượng được rằng quan điểm mà tác phẩm này trình bày lại không có độc quyền và tư thế không thể tranh cãi để tự nhận danh hiệu là Tự do.

Nhưng, mặc cho tất cả những điều đã trình bày, thuật ngữ Chủ nghĩa tự do, sau khi ra khỏi thế kỷ XIX và vượt qua Đại Tây Dương, đã mang một ý nghĩa khác, không phải khác một chút mà là trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa vốn có của nó! Kết qủa là người ta đã lầm lẫn và mơ hồ đến nỗi ngay cả khi có hẳn một kế hoạch thì cũng khó mà tưởng tượng nổi làm sao mà nội dung và ý nghĩa của nó lại có thể bị xuyên tạc đến mức như vậy.

Nhưng đáng buồn nhất là hai điểm sau đây. Thứ nhất, đấy là sự đồng thuận đáng kinh ngạc của những hậu duệ chính hiệu của chủ nghĩa tự do không chỉ trong việc để cho thuật ngữ này tuột khỏi tay mình mà trên thực tế còn khước từ nó bằng cách sẵn sàng sử dụng nó như một từ thoá mạ những người có cảm tình với đảng xã hội chủ nghĩa, thế mà thuật ngữ phù hợp hơn với họ đã tồn tại từ trước rồi. So với nó thì câu chuyện ngụ ngôn về con lạc đà và túp lều còn có vẻ nhẹ nhàng hơn.

Thứ hai, là việc đánh mất thuật ngữ “Chủ nghĩa tự do” đã buộc người ta phải sử dụng một số thuật ngữ thay thế hoặc những cách nói quanh co như “người tự do” (libertarian), “Chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX (nineteenth century liberalism) hay Chủ nghĩa tự do “cổ điển” (“classical” liberalism). Liệu có ai đã tuyên bố rằng mình là người thuộc phái tự do “tân-cổ điển” vừa nảy nòi ra hay không?

Chả lẽ chúng ta đã vĩnh viễn đánh mất thuật ngữ chủ nghĩa tự do rồi ư? Trong phần phụ lục cho nguyên bản tiếng Đức (có đưa vào bản dịch này), Mises đã bàn về ý nghĩa của thuật ngữ và nói đến khả năng tái lập lại ý nghĩa cũ cho nó. Nhưng vào năm 1962, trong lời giới thiệu tác phẩm, có vẻ như ông đã không còn bất kỳ hy vọng nào nữa.

Tôi không nghĩ như thế. Vì, cho dù có nói thế nào đi nữa thì Chủ nghĩa tự do vẫn là của chúng ta, tôi tin là chúng ta có trách nhiệm khôi phục lại ý nghĩa ban đầu của nó, ít nhất thì đấy cũng là vấn đề nguyên tắc. Nhưng còn có những lý do khác nữa. Thứ nhất, như Mises từng chỉ ra, Chủ nghĩa tự do có ý nghĩa rộng hơn là tự do kinh tế, đây là thuật ngữ cần thiết vì nó là thuật ngữ phù hợp nhất và thể hiện được rõ nhất bản chất của vấn đề.

Ngoài ra, để có thể nói chuyện một cách cởi mở và thẳng thắn với dân chúng – sự ủng hộ của họ là yếu tố cực kỳ quan trọng – chúng ta cần một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu chứ không phải là một từ mới “khó lọt tai” đối với người bình dân. Hơn nữa, thời đại và hoàn cảnh đang có nhiều thuận lợi – dân chúng đang ngày càng bất mãn với những hành động can thiệp của chính phủ và nhận thức về quyền tự do lựa chọn của cá nhân có thể sẵn sàng đồng nhất với một cái tên vốn được mọi người tôn trọng và bao bao hàm được trọn vẹn ý nghĩa của tự do.

Muốn giành lại tên, chúng ta phải làm gì? Chắc chắn là chúng ta phải phuc hồi lại chính quá trình mà chúng ta đã đánh mất nó. Trước hết là không sử dụng nó theo nghĩa sai kia nữa, sau đó là tái khẳng định ý nghĩa đúng đắn của nó (thuật ngữ này vẫn đang được sử dụng ở một số nơi trên thế giới). Và cuối cùng là không cho những kẻ không có quyền sử dụng thuật ngữ này tiếp tục chiếm đoạt nó, họ phải tìm một nhãn hiệu phù hợp với quan điểm của họ cũng như Chủ nghĩa tự do là tên gọi phù hợp với chúng ta vậy.

Một số người cảm thấy băn khoăn một cách vô lý về việc nhập nhằng không thể tránh khỏi của các học thuyết – tôi ngờ rằng đấy một phần là do trước đây chúng ta đã rời khỏi lều của mình một cách vội vã – nhưng đấy là cái giá mà bây giờ chúng ta phải trả. Thứ nhất, hiện nay sự nhập nhằng cũng vẫn còn, nhưng tạm thời thì điều đó có thể chấp nhận được. Ngoài ra, sự nhập nhằng làm cho cả hai bên đều cảm thấy khó chịu, bên kia cũng phải trả giá và có thể lần này sự bất tiện sẽ làm cho con lạc đà rút lui.

Như vậy là, lần in này đã trở lại với tên gọi ban đầu của tác phẩm. Hy vọng rằng những người kia cũng đồng tình sử dụng thuật ngữ này mà không cần phải xin lỗi hay giải thích gì hết – không cần bất kỳ cái gì như thế cả – để cho Chủ nghĩa tự do trở về với ý nghĩa đúng đắn và phù hợp với truyền thống của nó.

 

Louis M. Spadaro
Trường đại học tổng hợp Fordham (Fordham University), Tháng 8 năm 1977

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp

Thị trường và đạo đức (kỳ 18)

 

 

Adam B. Summers – Đầu tư công và đầu tư tư

Các chính khách thường lấy làm tự hào khi nói trước công chúng rằng chúng ta phải “đầu tư” cho chương trình này hay chương trình kia – đấy có thể là chương trình giáo dục, y tế, hay các dự án cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thí dụ như cây cầu không dẫn đến đâu, hoặc dự án tốn đến 50 triệu dollar cho khu rừng mưa nhiệt đới có mái che ở bang Iowa; dự án 3,4 triệu dollar để làm đường ngầm cho rùa đi bên dưới đường cao tốc ở bang Florida; 1,8 triệu dollar để nghiên cứu mùi thối và quản lý phân rác hoặc hàng triệu dollar cho những công trình nghiên cứu khác nhau về thói quen giao phối của loài sâu xương rồng, loài chim cút Nhật Bản, loài chuột chũi Bắc cực và loài sóc ở Nam Phi.

Tất cả những khoản chi tiêu đó đều là những vụ ăn cướp trắng trợn, tôi phải xin lỗi mà nói như thế. “Đầu tư” cho một số dự án hay cương lĩnh chính trị nghe có vẻ hay hơn là nói: “Tôi muốn đánh thuế bạn để cho các chính khách và quan chức của chúng ta ở Washington, D.C. [hay thủ đô tiểu bang hoặc tòa thị chính của bạn], có thể tiêu tiền của bạn cho bất kỳ thứ gì mà chúng tôi nghĩ là tốt cho bạn [hoặc cho những người đóng góp cho chiến dịch của chúng tôi].”

Trong Thông Điệp Liên Bang đầu năm nay Tổng thống Obama có nói rằng chính phủ liên bang phải giúp kích thích kinh tế bằng cách “đầu tư” vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có công việc xây dựng, làm đường sắt cao tốc, giáo dục, nghiên cứu y sinh, “năng lượng sạch” và thậm chí cả Internet tốc độ cao nữa. Nhưng “đầu tư” chỉ là uyển ngữ để nói về việc chi tiêu nhiều hơn cho chương trình nuôi thú cưng mà thôi. Vì nó sẽ chỉ làm cho nền kinh tế trì trệ thêm chứ không thể nào hồi phục được vì bản chất của đầu tư công là tiêu tốn của cải, khác hẳn với đầu tư tư nhân là tạo ra của cải. Những người đóng thuế bỏ qua sự khác biệt này là tự làm hại mình vậy.

Hình thức đầu tư của tổng thống Obama hứa hẹn “tạo ra không biết bao nhiêu là chỗ làm việc cho đồng bào của chúng ta”, nhưng ông không dừng lại để hỏi xem lấy đâu ra tiền để trả cho những chỗ làm việc mới đó. Một ngày nào đó khoản tiền nhất định phải được lấy từ “những người đồng bào khác” của chúng ta, bằng cách tăng thuế hoặc bằng cách vay mượn mà sau này họ sẽ phải trả [một việc sẽ chỉ làm hại nền kinh tế trong tương lai hoặc trì hoãn quá trình phục hồi kinh tế mà thôi]. Đương nhiên là lấy tiền của những người đóng thuế để tài trợ cho những chỗ làm mới đó cũng có nghĩa là lĩnh vực tư sẽ có ít tiền đầu tư hơn cho những chỗ làm mới và cho việc phát triển công việc kinh doanh.

Sự khác nhau chủ yếu giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư là lĩnh vực công không thể tạo ra của cải, nó chỉ có thể dịch chuyển nguồn lực từ nhóm người này sang nhóm người khác [dĩ nhiên là sau khi đã bị “ngắt ngọn” nhằm phục vụ cho quyền lợi của những người tài trợ cho chiến dịch và cấp dưỡng cho bộ máy quan liêu bất tài]. Trong lĩnh vực tư, chỗ làm việc tăng thêm – và sự phát triển kinh tế nói chung – xảy ra khi các công ty làm ra được những thứ mà người tiêu dùng coi là có giá trị. Trong lĩnh vực công, tăng trưởng xuất hiện khi chính phủ tước đoạt được tiền của người dân và những khoản đầu tư được rót những lĩnh vực mà các chính khách mong muốn.

Khoản “đầu tư” của chính phủ vào lĩnh vực năng lượng xanh đã tạo ra công ty Solyndra Inc. là một thí dụ. Tháng 5 năm ngoái tổng thống Obama đến thăm Fremont, một công ty sản xuất tấm pin mặt trời có trụ sở ở California đã chụp và cho công bố rộng rãi một bức ảnh chụp nhân dịp này nhằm quảng bá nó như một loại hình doanh nghiệp mà ngài tổng thống cho rằng đất nước cần phải đầu tư. Và đấy chính là điều chính phủ đã làm.

Tháng 9 năm 2009 chính quyền thông báo rằng đã tài trợ cho Solyndra 535 triệu dollar từ quỹ cho vay do những người đóng thuế lập ra để cung cấp tài chính cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời mới. Tháng 6 năm sau, tức là đúng một tháng sau chuyến thăm của ngài tổng thống, công ty này đã hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và một tháng sau đó giám đốc điều hành cũng rời bỏ công ty.

Tháng 11 năm 2010 công ty thông báo rằng đã bỏ kế hoạch mở rộng nhà máy ở Fremont [nhà máy theo kế hoạch sẽ thuê mướn hàng ngàn lao động] và thậm chí phải đóng cửa một nhà máy khác ở East Bay, làm gần 200 công nhân nữa mất việc làm. Đấy là một khoản đầu tư.

Ném qua cửa sổ những đồng tiền “tốt” sau khi đã mất những đồng tiền “chẳng ra gì”

Sự kiện đó cũng không ngăn được tổng thống Obama đi thăm một công ty năng lượng xanh khác, chỉ hai ngày sau khi ông đọc thông điệp liên bang nhằm quảng bá cho những lợi ích mà những khoản đầu tư vào ngành công nghệ này chắc chắn sẽ mang lại. Trong suốt chuyến đi tới công ty năng lượng tái tạo có tên là Orion Energy Systems ở Manitowoc, bang Wisconsin, Obama cứ phàn nàn rằng Mĩ thậm chí đã tụt hậu trong lĩnh vực đầu tư so với ngay cả những nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hơn:

“Trung Quốc đang đầu tư và họ đã giải quyết được những khó khăn của thị trường năng lượng mặt trời, một phần là vì chúng ta đã tụt hậu. Chúng ta tiến không đúng với năng lực của mình. Những công việc đáng ra có thể được làm ở đây thì lại bị đưa ra ngoại quốc.”

Trong khi, trong hai chục năm qua Trung Quốc đã tiến được những bước dài theo hướng nền kinh tế mở thì chế độ cộng sản khó có thể là mô hình chính sách kinh tế cho người khác theo. Sự phát triển của Trung Quốc là do quá trình tự do hóa kinh tế chứ không phải là do những quyết định tùy tiện của giới tinh hoa cầm quyền, nhưng những thành tố chỉ-huy-và-kiểm-soát của nền kinh tế kế hoạch hóa còn sót lại ở Trung Quốc lại dường như được Obama coi là mô hình lý tưởng. Đấy là tín hiệu không hay cho tự do kinh tế và phát triển ở Mĩ.

Chính phủ chưa bao giờ tỏ ra đặc biệt giỏi giang trong việc lựa chọn những người thành đạt về kinh tế. Thí dụ, hãy xem những “khoản đầu tư” của chính phủ vào Amtrak[i], từ ngày thành lập vào năm 1971 công ty này chưa bao giờ có lời, thậm chí trong 40 năm hoạt động đã bị lỗ tới 35 tỷ dollar; hay Công ty bưu chính (Portal Service[ii]) năm ngoái đã lỗ tới 8,5 tỷ và sẽ lỗ thêm 6,4 tỷ nữa vào năm nay.

Đầu tư của chính phủ thất bại không chỉ đơn giản là vì lãnh đạo tồi (mặc dù đây chắc chắn là một đặc điểm thường gặp và không thể giải quyết được) mà chủ yếu là vì trong lĩnh vực công không thể xác định được giá trị. Không có hệ thống giá cả thị trường cho nên không có tiêu chuẩn đánh giá lỗ lãi. Như Mises viết trong tác phẩm Hành Vi Của Con Người (Human Action): “Không có cái gọi là giá cả bên ngoài thị trường. Giá cả không phải là cơ cấu nhân tạo.” Trong tác phẩm Bộ Máy Quan Liêu (Bureaucracy) ông còn viết thêm: “Quản lý hành chính quan liêu là quản lý những công việc không thể kiểm soát được bằng các tính toán kinh tế.”

Giá trị

Trong nền kinh tế thị trường tự do, giả cả được quyết định bằng qui luật cung cầu, bằng sự lựa chọn của người tiêu dùng, bằng sự khác nhau về kiến thức và đánh giá thông tin trên thương trường và chấp nhận rủi ro của doanh nhân. Người tiêu dùng càng ưa thích một món hàng hay dịch vụ nào đó thì họ càng sẵn sàng trả giá cao hơn và sẽ đẩy giá lên.

Trong lĩnh vực chính trị “giá trị” – tức là một chương trình cụ thể nào đó của chính phủ cần tiêu bao nhiêu tiền – được quyết định bởi sức mạnh và ảnh hưởng của các chính trị gia, các quan chức và những nhóm quyền lợi có thể tìm cách bòn rút tiền thuế của người dân và chia nhau theo ý của những nằm trong các giới tinh hoa đó.

Ở đây, thậm chí hầu như không có một cái gì đó tương tự như cạnh tranh trong việc cung cấp những dịch vụ đó và như vậy là có rất ít sáng kiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ hoặc giảm giá thành. Vì không có tín hiệu giá cả giúp phát hiện sở thích của người dân trước món hàng hay dịch nào đó cho nên cũng không thể có một cơ chế phù hợp nhằm xác định xem những chương trình đó có hữu ích hay thỏa mãn được nhu cầu của cử tri hay không.

Không có cơ chế giá cả thị trường thực sự thì làm sao ta có thể nói một khoản đầu tư nào đó là có lời? Và làm thế nào tránh được những khoản đầu tư không có lời? Nếu một chương trình nào đó của chính phủ có vẻ như đã thành công thì sẽ lập tức có những cuộc vận động nhằm xin thêm đầu tư. Còn nếu thất bại thì người ta sẽ bảo rằng cần tăng gấp đôi đầu tư để cho nó thành công.

Đầu tư tư nghĩa là tự chịu rủi ro với hy vọng là sẽ có lời trong tương lai, còn “đầu tư” công nghĩa là lấy và tiêu tiền của người khác nhằm nhằm thực hiện ý tưởng của bạn về việc những người kia nên sống như thế nào hoặc nhằm thỏa mãn những nhóm quyền lực giúp bạn được bầu lại trong lần bầu cử tới. Đầu tư tư đòi hỏi phải hoãn chi tiêu trong ngày hôm nay để có thể [hy vọng thế] thu được nhiều tiền hơn trong tương lai, trong khi “đầu tư” công là chi tiêu ngay ngày hôm nay.

Đáng tiếc là chính phủ liên bang không học được những bài học mà lịch sử đã cố gắng dạy cho chúng ta về việc tài trợ cho doanh nghiệp và gia tăng việc làm viển vông. Sự dốt nát thể hiện rõ nhất khi các chính khách phản ứng trước một đợt suy thoái trầm trọng. Toa thuốc do nhà kinh tế học John Maynard Keynes đưa ra là “kích thích” nền kinh tế thông qua những khoản chi tiêu của chính phủ và tạo công ăn việc làm.

Mặc dù điều đó có nghĩa là chiến đấu với vấn đề nợ công ngập đầu ngập cổ bằng cách vay thêm tiền. Như Robert Higgs, một nhà bình luận trên trang Freeman và là cộng tác viên cao cấp chuyên ngành kinh tế chính trị học tại Viện nghiên cứu độc lập (Independent Institute), đồng thời là tác giả cuốn Khủng Hoảng và quái vật Leviathan (Crisis and Leviathan), đã nói: “Người say bét nhè nào cũng hiểu được biện pháp khắc phục suy thoái này.”

Một thập kỷ mất mát

Trong những năm 1990 và những năm sau đó người ta biết rằng Nhật Bản đã gặp khủng hoảng tài chính khi bong bóng tài sản trong lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán – do chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương hồi những năm 1980 hâm nóng – nổ tung và giá cả sụt giảm nhanh chóng. Phản ứng của chính phủ và sai lầm của chính sách làm cho nền kinh tế bị tê liệt và cuối cùng đã dẫn đến một loại vụ suy thoái. Nhật Bản đi theo đơn thuốc của trường phái Keynes – kết quả thật là thảm hại – và cho đến nay đất nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Trong những năm 1990 Nhật Bản đã thông qua 10 gói kích thích tài chính, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực công. Khi một kế hoạch xây dựng không hoạt động [ý là nó không đưa nền kinh tế trở lại giai đoạn phát triển nhanh như trước] thì người ta lại tung ra một kế hoạch khác. Tổng cộng, trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2008 chính phủ Nhật đã chi khoảng 6,3 ngàn tỷ dollar cho những dự án liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Song những kế hoạch này đã không khôi phục được nền kinh tế mà còn đưa đất nước vào một núi nợ nần, cản trở sự phục hồi kinh tế trong suốt nhiều năm trời, dẫn đến một giai đoạn có thể gọi là “Thập Kỷ Mất Mát” của Nhật Bản.

Công việc xây dựng trong những dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng của chính phủ là những việc làm không ổn định và không thể làm cho kinh tế phát triển được. Nợ công cao ngất trời, thất nghiệp tăng gấp đôi và nền kinh tế tiếp tục trì trệ. [Chuyện này nghe có vẻ quen quen?]. Gavan McCormack, giáo sư sử học chuyên về lịch sử châu Á và Thái bình dương ở Trường Đại học tổng hợp quốc gia Úc, viết trong tác phẩm Chân Không Của Sự Giàu Có Nhật Bản (The Emptiness of Japanese Affluence) như sau:

“Lĩnh vực xây dụng, trong một số khía cạnh nào đó, cũng na ná như tổ hợp công nghiệp quân sự thời chiến tranh lạnh ở Mĩ [Liên Xô thì cũng thế], nó hút hết tài sản của đất nước, tiêu thụ mà chẳng mang lại hiệu quả gì, nó phát triển nhanh như những tế bào ung thư và sinh ra cả khủng hoảng kinh tế lẫn phá hủy môi trường.”

Đại khủng hoảng

Ngay cả trong giai đoạn Đại khủng hoảng – thường được viện dẫn như là thí dụ rõ ràng về việc chính phủ tạo ra việc làm để giúp đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế – chương trình chi tiêu cực kỳ lớn của tổng thống Roosevelt – thực ra lại có gốc rễ từ thời chính quyền của tổng thống Hoover – cũng không kích thích được nền kinh tế. Mặc cho tất cả những khoản chi tiêu đó và mặc cho tất cả những chương trình tạo công ăn việc làm đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao.

Trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, tỷ lệ thất nghiệp chỉ cao hơn 3% một chút. Năm 1933, tức là giữa lúc có những khoản chi tiêu lớn và những dự án lớn, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đến 25%. Thậm chí sau những năm thực hiện Chính sách kinh tế mới (New Deal) tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức 15% hoặc hơn và kéo dài đến tận năm 1940. Mãi đến Thế chiến II tỷ lệ thất nghiệp mới trở về với mức một con số [và đấy là do hàng triệu người đã nhập ngũ].

Đấy là lý do v́ì sao năm 1939 Henry Morgenthau – bộ trưởng tài chính dưới thời tổng thống Roosevelt – đã viết một câu làm người ta phải ngạc nhiên:

“Chúng ta tìm cách tiêu tiền. Chúng ta đang tiêu nhiều hơn bất kỳ gian đoạn nào khác trước đây, nhưng không ăn thua. Và tôi đang có một niềm đam mê, nếu tôi sai… thì ai đó có thể ngồi vào ghế của tôi. Tôi muốn thấy đất nước này thịnh vượng. Tôi muốn thấy đồng bào có việc làm. Tôi muốn thấy đồng bào được ăn uống tốt hơn. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ giữ được lời hứa… Tôi xin nói rằng sau tám năm chính phủ này cầm quyền chúng ta vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao như lúc ban đầu… Và một món nợ khổng lồ phải thanh toán!” (Nhật ký của Morgenthau, thư viện tổng thống Roosevelt)

Sự kiện là những cuộc suy thoái kinh tế – thậm chí những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn – không nhất thiết phải diễn ra khốc liệt hoặc kéo dài đến như thế. Đấy là do chính sách của chính phủ đã ngăn chặn những áp lực tự nhiên và sáng kiến của thị trường nhằm thanh lọc những khoản đầu tư và những quyết định kinh tế sai lầm và trở lại với con đường phát triển ổn định. Như Murray Rothbard viết trong lời giới thiệu lần xuất bản thứ ba tác phẩm Cuộc Đại Khủng Hoảng Của Nước Mĩ (America’s Great Depression), của ông như sau:

“Trước khi có những can thiệp mạnh mẽ của chính phủ hồi những năm 1930, tất cả vác vụ suy thoái đều diễn ra trong một thời gian ngắn. Thí dụ, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong năm 1921 cũng đã kết thúc một cách nhanh chóng, đến nỗi bộ trưởng thương mại, ông [Herbert] Hoover – mặc dù là người theo xu hướng can thiệp – đã không thuyết phục được tổng thống Harding can thiệp ngay, trong thời gian người ta còn đang thuyết phục Harding thì khủng hoảng đã chấm dứt và sự phồn vinh đã quay trở lại rồi.

Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 năm 1929 thì Herbert Hoover – lúc này đã là tổng thống – can thiệp nhanh và mạnh đến mức quá trình điều tiết của thị trường bị tê liệt, và Chính sách kinh tế mới của Hoover-Roosevelt đã gây ra suy thoái trong nhiều lĩnh vực và kéo dài, chúng ta chỉ thoát ra được là nhờ Thế chiến II. Laissez-faire – chính phủ dứt khóat không can thiệp – là chính sách duy nhất có thể bảo đảm được cho sự phục hồi một cách nhanh chóng trong bất kì cuộc khủng hoảng thiếu nào.”

Sau hơn hai mươi lăm năm và hàng ngàn tỷ dollar được tung ra để cứu các ngân hàng và ngành công nghiệp ô tô, cũng như các gói kích thích và sự can thiệp của Cục dự trữ liên bang, nền kinh tế Mĩ vẫn chuyển động một cách chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 9%. Theo giám đốc Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke thì đáng lẽ chỉ cần bốn đến năm năm là thị trường lao động đã có thể “trở lại tình trạng bình thường” được rồi. Nếu không từ bỏ chính sách can thiệp của chính phủ thì có vẻ như Mĩ đang tiến dần đến Thập Kỷ Mất Mát của chính mình.

Nợ liên bang lên đến 14 ngàn tỷ dollar và thiếu hụt hàng năm hơn 1 ngàn tỷ đang làm giảm năng suất lao động và ngăn chặn sự phát triển của nền kinh tế. Đây là lúc chúng ta học những bài học đã lặp đi lặp lại trong quá khứ rằng các khoản chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là khi những khoản tiền đó được dùng để kích thích nền kinh tế, đơn giản chỉ là những khoản đầu tư có hại mà thôi.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: Tạp chí The Freeman số tháng 7/8 năm 2011

[i] Amtrak là Công ty vận chuyển hành khách bằng xe lửa của chính phủ, được thành lập vào tháng 5 năm 1971.
[ii] Công ty bưu chính (Postal Setvice) là công ty của chính phủ chuyên làm dịch vụ bưu chính trong nội bộ nước Mĩ.

Dành cho những người đang ở mảng tối của cuộc sống hôn nhân

Featured Image: Rishad Daroo

 

Ngày xưa thời đại có thể xác định bằng hàng thế kỷ rồi thu ngắn lại thập kỷ và năm… hiện tại thì thời đại công nghệ thông tin không còn xác định là năm, tháng mà sẽ là ngắn hơn rồi. Ngắn hay dài thì tùy cách mỗi người tiếp cận và quy ước quan điểm đó cho mình, ai tiếp cận nhanh và chịu thay đổi thì số phận cũng thay đổi. Cách hiểu một vấn đề, học một bài học hay khía cạnh cuộc sống rồi thu thập kinh nghiệm đã từng trải qua những bài học thất bại cũng như tận hưởng thành công đến với mình của mỗi người đều khác nhau, nếu có giống thì chỉ giống về kết quả chung chứ tiến trình thì đều khác nhau cả.

Bạn chính là người hiểu rõ hơn hết bạn đã học gì, trải qua những điều gì trong cuộc sống này nên cảm nhận bạn cũng khác với người ta, chỉ cần bạn tự tin bước đi trên con đường đời bằng chính những gì mình có để hướng đến những gì mình mong muốn tốt đẹp theo ý mình thì bạn sẽ khó lạc lối vào cái điều gọi là ảnh hưởng Nho giáo, Phật giáo, khổng tử, Thiên chúa hay tin lành… Bởi vì tất cả các tư tưởng, thuyết giảng của tất cả các đạo trên thế giới này đều hướng đến mục đích tốt đẹp chứ không đạo nào dành lấy cho mình phần thắng là đạt được những tín đồ hay con chiên nào đó nhiều nhất về phe mình.

Những triết lý của cuộc sống được đưa ra cho dù thời kỳ nào đi chăng nữa thì cũng là mong muốn những con người đi sau đọc nó, hiểu được nó và mong là chúng ta cảm nhận được nó, lấy đó mà làm kinh nghiệm cho bản thân và giúp người, giúp đời, giúp chính chúng ta thay đổi tích cực hơn để sao cho phù hợp chứ không phải mang ra so sánh người này có giỏi hơn người kia hay không? Sự so sánh là do tự chúng ta áp đặt cho người và cho mình mà thôi. Tôi không phủ nhận so sánh cũng góp phần tạo động lực tiến bộ cho nhân loại nhưng cần so sánh lúc nào phù hợp và sự so sánh này nên nói ra lúc nào mới là quan trọng hay là im lặng!

Có những điều mà bạn đã đọc trên internet đâu đó, chẳng hạn ở mục Tâm Sự của Vnexpress và rồi bạn đặt câu hỏi tại sao người ta không thể bước đi một cách mạnh mẽ để vượt qua khó khăn và giành lấy hạnh phúc mà lại chịu đựng hoặc mù quáng, không giải thoát tự do cho chính mình được? Bạn tin là bạn làm được còn người ta không thể làm được không phải vì người ta không muốn thay đổi hay không đủ can đảm thay đổi như bạn mà vì có những lý do khác nữa bên cạnh lòng trắc ẩn và sự nhẹ dạ, tình yêu vẫn còn chút lưu luyến hơn nữa là họ hiểu giá trị của sự mất mát tình thương yêu đối với con trẻ, những thiên thần mà trước đó họ cảm thấy hạnh phúc nhất vì kết tinh của tình yêu không toan tính nhưng bây giờ tại sao còn lại là đau thương và gánh nặng?

Vẫn câu nói: “Người ngoài cuộc sáng suốt hơn người trong cuộc.” Nên ta thấy nhiều khía cạnh vấn đề một cách độc lập, phân chia chúng thành 2 điểm “tiêu cực – tích cực” rõ ràng hơn họ. Người trong cuộc thường bị khái niệm che lấp sự tỉnh táo là “nói đi rồi nói lại” và cha mẹ nào cũng không muốn bỏ rơi con mình là điều thiêng liêng trong mỗi con người đều có, họ muốn thể hiện hết sự hy sinh vì con cái nhưng bên cạnh lại muốn giữ lại cái tôi riêng của chính mình để thể hiện vị thế với người đối diện hoặc chứng tỏ sự độc lập, niềm kiêu hãnh của mình. Cuối cùng được gì và mất gì? Mấy ai hỏi được và mấy ai thoát được?

Chỉ có những người biết chấp nhận bỏ bớt cái tôi của mình, chấp nhận sự thất bại của bản thân và chịu lắng nghe chia sẻ với người bạn đời của mình và cùng nhau nắm tay thay đổi thì mới có thể có hạnh phúc bền lâu. Vấn đề này cần 2 người ngồi lại một cách chân thành và nghiêm túc chứ không thể từ một người duy nhất được.

Kiến thức mà bạn tiếp cận, bạn học cho mình là do tính cách của chính bạn chi phối, chấp nhận nó. Bạn muốn set up mình là ai trong cuộc sống này thì hẳn nhiên bạn cũng muốn có những người bạn giống mình, có thể chia sẻ cùng mình, góp ý và học hỏi mọi thứ… Tuổi tác không quan trọng vì có những người đã 50 – 60 tuổi nhưng họ vẫn có cái nhìn hiện đại hơn chúng ta nhưng chúng ta chưa biết đó thôi nên không thể gọi là trẻ trâu hay trâu già được mà chính là kiến thức của chính mình, cảm xúc của chính mình sẽ hướng về ai, điều gì….

Bạn cũng không thể bài xích, cực lực phản đối lý lẽ tự nhiên của chính con người hay thay đổi chúng khi chúng không thể thay đổi trong lúc này được mà áp đặt suy nghĩ, quan điểm của ta là cách lựa chọn tốt nhất. Không có cách lựa chọn tốt nhất cho tất cả mà chỉ có cách lựa chọn duy nhất cho mỗi người trong hoàn cảnh đó sao cho có thể khiến lựa chọn đó là hài lòng nhất.

Vẫn thường đọc khá nhiều câu chuyện trên mạng về sự đỗ vỡ hôn nhân, đổ vỡ tình yêu cần lời tư vấn của rất nhiều người? Người trong cuộc luôn tối tăm khi đối diện sự thật bởi vì họ ít khi chấp nhận sự thật là khó khăn đang đến bên họ, gây ra sự mất mát mà chỉ còn lại cái tôi trong mình lớn hơn nên khó mà thấy con đường dài tiến đến kết quả cuối cùng.

Sự góp ý, tư vấn chỉ mang tính tham khảo là nhiều và trấn an một chút về tinh thần chứ không thể là kim chỉ nam cho những người trong cuộc. Khi có thể giải quyết mọi vấn đề một cách có thể chấp nhận được thuộc về ý thức, kiến thức, sự thấu hiểu cảm xúc bản thân, kỹ năng ứng xử xã hội của người đó mang tính cực đoan hay bảo thủ, khả năng hiểu người khác, biết lắng nghe và chấp nhận thay đổi mình theo hoàn cảnh để bồi đắp giá trị vĩnh hằng mà người đó mong muốn thì mới có thể có cách giải quyết tốt nhất.

Thêm một điều quan trọng nữa là đôi khi sự thật trong việc trải nghiệm mới cho ta thấy ra được bản chất vấn đề hơn là kiến thức mà ta từng học, từng đọc qua, từng nhìn thấy qua nên không thể nói trước điều gì vì sự thật có thể khiến ta thay đổi theo từng thời điểm mà ta nghĩ về nó, ta tiếp cận nó theo cách nào, bản chất cuộc sống mang ta đến giá trị nào và ta vững chí giữ lại những giá trị nào cho riêng mình. Câu nói dành cho tất cả một cách công bằng: “Không thể nói trước điều gì.” Và hãy nhìn quan sát thật nhiều khi có thể.

Leo Tolstoy từng viết rằng: “Hai chiến binh dũng mãnh nhất trên đời là thời gian và lòng kiên trì. Sức mạnh của hai chiến binh này xuất phát từ khả năng xoay chuyển tình thế, xoa dịu nỗi đau và khiến mọi thứ trở nên rõ ràng!”

 

Trọng Hậu

Sổ tay – bảo bối của tôi

 Featured Image: Sophia Watts

 

Nếu như “đọc” là việc có thể thay đổi nhận thức và định hướng của một con người, đưa người ta đến thế giới khác. Thì “viết” chính là việc quan trọng hàng đầu giúp chúng ta điều khiển và kiến tạo cuộc sống của riêng mình. Giúp chúng ta sống tốt hơn những người bình thường xung quanh: một cuộc sống ý nghĩa, ngập tràn niềm vui và tận dụng được kho báu thời gian hiệu quả nhất.

Phần lớn chúng ta đều biết viết nhưng lại quá coi thường và lãng quên việc viết. Viết là một việc đơn giản, nhưng viết gì và viết sao cho hiệu quả và làm thay đổi cuộc đời thì không phải ai cũng làm được. Tôi đã mất nhiều năm trải nghiệm và thực hành để có thể đúc lại những tác dụng tuyệt vời của việc viết nói chung và viết vào một cuốn sổ tay nói riêng sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Tin vui là chỉ cần đọc hết bài viết này và kiên quyết làm theo từng bước dưới đây, chắc chắn bạn cũng sẽ làm được và có thể bắt đầu công cuộc kiến tạo cuộc sống của riêng mình.

Sau đây là những việc bạn có thể làm với cuốn sổ tay này, hãy viết, hãy nháp, hãy gạch xóa hay xé bỏ, không quan trọng. Miễn bạn có thể duy trì thói quen viết và sử dụng sổ tay, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Tôi tin điều này, vì có nhiều bạn làm theo tôi, và họ phản hồi rằng cuộc đời họ đã thật sự thay đổi.

1. Chiến lược cuộc đời: mục tiêu, kế hoạch, thời gian

“Nếu bạn không tự xây ước mơ của bạn
Người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”

– Tony Gaskins

Lập chiến lược cuộc đời chính là bước đầu tiên để bạn bắt tay xây dựng ước mơ của riêng mình. Mục tiêu là bản thiết kế ngôi nhà tương lai của bạn và kế hoạch chính là cách thức để bạn đạt được điều đó. Còn nếu bạn đã có chiến lược cuộc đời cho riêng mình trong trí óc và bạn tự hỏi tại sao phải viết ra ư? Thì hãy nhớ câu nói này: “Mục tiêu mà không được viết ra trên giấy và không được nhìn thấy mỗi ngày, đó không phải là mục tiêu, mà chỉ là ước muốn.

Có người đã nói rằng, chỉ cần bạn có thể lập mục tiêu và lên kế hoạch cho bất cứ thứ gì, sau đó viết được nó ra, là bạn đã có thể coi như hoàn thành được 50% kế hoạch rồi. Một bước đơn giản giúp bạn đi nhanh hơn nửa đường so với những người khác, thì tại sao lại không chứ?

Xây một kế hoạch cho mục tiêu của bạn, cũng giống như việc bạn lên kế hoạch để xây ngôi nhà mơ ước của chính mình. Để xây ngôi nhà đó, bạn bắt buộc phải có một bản vẽ thiết kế, bản vẽ sẽ mô tả chi tiết nơi nào là phòng ngủ, nơi nào là phòng khách, nhà bếp ở đâu, cầu thang như thế nào. Để các thợ xây dựa vào bản vẽ đó mà làm móng và đắp từng viên gạch hoàn thành ngôi nhà cho bạn. Giả sử mỗi viên gạch đắp lên chính là một ngày trôi qua trong cuộc đời để bạn đạt được mục tiêu. Ngôi nhà của bạn sẽ ra sao nếu như không có bản thiết kế nào, không có một nhà kỹ sư nào chỉ dẫn những người thợ. Họ sẽ không thể hoàn thành ngôi nhà được, hoặc nếu có thì cũng sẽ rất mất thời gian và không đạt được yêu cầu thẩm mỹ.

Cuộc đời bạn cũng vậy, không có bản vẽ định hướng và mô tả mục tiêu thì bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian và công sức để đạt được điều bạn muốn? Nó có như ý bạn không hay sẽ lệch hẳn đi mà chính bạn cũng không biết, vì có gì để so sánh đâu mà biết có như ý mình hay không. Thế nên, đừng xem thường sự quan trọng của một bản vẽ nhỏ bé, đừng xem thường sức mạnh của bản kế hoạch giúp bạn đạt mục tiêu.

Tôi được làm quen với cụm từ “chiến lược cuộc đời” khi tham gia một khóa học kỹ năng mềm cực kỳ thú vị. Ở đó chúng tôi được hướng dẫn đặt mục tiêu mình mong muốn và lên kế hoạch để đạt được điều đó. Chắc chắn tôi phải cảm ơn buổi học này rất nhiều, vì nó giúp cuộc đời tôi trở nên ngay ngắn, rõ ràng và dễ dàng hơn rất nhiều.

Bản thân cụm từ “chiến lược cuộc đời” nghe mới hay ho làm sao. Nghe thật là oách, thật là chuyên nghiệp và cũng vô cùng trách nhiệm nữa. Tôi rất thích cụm từ này. Chiến lược là một hệ thống gồm các chiến thuật và mưu kế để bạn đạt mục tiêu, đôi khi là thắng một cuộc chiến, đôi khi là ngăn ngừa một hiểm họa, và trong trường hợp này là giúp bạn đạt được mục tiêu và ước muốn của mình.

Hãy hình dung con người bạn muốn trở thành sau 5, 10 hay 20 năm nữa trông như thế nào và vẽ nó ra. Chép nó vào những trang đầu tiên của cuốn sổ, vì nó chính là hải đăng cho cuộc đời bạn.

2. To-do-list: danh sách việc làm mỗi ngày

Chỉ cần mỗi ngày bạn biết mình phải làm gì và bạn làm theo nó. Tôi hứa bạn sẽ không bao giờ còn cảm thấy thời gian trôi qua vô nghĩa hay cảm thấy một ngày nào nhàm chán trong cuộc đời bạn nữa.

Hãy đọc lại đoạn này trong bài viết “những việc làm đơn giản

“Cho dù đi bất cứ đâu, hãy mang cuốn sổ theo bên mình, rất gọn nhẹ và đơn giản, bạn có thể bỏ vào balo, cặp táp, ví tiền hoặc cốp xe, đâu cũng được nhưng hãy luôn mang nó theo bên mình. Cuốn sổ của tôi, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường lên danh sách những việc “tôi muốn mình sẽ làm” trong ngày tiếp theo. Nó như một cuốn sổ nhắc nhỏ vậy. Hãy viết ra tất cả việc bạn cần phải làm, muốn làm và nên làm (dù không muốn) trong cuốn sổ đó, như một kiểu lên lịch, thời gian biểu vậy.”

Ngoài những công việc chính lớn lao: làm hàng hóa, đọc sách, viết bài, nghiên cứu chủ đề này kia, đi công việc này nọ… đôi khi những việc tôi ghi vào danh sách lại nghe chừng lại rất vớ vẩn: Giặt đồ, dọn dẹp phòng, gọi điện cho mẹ, hỏi thăm cô bạn thân, đi làm tóc, đổ xăng, mua một cuốn sách, bấm móng tay… Không thể liệt kê hết những việc tôi muốn làm mỗi ngày vì chúng quá lắt nhắt. Bất cứ khi nào nghĩ thêm ra được việc gì cần làm hôm nay hoặc ngày mai tôi lại bổ sung ngay vào danh sách. Và mỗi khi làm xong một việc, tôi gạch dòng công việc đó đi. Bạn biết không, cảm giác cuối ngày nhìn lại mớ việc mình đã hoàn thành tôi thường xuyên cảm thấy bất ngờ về khối lượng việc mình đã làm được. Một cảm giác rất tuyệt vời, không, phải là cực kỳ tuyệt vời.

Tôi treo câu nói này nơi bàn làm việc: “Một ngày trôi qua vô ích là khi cuối ngày bạn cảm thấy mình chẳng làm được gì cả.” Điều đó thật sự đúng với tôi, mỗi ngày khi hoàn thành những công việc to tát hay lẻ tẻ nhỏ bé mình đề ra, tôi cảm giác vui sướng như mình đang ở đỉnh thế giới vậy. Còn một ngày khi lười biếng không viết bản danh sách, y kỳ ngày đó tôi chẳng làm được việc gì ra hồn cả. Chắc chắn đó sẽ là một ngày lang thang hết trang tin tức này đến trang tin tức kia, chăm chú hết bộ phim này qua bộ phim nọ. Cảm giác ngồi đọc tin tức hay xem phim cả ngày thì rất tuyệt. Nhưng đến cuối ngày tôi luôn thấy dằn vặt vì mình đã lãng phí thời gian thật vô nghĩa.

Tôi phát hiện ra rằng, khi mình viết những công việc cần làm ra giấy, mình không cần nhớ gì nữa, chỉ cần làm theo danh sách thôi. Không biết trí óc các bạn thế nào, chứ trí óc tôi cực kỳ tệ hại. Nếu tối nay tôi nghĩ ra 5 việc mai mình sẽ làm mà không ghi lại, chắc chắn hôm sau tôi sẽ chẳng nhớ gì tới những việc đó hoặc chỉ hoàn thành được 20-50% mà thôi. Còn khi viết chúng ra, khả năng hoàn thành những việc đó luôn đạt mức 70-100%. Luôn là như thế. Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Kỳ diệu hơn là việc này lại tuyệt đối đơn giản.

Hơn nữa, khi viết danh sách việc làm, chúng ta có xu hướng quyết tâm hơn để hoàn thành nó, có xu hướng mạnh mẽ hơn để vượt qua các cám dỗ xung quanh để sử dụng thời gian và năng lượng một cách tối ưu và hiệu quả hơn đa phần mọi người. Khi viết ra việc cần làm, sẽ có một sức mạnh vô hình nào đó khiến ta luôn chú ý tới nó, mong muốn hoàn thành nó, để được gạch đi cho đỡ ngứa mắt, để được tận hưởng cảm giác bản thân là một người giữ lời hứa, dù cho chỉ là lời hứa với chính mình. Đó thực sự là một hành động tuyệt vời bạn có thể thử ngay lúc này.

Hãy viết vào những trang tiếp theo danh sách công việc bạn cần làm vào ngày mai. Ngay!

Hãy lưu trữ những ý tưởng của bạn vì một ngày kia có thể nó sẽ thay đổi thế giới

Bạn biết đấy, thế giới này được hình thành như hôm nay, tất cả đều bắt nguồn từ một thứ vô cùng quan trọng: Ý tưởng. Mọi thứ đều cần ý tưởng mới được hoàn thành. Thế giới này có thể không thiếu gì, nhưng sẽ luôn luôn đói khát những ý tưởng mới. Mọi ngành công nghiệp từ tay chân thuần túy cho đến trí óc, mọi người lao động từ làm thuê tới làm chủ hay tự lập nghiệp đều cần những ý tưởng mới. Ý tưởng là thứ tuyệt đối quan trọng với chúng ta và cả thế giới này. Thế nhưng ý tưởng lại không thường xuất hiện khi ta cần nó xuất hiện hay khi ta tập trung suy nghĩ vò đầu bứt tóc.

Ý tưởng thường là những giây phút thành thần đến bất chợt, khi ta đọc báo, khi tắm, lúc ăn cơm, dừng đèn đỏ hay thậm chí khi ta đang ngồi trên… toilet. Chúng ta thường nói mình không có ý tưởng gì, không phải vì ta không có ý tưởng gì, mà vì ta đã không chộp lấy khi ý tưởng nảy ra để rồi ngay phút giây sau nó đã trôi tuột đi mất. Chúng ta không chộp lấy vì quên hoặc vì giây phút đó ý tưởng nghe có vẻ khôi hài và không thực tế…

Rất nhiều lý do biến ta thành những người cù lần, không sáng tạo, không ý tưởng, cả đời chỉ sống bám vào ý tưởng của những người khác. Ta dùng internet, điện thoại, mạng xã hội, thực phẩm, thuốc men, dịch vụ… tất cả mọi thứ ta dùng mỗi ngày đều là những ý tưởng của người khác. Và chẳng có gì ngạc nhiên, ta dùng ý tưởng của họ, họ giàu có, ta nghèo nàn.

Thế nên, việc bạn cần làm, đơn giản chỉ là hãy chộp lại và ghi nhớ mọi ý tưởng từng nảy ra trong đầu bạn. Có thể ngay lúc đó nó mơ hồ và ngớ ngẩn, đừng lo lắng, cứ chộp hết chúng lại, nhét ngay vào cuốn sổ tay. Sau một thời gian, hãy đọc lại những ý tưởng đó và chép vào một cuốn khác tạm gọi tên là sổ ý tưởng của riêng mình. Cuốn sổ này bạn hãy cất cho kỹ, khi nào nhớ thì lôi ra đọc. Chắc chắn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình lại có nhiều ý tưởng đến như vậy.

Có những cái đã trở thành thực tế ngoài kia, người khác đã làm sản phẩm đó và kinh doanh nó rất thành công, cũng có những cái đọc đi đọc lại bao nhiêu lần vẫn thấy ngớ ngẩn. Không sao cả, tôi tin chắc sẽ có một ngày một trong những ý tưởng đó trở thành sự thật. Tôi có vài cuốn sổ chuyên thu gom những ý tưởng, tôi cũng hay tự thừa nhận mình là công ty ý tưởng vì tôi có rất nhiều. Không phải tôi sáng tạo hay thông minh hơn người khác, chỉ là tôi luôn biết cách giữ chúng lại khi người khác ném đi hay lãng quên vì những ý tưởng thường xuất hiện quá bất chợt.

Tất cả là nhờ cuốn sổ tay tôi luôn mang bên mình để luôn kịp ghi chép lại mọi ý tưởng khi chúng nảy đến. Đó chính là lý do khiến tôi luôn tự tin và không bao giờ lo sợ cả. Dù cho tình trạng thất nghiệp tăng cao, dù cho thế giới khủng hoảng kinh tế, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Tôi cũng sẽ không lo sợ, vì tôi không phụ thuộc vào những thứ đó, vì tôi luôn có những ý tưởng kinh doanh của riêng mình nên chẳng bao giờ sợ thất nghiệp hay bị đuổi việc cả. Không bao giờ. Tôi tự do. Tất cả những cảm giác này, làm sao tôi có được nếu không duy trì thói quen viết sổ tay của mình?

Không chỉ những ý tưởng của bản thân, bạn hoàn toàn có thể chép lại mọi ý tưởng hay ho của người khác hay những ý tưởng bạn đọc được nghe được từ cuộc sống. Nhiều người có ý tưởng rất hay nhưng vì không bắt tay vào hành động thì ý tưởng đó của họ cũng trở nên vô nghĩa. Và lúc này, như mọi lúc khác, thời cơ là của bạn.

Dùng sổ tay để điều khiển, kiểm soát cảm xúc cũng chính là kiểm soát cuộc đời

Trong khi phần lớn mọi người thường chỉ sống qua ngày và chờ đợi mọi thứ xảy đến, rồi bị kiểm soát hoàn toàn bởi các thể loại cảm xúc khác nhau, đa phần là cảm xúc không mong muốn. Thì chính bạn, hãy đứng lên, tự tìm kiếm cho mình những cảm xúc bạn mong muốn, vui vẻ ư, hạnh phúc ư, hài lòng ư, tất cả đều có thể kiếm được. Hãy lên kế hoạch, hãy xác định ranh giới và chuẩn bị tinh thần cho mọi vấn đề. Có điều này, bạn nhất định không được quên, rằng bạn, chính bạn, chứ không phải ai khác là người kiểm soát cuộc đời mình, kiểm soát cảm xúc của mình. Cuốn sổ tay này có thể giúp bạn làm được điều đó như thế nào?

Hãy viết mọi điều khó nói vào sổ tay của bạn, có thể là lời yêu thương, lời oán giận hay thậm chí là hận thù, viết được điều khó khăn đó tâm trí bạn sẽ thanh thản hơn rất nhiều, duy trì thói quen viết, bạn sẽ thấy viết suy nghĩ của mình thật là dễ dàng và có tác dụng khủng khiếp. Thói quen viết giúp bạn tin tưởng hơn vào những suy nghĩ của chính mình, giúp bạn nhìn thấy con đường đạt mục tiêu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, hay thậm chí những cảm giác tiêu cực như hận thù oán ghét cũng dễ tan biến hơn, kiểu như nỗi lòng được trút ra hết vậy. Vô cùng thanh thản.

Nếu như một lời khen của ai đó khiến bạn thích thú và yêu đời. Hãy nhân cảm giác đó lên, bằng cách viết chúng lại và thỉnh thoảng lại đọc lại những lời khen đó, nhất là khi buồn. Bạn cũng có thể ghi chép chúng vào cuốn sổ tay tập hợp những lời khen người khác dành cho mình. Và mỗi sáng thức dậy, hãy nhìn và đọc nó, đảm bảo ngày mới của bạn sẽ luôn vui tươi. Cách này nghe có vẻ hơi vớ vẩn con nít hả. Nhưng tin tôi đi, nó rất hiệu quả đấy.

Còn giả như bạn ghét ai, hãy viết ra sổ tại sao bạn ghét họ, việc này sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn đi nói xấu ai đó. Vì những dòng chữ này, một lúc nào đó bạn đọc lại bạn sẽ cảm thấy mình thật ấu trĩ và trẻ con. Bạn chỉ cần xé tờ giấy và vứt đi như một tờ nháp là xong. Còn khi bạn chọn cách nói ư? Hãy tin rằng khi bạn nhận ra mình ấu trĩ thì lời nói xấu đó đã đến tai người cần nghe rồi. Nói xấu người khác không chỉ không khiến họ xấu đi, mà cũng không khiến bạn tốt hơn chút nào.

Chúng ta không thể sống mà không oán ghét hay thù hằn ai. Nhưng xin hãy giữ những lời nói xấu, những suy nghĩ xấu đó chỉ cho riêng mình và cuốn sổ tay biết mà thôi. Đừng nói nó ra, bạn làm được chứ? Hãy trút những cảm giác tiêu cực vào sổ ấy, chúng không nhiều chuyện, không oán trách, không giận hờn bạn đâu. Và sẽ có lúc bạn phải cảm ơn vì mình đã chọn cách viết và xé, thay vì nói và để miệng đời cuốn đi.

Nếu như bạn thất vọng về bản thân mình, hãy viết ra. Nếu như bạn buồn về cách cư xử của một người bạn mà không thể nói với họ, hãy viết nó ra. Nếu như bạn đang ngập tràn lòng tự hào về bản thân, cũng hãy  viết nó ra. Công bằng mà nói, bạn có thể viết bất cứ thứ gì trên đời. Nếu như việc viết ra cảm xúc mang lại kết quả tốt đẹp như thế, sao bạn không thử chứ?

Phân tích mọi chuyện: lợi hại, đúng sai, tốt xấu

Từ chuyện tình yêu! Nếu một ngày bạn thích hoặc yêu ai đó, hãy cầm giấy bút, viết ra những lý do vì sao hai người nên yêu nhau, những điểm tương đồng và những điều bạn yêu mến ở họ. Viết ra được những điều này, hoặc bạn sẽ có thêm can đảm để tỏ tình với người ta, hoặc là sẽ thêm quyết tâm ở bên người ấy cả đời, khiến cho tình yêu thêm bền chặt..

Nhưng nếu như chuyện tình cảm không tốt đẹp, hai bạn chia tay. Bạn hãy viết về những điểm khác biệt giữa hai người, từ tính cách, hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, quan điểm sống… Rồi viết ra những lý do tại sao mối quan hệ này nên chấm dứt từ lâu. Viết ra những điều bạn không hài lòng, không thích hay thậm chí là rất ghét của người đó mà trước giờ bạn bị tình yêu làm cho mù mắt. Viết cả những lỗi lầm của họ mà bạn từng bỏ qua hay chưa bỏ qua được. Việc làm này sẽ khiến bạn bớt dần đi sự đau khổ nuối tiếc một cách nhanh chóng.

Đặc biệt nhất, cũng trên chính trang giấy này. Hãy tưởng tượng và vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi đẹp, về tất cả những gì bạn có được và có thể làm, đạt được khi chia tay con người đó. Đó là một thế giới mới, bạn sẽ xinh đẹp hơn, sẽ có nhiều mối quan hệ thú vị, sẽ tìm được người cùng sở thích, một người khác mạnh mẽ hơn, một ai đó bảnh bao hay xinh xắn hơn người cũ thật nhiều. Một người mà mai này anh ta có nhìn thấy sẽ phải tiếc nuối và ghen tỵ… Đúng rồi, hãy viết ra những điều đó, tất cả những điều đó.

Đầu tiên, khi viết ra những lý do việc chia tay là đúng đắn bạn sẽ bớt đau khổ hơn khi trí óc bắt đầu kiềm chế được những cảm xúc vụn vỡ nơi trái tim. Sau đó, viết tiếp những điều tệ hại ở anh ta khiến bạn ghét cay ghét đắng hoặc không ưa nổi. Bạn lại tiếp thêm cho lý trí của mình sức mạnh, đồng thời như một thông điệp ngầm gửi đến trái tim cho bạn thấy mình đang yếu đuối ngu si tới mức nào. Sau cùng khi nghĩ về một tương lai tươi sáng với một người nào đó tuyệt vời hơn, xứng đáng hơn với những cơ hội mà bạn có thể có được trong tương lai.

Trí óc bạn lúc này hoàn toàn mạnh mẽ và chiếm được phần lớn ưu thế trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Không những thế, trái tim của bạn sẽ lại bắt đầu lành lặn, bắt đầu khỏe mạnh và sẵn sàng cho những điều mới mẻ bạn đã hứa. Hãy viết ra những điều này và nếu cần thiết, hãy đọc đi đọc lại nó như một kiểu tiếp nhiên liệu cho tâm trí và trái tim của bạn vậy. Mọi việc đều rõ ràng mạch lạc, giấy trắng mực đen. Bạn thậm chí có thể không tin được mình lại mạnh mẽ như thế nào đâu. Và lúc này, bạn có thể hoàn toàn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình khi nghĩ về người đó. Không còn đau khổ khóc lóc, không còn sợ hãi lo âu.

Chuyện phân tích tình cảm như trên chỉ là môt ví dụ, sự thật là bạn có thể phân tích mọi thứ trên đời. Một công việc, một kế hoạch, một con người, một điểm du lịch… Hãy tập thói quen phân tích mọi thứ ở cả 2 khía cạnh, mặt tích cực lẫn tiêu cực. Rồi thì mỗi ngày trôi qua bạn lại có thêm những cái nhìn đa chiều thú vị về mọi sự việc trong cuộc sống. Nhìn được mọi thứ theo cách đa chiều, đó là bước đầu tiên biến bạn thành người hiểu biết. Không còn thiển cận, không còn thầy bói xem voi nữa. Ai mà không muốn mình là một người hiểu biết chứ đúng không?

Dùng sổ tay để học tập: ghi tên một cuốn sách, một chủ đề chợt nghĩ đến hay những lời khuyên

Trở thành người hiểu biết là một trong những mục tiêu ai cũng mong muốn trở thành. Nhưng bạn không thể nào trở thành người hiểu biết được, nếu như tất cả những gì bạn biết chỉ là những thông tin chính thống trên báo đài. Ở nơi khác nơi có tự do báo chí thì có thể, nhưng ở một đất nước mà truyền thông bị quản lý và dẫn dắt thì không.

Bạn muốn hiểu biết ư? Đừng chỉ đọc báo chí, đừng chỉ đọc những trang tin tức vớ vẩn tốn thời gian. Bạn cần rèn luyện trí óc mình cho thật sắc bén và tăng cường vốn hiểu biết của bản thân. Bởi khi là một người hiểu biết và suy nghĩ nhạy bén, sẽ chẳng ai có thể nói những thứ bịp bớm ba hoa hay lừa đảo bạn. Mà những cơ hội và thành công sẽ đến với bạn rất nhiều. Hãy mở rộng trí óc ra, đừng tầm thường hóa nó bằng những tin tức giật gân vớ vẩn mông, ngực, lộ hàng, đường cong nóng bỏng hay những phát ngôn gây sốc của mấy cậu chàng cô nàng sâu bít nữa.

Tất nhiên tôi không bắt bạn phải bỏ hẳn những trang tin tức bạn yêu thích, chỉ là đừng quá sa đà vào nó mà hãy tận dụng nó để làm tăng vốn hiểu biết của mình. Mỗi ngày khi đọc tin tức hoặc đọc từ những cuốn sách hay các chia sẻ của bạn bè trên facebook, nếu như xuất hiện một chủ đề nào đó làm tôi băn khoăn, một chủ đề tôi chả hiểu gì hay một chủ đề nào đó tôi thấy thú vị… Tôi sẽ ghi chúng ra thành một việc phải làm trong danh sách việc làm, và quyết tâm tìm hiểu chúng.

Tôi từng tìm hiểu về những chủ đề như là nông nghiệp Việt Nam, cây macca- hoàng hậu các loại hạt, óc chó- vua các loại hạt, rồi tìm hiểu về thế giới như là văn hóa Nhật Bản, những điều kinh ngạc về kinh tế Israel, về mô hình giáo dục thiên đường của Thụy Điển, về những người nông dân Ấn Độ, cho tới những chủ đề lớn lao như triết học, chính trị, thực phẩm biến đổi gien…

Mới đây như hôm qua tôi nghiên cứu về cách làm rau câu 3D, một món rất hot mùa thu này và hôm nay thì tôi tìm hiểu về loại xe đạp không bàn đạp balance-bike… Mỗi ngày một chủ đề, tôi cảm thấy mình thật ngô nghê và thiếu kiến thức trầm trọng. Tôi nhận ra hai mươi mấy năm trời mình thật sự chẳng hiểu gì về cuộc sống, kinh tế và thế giới cả. Cứ thế mỗi ngày tôi lại càng hiểu biết hơn với nhiều thông tin chất lượng hơn, không còn ham mê chút gì về những tin tức tầm thường bát nháo nữa.

Mỗi khi đọc được một từ hay ho, một chủ đề lạ lẫm và tìm hiểu về nó tôi cảm giác trí óc mình mở ra và trái tim cũng rộng mở, đón chào những thứ thật sự được gọi là kiến thức. Những thứ mà truyền thông truyền thống không bao giờ nhắc tới hoặc chỉ nói qua loa đại khái mà thôi, nhằm đừng ai tìm hiểu về nó. Truyền thông chỉ nói với bạn rằng Israel là một nơi chiến tranh thảm khốc với Palestine. Truyền thông chỉ nhồi vào sọ bạn rằng nhắc đến Triều Tiên thì chỉ có những hoạt động của ông lãnh đạo mà không nhắc đến cuộc sống thực chất của người dân đang tệ hại thế nào, do đâu mà có.

Nhắc đến Ấn Độ thì chỉ có những tệ nạn hiếp dâm trên tin tức và những bài hát điệu nhảy từ đầu đến cuối ngày trong các bộ phim. Truyền thông hét lên với bạn rằng Việt Nam luôn luôn đang chuẩn bị giấy tờ để kiện Trung Quốc hoặc luôn nhắc nhở hai bên duy trì quan hệ keo sơn gắn bó mật thiết… Tất cả những gì chúng ta biết, đều là nhờ truyền thông, và tất cả chỉ đều là phần nổi của tảng băng chìm.

Bạn muốn hiểu biết, bạn phải tìm thông tin, đọc, nghiền ngẫm, đối chiếu và chọn cho mình một niềm tin mà mình tin tưởng. Đừng nghe mọi điều báo chí viết, đừng tin mọi điều báo chí nói. Vì những nhà báo họ cũng chỉ là những con người bị kiểm soát và lệ thuộc, không chỉ vào tòa soạn mà còn lệ thuộc vào tiền lương và tình hình chính trị cùng những giới hạn trong suy nghĩ và hiểu biết của chính họ. Bạn cần phải tìm hiểu những thông tin đa chiều khác nữa, mà cách duy nhất là… Google.

Google có thể cho bạn mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi trên đời. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi giới hạn khả năng tư duy của bạn. Hãy sử dụng công cụ này một cách khôn ngoan, tìm hiểu sâu điều mình muốn biết, thay vì muốn biết mọi điều mọi ngóc ngách cuộc sống này. Google nói riêng hay Internet nói chung còn có một tác hại, đó là nó làm cho ta lười suy nghĩ, lười vận động đầu óc, luôn chỉ thích những thứ có sẵn, những thứ đơn giản, dễ dàng.

Để hạn chế điều này và luôn hướng tới mục tiêu một người có đầu óc nhạy bén, hãy duy trì thói quen đọc sách và tranh luận. Mang theo một vài cuốn sách đến mọi nơi, tận dụng mọi khoảng thời gian trống để đọc, đọc như một thói quen, như một sở thích và như một hành động căn bản rèn luyện trí óc như cú đấm mà võ sĩ quyền anh và hành động sơn hàng rào cậu bé Parker phải làm mỗi ngày mỗi ngày vậy đó. Mới đầu bạn sẽ thấy chán nản và vô nghĩa, nhưng khi nó thành bản năng và thói quen của bạn, bạn sẽ nhận thấy sức mạnh của nó tác động lên cuộc đời bạn nhiều như thế nào.

Từ hai tháng nay khi sử dụng cách này, tôi cảm thấy sự hiểu biết và vốn kiến thức của mình tăng lên nhanh chóng, hơn hẳn những kiến thức vụn vặt góp nhặt trong hàng chục năm trước đây gom lại. Từ một kẻ nghiện tin tức vậy mà giờ đây nhiều ngày trôi qua tôi chả còn bận tâm đến những trang báo đó nữa. Không còn đau lòng và tức giận vì những tin tiêu cực tràn lan từ kinh tế cho đến xã hội, không còn chán nản hay ngán ngẩm khi phải đọc những tin tức nhảm nhí của showbiz, không còn tuyệt vọng vì cảm giác mình không làm được gì cho đất nước này, cho xã hội này.

Thay vào đó là một con người luôn hứng khởi tìm những chủ đề mới mẻ và tìm hiểu sâu về nó. Ngạc nhiên về những gì mình chưa biết hay thậm chí tức giận vì những gì mình đã biết đều sai bét be. Tôi không thích đi học, nhưng thật sự tôi đang học hỏi, học những cái mới, học miệt mài say mê và không hề muốn dừng lại.

Hãy dùng cuốn sổ tay như một trợ thủ đắc lực biến bạn thành một người ham học hỏi và hiểu biết. Bạn có thể ghi lại vào đây những tựa sách khiến bạn hứng thú hoặc được ai đó giới thiệu. Hoặc khi muốn tìm hiểu chủ đề nào, hãy ghi ngay vào sổ, chỗ bất kỳ hoặc vào mục việc cần làm trong ngày. Và khi có thời gian thì tìm hiểu, nghiên cứu về nó.

Cũng như mỗi khi bạn thắc mắc vấn đề gì trong cuôc sống, cũng ghi ngay vào sổ. Những câu hỏi ngắn như Bitcoin là gì? Tại sao tên đệm là Thị và Văn? Tại sao gọi người Hoa là Tàu?… Tôi dám cá nếu bạn làm theo cách này, chỉ trong vòng một năm, lượng kiến thức của bạn sẽ vô cùng lớn, hơn bất cứ đứa bạn cùng tuổi hay thậm chí hơn cả những người nhiều tuổi khác tối ngày chỉ dán mắt vào các kênh tin tức. Và cũng tin tôi đi, trở thành một người hiểu biết, được mọi người tôn trọng, là cảm giác rất tuyệt vời.

Nguyên tắc sống – Triết lý sống – trọng tâm cuộc đời

Sẽ có nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc bạn hoang mang, lo sợ và run rẩy vì không biết bám víu vào đâu. Vì những gì bạn tin tưởng đều tan biến. Đó thật sự là một cảm giác đáng ghét, và tồi tệ. Làm cách nào để ta đứng vững giữa muôn vàn cạm bẫy khó khăn thử thách? Làm cách nào để ta luôn hiên ngang vững vàng trên đôi chân mình và luôn mở rộng vòng tay chào đón những điều dễ thương của cuộc đời? Liệu có thứ gì luôn ở bên và giúp ta vượt qua những trở ngại? Thứ gì đó dẫn đường chỉ lối cho ta đi xuyên qua màn đêm sóng gió để đạt được điều mong muốn?

Để vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc, kiểu điểm tựa luôn luôn ở đó, luôn luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa bạn. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, hãy tìm kiếm một điểm tựa – một tâm điểm như thế. Thứ mà tôi gọi là “trọng tâm cuộc đời”. Là thứ bạn cần phải có và nên có, dù cho bạn tuổi thiếu niên, thanh niên hay khi đã trưởng thành. Hãy luôn xác định trọng tâm cho cuộc sống và làm mọi điều hướng về nó. Bạn sẽ không lạc lối và thất vọng.

Trọng tâm cuộc đời, chính là những nguyên tắc sống đúng đắn, những triết lý hay ho và cả những câu thần chú mang lại sức mạnh diệu kỳ cho bạn. Hãy dành một vị trí trang trọng trong cuốn sổ tay để ghi lại các nguyên tắc sống của bạn và những triết lý, những câu trích dẫn mà bạn thu thập được, dù vô tình hay cố ý.

Những nguyên tắc – triết lý sống của tôi là:

Đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy nếu con người ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.
Nếu kế hoạch A thất bại, đừng nản, ta còn 23 chữ cái khác cơ mà.
Cuộc đời dài bao lâu mà cứ dành những gì ngọt ngào nhất cho giây phút sau cùng?
Đóng một cánh cửa, không phải vì tự cao hay sợ hãi, đôi khi chỉ đơn giản vì cánh cửa đó chẳng đi đến đâu cả.
Thành công đôi khi chỉ đơn giản là bám trụ tới phút cuối cùng, khi tất cả đã buông tay.
Một trong những điều tuyệt vời nhất, là làm được những điều mọi người nghĩ rằng bạn không thể
Giới hạn là thứ con người tự đặt ra, để biện hộ cho sự lười biếng của chính mình
Cách đơn giản nhất để giữ lời hứa, là đừng hứa gì cả
Giận hờn là trút lỗi lầm của người khác lên đầu mình
Khi muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn ta tìm lý do…

Hãy chép lại mọi câu nói, trích dẫn thú vị, ý nghĩa mà bạn biết. Một ngày nào đó, một trong các câu đó có thể giúp bạn vượt qua sóng gió trong đời hoặc thành công trong cuộc sống. Hay chí ít, hãy coi như đó là một bộ sưu tầm đơn giản và ý nghĩa nhất mà bạn có thể truyền lại cho con cái của mình.

Công dụng lớn nhất nhưng vô hình của sổ tay: giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả

Vì thời gian chính là chất liệu của cuộc sống, xin đừng lãng phí

Ngoài ra bạn có thể dùng sổ để viết: Nhật ký cảm xúc, suy tư mỗi ngày, viết thư cho chính mình trong tương lai.Nhật ký là một trong những cách trút bỏ cảm xúc một cách dễ dàng nhất. Nếu có thể bạn hãy viết lại những cảm xúc vui buồn của mình. Không cần câu từ hoa mỹ hay những lời dài dòng. Nhật ký cảm xúc đôi khi rất đơn giản, chỉ là những dòng ngắn gọn:

8/10 cãi nhau với ba, trút giận lên mẹ nữa, mình tệ quá

9/11 Cảm thấy bất lực trước những mảnh đời bất hạnh, tôi có thể làm gì đây?

10/12 Khi nào kiếm được khoản tiền đầu tiên trong đời mình sẽ mua cho cả nhà một nồi lẩu cua thật to…

Một lúc nào đó, bạn sẽ đọc lại những dòng này, có thể bạn sẽ cảm ơn nó nhiều đấy. Vì nó giúp bạn sống lại những cảm xúc đã qua một cách chân thực nhất để từ đó điều chỉnh hành vi, lối sống của mình.

Viết thư cho bản thân trong tương lai, là một cách để đặt kỳ vọng, mục tiêu. Cũng như một thước đo để sau này bạn đo được khả năng của bản thân thế nào. Bạn có thể viết thư cho bản thân mình trong tương lai một tuần tới, một tháng tới, xem quyết tâm đọc sách, tập thể thao của mình ở hiện tại có còn thực hiện không?

Thư cho bản thân thì viết sao chẳng được, không cần cầu kỳ hoa mỹ đâu nên dễ dàng lắm. Chẳng hạn như: “Hôm nay 1/10, ê tao của 10/10 ơi, cuộc sống có khác chút nào không? Đã quên được con bé XYZ bao nhiêu % rồi? Hiện tại lúc này là 90% nè. Mày đọc hết được cuốn sách tao đang bắt đầu chưa? Dám bắt chuyện với con bé lớp anh văn chưa hả? Mày mà chưa thì tao thất vọng về tao lắm đấy…”

Sức mạnh của thói quen: viết sổ tay là một thói quen siêu tốt

Hãy nghe những lời bộc bạch của thói quen trong cuốn sách nổi tiếng của Sean Covey này:

“Tôi ở đâu ư? Tôi luôn đồng hành cùng với bạn, trong bạn. Tôi có thể trở thành người trợ giúp đắc lực cho bạn nhưng cũng có thể là sự cản trở, là gánh nặng nhất của bạn. Tôi sẽ nâng bạn đến thành công hoặc biến bạn thành kẻ thất bại. Tôi sẽ luôn bên bạn và làm theo ý muốn của bạn.

Điều khiến tôi là một việc dễ dàng, nhưng bạn phải kiên quyết với tôi. Cho tôi biết thật chính xác bạn muốn ứng phó một vấn đề nào đó ra sao, rồi sau một vài lần thực hiện, tôi sẽ thực hiện đúng như vậy. Tôi là bạn của những bậc anh hùng vĩ nhân, và cả của những người ti tiện, đớn hèn. Ở những người vĩ đại, tôi cũng họ tạo nên những điều vĩ đại. Ở những ai chủ bại, tôi ra tay đẩy họ đến đường cùng, mà chính họ không hề biết.

Tôi không phải là một cái máy, dù vậy, tôi hoạt động với độ chính xác cao hơn một cái máy, cộng thêm trí thông minh của chính bạn. Bạn có thể sử dụng tôi để đạt tới thành công hoặc để tự hủy hoại mình. Vì với tôi hai điều đó không có gì khác biệt, chẳng có gì quan trọng.

Hãy nắm lấy tôi, huấn luyện tôi, kiên quyết với tôi. Rồi tôi sẽ đặt cả thế gian dưới chân bạn. Hoặc hãy dễ dãi nuông chiều tôi. Rồi tôi sẽ tiêu diệt bạn. Đầu tiên, tôi chỉ là một suy nghĩ hoặc là một hành động tình cờ của bạn. Rồi tôi trở thành THÓI QUEN của bạn. Và cuối cùng, tôi là người điều khiển bạn!”

Hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ về sức mạnh của những thói  quen cả. Và viết sổ tay mỗi ngày, chính là thói quen đơn giản nhất có thể thay đổi cuộc đời của bạn. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.

 

Phi Tuyết

 

Đây là bài viết tổng hợp và tách lọc từ những bài sau, bạn có thể đọc thêm:

 

Đợi tới bao giờ?

Featured image: A Fiery Thought

 

 

Bác Phạm Nguyên Trường đang lên tiếng đòi hủy bỏ án tử hình, tui thấy điều đó hợp ý mình, mà cũng phổ biến ở các nước tiến bộ nên ủng hộ. Thật bất ngờ là có nhiều người viện dẫn lý do dân trí nước mình thấp nên không thể bỏ, càng phải duy trì. Nếu vì họ thiếu giáo dục mà phạm tội, thì đúng ra càng phải thương xót cho họ chớ, sao lại dùng tàn ác để trị liệu ngu si? Rồi họ bảo tui nên đợi 100 năm nữa đi, rồi hẵng học điều hay, điều nhân văn xứ người.

Ngẫm cũng lạ. Cái xấu, cái dở thì họ nhanh lắm, như ăn cắp, chụp ảnh trần truồng, rồi đua đòi theo iPhone này kia thì lúc nào cũng dẫn đầu thế giới, còn cái hay, cái đẹp thì cứ phải đợi 100 năm nữa.

Người quen và bạn bè tui thường hay cằn nhằn tui vì tui hay đề cập tới chuyện chính trị. Họ nói tui cực đoan, có cái nhìn phiến diện, tiêu cực. Thực ra thì làm gì có cái gì tích cực trong việc an ninh ập vào nhà rồi còng tay một nhà văn bị liệt, di chuyển phải chống gậy như Bọ Lập, chỉ vì ông lên tiếng trước những bất công, mà tuyệt nhiên không một tổ chức, một nhóm hội hay đoàn thể nào lên tiếng giúp hết.

Tui lấy làm khó hiểu, người ta dễ dàng cảm ơn một người có lợi thế về tài chính khi anh ta giúp đỡ người khác, nhưng lại có thái độ thù ghét với những người sử dụng lợi thế tự do của họ, để lên tiếng giúp họ. Tui sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tui biết ở đó các mối quan hệ chằng chịt khiến mọi người khó lòng lên tiếng. Tui biết mà. Vì miếng ăn, đa số phải ngậm miệng lại, cúi đầu, giả lơ khi công an đập chết không biết bao nhiêu người; khi thuế má, xăng dầu, điện đóm mắc còn hơn Tây mà chất lượng thì như cái quần què; khi người nghèo bệnh thì nằm chờ chết; v..v… Tui biết mà.

Cho nên những người may mắn ra được bên ngoài, và những người còn chịu khổ ở bên trong, chúng ta không phải kẻ thù. Kẻ thù của chúng ta là những thằng ăn cướp đang ngồi ở trên kia kìa. Giặc chiếm biển đảo, mà cái mặt nó mập ra 2 cái nọng heo, mấy tháng trời mà không ốm đi ký nào. Nó là tướng đó, mà nó có mất ăn mất ngủ nghỉ cách lấy lại không? Không! Nó vẫn còn mập. Chứng tỏ nó còn ăn no ngủ ngon. Nhìn dân mình đi, ngày càng nhiều người móc bọc, tới độ có nơi còn bắt đầu có dịch vụ xe kéo bằng sức người nữa.

Mấy người còn chờ tới bao giờ?

Tui nhớ hồi đó có học về Bác Hồ, ổng qua Pháp, tham gia cái gì Quốc Tế Cộng Sản. Mấy người có tự đặt câu hỏi, là nếu cái xã hội Pháp lúc đó mà cũng độc đảng, thì lấy đâu ra cái đảng Cộng Sản Pháp cho Bác Hồ của mấy người tham gia? Nếu không có tự do báo chí, Bác Hồ của mấy người có vẽ được tranh biếm họa để chỉ trích chính quyền thuộc địa, của chính cái quốc gia mà Bác Hồ của mấy người đang sinh sống trên đó không?

Nếu cái xã hội bên Mỹ Pháp cũng như bây giờ, ai cũng xa lánh, ai cũng sợ sệt khi bàn về chính trị, thì lấy ai ủng hộ Bác Hồ của mấy người? Họ xuống đường, biểu tình ngay chính trên nước họ, phản đối chính chính phủ của nước họ, để giúp các người. Nếu ai cũng an phận thủ thường như các người đang làm như bây giờ, lấy đâu ra cái chiến thắng thần thánh cho Bác Hồ của mấy người?

Mở miệng ra là mấy người bảo “Việt Nam mình nó khác.” Khác cái gì? Cứa tay thì thằng nào cũng chảy máu. Khác cái gì? Tụi tây nó là người, thì dân mình cũng là người vậy. Tụi nó đòi được quyền làm người, mình cũng đòi được. Tụi nó sống tự do được, mình cũng làm được. Tụi nó làm lâu rồi, mấy người còn chờ tới bao giờ?

Nếu không phải là bây giờ, thì còn chờ tới bao giờ?

 

Sang Đặng