28 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 142

Du học vs. Du lịch

Featured Image: Dave Morrow

 

Một lần, tôi đọc được bài phỏng vấn một người Việt trẻ, anh bảo: đất nước còn nghèo mà chỉ lo hưởng thụ với đi du lịch, các bạn trẻ không lo học hành, chỉ lo đi chơi thì làm sao đất nước khá lên. Cuối bài phỏng vấn, anh kết luận: “Không phải là hãy xách ba lô lên và đi mà là hãy xách ba lô lên và đi du học.”

Là một người hay đi, tôi nhận thấy rằng du lịch có nhiều kiểu, và không phải kiểu du lịch nào cũng là chơi bời và hưởng thụ. Ngược lại, không phải người nào đi du học cũng nhằm mục đích học tập phát triển bản thân. Ngày nay, nhiều người trẻ muốn đi du học, nhưng liệu đó có phải là con đường duy nhất để học hỏi trau dồi kiến thức?

Du học

Thẳng thắn mà nói thì tôi không hề phản đối chuyện đi du học (bản thân tôi cũng đã từng có dự định đó trước đây). Nếu gia đình bạn khá giả, hoặc nếu bạn có điểm số đủ cao để lấy học bổng, bạn thực sự yêu thích ngành học bạn sắp nộp đơn, và bạn có định hướng rõ ràng sau khi tốt nghiệp, thì OK, bạn nên đi du học. Còn nếu như bạn chỉ có số điểm vừa khá, bạn không chắc mình nên học ngành gì, mà gia đình bạn phải tiêu tốn khoản tiết kiệm nhiều năm trời để bạn thực hiện ước mơ du học, thì theo tôi đó không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

Việc du học ngày nay gần như là một kiểu mốt, không ít bạn trẻ du học theo trào lưu, chỉ vì muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, muốn có được tấm bằng quốc tế, hơn là mong muốn đào sâu nâng cao kiến thức. Khi quyết định đi du học, thiết nghĩ ta nên cân nhắc thật kỹ về định hướng nghề nghiệp và chất lượng kiến thức của bằng cấp mà ta đang theo đuổi, cũng như bài toán về lợi nhuận dự kiến và những chi phí cơ hội mà mình sẽ bỏ qua trong quá trình du học. Đừng đi du học theo trào lưu, để rồi trở về hầu như tay trắng.

Tôi biết không ít em du học sinh, sau khi du học về bỗng trở nên lạc lõng. Tiếng Anh và các kỹ năng mềm không phát triển hơn bao nhiêu, môi trường làm việc và tình hình trong nước các em không nắm rõ, cầm tấm bằng nước ngoài chẳng biết để làm gì, vì đa số các công ty Việt Nam không cần nhân viên với bằng cấp quốc tế, ít kinh nghiệm mà lại yêu cầu mức lương ngất ngưởng. Cuối cùng, các em ấy đành chấp nhận mức lương thử việc sáu bảy triệu một tháng, không biết bao giờ mới lấy lại được số vốn ban đầu.

Ngày nay, giáo dục đã không còn mang tính phi thương mại như trước. Ngược lại, nó đã trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền. Nếu không cân nhắc kỹ, có khi ta phải trả một cái giá rất cao cho tấm bằng với chất lượng không tương xứng. Thực tế là chi phí học đại học và sau đại học đã trở nên đắt đỏ đến nỗi nhiều thanh niên Âu Mỹ lựa chọn những phương án tiết kiệm hơn để bổ sung kiến thức, mà du lịch là một trong những cách đó.

Du lịch

Nếu mong muốn của bạn là để nhìn ngắm thế giới, biết thêm về những nền văn hóa khác nhau, kết bạn với nhiều người, thì du lịch bụi là dành cho bạn.

Trở lại với luận điểm của một số người rằng: đất nước mình còn nghèo, chỉ mơ xách ba lô lên và đi thì làm sao khá hơn được. Tôi xin khẳng định: điều đó không đúng.

Theo chiều dài lịch sử loài người, văn minh thuộc về những kẻ chinh phục

Bạn có biết vì sao các nước châu Âu lại hùng mạnh như bây giờ? Vì văn hóa di chuyển đánh đông dẹp bắc từ ngàn năm nay đã ăn sâu vào máu họ. Lịch sử châu Âu cho thấy từ xưa sự giao lưu thông thương của các quốc gia trong vùng đã khá mạnh mẽ, ngành đóng tàu và đường sắt phát triển, người châu Âu đi lại khắp nơi, khám phá các nước lân cận, gặp gỡ bạn bè từ các quốc gia khác.

Đọc sách về châu Âu từ mấy trăm năm trước thấy rất phổ biến hình ảnh trong một quán rượu ở bến cảng nào đó, những con người từ khắp nơi tụ lại, người Anh, người Pháp, người Đức, Thụy Sĩ, Na Uy… Tất cả tụ họp kể về những câu chuyện kỳ lạ ở những miền viễn xứ, cùng bàn đến những chuyến đi, rồi lên tàu thăm viếng những vùng đất xa xôi. Cách suy nghĩ thực tiễn, khoa học và quyết tâm chinh phục khiến họ không ngừng khám phá, tìm tòi và cải tạo thế giới.

Bạn có biết vì sao nước Mỹ trở thành cường quốc chỉ sau vài trăm năm lập nước? Bởi vùng đất đó tập hợp những con người lên thuyền vượt biển, bỏ lại châu Âu cằn cỗi, mong ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không thiếu những tướng cướp, những kẻ phóng đãng ngông cuồng, những người ra đi vì tự do tín ngưỡng. Nhưng tất cả bọn họ đều có sức sống mạnh mẽ, ước muốn chinh phục, thay đổi hiện tại. Họ đều là những người yêu tự do, hùng cường, vững chãi và không sợ hãi.

Tất cả những điều ấy tạo nên văn hóa Mỹ ngày nay, nơi chủ nghĩa tự do và nhân quyền được tôn trọng mạnh mẽ. Cái nồi thập cẩm của mọi thứ trên thế giới, của cải cách, của đa văn hóa, của sự hội nhập giữa các dân tộc. Họ vẫn đang tiến lên, vì bản chất của họ là những con người can đảm, vững vàng, dám đi dám nói, cường tráng hiên ngang như tổ tiên thời dựng bờ mở cõi.

Nếu Colombo không thoát khỏi cái nhung lụa vương giả của gia đình hoàng tộc châu Âu và ra đi tìm đường vượt biển, ông đã không thể đặt chân lên châu Mỹ. Nếu Marco Polo không nung nấu trong tim một niềm tin khám phá thế giới, ông đã không thể đến được Ấn Độ.

Nếu người Mỹ không mang trong mình vận mệnh hiển nhiên là chinh phục những vùng đất mới và mở rộng bờ cõi về phía tây, họ đã không có được biên cương mênh mông như bây giờ. Nếu thái tử Siddhartha Guatama không có những cuộc dạo chơi thăm thú cuộc sống thường dân nghèo khổ, chắc gì Người đã thấm được sinh lão bệnh tử và ngộ được cái vô thường của kiếp người, chắc gì thế giới đã có đạo Phật hôm nay.

Còn Việt Nam, văn hóa lúa nước ổn định và địa thế hiểm trở khiến con người ta sống yên ổn trong môi trường của mình. Người Việt cần cù chăm chỉ, nhưng cũng ít những sáng tạo đột phá, tư duy cục bộ, nên không thể có những phát minh thế kỷ. Mà ngay cả cha ông ta, những người thích an cư, không ham phiêu lãng viễn xứ như những đồng loại phương Tây, cũng đã đúc kết: “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”

Ngày nay, người ta ít có cơ hội tham gia vào các cuộc viễn chinh, chinh phạt, hay những chuyến đi khai phá, di cư tìm miền đất mới. Vậy nên đi du lịch bụi để mở rộng tầm mắt là một cách để ta phát triển bản thân, từ đó đóng góp cho đời.

Bạn sẽ hỏi: đi du lịch bụi để làm gì?

Đi du lịch, trước tiên là để có thêm kiến thức. Đi là một cách học. Khi đi, ta nhìn những vùng đất mới với ánh mắt rộng mở, đầy háo hức quan sát của kẻ phiêu lưu, nên ta luôn học được nhiều. Thực ra, trong môi trường quen thuộc, mắt ta như bị che bởi một tấm màn vô hình, không thấy được những điều mới lạ ở ngay quanh mình. Nếu chắc rằng có thể giữ được cái nhìn của người lữ khách ở giữa quê nhà, thì không cần đi xa cũng học được điều mới. Nhưng rất tiếc, không phải lúc nào người ta cũng làm được điều ấy.

Du lịch bụi là để rèn giũa những kỹ năng của mình. Ta rèn được cách tìm kiếm thông tin, cách tổ chức và lên kế hoạch, cách giao tiếp với người khác, cách sống tự lập và bảo vệ bản thân. Những bài học trên đường lữ hành là vô giá, những người ta gặp, những chuyện ta nghe, những điều mà cuộc sống dạy ta còn sinh động hơn bất kỳ sách vở nào.

Đi là một cách để vượt qua sức ỳ của bản thân. Vì rằng thân thể và bộ óc của chúng ta đều là những cơ bắp, chúng sẽ không phát triển nếu ta không sử dụng. Nên mỗi chuyến đi là cơ hội để tận dụng mọi khả năng của mình, phát hiện thêm sự kỳ diệu của năng lực con người. Khi đi, ta hiểu rõ thêm về chính mình và tiến xa hơn trên hành trình tinh thần.

Bạn sẽ hỏi: “Du lịch bụi dạy cho tôi điều gì?”

Sau nhiều năm đi du lịch bụi, tôi rút ra rằng điều quan trọng nhất mà du lịch bụi đã dạy cho tôi là những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của cuộc sống, mà tôi có thể chưa biết, hoặc đã lãng quên.

Có đi mới thấy thiên nhiên nhiệm màu thế nào, mới biết mình bé nhỏ hạn hẹp ra sao. Trên đường đi, tôi ngộ ra rằng kiếp người chỉ như một hạt bụi trong sa mạc, và mình chẳng là gì trong thế giới hằng hà sa số này. Những lo lắng muộn phiền của mình chẳng là gì trong cái xoay vòng hàng triệu năm của vũ trụ. Hơn thua rồi cũng chẳng để làm gì, tự ái và căm giận chẳng để làm gì. Đã làm người trên đời, máu ai cũng màu đỏ, tim ai cũng biết đau. Nên người hay đi thường có cái tâm rộng mở và nhân ái, biết đau cái đau của người khác, và nhẹ nhàng hơn với con người.

Có đi mới thấy được cái say mê của người lữ hành, thấy cuộc sống huyền diệu tràn đầy trải dài trước mắt. Chứng kiến cái diệu kỳ của tạo hóa, chứng kiến vẻ đẹp của vũ trụ, người ta mới biết nên trân quý những khoảnh khắc an hòa biết bao nhiêu. Và tôi chợt nhận ra, rằng mỗi người có nuôi dưỡng bình an trong tim, thì Trái Đất mới thật sự yên bình. Vậy nên, thay vì kiểm soát người khác, cái mà mỗi con người nên quan tâm kiểm soát vào mỗi phút giây, là hơi thở của mình, là ý nghĩ của mình, là hành động của mình.

Đi để biết thấm thía và trân quý hai tiếng “đồng loại”. Người ta thường chỉ trích, thù ghét người khác vì nghĩ họ khác mình. Trên đường đi, tôi cảm được cái tình của người lữ hành, thấy mình là một mắt xích, một thành viên trong dòng chảy xuyên suốt của những người đi trước và sau tôi, tất cả hòa làm một như sợi dây kết nối con người với nhau, quyện chặt và bền bỉ.

Đi để học cách sống đơn giản, nhẹ nhàng, ít quan tâm góp nhặt vật chất, chú trọng vào phát triển tinh thần. Nếu ai cũng sống như những người lữ hành, biết yêu quý và hòa hợp với thiên nhiên, biết sống xanh và sạch, tiêu thụ ít hơn và đóng góp nhiều hơn, thì Trái Đất này sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu.

Người đi du lịch bụi là người không thích cuộc sống trầm lặng bình ổn, luôn xê dịch để tìm những điều mới mẻ, độc đáo, muốn trải nghiệm những phong cảnh tuyệt mỹ núi cao rừng thiêng, làm bạn với những tính cách phi thường, những tình cảm mãnh liệt. Khi cái chủ nghĩa xê dịch thấm vào máu, ta không thể dừng đi, không thể sống cuộc sống bình thường được nữa.

Bởi vậy, hãy đi du lịch đi. Hãy nuôi dưỡng khát vọng lên đường, bởi khi bạn mong muốn được đi, đó là một tín hiệu đáng mừng của nền văn minh.

Du học và du lịch

Thế thì không nên đi du học à, bạn sẽ hỏi. Không, nếu có điều kiện thì vẫn nên du học. Còn nếu bạn thích du lịch, thì cứ đi khi có thể, đừng để những định kiến của xã hội vùi lấp đi niềm say mê của bạn. Du học và du lịch, nếu biết đi đúng cách, thì ta sẽ có được nhiều trải nghiệm quý báu cho đường đời. Đôi khi điều quan trọng không phải là làm gì, mà quan trọng là làm như thế nào.

Thực ra, du học và du lịch không nên đối chọi, mà nên bổ sung cho nhau. Có rất nhiều bạn du học sinh tranh thủ thời gian rảnh đi du lịch, thăm thú xung quanh, nên càng nâng cao được vốn sống.

Điển hình cho trường hợp này là anh Nguyễn Chí Hiếu, hay Hiếu “chí mén”, cựu học sinh Lê Quý Đôn – Bình Định, cựu sinh viên học viện LSE – Anh quốc, sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, tiến sĩ đại học Stanford, Mỹ, hiện đã về nước làm việc tại Yola Việt Nam. Trong thời gian du học, anh đã kịp lái xe dọc nước Mỹ, đi bụi ở Hy Lạp, ghé thăm Nhật Bản, đi khắp Đông Nam Á, ngủ ở châu Phi. Có cơ hội tiếp xúc mới biết anh là một người cởi mở và khiêm tốn, một con người tràn đầy năng lượng, một cuộc sống phong phú với những thói quen thú vị về du lịch, piano, múa đương đại, chụp ảnh…

Thế giới không ngừng thay đổi, và người Việt trẻ cũng không ngừng đi lên. Với làn sóng của những người trẻ Việt đam mê du học và du lịch, ngày càng vươn mình ra xa, hòa vào dòng chảy địa cầu và tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa, tôi tin vào một tương lai tươi sáng, khi họ trở về, xây dựng Việt Nam giàu đẹp, xứng đáng với vị trí chiến lược của đất nước hình chữ S.

 

Rosie Nguyễn

Người Việt Nam ta thiếu gì?

Featured Image: All Free Photo

 

Thời gian gần đây, có rất nhiều bài báo nói về Việt Nam và Singapore, về những quan điểm của ông Lý Quang Diệu và những so sánh, nhìn chung đều đặt ra một câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại phải đi sau Singapore, trong khi chỉ vài mươi năm trước, ông Lý Quang Diệu từng mong muốn đất nước đuổi kịp Việt Nam?

Nói về Singapore, đó là một đất nước hầu như không có gì nổi trội về mặt tài nguyên khoáng sản. Cũng không có những bãi biển xanh mượt với bờ cát trắng xoá hay những hang động hoang sơ hùng vĩ. Nếu so với Việt Nam, thì Singapore là một đất nước bất hạnh khi thiên nhiên không ưu đãi cho họ thứ gì cả.

Đến cả nước sạch cũng phải tích trữ từ nước mưa và nhập từ nước khác qua, đi toilet cũng toàn phải dùng giấy, nước máy thì chảy róc ra róc rách.

Hệ thống xe buý và tàu điện ngầm (MRT) tại Singapore

Nhưng giao thông cực kỳ trật tự và an toàn. Hệ thống giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm (MRT) hoạt động liên tục và rất hiệu quả, và cực kỳ an toàn, cứ cách 5, 10 phút lại có 1 chuyến xe buýt hoặc MRT, chạy đất nước. Giá cả so với Taxi thì cực kỳ rẻ, đối với học sinh, sinh viên đôi lúc còn được miễn phí. Đây là 2 thứ phương tiện đi lại chính của người dân, ngoài việc đi bộ. Hầu như 99% dân số Singapore đi bộ mỗi ngày nên các cô gái người Sing thân hình cứ nhìn là thích mê, mỗi tội không có nhiều cô xinh lắm.

Nhà cao tầng lúc nhúc, mọc ra khắp nơi, quả nào cũng to và đẹp. Đường phố thì sạch sẽ, thoáng mát, cây cối phủ xanh kín luôn cả vỉa hè của người đi bộ, đến mấy cái vách tường trên cầu vượt cũng không tha.

Trên mặt đất là thế, chưa kể hệ thống công trình ngầm dưới lòng đất chằn chịt kết nối với nhau tạo thành cả một khu vực rộng lớn. Người ta đưa vào đó nào là trung tâm mua sắm, quán cà phê, nhà hàng, có thể ở đó cả ngày mà không biết chán.

r
Sự đa dạng văn hoá thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, ở khắp mọi nơi tại Singapore

Về dân cư thì mặc dù đủ mọi thành phần, hạng người, giàu sang, nghèo hèn, văn hoá đa dạng, trình độ dân trí nếu đem so với nhau thì cũng khá là đa dạng, nhưng người dân đi ra đường thì nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, tôn trọng lẫn nhau, chả thấy ai dám làm gì phiền lòng đến người khác, cơ bản là cũng chả ai thèm quan tâm đến thằng điên nào đó nó đang lắc lắc cái mông giữa đường làm gì vậy.

Xếp hàng chờ mua… kem

Văn hoá xếp hàng thì khỏi nói, trong một hàng dài người đứng ở siêu thị chờ tính tiền, ông nào mà chen ngang thì chỉ có cái cô em xinh đẹp đứng ở quầy tính tiền là lên tiếng nhắc nhở một cách nghiêm khắc, còn người xung quanh, lớn thì nhìn mình với ánh mắt khó chịu, trẻ con thì chỉ chỏ rồi hỏi bố mẹ nó: “Mamy, tại sao cái ông kia lại chen ngang người khác như vậy? Lạ ghê luôn.”
Hẳn người Việt ra nước ngoài sẽ rất ngạc nhiên khi thấy hàng dài người đứng xếp hàng chờ tới lượt vào ăn trong một quán ăn hết sức bình thường. Một hình ảnh khó mà thấy được ở Việt Nam.

Về chuyện đối nhân xử thế. Nếu được người ta giúp mình thì người Sing tươi cười rồi cảm ơn ngay lập tức, mình giúp người ta thì khi nhận được lời cảm ơn chỉ nhún vai một phát để tỏ thái độ lịch sự rồi bỏ đi đâu mất, không giúp được ai thì xin lỗi rối rít.

Nếu đem so sánh với đất nước rừng vàng biển bạc, thiên nhiên ưu đãi, danh lam thắng cảnh, công trình “nhất thế giới”, “nhất khu vực” nườm nượp mọc ra khắp nơi thì sẽ thấy một trời một vực. Cũng không có hay ho gì mấy nên không cần phải liệt kê ra đây làm gì nữa.

F
Đất nước Việt Nam đẹp mê hồn, nhưng con người Việt Nam thì xấu xí kinh hồn.

Tất cả những khác biệt này, đách phải do chế độ, chính quyền chính trị chính em hay cơ chế xã hội gì cả. Cũng chẳng phải do ông lãnh đạo nào hết. Cũng không phải vì chiến tranh tàn phá gì luôn.

Biết bao nhiêu nước bị chiến tranh cày nát, thiên tai quét sạch thành bình địa luôn nhưng vẫn phục hồi và phát triểm ầm ầm.

FF
Những hình ảnh xấu xí của người Việt vẫn xuất hiện hằng ngày.

Không nhà nước hay ông lãnh đạo nào điều khiển được người dân ra đường khạc nhổ, vứt rác hay phóng nhanh vượt ẩu, coi đèn vàng là tăng tốc, đèn đỏ là chạy thật nhanh vì “éo có công an đâu” hết.

Cũng có ông lãnh đạo nào dạy cho người dân phải chen lấn, hôi của, xô đẩy nhau khi xếp hàng đâu. Không chế độ nào khuyến khích thanh niên lao vào chém nhau chỉ vì một cái nhìn hơi bố láo một tí. Không nền giáo dục nào dạy cho người Việt Nam là đi ra nước ngoài phải vào siêu thị trộm về vài cái kính mát, phi công phải giấu vàng vào ống quần để qua mặt hàng rào an ninh.

Hãy thử hỏi chính bản thân, bạn bè, con em của chúng ta, những người đã và đang sinh sống, làm việc, du lịch ở nước ngoài, người Việt Nam đã phải chịu biết bao nhiêu sự nhục nhã, phân biệt? Đã bao nhiêu lần chúng ta muối mặt và xấu hổ vì những thông tin người Việt phạm pháp ở nước này nước kia?

fff
Một trong rất nhiều bảng thông báo chỉ-dành-riêng-cho-người-Việt-Nam tại nước ngoài

Hãy thôi tự hào vì quá khứ, lịch sử hào hùng đấu tranh bảo vệ tổ quốc, đã từng đánh thắng cả Mỹ, Pháp, các cường quốc số một thế giới. Hãy quay về với thực tại, bước chân ra bên ngoài và đừng hỏi, hãy lặng lẽ quan sát, hãy giấu đi việc mình là người Việt Nam và nhìn xem những người bạn quốc tế, họ nói gì về Việt Nam?

Lý Quang Diệu từng cho rằng, sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ.

Thời cơ và điều kiện tự nhiên là những thứ mà Việt Nam không hề thiếu. Vậy thì lý do là vì đâu? Chắc ai cũng đã rõ…

Các bạn (anh/em/chú/bác) suốt ngày đòi thay đổi hiến pháp, đòi lật đổ chế độ này chế độ nọ, các bạn đã suy nghĩ đến sẽ làm gì tiếp theo nếu chuyện đó thành công hay chưa?

Ai sẽ là người đứng lên lãnh đạo, ai sẽ là người đứng ra giải quyết các vấn đề cấp bách trong xã hội, ai sẽ là người khắc phục hậu quả của cuộc thay máu do các bạn gây ra?

Các bạn có đủ bản lĩnh và kiến thức để đứng ra chèo chống nền kinh tế của cả một quốc gia hay không?

Các bạn có đủ thông minh, sắc sảo và nhạy bén để đối thoại và đối phó với những vị quan chức ngoại giao từ các quốc gia “cá mập” vẫn đang chờ một cơ hội nhảy bổ vào nuốt chửng chúng ta không?

Các bạn có đủ năng lực và khả năng để đảm bảo một cuộc sống mới an toàn và hoà bình cho cả dân tộc không?

Giả sử các bạn là những người đủ ưu tú và tài giỏi để đảm đương được những vấn đề ở trên. Các bạn có đủ tự tin để khẳng định những con người trong bộ máy mới sẽ không bị tha hoá, sách nhiễu, tham ô, quan liêu như những gì đã từng xảy ra hay không?

Theo tôi, dù các bạn có tạo dựng được một đất nước mới, một chế độ mới nhưng với những con người và lề thói cũ, với một xã hội đầy rẫy những chuyện cười ra nước mắt về tư duy, ý thức, văn hoá ứng xử như những gì vẫn đang xảy ra. Thì cuối cùng vẫn chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi.

Thứ mà con người và đất nước chúng ta cần thay đổi ngay đó là ý thức. Chứ không phải là chế độ hay hiến pháp, hay vị lãnh đạo nào cả.

333
Người Nhật luôn làm cả thế giới phải khâm phục về ý thức của họ

Những công dân có ý thức, có văn hoá, đi ra đường sẽ không khạc nhổ, không xả rác bừa bãi, không gây sự đánh nhau chỉ vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, không phóng nhanh vượt ẩu, không gây nguy hại cho người khác, sống trong một xã hội với những người công dân ý thức cao đó, bạn có thấy dễ chịu hơng không? Rộng hơn, một xã hội với những người công dân này sẽ là hình mẫu đại diện cho cả một đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Những nhân viên công chức có ý thức, đầy tinh thần trách nhiệm, sẽ tận tình hướng dẫn và phục vụ người dân, sẽ không còn cảnh chen chúc, chầu chực hay đút lót, phong bì hối lộ tại các cơ quan công quyền, thay vào đó, bạn sẽ được họ đón chào một cách vui vẻ, họ sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn, tận tình hướng dẫn và giúp bạn hoàn thành một tờ khai hay một mẫu đăng ký nào đó, không một lời quát tháo. Bạn đến trước, bạn được vào nộp đơn, xử lý giấy tờ trước. Anh đến sau, anh vào làm việc sau.

Untitled

Những đồng chí cảnh sát đầy tâm huyết và trách nhiệm, sẽ không bao giờ nhận hối lộ, bắt bớ người tham gia giao thông, cũng chẳng cần phải lắp camera vào mũ để đối phó với người vi phạm nữa, vì cũng chẳng ai vi phạm điều gì nữa. Thay vào đó, hình ảnh anh cảnh sát giao thông đang dắt một em bé hay một cụ già qua đường, hoặc đang nhiệt tình hướng dẫn một anh khách du lịch nước ngoài nào đấy sẽ trở thành những điều quen thuộc trên đường phố.

222
Một hình ảnh đẹp của các rock fan tại Cần Thơ sau đêm diễn RockStorm

Sẽ không còn những hình ảnh nhức nhối mà chúng ta phải cảm thấy nhục nhã trước cộng đồng quốc tế, sẽ không còn cảnh đoàn người chen chúc để nhận các món quà khuyến mãi, không còn những con người vô ý thức chen nhau trèo rào vào công viên nước, không còn nữa những con người vô tâm thi nhau hôi của mà thay vào đó họ sẽ xúm lại tìm cách cứu giúp người bị nạn.

Sẽ không còn những vị khách du lịch nước ngoài đưa ống kính máy ảnh chụp cảnh giao thông hỗn loạn tại các ngã tư vào giờ cao điểm.

354
Một vận động viên Malaysia vái lại khán giả Việt Nam vì tràn vào đường đua gây cản trở giải đấu.

Sẽ không còn những lời nhận xét gay gắt, những lời chê bai về chất lượng dịch vụ, về nạn ăn xin, hàng rong chèo kéo, về khách sạn phục vụ kém cỏi, thiếu tiện nghi, trên các trang mạng về du lịch thế giới nữa.

Các bạn có tin không? Đây không phải là một viễn cảnh xa vời, đây là những gì vẫn đang diễn ra hằng ngày tại các nước xung quanh chúng ta.

cxv
Việc chúng ta cần làm là xây dựng một xã hội có ý thức hơn.

Và đây cũng là tương lai của con người, đất nước Việt Nam. Hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay chúng ta. Nếu mỗi người trong chúng ta cùng góp sức chống lại sự kém cỏi, vô ý thức, cùng chung tay giúp đỡ nhau và nâng cao ý thức của mỗi người xung quanh chúng ta.

Chừng nào người Việt còn bị gán với sự vô ý thức, thiếu văn hoá, không tôn trọng pháp luật thì nước Việt vẫn chưa thể đứng lên được.

Thay vì mỗi ngày chúng ta biến thành trò cười trong mắt cộng đồng quốc tế, hãy thay đổi để không một quốc gia nào có thể khinh thường chúng ta, hãy để cho họ nghiêng mình thán phục người Việt Nam một lần nữa, không phải là vì những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, mà là cuộc chiến bảo vệ danh dự Tổ quốc.

 

Mít Tờ Tê

Tại sao bạn nên đi du lịch nước ngoài?

Featured Image: Pixabay

 

Tại sao nên đi du lịch nước ngoài?

Một số người khi nghe các câu chuyện đi du lịch nước ngoài thường nói: Nghe có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng mình sẽ đi trong nước trước, khám phá hết trong nước rồi mới đi nước ngoài sau. Tương tự như vậy nhưng có người phản ứng mạnh mẽ hơn: Đúng là sính ngoại, Việt Nam đẹp như vậy, rộng như vậy, đi còn không hết mà tại sao cứ đi du lịch nước ngoài.

Đối với tôi, hoàn toàn không có vấn đề gì nếu bạn quyết định khám phá trong nước trước hay chỉ đi du lịch trong nước. Nhưng tôi cho rằng du lịch nước ngoài có nhiều ưu điểm:

Thứ nhất, du lịch nước ngoài không phải lúc nào cũng đắt hơn du lịch trong nước. Giá vé máy bay từ Sài Gòn đến Bangkok còn rẻ hơn giá vé Sài Gòn – Hà Nội.

Thứ hai, du lịch nước ngoài là cơ hội để ta biết thêm về các nền văn hóa mới, phong tục tập quán mới, những con người với các quan niệm văn hóa, tinh thần hoàn toàn khác ta. Nhờ đó, ta có nhiều cơ hội để nâng cao kiến thức xã hội. Với cùng một số tiền, đi đến một nơi lạ hơn, học được nhiều hơn, thấy được nhiều hơn, bạn chọn cái nào?

Thứ ba, khi đi du lịch nước ngoài ta có cơ hội rèn luyện khả năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ với những người không cùng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nó giúp những kỹ năng của ta được trau dồi, hoàn thiện.

Thứ tư, đi nhiều quốc gia khác nhau, ta có dịp so sánh và đối chiếu với tình hình trong nước. Những khó khăn thử thách chung của loài người, điểm hạn chế của mỗi dân tộc, vị thế thực sự của đất nước mình trên trường thế giới. Có đi các nước khác ta mới có cơ hội để tìm hiểu thế giới, để học hỏi từ năm châu, trưởng thành và phát triển lên, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Ngoài ra, ta còn có được cái nhìn rộng mở, khoan dung hơn, chứ không chỉ bó hẹp với tư duy cục bộ địa phương.

Thứ năm, thế giới to và rộng thế, tại sao lại giới hạn bước chân mình chỉ ở Việt Nam. Bản thân Việt Nam đi cũng chẳng biết bao giờ hết. Nhưng Việt Nam thì dễ đi, ngôn ngữ lại đồng nhất, miền này và miền nọ dù có khác nhau cũng không thể bằng sự khác nhau giữa các quốc gia. Và nước Việt ta là một đất nước nhỏ bé và đang phát triển, thế giới thì lại rộng lớn vô cùng, có bao nhiêu đất nước phát triển hơn ta. Vậy còn trẻ, còn máu khám phá, còn sức khỏe, còn nhiều thời gian, sao không đi xa nhất mà mình có thể?

Tại sao nên bắt đầu với Đông Nam Á?

Một, sinh hoạt phí ở các quốc gia Đông Nam Á khá rẻ, nhiều nước có mức sống và giá cả từ thấp hơn đến tương đương Việt Nam như Lào, Campuchia, Phillipines, Indonesia, và Thái Lan. Chỉ có Malaysia và Singapore là có mức giá cao hơn Việt Nam.

Hai, Đông Nam Á có địa hình rất thuận lợi cho du lịch bụi. Thực tế là khu vực này luôn là điểm đến không thể bỏ qua cho dân lữ hành khắp nơi trên thế giới. Anh bạn người Chile của tôi nói rằng, Trung Quốc quá rộng lớn và khó đi, châu Âu khá đồng nhất và tẻ nhạt, nhưng Đông Nam Á thì lại đầy màu sắc và mùi vị.

Trong một khu vực nhỏ bé mà có bao nhiêu là quốc gia, bao nhiêu là dân tộc khác nhau, chỉ cần di chuyển không xa là có thể tiếp cận một nền văn hóa mới, một dân tộc mới. Sự đa dạng về chủng tộc và văn hóa nơi đây chính là điều hấp dẫn dân du lịch. Bởi vậy dân du lịch phương Tây lũ lượt đổ đến Đông Nam Á. Đường Sài Gòn vào mùa hè có biết bao các anh chàng, cô nàng ba lô lang thang khắp nơi.

Thứ ba, khi có trong tay hộ chiếu Việt Nam, bạn đang sở hữu một lợi thế lớn khi đi du lịch quanh Đông Nam Á, đó là không phải xin thị thực khi bạn đến các quốc gia trong khu vực. Kể từ khi Myanmar miễn thị thực cho công dân Việt Nam vào tháng Mười năm 2013, giờ đây, bạn có thể đi du lịch mười nước Đông Nam Á và được miễn thị thực từ mười bốn đến ba mươi ngày tùy nước.

Thứ tư, có dấu xuất nhập cảnh của nhiều quốc gia là cách để tăng mức tín dụng cho hộ chiếu của bạn, tạo cơ hội để bạn đi được xa hơn, đến những quốc gia phát triển hơn. Nếu bạn có một hộ chiếu với toàn những trang giấy trắng, ngay cả khi khả năng tài chính của bạn dư dả hay được người bảo lãnh, chưa chắc bạn đã được cấp thị thực du lịch vào Mỹ, châu Âu hay Úc.

Sếp của bạn tôi, là giám đốc một công ty nước giải khát hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Nhưng khi xin thị thực đi du lịch Mỹ, anh lại bị lãnh sự quán Mỹ từ chối. Họ xem hộ chiếu của anh, thấy anh chỉ mới có dấu nhập cảnh vào Singapore và Thái Lan, thì trả lại hộ chiếu và bảo: “Anh nên về đi du lịch thêm đi” rồi từ chối cấp thị thực.

Do vậy, nếu muốn du lịch bụi, và muốn đặt chân đến những vùng đất hào nhoáng như châu Âu hay Mỹ, thì cần phải xây dựng một lịch sử xuất nhập cảnh dày dạn, trước khi nghĩ tới việc nộp đơn xin thị thực ở những xứ sở đó. Bạn cần chứng minh là mình đã đi nhiều nơi, mình đều quay về đúng hạn, và mình không thiết tha gì việc trốn ở lại đất nước nào cả. Và còn nơi nào lý tưởng hơn để sưu tập con dấu cho hộ chiếu của bạn bằng các đất nước láng giềng.

 

Rosie Nguyen

Hãy thôi tiếc thương và hèn nhát

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Có ai để ý rằng Đảng Cộng Sản nói chủ trương của họ là hòa giải dân tộc nhưng mỗi năm đến ngày 30-4 họ lại tổ chức ăn mừng, kỷ niệm rầm rộ ngay từ đầu tháng 4 không? Đó là lý do tôi muốn viết bài này…

Sự thật

Bốn mươi năm, ngày hai miền thôi chia cắt, ngày không còn tiếng súng trên quê hương. Bên thắng cuộc tuyên bố hòa giải dân tộc, nhưng trong thực tế thì sao?

Những người chiến binh cả hai bên khi xưa giờ thế nào? Kẻ thua cuộc thì nhận tù đày cải tạo rục xương, gia đình con cháu họ dù có học hành giỏi mà trong lý lịch ghi “cha là lính VNCH trước 1975” thì cũng coi như bỏ. Gần một triệu quân cán chính miền Nam trước năm 1975 bị tù đày, sát hại. Những chiến binh nón tai bèo, nón cối, những người từng sống dở chết dở trên dãy Trường Sơn, trên đường mòn Hồ Chí Minh giúp Đảng Cộng Sản miền Bắc đánh thắng miền Nam hỡi ôi! Họ được gì? Được cấp giấy khen, mấy huy chương bằng đồng để treo cho nó oai. Họ từ từ bị bỏ rơi, uất ức quá nhiều người xin phục viên, không được hưởng chế độ đãi ngộ.

Còn dân miền Nam tự do. Sau khi giải phóng, tại sao hơn 800.000 người lại bỏ xứ ra đi, dù biết có thể sẽ bỏ mạng nơi biển khơi? Tại sao họ gọi ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” là ngày Quốc Hận? Tại sao họ lại thương nhớ, tiếc nuối một chế độ được quy chụp là thối nát Ngụy quân, ngụy quyền? Câu trả lời xin được gói gọn trong câu nói của bà Dương Thu Hương – một nữ văn sĩ miền Bắc theo đoàn quân của Bắc Việt vào Sài Gòn thời điểm tháng 4 năm 1975:

“Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua một chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải…”

Hãy thôi tiếc thương và hèn nhát

Tôi nhớ câu nói của Karl Marx:

“Chỉ có loài súc vật mới quay lưng trước cảnh khốn khổ của đồng loại.”

Ngày nay, cả thế giới đều lên án Marx, những nước một thời từng lấy chủ nghĩa Marx soi đường bây giờ cũng đã từ bỏ, chỉ còn một vài nơi lấy Marx làm bức bình phong để che đậy những mục nát ở phía bên trong, nhưng câu nói trên của Marx, với tôi vẫn mãi mãi là một lời vàng ngọc. Điều tệ hại là những kẻ một thời theo Marx đã luôn luôn làm ngược lại với lời nói này của Marx.

Bạn có đồng ý với tôi rằng những triều đại đã mục nát, vua quan ăn chơi sa đọa, để dân thống khổ có nên bị lật đổ không hay chúng ta là người dân cứ chịu đựng mãi như hiện nay? Nếu không thì chắc lịch sử đã không có những nhân vật như Lê Lợi, Quang Trung.

Người Việt hải ngoại nhân lực và khả năng tài chính khá mạnh nhưng chỉ đấu tranh bằng miệng, bằng văn nghệ. Cứ ôm lấy cái dĩ vãng đau buồn mà không chịu tranh đấu trực diện thì vô phương lật đổ được cái chế độ mục nát này.

Còn người yêu nước trong nước thì không liên kết được với nhau, không có khả năng tài chính, chỉ biết tranh đấu trên internet. Để rồi khi ngư dân của chúng ta bị Trung Quốc đem tàu hải giám xâm phạm lãnh hải, bắt cóc đòi tiền chuộc và giết hại, đa số chỉ biết lặng câm khi đọc trên báo hoặc nghe những người phát ngôn của chính phủ gọi là “tàu lạ”. Hãy cùng nhau đứng lên phản đối như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội vừa rồi. Sức mạnh quan trọng của chúng ta là ở chỗ có chung lòng đoàn kết vì chính nghĩa hay không.

Tôi chắc chắn một điều: Chỉ có cái chính nghĩa tồn tại mãi với thời gian. Người Việt hải ngoại hãy chôn chặt cái quá khứ đau thương và sai lầm đó lại, hỗ trợ cho người Việt trong nước. Người Việt trong nước đã đến lúc thôi hèn nhát đứng lên tranh đấu với cái xấu, cái bất công, cái sai của chế độ này. Đừng như những con cừu thỏa hiệp với quỷ nữa, chính chúng ta và con cháu chúng ta sau này sẽ là nạn nhân tiếp theo của nó đó!

Lời kết

Năm năm sau 1975, Chế Linh viết Tôi Đã Hát, Sẽ Hát, Ta Phải Hát.

Hai mươi năm sau 1975, Phan Văn Hưng viết Hai Mươi Năm.

Hai mươi lăm năm sau 1975, Heart2Exist viết Tôi Là Ai và Chỉ Là Người Hát Nhạc Rap.

Ba mươi bảy năm sau 1975, Việt Khang viết Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai.

Bốn mươi năm sau 1975, Nah – Nguyễn Văn Sơn viết DMCS.

Năm mươi năm sau hoặc có thể lâu hơn nữa, tất cả người Việt chúng ta trên thế giới sẽ hát chung tự hào một bài Quốc Ca Việt Nam. Tôi tin chắc chắn là sẽ có một ngày như vậy.

 

Hồ Nhất Duy

Thị trường và đạo đức (kỳ cuối)

 

 

Mario Vargas Llosa – Nền văn hóa của tự do

Những cuộc công kích hiệu quả nhất nhằm chống lại quá trình toàn cầu hóa thường lại không phải là những cuộc công kích liên quan tới kinh tế học. Mà là những cuộc công kích về mặt xã hội, đạo đức, và trên hết là lĩnh vực văn hóa. Những luận cứ này từng nổi lên trong những vụ lộn xộn ở Seattle vào năm 1999 và lại vang lên ở Davos, ở Bangkok, và Prague trong thời gian gần đây. Họ nói như sau:

Sự biến mất của các đường biên giới quốc gia và giới quyền uy trên thế giới gắn bó với thương trường sẽ giáng những đòn chí tử vào nền văn hóa khu vực và quốc gia, vào truyền thống, thói quen, truyền thuyết và tập tục, tức là những thứ quyết định bản sắc văn hóa của đất nước và khu vực. Vì đa số các nước và các khu vực trên thế giới không đủ sức chống lại sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa từ các nước đã phát triển – mà cụ thể là từ siêu cường Mĩ – nước chắc chắn sẽ mở đường cho các công ty đa quốc gia cực kỳ lớn, nền văn hóa Bắc Mĩ cuối cùng sẽ buộc người ta phải chấp nhận nó, nó sẽ định ra tiêu chuẩn cho thế giới và xóa sổ sự đa dạng của những nền văn hóa khác nhau.

Theo cách này, tất cả các dân tộc, chứ không chỉ các dân tộc nhỏ và yếu, sẽ đánh mất bản sắc, sẽ đánh mất tâm hồn mình và chỉ còn các thuộc địa trong thế kỷ XXI – những thây ma hay những hình nộm được làm theo những tiêu chuẩn văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới, đấy là chủ nghĩa thực dân mà ngòai việc cai trị thế giới bằng đồng vốn, sức mạnh quân sự và kiến thức khoa học của nó, còn áp đặt cho người ta ngôn ngữ, cách tư duy, niềm tin, thú vui và ước mơ của nó nữa.

Cơn ác mộng hay là điều hoang tưởng theo nghĩa tiêu cực về một thế giới mà do toàn cầu hóa đang đánh mất dần sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ, đang bị Mĩ xâm lược về mặt văn hóa không chỉ là địa hạt của các chính trị gia tả khuynh, luyến tiếc Marx, Mao hay Che Guevara. Cơn mê sảng về việc bị ngược đãi – do lòng thù hận người khổng lồ Bắc Mĩ mà ra – còn được thể hiện rõ ở cả những nước đã phát triển và những dân tộc có nền văn hóa cao, được cả các nhóm tả, trung dung và hữu khuynh chia sẻ nữa.

Khét tiếng nhất là nước Pháp, ở đây chúng ta thường thấy chính phủ tung ra những chiến dịch nhằm bảo vệ “bản sắc văn hóa Pháp”, một nền văn hóa được cho là đang bị quá trình toàn cầu hóa đe dọa. Một lọat các nhà tri thức và chính trị gia Pháp lo lắng về khả năng là cái vùng đất từng sinh ra Montaigne, Descartes, Racine, và Baudelaire – và đất nước đã có một thời gian dài từng là người đưa ra tiếng nói cuối cùng về thời trang, tư duy, nghệ thuật, ẩm thực và về tất cả những lĩnh vực tinh thần khác – có thể bị những McDonald’s, Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, rock, rap, và phim ảnh của Hollywood, quần bò, bánh sneakers, áo T-shirts xâm lấn.

Nỗi sợ này đã dẫn tới, thí dụ, những khỏan tài trợ rất lớn của Pháp cho ngành công nghiệp điện ảnh và đòi hỏi các rạp chiếu bóng phải chiếu một số lượng phim trong nước và hạn chế nhập phim Mĩ. Nỗi sợ này còn là lý do vì sao các chính quyền địa phương ban hành những quy định xử phạt nặng những băng rôn quảng cáo làm ô uế ngôn ngữ của Molière bằng những từ ngữ tiếng Anh. (Mặc dù, nếu nhìn vào vỉa hè các đường phố ở Paris thì thấy rằng những quy định như thế cũng không được người ta tôn trọng cho lắm). Đấy là lý do vì sao José Bové, một điền chủ có thái độ bài xích các món ăn tạp nham (ngụ ý thức ăn nhanh của Mĩ – ND) đã trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Pháp. Và việc ông ta bị bắt giam ba tháng trong thời gian gần đây có vẻ như chỉ làm cho ông ta nổi tiếng thêm mà thôi.

Nhưng tôi tin rằng luận cứ chống toàn cầu hóa như thế là không thể chấp nhận được, chúng ta phải công nhận rằng nó ẩn chứa một sự thật không thể bác bỏ được. Trong thế kỷ này, cái thế giới chúng ta sống sẽ kém sinh động và không có nhiều màu sắc như là cái thế giới mà chúng ta đã bỏ lại phía sau. Những buổi lệ hội, đồ trang sức, phong tục, nghi lễ, nghi thức và tín ngưỡng, tức là những thứ đã tạo cho nhân lọai sự khác biệt mang màu sắc dân tộc và văn hóa dân gian, đang dần dần biến mất hoặc sẽ thu mình vào trong những nhóm thiểu số, trong khi phần lớn xã hội từ bỏ chúng và chấp nhận những thứ khác, phù hợp hơn với thời đại của chúng ta.

Tất cả các nước trên thế giới đang trải qua quá trình này, nhanh chậm khác nhau, nhưng đấy không phải là do toàn cầu hóa. Mà đấy là do quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa là kết quả chứ không phải là nguyên nhân. Có thể khóc than, dĩ nhiên là như thế, rằng quá trình này đang diễn ra và có thể nuối tiếc về cuộc sống của một thời đã qua, mà với những tiện nghi của ngày hôm nay dường như đấy là cuộc sống vui vẻ, độc đáo và đầy màu sắc. Nhưng đây là quá trình không thể nào tránh được.

Những chế độ toàn trị như Cuba hay Bắc Hàn sợ rằng mở cửa sẽ là tự sát, họ tìm cách bế quan tỏa cảng, ban hành đủ thứ quy định kiểu cấm đóan và chỉ trích hiện đại hóa. Nhưng ngay cả những nước đó cũng không ngăn cản được sự thẩm thấu một cách từ từ của quá trình hiện đại hóa và nó sẽ gặm nhấm dần cái gọi là bản sắc văn hóa của họ.

Về lý thuyết, một đất nước có thể giữ được bản sắc của mình, nhưng với điều kiện là họ phải sống trong tình trạng cô lập hoàn toàn, chấm dứt mọi trao đổi với các dân tộc khác và thực hiện một nền kinh tế tự cấp tự túc – giống như một vài bộ lạc ở châu Phi hay những bộ lạc sống trong rừng già Amazon vậy. Bản sắc văn hóa dưới hình thức như thế sẽ đưa xã hội trở lại với cách sống của thời tiền sử.

Đúng là hiện đại hóa làm cho nhiều lối sống truyền thống không thể tồn tại được. Nhưng đồng thời nó lại mở ra cơ hội và làm cho cả xã hội tiến những bước quan trọng về phía trước. Đấy là lý do vì sao khi có cơ hội tự do lựa chọn quần chúng lại ủng hộ hiện đại hóa mà không hề có chút lưỡng lự nào, đôi khi họ còn phản đối điều mà các nhà lãnh đạo hay những người nệ cổ ủng hộ.

Những luận điệu nhằm chống lại toàn cầu hóa và ủng hộ bản sắc văn hóa tiết lộ cho ta thấy quan niệm tĩnh về văn hóa, một quan niệm không có cơ sở lịch sử. Nền văn hóa nào đã từng giữ mãi bản sắc và không thay đổi theo thời gian? Muốn tìm được những nền văn hóa như thế, chúng ta phải thâm nhập vào những cộng đồng tôn giáo ma thuật nguyên thủy và nhỏ bé, tức là những cộng đồng sống trong hang hốc, thờ thần sấm và thú dữ; và vì tính chất nguyên thủy như thế mà họ càng ngày càng dễ bị bóc lột và hủy diệt.

Tất cả những nền văn hóa khác, nhất là những nền văn hóa có quyền được gọi là hiện đại và sống động đều tiến hóa đến mức mà chúng chỉ còn là cái bóng mờ của nền văn hóa từng hiện diện cách đây vài ba thế hệ mà thôi. Sự tiến hóa này thể hiện rõ nhất ở các nước như Pháp, Tây Ban Nha và Anh, nơi đã diễn ra những thay đổi cực kỳ ngoạn mục và sâu sắc đến mức Marcel Proust, Federico García Lorca, hay Virginia Woolf khó mà có thể coi đây là những xã hội nơi họ đã ra đời – những xã hội mà tác phẩm của họ đã có đóng góp rất lớn trong việc làm cho chúng thay da đổi thịt.

Khái niệm “bản sắc văn hóa” là khái niệm nguy hiểm. Từ quan điểm xã hội thì đấy có thể chỉ là quan niệm nhân tạo và đáng ngờ, nhưng từ viễn cảnh chính trị thì nó đe dọa ngay thành tựu quí giá nhất của nhân loại: quyền tự do. Tôi không phủ nhận rằng những người nói cùng một ngôn ngữ, sinh ra và sống trên cùng một vùng lãnh thổ, phải giải quyết những vấn đề giống nhau, theo những phong tục và tôn giáo như nhau, có những đặc điểm như nhau. Nhưng tính chất chung đó không bao giờ có thể xác định được đầy đủ đặc tính của từng người, nó chỉ xóa bỏ hoặc đẩy tất cả những tính chất và đặc điểm đơn nhất, tức là những đặc điểm làm người nọ khác biệt với người kia, xuống hàng thứ yếu mà thôi.

Quan niệm bản sắc, khi không được áp dụng cho từng cá nhân riêng biệt, là một quan niệm đã được đơn giản hóa và phi nhân tính, nó là sự trừu tượng hóa mang tính ý thức hệ và tinh thần tập thể của tất cả những gì là độc đáo và sáng tạo trong mỗi con người, của tất cả những gì không được áp đặt bởi di sản, nơi sinh hay áp lực xã hội. Mà sự thật là, bản sắc xuất phát từ khả năng của con người trong việc chống lại những ảnh hưởng đó và phản công lại với chúng bằng những hành động tự do theo sáng kiến của riêng mình.

Khái niệm “bản sắc tập thể” là khái niệm hưu cấu mang tính ý thức hệ và là nền tảng của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều nhà nhân chủng học và nhân loại học cho rằng ngay cả các cộng đồng cổ xưa nhất cũng không có bản sắc tập thể. Những thói quen và phong tục được nhiều người chia sẻ có thể là những điều tối cần thiết đối với việc bảo vệ cả nhóm người, nhưng sự cách biệt về khả năng sáng tạo và sáng kiến giữa các cá nhân – điều kiện để họ tách biệt khỏi nhóm – bao giờ cũng khá lớn, và khi các cá nhân được thử thách theo những khả năng của riêng họ thì những khác biệt của từng người sẽ lấn át những đặc tính chung, chứ không chỉ là những thành tố ngoại vi của tập thể nữa.

Toàn cầu hóa mở rộng một cách căn bản khả năng của tất cả các công dân trên hành tinh này, nó tạo điều kiện cho họ thông qua những hành động tự nguyện mà tạo dựng bản sắc văn hóa của riêng mình, phù hợp với sở thích và động cơ thầm kín của họ. Bây giờ người công dân không phải lúc nào cũng phải – như trong quá khứ và ở nhiều nơi hiện nay – tôn trọng bản sắc nhưng trên thực tế là làm cho họ mắc kẹt vào trại tập trung không thể nào thoát ra được – đấy là bản sắc được áp đặt lên mỗi người thông qua ngôn ngữ, dân tộc, nhà thờ, thói quen của vùng đất nơi họ ra đời. Theo nghĩa này thì ta phải hoan nghênh toàn cầu hóa vì nó mở rộng một cách đáng kể chân trời cho tự do cá nhân.

Hai lịch sử của cùng một lục địa

Châu Mĩ Latin có thể là thí dụ tốt nhất của những thủ đoạn và sự phi lý của việc cố tình thiết lập bản sắc tập thể. Cái gì có thể là bản sắc văn hóa của châu Mĩ Latin? Phải đưa những gì vào cái tập hợp những tín điều, phong tục, truyền thống, thói quen và những câu chuyện cổ tích để thể hiện rằng khu vực này có một tính cách duy nhất, không ai có và không chuyển nhượng được? Lịch sử của chúng ta được trui rèn trong những cuộc tranh luận trí tuệ – đôi khi quyết liệt – nhằm tìm cho ra đáp án cho câu hỏi đó. Đáp án nổi bất nhất là đáp án của những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm[i] đưa ra trong cuộc đấu trí với những người ủng hộ văn hóa bản địa và có ảnh hưởng trên khắp lục địa ngay từ những năm đầu thế kỷ XX.

Đối với những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm như José de la Riva Agüero, Victor Andrés Belaúnde, và Francisco García Calderón thì Mĩ Latin hình thành khi – nhờ quá trình phát hiện và chinh phục – nó gặp ngôn ngữ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chấp nhận Thiên chúa giáo và trở thành một phần của nền văn minh phương Tây. Những người lấy Tây Ban Nha làm trung tâm không coi thường những nền văn hóa tiền-Tây Ban Nha, nhưng họ coi đấy chỉ là một lớp chứ không phải là cốt lõi của hiện thực xã hội và lịch sử, phải nhờ ảnh hưởng của phương Tây mà nó mới hoàn thiện được bản chất và tính cách của mình.

Mặt khác, những người ủng hộ văn hóa bản địa lại cực lực bác bỏ những lợi ích mà có người cho rằng người châu Âu đã mang tới Mĩ Latin. Theo họ, bản sắc của chúng ta có nguồn gốc và linh hồn trong nền những nền văn hóa và văn minh tiền-Tây Ban Nha, quá trình phát triển và hiện đại hóa của nó đã bị kìm hãm bằng bạo lực và là đối tượng của kiểm duyệt, đàn áp và đẩy ra ngoài lề không chỉ trong suốt ba thế kỷ thuộc địa mà còn cả sau này, tức là sau khi có chế độ cộng hòa nữa.

Theo những tư tưởng gia ủng hộ văn hóa bản địa thì “Biểu hiện Mĩ” (tên một tác phẩm của José Lezama Lima) nằm ở tất cả những biểu hiện mang tính văn hóa – từ ngôn ngữ bản xứ tới đức tin, nghi lễ, nghệ thuật và tập tục của nhân dân – nhằm chống lại sự áp chế về mặt văn hóa của phương Tây và còn tồn tại cho đến ngày nay. Ông Luis E. Valcárcel, một nhà sử học nổi tiếng của Peru, thậm chí còn khẳng định rằng cần phải đốt bỏ tất cả các nhà thờ, các nhà tu và tượng đài theo phong cách kiến trúc thuộc địa vì chúng thể hiện tinh thần “bài-Peru”.

Chúng là những kẻ giả hình, là sự phủ nhận bản sắc nguyên thủy của châu Mĩ, một bản sắc có nguồn gốc hoàn toàn bản địa. Và ông José María Arguedas, một trong những tiểu thuyết gia độc đáo nhất của Mĩ Latin đã xây dựng được – trong những câu chuyện cực kỳ duyên dáng và đầy tinh thần phản kháng – bản anh hùng ca về tàn tích của nền văn hóa Cuechua trong dãy núi Andes, mặc dù đã bị phương Tây chẹn họng và làm cho méo mó đi.

Những người thân Tây Ban Nha cũng như những người ủng hộ văn hóa bản địa đã viết được những tác phẩm lịch sử tuyệt vời và những cuốn tiểu thuyết đầy tinh thần sáng tạo, nhưng nếu xét theo bối cảnh của chúng ta ngày hôm nay thì cả hai học thuyết này đều là những học thuyết mang tính bè phái, giản lược và sai lầm. Không bên nào đủ sức nhồi nhét sự đa dạng đang gia tăng của châu Mĩ Latin vào những khuôn khổ ý thức hệ của họ, và cả hai bên đều sặc mùi phân biệt chủng tộc.

Hiện nay ai còn dám tuyên bố rằng chỉ có những cái mang “phong cách Tây Ban Nha” hoặc “da đỏ” mới có quyền đại diện hợp pháp cho Mĩ Latin? Thế mà hiện nay những cố gắng nhằm trui rèn và phân lập “bản sắc văn hóa” đặc thù của chúng ta vẫn được tiếp tục thực hiện với lòng nhiệt tình chính trị và tri thức đáng lẽ nên dành cho những công việc xứng đáng hơn. Tìm cách áp đặt bản sắc văn hóa cho quần chúng nhân dân cũng chẳng khác gì nhốt họ vào tù và không cho họ được hưởng một trong những quyền tự do quý giá nhất – đấy là quyền lựa chọn: họ muốn thành người như thế nào, và bằng cách nào? Châu Mĩ Latin không có một mà có nhiều bản sắc văn hóa, không có bản sắc nào có thể tuyên bố là hợp pháp hơn hay trong sạch hơn những bản sắc khác.

Dĩ nhiên là Mĩ Latin bao hàm trong nó cả thế giới tiền-Tây Ban Nha lẫn các nền văn hóa của nó, những nền văn hóa đó còn giữ được sức mạnh xã hội đáng kể ở các nước như Mexico, Guatemala, và các nước vùng Andes. Nhưng Mĩ Latin c̣n là rất đông người nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, với truyền thống của năm thế kỷ ở sau lưng, sự hiện diện và hành động của họ có ý nghĩa quyết định trong việc định hình những đặc điểm hiện nay của châu lục. Và chả lẽ Mĩ Latin không phải là một phần của châu Phi, châu lục đã đến bến bờ của chúng ta cùng với châu Âu hay sao?

Không phải sự hiện diện của châu Phi đã tạo ra làn da, âm nhạc, khí chất và xã hội của chúng ta hay sao? Những thành tố mang tính xã hội, sắc tộc và văn hóa làm nên Mĩ Latin đã liên kết chúng ta với hầu như tất cả các khu vực và các nền văn hóa trên thế giới. Chúng ta có nhiều bản sắc văn hóa đến nỗi tưởng như chẳng hề có một bản sắc nào hết. Thực tế đó – trái ngược với niềm tin của những người dân tộc chủ nghĩa – là tài sản quí báu nhất của chúng ta. Đấy cũng là phẩm chất tuyệt vời, làm cho chúng ta cảm thấy mình là những công dân đầy đủ tư cách trong thế giới toàn cầu hóa này.

Giọng điệu địa phương, lan tỏa toàn cầu

Sợ Mĩ hóa toàn bộ hành tinh là hoang tưởng mang tính ý thức hệ chứ không phải là thực tế. Dĩ nhiên là không nghi ngờ gì rằng cùng với quá trình toàn cầu hóa, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ phổ biến trong thời đại của chúng ta, cũng như tiếng Latin trong thời Trung Cổ vậy. Nó sẽ còn tiếp tục vươn lên vì đấy là phương tiện không thể thiếu được trong giao dịch và thông tin quốc tế. Nhưng điều đó có nghĩa là tiếng Anh nhất thiết sẽ phát triển, sẽ gây thiệt hại cho các ngôn ngữ lớn khác hay không?

Hoàn toàn không. Trên thực tế, ngược lại mới đúng. Sự xóa nhòa các đường biên giới và thế giới ngày càng tương thuộc lẫn nhau hơn đã và đang khuyến khích các thế hệ trẻ học và đồng hóa với những nền văn hóa khác, đấy không chỉ là sở thích mà còn là điều cần thiết, vì nói được vài thứ tiếng và thích ứng một cách dễ dàng trong những nền văn hóa khác nhau đã trở thành yếu tố quyết định cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp.

Hãy xem xét trường hợp tiếng Tây Ban Nha. Nửa thế kỷ trước những người nói tiếng Tây Ban Nha là cộng đồng hướng nội, chúng ta cho rằng mình chẳng có mấy cơ hội ở bên ngoài biên giới ngôn ngữ truyền thống. Hiện nay tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ năng động và có nhiều người dùng, nó đã chiếm được những thành tựu ban đầu hay thậm chí những vùng đất rộng lớn trên cả năm châu lục. Sự kiện là có từ hai mươi lăm đến ba mươi triệu người nói tiếng Tây Ban Nha ở Mĩ là nguyên nhân vì sao hai ứng viên tổng thống Mĩ gần đây – thống đốc Texas là George W. Bush và phó tổng thống Al Gore – tiến hành vận động tranh cử không chỉ bằng tiếng Anh mà còn dùng cả tiếng Tây Ban Nha nữa.

Có bao nhiêu triệu thanh niên nam nữ trên khắp hoàn cầu đã và đang phản ứng lại những thách thức của tòan cầu hóa bằng cách học tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Quan thọai, tiếng Quảng Đông, tiếng Nga hay tiếng Pháp? May thay, xu hướng này sẽ gia tăng trong những năm sắp tới. Đấy là lý do vì sao cách bảo vệ tốt nhất nền văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta là nỗ lực quảng bá chúng trên khắp thế giới chứ không phải cứ vờ vịt tìm cách làm cho nó miễn nhiễm với sự đe dọa của tiếng Anh. Những người đưa ra những biện pháp như thế là những người nói rất nhiều về văn hóa, nhưng đấy là những kẻ dốt nát, họ đang che dấu ý định thật sự của mình: chủ nghĩa dân tộc.

Đấy không phải là họ đang tranh luận về những xu hướng phổ quát của văn hóa, đấy là những cách nhìn thiển cận, lầm lẫn, biệt lập, mà những người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa tìm các áp đặt lên đời sống văn hóa. Bài học tuyệt vời nhất mà văn hóa dạy cho chúng ta là nó không cần những quan chức hay các chính trị viên bảo vệ, cũng không cần che chắn sau song sắt hay dùng lực lượng hải quan để cách ly nhằm giữ cho nó sống và đơm hoa kết trái; ngược lại, những cố gắng như thế chỉ làm cho nó khô kiệt hoặc trở thành tầm thường mà thôi.

Văn hóa phải sống một cách tự do, phải thường xuyên va chạm với những nền văn hóa khác. Điều đó sẽ làm cho nó luôn luôn đổi mới, luôn luôn tái tạo, làm cho nó tiến hóa và thích ứng với dòng chảy liên tục của cuộc đời. Ngày xưa tiếng Latin đã không giết chết tiếng Hy Lạp; ngươc lại, sự độc đáo và chiều sâu trí tuệ của nền văn hóa Hy Lạp đã thẩm thấu vào nền văn minh La Mã và nhờ nó mà những bản trường ca của Homer và triết lý của Plato và Aristotle mới vươn ra khắp thế giới.

Tòan cầu hóa không xóa bỏ các nền văn hóa khu vực, trong không gian bao la của cả hòan vũ, tất cả những gì có giá trị và đáng sống trong những nền văn hóa khu vực sẽ tìm thấy những mảnh đất màu mỡ để có thể đơm hoa kết trái.

Điều đó đã diễn ra trên khắp châu Âu. Đặc biệt đáng ghi nhận là ở Tây Ban Nha, ở đây những nền văn hóa địa phương đang tái xuất hiện với một sức mạnh đặc biệt. Dưới chế độ độc tài của tướng Francisco Franco, những nền văn hóa địa phương bị đàn áp và buộc phải sống trong vòng bí mật. Nhưng cùng với sự trở về của chế độ cộng hòa, sự đa dạng của nền văn hóa đã được cởi trói và được tự do phát triển. Ở những khu vực tự trị, văn hóa địa phương càng phát triển mạnh, đặc biệt là ở Catalonia, Galicia, và xứ Basque; các khu vực khác ở Tây Ban Nha cũng đều như thế cả. Nhưng dĩ nhiên là chúng ta không được đánh đồng sự hồi sinh của văn hóa khu vực – một hiện tượng tích cực và làm cho đời sống ngày càng phong phú thêm – với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc sẽ tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền văn hóa của tự do.

Trong tác phẩm nổi tiếng: Góp phần định nghĩa văn hóa (Notes Towards the Definition of Culture) xuất bản năm 1948, T.S. Eliot đã dự đóan rằng trong tương lai, nhân lọai sẽ được chứng kiến sự phục hưng của những nền văn hóa địa phương và khu vực. Lúc đó, đấy là một lời tiên đóan quá táo bạo. Nhưng tòan cầu hóa có vẻ như sẽ làm cho nó trở thành hiện thực trong thế kỷ XXI và chúng ta nên vui mừng vì chuyện đó. Sự phục sinh của những nền văn hóa nhỏ bé, mang tính khu vực sẽ trả lại cho nhân lọai sự đa dạng trong cách thể hiện và hành vi mà cuối thế kỷ XVII và đặc biệt là trong thế kỷ XIX các quốc gia-dân tộc đã từng hủy bỏ nhằm tạo ra cái gọi là bản sắc văn hóa. (Sự kiện này đã dễ dàng bị lãng quên hay chúng ta tìm cách lãng quên vì những ẩn ý mang tính đạo đức sâu sắc của nó).

Các nền văn hóa dân tộc thường được trui rèn trong máu lửa, nó cấm đóan giảng dạy và xuất bản các tác phẩm viết bằng thổ ngữ hay cấm đóan thực hành các tôn giáo và tục lệ khác biệt với những tôn giáo và tục lệ được quốc gia-dân tộc coi là lý tưởng. Bằng cách đó, các quốc gia-dân tộc tại nhiều nước trên thế giới đã áp đặt nền văn hóa ưu trội lên các nền văn hóa địa phương, văn hóa địa phương bị đàn áp và bị lọai bỏ khỏi đời sống chính thức. Nhưng, trái ngược với những cảnh báo của những người sợ tòan cầu hóa, không dễ gì xóa bỏ một nền văn hóa – dù nó có nhỏ đến đâu – nếu đằng sau nó là một truyền thống phong phú và có những người thực hành nó, dù là thực hành một cách bí mật. Và hôm nay, nhờ có sự suy yếu của quốc gia-dân tộc, chúng ta mới được nhìn thấy sự tái xuất hiện của những nền văn hóa đã từng bị lãng quên, bị đẩy ra bên lề và vị bóp nghẹt và thể hiện một đời sống năng động trong sự hài hòa vĩ đại của hành tinh tòan cầu hóa này.

Mario Vargas Llosa là tiểu thuyết gia và trí thức nổi tiếng thế giới. Năm 2010 ông được trao giải Nobel văn chương vì “những thành tựu trong việc mô tả cơ cấu của quyền lực và những hình tượng sắc bén về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá nhân con người”. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: Bữa tiệc của con dê (The Feast of the Goat), Cuộc chiến của ngày tận thế (The War of the End of the World), Cô Julia và người viết kịch bản (Aunt Julia and the Scriptwriter), Cô gái không ra gì (The Bad Girl), Cuộc đời thực của Alejandro Mayta (The Real Life of Alejandro Mayta), và nhiều cuốn khác.

 

Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/


 

[i] Dịch thoát ý từ Hispanists, thực ra là nói về cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha.

 

 

Chuyện áo dài và tuổi trẻ

 Featured Image: Khánh Khánh

 

Sáp vuốt tóc Gatsby làm những ngón tay tôi dính dính khi chúng lướt qua đường rẽ ngôi trên đầu. Ngón tay tôi miết một dải quanh đường dọc ngôi trái, rồi chải hết phần tóc phía trên sang bên phải. Hai bên đầu từ tai trở lên cạo đinh dựng đều, sờ vào ráp ráp. Được rồi, bảnh bao đó, ít nhất là trong gương. Nhìn kỹ hơn một tí, một hàng ria mép cong cớn vắt chềnh ềnh qua môi tôi. Tôi đã mất hơn nửa tiếng xoay lấy xoay để trước gương nhưng một cái gì đó luộm thuộm cứ chực xổ ra. Nào thì cạo râu.

Ngày Áo dài duy nhất trong đời tôi bắt đầu như thế. Hàng năm vào một ngày đầu tháng tư, học sinh khối 12 sẽ có vài giờ mà tất cả nữ sinh tha thướt trong áo dài còn nam sinh sẽ được lịch lãm trong Âu phục. Chúng tôi rậm rịch chuẩn bị cho ngày này cẩn thận. Hôm nay sẽ để lại những bức ảnh đẹp đẽ nhất của chúng tôi, những người vừa chạm 18 tuổi.

Tuần trước, vài đứa con trai đã sắm xong âu phục, mua cà vạt, có đứa còn chuẩn bị cả giày độn đế. Tôi có hai bộ suit đen bố mua cho hồi lớp 10, đến giờ đã ngắn choằn. May đo chẳng kịp, tôi bèn mượn tạm bộ đồ của bố, loay hoay là lượt rồi treo vào trong bao. Cà vạt tôi nhờ bố thắt sẵn treo trong tủ. Đôi giày da màu đen cỡ 42 được tôi bôi xi đánh sáng loáng, nhìn bóng, cứng như bộ giáp bọ hung.

Sáng nay lũ con gái lớp tôi mang áo dài đến lớp trải ra bàn cho phẳng, mang cả bàn là, đồ trang điểm. Chúng xúng xính cuốn lô mái, kẻ mắt, đánh phấn cho nhau. Mấy đứa bình thường nhìn luộm thuộm, bú rù hôm nay cũng học đòi uốn mi, chuốt mascara. Lớp nhìn ngộ nghĩnh quá! Không khí cứ cuống cuồng, bay mùi mỹ phẩm như cảnh hậu trường của một vở kịch. Chúng nó xoay vần như chong chóng hết từ bàn này đến bàn khác, hò hét nhau lấy cái kẹp, mượn cái son, y như mấy cái hoa xoay mòng mòng trong xoáy nước. Tôi biết ước muốn hình ảnh cuối trong trường tươm tất và đẹp của chúng nó còn mãnh liệt hơn tôi.

Tiết học cuối cùng kết thúc là lúc 5 thằng con trai chúng tôi bị đuổi ra khỏi lớp để đám con gái thay đồ. Những đưa con trai khối ngoại ngữ xếp hàng dài ở nhà vệ sinh thay đồ nhanh như chớp. Nhà vệ sinh trở thành một nhà máy mà đầu vào là những đứa con trai mặc áo đồng phục đi giày sneaker nhếch nhác, đầu ra là những quí ông tươm tất gọn gàng trong bộ vest và giày Tây.

Đứng cùng mấy đứa con trai khác, tôi bị màu trắng làm lóa mắt. Những bóng trắng trôi nhẹ nhàng khắp các góc sân trường. Tôi bắt gặp những tà áo bay lên theo chiều gió cuốn đọng lại những vệt trong không khí. Những nét chuyển động mơn man ấy khắc vào trong không gian xám xanh se lạnh của tiết tháng 3 hợp thành một bức tranh siêu thực. Tôi chợt bắt gặp trong mình một cảm xúc mông lung, bâng quơ như thể những tà áo dài đã giăng trong lòng tôi một lớp lụa mơ màng, đưa những suy nghĩ của tôi đi phiêu bạt. Cảnh tượng trước mắt tôi đẹp sững sờ nhưng không hề hoa lệ. Nó giản dị, thanh trong đầy thánh thiện. Nếu như tạo hình được khoảnh khắc và cảm xúc này, tôi sẽ kết nó lại thành những chùm ngọc lan trắng dịu dàng, thanh khiết, dù e ấp nhưng không giấu nổi hương thơm quyến rũ.

Bước lại gần hòa mình trong sắc trắng ấy, tôi nhận ra người mình đang nóng bừng. Một đứa con gái cùng lớp nhìn thấy tôi, kéo theo cả bầy lụa là tha thướt cuốn quanh tôi và lũ con trai để chụp ảnh. Mấy giờ trước thôi, chúng vẫn là những đứa con gái nói nhiều trong lớp, năng ăn quà, hay hò hét, chanh chua quát lác, mà giờ đã biến hóa thành giống loài mới toát ra ma lực làm hồn tôi lạc lối.

 

Áo dài làm chúng trở nên quyến rũ và khiến tâm tính chúng dịu dàng. Hai tà lướt thướt cần sự nâng niu cẩn thận và guốc cao gót làm chúng từ tốn lại. Những đường cong thiếu nữ vốn bị che lấp bởi áo quần đồng phục thùng thình nay được tôn lên rõ rệt. Đôi mắt chúng lóng lánh cái ngây thơ nhưng đuôi mắt hay cười lại giấu một tia nhìn sắc sảo. Khuôn miệng đầy đặn chỉ chực nở xòe, làm cho bao cái duyên được thể xổ lồng, thôi miên kẻ ngắm nhìn. Sao tôi chợt thấy cái áo vest chật chội, còn áo sơ mi của tôi nhàu nhĩ quá thể. Cà vạt tôi hình như đeo lệch còn cổ tay áo chưa cài cúc. Có ai nhận ra không?

Một đứa con gái lớp tôi đến gần khoác tay tôi, người bé nhỏ ghê gớm, đứng nép vào tôi chụp ảnh. Lưng tôi như dài quá thể, 1m80 này sao cồng kềnh quá nhỉ! Tay chân tôi thừa thãi, chẳng biết nhét vào đâu. Lúng túng, tôi đặt tay lên vai nó, chỗ cái áo cổ thuyền để chừa đôi xương quai xanh mảnh mai và một phần vai tròn trịa. Tay tôi vỡ vụn trước nỗi sợ làm tan biến đi dáng hình mỏng manh quá dịu dàng này. Những ngón tay run rẩy của tôi khi chạm vào người nó như đang khuấy động một mặt nước trong trẻo, tinh khiết. Nụ cười rúm ró cứng gượng của tôi có che dấu được nhịp đập thình thịch của cả cơ thể tôi không?

Cái đẹp đang e lệ nép vào mình tôi lúc này thật dễ vỡ. Vẻ đẹp ấy chỉ sống có giây phút này. Tôi chỉ có đúng khoảnh khắc này. Chỉ giờ sau chúng sẽ thay đổi, trên đường biến hóa thành loài khác. Tôi lún chìm trong khao khát có được cái hộp nhốt hết những cảm xúc và cái đẹp này để gặm nhấm về sau. Trong giây phút hiện tại, tôi không đủ to lớn để ôm hết được cái mênh mang của vẻ đẹp thanh tao đang khỏa lấp không gian. Sự tinh khiết quá đáng làm lòng tôi thấy mình thật nhỏ nhoi.

Trước sự diễm lệ ấy, tôi trở thành một đứa con trai lóng ngóng, vụng về. Có lẽ vai trò của con trai chúng tôi chính là làm chút điểm xuyết gượng gạo vào không gian trong ngần, tinh khôi này. Kết tinh của tuổi trẻ là đây. Chúng tôi sống cho những khoảnh khắc.

 

Khánh Khánh

Tôi bị nhiễm HIV, phần 2

Featured Image: Radoan_tanvir

 

Sống với HIV: Nỗi tức giận

Khi cơ thể bạn chất đầy nỗi đau đớn, bạn rất dễ trở nên giận dữ và khó kiềm chế. Và cuối cùng, nó sẽ trở thành những cơn thịnh nộ. Lúc đó, tôi thường đối phó với những vấn đề của mình bằng cách nổi điên. Bất cứ người nào thốt ra những câu nói mà tôi cho là khó chịu sẽ khiến tôi dường như muốn nổ tung, tự đấm tay vào tường, đập vỡ mọi thứ xung quanh hoặc làm những việc tương tự như vậy.

Nhưng tôi nhận ra rằng cơn giận có khả năng làm mờ tâm trí, khiến bạn hành động mù quáng. Tồi tệ hơn, cơn giận có thể làm tổn thương những người bạn yêu quý. Một cách tốt hơn để đối phó với các cơn đau là được khóc, bởi vì nước mắt không làm đau lòng ai và rồi sau đó, bạn sẽ thấy tâm trạng nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều.

Nhưng vào một dịp khác, tôi đã trở nên quá ốm yếu và sụt cân khá nhanh. Tôi đã la hét, khóc váng và… nặng lời với Chúa. Tôi giang tay đấm mạnh vào bức tường trong phòng. Đúng lúc ấy, cha tôi đi tới. Ông đóng cửa phòng rồi điềm tĩnh nói với tôi: Con trai ạ, cha không thể giúp gì được con. Bác sĩ không thể giúp gì được con. Mẹ con không thể giúp gì được cho con. Bản thân con cũng chẳng thể làm gì. Nhưng chỉ có Chúa mới là người có thể giúp con vượt qua nỗi đau này. Ông nói xong rồi bước ra khỏi căn phòng mà chúng tôi đang đứng.

Sống với HIV: Tìm kiếm niềm tin

Sau đó, tôi đã ngừng “thở than” về Chúa, thậm chí là cầu xin sự giúp đỡ của Ngài bởi tôi biết mình không còn lựa chọn nào khác. May mắn thay, tôi đã lên cân và tế bào T đã quay lại ở ngưỡng 365. Điều đó là quá tốt. Tôi cảm thấy tuyệt vời và chỉ có thế là đủ.

Năm học mới đã đến. Tôi đang tìm kiếm phòng ký túc xá thì gặp một cậu bé cao gầy, tóc vàng đứng ở gần đó. Cậu kia bảo tôi: Trông cậu cũng khá đấy, có muốn ở chung phòng với tôi không? Lúc đó tôi trộm nghĩ: Cũng được, nhưng mà…..

Nhưng rồi sau đó, chúng tôi đã ở chung phòng với nhau và trở thành bạn tốt. Sau này, tôi phát hiện ra là người bạn cùng phòng của tôi là dân Kito Giáo. Thời đó, tôi nghĩ những gì liên quan đến Kito thực ra rất cố hữu, đạo đức giả và hay lên án người khác. Nhưng với bạn của tôi, anh ta có những suy nghĩ khác hơn. Giữa hai chúng tôi thực ra có quá nhiều điểm khác biệt.

Tôi phát hiện ra rằng anh bạn cùng phòng của tôi gặp phải hội chứng khó đọc. Lúc học bài, cậu ấy dường như gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phát âm hoặc luôn phải “vật lộn” với các con chữ. Nhưng anh bạn này không giống như tôi là cứ đấm bùm bụp tay vào tường nhà hoặc phá vỡ các đồ vật. Khi ấy, cậu ta đang cố điềm tĩnh trở lại. Nhắm mắt, hít thở thật sâu và cầu nguyện, sau đó mới quay trở lại công việc của mình. Tôi đã từng ngạc nhiên vì tại sao cậu ta lại có thể điềm tĩnh đến vậy trong khi có thể phá bĩnh giống như tôi?

Người bạn cùng phòng mời tôi đến dự một kỳ nghỉ xuân với anh ta tại bờ biển Daytona. Ở đó, bạn tôi bắt đầu trò chuyện với những anh chàng khác ở gần chúng tôi bên bờ biển. Lúc đầu, đó chỉ là những câu chuyện phiếm. Nhưng sau đó, bạn tôi đã quyết định nói chuyện về những vấn đề nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn.

Thật khó để chia sẻ “vấn đề” của mình với những người lạ mới quen trên bờ biển, nhất là khi biết rằng bản thân mình có thể chết ở tuổi thanh xuân như trường hợp của tôi. Bởi thế, tôi trở nên khá mờ nhạt trong cuộc hội thoại giữa những anh chàng này vì không muốn tham gia. Nhưng họ vẫn tiếp tục trò chuyện, anh bạn của tôi bắt đầu nói về niềm tin với Chúa. Tôi cũng luôn có một bức ảnh của Ngài nhưng không biết có nên đặt niềm tin vào đó hay không. Và tôi lắng nghe những gì họ nói….

Sống với HIV: Đối diện với nỗi sợ hãi

Những anh bạn trên bờ biển hôm đó đã nói rất nhiều về đức tin của mình với Chúa. Từ hôm đó, cuộc đời của tôi đã đổi sang một trang mới. Tôi không còn cảm giác khiếp sợ mỗi tối trước khi lên giường khi phải nghĩ rằng cái chết đang sắp sửa ập đến với mình vào một ngày nào đó không xa. Cái chết chưa hẳn đã là một điều gì đó xấu xa, gây sợ hãi. Cái chết chưa hẳn đã kết thúc bằng bóng tối hoặc bị bao phủ bởi bóng tối. Tôi đã có sự quyết định cho riêng mình. Khi tôi chết đi, tôi sẽ dành phần đời ấy của mình với tình yêu bao la của vũ trụ…..

Tôi chỉ còn sáu tháng để sống. Hãy thử tưởng tượng mà xem, điều đó quả thực đã gây khó khăn cho cha mẹ tôi biết nhường nào bởi họ đang bất lực khi nhìn thấy cái chết của con mình đang diễn ra từng ngày trước mặt họ. Họ không thể làm gì cả. Chúng tôi không thể làm gì cả. Và cuối cùng, chỉ bằng cách tất cả chúng tôi đều đặt niềm tin ở Chúa.

Khi ở trong những nỗi tuyệt vọng, bạn cần phải dũng cảm đối mặt với sự thật và biết tìm kiếm niềm tin ở khắp mọi nơi, kể cả trong những lời cầu nguyện. Bạn thành tâm tức là bạn đã bắt đầu mối quan hệ của mình với các Đấng tối cao hoặc một đức tin nào đó mà bạn đi theo…..

Steve Sawyer đã qua đời vào ngày 13/3/1999. Đây là câu chuyện có thật của một thanh niên đã phải đối diện với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Chấp nhận sự thật và kiếm tìm niềm tin là cách tốt nhất giúp bạn vượt qua những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống. Đó là cách mà Steve đã nhận ra và kể lại cho bạn.

 

Tâm Giao

Những khu phố không có công nhân quét rác

Featured Image: Trọng Hiền Trần

 

Giới thiệu: Bài viết này là một góc nhìn của một bạn trẻ đang học tập và sinh sống tại Nhật.  Bạn sẽ ít khi nào thấy một miếng rác nào trên những con phố ở Nhật và cũng sẽ ít khi nào thấy công nhân quét rác. Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao đường phố nước Nhật luôn sạch sẽ không? Không phải ngẫu nhiên đâu. Chính nếp sống và ý thức của người Nhật đã xây dựng một đất nước Nhật xanh, sạch, đẹp. Các con đường, các con phố ở Việt Nam cũng có thể trở nên tương tự nếu con người Việt Nam đủ ý chí để xây dựng một đất nước xanh đẹp tương tự.


 

Một buổi sáng như mọi ngày trên đường phố Nhật Bản

2h30’- Đó là giờ mà tôi bắt đầu rời khỏi nhà để chuẩn bị cho chuyến giao báo hàng ngày. Nhiệt độ vẫn là dưới 10 độ C vào trung tuần tháng 4 trên vùng đất Kanto*. Vào giờ này nếu là ở Việt Nam, có lẽ cũng là lúc các cô chú công nhân đang miệt mài quét rác trên các nẻo đường. Nhưng ở Nhật Bản thì không! Đường phố vắng tanh, không một bóng người – âm u, rợn người đến lạ – 8 độ mà không rợn người cũng uổng.

3h45’ – Hành trình phát báo bắt đầu trên chiếc xe tay ga mà kiểu dáng từa tựa chiếc Spacy những năm đầu thế kỷ 21 ở Việt Nam, đằng sau là hơn trăm tờ báo đã được sắp xếp và cột dây gọn gàng thành từng kiện.

4h – Vẫn như mọi ngày – những con phố vắng tanh bắt đầu lác đác xuất hiện những bóng dáng mập mờ, thoắt ẩn thoắt hiện trong làng sương sớm. Đó là những ông cụ bà cụ, là các cặp vợ chồng trung niên, là các thanh niên nam nữ – hoặc đi thành từng cặp, hoặc đi lẻ loi một mình, hoặc dắt theo những chú chó. Vâng, họ đi thể dục buổi sáng chứ đi đâu mà thắc mắc.

4h20’ số báo trên xe đã phát hết, tôi đỗ xe ở trước siêu thị – nơi mà hơn 300 tờ báo khác – cũng trong tình trạng được sắp xếp và đóng sẵn thành kiện, được xe chuyên chở của tiệm chuyển đến khu vực mà tôi phụ trách.

Chồng báo lên xe và tiếp tục hành trình, trong lúc vi vu phát báo, tôi vẫn thường để ý đến hành động của những bóng đen trên đường. Những bóng đen – thi thoảng thì dừng lại, loay hoay, có khi lại cuối xuống quơ quào tay chân, có lúc lại móc trong người ra thứ gì đấy rồi lại nhanh chóng nhét trở vào… những hành động hết sức mờ ám!

5h sáng – ánh rạng đông từ từ ló dạng, tới lúc này thì tôi đã có thể nhìn rõ ràng những hành động “mờ ám” của những bóng đen. Và kia rồi, một ông lão đang khom mình lúi cúi, tôi lập tức tăng ga cho xe vọt ngang qua mặt đối tượng… Ồ, hóa ra ông ấy nhặt rác.

Từ đằng xa, tôi phát hiện một quý cô đang đứng cạnh con chó cưng của cô ta bên vệ đường, có vẻ con cẩu ấy chuẩn bị phóng uế đây mà. Cô gái cúi xuống, lại loay hoay, có vẻ chuẩn bị phi tang tang vật. Tôi bỏ vội tờ báo vào hòm thư rồi lại vọt xe đến hiện trường. Khi cắt ngang đối tượng thì tôi chứng kiến một hành động hết sức kinh tởm! Cô gái đang dùng giấy bóc phân bỏ vào bọc ni-lông. Ngạc nhiên chưa!

5h30 Tôi kết thúc công việc, người tập thể dục cũng giãn tuồng. Đường phố lại sạch bóng như chưa bao giờ có một mẩu rác. Thế là tranh thủ chụp vài tấm hình rồi trở về nhà, chuẩn bị cho giờ lên lớp.

Sạch sẽ từ ý thức

Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ thắc mắc: nếu ý thức người Nhật tốt như vậy thì rác ở đâu ra? Câu trả lời cho bạn là khoảng thời gian từ chiều đến đêm, khi mà các bà nội chợ hối hả đi về, khi mà các bợm say trong lúc bí tỉ làm rơi vãi cái lon hay mẩu mồi, hoặc đó là mẩu giấy, sợi dây rơi ra từ các xe chuyển phát hàng (như tui chẳng hạn).

Còn vụ phân chó, kể ra thì hơi lợm một chút nhưng vẫn phải kể. Người Nhật rất thích nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, họ cưng chúng ngang hàng thậm chí hơn cả con cái trong nhà. Sự cưng chiều này có lẽ giống nhau ở bất cứ đất nước nào. Chỉ có điều khác biệt so với ở một vài quốc gia nào đó là người Nhật rất ý thức, họ không mong muốn sự cưng chiều của họ làm ảnh hưởng đến người khác. Thế nên mỗi khi dắt chó đi dạo, họ thường mang theo bao ni-lông loại nhỏ, giấy báo hay giấy vệ sinh, một chai nước xịt. Mỗi khi thú cưng của họ trút bầu tâm sự xong thì họ sẽ ngay lập tức xử lý tàn cuộc, và xịt nước (có lẽ có cả khử mùi) để trả lại nguyên trạng cho đường phố.

Và đó là lý do đường phố ở Nhật đa phần luôn được giữ trong tình trạng sạch sẽ mà không cần đến những người làm công việc quét rác trên đường.

Nói thế không có nghĩa là ở Nhật nơi nào cũng sạch, nếu có dịp tham gia các lễ hội ngoài trời hay đến các khu ăn uống sầm uất, bạn sẽ có dịp chứng kiến những đống rác tích tụ do thể tích thùng rác không đủ hay những mẩu rác lạc loài trên đường phố do ai đó vô tình hay cố ý vứt xuống. Đó là những nơi hiếm hoi bạn có thể chứng kiến các công nhân vệ sinh làm việc.

Nhiều người nghĩ rằng người Nhật rất hoàn hảo, chỉnh chu, nhưng không phải tất cả người Nhật đều thế. Vẫn có những người thiếu ý thức, vẫn có những kẻ ngông nghênh coi thường mọi thứ… Nhưng nếu phải so sánh, tôi rất tiếc phải ví von rằng: số người kém ý thức giữ vệ sinh chung ở Nhật tương đương với số người có ý thức giữ vệ sinh chung ở Việt Nam.

Bài này tôi viết không phải để tâng bốc nước Nhật hay chê bai quê nhà mà tôi mong muốn trong một tương lai không xa, đất nước chúng ta sẽ đạt đến sự văn minh ít nhất là ngang hàng với nước bạn.

Là một người Việt, bạn sẽ để tình trạng mất vệ sinh ở Việt Nam tiếp diễn chứ? Hãy hành động từ ý thức, vì một Việt nam Xanh.

 

*Ghi chú: Kanto, khu vực các tỉnh trung tâm nước Nhật bao gồm cả Tokyo.

 

 Biên Soạn: Ku Búa

Tác Giả: Lãnh Trầm Phong

Một thanh viên của nhóm Việt Nam Xanh, Facebook: Việt Nam Xanh

Các bạn có thể xem hình ảnh của đường phố Nhật ở đây

Quân Phỏng D*’i: Quân Giải Phóng và những câu chuyện và ký ức của nhân dân miền Nam

Featured image: History.com

 

Giới thiệu

Vậy là đất nước ta lại sắp chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày Giải Phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa chung với niềm vui chung của cả nước, tôi xin góp vài mẫu chuyện văn hóa có thật để giúp các bạn có thêm niềm vui trong ngày chiến thắng vĩ đại này của dân tộc. Khi quân giải phóng (quân Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) tiến vào Sài Gòn, họ đã bị sốc văn hóa bởi sự khác biệt về cơ sở vật chất và văn hóa ứng xử. Bài viết này là một bài sưu tầm một số ký ức, kỷ niệm và câu chuyện về quân Giải Phóng của người dân Miaền Nam. Khi đọc thì không biết nên vui hay cười. Mời các bạn đọc.

Nhng ấn tượng ban đầu sau 30/4/1975

  1. Một anh sĩ quan quân Giải phóng lái xe tăng vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, bỗng dừng lại hỏi người dân bên đường: “Dinh Độc Lập đi đường nào vậy chú?” Ơ hay, các anh đi cả ngàn km để đến đây rồi mà cái bản đồ thành phố không biết đọc hay là các anh đi đánh trận mà không cần bản đồ hả?
  2. Bộ đội vô quán cà phê kêu cà phê: “Cô cho ly cà phê nấu nồi trên cái cốc nhá.”
  3. “Kem ngoài Bắc ăn chả hết nên phải đem phơi nắng đấy.” Mấy anh bộ đội tưởng ”kem” là chả cá, thịt cá, có thể phơi khô. Miền Bắc thời đó ít ai được ăn kem nên không biết kem là gì.
  4. Bắt được người vượt biên: “Chúng mày đi đâu, trốn sang Mỹ à, bộ đội cụ Hồ sẽ giải phóng luôn Mỹ, chúng mày có chạy đằng trời.”
  5. 2 anh bộ đội vào nhà người thân chơi, cô chị mở cái quạt trần, ngay lập tức 2 anh bộ đội liền cầm súng và chửi “máy chém, chị định giết bọn em đấy hả?”
  6. Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ sau Giải phóng được đổi tên thành “Xưởng Đẻ”. Nhưng sau này đã đổi tên lại vì thấy có gì đó không hay.
  7. Ngày xưa (sau 1975) lúc đó bộ đội không biết cái cầu tiêu là gì. Chuyện này tôi từng dạy và chỉ cho họ ngồi. Cầu tiêu đối với họ là hồ cá và rọng cá trong đó khi đi chợ về, giựt cầu một cái con cá đi luôn. Cứ đi tè và vệ sinh thì vào cuối hẻm mà làm tới! Mình phải dọn và chỉ cho một đám bộ đội vào chiếm những căn nhà lớn ở khu (hồ tắm Chi Lăng) chuyện nghĩ lại buồn cười và tội cho họ thật.
  8. “Cho chúng ông 1 ny… Sữa Hon-đa nhá! Khẩn trương nên lào…”
  9. “Nhà có phân thì đem ra hợp tác xã để trồng rau đấy nha.”
  10. Mấy anh sĩ quan bộ đội đi đâu cũng cầm theo cái máy radio để khoe, làm như nó quý giá lắm không bằng.
  11. Mấy anh bộ đội khi vào phòng vệ sinh thấy bồn cầu ngồi thì dùng đó để rửa tay, xong dội nước.
  12. Bộ đội khi tới Dinh Độc Lập thấy cái hồ nước liền tới hồ lấy nước rửa chân và múc uống. Nước đó không biết sạch hay dơ (bẩn). Có một bức ảnh rất nổi tiếng chứng minh sự kiện đó.

Bộ Đội Cù Lần

Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam! Bọn cán bộ cù lần khí phách kẻ thắng, lang thang đầy đường.. Thấy con gái Miền Nam bèn chọc ghẹo. Hai cô đi trước. Các cán.. lẻo đẽo theo sau buột miệng nói:

”Con gái Miền Nam đẹp thế nhỉ! Đít lại có gân.. cười hí..hí… (đường ren của quần lót)”

Một cô nói:

“Đồ.. bộ đội cù lần.”

”Khiếp.. dân Miền Nam hay nói tiếng ngọai quốc thế nhỉ!”

”Cù lần là tiếng Miền Nam, chứ đâu phải tiếng ngoại quốc.”

”Thế các cô có thể bảo cho chúng tôi biết, cù lần nghĩa là gì được không hả?”

”Ấy chết! Đừng nói. Nói nó cho ở tù đó!”

Đang lúng túng để tìm câu đấu khẩu. Một cô nhanh trí, dí dõm nói:

”Cù lần là đẹp giai ấy!..”

”Ớ giời! Thế thì ngoài Bắc các anh.. đa số là cù lần.. khối ra!?…”

Các cô bụm miệng, không nhịn cười được.. bỏ chạy toáng…

Vượt mặt Mỹ

Sau ngày 30-4-1975; hai anh em, một Nam một Bắc gặp lại sau bao nhiêu năm xa cách cùng nhau ra quán nhậu lai rai. Anh cán bộ miền Bắc nói:

”Nay hòa bình rồi, nước ta XHCN là đỉnh cao trí tuệ và trong một ngày rất gần sẽ tiến mạnh và vượt xa các nước trên thế giới, vượt qua cả Mỹ nữa.”

Anh miền Nam ở Sài-gòn nói:

”Ấy, đừng nên vượt qua mặt Mỹ, chỉ nên đi ngang hàng thôi.”

Anh cán bộ miền Bắc hỏi:

”Tại sao lại không vượt qua mặt mà chỉ đi ngang hàng thôi, khờ thế!”

Anh Sài Gòn nói:

”Nếu vượt qua mặt Mỹ, Mỹ nó thấy quần mình rách đít.”

Chuyện của năm 1975

Khi thấy các chú lính miền Bắc vục mặt vào bồn nước công cộng rửa ráy tay chân, mặt mũi và lấy nước đó để nấu cơm, thì một người dân Sài Gòn mới nói:

”Các chú ơi, nước ở đây dơ lắm, mấy năm nay lo đánh đấm chạy trốn nên không ai thay nước cả, các chú hãy vào nhà dân mà tắm rửa và xin nước nấu ăn cho sạch sẽ.”

Bị xấu hổ quá nên các chú ấy liền chạy vào nhà dân xin tắm rửa, nhưng khốn nỗi bước vào toilet của người dân bị Mỹ giày xéo không có thùng nước nào vì toàn dùng vòi labô các chú ngoài Bắc đâu thèm xài những thứ này, cả lũ đang đứng tần ngần, một chú chỉ cái bồn cầu bệt hét to:

”Đ*t mẹ, có cái giếng mà cũng đé* có tiền đào cho to ra mà dùng, ai mà đào được một tý thế này.”

Chú khác nói:

”Người ta bị áp bức, bóc lột nên không có tiền, thôi có nước rồi anh em lại thay nhau tắm rửa rồi đi nấu ăn.”

Nói xong anh ta đi lại bồn cầu, vục mặt xuống lấy nước ở đáy bồn cầu tạt lên mặt rửa ráy, xong còn làm một vốc bỏ vào miệng súc miệng, rồi làm ực một cái nuốt hết nước rồi đứng lên đi ra để nhường cho một người khác đang đứng chờ.

Sự tích “lê máy chém khắp miền Nam”

Còn nhớ khi các anh bộ đội cụ Hồ vào miền Nam lần đầu tiên thấy người dân người ta mở quạt trần, các anh hết hồn la toáng lên là máy chém, có anh đang đứng thấy quạt quay vù vù sợ quá chui cả vào gầm giường để nấp máy chém.

Tếu hơn là khi bộ đội cụ Hồ lần đầu tiên uống Coca Cola… thấy “Phỏng Giái quân” tràn vào nhà, ko biết là có bắt bớ hay tịch thu nhà cửa gì ko; dân miền Nam ai cũng nơm nớp trong lòng, cho nên vừa thấy bộ đội vào là lấy Coca ra ngay để mời các anh cu Hồ giải khát. Lúc bật nắp, nghe thấy tiếng xì xì các anh cứ tưởng lựu đạn lại nhẩy vào gầm giường nấp quả lựu đạn (Coca Cola).

Đấy, Mỹ nó lúc đi rồi mà còn để máy chém chạy đầy nhà dân miền Nam, làm bộ đội ta phải nấp gầm giường… cho nên sau này đảng ta đã thuật lại đúng y chang là “Mỹ – Diệm lê máy chém khắp miền nam”.

 

Sưu tầm bởi: Ku Búa

Biên Soạn: Ku DXD

19/4/2015

Tôi bị nhiễm HIV, điều đó là sự thực

Featured image: Monty Python’s ln Search or the Holy Grail

 

Một sinh viên trẻ nhiễm HIV đã tiếp tục sống trong hy vọng…, chỉ bởi một lý do. Làm sao bạn có thể sống được như vậy chỉ bằng niềm tin khi cuộc sống đang “ném đá” vào bạn?

Đây là câu chuyện có thật của một thanh niên…

Thời còn học trường trung học, Steve Sawyer đã nhiễm HIV và viêm gan do những lần truyền máu. Nhiều năm sau, vào thời điểm cậu bé Sawyer mới 19 tuổi, cậu nhìn trước được cái chết của mình bởi những diễn biến bệnh tật. Từ đó, Sawyer đã quyết định dùng những năm còn lại của đời mình để đi thăm hàng trăm trường đại học, chia sẻ với các sinh viên những điều mà cậu đã học được về cuộc sống, về hy vọng, về niềm tin trong một hoàn cảnh tưởng chừng rất khủng khiếp. Hàng ngàn sinh viên đã được nghe kể về câu chuyện có thật và niềm hy vọng, tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa của Sawyer . Niềm tin ấy sau này đã thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Buổi nói chuyện dưới đây của Steve Sawyer được ghi lại tại trường đại học California, Santa Barbara…

Ngoài khơi bờ biển Maine có một con tàu hải quân lướt trong màn sương mù dày đặc. Đêm đó, người thủy thủ bỗng dưng nhìn thấy một luồng ánh sáng từ xa và ngay lập tức báo cáo lên cấp trên: “Có một luồng ánh sáng cố định đang chiếu thẳng về phía chúng ta. Xin hãy cho biết tôi cần phải làm gì.” Chỉ huy trưởng ra lệnh: “Anh hãy bật đèn pha lên và chiếu thẳng vào ánh sáng kia, điều khiển để nó thay đổi hướng.”

Từ phí luồng ánh sáng khi dội lại câu trả lời: “Không, các anh cần phải thay đổi hướng tàu của mình.” Lại một lần nữa, người chỉ huy ra lệnh cho viên thủy thủ chỉ đạo con tàu đang tiến tới để buộc nó thay đổi hướng đi ngay lập tức.

Thế nhưng, câu trả lời vẫn kiên quyết là: “Không, chính các anh mới cần phải thay đổi hướng đi.”
Với nỗ lực cuối cùng, các thủy thủ trên con tàu hải quân đánh tín hiệu tới con tàu kia: “Đây là thuyền trưởng của tàu chiến hải quân Mỹ, tàu các bạn nên đổi hướng của mình ngay lập tức.” Câu trả lời nhận được ngay sau đó là: “Không, hãy đổi hướng đi của các anh. Đây là một ngọn hải đăng.”

Câu chuyện kể trên chỉ là phần minh họa cho cách con người chúng ta thường lựa chọn khi phải đương đầu với những khó khăn, đau khổ. Chúng ta luôn mong ước được thay đổi hoàn cảnh hơn là thay đổi chính bản thân mình. vì vậy con người ta hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm sống thật với bản thân và thay đổi bản thân. Cuộc sống của tôi là một ví dụ hoàn hảo giống hệt như những gì tôi vừa mới kể với các bạn, Steve Sawyer cho biết.

Sống với HIV: Những giai đoạn đầu

Từ khi sinh ra, tôi đã gặp phải rắc rối với chứng Hemophilia, một loại rối loạn máu khiến xương và khớp của tôi bỗng dưng sưng lên mà không có lý do. Hemophilia được điều trị bằng một loại Protein thu được từ các nguồn máu hiến tặng. Vào thời điểm những năm 1980 và 1983, không may là một trong số những “nhà tài trợ” của tôi bị nhiễm HIV. Kết quả là tất cả các nguồn thuốc mà tôi nhận được và điều trị trong thời điểm đó cũng bị lây nhiễm. Sau đó, tôi cũng bị viêm gan C bởi lý do tương tự. Tôi đã không biết mình bị nhiễm HIV dương tính cho tới khi tôi học năm thứ 2 đại học. Khi biết được điều đó, phản ứng đầu tiên của tôi cũng giống hệt như những người bình thường khác khi nhận được tin dữ. Tôi không tin mình bị nhiễm “HIV” và hoàn toàn phủ nhận điều này. HIV không khiến tôi bị đau như các rối loạn của Hemophilia đã hành hạ tôi. Hemophilia đã khiến cho các khớp xương và cơ bắp của tôi sưng tấy lên với những cảm giác rất đau đớn. Nhưng HIV thì khác, giai đoạn đầu thường không có những triệu chứng nào biểu hiện bên ngoài. Tôi thực sự không nhận ra mình có những thay đổi gì, bởi thế, tôi dễ dàng lờ đi và giả vờ quên căn bệnh quái ác của mình. Đó cũng là cách cha mẹ tôi lựa chọn để đối diện với tôi: “Con thấy không, trông con vẫn ổn. Con sẽ không sao hết.” Họ thường nói với tôi như vậy .

Sống với HIV: Sự phủ nhận

Steve lấy ra một ví dụ trong bộ phim Monty Python’s ln Search or the Holy Grail, trong phim có một cảnh thế này: Khi King Arthur đang chạy như bay trong rừng thì bỗng dưng chàng gặp một hiệp sĩ mặc áo choàng đen. Người hiệp sĩ kia chặn đường chàng và không cho phép Arthur đi tiếp. Lúc này, King Arthur nhận ra rằng chàng không thể đến đích nếu không đánh bại được hiệp sĩ mặc áo choàng đen. Trận chiến nổ ra, để rồi sau đó Arthur đã cắt đứt được cánh tay của hiệp sĩ nọ.

King Arthur thu kiếm lại, cúi chào và bắt đầu đi qua, nhưng hiệp sĩ hét lên “Không.” Arthur quay lại trả lời: “Tôi đã cắt đứt cánh tay của anh rồi.” Hiệp sĩ kia nhìn xuống và nói: “Ngươi chưa làm được điều gì cả.” King Arthur nhìn xuống đất và nói tiếp: “Cánh tay của anh đang nằm ở kia đó thôi.” Hiệp sĩ lại trả lời: “Đó chỉ là một vết thương thân xác.” Lúc này, Arthur nhận ra rằng anh ta phải triệt hạ đối phương mới có thể thoát khỏi nơi này. Bởi thế , cuộc chiến lại tiếp tục. Arthur cắt hết chân tay của hiệp sĩ rời khỏi cơ thể, cho tới lúc chỉ còn một cái đầu nằm bên gốc cây. Lúc Arthur đi ngang, vẫn có tiếng của hiệp sĩ hét vang lên: “Quay lại đi đồ hèn nhát. Ta sẽ cắn đứt đầu gối của ngươi.”

Không cần nói thì ai cũng biết rằng tiếng hét của hiệp sĩ kia giờ đã vô giá trị. Bản thân anh ta không thể đối mặt với thực tế là mình không còn khả năng để tiếp tục chiến đấu. Đây là một ví dụ hài hước của sự phủ nhận. Hiểm họa của sự phủ nhận là không thể chối cãi được. Nếu bản thân tôi cứ tiếp tục phủ nhận căn bệnh HIV của mình, tôi sẽ không có quyền được điều trị đúng cách, không được học về các phương pháp phòng tránh bệnh cho mọi người từ việc thận trọng, lưu tâm đến các vết xước nhỏ. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi có thể vô tình giết chết người khác và làm tổn thương đến chính bản thân mình. Việc từ chối hay phủ nhận căn bệnh cũng sẽ khiến tôi đau đớn vì không được cứu chữa, không nhận được sự đồng cảm của gia đình, của xã hội cũng như những người đồng cảnh ngộ. Tôi sẽ phải gánh chịu nỗi đau đó một mình. Khi bạn kìm nén cảm xúc, khi bạn đang cố gắng chịu đựng một “vấn đề” nào đó của mình trong suốt một thời gian dài, bạn giả vờ như không có nó, bạn không biết đối mặt với sự thực. Và cuối cùng mọi thứ sẽ đến lúc phát nổ.

Sống với HIV: Những điều phù phiếm

Tôi đã có thể phủ nhận căn bệnh của mình trong suốt ba năm trời. Nhưng đến những năm cuối thời trung học, tôi đã trở nên ốm yếu. Những dấu hiệu của bệnh đang dần lộ ra. Da dẻ tôi trở nên xanh xao, tái nhợt, thậm chí tôi còn không thể cầm được đồ ăn của mình. Tôi không thể nào tiếp tục giả vời rằng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Tôi bị HIV, điều đó là sự thực.

Tôi không còn có sự lựa chọn giữa việc phủ nhận bệnh tật của mình hay là chấp nhận thực tế. Bởi vậy, tôi đã phải tìm cách khác để đối diện với thực tại. Đầu tiên, tôi đã cố gắng tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu ai đó đi ngang qua tôi và nói rằng: “Steve, đây là lỗi của tôi. Tôi thành thật xin lỗi.” Ban đầu, tôi đổ lỗi cho cộng đồng những người đồng tính. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy thật ngu ngốc nếu cứ đổ tội cho một nhóm người nào đó về vấn đề của mình . Vì thế, tôi đã quyết định đổ lỗi cho Chúa bởi tôi cho rằng chính Ngài đã tạo ra điều này .