26 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 3 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 135

[THĐP Review] Vào trong hoang dã (Into the wild), Jon Krakauer – Hành trình đến được với cái chết

1

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

“Ông đã nhầm nếu nghĩ rằng Niềm Vui bắt nguồn chỉ từ hoặc chủ yếu từ mối quan hệ giữa con người với nhau. Chúa đem niềm vui đến đặt xung quanh chúng ta. Nó ở trong mọi thứ và là tất cả những gì mà chúng ta trải nghiệm. Chúng ta chỉ phải lấy can đảm thay đổi thói quen và dấn thân vào cuộc sống khác với thông thường.”

Tôi bắt đầu bằng những dòng thư mang một trong những tư tưởng đầy tự do phóng khoáng và ngập tràn hương vị phiêu lưu của chàng trai trẻ có thật trong lịch sử – Christopher Johnson McCandless. Nhưng cuốn truyện kinh điển của tác giả Jon Krakauer lật lại chuyến đi định mệnh của cậu tới miền Alaska hoang dã lại mở màn bằng một cái chết – cái chết đầy bí ẩn của kẻ khát khao tự do và thiên nhiên hùng vĩ đã coi khinh mọi luật lệ, quy tắc, nghĩa vụ mà xã hội loài người đã gây dựng nên để giữ chân những kẻ nô lệ yếu đuối chỉ dám quanh quẩn nơi đáy giếng của mình. Nếu tác giả của cuốn sách Vào trong hoang dã lần lại những dấu vết trên mọi nẻo đường đi của Chris McCandless để tìm ra nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của chàng trai trẻ, thì tôi sẽ bắt đầu từ thôi thúc mãnh liệt trong việc dấn thân vào những trải nghiệm mới của Alexander Supertramp – tên gọi hoang dã của cậu – để đi xuyên suốt cuộc hành trình đến được với cái chết của chàng thanh niên 23 tuổi này trong chiếc xe bus cũ trên đài nguyên Alaska rộng lớn và buốt lạnh.

Vứt bỏ mọi nghĩa vụ, coi khinh mọi luật lệ, đứng về phía ngược lại với sự áp đặt và dính mắc, Chris McCandles quyết tâm đi vào miền hoang dã với một tiếng gọi mãnh liệt bên trong tâm hồn. Chuyện này giống như cuộc tái sinh của chàng trai trẻ để đến với một thế giới mới – thế giới không hề có sự can thiệp của nền văn minh, không hề có một bóng người, ngoại trừ chính cậu. Cuộc hành trình của chàng trai trẻ này khiến tôi không khỏi xúc động và trăn trở khi nhìn lại về chính bản thân mình – kẻ đã có không hề ít sự bất mãn với những thói đời, truyền thống, quy tắc ứng xử đầy giả tạo – khi tự hỏi mình rằng “Tôi đã thật sự buông bỏ được những gì khi sống trên cõi đời này?” và “Cuộc hành trình của tôi sẽ đi đến đâu khi bây giờ vẫn có những điều làm cho tôi đau đớn?” Tiền bạc, danh vọng, gia đình, sự nghiệp, sách vở, tình dục,… Liệu tôi có còn bị chúng cuốn đi vào một ngày bất chợt nào đó trong một phút giây hoan lạc mê đắm hay trong một khoảnh khắc đau đớn tột cùng hay không? Liệu tôi có đủ sức mạnh để đứng sang một bên và ngắm nhìn mọi thứ vận hành không, hay vẫn chỉ là kẻ u mê đang còn một chân trong cửa, một chân ngoài thềm?

Buông bỏ, đó là một chuyện vô cùng đơn giản, khi thật sự nó không khác gì việc hít thở, để dòng khí đi vào cơ thể rồi để nó đi ra, liên tục, liên tục như vậy. Nhưng nó lại là một điều quá đỗi khó khăn đối với phần lớn những con người trong xã hội này khi họ chỉ biết hít vào cho phình thật to hai lá phổi mà chẳng bao giờ thở ra để cho những người bạn cây cối có chút CO2 làm bữa điểm tâm rắc thêm chút ánh nắng mặt trời. Và rồi khi chợt nhớ ra là mình cần “buông bỏ” thì lồng ngực họ đã nổ tung mất rồi, hoặc là việc thở ra sẽ khiến họ bị đau lỗ mũi đến chết vì cái mũi đáng thương ấy chẳng quen với chiều đi ngược lại của những luồng không khí!

Chuyện Alex cắt đứt tối đa những mối dây liên kết với xã hội loài người để tìm đến thế giới tự nhiên của riêng cậu và sống hoàn toàn dựa vào sự vận động của thiên nhiên đã gợi nhắc cho tôi về việc vứt bỏ đi mọi gánh nặng quá khứ níu chân, mọi ràng buộc xã hội cứa vào da thịt đau đớn, và mọi định nghĩa đóng khuôn cứng nhắc chụp lên tâm trí nhỏ nhoi để đi tìm lại chính mình trong một sự thuần khiết tuyệt đối hệt như một đứa bé mới chào đời.

Nhưng muốn buông bỏ được thì hiển nhiên trước tiên ta phải sở hữu. Và hầu hết việc CÓ một cái gì đó, một điều gì đó, một ai đó trong cuộc đời mình thường không mấy khi nhắc nhở cho những ông chủ tội nghiệp rằng “Hãy buông đi!” mà lại rất dễ dàng mơn trớn và đưa họ vào cái bẫy ngọt ngào đầy đau đớn của sự dính mắc. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện về một cô gái trẻ, đã trải qua năm cuộc tình và lần nào cũng chịu nhiều đau khổ, cuối cùng cô cũng đã nhận ra rằng mọi sầu não và phiền muộn đến từ sự dính mắc chứ không phải từ tình yêu. Chính sự thức tỉnh này đã đưa cô gái trẻ đến hạnh phúc viên mãn trong mối duyên thứ sáu trong cuộc đời đầy thăng trầm của nàng.

Tất nhiên khi đã nhận ra và gỡ bỏ được những sợi dây xích đang ngày ngày cứa cổ thì hẳn nhiên kẻ đó sẽ được giải phóng lần lượt trên mọi phương diện của cuộc sống. Một sự sụp đổ mạnh mẽ của những cấu trúc thối nát cũ kèm theo sự bất mãn lớn lao của cái tôi hèn mọn, nếu chúng không giết chết được kẻ đó thì khả năng cao, chúng sẽ dẫn hắn ta tới miền tự do đầy mê hoặc và kì vĩ – giống như cậu bé Alexander Supertramp (Siêu lang thang) tiến vào thế giới Alaska vậy!

“Có một điều không thể phủ nhận… đó là được tự do làm theo ý thích của mình luôn khiến chúng ta vui sướng. Trong tâm trí ta, điều này luôn song hành cùng việc trốn chạy khỏi lịch sử và áp bức, luật pháp và những nghĩa vụ tẻ nhạt, cùng tự do tuyệt đối và con đường luôn dẫn tới miền Tây.” – Wallace Stegner, Miền Tây nước Mỹ – Một nơi để sống

Ha, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản khi mà chúng ta bước ra với thế giới – nơi đầy rẫy những sự mưu mô, giả tạo và tranh đấu, nơi ngập tràn những sự phán xét và làm tổn thương lẫn nhau vì chỉ những lí do không đáng. Và dù khi Chris McCandless đã tách rời khỏi nền văn minh để tới nơi thiên nhiên kì vĩ và sống cuộc sống mơ ước của riêng mình, chàng trai trẻ này vẫn không thoát khỏi những lời cay độc của xã hội khi họ tìm thấy cái xác khô của cậu ở trong chiếc xe bus cũ trên đài nguyên Alaska và rồi cái chết của cậu được đưa lên trang nhất của những tờ nhật báo kèm theo hàng ngàn lá thư chỉ trích về cái sự mà thiên hạ cho là ngu dốt và ngạo mạn của cậu. Khi nhận ra điều này, tôi đã tự dặn lòng mình rằng: “Đừng để xã hội tìm ra! Nếu không thì mày sẽ có một cuộc mai táng giả tạo như biết bao người khác. Hãy luôn chắc chắn là lúc đó mày chẳng còn quan tâm đến việc cỗ quan tài màu gì hay cuộc hỏa thiêu kéo dài bao nhiêu phút vì thân xác mày có thể bị tìm thấy, nhưng linh hồn mày sẽ nằm ngoài tầm mắt của xã hội.”

Cuốn truyện đã đề cập rất rõ ràng và chân thực về những làn sóng chỉ trích của dư luận trước cái chết của Alex khi nguyên nhân dẫn đến cái chết của cậu chưa được hoàn toàn xác minh, họ chỉ chăm chăm nhìn vào những thứ họ coi là khuyết điểm “to đùng” của chàng trai trẻ. Những người viết thư đã cho rằng Supertramp là một kẻ ngạo mạn, coi thường thiên nhiên, quái gở và ngu xuẩn hết mức, thậm chí họ còn coi cái chết của cậu là rất xứng đáng với những “phẩm chất” như vậy.

Tôi không biết liệu có mấy ai đủ dũng cảm để tìm hiểu một người trước khi phán xét hành động hay chính bản chất con người ấy, giống như Jon Krakauer đã làm đối với cậu chàng Chris McCandless này? Liệu có mấy ai đủ thương yêu để hoàn toàn lắng nghe những câu chuyện, những trăn trở, dằn vặt của người khác trong cuộc đời họ như việc tác giả kiên nhẫn lắp ghép những manh mối về cuộc hành trình của Alex? Và liệu có mấy ai đủ thông thái để kể lại câu chuyện cuộc đời của một con người bằng sự công minh mà dạt dào cảm hứng như cha đẻ cuốn sách này? Có ai? Có những ai nào để tôi được hân hạnh đếm trên một vài đầu ngón tay!

Tôi đã từng nghĩ cuộc đời là một trò hề, một trò lừa đảo ngoạn mục với những tâm trí mờ rối và hữu hạn. Nhưng khi đọc cuốn sách này, tôi bị choáng ngợp bởi một sự chân thực và chân thành đến hiếm có. Nó là một tiếng gầm đầy uy lực át đi mọi thứ gọi là phán xét, lên án hay thậm chí là làm nhục và gây thương tổn. Tôi đã nhận ra khá nhiều điểm trùng khớp trong tư tưởng của chính mình và chàng trai mang tên Chris McCandless này (dù rằng nó không là tất cả), nhưng ít nhất nó khiến tôi cảm thấy mình đã chạm được tới một phần nào tâm hồn của cậu ấy. Một trong những nỗi niềm tương đồng mà tôi cho rằng rất quan trọng đó là: “Tại sao con người ta cứ làm nhau đau đớn mãi?”

Tại sao chúng ta không thể hoàn toàn chấp nhận nhau, chấp nhận mọi dạng biểu lộ của người khác trong một sự bình lặng và kiên nhẫn đến vô cùng? Tại sao chúng ta cần phải chỉnh sửa, chỉnh đốn họ để khớp với những gì chúng ta thấy hợp lí? Tại sao chúng ta lại trở nên điên cuồng hay đau khổ khi không thể thay đổi được người khác hay khi bị người khác cố gắng bóp méo sự hiện diện của chúng ta?

Đứa trẻ ngây thơ ấy ra với cuộc đời và bị cuộc đời làm cho tan nát. Nhưng hãy nhìn xem câu chuyện về chàng trai trẻ 23 tuổi này, cậu đã không còn bị xã hội mần xéo nữa dù những chuyến nhảy tàu chở hàng vẫn bị phát hiện và cậu bị đánh cho tơi bời, dù chuyến vượt sông không giấy phép vẫn bị cơ quan chức trách địa phương truy lùng, thậm chí dù cậu đã chết khô mà vẫn bị dư luận mang ra đay nghiến. Xã hội chỉ có thể chà đạp lên vẻ bề ngoài của cậu – thứ Alex đã chẳng còn vương vấn. Khi đến với Alaska, đến với thiên nhiên hoang dã, cậu đã không còn phải quanh quẩn bên những khả năng gây nên đớn đau của loài người dành cho nhau nữa. Phải chăng mỗi người nên tự tạo ra một Alaska bên trong mình để nhìn ngắm xem những dao nhọn đục khoét và những thương tổn đã xuất hiện rõ ràng như thế nào mỗi khi chúng ngóc đầu trỗi dậy vào lúc ta tương tác với thế giới bên ngoài?

“Có lẽ, suy cho cùng, thói quen xấu của những tài năng sáng tạo là dìm mình và trong trạng thái cực đoan bệnh hoạn nhằm đến được với những cảm quan sâu sắc, nhưng điều đó không hề mang lại lối sống bền vững cho những ai không thể chuyển biến những vết thương tâm lí của mình thành tư tưởng hay nghệ thuật giàu ý nghĩa.” – Theodore Roszak, Tìm kiếm phép màu

Ra với cuộc đời và bắt đầu lớn lên, đứa trẻ không thể tránh khỏi việc mang trong mình những đổ vỡ trong trái tim ngây thơ và thuần khiết khi đối mặt với thực tại đầy bất công và bịp bợm. Cậu bé McCandless đã phải gánh chịu những tổn thương tâm lí sâu sắc khi cậu phát hiện ra những điều cha cậu đã dối trá trong đời sống hôn nhân của mình. Mâu thuẫn với cha mẹ không chỉ vì những áp đặt của họ lên con cái, mà còn vì sự giả tạo đầy đau đớn khi đáng ra họ cần phải chân thành hơn bao giờ hết. Cuốn truyện đã đạt được thành công lớn trong việc phân tích tâm lí nhân vật, những động lực gốc sâu xa dẫn đến những hành vi và phản ứng của con người trong cuộc sống.

“Niềm tin của cha tôi vào bản thiết kế cuộc đời vững chắc đến mức không thể lay chuyển. Rốt cuộc, đó chính là con đường mà ông đã đi để có được thành công. Nhưng tôi không phải bản sao của ông. Trong suốt thời niên thiếu, khi bắt đầu nhận ra điều đó, tôi dần bước lệch khỏi con đường ông vạch ra trước đó cho tôi, ban đầu là từng bước một, về sau là dứt khoát.”

Hay như là:

“Khi cố lí giải những hành vi khác thường của McCandless, một số người đã tìm nhiều điểm tương đồng giữa cậu với John Waterman, người cũng có vóc người nhỏ con và có lẽ đã từng phải chịu đựng “nỗi mặc cảm của người thấp bé”, vốn là nguyên nhân cơ bản của sự thiếu tự tin khiến khổ chủ tự thôi thúc bản thân phải chứng minh dũng khí bằng những thử thách hành hạ thể chất đến cực điểm.”

Bản thân tôi là người rất coi trọng việc quan sát và tìm hiểu tâm lí của con người. Tôi cho rằng việc chúng ta không thấu hiểu nhau và dẫn đến mâu thuẫn, tổn thương phần lớn là do mỗi người không nắm bắt được tâm lí của đối phương, mà việc đó lại phụ thuộc rất nhiều vào việc họ đã sáng tỏ về động lực gốc trong hành động của chính mình như thế nào. Ý tôi ở đây tức là một kẻ không hiểu mình thì sẽ không có khả năng đọc vị được bất kì người nào khác. Bi kịch thường xuyên xảy đến khi kẻ đó đã chẳng những không cố gắng trau dồi thêm sự nhạy cảm trong tâm hồn để có thể giao tiếp bằng sự hòa ái mà còn nhiệt tình vun đắp đầu óc và miệng lưỡi phán xét của chính mình trong một sự u mê thái quá.

Jon Krakauer đã rất xuất sắc khi xuyên suốt cuốn truyện, ông đã dành ra một lượng lớn công sức để phân tích tâm lí của những nhân vật giúp người đọc có thể trả lời được câu hỏi gốc rễ nhất như là “Tại sao hắn ta làm thế?” hay “Vì đâu mà cô ấy nên cơ sự như thế này?” Đặc biệt tác phẩm đề cập đến rất nhiều những tổn thương trong đời sống gia đình, rạn nứt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã tác động mạnh mẽ như thế nào đến hành vi của những đứa trẻ sau này – khi chúng trưởng thành, trong đó Christopher McCandless là một ví dụ điển hình.

Ngoài việc bất mãn với sự tàn nhẫn và giả tạo của xã hội, cậu bé đã chịu những khổ sở, phiền muộn khi sống trong một gia đình mà cha mẹ có quan điểm trái ngược và áp đặt lên cậu những điều mà họ muốn. Cùng với khát khao tự do và tình yêu với tự nhiên hoang dã, sự mâu thuẫn trong gia đình này lại càng đẩy Chris về điểm cùng cực của sự bất mãn, và thổi bùng lên niềm tha thiết đi ra ngoài thiên nhiên của cậu. Để dễ hiểu hơn, các bạn có thể hình dung cha mẹ và thiên nhiên là hai đầu của một cán cân, khi một bên đẩy cậu ra xa hết cỡ bằng cách cố gắng bao bọc cậu, còn một bên hút cậu lại gần hết mức bằng cách để cậu được tự do tuyệt đối. Vậy cậu bé trong sáng của chúng ta sẽ rơi về bên nào? Khỏi cần nói các bạn cũng thừa sức nhìn ra câu trả lời.

Chuyện này khiến tôi nghĩ đến không ít những đứa trẻ có tuổi thơ đau đớn chịu sự kìm kẹp và áp đặt của gia đình, khi lớn lên nếu chưa được cân bằng trở lại thì chúng sẽ có xu hướng nổi loạn, phá vỡ mọi quy tắc, rất mẫn cảm với những lời khuyên bảo hay những chỉ dẫn từ người khác dù có chân thành đến đâu đi chăng nữa, thậm chí khi đó chẳng phải là một lời khuyên thì cảm giác về sự bị áp đặt vẫn trỗi dậy trong lòng đứa trẻ khiến nó run rẩy và phản ứng kịch liệt.

Một số biểu hiện trái ngược để lấy lại cân bằng là một tình yêu tha thiết với thiên nhiên hoang dã giống như trường hợp của McCandless, một số thay thế thiên nhiên bằng người yêu, tình dục hay chất kích thích và trở nên dính mắc trong đó khiến xã hội xuất hiện thêm nhiều thành phần mù quáng, cuồng loạn và nghiện ngập. Nếu xét trên góc độ này, tôi cho rằng cậu chàng McCandless cũng là một tên nghiện, hắn nghiện thiên nhiên, nghiện sự tự do, nghiện những lí tưởng sống cao đẹp, trinh bạch của chính bản thân mình. Chính sự cực đoan trong tư tưởng đã khiến cậu bộc lộ những hành vi, hành động, cách ứng xử mà một nửa thế giới sẽ coi đó là dị hợm, điên rồ, nửa còn lại sẽ coi đó là kiệt xuất và vĩ đại.

Việc đi sâu vào phân tích tâm lí nhân vật, tác giả đã làm sáng tỏ được bức tranh tổng thể về sự tương tác giữa con người với nhau và với thế giới xung quanh. Chính vì sự sáng tỏ này, thiên hạ sẽ bớt phỏng đoán, bớt tin hay không tin, bớt phán bừa về các nhân vật trong truyện với một thái độ thiếu tình thương yêu và sự hiểu biết. Nếu bạn đọc không học được cách cư xử đúng mực với thế giới dưới sự dẫn dắt của người thầy là cuốn truyện tuyệt vời này thì có lẽ các bạn sẽ học được cách đào sâu vào tâm hồn để lấy lại cân bằng cho chính mình. Chìa khóa của sự chữa lành là Cân Bằng. Không có bậc thầy quyền năng nào, không có kĩ thuật thần thánh nào có thể hàn gắn vết thương cho một con người đến mức triệt để được nếu khổ chủ không hiểu rằng tất cả chỉ là sự tương tác năng lượng, và khi cán cân của họ bị lệch đi về bất kì một bên nào thì bệnh tật và đau đớn sẽ xuất hiện ở nơi đó!

Tôi có cảm giác chắc chắn rằng cậu chàng McCandless đã lấy lại được cân bằng trong nội tâm khi đã quyết định đi vào miền hoang dã theo tiếng gọi của trái tim mình. Các bạn hãy thử nhìn mà xem, cậu đã trải nghiệm hai trạng thái cực cực đoan nhất – áp đặt và tự do. Điều này giống như việc chàng trai trẻ đang ở trong một quả bóng bay ngột ngạt và chật hẹp, cậu đã vươn hai cánh tay mình ra về hai phía đối nhau cho đến quá giới hạn cuối cùng của quả bóng. Nó phát nổ một tiếng “BÙM!” và McCandless chết!

Có thể cái chết của chàng trai Siêu lang thang chỉ có thể vỏn vẹn được nhìn thấy đơn giản như việc cậu đã ăn phải nấm độc trên rễ cây cỏ dại và đi tới kiệt quệ (điều cuối cùng tác giả đã phát hiện ra.) Nhưng tôi lại nhìn thấy rằng cái chết của Alex lại thật hoàn hảo và tuyệt diệu khi nó xảy đến vào lúc cậu đã hoàn thành bài học về sự cân bằng, hài hòa thông qua việc trải nghiệm những cực điểm của mâu thuẫn, và sự đau đớn tột cùng khi đắm mình trong nhị nguyên.

Điều này khiến tôi không thể không liên tưởng đến Phật Thích Ca – ông ta cũng là biểu tượng tiêu biểu của một linh hồn giác ngộ với bản thiết kế cuộc đời dựa trên những trải nghiệm phân cực. Chàng trai trẻ Gautama đã đi từ người giàu có, quyền uy bậc nhất thế gian tới một kẻ ăn xin đói khổ cùng với sự nhịn ăn hành xác đến mức hồn suýt lìa khỏi thế giới; đi từ người có gia đình êm ấm đề huề đến một kẻ lang thang, tu hành đơn độc dưới cội cây bồ đề. Và chính nhờ những trải nghiệm cực đoan như vậy, Gautama đã ngộ ra con đường của hạnh phúc đó là Trung đạo khi một ngày chàng trai nghe tiếng đàn phát ra từ một sợi dây căng và một sợi dây chùng!

Tôi cho rằng cái chết của McCandless đã tới vì lí do ban đầu như vậy, việc ăn phải nấm độc chỉ là một nguyên nhân trực tiếp mà thôi. Tôi cũng đã tự hỏi rằng tại sao cái chết của cậu không phải là bị gấu tát, viêm phổi hay chết đói? Chính cái chết của chàng trai trẻ cũng khắc ghi dấu vết của sự phân cực: Cậu ăn phải nấm độc trên rễ của một loài cây không độc. Có thể các bạn không lấy làm vừa lòng với sự lí giải của tôi, nhưng tôi ở đây không phải với mục đích làm cho ai vừa lòng cả, tôi chỉ đang chia sẻ một góc nhìn trong việc tiếp cận nguyên nhân của vấn đề mà thôi.

Một nguyên nhân nữa khiến Alex Supertramp xứng đáng với cái chết, đó là cậu đã sống một cuộc đời trọn vẹn. Trọn vẹn ở đây hàm ý rằng chàng trai trẻ đã sống thật với lòng mình nhất, đã dám theo đuổi đến cùng mục đích của cuộc đời, đã tận hưởng cuộc sống mà cậu lựa chọn ở mức tối đa (cho dù ở đó cũng không ít những cơn đói khát và những phen sợ hãi.) Cái chết của cậu cũng là sự kết thúc của một cuộc hành trình sống đầy đam mê và nhiệt huyết, nó cũng là dấu chấm hết cho một cái tôi hèn mọn. Lần này, cậu lại khiến tôi nhớ đến hình ảnh Jesus bị đóng đinh trên cây thập giá. Và chính những thông điệp cậu đã để lại trên chiếc xe bus đã thể hiện điều đó rất rõ ràng:

“HAI NĂM NAY ANH PHIÊU BẠT. KHÔNG ĐIỆN THOẠI, KHÔNG BỂ BƠI, KHÔNG THÚ CƯNG, KHÔNG THUỐC LÁ, HOÀN TOÀN TỰ DO. MỘT NGƯỜI CỰC ĐOAN. MỘT CHÀNG LANG THANG CÓ ÓC THẨM MỸ VỐN COI ĐƯỜNG ĐI LÀ NHÀ. ANH ĐÃ TRỐN KHỎI ATLANTA. VÀ SẼ KHÔNG QUAY TRỞ LẠI, VÌ “MIỀN TÂY LÀ NHẤT.” VÀ GIỜ ĐÂY SAU HAI NĂM PHIÊU BẠT, CHUYẾN PHIÊU LƯU CUỐI CÙNG VÀ VĨ ĐẠI NHẤT ĐÃ TỚI. CUỘC CHIẾN CAM GO NHẤT ĐỂ HỦY DIỆT CÁI TÔI GIẢ TẠO BÊN TRONG VÀ KẾT THÚC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG KHẢI HOÀN.”

Và một lời từ biệt:

“TÔI ĐÃ CÓ MỘT CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC VÀ XIN CẢM ƠN CHÚA. TẠM BIỆT NGƯỜI VÀ CẦU CHÚA PHÙ HỘ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI!”

Christopher Johnson McCandless đã hoàn thành bài học về sự phân cực, đã sống một cuộc sống hạnh phúc thuận theo tự nhiên, đã vượt qua những giới hạn và cả thể chất và tinh thần, vậy nên cậu ấy xứng đáng được chết hơn tất thảy! Cái chết chỉ là một sự đáng sợ rợn người với những kẻ không dám sống hết mình, chỉ là một giải pháp kết liễu đầy cực đoan dành cho những kẻ không thể trụ nổi với những nỗi đớn đau dày xéo, và là một sự ám ảnh suốt kiếp với những kẻ chẳng hiểu gì về “trường đời” mà mình đang lăn lộn trong đó.

Tôi xin dành đôi lời với những ai có ý định tự tử hoặc đang cảm thấy cực kì suy sụp và không muốn sống tiếp nữa. Đó là: “Các bạn hãy tỉnh lại đi! Tất cả những đớn đau đó đều bắt nguồn từ sự sụp đổ của cái tôi ích kỉ, u mê, đầy rẫy những khái niệm và tượng đài máy móc để bám víu mà thôi. Đừng đồng hóa mình với những nỗi sầu thảm đó mà đi tới một cái chết vô ích! Hãy chỉ để cho một mình “cái tôi” đó chết mà thôi, bạn sẽ có một cái chết khác sau khi đã hoàn toàn hạnh phúc và hài lòng với cuộc đời của chính mình. Hãy sống sao để xứng đáng được chết. Vì cái chết là món quà vĩ đại và hùng tráng nhất mà bạn có thể nhận được chứ không phải thứ gì đó dễ dàng ập đến chỉ đơn giản với một cú nhảy cầu lộn ba vòng trên không hay một liều thuốc chuột cạn chén trăm phần trăm.”

Cuốn truyện là một bài điếu văn ám ảnh hay là một bản anh hùng ca mê hoặc? Chẳng phải là gì trong hai điều đó cả thưa các bạn. Vì nó là một cuộc hành trình đầy ngoạn mục và bi tráng để về với cái chết!

Tôi rất lấy làm thích thú và thỏa mãn khi cuốn sách không chỉ đơn thuần lật lại chuyến đi của chàng trai McCandless, mà Jon Krakauer còn lồng vào đó những câu chuyện phiêu lưu đầy thử thách của NEMO, Franklin hay của chính tác giả. Sự bổ sung và liên kết này nhắc tôi nhớ về mối tương quan chặt chẽ và gần gũi giữa vạn vật trong thế giới. Bắt đầu ở mỗi chương của Vào trong hoang dã, tác giả lại trích dẫn những ý tứ, lời lẽ mô tả về tự nhiên hay con người từ những tác phẩm kiệt xuất khác khiến cho cuốn truyện xuất hiện nên một mạng lưới hình ảnh cũng như nội dung phong phú và sâu sắc hơn bao giờ hết. Tôi dùng từ “mạng lưới”, ngoài ra có thể dùng “sự lồng ghép đa chiều” tạo nên một phức hợp về ngôn từ và tư tưởng khiến người đọc có cảm giác rơi vào một chiều kích hoàn toàn khác, nơi mà họ không tài nào mô tả được bằng câu chữ của Trái Đất. Chính sự đa dạng mê hoặc này khiến tôi không thể không kéo dây dẫn đến với những tác phẩm lừng danh khác có những dấu viết phiêu lưu hoang dã tương tự, như là: Robinson trên đảo hoang, Cuộc đời của Pi hay Chúa tể những chiếc nhẫn. Đây là một nghệ thuật lồng ghép độc đáo mà lần đầu tiên tôi được thưởng thức. Nếu được thốt ra điều gì đó để biểu cảm lúc này thì hẳn là “TRÊN CẢ TUYỆT VỜI!”

Ngoài ra, thành công của tác giả còn nằm ở việc xây dựng kết cấu của câu truyện với những nút thắt vừa đi ngược mà cũng lại là đi xuôi dòng thời gian để diễn lại cuộc phiêu lưu của Chris McCandless. Điều này lại tạo ra một hiệu ứng kích thích trí não bạn đọc, khiến họ đặt một sự tập trung cao độ vào việc nắm bắt từng tình tiết của câu chuyện đầy mê hoặc này.

Chưa kể, giọng văn xuyên suốt tác phẩm là một sự chắc nịch, rõ ràng, thể hiện ý chí mạnh mẽ và sự sắc sảo của người viết. Câu từ không hề rườm rà, hoa mĩ, Jon Krakauer chỉ nói vừa đủ tạo ra cảm giác giản dị mà quyến rũ đặc biệt. Những nghệ thuật tác giả sử dụng trong cuốn sách phản ánh đúng chất một người say mê leo núi. Mỗi câu chữ là những vết cắm chắc chắn vào sườn băng, mỗi góc nhìn là một sự tỉ mỉ mà cũng bao quát đến kinh ngạc, và mỗi ý tứ là một sự quyết tâm, can trường để đạt được đến những đỉnh cao của thiên nhiên hoang dại.

Toàn bộ cuốn sách là một sự hấp dẫn mê hồn như những câu chuyện ly kỳ được những nhà thám hiểm kể lại khi đã thoát chết trong gang tấc. Điểm đắt giá trong nghệ thuật kể chuyện của Jon Krakauer đó là mô tả cuộc phiêu lưu của McCandless sống động đến mức người ta quên cả đi việc cậu ấy đã chết, còn khi mô tả chuyến đi để đời của chính tác giả lên đỉnh ngọn Devil’s Thumb thì bạn đọc nghĩ rằng “Ông này hẳn sẽ chết trong ngay trang kế tiếp thôi!” khi chẳng còn tâm trí nào mà nhớ ra rằng ông tác giả ấy hiển nhiên vẫn còn thở để mà về nhà viết lại câu chuyện.

Nếu so sánh truyện và phim thì hẳn là một sự khập khiễng quá mức. Tôi chỉ xin nêu lên điểm khác biệt lớn nhất mình quan sát được đó là Jon Krakauer kể lại cuộc hành trình của McCandless qua những dấu vết mà ông bám đuổi và lắp ghép chúng theo trình tự thời gian; còn trong phim thì câu chuyện ấy lại được kể dưới góc nhìn của cô em gái Carine và của chính chàng trai trẻ đó theo trình tự không gian – sự đối lập giữa cuộc sống đời thường tương tác với mọi người xung quanh và cuộc sống khi một mình trong thiên nhiên hoang dã. Tôi không biết đạo diễn phim có cố tình làm như vậy hay không, nhưng đây quả thực là một sự bổ sung hoàn hảo, một cặp “âm-dương” đẹp ngây ngất. Đành rằng bộ phim phải lược bớt đi rất nhiều chi tiết và phải sắp xếp lại toàn bộ bố cục sao cho súc tích mà vẫn hấp dẫn nhất – điều này gây nên phản ứng so sánh hơn – kém của người xem khi đã thưởng thức cuốn truyện, nhưng tôi đánh giá rất cao nỗ lực truyền tải lại những nội dung sâu sắc và ấn tượng của cuốn sách cùng với việc hiện thực hóa những góc cảnh cực kì sống động và giàu xúc cảm của cả tự nhiên lẫn con người. Và một ấn tượng nữa không thể không nhắc tới đó là âm nhạc xuyên suốt bộ phim mang trọn vẹn tinh thần Supertramp!

Hẳn nhiên cuốn sách vẫn là thứ vương vấn tôi nhiều hơn, nhưng nếu các bạn muốn thưởng thức tác phẩm này một cách toàn diện và sáng tạo thì hãy dành chút thời gian để theo dõi bộ phim nữa nhé.

Cuối cùng, khi nghĩ đến việc chấm điểm cho Vào trong hoang dã, tôi đã thấy một sự hối tiếc gợn lên trong lòng vì mình đã để điểm 10 trọn vẹn ấy cho một vài tác phẩm khác mà xét về độ sâu sắc thì chẳng thể bằng một phần mười của cuốn sách này. Nhưng âu chuyện cũng đã rồi, và giả như sau này tôi có bắt gặp một tác phẩm siêu kinh điển nào đó mà khiến tôi chẳng còn điểm 10 nào để mà cho nữa thì thôi, hãy cứ đợi đến lúc đó rồi tính tiếp. Còn ngay bây giờ đây, ngay lúc này đây, điểm 10 của tôi dành cho Vào trong hoang dã của Jon Krakauer là hoàn toàn không thiên vị, không nghi ngờ và tuyệt đối không hối tiếc!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

[THĐP Translation] 20 loài động vật rất có thể sẽ tuyệt chủng trước khi bạn chết

 

Hải cẩu đội mũ

image

Hải cẩu đội mũ chỉ có thể được tìm thấy trong những khu vực nhỏ ở bắc Đại Tây Dương và hiện đang bị săn bắt dữ dội. Loài hải cẩu này đặc biệt vì chúng có một khoang mũi đặc biệt nằm trên đỉnh đầu, thứ sẽ phồng lên rồi xẹp xuống khi loài hải cẩu này bơi. Nó cũng sẽ phồng lên khi cảm thấy bị đe dọa, thu hút bạn tình và nó cũng là biểu tượng của địa vị cao hay thấp trong loài hải cẩu này. Loài động vật khổng lồ này có thể nặng đến 900 pounds và dài đến 8 feets.

Chuột túi cây

image

Loài thú có túi này phân bố ở vùng rừng nhiệt đới New Guinea và Queensland, và như cái tên cho thấy, loài này là một nhánh trong họ chuột túi sống trên cây. Nạn săn bắn và tàn phá rừng đã làm giảm số lượng của loài động vật tuyệt vời này xuống chỉ còn 1%.

Kền kền râu

image

Loài chim tuyệt đẹp này sinh sống ở đỉnh Everest, dãy Himalayas và một số dãy núi thuộc châu Á và châu Âu khác. Kền kền râu gần như bị tận diệt trong thế kỉ qua do sự lo ngại chúng có thể tấn công cừu và trẻ nhỏ, hiện nay, WWF ước tính chỉ còn sót lại khoảng 10,000 cá thể.

Axolotl

image

Còn được biết đến với cái tên kì nhông Mexico, loài động vật lưỡng cư kì dị nhỏ bé này phân bố trong vài hồ ở vùng trung Mỹ, bao gồm hồ Xochimilco ở Mexico City. Từ năm 2010, loài kì nhông lạ lùng này bị đe dọa nghiêm trọng và trong một nghiên cứu năm 2013, người ta đã không tìm thấy bất kì cá thể nào trong tự nhiên.

Sơn dương Taiga

image

Loài sơn dương Taiga được tìm thấy trong tình trạng cực kì nguy cấp. Phân bố trên vùng thảo nguyên Âu-Á, bao gồm cả Dzungaria và Mông Cổ. Sinh vật đáng kinh ngạc này trông có vẻ khá xa lạ, chúng có 1 chiếc mũi cực kì linh hoạt giúp chúng lọc lớp bụi được tung lên bởi những đàn di cư lớn. Nạn săn bắn và mất đi môi trường sống khiến chỉ còn lại ngoài tự nhiên vài nghìn cá thể.

Olm

image

Loài olm sống trong các hang động ở Trung và Đông Nam Âu một số ít là động vật thủy sinh lưỡng cư hoàn toàn. Chúng ăn, ngủ và phát triển dưới nước. Chúng sống hoàn toàn trong bóng tối cả cuộc đời. Loài Olm có thị giác không phát triển, thay vào đó là sự phát triển đáng kinh ngạc của thính giác và khứu giác. Sự ô nhiễm nguồn nước đã đẩy loài vật này đến diệt vong.

Langur Chato

image

David Attenborough từng nói rằng loài khỉ tuyệt vời này trông giống “yêu tinh”. Có thể tìm thấy chúng ở châu Á, ở độ cao lên đến khoảng 13,000 feets. Loài linh trưởng này có sống mũi ngắn rất hiếm khi bị bắt gặp. Loài khỉ lạ lung này bị đe dọa bởi nạn tàn phá rừng.

Gharial

image

Số lượng cá thể trên thế giới của loài cá sấu gharial này là vào khoảng 235 cá thể, phần lớn phân bố trên tiểu lục địa Ấn. Những con quái vật này dài 20 feets, nặng 350 pounds và thống trị những khúc sông chính, với chiều dài đó, đôi hàm thon thả giúp chúng khá nhanh nhẹn trong việc bắt và ăn cá. Đánh bắt quá mức đã làm giảm số lượng cá thể xuống chỉ còn khoảng 2%.

Khỉ vòi

image

Loài khỉ trông lạ lung này chỉ có thể được tìm thấy trên đảo Borneo, được biết đến với cái bụng và mũi khổng lồ. Những đặc điểm này là lí do người ta gọi chúng là “khỉ Hà Lan” sau khi người dân Indonesia cho biết những người Hà Lan đến đảo cũng có bụng bự như những con khỉ này.

Cá heo Irrawaddy

image

Loài cá heo Irrawaddy được tìm thấy ở vùng ven biển Nam và Đông Nam Á. Loài này được biết đến với cái trán tròn trịa và cái mỏ ngắn, tạo sự khác biệt về ngoại hình giữ chúng với các loài cá heo khác. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chỉ còn khoảng 77 cá thể thuộc loài này tồn tại, mối đe dọa chính của loài là hiện tượng săn bắt quá mức.

Cua dừa

image

Cua dừa là một ví dụ lớn nhất về động vật chân đốt trên thế giới, trọng lượng lên đến 9kg. Như cái tên, loài cua này có thể trèo lên tận ngọn cây để hái dừa, sau đó nghiền nát với đôi càng mạnh mẽ của chúng. Được coi là một món ăn đặc sản đối với một số người, loài giáp xác này được bảo vệ tại một số khu vực.

Kakapo

image

Kakapo là loài vẹt béo nhất thế giới và bởi vì vấn đề cân nặng, chúng trở thành loài vẹt duy nhất không thể bay. Nguồn gốc từ New Zealand, sự thuộc địa hóa của người châu Âu mang theo mèo, loài đã biến Kakapo trở thành con mồi dễ dàng. Loài chim này đang bị đe dọa nghiêm trọng, hiện chỉ còn 128 cá thể trong những vùng không có tú săn mồi.

Đường dẫn của @redrumtac để giúp đỡ loài chim Kakapo
https://www.indiegogo.com/projects/kakapo-on-the-brink-of-extinction#/story

Dupongo

image

Dugon là một trong bốn loài bò biển được phân bố từ Thái Bình Dương cho tới bờ đông châu Phi. Loài vật khổng lồ này từ lâu đã bị săn bắt với mục đích lấy thịt và mỡ, khiến chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Loris lảng tránh

image

Loài vật nhỏ bé có tên Loris lảng tránh của Horton Plains chỉ được nhìn thấy đúng bốn lần vào năm 1937 và biến mất cùng úc trong giai đoạn 1939-2002., làm gia tăng mối lo ngại rằng loài này đã bị tận diệt. Phân bố chủ yếu ở Sri Lanka. Chúng có đôi mắt to giúp chúng có thể nhìn đêm tốt hơn, nhưng đã gây nên mê tín dị đoan. Một số cộng đồng tin rằng thịt động vật có thể chữa khỏi bệnh phong, và các bộ phận có thể dung để chữa khỏi lời nguyền hoặc phép thuật.

Nhện Gooty

image

Nhện Gooty- hoặc Poecilotheria metallica- chỉ được tìm thấy trong một khi rừng nhỏ của Ấn Độ với diện tích chừng 60 dặm vuông. Những người sưu tầm chào giá 500$ cho mỗi con nhện có màu sắc sặc sợ này, và việc săn bắt đã làm giảm mạnh số lượng cá thể và bây giờ là cực kì nguy cấp.

Markhor

image

Loài Markhor này tựa như được đem ra từ một quyển tiểu thuyết thần thoại và cũng dễ dàng để hiểu được lí do nó được chọn làm linh vật của đất nước Pakistan. Loài vật này có địa vị cao trong phong cách một cách đáng ngạc nhiên và chúng trở thành một mục tiêu hoàn hảo cho bọn thợ săn giải thưởng, đến nay chỉ còn lại khoảng 2500 cá thể.

Quokkas

image

Quokkas là loài thú có túi rất thân thiện được tìm thấy trong một góc nhỏ của miền tây nam nước Úc. Sự thân thiện của chúng phần nào giải thích vì sao chúng trở nên nguy cấp, như đã được biết, chúng đã tiếp cận với chó hoang dingo và cáo để kết bạn.

Okapi

image

Được biết đến như “huơu cao cổ lai ngựa vằn”. Loài này trở nên nổi tiếng vào những năm 1800, được tìm thấy bởi các nhà thám hiểm người Anh- cho đến giờ chưa có ai có thể nghĩ rằng sinh vật kì lạ này là có thật. Bây giờ, bạn chỉ có thể tìm thấy chúng ở Cộng hòa Dân chủ Congo, với số lượng cá thể khoảng 10,000 đến 20,000.

image

Sự cân bằng sinh thái nhạy cảm đang bị ảnh hưởng bởi con người chúng ta, ngày qua ngày chúng ta chặt phá rừng, đốt cháy đồng bằng, gây ô nhiễm các đại dương và sông nguồn, chúng ta đang thay đổi môi trường sống của hầu hết các loài vật trên hành tinh.

Vì vậy, nhiều hơn 33% các loài động vật đang nằm trong danh sách đỏ các loài động vật bị đe dọa. Trên đây chỉ là một trong số các loài động vật tuyệt vờimà có thể chúng ta sẽ kông bao giờ trông thấy chúng lần nữa trừ khi có sự thay đổi.

Nguồn: The1WritingThis
Dịch: Hà Huy Dương

[THĐP Translation] Món quà của cuộc sống – Zen Pencils

image

image

image

image

image

imageimageimageimageimageimageimageimage

Cảm nhận của Zen Pencils

Chris Hardwick là một diễn viên hài, bình luận viên, dẫn chuơng trình, diễn viên và là một biểu tượng của thế hệ truớc. Nerdist podcast của ông là một trong những chương trình yêu thích của tôi, trong chương trình đó, ông và những nguời bạn thân của ông phỏng vấn những nguời nổi tiếng và sáng tạo.

Đoạn trích này đuợc trích từ cuốn hồi kí tự thuật bản thân của Hardwick, cuốn sách Cách của Nerdist: Làm thế nào để tăng level (trong cuộc sống thật). Trong cuốn sách này: Hardwick chia sẻ làm thế nào anh ấy đã đạt được khả năng và nắm quyền kiểm soát tâm trí của mình. Tài năng của anh bắt đầu toả sáng khi anh 22 tuổi với vai trò một nguời dẫn chuơng trình của MTV, dù vậy anh thừa nhận rằng mình đã không chuẩn bị đủ để sống trong thế giới màn bạc. Kéo theo đó là những năm của sự luời biếng, ruợu chè và xa đọa. Ở năm 30 tuổi, Hardwick thừa cân, uống ruợu quá nhiều, nhiều tiếng xấu và ít triển vọng trong công việc. Anh đã quyết định làm một cái gì đó để định hình lại mọi thứ, trở lại tỉnh táo và dành hết sức mình để cải thiện cuộc sống. Anh ấy đã khởi động một đế chế Nerdist thành công ngoài sức tuởng tuợng, và ngày hôm nay anh ấy là một diễn viên hài, nhà sản xuất chuơng trình TV và khá thành công với vị trí ông hoàng của văn hoá pop.

Vậy thực sự thế nào là một Nerdist? Trích từ cuốn sách Cách của Nerdist:

“Đầu tiên là có những thằng nerd (mọt sách, cù lần,) và sau đó là có các nerdist. Nerdist thì đặc biệt hơn, anh ấy là một kẻ cù lần nghệ sĩ. Anh ấy hay cô ấy không chỉ tiêu thụ, anh ta hay cô ta còn sáng tạo và đổi mới. Freelancers, những nguời thiết kế game, những nguời thiết kế đồ hoạ, DMs (Dungeon Masters), nhạc sĩ, nghệ sĩ, những nhà điêu khắc và những nhà văn, tất cả họ đều là những ví dụ của Nerdists. Vâng, chúng ta bị ám ảnh về quá nhiều điều, nhưng chúng ta cũng có những khát khao để sáng tạo ra nhiều thứ. Cho nên nó có thể không quá ngạc nhiên khi tôi nói đến Nerdists như những kẻ bị ám ảnh với sáng tạo. Sự bùng nổ thông tin trong thời đại kĩ thuật số đã cho phép chúng ta nảy nở, trong khi gần đây nhất là muời lăm năm về truớc, chúng ta phải có những công việc với rất ít trợ cấp cho mục đích theo đuổi những đam mê của mình một cách chuyên nghiệp, trong khi những công việc này nuốt chửng linh hồn chúng ta và bóp vụn nó ra thành từng mảnh. BÂY GIỜ LÀ THỜI CỦA CHÚNG TA.”

Cho tôi nghe bạn nói “Amen” được không?

Dịch: Tiểu Long
Review: Nguyễn Hoàng Huy
Graphic Edit: Sadie Pices

[Exclusive] Theo mặc định, Windows 10 biết hết mọi thứ về bạn

Windows 10 đã cập bến, và hệ điều hành mới nhất của Microsoft được thiết kế cho một tương lai mà điện thoại di động và thông số đám mây là ưu tiên hàng đầu, theo như cách CEO Satya Nadella nói. Nhưng tương lai đó phụ thuộc lại phụ thuộc vào big data – data của bạn – và theo mặc định, Windows 10 có thể lần theo/chia sẻ những trang web bạn truy cập, những đơn hàng hàng bạn mua, những nơi bạn tới, những từ bạn gõ, những thứ bạn nói và còn hơn thế nữa.

Bạn có khả năng kiểm soát việc thu thập thông tin của Windows 10, tuy nhiên việc này tốn một ít công sức. Quá trình cài đặt cho phép bạn tùy chỉnh các thiết lập bảo mật ở giai đoạn cuối hoặc là bạn có thể cài đặt một cách mặc định với chức năng “cài đặt nhanh” (express settings.) Chúng tôi khuyên bạn nên bỏ thêm 2 phút ở giai đoạn này, không lựa chọn phương án kia, hoặc điều chỉnh các tùy chọn sau khi đã cài đặt xong, vì các thiết lập riêng tư mặc định của Microsoft có thể không được riêng tư lắm như bạn muốn.

Trang đầu tiên của các cài đặt liệt kê bốn lựa chọn mà bạn có thể chọn tắt hoặc mở, còn trang thứ 2 liệt kê năm lựa chọn. Theo mặc định thì tất cả đều sẽ được mở.

Trong mục “cá nhân” (Personalization,) thiết lập đầu tiên điều chỉnh “giọng nói, gõ máy và viết tay đầu vào” của bạn như cách bạn trò chuyện, gõ máy và viết,… “bằng cách gửi địa chỉ liên lạc và chi tiết lịch trình của bạn cùng các dữ liệu đầu vào liên quan khác tới Microsoft.” Các thiệt lập tiếp theo sẽ gửi dữ liệu cách gõ và cách viết tay tới Microsoft để “cải thiện nền tảng nhận diện và gợi ý.”

Một số người có thể sẽ cảm thấy thoải mái với cách sử dụng này; chung quy, những phần mềm 3rd party bàn phím ảo như Swiftkey cải thiện chức năng tự sửa sai bằng cách học hỏi cách bạn thường gõ như thế nào. Nhưng đối với những người khác, “chia sẻ danh bạ và lịch trình” là đã di quá xa.

Tiếp theo đó là một mục khá mơ hồ “cho phép các ứng dụng dùng ID quảng cáo của bạn để trải nghiệm xuyên suốt các ứng dụng.” Điều mà câu này không giải thích rõ ràng là Windows 10 tạo ra một ID quảng cáo độc đáo cho người dùng. Nếu tùy chọn này được bật lên, nó cho phép những nhà phát triển ứng dụng và các mạng lưới quảng cáo có thể mô tả việc bạn dùng các ID đó và cung cấp cho bạn các quảng cáo dựa vào cách mà bạn sử dụng vi tính của bạn.

Phần cuối cùng của mục thiết lập đầu tiên liên quan đến vị trí. Máy tính của bạn có thể sẽ không có thiết bị thu phát GPS ở trong như là điện thoại di động, nhưng nếu bạn kết nối internet, vị trí của bạn có tể bị theo dõi thông qua IP của bạn. Với tùy chọn này được kích hoạt, bạn cho phép Windows và các ứng dụng yêu cầu vị trí của bạn, bao gồm cả lịch sử vị trí của bạn. Nó sẽ trở nên hữu ích với các ứng dụng dựa trên vị trí, như là cung cấp cho một cửa hàng mà bạn đang truy cập để họ có thể cho bạn địa chỉ của đại lý gần nhất.

Tuy nhiên, các cài đặt vị trí cũng cho phép Windows 10 “gửi Microsoft và các đối tác đáng tin cậy một số dữ liệu vị trí để có thể cải thiện dịch vụ định vị.” Đó là một phần của đẳng thức có thể khiến bạn ngưng lại, đặc biệt là bạn không hề biết “đối tác tin cậy” của Microsoft là ai. (ExtremeTech báo cáo rằng quá trình cài đặt của Windows 8 bao gồm những cài đặt tượng tự, nhưng không có sự chia sẻ dữ liệu giữa bạn và cái gọi là đối tác tin cậy.)

Chúng ta hãy cùng di chuyển đến trang 2. Mục bật/tắt đầu tiên trong phần trình duyệt bật Microsoft SmartScreen Filter, thứ bảo vệ bạn khỏi “những nội dung và download độc hại” trong các trình duyệt Windows – Microsoft Edge, chương trình ra mắt cùng với Windows 10, và Internet Explorer – và các ứng dụng trên Windows Store. Nghe thật tuyệt! Tiếp theo là một thiết lập cho chức năng tiên đoán trang, gửi dữ liệu duyệt web của bạn cho Microsoft để “cải thiện việc đọc, tăng tốc độ duyệt web và cải thiện trải nghiệm của bạn trong các trình duyệt của Windows.” Bạn có thể có những tính năng tương tự trong trình duyệt hiện tại của bạn, ví dụ như Google Chrome.

image

Hai tùy chọn tiếp theo chi phối cách máy tính của bạn kết nối tới wifi, một phần của tính năng mới của Windows 10 được gọi là Wi-fi Sense. Thiết lập đầu tiên cho phép bạn tự động kết nối với “điểm phát wifi open được đề nghị,” trong khi thiết lập thứ hai cũng làm việc đó với “mạng được chia sẻ bởi danh bạ.”

Theo mục Hỏi đáp Wifi Sense của Microsoft, cài đặt đầu tiên dựa trên cơ sở dữ liệu crowdsourced của Microsoft về các điểm phát sóng wifi mở. Nếu có đủ người có được một kết nối chất lượng tốt từ một điểm phát, nó sẽ được thêm vào cơ sở dữ liệu.

Thiết lập thứ hai có nhiệm vụ loại bỏ đi những rắc rối trong việc hỏi một người bạn về mật khẩu wifi của họ khi bạn tới nhà họ. Nếu được bật, nó sẽ thực hiện hai thứ: (1) Cho phép bạn chọn mạng wifi để chia sẻ với danh bạ Outlook.com, danh bạ Skype hoặc bạn bè trên Facebook, và (2) Giúp bạn tự động kết nối đến mạng bạn được người khác chia sẻ.

Nó hoạt động nhờ sự chia sẻ password của wifi thông qua Wifi Sense. Mật khẩu được mã hóa, và Wifi Sense chỉ cung cấp truy cập internet, không bao gồm chia sẻ file. Nhưng những mật khẩu được mã hóa đó được lưu trữ trong một máy chủ Microsoft ở đâu đó. Và nó không hề có độ chi tiết: Nếu bạn nhấp chuột vào mục Facebook, Wifi Sense sẽ cho tất cả những bạn trên Facebook mà bạn đã chọn được kết nối vào mạng.

Những cài đặt cuối cùng của quá trình cài đặt Windows 10 cho phép máy tính của bạn “gửi thông báo lỗi và thông tin chẩn đoán tới Microsoft.” Vì vậy nếu có lỗi xảy ra với vi tính của bạn, nó có thể gửi thông tin chi tiết về tình hình hiện tại cho Microsoft, và công ty hy vọng có thể sử dụng dữ liệu đó để có thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề xảy ra với vi tính của bạn.

image

Điều chỉnh quyền riêng tư sau khi cài đặt

Nếu bạn đã lỡ ấn vào mục “cài đặt nhanh,” ổn thôi. Bạn vẫn có thể thay đổi các cài đặt này bất kì lúc nào bạn muốn. Microsoft cung cấp những chỉ dẫn thiếu sót chi tiết đến mức buồn cười, đây là một số chi tiết.

Thay vì vào Control Panel, như bạn thường làm, hãy mở Menu Start (Vâng, nó đã trở lại!) và nhấp vào mục Cài đặt ở bên trái, phía dưới. (Bạn cũng có thể vào mục Cài đặt hệ thống bằng cách vào Action Center, một mục mới của Windows 10 – nhấp vào bong bóng giọng nói phía gần cuối của thanh taskbar, sau đó nhấn vào “All Settings.”)

Hầu hết các mục phía trên có thể được tìm thấy trong phần Riêng tư. Phần này còn có một số thiết lập riêng tư khác, như thiết lập cho phép ứng dụng nào được phép truy cập vào vị trí, camera, lịch, microphone và những thứ khác nữa của bạn. Để vào mục Wi-fi Sense, nhấp chọn mục Network & Internet trong cài đặt hệ thống, sau đó nhấn “quản lý thiết lập Wi-fi” nằm bên dưới danh sách mạng khả dụng.

Hey, Cortana

Cortana, trợ lý kĩ thuật số hoạt động bằng giọng nói của Microsoft – và đúng vậy, cô ấy được đặt tên theo một nhân vật trong game Halo – được tích hợp trức tiếp vào Windows 10. Cô ta hữu dụng một cách không thể chối cãi, có khả năng tìm kiếm dữ liệu trong vi tính và trên internet bắt đầu với câu lệnh “hey, Cortana.” Cô cũng cung cấp các tính năng của Google Now – như đem đến cho bạn các tin tức, thể thao, cảnh báo, nhắc nhở và nhiều hơn thế nữa.

Nhưng cũng giống như Google có Google Now, Apple có Siri và Amazon có Echo, Microsoft cần phải tu thập rất nhiều thông tin về bạn và cách bạn sử dụng internet để cung cấp các chức năng có vẻ kì diệu ấy. Đây là một trích đoạn có liên quan, từ chính sách bảo mật của Microsoft.

“Để kích hoạt Cortana để cung cấp những trải nghiệm cá nhân và những đề nghị có liên quan, Microsoft thu thập và sử dụng những loại dữ liệu khác nhau, ví dụ như vị trí thiết bị của bạn, dữ liệu từ lịch của bạn, dữ liệu từ email và tin nhắn, người bạn gọi và những người mà bạn tương tác với trên thiết bị của bạn. Cortana cũng học hỏi bạn bằng cách thu thập thông tin về cách bạn sử dụng thiết bị cũng như những dịch vụ Microsoft, ví dụ như âm nhạc, chuông báo thức, khóa màn hình bật hay tắt, những thứ bạn xem và mua bán, trình duyệt của bạn và lịch sử tìm kiếm của Bing và nhiều hơn thế nữa.”

Cotarna cũng phân tích dữ liệu giọng nói, tất nhiên, thông tin đó được “gửi đến Microsoft để xây dựng mô hình giọng nói và cải thiện nhận dạng giọng nói.” Một lần nữa, loại theo dõi này là chung cho tất cả những dịch vụ này, vì những dịch vụ này sẽ không thể hoạt động nếu không có nó. Nhưng nếu bạn cảm thấy không thoải mái với nó, bạn có thể nhấn vào thanh tìm kiếm, cái đã được nhúng vào thanh tác vụ taskbar của Windows 10, sau đó nhấn vào biểu tượng bánh răng ở phía bên trái để vào mục cài đặt Cortana của bạn. Tại đó, bạn có thể bật hoặc tắt Cortana, và quản lý những thông tin về bạn mà Cortana giữ trên cloud.

Cá nhân hóa quảng cáo

Phần cuối cùng của câu đố về quyền riêng tư không hề có trên Windows 10; nó nằm trên một trang web, nhưRock, Paper,Shotgun đã chỉ ra. Trên trang web đó, Microsoft đưa ra những trường hợp để thiết lập các quảng cáo, và trên thực tế, có thể có một số thứ bạn sẽ muốn. Nhưng công ty cho phép bạn lựa chọn việc cá nhân hóa quảng cáo theo hai tình huống riêng biệt: trên web và “bất kì nơi nào tôi dùng tài khoản Microsoft của tôi” bao gồm Windows, Xbox và các dịch vụ khác của Microsoft.

Hãy đọc những dòng chữ nhỏ

Như chúng tôi đã đề cập đến ở trên, các dịch vụ trực tuyến dựa trên sự sưu tập dữ liệu của người sử dụng chỉ có thể trở nên phổ biến hơn. Những dịch vụ này có vẻ như học hỏi để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn bằng cách học hỏi cách chúng ta sống, làm việc và giải trí để có thể dự đoán hành động tiếp theo của chúng ta, đáp ứng mong muốn của chúng ta trước cả khi chúng ta thể hiện chúng ra.

Có một cuộc đối thoại lớn hơn về việc liệu, hoặc đến mức độ nào, chúng ta có thể giao phó những dấu vết kĩ thuật số của chúng ta cho các công ty như Microsoft, Apple, Google, Facebook và Amazon. Nhưng bất kể bạn theo phe nào, rất đáng để biết rõ những gì bạn đang kí kết khi bạn kéo lướt qua các thỏa thuận sử dụng lần tiếp theo bạn thấy.

Tác giả: Samit Sarkar – Polygon
Dịch: Hà Huy Dương
Review: Nguyễn Hoàng Huy

[Review] Dị Biệt (Divergent) – Một bộ phim phản chiếu xã hội con người

Dị biệt là một bộ phim viễn tưởng hay, hay về nội dung, hình ảnh lẫn hành động. Nếu đã đọc nhiều bài viết của tôi thì hẳn sẽ biết điều tôi chú trọng nhất chính là nội dung. Sau khi xem một bộ phim thì bạn có thể quên hình ảnh nhưng không bao giờ quên nội dung nếu bạn thật sự hiểu. Những bài học đó sẽ ngấm sâu vào tư tưởng bạn, tác động đến suy nghĩ cũng như hành động cho đến cuối đời.

Dị biệt lấy bối cảnh thế giới sau tận thế, lúc này nhân loại chỉ còn tồn tại một thành phố duy nhất. Họ được bảo vệ bên trong những lớp tường vây trước sự nguy hiểm của thế giới, nhưng cũng có thể đó là rào cản con người hủy hoại thế giới khi chưa đủ nhận thức.

Xã hội trong thành phố này được xây dựng dựa trên tính khoa học, được phân ra 5 phái là Vị Tha – Uyên Bác – Dũng Cảm – Hòa hảo – Trung Thực. 5 phái này đảm nhận từng vai trò tương ứng mà một xã hội cần có, việc phân phái cũng giúp sự đào tạo trở nên chuyên nghiệp hơn, khiến cho công việc có thể tập trung và sinh ra hiệu suất cao nhất. Chuyện chọn lựa mình thuộc phái nào là tự do mỗi người, nhưng trước ngày chọn thì mỗi người được trắc nghiệm xem mình có yếu tố nào để sự lựa chọn là tốt nhất.

Trong cuộc trắc nghiệm, Tris đã thể hiện đầy đủ 3 yếu tố là Uyên Bác – Dũng Cảm – Vị Tha. Một điều rất khó xẩy ra đối với mọi người. Những người có khả năng như Tris được gọi là Dị Biệt – Bất khả Trị, nghĩa là một sự khác loại đối với đám đông. Sự tồn tại của Dị Biệt như một yếu tố phủ định tính hệ thống mà xã hội đang có, và hậu quả là có thể làm cho hệ thống đó sụp đổ. Từ xưa đến nay chúng ta đều thấy rằng người nào chống lại xu hướng của một xã hội, cản đường một đám đông thì cái kết quả dành cho người đó luôn là những gì tồi tệ nhất. Tris đang trong trường hợp này.

Bạn có biết tại sao Tris lại chọn vào nhóm Dũng Cảm? Đứng trước một kết quả được xem là tồi tệ như thế thì Vị Tha – Hòa Hảo – Trung Thực chẳng giúp ích gì cho cô, sự Uyên Bác cũng chẳng thể giúp cô thoát khỏi hiện thực, chỉ còn lại Dũng Cảm có thể cho cô sức mạnh để vượt qua khó khăn trong lúc này và đối diện với thực tại. Tiếp theo thì bạn có biết tại sao Tris lại là người nhảy xuống đầu tiên trong nhóm Dũng Cảm? Đó không phải là kết quả của sự dũng cảm mù quáng, một người có trí tuệ sẽ nhận ra rằng không hề có cái chết phía dưới hố sâu đó. Với nhóm Dũng Cảm thì đó là thử thách của lòng dũng cảm, nhưng đối với Tris thì lại là thử thách của trí tuệ lẫn dũng cảm. Và ta nhìn thấy kết quả cũng như hiệu quả của nó, Tris là người đầu tiên.

Trong các cuộc thi đấu cá nhân trực tiếp, Tris không thể hiện được sự xuất sắc mà còn là khá tệ. Bởi lẽ sức mạnh của cuộc thi đấu đó hoàn toàn phụ thuộc và thể chất con người, thể chất có sự giới hạn của nó. Nhưng trong những cuộc thi lớn không đơn thuần đòi hỏi dũng cảm thì cô lại chiến thắng. Cô được yêu quý trong các muối quan hệ với mọi người bởi cô là người có Trung Thực và Hòa Hảo cũng như Quên Mình. Những yếu tố đó vẽ lên một con người đặt biệt, và cuối cùng 2 con người đặt biệt trong phái Dũng Cảm đã yêu nhau.

Bạn có biết tại sao trong các cuộc thử nghiệm về khả năng chống lại sự sợ hãi thì Tris luôn là người thoát ra đầu tiên? Bởi bằng vào trí tuệ, cô nhận ra những gì cô thấy, những nỗi sợ chỉ là ảo ảnh. Khi ta nhận ra bản chất của một sự việc thì sự phá giải nó sẽ diễn ra nhanh hơn. Có những người chìm trong ảo ảnh mà không thoát ra được, vì họ tin những gì mình thấy là sự thật, họ để cảm xúc lấn át lý trí, không còn lý trí thì làm sao có thể đủ bình tỉnh để suy xét tính thật giả của hình ảnh? Trong cuộc sống chúng ta nhìn thấy nhiều lắm những con người như thế, bắt gặp kẻ phạm tội thì chà đạp không thương tiếc, khi có người chỉ ra kẻ ấy có hoàn cảnh đáng thương mới phạm pháp thì họ lập tức yêu thương và khóc hết nước mắt, sau đó khám phá ra sự đáng thương đó là dối trá thì họ lại căm hận vô biên. Ta không hề thấy một sự tự chủ nào trong những con người như thế.

Nhưng dù ai đó có đạt đến sự tự chủ cho bản thân mình thì cũng chưa đủ để có được hạnh phúc, đơn giản vì những ảo ảnh đó khó tác động được đến họ nhưng lại là thử thách đối với những người họ yêu thương. Chúng ta không sống một mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hạnh phúc nếu người ta yêu còn trong vũng lầy của sợ hãi và vô minh. Nhưng để giúp họ lại không dễ dàng tí nào, ta cần Dũng Cảm để cùng họ đương đầu với song gió, cần Uyên Bác để khai thông cho họ, cần Vị Tha quên mình để bảo vệ họ trước nguy hiểm, cần Trung Thực để đối diện với những vướng mắc của chính ta và người ta yêu thương, cần Hòa Hảo để tha thứ cho kẻ thù nhằm đạt đến một hạnh phúc lớn nhất.

Chính phủ của xã hội trong phim được điều hành bởi phái Vị Tha, có lẽ đó là chọn lựa phù hợp đối với lợi ích của đa số các nhóm. Sự phân cực trong tính cách là tiền đề giúp xã hội phát triển nhưng nó cũng là yếu tố phá hủy chính xã hội đó. Vị Tha phát triển đến điểm cuối là sự hy sinh mù quáng bất chấp đúng sai thiện ác, Hòa Hảo ở điểm cuối là ba phải là gió chiều nào ngã chiều ấy, Dũng Cảm ở điểm cuối là sự tôn sùng sức mạnh cùng bạo lực, Trung Thực ở điểm cuối là sự ngây thơ trước những điều dối trá, Uyên Bác ở điểm cuối là nguy hiểm nhất, họ nhìn các nhóm còn lại như nhìn giống người hạ đẳng, họ muốn thâu tóm quyền lực và biến kẻ khác thành công cụ thực hiện lý tưởng của họ, đây là sự độc tài.

Vì lẽ đó một cuộc cách mạng cướp chính quyền của phái Uyên bác là không tránh khỏi, mà công cụ tốt nhất là phái Dũng Cảm, chỉ có sức mạnh nhưng không có trí não. Bộ máy điều khiển phái Dũng Cảm trong phim chính là sự hình tượng hóa việc một đám đông không có nhận thức bị điều khiển bởi những người có tham vọng quyền lực. Trong cuộc cách mạng đó, sẽ không bao giờ tránh khỏi chuyện những người thân giết nhau khi không cùng chung chiến tuyến. Tris phải giết một người bạn để bảo vệ mình và người thân, người bạn đó vì bị điều khiển nên đã sát hại mẹ của Tris. Với tất cả những yếu tố có được, Tris cuối cùng đã phá vỡ âm mưu của Uyên Bác.

Bộ phim mang nội dung chỉ thẳng vào những vấn đề đang tồn tại trong xã hội ngày nay. Mọi khổ đau mà con người gặp phải đều xuất phát từ sự phân biệt. Cuộc chiến giữa các dân tộc, cuộc chiến tôn giáo, cuộc chiến văn hóa, cuộc chiến giai cấp, cuộc chiến giới tính. Bởi sự phân biệt nên xã hội hình thành những đám đông tôn vinh những giá trị mà họ theo đuổi, họ xem những giá trị đó là hoàn mỹ nhất, ai không công nhận thì đó là kẻ thù. Chính điều này khiến họ đánh giá sai các giá trị, cái họ tôn vinh có giá trị cao hơn giá trị thật của nó và ngược lại. Bởi sự phân biệt nên điều họ nhìn thấy chỉ là ảo ảnh họ vẽ lên chứ không phải bản chất của thế giới.

Con người được tạo ra vô cùng hoàn mỹ, nhưng bởi vì sự vô minh mà họ tự diệt đi những yếu tố tạo nên sự hoàn mỹ đó. Đầy rẫy những con người chỉ biết chạy theo những cảm nhận của xúc cảm, họ thường là những con rối cho những kẻ dối trá. Những con người chỉ tin vào lý trí và vô cảm, họ chà đạp lên tự do và hạnh phúc của kẻ khác. Tất cả đang trong một cái vòng luẩn quẩn, trong khi để đạt được tự do và hạnh phúc thì chỉ cần xóa bỏ sự phân biệt, sống đúng với những gì mà tạo hóa đã ban cho.

Mắt Đời

💝 Ủng Hộ Triết Học Đường Phố – Cùng Xây Dựng Cầu Nối Tri Thức 💝

Chào bạn,

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Triết Học Đường Phố (THĐP) thành một nền tảng tri thức mạnh mẽ, chúng mình – 2 founders Huy Nguyen và Vũ Thanh Hòa – trân trọng kêu gọi sự ủng hộ tài chính từ bạn và mọi người ở mọi miền đất nước Việt Nam, cũng như từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Việc ủng hộ Triết Học Đường Phố (THĐP) là cách thể hiện sự kết nối và chia sẻ với những điều ý nghĩa. Khi bạn donate cho THĐP, bạn không chỉ góp phần duy trì và phát triển nền tảng này, mà còn thể hiện tinh thần “value 4 value”. Khái niệm này thể hiện sự trao đổi tương đương giữa giá trị bạn nhận được từ THĐP và giá trị bạn đem lại bằng việc ủng hộ. Việc học hỏi từ những truyền thống triết học Đông Tây cùng THĐP giúp bạn tìm thấy hướng đi trong cuộc sống, góp phần tạo nên một cộng đồng nhận thức cao hơn. Chính sự đóng góp của bạn sẽ tiếp tục lan tỏa tri thức và khám phá tinh thần, mang lại giá trị thiết thực cho cả người ủng hộ và THĐP.

Số tiền ủng hộ sẽ được sử dụng cho những mục đích gì?

  • Trả lương, nhuận bút cho các cộng tác viên, những người đang không ngừng cống hiến cho sứ mệnh của THĐP.
  • Chi phí cho web hosting, đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả của website.
  • Tái đầu tư vào THĐP, hỗ trợ các dự án và hoạt động mới, mở rộng tầm ảnh hưởng của THĐP trong cộng đồng.

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và đóng góp của bạn. Xin chúc bạn sức khỏe, hạnh phúc, và bình an trên con đường tâm linh và cuộc sống.

Thân mến,

Ban Quản Trị Triết Học Đường Phố

Cách thức ủng hộ:

Lưu ý: Nếu bạn muốn ủng hộ cho riêng tác giả, dịch giả nào thì chỉ cần ghi rõ khi gửi tiền hoặc có thể báo cho chúng mình sau khi gửi.

1. Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam

  • Người nhận: Vũ Thanh Hòa
  • Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
  • Số TK: 0451000409314

2. Chuyển tiền qua Paypal

3. Ủng hộ Bitcoin / Cryptos

  • BTC: 3EDTAizqmGYAEXcmfTceP7a5SmEZ8hJ966
  • ETH: 0x917d8fc3938FDB924332ad3B4771B234E5F468DC
  • Nano: nano_1upfz6ou8nwx7do6a396kjwwkw6ct7jbzeybpdqpe1tp39gcs8prbdi9gjq1

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm đóng góp của tất cả các bạn. Xin chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Thân mến,

Ban quản trị Triết Học Đường Phố

Biến đổi khí hậu là do tự nhiên hay do con người?

Những điều bạn chưa được biết về biến đổi khí hậu

Giới thiệu

Từ thời xa xưa, khí hậu của chúng ta đã luôn và sẽ mãi thay đổi. Trong bài viết này, Patrick Moore, cựu đồng sáng lập viên của tổ chức môi trường Greenpeace giải thích vì sao “biến đổi khí hậu” không phải là một kết quả của con người trong thời gian gần đây, mà là một điều tự nhiên của cuộc sống trên Trái Đất này.

Khí hậu liên tục thay đổi

Điều đó rất đúng với sự sống và trong trường hợp này, khí hậu. Khí hậu đã luôn liên tục thay đổi từ khi trái đất được hình thành 4.6 tỷ năm về trước.

Để ví dụ, trong vòng 2000 năm nay, chúng ta đã chứng kiến:

  1. Giai Đoạn Ấm của La Mã, khi khí hậu thời đó ấm hơn bây giờ rất nhiều.
  2. Sau đó là sự hạ nhiệt độ của Thời Kỳ Tăm Tối (Dark Ages, thời kỳ giữa sự sụp đổ của La Mã và thời Trung Cổ).
  3. Tiếp theo là giai đoạn ấm lên của thời Trung Cổ, khi nhiệt độ ngang ngửa với bây giờ.
  4. Sau đó chúng ta có một Tiểu Kỷ Băng Hà (Ice Age) – một điều đã khiến người Viking di cư ra khỏi
  5. Và mới đây, một giai đoạn ấm cúng 300 năm cho đến bây giờ.

Khí hậu đã thay đổi rất nhiều và không một trong những lần thay đổi đó là từ con người gây ra. Trong vòng 400,000 năm trước, đã có 4 giai đoạn Đóng Băng lớn – có nghĩa là băng đá đã chiếm một phần lớn của địa cầu – và bị gián đoạn bởi những giai đoạn gian băng nhỏ. Chúng ta đang ở trong một trong những giai đoạn gian băng đó.

Đây là một phần của Kỷ Băng Hà Pleistocene, bắt đầu hơn 2.5 triệu năm về trước. Và nó vẫn tiếp tục, có nghĩa là chúng ta đang sống trong một Kỷ Băng Hà. Đó là nguyên nhân vì sao có rất nhiều băng đá ở Bắc Cực và Nam Cực. 30 triệu năm về trước trái đất không có một miếng đá nào hết.

CO2 thì sao?

Vậy thì con CO2 (carbon dioxide) thì sao? Một thứ các nhà biện hộ cho sự ấm lên toàn cầu hay dùng? Cái đó liên quan gì? Không mấy liên quan như bạn nghĩ đâu.

Nhiệt độ và CO2 không có sự tương quan. Thậm chí, khi xét trên một thời gian dài – mấy trăm năm – 2 thứ đó không liên quan gì đến nhau.

Xét qua lại, trong bất cứ thời kỳ nào, chúng ta thấy rằng khí hậu luôn thay đổi, bởi những nguyên nhân chúng ta không hiểu hết. Nhưng chúng ta biết rằng có rất nhiều yếu tố khác trong không khí hơn là sự tập trung của CO2 như:

  1. Hình dạng và kích cỡ của quỹ đạo trái trái đất quanh mặt trời.
  2. Những hoạt động và sự ảnh hưởng của mặt trời.
  3. Độ nghiêng của trái đất khi xoay quanh mặt trời.

Xu hướng của nhiệt độ trong 300 năm nay từ cao điểm của Tiểu Kỷ Băng Hà cho tới hiện tại không bao giờ bền vững. Xu hướng mới nhất cho thấy khí hậu đang ấm lên, nhưng nó bắt đầu hơn một thế kỷ trước khi các hoạt động của con người làm tăng mức độ CO2.

Trong thế kỷ 21 cũng vậy, cũng không có một xu hướng nào cho thấy khí hậu đang ấm lên quá mức. Ngược lại với những gì truyền thông đại chúng đã nói, xu hướng của nhiệt độ trong vài thập niên qua đã không thay đổi mấy.

Trong khí đó CO2 nhân tạo đang ở mức cao nhất. Tầm 25% của tổng CO2 đến từ con người đã xảy ra trong giai đoạn này nhưng nhiệt độ vẫn không tăng.

Nếu vậy thì chuyện gì sẽ xảy ta? Nhiệt độ sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng? Hoặc nó sẽ không thay đổi trong một thời gian dài. Hay là nó sẽ giảm. Không ai có thể biết cả. Những bộ máy tính cao siêu nhất cũng không biết.

Tương lai sẽ là gì?

Tất cả những gì tôi đã trình bày: sự gia tăng, suy giảm và điểm cao của nhiệt độ qua các thời kỳ cho tới hiện tại – đều có sẵn cho bất cứ ai muốn tìm hiểu. Thế nhưng khi người nào nói ra những điều đó thì họ sẽ bị gọi là “những kẻ phủ nhận sự biến đổi khí hậu.” Điều đó không những điên khùng, mà còn ác độc. Nó điên khùng bởi vì không một ai đang phủ nhận khí hậu đang thay đổi. Và nó ác độc vì khi gọi một ai đó là một người phủ nhận sự thay đổi khí hậu, điều đó gắn kết với những người phủ nhận sự tàn sát người Do Thái (Holocaust). Vì vậy, đã đến lúc chúng ta nên ngừng dùng từ đó.

Dự đoán khí hậu, một trong những hệ thống phức tạp nhất trên trái đất với hàng ngàn yếu tố ảnh hưởng mà hầu hết chúng ta không ai hiểu, không thể gọi là khoa học được. Rất có thể đó là một hành động kiêu ngạo khi cho rằng chúng ta có thể dự đoán thời tiết hoặc khí hậu hay bất cứ một thứ gì sẽ xảy ra trong 60 năm tới.

Cuộc tranh luận khoa học về sự biến đổi khí hậu vẫn chưa ngừng. Giới khoa học vẫn chưa thống nhất. Khí hậu luôn thay đổi. Nó đã luôn thay đổi và sẽ mãi thay đổi.

 

Tác giả: Patrick Moore, What they haven’t told you about climate change, Prager University

Dịch: Ku Búa

Sách luôn luôn là bạn

Sách là gì? Là nơi ghi chép những tư tưởng cũng như kinh nghiệm của tác giả. Đọc sách có lợi ở chỗ chúng ta học hỏi được những điều mà chúng ta chưa biết hoặc đã trải qua nhưng chưa hiểu, đôi khi là sự khẳng định lại một quan điểm mà ta biết. Bài viết “Sách là bạn hay thù” có điểm sai và điểm đúng, đúng ở chỗ khuyên người ta đọc sách để tham khảo, nhưng sai ở chỗ lập luận đặt trên tiền đề là mọi người xem sách một cách máy móc không suy nghĩ.

Chúng sống trong đời luôn có khát vọng thành công trong lĩnh vực mà mình yêu thích, muốn thành nhà kinh doanh tài ba, muốn thành nhà triết học lỗi lạc, muốn thành ca sĩ, họa sĩ nổi tiếng. Tất cả những cái tên đó không phải không phải là cái gì khác ở bên ngoài mà nó mang hình tượng của sự thành công mà ta mong muốn. Trở thành một nhà triết học không đồng nghĩa với việc trở thành một con người khác, nó có nghĩa ta có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Cái tên Nhà Triết Học là một chức danh chứ không phải là một thực thể mang tính cách như một con người.

Đọc sách không biến ta thành một con người khác nếu biết cách đọc. Sách chỉ là một phương tiện hỗ trợ mà thôi, nó giống như cách người ta dùng tiền, có kẻ sống vì tiền, có kẻ dùng tiền để phục vụ cuộc sống. Điều cốt lõi là cách nhìn của ta đối với những phương tiện trong cuộc sống, bài kia cũng có mục đích như thế, nhưng sự diễn giải dựa trên một lập luận sai. “chúng ta đọc sách vì cái chúng ta mong ước, vì thèm thuồng những cái mà hiện tại chúng ta không có” – tôi rất muốn hỏi là ở khởi đầu chúng ta có cái gì? Chúng ta chẳng có cái gì hết khi mới sinh ra, sự hiểu biết, tính cách, tư tưởng chúng ta được hình thành nhờ nhìn thấy, nghe thấy qua những kinh nghiệm sống. Những gì chúng ta thấy chỉ là hình ảnh, những gì chúng ta nghe là tư tưởng của người khác. Những cái đó chẳng khác chi một cuốn sách cả, sách là tư tưởng của người khác. Nếu chối bỏ giá trị những tư tưởng trong sách thì tất cả những điều mà con người nhận được trong quá trình sống cũng chẳng có ý nghĩa gì. Có đọc sách hay không thì chúng ta vẫn ham muốn những cái chúng ta không có như thường. Cái tạo nên chúng ta lúc này được tạo thành từ gì? Không phải từ việc đạt được cái chúng ta ham muốn sao? Hãy tưởng tượng một con người không có ham muốn đạt được cái không có, đó là người mãi mãi dừng lại ở một chỗ về mọi thứ từ cảm xúc cho đến lý trí.

“Chúng ta không tìm thấy mình trong những trang sách triết học, tâm linh hay đạo đức” đây là một nhận định cực kỳ sai lầm. Công nhận giá trị của sách khoa học kỹ thuật nhưng lại phủ nhận giá trị sách xã hội và tâm linh. Không khéo tôi nghĩ bạn này theo chủ nghĩa duy vật mất. Sách kỹ thuật ghi lại những khám phá về tính chất của thế giới vật chất hoặc các ứng dụng dựa trên những tính chất đó. Cũng tương tự, các sách về xã hội – tâm linh ghi lại những khám phá về sự mặt tinh thần của con người, từ đó hình thành nên các quy luật vận hành của xã hội, những cảm thụ của con người về cuộc sống. Bạn bảo bạn không có trong ấy thì tôi muốn hỏi là tính cách của bạn, sự hình thành các dòng tư tưởng, được vận hành theo lối nào? Tự bạn sáng chế ra à? Và cái cách vận hành của bạn khác với cách vận hành của tất cả mọi người? Dù là trong sự vận động của vật chất hay tinh thần thì luôn có chân lý tồn tại, không một thứ gì có thể thoát khỏi sự chi phối của chân lý đó. Tri thức nói chung là những hiểu biết của con người trên con đường khám phá chân lý.

“Chúng ta sẽ không thể hiểu mình, biết rõ mình là ai, sống đúng với cái mình là, nếu nương tựa vào sách, hay vào bất kì một vị tôn sự, một quyền uy nào đó” – cho tôi hỏi “cái mình là” nó như thế nào? Nó được tạo ra từ đâu? Đứa bé khi mới sinh ra nó có “cái mình là” hay không? Có lẽ đó là bản năng của nó, đói nó khóc và đòi bú, mệt nó ngủ. Nếu nó không chịu tiếp nhận kiến thức từ bên ngoài thì cho đến chết nó vẫn là “cái mình là” ban đầu ấy. Vì con người tiếp nhận những tư tưởng từ xã hội qua quá trình sống nên mới hình thành “cái mình là” tại thời điểm này. Nhưng người đó có phải là Thượng Đế đâu, chỉ có Thượng Đế nắm giữ chân lý mới biết rõ “cái mình là” ra sao. Không hiểu biết, không chịu học hỏi kinh nghiệm cùng sự khám phá của người đi trước, không có một vị tôn sư chỉ dẫn thì lấy cái gì để hiểu “cái mình là” nó như thế nào? Không biết quy luật vận hành của xã hội, của đạo đức, của tâm lý hay cảm xúc thì con người chỉ có thể hành động theo bản năng hay sự chi phối của vô thức, với bạn thì như thế là “cái mình là”?

“Một cuốn sách lý luận được xem là có giá trị vì nó đưa ra nhiều dẫn chứng của những người đi trước, những người nổi tiếng thì lại chỉ là sự lặp lại ý tưởng mà thôi, không thể gọi là sáng tạo được” – Nhận định này hết sức hồ đồ. Một cuốn sách giá trị vì đưa ra dẫn chứng của người đi trước? Thế Phật Như Lai, Chúa Jesus, Einstein, Darwin, Newton…đưa ra ra những dẫn chứng của ai đi trước để trở thành có giá trị? Bạn bị một cái lỗi vô cùng lớn, bạn sống trong một xã hội có những nhận định mơ hồ về các giá trị rồi nghĩ cả thế giới này cũng nhận định theo cách đó. Nếu một cuốn sách được xem là giá trị chỉ là sự lập lại của những cái cũ thì lấy gì để khoa học kỹ thuật hay nền văn minh loài người tiến lên?

“Bạn đọc sách để hiểu về chính tác giả, hiểu nhân sinh quan của người đó, chứ nó không thể giúp bạn hiểu rõ mình.” – Nói đến đây thì tôi hiểu quan điểm nhân sinh quan của bạn là gì. Đó là trên đời này ngoại trừ các quy luật về vật lý thì không hề có chân lý trong đời sống của con người. Bạn không tin đúng sai, không tin vào các giá trị đạo đức, không tin vào những quy luật chi phối con người và xã hội. Vì thế những gì ghi trong sách chỉ là những tư tưởng mang tính cá nhân và một người khác không tìm thấy gì trong đó. Và vì thế sách trở thành vô giá trị, “đọc sách là để hiểu tác giả” mà điều đó là vô nghĩa với người đọc suy ra không cần đọc sách dù bạn nói là “Vậy phải chăng không cần đọc sách? Không, tôi không khuyên bạn điều đó.” Bạn đưa ra một nhận định rằng đọc sách là vô giá trị rồi bảo rằng không khuyên người khác đừng đọc sách. Bạn không thấy giá trị của sách vì bạn không tìm thấy những chân lý cũng như các quy luật vận hành đời sống con người trong đó, nhưng tôi lại tìm thấy, nhờ tìm thấy mà tôi hiểu chính mình hơn, tôi càng ngày càng hiểu những điều gì tạo nên tôi lúc này, nhờ sách tôi hiểu “cái mình là.” Tôi không biết bạn nhờ cái gì để hiểu được “cái mình là” là như thế nào. Và tôi cũng không biết cái mà bạn hiểu đó có đúng sự thật hay không. Người ta chỉ thật sự là “cái mình là” khi thấu hiểu chân lý, càng thấu hiểu thì cái mình biết càng gần hơn với “cái mình là”. Có sự khác biệt về bản chất trong cách hiểu “cái mình là” giữa một nhà triết học với một cậu học sinh phổ thông. Sự khác biệt đó nằm ở sự hiểu biết, mà hiểu biết đến được là do đọc sách. Tôi chưa từng thấy ai hiểu “cái mình là” mà lại không thích đọc sách cả.

Mục đích viết bài của bạn là tốt nhưng vì cái hiểu của bạn xây dựng trên những quan niệm sai nên những gì bạn nói sẽ phản tác dụng với người đọc. Con người hiểu biết nhờ những gì tiếp thu trong cuộc sống, nhưng con người bị giới hạn về không gian và thời gian sống nên những kinh nghiệm thu được là có giới hạn, sách là sự đúc kết kinh nghiệm sống của một con người, mà đa số họ hiểu biết hơn ta. Đọc sách nghĩa là bạn có sự trải nghiệm thêm một cuộc sống khác, có cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm mà vì sự giới hạn nên bạn không có được. Nhờ sự hấu thu những kinh nghiệm đó mà bạn nhìn cuộc sống chân thực hơn. Những cái giáo điều sinh ra vì không chịu đọc sách, nghĩa là chỉ đọc vài ba cuốn sách, không đủ hiểu biết để đánh giá giá trị thực của chúng nên xem những gì mình đọc là chân lý. Đọc nhiều cuốn sách sẽ cho ta nhiều góc nhìn về một quan niệm hay một tư tưởng, ưu và khuyết điểm lộ ra hết thì lấy gì xem chúng là tuyệt đối. Bạn thấy người ta giáo điều, thấy người ta tôn vinh một cuốn sách thì bảo rằng là do sách. Sách chẳng có lỗi gì cả, tất cả là do con người không chịu đọc sách mà ra. Chẳng có ai đọc nhiều sách mà trở thành giáo điều cả.

Nhiều năm trở lại đây có rất nhiều người nói về cái việc “là chính mình”, kể cả một người bạn thân có trí tuệ vượt qua tôi rất xa cũng nói với tôi điều đó, và tôi cũng muốn “là chính mình”. Nhưng nhiều người cứ nhắc mãi câu đó mà quên cái việc phải làm sao mới có thể là chính mình. Bạn kêu gọi mọi người hãy là chính mình nhưng giải pháp của bạn lại ngăn cản họ có thể đạt đến con đường hiểu chính mình qua việc hạ thấp và đánh giá sai giá trị của sách. Bạn chỉ đúng ở cái lời khuyên đừng bắt chước quan niệm của tác giả và xem nó là chân lý một cách mù quáng giáo điều. Cái cốt lõi nằm ở chỗ ta phải biết được giá trị của sách nằm ở đâu và nhờ vào đó mà ta đúc kết được những điểu giúp ta hiểu về cuộc sống, về chính ta, sau khi hiểu thì ta mới “là chính mình” được. Nếu bạn là một giáo sư thì tôi sẽ đánh giá cao những gì bạn nói, không phải vì học hàm giáo sư thể hiện sự nổi tiếng hay trọng danh của tôi. Mà đó là một bằng chứng thể hiện vị đó có hiểu biết vượt qua tôi rất xa nên tôi cần sự chú tâm trong việc lý giải. Có rất nhiều người bảo “triết học đã chết” , “thượng đế đã chết” hay gì gì nữa. đó là những vấn đề vô cùng lớn lao, khi chưa đủ thấu hiểu thì nên hạn chế nói lung tung. Việc đánh giá giá trị của sách cũng là một việc rất lớn nên cần cẩn thận, ý nghĩa của sách đối với con người vô cùng lớn lao cho nên cần chú ý hậu quả trước khi nêu ra một nhận định, vì nếu nhận định đó mà sai thì hậu quả cũng lớn không kém.

Thời gian gần đây tôi thấy rất nhiều người vì để thể hiện quan điểm muốn truyền tải mà đưa ra những nhận định mang tính trái ngược các giá trị truyền thống được công nhận từ trước đến nay. Tôi không nghĩ các giá trị truyền thống đều đúng, nhưng sự tồn tại của nó qua thời gian đã nói lên giá trị của nó. Chỉ nên nói khi thật sự hiểu điều mình nói chứ đừng dùng nó làm đá kê chân để đạt được mục đích. Làm thế là phá hoại hơn là xây dựng. Gặp người biết thì họ chỉ ra, không gặp thì người người cứ hùa theo khen hết lời khiến người viết cũng cảm thấy điều mình nói là đúng, mà điều này thì rất tai hại.

Mong là bạn không cảm thấy phiền lòng vì bài này của tôi, tôi chỉ bàn về sự việc, phân tích và mổ xẻ vấn đề để tìm thấy chân lý. Không chắc tôi nói đều đúng, có thể bạn vẫn đúng. Nhưng nói vậy không có nghĩa là không có đúng sai. Luôn có đúng sai, chỉ là vấn đề mổ xẻ càng sâu thì càng gần cái đúng hơn.

Mong đọc được nhiều bài viết của bạn. Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu một bài viết có người đọc và tranh luận cùng nhau đúng không?

Mắt Đời

[THĐP Review] Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ, Đinh Hằng – Nhẹ như gió, thơm như hoa và trải mãi như những con đường

0

Quá trẻ để chết là một tác phẩm kể về chuyến đi vô cùng đặc biệt của chính tác giả Đinh Hằng qua đất Mỹ rộng lớn này, khi mà đáng lẽ ra chuyến đi ấy phải được thành tựu cùng với người yêu suốt hơn năm năm trời của cô gái này. Ấy thế mà cuộc đời lại đưa Hằng đi suốt từ Bờ Đông qua Bờ Tây nước Mỹ mênh mông với chiếc ba lô nặng hơn những ba chục kí cùng một trái tim trĩu những nỗi buồn đau vì chuyện tình đổ vỡ chỉ hai tuần ngay trước khi cuộc hành trình trong mơ của đôi uyên ương bắt đầu.

Nhẹ như gió – Đó chính là những gì vương vấn lại trong trái tim tôi khi thưởng thức xong tác phẩm này. Xuyên suốt cuốn truyện kể về những điểm dừng chân tuyệt vời, những người bạn chân thành nơi đất khách quê người, những nỗi lòng day dứt kìm nén của bản thân và cả những bài học mà cô gái trẻ đã nhìn thấu, là một giọng văn hết sức êm dịu, nhẹ nhàng mà đầy sâu lắng. Điều này cho tôi cảm giác về một tâm hồn người nghệ sĩ bay bổng, đa sầu đa cảm, dễ rung động nhưng cũng rất dễ dàng bị tổn thương.

Dường như cô gái trẻ này, bằng một thái độ hết sức bình thản, đã cho bạn đọc thấy trái tim nàng trải qua đớn đau ra sao và cuối cùng nó được chữa lành kì diệu như thế nào sau những tháng ngày rong ruổi nơi xứ người. Chỉ có kẻ nào đã thật sự vượt lên trên những tổn thương trong quá khứ và rút ra được bài học cho chính mình thì kẻ đó mới có khả năng kể lại câu chuyện đã từng rất buồn thương ấy một cách dịu dàng nhất và trí tuệ nhất. Và cũng chỉ có những kẻ mạnh mẽ thật sự mới đủ sức để có thể ôm ấp và vỗ về những vết thương lòng sâu thẳm vẫn thường trỗi lên những cơn đau dữ dội, khi kẻ đó ở một mình giữa một màn đêm cô tịch. Gào thét là vô ích, sử dụng chất kích thích là vô ích và tự tử cũng là chuyện vô ích sau rốt đối với một kẻ không nhận ra được rằng: Tất cả chỉ là những trải nghiệm cuộc sống và mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ vươn mình trưởng thành nhờ việc dám đi đến tận cùng nỗi đau và nhận ra bài học yêu thương ấy.

Nhẹ như gió cũng là cách mà một kẻ thức tỉnh rong chơi ở trong cuộc đời này: Đi qua những khó khăn trong sự sáng suốt, buông bỏ mọi sức nặng quá khứ đang níu lấy đôi chân mình trong thinh lặng và mang đến những nơi họ đặt bước tới đầy niềm vui và nguồn cảm hứng sống mênh mang, tươi mới.

Chính những giông tố trong cuộc đời của cô gái trẻ lại là điều làm nổi bật lên sức kiên nhẫn và sự nhẹ nhàng hiếm có của nàng. Nếu tôi là một chàng trai nào đó may mắn được gặp cô trong đời, tôi sẽ vận hết vẻ nam tính của mình để nhìn vào đôi mắt buồn của nàng thơ ấy một cách say mê nhất và đặt lên làn tóc mây của thiên thần này một nụ hôn dịu dàng nhất. Trời ạ! Vì những câu chữ trong cuốn truyện lúc nào cũng chực làm cho trái tim tôi tan chảy:

“Đôi khi trải lòng với một “người xa lạ” lại dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng tôi tự do như gió, mở lòng mình đủ rộng để sẻ chia với nhau một ít phần đời, giúp đỡ nhau không vụ lợi để mang về một chút niềm vui. Vì, suy cho cùng, chúng tôi đều là những hành tinh cô đơn, đôi khi khát thèm một ngôi sao sưởi ấm trong vũ trụ người này.”

Hay như là:

“Ở thành phố bên vịnh ấy, tình yêu đến với tôi dịu dàng như cơn gió se lạnh vẫn lướt qua những đám cỏ trên đỉnh đồi công viên Dolores, nơi chúng tôi đứng dưới bầu trời sao và trao nhau một nụ hôn một đêm mùa thu yên tĩnh. Và cả khi tôi đã xa San Francisco hàng trăm ngàn dặm, nỗi nhớ về thành phố sương vẫn cứ dài bất tận như những ngọn đồi ngả vào nhau lên đến trời sao.”

Chưa cần biết cốt truyện là gì vội, tôi cứ thưởng thức những câu từ mơn man ấy trong một cảm giác thanh mát diệu kì. Nó quả là một hiệu ứng dễ chịu tuyệt vời mà tác giả mang đến cho bạn đọc khi phủ lên từng dòng văn một chất giọng đầy nữ tính và mê hoặc!

Khi tiếp tục rảo bước trong những làn gió thổi êm đềm từ những câu từ nối đuôi nhau trong cuốn sách, tôi thoáng thấy hương thơm đầy êm dịu phảng phất trong không gian toát ra từ tâm hồn cô gái trẻ đầy kiên cường này – một bông hoa giữa đêm mưa bão bùng. Một gia đình không hạnh phúc, một tuổi thơ bất toàn và giờ đây là một mối tình sâu đậm chợt vỡ tan khi sắp tới ngày giấc mơ được thành tựu, đó là những nỗi đau quá lớn đã chất chồng lên tâm hồn nhạy cảm của cô gái trẻ, là những con dao cứa vào lòng kẻ nghệ sĩ luôn khát khao yêu thương. Nhưng chính những đớn đau đó lại là thứ khiến cô gái của chúng ta có cơ hội tỏa hương khoe sắc. Tương đương với việc chính những gian nan, trắc trở trong đời mới giúp làm nên sự khác biệt và cá tính của con người. Một kẻ không dám va vấp, không dám chịu thương tổn, thậm chí không dám chấp nhận rằng trái tim mình đang vỡ vụn ra từng mảnh, thì kẻ đó sẽ không bao giờ biết được những góc phần xinh đẹp khác nhau của cõi hồn mình và hiển nhiên sẽ mãi mãi chỉ là những bóng ma mờ nhạt và yếu đuối.

Quá trẻ để chết không chỉ đơn giản kể về những chuyến đi, những trăn trở của một cô gái mang trong mình một ý chí to lớn, cuốn truyện này đang diễn tả cả một cuộc sống dậy đầy kì diệu! Hằng đã đi qua đêm đen địa ngục của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực – những thứ mà lúc ban đầu đã bào mòn đi niềm vui, khát vọng sống của nàng, đã che mắt nàng nhìn ra những giá trị tuyệt vời của mọi trải nghiệm cuộc đời. Quá trẻ để chết ư? Không đâu, Hằng đã chết rồi, cô gái yếu đuối và dễ dàng bị thương tổn ngày xưa ấy đã chết. Giờ đây khi đọc đến hết câu chuyện, chúng ta thấy một Hằng mới tái sinh – đầy sức mạnh, trí tuệ và thương yêu. Cái chết mà tên truyện nhắc tới chỉ là theo nghĩa đen – dành cho sự chấm dứt cuộc đời mình bằng cách ngắt đi hơi thở cuối cùng mà thôi, còn theo ẩn ý mà tôi cảm nhận thì nó là “chết trẻ” mới phải!

Cô gái ấy đã quá thành công khi mà “chết trẻ” được như vậy! Phải là một linh hồn mạnh mẽ đến nhường nào mới đủ sức vượt qua được những nỗi đau lớn đến thế. Lúc này, tôi rất muốn nói với tất cả những ai đang cảm thấy cuộc đời mình dường như đang đi vào ngõ cụt, trái tim mình đã vỡ ra tan tành dường như không thể lành lại và đôi mắt mình cảm tưởng đã mờ đi trước mọi thứ ánh sáng, rằng: Các bạn hãy lấy làm mừng vui đi, vì khúc ca khải hoàn sắp đến trong cuộc đời đầy biến động của các bạn rồi đó. Hãy lặng yên mà bước đến tận cùng của những nỗi đớn đau ấy và hãy tìm cho ra bằng được nguyên nhân khiến mình không muốn có mặt trên cõi đời này nữa. Những pha đóng đinh buốt nhói đến tận linh hồn này chỉ là một trò chơi mà thôi, nhưng phần thưởng cao nhất mà bạn có thể nhận được đó chính là Cái Chết – Cái chết của cái tôi hèn mọn, ích kỉ, u mê và yếu đuối. Bạn sẽ là Jesus hoặc nếu không, tôi cam đoan rằng bạn sẽ là phượng hoàng lửa!

Tôi đã từng nghe người ta nói “Bông hoa nở trong thời tiết khắc nghiệt nhất là bông hoa đẹp nhất.” Nó đẹp chính vì những tinh túy, thơm thảo bên trong được biểu lộ ra ngoài dù gặp biết bao gian nan trắc trở, khi mà hàng loạt những bông hoa khác đã chịu dập nát hoặc thậm chí không thể tung cánh nở rộ. Hằng là một bông hoa xinh đẹp như thế và tôi biết rằng ngoài kia cũng có không ít những con người đang từng ngày nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và đớn đau trong đời và trở nên rạng rỡ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, ở đoạn kết của câu chuyện khi nhân vật nữ chính được chữa lành bởi tình yêu và đồng thời cô ấy cũng sưởi ấm được trái tim chàng trai người Pháp cô đơn nơi đất Mỹ, tôi đã tự hỏi rằng con người ta có thể hàn gắn vết thương lòng cho nhau khi vẫn còn đang sầu khổ chuyện của chính mình không? Hay là chính yêu thương xuất hiện nơi trái tim rỉ máu ấy mới là điều xoa dịu đi mọi đớn đau của cả hai tâm hồn? Hương thơm ấy không chỉ là của bông hoa nhân vật nữ chính, nó còn là những dịu ngọt của tình yêu, của sự chân thành khi chúng len lỏi vào những góc khuất của lòng người đang đau khổ và làm lành lại những vết thương tưởng chừng như đã khoét thành vực sâu thăm thẳm khiến đương sự chỉ chực rơi vào đó mãi mãi. Thật tuyệt vời khi được nhìn ngắm cuộc chuyển mình từ một bông hoa dập nát sầu não trở thành một bông hoa tưới mới đầy sức sống và ngập tràn yêu thương. Đó quả là một cái kết có hậu!

Câu chuyện của cô gái trẻ này làm tôi nhớ đến một bài thơ nho nhỏ mà mình đã từng viết cách đây gần đúng hai năm. Xin được chia sẻ với các bạn:

Nếu số phận là phải gặp nhau,
Thì em ơi chớ nên u sầu!
Giây phút này đây em có thấu
Đừng buồn ngày trước, đừng sợ ngày sau.

Người ta nói chính vết thương sâu
Là nơi ánh sáng kia đi vào
Sẽ chữa lành trái tim em rỉ máu
Và muộn phiền rồi cũng sẽ qua mau…

Các bạn ạ, khi mà trái tim đó cuối cùng cũng được hàn gắn và kẻ đau khổ kia tìm lại được khát vọng sống và tình yêu với chính mình thì họ sẽ nhìn lại toàn bộ những diễn biến của cuộc đời cho đến khoảnh khắc hiện tại – khi mà kẻ đó đã trở nên mạnh mẽ và xinh đẹp hơn bao giờ hết! Cuốn truyện này không chỉ đơn giản sẻ chia những con đường du lịch, con đường chữa lành vết thương lòng, nó còn gợi nhắc chúng ta về con đường bất tận của những kinh nghiệm cuộc sống và những bài học tâm hồn tích lũy qua từng ngày tháng và từng bước chân đi.

Tất cả đều là những cuộc chơi mà thôi và chúng ta là những vị du khách đi ngang qua đường đang trải nghiệm và tận hưởng mọi điều mà cuộc sống bày ra trước mắt. Con đường ấy trải dài mãi cùng với sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Chúng ta cứ va vấp, cứ đớn đau và rồi lại đứng dậy nhận ra thêm những giá trị sống mới để làm giàu cho tâm hồn của chính mình. Việc cô gái trẻ đó băng qua những vùng đất rộng lớn trên đất Mỹ khi vẫn mang trong mình những phiền muộn quá khứ gợi nhắc cho tôi về việc: Chính nhờ những nỗi đau mà chúng ta khám phá ra được những góc phần khác nhau trong con người mình, đó là cả một cuộc du hành của tâm hồn. Chúng ta đi xuyên qua mọi đớn đau giống như Đinh Hằng đi từ Bờ Đông sang Bờ Tây nước Mỹ rộng lớn vậy!

Một lần nữa, câu chuyện này lại giúp tôi khẳng định giá trị của những điều tưởng chừng như tiêu cực trong cuộc sống. Như tôi đã từng nói: Khổ đau là kho báu.

Tôi đánh giá rất cao sự đầu tư tâm sức của tác giả vào cuốn sách này, nó được thể hiện trong cách hành văn đầy lôi cuốn và cá tính, sự sắp xếp bố cục chặt chẽ theo các cuộc hành trình giúp bạn đọc dễ dàng theo dõi (đặc biệt đối với đứa hay lẫn lộn trái phải và cực kém Địa Lí như tôi cũng thấy mình đột nhiên sáng láng ra hẳn!) Đặc biệt là cách truyền tải nội dung chính của tác phẩm thông qua những câu chuyện rất đơn giản mà không hề bị đứt mạch, kết hợp xen kẽ những suy tư và trăn trở của riêng tác giả trong từng tình huống truyện đã tạo nên một tác phẩm rất độc đáo và có tính nghệ thuật!

Ngoài ra, Quá trẻ để chết còn để lại ấn tượng rất đẹp trong tôi bởi cách tả cảnh thiên nhiên và những khối kiến trúc của tác giả. Nó phản ánh một thế giới nội tâm phong phú, nhẹ nhàng mà cũng đầy tinh tế, sắc sảo.

“Tôi thức dậy giữa lưng chừng giấc mơ, khi đó mới chỉ năm giờ sáng. Gió trên sông Colorado đã ngừng thổi, để lại dưới mảnh trăng méo mó những tiếng râm ran côn trùng. Bầu trời chưa có dấu hiệu gì của một buổi hừng đông. Tôi quay lại rúc vào trong túi ngủ, miên man nghĩ về nơi mình đang nằm, một vùng đồng không mông quạnh bao quanh là những dãy núi đỏ cao ngợp và dải sông đùng đục.”

Có quá nhiều thứ có thể trích dẫn được từ trong tác phẩm đầy thú vị này. Thôi thì việc khám phá ra thêm những gì đáng ghi nhớ và ấn tượng tôi sẽ dành lại cho các bạn. Tôi xin được nói đôi lời về điều tôi chưa thật sự thỏa mãn khi đọc tác phẩm này. Đó chính là sự thiếu vắng những tiếng cười trong toàn bộ cuốn sách!

Tôi luôn cho rằng một kẻ đi qua được những khó khăn nhất định của cuộc đời mình thì tâm thức của anh ta hẳn sẽ rộng mở hơn một phần nào đó và khiếu hài hước cũng sẽ nhỉnh lên chút đỉnh. Có thể sự hài hước không phải là thứ cứu rỗi cuộc đời anh ta nhưng sẽ thật đáng tiếc khi một kẻ thức tỉnh từ những nỗi đau to lớn như vậy lại không tạo ra được một tiếng cười nào cho bạn đọc. Điều này khiến tôi nghi ngờ liệu rằng cô gái ấy hẳn là đã được chữa lành hoàn toàn hay chưa? Điều gì vẫn còn khiến cô gái này thể hiện một nốt trầm đến tận những trang cuối cùng của cuốn sách vậy? Vì khi đọc nó, tôi vẫn có cảm giác về một sự nghiêm túc, khiên cưỡng nào đó trong cách tác giả nói về cảm nhận của bản thân khi nhận ra những bài học cuộc đời. Thức tỉnh ư? Nó luôn là một tiếng cười, một sự sáng trong đến choáng ngợp như một đứa trẻ! Ấy vậy mà tôi thấy một sự quá đỗi trầm tư, già dặn và nghiêm túc! Nếu cô gái trẻ đã quyết định lựa chọn bầu không khí ấy cho tác phẩm của mình thì quả nhiên, tôi chẳng còn gì để nói ở đây nữa. Nó cũng chỉ là một sự phỏng đoán cá nhân mà thôi.

Tóm lại, với tất cả những nét dịu dàng và độ sâu lắng được thể hiện ở cả nội dung và hình thức (tôi quên chưa nói rằng cuốn sách còn có thêm những trang ảnh màu rất sinh động về những vùng đất mà Hằng đã đi qua giúp bạn đọc thư giãn và cùng chia sẻ cuộc hành trình) thì tôi sẽ chấm cuốn truyện này điểm 8/10. Rất cảm ơn vì một nhành hoa xinh đẹp đã lâu rồi tôi chưa được bắt gặp khi lang thang ở những nơi đầy những ngôn từ và sách vở!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

[Exclusive] Uber phục vụ người nghèo như thế nào

Uber có lợi cho ai?

Mọi người nói về dịch vụ chia sẻ xe cộ như là một mối lợi ích dành riêng cho người giàu có, những người âm mưu với những kẻ khổng lồ của thung lũng Sillicon để nẫng tay trên những tài xế taxi chăm chỉ. Và điều chắc chắn là, ưu điểm của Uber sẽ là có hại cho tài xế taxi-hoặc ít nhất, có hại cho những người đứng đầu các tập đoàn taxi. Nhưng giả thiết rằng những kẻ hưởng lợi là người giàu có phần hơi lạ lùng.

Như đã để cập trong bài viết đầu tiên của tôi về công ty, sự hấp dẫn chính của Uber đối với tôi chưa bao giờ là để tránh khỏi việc phải đi taxi, hoặc thậm chí là để tiết kiệm chi phí. Nếu tôi ở trong 1 khu vực mà có thể bắt taxi một cách dễ dàng, tôi sẽ vẫy tay bắt taxi, như kiểu cổ điển. Không, lợi ích lớn nhất mà tôi tìm thấy được ở Uber là nó cho phép bạn có thể bắt xe ở những nơi taxi hiếm khi lui tới.

Năm năm trước, khi chúng tôi vừa chuyển đến, khu của tôi ở Washington là một trong những khu vực kiểu vậy. Tôi gần như chưa bao giờ có thể tìm thấy được một chiếc taxi chưa có khách ở gần nơi tôi ở. Với cánh tài xế taxi thì thời gian là tiền bạc, khi họ chạy trên đường để tìm hành khách-họ đốt xăng để tìm một cuốc. Vì vậy không có gì bất ngờ khi cánh tài xế taxi chọn trung tâm thành phố, nơi có rất nhiều người đón taxi, thay đi một đoạn đường dài một vùng rộng hơn, nơi mà có thể chỉ có có vài người cần đến taxi. Bắt taxi trên phố đơn giản là sẽ không có tác dụng nếu như không có nhiều người cần đi taxi. Theo lý thuyết là bạn hoàn toàn có thể gọi điện taxi đến tận nhà, nhưng đây là một loại phương tiện ít uy tín nhất trong tất cả các loại phương tiện. Rất nhiều lần tôi đã phải đưa mẹ già của tôi đến sân bay với dịch vụ khẩn cấp, vì chiếc taxi tôi gọi chẳng bao giờ đến.

Tôi luôn luôn nghĩ rằng về mặt cho phép bạn làm những điều bạn chưa thể làm lúc trước, Uber cung cấp những lợi ích lớn nhất cho những người sống trong những khu dành cho người thu nhập thấp, chứ không phải là những người giàu có. Đó là những nơi mà gọi điện đến công ty taxi để yêu cầu xe thường không đáng tin tưởng, hiếm khi có thể vẫy đón taxi trên phố, còn dân cư không có nhiều người sở hữu xe hơi. Một nghiên cứu mới cho thấy, ở những khu vực có thu nhập thấp, tiềm năng của Uber là rất lớn. (Uber trả tiền cho việc nghiên cứu, được thực hiên một cách độc lập, bởi những nhà khoa học có tên tuổi.)

Các nhà nghiên cứu đã thuê người từ một công ty nhân sự tạm thời, họ đứng trên phố thành một cặp, một người gọi taxi, người còn lại gọi cho UberX. Họ yêu cầu tài xế chở đến một địa điểm đã thỏa thuận trước và bấm giờ bằng điện thoại tính từ lúc nhấc máy gọi đến lúc bước ra khỏi cửa xe. Kết quả ấn tượng là Uber đến nhanh hơn và chi phí rẻ hơn rất nhiều so với taxi.

Vâng, dĩ nhiên là bạn có thể nói- Uber rẻ hơn bởi vì nó tránh được các quy định, và thứ rẻ hơn thì sẽ tốt hơn đối với người nghèo, nhưng đó không phải là lí do tốt để biện hộ cho việc rút ruột các quy định. Chúng ta sẽ không để các công ty xả thẳng chất độc xuống sông, cho dù điều đó có thể giúp hạ giá thành hàng hóa mà người nghèo cần mua. (Đây là về phản ứng của một người bình luận trên blog của Mark Kleinman, người có tham gia vào nghiên cứu này.)

Tôi thực sự nghĩ đây là sự hiểu sai vấn đề trong nhiều cách. Đầu tiên, Uber tránh được ba loại quy định cơ bản:

  1. Các quy định vượt quá sự thỏa thuận giữ tài xế và hành khách. Cước phí là một ví dụ.
  2. Các quy định vượt quá sự thỏa thuận giữ tài xế và hành khách. Cước phí là một ví dụ.
  3. Các quy định giới hạn số lượng taxi một cách giả tạo, qua đó giúp làm giàu thêm những chủ sở hữu may mắn có được giấy phép hoạt động taxi. Taxi có huy hiệu là một ví dụ.

Những quy định được đặt ra để làm hài lòng cách quan chức mà không có lý do rõ ràng. Việc nhấn mạnh rằng taxi phải có màu sắc giống nhau là một ví dụ.

Rất nhiều vấn đề rơi vào Loại 1. Ví dụ, ẩn danh là một trong những rắc rối lớn mà hành khách lẫn tài xế cùng gặp phải. Vào một chiếc xe hơi với một người bạn không quen biết làm bạn trở thành một mục tiêu khá hấp dẫn của bọn tội phạm. Vì vậy việc sử dụng quét vân tay với tài xế để kiểm tra lý lịch để chắc chắn rằng họ không phải là một tên hãm hiếp hàng loạt cũng không phải là không có lý. Nhưng tài xế của Uber thì không ẩn danh. Nếu bạn bị tấn công bởi một tài xế, công ty có một bộ hồ sơ để biết rõ đó là ai. Điều đó cũng áp dụng cho bên hành khách, đó là một trong các lý do hấp dẫn đối với cánh tài xế.

(Vài tài xế Uber bị cáo buộc tấn công hành khách? Đúng. Vậy bạn có thể đi taxi. Không có hệ thống nào là hoản hảo cả; câu hỏi là liệu Uber có ít an toàn hơn taxi hay không, và tôi chưa thấy ai có thể cung cấp được bằng chứng cho việc này.)

Hoặc nhận ra vấn đề của tài xế khi phải đi tới những khu vực nghèo, xa xôi hẻo lánh. Tài xế taxi không hề ghét chuyện phải đưa bạn về tận nhà, họ không được trả lương một cách cụ thể để có thể quay lại sau cả một chặng đường dài, vì nó có thể giết chết số tiền lời mà họ vừa kiếm được một cách nhanh chóng. Uber làm cho vấn đề này trở nên đơn giản hơn, vì bạn có thể dễ dàng bắt xe trở về khi bạn tới nơi. Trong cả hai trường hợp, Uber không hề lách luật, nó chỉ loại bỏ đi những quy tắc.

Điều hoàn toàn đúng là Uber đang tránh né các quy định về hạn chế nguồn cung cấp. Nhưng đó là một điều khá thừa thãi, nếu Uber không làm tăng lên nguồn cung về số lượng taxi hiện có, sẽ không có Uber. Nhưng việc hạn chế nguồn cung cũng là trở ngại lớn nhất mà cộng đồng những người có thu nhập thấp gặp phải khi bắt xe. Nếu chỉ có rất nhiều taxi, cánh tài xế sẽ bị hút hết về những khu vực có lợi nhuận cao nhất, ví dụ như sân bay, ga xe lửa, khu vực giàu có, khu thương mại và khu vui chơi giải trí, nơi mà họ có thể tìm được nhiều hành khách hơn. Ủng hộ cnhững giới hạn nghiêm ngặt về việc cung cấp taxi đồng nghĩa với việc ủng hộ việc người nghèo được phục vụ một cách tồi tệ.

Tương tự được lặp lại là sự khẳng định rằng Uber mang lại lợi ích cho người nghèo bởi vì nó tránh được tiền cước định sẵn có giá khá cao; tất nhiên một mức giá thấp hơn sẽ là tốt hơn với người nghèo. Lời phàn nàn thứ ba chỉ đơn giản là vô nghĩa; ý tôi là, vâng, Uber tiết kiệm được một khoản tiền qua việc không bắt buộc tài xế phải sơn lên xe của họ một màu sắc vớ vẩn. Tiền bạc được tiết kiệm ở chỗ này đây.

Thêm vào đó, một số lợi ích được cung cấp bởi Uber rõ ràng là không phải phụ thuộc vào việc bám sát theo các quy tắc. Sử dụng app từ smartphone dơn giản là hiệu quả hơn việc gọi cho một người mà sau đó sẽ điều phối một chiếc đến chỗ bạn. Với những hành khách sống trong những khu vực không có phương tiện thay thế, sự hiệu quả là cả một vấn đề.

Trên blog cá nhân, Kleinman chỉ ra rằng nghiên cứu này vẫn còn sơ khai, cần nhiều nghiên cứu được thực hiện để xem liệu những kết quả này có được giữ nguyên hay không. Nhưng cho tới giờ, những mảnh ghép tốt nhất mà chúng tôi có từ cuộc nghiên cứu cho thấy rằng Uber thực sự có thể có lợi cho các hành khách trong cộng đồng thu nhập thấp. Đó là một tin tốt—ít nhất, miễn là chính phủ đừng bắt nó phải dừng hoạt động.

Tác giả: Megan McArdle – Bloomberg View
Dịch: Hà Huy Dương
Review: LX
Photo: Beren South