24 C
Nha Trang
Thứ bảy, 2 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 123

[THĐP Review] Deadpool 2 – Khi nhây-lầy-bựa trở thành đặc sản

0

thđp review

Trước khi đi xem Deadpool 2, một bộ phim siêu anh hùng của Mỹ được phát hành bởi 20th Century Fox, người ta cần làm quen dần với từ “fuck” để khi vào rạp không bị choáng sốc khi từ bắt đầu bằng chữ “F” ấy xuất hiện dày đặc trong lời thoại của các nhân vật. Tiện thể, tôi xin giới thiệu một video này để các bạn tìm hiểu thêm về từ “fuck.” Nó đa năng hơn chúng ta tưởng. Cảm ơn ngài Osho!

https://www.youtube.com/watch?v=zWkakA7FPCE

Đã có rất nhiều người dự đoán Deadpool 2 sẽ vượt mặt Avengers: Infinity War để thống trị các phòng vé. Tôi thấy điều này cũng có khả năng xảy ra, vì với tốc độ lan truyền thông tin trên Internet ngày nay cùng sự phát triển các chiêu trò marketing thì thậm chí một bộ phim Việt Nam với nội dung giáo viên chửi học sinh ngang ngửa với Deadpool chửi đoàn làm phim cũng có thể trở thành bom tấn. Tuy nhiên, việc thống trị các phòng vé không đồng nghĩa với việc vượt mặt về ý tưởng hay nội dung phim.

Trước khi Deadpool 2 được ra mắt, dân tình đã xôn xao hết cả vì MV Ashes hay cũng là soundtrack của bộ phim với màn phối hợp trình diễn của diva Celine Dion và Deadpool. Đó là sự giao thoa sắc thái giữa một bà hoàng với giọng ca cao vút đầy nội lực và một gã phản anh hùng lầy lội với màn múa đương đại trên đôi giày cao gót. Nói tóm lại, đây là một chiến lược quảng bá rất khôn ngoan.

Tạm tóm tắt nội dung, trong phần 2, Deadpool sẽ đối đầu với sát nhân Cable, một kẻ đến từ tương lai với âm mưu giết hại một đứa bé – người theo hắn sau này sẽ trở thành một dị nhân đầy quyền năng và nguy hiểm. Với nỗ lực đảm bảo sự an toàn cho đứa bé, Deadpool nhận được sự giúp đỡ từ những người bạn, và đặc biệt là các thành viên từ một đội quân mới thành lập có tên X-Force. Cụ thể diễn biến bảo vệ đứa bé ra sao thì xem phim khắc rõ. Tình tiết của Deadpool 2 không có gì quá phức tạp, khó hiểu đến mức đau não như Avengers: Infinity War. Thậm chí, người ta cũng không cần phải nhớ nội dung Deadpool 1 là gì để có thể xem tiếp phần sau này.

Deadpool 2 thuộc thể loại phim hành động, tấu hài với nhân vật chính là người anh hùng áo đỏ (tất nhiên không phải Spiderman) với siêu năng lực tái sinh nhiều lần. Điều này khiến Deadpool trở thành một trường hợp đặc biệt trong vũ trụ Marvel. Trong phần 2 này, đạo diễn cũng đào sâu hơn vào đặc điểm khác thường đó của Deadpool khiến tính chất mỉa mai của bộ phim càng tăng cao: Anh ta có thể giết được người khác nhưng không thể tự giết được chính mình, dù Deadpool đang rất khao khát được chead.

Nếu như tôi nhớ không nhầm, trong One Piece, một nhân vật đã rơi nhiều lần từ trên trời xuống mà mãi không mất mạng, đó là tứ hoàng Kaido. Hắn ta buồn phiền vì mình trường sinh bất tử. Hay một nhân vật khác trong series phim Chúa tể những chiếc nhẫn – nàng tiên kiều diễm Arwen cũng đau buồn về việc mình vẫn mang sự sống muôn thuở sau khi người đàn ông mà nàng yêu thương nhất, Aragorn – đức vua xứ Gondor đã chạm tới điểm cuối cùng trong vòng đời của mình.

Có lẽ, nội dung sâu sắc và mạnh mẽ nhất Deadpool 2 truyền tải đó là cái chết, song song là giá trị đích thực của cuộc sống khi con người nhận ra mình chỉ có hữu hạn thời gian và sức mạnh. Bên cạnh đó, không thể không kể đến nội dung về tầm quan trọng của gia đình đối với đời sống của mỗi con người và sức mạnh vượt lên những góc tối của bản thân. Tuy nhiên, theo đánh giá cá nhân, tôi thấy những nội dung này cũng không quá mới mẻ và ấn tượng.

Trước khi đi xem phim, tôi có đọc qua một vài bản review. Nghe người ta ca ngợi sự hài hước cao độ và có đầu tư của Deadpool 2, tôi đã phải cài đặt nhắc nhở trên điện thoại rằng nhớ đi tiểu trước khi vào phòng chiếu. Nhưng khi xem phim, tôi thấy sự hài hước trong Deadpool 2 chẳng đến mức quá ghê gớm. Không có tình huống nào khiến tôi phải ôm bụng mà cười chảy nước mắt cả. Nếu như không nói rằng đôi lúc, bộ phim xuất hiện những chi tiết gây hài quá lố, gượng gạo hoặc có thể đoán trước được. Trong khi xem Kungfu Hustle của Châu Tinh Trì hay Siêu nhân chuồn chuồn của đạo diễn Craig Mazin, tôi đã ước rằng cái ti vi nhà mình được lắp ngay ở nhà vệ sinh.

Nhưng tại sao Deadpool vẫn được đông đảo khán giả đón nhận một cách tích cực? Câu trả lời đó là anh ta có một món đặc sản của riêng mình – sự nhây, lầy và bựa. Điều này tạo nên nét cá tính không thể lẫn đi đâu được của gã anh hùng quái đản Deadpool. Anh ta nói nhiều, chửi tục vô biên, không chỉ chơi xàm mà còn chơi bẩn. Và hơn cả, anh ta coi toàn bộ thế giới như một trò đùa. Gã anh hùng này phải tên là Deadtroll mới đúng.

Phải đến quá nửa số câu anh ta thốt ra từ cửa miệng mang ý châm chọc, mỉa mai. Tôi đã cố gắng ghi nhớ những đối tượng bị Deadpool troll xuyên suốt cả bộ phim thì tạm liệt kê được: Spiderman, Người Sói, Hawkeye, Tom Cruise, Harry Potter, Star WarsLion King, Frozen, DC Comics. Thậm chí, cả đoàn làm phim và viện hàn lâm điện ảnh Mỹ anh ta cũng không buông tha. Deadpool cũng tự troll cả chính mình. Sự mỉa mai của Deadpool còn kéo dài cả sang đoạn After credit như thể anh ta tận dụng mọi cấu phần của bộ phim để thể hiện sự nhây lầy của mình vậy. (Bạn nào bỏ rạp về sớm sẽ bị lỡ mất đoạn này.)

Có một điểm đáng chú ý, đó là diễn viên vào vai Thanos trong Avengers: Infinity War – Josh Brolin, lại tiếp tục hóa thân vào nhân vật Cable – người đối đầu với Deadpool trong bộ phim lần này. Và tất nhiên, Deadpool không ngần ngại đá xoáy Cable hay cũng chính là mỉa mai luôn nhân vật Thanos của Avengers. Đây là một cú troll kép.

Nhiều lúc, Deadpool thốt ra những lời nhận định rất sâu sắc. Như:

“If you want to fight for what’s right, sometimes you have to fight dirty.”

Hay:

“Over a lifetime there are only four or five moments that really matter. Moments when you’re offered a choice to make a sacrifice, conquer a flaw, save a friend – spare an enemy. In these moments everything else falls away.”

Nhưng chưa đầy 2s sau đó, anh ta tự phá luôn không gian so deep vừa tạo dựng được bằng một lời xàm xí nào đó, ví dụ dành cho phim Spiderman chẳng hạn:

“With great power comes great merchandising opportunity.”

Khi xem phim, ta cảm thấy như Deadpool là God, mang một quyền lực to lớn. Gã anh hùng lầy lội này có thể quyết định cảnh nào chạy slow motion hay cảnh nào tạm dừng lại để anh ta giải lao chơi xàm một lúc với búp bê Người Sói. Có thể gọi Deadpool 2 là một dạng siêu truyện cười, tức là nhân vật trong truyện biết rằng mình đang ở trong truyện. Deadpool ý thức được mình là một diễn viên và anh ta đang đóng đến cảnh nào, với lời thoại ra sao. Chưa kể, xuyên suốt bộ phim, anh ta vào luôn vai người kể chuyện. Điều này tạo thêm một dấu ấn khác biệt nữa cho Deadpool 2.

Nhìn phong cách của Deadpool, tôi lại liên tưởng đến chú gấu Ted hút cần tùm lum, quan hệ tình dục bừa bãi và nói tục như rải truyền đơn. Nói chung, cả hai người họ đều có điểm giống nhau ở sự bất cần đời.

Nếu như Avengers: Infinity War nghiêm túc và xúc động bao nhiêu thì Deadpool 2 lại thiếu nghiêm túc và cợt nhả bấy nhiêu. Hai bộ phim ở hai thái cực: Một bên là ẩn dụ, huyền bí một bên là mỉa mai, trào phúng. Sau khi khóc lóc sưng mắt đủ với những màn xả thân vì nghĩa lớn của các nhân vật siêu anh hùng trong Avengers, nay khán giả được vui cười thỏa thuê với sự cố gắng xả thân vì nghĩa lớn của phản anh hùng Deadpool. Có thể nói, Deadpool 2 sinh ra dưới chòm sao may mắn khi nối gót cây đại thụ Avengers: Infinity War.

Với hoàng loạt những pha hành động có độ chính xác cao cùng góc máy thoáng đạt, Deadpool 2 mang lại cho người xem sự thỏa mãn không nhỏ. Khán giả không khỏi xuýt xoa rằng anh Pool chém đạn ngầu lòi, chú Caple lướt cao ốc đẹp miễn chê, chị Domino nhào lộn đẳng cấp, v.v.. Nhưng làm gì thì làm, sau đó, mọi chuyện vẫn không sao thoát khỏi chữ “xàm.” Nhạc phim cũng xàm nốt dù hay đến cỡ nào, vì chúng cố tình được đặt vào lệch hoàn cảnh.

Tưởng là hài hước ngon ăn thế này thì sẽ dành cho tất cả mọi người thưởng thức, nhưng Deadpool 2 dán nhãn C18 tại Việt Nam – chỉ dành cho khán giả cho 18 tuổi trở lên vì nội dung phim có chứa rất nhiều những cảnh bạo lực. Có thể nói, bạo lực đến mức kinh dị. Nhưng có lẽ sự nhây và lầy Deadpool mang lại đã khéo léo xoa dịu cảm giác khó chịu của khán giả khi phải chứng kiến những cảnh máu me, chém giết ghê rợn.

Có đôi điều tôi không hài lòng với Deadpool 2 đó là nó xuất hiện quá nhiều nhân vật nhưng cuối cùng chỉ để tấu hài. Sự tham gia đóng góp của họ vào trọng tâm phim không lớn. Chưa kể, sự xuất hiện của cặp đôi siêu nhân nữ ở đầu và cuối phim cũng khá gượng gạo. Ngoài ra, tôi không đánh giá cao những cảnh Deadpool nói quá nhiều khiến các nhân vật khác đứng im như tượng và nhìn nhau bằng ánh mắt ngớ ngẩn. Nói tóm lại, việc cơ cấu nhân vật và thời gian trong phim chưa được sắc sảo. Đáng lẽ cần rút bớt đi thì Deadpool 2 lại thêm nhiều hơn những chi tiết phụ gây ra sự lỏng lẻo nhất định trong cấu trúc.

Cuối cùng, nói gì thì nói, tôi cũng phải công nhận Deadpool 2 là một bộ phim độc đáo và khác lạ, đủ xứng đáng để người ta bỏ chút thời gian và tiền bạc để thưởng thức. 8.5/10 là điểm tôi dành cho bộ phim này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: joblo

Xã hội này có cần những hiệp sĩ đường phố?

5

Đầu tiên, tôi muốn khẳng định với các bạn rằng tôi cũng tỏ lòng ngưỡng mộ những hiệp sĩ đường phố đang làm sôi sục các trang báo mạng những ngày vừa qua bởi tinh thần nghĩa hiệp và lòng dũng cảm của họ. Tuy nhiên, đã có quá nhiều người ca tụng và tôn vinh. Chính vì thế, lời nói của tôi chỉ trở nên dư thừa nếu còn muốn lẽo đẽo sau lưng họ. Sau khi đọc xong những bài báo, có một câu hỏi đặt ra mà tôi phải đắn đo suy nghĩ. Liệu xã hội này có nhất thiết phải cần đến những hiệp sĩ đường phố?

Chúng ta chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì với anh chàng hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra nổi tiếng trong trận chiến đánh nhau với chiếc cối xay gió. Đó là một anh chàng cao lênh khênh, gầy gò, thích đọc truyện kiếm hiệp và luôn bị ám ảnh các cuộc so tài, bởi các thiếu nữ bị người tình bỏ rơi, lại có máu mạo hiểm. Chàng ta  quyết định mình sẽ làm sống lại tinh thần thượng võ và tính hào hiệp quý tộc bằng cuộc đời một hiệp sĩ lang bạt nhằm chống lại những điều bất công, ngang trái trong xã hội. Chàng ta mặc bộ áo giáp cũ đã gỉ sét của cụ nội ngày xưa và cưỡi con ngựa già gầy còm tên là Rosinante bước vào cuộc phiêu lưu hiệp sĩ của mình. Khi gặp một chiếc cối xây gió, Đôn Kihôtê đã lầm tưởng đây là những tên khổng lồ. Chàng ta chĩa mũi giáo, thúc ngựa phóng tới, đâm vào kẻ địch, nhưng một trong các cánh quạt của cối xay đã móc vào quần áo chàng hiệp sĩ và nhấc bổng chàng khỏi yên ngựa rồi ném đi xa. Khi được Xantrô Panza nâng dậy, đó là gã hầu đi theo chàng, Đôn Kihôtê cắt nghĩa rằng bọn phù thủy đã biến đổi những tên khổng lồ thành các cối xay gió.

Vâng, đó là một chi tiết nhỏ trong truyện tôi muốn kể ra để các bạn hiểu rằng xã hội này cần những hiệp sĩ, những hiệp sĩ có tinh thần Đôn Kihôtê nhưng chúng ta không cần những hiệp sĩ như ông ấy. Chúng ta cần những hiệp sĩ. Nhưng phải là một tay kiếm giỏi. Vẫn chưa đủ, tài trí phải song hành. Một hiệp sĩ cần đủ thông thái để phải biết đối thủ của mình là ai. Một hiệp sĩ can đảm đôi khi còn phải là một hiệp sĩ biết kiềm chế, bỏ qua và để tự dành cho bản thân mình kẻ thù xứng đáng nhất. Đó là chân dung anh chàng hiệp sĩ mà tôi nghĩ các bạn vẫn cần để bảo vệ các bạn, để phụng sự cái tư tưởng cao cả về tinh thần trượng nghĩa mà đám đông dân chúng trong xã hội này vẫn nhắc đến.

Nhưng hỡi các hiệp sĩ!

Bạn để đám đông hèn nhát đó chất lên vai bạn những hành lý nặng nề, rồi kéo lê bạn bước đi trên những sa mạc khô cằn. Và khi cơn mệt mỏi kéo đến, mồ hôi nhễ nhại thấm ướt trên khuôn mặt vàng vọt xanh xao của bạn. Họ sẽ đồng cảm, rồi động viên bạn rằng: “Cuộc đời này quả thật năng nề.’’ Vâng, chỉ vậy thôi.

Và các bạn nghĩ rằng bạn đang phụng sự cho chân lý. Nhưng không phải thế, bạn chỉ đang phụng sự cho cái tinh thần còi cọt và sợ hãi của dân chúng. Đó chính là chiếc cầu cưỡng vọng tôn kính nối bạn với dân chúng. Và chính vì thế mà dân chúng tung hô ngợi ca bạn. Nhưng các bạn có  biết rằng mình chỉ là tên nô lệ với những hành động đang phụng sự cho kẻ chủ nhân. Đó không phải là chân lý.

Họ dùng những lời lẽ khen ngợi để kích thích và cổ vũ tinh thần, để bạn luôn trung thành với họ. Nhưng cái họ thực sự muốn là bộ áo giáp khi đứng trước những mối nguy hiểm. Họ quá hèn yếu để tự đứng ra bảo vệ lấy mình.

Và hỡi ơi những người dân chúng!

Bất kể ai cũng cần học cách bước đi giữa sa mạc, giữa những miền cát vàng nóng bỏng, cần phải bị ánh mặt trời thiêu đốt. Lòng can đảm sẽ sinh sôi nảy nở, sẽ trưởng thành qua mỗi bước chân. Ai cũng cần học cách để tự bảo vệ lấy chính mình. Mỗi chúng ta cần giải thoát lòng dũng cảm của mình khỏi hang nô lệ, không sợ hãi và kinh hoàng.

Con người là con vật can đảm nhất. Chính vì thế mà nó đã chiến thắng mọi con vật. Không có con vật nào có thể vượt qua nổi thống khổ giỏi bằng con người. Dòng máu anh hùng tuôn trào sôi sục sẵn có trong lòng mỗi chúng ta từ hàng nghìn năm qua. Bằng chứng là bao nhiêu cha ông ta quyết đứng lên đánh đổ bè lũ xâm lăng. Các bạn cần học cách chống chọi với kẻ thù để tồn tại, muốn sống thì phải học cách chiến đấu. Tất cả  chúng ta cần trang bị tri thức và học cách bảo vệ lấy chính mình. Đó là bản năng sinh tồn.

Nếu bạn bị quăng vứt vào một khu rừng rậm, cắt đứt với thế giới bên ngoài, và chẳng có một anh chàng hiệp sĩ nào đến giải cứu. Bạn có biến sợ hãi thành một cái nhà xác, rồi tự chôn thân mình vào đó?

Nếu bạn bị quăng mình vào một trận chiến. Tất cả những người khác đều phải tự chiến đấu để giành lấy sự sống của mình trước kẻ thù. Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ bạn nếu không phải là chính bạn?

Tất cả sự can đảm trẻ trung đều đã già cỗi. Chúng không chỉ già mà còn sắp chết mòn héo úa. Chúng mệt mỏi chán chường, tầm thường và không còn giữ nổi trong mình một chút nồng nhiệt. Chúng giải thích điều đó rằng đã qua mùa bom rơi đạn lạc, chúng ta đã quay trở về với hòa bình và chiến tranh đã kết thúc. Kẻ thù đã rút về vùng đất của chúng nó. Nhưng nếu chúng quay lại và nỏ đạn vào đầu bạn. Lòng can đảm của bạn có kịp hồi phục để bước vào trận chiến?

Bạn được rao giảng hãy tránh xa những tên cướp, hãy tránh xa những tên giết người từ lúc lọt lòng. Điều đó đã trở thành kinh thánh của bạn và bạn lặng lẽ cúi đầu quỳ gối trước chúng. Bạn được rao giảng sự duy trì, và đó là điều duy nhất mà các bạn duy trì. Và bạn để cho kẻ láng giềng của bạn, họ đến ban cho bạn một quyền lợi mà bạn có thể tự  tay đoạt lấy?

Và sau cùng, bạn không bao giờ biết rằng một khi các hiệp sĩ đã từ bỏ bạn thì lúc đó bạn cũng có thể trở thành hiệp sĩ.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Free-Photos

Đừng để các hiệp sĩ đường phố phải chết!

1

Mỗi ngày qua đi, tôi có cảm giác rằng chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều hơn những chuyện nhìn thấy mà đau lòng, rồi tôi tự hỏi tại sao chúng ta chỉ thật sự quan tâm khi những hậu quả này diễn ra? Trong khi hầu hết chúng đều là những điều có thể dự đoán trước. Các nhóm hiệp sĩ đường phố được hình thành đã được nhiều năm rồi, mỗi khi những anh hùng này bắt được tội phạm, chúng ta chỉ ngồi đó và vỗ tay hoan hô, trong khi chẳng có một sự thay đổi nào hoặc giúp đỡ nào thật sự thiết thực đối với các anh. Có người nào tự đặt ra câu hỏi là vì sao các anh lại chết? Có phải các anh chết vì sự thờ ơ của mỗi người chúng ta?

Khi chứng kiến một điều tồi tệ, chúng ta chỉ vào đó cười mỉa: “Xã hội bây giờ nó vậy! Tốt nhất là thủ riêng cho mình!”

Trong xã hội luôn tồn tại 2 mặt của nó, cái tốt và cái xấu, khi từng người chúng ta chỉ biết “tự thủ” thì chính là lúc cái tốt bắt đầu co lại và cái xấu trải rộng ra. Các anh hùng của chúng ta, những người làm từ thiện với thiện tâm, những người nhảy vào bênh vực phụ nữ khi gặp kẻ vũ phu, những người viết bài có tâm, những thầy cô hoặc lương y có đạo đức, những người mang sách đến nông thôn và trường học, các hiệp sĩ đường phố… sẽ dần dần “chết” đi nếu chúng ta không ra sức bảo vệ họ, giúp đỡ họ.

Như một cơ thể, nó sẽ trở nên suy kiệt khi không thể sinh ra nguồn máu mới dồi dào hơn. Không cần chúng ta phải trở thành ngay một hiệp sĩ, chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đừng ngoảnh mặt chạy đi khi ai đó cần sự giúp đỡ, đừng cười khinh khi thấy ai đó làm điều tốt, đừng tham những lợi ích nhỏ nhặt hằng ngày, đừng im lặng khi bắt gặp sự xấu xa. Cứ tích luỹ dần từng tí một những điều nhỏ nhặt đó, sẽ có một ngày chính bạn sẽ trở thành hiệp sĩ – nguồn máu mới của cơ thể chính nghĩa ấy.

Nhưng có những điều rất quan trọng mà chúng ta cần nghĩ đến trước tiên, hãy liên kết cùng nhau, một hiệp sĩ dù thiện nghệ mà đơn độc sẽ chẳng thể chống nổi một bọn cướp. Hãy chuyên nghiệp và có tổ chức, được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng, đừng chỉ hành động bằng cảm xúc hay nhiệt huyết, mà là trí tuệ. Nếu khi ấy không phải là 8 mà là 80 hay 800 hiệp sĩ, nếu các anh được trang bị tốt, nếu các anh được rèn luyện các biện pháp xữ lý tình huống, nếu… thì các anh sẽ không chết.

Để có được một cuộc đời an vui và hạnh phúc thì điều gì là quan trọng nhất? Theo tôi đó là xác định được rõ ràng bản chất xã hội mà chúng ta đang sống. Nó yên ổn hay loạn lạc, nếu nó loạn lạc thì đừng mong chờ vào ai đó sẽ cứu mình hoặc bảo vệ mình, chỉ có mình tự cứu lấy mình, mà tự thủ thì chưa bao giờ là biện pháp tốt. Cách tốt nhất là chúng ta phải học được cách đoàn kết lại và cứu lấy nhau, hãy tỉnh táo nhìn xung quanh và tìm, tìm những người giống ta, cùng chí hướng với ta, hãy bắt tay họ bằng tấm lòng, bằng sự tôn trọng. Để nếu cái ác có chạm vào một trong những chúng ta thì nó phải đối mặt với tất cả chúng ta.

Ngày trước tôi thấy mọi thứ bi quan lắm, nhưng giờ khi ngồi ngẫm nghĩ lại thì hiểu rằng ranh giới giữa thiện và ác rất mong manh, và sâu trong tim mỗi chúng ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Ví như vụ hôi bia ở Bình Dương, sau khi cái xấu xí đó phơi bày ra, thì những lần sau, không phải là hành động hôi của, mà là sự giúp đỡ cho người bị nạn. Hay sau một clip người vợ bị chồng đánh, chúng ta thấy được vô số clip về những người đàn ông hiệp nghĩa bảo vệ phụ nữ. Hay việc một nghệ sĩ kiêm MC khinh thường khán giả, sau đó chúng ta thấy các nghệ sĩ học được cách khiêm tốn hơn, và chính bản thân anh nghệ sĩ kia cũng đang thay đổi để trở nên tốt hơn. Hàng hàng cái xấu đã đổi chiều thành cái tốt nhờ vào tiếng nói của chúng ta. Thế giới quanh bạn sẽ thật sự đổi thay khi bạn không còn hèn nhát trong sự im lặng.

Chúng ta tiếc thương cho các hiệp sĩ đã hy sinh và tôi vô cùng mong mỏi chúng ta xứng đáng trước sự hy sinh đó. Tôi mơ Sài Gòn không chỉ có vài nhóm hiệp sĩ đường phố, mà có trên mỗi con đường, để khi về khuya không sợ bị cướp. Tôi mơ đến việc những người vô gia cư không bị lạnh và đói vì có thật nhiều quán ăn từ thiện và tủ quần áo miễn phí được mọc lên. Tôi mơ mỗi người đàn ông là một vị anh hùng đối với phụ nữ, để thay vì chịu hành hạ thì nay sẽ được yêu thương. Tôi mơ khi ra công viên hay trên xe bus sẽ thấy vô số người đang đọc sách vì có thật nhiều các tủ sách trong gia đình hay trường học. Tôi mơ khi ra phố sẽ thấy các quán nhậu giảm đi thật nhiều, để sau khi tan ca, mọi người sẽ về quây quần cùng gia đình. Và còn rất nhiều điều để mơ nữa.

Bạn có thật sự tiếc thương có các hiệp sĩ không? Vậy hãy sống sao cho xứng đáng với điều đó và đừng để các anh phải “chết.”

Tác giả: Nguyễn Minh Chí

*Featured Image: ArtCoreStudios 

[BDT2018] Một Cô Gái Dần Bớt Đi Cá Tính

7

Khi nói: “Đó là một cô gái cá tính.” Bạn có được những hình ảnh nào trong tâm trí về cô gái đó?

Có phải đó là một cô gái nhìn giống một thằng con trai, nước da ngăm đen vì phơi nắng quá nhiều, mặc trên người mấy bộ đồ kiểu bụi đời chẳng giống ai. Một cô gái thích nhạc rock and roll, tai đeo headphone ngồi vắt vẻo trên cửa sổ, mắt lim dim, lắc lư theo điệu nhạc. Một cô gái có thể đi chơi, ăn uống, đi dạo phố, mua sắm thậm chí là đi du lịch một mình. Mặc kệ những con mắt xung quanh tò mò như muốn hỏi: “Con bé này không có bạn bè hay bạn trai gì sao? thấy suốt ngày đi một mình.” Một cô gái đam mê tốc độ và thích các trò chơi mạo hiểm…?

Vâng, tôi là một cô gái như vậy. Nhưng tôi không cho đó là một cô gái cá tính. Đơn giản đó chỉ là những lựa chọn trong lối sống của cô ấy.

Tôi sẽ định nghĩa “Cá Tính” theo cách riêng của tôi: Cá tính là những tính cách mang màu sắc rất cá nhân tồn tại trong mỗi một con người. (Trong cá tính của mỗi người không phải cá tính nào cũng xấu, nếu đó là những cá tính tốt chúng ta tiếp tục phát triển nó.)

Để bạn có thể nhìn thấy một Nam Nhung cá tính. Nào! Mời bạn ngồi xuống, thư giãn đi và cùng tôi xem một đoạn phim tài liệu ngắn.

Bắt đầu nhé!

Nam Nhung là một đứa bé gái sống và lớn lên cùng với Cha và em trai. Trước năm 1997, Cha của nó là một người đàn ông rất cá tính với tất cả những tính xấu, vì vậy nó thừa hưởng rất nhiều những cá tính của Cha mình

1. Thiếu kiên nhẫn

Nam Nhung là một đứa trẻ hết sức thiếu kiên nhẫn.Có rất nhiều mục tiêu được đặt ra nhưng chưa lần nào nó hoàn thành mục tiêu một cách nghiêm túc. Biết rằng tập thể dục mỗi ngày rất có ích lợi cho sức khỏe, nó lên kế hoạch chi tiết, háo hức đặt báo thức. Những ngày đầu tiên, khi nghe tiếng chuông báo thức, nó hào hứng thức dậy, mỉm cười chào bình minh. Sau khi vệ sinh cá nhân, nhanh chóng xỏ giày và ra ngoài.

Được ít ngày nắng thực hiện rất nghiêm chỉnh. đều đặn. Cho đến một buổi sáng chuông báo thức kêu lên như thường lệ, nó mở mắt ra và ngoài trời đang mưa, quên luôn việc chào bình minh thay vào đó nó tự ru ngủ bản thân bằng những âm thanh êm ái trong tâm trí: “Tệ thật! Sáng ra đã mưa gió, ẩm ướt như này thì làm ăn gì được? Giờ mà chạy bộ thì ướt hết, không cẩn thận về lại đổ bệnh. Thôi! Để chắc cú, hôm nay nghỉ, mai nắng rồi chạy.” Kéo mền cao hơn một chút vì nó cảm thấy lạnh hơn mọi ngày… Và rồi không biết mưa đã tạnh từ khi nào, chỉ nhớ hôm đó nó còn vô lớp trễ. Mà kỳ ghê, thời tiết thật biết cách làm khó con người ta, vì sáng hôm sau, hôm sau, hôm sau nữa, nguyên một tuần sáng nào cũng mưa. (Quê Nam Nhung hai mùa: mưa, nắng.)

Kết thúc những ngày mưa, bắt đầu những ngày nắng thì thói quen tập thể dục mỗi sáng của nó chỉ còn tồn tại trong thì quá khứ.

2. Nóng tính, độc đoán, thiếu sự lắng nghe, hành động nông nổi

Nói đến lĩnh vực này, con bé Nam Nhung chấp luôn năm tỉnh Tây Nguyên.

Năm học lớp 12, thật ra nó không chơi thân với bất kỳ ai, nhưng có một bạn cùng lớp tên Nga mỗi ngày đều đặn tới đón nó đi học. Với nó, bạn Nga là một tài xế riêng chăm chỉ làm việc mà không cần nhận lương.

Một hôm đang nằm dài trên bàn học và mơ màng trong tiết toán, nó loáng thoáng nghe câu được câu mất bạn Nga nói: “Thủy 12B3 đòi đánh tớ, tan học đòi gặp tớ ở quán nước cổng trường. Tớ sợ lắm Nhung ơi! Mà tớ có làm gì Thủy đâu.” Nó gọn lỏn: “Nhung biết rồi, để Nhung ngủ đi, lát nữa dậy rồi tính.” Không cần chờ tới lúc tan học, ngay khi hết tiết toán, vác bộ mặt ngái ngủ xuống lớp 12B3, đứng trước cửa lớp nó hất hàm. “Thủy là ai?” Rất nhiều con mắt nhìn về một bạn gái có mái tóc dài đang ngồi phía cuối lớp. Mặc định luôn đó là Thủy mà nó cần tìm, nhìn một vòng xung quanh lớp. “Mấy bạn ra ngoài hết đi, Nhung muốn nói chuyện với Thủy.” Chưa đầy ba nốt nhạc ngân, tất cả đã ra ngoài. Đóng cửa lớp lại, với những kỹ thuật các đòn tấn công của Karate đã được tập luyện rất nhiều lần, nó lao thẳng vào Thủy không cần một lời chào hỏi, cũng không cần phải nghe bạn Thủy có điều gì cần trình bày hay giải thích nào không… Đang hăng máu, nghe bên ngoài la ó: “Thầy cô đang tới Nhung ơi!” Trong một nốt nhạc nó bật khỏi cửa sổ bằng một cú nhảy không thể chuyên nghiệp hơn và lặn mất tích không để lại tăm, nó bỏ học hết ngày hôm đó.

Sáng hôm sau lên trường trong trạng thái lo âu, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. “Lần này lên hội đồng kỷ luật bị đuổi học chắc rồi.” Nhưng lạ chưa. Không có một ai tới tìm và hỏi nó chuyện gì đã xảy ra, là vì không một ai kể cho thầy cô nghe về sự việc đó và kẻ nào đã gây ra chuyện này, ngay cả bạn Thủy. Nó nhếch mép. “Hừ… có thế chứ, mấy đứa tụi mày biết điều sẽ gặp nhiều may mắn.” Ngồi vào chỗ và đổ người dài lên bàn, khi chưa kịp chìm vào cõi mộng, bạn Nga hớt hải chạy lại chỗ nó. “Nhung ơi! nhầm người rồi! Thanh Thủy không phải là Thu Thủy, lớp 12B3 có hai Thủy cơ mà.” Nó ngồi bật dậy. “Bớt giỡn! Mà thôi… Nhung biết rồi, im lặng đi để Nhung tính.” Nhớ lại những gì đã gây ra ngày hôm qua, nó tự nói với bản thân: “Giờ sao, không lẽ xuống gặp người ta nói xin lỗi? Uầy! Làm vậy không được, nhục mặt lắm.” Nó nhắm mắt lại và thêm một lần nữa đẩy câu chuyện đó vào thì quá khứ. Vụ đấy chẳng ai sờ gáy nó cả, và nó lại nằm ngoài vòng pháp luật như nhiều lần khác.

3. Thiếu yêu thương và tha thứ

Về khoản này, Nam Nhung nó chấp luôn ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Thiếu yêu thương và tha thứ cho người khác đã đành, nó thậm chí còn không yêu thương và tha thứ được cho chính bản thân.

Học xong, tìm được việc và bắt đầu đi làm, sếp là một người Hàn Quốc, được sếp ưu ái, vì lẽ đó nó luôn cố gắng làm hết sức tránh mọi sai sót để không phụ lòng sếp. Cách làm việc đòi hỏi sự cầu toàn tuyệt đối của nó thì làm gì có thật trong thực tế. Một ngày cuối năm 2011( Tết âm lịch) sếp yêu cầu nó kiểm tra lại mọi thứ coi có vấn đề nào cần giải quyết trước khi nghỉ lễ. Kiểm tra và thấy mọi thứ ổn rồi, nó báo cáo cho sếp. Sáng ngày 3 Tết, điện thoại rung lên, trên màn hình là Big Boss, nó hí hửng. “Chắc sếp lớn gọi tới chúc Tết đây mà, có thế chứ.”

— Alo.
— Nam Nhung! Tại sao lại để chuyện này xảy ra? ^^#€÷£$/!$#_×&$*$*/!^^… bla bla.

Sau Tết, viết đơn xin nghỉ việc, không phải vì giận sếp, nó giận chính mình, giận là vì sao Nam Nhung lại để chuyện này xảy ra? tại sao có thể làm việc thiếu trách nhiệm như vậy? điều này không thể chấp nhận được, không thể tha thứ được. Nó nghỉ việc như vậy. Lãng xẹt!

Ở một mình và chẳng bao giờ đi chợ hay nấu nướng gì, nó mua đồ ăn bên ngoài ăn cho qua ngày, mà đâu phải có nhiều tiền để mua những món ăn đảm bảo cho sức khỏe. Nó ăn uống vô tội vạ, cái gì rẻ tiền mà ăn được là nó ăn, các loại nước ngọt được sản xuất trong quy trình hóa chất khép kín, nó nghiện như con nghiện thèm ma túy. Thói quen thức dậy sớm, tập thể dục, phơi nắng, đọc sách… với nó thật xa lạ.

Bệnh viện, cuối cùng nó phải nhập viện vì gặp vấn đề về sức khỏe bởi tất cả những thói quen xấu và lối sống không lành mạnh trong suốt một thời gian dài. Nằm trên giường bệnh nó bắt đầu ngẫm nghĩ…

…Tạm dừng…

Bạn ơi! Nhìn tôi này, Nam Nhung đang ở trước mặt bạn này, một đứa trẻ với rất nhiều cá tính xấu. Bạn có thể thích một đứa trẻ như vậy không? Tôi nghĩ là không, không ai có cảm tình chứ đừng nói tới việc muốn chơi chung với một đứa trẻ như vậy. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Gần một Nam Nhung ngập tràn những cá tính xấu như vậy, hẳn đó là một lựa chọn tồi.

Này! Bây giờ chúng ta hãy cùng xem tiếp bộ phim để thấy một Nam Nhung phiên bản khác nhé.

Nằm trên giường bệnh, nó kéo ngăn tủ đã bị phủ mờ bởi bụi thời gian có dán nhãn tên “Thì quá khứ của Nam Nhung” nó bắt đầu xem xét và và nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra. Nhìn chăm chăm qua khung cửa sổ, ngoài đó có một cây bàng đã rụng hết lá, xơ xác, đứng trơ trọi một mình, run rẩy giữa mùa đông xám xịt, lạnh căm. (Quê Nam Nhung có hai mùa, nhưng tới tháng 12 thời tiết rất lạnh và những cây bàng sẽ đổ hết lá.) Và ở trong này, có một Nam Nhung hiện tại rất giống như cây bàng đó, vẻ bên ngoài tiều tụy, nhếch nhác, khô cằn, cô độc đến đáng thương… Hai tay bó gối, bất chợt một giọt nước mắt nóng hổi lăn vội vàng trên gương mặt hốc hác, xanh xao vì bệnh. Nhanh tay quệt đi giọt nước mắt ấy, vì sợ ai đó sẽ nhìn thấy bộ dạng yếu đuối, thất bại thảm hại này của nó. Nó đã tự tạo ra địa ngục và cầm tù chính mình bằng những cá tính xấu, giống như một cái ao tù chưa khi nào chịu mở ra để thải đi những thứ nước cũ kỹ chứa đầy những rác rưởi, cặn bẩn, rong rêu nhớp nháp và mùi hôi hám đặc trưng của nước ao tù, để mà nhận lấy một nguồn nước mới từ mạch trong lòng đất mang tới sạch sẽ, tinh khiết và thơm ngọt. Trước giờ nó cứ giữ khư khư những cá tính cũ kỹ, xấu xa, bốc mùi ấy như một bửu vật gia truyền, chưa bao giờ chịu mở ra để học biết và rèn tập những điều mới lạ, đẹp đẽ và sáng láng hơn. Nó ngước mắt lên nhìn cây bàng một lần nữa. Bỗng mắt nó sáng rực lên. “Aha! Đúng rồi, cây bàng này nhìn bên ngoài vậy thôi, chứ bên trong thân cây đang dần căng tràn nhựa sống, khi mùa xuân về cái cây ấy sẽ đâm chồi, nảy lộc và xanh biếc nay mai.” Nó ngân nga lặp lại một giai điệu trong đầu. “Nam Nhung sẽ đi tìm mùa xuân cho riêng mình.”

Đúng rồi! cái ao tù đó, việc cần làm là xẻ rãnh cho nước cũ chảy đi mang theo tất cả những thứ cũ kỹ, nhầy nhụa và hôi hám kia, rồi dọn dẹp sạch sẽ và đợi mạch nước mới, món quà của tự nhiên tuôn ra làm đầy, sẽ trang trí lại cái ao, mua bông súng về trồng và thả những con cá nhiều màu sắc vào đó. Cảm nhận có một dòng nước đầy sự sống bắt nguồn từ trong tâm linh đang tuôn tràn ra tưới mát cho tâm hồn đang khô hạn, héo úa của mình, nó bất chợt mỉm cười và hình như trong lồng ngực trái tim cũng đang nhảy nhót theo một điệu nhạc mà nó ngân nga.

“Whose adorning let it not be that outward adorning of plaiting the hair, and of wearing of gold, or of putting on of apparel; But let it be the hidden man of the heart, in that which is not corruptible, even the ornament of a meek and quiet spirit, which is in the sight of God of great price.” (1 Peter 3:3‭-‬4 KJV)

Nhận ra rằng không thể mãi là một đứa trẻ gái đầy dẫy những cá tính của riêng mình mà cần thay đổi để trở nên một cô gái trưởng thành. Nó thấu hiểu một điều: sự trưởng thành không phải việc bắt đầu thay đổi vẻ bề ngoài như chuyện để tóc như thế nào hay mặc trên người những gì… mà sự trưởng thành bắt đầu từ sâu bên trong giống như sự sống mãnh liệt tiềm ẩn của cây bàng, hoặc như một mạch nước bắt nguồn từ bên trong lòng đất. Sự trưởng thành là những nhân cách của một con người bình thường cần có ấy là sự yêu thương, vui mừng, bình an, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ… Sự trưởng thành sẽ là trang sức lóng lánh, đẹp đẽ, giá trị bề trong, sự tinh sạch chẳng hư nát của một tâm hồn-linh dịu dàng, tĩnh lặng… điều đó thật tốt lành biết bao, quý báu biết bao.

Sau khi từ bệnh viện trở về nhà, cô gái Nam Nhung đã bắt đầu tập cách đi chợ mua nguyên liệu, học nấu những món ăn có lợi cho sức khỏe như việc lựa chọn ăn nhiều rau hơn, hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, bắt đầu các thói quen tốt như ăn, uống, ngủ, nghỉ, làm việc điều độ, thức dậy sớm, tập thể dục, phơi nắng buổi sáng và đọc sách mỗi ngày. Cô gái ấy đã tập cách kiên nhẫn thực hiện, duy trì những thói quen tốt. Bắt đầu tập tành cách yêu thương, tha thứ cho bản thân, cho những người xung quanh và nhiều điều khác. Mỗi ngày cô gái ấy bớt đi tính cách nóng nảy, độc đoán, thiếu sự lắng nghe và những hành động nông nổi.

Sau hơn một năm “Cây Bàng Nam Nhung” đã nảy những chồi non đầu tiên báo hiệu mùa xuân mới đang đến. “Ao tù Nam Nhung” đang dần vơi đi thứ nước cũ kỹ cùng những thứ tiêu cực. Một mạch nước khiết tinh, thơm tho, dịu ngọt, đầy sức sống mới từ trong tâm linh chảy ngang qua tâm hồn đang kiên nhẫn làm đầy cô gái Nam Nhung mỗi ngày.

Hết

Cảm ơn bạn đã cùng tôi xem bộ phim tư liệu ngắn này. Nhìn tôi đi, trước mặt bạn bây giờ là một cô gái, tên cô ấy là Nam Nhung. Bạn thích Nam Nhung mới này chứ? Tôi tin rằng bạn sẽ thích hơn một Nam Nhung cũ trước đây.

Qua bộ phim ngắn của cuộc đời mình tôi tự nhận thấy đâu đó trong những mối quan hệ trong gia đình, tình yêu khác giới, nơi công sở, nơi công cộng và cả những mối quan hệ trong xã hội mà tôi chưa kịp đặt tên, quá nhiều người trong chúng ta và ngay chính bản thân tôi đã cư xử với nhau bằng những “cá tính khuyết tật” thay vì những nhân cách của sự trưởng thành, để rồi chúng ta tự làm tổn thương chính mình và những người bên cạnh. Thậm chí chúng ta cắt đứt sợi dây kết nối yêu thương con người với con người và vạn vật xung quanh. Và rồi chúng ta tìm cách ngụy biện cho những sai lầm của mình bằng những suy nghĩ , lời nói như: “Tôi phải là chính tôi, cuộc đời tôi là của tôi, tôi sống theo cách mà tôi muốn…”

Trong tiếng Anh từ “I” (Tôi) nhìn có vẻ rất mạnh mẽ, thẳng thắn và gây được sự chú ý vì nó được viết hoa. Nhưng đó là từ cô đơn nhất. Con người chúng ta cũng vậy, nếu cứ khăng khăng “Tôi” hẳn rồi “I” sẽ cô đơn hơn bao giờ hết.

Và khi “I and You” (Tôi và Bạn) điều đó sẽ thật đủ đầy, ngọt ngào, êm ái và tràn ngập yêu thương. Nếu không tin bạn thử phát âm ra thành tiếng “I” và “I and You” đi. Cảm nhận của bạn sẽ là câu trả lời cho riêng bạn. Chúng ta sống bằng những “cá tính khuyết tật” trong chữ “I” như vậy đã đủ rồi. Đã đến lúc chúng ta sống bằng nhân cách của sự trưởng thành trong đó có “I and You.” Mỗi chúng ta cần được đổ đầy nhân cách để không còn chỗ trống cho những cá tính xấu. Nhân cách của sự trưởng thành sẽ quyết định sự phát triển của chính bản thân chúng ta và cả xã hội.

Tác giả: Nam Nhung

*Featured image: Nam Nhung

Sơn Tùng MTP có đang làm nghệ thuật?

7

Có người chỉ trích tôi vì phát ngôn Sơn Tùng đang làm nghệ thuật, với lời lẽ khinh thường. Tôi nói rằng Sơn Tùng là một người “làm nghệ thuật.” Còn cái nghệ thuật mà cậu ta tạo ra là cái gì tôi không cần quan tâm. Nếu bạn muốn phân tích về nghê thuật thì xin thưa ngay đến cả Lev Tolstoy, nhà triết học, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nga với tác phẩm Chiến tranh và hòa bình, khi đưa ra định nghĩa của mình về nghệ thuật còn phải nhận về nhiều sự phản đối tranh cãi. Nên tất cả mọi thứ điều dừng lại ở cái nhìn chủ quan.

Chúng ta quá nhỏ bé khi nói về nghệ thuật. Nhưng tôi luôn ghi nhận tất cả sự nỗ lực và cố gắng. Ranh giới giữa bước chân đầu tiên dưới sườn dốc và trên đỉnh núi, con người ta đôi khi phải đánh đổi bằng máu và linh hồn của chính mình. Tại sao bạn lại muốn phủ nhận công sức của người đó? Tại sao bạn dùng lời lẽ khinh thường? Và thậm chí khi tôi nói rằng cái Sơn Tùng tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật. Bạn có chứng minh được điều tôi nói là sai?

Khi đối mặt với xã hội này, tôi thấy những người làm ít nhất lại luôn là người nói nhiều nhất. Người ta tạo ra một sản phẩm trong nỗ lực, làm việc cật lực còn bạn thì ngồi không rồi đánh giá. Bởi vì các bạn chẳng bao giờ quan tâm đến lý lẽ, các bạn chỉ quen nói lý thôi. Bạn cứ đánh giá người khác mà chẳng bao giờ đánh giá những nỗ lực về đầu óc và thể lực của anh ta. Đặt lên bàn cân rồi đem cân những lý lẽ của bạn xem đáng bao kí lô so với mồ hôi xương máu của người làm ra chúng.

Sơn Tùng trưởng thành từ underground – những người hoạt động tự do, không đặt nặng tính thương mại mà chỉ ghi đậm dấu ấn cá nhân trong sản phẩm. Vâng, sản phẩm của cậu ta chính là con người cậu ta tự tạo ra, phong cách và mục đích của cậu ta. Tại sao lại cần quan trọng hóa những cái ý nghĩa của bạn? Tại sao sự nỗ lực của Sơn Tùng lại không đáng để ghi nhận?

Tất nhiên, Sơn Tùng cũng khát khao xây dựng cho khán giả những sản phẩm hay và đẹp mắt nhất có thể tạo ra được. Cậu ta cũng cố gắng tạo ra cái tốt nhất. Nhưng chắc chắn vì cậu ta không có ý định tạo ra nó để phục vụ bạn nên bạn chẳng xem nó ra gì? Cậu ta không tạo ra sản phẩm để có khán giả. Cậu ta đã có khán giả để có thể tạo ra sản phẩm cho riêng mình.

Bạn có bao giờ hỏi tại sao Sơn Tùng lại có đông đảo lượng fan đến vậy? Vì sản phẩm đó được làm từ con người cậu ta. Những ca sĩ khác thì lại tạo ra những bản nhạc để có nhu cầu gây ấn tượng. Động cơ quyết định sản phẩm của Sơn Tùng nằm bên trong con người cậu ấy. Khán giả tự tìm đến trung thành. Còn các ca sĩ khác vừa muốn có khản giả là fan Sơn Tùng, lại còn muốn thêm khán giả là bạn. Một sự sáng tạo được xem là đẹp, là ý nghĩa không phải vì nó được nhiều người công nhận, mà đó phải là cái của riêng của người tạo ra nó.

Tôi thấy hầu hết các ca sĩ trẻ Việt Nam hiện nay, ai cũng muốn xây riêng cho mình một tượng đài nhưng vẫn cõng trên vai những hình dáng vay mượn. Họ không muốn thoát ra, họ không muốn tự xây cho mình một ngôi nhà mới của riêng chính họ. Họ chỉ muốn có một ngôi nhà đẹp như những ngôi nhà đẹp khác họ từng trông thấy. Họ bảo với tên kiến trúc sư xây cho tôi một ngôi nhà đẹp giống ngôi nhà này. Còn Sơn Tùng, cậu ta muốn ở ngôi nhà đẹp nhất mà ở Việt Nam hiện nay không ai có.

Tôi tin rằng tạo vật tạo ra con người có cái tay là để cầm nắm, đôi chân để bước đi, để chạy, đôi mắt để nhìn, đôi tai để lắng nghe, không có một bộ phận nào là trở nên dư thừa. Bạn có nhìn vào tôi rồi bảo đôi chân của mày chẳng có ý nghĩa gì, cái mũi này chỉ là đồ vô dụng. Tại sao nó trở nên không có ý nghĩa chỉ vì nó không thuộc ý niệm của bạn? Không có một cái gì tạo nên con người tôi là dư thừa và vớ vẩn chỉ vì bạn hoàn toàn không thích nó.

Chuyển qua âm nhạc của Sơn Tùng, nó được tạo ra từ máu và linh hồn của cậu ta. Tôi tin rằng bất kể một sự sáng tạo dù nó tệ hại đến đâu cũng đều được đánh đổi bằng sự sống của kẻ sáng tạo ra nó. Tại sao bạn lại khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt chỉ bởi bạn không muốn cái chi tiết hình ảnh đó.

Tôi muốn ghi nhận nỗ lực của Sơn Tùng bởi cậu ta có một phẩm chất rất quan trọng của người làm sáng tạo. Đó là khả năng trung thành với một con người. Con người nặng ký chứ không phải chẳng có hình dạng gì cố định và cứ luôn bị người khác vặn ngược vặn xuôi. Dù bạn có nói gì thì cậu ta vẫn thế thôi. Vẫn đứng trên sân khấu và cháy hết đam mê. Và chính vì thế mà cậu ta càng trở nên thành công.

Tôi thấy một số người đang chê trách Sơn Tùng. Họ thực sự chẳng biết họ muốn gì nhưng cậu ta thì lại đang biết rõ mình làm gì đấy!

Và sau cùng, thực ra tôi không phải là Sky. Tôi cũng không yêu quý âm nhạc của Sơn Tùng. Tôi cũng không đủ tư cách đánh giá sản phẩm của Sơn Tùng có phải là tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chắc chắn cậu ta là người làm nghệ thuật, vì cái sau cùng mà một người làm sáng tạo hướng đến đó là cái sản phẩm tốt nhất trong khả năng của người đó. Chúng ta nên có cái nhìn công bằng hơn cho tất cả sự cố gắng nỗ lực của cậu ấy.

Vâng, tôi lại văng tục nói lời xàm bậy. Tôi nói luyên thuyên như một kẻ điên. Bạn đừng dùng ánh mắt người thường mà chỉ trích kẻ điên làm gì.

Tác giả: Ni Chi

Sơn Tùng MTP và hành động đốt ảnh Chúa

11

Có người hỏi tôi nghĩ gì về những ý kiến trái chiều xung quanh MV mới của chàng ca sĩ trẻ tuổi Sơn Tùng MTP có tên Chạy ngay đi.

Tôi không phải là người sành sỏi trong lĩnh vực âm nhạc nên về mặt kỹ thuật chuyên môn tôi không muốn cầm đèn chạy trước ô tô. Xin dành lại sự đánh giá đó cho những người hiểu biết rõ. Ở đây tôi chỉ muốn trình bày quan điểm của mình về hành động đốt ảnh Chúa của Sơn Tùng trên hai phương diện tôn giáo và nghệ thuật.

Về tôn giáo.

Khi nói vấn đề này, trước tiên tôi nghĩ về những con chiên của Chúa.

Tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện.

Một thiền sư bước vào một ngôi chùa rồi phun nước miếng vào tượng Phật và lúc người ta vấn thầy, thầy trả lời: Xin vui lòng chỉ chỗ cho tôi để khạc nhổ, xin chỉ chỗ nào mà không có Phật đấy.

Bức ảnh Thánh bị Sơn Tùng đốt là bức họa nổi tiếng: Pietà  (Đức Mẹ Sầu Bi) của hoạ sĩ người Pháp William Adolphe Bouguereau. Đó là cảnh Mẹ Maria đau buồn khi ôm xác Đức Giêsu, Người đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh các vũ công ăn mặc gợi cảm nhảy múa trước bức tranh, chi tiết Sơn Tùng châm lửa đốt bức tranh ở cuối MV là phản cảm, xúc phạm Công giáo, động chạm đến tôn giáo. Tôi có một điều thắc mắc rằng Chúa của bạn chỉ tồn tại mỗi trong bức tranh đó và đốt chúng đi thì Chúa cũng biến thành tàn tro?

Điều đầu tiên. Bạn xem Chúa như là một giá trị tối thượng. Xin thưa khi bạn đưa ra khẳng định Chúa là một giá trị tối thượng thì tức là bạn cũng đang đánh giá Chúa. Bạn có tư cách gì mà đánh giá Chúa, một người chưa giác ngộ như bạn lấy quyền gì mà đánh giá một người đã giác ngộ. Bạn có biết rằng đánh giá là một hành động phạm thượng. Đó là hành động nguyền rủa đáng sợ nhất vì đã hạ thấp Chúa.

Tôi không theo đạo nào cả, nhưng tôi tin rằng cái tinh túy của một đạo là khi người ta đạt tới cái trung tâm điểm của đạo đó. Chúa đạt đến cái trung tâm điểm ấy là bởi Chúa bước đi trên con đường của riêng mình. Chúa đạt đến chân lý bằng những kinh nghiệm bản thân. Có thể Chúa cũng yêu quý và quan tâm bạn. Nhưng điều mà Chúa quan tâm là việc bạn trở thành con người như thế nào hay Chúa chỉ quan tâm đến việc bạn có tôn trọng Chúa? Nếu bạn muốn trung thành với Chúa thì nhiều khi bạn phải lìa xa Chúa, bởi vì không ai có thể dạy dỗ ai cả, mỗi người phải tự dạy lấy chính mình, chân lý là chân lý riêng của từng người đi qua bao nhiêu hỏa ngục mới tìm ra. Bạn muốn bước theo bước Chúa để trở thành một Chúa thứ hai?

Điều thứ hai. Bạn tôn sùng thờ phụng bức tranh như là thiêng liêng quý báu thì bất cứ người nào chống lại sự thiêng liêng quý báu đó của bạn cũng phải là phá hoại, là xúc phạm? Tại sao bạn lại nghĩ rằng khi người ta đốt ảnh Chúa là người ta đang nhạo báng Chúa? Bạn nghĩ rằng không phải khẳng định thì là phủ định, bạn cho rằng chống lại giá trị thì phải là những điều vô giá trị? Chúa của bạn có rao giảng để dạy bạn trở thành một kẻ hạ nhân?

Chúa có dạy kẻ nào mang ảnh ta ra đốt thì kẻ đó đang nhạo báng ta? Chúa có muốn bạn tạc tượng hay vẽ chân dung mình? Chúa cho phép bạn gói ghém tất cả giá trị nhân cách của mình trong một bức hình? Vâng, tôi nghĩ Chúa chẳng bao giờ quan tâm đến điều đó. Chỉ có bạn tự ý định sẵn những phạm trù rồi tự ý xác nhận. Viện dẫn mê tín vào những bảng giá trị tự đặt ra rồi lấy nó làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, xem nó như là chân lý bất di bất dịch.

Và điều thứ ba. Giả dụ, tôi chỉ nói là giả dụ hành động ấy thực sự là một hành động nhạo báng và xúc phạm. Tôi đọc được trong một bài báo người ta bảo rằng. Trong cuộc Thương Khó Đức Giêsu đã chịu tất cả đau khổ mà người đời gây ra cho Ngài. Chính Ngài cũng đã bị đóng đinh vào Thập giá, nhưng vẫn thưa với Chúa Cha:

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)

Tôi nghĩ Chúa dù có không hài lòng vì người ta đốt ảnh mình thì vẫn sẽ rộng lượng tha thứ. Ông ấy còn van lạy để người khác tha thứ thì thử hỏi sao Chúa giữ sự ích kỷ đó trong mình. Mà Chúa không quan tâm thì việc gì bạn phải quan trọng hóa? Bạn cứ khăng khăng muốn buộc tội và chỉ trích chẳng phải là bạn đang làm trái ý của Chúa?

KoE
Sponsored

Sau đó, tôi nghĩ về những người chẳng liên quan gì đến Chúa của các bạn. Tôi nghĩ về Sơn Tùng. Cậu ta chỉ là một người làm nghệ thuật.

Theo suy nghĩ của tôi. Nghệ thuật phải là biểu tượng của cuộc sống chứ không phải chúng ta mang cuộc sống vào rồi tạo ra nghệ thuật. Nghệ thuật thì không có giới hạn, đạo đức, tâm linh, tôn giáo, chính trị… nghệ thuật phải vượt qua hết, đã là nghệ thuật thì phải phá tung giới hạn ấy.

Khi bạn nói về nghệ thuật, tức là không có gì để nói cả. Nghệ thuật không phải là thứ bạn có thể chọn lựa ngôn từ để nói ra. Một người làm ra sự sáng tạo là người bỏ rơi tất cả mọi quy luật vì nếu anh ta cố gắng mang vác thứ cồng kềnh ấy trên vai, anh ta chắc chắn sẽ là người bị bỏ rơi lại trên đường. Một người làm sáng tạo không bao giờ để ý đến luật lệ vì những luật lệ đó chỉ là cái mà các con chiên tạo ra để che chở và bảo vệ họ. Đã gọi là sáng tạo tức là thích gì tạo ra cái đó. Đã đến lúc tôn giáo, chính trị, xã hội… trả lại cho nghệ thuật vị thế ban đầu của nó. Hãy để nghệ thuật được sinh ra, được sống và chết đi tự do. Trái tim kẻ tạo ra đập nhịp nhàng trong tác phẩm của họ. Muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Đó là cách duy nhất để tác phẩm đó được thở.

Và sau cùng. Tôi muốn nói rằng tôi không phải là một kẻ giỏi lý luận. Tôi cũng không mang lí trí của mình ra để phân tích một vấn đề cao siêu như tôn giáo. Tôi không thuộc một tôn giáo nào và nếu có thì tôn giáo của tôi là  Tự do. Nếu “Công giáo” của các bạn cho phép bạn lên tiếng chỉ trích thì Tự do cũng cho phép tôi lên tiếng trình bày quan điểm của riêng tôi. Nhưng thực ra tôi chỉ là một con người, tôi có đầy đủ giác quan , tôi có quyền chạm đến thế giới bằng tất cả các giác quan đó. Và lúc này, tôi chỉ muốn nói ra cảm giác rất chủ quan của tôi.

Tác giả: Ni Chi
https://www.facebook.com/Triet.Hoc.Duong.Pho/posts/2110938005587319

[BTD2018] Không nên thử dù chỉ nửa lần

12

Giật tít cho vui vậy thôi chứ với bản tính tò mò thì mấy ai tránh khỏi. Phải thử ương bướng, chơi, yêu, làm và thử cả những sai lầm để còn biết nếu có sai thì sai ở chỗ nào. Thằng Bản bạn thân từ thuở thiếu thời của tôi đã thử kha khá những thứ này nhưng cũng chẳng rõ nó có thực sự phân minh được đen hay trắng chưa nữa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lúc nào cũng khăng khăng là gia giáo, việc học lúc nào cũng được đặt lên trên hết. Dù mang trong mình cái tính ngang ngạnh của thằng con trai kế út trong nhà, Bản vẫn cố gắng ngoan ngoãn nghe theo những áp đặt, sắp xếp. Thế nhưng thật ra nó luôn có đủ mọi cách để đeo đuổi những ngông cuồng bồng bột. Bắt đầu từ những bữa bỏ học Streamline ở trung tâm để đi chơi, không biết có gì vui không mà được vài bữa lại có một ông trạc ngoại tứ tuần trong lớp đồng hành với nó bỏ học đi cà kê, bida. Cứ đúng 9:20 là hai ông cháu lại đèo nhau về để nó bình tĩnh bước ra cổng trung tâm báo cáo với ba nó như thể nó vừa kết thúc lớp học tiếng Anh mệt mỏi sau những giờ học ở trường chính quy. Tôi nghĩ nó may mắn vì được một thời gian ba nó lại bắt nó về học một thầy giáo đã dạy anh chị nó. Những trò tiêu khiển lại chuyển hết lên trường trung học, từ trốn tiết, tụ tập dưới căn-tin hút hít, đánh bài… Dịp gần tết năm đó, thầy tổng phụ trách hốt trọn ổ bạc đó và nói sẽ mời phụ huynh từng đứa lên làm việc. Chiều đó nó chẳng thiết về nhà nữa mà ngồi vắt vẻo trên cây mận nhà thằng bạn nó miệng lẩm bẩm: “Không bị mời phụ huynh thì tao thề không bao giờ đánh bài nữa.” Dù thầy chẳng làm việc với phụ huynh nào cả nhưng sau này tôi vẫn thấy Bản đánh bài phành phạch, cũng may đó cũng chỉ là những lần giải trí hoặc lúc nó thể hiện với ai đó thôi chứ tôi biết nó không có ý nghĩ sát phạt trong đầu đâu.

Tôi thấy cuộc đời đi học của nó thật chẳng giống ai! Quãng thời gian trung học phổ thông của nó bình lặng hơn vì nó học trường cách nhà chỉ vài bước chân. Xóm nó đông thanh niên mà đa phần là thích bài bạc, lô đề, đá gà và một số ít nghiện ngập nhưng nó chẳng muốn nhờ vả hay giao du với ai nhiều, đi học cũng chẳng còn sinh sự kiếm chuyện với ai nữa vì lên lớp cho có mặt, tiết nào chán quá lại ngủ hoặc đọc truyện. Thầy cô sơ hở là lại rủ bạn xuống căn-tin, đi đánh Dota, đá banh… Nó thích đá banh từ hồi nhỏ xíu nên câu lạc bộ Đồng Nai tuyển sinh là có bạn rủ khăn gói đi ứng tuyển liền nhưng không thể theo đuổi được. Bốn đứa đi thi nhưng chỉ có một đứa được lên tuyển, còn lại quay về với mái trường cũ thân yêu. Nếu lúc đó nó có thể dứt khoát tự lập được thì cuộc đời nó đã khác nhiều rồi, chí ít là nó có thể vừa phụ giúp gia đình vừa tham gia những giải phong trào với tư cách cầu thủ sau khi ngưng chơi chuyên nghiệp giống như thằng bạn cùng lớp. Hoặc vừa kinh doanh đồ thể thao vừa học huấn luyện viên như đứa bạn trạc tuổi nó.

Đó là nếu thôi chứ nó đi đá banh rồi ai bầu bạn với ông anh họ nó nữa. Ổng không những chỉ cho nó biết Methamphetamine (ma túy đá) là gì mà còn dắt nó đi một đoạn đường dài trong những tháng năm đắm đuối. Nam thanh nữ tú từ Sài Gòn, Biên Hoà, Đà Nẵng, Hà Nội … ghé chơi là ổng tiếp bằng “lẩu khói” hết. Đa phần tàn tiệc là ngồi tâm sự hoặc đi đánh Dota hết để lại nó một mình với những dòng suy nghĩ miên man vì lúc đó nó không tha thiết gì mấy con tướng trong Dota nữa rồi. Nó bất chấp hết kể cả ba mẹ đang lo lắng như thế nào ở nhà mình sát vách bên cạnh, họ cứ đau đáu không biết phải tìm lại nó ở đâu. Nó chỉ dính vì cái chất người ta hay gọi là đá đó mang lại cho nó sự hưng phấn và tập trung cao độ.

Thời gian đó nó mà nghiên cứu chuyên cần thì chắc cũng được học bổng đi Czech rồi nhưng giờ chắc nó sẽ có biệt danh mới là “bộ xương di động”. Tôi thấy không có thứ gì phá huỷ sức khoẻ và nhan sắc đáng sợ như Methamphetamine, rồi cả tiền bạc nữa. Tôi nhớ như in buổi chiều không nắng không mưa, nghe tiếng la thất thanh, tôi mở cửa ra xem thì thấy hai hình sự mặc thường phục đang đưa ông anh họ của nó lên chiếc Airblade Thái. Sau này mới biết ổng đi trại tội chiếm đoạt tài sản vì lý do nhảm xịt là cầm cái điện thoại của con nhỏ nhà “gốc bự” nào đó. Nhiều lần tôi nói nó lên thăm ổng nhưng nó không chịu.

Lên sinh viên tôi thấy nó còn lang bạt nhiều hơn, nó bắt xe ra Đà Nẵng thăm ông Key cơ động bên rappervn trong khi đám bạn ở trường dầm mưa dãi nắng học quân sự. Ở chơi một tuần lễ thì thím Key rủ thêm ông Tuấn nữa qua ăn “lẩu”, nghe vậy nó cuốn gói đi về không do dự. Tiền thì chẳng có xu nào mà nó lại quyết định lên ký túc xá của trường cách nhà của nó 7km để ở. Nó nhanh chóng hòa nhập lại với cộng đồng sinh viên ở trong phòng và trong lớp. Buồn cười nhất là thằng chủ nhóm Facebook của ngành Business English lại dành hẳn một status để chào đón ngày đầu tiên nó đến lớp. Đám bạn lại cứ được dịp thắc mắc sao đi học thì không thấy mà chẳng có trận banh nào nó vắng mặt. Chắc vì đơn thuần là nó thích đá banh thôi chứ không phải vì fan nữ hùng hậu đâu.

Đặc thù của ngành nó là nữ nhiều nhưng tôi thấy có 6 chị em “kết nghĩa” (chị cao nhất xong theo thứ tự đến em út)  là cổ động viên trung thành của đội. Chẳng biết ai xui ai khiến nó lại bén duyên với đúng cô kế út trong hội chị em. Lần này cũng là dính nhưng là dính nhau như sam từ nhà đến trường. Ba mẹ nói cỡ nào nói cũng đâu thể bằng những lời thủ thỉ nàng rót vào tai được. Nó về nhà và tinh thần cởi mở vui vẻ hơn. Sau giờ học, nó coi sân và cáp kèo cho một sân banh mini ở sau trường. Ông chủ sân là bộ đội về hưu có “gốc gác” nên sau này giao luôn cho nó và nàng quản lý mảng kinh doanh cờ bạc trá hình. Với những mánh lới, nó kiếm 500-1triệu chỉ bằng một nút bấm hoặc dễ hơn là cách ghi điểm cho những con bạc.

Tuy nhiên nó vẫn chỉ thích đá banh  chứ không còn đá đấm thứ gì khác. Không dính đá thì lại dính đến gia đình, mà trong đó còn liên quan tới cả tôn giáo và chính trị nữa. Chuyện là nó đạo Thiên Chúa còn nàng thì đang chuẩn bị vào Đảng. Nó vẫn nghĩ ra cách lấy lòng mẹ nàng, anh họ và cả em nàng để khi ba nàng từ Hà Tĩnh trở về đón tết. Đó sẽ là dịp để mọi người cùng hiểu nhau hơn. Rốt cuộc, đại gia đình nàng cũng xuôi lòng theo đôi trẻ, chỉ có mẹ nàng vẫn hay hỏi nàng đại loại kiểu: “Răng mà hắn ít nói rứa?” Rồi đến gia đình nó gặp đủ thứ chuyện xoay quanh vấn đề lễ nghĩa và tiền bạc nữa nhưng đối với nó cũng chưa là gì cả.

Muốn biết mình ngu ngốc đến đâu chắc phải thử yêu một người thật lòng. Hai đứa yêu nhau mấy năm trời nhưng mỗi lần giận nhau không bao giờ quá được nửa ngày và cũng chưa bao giờ tôi thấy nó chủ động làm hòa trước. Hồi đó sinh viên ra trường có trào lưu vô Thế Giới Di Động làm, nàng cũng nói muốn vào làm chung với mấy chị em. Nó không còn cách nào ngoài trông ngóng nàng đi phỏng vấn và học việc trên đường Hoàng Hoa Thám trong khi chưa xác định được công việc mình sẽ ra sao. Sau đó hai đứa lại lục đục, rồi đùng một cái cắt đứt liên lạc. Tôi nhiều lúc tò mò lắm nhưng không sao tìm ra được nguyên do. Tôi hay nghe nó than “Đúng là chỉ có Châu Tinh Trì mới cờ bạc lấy tiền xây nhà được thôi” và mấy câu hình như của Bob Marley mà nó hay nghêu ngao “Don’t woman don’t cry.”

Thi tốt nghiệp xong, chưa nhận được bằng cấp nhưng nó cũng cũng có được một chân ở phòng kinh doanh toàn nữ của công ty Biti’s . Chạy giấy tờ xuất nhập khẩu hàng hoá nên nó thường chỉ tay hai ngón và rải tiền như lá mít ở các cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất, Cái Mép… Lay lắt 3 tháng trong cái tổ chim đó thì nó lại quyết định lang bang lên làm bảo vệ ở tòa nhà Indochine bên cạnh Dinh Độc Lập. Ở đó nó biết được nhiều hơn về cuộc sống của những doanh nhân “thành đạt”, những nhân viên lãnh sự quán. Cả lương lẫn phụ cấp không đủ để trang trải nên nó phải bấu víu vào những mối cho vay tiền lãi, những trò đỏ đen của cánh tài xế.

Cũng chỉ tầm 3 tháng đủ tiền trả nợ, nó quyết định bỏ luôn tháng lương cuối cùng và cả tiền thế chân ở công ty bảo vệ Visit để đầu quân dưới trướng Xe Đạp Nhật, một công ty ở Phú Nhuận do ông anh thủ môn trong đội giới thiệu. Cho đến bây giờ nó vẫn canh cánh trong lòng vì phải dứt áo ra đi mà không một lời từ biệt với sếp vì một món nợ mà thằng bạn bắt nó phải gánh. Sau khi cầm được cái chuôi là chiếc SH Mode, nó phải về Biên Hoà để gây sức ép cho chủ xe phải thanh toán nợ nần. Về đến nhà tôi thấy nó như vẫn muốn trở lại với người sếp đầy năng lực và tận tụy với công việc. Chị không dắt mũi nó theo kiểu truyền thông lèo lái nguồn thông tin tinh vi giống như những gã “dang hồ” nó gặp.

Dù phải kiêm luôn việc quản lý công ty kiểm toán nhưng chưa lần nào tôi thấy chị bỏ bê nhân viên từ miếng ăn chỗ ở cho đến những giải đá banh. Chị ưu ái nó đến nỗi chấp nhận nó vừa làm vừa theo học khoá nghề Điện tử công nghiệp của Úc tài trợ trong trường Nghề thành phố Hồ Chí Minh.  Nó như nhẹ lòng hơn khi đã về cùng với thằng bạn làm mới và kinh doanh quán hải sản nhưng chị vẫn gọi nó lên tham gia một giải đá banh ở Tân Bình. Quán ăn không phát triển được vì cả chủ cũ không hợp ý làm ăn.

Nó đã có cơ hội “đổi đời” khi thằng bạn nối khố có cùng chí hướng tìm hiểu crypto. Chưa học bò đã lo chạy, thay vì kiếm vốn để đầu tư những coin truyền thống, nó lại muốn ăn xổi ở những đợt ICO của lending coin như Hextra, Homeblock… Một mình chưa đủ tiền, nó kêu gọi thêm mấy người nữa cùng bước lên thuyền với những gói lending 10k$ và canh qua dịp tết này rút ra khi tài sản đã nhân lên nhiều lần. Rất nhiều người muốn mua lại với giá cao hơn gấp 5 lần giá trị số token trong những đợt ICO nhưng cả hội nhất quyết chỉ bán 500 HBC với giá gần 40 triệu để lấy tiền đó tái đầu tư. Tính tới tính lui cũng không qua được những cái đầu đầy sạn của ông trùm đa cấp Bitconect.

Những ngày giữa tháng 1, khi nghe tin lending coin lớn nhất chuẩn bị tuyên bố ngưng giao dịch, thằng thuyền trưởng vẫn nện vào đầu thuyền viên câu nói bất hủ của Ponzi: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi.” Gom hết số tiền để thu lại Homeblock giá rẻ mạt với hi vọng có ngày coin này hồi sinh để gỡ gạc nhưng đến nay, tất cả số token đó chỉ đáng giá con mực và thùng bia. Nó cứ hối hận mãi vì không thể đưa con thuyền về đất liền được nữa.

Dù bạn bè chẳng còn mấy ai quan tâm nữa, từ đôi bàn tay trắng nó lại gầy lên một đống nợ nữa nhưng đổi lại là khi làm nó biết được Nah giống như John McAfee của Việt Nam với dự án Vietrap2018 rất thú vị, anh Huy Nguyễn cũng tìm hiểu về crypto rất nghiêm túc và thực hành no PMO. Nó từng có suy nghĩ ông Huy này nói quá về tác dụng của phương pháp này để âm thầm luyện Hấp Tinh Đại Pháp hòng độc bá võ lâm. Tôi nhớ về những lần bắt chước mấy dân chơi Latinh làm vài nháy trước khi đá banh. Lối chơi của nó có thăng hoa thật nhưng chỉ được thời gian ngắn là hai đầu gối nó đau nhức dữ dội. Cũng may là dù không thực hiện lời thề Brahmachari nhưng nó cũng biết cơ thể mình không chịu nổi quá nhiều áp lực như vậy. Hai người này là động lực lớn để nó tiếp tục đứng lên tại nơi nó từng gãy.

Nó nhận ra rằng những đồng tiền chân chính có giá trị như thế nào. Tôi thường nghe câu: “Thương trường là chiến trường” nhưng hiện tại mới chỉ ở cái xưởng bé con con nó đã gặp ông Chiến chỉ lầm lũi lo những công việc kinh doanh riêng. Còn ông Trường – chồng của chủ cũ quán ăn trước đang làm chung với nó thì lại đưa nó lên quỳ lạy nó hơn chục lần mỗi ngày vì nó không thể tập trung để tăng năng suất công việc. Quá nhiều thứ khiến nó phân tâm. Tôi thấy nó cần trấn tĩnh để tìm lại ước mơ mà mỗi người nên có, để khám phá lại chính bản thân nó. Tôi mong rằng nó có tìm lại được sự hưng phấn ngày nào mà không cần đến chất kích thích kể cả cafe, thuốc lá. Có lẽ nó cũng cần tránh không trở thành nô lệ của bao tử, nhất là các chế phẩm độc hại mà mọi người vẫn vô tư ních vào bụng.

Tác giả: MarTin

*Featured Image: Phim Breaking Bad

[BDT2018] Xin đừng làm mẹ khóc

3

Mẹ… mẹ… mẹ ơi! Mẹ đâu rồi! Tiếng khóc thảng thốt của một em bé phá tan bầu không khí yên tĩnh của chuyến xe đêm, khi các hành khách đang ngon giấc sau một ngày tất bật. Một vài người nằm gần đó dỗ bé: “Nín đi con! Mẹ con đang ở đằng kia mà!” Thì ra, mẹ của bé đi lên phía bác tài để lấy nước uống và khăn lau cho bé. Bé vẫn khóc nức nở: Mẹ… mẹ… mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?

Chỉ là tiếng khóc của một trẻ thơ thôi mà sao hôm nay tôi bỗng thấy bồi hồi, thổn thức, lòng trào dâng những ký ức về mẹ. Mẹ… mẹ… là tiếng gọi ngọt ngào khi con người biết nói. Mẹ… mẹ… là tiếng kêu tha thiết cuối cùng trước lúc con người “ra đi.” Bởi vì, suốt cuộc đời mẹ luôn hy sinh vì con cái. Thử hỏi trên cuộc đời này còn có mối tình nào thiêng liêng, vĩ đại hơn tình mẹ? Vì thế, nhân loại đã sáng tác ra vô vàn câu ca dao, tục ngữ, những áng thi văn, nhạc, hoạ… bất hủ ca ngợi tình mẹ:

“Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.”

Hay:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học, mẹ thi trường đời.”

Thế nhưng làm sao có thể diễn tả hết được tình mẹ bao la? “Mối tình ấy chẳng thể diễn tả hết bằng lời và cũng chẳng đủ ngay cả bằng hành động. Nó chỉ có thể được thốt lên bằng sự thổn thức của con tim.” (Nguyễn Văn Yên, S.J. Những Điều Trường Lớp Không Thể Dạy, NXB Đông Phương, trang 46)

Tôi là người hạnh phúc nhất đời vì được luôn sống trong tình yêu thương của mẹ. Tôi rất hãnh diện và cảm phục mẹ, bởi mẹ là người phụ nữ tuyệt vời. Mẹ rất mực yêu chồng, thương con. Mẹ chung thuỷ, dịu hiền, khéo léo giữ cho gia đình tôi luôn đầm ấm, yên vui. Suốt cuộc đời, mẹ tần tảo hy sinh sức khoẻ, thời giờ và cả nhan sắc nữa để nuôi dạy tám anh chị em chúng tôi khôn lớn lên người. Có lẽ hiểu được tình thương vô bờ với biết bao nhiêu nỗi nhọc nhằn mồ hôi nước mắt của mẹ, mà các anh chị tôi đều rất ngoan thảo, chuyên cần học tập và đã có cuộc sống ổn định. Từ khi các anh chị ra ở riêng dường như bao yêu thương mẹ dồn cả cho tôi: Thằng út của mẹ!

Nhưng than ôi! Mẹ càng thương tôi bao nhiêu thì tôi lại càng tỏ ra ương bướng, ngạo ngược bấy nhiêu. Cuộc sống ăn chơi trác tán của tôi đã làm cho mẹ phải chịu nhiều ưu phiền, nhục nhã. Từ khi bước chân vào trường đại học, xa mẹ, tôi cũng xa dần tình mẹ. Tôi a dua với đám bạn bè chơi bời lêu lổng, xao lãng việc học hành. Mẹ rất lo lắng, chẳng ngày nào mẹ không điện thoại hỏi tôi về cái ăn cái mặc, chuyện học hành thi cử… mẹ khuyên nhủ, động viên và nhắc nhở tôi về cách sống ở đời. Tôi nghe cho qua. Nhiều lần tôi nói với mẹ:

“Mẹ an tâm đi. Con ổn!”

Tôi đã tự dối lòng mình và nói dối mẹ. Kỳ thực, chỉ trong một thời gian ngắn thân xác tôi đã ra tiều tuỵ sau những lần nhậu nhẹt, chơi bời thâu đêm với bạn bè. Lực học của tôi đã sa sút thảm hại. Tôi không thể hoàn thành được các tín chỉ của trường. Tôi không còn làm chủ được cuộc sống của mình nữa. Nhưng tôi không dám trỗi dậy làm lại cuôc đời. Tôi sống vất vưởng như bèo dạt mây trôi giữa dòng đời.

Chuông điện thoại reo. Giọng của mẹ:

“Út…Út con có…”

Tôi miễn cưỡng nghe mẹ nói, vì biết trước rằng lần nào mẹ cũng chỉ lặp đi lặp lại bấy nhiêu câu: Hỏi thăm, động viên, nhắn nhủ, đôi khi còn trách móc nữa.

“Út à, mẹ nghe người ta nói con không được khoẻ và lại còn bỏ bê việc học hành có phải không con?”

Như bị sát muối vào vết thương, tôi giận điên lên, quát lớn:

“Mẹ. Mẹ im đi. Mẹ ở quê thì biết cái gì chứ. Mẹ để con yên. Con lớn rồi. Mẹ khỏi lo.”

Tôi hậm hực cúp máy đang khi mẹ gọi với lại:

“Út… Út…Con…”

Chẳng phải vì tôi ghét mẹ đâu, hay mẹ đã làm điều gì sai trái. Thú thực, trong lòng tôi cũng có chút hối tiếc khi đã nói năng vô lễ với mẹ. Bởi vì, mẹ luôn yêu thương tôi. Tôi biết rõ điều đó chứ. Mẹ luôn quan tâm lo lắng chăm sóc cho tôi. Tôi cảm nhận rõ lắm chứ. Mẹ làm lụng vất vả, “thắt lưng buộc bụng”, chắt chiu từng đồng hàng tháng vẫn gửi lên cho tôi ăn học với mong ước tôi sẽ có một tương lai tươi sáng. Thế mà, có bao giờ tôi biết mở miệng cám ơn mẹ. Tôi chưa hề một lần đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Đã vậy, bây giờ tôi lại tỏ thái độ “đoạn tuyệt” với mẹ. Phải chăng vì tôi đã quá tự cao, tự ái, mù quáng đua đòi theo bạn bè xấu, tưởng mình đã biết hết mọi sự, “đã lớn”, nên chẳng cần mẹ? Đã hai tuần nay, tôi sống trong sự yên ổn giả tạo. Bởi vì mẹ không còn gọi điện thoại nhắc nhở gì nữa… có lẽ mẹ đã để tôi yên hay mẹ tôn trọng sự tự do của tôi?

Reng… reng…. điện thoại reo. Mẹ lại gọi. Tôi lưỡng lự:

“Con nghe…”

Nhưng lần này không phải giọng nói quen thuộc của mẹ, mà là giọng chị tôi hốt hoảng:

“Út. Mẹ ốm nặng. Em về ngay đi!”

Tôi bàng hoàng chết lặng người. Sao chỉ mới có hai tuần mà mẹ đã ốm nặng đến thế? Bỗng nhiên, những ký ức về mẹ như một cuốn phim tự động chiếu lại từng lời nói, hành động của mẹ và tôi sao mà trái ngược nhau quá. Mẹ quan tâm săn sóc cho tôi. Còn tôi thì vô ơn bất hiếu với mẹ.

Tôi vội bắt xe về quê mong gặp được mẹ. Máy truyền hình trên xe văng vẳng giọng hát tha thiết truyền cảm của ca sỹ Hiền Thục: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con…” nước mắt tôi rưng rưng theo lời hát. Ruột gan tôi se thắt lại, miệng lắp bắp liên hồi: “Mẹ… Mẹ…” Tôi đi thẳng đến bệnh viện, chạy ào đến bên mẹ. Mẹ nằm im trên giường, không nói, đôi mắt người ứa lệ. Tôi oà khóc nghẹn ngào:

“Mẹ…Mẹ…Con sai rồi. Mẹ tha lỗi cho con!”

Mắt mẹ lệ nhoà, mẹ kéo ghì tôi vào lòng, miệng muốn nói gì đó nhưng không thành tiếng, người gật đầu, ánh mắt và khuôn mặt toát lên một vẻ dịu hiền, một niềm an vui. Tôi ôm chặt lấy mẹ, với đôi mắt đẫm lệ:

“Con cám ơn mẹ! Con yêu mẹ nhiều! Mẹ đừng bỏ con!”

Tôi cảm nhận được niềm bình an tuyệt diệu đang lan toả khắp cơ thể. Tôi cứ ôm chặt lấy mẹ như không để tuột mất, lòng thầm cảm tạ Thượng Đế đã cho tôi còn cơ hội được gặp mẹ, còn kịp nói lời xin lỗi và cám ơn người mẹ đã cho tôi được hiện hữu và luôn yêu thương tôi trên cuộc đời này.

Những ngày sau đó tôi ở lại bên mẹ tận tâm phụng dưỡng mẹ như thể đền bù những tổn thương tôi đã gây ra cho người. Mẹ thấu hiểu lòng chân thành của tôi, nên người rất thanh thản và bình an, chỉ trong một thời gian ngắn bệnh của mẹ đã thuyên giảm và khỏi hẳn. Tôi chào tạm biệt mẹ, trở lại môi trường đại học với một niềm vui dạt dào. Tôi được biến đổi thành con người mới hoàn toàn trong cách nghĩ và cách sống tích cực. Dù sống xa mẹ nhưng lòng tôi luôn hướng về mẹ. Tôi thường xuyên chủ động điện thoại thăm mẹ, tâm sự những niềm vui nỗi buồn cùng mẹ và luôn nhận lại từ mẹ những lời an ủi, những chỉ dẫn tuyệt vời. Những kỳ nghỉ lễ, tết… tôi hào hứng được về quê thăm mẹ, cái cảm giác ấy thật hạnh phúc vô bờ.

Nhìn lại chặng đường sai lầm nghiêm trọng đã trải qua, tôi kinh hoàng nhận ra mình là kẻ sống ảo, dại khờ, ích kỷ chỉ biết ăn chơi hưởng thụ vật chất trước mắt mà không biết lo nghĩ đến tương lai. Con người sống đâu chỉ nhờ vật chất, có những thứ thiêng liêng mà vật chất chẳng thể mua được: Nếu mẹ mất rồi biết tìm ở đâu? Kinh nghiệm đau đớn này giúp tôi khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn nơi bản thân để nỗ lực học hỏi, rèn luyện nên người tốt hơn. Mặt khác, giá như tôi biết khôn ngoan lắng nghe lời mẹ “chọn bạn mà chơi” thì chắc hẳn đã không có những điều đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, những sai lầm trong quá khứ không trở nên vô ích, nó là bài học quý giá giúp cho tôi tỉnh ngộ để cảm nhận tình mẹ ngọt ngào, sâu sắc biết bao, nó giúp tôi biết trân quý những giá trị thiêng liêng trong cuộc đời này. Tôi nghiệm ra: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.” Mẹ là nguồn an ủi, nguồn sức sống, là nơi nương náu, là chỗ dựa an toàn cho những đứa con dù lúc thành công hay khi thất bại trên đường đời. Cho dù trên cuộc đời này không ai muốn yêu thương ta, mọi người đều kinh tởm, xa tránh ta thì vẫn còn đó TÌNH MẸ luôn dang rộng vòng tay sẵn sàng tha thứ yêu thương ta trọn đời, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm nhận:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”

Vì thế, bạn và tôi, chúng ta hãy luôn là những đứa con hiếu thảo với mẹ, để mẹ có thật nhiều niềm vui trong cuộc đời này sau khi đã suốt một đời hy sinh cho ta, để sau này ta không có gì phải hối tiếc vì đã sống bất hiếu với mẹ, để sau này những đứa con của ta lại biết sống hiếu thảo với ta. Vì: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy.”

“Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì?
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.”

Mong rằng:

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”
(Khuyết danh)

Tác giả: M.Lasan Vỹ

*Featured Image: rawpixel 

 

Lòng tốt là gì?

0

Tôi bước vào quán cà phê, chọn một chỗ thích hợp ngồi xuống. Một đám đông nhốn nháo bốn năm người lần lượt bước vào ngồi kế bên cạnh tôi. Họ khuấy động không gian yên lặng bằng sự cười nói đùa cợt huyên náo. Năm phút sau, một người đàn bà trung niên ăn mặc rách rưới bước vào. Cô ta đến trước mặt tôi ngả mũ chào thưa nhưng được tôi đáp lại bằng cái lắc đầu. Đến lượt đám đông vừa nãy, một gã thanh niên mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao rút chiếc ví trong túi ra và bố thí vào chiếc mũ đó một tờ mười nghìn đồng cùng cái cười hếch miệng và lời xua đuổi: “Thôi đi đi.” Đám đông đi cùng sau những cái nhìn khó chịu vì sự làm phiền giờ đây đã trở nên hài lòng hơn khi không còn ai làm gián đoạn cuộc vui. Tại sao tôi lại dùng từ “bố thí”, bởi đó là từ ngữ thích hợp nhất để ca tụng những tấm lòng đạo đức giả hợp mốt thời trang thịnh hành hiện nay của xã hội. Ai ai cũng muốn khoác lên mình chiếc áo thời trang sành điệu được tạo ra từ thứ vật liệu dơ bẩn và giả tạo.

Các bạn nghĩ rằng các bạn yêu thương người khác? Liệu các bạn có hiểu biết gì về tình yêu thương. Các bạn bước qua những kẻ ăn mày ngồi lê lết bên vỉa hè, bố thí cho họ vài ba nghìn và gọi đó là sự hoàn thành bổn phận về lòng tốt và sự yêu thương người khác? Các bạn nghĩ rằng những đồng tiền của mình vừa ban phát cho họ là quý giá trong khi đối với bạn nó vẫn chỉ nằm nguyên vẹn trong cụm từ ‘’mấy đồng bạc lẻ’’. Cái quý giá mà bạn cho đi phải là cái quý giá nhất bạn có chứ không phải là cái dư thừa của bạn. Chỉ khi nào các bạn vứt đi cái lòng tốt nhỏ mọn của mình thì khi đó cái tâm hồn của các bạn mới hòa chung được cái tâm hồn của nhân loại. Bạn làm sao có thể yêu thương người khác khi vẫn giữ khăng khăng tình yêu ấy cho cái tôi nhỏ mọn.

Các bạn biết không, thật kỳ cục về cái ý nghĩ của chúng ta về lòng tốt. Tôi thấy nó chẳng khác gì một hình ảnh mơ hồ và rất lung linh. Mọi người ca ngợi nó như một thứ gì đó trang nghiêm, to lớn và quan trọng. Nhưng trên thực tế, tất cả những gì mà tôi biết hàng ngày. Người ta mang những đồng tiền đi khuyên góp từ thiện, đóng góp tổ chức này hoạt động kia, mang phân phát bao nhiêu tiền bạc cho những kẻ xa lạ trong khi  anh chị em họ phải sống trong cảnh bần cùng. Họ giàu có đến nổi khước từ luôn những người thân thiết nghèo nàn vì sợ hãi sự  nhơ nhuốc không đáng để gọi tên trong gia phả. Họ sợ nghèo nàn sẽ làm tiêu hao đi sự trang nghiêm trong cái giàu có cao sang nên phải đi tìm kiếm một cái nghèo  xa lạ. Chẳng có cái quái gì ngoài sự vung tiền không ý thức của họ cho những kẻ ăn xin lê lết ngoài vỉa hè. Thực ra họ cũng có một chút lòng thương xót cho cái nghèo nàn và đau khổ và vẫn có lòng tốt trong tất cả lòng tốt tồi tệ nhất. Nhưng thực xúc động làm sao khi thấy một người vừa ban phát cái lòng tốt của mình cho cuộc sống người này nhưng lại thấy anh ta dùng sự ti tiện của mình để đấu tranh cướp giật dành lấy cuộc sống người khác. Ăn trộm của người này rồi đi chia sẻ bớt cho người kia như thể đó là cách họ tự làm giảm nhẹ tội và sự cắn rứt ăn năn của lương tâm.

Lại có những người đem lòng tốt của mình đi ban phát rồi tìm kiếm nhu cầu được đền trả. Họ kiêu ngạo hãnh diện ta đây là đấng cứu thế thay mặt cho trời cao và mặt đất để tạo ra sự vĩnh cửu. Họ tự gọi đó là sứ mệnh đạo đức của mình rồi tự ý đi rao giảng khắp nơi. Ôi sự giả tạo muốn nằm phơi mình dưới ánh nắng mặt trời để tỏa sáng mà không hề biết rằng mọi công trình được xây dựng từ chính sự chân thành tự nhiên đã hóa thân thành một vì sao có khả năng tự phát sáng. Thứ ánh sáng ấy còn hãy phóng chiếu rạng rỡ ngay cả sau khi họ chết đi, thậm chí ngay cả khi bóng đêm vũ trụ đã lãng quên thì ngôi sao lấp lánh đó vẫn mãi trường tồn lung linh giữa không gian. Những người ban phát lòng tốt và xếp dép ngồi đợi thượng đế mang quà đến trao tặng  mà không biết rằng chính tự thân lòng tốt đã sẵn là một món quà tuyệt diệu nhất.

Lòng tốt là sự lười biếng làm việc xấu nên con quỷ trong bạn tạm thời nằm duỗi thẳng chân tay nghỉ mát bên bờ biển?

Lòng tốt là khi bạn bị con quỷ trong bạn lôi xuống và nhấn chìm dưới vũng lầy, để rồi chỉ vừa mới ngoi ngóp lên  đã vội lầm tưởng mình vừa tạo ra được kỳ tích?

Lòng tốt là người nghệ sĩ chỉ luôn muốn đứng trình diễn trước đám đông, họ rất ngại chơi khi một mình bởi họ thèm nghe những tiếng vỗ tay. Và họ gọi những tiếng vỗ tay đó chính là lòng tốt?

Lòng tốt là khi bạn muốn bước lên cao và dẫm nát kẻ thù, chỉ muốn người khác nâng bạn lên để kẻ khác trở nên thấp lè tè dưới chân bạn?

Bạn quỳ gối vái lạy lòng tốt mọi ngày mà có biết lòng tốt thực sự là điều gì?

Bạn có nhìn sự thấp hèn của mình và nói đến lòng tốt bằng một cái gì đó cao cả hơn?

Vâng. Tất cả mọi người đều muốn mình tỏ ra sành sỏi và hiểu rõ lòng tốt. Ngoại trừ tôi.

Tôi chẳng biết gì cả. Tôi chỉ biết  một hành động tốt là cái hành động  xuất phát từ cái “Tự ngã” của chính bản thân tôi. Một cái ngã hiện diện bên cạnh một thân thể độc lập. Yêu thương lòng tốt của mình như cách mẹ đã yêu thương tôi bằng bầu vú sữa nóng và một tình yêu không xác định rõ đường biên giới. Tuy nhiên, tôi quá nghèo nàn tâm hồn, tôi chưa bao giờ có được tình yêu ấy.

Nhưng suy cho cùng, xã hội này vẫn không thể thiếu những tấm lòng tốt giả tạo và những kẻ không may sống kiếp ăn mày, họ cũng chẳng thể nào sống sót nổi mà không nhờ cái lòng tốt giả tạo ấy. Sự thực là có những người còn tự gắn kết cuộc đời mình với nó như một cái nghề.

Và cái đứa chẳng có nổi một chút lòng tốt hay thậm chí là lòng tốt giả tạo như tôi cũng chỉ là những đứa đang bị mắc kẹt dưới vũng lầy vừa được ngoi ngóp lên thì đã vội văng tục nói điều xàm bậy. Mà thế thì đã sao? Tôi nghèo thì tôi mặc áo rách, tôi không cần mặc áo thời trang sành điệu.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: klimkin 

 

[BDT2018] Bluetooth và những tháng năm lay lắt

8

Xin chào các bạn,

Hôm nay tôi sẽ là người kể chuyện, còn các bạn là người nghe nhé. Và hãy chỉ nghe thôi…

Đó là một buổi sáng mùa thu trong xanh 11 năm về trước, sau sinh nhật tôi một tuần, tôi quyết định đi chơi nhà bác cùng với chị tôi và hai người em họ sau khi nghe được lời rủ rê rất hấp dẫn của chị. Nhà bác ở rất xa, tôi còn chưa từng đến đó. Mặc dù mẹ tôi đã khuyên rằng trời nắng và đường thì xa nhưng chúng tôi vẫn quyết định đi và mẹ đã không thể ngăn được. Vậy là chúng ta có bốn đứa nhóc ham chơi và cứng đầu, cùng với hai chiếc xe đạp phượng hoàng lửa sẵn sàng lên đường. Chúng tôi cứ thế đạp xe đi, thay nhau đèo cho đỡ mệt.

Sau một đoạn đường khá xa, lúc đó là tôi cầm lái. Hai đứa cố gắng vừa đạp vừa dắt bộ mãi mới lên được hết con dốc. Nó là dốc cao nhất mà tôi từng đi qua. Còn chưa hết mừng vì vượt qua được “khó khăn” to lớn đó, tôi đã nhận ra là chiếc xe đang trôi xuống dốc với tốc độ nhanh chóng mặt. Gió táp vào mặt tôi đau rát. Khung cảnh hai bên đường lướt qua vèo vèo như trong những bộ phim. Chị tôi hốt hoảng “Em bóp phanh đi, bóp phanh!” Tay tôi vẫn giữ càng xe nhưng không làm chủ được nó nữa. Chiếc xe lao xuống dốc với tốc độ quá nhanh, tay tôi thì yếu và lực gió quá mạnh, làm cho càng xe đảo qua đảo lại rất nhanh và dữ dội. Chiếc xe lúc này như một con ngựa hoang tìm mọi cách giằng đứt dây cương để tìm cho bằng được sự tự do. Tim tôi đập loạn lên. Tôi vẫn nghe chị tôi nói, đầu óc tôi vẫn biết là cần phải dừng xe lại ngay lúc này nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Tôi không thể điều khiển tay mình làm điều gì khác ngoài việc cố giữ lấy cái càng xe đang lắc lư điên đảo. Tôi đã hoảng sợ tột độ và ngất đi trước khi chiếc xe đổ rầm xuống đường. Như là chiếc máy tính đột nhiên sập nguồn vậy. Mọi thứ đột nhiên dừng lại, tôi không còn biết gì nữa, tất cả chỉ còn là một màu trắng…

Tỉnh dậy thì tôi biết là mình đang ở trong bệnh viện. Tôi nhớ ra là mình đã ngất đi trước khi tai nạn khủng khiếp đó xảy ra. Trong thoáng chốc tôi nghe được mọi người nói, cảm nhận được mọi thứ xung quanh nhưng không thể nói gì, không thể mở mắt, không thể cử động, không cảm nhận được cơ thể mình. Chỉ biết là bố mẹ tôi đã ở đây, chị tôi thì ngồi bên cạnh nắm tay tôi và khóc nấc. Tôi không thể nói gì cả, chỉ biết gắng siết tay chị: “Chị đừng khóc nữa, em không sao đâu.” Rồi lại thiếp đi.

Khi tỉnh lại lần nữa thì tôi được biết chị tôi chỉ bị xây xát nhẹ. Ơn trời! Chị không sao là tốt rồi. “Mà sao chị cứ khóc mãi thế? Mọi người đâu rồi? Chắc bố mẹ đang lo làm thủ tục, giấy tờ cho em hả?” Tôi vẫn chưa thể nói được. Tôi bắt đầu cảm nhận được cơn đau ê ẩm toàn thân. Chiếc quần bò được mẹ tặng hôm sinh nhật đã bị rách một chỗ khá to ở đầu gối bên phải. Chỗ vết rách đã bị máu nhuộm nâu và khô cứng lại, cọ vào vết thương làm tôi đau điếng. Lòng bàn tay và những ngón tay bị trầy xước những mảng to, đau rát. Phù, không gãy tay gãy chân gì là may rồi. Định nhờ chị tôi lấy cho ly nước nhưng môi tôi cảm giác không tách nhau ra được, hình như bị dính lại bởi những vết máu khô. Có lẽ môi cũng bị xước xát nhưng sao tôi không cảm thấy đau, chỉ thấy tê dại đi, hình như bị sưng nữa.

Trong miệng lạo xạo một ít đất cát, có vị mặn. Mà khoan! Sao lại có cảm giác trống trống sao đó?!? “Răng! Răng em sao thế này???” Tôi hét lên trong tâm trí. Bàng hoàng… Như có một dòng điện chạy qua não đánh thức mọi tế bào trong cơ thể và tôi cảm thấy mình tỉnh táo hơn bao giờ hết. Nhưng mà đây là sự thật sao? Tôi làm sao thế này? Tôi nằm đây mà ngỡ như mình đang rơi xuống một cái vực rất sâu, tối thui, không một ai ở đó và tôi còn không đủ can đảm để hét lên nửa lời, không đủ dũng khí để nhìn xem xung quanh liệu có gì đó cho tôi bấu víu chăng. Tôi đang rơi. Tôi cứ rơi thôi. Cái vực đó như nuốt chửng tôi rồi. Nước mắt trào ra, mọi thứ tối sầm lại. Chị tôi ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở “Chị xin lỗi…”

“Tội nghiệp con bé, mới có 15 tuổi.” “Đâu có, hình như 13 thôi.” “Khổ thân, đi đứng kiểu gì mà lại ra nông nỗi…” Tất cả những điều đó đã kéo tôi về thực tại. Tôi đã hiểu tại sao chị tôi cứ khóc mãi như vậy, hai mắt đã sưng húp cả lên và đỏ hoe. Chị đã dằn vặt và đau khổ rất nhiều. Một niềm đau khác với nỗi đau của tôi. Tôi hiểu không ai có lỗi trong chuyện này cả. Tôi chỉ trách ông trời. “Tại sao? Tại sao ông lại đối xử bất công với con như vậy? Con là một đứa con ngoan, trò giỏi! Con không làm hại ai cả! Con đã làm gì sai sao? Con làm gì sai đến mức ông phải giáng vào cuộc đời con một cú đau như thế này? Ông trả lời con đi!!!”

Tôi muốn hét vào mặt ông trời một nghìn câu hỏi tại sao. Nhưng rốt cuộc, chẳng có câu trả lời nào cả, chỉ có một sự trống rỗng vô cùng trong tôi. Một cô bé học cấp 2, học giỏi, ngoan ngoãn, có một chút kiêu căng, tự phụ, tin rằng mình khá là “hoàn hảo”, giờ đây làm sao đối diện với mọi người, đối diện với sự thật, mỗi khi tôi nói, mỗi khi tôi cười, mọi người sẽ nhận ra là răng tôi không bình thường. Điều đó là một sự “sỉ nhục” lớn đến cái sĩ diện của tôi. Lớp vỏ của tôi đã vỡ đi một mảnh lớn và nó không còn “hoàn hảo” như trước nữa. Và tôi phải làm sao đây?

…Sau đó là những ngày tôi tự đi bộ từ nhà đến bệnh viện để tiêm thuốc và kiểm tra sức khỏe (nhà tôi khá gần bệnh viện). Tôi không nhớ việc này diễn ra trong bao lâu, nhưng tôi cũng dần quen với việc 5 chiếc răng cửa hàm trên của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Tôi cũng quen dần với những bát cháo được xay nhuyễn mà mọi người chuẩn bị cho tôi. Rồi sau đó luôn là những đêm ướt đẫm gỗi mà chỉ mình tôi biết. Những buổi tối ngồi ở ban công, nước mắt hòa vào gió, tiếng dế kêu trầm buồn hình như kéo ánh trăng xuống gần hơn. Nếu bạn có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của một người khi mà hàng tiền đạo của họ trống huơ – có thể sẽ mắc cười đó, nhưng cũng đừng cười nhé. Tôi sẽ cảm ơn lòng tốt của bạn ngàn lần.

Khi những vết thương đã lành, bác sĩ lắp cho tôi một “cầu răng giả” – đó là một tập hợp của 5 chiếc răng được liên kết với nhau, chân răng bằng thép và men răng bằng sứ. Một loại sứ gì đó mà tôi thấy nó hơi có màu xanh xanh. Hoặc là do màu của lớp kim loại bên trong nên nhìn nó có vẻ xanh xanh là vậy. Nó giống như một cái hàng rào vậy. Thực lòng mà nói tôi đã không hài lòng chút nào về cái hàng rào đó nhưng tôi hiểu rằng đó là những gì tốt nhất mà tôi có thể có lúc đó. Rồi tôi có thể về nhà và không phải đến bệnh viện nữa. Tôi biết ơn vì không còn những viên thuốc, những mũi tiêm, những tiếng khoan, những tiếng đục đinh tai rợn tận óc, mùi thuốc khử trùng và những kí ức tôi không bao giờ muốn nhớ tới nữa. Tạm biệt tất cả những điều này để quay lại với trường lớp và với cuộc sống hàng ngày của tôi…

Đó là vào năm lớp 10, lên lớp mới và có những “người bạn” mới. “Ê ê đồ răng xanh… À không, Bluetooth, từ giờ gọi nó là Bluetooth nha bọn mày ơi!” Ngày đầu tiên của lớp 10 là như vậy đó. Tôi không giận bạn ấy. Chỉ là tôi lại buồn vì sau bao nỗ lực tự mình cố gắng quên đi sự thật phũ phàng đó thì cậu ấy lại gợi lại điều đó và còn bày ra cho tất cả mọi người xung quanh một sự thật rằng tôi khác biệt.

Đúng thế. Tôi khác mọi người. Khác một cách tiêu cực, một cách xấu xí. Đó là điều tự ti lớn nhất của tôi. Làm sao có thể quên đi điều đó khi mà nó gắn ngay trên nụ cười của bạn, ngay khi bạn vừa mở miệng ra bắt chuyện với mọi người hay là khi bạn soi gương chải tóc mỗi sáng? Những vết thương ở đầu gối và ở tay đã lành sẹo từ lâu. Nhưng tổn thương trong tôi thì không bao giờ lành lại được. Tôi đã lớn lên cùng với nó. Tôi đã mang theo nó bên mình kể từ ngày đó rồi trong suốt quãng thời gian học cấp 3, học đại học, về sau này nữa…chỉ mình tôi mà thôi. Tôi đã giấu nhẹm nụ cười của mình từ rất lâu rồi. Đúng hơn thì tôi đã “đánh rơi nụ cười” mất rồi.

Tôi cảm thấy mình thật vô dụng, mình là đồ bỏ đi. Tôi đã không chia sẻ với người thân, bạn bè hay bất cứ ai về sự tự ti của mình, về những nỗi sợ đó. Nỗi sợ ấy dường như bao trùm cả vũ trụ. Trước khi làm bất cứ việc gì, tôi lại bị nỗi sợ làm chùn bước. Sợ mọi người đánh giá, sợ mọi người thương hại, sợ rằng tôi làm mọi người buồn, sợ cảm giác mọi người ái ngại khi không giúp được tôi và sợ nhất là những ánh mắt mọi người nhìn tôi khi thấy nụ cười của tôi có gì đó “bất thường” – nhưng họ không hỏi thẳng, họ chỉ giả vờ lờ đi nhưng ánh mắt họ thì vẫn luôn thắc mắc. Những ánh mắt đó đã giết chết tôi hay là tôi đã giết chính mình. Tôi cứ ngồi đó tự kỷ với cái hàng rào thay vì nhảy ra ngoài kia khám phá thế giới. “Ta đã làm chi đời ta” thế này? Cuộc đời tôi cứ thế lầm lũi trôi qua…

Tôi không biết mình đã xem bao nhiêu video “Coming out”, hay là những video “How to boost your confidence?” “How to let go…” trên Youtube. Tôi thấy mình trong đó. Những con người ấy sao mà mạnh mẽ quá. Họ đã dám chấp nhận chính mình để rồi yêu lấy những điều mà họ từng quay quắt chối bỏ hay thậm chí nguyền rủa, ghê tởm. Tôi cũng thấy mình trong truyện ngắn Người trong bao học hồi cấp 2 nữa. Tôi không muốn có một kết cục như nhân vật Bê-li-cốp. Tôi phải làm sao đây? Xé tan cái bao đó và chui ra ngoài kia “say hi” với thế giới hoặc là chết ngộp trong đó mà chẳng ai hay, thế giới vẫn quay như thể em chưa từng tồn tại. “Get out of the closet!” một video nào đó vang vọng trong đầu tôi.

Từng ấy ngày tháng năm lay lắt như vậy là quá đủ rồi. Tôi đã tự tạo một nhà tù và nhốt mình trong đó, để rồi hoàn toàn yên tâm ngồi trong đó mà nhìn những điều tươi đẹp trong cuộc sống trôi qua, cứ thế trôi qua. Và tôi tiếc nuối trong vô vọng. Tôi đã từng căm ghét chính mình vì điều đó. Suýt nữa tôi đã tự tay làm hỏng cả cuộc đời mình.

Khi một điều tưởng chừng như rất bình thường, rất hiển nhiên trong cuộc sống bị mất đi, thì ta mới thấy được vẻ đẹp khi nó hiện hữu. Khi nó mất đi rồi, nó vẫn sẽ đẹp – nhưng theo một cách khác. Nếu không đi qua những ngày tháng đó, biết đâu tôi chẳng biết yêu thương chính mình là như thế nào, tôi đã chẳng biết thế nào là đồng cảm, yêu thương, và biết đâu tôi đã sống một cách vội vã buông thả ở một nơi xa xôi nào đó và chẳng ngồi đây viết những dòng này.

Mỗi khi ngắm nhìn bầu trời, ngắm những tia nắng len qua những đám mây, tôi thấy lòng mình vui lạ kỳ. Mỗi khi đi làm về gặp một đàn dê đang gặm cỏ bên đường, tôi sẽ chẳng ngần ngại mà dừng lại “Hi các em, có muốn nói gì với anh không hả? Bebebe hehehe…”.  Mỗi khi nhìn thấy vài cái lá non phất phơ hoặc vài nụ hoa mới nhú, chắc chắn tôi cũng dừng lại vài giây ngắm nhìn, chụp ảnh hoặc chí ít là cũng nở một nụ cười. Biết đâu chúng cũng đang cười với tôi. Đơn giản vậy thôi.

Trong cuộc sống này ai cũng có những mối tơ vò của riêng mình. Mong người khác hiểu mình là một điều xa xỉ và ích kỷ lắm. Chỉ đến khi nào bạn cảm ơn những “chuyện không may” xảy đến với mình, thì khi đó bạn và cuộc đời mới bắt tay giảng hòa với nhau. Nếu chưa thì cũng đừng sốt ruột, chỉ là “thời điểm” chưa đến mà thôi. Và trước khi nó đến thì đừng làm điều gì ngu ngốc nhé. Cũng đừng nhìn quanh và bám víu bất kỳ ai để họ gỡ đám tơ vò giúp bạn. Hãy tự phân thân và ôm lấy chính mình. Bạn vẫn làm điều đó hàng ngày mà, nhớ không?

Có những ngày không nắng nhưng không lạnh lắm đâu. Tự nhủ với lòng mình “Có tôi luôn ở đây bên bạn.”

P/s: Cái hàng rào đó thực sự không tồn tại. Bluetooth mode: ON.

Tác giả: Piper Nguyen

*Featured Image: alejandradew