26 C
Nha Trang
Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 150

20 câu nói của Stalin, một trong những thần tượng của Hồ Chí Minh

Featured image: biography.com

 

1. Một cái chết là một bi kịch, một triệu cái chết là một con số.

2. Những người đi bầu chẳng quyết định được gì. Những người đếm phiếu bầu mới có quyền quyết định.

3. Ý tưởng còn lợi hại hơn cả súng đạn. Chúng ta không cho nhân dân sở hữu súng, tại tao chúng ta lại cho phép họ sở hữu ý tưởng?

4. Giáo dục là một loại vũ khí, tầm ảnh hưởng của nó lệ thuộc vào người cầm nó trong tay và người nó nhắm tới.

5. Lịch sử đã chứng minh rằng chẳng có quân lực nào là bất bại cả.

6. Anh hùng không làm nên lịch sử, lịch sử mới làm nên anh hùng.

7. Tôi chỉ tin vào một thứ, sức mạnh của lòng quyết tâm của con người.

8. Cái chết là giải pháp cho mọi vấn đề. Không còn ai thì cũng không còn vấn đề.

9. Quyền lực chính đáng duy nhất đến từ khẩu súng.

10. Trong quân đội Xô Viết, binh sĩ cần nhiều độ can đảm để lùi bước hơn là tiến bước.

11. Khi chúng ta treo cổ bọn tư bản, họ sẽ bán cho chúng ta sợi dây để chúng ta dùng.

12. Truyền thông in ấn là vũ khí lợi hại nhất của Cộng Sản.

13. Nhà văn là một kỹ sư của linh hồn con người.

14. Chủ nghĩa Marx không đơn thuần là một lý thuyết xã hội, nó là một cái nhìn cho thế giới, một hệ thống triết lý, sự logic của một xã hội vô sản.

15. Bạn hay nói về một chủ nghĩa xã hội chủng tộc. Cái đó không tồn tại. Không có chủ nghĩa xã hội cho riêng dân tộc Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, cũng như Tàu. Chỉ có một chủ nghĩa xã hội của Marx và Lenin mà thôi.

16. Tôi không tin tưởng bất cứ ai, kể cả chính bản thân tôi.

17. Nước Mỹ như một cơ thể khỏe mạnh và sự chống đối của nó có thể chia ra 3 phần: lòng yêu nước, đạo đức và tâm linh. Nếu chúng ta có thể hạ thấp 3 cái đó, nước Mỹ sẽ sụp đổ từ bên trong.

18. Lòng ân huệ là một căn bệnh của những con chó.

19. Tôi ra lệnh cho các binh sĩ của quân đội Hồng Quân Soviet: “Không lùi một bước nào nữa.” (Lệnh của Stalin năm 1942 khi quân đội Đức đến gần Moscow).

20. Thượng đế là ai? Ông ấy đứng về phe nào? Tôi biết ác quỷ Satan đang đứng cùng phía với chúng ta, ông ta là một người cộng sản tốt bụng.

 

Dịch: Ku Búa

Thành công và thất bại là hệ quả của một lối sống

Featured image: mAy 369

 

Bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân của tôi, chỉ mang tính chất kham thảo. Nếu bạn cảm thấy hài lòng với lối sống của bạn thì cứ tiếp tục sống như cách bạn đã từng sống.


 

Một lần nọ, trong giờ học Pháp Luật, thầy giáo tôi đã từng hỏi là “Long nè! Theo em thì em nghĩ sao về Thất Bại và Thành Công?”

Tôi trả lời: “Thưa Thầy! Thất Bại có 2 dạng: dạng thứ nhất là làm nhưng chưa ra đúng kết quả và dạng thứ hai là lười biếng chẳng làm gì cả. Nhưng cá nhân em nghĩ là Thất Bại chính là dạng thứ hai, còn dạng một là chỉ chưa thành công thôi.”

Thầy giáo hỏi: “Vậy Thành Công là gì?”

Tôi trả lời: “Thành Công là đạt được những kết quả và mục tiêu mà mình muốn, và mục tiêu lớn nhất của đời em là “kiếm 1 tháng 1 tỷ đồng Việt Nam”, như vậy là em đã thấy mình thành công rồi.”

Thầy giáo tiếp tục hỏi, “Vậy em nghĩ em đã thành công chưa? và nếu vậy thì em đạt được bao nhiêu phần trăm trên con đường đó?”

Tôi trả lời: Em đang trên con đường Thành Công và em nghĩ Thất Bại là một phần của Thành Công, vì người Thành Công nhất là người Thất Bại nhiều nhất, thật ra lúc đó đây là vấn đề mà tôi chưa tôi nghĩ đến trong khi tôi đang tìm kiếm thành công. Lúc đó tôi cảm giác mình đang bị một vấn đề gì đó. Hầu hết mọi người đều biết về 2 từ “Thành Công và Thất Bại”. Nhưng khi nói rằng họ đã thành công chưa thì đa phần câu trà lời hơi mập mờ, vì đôi khi họ chẳng biết họ muốn cái gì thì làm sao thành công mà cho dù họ biết họ muốn cái gì nhưng họ nằm lưng lửng giữ thất bại và thành công thì làm sao mà định nghĩa được. Nên tôi đã trả lời rằng, chỉ có lúc họ chết thì những việc mà đã làm mới có thể đánh giá là Thất Bại hay Thành Công, vì chưa chắc kẻ Thất Bại là Thất Bại cả đời, kẻ Thành Công là Thành Công là Thành Công cả đời.

Thầy tôi trả lời rằng: “Thất Bại chính là đứng yên mặc cho thời gian đi qua mà không phát triển gì cả?”

Sau khi nghe xong câu trả lời này tôi thấy nó đúng nhưng theo quan sát của tôi có người làm cả đời mà toàn gặp thất bại nhưng chưa bao giờ mãn nguyện những gì họ có, không biết cái đó có gọi là Thành Công không? Hay mục tiêu của họ là lên Giám Đốc và khi họ đã ở vị trí đó thì Đùng 1 cái, họ bị sa thải vì quá già hoặc một ai đó thế họ. Như vậy có thể chứng minh rằng nếu dùng những mục tiêu làm mốc “Thành Công” và khi đạt được nó cũng không ổn lắm.

Xã hội này theo quan điểm đám đông là “Thành Công” thì phải đi xe hơi, nhà Lầu, dùng cả tiền tỷ, có mối quan hệ rồng, tài năng .v.v…..Theo quan sát của tôi thì những đặc điểm đó gần đúng với “Thành Công” nhưng chưa hẳn là chính xác. Vậy nếu mất tất cả những thứ đó họ là ai, chẳng lẽ là “Thất Bại”.

Tôi cảm giác từ Thất Bại và Thành Công đôi lúc là “Yes hoặc No” như câu hỏi” Bạn là Nam hay Nữ”. Nó hơi bị rập khuôn và khó mà hiểu sâu được cái cốt lõi của “Thành Công” và “Thất Bại”.

Ngoài ra Thành Công và Thất Bại nó còn phụ thuộc vào quan điểm và mục tiêu của từng người nên khó đánh giá được.

Tôi đã từng nghe qua nhiều sách nói, và cá nhân tôi quan sát và suy nghĩ, những cuốn sách đó nó thường dạy chúng ta thay đổi từ bên trong như thay đổi tư duy, giá trị sống, bảng cam kết giá trị cá nhân hay cho chúng ta sơ về những thói quen thành công .v.v… và ngoài đời tôi quen cũng vài người khá Thành Công và tôi quan sát thấy, tùy vào mức độ và nghề nghiệp của họ nhưng cái cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề tương đối giống nhau đều dựa trên những tư duy, kinh nghiệm và niềm tin của bản thân.

Sau này khi tôi biết đến 1 câu nói :

“Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận.”

Lúc này tôi suy nghĩ rất nhiều, thì Thành Công và Thất Bại nó có sự quyết định từ bên trong Nội Tâm của mọi người chứ không phải bên ngoài, bên ngoài chỉ là phản ánh thực tế cuộc sống, tôi càng ngẫm càng thấy thú vị vì mỗi người chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay là do bên trong Nội Tâm của chúng ta và chúng ta được môi trường bên ngoài đút nên cái Nội Tâm bên trong của chúng ta chứ thật sự chúng ta không muốn nó như vậy cả, vì đâu phải ai cũng muốn sống cuộc đời nghèo khổ, tầm thường và thất bại đâu.

Điều tôi học từ sách và qua thực tế cá nhân tôi thấy nó gần chính xác 70%, ngoài ta có rất nhiều người cho rằng để Thành Công cần: Đam mê, chăm chỉ, Tích cực, Không sợ Thất Bại, Kiên Trì, … những yếu tố đó thường nằm bên trong con người chứ không phải là bên ngoài, vì đâu có ai nói anh muốn thành công thì anh phải đẹp trai hay môi trường đó nó phải hợp với anh thì anh mới Thành Công.

Jim Rohn từng nói một câu rất hay “Ngoài thị trường họ trả lương cho bạn vì khả năng của bạn trong một khoảng thời gian chứ không phải là thời gian bạn bỏ ra.” Nếu thời gian là tiền bạc thì họ phải đưa cho bạn tiền bạc khi bạn chẳng làm gì cả, điều này có nghĩa là 10 hay 20 năm nữa công việc bạn làm thì mức lương 10 USD thì vẫn luôn là giá trị đó cho dù có tăng lên đi nữa, và thời gian có trôi qua thì thời gian vẫn vậy, khó khăn, trở ngại, các mối quan hệ cũng y chang chẳng có gì thay đổi cả, nhưng nếu bạn phát triễn bản thân thì mọi thứ sẽ thay đổi còn nếu không thì cuộc sống bạn vẫn vậy.

Lúc này tôi bắt đầu giác ngộ và liên hệ bản thân chính mình điều này hoàn toàn đúng. Tôi quyết định thay đổi vào lúc 21 tuổi và tôi đă trãi nghiệm qua những thứ mà trước đây tôi chưa từng trãi nghiệm và dường như tôi có những thứ mà trước đây tôi chưa từng có và tôi hiểu hơn về bản thân mình hơn, nhưng thật ra so với 3 năm trước tôi vẫn vậy chưa có sự thay đổi gì lớn cả, chỉ có suy nghĩ và tư duy bắt đầu biến chuyển nhưng vẫn chưa thể nào gọi là Thành Công vì chưa có Thành Tựu gì lớn cả và dường như lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi tương lai và Thành Công luôn mặc cảm là “mình vô dụng, không làm được cái gì lớn cả, người ta bằng mình là Giám Đốc, doanh nhân mua được nhả cửa có ghệ đẹp, đi du lịch khắp nơi mà mình vẫn còn dậm chân tại chỗ…”

Sau khi dùng phương pháp 360 độ ghi lại toàn bộ suy nghĩ và hành động của tôi trong 1 ngày và trong vòng 3 tháng, tôi phát hiện rằng TƯ DUY tôi CÓ THAY ĐỔI nhưng về HÀNH ĐỘNG thì KHÔNG và Thói Quen càng không nữa. Tôi luôn tìm kiếm những thứ bên ngoài để giải quyết triệt để cái thứ bên trong như tôi đã tìm trong 5 năm và không hề có cái thứ đó. Tôi đã bắt đầu trở thành kẻ phụ thuộc vào thứ bên ngoài chứ không còn là kẻ quyết định từ bên trong Nội Tâm nữa, tôi phát hiện ta tôi từng “Sợ Hại, Nghi ngờ, Trì Hoãn, Lười Biếng, Tiêu Cực,…và hay thay đổi” đây là những yếu tố của kẻ Thất Bại. Như vậy đã quá tõ ràng về việc tại sao Tôi Thất Bại, tất cả là do lối sống của tôi. Tôi để phần con của mình quyết định chứ không phải là phần người quyết định trong một chuỗi những hành động hằng ngày mà từ đó sinh ra Thất Bại, từ những cái Thất Bại rất nhỏ trong những việc nhỏ làm không tốt rồi tích dần thành cái lớn.

Từ đó tôi nghiệm ra rằng 2 từ Thất Bại và Thành Công giống như 2 từ Bệnh Tật và Khỏe Mạnh. Đó là từ chỉ hệ quả của một lối sống , chứ không phải là kết quả. Chẳng hạn bạn siêng năng, chăm chỉ, tích cực, đam mê…nói chung là Lối Sống Tích Cực bạn sẽ có những hệ quả của Thành Công và nó thể hiện qua những dấu hiệu như: Bạn Tài Năng Hơn, Kiếm Được Nhiều Tiền Hơn, Có nhiều bạn hơn, có nhiều khách hàng hơn, mua được nhiều thứ hơn…. như vậy nhà lầu hay xe hơi chỉ là những hệ quả của 1 lối sống Thành Công còn nếu bạn sống theo kiểu : nhậu nhẹt, lười biếng, tham chơi, ….lối sống tiêu cực thì sẽ có những hệ quả của Thất Bại và thể hiện qua những tín hiệu như: thất bại trong công việc, bị sa thãi, bị mọi người ghét, bất tài, gặp nhiều khó khăn… đó là hệ quả của 1 lối sống Thất Bại.

Đôi khi chúng ta cứ suy nghĩ mãi “làm sao để thành công” và luôn đi tìm những cách bên ngoài nhưng thật chất chúng ta chưa hiểu rõ bản thân của mình, vì vấn đề không nằm bên ngoài mà nằm bên trong, và nó thể hiện rõ ràng ở lối sống của chúng ta, chỉ có chúng ta thật sự hiểu được cách chúng ta sống như thế nào để Thành Công và Thất Bại thôi, chứ không thể nào tìm người nào đó hay bất cứ vị diễn giả nào giải quyết được, cho dù Tony Robbins Diễn giả giỏi nhất thế giới hay Quách Tuấn Khanh vị diễn giả giỏi nhất Việt Nam, hay Phật Thích Ca hay Chúa Jesus đi chăng nữa, cũng chẳng thay đổi được đâu, chỉ khi chúng ta thật sự muốn thì mới có câu trả lời.

Đối với tôi, Lối Sống Quyết Định Thành Công hay Thất Bại và Thành Công hay Thất Bại chỉ là những hệ quả và nó thể hiện dưới vài dạng tín hiệu chứ nó không phải là cái đích thật sự, cái thật sự chính là phải thay đổi cái Lối Sống của chúng ta, để làm điều đó chúng ta phải là song song giữa việc thay đổi tư duy và hành động bên ngoài và khiến nó trỡ thành một lối sống, chứ không thể nào chỉ có 1 phía được. Do vậy Thành Công và Thất Bại chỉ là hệ quả của một lối sống thôi, và không có đúng hay sai, tốt hay xấu, chỉ có khác về kết quả thôi.

 

Tăng Kim Long

Chút tình Bolero

Thưở nhỏ, tôi sống ở một xóm ngoại ô nghèo quanh co miền Tây. Bên hàng xóm duy nhất có một nhà có dàn VCD và loa thùng lúc nào cũng mở nhạc tưng bừng. Hàng năm, vào giờ này là cả xóm được nghe những bài ca xuân xưa bất tử như Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa, Mùa Xuân Đó Có Em, Ước Nguyện Đầu Xuân, Mùa Xuân Lá Khô… Tết nào tôi cũng nhớ những lời ca cũ rất quen:

Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò
Đưa hương theo làn gió…” 

Những bài hát nghe tự thời nào cứ gặp đúng cảnh, đúng tình là bật ngay lên trong trí nhớ. Những bài hát buồn buồn ấy là nhạc bolero.

Rồi lớn lên ra thành phố học – những buổi chiều ở nhà trọ vắng quạnh – cứ mỗi lần nhìn ra ven đường gặp hoàng hôn nắng nhạt, khói đốt đồng bay lên từ cuối chân trời, những bài hát cứ y như đem đến tận cõi lòng tôi, làm sống thật trước mắt người trai trẻ mùi rơm rạ mới gặt, gió mát và từng tốp trẻ con thong thả trên lưng trâu tỏa về thôn xóm. Trong cái yên lặng riêng mình, tôi lại nghe vẳng lên trong trí nhớ:

“Tình nồng thắm xuyên qua bao mái tranh…
Ngọt ngào dâng hương mái tóc xanh
Những tình mặn mà là những tình đơn sơ
Quê tôi vẫn đẹp đẹp mấy tình ngây thơ…”

Hình ảnh miền quê xa ngát, êm đềm, đó là cái đọng lại, cái quý nhất tìm thấy sau khi nghe nhạc, nhạc bolero. Vâng, cũng là nhạc bolero!

Ai đó hãy khoan vội chê rằng bolero là giòng nhạc “sến” “bình dân” “nghèo”. Ừ thì nghèo, có sao! Khái niệm đó ta nên hiểu theo nghĩa khác, chỗ khác, giành cho những cái khác nhạc bolero. Bolero là giai điệu, giòng nhạc mộc mạc và gợi cảm trong phần hồn của mỗi con người. Nói như một hôm nào đó, một kẻ thị thành tạm rời xa khói bụi ồn ào, về ngả lưng nằm dài trên cỏ ở một nơi nào đó (như bài Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non), mặc cho lũ cào cào, châu chấu đua nhau nhảy lóc tóc lên tóc, lên người, chui cả vào ngực áo – hay nhảy ùm xuống giòng kinh mát rượi, thả nổi mà nhìn mây trôi qua hai hàng dừa nước ven bờ (Bến Duyên Lành).

Khi ấy, cái con người thành thị kia đã được bỏ lại cùng đống quần áo, giầy dép, đồng hồ, mắt kính, smartphone trên bờ đất, chỉ còn lại niềm rung động êm ả giữa trời nước hiền lành. Rồi khi trở về, bỗng dưng lòng ta sẽ cảm thấy yêu thêm một chút màu khói nhạt lững lơ trên mái rạ, yêu thêm một chút bông hoa súng nhỏ nở lặng lẽ trên mặt hồ êm. Cái tình quê đơn sơ, như vậy, đã thêm một chút trong lòng. Bấy giờ, ta vẫn có thể yên tâm ngồi nghe nhạc Taylor Swift, Hilary Duff, hay Michael Jackson, yên tâm chiêm ngưỡng những ngôi sao màn bạc thế giới. Có hề gì!

Tôi viết tản mạn và không trích thêm, không “tiến dẫn” một bài bolero nào nữa, vì chăng nhạc bolero hay có quá nhiều!? Những bài hát ấy lặng lẽ có chỗ đứng riêng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, nó không cần được “tiến dẫn”, nó bất tử vì nó có cái chung của đời và cái riêng của thơ ca. Yêu những bài hát ấy, chính là ta yêu một cách nói riêng hiền lành và tự nhiên của con người.

“Mai sau dù có bao giờ…” Giả dụ như cái miền quê nghèo khó của chúng ta sẽ được như nhiều người mong ước, có ánh đèn đô thị, có xe hơi, nhà lầu, có quán bar, vũ trường v.v… Và giả dụ như thứ quê ca tình tự quê nhà có khi nào bị xem như không còn hợp thời trang, không hiện đại… thì tôi vẫn cứ mang theo trong trí nhớ riêng mình cái chiều làng quê say sưa trong tiếng ca, người làng quê yêu bông lúa thiết tha, những mẹ già ngồi trông trẻ đùa xóm dưới, rung rung môi cười như thưở còn đôi mươi.

 

Hồ Nhất Duy

Hành trình của kẻ dịch chuyển

Featured Image: Werner Kunz

 

Cuộc đời là một hành trình hay là một đích đến. Nếu thử qua một lần đi phượt, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn câu trả lời cho chính mình. Khoan nói về sở thích hay đam mê đi khám phá đây đó, chỉ nói về cách bạn đi đến một địa điểm nào đó đôi khi thể hiện quan điểm sống của bạn.

Cuộc sống hầu hết mọi người đều có kế hoạch, dù ngắn hạn hay dài hạn, dù sơ sài hay kỹ lưỡng, những chí ít sẽ đều có một sự mường tượng trong tâm trí mình.

Nếu bạn thực hiện một hành trình mà cụ thể không biết mình sẽ đi đến đâu, bạn sẽ đi như thế nào. Chờ cho đến khi xác định được điểm đến rõ ràng hay tiếp tục chuyến đi với tâm lý thoải mái nhất, nhẩn nha ngắm cảnh, tận hưởng từng quãng đường với biết bao điều thú vị. Hoặc cũng có lẽ bạn sẽ không bao giờ xuất phát, bạn sợ sự mông lung phía trước, sợ sự xao nhãng trên đường đi, sợ những thứ bí ẩn đang chờ đợi mà bạn không thể nắm bắt.

Ngược lại, một hành trình với kế hoạch chi tiết về điểm đến, thời gian liệu có khiến bạn an tâm hơn. Xác lập mục tiêu, tập trung vào trọng điểm, ước lượng khả năng và cố gắng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, có vẻ đây giống như là một cuộc đua hơn là một chuyến phượt.

Theo tôi, cái thú vị của những lữ khách là việc “dịch chuyển” chứ không phải là chuyện “đi đến”. Với 2 quan điểm khác nhau, cách thực hiện hành trình sẽ khác nhau. Người “dịch chuyển” đi chầm chậm và tận hưởng mọi thứ trên hành trình, quan sát mọi thứ diễn ra với con mắt tò mò và nụ cười mãn nguyện vì đơn giản, với họ, việc “dịch chuyển” đã là một phần thưởng rồi. Đối lập lại, người “đi đến” sẽ tăng tốc hết mức vì với họ, mục tiêu là quan trọng nhất, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu, nếu không chạm được nơi cần đến xem như chuyến đi là thất bại.

Tôi tự cười một mình khi nghĩ lại chuyến đi phượt gần đây với một nhóm bạn, mặc dù đã nói rõ là chuyến đi không có lịch trình cụ thể nhưng sau một hồi lòng vòng dưới trời oi bức, có người liền phàn nàn về cái ý tưởng ngu ngốc ấy. Tôi không trách họ vì đơn giản họ là người “đi đến”, họ cần một cái gì thật cụ thể và rõ ràng để nhắm đến. Nếu không biết sẽ đi đâu, họ sẽ không thể thoải mái tận hưởng những gì đang hiện diện trước mắt và với họ, chuyến đi như vậy nên kết thúc càng nhanh càng tốt.

Tôi thường đi chậm, ngay cả khi đã biết rõ điểm đến. Một là tôi có thể suy tưởng, hai là tôi có thể chậm chạp nhìn ngắm những điều đang trôi đi trước mắt, luôn lạ lẫm, luôn mới mẻ và nhiều ý nghĩa. Trộm nghĩa, dường như đó là cách tôi đang thực hiện hành trình cuộc đời mình: chậm chạp, nhẩn nha, tận hưởng, ít quan tâm đến đích đến vì đường nào nó cũng tới, không vội vã, không khẩn trương…

Liệu điều đó có đúng đắn, liệu tôi có vô trách nhiệm với cuộc đời của mình hay không, tôi giống một kẻ lang thang hơn là một tay đua chuyện nghiệp mỗi ngày lại rèn luyện bản lĩnh của mình để đến đích nhanh hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra khi họ đến đích, nó khiến họ thỏa mãn hay không, thỏa mãn vì điều gì: ta có tài, ta chinh phục, ta tập trung, ta vượt lên, ta đạt được… Và nếu giả sử cái đích đến không như trong tưởng tượng, chuyến đi có thể quay ngược lại không?

Gần đây tôi có một vụ kinh doanh nhỏ với một kế hoạch khá tỉ mỉ. Kết quả kinh doanh không như ý muốn vì mục tiêu đã không đạt được. Nhưng lạ là tôi không thấy buồn bã hay nản lòng đơn giản là vì tôi đã được tưởng thưởng những điều tuyệt vời trong suốt thời gian thực hiện công việc đó. Chỉ có một điều vương vấn là tôi không biết liệu tôi có thể mở công ty kinh doanh với cái lối suy nghĩ như thế hay không.

Để chuyến hành trình được trọn vẹn, lời khuyên cho người “đi đến”: hay sẵn sàng tâm lý rằng, dù đích đến có như thế nào, bạn cũng sẽ tận hưởng nó mà không hối tiếc gì.

Lời khuyên cho người “dịch chuyển”: bạn vẫn chẳng cần lên kế hoạch hay xác định mục tiêu gì cả, tuy nhiên, phải nhớ là lúc đó bạn nên đi một mình. Đừng bắt ép người khác lang thang tư tưởng như bạn, vì nếu đã là “lang thang” thì không thể nào có điểm chung cho ít nhất hai người. Muốn tiếp tục dịch chuyển, cả hai phải có một “điểm đến”.

 

AVKH

Quan điểm trên thế giới về cấm đoán ma túy: Phỏng vấn Mark Thorntom

Featured image: goldenratio

 

Mark Thornton, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Mises, vừa đến Anh để tham gia một cuộc thảo luận do Oxford University tổ chức.


 

Viện Mises: Tại sao ông lại được mời tham gia thảo luận tại Oxford?

Mark Thornton:  Những cuộc tranh luận ở Oxford (Oxford Union) hầu như có thể mời bất cứ người nào mà họ muốn tranh luận, trong đó các vị tổng thống, thủ tướng, Mẹ Theresa, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và thậm chí cả Julian Assange nữa, vì vậy tôi lấy làm vinh dự khi được họ mời. Tôi đã gặp một số nhà nghiên cứu ở Oxford Union và ở Đại học Oxford, những người đã biết công trình của tôi về cuộc chiến chống ma túy và ở Viện Mises. Mỗi bên tranh luận thông thường gồm nhà nghiên cứu làm công việc dẫn chương trình và ba chuyên gia. Các cuộc tranh luận được tiến hành tương tự như ở Viện Thứ Dân và đã được tiến hành từ năm 1823.

Viện Mises: Sợi chỉ đó xuyên suốt trong luận cứ của ông là gì và được đón nhận như thế nào? Bên ủng hộ cuộc chiến chống lại ma túy biện hộ thế nào?

Mark Thornton: Câu nói đùa mở màn của tôi đã được đón nhận một cách tốt đẹp và luận cứ của tôi cũng được đón nhận một cách tốt đẹp. Luận cứ của tôi là cuộc chiến chống ma túy chẳng mang lại lợi ích gì, chỉ tốn tiền và những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn. Bao gồm tội ác do những người nghiện ma túy gây ra, bạo lực do những người buôn bán ma túy thực hiện, nạn hối lộ và tham nhũng và hiệu lực của thuốc gia tăng đến mức có thể gây chết người. Tôi đã trình bày với họ lí thuyết về phương pháp kết nối những điểm này lại với nhau và câu chuyện về cách kết nối những điểm này. Sau đó tôi đã trình bày mười lợi ích của việc hợp pháp hóa các loại ma túy phù hợp với ba tiêu chí: làm cho chúng ta an toàn hơn, làm cho chúng ta khỏe mạnh hơn và cải thiện phúc lợi của con người. Tôi kết thúc bài thuyết trình của mình với bốn ví dụ về những việc sẽ xảy ra khi luật về ma túy đã được tự do hóa. Một ví dụ là thí nghiệm, người nghiện heroin được cấp những liều heroin an toàn về dược. Kết quả là tội phạm giảm đáng kể, số người có việc làm gia tăng và những người tìm cách chữa bệnh cũng gia tăng. Một ví dụ khác là chính sách đổi kim tiêm. Những nước áp dụng chính sách trao đổi kim tiêm một cách tự do (cấp kim tiêm miễn phí) có tỉ lệ người bị mắc HIV/AIDS và những bệnh lây qua đường tiêm chích rất thấp còn những nước thi hành chính sách rất nghiêm ngặt đối với kim tiêm (chỉ bán theo toa) có tỉ lệ lây nhiễm rất cao. Người nghe phản ứng rất nhiệt tình.

Ba chuyên gia bên phía ủng hộ cuộc chiến chống ma túy đưa ra luận cứ sau đây. Chuyên gia thứ nhất nói rằng không có cuộc chiến chống ma túy nào hết và người ta chưa thực sự tiến hành cấm đoán. Luận cứ của chuyên gia thứ hai là ma túy là xấu – chỉ thế thôi! Bà này từng là một người nghiện ma túy và tiết lộ rằng khi còn trẻ bà muốn xăm một lá cần sa lên mu bàn tay, nhưng người xăm hình từ chối vì lúc đó bà chưa đủ 18 tuổi. Điều này làm bà nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ bán cocaine cho những đứa trẻ 14 tuổi nếu nó được hợp pháp hóa? Chuyên gia cuối cùng khẳng định rằng nếu chúng ta hợp pháp hóa ma túy thì cuối cùng hầu như tất cả mọi người đều sẽ trở thành những con nghiện nặng. Như bạn thấy đấy, luận cứ của phía bên kia chủ yếu là thông tin sai lạc và chiến thuật dựa trên sự sợ hãi.

Viện Mises:  Chúng ta biết rằng ở nhiều tiểu bang ở Mĩ, đặc biệt là ở Colorado và Washington, những nỗ lực nhằm hợp pháp hóa ma túy đã có tiến bộ đáng kể. Ở Anh quốc, người ta có quan điểm như thế nào về những tiến bộ như thế?

Mark Thornton: Tất cả những mà người tôi nói chuyện về chính sách ma túy đều biết sự tiến bộ ở Colorado và Washington và một số người đã hỏi tôi về chuyện đó. Ấn tượng chung của tôi là mọi người hy vọng rằng Mĩ đã phá vỡ thái độ bài trừ ma túy cứng rắn của nước này. Nói chung, ý kiến của người dân ở Vương quốc Anh và châu Âu cũng dường như đang hướng về chính sách ma túy tự do hoá nhiều hơn nữa. Điều này không nhất thiết kéo theo việc hợp pháp hoá hoàn toàn ma túy, mà là chính sách coi những loại ma túy mạnh là những vấn đề y tế chứ không phải là vấn đề thực thi pháp luật, và cần sa được quy định tương tự rượu và thuốc lá.

Viện Mises:   Thông qua các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng tất cả chúng ta có một hình ảnh nhất định về cuộc chiến chống ma túy ở Mĩ, với các băng đảng, những kẻ buôn lậu ma túy và những người vận chuyển ma túy. Cuộc chiến chống ma túy ở châu Âu có gì khác không hay cũng giống như ở đây, không ít thì nhiều?

Mark Thornton: Cũng giống như Hoa Kỳ, châu Âu là khu vực tiêu thụ ma túy bất hợp pháp lớn, chứ không phải là khu vực sản xuất, với luật phòng chống ma túy tương tự như ở đây. Nam Mĩ cũng sản xuất nhiều ma túy, nhập lậu vào châu Âu. Đương nhiên là vấn đề rất giống nhau. Giống nhau một phần còn là do những hiệp ước quốc tế buộc các nước phải tuân thủ những tiêu chuẩn pháp lí nhất định đối với các loại ma túy bất hợp pháp. Vì vậy mà họ cũng có những kẻ buôn lậu, những băng nhóm bán lẻ ma túy, tội phạm có tổ chức, hối lộ và tham nhũng .v..v. Có một số trường hợp ngoại lệ mà ta thấy rõ như cửa hàng cà phê cần sa ở Hà Lan. Cũng có một số thí nghiệm đáng chú ý, ví dụ như phi hình sự hóa tất cả các loại ma túy ở Bồ Đào Nha. Sẽ không sai khi nói rằng cải cách của Bồ Đào Nha là hành động tuyệt vọng, nhưng nên nhớ rằng Hoa Kỳ cũng tuyệt vọng như thế khi chúng ta bãi bỏ luật cấm rượu trong lúc cuộc Đại suy thoái rơi vào tình trạng nặng nề nhất.

Viện Mises: Cuộc đấu tranh chống lại cuộc chiến chống ma túy đã trở thành phong trào toàn cầu hay nỗ lực mới thu được thành công ở vài quốc gia?

Mark Thornton: Cả hai. Nỗ lực mới thu được thành công ở vài quốc gia; nhưng tôi nghĩ rằng đã có một phong trào mang tính ý thức hệ trên toàn thế giới nhằm ủng hộ cho những đạo luật tự do hơn về ma túy. Ở châu Âu và ở cả Tây Bán cầu, cán cân nghiênh về những đạo luật tự do hơn về ma túy đang bắt đầu trở nên rõ ràng. Cần sa dùng trong y khoa và hợp pháp hóa cần sa tiêu khiển được nhiều nước trong các nước đã phát triển chấp nhận. Người dân Mexico, người dân các nước Trung Mĩ và các nước sản xuất ma túy ở Nam Mĩ đã bị cuộc chiến chống ma túy làm cho khốn khổ và đang rất cần một giải pháp. Dường như những chiến thắng chỉ là lẻ tẻ và biệt lập, nhưng tôi tin rằng khi lịch sử nhìn lại quá khứ gần đây và tương lai trước mắt của chúng ta nó sẽ dán cho giai đoạn này cái nhãn “Sự cáo chung của cuộc chiến chống ma túy”, tương tự như chúng dán nhãn “Sự cáo chung của chiến tranh lạnh” và “Sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” vậy.  Chí ít thì đấy cũng là hy vọng của tôi.

Viện Mises:  Khi chúng ta nghĩ về ma túy bất hợp pháp, chúng ta thường hiểu là cocaine, thuốc phiện và cần sa. Nhưng càng ngày người ta càng chú ý hơn đến những loại thuốc bán theo toa. Đây có phải cũng là vấn đề đang nổi lên ở các nước khác không?

Mark Thornton: Người ta đã dự đoán được vấn đề này, như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách của mình: Kinh tế học về cấm đoán. Khi cuộc chiến chống ma túy tiến triển với lực lượng thực thi mạnh mẽ hơn và hình phạt nặng nề hơn thì thị trường chợ đen phản ứng bằng những loại ma túy mạnh hơn, hiệu quả hơn và nguy hiểm hơn. Khi tôi viết vào những năm 1980, quá trình là cần sa có hiệu lực ngày càng cao hơn, rồi chuyển sang cocaine, ma túy đá và heroin. Kể từ đó ma túy tổng hợp, thuốc lắc, thuốc phiện bán theo toa đã được thêm vào hỗn hợp. Gần đây hơn, người ta còn phát minh ra những loại ma túy hóa học mới, hợp pháp về mặt kỹ thuật. Tôi tự hỏi nếu những người đang chiến đấu với ma túy hiện nay có một cái nút có thể đưa chúng ta trở lại thời kì trước khi có sự can thiệp của chính phủ vào ma túy và đến nơi mà người ta hút thuốc phiện có hiệu lực thấp và thuốc phiện bán ngay bên lề xã hội và uống Coca-Cola (loại có chứa cocaine chứ không phải caffeine), họ có bấm cái nút đó hay không?

Ở Mĩ, các loại thuốc giảm đau có chứa thuốc phiện như OxyContin (oxycondone) và Vicodin mỗi năm giết chết hàng ngàn người. Các con nghiện đều có quan niệm sai lầm rằng đấy là những chất thay thế an toàn cho heroin. Việc sử dụng loại thuốc này cũng đã lan sang châu Âu và những nơi khác và đã có người chết.

 

Nguồn
Dịch: Phạm Nguyên Trường

Những ngày cùng tuổi

Featured image:  Alex_Leo

 

Đã định viết bài thơ đón xuân
mùa đông đóng băng
giấc mơ cài khóa
em không về sau trận lá rụng mùa
chừng như xuân vừa qua đó
parabol chiều cong ảo giác
biến thiên nỗi buồn cực đại
những ngày cùng tuổi lô nhô

Đã định viết câu thơ ngợi ca xuân
nụ non chối từ tách mầm nứt hạt
xác thối động tình
nụ non bưng mặt khóc
câu thơ sơ sinh đã tử nạn trong chiếc bong bóng bay tít trên cao
những ngày cùng tuổi không về

Đã định viết khúc biệt từ xuân
nhưng hình như xuân đã qua lâu rồi
khi mưa chưa kịp tới
những ngày cùng tuổi dắt díu nhau lưu vong
ngày xuân ngập trong cơn mù nhiệt đới
không nắng không mưa
buồn như ngày lá chết
tôi ngồi bên thềm ủ rủ đợi bóng
những ngày cùng tuổi đã qua.

26.2.15
Phương Uy

Tiến sĩ Milton Friedman — Cuộc chiến chống lại ma túy mà chúng ta đang thua

Featured image:   asboluv

 

Người ta đã nói về tất cả các khía cạnh của vấn đề rồi, chẳng còn mấy thứ để nói nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng điều mà mọi người đều đồng ý là cần có thêm tiền để nghiên cứu – nhất là những công trình nghiên cứu mà chúng ta đang làm, nhưng tôi muốn nói rằng tôi không đồng ý với ý kiến đó. Nếu vấn đề nào chúng ta cũng chờ đợi cho đến khi tất cả các công trình nghiên cứu mà chúng ta muốn làm đều đã làm xong thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được bất cứ chuyện gì. Nếu chúng ta định hành động thì chúng ta phải hành động trên cơ sở những bằng chứng đã có. Tôi không đồng ý với những người, tương tự như anh bạn tốt của tôi, anh Ed Meese, tức là những người nói rằng chúng ta cần phương án thay thế chi tiết và có đủ cơ sở lí luận trước khi làm bất cứ điều gì với hệ thống hiện hành, những người muốn thay đổi hệ thống có nghĩa vụ chứng minh điều đó. Nếu hệ thống gây ra rối loạn, thì làm bất cứ điều gì đó nhằm thay đổi nó là tốt, mặc dù chúng ta có thể không có phương án thay thế đầy đủ và chi tiết.

Cần phải nhớ rằng về cơ bản chúng ta đứng về một phía. Tất cả chúng ta đều có chung mục đích. Tất cả chúng ta đều biết rằng các loại ma túy hiện đang gây ra rất nhiều tác hại. Chúng ta khác nhau ở chỗ: đâu là phương tiện tốt nhất nhằm giảm thiểu những tác hại mà ma túy gây ra cho xã hội. Chúng ta không né tránh những cố gắng nhằm đạt tới những kết luận hợp lí bằng cách gán cho những người không đồng ý với chúng ta những động cơ xấu. Một câu nói nổi tiếng của ông Pierre S. du Pont cách đây gần đúng hai thế kỷ (ngày 25 tháng 9 năm 1790) trước Quốc hội của nước Pháp cách mạng, tôi đã sử dụng nhiều lần:

“Thưa ngài, sự gay gắt của những cuộc thảo luận của chúng ta dễ làm cho chúng ta ngả về thói quen xấu, đấy là gán cho người khác những ý định xấu xa. Cần có thái độ lịch sự với những ý định; cần phải tin rằng đấy là những ý định tốt và dường như đấy đúng là những ý định tốt; nhưng chúng ta hoàn toàn không được có thái độ lịch sự với những luận cứ phi logic hoặc những lập luận vô căn cứ. Những người lập luận không hợp logic đã vô tình phạm nhiều tội hơn là những người xấu cố ý làm.”

Tôi sẽ không đưa ra thêm bất kỳ luận cứ nào vì đã có biết bao nhiêu luận cứ đã được trình bày. Tôi muốn sử dụng thời gian có hạn của tôi chỉ đơn giản là cố gắng hệ thống hóa cuộc thảo luận và đưa thêm một ít bằng chứng. Người ta thường thảo luận về vấn đề ma túy trên hai bình diện. Một bình diện được một diễn giả trong ngày hôm nay trình bày như là cuộc tranh luận giữa Plato với John Stuart Mill: Sự bất đồng về mặt triết học giữa quan điểm của Plato, cho rằng một số người trong chúng ta (là “triết gia –hoàng đế”) có quyền nói cho những người khác những việc họ phải làm vì đấy là điều tốt đối với họ, và học thuyết của John Stuart Mill, cho rằng vai trò của chính phủ chỉ đơn giản là ngăn chặn người dân làm hại lẫn nhau và rằng chính phủ không có quyền buộc người dân làm bất cứ điều gì chỉ đơn giản vì đấy là điều tốt đối với chính họ. Có thể gọi là quan điểm triết gia-hoàng đế và quan điểm của chủ nghĩa tự do. Không nghi ngờ gì rằng có bất đồng trên bình diện này, và như nhiều người đã biết, tôi đứng về phía John Stuart Mill. Nhưng, trong vấn đề này – cũng như trong nhiều vấn đề khác – đấy không phải là quyết định. Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng đến thái độ của người dân và thế giới quan của họ. Tôi nghĩ rằng phải công nhận điều đó.

Tại sao nó không phải là quyết định? Bởi vì ngay cả chủ nghĩa tự do cũng biện minh cho sự can thiệp nhằm ngăn chặn thiệt hại mà người này gây ra cho người khác. Theo tôi, sự phân biệt căn bản nhất, cần phải nhớ trong cuộc thảo luận này là phân biệt giữa những nạn nhân vô tội và những nạn nhân tự làm hại mình. Vấn đề này đã xuất hiện trong nhiều cuộc thảo luận. Mọi người đều công nhận rằng nạn nhân tự làm hại mình có thể gây tổn hại cho người khác. Thậm chí nếu không có điều luật phòng chống ma túy nào, nếu ma túy trở thành hoàn toàn hợp pháp, thì sẽ vẫn có những nạn nhân vô tội. Dĩ nhiên, rõ ràng nhất là con của những người nghiện ma túy bị mắc bệnh ngay từ khi mới lọt lòng. Tôi không biết có bao nhiêu đứa trẻ như thế – xin để những người làm trong ngành y tế quyết định – nhưng chắc chắn đấy rõ ràng là những nạn nhân vô tội của chính các bà mẹ của chúng. Vì vậy, hợp pháp hóa ma túy sẽ không có nghĩa là không còn các nạn nhân vô tội. Ngay cả người theo trường phái tự do kiên định nhất cũng có thể biện hộ cho việc cấm một số loại ma túy hoặc hạn chế một cách nghiêm ngặt việc sử dụng chúng với lí do là sự can thiệp vào các hành vi của cá nhân được tưởng thưởng một cách hậu hĩnh: ngăn chặn được tác hại đối với những nạn nhân vô tội.

Điều này đưa vấn đề lên bình diện thứ hai – bình diện lợi ích. Chúng ta đang có một hệ thống phòng chống ma túy. Nó có hoạt động không? Nó mang lại nhiều lợi ích hơn hay nhiều thiệt hại hơn? Nếu nó làm hại nhiều hơn lợi thì chúng ta hãy thôi làm những cái hại đó và không chờ cho đến khi chúng ta có một kế hoạch chi tiết, đầy đủ về việc chúng ta phải làm gì. Hãy loại bỏ những đặc tính mà rõ ràng là đang gây ra nhiều thiệt hại nhất. Một lần nữa, trên bình diện này, tất cả mọi người đều đồng ý rằng các phương pháp hiện nay đang gây ra rất nhiều thiệt hại. Tiến sĩ Clarke đã trình bày một cách xúc động và hiệu quả về một trong những thành tố quan trọng nhất của thiệt hại này (trong Chương 25, Searching for Alternatives: Drug-Control Policy in the United States / Ed. by M.B. Krauss, E.P. Lazear.Stanford, Calif.: Hoover Institution Press, 1991]).

Những nỗ lực nhằm thực thi các biện pháp cấm đoán ma túy đang phá hủy các khu phố nghèo, hết thành phố này sang thành phố khác, tạo ra bầu không khí tiêu cực đối với những người sống ở đó. Đây có lẽ là sự sỉ nhục lớn nhất ở Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay. Tôi nói “có lẽ” bởi vì chính sách thay thế là điều chúng ta đang làm cho các nước khác, chủ đề này được thảo luận trong Chương 20. Ai có thể nói với tôi rằng Hoa Kỳ có quyền phá hủy nước Colombia bởi vì Hoa Kỳ không thể thực thi luật pháp của chính nước mình? Nếu chúng ta thực thi pháp luật của chúng ta thì sẽ không có vấn đề gì.

Tôi không có ý nói rằng chúng ta không thể thực thi được pháp luật của mình. Về nguyên tắc, chắc chắn là chúng ta có thể xóa bỏ hoàn toàn ma túy nếu chúng ta sẵn sàng sử dụng những phương pháp mà Saudi Arabia sử dụng: Nếu chúng ta sẵn sàng chặt tay tội phạm ma túy, nếu chúng ta sẵn sàng tử hình những người buôn bán ma túy. Chúng ta không áp dụng những hình phạt đó và tất cả chúng ta, không trừ một ai, rất tự hào về sự kiện là chúng ta không sẵn sàng áp dụng những phương pháp đó. Chữa thế thì rõ ràng là còn tệ hơn cả bệnh. Nhưng vì chúng ta không thể thực thi được pháp luật của mình, tôi tin rằng chẳng thể nào biện hộ được cho những hành động tàn phá của Hoa Kỳ đối với những nước khác.

Chúng ta đang phá hủy những khu dân cư nghèo ở các thành phố lớn, nhưng đấy là những thành phố của chúng ta. Tôi không biện hộ cho hành động đó – xin chớ hiểu lầm – nhưng theo tôi, phá hủy các nước khác còn khó biện hộ hơn. Tôi đã hỏi rất nhiều người ủng hộ các chính sách hiện nay của chúng ta câu hỏi này. Nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời tương đối thỏa đáng.

Khi thảo luận về vấn đề ma túy, tôi, tương tự như nhiều người khác, cũng như tiến sĩ Morgan (Chương 24), đã trích dẫn những biện pháp cấm rượu trong những năm 1920 như một ví dụ rõ ràng về những ảnh hưởng tiêu cực của cấm đoán. Đáp lại, tôi đã nhận được rất nhiều thư. Những người không đồng ý với kết luận của tôi thường đưa ra hai luận cứ và để trả lời những luận cứ này, tôi muốn đưa ra thêm một ít dữ liệu.

Mọi người đều biết rằng cấm đoán các loại ma túy làm cho ma túy trở thành hoạt động bất hợp pháp, mang lại nhiều lợi nhuận và tạo ra một tầng lớp tội phạm. Nhưng, những người ủng hộ những biện pháp cấm đoán lại trả lời rằng hợp pháp hóa hoặc phi hình sự hóa ma túy hoặc thay đổi tình hình bằng bất cứ biện pháp nào khác thì những người này vẫn sẽ là tội phạm, họ sẽ chỉ chuyển sang những lĩnh vực khác mà thôi. Hãy xem những việc xảy ra sau khi bãi bỏ Luật cấm rượu, họ nói. Lúc đó có Al Capone và các băng đảng, và sau khi những biện pháp cấm rượu chấm dứt, chúng liền chuyển sang những lĩnh vực khác. Chắc chắn là có một phần sự thật trong chuyện này. Giới tội phạm sẽ để lại tàn dư, mà tàn dư có nghĩa là nhiều tội phạm hơn.

Chuyện này nghiêm trọng đến mức nào? Tôi có một đồ thị (Hình 3. 1). Thể hiện số vụ giết người trên 100.000 dân – trục tung – kể từ 1910 trở đi. Số liệu có đến năm 1987. Sau năm 1910, số vụ giết người gia tăng cực kì nhanh. Vụ bùng nổ đầu tiên diễn ra trong Thế chiến I, và hiện tượng mà chúng ta bao giờ cũng thấy là chiến tranh thường làm gia tăng tội phạm. Sau khi Chiến tranh kết thúc thì sao? Số vụ giết người tính trên 100.000 dân tiếp tục tăng lên rất nhanh và đạt đỉnh điểm vào đúng năm bãi bỏ Luật cấm rượu, tức là năm 1933. Sau đó nó giảm cũng rất nhanh, và giữ ở mức thấp trong suốt những năm 40 và 50, trừ những năm Thế chiến II là có gia tăng. Vì năm 1933 cũng là năm kết thúc của Đại suy thoái, có thể khẳng định rằng cuộc Đại khủng hoảng cũng góp phần làm gia tăng tội phạm và những vụ giết người. Nhưng, trong suốt giai đoạn thịnh vượng trong những năm 1920, số vụ giết người trên 100.000 dân cao hơn hẳn giai đoạn thịnh vượng trong những năm 40 và 50, nếu không nói đến cuối những năm 30, không được thịnh vượng bằng. Tôi tin rằng khi nhìn vào những bằng chứng này thì không một người nào có thể nghi ngờ rằng bãi bỏ Luật cấm rượu đã có ảnh hưởng đáng kể và nhanh chóng đối với số vụ giết người.

Đầu những năm 1960, số vụ giết người bắt đầu gia tăng và sau khi Tổng thống Nixon tiến hành cuộc chiến chống lại ma túy thì gia tăng rất nhanh. Thời gian gần đây, tỷ lệ giảm một chút, nhưng vẫn còn ở mức tương tự như năm 1933. Theo tôi, chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối rằng nếu ma túy được hợp pháp hóa thì tỷ lệ những vụ giết người sẽ giảm mạnh, nhiều khả năng là sẽ trở lại mức của những năm 50. Đó là vấn đề rất đáng quan tâm: Giảm tỷ lệ giết người từ trung bình của thập niên 80 xuống mức trung bình của những năm 50, với dân số hiện nay của chúng ta, điều đó có nghĩa là giữ được mạng sống cho hơn 10.000 người một năm!

Tôi đã đưa thêm về số lượng tù nhân (trên 10.000 dân) mà tất cả các nhà tù liên bang, tiểu bang và địa phương nhận hàng năm. Những dữ liệu này, hay chí ít là những dữ liệu mà tôi nắm được, chỉ có từ năm 1926 trở đi. Từ năm 1926 đến năm 1931 số lượng tù nhân tăng lên rất mạnh. Sau đó giảm, rồi lại tăng trở lại đến năm 1940, rồi lại giảm mạnh trong giai đoạn chiến tranh, rồi lại tăng và đạt đỉnh điểm vào năm 1961, rồi lại giảm mạnh cho đến năm 1969. Từ năm 1970 trở đi, số tù nhân tăng lên đáng kể, năm 1987 nhiều hơn hai lần so với năm 1931. Sự gia tăng tù nhân trùng với giai đoạn mở đầu cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Nixon, và tăng thêm khi Tổng thống Reagan khởi động cuộc chiến tranh tương tự.

Những con số này ít nhất cũng làm ta đau lòng. Hầu hết các cuộc thảo luận về các nạn nhân vô tội, trong đó có những cuộc tôi đã nghe ở đây, đã bỏ qua nhóm người mà tôi coi là những nạn nhân vô tội quan trọng nhất, đấy những người không được cảnh sát bảo vệ bởi vì cảnh sát còn bận ngăn chặn ma túy và bị ngành công nghiệp ma túy mua chuộc. Việc phá hoại tinh thần thực thi pháp luật, phá hoại tinh thần thượng tôn pháp luật làm cho danh sách các nạn nhân vô tội ngày càng dài thêm. Về mặt cá nhân, tôi thấy khó hiểu làm sao mà người nào đó có thể phủ nhận sự kiện là coi việc sở hữu và phân phối một số loại ma túy nào đó là tội phạm đã sinh ra những nạn nhân vô tội. Rất ít người phủ nhận sự hiện diện của những nạn nhân vô tội như thế. Tuy nhiên, những người ủng hộ những biện pháp cấm đoán ma túy đáp lại rằng phi hình sự hóa ma túy có thể làm giảm số nạn nhân vô tội đó, nhưng giá mà xã hội phải trả để đạt được điều đó sẽ là sự gia tăng mạnh mẽ số người nghiện. Một lần nữa, họ quay trở lại với rượu và Luật cấm rượu để tìm bằng chứng. Họ cho rằng sau khi Luật cấm rượu bị bãi bỏ thì số người uống rượu gia tăng và số người nghiện rượu cũng gia tăng.

Hai đồ thị sau từ máy tính đáng tin cậy của tôi là để trả lời cho những lời tuyên bố như thế. Đồ thị thứ nhất (hình 3.2) cho thấy phần trăm số tiền mà người ta chi tiêu được dành để mua đồ uống có cồn. Chỉ có số liệu dành cho đồ uống có cồn hợp pháp; đó là lí do vì sao lại bắt đầu vào năm 1933. Đáng tiếc là, tất cả những ước tính về tiêu thụ rượu trong thời kỳ cấm rượu đều là những số liệu gián tiếp và không chắc chắn, vì vậy tôi quyết định chỉ đưa vào những con số liên quan đến đồ uống hợp pháp. Tiến sĩ Morgan đã trình bày một số dữ liệu về tiêu thụ rượu trong thời gian cấm đoán và rõ ràng là người ta vẫn tiêu thụ. Nhân tiện xin nói thêm là, trong số các nạn nhân vô tội của Luật cấm rượu, có cả những người tự làm cho mình nghiện, do những yếu tố mà tiến sĩ Morgan đã đưa ra. Trên thị trường bất hợp pháp, chắc chắn là có rượu giả, làm cho một số người chết. Thật vậy, tôi luôn luôn cảm thấy rằng những người nghiện ma túy hiện này là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc phi hình sự hòa ma túy. Hiện nay họ bị buộc phải trở thành tội phạm. Họ không thể yêu cầu giúp đỡ nếu không thừa nhận rằng mình là tội phạm. Như vậy là, luận cứ ủng hộ những phương pháp đang được sử dụng hiện nay chỉ có thể là: hợp pháp hóa ma túy thì số người nghiện sẽ gia tăng nhanh chóng.

Kinh nghiệm sau khi Luật cấm rượu bị bãi bỏ cho chúng ta biết điều gì? Trong ba năm đầu tiên, sau khi đồ uống hợp pháp đã thế chỗ cho đồ uống bất hợp pháp, tỷ lệ các khoản chi tiêu dành cho đồ uống có cồn đã tăng mạnh, đấy là điều không đáng ngạc nhiên. Đỉnh điểm là năm 1937, sau đó đi xuống đến năm 1940, sau đó, trong giai đoạn chiến tranh lại tăng lên cho đến năm 1945. Sau đó liên tục giảm dần.

Tôi đã khá già, tôi biết rõ giai đoạn đó. Tôi nhớ vài tháng sau khi Luật cấm rượu được bãi bỏ tôi có đến một nhà hàng Thụy Điển ở thành phố New York với một người bạn Thụy Điển, một anh bạn cùng lớp tại đại học Columbia. Đấy là một nhà hàng mà trong suốt giai đoạn cấm đoán anh ta có thể mua rượu Aquavit. Tôi chưa uống loại rượu này bao giờ và anh nghĩ rằng tôi nên thử. Họ nói không thể bán vì chưa có môn bài. Anh bạn tôi nói chuyện với họ bằng tiếng Thụy Điển và cuối cùng đã thuyết phục được họ đưa chúng tôi vào nhà bếp và cho chúng tôi nếm chút hương vị của Aquavit. Những người tin rằng khó mà mua được rượu trong giai đoạn cấm rượu ở Hoa Kỳ đều nên xem xét các bằng chứng. Lúc đó tôi cũng chưa quá già và không phải là người uống nhiều rượu, nhưng tìm cửa hàng rượu lậu không phải là việc khó.

Quay trở lại đồ thị, những người hoài nghi có thể nói, và nói đúng, rằng đấy là một tỷ lệ tính bằng phần trăm. Tổng số tiền chi cho tiêu dùng gia tăng. Có khả năng là tỷ lệ nhỏ trong tổng số lớn hơn là tấm bình phong che giấu sự gia tăng rất lớn số rượu được tiêu thụ.

Hình 3.3 cho thấy chi phí cho đồ uống có cồn trong giai đoạn đó, tính theo giá cố định năm 1982. Như chúng ta thấy, chi tiêu tính bằng giá trị tuyệt đối, cũng như tính bằng tỷ lệ phần trăm, tăng lên cho đến năm 1937 và sau đó giảm trong một thời gian ngắn. Trong giai đoạn chiến tranh, chi tiêu tăng mạnh, đạt đỉnh điểm vào năm 1946. Chi tiêu sau đó giảm và tương đối ổn định trong những năm 40 và 50 và sau đó, bắt đầu từ năm 1961, những khoản chi cho đồ uống có cồn đã tăng nhanh chóng. Nhưng, đối với mục đích của chúng ta, bài học quan trọng rút ra từ đồ thị là việc hợp pháp hoá rượu rõ ràng là đã không kích thích nạn nghiện rượu. Sau khi rượu được hợp pháp hóa, mức độ tiêu thụ gần như giữ nguyên. Gia tăng mạnh những khoản chi cho đồ uống có cồn trong giai đoạn từ 1961 đến năm 1980 là do những xu hướng trong đời sống của chúng ta trong những năm 1960 mà mọi người đều biết. Kể từ năm 1980, chi tiêu cho rượu đã giảm trong cả giá trị tuyệt đối và chứ không chỉ theo tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền chi tiêu.

Rõ ràng là nếu các loại ma túy bất hợp pháp hiện nay được hợp pháp hóa và đối xử với chúng giống hệt như người ta đối xử với rượu thì cũng chẳng có lí do để cho rằng số người nghiện sẽ gia tăng đột biến. Không có nghĩa là chắc chắn như thế, nhưng tất cả những lời tuyên bố khẳng định điều ngược lại đều dựa trên phỏng đoán và giả thuyết mà thôi. Tôi chẳng thấy có bằng chứng nào. Gần với bằng chứng nhất mà tôi gặp là ý kiến nhắc đến những cơn sốt thuốc phiện ở Trung Quốc. Với những bằng chứng mà chúng ta có – không chỉ từ Luật cấm rượu mà còn từ Hà Lan, Alaska và những nơi khác, tôi nghĩ rằng những người khẳng định rằng số người nghiện ma túy sẽ gia tăng đến mức không thể chấp nhận được phải chứng minh được điều mà họ khẳng định.

Điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là những phương pháp mà chúng ta đang dùng hiện nay không có hiệu quả. Số người đồng ý với nhận định này đông hơn là ta tưởng lúc ban đầu. Bản chất của con người là phóng đại những khác biệt của họ với nhau. Khó có thể gây ấn tượng với người khác mà không phóng đại ý kiến của mình. Ví dụ, về vấn đề cần sa mà Tiến sĩ Grinspoon đã nói một cách cực kì cảm động (Chương 21: Searching for Alternatives: Drug-Control Policy in the United States / Ed. by M.B. Krauss, E.P. Lazear.Stanford, Calif.: Hoover Institution Press, 1991), tôi ngờ là rất ít người tin rằng buôn bán cần sa đáng bị kết án tử hình. Tôi ngờ rằng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng không có lí do gì đế có thể đối xử với cần xa như cách chúng ta đang làm hiện nay.

Tôi cảm thấy rằng chúng ta cần phải thừa nhận những thiệt hại mà chúng ta đang gây ra và không để cho sự độc đoán của hiện trạng ngăn cản chúng ta tiến hành một số thay đổi đủ sức ngăn chặn những vụ giết người trong các khu ổ chuột trong các thành phố của chúng ta. Chúng ta có thể ngăn chặn việc tước đoạt đời sống gia đình bình thường của những người bị thiệt thòi trên đất nước này. Tôi không đồng ý với nhiều trong số những người đồng ý với tôi về vai trò mà chính phủ phải thực hiện trong việc điều trị các con nghiện. Tôi cũng không đồng ý với những người nói rằng thảm kịch của những khu ổ chuột là vấn đề xã hội, những người thiệt thòi không có đủ công ăn việc làm và do đó chính phủ phải cung cấp cho họ công ăn việc làm. Tôi muốn nói với những người đó rằng thành tích của chính phủ trong việc tạo ra công ăn việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác cũng chẳng hơn gì thành tích của họ trong việc cấm đoán ma túy. Theo tôi, không chỉ phần lớn tội phạm của chúng ta là do các biện pháp của chính phủ mà ra, mà phần lớn người nghèo của chúng ta cũng là do các biện pháp của chính phủ mà ra. Nếu những người đã nghiên cứu tình hình ma túy cũng nghiên cứu một cách cẩn thận ảnh hưởng của những biện pháp của chính phủ trong các lĩnh vực như phúc lợi, dịch vụ xã hội, nhà ở..v.v.. thì họ sẽ dễ dàng nhận ra rằng ít nhất những lời tôi nói cũng có một phần sự thật. Nhưng đây là những chủ đề khác nhau và chúng ta phải tách biệt ra. Xin đừng tạo ra giới tuyến về ý thức hệ trong vấn đề này bởi vì, mặc dù chắc chắn là có yếu tố ý thức hệ, những trong trường hợp này, tính toán về lợi ích là rất mạnh và giữ thế thượng phong.

 

Tác giả: Tiến sĩ Milton Friedman
Dịch: Phạm Nguyên Trường


 

Milton Friedman (31 tháng 7 năm 1912 – 16 tháng 11 năm 2006) là một nhà kinh tế học người Mỹ, ông là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế học vĩ mô, kinh tế học vi mô, lịch sử kinh tế và thống kê. Năm 1976, Friedman nhận Giải Nobel kinh tế vì những đóng góp vào lĩnh vực phân tích tiêu dùng, lịch sử và lí thuyết tiền tệ cũng như công lao của ông trong việc chứng minh tính phức tạp của chính sách ổ định kinh tế vĩ mô. Nhiều người cho rằng Friedman là nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất vào nửa sau thế kỷ 20.

19 câu nói đáng nhớ của Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy (1917-1963)

Featured image: HavardPolitics

 

1. “Hãy tha thứ cho địch thủ, nhưng đừng bao giờ quên tên họ.”

2. “Cái giá để trả cho tự do luôn luôn đắt, nhưng người Mỹ đã luôn trả giá. Và có một lối mà chúng ta sẽ không bao giờ chọn, đó là đầu hàng và khuất phục.”

3. “Hãy để tất cả các quốc gia biết rằng, dù họ chúc chúng ta an lành hay điều xấu, rằng chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, chịu bất cứ gánh nặng nào, gặp bất cứ gian khổ nào, hỗ trợ bất cứ người bạn nào, chống đối bất cứ địch thủ nào, để đảm bảo sự sống còn và thành công của tự do.”

4. “Sự cố gắng và dũng cảm đều không đủ nếu không có mục đích và phương hướng.”

5. “Một con người có thể chết, một quốc gia có thể vươn lên và sụp đổ, nhưng một lý tưởng sẽ sống mãi.”

6. “Các thư viện nên được mở cho tất cả mọi người, trừ những ai muốn kiểm duyệt.”

7. “Nền dân chủ và an ninh quốc phòng không thể nào thay thế được nhau. Cả hai sẽ sụp đổ nếu thiếu đi một.”

8. “Tôi tin vào một nước Mỹ, một nơi nền kinh tế thị trường tự do sẽ nảy nở để các chế độ khác nhìn thấy và khâm phục – một nơi không một doanh nhân nào sẽ thiếu sự cạnh tranh hoặc vốn – và không có sự độc quyền, không có cướp giật, không có một cơ quan chính phủ nào có thể làm anh ấy phải phá sản.”

9. “Chúng ta chọn để đi đến Mặt Trăng trong thập niên này và làm những điều khác, không phải vì nó dễ, mà vì nó khó.”

10. “Tự do có rất nhiều rắc rối và dân chủ không hoàn hảo, nhưng chúng tôi chưa bao giờ phải dựng lên một bức tường để giữ mọi người ở lại, để ngăn chặn họ chạy trốn.”

11. “Tự do không thể nào phân chia được, khi một người bị tù đày, tất cả đều không được tự do. Khi tất cả được tự do, lúc đó chúng ta có thể hướng tới cái ngày mà thành phố (Berlin) này gia nhập chung với Châu Âu trong một thế giới hòa bình và hy vọng.”

12. “Tất cả những người tự do, cho dù đang ở đâu, đều là công dân của thành phố Berlin, và, với tư cách là một người tự do, tôi tự hào với lời nói sau đây “Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin).”

13. “Chúng ta không bao giờ đàm phán trong sự sợ hãi. Nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ sợ hãi để đàm phán.”

14. “Chúng ta không thể nào đàm phán với những người cho rằng ‘Những gì của tôi là của tôi và những gì của bạn có thể đàm phán được.'”

15. “Chúng ta cần những người có thể ước mơ những thứ chưa bao giờ có.”

16. “Tất cả hành động đều có cái giá và rủi ro, nhưng nó luôn thấp hơn nếu chúng ta không hành động.”

17. “Một quốc gia nào lo sợ để cho người dân họ xét xử sự thật và giả dối một cách công khai là một quốc gia đang sợ người dân.”

18. “Chiến thắng có hàng ngàn người cha, nhưng thất bại là một đứa trẻ mồ côi.”

19. “Con đường tốt nhất dẫn đến sự phát triển là con đường tự do.”

 

Dịch: Ku Búa


 

Wikipedia: John Fitzgerald Kennedy (29 tháng 5 năm 1917 – 22 tháng 11 năm 1963), thường được gọi là Jack Kennedy hay JFK, là tổng thống thứ 35 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, tại nhiệm từ năm 1961 đến năm 1963. Sự kiện Kennedy bị ám sát vào ngày 22 tháng 11 năm 1963 là một bước ngoặt trong dòng lịch sử Hoa Kỳ vào thập niên 1960, khi khắp thế giới thương tiếc ông và các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đã đi theo quan tài đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Là chính khách trẻ tuổi nhất từng đắc cử tổng thống Hoa Kỳ[1] (Theodore Roosevelt, ở tuổi 42, là chính trị gia trẻ tuổi nhất từng phục vụ trong cương vị tổng thống: vì là phó tổng thống đương chức, Roosevelt kế nhiệm tổng thống William McKinley bị ám sát vào tháng 9 năm 1901), Kennedy cũng là tổng thống trẻ tuổi nhất đã qua đời – ông sống được 46 năm và 177 ngày. Kennedy là tín hữu Công giáo Rôma, duy nhất trở thành ông chủ toà Nhà Trắng và là Tổng thống đạt giải Pulitzer duy nhất của Hoa Kỳ.[2] Ông cũng là ứng cử viên cuối cùng thuộc đảng Dân chủ đến từ một tiểu bang miền Bắc giành được thắng lợi trong một cuộc tuyển cử tổng thống, là tổng thống đầu tiên sinh ra trong thế kỷ 20, và cho đến nay ông là tổng thống sau cùng qua đời khi đương chức.

 

Đôi điều bạn nên biết về lạm phát

Featured image: Paul

Lạm phát là gì?

Không có chủ đề nào được bàn luận nhiều trong thời buổi hiện tại – hoặc được hiểu quá ít – như lạm phát. Các chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn đề cập đến nó như đó là một sự viếng thăm khủng khiếp từ bên ngoài, một việc mà họ không thể kiểm soát được chút nào – như một cơn lũ, một cuộc xâm lược từ bên ngoài, một cơn dịch. Nó là một thứ họ lúc nào cũng hứa hẹn sẽ “chống lại” – nếu Quốc Hội hay dân chúng trao cho họ “vũ khí” hoặc “một điều luật cứng rắn” để thực hiện công việc.

Tuy nhiên, sự thật trần trụi là các lãnh đạo chính trị của chúng ta đã gây nên lạm phát bằng tiền bạc các chính sách tài khóa của họ. Họ hứa hẹn sẽ chống đỡ bằng bàn tay phải những gì mà bàn tay trái của họ đã gây ra.

Lạm phát, ở bất kỳ lúc nào và thời điểm nào, chủ yếu xảy ra bởi sự gia tăng của lượng tiền và lượng tín dụng cung ứng. Thật ra, lạm phát chính là sự gia tăng mức cung của tiền và tín dụng. Nếu bạn mở Tự điển Đại học Hoa kỳ ra tra thì bạn sẽ thấy định nghĩa đầu tiên của lạm phát như sau:

Mở rộng quá mức hay sự gia tăng của lượng tiền trong một quốc gia, đặc biệt là qua việc phát hành tiền giấy không có giá trị để hoàn lại.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, thuật ngữ này đã bị sử dụng với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ý nghĩa này được ghi nhận trong định nghĩa thứ hai trong Tự điển Đại học Hoa kỳ:

Một sự gia tăng đáng kể của vật giá, đưa đến bởi sự mở rộng quá mức của tiền giấy hay nợ ngân hàng.

Rõ ràng là giá cả gia tăng gây nên bởi cung tiền tệ gia tăng không đồng nghĩa với sự nới rộng của chính lượng tiền cung ứng. Một nguyên nhân hay điều kiện rõ ràng không thể xem là tương tự như một trong những hậu quả của nguyên nhân hay điều kiện đó. Việc sử dụng từ “lạm phát” với hai ý nghĩa khá khác biệt dẫn đến những nhầm lẫn vô tận.

Từ “lạm phát” ban đầu được áp dụng chỉ với số lượng tiền. Nó có nghĩa là số lượng tiền đã bị phình to ra, thổi phồng lên, nới rộng quá mức. Không có gì gần như là mô phạm khi đòi hỏi rằng thuật ngữ này nên được sử dụng bằng định nghĩa gốc của nó. Sử dụng nó để ám chỉ “một sự gia tăng của giá cả” là để đánh lạc hướng sự quan tâm khỏi nguyên nhân thật sự gây nên lạm phát cũng như phương thức cứu chữa thực sự cho lạm phát.

Chúng ta hãy xem điều gì xảy ra trong lạm phát, và tại sao nó lại xảy ra. Khi lượng tiền cung cấp gia tăng, người ta có thêm tiền để trả cho hàng hóa. Nếu lượng hàng hóa cung cấp không gia tăng – hoặc gia tăng không nhiều bằng lượng tiền cung cấp – thì giá cả của các mặt hàng sẽ gia tăng. Giá trị của mỗi đồng đô sẽ thấp hơn vì giờ có nhiều đô hơn. Cho nên sẽ có nhiều tiền đô được chi trả cho, chẳng hạn như, một đôi giày hay 100 giạ lúa mì so với trước đây. Một “cái giá” là một tỷ lệ trao đổi giữa giữa một đồng đô và một đơn vị hàng hóa. Khi người ta có thêm tiền đô, giá trị của mỗi đồng đô đối với họ thấp hơn. Giá cả của mặt hàng sẽ cao hơn, không phải vì các mặt hàng trở nên hiếm hơn trước đó, mà bởi vì tiền đô giờ dồi dào hơn trước.

Khi xưa, các chính quyền thổi phồng lạm phát bằng cách cắt xén và làm giảm giá trị của tiền xu. Sau đó, họ khám phá ra họ có thể lạm phát một cách bớt tốn kém hơn và nhanh chóng hơn bằng cách tung ra tiền giấy từ những máy in. Điều này đã xảy ra với đồng assignats của chính phủ Pháp năm 1789, và với đồng tiền của chúng ta trong Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Phương pháp hiện nay gián tiếp hơn. Chính quyền của chúng ta bán trái phiếu hoặc những khoản tôi-nợ-anh cho các ngân hàng. Để đổi lại, các ngân hàng tạo ra những “khoản tiền gửi” trong sổ sách của họ để chính phủ có thể rút. Các ngân hàng sau đó có thể bán những “khoản nợ” của chính phủ cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang, nơi mà để thanh toán những khoản nợ thu mua này, họ sẽ tạo ra những “khoản tiền gửi” trong sổ sách hoặc in thêm chi phiếu để ghi trả. Đây là cách để sản xuất tiền.

Phần lớn “cung tiền tệ” của đất nước này được đại diện không phải bởi tiền mặt trao qua tay mà là bởi những khoản tiền gửi vào ngân hàng được rút ra bằng chi phiếu. Cho nên khi đa số các nhà kinh tế đo lường cung tiền tệ của chúng ta họ cộng thêm tiền gửi thanh lý (và bây giờ thường xuyên cộng luôn cả tiền gửi tiết kiệm) vào số tiền mặt bên ngoài các ngân hàng để có được tổng số. Tổng số tiền và tín dụng đo được cuối tháng mười Hai năm 1939 là 63.3 tỉ USD và cuối tháng 12 năm 1963 là 308.8 tỉ. Mức gia tăng đến 388% trong nguồn tiền cung cấp là lý do áp đảo cho việc giá cả thị trường gia tăng 138% trong cùng khoảng thời gian.

Một số các Chuẩn Mực

Người ta thường cho rằng việc quy lạm phát thông qua một sự gia tăng khối lượng tiền cung cấp là “đơn giản hóa quá mức”. Điều này đúng. Có nhiều chuẩn mực cần phải được lưu ý.

Thí dụ như, “cung tiền tệ” cần phải được xem như không chỉ bao gồm nguồn tiền trao qua tay thôi mà còn cả nguồn tín dụng của ngân hàng – nhất là ở Hoa kỳ, nơi mà đa số các khoản thanh toán được giải quyết bởi chi phiếu.

Nói rằng giá trị của mỗi đồng đô chỉ phụ thuộc vào lượng cung ứng hiện hành của tiền đô cũng là “đơn giản hóa quá mức.” Giá trị của mỗi đồng đô còn phụ thuộc vào dự kiến về nguồn cung cấp của đồng đô trong tương lai. Chẳng hạn như trong trường hợp số đông lo sợ rằng nguồn tiền cung cấp sẽ nhiều hơn so với hiện tại trong một năm tới đây, thì giá trị hiện tại của đồng đô (tính theo sức thu mua của nó) sẽ thấp hơn giá trị hiện tại đáng lẽ ra nó phải có.

Một lần nữa, giá trị của mọi đơn vị tiền tệ như đồng đô, phụ thuộc không chỉ vào số lượng của tiền đô mà còn vào chất lượng của chúng. Thí dụ như, khi một quốc gia sử dụng kim bản vị, điều đó có nghĩa là vàng, hay quyền tiếp thu vàng, bỗng dưng trở thành tiền giấy. Giá trị của đơn vị tiền tệ theo đó thường rơi ngay lập tức, kể cả khi không có sự gia tăng trong lượng tiền cung cấp. Đó là vì người ta đặt niềm tin vào vàng nhiều hơn vào những lời hứa hẹn hay sự phán xét của các nhà quản lý tiền tệ của chính phủ. Không có một trường hợp nào được ghi nhận khi mà việc rời khỏi kim bản vị không tiếp nối bởi sự gia tăng của tín dụng và tiền in.

Nói một cách ngắn gọn, giá trị của đồng tiền thay đổi cùng các lý do với giá trị của bất kỳ mặt hàng nào. Chẳng hạn như khi giá trị của một giạ lúa mì phụ thuộc không chỉ vào nguồn cung cấp lúa mì hiện có mà còn phụ thuộc vào dự kiến tương lai về nguồn cung cấp và chất lượng của lúa mì thì giá trị của đồng tiền cũng phụ thuộc vào những cân nhắc tương tự như thế. Giá trị của đồng tiền, cũng như giá trị của hàng hóa, không được quyết định đơn thuần bởi các quan hệ cơ hóa hay vật chất, mà chủ yếu bởi các yếu tố tâm lý thường có thể rất phức tạp.

Để đối phó với các nguyên nhân và giải pháp của lạm phát, lưu ý đến các biến chứng là một chuyện, bị nhầm lẫn hoặc bị định hướng sai lệch bởi các biến chứng không cần thiết hoặc không hiện hữu lại là một chuyện khác.

Ví dụ như khi người ta thường nói giá trị của đồng tiền phụ thuộc không chỉ đơn thuần vào số lượng của tiền đô mà là vào “tốc độ lưu thông” của lượng tiền đó. Tuy nhiên, “tốc độ lưu thông” gia tăng không phải là một lý do của một sự sụt giảm thêm trong giá trị của đồng đô; chính nó lại là một trong những hậu quả của sự lo sợ rằng đồng đô sẽ tụt giá (hoặc, để nói ngược lại, của niềm tin vào việc giá cả hàng hóa sẽ gia tăng). Chính niềm tin này đã khiến người ta hối hả trao đổi tiền đô lấy mặt hàng nhanh hơn. Một số các ngòi bút kinh tế đã nhấn mạnh “tốc độ lưu thông” chỉ là một ví dụ nữa của của sai lầm trong việc thay thế các lý do cơ hóa đáng ngờ với các lý do tâm lý thật sự.

Một ngõ cụt nữa là trong câu trả lời cho những ai đã chỉ ra rằng lạm phát chủ yếu xảy ra bởi một sự gia tăng trong lượng tiền và tín dụng, người ta hài lòng khi cho rằng sự gia tăng giá cả hàng hóa thường xảy ra trước sự gia tăng của cung tiền tệ. Điều này đúng. Đây là những gì đã xảy ra ngay sau khi chiến tranh xảy ra ở Hàn quốc. Các nguyên liệu chiến lược bắt đầu tăng giá khi người ta sợ rằng chúng sẽ trở nên hiếm đi. Các nhà đầu cơ và các nhà sản xuất bắt đầu thu mua chúng để tích trữ sinh lợi hoặc để bảo đảm số lượng hàng tồn kho. Nhưng để thực hiện việc thu mua này họ phải mượn thêm vốn từ các ngân hàng. Sự gia tăng giá cả được kèm theo bởi sự gia tăng không kém phần đáng kể trong các khoản vay và tiền gửi ngân hàng. Kể từ 31 tháng 5 năm 1950 đến 30 tháng 5 năm 1951, các khoản vay của các ngân hàng của nước này đã tăng thêm 12 tỉ. Nếu Nếu các khoản vay này đã không xảy ra, và số tiền mới (gần 6 tỉ kể đến cuối tháng 1 năm 1951) đã không được cung ứng để giải quyết các khoản vay, sự gia tăng giá cả có thể đã được duy trì. Nói một cách ngắn gọn, giá cả gia tăng đã có thể xảy ra chỉ bởi một sự gia tăng cung tiền tệ.

 

Tác giả: Henry Hazlitt
Dịch: Hoàng Triết

5 nhận định về cách lập luận chính trị ở Việt Nam

Featured image:  the rik pics

 

Gửi các admin của Triết Học Đường Phố: Mình rất ấn tượng về page của các bạn, các bạn là page bàn luận về chính trị sạch nhất mà mình từng thấy. Nên mình xin mạn phép đóng góp một bài. Mình là 1 sinh viên năm nhất, tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng sống trong một đoạn thời gian mà có nhiều sự kiện chính trị và tồn tại một thế giới mở như fb nên mình cũng rất chú ý tới những cuộc tranh luận về chế độ, nhà nước của Việt Nam, đồng thời sau khi vào đại học mình học những bộ môn như Mác, như học phần quốc phòng mình. Qua những cuộc tranh luận cùng với những gì mình học trong các bộ môn chính trị mình nhận thấy lối suy nghĩ và lập luận của mọi người, từ cả 2 phe, đều có vài điểm sai lầm, mang tính cực đoan và khiến mọi cuộc tranh luận được đưa ra rơi vào bế tắc. Vì vậy mình xin mạn phép post bài này để chia sẻ với mọi người, cùng đọc, ngẫm. Những ý kiến, nhận định của mình chỉ mang tính cá nhân, xuất phát từ bản thân mình nên đừng hỏi những cái ấy từ đâu ra, đừng phán xét đúng sai.

Đầu tiên các bạn thường hay bác bỏ ý kiến trái chiều bằng lý do kiểu như “Bọn phản động, bọn bán nước” từ phía các bạn ủng hộ chế độ hoặc là “Ôi cộng sản, lũ ngu dốt!!!” từ phía các bạn còn lại. Đây gọi là chụp mũ về tư tưởng, về niềm tin, các bạn muốn bảo vệ tư tưởng niềm tin của bạn thì bạn phải có lập luận, phải có lý lẽ để bảo vệ nó, chứ không phải bác bỏ mọi ý kiến phản bác bằng cách phán xét đối tượng tranh luận với bạn.

Thứ hai, không chấp nhận ý kiến bên đối diện dù cho họ đưa ra đầy đủ lý lẽ và chứng cứ thuyết phục. Các bạn phải tập chấp nhận những ý kiến đúng đắn từ phía bên kia. Nếu bên kia đưa ra được bằng chứng lý lẽ thuyết phục thì bạn phải chấp nhận nó, có như vậy thì lý lẽ, bằng chứng của bạn mới được người khác lắng nghe, tán thành. Không nên tranh luận theo kiểu cãi bướng, cứ đinh đinh cái định kiến rằng bên mình luôn đúng và bên kia luôn sai.

Thứ ba, 1 vấn đề rất là nhức nhối, chửi thề. Nếu các bạn không có văn hóa, không biết cách ứng xử thì mình khuyên các bạn đừng tham gia những vấn đề thế này, xem cho biết đi. Vì tranh luận là giải quyết vấn đề bằng ngôn ngữ, lập luận, chứ không phải cãi nhau ngoài đường bên nào chửi cho bên kia im miệng là thắng.

Thứ tư, thường xuyên lôi lịch sử, những chính sách sai lầm của bên đối lập trong quá khứ ra để phán xét tư cách, độ đúng đắn của họ. Mình nói thật, trong mắt mình cuộc chiến 1954-1975 không phải cuộc chiến giải phóng, cũng không phải cuộc chiến chống xâm lược, mà là 1 cuộc nội chiến. Mà nội chiến thì không có đúng sai, chỉ đơn giản là anh em trong nhà giành nhau quyền kiểm soát (và sai lầm của cả 2 bên là đều lôi nước ngoài vào). Đồng thời, thứ chúng ta tranh luận là những vấn đề hiện nay, với những cá nhân sống trong thời đại này chứ không phải vào thời nào đó. Cho nên việc lôi lịch sử ra để xuyên tạc phán xét là hành động không hợp lý và mang tính thù địch hơn là tranh luận.

Thứ năm, so sánh vấn đề trong nước với nước ngoài. Các bạn có thể dẫn chứng những thành công thất bại của nước khác để củng cố cho lập luận của bạn nhưng cái mình nói ở đây là cái kiểu lấy nguyên nước người ta ra so sanh với nước mình mà không nêu ra thua ở đâu, vì sao thua. Như “Bên Singapore hồi xưa thua mình, giờ nó hơn mình chục năm”, các bạn chỉ nhìn tới việc nước mình thua nước họ với tâm thái là ganh tị, chứ không phải học tập. Biết mình thua người khác rồi thì phải xem mình thua ở đâu và có niềm tin phấn đấu chứ ko phải cứ luôn miệng nói mình thua người này người kia như vậy.

Có lẽ do nước ta độc Đảng nên người dân không quen với việc tranh luận những vấn đề thế này. Nhưng theo mình, trước khi bàn về tự do, bàn về dân chủ, bàn về đa đảng thì mỗi người dân trong chúng ta, dù tư tưởng chính trị như thế nào, đều phải biết cách làm thế nào để tranh luận, đưa ra lý lẽ hợp lý chứ không phải thực hiện những hành động đưa mọi cuộc tranh luận nào vào ngõ cụt.

P/S: Nếu bạn nào tâm đắc về bất kì quyển sách nào về nghệ thuật tranh luận, lập luận thì cho mình xin vì những cái trên là do mình tự rút ra và còn phải học nhiều. Xin cảm ơn.

 

KR