30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 129

[BDT2018] Câu chuyện vườn chôm chôm và cái giá phải trả

Cũng chả dám nhận bản thân thành công hơn bất cứ ai trên đời, nhưng tôi nghĩ tôi đã thành công hơn chính bản thân mình vài năm về trước. Câu chuyện chả biết bắt đầu từ lúc nào, dù là chuyện của chính bản thân mình, chỉ nhớ chút ít là cũng 4 – 5 năm về trước. Lúc đấy, tôi vẫn là một thằng nhãi, bạn bè cũng không nhiều, cũng chả biết suy nghĩ đến ai vì thế tôi thường một mình lang thang khắp xóm làng.

Và rồi một ngày như mọi ngày, tôi vẫn lang thang sau giờ học ở trường, rồi tôi đi thả diều ở một vườn chôm chôm mới trồng toàn những cây chôm chôm chỉ cao vừa tới bụng tôi, và vẫn một mình. Tôi mãi thả cánh diều của tôi, bay cao bay cao mãi trên trời xanh, lúc đấy tôi mong rằng mình cũng được bay lên trời cao như cánh diều kia, tự do tự tại không ngó ngàng thế giới đầy nhàm chán dưới đây.

Rồi một người đàn ông xuất hiện, buông những lời chửi rủa thậm tệ vào “những đứa phá vườn” của ông. Chính xác là những đứa khác đã vào vườn của ông để phá ông thật sự, bọn nó kéo nhau vào bẻ ngọt những cái cây non của ông vừa mới trồng, ông ta – chủ vườn chửi ngày càng thậm tệ, và không dừng lại ở đó, ông ta đến và mắng tôi, rủa tôi, cứ như tôi là người làm ra tất cả mọi chuyện như thế này, tôi vẫn không biết chuyện thế nào, ông ta cứ mắng, và tôi vẫn đứng im như trời trồng, tôi sợ lắm nhưng cũng chả biết làm sao… Và rồi có một người đến, đưa tôi ra khỏi mớ hỗn độn này ư? Nhưng không, đời đâu phải như giấc mơ, chả có ai đến cả, ông ta đến và đánh tôi!

Một trận đòn đau đến điếng người đến từ một gã đàn ông hơn 40 tuổi. Bây giờ nhớ lại có lẽ cũng có phần ở mình khi chỉ đứng yên không nói được một câu nào thanh minh… Nhưng lúc đó tôi nào có hay chuyện đó, tôi trở về đối diện với ba má, với những câu hỏi chả biết trả lời: “Mày không làm gì sao người ta đánh mày!”

Tôi căm lão chủ vườn từ độ ấy. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến chuyện trả thù, và con người lúc tức giận hầu như não không còn hoạt động tốt nữa rồi, thay vào đó là cảm giác tột độ muốn được thỏa sự căm phẫn… Ngay đêm đó, cũng khá là khuya rồi, tôi trốn ra khỏi nhà cùng với một cây cưa trên tay…. Tôi đi bộ ra đến vườn của ông chủ vườn tôi ghét, bắt đầu “triệt hạ” những cây chôm chôm còn sót lại, từng cây một mặc dù chỉ còn trên dưới 10 cây còn lại. Nhưng chỉ mới đến cây thứ 2 thứ 3 gì đó tôi không nhớ nữa, ở đâu đó ngoài đường có người thấy ánh đèn đang rọi của tôi và người ta lao đến tóm lấy tôi như tóm lấy một tên trộm xấu xa…

Tôi trở về nhà với những người tôi căm ghét, đối diện với ba má tôi, ba má tôi phải đền lại toàn bộ chi phí cho cả một khu vườn hàng chục cây chôm chôm mà chả phải tôi phá hoại, theo đó là lời xin lỗi van xin họ tha cho tôi, lần này tôi không bị đánh ở vườn người ta nữa, mà là một trận chết đi sống lại ở nhà tôi…

Sau đó vài tháng, tôi được má tôi gởi tôi lên Sài Gòn ăn học cho đàng hoàng kèm theo đó là rất nhiều kì vọng, tôi cũng chỉ biết đi học thôi, không còn la cà nữa, một phần vì không biết đường, một phần to hơn cũng là tôi không muốn ba má tôi buồn nữa. Thế rồi, tôi trở thành một học sinh hiền hơn lúc trước đến hết cấp 3, rồi vào Đại học. Sau bao năm xa nhà, mặc dù cũng thường về thăm ba má, tôi chợt nhận ra quá nhiều chuyện khiến tôi bật khóc. Con trai khóc xấu lắm, nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi buồn không chịu được. Tôi chợt nhận ra cái tôi của bản thân mình có cái giá bao nhiêu? Có phải là bao nhiêu cây chôm chôm? Có phải bao nhiêu đòn roi?…. Không phải, tất cả không phải, đó là bao nhiêu giọt nước mắt của má tôi, bao nhiêu mồ hôi của ba tôi nhỏ xuống cho một chuyện không đâu để thỏa cái tôi ở bản thân này! Tôi bứt rứt vô cùng, tôi buồn!

Tôi bắt đầu nghĩ cho người khác nhiều hơn, tôi nếu là ông chủ vườn cũng sẽ như thế thôi, có lẽ tôi còn làm lớn chuyện hơn ông ta làm. Lần gần đây tôi về quê, tôi xin lỗi ông, ông cười… Và câu hỏi cái tôi giá bao nhiêu tôi nghĩ tôi biết câu trả lời rồi…. Cám ơn những ngày cũ với một câu chuyện cũ, bây giờ nghĩ lại có lẽ là một chuyện vui đáng để mừng, đáng mừng vì để biết yêu thương ba má hơn, để biết thế giới này không chỉ nhìn bằng một cặp mắt là đủ, để biết trân trọng mọi thứ xung quanh, biết người rồi cũng biết ta…

Cái tôi ở bản thân chúng ta có lẽ nó không hề xấu, nhưng hãy để bản thân kiểm soát được nó, đừng để cái tôi lấn át cảm xúc. Con người thường phán xét bản thân mình bằng những phép so sánh với chiếc xe, đôi giày, người yêu của mình so với người khác nhưng có ai hiểu những thứ đấy dù có giống nhau đến mấy cũng chả giống nhau, sở dĩ là ở mỗi người mỗi suy nghĩ, người ta có thỏa mãn với thứ người ta hiện có hay không, hay để cái tôi chạy theo một ai khác với một thứ gì đó chưa thỏa được cái tôi? Đừng, hãy để bản thân kiểm soát nó, hãy yêu thương mọi người xung quanh, biết chia sẻ cùng nhau cảm nhận cuộc sống, đừng để vì một cái tôi quá đà trong một lần, mà hối hận, mà ray rứt, mà phải khốn đốn vì cái tôi của mình, giá của nó rẻ thôi….mà cũng đắt lắm!

Sài Gòn, 19/4/2018

Tác giả: Cloudy

*Featured Image: arthakanyildirim 

 

 

[THĐP Translation] Tại sao nhiều người không thể ngưng quay tay và những điều tôi hiểu ra sau 160 ngày

18

Tôi đã hiểu ra rằng phần lớn mọi người sẽ không bao giờ ngừng quay tay. Tôi cũng đã hiểu rằng quay tay là một miếng dán y tế (loại tồi) cho những vấn đề sâu xa hơn của bạn. Nó là núm vú giả phiên bản dành cho người lớn. Nhiều người trong xã hội hiện nay gặp phải những kiểu nghiện khác nhau, và quay tay khi xem phim khiêu dâm chỉ là một trong số đó. Họ lún sâu tới mức chẳng dừng lại để nghĩ xem liệu còn có cách nào khác hay không. Họ không thể thừa nhận rằng thói quen của mình thật ra rất tệ hại. Đối với nhiều người, ngừng thủ dâm cũng giống như bị chặt mất một cánh tay vậy.

Khi ngày càng lún sâu, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi: “Cái trò này có ổn không nhỉ?” Thế rồi bạn google được một mớ thông tin và thấy hầu hết mọi người đều cho rằng quay tay là chuyện bình thường, và NoFap thật ngu. Bạn tự nhủ, “Biết ngay mà. Haha, một lũ thảm hại!” Và bạn tiếp tục quay tay. Bạn chợt tỉnh ra và “cố gắng” một lần nữa. Kết quả vẫn như lần trước.

Sau cùng, bạn tự nhủ: “Thôi kệ, dù sao cũng chẳng bõ công. Toàn những thứ xàm.” Vòng tròn cứ thế lặp lại và bạn sẽ quay tay đến tận ngày xuống mồ. Đây gọi là một thiên kiến xác nhận (confirmation bias).

Tôi đã hiểu ra rằng thủ dâm là một dạng tự sát về mặt tâm linh. Mỗi lần quay tay, bạn lại thêm xa cách với cuộc sống bạn muốn có và với con người bạn muốn trở thành. Bạn phế bỏ lòng tự trọng, sự tự tin và sự chính trực của bản thân. Bạn dập đi ngọn lửa nhiệt huyết bên trong mình, bạn tự ru ngủ bằng các loại thuốc gây mê tâm hồn.

Ở thời điểm hiện tại, cai quay tay cũng giống như phải thoát ra khỏi ma trận. Tôi đã nhìn thấu bản chất của ngành công nghiệp bệnh hoạn này. Một ngành công nghiệp trị giá 97 tỉ đô la không đóng góp gì cho thế giới mà chỉ biết cướp đi. Nó cướp đi những ước mơ, nó cướp đi thời gian, nó cướp đi cuộc đời, sự sống. Người ta đã khiến cho cả một thế hệ tin rằng đồi bại là bình thường. Cũng giống như một người tán chuyện với bạn để đánh lạc hướng trong khi móc túi bạn vậy. Và lần nào bạn cũng mắc lừa.

Đối với một số người, nghiện ngập là điều bình thường. Quá bình thường khi bạn nghiện thức ăn, nghiện ma túy, nghiện tình dục, nghiện facebook hay nghiện bất cứ thứ gì khác. Nhiều người trong số đó bị mắc kẹt quá sâu trong sự mê muội, không thể thấy được họ đang tự giết chết chính mình cả về thể xác lẫn tinh thần. Hoặc có thể họ biết như vậy, nhưng lại không thể cưỡng lại sự lôi kéo vì họ biết cuộc đời họ sẽ trống rỗng khi không có những thứ đó. Vậy nên tất nhiên khi bạn hỏi họ: “Thủ dâm có tốt cho bạn không?” họ sẽ trả lời “Có chứ!” bởi vì nó mang lại khoái cảm. Hầu hết những người này không hề biết đến lòng tự tôn, sự chính trực, khả năng kiểm soát hay những ý niệm “lỗi thời” tương tự như vậy.

Các món ăn tinh thần cũng có loại tốt và loại xấu. Nếu bạn nhận lấy quá nhiều phủ nhận, ngờ vực và châm biếm từ những người khác, bạn sẽ dần tin rằng những thứ tiêu cực ấy tồn tại bên trong mình. Món ăn tinh thần như vậy thật tệ hại và thiếu lành mạnh. Nó sẽ dập tắt ý chí của bạn, sự tự tin của bạn, và tình yêu mà bạn dành cho chính mình. Bạn sẽ trở nên giống như tất cả những người đang âm thầm hoặc công khai căm ghét cuộc sống của họ và căm ghét chính bản thân họ. Bạn sẽ bị kéo xuống đáy, nơi bạn chỉ còn biết đến sự nghiện ngập của mình.

Các bạn ạ, nếu muốn có được sự trong sạch, sức mạnh và kỷ luật, bạn phải ngừng quay tay. Bạn phải chôn vùi sự nghiện ngập này ngay lập tức. Chúng ta cần phải tập trung vào những thói quen tích cực, giúp cải thiện cuộc sống mà nhiều người kém may mắn không có được.

Sau đây là đoạn trích từ tờ rơi tuyên truyền về thủ dâm do một người tên là Bernarr MacFaddan thực hiện trong những năm đầu thế kỷ 20:

“Sự thật là thủ dâm luôn luôn gây suy nhược và lấy đi sinh lực, dù ở tuổi thanh thiếu niên hay tuổi trưởng thành. Đó là một quá trình hoàn thành dần dần điều mà sự thiến hoạn hoàn thành ngay lập tức. Nó từ từ bào mòn nam tính và tất cả những gì đi cùng với phẩm chất này.

Quả đúng là tác hại của thủ dâm thường bị thổi phồng. Tuy nhiên hành vi này – khi lạm dụng tới một mức độ nhất định – nó sẽ khiến một người đàn ông hoàn toàn không còn chỗ đứng nào trong hôn nhân và trong cuộc sống. Do đó, bất kỳ cố gắng nào nhằm tối thiểu hóa tính nghiêm trọng của thủ dâm đều là một sự dối gạt ác ý. Thực tế là nạn nhân có thể vẫn đủ khả năng tự thay quần áo, đi lại và ăn uống, nhưng như vậy không có nghĩa anh ta là một người đàn ông.”

Nhiều người vẫn nghĩ đây là một chuyện đùa. Đã đến lúc phải dừng lại, nhìn nhận nghiêm túc, và trở thành một người đàn ông. Bạn sẽ hối hận khi nhìn lại cuộc đời mình và tự nhủ: “Ước gì tôi đã ngừng quay tay sớm hơn.”

Nghiên cứu khoa học về tác hại của porn


Tác giả: jakeducati
Người dịch: Hà Huy Dương
Review: Dương Tùng

https://www.facebook.com/Triet.Hoc.Duong.Pho/posts/2083780548303065

*Featured Image: Skitterphoto

Tại sao chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy tại Việt Nam gặp thất bại?

3

Việt Nam đã thất bại trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và thực hiện đề xuất cấm xe máy ở các đô thị. Chúng ta luôn nghĩ rằng cái nghèo là lý do đã dẫn đến sự thất bại này, khi chuyện dọn dẹp vỉa hè đụng chạm tới lợi ích của người bán hàng rong hay việc cấm xe máy làm cho người dân không đủ tiền để mua ô tô. Thật ra, đó không phải là lý do dẫn đến sự thất bại này. Và chúng ta nên biết rằng, trước khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy ra đời, hàng loạt báo cáo, thống kê được công bố từ những nhà chuyên môn quy hoạch đô thị. Họ đã nghiên cứu rất kỹ về tình hình kinh tế, điều kiện dân cư, những mặt hạn chế và lợi ích dưới góc nhìn quy hoạch cực kỳ khoa học. Nhưng tại sao họ vẫn thất bại?

Họ chỉ dựa trên hàng loạt thống kê, số liệu, góc nhìn khoa học kỹ thuật mà bỏ qua góc nhìn xã hội học. Đó chính là sự liên quan về con hẻm dưới chiều kích xã hội học chức năng. Đó chính là điểm mấu chốt về quy hoạch đô thị mà giới chuyên môn Việt Nam bỏ qua.

KoE
Sponsored

Thật sự mà nói, quy hoạch là một vấn đề cực kỳ khó đối với các đô thị tại Việt Nam. Có dịp đi nhiều nơi, quan sát nhiều, tôi thấy rằng không nơi đâu nhiều hẻm bằng Việt Nam. Ban đầu, tôi tưởng đây là một hạn chế nhưng cuối cùng tôi nhận ra đây là một “hạn chế đặc trưng của đô thị Việt Nam” Tôi nghĩ rằng đây chính là điều liên quan đến sự thất bại của hai tiền đề tôi giả định ở trên, đó là sự thất bại trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam là một trong những nước có cơ cấu đô thị phức tạp, dân số đô thị ở Việt Nam tăng mạnh, có khi cao hơn tất cả các nước khu vực, như Indonesia, Malaysia,… Việc gia tăng dân số đô thị này gây rất nhiều khó khăn trong việc quy hoạch đô thị. Khi nhìn sang những đất nước khác, bao gồm Ấn Độ, chúng ta sẽ thấy rằng những đô thị tại các quốc gia này có xu hướng phân cực rõ rệt. Những khu nằm trong quy hoạch sẽ phát triển đầy đủ tiện nghi và nơi đó chỉ dành cho người giàu có. Ngược lại, những khu nằm ngoài quy hoạch sẽ trở thành những khu ổ chuột, tồn đọng những tệ nạn. Nhưng ở Việt Nam, những khu ổ chuột hạn chế hơn nhiều. Không phải vì công tác quy hoạch tốt, mà do kết cấu đô thị của Việt Nam riêng biệt nên vô tình hạn chế hiệu ứng ổ chuột này.  Sự riêng biệt tôi muốn nói ở đây chính là những con hẻm.

Ở Việt Nam, quá trình quy hoạch đô thị khác so với các nước. Có nghĩa là nhà có trước khi đường xá xuất hiện, bao gồm những khu đất lớn được gia đình sở hữu sau chia nhỏ ra cho con cái hoặc chia nhỏ để bán. Cộng thêm sự kết hợp của văn hoá “tình làng nghĩa xóm”, đô thị Việt Nam trở nên có nhiều hẻm. Nhà trong hẻm sẽ phù hợp với mức thu nhập của người dân, khi họ muốn sở hữu nó. Chưa kể, người Việt có tâm lý không thích ở chung cư. Chính vì thế, sự yếu kém trong quy hoạch của chính quyền đã vô tình dẫn đến một hiệu ứng tích cực cho đô thị Việt Nam là hạn chế được những khu ổ chuột.

Những con hẻm xuất hiện nhiều bắt đầu gây khó khăn cho việc mở rộng đường xá, vì việc giải quyết đền bù vô cùng phức tạp. Nó gây hàng hoạt hệ luỵ sau này và ảnh hưởng đến việc sở hữu xe máy. Không phải người Việt không đủ tiền sở hữu được một chiếc ô tô, mà vì xe máy là giải pháp tối ưu hơn nhiều trong bối cảnh sống tại đô thị. Đường xá Việt Nam nhỏ hẹp, chồng chéo nên việc lưu thông bằng xe máy vẫn luôn là lựa chọn số một. Chưa kể, hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam vẫn còn kém phát triển.

Tiếp theo, Việt Nam vẫn còn nặng nề kiểu kinh doanh tiểu thương, có nghĩa buôn bán nhỏ lẻ bao gồm bán hàng rong. Kinh doanh tiểu thương ở Việt Nam chúng ta có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi từ vỉa hè cho đến con hẻm. Nên sự tác động qua lại giữa chức năng của con hẻm, xe máy và kinh tế tiểu thương đã tạo thành một thế chân vạc cho đô thị Việt Nam.

Nên từ đó tôi cho rằng Việt Nam thất bại trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và đề xuất cấm xe máy nó có sự liên quan đến con hẻm. Nói đúng hơn là chính quyền chưa nhìn nhận thấu đáo chức năng xã hội học của con hẻm, xe máy và kinh tế tiểu thương.

Quay lại thực tế, chiến dịch vỉa hè thất bại không phải việc đụng chạm kinh tế tiểu thương mà do đụng chạm về vấn đề lợi ích, bao gồm cả lợi ích kinh tế về những bãi giữ xe. Chưa kể, việc dọn dẹp vỉa hè đụng chạm đến văn đề văn hoá xã hội. Trước khi thực hiện chiến dịch này, chúng ta cần bước đầu tiên là công tác xây dựng, có nghĩa là quy hoạch vấn đề hàng rong và các bãi giữ xe trước, sau đó đến áp dụng các hình thức tuyên truyền và cuối cùng là thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Song song đó là vấn đề cấm xe máy. Người lãnh đạo cần nhìn về đô thị Việt Nam, về cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng. Muốn cấm xe máy, trước tiên, chính quyền cần nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để người dân cân bằng lợi ích giữa việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng. Việc tiếp theo sau đó là mở rộng về mặt đô thị, đường xá và nâng cấp cơ sở hạ tầng; rồi cuối cùng là tiến khoanh vùng cấm xe máy.

Ngoài ra, tôi muốn nói thêm về vấn đề nêu cao trọng tâm phát triển vùng, để giảm tải tình trạng di dân thiếu kiểm soát từ các khu vực khác về đô thị để tạo hiệu ứng cánh bướm tác động tới đô thị trong những năm tiếp theo. Đa phần chúng ta không nhìn từ vấn đề nhỏ, chúng ta chỉ biết đến tác hại khi bờ bên kia có bão mà thôi.

Ví dụ khi nói đến Thành phố Cần Thơ khu vực trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ không thể phát triển những khu công nghiệp tại đây được. Đây phải là nơi tập trung giao thương. Việc Cần Thơ cần quan tâm là thúc đẩy giao thương tốt bằng cách tạo cơ chế tích cực cũng như cơ sở hạ tầng, phát triển những lĩnh khác như thương mại, giáo dục và khoa học; còn khu công nghiệp nên chuyển cho các tỉnh lận cận Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long,… Cần Thơ nên tạo một thế phù hợp với hình ảnh một trung tâm.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề khác, không thể phát triển một cách toàn diện như vấn đề tôi trình bày. Vì ở đây đã “kín bít” bao gồm nghĩa đen lẫn cả nghĩa bóng. Việc mở rộng đường xá sẽ cực kỳ khó khăn. Riêng thành phố chỉ cần nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, phương tiện giao công cộng và mở rộng sang các khu vực tương đối mới để dồn sự tập trung về đó, như việc thành phố đang ưu tiên cho quận 2. Thêm đó, thành phố cần một cơ chế tương đối đặc thù để phù hợp, vì đây là một trong những vùng trọng điểm của khu vực phía Nam nó sẽ tác động đến các khu vực lận cận, thậm chí cả nước. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, những nhà lãnh đạo không nên vội vàng cấm đoán mà nên đẩy nhanh về vấn đề xây dựng.

Trong tương lai, việc đô thị hoá dân số tại Việt Nam sẽ gia tăng. Nếu bây giờ chúng ta không quan tâm thì về sau quy hoạch sẽ càng khó khăn. Phản biện là việc mang tính xây dựng. Chúng ta hãy xem biện chứng là một thứ mà chúng ta cần phải có tiền đề, phản đề và hợp đề.

Tác giả: Đỗ Sơn Trà

*Featured Image: Quangpraha

[THĐP Translation] [Zen Pencils] “Hãy đi tìm những người kia” — Timothy Leary

6

“Thú nhận đi. Bạn không giống họ. Không giống chút nào. Có thể thỉnh thoảng bạn sẽ ăn mặc giống họ… xem cùng một chương trình TV vớ vẩn, hay thậm chí đôi khi cũng có thể ăn những món ăn giống họ. Nhưng có vẻ như bạn càng muốn hòa nhập, bạn càng cảm thấy mình như một kẻ xa lạ…. quan sát những con người “bình thường” sống một cuộc sống máy móc của họ. Vì mỗi lần bạn nói ra những câu mật mã vô hồn của xã hội như: ‘bảo trọng nha’ hay ‘trời hôm nay u ám nhỉ?’ Lòng bạn ao ước được nói ra những điều cấm kị như… Kể tôi nghe những gì có thể làm cho bạn khóc. Hay, Bạn nghĩ Deja Vu có ý nghĩa gì không? Nói thật đi… bạn còn muốn nói chuyện với cô gái hay bắt gặp đi chung thang máy nữa. Nếu cô gái trong thang máy đó cũng đang nghĩ giống bạn luôn thì sao? Ai mà biết được bạn có thể biết được gì nếu bạn cho nó một cơ hội… thử bắt chuyện với một người lạ… Mỗi người đều mang vào đời một mảnh ghép cuộc sống. Không ai chỉ đơn thuần đi vào đời bạn một cách tình cờ. Tin vào bản năng. Hãy làm những điều khó ngờ. Hãy đi tìm những người kia.” — Timothy Leary

Timothy Leary (1920-1996) là một nhà tâm lý học, tác giả và một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về các chất thức thần (psychedelics). Khi còn là một giáo sư tại Harvard, ông đã khám phá ra được những ích lợi tiềm năng từ psilocybin, một hoạt chất được tìm thấy trong các loại nấm tiên (magic mushrooms). Những năm sau đó ông đã có nhiều thí nghiệm khác với LSD và nó đã khiến ông trở thành một trong những người hùng trong phong trào đối-văn hóa (counter-culture movement) trong những năm 60.


Comic: Zen Pencils

Biên dịch: Prana – THĐP

Graphic Edit: Sadie Pices

[BDT2018] 9 năm cho những nỗ lực giảm cân

5

Âm thanh huỳnh huỵch, huỳnh huỵch xen lẫn với tiếng cọt kẹt của chiếc máy chạy bộ vang lên đều đặn cách mình 9 cái máy chạy khác khiến bản thân không thể nào không để mắt tới hình ảnh chiếc máy chạy đang oằn mình lên chống trả từng bước chạy như giáng xuống của một cậu bé chỉ chừng 16 – 17 tuổi nhưng chắc chắn cân nặng không dưới 100kg. Ngay cạnh đó là ánh mắt đầy hy vọng của một huấn luyện viên thể hình rằng một ngày nào đó chỗ mỡ dưới bụng kia sẽ tiêu tan theo cách hoàn hảo nhất. Mình đứng đó tay vẫn nâng quả tạ 10kg nhưng tâm trí thì đã bay tận về những ngày tháng mà bản thân cũng không khác gì cậu thanh niên đang hì hục làm khổ cái máy chạy đó ^^. Cái ngày mà mình đạt cân nặng lên tới 107kg, cái ngày mà việc đứng lên ngồi xuống trở nên vô cùng khó khăn không chỉ bởi chứng cao huyết áp mà kèm theo đó còn là vô vàn tiếng kêu thống thiết từ những bộ phận thân thể như chân tay hay lưng do việc cử động đem lại. Là một người có khí chất linh hoạt, mình đã làm quen dần với việc bị chế nhạo, bị đặt biệt danh hay trêu đùa do BÉO ngay từ khi còn nhỏ và câu chuyện về chuỗi những năm tháng thất bại cũng bắt đầu từ thủa ấy.

Lần đầu tiên trong cuộc đời trong đầu tôi len lỏi hai từ “giảm cân” là khoảng thời gian tôi học lớp 8, cái độ tuổi mà con người bắt đầu thay đổi về mặt tâm sinh lý và cho đến bây giờ đã là 9 năm kể từ ngày đó. 9 năm cho những cố gắng, 9 năm cho những thất bại, 9 năm cho những cố gắng, 9 năm cho những thất bại, 9 năm cho những cố gắng, 9 năm cho những THẤT BẠI TỐT HƠN. Mình xin gửi tặng bài viết này với không chỉ những ai đang có nỗ lực giảm cân mà còn cho tất cả mọi người với bất cứ mong muốn nào trong đời.

Khi nhìn thấy sự thành công từ một ai đó, khi nhìn thấy những người sở hữu thân hình thon thả hay chuẩn dáng thì điều đầu tiên ùa về trong suy nghĩ của mình đó chính là sự bất lực. Rồi với bản năng tự vệ của bản thân, mình cố xếp loại ngoại hình đó vào diện vớ vẩn, không đáng để mắt tới. Nhưng mình vẫn luôn nghe thấy tự đáy lòng một âm thanh vang vọng lên tận bộ óc rằng mình là kẻ thất bại, hèn nhát, trốn chạy khỏi hiện thực khách quan. Những cuốn sách đã đọc, những tri thức đã hấp thu cùng những tư duy đã hình thành bấy lâu nay cứ chạy hàm hàng chuỗi những lời chỉ trích bản thân rằng mình là một thằng ngụy biện không hơn không kém.

Để thoát ra khỏi sự kém cỏi đó, ít nhất bạn phải nhận biết được nó. Đúng vậy, đây là bước đầu tiên và cũng là đơn giản nhất cho những ai muốn nỗ lực làm một việc gì đó. Có lần, mình hì hục tại phòng tập với những động tác sai công thức cùng sự mệt mỏi hiện rõ lên khuôn mặt, mình bỏ tập, lấy xe lao nhanh về nhà rồi “bổ sung năng lượng” vỡi một núi đồ ăn, rồi mình vùi đầu vào sách coi như vớt vát lại chút lương tâm, mình đọc sách về lịch sử thế giới, về cách mà con người đã thống trị thế giới này…

Sở dĩ con người làm chủ được thế giới, đứng đầu chuỗi thức ăn tự nhiên, biến những loài vật khác thành nô lệ, thú tiêu khiển hay đồ ăn hấp dẫn không phải nhờ những bắp tay săn chắc (bởi nếu thế thì loài đười ươi mới là xứng đáng), không phải nhờ móng vuốt sắc nhọn (vì hổ với sư tử mới đáng nhắc đến), cũng chẳng phải đôi chân khỏe mạnh (vì vô vàn loài vật khác sẽ đánh bật chúng ta). Ấy vậy mà sinh vật tưởng chừng như không có vẻ ngoài gì nhỉnh hơn so với những loài khác lại thống trị thế giới này. Chính là nhờ một thứ : Não bộ.

Sự tư duy của bộ não đã đưa còn người vượt lên khỏi những loài tầm thường, đưa còn người đến cuộc sống ước mơ. Thế nên nếu ai đó hỏi bạn rằng bạn nghĩ bộ phận nào trên cơ thể của mình mạnh nhất, hãy đừng ngần ngại trả lời chính là bộ não. Chỉ khi não bộ đã thông suốt, khi những tư duy tích cực đã khỏa lấp đầu óc, khi ý chí của bản thân mạnh hơn nỗi đau, con người mới đạt được những điều mình khao khát. Vì vậy việc đầu tiên bạn cần làm nếu muốn giảm cân hay bất cứ thứ gì là hãy rèn luyện bộ não mình trước tiên.

Hãy đi, hãy làm, hãy trải nghiệm, gặp khó khăn, vấp ngã, đứng dậy làm tiếp với mức độ cứ thế tăng dần theo thời gian. Vì lúc đối đầu với cơn đau khi tập luyện, những lúc mệt rã rời hay những khi phải dày vò bản thân với cơn đói cào xé ruột gan, bắp tay, múi bụng, hay bộ ngực vạm vỡ chẳng giúp bạn được gì mà chính ý chí mới là người bạn đồng hành cùng ta vượt qua nỗi đau thể xác. Chỉ có một bộ não với những suy nghĩ vượt trội mới đưa ta vượt qua những khoảng thời gian tưởng chừng như dài vô tận.

Mọi người luôn khuyên bạn rằng phải kiên trì, phải nỗ lực, đó như là những chân lí mặc khải mà từ nhỏ đến lớn chúng ta đã nghe quá nhiều lần. Nó đúng, hoàn toàn đúng, không hề sai chút nào nhưng chính vì nó đúng như một điều hiển nhiên mà chúng ta trở nên nhờn thuốc với nó. Khi nhìn thấy những người sở hữu thân hình ước mơ, bạn có thể ngưỡng mộ nhưng hầu như không thể tưởng tượng hết được những thứ mà họ đã trải qua, những nỗi đau mà họ phải chịu, những lần chuột rút tưởng bại liệt, những lần xé cơ đến quặn người, cơn đau lặp đi lặp lại ngày này qua tháng nọ lâu dần tích lũy nên con người họ chứ chẳng phải ngồi khóc rồi chờ Bụt xuất hiện. Nhưng tại sao họ lại vĩ đại đến vậy? Họ cũng là người bình thường cũng như ta, vậy tại sao họ lại “kinh tởm” đến vậy?

VỊ THÁNH NÀO CŨNG CÓ MỘT QUÁ KHỨ, TỘI ĐỒ NÀO CŨNG CÓ MỘT TƯƠNG LAI.

Quãng đường dài mà họ đi qua đã được bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất, 1 bước chân.

Tác giả: Tuantotuong

*Featured Image: TeroVesalainen 

[THĐP Translation] Đường về nô lệ trong thời đại số

2

Ngôi nhà của Tự do vốn được chống đỡ trên mặt đất, nơi kết cấu là hiến pháp và ngoại thất là những điều luật của nó dễ dàng được quan sát. Nhưng nếu nền móng nằm sâu bên dưới của nó – là sự trân trọng, trông đợi, và sự thực hiện tự do, tự chủ và tự quyết của cá nhân – bắt đầu mục ruỗng, ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ. Trong khi những tranh đấu về pháp lý và chính trị diễn ra trên bề mặt, nền tảng của tự do cũng đang bị cuốn trôi.

Đặc biệt với những thế hệ gần đây: Họ dắt díu theo mình những thế hệ đi trước, hối hả chạy đua trên con đường kỹ thuật số để đánh đổi quyền lực, tự do và sự riêng tư của bản thân vì những sự mô phỏng thảm hại của danh tiếng, những phương tiện giả mạo của sự thân cận và kết nối mà thật ra lại nuôi dưỡng sự xa cách và cô lập, những thứ tưởng như đơn giản hóa nhưng lại sản sinh ra sự phức tạp vô nghĩa, những tiện nghi đòi hỏi sự khuất phục và ăn mòn các kỹ năng, và một sự lệ thuộc ngày càng nghiêm trọng vào các tập đoàn khổng lồ không hề có sự thôi thúc nào để gìn giữ quyền lợi và lợi ích của một ai ngoại trừ của bản thân chúng.

Nhịp độ phát triển mãnh liệt và trên một quy mô hàng loạt, liên quan đến hầu hết dân số. Dù cho những người có suy nghĩ thấu đáo hơn trong số họ tiến hành những cuộc thập tự chinh chống lại “các đại tập đoàn”, người ta vẫn gửi gắm những cổ phần và hồ sơ tài chính, hoạt động liên lạc, ảnh chụp, nhật ký, thư tình, công việc sinh lợi và dữ liệu y tế của mình lên một “đám mây”. Tức là họ ký thác cho những nông trại máy tính bao la thuộc về một vài công ty – những kẻ còn biết được họ ở đâu, họ mua gì, họ đọc gì, họ muốn gì, những hội nhóm của họ, ý kiến của họ, thời điểm và nơi chốn họ dự định sẽ tới, chưa kể những điều khác nữa.

Những con người cả tin này càng lúc càng nhận được thêm nhiều tin tức và thông tin vốn được chọn lựa để vừa vặn với những định kiến của họ, vì vậy chúng mang lại cho họ sự khoan khoái như một thứ ma túy và khiến họ trở nên dễ dàng thao túng như những con nghiện. Với sự trông cậy và sự chấp nhận đờ đẫn của đại chúng đối với hoạt động tập trung hóa thông tin ngày một phát triển, sự chuyển giao quyền lực to lớn nhất trong lịch sử loài người đã bắt đầu.

Và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những làn sóng của sự thụ động đầu tiên đã ập đến với chúng ta. Bất kể bạn không biết đọc một tấm bản đồ, nấu một con gà, lái một chiếc xe – những điều này và hàng nghìn điều khác sẽ được thực hiện cho bạn bởi các ứng dụng của bạn hoặc bởi những người khác trong “nền kinh tế gig”. Các công cụ kiểm tra chính tả sẽ sửa lỗi chính tả cho bạn (thường rất ngu xuẩn), các công cụ kiểm tra ngữ pháp sẽ sửa lỗi ngữ pháp cho bạn (thường là sai). Chữ viết tay biến mất, rồi cả mọi dạng văn bản soạn thảo bằng tay, và chẳng mấy chốc phần mềm nhận diện giọng nói sẽ khiến bàn phím trở nên lỗi thời, trong khi đôi tay bạn dần dần mất đi sự khéo léo của chúng.

Mới đây ở ga xe điện ngầm New York, mọi người trên cùng toa xe (ngoại trừ tôi) đều cắm cúi vào một chiếc smartphone. Trên đường phố, tôi đã thực hiện thống kê không chính thức. Gần một nửa số người trông như những zombie hay những bệnh nhân tâm thần đang nói chuyện với chính mình trong lúc dán mắt vào màn hình điện thoại. Nếu bạn không tránh sang bên, họ sẽ đâm sầm vào bạn.

Google, Amazon, và Apple – 3 chi nhánh tương lai của chính phủ (Facebook thì đã trở thành một giáo phái) – đã đưa ra thị trường những thiết bị được kết nối với những dãy máy tính trung tâm của họ và 24 giờ mỗi ngày lắng nghe mọi âm thanh trong ngôi nhà. Cứ như thể dù họ lắng nghe để được thức tỉnh, nhưng họ chỉ lắng nghe khi bạn đánh thức họ mà thôi. Các email của bạn được máy đọc để cho các quảng cáo dành cho bạn được hoàn toàn phù hợp, nhưng Alexa và các chị em của nó sẽ chẳng bao giờ nghe lỏm đâu. Điều này chúng ta biết, bởi vì lịch sử đã dạy chúng ta rằng các chính phủ và các tập đoàn chưa bao giờ trải qua những cám dỗ như vậy cả.

Có quá nhiều ví dụ về sự xâm nhập và bao bọc đầy áp lực từ mọi mặt – giống như nước ùa vào trong một chiếc tàu ngầm trúng đạn – và chúng quá phổ biến với mọi người, nên chỉ xin trích dẫn lời chúc phúc từ tờ Wall Street Journal khi nhắc đến riêng Amazon:

Quái vật leviathan này đã và đang (…) gây dựng những lối xâm nhập mới bên trong gia đình và tổ ấm của bạn.

* * *

Tính đến nay, đã nổi lên những thế hệ không chỉ cam chịu sự lập trình và định hướng – tuân theo những thói quen một cách trung thành như những con chim bồ câu mổ hạt ngô – họ còn hăng hái tìm kiếm những phiên bản đầy rẫy trong đó, coi chúng như những đức hạnh và chiến thắng, và tự hào khi phó thác lòng tin vào những kẻ ẩn danh khác đang nhử họ bằng sự hứa hẹn giúp giảm bớt công việc, nỗ lực, truy vấn, trách nhiệm, và hành động.

Trên những quy mô lớn và nhỏ, họ làm điều này tuân theo nhịp độ hào nhoáng của công nghệ và đầu hàng trước nó bằng cách buông bỏ giáo dục, chính trị, nhân văn, và – quan trọng hơn hết – chính cá nhân. Đó là chưa kể đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu như xứ sở kỹ thuật số không tưởng mới khám phá của chúng ta phải hứng chịu 2 hay 3 vụ nổ hạt nhân được tính toán vị trí kỹ lưỡng, tạo ra một đợt xung điện từ (EMP) lan tỏa từ bờ này tới bờ kia nước Mỹ. Kể từ sự kiện Jamestown, chưa bao giờ sự nghiệp lộng lẫy của chúng ta ở Tân Thế giới lại có thể dễ dàng bị xóa bỏ đến thế.

Giống như các nhân vật phản diện trong những bộ phim hành động dở tệ luôn chạy ra rồi dừng lại để lĩnh đạn, cư dân của những đất nước phát triển cắm đầu lao vào sự nô dịch xa xỉ trong khi vẫn phản đối những xâm phạm quyền riêng tư mà họ rước lấy và sự bất bình đẳng mà họ coi nhẹ – đó đều là những hậu quả hiển nhiên của việc phân nhượng bừa bãi những năng lực của người này cho người khác. Người ta có thể nghi ngờ rằng lối sống đang lan tỏa nhanh chóng này sẽ hòa trộn hoàn hảo với bất kỳ triết lý chính trị nào đòi hỏi sự hợp tác sâu sắc, sự định hướng từ trung ương, và sự phục tùng của công chúng. Và nghi ngờ ấy có thể sẽ đúng.

Khi những thành phố trên khắp thế giới tiếp nhận dòng chảy dân số nông thôn đổ vào, nhu cầu về sự hợp tác và phối hợp trong những không gian chật chội tạo nên một âm hưởng chủ đạo cho toàn bộ các quốc gia. Chúng ta chứng kiến điều này trong sự cách biệt giữa các thành phố của Đảng Dân chủ (cũng như các khu ngoại ô đông đúc) và các địa hạt thưa dân hơn của Đảng Cộng hòa.

Ngoại trừ thực tế rằng người trẻ tuổi khắp mọi nơi đang “bị đô thị hóa” bởi những xa lộ kỹ thuật số ngày càng hiệu quả, những dự đoán về tương lai chính trị chủ yếu dựa trên chủ nghĩa địa phương và số liệu nhân khẩu truyền thống sẽ kém chính xác hơn nhiều so với những dự đoán biết chú trọng nhiều nhất đến sự đô thị hóa. Mật độ dân cư đô thị vẫn luôn có ảnh hưởng không cân xứng đến những định hướng kinh tế, xã hội và chính trị, nhưng quyền lực đó đang gia tăng theo những cấp độ khuếch đại khi mà sự tiếp cận được công nghệ đáp ứng và sự buông bỏ quyền tự chủ đang từ từ nhuộm màu xanh của Đảng Dân chủ tới cả những miền xa xôi hẻo lánh.

Nói tóm lại, đội hình chiến đấu mà những máy móc triển khai đang trên đà thắng lợi. Lý do không phải bởi vì chúng ta đang chống lại nó trong một trận chiến tất bại ở một tương lai phản không tưởng (dystopia), mà bởi vì trong hiện tại chúng ta đang tự đầu hàng với tốc độ và say mê mà mới đây không lâu vẫn còn là bất khả thi và bất khả lý giải. Và cứ với mỗi cuộc phản kháng đối với con đường nô lệ kiểu mới này, sẽ lại có cả triệu lời biện minh tự mâu thuẫn dành cho những thứ xa xỉ mang tính chất gây nghiện của nó.

Tác giả: Mark Helprin

Người dịch: Dương Tùng

 

*Featured Image: Free-Photos

Tiền thuật toán – ván cờ của kinh tế tự do

8

Hơn 90% những người đầu tư tiền ảo chỉ vì lợi nhuận, có khoảng 70% hiểu về hệ thống blockchain, phương thức hoạt động, lợi ích của nó. Nhưng rất ít người hiểu mục đích ra đời của tiền ảo là làm gì? Đây không phải là trò chơi của tâm lý học hành vi khi giá cả thị trường tiền ảo vào thời điểm hứng chịu bão, sự tồn tại của cá mập thao thúng thị trường là một điều tất yếu mà chúng ta phải chấp nhận, khi họ là những người sẵn sàng mua rủi ro để bán cơ hội.

Tiền tệ gắn chặt với tính thời gian và các dự kiến. Hàng nghìn năm trước cho đến nay, tiền tệ là một thành tố thiết yếu của hoạt động kinh tế. Thế nhưng, những vấn đề về tiền tệ chúng ta quan tâm, bàn luận nhiều thì ngay cả những học thuyết kinh tế cũng rất ít phân tích. Những người theo quan điểm kinh tế học chính thống họ không quan tâm về vai trò của tiền thuật toán, nhưng một số khác thì ngược lại. Thật sai lầm nếu như chúng ta bỏ qua nó, việc phát triển đồng tiền thuật toán khi thật sự đủ mạnh nó sẽ tác động đến quá trình kinh tế thực tế và do đó đòi hỏi chúng ta cần có một cách nhìn đa chiều để đưa ra dự đoán. Hãy lãng quên quan điểm kinh tế hàng đổi hàng qua một bên vì đây thời đại của công nghệ thông tin.

Chúng ta phải biết rằng tiền tệ bao giờ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Những nguyên lí được vận dụng để phân tích một nền kinh tế không có tiền, chỉ có thể áp dụng vào một nền kinh tế có tiền, nếu tiến hành những thay đổi thực chất. Lý thuyết tiền tệ rộng hơn nhưng gì chúng ta nghĩ. Thật ra, trước tiền thuật toán, người ta đã đặt vai trò về đồng tiền do tư nhân phát hành rồi. Nhà kinh học người Áo Hayek cũng từng nói về điều này trong quan điểm của ông. Nhưng không ngờ, nó đã lập lại trong một bối cảnh mới là tiền thuật toán. Người ta đã tranh cãi về Currency Principle và Banking Principle.

Việc sử dụng tiền tệ truyền thống do đó tất yếu kéo theo cân bằng liên thời gian, dù có hàng rao be bờ là hệ thống bản vị vàng. Rất khó để nói, các chính phủ cũng không thể từ bỏ đồng tiền mình phát hành, nhưng cũng không thể kiểm soát được sự lớn mạnh của tiền thuật toán. Những nhà tư bản lớn những người tin vào học thuyết của Hayek họ cho rằng việc chính phủ độc quyền in tiền sẽ dẫn tới lạm phát. Vì chính phủ luôn kích thích tiêu để trang trải những chi tiêu, chính phủ luôn cố gắng trả những khoản nợ đi vay của mình bằng cách in thêm tiền. Nên vì thế dưới danh nghĩa đầu tư thường như những công ty tư nhân đang ngấm ngầm in sản xuất ra những đồng tiền cho riêng mình ví dụ Google đầu tư vào Ripple và liên kết nhiều ngân hàng khác cùng tham gia và Amazon cũng đang làm điều đó. Những nhà tư nhân họ sẽ quan tâm đến giá trị đồng tiền họ tạo ra cũng như danh tiếng của mình, nhưng đó cũng là một phần của lý thuyết vì chúng ta không thể biết được bối cảnh tương lai có thay đổi gì nữa không.

Tiền thuật toán là câu trả lời của việc phi quốc hữu hoá đồng tiền, rất có thể trong một quan điểm tình thế này của tôi đã gây nhiễu cho người đọc về mặt nào đó. Nhưng tôi tin đây không chỉ là một trò chơi như chứng khoán mà chúng ta nghĩ gần giống. Có thể, tiền thuật toán sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, nhưng đó không phải là giá trị thực của nó. Ở một giai đoạn nhất định, nó sẽ quay trở về giá trị thực, khi đó nó sẽ được phổ biến rộng rãi trong các giao dịch, vì mục đích những người sáng lập ra nó không phải để chúng ta đầu tư. Chúng ta nên nhớ rằng giá trị thực không phải nằm ở 1 đồng bao nhiêu USD.

Tác giả: Đỗ Sơn Trà

*Featured Image: Pixabay

 

[BDT2018] Tôi đã từng là một kẻ chuyên gia hiếp đáp bạn bè

8

Các bạn của tôi ơi,

Sự giận dữ và cay đắng!

Bạn từng trải qua cảm giác này chưa? Trong suốt nửa cuộc đời của mình, tôi đã phải chịu đựng sự giận dữ và cay đắng từ người khác đem đến cho tôi và tôi cũng mang tất cả những sự giận dữ, cay đắng ấy trút lên người khác bất kể đó là người thân, bạn bè thậm chí cả đối với người tôi yêu thương nhất.

Trong mỗi chúng ta đều tồn tại hai con người đó là con người cũ và con người mới. Con người cũ muốn nói đến phần con người với tất cả những điều tiêu cực, cũ kĩ bên trong bạn. Con người mới là con người đã, đang và sẽ được biến đổi hoàn toàn từ con người cũ. Con người mới trở nên đẹp đẽ, sáng láng lạ lùng với tất cả những điều tốt lành và tích cực.

Trong khoảng mười năm đầu đời của tôi, tôi bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi con người cũ của Ba tôi. Một trong những thứ kinh khủng nhất mà Ba tôi mang về cho gia đình tôi mỗi ngày đó chính là sự giận dữ. Ông có thể nổi nóng với mẹ tôi, thậm chí cả tôi và em trai tôi bất cứ khi nào ông ấy muốn. Và mỗi lần như vậy, không khí trong gia đình tôi chắc chỉ kém dưới địa ngục một chút. Trong khi hai người lớn la lối lớn tiếng thậm chí là đánh lộn với nhau, kèm theo tiếng đập phá đồ đạc trong gia đình của Ba, tôi và em trai co rúm lại trong một góc như hai con mèo hen, ướt nhẹp, run rẩy trong sự sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua, sự giận dữ, cay đắng ấy đã len lỏi từng chút, từng chút một cho đến khi nó tràn đầy trong tấm lòng tôi từ lúc nào tôi không biết.

Tôi bắt đầu đến trường với thái độ lì lợm, chống đối và nổi loạn. Là con gái nhưng tôi cầm trùm đám con trai ngỗ ngược trong trường, việc của tôi và đám con trai đó là mỗi ngày phải làm được những việc khiến cho bạn bè của tôi khó chịu, chọc cho tụi nó càng tức giận càng tốt, và khi tụi nó tức đến phát khóc, chúng tôi cười ngão nghễ với thành công của mình. Cũng có một số bạn chịu không nổi cũng đã chống lại chúng tôi, đương nhiên là có một trận hỗn chiến mà phần thắng hơn trong những trận hỗn chiến như vậy thường thuộc về chúng tôi. (Cái xấu thường rất mạnh cho đến khi nó bị sức mạnh của những điều tốt đánh gục.) Việc chọc cho người khác trở nên tức giận và bản thân được tức giận điên cuồng lúc đó giống như sứ mạng của tôi, và khi hoàn thành được sứ mạng tôi thấy mình thật ngầu. Còn đối với thầy cô giáo, chẳng ai muốn đụng tới tôi, ý của họ là tôi muốn làm gì thì làm đừng đụng tới họ là được rồi.

Về nhà, tôi cũng bày tỏ tính cách lì lợm, chống đối, nổi loạn, ban đầu là bằng một cách âm thầm vì sợ vía Ba, càng về sau tôi càng chứng tỏ rằng con phải hơn cha. Cứ như vậy, rất nhiều năm tháng tôi chìm ngậm trong sự giận dữ. Tôi có thể nổi giận với bất kỳ ai, bất kỳ thứ gì làm tôi không thoải mái. Tôi gào thét, la lối, đập phá đồ đạc, đánh lộn… không bỏ sót một hình thức nào của sự tức giận và cay đắng.

Tôi muốn nói cảm ơn Thượng Đế thật nhiều vì Ngài đã nhìn thấy được một Nam Nhung đầy dẫy những tổn thương trong tấm lòng bắt nguồn từ những sự giận dữ và cay đắng. Ngài đã có một kế hoạch chữa lành những tổn thương ấy trong tôi.

Một ngày nọ, Ba tôi mang về một quyển sách. Wow! Là một quyển sách thay cho những sự giận dữ thường ngày. Ba tôi gọi tôi và em trai tôi lại ngồi xuống chiếc bàn gỗ. (Lúc này mẹ tôi đã qua đời.) Ông lật sách ra và chúng tôi cùng nhau đọc. Trong cuốn sách đó chép:

  1. “An angry man stirreth up strife, and a furious man aboundeth in transgression.” (Proverbs 29:22 KJV)
    Tạm dịch: “Người hay giận gây ra điều tranh cãi, kẻ nóng tính phạm rất nhiều tội lỗi.”
  2.  “A fool uttereth all his mind: but a wise man keepeth it in till afterwards.” (Proverbs 29:11 KJV )
    Tạm dịch: Kẻ ngu dại bộc lộ cơn giận dữ của mình, còn người khôn ngoan kiên nhẫn kiềm chế nó.
  3.  “He that is slow to wrath is of great understanding: but he that is hasty of spirit exalteth folly.” (Proverbs 14:29 KJV)
    Tạm dịch: “Người chậm nóng giận thì đầy sự thông sáng, nhưng kẻ hay nóng tính tăng lên sự điên rồ.”
  4. “A sound heart is the life of the flesh: but envy the rottenness of the bones.” (Proverbs 14:30 KJV)
    Tạm dịch: “Tấm lòng bình tịnh là sự sống của thân xác, còn sự ghen ghét là sự mục nát trong xương. “

Đọc đến đây Ba tôi dừng lại nhìn chúng tôi, ánh mắt khác thường, với giọng nói trầm lại: “Ba đã sai rồi, thật sự sai rồi, Ba đã là kẻ ngu dại nhất trong những kẻ ngu dại.”
Hai chị tôi im lặng, hết nhìn Ba lại nhìn nhau. Ba tôi nói tiếp: “Chúng ta phải thay đổi đời sống, chúng ta cần phải lột bỏ con người cũ cùng công việc nó và mặc lấy con người mới. Người bắt đầu sẽ là Ba, sau đó sẽ là các con. Chúng ta không thể trì hoãn việc này.”
Ngay giờ phút đó, tôi nhận thấy một luồng gió mới mát mẻ, trong lành đầy sự sống thổi vào căn nhà vốn chật hẹp, u ám, đậm mùi chết chóc ấy.

Những ngày tháng tiếp theo đó, tôi nhận thấy rõ ràng được sự thay đổi nhanh chóng trong tính cách của Ba, ổng trở nên vui mừng, bình an, nhân từ, hiền lành, mềm mại trong lời nói và việc làm, ổng kiên nhẫn với chúng tôi. Tôi nói với em trai tôi: “Đó dường như là một phép lạ!” Chúng tôi rất thích thú với những điều mới mẻ trong cuộc sống của ba cha con. Mỗi ngày, chúng tôi đều dành thời gian cùng nhau phơi nắng buổi sáng sớm, cùng nhau đọc cuốn sách ổng mang về, nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe mọi thứ… Đó cũng là những ngày tháng tươi đẹp nhất, ngọt ngào nhất trong những năm tháng tuổi thơ của tôi.

Năm 2000, Ba tôi qua đời, đó là một mất mát rất lớn trong cuộc đời của tôi. Tôi khóc lóc, kêu gào trong giận dữ, tôi hỏi Thượng Đế: “Tại sao lại như vậy? Tại sao điều này xảy với con? Tại sao? Con đã làm gì sai? Điều đó thật không công bằng! Con cần câu trả lời!” Tôi yêu cầu Thượng Đế trả lại Ba cho tôi. Tôi không thể kìm hãm nổi sự cay đắng và giận dữ trong tôi vì câu trả lời của Thượng Đế khi đó là im lặng. Ngài im lặng! Không có một lời nào cho tôi cả. Không còn Ba nữa, chúng tôi không còn những buổi sáng phơi nắng, đọc sách và trò chuyện cùng nhau. Tôi bắt đầu trở lại sống với con người cũ trước kia.

Một khoảng thời gian trôi qua, tôi bắt đầu đi làm, tôi đến chỗ làm với thái độ khô khan, cộc cằn, gai góc đối với tất cả mọi người, tôi giống như con nhím có thể xù lông bất cứ lúc nào và bất cứ với ai. Lúc này hơn mười tám tuổi rồi, tôi không còn cầm trùm được cái đám con trai như hồi nhỏ nữa. “Tôi không cần! Một mình tôi, tôi cũng sẽ làm được.” Tôi nói với bản thân: “Tao sẽ làm tổn thương hơn gấp nhiều lần cho bất kỳ ai dám làm tao tổn thương.”

Tôi phải chuyển rất nhiều chỗ làm với rất nhiều công việc khác nhau vì không ai chịu nổi tính khí của tôi và tôi cũng chẳng chịu đựng nổi họ. Và cứ như thế ngày tháng lại trôi qua, tôi sống trong sự cay đắng, buồn giận và mệt mỏi. Nhiều lần, tôi cũng đã cố gắng nín nhịn, chịu đựng không giận dữ. Lần một được, lần hai được, nhưng lần thứ ba không nhịn được, và thế là tất cả những sự nín nhịn, chịu đựng của hai lần trước dồn vào lần thứ ba. Hậu quả tôi không nói thì các bạn vẫn có thể hình dung. Sự cay đắng, giận dữ mỗi ngày siết chặt trái tim tôi hơn, tôi nhận thấy rằng nó là liều thuốc độc đang dần giết chết tôi. Tôi rơi vào bế tắc, tôi bất lực, vì không tìm ra phương pháp.

Cay đắng và giận dữ, chúng là thứ vũ khí hủy diệt kinh hoàng nhất mà tôi biết. Trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những mối quan hệ trong gia đình như vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau, đến các mối quan hệ trong xã hội, thậm chí là dân tộc này với dân tộc kia, quốc gia này với quốc gia nọ bị tàn phá và hủy diệt, bởi sự cay đắng và tức giận.

Tôi thật sự là một người rất may mắn, vì một lần nữa Thượng Đế lại nhìn thấy một Nam Nhung bất lực, yếu đuối và bế tắc đang cô độc, gồng mình với những vấn đề tiêu cực đó.
Chính xác là vào tháng 5 năm 2017, không phải là ngẫu nhiên, Thượng Đế đã một lần nữa đặt vào tay tôi cuốn sách mà ngày trước ba cha con tôi vẫn đọc mỗi ngày, một cuốn sách bị tôi lãng quên trong một thời gian rất dài. Lật cuốn sách ra, tôi tìm thấy phương pháp “làm cách nào để rũ bỏ sự tức giận chứ không phải là chịu đựng nó.” Trong đó chép:

  1. “Let all bitterness, and wrath, and anger, and clamour, and evil speaking, be put away from you, with all malice: And be ye kind one to another, tenderhearted, forgiving one another, even as God for Christ’s sake hath forgiven you.” (Ephesians 4:31-32 KJV) Tạm dịch: “Hãy loại bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ, cùng mọi điều hiểm độc. Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Thượng Đế đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy.
  2. “If a man say, I love God, and hateth his brother, he is a liar: for he that loveth not his brother whom he hath seen, how can he love God whom he hath not seen?” (1John 4:20 KJV ) Tạm dịch: “Ví bằng có ai nói rằng: Ta yêu Thượng Đế, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Thượng Đế mình chẳng thấy được.”
  3. “Be ye angry, and sin not: let not the sun go down upon your wrath.” (Ephesians 4:26 KJV) Tạm dịch: “Khi anh em nóng giận thì đừng phạm tội; đừng căm giận cho đến lúc mặt trời lặn.”

Đọc đến đây, tôi cảm thấy mọi xiềng xích của sự giận dữ bị bật tung, tôi thấy tôi được cởi trói, tôi thấy mình được tự do, tôi thấy mình được nâng lên khỏi mặt đất, tâm trí, linh hồn tôi nhẹ như hơi nước, tôi như được bay lên…

Vì tôi thấy được sự tha thứ là chìa khóa và tình yêu thương là nền tảng vững chắc. Một lần nữa tôi thoát khỏi con người cũ bằng chìa khóa của sự tha thứ. Tôi đã và đang xây dựng lại con người mới của tôi, cuộc sống mới của tôi trên nền tảng vững chắc của sự yêu thương.

Các bạn của tôi ơi! Tất cả mọi điều xấu xa, tiêu cực trong mỗi đời sống cá nhân của chúng ta đều sẽ bị tiêu diệt bởi sự tha thứ và tình yêu thương. Sự tha thứ và tình yêu thương là phương thuốc tốt nhất để chữa lành mọi tổn thương trong mỗi tấm lòng của chúng ta.

Yêu các bạn rất nhiều.
xx

Nam Nhung,

P/s: “Let the love in your heart be the light that guides you through your darknest moments.”
“Hãy để yêu thương trong bạn tỏa sáng, nó sẽ dắt bạn đi qua những khoảnh khắc đen tối trong cuộc đời.”

*Featured Image: cocoparisienne 

Thông báo về cuộc thi viết 2018

KoE
King of Everything hân hạnh tài trợ cuộc thi

Đề bài dự thi

Hãy kể về một (hoặc nhiều) trải nghiệm thức tỉnh từ những sai lầm hay thất bại của bạn trong quá khứ hoặc hiện tại.

  • Các câu hỏi gợi ý: Trải nghiệm thất bại/sai lầm (trong hành động/lời nói/suy nghĩ) của bạn là gì? Nguyên nhân thất bại? Bài học nhận thức, kinh nghiệm rút ra? Bạn đã thay đổi như thế nào sau thất bại đó? Tầm quan trọng của trải nghiệm thất bại đó với cuộc sống của bạn? Lời khuyên, nhắn nhủ gì dành cho người khác? Mở rộng, liên hệ trải nghiệm với các hiện tượng khác?
  • Đối tượng dự thi: Tất cả mọi người không giới hạn độ tuổi.
  • Thời hạn nộp bài: Từ ngày công bố cuộc thi cho đến 20h00 ngày 20/05/2018 (theo giờ Việt Nam)
  • Lưu ý: Khi không thấy bài dự thi của mình được đăng tải trên website sau 24h kể từ khi nộp, thí sinh cần phản hồi ngay với ban tổ chức tại đây.
  • Không soạn bài trên website wordpress, soạn sẵn ở Microsoft Words hoặc Notepad trước. Biên tập viên sẽ tự động xóa sau 24 giờ.

Mục đích cuộc thi

  • Đánh dấu sự trở lại của Triết Học Đường Phố sau 2 năm vắng bóng.
  • Khuyến khích mọi người dũng cảm đón nhận bản thân không chỉ những phần tốt đẹp mà cả những phần yếu đuối, giới hạn, từ đó tạo tiền đề cho việc cải thiện, nâng cấp và phát triển chính mình.
  • Khuyến khích sự đổi mới góc nhìn khi tiếp cận thế giới.
  • Lan tỏa các trải nghiệm thức tỉnh, thay đổi chính mình trở thành con người tốt đẹp hơn sau khi trải qua những sai lầm, thất bại trong cuộc sống.
  • Gắn kết tinh thần của các thành viên với nhau và với Triết Học Đường Phố thông qua việc cùng nhau chia sẻ những mặt sáng và mặt tối của chính mình.

Yêu cầu bài dự thi, tiêu chí chấm điểm

  • Tác giả tự viết. Nội dung chưa từng được đăng tải ở bất kỳ trang mạng nào khác.
  • Độ dài 1000 – 3000 chữ.
  • Văn phong trau chuốt, không dài dòng, lủng củng. Bố cục rõ ràng.
  • Ngôn từ trong sáng, không sử dụng chữ viết tắt hay teencode.
  • Có cách thể hiện độc đáo, sáng tạo.
  • Trả lời được càng nhiều câu hỏi gợi ý càng tốt. Chấm điểm mức độ sâu sắc của bài thi.
  • Bài thi cần có tinh thần hướng thiện, tích cực, xây dựng. Không đả kích hay phê phán bất kỳ đối tượng nào.

Cách thức gửi bài

  • Để gửi bài dự thi cho Triết Học Đường Phố, thí sinh cần đăng ký tài khoản (nếu chưa có tài khoản thì đăng ký tại đây), sau đó log-in tại đây. Sau khi log-in thì có thể gửi bài tại đây. Nếu gặp trục trặc kỹ thuật thì email hoặc nhắn tin vào fanpage liên lạc với ban quản trị để được giúp đỡ.
  • Cú pháp đặt tiêu đề bài dự thi: [BDT2018] Tiêu đề bài dự thi
  • Ban biên tập có quyền đổi lại tựa đề bài viết nếu thấy cần thiết
  • Các bài viết gửi qua email hay tin nhắn Facebook đều không được chấp nhận.
  • Thí sinh được gửi tối đa 02 bài dự thi về chương trình

Giải thưởng

  • 01 giải Nhất:
    • 6.000.000 VNĐ
    • 01 bằng khen của THĐP
    • Bài viết sẽ được cho vào dự án sách của THĐP sắp tới + Tiền nhuận bút
  • 01 giải Nhì:
    • 2.000.000 VNĐ
    • 01 bằng khen của THĐP
    • Bài viết sẽ được cho vào dự án sách của THĐP sắp tới + Tiền nhuận bút
  • 01 giải Ba:
    • 1.000.000 VNĐ
    • 01 bằng khen của THĐP
    • Bài viết sẽ được cho vào dự án sách của THĐP sắp tới + Tiền nhuận bút
  • Giải Đồng Hành: THĐP sẽ trao thưởng cho 3 độc giả may mắn tích cực theo dõi và tương tác với cuộc thi (với bất kỳ hình thức thích/bình luận/chia sẻ tại bất kỳ bài dự thi nào trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra). Mỗi người sẽ nhận được 200.000 VNĐ.
  • Người đoạt giải ở bất kỳ hạng mục nào đều có quyền lựa chọn hình thức nhận tiền thưởng dưới dạng VNĐ hay quy đổi ra Crypto (Ethereum hoặc Nano).
  • Ngoài ra, 3 bạn đoạt giải mỗi bạn sẽ được tặng một cuốn sách Sống như ngày mai sẽ chết của Phi Tuyết, người từng đóng góp nhiều bài viết có giá trị cho THĐP trước kia. Ngoài ra độc giả của THĐP cũng sẽ được giảm giá 20% khi mua sách ngay hôm nay.

Ban giám khảo

  • Nguyễn Hoàng Huy: Người sáng lập Triết Học Đường Phố
  • Vũ Thanh Hòa: Writer, Tổng biên tập của Triết Học Đường Phố, từng có 2 trong 3 bài đạt điểm cao nhất cuộc thi cách đây 4 năm.
  • Phi Tuyết: Tác giả cuốn sách Bestseller Sống như ngày mai sẽ chết (tập hợp những bài viết truyền cảm hứng từng đăng trên THĐP, hiện đã bán được hơn 20,000 cuốn). Founder Triết Học Tâm Hồn

Hình thức chấm bài

  • Mỗi giám khảo sẽ nhận xét và chấm điểm công khai cho từng bài viết trên thang điểm 0-100.
  • Điểm bài dự thi là tổng điểm từ 3 giám khảo.

Danh sách nhà tài trợ, donations

https://docs.google.com/spreadsheets/d/1QOslHxBlx1_L2yz99P9BRY5OYSKPuwWJda-H4ECU9ps/edit?usp=sharing

Triết Học Đường Phố vô cùng cảm hơn sự ủng hộ tài chính của các ân nhân trong thời gian vừa qua. Chúng tôi sẽ có quà tặng cho những người đã đóng góp sau cuộc thi.

Nhắn nhủ

Chúng tôi hiểu rằng đối diện với những góc tối của chính mình không phải là chuyện dễ dàng với bất kỳ ai. Triết Học Đường Phố mong muốn trở thành người đồng hành trên con đường trải nghiệm của các bạn. Sự chia sẻ của các bạn sẽ là nguồn cảm hứng lớn lao cho rất nhiều người cũng đang bước trên cuộc hành trình soi sáng nội tâm của chính mình. Hãy dũng cảm viết, vì mình và vì nhau.

Để có thêm động lực viết, xin mời các bạn đọc bài viết Con đường viết lách… của Phi Tuyết mới viết nhé.

Trời đất yêu quý lòng can đảm – Terence McKenna

“Trời đất yêu quý lòng can đảm. Nếu bạn đặt ra quyết tâm thì trời đất sẽ đáp ứng lại quyết tâm đó bằng cách loại bỏ hết mọi vướng bận tưởng chừng không thể. Mơ giấc mơ không tưởng và thế giới sẽ không nghiền nát bạn; nó sẽ nâng bạn lên. Đây chính là cái mẹo. Đây là những gì mà các đạo sư và các triết gia, những người thật sự đáng kể, những người thật sự đã chạm vào được hòn đá hóa kim, đây là những gì họ hiểu. Đây là điệu nhảy của pháp sư trong thác nước. Đây là cách phép thuật được thực hiện: Bằng cách quăng bản thân mình vào vực thẳm và khám phá ra được rằng nó là một chiếc giường tơ êm ái.” — Terence McKenna (Nguyễn Hoàng Huy dịch)

Thân mến,

Triết Học Đường Phố

One Piece – Hành trình đến sự trưởng thành

Mình là Tư, và mình vừa đọc xong 737 tập One Piece, trong vòng hơn 6 tháng. Nói chung, mình thấy người Nhật rất giỏi trong việc gói gém các giá trị đạo đức trong các seri manga của họ. Mình nhận thấy rằng, hành trình đi tìm One Piece cũng khá giống hành trình phát triển của một developer hay một startup bây giờ.

Dưới đây là các nhân vật có trong băng mũ rơm:

  • Zoro: Trước kia là thợ săn hải tặc, làm hải tặc với mong muốn là trở thành kiếm sĩ giỏi nhất.
  • Usopp: Chuyên gia bắn tỉa, muốn hoàn thành ước mơ hải tặc của cha mình.
  • Brook: Bộ xương, là nhạc công kiêm kiếm sĩ.
  • Luffy: Người cao su, sở trường lãnh đạn.
  • Robin: Nhà sử học, với mong muốn đi tìm kỷ nguyên bị đánh cắp.
  • Chopper: Bác sĩ
  • Nami: Hoa tiêu, người hám tiền nhất băng.
  • Franky: Người máy, thợ đóng thuyền với style rất biến thái, mặc mỗi cái quần sịp.
  • Sanji: Đầu bếp, được mệnh danh là chân sắt và rất ưu ái phụ nữ, giống mình vậy.

Going Merry là chiếc thuyền đầu tiên của băng hải tặc Mũ Rơm, Thousand Sunny là chiếc thuyền thứ hai, kiên cố hơn, nhiều tính năng hơn. Franky – một thành viên của băng đã làm nên chiếc thuyền đó vì chính ước mơ của mình và cũng nhờ đó, anh trở thành thợ đóng thuyền cho băng Mũ Rơm.

Kẻ muốn người không, cơ duyên trời định

Ở trên chiếc Going Merry, ban đầu, không phải ai cũng muốn trở thành hải tặc: Có người sinh ra đã muốn làm hải tặc, có kẻ bị ép phải lên, có kẻ bị xúi lên, có người lên để thực hiện ước mơ riêng của mình. Tất cả là cái duyên.

Lần đầu tiên ra biển lớn, các thành viên cũng như ếch vừa mới chui ra khỏi miệng giếng vậy. Họ tự mãn. Như Zoro, không lượng được sức mình, đã bị Mihawk đánh cho bán sống bán chết. Nhưng cũng nhờ những sai lầm như vậy, người ta mới biết rằng cuộc sống luôn vượt ra ngoài sự tưởng tượng của bản thân để từ đó cố gắng hơn.

Tình yêu, thử thách khiến con người thay đổi

Luffy không phải là một người giỏi lãnh đạo, có thể nói anh ta là một kẻ ngốc. Sở trường duy nhất của Luffy chính là lãnh đạn. Nhưng vì các thành viên trong đội, anh ta luôn là người lao lên trước, trở thành người đầu tiền bị ăn đòn. Chính nhờ vậy, anh được tôn trọng nhất.

Nami là một người hám tiền nhất băng. Nhưng cũng chính cô là người đưa ra ý định dùng toàn bộ số tiền mà băng có để cứu người cá đang bị bán đấu giá ở Sabaody.

Chính nhờ hành trình đi tìm One Piece, các thành viên trưởng thành theo năm tháng. Nhận ra được đâu là giá trị đích thực cho cuộc sống của mình.

Sabaody, bước ngoặt

Cột mốc quan trọng nhất của băng Mũ Rơm chính là ở Sabaody, nơi các thành viên nhận ra sự yếu đuối của bản thân. Sabaody là một hòn đảo nằm trước Redline, rành lăn giữa trắng và đen, một bên là vùng biển dưới sự quản lý của chính quyền thế giới, một bên gọi là Tân Thế Giới dưới dự kiểm soát của tứ hoàng, những hải tặc trùm sò.

Nơi đây, tất cả các thành viên đã bị đánh bại. Khi đứng trước sự mất mát của bạn bè, họ nhận thấy sự kém cỏi của bản thân. Cũng chính vì lý do đó, họ đã phải xa nhau để học hỏi, khổ luyện trong vòng 2 năm trời. Thậm chí, họ phải học từ kẻ thù/đối thủ của mình, để trở nên hoàn thiện, cả về suy nghĩ lẫn kỹ năng. Rồi từ đó, họ mới đủ tầm vóc để bước vào Tân Thế Giới.

Một hành trình mới bắt đầu…

Kết luận

Mặc dù, ban đầu mỗi người có một mục tiêu riêng, nhưng cũng chính những ước mơ riêng đó đã gắn kết họ lại với nhau. Họ đều tìm thấy cho mình các vị trí mà ở đó, họ có thể hoàn thành tốt công việc. Một team tốt là một team có thể đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Băng hải tặc Mũ Rơm là một team như vậy.

Cuộc sống luôn ẩn giấu nhiều điều bất ngờ, trái ngọt không thể sản sinh trong ngày một ngày hai, mà phải trải qua biết bao mùa mưa nắng. Thành công cũng vậy, bạn không cần phải tìm nó, thành công sẽ tự tìm đến bạn khi nào bạn đủ xứng đáng.

P/s: Viết lại một nửa chặng đường của hành trình đi tìm One Piece, cũng để nhắc mình nhớ về hành trình đi tìm sự trưởng thành của bản thân mình. Sống chậm lại, hào sảng lên, cho đi nhiều hơn và làm tốt công việc của mình.

Tác giả: Wikiblack