27 C
Nha Trang
Thứ năm, 7 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 156

“Việt Nam mà đa đảng thì sẽ loạn.”

Featured image:  Thomas Hawk

 

THĐP: Bài viết này là tập hợp nhiều bài viết phản đối quan điểm của tựa đề, một trong những câu nói thường được nghe nhất từ những người phản đối ý tưởng đa đảng.

*********

Luật sư Nguyễn Văn Đài – Đa đảng là loạn?

Khi tranh luận về vấn đề đa đảng ở VN, nhiều bạn sinh viên và dư luận viên cho rằng đa đảng sẽ loạn và bị khủng bố. Ví dụ mà họ đưa ra là những bất ổn chính trị đang sảy ra ở Thái Lan, Ukraine, Căm Bốt, Syria, Ai Cập.

Muốn biết được bản chất của những bất ổn chính trị đó là nguyên nhân có phải do chế độ đa đảng hay không? Chúng ta sẽ lần lượt đi qua từng vấn đề sau đây:

1/ Trên thế giới hiện nay, những nước có chế độ chính trị đa đảng chiếm tuyệt đại đa số

Chỉ còn 4 nước là Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn, Lào. Ngay cả Trung Quốc là chế độ CS, nhưng vẫn có 8 đảng chính trị được tồn tại và hoạt động, tất nhiên là không được bình đẳng với đảng CSTQ.

Nhưng những nước có chế độ đa đảng mà có bất ổn chính trị cũng chỉ bằng tổng số các nước có chế độ chính trị độc đảng.

Hầu hết các nước dân chủ đa đảng, họ duy trì sự ổn định xã hội bởi sự công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các từng lớp nhân dân, giữa các tôn giáo. Pháp luật luôn đứng trên các đảng phái chính trị và được thực thi một cách nghiêm minh.

2/ Nguyên nhân có bất ổn chính trị ở những nước có chế độ chính trị đa đảng

a) Một số nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài, độc đảng như Lybia, Ai Cập, Syria,… Bởi vậy chế độ dân chủ đa đảng vừa được thiết lập, văn hóa dân chủ chưa kịp thẩm thấu tới mỗi người dân. Trong khi đó những mâu thuẫn xã hội, những bất bình đẳng, xung đột tôn giáo bị kìm nén hàng thập kỷ trong chế độ độc tài, độc đảng. Những mâu thuẫn đó chưa được giải quyết, nay khi có tự do nên có dịp bùng phát. Trước đó các chế độ độc tài, độc đảng sử dụng bạo lực để trấn áp, kìm giữ các mâu thuẫn này. Bởi vậy nguyên do có bất ổn chính trị ngay sau khi các nước này thiết lập chế độ đa đảng là do chế độ độc tài, độc đảng để lại.

b) Một số nước đang có chế độ chính trị đa đảng mà có bất ổn chính trị như Thái Lan, Căm Bốt, Ukraine,…. Nguyên nhân có bất ổn là chính phủ và đảng cầm quyền ở các nước này quản lý và điều hành đất nước yếu kém, không đáp ứng và làm thiệt hại đến lợi ích của phần lớn người dân. Cung cách điều hành đất nước đôi khi mang bản chất độc đoán, làm mất lòng dân. Khi người dân xuống đường đòi chính phủ từ chức, bầu cử tự do thì không được đáp ứng. Nguyên nhân như vậy thì cho dù ở chế độ độc đảng hay đa đảng thì người dân đều không chấp nhận, nếu chính quyền không đáp ứng thì người dân ở đâu cũng xuống đường, và đó là những bất ổn xã hội.

Bởi vậy, nguyên nhân bất ổn chính trị ở các nước này, không phải lỗi do hệ thống chính trị đa đảng, mà đảng cầm quyền không đáp ứng được mong muốn của đa số người dân.

c) Mặc dù ở các nước có chế độ đảng có những bất ổn, nhưng nhân dân các nước này không bao giờ chấp nhận quay trở lại chế độ độc tài hay chế độ độc đảng: ĐÂY LÀ 1 CHÂN LÝ.

3/ Chế độ độc đảng CS có bảo đảm tuyệt đối không có bất ổn chính trị?

a) Chế độ độc đảng CS sinh ra quyền lực tuyệt đối, mà quyền lực tuyệt đối sinh ra sự tha hóa tuyệt đối. Bởi vậy mà các quan chức chính quyền từ trung ương đến địa phương mặc sức tham nhũng và vơ vét của cải, tài nguyên của đất nước. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã làm thiệt hại đến quyền lợi của hàng triệu người dân. Mỗi năm có hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện tập thể trên cả nước. Người dân tập chung từ vài chục người đến vài nghìn người biểu tính trước các cơ quan công quyền. Nhiều nơi đã xảy ra bạo động.

b) Các chế độ độc đảng CS duy trì được sự ổn định xã hội là bởi họ sử dụng bạo lực và luật rừng để trấn áp và giải quyết các bất ổn xã hội. Họ lừa dối nhân dân và tạo nên sự sợ hãi trong nhân dân. Bởi vậy, các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn tôn giáo, các vấn đề bất bình đẳng, bất công xã hội vẫn còn nguyên, bị dồn nén và chờ dịp bùng phát.

c) Trong lĩnh vực tôn giáo, chế độ độc đảng CS cũng có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo với nhau. Tước đoạt tài sản, cơ sở tôn giáo của các tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo VN Thống Nhất,… Làm cho mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chế độ CS vẫn âm ỉ trong suốt nhiều thập kỷ, chỉ chờ cơ hội bùng phát.

d) Chế độ độc đảng tước đoạt các quyền chính trị của người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền làm báo chí tư nhân, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội, lập đảng, quyền biểu tình. Vấn đề này đang gây nên những bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Những mâu thẫn này đang được tiếp tục dồn nén, chờ dịp bùng phát.

e) Những yếu kém của chế độ độc đảng CS trong quản lý, điều hành đất nước về kinh tế, xã hội, chống tham nhũng, chống hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia,……. Đang gây ra bất bình, mất niềm tin trong đa số nhân dân.

Kết luận

Chế độ độc đảng CS đang gây ra những bất công, bất bình đẳng, mất niềm tin trong xã hội, trong mọi từng lớp nhân dân. Mâu thuẫn giữa các từng lớp người dân và chế độ độc đảng CS ngày một lớn. Hàng ngày, hàng giờ những mâu thuẫn, sự phẫn nộ của các từng lớp nhân dân với chế độ CS đang được tích tụ, tích nạp. Trong một thời gian không lâu nữa, các mâu thuẫn, sự phẫn nộ của các từng lớp nhân dân sẽ bùng phát thành cuộc cách mạng xã hội để xóa bỏ vĩnh viễn chế độ độc đảng CS.

Bởi vậy, các chế độ độc đảng CS được tồn tại, được ổn định chỉ bởi sự cai trị bạo lực và luật rừng. Sự tồn tại của các chế độ độc đảng CS chỉ là tạm thời tương đối, sớm hay muộn các chế độ CS này cũng sẽ bị các từng lớp nhân dân thay thế bằng chế độ dân chủ đa đảng văn minh và tiến bộ.

Chỉ có 2% các nước dân chủ đa đảng là có bất ổn chính trị tạm thời. Còn 100% các nước độc đảng CS là tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu, xã hội đầy bất công.

*******

Thái Lan có “loạn” như chúng ta tưởng?

 

“Chỉ qua hai vấn đề y tế và giáo dục mà người dân Thái Lan đang được hưởng, tôi nghĩ lại cảnh phải dùng phong bì lót tay cho thầy cô giáo, Bác sĩ, y tá và cả mấy nhân viên hộ lý nếu không muốn người ta gây khó dễ ở bệnh viện, trường học nói riêng hay ở các chốn quan quyền nói chung ở Việt Nam mà sợ khiếp người. Những khi ấy tôi tự thầm hỏi những người bạn Thái Lan mà hiểu rằng ở Việt Nam có cái thứ văn hóa “phong bì” kỳ quặc ấy lại là chuyện đương nhiên được cả xã hội chấp nhận như một thứ thông lệ “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” thì họ sẽ nghĩ ra sao?”

Xếp hàng xin cho con học tại Trường Mầm non, Tây Hồ, Hà Nội

 

 

“Gần đây báo chí của Nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái Lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hỗn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép. Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái Lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy”.

Mùa hè năm nay ở tỉnh N quê tôi nóng quá, điện mất liên tục nhiều đêm không ngủ được, đã thế lại cộng với cái giải bóng đá World cup 2010 ở Nam Phi đó là cái niềm vui và nỗi buồn của hàng tỷ người trên hành tinh này. Vốn là kẻ đam mê bóng đá, đêm nào tôi cũng cố thức để theo dõi các trận đấu qua TV. Tức mỗi một điều là lúc đang căng thẳng nhất của trận đấu, mắt đang dán vào xem truyền hình trực tiếp, thì lại rụp một cái, quý ông Sở điên… nặng mang cái “cup” điện đến trao.

Không chỉ một ngày hay một lần mà là cắt điện liên tục vô tội vạ bất kể giờ giấc, buồn vì cái nóng, bực vì cái điện đóm chập chờn, lúc có lúc mất, căng thẳng quá nhiều lúc muốn phát điên.

Đúng lúc chán chường ấy thì tôi nhận được điện thoại của anh bạn người Thái Lan tên là Somsack sang Hà Nội công tác, nghe tôi kể nỗi cơ cực mà mình đang phải gánh chịu ở Việt Nam, anh Somsack liền rủ tôi qua Thái Lan trốn cái nóng và xem bóng đá cho thoải mái và lập tức chỉ sau đó hai hôm, sau khi anh Somsack họp xong chúng tôi đã cùng nhau lên đường sang Thái Lan, xứ sở của bất ổn và bạo loạn như báo chí của Đảng ở Việt nam thường tuyên truyền cho người dân với hàm ý mang tính dọa dẫm rằng đó là hậu quả của sự đa đảng và dân chủ.

Với vốn tiếng Thái Lan đủ dùng, tại Thái Lan tôi có thể đi lại một mình và giao thiệp với người dân Thái Lan một cách dễ dàng và thoải mái mà không cần bạn bè hướng dẫn. Với một chuyến đi miễn phí trong vòng hai tuần, tôi có suy nghĩ cần phải tìm hiểu đầy đủ đời sống và sinh hoạt mọi mặt của người dân Thái Lan, trong hoàn cảnh loạn lạc vô chính phủ như được biết qua sách báo của Nhà nước [ta]. Được biết tôi có ý định đó, vốn là bạn bè rất thân thiết anh Somsack đã ủng hộ suy nghĩ của tôi và nói rằng cũng muốn qua tôi để bạn bè Việt Nam hiểu về đất nước Thái Lan và cuộc sống của người dân nước họ hôm nay ra sao.

“Nó (Thái Lan) vẫn bình yên và ngày một tốt lên, những người biểu tình xuống đường tuy đôi lúc quá khích, nhưng đều có một cái đích chung là vì sự tiến bộ của đất nước Thái Lan chúng tôi. Thái Lan đã từng trải qua chế độ độc tài quân sự vài chục năm, cũng như Việt Nam của các anh hôm nay. Chắc sau này khi Việt Nam hết chế độ độc tài thì mọi người mới thấy và hiểu hết giá trị của nền dân chủ trong việc xây dựng và phát triển đất nước” anh Somsack giải thích cho tôi nghe.

Chúng tôi quyết định chỉ ở lại Bangkok hai ngày, sau đó quyết định đi về quê anh Somsack ở tỉnh Ayuthya vốn là cố đô cũ của Thái lan với lý do muốn cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân Thái Lan để tránh cảnh cưỡi ngựa xem hoa mà phải mắt thấy tay sờ để hiểu được sự thật.

Đã nhiều ngày nay, tuy bản thân tôi đang sống ở Thái lan nhưng tâm vẫn một nửa ở Việt Nam, hàng ngày tôi vẫn biết rõ mọi tin tức Việt Nam, qua trang Tin tức hàng ngày chuyên cập nhật tin tức Việt Nam liên tục 24/7. Hôm trước đọc tin xã hội ở Việt Nam thì tờ Vnexpress vừa đưa tin: “Một trong những nội dung bàn thảo ở kỳ họp HĐND giữa năm của Hà Nội vào tuần tới là nghị quyết thu, sử dụng học phí ở trường học phổ thông công lập. Trong đó, mức tăng đối với học sinh ở nội thành lên tới 4-5 lần…”. Đọc tin trên còn đang ngất ngây vì choáng, lại thêm cái cảnh trong tin Nhảy tường xin học cho con (trích) “Theo Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hoa Nguyễn Thị Báu, năm nay, phường Láng Hạ có 620 cháu sinh năm 2007, bước vào lớp mẫu giáo bé. Trong khi đó, Trường mầm non Tuổi Hoa, trường mầm non công lập duy nhất của phường chỉ tiếp nhận được 60 cháu vào học. Tỷ lệ chọi 1/10, còn cao hơn cả kỳ thi đại học!”

Hôm sau 11/7 thì trang Vitinfo đưa tin Viện phí sẽ tăng 7 – 10 lần?

“Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Hướng dẫn thanh toán theo viện phí mới, tăng rất cao so với hiện nay, chẳng hạn tiền khám tăng 10 lần, tiền giường bệnh tăng 8 lần… Theo bảng viện phí mới, giá khám bệnh lâm sàng từ 3.000 đồng lên 30.000 đồng; giường bệnh (chưa tính sử dụng máy thở) tăng từ 12.000 đồng (tối thiểu), 18.000 đồng (tối đa) lên 100.000 – 120.000 đồng mỗi ngày.”

Chưa hết, báo Dân trí còn cho biết Tăng viện phí, đừng quên người nghèo (trích) “Thông tin dự kiến tăng viện phí đã khiến không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lo lắng, bởi với họ, thêm chi phí là thêm gánh nặng, nhất là với người nghèo, mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày.”

Những tin “tức” mình đó, đã làm tôi liên tưởng và so sánh về vấn đề giáo dục và y tế giữa một xứ sở loạn lạc và bất ổn như Thái Lan với Việt Nam của chúng ta. Về tình hình đời sống xã hội của người dân Thái Lan có được hôm nay mà ít người còn chưa biết rõ sự thật, nó không phải một xã hội loạn lạc, vô chính phủ như người ta tuyên truyền, thật ra đất nước Thái Lan của họ chưa thực sự hoàn hảo, nhưng những cái mà hôm nay người dân Thái Lan đang được hưởng đã là cái quá tốt nếu chúng ta so với Việt Nam. Những cái đó là những cái người Việt Nam làm ăn lương thiện mong muốn vì nó thực sự thiết thân với cuộc sống của họ, đặc biệt là những người lao động.

Chỉ một thời gian ngắn, qua tìm hiểu, trò chuyện và đi thực tế tôi mới biết rằng ở Thái Lan không như những thông tin mà báo chí nhà nước [chúng ta] tuyên truyền về sự loạn lạc và bất ổn chính trị. Mà ngược lại đất nước Thái Lan ngày nay là một nền kinh tế khá phát triển, hơn nữa họ đã có một chế độ an sinh xã hội mà khi nói đến có lẽ những người đang sống ở các nước tư bản phát triển cũng phải thèm muốn và mong ước có được. Hôm nay xin chỉ nói về hai vấn đề thiết thực nhất đó là Giáo dục và Y tế của Thái lan.

1. Về Giáo dục

Học sinh lớp 11 PTTH Chuyên Khoa học tự nhiên Tỉnh Ayuthya

 

 

Ở Thái Lan có chế độ giáo dục phổ cập miễn phí 100% áp dụng cho 15 năm học, trong đó có 12 năm học phổ thông và ba năm học nghề cho mọi đối tượng không phân biệt giàu nghèo. Học sinh tại các trường, ngoài việc miễn phí học phí, mỗi học kỳ nhà nước chi tiền cho mua sắm toàn bộ quần áo (4 bộ khác nhau cho 5 ngày học/tuần), giày tất đồng phục, cặp sách, sách vở học tập v.v. Chưa đủ, hàng ngày vào buổi sáng học trò được uống 150 ml sữa tươi trước khi vào lớp và ăn một bữa cơm trưa miễn phí. Chế độ này được áp dụng cho cả các đối tượng học sinh học trường dân lập nhưng nhà nước chỉ trả bằng 65 % so với học sinh trường công lập.

Ở Thái Lan, trẻ em từ lớp 1-6 gọi là Po 1 – Po 6, từ lớp 7-9 gọi là Mo 1-Mo 3 và 10-12 gọi là Mo 4-Mo 6. Học hết Mo 3, học trò không thích học cao hơn sẽ đi học tại các trường học nghề (trung cấp) kỹ thuật hoặc thương mại, sau ba năm có chứng chỉ để xin việc làm, Những học sinh học nghề nào có điều kiện kinh tế, sẽ chưa đi làm và muốn học tiếp thì sẽ học tiếp 3 năm và sẽ được cấp bằng tương đương với bằng đại học với điều kiện trong ba năm đó phải tự túc toàn bộ chi phí. Số học sinh không đi học nghề, mà muốn học tiếp sẽ tiếp tục học chương trình Mo4-Mo6 (như PTTH của Việt nam), sau khi học tốt nghiệp Mo6 sẽ thi vào đại học. Các trường học ở Thái Lan nhiều vô kể, của cả Nhà nước và tư nhân. Ở Thái Lan hiện nay đang có tình trạng thừa trường học và giáo viên. Các cơ sở giáo dục của Thái Lan được trang bị đầy đủ mọi phương tiện hiện đại phục vụ học tập và giảng dạy, cái họ thiếu duy nhất là học sinh.

Điều đó thể hiện các trường tiểu học công lập ở cấp xã, các thầy cô giáo phải đến từng nhà xin phụ huynh cho con em đi học ở trường của họ, bởi vì nếu số học trò không đủ buộc Nhà nước sẽ phải giải thể, hoặc sát nhập. Chính vì lẽ đó theo quy định trẻ em tròn ba tuổi mới đủ tuổi đến đến lớp mẫu giáo, nhưng thực tế dù trẻ chưa đủ ba tuổi nhưng nhà trường vẫn tiếp nhận. Viết đến đây lại nhớ tới cảnh ở Việt Nam phụ huynh học sinh phải ăn chực nằm chờ qua đêm để xếp hàng đăng ký cho con đi học các trường mẫu giáo mầm non. Mẫu giáo mầm non còn thế còn nói gì tới thi vào đại học.

Chính vì trường học quá nhiều nên việc học sinh đi học rất thoải mái về tư tưởng, học giỏi học kém cũng không sợ vì đến hẹn lại lên lớp trên, hơn nữa thầy cô giáo rất có trách nhiệm với nghề nên buộc học sinh phải học. Tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học của học sinh tốt nghiệp phổ thông là 41-47%, nghĩa là tỷ lệ chỉ ở mức gần 2 chọi 1. Vì lý do đó học trò của họ đâu phải tranh giành thi thố, học đêm học ngày không đủ còn phải tranh thủ học thêm để đối phó với cảnh 1 chọi 10, 1 chọi 20 của con em chúng ta ở Việt Nam.

2. Về y tế

Phòng điều trị của bệnh nhân Bệnh viện tỉnh Ayuthya – Thailand

 

 

Ở Thái Lan chế độ y tế miễn phí 100% cho mọi chi phí khám và chữa bệnh phục vụ nhân dân tất cả mọi đối tượng. Không có sổ y bạ, không có giấy giới thiệu mà duy nhất chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân (smart card), trường hợp cấp cứu thì đặc biệt hơn nếu không có giấy CMT do mất hay quên chỉ cần bệnh nhân khai đúng tên tuổi đúng như hồ sơ lưu trong máy tính là ổn. Bệnh nhân đến bệnh viện của cấp Huyện hay Tỉnh được điều trị tương đương với cán bộ trung cấp ở Việt Nam, mỗi người một giường, nằm phòng máy lạnh.

Người bệnh đến bệnh viện với tay không và khỏi bệnh về cũng không mất một xu và thêm một túi với một lô thuốc men. Cũng như chuyện giáo dục, ở Thái Lan người ta quá nhiều bệnh viện và trạm y tế. Các bệnh viện và hay các bệnh xá ở cấp xã của Nhà nước được đầu tư đầy đủ trang thiết bị để phục vụ người bệnh ở mức tương đương với điều kiện phục vụ đối với cán bộ trung cấp ở Bệnh viện hữu nghi Việt xô hay Quân y viện 108 ở Việt Nam. Tuy vậy các cơ sở y tế của Nhà nước cũng không thu hút được người bệnh, bởi vì phần lớn dân có thu nhập cao và ổn định có mua bảo hiểm nhân mạng nên khi ốm đau họ có quyền chọn những bệnh viện tư nhân lớn hay bệnh viện danh tiếng chữa bệnh mất tiền, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh đều được các công ty bảo hiểm trả toàn bộ tiền và ngoài ra người bệnh còn được nhận một khoản tiền bồi thường cho những ngày ốm đau (khoảng 30USSD/ngày). Đó là lý do vì sao các bệnh viện công rất ế, đối tượng phục vụ chỉ là những người nghèo ít có khả năng về tiền bạc.
Tôi thử ra một trạm xá y tế xã để khảo sát thực hư thì thấy các trạm y tế xã thiết kế chung một mẫu, đó là một tòa nhà 2 tầng với 16 phòng có kích thước 4x6m có đầy đủ thiết bị y tế cần thiết để sơ cứu và điều trị cho 10 giường bệnh có đủ Bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác phục vụ. Người dân trong khu vực bị ốm đau thì đến đây xin thuốc và khám bệnh, do bệnh nhân ít nên họ “chiều” người bệnh lắm cũng vì sợ ít người bệnh thì giải thể. Muốn thuốc gì cho thuốc đó, không cần hay không thích thì người bệnh có quyền đổi các thứ thuốc khác tốt hơn theo ý mình.

Chỉ qua hai vấn đề y tế và giáo dục mà người dân Thái Lan đang được hưởng, tôi nghĩ lại cảnh phải dùng phong bì lót tay cho thầy cô giáo, Bác sĩ, y tá và cả mấy nhân viên hộ lý nếu không muốn người ta gây khó dễ ở bệnh viện, trường học nói riêng hay ở các chốn quan quyền nói chung ở Việt Nam mà sợ khiếp người. Những khi ấy tôi tự thầm hỏi những người bạn Thái Lan mà hiểu rằng ở Việt Nam có cái thứ văn hóa “phong bì” kỳ quặc ấy lại là chuyện đương nhiên được cả xã hội chấp nhận như một thứ thông lệ “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” thì họ sẽ nghĩ ra sao?

Ngoài ra , qua tìm hiểu tôi còn biết rằng còn rất nhiều vấn đề an sinh xã hội của Thái Lan mà người dân đang được hưởng đó là:

– Người trên 60 tuổi được Nhà nước hỗ trợ 500 baht/tháng
– Gia đình nghèo dùng điện dưới 90 số được miễn phí.
– Gia đình nghèo dùng nước máy dưới 15 m3 được miễn phí.
– Xe bus tại Bangkok không có máy lạnh được miễn phí cho mọi đối tượng
– Xe lửa ghế cứng hạng 3 (kể cả tàu tốc hành) được miễn phí cho mọi đối tượng.
v.v…

Qua đó để cho thấy chính quyền nhà nước ở Thái lan hôm nay thực sự là một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân Thái lan đã và đang thực sự hưởng thành quả của một xã hội mà nhân dân thực sự làm chủ quyền lực nhà nước và được ăn những cái bánh thật chứ không phải là thứ bánh vẽ mà Đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ đang dùng để “dử” nhân dân trong mấy chục năm qua.

Tăng viện phí vẫn không giảm đi tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường

 

 

Những cái đó có được hôm nay chính là là kết quả của việc cạnh tranh quyết liệt của các đảng phái chính trị để lấy lòng dân chúng. Bởi một khi người dân là lực lượng duy nhất có quyền quyết định cho đảng chính trị nào lên nắm quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ công bằng và đích thực.

Đó chính là lý do vì sao các đảng chính trị ở Thái lan luôn luôn phải dựa vào dân, mọi chủ trương đường lối và việc tổ chức thực hiện của các đảng chính trị đều phải xuất phát từ ý nguyện của đa số dân chúng và thực sự phải đảm bảo là vì nhân dân. Do đó từ sự cạnh tranh lành mạnh này đã mang lại quyền lợi cho dân chúng quá nhiều, giá như người dân Việt nam có một phần cũng thành tiên, nhất là những gia dình sống bằng đồng lương không có thu nhập “lậu”.

Điều này cũng cho thấy những nhà lãnh đạo chính quyền Việt nam đã quên trách nhiệm của họ là phải cải thiện đời sống nhân dân đặc biệt là vấn đề giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà bất kỳ chính quyền nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm cố gắng hướng tới. Hình như chính quyền hiện tại họ chỉ chuyên chú vào mấy chuyện làm ăn của cá nhân họ, thông qua các dự án trời ơi không thực tế với số vốn bạc tỷ đô la, bởi chỉ có những dự án ấy mới mang lại cho họ những món lại quả khổng lồ. Và buồn cười hơn là khi thấy hơn 80 triệu người Việt nam, là chủ nhân của đất nước lại im như thóc và quên bẵng đi cái quyền lợi phải có của mình.

Nếu bạn qua Thái lan, nếu bạn hỏi tất cả những người dân là đất nước họ đang đi theo chủ nghĩa gì thì ít có người biết, vì họ không hề quan tâm đến cái gọi là chủ nghĩa này nọ. Với họ điều quan tâm nhất chỉ đơn giản là sẽ dùng lá phiếu bầu của mình để ủng hộ chính quyền của nhà nước do đảng chính trị nào mang lại quyền lợi cho đất nước họ và bản thân họ nhiều nhất ở mức có thể.

Tại khoa nội 1 BV K (Hà Nội) không có giường, bệnh nhân phải ngồi trong hội trường để được truyền dịch – Như vậy thì đi theo con đường XHCN mà bác Hồ chọn để mần chi? (Ảnh: Việt Dũng)

 

 

Ở Việt nam, hàng chục năm nay kể cả từ khi nhà nước tiến hành sửa sai (gọi là đổi mới cho đỡ ngượng) từ năm 1986 thì xem ra vấn đề giáo dục và y tế có chiều hường thụt lùi. Ngày xưa thời bao cấp trẻ em đi học cũng phải đóng học phí gía trị rất ít và phần lớn là được nhà nước miễn giảm học phí đối với các gia đình đông con. Tương tự như vậy về y tế khi đó tuy còn thiếu thốn, nhưng người dân vẫn được khám chữa bệnh hầu như miễn phí.

Còn ngày nay thì sao? Dưới sự sáng suốt của đảng CSVN con em chúng ta hôm nay ngoài việc bắt buộc phải học thêm kể cả để thi vào lớp 1 (!?) và đóng vô số các khoản lệ phí ngoài tiền học phí. Thế cũng chưa đủ, còn cảnh phụ huynh học sinh phải dùng phong bì lót tay để chạy trường, chạy chỗ cho con em mình. Về y tế thì càng trầm trọng hơn, bệnh viện quá tải triền miên Tám bệnh nhân trên… một giường, nằm hành lang trong điều kiện vệ sinh rất kém. Những cái đó không khổ bằng thái độ phục vụ của các bác sỹ và nhân viên y tế mà y đức không còn. Ngoài tiền trả viện phí theo quy định người nhà bệnh nhân còn phải trả khoản phụ phí dưới dạng phong bì lót tay kiểu tiền trao cháo mới múc.

Dân tình thì được hưởng các thành quả ưu việt như thế, nhưng ngược lại các quan cách mạng lại có các bệnh viện đặc biệt dành riêng cho cán bộ trung cấp và cao cấp như BV Việt-Xô và các Quân y Viện, như vậy thử hỏi vì dân và do dân ở chỗ nào?
Gần đây báo chí của nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hồn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép (tương tự như điều 69 của HP Việt nam). Bởi các áp lực đó của nhân dân mới chính là động lực buộc chính quyền nhà nước bằng mọi cách phải có sự cải thiện phù hợp với đòi hỏi của dân chúng để lấy lòng cử tri. Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy.

Mọi kết quả của cuộc sống đều phải được trả giá, không có chính quyền nào tốt với dân chúng tới mức tự họ mang đến các điều kiện sống và các chế độ an sinh xã hội cho người dân mà không có sự đòi hỏi của dân chúng. Đừng quên rằng một chế độ dân chủ, với một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự chính là điều kiện duy nhất để nhân dân có được các lợi ích chính đáng phù hợp với nguyện vọng của mình.

Đất nước Thái lan không theo Chủ nghĩa xã hội, không theo Chủ nghĩa Marx-Lênin, không theo Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng họ đã và đang có một chế độ an sinh xã hội tuyệt vời cho người dân, nhân dân Thái lan có một cuộc sống được đảm bảo về mọi phương diện, mà giáo dục và y tế nêu trên chỉ là hai trong hàng chục hàng trăm vấn đề của cuộc sống của họ. Họ đạt được những cái đó bởi người dân Thái lan đã biết sử dụng quyền làm chủ của họ để buộc các đảng cầm quyền (đầy tớ của dân)phải thỏa mãn yêu cầu, chứ họ không bao giờ (dù chỉ là suy nghĩ) phải ơn đảng, ơn ai như chúng ta.

Việt nam ta cũng vậy, nếu bỏ đi mấy cái chủ nghĩa vớ vẩn, mấy cái tư tưởng linh tinh để đổi lại chúng ta có được đời sống nhân dân tốt hơn với giáo dục miễn phí 100%, y tế miễn phí 100% v.v.. thì mới là vì dân chứ? Biết thế tại sao chúng ta không vứt những cái đó vào sọt rác như hầu hết các quốc gia họ đã làm, hãy dũng cảm bước ra khỏi nhúm các nước cộng sản còn rơi rớt đếm không hết đầu ngón tay của một bàn tay như Trung quốc, Cu ba, Bắc Triều tiên và Lào.

Nếu có quyền được lựa chọn, bạn sẽ chọn cái gì cho mình? Hãy suy nghĩ cho thật kỹ để quyết định tương lai của bạn trong cuộc trưng cầu dân ý “Sửa đổi Hiến pháp năm 1992″ sắp tới. Còn nếu như các bạn hỏi tôi giữa hai con đường ổn định của Việt nam và loạn của Thái lan, tôi sẽ chọn cái nào?

Câu trả lời của tôi là “Tôi sẽ chọn cái “loạn” mà làm cho dân sung sướng, chứ chọn cái ổn định mà dân khổ quá anh Pha chị Dậu thời thuộc Pháp thì chọn làm chi cho mệt.”

Tác giả: Kami

********

Đa đảng là loạn – Một luận điệu xảo trá

 

Ông Nguyễn Trung hoàn toàn sai khi nói việc chuyển hoá sang thể chế dân chủ của các nước Đông Âu là “thảm hoạ đen”.

Rất đáng tiếc, những người trong nước khó có cơ hội được đọc “Nhật ký Rồng rắn” của cố trung tướng Trần Độ, “Chia tay ý thức hệ” của tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), 5 bài luận văn của kỹ sư Đỗ Nam Hải.

Ngoài ra là những bài khác của nhiều nhà trí thức như Phan Đình Diệu, Tương Lai, Lữ Phương, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Thanh Giang v.v. được đăng tải trên báo chí ngoài Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, những bài viết này, nhiều tác giả cũng đã gửi trực tiếp tới các vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt Nam (VN).

Nếu đã đọc những bài của các tác giả nêu trên, bạn đọc đang sôi nổi trao đổi trên báo Tuổi Trẻ hiện nay xung quanh một số ý kiến của ông Nguyễn Trung, sẽ thấy nội dung các bài viết này của ông thực ra không có gì quá mới hoặc mang tính đột phá đặc biệt.

Tuy nhiên, dưới góc độ khách quan, ông Nguyễn Trung, một cố vấn của chính phủ, qua các phân tích, đề nghị của mình đã cho bạn đọc nhìn nhận ông là người có nhiều suy tư, bức xúc với vận mệnh của quốc gia. Ở mức độ nào đó, đây là biểu hiện của lòng can đảm, thẳng thắn trước công luận của ông, (trong một hoàn cảnh: nói vừa phải để còn được… nói tiếp), với hy vọng chuyển tải được những điều bổ ích đóng góp cho Đại hội đảng X.

Tôi cũng thật sự phấn khởi trước việc báo Tuổi Trẻ, một tờ báo – dù nằm trong điều kiện hạn chế: các phóng viên là những cán bộ của nhà nước, của Đảng ăn lương – đã nhiều lần thể hiện bản lĩnh trong việc tạo cho bạn đọc tiếp cận và tranh luận những vấn đề bức thiết, nhiều khi được xem là “nhạy cảm”: dân chủ hoá xã hội Việt Nam ra sao trước xu thế của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hoá.

Tôi rất tâm đắc với một số vấn đề được nêu ra hết sức chính đáng của ông Nguyễn Trung như sau:

-“Đảng ta đang rất quan tâm giữ lấy con tàu, còn đảng viên rất quan tâm giữ chặt lấy vị trí của mình trên con tàu”.

– “Nếu mô hình XHCN mà chúng ta đang tìm cho thời đổi mới, và mãi cho đến nay mới chỉ tìm thấy “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì còn nhiều chuyện phải bàn lắm…”.

– “Sự cố thủ rõ nhất nằm trong cố thủ về ý thức hệ và trong tha hóa, nói cho đến cùng và thực chất thì vẫn chỉ là nằm trong tha hóa mà thôi! Rõ ràng đây là chuyện của hệ thống…”;

– “Đảng là đảng thật sự, nhà nước là nhà nước thật sự, không thể vừa là đảng vừa là nhà nước…” (Nguyễn Trung – Tuoitre Online ngày 9-10/02/2006)

Nhận thức sai lầm vì thiếu thực tế

Trong một bài viết ngắn tôi không thể mổ xẻ, phân tích hết những vấn đề nêu trên. Tôi chỉ muốn nói đến một kết luận sai lầm của ông mà tôi cho rằng do ông thiếu thực tế. Đó là nhận định của ông về sự chuyển hoá từ chế độ toàn trị cộng sản sang thế chế chính trị đa nguyên, dân chủ tại các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ông cho nó là một “hiểm hoạ đen” là “tấm gương tày đình” cần cảnh báo… ( “Thời cơ vàng và hiểm hoạ đen”, Nguyễn Trung, Tuoitre Online 08/02/2006). Ở đây tôi chỉ giới hạn nói về Ba Lan, như một nhân chứng lịch sử.

Ông Nguyễn Trung và cũng như khá nhiều nhà trí thức, đảng viên hay các vị cách mạng lão thành trong những bài viết của mình thường cho rằng đảng cộng sản VN vẫn nên tiếp tục duy trì độc quyền lãnh đạo, chỉ cần đảng sáng suốt thay đổi chính sách, cải cách hơn nữa để phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước, thế là mọi việc sẽ tốt đẹp. Điều này tự nó mâu thuẫn với ngay chính ý kiến ông nêu ra: vấn đề cơ bản là hệ thống và sau đó là khái niệm tách biệt giữa đảng và đất nước.

Phong trào tranh đấu liên tục với nhiềy hy sinh, tổn thất của công nhân toàn Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Công đoàn Đoàn Kết, đã buộc nhà nước cộng sản Ba Lan phải ngồi vào bàn đàm phán. Công đoàn Đoàn Kết được hợp pháp hoá và phía cộng sản chấp nhận bầu cử tự do có giới hạn: 65 % số ghế trong quốc hội chuyển tiếp là của phe cộng sản, 35% còn lại sẽ thông qua bầu cử hoàn toàn tự do.

Tiến trình bầu cử được diễn ra trong hai giai đoạn, vào ngày 4 và 18/06/1989. Những người cộng sản vận động tranh cử trong trạng thái lúng túng, vụng về. Họ đã bị thất bại thảm hại. Ngoài số ghế được ấn định 65%, họ không giành thêm được một ghế nào. Với 100 chỗ thì Công Đoàn Đoàn Kết chiếm 99, một chỗ còn lại là của ứng viên độc lập. Một mô hình nhà nước do nhật báo Gazeta Wyborcza đề xướng: “Tổng thống của các anh (Đảng Cộng Sản), Thủ tướng của chúng tôi (CĐĐK)”, được thực hiện. Ngày 12/09/1989, chính phủ liên minh Cộng sản – Công đoàn Đoàn Kết được thành lập thông qua biểu quyết của quốc hội với số phiếu 402/415, do thủ tướng không cộng sản T. Mazowiecki đứng đầu. Phe cộng sản với tổng thống W. Jaruzelski, Bí thư thứ nhất (tổng bí thư) Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) tức đảng CS Ba Lan, nắm hai bộ quan trọng nhất: Quốc phòng và Nội vụ.

Vào thời điểm nóng bỏng trên, tại Hà Nội đã có nhiều cuộc mít tinh của Việt Nam ủng hộ Ba Lan xã hội chủ nghĩa, chống lại lực lượng “phản cách mạng” Công đoàn Đoàn Kết.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) cũng có ý định tổ chức một cuộc mít tinh với tinh thần tương tự.
Nhiều cán bộ đảng viên thầm thì: Ba Lan mất nước rồi!

Vào thời điểm đó tôi đang làm việc cho Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Ba Lan tại thành phố HCM. Tôi đã thông báo cho Sở Ngoại Vụ TP HCM rằng, đại diện TLSQ Ba Lan sẽ không tham dự cuộc mít tinh ấy.

Ông lãnh sự M.Ch. đã rất ngạc nhiên với sáng kiến của chính quyền Việt Nam và nói với tôi: “Người Việt nghĩ Ba Lan mất nước là nghĩa thế nào? Đất nước Ba Lan luôn luôn là Ba Lan và Ba Lan là trường tồn. Chỉ có người lãnh đạo nó thay đổi mà thôi”.

Đánh đồng khái niệm Đảng hay ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa với khái niệm Tổ quốc/Đất nước là một hành vi không trong sáng nếu không nói là thiếu lương thiện, trí trá. Đúng như ông lãnh sự Ba Lan nhận xét. Và cũng vì vậy, TP HCM đã không có một cuộc mít tinh nào để “ủng hộ” Ba Lan!

Trong 16 năm xây dựng thể chế dân chủ, Ba Lan đã trở thành thành viên của NATO (Hiệp ước Quận sự Bắc Đại Tây dương) vào ngày 12/03/1999, về an ninh, thoát khỏi áp lực nhiều thế kỷ nay từ phía Nga. Từ năm 2004, Ba Lan là thành viên Liên hiệp Âu châu (EU), thực sự có tiếng nói chủ quyền và trọng lượng của một quốc gia độc lập, bình đẳng trước mọi đối tác. Trong kế hoạch tài khoá 2006 – 2013 của EU, Ba Lan đã đe doạ dùng quyền phủ quyết buộc EU phải nhân nhượng, Ba Lan được hưởng xấp xỉ 60 tỷ Euro cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là khoảng 9 tỷ đô la/năm – bằng tổng số đầu tư nước ngoài vào Ba Lan trong năm cao nhất! – (cho một nước với diện tích gần tương đương VN và dân số chỉ 38,1 triệu). Người dân Ba Lan đi lại 25 nước châu Âu không cần thị thực, có thể tự do học tập, làm việc không cần giấp phép và hưởng mọi quyền lợi an sinh xã hội tại Anh, Thụy Điển, Na Uy, Ai len và nhiều nước khác của EU trong thời gian tới. Đấy là chưa kể các chương trình viện trợ của Mỹ và NATO cho Ba Lan, đặc biệt trong lĩnh vực hiện đại hoá quân đội.

Theo tạp chí bình luận kinh tế nổi tiếng The Economist (số 1/2006), tổng thu nhập quốc dân (Gross National Product) của Ba Lan trong năm 2006 sẽ đạt 315 tỷ đô la (so với VN, 57 tỷ – cũng theo The Economist), tức là tăng gấp đôi trong vòng 16 năm.

Ba Lan đang đứng trước cơ hội thăng tiến chưa bao giờ có kể từ khi chuyển hoá chế độ. Kể từ năm nay, nếu được tận dụng hiệu quả toàn bộ số quỹ 9 tỷ USD/năm do EU cấp, trong vòng 10 – 15 năm nữa, Ba Lan sẽ tạo cho mình một bộ mặt mới với những bước phát triển đầy triển vọng tại châu Âu.

Đa đảng là loạn – Một luận điệu xảo trá

Như đã nói ở trên, trước tình hình mới, Đảng Cộng Sản Ba Lan (PZPR)) đại hội phiên cuối cùng vào ngày 27/01/1990 và tuyên bố giải tán.

Từ ngày 17/10/1997, Hiến pháp Ba Lan mới của Cộng Hoà Ba Lan ra đời, trong đó có điều khoản cấm các hoạt động và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, từ bỏ ý thức hệ cộng sản, hoạt động theo xu hướng dân chủ xã hội (như nhiều đảng cánh tả khác đang cầm quyền tại Tây Âu), những người cựu cộng sản Ba Lan đã khôn ngoan nắm bắt cơ hội của chính thể chế dân chủ. Đồng thời với việc giải tán ĐCS, họ đã thành lập ngay đảng Xã hội Dân chủ Cộng hoà Ba Lan – SdRP (29/01/90) do A. Kwasniewski, đã từng giữ chức bộ trưởng Thanh niên và Thể thao thời Cộng sản, làm thủ lĩnh, ở tuổi xáp xỉ 40. Một thời gian sau đó, SdRP nhanh chóng thống nhất các lực lượng cánh tả để trở thành Liên minh Cánh tả Dân chủ (SLD) và tranh cử ngay vào quốc hội.

Sau 44 năm dưới chế độ cộng sản toàn trị, cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên được tiến hành: bầu tổng thống vào tháng 09/1990 và quốc hội vào ngày 27/10/1991. Lech Walesa, thủ lĩnh CĐĐK trúng cử tổng thống, lực lượng cánh hữu và Công đoàn Đoàn kết nắm đa số phiếu quốc hội.

Gánh nợ nước ngoài do chính quyền cộng sản để lại khoảng gần 45 tỷ đô la. Các tổ hợp tài chính – ngân hàng phương Tây thuộc Câu lạc bộ Paris và London đã xoá ngay cho Ba Lan dân chủ một nửa.

Trừ một vài người lãnh đạo cao cấp cộng sản phải ra toà để trả lời về trách nhiệm của họ đối với việc ra lệnh đàn áp công nhân, làm chết người trong một số cuộc biểu tình trước đây, đảng SLD, mà bao gồm chủ yếu những người cựu cộng sản, qua nhiều thăng trầm, lúc lên voi lúc xuống chó, vẫn là một lực lượng chính trị lớn trong xã hội Ba Lan hiện nay.

Trong 16 năm vừa qua, đảng Liên Minh Cánh tả Dân chủ – SLD đã hai lần vượt qua Công đoàn Đoàn Kết và các đảng cánh hữu khác, giành được số phiếu cao nhất (trên 40%). SLD đã liên minh với một vài đảng khác, cầm quyền trong hai nhiệm kỳ 1993 -1997 và 2001 – 2005. Còn ông A. Kwasniewski, chỉ 5 năm sau, ngày 19/11/1995, đã đánh bại huyền thoại Công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa, nắm chức tổng thống Ba Lan suốt hai nhiệm kỳ, 10 năm, từ 1996 – 2005. Chính ông là người đã xin lỗi toàn dân Ba Lan về những sai lầm và tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra cho Ba Lan. Chính ông là người đã ký Hiến pháp năm 1997, loại bỏ chủ nghia cộng sản ra khỏi đời sống chính trị – xã hội của Ba Lan.

Cả nước Ba Lan hiện nay có hơn 80 đảng phái chính trị của mọi khuynh hướng, tuy nhiên thường chỉ từ 4 đến 5 đảng lọt vào quốc hội. Tranh chấp quyền lãnh đạo trên sân khấu chính trị giữa các đảng lúc nào cũng quyết liệt, thậm chí trong nội bộ các đảng (cả cánh Hữu lẫn cánh Tả) chia rẽ, đấu đá nhau gay gắt, nhưng đất nước luôn luôn ổn định và phát triển kinh tế nhịp nhàng.

Trong một thể chế mà thắng hay bại trong “cuộc chiến” giữa các đảng do lá phiếu của người dân quyết định thì chẳng bao giờ có một sự “loạn” nào như nhiều người vẫn nguỵ biện cho thể chế đa đảng (nếu có) ở VN. Khi có thông tin tự do, nhiều chiều và biết rằng lá phiếu của mình có hiệu lực, người dân sẽ có đủ cơ sở so sánh chương trình của các đảng và sáng suốt lựa chọn người lãnh đạo cho đất nước theo quan điểm của riêng mình.

Không hiểu rõ bản chất của thể chế dân chủ, có luận điệu cho rằng một thể chế đa nguyên chưa phù hợp với Việt Nam khi dân trí còn thấp. Đây chỉ là sự biện hộ xào trá cho tư duy ù lì, bảo thủ, cố tình cắn giữ quyền lực và đặc lợi của một thiểu số cầm quyền trong ĐCSVN. Giống như người ta nói: không xuống nước thì chẳng bao giờ biết bơi. Tại sao ĐCSVN bắt dân đứng mãi ở trên bờ? Nếu cho mình là “đỉnh cao của trí tuệ”, là “đội quân tiên phong của dân tộc” thì ĐCSVN hãy can đảm thử sức xem trời cao, đất thấp ra sao qua một cuộc bầu cử tự do. Đã hèn kém, sợ mất ngai vàng thì đừng bao giờ cao ngạo, trâng tráo coi thường trí tuệ quần chúng mà rêu rao rằng dân trí thấp. Chỉ có “quan trí” của tập lãnh đạo ĐCSVN Việt Nam là thấp kém và hủ lậu mà thôi.

Không là “một tấm gương tày đình”, ngược lại, Ba Lan cho ta một tấm gương sáng: những người cộng sản Ba Lan đã rất thức thời trước sự tranh đấu và đòi hỏi dân chủ của nhân dân. Họ biết đặt quyền lợi của dân tộc trên quyền lợi của đảng. Họ thật sự lột xác, chứ không thay đổi nửa vời theo kiểu đối phó, và đã góp phần đưa Ba Lan vào một tương lai tốt đẹp, dân tộc không bị đổ máu mà họ vẫn giữ được quyền lợi bình đẳng trong việc tranh quyền chấp chính.

Trong dự thảo một nghị quyết của quốc hội về vấn đề quá khứ, mới đây thôi, trong tháng 12/2005, những người cựu cộng sản Ba Lan trong đảng SLD đã viết: “Quốc hội Ba Lan tỏ lòng thương tiếc và tưởng nhớ đến những người Ba Lan – những nạn nhân của sự truy bức, đàn áp chỉ vì họ muốn thực hiện ước mơ cho một Ba lan dân chủ và tự do. (…) Kinh nghiệm của quá khứ là bài học cho những người cầm quyền và xã hội rằng, bằng bạo lực không những không hạn chế được nhân quyền, tự do của công dân, mà cũng không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản của nhà nước”. (Nhật báo Ba Lan, Gazeta Wyborcza 16/12/2005).

Thưa ông Nguyễn Trung,

Phải chăng những sự kiện và con số trên đây là “gương tày đình”, là “thảm hoạ đen” của Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung? Ông muốn chuyển thông tin đến bạn đọc một cách vô tư và khách quan? Có phải như chúng ta thấy: bằng chuyển hoá sang chế độ dân chủ, Ba Lan đã làm kinh tế hiệu quả nhất, nhanh nhất?

Hệ thống dân chủ, không phải không có những bất cập, nhưng cho đến nay loài người chưa tìm ra hệ thống nào hoàn hảo hơn. Đó chính là hệ thống, chẳng riêng cho Ba Lan, cho Việt Nam mà cho mọi quốc gia có nguyện vọng hướng tới tiến bộ và văn minh: mọi đảng phái, tổ chức chính trị – xã hội đều có quyền tham dự vào việc quản trị đất nước. Còn kết quả được hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực, tài năng của các đảng trong chương trình hành động trình làng khi tranh cử.

Và chiến thắng của một đảng cầm quyền là đa số phiếu ủng hộ của người dân. Người dân quyết định tất cả chứ không phải một ai đó, một đảng nào đó nhân danh Tổ quốc, nhân danh Dân tộc, tự cho mình là người điều hành đất nước duy nhất và vĩnh viễn.

Trong bất kỳ địa hạt nào, nhất là chính trị, sự cạnh tranh là hình thức tốt nhất để con người phán quyết và lựa chọn sản phẩm tối ưu. Mọi sự độc quyền đều dẫn đến tai họa lạm quyền và lũng đoạn xã hội. Nạn tham nhũng khủng khiếp từ cao xuống thấp của bộ máy nhà nước cộng sản VN hiện nay là một hậu quả nhãn tiền từ sự độc quyền dẫn đến lạm quyền và tha hoá.

Ba Lan hay bất cứ quốc gia nào cũng đều không phải là khuôn mẫu để nhân dân Việt Nam bê nguyên xi áp dụng cho thực tế của mình. Nhưng cấu trúc của mọi thể chế cộng sản, công an trị đều hoàn toàn giốnng nhau. Khát vọng tự do và dân chủ của các dân tộc cũng giống nhau. Tự do sẽ không có nếu không tranh đấu và trả giá. Đừng bao giờ trông mong những người lãnh đạo cộng sản nhượng bộ. Họ chỉ thay đổi khi tình huống ép họ vào chân tường.

Dó đó, những bài học của Ba Lan, CH Czech, Hungary, Romania, Yugoslavia, Ukraine, Georgia… luôn là những bài học vô cùng thiết thực cho mọi người Việt Nam, cộng sản và cũng như không cộng sản, không chỉ trong tranh đấu giành quyền tự do dân chủ mà trong cả quá trình xây dựng dân chủ khi có nó.

Warszawa 19/02/2006

Tác giả: Lưu Vũ

*********

Đa đảng ở Việt Nam là loạn?

Lâu nay có ý kiến cho rằng đa đảng có thể phù hợp với một số nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam (VN) thì chắc chắn sẽ loạn. Lý do họ đưa ra luận điệu chủ yếu có mấy điểm sau đây:

– Dân trí của VN kém, tính cách người VN đoàn kết khi có chiến tranh nhưng chia rẽ, đố kỵ, đấu đá, tàn sát nhau trong thời bình.
– Đa đảng thì Trung Quốc (TQ) sẽ xâm lược VN ngay lập tức.
– Đa đảng sẽ bị Mỹ lôi kéo, bị lệ thuộc vào Mỹ.

Trong bài viết này sẽ lần lượt bác bỏ từng lý do trên để chứng minh rằng dân chủ, đa đảng là xu thế không thể đảo ngược.
Đầu tiên đối với quan điểm cho rằng dân trí Việt Nam kém, tính cách người Việt ưa tranh giành đấu đá nên khi đa đảng sẽ tạo điều kiện cho các đảng tranh giành quyền lực, lợi dụng người dân để tàn sát lẫn nhau. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ dân chủ là một quá trình chứ không phải là một việc làm trong chốc lát. Có thể thấy ở các quốc gia có truyền thống Khổng giáo thì việc thực hiện tiến trình dân chủ là một quá trình lâu dài có thể khái quát qua 3 giai đoạn :

– Đánh đổ sự thống trị của thực dân, đế quốc để giành độc lập tự chủ.

– Thiết lập chính quyền, xây dựng các thiết chế thực thi dân chủ, hướng dẫn nhân dân làm quen với chính trị dân chủ để ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Thời kì này thường phải áp dụng nguyên tắc độc đảng, tức là chỉ có một đảng chính trị lãnh đạo quốc gia đủ mạnh từng bước tiền đến dân chủ.

– Thời kì ba: thực thi dân chủ, đa nguyên đa đảng, bầu cử phổ thông đầu phiếu để thành lập nghị viện, ban hành hiến pháp.

Trường hợp này chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng tại các nước Đài Loan, Nam Triều Tiên là những ví dụ điển hình.

Đặc điểm trên xuất phát từ đặc thù của các quốc gia truyền thống Khổng giáo là người dân quen với sự thống trị chuyên chế, chưa quen với cơ chế dân chủ, chưa ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước một xã hội tự do dân chủ, tức họ mới chỉ là “thần dân” mà chưa phải “công dân”. Cả Đài Loan và Hàn Quốc đều phải trải qua một giai đoạn độc đảng để trước khi tiến đến dân chủ. Mặc dù trên thực tế giới lãnh đạo ở 2 quốc gia này đều vốn chưa có ý thức thực hiện dân chủ cho dân chúng nhưng với sự tiến bộ của kinh tế là sự hiểu biết người dân được nâng cao, họ đã biết đến dân chủ, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân. Vì vậy họ đã đứng lên đấu tranh và đã đổ máu để giành được quyền lợi thiêng liêng mà họ xứng đáng được hưởng, đó là quyền được làm chủ thực sự chính vận mệnh của mình, được hưởng các quyền tự do dân chủ thực sự.

Trái lại, ở Việt Nam, đảng Cộng Sản (ĐCS) đã thống trị hơn nửa thế kỷ, họ là những người cộng sản đã không đem đến dân chủ cho người dân Việt Nam, cố bám lấy cơ chế độc tài toàn trị, duy trì bộ máy xập xệ thiếu năng lực, thống trị toàn diện quốc gia về mọi mặt cũng như họ không muốn dân chúng thực sự ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, không muốn dân chúng hiểu dân chủ thực sự là gì. Vậy thì có thể hy vọng họ sẽ thay đổi và đem đến dân chủ cho Việt Nam hay không?

Thế thì trách nhiệm đó chắc chắn sẽ thuộc về chính những người đang đấu tranh cho dân chủ, chúng ta phải tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được họ xứng đáng được hưởng bầu không khí tự do dân chủ thực sự, khi ý thức được quyền lợi và bổn phận của một công dân thì dân chúng mới dám đấu tranh để giành lấy tự do dân chủ, mà có tự do dân chủ mới có thể phát triển quốc gia giàu mạnh và phú cường.

Còn về việc cho rằng tính cách người Việt ưa đấu đá, chia rẽ, tranh giành, vụ lợi, tiêu biểu như mấy vụ hôi của, hôi bia, tranh giành nhau vì mấy miếng su shi, vì lợi mà sẵn sàng bán thực phẩm độc hại, thiếu vệ sinh. Thực ra đó cũng là vấn đề dân trí còn kém và đạo đức xã hội đi xuống. Chúng ta nên nhớ rằng nền chính trị tốt hay xấu thì cũng sẽ tạo dựng một xã hội lành mạnh hay đồi bại. Hãy xem dân ta qua nhận xét của người ngoại quốc cách đây mấy trăm năm: “người Đàng Trong lịch thiệp và dễ thương trong sự tiếp xúc với người Âu Tây, dẫu rằng họ tự đánh giá cao về mình. Họ cho rằng nổi giận là hạ thấp mình. Trong khi tất cả các nước khác ở phương Đông coi người Âu Tây như kẻ phàm tục, ghê tởm họ…Còn ở Đàng Trong hoàn toàn ngược lại, họ đến chen vai thích cánh với ta, hỏi ta cả ngàn chuyện, mời ta về nhà dùng cơm, nói tóm lại họ vận dùng đủ mọi thứ bặt thiệp, nghi thức, thân mật.” (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa-Yoshiharu Tsuboi). Vậy sự xuống cấp của đạo đức xã hội đó là hậu quả của một nền giáo dục lạc đường, một nền chính trị độc tài thối nát mà trong đó bọn chóp bu cầm quyền cộng sản Việt Nam tha hoá, đồi bại, ăn cướp trắng trợn mà còn giở giọng đạo lý. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, nền cai trị tồi tệ thì sẽ sản sinh ra một xã hội tồi tệ đúng như người xưa có câu:”Kẻ cầm quyền thích bạo lực thì dân cũng thích bạo lực. Kẻ cầm quyền ham làm việc nhân thì dân cũng ham làm việc nghĩa”. Đó chẳng phải là minh chứng hùng hồn để chứng minh rằng cần phải thay đổi thể chế, chế độ thì mới có được một bầu không khí xã hội trong lành hay sao?

Lý do thứ hai mà những người cho rằng đa đảng là loạn, họ nghĩ vứt bỏ sự thống trị của ĐCS sẽ làm Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngay lập tức, họ nghĩ với sự tồn tại của nền thống trị CS sẽ làm cho Trung Quốc vì “tình hữu nghị anh em” mà rủ lòng thương không xâm lược Việt Nam. Nhưng ôi, cuộc đời đâu dễ dàng như thế!!! Trong sự giao thiệp giữa các quốc gia với nhau thì lợi ích luôn là tiêu chí hàng đầu. Trung Cộng đã nuôi ý định thôn tính Việt Nam từ ngay sau khi chúng chiếm được đại lục Trung Hoa, từ việc xâm chiếm một phần Hoàng Sa năm 1955, toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, chiếm một phần Trường Sa năm 1988, gây chiến tranh biên giới năm 1979 rồi vừa qua là ngang nhiên đặt trái phép giàn khoán HD-981 trên vùng biển Việt Nam và hiện chúng đã xây xong đường bay trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), xây dựng đảo nhân tạo ở bãi Gạc Ma (Trường Sa) thì ý đồ chiến lược của chúng đã quá rõ ràng như ban ngày, chúng muốn độc chiếm biển Đông, buộc Việt Nam hoặc làm chư hầu hoặc sáp nhập hẳn vào chúng. Thử hỏi khi CSVN to mồm tuyên bố: “Đường bay trên đảo Phú Lâm của Trung Quốc là vô giá trị” thì Trung Cộng có vì niệm tình “anh em” mà phá đi cái đường bay đó không hay chính những lời nói của đảng CSVN mới là vô giá trị, và sự vô giá trị của những lời nói CSVN đã lặp đi lập lại thành nhàm chán. CSVN đã bất lực trong sự bảo vệ chủ quyền quốc gia, đó là một thực tế hiển hiện không thể chối cãi được. Vậy thì càng cần phải thay thế CS để đổi mới sinh khí cho đất nước mới mong bảo vệ được chủ quyền quốc gia, nếu không chúng ta sẽ rơi vào thảm cảnh mà nhạc sĩ trẻ Việt Khang hát trong bài Anh Là Ai:”dân tộc tôi sắp phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối…”

Lại nữa, đến lý do thứ ba mà người ta bảo không thể đa đảng là đa đảng sẽ lệ thuộc vào Mỹ, rồi sẽ như Hàn, Nhật, Philippin để cho Mỹ đóng quân, xây dựng căn cứ quân sự, rồi cứ việc gì cũng nhờ Mỹ giúp, cũng kêu Mỹ. Đừng quên rằng một nước nhược tiểu như Việt Nam thời điểm này (tôi nhấn mạnh là “thời điểm này” vì chúng ta vốn không hề nhược tiểu) thì không có cơ hội đứng trung lập, trung lập đồng nghĩa với tự sát. Hãy lấy kinh nghiệm của chính chúng ta khi tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cố giữ cho Việt Nam trung lập nhưng rồi ông cũng không ngăn được việc đó mà trút đại họa vào thân, hay như Sihanuk của Cambodia cũng vận dụng chính sách trung lập được khoảng gần 20 năm rồi cũng bị đổ bể. Bởi vì trong ván bài của các nước lớn, các nước nhỏ chỉ là quân cờ, anh không thể tự đứng một mình trung lập được, anh phải đứng về bên này hoặc bên kia, nếu không các cường quốc sẽ buộc anh phải làm vậy. Vậy thì muốn bảo về chủ quyền quốc gia phải có đồng minh và phải xây dựng được mối quan hệ đồng minh vững chắc. Trong hoàn cảnh hiện giờ, để đối trọng với Trung Quốc xâm lược chỉ có Mỹ và phương Tây làm được. Muốn bảo vệ quốc gia phải liên minh với Mỹ và phương Tây. Nhưng muốn không bị lệ thuộc thì còn tuỳ thuộc vào khả năng và cách ứng xử của chính chúng ta. Như chính tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng cay đắng nhận ra rằng dựa vào bạn là tốt nhưng lệ thuộc vào bạn là thảm hoạ. Chúng ta phải có một sách lược tổng thể và toàn diện với những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng quan hệ đồng minh, đó là bảo đảm sự độc lập của chúng ta trong mọi vấn đề nội bộ cũng như bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đương nhiên chúng ta sẽ giúp Hoa Kỳ bảo đảm ảnh hưởng và thế lực của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, ưu đãi họ trong nhiều vấn đề, cùng hợp tác và cùng có lợi với họ trên Biển Đông. Nhưng ngược lại chúng ta sẽ nhận được nhiều bảo đảm và ưu đãi từ phía Mỹ, chỉ cần chúng ta chứng minh với họ là chúng ta có đủ tư cách và tư thế để làm đồng minh của họ và xứng đáng nhận được những gì mà chúng ta đòi hỏi ở họ. Đó là cách mà người Nhật, người Hàn đã làm và đã thành công để không chỉ bảo vệ quốc gia mà còn phát triển mạnh mẽ đất nước thành những cường quốc hiện nay.

Viết từ Việt Nam 15/10/2014
Lê Công Chính

############

Edit: Triết Học Đường Phố

Rap là dòng nhạc của sự thật

Featured image:  Pedertm

 

 

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=03qkTKVqnkE]

Rap là dòng nhạc của sự thật. Khi nào rapper sợ nói sự thật, sợ BE REAL, thì khi đó nhạc rap sẽ chết.

Những thứ càng ít người dám nói thì rapper càng phải nói. Có những sự thật ai cũng biết, ai cũng ghét, nhưng chúng ta sợ:

– Sự thật là công an vẫn núp lùm và ăn chặn của người đi đường. Nếu lên tiếng cãi lại sẽ bị chúng lôi vào đồn đánh đập. Hãy hỏi Jukey, đạo diễn trẻ chuyên làm clip cho TonyTK, để biết trải nghiệm của anh ta. Jukey từng bị một đám công an say xỉn lôi vào đồn đánh đập chỉ vì anh ta tỏ thái độ không đồng ý việc ăn chặn. Khi Jukey bỏ chạy ra ngoài kêu cứu thì chúng đuổi theo bắt lại, người dân cũng không giúp đỡ vì nghĩ Jukey là ăn cướp hay gì đó. Chúng chuyển Jukey từ đồn này qua đồn khác để người thân không kịp giải cứu. Nếu không may mắn được người thân tìm ra, có thể Jukey đã bỏ mạng. Chẳng lẽ chúng ta để cho người dân nói chung, và anh em underground nói riêng, bị hành hung như thế mà không lên tiếng? Các anh em mở miệng nói “fuck popo” có thực sự hiểu được lý do tại sao ta phải fuck popo không, hay là nói như con vẹt?

– Sự thật là những con người lao động trên đường phố bị bọn dân phòng và đô thị hạch sách đủ điều. Người ta đã nghèo, lao động chân chính, bỏ mồ hôi kiếm miếng ăn, mà còn làm khó làm dễ, tịch thu đồ đạc của người ta. Trong khi đó có những tên tham quan ăn hối lộ tiền tỉ, thì không bị ai làm gì, còn được ca ngợi. Bất công như vậy mà anh em chấp nhận sao?

– Sự thật là những công trình thi công đường xá đã luôn bị giới cầm quyền ăn chặn ăn bớt vật liệu thi công, khiến cho mặt đường mỏng hơn phân nửa mức quy định, gây nguy hiểm cho người đi đường. Bao nhiêu vụ sập hầm, sập cầu làm người tham gia giao thông bị tai nạn, thiệt mạng. Hỏng đường thì chúng lại bày trò giả vờ sửa chữa qua loa để tiếp tục ăn tiền vật liệu. Ở nước ngoài người ta làm một con đường trong vài tháng, còn ở Việt Nam có đợt sửa đường, xây lô cốt khắp nơi, kéo dài suốt vài năm? Chẳng lẽ chúng ta im lặng để cho bọn tham quan tiếp tục làm hỏng đường phố?

– Sự thật là Cộng Sản Việt Nam đã gây ra quá nhiều tội ác và lừa dối giới trẻ. Những thông tin như cuộc thảm sát đồng bào tại Huế năm 1968 hoàn toàn không có trong sách giáo khoa. Đã có rất nhiều những nhân chứng sống kể lại việc này:

[youtube https://www.youtube.com/watch?v=CavY3yrIDis]

– Sự thật là Trung Cộng đã và đang chiếm đóng tại Hoàng Sa, Trường Sa, làm hại ngư dân Việt Nam. Chúng đã và đang đầu độc dân ta bằng cách tuồn đồ ăn, vật dụng độc hại vào cho dân ta sử dụng. Tỉ lệ ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới. Chúng đã cướp tài nguyên, đất đai và làm hại dân Việt suốt bao lâu nay. Trong khi đó, Cộng Sản Việt Nam làm gì? Họ không làm gì, mà còn tiếp tay cho giặc. Mỗi lần có biến cố hay sự kiện gì liên quan đến chính trị và Trung Cộng, thì y như rằng cá mập cắn cáp, và scandal này scandal kia nổi lên để đánh lạc hướng dư luận. Các bạn còn định thờ ơ với những sự thật này bao lâu?

Nếu vỗ ngực tự xưng là rapper, thì đừng thờ ơ, đừng sợ nữa

Nhạc rap có nhiều style khác nhau. Các bạn không cần phải lên tiếng bằng cách chửi thề quá khích, và hoang tưởng chính trị như kiểu rapper Nah và bài DMCS của anh ta. Cũng không cần phải làm video, diễn kịch anh em chia rẽ để tạo scandal như bản gốc Làm Việc Nước của Nah, LD, Andree, Rapsoul, Karik, Wowy. Các bạn có thể làm bình thường như các bạn vẫn làm: xài skill, đá xoáy, ẩn dụ, chơi chữ, châm biếm. Báo Tuổi Trẻ Cười vẫn luôn châm biếm thực trạng xã hội. Rap là nghệ thuật đường phố, vậy hãy nói lên sự thật một cách nghệ thuật.

Đã bao lâu rồi không khí trong rap Việt mới lại sống động như thế này? Anh em battle với nhau, luyện tập cho lên trình, thì bây giờ đã xong quá trình luyện tập. Chúng ta có chung 1 kẻ thù. Đây là trận chiến thật sự, một trận chiến lớn mang giá trị lịch sử, là lúc dùng trình để đấu với những kẻ ngu dốt đã luôn kiềm hãm nghệ thuật, những kẻ xấu đã luôn kiềm hãm dân tộc Việt Nam. Có biết bao nhiêu ca sĩ, rapper, đã bị bộ máy kiểm duyệt làm biến chất, khiến họ phải thay đổi ca từ khi lên overground? Có biết bao nhiêu tờ báo đã chửi nhạc rap, chỉ vì chúng ta dám nói sự thật? Có ai nhớ Bụi Đời Chợ Lớn, 1 bộ phim Việt được đầu tư công phu, có tiềm năng nhận những giải thưởng quốc tế, đã bị bọn kiểm duyệt của Cộng Sản bóp chết như thế nào không? Bộ máy nghệ thuật và truyền thông cần phải được thay đổi, nếu không thì niềm đam mê làm nghệ thuật của giới trẻ Việt Nam sẽ không có chỗ sống và chúng ta sẽ mãi mãi tụt hậu so với thế giới. Sẽ không có thứ gọi là CHẤT, mà chỉ có những thứ rẻ tiền, sến súa.

Chúng ta là rapper, chúng ta không cần quan tâm tới chuyện thay đổi nhà nước hay làm chính trị. Tuy nhiên, anh em chúng ta phải tạo ra sự thay đổi quan niệm về rap ở Việt Nam. Rap là nghệ thuật nói lên sự thật, là âm nhạc phê phán hiện thực thời hiện đại. Khi giới trẻ dám lên tiếng nói những sự thật mà người lớn còn không dám nói, các bạn không hề giết chết rap, mà là các bạn đang cứu nó. Những người chưa biết về nhạc rap, kể cả người lớn tuổi, sẽ tìm hiểu và tôn trọng nó. Sự thật bao giờ cũng thắng sự giả dối. “Những thứ không ai có thể che dấu mãi mãi: mặt trăng, mặt trời, và sự thật.”

Cuối cùng, xin kết thúc bài viết bằng việc trích dẫn một mẫu chuyện cười của B Ray:

“Có 4 con chó nói chuyện với nhau; Con chó Mỹ, con chó Châu Phi, con chó Hàn Quốc, và con chó Việt Nam
Con chó Hàn nói: “Hồi trước chủ tao hay cho tao ăn thịt mỗi chiều, giờ tao phải sủa thì ổng mới cho.”
Con chó Mỹ ngạc nhiên: “Mày có chủ à?”
Con chó Châu Phi nói: “Mày được ăn thịt à?”
Con chó Việt Nam sững sốt: “Chủ mày cho mày sủa hả?””

Chính nhạc rap sẽ đòi lại quyền tự do ngôn luận và quyền tự do làm nghệ thuật cho người Việt. Đó là một sự thật mà không thế lực nào có thể cản được.

Đoàn kết và quyết thắng,

– LVN Team –

Download mp3: http://www.mediafire.com/download/ah08r1drebm479m/Lam+Viec+Nuoc+%28Mua+part+1%29+-+B+Ray+ft+Nah+%26+Tao.mp3

Download beat & acapella: http://www.mediafire.com/download/23s4i44k10489y6/Lam+Viec+Nuoc+%28Mua+part+1%29+instrumental+%26+acapella.zip

Viết cho Bút Chì, về cách mạng

Featured image: Sarah Ching

 

Ngay sau khi phong trào “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam” ra đời, trong cộng đồng mạng ở Việt Nam, như thường lệ, đã xuất hiện vô số quan điểm trái ngược nhau về nó: ủng hộ, hưởng ứng, chê bai, dè bỉu, v.v. Trong số các ý kiến ngả theo hướng phê bình “Tôi không thích”, bài viết của blogger Bút Chì mang nhan đề “Viết cho em, về cách mạng” có lẽ gây chú ý và được tán đồng nhiều nhất vì nó ở một trình độ… ngụy biện tinh vi hơn hẳn các bài phản đối tương tự.

Đôi lời phi lộ

“Những gì anh sắp viết ra đây không phải là để chống lại hay ngăn cản điều em đang làm. Em hãy cứ làm điều em muốn, cứ bày tỏ điều em cho là phải, cứ quan tâm điều em thấy cần phải quan tâm”. Cũng giống như tác giả Bút Chì đã viết như thế cho một (hoặc một số) độc giả “ngây thơ” nào đó mà anh gọi là “em” và xưng “anh”, trước khi mở đầu bài phản biện này, chúng tôi muốn nói rõ rằng: Những gì chúng tôi sắp viết ra sau đây không nhằm chỉ trích Bút Chì hay cản trở quyền tự do biểu đạt của anh. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm, suy nghĩ và thái độ của anh.

Điều mà chúng tôi muốn đạt được, là chỉ ra cho bạn đọc một kiểu quan điểm được củng cố bởi những lập luận yếu, tức là ngụy biện, mà nó lại vốn dẫn đến một thái độ khá phổ biến trong văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay: thái độ hoài nghi và có phần cao đạo, trên đời, khi nhìn vào những nỗ lực của một thiểu số mong muốn tạo ra sự thay đổi.

* * *Căn cứ “dấu vết” để lại trên đường link, bài viết của tác giả Bút Chì ban đầu có lẽ lấy tên là “Dặn em, về cách mạng”, sau đó mới được đổi thành “Viết cho em, về cách mạng” – một nhan đề ít cao ngạo hơn so với cái tựa lúc đầu. Tuy nhiên, sau những câu rào đón nhẹ nhàng rằng “em hãy cứ làm điều em muốn…”, tác giả giả định rằng “em đang hừng hực khí thế”, để rồi cho lời khuyên ngay, với tư cách “người vừa đi qua giai đoạn ấy”. Giai đoạn ấy tức là giai đoạn hừng hực khí thế để tham gia một phong trào trên mạng.

Ở đây, chúng ta tạm bỏ qua việc tác giả phạm một lỗi ngụy biện (kiểu “tôi đã trải qua kinh nghiệm đó rồi, nên những gì tôi nói về nó phải đúng”), thì cũng có thể phát hiện ra rất nhiều lập luận yếu khác.

Mặc định rằng “chính trị, xét cho cùng, là vòng xoáy của quyền lực/ quyền lợi vô cùng tàn nhẫn, u mê và không lối thoát” là hành động gán bừa một định nghĩa (sai) cho một khái niệm, để rồi tiếp tục các lập luận của mình trên cơ sở định nghĩa chủ quan và sai đó. Chính trị, nếu được định nghĩa một cách nghiêm túc, chưa bao giờ là “vòng xoáycủa quyền lực/ quyền lợi…, u mê và không lối thoát”. Cách mô tả chính trị đa nguyên như là sự hỗn loạn, bẩn thỉu, tàn nhẫn, xấu xa hay mang những tính chất tiêu cực tương tự khác đã chỉ luôn là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những thế lực độc tài trên thế giới, muốn biến chính trị thành con ngoáo ộp để người dân sợ hãi hoặc ghê tởm mà tránh cho xa. Với chủ trương đó, các nhà độc tài đã thành công trong việc hạn chế tự do, đặc biệt là triệt tiêu quyền tham gia chính trị của người dân: quyền bầu cử, ứng cử, vận động chính sách, thậm chí chỉ là quyền được tự do thể hiện chính kiến, quan điểm như “tôi không thích”.

Nhưng tác giả đã đưa ra một định nghĩa như thế về chính trị, theo đúng hướng mà các nhà độc tài rất thích. Sau đó, anh lại khéo léo cài vào một câu đánh giá độc giả: “Nếu em thực sự đủ hiểu biết và trưởng thành, em sẽ tự biết cách rời xa nó…”. Viết chặn trước như vậy thì còn độc giả nào dám cãi lại anh nữa, để rồi phải mang tiếng “chưa đủ hiểu biết và trưởng thành”.

Thích, thì nhích

Bút Chì cũng đưa ra một lý do mà anh “chặn trước” rằng nó là “một điều căn bản hiển nhiên”: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính tâm trí đã tạo ra vấn đề đó. Câu nói của Einstein, dịch sát nghĩa sang tiếng Việt, là: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính lối tư duy đã tạo ra nó. Nếu bỏ công diễn giải thì cũng hiểu được câu nói của Einstein có lý của nó, chẳng hạn, chúng ta không thể giải quyết một chính thể độc tài bằng lối tư duy độc tài.

Ở đây có thể thấy rõ vấn đề mà những người tham gia chiến dịch “Tôi không thích” muốn giải quyết là sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất nhiên, không thể giải quyết được sự độc tài đó bằng tư duy độc tài. Vậy thì việc giơ biểu ngữ “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam” thể hiện tư duy độc tài ở chỗ nào? Đặc trưng của tư duy độc tài là tính áp đặt. Tính áp đặt thể hiện ở đâu trong những tấm biển “tôi không thích” này? Chẳng phải mọi thay đổi xã hội trong toàn bộ lịch sử loài người đều bắt đầu từ thứ tư duy và cảm xúc cơ bản nhất là “tôi không thích” hay sao?

Chúng ta có thể cố gắng hiểu tác giả hơn, khi anh đi sâu vào giải thích: “Nếu các em đọc kỹ các bài viết của nhau, từ cả trái lẫn phải, cả trong lẫn ngoài, và nhìn sâu xuống bên dưới, em sẽ thấy chúng giống nhau vô cùng, và giống y chang các bậc cha ông chúng ta hồi họ còn trẻ. Cũng một lòng nhiệt huyết, cùng một sự hung hăng, cùng một thái độ “cách mạng”…”.

Bút Chì cho rằng những điều ấy “khó lòng tạo nên thay đổi thực sự”, và anh giải thích đó là bởi vì: Không ai trong các em đang “cách mạng” bản thân mình”, “em đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì”.

Thật ra thì, ai trong chúng ta lúc này thực sự biết có thể thay đổi thế giới bằng gì?

Cũng khó ai tìm ra được một con đường chung cho việc “cách mạng bản thân mình”. Lần này, Bút Chì đã không gán cho khái niệm cách mạng một định nghĩa nào của riêng anh, nhưng anh khẳng định “đó là cuộc cách mạng bên trong”, chẳng hạn như: Thay vì than vãn quá nhiều rác, chúng ta bắt tay vào dọn dẹp; thay vì nguyền rủa lũ vô đạo đức, chúng ta tự mình sống tử tế.

Nhưng chúng ta có thể hỏi Bút Chì rằng: Nếu ta vừa dọn dẹp, vừa than vãn là xã hội có quá nhiều rác, cũng như vừa tự mình sống tử tế, vừa nguyền rủa lũ vô đạo đức, thì có được không?

Vượt ra khỏi thân phận thảo dân “ơn Đảng, Chính phủ” của nhiều người thuộc thế hệ đi trước, mà đứng lên giương cao biển “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam”, đó có phải là một hành động mang tính cách mạng không?

Có gì đáng góp ý hay chỉ trích không, nếu các bạn trẻ Việt Nam vừa thẳng thắn thể hiện quan điểm “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam”, vừa đấu tranh để khẳng định nhân quyền cơ bản của mình, tham gia chính trị theo hướng vận động chính sách, kiến tạo sự thay đổi, cổ súy cho lòng yêu nước và một xã hội được quản trị tốt hơn? Và họ làm tất cả những điều đó trong khi vẫn viết blog, vẫn học hành, kiếm sống, lo trả tiền trọ… Và ta đừng quên là, trong một xã hội độc tài thì đôi khi, ngay cả việc một nhóm thanh niên đi nhặc rác ở công viên cũng đã bị cấm cản, rất có thể chỉ là vì họ vốn bị coi là “phản động” – tức là bị coi như một giống dân khác với thứ hạng thấp kém hơn.

Đó là chưa kể, những người tham gia “Tôi không thích” chưa từng có lời nói hay hành động nào bạo lực, với cùng sự nhiệt huyết và hung hăng như “cha ông họ” mà một ví dụ là các nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam với khẩu hiệu “trí – phú – địa – hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” trong phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh thời kỳ 1930-1931.

“Em đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì, việc này chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ cho em và cho người khác, dù em thất bại hay thành công”. Trong một xã hội văn minh thì việc công dân thể hiện chính kiến và lựa chọn lực lượng chính trị thông qua lá phiếu sẽ chẳng đem lại đau khổ nào cả. Anh Bút Chì quả là đang dọa chúng em, cũng y như Đảng Cộng sản lâu nay vẫn dọa chúng em rằng “dân chủ, đa đảng là loạn”.

“Tất cả bắt đầu từ chính mình”

Lập luận và thông điệp nổi bật nhất trong bài viết của Bút Chì có lẽ là về cuộc cách mạng bên trong, khi tất cả bắt đầu từ chính mình. Đây là một quan điểm nghe có vẻ rất thuyết phục, và nó phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, không chỉ lúc này mà thường xuyên bấy lâu nay. Trong những cuốn sách kiểu “hạt giống tâm hồn” (Chicken Soup for the Soul), chúng ta có thể bắt gặp đầy rẫy những câu đại ý:

Mỗi khi bạn thất bại, bạn cảm thấy cay cú, bạn đều muốn tìm ai đó để đổ lỗi: kẻ thù, đối thủ cạnh tranh, bạn bè, gia đình, chính phủ. Mỗi lần như thế, muốn biết kẻ đó là ai, bạn hãy nhìn vào gương.

Hàm ý của những câu như thế là: Mọi sự bắt đầu từ chính ta. Thất bại của cá nhân, xã hội phi dân chủ, mất tự do, chậm phát triển, cũng do mỗi cá nhân mà ra cả. Mỗi người cứ làm sao thay đổi chính mình là cả xã hội thay đổi.

Ở những nước nghèo, lạc hậu, chậm tiến như Việt Nam, quan điểm đó vô tình hay hữu ý loại bỏ vai trò của chính quyền cũng như những nỗ lực điều tiết, phối hợp chung. Nó cũng là một quan điểm duy ý chí nặng nề. Làm sao để hàng chục triệu người cùng đồng lòng tự làm cách mạng bên trong, thay đổi chính mình được, nếu không có một lực lượng làm nhiệm vụ của “nhạc trưởng”?

Tất nhiên, xã hội sẽ không thay đổi nếu mỗi thành viên của nó đều không chịu vận động. Ngay cả khi tất cả mọi người cùng vận động, mỗi người mỗi hướng, cũng không chắc một sự thay đổi đáng kể và quyết liệt nào sẽ đến. Nhưng cho dù có thế, cũng không thể trách mỗi người “đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì”.

Lại chuyện “năng lượng”

Trong xã hội của chúng ta lâu nay, có một số người thường giải thích nhiều điều bằng những thứ có phần thần bí, tâm linh như “năng lượng”, “nghiệp”. Ví dụ, các tác giả của bài viết này từng được khuyên, đại ý: Không nên chỉ trích chính quyền, an ninh, quan chức tham nhũng, v.v. vì như thế là tạo khẩu nghiệp, rất có hại cho mình. Những lời lên án, phê bình, phản biện chẳng qua chỉ tạo khẩu nghiệp mà thôi, và điều đó đến lượt nó lại tiếp tục tạo ra nghiệp xấu.

Từ năm 1995, TS. Hà Sĩ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) đã từng chỉ ra kiểu ngụy biện “cao đạo, lẩn tránh” trong tiểu luận nổi tiếng của ông, “Chia tay ý thức hệ”.

“Chính trị là bẩn thỉu, dính đến làm gì? Ông cứ lo viết văn, lo làm khoa học, làm nghệ thuật có phải vừa thanh cao lại vừa an toàn, vừa bổ ích không?”.

“Giải pháp gì cũng vô ích, vì con người “tham, sân, si” mà ra cả. Cái gốc là phải trở về cái gốc thiện của con người! Bây giờ tôi đang nghiên cứu Kinh Dịch! Phải đọc Phật giáo ông ạ!

“Đấu tranh giai cấp đã là sai rồi, nay lại đấu tranh chống nó thì lại sai tiếp. Vấn đề là thiện và ác thôi. Ông nên đi vào thiền, yoga, khí công, nhân điện… là thấy thanh thản ngay!”.

Những lời tác giả Bút Chì nói, về năng lượng, cách năng lượng được tạo ra từ nỗi tức giận và lan truyền, v.v. không có gì khác ngoài việc lặp lại lối ngụy biện “cao đạo, lẩn tránh” mà TS. Hà Sĩ Phu đã chỉ ra từ 20 năm trước.

Chính quyền (độc tài) nào chắc cũng chỉ mong người dân cao đạo, tránh khẩu nghiệp, gìn giữ năng lượng, để đừng tham gia chính trị và nhất là đừng làm gì đòi hỏi, thúc ép, thách thức nhà nước.

Nhưng là một công dân tốt, không thể nào tránh né việc có một thái độ chính trị theo hướng bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tham gia chính trị và quyền biểu đạt chính kiến, của những người khác.

 

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Hữu Long – Phạm Đoan Trang

Ludwig von Mises (1881-1973) – Chủ nghĩa tự do truyền thống (phần 1)

 

 

Dẫn nhập

1. Chủ nghĩa tự do

Các nhà triết học, xã hội học và kinh tế học thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX đã trình bày có hệ thống một cương lĩnh chính trị, dùng làm kim chỉ nam cho chính sách xã hội, đầu tiên là ở Anh và Mĩ và sau đó là trên toàn lục địa châu Âu, và cuối cùng đã lan toả ra tất cả những khu vực có người ở trên toàn thế giới. Nhưng nó chưa được thực hiện một cách trọn vẹn ở bất cứ đâu. Ngay cả ở Anh, đất nước được gọi là quê hương của chủ nghĩa tự do và là đất nước tự do mẫu mực, những đồ đệ của chính sách tự do cũng chưa bao giờ thực hiện được tất cả các đòi hỏi của mình.

Một số nước chỉ chấp nhận một phần cương lĩnh tự do, trong khi những nước khác – những nước có vị trí quan trọng không kém – hoặc là từ chối ngay từ đầu hoặc là từ bỏ sau một thời gian. Phải có một chút cường điệu thì người ta mới có thể nói rằng thế giới đã từng trải qua thời đại tự do. Chủ nghĩa tự do chưa bao giờ được hưởng thành quả trọn vẹn.

Mặc dù chỉ giữ thế thượng phong trong những giai đoạn ngắn ngủi và trong những khu vực hạn chế, những tư tưởng tự do cũng đủ sức làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của trái đất. Kinh tế đã phát triển vượt bậc. Việc giải phóng sức sản xuất của con người đã nâng mức sống của con người lên gấp mấy lần trước đây.

Trước chiến tranh [Thế giới thứ nhất] (chính cuộc chiến này cũng là kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt và lâu dài nhằm chống lại các tư tưởng tự do và báo hiệu những cuộc tấn công còn khốc liệt hơn vào những nguyên lý của tự do) thế giới đã có mật độ dân cư cao chưa từng thấy, còn dân chúng thì có mức sống cũng cao chưa từng thấy. Sự thịnh vượng mà chủ nghĩa tự do tạo ra đã làm giảm đáng kể tử suất ở trẻ sơ sinh, một tai hoạ khủng khiếp của những thời đại trước, và việc cải thiện điều kiện sống đã dẫn đến kết quả là tuổi thọ trung bình của người dân gia tăng.

Sự thịnh vượng không chỉ đến với giai tầng những kẻ đặc quyền đặc lợi. Trước chiến tranh [Thế giới thứ nhất] công nhân trong các nước công nghiệp ở châu Âu và ở Mĩ cũng như ở những nước thuộc địa của Anh đã sống trong những điều kiện thuận lợi hơn và sang trọng hơn cả những ông hoàng bà chúa trước đó chưa lâu. Người công nhân không chỉ có thể ăn uống đầy đủ mà còn có thể cho con đi học; nếu muốn, anh ta còn thể tham gia vào đời sống sống trí tuệ và văn hoá của đất nước; và anh ta có thể nâng cao được địa vị xã hội của mình, nếu có đủ tài năng và nhiệt huyết.

Trong những nước tiến xa nhất trong việc áp dụng cương lĩnh tự do, thành phần chính của đỉnh kim tự tháp xã hội lại không phải là những người được hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ được thừa kế tài sản hoặc địa vị của cha mẹ mà là những người, trong những điều kiện thuận lợi, biết dùng sức mạnh của mình để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và tiến lên.

Hàng rào ngăn cách chủ nhân và người nô lệ trong các thế kỷ trước đã sụp đổ. Chỉ còn lại những người công dân bình quyền. Không ai cản trở ai, không có ai bị truy bức vì lý do sắc tộc, quan điểm hay tôn giáo nữa. Không còn những vụ khủng bố vì lý do chính trị và tôn giáo nữa, chiến tranh giữa các nước cũng ít dần đi. Những người lạc quan đã nói tới bình minh của thời đại hoà bình vĩnh cửu.

Nhưng các sự kiện đã xoay theo hướng khác. Trong thế kỷ XIX đã xuất hiện một loạt những người chống đối mạnh mẽ và quyết liệt chủ nghĩa tự do. Họ đã quét sạch phần lớn thành quả mà những người tự do đã giành được. Hiện nay thế giới không còn muốn nghe về chủ nghĩa tự do nữa. Bên ngoài nước Anh, thuật ngữ Chủ nghĩa tự do đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Còn bên trong nước Anh, chắc chắn là vẫn còn “những người tự do”, nhưng đa phần đấy chỉ còn là tên gọi. Trên thực tế, họ chính là những người xã hội chủ nghĩa ôn hoà.

Hiện nay, ở đâu thì quyền lực chính trị cũng đều nằm trong tay các đảng phái có tư tưởng bài tự do cả. Cương lĩnh của các đảng phái bài tự do đã tháo cũi xổ lồng những lực lượng gây ra cuộc Đại chiến vừa qua, và bằng cách đặt ra hạn ngạch xuất nhập khẩu, thuế quan, hạn chế nhập cư và những biện pháp tương tự khác, những lực lượng này đã đưa các dân tộc trên thế giới vào tình trạng bế quan toả cảng lẫn nhau.

Còn trong mỗi nước, cương lĩnh này đã dẫn đến những cuộc thí nghiệm theo đường lối xã hội chủ nghĩa mà kết quả là năng suất lao động giảm, nghèo đói gia tăng. Tất cả những ai không cố tình nhắm mắt trước hiện thực đều phải công nhận rằng ở đâu họ cũng nhìn thấy tín hiệu của một thảm hoạ kinh tế thế giới đang đến gần. Tư tưởng bài tự do đang dẫn nền văn minh đến một vụ sụp đổ toàn diện.

Đọc lịch sử và tìm hiểu xem những chính khách theo đường lối tự do ủng hộ những chính sách nào và họ đã giành được những gì chưa thể cho ta biết chính xác chủ nghĩa tự do là gì và nó nhắm đến những mục tiêu nào. Vì, chủ nghĩa tự do chưa thực hiện được trọn vẹn cương lĩnh của mình, ở đâu thì cũng thế.

Cương lĩnh và hành động của các đảng hiện nay tự gọi là tự do cũng không giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của chủ nghĩa tự do chân chính. Như đã nói bên trên, ngay cả ở nước Anh, hiện nay chủ nghĩa tự do làm người ta nhớ đến phong trào Tori và chủ nghĩa xã hội hơn là cương lĩnh của những người ủng hộ tự do thương mại xưa kia. Nếu những người theo trường phái tự do mà lại cho rằng quốc hữu hoá đường sắt, hầm mỏ và những xí nghiệp khác, thậm chí ủng hộ những sắc thuế mang tính bảo hộ là phù hợp với quan điểm của mình thì ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng chủ nghĩa tự do chỉ còn là một cái tên mà thôi.

Hiện nay, nghiên cứu các trước tác của những người sáng lập vĩ đại của phong trào cũng chưa thể giúp ta hiểu được tất cả các tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do không phải là một học thuyết đã hoàn chỉnh hay một giáo điều bất di bất dịch. Ngược lại: đấy chính lá áp dụng lý thuyết khoa học vào đời sống xã hội của con người.

Cũng như kinh tế học, xã hội học không dẫm chân tại chỗ kể thừ thời của David Hume, của Adam Smith, David Ricardo, Jeremy Bentham và Wilhelm Humboldt, học thuyết của chủ nghĩa tự do hiện nay cũng khác với ngày đó, mặc dù những nguyên lý nền tảng thì không thay đổi. Đã nhiều năm nay không có ai đưa ra được một tác phẩm ngắn gọn nói về bản chất của học thuyết này. Đấy có thể là lý do chính đáng cho việc chấp bút tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay.

2. Thịnh vượng về vật chất

Chủ nghĩa tự do là học thuyết nói về hành vi của con người trong thế giới này. Nói cho cùng, nó không có mục đích nào khác, ngoài việc gia tăng sự thịnh vượng về mặt vật chất của con người; nó không quan tâm đến những nhu cầu nội tâm, nhu cầu tinh thần và siêu hình học của con người. Nó không hứa hẹn mang đến cho con người hạnh phúc hay an lạc, nó chỉ mang đến sự thoả mãn tối đa những ước muốn có thể thoả mãn được bằng những đồ vật của thế giới ngoại tại mà thôi.

Thái độ hoàn toàn mang tính vật chất và ngoại tại của chủ nghĩa tự do đối với tất cả những gì được coi là trần tục và phù du vì thế thường bị người ta phê phán. Cuộc đời của con người, như người ta vẫn nói, đâu chỉ có ăn và uống. Có những nhu cầu cao cả hơn và quan trọng hơn thức ăn, nhà ở và quần áo mặc. Ngay cả những kho đụn lớn nhất thế giới cũng không đem lại cho con người hạnh phúc; chúng chỉ làm cho tâm hồn con người bất an và trống rỗng mà thôi. Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa tự do là nó không cung cấp cho người ta những khát vọng cao quý hơn và sâu sắc hơn.

Nhưng những người nói như thế chỉ chứng tỏ rằng họ có một quan điểm rất không đúng và hoàn toàn mang tính vật chất về những nhu cầu sâu sắc và cao quý đó. Chính sách xã hội, với những phương tiện mà nó nắm trong tay, chỉ có thể làm cho con người trở thành giàu hay nghèo, chứ không bao giờ có thể làm cho họ hạnh phúc hay thoả mãn được những khao khát nội tâm của họ.

Trong lĩnh vực này, tất cả các phương tiện vật chất đều là con số không. Tất cả các chính sách xã hội đều chỉ có thể làm được một điều, đấy là loại bỏ những nguyên nhân đau khổ bên ngoài. Nó có thể thúc đẩy cái hệ thống có thể cung cấp thức ăn cho người đói, quần áo cho người thiếu thốn, nhà ở cho kẻ vô gia cư. Còn hạnh phúc và an lạc lại không phụ thuộc vào thức ăn, quần áo mặc và nhà ở; mà trên hết, phụ thuộc vào những gì người ta ấp ủ trong lòng.

Chủ nghĩa tự do chỉ quan tâm tới sự thịnh vượng về mặt vật chất của con người không phải là do nó coi thường những đòi hỏi về mặt tinh thần mà là vì nó tin rằng phương tiện bên ngoài không thể nào động chạm đến được những điều sâu sắc nhất và cao cả nhất trong tâm hồn con người. Nó tìm cách tạo ra sự thịnh vượng về mặt vật chất vì biết rằng kho báu tâm hồn, kho báu nội tâm của người ta chỉ có thể xuất phát từ trái tim mà thôi.

Nó không có mục đích nào khác ngoài việc tạo ra tiền đề ngoại tại cho việc phát triển đời sống tinh thần của con người. Và không nghi ngờ gì rằng một người tương đối phát đạt trong thế kỷ XX có thể dễ dàng thoả mãn những đòi hỏi về mặt tinh thần hơn là, thí dụ như một người sống trong thế kỷ X, tức là một người luôn phải lo tìm cái ăn để sống hoặc thoát được kẻ thù đe doạ.

Dĩ nhiên là nếu những người châu Á và những người theo các giáo phái thời trung cổ, tức là những người tu khổ hạnh và những người cho rằng lý tưởng là nghèo khổ và tự do như chim trời hay cá biển, phê phán thái độ của chủ nghĩa tự do thì chúng ta chịu, không thể nào trả lời được. Chúng ta chỉ có thể xin họ cho chúng ta đường ai nấy đi, cũng như chúng ta sẽ không cản trở họ tìm kiếm thiên đường theo cách của mình. Hãy cứ để họ sống thanh bình trong những cái am nhỏ, cách biệt với thế giới của họ.

Tuyệt đại đa số những người cùng thời với chúng ta đều không chấp nhận lý tưởng khổ hạnh. Nhưng khi đã không chấp nhận sống cuộc đời khổ hạnh thì cũng không được phê phán chủ nghĩa tự do vì nó chỉ nhắm đến mục tiêu vật chất bên ngoài.

3. Chủ nghĩa duy lý

Ngoài ra, chủ nghĩa tự do còn bị phê phán là duy lý nữa. Nó muốn điều chỉnh mọi thứ trên đời một cách duy lý, và như vậy là không công nhận rằng trong công việc của con người tình cảm và nói chung những điều không thể hiểu bằng lý tính có và phải có vai trò quan trọng.

Chủ nghĩa tự do công nhận rằng đôi khi người ta cũng hành động một cách thiếu khôn ngoan. Nhưng nếu lúc nào con người cũng hành động một cách hợp lý thì đã không cần kêu gọi họ sử dụng lý trí rồi. Chủ nghĩa tự do không nói rằng lúc nào người ta cũng hành động một cách thông minh, nhưng nói rằng lúc nào họ cũng nên hành động một cách thông minh, đấy là nói theo cách hiểu về quyền lợi của mình. Bản chất của chủ nghĩa tự do là tìm cách làm cho người ta thừa nhận lý trí trong lĩnh vực chính sách xã hội, cũng như nó đã được thừa nhận vô điều kiện trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của con người

Nếu một người được bác sĩ khuyên là nên sống một các hợp lý – tức là sống hợp vệ sinh – mà trả lời: “Tôi biết rằng lời khuyên của ông là hợp lý, nhưng tình cảm của tôi lại cấm không cho tôi làm theo. Tôi muốn làm những việc có hại cho sức khoẻ của mình, mặc dù đấy có thể là phi lý.” Thì chắc chẳng ai có ý kiến gì được nữa. Để đạt những mục tiêu đã đề ra, dù có làm gì thì ta cũng đều cố làm một cách hợp lý.

Một người muốn băng qua đường sắt sẽ không chọn đúng lúc đoàn tàu đang lao tới để bước. Người khâu cúc áo sẽ có gắng tránh để kim không đâm vào tay. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào con người cũng đã phát triển được kỹ thuật hoặc công nghệ hướng dẫn cho họ cách thức hành động nếu họ không muốn trở thành những kẻ ngớ ngẩn. Mọi người đều công nhận rằng làm người ai cũng phải học những kỹ thuật cần dùng trong cuộc đời, còn người bước vào lĩnh vực mà anh ta mù tịt về mặt kỹ thuật thì bị chế giễu là vụng về.

Chỉ có trong lĩnh vực chính sách xã hội người ta mới nghĩ rằng mọi việc phải làm khác đi. Ở đây, không phải là lý trí mà là tình cảm và nhiệt tình mới là quyết định. Câu hỏi: sắp xếp đồ vật thế nào để trong nhà luôn sáng sủa, nói chung thường được thảo luận bằng những lý lẽ thông thái. Nhưng nếu chuyển sang vấn đề nhà máy sản xuất bóng đèn nên để cho tư nhân hay chính quyền quản thì lý lẽ lại không còn giá trị nữa. Ở đây, tình cảm, quan niệm của xã hội – nói tóm lại, không phải là lý trí – đóng vai trò quyết định. Chúng ta cứ mãi tự hỏi: Tại sao?

Tổ chức xã hội loài người theo một khuôn mẫu phù hợp nhất với những mục tiêu đặt ra là một công việc đơn giản và chán ngắt, cũng tương tự như, thí dụ việc xây dựng đường sắt hay sản xuất vải hay đồ gỗ mà thôi. Công việc quốc gia và công việc của chính phủ thực ra là quan trọng hơn tất cả những vấn đề khác trong hoạt động của con người vì chế độ xã hội tạo ra nền tảng cho tất cả những hoạt động khác, và người ta chỉ có thể đạt được mục tiêu của mình trong một xã hội có những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu đó. Nhưng, dù lĩnh vực của những vấn đề xã hội và chính trị có cao quý đến mức nào thì đấy vẫn là những đối tượng do lý trí của con người kiểm soát và vì vậy mà phải được xét đoán phù hợp với những tiêu chuẩn của lý trí.

Trong những vấn đề đó, cũng như trong tất cả những công việc trần tục khác của con người, chủ nghĩa thần bí chỉ có thể là một tai hoạ. Con người có khả năng hiểu biết rất hạn chế. Không thể hy vọng là một lúc nào đó chúng ta có thể hiểu được những bí mật cuối cùng và sâu xa nhất của vũ trụ. Nhưng việc chúng ta không thể biết được ý nghĩa và mục đích của cuộc đời của mình không phải là lý do để ta không thận trọng nhằm tránh những căn bệnh truyền nhiễm hay sử dụng những phương tiện thích hợp trong việc mưu sinh, cũng như không thể ngăn cản chúng ta trong việc tổ chức xã hội nhằm đạt được những mục tiêu mà ta đang phấn đấu một cách hữu hiệu nhất.

Ngay cả nhà nước và hệ thống pháp luật, chính phủ và bộ máy quản lý của nó cũng không phải là cái gì đó quá cao siêu, quá hoàn hảo và quá cao quý đến mức chúng ta không thể suy tư được. Chính sách xã hội cũng là những vấn đề công nghệ xã hội, cũng phải được giải quyết bằng những biện pháp và phương tiện mà ta nắm trong tay trong khi giải quyết những vấn đề kỹ thuật khác: dùng tư duy lý tính và khảo sát những điều kiện đã biết. Lý trí là tất cả những gì làm nên con người và làm cho con người đứng cao hơn loài vật. Thế thì tạo sao trong lĩnh vực chính sách xã hội con người không tin vào lý trí mà lại tin vào tình cảm và lòng nhiệt tình?

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp

Về những người quyết định tự tử

Featured Image: Dave Gingrich

 

“Khi ai đó nhận thấy cuộc đời mình vô giá trị, hoặc là họ tự tử, hoặc là xách balo lên và đi.” – Edward Ehlberg

Trước hết, tôi không nói về giá trị con người, cũng không nói về chủ nghĩa xê dịch, mà nói về cái còn lại trong câu danh ngôn kia: tự tử. Mỗi ngày trên thế giới có hàng ngàn người chết, và một phần trong số họ tự quyết định điều đó. Nguyên nhân là gì, ta sẽ thử lượt qua vài trường hợp:

Đầu tiên, cho thời sự, tôi nói về trường hợp những người trẻ tự tử vì thi rớt đại học. Thất vọng về bản thân, áp lực từ gia đình, hơn thua với bạn bè… và nghĩ: “Thế là hết.” Họ còn quá trẻ để hiểu được thất bại này chẳng là bao so với nhiều trải nghiệm đau thương phía trước. Và họ không có cơ hội để nhận ra rằng: “Sao lúc đó mình ngu ngốc thế?”

Một trường hợp khác, khá điển hình và hay bị gắn mác “dại dột”, đó là chết vì tình, cụ thể là thất tình. Ở giây phút mà “tòa lâu đài tình ái” bị sụp đổ thành tro bụi, họ nghĩ rằng, sẽ chẳng bao giờ có lại được nó. Họ kết thúc cuộc sống để không còn chịu thêm tổn thương nào nữa, hoặc là để khiến kẻ “phá hoại” phải ray rứt… Nhưng, thực tế phũ phàng, chưa có thứ gì ở thế gian này dám đảm bảo sẽ tồn tại vĩnh viễn, huống chi là những cảm xúc tình yêu vốn nóng lạnh thất thường.

Thêm một dạng khác, và nó bắt nguồn từ thất bại. Sau bao nhiêu thành công rực rỡ, đi kèm với những ảo tưởng không giới hạn về bản thân, con người ta dễ dàng quỵ ngã khi những thành tựu gầy dựng bấy lâu biến mất. “Của cải các ngươi ở đâu thì lòng các ngươi cũng ở đó.” (Kinh Thánh), những người đặt niềm tin của mình vào tiền bạc, danh tiếng, địa vị rốt cuộc sẽ thấy trống rỗng khi nó tan biến. Họ không tin mình có thể đứng dậy thì nói chi đến việc tiếp tục sống.

Điểm qua một số trường hợp như thế, và nếu ai muốn có thêm, cứ việc lên mạng mà tìm kiếm. Thậm chí, sẽ tìm thấy rất nhiều nguyên nhân rất “trời ơi” nữa. Nhưng tôi muốn gom những trường hợp điển hình như vậy để thử tìm trong đó một nguyên nhân chung, và tôi gọi nó là “giá trị.”

Mới vài hôm trước, quê tôi xôn xao vì vụ một cậu bé uống thuốc cỏ tự tử. Lý do là cậu ta nhẹ dạ để người ta lừa bán cho một cái điện thoại dỏm với giá cao nên bị mẹ chửi mắng thậm tệ. Đó là một cậu bé khờ khạo với chứng rối loạn tâm thần, nhưng chắc chắn là cậu ta có cảm xúc. Và cái cảm giác bị mẹ mình đánh giá là một đứa chẳng ra gì đã tạo tiền đề cho một kết cuộc bi thảm.

Có một lần, trong một bộ phim, tôi nhìn thấy một nhân vật cũng treo cổ tự tử. Một ông già 70 tuổi, chậm chạp vì bệnh đau khớp, đã trải qua hầu hết cuộc đời bên trong nhà tù. Được trả tự do vì cải tạo tốt, ông được giúp đỡ để có một chỗ trọ và công việc gói hàng ở siêu thị. Nhưng chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, ông đã kết thúc cuộc đời trên dây thòng lọng tại căn hộ tồi tàn trước nhà tù “sẽ chẳng có ai bận tâm vì cái chết của một ông già chậm chạp và đau khớp”. Ở trong nhà tù, ít ra ông còn có một giá trị nào đó.

Ở bất cứ độ tuổi nào, và bất cứ hạng người nào thì vấn đề về giá trị vẫn luôn là một lý do thiết thực để người ta sống. Cho dù không phải để tạo nên những thành tựu vĩ đại gì thì ít ra nếu vẫn còn có người cần đến mình, coi trọng mình thì họ vẫn có động lực để sống.

Tôi không đưa ra lời khuyên cho những người sắp tự tử, ở khoảnh khắc của sự tuyệt vọng và bị chi phối bởi cảm xúc, họ khó mà hiểu được những lập luận lý trí. Vì thế tôi dành lời khuyên cho những người đang sống, những người còn đang mỗi ngày khẳng định giá trị bản thân giữa thế giới rộng lớn này: “hãy cứ khẳng định mình, nhưng nhớ rằng, nếu bạn không thể có được những giá trị lớn thì vẫn có thể sống với những giá trị nhỏ.” Hãy làm quen với suy nghĩ rằng: nếu một ngày những gì mình đang tin tưởng có mất đi thì mình vẫn có thể tiếp tục sống vì một điều gì đó. Và tất nhiên, “điều gì đó” phải do chính bạn tìm thấy.

 

AVKH

Thất bại thì đã làm sao?

Featured Image: Khánh Hmoong

 

Bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống không giết chết bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn

Trong cuộc đời của mỗi người, có lẽ không ai là không ai là không tránh khỏi việc thất bại, bởi chúng ta không phải là thánh để có thể hiểu hết khả năng của bản thân, đoán trước được những sự kiện bất ngờ trong tương lai hay luôn luôn đưa ra được quyết định sáng suốt nhất. Nhưng khi thất bại, có những người cảm thấy sợ hãi hay ê chề, có những người lại luôn ngẩng cao đầu. Vậy sự khác nhau giữa họ là gì?

Trong cuộc sống, mình quan niệm, có 2 loại thất bại:

  1. Không chịu làm gì cả và cuối cùng thất bại.
  2. Cố gắng hết sức nhưng không đạt được những gì mong muốn.

Hãy thử tưởng tượng khả năng của bạn đang ở mức độ 5.

Bạn chọn một công việc dễ dàng, mức độ khó 3. Bạn tin bạn không thể thất bại được, mọi người cũng tin thế. Việc hiểu rằng bạn có thể dễ dàng hoàn thành công việc tạo nên sự tự mãn cho bạn, và bạn quên mất một thực tế rằng: khả năng, kiến thức là những thứ sẽ bị bào mòn theo thời gian nếu không được rèn luyện.

Bạn lười, bạn nhảy vào chơi, bạn không tập trung phát triển bản thân, rồi một ngày bạn chợt nhận ra, công việc mức 3 thật khó với mình. Bạn sợ hãi khi nhìn thấy năng lực của mình suy giảm, sợ hãi khi nhận những ánh mắt chế giếu từ mọi người. Cảm giác ê chề và hối hận lan tràn toàn cơ thể. Làm sao một con người đã từng ở mức độ 5 lại không làm được công việc khó ở mức độ 3 cơ chứ.

Bạn chọn một công việc rất khó, mức độ 10. Ngay từ khi bắt đầu, bạn đã hiểu rằng công việc đó cao hơn khả năng hiện tại của bản thân mình. Nhưng bạn cũng biết rằng, nếu cố gắng đủ lớn, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành công việc. Bạn cố gắng ngày qua ngày, HẾT SỨC có thể, rồi khi hạn chót đến, bạn chợt nhận ra bạn không thể hoàn thành công việc. Công việc này quá sức đối với bạn. Bạn đã thất bại. Vâng, bạn đã không thể đạt đến mức độ 10, nhưng quá trình đào tạo không phải là một sự nhảy vọt từ mức 5 đến mức 10. Đó là sự di chuyển chậm chạp từ 5, lên 6, lên 7… rồi đến 10.

Bạn có thể không tự hào khi đặt mục tiêu vợt quá khả năng, nhưng bạn sẽ tự hào khi bạn đã cố gắng hết mình. Bạn biết rằng bằng sự cố gắng, bạn đã leo được từ mức 5 đến mức 8. Sự cố gắng đó không phải là một trải nghiệm vô nghĩa. Mọi người có thể đánh giá bạn khi thất bại, nhưng tin tôi đi, bạn đừng nên bận tâm làm gì, bởi họ không nhìn thấy quá trình cố gắng của bạn thôi. Hãy cứ đi tiếp, trải nghiệm rồi thất bại. Rồi một ngày, bạn sẽ làm cho mọi người bất ngờ trước sự tiến bộ vượt bậc của bạn. Bạn tiến bộ trong âm thầm và lặng lẽ (vì toàn thất bại :)) ) chứ không phải trong trống và kèn hoa.

Điều hoàn hảo nhất có thể xảy ra khi đặt mục tiêu là mục tiêu đủ cao để làm bạn cố gắng hết sức nhưng cũng vừa tầm để bạn có thể chạm tay vào được. Nhưng làm thế nào để biết được mục tiêu ra sao là vừa đủ. Không ai có thể hiểu hết khả năng của bản thân và từng góc cạnh của mục tiêu một cách toàn vẹn.

Vì thế, bạn đừng nghĩ nhiều làm gì. Hãy cứ đặt mục tiêu rồi thất bại: lần đầu tiên, bạn đặt mức độ 20 – không thành công, lần thứ 2 – 15 – không thành công, lần thứ 3 -10 – thành công hoặc không thành công. Hãy hiểu rằng, thất bại khi không làm gì khác với thất bại khi cố gắng hết sức. Thất bại trong cố gắng không những giúp bạn hiểu hơn về khả năng hiện tại mà còn gia tăng giá trị cho bản thân. Khi bạn thất bại đã đủ nhiều, bạn sẽ biết khả năng của bạn đến đâu và việc đặt mục tiêu sẽ chính xác và dễ dàng hơn nhiều. Chính vì thế, đừng sợ hãi trước thất bại.

 

Nguyễn Đình Tùng

Kẻ 20 xem kịch 20

Ba tôi từng nói: “Đó giờ xem kịch chỉ Dạ Cổ Hoài Lang là hay nhất, ngay cả Bí Mật Vườn Lệ Chi hay Ngàn Năm Tình Sử có công phu mấy cũng không bằng. Đơn giản, nhẹ nhàng vẫn là nhất.” Còn những người trẻ như tôi, xem kịch phải xem hài vừa vui, vừa giải trí. Cả ngày mệt lắm rồi, dại gì rước thêm “bi” vào cho nặng mình, để dành nước mắt cho chuyện của mình còn hơn là chuyện của người.

Thế nên, khi “Dạ Cổ Hoài Lang” được dựng lại sau 20 năm ở sân khấu Idécaf thì tôi cũng không hào hứng lắm. Trong suy nghĩ của tôi thì chắc vở này nói về chuyện yêu đương những năm 30-40 thế kỷ trước, đúng như cái tên gọi của nó, chắc là hội đồng-tá điền-kép hát thôi… Nhưng không, bối cảnh câu chuyện diễn ra xuyên suốt ở nơi đất khách, lạnh lẽo, trống trải… nơi mùa đông tuyết che lấp đi mọi nẻo đường. Đó cũng là câu chuyện đầy tình cảm, nam có, nữ có, nhưng tuổi đời, lối sống, suy nghĩ của họ cách xa nhau cả 2 thế hệ.

Chú Thành Lộc vẫn hoạt ngôn, làm chủ vở kịch, một ông Tư già bị gia đình đứa con bỏ trong viện dưỡng lão (nơi mà ông hay gọi vui là “trại tâm thần”). Ông thèm được ở gia đình con, được sống cùng gia đình đứa con trai duy nhất, cùng đứa cháu nội tuổi mới lớn với những suy nghĩ bồng bột (mãi đến sau này tôi mới biết, hình tượng ông Tư được khắc họa trên chính hình tượng NS Thành Tôn – ba của chú).

Một ông Năm – Hữu Châu là người bạn thân nhất của ông Tư, hai người cùng làng, cùng lớn lên, cùng yêu một người, để rồi vì tài nghệ kép hát mà ông Tư lấy được bà Tư, còn ông Năm đành tức tưởi bấy nhiêu năm chỉ vì không biết hát. Họ gặp nhau ở trời Tây, trở thành đôi bạn mấy mươi năm, họ thèm quê hương, họ thèm được thấy lũy tre, bờ đê, con sông, thèm mùi đất của quê mình, thèm cả những trò “nghịch dại” mà khi nhỏ từng chơi.

Đúng ngày giổ của bà Tư, ông Tư trốn viện về nhà, định làm mâm cơm cúng bà Tư nhưng con trai đi làm quên giỗ mẹ, cháu nội thì lo cho người yêu nên ông phải lén “mượn” cái bánh kem của đứa cháu làm tặng bạn trai để cúng cho bà. Ông Năm là khách mời duy nhất của lễ giỗ, họ lại hát “Dạ cổ hoài lang”, họ trách quá khứ, họ khóc cười cùng kỷ niệm quê hương.

Đỉnh điểm cho bi kịch khi đứa cháu gái tức giận khi ông nội điên quấy phá gia đình, ông treo những tấm màn có lũy tre, con sông, bờ đê do chính tay ông vẽ nên trong những ngày ở viện. Nó gào khóc trút hết sự tức giận, sự sợ hãi lên đầu ông nội, nó sinh ra tại một đất nước xa xôi không biết quê hương là gì, chỉ thấy quê hương qua hình ảnh hai lão già điên lâu lâu lại lẩm bẩm một mình hay thậm chí leo lên mái nhà giữa trời tuyết, nó kinh sợ ông nội vì cho rằng ông quậy phá, điên khùng, bệnh hoạn, lén đọc nhật ký của ba nó, làm khổ gia đình, ông là gánh nặng khiến ba mẹ nó suốt ngày cãi vả, ông là người khiến ba nó phải làm việc suốt ngày mới đủ trang trải cho cuộc sống. Nếu quê hương là hình ảnh ông nội và ông Năm thì nó sẵn sàng chối bỏ và không cần cái quê hương đó.

Bao nhiêu hiểu lầm của đứa cháu gái được giải bày sau khi ông nội cùng ông Năm khoác tay nhau bước đi giữa trận bão tuyết. Nhờ người bạn trai khuyên bảo, đọc cho nó nghe cuốn nhật ký của ba nó, nó mới biết được sự thật.

Sở dĩ ba nó không muốn nhắc về Việt Nam vì ba má nó sợ nó bị trả thù. Bởi trong lần vượt biên ra đi, ba má nó lênh đênh trên biển, trôi dạt khắp các thuyền bè, hòn đảo. Ba nó nghe được âm mưu của nhóm người giả vờ nhân đạo nhưng thực chất là muốn cướp bóc, hãm hiếp rồi đục thuyền cho chìm giữa biển, nên chuyến đó ba má nó giả bệnh không lên thuyền. Chính nhờ vậy mà bảo toàn mạng sống và vượt biên thành công.

Từ đó, ba nó sợ, ba nó ám ảnh về sự hèn nhát của mình. Ba nó khát khao về quê hương nhưng lại sợ, ba nó nhớ quê hương da diết nhưng hình ảnh vượt biên năm nào lại làm ba nó sợ. Bằng cách nào đó, ba nó làm thật nhiều tiền mong rước ông bà nội nó qua, nhưng bà không kịp đi nên mãi mãi nằm lại trên quê hương, còn ông nội đó cũng không muốn rời khỏi quê hương, muốn bên cạnh bà, nhưng lời trăn trối trước khi chết bà muốn ông sang đoàn tụ gia đình.

Cũng chính bi kịch vượt biên đã khiến người cha ám ảnh về quá khứ, đứa con gái không hiểu chuyện nghĩ xấu về ông nội, gia đình, về quê hương. Nó chối bỏ quê hương bởi nó nghĩ ba nó cũng ghét quê hương nhưng thực ra đó là sự thèm khát được trở về nhưng không dám. Nhờ những dòng chữ, những bức ảnh người bạn trai chụp được trong chuyến về Việt Nam, nó mới thấy được quê hương của nó đẹp lắm.

Quê hương của nó là con sông ông nội đã chèo ghe ra giữa dòng để báo cho cả làng ngày nó ra đời. Quê hương của nó là cây khế trước sân mà bà nội đã chăm sóc, chờ nó về hái quả. Quê hương của nó chính là ông nội, là bà nội, là ông Năm… Khi nhận ra mọi thứ, nó chạy ra đường để tìm ông nội và ông Năm đang đứng trên nóc nhà giữa trời giá lạnh, nó muốn òa khóc xin lỗi, mong được tha thứ vì sự nông nỗi của mình

Ông Tư và ông Năm đi tìm quê hương trên những ống khói nhấp nhô như hình chiếc nón lá, tuyết phủ bao quanh làm hai ông gợi nhớ hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha nón lá đến trường. Đó là quê hương, quê hương ở khắp mọi nơi nếu trong trái tim mình luôn khát khao, mong mỏi. Hai ông lại ngân nga “Dạ cổ hoài lang”, lần này ông Năm hát cho ông Tư nghe, tuyết vẫn rơi dầy. Ông Tư chết trên vai người bạn tri kỷ nên nóc nhà đầy tuyết, trong tiếng hát “Dạ cổ hoài lang” khàn đục của ông Năm, ông đã về với quê hương, khi đứa cháu gái chưa kịp nói lời xin lỗi.

Khán giả vỗ tay liên tục, khiến 4 diễn viên cúi chào rất nhiều lần, đâu đó sụt sịt tiếng khóc. Tôi thậm chí nhìn thấy dòng nước mắt hiện rõ trên gương mặt của Chú Thành Lộc, Chú Hữu Châu, Anh Lương Thế Thành và cả Chị Vân Trang. Có người nhớ quê hương, có người nghĩ phận đời, có người cảm thông cho người thân xa xứ, có người chua xót cho phận đời vượt biên…

“Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc đừng lạt phai…
Thiếp nguyện theo chàng
Nguyện cho chàng hai chữ an bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi…” – Đó là khi tôi thấm thía câu nói của ba.

 

Vy Nguyen

Tiếc nuối…

Featured Image: Vitaly & Julia Zaporozhenko

 

Cuộc đời con người là một chuỗi những điều tiếc nuối. Có những tiếc nuối mà qua thời gian có thể sửa sai được, tuy nhiên điều.. tiếc nuối nhất lại là có những sự việc, vấn đề đã qua đi mà khi nhìn lại dù có thời gian ta cũng không thể sửa chữa được. Với tôi, điều tiếc nuối nhất là đã… đi học đại học!

Nếu thời gian quay trở lại, nếu ngày xưa có nhiều thông tin như bây giờ? Nếu như trước kia có được những thông tin quý giá như… sự bỏ học giữa chừng của những thiên tài sáng tạo như Bill Gates, Steve Jobs… Nếu như ta biết được rằng, trước kia phải mất nhiều năm để đào tạo những tiến sĩ làm việc cho các công ty chứng khoán Mỹ giúp giải quyết những bài toán tích phân thì bây giờ để giải những bài toán như thế, những người trình độ bình thường chỉ cần tham gia một khóa học kỹ năng giải Toán cao cấp vài tháng là giải được (ý một bài viết trên báo TG & VN)!

Nếu như hiểu được sâu sắc câu nói của Albert Eistein: “Sự sáng tạo quan trọng hơn tri thức.” Nếu như được nghe sớm câu nói của Bố Già Vito Corleone với con trai Maicon: “Bốn năm học ở đại học của mày không bằng một đêm đi nhà thổ.“ (Bố già – Mario Puzzo). Nếu như ý thức được rằng “tự học, tự học mọi lúc mọi nơi, tự học suốt đời” mới là hình thức giáo dục cao nhất và đúng đắn nhất. Nếu như biết sớm rằng trong tình hình giáo dục khủng hoảng thì “tự giáo dục” là quan trọng nhất.

Dù biết “Tất cả những gì tôi có được là nhờ sự học tập” (Barack Obama); “Vấn đề giáo dục được coi là tuyệt đối trong mỗi gia đình Việt Nam” (trích bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu tại lễ chúc mừng nhân GS đoạt giải Field); “Tri thức là sức mạnh” (Francis Bacon) nhưng cũng chỉ nên đi học đại học khi nào nền giáo dục nước ta thực sự trung thực, thực sự phát triển. Còn nền giáo dục như hiện nay của chúng ta thì… không nên đi học đại học làm gì mà nên… tự học, tự nghiên cứu chắc sẽ tốt hơn là đi học đại học!

Không nên phí hoài thời tuổi trẻ sung sức nhất cả về sức khỏe lẫn open-minded (tâm hồn rộng mở), tiền bạc trong bốn năm đại học của mình trên giảng đường với những bài học vô bổ; những buổi học thụ động: thầy đọc, trò chép; những buổi học không có chút sáng tạo nào… Nhưng thời gian trôi qua mất rồi, biết làm sao được bởi tôi… đã đi học và đã học xong… đại học. Thật tiếc nuối nhưng… “C’est la vie” – Đời là thế!

Nếu thời gian quay trở lại, tôi sẽ… bỏ học ngay trong buổi đầu tiên bước chân đến giảng đường! “Trả lại cho em khung trời đại học, con đường đi học đầy hoa điệp vàng, đầy lá me bay, đầy hoa phượng đỏ…” để lao vào cuộc sống. Lao vào cuộc sống ở đây không phải là rồi sẽ đem tiền mua bất động sản để đầu cơ; khai thác tài nguyên rồi bán rẻ cho nước ngoài… – những cách làm ăn ít có tác dụng tích cực thậm chí chỉ làm hại trong việc thúc đẩy sự phát triển đất nước mà thôi.

Đó là những cách làm ăn ở tầm thấp: manh mún, tủn mủn mang tính chộp giật và nhất thời; là tư duy và suy nghĩ của nhân loại trăm năm về trước; là những lối mòn mà người ta đã đi mòn gót. “Việt Nam đang cố gắng học những gì chúng tôi đã bỏ đi” (Sao quê hương mình già nua đến vậy? – TS Alan Phan)… “Sao chúng ta không cạnh tranh sản xuất những sản phẩm kiểu như iPad, máy Photocopy… mà chúng ta lại chỉ đi cạnh tranh ở việc sản xuất những sản phẩm kiểu như thùng đựng rác…” (ý một bài viết trên Vietnamnet).

Tôi sẽ lao vào cuộc sống với tâm thế của một người trẻ có tri thức, nhiều khát khao cống hiến, open – minded… với hướng đi chắc chắn sẽ là tập trung vào nghiên cứu sáng tạo rồi thương mại hóa sản phẩm trí tuệ của mình (giống như các công ty sáng tạo). Nếu như đi theo hướng này thì sẽ gặp vô vàn khó khăn nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, và quan trọng nữa là có nhiều thời gian thì chắc chắn là sẽ có nhiều cơ hội để thành công, sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Mà thành công hay không thành công thì mình đã có thể phát triển tới giới hạn của mình (một ý trong tiểu thuyết siêu kinh điển Suối Nguồn), được là mình. Và đây mới là điều quan trọng nhất của cuộc đời!

Một phần khác của tâm trạng tiếc nuối là khi nghĩ đến nhiều bạn trẻ học sinh, sinh viên những thế hệ sau. Các bạn vẫn đi vào lối mòn mà nhiều thế thế hệ trước đã đi mòn gót, vẫn “cố gắng sáng tạo cái bánh xe”… Rất nhiều bạn học sinh, sinh viên vẫn đang từng ngày từng giờ phí hoài điều quý giá nhất của mình là tuổi trẻ. Bây giờ mà gặp một bạn trẻ say sưa đọc sách thì hiếm lắm. Hỏi các bạn trẻ có biết những tác phẩm kinh điển như Bố Già, Cuốn Theo Chiều Gió, Suối Nguồn, Số Phận Con Người, Bà Bôravy…hay không thì phần lớn câu trả lời là: không!

Bởi họ còn đang mải chạy theo các giá trị ảo với minh chứng là số hồ sơ vào các trường Kinh tế, Tài chính (những yếu tố liên quan đến phần ngọn của sự phát triển của quốc gia) tăng cao; trong khi số hồ sơ vào các trường KHKT, nghiên cứu cơ bản (những yếu tố liên quan đến phần gốc của sự phát triển của quốc gia) giảm. “Nhà đầu tư nước ngoài hấp dẫn bởi dân số trẻ trung của người Việt Nam nhưng sau khi họ đến họ đã thất vọng. ‘Những người trẻ suốt ngày coffee, nhậu nhẹt, bài bạc, thụ động sẽ không đồng nghĩa với sự sáng tạo. Những người này sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước đây? Sao quê hương mình già nua đến vậy ?” (TS Alan Phan).

Nếu may mắn được đi học thì hãy học, hãy cháy hết mình. Ngược lại, nếu lười học, không đam mê ngành học… thì hãy dừng học ngay lập tức để cho không phí hoài tuổi trẻ bạn nhé. Người ta nói “những gì khi mất mới thấy tiếc” không sai. Hãy đừng để mất rồi mới hối hận, đừng lãng phí tuổi trẻ của mình nữa, tỉnh lại đi các bạn trẻ ơi, tỉnh lại đi trước khi quá muộn!

Là người đã có chút trải nghiệm trong cuộc sống nhưng nhiều lúc tôi vẫn chảy nước mắt vì tiếc nuối đã đi học đại học. Những lúc như thế tôi lại tự nhủ lòng mình: “Thôi mà, thời gian đã qua rồi, không thể lấy lại được.“ Để tự an ủi. Vả lại những suy nghĩ như trên cũng là do những sự trải nghiệm từ những năm học đại học, từ những… va đập (chữ của Nguyễn Trần Bạt) trong cuộc sống mới có được. Những suy nghĩ đó nhất định là sự định hướng cho mình những bước đi tích cực tiến tới tương lai! “Ta không đoán định được tương lai nhưng cuộc đời là kết quả của sự kết nối những gì ta nghĩ, ta làm…” (Steve Jobs).

Giờ đây, tôi sẽ bước vào cuộc sống với tâm thế của một người trẻ có tri thức và open-minded… “Nếu một khi Scalett này đã muốn là sẽ thực hiện được! Và ngày mai sẽ là một ngày mới.” (câu kết của tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió). Vâng đúng vậy, mà không phải ngày mai, hôm nay sẽ là một ngày mới…

 

Phạm AQ
(HN, 08-2014)

Văn hóa – Ước gì tôi có thể tự hào!

 

 

Lâu lắm tôi mới xem truyền hình, sáng hôm rồi, khi ở lại nhà cô bạn thân trong chuyến công tác. Chưa kịp mở mắt tôi đã nghe tiếng TV véo von cái gì đó, lặp đi lặp lại cụm từ “Tôi tự hào là người Việt Nam.” Bất giác tôi thở dài. Tôi ước chương trình đó được phát thật lâu, đủ cho những người có mặt trong clip, mỗi người đủ thời gian để nêu lên một lý do, rằng họ tự hào về điều gì, lý do gì khiến họ tươi cười rạng rỡ nói rằng “tôi tự hào là người Việt Nam”? Tôi thật sự muốn nghe, muốn biết những lý do đó? Tôi thật sự muốn biết nguyên do làm sao mà tôi lại không thể có được cái cảm giác như họ đang có, cái cảm giác tự hào, tươi cười nói với mọi người xung quanh rằng tôi tự hào? Nói như Bá Dương trong cuốn Cái Vại Tương: “Mỗi khi nghe những người Trung Quốc tự hào về những nét đẹp của người Trung Quốc, tôi bực bội vì cảm thấy không được dự chút phần nào vào cái niềm vinh dự và tự hào to lớn đó.”

Chẳng lẽ tâm hồn tôi chai đá không biết cảm nhận, hay do môi trường đã thay đổi mà tôi không kịp thích nghi? Ồ không, nhớ lại thì trước đây tôi cũng tự hào về nhiều điều lắm chứ. Tự hào về đất nước anh hùng, vì đã có được hai chiến thắng thần thánh đánh cho bọn đế quốc khổng lồ chạy té khói, tự hào về một đất nước giàu đẹp, đầy ú tài nguyên, đậm đà bản sắc văn hóa, tự hào về cái nguồn gốc con rồng cháu tiên dù chẳng tí nào tin mình có chút máu rồng tiên nào trong người cả. Rồi cụ thể hơn, tôi cũng từng tự hào lắm, rằng người Việt Nam được cả thế giới yêu mến, tự hào rằng có cả mớ các nước xếp hàng sau Việt Nam, tự hào là đất nước yên bình nhất, hạnh phúc nhất. Tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, xuất khẩu cafe đứng thứ ba vân vân và vân vân. Ôi, nhớ lại những ngày xưa tôi có nhiều cái để tự hào thế cơ mà, thật là hạnh phúc.

Còn bây giờ. Tự hào ư? Tôi không thể. Tại sao tôi lại không được dự phần vào cái sự tự hào của mọi người như trước nữa? Tại sao? Có lẽ từ khi tôi biết rằng nước tôi xuất khẩu gạo nhiều nhất nhưng dân tôi vẫn còn người chết vì đói, tự tử vì không muốn con mình bị chết đói. Có lẽ từ khi tôi nhận ra nước tôi xuất khẩu cafe hàng đầu nhưng dân tôi uống cafe bẩn nhất. Có lẽ từ khi tôi biết rằng nước tôi 70% làm nông nhưng gà nhập, heo nhập, rau nhập, trái cây nhập, nói như Tony đến tăm xỉa răng cũng phải nhập. Trong khi ấy, người nông dân nước tôi đổ nông phẩm được mùa cho bò ăn, đổ hoa màu rau củ xuống sông vì không có người thu mua, vì bị ép giá, vì trăm ngàn lý do khác mà hàng ngàn thạc sĩ, cử nhân, tiến sĩ đang ngồi không đợi việc không mấy ai chịu tìm ra cách cứu vãn người dân nước mình, cữu vãn tình trạng thất nghiệp của mình. Từ khi tôi nhìn thấy hàng đoàn xe cơ giới nối đuôi nhau chở những thân cây khổng lồ, chở tài nguyên, quặng mỏ rời khỏi đất nước. Và lại chở về đây nào nội tạng thối, nào rác thải công nghiệp, quần áo si-da… Từ khi tôi được nghe rằng người dân tôi đi ra nước ngoài bị đối xử, bị ghét bỏ, bị xa lánh. Vì những người cùng dòng máu rồng tiên khác vì chút lợi hèn mọn mà đang tâm làm hoen ố hình ảnh của cả một quốc gia, khiến cả một dân tộc bị đối xử như những người tệ hại.

Tôi tự hào nổi không khi khắp phố xá nước tôi toàn bảng hiệu tiếng nước ngoài, còn tiếng nước tôi được trang trọng đặt trên những bảng cảnh báo, cảnh báo ăn trộm, cảnh báo trốn vé, cảnh báo lấy quá nhiều đồ ăn… Tôi tự hào được không khi những nước xuất phát sau nước tôi, như Cambodia, giờ đang vượt mặt nước tôi mọi lĩnh vực. Họ sản xuất được xe hơi riêng cho dân họ rồi, họ xuất khẩu gạo đi các thị trường khó tính nhất rồi, còn nước tôi, xe đạp xe máy đều nhập, xe hơi là thứ phương tiện an toàn, văn minh thì bị tìm mọi cách để hạn chế, bằng thuế phí, bằng hạ tầng còn gạo nước tôi xuất nhiều nhưng chỉ xuất đi các nước trong khu vực hoặc qua Châu Phi?

Tôi tự hào nổi không nền văn hóa ngàn năm văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc đang ngày càng nát bét và xuống dốc thảm hại. Văn hóa ư? Văn hóa lúa nước, văn hóa xe máy, văn hóa lũy tre làng, văn hóa tiểu nông, nói toẹt như Đinh Tấn Lực đăng trên góc nhìn Alan, chúng ta là cường quốc văn hóa, văn hóa nhậu, văn hóa đi đêm, văn hóa tự xử, văn hóa phao, văn hóa mặc kệ… Chọn một cái để tự hào về văn hóa thì chọn cái nào đây? Cần cù chăm chỉ siêng năng ư? Thế mà tôi thấy bài viết Đất nước của những kẻ lười biếng của Lục Phong trên Triết Học Đường Phố được ủng hộ và chia sẻ nhanh quá quá chừng.

Hiếu học ư? Hiếu học mà không hiếu hành thì tác dụng gì? Hùng cường mạnh mẽ, hiên ngang bất khuất ư? Ngoại trừ những ngư dân đương đầu với tàu Trung Quốc ngoài biển để cố giữ biển, giữ nước thì còn ai làm được điều đó? Dũng cảm gan dạ ư? Đến nói không thích một thế lực hắc ám còn sợ hãi như sợ Voldermort thì dũng cảm chỗ nào? Chân Thiện Mỹ ư? Đâu, chỗ nào? Thật thà chân thực ư? Có không ở thời này, từ trung ương đến địa phương, từ sách vở tới đời sống? Đoàn kết ư? Nếu dân tộc tôi đoàn kết thì chẳng cần gì phải hô mãi khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, thì bà chị Hoa chẳng thể dám mang một cái tăm qua nước tôi chứ đừng nói tới hàng hóa độc hại, cái học viện bị thế giới tẩy chay hay một cái hạm to chù ụ như cả hòn đảo vô tư đi lại trên biển nước tôi như đi bát cảnh như thế. Thì người dân nước tôi đã chẳng chửi bới nhau trên mọi diễn đàn, thì các thế lực hắc ám chẳng thể ngang nhiên lộng hành đến thế này…

Ông Dương Trung Quốc mới đây đã nói nền văn hóa này đang kéo dân tộc chúng ta tới bờ vực thẳm. Thế thì rõ ràng văn hóa không thể dùng làm lý do để tự hào rồi. Hòa bình và hạnh phúc nhất ư? Có đáng để tự hào khi số người chết vì tai nạn và bệnh tật hàng đầu thế giới, có đáng để tự hào khi ai mở miệng trình bày một quan điểm trái với sự định hướng là sẽ bị mọc đuôi hoặc quản chế liền? Sau cùng là hai cuộc chiến thần thánh, tôi cũng từng tự hào về nó đấy, nhưng là cái thời ngu muội chỉ biết nghe và tin thôi, còn khi tự mình tìm hiểu thì tự hào ư? Tôi không dám nhắc về hai chữ ấy.

Như một câu chuyện vui không biết có thật không mà tôi mới đọc đây sẽ giải thích điểm này cho những bạn vẫn chưa chấp nhận. Một vị lãnh đạo trong chuyến công tác ngoại giao đã nói: “Tôi tự hào dân tộc tôi đã giành chiến thắng lừng lẫy trong hai cuộc chiến với bọn đế quốc thực dân.” Đáp lại lời ông, vị lãnh đạo nước kia trả lời: “Tôi thì tự hào vì dân tộc tôi không phải trải qua cuộc chiến nào cả.”… Vậy thì, trong cái niềm tự hào to lớn được phát trên ti vi kia? Ai đó có thể cho tôi biết điều gì khiến họ tự hào?

Không biết mọi người đang nghĩ gì, dân tộc tôi đang cảm thấy sao, các bạn trẻ quanh tôi đang nghĩ như thế nào, còn tôi, tôi chán lắm rồi. Chán lắm lắm rồi.

Sống trong một thành phố nhỏ xinh đẹp trong lành, tôi chán nhìn những đoàn xe chở quặng boxit đi qua đây về Trung Quốc mỗi ngày. Tôi chán cảnh người ta đào tung nhổ hết những cột đèn giao thông vẫn hoạt động ngon lành để thay bằng những cột mới chẳng khác gì chỉ là to hơn một chút. Cả thành phố mấy chục cột như thế, để làm gì, tác dụng gì? Việc đó tốn kém bao nhiêu? Trong khi cũng khắp cả thành phố, tôi kiếm không ra một cái thư viện công cộng nhỏ? Tôi chán cái tuần lễ văn hóa trà không một hoạt động nào liên quan tới trà, ngoài một bài hát có tên đi hái trà gì đó trong đêm văn nghệ, một vài gian hàng bán đồ phong thủy tiểu cảnh và đèn đóm thắp nhiều hơn một chút cùng tấm bảng chào mừng rất to. Tôi chán những cái cổng khu phố văn hóa, bản làng văn hóa, gia đình văn hóa ở khắp mọi nơi. Chán những câu biểu ngữ phát động phong trào hết sức ngô nghê, sai chính tả, vô nghĩa hoặc không tác dụng gì với ai cả treo khắp mọi ngóc ngách phố phường… Đấy là mới ở cái thành phố nhỏ này thôi.

Rộng hơn ư? Tôi chán những công trình ma, công trình dang dở hay những công trình chưa xong đã sập ở khắp mọi nơi. Chán sự lười biếng của tuổi trẻ. Chán thứ tình yêu mù quáng của những phụ huynh. Chán nền giáo dục. Chán những câu hứa lèo, những phong trào sớm nở tối tàn, những phát ngôn của người nổi tiếng. Chán từ giá cả xăng dầu, giá trị đồng tiền Việt cho tới cái đường truyền internet tệ hại chỉ cần một con cá mập để đổ lỗi là xong. Tôi chán sự thờ ơ của mọi người đối với đồng bào, đối với dân tộc. Chán cả ngành truyền thông chỉ biết đến chiêu trò và quảng cáo. Truyền hình thì toàn cảnh lố lăng, báo chí thì cướp hiếp giết tin sốc, lộ hàng. Âm nhạc phim ảnh nước ngoài được giới trẻ yêu mến gấp vạn lần trong nước. Nghệ sĩ thì chiêu trò. Kinh tế thì tụt dốc. Chán cái nợ công, cái chính sách nhún nhường, cái văn hóa xe máy. Chán những “đầy tớ giàu sụ” và những “người chủ sống bần cùng”. Chán cái trang Chân Dung Quyền Lực dám bóc mẽ những sự thật xấu xa. Chán khủng khiếp nhất là thái độ của mọi người về tất cả những thứ đó, một sự cam chịu, thờ ơ, câm lặng hoặc bàng quan đến rợn người… Kể cho hết những cái chán thì không biết bao giờ mới hết được đây.

Này, đừng ai nói rằng vẫn có chỗ tốt, rằng không phải ai cũng xấu, rằng có người này người kia… Chả lẽ tôi lại không biết à? Nhưng rồi sao? Một vài người không như thế có làm cho cả xã hội không như thế? Xã hội mà chỉ có một điều tốt bị vây quanh bởi một trăm điều xấu vẫn đáng để tự hào ư? Một ai đó đang cố gắng thì liệu có tạo nên thay đổi gì cho cả xã hội?

Tôi chán lắm rồi khi cầm hộ chiếu du lịch bị giữ lại rất lâu ở hải quan, tôi còn nghe kể có những trường hợp chỉ cần là con gái Việt qua Sing sẽ bị từ chối ngay không cần lý do nữa. Tôi chán lắm rồi khi nghe chính bạn tôi sống tại Hàn kể về cách thức người Việt tại đó trộm đồ siêu thị rồi vội vàng phi tang khi bị kiếm tra. Tôi chán lắm rồi khi nghe nói người Cambodia xa lánh người Việt, một hội chợ bên Âu từ chối người Việt tham quan, hải quan Thái tỏ thái độ với hộ chiếu Việt, người Hàn người Đài xem nước Việt như cái chợ chọn vợ khi họ không thể lấy ai ở chính nước của họ. Tôi chán kinh khủng khi đọc những dòng cảnh báo bằng tiếng Việt trên khắp thế giới. Có lẽ nào địa vị nước tôi, văn hóa nước tôi lại tồi tệ đến như thế sao?

Tôi thèm được ngẩng cao đầu khi ra nước ngoài, thèm được cầm hộ chiếu một cách nâng niu, tôi thèm tên Việt Nam được vinh danh trên các đấu trường, người Việt được yêu quý và tiếng Việt được nhiều người muốn học. Thèm lắm chứ. Nhưng tại sao tôi không thể? Có cách nào để tôi cùng được dự phần tự hào với những người đang tươi cười trên tivi kia không?

Sẽ có người cho rằng tại sao tôi không nhìn vào mặt tốt mà chỉ nhìn vào mặt xấu, rằng than thở thì có ích gì, rằng tôi đã làm được gì cho đất nước chưa? Tôi xin trả lời rằng tôi phát chán luôn cả họ.

Đến bao giờ người ta mới chịu nhìn vào lỗi để mà sửa, nhìn vào nhược điểm để mà thay đổi, nhìn vào yếu kém để mà đấu tranh? Đến bao giờ mọi người mới chịu thôi tự hào để thay vào đó là trạng thái xấu hổ để mà tiến lên? Đến bao giờ người ta mới chịu bắt bệnh để mà chữa bệnh chứ không đợi bệnh quá nặng mới vội vàng chạy chữa trong vô vọng? Đến bao giờ người ta mới nhận ra văn hóa của chúng ta đang đậm mùi chứ không phải đậm đà? Đến bao giờ người ta mới chủ động tìm kiếm giải pháp và thực hiện thay vì chỉ trích nhau, chỉ trích những người dám đứng ra chỉ trích?

Mỗi ngày được tiếp xúc với thông tin, kiến thức về thế giới ngoài kia bao nhiêu tôi lại càng chán bấy nhiêu. Bạn có thật sự vui không khi nghe báo chí hôm nay ca tụng văn hóa Nhật Bản, ngày mai tôn vinh những gì Israel làm được, ngày mốt ngợi khen thành quả của Singapore, Hàn Quốc hay thậm chí cả bạn hàng xóm Cambodia. Bạn có hạnh phúc không khi một bản nhạc hot Hàn Quốc vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm, những bà nội trợ khóc lên khóc xuống cùng những đau khổ của các nhân vật trong phim Hàn, phim Đài? Giới trẻ hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà. Và mới đây là facebook ngập tràn người muốn hóa thân thành Võ Tắc Thiên… Nói về đất nước mình chán một thì khi nghe về sự tiến bộ của nước người tôi lại càng chán hơn. Nếu văn hóa nước tôi đủ đậm đà, đủ đẹp và đủ mạnh liệu nó có dễ dàng để cho văn hóa ngoại len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống và được người dân tôi yêu mến đến thế?

Bạn nghĩ tôi bi quan ư? Không, bạn không biết được cuộc sống riêng của tôi đang ổn và lạc quan đến mức nào. Đặc biệt từ khi tôi từ chối xem các chương trình truyền hình, từ chối các kênh tin tức nóng mỗi ngày, từ chối dự phần các trào lưu của giới trẻ. Tôi đang sống rất hạnh phúc. Vậy mà vẫn không cảm thấy tự hào, là nghĩa làm sao? Vì tôi không muốn sống mãi trong cái xã hội như thế, tôi không muốn bạn bè tôi, anh em tôi không được hạnh phúc như tôi vì họ vẫn mê mải trong cái ma trận văn hóa giả tạo. Tôi không muốn dân tộc tôi suốt ngày đi ca tụng văn hóa nước ngoài, dù chính tôi cũng ca tụng nó. Tôi không muốn con cái tôi sống trong bối cảnh văn hóa tệ nạn mục nát như thế này. Tôi thật sự không muốn. Tôi cũng chắc chắn rất nhiều người cũng không muốn những điều đó như tôi, nhưng làm sao đây?

Tôi ước gì mình có thể tạo ra sự thay đổi chỉ bằng cách vào tủ điện thoại yêu cầu của Doremon. Tôi ước mình có đủ sức mạnh và tài trí để tác động lên ý thức của mọi người. Tôi ước mình tài giỏi và xinh đẹp như người nổi tiếng để lời nói của tôi được quan tâm hơn. Tôi ước mình là một thương nhân giàu có để thật nhiều người vì thích tài sản của tôi mà lắng nghe tôi nói. Tôi ước gì mình có đủ thời gian để thuyết phục từng người một. Ước gì mình không cứ mãi ngô nghê thế này để mong mỏi một điều vô tưởng xảy ra. Ấy vậy mà tôi vẫn mong, tôi vẫn ước.

Tôi ước cả dân tộc tôi đồng lòng tạo ra sự thay đổi. Vì tôi biết rằng sự thay đổi được tạo ra từ chỉ ba yếu tố thôi: Một ý tưởng lớn, thật nhiều người cùng đồng lòng tham gia và hành động. Không thể thiếu một trong ba. Không thể. Nhưng nếu đủ cả ba yếu tố, nhất định một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra. Vậy thì, ý tưởng thay đổi, cải tổ văn hóa, làm sống lại cái hồn dân tộc liệu có đủ lớn? Nếu đủ rồi thì bao nhiêu người sẵn sàng tham gia cuộc cải tổ này. Đồng ý tham gia rồi đấy nhưng mọi người có sẵn lòng hành động? Mọi người có sẵn sàng đánh đổi những giờ đọc tin tức, xem gameshow để đọc sách? Mọi người có sẵn sàng bỏ thời gian làm việc kiếm tiền để dạy dỗ giáo dục con cái mình thay vì nhường mọi trách nhiệm cho nhà trường? Mọi người có sẵn lòng cư xử lịch thiệp với nhau. Sẵn lòng cảm ơn và xin lỗi ngay trước khi người kia mở lời? Mọi người có dám đánh đổi những giờ nhậu nhẹt, buôn dưa để tăng gia sản xuất. Mọi người có sẵn sàng tiêu thụ nông sản Việt thay cho nông sản Tàu? Mọi người có chịu tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của cuộc sống thay vì tuyên truyền rầm rộ cho những tin tức hở ngực lộ hàng? Mọi người có đủ sức rời xa những trang tin lá cải tiêu cực, có chịu giữ lại rác bên mình cho tới khi kiếm được thùng rác, có rủ nhau tham gia những hội trồng cây, hội đọc sách thay vì rủ nhau đi chơi game hay cafe tán gẫu? Mọi người có chịu nói về ý tưởng và tương lai thay vì chuyện yêu đương, trai gái và chuyện quá khứ ngàn đời? Mọi người có chịu tăng hiểu biết của mình về thế giới thay vì hiểu biết về cô này anh kia trên facebook?

Tôi ước chúng ta có một hệ thống quy chuẩn đạo đức, cách thức ứng xử đầy tiến bộ và nhân văn để mỗi người dân Việt Nam đều biết, đều ghi nhớ và quyết tâm làm theo. Một kiểu quy tắc hành xử rõ ràng kiểu “không xả rác nơi công cộng, không nói quá to, xin lỗi ngay cả khi lỗi vô tình…” thay vì những lời hô hào sáo rỗng như “văn minh, đoàn kết, yêu thương…”

Mỗi ngày trăm ngàn cái hội ghét người này, yêu cái kia lập trên facebook, thiết nghĩ nếu như có một nhóm lập hội những người quyết tâm hành động xây dựng một nền văn hóa mới, đi đầu trong việc làm gương, chịu phần thiệt ban đầu về mình nhằm lan truyền cái tinh thần tốt đẹp này thì tôi tin mọi thứ sẽ dần thay đổi thôi. Không có gì là không thể khi ý chí con người đủ lớn mạnh và được hỗ trợ bằng sự đồng lòng. Có lẽ tôi còn quá trẻ, đủ để vẫn còn trí tưởng tượng phong phú tới mức dám mơ ước về một thế giới như thế. Thế giới mà đa phần người ta không thể hình dung chứ đừng nói tới việc mình là một phần trong nó.

Thậm chí tôi còn tưởng tượng thêm nữa, về một biểu tượng kiểu dấu ấn về những người văn hóa mới. Để chỉ cần nhìn thấy dấu ấn đó trên ai, thì người ta biết ngay rằng đó là người văn minh lịch sự, người có thể tin tưởng được. Như Tony Buổi Sáng hay Alan Phan đã gần như trở thành những dấu ấn kiểu mới. Bạn trẻ nào yêu thích và làm theo lời Tony thì rất có thể người đó sẽ có một lý tưởng sống tốt đẹp, thích hành động cụ thể hơn chỉ nói. Bạn trẻ nào là tín đồ của Alan thì rất có thể sẽ là những người hiểu biết và yêu thích kiến thức hơn thông tin hổ lốn trên thế giới mạng. Tôi mong muốn có một kiểu dấu ấn như thế cho những người thật tâm mong muốn thay đổi nền văn hóa này, xã hội này, dân tộc này. Họ sẽ nhận ra nhau và có thể cùng nhau chung sức tạo nên một xã hội mới nhân văn với đầy đủ ba yếu tố chân thiện mỹ.

Đa phần mọi người sẽ cho rằng đây là chuyện nhảm nhí, viễn vông. Đa phần mọi người có thể sẽ cho rằng thay đổi văn hóa là việc họ không liên quan, không thể làm gì, không thể mong chờ gì hoặc chưa đến lúc. Này, bạn đừng quên, một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có thể gây bão lớn ở Texas, đừng quên sức mạnh của ý chí và quyết tâm là điều có thể nhìn thấy được, hoàn toàn cảm nhận được và chính xác là đã được ghi lại rất nhiều lần trong lịch sử loài người. Israel đồng lòng xây dựng đất nước từ hỗn loạn và chia ly. Nhật Bản đồng lòng góp sức xây dựng nền văn hóa cả thế giới ngưỡng mộ. Cambodia đồng lòng phát triển đất nước từ một xuất phát điểm thua cả chúng ta… Thế thì tại sao dân tộc ta không thể đồng lòng làm nên điều tương tự?

Văn hóa là cái hồn của dân tộc, là thứ làm nên dân tộc tính, là thứ quyết định hình ảnh, thể diện của quốc gia và tạo thành nhân sinh quan cho mỗi người sống trong nó. Văn hóa là thứ định hình lối sống, phong tục và tạo ra các nền văn minh. Văn hóa thì có thể thay đổi chứ không vĩnh cữu và bất biến. Văn hóa tạo nên con người nhưng cũng chính con người kiến tạo ra nền văn hóa. Văn hóa không phải khi nào cũng đáng được tự hào. Đặc biệt là khi nó đã xuống cấp, không phù hợp với thời đại, cản trở sự phát triển, sự tiến bộ và con đường đi đến văn minh.

Một người trẻ nông cạn như tôi còn nhận rõ điều đó chẳng lẽ lại không ai khác nhìn ra sao? Hay mọi người đều nhìn ra nhưng không một ai thèm nhắc đến vì chưa phải lúc, vì không phải chuyện của mình? Cứ cho cuộc đời mỗi chúng ta chưa cần hay chẳng mong được sống trong một nền văn hóa tốt hơn. Vậy con cái chúng ta thì sao? Bạn đang tâm để nó sống trong cái xã hội tệ nạn từng ngóc ngách như thế này à? Bạn mặc kệ nó cầm tấm hộ chiếu in cờ dân tộc mà cúi gằm mặt xuống hay sao? Hay bạn lại cũng như bao nhiêu thế hệ đi trước, cho rằng: Tương lai đất nước này phụ thuộc cả vào con. Trọng trách này ta không chịu nổi xin giao lại cho con… Nếu như thế hệ nào cũng đùn đẩy cho nhau chỉ bằng một câu nói giản đơn như thế, thì cái giả thiết dân tộc ta bị đày có lẽ cũng là có cơ sở.

Nãy giờ ước nhiều quá rồi. Nhưng nếu chỉ cho thêm một điều cuối cùng, tôi ước một ngày kia tôi chính là người đang cười toe miệng trên tivi và hét thật to với thế giới rằng: TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.

 

 Phi Tuyết

 Bài liên quan

 

 

 

[Phỏng vấn] Nah, một du học sinh, rapper bất đồng chính kiến

Photo: Từ Nah’s fanpage

Một thử thách lớn cho tương lai

Mới đây một du học sinh đang theo học tại Oklahoma tung lên mạng ca khúc thể loại Rap và một bức thư có nội dung chống lại độc tài hà khắc của cộng sản Việt Nam. Nhạc phẩm này được cư dân mạng dè dặt lẫn bỡ ngỡ đón nhận vì nó được sáng tác theo phong cách rap của những nghệ sĩ đường phố, cách thể hiện có vẻ dung tục vì nhiều tiếng chửi thề kèm theo. Tuy nhiên không ít người thích thú cho rằng đây là một cách tiếp cận mới của người trẻ đối với hiện tình đất nước theo cách nhìn của họ.

Điều khá đặc biệt người trẻ này là một du học sinh và cả gia đình anh đều còn ở lại Việt Nam. Việc trở thành người đấu tranh tại nước ngoài là một thử thách lớn cho tương lai của anh.

Người nhạc sĩ sinh viên ấy là Nguyễn Vũ Sơn với bút danh khi sáng tác là Nah Sơn có những thổ lộ với chúng tôi về bản thân anh và nguyên nhân khiến anh chấp nhận từ bỏ mọi thứ để tiên phong làm một du học sinh bất đồng chính kiến, trước tiên anh chia sẻ:

Nah Sơn: Em tên đầy đủ là Nguyễn Vũ Sơn em sang đây học hồi cuối năm 2013. Hè vừa rồi em có về Việt Nam. Học thì đi du học thôi chứ không có ý định ở lại nhưng khi qua đây học rồi thấy nó có nhiều khác biệt với mình quá. Cách giảng dạy rất mới và đây là lần đầu tiên đi học mà em thấy thích. Em học những vấn đề xã hội, chính trị, lịch sử… nó làm cho mình nhận ra, mình ngộ ra được nhiều thứ hay lắm. Em tự tìm hiểu thêm trên Google, tự mình đúc kết lại và thấy rõ ràng là đất nước mình đang lâm nguy và nó có quá nhiều vấn đề nên em làm những điều này mong góp phần thay đổi đất nước.

Thật sự cái nền văn hóa của mình, mình đã sống với nó từ nhỏ rồi, nó làm thành tình yêu nhiều khi mình nhớ nó, trăn trở về nó có thể do đó nó cũng là một động lực.

Mặc Lâm: Khi còn ở trong nước Sơn có bao giờ để ý tới những người hoạt động tranh đấu cho tự do dân chủ nói chung là những hình thức chính trị hay không?

Nah Sơn: Thật ra về cái chuyện chính trị khi qua tới đây em mới có được rõ ràng như vậy. Ở Việt Nam em chỉ cơ bản có tính hơi phản kháng với chính quyền nhưng em không cập nhật về chính trị hay bất cứ gì hết. Khi qua đây và đọc nhiều thông tin hiều được nguồn gốc cội nguồn của tất cả vấn đề của bộ máy thì mình mới hiểu à thì ra đây là cốt lõi của mọi vấn đề.

Mặc Lâm: Qua bản nhạc rap mà Sơn vừa giới thiệu thì cách dàn dựng hay mix nó có thể nói là hấp dẫn tuy nhiên rất nhiều người cho rằng những tiếng chửi tục trong bản nhạc đã làm cho nó mất giá trị, nó có vẻ đường phố, bụi đời và dung tục quá… là một sinh viên Sơn có ý đồ gì khi xây dựng tác phầm trên cái nền rất bụi bặm như vậy?

Nah Sơn: Dạ em cũng biết trước là có nhiều người hơi phản cảm đối với những tiếng chửi thề nhưng mặc dù em xuất thân gia đình trung lưu gia đình ba mẹ em cũng dạy dỗ em đàng hoàng nhưng khi đi học thì bạn bè chửi thề rất nhiều. Ngay cả mấy chú xe ôm hồi đó chở em đi học cũng chửi thề… nói chung tiếng chửi thề riết rồi thấy nó cũng bình thường.

Thêm nữa nhạc rap nó giống như loại hình nghệ thuật hiện thực không thể nào viết nó quá bóng bẩy mà đôi khi cũng phải dùng những từ nó dùng trong đời sống mình đem vô. Ngoài ra theo em khi người ta có một cái gì đó khi mà người ta khó chịu, phản cảm thì người ta chú ý tới nó hơn.

Nếu nhìn ra thì cả Việt Nam bây giờ người ta chú ý tới Kenny Sang hay những scandal, những tin đồn này nọ người ta chú ý nhiều hơn. Em dựa vào những suy nghĩ như vậy cho nên em sáng tác bài hát có nhiều tiếng chửi tục nhưng nó là cảm xúc tức giận, nó là cảm xúc thật.

Vượt qua nỗi sợ hãi

Mặc Lâm: Là một du học sinh Sơn nhận xét thế nào về những du sinh từ Việt Nam sang Mỹ cũng như giới trẻ trưởng thành tại Mỹ về những hoạt động mang tính chính trị của họ?

Nah Sơn: Em nghĩ đối với du học sinh thì ai cũng có nỗi sợ mang từ Việt Nam qua. Ai cũng rất sợ vấn đề chính trị nên không ai dám nói điều gì liên quan tới chính trị hết. Đó là những vấn đề nhạy cảm. Giống như được dạy từ nhỏ là không được chơi ma túy vậy.

Bạn bè em hầu như không có ai nghĩ về chính trị hay có tư tưởng về xã hội lắm chỉ là đi học, đi chơi vậy thôi. Ngay cả giới trẻ Việt kiều, nói chung là cũng có người ghét cộng sản, muốn thay đổi nhưng em thấy giới trẻ Việt kiều thì một là họ không quan tâm còn nếu có quan tâm thì họ rất cực đoan. Họ hay đặt mối thù dân tộc khi Việt Nam Cộng hòa bị thất bại thì họ coi như một mối hận lớn. Em thấy cái chuyện đó nó hơi không phù hợp vì nó là chuyện quá khứ có đem ra nói đi nói lại nó cũng không tác dụng lắm. Em nghĩ bây giờ nên tập trung vào hiện tại, cộng sản ngay lúc này nó sai cái gì. Mối thù đó mình nên dẹp qua một bên.

Thí dụ như có nhiều người ghét người Bắc nhưng người Bắc lúc này họ cũng đã nhận ra nhiều vấn đề của cộng sản và rất muốn thay đổi chỉ có điều là bộ máy họ không muốn thay đổi thôi.

Mặc Lâm: Là một du học sinh dù sao khi học xong thì cũng phải về nước, khi ấy thì đón Sơn tại phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài không những là thân nhân, gia đình mà còn cả cán bộ an ninh của bộ máy cầm quyền. Sơn đã nghĩ tới những viễn ảnh như thế hay chưa?

Nah Sơn: Em cũng suy nghĩ vấn đề đó rất kỹ trước khi em làm. Nếu như mọi chuyện đi theo hướng tốt thì biết đâu mình có thể làm được những ý tưởng thay đổi gì đó trong giới trẻ. Có thể vài năm thì mình lại có thể về. Nếu trong trường hợp đi theo hướng xấu thì em sẽ tìm cách ở đây để tiếp tục tranh đấu.

Một khi đã quyết định làm thì phải chấp nhận hậu quả, em nghĩ vậy. Nếu em như những bạn du học sinh khác, sợ không về được thì nó sẽ không đi tới đâu hết tại vì em cảm thấy mình cũng có một chút tiếng nói trong giới trẻ vì nhiều bạn trẻ có nghe nhạc của em mình nên dựa vào điều đó để làm việc gì tốt hơn chứ suốt ngày cũng chỉ đi học, rồi về, đi chơi hay làm nhạc linh tinh thì nó phí hoài cái tuổi trẻ, khả năng và một chút tên tuổi của mình.

Mặc Lâm: Sau khi biết Sơn chọn con đường tranh đấu tại hải ngoại gia đình, bạn bè người thân của Sơn có phản ứng ra sao và những phản ứng ấy có làm Sơn đau buồn lắm hay không?

Nah Sơn: Ba mẹ em khi thấy em có những cái chuyển biến mang tính chính trị thì ba mẹ em có vẻ rất tức giận, như cảm thấy là mình mất một đứa con vậy. Ba mẹ em la em dữ lắm. Ba em có nói nếu bây giờ con còn tiếp tục làm chính trị như vậy thì cắt đứt mọi liên hệ gia đình. Em cũng trăn trở vì chuyện đó nhiều lắm.

Mặc dù em thích nhạc ráp em chơi với bạn bè đường phố nhưng em cũng rất thích học. Em đã có một bằng cử nhân bên Singapore học trường RMIT cũng do muốn đi nhiều nước học hỏi thêm nên ba mẹ cho đi Mỹ học. Em học cũng rất tốt em lấy điểm A không, từ khi qua Mỹ tới giờ không có lúc nào bị B hết em chỉ lấy A thôi vì em rất thích học. Cũng vì tính thích học nó làm cho em muốn tìm tòi cái này cái kia, càng tìm càng thấy bất mãn.

Em rất trăn trở, bây giờ mình học tiếp mình có tấm bằng, đi ra đi làm rồi mọi thứ cũng như cũ nó chẳng thay đổi được gì, nó cứ bế tắt. Còn nếu bây giờ mình làm chuyện này mình phải đánh đổi nhiều thứ. Bạn em thấy em cũng liều! (đúng là em làm chuyện này cũng hơi điên thiệt) Sau khi đắn đo em nghĩ nếu bây giờ mình không làm thì cũng không ai làm. Không bao giờ có ai làm chuyện này hết thành ra có được thì mừng còn nếu không được thì coi như mình đã cố gắng rồi, nếu không cố gắng làm sao biết được hay không? Vì vậy em cứ làm còn ba mẹ có nói thì em cũng… phải nói là em rất buồn, em rất là buồn nhưng mà biết sao được?

Người thân của em, bạn gái em, gia đình bạn gái em, rồi bạn bè em những người chơi với em 7 – 8 năm luôn vẫn quay lưng với mình.

Mặc Lâm: Sơn đã từng trình diễn trong một live show tại Hà Nội và nhiều bạn trẻ bây giờ vẫn còn nhắc đến trên Facebook. Chương trình ấy diễn ra vào lúc nào và do ai tổ chức vậy?

Nah Sơn: Cái show đó tên là CAMA Festival của Đại sứ quán Mỹ tổ chức ở Hà Nội hàng năm, nó mới bắt đầu mấy năm thôi. Hằng năm họ mời nhạc sĩ ca sĩ từ nhiều nước Đông Nam Á lại biểu diễn ở Hà Nội. Đầu năm 2013 em có ký hợp đồng với công ty Làng Văn bên Cali lúc họ về Việt Nam họ mở chi nhánh thì họ có ký hợp đồng với em nên em được đi diễn chương trình đó ở Đại sứ quán Mỹ. Em diễn ba bài, em remix bài “Sài gòn đẹp lắm” của nhạc sĩ Y Vân. Em diễn bài Đi bụi… Sau khi em diễn xong có một tờ báo tên Lao Động Online có đăng một bài rất dài chửi em và bạn em đã diễn những bài mang tính kích động, nói chung là lời lẽ phản cảm kích động phê phán xã hội ở ngay giữa đất Hà Nội và rất là buồn cười là lại được giới trẻ hưởng ứng trong khi những tiết mục khác của các nhóm nhạc khác thì ít được hưởng ứng hơn.

Nói chung là em thấy mình làm được những chuyện ấy thì mình vui thôi chứ em không nghĩ nó có yếu tố chính trị gì. Bây giờ nghĩ lại thấy có sự sắp xếp sao đó, cái duyên nên chuyện đó nó chọn mình… em cũng không biết…

Mặc Lâm: Cám ơn Sơn.

 

Mặc Lâm – RFA