27 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 128

[Zen Pencils] Tôi đã là một tên nô lệ giỏi nhất — Erica Goldson

3

Tôi đã là một tên nô lệ giỏi nhất [Zen Pencils]

Đoạn diễn văn này được soạn và đọc bởi một cô gái có tên Erica Goldson trong buổi lễ tốt nghiệp trung học tại trường Coxsackie-Athens High School. Sau khi upload lên Youtube, nó đã được cộng đồng mạng lan truyền với tốc độ khá chóng mặt hơn 1,152,000 lượt view tính tới ngày hôm nay (2018). Bạn có thể xem toàn bộ video clip và bài diễn văn tại http://americaviaerica.blogspot.com.au/p/speech.html

Cảm nhận từ Zenpencils

Bài diễn văn này thật sự làm tôi xúc động vì tôi thấy mình giống hệt như cô ta thời còn đi học. Luôn luôn làm những gì thầy cô bảo, không dám đặt câu hỏi, cắm đầu cắm cổ học thuộc lòng một cách vô thức những con số, tài liệu. Tôi còn nhớ mình đã từng viết ra cả một bài văn và học thuộc lòng nó, và chép lại nguyên văn trong ngày kiểm tra, và ngay lập tức xóa nó khỏi trí nhớ để chuẩn bị cho bài kiểm tra khác. Tôi luôn đứng trong hàng top 10 của lớp, nhưng mặt trái của việc này là tôi thấy mình không học được gì. Thói quen này tiếp tục khi tôi lên đại học, mặc dù là tôi rất muốn trở thành một chuyên viên đồ họa thiết kế. Có lẽ nếu tôi đã được nghe bài diễn thuyết này thời còn học trung học, tôi đã nhận ra mình đang bị mắc kẹt trong cái hệ thống, và tôi nghĩ mình sẽ quyết định đi con đường khác. Có một chuyện tôi vẫn còn nhớ thời còn học trung học là tôi vẽ bậy lên TẤT CẢ mọi thứ – sách giáo khoa, tập, sổ, bàn học, tay chân, cặp, giỏ sách, không những đồ của tôi không mà còn đồ của bạn tôi (chủ yếu là hình Batman, đôi khi Wolverine, thỉnh thoảng là Ninja Rùa). Giá như tôi dành nhiều thời gian hơn để vẽ bậy và ít thời gian hơn để làm một con robot.


Translation: Nguyễn Hoàng Huy
Graphic Edit: Sadie Pices
Source: Zen Pencils

Hội thánh Đức Chúa Trời có phải là tà đạo không?

28

Người ta có thể tin vào những gì mà truyền thông trong nước đang nói về Hội thánh Đức Chúa Trời, tuy nhiên việc các phương tiện thông tin liên tục công kích một tôn giáo là một việc không hợp với đạo đức truyền thông cho lắm. Việc của truyền thông là đưa tin chứ không phải phán xét. Hơn nữa ở đây, báo đài liên tục quy chụp tôn giáo này là tà giáo là một việc vô cùng lố bịch nếu không muốn nói là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng. Việc nhìn nhận chính tà tốt nhất nên để các tôn giáo tự phân xử với nhau mà ở đây cụ thể là các tôn giáo thuộc hệ Cơ đốc hay là các nhánh của Kitô giáo có chung niềm tin vào Chúa Jesus cứu thế.

Dĩ nhiên, tôn giáo nào có cách hành đạo đi ngược với các chuẩn mực xã hội hoặc không phù hợp với văn hóa của một khu vực nào đó sẽ tự động bị cộng đồng phản đối và bài xích. Giáo hội Công giáo Roma trong quá khứ đã trải qua một cuộc cải cách lớn là công đồng Vaticano II nhằm thay đổi chính mình cho phù hợp với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới mà đặc biệt là các nền văn hóa Á Đông. Từ đó mở đường cho Công giáo được lan truyền rộng rãi. Sự thay đổi này đã từng được thực hiện từ thuở sơ khai khi các tông đồ quyết định xóa bỏ phép cắt bì từ thời Môisen vốn gây nhiều đau đớn cho tín hữu để chỉ thực hiện phép rửa tội mà thôi.

Và Hội thánh Đức Chúa Trời là một tôn giáo lên tiếng chống lại những thay đổi, họ thường chỉ trích Công Giáo vì đã bỏ đi nhiều lễ trong thời Cựu Ước và thời Chúa Jesus hay thờ phụng ngày Chủ Nhật thay vì Thứ Bảy. Họ cũng nhân danh sự bảo vệ các giá trị nguyên bản để lôi kéo các tín đồ Kitô giáo khác. Việc ấy cũng không phải là gì nghiêm trọng nếu họ không động chạm đến nơi thẳm sâu nhất là niềm tin về Chúa Jesus cứu thế từ đó bị các tôn giáo khác chỉ trích là tà giáo và phạm thượng. Ahn Sahng-hong, người sáng lập Hội thánh Đức Chúa Trời đã tự xưng mình chính là Đấng Christ xuống thế lần thứ hai trong thân xác con người. Trong khi đó, các tôn giáo còn lại của Kitô giáo đều đang trong tâm thế chờ đợi điều ấy xảy ra và luôn im lặng trước mọi tin đồn về ngày tận thế.

Ngay từ khi ra đời tại Hàn Quốc, Hội thánh Đức Chúa Trời đã bị bài xích và chỉ trích thậm tệ tuy nhiên điều đó không làm cho họ ngừng thu hút thêm tín đồ. Việc họ có sử dụng bùa mê để mê hoặc tín đồ như truyền thông đã nói hay không vẫn chẳng có cơ sở nào để xác nhận. Nhưng nói đi rồi cũng nói lại, tôn giáo này chỉ mới tồn tại trên cõi đời chưa đến 50 năm và ngay cả những tôn giáo lớn được công nhận, được tôn sùng trên toàn thế giới thời gian đầu cũng đều bị người đời phỉ nhổ cả.

Con người ta mạnh mẽ nhất là khi được niềm tin chỉ lối, chúng ta hãy cùng nhau chờ xem tôn giáo này sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào trước trăm sóng ngàn gió từ thế gian, tất nhiên đây là thế gian nhìn từ góc nhìn của họ.

Chúng ta biết một tôn giáo hoạt động nhờ sự liên kết giữa hai yếu tố, yếu tố bên ngoài là các nghi lễ, các hoạt động thờ phụng và yếu tố bên trong là niềm tin mà họ tuyên xưng, giáo lý mà họ dùng để răn dạy các tín đồ của mình dựa trên nền tảng tư tưởng của đấng mà họ tôn thờ. Hay nói ngắn gọn, hai yếu tố này chính là hình thức và nội dung của một tôn giáo. Không phải nói thì những ai có đạo cũng đều hiểu rằng nội dung thì quan trọng hơn là hình thức.

Theo Kinh thánh Tân Ước của Công giáo tường thuật lại cuộc đời rao giảng của Chúa Jesus thì người phê phán kịch liệt những ai theo đạo mà chỉ coi trọng hình thức bên ngoài và thực thi các giáo luật một cách cứng nhắc, máy móc. Điều đó có thể được dùng để giải thích cho việc Giáo hội Công giáo sau này chấp nhận thay đổi các nghi thức phụng vụ cũng như điều chỉnh các giáo luật sao cho phù hợp với nhịp phát triển của thế giới và thuận tiện cho các tín hữu ở các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ lại những giá trị luân lý nền tảng, không làm thay đổi tinh thần Kitô.

Như đã nói, Hội thánh Đức Chúa Trời chủ trương giữ nguyên các kì lễ của dân Do Thái, và nếu như những tường thuật từ báo chí là chính xác thì họ còn có cách hoạt động gần giống với buổi đầu hoạt động của các cộng đoàn tín hữu Kitô giáo dưới sự dìu dắt của các môn đệ Chúa Jesus. Điều đó đã khiến cho các hoạt động tín ngưỡng của tôn giáo này trở nên lạc nhịp giữa xã hội hiện đại. Trong khi đó, về mặt tín lý, họ bị các tôn giáo bạn cho là phạm thượng và ngông cuồng, bị liệt vào hàng dị giáo. Như vậy, ở cả hai khía cạnh hình thức và nội dung, họ đều khó có thể hòa nhập với xã hội mà đặc biệt là xã hội Việt Nam vốn thiếu tự do và vẫn còn trong thời kì bán khai, nhập nhằng giữa các giá trị hiện đại và truyền thống, mơ hồ giữa tôn giáo và mê tín, con người mất cân bằng trong việc coi trọng tinh thần và vật chất. Một hiện trạng không mấy tốt đẹp, cho thấy một tương lai khá đen tối, dành cho một tôn giáo còn non nớt, ở một đất nước hỗn loạn.

Hãy bỏ qua những điều chưa sáng tỏ về cách thức mà họ thu hút tín đồ của mình hay việc họ có trục lợi dưới vỏ bọc tôn giáo hay không. Nếu có điều gì đó chúng ta học được từ Hội thánh Đức Chúa Trời đó là ý chí sắt đá và sự táo bạo của họ khi dám lao thân vào một nơi như Việt Nam để truyền đạo, để gõ cửa từng nhà, tìm đến từng người mà thủ thỉ những điều họ tin tưởng.

Và nếu chúng ta tự hỏi liệu họ có chùn bước khi cả xã hội Việt Nam từ chính quyền đến người dân đang chống lại họ thì câu trả lời sẽ là không. Chắc chắn họ đã được dạy rằng tất cả mọi sự bắt bớ, chèn ép của thế gian đều là những điều tất yếu của công việc truyền đạo, những người truyền đạo sẵn sàng chịu thiệt thân để hạt giống đức tin của họ được gieo vãi và vươn mầm.

Tác giả: Nguyễn Tài

KoE
Sponsored

[BDT2018] Tôi đã phạm nhiều sai lầm trong tình yêu

Tôi muốn kể các bạn nghe về chuyện thật của tôi. Tôi tạm gọi nó là “Mảnh tình đơn phương”

Chắc nhiều người đang đọc bài này cũng đã từng yêu đơn phương, hay thích đơn phương một ai đó, tôi tự hỏi khi tôi kể câu chuyện của mình có ai đồng cảm cùng không. 

Một lần, tôi nhắn cho cô ấy thế này:

  • Ngày mai mời tớ ăn cơm đi.

Nói thật là chưa bao giờ tôi khó mở lời như vậy. Chưa bao giờ đếm từng giây để chờ một tin nhắn trả lời và:

  • Để làm gì cậu?

Tôi có thể nói là mình đang hụt hẫng được không? Gần đây cô ấy hay từ chối lời mời của tôi, thật sự tôi không suy nghĩ hay toan tính gì nhiều khi đưa ra một lời mời. Tôi rủ cô ấy đi xem một bộ phim đơn giản vì nó hay, tôi gọi cô ấy đi ăn vì hôm đấy mấy đứa bạn cùng phòng tôi đi nhậu, không hiểu tại sao cô ấy luôn có những lí do chính đáng để từ chối. Rồi bỗng tôi giật mình : “Chết thật. Chẳng lẽ cậu ấy nhận ra được điều gì rồi?” Đêm ngủ lại trằn trọc, cô ấy biết ý và đang từ chối khéo tôi sao. 

Cách đây khá lâu, có một lần đang facetime cô ấy nói với tôi rằng:

  • Cậu đừng thích tớ. Tớ rất tin tưởng cậu nên cậu đừng thích tớ. Tớ không thích kiểu anh trai, em trai hay friendzone đâu.

Lúc đấy tôi không bất ngờ vì không nghĩ là chuyện đấy có thể xảy ra, tôi thích cậu thì tôi mới làm bạn với cậu chứ còn yêu đương cái gì. Nhưng tôi đã vòng vo không trả lời rồi lảng sang chuyện khác. Bây giờ nghĩ lại, phải chăng tư lúc đấy tôi đã sợ mất tình bạn, sợ mất cô ấy

Hai tháng trước:

  • Cậu gọi lại cho tớ được không?

Tôi nghe tiếng nấc ở bên kia. Tôi nghe cô ấy khóc, nghe cô ấy kể về thằng con trai hơn tuổi bọn tôi đã phản bội cô ấy, không một câu chửi rủa, không một câu nói nặng lời, chỉ là: “Tớ không tin làm sao người ta có thể đối xử như thế với tớ,” “sao anh ấy lại có thể quá đáng như thế,” “giờ tớ không biết phải làm như thế nào hết.” Cậu yêu anh ta đến như thế sao?  Tôi nghĩ trong đầu

Trước đây, tôi cũng đã từng nhận được một cuộc gọi như vậy. Người yêu cũ của tôi gọi khóc lóc vì bị chính người cô ta đã cắm sừng tôi phản bội. “Em đừng nói với tôi là bây giờ em hối hận nhé,” tôi nói. Lúc đấy tôi hoàn toàn vô cảm, không biết phải phản ứng như thế nào. Tôi chấp nhận quay lại với em, để sau đó chìm nghỉm trong một vòng luẩn quẩn giữa yêu và ghét, em vẫn cứ như thế và tôi lại tha thứ. Không phải ngu muội mà tôi cảm thấy tình cảm ấy còn không quan trọng. Cũng như lúc này, tôi không biết phải phản ứng như thế nào, tôi vẫn thấy mình vô cảm nhưng tôi muốn cô ấy biết tôi đang lắng nghe cô ấy, muốn cô ấy biết có người sẵn sàng cho cô ấy sẻ chia. Tôi an ủi cô ấy bằng những câu nói giáo khoa trong phim, trong sách. Vẫn là một người bạn bình thường, chưa hề có một chút tình cảm đặc biệt, tôi nghĩ tôi làm như thế là đúng, là đủ.

Từ lâu, tôi tự thấy mình là một người sống tiêu cực. Không biết các bạn có thấy giống tôi không, cuộc sống bây giờ nhiều lắm những mối quan hệ có mục đích, người ta luôn có những tính toán riêng, những ích kỉ, muốn lợi dụng người khác, từ họ hàng, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp đến người dưng ngoài xã hội. Tôi luôn mỉm cười nhưng trong lòng lại không vui vẻ gì, tôi không quan tâm đến họ. Nhiều người đã làm tổn thương, đã phụ lòng tin của tôi, nên càng ngày tôi lại càng khó giãi bày lòng mình, càng khó tin tưởng người khác. Cô ấy là một trong số ít người khiến tôi không như thế, giống như ánh nắng sau cơn mưa rào vậy. Là người con gái đơn giản nhất tôi từng gặp, thích ai cũng nói ra, ghét ai cũng nói ra, tính tình trẻ con, có lúc lại ngây thơ, thỉnh thoảng lại tốt bụng một cách quá đáng, có hầu hết tính cách của con gái hiện nay, tốt có, xấu có. Đơn cử như những câu nói như thế này:

  • Cậu ơi! Tớ không hiểu tại sao mà cứ hết mùa đông là tớ lại không thể tìm thấy quần áo mùa hè. Mà hết mùa hè tớ lại không tìm thấy quần áo mùa đông. Tớ hỏi con Nga nó cũng như thế.
  • Cậu ơi! Hôm nay Thiện nó bảo sao dạo này tớ béo thế. Quá đáng. Cậu có thấy như thế không?
  • Cậu ơi! Tóc tớ giờ như một con rồ ấy. Tớ có nên cắt ngắn bớt hay để cho nó dài ra không nhỉ?

Những lúc ấy tôi chỉ biết ôm bụng cười. Tôi vui, vì sau mọi chuyện tôi đã lại thấy nắng trong nụ cười nơi cô ấy. Nhưng càng ngày tôi càng thấy mình để ý đến cô ấy nhiều hơn, càng ngày càng thấy không ổn. 

Để đến bây giờ, tôi nhận ra rằng tôi và cô ấy đều hiểu rõ suy nghĩ của nhau. Cô ấy biết tình cảm của tôi đang ngày một lớn dần, biết tôi sẽ sớm không xem cô ấy như một người bạn; còn tôi, biết cô ấy muốn giữ tình bạn, không muốn lợi dụng hay làm tổn thương lẫn nhau. Chúng tôi thật sự trân trọng mối quan hệ này.

Trong chuyện tình cảm, tôi đã có những sai lầm. Một là dung túng cho sự phản bội trong tình yêu. Trước khi viết bài này, tôi đã kết thúc mối tình kia, tôi đứng ra nhận lỗi cho sự vô cảm của chính mình, lần này em vui vẻ chấp nhận. Phải chăng cái vô cảm của tôi đã lan sang cả em, em vẫy tay chào tôi và hẹn một buổi ăn tối vào cuối tuần. Quay đi, tôi chắc chắn mình đã làm đúng nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu. Đến đây, tôi đã định viết sai lầm thứ hai là quyết định của tôi với tình cảm đơn phương hiện giờ. Tôi thấy nhiều lời khuyên rằng nói thẳng tình cảm của mình cho người kia rồi đến đâu thì đến, hay mấy ai điều khiển được trái tim, tình yêu không có lỗi. Nếu như thế là đúng thì tôi chấp nhận mình sai, tôi chọn giữ khoảng cách tình bạn như thế này, tôi trân trọng tình cảm ấy. Cho dù nó không thể như trước đây, tôi sẵn sàng vui vẻ chúc mừng khi cô ấy tìm được người cô ấy yêu, đây không phải là tôi đang tỏ ra là mình cao thượng hay “hạnh phúc là khi được thấy người mình yêu hạnh phúc” mà tôi chợt có một suy nghĩ đơn giản: Thế giới này còn đến ba tỉ năm trăm triệu phụ nữ nữa, chắc chắn sẽ có một người tôi yêu và yêu tôi. Tôi chưa đủ chín chắn và hiểu biết để nói các bạn nên yêu như thế nào, nhưng tôi thật sự muốn rút ra được một câu ngắn gọn, xúc tích từ câu chuyện của chính mình: Hãy trân trọng tình cảm của bạn và người khác giành cho bạn.

Quốc Đạt

*Featured image: pixel2013

Phạm Công Thiện – Một thiên tài Việt Nam

13

Đã từ rất lâu tôi không viết gì. Không phải vì tôi không thích viết mà bởi lẽ tôi thấy chẳng có gì đáng viết, chẳng có gì đáng nói, chẳng có gì đáng trao đổi và mỗi một lần phát biểu một ý tưởng nào đó cũng là mỗi một lần hoài công phát biểu, cố gắng nói một cái gì đó không cùng, một cái gì vô hình, vô lý và vô ý niệm.

Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đang làm gì? Hằng ngày họ đi học, đi làm kiếm tiền, thời gian rảnh thì lướt web nghe nhạc, xem phim, dùng facebook, zalo, café tán gẫu… Một số khác thì đi du lịch, du học – bỏ xứ Việt Nam này mà đi, theo đuổi nghệ thuật, theo đuổi đam mê… Họ sống trong một vòng luẩn quẩn, bế tắc, không có gì mới mẻ, không có gì sáng tạo. Họ đang sống mòn và đang ngủ say.

Một vài bạn trẻ không muốn chấp nhận một lối sống tù túng và họ tự huyễn hoặc mình. Họ phản ứng tiêu cực một cách bâng quơ, vô mục đích. Giới trẻ Việt Nam hiện nay như một con tàu không người lái. Họ chẳng biết thần tượng ai, bắt chước ai, học hỏi ai và định hướng cuộc đời mình về đâu.

Tài năng Việt Nam hiện hay đang có gì? Xem các chương trình “game show” thì thấy nở rộ nhiều tài năng, thần đồng nhưng hầu hết ở những lĩnh vực thiếu tính thực tế. Nhân tài đất Việt đã đi chệch đường rầy.

Hôm nay, tôi muốn làm sống lại một con người, một thần đồng, một thiên tài bị lãng quên: PHẠM CÔNG THIỆN – người đã ghé thăm Việt Nam năm 1941 và bỏ đất nước này ra đi vào năm 1970. Một ngôi sao vụt sáng trên bầu trời Việt.

Ông là một thần đồng ngôn ngữ học, văn thơ, dịch thuật, triết gia, tư tưởng Phật học… Tôi đánh giá ông là một thiên tài vì ông là thanh niên dám đảo lộn tư tưởng, đột phá tư duy, là người đã đánh thức, đã làm sống dậy cả một thế hệ thanh niên Việt Nam miền Nam thời bấy giờ. Ông đã thổi một luồn gió mới vào Việt Nam, là người đã làm cho những thiên tài, những tư tưởng gia vĩ đại nhất từ khắp nơi trên thế giới có mặt tại Việt Nam: Jiddu Krishnamurti, Martin Heidegger, Friedrich Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Henrry Miller, Rimbau…rất nhiều và rất nhiều.

Nói về tài năng ngôn ngữ học, thời nay chẳng mấy ai có thể so bì được với Phạm Công Thiện. Thần đồng Đỗ Nhật Nam chẳng là gì, kể cả người được mệnh danh là thanh niên biết nhiều thứ tiếng nhất thế giới hiện nay là Timothy Doner cũng chẳng thế bì kịp. Ngay từ nhỏ, Phạm Công Thiện đã nổi tiếng là biết nhiều ngoại ngữ, mới 13-14 tuổi đã đọc thông viết thạo Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan… Ngoài ra, ông còn biết 2 thứ tiếng linh thiêng khác là Sanskrit (một cổ ngữ Ấn Độ) và Pali. Năm 16 tuổi, ông xuất bản cuốn từ điển Anh ngữ tinh anh. Sự thiên tài của ông là làm cho những ngôn ngữ ấy sống tại Việt Nam với những tác phẩm “kinh thiên động địa”, hoàn toàn khác xa với thứ thiên tài ngôn ngữ biểu diễn, nên lưu ý là ông tự học trong hoàn cảnh chiến tranh và công nghệ chưa phát triển.

Nói về văn thơ, ông phủ nhận ông là một nhà văn, nhà thơ nhưng phải nói rằng văn thơ của ông bay bổng, rất có chất lửa, truyền cảm hứng mạnh mẽ và tôi chưa thấy một nhà văn nào viết hay được như vậy. Năm hơn 18 tuổi, ông đã xuất bản một cuốn sách làm chấn động cả miền Nam thời đó: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, chấn động theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Năm 25 tuổi, ông là giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa của Viện Đại học Vạn Hạnh. 27 tuổi, ông giữ chức trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện đại học. Tại đây, ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng. Ông cũng là giáo sư triết học Tây phương của Viện Ðại học Toulouse, Pháp; giáo sư ở “College of Buddhist Studies” tại Mỹ.

Về dịch thuật, tương tưởng và các sáng tác khác của ông tôi có ngôn từ nào để diễn tả, tư tưởng ông vượt xa thời đại và đứng trên mọi nguyên tắc. Nhưng ông cũng là một con người kỳ quặc, coi thường danh vọng, bằng cấp, bỏ học giữa chừng ở một đại học nổi tiếng tại Pháp, dám nói những giáo sư hàng đầu là chẳng biết gì và nói như một lũ vẹt. Tôi chỉ muốn làm sống lại tài năng chứ không phải là cái kỳ quặc, ngạo mạn tuổi trẻ của ông. Có một điều đặc biệt là ông luôn đề cao tiếng Việt, con người Việt và đất nước Việt. Hãy đọc một vài trích đoạn của ông.

”Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHÁY, CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.” (trích Ý thức mới trong văn nghệ và triết học)

“Tôi thường mang tiếng là giỏi sinh ngữ, thực sự thì tôi khinh bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng. Tôi vẫn nghĩ rằng chữ Việt là chữ khó đọc nhất, vì chữ Việt không có văn phạm và ngữ pháp, không có ngày nào tôi không dở Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức và quyển Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị để học từng chữ A, từng chữ B, tôi chịu khó học lại từng dấu hỏi, dấu ngã để nhìn lại những nét mặt quen thuộc của bà con làng xóm mà từ bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ tôi đã bỏ quên một cách ngu dại. Đối với tôi, tiếng Việt còn giữ lại một niềm bí ẩn nào đó mà cả đời tôi cũng không thể nào khoét sâu vào được. Có lẽ khi sắp chết thì niềm bí ẩn kia sẽ hiện nguyên hình…” (trích Tôi là ai)

Tư tưởng siêu việt “Quán Thế Âm Bồ Tát là sự huyền bí của sự toàn diện và sự toàn diện của sự huyền bí của đời sống con người và của cái gì vượt lên trên con người và của cái gì vượt ra khỏi mặt đất và vượt ra khỏi không gian vô tận và thời gian vô tận và vượt ra ngoài cả tư tưởng vô tận của trí huệ tỉnh thức”

Một bài thơ của Phạm Công Thiện:

“Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây

Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông.”
(trích Ngày Sanh Của Rắn. Bài thơ đẹp rực rỡ như một buổi sáng mùa hè trên đồi thông Nha Trang)

Tôi không đủ thời gian và tâm tư để viết một tiểu luận hay một tiểu thuyết, tuyển tập về Phạm Công Thiện, và nếu có thì cũng chẳng mấy ai đọc vì đối tượng của tôi chủ yếu là thanh niên Việt Nam. Viết mấy dòng này tôi ngỡ đã quá dài với họ, tôi chỉ viết đôi dòng cho những ai có duyên đọc.

Phạm Công Thiện quả là một thiên tài hiếm có nhưng thế hệ của tôi và các thế hệ sau này chẳng mấy ai biết gì về ông. Tôi hi vọng sau bài viết này, có một vài người nào đó tò mò tìm hiểu Phạm Công Thiện là ai? Các tác phẩm của ông là gì? Và vì sao ông là một thiên tài như thế?

Tác giả: Nguyễn Hữu Lâm

*Featured Image: sputnikzion 

[Zen Pencils] Nếu nỗ lực, hãy nỗ lực cho tới cùng, còn không thì đừng làm — Charles Bukowski

0

Nếu nỗ lực, hãy nỗ lực cho tới cùng, còn không thì đừng làm — Charles Bukowski

Cảm nhận từ Zen Pencils

Charles Bukowski (1920-1994) là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Mỹ. Dù đâu đó người ta vẫn bắt gặp được sự khích lệ động viên trong các tác phẩm của ông, nhưng Bukowski rõ ràng không phải là một tác giả chuyên viết về những đề tài đó. Những bài văn, bài thơ của ông thường tập trung vào thực trạng thường ngày của văn hóa, xã hội, nghề nghiệp, tệ nạn xã hội, tầng lớp lao động nghèo, nghiện ngập và tình dục. Sau một số thành công không đáng kể đến với ông vào độ tuổi hai mươi, ông bỏ nghề không viết nữa và bắt đầu một cuộc sống lang thang đây đó khắp nước Mỹ trong vòng 10 năm, làm những công việc tạp nham và uống rượu rất nhiều. Năm 1955, ông được vào viện cấp cứu trong tình trạng lở loét gan sắp chết. Sau khi ra viện ông bắt đầu viết trở lại nhưng vẫn giữ những công việc ngoài lề. Cuối cùng ở tuổi 49, ông mới chính thức bỏ công việc hiện tại là thư kí bưu điện để trở thành một nhà văn đúng nghĩa.


Comic: Zen Pencils
Dịch: Huy Nguyen
Graphic edit: Sadie Pices

[THĐP Translation] 21 dấu hiệu bạn là một INFJ – nhóm tính cách hiếm gặp nhất

11

Những người thuộc nhóm tính cách INFJ có thể kỳ quặc, phức tạp, và đôi khi cực kỳ mâu thuẫn. Làm thế nào để biết bạn có phải là một  INFJ, nhóm hiếm gặp nhất trong số 16 nhóm tính cách theo phân loại của Myers-Briggs? Nếu bạn có hầu hết những đặc điểm trong số 21 dấu hiệu dưới đây, rất có thể bạn chính là một người thuộc nhóm tính cách này.

Sau đây là 21 dấu hiệu nhận biết bạn là một INFJ.

1. Từ bé, bạn đã thấy khác biệt so với những người xung quanh

Bạn chưa bao giờ cảm thấy hòa nhập cho dù bạn có rất nhiều bạn bè. Đôi khi, để bạn bè của bạn chấp nhận bản thân bạn, bạn phải giả vờ cư xử giống như họ. Đây là điều bình thường đối với INFJ vì họ cần đến cảm giác được có một cộng đồng và sự hòa hợp với những người xung quanh.

2. Bạn muốn biết điều gì đang Thật Sự diễn ra trong cuộc sống của những người xung quanh…

…chứ không chỉ là chuyện vụn vặt, như là cuối tuần trước họ đã làm gì hay họ mới mua sắm những gì. Bạn muốn đào sâu và nhìn vào những khía cạnh mà người khác không thấy được. Người đối diện bạn đang thực sự nghĩ gì? Người ấy đang thực sự cảm thấy thế nào? Những vẻ ngoài giả tạo họ thể hiện với người khác không thể đánh lừa được bạn.

3. Kế hoạch?

Khi có sự chuẩn bị sơ lược từ trước, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn so với làm một việc gì đó hoàn toàn tùy hứng.

4. Bạn rất hòa đồng, nhưng…

Bạn có thể là một người ngượng nghịu, trầm tính, và thu mình, cũng có thể là một người lôi cuốn, vui vẻ và hài hước. Đối với một INFJ, tất cả tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể, cũng như tâm trạng và mức năng lượng của bạn – và quan trọng nhất, còn tùy thuộc vào việc những người bạn đang tiếp xúc là ai nữa.

5. Cách bạn xử lý các vấn đề

Khi có người tìm đến bạn trong lúc họ gặp phải một vấn đề, bạn thường không đưa ra lời khuyên hoặc ý kiến trừ phi họ yêu cầu. Thay vào đó, bạn sẽ đặt ra cho họ những câu hỏi để họ hiểu rõ hơn về vấn đề cũng như những cảm xúc của họ về chuyện đó. Đôi khi bạn kể về trải nghiệm của mình khi đối diện với một vấn đề tương tự và hi vọng người đó sẽ tự rút ra bài học. Bạn cảm giác như là mình thường thấy được những bước đi mà họ cần thực hiện để vượt qua khó khăn, nhưng bạn không muốn họ làm thế chỉ vì nghe theo bạn – bạn muốn đó là quyết định của chính họ. (Đây là lý do INFJ thường được coi là những người tư vấn bẩm sinh.)

6. Sự hướng nội của bạn cũng có giới hạn

Bạn là một người hướng nội và bạn thích được ở một mình, nhưng bạn cũng không thể ở một mình quá lâu. Sau cùng bạn vẫn cần được tụ họp với những người của bạn. “Người của bạn” là một số ít bạn thân thật sự hiểu được bạn. Những cuộc trò chuyện sâu sắc với những bạn này là vô giá, và giao du với họ có thể tăng mức năng lượng của bạn.

7. Cánh cửa đóng sập

Bạn được biết đến là một người có thể đột ngột cắt đứt mối quan hệ với một người nào đó khi họ làm tổn thương bạn quá mức có thể chấp nhận. Không phải vì bạn thích cắt đứt một mối quan hệ, mà thật ra bạn chỉ muốn tự bảo vệ chính mình. Mặc dù bề ngoài bạn tỏ ra cứng rắn, nhưng sâu bên trong – bạn vẫn là một người cực kỳ nhạy cảm, bạn đặc biệt nhạy cảm với những hành động và lời nói của người khác.

8. Bạn có thể trở thành một người làm hài lòng người khác

Đôi khi bạn cố gắng quá mức để làm người khác vui mà quên cả hạnh phúc của bản thân. (Đây là một trong những vấn đề lớn nhất và INFJ rất khó để vượt qua được.)

9. Lòng trắc ẩn

Bạn thường xuyên cảm thấy mình biết chính xác người khác đang cảm thấy ra sao, và bạn tin rằng mình hiểu rõ trong lòng họ cần đến điều gì. Không phải bạn luôn luôn đúng, nhưng bạn có xu hướng biết cảm nhận hơn hầu hết mọi người.

10. Bạn có một định mệnh

Bạn cảm thấy mình được an bài để thực hiện một điều gì đó cao cả hơn rất nhiều, chứ không chỉ là đi làm để trang trải cuộc sống. Bạn muốn giúp người khác và thay đổi thế giới – chứ không chỉ làm công ăn lương. Vấn đề ở đây là chính bạn cũng không biết “mục đích cao cả” của bạn là gì, hoặc bạn biết một chút, nhưng không biết cách để đạt được nó.

11. Luôn cố gắng

Bạn luôn chìm đắm trong suy nghĩ rằng mình có thể trở nên tốt hơn. Điều này thể hiện ở việc bạn liên tục có những kế hoạch bí mật để tự hoàn thiện bản thân, như học cách nấu thức ăn lành mạnh, đặt ra những ranh giới tốt hơn, hay cải thiện khả năng tự bộc lộ bản thân. Đôi khi bạn tự thúc ép mình quá mức trong nỗ lực để đạt đến cuộc sống ‘’hoàn hảo’’ ấy.

12. Cơ chế phòng thủ của bạn

Đôi khi bạn phải làm hài lòng người khác để bảo vệ chính bản thân bạn. Vì nhạy cảm nên bạn có thể trở nên thật sự phiền lòng khi có người phê phán hay thể hiện sự thất vọng về bạn. Họ không thể phê phán bạn nếu bạn làm họ hài lòng.

13. Bạn có trực giác tốt

Bạn thường cảm nhận được khí sắc của căn phòng ngay khi bạn bước vào. Tương tự, bạn cũng thường hấp thụ được những cảm xúc của những người xung quanh bạn. Nếu họ vui vẻ, bạn cũng sẽ trở nên vui vẻ. Nếu họ lo lắng, bạn cũng vậy. Bạn có xu hướng thích ở cùng những người có tính cách điềm tĩnh, ổn định để bớt phải đối diện với mấy chuyện cảm tính nhảm nhí.

14. Sự sang trọng là quan trọng nhất

Bạn bị thu hút bởi những vật hảo hạng, như đồ ăn ngon, quần áo đẹp hay tất cả những thứ được chế tác tốt. Dù bạn ghét phải thừa nhận, vẻ bề ngoài của đồ vật rất quan trọng đối với bạn. Bạn thích được vây quanh bởi cái đẹp, và bạn thường có gu rất tinh tế. Nhưng bên trong bạn là một con người theo chủ nghĩa tối giản. Bạn thà có hai chiếc áo đẹp hơn là mười chiếc áo loại xoàng.

KoE
Sponsored

15. Những cảm xúc bí mật của bạn

Bạn quan tâm sâu sắc đến những người xung quanh, nhưng họ không thể biết được bạn quan tâm nhiều như thế nào vì bạn thường giữ kín sự quan tâm ấy. Bạn có thể gặp khó khăn khi bộc lộ cảm xúc của bạn, dù bạn cảm nhận những cảm xúc ấy rất mạnh mẽ. (Khi yêu một ai đó, INFJ sẽ yêu say đắm.)

16. Bạn quan tâm… rất nhiều

Bạn thường giàu suy nghĩ, tận tâm và chu đáo. Những người không hết lòng như bạn thường bị cho là vô tâm hoặc thậm chí là độc ác.

17. Bạn thích đọc sách

Bạn thích học hỏi, nhất là về những chủ đề như tâm lý học, cải thiện bản thân, tâm linh và một số ngành khoa học nhất định.

18. Bạn luôn lơ lửng trên chín tầng mây

Khi những người khác tán dóc, nói về người nổi tiếng hay bàn về những chuyện tầm thường, bạn thường nghĩ về vũ trụ, du hành thời gian, bản chất con người, ý nghĩa của cuộc sống và những chủ đề vĩ đại khác. Tuy vậy,  bạn hiếm khi hướng cuộc nói chuyện đến những chủ đề ấy, vì bạn nghĩ người khác sẽ không cảm thấy hứng thú.

19. Bạn không bao giờ ngừng cố gắng

Bạn tự ép buộc mình phải hoàn thành công việc. Bạn thường ghi lại danh sách những việc cần làm, và thấy vui thích mỗi khi đánh dấu những việc đã hoàn thành. Nếu bạn không có mục tiêu để cố gắng, sau một thời gian bạn sẽ cảm thấy lạc lõng và buồn tẻ.

20. Bạn hoàn thành 6 điều bất khả thi trước bữa ăn sáng

Khi bạn đam mê một việc gì đó, dường như không gì có thể cản bước bạn. Tôn chỉ của INFJ là

“[c]hỉ mất thêm chút thời gian để hoàn tất những việc bất khả thi.” (Charles Alexandre de Calonne)

21. Bạn không đòi hỏi để trở thành INFJ

Người khác nhận xét bạn là thông thái, sâu sắc và có chút thần thánh. Họ thường tìm đến bạn để nhận lời khuyên hoặc giúp đỡ về mặt cảm xúc. Bạn thích vai trò của mình như một “người thông thái”, và thích được người khác nhờ cậy. Tuy nhiên điều này đôi khi cũng trở nên thái quá. Dù sao bạn vẫn là một người hướng nội cơ mà, và đôi khi bạn chỉ ước rằng mọi người có thể tự giải quyết những vấn đề của họ và để yên cho bạn một lúc.

https://www.facebook.com/Triet.Hoc.Duong.Pho/posts/2086486638032456


Tác giả: Jenn Granneman
Người dịch: Hà Huy Dương
Review: Dương Tùng

*Featured Image: kellepics 

[BDT2018] Lạc lối trong mơ mộng hão huyền

15

“80% người Việt Nam đều có những ước mơ và hoài bão lớn lao, nhưng liệu có tới được 10% những hoài bão ấy thành sự thật?”

Vâng thưa bạn, tất nhiên tôi cũng là một trong số nhiều những người có hoài bão lớn lao ấy, và rồi tôi cũng chỉ là một thất bại trong số nhiều đó mà thôi. Nhưng có thể nói thất bại đó sẽ chỉ là bây giờ mà thôi, vì rằng trong hai năm mơ mộng viển vông, trong hai năm chỉ ngồi đó và mơ ước đã khiến cuộc đời tát tôi một phát rất mạnh để tôi phải bừng tỉnh khỏi giấc mơ ấy. Rồi khi choàng dậy, tôi mới nhận ra mình ngu ngốc và kém cỏi đến nhường nào.

Giấc mơ không đánh thuế, vì vậy ai mà không có những hoài bão, những đam mê mãnh liệt cho riêng mình cơ chứ. Nhưng tỉnh táo lại nào, đây là thực tế, mà thực tế thì đầy khó khăn và cực phũ phàng, nên tôi xin mạn phép được hỏi: “Bạn đã sống và đối mặt với ước mơ của mình chưa?” Nếu chưa thì bạn tôi ơi, tỉnh dậy cùng tôi và nhìn nhận thực tế đầy chông gai này nào.

Gửi những người mộng mơ:

Trước tiên, xin được nói đôi lời về tôi. Tôi đam mê công nghệ từ nhỏ, 16 tuổi, tôi học lập trình và sau 1 năm, khi được học sâu và có cái nhìn rộng hơn về ngành này, tôi đã bỏ cuộc. Đây là một quyết định khá khó khăn đối với tôi vì dù đam mê là thật, nhưng tôi lại không chịu nổi việc phải cắm máy tính cả ngày. 18 tuổi, có kinh nghiệm hơn về việc lựa chọn những ước mơ, tôi đã chọn cho mình ngành phim ảnh.

Sau gần 1 năm mày mò, đời lại giáng tôi một cái nữa để tôi đau lòng nhận ra, mình không tài năng, không sắc đẹp, đâu sẽ là đất cho mình toả sáng? Nhưng khác với đam mê đầu, đây là thứ tôi có hoài bão thật sự, và tôi đã luôn tự hỏi: Giờ mà bỏ cuộc thì đời mình còn ý nghĩa gì không?, câu trả lời là không! Và rằng tôi tin: Khả năng trau dồi luôn luôn là khả năng lớn nhất, thế nên tôi chọn tiếp tục theo đuổi.

Nhưng năm đầu tự tin và nỗ lực bao nhiêu, thì giờ đây tôi lại dần mất bản lĩnh và chỉ còn biết mơ mộng mà không cố gắng là bao. Tôi bắt đầu tự tạo ra cho mình những viễn cảnh tốt đẹp nhất có thể xảy ra, và tự nhủ rằng nếu mình đủ lầy, thì chắc hẳn sẽ có điều gì đó đến với mình mà thôi! Vâng, chính xác là “há miệng chờ sung” đó, và đây là một thất bại, cũng như là cái ngu lớn nhất trong đời tôi, khiến tôi phải trả một cái giá khá đắt.

Trong những năm tháng mơ mộng đó, tôi đã dần rời xa thực tế, tôi xa lánh bạn bè người thân, tôi tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ của tôi. Mỗi ngày cứ thế lại trôi đi, nhưng chẳng khác ngày hôm qua là bao, cảm giác bất lực và tự ti trong tôi ngày một lớn dần, và rồi tôi trầm cảm. Việc trầm cảm khiến tôi buồn bực mỗi ngày, tôi bực bội mọi thứ, và trên hết, tôi bắt đầu căm ghét chính bản thân mình. Những suy nghĩ như; mình không thể, mình đang ảo tưởng luôn thường trực, ý nghĩ mình quá kém cỏi thì ngày một lớn dần, và sự căm ghét bản thân như muốn được bộc phát. Rồi chuyện gì đến cũng đến, từ trầm cảm cộng thêm sự chán ghét tột cùng, tôi đã bị rối loạn lưỡng cực. Tệ hơn nữa là tôi phải gánh thêm căn bệnh đau thần kinh liên sườn do lười hoạt động, tôi đã thật sự sụp đổ.

Lúc này đây tôi là một gã chỉ biết mơ mộng không hơn không kém. Rồi tôi bắt đầu thần tượng những người tài giỏi, những người mà dù khó khăn cách mấy cũng không bao giờ đầu hàng số phận, có thể nói là họ đã phải thực sự “đổ máu” cho những hoài bão của mình. Abraham Lincoln xuất thân từ một gia đình nghèo khốn, Chung Ju Yung đã từng thiếu thốn đến độ phải qua đò bằng một cái tát, và Thomas Edison thì bị cho là “quá ngu ngốc nên không thể học bất cứ điều gì” thuở còn đi học,… và còn rất nhiều nữa nhưng kể ra hết thì khổ cho tôi quá.

Nhưng chung quy lại là dù số phận của họ dường như không thể thay đổi nhưng hãy nhìn xem, họ đã phải nỗ lực đến nhường nào mới có thể tạo ra được những kỳ tích như thế chứ. Tôi cực kỳ hâm mộ họ, tôi đã tìm đọc rất nhiều về những khó khăn của họ, và chính điều này đã làm thay đổi con người tôi, từ từ từng ít một nhưng có thể nói là rất nhiều.

Tôi đã dần chịu chấp nhận thực tế và sự kém cỏi của mình, từ đó giúp tôi nhận ra mình còn quá nhiều thiếu sót và nếu muốn được tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn thì tôi cần phải nỗ lực và cố gắng hơn nhiều nữa, mà đó là việc mà ai cũng phải đối diện để có được thành công. Và thật bất ngờ khi chỉ nhờ sự thay đổi nhỏ trong suy nghĩ này thôi mà đã giúp tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Từ một gã mộng mơ khờ khạo và dường như đã chấp nhận thất bại, nay tôi lại chuyển mình và chập chững lại những bước đi đầu khó khăn trên con đường mình đã chọn. Tất nhiên là không hề dễ dàng, tất nhiên là cũng lại chán nản bỏ cuộc vài lần, nhưng mỗi khi như thế tôi lại nhờ vào những khó khăn của người đi trước làm động lực cho mình, rằng họ làm được thì mình cũng có thể làm được. “Họ đã biến những điều không thể thành có thể, vậy thì trên đời này còn gì là không thể cơ chứ?” Và đó là câu thần chú giúp tôi tự tin hơn để gượng dậy mỗi lần đuối sức, đơn giản mà hiệu quả vô cùng, vì âu chẳng phải chỉ cần giữ vững lòng tin, là mình đã thành công phần nào rồi sao.

“Mỗi khi bắt đầu làm việc gì cũng vậy, tôi vẫn tuân theo nguyên tắc của mình là; tin tưởng 90% việc sẽ thành và 10% tự tin mình nhất định làm được, ngoài ra chẳng có một phần trăm lo lắng là công việc sẽ không thành.”

– Chung Ju Yung

Giờ đây, dù đích đến đối với tôi còn rất mơ hồ, nhưng tôi đã tìm lại được lòng tin và cảm thấy yêu bản thân hơn nhờ vào sự cố gắng mỗi ngày. Mệt mỏi thật, khó khăn và đuối sức thật, nhưng đêm về khi ngủ, tôi đã có thể nhắm mắt tự hào. Không còn những đêm tĩnh lặng với những suy nghĩ chán chường nữa, không còn cảm giác tự ti kém cỏi và đầy rẫy những giọng nói trong đầu nữa, tôi đã có thể ngủ ngon. Và đối với tôi, thoát khỏi vòng lặp suy sụp đó đã là một thành công rất lớn rồi.

Dù trong khoảng thời gian mơ mộng đó tôi không làm được gì nhiều, khả năng của mình cũng chẳng trau chuốt được bao nhiêu, nhưng để vượt qua được vòng lặp đó tôi đã phải cố gắng rất nhiều, thất bại cũng đã 4 lần rồi, và mỗi lần như thế tôi lại càng mạnh mẽ hơn nữa, để giờ đây từ một gã lười biếng vô cùng, tôi đã quen với việc dậy sớm, tôi đã có thể tự mình tìm tòi học tập nhiều hơn, giờ đây tôi không còn lắc đầu ngao ngán trước những khó khăn nữa, mà thậm chí còn thích thú với những thử thách để được rèn luyện bản thân thêm. Vâng, với thất bại tưởng chừng như đã quật ngã tôi lại giúp tôi từ một gã khờ tập mơ trở thành một người chín chắn hơn, vẫn với những ước mơ đó, nhưng giờ tôi đã có thể nắm giữ giấc mơ của chính mình rồi.

“That which does not kill us makes us stronger” – Friedrich Nietzsche

Từ trải nghiệm của thất bại này, tôi mong được gửi đến các bạn hai điều sau:

Nếu bạn là một người sống với ước mơ, tôi mong bạn hãy đưa ra một quyết định thật rõ ràng, một là thực hiện nó, hai là từ bỏ nó, vì nếu chỉ mơ ước mà không thực hiện, bạn sẽ suy sụp vì mải khao khát một thứ mình không thể có được, rồi đâu sẽ là hạnh phúc cho bạn. Mong bạn hiểu rằng cuộc sống còn rất nhiều điều đơn giản đầy thú vị ngoài kia để mơ ước, và rằng khi bạn đạt được một ước mơ nào đó, dù chỉ là nhỏ nhoi thôi, nhưng bạn sẽ hạnh phúc biết bao. Đừng mải chờ đợi hạnh phúc xa xôi nữa, hãy đưa ra quyết định và tự tìm lấy hạnh phúc cho mình nhé!

Và nếu bạn thực sự muốn thực hiện những ước mơ lớn lao của mình, xin bạn hãy chuẩn bị kỹ tinh thần, vì rằng: Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được phải chịu những cảm giác không ai chịu được. Sẽ có rất nhiều khó khăn hay thậm chí là giông bão sẽ đến, nó có thể quật đổ những người tưởng chừng như là mạnh mẽ nhất, nhưng tất nhiên nếu vượt qua được, thì kết quả là thứ vô giá mà không gì có thể mua được. Vậy rồi nếu bạn chấp nhận những thử thách đó, thì bạn tôi ơi, từ tận đáy lòng tôi xin chúc bạn may mắn và tôi mong bạn dù có khó khăn như nào, hãy giữ vững lòng tin của mình, hãy vững tin rằng mình sẽ làm được. Vì nếu không còn lòng tin, ta cũng sẽ chẳng còn sức lực để chống chọi với những thử thách đó nữa. Chúc các bạn sẽ thành công trên con đường của mình, những kẻ mộng mơ!

“Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách” – Chung Ju Yung

Tác giả: Tuyển Nguyễn

*Featured Image: kellepics

[Zen Pencils] Chấm xanh nhạt — Carl Sagan

0

View post on imgur.com

View post on imgur.com

View post on imgur.com

View post on imgur.com

View post on imgur.com

View post on imgur.com

View post on imgur.com

View post on imgur.com

Carl Sagan là nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, nhà văn người Mỹ. Sagan được biết đến với những cuốn sách khoa học phổ thông và chương trình truyền hình năm 1980 Cosmos


Dịch: Huy Nguyen
Graphic edit: Sadie Pices

[Zen Pencils] Làm thế nào để trở thành một nhà văn (hay bất cứ ai)? John Green

4

Làm thế nào để trở thành một nhà văn (hay bất cứ ai)?

“Đừng làm việc chỉ vì bạn muốn kiếm tiền, bạn sẽ không bao giờ kiếm được đủ tiền. Đừng làm việc chỉ vì bạn muốn được nổi tiếng, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đủ nổi tiếng. Thay vào đó hãy làm ra những món quà tặng cho mọi người…” — John Green

John Green là một nhà văn trẻ người Mỹ, một vlogger nổi tiếng trên Youtube, đã viết nhiều cuốn sách trong đó có cuốn The Fault in Our Stars đã từng đứng ở vị trí số 1 trong danh sách New York Times Best Seller. Những câu nói trong comic này được trích từ một video clip trên trang youtube của anh.


Comic: Zen Pencils
Dịch: Huy Nguyen
Graphic edit: Sadie Pices