28 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 143

Tôi, hai bạn trẻ, CSGT và tay giang hồ

Featured Image: Leon_Ting

 

6 giờ kém 15 tôi rời nhà để đi lễ tối nhà thờ. Trên quãng ngắn của con đường hẹp đầy nghẹt xe cộ vào giờ cao điểm. Tôi đi sát lề, nhưng vì khá vội nên lách qua làn đường phân vạch đứt để vượt lên. Vừa lách vào trở lại thì quan sát thấy trước mặt đã có CSGT. Thôi rồi, dính đạn.

Người vừa huýt còi tôi là một cảnh sát trẻ, khá mập. Anh ta không chào tôi (chắc quên nhỉ) mà yêu cầu xuất trình giấy tờ ngay cho anh ta kiểm tra. Cái quái gì đây, chưa báo lỗi người ta đã đòi xem giấy tờ. Tôi không đồng ý, tôi bảo: “Tôi phạm lỗi gì.” Anh ta nói lí nhí câu gì mà tôi không nghe rõ. Tôi yêu cầu anh ta nhắc lại.

“Anh đi vào làn đường xe lớn.”

“Sao lại đi vào làn đường xe lớn? Đây là vạch phân cách đứt, tôi có quyền lách qua một quãng ngắn để vượt lên chứ?” (từng có một CSGT nói với tôi như vậy – tôi thêm chi tiết này vào cuộc tranh luận) “Nhưng luật bây giờ thay đổi rồi, anh đi như vậy là phạm luật. Bây giờ tất cả con đường đều là vạch phân cách đứt, vạch phân cách liền chỉ ở giữa đường thôi, anh xem đi.” Anh ta chỉ cho tôi vạch đường ở giữa, bị hàng rào phân cách đè lên.

“Luật mới là sao, trước giờ tôi vẫn đi như vậy mà. Tôi đi đường trường hoài chứ không phải chỉ có đi ở Sài gòn này không đâu.” Anh ta vẫn cố chống chế: “Bây giờ không có đường nào phân chia bằng vạch phân cách liền hết.” (anh ta có vẻ đã nóng ruột). Tôi đưa ra lập luận mới: “Anh xem ngoài đường kìa, bao nhiêu người đi đó, sao anh không xử lý đi.”

“Tôi phải xử lý anh xong mới xử lý họ được.”

“Ok, vậy tôi chờ ở đây, nếu anh xử lý họ thì tôi đồng ý cho anh xử lý.”

“Tôi phải thu giấy tờ của anh mới tiếp tục xử lý họ được.”

“Không, tôi chưa rõ lỗi của tôi, tôi sẽ không đưa giấy tờ của tôi cho anh.”

“Anh phải đưa giấy tờ hoặc chìa khóa xe thì tôi mới yên tâm là anh không bỏ chạy.”

“Tôi việc gì phải bỏ chạy?” Tôi vừa nói vừa đứng dịch ra khỏi xe mình một quãng xa. “Anh xử lý đi, tôi sẽ chờ, tôi chẳng sợ gì mà bỏ chạy.” Cuộc tranh luận gần như đi vào thế giằng có và bế tắc đối với anh ta.

Tôi quên chưa kể thêm, sau khi tôi bị ngoắc vào, có hai thanh niên khác, đi chung xe cũng bị xử lý. Làm việc với họ là một CSGT khác, khá ốm. Bên đó, cuộc tranh cãi cũng đang diễn ra căng thẳng. Họ cũng quyết không xuất trình giấy tờ. Anh CSGT ốm dọa lập biên bản. Họ tiến gần đến chỗ tôi để lấy giấy tờ. Tôi không biết họ tranh luận những gì, tôi đang cần đồng minh, nên lập tức kết thân với họ. Tôi đánh tiếng hỏi: “Bạn bị lỗi gì vậy.” “Họ nói tôi lấn tuyến. nhưng đây là tuyến 413, được phép lấn” (tôi thầm nhủ, anh này còn cứng hơn mình, rành luật dữ, tôi không biết có nghe đúng không, nhưng tôi cũng không biết tuyến 413 là sao nữa). Ngay lúc đó anh CSGT mập xen vào: “Anh thì biết gì về luật mà tranh cãi.”

Anh kia mạnh miệng: “Tôi không làm việc với anh, tôi làm việc với anh này.”

Bị ức chế vì câu nói đó, anh CSGT mập phản ứng lại: “Đúng rồi, mấy người thấp học thì biết gì về luật.”

Ngay lập tức anh bạn trẻ còn lại phản ứng gay gắt: “Sao anh dám mạt sát người dân là đồ thấp học, anh biết gì về chúng tôi mà dám mạt sát chúng tôi.”

Bị đáp trả bất ngờ, anh CSGT mập chống chế: “Tôi mạt sát cái gì, tôi nói gì mà mạt sát?”

“Anh vừa nói chúng tôi thấp học, tôi nghe rành rành, người ta cũng nghe rõ ràng.”

Cơ hội đây rồi, tôi quay qua, đưa đôi mắt lạnh lùng lên nhìn anh ta. Nó lập tức có tác dụng. Anh ta đuối lý.

Trong diễn biến của sự kiện, có một nhân vật lạ xuất hiện. Người cao to, béo tốt, một bên tai đeo phone, hình như không phải là nghe nhạc. Kể từ lúc cuộc tranh cãi đi vào căng thẳng, anh ta xuất hiện, đi lượn lờ chung quanh, phong cách thì ra vẻ như một anh xe ôm tò mò, nhưng hoàn toàn không giống lắm. Tôi đã từng nghe lời đồn về việc CSGT có giang hồ đi theo bảo kê. Kể cũng hơi ớn. Pháp luật thì mình có thể cãi, nhưng giang hồ thì chỉ có “luật rừng”.

Tôi quyết định phương án mới, tôi bảo anh công an: “Tôi sẽ xuất trình giấy tờ nhưng anh phải làm rõ lỗi của tôi và anh phải xử lý những người vi phạm khác để tôi thấy rõ ràng.” Tôi rút chiếc bóp trong túi ra. Thật sự nãy giờ khá căng thẳng, nên tay tôi đã cảm giác run (phần vì lần đầu tôi dám đấu lý với cảnh CSGT, phần vì không biết tên lạ mặt lãng vãng nãy giờ sẽ hành động cái gì nữa). Tôi hít một hơi dài, nghiến răng lại và rút giấy tờ ra, thật mạnh mẽ và quyết đoán để anh ta không biết là tôi cũng đang lo lắng.

Sau khi xem bằng lái và giấy tờ xe, anh yêu cầu cả CMND và bảo hiểm xe máy. “Cái gì mà cả bảo hiểm nữa.” Tôi nhăn mặt. Đó là luật, anh phải xuất trình cả bảo hiểm nữa. Ok, tôi chả sợ, tôi có bảo hiểm mà. Tôi rút luôn bảo hiểm ra. Anh ta xem kỹ bảo hiểm rồi nói: “Bảo hiểm anh hết hạn rồi.” Tôi xem lại thì quả thật vậy. Rồi, thế là không bắt tội đi lấn tuyến, chuẩn bị qua tội “bảo hiểm” đây.

Ok, tôi sẵn sàng viết biên bản. Tôi đã nghĩ bụng chắc chắn như vậy. Nhưng trái với dự đoán của tôi, anh ta bất ngờ nói nhẹ: “Với cái bảo hiểm hết hạn thì tôi đủ xử lý anh rồi, nhưng anh đi đi, lần sau đi lại cẩn thận.” Tôi hơi ngạc nhiên với thắng lợi chóng vánh này. Hơi phân vân một chút, liếc nhìn hai anh bạn trẻ kia đang viết biên bản, rồi tôi lên xe nổ máy.

Xin lỗi các bạn là câu chuyện vẫn chưa kết thúc.

Tôi chạy một quãng ngắn, liếc nhìn đồng hồ, đã 18h30. Trễ giờ lễ mất rồi. Tôi quanh xe lại, dừng ở lề đường đối diện chỗ lúc nãy để tiếp tục quan sát.

Hai anh bạn trẻ vẫn đang xử lý biên bản với a CS ốm. Còn anh CS mập, đã rảnh tay, tiếp tục ra đường ngoắc tiếp. Đường xá chật chội, rất nhiều người trở thành nạn nhân tiếp theo. Sau khi quan sát khoảng 10’ (chủ yếu là muốn xem kết quả của 2 anh bạn trẻ kia và hành động của người “bí ẩn”), họ có vẻ là xử lý xong và hai anh bạn trẻ lên xe đi. Tôi không nhìn rõ vì quãng cách quá xa là họ đã làm gì, cũng có thể là đã lập biên bản, nhưng rõ ràng là 2 anh bạn trẻ không ngại chuyện đó, họ sẵn sàng hầu kiện (họ đã nói như vậy).

Ngay lúc đó, người lạ mặt nhìn về phía bên kia đường và thấy tôi. Anh ta đi chầm chậm qua chỗ hai CSGT, dừng lại một chút, nói gì đó, rồi đi tiếp. Lúc đó có một chiếc xe buýt trờ tới cản trước mặt nên tôi không biết được phản ứng của họ. Tuy nhiên, cảm thấy hơi lo lắng, tôi nổ máy xe rời khỏi chỗ. Tôi dừng lại ở một quãng xa hơn, chỗ sáng sủa và đông người để quan sát tiếp. Rất nhiều người tiếp tục bị ngoắc vào, xuất trình giấy tờ, rồi đi, không có biên bản xử lý nào cả. Chắc các bạn đoán biết điều gì đã xảy ra trong tiến trình đó.

Không thỏa mãn được sự tò mò, tôi tiến lại gần hơn, gần như đối mặt họ, để xem cho rõ. Trong lúc mải để ý hai người CSGT, tôi quên mấy người lạ mặt lúc nãy đi đâu đó. Bây giờ, khi đưa mắt qua, tôi mới tá hỏa thấy anh ta đã qua lề đường bên này từ lúc nào, ngồi trên một chiếc xe tay ga (xe ôm mà chạy tay ga cơ đấy), vẫn đeo phone một bên tai và im lặng nhìn qua chỗ 2 cảnh sát. Bất ngờ anh ta nhìn qua tôi (hay là nhìn nãy giờ?) và chúng tôi chạm mắt.

Tôi im lặng và ra vẻ thản nhiên như thể không biết anh ta là ai. Anh ta nổ máy xe, chạy lên một quãng, rồi cua lại, chạy qua mặt tôi, lên một quãng, rồi cua lại đến một vị trí khác đứng đó. Nhận thấy mình đã quan sát xong và đầy đủ dữ kiện cho các nhận định của mình, tôi nổ máy xe rồi đi thẳng. Ở lại không thêm được gì mà có phần mạo hiểm nữa.

Đây là một câu chuyện thật, tôi chỉ tường thuật lại, hơi dài dòng, nhưng để mọi người đọc có thể nhận định được chính xác vấn đề. Riêng tôi, có vài kết luận để rút tỉa từ chuyện này:

  • Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp CSGT, chưa lần nào tôi mạnh mẽ như lần này, mục đích của tôi không phải là tránh phạt, mà là phải chiến đấu để bảo vệ lẽ phải của chính mình, tôi sẵn sàng ký biên bản chứ không đút lót. Và rõ ràng điều đó không phải là mong muốn của họ.
  • Tôi có thể mất thời gian, mất công sức và tiền bạc (đi đóng phạt – chuyện này tôi làm rồi), nhưng có thể giúp nhiều người khác không bị phạt vì lấy đi nhiều thời gian của những CSGT này. Họ cũng rất sợ chuyện này (điều này tôi học được từ một người anh em khác).
  • Tôi tận mắt và xác nhận được việc có hay không chuyện giang hồ đi theo bảo kê CSGT.
  • Tôi biết có những người khác (2 bạn trẻ) cũng dám làm như tôi: những con người dũng cảm. Họ không sợ hãi, họ không ngại khó, họ dám chiến đấu chứ không hời hợt cho qua chuyện.
  • Tôi có 1, 2 lần bị CSGT làm tiền, và ở thế khó, buộc phải đưa tiền, nhưng luôn khó chịu và trăn trở vì điều đó. Tôi không bao giờ khoe chuyện đó hay xem chuyện đó như “bình thường”, ai sao mình vậy, tôi luôn trăn trở để làm điều đúng đắn. Lần này tôi đã làm được, một bước tiến xa. Tất nhiên, tôi sẵn sàng ký biên bản nếu mình sai, nhưng tôi sẽ không hối lộ và làm giàu cho kẻ xấu.

Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời, dù hơi mạo hiểm, nhưng thêm cho tôi dũng khí để sống đúng đắn, để chiến đấu với những bất công (dù nhỏ nhặt) đang xảy ra hằng ngày trên đường phố, trên quê hương. Tôi tự hào mình đã không rút 100 ngàn ra để cho xong chuyện. Cách đó rất dễ. Nhưng, tôi sẽ làm cách khó, vì nó đúng đắn.

Trên phương diện cá nhân, tôi xem đây chỉ là một chiến thuật nhỏ để bảo vệ chính mình và chống lại bất công. Nhưng, để làm được những việc to lớn hơn, ta cần một chiến lược lâu dài.

 

AVKH

Suy ngẫm về giá trị đích thực của chính mình

Featured Image: Takmeomeo

 

Từ hình thức bên ngoài cho đến tiền bạc, bằng cấp, nghề nghiệp, quyền lực, tôi chỉ là con số 0 to tướng. Những ai quen biết tôi sẽ phải thở dài mà công nhận: quả đúng như vậy, không phải do tôi khiêm tốn gì đâu.Vậy nên, nếu đứng ở góc độ giá trị ảo mà quy chiếu thì tôi thảm hại đến mức chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai. Còn nếu thay đổi góc nhìn từ giá trị thực mà xem xét thì sao? Một trí tuệ bình thường, một tâm hồn yếu đuối, một thái độ sống chán nản, bất mãn, thử hỏi giá trị thực của tôi có nặng được ký lô nào so với giá trị ảo.

Tôi có thể đổ lỗi cho thủ phạm của tất cả những điều ấy là do bệnh tật. Nó đã cướp đi gần như toàn bộ tương lai và niềm vui sống của tôi, khiến tôi trở thành kẻ ăn bám gia đình, người thừa của xã hội, gánh nặng của cộng đồng, mọi người phải ra sức cưu mang, giúp đỡ.

Không những chẳng làm được gì cho ai mà ngay chính bản thân mình, tôi còn dày vò, hành hạ nó. Đã có lúc không làm chủ được cảm xúc, tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng: khóc lóc, gào thét, muốn đập phá các thứ, nghĩ đủ mọi cách để chết đi được dễ dàng. Bi kịch của tôi là ở chỗ: khát khao khẳng định giá trị bản thân, trong khi thực tế sự tồn tại của mình hoàn toàn vô nghĩa, thừa thãi, trống rỗng; bất lực giữa ước muốn và hoàn cảnh.

Có ai đã từng rơi vào trạng thái khắc khoải, vật vã đi tìm ý nghĩa bản thân như tôi chưa? Một mặt ra sức phủ nhận giá trị của mình, mặt khác lại thiết tha mong mỏi có cơ hội tìm thấy nó. Những cuộc đấu tranh nội tâm, những lý lẽ giằng xé luôn diễn ra.

Thử hình dung nếu tôi không còn trên cõi đời này nữa, ai sẽ là người đau khổ, thiệt thòi nhất? Ồ, có chứ, mẹ tôi, con tôi và có thể cả chồng tôi nữa. Thử hình dung nếu tôi không có mặt ở ngôi nhà này thì sao, mọi việc có thay đổi gì không? Ồ, có chứ, chẳng đến mức đảo lộn tùng phèo nhưng chắc chắn sẽ xáo trộn ít nhiều, giống như cỗ máy đang vận hành trơn tru bỗng bị tuột một chiếc đinh ốc vậy.

Đơn giản hơn nữa thử hình dung tôi bị ốm vài ngày không làm được việc gì cả thì sao? Ai nấu cơm, ai rửa bát, ai giặt quần áo, ai lau chùi quét dọn nhà cửa, ai dạy con học, ai… làm đủ thứ việc linh tinh khác? Lại còn giấy bút, sách vở cũng buồn vì không có dấu tay tôi nữa chứ.

Đấy, rõ ràng tôi cũng có chút giá trị nào đó. Chỉ là giá trị ấy mờ nhạt quá, bình thường quá đến mức hiển nhiên, không ai nhận ra nó. Mọi người và chính bản thân tôi đã vô tình “giẫm đạp” lên nó, “chôn vùi”nó dưới ba lớp đất sâu.

Chúng ta thường có thiên hướng nghĩ về những điều lớn lao, còn những việc nhỏ bé lại dễ dàng bỏ qua, theo kiểu: “Ôi dào, việc ấy ai chẳng làm được, giá trị với không giá trị cái nỗi gì.” Nhưng sự thực là một bữa cơm ngon, một căn phòng sạch, một cái tủ quần áo ngăn nắp, một cái giường ấm áp cũng phải có bàn tay ai đó chứ. Không thế, sao người ta luôn muốn trở về nhà sau mỗi ngày làm việc! Không thế, sao người ta luôn khao khát một mái ấm gia đình! Không thế, sao người ta vẫn thường nhắc nhau hãy bằng lòng với những gì mình đang có!

Phải rồi, vấn đề đối với những người không nhận biết được giá trị của mình như tôi là chúng ta cần một “cú hích”. Cú hích ấy đơn giản lắm! Có thể chỉ là lời ngợi khen chân thành, đúng mức từ một ai đó, một người nào đó ít nhiều hiểu về bạn, “gạn đục khơi trong” được chút ưu điểm của bạn. Thậm chí cả lời khen vu vơ, không chủ ý của một người xa lạ cũng có tác dụng không kém. Thật đấy!

Không biết mọi người sao chứ, riêng tôi rất thích được khen ngợi. Mỗi lần nghe người khác khen mình là lâng lâng sung sướng, mỉm cười vui vẻ, thấy cuộc đời đẹp hẳn lên, bản thân được tiếp thêm bao nhiêu sức lực để tiếp tục phấn đấu cho xứng với lời khen ấy. Tuy giá trị đích thực của mình không phụ thuộc vào lời khen chê của người ngoài nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn của những lời khen. Trừ sự giả dối và khách sáo ra, lời khen thường màu nhiệm hơn lời chê

. Mỗi lời khen như chắp thêm đôi cách cho tâm hồn vốn đang bị đè nén của tôi. Càng góp nhặt được nhiều lời khen, tôi càng đẩy lùi được sự tự ti ra xa, giá trị đích thực của tôi càng có cơ hội vén lớp sương mờ để ló rạng. Ngay lúc này đây, tôi có một ý định hơi buồn cười là tập hợp tất cả những lời khen mà tôi có được vào một tờ giấy dán lên tường, để nó luôn đập vào mắt tôi, thúc giục tôi hãy cố gắng, kiên trì xác lập giá trị đích thực của bản thân.

“Cú hích” ấy còn có thể là khi tôi phát hiện được niềm đam mê của mình. Lúc đầu đam mê ấy chưa định hình ngay nhưng nó đã lớn dần lên cùng năm tháng. Để tôi kể bạn nghe. Ngày xưa, có nằm mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ có một ngày mình lại mê viết như bây giờ. Mang tiếng là học chuyên văn suốt thời đi học nhưng tôi lại rất sợ viết văn. Mỗi lần phải viết văn theo yêu cầu của đề bài là tôi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, ép buộc, cố làm cho xong để kiếm điểm thôi, chứ tuyệt nhiên  không hứng thú gì. Bây giờ có lẽ do đọc nhiều, thời gian nhiều, bầu tâm sự nhiều không biết trút cùng ai nên mới tìm đến viết lách như một cứu cánh…

Cú hích ấy cũng có thể là khi tôi bất ngờ tìm ra điểm mạnh của mình. Bạn có biết điểm mạnh của những người khiếm thính  như tôi không? Đó chính là sự yên lặng tuyệt đối. Ngay giữa đám đông ồn ào, ngay khi mọi người đang cười nói ở xung quanh, ngay trên đường phố náo nhiệt, tôi vẫn có thể miên man theo dòng suy nghĩ của mình mà không sợ ai, không sợ bất cứ điều gì làm cắt đứt mạch liên tưởng đó. Điều ấy vô cùng thuận lợi cho sự tập trung cao độ , cho những cuộc đối thoại với từng trang viết.

Hiện giờ, mỗi ngày của tôi trong mắt người khác tuy vẫn nhàm chán, vô vị nhưng trong sự cảm nhận của chính tôi đã thay đổi. Ngoài những công việc cố định hàng ngày, tôi thường xếp kín lịch cho mình, thậm chí còn luôn cảm thấy thiếu thời gian. Tôi đọc, tôi viết, tôi học bất cứ thứ gì mà tôi muốn biết, chưa tìm hiểu xong điều này tôi đã nghĩ ngay đến điều khác rồi. Tâm hồn và trí tuệ tôi dần được mở rộng phong phú, vượt ra khỏi bốn bức tường tôi đang sống. Chỉ tiếc là sức khỏe không cho phép bản thân học nhiều hơn nữa.

Lúc này đây, tôi mới hiểu mình may mắn hơn nhiều người khi không phải lo nghĩ đến chuyện cơm ăn, áo mặc, đến những bon chen, vật vã ngoài xã hội. lúc này đây, tôi mới thấy cái sung sướng của một người mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, những bực mình nho nhỏ trong nhà so làm sao được với những bực dọc mà cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia đưa lại…

Bạn thấy không, một người luôn mặc cảm, tự ti vì sự tồn tại vô nghĩa của mình, cuối cùng còn tìm được giá trị đích thực của mình huống chi là bạn?

 Phương Liên

Sự khác nhau thứ ba giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tự do

Featured image: LibertyManiacs.com Team

 

Khái niệm thứ ba chia rẽ những người theo chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tự do liên quan tới trách nhiệm và sự tự do lựa chọn. Chúng ta đã nói về nguồn gốc quyền, nhưng vẫn còn một phần tương tự liên quan đến nguồn gốc của trách nhiệm. Quyền và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn coi trọng quyền sống cuộc sống của riêng bạn không có người khác nói bạn phải làm cái gì, khi đó bạn phải thừa nhận trách nhiệm là độc lập, phải tự lo liệu cho chính mình chứ không trông chờ người khác chăm lo cho bạn. Quyền và trách nhiệm chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một đồng xu.

Nếu chỉ cá nhân có quyền, suy ra rằng chỉ cá nhân có trách nhiệm. Nếu nhóm có quyền, khi đó nhóm cũng có trách nhiệm, và, một trong những thách đấu ý thức hệ lớn nhất của thời đại chúng ta chính là ở điểm này.

Những người tự do là những người đấu tranh cho quyền cá nhân. Vì thế họ chấp nhận nguyên tắc trách nhiệm cá nhân hơn là trách nhiệm nhóm. Họ tin rầng mọi người có bổn phận riêng, trực tiếp trong việc chăm lo, trước tiên cho anh ta và gia đình mình, và sau đó là cho những người khác đang trong cảnh khó khăn. Điều đó không có nghĩa là họ không tin tưởng vào việc giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ bởi vì tôi là một người theo chủ nghĩa tự do không có nghĩa là tôi phải di chuyển chiếc đàn piano của tôi một mình. Nó chỉ có nghĩa là tôi tin rằng việc di chuyển là trách nhiệm của riêng tôi, chứ không phải của ai khác, và nó là hoàn toàn tùy thuộc tôi nếu muốn kêu gọi sự hỗ trợ tự nguyện của những những khác.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa tập thể tuyên bố rằng những cá nhân không chịu trách nhiệm riêng đối với các việc từ thiện, đối với việc nuôi dạy con trẻ, chăm sóc cha mẹ già, hoặc thậm chí chăm sóc chính họ. Đây là những bổn phận nhóm của nhà nước. Những người tự do trông mong tự mình làm các việc này. Những người tập thể chủ nghĩa muốn chính phủ làm việc đó cho họ: cung cấp công việc và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo lương tối thiểu, thức ăn, giáo dục, và một nơi tươm tất để sống. Những người tập thể chủ nghĩa bị quyến rũ bởi chính phủ. Họ tôn thờ chính phủ. Họ bám dính vào chính phủ xem như là một cơ chế nhóm tối thượng để giải quyết tất cả mọi vấn đề.

Những người tự do không chia sẻ niềm tin đó. Họ nhìn thấy chính quyền như là người tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. Họ tin rằng tự do lựa chọn sẽ dẫn đến giải pháp tốt nhất cho các vấn đề kinh tế và xã hội. Hàng triệu triệu nỗ lực và ý tưởng, mỗi cái trải qua sự cạnh tranh, sự thử và sai – từ đó giải pháp tốt nhất sẽ trở nên rõ ràng từ việc so sánh kết quả của nó với các kết quả khác – quá trình đó sẽ sinh ra các kết quả vượt trội hơn so với cái có thể đạt được bởi một nhóm những nhà chính trị, hoặc những ủy ban “gồm những người được gọi là thông thái.”

Đối lập lại, những người tập thể chủ nghĩa không tin tưởng vào tự do. Họ sợ tự do. Họ được thuyết phục rằng tự do có thể tạm ổn trong các vấn đề nhỏ như là bạn muốn đeo chiếc tất màu gì, nhưng khi nó đề cập đến các vấn đề quan trọng như phát hành tiền, kinh doanh ngân hàng, đầu tư, các chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và vân vân… để cho tự do sẽ không ổn. Những việc này, họ nói, đơn giản phải được kiểm soát bởi chính phủ. Vì nếu không sẽ rất lộn xộn.

Có hai lý do cho sự phổ biến của khái niệm đó. Một là hầu hết chúng ta đã được giáo dục trong các trường của chính phủ, và đó là những gì chúng ta đã được dạy bảo. Lý do còn lại là do chính phủ là một nhóm có thể ép buộc một cách hợp pháp tất cả mọi người tuân theo. Nó có quyền lực thu thuế, được hỗ trợ bởi nhà tù và các lực lượng vũ trang để bắt buộc tất cả mọi người đứng vào trong hàng, và nó là một khái niệm rất hấp dẫn đối với những đầu óc tự cho mình là những “nhà thiết kế xã hội.”

Những người tập thể chủ nghĩa nói:

“Chúng ta phải bắt mọi người làm những gì chúng ta nghĩ họ nên làm, bởi vì họ quá ngu xuẩn để có thể tự làm cho họ. Chúng ta, mặt khác, đã được học hành. Chúng ta đọc nhiều sách. Chúng ta được cung cấp thông tin. Chúng ta thông minh hơn là những người ngoài kia. Nếu chúng ta để mặc họ, họ sẽ phạm những sai lầm khủng khiếp. Và vì thế, nó là hoàn toàn do chúng ta, những người đã được khai sáng. Chúng ta sẽ quyết định thay mặt cho xã hội và chúng ta sẽ áp đặt việc thực thi các quyết định của chúng ta bởi luật pháp, sao cho không ai có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải cai trị theo cách này vì đó là bổn phận của chúng ta đối với nhân loại.”

Ngược lại, những người tự do nói,

“Chúng ta cũng nghĩ rằng chúng ta đúng và rằng nhiều người ít khi làm những gì mà chúng ta nghĩ họ nên làm, nhưng chúng ta không tin vào việc cưỡng ép người khác tuân theo ý chí của chúng ta, bởi vì nếu chúng ta ban hành nguyên tắc đó, thì những người khác, đại diện cho những nhóm đông hơn chính chúng ta, cũng có thể ép buộc chúng ta làm làm theo những nghị định của họ, và khi đó sẽ là dấu chấm hết cho tự do của chúng ta.”

Một cách nhanh nhất để phát hiện ra một người tập thể chủ nghĩa là xem anh ta phản ứng thế nào đối các vấn đề chung. Không quan trọng điều gì quấy rầy anh ta trong cuộc sống thường nhật – bất kể đó là xả rác ra xa lộ, hút thuốc nơi công cộng, ăn mặc khiếm nhã, cố chấp, gửi thư rác, vân vân… phản ứng ngay lập tức của anh ta là “Cần phải có luật cho việc này!” Và, tất nhiên, những viên chức chính phủ đang kiếm sống từ sự áp đặt luật lệ sẽ vô cùng vui sướng để giúp thúc đẩy nó. Hậu quả là chính phủ ngày càng phát triển phình ra. Đó là xa lộ một chiều. Mỗi năm qua đi lại càng có thêm luật mới, và càng mất bớt tự do. Mỗi điều luật bản thân trông có vẻ tương đối tử tế, được cho là thỏa đáng vì một vài sự tiện lợi nào đó hoặc vì lợi ích lớn hơn của đại đa số, nhưng quá trình sẽ tiếp tục mãi mãi cho đến khi chính phủ trở thành tuyệt đối và tự do tuyệt diệt.

Hội chứng Robin Hood

Một ví dụ tiêu biểu cho suy nghĩ của những người tập thể chủ nghĩa là việc sử dụng chính phủ để làm những hoạt động từ thiện. Hầu hết mọi người tin rằng chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn nếu chúng ta có thể, nhưng thế còn những người phản đối thì sao, những người không quan tâm đến sự khó khăn của người khác thì sao? Nên chăng sự ích kỷ họ được cho phép trong khi chúng ta lại quá hào phóng? Những người tập thể chủ nghĩa xem những con người như vậy như là đáng bị cưỡng chế, bởi vì lý do là xứng đáng. Anh ta xem chính mình như là một Robin Hood thời hiện đại, cướp của người giàu chia cho người nghèo. Tất nhiên, không phải tất cả của cướp được đi đến tay người nghèo. Rốt cuộc thì Robin và những đồng sự của anh ta cần phải ăn, phải uống và vui vẻ, và chi phí cho việc đó không hề rẻ chút nào. Nó tiêu tốn cả một bộ máy hành chính khổng lồ để quản lý các việc từ thiện công, và các chàng Robin Hood trong chính phủ đã trở nên quen thuộc với phần chia khổng lồ của ăn cướp được, trong khi những người nông dân – chà, họ biết ơn vì những gì họ nhận được. Họ không quan tâm là nó thất thoát bao nhiêu trên đường đi. Dù sao đi nữa thì tất cả cũng là của ăn cướp từ những người khác.

Cái gọi là từ thiện của chủ nghĩa tập thể là bản xuyên tạc của câu chuyện trong Kinh Thánh về quí nhân phù trợ, người đã ngừng giữa đường để giúp đỡ một người là bị cướp và bị đánh. Ông thậm chí đã mang nạn nhân tới một quán trọ và trả tiền trọ cho đến khi anh ta hồi phục. Tất cả một người đều tán dương hành động trắc ẩn và thiện tâm này, nhưng chúng ta sẽ nghĩ sao nếu như quí nhân kia chĩa mũi kiếm của ông ta vào người lữ hành tiếp theo và đe đọa giết anh ta nếu như anh ta không chịu giúp đỡ? Nếu như chuyện đó xảy ra, thì câu chuyện quí nhân phù trợ chắc không được đưa vào sách Thánh Kinh; bởi vì, khi đó, quí nhân kia sẽ không khác gì hơn là một tên cướp nguyên hình mà hắn cũng có thể có các động cơ đạo đức. Vì chúng ta tất cả đều biết rằng, hắn hoàn toàn có thể nại rằng hắm chỉ chăm lo cho gia đình mình và nuôi ăn đàn con. Hầu hết các tội ác được lý giải cho phù hợp với lương tâm theo cách này, nhưng cuối cùng vẫn là tội ác. Khi sự cưỡng bức bước vào, thì sự từ thiện ra đi.

Những người tự do từ chối chơi trò này. Chúng ta kỳ vọng mọi người rộng lượng, nhưng chúng ta cũng tin rằng một người phải được tự do để không phải rộng lượng nếu như anh ta không muốn vậy. Nếu anh ta thích cho của bố thí khác hơn cái chúng ta thúc giục anh ta, nếu anh ta thích cho một số lượng ít hơn số mà chúng nghĩ anh ta nên cho, hoặc nếu cái anh ta thích hơn là không cho một tí gì, chúng ta tin rằng chúng ta không có quyền bắt ép anh ta tuân theo ý chí của chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng thuyết phục anh ta làm vậy; chúng ta có thể kêu gọi lương tâm của anh ta; và đặc biệt chúng ta có thể chỉ ra bằng tấm gương tốt của riêng chúng ta; nhưng chúng ta bác bỏ bất cứ mưu toan nào kết băng đảng chống lại anh ta, hoặc bằng bạo lực áp chế anh ta trong khi chúng ta lấy tiền ra khỏi túi anh ta hoặc bằng cách sử dụng thùng phiếu bầu để thông qua luật để lấy tiền của anh bằng cách thu thuế. Trong cả hai trường hợp, nguyên lý là giống nhau. Nó được gọi là ăn cướp.

Những người tập thể chủ nghĩa muốn bạn tin rằng tự do là một từ chỉ sự ích kỷ, bởi vì những người tự do phản đối lại trợ cấp xã hội và các dạng tái phân phối của cải cưỡng bức khác, nhưng sự thật thì ngược lại. Những người tự do chủ trương từ thiện đích thực, đó chỉ có thể là sự cho đi một cách tự nguyện tiền bạc của riêng mình, trong khi những người tập thể chủ nghĩa chủ trương cưỡng bức cho đi tiền bạc của người khác; tất nhiên, đó là lý do tại sao nó phổ biến như vậy.

Thêm một ví dụ nữa. Những người tập thể chủ nghĩa nói, “Tôi nghĩ mọi người nên thắt dây an toàn khi lái xe ô tô. Mọi người có thể bị thương nếu họ không thắt dây an toàn. Vậy hãy thông qua một luật bắt tất cả phải thắt dây an toàn. Nếu ai không làm, chúng ta sẽ nhét tên ngốc đó và tù.” Những người tự do nói, “Tôi nghĩ tất cả nên thắt dây an toàn. Mọi người có thể bị thương nếu họ không thắt dây an toàn, nhưng tôi không tin vào việc ép buộc bất cứ ai làm vậy. Tôi tin vào việc thuyết phục họ bằng logic, bằng niềm tin và bằng tấm gương tốt, nếu tôi có thể, tôi tin vào sự tự do chọn lựa.”

Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của chủ nghĩa Marx là “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.” Đó là viên đá nền móng của chủ nghĩa xã hội trên lý thuyết, và nó là một khái niệm rất hấp dẫn. Một người khi lần đầu tiên nghe khẩu hiệu này có thể sẽ nói: “Có gì sai với nó? Chẳng phải đó là điều cốt lõi của lòng từ thiện và trắc ẩn đối với những người đang cần giúp đỡ? Cái gì có thể sai với việc cho đi theo khả năng của bạn tới người khác theo nhu cầu của họ?” Và câu trả lời là, không có gì sai với nó cả – nếu chỉ để nói, nhưng nó là một khái niệm không hoàn chỉnh. Câu hỏi chưa được trả lời là nó đạt được như thế nào? Nó sẽ được làm thông qua cưỡng bức hay trong tự do?

Như đã đề cập trước kia rằng những người tập thể chủ nghĩa và tự do thường đồng thuận về mục đích nhưng họ bất đồng trên cách làm, và đây là một ví dụ điển hình. Những người tập thể chủ nghĩa nói hãy làm nó bằng sức mạnh của luật pháp. Những người tự do nói hãy để nó cho tự do ý chí. Những người tập thể chủ nghĩa nói sẽ không có đủ người hưởng ứng trừ phi họ bị ép buộc. Những người tự do nói sẽ có đủ người hưởng ứng để làm được việc này. Ngoài ra, duy trì tự do cũng là quan trọng. Những người tập thể chủ nghĩa chủ trương hợp pháp hóa hành động cướp bóc nhân danh các lý do xứng đáng, với niềm tin rằng mục đích biện hộ cho phương tiện. Những người tự do chủ trương tự do ý chí và từ thiện đích thực, với niềm tin rằng mục đích xứng đáng sẽ không còn xứng đáng khi đạt được bằng cướp bóc và từ bỏ tự do.

Có một câu chuyện kể về một người cách mạng Bolshevik đứng trên bục diễn thuyết trước một đám đông nhỏ ở Quảng trường Thời đại. Sau khi miêu tả viễn cảnh huy hoàng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, anh ta nói: “Hãy đến với cuộc cách mạng, mọi người sẽ được ăn món cháo hành với thịt băm.” Một người đàn ông bé nhỏ ở phía sau đám đông hét lên: “Tôi không thích món cháo hành với thịt băm.” Người Bolshevik suy nghĩ một lát và trả lời: “Hãy đến với cuộc cách mạng, đồng chí sẽ thích món cháo hành với thịt băm.”

Đây là sự khác nhau thứ ba giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tự do, và có lẽ nó là nền tảng quan trọng nhất của chúng. Những người tập thể chủ nghĩa tin vào cưỡng bức; những người tự do tin vào tự do.

 

Thánh Ca Tự Do

Hộ Khẩu: Một thứ khôi hài, vô lý và ngu ngốc

 

Giới thiệu

Bài viết này được thực hiện với mục đích cho người Việt Nam thấy được sự vô lý, ngu ngốc và độc hại của chính sách hộ khẩu. Đây không phải là bài viết đầu tiên viết về Hộ Khẩu. Nhưng theo nhận xét của tôi, cách viết văn của người Việt quá rườm rà, dài dòng, lòng vòng, không đi thẳng vấn đề và khó hiểu. Bài viết này sẽ không đi lòng vòng mà sẽ vô thẳng vấn đề.

Nếu phải chọn một biểu tượng của sự đỉnh cao trí tuệ của các nước chủ nghĩa xã hội thì tôi xin chọn sổ Hộ Khẩu. Không có một thứ nào ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Việt Nam, nhất là những người sống xa quê, thường xuyên bằng sổ Hộ Khẩu.

Tôi biết vài bạn học trường Cảnh Sát Nhân Dân. Tôi hỏi các bạn ấy và vài người làm Công An sổ Hộ Khẩu là gì. Kết quả là không một ai có thể giải thích hay có câu trả lời ngắn ngọn. Những người được nhà nước giao trách nhiệm quản lý Hộ Khẩu còn không biết nó là gì nữa.

Không ai hiểu tại sao nó lại tồn tại, cũng không ai giải thích một cách logic nó tồn tại để làm gì. Nhưng nó vẫn tồn tại. Nó tồn tại để hành hạ người dân một cách vô lý và để làm công cụ kiếm ăn cho mấy anh chị Công An một cách phi lý. Mọi người không cần và không nên tin những gì tôi viết một cách tuyệt đối, các bạn có thể hỏi cha mẹ các bạn để biết thêm sự thật.


 

Hộ Khẩu là gì?

  1. Hộ Khẩu là một chính sách quản lý người dân theo địa phương được chính quyền trung ương phân chia.
  2. Ở Việt Nam, mỗi tỉnh và thành phố thuộc trung ương là một địa phương quản lý riêng.
  3. Mỗi tỉnh và thành phố trung ương có bộ hành chính riêng biệt để quản lý.
  4. Mỗi tỉnh và thành phố trung ương cấp và quản lý hộ khẩu riêng.
  5. Nói cho dễ hiểu. Việt Nam là một đất nước có 58 tỉnh và 5 thành phố thuộc trung ương. (5 thành phố đó là: Thành Phố Hồ Chí Minh/Sài Gòn, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) Mỗi đơn vị là như một đất nước nhỏ với bộ hành chính riêng và trong trường hợp này, Hộ Khẩu riêng.
  6. Hộ Khẩu là một cái giấy (cuốn sổ) chứng minh người dân là người thường trú ở địa phương thuộc đơn vị hành chính đó.
  7. Hộ Khẩu được quản lý bởi Công An địa phương (phường, thị xã, thành phố, tỉnh).
  8. Nếu sổ hộ chiếu là vật chứng chứng minh 1 người dân là công dân Việt Nam. Sổ Hộ Khẩu cũng như là một vật chứng chứng minh 1 người dân ở địa phương có “địa phương tịch” ở địa phương đó.
  9. Nếu đi đâu, chuyển nơi cư trú hoặc tạm trú cũng phải tới đồn Công An để khai báo.
  10. Hiện tại nếu muốn có sổ Hộ Khẩu thì phải có nhà, không có thì xin nhập vô nhà nào đó.
  11. Muốn có giấy Chứng Minh Nhân Dân thì phải có Hộ Khẩu, không có Hộ Khẩu thì coi như không phải là một công dân Việt Nam theo pháp lý, nghĩa là một người vô quốc tịch.
  12. Mỗi nhà có 1 sổ Hộ Khẩu, người chủ nhà là người chủ Hộ Khẩu. Ai muốn nhập hay tách cũng phải có chữ ký của chủ hộ.

Có bao nhiêu nước trên thế giới quản lý người dân bằng Hộ Khẩu?

Hiện tại trên thế giới chỉ có 3 nước áp dụng chính sách Hộ Khẩu. 3 nước này cũng là 3 cường quốc về kinh tế và văn minh của nhân loại. 3 nước đó là: đại cường quốc Trung Quốc, tiểu cường quốc Việt Nam và siêu cường quốc Bắc Hàn.

Hộ Khẩu bắt đầu từ đâu?

  1. Dựa theo các chứng cứ lịch sử, Hộ Khẩu bắt đầu từ triều đình nhà Hạ bên Trung Quốc (2100 – 1600 Trước Công Nguyên).
  2. Khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc chiến thắng cuộc nội chiến Trung Quốc và thành lập chính phủ, chính sách Hộ Khẩu đã được tái sinh để quản lý nhân dân.
  3. Năm 1954 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam dành chiến thắng Điện Biên Phủ và thành lập chính phủ ở miền Bắc sau Hiệp Định Geneva, họ đã áp dụng chính Hộ Khẩu trong việc cải cách ruộng đất và thực hiện kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.
  4. Sau 30/4/1975, Đảng Cộng Sản “giải phóng” miền Nam, chính sách Hộ Khẩu được áp dụng trên toàn quốc.

Vì sao Việt Nam lại dùng Hộ Khẩu?

  1. Việt Nam là một nước chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế chủ nghĩa xã hội.
  2. Hộ Khẩu dùng để phân chia lương thực trong thời bao cấp toàn quốc (1975-1986). Mỗi nhà được chia lương thực dựa theo chi tiết trong sổ Hộ Khẩu. Ví dụ: mỗi người được 100g gạo, nhà kia có 5 người, nhà đó được cấp/mua bằng tem phiếu 500g gạo. Tôi dùng gạo cho nó sang chứ thời đó dân Việt Nam ăn bo bo, khoai mì và bắp khô là chính.
  3. Đảng muốn hạn chế số người từ vùng nông thôn di dân ra thành thị nên đã áp dụng Hộ Khẩu để hạn chế sự đi lại và cũng để dễ kiểm soát hơn.
  4. Các thành viên của ban Tuyên Giáo Đảng Cộng Sản (Dư Luận Viên) luôn cho rằng sổ Hộ Khẩu là điều cần thiết để quản lý tội phạm, đây là một điều phi lý. Trên thế giới chỉ có 3 nước áp dụng Hộ Khẩu, còn những nước còn lại thì loạn hết?
  5. Hộ Khẩu được áp dụng để quản lý người dân theo cơ chế của một chế độ độc tài toàn trị.
  6. Nó khóa chân người dân vào mỗi địa phương, cho phép Công An theo dõi và quản lý từng bước một.
  7. Hiện tại, chính sách Hộ Khẩu là một công cụ kiếm ăn chính của Công An, nhất là ở các thành phố lớn, nơi thu hút lao động ngoại tỉnh tới làm việc. Cứ mỗi lần tới làm giấy tạm trú, KT3 là tốn vài chục vài trăm. Lấy vài chục vài trăm nhân lên cho vài ngàn trường hợp thì doanh thu của Công An từ việc chạy chọt giấy tờ này là bao nhiêu?

Vì sao Hộ Khẩu là một chính sách vô lý?

  1. Đã là người Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam thì tại sao phải phân chia ra từng địa phương làm gì?
  2. Đã là công dân Việt Nam, đi đâu làm gì là quyền tự do cơ bản của mỗi người. Tại sao phải khai báo với Công An?
  3. Mỗi lần chuyển địa phương sinh sống, thay đổi hộ khẩu là một hành trình vô cùng gian khổ. Mấy anh chị Công An hành tới hành lui, phải phong bì vài trăm và triệu mới xong chuyện. Còn nếu chuyển vô 1 trong 5 thành phố trung ương thì cả chục triệu trở lên.
  4. Tất cả các chế độ phúc lợi xã hội được quản lý phân chia theo từng địa phương. Ai ở đâu thì làm việc với địa phương đó. Một người Lạng Sơn chỉ được hưởng phúc lợi công ở Lạng Sơn, còn nếu chuyển qua địa phương khác thì không được gì, vì địa phương đó không chịu trách nhiệm.

Chính sách hộ khẩu tác động thế nào tới quyền con người và quyền công dân của bạn?

  1. Hạn chế quyền đi lại tự do.
  2. Vi phạm quyền không bị phân biệt đối xử.
  3. Vi phạm quyền an cư.
  4. Vi phạm quyền được hưởng anh sinh xã hội.

Tác động của chính sách hộ khẩu đối với nền kinh tế:

  1. Làm phát sinh các thủ tục, giấy tờ không cần thiết.
  2. Làm tốn tiền của, thời gian của người dân và doanh nghiệp.
  3. Dễ phát sinh tiêu cực, hối lộ.
  4. Làm giảm lòng tin của người dân và chính quyền.
  5. Người dân dễ bị nhà nước sách nhiễu.

Sổ Hộ Khẩu cần thiết khi làm việc gì?

Người dân Việt Nam muốn làm bất cứ một điều gì liên quan tới thủ tục hành chính cũng cần cái Hộ Khẩu (hoặc tạm trú dài hạn KT3). Sau đây chỉ là vài ví dụ:

  1. Cho con đi học trường công.
  2. Xin việc ở các cơ quan nhà nước địa phương.
  3. Làm giấy Chứng Minh Nhân Dân.
  4. Làm Hộ Chiếu.
  5. Đăng ký kết hôn.
  6. Làm giấy khai sinh cho con.
  7. Đăng ký mua xe. Campuchia nghèo xác sơ mà người dân mua xe bất cứ nơi đâu cũng đăng ký xe chính chủ. Không lẽ Việt Nam thua kém cả Campuchia?
  8. Đăng ký tham gia đầu tư cổ phiếu.
  9. Mua bảo hiểm ý tế công (và vài bảo hiểm tư nhân).
  10. Mua nhà. Tôi mua nhà ở đâu thì liên quan gì tới sổ Hộ Khẩu?
  11. Vay tiền ngân hàng.
  12. Làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sở hữu đất).
  13. Thi bằng lái xe. Tôi chưa biết nước nào cần sổ Hộ Khẩu cả.
  14. “Xin” giấy phép kinh doanh.
  15. Tham gia các giải thế thao (taekwondo, Vovinam, Karate, vân vân)

21 câu chuyện khôi hài và bi ai của người dân Việt Nam về Hộ Khẩu

Sống trong một đất nước có những chính sách phi lý, điển hình là chính sách Hộ Khẩu, người dân Việt Nam đã quá quen với sự phi lý này mà không thấy được sự phi lý của nó. Sổ Hộ Khẩu đã làm khổ mỗi con người Việt Nam trực tiếp và gián tiếp hàng ngày. Những chuyện sau đây là hoàn toàn có thật, mời các bạn đọc và mong các bạn nhìn thấy sự phi lý của sổ Hộ Khẩu.

1. Một cặp vợ chồng ngoài tỉnh đã vào Sài Gòn ăn học và có công ăn việc làm ổn định. Giờ có đủ khả năng mua nhà trả góp. Khổ nổi là khi tới ngân hàng thì họ đòi KT3 (hoặc Hộ Khẩu TP Hồ Chí Minh). Từ nhỏ tới lớn họ chưa bao giờ biết về mấy quy định này. Thế là họ hỏi bạn bè, cuối cùng tốn 3.5 triệu cho 1 anh Công An để anh ta làm giấy KT3 giả. 3.5 triệu là gần bằng một tháng lương công nhân, để đổi lấy một cái giấy mà họ không hiểu tại sao họ phải cần.

2. Một cặp vợ chồng công nhân vào Sài Gòn làm công. Có con, muốn con học trường công (vì tiền đâu mà học trường tư?). Không có cách nào khác, họ đành tới đồn Công An khu vực để chạy sổ KT3, tốn 4 triệu.

3. Một cô sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm ở Sài Gòn. Được sở phân đi dạy ở trường cao đẳng trong thành phố. Sau 3 tháng dạy, hiệu trưởng đòi cô ta trình hộ khẩu thành phố Hồ Chí Minh, nếu không có sẽ đuổi ra khỏi biên chế. Cô ta ráng chạy chọt, cò Hộ Khẩu ra giá 25 triệu. Nhưng tiếc là chạy không kịp nên cuối cùng bị đuổi việc vì không có Hộ Khẩu Thành Phố Hồ Chí Minh. Có cái nước nào như nước này không?

4. Một cặp vợ chồng cùng tốt nghiệp trường sư phạm ở Sài Gòn. Về quê đi dạy cũng phải tốn tiền chạy cả trăm triệu. Cuối cùng quyết định chạy Hộ Khẩu Thành Phố Hồ Chí Minh tốn 50 triệu để đủ giấy tờ đi dạy ở một trường Sài Gòn.

5. Một bạn trẻ tham gia môn taekwondo (và các môn khác như Vovinam, Karate) ở tỉnh ABC, ban tổ chức không cho phép với lý do “không có Hộ Khẩu ABC”. Thể thao Thái Lan đang phấn đấu để vượt lên cùng châu lục và tham vọng chinh phục thế giới. Trong khi đó, các nhà tổ chức thể thao ở Việt Nam còn hỏi “con có hộ khẩu không?”. Chưa thấy cái nước nào làm thể nào mà ngu đần như nước này. Tới bây giờ còn làm thể thao theo sổ Hộ Khẩu, hỏi sao thế thao nước này vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu các bạn chưa biết, các giải thể thao phong trào và thành tích ở nước ngoài hầu hết là mở rộng, ai cũng có thể tham gia, chẳng ai hỏi Hộ Khẩu anh là gì.

6. Một bạn bất đồng chính kiến (đảng gọi là phản động) đi thăm một người bạn ở tỉnh khác. Nửa đêm công an gỏ cửa để “kiểm tra giấy tờ tạm trú tạm vắng”. Mấy trường hợp này thì những bạn nào hoạt động xã hội dân sự, chính trị ở Việt Nam đã bị quá nhiều lần. Công An không cần giấy phép của tòa án, muốn tới kiểm tra tạm trú tạm vắng là tới.

7. Một chủ đầu tư nhà nghỉ nói với ông bạn khi biết ông này muốn đầu tư mở nhà nghỉ: “Vậy để tui đưa ông số điện thoại của thằng công an này. Anh mở nhà nghỉ mà không lót tiền cho tụi nó, nó không duyệt giấy phép đâu. Hàng tháng mà không cà phê cà pháo thì nó hứng lên là nửa đêm gỏ cửa đòi kiểm tra tạm trú tạm vắng của khách là khách chạy đi hết.

8. Một anh thanh niên đi phượt, ngủ qua đêm ở một nhà nghỉ ở quốc lộ 1 A ở tỉnh Đồng Nai. Bất chợt có tiếng gỏi cửa “chị ơi cho kiểm tra tạm trú tạm vắng”. Ông chồng liền nói với bà vợ “em lấy 300k đưa cho nó đi, phiền quá”.

9. Một chú Việt Kiều Mỹ đã về hưu, nay về Việt Nam để dưỡng già. Ổng muốn mua căn nhà. Cái anh môi giới nói ổng cần hộ khẩu. Mà không có nhà thì phải nhập. Ổng đi tới luật sư trình bày vấn đề. Ngày hôm sau anh luật sư gọi điện nói: “Tụi công an muốn 20 triệu tiền cà phê, em thương lượng lắm rồi đó anh.” Về hưu mà còn bị hành đấy.

10. Một anh thanh niên quê ở tỉnh vô Sài Gòn lập nghiệp. Vì không có hộ khẩu Sài Gòn nên phải nhờ người khác đứng tên chiếc xe. Biết là phiền nhưng biết sao bây giờ. Quê thì xa, không có thời gian về. Không lẽ mua xe rồi xách xe về quê đăng ký?

11. Chị họ tôi sau khi đám cưới, đăng ký kết hôn thì 2 bên gia đình mua cho một căn nhà ở cùng thành phố, chỉ khác phường. Vậy mà khi tới Công An cắt Hộ Khẩu cũ và làm Hộ Khẩu mới cũng tốn 3 triệu. Nhắc lại, cùng thành phố, chỉ khác phường.

12. Thời hậu 1975, có vô số người di dân từ miền trung vô nam không mang theo gì cả. Nghĩa là họ không có giấy tờ để chứng minh họ là ai. Không có Hộ Khẩu đồng nghĩa với họ không phải là công dân Việt Nam. Tôi không biết có bao nhiêu người như vậy nhưng theo tôi thì quá nhiều, nhất là những lao động ở những xóm nghèo ở Sài Gòn.

13. Một cặp vợ chồng bức xúc vì không làm giấy khai sinh cho con được với lý do: “Cô vợ chưa nhập Hộ Khẩu vào nhà chồng.”

14. Một gia đình kia có mảnh đất trống sát bên nhà mình. Đám cưới con cái họ xây thêm 1 căn nhà nữa kế bên cho vợ chồng ở. Công An kêu phải làm sổ Hộ Khẩu vì địa chỉ nhà mới riêng biệt với nhà cũ. Vòng vo hơn 1 tháng, cuối cùng tốn 5 triệu tiền cà phê mới có sổ Hộ Khẩu cho nhà mới. Lúc đó mới được gắn điện và nước.

15. Một bà mẹ tới một trường công ở Hà Nội đăng ký cho con đi học, ông hiệu trưởng nói vì không có Hộ Khẩu khu vực nên cứ đưa 4 triệu là ổng cho qua. (4 triệu là một tháng lương của một lao động phổ thông, bạn tưởng tưởng đi làm 1 tháng trời để lót tiền cho con được đi học, cảm giác đó sẽ ra sao).

16. Chuyện của (nghệ sĩ) Thành Lộc. Thời bao cấp anh ta ở chung nhà với chủ hộ. Chủ hộ đi xuất cảnh đoàn tụ gia đình. Chính quyền địa phương nói chủ hộ đi đồng nghĩa với tất cả tài sản đều giao cho chính quyền giải quyết, căn nhà cũng vậy. Anh ta và người thân vẫn ở đó nhưng ở thuê trên chính căn nhà của mình.

17. Trong những năm 2000, giới sinh viên còn có “tệ nạn” lấy nhau vì cái hộ khẩu vì có nhiều công ty khi tuyển nhân viên họ lại yêu cầu có có hộ khẩu tại Sài Gòn. Lý do thì nhiều nhưng chính nhất là vì: làm bán hàng nên cầm tiền của công ty, nếu ở tỉnh thì khó xác minh và mất thời gian. Những trường hợp ôm tiền công ty rồi bỏ trốn cũng rất khó khăn để thu hồi. Công ty mình làm hồi 2005 có 1 bạn giao hàng do thiếu nợ bên ngoài nên ôm 1 cục gần 100 triệu bùng mất, công ty không cách nào.lấy lại được dù đã báo Công An.

18. Một anh du học sinh sau 4 năm học trở về nước và chuẩn bị hồ sơ tìm việc làm. Lúc đó gia đình mới nói là Công An đã cắt cắt Hộ Khẩu vì đã anh ta đã đi hơn 2 năm. Muốn nhập lại thì phải chứng minh anh ta là con của chủ hộ. Phiền quá nên tới Công An đưa anh Công An 2 triệu để giải quyết êm đẹp. Chính sách thu hút nhân tài về nước của Việt Nam đấy.

19. Một anh chủ đầu tư nhà trọ loại cao cấp than phiền: “Tao ghét nhận khách nước ngoài lắm. Mỗi lần tụi Công An biết có người nước ngoài tới thuê là tụi nó tới vòi tiền với lý do người nước ngoài không được ở lâu, phải khai tạm trú tạm vắng mỗi ngày. Tao không quan tâm, vì chi phí đó tụi nước ngoài trả gián tiếp qua tiền trọ, nhưng tao ghét tụi Công An hay tới chỗ trọ đòi tiền cà phê. Nhiều lúc tụi nó đi nhậu kêu tao ra nhậu chung, biết chuyện nên mỗi tháng tao tới nộp 2-3 triệu để tụi nó khỏi làm phiền tao nữa. Kinh doanh ở xứ này là phải chơi theo luật rừng nào cọp nấy mày ơi.”

20. Một cặp cha mẹ vì quá bất mãn với chất lượng giáo dục ở trường công trong khu vực, và cũng không đủ tiền để cho con học trường tư nên tìm cách cho con nhập Hộ Khẩu vào nhà người thân ở khu vực có trường tốt hơn. Tốn 20 triệu. Cha mẹ đã đi làm đóng thuê, muốn gửi con mình đi đâu thì đó là quyền của họ. Nhà trường cũng có quyền chấp nhập hay không. Chuyện học hành của người Việt Nam tới giờ này vẫn còn phụ thuộc vào sổ Hộ Khẩu thì làm sao khá nổi?

21. Một người bạn học cùng lớp cấp 3 với tôi, vì bố mẹ anh ta bán nhà đi ở trọ, cho nên không có hộ khẩu. Thế là học xong cấp 3 anh ta không thể thi vào trường đại học nào được, vì trong hồ sơ dự thi bắt buộc phải có giấy chứng minh nhân dân, mà muốn có giấy Chứng Minh Nhân Dân thì phải có hộ khẩu. Thế là anh ta buộc phải đi làm thuê suốt 3 năm, mặc dù học cũng thuộc diện khá. Trong suốt 3 năm đi làm thuê, gia đình anh ta phải chạy vạy khắp nơi để xin cho anh ta được nhập khẩu vào một nơi nào đó, nhưng do gia đình không có người thân thích, cho nên phải 3 năm anh ta mới nhờ được người cho ké vào sổ hộ khẩu. Cũng may sau đó anh ta thi đỗ đại học, và bây giờ trở thành giáo viên.

Và đó là những điều bạn cần biết về sổ Hộ Khẩu. Hy vọng càng ngày càng nhiều người sẽ nhận ra sự vô lý, ngu ngốc và khôi hài của nó. Chỉ khi người dân Việt Nam bước chân ra khỏi Việt Nam, họ mới biết được đất nước Việt Nam vô lý đến mức nào, điển hình là sổ Hộ Khẩu.

 

Ku Búa
Biên soạn & Bổ Sung: Ku DXD

Khảo cứu về quá khứ

Featured Image: Nelson Lourenco

 

Phần đầu gồm có 3 bài viết được góp nhặt từ ba nguồn khác nhau. Mở đầu là lý thuyết của Stephen Hawking khi quay trở lại quá khứ.

“Hãy tưởng tượng tôi sắp mở một bữa tiệc và khách mời sẽ là những người đến từ tương lai. Tôi không cho ai biết về bữa tiệc này cho đến khi bữa tiệc diễn ra. Tôi tự tay viết các thư mời, trong đó có ghi rõ tọa độ về không gian và thời gian bữa tiệc diễn ra, sau đó chép ra nhiều bản copy và hy vọng một trong số những bản copy này tồn tại được qua hàng ngàn năm, để đến một ngày nào đó trong tương lai, một ai đó sẽ thấy được tờ giấy mời này và dùng cỗ máy thời gian để quay về quá khứ để dự tiệc. Qua đó tôi sẽ chứng minh được thuyết du hành vượt thời gian là có thực.

Trong khi chờ đợi, những người khách của tôi có thể đến bất cứ lúc nào, hãy đếm ngược 5, 4, 3, 2, 1… nhưng không có ai đến cả. Thật đáng buồn. Tôi đã hy vọng ít nhất cũng có một hoa hậu hoàn vũ sẽ đến tham dự bữa tiệc của tôi. Vậy tại sao thử nghiệm này không thành công? Một trong những nguyên nhân nổi tiếng có thể kể đến khi nói về việc du hành vào quá khứ, đó là sự nghịch lý.

Hãy tưởng tượng một nhà khoa học xây dựng một hố sâu (chức năng như một cỗ máy thời gian) rồi dùng nó để quay trở về vài phút trước. Lúc này, nhà khoa học có thể nhìn thấy chính bản thân ông ta của vài phút trước nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ông ta rút súng bắn chết chính ông ta của quá khứ? Bây giờ thì ông ta đã chết, vậy ai là người giết ông ta?

Loại cỗ máy vượt thời gian này (quay ngược trở về quá khứ) sẽ vi phạm một quy luật bao trùm toàn bộ vũ trụ này, đó là luật nhân quả. Tôi tin rằng vạn vật không thể tự phủ nhận chính bản thân nó, bởi vì nếu như vậy thì cả vũ trụ này sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn không gì có thể ngăn được. Nên tôi nghĩ rằng luôn luôn có một thứ gì đó sẽ xuất hiện để ngăn cản các nghịch lý xảy ra.”

Tiếp theo là cuốn “Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương” của Haruki Murakami.

Tsukuru bỗng nhiên bị những người bạn tri kỷ đoạn tuyệt một cách bất ngờ, không lời lý giải. Sự đoạn tuyệt này đã đẩy anh xuống vực sâu, khiến anh trải qua thời niên thiếu với nỗi ám ảnh dai dẳng về cái chết, sự cô độc, nỗi hoang mang về bản thân và nỗi sợ hãi sẽ bị bỏ rơi lần nữa.

“Nhân vật chính là Tazaki Tsukuru, chàng trai 36 tuổi với “cái tên không có màu”. Ở độ tuổi thiếu niên, Tsukuru là thành viên của một nhóm bạn năm người, thân thiết và hòa hợp. Họ vô cùng gắn bó, tưởng như không thể tách rời, nhưng điều này đã thay đổi sau năm thứ hai đại học.

Sau 16 năm ròng không nhìn về quá khứ và sống một cuộc đời yên lặng, Tsukuru đã gặp Sara, người giúp anh nhìn thấy những khoảng trống trong lòng mình và cho anh dũng khí để tìm về những người bạn năm xưa, tháo gỡ những bí ẩn mà trước đây anh không dám đối diện.

Những bí mật được vén mở sau cùng đã giúp Tsukuru tìm được sự thứ tha cho những bất trắc từng giày vò anh suốt một thời tuổi trẻ, giúp anh tìm thấy bản ngã và sức mạnh tiềm ẩn trong con người mình.

Anh đã đi qua một tuổi trẻ đầy hoài nghi về giá trị, về chân mỹ của mình và mang trong mình phức cảm tự ti về một bản ngã mà anh cho là “trống rỗng”, thiếu màu sắc. Anh đã trải qua một cái chết tinh thần khi bị ruồng bỏ, đẩy anh vào một nơi chốn cô lập về mặt cảm xúc.

Chỉ đến khi Tsukuru lấy dũng khí tìm về nguồn gốc của nỗi đau, anh mới chạm vào sự giải thoát khỏi nỗi cô độc và những tổn thương sâu sắc trong lòng mình”

“Vào lúc đó, gã bỗng chấp nhận tất cả. Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”

Cuối cùng là phim “Người thợ máy” (2004)

“Nhân vật Reznik mắc chứng mất ngủ đã một năm trời. Ban ngày, anh làm thợ máy tại một nhà máy sản xuất. Ban đêm, anh chỉ qua lại giữa hai nơi, đều là để gặp phụ nữ. Một là phòng cô gái điếm Stevie (Jennifer Jason Leigh), hai là quán cà phê tại sân bay nơi có cô bồi bàn Marie (Aitana Sánchez-Gijón). Họ đều tỏ ra lo lắng cho tình trạng của anh. “Không sao, chưa có ai từng chết vì mất ngủ cả”, Reznik nói. Người xem được đưa vào một thế giới huyễn hoặc của bệnh tâm thần, qua góc nhìn Reznik. Bắt đầu từ việc anh gặp gỡ một người đàn ông tên Ivan, ở bãi đỗ xe. Gã nói rằng, mình là người mới đến ở nhà máy. Trong lúc làm việc, Reznik bị phân tâm bởi Ivan và gây ra tai nạn, khiến một đồng nghiệp mất đi cánh tay trái. Nhưng khi Reznik nói ra, mọi người đều ngạc nhiên. Ivan dường như không tồn tại với họ. Những điều kỳ lạ liên tiếp xuất hiện, trên tủ lạnh xuất hiện tấm giấy với trò đố chữ mang hình người treo cổ, tủ lạnh chảy máu, kim đồng hồ lặp đi lặp lại ở 1h30… Phải chăng, chứng mất ngủ của Reznik đã sinh ra ảo giác? Reznik không thể trả lời.

Reznik là một hình ảnh kết hợp khá hoàn hảo của của chứng bệnh tâm thần phân liệt, mất trí nhớ và hoang tưởng mà quá trình hình thành nó không gì khác chính là sự dày vò , khổ sở sau khi anh đã đụng chết một đứa trẻ và bỏ trốn . Reznik đã trả giá đắt bằng cả lương tâm của mình sau khi trốn chạy khỏi trách nhiệm đền tội. Sự dày vò như sống trong địa ngục chỉ kết thúc khi anh ra tự thú ở cuối phim , đó là khi anh cảm thấy thanh thản và có thể tận hưởng một giấc ngủ thật trong suốt một thời gian dài. Đó là khi anh bỏ lại Ivan phía sau, bỏ lại cái nhân cách mà anh tạo ra để bắt chính mình phải trả giá cho tội lỗi trong quá khứ.”

Bình luận

Theo lý thuyết của Stphen Hawking, việc quay về quá khứ là bất khả.

Nhân vật của Haruki Murakami muốn tìm lại quá khứ để có thể hiểu được bản chất của nó nhưng vẫn là bất khả.

Reznik sợ hãi muốn chối bỏ quá khứ nhưng không, điều đó cũng là bất khả.

Nếu tách riêng từng bài viết thì chẳng có gì đáng nói nhưng nếu ta xem xét quá khứ theo cả ba góc độ trên ta sẽ có cảm giác quá khứ không chỉ đơn giản là yếu tố thuộc về thời gian, tức là việc đã qua như lời nói bay theo gió, như nước trôi xuôi dòng không cách nào nắm bắt được. Có người nói rằng quá khứ như một nghĩa địa vì khi ta nhìn lại cuộc đời mình chỉ toàn gặp những người nay không còn nữa, và tốt nhất là chuyện của quá khứ hãy để nó lại quá khứ. Khép lại trang cũ.

Nhưng xem xét quá khứ theo cả ba góc độ trên ta có thể hình dung ra rằng quá khứ không mất đi, nó vẫn đang tồn tại song song với chúng ta, tồn tại tách biệt với ký ức của chúng ta ở một chiều không gian khác, chúng ta chỉ không được phép quay trở về mà thôi. Và nếu cho rằng quá khứ đã qua, không thể quay trở về để làm nó đổi khác đi thì hãy để cho nó ngủ yên vẫn không đúng, vì thật ra nó không hề để chúng ta yên một phút nào. Thật là kỳ quặc, ta không thể quay về với nó nhưng nó lại không rời xa ta bao giờ.

Nói về Stukuru, nhân vật này chủ động quay về đối diện với quá khứ thông qua con người thật ở hiện tại, nói chính xác hơn thì nhân vật này đi tìm liều thuốc giải cho sự ám ảnh của mình. Quá khứ của anh ta không thể thay đổi khác đi, việc xảy ra đã xảy ra rồi, việc đang diễn ra vẫn cứ diễn ra, anh không có quyền năng gì bắt thời gian quay ngược trở lại, điều anh ta muốn chính là giải toả ẩn ức của mình, hoàn thành việc mà trong quá khứ đã bỏ lại dang dở cho dù là anh vẫn không hiểu tí gì về bản chất của nó.

Quá khứ là bất khả tri. Thật vậy, nếu ai đã đọc hoặc sẽ đọc sách này có thể để ý thấy rằng vấn đề cốt lõi của vụ mất tích bí ẩn mãi mãi không bao giờ được hiểu, không ai hiểu, tsukuru thậm chí còn không thể chắc chắn rằng mình có thực sự phạm tội hay không, anh chấp nhận việc đã xảy ra như là chính nó mà không cố gắng giải thích thêm điều gì.

Bổ sung thêm thông tin cho khía cạnh thứ hai này của quá khứ, nhà tâm lý học Elizabeth Loftus đã có một buổi nói chuyện trên TED talk về false memory (trí nhớ sai lệch), nội dung chủ yếu là về sự mong manh mơ hồ của trí nhớ, sự dễ dàng tác động của nó bởi những gợi ý từ bên ngoài. Trí nhớ, theo bà, là không thể tin cậy như bà đã nói ở cuối buổi nói chuyện:

“That memory, like liberty, is a fragile thing.” (Trí nhớ, giống như quyền tự do, là thứ rất mong manh.)

Nếu chúng ta xâm nhập vào quá khứ bằng cách nhớ lại những sự kiện đã xảy ra để chiêm nghiệm mong hiểu thêm về những điều đã qua sẽ giống như khi ta đọc một cuốn sách ở nhiều thời điểm khác nhau, mỗi lần sẽ mỗi khác vì sự thêm thắt những tâm tư tình cảm của người đọc.

Đối lập hoàn toàn với nhân vật này là Reznik, người này muốn trốn thoát khỏi quá khứ vì anh đã phạm phải sai lầm khủng khiếp là vô tình cán chết đứa trẻ. Điều kỳ lạ chính là ở khía cạnh thứ 3 này của quá khứ, nó không buông tha ai. Đặc biệt là những ai sợ hãi muốn chối bỏ nó. Ta quẳng nó ra bằng cửa chính thì nó sẽ quay về qua cửa sổ. Reznik không muốn phải vào tù và cũng không muốn chịu sự trừng phạt của lương tâm nên đã vô thức chọn cách quên đi chính mình, nhân vật này không nhận ra chính mình trước đây trông ra sao, chạy xe mang biển số mấy…

Điều duy nhất nhân vật này thường xuyên để ý là mốc thời gian anh đã cán chết đứa bé, anh không thể nào không nhìn đồng hồ dù chỉ một lần khi nó nhảy đến 1h30. Rồi dần dần, lần lượt từng bóng ma hiện về nhắc anh về tội lỗi của mình, những trò đố chữ, ảo ảnh của chính anh ngày xưa, rồi tai nạn vô ý, bà mẹ của đứa bé và cả đứa bé đều hiện diện trong cơn hoang tưởng quay cuồng.

Quá khứ là bất khả tri, nó vẫn có khả năng tồn tại độc lập với ký ức của ta nhưng cũng không bao giờ buông tha ta. Nó không thực sự hiện hữu nhưng ta thấy nó ở khắp mọi nơi. Ta thấy nó vào một buổi chiều mưa, ta thấy nó bởi mùi hương thoang thoảng, ta thấy nó qua tiếng nhạc êm đềm… Ta thấy thấy nó trong hình hài của trẻ thơ, ta thấy nó ở khuôn mặt đứa con, ta thấy nó qua ánh mắt, nụ cười… Ta thấy nó bên dưới cây roi, sợi xích, tiếng la thét…

Quá khứ đi theo ta như bóng theo hình nhưng ta chưa bao giờ ý thức điều đó thật rõ ràng. Con người hiện tại của ta đây có thực sự là ta không? Hay hình hài này, tâm tư này chỉ là sự tích luỹ của quá khứ?

Chúng ta chưa bao giờ trống rỗng, chưa bao giờ thay đổi, chúng ta là sự tổng hợp của quá khứ, chúng ta là đồ nhân tạo, kiến thức của chúng ta cũng chỉ là kiến thức vay mượn từ người khác. Cho nên có thể nói quá khứ không phải là cái đã qua, quá khứ tồn tại ngay trong hiện tại và cũng sẽ có mặt ở trong tương lai, để sống được với hiện tại, kiến tạo tương lai thì phải dám đối diện với quá khứ.

 

Quyên Quyên


Nguồn:

Chuyện ở phòng tư vấn: Những dấu hiệu cảnh báo tự tử!

Featured Image: PDPics

 

Bạn nghĩ điều gì thường xảy ra trong tâm trí của những người có ý định tự tử? Có vẻ như điều mà họ thường nghĩ là: “Cuộc sống có quan trọng gì đâu? Tại sao mình phải thức dậy vào buổi sáng để rồi chịu đựng những dằn vặt, đau đớn? Muốn thoát khỏi nó, phải kết thúc thôi.”

Lời nhủ thầm này mở một cánh cửa cho những suy nghĩ tiêu cực, chúng thúc đẩy hành vi tự hủy hoại. Từ những người đã sống sót sau các vụ tự sát, chúng ta có thể tìm thấy các dấu hiệu cảnh báo từ chính bản thân.

Bị gián đoạn giấc ngủ

Thường những người tự tử đã mất ngủ một thời gian dài.

Cô lập

Họ luôn muốn ở một mình và đẩy những người bạn ra xa. Họ cũng từ chối những mối quan hệ thân thiết và có thể nghĩ rằng: “Hãy tự chịu đựng, chả có ai muốn đến với mình lúc này đâu.”

Mất quan tâm

Chẳng còn hoạt động nào là quan trọng với họ: “Tại sao phải cố gắng, dù sao thì mọi việc vẫn như vậy?”

Cực đoan, tự phủ nhận, thiếu niềm vui

Người có nguy cơ tự sát thường bị mất khả năng tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Khi họ cảm thấy thất vọng về bản thân, họ bắt đầu chán nẳn với mọi thứ khác. “Bạn còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để làm công việc này.” ” Bạn quá nhút nhát để kết bạn mới.” “Chuyến đi này sẽ chỉ mang lại rắc rối thôi.”

Hận thù

Khi một người bị cuốn vào vòng xoáy của ý nghĩa tự tử, họ ghét chính bản thân mình, tự gây đau đớn và dễ bị kích động. Tiếng nói bên trong mở những cuộc tấn công vào tâm trí: “Bạn là đồ ngốc vô tích sự.”

Không thuộc về đâu cả

Họ thường cho rằng không ai quan tâm hoặc không hiểu mình. những suy tư này có thể bị bóp méo, không đúng như những gì người khác nghĩ về họ. Một phụ nữ muốn tự sát đã kể lại rằng cô ấy từng không tin vào tình yêu của gia đình bạn bè dành cho mình. Cô thấy chả ai quan tâm và hiểu được mình. “Tại sao không ai yêu thương tôi? Không ai hiểu tôi? Chắc rằng mọi người sẽ không bao giờ hiểu.”

Sợ trở thành gánh nặng cho người khác

Một thanh niên được chuẩn đoán mắc bệnh rối loạn lưỡng cực, có nguy cơ tự tử, đã nói rằng anh cảm thấy mình giống như gánh nặng cho bạn bè và gia đình: “Thật kinh khủng khi mình và những rắc rối này gây phiền toái cho gia đình và bạn bè. Tại sao mình luôn làm phiền họ?”

Thay đổi tâm trạng tích cực

Khi các cá nhân đã quyết định tự tử, nhìn họ có thể sẽ bình tĩnh, hạnh phúc và thoải mái hơn vì không còn trong tình trạng hỗn loạn. Họ thấy tự tử có vẻ là “giải pháp hoàn hảo”. Một trong những người sống sót sau vụ tự tử nhớ lại: “Tôi ở trong xe, phấn khởi, rất hạnh phúc vì sắp được giải thoát khỏi sự đau đớn. Tôi sẽ tìm một chiếc cầu và nhảy xuống.”  Thông thường, gia đình và bạn bè trở nên ít lo lắng về những người có nguy cơ khi họ có những chuyển biến tích cực. Điều quan trọng là nhận thấy những thay đổi ấy và không để bị lừa bởi cách thể hiện của họ.

Nói về chuyện tự tử

Khi gia đình nhận ra những thay đổi của người có ý định tự tử và quan tâm hỏi han, họ có thể lập tức chối bay chối biến. Rõ ràng, người ấy rất phân vân với ý định tiêu cực và muốn được dừng lại trong trường hợp họ thừa nhận hoặc ám chỉ đến việc tự tử, người thân cần thật bình tĩnh và đừng làm mọi việc nghiêm trọng hơn. Tốt nhất là không phản ứng thái quá và cố gắng giúp đỡ họ đẩy lùi ý định tự chấm dứt cuộc sống.

Hãy nhớ rằng, nếu bạn hoặc ai đó bạn biết rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hoặc cần giúp đỡ ngay về tâm lý, đừng chần chừ, các chuyên gia tư vấn sẵn sàng chia sẻ cùng bạn.

 

Tâm Giao

Những kẻ đáng thương!

 Featured Image: Leon_Ting

 

Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể về lũ trẻ ham chơi nhưng được giáo dục, lũ trẻ ham chơi nhưng không bao giờ thoát được cái vòng luẩn quẩn của học hành. Lũ trẻ đó học học và học, chúng được khuôn khổ hóa bởi những quy tắc, bởi những lời răn dạy của gia đình cùng những điều cấm và cấm. Nhưng tâm hồn trẻ con của chúng chẳng bao giờ chết, chúng cũng trốn đi chơi, cũng trốn ngủ trưa để tò tí te với lũ hàng xóm. Chúng thích thú với những trò bắt dế, bắt châu chấu hay những trò nhào lộn hơn cả những nghệ sĩ xiếc trên đường phố.

Chúng cũng mơ mộng, nhìn lên bầu trời xanh và cũng ước ao được bay thật xa, xa mãi… Và chúng cũng không khác với đại đa số con người trên đất nước này, chúng cũng muốn vào đại học nói chính xác là khao khát điên dại giảng đường đại học và mơ mộng về một nơi xa lắm.

Thời gian qua đi, chúng lớn lên, khuôn mặt hằn lên vết bụi, thân thể khỏe mạnh, cao to hơn như những con tằm bắt đầu đủ sức tung ra khỏi kén. Và chúng cũng thi đại học, chúng nghĩ về một nơi có thể thay đổi con người, số phận và chúng tin chắc con đường chúng đi sẽ là một con đường đầy ánh sáng, đầy màu sắc, chúng tin chúng đã tin như vậy! Và rồi một ngày, tin báo đậu đại học bay đến cổng nhà chúng, chúng la hét, chúng vui mừng, chúng hớn hở, chúng run bần bật vì sung sướng, ba mẹ chúng cũng vậy.

Nhưng rồi, cơn bão ập đến, niềm vui, thứ ánh sáng thứ hoa hồng mà chúng tưởng tượng đã vụt tắt. Giảng đường đại học trong mắt chúng giờ đây là một thế giới xa lạ, thế giới ấy khác xa ngoài sức tưởng tượng; chúng đã mơ về một ngôi trường xanh mát, nơi chúng thỏa sức sáng tạo và vươn lên những đỉnh cao, nhưng giờ đây trước mắt chúng là một nơi kiềm hãm ước mơ. Chúng đã tưởng mình được trái táo không ngờ lại cầm trong tay một giấy nợ – giấy báo đậu đại học.

Ngôi trường ấy làm chúng khiếp sợ mỗi giờ lên lớp, một thứ không khí lạnh lùng – thầy làm việc của thầy, sinh viên làm việc của sinh viên. Thầy cứ thao thao còn trò lướt web. Thầy thao thao chắc còn đỡ, có thầy chỉ suốt buổi bắt chúng thuyết trình. Đại học dường như khẳng định trong chúng một điều rằng: “Đại học – chữ đại nó to lắm, muốn học phải tự tìm hiểu đi, trên lớp thầy làm gì quyền thầy, chúng bây làm gì kệ chúng bây. Mọi thứ đều áp đặt, bắt buộc chúng tự tìm hiểu vì hai chữ “đại học.’”

Chúng hoang mang, chúng tù túng. Giáo viên trong mắt chúng chưa bao giờ mệt mỏi như vậy, chưa bao giờ đáng ghét đến vậy. Không một con đường mở, không một hướng tư duy tích cực, nếu có chắc chỉ lác đác hay mang tính nhồi nhét. Chúng bây giờ sợ hãi, lũ trẻ của ngày xưa bây giờ đã lớn nhưng trước mắt chúng vẫn cứ mơ màng hình hài của tháng năm tuổi thơ. Chúng tự hỏi: “Sao làm người lớn khó đến vậy?” Cả ngàn câu hỏi mà chỉ chừng đó từ “sao khó quá vậy?”.

Chúng sợ hãi, run rẩy như thể đứng trước mặt chúng là một con cọp đói khát, chúng càng sợ hãi hơn khi nhìn sau lưng là tảng đá to kệch đang lăn tới chỗ chúng. Trước hay sau, đường nào cho sống mà hình như ý nghĩ muốn sống sót của chúng cũng mong manh lắm. Thị trường xã hội, cơm áo, gạo tiền, áp lực gia đình xoáy sâu, cứa khắp người, đau đớn và tận cùng. Hai chữ đại học với chúng giờ đây là ác mộng, là con ma ám ảnh suốt một đời.

Chúng thầm trách những hững hờ “ba mẹ sinh con ra chi vậy?” với sự day dứt với gia đình vô bờ. Chúng chỉ muốn đổ lỗi cho nhẹ lòng thôi. Chúng thật đáng thương, chúng là những kẻ đáng thương phải không? Hay chúng là những nạn nhân của chế độ giáo dục kém chất lượng và thiếu khoa học. Những đứa trẻ đang chiến đấu từng ngày, từng hơi thở với mùi khói bụi, với sự xuống cấp của xã hội với áp lực đè nặng. Chúng muốn buông, chúng muốn quẳng gánh lo vui sống nhưng nào đâu có dễ…

Phàm là ở đời, phàm là đã được sinh ra thì đã mang cái khổ từ trong bụng mẹ. Đứa trẻ chào đời nó khóc đâu có cười vì nó biết lớn lên nước mắt sẽ là bạn đồng hành, nó nên làm quen trước thì hơn. Chúng, chúng là ai? Chúng là tôi hay cả bạn. Chúng đang kiệt sức, chúng đang chết mòn ở cái tuổi 20 chứ không phải là 25 như người ta thường nói nữa.

Xã hội đang làm gì với những người trẻ, giáo dục đang mang lại hay đánh cắp ước mơ của những đứa trẻ mới lớn. Tôi hai mươi nhưng không thể nào lớn hơn được nữa chắc vì tuổi trẻ tôi, giấc mơ tôi đã chết ở cái tuổi hai mươi nhưng 70 tuổi có lẽ mới được chôn… Thương thay những kẻ đáng thương! Con sâu thoát khỏi kén rồi nó sẽ thành bướm, nó sẽ được bay vì nó có cánh còn lũ chúng tôi ra khỏi kén và bị tước mất đôi cánh rồi…

 

ViCy

Ai giải phóng ai? Những đóng góp của Đế chế Pháp, Mỹ Ngụy và Đảng Cộng Sản cho Việt Nam

Featured Image: Leon_Ting

 

32 thứ đế chế Pháp đã đóng góp cho Việt Nam

Chúng ta đã được dạy rằng Đế Chế Pháp đã xâm lược và đô hộ Việt Nam. Họ đã bốc lột đất nước và người dân Việt Nam để làm giàu cho nước họ. Họ không cho chúng ta tự do ngôn luận và cai trị với phương pháp ngu dân. Đó là lý do tại sao Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Để giải phóng đất nước và dân tộc khỏi sự cai trị ngu đần và bốc lột của Đế Chế thực dân Pháp.

Nhưng trong bài viết này, với tư cách là một người đang được thừa hưởng sự hòa bình, tôi xin nêu ra những gì mà Đế Chế Pháp đã đóng góp cho Việt Nam. Theo phân tích của tôi, Đế Chế Pháp đã khai sáng đất nước Việt Nam từ 4000 năm đen tối trong 1 thế kỷ mà họ đã cai trị ở đây. Dĩ nhiên, chế độ nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực, nhưng nếu chúng ta chỉ coi Pháp là một đế chế xâm lược mà phủ nhận những gì họ đã đóng góp cho Việt Nam, đó là một sự thiếu hiểu biết và ngạo mạn. Sau đây là 32 điều và thứ mà Đế Chế Pháp đã đóng góp cho Việt Nam và sẽ bắt đầu với thứ quan trọng nhất.

  1. Quốc Ngữ (Latin hóa quốc ngữ Việt Nam) – hãy tưởng tượng người Việt Nam sẽ như thế nào nếu giờ vẫn sử dụng chữ Hán và Nôm. Đó là một điều mà không ai muốn xảy ra.
  2. Hạt cà phê – Hiện tại Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil. Cà phê đóng góp tầm 3% cho kinh tế Việt Nam.
  3. Phin cà phê – Một biểu tưởng độc đáo của Việt Nam.
  4. Cà phê đá – Một loại nước uống gần như không thế thiếu vào buổi sáng. Một trong những biểu tượng ẩm thực của Việt Nam.
  5. Cà phê sữa đá – Tương tự. Cũng là 1 thứ tui phải uống vào mỗi buổi sáng. Có khi 2-3 ly 1 ngày.
  6. Văn hóa cà phê – Việt Nam tìm thêm sức sống trong những giọt cà phê là cũng nhờ Đế Chế Pháp giới thiệu.
  7. Đường rầy xe lửa xuyên Việt. Nhờ Đế Chế Pháp mà Việt Nam đã được kết nối từ nam ra bắc, hiện giờ vẫn là một trong những phương tiện vận chuyển.
  8. Quốc Lộ 1A – Khởi hành bởi thực dân Pháp. Hiện tại thì là con đường chính kết nối ba miền bắc trung nam của Việt Nam.
  9. Điện.
  10. Xe đạp.
  11. Xe máy.
  12. Xe hơi.
  13. Cao su.
  14. Bánh mì – Một biểu tượng ẩm thực và văn hóa.
  15. Nhà thờ Đức Bà – Một trong những biểu tưởng của Việt Nam, nhưng lại là một sản phẩm của Đế Chế Pháp.
  16. Thành Phố Đà Lạt – Một trong những thành phố thơ mộng nhất thế giới, được khám phá và xây dựng bởi người Pháp.
  17. Nhà Thờ Con Gà (Đà Lạt) – Khánh thành 1942. Một trong những biểu tượng của Đà Lạt.
  18. Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt (tên cũ: Trường Grand Lycée Yersin) – Thành lập năm 1927, thiết kế bởi kiến trúc sư Moncet. Một trong 1000 công trình xây dựng độc đáo trong thế kỷ 20. Một trong nhưng biểu tượng của Đà Lạt và du lịch Việt Nam.
  19. Khách Sạn Dalat Palace – Một trong những khách sạn 5 sao ở Đà lạt. Xây năm 1916, hoàn thành năm 1922.
  20. Thành Phố Sa Pa – Một thành phố du lịch thơ mộng của Việt Nam.
  21. Thành Phố Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.
  22. Bến Nhà Rồng (Bảo Tàng TP Hồ Chí Minh) – Hoàn tất năm 1863. Cũng tại nơi đây, một chàng thanh niên Việt Nam tên Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu cuộc hành trình xa quê hương để tìm đường cứu nước (làm phản động thời bấy giờ).
  23. Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh – Mở cửa năm 1990. Một trong những biểu tưởng của Sài Gòn.
  24. Bưu điện trung tâm Sài Gòn – Một trong những công trình kiến trúc vĩ đại ở Việt Nam.
  25. Thành Phố Vũng Tàu – Một thành phố biển thơ mộng và là một nơi người Sài Gòn đến nhiều nhất nhờ vị trí địa lý.
  26. Bạch Dinh (Vũng Tàu) – Xây dựng thời Pháp từ 1898 tới 1916. Một trong nhưng biểu tượng cảu thành phố Vũng Tàu.
  27. Trường Petrus Ký Sài Gòn (hiện này là trường chuyên Lê Hồng Phong – TPHCM).
  28. Cầu Trường Tiền (Huế) – Một biểu tưởng của Huế.
  29. Khách Sạn Metropole Hà Nội (hiện này là Sofitel Legend Metropole Hanoi).
  30. Cầu Long Biên Hà Nội. Một trong những biểu tưởng của Hà Nội.
  31. Sự khởi nghiệp của Hồ Chí Minh – Trong thời đế chế Pháp, Pháp đã cho ông lên thuyền đi qua Pháp. Pháp đã đón nhận ông trong âm thầm và cho phép ông làm phản động trong âm thầm. Để ông có bước khởi nghiệp vững chắc vì không bị ai quy cho cái tội phản động. Sau khi về nước, một lần nữa Pháp lại cho ông làm phản động để sau này các cháu ngoan của ông lại bắt bỏ tù những đứa phản động giống ông ngày xữa. Có điều gì đó ông đúng.
  32. Âm nhạc tây phương.

Những đóng góp của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho Việt Nam

Chế Độ VNCH không hoàn hảo và đã phải trải qua thời gia đình trị dưới sự cầm quyền của Ngô Đình Diệm. Nhưng nếu xét về tự do ngôn luận và phát triển kinh tế thì chế độ VNCH đã góp phần không thua kém Đế Chế Pháp trong việc hiện đại hóa Việt Nam.

  1. Tự do ngôn luận là một điều bất khả xâm phạm. Các thành viên của các tổ chức chính trị có thể lên tiếng phản đối chính quyền công khai mà không bị bắt.
  2. Hệ thống chính trị tam quyền phân lập (Đệ Nhị Cộng Hòa 1967-1975). Khái niệm dân chủ theo cơ sở tam quyền phân lập thời đó rất xa lạ, VNCH là một ví dụ hiếm hoi.
  3. Đường lộ ở Tây Nam, tới bây giờ vẫn còn. Và nhiều đường lộ khác nữa.
  4. Giáo dục cao học đa ngôn ngữ và được quốc tế công nhận. Rất nhiều tri thức Việt Nam tốt nghiệp trong thời VNCH sau 1975 di dân vẫn được các nước khác ông nhận bằng cấp. Nhưng nếu tốt nghiệp dưới thời hậu VNCH thì không.
  5. Những bài nhạc cổ điển, chữ tình, nhạc “sến”, tới bây giờ vẫn còn được hát như nhạc Trịnh Công Sơn. Một điều khó xảy ra nếu những nhạc sĩ đó sống ở miền Bắc Việt Nam.
  6. Xe hơi La Dalat. Dưới thời VNCH Việt Nam đã sản xuất được xe hơi. Công Ty Xe Hơi Sài Gòn đã thành công trong việc nội địa hóa công nghệ và vật chất hơn 40% để sản xuất hơn 5,000 chiếc xe hơi La Dalat từ 1970 tới 1975. Đây là điều không tưởng trong một đất nước vẫn còn chiến tranh. Tới bây giờ ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam đã thua cả Campuchia.

Những đóng góp của Đảng Cộng Sản cho Việt Nam

  1. Tượng mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Quảng Nam, tốn 411 tỷ, đây là một công trình Mount Rushmore của Việt Nam.
  2. 50,000 tiến sĩ và 100,000 thạc sĩ các ngành nghề.
  3. Giá bất động sản cao nhất khu vực và có thể trên thế giới khi tính theo thu nhập đầu người. Một người Việt Nam bình thường phải đi làm 30-40 năm mới có đủ tiền để mua một căn nhà.
  4. Văn hóa xe máy, Việt Nam là nước có xe máy nhiều nhất với số lượng đăng ký trên dưới 30 triệu. Cứ 3 người Việt Nam thì có 1 chiếc xe máy.
  5. Số người chết vì tai nạn giao thông nhiều nhất, trung bình mỗi năm có 9,000-10,000 người chết vì tai nạn giao thông.
  6. Đồng tiền có nhiều con số “không” nhất hiện tại, chỉ sau Zimbabwe. $1 Đô La Mỹ đổi lấy hơn 21,000 Việt Nam Đồng.
  7. Giá xe hơi cao nhất về giá thị trường và dựa theo thu nhập bình quân. Trung bình 1 người Việt Nam phải đi làm 30 năm để có được một chiếc xe hơi. Giá xe hơi ở Việt Nam thường cao hơn giá thị trường thế giới gấp 3 lần vì thuế nhập khẩu cũng như chi phí vận chuyển và lợi nhuận.
  8. Việt Nam hiện tại có thể nói đã trở thành một dân tộc thiểu số lớn nhất nhì ở Đài Loan và Hàn Quốc. Hàn Quốc có hơn 60,000 phụ nữ Việt lấy chồng Hàn và Đài Loan có hơn 100,000 phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan. Nếu cộng thêm số lượng con cái từ những hôn nhân đó và số lượng lao động Việt Nam đang làm việc ở xứ sở tại, dân tộc Việt Nam là thiểu số đông nhất.
  9. Giá thuốc lá và bia rượu rẻ nhất thế giới.
  10. Xin các bạn đọc bài “23 điều vô lý chỉ có ở Việt Nam” tại https://content.triethocduongpho.net/2015/02/04/23-dieu-vo-ly-chi-co-o-viet-nam/ .

Vậy theo các bạn, ai đã giải phóng ai?

Ku Búa

Chủ nghĩa tập thể dựa trên niềm tin rằng tập thể quan trọng hơn cá nhân

Featured image: LibertyManiacs.com Team

 

Đây là khái niệm thứ hai chia rẽ những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Chủ nghĩa Tập thể dựa trên niềm tin rằng nhóm quan trọng hơn là cá nhân. Theo quan điểm này, nhóm là một thực thể riêng độc lập và nó có quyền của riêng nó. Thêm nữa, những quyền này quan trọng hơn là quyền của cá nhân. Vì thế, nó có thể chấp nhận được việc hy sinh những cá nhân nếu cần thiết cho “lợi ích lớn hơn của đa số.” Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe điều này? Ai có thể phản đối việc mất đi tự do nếu như nó có một lý do thích đáng là cần thiết vì lợi ích lớn hơn của xã hội? Nhóm tối cao, dĩ nhiên, là nhà nước. Vì thế, nhà nước là quan trọng hơn những cá nhân công dân, và nó có thể chấp nhận được việc hy sinh các cá nhân, nếu cần thiết, cho lợi ích của nhà nước. Khái niệm này là trái tim của tất cả các hệ thống chuyên chế hiện đại được xây dựng trên mô hình của Chủ nghĩa Tập thể.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa Tự do nói: Khoan đã. Nhóm? Nhóm là cái gì? Nó chỉ là một danh từ. Bạn không thể chạm vào nhóm. Bạn không thể nhìn thấy nhóm. Tất cả những gì bạn có thể chạm vào hay nhìn thấy chỉ là những cá nhân. Danh từ nhóm là một sự trừu tượng hoá và không tồn tại như là một thực tế hữu hình. Nó giống như là một vật trừu tượng gọi là rừng. Rừng không thực sự tồn tại. Chỉ có cây là tồn tại. Rừng là khái niệm của nhiều cây. Tương tự vậy, danh từ nhóm chỉ miêu tả một là khái niệm trừu tượng của nhiều cá nhân. Chỉ có cá nhân là thực, và vì vậy, không có cái gọi là quyền của nhóm. Chỉ những cá nhân mới có quyền.

Nếu chỉ vì có nhiều cá nhân trong một nhóm này và ít hơn trong một nhóm khác thì nó không có nghĩa cho phép sự ưu tiên cao hơn cho các cá nhân của nhóm lớn hơn – thậm chí nếu bạn gọi nhóm lớn hơn đó là nhà nước đi chăng nữa. Đa số cử tri không có nhiều quyền hơn là thiểu số. Quyền không xuất phát từ việc đếm số lượng. Quyền không đến từ nhóm. Chúng là sở hữu bẩm sinh thuộc về mỗi con người.

Khi một ai đó lập luận rằng cá nhân cần phải hy sinh bản thân cho lợi ích lớn hơn của xã hội, chính xác cái mà họ đang nói là một số cá nhân sẽ bị hy sinh cho lợi ích lớn hơn của những cá nhân khác. Quan điểm đạo đức của những người theo Chủ nghĩa Tập thể dựa trên số lượng. Mọi điều đều có thể làm được miễn là số người được hưởng lợi được cho là lớn hơn số người cần phải hy sinh. Tôi nói được cho là bởi vì, trên thực tế, những người quyết định ai sẽ phải hy sinh không thể đếm chính xác. Kẻ độc tài luôn luôn tuyên bố họ đại diện cho quyền lợi lớn hơn của đa số, nhưng trên thực tế, họ và những tổ chức ủng hộ họ thường chiếm không quá một phần trăm dân số. Khi một ai đó nói minh vì đám đông và đại diện cho quyền lợi tốt nhất của họ, thì lý do bên dưới chỉ có thể là vì đám đông quá ngu xuẩn để có thể tự luận ra cái gì là tốt nhất cho họ. Do đó những nhà lãnh đạo Tập thể Chủ nghĩa, tự cho là khôn ngoan và đức độ, luôn quyết định thay cho họ. Bằng cách này, họ có thể giải thích cho bất kỳ hành động tàn bạo hoặc bất công nào như là biện pháp cần thiết vì lợi ích lớn hơn của xã hội.

A, đúng. Lợi ích lớn hơn dành cho đa số lớn hơn. Những kẻ chuyên chế hiện đại luôn khoác lên mình chiếc áo nhân đạo.

Bởi vì những người theo chủ nghĩa tự do không thừa nhận sự bá quyền của nhóm, nên những người Tập thể Chủ nghĩa thường phác họa họ như là những kẻ ích kỷ và vô cảm đối với khó khăn của người khác. Luận thuyết đó khá phổ biến trong trường học ngày hôm nay. Nếu một đứa trẻ không sẵn sàng đồng hành với nhóm, nó bị chỉ trích là tính cộng đồng kém và không phải là “đồng đội” tốt hay công dân tốt…. Nhưng chủ nghĩa Tự do không dựa trên cái tôi. Nó dựa trên nguyên tắc. Nếu bạn chấp nhận lập luận rằng cá nhân có thể được hy sinh cho nhóm, khi đó bạn đã phạm sai lầm rất lớn ở hai điểm. Thứ nhất, do các cá nhân là thành phần cơ bản của nhóm, nên dù gì thì khi đó chính nhóm cũng bị hy sinh, từng chút từng chút một. Thứ hai, nguyên tắc bên dưới là chết người. Hôm nay, cá nhân bị hy sinh có thể là người bạn không biết hoặc là ai đó bạn không thích. Ngày mai, đó có thể là chính bạn. Phải mất một thời gian suy ngẫm để nhận ra rằng lợi ích lớn hơn cho đa số không đạt được bằng cách hy sinh cá nhân mà phải là bảo vệ cá nhân. Trên thực tế, lợi ích lớn hơn cho đa số được phụng sự tốt nhất dưới Chủ nghĩa Tự do, không phải Chủ nghĩa Tập thể.

Cộng hòa đối lập Dân chủ

Chúng ta đang bàn ở đây một trong các lý do làm nên sự khác biệt giữa cộng hòa và dân chủ. Trong những năm gần đây, dân chủ thường được cho là một thể chế nhà nước lý tưởng. Lấy ví dụ trên thế giới, nhà nước Mỹ là một thể chế Cộng hòa. Tuy nhiên rất nhiều người lầm tưởng rằng Hiến pháp Mỹ đã khai sinh ra một nước dân chủ, và lý do thích đáng cho việc Mỹ tấn công các nước khác và lật đổ các chính phủ chuyên chế báo ngược ở đó là, như chúng ta được bảo, để phổ biến nền dân chủ ra khắp thế giới. Nhưng nếu bạn đọc các tài liệu và bài diễn văn của những bậc khai quốc đã viết nên Hiến pháp Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng họ đã phê phán mạnh mẽ nền dân chủ – và nếu bạn nhìn lại thực tế của cuộc sống tại những vùng đất mà nền dân chủ đã được mang tới, bạn tìm thấy ít sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới, ngoại trừ chế độ mới có thể còn tệ hơn.

Trong nước Mỹ thuộc địa, Samuel Adams, nhà lãnh đạo xuất chúng của phong trào độc lập, đã bày tỏ quan điểm chung của các đồng sự của ông khi ông nói: “Dân chủ không bao giờ tồn tại lâu. Nó sẽ nhanh chóng đào thải, kiệt quệ, và tự giết chính nó. Đã không bao giờ có một nền dân chủ mà cuối cùng không tự sát.”

Sự hiểu biết về mặt tối của dân chủ không phải chỉ duy nhất tìm thấy ở những người Mỹ thuộc địa. Những nhà sử học Âu Châu và các nhà lý luận chính trị đương thời cũng đã đi đến cùng một kết luận. Tại Anh quốc, Lord Acton viết: “Một điều xấu xa của thể chế dân chủ đang tràn ngập khắp nơi là sự bạo ngược chuyên chế của đảng chiến thắng, bằng vũ lực hoặc gian lận, trong cuộc bầu cử.” Ở Scotland, giáo sư lịch sử tại đại học Edinburgh, Alexander Tyler, đã viết:

“Dân chủ luôn luôn là tạm bợ từ trong bản chất – nó đơn giản không thể tồn tại như là một thể lâu dài của chính phủ. Dân chủ sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi các cử tri khám phá ra rằng họ có thể tự bầu cho chính họ những bổng lộc hào phóng từ ngân khố chung. Từ thời điểm đó trở đi, đa số sẽ luôn luôn bầu cho các ứng viên có thể hứa hẹn mang lại nguồn lợi lớn nhất lấy từ ngân khố chung, và đưa đến kết quả là mọi nền dân chủ cuối cùng sẽ sụp đổ bởi vì các chính sách tài khóa thâm thủng – thông thường được theo sau bởi một chế độ độc tài.”

Những bậc khai quốc đã viết nên Hiến Pháp Mỹ tin rằng dân chủ là một trong các dạng thức tồi tệ nhất có thể của chính phủ; và do đó họ đã tạo ra cái mà họ gọi gọi là nền cộng hòa. Thật không may, danh từ này đã không còn mang ý nghĩa kinh điển của nó vào năm 1787. Ngày nay nó được sử dụng một cách bừa bãi cho tất cả mọi thứ từ độc tài quân sự, như là Cộng hòa Angola, cho đến độc tài tập thể chủ nghĩa như là Cộng Hòa Trung Hoa. Nhưng hãy nhớ rằng vào lúc Nước Mỹ Cộng Hòa được thành lập, danh từ này đã có ý nghĩa chính xác và nó được hiểu bởi tất cả mọi người.

Đó cũng là lý do tại sao danh từ dân chủ không hề xuất hiện trong Hiến pháp Mỹ; và khi người Mỹ nguyện thề trung thành với lá cờ, đó là trung thành với nền cộng hòa mà lá cờ đại diện, không phải nền dân chủ. Khi Colonel Davy Crockett gia nhập cuộc Cách mạng Texas trước trận đánh Alamo nổi tiếng, ông đã từ chối ký vào lời thề trung thành với chính phủ tương lai của Texas cho đến khi từ ngữ được sửa thành chính phủ cộng hòa tương lai của Texas. Lý do điều này là quan trọng là ở chỗ sự khác nhau giữa dân chủ và cộng hòa chính là sự khác nhau giữa Chủ nghĩa Tập thể và chủ nghĩa Tự do.

Trong nền dân chủ thuần khiết, đa số cai trị, chấm dứt tranh luận. Bạn có thể nói “Có gì sai với nó?” Chà, có thể có vô khối thứ sai. Lối hành hình linh-sơ không qua xét xử mà theo biểu quyết của đám đông ở Mỹ chống lại những người Mỹ gốc phi trong thế kỷ trước? Chỉ có một người với ý kiến bất đồng, chỉ duy nhất anh ta ở phía bên đối lập. Đó là dân chủ trong lúc thi hành nhiệm vụ.

“Khoan đã,” bạn nói. “Đa số nên cai tri. Vâng, nhưng trong phạm vi không từ chối quyền của thiểu số.” Và, tất nhiên, bạn đã đúng. Như Lord Acton đã quan sát:

“Nó thật tồi tệ khi bị đàn áp bởi thiểu số, nhưng nó còn tệ hơn nữa khi bị đàn áp bởi đa số… Bài thử chắc chắn nhất chúng ta có thể dùng để đánh giá một đất nước có thực sự tự do hay không là tổng lượng an toàn mà thiểu số được hưởng.”

Cung cấp sự đảm bảo cho thiểu số chính xác là vai trò của nền Cộng hòa. Cộng hòa là một nhà nước dựa trên nguyên tắc giới hạn sự cai trị của đa số, sao cho thiểu số – thậm chí dù chỉ là một người – sẽ được bảo vệ khỏi ý thích bất chợt hay cảm hứng của đa số.

Nền Cộng hòa được đặc trưng bởi hiến pháp được viết thành các luật lệ để đảm bảo điều đó có thể thực hiện được. Đó là chức năng của Luật Nhân Quyền của Mỹ, nó không là gì khác ngoài danh sách các việc mà nhà nước không được làm. Nó viết rằng Quốc hội, mặc dù là đại diện cho đa số, sẽ không ban hành bất cứ điều luật nào từ chối quyền của thiểu số thực thi sự tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp hòa bình, quyền tham gia quân ngũ, và các quyền “không thể tách rời” khác.

Những giới hạn này đối với sự cai trị của đa số là bản chất cốt lõi của nền Cộng hòa, và chúng cũng là cốt lõi của ý thức hệ Tự do. Và đây lại là một điểm khác biệt lớn giữa hai quan điểm: Những người Tập thể Chủ nghĩa ủng hộ bất kỳ hành động nào miễn là nó có thể được cho là vì lợi ích lớn hơn của đa số; và ở phía bên kia những người theo chủ nghĩa tự do bảo vệ quyền của thiểu số chống lại sự giận dữ và lòng tham của đa số.

 

Thánh Ca Tự Do

Nguồn gốc và bản chất của quyền con người

Featured image: michael.veltman

 

Ngày nay có quá nhiều từ được sử dụng để miêu tả các quan điểm chính trị: ví dụ như đảng bảo thủ, tự do, cấp tiến, cánh hữu, cánh tả, chủ nghĩa xã hội, cộng sản, chủ nghĩa Mao, phát xít, quốc xã; rồi chúng ta lại nghe thấy đảng tân bảo thủ, phát xít mới, và các loại “mới” trên đời. Khi được hỏi khuynh hướng chính trị của chúng ta là gì, chúng ta thường được kỳ vọng chọn một trong các từ liệt kê ở trên. Nếu chúng ta không có một quan điểm chính trị vững vàng hoặc nếu chúng ta sợ rằng sẽ lấy phải một chọn lựa tồi, khi đó chúng ta chọn cách an toàn bằng cách nói chúng ta thuộc xu hướng ôn hòa – và thế là lại thêm một từ nữa vào danh sách.

Không có tới một trên một ngàn người có thể định nghĩa rõ ràng ý thức hệ mà bất cứ một trong số những từ này đại diện. Chúng được sử dụng, chủ yếu, như là tên gọi để kể về phần tinh hoa của hoặc là điều tốt hoặc là điều xấu, tùy thuộc vào ai sử dụng những từ này và cảm xúc gì nảy sinh trong tâm trí họ. Hầu hết các tranh luận chính trị nghe như là chúng xuất phát tại tháp Babel, nơi mỗi người đang nói một ngôn ngữ khác nhau. Ngôn từ nghe có vẻ giống nhau, nhưng những người nói và những người nghe, từng người lại có một định nghĩa khác nhau cho những ngôn từ này.

Kinh nghiệm cho thấy, một khi những định nghĩa được hiểu giống nhau, thì rất nhiều các bất đồng chấm dứt. Rất nhiều người đã nghĩ rằng họ đã thuộc những ý thức hệ đối lập sâu sắc, và thường đã rất sửng sốt khi nhận ra rầng về cơ bản họ đồng thuận với nhau. Do vậy, để bàn về chủ đề tập thể chủ nghĩa, trước hết chúng ta phải loại bỏ ra những điều vô nghĩa. Nếu chúng ta muốn hiểu đươc ý nghĩa của các lịch trình chính trị đang chi phối hành tinh chúng ta ngày hôm nay, chúng ta phải không cho phép suy nghĩ của chúng ta bị nhiễm bẩn bởi gánh nặng đầy cảm xúc của những từ ngữ cũ kỹ.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết các tranh cãi chính trị lớn nhất của thời đại chúng ta có thể được phân chia thành chỉ hai quan điểm. Những cái còn lại chỉ là điều sai lầm. Điển hình, các tranh cãi chỉ tập trung vào câu hỏi là một hành động cụ thể có nên được thực hiện hay không; nhưng mâu thuẫn thực sự không nằm ở sự hay ho của hành động; mà nó nằm ở một nguyên tắc, một tiêu chuẩn đạo đức để làm cơ sở chính đáng cho phép hoặc ngăn cấm hành động đó. Nó là cuộc thi đấu giữa hai quan điểm đạo đức của một bên là Chủ nghĩa Tập thể và một bên là Tự do Cá nhân. Đây là những từ có ý nghĩa và chúng miêu tả vực thẳm ngăn cách về mặt triết học vốn đang chia rẽ cả thế giới, ít nhất là thế giới Phương Tây.

Một điểm chung của cả những người theo chủ nghĩa tập thể cũng như Tự do Cá nhân là đại đa số họ là có ý định tốt. Họ đều muốn cuộc sống tốt nhất có thể cho gia đình họ, cho người dân nước họ, và cho nhân loại. Họ muốn thịnh vượng và công bằng cho mọi người. Cái mà họ bất đồng là cách thức để mang đến những điều đó như thế nào?

Loạt bài gồm 5 phần tiếp theo đây bàn về năm cột trụ cơ bản khác nhau giữa Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Nếu lộn ngược đầu các cột trụ của Chủ nghĩa Tập thể thì chúng trở thành các cột trụ của Tự do Cá nhân. Nói cách khác, có năm khái niệm chính của các mối quan hệ chính trị và xã hội; và, trong mỗi khái niệm này, những người Tập thể Chủ nghĩa và Tự do Cá nhân có quan điểm trái ngược.

Nguồn gốc và bản chất của quyền con người ?

Những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân đều đồng thuận rằng quyền con người là quan trọng, nhưng họ khác nhau về mức độ quan trọng khi so với các giá trị khác và đặc biệt là bất đồng về nguồn gốc của các quyền này.

Quyền không phải là thực thể hữu hình để có thể xem hay cân đo được. Nó là các khái niệm trừu tượng trong tư duy của con người. Nó là bất cứ gì mà mọi người đồng ý với nhau tại một nơi, một thời điểm được xác định. Bản chất của nó thay đổi theo tiến trình phát triển của nền văn minh nhân loại. Ngày nay, nó biến tấu rất nhiều từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Có nền văn hóa chấp nhận rằng các quyền được ban cho bởi những người cai trị vốn nhận được sự ủy nhiệm của thần linh. Có nền văn hóa lại cho rằng quyền được ban cho con người trực tiếp bởi Chúa Trời. Trong những nền văn hóa khác, quyền được cảm nhận như là sự sở hữu vật chất những người khác. Những người sống trong các bộ lạc hay chế độ độc tài quân sự thậm chí không dành thời gian để nghĩ về quyền con người bởi vì họ không kỳ vọng gì bao giờ có được chúng. Một số nền văn hóa nguyên thủy thậm chí còn không có danh từ chỉ quyền.

Bởi vì có sự khác biệt lớn trong khái niệm quyền con người, nên chúng không thể được định nghĩa để có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Tuy vậy, nó không có nghĩa là chúng không thể được định nghĩa thỏa mãn cho chính chúng ta. Chúng ta không cần thiết phải khăng khăng đòi những người trong nền văn hóa khác đồng ý với chúng ta; nhưng, nếu chúng ta muốn sống trong một nền văn hóa như chúng ta ưa thích, ví dụ nền văn hóa đảm bảo chúng ta có lượng tối ưu sự tự do cá nhân, thì khi đó chúng ta phải rất nghiêm túc về định nghĩa được ưa thích hơn về quyền con người. Nếu chúng ta không có khái niệm quyền nên là cái gì, thì có vẻ như chúng ta sẽ sống dưới một định nghĩa không giống như chúng ta ưa thích.

Việc đầu tiên cần phải hiểu khi tìm tòi một định nghĩa hữu ích về quyền là: nguồn gốc xác định bản chất. Khái niệm này cần phải được bàn rất chi tiết hơn, nhưng nó cần phải được phát biểu trước ở đây. Nếu chúng ta có thể đồng ý về nguồn gốc của quyền, chúng ta sẽ ít gặp khó khăn hơn khi đồng ý về bản chất của chúng.

Lấy ví dụ một nhân viên bảo vệ được thuê bởi hội đồng địa phương để bảo vệ tài sản của cư dân trong vùng, bản chất của các hoạt động của người bảo vệ phải bị giới hạn trong các hoạt động mà các cư dân đó được quyền làm. Điều này có nghĩa là người bảo vệ có thể đi tuần trong địa bàn và, nếu cần thiết, ngăn chặn các tên trộm cắp hoặc tội phạm dùng vũ lực. Nhưng người bảo vệ không có thẩm quyền để bắt buộc cư dân phải cho trẻ em đi ngủ trước 10 giờ đêm hay bắt buộc quyên góp cho Hội Chữ Thập Đỏ. Tại sao không? Bởi vì những cư dân là khởi nguồn của ủy quyền này; bản chất của sự ủy quyền không thể bao gồm bất kỳ hành động nào mà bản thân nguồn ủy quyền không được phép làm; và rõ ràng những cư dân trong cộng đồng không có quyền bắt ép hàng xóm của họ trong những việc này.

Quyền phải được giành lấy từ chiến trường

Trong những xã hội mà trải qua nhiều thế hệ đã không có chiến tranh và cách mạng, người ta rất dễ quên rằng quyền được đảm bảo bởi sức mạnh quân sự. Quyền có thể được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo như là một món quà tặng, nhưng chúng luôn luôn được giành lấy từ chiến trường. Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bills of Rights) của Hoa Kỳ là một ví dụ kinh điển. Những người đã soạn thảo văn bản đó chỉ có thể làm thế bởi vì họ đại diện cho mười ba tiểu bang đã đánh bại quân đội của đế quốc Anh. Nếu như họ đã thất bại trong cuộc chiến giành độc lập thì họ đã không có cơ hội để viết Tuyên Ngôn Nhân Quyền hay bất cứ thứ gì khác ngoại trừ lá thư chia tay trước khi bị hành quyết. Thật không may là Mao Trạch Đông đã đúng khi ông ta nói rằng quyền lực chính trị nảy nở và phát triển từ những thùng thuốc súng. Ông ta hoàn toàn đúng. Một người có thể tuyên bố rằng anh ta có quyền làm việc này việc nọ xuất phát từ qui định của Luật hoặc từ Hiến Pháp hay thậm chí từ Chúa Trời; nhưng ở trong hoàn cảnh kẻ thù, hoặc một tên tội phạm hoặc một bạo chúa đang chĩa súng vào đầu, anh ta không có sức mạnh để thực hiện các quyền anh ta đòi hỏi. Quyền luôn luôn dựa trên sức mạnh. Nếu chúng ta mất khả năng hoặc sự sẵn sàng để bảo vệ bằng sức lực các quyền của chúng ta, chúng ta sẽ mất chúng.

Điều này dẫn chúng ta đến với sự khác biệt sâu sắc giữa những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Nếu quyền là giành được trên chiến trường, chúng ta có thể giả thiết rằng chúng thuộc về người chiến thắng, nhưng họ là ai? Nhà nước chiến thắng cuộc chiến hay nhân dân? Nếu nhà nước chiến thắng cuộc chiến và nhân dân chỉ phụng sự nó, khi đó nhà nước nắm quyền và được phép ban phát cho nhân dân hoặc rút lại. Mặt khác, nếu nhân dân chiến thắng cuộc chiến và nhà nước chỉ phụng sự họ, khi đó nhân dân nắm quyền và được phép ban phát cho nhà nước hoặc rút lại chúng. Nếu nhiệm vụ của chúng ta là phải định nghĩa quyền là gì cho một xã hội tự do, chúng ta phải chọn giữa hai khái niệm này. Những người Tự do Cá nhân chọn lựa khái niệm rằng quyền đến từ nhân dân và nhà nước là đầy tớ. Những người Tập thể Chủ nghĩa chọn lựa khái niệm quyền đến từ nhà nước và nhân dân là đầy tớ.Những người Tự do Cá nhân không an tâm với giả định thứ nhì, là vì nếu nhà nước có quyền lực để ban phát quyền, thì họ cũng có quyền lực để lấy chúng đi, và khái niện đó không tương đồng với tự do cá nhân.

Quan điểm của Tự do Cá nhân đã được thể hiện rất rõ ràng trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ như sau:

“Chúng ta công nhận những gì sau đây là sự thật hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng họ được Tạo hóa ban tặng những quyền tự nhiên không thể tách rời; rằng những quyền trong số đó bao gồm quyền được Sống, được hưởng Tự do, và được mưu cầu Hạnh Phúc. Rằng để bảo vệ những quyền này, chính quyền được thành lập từ nhân dân…”

Không gì có thể rõ ràng hơn thế. Từ điển nói với chúng ta rằng không thể chuyển nhượng có nghĩa là “không thể tách rời.” Giả thiết ở đây là quyền là sở hữu bẩm sinh của con người. Mục đích của nhà nước, không phải là để ban phát quyền, mà là để bảo vệ và chống đỡ cho chúng. Trái ngược lại, tất cả các hệ thống chính trị Tập thể Chủ nghĩa đi theo quan điểm đối lập cho rằng quyền được ban cho bởi nhà nước. Nó bao gồm Quốc xã, Đế quốc và Cộng sản. Đáng tiếc khi nó cũng là giáo lý của Liên Hiệp Quốc. Điều 4 của Hiến chương LHQ viết: “Các Đảng Nhà nước tham gia hiệp ước này thừa nhận rằng, trong việc hưởng các quyền được cung cấp bởi nhà nước… nhà nước có thể đưa các quyền này vào trong các giới hạn được xác định bởi luật pháp.”

Cần nhấn mạnh một lần nữa: nếu chúng ta chấp nhận rằng nhà nước có quyền lực để ban phát quyền, khi đó chúng ta cũng phải đồng ý rằng họ có quyền lực để lấy đi các quyền đó. Hãy lưu ý cách dùng từ trong hiến chương LHQ. Sau khi tuyên bố rằng các quyền đó được cung cấp bởi nhà nước, nó nói tiếp theo rằng các quyền này có thể được đưa vào các giới hạn “như được xác định bởi luật pháp.” Nói cách khác, những người tập thể chủ nghĩa tại LHQ đã mạo muội ban cho chúng ta các quyền của chúng ta và, khi đó họ cũng đã sẵn sàng để tước đi chúng, tất cả những gì họ cần để làm việc này chỉ là thông qua dự luật cho phép việc đó.

So sánh với Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bill of Rights) trong Hiến pháp Hoa Kỳ viết: Quốc hội sẽ không ban hành bất cứ luật nào hạn chế những quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, hội họp hòa bình, quyền phục vụ quân ngũ, vân vân và vân vân – không có ngoại lệ như được xác định bởi luật, mà là không có bất cứ luật nào. Tuyên Ngôn Nhân Quyền xứng đáng là hiện thân của đạo lý của Chủ nghĩa Tự do Cá nhân. LHQ là hiện thân của đạo lý của Tập thể Chủ nghĩa, và điều đó làm chúng thật khác biệt biết bao.

Nguồn gốc quyền lực của nhà nước

Liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc của quyền con người là nguồn gốc quyền lực của nhà nước. Nó là mặt còn lại của cùng một đồng xu. Như phát biểu ở trên, những người Tự do Cá Nhân tin rằng một nhà nước công bằng nhận được quyền lực của nó từ nhân dân. Điều đó có nghĩa là nhà nước không thể có bất kỳ quyền lực hợp pháp nào ngoại trừ chúng được ban cho bởi công nhân của nó. Nói cách khác là chính phủ chỉ có thể làm những việc mà những công dân của nó có quyền làm. Nếu các cá nhân không có quyền để thực hiện một hành động nào đó, khi đó họ không thể ban cái quyền đó cho những người đại diện do họ bầu ra. Họ không thể ủy quyền cái gì mà họ không có. Bất chấp họ có bao nhiêu người thì nó vẫn là vậy. Nếu không một ai trong số họ có quyền để ủy quyền, thì một triệu người như họ cũng vẫn không có nốt.

Hãy sử dụng một ví dụ cực đoan, giả sử rằng một con thuyền bị chìm trong một cơn bão, và ba con người kiệt sức đang phải vật lộn để sống sót giữa biển khơi. Thình lình họ bắt được một chiếc phao cứu sinh. Chiếc phao được thiết kế để giữ cho một người nổi; nhưng với sự phối hợp rât cẩn trọng, nó có thể giữ cho hai người nổi. Nhưng khi người thứ ba vịn vào phao thì nó bắt đầu chìm, và cả ba một lần nữa lại không thể bảo vệ mình giữa biển khơi. Họ bèn thử xoay vòng với nhau, cứ một người đứng nước thì hai người kia bám vào phao; tuy nhiên sau vài giờ thì không còn một ai trong số họ còn đủ sức để tiếp tục đứng nước. Một sự thật ác nghiệt dần trở nên rõ ràng. Trừ phi một người trong số họ bị tách ra khỏi nhóm, nếu không cả ba sẽ chết đuối. Vậy, theo bạn, khi đó những người này nên làm gì? Hầu hết mọi người sẽ nói rằng hai người trong số họ sẽ áp chế người thứ ba để loại bỏ anh ta. Quyền sống sót là tối cao. Lấy đi mạng sống của người khác, một hành động kinh khủng, là chính đáng về mặt đạo đức nếu cần thiết để bảo vệ cuộc sống của chính bạn.

Điều này rõ ràng đúng đối với hành động cá nhân, nhưng còn hành động tập thể thì sao? Từ đâu hai người có quyền kéo bè chống lại một người? Những người Tập thể Chủ nghĩa trả lời rằng hai người có quyền lớn hơn vì họ làm thành số đông hơn người thứ ba. Nó là câu hỏi của toán học: lợi ích lớn nhất dành cho số đông nhất. Điều đó khiến cho nhóm trở nên quan trọng hơn cá nhân và vì vậy nó có lý do chính đáng để hai người áp chế một người buông tay khỏi chiếc phao. Có một logic nào đó trong lập luận này, nhưng nếu chúng ta đơn giản hóa hơn nữa ví dụ này, chúng ta sẽ thấy rằng, mặc dù hành động có thể đúng nhưng lý do nó được cho là chính đáng lại sai lầm.

Bây giờ hãy giả sử rằng chỉ có hai người sống sót – do đó chúng ta loại bỏ đi khái niệm nhóm – và hãy giả sử rằng chiếc phao chỉ nổi được với một người, không phải hai người. Dưới những điều kiện này, nó sẽ tương đương như là đối mặt với kẻ thù trên chiến trường. Bạn phải giết hoặc bị giết. Chỉ một người có thể sống sót. Bây giờ thì chúng ta đang bàn về sự cạnh tranh quyền được sống sót của mỗi cá nhân, và không có một nhóm tưởng tượng để làm rối rắm vấn đề. Dưới điều kiện cực đoan này, rõ ràng mỗi người có quyền làm bất cứ việc gì có thể để bảo toàn cuộc sống của anh ta, kể cả nó dẫn đến cái chết của người khác. Một vài người có thể lập luận rằng nó tốt hơn là hy sinh cuộc sống mình cho một người xa lạ, nhưng một số khác lại cho rằng không đấu tranh cho mạng sống của mình là sai lầm. Như vậy, khi các điều kiện được đơn giản hoá tới bản chất trần trụi nhất của chúng, chúng ta thấy rằng quyền để từ chối cuộc sống của người khác đến từ quyền của cá nhân để bảo vệ cuộc sống của chính anh ta. Nó không cần đến cái gọi là nhóm để cho phép việc đó.

Trong trong hợp đầu tiên của ba người sống sót, lý do thích đáng cho việc từ chối cuộc sống của một trong số họ không đến từ biểu quyết số đông mà đến từ quyền sống sót riêng biệt của từng cá nhân họ. Nói cách khác, từng người trong họ, hành động độc lập, sẽ được coi là chính đáng trong hành động này. Họ không được trao quyền bởi nhóm.

Khi chúng ta trả tiền cho cảnh sát để bảo vệ cộng đồng của chúng ta, chúng ta chỉ yêu cầu họ làm những gì mà chính chúng ta có quyền làm. Sử sụng vũ lực để bảo vệ cuộc sống, tự do và tài sản của chúng ta là chức năng hợp pháp của chính phủ, bởi vì quyền lực đó bắt nguồn từ nhân dân với tư cách là các cá nhân. Nó không bắt nguồn từ nhóm.

Và đây là một ví dụ nữa, ít cực đoan hơn rất nhiều nhưng khá tiêu biểu cho những gì thực sự diễn ra hằng ngày với các hội đồng lập pháp. Nếu chính phủ một ngày kia ra nghị quyết rằng không ai nên làm việc vào ngày ngày chủ nhật, và thậm chí giả sử rằng cộng đồng nói chung ủng hộ quyết định của họ, thế thì từ đâu họ có thẩm quyền sử dụng sức mạnh của cảnh sát của nhà nước để cưỡng chế nghị định này? Từng cá nhân công dân không có quyền áp buộc người hàng xóm dừng làm việc, do đó họ không thể ủy nhiệm cái quyền đó cho nhà nước. Khi đó từ đâu, nhà nước có được thẩm quyền đó? Câu trả lời là nó sẽ đến từ chính nó; nó sẽ được tự tạo ra. Nó tương tự như là quyền thần thánh của các nền quân chủ cố xưa khi giả thiết rằng vua đại diện cho quyền lực và ý chí của Trời. Trong xã hội hiện đại, hầu hết các chính phủ thậm chí không cần giả vờ có Trời ban thẩm quyền cho họ, họ chỉ dựa vào quân đội và các đơn vị cánh sát đặc nhiệm, và bất cứ ai chống đối sẽ bị loại bỏ.

Khi nhà nước tuyên bố xuất phát thẩm quyền của họ từ bất cứ nguồn nào không phải là nhân dân, nó luôn luôn dẫn đến sự hủy hoại của tự do. Ngăn cấm mọi người làm việc vào ngày chủ nhật không có vẻ gì là mối đe dọa lớn đối với tự do, nhưng một khi tiền lệ đã được thiết lập, nó mở đường cho nhiều sắc lệnh khác nữa, và ngày càng nhiều hơn nữa cho đến khi tự do ra đi. Nếu chúng ta chấp nhận rằng nhà nước hoặc bất cứ nhóm nào có quyền làm những việc mà các cá nhân một mình không có quyền làm, khi đó chúng ta một cách vô thức xác nhận khái niệm rằng quyền không thuộc về bản chất bên trong của từng cá nhân và chúng, trên thực tế, xuất phát từ nhà nước. Một khi chúng ta chấp nhận điều đó, chúng ta đang trên con đường dẫn tới sự cai trị của một chính thể chuyên quyền, độc tài.

Những người tập thể chủ nghĩa không quan tâm đến các vấn đề cầu kỳ này. Họ tin rằng nhà nước, trên thực tế, có quyền lực lớn hơn quyền của các công dân của nó, và nguồn gốc của quyền lực này, theo họ, không phải là các cá nhân trong xã hội, mà là chính xã hội đó, tức là nhóm mà cá nhân thuộc về.

 

Thánh Ca Tự Do
(Trích G.E.G)
Edit: THĐP