28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 119

Làm thế nào để giải cứu thế giới?

2

Giải cứu thế giới là gì? Tại sao cần phải giải cứu? Và nếu muốn giải cứu thì bạn phải làm thế nào?

Tôi xin lỗi vì mới gặp nhau đã vội tát cho bạn một gáo nước lạnh nhưng bạn là ai mà muốn đi giải cứu thế giới? Chúng ta thậm chí còn không lo nổi cho bản thân chúng ta? Cha mẹ sinh ra ta, ta đã lo nổi cho họ?

Tôi chán ngán với những anh hùng bàn phím suốt ngày kêu gào la hét chúng ta phải giải cứu thế giới lắm rồi. Hãy nói cho tôi nghe thế giới này đang gặp phải vấn đề gì mà bạn cứ một mực muốn giải cứu, hãy nói cho tôi nghe đi những vị anh hùng cứ suốt ngày đi lòng vòng trong phòng ngủ và lo lắng cho thế giới.

Bạn muốn cứu gì nào? Thiên nhiên? Trái đất này đã tồn tại hơn 4,5 tỷ năm và con người thì sống được bao nhiêu phần trong đó. Bạn muốn ngăn cho các sinh vật không bị tuyệt chủng. Nhưng các bạn không biết rằng có những loài sinh vật đã tuyệt chủng trước sự xuất hiện của loài người. Bạn có nghĩ là con người có thể cứu được sự tiệt chủng của khủng long? Và nếu khủng long không tuyệt chủng thì liệu con người có xuất hiện. Các loài sinh vật trên thế giới này vẫn tiếp tục vận hành theo cơ chế tự đào thải và tái sinh. Đó là ý kiến chủ quan riêng tôi.

giải cứu thế giới 2Ảnh: ejaugsburg 

Bạn muốn bảo vệ môi trường? Tôi đã thấy những người luôn miệng giải cứu thế giới hút thuốc và quăng gạt tàn bừa bãi trên vỉa hè, những cái lon sử dụng qua bị ném lăn lóc trên đường. Một người lãnh đạo đứng ra hô hào bảo vệ môi trường lái một chiếc ô tô lướt ngang qua tôi và thải ra một đống khói bụi ô nhiễm. Thôi được, bạn có thể thực hiện hành động bảo vệ môi trường nếu bạn muốn. Tôi không cho rằng đó là một hành động xấu, điều đó rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng tôi không nghĩ đó là vấn đề. Trái đất này đã trải qua nhiều nỗi kinh hoàng hơn, những trận động đất, núi lửa phun trào, nham thạch, các cơn địa chấn…Và nó vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Bạn có lo lắng thì cũng không gánh vác hết được.

Bạn muốn cứu rỗi một nền văn minh nhân loại. Tôi chỉ thấy những gã to miệng vô công rỗi nghề suốt ngày ngồi nhà chơi game rồi mộng tưởng mình đang giải cứu nhân loại trong mấy cái thế giới ảo tưởng, họ tìm kiếm kinh nghiệm trong đó để trổ tài chém gió ngoài đời thực. Bạn hãy chạy ngay vào phòng, tìm lấy một chiếc bóng đèn đã hỏng và làm ơn cứu lấy cuộc sống của nó. Thật buồn cười là có cả những anh chàng bóng đèn còn không biết cài đặt làm sao cho nó hoạt động mà cứ suốt ngày lải nhải giải cứu thế giới.

Thôi được, cứ cho là bạn muốn giải cứu những vấn đề đó. Nhưng là vì thế giới hay vì sự ích kỷ riêng bạn? Bạn nói đến các vấn nạn thiên nhiên vì nỗi sợ phát bệnh sự ô nhiễm, bạn sợ chết sớm khi điều kiện môi trường tổn hại sức khỏe bạn? Bạn lên án nền văn minh hiện nay vì nó không thỏa mãn cái tôi của bạn. Đừng lừa gạt tôi nữa, bạn không đủ cao thượng để vượt rào khỏi cái tôi của bạn. Bạn chỉ lo lắng về cuộc sống đang quá bất tiện của bạn chứ bạn lo gì cho thế giới này?

Mà thế giới này chắc gì sự cần đến sự giải cứu của bạn. Nó đã tồn tại mấy tỉ năm rồi, còn loài người thì sống được bao lâu trong đó? Và bạn sống được bao năm trong tuổi thọ loài người? Bạn chỉ sống tầm 70 đến 80 năm cuộc đời, đó là chưa kể đến những người chết trẻ. Thế giới này vẫn tiếp tục sống, nó vẫn sẽ tồn tại dù cho bạn có chết đi. Vâng, chỉ có bạn chết đi còn thế giới thì vẫn sống. Vậy bạn nên lo lắng giải cứu cuộc sống của bạn hay vẫn muốn ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

giải cứu thế giới 3Ảnh: Miskolczi_Mariusz 

Nếu bạn không tự cứu lấy cuộc sống của bạn thì thế giới này sẽ rũ bỏ bạn chẳng khác gì người ta mang một tấm chăn ra sân, phẩy nhẹ một cái và rũ bỏ hết lớp bụi bám trên chúng. Có một điều bạn không hiểu, rằng thế giới này xem những vấn đề nó luôn gặp phải chỉ là những đứa con của nó. Đó là một phần của thế giới. Từ hàng nghìn năm nay rồi, cái thiện và cái ác luôn phải song hành. Cái xấu và cái tốt luôn đi kèm cùng nhau. Cuộc sống là thế, đau khổ là một phần của cuộc sống. Cũng như những điều mà thế giới đang đối mặt, đó là một phần cơ thể của thế giới. Đó là lý do tại sao con người có thể tồn tại trong thế giới.

Tôi nghĩ chúng ta không cần phải lo lắng vấn đề giải cứu thế giới. Chúng ta cần lo lắng cho một vấn đề cấp bách hơn. Đó là bản thân chúng ta. Chúng ta không cần phán xét, than trách, mặc áo mưa chạy quanh dưới trời nắng. Điều chúng ta cần biết là đi sâu vào sự tồn tại của chính mình. Và đừng cố gắng biến mình thành trò cười cho thiên hạ.

Tiếp tục. Nếu bạn vẫn đủ tỉnh táo sau khi bị tôi tát cho gáo nước lạnh vào mặt. Bạn đã dùng tay vuốt đi những giọt nước đang chảy dài trên khuôn mặt. Không muốn từ bỏ lý tưởng cao đẹp để giải cứu thế giới. Một lần nữa tôi xin gửi lời xin lỗi đến những người này. Thời thế luôn tạo anh hùng. Và tôi tin anh hùng là có thật. Những người thật lòng muốn cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giải cứu thế giới là có thật.

Nhưng hỡi những anh hùng muốn gắn bó cuộc đời mình vào sự nghiệp vĩ đại này. Tôi muốn hỏi các bạn rằng bạn có thể trở thành một Napoleon mang quân đi chinh phạt khắp thế giới để càn quét hết lũ xấu xa khốn nạn đang uy hiếp nguy hiểm lên thế giới. Nếu bạn vẫn nghĩ mình có đủ khả năng, tôi mong rằng tư tưởng của bạn sẽ tiến bộ hơn của Hitler. Tuy nhiên, ý kiến riêng tôi thì chúng ta không cần sử dụng gươm súng, những thứ đó đã quá lỗi thời. Hoặc bạn có thể trở thành một nhà khoa học vĩ đại chế tạo ra những công trình nghiên cứu để tái tạo môi trường? Bạn có thể trở thành một nhà sáng tạo tài ba để tạo ra thứ nghệ thuật có tầm ảnh hưởng đưa văn minh nhân loại nhảy vọt qua một giai đoạn mới?

Bạn biết đấy, thế giới này quá rộng lớn và mỗi chúng ta thì quá nhỏ bé. Trừ khi ta có bộ óc thông minh như Albert Einstein, Isaac Newton… chúng ta có tài chiến lược cầm quân như Napoleon… Chúng ta có tài hùng biện và lập luận biện chứng chẳng khác nào một triết gia để thay đổi tư duy của các con chiên. Nếu bạn là một thiên tài, điều đó chẳng còn gì để nói nữa. Hãy đi và nhận lấy sứ mệnh giải cứu thế giới của mình. Còn nếu bạn chẳng có gì cả ngoài một đời sống giản dị. Chúng ta không bao giờ giải cứu thế giới được bằng tài chém gió, những cuộc tranh luận, lời kêu than. Chỉ có người tạo ra vấn đề mới đủ khả năng để giải quyết chúng. Thế giới này được tạo ra từ những cá thế, cá thế liên kết với nhau và tạo ra xã hội. Vậy vấn đề của xã hội không phải là gì khác ngoài các vấn đề của từng cá thể. Chính tôi mới là vấn đề chứ không phải là thế giới xung quanh tôi. Chúng ta chính là thế giới, những vấn đề của chúng ta mới chính là vấn đề của thế giới. Muốn chuyển hóa thế giới thì chúng ta phải bắt đầu chuyển hóa từ chính bản thân mình. Nếu tất cả mọi người đều có trách nhiệm chuyển hóa mình thì dù thế giới của các bạn có nhỏ bé đến đâu cũng có thể điều phục cả thế giới lớn rộng. Hãy bắt đầu giải cứu thế giới bằng những công việc nhỏ nhặt nhất mà bạn chưa bao giờ làm như nhặt rác, trồng cây, giúp đỡ một bà cụ qua đường, bày tỏ tình cảm với những người mà bạn yêu thương…

Nếu đọc xong những dòng chữ này bạn vẫn muốn đi giải cứu thế giới bằng những hành động hồ đồ trước đây vẫn làm và tin rằng mình đang làm điều đó vì lý tưởng cao cả muốn giải cứu thế giới. Tôi nghĩ rằng với lý tưởng cao cả vĩ đại, niềm tin bất diệt ấy, sớm muộn gì bạn cũng sẽ góp phần hủy diệt thế giới của riêng bạn.

Và sau cùng, bài viết không dành cho những anh hùng, những nhà thiên tài thầm lặng đang sống hết mình cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại giải cứu thế giới.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Comfreak 

[THĐP Translation] 10 điều bí mật của nhóm tính cách INFJ

1

INFJ là nhóm hiếm gặp nhất trong 16 nhóm tính cách theo phân loại của Myers-Briggs, chỉ chiếm khoảng 1-2% dân số thế giới. Người thuộc nhóm INFJ là những cá thể hết sức phức tạp và nhạy cảm. Họ đặt ra những câu hỏi mà những người khác không hề thắc mắc, ví dụ như “Tại sao chúng ta hiện hữu nơi đây?” và “Ý nghĩa của cuộc đời mà chúng ta đang sống đây là gì?”

Trong các mối quan hệ, INFJ có thể là những người nồng ấm và thân thiện. Nhìn chung, những ai may mắn được quen biết các INFJ đều yêu mến họ. Nhưng cũng có những lúc họ lại trở nên xa cách, rạch ròi, thu mình khép kín. INFJ thường lớn lên với cách cảm nhận hết sức khác biệt với những người khác. Họ quan tâm sâu sắc đến người khác và họ cũng thích được là một phần của cộng đồng. Tuy nhiên vì cách nhìn nhận mang tính “đại cục” của họ về cuộc sống, INFJ có thể luôn cảm thấy mình giống như một người quan sát ngoài cuộc.

Như một bông hồng nhiều cánh, INFJ cũng có nhiều lớp tính cách. Họ có thể sẽ không hé lộ những lớp tính cách ấy với bạn ngay lập tức đâu. Tuy vậy, nếu bạn hiện diện trong đời INFJ đủ lâu – và nếu INFJ tin tưởng bạn – bạn sẽ khám phá được thêm nhiều cánh hoa bên trong, cũng như được tiến lại gần thêm với con người thực sự của INFJ. Đôi khi, INFJ cũng không hoàn toàn hiểu được bản thân họ. Vậy nên chúng ta cùng tìm hiểu một số “bí mật” của những người thuộc nhóm INFJ.

INFJ_Tattoo
Ảnh: Wiki Commons

1. INFJ cảm thấy mình bị hiểu lầm sâu sắc

Các bạn INFJ, các bạn có cảm thấy hiếm khi nào người khác hiểu được các bạn không? Khi bạn nói về một điều gì đó được bạn quan tâm, bạn có để ý rằng những người khác không thể hiểu nổi vì sao vấn đề ấy lại quan trọng không? Nếu là có, thì bạn không hề đơn độc đâu. Còn nhiều INFJ khác cũng cảm thấy bị hiểu lầm sâu sắc.

Lý do nhiều người không có cùng tần số với INFJ là vì chức năng chi phối INFJ là Trực giác Hướng Nội (Ni) (“Chức năng chi phối” là cách thức chủ đạo mà theo đó một người thuộc nhóm tính cách ấy tiếp nhận và xử lý thông tin. Đó là cách thức chủ yếu của mỗi người khi tương tác với thế giới.) Từ tiềm thức, Ni chú ý đến các dạng thức; cụ thể là INFJ chú ý đến các dạng thức liên quan đến bản chất con người, bởi vì chức năng thứ cấp của họ là Cảm xúc Hướng ngoại (Fe) hướng họ đến với những người xung quanh. Ni hoạt động một cách bí ẩn và vô thức. Chức năng này giúp INFJ tiếp nhận những thông tin mà không cần biết vì sao hay làm thế nào họ biết được chúng.

Người phân loại tính cách Antonia Dodge, đồng sở hữu trang Personality Hacker, cho biết rất khó để giải thích với người khác về “giác quan thứ sáu” này của INFJ. Thường thì INFJ từ bỏ những cố gắng để giải thích về khả năng của họ. Hoặc họ cũng chẳng hề cố gắng chút nào cả, vì họ biết chuyện đó nghe rất dị thường. Điều này khiến họ cảm thấy bị cô lập và bị hiểu lầm.

Xem thêm:

2. INFJ hấp thụ cảm xúc của những người xung quanh

Các bạn INFJ, những chuyện này đã bao giờ diễn ra với các bạn chưa? Bạn vẫn đang yên ổn với cuộc sống của mình, thế rồi một người bạn thân gọi điện cho bạn. Cô ấy đang chật vật với một vấn đề nào đó, như chia tay bạn trai, hay bị sếp xúc phạm chẳng hạn. Càng trò chuyện nhiều, bạn càng cảm thấy cảm xúc của mình chùng xuống. Khi cuộc gọi kết thúc, bạn cảm thấy bất an và vướng bận trong những suy nghĩ áy náy.

Theo Dodge, tình huống này xảy ra thường xuyên với INFJ, vì họ có xu hướng hấp thụ những cảm xúc của người khác. Không nhóm tính cách nào khác có khả năng độc nhất này. Một số INFJ cho biết họ thậm chí còn hấp thụ cảm xúc của những người lạ. INFJ có thể bất chợt cảm thấy cáu kỉnh, chỉ vì họ nhìn quanh căn phòng và thấy một người có vẻ cáu kỉnh vừa bước vào. Một người càng gần gũi với INFJ, ví dụ như vợ/chồng hay bạn thân, càng dễ có khả năng INFJ sẽ hấp thụ tâm trạng của người đấy.

Phải cảm nhận không chỉ những cảm xúc mạnh mẽ của chính mình mà còn của cả những người khác có thể là một điều thật choáng ngợp. Nhưng khả năng này của INFJ cũng có thể dùng để hàn gắn cảm xúc và xoa dịu người khác. Cũng theo Dodge, “Một khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác một cách vô thức với rất ít thông tin ban đầu – đó chẳng phải là siêu năng lực sao? INFJ có khả năng thấu hiểu những nỗi dằn vặt của người khác và nói với họ rằng mọi sự rồi sẽ ổn thỏa.”

3.  INFJ có khả năng tuyệt vời trong những dự đoán về lâu dài

Đôi khi INFJ có thể cảm thấy mình giống như những tiên tri hay thầy bói vậy. Đó là bởi Ni giúp họ thấy được bức tranh toàn cảnh, nhận ra những dạng thức, và đưa ra những dự đoán dựa trên những dạng thức mà họ quan sát được. Chúng ta thử ví dụ về một INFJ vừa chớm có tình ý với ai đó nhé. Ngay lập tức – có thể chỉ trong phút chốc – họ bắt đầu dự đoán mối quan hệ giữa hai người sẽ tiến triển như thế nào. Liệu họ sẽ kết hôn với người ấy hay đó chỉ là chuyện qua đường? Nếu INFJ không nghĩ mối quan hệ đó sẽ đem lại kết quả như mong muốn, “họ sẽ lập tức cắt đứt mối quan hệ”, Joel Mark Witt giải thích. Dù vậy, INFJ cũng không thật sự là các nhà ngoại cảm. Họ thấy được điều gì có thể xảy ra, không nhất định là điều gì sẽ xảy ra một cách chắc chắn tuyệt đối. Nhưng những INFJ đạt độ chín chắn đều đã rèn giũa khả năng dự đoán của họ rất tốt.

8339820839_4f17222f16_b
Photo: Richard Stephenson

4. Dù là những người của Cảm xúc, INFJ có thể dễ dàng kết nối với khả năng Lý trí trong họ

INFJ thường bị phân loại nhầm với INTJ – nhóm tính cách có đặc điểm Lý trí trội hơn Cảm xúc. Mặc dù INFJ quả thật có tính cách hướng đến con người, nhưng do chức năng thứ ba của họ là Lý trí Hướng nội (Ti), họ cũng có khả năng về phân tích và khoa học. Họ có thể yêu thích những ngành nghề liên quan đến công nghệ, khoa học và nghiên cứu. Bởi vì Cảm xúc Hướng ngoại (Fe) đứng thứ hai trong những chức năng của họ, còn Ti đứng thứ ba, nên hai chức năng này khá cân bằng ở INFJ. Quả thật, ở bề ngoài INFJ không thể hiện rõ cảm xúc như ENFJ hay ESFJ, những nhóm có Trực giác là chức năng chủ đạo. Có thể INFJ than thở rằng họ “quá cảm tính nên chẳng thể là người Lý trí, nhưng cũng lại quá lý trí để là một người Cảm tính.” Nhưng đặc điểm vừa có tình vừa có lý này cũng khiến INFJ trở thành những người khá cân bằng và toàn diện.

5. Một trong những sức mạnh to lớn nhất của INFJ là khả năng tạo sự gần gũi

Tiếp xúc với những người không quá thân cận, INFJ có vẻ trầm tính và dè dặt. Hãy nhớ rằng INFJ thường không cởi mở với người khác ngay lập tức. Nhưng thật ra INFJ lại rất có khả năng kết nối. Do có thể cảm nhận được nỗi buồn và niềm vui của người khác, họ có được khả năng đặt mình vào địa vị người khác hơn bất kì mọi nhóm tính cách còn lại. Khả năng đồng cảm này tạo nên những gắn kết hết sức mật thiết.

6. INFJ là những người hướng nội thực thụ

INFJ đôi khi được gọi là “người hướng nội có tính cách hướng ngoại.” INFJ có được biệt danh này bởi họ có thể giàu đam mê, nhiệt tình và nói nhiều khi họ ở cạnh những người khiến họ cảm thấy thoải mái. Tương tự, khi INFJ đấu tranh vì điều mà họ tin  tưởng – ví dụ như kêu gọi mọi người kí tên vào bản kiến nghị để chấm dứt ngược đãi động vật – họ có vẻ như những người hướng ngoại. Tuy nhiên, INFJ là những người hướng nội thực thụ, họ chỉ thích có một số ít bạn bè. Cũng như những người hướng nội khác, họ cần khá nhiều thời gian tĩnh lặng một mình để nạp lại năng lượng cho bản thân.

10533372843_5ca2e7fc41_b

7. INFJ nhạy cảm với sự xung đột

Đặc tính Fe khiến INFJ tìm kiếm sự hòa hợp trong các mối quan hệ. Họ cố gắng tạo nên những cảm giác tích cực mỗi khi tiếp xúc với ai đó. Vì vậy khi xung đột xảy ra – nhất là trong những mối quan hệ gần gũi – INFJ có thể trở nên cực kì buồn nản. Họ có thể bị khó ngủ hoặc mất tập trung ở trường học hoặc nơi làm việc. Thậm chí mức độ căng thẳng của sự xung đột họ cảm nhận có thể được biểu hiện trên chính cơ thể họ, như đau đầu, đau cơ, quặn bụng, v.v… Điều này không có nghĩa là INFJ nên tránh né xung đột bằng cách trở thành người dễ bị dụ dỗ hay lúc nào cũng tìm cách làm hài lòng người khác. INFJ nên đặt ra những lằn ranh và kiên định với các nhu cầu của bản thân. Họ có thể làm được điều này theo một cách thức rất “ngoại giao”, nhờ vào sự nồng ấm và thấu hiểu tuôn chảy tự nhiên từ đặc tính Fe trong họ.

8. INFJ hiểu nhiều về con người

Hai đặc tính Ni và Fe hoạt động cùng nhau trong INFJ để thu thập thông tin về con người. Nhưng không phải là INFJ chỉ nhớ ngày sinh hoặc khẩu vị cà phê của người khác, họ còn nhờ vào đặc tính Ni để thâm nhập những điều ẩn dưới bề mặt. Họ đi sâu vào tâm trí người khác và tìm ra động cơ gì khiến người ấy hành xử như vậy. Ví dụ, họ hiểu nỗi đau mà một người bạn của họ đang trải qua không chỉ bắt nguồn từ những lời bất nhã gần đây từ người yêu cũ, mà còn từ nỗi sợ thẳm sâu trong người ấy rằng mình không được trân trọng. Họ thường biết được ai đang nói dối, thậm chí cả khi người đó đang tự dối gạt chính mình. Tự thân INFJ cũng không nhận thức được về việc họ hiểu rõ người khác, và họ cũng hiếm khi hé lộ những hiểu biết sâu sắc của mình.

9. Với INFJ, nhiều mối quan hệ chỉ là đơn phương

INFJ thường là những người rất biết lắng nghe vì họ thực sự quan tâm đến người khác. Tương tự, họ thích giúp người khác hiểu rõ cảm xúc của bản thân và trở nên trưởng thành hơn. Dễ hiểu vì sao INFJ có biệt danh là “nhà tư vấn.” Rủi thay, điều này có thể dẫn đến những mối quan hệ của INFJ thành ra đơn phương một chiều. Người khác tìm đến INFJ khi họ cần trút bầu tâm sự. Hoặc có thể là họ lợi dụng mong muốn giúp đỡ người khác của INFJ. Một ngày nào đó, INFJ thức dậy và tự hỏi vì sao các mối quan hệ đang khiến họ cảm thấy như bị vắt kiệt. Những người hiện diện trong cuộc đời của INFJ nhận được quá nhiều từ mối quan hệ, còn INFJ gần như chẳng nhận lại được gì. Điều INFJ cần đến là những mối quan hệ qua lại song phương để đáp ứng, hỗ trợ và thấu hiểu lẫn nhau.

10. INFJ đang tìm kiếm một người bạn tri kỷ

INFJ mong mỏi được kết nối một cách sâu sắc với người khác. Với họ, những mối quan hệ hời hợt, một chiều là không đủ. Cũng bởi vì INFJ là những người hướng nội, họ không mấy hào hứng với những chuyện xã giao. Do đó, INFJ tìm kiếm những người có thể trở thành “bạn tri kỷ” của họ. Những người ấy phải thật sự tâm đầu ý hợp với INFJ và có thể truyền cảm hứng cho những nhu cầu chính đáng của INFJ – đó là sự tương tác chân thành, sự thân tình và những cuộc trò chuyện ý nghĩa. Tuy nhiên, INFJ thường gặp khó khăn trong việc tạo dựng những mối quan hệ theo cách họ mong muốn. Khi INFJ tìm được người mà họ thực sự kết nối, cảm giác ấy giống như một phép nhiệm màu vậy.

Tác giả: Jenn Granneman

Người dịch: Hà Huy Dương
Review: Dương Tùng
Featured image: Sadie Pices

[Thông báo] Công bố kết quả cuộc thi viết 2018

Sau hơn một tháng diễn ra, cuộc thi viết của Triết Học Đường Phố đã đi đến hồi kết. Đã có hơn 50 thí sinh gửi bài dự thi về chương trình. Trong đó, có những bạn nhiệt tình viết đến 2 bài tham dự và có bạn biết tới cuộc thi quá muộn nhưng vẫn không ngại ngần gửi bài về Triết Học Đường Phố để cùng chung vui. Tuy nhiên, trong 50 bài thi kể trên có hơn 10 bài viết bị lạc đề do các thí sinh nhầm lẫn giữa việc kể lại trải nghiệm thất bại và việc chia sẻ quan điểm cá nhân về thất bại. Nhưng dù sao đi nữa, Triết Học Đường Phố cũng rất vui mừng khi đón nhận được những sự quan tâm và ủng hộ của mọi người.

Các bài dự thi đa dạng cả về nội dung và hình thức thể hiện. Rất nhiều những câu chuyện khác nhau được sẻ chia trong cuộc thi như: Thất bại trong việc chăm sóc bản thân (thân thể, tâm trí, cảm xúc); thất bại trong các mối quan hệ (với gia đình, người yêu, bạn bè, thú nuôi); thất bại trong công việc và học tập, v.v… Những câu chuyện của các thí sinh đều chứa đựng sự chân thành và những cảm xúc dào dạt khi kể về những góc tối, những sai lầm của chính mình. Trong cuộc thi này, nhiều bạn đã dũng cảm tâm sự câu chuyện kìm nén của bản thân với cộng đồng lần đầu tiên.

Triết Học Đường Phố xin được gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn đã gửi bài dự thi về chương trình. Hy vọng rằng sau này các bạn sẽ tiếp tục chia sẻ những bài viết khác với độc giả Triết Học Đường Phố. Cũng qua cuộc thi này, chúng tôi đã phát hiện ra được một số cây viết tài năng mới. Được đọc và chấm điểm những bài viết hay như vậy là một vinh dự của những người làm giám khảo chúng tôi.

KoE
King of Everything hân hạnh được tài trợ cuộc thi

Sau khi tổng kết điểm số, Triết Học Đường Phố đã tìm ra 3 tác giả tương ứng với 3 bài thi có điểm thi cao nhất:

  1. Sukha – “Bước ra khỏi vũng sình lầy” – Tổng điểm: 273
  2. Khương Thanh – “Vào lúc sương tan” – Tổng điểm: 259
  3. Đỗ Xuân Tú – “Khủng hoảng tuổi 40” – Tổng điểm: 256

2014 quán quân là nam. 2018 năm nay quán quân và á quân đều là nữ. Ba người đạt giải sẽ nhận được bằng khen của Triết Học Đường Phố, tiền thưởng (VNĐ hoặc crypto tùy theo yêu cầu) và một cuốn sách Sống như ngày mai sẽ chết của Phi Tuyết. Bài viết 1, 3 sẽ được đưa vào dự án sách tương lai của Triết Học Đường Phố kèm theo nhuận bút (bài “Vào lúc sương tan” được tác giả có mong muốn không cho vào sách.)

Bên cạnh đó, Triết Học Đường Phố trao 3 giải Đồng hành cho 3 bạn độc giả may mắn tích cực theo dõi và tương tác với cuộc thi. Mỗi bạn sẽ nhận được 200,000 VNĐ.

  1. Hiển Nguyễn
  2. Phương Uyên
  3. Son Hoang Hai

Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của tất cả mọi người dành cho Triết Học Đường Phố trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra. Chúc các bạn dồi dào sức khỏe và bình an trong cuộc sống.

Thân mến,

Triết Học Đường Phố

 

Hãy cho thời gian được nghỉ phép

3

Bây giờ đúng 4 giờ sáng, mặc dù đồng hồ đã chỉ 11 giờ trưa, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng bây giờ là 4 giờ sáng. Mặt trời sẽ không bao giờ mọc và dù tất cả đồng hồ xịn đắt tiền nhất có chỉ vào 11 giờ trưa thì tôi vẫn tin rằng mặt trời không bao giờ mọc ngày hôm nay.

Mặt trời không bao giờ mọc và mọi người sẽ không cần phải thức dậy, mọi người vẫn đang ngủ, mọi người không cần làm việc, mọi người không cần đau buồn, không bực tức, không mệt mỏi.

Mọi người thường dùng đồng hồ rồi lịch và nghĩ rằng có thể kiểm soát được thời gian. Tôi không nghĩ thế. Có những lúc tôi thấy một ngày trôi qua rất nhanh, có khi một ngày lại kéo dài lê thê, nhưng trên thực tế nó nhanh hay chậm thì không ai biết được.

Nếu cuộc sống tôi nhàm chán với nhịp điệu đều đều không đổi của mỗi ngày, nếu ngày nào cũng như ngày nào thì tất cả mọi ngày chỉ là một, vậy thì khoảng thời gian ở đây ngẫm ra cũng chỉ là thoáng qua. Những thói quen hằng ngày trong cuộc sống sinh hoạt của chúng ta có khả năng làm tê liệt thời gian và nếu cứ thế mà chẳng tiếp thêm cho nó chút sinh lực nào để tái hồi sinh thì thời gian chắc chắn sẽ thoáng qua cái vèo. Bao nhiêu ngày trôi qua không quan trọng bằng việc tôi nhận thức được cuộc sống của mình có thật sự trôi qua mỗi ngày.

Khi văn minh loài người chưa tiến bộ. Thời gian chỉ là nhịp điệu luân chuyển của bốn mùa xuân hạ thu đông. Là sự thay thế của mặt trăng cho mặt trời. Đầu xuân hoa đào nở, đầu hạ cánh bướm hoa phượng bay, thu về lá vàng rơi rụng khắp các nẻo và cơn gió lạnh buốt tái tê lòng báo hiệu mặt đất trần gian bắt đầu bước vào cơn ngủ đông. Dựa vào hướng mặt trời để định vị ngày đang nằm ở đâu, trăng tròn trăng khuyết để biết tháng đang trôi đến nơi chốn nào. Con người sống chan hòa và bầu bạn với thiên nhiên, chính thiên nhiên mới là thời gian của con người.

hãy cho thời gianẢnh: rawpixel

Khi thế giới này bắt đầu trở mình chuyển sang văn minh tiến bộ, họ phát minh ra máy móc để thay thế cho thời gian cũ và biến ý thức con người về thời gian trở nên lười biếng. Họ liên tục nhìn vào đồng hồ, liên tục bóc những tờ lịch cũ cho đến khi cuộn lịch vơi mòn trong đêm giao thừa và vội thay áo bằng cuộn lịch mới. Cứ thế mà mỗi ngày trôi qua, mỗi tháng trôi qua và năm này chuyển qua năm khác chẳng còn chút nhận thức nào.

Thời gian được đo bằng lịch, bằng đồng hồ thực ra chẳng có gì là xấu xa nếu con người không tự biến mình thành nô lệ cho nó. Buổi sáng bạn thức giấc và hốt hoảng khi kim ngắn kim dài đã vượt quá mức hạn định và bạn vội vã hấp tấp lao nhanh ra đường với đầu tóc búi xồm, áo quần thụng thượt, bạn sợ hãi những chiếc kim sẽ tiếp tục nhích ra khỏi vị trí cũ, chính vì thế mà bạn cứ liên tục dùng đôi mắt vàng vọt bơ phờ của mình để nhìn trân trân vào nó. Đi được vài bước thì nhìn vào đồng hồ, vài phút nữa lại nhìn. Từ lúc nào mà con người đã tự đeo gông đeo xích tự trói mình vào mấy cái đồng hồ và mấy tấm lịch.

Nhất định hôm nay tôi sẽ không cho phép mặt trời được mọc. Đồng hồ đã chỉ điểm 13 giờ 30 phút, nhưng tôi vẫn còn nằm trên giường nhìn trân trân vào cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti bởi lẽ tôi chẳng hiểu ông ta đang nói cái quái gì trong chương thời gian cả. Ông ta cứ liên tục nhắc đến hai từ “tâm trí” nên tôi tự tìm ra con đường chân lý của riêng tôi đối với thời gian. Tâm trí tôi nghĩ thời gian là gì thì thời gian sẽ là thế đó. Cho dù cái đồng hồ kia có điểm đến 23 giờ 59 phút thì đối với tôi mặt trời của ngày hôm nay vẫn chưa mọc.

Tôi đã chán ngán cái đồng hồ kia lắm rồi. Đi đâu cũng phải nhìn nó rồi hấp tấp vội vã. Ngày xưa người ta làm việc ung dung thư thái, sáng vác cuốc ra đồng, mặt trời sắp lặn thì kéo trâu về nhà. Ngày nay làm gì cũng tính từng phút từng giây. Mở mắt nhìn đồng hồ, đến nơi làm việc nhìn đồng hồ, ăn cơm nhìn đồng hồ. Công việc gấp gáp phải hoàn thành trong một tờ lịch. Đồng hồ, lịch đã khiến con người lãng quên thời gian cho đến một ngày người ta bừng tỉnh giật mình nhận ra đã đi qua một đoạn đường quá xa. Chính vì thế mà họ cứ nói: “Thời gian trôi qua nhanh.” Nhưng chúng ta không biết rằng chính chúng ta đã lãng quên ý thức về nó. Thời gian vẫn thế, nước vẫn cứ chảy trôi lặng lẽ dưới chân cầu, chỉ có  người qua cầu thì chẳng còn bận tâm gì về sự vật dưới mắt mình.

Cuộc sống văn minh này đã xây lên một bức tường quá lớn để ngăn con người với mặt trời, họ không còn muốn ngắm trăng, không cần phải nằm đếm sao trên nóc nhà. Họ nhắc đến thời gian mỗi ngày mà không nhận thức được mình đã đánh rơi nó từ mấy trăm năm trước.

Chậm chậm, bình tĩnh, không được gấp gáp, mặt trời vẫn chưa mọc, tôi vẫn có thể nằm đây và đọc nghiến ngấu quyển sách này. Tôi thậm chí có thể đọc lại những lời mà Krishnamurti nói về thời gian mấy trăm lần nữa. Có thể cứ nằm trên giường và đọc lui đọc tới một hàng một chữ thôi mà vẫn không hiểu ông ta muốn nói gì.

Bây giờ, kim ngắn của chiếc đồng hồ kia đã chỉ vào số 6, kim dài chỉ số 2. Tôi bước xuống giường tiến đến đẩy nhẹ cửa sổ mở ra. Trời vẫn đang còn tối và lại còn sắp sửa mưa. Đúng như tôi nói, hôm nay mặt trời sẽ không bao giờ mọc.

Thực ra tôi chỉ muốn nói một điều. Thỉnh thoảng, bạn hãy cho thời gian một ngày nghỉ phép để được tái hồi sinh.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: JESHOOTScom

 

 

Sự giản dị

0

Hôm nay nghe mấy bài nhạc không lời và đọc những bài viết của một ai đó, lòng cảm thấy xao động và trầm tư. Ta muốn viết, muốn dùng ngôn ngữ diễn tả mọi điều ta đã từng trải qua, những suy nghĩ và cảm xúc một cách giản dị, chân thật để khơi gợi trong ta những nỗi niềm, những tình cảm cho con người, cho cuộc sống…

Anh bảo ta viết những bài về xã hội, nhưng ta thực đâu có biết gì nhiều, nhìn lại ta đâu biết gì đâu, mọi thứ ta đã từng viết chỉ như lời chia sẻ một cách chân thật để là tấm gương cho ai đó nhìn vào chính họ, hay hy vọng khơi gợi, gieo mầm trong họ điều gì đó, vậy thôi. Nhưng sao ta cứ phải đao to búa lớn làm gì, phải tạo thêm vấn đề cho cuộc đời làm gì, giờ mọi thứ đã thừa mứa, đầy nghẹt rồi, chẳng phải là ta cần phải buông bỏ bớt đi hay sao chứ mang vác thêm những kiến thức, tạo tác thêm vấn đề cho mình, cho người làm gì nữa.

Hôm nay ta muốn chia sẻ về sự giản dị, vì với ta sự giản dị cả bên ngoài lẫn nội tâm là đức hạnh cao nhất của một con người.

Nói về giản dị bên ngoài, ta nghĩ thật khó để có thể giản dị trước một cuộc sống tràn ngập sự phức tạp, thừa thãi như hiện tại. Một người không chỉ cần cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà anh ta còn muốn ăn ngon, mặc đẹp và nơi ở lộng lẫy, bằng người này người kia. Khi một người khát nước anh ta không chỉ muốn nước, anh ta muốn nước lạnh, muốn nước có đường, có gas, khi một người đói, một miếng bánh mì là không đủ, một bát cơm với rau xanh là không đủ, anh ấy muốn thịt nướng, muốn khoai tây chiên, muốn gà rán, muốn nhiều món được chế biến cầu kỳ và phức tạp, để kích thích giác quan của anh ta… Và ta nghĩ nó cũng là vấn nạn cho những đứa trẻ, khi chúng không biết cái gì chúng thực sự cần và những gì chúng nghĩ chúng cần, một gói bimbim khi chúng đói, sữa và nước ngọt khi chúng khát… Người lớn đầu độc trẻ em và chính họ bởi những xa hoa và phức tạp không cần thiết. Nhưng trách sao được khi cuộc sống bị bao quanh bởi tất cả những điều ấy, con người cũng chỉ là nạn nhân, sản phẩm của môi trường mà anh ta sống, một số ít có sự tỉnh táo thì sống cân bằng và giản dị, còn lại thì phó mặc cho mọi thứ cuốn phăng con người đến đâu thì đến, miễn là mọi thứ ấy còn làm thỏa mãn thân thể và tâm trí con người ta… Dù có những người sống đời khổ hạnh, giản dị nhưng trong tâm trí họ vẫn còn đầy nghẹt đủ mọi tham lam, ham muốn, lý tưởng, kiến thức, sự ích kỷ… mà không bao giờ có thể giản dị cho được.

sự giản dị 1Ảnh: scottwebb 

Vậy thì nếu muốn có một cuộc sống giản dị bên ngoài, và không để mình là sản phẩm của xã hội thì chắc chắn cần phải có một nội tâm giản dị, không phải chỉ cho cuộc sống bên ngoài mà còn để ta có đủ sáng suốt và trí tuệ nhìn thấu mọi thứ phức tạp, mâu thuẫn bên trong tâm trí. Với ta một nội tâm giản dị là một nội tâm chân thật và vô tư, nó tự ý thức điều gì là cái cần và điều gì là cái muốn, cái tham của bản ngã, từ đó mà nó tự do khỏi lòng tham, sự theo đuổi không ngừng của tâm trí với những ham muốn. Sự giản dị ấy khiến tâm trí ranh mãnh kia bất lực, nó không thể lý tưởng hóa, hay thêu dệt nên những điều đẹp đẽ xung quanh lòng tham, sự ham muốn, sự kiêu căng, ích kỷ… Bởi nội tâm giản dị, vô tư ấy nhìn thấu mọi thứ, bất cứ khi nào một suy nghĩ khởi lên, nó biết suy nghĩ ấy là gì, không phán xét cũng không chạy theo, chỉ nhìn cái trần trụi của suy nghĩ và cảm xúc ấy và để tự chúng trôi đi.

Không biết ta có đang nói khó hiểu không, nào hãy tiếp tục. Tâm trí ta là vậy, ngay từ khi còn nhỏ ta đã học được cách phân tích, so sánh, đo lường, phán xét, đặt tên, lên kế hoạch, đặt mục tiêu,… Tâm trí đã trở nên lão luyện bởi những điều ấy, nhưng nó cũng khiến cho nội tâm ta trở nên phức tạp, rối loạn và mâu thuẫn bởi chính những điều ấy vì khi đó tâm trí tiếp tục trong phạm vi tinh thần, khi một cảm xúc khởi lên hoặc là ta bị cuốn theo cảm xúc đó, hoặc là ta kìm nén, hoặc là ta đặt tên cho nó, phán xét nó mà không chỉ đơn giản NHÌN nó khởi lên và trôi đi, ta không đủ giản dị để thấy cái cảm xúc ấy như nó là: Nó không phải là Buồn, Giận, Đau Khổ, Yêu Thương… hay bất cứ thứ gì ta gán cho nó. Nó chỉ là một cảm xúc, hãy ngắm nó, nhìn nó và ta sẽ thấy vẻ đẹp của nó bởi khi ấy ta nhìn nó như lần đầu tiên được nhìn, nó đẹp lắm, có thể ta sẽ khóc khi NHÌN được như thế vì sự tinh khôi, trong trẻo, đẹp đẽ lạ thường mà bao tháng ngày ta không thể thấy. Nhớ đến một câu nói của Trịnh Công Sơn: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” Tại sao ta cứ luôn đặt tên và phán xét nó là xấu là tốt, là nên hay không nên khi một cảm xúc trong ta khởi lên, tại sao ta không ngắm nhìn nó như ngắm một bông hoa, ta sẽ thấy nó giản dị vô cùng, một sự giản dị của cái-đang-là mà không phải giản dị do tâm trí ta phán xét. Trong sự giản dị ấy là sự tỉnh thức trọn vẹn trong hiện tại khi ta để mọi thứ hiện diện như chúng là mà không có bất cứ một phản ứng nào thuộc tâm trí.

Tiếp đến là tại sao ta không thể chân thật và vô tư nhìn nhận rằng mình đang tham lam, mình đang tự lừa dối bản thân bởi những lý tưởng cao đẹp, rằng mình ngu ngốc, mình không biết gì cả … Tại sao ta cứ luôn né tránh bản thân mình, luôn hợp lý hóa mọi thứ ta làm, ta nghĩ, và luôn tự lừa dối rằng ta biết, ta giỏi… Có khi nào ta chân thật nhìn lại chính mình một cách vô tư và giản dị con người mà ta đang là hay không? Nếu ta biết ta biết là ta biết, nếu ta không biết ta cũng biết là ta không biết chứ không ngụy biện hay tự lừa dối chính mình. Khi ta Thấy rõ cái đang là này như thấy rõ “sự tuyệt vọng” ở trên, ở đó có một sự giải thoát cho chính ta, một sự chấm dứt của tâm trí, của bản ngã để cái-đang-là hiện diện dù đó có là xấu xa, đẹp đẽ hay là gì đi chăng nữa, và ở đó ta sẽ thấy cái trống không hiện diện, hãy làm đi và Thấy nó, nó không cao siêu gì cả mà nó giản dị vô cùng, giản dị như một chiếc lá rụng hay hòn sỏi nằm bên lề đường kia thôi… Nó đáng để sống lắm, rất bình thường và đơn giản thôi, chỉ tâm trí lúc nào cũng biến mọi thứ trở nên phức tạp và rối rắm.

sự giản dị 3Ảnh: an_photos 

Vậy giờ ta muốn giản dị thì làm thế nào? Tâm trí sẽ rất ranh mãnh, nó sẽ tìm mọi cách để thể hiện sự giản dị, để nó nghĩ rằng nó giản dị, nó cao đẹp. Sự giản dị không phải là thứ có thể trau dồi, vì mọi sự trau dồi đều chỉ là giả tạo. Chỉ có một cách duy nhất là mỗi người chúng ta tự ý thức chính bản thân mình, chân thật với chính mình để thấy sáng suốt mọi thứ bên trong tâm trí ta và bên ngoài cuộc sống. Ngày ta Nhìn – tự ý thức chính tâm trí đang tự thể hiện, đang kiêu căng, đang tự mãn mà nở một nụ cười cho điều trẻ con ấy thì ngày ấy sự giản dị đã ở trong ta rồi. Và từ sự giản dị ấy, từ sự thấu suốt chính bản thân mình, ta có xu hướng buông bỏ nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn, cả cuộc sống vật chất bên ngoài lẫn mọi thứ phức tạp bên trong mà ta đã từng bám chấp như danh vọng, kinh nghiệm, kiến thức, thành tựu… Và đến lúc ta cảm thấy ta chẳng là ai cả, chẳng cần nhiều thứ như ta đã từng nghĩ ta cần, khi ấy ta nhẹ nhàng, đơn giản và thanh thản, tự tại. Ta tự do!

Tác giả: Phạm Đức Hậu

*Featured Image: pixabay

Tình dục có phải là trái chín trong tình yêu?

1

Tình yêu luôn là một chủ đề hấp dẫn đối với tất cả mọi người. Từ lúc đặt chân đến với cuộc đời, con người đã biết yêu. Tình yêu gia đình, tình yêu nhân loại, và không thể thiếu tình yêu nam nữ. Là chủ đề nóng bỏng với tất cả chúng ta. Nhưng không ai có thể định nghĩ được tình yêu. Nếu ai đó có đủ khả năng làm điều đó thì họ chẳng biết gì về tình yêu. Vâng, thật khó để  nói lên tình yêu là gì. Vậy nên tôi nghĩ mình như gã mù mò tìm tình yêu trong tất cả những thứ mà tôi không cho rằng đó là tình yêu.

Đa phần mọi người luôn nghĩ đến tình yêu và sử dụng danh xưng “người yêu của tôi.” Từ “của” này hàm ý một sự sở hữu. Nhưng tôi lại không nghĩ tình yêu là một sự chiếm hữu. Tôi yêu người ấy và tôi muốn người ấy chỉ là của tôi. Tôi nghĩ không ai là “của” ai. Chúng ta không thể van xin nguyện cầu tình yêu của một người dành cho mình. Tôi không yêu vì không nhận lại được sự đáp trả. Tôi chỉ yêu anh khi anh cũng phải yêu tôi. Chính vì sự lầm tưởng tai hại này mới xuất hiện những cơn ghen hoạn thư.

Tôi cũng không nghĩ tình yêu là cảm xúc. Đối với tôi, cảm xúc chỉ là cơn gió thoảng qua trong phút chốc. Mặt khác, nếu một người sở hữu quá nhiều cảm xúc, người đó sẽ rất khó kiểm soát tình cảm của mình. Người đó có thể hạnh phúc ngất ngưởng tận thiên đàng nhưng cũng có thể đau khổ đến đáy sâu địa ngục. Và bạn sẽ không thể lường trước được một người có quá nhiều cảm xúc sẽ tàn nhẫn hung hăng đến đâu nếu tình cảm của hắn ta không được đền đáp. Tại sao xã hội này lại có quá nhiều mối hận thù nảy sinh giữa những đôi tình nhân. Không phải vì quá yêu mà đâm ra hận thù. Không phải “yêu nhau lắm thì cắn nhau đau.” Đừng nghĩ đến tình yêu khi núi lửa sắp phun trào trong bạn. Bởi nham thạch phun ra sẽ thêu trụi luôn cả chính bạn và tình nhân bạn.

Tình yêu cũng không phải là sự bao dung tha thứ. Khi bạn tỏ ra cao thượng, bạn cho rằng mình đang tha thứ người đó. Tức bạn vẫn còn là người quan trọng, chính bạn đang tha thứ nghĩa là bạn vẫn quan trọng hơn tình nhân của bạn. Chỉ khi nào bạn không còn đặt bạn quan trọng hơn người đó nữa, lúc đó tình yêu mới xuất hiện. Mặt khác, chúng ta có thể tha thứ một đôi lần nhưng không thể bao dung cho tình nhân lần này đến lượt khác khi người đó sát hại tổn thương lên bạn, sự phẫn hận kia sẽ chồng chất và tích trữ lại thành một quả bom nổ chậm. Đừng bao giờ nói rằng vì tôi quá yêu anh nên tôi sẽ tha thứ cho anh tất cả mọi lỗi lầm.

Tình yêu còn phải là sự kính trọng lẫn nhau. Không thể mượn cớ lý do tôi quá yêu người ấy, yêu đến nỗi tôi chẳng còn thiết tha người ấy đối xử với tôi thế nào. Yêu mà chỉ biết yêu thôi, yêu bất chấp. Điều đó chẳng khác nào bạn cầm dao và cứa lấy từng miếng da miếng thịt của bạn mỗi ngày cho đến khi nó ăn sâu vào tâm can rồi giết chết bạn.

tình dục có phải là trái chín 2Ảnh: JUrban 

Vâng, đối với quan điểm riêng tôi, tôi chẳng biết tình yêu là gì nhưng tôi nghĩ tình yêu không thể nào là sự chiếm hữu, không chỉ là cơn điên cuồng cảm xúc, không phải là sự bao dung tha thứ, tình yêu không thể thiếu sự tôn kính quý trọng lẫn nhau… Tình yêu là một điều gì đó vừa tốt đẹp lại vừa rất khó khăn. Nhưng nếu một sự việc càng khó khăn thì ta càng có lý do để theo đuổi chúng. Không phải ai cũng có cơ hội biết đến tình yêu. Chúng ta không thể dùng trái tim non nớt của mình để nói về tình yêu như một trang giấy trắng tinh khôi. Phải học cách yêu. Đừng nói về tình yêu bằng thứ ngôn ngữ thoáng qua của nhịp đập tim xao xuyến. Rồi đến với nhau bằng sự dâng hiến trao tặng, đến mức mình có thể dùng cả thế giới mình để phụng hiến cho người mình yêu. Rồi tự đánh mất cuộc sống mình trong cuộc sống của một người khác. Đánh mất mình vì tình yêu đối với người khác. Rồi chán chường, vỡ mộng ê chề, mất niềm tin vào tình yêu và đánh mất luôn cả những người yêu khác đến sau đó. Cũng có nhiều người dùng giới hạn chật hẹp của xã hội để kìm hãm tình yêu. Biến tình yêu thành thứ yếu đuối phải khom mình trước thiên hạ. Làm thế nào khi họ đang cố gắng vồ xiết nhau giữa những thứ tầm thường rẻ tiền rồi gọi đó là tình yêu và đánh mất đi cơ hội được trông thấy nó bằng da bằng thịt.

Một điều nữa. Tôi không bao giờ muốn bàn đến tình yêu là niềm đam mê xác thịt. Hơn thế còn đập tan mọi lý tưởng thanh cao về tình yêu bằng cách phủ nhận tình yêu mà thiếu tình dục thì chỉ là đồ bỏ đi. Tình yêu có phải là cái hình hài khủng khiếp mà họ đang muốn nói đến đó hay không? Một sự công nhận hợp đạo lý cho cái dục vọng mãnh liệt bên trong tình yêu.

Tôi không có thói quen ghê tởm nhục dục, tôi cũng không có nhu cầu giữ mình trong sạch, tôi không dùng cái màng trinh để áp bức tình yêu. Tôi không muốn giam cầm tình yêu trong tiết hạnh của xã hội đặt ra nhưng không đồng nghĩa với việc lên giường với bất kỳ gã đàn ông nào xuất hiện trước mặt. Tiếng gọi tình yêu chắc chắn không cho phép ai bịt miệng mình và cũng không cho phép ai mượn nó để dung nạp những thỏa mãn dục vọng. Đừng nói với tôi rằng em hãy lên giường cùng anh để chứng minh tình yêu em dành cho anh. Tôi sẽ tát vỡ mồm gã nào dám nói với tôi câu đó, đừng che dấu sự đê hèn của mình dưới tấm mặt nạ rồi núp bóng dưới tình yêu ảo tưởng. Không cần phải hóa thân thành các tu sĩ để biến mình thành nhà khổ hạnh đấu tranh giữa tiết hạnh và dục vọng. Nhưng thứ tình yêu đích thực thì không bao giờ cần đến tình dục mới được là chính nó. Chỉ có thứ tình yêu chưa đủ mới cần đến tình dục để làm tròn vẹn khuôn mặt nó. Ít nhất thì đây chính là cảm tưởng của tôi.

Tôi nghĩ tình dục mang lại những khoái cảm thân xác giúp ta nhận biết và đi sâu vào thế giới. Đó là một món quà tuyệt vời mà tình yêu đã ban tặng cho người đang nắm giữ nó. Bản chất của nó không xấu, việc mọi người chấp nhận nó cũng không phải là xấu. Nhưng có những người đã lợi dụng để tha hóa đi bản chất và sự thiêng liêng vốn có của nó để thỏa mãn bản thân như một sự giải trí. Khi mọi người có khuynh hướng xem khoái lạc nhục thể là một tiêu chí để tình yêu hướng đến thì họ đã làm cho tình yêu trở nên dễ dãi và rẻ tiền.

Và sau cùng, nếu có ai đó chỉ trích rằng tôi chẳng hiểu biết gì về tình yêu. Tôi chấp nhận làm kẻ ngu đần đứng nhìn tình yêu với đôi mắt bơ phờ. Bởi lẽ, tôi không bao giờ cho phép sự ngu muội của mình làm vẩn đục tình yêu.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: StockSnap 

Cậu không sống một cuộc sống, cậu là cuộc sống

1

Cậu và cuộc sống chẳng thể tách rời, vậy nên cậu không thể ý thức rằng mình đang sống vì khi ý thức đó xuất hiện, cậu tách biệt với cuộc sống, và khi đó có cuộc sống và người đang sống. Nhưng thực tế cậu cũng đang không ý thức mình đang sống, không phải vì cậu đã hợp nhất với Cuộc sống, mà vì cậu ở trong sự điều kiện của môi trường quá sâu, sâu đến mức cậu để chúng vận hành thay cho tư duy của cậu, cậu sống như một cái máy lặp lại mọi thứ đã được lập trình, nhào nặn bởi truyền thống, văn hóa, giáo dục, niềm tin, ý thức hệ,… Cậu có thể thấy hạnh phúc vì hạnh phúc trong sự ngu dốt rất dễ để có được, một cuộc sống dư dật về vật chất, một mục tiêu nào đó cậu gán cho nó ý nghĩa để đạt được, một chút cảm nhận có vẻ sâu sắc về tình cảm, những trò giải trí, những lạc thú vụn vặt hàng ngày… đủ để làm cậu thỏa mãn và hạnh phúc trong sụ ngu dốt đó… Thực tế thì cậu không sống mà mọi thứ kia sống thay cậu, cậu giống như một cái máy và được cài sẵn một hệ điều hành, từ đó cậu sống dựa theo hệ điều hành ấy, hạnh phúc của cậu phụ thuộc vào những gì hệ điều hành này muốn, hành động của cậu được uốn nắn theo những gì có trong hệ điều hành. Số phận cậu đã được an bài, và mình biết cậu hạnh phúc với sự an bài ấy.

Còn người tư duy, kẻ đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, kẻ đào sâu vào hiện tại, vào nội tâm anh ta, kẻ đang cố giành lại tâm trí của anh ta khỏi bất cứ hệ điều hành nào, khỏi bất cứ những kẻ tẩy não – kẻ lập trình nào để tìm cho ra ý nghĩa tuyệt đối của cuộc sống này ngoài những thứ ngu xuẩn, vụn vặt và điên cuồng ngoài kia. Anh ta truy tìm, tra vấn, dò xét, hoài nghi, thử nghiệm, bám chấp, buông bỏ, phủ nhận, khẳng định, mâu thuẫn, đau khổ, hạnh phúc… Anh ta phải như vậy thôi vì với anh ta, cuộc sống hiện tại anh ta chứng kiến không thuộc về anh ta, cuộc sống anh ta muốn hướng đến thì anh ta lại không có ý niệm gì về nó. Nó như một đường hầm tối đen sâu thẳm mà anh ta cứ tiến tới, dò dẫm mà không biết dẫn tới đâu, anh ta hoang mang, bối rối, trống rỗng và tuyệt vọng bởi cái không biết, bởi lần đầu tiên trong cuộc đời anh ta được tự do vì không bám chấp vào bất cứ điều gì cả, ngay cả tâm trí của chính mình anh ta còn liên tục cảnh giác và hoài nghi vì không biết chúng có là sản phẩm của bất kỳ một loại hệ điều hành nào khác còn sót lại hay không.

Anh ấy khắc khoải bởi ý nghĩa cuộc sống mà anh ấy tìm kiếm, anh ấy sợ cả đời cũng không tìm được ánh sáng phía cuối đường hầm và có thể cứ phải sống trong khắc khoải, trống rỗng này đến suốt cuộc đời. Anh ấy cảm thấy rằng mình không thuộc về bất cứ nơi nào cả, cuộc sống mà anh ấy đã vứt bỏ và cuộc sống anh ấy đang hướng đến, anh ấy đang ở giữa, cái khoảng giữa ấy là một hố đen trống rỗng và cô đơn cùng cực, anh ấy đau khổ và cảm thấy như Tạo hóa đã an bài cho anh ấy phải sống chung với sự đau khổ khôn cùng này mãi mãi. Nhưng dù trong đau khổ anh ấy vẫn cố tiến tới (mặc dù anh ấy không biết mình có đang tiến tới hay không) cái cuộc sống anh ấy không biết, dù đôi khi anh ấy toan thỏa hiệp với cái cuộc sống hiện tại của những con người ngoài kia nhưng chỉ một thời gian ngắn, anh ấy thà chịu đau khổ gấp trăm ngàn lần hơn là phải thỏa hiệp sống cuộc đời như vậy – một cuộc đời của những thỏa mãn nhất thời, của sự nô lệ, của sự ngu muội, của sự hủy diệt…

Tớ muốn nói với những người như anh ấy rằng: Hỡi người anh em, cuộc sống vẫn ở đây, vẫn hiện diện như nó đang hiện diện từ ban đầu. Anh không phải là cá thể riêng biệt cảm nhận cuộc sống này để rồi cảm thấy đau khổ hay hạnh phúc. Anh là cuộc sống và cuộc sống là anh. Khoảnh khắc anh đi tìm một ý nghĩa khác cho cuộc sống thì anh đã xa rời khỏi cuộc sống rồi, và trong sự phân chia ấy luôn dẫn đến sự mâu thuẫn, ảo tưởng và đau khổ. Đúng, đó là số phận của anh, nhưng không phải tạo hóa an bài cho anh mà chính anh lựa chọn nó. Anh sẽ không bao giờ tìm thấy cái ý nghĩa nào về cuộc sống, hay một cuộc sống nào khác cả. Tất cả đã ở đây và đã luôn ở đây rồi và chúng không có ý nghĩa hay vô nghĩa gì cả, anh – con người – cây cối – con chó – mặt nước – ngọn gió – mặt trời – ngôi nhà – chiếc mũ – chiếc xe – mặt đất – hạt bụi – suy nghĩ – tưởng tượng – cảm xúc – đau khổ – hạnh phúc – chiến tranh – nghèo đói- sự tìm kiếm của anh… Tất cả, tất cả đang ở đây và luôn ở đây, đây là cuộc sống, là anh và là tất cả.

cậu không sống một cuộc sống 2Ảnh: Joshua_seajw92 

Anh còn định đi đâu nữa, còn tìm kiếm gì nữa, còn làm điều gì nữa? Ngày nào anh còn tìm kiếm, ngày nào còn “anh” , ngày nào mà anh còn gán bất cứ ý nghĩa nào cho cuộc sống thì ngày đó anh xa lìa cuộc sống, thì ngày đó anh còn đau khổ và trống rỗng bởi ảo tưởng đó. Ngày anh chấm dứt tìm kiếm, ngày anh để cuộc sống tuôn chảy qua anh như qua một chiếc lá rụng ngoài sân, ngày anh để mọi sợ hãi, đau khổ, trống rỗng hiện hữu như chúng là mà không phán xét, không kìm nén hay chạy theo chúng, anh chỉ NHÌN chúng và để chúng lướt qua như làn gió, ngày anh không còn là “anh” nữa mà anh là tôi và là tất cả và không là gì cả, và không có đau khổ hay hạnh phúc, anh hay tôi, cuộc sống của anh hay cuộc sống của tôi… chỉ có Cuộc Sống hiện hữu vĩnh hằng.

Và với cậu, cuộc sống của cậu có gì khác ngoài những thứ vun vặt này, những thỏa mãn nhất thời này và tất cả sẽ dẫn đến sự chán trường, đau khổ, và tất cả sẽ như một lâu đài cát bên bờ biển khi ngọn sóng của cái chết ập đến. Cậu biết điều đó phải không, cậu biết mọi thứ nông cạn của cuộc sống này nhưng cậu lại không đủ dũng cảm vứt bỏ nó vì cậu không biết một cuộc sống nào khác, cậu thỏa hiệp và để con người cậu tàn tạ, chết từ từ trong sự tầm thường ấy… Không, người anh em, cậu ở đây để sống cuộc sống của cậu – Cậu là hiện thân của Cuộc sống và có đủ quyền năng để sáng tạo một cuộc sống mà cậu muốn sống. Hãy giản dị và chân thật để Thấy sự ngu muội, dối trá, nông cạn, tầm thường, vô nghĩa lý, phức tạp không cần thiết của tâm trí và cuộc sống mà cậu đang sống, hãy Thấy sự nô lệ của mình, cái ngục tù mà hàng ngày cậu vẫn trang trí và tự hào về nó, khi cậu Thấy rõ cái ngục tù mà cậu đang ở trong, cậu đã được tự do rồi, không cần phải vượt ngục hay đập phá gì cả, và một cuộc sống mới sẽ mở ra cho cậu từ khoảnh khắc Thấy ấy…

Hãy đi trên con đường ấy mà không dựa dẫm vào bất cứ ai, bất cứ một người nào, một hệ thống kiến thức, tư tưởng nào cả, cậu phải một mình trên con đường này, đồng minh duy nhất của cậu là chính cậu. Hãy dũng cảm và bước đi, khi cậu đã bước trên con đường này, sẽ không có việc quay đầu lại nữa vì con bướm không bao giờ có thể trở lại trong cái kén của mình nữa dù cho nó có sợ bay như thế nào… Hoặc là cậu vẫn và sẽ sống với cuộc sống cậu đang sống và chết dần chết mòn trong đó, hoặc là cậu sống một cuộc sống khác – một cuộc sống mà cậu sinh ra và chết đi trong từng khoảnh khắc, một cuộc sống không có thời gian, không có sinh tử, một cuộc sống tuôn chảy vô hạn.

Có thể sẽ có những bất an, hoang mang và trống rỗng nhưng bạn của tôi, đừng cảm thấy đơn độc, dù chúng ta không đi cùng nhau nhưng chúng ta luôn đi chung đường.

Tác giả: Phạm Đức Hậu

*Featured Image: KIMDAEJEUNG 

Tam tòng tứ đức – Đạo lý dành cho phụ nữ là đạo lý ngầm dành cho đàn ông

15

*Bài viết này hoàn toàn dựa trên sự quan sát và đúc rút kinh nghiệm từ trải nghiệm cá nhân. Nếu còn gì sai sót, hy vọng được các bậc tiền bối chỉ giáo.

Xin được đi luôn vào vấn đề.

1. Tam tòng

Tam tòng tức là “ba theo”: Người phụ nữ chưa lấy chồng thì theo cha, có chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Có thể dễ dàng nhận thấy, cả ba đều là trạng thái thụ động, bị động của người nữ – theo, bất kể trạng thái hôn nhân của cô ta là gì. Theo những nghiên cứu của tôi về ngôn ngữ biểu tượng, người nữ vốn dĩ đại diện cho tính âm, nên biểu lộ của âm sẽ là âm. Tức là, trong trường hợp này, phụ nữ sẽ thể hiện sự nhu thuận, quy phục, phục tùng.

Người xưa viết ra đạo lý không chỉ đơn thuần hiểu theo nghĩa đen. Ẩn trong đó là sự cân bằng về mặt năng lượng, có tính đối xứng và hài hòa âm dương. Người thời nay, nhìn vào đạo lý đó và cho rằng nó là một thứ cổ hủ lạc hậu, thậm chí ngu đần. Nếu áp dụng đạo lý này, người phụ nữ sẽ bị đàn áp, bóc lột, không có tự do, chính kiến. Người phụ nữ sẽ trở nên yếu đuối và đau khổ.

“Bậc thượng sĩ nghe đạo thì gắng sức thực hành. Người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ. Kẻ thấp kém nghe đạo thì cười lớn. Nếu không cười thì đạo không phải là đạo nữa. Cho nên lời xưa có nói: Đạo sáng thì như tối tăm, đạo tiến thì dường như thoái, đạo bằng phẳng thì dường như gập ghềnh. Đức cao thì như hang động, cao khiết thì dường như ô nhục, đức rộng thì dường như thiếu thốn, đức mạnh thì dường như yếu nhác, chất phác thì như trống rỗng. Hình vuông cực lớn thì không có góc, tài lớn thì chậm thành, âm lớn thì ít tiếng, vật lớn thì không có hình thể, đạo thì lẩn khuất không tên. Cho nên chỉ có đạo là khéo sinh và tác thành muôn vật.”

— Lão Tử, Đạo Đức Kinh (Vũ Thế Ngọc dịch)

Nhưng hãy nhìn cho thật kỹ. Chính xác thì sự đàn áp hay bóc lột chỉ tồn tại khi người phụ nữ còn bám giữ những thứ “trồi lên” hay “lòi ra” như quan điểm cá nhân, hay chính là biểu hiện của cái tôi, sự ích kỷ. Khi rơi vào đạo lý, họ sẽ gặp xung đột trong nội tâm nên sẽ dễ bị mệt mỏi và tổn thương.

Đạo tam tòng không dạy người đàn bà nghe lời một cách mù quáng, mà dạy họ sự nhu mì, nhún nhường trong thái độ cư xử với người khác và dạy họ hi sinh cái tôi để mang tới sự hài hòa chung trong mối quan hệ. Từ “theo” không nên hiểu 100% nghĩa đen là tuân theo, nghe theo, làm theo, đi theo, mà nên được cảm nhận theo tính thụ động mà nó thể hiện. Đó là sự nhún nhường, khiêm cung, hòa nhã, kiên nhẫn và bao dung.

tam tòng tứ đức 2Ảnh: Pexels

Giả sử ngày nay, trong trường hợp phụ huynh áp đặt hôn nhân lên người con gái. Nếu người nữ đã thoải mái lựa chọn cha mẹ đặt đâu mình ngồi đấy rồi thì đó là quyết định của cô ta, chuyện này không có gì đáng bàn. Nhưng nếu cô ta không chọn, thì có thể nhẹ nhàng thể hiện ước vọng của mình với mẹ cha để hai bên cùng tìm cách giải quyết. Nếu vẫn không tìm đến được điểm chung thì sự quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người phụ nữ.

Nhưng điều tối quan trọng đó là, sự nữ tính ở đây được thể hiện ở cách thức tiếp cận vấn đề và khả năng xử lý tình huống trong sự ôn hòa. Để làm được điều đó, người phụ nữ cần dịu dàng với cảm xúc, nguyện vọng của chính mình cũng như cha mẹ. Ngoài sự điềm đạm và ôn hòa ra, mọi biểu lộ khác của người nữ đều là bạo lực. Ví dụ như cố gắng đè nén điều trái tim mách bảo và nghe lời một cách mù quáng, hay khóc lóc bù lu bù loa để thao túng cảm xúc của gia đình, thậm chí giở mấy trò mèo như tự tử hay đoạn tuyệt với mẹ cha.

“Theo” không thể hiện sự nhu nhược, yếu đuối mà thể hiện sức mạnh hướng nội – sự ôn nhu, bình thản, hài lòng; đối ngược với sức mạnh hướng ngoại trong biểu tượng người đàn ông – ý chí, sự kiểm soát, sự quyết tâm và tính kỷ luật. Nội dung này cũng được hé lộ trong huyền học phương Tây ở hai lá bài Tarot: Lá số 8 Strength là hình ảnh người nữ thuần hóa con sư tử và lá số 7 Chariot là hình ảnh người nam điều khiển hai con ngựa đen-trắng.

tarot strength

tarot chariot

Âm và dương luôn đi theo cặp, không thể tách rời và cân bằng tuyệt đối. Âm là mảnh đất cho dương tồn tại và phát triển. Đồng thời, dương là mảnh đất cho âm tồn tại và phát triển. Nên nói dương thịnh âm suy hay âm thịnh dương suy theo tôi đều là không hợp lý. Chính xác phải là âm dương cùng thoái hóa hoặc cùng phát triển.

Mỗi cực âm hay dương đều có hai mức độ, tạm gọi là chuẩn mực và thoái hóa. Ví dụ: Một tính âm chuẩn mực là sự khiêm nhường, luôn đi đôi với một tính dương chuẩn mực là sự tự tin. Tức là người nào có sự khiêm nhường thì ắt có một lượng sự tự tin tương ứng. Trong khi đó, một tính âm thoái hóa là tự ti, luôn song hành với một tính dương thoái hóa là tự phụ. Người nào tự ti ắt sẽ tự phụ và ngược lại.

Trong thời đại ngày nay, khi không còn tuân theo đạo lý, người nữ đang đánh mất dần tính âm chuẩn mực là sự khiêm cung, hòa nhã và sự hài lòng với cuộc sống. Từ đó, trên mảnh đất âm thoái hóa sẽ nở ra cái cây dương thoái hóa, tức là càng ngày càng xuất hiện những phụ nữ xốc nổi, hung hăng, cáu kỉnh, hà khắc, cứng nhắc, nổi loạn và thậm chí là bạo lực (cả trong tư tưởng, lời nói và hành động.) Khi tính nữ thoái hóa thì tính nam cũng theo đó đi xuống một cách tương ứng. Từ mảnh đất dương tồi tàn sẽ nở ra cái cây âm dặt dẹo, thể hiện trong việc xuất hiện càng nhiều hơn những người nam bạc nhược, tự ti, dựa dẫm, lười nhác và vô kỷ luật. Người đời đã có không ít những lời thơ châm chọc, mỉa mai về sự thoái hóa tính nam của người đàn ông, như:

“Chồng người đánh Bắc dẹp Đông

Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo.”

Không thì:

“Chồng người đánh giặc sông Lô

Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần.”

Cuối cùng là:

“Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp cho *uồi ăn tro.”

Ngày nay, thật đáng buồn, người ta lại đánh đồng sự thoái hóa tính nữ của người đàn bà với sự cá tính. Để rồi cô ta chửi tục giữa chốn đông người thì được tung hô là cool ngầu. Cô ta gân cổ lên cãi chồng thì được ca ngợi là bản lĩnh. Và cô ta nháo nhác chuyện thiên hạ thì được tán dương là năng động.

Có một câu hỏi đặt ra, đó là tại sao người xưa không dạy người nam sự nhu mì và dạy người nữ sự cương cường? Theo ngu ý của tôi, tôi cho rằng cơ thể người nữ và người nam cũng đã thể hiện rõ tính âm dương rồi. Điều đó biểu hiện rõ nhất ở cơ quan sinh dục của họ và trong hình thức giao cấu – người nam đi vào người nữ; người nam xuất tinh, người nữ mang thai.

Người nữ học sự nhu mì, điềm đạm sẽ dễ hơn là học sự cứng rắn, oai phong. Vì cơ thể họ cùng sắc thái với năng lượng âm nên họ dễ dàng biểu lộ nó hơn. Ai giỏi việc gì thì nên để họ làm việc đó. Đây chính là nghệ thuật sử dụng nhân lực của người lãnh đạo. Người xưa đã rất trí tuệ khi dạy phụ nữ mềm mại và dạy đàn ông bản lĩnh. Khi tất cả tuân theo đạo lý, dân chúng dần trở về được với tính chất tự nhiên của mình, thế mạnh của mình. Đó là tiền đề để một đất nước cân bằng và hùng mạnh.

Trong mỗi con người đều tồn tại hai thái cực âm dương cân bằng. Người nữ càng điềm đạm bao nhiêu thì cô ta càng can trường bấy nhiêu. Người nam càng bản lĩnh bao nhiêu thì anh ta càng dịu dàng bấy nhiêu. Đến đây, tôi lại nhớ đến một câu nói của Carl Jung:

“But if you pay close attention, you will see that the most masculine man has a feminine soul, and the most feminine woman has a masculine soul.” — Carl Jung

Theo quan sát, tôi thấy rằng người nữ phù hợp với những công việc gắn liền với xúc cảm, trực giác, sự ngẫu hứng, đi vào tiểu tiết (cầm kỳ thi họa, nữ công gia chánh, v.v…) Còn người nam phù hợp với công việc có tính tư duy, tổ chức, kỷ luật, kiến thiết (tranh luận, làm luật, xây dựng, lãnh đạo, phát minh, v.v…) Tất nhiên, hai giới có thể làm được công việc của nhau, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để thành tựu hơn so với giới kia khi xét cùng một công việc. Tôi cho rằng chuyện nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc nhà cửa thích hợp với phụ nữ hơn là với đàn ông. Vì người nữ dễ dàng nắm bắt những tiểu tiết, trong khi người nam dùng con mắt cho những thứ mang tính đại cục, tổng thể.

Thời xưa, việc cùng nhau áp dụng và tuân theo một đạo lý sẽ làm tăng cường độ thống nhất và kỷ luật của đám đông. Từ đó, tránh được tối đa sự xung đột, mâu thuẫn. Cá nhân tôi cho rằng việc áp dụng đạo lý đó là một sự sáng suốt và vĩ đại. Người ngày nay chẳng còn gì tuân theo nữa nên rất bát nháo, ô hợp và lạc lối. Nếu có được dạy tuân theo một cái gì thì đó sẽ là chính mình. Hàng loạt những lời răn nhan nhản khắp các sách vở, trên báo đài rằng: “Hãy là chính mình.” Trong khi thật mỉa mai là hàng ngàn năm nay chỉ có những bậc vĩ nhân xuất chúng mới thật sự chạm tới được “chính mình” để mà “là chính mình.”

Chưa kể, con người trong xã hội hiện nay bị chia rẽ rất nhỏ theo các tôn giáo, lãnh thổ, chủng tộc, địa vị xã hội… Rất khó để tìm được điểm chung giữa hai con người vậy làm sao có thể tìm được điểm thống nhất của một dân tộc?

Ngày nay, khi âm dương đảo lộn – cơ thể người nữ không rung động với tính nữ và cơ thể người nam không rung động với tính nam, thì tình trạng vô sinh càng ngày càng gia tăng. Người phụ nữ không mang đủ tính âm chuẩn mực (sự mềm mại, dung dưỡng, thư thái, bao dung) thì rất khó thụ thai và mang thai, vì đứa con là tính dương thuần khiết, khởi đầu của sự sống. Người nam không mang đủ tính dương chuẩn mực (sự quả quyết, dũng mãnh, kỷ luật và kiên định) thì sẽ thể hiện sự mềm yếu, bất định, dễ rơi vào sự yếu sinh lý. Sự thoái hóa âm dương sẽ gây nên hao tổn nguồn lực vào việc chữa chạy vô sinh hoặc tạo ra sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình (vợ chồng mâu thuẫn, ngoại tình.)

Tóm lại, tam tòng chính là sự ưng thuận, mềm mại, nhún nhường, hi sinh; là tính âm mà người phụ nữ cần có. Khi người nữ thể hiện được tính chất đó, người nam sẽ tự động cân bằng lại bằng tính dương tương ứng là sự quyết đoán, mạnh mẽ, tự tin và trách nhiệm. Nên việc dạy đạo lý cho người phụ nữ, cũng chính là ngầm dạy đạo lý cho người đàn ông vậy.

2. Tứ đức

Chỉ khi nào có được tính âm chuẩn mực thì người phụ nữ mới có thể biểu lộ chúng ra ngoài đời sống. Điều đó được thể hiện trong “tứ đức.” Ở đây có một câu hỏi đặt ra, đó là tại sao không phải là tứ tòng và tam đức? Theo góc nhìn của tôi, thì số 3 đại diện cho ý tưởng, tinh thần, sự sáng tạo. Còn số 4 đại diện cho cấu trúc, sự biểu đạt, tính ổn định. Tức là phải có spirit trước rồi mới cần tới body.

Ở đây, tứ đức bao gồm: Công, dung, ngôn, hạnh. Theo wikipedia:

  1. Công: Việc nữ công, gia chánh phải khéo léo.
  2. Dung: Dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân.
  3. Ngôn: Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng.
  4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ hàng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh cay nghiệt.

Cả 4 “đức” trên đều là biểu lộ của tính âm chuẩn mực của người phụ nữ: Sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo (trong công việc); khả năng chăm sóc, dung dưỡng (làm đẹp ngoại hình, mở rộng hơn là làm đẹp tổ ấm);  nhu mì, dịu dàng, ngọt ngào, nhã nhặn, từ bi (trong ngôn từ); sự khiêm cung, ôn hòa, biết đúng vị trí của mình (trong các mối quan hệ.)

Tóm lại, khi có tính âm chuẩn mực bằng nào, người phụ nữ sẽ tự khắc biểu lộ ra được bốn “đức” bằng đó. Và khi thực hành bốn “đức”, tính nữ của họ sẽ càng được củng cố. Tôi cho rằng, người xưa dạy đạo lý rất chặt chẽ cả ở tầng ý tưởng và cách thức áp dụng. Người đàn bà sẽ trở về được tính nữ nhanh và mạnh nhất có thể.

Ảnh: Ultra_Nancy 

Không phải cứ nghe theo đạo lý mà làm theo được, đấy là chưa nói những người không thèm nghe đạo lý. Tính âm là một sự trí tuệ mà con người đang dần đánh mất. Nó là nơi nảy mầm sự sống, sự sáng tạo. Con người ngày nay đang xa rời bản chất tự nhiên của mình, sống với tâm trí náo động và đánh mất mình ở trong tâm trí đó.

“Tam tòng tứ đức” có thể coi là một cách người xưa sử dụng để ngầm lưu giữ tính âm trong xã hội. Nếu để tính âm này thoái hóa, xã hội loài người cũng sẽ thoái hóa theo và sớm đi đến bờ diệt vong. Ngày nay, người ta rũ bỏ “tam tòng tứ đức” để rồi nai lưng ra dạy thiền và học thiền. Trong khi, thiền lại là thứ khó có thể diễn giải và tiếp cận trực tiếp được nên việc dạy và học càng khiến người ta trở nên hoang mang và mê muội.

Chính những đạo lý ngày xưa, khi ẩn mình đi trong hình ảnh, trong phép ẩn dụ mới là cách truyền đạt tốt nhất. Vậy mà con người, chỉ vì ôm giữ vẻ ngoài nên càng lúc càng xa rời điều cần thiết cốt lõi dành cho chính mình.

Bản thân tôi là một người nữ, đã trải qua một quãng thời gian dài sống với sự quá đà tính nam, dẫn đến sự thoái hóa trong cả hai mặt âm dương. Tôi đã là người rất hay nổi giận, kiểm soát người khác cũng như môi trường xung quanh. Cứng quá thì gãy – câu này đã quen thuộc. Rất nhiều mối quan hệ của tôi đã vỡ đổ khi sự bất mãn dâng lên quá nhiều vì tôi không chịu nhún nhường hay hạ thấp quan điểm/cái tôi xuống. Công việc của tôi cũng tan nát: Tôi sáng tác truyện theo một hình thức rập khuôn, có sự kiểm soát nội dung quá mạnh dẫn đến sản phẩm tạo thành khô cứng và thiếu sức sống. Sức khỏe của tôi cũng suy kiệt nhanh chóng vì nó chịu sự gò bó khi phải thực hiện các công việc theo trình tự hàng ngày.

Đã có rất nhiều trải nghiệm sai lầm chỉ ra sự thoái hóa tính âm dẫn đến sự hủy diệt một cách bạo lực như thế nào. Sau khi nhìn ra, tôi đã thay đổi, làm ngược lại mọi thứ. Bắt đầu bằng việc tự hạ thấp mình, tự hủy những quan điểm của mình để hướng đến sự hài hòa trong các mối quan hệ, bỏ qua sự tranh đua đúng sai, hơn thua. Tôi bắt đầu viết truyện theo cảm giác, trực giác, không sử dụng tư duy, suy luận quá nhiều nữa, những ý tưởng sáng tạo tuôn về dào dạt mà không mất quá nhiều sức lực. Tôi cũng linh động hơn trong các công việc thường ngày, chăm sóc và lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Từ đó, sức khỏe được cải thiện và tôi tìm thấy niềm vui trong mọi việc. Nghe thì có vẻ dễ như ăn bánh nhưng thật ra việc đi ngược lại xu hướng cố hữu của mình là chuyện không hề dễ dàng gì. Giống như xe đang lao về phía trước với tốc độ cao, mình phải thò chân xuống đất để làm phanh trước khi xe rơi xuống vực vậy. Đau, rất đau, nhưng đáng.

Cuối cùng, để kết thúc bài viết, tôi xin trích mấy lời của Dalai Lama mà tôi cho rằng ngài ấy cũng đang truyền đạt ý tưởng về tính âm/tính nữ đến với mọi người:

  1. Khỏe, không phải là nhấc lên mạnh, mà là để xuống nhẹ.
  2. Kính, không phải là đối với trên, mà là xử với dưới.
  3. Ðẹp, không phải là hút người vào, mà là giữ người ở lại.
  4. Xấu, không phải tại gương mặt, mà tại cách sống.
  5. Khéo, không phải tạo điều to, mà là làm điều nhỏ.
  6. Hay, không phải là ngạc nhiên, mà là sự thú vị.
  7. Buồn, không phải do bên ngoài, mà vì ẩn bên trong.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: Sadie Pices

Ai là tôi?

0

Ai là tôi?

Bạn nhất định trả lời được câu hỏi ai là tôi vì tất cả loài người đang sống trên mặt đất trần gian này đều tự động cài đặt chức năng hiểu thấu được người khác. Nếu bạn bảo rằng bạn không thể nào hiểu nổi một người, bạn chắc chắn sẽ là tội đồ.

Tôi là đứa chẳng bao giờ có thể hiểu hết chính mình mà chỉ lo đi hiểu người khác. Tôi ảo tưởng mình sinh ra đã mang theo sứ mệnh đi giải cứu thế giới nên suốt ngày chỉ biết nghe nhìn thế giới bên ngoài. Chưa bao giờ đi sâu vào bên trong để học cách yêu lấy chính mình. Tôi cứ nghĩ mình là anh hùng nên thấy chuyện bất bình là muốn ra tay cứu giúp, bộ võ lợi hại nhất của tôi là võ miệng.

Tôi nghĩ mình đúng thật là thiên tài vì dưới chân tôi là đám tiện dân chẳng bao giờ có thể ngoi ngóp lên nổi. Tôi có mặt những lúc thế gian này cần, lên tiếng bênh vực kẻ yếu bằng những chân lý bất di bất dịch không ai có thể rung chuyển. Tôi luôn sẵn sàng phê bình, đánh giá và phán xét bởi tôi rất tự tin với vốn kiến thức của mình. Vâng, vốn kiến thức tôi đã học lỏm được trong mấy quyển sách. Nếu bạn muốn, tôi hoàn toàn có thể trích dẫn ra tất cả những gì tôi nói và tôi thậm chí có thể nói luôn cả tên người nói, ngày tháng năm và bối cảnh phát ngôn. Hôm nay ở đây có vụ này đang rộ lên, có diễn biến mới vụ kia vừa mới được cập nhật trên các trang báo, chắc chắn rằng tôi sẽ chẳng khác nào một con heo béo nục nịch không bao giờ bỏ lỡ cám ngon.

Tôi là những nhà tri thức vừa mới tốt nghiệp chuyên nghành này kia từ bên nước ngoài trở về Việt Nam để dùng con mắt đã được mở to rồi soi vào cái ao làng. Tôi có cả những luận án tiến sĩ thạc sĩ được cấp bởi những trường danh tiếng. Vâng, tôi là những thanh niên tri thức mới, lớp trẻ, là tương lai được tiếp cận văn minh hiện đại nên tôi hoàn toàn có thể biết được cái nào là phù hợp nhưng vì tôi sống quá văn minh hiện đại nên tôi thật chẳng còn thiết tha gì với cái ao làng quê mùa này nữa. Nó giờ chỉ đáng làm trò tiêu khiển chém gió của tôi trong những cuộc vui bạn bè.

Tôi biết Trang tử, tôi biết Lão Tử, biết Socrates, Plato, tôi thông suốt Thánh Kinh, tường tỏ đạo Phật… nên trong khi hút một điếu xì gà thì tôi sẽ dùng giọng điệu bao dung độ lượng cho những kẻ chẳng biết gì. Tôi còn là loại người thường nói những câu bất cần đời, chửi rủa, tự nhận mình là nghệ sĩ và chẳng cần đếm xỉa gì đến thế gian, chỉ vô tình ghé qua nên vào góp vui vài câu cho rôm rã. Tôi không nghĩ là mình vẽ màu vẽ sắc gì vào bức tranh đó vì dân nghệ sĩ thứ thiệt như tôi chỉ bận tâm đến nghệ thuật chân chính mà thôi.

Tôi còn là loại người hay nói đến Đạo Đức Kinh hoặc Nam Hoa Kinh và khiến người khác học máu bởi sự thông thái của mình. Tôi nói đến tranh của Van Gogh và nhạc của Mozart hoặc Beethoven, tôi chẳng bao giờ bận tâm đến thứ âm nhạc Việt Nam thị trường. Tôi vừa ngồi nghe vừa nhịp chân hai ba hai bốn, đánh các ngón tay nhẹ vào đùi chân và tỏ niềm thất vọng bởi Việt Nam chẳng bao giờ sinh ra được thứ nghệ thuật này.

Tôi sinh ra đã có máu anh hùng nên chắc chắn cần phải sống vĩ đại. Luôn tỏ ra khác người. Tôi không được lẫn trong đám đông, tôi phải sống tách biệt thành một cá thể riêng mà không biết rằng chen ra khỏi đám đông này thì cũng lẫn chân vào một đám đông nhốn nháo khác.

Tôi còn là loại người sống rất thực tế, có đạo đức, sống hòa nhập cộng đồng xã hội, có lý tưởng, nhân bản… Loại người như tôi là chuẩn mực xã hội nên chẳng còn một chuẩn mực nào khác có thể chuẩn hơn được nữa.

Tôi là tất cả những gì bạn nhìn thấy ở tôi qua con người của bạn. Hiểu được tôi rõ quá thì bạn có thấy chán ghét và khinh bỉ cái con người là tôi đây?

Tôi là loại người đê hèn nhất cái xã hội này nên tôi thách đố kẻ nào có thể đáng khinh hơn cả tôi đấy!

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: jplenio 

Làm thế nào để trở thành người phụ nữ “nữ tính”?

5

Đà Lạt một buổi sáng tinh khôi ngập tràn nắng. Tôi bước xuống giường đẩy cửa bước ra. Nhìn con “Trâu Già” đang nằm bơ vơ trước sân. Tôi muốn mang nó đi bệnh viện khám chữa bệnh. Xem nào, đánh sạch gỉ, tra dầu các ổ bi, bơm lốp, côn tay đã bị hỏng, có dấu hiệu chết lạnh dưới thời tiết băng giá của Đà Lạt, chẳng biết có bao nhiêu bệnh, chỉ cần gặp bác sĩ là có thể hồi phục sức khỏe.

Ôi anh bạn già đã một thời nam chinh bắc chiến, lúc tôi cô đơn hay cô độc cũng là người luôn bên cạnh. Bao lâu rồi tôi không ngồi trên lưng con chiến mã này, bao lâu tôi không bước chân ra khỏi Đà Lạt, bao lâu tôi không vi vu trên những con đường, đêm nằm nghe tiếng sóng, sáng ra hít hà thoang thoảng hương đồng gió nội bay. Bao lâu rồi tôi không được ngắm nhìn những ánh mắt tò mò , là cũng bấy nhiêu thời gian tôi không còn được nghe câu: “Chà, con gái mà chạy xe độ ngầu nha.”

Tối hôm qua có anh bạn nhắn tin hỏi tôi có phải là một cô gái “nữ tính.’’ Nói thật, sáng nay tôi chỉ muốn phi con “Trâu Già’’ này đến trước mặt anh ấy. Bóp côn rú thật mạnh, tiếng bô thét lớn sẽ thay lời tôi muốn nói “Anh có tin em cũng là một cô gái nữ tính.’’ Châm lên một điếu thuốc, hít một hơi thật sâu, nhoẻn miệng cười một cái, quay xe, phi nhanh về nhà. Tôi phải trông thật ngầu chẳng khác gì đang sống trong một bộ phim cao bồi ở Mỹ.

Vậy thế nào mới được gọi là một cô gái nữ tính?

Một cô gái nữ tính là người luôn cố gắng chăm sóc làn da, là người luôn trang điểm, tắm rửa cơ thể thơm tho rồi xịt vào người thật nhiều nước hoa, là cô gái luôn chăm sóc móng tay rồi vẽ hình hài hoa lá sặc sỡ, có mái tóc dài bồng bềnh óng mượt, luôn ăn uống lành mạnh có lợi cho sức khỏe và chăm tập thể thao. Họ sẽ luôn cư xử duyên dáng nhẹ nhàng, họ tử tế, thích lãng mạn, không nói tục hay nói chuyện thô bỉ, trong khi ăn thì không nên nhai ngấu nghiến, đi đứng nhẹ nhàng không phát ra tiếng động, sống cực kỳ ngăn nắp. Một cô gái nữ tính còn phải là một người ăn mặc có phong cách dịu dàng như thích mặc váy, mang giày cao gót, yêu màu hồng, mặc áo quần vừa vải không thiếu trên hở dưới. Hoặc một cô gái nữ tính là người hội tụ đủ bốn yếu tố công dung ngôn hạnh, vân vân… Tôi không chắc là anh bạn của tôi không nghĩ đến những chi tiết này khi hỏi.

Theo quan điểm của riêng tôi. Không có một ngôn từ chọn lọc nào có thể định nghĩa được “nữ tính.” Cái “nữ tính “ mà người ta thường quan niệm về phụ nữ cũng không phải là cái vốn có thuộc bản chất của người phụ nữ. “Nữ tính” chỉ là cụm từ do người đàn ông áp đặt cho phụ nữ thông qua văn hóa, giáo dục… Cái “nữ tính” của người cổ xưa khác “nữ tính” của hiện đại, người phương Đông khác người phương Tây, người miền Bắc khác người miền Nam. Và chắc chắn là  “nữ tính” của tôi cũng hoàn toàn khác “nữ tính” mà anh ấy đang nghĩ đến.

Tôi có thể nhìn thấy một cô gái ngồi đọc sách bên ô cửa sổ có tia nắng vàng len lỏi qua tấm rèm che ở một góc trong quán cà phê là “nữ tính.” Nhưng đối với những người qua lại trong quán, họ chỉ xem cô gái đó là một đứa tự kỉ. Hoặc có người chửi cô ta bị khùng vì ngồi dưới nắng rất dễ bị rạm da. Hoặc tôi đang nhìn thấy một người phụ nữ yếu đuối là “nữ tính” nhưng người khác lại cho rằng đó là vô tích sự. Tôi nghĩ một người phụ nữ ngoan ngoãn là “nữ tính” nhưng bạn lại cho rằng đó là thụ động. Ở phương Đông nghĩ rằng người phụ nữ tam tòng tứ đức là “nữ tính” nhưng đối với người phương Tây thì đó là đặc trưng nói lên một người phụ nữ sống phụ thuộc yếu kém.

làm thế nào nữ tính 1Ảnh: DzeeShah 

Chúng ta thường nhầm lẫn một vài đặc trưng xuất hiện trên cơ thể người phụ nữ là giá trị để đánh giá người đó có “nữ tính.” Chẳng hạn một bộ ngực đầy đặn nhìn sẽ “nữ tính” hơn phụ nữ ngực lép. Phụ nữ mông to tròn mặc quần trông sẽ bắt mắt hơn phụ nữ mông bé. Nhưng chúng ta quên mất rằng thậm chí xã hội hiện nay cũng dần xuất hiện một vài đấng nam nhi sở hữu tố chất “nữ tính.” Vậy nên việc quy chụp những vẻ bên ngoài của một vài người phụ nữ để đánh giá mức độ “nữ tính” là hoàn toàn sai lầm. “Nữ tính” không thể đánh giá qua yếu tố sinh học hay hình dáng bên ngoài.

“Nữ tính” cũng không thể đánh giá qua yếu tố tâm lý. Trong tình yêu, bao giờ người ta cũng nghĩ nam chủ động và phái nữ  luôn bị động. Chuyện cọc đi tìm trâu thường không hợp lẽ với tư tưởng phương Đông. Vâng, một cô gái “nữ tính” là một cô gái biết thẹn thùng và ngượng ngạo trước người yêu. Hay trong chuyện tình dục, một cô gái có nhu cầu ham muốn lớn hơn chàng trai thường bị đánh giá. Nhưng thực chất đó chỉ là chuyện về bản năng tính dục và nó chẳng liên quan gì đến tính cách con người. Rõ ràng là người Việt Nam rất quan trọng chuyện trinh tiết nhưng còn các nước phương Tây thì họ chẳng đặt nặng vấn đề đó bao giờ.

Có nhiều người còn cho rằng  người phụ nữ “nữ tính” thì không thể nắm trong tay “nữ quyền.” Vì  những người phụ nữ thuộc vào dạng này thường rất mạnh mẽ, họ sở hữu một vài tính cách rất đỗi nam nhi. “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta.” Là lời tuyên bố bất hủ của Bà Triệu. Mọi người nghĩ rằng một người phụ nữ ra trận đánh giặc không phải là “nữ tính.” Nhưng thực chất nó đâu phải là bản tính xuất phát từ khởi sinh của người phụ nữ. Nó còn bị chi phối bởi bối cảnh bên ngoài.

Trước khi cho đăng bài viết này, tôi cùng anh bạn kia đã có thêm một cuộc tranh luận về vấn đề này. Anh ấy minh họa cho tôi một ví dụ điển hình “nữ tính” thông qua dáng dấp  người phụ nữ Nhật Bản. Người ta thường bảo rằng “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây và lấy vợ Nhật.’’ Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm sáng tỏ ánh hào quang mà người phụ nữ Nhật Bản tỏa ra trong miền đức hạnh của một người phụ nữ. Nhưng tại sao tôi lại được nghe những cô bạn gái người Nhật của tôi kể lể về nổi thống khổ của họ với những truyền thống, lễ nghi của đất nước họ?  Ngoài việc lấy hình ảnh đó để minh họa, anh ấy còn đưa ra luận điểm mọi thứ trong tự nhiên đều là nhị nguyên âm dương. Cho nên nam thì nên dương, nữ nên âm. Đó là thuận theo tự nhiên. Không thuận theo tự nhiên là vô minh. Nhưng một lần nữa tôi lại thấy “Platon đội ơn Thượng đế, trước hết, đã sinh ra ông là người tự do và không phải là nô lệ, và hai là, một người đàn ông và không phải là đàn bà.” Một Kinh Thánh đã chỉ rõ: “Không phải người nam được sáng tạo ra cho người nữ, mà trái lại, người nữ được sáng tạo ra cho người nam.’’ Thánh John Chrysostom: “Trong tất cả các loài động vật, không có con vật nào nguy hại bằng đàn bà.”  Và cả một Khổng Tử : “Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” (Nghĩa là, Khổng Tử nói: “Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng. Gần thì họ khinh nhờn, vô lễ, xa thì họ oán hận”) Cái nữ tính là cái không có sẵn khi người phụ nữ được sinh ra, mà là cái người phụ nữ sẽ trở thành. Vậy phụ nữ cần trở nên “nữ tính” thế nào để vẫn được tôn trọng và sống hạnh phúc?

Trong Chủ nghĩa hiện sinh và cảm xúc của con người. Jean Paul Sartre cho rằng con người tạo ra những giá trị thông qua sự lựa chọn chủ quan của mình: “Nói rằng chúng ta sáng tạo ra những giá trị có nghĩa là: Cuộc sống không có một ý nghĩa tiên nghiệm nào cả. Trước khi bạn đi vào cuộc sống, cuộc sống là hư vô, chính nhờ bạn đem lại cho nó một ý nghĩa, và giá trị không phải là cái gì khác cái mà bạn đã chọn”. Nói theo cách này nghĩa là “nữ tính” chỉ là một cái ý nghĩa và giá trị mà chúng ta đã lựa chọn. Và nếu như đó chỉ là một sự lựa chọn chủ quan, tôi có thể tự chọn theo cái tôi thích, bạn chọn theo cái bạn muốn. Tôi mong rằng tất cả phụ nữ hãy đủ thông minh tỉnh táo để chọn lựa cho mình những nét duyên dáng “nữ tính” mà không đánh mất đi giá trị của chính bản thân mình mà vẫn được tôn trọng.

Tóm lại, “nữ tính” của phụ nữ chỉ là cái mà người đàn ông áp đặt cho phụ nữ thông qua toàn bộ những điều kiện kinh tế xã hội, ý thức xã hội, hệ tư tưởng quy định trong tiến trình phát triển mà người phụ nữ sống. Nếu bạn muốn hỏi tôi thế nào là một người phụ nữ “nữ tính”, làm thế nào để trở thành một người phụ nữ “nữ tính.” Xin hãy nói cho tôi nghe về tính cách, tư tưởng, lối sống của người đàn ông bạn yêu. Tôi nghĩ tôi sẽ biết cách để khiến bạn “nữ tính” hơn.

Và sau cùng. Trong lúc ngồi viết ra những câu từ này. Tôi thực nghĩ mình sao quá đổi “nữ tính”. Nhưng liệu khi đọc xong bạn có nghĩ thế?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: huweijie07170