Trong vô số những bức tranh tôn giáo của Hinduism một người có thể dễ dàng tìm thấy những bức ảnh vẽ Đấng Shiva (tiếng Anh gọi là Lord Shiva), Thượng đế của Hinduism, đang hút cần, và uống rượu. Ở Ấn Độ có một ngôi đền tên là Kaal Bhairav nơi Shiva được cho uống rượu mỗi ngày. Miệng của Shiva được tạo ra từ một cái lỗ được khoét trên pho tượng, và có người sẽ cầm một chén rượu và đổ nhẹ vào miệng như một nghi thức dâng cúng.
Mỗi năm vào dịp Shivaratri, lễ hội dành cho Shiva, các tín hữu sẽ hút cần trước khi cầu nguyện. Tại sao Đấng Shiva lại được vẽ, mô tả như một người uống rượu và một người hút cần? Câu hỏi này rất khó hiểu đối với một người bình thường, những người cho rằng thần thánh thì không nên làm những chuyện xấu xa như vậy. Để hiểu được chuyện này, hãy trở về quá khứ nhiều nghìn năm trước, khi con người vẫn còn sơ khai primitive.
Chúng ta có khoảng 400,000 chủng loại thực vật. Làm thế nào để biết được loại nào ăn được, loại nào là thuốc độc? Loại nào gây bệnh, loại nào chữa bệnh? Hệ thống y học cổ đại của Ấn Độ, được gọi là Siddha medicine, đã ghi nhận được hơn 100,000 loại cây và dược tính của chúng. Những thông tin này đã được ghi nhận như thế nào?
Những thông tin y học này chính xác đến nỗi ngày nay nó đã được áp dụng vào y học hiện đại. Ví dụ như, vào năm 2000 một loại thuốc có tên gọi Virohep đã được đưa ra thị trường với công dụng trị bệnh Viêm Gan B. Những người sản xuất ra loại thuốc này đã công khai tuyên bố rằng thuốc được bào chế từ một loại cây có tên khoa học là Keezhanelli herb (Phylanthus niruri) và họ biết được thông tin này từ kinh sách cổ. Thuốc đã có bán tại khắp nơi trên thế giới và đã được nhiều bác sĩ công nhận hiệu quả.
Trở lại với câu hỏi những thông tin này đã được ghi nhận như thế nào ít nhất 2000 năm trước? Căn cứ theo truyền thống y học Siddha medicine, Shiva đến từ một hành tinh có tên Shivalokha, và bắt đầu thí nghiệm và nghiên cứu mọi loài cây trên trái đất. Những kết quả và kỹ thuật nghiên cứu sau đó được truyền lại cho 18 vị thánh ghi chép lại.
Dĩ nhiên, các nhà sử học và chuyên gia sẽ bảo rằng chuyện này là vô lý, và lý do những người Ấn Độ cổ đại đã biết được tính chất của thực vật nhờ phương pháp trial and error, thử đi thử lại, hoặc chỉ do tình cờ. Nhưng đã có những bằng chứng vững chắc cho thấy người Ấn cổ đã thực hiện thí nghiệm trên cây cối cũng giống như các nhà khoa học hiện đại.
Tại một ngôi đền cổ mang tên Hoysaleswara, chúng ta có thể thấy một phiến đá tạc kì lạ. Nó mô tả một loại thức uống có cồn, gọi là toddy (rượu dừa), đang được chiết xuất từ những cây dừa, và được đựng trong một bình chứa dưới đất. Nhưng có một chi tiết phi thường ở đây, có một vị thánh đang quan sát hai con vật: một con chim và một con rắn đang uống thứ rượu này từ bình. Ông đang thử nghiệm ảnh hưởng của cồn trên động vật, trước khi sử dụng nó lên con người. Điều này hoàn toàn giống với cách làm của khoa học ngày nay, họ thử nó trên động vật trước khi cho con người sử dụng.
Ngay bên cạnh đó, có một người nam đang cầm một bình chứa đầy rượu dừa đưa cho một người nữ, và rõ ràng là người nữ này đang từ chối, hãy nhìn tay cô ấy. Nhưng tại sao họ lại làm ra rượu? Uống rượu không phải là một hành động xấu xa sao? Thậm chí tại sao những chuyện này lại được khắc tạc trong ngôi đền? Y học cổ truyền Ấn Độ giải thích rằng rượu và những chất gây say khác là tuyệt đối cần thiết để thực hiện phẫu thuật.
Ví dụ đơn giản như chuyện nhổ răng. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được nếu không gây mê đối tượng? Có thể tìm thấy trong kinh sách cổ những ghi chép giải thích những ca phẫu thuật phức tạp như mổ mắt, cắt bỏ tay chân, và thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhưng còn về cần sa thì sao? Tại sao Shiva lại hút cần? Ngày nay cần sa được xem như một loại drug, nhưng nó đã từng được xem là một loài thực vật thiêng liêng tại Ấn Độ. Đấng Shiva, cha đẻ ra ngành y học Siddha medicine là người đầu tiên thử nghiệm cần sa lên động vật, và lên chính mình, trước khi cho những người khác biết.
Với tên gọi thông dụng ở Ấn Độ là Ganja, hay Bhang, nó được sử dụng để giảm căng thẳng và đau nhức từ năm 2000 trước công nguyên, có nghĩa là hơn 4000 năm trước. Các truyền thống Ấn Độ khuyên sử dụng cần sa mỗi năm một lần để giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất. Đây là lý do vì sao cần sa lại được hút tại Ấn Độ và Nepal bởi các tín hữu vào lễ hội Shiva. Dược tính của cần sa đã được ghi nhận chi tiết trong văn bản cổ. Nó trị được chóng mặt, kén ăn, căng cơ, và nhiều căn bệnh khác.
Có một giáo phái gọi là Aghoris, những người này dành cả đời hướng về Shiva. Họ hút cần mỗi tuần và cho rằng nó giúp cho não bộ của họ nhạy bén. Một nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ cho thấy THC, một trong những phân tử chính trong cần sa, có thể ngăn ngừa và điều trị căn bệnh Alzheimer (suy giảm trí nhớ) và có thể giữ cho não bộ được sắc bén.
Chúng ta có thể thấy một xu hướng thú vị đang xuất hiện ở các nước phương Tây. Những người đã từng chỉ trích lên án nhạo báng việc sử dụng cần sa của người Hindu, gọi nó là hủ tục đang bắt đầu chuyển sang ủng hộ cần sa y tế. Hiện nay đã có hơn 30 tiểu bang Hoa Kỳ và 15 quốc gia hợp pháp hóa cần sa.
Bây giờ thì bạn đã biết tại sao có những bức tranh vẽ Shiva hút cần và uống rượu. Không có gì là xấu miễn là bạn biết sử dụng đúng cách, cũng như tất cả công cụ khác. Nếu bạn sử dụng một cây tua vít để đâm vào mắt mình thì đừng đổ lỗi cho cây tua vít.
Tác giả: Praveen Mohan
Dịch: In Ra
Review: Triết Học Đường Phố
Lại một kỳ thi đại học, ngày mai các sĩ tử sẽ thi môn đầu tiên. Trong cái tiết nóng bức tháng bảy, quả là một sự gian khó đối với họ. Hôm nay đi làm thủ tục cho các thí sinh, nhìn thấy các em lớn hơn, khôn hơn, mạnh dạn hơn mà thấy mừng.
Buổi chiều, một đồng nghiệp nói: “Thí sinh bây giờ bạo dạn quá anh ạ, chẳng giống mình ngày xưa, vào phòng thi nhìn thấy giám thị rất sợ, cứ mơ ước được bước chân vào giảng đường đại học và được một lần làm giám thị.” Br đáp: “Như thế là tốt mà em, chứng tỏ xã hội ngày càng phát triển, học sinh bây giờ trưởng thành hơn các thế hệ chúng ta”.
Miệng nói vậy nhưng trong lòng chợt thấy thiêu thiếu một cái gì đấy, rất mơ hồ, rất khó tả nhưng rất thật.
Ngày xưa, những thí sinh ở quê xa, đi thi đại học vất vả lắm. Vất vả từ việc đi lại, ăn ở ngủ nghỉ, đến việc thiếu hụt kiến thức. Sách vở hồi ấy ít quá, các trường lại tự ra đề nên lúc nào cũng ở trạng thái nơp nớp lo, vì không biết đề ra kiểu gì, dạng này mình đã được học chưa,… Đề thường có câu 5.b. rất khó, dành cho thí sinh nào thực sự giỏi mới làm được.
Bây giờ, đề có sẵn, đáp án có sẵn, thí sinh chỉ cần nhớ chứ không cần tư duy, suy luận. Tiêu chí ra đề là học lực khá sẽ làm bài được. Thế nên chẳng biết là mừng hay vui, khóc hay cười.
Nhìn thấy lớp trẻ bây giờ thiếu nhiều quá: Thiếu tư duy sáng tạo trong học tập; thiếu sự tìm tòi khám phá điều khó, điều mới; thiếu các kiến thức về lịch sử, xã hội; và nguy hiểm nhất là không có thói quen đọc sách.
Nhìn cách hành văn của các em mà buồn, vì nó khô khốc và vô cảm. Lịch sử, văn học có trong đầu các em ít quá. Giáo dục bây giờ chỉ chạy theo thành tích, mục tiêu đi học chỉ cần đậu đại học, còn việc hoàn thiện tri thức hầu như không được quan tâm.
Ngày trước, trừ các trường chuyên tỉnh có tỷ lệ đỗ đại học còn cao. Còn trường cấp 3 ở huyện chỉ được một vài người, năm nào nhiều cũng chỉ dăm bảy người. Chính thế mà cái từ “đại học” cao lắm, xa lắm, mơ ước lắm. Có câu vè của tử sĩ: Cổng trường đại học cao vời vợi. Mười chú trèo lên chín chú rơi.
Bây giờ nhà nào cũng có con đi học đại học, các trường THPT có hàng trăm học sinh đỗ đại học mỗi năm. Không đỗ chính qui tại các trường có tiếng thì vào học dân lập, kiểu gì chả là sinh viên. Nhớ năm ngoái, có thí sinh thi được 8 điểm/3 môn cũng có giấy gọi trúng tuyển vào đại học. Thương thay!
18 năm trước, tại cổng trường THCS Nguyễn Trãi trên đường Khương Trung, một thằng bé nhà quê lũn cũn bước vào. Bảo vệ đuổi ra và nói: “Đi về, đi về, nghỉ hè còn đến trường làm gì. Không thấy người ta tổ chức thi đại học à, ai cho vào trường mà vào.”
Phải định thần mấy phút, thằng bé mới biết nguyên nhân người ta không cho vào, và cũng phải suy nghĩ mấy phút, thằng bé mới lập cập mở cái cặp rách mép lấy giấy báo thi, hai tay run run đưa cho bảo vệ: “Thưa chú….thưa….cháu đi thi ạ.”
Mấy người bảo vệ tròn xoe mắt, đọc đi đọc lại cái giấy báo thi và nhìn khuôn mặt non choẹt của thằng bé trước khi cho vào. Nó còn nghe câu nói với theo “Con cái nhà ai bé tý thế mà đã đi thi đại học nhỉ.”
Chắc mấy người bảo vệ nghĩ thằng bé là học sinh cấp 2. Mà họ nghĩ thế cũng phải. Khi vào đại học, đi khám sức khoẻ, con số hiện trên bàn cân là 38,5 kg.
Hôm nay, tại một phòng thi đại học, sau khi làm các thủ tục, phổ biến qui định, nội qui, kết thúc bằng câu nói quen thuộc: “Thay mặt Hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh, tôi nhiệt liệt chào mừng các em đã đăng ký tham dự kỳ thi đại học. Chúc các em bình tĩnh, tự tin, làm bài tốt và trở thành sinh viên của trường…”
Sau một loạt vỗ tay, chút hoài niệm của 18 năm trước dội về. Thằng bé thấy cay cay nơi khoé mắt!
Tôi an toàn khi ở Sài Gòn, tôi có gia đình, bạn bè và những người thân thương nhất. Nhưng tôi không thể cứ đứng nhìn Sài Gòn tệ dần và chính tôi cũng tệ dần theo nó.
Tôi nhớ những ngày Sài Gòn bình yên khi tôi được bà nội chở đến trường bằng chiếc xe đạp martin cũ rích, đường phố không đông đúc, vẫn còn những chú bán kem dạo, trò Chiếc nón kì diệu của chú kẹo kéo và với tôi trong kí ức Sài Gòn thật trong lành, đẹp đẽ. Hồi ấy Sài Gòn cũng không nóng như bây giờ.
Là một người gốc Bắc tôi lại thích tự nhận mình là người Sài Gòn. Tôi yêu Sài Gòn, tôi yêu đến độ thuộc từng con đường hẻm hóc nhất của Sài Gòn. Tôi tự hào khi được trở thành cái bản đồ di động của tất cả những người bạn đi cùng. Tôi yêu Sài Gòn rõ ràng nhất định nên dù có để tôi ở con đường nào tôi cũng không thể lạc lối như bất kỳ thứ tình yêu mù quáng nào khác.
Nhưng yêu là không đủ, tôi đã từng chọn rất nhiều cách để yêu Sài Gòn. Đi tình nguyện, thu gom ve chai và rác thải, cho đến một ngày tôi nhận ra rằng tình yêu của tôi có lớn nhường nào đối với Sài Gòn đó chỉ là một điều vớ vẩn. Tôi chọn cách ra đi và tôi gọi đó là hy sinh chứ không phải buông bỏ.
Tôi hy sinh việc được ở cạnh gia đình, họ hàng, bạn bè mình. Có người nói tôi là ích kỷ, tôi chỉ nghĩ cho bản thân mà không biết lo toan cho người khác. Nhưng tôi đi không phải vì muốn trốn tránh trách nhiệm của mình mà vì tôi muốn bớt phần nào gánh nặng cho Sài Gòn, tôi đi vì tôi không muốn nhìn thành phố mình lớn lên bị tha hoá, tôi đi vì bất lực kêu gào bảo vệ môi trường và tham gia các chiến dịch mùa hè xanh, hoa phượng đỏ nhưng khi tôi diễu hành trên đường phố với băng rôn và bảng hiệu họ nhìn với ánh mắt khinh bỉ. Và đến đây tôi biết rằng tôi thật sự buông bỏ vì tình yêu của mình chứ không phải là sự hy sinh nào cả.
Tôi không thể nhìn nổi thành phố tôi yêu thương mỗi năm lại có hàng triệu sinh viên đổ xô đến học đại học 4 năm trời rồi cứ bám càng ở đấy không chịu về phát triển ở quê nhà. Chưa tính hàng nghìn người chật kín ở các bến xe mỗi ngày và không thể đếm nổi con số xin việc làm lương 3 triệu/tháng không có cơ hội thăng cấp. Sổ hộ khẩu nhà tôi phải đến 4 người nhập ké, chứ trên thực tế cũng không phải trong gia đình. Có lần tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm một người bạn nhìn người nằm la liệt mà không thể không cảm thấy nhợn người.
Họ nói Sài Gòn phồn hoa, tráng lệ, họ đến họ chấp nhận công việc lương 2-3 triệu để có cái danh là ở Sài Gòn. Trong khi đồng lương ấy còn không bằng những người dưới quê làm ruộng vậy nhưng họ cứ vẫn mù quáng với đồng tiền, với vật chất xa hoa. Họ biến Sài Gòn thành một nồi cám heo với đầy những độc hại chết người, họ sống chung với rác thải và sự nhơ nhớp bên trong chính họ. Lừa đảo, cướp bóc, chiêu trò, hại người chỉ để được trụ lại ở cái xứ sở này. Họ ngồi máy lạnh phà phà sướng thân rồi thải cái nhiệt ấy ra không khí mặc kệ nhiệt độ cứ nóng dần lên. Họ ỳ ạch nhích từng chút một mỗi lúc kẹt xe. Họ kêu gào, chửi bới, phóng lên lề đường mặc kệ người khác. Đến nỗi hầu như lề đường nát bét và cũng chẳng ai rỗi hơi mà sửa lại. Mùa nắng họ trùm kín bao bọc thân thể mặc kệ có nhìn thấy đường hay không, mùa mưa ngập lụt tràn lan thì họ bơi trong đấy mặc kệ cả thế giới miễn sao đi được là họ đi. Thấy ai chửi nhà nước là họ chửi. Họ chửi sao không làm đường, làm cống mà để ngập lụt. Họ chửi sao không mở đường mà để kẹt xe trong khi đèn đỏ còn 5 giây họ bấm còi inh ỏi. Họ chửi bà bán bánh mì, chửi trời, chửi đất, về nhà với tâm trạng cáu gắt họ chửi vợ, chửi con. Khắp mọi nơi tràn ngập năng lượng tiêu cực.
Những điều họ nghĩ đến chỉ có tiền và bộ cánh lộng lẫy. Làm sao để cho không bị lỗi thời, làm sao phải thật sành điệu. Uống rượu phải gọi như thế nào mới chất? Phải biết đi bar pub, hút bóng cười, cần sa… Phải biết nhảy, phải mặc đồ hàng hiệu để còn ra vẻ với người khác. Đối với họ giá trị là những gì họ đắp lên người chứ không phải những gì được tích luỹ trong đầu. Tôi chán gấy khi gặp những người quần áo hàng hiệu chỉ toàn chém gió chuyện phiếm: “Ôi nhỏ này nhìn kém sang quá. Thằng kia mang giày fake kìa.” Để rồi những câu chuyện chẳng đem lại tích sự gì, nói xong đến lúc tính tiền ly cà phê 150.000đ. Lạm phát cứ tăng dần, dân xứ tứ đổ về ở trong những căn phòng chỉ đúng 3 mét vuông với giá 3 triệu/tháng.
Tôi viết ra những lời này không phải để tự đề cao bản thân và khinh miệt những người dưới quê lên thành phố hay. Tôi viết ra vì tôi thấy thật buồn cho chính mình và thành phố này, tôi nhớ Sài Gòn da diết nhưng tôi không bám riết lấy nó vì như ở trên đã nói, tình yêu với tôi là hy sinh chứ không phải mù quáng. Nhưng chỉ một mình tôi không thể làm gì được cả. Nên tôi mong muốn những bạn sinh viên học xong thì hãy về phát triển quê nhà, các bạn giỏi thì ở đâu cũng kiếm ra tiền. Những người dân lao động cũng thế. Đừng trách quê mình nghèo rồi mình phải đi chỗ khác kiếm ăn. Mình sinh ra, lớn lên ở đâu, mình yêu thương vùng đất ấy thì mình phải chính là người gầy dựng nó chứ không phải ai khác cả.
Trong mắt tôi Sài Gòn chẳng còn phồn hoa, tráng lệ gì nữa, cũng chẳng còn bình yên, lịch thiệp như ngày tôi còn bé. Nó chỉ là một thành phố hỗn tạp đầy tệ nạn, khói bụi và ô nhiễm, đầy những cửa tiệm đắt tiền, những vỏ bọc hào nhoáng, những ảo tưởng bao trùm lấy. Các bạn có đau lòng khi nhìn người mình yêu càng ngày càng xa đoạ không? Tôi yêu và nhớ Sài Gòn da diết nhưng phải làm sao bây giờ?
“Ngô bối phải học đừng ôm thương tích, đừng phí phạm thì giờ khóc lóc, như trẻ con lao đầu vào nhau, mà phải luôn huấn luyện tâm trí băng bó thương tích, điều chỉnh lỗi lầm càng sớm càng quý, trừ khử nỗi buồn bằng chữa trị.”
Giới thiệu về tác phẩm Cộng Hòa kinh điển của Plato
Cộng Hòa là một tác phẩm để đời của triết gia được nhiều người xem là vĩ đại nhất mọi thời đại – Plato, kể về cuộc đàm luận triết học của thầy mình – Socrates cùng những triết gia đương thời khác. Tất nhiên, tác phẩm thể hiện tư tưởng của Socrates nhưng thực chất nó đang ẩn giấu tư tưởng của Plato vì nội dung cuộc đàm thoại này được Plato viết nên sau khi người thầy đáng kính Socrates đã qua đời.
Tôi đã mất gần 20 ngày để đọc xong cuốn sách này – thời gian lớn kỷ lục từ trước tới nay trong sự nghiệp đọc sách của bản thân. Tính ra, Cộng Hòa có khoảng 656 trang nội dung chính thức (trừ đi lời mở đầu và giới thiệu về tác giả), nếu đọc lên thành tiếng như đang trong cuộc nói chuyện thông thường thì trung bình 1 trang tốn 1 phút 15 giây, suy ra toàn bộ cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 13.6 giờ đồng hồ, tức là liên tục từ 9h sáng đến gần 11h đêm không ngừng nghỉ(!)
Nếu chứng kiến những người tham gia nói lặp đi lặp lại một chuyện ở cùng một khía cạnh trong ngần ấy thời gian thì có lẽ tôi đã lạc vào buổi tiệc trà mát mẻ của các triết gia Trâu Quỳ. Nhưng điều đáng nói ở đây đó là một chủ đề được cày xới tường tận từng ngóc ngách không hề trùng lặp nhau suốt hơn 13 tiếng thể hiện sức mạnh ý chí và sự uyên bác phi thường của các triết gia.
Đấy là ta hình dung họ như các nhân vật trong tác phẩm. Còn thực tế, ta có thể dễ dàng nhìn ra sự công phu của Plato trong việc mài dũa nội dung và điều tiết cuộc hội thoại của cùng lúc nhiều bộ óc vĩ đại. Ông không những vào vai thầy mình là Socrates mà còn vào vai những người phản biện/ủng hộ ngài ấy.
Triết phẩm này tồn tại được khoảng 2500 năm, sánh ngang với chiều dài tồn tại của Phật Giáo. Những nội dung đã vượt qua được hàng thiên niên kỷ mà vẫn trụ vững giữa cát bụi thời gian thì xứng đáng được coi là kho báu của nhân loại, còn tác giả chắc chắn thuộc bậc vĩ nhân kiệt xuất, ngàn năm mới có một người.
Nội dung chính của tác phẩm bàn luận về định nghĩa công bình chính trực, lợi ích của nó đối với thành quốc, thế nào là người công bình chính trực và phần thưởng dành cho những người công bình chính trực là gì. Nghe tựa đề Cộng Hòa, người ta có thể nghĩ về nội dung sẽ nói đến xã hội cộng hòa, thể chế cộng hòa, nhưng trong nội dung không có gì liên quan đến cộng hòa cả. Đây là một chi tiết tạo dấu ấn khác biệt, đáng nhớ cho tác phẩm lẫy lừng này.
Tư tưởng của Socrates
Xuyên suốt cuộc đàm thoại, Socrates luôn chú trọng mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần, giữa cá nhân và tập thể; sự bình đẳng trong việc lựa chọn nhân tài; tầm quan trọng của triết học và triết gia trong sự hưng thịnh của một thành quốc. Ông hết sức đề cao giá trị của việc giáo dục không chỉ về mặt học thuật mà còn về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Đặc biệt, ông tuyệt-đối-không-dung-túng cho sự tiêu cực, phóng đãng hay sự tư hữu cá nhân xuất hiện trong thành quốc dù ở bất kỳ hình thức nào dù là vô tình hay hữu ý.
Ở đây, Socrates đã chỉ ra được bốn phẩm chất cấu thành nên công bình chính trực là: Trí tuệ, can đảm, tiết độ và công bình. Ngoài ra, nội dung cuộc đối thoại đề cập đến cách xây dựng thành quốc hoàn hảo dựa trên nền tảng công bình chính trực (dưới sự cai trị của quân vương triết gia), sự hình thành và phát triển các thể chế chính trị trong mối liên hệ với tâm lý con người trong thành quốc; và cuối cùng là sự bất tử của linh hồn.
Phảng phất trong cuốn sách, ta có thể thấy được nỗi cô đơn và sự bất mãn của bậc thầy triết học đối với cơ chế xã hội đương thời coi thường những hiền nhân kỳ tài mà trọng vọng những kẻ mải mê làm tiền, đánh rơi đạo đức.
“…Triết gia hạng sáng giá vượt bực là đồ vô dụng với đa số nhân dân, đồng thời yêu cầu người đó nếu nói vô dụng thì đừng chê bai người sáng giá mà chê bai người không sử dụng người sáng giá.”
Socrates đã sử dụng phương pháp suy luận logic để tìm ra bốn đặc điểm của công bình chính trực. Ông quan sát thế giới xung quanh (từ việc nhuộm vải, đóng tàu, chữa bệnh, canh gác, chăn nuôi, xây dựng, thậm chí cả việc trộm cắp) để tổng kết lại quy luật vận động chung của chúng.
Không chỉ dừng lại ở khả năng am tường lý luận và thấu hiểu bản chất các hiện tượng cuộc sống, ông còn thể hiện kiến thức chuyên môn sâu sắc ở rất nhiều lĩnh vực học thuật, như: Toán học, vật lý, tâm lý học, thần học, chính trị, thiên văn, văn học – nghệ thuật, v.v… Có thể nói ở đây, Socrates (hay Plato) là bậc thầy trên thông thiên văn dưới tường địa lý, một vĩ nhân với bộ óc và tầm nhìn xuất chúng.
Cộng Hòa và Phật pháp
Các nội dung trong triết phẩm Cộng Hòa có nhiều sắc thái tương đồng trong đạo Phật khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng, như: Tính không, con đường trung đạo và sự trai giới. Tính không tương đương với phẩm chất công bình – điều quan trọng nhất để 3 phẩm chất đầu tiên là trí tuệ, can đảm và tiết độ được tồn tại mà không nhúng chân vào lãnh địa của nhau. Con đường trung đạo thể hiện ở lối sống kỷ luật, tiết độ, tránh xa cực đoan, phóng đãng.
Còn sự trai giới thể hiện trong cách giáo dục đàn ông và đàn bà trong thành quốc: Không tà dâm (quan hệ vợ chồng bừa bãi), không nói dối, không uống rượu và các chất gây say, không trộm cắp (tư hữu vàng bạc, của cải riêng tư, là tài sản của chung thành quốc). Ngoài ra, Cộng Hòa cũng đề cập đến các nội dung về luật hấp dẫn (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu) và quy luật nhân quả báo ứng.
“Chức năng của nhiệt không phải làm cho mọi vật lạnh, mà là chức năng của đối lập của nhiệt. Chức năng của khô không phải làm cho mọi vật ướt, mà là chức năng của đối lập của khô. Như vậy, làm hại con người không phải chức năng của người tử tế, mà là chức năng của đối lập của người tử tế.”
Những lý luận và phân tích của Socrates cực kỳ tinh anh, sắc sảo và thẳng thắn, các luận điểm dường như không thể tìm được kẽ hở. Ông phản biện và chứng minh luận điểm của mình chủ yếu bằng phương pháp loại suy, ngoài ra còn chứng minh bằng mệnh đề tương phản (phủ định), phương pháp tổng hợp, quy nạp, suy luận trực tiếp. Bên cạnh đó, Socrates còn dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ, ngụ ngôn, biểu tượng. Tất cả các ngóc ngách của tâm trí được lật tung cày xới, những rối nùi được tháo gỡ một cách ngoạn mục và trí tưởng tượng được thúc lên một tầm cao mới.
“Chúng gọi hổ thẹn là ngu đần, đẩy hổ thẹn vào vòng tủi nhục, lưu vong; chúng gọi tự chế là hèn nhát, thẳng tay vấy bùn bôi nhọ bêu xấu, rồi tống khứ; chúng thuyết phục người thanh niên tiêu pha đắn đo, đúng mức là quê mùa, bần tiện; chúng kêu gọi hằng hà sa số thèm muốn vô dụng đến trợ giúp để xua đuổi tằn tiện, tiết độ khỏi biên cương.”
“Sau khi khoét rỗng, tẩy sạch tâm trí nạn nhân, sẵn sàng long trọng đón nhận lễ nghi truyền thụ huyền bí, bây giờ chúng triệu gọi quá độ, hỗn loạn, hoang phí và xấc xược từ cõi lưu đày trở về. Nhanh như chớp chúng choàng hoa tất cả rất ư lộng lẫy, diễn hành tất cả rất ư trang trọng, tùy tùng theo sau tấp nập, dồn dập.
Chúng ngợi ca tất cả, mệnh danh bằng tên hoa mĩ; xấc xược chúng gọi là nho nhã, buông thả là tự do, hoang phí là hào hiệp, trơ trẽn là can đảm. Quý hữu có đồng ý đó là cung cách vì còn trẻ dại thanh niên thay đổi từ người được nuôi dạy giữa thèm muốn cần thiết thành người buông thả, đắm chìm trong thú vui vô ích, không cần thiết không?”
Các lý luận và chứng minh của Socrates vô cùng chặt chẽ, các luận điểm của các bậc triết gia cùng đàm luận bị soi đến tận chân tơ kẽ tóc và bị bẻ gãy từng chút từng chút một. Những vị đó cứ gật gù xuôi theo bậc vĩ nhân đang phản biện mình rồi đến cuối cùng không hiểu mình đã sai ở đâu vì lời kết luận của Socrates hoàn toàn thuyết phục – thứ đối ngược tuyệt đối với luận điểm ban đầu mà các vị kia nêu ra.
Ai nấy cũng đều bối rối và ngả nón thán phục. Tuy nhiên, cũng có những kẻ dùng lời lẽ ngụy biện, khích bác, châm chọc, lý sự cùn, thiếu dẫn chứng, lắt léo không tỏ ý xây dựng cũng bị Socrates soi thấu tận tim đen nên buộc phải thoái lui, quy hàng.
Cộng Hòa là một pháp đường của logic, một đấu trường thượng đẳng về tư duy lý luận
Nếu không bàn gì đến nội dung công bình chính trực, thì ta có thể gọi cuộc đàm luận này là một pháp đường truyền đạt những điều tinh hoa tổng hợp nhất về bộ môn logic, là một đấu trường thượng đẳng về tư duy lý luận. Ở đây, nội dung cuốn sách không chỉ nói tới những mặt lợi ích của việc suy luận logic, mà còn nói về mặt trái của nó khi sử dụng không đúng cách (sẽ làm gia tăng ngã mạn trong những kẻ miệng lưỡi chèo chống và thúc đẩy sự cạnh tranh, đối chọi hơn là cùng nhau thảo luận tìm ra sự thật.)
Những người quen với xu hướng nói chuyện cảm tính, cảm giác, không đi vào trọng tâm thì khi đọc Cộng Hòa sẽ bị dội ngược ra ngoài vì chức năng phân tích của bộ não phải huy động hết công suất. Khối lượng thông tin cần xử lý là khổng lồ, đặc biệt trong suy luận logic, chúng cần phải được liên kết với nhau chặt chẽ.
Để duy trì được một mạng lưới luận điểm dày đặc, vi tế mà không bỏ sót những kẽ hở của chúng, người tham gia phải có một tư duy sắc bén, trí nhớ siêu phàm và óc tưởng tượng đa chiều bậc cao. Đọc Cộng Hòa mà không bị đau não, người đó chắc hẳn là Plato rồi.
Trải qua triết phẩm lừng lẫy này, tôi nhận thấy khả năng suy luận logic của mình chỉ là một hạt cát giữa sa mạc. Có những câu, những đoạn, rõ ràng là viết bằng tiếng Việt mà tôi phải đọc đến năm bảy lần mới hiểu được nó đang nói về điều gì.
Thậm chí có lúc đọc lại nhiều lần rồi mà không thể nắm bắt nổi nữa, tôi buộc phải bỏ qua để sang nội dung tiếp theo. Mà khổ nỗi, nội dung tiếp theo lại liên quan mật thiết với những gì tôi để dở dang trước đó, nên thành ra lỗ hổng trong việc nắm bắt ý tứ tác giả muốn truyền đạt càng lúc càng lớn.
Tôi thấy mình như một kẻ phàm nhân ngu dốt lạc vào giữa buổi trà đạo của các tiên ông trên cõi trời cao quý. Lời nói của các tiên ông toát ra khí chất siêu phàm thu hút tôi ở lại lắng nghe, dù đôi lúc, vận công não bộ đến mức tối đa, tôi vẫn không hiểu các ngài ấy đang nói gì.
Có lẽ, đây là tác phẩm đầu tiên từ trước đến nay khiến tôi có thể trụ lại bằng mọi giá dù biết chắc chắn rằng mình chỉ nắm bắt được 1/1000 tinh túy gì đó mà thôi. Mua một quyển sách chưa tới 200 ngàn mà được dạt về bối cảnh hàng trăm năm trước công nguyên, ngồi quanh đâu đó dỏng tai lên nghe các thánh nhân đàm đạo cũng là một cái giá quá rẻ.
Không phải tất cả những nội dung của sách Cộng Hòa đều dễ dàng được tán đồng và chấp nhận đối với con người thời đại ngày nay
Cuốn sách được liệt vào hàng tinh hoa nhưng không phải tất cả những nội dung ở đó đều dễ dàng được tán đồng và chấp nhận đối với con người thời đại ngày nay. Đơn cử như việc mang thai và sinh sản của người phụ nữ là việc chung để phục vụ thành quốc, đứa con là tài sản chung, không phải của riêng bố mẹ, chúng sẽ được tách ra khỏi bố mẹ để đi rèn luyện trong trường riêng.
Trong hôn nhân, việc quan hệ vợ chồng là rất hạn chế, sinh sản chỉ phục vụ mục đích tạo ra thế hệ đời sau, chứ không phải để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Đặc biệt trong việc gây giống phải là sự kết hợp giữa những cá thể bố mẹ tốt nhất để sinh ra những đứa con hoàn mĩ nhất. Còn những đứa con dị dạng, yếu kém sẽ bị loại bỏ.
Trong đời sống cá nhân, con người phải tuyệt đối thanh đạm, chỉ duy trì nhu cầu sinh hoạt tối thiểu để tồn tại, không tích trữ của cải để hạn chế sự đau khổ gây ra do của cải, và tạo nên sự chênh lệch giàu nghèo.
Đọc cuốn Cộng Hòa, tôi cũng học được thêm rất nhiều từ/cụm từ mới giàu hình ảnh trong Tiếng Việt nhờ dịch giả Đỗ Khánh Hoan đầu tư công phu, VD như: Tuổi hạc trăng khuya (về già), nô tỳ nhà tắm (dung tục, thô thiển, bỗ bã), tung mảnh sấp ngửa (phát biểu liều, không rõ căn nguyên), ngắt trái cười còn xanh (kém khôn ngoan), v.v…
Tuy nhiên, các đại từ nhân xưng (ngô bối, tiểu điệt, quý nhân, bỉ phu, tiện nhân, bản nhân, tiên sinh, quý hữu) được sử dụng trong cuốn sách này khá rắc rối và lạ lẫm so với giao tiếp thông thường nên gây ra không ít khó khăn cho cá nhân tôi trong việc phân định ai là người đang phát biểu và người này đang nói về chính mình hay đang nói với đối phương.
Cuốn sách vẫn xuất hiện những lỗi đánh máy rải rác, nhưng lần này do không muốn bỏ lỡ nội dung “nặng đô” của Cộng Hòa chỉ vì để ý đến những tiểu tiết hình thức nên tôi bỏ qua hết nhược điểm này. So với độ vĩ đại của tinh thần tác phẩm dung chứa thì những sai sót kia chỉ là cát bụi ngoài da, không đáng đếm xỉa.
Có lẽ, tôi phải mất cả đời trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ rồi đọc đi đọc lại triết phẩm này nhiều lần thì mới có cơ may nắm bắt được sâu sắc hơn những nội dung nó truyền đạt. Lần đầu tiên khi review một tác phẩm, tôi cảm thấy mình không xứng đáng để được đưa ra nhận xét về nó. Mọi thang điểm của tôi vỡ vụn khi đứng trước tuyệt phẩm Cộng Hòa. Nếu tiếp tục mang thang điểm đó ra dùng thì sẽ chẳng khác gì trò cười cho thiên hạ, tôi sẽ trở thành một tên hề đang lấy con kiến để đo đạc một con khủng long vậy.
Nếu bạn là một kẻ khao khát vẻ đẹp chân chính, trí tuệ đích thực và sự thật tối hậu thì Cộng Hòa của Plato là điểm dừng chân hoàn hảo cho cuộc kiếm tìm, bất kể chóng vánh hay lâu dài. Còn bây giờ, tôi xin được khép lại cuộc du ngoạn táo bạo của mình tại đây bằng một đoạn trích tâm đắc nhất trong triết phẩm này. Nó nói về việc cai trị thành quốc nhưng theo tôi nó đang ngầm ngụ ý về việc tu luyện chính mình của con người.
“Thật sự là nếu muốn có thành quốc cai trị tốt đẹp xuất hiện, quý hữu phải tìm cho người cầm quyền tương lai cuộc đời tốt đẹp hơn việc cầm quyền. Vì chỉ khi đó và chỉ ở đó thôi, quý hữu mới có chính quyền do người giàu có thực sự điều khiển, nghĩa là, giàu có không phải về vàng bạc, mà giàu có về khả năng đem lại hạnh phúc, sung sướng, thảnh thơi cho cuộc đời và con người.
Trái lại, trong việc trị nước, nếu quý hữu để bọn nghèo đói, thèm khát lợi ích riêng tư cầm quyền, tưởng tượng vị thế ưu tiên, thầm nhủ quyền bính vô hạn, họ sẽ chộp vồ, vơ vét của cải con người thèm muốn, quý hữu sẽ không có thành quốc cai trị tốt đẹp hiện hữu. Khi quyền hành trở thành đối tượng cần giành giật, đó là chiến tranh, đó là nội chiến, chiến tranh trong gia đình, họ tìm cách giết lẫn nhau, mâu thuẫn nội tại hủy hoại cả họ lẫn xứ sở.”
Giáo viên Anh văn của tôi đã từng kể một câu chuyện. Tôi chắc là nhiều người trong số các bạn đã từng nghe qua rồi, có thể là đã có một phiên bản “chính thức” nhưng tôi sẽ kể đại khái câu chuyện từ bộ nhớ của mình.
Một người đang đi bộ dọc bờ biển sau một trận bão. Có rất nhiều con sao biển đã bị sóng đánh dạt vào bờ, hàng nghìn con nếu không phải là hàng triệu con. Anh ta thấy một cậu bé đang nhặt từng con sao biển lên rồi ném xuống đại dương. Anh tiến đến gần cậu bé rồi nói, “Nhiều như vậy làm sao ném hết được hả nhóc. Có lẽ em nên về nhà ăn tối đi. Ném mấy con này xuống biển làm gì cho mệt, không bao giờ tạo ra được khác biệt gì đâu.”
Cậu bé nhặt thêm một con sao biển khác và nói, “Đối với con này thì khác biệt một trời một vực,” rồi ném nó xuống biển.
Thế giới đang khá là bầy nhầy, không thể trốn thoát được nó. Chiến tranh, giết chóc, thảm sát, đói nghèo, bệnh tật… Bạn không thể làm được gì nhiều để tạo ra sự khác biệt.
Nhưng bạn có thể tạo ra sự khác biệt một trời một vực cho một người nào đó, có thể là một vài người. Bạn có thể làm những gì mình có thể để thắp sáng một phần nhỏ của thế giới. Có lẽ nếu ai cũng làm, sẽ không còn con sao biển nào trên bờ nữa.
Trên người tôi có một vài hình xăm. Tôi chọn xăm mình để lưu giữ những cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Đó có thể là một trào lưu được tôi hưởng ứng ngày tháng tuổi trẻ, là cách tôi thể hiện tính cách của riêng mình. Xã hội có thể đúng khi nghĩ tính cách cũng được thể hiện qua nhiều phương diện khác, kỉ niệm có thể bảo tồn bằng khu bảo tàng khác. Tôi nghĩ họ đúng, nhưng xăm mình là cách tôi đã lựa chọn. Vì tôi yêu quý nghệ thuật xăm mình.
Cha mẹ tôi xem đó là chuyện bình thường bởi họ là những bậc phụ huynh có tư tưởng tiến bộ. Nhưng họ hàng làng xóm tôi thì không vậy. Và họ thường xuyên lên tiếng đóng góp xây dựng nhân cách tôi bằng những lời chỉ trích phán xét.
Theo nguồn thông tin tôi được biết thì xăm mình được cho là khởi sinh từ thời Ai Cập cổ đại, lan rộng ra các nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Sẽ rất khó để giải mã biểu tượng cụ thể từng hình xăm của các nền văn minh, nhưng nói một cách đơn giản tự nhiên thì mỗi hình xăm luôn chứa đựng từng ý nghĩa và thông điệp khác nhau. Ví dụ như trong bộ lạc của thợ săn, những thành tích của một người được minh họa bằng hình xăm trên cơ thể anh ta và càng nhiều những hình xăm anh ta càng được tôn trọng nhiều hơn.
Sự lây lan của văn hóa Phương Tây dần giết chết các phong tập cổ hủ, dẫn đến sự xuống dốc nghệ thuật xăm mình trong các bộ tộc xăm mình, khiến cho sự xuất hiện của những hình xăm ngày nay chỉ còn mang tính trang trí chứ không còn thể hiện chức vụ và cấp bậc. Ngày nay, xăm mình đã phát triển và trở thành một văn hóa cộng đồng, thể hiện một cách độc đáo, tinh tế, mang đậm tính nghệ thuật. Con người sử dụng hình xăm nhiều ý nghĩa đa dạng, sự tôn thờ hoặc thần tượng cái đẹp nhất định nào đó, đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời, yêu thích nghệ thuật điêu khắc…
Tất nhiên họ hàng làng xóm chưa bao giờ biết đến những điều này, hoặc biết nhưng vẫn không hài lòng. Và thực ra, họ luôn nghĩ những điều trái ý không rập khuôn lý tưởng xã hội, chúng cần thiết bị phơi bày trước sự chỉ trích.
Tôi biết họ chỉ là những cá thể tồn tại trong xã hội. Xã hội luôn là ý chí, nơi mỗi con người bấu chặt, bị buộc vào bằng xiềng xích, vì bị cuốn hút vào đám đông, là nơi chốn ý chí của họ luôn muốn đi đến. Xã hội văn minh hiện đại đã cởi mở hơn đối với những người có hình xăm. Tuy nhiên, họ vẫn một mực khẳng định chúng tôi không muốn rộng mở lòng để chấp nhận.
Dấu chấm hỏi đặt ra là việc tôi có cần phải quan tâm đến lời chỉ trích đánh giá từ họ không? Mặc họ một mực khẳng định những lời chỉ trích đánh giá chỉ là cách họ muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng tôi một cách sâu sắc trọn vẹn, với tôi chúng vẫn chỉ mãi là lời bới móc, quan tâm hời hợt. Mối tương giao giữa chúng tôi chỉ phóng diễn qua những lời chỉ trích và phê phán đó thôi sao?
Tôi không muốn nhìn thấy những con người luôn giả trang nói lời đạo đức với tôi. Đóng vai kẻ láng giềng thân cận. Ôi thôi đừng trang điểm lòe loẹt và huênh hoang khoác lác, trang nghiêm đứng đắn, đừng đóng vai làm con người đạo đức tốt bụng. Nếu họ muốn hiểu tôi, việc đầu tiên họ cần làm phải là im lặng quan sát tính cách con người tôi, chứ không phải là nhốn nháo khuấy động những hình xăm trên cơ thể tôi.
Họ tự mặc cho chính mình chiếc áo choàng đánh lừa người khác. Đó là sự chỉ trích xây dựng chứ không phải sự phá hoại. Họ đưa ra lời đánh giá, đó là một lời khuyên quý báu cần thiết cho tôi? Nhưng không, họ hiểu gì về cuộc sống của tôi? Họ có thực sự quan tâm đến tôi? Họ đã thực sự quan sát? Tôi đoán chắc rằng họ chưa bao giờ. Họ bảo tôi những hình xăm đó hoàn toàn không tốt. Nó ảnh hưởng đến sự nghiệp, tương lai của tôi. Nhưng cố nhiên đó chỉ là hàng rào ngăn cách mối quan hệ giữa chúng ta.
Cảm giác có người khác quan tâm, là một điều may mắn. Tuy nhiên, tôi không mong đợi gì sự quan tâm thái quá đến nỗi muốn xen vào và uốn nắn. Họ chỉ đang cố gắng tìm kiếm cảm giác thú vị, dễ chịu, thoải mái khi tỏ ra có uy quyền. Lòng họ chỉ đang khao khát muốn đúc khuôn nặn nhồi tôi, rập khuôn khổ đặc thù của họ. Họ không hiểu rằng sự cưỡng bách bắt buộc đó tạo ra sự khó chịu cho tôi, người phải gánh chịu.
Tôi chỉ trông thấy họ cố gắng phô bày những gì đã đọc được trong xã hội, những gì người khác dạy họ… rồi đặt một bức bình phong giữa quan hệ của chúng tôi. Họ chỉ đang cột ràng mối quan hệ của chúng tôi vào một lý tưởng, dùng sự phê phán để cột trói bằng một ý kiến mà họ đã kiên qua bằng kinh nghiệm đặc thù của họ, chứ chẳng liên quan gì đến tôi.
Thực ra tôi luôn sống đui mù giữa họ. Lời lẽ của họ chẳng bao giờ là mẹ đẻ của những bi kịch trong tôi. Vì tôi nhận ra muốn sống một cuộc đời tốt đẹp, tôi không cần đóng vai một nhân vật đã được lên kịch bản sẵn, tôi không cần diễn vai thiên hạ muốn nhìn. Vậy nên tôi chẳng cần phải hổ thẹn trước ý chí muốn làm người của chính mình.
Nếu họ quan tâm đến tôi. Tôi nghĩ rằng họ cần phải nhìn vào những hình xăm của tôi bằng sự cởi mở đón nhận tất cả, đừng bỏ tù nó bằng những thành kiến, ý kiến chống đối. Muốn xây dựng tình người ấm áp, thân cận, gần gũi, mà không phải là thứ tình cảm lải nhải hoặc rẻ tiền thì đừng dùng cái vỏ trống rỗng đến lấp đầy cuộc đời tôi bằng những tiếng khua ồn ào.
Bạn tôi: Cứ cho là chúng ta có sáu mươi năm để sống. Hai phần ba cuộc đời ấy mọi người sẽ phải dùng nó để làm việc. Chính vì thế mà chúng ta cần tìm thấy được niềm vui và sự thích thú trong công việc. Nếu không thì chính chúng ta đã tự kết án hành xác cho chính mình.
Tôi: Cậu đang muốn nói gì?
Bạn tôi: Ý tớ là chúng ta cần tìm ra ý nghĩa cuộc sống của mình.
Tôi: Chẳng hạn?
Bạn tôi: Biết mình thích gì.
Tôi: Nghe này. Nếu may mắn biết mình thích gì, điều đó thật tốt. Ngược lại, không biết mình thích gì, tớ nghĩ thế cũng hay. Sẽ rất khủng khiếp nếu cậu có một thứ mà cậu rất thích và luôn muốn có nó. Một người sống ý nghĩa không cần thiết phải có một công việc, một kế hoạch, một ý tưởng hay một người mà cậu muốn… Bởi vì cậu sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Nếu cậu yêu, cậu sẽ bị phụ thuộc cảm xúc của mình vào tình yêu đó. Và sẽ có hàng nghìn dây tơ rễ má ràng buộc cậu vào đó. Thậm chí cậu còn chẳng biết có ai đó đang đứng nhởn nhơ ngoài kia và chuẩn bị sẵn sàng giật nó khỏi tay cậu.
Bạn tôi: Nhưng chính cậu cũng đang yêu quý công việc viết lách? Cậu chỉ nói thế vì cậu có công việc mình thích.
Tôi: Tớ không chọn việc nhìn thấy nó. Nó là một phần thế giới đáng yêu của tớ. Nó đã có sẵn ở đó trong cuộc đời tớ. Tớ không có ý định ép buộc mình phải thích gì. Cậu không cần ép buộc mình phải thích điều gì cả, tự thân nó đã là một niềm thích của cậu. Mọi người vẫn thường có suy nghĩ bắt ép bản thân phải sống một cuộc sống ý nghĩa. Nhưng chính điều đó lại không có ý nghĩa gì cả.
Bạn tôi: Tớ nghĩ ăn thứ mình thích, đi nơi mình muốn, làm những việc muốn làm, công danh, sự nghiệp, xây dựng gia đình… Tất cả mọi người đều đang tìm kiếm chúng trong cuộc sống.
Tôi: Tất cả mọi người đều đang thực sự nhầm lẫn giữa việc họ muốn trở thành một người bất tử hay thực ra chỉ là một bức tượng đài. Một bức tượng đài không phải hình dáng bản thân họ, không phải cho cuộc sống hay ý nghĩa của riêng họ. Cậu có muốn cõng theo thứ cồng kềnh ấy trên vai mãi mãi không hay cậu muốn thoát ra khỏi nó. Cậu không thể nào hạnh phúc được nếu cả đời mình phải ở trong một hình dáng vay mượn. Mọi người chỉ đi tìm cái thích theo một xu hướng. Họ không hề muốn sống một cuộc đời ý nghĩa. Họ chỉ tìm cái ý nghĩa trong bản chất ý nghĩa cuộc sống của người khác, của gia đình, của xã hội.
Bạn tôi: Không hiểu!
Tôi: Tớ không biết là tớ đã bao giờ nghĩ đến chuyện tại sao người ta gọi cuộc đời của một ai đó là ý nghĩa, nhưng tớ đoán một cuộc đời ý nghĩa là cuộc đời mà tất cả những người ngoài nhìn vào đều mong muốn. Đó chính là ý nghĩa cuộc đời của xã hội này. Còn đối với tớ, chẳng phải chính sự sống trong hiện tại này là mục đích của chính nó, ý nghĩa của chính nó rồi đó sao? Tớ không hiểu sao mọi người lại muốn nhiều hơn nữa. Thay vì mất thời gian để ngồi gặm nhấm những câu hỏi ngớ ngẩn đó, tớ nghĩ chúng ta hãy dành thời gian để lấp đầy đời sống thường nhật rỗng tuếch của mình. Một người sống phong phú, nhìn thấy sự vật đúng như hiện thể của nó, đó đích xác là một người rất minh mẫn. Người đó sẽ không bao giờ hỏi ý nghĩa cuộc đời. Vì đối với họ, chính sự sống hiện tại là sự bắt đầu và sự chấm dứt. Nếu cậu mang một trái tim trống rỗng đi tìm ý nghĩa cuộc sống thì ý nghĩa cuộc sống đó cũng sẽ trống rỗng thôi.
Bạn tôi: Càng đi sâu vào bản thể, tớ càng nhận ra cuộc sống với hình thù rõ rệt hơn. Tớ nhận ra rằng mọi người trên thế gian này đều có một ý nghĩa tiềm ẩn. Con người, thú vật, cây cối, tất cả đều là những chữ tượng hình. Ngày mà tớ bắt đầu đọc được nó thì ngày đó tớ nhận ra mình quá đỗi bất hạnh. Dường như mọi sự thể đều có ý nghĩa riêng nó ngoài tớ.
Tôi: Bao giờ cậu bắt đầu trằn trọc với câu hỏi mình sống để làm gì thì đó là lúc cậu nên chấp nhận việc cậu thực sự không hiểu cuộc đời là gì. Cuộc đời này là những mối tương quan. Thậm chí ngay cả khi những mối tương quan trở nên tán loạn thì đó vẫn chỉ là những mối tương quan. Nhưng chúng ta không hiểu, như cách chúng ta không bao giờ chịu hiểu mình và nhìn vào bản thân. Cậu chưa bao giờ hiểu được cậu một cách vẹn toàn thì có lý do gì để cậu đi tìm kiếm mục đích của cuộc đời bên ngoài bản thân cậu. Đừng để xã hội áp đặt vào cậu những mớ thuật ngữ bí hiểm và lải nhải nhảm nhí. Đừng để họ cắt nghĩa cuộc sống cậu bằng cách tìm kiếm những mục đích. Đừng để họ đánh lừa, hiện tại cậu đang đứng, đó đích thực là ý nghĩa mà cậu phải đi qua. Tớ không biết một cách ý thức hay vô thức. Những gì mà cậu đang đối mặt, đó đích thực là ý nghĩa cuộc đời cậu. Dù đó là việc cậu đang thất nghiệp, cậu đau khổ, nghèo túng, không định hướng…
******
Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện ở đây và có vẻ như bạn tôi vẫn không hiểu được điều tôi muốn nói. Dễ hiểu thôi, ý nghĩa cuộc đời bạn tất nhiên không thể là những lời lẽ bắt nguồn từ một ai khác, mà không phải là chính bạn. Một bảng giá trị ý nghĩa treo lơ lửng trên đầu mỗi người. Thế nhưng, chỉ có họ mới đọc được nó.
Anh em nhà Karamazov nổi tiếng ngang ngửa Tội ác và trừng phạt
Chắc các bạn mọt sách, nhất là các bạn cuồng tiểu thuyết không còn ai xa lạ với cuốn Tội ác và trừng phạt cùng cái tên Dostoyevsky. Nhưng lại ít ai biết đến Anh em nhà Karamazov mặc dù cũng được coi là cuốn nổi tiếng của tác giả ngang với Tội ác và trừng phạt. Thế mà tình cờ tôi mượn được cuốn Anh em nhà Karamazov trước cuốn Tội ác và trừng phạt đã đặt mua trước đó.
Một người bạn Cater của tôi nói rằng cuốn Anh em nhà Karamazov khó đọc hơn. Thật ra tôi cũng chưa đọc cuốn còn lại nên cũng không biết phải so sánh thế nào. Khi vừa bước vào Anh em nhà Karamazov, tôi vừa ngạc nhiên, vừa thấy khó nhằn và thể loại này đối với tôi không được hấp dẫn, hiện đại lắm. Vì trước khi đọc cuốn Anh em nhà Karamazov tôi đọc những tiểu thuyết hiện đại của Dan Brown cùng với cuộc hành trình đầy kịch tính của Robert Langdon và những bí mật của thế giới vô cùng cuốn hút.
Tôi nghĩ có vẻ như văn học của communism và capitalism có sự khác biệt rất lớn hoặc do tôi đọc chưa đủ nhiều. Nhưng rõ ràng những tiểu thuyết tôi đọc về Châu Âu và Mỹ có vẻ có màu sắc sang trọng và sáng sủa hơn.
Nội dung Anh em nhà Karamazov
Câu chuyện Anh em nhà Karamazov kể về một ông bố lăng loàn, nát rượu và có tính vị kỷ. Ông tên Fyodor Karamazov có một con trai cả là Dmitri Karamazov đại diện cho kiểu nói thông thường là ác mồm ác miệng, có cái tâm đối lập muốn giết người nhưng vẫn còn tính người trong đấy.
Dmitri Karamazov là kết quả của cuộc hôn nhân đầu tiên giữa vợ cả và ông già Fyodor. Sau đó ông già kết hôn với bà vợ thứ hai và có thêm Ivan một kẻ mở mồm ra là kết nối, là lời hay lẽ phải, là có thể dùng lời lẽ để biện minh một cách thông thái cho chính kiến của mình.
Tôi rất ấn tượng đoạn Ivan nói chuyện với người em Alyosha của mình về đức tin của anh với Chúa. Vì Alyosha là một thiên thần, anh theo nhà thờ, là một thầy tu. Ivan hỏi rằng Alyosha nghĩ sao về những đứa trẻ bị đày đọa bởi cha mẹ, bởi người đời, những người lớn thì có tội vì họ đã ăn trái cấm còn những đứa trẻ thì có tội tình gì?
Lúc ấy có vẻ như Alyosha đã bị lung lay những ý nghĩ về Chúa hoặc là tôi mới chính là người bị thuyết phục bởi lời lẽ của Ivan. Ivan tinh khôn, xảo trá và là kẻ đại diện cho bản năng, cho phần con trong từ con người. Một tâm hồn độc ác mặc nhiên không hề ăn thịt như những con thú nhưng còn hơn loài dã thú. Khi Ivan thấy bố và anh Dmitri đánh nhau đến nỗi bố gần chết, Ivan vẫn thản nhiên và nói “rắn ăn rắn”. Chẳng có con vật nào ăn thịt cả bố mình nhưng Ivan là có, là đại diện cho dã tâm man rợ của con người.
Alyosha, một người đại diện cho thánh thiện, là một thiên thần, một vùng ánh sáng tỏa ra trong cả câu chuyện tăm tối này. Tôi thấy ai cũng khen gợi Alyosha vì đôi lúc anh chàng cũng có những dục vọng nhưng anh đều có thể hóa giải thành tình yêu. Nhưng những người thánh thiện này đẹp trong câu chuyện nhưng trong xã hội có vẻ không phổ biến và thực tế.
Về phần tôi, tôi vẫn thích Dmitri hơn mặc dù anh không có những lý luận sắc bén, hiểu biết như Ivan hay đáng yêu như Alyosha nhưng anh là một kẻ với tư tưởng hơi mông lung nhưng vẫn còn lương tâm của con người.
Và nhân vật chính cuối cùng trong Anh em nhà Karamazov là đứa con hoang của ông bố là Xmerdiakov. Trong lần lăng loàn với một người con gái vất vưởng ngoài đường được cả làng yêu mến nhưng chỉ độc mặc một cái áo sơ mi. Đứa con hoang này được Fyodor Karamazov hết mực tin tưởng và là kẻ ở cho Fyodor và cũng chính là thủ phạm giết cha mình.
Tất cả những nhân vật này đều được đại diện cho những phẩm chất nhất định trong mỗi con người: Dục vọng, tà dâm, hám của, ích kỷ, ý nghĩ dơ bẩn, độc ác, đạo đức giả. Có lẽ chúng phản ánh chân thực về xã hội nước Nga thời đó.
Tạo sao tôi lại nói cuốn tiểu thuyết này đậm đặc mùi vị của chủ nghĩa cộng sản? Vì tôi liên tưởng đến Chí Phèo của Việt Nam, dù Chí Phèo ở thời phong kiến tôi thấy bối cảnh giống nhau và có màu u tối như nhau. Phiên bản này nâng cấp hơn nhiều lần, nội tâm sâu sắc hơn nhưng nhìn chung vẫn là những vấn đề nhức nhối của xã hội thời xưa, những năm 70 của nước Nga.
Quay trở lại, câu chuyện Anh em nhà Karamazov là bối cảnh một gia đình nhưng trong vỏ bọc gia đình ấy lại đầy những rắc rối và chẳng hề có bóng dáng tình yêu ngoại trừ tình yêu nhân loại của Alyosha. Với nhiều nhân vật như thế nhưng tác giả lại rất kỹ lưỡng trong việc mô tả nội tâm và khắc họa rõ nét từng hình ảnh một cách chi tiết đến nỗi tôi lúc tôi bị rối trí và đọc đến rất xa rồi nhưng lại phải quay lại gần đầu để đọc lại nhằm hiểu rõ hơn vấn đề.
Có những đoạn trong Anh em nhà Karamazov phải nói thật tôi không thể hiểu nổi và phải bỏ qua, có lẽ đó là những phần hay mà người ta kháo nhau. Nếu có dịp một ngày nào đó tôi sẽ đọc lại để hiểu rõ hơn.
Tôi vô cùng thích đoạn người đàn bà nói chuyện với cha Zoxima ở đoạn đầu về tình yêu nhân loại. Bà yêu nhân loại đến mức có thể bỏ cả đứa con tật nguyền của mình để phục dịch cho nhân loại. Nhưng bà vẫn đến với Cha để than phiền rằng bà căm ghét tình yêu ấy, vì bà thấy trong những người được trợ giúp kia sự vô ơn.
Bà có một nỗi đau khổ vì điều ấy và nó làm tôi nhớ đến Catherina trong Suối nguồn, một cô gái chọn công việc thiện nguyện là việc chính trong cuộc đời cô nhưng khi cô ban phát tình yêu ấy cô lại càng trở thành một bà cô khó tính khó nết và căm ghét cuộc đời.
Tôi ấn tượng với những người phụ nữ ấy bởi vì tôi cũng muốn trở thành một tình nguyện viên góp một phần nhỏ tất cả những gì mình có cho mọi người, những người không được đầy đủ ấm no như người khác. Nhưng tôi lại sợ mình trở thành người hệt như hai người phụ nữ tôi kể trên.
Anh em nhà Karamazov là cuốn tiểu thuyết cần kiên nhẫn
Bao quát lại câu chuyện, theo tôi, Anh em nhà Karamazov là một cuốn tiểu thuyết không thiên về sinh động, lôi cuốn, không phải cứ đọc lại càng muốn đọc mà đọc mãi không hiểu phải vô cùng kiên nhẫn để đọc đi đọc lại. Nhưng mỗi lời văn của ông đều bổ nghĩa cho toàn bộ câu chuyện Anh em nhà Karamazov, những câu chuyện nhỏ đan xen kết thành một câu chuyện lớn. Tất cả đều có ý nghĩa của riêng nó, nhưng những phần mô tả quá kỹ lưỡng thì tôi hay lướt qua một chút và có những phần cực kỳ khó hiểu thì tôi hẹn một ngày hơi xa để đọc lại.
Cuốn Anh em nhà Karamazov này sẽ hợp với những ai đã đọc nhiều sách nhất là về thể loại tâm linh, triết học vì tính triết lý trong tác phẩm rất cao. Còn những ai mới tìm hiểu về những điều tôi mới kể trên thì không nên đọc vì chính tôi cũng chỉ hiểu được cao nhất là 70% cuốn sách.
Và theo cậu bạn Cater của tôi có lẽ nên đọc Tội ác và trừng phạt trước vì nó dễ hiểu hơn. Có rất nhiều phần chi tiết nhỏ tôi vô cùng tâm đắc nhưng nếu kể hết thì rườm rà và dài dòng nên tôi sẽ chỉ dừng ở đây, phần còn lại để các bạn có những cảm nhận riêng khi đọc tác phẩm.
Tất cả chúng ta đều muốn đạt được điều gì đó trong cuộc sống — sở hữu một thân hình vừa vặn, gây dựng một công ty thành công, tạo dựng một gia đình hạnh phúc, viết một cuốn sách best-seller, thắng một giải thưởng lớn, và còn nhiều nữa.
Và với hầu hết chúng ta, con đường chinh phục những điều này bắt đầu từ việc đặt một mục tiêu cụ thể và khả thi. Ít nhất thì đây là cách mà tôi làm cho đến gần đây. Tôi từng đặt mục tiêu cho những lớp học tôi tham gia, cho những quả tạ tôi muốn nâng trong phòng gym, và cho những đối tác trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều tôi bắt đầu nhận ra là nếu bạn muốn thực sự làm xong việc và tạo tiến độ trong những lĩnh vực quan trọng, có một cách tiếp cận tốt hơn rất nhiều.
Chung quy nó chính là sự khác biệt giữa mục tiêu và hệ thống, điều tôi sẽ giải thích sau đây.
Sự khác biệt giữa Mục tiêu và Hệ thống
Mục tiêu và Hệ thống khác nhau ở điểm nào?
Nếu bạn là một huấn luyện viên, mục tiêu của bạn là giành ngôi vô địch. Hệ thống là những gì đội bạn tập luyện mỗi ngày.
Nếu bạn là một nhà văn, mục tiêu của bạn là viết một cuốn sách. Hệ thống là thời gian biểu viết lách mỗi tuần bạn tuân theo.
Nếu bạn là một vận động viên điền kinh, mục tiêu của bạn là một cuộc chạy marathon. Hệ thống là lịch huấn luyện cho cả tháng.
Nếu bạn là một doanh nhân, mục tiêu của bạn là xây dựng một công ty triệu đô. Hệ thống là quá trình bán hàng và quảng bá thương hiệu.
Có một câu hỏi thực sự thú vị:
Nếu bạn hoàn toàn phớt lờ mục tiêu và tập trung hoàn toàn vào hệ thống của mình, liệu bạn có thể tạo ra thành quả nào không?
Ví dụ như bạn là một huấn luyện viên bóng rổ và bạn lờ đi mục tiêu vô địch và chỉ tập trung vào những gì đội bóng của bạn làm mỗi buổi luyện tập hàng ngày, liệu bạn sẽ tạo ra một thành quả nào đó? Tôi nghĩ câu trả lời là có.
Đây là một ví dụ, tôi mới cộng tổng số từ trong các bài viết tôi viết trong năm nay. Kết quả là, trong 12 tháng gần đây, tôi đã viết hơn 115,000 chữ. Vì một cuốn sách thường có 50,000 đến 60,000 chữ, điều đó có nghĩa là tôi đã viết đủ để lấp đầy hai cuốn sách chỉ trong năm nay. Đây quả thực là một bất ngờ vì tôi đã không đặt một mục tiêu viết lách nào. Tôi chưa từng đo lường tiến độ của mình theo một tiêu chuẩn nào đó. Tôi chưa từng đặt một số từ mục tiêu cho bất kì một bài tôi viết. Tôi chưa từng nói nói “Tôi muốn viết hai cuốn sách trong năm nay.”
Điều tôi thực sự tập trung là viết một bài viết mỗi thứ Hai và thứ Năm. Gắn chặt với lịch trình ấy suốt 11 tháng, kết quả là 115,000 chữ đã được viết. Tôi tập trung vào hệ thống của mình và quá trình hoàn thành công việc. Cuối cùng, tôi nhận được một thành quả tương đương (hay thậm chí tốt hơn).
Sau đây là 3 lý do bạn nên tập trung vào hệ thống thay vì mục tiêu.
1. Mục tiêu làm giảm đi hạnh phúc hiện tại của bạn
Khi bạn làm việc hướng tới một mục tiêu, bạn về cơ bản tự nhủ rằng “Tôi chưa đủ giỏi, nhưng tôi sẽ giỏi khi hoàn thành mục tiêu.”
Vấn đề với lối tư duy này là bạn đang tự bảo bản thân rằng mình sẽ có hạnh phúc và thành công khi đạt được cột mốc tiếp theo. “Khi nào tôi đạt được mục tiêu, thì tôi mới hạnh phúc. Khi nào tôi đạt được mục tiêu, thì tôi mới thành công.”
GIẢI PHÁP: Theo đuổi một quá trình, chớ phải một mục tiêu.
Lựa chọn một mục tiêu đặt gánh nặng lớn lên đôi vai của bạn. Bạn có thể tưởng tượng sẽ ra sao nếu mục tiêu hồi đầu năm của tôi là viết hai cuốn sách trong 12 tháng? Viết ra câu này thôi cũng đã áp lực lắm rồi. Nhưng chúng ta liên tục làm điều này với chính mình. Chúng ta đặt những áp lực không cần thiết lên bản thân để giảm cân hoặc kinh doanh thành công hay viết tiểu thuyết bán chạy… Thay vào đó, bạn có thể nghĩ đơn giản hơn và giảm thiểu áp lực bằng cách tập trung vào tiến độ công việc hàng ngày và bám sát theo lịch trình của mình, hơn là bận tâm về những mục tiêu lớn lao và thay đổi cuộc đời. Khi bạn tập trung vào luyện tập thay vì hiệu suất, bạn có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại và cùng lúc cải thiện bản thân.
2. Lạ lùng thay những mục tiêu không phù hợp với tiến độ lâu dài
Bạn có thể cho rằng mục tiêu sẽ thúc đẩy bạn về đường dài, song, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Lấy ví dụ một người đang luyện tập cho cuộc chạy bán-marathon (21.1 km). Nhiều người sẽ luyện tập chăm chỉ hàng tháng trời, nhưng ngay khi họ hoàn thành cuộc chạy, họ dừng việc luyện tập ấy. Mục tiêu của họ là hoàn thành cuộc chạy bán đường dài và họ đã đạt được nó, mục tiêu ấy không thúc đẩy họ được nữa. Khi mọi nỗ lực của bạn được dành cho một mục tiêu cụ thể, điều gì sẽ thúc bạn đi sau khi mục tiêu ấy được hoàn thành?
Điều này tạo ra một hiệu ứng tạm gọi là “hiệu ứng yo-yo”, khi người ta di chuyển qua lại giữa hai trạng thái hành động hướng tới mục tiêu và không hành động gì. Chu kì này khiến cho việc tạo ra tiến độ lâu dài trở nên khó khăn hơn nhiều.
GIẢI PHÁP: Quên đi, bỏ qua những kết quả tức thì
Tuần trước, tôi có đến phòng gym tập động tác clean and jerk. Khi tôi tập đến những set cuối, tôi cảm thấy nhói ở chân. Nó không đau đớn hay là một chấn thương gì mà chỉ là dấu hiệu mệt mỏi khi đến gần cuối buổi tập. Trong một vài phút, tôi nghĩ đến chuyện hoàn tất set cuối cùng. Sau đó, tôi nhớ ra rằng kế hoạch luyện tập của tôi kéo dài cả cuộc đời và đã quyết định nghỉ sớm hôm đó.
Trong tình huống như trên, tinh thần dựa trên mục tiêu sẽ nhắc bạn hoàn thành bài tập và đạt mục tiêu. Sau cùng thì nếu bạn đặt ra một mục tiêu và không đạt được nó, bạn cảm thấy như một kẻ thất bại. Nhưng với một tinh thần dựa trên hệ thống, tôi không gặp vấn đề gì. Tư duy dựa trên hệ thống không bao giờ quan tâm đạt đến một con số cụ thể nào, nó chỉ gắn chặt với tiến độ và không bỏ sót luyện tập.
Tất nhiên, tôi biết rằng nếu tôi không quên một buổi tập nào thì tôi sẽ nâng được những quả tạ lớn hơn về lâu dài. Và đó là lý do hệ thống giá trị hơn so với mục tiêu. Mục tiêu là những kết quả ngắn hạn. Hệ thống là những quá trình dài hơi. Sau cùng thì quá trình sẽ luôn chiến thắng.
3. Mục tiêu ám chỉ bạn có thể kiểm soát những điều không thể
Bạn không thể dự đoán tương lai. Nhưng mỗi khi đặt mục tiêu, chúng ta cố gắng làm điều ấy. Chúng ta cố gắng lên kế hoạch nơi chúng ta sẽ tới và thời điểm chúng ta sẽ tới đó. Chúng ta cố gắng dự đoán chúng ta sẽ tạo tiến độ nhanh tới mức nào, kể cả khi chúng ta không biết gì về hoàn cảnh hay tình huống sẽ xuất hiện trên con đường.
GIẢI PHÁP: Tạo ra vòng lặp phản hồi.
Mỗi thứ Sáu, tôi dành 15 phút để điền vào một bảng tính những số liệu quan trọng nhất cho công việc. Ví dụ, tôi sẽ tính toán tỉ lệ chuyển đổi trong một cột (phần trăm khách ghé thăm website đăng kí nhận tin từ tôi mỗi tuần). Tôi hiếm khi nghĩ về con số này, nhưng kiểm tra cột này mỗi tuần cho tôi một vòng lặp phản hồi cụ thể để tôi biết mọi thứ vẫn đang ổn. Khi con số này giảm đi, tôi biết là mình cần gửi nhiều lưu lượng chất lượng hơn tới trang web.
Vòng lặp phản hồi đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những hệ thống tốt vì chúng cho phép bạn kiểm soát nhiều mảnh ghép khác nhau song không khiến bạn thấy áp lực phải dự đoán điều gì chuẩn bị xảy ra với mọi thứ. Hãy quên đi việc dự đoán tương lai và xây dựng một hệ thống có khả năng ra hiệu khi nào thì bạn cần thay đổi.
Yêu quý Hệ Thống
Tôi không bảo rằng mục tiêu hoàn toàn vô dụng. Tuy nhiên, tôi khám phá ra rằng mục tiêu tốt cho việc lên kế hoạch cho tiến độ trong khi hệ thống tốt cho việc thực sự tạo ra tiến độ. Mục tiêu có thể cho bạn những chỉ dẫn và thậm chí thúc đẩy bạn đi trong ngắn hạn, nhưng cuối cùng một hệ thống tốt sẽ luôn chiến thắng. Sở hữu một hệ thống mới là cái quan trọng. Theo đuổi một quá trình mới là thứ làm nên khác biệt.
Tác giả: James Clear
Dịch: Sang Doan
Review: Nguyễn Hoàng Huy
Chuyện là sáng nay chạy ngang đường Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt. Tôi nhớ ngôi nhà của vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương từng sống những năm trước 75 cũng cư ngụ trên con đường này. Nghe bảo vì quá yêu quý âm nhạc Lê Uyên Phương mà người sống hiện tại vẫn còn giữ vẹn nguyên ngôi nhà không muốn thay đổi. Không hiểu vì sao chỉ với tia sáng đó lóe lên trong đầu mà tôi buộc mình phải về nhà ngồi viết ngay những dòng chữ này. Biết là người trẻ Việt thời nay ít ai còn nghe dòng nhạc cũ kỹ mộc mạc xưa, nhưng chẳng phải cái gì càng ít người biết thì mình lại càng phải kể nhiều về nó sao. Muốn càng nhiều người biết hơn vì nó đẹp, nó đáng trân quý và giữ gìn.
Đó là một câu chuyện tình yêu đẹp đã tạo ra những bản nhạc như làn gió mới thổi vào tân nhạc Việt Nam trong thời kỳ bom lửa chiến tranh đã đến với trái tim những người trẻ hồi đó như ngọn lửa nhiệt huyết giúp họ tin vào tình yêu: Tình khúc cho em, Dạ khúc cho tình nhân, Vũng lầy của chúng ta…
https://youtu.be/LxHyJxhxeHQ
Cuộc đời mới đẹp làm sao, nếu đêm nào cũng chờ đợi mặt trời nhanh tỉnh giấc để gặp lại một người, chúng ta sẽ nuốt trọn đêm chỉ để chờ đợi giờ khắc ấy quay trở lại, nóng lòng sốt ruột cho màn đêm chóng tàn, thời gian và hiện tại vô tình trở thành tội đồ trong những cuộc tình thầm kín. Thời gian chờ đợi sẽ luôn buồn tẻ và dài dằng dặc. Buổi sáng sẽ là quãng thời gian hồi hộp nhất chúng ta đứng trước hiên nhà và chờ đợi trông thấy người mình yêu. Chờ đợi một nụ cười và một câu chào buổi sáng tốt lành. Giây phút đó luôn khiến trái tim chúng ta thổn thức và đập rộn ràng liên hồi kỳ trận.
Nàng 16 tuổi thơ ngây xinh đẹp, con của một gia đình giàu có, chuyển từ Sài Gòn lên Đà Lạt để theo học trong một trường tây. Chàng là thầy giáo dạy triết học và có tài chơi nhạc. Định mệnh đã sắp xếp để họ gặp nhau, để rồi trót say mê tiếng đàn của thầy. Yêu tiếng đàn rồi yêu luôn cả người ôm đàn. Khi bị gia đình ngăn cấm, nàng còn dùng cả thuốc ngủ để chứng minh rằng mình “Có thể chết vì yêu”. Còn thầy giáo vì người tình bé nhỏ mà bỏ cả giảng đường để tìm về Sài Gòn cho thỏa nỗi nhớ mong.
Trong tình yêu, tất cả khó khăn trắc trở đều đáng ca ngợi. Và bất cứ ai có thể giải thoát tình yêu khỏi những phiền muộn, người đó đích thực mới đang sống trong tình yêu. Điều gì làm cho một tình yêu trở nên đẹp đẽ và tỏa sáng? Đó chính là người mình yêu. Chỉ cần đó là người tôi thực sự yêu, tôi sẽ luôn biết cách biến tình yêu thành cổ tích.
Chính tình yêu đã giúp cho đôi tình nhân vượt qua mọi rào cản ngăn trở. Để tình ca Việt Nam một ngày nọ xuất hiện đôi vợ chồng nổi tiếng, chàng nghệ sĩ lãng tử ôm đàn có mái tóc bồng bềnh, còn nàng là cô ca sĩ với chất giọng khàn đặc biệt, ngọt ngào nồng nàn làm say đắm trái tim bao nhiêu người.
“Ban đầu, chúng tôi viết nhạc và hát cho nhau nghe trong cơn hân hoan của tình yêu đẹp, không nghĩ rồi đây những thứ đó có thể chạm đến trái tim nhiều người.”
Tôi đã trông thấy bao nhiêu người tình và cuộc tình xung quanh mình. Chẳng ai có thể sống mà thiếu đi tình yêu. Tình yêu mỗi người mang một hình hài sắc thái mỗi khác nhau. Có tình yêu với người này trông xấu hổ nhưng với người kia thì đẹp đẽ. Có tình yêu đáng khinh nhưng người khác lại luôn trân trọng yêu quý. Chẳng bao giờ người ngoài cuộc lại hiểu được tình yêu của một người. Tâm hồn họ luôn kinh ngạc phẫn nộ trước sự điên cuồng của những kẻ đang yêu. Thế nhưng, đó phải chăng mới chính là tình yêu?
Chàng sinh ra họ Phan nhưng vì bị ảnh hưởng bởi sự nghiệp chính trị từ cụ Phan Bội Châu nên đã đổi sang họ Lê. Uyên là tên bạn gái đầu tiên của chàng. Mẹ của chàng tên Công Tôn Nữ Phương Nhi nên chàng đã lấy chữ Phương từ đó. Lê Uyên Phương là nghệ danh được tạo ra từ những người chàng yêu quý. Và vì quá yêu quý người tình nên chàng đã sẵn sàng chia sẻ cái tên Lê Uyên cho nàng. Lê Uyên trở thành nghệ danh của nàng trên con đường ca hát như nàng đã từng chia sẻ trong một bài báo về nghệ danh Lê Uyên rằng: “Chúng tôi yêu nhau, đến mức anh Phương đã chia cho tôi hơn một nửa bút danh của mình.”
Họ từng có chung một quán cà phê ở Đà Lạt có tên “Lục Huyền Cầm’’, từng là một địa chỉ yêu thích của người yêu nhạc và sành cà phê. Quán được mở khi họ đã nổi tiếng khắp cả Sài Gòn nên đặc biệt thu hút các nghệ sĩ. Là nơi gặp gỡ của giới văn chương, âm nhạc, chuyện trò thời thế và nghệ thuật.
Có thông tin cho rằng họ đã từng ly hôn. Trong thời cuộc loạn ly, họ rời xa quê hương để lên con thuyền viễn xứ đi tha hương. Họ trải qua rất nhiều khó khăn, còn có cả thời điểm Lê Uyên bị thương tích nặng vì sự lạc đạn của cuộc thanh toán hai băng đảng xã hội đen. Chàng đã tận tụy chăm sóc nàng trên giường bệnh qua những ngày tháng tuyệt vọng cận kề cái chết. Nhưng sông có khúc và người thì cũng phải có lúc này lúc kia. Sau lần thoát chết và những khó khăn sóng gió cuộc đời đã khiến họ phải chia tay nhau.
Những đôi tình nhân cố bám vịn vào hình dáng có vẻ bề ngoài trông giống tình yêu rồi huyễn hoặc tự đánh lừa vỗ về chính trái tim mình. Nói về tình yêu nhưng không bao giờ tin tình yêu có thật. Nói về người yêu nhưng không quên khuyến mãi thêm địa vị, tiền bạc, công danh của người mình yêu. Nói về sự gắn kết lâu dài bền chặt nhưng khi có dấu hiệu nguy hiểm thì vội vã đường ai nấy đi cho yên lòng. Dần dần, con người khó lòng tin nổi vào những tình yêu kém tính chất thực tế.
Nhưng đó chỉ là một giai đoạn tạm thời khiến tình yêu của họ bị gián đoạn vì sau đó họ đã quay lại bên nhau. Lê Uyên đã ở bên cạnh chăm sóc trước khi chàng lìa đời bởi căn bệnh ung thư quái quỷ. Căn bệnh từng là rào cản tình yêu của hai người vì chàng sợ thần chết sẽ cất tiếng gọi mình bất cứ lúc nào, nếu nàng ở bên cạnh thì sẽ phải sớm đối mặt với cảnh hiu quạnh còn lại một mình trên trần gian. Vâng, đó chỉ là một gián đoạn vì trong một bài báo trả lời sau đấy, ca sĩ Lê Uyên đã chia sẻ:
“Trong tình cảm ai cũng có đôi ba lần vấp váp, gây gổ hay mâu thuẫn. Quan trọng là sau những lần như thế mình hiểu nhau và cảm thông cho nhau hơn. Cả hai chúng tôi đều cho rằng giai đoạn “Đường ai nấy đi” chỉ là một nốt lặng trong bản nhạc mà cả hai chúng tôi cùng hòa tấu trước cuộc đời.”
Tình yêu không phải điều xa lạ, nó quá quen thuộc đối với con người và cuộc sống. Tình yêu trở thành một phần không thể thiếu như khí trời để thở. Sợ nói thế vẫn không đủ để diễn tả hết sự quan trọng của tình yêu. Có lẽ vậy mà tình yêu từ bao giờ trở thành thứ rất xa xỉ. Chỉ có kẻ nào thật khao khát thì kẻ đó mới trông thấy được.
Và giờ đây, lời dặn “Nếu anh có mệnh hệ nào em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người để mọi người yêu nhau nhiều hơn” đang chạm đến trái tim tôi vì chính tình yêu của họ. Tôi mong trái tim mình có thể yêu nhiều hơn khi nghe nhạc của họ. Tôi tin vào tình yêu như chính tình yêu họ đã dành cho nhau.
Tôi nghĩ đến những điều ấy và biết rằng rất khó để giấu mình sau chiếc mặt nạ mà không khỏi để lộ mặt. Tôi muốn chơi bài ngửa không phải vì tính thật thà mà vì tôi sợ sẽ lỡ mất chuyến tàu tình yêu. Hoặc có thể vì ở một nơi như Đà Lạt, tôi càng không muốn mình đánh rơi cơ hội được trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện tình yêu lãng mạng cổ tích.
Tôi trông mình thật ngô nghê trước gương. Nhưng thực sự không thể che giấu đi ước mơ được sống một cuộc đời quá tình giống họ. Nên tôi bắt buộc phải viết ra tất cả, niềm hâm mộ tuyệt đối với đôi tình nhân xuất hiện từ cổ tích, đi ra đời thực rồi bước vào cuộc sống tôi. Như một giấc mơ tôi luôn tin vào một ngày nào đó mình sẽ trông thấy.
Và đôi khi là cả chính bạn, sau khi biết đến tình yêu thơ mộng đẹp đẽ này.