30 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 107

Nhân viên có cần cảm thông cho nỗi lòng của sếp?

0

Dạo gần đây tôi thường hồi tưởng đến khoảng thời gian vật lộn với công việc lúc trước, bâng quâng về mấy ông sếp đã mãi mãi bước lùi sau lưng. Bỗng nhận ra mình đã đi đoạn đường khá xa, sống đủ thêm những ngày non nớt, hiểu thấu hơn mọi sự của những con người tôi từng chua chát gọi bằng cái tên thân thương ”Sếp”.

“Sếp” – Đó là tên gọi mà chúng ta dành cho những kẻ đang ngồi trên đầu mình. Hắn ta thực ra chẳng ghê gớm gì, chỉ là khôn ngoan hơn chúng ta đôi phần, may mắn hơn, đôi khi chỉ vì lớn tuổi hơn…

Chúng ta luôn phải sống với công việc cùng sự tồn tại của kẻ mà chúng ta gọi là sếp. Cho phép hắn ta bước vào cuộc sống và làm nhốn nháo mọi sự mỗi ngày. Nhưng thực không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. Thực ra thì bạn có thể viết đơn xin thôi việc để gạt phăng kẻ đó ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng bạn lại không đủ dũng cảm. Vậy là cúi đầu chấp nhận cho kẻ ta đè đầu cưỡi cổ.

Phận làm nhân viên, bao giờ cũng ước mơ mình có một ông sếp đúng chuẩn sếp quốc dân: Yêu thương, tâm lý, lầy lội với nhân viên. Một ông sếp có thể quy phục và gấp người lại với nhân viên.

Nhưng trước khi muốn sáng tạo ra một ông sếp dịu dàng và luôn quy phục tinh thần, hãy nghĩ xem các bạn với tư cách một nhân viên đã đặt sếp của mình vào một căn phòng, rồi sơn quét lên đó bao nhiêu là rắc rối?

Sếp này còn trẻ, kinh nghiệm sống non nớt, miệng còn hôi sữa. Sếp lớn tuổi thì tư tưởng cổ hũ, già rồi nên tính tình đôi khi trái gió trở trời. Bao giờ sếp ra bài tập thì dạ dạ vâng vâng, vỗ ngực vươn vai em hiểu rồi thưa sếp. Đến hôm trả bài thì ngớ người ra nói một đằng làm một nẻo.

Khi sếp nói thì trịnh trọng nghiêm nghị, ai ngờ đâu nghe tai này lọt tai kia. Vừa đẩy cửa bước ra, uống một tách cà phê, tán gẫu với đồng nghiệp vài câu là bao nhiêu lời sếp tan tành mây khói. Não được tẩy sạch tất cả bằng cụm từ: “Dạ, em quên.”

Bao giờ cũng có mười vạn lý do biện minh: Sáng nay kẹt xe giữa đại lộ nên em đến muộn. Con em ốm nên hôm nay xin phép cho em về sớm… Chuông báo tan ca chưa kịp reo đã xếp gọn giấy tờ, áo quần chỉn chu, cặp xách trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị, chỉ đợi chuông reo là phắn. Hiệu suất làm việc chẳng được bao nhiêu mà lúc nào cũng đòi hỏi tiền cho vào phong bì phải thật nhiều. Tự ý cài đặt cho sếp là bách khoa toàn thư, có việc gì cũng “ Alô, sếp à…”

Nhức đầu với anh nhân viên không bao giờ có ý chí trách nhiệm làm việc, giao trọng trách nào cũng làm mất nhiều thời gian lui tới. Mấy anh này sống lầy lội, suốt ngày bị khiển trách đâm ra thành thói quen. Chứ động phải anh nào đi du học bên nước ngoài, từng làm ở những nơi có quy mô lớn hơn. Kiểu nhân viên này cứ nói vài ba câu là tinh thần tự ái sôi trào sùng sục trong lồng ngực.

Người ta làm sếp, cuối tháng tiền chuyển vào tài khoản nườm nượp. Tên nhân viên què như mình chưa bằng một góc nên cứ tà tà mà đến nơi làm việc qua ngày. Lo lắng gì cho tội cái thân.

Rồi cái kiểu tụ tập tụm năm tụm ba nói xấu sếp rồi cười hô hố. Sếp thì cứ luôn phải đơn độc trong khi nhân viên lúc nào cũng quy mô đám đông. Cứ anh nói gà chị nói vịt thì dù có chỉ số IQ cao ngất ngưỡng sếp cũng khó lòng nhớ nổi. Vậy mà chẳng chịu cảm thông, trách sếp lú lẫn, sếp không chịu lắng nghe.

Nhân viên chỉ cần làm hài lòng một ông sếp là đủ, trong khi một ông sếp luôn gánh vác trách nhiệm với bao nhiêu nhân viên? Bao giờ cũng tồn tại những nhân viên thiếu năng lực, lại ngoan cố, nhưng cho lời khuyên góp ý xây dựng tinh thần thì lại tỏ ra bất mãn, dọa dẫm nghỉ việc.

Có không ít hài hước xoay vần quanh chuyện sếp và nhân viên. Nếu bạn là nhân viên, bạn có lý do để biện minh cho tất cả sự bất mãn của mình, tất nhiên bạn luôn luôn đúng bởi bạn có đồng minh. Những đồng minh thân cận có cùng chung ý chí căm thù với bạn. Tuy nhiên, bạn có nghĩ rằng không phải sếp là mối nguy hiểm. Tất cả những gì bạn đang được hưởng trọn từ sếp chỉ là kết quả tất yếu từ hành động, thái độ làm việc của bạn?

Theo bạn, làm một kẻ chỉ huy liệu có khó khăn hơn làm một kẻ chỉ cần phải vâng phục? Kẻ chỉ huy hay kẻ vâng phục sẽ là người mang gánh nặng hơn? Cái này tôi biết, kẻ chỉ huy bao giờ cũng phải mang vác luôn cả phần của kẻ vâng phục. Đã thế thì kẻ nào giữa sếp và nhân viên dễ dàng bị đè bẹp hơn?

Khi tự ban lệnh chỉ huy cho nhân viên, thì ngay tự thân sếp đã phải đặt cược tính mạng của mình vào trong mệnh lệnh đó. Bạn nghĩ rằng đó chỉ là câu chuyện riêng bạn?

Sếp dù ở cấp độ nào thì cũng chỉ là nhân viên mà thôi. Họ cũng có những vấn đề và vướng mắc từ cấp trên ban xuống. Cấp bậc càng cao, trách nhiệm lại càng lớn. Bởi phải mang vác cồng kềnh thêm trách nhiệm của đám đàn em đang ngồi gác chân phe phẩy nói xấu họ. Vậy mà chẳng có nổi lấy một thằng đồng minh để uống cho say quên hết mọi sự. Kẻ làm sếp tính ra chẳng phải là kẻ cô đơn nhất hành tinh?

Vậy nên phận làm nhân viên, có phải đôi khi bạn cũng phải cảm thông cho sếp?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: markusspiske

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Làm từ thiện sao cho hiệu quả?

2

Chắc chắn chẳng ai còn xa lạ với những cảnh người ăn xin nằm lê lết trên đường, tay chân đen đúa, bẩn thỉu, giơ cái nón rách ra có vài đồng tiền lẻ. Mặc dù những cảnh ấy tôi thấy nhan nhản gần như chai sạn nhưng thỉnh thoảng vẫn mủi lòng. Có lần tôi được nghe kể một tên què chân xin ăn ngoài đường lớn đến tối lết vào ngõ hẻm phủi quần áo đứng lên đi về, chỉ lấy tiền không lấy đồ ăn.

Trên tivi cũng cảnh báo đầy những chuyện chăn dắt ăn xin. Những bà già, trẻ em, phụ nữ được đưa đến ngã tư ngồi hết ngày sẽ có người đưa về sau đó lột sạch tiền bạc. Hôm nào không có tiền thì không được ăn. Về phía tôi cứ bứt rứt cho hay không cho? Mà cho đồ ăn người ta lại không nhận vì không được nhận hay gì tôi không xác thực được.

Có kẻ ăn xin lại rất chảnh chọe, có kẻ vừa đi ăn xin vừa đi lừa đảo, cướp giật. Đủ các thể loại trên đời. Nhưng vẫn lại có những người khổ đến mức phải đi ăn xin thực sự cũng lại bị đánh đồng với những tệ nạn kể trên. Họ không có chỗ ở khu tập thể cho người vô gia cư. Họ cũng không có nơi nào để cư trú, cứ vật vờ qua ngày.

Đối với người không quan tâm vì đấy không phải vấn đề của họ thì không có gì để nói. Nhưng còn những người quan tâm đến xã hội, đến cộng đồng thì phải làm sao cho đúng, cho hợp lý và hiệu quả?

Theo tôi, việc cho tiền chắc chắn bị loại bỏ đầu tiên. Việc cho tiền của chúng ta đã góp phần cho việc càng ngày càng nhiều người ăn xin hơn. Có những người dân tộc thiểu số họ sống ở làng quê nghèo khó quá lại được kháo nhau lên thành phố ngồi ăn xin được nhiều tiền lắm, thế là bồng bế nhau đi ăn xin. Kể cả việc chăn dắt ăn xin cũng vì miếng mồi béo bở chúng tìm ra được kẽ hở là tình thương mù quáng của người dân đã bị kẻ xấu lợi dụng. Thế nên chúng ta không nên cho tiền, cho ít cho nhiều cũng không. Không lao động mà vẫn có tiền chỉ làm họ lười biếng và ỷ lại nhiều hơn chứ chẳng giúp ích được gì.

Đồ ăn cũng tương tự như vậy. Không lao động mà đã có thành quả chỉ làm người ta trở thành một cái cây tầm gửi. Vì vậy mới có câu: Cho người ta cần câu chứ đừng cho con cá. Nhưng chúng ta cũng đang rất dư thừa nhân lực, thất nghiệp tràn lan. Mà có những người ăn xin hầu như cũng là người già, phụ nữ, trẻ nhỏ và người tàn tật. Khi nói lan man rồi lại đến vấn đề vĩ mô thế này thật sự nó là một điều rất khó giải quyết. Nếu giải quyết được thì đã không có vấn đề. Nên tôi sẽ chỉ nói về phần tôi và bạn có thể làm được gì.

Theo tôi, đầu tiên chúng ta nên cung cấp kiến thức cho họ. Về phần tôi, tôi cũng không có tài sản, vật chất nên tôi sẽ đóng góp những gì mình có. Xin nhắc lại tôi đang không nói về phần vĩ mô, ví dụ như trường học từ thiện, thầy cô giáo chấp nhận không công nhưng vẫn không thể đủ nhân lực. Tôi chỉ đang nói về những thứ tôi với bạn có thể làm và khi mỗi người một ít sẽ trở thành cái to lớn.

Tôi rất thích mô hình quán trà Quán của thời thanh xuân ở Đà Lạt. Họ tận dụng nhân lực là những người điếc, hội tụ lại làm đồ handmade, khách đến uống trà có thể bỏ vào thùng bao nhiêu tuỳ ý. Họ có thời gian biểu. Thứ Hai là ngày lười biếng, mọi người có thể vừa làm vừa lười, những ngày trong tuần làm việc bình thường và cuối tuần thì “sống như một bông hoa”. Làm việc vừa đủ với sức lực và sống bình yên.

Tương tự vậy có những làng nghề của người khiếm thị làm tăm tre. Những cách tận dụng nhân lực rất tốt và tích cực. Tôi có những kiến thức cơ bản để xoá mù chữ, tôi có thể mở một lớp dạy chữ vào 1-2 tiếng rảnh rỗi cho vài đứa trẻ. Mình vừa làm được việc tốt cho mình vừa giúp người khác.

Bạn có những điều bạn học được bạn có thể chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Bạn biết một trung tâm dạy nghề cho người vô gia cư hãy giới thiệu cho họ.
Một vài bữa cơm phân phát cứu đói họ một vài ngày nhưng họ vẫn chẳng biết tại sao mình có cơm ăn. Bạn vẫn có thể giúp họ bằng cách đó nhưng hãy kèm thêm điều gì có ý nghĩa lâu dài hơn, bền vững hơn. Có bệnh thì phải chữa dứt hẳn chứ không phải chỉ chữa cái ngọn.

Mà có những người cũng rất hời hợt khi làm tình nguyện. Họ nghĩ đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cần làm, làm xong thì thôi. Khi không biết cách làm tình nguyện nào nữa thì chỉ có phát cơm là hợp lý hơn cho tiền bạc. Nhưng nhiều người họ chỉ hiểu phát cơm là phát cơm, mỗi người một phần xong thì đi về.

Nhưng theo tôi, nếu tôi có đi phát cơm thì tôi sẽ mang theo điều gì đó sâu sắc hơn là việc cứu đói họ. Tôi sẽ mang cơm đến bên họ một cách thân thương nhất, tôi sẽ không vội vàng cho xong để đi về. Tôi sẽ ngồi nán lại mỗi người vài phút nghe họ kể chuyện, họ cần gì, muốn gì, tôi có thể cho họ cái gì hơn là một bữa cơm. Nếu đã chấp nhận làm công việc này thì nên làm cho hết mình còn không thì thôi. Vì bữa cơm nó chỉ giúp người ta bớt đói còn để họ thấy được sự đồng cảm, chạm được đến tâm hồn họ, giúp họ có thêm động lực trong cuộc sống khốn khó mới là thứ đáng làm.

Khi chúng ta không làm được những điều to lớn, không làm ông nọ bà kia để làm từ thiện như xây trường, xây bệnh viện,… thì tôi và bạn vẫn có thể làm những điều nhỏ bé bằng tất cả những gì mình có thể. Hãy biết làm từ thiện khôn khéo, hiệu quả. Đừng bao giờ nghĩ rằng vứt cục tiền ở đó, phần cơm ở đó là từ thiện.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: Myriams-Fotos

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

[THĐP Translation™] Công ty kì lạ đứng sau thương hiệu tương ớt Sriracha nổi tiếng thế giới không tốn một xu quảng cáo

0

E-T-3

Giả như David Trần là một kiểu CEO điển hình hơn, hẳn ông sẽ là một lãnh đạo chỉ luôn có mặt trong các cuộc họp, một nhân vật được săn đón cho chuyên mục tiểu sử của các tạp chí, và một đối tượng cho các nghiên cứu tình huống của tờ Harvard Business Review. Tương ớt Sriracha của công ty Huy Fong Foods do ông Trần thành lập cách đây 38 năm tại Los Angeles là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thành phố. Có những cuốn sách nấu ăn viết ra chỉ để ca ngợi tính đa dụng của Sriracha; những đồ lưu niệm đủ loại,  từ ốp lưng iPhone đến áo thun; một bộ phim tài liệu về sự hình thành và phát triển của Sriracha; và vô số những thương hiệu bắt chước. Năm ngoái (2012), doanh số của Sriracha đạt mức 20 triệu chai tương đương 60 triệu đô la, tỷ lệ tăng trưởng doanh số đạt hơn 10 phần trăm mỗi năm, và tất cả thành tích này đạt được mà không cần một xu quảng cáo.

direct2
Thu hoạch bao nhiêu ớt cũng không đủ cung cấp cho thị trường
Photo: Amit Dave – Reuters

Mặc dù vậy, ông Trần cũng không màng đến chuyện đánh bóng tên tuổi hay bận tâm đến lợi nhuận, hầu như không biết tương ớt của mình đang bán ở đâu, và có lẽ bỏ lỡ hàng triệu đô la lẽ ra có thể kiếm được mỗi năm. Ước mơ của ông Trần, như chính ông nói với trang Quartz, “không phải là trở thành một tỉ phú.” Ông mơ “làm ra đủ tương ớt tươi để mọi khách hàng nếu muốn đều có thể thưởng thức. Chỉ thế thôi.”

Đặt chất lượng lên trên lợi nhuận

Ngày nay tương ớt là một ngành kinh doanh đang lên trên khắp thế giới. Ngành công nghiệp này, vốn nằm trong tốp 10 ngành phát triển nhanh nhất nước Mĩ, giờ đây gom về 1 tỉ đô la doanh thu toàn cầu mỗi năm. Nhưng khi đặt chân đến Los Angeles từ Việt Nam vào năm 1980, ông Trần rơi vào cảnh không có việc làm. Khi đó, ông gần như không thể tìm được một loại sốt cay nào cho vừa khẩu vị của mình, và sớm nhận ra rằng cộng đồng người Đông Nam Á ở Los Angeles cũng đang phải chịu cảnh thiếu tương ớt tương tự.

Chỉ trong vài tháng, ông Trần đã tạo ra Sriracha, một phiên bản của tương ớt Thái, được làm từ ớt jalapeño lai (có màu đỏ hoặc đôi lúc màu cam), giấm, đường, muối, và tỏi; sản phẩm được ông đưa đến các khu chợ địa phương trong khắp thành phố. Không lâu sau, ông đã thiết kế cho chúng một hình thức bao bì không lẫn vào đâu được cho đến ngày nay: chai nhỏ trong suốt với logo con gà trống và nắp màu xanh lá cây.

direct-2

Nhưng mong muốn duy nhất mà ông từng ấp ủ chỉ là cung cấp cho những người Việt nhập cư một món tương ớt xứng đáng với món phở của họ. Việc phát triển một công ty chân phương như vậy chưa từng nằm trong suy tính của ông Trần, dù là trước hay sau này. “Tôi đã khởi nghiệp với đôi mắt nhắm kín. Không có một kì vọng nào cả,” ông cho biết.

Giờ đây ông Trần vẫn giữ cách kinh doanh như vậy: với đôi mắt nhắm. Ông nói rằng mình chưa lần nào tăng giá bán buôn Sriracha (con số không được ông tiết lộ), dù cho lạm phát đã khiến giá thực phẩm tăng gấp ba lần kể từ năm 1980. Ông Trần không biết rõ tương ớt Sriracha đang bán ở đâu, ông chỉ biết rằng Huy Fong có 10 nhà phân phối, và ông chuyển sản phẩm này cho họ suốt hơn 10 năm nay. Ông thành thật chia sẻ, “Chúng tôi không có một bản ghi cụ thể nào về việc sản phẩm được bán ở đâu cả.” Griffin Hammond, nhà sản xuất bộ phim tài liệu về Sriracha, nói với Quartz rằng theo ông biết thì Sriracha đang bán ở Mĩ, Canada và châu Âu. “Nhưng có lẽ là một vài nơi khác nữa,” ông thừa nhận. “Ít nhất, tôi có biết trên hộp in tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.”

Ông Trần cũng gần đây mới biết rằng Sriracha rất được ưa chuộng bởi các đầu bếp sushi, những người nhiều năm nay dùng nó để tạo vị cay cho những cuộn cá ngừ cay của họ. Ông chia sẻ, “Đến khi một nhà phân phối nói thì tôi mới biết.” Thực ra theo lời Hammond, Sriracha “ngày nay là nguyên liệu cay cho gần như mọi loại sushi cá ngừ. Có lẽ nó chiếm một phần lớn trong doanh số của công ty.”

Không chỉ có riêng các đầu bếp sushi. Chuỗi nhà hàng P.F. Chang, sở hữu 204 chi nhánh tại Mĩ và trên khắp thế giới, cũng có những món ăn kết hợp hương vị Sriracha. Đầu bếp David Chang (không có liên hệ với P.F. Chang) luôn có  những chai Sriracha trên bàn bếp trong mỗi nhà hàng Momofuku Noodle Bar của ông ở New York. Năm 2010, tạp chí Bon Appétit bầu chọn Sriracha là gia vị của năm. Năm 2012, Cook’s Illustrated gọi nó là loại tương ớt ngon nhất; và mặc dù không chiến thắng trong chung cuộc, Sriracha vẫn là một trong ba hương vị được chọn trong cuộc thi Hương vị mới cho Khoai tây Lay’s cùng năm.

direct-3

Ông Trần tất nhiên là hãnh diện với lượng người hâm mộ. Ông dành thời gian mỗi ngày để đọc qua hàng tá email, và rất nhiều trong số đó kể lại những cách mới lạ và thường là không thể tưởng tượng nổi mà người ta sử dụng tương ớt Sriracha. Ông nhớ có một người chia sẻ đã ăn Sriracha cùng với macaroni và phô mai, một cách kết hợp ông Trần chưa từng thử qua – đến giờ hầu như ông vẫn chỉ ăn loại tương ớt này cùng với phở.

Tăng trưởng theo trái ớt

Nguồn cầu quá cao nên Huy Fong – vốn sản xuất cả Chili Garlic và Sambal Oelek, hai loại tương ít nổi tiếng hơn nhiều – đã mua thêm một nhà máy rộng 60,000 m2 chỉ nhằm xử lí và đóng hộp Sriracha. Đó quả là một nâng cấp đáng kể: cơ sở hiện tại đang sản xuất 3.000 chai tương mỗi giờ, trong 24 giờ mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần, và nhà máy mới sẽ có sản lượng gấp 2.5 lần như vậy.

Song rào cản tăng trưởng lớn nhất với công ty không phải là không gian sản xuất. Khó khăn lớn nhất là nguyên liệu thô.

direct-4
Hơn 45 triệu kg ớt thu hoạch năm ngoái vẫn không đủ cung cấp cho các đơn đặt hàng.
(Photo: Beawiharta Beawiharta, Reuters)

Hầu hết tương ớt phân phối đại trà được làm từ ớt khô nhằm giúp thu hoạch, xử lí và đóng chai dễ dàng hơn ở quy mô lớn. Ví dụ, McIlhenny, công ty sản xuất Tabasco, mua ớt từ các nhà sản xuất trên khắp thế giới. Song Sriracha từ trước đến nay luôn luôn được làm từ ớt tươi. Theo ông Trần, đó là điểm khác biệt không cần bàn cãi của Sriracha.

Một trong số ít những dữ liệu mà ông Trần tiết lộ về Huy Fong là năm 2012, công ty đã chế biến khoảng 45 triệu kilogram ớt tươi suốt mùa thu hoạch kéo dài chỉ 10 tuần và đủ cung cấp cho toàn bộ công sản lượng của Sriracha suốt một năm. “Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi tỉ lệ thuận với khả năng chúng tôi thu hoạch ớt,” ông Trần nói.

Sự kiên quyết không hạ thấp chất lượng sản phẩm của ông Trần đồng nghĩa với việc nguyên liệu ớt tươi để tạo ra Sriracha phải được xử lí trong ngày sau khi hái. Vì thế nhà máy Rosemead của Huy Fong chỉ cách Underwood Family Farms một tiếng đồng hồ xe chạy, đây là nhà cung cấp ớt duy nhất của Huy Fong trong suốt 20 năm qua. Nhà máy mới của công ty ở Irwindale cũng chỉ cách đó vài cây số. Tìm đất trồng mới phù hợp cho những đợt thu hoạch ớt tiếp theo quả là một khó khăn – khu đất không chỉ phải rộng lớn, mà còn phải phù hợp mục đích trồng. “Tôi không thể mua những khu đất mà vốn để trồng cam,” ông Trần giải thích. “Chúng không hợp với cây ớt.”

Một minh chứng khác từ nguồn cầu cao là trong gần 40 năm qua, theo ông Trần, Huy Fong Foods chưa từng thuê một người chào hàng hay chi một xu nào để quảng cáo. Quảng cáo sẽ chỉ nới rộng khoảng cách cung-cầu mà thôi. “Tôi không quảng cáo, vì tôi không thể quảng cáo,” ông Trần giải thích.

Huy Fong cũng không có một tài khoản Twitter, Facebook hay Google Plus, và trang web của công ty cũng trống không (2013). Kết quả là, khách hàng của Sriracha dường như biết rất ít hoặc không biết gì về công ty sản xuất ra sản phẩm mà họ dùng hàng lít. “Tất cả là nhờ truyền miệng,” Hammond nói. Chỉ cần để ý đôi chút để biết rằng Sriracha hiện đang được sản xuất ở Rosemead, California, nhưng “hầu hết mọi người vẫn nghĩ rằng Sriracha đến từ châu Á.”

Nhiều người cũng phải tránh những hãng giả mạo Huy Fong Sriracha ngày một tràn lan, từ thay thế logo gà trống bằng cá mập cho đến những kiểu sao chép gần như không thể phân biệt được. Luật sư của ông Trần, Rob Berman, một chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ với Bloomberg rằng ông phải viết bốn đến năm đơn khiếu nại vi phạm bản quyền mỗi năm.

Đại gia bất đắc dĩ

Được phỏng vấn ông Trần là một điều tương đối khó khăn. Đến gần đây ông mới cởi mở hơn với việc trả lời báo giới. Trợ lí kiêm giám đốc nghiệp vụ của ông, Donna Lam, đồng hành với ông trong các cuộc gọi phỏng vấn. Ông Trần nói tiếng Anh chậm và cẩn trọng, và ông thường cần trợ lí dịch lại các bình luận và câu hỏi phức tạp, như vậy ông có thể trả lời hoặc né tránh chúng một cách trọn vẹn và tài tình. Cứ thử dụ ông nói ra những con số tăng trưởng trong quá khứ mà xem, bạn sẽ mất công vô ích thôi, vì ông Trần không chia sẻ về chuyện đó. Tất cả những gì ông sẵn lòng thừa nhận là tỷ lệ doanh thu tăng trưởng ổn định trong khoảng hai chữ số kể từ khi ông bắt đầu đóng chai sản phẩm Sriracha từ 38 năm trước.

Ông Trần không muốn ai biết Huy Fong đã tăng trưởng nhanh như thế nào vì ông sợ nhiều người sẽ xuất hiện trước cửa nhà mình để chào hàng các dự án kinh doanh mà ông không quan tâm hay những kế hoạch tăng trưởng mà ông không có chút hứng thú nào. Ông cho biết rằng một số nhà đầu tư đã tiếp cận ông với hàng chồng tiền mặt và những hứa hẹn hậu hĩnh, thậm chí chào giá cao ngất để mua đứt công ty. Ông Trần từ chối tất cả. “Những người tới đây chẳng ai quan tâm tới sản phẩm, chỉ lợi nhuận mà thôi,” ông cảm thán chia sẻ.


Tác giả: Roberto A. Ferdman – Quartz
Dịch: Sang Doan
Review: Dương Tùng

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, bạn có sống như ngày hôm qua?

0

Cuộc sống luôn xuất hiện cùng những con người đau khổ, tuyệt vọng rồi muốn chết. Những con người muốn khước từ sinh mệnh bằng hương khói trên nấm mồ. Chính vì thế mà chủ đề bàn tán của chúng ta vẫn thường diễn quanh bàn tròn của sự chết chóc, nói đến kẻ ảo tưởng cái chết. Nhưng chúng ta chưa bao giờ thử đặt trọn một dấu chấm hỏi vào ô trống mơ màng đó. Một dấu chấm hỏi cho điều mà chúng ta ít khi nghĩ đến. “Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống?”

Tôi nghĩ rằng thế giới này vĩnh viễn bất toàn. Cuộc sống này mãi mãi bất toàn. Biết nó luôn bất toàn, nên dù có trưng diện cố gắng trang điểm lên đó bao nhiêu lớp son phấn, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ tận hưởng cảm giác hài lòng.

Vậy tại sao lại loanh quanh tìm cách cứu rỗi? Muốn cho nó không còn bất toàn, hãy thử chấp nhận sống với nó bằng tất cả hoan lạc say đắm, hãy thử sống một ngày như chưa bao giờ còn có ngày mai nữa, dùng sự điên cuồng của mình để tạo ra một ngày không còn bất toàn, chí ít là đối với riêng bạn.

Bạn không bao giờ nghĩ đến điều đó? Hoặc có nghĩ nhưng vẫn còn thói quen nói đến lời hứa hẹn? Rồi tự tay đập nát cuộc sống mình thành những mảnh vụn thảm thương.

Bạn có bao giờ tự đặt câu hỏi sẽ có gì xảy ra với chúng ta ngày hôm nay? Không, bạn đang bận xoay vòng cùng guồng quay của cuộc sống hàng ngày. Đày đọa thân xác mình mệt mỏi, hướng trái tim lạc lối bước ra khỏi những người bạn yêu thương.

Bạn luôn lừa dối mình né tránh tất cả, tự làm rối ren cuộc sống mình thành mớ hỗn loạn. Lang thang trên mặt đất trần gian này như một tên mù điếc. Đến một ngày lê lết như những tên bệnh trong cơn hấp hối. Rồi quỳ gối van xin ước gì ta đã sống một cuộc đời khác hơn. Nhưng ngay cả Thượng Đế cũng chẳng bao giờ còn đủ thời gian cho bạn.

Đã đến lúc chúng ta nhìn lại đằng sau. Sẵn lòng thoát khỏi đời sống này, sống những ngày ý nghĩa bằng những giá trị chân thực và thuần khiết hơn. Vẫn là câu hỏi đó cho những đêm gối đầu. “Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống?”

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, mệt mỏi chán nản, u sầu ủ rũ có cần phải buông lơi?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, bạn có ý định hì hục kiếm tiền, mắc kẹt trên các đại lộ, dành thời gian cho những đối tác xa lạ?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, bạn có lục lọi ký ức để nhớ ra bao lâu rồi ta chưa về nhà, chưa ăn một bữa cơm với cha mẹ, một cái ôm cho những con người đã vẫn luôn ở đó trông ngóng bước chân bạn đặt trước cửa nhà?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, bạn có chăm chú vào màn hình máy tính, điện thoại, dõi theo cuộc sống của những kẻ không hề quen biết, giết thời gian vào ảo ảnh không thực?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, bạn có muốn một lần sống trọn vẹn cùng khoảnh khắc thiên thu của một dòng sông, ngắm nhìn một bác chèo đò, thưởng ngoạn một bông hoa, ôm lấy một cái cây, một buổi hoàng hôn hay bình minh trên những chân trời bất tận?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, bạn bè thân thiết bao lâu rồi không gặp, những ngày thơ ấu đạp xe chung lối cùng tí tởn đến trường, nói đủ thứ chuyện tào lao tầm phào?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, nuối tiếc xoay vần cho những dang dở chưa trọn vẹn, cho ước mơ chưa bao giờ dám gọi tên?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, giây phút nào của hiện tại ta đã chần chừ, nói một lời xin lỗi, một lời cám ơn cho những người đã luôn bên cạnh ta từ những nhỏ nhặt nhất?

Nếu biết không còn nhiều thời gian để sống, lỗi lầm nào cho những lời trách móc, chênh vênh nào dạy ta cách tiếp tục bước đi. Vậy mà chúng ta chưa bao giờ biết yêu lấy một ngày từng được hiện hữu trên mặt đất trần gian này?

Nếu biết không còn nhiều thời gian, bạn có sống như ngày hôm qua?

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: elizadean 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chúng ta đi du lịch để làm gì?

0

Chúng ta luôn khao khát nhảy múa vòng tròn trên những vùng đất mới, được giải phóng mọi xó ngách. Chúng ta lên đường với ý muốn rửa sạch bụi bặm, muốn trần truồng dưới đôi mắt nóng bỏng của mặt trời. Và quả thật, những chân trời mới, chúng chưa bao giờ ngược đãi bạn. Luôn hiến dâng cho bạn tinh hoa quý giá nhất mà chúng có khi bạn đến. Ban tặng những giá trị ý nghĩa để mang về làm quà khi bạn rời đi. Ai cũng hiểu được giá trị những chuyến đi, chính vì thế mà giờ đây, người người dâng cao khẩu hiệu xách ba lô lên và đi.

Vâng, ai ai cũng lên đường, lao vụt thân xác vào chốn xa lạ, bằng sự hạn hẹp về chiều sâu của trái tim mình.

“Chán đời quá đi.” “Tôi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống này.” Vừa buột miệng thốt ra mấy câu kiểu này là ngay lập tức thu dọn hành lý, chẳng cần biết sẽ mang vác chúng đi đâu. Bằng mọi cách sáng mai thức dậy phải ở một nơi xa. Bạn hùng hổ lên đường đi tìm kiếm lửa nồng nhưng phải chăng chỉ đang mang cái tro tàn của mình đi phân rải. Xê dịch tâm hồn vẩn đục từ vùng đất này sang vùng đất kia, dùng chính sự nhơ nhuốc đó làm biến dạng môi trường nơi sắp đặt chân đến.

“Thế giới bao la, tôi muốn tận mắt trông thấy.” Thiên nhiên bao bọc bao nhiêu là tinh tú lóng lánh, bao nhiêu vẻ đẹp kiều diễm, bạn vì muốn ngắm nhìn nó mà hô hào lồng lộn, muốn một lần đặt chân. Nhưng bạn có đến đó để được một lần ngước lên nhìn vòm trời trong xanh thuần khiết, nhìn vào hố thẳm vô ngần của ánh sáng và run lên từng lời ước vọng thiêng liêng một lần được sống cùng nó. Không, bạn đến với nó bằng quỹ đạo ngắn ngày và chỉ chơi đùa bằng trò cưỡi ngựa xem hoa.

Và tất nhiên, thay vì ra về với món quà tặng quý giá, giờ đây bạn mang cái thân xác uể oải mệt mỏi lết về nhà, bắt đầu than vãn đủ thể loại trên đời.

Bạn mang một trái tim chằng chịt vết thương, muốn đến cầu xin thần linh phương xa chữa khỏi cho bạn? Làm gì có thần linh nào có thể chữa khỏi những nỗi chán chường.

Muốn đến tận mắt để nhìn thấy thế giới bao la, một chuyến du lịch hai ba ngày sẽ giúp bạn tận hưởng được gì từ thế giới bao la ấy. Bạn có đến đây để khám phá văn hóa, bản sắc dân tộc của từng vùng miền? Bạn chỉ vội vàng ra vào các khách sạn nhà nghỉ để nghỉ ngơi lấy sức?

Muốn đi du lịch cho thư giãn thoải mái, trở về tràn đầy năng lượng. Cứ đi đi rồi trở về phát ngôn mấy câu sáo rỗng bằng trái tim rỗng tuếch. “Đi đâu cho bằng nhà mình.”

Tôi chẳng biết tại sao mọi người lại yêu thích du lịch đến vậy. Bằng cách cố gắng miễn cưỡng của sự áp đặt những chuyến đi kém tự nhiên. Trải qua bao nhiêu sự chịu đựng của chốn đông đúc, ngột ngạt, bỡ ngỡ… sửng sốt nhận ra nơi đây cũng chẳng có gì hay ho.

Tuổi còn trẻ thì còn phải đi. Nếu bạn xách ba lô lên và ra đi bằng một ý chí trải nghiệm, đi vì thực sự muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa, chứ không phải là đứng trên tháp Eiffel để nhớ anh người yêu cũ, nghe điện thoại của sếp, chăm chú nhìn đồng hồ vì còn có những địa điểm khác cần lướt qua để check in. Đi kiểu này chỉ càng nhận ra “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.”

Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lý do để bạn lên đường đi du lịch. Đi để mở rộng chân trời, văn hóa và cảm xúc, học được ý nghĩa thực sự của câu “Tất cả chúng ta đều sẽ phải trải qua.” Những trải nghiệm tuyệt vời được điền vào sơ yếu lý lịch cuộc đời bạn. Thật hãnh diện cho tuổi già khi nhìn lại chiến tích mình từng có. Mở rộng chân trời tri thức với các nền văn hóa đặc sắc bản địa, học cách mạnh mẽ để bước ra khu vực an toàn… Nhưng nếu bạn không hoàn toàn hiểu hết được ý nghĩa của nó, bạn sẽ lên đường du lịch chỉ để tiêu tiền và ra về với trái tim trống rỗng.

Hãy lên đường du lịch. Nhưng đừng lấy đi của nó bất kỳ ý nghĩa nào.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: DariuszSankowski

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[Movie Review] Arrival (2016) – Ngôn ngữ là chủng tộc bất diệt

0

Arrival là bộ phim nói về việc hai chủng tộc bất đồng ngôn ngữ trao đổi thông điệp với nhau. Concept ngôn ngữ của chủng tộc Heptapod ở đây tuy chỉ mang tính nghệ thuật, nhưng việc truyền đạt học thuật về ngôn ngữ phi tuyến tính là hoàn toàn có thật: Chữ tượng thanh bậc cao.
arrival-language-1024x576

Định nghĩa về ngôn ngữ phi tuyến tính là không có, vì trước tiên người bình thường luôn có khái niệm về thời gian, nên những người có thể sử dụng được sẽ rất hạn chế. Bởi hầu hết sẽ có những điều đau khổ dằn vặt không muốn nhớ, và có thái độ lảng tránh. Vì vậy việc tránh đối mặt là thứ bất đồng ngôn ngữ lớn nhất. Ngôn ngữ phi tuyến tính, khi bắt đầu được nói ra, người ta sẽ bắt đầu nhớ tất cả những gì từng-đang-chưa xảy ra.

Do tiếng nói ấy dựa trên cơ sở có thể gợi nên cảm xúc, cho nên nó sẽ nghe như tiếng của tự nhiên (chim chóc, chó mèo, cây cối, gió mưa…, kể cả con người) chính xác hơn chính là từng đoạn hội thoại của các giống loài trong không gian của tiếng nói, và thứ chúng ta nghe được chính là tạp âm.

Trí nhớ, chính là khả năng hiểu, và là độ cảm ngôn từ, chính nó cũng là thứ cơ bản để hiểu được ngôn ngữ phi tuyến.

Chữ viết phi tuyến lại khác hoàn toàn, nó được thiết kế để mang kiến thức, nhằm bổ sung khả năng nhớ. Bao gồm yếu tố ấn tượng khi nhìn, khó quên, chứa cảm xúc, không cần lưu giữ, truyền tải bất kỳ.

Vì sao khi xem phim Arrival người ta sẽ có cảm giác chữ viết này là đúng. Thật sự là người thiết kế sắp đặt loại chữ này cho phim đã thành công trong việc đánh lừa nhận biết của người xem. Thứ nhất là quá nhiều chữ tượng hình chỉ thay đổi vài chi tiết, thậm chí có vài chữ trùng nhau, người xem sẽ bị giảm khả năng phân biệt. Thứ hai là phức tạp hoá chữ viết bằng việc giải mã, không ai quan tâm vector đó trước khi được ghép lại có thực sự là từ đó hay không. Thứ ba là thêm màu nguyên khiến người xem không rời khỏi sự phức tạp. Kết luận đây là bộ phim rất thành công.

Khi xem xong phim này thì tôi nhớ đến người Việt cũng có thứ chữ tượng thanh một thời – chữ Khoa Đẩu. Hệ thống ngôn ngữ mà Cha Cả chỉ cần một ít thời gian để học, tuy không đến mức gần với “thần giao cách cảm” như ngôn ngữ tôi bàn ở trên, nhưng việc thời nó thịnh vượng là thời con người ta tri thức tiến bộ vượt bậc là không thể tránh.

7cc86-hichkhoinghia
Chữ Khoa Đẩu

“Biết được quá khứ sẽ biết được tương lai, trân trọng hiện tại, và cuộc đời trọn vẹn.”

Tác giả: Polaris Do
Edit: Triết Học Đường Phố

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tư duy nhanh và chậm trong việc chinh phục phụ nữ

Hoàn toàn sai lầm, khi chúng ta nghĩ rằng việc đánh giá một người khác là lý trí, thật ra không phải vậy, mọi sự đánh giá của chúng ta đa phần dựa vào cảm tính. Vì vậy, cần phải hiểu được cơ chế hoạt động của não bộ như sau. Khi nhận lời khen từ một người khác, thì ta sẽ có những phản ứng tâm lý tích cực, như vui vẻ, thoải mái.

Trong tâm lý học hành vi về cách chinh phục phụ nữ, thống kê cho rằng người phụ nữ thích ở người đàn ông không phải ở sự giàu có hay đẹp trai, mà là sự hài hước. Vì khi người phụ nữ vui vẻ thì họ sẽ cởi bỏ rào cản tâm lý của mình và lúc đó người đàn ông sẽ dễ tiếp cận hơn.

Trong nghiên cứu hoạt động của não bộ về vấn đề tư duy cho rằng não bộ con người có hai cơ chế hoạt động, thuật ngữ tạm gọi là hệ thống 1 và hệ thống 2.

  • Hệ thống 1: Hoạt động theo cơ chế tự động và mau lẹ, với rất ít sự cố gắng, hầu như không có vận động suy nghĩ và không tự động kiểm soát.
    Ví dụ: Bạn có thể phát hiện liền vật nằm bên tay trái của bạn là gì mà không cần suy nghĩ lâu, bạn có thể trả lời những câu hỏi đơn giản như 2×2 bằng 4 mà không cần suy nghĩ.
  • Hệ thống 2: Cần sự tập trung chú ý, đòi hỏi nỗ lực, bao gồm những phép tính toán phức tạp. Cơ chế hoạt động hệ thống 2 thường gắn với kinh nghiệm chủ quan, sự lựa chọn và tập trung của chủ thể.
    Ví dụ: Điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp trong xã hội kiềm chế những đặc tính cơ bản như nóng nảy, đòi hỏi sự nỗ lực ghi nhớ để thực hiện một phép toán khó 198764 x 93821, muốn trả lời được bắt buộc bạn phải ghi nhớ hình ảnh các con số bằng cách ghi ra giấy.

Trong tư duy, nguyên tắc đầu tiên là hệ thống 1 luôn hoạt động, còn hệ thống 2 rất lười vì khi hoạt động nó sẽ tiêu tốn năng lượng nhất định.

Ví dụ: Bạn lười đọc một bài viết dài, hay lười giải một bài toán khó. Vì khi hệ thống 2 hoạt động sẽ tốn năng lượng, mất một lượng đường tuỳ theo quá trình tập trung và suy nghĩ, giống như khi chạy bộ bạn cũng mất một lượng đường tương ứng. Đó là lý do vì sao khi bạn đói, khả năng tập trung rất kém.

Để hiểu rõ giá trị hoạt động độc lập của hai hệ thống thì bạn hãy nhìn hình phía dưới đây:

35686983_808259309370641_3363466688535199744_n
Nếu bạn từng biết hình ảnh này trước đó thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra đây là minh hoạ về ảo giác của Muller-Lyer. Nếu dùng thước đó bạn sẽ biết độ dài của chúng là bằng nhau. Nhưng nếu nhìn bằng mắt thường bạn sẽ thấy đoạn thẳng phía dưới dài hơn đoạn thẳng phía trên. Ở trong trường hợp này, muốn biết chính xác bạn không thể tin vào mắt mình được mà phải tin vào sự đo đạc chính xác.

Vì khi bạn nhìn vào mắt thường, hệ thống 1 báo cho bạn biết rằng đoạn phía dưới dài hơn. Khi nhận được đó là thông tin chính xác thì hệ thống 2 không hoạt động. Đó gọi là ảo giác nhận thức.

Để giải thích cho việc tại sao được khen bạn vui vẻ, thoải mái có xu hướng tin tưởng người khác hơn. Lời khen, đó chính là ảo giác tâm lý. Khi chúng ta nhận thông tin lời khen đó hệ thống 1 đã báo đúng, hệ thống 2 không hoạt động. Nên chúng có xu hướng vui vẻ, thoải mái, tin tưởng vì ít nghi ngờ hơn (sự hoài nghi, kiểm sai thuộc về hệ thống 2).

Vì thế chúng ta có xu hướng không đề phòng với những người khen mình hơn và ngược lại. Trong tâm lý học về chinh phục phụ nữ cũng như thế, khi họ đắm chìm trong hệ thống 1 thì lúc đó bạn sẽ dễ tiếp cận hơn. Giống như khi đặt câu hỏi về nhận thức lỏng: A là người xấu phải không? Sẽ làm bạn suy nghĩ nhiều hơn về điểm xấu của A. Thay vì hỏi A là người tốt phải không? Bài viết này viết nhằm với tiền đề là bao giờ người ta cũng dễ nhận ra lỗi lầm của người khác hơn lỗi lầm của chính bản thân mình.

Đây là một bài viết dựa trên quyển sách Tư duy nhanh và chậm, mình chỉ chuyển nó sang một hướng khác, là đối với những người hay khen mình thôi. Mình nghĩ chúng ta nên đọc quyển này vì khá hay và thú vị. Nó giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu về hoạt động của não bộ.

Tác giả: Son

*Featured Image: StockSnap

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Hãy bắt đầu nói lời cảm ơn cuộc đời

0

Sáng nào thức giấc, mở cửa ra cũng thấy ngay cuộc đời nằm lù lù – vẫn là một khuôn mặt thân thuộc, được trang điểm bằng vô số dấu chấm hỏi che đậy khiến chúng ta hoang mang. Dù có sống cho đến lúc chết đi, cũng chẳng ai thấy được đâu mới là bộ mặt thật của cuộc đời. Tuy nhiên, bạn có bao giờ nghĩ rằng cái gì càng làm bạn không hiểu, càng không biết, càng không thấy thì cái đó mới càng khiến bạn say sưa yêu dấu?

Vậy mà chúng ta chỉ biết oán trách. Chúng ta oán trách vì chúng ta chẳng hiểu gì về cuộc đời. Và những lời oán trách, chẳng khác gì con dã thú điên cuồng. Với thứ pháp thuật ma mị, chúng khiến con người tự buộc họ vào xiềng xích thi hành án khổ sai đời đời với chúng. Con người tự nguyện hiến thân mình cho tiếng ác quỷ dữ. Những con người chưa sống đến mức con người, đã tự ý khước từ cuộc sống tươi đẹp của chính mình, tự buộc mình phải chối bỏ cái tươi đẹp của cuộc sống.

Những lời oán trách luôn được phát ngôn từ những kẻ bị bệnh lao phổi tâm hồn. Vừa lọt lòng cuộc đời đã học cách rao giảng sự chán ngán mệt mỏi. Nhưng đó lại là một căn bệnh dịch có khả năng lây lan diện rộng. Chính những lời oán trách dư thừa mới là hung thủ khiến đời sống của chúng ta hư hỏng và lụn bại.

Chỉ cần gặp một người, bất kể là ai, chúng lại bắt đầu than vãn oán trách. Nhưng phải chăng chỉ vì tất cả chúng ta đang dùng một con mắt để quan sát. Nên chúng ta  chỉ luôn nhìn được cuộc đời từ một phía?

Hãy thử bắt đầu tạo thói quen để con mắt bên kia quan sát, không cần vươn tay vào cuộc sống bằng những điều ngọt ngào và học cách nói lời cảm ơn thay vì oán trách.

Hãy bắt đầu cảm ơn một thân thể khỏe mạnh bình thường, đầy đủ đôi tay để cầm nắm, đôi chân để đi lại, đôi tai để lắng nghe, đôi mắt nhìn trọn buổi sớm mai.

Hãy bắt đầu cảm ơn một đất nước không có chiến tranh, một thiên nhiên tuyệt đẹp để ngắm nhìn phép màu của một bông hoa, một chiếc lá, một cái cây, một con sông, một đám mây… để bạn biết mình sống thơ mộng như thế.

Hãy bắt đầu cảm ơn cuộc đời lên voi xuống chó, giàu có rồi nghèo khó, trải qua rồi mới nhận ra tất chỉ  là sự tạm bợ, dễ hợp, dễ tan. Chỉ là phù du, con người không bao giờ có khả năng nắm chặt chúng nên thật dễ dàng nhẹ buông trôi.

Hãy bắt đầu cảm ơn những chướng duyên, khó khăn chông gai, thất bại… để tôi luyện thêm tính nhẫn nhục, sự chịu đựng kiên trì.

Hãy bắt đầu cảm ơn mỗi giây mỗi phút trôi qua, vẫn còn thở 20 lần/ phút, trái tim vẫn còn đập 100 nhịp/phút, để mỗi sớm mai thức dậy, biết ta vẫn còn trông thấy được những người yêu thương.

Hãy bắt đầu cảm ơn những lúc tuyệt vọng luôn thôi thúc chúng ta tìm đến cái chết. Chỉ có những kẻ muốn chết mới là kẻ có tham vọng muốn đi sâu nhìn thấy sự trần truồng của cuộc sống. Những kẻ thèm sống chẳng bao giờ tự đặt ra câu hỏi mình sống có ý nghĩa gì?

Hãy bắt đầu cảm ơn những bước chân chậm chạp, để chúng ta hiểu ra mỗi bước chân đi đều có thể trở thành định mệnh.

Hãy bắt đầu cảm ơn những cuộc chia ly. Đó mãi mãi là khoảnh khắc thiên thu bất diệt.

Hãy bắt đầu cảm ơn buồn chán vì đã biết thế nào là hứng khởi, căm hờn oán ghét để biết yêu thương quý trọng, ồn ào hỗn loạn để biết giá trị bình yên an nhiên. Cảm ơn những cuộc khủng hoảng hiện tại vì nó là tiền đề cho tất cả các cuộc cách mạng trong tư tưởng.

Có bao điều muốn cảm ơn mà ngôn từ mộc mạc khô cằn này không sao diễn giải hết được. Tôi chẳng hiểu sao hôm nay lại muốn nói lời cám ơn nhiều đến thế. Muốn lời cảm ơn làm tràn đầy tất cả vũ trụ này. Đã có những lần thức giấc muốn túm lấy cổ mặt trời để oán trách. Nhưng mất mát rồi cho đi, buồn rồi vui, lên cao rồi xuống thấp, ghét rồi lại yêu… Mới nhận ra mình chỉ nên sống như thể chỉ một lần được sống. Là lần đầu và cũng là lần cuối. Sẽ chỉ chết một lần nên chỉ có một lần đau. Thôi thì cứ nói cảm ơn cuộc đời trong tất cả say sưa mệt mỏi. Càng mệt mỏi lại càng biết cách chán đời. Càng chán đời lại càng biết yêu quý những thiên đàng.

Cảm ơn đời. Cười thầm lặng. Nuốt từng giọt thời gian trôi. Sống trọn vẹn mỗi ngày, mỗi đêm. Sống với mỗi một cảm giác. Sống với những ý tưởng. Sống với những thơ mộng. Sống với những sầu mộng. Sống với những lãng mạn. Sống một cách thật tuyệt vời… Chỉ sống để biết cảm ơn.

Vu vơ thế thôi. Cảm ơn tất cả các bạn vì đã theo dõi các bài viết của tôi trong thời gian qua. Cảm ơn, cảm ơn…

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: pixel2013

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Ling – Người nghệ sĩ độc hành

3

Âm nhạc chiếm một phần lớn dường như 70% cuộc đời tôi. Tôi lớn lên cùng với nhạc rap, dòng nhạc mà thời ấy người ta kỳ thị vô cùng vì chỉ cần nhắc đến là người ta nghĩ ngay rằng rap là chửi nhau, đâm chém… Nên tôi cũng đã rất vật vã để sống chung với nó.

Tôi nhớ ngày ấy chưa có smartphone, tôi thì còn học cấp hai chưa có tiền bạc gì nhưng cũng ráng dành dụm để mua một cái MP4 rồi đi net để tải nhạc về nghe, tất cả đều là nhạc rap. Tôi nghe rap khi đi bộ đến trường, khi ở nhà, khi ngủ. Có lần đang ngủ say tôi bị mẹ lấy tai nghe để nghe lén và cấm tuyệt đối không cần biết nội dung bài nhạc là gì. Sau đó tôi cũng chuyển sang thể loại khác để nghe nhưng chẳng mấy lâu sau lại quay về với rap.

Lần này tôi không bác bỏ, từ chối nữa vì tôi tin chắc hẳn tôi có điều gì đồng điệu với thứ âm nhạc này. Mọi người xung quanh tôi không hiểu được rằng có những người nghệ sĩ tử tế với sản phẩm mình làm ra và nó không hề bẩn, nó rất có giá trị nhưng lại luôn bị phản đối, bác bỏ. Một trong những nghệ sĩ tử tế tôi muốn kể các bạn nghe là Ling.

Tại sao không phải những người nghệ sĩ nổi tiếng khác mà tôi lại chọn viết về anh? Vì tôi trân trọng âm nhạc của anh, tôi biết giá trị trong âm nhạc của anh không phải ai cũng có được. Chắc hẳn đây là một cái tên lạ lẫm với mọi người nhưng anh đã hoạt động nhạc rap từ rất nhiều năm trước một cách âm thầm lặng lẽ. Với tôi, anh như tạo ra âm nhạc chỉ đơn giản vì anh thích và cũng chẳng quan tâm rằng anh có bao nhiêu khán giả. Một kẻ độc hành riêng biệt.

Âm nhạc của anh đa phần mang một màu sắc cũ kỹ tưởng như những tấm ảnh phim đã cháy xém, đôi lúc giống như tiếng radio rè rè, luôn mang hình ảnh dịu dàng của người phụ nữ. Chủ yếu những bài nhạc của anh đều có bóng dáng người phụ nữ, người đàn bà, người con gái,… về tuổi thơ, gia đình và mang đến sự đồng cảm sâu sắc với những khán giả cũng từng trải qua những điều anh viết.

“Nếu bạn từng ngồi xổm bên bếp lửa
Nếu bạn từng lấy than rồi vẽ bậy lên mép cửa
Nếu bạn làm tất cả những việc đó vừa nghe rap tôi
Tôi cá với bạn rằng cảm xúc dâng trào lên gấp đôi.”
— Bếp của mẹ – Ling

Những bạn 8x, 9x có nhà ở quê sẽ hiểu được hoài niệm, ký ức đã ngủ quên từ lâu của mình được khơi dậy qua những lời nhạc cùng với nhịp điệu của Ling. Ling là vậy, luôn có những cảm xúc mãnh liệt qua câu chữ. Đôi lúc yếu mềm, đôi lúc mạnh mẽ, đôi lúc là sự cảm thông. Đó cũng là một phần lý do mà tôi yêu nhạc rap, nó khó nghe cằn cỗi nhưng không khô khan, nó cho ta tự do được nói ra tất cả những cảm xúc ta muốn nói. Cho ta quyền được chia sẻ cảm thông với cả người đàn bà xa lạ.

“Đã từng có tất cả những gì gọi là thời con gái ở nơi em
Có tất cả những gì được gọi là con đàn bà khi thằng khốn đó bỏ rơi em”
–Ô cửa sổ, cô gái và phận đàn bà – Ling

Và cho ta nói lên những sự thật trần trụi của cuộc sống. Ling đã thể hiện bằng cách kết hợp những tác phẩm văn học của cha ông hoà cùng với nhịp điệu hiện đại để nói lên thực trạng xã hội thời nay.

“Lũ dân đen chúng mày muốn kiện
Nhưng thậm chí vườn không đủ khoai
Đòi cuộc đời trước nhà Bá Kiến
Nhưng cuộc đời mày là của ai?”
— Ông Lý – Ling

Tôi theo dõi anh từ rất lâu, từ những ngày tháng anh ra nhạc thường xuyên rồi sau đó anh chuyển qua kiếm một cái nghề và từ đó nhạc cũng thưa thớt dần. Người nghệ sĩ có đam mê đến đâu cũng không vượt qua được chữ cơm – áo – gạo – tiền nhưng Ling đã không đem đam mê của mình đi bán như bao người khác. Anh chăm chỉ kiếm tiền, đôi lúc ra một bài nhạc post lên mạng cho khuây khoả cũng chẳng bao giờ mong cầu danh lợi, hào sang vì thế mà cũng ít người biết đến anh.

Có người nói âm nhạc của anh không thay đổi, bao nhiêu năm vẫn vậy. Nhưng cần gì phải thay đổi? Cứ mãi là anh thôi vì tôi chẳng quan tâm gì ngoài lời nhạc, câu từ của anh luôn mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc. Cần gì phải viết cao siêu, viết những bài nhạc viral, những chủ đề nóng sốt. Đa phần anh viết về gia đình, về mẹ, về những tình yêu thương con người với nhau. Chẳng phải tất cả những điều đẹp đẽ trên đời này đều xuất phát từ tình yêu sao? Tình yêu là cội nguồn cuộc sống, nó hiện hữu quanh ta nên ta cho rằng nó bình thường nhưng rõ ràng nó rất đáng để trân trọng và thể hiện qua âm nhạc.

“Con sinh ra bởi những người yêu con
Nên đừng chết bên những người xa lạ
Nếu cuộc đời lấy đi con tất cả
Hãy đứng lên để tìm lối về nhà.”
— Người trong gia đình – Ling

Nếu các bạn đang tìm một người nghệ sĩ thực sự, tìm hoài niệm, tình yêu gia đình hãy tìm đến nhạc của Ling. Bản chất âm nhạc của anh ấy không hẳn là rap truyền thống kiểu gangster nhưng là sự kết hợp hài hoà giữa rap và màu sắc rất Việt Nam, một chút mạnh mẽ nhưng lại dịu dàng và cổ điển.

Chúc anh thành công trên con đường mình đã chọn và nuôi dưỡng đam mê của mình mỗi ngày vì luôn có những người lặng lẽ theo dõi và ủng hộ anh.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: mp3.zing

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Xin lỗi! Tôi đếch quan tâm đến bạn!

0

Xin lỗi! Hôm nay tôi mặc một bộ áo quần không được hợp mốt thời trang, tôi đi một đôi giày đã lỗi thời, nói lời tục tĩu không lọt tai bạn, hành động ngu ngốc khiến bạn chướng mắt. Tất cả những gì được trang trí trên cơ thể, hành động, cử chỉ của tôi đều khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khi nhìn vào. Tuy tôi và bạn cùng hiện diện ở đây, nhưng chúng ta là hai không phải là một. Tôi và bạn sinh ra không thể hài hòa được trong một bản sao chép.

Xin lỗi! Tôi có chính kiến riêng của mình và tôi không muốn chỉ vì muốn đẹp mặt thuận bề bạn, phải giả vờ gật gù tất cả lý lẽ của bạn. Đối với tôi, chúng chỉ là một đống nhảm nhí không đáng giá trọng lượng nào. Tôi có thể giả vờ quá tâm đắc đều bạn nói, một cái gật đầu chẳng mất mát gì, rồi ậm ừ sang ngang. Tuy nhiên, tôi hy vọng bạn không trông chờ sự giả tạo đó từ tôi?

Xin lỗi! Tôi có thể gật đầu đồng ý với tất cả sự nhờ vả, nhưng tôi không đủ khả năng, tôi không nhiệt huyết muốn làm. Tôi có nên nói không trước khi phá tan tành kế hoạch của bạn. Có lẽ mất lòng trước được lòng sau.

Được rồi, có lẽ bây giờ bạn đã giận dữ và trở nên điên tiết với sự ngang ngạnh của tôi. Nhưng cơn giận đó có liên quan gì đến tôi? Bạn có nghĩ cơn tức giận đó bộc phát từ tôi?

Xin lỗi, tôi không có sứ mệnh chịu trách nhiệm với cảm xúc của bạn. Có thể tôi đã vô tình khiến bạn phải hộc máu bởi lời lẽ ngu xuẩn của tôi. Nhưng nghĩ xem tôi không sinh ra để mang vác trên vai trách nhiệm gồng gánh cảm xúc của bạn. Tôi biết mọi người đều trông chờ sự hạnh phúc, ngay chính tôi cũng đang khát khao điều đó. Nhưng việc bạn đang đau khổ hạnh phúc, bạn vui buồn giận dữ, không nằm trong khả năng của tôi. Tôi có thể khuyên nhủ tâm trí mình, lừa gạt nó rằng tôi đang rất hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi không đủ quyền năng để điều khiển cảm xúc của bạn.

Xung quanh bạn có lẽ đang bị bao quanh bởi rất nhiều người sẵn sàng làm hài lòng bạn nếu bạn là sếp của họ, bạn là người mang lại lợi ích cho họ, họ cần sự ca ngợi tán dương từ bạn… Chấp nhận thỏa hiệp với tất cả sự vô lý trong bạn chỉ để duy trì mối quan hệ hời hợt. Mọi người ba hoa dối trá không có nghĩa tôi cũng có trách nhiệm như thế với bạn?

Ai mà chẳng thích được tán dương ca ngợi trước đông người. Có thể bạn sẽ dành cho tôi vô số lời lẽ có cánh, kể lể thưa trình với hàng xóm láng giềng về một con người gần gũi và thân thiện là tôi. Thì được gì với tôi nào?

Tôi không cần ai đó công nhận về những đức hạnh con người tôi. Tự thân tôi đã là một người như thế. Nếu có ai đó nói khác đi, thực chất chỉ là vì họ không hiểu tôi. Điều đó có nghĩa rằng họ không đủ tư cách khi nhắc đến tên tôi. Tôi không có ý đặt lòng tự trọng của tôi vào những suy nghĩ trong bạn. Vậy nên, cứ thoải mái đánh giá hay phán xét đi. Dù sao tôi cũng chỉ được lập trình sẵn để hổ thẹn với chính bản thân mình. Không phải tôi là người thế nào, chuyện tôi cố tỏ ra mình là người thế nào mới thực sự đáng sợ. Bạn có nghĩ vậy?

Bạn không sinh ra đôi mắt để làm kẻ đui mù, không sinh ra đôi tai để trở thành tên điếc. Bạn thiếu thốn đức tin ở đời sống đến mức cần bám dựa vào sự dối trá mới có thể đứng vững vàng? Bạn có muốn bị tôi đánh lừa rồi đi đánh lừa người khác?

Tôi nghĩ chấp nhận con người tôi sẽ khiến lòng kiêu hãnh trong bạn bị tổn thương, nhưng bạn có tin rằng nơi đó rồi sẽ mọc lên những bông hoa tuyệt đẹp. Tôi không muốn nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng cái nhìn từ người khác, nói dối một cách khéo léo và thở dài trong tận đáy lòng.

Một vở diễn hay không phải vì được diễn bằng những diễn viên kiệt xuất, mà nó thành công bởi những giá trị ý nghĩa nhân văn. Những tên diễn viên chỉ luôn là những kẻ huênh hoang khoác lác muốn có nhiều khán giả nhìn vào mình mà thôi. Tôi quả đã chán ghét, bày đặt ra chính mình. Chúng ta không cần thiết phải buộc chặt mình vào những vở kịch.

Xin lỗi! Trình bày lê thê đến thế rồi nhưng bạn vẫn không chịu cảm thông. Vậy thì cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này, chúng ta nên chọn việc không nhìn thấy nhau. Chúng ta đều có cuộc sống riêng và không ai đủ khả năng cho phép người khác đặt chân vào cuộc sống đó. Mọi thứ đã quá chật chội, không còn đủ diện tích để những định kiến của người khác được phép áp đặt vào.

Xin lỗi! Dù thật khó nghe nhưng đến đây tôi bắt đầu đếch quan tâm đến bạn rồi đấy!

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: kholisrevenge

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2