Tôi đã tủi thân biết chừng nào!
“Mấy đứa có nốt ruồi mép là chúa tham ăn.”
“Mồm rộng đến mang tai, cháu là ếch đây ạ!”
“Con gái gì mà đen như than.”
Đây là những câu nói mà tôi thuộc nằm lòng từ khi còn rất bé. Dù cho chúng chỉ là những lời nói đùa (tôi hi vọng vậy), chúng vẫn để lại một sự tự ti rất lớn trong tôi. Tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu – xấu nghĩa đen ấy. Ngoài những đặc điểm xấu về khuôn mặt, tôi cũng xấu về vóc dáng nữa. Tôi lùn, tôi đen và tóc tôi xoăn tít. Tôi lại là con gái, cái số gì mà! Tóm lại, theo chuẩn của ông bà, nhất dáng nhì da, thì tôi không có điểm nào cả.
Chủ đề này luôn chiếm một vị trí trung tâm mỗi khi gia đình tôi nhóm họp. Bà nội than thở xấu như vậy thì sau này lớn lên khó lấy chồng. Các ông anh thì dọa dẫm rằng mấy cái nốt ruồi trên mặt tôi sau này sẽ lớn như ngón tay. Mẹ tôi kín đáo hơn, dặn dò là phải học giỏi để sau này ngoại hình không thành trở ngại. Cả gia đình tôi đều tham gia vào một cuộc chiến ngầm mang tên chống xấu.
Hàng xóm cũng tích cực đóng góp vào công cuộc này. Họ dặn mẹ cho tôi tắm bằng nước vo gạo để trắng hơn. Họ chỉ bố tôi là học bơi sẽ giúp tôi cao lên. Và họ bỏ nhỏ với chị gái tôi rằng dùng vôi có thể tẩy bay nốt ruồi. Khỏi phải bàn, tôi đã tủi thân biết bao nhiêu.
Có một dạo, bầy gà con nhà tôi xuất hiện một con gà không có lông. Chẳng hiểu sao nó sinh ra đã trụi lủi xác xơ. Gà mẹ mỗi lần thấy nó thì mổ cho một nhát, và mấy con gà con cùng bầy cũng hùa theo mổ nó túi bụi. Nó luôn là con gà con chạy sau cùng trong bầy, và toàn phải ăn những mẩu gạo thừa. Thế giới gà cũng khắc nghiệt như thế giới người vậy. Gà xấu thì bị đồng loại mổ. Người xấu cũng bị mổ, chỉ khác là bị mổ bằng lời nói thôi. Tôi thấy tôi như con gà trụi lông ấy. Tôi thương nó và hay lấy gạo lén cho nó ăn riêng.
Tôi ước ao phải chi mình đẹp như cô Thanh Nga. Tôi lén lấy cây son của mẹ quẹt lên môi, và lấy áo dài của chị gái ướm lên người. Nhưng tôi vẫn xấu quá. Tôi tích cóp tiền tiêu vặt bỏ ống heo hi vọng đi tẩy nốt ruồi cho đẹp, dù cho cái khái niệm phẫu thuật thẩm mĩ vẫn còn quá trừu tượng đối với một đứa trẻ lên mười lúc ấy.
Khi tôi đến tuổi cập kê. Sự tủi thân của tôi biến thành nỗi buồn bã. Gia đình, bạn bè, hàng xóm thôi không đem ngoại hình của tôi ra bàn nữa. Họ tế nhị hơn. Đứa bạn thân của tôi giấu tôi suốt 6 tháng việc nó có bồ. Bà nội thôi không đả động gì đến việc lấy chồng. Mẹ tôi nghiêm nét mặt khi thấy tôi soi gương và ép tôi học nhiều hơn. Bố thì hay đem chuyện những cô người mẫu chân dài đi làm phòng nhì cho đại gia để răn đe các con về mặt trái của cái đẹp. Duy có vài cô hàng xóm vẫn nhắc tôi rửa mặt bằng nước vo gạo.
Sự tế nhị này khiến tôi khốn khổ hơn. Tôi cảm thấy mình như một con bệnh nan y thời kì cuối. Mọi người không bàn đến bệnh tình của tôi, vì dù gì thì đời tôi cũng tàn. Tôi cũng nhận ra là nếu tôi bỏ ống heo mỗi ngày năm ngàn, thì cả đời cũng không đủ tiền đi phẫu thuật cho đẹp lên. Sự xấu hổ, tự ti và bi quan bao trùm lấy tôi. Tệ hơn nữa là tôi phải giả vờ là không có chuyện gì quan trọng, giả vờ là tôi không buồn vì nhan sắc kém, giả vờ là tôi sẽ dùng sự học hành đánh bật cái ngoại hình xấu xí.
Chữa bệnh xấu xí
Khi tôi bắt đầu đi làm, tôi vớ được những cuốn sách self-help. Tôi mừng như bắt được vàng khi đọc được câu “You are beautiful in your own way.” À, hoá ra gia đình, bạn bè, hàng xóm đã sai hết. Không phải tôi xấu, mà là họ không nhìn thấy cái đẹp của tôi. Tôi tự thuyết phục mình rằng tôi nên tự hào vì tôi có một cái miệng rộng và có một khuôn mặt đầy nốt ruồi. Tôi cảm thấy phấn khích vì tôi đã tìm ra định nghĩa mới về cái đẹp, hơn thế nữa, tôi đã làm chủ được vận mệnh của mình.
Tôi bắt đầu sử dụng mỹ phẩm để che những khuyết điểm trên khuôn mặt. Tôi học cách ăn mặc để nhìn cho cao lên. Tôi đi làm tóc định kì để tóc thẳng mượt hơn. Tôi cũng bắt đầu tìm hiểu kĩ thêm về phẫu thuật thẩm mĩ và lên kế hoạch sửa sang chút đỉnh. Chút đỉnh thôi, cho miệng đỡ rộng, nốt ruồi ít đi và da trắng hơn một chút. Tôi sẽ không đập đi xây lại đâu vì như vậy tôi sẽ đánh mất cái nét riêng của mình. Mỗi sáng trước khi ra khỏi nhà, tôi chọn lựa rất cẩn thận quần áo giày dép tôi sẽ mang lên người. Tôi cũng dành ít nhất là nửa tiếng trang điểm kĩ lưỡng. Tôi luôn muốn đảm bảo là mình xuất hiện một cách rạng rỡ nhất. Bạn bè đồng nghiệp ai cũng khen tôi dạo này nhìn xinh hơn hẳn. Anh chị tôi gật gù, con gái phải biết làm đẹp chứ. Tôi tự tin hơn hẳn, đúng là không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp. Riêng bố mẹ tôi giữ thái độ im lặng không nhận xét gì.
Tại sao xấu xí lại là vấn đề nghiêm trọng?
Một hôm tôi ngồi trong phòng chờ bay đi công tác. Một cô bé trạc 5-6 tuổi cứ liếc nhìn tôi hoài, sau đó quay sang thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi cô kia có cái nốt ruồi to ghê!” Một hôm khác, tôi ngồi chơi với mấy đứa cháu. Một đứa xung phong vẽ chân dung cô Út. Nó loay hoay một hồi rồi đưa ra một bức vẽ nguệch ngoạc. Thằng anh giật lấy phán ngay “không giống gì hết” rồi bò ra sửa lại. Nó tỉ mỉ đồ lên một cái nốt ruồi bên trên mép, đen thui. Nó cũng không quên viền lại môi trên của cô Út cho dày lên. Xong xuôi, nó dằn tờ giấy trước mặt đứa em “vầy mới đúng”, để mặc cô nó ngồi đó không biết nên khóc hay nên cười.
Con nít không nói dối. Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra sự lung lay trong niềm tin của mình. Đã bao lâu rồi tôi không để mặt mộc ra đường? Có thật sự là “I am beautiful in my own way” không? Có thật là tôi đã chiến thắng sự tự ti về ngoại hình không? Và quan trọng nhất, tại sao việc xấu đẹp lại quan trọng với tôi như vậy?
Thoạt tiên, tôi đổ lỗi cho gia đình và hàng xóm vì đã tẩy não tôi từ thuở bé. Họ dạy tôi rằng xấu xí là không bình thường. Sự ám ảnh về ngoại hình có thể là một dạng sang chấn tâm lý từ tuổi thơ. Nhưng tôi nhớ đến con gà con hồi xưa, đơn giản là nó khác so với những con gà con cùng bầy. Trong khi những con gà khác khoác lên mình bộ lông vàng óng, nó trụi lủi. Bởi vì hình dạng nó khác biệt, nó gặp khó khăn trong việc tìm một chỗ đứng trong bầy. Nhà tâm lý học Brené Brown đã kết luận rằng sự xấu hổ là nỗi sợ bị đồng loại bỏ rơi. Quả vậy, tất cả những sự buồn tủi tích tụ trong tâm trí tôi đều xuất phát từ một nỗi lo lắng thầm kín – không ai trong xã hội này chịu thừa nhận tôi.
Xấu là kết quả của sự so sánh với những tiêu chuẩn về cái đẹp. Nói cách khác, xấu nghĩa là lệch chuẩn. Bản năng giống loài luôn bật đèn cảnh báo khi có một cá thể dị biệt xuất hiện. Đây là bản năng sinh tồn tự nhiên. Nếu gà mẹ không xù lông mổ những con nhìn-không-giống-gà, thì những con này sẽ chui vào bầy và ăn hết thóc gạo.
Cái xấu về ngoại hình rất dễ bị đánh đồng với cái dị dạng về nhân cách. Ông Ba Bị luôn được tả như một ông già xấu xí chột mắt chuyên đi bắt cóc trẻ con. Sự đánh đồng ở đây nằm ở chỗ – bởi vì ông Ba Bị xấu về ngoại hình, cho nên ông ấy xấu luôn cả về nhân cách. Hoặc, bởi vì ông ấy xấu về nhân cách, ngoại hình ông ấy bị xấu theo. Lỗi nguy biện nguyên nhân – kết quả dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức. Nếu như ông Ba Bị được mô tả đẹp như một ông Bụt, râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu, chỉ có cái là ổng ác lắm, thì trẻ con sẽ học được rằng, đẹp người và đẹp nết là hai phạm trù khác nhau.
Sống cùng sự xấu xí
Tôi đã từng nghĩ nhiều về thái độ bất cần đời. Ừ tôi xấu đấy, không ai chơi với tôi thì tôi đi chơi chỗ khác! Tuy nhiên, mấu chốt của nhận định này nằm ở việc đi chơi chỗ khác. Chỗ khác là chỗ nào? Là chỗ ai ai cũng có ngoại hình xấu đều như nhau? Hay là chỗ không ai để ý đến ngoại hình xấu đẹp? Nghe thì xuôi tai, nhưng thiếu tính thực tế. Ai ai trong chúng ta cũng cần một cộng đồng. Hơn nữa, thái độ này có khác gì tôi chạy trốn thực tại? Và cũng chẳng khác gì với việc kì thị cái đẹp. Cái đẹp không có lỗi.
Tôi tin rằng thái độ đúng đắn phải bắt nguồn từ việc chấp nhận sự thật. Tôi, cũng như những bạn có ngoại hình xấu, cần chấp nhận ba điều: Thứ nhất, ngoại hình của mình xấu so với chuẩn chung; thứ hai, khi bạn xấu, bạn luôn gặp một số rào cản nhất định; thứ ba, bạn không được đánh đồng ngoại hình với nhân cách.
Chấp nhận một ngoại hình xấu xí chẳng phải là chuyện dễ dàng. Từ xưa đến nay, xã hội loài người luôn ưa chuộng cái đẹp, bởi vậy cái đẹp mới được đưa vào trong bộ ba chân – thiện – mỹ. Xã hội hiện đại, với sự trợ giúp của Internet, đã toàn cầu hoá những định nghĩa về cái đẹp. Đôi khi phong trào này bị lái theo hướng tiêu cực. Một người phụ nữ đẹp phải có làn da mịn màng không tì vết, nếu da bạn không đẹp, không ổn rồi, bạn cần sử dụng mỹ phẩm của nhãn hàng X, bạn nên đến thẩm mỹ viện Y, và bạn phải chọn lựa quần áo của thương hiệu Z. Ngoại hình lệch chuẩn bị xem như tội đồ không thể dung thứ. Tháng 3 năm 2018, một nữ sinh trường Đại Học Công nghiệp TP.HCM đã tự tử vì “…Em luôn mặc cảm về ngoại hình của mình. Bởi dáng người em rất gầy, da đen, tóc mỏng, trán dô, mũi lại to, răng vẩu..” Chấp nhận ngoại hình xấu xí đồng nghĩa với việc giữ đầu óc tỉnh táo và kiên cường trước luồng thông tin đồ sộ tuôn ra hằng ngày từ các phương tiện truyền thông và những lối sống bám theo nó. Một khi bạn chấp nhận sự thật, cuộc chiến của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Ý thức được những rào cản xã hội khi sỡ hữu ngoại hình xấu cũng không dễ. Định kiến về ngoại hình tồn tại khắp mọi nơi. Nếu ngoại hình của bạn lệch chuẩn, bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn. Nếu bạn thuộc dạng nấm lùn, và bạn mơ ước trở thành người mẫu, thì bạn phải bỏ ngoài tai mọi định kiến và phấn đấu cật lực. Eva Marcille, quán quân Amerian Next Top Model mùa thứ 3, chỉ cao 1m65 trong khi chiều cao chuẩn là 1m70 (tương đương 5 feet 7 inches), nhưng nhờ sự kiên trì, cô đã làm được chuyện không tưởng. Nếu khuôn mặt của bạn xấu, và bạn sắp đi phỏng vấn xin việc, bạn cần hiểu rằng người phỏng vấn cũng là người, họ luôn có sự đánh giá về ngoại hình khi gặp bạn lần đầu tiên. Tuỳ tình huống mà bạn nên ăn mặc, trang điểm, đi đứng sao cho phù hợp. Đừng biến mình thành một con công diêm dúa, và cũng đừng để mình làm con quạ đen đủi. Tôi đã làm một phép thử bằng cách để mặt mộc đi làm. Phản ứng đầu tiên của đồng nghiệp là “Ô em bị ốm à?” Có vài chị tế nhị hơn thì “Là phụ nữ, bận đến đâu cũng phải đẹp em ạ.” Dĩ nhiên là tôi đối điện với những lời này không dễ dàng chút nào.
Ông Ba Bị xấu cả người lẫn nết, không có nghĩa là ai xấu người cũng xấu nết. Khi ngoại hình của bạn bị chê bai, bạn cần phân định rạch ròi, họ chê cái ngoại hình chứ không phải cái bản thể. Bạn sẽ không bao giờ kiểm soát được những lời người khác đánh giá về mình, nhưng bạn luôn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng với chúng. Cách bạn phản ứng sẽ chứng minh việc bạn có phải là ông Ba Bị hay không. Trong trường hợp của tôi, tôi đã học được rằng khi bị chê xấu (vô tình hay cố ý), cách phản ứng hữu hiệu nhất là không đánh trả.
Sự đánh giá về ngoại hình luôn tồn tại. Một lúc nào đó trên đường đời bạn sẽ nhận những sự đánh giá ấy, không thể này thì thể khác. Thay vì chạy trốn, bạn hãy đối mặt với nó. Tôi đã mất gần ba mươi năm sống cùng nỗi tủi hổ vì xấu, tôi đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đôi khi tôi đã đánh mất chính mình. Đến bây giờ cuộc chiến của tôi vẫn chưa kết thúc. Tôi vẫn luôn phiền lòng khi nghe những lời chê bai, sẽ là nói dối nếu tôi bảo là tôi không buồn. Ban đầu tôi buồn vài tuần, sau đó thì vài ngày, bây giờ thì nỗi buồn ấy chỉ chiếm mất vài giờ thôi. Tôi nghiệm ra, sự tổn thương khi bị chê xấu luôn đến, rồi đi. Chừng nào tôi còn đối diện với nó thì nó sẽ không làm gì được tôi ngoại trừ lấy đi vài giọt nước mắt. Tôi cầu chúc cho bạn, nếu vô tình bạn cũng sở hữu một ngoại hình lệch chuẩn, tìm thấy được một thái độ sống an vui trước những định kiến của cuộc đời.
Tham khảo
Brené Brown, 2015, Sự liều lĩnh vĩ đại
Tác giả: Anna Ng