25 C
Nha Trang
Thứ sáu, 1 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 113

Làm gì khi có người ghét mình?

0

Nếu bạn có một kẻ thù, đừng bao giờ nghĩ rằng lấy thiện của bạn để cảm hóa cái ác. Bạn chưa đủ cao thượng để đi ban phát cái thiện cho người khác. Bạn không cần nghĩ mình phải có trách nhiệm sống đạo đức với kẻ gây ra thù hận trong bạn.

Bạn nghĩ rằng mình cần ban phát đức hạnh cho những kẻ cần đến nó. Nhưng thực ra thứ đức hạnh mà bạn muốn ban phát cũng chỉ là sự ích kỷ riêng bạn. Một sự ích kỷ nghèo nàn, chỉ chờ cơ hội để chầu chực. Các bạn chỉ đang giả trang dưới bộ mặt của đức hạnh.

Chẳng thà nhận mình là người sai lầm còn cao nhã hơn là nhất mực khăng khăng mình có lý. Nhưng thực ra bạn cần phải thật giàu sang về tâm hồn thì mới có thể ban phát cho kẻ khác sự rộng lượng đó của mình.

Nếu có người phạm một bất công với bạn, bạn không cần phải tặng người đó thêm vài bất công khác từ bạn. Sẽ rất khủng khiếp nếu những bất công cứ chồng chất lên nhau. Và bạn thấy đấy, cả bạn cũng chẳng được yên ổn khi mang vác chúng nặng nề trên vai. Cứ một sự giận dữ được chia sẻ hầu như sẽ biến thành một cơ hội lan tỏa rộng rãi, và chẳng có người nào tự nhận lãnh nó toàn bộ mà không phải là chính bạn.

Bạn không cần biến mình thành một con nhện độc. Vì chất nọc độc đó sẽ khiến bạn quay cuồng trong điên đảo. Những kẻ luôn tỏ ra mình là người công chính là những kẻ luôn có đầy lòng hận thù lén lút. Những người kiểu đó, dù chúng ta có cố gắng cười vào mũi họ thì hành động đó cũng chẳng xứng đáng.

Bạn cần xé rách cái màng nhện giận dữ để chui ra khỏi đó. Đó chỉ là một cái hang chứa đầy sự dối trá và lòng cừu oán phục thù. Chỉ có khi bạn được giải thoát khỏi nó thì chỉ khi đó bạn mới đặt chân lên được chiếc cầu dẫn bạn đến với niềm khát khao hy vọng, chỉ khi đó bạn mới nhìn thấy được chiếc cầu vồng lóng lánh màu sắc sau cơn giông bão giận dữ.

Bạn không bao giờ đủ khả năng để cảm hóa họ. Nếu bạn là kẻ chân chính, bạn không cần phải đi tranh đua với kẻ tiện nhân. Còn nếu bạn là kẻ tiện nhân, bạn lấy tư cách gì để đi tranh cãi với kẻ chân chính.

Nhưng hầu hết mọi người đều không muốn hạ thấp mình thành kẻ tiện nhân, họ chỉ muốn là người chân chính. Vậy nên nếu bạn là người chân chính, hà cớ gì phí phạm thời gian để cảm hóa bọn tiểu nhân.

Hãy biết rằng đối với kẻ thù của bạn, chỉ cần sự có mặt của bạn trên mặt đất này cũng đủ để người đó phải điên tiết học máu. Nhưng đó là chuyện của họ. Còn bạn, không cần là quân tử, không phải là tiểu nhân, cứ im lặng rồi bước qua.

Tôi ghét anh, anh ghét tôi, chúng ta ghét nhau, nhưng cuối cùng đó vẫn chỉ là thứ trang sức rẻ tiền gắn lên cái tôi chật hẹp.

Mặt trăng vẫn xoay quanh trái đất và tôi vẫn mãi chạy loanh quanh ngắm nhìn mặt trăng mỗi đêm. Chúng ta bao giờ cũng chỉ là kẻ tiện nhân. Nhân danh tất cả những gì tốt nhất cho chúng ta, phải chăng chúng ta không cần phải ghét nhau?

Bài viết chỉ là quan điểm riêng tôi. Nếu bạn có thời gian để ghét một ai đó, tùy bạn!

Hãy biết rằng đối với kẻ thù của bạn, chỉ cần sự có mặt của bạn trên mặt đất này cũng đủ để người đó phải điên tiết học máu.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: chafleks 

Con người và thế giới

2

I. Giới Hạn

Chúng ta không để đưa ra bất kỳ nhận định gì mang tính khách quan nếu không hiểu rõ về giới hạn của chính mình, nhận rõ giới hạn để nhận thức luôn mở một cửa ngõ cho những khả năng có thể có ở bên ngoài cái giới hạn đó.

1. Giới hạn của thân xác

Chúng ta đều biết rằng con người nhìn thấy và cảm nhận thế giới xung quanh thông qua các giác quan của cơ thể, mà các giác quan đó có giới hạn của chính nó. Ví như ánh sáng có nhiều bước sóng khác nhau, nhưng mắt ta chỉ có thể nhìn thấy một đoạn ngắn trong tập hợp các bước sóng đó, nghĩa là con người và loài thú có thể thấy/nghe những hình ảnh/âm thanh khác nhau tùy giới hạn mỗi loài. Khi thông tin về nhìn truyền đến não, chúng được tổng hợp theo cách thức của não chúng ta và hình thành một thế giới như ta nhìn thấy, loài vật cũng vậy theo cách của chúng. Vậy thế giới mà ta hay loài vật nhận biết được sẽ khác/giống nhau tùy thuộc vào sự khác/giống trong giới hạn có được.

2. Giới hạn của kinh nghiệm và tri thức

Giới hạn này phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, nếu bạn sinh ra trong một bộ lạc thuộc rừng Amazon thì bạn chỉ biết được những gì mà một thổ dân có thể biết, tương tự, sự hiểu biết sẽ khác nhau nếu bạn sống ở nông thôn/thành thị, gia đình kém/có học thức, nước kém/phát triển, nước độc tài/tự do. Trong từng hoàn cảnh, bạn sẽ có cơ hội tiếp nhận nguồn tri thức khác nhau.

3. Giới hạn của nhận thức

Tiếp nhận kinh nghiệm và tri thức là một chuyện, hiểu chúng như thế nào lại là chuyện khác. Mỗi hoàn cảnh sống luôn mang trong nó những định kiến khác nhau, định kiến từ nền văn hóa nơi đó, từ tôn giáo ta theo, từ những gì được giáo dục. Định kiến như một màn lọc tri thức, nó phán định thông tin nào được giữ lại/loại bỏ hoặc chống đối.

4. Giới hạn của nhu cầu và bản năng

Bản năng là những phản ứng được hình thành trong quá trình sinh tồn của giống loài, chúng ẩn sâu trong tiềm thức, vô thức và duy truyền, chúng tác động lên nhận thức của ta một cách âm thầm lặng lẽ. Còn nhu cầu thì gắn liền với lợi ích tự thân, khi nhu cầu được thỏa mãn thì con người cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, điều gì khiến ta đau khổ sẽ bị loại trừ, do đó chúng cũng tạo ra một giới hạn trong sự nhận thức về thế giới.

5. Giới hạn về khả năng và thời gian

Bản thân mỗi người có một khả năng tiếp nhận lượng thông tin khác nhau, nếu tiếp nhận quá nhiều sẽ tạo ra sự quá tải gây mệt mỏi. Khả năng cũng phụ thuộc vào trí thông minh của từng người, song song đó, là lượng thời gian mà ta có thể dùng cũng chỉ giới hạn trong con số trung bình là 60 năm.

Tóm lại, bản thân con người có giới hạn, nên mọi thứ ta “thấy” cũng có giới hạn. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng những giới hạn đó có thể bị phá vỡ, vì giới hạn mà ta nhận biết được cũng phụ thuộc vào chính giới hạn nhận thức của ta, ta không biết hoàn toàn chính xác khả năng con người có thể to lớn đến đâu.

II. Quá trình nhận thức thế giới

Cách đây hàng ngàn năm hay hơn thế nữa, khi con người còn chưa hiểu nhiều lắm về thế giới xung quanh bằng con đường khoa học, thì họ phó thác niềm tin của mình hoàn toàn cho tôn giáo – nơi có một hoặc nhiều vị thần linh ngự trị. Ở đây ta chưa bàn đến chuyện vị ấy có thật sự tồn tại hay không, mà cho đến ngày nay thì đó cũng vẫn là điều vượt ngoài khả năng của con người.

Con người khác con thú ở khả năng tự nhận thức được sự tồn tại của chính mình, do đó, khi đứng trước những điều mà hắn không giải thích được, hắn sẽ đối chiếu với bản thân, với những vật mà hắn tạo ra rồi tự hỏi “tất cả những điều này là do Ai tạo ra? Sẽ có Ai đó tạo ra chứ?”, thế là vị thần linh nào đấy cũng có bản tính con người giống hắn được tạo ra.

Đừng hiểu nhầm rằng khi nói thế thì tôi đang phủ định sự tồn tại một đấng tạo hóa, mà sự suy diễn ở trên vốn luôn diễn ra ở bất kỳ người nào. Tuy nhiên, có một số cực kỳ hiếm hoi trong loài người, bằng khả năng nào đó hoặc được mặc khải (sự tỏ mình ra của Thượng Đế dành cho họ) mà thấy được những điều kỳ diệu vượt ra ngoài giới hạn của con người, nhờ thế, họ có được một trí tuệ cao vời và trở thành vĩ đại, họ được gọi là tôn sư hoặc nhà tiên tri, họ dẫn dắt con người đến với ánh sáng và sự sống đích thực.

Bởi tồn tại sự giới hạn của con người, để vị tiên tri/tôn sư ấy có thể diễn tả những gì ông hiểu hay nhìn thấy cho người khác cũng hiểu thì vô cùng khó khăn, nó giống như một sinh viên phải giảng về toán tích phân cho học sinh lớp 1, việc đó là bất khả. Vậy vị tiên tri ấy chỉ có thể tả về điều mình thấy trong cái giới hạn của ngôn ngữ và tầm hiểu biết của loài người lúc ấy, để rồi chính loài người trong giới hạn của họ, cố diễn giải những điều nghe được theo cách của họ, việc diễn giải đó gần với sự thật mà vị tiên tri “thấy” được phụ thuộc vào khả năng của mỗi người.

Bởi lời từ các tiên tri/tôn sư mang đến sự sống – ánh sáng – hạnh phúc nên biết bao người sẽ nghe và làm theo, thế là các tôn giáo/đạo giáo được hình thành, vì những “lời” ấy vượt quá xa tầm hiểu biết của loài người nên các tôn giáo này đã trở nên vĩ đại và tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi đó, những tôn giáo được hình thành do sự tưởng tượng của con người thì tàn lụi dần và trở thành thần thoại vì thiếu chiều sâu cũng như độ cao về tư tưởng. Để đánh giá tầm cao của một tôn giáo, ta dựa vào tư tưởng được truyền tải trong đấy, tư tưởng càng cao thì thời gian tồn tại càng lâu dài và có thể là mãi mãi.

Lịch sử nhân loại từng có thời kỳ mọi lẽ sống của con người đều phụ thuộc hoàn toàn vào tôn giáo, tiếng nói từ giáo hội là quyền uy tối thượng nhất, và ta có thể nhận ra rằng nếu tôn giáo mang trong mình quyền lực thế tục thì chắc chắn sẽ bị biến chất và thế tục hóa, trở nên tầm thường, độc tài, mục nát. Trong thời kỳ này, ở những nơi mà sự xuất hiện của các tôn sư là hiếm hoi, thì đang dần bước trên con đường quân chủ tập quyền, theo chiều hướng ngược lại, tôn giáo trở thành công cụ phục vụ cho nền quân chủ chuyên chế.

Vì con người có khả năng tư duy, nên ngoài tôn giáo, có một thứ khác vẫn luôn song hành, đó là triết học. Khi mà tư tưởng có được từ tôn giáo không đủ để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người thì triết học trở thành một sự lựa chọn cần thiết và hợp lý. Triết học là những suy luận của lý tính, sự phát triển của triết học sinh ra một đứa con khác được mang tên khoa học. Bằng khoa học, con người khám phá ra rất nhiều bí mật của thế giới mà một thời thì sự lý giải đó thuộc về tôn giáo.

Thế là lịch sử nhân loại lại bước qua một trang mới, con người tôn vinh khoa học như một chân lý quyết định mọi sự đúng sai trong cái nhìn với vạn vật. Người ta chỉ tin vào những gì được khoa học chứng minh, cho rằng tôn giáo là sự tưởng tượng của loài người, khoa học biến một nửa loài người thành vô thần, chủ nghĩa duy vật phát triển mạnh mẽ khắp nơi cho đến ngày nay.

III. Phân tích

Với nền văn minh của hiện tại, dù hiểu biết ở mức độ nào, thì chúng ta đều có thể khẳng định một điều, mọi thứ xung quanh đang vận thành theo những quy luật và chân lý nào đó. Chúng có thể là các quy luật vật lý, hoặc quy luật về xã hội, trong quá trình quan sát, người ta khám phá ra quy luật rồi biên soạn thành một học thuyết, học thuyết ấy qua thực nghiệm sẽ được chứng minh là đúng hoặc sai. Vậy cái hệ thống tập hợp những quy luật đó là có tồn tại.

Trở lại với vấn đề, khi khoa học chưa phát triển, bằng phương thức nào đó, người xưa đã nhận ra cái hệ thống các quy luật đó, ở Trung Quốc thì được Lão Tử gọi là Đạo, với Phật giáo thì là các quy luật, với Do Thái hay Ấn Độ thì chúng được tạo ra do một hoặc nhiều vị thần. Và có thể nói rằng những điều mà những vị ấy “nhìn thấy” là hoàn toàn vượt xa những khám phá của khoa học ngày nay. Tóm lại, dù diễn giải theo cách nào đi nữa, thì những gì mà các vị ấy “thấy” đều cùng chỉ về một nơi, hướng về một toàn thể duy nhất, do phương thức “thấy” khác nhau nên với Lão và Phật thì dừng lại ở điều họ thấy, còn với các tiên tri của người Do Thái hay các vị tu hành ở Ấn thì là Thiên Chúa/Đấng Tạo Hóa dựng nên.

Khoa học được hình thành dựa trên nền tảng lý tính và phụ thuộc vào khả năng quan sát của con người, chính vì thế nó cũng chịu cùng chung một giới hạn. Lấy cái giới hạn của khoa học làm thước đo cho cái vượt ngoài giới hạn của tôn giáo thì quả là mê muội. Khoa học càng phát triển thì người ta càng tìm đến nhiều sự tương đồng so với những lý giải trong tôn giáo, đặt biệt là với những kiến giải của Phật giáo, như về các thế giới mà ngày nay khoa học có nhiều thuyết về các thế giới song song được tạo ra do các chiều không gian ở cấp cao hơn; hay sự tương đồng về Sáng Thế với vụ nổ Big Bang; hay về việc tồn tại một linh hồn bên trong thân xác, còn thân xác được ví như phần cứng của chiếc máy vi tính; hay đời này chỉ là tạm bợ, giống nội dung bộ phim Ma Trận, tất cả những gì chúng ta cảm nhận được chỉ là chương trình trong một chiếc máy vi tính, chỉ có tâm thức ta là thật; hay con người có thể làm phép lạ, chữa bệnh, nhìn thấy tương lai; hay sự sống của con người có được nhờ vào năng lượng vũ trụ và năng lượng đó vận hành trong cơ thể theo một phương thức hoàn toàn khác biệt, mà chứng minh hùng hồn nhất chính là bộ môn châm cứu xuất phát từ Trung Quốc; hay lời chứng của những người vượt qua trạng thái chết lâm sàn, kể chính xác những gì diễn ra xung quanh và cách xa họ khi đó. Như vậy, khoa học không phải là thứ duy nhất có thể giúp con người nhận ra thế giới và tôn giáo không phải sinh ra do trí tưởng tượng của con người.

Nhưng dù cho có khám phá thế giới bằng cách nào đi nữa thì vẫn có một điều khó đạt đến sự thống nhất, đó là thế giới này tự nó mà có hay được tạo ra bởi Đấng Tạo Hóa. Người ta cứ tranh cãi nhau suốt về chuyện này, còn tôi thì tự hỏi, nếu có Đấng Tạo Hóa (tôi tin có) thì liệu Ngài có xem trọng việc đó hay không?

IV. Các tôn giáo và con đường tâm linh

Với một số người thì việc tìm hiểu về các tôn giáo (hoặc tôn giáo khác mình) là không tốt hoặc không cần thiết. Nhưng theo tôi lại là chuyện cực kỳ cần thiết, vì việc này quyết định bạn hiểu rõ thế giới quanh mình bao nhiêu, và dù bạn có trốn tránh thì bạn vẫn bị tác động như thường, nếu vì không biết mà bạn phản ứng hay định kiếm lầm lạc thì thật đáng tiếc.

Tại sao tồn tại quá nhiều tôn giáo trong thế giới của chúng ta? Nếu đọc đến đây, bạn cũng có câu trả lời, đó là do phương thức nhìn/mặc khải của các tôn sư/tiên tri mà điều họ nói sẽ khác nhau, sau đó, con người nghe và đọc các lời ấy lại diễn giải khác nhau theo từng nhóm. Thời gian càng dài thì sự tách ra càng nhiều thêm, mỗi nhánh đều cho rằng cách mình diễn giải là đúng nhất, thế là để bảo vệ đức tin nên họ sinh ra thù ghét nhau, thậm chí giết nhau. Nếu một trong những người thân hoặc bà con quyến thuộc của tôi mà đọc bài này thì chắc sẽ nghĩ là tôi lạc đạo mất rồi, nhưng đó cũng là lẽ thường trong cuộc sống.

Hầu hết các tôn giáo đều nêu cao quan điểm rằng đời này chỉ là tạm bợ và kêu gọi con người làm lành lánh dữ để đạt được hạnh phúc sau cái chết. Một số tông phái xuất phát từ Ấn Độ có những mật pháp mà nếu luyện tập sẽ có được những khả năng kỳ lạ – siêu nhiên, không lạ khi ta thấy nhiều nét tương đồng giữa các tông phái này với Phật giáo; hoặc các môn khí công, châm cứu được truyền từ văn minh Trung Quốc cổ đại; ngoài ra còn phải nhắc đến văn minh Ai Cập cổ đại cũng có những nét tu tập tương tự; đạo Do Thái tôn thờ Thiên Chúa không đi theo hướng này nhưng có thể nói đây là dân tộc xuất hiện nhiều vị tiên tri (nhìn thấy tương lai) nhất trong thế giới loài người; ngoài ra còn nhiều nền văn minh cổ đại đã bị chôn vùi đã đạt được sự hiểu biết khiến cho khoa học ngày nay phải bối rối.

Đạo Do Thái: Bắt đầu từ tổ phụ của họ là Abraham được gặp gỡ Thiên Chúa (sự mặc khải) thông qua hình ảnh ngọn lửa ở bụi gai, sau sự mặc khải này, ông đã tôn thờ Thiên Chúa như vị thần linh duy nhất. Kinh thánh của họ là những cuốn sách ghi chép lời của các tiên tri/ngôn sứ và lịch sử dân tộc họ, có thể xem các quyển kinh thánh của họ như một bộ biên niên sử xuyên suốt, được bắt đầu cách nay 4000-6000 năm.

Công Giáo: Là sự tiếp nối của đạo Do Thái, Chúa Jesus được sinh ra ở Belem, Ngài đến để mang lại một giao ước mới của Thiên Chúa với toàn thể loài người (giao ước cũ là của Thiên Chúa với dân Do Thái), Ngài đi rao giảng về tình yêu thương, sau đó chết trên thập giá và ngày thứ 3 thì sống lại. Vì sự tiếp nối, Kitô giáo soạn ra những bộ kinh phù hợp từ những cuốn kinh của đạo Do Thái và gọi là kinh Cựu Ước, còn những lời giảng của Chúa Jesus và thư của các thánh tông đồ thì hình thành nên kinh Tân Ước.

Các nhánh tách ra từ Công Giáo: bao gồm Chính Thống Giáo và các giáo hội Tin Lành, sự tách ra này do sự lý giải kinh thánh hoặc do các tác nhân từ thế tục.

Các tôn giáo khác: Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo,….; để hiểu rõ hơn, các bạn có thể tìm trên Google, tôi nghĩ đây là việc rất cần thiết.

Quan trọng – các trường phái tâm linh thời hiện đại: Tôi chỉ đưa ra cái nhìn chung chứ không đi vào chi tiết, những người đi trên con đường tâm linh ngày nay tin rằng sự sống mà con người có được là nhờ sự tiếp nhận năng lượng vũ trụ, thông qua những phương pháp tu hành như thiền, hoặc liên quan 7 luân xa trên cơ thể sẽ giúp con người đạt được những khả năng kỳ diệu, song song là sự rèn luyện về tâm tính như tự do, yêu thương, chân – thiện – mỹ, vv… Con đường này là sự tổng hợp từ niềm tin cũng như phương pháp tu luyện của các tôn giáo lớn hoặc các tông phái có từ xa xưa. Tất cả đều hướng về cái toàn thể duy nhất, nhưng tin vào Đấng Sáng Tạo hay không thì tùy từng nơi vậy.

Bạn nên tìm hiểu về 7 luân xa nhưng nhớ đừng luyện tập theo nhé. Vì ngày nay có quá nhiều trường phái mọc lên, thật giả lẫn lộn, đặt biệt là sự hỗn loạn ở Việt Nam thì khó mà kể cho hết. Luyện bậy dễ bị tẩu hỏa nhập ma đấy, cái từ “tẩu hỏa nhập ma” chúng ta thường thấy trong các truyện kiếm hiệp nhưng nó cũng có thật sự chứ chẳng chơi, càng tìm hiểu nhiều về thế giới tâm linh bạn sẽ càng sững sờ khi các truyền thuyết có thể từng có thật.

V. Tôi tin có Thiên Chúa (quan điểm cá nhân)

Tại sao tôi phải viết phần này trong khi nếu bỏ thì bài viết sẽ trở nên khách quan hơn? Vì phần này cực kỳ quan trọng với tôi hoặc cần thiết với những người tin vào Thiên Chúa – Đấng sáng Tạo. Nếu sau khi đọc bài của tôi mà ai đó lạc mất đức tin vào Thiên Chúa thì quả là vô cùng tội lỗi.

Nếu bạn đọc bài này và bắt đầu tìm hiểu mọi thứ, bạn sẽ nhận ra các trường phái tu tập xuất phát từ Ấn Độ, con đường tâm linh hiện đại, và Phật giáo lại rất gần gũi với những khám phá của khoa học, đồng thời cũng mang lại lợi ích thiết thực với con người (ví như sức khỏe). Điều này khiến bạn dễ lạc mất đức tin vào tôn giáo của mình và vào Thiên Chúa.

Như đã nói, tôi tin rằng mọi tôn giáo, đạo giáo trên thế giới đều hướng về cùng một nơi, một toàn thể duy nhất. Với các tôn giáo tin vào Thượng Đế, mỗi tôn giáo đều cho rằng Thượng Đế của họ mới là Thượng Đế thật, nhưng hãy thử nghĩ mà coi, Thiên Chúa – Thượng Đế, Đấng tạo ra con người và vạn vật sẽ thiên vị hay sao? Dân tộc Do Thái là dân riêng của Chúa? Là Chúa chọn dân tộc này hay bởi sự khôn ngoan mà dân tộc này đã nhận ra Ngài trước tiên? Và bởi vì sự khôn ngoan, họ như được công nhận là dân tộc thông minh nhất thế giới, bạn có thể tìm các thống kê trên Google để chứng minh điều đó. Bản thân tôi nghĩ Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng, Ngài tỏ mình ra cho tất cả loài người chúng ta được biết về sự tồn tại của Ngài, nhưng tùy vào sự khôn ngoan mà những dân tộc sẽ nhận ra sớm hoặc muộn, sẽ nhìn thấy Ngài là Thiên Chúa hay chỉ thấy Ngài như một hệ thống các quy luật.

Đối với tôi, đức tin có từ sự suy tư và tìm hiểu mới là đức tin thật và mạnh mẽ, còn đức tin chỉ do niềm tin tạo thành là đức tin yếu ớt. Tại sao? Ví như bạn sinh ra là người Công giáo, bạn được dạy là tin vào Chúa và bạn tin, vậy nếu bạn sinh ra không phải người Công giáo thì sao? Thế ra cái đức tin mà bạn luôn tự hào đó không hề do bạn mà chỉ do việc bạn sinh ra ở đâu quyết định, đức tin ấy có giá trị và ý nghĩa không? Nhưng nếu đức tin đạt được bằng sự chiêm nghiệm, thì dù bạn thuộc về bất cứ tôn giáo nào đi nữa, thì sự chiêm nghiệm đó cũng sẽ dẫn bạn đến với Thiên Chúa, bạn sẽ không bao giờ lạc lối.

Bạn có thể dùng câu “phúc cho ai không thấy mà tin”, nhưng bằng việc hiện ra, Ngài cũng nhắc nhở ta là không nên tin tưởng bằng sự mù quáng, thật ra thì Ngài luôn dùng hành động để chứng mình Ngài là ai trong suốt hành trình giảng đạo, nhưng dù vậy các tông đồ – đại diện cho con người vẫn còn thiếu niềm tin. “Chiên ta thì nghe tiếng ta” như thế nào mới là “chiên ta”? Đó có phải là con chiên hiểu được hành động của chủ chiên? Mà muốn hiểu được thì phải nghiềng ngẫm và chiêm nghiệm, không phải cứ “a thần phù” là tin sái cổ. Thế giới này còn tồn tại quá nhiều sự phân biệt, đến nỗi họ tin rằng Thiên Chúa cũng phân biệt, thương đứa này hơn đứa kia, đứa này con ruột còn đứa kia con nuôi.

Tại sao tôi tin có Thiên Chúa? Vì Thiên Chúa tồn tại thì mọi thứ cao quý mới trở nên có ý nghĩa. Một hệ thống vô cảm dù hoàn mỹ đến mấy thì cũng không thể hiểu và phân định được sự cao quý đó. Ví dụ tình yêu, một hệ thống có hiểu tình yêu là gì? Cùng là tình yêu, nhưng yêu bởi lòng ích kỷ, bởi lợi ích cá nhân thì hoàn toàn khác với yêu vô vị lợi; hay việc làm từ thiện, có sự khác biệt giữa 2 xu của bà góa nghèo và đồng tiền vàng của kẻ giàu có?; hay một người làm từ thiện bởi lòng yêu thương chứ không phải vì mong một nước thiên đàng sau cái chết. Liệu một hệ thống có thể phân định được những điều đó? Không! không một hệ thống nào có thể cân đo đong đếm những điều đó, mà phải là một Thiên Chúa tạo ra con người, hiểu con người và siêu việt con người mới phân định được theo lẽ công bình tuyệt đối.

Nếu không có một Thiên Chúa, thì tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ hệ thống nào hay quy luật nào ở trên tôi và chi phối tôi, vì tôi thấy mình cao quý hơn hệ thống vô cảm ấy. Mà nếu như vậy, nếu không có Thiên Chúa, thì thế giới này hay kể cả thế giới nào, cõi nào đó sau cái chết cũng sẽ trở nên vô vọng và vô nghĩa, đó là tự tuyệt vọng toàn tập. Chính vì vậy, Thiên Chúa luôn tồn tại, vì những điều cao quý luôn tồn tại trong chúng ta.

Tác giả: Nguyễn Minh Chí

*Featured Image: Free-Photos

Sống chậm và sống chất

1

Thời gian như vùn vụt, cuộc sống vốn vội vã, đã khiến con người luôn vội vàng, thế nên dễ vấp váp vì những quyết định lắm lúc vu vơ. Khi ấy lời mời gọi sống chậm và sống chất như liều thuốc giúp con người an thần và định thần hầu tìm ra một giải pháp thích đáng và thích hợp giúp tái lập thế quân bình trong nhịp sống hôm nay.

Sống chậm và sống chất không phải dừng lại như một khẩu hiệu đọc cho hay và nói cho vui mà chúng cần được sống thực hành như một thứ nguyên tắc giúp con người trưởng thành hơn trong mọi quyết định và thần thái hơn trong phong cách sống.

Có người nói rằng nếu được ước một điều gì đó, tôi sẽ ước cho một ngày dài hơn 24 giờ để có thể làm được nhiều việc hơn. Nhưng họ quên rằng bản thân đã chưa thực sự tận dụng hết một ngày sống cho trọn vẹn. Không phải làm những việc phi thường mà bạn được tôn trọng, song là làm những việc tầm thường một cách phi thường. Nghĩa là bạn làm với tất cả tình thân và tình thương nhằm xây dựng tình người. Điều này đòi buộc bạn phải sống chậmsống chất.

Quan sát tại những nơi buôn bán như hội chợ, chúng ta thấy họ mở những loại nhạc kích động khiến thúc ép bạn nhanh chóng quyết định mua sản phẩm của họ. Họ còn nhồi nhét vào tâm trí bạn những tư tưởng “cấp tiến” rằng những gì cũ kĩ thì lỗi thời, những gì của hôm qua thì không còn thích hợp và tiện lợi cho hôm nay… Thế rồi, họ bày bán và đánh vào thị hiếu của bạn khiến bạn mua hàng mà không cần suy tính thiệt hơn. Đến một ngày, nó trở thành một lối sống được mọi người chấp nhận: Sống hời hợt không cần suy tính.

Trong việc kinh doanh mặt hàng thực phẩm cũng vậy, họ ép cây sinh quả trái mùa để bán được giá cao. Thay vì như lời dạy của người xưa về việc giữ gìn sức khỏe: Mùa nào thức nấy, thì ngày nay, cơ thể trở nên “rối loạn” do cây sinh quả trái mùa. Hơn nữa, họ còn dùng thuốc kích thích đủ loại nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch khiến ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiêu dùng. Đó là chưa nói đến việc người dân sử dụng thuốc sâu, mặc dù chưa đủ thời gian cho việc cây trồng nhả thuốc, chỉ vì mối lợi kinh tế mà thu hoạch bất chấp sức khỏe cộng đồng. Không biết những thuốc diệt sâu đó khi ngấm vào cây trồng có thể diệt được những thứ vi khuẩn và vi rút trong cơ thể người tiêu dùng không hay gia tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư.

Thật vậy, bệnh ung thư cũng gia tăng cấp số nhân theo nhịp độ của vụ mùa. Có lần chính tôi mục kích tại một sân vườn, quan sát chung cho thấy, có một luống rau tương đối xấu ở góc vườn còn lại cả vườn chừng mấy sào thì rau xanh đẹp mướt mắt. Tôi hỏi ra mới hay, luống rau kia để ăn, còn những thứ trông đẹp mắt thì để bán. Thế mới rõ, đâu là rau sạch và xanh và đâu là rau có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng?

Điều này cũng có thể giải thích phần nào trong việc cung cấp các loại gia cầm, súc vật dùng làm thực phẩm cho con người. Chẳng hạn, trang mạng điện tử trực tuyến Zing.vn đã đưa tin ngày 01tháng 08 năm 2017: Sở Y tế Đà Nẵng xác định nhà hàng N&M bán thức ăn không đảm bảo vệ sinh khiến 46 du khách Lào bị ngộ độc. Đó là một nhà hàng có tiếng chuyên phục vụ cho khách du lịch, còn những nơi không biết nguồn cung cấp thực phẩm thì sao?

Ở đây, sống chậm và sống chất được hiểu là việc hòa điệu với nhịp sống của thiên nhiên. Nhờ vậy, môi trường được bão hòa và con người cũng được bảo toàn.

Trong việc giáo dục cũng không được miễn trừ, do việc chạy đua với thời gian và thành tích mà đã cho “ra lò” những “mặt hàng” không chuyên, từ đó, dẫn đến việc thiếu người thực sự chuyên môn để xử lý công việc. Những người được đào tạo mà đốt cháy giai đoạn cũng dễ đốt cháy và huỷ hoại tương lại đất nước. Đó là chưa bàn đến việc: Tiên học lễ, hậu học văn. Con người ngày nay sẵn sàng bỏ lễ để cứu văn. Có được văn bằng rồi, họ phải kiếm thêm một số tiền lớn để tìm được một chân trong công việc biên chế nhà nước hay một công việc béo bở nào khác. Sau đó, họ dùng chiến thuật “mập mờ” để chớp nhoáng thu hồi cả vốn lẫn lời. Như thế, việc sống chậm và sống chất ở đây, cần được áp dụng bằng cách tôn trọng tiến trình phát triển bình thường của não bộ con người, và việc đào tạo chuyên sâu. Hơn nữa, chúng phải biến thành một một nguyên tắc hướng dẫn cụ thể đời sống con người trong việc thăng tiến toàn diện nhân bản và tâm linh.

Nguyên tắc sống này cũng nhằm chi phối những người đang hoạt động chính trị. Họ cần ý thức vai trò cầm cân nẩy mực của mình mà chín chắn và chỉn chu trong những quyết định mang tính sống còn của vận mạng đất nước. Họ không thể dừng lại nơi nồi cơm bát cháo của mình mà dửng dưng với nỗi đói khổ của người dân. Trong gia đình có chị có em, vậy trong xã hội cũng có “chính chị”, “chính em”; một người chị có trách nhiệm không thể đang tâm chấp nhận để cho người lạ xâm phạm em mình cách bất chính. Trái lại, họ cần biết sống chậm hầu suy xét kỹ lưỡng những lợi hại có thể xảy ra mà chủ động chọn phương án tốt nhất cho đàn em của mình. Đàn em không phải là quân cờ để mình đánh đâu tùy ý nhưng là một nhân vị đáng được tôn trọng như chính mình. Như thế, sống chậmsống chất là một hình thức diễn tả đạo đức trong chính trị.

Tưởng cũng cần nhắc đến thế giới của showbiz, thế giới của các ngôi sao, ngôi sao mà “mất chất” thì không còn lấp lánh nữa! Gần đây, chúng ta nghe nhiều đến vấn đề hài nhảm (mất chất) của một số danh hài vì quá chạy theo thị trường và có mặt thường xuyên trên các liveshow. Phải chăng các nhà đầu tư, tài trợ đã vét cạn chất xám và sự sáng tạo của các ngôi sao? Câu trả lời tùy thuộc mỗi người trong cuộc. Chúng ta có thể công tâm nhìn nhận rằng họ không cần giải trí vì chính khi sống với đam mê của mình thì đã là giải trí rồi! Nhưng điều đó không thể biện minh cho thứ hài nhảm như hiện nay. Một khi nghệ thuật đánh mất đi cái chất làm nên danh phận của mình thì đó là gián tiếp làm giảm giá bản thân.

Như chúng ta đã biết gần đây danh hài TT vừa bị đài truyền hình Vĩnh Long cấm xuất hiện trong các chương trình do đài thực hiện sau quá trình rà soát nội dung. Có thể nói, đây là một hành động can đảm từ phía những người chuyên môn thực hiện các chương trình, họ cần đưa ra mức độ đánh giá đâu là những hình ảnh đẹp đẽ và những thông điệp bổ ích nhằm xây dựng đời sống nhân bản và tinh thần mọi người. Đã đến lúc, các ngôi sao cần sống chậm để có thể nuôi dưỡng tinh thần và nạp năng lượng ngõ hầu khả dĩ công hiến những tác phẩm chất lượng để đời.

Còn xét trên bình diện tính luân lý trong đời sống xã hội, chúng ta cần kể đến việc sống thử và phá thai của những bạn trẻ thiếu trang bị kỹ năng sống. Họ bước vào đời với một tâm thế thụ động nên dễ bị trôi dạt theo nhiều chiều hướng đạo lý. Họ nghĩ rằng cứ thử tất cả mọi sự để trải nghiệm cuộc sống. Họ quên rằng với tự do, tôi có thể làm bất cứ điều gì, nhưng không phải sự gì cũng giúp tôi lớn lên, trưởng thành và là chính mình hơn.

Trong những năm thời sinh viên, chuyện học cũng tiến triển bình thường, song chuyện yêu đương cũng được các bạn trẻ quan tâm đặc biệt. Họ cùng nhau hứa hẹn nhiều điều cho tương lai, rồi quyết định kiếm một chỗ trọ nhằm tránh xa tầm kiểm soát của người thân để góp gạo nấu cơm chung. Dần dà, lửa gần rơm không sớm thì muộn cũng thiêu đốt tình yêu mới chớm. Nhưng tình dục là đứa chạy nhanh hơn tình yêu, nó chợp lấy cơ hội và “ghi bàn”. Thế rồi, chuyện đã lỡ cộng thêm, thời điểm kết hôn không thuận lợi cho việc học, cả hai quyết định phá thai…Họ đi từ sa sẩy này đến sai lầm khác.

Ở đây, lời mời gọi sống chậm và sống chất như một quy tắc hướng dẫn họ bước vào đời sống hôn nhân với một ý thức xây dựng lâu dài chứ không phải chỉ đáp ứng nhu cầu tình dục thoáng qua. Họ cần ý thức rằng tình dục ra ngoài phạm vị hôn nhân chỉ là một cách hạ giá nhân phẩm. Mà người phụ  nữ là đối tượng đầu tiên bị tổn thương. Hãy sống chậm và sống chất để có thời gian tìm hiểu sâu xa trước khi quyết định một bước ngoặt quan trọng như thế. Trong hôn nhân, chất lượng của cuộc tình phải tuỳ thuộc vào cả hai bên. Đối với những cuộc hôn nhân được chuẩn bị tìm hiểu và tư vấn kỹ càng còn không tránh khỏi những đổ vỡ và ly tán, huống chi là những cuộc tình ba bảy hai mươi mốt ngày. Như thế, sống chậm và sống chất phải là ưu tiên hàng đầu cho những ai muốn bước vào đời sống hôn nhân.

Ở góc độ đời sống gia đình, chỉ xin ghi nhận vai trò quan trọng của bữa cơm chung mà do xu hướng của thời đại, dần dà đánh mất đi một không gian dành cho nhau. Do nhu cầu của giờ làm việc khá sít sao mà bữa cơm trưa của gia đình không thể thực hiện, thay vào đó bằng những buổi ăn nhanh khiến không đủ chất lượng hầu đáp ứng nhu cầu sức khoẻ để phục vụ lâu dài trong một công việc nào đó. Quan trọng hơn, chính khi họ không thể cùng nhau chia sẻ bữa cơm này mà tình thân nơi các thành viên trở nên nhợt nhạt. Hy vọng còn lại bữa cơm tối để cả nhà được quây quần bên nhau, nhưng phần lớn cũng bị chi phối và đe doạ bởi tuần này tăng ca, hôm khác lại dịp họp mặt bạn bè. Từ đó, sự hiện diện bên nhau thưa thớt dần, tình cảm âu yếm cũng từ đó phai nhạt và mất hẳn, chỉ còn lại công việc và việc chu toàn bổn phận nuôi sống gia đình. Đời sống gia đình như thế đang rơi vào tình trạng báo động. Hãy sống chậm và sống chất để có giờ bên nhau và sống yêu thương!

Nếu đời sống xã hội và gia đình đã cần thiết phải sống chậm và sống chất như thế thì đời sống cá nhân đòi hỏi một sự kỷ luật gắt gao hơn, mới mong có được một cuộc sống có ý nghĩa.

Khởi đi từ tư tưởng, nếu nhận thức của tôi quá vội vàng thiếu cơ sở, phán đoán của tôi từ đó cũng lệch lạc thiếu lành mạnh, tư tưởng sẽ mang tính võ đoán và tiêu cực, thiếu tính xây dựng. Để tư tưởng được chín chắn cần có thời gian cưu mang thích đáng, nhờ đó, những quyết định tránh bớt những sai lầm đáng tiếc. Để tư tưởng có chất, chúng ta cần ra khỏi mình để quen dần với suy tư vì lợi ích chung. Có thế, vai trò bổ túc và hỗ trợ của tha nhân được tôn trọng, tư tưởng và ý kiến phản hồi của tha nhân sẽ như cú phanh hợp lý giúp bản thân lượng giá: đâu là điều tối cần nhằm phục vụ thiện ích chung. Chính khi những tư tưởng lớn gặp nhau mới loé sáng những chân lý đích thực giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần của tôi và bạn.

Trong lời nói cũng vậy, chúng ta thường tôn trọng những người ý thức lời nói của mình khi họ biết nói chậm rãi và chất lượng, từ đó mang lại cho không gian của tình huynh đệ một bầu khí tích cực và xây dựng. Có những lời nói nhằm hạ nhục và gây tổn thương người khác như hình thức của bạo ngôn; chẳng hạn, việc những anh hùng bàn phím dùng thế giới ảo để công kích và bôi nhọ cá nhân này hay tập thể khác. Thật ra, đây chỉ là cách giải tỏa xung đột cá nhân với cá nhân hay cá nhân với tập thể nhưng vì tránh ra mặt, họ đã dùng những phương tiện ảo như cách “ném đá” an toàn nhất không tác hại đến bản thân, hơn nữa, còn nhằm thỏa mãn bản năng gây hấn nơi chính mình và biểu hiện sự bất an của kẻ tiểu nhân. Trái lại, cũng có những lời nói tạo ấn tượng nhằm siết chặt tình thân. Thấy được viễn tượng tốt đẹp ấy, chúng ta cần chọn sống chậm và sống chất để xây dựng và làm ích cho chính mình và tha nhân.

Làm sao phong cách sống này giúp đi vào những xác tín bản thân để điều hướng hành động tích cực? Đó là thao thức của mọi người thời đại, nhưng không phải ai cũng muốn tìm câu trả lời vì lối sống hưởng thụ đã “bào mòn” ý chí tiến thủ cá nhân. Thiết tưởng, chúng ta cần tái lập không gian hoà hoãn cho những hành động xây dựng và hoà giải thế chỗ cho những bạo hành và bất công. Ở đây, chúng ta cũng ghi nhận một sự thật đau lòng rằng có những khán giả bỏ ra vài trăm ngàn để có thể tham gia một chương trình rồi cho mình được quyền ném đá, chọi gạch những ai diễn trên sân khấu mà mình không thích. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là những hành động cá biệt làm ô nhiễm bầu khí văn hóa và văn minh. Dường như con người dần dà trở nên bạo hành do bị tác động từ những thứ không đâu? Thật ra, đây chỉ là biểu hiện bên ngoài của những tâm hồn vốn bất mãn và bất an. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một kết luận: Chỉ có những người mạnh mẽ mới thực sự hành động một cách chậm và chất hầu mở ra một bầu khí đối thoại văn minh giúp xây dựng con người toàn diện: Thể lý cường tráng, tâm lý vững vàng và tâm linh toả sáng.

Tóm lại, qua bài viết ngắn này, chúng ta không thể bàn hết mọi chiều kích của cuộc sống để từ đó đề cao giá trị của sống chậm sống chất, song những gợi ý ở đây như một cố gắng tìm lại thế quân bình cho đời sống vốn còn nhiều những thái quá bất cập. Có lẽ bạn đã nhận ra phần nào khuynh hướng của con người thời đại và cần cổ võ tinh thần sống chậm sống chất. Chính thái độ sống tích cực và cởi mở này sẽ giúp bạn khẳng định bản thân trong thế giới của ý nghĩa và giá trị qua việc Sống chậm sống chất. Đồng thời, chúng ta nhận ra tác động quá lớn của yếu tố ngoại tại đã khiến đời sống con người trở nên vội vã và hời hợt. Đã đến lúc chúng ta cần đề cao tính trách nhiệm của cá nhân để gia đình và xã hội có những con người mang phong cách điềm tĩnh và thần thái đĩnh đạc. Phải chăng đây là cách biểu hiện của những người sống chậm sống chất?

Tác giả: EYMARD An Mai Đỗ O.Cist

*Featured Image: mbll 

 

Tuổi trẻ của John Lennon

2

Hãy nhập vào ô tìm kiếm với từ khóa “Tuổi trẻ của John Lennon” Xem trọn bộ phim để hiểu hơn về tuổi trẻ của người tôi đang muốn nhắc đến. Liệu bạn sẽ nghĩ gì về tuổi trẻ của mình khi xem hết bộ phim. Tôi không chắc là bạn sẽ đồng điệu được với tôi trong bài viết này. Vì mọi sự bao giờ cũng dừng lại ở quan điểm chủ quan của riêng tôi.

John Lennon, thành viên và cũng là người sáng lập nên ban nhạc nổi tiếng đến từ nước Anh mang tên The Beatles. Một cái tên không còn xa lạ với người yêu âm nhạc trên toàn thế giới. Bên cạnh âm nhạc, John Lennon còn là một nhà hoạt động hòa bình tích cực với những phong trào phản đối chiến tranh và yêu chuộng tự do.

John Lennon từng gây tranh cãi với câu nói “The Beatles nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus” vào năm 1966, và chính vì quá nổi tiếng nên đã bị ám sát. Chapman, người thực hiện vụ ám sát đã khai rằng hắn muốn giết John để được nổi tiếng. John Lennon là một thần tượng, một người thành công, một người được cả thế giới trọng vọng và ngưỡng mộ, còn hắn ta không có gì nổi bật. Chapman nói “Vì John Lennon vĩ đại hơn Chúa Jesus nên hắn giết John Lennon để khiến John là của riêng hắn.”

Một cậu bé phải sống xa cha mẹ từ năm 4 tuổi. Mặc dù được chị gái của mẹ cậu nuôi dưỡng và người chồng của bà  hết mực yêu thương chăm sóc, nhưng cậu vẫn không thể thoát khỏi cảnh lớn lên với vấn mắc tại sao cha mẹ lại bỏ rơi mình. Một tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương cha mẹ đã biến cậu thành một cậu bé mà sau này John Lennon đã phải thừa nhận:

Một phần trong tôi muốn được chấp nhận bởi mọi thành phần của xã hội chứ không phải trở thành một nhà thơ hay nhạc sĩ mất trí to mồm. Tôi không thể trở thành một gã không đúng với con người tôi. Tôi là một đứa nhóc mà mọi cha mẹ nào khác, kể cả bố của Paul ( là người cùng John Lennon sáng lập ra ban nhạc) sẽ phải nói “Tránh xa nó ra.” Họ đều biết rằng tôi chỉ là một đứa gây phiền phức, một đứa không lành tính và có thể gây ảnh hưởng xấu tới lũ trẻ như tôi vốn vậy. Tôi vốn làm mọi thứ để đập phá nhà của lũ bạn…một phần vì ghen tị mà tôi không có cái gọi là nhà… nhưng tôi đã từng có…Vậy nên tôi muốn tiêm nhiễm vài điều vào đầu óc mấy cậu nhóc khác. Tôi nói với chúng “Cha mẹ không phải là các vị thánh bởi vì tôi vốn đâu được sống với họ.”

Đối với John Lennon, tuổi trẻ có lẽ phải là việc quậy phá và sử xự như mấy thằng choai choai. Là những lần trèo lên nóc xe buýt, lén lún làm tình, là việc cậu từng bị đình chỉ học khi cho một bà già trên xe buýt xem hình khiêu dâm…

Có lẽ người lớn lúc nào cũng cho rằng tuổi trẻ như vậy là một thế hệ thoái hóa, sống không biết ngày mai, hút thuốc phê pha, rượu chè bê tha…Tôi tin rằng tuổi trẻ sẽ chấp nhận hết tất cả những từ ngữ miệt thị với một nụ cười không biện hộ. Người lớn không bao giờ hiểu rằng tuổi trẻ thật ra chỉ là những đêm đánh chén chém gió cùng bạn bè, những lần bỏ nhà đi hoang lang thang, tuổi trẻ phải úp mặt ngồi khóc thở than, muốn nhảy tõm xuống dòng sông để nó cuốn trôi mình đi… Tuổi trẻ không phải là tương lai ngày mai, không phải là tri thức lý lẽ trong những phiên tòa, tuổi trẻ không phải là những ngày cắm mặt kiệt quệ trên đống sách vở.

Thưở nhỏ, John Lennon cũng thường vẽ truyện tranh và thỉnh thoảng được đăng trên tờ báo của trường, nhưng kể cả khi Lennon đã thể hiện rõ thiên hướng nghệ thuật, nhà trường vẫn tỏ thái độ không hài lòng. “Học trò này chắc chắn theo con đường sa ngã, vô vọng, chỉ giỏi làm gã hề trong lớp, làm mất thời gian của các trò khác.”

Trước khi trở thành một ban nhạc lớn nổi tiếng mang tên The Beatles thì ban nhạc do John Lennon thành lập cũng chỉ là tập hợp những tay chơi nhạc què quặt, chỉ là những gã đã cùng cậu quậy phá trong trường. Thậm chí còn không biết đến cả nhạc cụ mình phải chơi. ”Nó là cái gì? Một cái thùng trà, có một cái cần và một sợi dây. Không sao! Cậu không cần đánh nhiều đâu.” Đó là cuộc trò chuyện trong nhà vệ sinh mà John đang muốn khởi sinh về ý tưởng thành lập ban nhạc, các bạn có thể nghe thấy khi xem phim.

Khi xem đến đoạn này, tôi nghĩ phải chăng tuổi trẻ thì không thể lén lút đuổi theo sau cuộc đời. Tuổi trẻ phải là con người tiên phong. Những bước chân tuổi trẻ mới là kẻ dẫn lối đưa ta đến con đường bất khả. Chẳng có ánh sáng nào soi lối cho tuổi trẻ, vậy nên tuổi trẻ cần phải tự phát ra thứ ánh sáng có thể chiếu sáng chính mình để kẻ thù phải khiếp sợ. Đó là tia sáng chiếu soi thấu tâm can tiếng lòng của tuổi trẻ. Tuổi trẻ phải nhớ rằng tia sáng êm dịu nhất phải là tia sáng cay đắng nhất.

Chính mẹ là người đã mang âm nhạc đến với cuộc sống của John Lennon. Bà là người đã dạy đàn cho John và tặng cậu cây đàn guitar đầu tiên. Chính mẹ đã cho John nghe thứ âm nhạc đầu tiên của Elvis khiến cậu phải thốt ra “Sao Chúa không biến con thành Elvis chứ?” Nhưng bà đã nói với cậu “Vì Chúa sẽ biến con thành John Lennon.”

Một tuổi trẻ có quá nhiều đớn đau khi phải sống xa cha mẹ. Và ngay cả khi vừa tìm lại được mẹ thì John lại phải một lần nữa gánh chịu nỗi đau rời xa bà mãi mãi vì một tai nạn ô tô. Bạn sẽ thấy rằng có khi tuổi trẻ đứng trước một cuộc đời đã bị tách xa khỏi những con người thân thuộc, tách xa khỏi xã hội trong những khoảng thời gian lâu vời vợi.

Nhưng tuổi trẻ cần biết rằng con đường nhiêu khê hiểm trở nhất, đó là con đường mà tuổi trẻ nào cũng cần bước qua. Than ôi tuổi trẻ, phải bắt đầu cuộc lữ hành cô độc của mình.

Từng bị dập tắt niềm đam mê âm nhạc vì dì của cậu không bao giờ tin rằng John có thể nổi tiếng bằng con đường âm nhạc, bà muốn cậu bé Lennon sẽ phát chán với nó khi nói rằng “Cây guitar thì rất tốt, nhưng mà John, cháu không bao giờ có thể kiếm tiền được với nó.”

Hình ảnh người dì của John chẳng còn xa lạ với tất cả tuổi trẻ. Bạn sẽ luôn bắt gặp những bậc phu huynh, những người trưởng thành dùng lý lẽ và kinh nghiệm để dạy bảo tuổi trẻ. Họ tự cho rằng mình khôn ngoan và già đời. Nhưng phải chăng tuổi trẻ chúng ta không cần đến những thứ ấy và sẽ chẳng bao giờ thèm đụng chạm đến. Vì thế tôi muốn cầu xin họ hãy mang tất cả sự hồn nhiên của tuổi trẻ trả lại hết cho chúng ta. Đừng dọa dẫm và áp đặt. Đừng làm điếc tai chúng ta bằng những kinh nghiệm người lớn đã đi qua vì chúng ta cũng tự biết cách đi qua chúng bằng chính đôi chân chứ không phải đi bằng hai lỗ tai. Kinh nghiệm là gì mà không phải là những thói quen người lớn đã bám víu vào đó như những tên hèn nhát. Có lẽ thật vô lễ nếu nói ra những lời này nhưng sự thật kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người lớn nhiều khi chỉ là sự rách việc đối với tuổi trẻ.

Tôi muốn bạn gặp gỡ John của những năm tháng tuổi trẻ, trước khi trở thành thành viên của ban nhạc danh tiếng The Beatles. Vì tôi muốn các bạn tin rằng bất kể là một con người tầm thường hay vĩ đại, ai cũng đã từng phải trải qua một tuổi trẻ như thế.

Lặn ngụp thật sâu vào đau khổ và chạm đáy giới hạn của hố thẳm. Tuổi trẻ sẽ học được cách ngoi ngóp lên khỏi những vũng bùn lầy. Đó chính là số mệnh của bất kỳ tuổi trẻ nào. Nơi thấp nhất mới chính là chốn cao vời vợi nhất mà tuổi trẻ đã may mắn đi qua. Ẩn tích đó được ghi hằn trên những vết thương đã liền sẹo chi chít bên trên hình dáng tuổi trẻ.

Đối với tôi, bất kể kẻ nào thuộc dòng giống tuổi trẻ đều không thể tránh khỏi giây phút đó. Chỉ khi bạn bắt đầu bước đi trên con đường tuổi trẻ. Là khi đó đỉnh cao và hố thăm bắt đầu cuộn xoáy vào nhau. Đó mới chính là con đường cao nhã tạo nên giá trị cuộc đời tuổi trẻ. Đó chính là hạnh phúc và khổ đau, niềm vui nỗi buồn, đó là thiên đàng và địa ngục. Tuổi trẻ phải đi sâu vào hỏa ngục thì tuổi trẻ mới có thể mỉm cười nhìn lại tất cả cuộc đời đã đi qua. Nơi nguy hiểm tối hậu nhất mới chính là nơi ẩn náu tối thượng.

Tôi luôn tin rằng sẽ đến lúc tôi vẫy tay tạm biệt dĩ vãng của một thời tuổi trẻ nông nổi sẽ đi qua, nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, hãy sống phó mặc chúng, bạn phải hiểu rằng chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời bạn mà không thuộc về bạn. Tuổi trẻ chỉ việc bước đi, không có lầm đường lạc lối vì sau cùng tuổi trẻ sẽ tự biết cách đưa ta trở về. Rồi sẽ có ngày bản ngã riêng tư của chúng ta cùng những trưởng thành đã đi hoang trong suốt tuổi trẻ, phân tán giữa những sự việc tình cờ và ngẫu nhiên tự biết cách tìm ra cho mình một con đường.

Tôi rất yêu quý âm nhạc của The Beatles, yêu quý con người  tự do của John Lennon. Nhưng có lẽ vẫn còn quá nhiều bạn trẻ Việt Nam xa lạ khi ai đó gọi tên John Lennon. Tất nhiên nếu chỉ bằng vài ba chữ hạn chế và vốn kiến thức hạn hẹp, tôi khó có thể để các bạn hiểu hết về con người này. Và thực tình tôi cũng không có ý ngồi liệt kê một bảng sơ yếu lý lịch của một con người vĩ đại mà nếu bạn muốn hiểu rõ, bạn chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính rồi gõ cái tên đó vào google thì cả cuộc đời anh ta đã hiện ra trước mắt bạn. Bài viết chỉ là tình cảm riêng tôi,  là sự đồng điệu trước tuổi trẻ của một con người tự do. John Lennon là một con người vĩ đại nhưng sự vĩ đại đó cũng chỉ được xây từ những viên gạch tầm thường.

Tôi đã học được rằng người lớn có thể chê cười tuổi trẻ của chúng ta. Bởi tuổi trẻ của họ đã chết, nhưng tuổi trẻ chúng ta chỉ vừa mới khởi sinh. Tuổi trẻ cần phải sống cùng nỗi cô đơn vô hạn, nhưng là đứng thẳng và nhìn thẳng, không phải là sự cúi đầu và vênh tai ngóng lên những kinh nghiệm từ người lớn. Tuổi trẻ kiêu hãnh vô biên, chúng ta không cần sự giúp đỡ từ những người đã chết đi xây dựng lại cuộc đời của chúng ta. Chỉ có tuổi trẻ đơn độc tạo dựng lên ngôi nhà chính mình và thổi linh hồn vào đó. Bất kể tương lai là gì thì cũng không thể dừng bước chân hôm nay, chân trời mới vẫn đang chờ đợi. Dù thế giới có lên tiếng ngăn cản thì tuổi trẻ này ta cũng chỉ cần sống một cuộc đời mà mình đã cưu mang sẵn trong tự thân.

Tôi thực sự rất cảm động khi xem xong bộ phim và hiểu hơn về cuộc đời tuổi trẻ  của John Lennon. Tôi mong bài viết này sẽ là một ngọn hoa tiêu dẫn lối bạn tìm về  tuổi trẻ trong bạn. Chúng ta, cả bạn, tôi hay những con người vĩ đại. Cũng chỉ đang đứng cùng một vạch xuất phát, nhưng chúng ta có thể chạy bao xa. Tất cả là tùy thuộc vào chính bản thân chúng ta. Nếu bạn vẫn đang loay hoay chưa tìm được lối ra, đừng lo sợ. Vẫn còn những tuổi trẻ khác chẳng có gì tốt đẹp hơn bạn?

Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Wikipedia và những chi tiết tôi đã xem được trong phim Tuổi trẻ của John Lennon.

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: stuarthampton

Triết học có nên được sinh ra từ đường phố?

11

Triết học, philosophy, theo định nghĩa là tình yêu dành cho sự thông thái. Đường phố ở đây không đơn thuần là những con đường được xây dựng trên con phố nhất định, nó là con đường được tạo ra từ những bước chân. Nơi nào có bước chân ta qua, nơi đó đích thực là con đường. Và khi tôi nghĩ  đến triết học đường phố, nghĩa là tôi đang muốn nói đến quá trình tìm kiếm sự thông thái trải dài qua mỗi bước chân của chính chúng ta chứ không phải là sự dẫm đạp in dấu có sẵn trong sách vở.

Theo quan điểm riêng tôi, triết học đường phố là gã ăn mày rách rưới bị nhà nhà thù ghét, luôn bị trói buộc tinh thần tự do bằng xiềng xích. Vì không sinh ra để phụng sự cho sự mê tín của đám đông nên những gì triết học đường phố nói phải chăng chỉ là sự điên rồ. Có thể tôi sai, nhưng tôi nhìn thấy thứ triết học đối với đám đông, đó luôn chỉ là một con đường quanh co dẫn lối vào nhà họ.

Hầu hết đám đông cho rằng triết học chỉ nên dành cho nhà tri thức, đó mới chính là thứ xã hội cần tôn sùng, đáng để cư ngụ trên cao. Triết học phải có nguồn gốc khởi sinh trong sách vở? Tôi thì không nghĩ thế. Tôi nghĩ rằng những ông triết gia đi ra từ sách vở thực ra chỉ là những tên mọt sách ngồi gặm nhấm đống lý thuyết này qua lý thuyết khác trong khi chưa bao giờ bước ra khỏi nhà. Còn các bậc tiền bối khai minh ra thứ triết học được sử sách ghi chép, liệu đó có là tinh thần của mỗi chúng ta? Và phải chăng nếu các bậc tiền bối  đang dạo chơi trên con đường đi đến giác ngộ mà mỗi chúng ta tôn kính, họ có hiểu hết tâm can chúng sanh thì các con chiên của họ chắc gì tránh khỏi cảnh nhai đi nhai lại lý thuyết cơ bản mà không đủ năng lực để hiểu hết chúng. Tôi đã nhìn thấy thứ triết học kéo theo đám đông như một bầy lừa. Tăng trưởng lớn mạnh cùng đám đông cùng với tinh thần được gọi là đức hạnh. Nhưng đối với tôi triết học của đám đông chỉ là thứ triết học với đôi mắt khờ dại.

Tôi cũng nhìn thấy những nhà hiền triết luôn tìm cách nói đến ý chí ước muốn chân lý. Nhưng họ lại luôn cố đặt định lý do vững chãi cho những triết lý đám đông. Bởi chân lý dường như chỉ luôn là những điều đám đông nói. Và những nhà hiền triết nổi danh phải luôn là những người được đám đông kính ngưỡng. Nhà hiền triết nào kiên quyết bảo vệ đám đông thì chân lý người đó đưa ra mới chính là triết học. Chính vì thế mà cần đến những mối quan hệ giao hảo với đám đông. Tôi lại nghĩ khác, muốn đi đến tính chất đích thực của chân lý thì điều đáng phải làm đầu tiên là đập vỡ đi ý chí kính mộ của đám đông. Bởi lẽ chân lý thì chẳng bao giờ đến từ đám đông lố nhố.

Tại sao con người luôn đặt câu hỏi lớn cho sự thông thái, những hiểu biết xung quanh chúng ta? Bởi vì con người luôn phải sống trong sợ hãi, họ không có khả năng tự chủ. Con người chỉ luôn sợ những thứ họ không biết. Và nơi nào trong cuộc sống họ là nơi ẩn chứa nhiều nỗi sợ hãi nhất? Đó phải là đường phố. Chỉ có khi chúng ta bước xuống đường thì vỏ bọc bảo vệ an toàn bởi những bức tường mới rời xa ta, đó là khi bạn không còn tự khả năng kiểm soát những gì sẽ diễn ra.

Theo tôi, nhà triết học đích thực là kẻ chấp nhận bước đi giữa cát vàng nóng bỏng, chịu sự thiêu đốt của ánh mặt trời, chẳng bao giờ thèm khát những dòng suối mát mẻ, không chịu yên nghỉ dưới bóng cây. Một nhà hiền triết đích thực phải là kẻ luôn thèm khát sự đói khát và cô đơn. Triết học thực sự phải là nỗi đau khổ riêng tư của mình, phải là tinh thần đã bị quăng vứt vào trong cái hố đầy tuyết lạnh. Không chỉ biết đến sự lạnh lẽo băng giá mà đó còn phải là cảm giác ngây ngất của sung sướng.

Đường phố sẽ là nơi giải thoát triết học khỏi hang động nô lệ, giải phóng khỏi những lâu đài cao sang, khỏi những sùng bái tín ngưỡng. Chỉ có triết học trên đường phố mới đủ sức mạnh vượt qua rào chắn mà không sợ hãi kinh hoàng. Bởi lẽ hầu như kẻ chân chính chỉ luôn xuất hiện ở những nơi bần cùng nhơ nhớp nhất. Có lẽ chỉ có đường phố mới là nơi sinh sống của những con người chân thật, tinh thần tự do. Đó mới chính là nơi tận cùng của đáy sâu cuộc sống. Còn những tòa nhà chính phủ, biệt thự lớn, lâu đài cao sang, đó chỉ là nơi cư trú của những nhà hiền triết nổi danh. Nhưng thứ triết phát ra từ miệng của những kẻ đó, đối với tôi chỉ là thứ dùng để nuôi ăn kỹ lưỡng cho cái bụng căng tròn của họ.

Triết học không thể chỉ là một sự quen thuộc, không thể là trí huệ hiền minh luôn phải nương thân vào một chốn yên thân. Đó phải là sự hạnh phúc trong những chốn khủng khiếp kinh hoàng nhất. Đó chắc chắn không thể là tri thức mà chúng ta vẫn trông thấy. Nó phải nằm tít sâu những hố thẳm và những người muốn chạm đáy suối nguồn thì không thể nào rút ra mà tránh khỏi cảnh bàn tay bỏng lửa.

Một nhà hiền triết đích thực thì không bao giờ phải run rẩy, không bao giờ bị xô đẩy ý chí và sức mạnh khi căng buồm vượt biển. Chính vì thế mà triết học đích thực phải là triết học của sự hoang dã, của tinh thần băng vượt qua biển cả. Và phải chăng, đường phố luôn là sự lựa chọn cho triết học?

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: geralt

Chúng ta biết gì về Thượng Đế?

5

Có một lần nọ, thánh Augustino đi lang thang trên bờ biển, ngài đang mải mê suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Dường như ngài cảm thấy bất an và khó chịu về tín điều ba ngôi nhưng một Chúa, lý trí Ngài không chấp nhận hay không thể nào hiểu thấu mầu nhiệm đó. Đang suy tư như thế, ngài nhìn thấy một cậu bé ngồi gần bờ biển, hai tay múc nước biển vào một cái hố nhỏ. Cậu bé cứ mải mê làm công việc kì quặc đó khiến thánh nhân thấy làm kỳ lạ. Ngài tiến tới và hỏi: “Cháu đang làm gì vậy?” Cậu bé không ngoảnh mặt lên nhìn thánh nhân, vừa lấy hai tay múc nước biển, vừa trả lời rằng: “Ngài không thấy rằng cháu đang cố múc hết nước biển vào cái hố này sao? Thánh nhân cười lên một tiếng và bảo: “Làm sao cháu có thể hứng hết nước biển vào một cái hố được chứ?” Cậu bé đáp: “Có thể chuyện đó là vô lý, nhưng nó còn khả thi hơn vấn đề bác đang suy tư.” Vừa nghe đến đó thánh nhân như bừng tỉnh, và nhận ra sự ngu muội của mình.

Kinh nghiệm của riêng tôi thấy rằng: Lý trí không có khả năng hiểu về Thượnng Đế theo cùng một cách nó đã cố tìm hiểu thế giới vật lý xung quanh. Tại sao vậy? Thưa là nếu bạn dùng lý trí để mổ xé về Thượng Đế như cách Aristoteles đã làm theo triết học tam đoạn luận của ông, thì bạn sẽ thấy Thượng Đế chỉ là một trò lừa của những kẻ thích lừa bịp.
Tam đoạn luận của Aristoteles có thể hiểu thế này:

  1.  Tiền Đề mang tính phổ quát: Tất cả mọi người đều phải chết
  2. Tiểu tiền đề mang tính chi tiết: Aristote là một con người.
  3. Kết đề giữa trên 2 tiền đề đúng kia: Nên Aristote cũng phải chết.

Vậy nếu giữa theo tam đoạn luận, chúng ta có thể nói về Thượng Đế theo kinh thánh như sau:

  1. Thiên Chúa là Tình Yêu, là toàn năng, là tuyệt đối và luôn quan phòng, yêu thương những ai kêu cầu, tin tưởng Ngài.
  2. Tôi tin vào Thiên Chúa, và hằng kêu cầu danh Ngài.
  3. Nên kết luận là tôi sẽ được mọi sự bằng an, may mắn, và vui vẻ vì nhớ hai điều trên đảm bảo.

Đó là cách tam đoạn luận, và cũng là cách chúng ta hiểu về Thượng Đế, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Biết bao người bị bách hại vì đức tin, biết bao người sống khốn khổ, cơ cực và hiểm nguy vì đức tin. Và hằng trăm thể kỷ qua, biết bao người có niềm tin bị đối xử, bị giết chết, bị hành hạ chẳng khác gì con vật. Vậy là qua lý trí con người thấy sự mâu thuận, sự phi lý, phi logic của hiểu biết mình về Thiên Chúa. Và cuối cùng người ta coi: Tôn giáo là thuốc phiện, hay như Nietzsche đã hét lên: “Thượng Đế đã chết.”

Rốt cuộc, người ta có thể nghi ngờ về Thượng Đế, chối bỏ Thượng Đế cũng vì nghĩ rằng: Có thể hiểu Thượng Đế bằng lý trí, bằng logic.

Vậy lẽ nào lý trí không thể nào đi đến được Thượng Đế. Tôi vẫn thích cách nói của thánh Thomas Aquinas:

“Qua thế giới, qua vẻ đẹp, qua sự hùng vĩ, qua sự bày xếp một cách tài tình trong vũ trụ mà lý trí có thể nhận ra một Đấng sáng tạo nên muôn loài.”

Đối với tôi lý trí chỉ có thể đi đến ngưỡng cửa về sự nhận ra có một Thiên Chúa tạo dựng nên nó. Lý trí lúc này như ngọn đèn chiếu sáng trong đêm tối, để bạn có thể nhận ra những trở ngại trên đường, nhận ra những thứ xung quanh mình mà thôi. Còn để hiểu về Thượng Đế như thế nào? Là ai? Thì lý trí không thể nào đạt được, hay nói chính xác là dễ đi vào sai lạc. Bạn chỉ có thể hiểu rõ về Thượng Đế bằng chính tương quan mất thiết giữa bạn và Ngài. Điều này thuộc về kinh nghiệm riêng tư như việc bạn đi vào trong một mối quan hệ thân thiết, sâu đậm với ai đó.

Nếu nói vậy, phải chăng khi nói Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa là toàn năng, là mọi sự thánh thiện, tốt lành đều là lời dối trá cả sao? Tuỳ theo mối tương quan giữa bạn với Thiên Chúa như thế nào? Nếu bạn chỉ đọc sách, chỉ hiểu về Thiên Chúa qua lý thuyết, bằng lý thuyết, bằng khái niệm, thì đúng là tất cả những điều đó chỉ là sự lừa dối, nhưng là tâm trí bạn tự lừa dối bạn. Vì các khái niệm như Tình Yêu, Thánh Thiện là của bạn, rồi bạn áp dụng các đặc tính của nó về Thiên Chúa, và bắt Thiên Chúa phải như này, như nọ, như thế kia. Còn nếu bạn biết vứt đi nhưng khái niệm, những lý thuyết, những từ ngữ và đi vào trong mối tương quan với Thiên Chúa bằng chính đời sống, bằng chính trải nghiệm riêng, thì bạn sẽ nhận ra chẳng một lời nào trên nói về Thiên Chúa là lừa dối hay phỉnh gạt bạn cả.

Tôi nhớ về câu chuyện của Mose trong cựu ước thế này. Một lần Mose đi chăn cừu, ông nhìn thấy trên núi có điều gì kì lạ nên bỏ đàn cừu ở dưới và đi lên núi. Lên tới núi ông nhìn thấy một bụi gai đang bốc cháy, nhưng kì lạ là nó không hề bị thiêu đốt bởi ngọn lửa. Rồi từ trong đám cháy có tiếng nói: “Hãy cởi dép ra vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” Rồi Chúa truyền lệnh cho Mose đi giải cứu dân Do Thái đang làm nô lệ trong xứ Ai Cập. Trước khi giã từ Thiên Chúa, Mose mạnh dạn hỏi rằng: “Nhưng thưa Ngài, nếu dân hỏi ai đã sai con đi, con sẽ trả lời sao?” Chúa phán “Hãy bảo họ: Ta là đấng ta là.” (Đấng Hiện Hữu)

Thiên Chúa trong Kinh Thánh đã nói rằng: “Ta là đấng ta là.” Là đấng Hiện Hữu. Hiểu đơn giản là chỉ có sống và đi vào trong sự sống bằng chính niềm tin, bằng mối tương quan cá nhân, thì bạn và tôi mới hiểu về Thượng Đế, và hiểu đó cũng chỉ là hiểu theo khả năng của riêng mình. Không thể phân tích Thiên Chúa như bạn muốn phân tích một cục đá, một vùng đất hay một hoá chất nào đó. Lý thuyết và khái niệm mà không có kinh nghiệm sống chỉ là thứ chết bầm, không thể nào hiểu được đấng đã từng phán: Ta là đấng Hiện Hữu.

Tác giả: Bình Minh

*Featured Image: spirit111

Việc cuối cùng của người đi tìm kiếm chân lý

4

Tôi muốn viết về nhiều vấn đề các ông ạ. Nhưng nhìn lại thì tôi thấy tất cả mọi vấn đề ấy đều nằm trong tâm mình, tất tần tật mọi thứ ấy, không trừ một điều gì. Thế nên khi mình khởi tâm nghĩ và nói, hành động bất cứ một điều gì, điều ấy luôn phản ánh lại chính bản thân mình. Khi tôi nói về người khác, thực ra tôi chẳng biết gì về người khác đâu, tôi chỉ thấy những dòng suy nghĩ của mình về họ. Cái suy nghĩ – cái tâm ấy huyền ảo và vô hình vô cùng. Tất cả thế giới hỗn loạn cũng là trò chơi của nó. Tươi đẹp và hạnh phúc tột cùng cũng trong bàn tay nó. Chẳng chạy đâu mà thoát được. Mà nó lại sẵn có trong mỗi người, nó đang có mặt ở đây trong tôi, nhân danh tôi nó nói về mọi thứ, về toàn thể vũ trụ.

Từng câu từng chữ ở đây chính là nó. Thế nên nó ở ngay đây rồi, các ông ạ, các ông có thấy cái điều mà tôi đang thấy không?

Tôi không tính nổi, không con số nào chính xác tính được có bao nhiêu con chữ, bao nhiêu hình ảnh và tiếng nói đang chực chờ để nhảy ùa ra trong đầu tôi. Ấy đã là một điều quá kì diệu, ngồi một chỗ gõ bàn phím và quan sát sự vận động của tâm mình. Nhiều quá chẳng thấy hết, nhưng đôi bàn tay này của tôi cứ gõ gõ, tất cả mọi thứ đều dường như là tự động. Tôi chẳng thể làm gì ngoài quan sát những điều đang diễn ra. 

Tôi đã từng được lắng nghe những người được coi là giác ngộ, cái mà họ đang nói về “THIỀN”, “HƯ KHÔNG”. 

Hình như nó là cái mà tôi đang trải nghiệm ở đây. Tôi tự cho là mình đang thiền với việc viết của mình. Sâu hơn một lớp nữa tôi biết cái tâm mình luôn dùng việc Thiền làm một thứ vỏ bọc. Tâm tôi dường như muốn dùng mọi thứ mà nó được biết tới để tự nuôi dưỡng chính nó. Cũng may mắn là thấy được sự dối trá ấy. Tuy nhiên cái thấy và biết ấy dường như còn đục lắm, chưa đủ trong để thấy rõ chân lý được.

Tôi nghĩ rằng người giác ngộ hẳn sẽ biết mình, còn tôi biết mình thì chưa. Cứ tạm gọi tôi là một người tìm kiếm, vẫn còn loay hoay trước vạn vật, vẫn còn đi tìm và học hỏi. Tuy nhiên mọi sự đã khác, việc bỏ công trèo đèo lội xuối dốc lòng đi tìm bậc chân tu theo học dường như với tôi không cần thiết nữa – hoặc tôi tự ảo tưởng như vậy. Nhưng với suy nghĩ hiện tại, tất cả đều nằm ở đây, ông thầy tôi cần tìm đang ngủ say trong tôi, kẻ thù của tôi cũng chung chăn gối với ông ta. Mọi thứ đều sẵn sàng hết chỉ chờ tôi gõ cửa.

Mà các ông biết không, tôi sợ hãi cái “KHÔNG”. Tôi sợ hãi việc không là gì cả, tôi cũng chẳng muốn sợ đâu, mà chắc ông trời tự động hoá cái thứ đó vào con người tôi. Nỗi sợ và sai lầm của tôi chẳng là gì khác ngoài một chuỗi suy nghĩ tự động, một thói quen ăn vào máu thành bản năng. Bản năng, tôi cũng từng nghĩ rằng nó là cái gì đó bất biến. Nhưng chẳng phải vậy, mọi thứ đang vận động liên hoàn, cái mà gọi là bản năng cũng đang vận động và thay đổi liên tục. Những sai lầm và nỗi đau, nỗi sợ và sự dối trá sẽ hoá thân thành trưởng thành và sự thật.

Tôi đã dần thấy những mầm non ấy đang lộ ra, việc cuối cùng của người đi tìm kiếm chắc là giữ vững sự kiên nhẫn với hành trình của mình. 

Tác giả: Con Sâu Cùn

Featured image: 4144132

 

[THĐP Translation] 10 điều bullshit nhiều người theo đuổi “tâm linh” dễ mắc phải (Phần 1/2)

2
tumblr_inline_nx4fu1budQ1s09z1b_1280

(Bài viết này hiện đang có 203k+ lượt tương tác trên Facebook)

Chưa bao giờ có ai nói cho tôi biết rằng tâm linh (spirituality) cũng có thể là một cái bẫy bản ngã (ego trap) rất tinh vi. Tôi đã dành ra khoảng 3 năm nghiên cứu về những giáo lý tâm linh và đem chúng áp dụng vào cuộc sống của mình trước khi biết rằng tâm linh cũng có một phần tối của nó. Làm thế nào mà một thứ dường như rất tốt đẹp và trong sạch như vậy có thể ẩn chứa nguy hiểm?

Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là spiritual bypassing, tạm dịch là: né tránh tâm linh. Đầu thập niên 80, nhà tâm lý học John Welwood đặt tên cho thuật ngữ “spiritual bypassing” ý muốn nói đến hiện tượng sử dụng các phương pháp và niềm tin tâm linh để tránh né đối diện với những cảm xúc không thoải mái, những vết thương chưa lành, và những nhu cầu cảm xúc, tâm lý.

Căn cứ theo nhà điều trị tâm lý Robert Augustus Masters, spiritual bypassing khiến chúng ta thu rút bản thân mình lại, ẩn nấp sau một lớp màn, lá chắn tâm linh của những niềm tin và thực hành siêu hình. Ông nói, “nó không chỉ cách ly chúng ta khỏi những nỗi đau và khó khăn cá nhân, mà còn khỏi tâm linh đích thực, chôn chân chúng ta trong một limbo cõi không siêu hình, mảnh đất của sự nhẹ nhàng được cường điệu hoá, sự tốt đẹp, và sự giả tạo.”

Đau đớn nhận ra spiritual bypassing của chính mình

Trong cuốn sách Spiritual Bypassing: When Spirituality Disconnects Us From What Really Matters của Robert August Masters, ông viết:

“Đặc điểm nhận dạng của spiritual bypassing bao gồm: buông bỏ một cách cực đoan, kiềm nén, đóng băng cảm xúc, tích cực một cách cực đoan, tẩy chay giận dữ, nhân từ mù quáng hoặc quá sức chịu đựng, ranh giới yếu ớt, lỏng lẻo, phát triển lệch lạc (trí thông minh lý trí phát triển nhiều hơn trí thông minh cảm xúc và luân lý), xem nhẹ những mặt tiêu cực, mặt trái của bản thân, và ảo tưởng rằng mình đã đạt tới một tầm mức cao hơn.”

how-to-be-ultra-spiritual-shadow-spiritual-bypassing--e1490215251716-709x564
“My vibration is so high, man. My chakras are so aligned. Fuuuckkkk, I’m a spiritual beast, bro.”

Khi tôi tiếp tục nhìn vào các né tránh tâm linh, tôi để ý thấy được nhiều hơn những góc tối tâm linh, và tôi đã nhận ra được rằng trong vô thức tôi đã rơi vào những cái bẫy này không lần này thì cũng lần khác.

Mặc dù đau đớn nhưng đây là một số nhận thức quan trọng nhất tôi từng có. Chúng giúp tôi ngưng lại việc sử dụng thứ tâm linh biến dạng như một liều ego boost, (làm phình to bản ngã lên, để có được cảm giác như mình là cái rốn của vũ trụ,) và bắt đầu chịu trách nhiệm hơn để giải quyết những nhu cầu tâm lý và những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

10 chuyện “tâm linh” người ta làm gây tổn hại tới sự phát triển của họ

Hãy nhớ: Bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ nhìn nhận nếu thấy mình trong danh sách này. Tôi e rằng có một số điều trong đây tất cả những người có khuynh hướng theo đuổi tâm linh đều mắc phải. Chính tôi cũng đã vướng mắc vào hầu hết những chuyện này trước đây, và ngay cả hiện nay tôi vẫn còn phải cố gắng cảnh giác với những cái bẫy này. Mục tiêu ở đây không phải là để phán xét, mà là để gia tăng ý thức về bản thân để phát triển hướng đến một nền tảng tâm linh trung thực, hỗ trợ, và hữu dụng hơn.

1. Tham gia vào những hoạt động “tâm linh” để khiến bản thân thấy cao siêu hơn người khác

Đây có lẽ là một trong những góc tối lan tràn phổ biến nhất, và nó có nhiều hình dạng sắc thái. Một số cảm thấy mình cao siêu hơn người khác vì họ đọc/nghe Alan Watts hoặc những tên tuổi khác trong cộng đồng tâm linh (còn người khác thì không). Hoặc từ chối không sử dụng xe máy mà chỉ sử dụng xe đạp (vì sợ làm ô nhiễm môi trường). Hoặc không xem TV. Hoặc những người ăn chay. Hoặc những người sử dụng đá crystals. Hoặc đi chùa. Hoặc luyện tập yoga hay thiền định. Hoặc sử dụng các chất thức thần.

spiritualbypassing5
Cố gắng được giác ngộ – Chỉ để có cảm giác mình giác ngộ hơn người khác

Hãy chú ý rằng không phải tôi đang hạ thấp giá trị của những hoạt động này. Tôi yêu Alan Watts, tôn trọng những người ăn chay, và thiền định thật sự cũng rất lợi ích. Ý tôi muốn nói ở đây là việc theo đuổi những ý tưởng và thực hành tâm linh rất dễ khiến bạn rơi vào cái bẫy ego trap–tin rằng bạn cao cấp hơn, giác ngộ hơn rất nhiều so với tất cả những “con cừu” ngoài kia. Rốt cuộc thì với thái độ hướng đến “tâm linh” như thế cũng không khá hơn gì chuyện bạn nghĩ mình ngon hơn những người khác vì bạn là một người theo phe Dân chủ hay là một fan của MU (hội chứng fanboy). Tư duy này thật sự ngăn cản bạn khỏi tâm linh đích thực vì bạn chỉ lo tập trung hơn thua với người khác, thay vì nghĩ đến chuyện tạo dựng ra một sự kết nối với thế giới, vũ trụ và cảm nhận được sự bao la kì vĩ, huyền bí tinh tế của sự tồn tại.

2. Sử dụng “tâm linh” như một lời bào chữa cho sự vô trách nhiệm của mình

Nhiều người lấy hai chữ “tâm linh” ra để ngụy biện cho sự vô trách nhiệm, không đáng tin cậy của họ. Họ nói những câu như:

  • “It is what it is.” (Chuyện nó như vậy thì nó như vậy.)
  • Vũ trụ đã hoàn hảo rồi.
  • Mọi thứ xảy ra đều có lý do.

Những câu nói tương tự như vậy có thể là những lời ngụy biện cho việc lười biếng, và việc từ chối nhìn lại bản thân. Tôi không nói về tính đúng-sai của những câu nói này. Tôi chỉ đang nói rằng nếu bạn thường xuyên trễ hẹn, trễ deadline, nếu bạn thường xuyên xao lãng trách nhiệm với những mối quan hệ thân thiết, hay đóng tiền nhà trễ, có lẽ bạn không nên tiếp tục nói với bản thân “Sao cũng được man, thực tại cũng chỉ là hư ảo mà thôi.”

spiritual-bypassing
Tin rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do – 3 tháng chưa đóng tiền nhà

Cũng gần giống như vậy, bạn sẽ rất dễ dàng đánh lừa bản thân nghĩ rằng mỗi khi người khác có thái độ với xu hướng của bạn, lý do là vì người đó “không biết tôn trọng lối sống của tôi” hay “họ mới là người có trình độ tâm linh thấp, cần phải tu tâm dưỡng tánh thêm.” Nhìn nhận những lúc chúng ta hành xử ích kỉ, thô lỗ, vô tâm, gây đau khổ cho người khác thì khó hơn nhiều tư duy đổ lỗi. Khó hơn nhiều khi chúng ta biết thú nhận rằng bản thân mình còn lâu mới hoàn hảo, và đây là một quá trình phát triển và học hành không bao giờ có hồi kết.

“Không có ai quá giác ngộ đến nỗi không cần phải cải tiến chính mình.”

— Terence McKenna

12042623_10208574405068129_7451000608443549801_n

3. Thu thập thêm những sở thích, niềm tin mới đơn giản chỉ vì chúng đang thời thượng

Con người có xu hướng muốn hòa nhập. Tất cả chúng ta đều mong mỏi cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Và chúng ta lập ra đủ mọi hình thức hội nhóm, quốc gia, chủng tộc, chủ nghĩa vân vân để thỏa mãn nhu cầu này. Người ta cũng lập ra đủ các thể loại bang hội xung quanh tâm linh. Việc này có mặt tốt và cũng có mặt trái.

spiritualbypassing6
Thực hành thiền định và uống Ayahuasca – Vì muốn bắt chước những đứa “cool ngầu”

Những người này muốn nhảy lên chuyến xe lửa tâm linh, thế là họ bắt đầu tập yoga (mà thậm chí không hiểu được chữ yoga có nghĩa là gì), mặc quần áo phong cách “New Age”, đi đến các lễ hội âm nhạc, uống ayahuasca,… và tự nhủ với bản thân rằng những thứ này làm họ “tâm linh” hơn. Những kẻ tâm linh nửa mùa này thật sự chỉ đang làm loãng đi tâm quan trọng của những nghi vấn tâm linh, sự suy niệm, trải nghiệm và nhận thức.

4. Đánh giá những người bộc lộ cơn giận, ngay cả khi giận dữ là cần thiết

Đây là một trong những cái bẫy spiritual bypassing tôi để ý thấy mình hay vấp phải. Tôi nhận ra là khi người ta nổi giận với tôi, tôi sẽ phản ứng bằng cách nói những câu như, “giận dữ không giải quyết được gì,” hay “tôi nghĩ chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề tốt hơn nếu chúng ta có thể giữ được bình tĩnh.” Nhưng bên trong, tôi đang âm thầm phán xét người kia, nghĩ rằng, “Chỉ cần họ giác ngộ hơn thì đã không có màn kịch drama này xảy ra.” Thật ra thì đây cũng chỉ là một cách né tránh những vấn đề sâu hơn cần được giải quyết.

spiritualbypassing13
Phán xét khi người ta nổi giận với mình – Vì 3 tháng chưa đóng tiền nhà

Khi bạn trở nên hứng thú với tâm linh, một trong những câu trích dẫn đầu tiên về giận dữ bạn sẽ gặp đó là: “Chứa giữ tức giận cũng giống như cầm trên tay một cục than nóng với mục đích gây tổn thương người khác, chính ngươi là người sẽ bị phỏng.”

Câu trích dẫn này thường được cho rằng là lời Phật dạy, nhưng thật ra nó là một cách nói khác đi từ sách của Buddhaghosa (Phật Âm) vào thế kỉ thứ 5.

“By doing this you are like a man who wants to hit another and picks up a burning ember or excrement in his hand and so first burns himself or makes himself stink.”
— Buddhaghosa, Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) IX, 23

Điểm tinh tế của câu nói này khuyên chúng ta không nên chứa giữ, níu bám vào cơn giận; chúng ta nên cảm nhận nó, bộc lộ nó nếu cần thiết, rồi sau đó buông bỏ. Nhiều người không hiểu lại cứ cho rằng giận dữ dưới bất cứ hình thức nào cũng đều vô minh, thiếu trí tuệ. Giận dữ là một cảm xúc tự nhiên của con người và là một phản ứng thích hợp trong nhiều tình huống. Nhiều khi, giận dữ là một dấu hiệu cho thấy có những vấn đề nghiêm trọng cần được xử lý.

Trớ trêu thay, nhiều người theo đuổi tâm linh lại kiềm nén những cảm xúc “phi tâm linh” và gia tăng một cách giả tạo những cảm xúc “tâm linh” chẳng hạn như lòng nhân từ, bác ái, bình đẳng… Điều này dẫn đến sự giả tạo. Họ sẽ luôn vật lộn đấu tranh với chính mình để thể hiện ra sự bình thản, nhẹ nhàng, tốt bụng, tỏ ra luôn bình an thư thái, cuối cùng thì chỉ khiến người khác thấy giả dối.

5. Sử dụng tâm linh để bào chữa cho việc lạm dụng drugs

Rất nhiều người, trong đó có tôi, tin rằng những chất thức thần có khả năng hỗ trợ cho quá trình tiến hóa tâm linh. Tuy nhiên nhiều người đã đi quá xa thành ra lậm, sử dụng lý do này để biện minh cho việc lạm dụng gây hại tới bản thân, họ trở nên mù quáng đến mức không còn nhìn ra được mặt trái của những loại chất này.

spiritualbypassing8
“Hành trì nghi lễ” cần sa – 17 lần một ngày

Trong nhiều trường hợp cực đoan, những người “tâm linh” “hành trì nghi lễ cần sa” của họ suốt ngày (trừ những lúc ngủ); sử dụng psychedelics quá thường xuyên hoặc những lúc không thích hợp; và hoàn toàn từ chối rằng những chất này hoàn toàn không có hiệu ứng tiêu cực. Các loại chất thức thần, bao gồm luôn cần sa, chắc chắn cũng có mặt trái của nó. Nếu bạn sử dụng chúng một cách vô trách nhiệm hoặc chỉ đơn giản là kém may mắn, psychedelics như LSD hoặc nấm có thể gây ra và để lại chấn thương thần kinh lâu dài (cá nhân người dịch đã gặp trường hợp như vậy). Và cần sa, một loại chất thức thần nhẹ, là một loại drug nếu bạn sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên cũng sẽ tạo thành một thói quen, dần dần nó sẽ trở thành một đám mây che mờ tâm trí, xói mòn động lực. Hãy biết tôn trọng nó và sử dụng nó cho khôn ngoan.

>> [THĐP Translation] 10 điều bullshit nhiều người theo đuổi “tâm linh” dễ mắc phải (Phần 2/2)

Tác giả: Jordan Bates
Phóng dịch: In Ra
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: HighExistence

Bi kịch của Messi và sự cứng đầu của người Argentina

Không một fan bóng đá nào có thể phủ nhận tài năng của Messi. Đó là một sự thật cần phải thừa nhận. Messi đã gồng gánh Argentina vào đến chung kết 4 năm trước, đó là sự thật và họ gục ngã trước Đức với một lối chơi khoa học đậm chất châu Âu.

4 năm sau đó, sự nghiệp Messi trải qua rất nhiều thằng trầm. Có khi anh đã quá mệt mỏi với trọng trách gồng gánh con thuyền Argentina nhưng cuối cùng anh vẫn quay lại. Argentina qua được vòng loại cũng là nhờ công của Messi.

Barca xây dựng một lối chơi khoa học thì ở đội tuyển trớ trêu thay Argentina chưa bao giờ có một HLV đủ tâm và tầm. Thay vì nghiên cứu và tạo ra một sơ đồ chiến thuật chặt chẽ họ lại nghĩ rằng “Messi sẽ làm tất cả”.

Đã qua rồi thời Pele hay Maradonna hay Rô béo solo qua bao nhiêu hậu vệ. Bóng đá đã đổi thay, chặt chẽ hơn, thực dụng hơn. Với sự lên ngôi của pressing thì các đội bóng chiếu dưới đã có 1 công cụ hoàn hảo để quật ngã những gã khổng lồ. Đã qua thời Hy Lap đổ bê tông thụ động đến cả Figo cũng phải ngán ngẫm đến tuyệt vọng. Các đội chiếu dưới giờ đã chơi một cách chủ động hơn.

Bóng đá thay đổi nhưng tư duy của người Argentina lại không đổi, họ vẫn mơ về 1 Maradonna solo gánh team thay vì mơ về một tập thể gắn kết để hiện thực hóa giấc mơ World Cup.

Messi là một nghệ sĩ và anh không có tố chất thủ lĩnh. Không có gì sai và xấu hổ về việc này. Nhưng không, đối với người Argentina đó là một cái tội. Bởi thế khi phải gồng gánh quá nhiều áp lực và trọng trách, anh ta đá hụt penalty. Thật ra quả penalty đó có thể để cho đồng đội anh đá sẽ hiệu quả hơn. Nhưng không, người Argentina lại trông vào anh và khi anh ngã họ quay qua đòi ăn tươi nuốt sống anh.

Jesus sau bao nhiêu phép lạ cũng phải nhìn những con người mình yêu thương và bảo bọc lên án mình. “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá. Trả Barbara cho chúng tôi, kẻ này tuyên bố ông ta là vua, chúng tôi không có vua nào ngoại trừ Caesar.”

Phải Messi đang bị chính đồng bào của mình “đóng đinh” vào thập giá. Cây thập giá của áp lực nặng nề, cây thập giá của trách nhiệm to lớn. Nhưng Jesus ngay cả trước khi chết vẫn còn có Maria mẹ Ngài đứng dưới chân hay John môn đồ mà ngài yêu mến.

CÒN MESSI, ANH TA HOÀN TOÀN CÔ ĐỘC.

Sự cô độc đến lạnh người, Caballero có nghĩ cho người đội trưởng mình chăng? Có thật sự 100% đá với quyết tâm chiến thắng chăng? Tôi nghĩ nếu mọi cầu thủ Argentina và ban huấn luyện biết cố gắng thêm nữa thì mọi chuyện đã khác.

Cuộc đời có lắm chữ nhưng và bao lần hối tiếc. Người Argentina không bao giờ nhận rằng họ đã quá sai khi đặt hàng tấn áp lực lên đôi chân của Messi, họ cứng đầu và ngoan cố. Argentina không phải 1 tập thể, Argentina là bao gồm Messi và phần còn lại.

Về thôi anh, đường đời mệt nhoài, về thôi anh đôi vai gầy đã nhuốm màu tuổi tác. Nghỉ ngơi đi hỡi Leo. Anh đã cố gắng hết sức. Anh không nợ họ bất cứ điều gì cả, đừng dằn vặt anh đã làm tất cả những gì có thể rồi.

Tác giả: Kyle Dang
Edit: Triết Học Đường Phố

Featured image: YaNiS2017

Luật An Ninh Mạng và sự bất đồng giữa hai cha con

0

21/06 là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là ngày Ba chọn làm ngày sinh nhật một cách tượng trưng. Cả cuộc đời Ba gắn liền với nghề báo. Dù rằng ngày sinh của Ba không được bà nội ghi nhớ. Ba cũng không xem trọng lắm ngày này. Chỉ là nếu có ai hỏi (thường là con cái trong nhà) thì Ba sẽ đáp: Sinh nhật Ba vào 21/6.

Tôi đã từng chung vui và chúc mừng Ba vào ngày 21/6 này kể từ khi bắt đầu có chút trưởng thành để cho đi niềm vui đến người khác, thay vì chỉ nhận. Tính ra cũng gần 10 năm. Thế nhưng năm nay, 24 tuổi, cái tuổi đánh dấu mốc tròn 2 con giáp khá là tròn trịa nên đặc biệt với mình, tôi đã thay đổi. Có quá nhiều nhân duyên dẫn đến sự thay đổi sâu sắc này trong tôi. Nhưng dễ thấy nhất là tình hình chính trị – xã hội đất nước có biến động gần đây.

Khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật An Ninh Mạng, tôi có dành một buổi (trước đó là nhiều ngày) để tìm hiểu thông tin và cho ra lò một bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân. Như bao bài viết về chủ đề “nhạy cảm” này, tôi cũng nhận được 2 luồng ý kiến chính là đồng cảm và phản đối. Có những khen ngợi cũng như có những gièm pha. Không thiếu là những ngụy biện công kích cá nhân một cách hết sức tào lao thường thấy. Có những comment mà đọc vào khiến tôi thẫn thờ và tụt năng lượng đi vì tính tiêu cực xấu xí của nó. Tôi hoang mang tự hỏi tôi đã làm gì nông nỗi. Dành 4 tiếng đồng hồ, đọc – viết – sửa để rồi bị ném đá thế kia. May mắn tích lũy được ít bản lĩnh, tôi dần dần chuyển hóa và makeno. Dù rằng mình sụt cả 4 lạng.

Thế nhưng, cái ngu vẫn chưa buông tha, khi tôi lỡ dại khoe bài viết đó với gia đình. Tôi ngây thơ nghĩ rằng mình sẽ được mớ credit khen ngợi từ nhà. Ngờ đâu… Với truyền thống làm báo và bề dày cách mạng của dòng họ, tôi bị bài kích nhanh chóng. Sau 1 ngày khi tôi đăng bài viết trên facebook, Ba gọi tôi vào ban trưa, tôi linh tính không hay nên chẳng muốn nghe. Tới chiều tối thì biết sớm muộn gì cũng đối mặt nên tôi liều lĩnh alo về nhà. Một cuộc khẩu chiến về mặt tư tưởng, tư duy, quan điểm giữa tôi và Ba. Chưa bao giờ tôi lại thấy sự đàn áp và công kích nhiều như thế từ người cha hiền lành của mình. Trong mắt Ba lúc ấy, những tư tưởng tôi hiện có như những cái ung nhọt mà nếu không chữa trị gấp thì Ba sẽ mất tôi vĩnh viễn vậy.

Tôi cảm nhận được nỗi lo lắng và đau khổ trong Ba thông qua những lời lẽ to tiếng để nỗ lực dập tắt ngọn lửa tự do trong tôi. Ba đánh đồng tôi với những kẻ kích động ngoài kia. Ba bài bác ý kiến và quan điểm của tôi. Ba vùi dập mọi thứ theo cách mà tôi chưa bao giờ thấy. Tiếc thay, như cách vận hành của vũ trụ với định luật 3 Newton, Ba càng công bao nhiêu – tôi lại càng cố thủ bấy nhiêu. Tôi đánh mất tự chủ của mình để rơi vào nhịp điệu của Ba mình. Cứ thế Ba và tôi xa nhau, xa nhau dần trong thế giới mà tự thân mỗi người coi là đúng. Chốt lời, Ba bảo sẽ không nhìn mặt tôi nữa nếu tôi tiếp tục “lì lợm” như vậy.

Tắt máy. Tôi đau đớn đến gục ngã. Tôi khóc gào và nức nở trong cơn nghẹn. Tôi giằng xé trong tình yêu thương gia đình với giá trị tự do mình hướng đến. Tôi ngỡ rằng tôi không thể có cả 2. Trong cơn bấn loạn, tôi cố gắng quơ quào các bài tập thiền để có thể tĩnh lặng và bình an. Tôi ngồi xếp bằng, hít thở thật sâu và lại khóc. Tôi nằm xuống, quan sát hơi thở ở bụng và lại quặn đau. Tôi còn “điên loạn” đến nỗi nghĩ rằng đây là cơ hội ngàn vàng để mình thực tập quan sát những vô thường biến chuyển này, hãy tận dụng nó để tiến tới giác ngộ đi… Tôi còn vào Zalo, Facebook để cố gắng block đi tất cả những mối dây liên kết gia đình.

Mẹ nhanh chóng gọi tôi 2-3 cuộc. Tôi đều gác máy và bật luôn Airplane mode. Tôi quá đau khổ nên sợ hãi cái thứ gọi là “nhà” kìa. Cứ thế tức tưởi khóc cho đến khi tôi lấy lại bình tĩnh cho mình. Tôi tính tìm chỗ dựa từ bạn bè cốt. Nhưng rồi nghĩ lại tôi muốn gặm nhắm nỗi đau này một mình. Để nó có thể đủ đau để nhắc nhở mình “khôn ngoan” hơn sau này.

Sáng hôm sau, tôi vẫn sống bình thường như mọi ngày. Khá ngạc nhiên khi tôi có thể “hồi phục” nhanh đến thế. Tôi chủ động nhắn tin xin lỗi Ba Mẹ vì đã khiến Ba Mẹ lo lắng và buồn. (Nhưng tôi không xin lỗi vì tôi sai nhé!) Tôi cho qua mọi chuyện, chỉ giữ lại cho riêng mình vết sẹo nhỏ trong lòng về những khác biệt và khoảng cách khó lòng hàn gắn đó. Tôi vẫn có thể vui vẻ và yêu thương gia đình mình. Tất nhiên. Chỉ cần đừng đụng đến những điều “nhạy cảm” và “cấm kỵ” kia. Hoặc nếu có đụng, tôi có thể dễ dàng đóng vai trò ngoan ngoãn “gọi dạ bảo vâng” là xong.

21/06/2018, trước đó mấy ngày, tôi nhắn tin chúc Ba sống an yên. Ba đáp lại “Con fai hứa voi ba dieu gi ba moi an yen duoc.” (Con phải hứa với Ba điều gì Ba mới an yên được.) Tôi lẳng lặng buông điện thoại và không đáp gì thêm. Tôi biết Ba mong đợi điều gì. Tôi cũng hiểu mình có hứa thì cũng là tự lừa dối bản thân, lừa dối lương tri của mình. Thà im lặng còn hơn!

21/06/2018, tôi đứng giữa ở ngã 3 đường. Một phía vẫn chúc mừng, ca ngợi về cái nghề cao quý ấy. Một bên thương xót (và tự xấu hổ) khi ngòi bút của mình luôn bị kìm hãm. Cảm giác thật lạ lùng và khó tả trong tôi. Dù sao thì ai mà chẳng “đúng” theo cách của họ. Ai cũng có những riêng cái giếng để ếch ngồi (ếch ngồi đáy giếng). Vừa thương vừa trách, thật là buồn cười mà!

21/06/2018, tôi chúc Ba sinh nhật bình an, khỏe mạnh trong…thâm tâm. Tôi cầu nguyện và gửi gắm những năng lượng an lành đến với Ba. Chỉ vậy thôi!

Xâu chuỗi lại những gì tôi vừa trải qua, tôi thấy mình có sự liên kết với những mâu thuẫn gia đình – chính trị trong bộ truyện Shingeki no Kyojin* (tên tiếng Anh: Attack on Titan). Tôi tự hỏi: “Liệu sao này, chẳng may mình có ‘mệnh hệ’ gì, thì liệu Ba tôi có đứng ra bảo vệ tôi hay tiếp tục bảo vệ lý tưởng của Ba?” Tôi e rằng đã có đáp án cho riêng mình. Buồn thay! Nhưng cũng thú vị làm sao trước sự khác biệt và đa dạng ở tư tưởng ấy…

Shingeki no Kyojin là bộ manga nổi tiếng ở Nhật Bản. Không chỉ là hành động mà còn lồng ghép những vấn đề chính trị – xã hội phức tạp. Có đoạn khiến tôi ấn tượng khi đặc tả 3 thế hệ:

  • Thế hệ 1: Cha mẹ ngoan ngoãn và phục tùng chế độ cai trị. Không hề phản kháng khi đứa con gái chết oan ức bởi quan lại.
  • Thế hệ 2: Anh trai của cô bé bị xác hại chứng kiến cha mẹ bất lực và nhu nhược. Nuôi dưỡng sự báo thù. Lớn lên hoạt động cách mạng bí mật để đảo chính.
  • Thế hệ 3: Con trai của người anh trai. Đứng lên tố cáo cha mình khi khởi nghĩa còn chưa kịp bắt đầu. Trở thành một “cảm tình đoàn” ưu tú.

Tác giả: Mr. Bean

*Featured Image: Free-Photos