26 C
Nha Trang
Thứ ba, 5 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 137

[THĐP Review] Bước vào thế giới của nhau [Humans of Hà Nội] – Điểm 10 cho sự toàn vẹn

0

Bước vào thế giới của nhau (Through the Windows of Life) là cuốn sách Việt Nam đầu tiên khiến tôi khóc hoài không dừng được suốt từ lúc chạm tay vào bìa sách cho đến khi buông nó xuống mặt bàn sau khi đã đọc xong trọn vẹn không sót đi một chữ và không lỡ mất một hình nào. Cuốn sách là sản phẩm của Humans of Hà Nội – fanpage được truyền cảm hứng từ Humans of New York, nơi những câu chuyện của biết bao con người được lắng nghe và chia sẻ. Tôi sẽ dành tặng cuốn sách điểm 10 trọn vẹn bởi tất cả những gì tuyệt vời nhất nó đã làm được, từ việc cho bạn đọc thấy được nỗ lực của toàn bộ thành viên nhóm Humans of Hà Nội trong việc lan tỏa những điều ý nghĩa, dễ thương cho cuộc sống này, cho đến những bài học tâm hồn sâu sắc được truyền tải qua từng câu chuyện giản đơn mà thấm đẫm sự chân thành. Tôi nhìn thấy sức mạnh, trí tuệ và lòng nhân ái ngập tràn nơi này. Thực lòng mà nói, điểm 10 vẫn là một sự giới hạn cho một kẻ đánh giá, khi xúc cảm mà cuốn sách gây nên cho họ đã vượt qua mọi rào cản của sự cân đong đo đếm. Hãy thư giãn thưa các bạn, tôi sẽ lần lượt chỉ ra những lí do dẫn tới việc “Bước vào thế giới của nhau” đạt được điểm 10 trọn vẹn ấy!

Điểm 10 đầu tiên tôi dành cho những tháng ngày nỗ lực của những người bạn trẻ đã dấn thân vào cuộc sống để kết nối với mọi người, cho mọi cố gắng của họ trong việc chạm tới được những góc khuất trong tâm hồn người khác – Đây không hề là một chuyện đơn giản chút nào! Tôi biết rằng mỗi chúng ta đều có ít nhiều những tâm tư, những điều ấp ủ cũng như chôn giấu trong lòng, chúng trở thành một phần của mỗi người và làm cho chúng ta khác biệt. Tuy nhiên, tìm ra được một người đủ tin cậy, đủ rộng mở để sẻ chia về những phần sâu thẳm của cõi hồn mình thì không phải ai cũng làm được, và việc trở nên là một kẻ khiến người khác sẵn sàng trải lòng họ cùng với nụ cười hay những giọt nước mắt lại càng là điều hiếm có. Chuyện vui vẻ, hạnh phúc thì không nói làm gì, nhưng những lời tâm sự nghe như dao cứa vào lòng giữa một đêm đen như mực cũng đã được ánh sáng của sự chân thành soi tỏ thì tôi thấy nó quá đỗi kì diệu và tuyệt vời. Cuốn sách không chỉ đơn giản là một thứ để chúng ta lật lật, đọc đọc, cười cười, rồi khóc khóc, bản thân nó là cả một câu chuyện lớn, và tôi nhìn thấy Câu chuyện về sự chữa lành ở đây!

Những thành viên của HOHN (Humans of Hà Nội) đã đạt được một thành công lớn trong việc chiến thắng chính bản thân mình để rồi đủ sức mạnh đi kết nối với những sinh mệnh khác trong đời. Có thể bạn là một người tự biết cách chơi với chính mình, tự hạnh phúc được không cần phụ thuộc vào bất kì ai, tự hàn gắn những vết thương lòng cho bản thân, nhưng bạn đã bao giờ thử vào thế “bị động” và để một kẻ qua đường với một chiếc máy ảnh và đôi lời tâm sự, hàn thuyên chữa lành cho tâm hồn mình chưa? Nó giống như là bạn đang mang trên vai một gánh nặng kinh khủng, bạn có thể bỏ nó xuống bất cứ lúc nào, nhưng bạn vẫn đi tiếp vì thẳm sâu trong tâm khảm bạn biết rằng sẽ có một thiên thần tới bên và trợ giúp.

Tôi không nói là thiên thần sẽ mang giùm bạn mớ gạch đá đó, ý tôi là thiên thần sẽ cho bạn sức mạnh để những nhọc nhằn và phiền muộn đó chuyển hóa thành những nhành hoa hay những chiếc lông vũ xinh đẹp, và bạn thì vươn mình lên như một người khổng lồ đầy trí tuệ và lòng cảm thông. HOHN là những kẻ chủ động, họ lướt qua cuộc đời bạn và bạn được làm người bị động, đôi bên làm nên một cặp âm-dương hoàn thiện. Bạn bị động giống như lúc bạn thả mình vào giấc ngủ và sáng sớm hôm sau thức dậy, bạn thấy như được tái sinh với tinh thần cũng như thể chất dạt dào năng lượng. Bạn bị động giống như một anh chàng từ Sài Gòn ra Hà Nội và để người yêu của ảnh cầm lái đi qua mọi ngõ ngách khu Phố Cổ. Cuối cùng, anh ta thấy tâm hồn mình trở nên mềm mại diệu kì và anh đã học được cách chở che người khác trong khi được họ che chở.

Điểm 10 thứ hai tôi dành cho sự phong phú của cuốn sách từ hình ảnh cho đến nội dung. Bước vào thế giới của nhau gồm có 3 chương: Yêu, Sống và Ước mơ, và dù nội dung chính là gì thì cuốn sách cũng lột tả được rất nhiều những câu chuyện khác nhau với những cung bậc cảm xúc và những góc nhìn không hề trùng lặp. Nếu có một người hướng dẫn trong đời, thì tốt hơn cả là họ hãy biết cách giúp bạn nhìn cuộc đời theo nhiều khía cạnh nhất có thể và rồi từ đó bạn tự cân nhắc để đưa ra những quyết định cuối cùng cho bản thân mình. Người thầy là thật sự là người khơi dậy được “con mắt sáng” của học trò. Và riêng trong chuyện này, tôi xin nhận HOHN làm thầy!

Chỉ tạm xét trong chương đầu tiên của cuốn sách thôi, nói về Yêu, tôi thấy được rất nhiều dạng biểu lộ của tình yêu: Vợ chồng yêu nhau, cha mẹ yêu con, chàng trai yêu cô gái dù biết nàng là đồng tính nữ, bọn con nít yêu nhau, người già yêu nhau, yêu kỉ niệm, yêu thú nuôi, yêu nghề và yêu người dù người đó không còn hít thở làn không khí của cõi trần này nữa. Và rồi khi nhận ra tất cả chỉ là biểu lộ của một trạng thái tâm hồn nào đó thì đột nhiên chúng ta trở nên bao dung hơn với mọi người, và khiêm nhường hơn để quan sát, nhìn nhận những dạng biểu lộ khác nữa. Chính sự phong phú mà cuốn sách mang lại đã dạy cho chúng ta bài học về sự cảm thông cũng như về trí tuệ để thấu tỏ sự việc và con người.

Mỗi câu chuyện, mỗi cá thể sống trên đời này đều là một biểu lộ của sự sống, sẽ thật bất công và tàn nhẫn nếu chúng ta đem nhau ra phán xét, so sánh rồi phủ nhận sự tồn tại của nhau. “Kìa, cái váy của chị đẹp quá!” Ồ, hẳn là sẽ có một cái váy xấu xí (thậm chí xấu xa) ở đâu đó! “Mày nhìn thằng B con nhà bà C nó chăm chỉ học giỏi thế kia cơ mà, còn mày thì như thế nào, có đáng xách dép cho nó không!” Chao ôi, hẳn là chẳng có chút tình thương nào khi người mẹ nhìn vào sự chây lười và kém cỏi của đứa con dựa theo định nghĩa của bà về sự giỏi giang.

Làm ơn, hỡi những bạn đang đọc những dòng này, hãy nghe tôi nói dù chỉ một lần này thôi, chúng ta đã khổ quá nhiều và cũng đi làm khổ nhau quá nhiều rồi, chỉ vì sự hạn hẹp trong tầm nhìn cá nhân đi đôi với sự hẹp hòi của lòng nhân ái. Đã đến lúc chúng ta rộng mở chính mình và nhìn ra mọi điều xinh đẹp của cuộc sống rồi. Dù là chiến tranh hay giết người cướp của, dù là đánh ghen hay lao đầu xuống sông tự vẫn, hãy nhìn đi hỡi những người có một bộ óc và một trái tim không chỉ đơn thuần là vật lí. Nếu các bạn không nhận ra được bất kì một vẻ đẹp nào trong những thứ tưởng chừng như tiêu cực và thối nát ấy, thì bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy được một cuộc đời toàn vẹn đâu, cũng như không thể nắm bắt và thấu hiểu chính bản thân mình. Vì khi thế giới bên trong bất toàn thì bức tranh bên ngoài cũng chẳng thể lành lặn. Và ngược lại, khi nhìn cuộc sống đầy những khiếm khuyết thì ắt hẳn ta cũng chẳng bao giờ dám tung hô và ôm hôn toàn bộ tâm hồn mình. Vậy đấy! Hãy làm giàu chính mình lên các bạn, chính sự phong phú và giàu có mới là tiền đề giúp con người hạnh phúc. Một kẻ thiếu thốn từ vật chất cho đến tình cảm hay trí tuệ, đều là những con người khốn khổ, suốt ngày chỉ đảo điên đi tìm kiếm, và khi không được thì tranh giành, cướp giật của nhau bằng mọi thủ đoạn tàn nhẫn. Thế giới này nhiễu loạn đủ rồi, nó cần nhiều hơn những kẻ mang trong mình sự trù phú và niềm hạnh phúc của sự tận hưởng!

Điểm 10 tiếp theo tôi hân hạnh được dành cho hình thức của cuốn sách. Kết cấu sinh động, chặt chẽ, trực quan. Mọi hình ảnh đều mang chất lượng rất tốt với góc chụp tinh tế, khơi gợi nhưng cảm xúc sâu xa trong lòng người đọc. Chữ đen nền trắng, và chữ trắng nền đen, cùng với sợi dây đánh dấu màu ghi (kết hợp giữa đen và trắng). Tôi không biết những người trình bày cuốn sách này có cố ý không khi sử dụng màu sắc như vậy. Nó nhắc tôi về sự phân cực trải đều trong mọi ngõ ngách của cuộc sống như những dòng chữ trắng nổi lên trên nền đen, và rồi khi đi tới đâu ta cũng không quên về sự hợp nhất và hài hòa tựa như sợi dây đánh dấu trang màu ghi ấy!

Ngoài việc nhắc tôi về bài học quan trọng dường như bậc nhất trong đời này thông qua hình thức trình bày của cuốn sách, thì nó còn giữ cho tôi ý tưởng về sự kết nối khi Bước vào thế giới của nhau được viết song ngữ Việt – Anh. Điều này thể hiện một sự mở rộng, vươn mình ra với thế giới, nó như một tiếng gầm của Thần Cây cất lên vang vọng khắp núi rừng kêu gọi những tinh thần thiên nhiên khác thức giấc và sẻ chia một ngày mới xinh đẹp nữa bên nhau, trước khi cưa máy và trực thăng đến dẹp đi những gốc đại thụ và những người bạn động vật quý hiếm cuối cùng. Chúng ta sẽ không bao giờ chết, nếu chúng ta còn kết nối!

Về mặt hình thức chỉ có duy nhất một điều tôi chưa hoàn toàn hài lòng, đó là những khung ảnh và khung chữ viết đều đặt trong hình chữ nhật góc cạnh. Điều này mang cho tôi cảm giác nào đó về sự chia cắt, cứng nhắc và khoảng cách, thậm chí là hơi xung đột và cực đoan – điều mà đáng ra không nên xuất hiện trong cuốn sách mang tựa đề Bước vào thế giới của nhau. Tuy nhiên, nếu chủ đích của những người biên tập là gợi lên những nguyên nhân đã thúc đẩy con người tìm đến với nhau thì tôi sẵn lòng cho tác phẩm này hàng trăm con 10 nữa!

Và điểm 10 cuối cùng tôi dành cho sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người trong việc lan truyền những câu chuyện ý nghĩa của HOHN cũng như việc chung tay góp sức về tài chính cũng như tinh thần để cuốn sách tuyệt vời này có một ngày sinh nhật. Đây là một hành động chất chứa rất nhiều tình yêu thương khiến tôi càng thêm vững tin rằng: Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống!

Cuốn sách trông có vẻ giản dị này lại mang một sức mạnh phi thường trong việc chuyển hóa (một phần hoặc toàn bộ) tâm thức của con người, dù họ có ý thức được hay không. Đọc nó đi các bạn thân mến, để yêu Hà Nội, yêu nhau và yêu chính mình!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Bức thư tình của cô gái trẻ gửi người yêu

Ngày… tháng … năm …

Gửi người yêu dấu,

Anh à, hôm nay em bị sốt, đau đầu, cả người cứ run lên và em chỉ muốn khóc. Ước gì có anh ở bên, vì giọng nói của anh cho em cảm giác thật yên bình.

Lúc chiều, em đã hơi hoang mang khi cảm thấy “xao động” trước một người con trai. Có một cái gì đó gần gũi khác hơn so với bình thường anh ạ. Em vẫn đang quan sát xem cảm xúc đó có nguyên nhân từ đâu. Liệu nó có phải là từ sự cô đơn không, có phải em đang cảm thấy cô đơn để dễ dàng ngã lòng trước một người khác giới không? Hay là nó là một điều gì đó được kích hoạt? Em không biết nữa…em chưa biết…

Em không sợ yêu một người khác nữa anh ạ, em chỉ sợ phải lòng họ trong khi mình đang cảm thấy cô đơn mà thôi, như vậy tội nghiệp họ quá. Vì bây giờ em đang không có anh ở bên, nên bất kì cảm xúc bất thường nào với những người con trai khác em đều rất cẩn trọng. Em muốn tình yêu đến phải thật sự là tình yêu, chứ không phải là dạng thiếu thốn tình cảm cần một chốn dựa dẫm, dễ yếu lòng chỉ vì một chút tư tưởng hay tâm trạng được đồng cảm. Em không cần phải lặp lại dạng trải nghiệm đó nữa, em đã nếm trải nó quá đủ rồi!

Anh biết không, mỗi lúc bối rối khi cảm thấy mơ hồ về chuyện tình của chúng mình, em luôn quay vào bên trong và tự hỏi mình một câu rằng: “Em có đang yêu anh không?”. Chỉ cần trả lời được câu đó là lòng em lại an bình trở lại. Và lần nào câu trả lời cũng là “Có”. Em muốn viết cho anh thật nhiều những bài thơ tình, chúng thường ngân nga và dạt dào trong lòng em như giọng hát của những thiên thần giữa một không gian ngập tràn ánh sáng và hương thơm ngọt ngào.

Em nhớ anh nhiều lắm nhưng không hề sầu não hay bi lụy. Đôi lúc em nhìn ngắm cô gái bé nhỏ trong em nhớ anh da diết, cồn cào và cô ấy muốn khóc một ít. Cô ấy cũng dễ thương phải không anh? Nhưng em không nhớ anh theo cùng một cách như vậy. Em nhớ anh vì em yêu anh chứ không vì mong muốn anh ở bên mình. Lần đầu tiên em quan sát được cô gái yếu đuối trong em và đã hoàn toàn lắng nghe cô ấy. Cô gái không hề sai, cô ấy chỉ là một phần con người em và em sẽ yêu anh bằng tất cả những gì mình có, dù là yếu đuối hay ủy mị.

Hôm nay, em vào trang cá nhân của anh và nhìn lại những bức ảnh. Em thấy rõ sự thay đổi trên gương mặt anh qua ngày tháng, trong thần thái của anh có sự từng trải, còn ánh mắt anh thì chất chứa những suy tư. Em thương anh nhiều lắm, và cũng tự hào về anh nữa khi mỗi ngày em lại thấy anh trưởng thành và mạnh mẽ hơn dù bản thân đã phải trải qua biết bao khó nhọc và đau đớn. Chúng ta như những đứa trẻ non dại gặp nhau, cùng nhau đi qua những thử thách và cùng nhau vươn mình thật đẹp anh nhỉ. Em luôn cảm ơn anh vì mọi điều anh mang đến cho em, nó giúp em trưởng thành và hoàn thiện hơn rất nhiều. Từng ngày, từng ngày trôi qua là từng ngày thay đổi. Để rồi một lúc nào đó nhìn lại, em không còn là cô bé ngốc ngày nào nữa…Nhưng mãi là cô bé ngốc trong lòng anh!

Có hôm đi trên đường, vừa nghĩ đến anh và đưa mắt nhìn theo những gì thu hút sự chú ý của mình thì em nhìn thấy ngay chữ SKY (Bí danh của người con trai trong lá thư). Lúc đó em hạnh phúc lắm vì cảm giác như khi em gọi tên anh và anh đáp lại rằng “Ừ, anh nè, anh đang ở ngay đây với em nè!”. Em muốn gọi tên anh mãi thôi! Sẽ không bao giờ, không bao giờ em thôi ngạc nhiên vì những gì mình có được ngày hôm nay, em có cuộc đời của chính mình, em có tình yêu và em có anh, đó là những điều thật tuyệt vời!

Bỗng nhiên em thích có trải nghiệm yêu nhiều hơn 1 người cùng 1 lúc, tức là yêu ai đó nữa cùng lúc vẫn yêu anh. Em nghĩ nó sẽ rất thú vị, cảm giác như 2 chiều kích lồng vào nhau, như là không gian 2 chiều trở thành 3 chiều và rồi cứ tăng lên số chiều kích khi em yêu thêm 1 người nữa. Anh nghĩ sao về ý tưởng đó? Anh có muốn trải nghiệm đó cho chính mình không? Yêu thêm 1 người nữa khi vẫn đang yêu em? Và hai chúng ta sẽ cùng chia sẻ với nhau về trải nghiệm đó?

Em thấy mình thật may mắn vì có anh trong đời, được yêu anh, và được anh yêu thương. Nếu như tình yêu vươn đến tận chân trời thì khi em chạy đến đường chân trời đó, nó lại ở xa hơn nơi em đứng 1 đoạn nữa, và em sẽ chẳng bao giờ biết được giới hạn của tình yêu em dành cho anh. Nó cứ như mở ra đến vô cùng vậy! Nhưng điều hạnh phúc nhất đó là em có thể chia sẻ tất cả mọi điều với anh, không một chút lo lắng hay sợ hãi rằng anh sẽ phán xét em, rằng chúng ta sẽ bất đồng quan điểm rồi cãi vã nhau và rằng anh sẽ không yêu em nữa. Em biết mình sẽ luôn được anh yêu thương và lắng nghe dù những tâm tư “khác thường” của em khi nói ra có thể làm náo loạn tâm trí của nhiều người khác nếu như họ làm người yêu em.

Thôi cũng đã muộn rồi, anh ngủ đi, em sẽ hát ru cho anh và hôn thật nhẹ lên vầng trán của anh nhé, người yêu bé nhỏ! Em sẽ bảo vệ anh, sẽ cùng anh đi tới mọi nẻo đường dù là chông gai hay khó nhọc. Em yêu anh rất nhiều…Chúa ban phước lành cho anh!

[THĐP Review] Peter Pan, James Matthew Barrie – Mỗi chúng ta đều cần có Mẹ

2
  • “Thuyền trưởng, hay bọn mình bắt cóc mẹ của bọn trẻ con để đem về làm mẹ của chúng mình?”
  • “Tuyệt vời! Hook kêu lên.”

Có lẽ đây là chi tiết dễ thương, hài hước mà xúc động nhất trong truyện Peter Pan dành cho một kẻ tự nhận mình có tính cách “quái dị” và nhiều lúc cũng cần mẹ kinh lên được như tôi đây. Đọc xong cuốn truyện, tôi chẳng quá bận tâm đến cuộc phiêu lưu kỳ ảo của “cậu bé không bao giờ lớn lên” Peter ấy, tôi cũng không lấy làm ấn tượng lắm với chuyện đám cướp biển lừa được lũ trẻ lạc và rồi chúng lại bị bọn trẻ ranh bịp bợm trở lại, vì một bức tranh lớn khác đã hiện lên choáng ngợp tâm trí tôi, đó là: Ở đây toàn một lũ không có mẹ, và chúng đang đánh nhau!

Mẹ, theo định nghĩa ban đầu của tôi, là bất kỳ ai, bất kỳ điều gì mang lại cho chúng ta cảm giác được chăm sóc, thương yêu và dưỡng nuôi, mẹ cho chúng ta cảm giác như đang ở nhà – thoải mái, yên bình và an toàn tuyệt đối. Nếu những gì tôi nghĩ là đúng thì quả nhiên, tất cả nhân vật trong truyện đều là những kẻ thiếu thốn tình yêu thương trầm trọng!

Nhìn kỹ lại mới thấy, Peter đã cướp Wendy từ chính tay mẹ của cô bé để mang về làm mẹ mình (Dù rằng Wendy tình nguyện ra đi nhưng quyết định của nàng ta đã bị Peter thao túng), rồi những tên cướp biển lang thang tội nghiệp lại cướp Wendy từ tay Peter để mang về làm mẹ mình (lần này không phải thao túng, vụ cướp vẫn thành công nhờ mưu hèn kế bẩn!). Các bạn có thấy không, người ta thiếu thốn tình cảm đến mức trở nên đê tiện và phải giở món cướp giật thủ đoạn, ngay đến cả người mẹ đáng kính họ cũng đem ra tranh giành nhau. Ôi chao, đáng thương thay cho những đứa con khốn khổ! À mà không! Phải là đáng thương thay cho người mẹ mới đúng! Chao ôi!

Tôi dám cá rằng già nửa số người trên hành tình này dù có mẹ đi chăng nữa nhưng vẫn luôn sống trong sự thiếu thốn tình cảm, cần người sẻ chia và chăm sóc! Tôi không có ý đổ lỗi cho những bà mẹ không biết quan tâm con cái mình (nếu như thế thật thì cũng đáng bị đổ lỗi lắm), điều tôi muốn nói ở đây là:

“Bên trong mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ, chúng cần được yêu thương và dưỡng nuôi.”

Các bạn có nhận ra những lúc mình cáu kỉnh, giận dỗi khi không được làm điều mình thích, những lúc mình tham lam quá mức, đòi hỏi quá mức sự chiều chuộng, quan tâm từ người khác, những lúc mình cần được khen ngợi khi làm tốt điều gì đó rồi nhanh chóng cảm thấy tủi thân ghê gớm khi chẳng ai ngó ngàng gì đến mình cả? Đó chính là phản ứng của đứa trẻ bên trong bạn đó. Nó luôn kiếm tìm sự chú ý, sự yêu thương, sự chấp nhận từ người khác, nó huênh hoang, tự mãn, thích thể hiện, thích phiêu lưu, tự do, sáng tạo, lãnh đạo và đặc biệt, nó rất dễ bị tổn thương. Có nhiều những vết thương lòng sâu sắc và chất chồng đến mức người ta luôn khao khát tìm được một mái ấm, một người yêu, người tri kỷ, để lắng nghe, để vỗ về, để dỗ dành mỗi khi họ khóc.

Nói tới đây tôi lại nhớ đến mấy câu hát trong bài Try của Pink: “Why do we fall in love so easy? Even when it’s not right.” Vì sao ư? Vì chúng ta khổ quá rồi, có ai ngỏ lời yêu (hay chỉ mới bật đèn xanh thôi) là chúng ta đã xiêu vẹo ngay lập tức! Nhưng bi kịch thật sự đó là hai kẻ đều thiếu thốn tình cảm lại cùng lúc đòi hỏi tình yêu từ kẻ kia, và họ vẫn có cảm giác rằng mình đang cho đi tình yêu khi ở trong mối quan hệ quá đỗi nghèo nàn đó.

Nghe thật muốn phì cười vì nó chẳng khác gì hai kẻ đang cùng chết khát giữa sa mạc khô cằn, mừng rỡ gặp nhau và cùng mong kẻ khốn cùng kia tưới cho mình một ít nước. Vâng, họ sẽ được tưới nước mát thôi, nước mát trong ảo ảnh! Và rồi khi cơn khát càng ngày càng dâng cao, còn ảo ảnh thì càng lúc càng mờ nhạt, đó là lúc họ nhận ra lưỡi hái của thần chết đã kề sát cái cổ họng héo quắt của họ. Thiếu thốn lại càng thiếu thốn, cộng thêm niềm tin vào tình yêu bị sụp đổ, thêm một chút căm phẫn đớn đau, kẻ đó sẽ chết nhanh hơn bao giờ hết!

Nếu tôi được làm mẹ của lũ trẻ lang thang rồi được cướp về để làm mẹ của những tên cướp biển cũng lang thang nốt ấy, thì có lẽ tôi sẽ không làm những công việc như “bà mẹ trẻ Wendy” vẫn làm trong truyện, đó là: Hàng ngày kể chuyện Lọ Lem cho những đứa con, nhắc chúng đi ngủ rồi dém chăn cho từng đứa vào buổi tối, và khâu khâu vá vá đủ các thứ từ tất rách cho đến đầu gối quần bị thủng. Tôi, chính tôi sẽ làm một cuộc cách mạng trong sự nghiệp làm mẹ này, bằng cách dạy cho tất cả những đứa con bé bỏng cách yêu thương chính bản thân mình, cách tự đối mặt với nỗi cô đơn và những nỗi đau để biết cách an ủi, chữa lành cho chính mình.

Tóm lại tôi sẽ dạy chúng cách tự làm mẹ của chính chúng nó! Để không đứa nào phải tranh cướp tôi hay bất kỳ bà mẹ nào khác nữa, chẳng có đứa nào phải giết nhau bằng được chỉ vì nhìn thấy vẻ hợm hĩnh đáng ghét của đứa kia nữa! Chúng nó sẽ tự biết yêu thương bản thân và biết yêu thương nhau, dù cướp biển và lũ trẻ lạc đã từng là kẻ thù không đội trời chung. Sau đó ắt hẳn câu chuyện sẽ có những khung cảnh thật ngọt ngào, ấm cúng:

Thuyền trưởng Hook một tay giơ móc sắt làm móc treo mũ và quần áo cho cả nhà, tay còn lại đánh đàn tưng bừng rộn rã, trong khi Peter dạy tất cả các thủy thủ cách nhấc mình lên khỏi mặt đất để diễn cảnh “Những người Hà Lan bay” và rồi cuối cùng, Smee sẽ hát ru cho cả lũ chìm vào giấc ngủ ngon lành sau một ngày chơi bời mệt nghỉ. Thế là tôi được rảnh nợ cho đến hết đời và tha hồ có thời gian đi nghỉ mát dưỡng già ở Wonderland (không phải Neverland đâu nhé)! Hô hô hô.

Đùa chút thôi! Vậy là một người mẹ không chỉ đơn giản đẻ ra những đứa con, mà một người mẹ thật sự cần đẻ ra những người mẹ – những người kiên nhẫn, biết lắng nghe, trí tuệ sắc sảo cùng trái tim đầy nhân từ. Thế giới này cần nhiều mẹ hơn bao giờ hết, vì các bạn cứ nhìn mà xem, ngay đến mẹ Trái Đất to lớn như thế, bao dung như thế cũng chẳng đủ cho những đứa con tham lam và ngu dốt, suốt ngày chỉ thải ra ngùn ngụt những khói và tòng tọc những nước đen ngòm cho người mẹ khốn khổ xử lý, rồi khi rảnh rỗi, chan chán, cũng như lúc hóa điên lên vì lòng tham, chúng lại quay ra đâm chém anh em đồng loại và ăn thịt các anh em khác loại.

Các bạn ạ, Peter và tất cả các nhân vật khác trong truyện đều cần mẹ, chỉ trừ mẹ của Wendy, vì không ai đề cập đến rằng bà Darling có cần một người mẹ không, khi bà ấy còn đang mải mê làm một người mẹ. Nếu như ai cũng cần mẹ theo đúng nghĩa là một dòng nước mát lành, là đại dương xanh bao la và là Mặt Trăng êm dịu thì sẽ còn ai hỏi đến mẹ nữa không khi đã có bà rồi? Liệu còn bà mẹ nào khác nữa ở ngoài kia nữa không, người mà chẳng bao giờ xuất hiện bằng xương bằng thịt trước mắt ta nhưng luôn ở trong tâm hồn ta, một nơi thật gần gũi mà đôi lúc ta lại cảm thấy xa lơ xa lắc.

Ý tôi muốn nói là Người mẹ tinh thần của mỗi người. Có thể đó là Phật, là Chúa, là mẹ Quán Âm hay mẹ Mary, đối với những tín đồ sùng bái tâm linh, tôn giáo; hay có thể đó chỉ là một giọng nói khẽ khàng trong tâm khảm chúng ta, gợi lên một hình bóng thân thuộc luôn yêu thương và giúp ta bình an trước mọi giông tố cuộc đời, người mà xuất hiện trong từng lời nguyện cầu của chúng ta và ru ta đi vào giấc ngủ thanh bình, để rồi sáng hôm sau thức giấc, mọi nguyện ước đã đều được thành tựu theo cách ngọt ngào nhất.

Một đứa trẻ thiếu đi người mẹ Trái Đất sẽ vướng phải không ít khó khăn trong cuộc đời, chúng sẽ gặp ít nhiều vấn đề nào đó về sức khỏe, tâm lý hoặc sinh lý. Nhưng một đứa trẻ hoàn toàn quên mất người mẹ tinh thần của mình, chúng sẽ không bao giờ tìm về được NGÔI NHÀ thật sự của chúng. Trong lòng đứa trẻ đó sẽ luôn phảng phất cảm giác lang thang, lạc lối dù nhà cửa đề huề, gia đình đầy đủ, thường xuyên ám ảnh cảm giác bất an dù cả đời đã sống lương thiện, và đôi lúc nghĩ mình bị hoang tưởng khi trỗi lên cảm giác mất đi nguồn cội dù ngày nào cũng ba lần vái lạy bàn thờ tổ tiên.

Tôi dám khẳng định rằng, ngoài một người mẹ bằng xương bằng thịt (có thể dưới hình hài một người mẹ, người yêu, người bạn, người thầy, người tri kỷ, v.v…), chúng ta còn rất cần một người Mẹ tinh thần, một người hướng dẫn cho tâm hồn. Các bạn có bao giờ tự hỏi rằng: Điều gì đã thôi thúc Peter đi tìm một người mẹ? Ai đã nhắc cho cậu bé ý tưởng đó nếu như không phải là người mẹ tinh thần của cậu? Và ai là người “xúi bẩy” Hook đi cướp “mẹ Wendy” về cho riêng mình? Những bà mẹ sẽ mãi là những bà mẹ, luôn thấu hiểu đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình và giúp nó đi tới để đạt được điều mà nó cần, điều tốt nhất cho nó. Chẳng phải Peter và Hook đều cần Mẹ đó sao?

Nhắc đến Mẹ không thể không nhắc đến cha, vì bản chất cuốn truyện này đã sặc mùi nhị nguyên. Ấy thế mà tôi lại chẳng thấy hình ảnh người cha ở đâu cả, cho dù Peter có giả vờ làm cha đi chăng nữa, cậu ta chẳng hiểu cái cóc khô gì cả! Quên cha đi, tôi chỉ đang thấy hàng núi phân cực và những sự chia rẽ trải đều khắp truyện.

Điển hình dễ nhìn thấy nhất là cuộc chiến giữa Peter và Hook, giữa những đứa trẻ và những tên cướp biển, giữa sự ngây thơ trong sáng và sự xảo trá đen tối. Nhưng ôi chao, bản thân sự phân cực này đã đầy đau đớn hơn rất nhiều lần cuộc chiến tranh mà hai phe gây nên với nhau rồi. Bi kịch nhất là khi cả nhân loại đều đứng về phe Peter cùng đồng bọn và hả hê, mãn nguyện khi nhìn thấy Hook cùng những người đồng nghiệp bị giết chết không còn một mống nào, dù là bị kiếm đâm hay rơi vào mồm cá sấu.

Những người Mẹ hẳn phải xót xa lắm khi nhìn những đứa con chém giết nhau như vậy. Tôi không muốn đứng về phía “tốt đẹp” để mà phải nhìn cái “xấu xa” bị đâm chém. Tôi không muốn thấy ai bị tàn sát cả vì mọi biểu hiện của sự sống đều đáng được trân trọng, dù là trong ý niệm của cả thế giới, những thứ gọi là “xấu xa” đó là những điều đáng bị nguyền rủa. Tôi thấy điều duy nhất đáng bị nguyền rủa chính là bản thân những lời nguyền đó (Mà cũng chẳng cần, chính sự nguyền rủa đã tự mang năng lượng của sự nguyền rủa rồi, nó đã tự uống thuốc độc trước khi bỏ chính mình vào bát nước của kẻ khác rồi). Câu truyện trở nên quá tàn nhẫn khi được nhúng vào một sự chia rẽ và phân cực tột độ.

Bây giờ các bạn hãy tạm quên cậu chàng Peter với những chiếc răng sữa dễ thương đi, hãy nhìn thuyền trưởng Hook mà xem, ông ta là biểu hiện đẹp đẽ và sinh động nhất của sự lật lọng, mưu mô, của sự ảo tưởng về vẻ quý phái lịch thiệp, của sự ghen tuông đố kỵ và đôi lúc của sự ngây thơ, ngốc nghếch như một cậu trẻ nít. Như thế có gì là sai khi một người sống thật lòng với chính họ nhất? Hook đâu có cố gắng giả tạo, cố gắng sống khác đi với bản chất của mình để làm vừa lòng ai, trong khi cái việc ấy lại là việc yêu thích của phần lớn số fan Peter Pan, nếu như không nói là của hầu hết những người sống trên cõi đời này (cả người đang sống và những người đã từng sống nhé).

Tôi muốn cả hai bên đều được tung hô, Peter và Hook, vì mọi biểu lộ chân thành của họ đều đáng được trao cho những cái hôn, dù nó là dễ thương hay cáu kỉnh, là thẳng thắn hay xảo trá, là cần mẹ hay không cần mẹ. Còn những ai không chân thành, những ai dối lòng chính mình và ngăn trở dòng sự sống biểu hiện, những kẻ đó sẽ chẳng bao giờ được sự sống ủng hộ. Vậy nên dối trá với chính bản thân mình là điều nguy hại nhất mà tôi từng biết. Nhưng… nếu họ dối trá một cách chân thành thì sao nhỉ? Mẹ kiếp, những cái hôn đấy, bảo họ lấy hết rồi biến đi! (Não của tôi cần được nghỉ ngơi, làm ơn!)

Vậy nên hỡi những bạn trẻ, với những nội dung liên quan đến mẹ tôi vừa nêu trên, nếu các bạn đã đọc truyện rồi và xem cả phim nữa thì hẳn các bạn cũng thấy được khả năng nổi bật nhất của Disney trong vụ chuyển thể này đó là “tầm thường hóa” tác phẩm lừng danh xứ Anh Quốc và “dung tục hóa” Peter Pan nổi tiếng xứ Neverland khi để cho Wendy và Peter yêu nhau như một cặp gà bông lãng xẹt.

Tình Mẹ, nó ở một đẳng cấp hoàn toàn khác với tình yêu trẻ ranh này. Bây giờ bọn học sinh cấp một cũng yêu nhau được như vậy! Nó chẳng có gì là vĩ đại trong tình yêu đó cả, tôi chỉ nhìn thấy biểu hiện của một dạng tâm sinh lý bất ổn do sử dụng quá nhiều sản phẩm biến đổi gen, hay một cái gì đó bất thường tương tự.

Peter trong sáng như một đứa bé mới chào đời. Chẳng có đứa trẻ mới chào đời nào lại mặt đỏ tưng bừng khi được một kẻ khác giới hôn cả, vì nó còn chẳng thèm quan tâm xem giới tính của chính mình là cái cóc khô gì. Thứ duy nhất nó quan tâm trên đời đó là mẹ, là mẹ chứ không phải “gấu chó” và mấy vụ hôn hít ngu xuẩn.

Nếu như câu chuyện thành công trong việc nhắc khéo người đọc về tầm quan trọng kinh khủng của những người mẹ thì nó còn chứa cả một bể đầy những hình ảnh ẩn dụ, mà nếu viết chúng ra và giải nghĩa tất cả thì ta có thể xuất bản một cuốn sách dày cộp dài khoảng 600 trang với tựa đề Peter Pan và ngôn ngữ biểu tượng. Cuốn sách sẽ lần lượt diễn ra như sau: Chương 1. Peter – Đứa trẻ bên trong mỗi người. Chương 2. Wonderland – Những chiều kích khác trong vũ trụ. Chương 3. Tinker Bell – Mọi thứ không như vẻ bề ngoài, đôi lúc trái ngược một cách quái đản,… Và cứ như thế cho đến chương 60. Cái hôn – Tình yêu hoặc là cái cúc treo ở sợi dây chuyền trên cổ.

Phải nói là truyện có quá nhiều ngôn ngữ biểu tượng mang nội dung sâu sắc, nếu nó chỉ được viết để cho bọn con nít đọc chơi thì thật quá hoài công, để cho chúng nó xem “sản phẩm lỗi” của Disney là được lắm rồi, vì cuốn sách này thừa sức làm thầy cho hàng triệu người lớn trên quả đất này!

“Peter Pan” được viết nên bằng một văn phong đậm chất hài hước, phản ánh một nội tâm phong phú và trí tưởng tượng không biên giới của tác giả. Hài hước đủ các cấp độ từ mỉa mai, châm biếm cho đến quái đản, hại não. Tôi có cảm giác tác phẩm là sự kết tinh toàn bộ chất hài từ những cuốn truyện thiếu nhi đặc sắc nhất như: “Nhóc Niclolas” “Pippi tất dài” và “Lão Kẹo Gôm”. Nếu không học được chút gì về cách làm Mẹ hay về những bài học khác trong nội dung của cuốn sách, người lớn có thể học được cách pha trò hay rèn luyện cái óc khôi hài của mình đến trình độ làm đứa con bật dậy ngồi cười rơi cả răng ngay sau khi vừa ru nó vào giấc ngủ.

Chẳng phải trong cuộc đời, hài hước là điều mà chúng ta cần chỉ ngay sau mẹ thôi đó sao! Vì một khi mẹ không thể làm chúng ta an bình và đi qua khó khăn được (thật ra là chúng ta quá ngu dốt khi không hiểu được lời mẹ) thì chúng ta cần tìm thấy chút hài hước trong mọi tình huống ngặt nghèo của cuộc sống. Ví như khi nghe tên sếp quát tháo điên cuồng vào mặt, ta lại nhớ đến tiếng loa phát thanh của thôn những lúc bị chập điện, rồi ta lại khẽ mỉm cười trong lòng và dâng trào cảm giác an bình khi nhớ về quê hương yêu dấu. Thế đó, hoặc là mẹ, hoặc là khiếu hài hước sẽ cứu rỗi cuộc đời bạn. Sẽ thật may mắn nếu như bạn có một bà mẹ hài hước, cả thế giới sẽ muốn làm anh em của bạn!

Tóm lại, “Peter Pan” là một tác phẩm đáng để các bạn nghiền ngẫm cũng như tận hưởng. Nếu chủ đích của tác giả viết cuốn truyện này là để cho người ta thấy rõ được bức tranh về nhị nguyên, về sự chia rẽ và tranh đấu, về mẹ, thì tôi sẵn sàng cho nó điểm 10 đẹp nhất. Nhưng với tư cách là một độc giả hướng đến sự hợp nhất và hài hòa, thì tôi thấy “Peter Pan” chưa vượt qua được mức điểm liệt. Tôi có thể cho nó 9 điểm về tính bạo lực, chia rẽ và tranh đấu, 1 điểm còn lại cho lòng nhân từ. Nhưng vì cuốn truyện đã gợi mở cho tôi những ý tưởng về mẹ và “mãn não” (thỏa mãn bộ não) tôi bằng những pha gây cười số một, tôi sẽ cho nó điểm 8.0/10.

Xin tặng các bạn một bài thơ nhé, coi như lời cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài review này. Bài thơ có tựa đề “Lời của Mẹ”:

Này con ơi nghe lời mẹ dặn
Đảo điên trời đất mấy mùa trăng
Dòng đời vội vã bao mưa nắng
Bình an con giữ lặng trong lòng.

Chuyện người ta đâu cần nghe ngóng
Mắc vào lòng bao mớ bòng bong
Đường con thẳng tiến đi muôn dặm
Giũ cho sạch rác chớ lòng vòng.

Con ơi hay giữ đủ thong dong
Khi đời đen, đỏ, tím với hồng
Người đâu phiền hà con mấy chốc
Gồng lên một cổ với bao tròng.

Mẹ luôn ở đây con thấy không?
Là tiếng ca nhỏ khẽ trong lòng
Mang nặng còng lưng con mỏi mệt
Trong vòng tay Mẹ hé cầu vồng.

Con ơi hãy cứ lặng yên thôi
Bên Mẹ con đã có Nhà rồi
Kệ ngoài kia bão hay mưa quất
Ngủ ngoan con chẳng vướng sự đời.

Dõi theo con qua hẻm cong, ngõ tối
Ngày thư thả, chiều ngả chơi vơi
Mẹ ở đây dẫn đường chỉ lối
Khi con lạc mất ánh mặt trời.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn rằng:

“Trong mỗi chúng ta đều có Peter và Hook. Hãy làm Mẹ của cả hai đứa này!”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Giải thích về khủng hoảng nợ công của Mỹ

 

 

Giới thiệu: Nợ công của Mỹ hiện tại là $17 ngàn tỷ USD ($17 trillion, con số này hiện tại đang ở mức $182 ngàn tỷ, 6/7/2015). Đó là một con số nằm ngoài sức tưởng tượng. Đa số người sẽ không bao giờ kiếm tới $1 triệu USD trong một năm.

Làm sao để chúng ta hiểu được tầm quan trọng của mức nợ này? Giờ vầy, cứ tưởng tượng bạn đang nợ công ty tín dụng (ngân hàng) $200,000. Ngoài số tiền đó bạn phải trả họ $4,000 tiền lãi suất mỗi năm. Bạn có thu nhập $150,000/năm nhưng bạn tiêu thụ nhiều hơn có số đó rất nhiều. Làm sao bạn có thể trả hết số nợ $200,000 đó được? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn vỡ nợ? Đó là tình trạng hiện tại của nước Mỹ ngày hôm nay. Vấn đề rất rõ ràng. Và chúng ta có Michael Tanner, một thành viên cao cấp của Viện Cato để đề xuất một giải pháp.

Mức nợ công của Mỹ

Nếu bạn là công dân Mỹ dưới 30 tuổi, bạn có một vấn đề tầm cỡ tsunami đang hướng tới, và có thể là bạn còn chưa biết điều đó nữa. Cơn sóng ác quỷ đó chính là nợ công của chính phủ Liên Bang Mỹ.

Các quốc gia, cũng như con người, mắc nợ khi họ tiêu nhiều hơn họ kiếm được. Bạn và tôi mua đồ với số tiền chúng ta kiếm được. Chính phủ thì mua đồ với số tiền họ lấy được từ thuế. Khi chính phủ tiêu thụ cao hơn doanh thu (thuế), chính phủ “rơi vào cái hố” – mắc nợ. Hiện tại cái hố đó sâu $17 ngàn tỷ USD – $17,000,000,000,000.

Đó là một con số không thể tưởng tượng được. Một ngàn tỷ đô là bao nhiêu? Huống hồ chi là $17 hoặc $20 ngàn tỷ?

Có vài ví dụ như: ”Nếu bạn xếp tờ $1, nó sẽ cao tới 107,826 km (67,000 miles).” Mặc dù đó là mức rất ấn tượng, nhưng nó không giúp được gì trong việc giải thích vấn đề. Nên chúng ta sẽ đơn giản hóa vấn đề.

Các nhà đầu tư và nợ công

Hiện tại, đa số nhà đầu tư tin rằng Mỹ là một cuộc đánh cược an toàn. Nói cách khác, họ tin rằng họ sẽ lấy lại số tiền họ đã cho chính phủ Mỹ vay cộng với tiền lãi. Nhưng điều này không thể tiếp diễn đến vô tận được.

Tới một lúc nào đó các nhà đầu tư sẽ nói: ”Anh có quá nhiều nợ, anh là một rủi ro xấu. Tôi sẽ không cho anh vay nữa.” Lúc đó thì sao?

Chúng ta không cần phải đoán. Chúng ta có thể nhìn Châu Âu, nhất là Hy Lạp. Các nhà đầu tư đã vui vẻ cho Hy Lạp vay mượn tiền cho đến năm 2010, khi họ chợt nhận ra rằng Hy Lạp không thể nào trả lại số tiền họ đã vay được nữa.

Lập tức qua đêm, Hy Lạp trở thành một rủi ro tín dụng xấu và nền kinh tế họ đi vào cơn lốc suy thoái. Doanh nghiệp phá sản, hàng ngàn người bị sa thải. Chính phủ không thể nào chi trả ngân sách. Nước Đức và các nền kinh tế Châu Âu khác phải bước vào để cứu vớt Hy Lạp. Nhưng Hy Lạp đã đã bị ảnh hưởng tồi tệ. Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Bồ Đào Nha (Portugal) và Tây Ban Nha (Spain).

Đúng, nước Mỹ rất lớn, lớn hơn Hy Lạp rất nhiều và có một nền kinh đế đa dạng hơn. Điều đó rất đúng. Nhưng nguyên tắc vẫn không thay đổi. Chúng ta có thể vay nhiều tiền hơn Hy Lạp, nhưng sớm muộn gì các nhà đầu tư sẽ nói “không cho vay nữa.” và nếu họ làm như vậy, nền kinh tế của chúng ta sẽ đi vào cơn lốc suy thoái như nền kinh tế Hy Lạp.

Lãi suất hiện tại và tương lai

Đây là một điểm nữa. Vào thời điểm tôi đang thực hiện chương trình này, lãi suất chúng ta phải trả cho nợ công là rất thấp, tầm 2%. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi lãi suất tăng từ 2% tới điểm trung bình lịch sử là 5% — điều đó sẽ và phải xảy ra.

Nước Mỹ sẽ lấy tiền từ đâu để trả số lãi cao hơn hiện tại cho số nợ lớn lao đó? Chúng ta vay thêm tiền? Điều đó chỉ làm chúng ta mắc nợ thêm. Tăng thuế? Điều đó sẽ giảm sự tăng trưởng của kinh tế.

Còn câu hỏi của các nhà đầu tư đang cho chúng ta vay tiền. Nhà đầu tư (ngoài nước Mỹ) lớn nhất hiện tại là Trung Quốc, họ không phải là một đồng minh đáng tin cậy của chúng ta. Số tiền họ cho chúng ta vay càng nhiều, sự ảnh hưởng của họ đến chúng ta cũng vậy. Có thể họ sẽ không dùng tới quyền lực này, nhưng liệu chúng ta có muốn đưa cho họ sự lựa chọn đó không?

Nợ và đạo đức thế hệ

Và hãy suy nghĩ về điểm cuối cùng này: hành động này có đạo đức hay không, khi chúng ta thế chấp các thế hệ tương lai với khoản nợ khổng lồ này, một thứ không liên quan gì đến họ?

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn biết rằng bạn sẽ để lại cho con cái bạn một khoản nợ bạn đã vay trong đời bạn? Bạn đã có một thời gian tuyệt vời sinh sống trong một ngôi nhà lớn, lái một chiếc xe xịn, nhưng bạn chưa bao giờ phải trả tiền cho những thứ đó. Bạn để lại cho con cái bạn trả món nợ đó. Điều đó có đạo đức (thất đức) hay không?

Đó là tại sao những người nên quan tâm đến vấn đề nợ quốc gia này là những người trẻ. Họ là những người sẽ phải trả món nợ này. Những người cao niên và trung niên, những người đã vay số tiền này, có thể sẽ không cần phải trả. Nhưng những người trẻ tuổi trong độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn không thể hoặc ít nhất không nên không trả được.

Lối thoát

Có một lối thoát nào tốt cho vấn đề này không? Thưa các bạn, có!

Nếu nền kinh tế phát triển vượt bậc, chính phủ sẽ có thêm doanh thu (thuế). Và họ có thể dùng số doanh thu đó để trả dần số nợ.

Cách thứ hai là giảm chi tiêu ngân sách. Nếu chúng ta tiêu nhiều hơn chúng ta thu, một điều chúng ta đang làm, chúng ta sẽ càng ngày càng nợ sâu hơn.

Theo lẽ thường, điều nên làm là chúng ta đem doanh thu và chi phí ngân sách cân bằng với nhau. Nếu bạn kết hợp cả hai lại – sự phát triển kinh tế và cắt giảm chi phí ngân sách – chúng ta có một cơ hội thật sự để quản lý vấn đề tài chính của quốc gia.

Nợ có phải là vấn đề?

Vậy nợ có phải là một vấn đề lớn lao hay không? Nếu bạn lo lắng cho ngày mai thôi, thì chắc là không. Nhưng nếu bạn lo lắng cho tương lai và nhất là nếu bạn có rất nhiều tương lai ở phía trước, thì nợ là một vấn đề rất lớn – lớn như một cơn tsunami.

Tôi là Michael Tanner của Viện Cato cho Prager University.

Lưu ý:

  1. Trung Quốc là nhà đầu tư ngoài nước Mỹ lớn nhất (7.2%), chứ không phải là người nắm giữ số trái phiếu (nợ) lớn nhất. Nhưng với số nợ này họ có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới chính sách ngoại giao, kinh tế và quân sự của Mỹ và đồng minh.
  2. Việc các quỹ đầu tư hưu trí của chính phủ Mỹ sở hữu nợ công của chính phủ Mỹ (30%) bị giới đầu tư cho rằng là một nghịch lý. Vì bạn không thế nào vừa làm người vay và người cho vay cùng một lúc được.
  3. Nếu các bạn muốn đọc thêm về việc ai là chủ nợ của Mỹ thì xin vào đây.
  4. Hiện tại lãi suất Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Federal Reserve) là gần 0%, điều này không thể tồn tại mãi. Nếu họ không tự tăng lãi suất thì thị trường sẽ tăng theo quy luật cung cầu.
  5. Hiện tại Dollar Mỹ là tiền tệ thống trị trong các giao dịch thương mại. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục gia tăng các khoản nợ thì uy tín của họ sẽ giảm, như quy luật thị trường.
  6. Nếu các bạn muốn coi số nợ trực tiếp của Mỹ thì xin vào US Debt Clock. Hiện tại nó đang là $18,294,416,200…và tăng từng giây.

 

Tác giả: Michael Tanner, America’s debt crisis explained, Prager University
Dịch giả: Ku Búa

Môn văn có cần cho tất cả chúng ta không?

Ở bảo tàng Orsay nổi tiếng có bức tranh mang tên Origine du monde – “Nguồn gốc của Sự sống”, (Ngày nay, Orsay là một trong những viện bảo tàng quan trọng nhất của Paris, sở hữu các tác phẩm nổi tiếng của nghệ thuật phương Tây thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 (1)). Những tác phẩm được lưu giữ ở đây đã được thẩm định, sàng lọc gắt gao, qua thời gian và qua con mắt thẩm mỹ của hàng triệu, triệu người trên toàn thế giới. Tác phẩm đã được lưu giữ ở đây thì không cần phải bàn cãi gì về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ… vì đó thực sự là những kiệt tác của nhân loại.

Xin nhắc lại rằng đây là bức tranh mang tên “Origine du monde” được lưu giữ ở bảo tàng Orsay của Pháp. Nhắc lại như vậy để một lần nữa xin được đề cao giá trị nghệ thuật của bức tranh này. Tiếc rằng đa số người Việt Nam chúng ta đều nhìn thấy đây không phải là… bức tranh đầy tính nghệ thuật mà đây là… bức ảnh khiêu dâm chụp… cửa mình của người phụ nữ. Tương tự như vậy khi mà được nghe những bản nhạc của Mozart, của Bach… – những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại nhưng đa số chúng ta đều không cảm nhận được cái hay, cái đẹp gì ở đây. Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị mà chúng ta không thể cảm nhận được, tiếc quá.

“Quá phi lý khi giới trẻ không biết Picasso là ai”- đây là tâm sự của họa sĩ Lý Trực Sơn trên báo Vietnamnet mới đây (2). Nhưng như đã nói ở trên đến người lớn chúng ta, kể cả những người có trình độ tri thức cao, hoặc người được sinh sống và học tập ngay tại những đất nước như Pháp, Mỹ… đều không cảm thụ được gì từ những bức tranh của Picasso thì trẻ em chúng ta sao mà cảm thụ được. Đến ngay như ông quan phụ trách Văn hóa như ông Thứ trưởng Bộ VHTT & DL Trương Minh Tuấn, người vừa có bài trả lời phỏng vấn trên báo chí và là người vừa ký quyết định khai tử trang Haivl thì đây chắc chắn là… ảnh khiêu dâm! (Bức tranh này mà được post trên Haivl thì Haivl đã bị đình bản từ lâu vì… truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Hic…)

Haivl mang đến những nụ cười vui nhộn, hài hước biết bao; một sự khởi nghiệp đáng khen ngợi nhưng chỉ vì những cái đầu ngu xuẩn như ông Thứ trưởng xôi thịt này mà Haivl bị đóng cửa (Sắp tới ông thú trưởng xôi thịt này chắc sẽ là Bộ trưởng Bộ VHTHDL. Wa…). Vào net bữa nay thiếu Haivl làm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Hơn 4triệu “like” và rất nhiều người truy cập hàng ngày (trong số này có rất nhiều người hiểu biết) không hề được xem xét (3). Một cái tát rất mạnh vào cộng đồng mạng, vào những người hiểu biết. Than ôi, đúng là “không thể thắng được bọn ngu dốt vì chúng quá đông” (Einstein). Thật buồn và đau xót.

Chúng ta có thể hiểu một bài toán khó, một bài văn, bài thơ nhưng để hiểu một tác phẩm điêu khắc, hội họa, âm nhạc giao hưởng thì thật khó, thậm chí là không thể. Vậy để làm thế nào để cảm thụ nghệ thuật được qua những tác phẩm âm nhạc, hội họa, điêu khắc… đây? Một câu hỏi khó nhưng có thể sẽ có lời giải khi chúng ta liên tưởng đến nước Pháp hoặc các nước tiên tiến khác. Ông bạn tôi, người đã có cơ hội học tập nhiều năm tại Pháp chụp lại bức tranh này khi đi tham quan bảo tàng Orsay, tâm sự rằng ngay từ nhỏ trẻ em của Pháp đã có sự cảm thụ về nghệ thuật một cách tuyệt vời.

Còn theo họa sĩ Lý Trực Sơn, người có tới 9 năm ở nước ngoài thì sở dĩ bọn trẻ Pháp cũng như các nước văn minh khác, chúng có thể dễ dàng cảm thụ được những tác phẩm hội họa, âm nhạc, điêu khắc… là bởi chúng có được cơ hội tắm mình trong không gian nghệ thuật ngay từ nhỏ. Trong mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con đường… ở các nước Pháp cũng như các nước tiên tiến khác ta đều có thể bắt gặp những hình ảnh điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Không cần những bài học khô cứng về văn hóa, nghệ thuật thay vào đó là những hình ảnh, hiện vật nghệ thuật sống động. Khi được tắm mình trong không gian nghệ thuật như thế ngay từ nhỏ thì trẻ em cũng có thể cảm thụ được nghệ thuật là điều dễ hiểu.

Gần đây Bộ trưởng Y tế có đề xuất rằng nên đưa môn Văn vào là một trong những môn thi của trường Y. Theo bà Bộ trưởng thì môn văn giúp cho bác sĩ ăn nói mạch lạc, soạn văn bản đúng đắn. Tuy nhiên sâu xa hơn nữa ở đây là môn văn sẽ giúp người bác sĩ có những cảm thụ tốt về văn học, nghệ thuật, làm cho bác sĩ có thể nhận ra những cái hay, cái đẹp; cái xấu cái tốt của muôn mặt đời sống xã hội giúp bác sĩ sống tốt hơn chứ không phải là học văn tốt sẽ giúp bác sĩ nói dối sáng tạo như một ý kiến của một bạn đọc trên Vietnamnet (4).

Mà thực tế các trường đại học hàng đầu Thế giới đều yêu cầu ứng viên viết bài luận trong hồ sơ xin học. Lẽ nào những trường này toàn tuyển được những người nói dối sáng tạo? Một bác sĩ biết rung động trước cái đẹp, biết thổn thức đau khổ trước nỗi đau của đồng loại thì chắc không thể là một bác sĩ tồi được.

Văn học là nhân học; và Văn học, nghệ thuật cần cho tất cả các ngành học; cần cho tất cả mọi người chứ không riêng gì bác sĩ. Văn học, nghệ thuật làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân bản hơn bởi “Nếu con người chỉ biết có giá trị vật chất thì chẳng khác gì một con vật” (lời một triết gia); còn nhà báo Thomas Friedman có viết trong Thế Giới Phẳng có đoạn đại ý như thế này:

Những người có cảm thụ về văn hóa nghệ thuật tốt thì thường có cuộc sống hạnh phúc hơn, thành công hơn” và “Muốn sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp, đáp ứng được những nhu cầu khắt khe nhất của người dùng thì cần phải có sự thấu cảm sâu sắc về nghệ thuật, cuộc sống.” Điều này có nghĩa là không phải đơn thuần mà ta có thể sáng chế, phát minh ra những sản phẩm chẳng hạn như Iphone, Ipad…, để sáng tạo được ra chúng thì cần phải có tư duy thiên tài nhưng cũng cần phải có sự thấu cảm sâu sắc.

Hoc văn và nghệ thuật tốt để rồi có những cảm thụ tốt về văn học; nghệ thuật sẽ góp phần làm cho bác sĩ nói riêng và cho mỗi người chúng ta nói chung sẽ “người” hơn; “mỗi bài văn hay, mỗi tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như là những tiếng chuông rung lên nhè nhẹ; hay như những nấc thang nhỏ, góp phần làm cho bác sĩ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung tránh xa con thú, tiến dần loài người” (nói theo cách nói của Goorki). Và như đã nói ở trên “Những người có cảm thụ về văn hóa nghệ thuật tốt thì thường có cuộc sống hạnh phúc hơn, thành công hơn”. Bởi vậy môn Văn và những môn Văn hóa nghệ thuật cần cho tất cả mọi người chứ không riêng chỉ cho bác sĩ.

 

Pham AQ

[THĐP Review] HER – Tình yêu, tình dục và con đường khai sáng

6
Featured Image: Poster phim “Her”

 

“Bạn là ai?” “Bạn có thể trở thành người như thế nào?” “Bạn đang đi đâu?” “Điều gì đang diễn ra ở ngoài kia?” và “Cái gì có thể xảy ra?” Một loạt những câu hỏi đầy khắc khoải đã xuất hiện rất sớm trong bộ phim “Her”, thuộc thể loại khoa học viễn tưởng lãng mạn của đạo diễn Spike Jonze, đã gây cảm giác tò mò cho không ít người xem và gieo rắc vào đầu họ những suy tư về chính mình và cuộc đời.

Nếu như bạn cũng đang trăn trở những điều tương tự thì thật đáng mừng cho bạn, vì bộ phim sẽ cùng lúc mang theo những lời giải đáp. Và giả như được số phận ủng hộ, bạn còn có thể tìm ra cách tháo nút hoành tráng cho những câu hỏi khác nữa đã từng dày vò đầu óc bạn hoặc vẫn đang sôi sục từng ngày trong hình hài con người Trái Đất bé nhỏ của bạn.

Đó là: “Tình yêu là gì?” “Linh hồn bạn đang tiến hóa ra sao?” “Tình dục là gì?” và “Tại sao người ta nghiện sex?”, v.v…. Đặc biệt hơn nữa, nếu bạn đạt đến điểm cực đại của sự may mắn vì mấy hành tinh đột nhiên sắp xếp thật đẹp trên bầu trời trong phút bạn sinh ra và vào lúc bạn xem phim “Her” này, thì rất có thể bạn sẽ nhận được thêm một phần thưởng đính kèm vô cùng giá trị, đó là “một con mắt sáng” để nhìn thấu hàng loạt những bộ phim khác nữa, trong số đó có thước phim cuộc đời đầy kịch tính mà cũng không kém phần vui nhộn mà bạn đang vào vai nhân vật chính một cách nhiệt tình!

“Her” kể về những biến cố quan trọng trong đời đã thức tỉnh người đàn ông tên là Theodore, với sự diễn xuất tinh tế của nam tài tử Joaquin Phoenix. Bộ phim lấy bối cảnh ở tương lai khi công nghệ đã cực kỳ phát triển, các sản phẩm “thông minh” len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Trong đó, một sản phẩm đặc biệt là Hệ điều hành có ý thức OS1 lần đầu tiên xuất hiện, đã bước chân vào đời Theodore đúng như cách một cô gái bước chân vào cuộc đời người yêu của mình và khiến anh ta chẳng muốn tiếp tục công việc viết thư thuê nữa, mà chàng trai đó sẽ dành cả đời chỉ để viết những lời có cánh ngập tràn hương hoa hồng dành cho cô nàng.

Chậc, không đâu, tôi đùa đấy, anh ta sẽ không bỏ việc đâu, tình yêu đó sẽ khiến anh chàng trở nên là người viết thư xuất sắc nhất thế giới! OS1 chính là cô ấy (Her), Samantha, dưới sự góp giọng của nữ diễn viên tài năng Scarlett Johansson, người được đông đảo khán giả biết đến qua những bộ phim đình đám như The Avengers, Captain America, Iron Man 2 và Lucy.

Trong phim, Samantha hàng ngày tương tác với Theodore, cô ấy giúp anh lên ý tưởng, sắp xếp công việc và trò chuyện với anh như một người bạn khi anh cô đơn. Hai người họ dần dần cởi mở và tâm sự với nhau những nỗi niềm riêng tư nhất của mình. Anh chia sẻ về chuyện tình đổ vỡ giữa anh và vợ cũ, cô tâm sự với anh về cảm giác mình có được khi học hỏi về thế giới con người cùng những xúc cảm phức tạp của bản thân.

Bộ phim có bốn đỉnh điểm quan trọng đó là: Khi hai người làm tình với nhau lần đầu tiên, khi Theodore chấp nhận ý tưởng làm tình với Samantha cùng thân thể được mượn từ một cô gái khác tình nguyện giúp đỡ, khi anh chấp nhận hoàn toàn rằng mình đang yêu Samantha dù cho mọi người có nói anh là kẻ bệnh hoạn khi yêu cái thứ chỉ là một cỗ máy, và cuối cùng là khi Samantha ra đi.

Về nội dung, bộ phim truyền tải rất nhiều thông điệp với các độ sâu khác nhau khiến người xem dù nhận thức ở cấp độ nào cũng được thỏa mãn cái biết của mình, đều được giải trí dù ít hay nhiều. Tôi dám cá là sẽ chẳng có ai phải kêu than rằng: “Mẹ kiếp! Tao đã lãng phí hai tiếng đồng hồ cho một mớ bầy nhầy trừu tượng!” hoặc là “Tao vẫn éo hiểu tại sao phim này được đánh giá 8.0!” Với góc nhìn cá nhân, tôi thấy bộ phim có nội dung đào sâu về sự tiến hóa của linh hồn thông qua các trải nghiệm ở từng cấp độ, về tình yêu với chính bản thân mình, về bản chất và sức mạnh thật sự của tình yêu, về tính hai mặt của tiến bộ khoa học công nghệ, và đặc biệt nhất là về tình dục – thứ đã ám ảnh, ám quẻ, “ma ám” nhân loại không biết bao nhiêu đời nay.

Kẻ nào nhìn ra được bản chất của tình dục, kẻ đó hát ca trên thiên đường. Còn kẻ nào để tình dục thắt cổ, kẻ đó làm nô lệ dưới địa ngục. Hàng loạt những sự kiện (trong đó có tình dục) đã giúp thức tỉnh Theodore, từ một người đàn ông khốn khổ nằm trong đống tro tàn của sự cô đơn, dằn vặt, lạc lối chợt vươn lên mạnh mẽ, đầy sức sống và rực rỡ như một con phượng hoàng lửa. Việc nam tài tử Joaquin Phoenix vào vai này hẳn phải là một phép ẩn dụ hoặc là một dấu hiệu cho những kẻ kiếm tìm! Nếu được chọn từ khóa cho Theodore, tôi sẽ chọn từ “Phượng Hoàng” (Phoenix)! Bộ phim xoay quanh cuộc chuyển mình (transformation) rực rỡ của nhân vật nam chính.

Tình yêu giữa Theodore và Samantha có thể khiến người ta liên tưởng đến chuyện tình của chàng người máy Andrew và Cô chủ nhỏ trong bộ phim Người máy biết yêu (Bicentenial Man) do Robin Williams thủ vai nam chính. Điểm khác biệt dễ nhìn thấy nhất là Andrew có thân thể vật lý còn Samantha thì không. Tuy nhiên, chi tiết này càng nhấn mạnh về sự quan trọng trong mối liên hệ giữa thể xác và tinh thần của mỗi con người.

Một linh hồn sẽ luôn khao khát trải nghiệm cuộc sống ở mọi cấp độ để đạt tới sự hài hòa và viên mãn. Họ yêu thương bằng cả thể xác và tinh thần, bởi vì yêu mà họ cảm thấy mình tồn tại, thấy cuộc đời có ý nghĩa. Và cuối cùng, sau khi hoàn thành mọi trải nghiệm ở nơi này, họ chuyển sang một nơi khác và lại bắt đầu những cuộc hành trình mới. Samantha ra đi, Andrew chết. Trong sự ra đi đã có sự tìm đến, trong cái chết đã có hạt mầm tái sinh. Bộ phim “Her” làm đậm lên trong tôi cảm giác về sự tuần hoàn luân chuyển của sự sống, và câu nói nổi tiếng của Albert Einstein lại một lần nữa văng vẳng trong tâm trí:

“Energy cannot be created or destroyed, it can only be changed from one to another.”

Xuyên suốt bộ phim, chúng ta chỉ nhìn thấy (bằng mắt) Theodore và mọi điều diễn ra trong cuộc sống thường ngày của anh, còn không thấy Samantha, cô ấy chỉ là một giọng nói. Cuộc thức tỉnh của Theodore bắt đầu từ khi anh trò chuyện với giọng nói đó. “Samantha” theo tiếng Ả Rập có nghĩa là Người lắng nghe (The Listener), theo tiếng Phạn có nghĩa là An bình (Tranquility) và Tập trung (Concentration) (có liên quan đến việc thiền định trong Phật Giáo).

Liệu đây có phải là một phép ẩn dụ về việc lắng lòng để nghe thấy tiếng nói của tâm hồn chăng? Tĩnh lặng có phải là cách mà con người kết nối với linh hồn mình, để nó dẫn dắt và khai sáng chúng ta chăng? Hãy nhìn xem, tại sao một người không thể tự chơi đùa với chính mình và luôn cảm thấy an vui, hạnh phúc? Tại sao chúng ta lại cần một người nào đó khác làm chúng ta hài lòng?

Mối quan hệ giữa Theodore và Samantha không chỉ cho chúng ta thấy sự kỳ diệu của tình yêu đôi lứa khiến mỗi người tìm ra được từng phần con người mình trong quá trình tương tác với người kia để rồi chấp nhận từng phần đó và hợp nhất, mà nó còn chỉ ra sức mạnh của tình yêu dành cho chính bản thân mình, tình yêu của linh hồn dành cho cái tôi bé nhỏ hay cáu gắt, và sự quy phục của cái tôi ấy trước linh hồn vĩ đại, để ánh sáng lớn lao dẫn dắt nó tới mọi điều vui tươi, yêu thương và hạnh phúc trong đời. Liệu chúng ta có nên đi tìm ra nàng Samantha của riêng mình không? Hay mỗi người hãy tự trở thành một Samantha? Hay một Shaman?!

Các bạn biết không, tất cả những câu hỏi của tôi đều đã được giải đáp sau khi xem xong bộ phim này. Có lẽ sức mạnh của sự chuyển đổi trong bộ phim cũng ảnh hưởng phần nào đến người xem, dù họ có ý thức được hay không. Những câu hỏi như những lớp kén dày của con sâu nhỏ đã dần được bóc tách và cuối cùng bươm bướm xòe cánh bay lên thật xinh đẹp. Chúng bao gồm:

  1. Tình dục là gì? Nó có đơn thuần là hoạt động giới tính? Trong tình yêu có nhất thiết phải có tình dục?
  2. Tại sao người ta làm tình?
  3. Nếu thủ dâm mang lại cực khoái được thì tại sao người ta vẫn muốn làm tình với nhau?
  4. Tại sao người ta nghiện sex, nghiện xem phim sex, nghiện thủ dâm?
  5. Chúng ta thật sự là ai? Ở Trái Đất này để làm gì? Có đơn thuần là ăn, ngủ, kiếm một công việc, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái và ngồi nhìn chúng lặp lại chính cái vòng quay nhàm chán như cha mẹ chúng không?
  6. Chúng ta có thể yêu cùng lúc nhiều hơn một người không, nếu như không nói là có thể yêu tất cả không? Tình yêu không chỉ giới hạn ở trong mối quan hệ 1-1 phải không? (Và nếu câu trả lời là “Có” và “Ừ” thì nhân loại đúng là đang trong thảm họa thật rồi, vì chẳng có mấy ai thật sự có khả năng yêu được ba anh chàng kỹ sư trong khi đang mải miết làm tình với người thợ sửa ống nước. Tâm trí náo loạn của họ luôn cho rằng quả tim của chính mình quá bé nhỏ, còn cái háng thì lại rộng miên man!)

Và câu hỏi cuối cùng đó là:

  1. Tại sao tình yêu với chính mình là tình yêu quan trọng nhất?

Hỡi những người bạn đang đọc bài viết này, các bạn có bao giờ trăn trở những điều tương tự như vậy không? Tôi đã từng nghĩ mình là một kẻ khác người khi luôn bị ám ảnh bởi việc tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc mà nếu như chúng được nói lên giữa phố thì chắc chắn cả đám đông sẽ ném vào tôi những cái nhìn kinh tởm và kèm theo vài cái dép có gắn thêm đinh nhọn.

Đôi lúc tôi thấy những câu hỏi của mình co quắp, run rẩy như một người đàn ông cô đơn lạc lõng, chờ đợi ngày Trăng Rằm để giải phóng con sói vẫn đang sôi sục bên trong hình hài đó, và rồi khi Mặt Trời lên, mọi thứ đều được làm sáng tỏ. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn lời giải cho một câu hỏi nhé, với tư cách cá nhân thôi, câu số 4. Nếu bạn chưa từng làm tình, chưa từng xem sex, hay chưa từng thủ dâm thì nơi này không dành cho bạn đâu! Vì một kẻ chưa từng biết vị mặn thì sẽ không bao giờ hiểu được câu chuyện “cá gỗ”!

Và câu trả lời cho câu hỏi số 4 đó là:

Nghiện sex, nghiện xem phim sex, nghiện thủ dâm, bởi vì người đó cô đơn và thiếu thốn tình yêu!

Cảm giác kích thích, khoái lạc đạt được có thể tạm át đi nỗi đau và sự cô đơn đang dày xéo tâm can (nhưng vài bữa sau sẽ quay trở lại). Trong trường hợp của Theodore tội nghiệp, anh đã tâm sự với Samantha rằng: “I want somebody just fuck me.” Anh ta không điên, mà anh ta đang chất chứa muộn phiền và đau khổ. Chi tiết này làm tôi nhớ đến vở hài kịch Đại gia đình khi cô em vợ đứng ra nhận lỗi với anh rể – bố của cô gái trẻ chửa hoang. Cô em vợ khẩn khoản, nài nỉ, điên cuồng, gào thét vào mặt người đàn ông rằng “Em là dì mà không dạy dỗ được cháu gái! Anh hãy giết em đi! Giết em đi!” rồi cào cấu thân thể, mần xéo quần áo của ông này đến nỗi kéo tụt cả quần dài của ổng xuống.

Cô ta không hề có thái độ nhận lỗi, cô ta đang giải tỏa sự đau khổ tích lũy bao năm khi mãi không có nổi một mụn con vì người chồng “bất lực”, vì mọi người dòm ngó, phán xét, vì thấy tủi thân, bất hạnh. Sự ham muốn tình dục chỉ là biểu hiện vật lý của nỗi khao khát có ai đó đến bên và thấu hiểu nội tâm mình, chia sẻ những đớn đau trong lòng người đó mà thôi. Vì sự thấu hiểu tâm hồn nhau mang đến cảm giác phúc lạc như chuyện làm tình, nên người ta dễ dàng lầm tưởng rằng làm tình có thể giúp giải phóng cảm xúc và bớt đi khổ cực…

Ảo tưởng! Cả thế giới này đang ảo tưởng về tình dục! Các bạn nhìn xem ngoài kia nhan nhản những bài báo nói về lợi ích của làm tình vào buổi sáng, sự rao giảng về các tư thế để đạt cực khoái, quảng cáo xuất hiện giữa bữa ăn tối với nội dung về thuốc bổ thận tráng dương để tăng cường “hạnh phúc gia đình”, các khóa thiền khỏa thân cùng với “tình yêu dạt dào” dành cho thầy hướng dẫn và những thiền sinh khác.

Cái quái quỷ gì đang diễn ra vậy? Sao nhân loại bây giờ lại thành ra như một quả chuối chín nẫu được bọc bởi một cái bao cao su rách vậy? Tất cả đều đang hóa điên vì tình dục. Không hiểu được bản chất gốc rễ nên con người bị tình dục xỏ mũi theo cả những cách thô thiển nhất cho đến tinh vi nhất!

Chúng ta không cần làm tình, không cần xem sex, không cần thủ dâm, chúng ta cần được lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ!

Với một kẻ hạnh phúc, sex sẽ đến tự nhiên như một bài thơ đầy những tia sáng lấp lánh! Bạn vui vẻ nên trải nghiệm sẽ tự nó thành tựu, chứ bạn không PHẢI trải nghiệm để đạt được sự vui vẻ! Bạn đủ đầy nên luôn tận hưởng, còn chuyện kiếm tìm chỉ dành cho những kẻ thiếu thốn!

Nội dung phim đã có quá nhiều điều để nói rồi, tôi xin được chuyển sang hình thức của “Nàng”. Chết tiệt, “Nàng” lại quá đẹp để mà viết lời khen ngợi! Tên phim ấn tượng; cảnh quay, góc quay giản dị mà giàu xúc cảm; âm nhạc đưa người nghe vào trạng thái mênh mang và sâu lắng, lời thoại súc tích, chất lượng và dàn diễn viên xuất sắc. Đặc biệt là nữ diễn viên vào vai giọng nói Samantha, cô ta quá tài năng khi chỉ diễn xuất bằng giọng nói mà có thể khiến người khác cảm nhận được tâm trạng, ý định của nhân vật chính, thậm chí hình dung được khuôn mặt, hình dáng, hành động và cử chỉ của cô ấy.

Chẳng biết là tôi có đang quá lời hay không, có đang thiên vị bộ phim này không, nhưng quả thực tôi chẳng biết phải chê nó ở điểm nào cả. Mọi chi tiết đều ăn khớp với nhau và phù hợp với nội dung phim, cảm giác có một dòng chảy xuyên suốt, có một điệu vũ hài hòa giữa hình thức và nội dung vậy.

Nếu bạn là sếp và bắt tôi phải tìm ra bằng được một điều gì đó liên quan đến bộ phim để mà chê thì bạn có thể nhận được câu trả lời là: “Chê một cái gì đó ư thưa sếp? Có lẽ do đường truyền internet nhà em kém quá nên phim cứ bị giật liên tục!” hoặc là: “Bộ phim khốn nạn ấy làm em khóc nhiều hơn ba lần, mà em lại ghét nhất là để mọi người trông thấy mình khóc!” và khi hai câu “chê” trên vẫn không được chấp nhận thì tôi chỉ có thể vênh mặt lên, và anh dũng nói rằng: “Hãy sa thải tao đi, đồ khốn!

Còn quá nhiều điều để nói về bộ phim tuyệt vời này, trên đây chỉ là những gì bản thân tôi thấy ấn tượng và tâm đắc nhất. Nếu bộ phim được đánh giá trên IMDb là 8.0/10 thì cá nhân tôi sẽ chấm điểm “Her” là 9.0/10. Còn 1 điểm, hãy để Chúa phán xét!

Tôi xin dành lời cảm ơn đặc biệt tới người bạn đã giới thiệu cho tôi bộ phim này cùng với sự chia sẻ của anh về ý nghĩa cái tên Samantha, cũng như việc anh truyền cảm hứng cho tôi để hoàn thiện bài viết của mình!

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe! Chúc một ngày vui vẻ!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Cuộc sống xa nhà đã dạy tôi điều gì?

Featured Image: Maja Wronska

 

Có thể bạn là một trong những người xa gia đình từ bé, có thể bạn là người đến lúc này vẫn sống cùng bố mẹ. Đó là câu chuyện của bạn. Còn đây là câu chuyện của tôi.

Bạn sẽ làm gì khi biết tin mình sẽ phải đi học xa khi bạn chỉ vừa tốt nghiệp trung học cơ sở? Bạn sẽ làm gì khi biết rằng mình phải xa cha mẹ ngay ngày mai? Tôi đã khóc, “hận đời”, cố gắng xin xỏ bố mẹ một cách vô ích để rồi thất vọng vì chẳng đi đến đâu. Nhưng đổi lại ngay bây giờ tôi vô cùng cảm ơn cha mẹ vì đã cho tôi cơ hội để trưởng thành.

Sống xa nhà đồng nghĩa với việc bạn sẽ một mình khi ốm đau tưởng mình sẽ “thăng” trong nay mai, mặc dù có bạn bè bên cạnh đó nhưng họ còn lo chưa xong cho họ nói chi đến mình. Sống xa nhà đồng nghĩa với việc mọi việc mình làm là trách nhiệm của mình, tất cả mọi thứ đều có giá, chẳng có gì là miễn phi như khi bên cạnh bố mẹ. Bạn sẽ cảm thấy cả thế giới như sụp đổ trước mắt mình, cố gắng cười trước mặt bạn bè để giữ gìn lòng tự trọng trong khi phải khóc hằng đêm vì cô đơn.

Chưa kể bạn còn là một FA lâu năm thì còn cô đơn hơn nhiều nữa. “Có ai làm ơn quan tâm tôi được không thế?” Sẽ là câu hỏi mà bạn vô cùng muốn hét lên cho mọi người đều biết. Rồi thì những lúc quá mệt mỏi chỉ biết làm đại khái mọi việc cho xong. Có những lúc gọi điện về nhà muốn khóc lắm nhưng phải ráng nhịn để ba mẹ không lo lắng vì mình. May mắn là thời cấp 3 của tôi trải qua trong một môi trường khá khép kín của trường nội trú nên cũng khá dễ dàng thích nghi hơn so với những trường hợp khác. Hằng tuần cũng được về nhà một lần. Nhưng đau khổ nhất là mình phá phách để rồi bị cấm túc không được về nhà cuối tuần chỉ biết ôm gối khóc thầm còn bề ngoài thì tỏ ra cứng cỏi.

May mắn thay thời cấp 3 trong trường nội trú còn có người lo ăn lo mặc cho tôi. Nhưng thời đại học của tôi thì lại khác, bạn sẽ cảm thấy điều gì khi biết tin mình nhận được học bổng đi du học? Hẳn ai cũng sung sướng lắm, kiếm được học bổng đâu có dễ đúng không? Nhưng đó là mặt tốt mà ai cũng nhận biết được ngay đúng không nào, thế bạn có nghĩ đến việc một mình giữa chốn đông người mà không ai hiểu mình nói gì chưa?

Một mình lang thang trên phố mà chẳng thấy lấy một người châu Á, một mình đi mua đồ mà chẳng biết thứ mình cần mua gọi là cái gì. Nhiều lúc sợ lắm mà chỉ biết ráng đi thật nhanh, ráng kìm không khóc để về đến ký túc xá. Những sáng ngủ dậy xung quanh toàn người nước ngoài nói những ngôn ngữ mình chẳng hiểu gì cả. Khi stress bạn chẳng biết làm gì ngoài ngồi khóc một mình. Toàn những thứ mà ai nghe mà chưa trải qua cũng thấy sợ đúng không?

Ừ thì đó là một vài mặt “xui xẻo” mà bạn sẽ gặp khi sống xa nhà. Nhưng… sống xa nhà nghĩa là sự tự do đến với mình một cách nhanh chóng nhất, sống xa nhà là cơ hội để làm quen với nhưng người bạn mới, những điều mới mẻ mà bạn chỉ biết qua sách báo truyện tranh, những khung cảnh mà bạn chỉ có thể thấy trên TV hoặc Internet. Đặc biệt nếu bạn đi du học có khi bạn lại có thêm một thứ tiếng khác ngoài tiếng mẹ đẻ. Và chắc chắn bạn sẽ tìm được những sở thích riêng biệt mà có thể bạn ghét cay ghét đắng thời học sinh.

Có thể bạn sẽ yêu thích một thứ gì đó và từ đó tìm được lý lẽ sống của đời mình. Tất cả đều có thể xảy ra, ví dụ như tôi – một thằng từng ghét cay ghét đắng K-POP và bây giờ trở thành một fan trung thành của cả mấy nhóm nhạc thần tượng. Cuộc sống tràn đầy bất ngờ, nếu bạn muốn khám phá thì hay thử sức làm nhưng việc mà bạn nghĩ rằng thật khùng khi làm thế. Bạn đang đọc bài viết này đồng nghĩa với việc thời gian của bạn vẫn còn, tôi khuyên bạn điều này: cuộc sống này luôn có hơn một mặt của một vấn đề, hay thử nghiệm và bạn sẽ khám phá được rằng thật may mắn vì mình đã thử. Phải có những lần sai thì mới có được sự thành công.

P/s: tôi đã học được điều này trong một bộ phim tôi không nhớ tên: cuộc sống của bạn không chỉ thuộc về mỗi mình bạn mà còn thuộc về những người yêu thương bạn, vì vậy hãy cố gắng sống tốt vì họ. Vì thế nên suy nghĩ cẩn thận trước khi lựa chọn. Nhưng cũng tùy trường hợp mà ta nên “điên” một chút thì mới “làm nên cơm cháo” được.

 

Trần Bình

Một lá thư phàn nàn về dịch vụ của bệnh viện công ở Anh

 

Featured Image: Getty/The Telegraph

 

 

Giới thiệu: Xin mời đọc giả đọc một bức thư “phàn nàn” về dịch vụ của hệ thống bệnh viện công ở Anh Quốc. Trông người mà nghĩ đến ta!

Sent: 17 June 2015 21:50

To: Lewisham Pals (Lewisham and Greenwich NHS Trust)

Subject: A complaint regarding a visit to Lewisham A& E (Một lời phàn nàn liên quan đến Phòng Cấp Cứu của Bệnh Viện Lewisham)

*PALS: Patience Advice and Liason Service (dịch vụ tư vấn cho bệnh nhân).

*A&E: accident & emergency (phòng tai nạn và cấp cứu)

Kính gửi Lewisham PALS,

Tôi muốn phàn nàn về lần tôi đến Phòng Cấp Cứu của bệnh viện để khám bệnh vào ngày Thứ 2 15 tháng 6 2015. Trước tiên cho tôi xin lỗi, nhưng có điều này làm tôi rất tức giận.

Vào ngày Thứ 2 16/6/2015, tôi đã té ngã và biết rằng một bộ phận đã gãy (sau khi khám thì tôi biết tôi đã bị gãy cùi chỏ). Nên tôi đã đến Phòng Cấp Cứu của Lewisham.

Tôi đến và cầm theo một cuốn sách để giúp tôi quên đi thời gian trong lúc chờ đợi. Tôi cũng rất thích thú với việc sẽ được đọc sách.

Nhưng không… cô y tá quỷ quái đã đến gặp tôi trong 6 phút! 6 phút quỷ quái! Tôi chỉ có đủ thời gian để gửi một tin nhắn, ngồi xuống, lấy kính ra và lật đến đúng trang mình muốn đọc…. và họ đã gọi tôi vô khám.

Cô ấy đưa tôi đến phòng X-ray và nói rằng tôi phải chờ trong đó để đến lượt khám của mình.

Tốt quá, tôi đã nghĩ như vậy, một phòng chờ – Tôi sẽ có cơ hội để đọc cuốn sách của mình!

Và tôi không màng đến việc phải cất đồ đạc lại trong giỏ xách và đi thẳng đến phòng chờ X-ray, với cuốn sách cầm trong tay và cặp kính trên đầu. Tôi ngồi xuống và nhân viên đã đến kêu tôi vô trong…. 37 giây! Cái quá gì thế này?? %^^%*(*

Tất cả đã hoàn tất và sau 5 phút tôi qua phòng chờ khác để chờ cô ý tá đến để gặp tôi.

Tới lúc đó thì tôi thèm một thanh chocolate trong máy bán hàng tự động nhưng đã tốn hết 5 phút để tìm cách trả tiền (nhưng nó đã không hoạt động – ít nhất đó là một trong những thứ mình có thể trông chờ vào đội ngũ cấp cứu!). Sau đó tôi ngồi xuống và chờ, với suy nghĩ rằng tôi sẽ được đọc ít nhất vài chương… nhưng không!

2 phút sau tôi đã được gặp cô y tá, một người tuyệt vời và cực kỳ dễ thương. Cô ấy giải thích cho tôi tất cả, bó bột và chích thuốc cho tôi và cho tôi về nhà!

Về nhà!!! Quái đản thật!!!

Tôi đã rời khỏi nhà và trở về dưới thời gian 2 tiếng đồng hồ! Thật đấy! Hình như có gì đó không đúng ở đây thì phải! Một người mẹ như tôi phải làm gì để có vài tiếng để đọc sách trong đất nước này?!

Xin chào thân mến,

Một người mẹ bực bội của 2 đứa con trai nhỏ không được 1 phút nghỉ ngơi.

P/s: Các bạn thật tuyệt vời 🙂

Lá thư gốc và phản hồi của bệnh viện 😉

 

Tác giả: một người mẹ không được nghỉ ngơi ở Anh, I want to complain about your remarkably good service, The Telegraph

Dịch giả: Ku Búa

Lời tuyên bố ngày 4 tháng 7 (Độc Lập Nước Mỹ)

 

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Xin chào mọi người và chào mừng mọi người đến ăn mừng ngày Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ, ngày 4 Tháng 7. Hôm nay chúng ta tưởng niệm ngày 4 Tháng 7 và ý nghĩa của nó cũng như để tự nhắc nhở rằng chúng ta đã may mắn như thế nào khi là người Mỹ.

Trước khi nước Mỹ là một quốc gia, nó là một ước mơ – một ước mơ của nhiều người, từ nhiều quốc gia, qua nhiều thế hệ.

Nó bắt đầu với người Pilgrims (người du hành Công Giáo), những người đã bỏ chạy khỏi Châu Âu để được tự do tôn giáo. Nó tiếp tục qua thế kỷ 17 khi càng ngày càng nhiều người tới một nơi thời đó được gọi là Thế Giới Mới (New World). Trong Thế Giới Mới này, việc bạn đã đến từ đâu không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã hướng đến đâu.

Khi ngày càng nhiều người an cư, họ đã bắt đầu tự gọi họ với cái tên mới – người Mỹ (Americans).

Họ cảm thấy mình đã được phù hộ. Mảnh đất họ tới rất rộng và cơ hội thì vô tận.

Cho đến năm 1776, một thế kỷ rưỡi sau khi người Pilgrims đầu tiên đã đến, những con người yêu quý tự do này đã chuẩn bị để thành lập một quốc gia mới.

Và trong ngày 4 Tháng 7 đó họ đã làm điều đó. Họ đã tuyên bố rằng họ được tự do từ sự cai trị của Hoàng Đế Anh. Chúng ta gọi lời tuyên bố này là bản Tuyên Ngôn Độc Lập Nước Mỹ.

“Tại sao chúng ta lại ăn mừng ngày 4 Tháng 7?”

Bởi vì ngày 4 Tháng 7 là ngày sinh nhật của dân tộc Mỹ — cái ngày chúng ta đã chọn để trở thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (the United States of America), một quốc gia tự do.

”Tại sao nước Mỹ lại khác với các nước khác?”

Bởi vì vào năm 1776, tất cả các quốc gia hầu hết đều dựa trên tính chất dân tộc, tôn giáo, sắc tộc hoặc địa lý. Nhưng nước Mỹ đã được tạo trên nền tảng của một số lý tưởng. Ngày hôm nay những lý tưởng đó vẫn còn.

”Các lý tưởng đó là gì?”

Ba lý tưởng có thể tóm tắt ý nghĩa của nước Mỹ. Ba lý tưởng đó được khắc lên trên tất cả các đồng xu Mỹ. Đó là “Liberty” (Tự Do), ”In God We Trust” (Tin Vào Thượng Đế) và “E Pluribus Unum” (From many, One – Từ nhiều, Một).

“Liberty” (Tự Do) có nghĩa là chúng ta được tự do để theo đuổi ước mơ riêng và đi đến nơi nào mà sự cần cù và may mắn sẽ đưa đến.

”In God We Trust” (Tin Vào Thượng Đế) có nghĩa là nước Mỹ đã được thành lập trên một tín ngưỡng rằng quyền lợi của chúng ta và tự do của chúng ta được trao cho chúng ta bởi Tạo Hóa. Cho nên không một ai có thể lấy nó đi.

“E Pluribus Unum” (From many, One) trong tiếng Latin có nghĩa là “Từ nhiều, một.” Khác với những nước khác, nước Mỹ được thành lập bởi những người từ tất cả các tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc, văn hóa và quốc tịch – và tự coi họ như những người Mỹ, bình đẳng. Cho nên “từ nhiều người chúng ta, trở thành một” – người Mỹ.

Chúng ta ăn mừng sự vĩ đại của nước Mỹ mà không cần bác bỏ những khuyết điểm của cô ấy. Không có một cá nhân nào hoàn hảo, nên không thể nào có một quốc gia hoàn hảo được. Lịch sử chúng ta cũng có nhiều điều xấu hổ. Như nô lệ, một thứ đã có từ thời lập quốc, cũng như đã tồn tại toàn thế giới vào thời đó.

Nhưng cũng đừng quên rằng chúng ta đã có một cuộc nội chiến khủng khiếp, hàng trăm hàng ngàn người Mỹ đã chết, và lý do là để dẹp bỏ nô lệ.

Cũng đừng quên rằng nước Mỹ đã tham gia nhiều cuộc chiến cho tự do của các dân tộc khác nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử. Lịch sử nước Mỹ là một thứ chúng ta có thể tự hào.

Chúc mừng sinh nhật nước Mỹ. Một ngày 4 of July (4 tháng 7) hạnh phúc.

Thượng đế hãy phù hộ cho nước Mỹ, quê hương yêu dấu của tôi…

https://www.youtube.com/watch?v=Ml6LBcu0B7s

 

Tác giả: Dennis Prager, The 4th of July Declaration @ Prager University
Dịch giả: Ku Búa

Lảm nhảm về khủng hoảng tài chính Hy Lạp

 

Featured Image: Wikipedia Commons

 

Những điều cần biết về Hy Lạp:

  1. Tên quốc gia chính thức: Hellenic Republic.
  2. Diện tích: 131,957 km2.
  3. Dân số: 10.8 triệu.
  4. Độ tuổi: 0-14 năm 14.1%, 15-24 năm 9.8%, 25-54 năm 43.2%, 55-64 năm 12.7%, 65 năm trở lên 20.2%.
  5. Số người phụ thuộc: 52.9%.
  6. Tuổi trung bình: 43 năm.

Kinh tế Hy Lạp:

  1. Lực lượng lao động: 3.91 triệu (36% dân số).
  2. GDP: $284 bilion USD, GPD đầu người: $25,800 USD.
  3. Chính phủ chiếm 40% kinh tế Hy Lạp và hơn 730,000 người làm cho các cơ quan nhà nước (chiếm gần 20%) lực lượng lao động. Đây chỉ là những người nằm trong biên chế, con số thực tế ăn lương gián tiếp từ chính phủ cao hơn nhiều, tầm 1 trong 3 người.
  4. Năm nay (2015) là năm thứ 6 liên tục nền kinh tế Hy Lạp ở trong tình trạng suy thoái. Mặc cho những giải pháp khối Euro đã đưa ra, nền kinh tế Hy Lạp dự tính sẽ giảm 4.5 % trong năm nay.
  5. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp hiện nay là 27%, cao nhất trong khối Euro. Con số này chỉ tính những người đang tìm việc ở trong lực lượng lao động. Con số thất nghiệp thực tế được ước tính trên dưới 50-60%. Nghĩa là cứ 1 trong 2 người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp.
  6. Tầm 62% thanh niên Hy Lạp đang thất nghiệp và dựa vào gia đình để sống.
  7. Công Ty Quản Lý Quỹ Russell Investments, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới với hơn $2.4 ngàn tỷ, đã hạ Hy Lạp xuống thành “nền kinh tế đang phát triển”.
  8. Tuổi về hưu ở Hy Lạp: 65 cho nam, 60 cho nữ. Sớm hơn các nước Châu Âu khác ít nhất 2 năm.
  9. Trung bình, 1 người Hy Lạp phải làm 35 năm trước khi về hưu, trong khi 1 người Đức phải đi làm 45 năm. Và khi về hưu chính phủ cam kết người về hưu ở Hy lạp sẽ được hưởng 80% lương chính thức, trong khi ở Đức chỉ 46%. Mô hình về hưu ở Hy Lạp cho thấy, người Hy Lạp đi làm ít hơn, muốn về hưu sớm hơn và muốn lương hưu cao hơn.

Hy Lạp, đồng Euro và thảm họa nợ công:

  1. Khối Euro là một khối chính trị, chứ không phải kinh tế. Các thành viên tuy dùng tiền Euro như nhau nhưng mỗi nước có một chính sách kinh tế và chính trị riêng, dẫn kết sự bất đồng trong định hướng cụ thể.
  2. Khủng hoảng Euro không chỉ là một khủng hoảng tiền tệ, mà còn là khủng hoảng về sự khác biệt văn hóa, chính trị và định hướng.
  3. Một đồng tiền chung không thể nào đại diện cho tất cả các nước trong khối Euro. Nước Đức và Pháp, 2 nền kinh tế lớn nhất, không muốn và không thích chịu chung rủi ro với các nền kinh tế nhỏ hơn như Hy Lạp. Uy tín của Hy Lạp hạ thấp giá trị của Euro và làm ảnh hướng đến giá trị của các nền kinh tế khác.
  4. Chính phủ Hy Lạp đã gian dối về tình hình và năng lực tài chính để gia nhập khối tiền tệ Euro.
  5. Bằng cách dùng những thủ thuật tài chính, chính phủ Hy Lạp đã giấu đi các khoản nợ để cho mức thâm hụt ngân sách đạt chuẩn 3%, mức nợ thực tế ước tính cao 2-3 lần.
  6. Hiện tại tổng số nợ của Hy Lạp là 175% của GĐP.
  7. Vì Hy Lạp đang dùng đồng Euro, nên chính phủ phải đàm phán thay vì in tiền để trả như các nước có đồng tiền độc lập.

Lịch sử tài chính của Hy Lạp:

  1. Hy Lạp là nơi sáng lập ra tài chính. Là nơi sinh ra ngân hàng, vay vốn, vay thế chấp, vay bất động sản, đầu tư tài chính, lãi suất, giao dịch ngoại tệ, bảo hiểm, v.v.
  2. Không chỉ là nơi sinh ra tài chính, Hy Lạp cũng là nơi sinh ra khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng đầu tiên xảy ra ở thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.
  3. Hy Lạp Cổ Đại chưa bao giờ có uy tín trong việc vay mượn, trừ thành quốc Athens, với việc dùng đồng bạc làm tiền tệ cho hơn 600 năm.
  4. Các tiểu quốc Hy Lạp không bao giờ cho vay trực tiếp với nhau, chỉ có vay con người qua con người, vì con người biết giữ uy tín, còn chính phủ thì không.
  5. Miếu thờ thần Hy Lạp là ngân hàng đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hầu hết các giao dịch thời đó xảy ra ở đây.
  6. Từ ngày được độc lập từ năm 1830 tới nay, tầm 200 năm, Hy Lạp đã vỡ nợ gần 90% thời gian. Hy Lạp, xét về mặt tài chính, chưa bao giờ có uy tín và khủng hoảng hiện tại không có gì lạ, chỉ lạ với những ai mù lịch sử Hy Lạp.
  7. Chính phủ Hy Lạp thời hiện đại đã vỡ nợ 5 lần: 1826, 1843, 1860, 1894 và 1932. Nếu sắp tới chính phủ không trả thì là lần thứ 6.
  8. Hy Lạp chưa bao giờ được coi là một thành viên của khối đồng Euro vì đất nước quá nhỏ và nền kinh tế quá thụ động (chính phủ Hy Lạp đã gian lận để vào khối Euro).
  9. Không có một quốc gia hiện đại nào đã vỡ nợ nhiều hơn Hy Lạp, trừ Honduras và Ecuador.

Bài học: Phải làm thì mới có của để ăn…

 

Ku Búa