31 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 105

Đến ăn mày cũng còn có chủ nhật

1

[1087 chữ, 4 phút đọc]

Hôm qua xem xong một bộ phim. Có gã ăn mày đóng cửa không làm việc vào ngày chủ nhật, từ chối nhận tiền bố thí của một người lương thiện bước ngang qua. Bỗng nhiên thấy gã ăn mày này sống nhân văn quá. Vậy nên tôi cũng cố gắng dẹp bỏ tất cả mọi sự, rồi bước lang thang giữa phố xá, rồi tự hỏi mình đang đứng nơi nào trong sự hỗn loạn của cuộc sống.

Hôm nay là chủ nhật, đến mai các bạn đọc được bài viết có lẽ đã là thứ hai, hoặc thứ ba, mặc kệ bài cho đăng vào thứ mấy, tôi cũng đã dành một buổi chiều chủ nhật quý báu ngồi lì trên gác và viết ra mấy dòng chữ vớ vẩn. Để làm gì, để kể cho các bạn nghe đến ăn mày nó cũng còn có ngày chủ nhật.

Chúng ta càng lúc càng làm việc nhiều hơn, chẳng khác gì máy móc trong các khu công nghiệp, hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Ngày chủ nhật vẫn phải còn tăng ca. Càng làm việc lại càng thấy sự vô nghĩa trong những gì mình đang làm. Chúng ta lướt qua mặt đất để cho xã hội xô đẩy, như những nô lệ, tự đeo gông đeo xích rồi tự trói mình lại với công việc như một con thiêu thân lao vào công việc, rồi buông lời oán than, tố cáo đời sống khắc nghiệt, khinh bỉ cuộc sống tầm thường, mong muốn một cuộc sống thanh bình trong khi tự thân mình đã cưỡng ép thanh bình phải bước di động lẽo đẽo theo sau công việc.

Cuộc sống mất đi và chúng ta thì vẫn còn đang ảo tưởng mơ mộng về nó. Tự lúc nào đã biến thành quỷ thành ngợm, mà cứ nghĩ vẫn còn đang là con người. Muốn làm việc để được sống con người rồi đánh mất thân phận con người trong công việc. Tự dùng sự tỉnh táo để giải thoát tâm trí khỏi những cơn mê, không biết sự tỉnh táo tự huyễn đã biến thành một thứ ảo tưởng vô phương cứu chữa. Cứ làm việc đi, lao vào công việc đi, rồi đến lúc bàng hoàng nhận ra tên tuổi, quyền lực, địa vị, tài sản rồi sẽ đến ngày bịt khăn trắng mà dự đám tang cho linh hồn mình lúc nào chẳng hay.

Tự huyễn mình tự do được lựa chọn công việc, cuộc sống của mình sao? Nghĩ rằng chỉ có những kẻ đang ngồi sau song sắt mới là kẻ nô lệ chịu kiếp tù đày sao? Chúng ta cũng đâu khác gì họ, tự bỏ tù mình trong phòng giam, ngập tràn những đống tài liệu và hồ sơ dang dở chưa xử lý xong. Muốn ra phố dạo mát một vòng, ghé vào quán cà phê tán gẫu với em nào xinh đẹp đang vắt chân đọc sách bên ô cửa kính. Chỉ chừng đó thôi cũng không thể thì khác gì đâu một tên tù nhân. Tên tù nhân hôm nay còn đang mơ màng bên song chắn ngắm nhìn lên bầu trời cao trong xanh, đôi lúc gã còn tự hỏi mây đang trôi về đâu? Gã còn có thời gian để mỉm cười với tên tử tù bên cạnh. Mấy gã còn chào hỏi nhau vài ba câu.

Đừng có đổ lỗi cho trách nhiệm này trách nhiệm kia, ngụy biện là hành động của một gã tội phạm đang cố gắng biện minh cho những lỗi lầm sai trái. Ngay đến gã ăn mày cũng có ngày chủ nhật mà sao chúng ta vẫn phải ngồi ngập mặt trong phòng làm việc. Không làm việc một ngày thì có chết được đâu? Có làm thêm một ngày thì cũng đâu có giàu hơn là mấy? Có làm kẻ chiến thắng trong công việc hôm nay thì cũng chỉ là một tên thất bại trong gia đình và chính mình. Chủ nhật là phải đi đây đó dạo mát, chủ nhật là phải ăn một bữa cơm gia đình. Chủ nhật mà chẳng khác gì một tên bị tù rồi ngạo nghễ cười chê mấy thằng bị đi tù. Mình với nó có khác gì là mấy? Đạo đức lương tâm cũng kẻ chín lạng người một cân. Bày đặt tưởng tượng rồi đề cao nhân phẩm bản thân, đằng nào thì cũng chỉ là những thằng kém cỏi không thể tự làm chủ đời sống. Thôi hạ màn đi, cứ diễn mãi một vở tuồng xem ra cũng thấy ngán ngẩm. Sự ngây thơ của kẻ bị nô lệ và sự già dặn của những kẻ giả vờ được tự do giữa đời sống, nghe ra thì khác nhau, chung cuộc cũng chỉ là kiếp làm tôi tớ bị trói vào những song sắt.

Dù sao mỗi ngày thức dậy cũng trông thấy bao nhiêu xác chết nằm chồng chất từ ngày này sang ngày kia từ bao lâu nay. Có sợ hãi thêm một ngày thì nấm mồ tương lai cũng đã đào sẵn. Trước sau gì khói bụi cuộc đời rồi cũng trở về với tàn tro. Nghỉ ngơi một ngày đi các anh các chị. Tuổi trẻ rồi tuổi già, trước khi đặt chân vào đời thì định mệnh cũng đã gọi tên từ mấy vạn năm trước. Đừng có cố đốt cháy da thịt, đừng cố đốt cháy linh hồn, cứ mạnh mẽ mà nhìn vào sự trần trụi của đời sống này đi, vui một ngày rồi khóc cho trọn một ngày, đau khổ một ngày rồi đắm say một ngày, ngày nào cũng không phải chủ nhật nhưng hôm nay đích thực là ngày cuối tuần.

Ngày cuối tuần tôi đã nhìn thấy gã ăn mày được nghỉ ngơi nên tôi cũng cần được nghỉ ngơi. Vậy mà tôi lại ngồi đây vào ngày chủ nhật để viết mấy dòng vớ vẩn này. Tôi cũng chỉ là một đứa tù tội ngu đần hết nói. Nhưng bởi có người đọc nó và ngày chủ nhật không còn là ngày làm việc của họ thì ngày chủ nhật của tôi phải chăng hóa thành con chim chắp cánh bay đi. Bay đi hỡi cánh chim tự do, mang tự do theo thật xa, đến những vùng trời tự do, nơi đó có những con người tự do đang trông chờ.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Pexels

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Translation™] Những điều tốt đẹp nhất trong đời đều trái ngược

1

E-T-4

(2770 chữ, 11 phút đọc) Có một bài tập trong chương trình huấn luyện Hải quân SEAL gọi là “chống chết chìm” (drown-proofing) trong đó người ta buộc tay bạn vào sau lưng, trói chân bạn lại, và ném bạn xuống một bể bơi sâu 9-foot-deep (2.7 mét).

Nhiệm vụ của bạn là sống sót qua 5 phút.

Giống như hầu hết các chương trình huấn luyện của SEAL, gần như mọi sĩ quan đều không vượt qua bài drown-proofing này. Khi họ bị quăng xuống nước, nhiều người bắt đầu hoảng sợ và hét lên muốn được kéo trở vào. Một số thì vật lộn tới khi họ trượt xuống nước, bắt đầu mất ý thức và phải chờ tới khi được kéo lên và sốc lại. Trước đây thậm chí đã từng có một số thực tập sinh mất mạng trong bài tập này.

Nhưng một số thì thành công. Và họ thành công nhờ hiểu được hai bài học nghe như nghịch lý.

Sự nghich lý trong bài học thứ nhất: bạn càng vùng vẫy để giữ đầu ở trên mặt nước, thì bạn càng dễ chìm hơn.

Khi mọi cánh tay và cẳng chân bị trói lại, bạn sẽ không thể giữ cả người trên mặt nước trong suốt năm phút. Tệ hơn, những nỗ lực có hạn để giữ mình không chìm sẽ chỉ khiến bạn chìm nhanh hơn. Bí quyết ở đây là thực sự để cơ thể bạn chìm xuống đáy bể. Từ đó, bạn nhẹ nhàng đạp chân đẩy mình khỏi sàn bể một chút và động lượng sẽ đưa bạn lên trên mặt nước. Một khi tới đó, bạn hãy lấy một hơi thở nhanh và làm lại quá trình ấy một lần nữa.

Thật lạ, sống sót qua quá trình drown-proofing không cần bạn phải có thể lực hay sức chịu đựng của một siêu nhân. Bạn thậm chí chẳng cần phải biết bơi. Ngược lại, nó đòi hỏi khả năng không bơi. Thay vì cố gắng chống lại những quy luật vật lý mà dường như sẽ giết chết bạn, hãy đầu hàng chúng và sử dụng chúng để cứu chính mình.

Bài học thứ hai trong drown-proofing thì rõ ràng hơn một chút, nhưng cũng nghịch lý: bạn càng hoảng sợ thì bạn càng đốt cháy nhiều oxy hơn và từ đó càng dễ bất tỉnh và chết chìm hơn. Một cách thâm hiểm, bài tập này khiến những bản năng sinh tồn của bạn chống lại chính bạn: bạn càng cố gắng hít thở bao nhiêu, bạn càng có ít cơ hội để thở. Mong muốn sống càng mãnh liệt, tỉ lệ chết càng tăng cao.

Không chỉ là một bài kiểm tra thể lực, drown-proofing là bài kiểm tra khả năng kiểm soát cảm xúc của mỗi sĩ quan trong những tình huống nguy hiểm nhất. Liệu anh ta có thể kiểm soát được sự thúc giục trong bản thân mình? Liệu anh ta có thể thả lỏng người trong thời khắc đối mặt với tử thần? Liệu anh ta sẽ sẵn lòng liều mạng để phục vụ những giá trị hay mục tiêu cao cả hơn?

Những kĩ năng ấy quan trọng hơn rất nhiều so với khả năng bơi lội của bất cứ sĩ quan nào. Chúng quan trọng hơn sự dẻo dai, sức bền thể lực, hay tham vọng của anh ta. Chúng quan trọng hơn trí thông minh của anh, ngôi trường anh ta học, hay vẻ đẹp trai khi anh ta diện bộ suit Ý bóng loáng.

Kĩ năng này—khả năng từ bỏ kiểm soát khi ta muốn nó nhất—là một trong những kĩ năng quan trọng nhất một người có thể phát triển. Nó quan trọng không chỉ cho SEAL, mà còn cho cả cuộc sống.

Hầu hết người ta cho rằng quan hệ giữa nỗ lực và thành quả đơn thuần là một-một. Chúng ta hay nghĩ rằng làm việc nhiều gấp đôi đồng nghĩa với kết quả lớn gấp đôi.

Rằng quan tâm người kia gấp đôi sẽ khiến mỗi người cảm thấy được yêu thương gấp đôi. Rằng hét lên quan điểm của bạn to gấp đôi thì bạn sẽ đúng gấp đôi.

linear-curve-640x611

Giả định ở đây là cuộc sống hầu như chạy trên một đường tuyến tính, rằng tỉ lệ một-một giữa nỗ lực và thành quả áp dụng cho mọi điều.

Nhưng xin để tôi nói với bạn là—như một người vừa uống lượng Red Bull gấp đôi để sửa xong bài viết này—giả định ấy gần như không bao giờ đúng. Cả thế giới này hầu như không tuân theo cái đường tuyến tính ấy. Những quan hệ tuyến tính chỉ tồn tại cho những việc cần ít tâm trí, theo thói quen hay lặp đi lặp lại—lái xe, điền chồng giấy tờ, dọn nhà vệ sinh, v.v. Trong tất cả những trường hợp này, hai tiếng đồng hồ làm việc sẽ tạo ra kết quả gấp đôi so với một tiếng. Nhưng đó đơn giản là vì những việc ấy không yêu cầu suy nghĩ hay kĩ năng nào.

Hầu hết hoạt động trong cuộc sống không đi theo đường thẳng nỗ lực/thành quả tuyến tính vì chúng không đơn giản hay máy móc. Hầu hết hoạt động đều phức tạp, đòi hỏi cố gắng từ tinh thần và/hoặc cảm xúc, và yêu cầu sự thích nghi. Vì thế, hầu hết hoạt động đều tạo ra một đường cong hiệu suất giảm dần:

diminishing-returns-640x611

Hiệu suất giảm dần nghĩa là bạn càng trải nghiệm điều gì đó nhiều, thì thành quả nó mang lại càng ít. Ví dụ kinh điển cho điều này là tiền bạc. Khác biệt giữa thu nhập $20,000 và $40,000 thực sự lớn và có khả năng thay đổi một cuộc đời. Nhưng khác biệt giữa thu nhập $120,000 và $140,000 chỉ có nghĩa là chiếc xe của bạn có ghế sưởi tốt hơn. Khác biệt giữa thu nhập $127,020,000 và $127,040,000 về cơ bản là sai số làm tròn khi khai thuế.

Khái niệm hiệu suất giảm dần áp dụng với hầu hết những trải nghiệm phức tạp và mới lạ. Số lần bạn tắm mỗi ngày; số cánh gà bạn hít phải trong giờ giảm giá; số chuyến đi về nhà thăm mẹ mỗi năm—đây đều là những trải nghiệm đầy giá trị trong lần đầu tiên nhưng sẽ giảm dần giá trị khi bạn thực hiện chúng nhiều hơn (xin lỗi mẹ).

Một ví dụ khác: các nghiên cứu về hiệu suất làm việc chỉ ra rằng chúng ta chỉ thực sự hiệu quả trong bốn đến năm tiếng đầu tiên mỗi ngày. Mọi thứ sau đó sẽ trải qua sự giảm hiệu suất nghiêm trọng, đến mức mà sự khác biệt giữa làm việc 12 giờ và 16 giờ là gần như bằng không (chưa tính đến chuyện thiếu ngủ).

Quan hệ với bạn bè cũng tuân theo đường cong hiệu suất giảm dần. Có một người bạn là tất yếu. Có hai người bạn hiển nhiên là tốt hơn. Nhưng có 10 người bạn so với 9 thì cũng chỉ thay đổi cuộc sống chút ít. Và có 21 người bạn thay vì 20 chỉ khiến cho bạn thêm khó khăn nhớ tên họ.

Tình dục cũng có hiệu suất giảm dần, ăn uống, ngủ nghỉ, uống rượu, tập gym, đọc sách, nghỉ mát, tuyển dụng, caffein, tiết kiệm, hội họp, ôn thi, thủ dâm, thức khuya chơi điện tử cũng thế—và danh sách ví dụ dài vô tận. Tất cả cho bạn thành quả ít hơn khi bạn thực hiện chúng nhiều hơn, cố gắng hơn, hay có nhiều hơn. Tất cả tuân theo hiệu suất giảm dần.

Nhưng có một đường cong khác, mà bạn có lẽ chưa từng xem hay nghe tới nó trước đây—do đây phần nhiều là một khái niệm tôi tự nghĩ ra. Đó là đường cong nghịch đảo:

inverted-curve-640x611

Đường cong nghịch đảo là đường cong lạ kì của “Vùng Chạng Vạng”, khi nỗ lực và thành quả tỉ lệ nghịch với nhau—nghĩa là, bạn càng đặt nhiều nỗ lực vào việc gì, bạn càng thất bại trong việc đó.

Drown-proofing tuân theo một đường cong nghịch đảo. Bạn càng cố gắng ngoi lên mặt nước, bạn càng thất bại. Tương tự, bạn càng khao khát để thở, bạn càng dễ sặc vài ngụm nước hồ hòa nước tiểu.

Tôi biết là bạn đang nghĩ, “Thế thì sao, Mark? Tôi đã nốc quá nhiều piña colada để chìm xuống đáy bể rồi đấy, chưa kể tay chân còn bị trói chặt rồi lại phải cố gắng sống sót. Bố ai mà quan tâm đến đường cong nghịch đảo cơ chứ?”

Đúng, chỉ một vài điều trong cuộc sống tuân theo đường cong nghịch đảo. Nhưng một vài điều ấy lại cực kì quan trọng. Thực ra, tôi cho rằng những trải nghiệm và mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời đều tuân theo đường cong nghịch đảo.

Nỗ lực và thành quả tỉ lệ thuận với nhau khi hành động đơn giản và máy móc. Nỗ lực và thành quả có quan hệ hiệu suất giảm dần khi hành động phức tạp và nhiều chiều hơn.

Nhưng khi hành động hoàn toàn thuộc về tâm lý—trải nghiệm chỉ tồn tại bên trong ý thức của chúng ta—quan hệ giữa nỗ lực và thành quả trở thành nghịch đảo.

Mưu cầu hạnh phúc sẽ kéo bạn ra xa khỏi nó. Nỗ lực để kiểm soát cảm xúc tốt hơn chỉ khiến bạn mất kiểm soát. Khát khao cho sự tự do to lớn hơn thường khiến ta cảm thấy bị mắc bẫy. Nhu cầu được yêu thương và chấp nhận ngăn cản chúng ta yêu thương và chấp nhận chính bản thân mình.

Aldous Huxley từng viết,

“Chúng ta càng cố gắng làm điều gì với ý chí có ý thức của mình bao nhiêu, thì chúng ta càng khó thành công bấy nhiêu. Thành thạo và thành quả chỉ đến với những người đã học được nghệ thuật đầy nghịch lý của việc làm và không làm, hay hoà hợp được nghỉ ngơi và hành động.”

Những phần cốt lõi nhất trong tâm trí con người đều đầy nghịch lý. Đó là bởi khi ta cố gắng tạo ra một trạng thái tâm thức nào đó một cách có ý thức, sự mong muốn trạng thái tâm thức ấy lại tạo nên một trạng thái tâm thức khác biệt và thường đối lập với cái mà chúng ta muốn tạo.

Đây chính là “Luật Trái ngược” tôi đã giải thích trong Chương 1 của Nghệ Thuật Tinh Tế của Việc Đếch Quan Tâm: mong muốn một trải nghiệm tích cực bản thân nó đã là một trải nghiệm tiêu cực; chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực.

💝 Bạn thích đọc các bài viết trên THĐP? Hãy ủng hộ cho chúng tôi một ít tình yêu để THĐP có thể duy trì lâu dài và mang đến cho mọi người những nội dung chất lượng nhất, THĐP chân thành cảm ơn ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📝Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2

Song điều này áp dụng với hầu hết—nếu không muốn nói là tất cả—các khía cạnh của sức khoẻ tinh thần và các mối quan hệ:

1. Kiểm soát—Ta càng cố gắng kiểm soát những thôi thúc và cảm xúc của chính mình bao nhiêu, ta càng thấy bất lực bấy nhiêu. Đời sống cảm xúc của chúng ta là bất kham và thường không thể kiểm soát, và mong muốn kiểm soát nó sẽ chỉ khiến nó tệ đi. Ngược lại, chúng ta càng chấp nhận những cảm xúc và thôi thúc, chúng ta càng biết cách định hướng và xử lý chúng.

2. Tự do—Mong muốn triền miên có nhiều tự do hơn trớ trêu thay giới hạn chúng ta theo nhiều cách. Tương tự, ta chỉ thực sự tự do khi ta giới hạn chính mình—bằng việc chọn và tuân theo một vài điều trong cuộc sống.

3. Hạnh phúc—Cố gắng hạnh phúc chỉ khiến ta thêm bất hạnh. Chấp nhận sự bất hạnh lại khiến ta hạnh phúc.

4. An toàn—Cố gắng khiến mình cảm thấy an toàn hơn tạo ra nhiều cảm giác bất an hơn. Ngược lại, trở nên thoải mái với sự bất định lại cho phép ta cảm thấy an toàn.

5. Tình yêu—Chúng ta càng cố gắng khiến người khác yêu và chấp nhận ta, thì càng ít cơ hội họ làm như vậy, và quan trọng nhất, càng ít cơ hội ta yêu và chấp nhận chính mình.

6. Tôn trọng—Chúng ta càng đòi hỏi sự tôn trọng, thì người khác càng ít tôn trọng ta. Chính ta khi tôn trọng người khác nhiều hơn, họ sẽ tôn trọng ta nhiều hơn.

7. Niềm tin—Ta càng cố gắng khiến mọi người tin mình thì họ càng ít tin ta hơn. Khi ta tin người khác nhiều hơn, họ cũng tin ta nhiều hơn.

8. Tự tin—Càng cố gắng cảm thấy tự tin bao nhiêu, thì càng cảm thấy bất an và lo lắng bấy nhiêu. Khi chúng ta biết cách chấp nhận lỗi lầm của mình hơn, chúng ta sẽ thoải mái hơn khi là chính mình.

9. Thay đổi—Càng mong muốn thay đổi bản thân chúng ta càng thấy mình chưa thay đổi đủ. Trong khi đó, càng chấp nhận bản thân mình thì chúng ta càng phát triển và trưởng thành, vì chúng ta sẽ rất bận rộn với những điều thú vị và mới mẻ đến mức chẳng nhận ra điều đó nữa.

10. Ý nghĩa—Chúng ta càng theo đuổi một mục đích hay ý nghĩa sống sâu sắc hơn, thì chúng ta càng trở nên tự ám và nông cạn hơn. Chúng ta càng thêm vào ý nghĩa cho cuộc sống của những người khác, chúng ta sẽ càng cảm thấy những ảnh hưởng sâu sắc hơn.

Những trải nghiệm tâm lý, nội tâm này tuân theo đường cong nghịch đảo vì chúng vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của một thứ duy nhất: tâm trí của chúng ta. Khi bạn khát khao hạnh phúc, tâm trí của bạn cùng lúc ấy chính là thứ đang khao khát và trở thành mục tiêu của chính những khao khát trong nó.

Khi nói tới những mục tiêu cao cả, trừu tượng, hiện sinh này, tâm trí của chúng ta giống như một chú chó mà sau một đời đuổi bắt thành công nhiều sinh vật bé nhỏ, quay đầu lại và áp dụng chiến thuật tương tự với cái đuôi của chính mình. Với con chó, điều này có vẻ logic. Dù sao thì rượt đuổi cũng đã giúp nó tóm được mọi thứ khác trong đời mình. Thế thì cái đuôi cũng đâu có gì khác?

Nhưng một con chó không bao giờ bắt được đuôi của chính nó. Càng đuổi, đuôi nó càng chạy đi. Đó là bởi chú chó không có một góc nhìn để nhận ra rằng nó và đuôi nó chính xác là một.

Việc bây giờ là hãy nhìn thẳng vào tâm trí bạn—một thứ tuyệt vời đã học được cách đuổi bắt nhiều sinh vật suốt đời nó—và bảo nó đừng đuổi bắt đuôi mình nữa. Bảo nó đừng đuổi theo ý nghĩa và tự do và hạnh phúc nữa vì chúng chỉ khiến nó rời xa hơn thôi. Bảo nó rằng nó sẽ đạt được điều nó muốn khi biết từ bỏ ham muốn. Chỉ cho nó rằng cách duy nhất để trồi lên mặt nước là để cho bản thân mình chìm xuống.

Và chúng ta làm điều này bằng cách nào? Bằng cách buông bỏ, từ bỏ, đầu hàng, quy phục. Không phải vì yếu đuối, mà vì sự tôn trọng với một sự thật rằng thế giới vượt quá đôi tay của chúng ta. Nhận ra rằng chúng ta thật mỏng manh và hữu hạn và chỉ là những hạt bụi tạm thời trong dòng thời gian vô tận. Bạn làm được điều đó khi biết buông bỏ kiểm soát, không phải vì bạn thấy bất lực, mà vì bạn thực sự mạnh mẽ. Vì bạn quyết định buông bỏ những điều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn. Bạn quyết định chấp nhận rằng đôi khi, người ta không thích bạn, đôi khi bạn sẽ thất bại, và thường là bạn đếch biết mình đang làm gì.

Bạn dựa lưng vào nỗi sợ và sự bất định, và ngay khi bạn nghĩ rằng mình sắp chết chìm, khoảnh khắc bạn chạm đến đáy bể, nó sẽ phóng bạn trở lại sự cứu vớt của cuộc đời.


Tác giả: Mark Manson
Dịch: Sang Doan
Review: Nguyễn Hoàng Huy

Featured image: Pezibear

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tuổi già muốn nói gì với tuổi trẻ?

2

[988 chữ, 4 phút đọc]

Tuổi trẻ: Ông đã đi qua tuổi trẻ, bước một bước hiên ngang qua lằn ranh giữa tôi và ông. Chân lý nào đã được ông ghi dấu lên trời cao khi nhìn lại chặng đường ông đã đi qua. Hãy kể cho tôi nghe những khác biệt giữa chúng ta, hãy giúp tôi điền vào ô trống mơ màng đó. Điều mà tôi vẫn luôn tự hỏi liệu tôi của mấy mươi năm về sau sẽ biến thành một lão già thế nào?

Tuổi già: Tuổi trẻ ngươi bắt đầu chết đi khi tính vị kỉ bắt đầu buông tha ngươi. Nhưng nó không phải là một sự kết thúc. Nó là hạt mầm vừa được gieo vào một khu vườn mới. Trong khu vườn đó, tuổi già bắt đầu nảy chồi khi ngươi nhận ra mình bắt đầu sống cho những người khác. Biết quan tâm đến cảm nhận của người khác, thay vì chỉ chăm chăm nghĩ cho riêng mình. Ngươi có thể kiểm soát tất cả cảm xúc của chính mình chứ không máu anh hùng vác trâu cày đi đánh trận. Coi những khó khăn, vấp ngã, thất bại như những trải nghiệm đáng giá, hiểu thế nào là kiên nhẫn, giác ngộ ra cho đi và nhận lại là một nghệ thuật…

Tuổi trẻ: Ý ông là tuổi trẻ chúng tôi chỉ luôn biết sống cho bản thân mình?

Tuổi già: Ngươi đang sống phơi phới trong những ngày thanh xuân tươi đẹp, hơn ai hết ngươi có thể tự chất vấn chính bản thân ngươi. Có phải tuổi trẻ ngươi bao giờ cũng có nhiều lạc thú, gần gũi với ngươi nhất là cái sự ngươi vẫn luôn miệng hô vang “đam mê”. Nhưng ngươi cũng mang trong lòng rất nhiều phiền muộn. Đã bao đêm ngươi gối đầu để trả lời tại sao tuổi trẻ lại luôn luôn thế?

Tuổi trẻ: Vì đó là bản chất hình dáng tuổi trẻ.

Tuổi già: Tuổi trẻ các người vẫn luôn ngụy biện cho cái lý do đó. Các ngươi tỏ vẻ hiểu biết về chính mình. Nhưng các ngươi không biết, các người đã tự học thuộc lòng sẵn một câu trả lời rồi đọc nó răm rắp trong khi chẳng biết lời lẽ mình vừa thốt ra là gì.

Tuổi trẻ: Ông nghĩ rằng ông tường tỏ chúng tôi hơn bản thân chúng tôi, những kẻ đang sống và vật lộn với nó?

Tuổi già: Ngươi quên ta cũng đã từng là các ngươi. Tuổi trẻ các ngươi chỉ luôn nghĩ đến mình mà thôi. Các ngươi luôn tỏ ra quan trọng thái quá tất cả những sự mà ngươi gọi là ước vọng và ý niệm. Các ngươi tự ban phát cho mình cái ân huệ được hưởng trọn tất cả lạc thú. Bập bẹ đánh vần rồi bàng hoàng nhận ra lạc thú bao giờ cũng là sự trá hình của phiền muộn. Nên lúc nào cũng bày vẻ u sầu rủ rượi. Tệ nhất là những kẻ ảo tưởng muốn chấm dứt đời sống khi ước nguyện không thành, mộng mị tan tành khi không chạm đến  những thứ chẳng thể nào sờ mó. “Sống trọn tuổi trẻ.” “Sống như chưa bao giờ từng được sống.”…Các ngươi vẫn luôn hùng hổ, thế rồi các ngươi đã sống sao, không sống như được sống thì một cái nháy mắt ngươi cũng biến thành lão già lụ khụ ốm o, cũng chẳng chết được.

Tuổi trẻ: Chỉ bởi các ông già quá nên đâm ra sợ hãi cái chết. Không sống được như con người thà chết quách đi.

Tuổi già: Bao giờ ngươi sống đến cho bằng tuổi ta, hiểu cho thấu thế nào là giây phút thiên thu, tuổi trẻ các ngươi chỉ thích nói đến cái chết nhưng lại không bao giờ thực sự nghĩ về nó. Đối với ngươi, đời sống có lẽ vẫn còn dài đằng đẵng.

Tuổi trẻ: Thế thì đã sao?

Tuổi già: Thì đâu có sao với hầu hết thiên hạ. Rồi sẽ đến lúc hoàn cảnh thay đổi, ngươi bắt đầu sống cho người khác. Không phải cho bất kỳ một lý do đức hạnh nào. Rồi bỗng nhiên một ngày ngươi muốn thế. Hầu như các ngươi bắt đầu đánh mất tính vị kỉ khi một gia đình nhỏ khởi sinh cho tất cả mọi sự. Những đứa bé chào đời mang đến cho ngươi những tước vị. Ước vọng tuổi trẻ nhường vị trí cho trách nhiệm đang suốt ngày lởn vởn trong tâm trí ngươi. Có một sự khác biệt rõ rệt. Con người tuổi trẻ muốn chơi đùa, tuổi già trưởng thành thì chỉ muốn làm việc. Tuổi trẻ các ngươi không bao giờ nghĩ đến con cái, nhưng đến một ngày nhận ra mọi sự cuộc sống cũng chỉ hướng về chúng. Các ngươi luôn cảm thấy mất thăng bằng khi nghĩ đến những điều này và một mực khăng khăng không bao giờ đánh đổi tuổi trẻ của mình cho những sự rách việc này. Đó chính là cái sự mà ta đang muốn nói. Bọn già chúng ta, hạnh phúc khi biết mình sống cho người khác hơn là việc chỉ sống cho chính mình.

Tuổi trẻ: Có lẽ tôi sẽ hiểu điều ông nói. Khi tôi bằng tuổi ông.

Tuổi già: Một điều khác biệt quan trọng nữa ngươi sẽ nhìn ra. Tuổi trẻ các ngươi luôn là những kẻ giả vờ khôn ngoan như những ông cố nội của bọn ta trong khi miệng thì còn hôi sữa đang tuổi cắp sách đến trường.

Tuổi trẻ: Nói như ông có lẽ tôi phải gửi lời xin lỗi đến tất cả các vị tiền bối đã xuất hiện trong đời tôi.

Tuổi già: Ta nghĩ chúng nó cũng chẳng trách móc ngươi, ta cũng thế.


Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Monoar

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chúng ta sống thế nào trong thế giới ảo?

0

Hầu hết giới trẻ Việt Nam hiện nay hiện diện trên mặt đất trần gian này trong những bộ cánh sành điệu rất hợp mốt thời trang, vì đó là tiêu chuẩn cơ bản để họ xuất hiện trên trang cá nhân nhà mình, một công trình kiến trúc đáng giá kỳ quan thế giới được cất công xây dựng.

Nó thuộc một hành tinh mới, có lẽ khoa học đã chứng minh, có những người không còn ước muốn được sinh sống trên trái đất nữa, mọi người đang tiến hành một cuộc di cư dần dần vào thế giới ảo. Bạn có thắc mắc họ sống thế nào trong đó?

Tất nhiên họ không thể đơn độc. Họ thiết lập cộng đồng nhân loại hiệu quả trong thế giới mới bằng rất nhiều mối quan hệ. Rất dễ dàng để xây dựng một mối quan hệ mật thiết trên đó, một cú nhấp vào “chấp nhận”. Chúng ta từ đây huynh đệ tương trợ sống chết có nhau. Những huynh đệ đồng môn trăm năm chưa thấy say với nhau một chén rượu nồng, thỉnh thoảng có lướt qua nhau vài ba lần, nhưng thôi kệ, đường còn dài và còn lắm chông gai, thực sự là không đủ thời gian để trau chuốt cho mối bằng hữu này được.

Tôi chỉ có đủ thời gian để trang điểm cho bản thân tôi, chẳng phải mọi người cũng hùng hổ tuyên truyền hãy biết yêu quý chính mình trước khi học cách yêu quý người khác. Vậy nên tôi luôn cố gắng chứng minh cho mọi người được tận mắt trông thấy đời sống sang chảnh của tôi. Tôi thường xuyên đến dự tiệc trong nhà hàng hạng sao, cuối tuần tụ tập bạn bè hay thỉnh thoảng vẫn check in trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp… Mọi người không còn lo lắng bất an cho tôi khi trông thấy đời sống tôi tao nhã sung túc.

Đó là một thế giới mà tôi có thể hấp thụ được rất nhiều năng lượng, chúng tiềm ẩn khả năng biến tôi thành anh hùng thời đại. “Nào, 1000 like trần truồng chạy rong ngoài đường.” hoặc kiểu “Nếu đủ 1000 like sẽ đốt trường.” Có nằm mơ tôi cũng chẳng bao giờ tưởng tượng rồi có ngày mình trở nên mạnh mẽ can đảm chẳng khác gì Héc Quyn (Hercules).

Đó là một thế giới mà bưu chính viễn thông phát triển với tốc độ chóng mặt. Một bức điện tín trước đây phải mất chừng vài ngày mới có thể đến được chủ nhân thì giờ đây chỉ được gửi đi trong vòng một nốt nhạc. Tốc độ được ví von hài hước chẳng khác gì vận tốc ánh sáng. Một tia lóe sáng chớp nhoáng, bên kia đại dương đã lan tỏa với độ phủ diện rộng. Chính vì thế mà chưa kịp được làm Héc Quyn tôi đã phải tiếp chiêu với rất nhiều anh hùng hảo hán hội tụ về từ bốn phương. Và cũng có khi Héc Quyn dù có siêu năng lực cũng chẳng đánh thắng nổi đám đông.

Một thế giới mà bạn không cần phải bước chân xuống giường cũng có thể hưởng thụ thiên nhiên vạn vật. Đừng chơi trò đánh đu với tôi khi nói về trái đất. Chúng tôi có bách khoa toàn thư với IQ cấp độ kinh hãi luôn trả lời tất cả mọi vấn đề. Chỉ là đôi khi chân tay tôi run lên không còn đủ khả năng đến nhà gõ cửa bác Google mà thôi. Dạo này sức khỏe hơi kém mấy bác ạ, chắc tại ít vận động.

Đây còn là một thế giới siêu việt khi những lúc trái gió trở trời, chỉ cần một phút dỗi hờn cả thế giới, tôi đã nhận được rất nhiều lời yêu thương hỏi thăm. Vậy nên cứ bệnh tật gì các kiểu, chẳng cần đến bệnh viện thì bệnh tình cũng đã thuyên giảm trăm phần. Mát lòng mát dạ lắm, kiểu người ta cứ vào rồi động viên tinh thần, an ủi mấy câu ấm lòng.

Đừng lấy làm ngạc nhiên khi sống trong một thế giới mà chỉ sớm mai thức giấc tôi đã có thể biến hóa thành nhân vật nổi tiếng. Fan hâm mộ cứ phải nói tăng vùn vụt một cách chóng mặt. Nhưng cũng phải cẩn thận nhé, đông quá nhiều khi lại vô tình dẫm bẹp chân nhau.

Đó là một thế giới mà tất cả mọi sự đều trở nên dễ dàng. Vậy nên kẻ nào đã trót lỡ đặt một bước chân lên đó, sẽ rất khó để có thể rút lui trên bước chân còn lại. Tất nhiên tôi đã nhìn thấy nhiều hơn những người muốn quay mặt khỏi nó. Nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên khi phải nghe thấy rất nhiều tiếng nói vọng ra trong đó. Họ sẽ nhốn nháo xôn xao, tin tôi đi, bạn tự lúc nào biến thành một kẻ ngốc cổ hủ lạc hậu trong mắt họ. Thời đại nào rồi kia chứ? Quay về thời tiền sử mà sống…Đại loại thế. Và nếu bạn cố gắng trình bày phân giải những khó khăn bạn gặp phải trong thế giới ảo, cẩn thận vì họ sẽ chỉ muốn đạp một đạp vào mồm bạn để chặn họng bạn lại.

Tôi biết các bạn sẽ bắt đầu lần mò theo từng con chữ. Trên đường đi bạn vấp phải một vài viên đá nhỏ, chẳng có gì nguy hại cho tính mạng, nhưng theo bản năng, bạn sẽ vội vàng thốt lên: “Biết gì về chúng tôi mà ý kiến.” Thực tình tôi không có ý vơ đũa cả nắm, chỉ là đôi khi chúng ta không dễ dàng bỏ đi thói quen có tật giật mình. Tôi cũng thế.

Không phải lòng thù hận đối với thế giới ảo, tôi không biết con sâu nào đang gặm nhấm từng khúc ruột trong tâm trí tôi. Tôi chán ngán luôn cả chính bản thân mình. Thú thật, thế giới ảo đã biến tôi thành một sản phẩm có chất lượng sân si tuyệt đối, và cũng thật may mắn khi nó có thể tạo ra sản phẩm rồi đưa vào dây chuyền vận hành một cách quá tuyệt hảo.

Tác giả: Ni Chi

Featured Image: edar

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Charlie Chaplin – Từ trại tế bần đến ngai vàng của một ông vua hề xích lô

0

[1530 words, 6 minutes read]

Charlie Chaplin sinh ra đã thiếu vắng bóng cha bên cạnh. Nhưng có lẽ Chaplin cũng chẳng bao giờ muốn nhắc nhiều đến người cha là một gã nghiện rượu trong cuộc đời mình. Tuy thiếu thốn tình cảm cha nhưng cuộc đời chẳng bất công khi Chaplin có một người mẹ và người anh hết mực yêu thương cậu.

Cậu không nghèo nàn tình yêu thương nhưng gia đình cậu lại quá nghèo nàn tiền bạc. Cuộc sống khốn khó đến nỗi không có khả năng đóng tiền nhà, mẹ cậu lúc nào cũng nói lời xin lỗi hai đứa con khi để nó suốt ngày phải ăn đầu cá. Năm Chaplin bảy tuổi, có người gõ cửa nói với mẹ cậu việc đưa cậu vào trại tế bần sẽ là một sự lựa chọn tốt hơn cho Chaplin. Còn anh trai Chaplin buộc phải đưa lên tàu để làm việc.

Đó là khoảng thời gian mà cuộc đời bắt đầu gieo rắc tội lỗi vào cuộc sống cậu bé tội nghiệp còn chưa kịp đánh vần. Tuổi thơ tươi đẹp đã phải nghiến răng cam chịu học thuộc hai từ ‘cuộc đời’ một cách đớn đau. Chaplin bị đánh đập thậm tệ trong trại, nhiều lần có ý định trốn thoát nhưng không thành. Chính trại tế bần là cội nguồn khai sinh ra một Chaplin mạnh mẽ và kiên cường. Chaplin đã từng nói về nỗi đau ấy như vẫn chưa hết bàng hoàng trong giây phút đầu.

“Tôi hầu như chẳng bao giờ biết thế nào là khủng hoảng bởi tôi đã luôn sống trong khủng hoảng từ khi còn là một cậu bé. Tôi tự cho phép mình thoát ra khỏi mọi rắc rối bằng cách lãng quên chúng.”

Sau khi rời khỏi trại tế bần, Chaplin tiếp tục sống và chăm sóc người mẹ bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tâm thần. Bà luôn coi sàn nhà là những con sông, nói những điều chỉ có trong đầu óc tưởng tượng. Điều đó đã khiến cho sự trống rỗng và tuyệt vọng căng phồng lên trong trái tim cậu, không còn cách nào khác khi phải đau đớn đưa mẹ đến trại tâm thần. Trả lời những ý kiến trái chiều trong bổn phận một đứa con, Chaplin nói:

“Nếu ai muốn đong đếm hàm lượng đạo đức trong gia đình tôi bằng cách đem áp dụng những chuẩn mực thông thường, điều đó sẽ sai lầm giống như đem nhiệt kế nhúng vào nồi nước sôi.”

Sự nghiệp của Chaplin bắt đầu trong một rạp tạp kỹ được anh trai cậu là Sydney giới thiệu. Đây cũng chính là nơi mà cậu đã gặp gỡ và thầm yêu nàng Hetty, người mà Chaplin đã cầu hôn mặc cho cậu và nàng chỉ vừa gặp gỡ nhau ít phút trước đây. Nàng bảo nàng không thể lấy cậu vì nàng khi ấy chỉ mới 16 tuổi còn cậu thì chưa bao giờ nhắc đến tình yêu.

“Em sẽ khiến anh tan nát cõi lòng nếu em không lấy anh, Hetty. Ít nhất hãy nói là em sẽ chờ anh. Anh sẽ chờ em.”

Nhưng chuyến lưu diễn đầu tiên của Chaplin sẽ khởi hành vào ngày mai và nàng không biết sẽ phải chờ đợi chàng trong bao lâu. Bởi lẽ sự chờ đợi luôn giết chết những con người cô độc tội nghiệp, và Chaplin đã chẳng lấy làm lạ khi nhận được tin từ anh trai mình rằng nàng đã kết hôn sau đó. Đau buồn và hụt hẫng khi đọc thư nàng viết, Chaplin xem đó là số phần đã được định sẵn trong cuộc đời chàng.

“Em chúc cô ấy thật nhiều hạnh phúc, không hẳn thật nhiều, một chút.”

Sứ mệnh của một người nổi tiếng bén rễ có lẽ là khi Chaplin được Mack Sennet gửi thư mời đề nghị sự có mặt của Chaplin trong xưởng phim của ông ta. Mack là một ông vua hài kịch, là người đã cho Chaplin một khởi đầu không thể thuận lợi hơn mặc cho

“Lúc đầu tôi diễn thật kinh khủng. Sennett ước gì đã không thuê tôi. Tôi chỉ làm được nhiêu đó.”

Nhưng “Sự thật là tôi đã suýt chút thành thảm họa nếu như không sáng tạo kẻ lang thang.”

Kẻ lang thang chính là cái lốt ngụy trang bên ngoài của anh thanh niên trẻ tuổi trong dáng dấp một ông già say rượu với bộ râu mép kiểu Hitler đã tạo nên thương hiệu đặc trưng không lẫn vào một ai của Chaplin.

“Ôi giây phút nhiệm màu đó khi tôi bước qua cửa phòng thay đồ. Tôi thấy như mình bị nhập. Tôi có thể cảm thấy anh ta gọi tôi. Kẻ lang thang.”

Chính kẻ lang thang đã dẫn đường, đưa lối Chaplin tiến gần hơn đến ngôi sao long lanh soi sáng trên toàn thế giới. Là kẻ lang thang đã đưa tay cho Chaplin nắm lấy, kéo chàng ra khỏi hố thẳm mà tuổi thơ nghèo khổ đã nhấn chìm chàng xuống tận đáy sâu.

Sự nghiệp của Chaplin sang trang mới khi chàng giờ đây không chỉ là một diễn viên hài kịch mà còn là một đạo diễn phim. 20 bộ phim trong một năm đã đánh sập lời tuyên bố hùng hồn của Mack.

“Mơ tiếp đi nhóc. Tôi biết cái nghành này và cậu không nổi tiếng đến mức đó đâu.”

Mack đã nhổ nước bọt khinh bỉ vào hai anh em Chaplin khi cậu ngỏ lời muốn trở thành đạo diễn phim. Muốn có chương trình của riêng mình và muốn làm chủ.

Đôi chân của Chaplin là đôi chân có vuốt sắc. Còn con đường mà cậu đang theo đuổi là con đường dẫn đến hang sâu và rừng thẳm. Và nếu không tự thiêu hủy mối quan hệ giữa cậu và Mack thành tro tàn thì kẻ bước đi trên con đường sáng tạo sẽ mãi là kẻ bước đi trong mù lòa.

Chaplin bắt đầu quay lưng với Mack, người đã cho Chaplin sự khởi đầu để bắt tay với Billy Anderson, một ngôi sao cao bồi được đánh bóng.

“Đó không phải là điều tôi tự hào gì trong sự nghiệp của mình. Nhưng tôi muốn có một xưởng phim của mình.”

Quy luật luôn là thế, nếu muốn làm bừng sáng ngọn lửa của chính mình. Kẻ châm lửa còn phải biết cách biến mình thành con sư tử dũng mãnh, phải tự yêu thương chính mình hơn sự khinh bỉ bản thân.

Có thể nói Chaplin là một người làm việc quá nhiều, đủ để quên đi cảm giác tận hưởng nó. Chaplin luôn lao đầu vào các bộ phim và vỡ diễn, cống hiến nó một cách nhiệt huyết. Một cảnh phim cô gái ngồi ăn trong cơn đói cồn cào được quay lại lần thứ 46. Cách chọn diễn viên cũng thật lạ. “Tôi đang tìm diễn viên không phải là diễn viên.” Anh trai Chaplin, là quản lý của Chaplin lúc đó đã từng nói với báo chí.

“Charlie được cung cấp toàn bộ thời gian mà cậu ấy cần và đủ tiền để sản xuất theo cách mà cậu ấy muốn… Chất lượng chứ không phải số lượng là cái mà chúng tôi theo đuổi.”

Chưa tới 30 tuổi, là người đàn ông nổi tiếng nhất thế giới, có xưởng phim riêng mang tên mình. Chaplin vẫn chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ nghỉ ngơi tận hưởng.

“Nó mang quá nhiều ý nghĩa đối với tôi.”

Mang dòng máu một người nghệ sĩ đích thực luôn rực cháy khát vọng, vua của những tên hề thèm muốn tiếng cười như đã từng ước muốn được lãng quên đi tuổi thơ bất hạnh và nghèo đói. Một ông vua luôn tự gắng thân nuôi dưỡng tâm hồn mình cho những cuộc chiến chinh, tìm niềm vui cho mình trong tiếng cười của người khác, tự biến mình thành một kẻ điên rồ ngớ ngẩn không phải vì quá yêu sự dịu ngọt mà vị đã quá chén ghét mùi vị đắng cay.

Còn kẻ nào hiểu rõ giá trị niềm vui tiếng cười bằng kẻ chưa từng trông thấy nó một cách trọn vẹn, kẻ đã luôn khát khao nó trong suốt cuộc đời. Một tâm hồn chai sạn dấu mình trong cái lốt ngụy trang của sự ngây thơ, tựa như sự khổ đau chưa bao giờ xuất hiện giữa những tiếng cười. Chaplin, cùng với lòng dũng cảm trong tình yêu tiếng cười, mạnh mẽ kiên cường nhờ tình yêu ấy. Chaplin đã đi thẳng đến trước mặt của tất cả thế giới này và khiến người ta hét vang. Ông xứng đáng là vua, không chỉ là của những tên hề, mà còn trong cả tình yêu của thế giới dành cho ông.

Bài viết được dựa trên bộ phim Cuộc đời vua hề. Kể về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Charlie Chaplin. Bộ phim vẫn còn rất dài và tôi sẽ còn tiếp tục kể trong một bài viết sau.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: Momentmal 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Review] Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó), Jerome K. Jerome – Bốn sinh mạng, một chuyến đi và mười lăm tấn hài kịch

0

thđp review.png

[2010 chữ, 8 phút đọc]

Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó) là 1 trong 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại do NXB Peguin tổ chức bình chọn và là 1 trong 10 tác phẩm hài hước nhất trong lịch sử theo ABE Books. Sẽ là một sự thiếu sót quá lớn cho những danh sách kia nếu cuốn sách Ba gã cùng thuyền kinh điển ấy không được liệt tên vào.

Nội dung truyện rất đơn giản, nó kể về cuộc du ngoạn bằng thuyền trên dòng sông Thames thơ mộng của ba gã người Anh (bao gồm tác giả, Geogre, Harris) và một con chó săn cáo vô tích sự suốt ngày đi ẩu đả với lũ chó vô tích sự khác.

Có thể nói, toàn bộ chuyến đi (nếu như có thật) là một trò hề đích thực. Ngoài sự rối tinh rối mù trong công tác tổ chức, chúng ta còn được chứng kiến những hình tượng chuẩn mực của sự chây lười, hà tiện, háo danh, phàm ăn, khoác lác, vụng về và đôi lúc chảnh chọe quá mức của ba gã đàn ông, kèm theo đó là một con động vật biết tru và sủa tương đối đúng thời điểm, còn lại mọi động thái khác của nó đều sai bét và đáng nguyền rủa.

“Dĩ nhiên con Montmorency có mặt trong toàn bộ sự kiện này. Tham vọng cả đời của Montmorency chính là xen vào chuyện người ta và bị chửi cho vào mặt. Nếu nó có thể len vào bất cứ chỗ nào mà người ta đặc biệt không muốn sự có mặt của nó, và đóng vai kẻ quấy rối một cách hoàn hảo, làm cho người ta nổi điên lên, để rồi bị ném đầy các thứ vào đầu, thì nó mới cảm thấy rằng thời gian của mình không bị lãng phí.”

Không biết tác giả đã mang cả thảy bao nhiêu câu chuyện đến Trái Đất từ hành tinh toàn khí N2O của mình. Tất cả những gì ông ta viết đều khiến tôi cười sái quai hàm, ngay cả tựa sách đã mang mầm mống của một trò đùa ma mãnh. Xuyên suốt cuốn sách, cứ ba dòng là lại xuất hiện một cái gì đó hài hước. Ta cứ cười sằng sặc như vậy trong 21 dòng liên tiếp. Và rồi đến dòng thứ 22 – 23 – 24 đột nhiên không có gì thú vị bằng những phần bên trên nhưng ta vẫn cứ nhăn nhở hai hàm răng một cách đầy thích thú và thầm nhủ trong lòng rằng pha kể chuyện bình thường này của lão Jerome hài hước thật sự, bất chấp lời nhận xét vừa rồi của bản thân chẳng hề có chút hợp lý nào. Có lẽ, ta vẫn chịu ảnh hưởng bởi quán tính cười từ những phần trước đó.

“Tôi tự hỏi nếu bây giờ, này nhé, cứ giả sử là Harris đi, cuộc đời bỗng sang trang mới và trở thành một người giỏi giang vĩ đại, và trở thành Thủ tướng, và rồi ngỏm, chẳng biết liệu người ta có treo lên các quán rượu mà hắn ta đã chiếu cố những tấm biển kiểu như: ‘Harris đã uống một cốc bia đắng ở quán này’; ‘Harris đã uống hai cốc Scotch lạnh ở đây vào mùa hè năm 88’; ‘Harris đã bị tống cổ khỏi đây vào tháng Mười hai năm 1886’ Không, như thế thì sẽ quá nhiều! Chính những quán hắn chưa từng bước chân vào sẽ trở nên nổi tiếng. ‘Quán duy nhất ở Nam London mà Harris chưa bao giờ uống!’ Người ta sẽ chen chúc vào đấy để xem cái quán ấy liệu có thể có vấn đề gì.”

Có thể nói, đây là cuốn sách hài hước nhất tôi từng được thưởng thức từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ. Nếu ông thần Jerome K.Jerome này có diễn hài độc thoại thì chắc tôi sẽ vừa lồm cồm bò dậy sau một trận cười quặn ruột vừa vét hết tiền trong hầu bao của mình rồi ném lên sân khấu cho ông ta và van xin rằng ông đừng kể gì thêm nữa kẻo tôi vỡ dạ dày mà chết. Nhưng rồi sự im lặng của ông ta cũng buồn cười nốt. Thế là tôi đành rút lại hết số tiền của mình trong tuyệt vọng.

Tất cả các mánh khóe kể truyện cười đều được thể hiện ở trong tác phẩm này, chứng minh sự sắc sảo và óc khôi hài số một của tác giả. Các tình huống được miêu tả rất chân thực, đến từng chi tiết nhỏ. Và hầu hết mọi lần, sự tỉ mỉ đó khiến người ta phải bật cười vì nó nghiêm túc một cách dị thường. Các suy nghĩ của tác giả (nhân vật “tôi”) cũng được phô ra một cách đầy ngây thơ, vô tội. Ban đầu, ta ngỡ rằng đó là tiếng nói chân thật thẳng thắn của một người nông dân hiền lành chất phác. Nhưng đến phần sau chốt lại với một mẻ cười rơi răng, ta nhận ra rằng vừa xong là cả một đoạn mỉa mai sâu cay của gã quý tộc người Anh giàu chữ nghĩa. Gã thông minh đến mức có thể tự làm chính mình trở nên ngu đần và khiến mọi người nghĩ rằng gã thật sự không có não.

Mỉa mai, tất tần tật những pha chọc cười hay những câu chuyện trong cuốn sách đều có tác dụng mỉa mai một cái gì đó, một điều gì đó hay một ai đó. Đôi lúc, nó được thể hiện bằng lối kể chân thực phũ phàng, đôi lúc nó được chen ngang bằng một đoạn tả cảnh đầy thi vị nghệ thuật, nhưng chẳng hề đúng thời điểm và hai đoạn cứ thế đối nhau chan chát.

Tác giả chế giễu các thói hư tật xấu của con người, như mồm miệng đỡ tay chân, làm việc vô tổ chức, lừa nhau để kiếm tiền, ngu đần nhưng thích thể hiện, khoác lác để được danh, ích kỷ để chuộc lợi riêng mình, v.v… Chỉ trong một chuyến du ngoạn sông nước thôi mà tất cả những gì xấu xa trong bản tính của con người được phơi bày ra tất thảy.

“Thật kỳ lạ biết bao, sự thống trị của các cơ quan tiêu hóa đối với trí tuệ của chúng ta. Chúng ta không thể nào làm việc, không thể suy nghĩ trừ phi cái dạ dày của ta sẵn lòng làm thế. Nó điều khiển cảm xúc của ta, đam mê của ta. Sau món trứng và thịt lợn muối xông khói, nó bảo, ‘Làm việc đi!’ Sau món bít tết và bia đen, nó bảo ‘Ngủ đi!’ Sau một tách trà (mỗi tách hai thìa và không nhúng lâu hơn ba phút), nó bảo đầu óc ta ‘Bây giờ hãy tỏa sáng đi và thể hiện sức mạnh của ngươi. Hãy hoạt ngôn, hãy sâu sắc, và dịu dàng; hãy nhìn Tự nhiên và cuộc đời với đôi mắt trong sáng; hãy dang đôi cánh trắng của những suy tư và bay bổng vút cao, hỡi linh hồn thần thánh, vượt lên khỏi cái thế giới đảo điên bên dưới ngươi, bay qua những dải sao lấp lánh đến cánh cổng của cõi vĩnh hằng!'”

Những trò ngớ ngẩn mà ba gã đàn ông thể hiện ra trong suốt cuộc hành trình khiến tôi không khỏi liên tưởng đến Mr.Bean phiên bản đanh đá và cáu kỉnh. Ba người họ, mỗi kẻ một vẻ khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở sự hà tiện, vụng về, lười nhác và thô lỗ đến phát khiếp mỗi khi rơi vào tình huống khó chịu. Dường như cả chuyến đi chẳng có lúc nào ba gã được yên thân dễ chịu cả. Lúc thì họ phải khuân vác hành lý chạy ngược chạy xuôi, lúc thì hoang mang hớt hải tìm tàu lạc, lúc thì cáu gắt với nhau và với con chó vô dụng, lúc thì vật lộn với cái lều dưới cơn mưa tầm tã. Tôi có cảm giác như cả thế giới đang chống lại họ, không hề cho họ thể hiện một chút nào sự lịch lãm, quý phái, hào hoa và nam tính cả.

Thật tình thì, ba gã đã tự làm khổ mình, nhưng vẫn ngoan cố không chịu nhận sự ngu dốt về bản thân, mà cố tình tình nhân cách hóa mọi thứ xung quanh và đổ lỗi cho chúng đã cản đường. Thế là ta lại được chứng kiến thêm bản năng dốt nát của mớ dây thừng, sự cứng đầu cứng cổ của mấy cái bàn chải đánh răng, sự hèn hạ vô ơn của con thuyền và sự ma mãnh trêu ngươi của cái ấm trà.

Sự sáng tạo trong lối kể chuyện của tác giả khiến người ta phản ngả nón thán phục. Những triết lý sâu sắc được ẩn mình trong sự ngô nghê, còn sự hài hước được giấu đi trong những màn miêu tả tuyệt đối nghiêm túc. Có lúc, ta tưởng tượng tác giả như một kịch sĩ đang đắm mình trong vở diễn diêm dúa bay bổng và thanh tao với hàng đống câu từ cường điệu, văn hoa, kiêu sa, quý tộc, thậm chí là ảo tưởng sức mạnh. Có lúc, ta lại thấy tác giả quay về sự yên ả bình dị, nếu như không nói là thô thiển bỗ bã khi chửi nhau với một trong hai người bạn còn lại và đá đít con chó ngu ngốc chuyên gia phá đám trong đoàn.

Cuốn sách này có rất nhiều pha ăn điểm cao ngất ngưởng ở sự hài hước, tính triết lý, nghệ thuật văn chương, sự đa dạng và sáng tạo. Vừa đọc ta vừa cười, cười xong ta trầm ngâm ngẫm nghĩ suy tư về cuộc đời. Thực ra thì, ta đang nghĩ về bóng hình tăm tối của chính mình phảng phất đâu đó ở trong cuốn sách và bỗng thấy nhột gáy một cách ghê gớm.

Tính chất trào phúng của tác phẩm kinh điển này tạo cơ hội cho người đọc được giải trí ở tầm mức một con người có tri thức. Càng khôn ngoan bao nhiêu thì ta càng tìm thấy nhiều thứ buồn cười bấy nhiêu. Có thể sau vài năm mang sách ra đọc lại, ta lại vỡ ruột ở một chi tiết mà trước kia nó chẳng hề khiến ta vỡ ruột chút nào. Ở đây, sự hài hước đã được gói ghém ở nhiều tầng mức tinh xảo.

“Có một cái ‘khóa miệng’ bằng sắt ở nhà thờ Walton. Thời xưa người ta dùng thứ ấy để kiềm chế miệng lưỡi của đàn bà. Giờ thì họ từ bỏ nỗ lực ấy rồi. Tôi cho rằng vì sắt đang càng ngày càng hiếm, mà lại chẳng có loại gì khác đủ lực.”

Nội dung và bố cục của cuốn sách chặt chẽ đến mức tôi khó lòng có thể trích dẫn ra một đoạn hài hước xứng đáng với những lời nhận xét ở bên trên. Sự buồn cười nằm trong cả một kết cấu to lớn. Ý tứ của nó sẽ bị phá vỡ nếu ta ngắt một đoạn nào đó ra riêng rẽ chỉ để làm minh họa cho bài review. Nếu độ hài hước cao nhất của cuốn sách là 100 thì những phần trích dẫn ở trên chỉ ở cỡ 60 – 70 mà thôi. Còn những tinh hoa cao cấp hơn chỉ có thể được đón nhận bằng việc đọc toàn bộ cuốn sách.

Nói tóm lại, tác phẩm Ba gã cùng thuyền (chưa kể con chó) đã chiếm được điểm 10 trọn vẹn của tôi. Ngài Jerome chắc giờ đang mỉm cười ở hành tinh đầy khí N2O của mình rồi. Xin chào thân ái!

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Featured Image: Sadie Pices

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Sau những trải nghiệm chúng ta có còn là chính mình?

2

(1370 chữ, 5 phút đọc) Khi tôi dám bước ra và thách thức trò chơi với cuộc đời cách đây đúng một năm tôi đã nghĩ rằng mình mạnh mẽ lắm rồi, mình giỏi lắm. Thật ra đến bây giờ trò chơi mới bắt đầu. Lúc trước chỉ là những khó khăn vụn vặt tôi đã vùi mình vào gối khóc oà nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc và về nhà với mẹ. Cho đến khi trải qua bao nhiêu chuyện phải suy nghĩ đau đầu, không có thời gian để mà khóc, để mà yếu đuối, cứ cố gắng chống chọi, cố gắng làm sao để mình không phải thua cuộc, mình không thể để bản thân yếu đuối rồi vác vali về nhà.

Những lúc dường như cả thế giới chống lại, như bầu trời đổ sập dưới chân, như không thể nào đứng lên nổi nữa, không một ai cứu giúp, không một giây nào có thể ngừng lại và nghỉ ngơi.

Trước đây tôi tưởng rằng đến một nơi thơ mộng, sống một cuộc sống yên bình và hạnh phúc, mọi thứ thật dễ dàng. Mình cũng có ít vốn liếng để nuôi ước mơ, rồi mình sẽ đi làm những điều mình thích, cứ thế qua ngày mà chẳng lo nghĩ chi. Mình sẽ đi đường tắt, con đường đến bình yên và hạnh phúc thật nhanh mà không cần phải giống tất cả những người khác.

Qua bao thế hệ họ bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền thật nhiều rồi mới đến ổn định, hạnh phúc và vui vẻ. Đôi lúc đang ở giai đoạn kiếm tiền họ bị cuốn, không dứt ra được, đến lúc tỉnh ra thì lại là lúc lìa đời. Mình không cần như thế, mình chỉ cần đủ sống và vui vẻ. Bây giờ mình mới ngẫm được câu “Đời không như là mơ.” Thế mới biết trải nghiệm thực sự quan trọng thế nào. Lúc mình chưa trải nghiệm mình nói ra câu đấy dễ dàng lắm, nghĩa để hiểu cũng chỉ đến thế. Nhưng khi trải nghiệm rồi mới biết chỉ một câu nói mà trong những hoàn cảnh khác nhau lại có chiều sâu khác nhau.

Mình nghĩ, những người lừa gạt mình, bức ép mình chắc ngày xưa cũng từng như mình thôi. Chắc họ cũng mơ mộng, cũng yêu đời nhưng do cuộc sống khắc nghiệt, họ phải trở nên gian xảo và cáo già hơn. Mình phải hơn họ, khi người ngoài nhìn vào sẽ nói mình mãi vẫn ngu, vẫn mơ mộng nên luôn thua thiệt. Nhưng mình biết mình không phải thế, có thể mình sẽ phải trải qua những khó khăn, những lần bị người khác đâm lén, lừa gạt nhưng mình không để bản thân mình tha hoá.

Nhiều khi họ nghĩ muốn giàu là phải sống như vậy, những kiểu người họ nghĩ họ sẽ không bao giờ trở thành nhưng họ lại trở thành. Lúc trước có người nói nói rằng: “Hãy cứ trải nghiệm đi, đừng quá sách vở.”

Ngày bé bố tôi, mẹ tôi cứ nghe những bài nhạc cổ hủ rồi bảo tôi rằng nó mới là âm nhạc. Bố mẹ chẳng hiểu gì là hiện đại, bố mẹ quá cổ lỗ sĩ. Tại sao bố mẹ lại chê nhạc âm nhạc của tôi. Bố mẹ cứ thích dấm dúi đồ cũ, dùng không dùng vứt không vứt. Bố mẹ mặc quần ống loe, bố mẹ mang dép tổ ong trông thật quê mùa.

Cho đến khi lớn lên, tôi lại nghe những bản nhạc y chang bố mẹ nghe. Tôi ra ngoài ở riêng cũng cứ dấm dúi sợ bỏ đi cái này đến lúc cần lại không có tiền mua nhưng lại không bao giờ nhớ đến để dùng. Tôi cũng lại đi đôi dép tổ ong vì chúng rất mềm và tiện dụng. Mới biết rằng trải nghiệm đem đến cho tôi sự đồng cảm. Sau bao nhiêu trải nghiệm tôi lại hiểu được bố mẹ cũng như mình thôi. Sau bao nhiêu trải nghiệm tôi mới biết đôi lúc mọi người cũng từng giống như mình vậy. Họ cũng đau khổ và cần được cảm thông, nhưng có lẽ bản chất con người là ích kỷ, sẽ chẳng ai hiểu được ai hoặc là họ không muốn hiểu. Sẽ có những lý luận rằng họ cũng đau khổ không kém thì tại sao phải cảm thông cho người khác.

Nhưng với tôi, những trải nghiệm không những giúp tôi học thêm nhiều bài học mà còn giúp tôi biết đồng cảm với người khác. Khi tôi được nghe một câu chuyện rằng bạn tôi bị lừa gạt, tôi cũng sẽ buồn nhưng tôi không thể hiểu được cảm giác đấy cho đến khi tôi cũng bị lừa như vậy. Tôi đau buồn, họ cũng đau buồn. Nên tôi sẽ đối xử với họ thân thương hơn. Tôi không thể lo lắng cho cả thế giới, nhưng tôi có thể kìm chế bản thân mình không xúc phạm đến ai.

Chúng ta sẽ được giới thiệu và làm quen với những người bạn. Họ có tên, có tuổi, có những đặc tính riêng biệt. Đôi lúc nhắc đến họ ta sẽ nhớ rằng họ hiền lành, họ hung dữ, họ vui vẻ hay họ cáu bẳn. Nhưng chúng ta không bao giờ biết được họ từng phải trải qua những gì để mà đánh giá con người họ.

Tôi có một cậu bạn, chúng tôi có thời gian ở chung rất vui vẻ. Có những lúc cậu ấy hơi tính toán vụn vặt. Lúc đầu tôi rất ghét cậu ấy, sau những tính toán vặt đấy tôi đánh giá rằng cậu ấy thật xấu tính. Nhưng ngẫm lại, tôi không hề biết cậu ấy được sinh ra trong môi trường nào, cậu ấy không được đi học, không biết chữ, cậu ấy đã phải vật lộn với cuộc đời gần 20 năm trời. Cậu ấy không phải tôi, không sống trong cuộc sống của tôi. Sẽ có những lúc bắt buộc cậu ấy phải làm vậy. Tất cả những điều đó giúp tôi có thể bỏ qua cho cậu.

Xã hội, môi trường sống hình thành nhân cách con người nhưng tôi vẫn mong họ có thể nhận ra con người mình. Những việc mình làm là do mình quyết định chứ không thể đổ lỗi cho xã hội. Tôi có từng nghe một câu chuyện:

Một ông bố nát rượu có hai đứa con trai, hai đứa bị bố đánh đập suốt ngày. Khi hai người con trai lớn lên. Một người trở thành nát rượu giống bố và một người chịu thương chịu khó làm ăn. Đến khi hỏi người con trai thứ nhất tại sao lại trở thành người như vậy. Anh ấy trả lời “Vì bố tôi như vậy thì tôi cũng vậy thôi.” Hỏi người con trai thứ hai, anh ấy trả lời “Vì bố tôi như vậy nên tôi không thể trở thành như vậy.”

Một sự việc nhưng mỗi lăng kính của một người lại khác nhau. Đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai khi chính mình làm điều đó. Sai thì có thể sửa, quan trọng mình có muốn làm người tốt hay không. Trải nghiệm sâu sắc luôn phải trả những cái giá rất đắt. Mất nhà, mất cửa, mất xe, mất tất cả nhưng không bao giờ được đánh mất con người mình.

Tôi rất vui mừng vì sau những đau khổ tôi vừa trải qua (không tiện nói nhưng nó thật sự đáng buồn, bạn có thể nói rằng đau khổ của tôi chỉ bé như hạt cát khi bạn chưa từng trải nghiệm hoặc bạn đã từng trải nghiệm.) Tôi vui mừng vì tôi vẫn có thể là chính mình, tôi sẽ luôn nhắc nhở bản thân rằng dù có bao nhiêu thử thách đến thì tôi vẫn luôn là tôi, vẫn luôn học cách đồng cảm với người khác, vẫn tha thứ, vẫn sẻ chia, vẫn viết, vẫn sống thật tốt và không bao giờ trở thành người mà tôi không muốn trở thành.

Tác giả: Bà Năm

*Featured Image: ddouk 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Đam mê thực sự là gì?

2

Mỗi ngày, chúng ta đến nơi đi học, nơi làm việc, làm những công việc được cấp trên giao, buổi tối đi về với người có gia đình thì về với gia đình, vợ con, đi nhậu với bạn bè; chưa có gia đình thì đi giao lưu, đi chơi với bạn trai/bạn gái, không thì về nhà xem phim, nghe nhạc, đi học… Rồi ngày qua ngày, bỗng một hôm ta chững lại và cảm thấy cuộc sống trôi qua thật tẻ nhạt, công việc thì lắm áp lực, căng thẳng, làm việc rệu rạo và không hứng thú? Phải không?

Có một bộ phim của Ấn Độ mà tôi rất thích là 3 Idiots. Rancho hay nói một câu:

“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn!”

Nhiều người xung quanh, nhiều người thành công cũng hay khuyên chúng ta như vậy. Nhưng chúng ta có biết đam mê của mình là gì hay không? Câu trả lời cho câu hỏi ‘Đam mê của chúng ta là gì?’ thực sự khá mơ hồ với hầu hết chúng ta bây giờ.

1. Đam mê thực sự là gì?

Bạn hỏi tôi đam mê là gì? Theo anh, em nên phát triển theo hướng nào? Theo anh, em nên đam mê cái gì thì phù hợp?…

Tôi không biết. Nhưng, tôi sẽ kể cho bạn nghe điều này:

“Khi tôi trải nghiệm một điều gì đó, một điều mới lạ, tôi kiên trì trải nghiệm, làm điều đó hàng ngày. Trải qua những khó khăn, vấn đề, sẽ có lúc tôi thấy chán nản, có những lúc tôi mệt mỏi, có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng tôi vẫn làm… Dần dần điều đó có biến chuyển tích cực, tôi dần cảm thấy hứng thú hơn, rồi tôi kiếm được tiền từ đó hoặc tìm thấy niềm vui, hoặc bất kỳ cái gì tốt hơn từ đó… Tôi cảm thấy thích thú và say mê hơn khi làm, tôi nhận ra làm điều đó đem lại cho tôi rất nhiều hứng khởi và năng lượng, rồi tôi gọi đó là Đam mê.”

Như bài viết của tôi bây giờ, nếu những chia sẻ của tôi là hữu ích, giúp bạn được một phần nào đó, hãy phản hồi cho tôi biết, tôi sẽ rất vui và có động lực để trải nghiệm và tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa, và tôi tin chắc dần dần việc viết sẽ trở thành một Đam mê – Một niềm vui nho nhỏ mỗi ngày của tôi.

2. Làm thế nào có thể biết được đam mê của chúng ta là gì và theo đuổi chúng?

Trước tiên, tôi xin hỏi bạn 3 câu hỏi:

  1. Ngoài công việc thường ngày, buổi tối và lúc rảnh rỗi bạn làm gì?
  2. Bạn có dám thay đổi bản thân, dám nói lên tiếng nói của mình để thay đổi môi trường và số đông hay không?
  3. Bạn có dám bỏ công việc hiện tại để trải nghiệm những công việc khác mà bạn chưa chắc sẽ tốt hơn hay không?

“…”

Bạn phân vân chưa trả lời được phải không? Bởi vì bạn sợ, bạn sợ sai, bạn sợ khác với đa số mọi người, bạn sợ thất bại, bạn sợ mệt mỏi, bạn sợ thử một cái gì đó chưa chắc chắn, bạn sợ sự đánh giá từ con mắt của những người xung quanh, v.v… Có hàng trăm thứ nỗi sợ, nỗi lo sẽ ngăn bạn thay đổi.

Thuở thơ ấu, khi ta còn là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, ta bắt đầu khám phá thế giới theo cái cách vô tư, không sợ sai, không sợ hỏng, đôi khi bị đánh đòn hoặc la mắng vì những trò khám phá, nghịch ngợm dại dột… Càng lớn bạn càng học được nhiều thứ từ những người xung quanh và của nền giáo dục, dĩ nhiên tư tưởng của bạn cũng phần nào theo họ. Con người, cách nhìn sẽ hình thành từ những người xung quanh bạn (cả đời thực, mạng xã hội, và những phương tiện truyền thông). Ta cũng rụt rè hơn trước những quyết định và sự lựa chọn.

Mỗi người sẽ có một điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, hoàn cảnh khác nhau. Chẳng cuộc đời ai giống cuộc đời ai. Ta hãy ngừng so sánh mình với người khác, hãy thử ngay những thứ mà ta đang muốn làm, muốn học; thử tìm tòi, đọc sách, đọc những kiến thức mới mẻ, điều gì làm ta cảm thấy hứng thú. Hãy thử xem. Hãy trải nghiệm nó như thế nào. Ta được phép sai, ta được phép thất bại, miễn là ta đừng bỏ cuộc và phải học được bài học trong thất bại của chính mình, đừng để thất bại đó là lãng phí. Hãy trải nghiệm công việc khác, hãy kiên trì mỗi ngày một chút, hãy đưa ra lựa chọn của chính bạn và bước đi, bạn sẽ tìm thấy Đam mê.

Bạn tôi ơi! Tôi cũng như bạn thôi, chúng ta cũng như nhau, đều là những đứa trẻ vội vàng lớn rồi hối hả cuộc sống, sống cuộc đời theo con mắt người khác, mà không sống cho chính mình. Có bao giờ trong căn phòng trống trải, sau những ngày rệu rạo, mệt mỏi, ta ngừng lại và tự hỏi ta đã làm gì với cuộc đời ta hay chưa?

Đến đây, bạn hãy thử bước một bước chân đầu tiên đi, mọi hành trình đều phải xuất phát từ bước chân đầu tiên. Steve Jobs nếu không thử bắt đầu lắp ráp máy tính từ một gara cũ thì cũng không có Apple, Mark Zuckerberg không tìm tòi nghiên cứu từ khi còn là sinh viên trong căn phòng ký túc xá thì cũng không có Facebook mà chúng ta dùng  ngày hôm nay… Họ cũng có nhiều sở thích, nhưng thứ biến chuyển tích cực sẽ tiếp tục tạo động lực, năng lượng rồi dần trở thành Đam mê của họ.

Còn chúng ta thì sao? Hãy cùng tôi tiến lên nào bạn ơi!

Tôi luôn ở đây để lắng nghe bạn, hãy chia sẻ cho tôi biết góc nhìn của bạn nhé!

Tác giả: Duy Thanh

*Featured Image: Skitterphoto 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Translation™] Vật Lý Lượng Tử Nói Gì Về Bản Chất Của Thực Tại?

5

7

(7619 chữ, 30 phút đọc) Một giáo sư vật lý tại Đại học Oregon [1] và là thành viên của Viện Khoa Học Lý Thuyết, Tiến sĩ Amit Goswami là thành phần quan trọng trong một nhóm các nhà khoa học táo bạo, những năm gần đây đã mạo hiểm tiến vào lĩnh vực tâm linh với nỗ lực vừa để giải thích những phát hiện dường như không thể giải thích những kết quả thí nghiệm của họ và để chứng minh trực giác của họ về sự tồn tại của một chiều tâm linh của sự sống. Đỉnh cao trong những công trình riêng của Goswami là cuốn sách của ông, The Self-Aware Universe: How Consciousness Creates the Material World (tạm dịch: Vũ Trụ Tự Thức: Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất). Bắt nguồn từ những diễn giải về các dữ liệu thực nghiệm trong vật lý lượng tử (vật lý của các hạt cơ bản), cuốn sách thêu dệt lại với nhau vô số các phát hiện và giả thuyết trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến thiên văn học đến truyền thống đạo Hindu huyền bí, trong một nỗ lực để chứng minh rằng những khám phá của khoa học hiện đại phù hợp hoàn hảo với các chân lý huyền nhiệm sâu xa nhất.

[1] Là một trong 60 thành viên của Hiệp hội các Viện Đại học Mỹ. Quỹ Carnegie Vì Sự Phát Triển Giảng Dạy đánh giá đại học này là một viện đại học “phát triển cao về nghiên cứu”. Trong năm 2008, Viện Đại học Oregon được lên danh sách là một viện đại học bậc nhất bởi đánh giá hằng năm về các trường và viện đại học của chương trình Tin tức mới của Hoa Kỳ và Thế giới) [Bách khoa toàn thư mở]

Goswami cùng với một số người khác có cùng quan điểm tương tự chắn chắn rằng vũ trụ, để có thể tồn tại, đòi hỏi phải có một sinh linh có ý thức để nhận thức được nó. Nếu không có người quan sát, ông tuyên bố, nó chỉ tồn tại như một khả năng. Và theo cách nói trong cộng đồng khoa học, Goswami đã giải được bài toán của ông. Sắp xếp các chứng cứ từ những nghiên cứu gần đây trong tâm lý học nhận thức, sinh học, tâm lý học siêu hình,  và vật lý lượng tử, và nương tựa nhiều vào các truyền thống huyền học của thế giới cổ đại, Goswami đang xây dựng một mô hình mới mà ông gọi là “chủ nghĩa duy ý nhất nguyên” (monistic idealism) với quan niệm rằng ý thức, không phải vật chất, là nền tảng của mọi sự.

Vật lý lượng tử, cũng như một số ngành khoa học học hiện đại khác, ông cảm thấy, đang tỏ bày rằng sự thống nhất cần thiết về một tổng thể thực tại là một sự kiện có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Bởi vì những ngụ ý lớn lao ông nhìn thấy được trong các xác nhận khoa học về tâm linh, Goswami đã hăng hái tận tình giải thích lý thuyết của ông đến càng nhiều người càng tốt để giúp mang lại những gì ông cảm thấy như một sự thay đổi khuôn mẫu bức thiết. Ông cảm thấy rằng bởi vì khoa học đã có khả năng xác nhận những điều huyền bí và một bước nhảy đức tin đã có thể được chứng minh, và do đó, mô hình duy vật đã thống trị tư tưởng khoa học và triết học trong hơn 200 năm cuối cùng đã có thể được đưa ra để chất vấn.

Vào thời điểm khi mà sự tan rã của các giá trị con người và sự xói mòn của những ý nghĩa đạo đức luân lý đã lan truyền đến mức đại dịch, thật khó để hình dung điều gì có thể quan trọng hơn điều này.

WIE:  Trong cuốn sách Vũ Trụ Tự Thức, ông nói về sự khẩn thiết trong việc thay đổi mô hình nhận thức hiện tại. Ông có thể nói rõ hơn cách ông quan niệm về sự thay đổi đó? Từ những gì đến những gì?

Amit Goswami: Thế giới quan của khoa học ngày nay cho rằng tất cả mọi thứ được tạo ra từ vật chất, và tất cả mọi thứ có thể được tối giảm thành các hạt cơ bản của vật chất, thành phần cơ bản, khối tạo dựng, của vật chất. Và nguyên nhân phát sinh từ sự tương tác của các khối tạo dựng cơ bản đó, hạt cơ bản tạo ra nguyên tử, nguyên tử tạo ra phân tử, phân tử tạo ra tế bào, và tế bào tạo ra não bộ.

Tuy nhiên, tận cùng thì nguyên nhân cơ bản luôn luôn là sự tương tác giữa các hạt cơ bản. Đây là niềm tin cho rằng tất cả các nguyên nhân bắt nguồn từ các hạt cơ bản. Đây là những gì chúng ta gọi là “nhân quả hướng lên”. Vì vậy, trong quan điểm này, những gì mà chúng ta nghĩ là ý chí tự do không thực sự tồn tại. Nó chỉ là một hiện tượng phụ, thứ cấp, đứng sau sức mạnh nhân quả vật chất. Và bất cứ ý định nào liên quan đến kiểm soát vật chất bằng ý thức chỉ là một ảo tưởng. Đây là mô hình nhận thức hiện tại.

Bây giờ, quan điểm ngược lại là tất cả mọi thứ bắt đầu bằng ý thức. Nó nói, ý thức là nền tảng của thực tại. Theo quan điểm này, ý thức đặt ra một loại “nhân quả hướng xuống.” Nói cách khác, ý chí tự do của chúng ta là có thật. Khi chúng ta tác động lên thế giới, chúng ta thực sự đang hành động với sức mạnh quan hệ nhân quả. Quan điểm này không phủ nhận rằng vật chất cũng có tiềm năng nhân quả của nó, không phủ nhận rằng có một chuỗi nhân quả từ các hạt cơ bản trở lên, là dạng “nhân quả hướng lên” như đã nói, nhưng ngoài ra nó khẳng định rằng còn có “nhân quả hướng xuống”. Nó biểu hiện trong sự sáng tạo của chúng ta và hành vi của ý chí tự do, hoặc khi chúng ta đưa ra các quyết định đạo đức. Trong những trường hợp đó chúng ta đang thực sự chứng kiến “nhân quả hướng xuống” bởi ý thức.

WIE:  Trong cuốn sách của ông, ông đề cập đến một mô hình mới gọi là “chủ nghĩa duy ý nhất nguyên.” Và ông cũng cho rằng khoa học ngày nay đã xác nhận được điều mà nhiều nhà huyền môn đã nói trong suốt lịch sử, rằng những phát hiện của khoa học hiện nay dường như là song song với bản chất của những giáo lý tâm linh bất diệt.

AG:  giáo lý tâm linh. Không phải chỉ song song. Quan điểm cho rằng ý thức là nền tảng của thực tại là cơ sở của tất cả các truyền thống tâm linh, cũng như triết lý của chủ nghĩa duy ý nhất nguyên. Ở phương Tây, có một triết lý được là là “chủ nghĩa duy tâm” trái ngược với triết lý của “chủ nghĩa thực dụng duy vật”, cho rằng chỉ có vật chất là có thật. Chủ nghĩa duy tâm nói không, ý thức mới là sự thật duy nhất. Nhưng ở phương Tây loại chủ nghĩa duy tâm thường có nghĩa là nó thuộc về nhị nguyên – có nghĩa là, ý thức và vật chất là tách biệt.

Vì thế, khi nói “chủ nghĩa duy ý nhất nguyên”, tôi muốn nói rõ ràng rằng, không, tôi không có ý muốn nói đến loại nhị nguyên của chủ nghĩa duy tâm phương Tây, nhưng đúng hơn là một chủ nghĩa duy ý nhất nguyên, đã tồn tại ở phương Tây, nhưng chỉ trong các truyền thống tâm linh bí truyền. Trong khi đó, ở phía Đông, đây là triết lý chính quy đại trà. Trong Phật giáo, hoặc Hindu giáo, nơi nó được gọi là Vedanta (hay Upanishads – Áo Nghĩa Thư) hoặc trong Đạo giáo, đây là triết lý của tất cả mọi người. Nhưng ở phương Tây là một truyền thống bí truyền, chỉ được biết đến và tán đồng bởi các triết gia anh minh, những người đã thực sự đào  sâu vào bản chất của thực tại.

WIE:  Những gì ông đang nói có nghĩa là khoa học hiện đại, từ một góc nhìn hoàn toàn khác, không giả định bất kì điều gì về sự tồn tại của một chiều tâm linh sự sống, bằng cách nào đó đã quay trở lại, và tìm thấy chính nó đồng nhất với quan điểm đó từ kết quả của những khám phá trong khoa học.

AG: Đúng vậy. Và điều này không phải là hoàn toàn bất ngờ. Bắt đầu từ những ngày đầu của vật lý lượng tử, từ những năm 1900 và sau đó nó trở nên sung mãn vào năm 1925 khi các phương trình của cơ học lượng tử đã được khám phá, vật lý lượng tử đã cho chúng ta thấy những dấu hiệu rằng thế giới quan người ta đang giữ có bị thể thay đổi. Các nhà vật lý duy vật trung thành đã rất thích so sánh thế giới quan cổ điển và thế giới quan lượng tử. Tất nhiên, họ sẽ không đi quá xa để từ bỏ ý tưởng rằng chỉ có “nhân quả hướng lên” và rằng vật chất là tối thượng, nhưng sự thật vẫn là họ đã thấy trong vật lý lượng tử một số tiềm năng rất lớn để thay đổi cái khuôn mẫu hiện tại. Và sau đó những gì xảy ra là, bắt đầu từ năm 1982, những kết quả bắt đầu đến từ những phòng thí nghiệm vật lý. Đó là năm, ở Pháp, Alain Aspect và các cộng sự của ông thực hiện thành công một thí nghiệm tuyệt vời và từ đó những kết luận đã được thiết lập về tính xác thực của các khái niệm tâm linh và đặc biệt là khái niệm siêu việt. Tôi có nên đi vào một chút chi tiết về thí nghiệm của Aspect?

WIE: Vâng, xin tiếp tục.

AG:  Để nhắc lại một số điều căn bản, những gì đã xảy ra trong thế vật lý lượng tử trong nhiều năm trời là đã có những nhận định được đưa ra về những mật độ thực tại khác ngoài mật độ vật chất. Bắt đầu từ những vật thể lượng tử, được nhìn nhận như là những làn sóng khả năng. Mới đầu thì người ta nghĩ “Ồ, chúng chỉ giống như những làn sóng bình thường.” Nhưng sớm sau đó người ta đã phát hiện rằng, không, chúng không phải chỉ như những làn sóng trong không thời. Chúng tuyệt đối không thể được gọi là “sóng” trong không thời. Vì chúng có những đặc điểm không hề giống với những làn sóng bình thường. Thế nên sau đó chúng đã bắt đầu được nhìn nhận như là những làn sóng khả năng, và khả năng tiềm tàng được nhìn nhận như là một hiện tượng siêu việt, vượt ngoài vật chất bằng cách nào đó.

Nhưng dữ kiện rằng có một khả năng siêu việt lúc đó chưa được hiểu rõ ràng trong một thời gian dài. Sau đó thí nghiệm của Aspect đã xác minh được rằng đây không phải chỉ là một lý thuyết, khả năng siêu việt là một sự thật, vật thể thật sự có những mối liên kết nằm ngoài không gian và thời gian! Điều đã xảy ra trong thí nghiệm này là một nguyên tử phóng ra hai hạt ánh sáng, gọi là photon, ngược chiều nhau, và bằng cách nào đó những photon này ảnh hưởng đến hành vi của nhau từ một khoảng cách, mà không hề có tín hiệu nào được trao đổi qua lại. Chú ý rằng: không hề có tín hiệu nào được trao đổi qua lại, mà là một ảnh hưởng xảy ra tức khắc, đồng thời.

e123_2_medium
APS/Alan Stonebraker

Einstein đã cho thấy rằng hai vật thể không bao giờ có thể ảnh hưởng lên nhau một cách tức khắc trong không thời bởi vì mọi thứ phải di duyển với vận tốc tối đa, và giới hạn đó chính là vận tốc ánh sáng. Thế nên mọi tương tác phải di chuyển, và nếu nó di chuyển trong không gian, nó tốn thời gian. Ý tưởng này được gọi là “địa tính” (“locality”) trong vật lý. Mọi tín hiệu đáng ra nên mang thuộc tính địa phương và nó phải mất một thời gian nhất định để tín hiệu này di chuyển trong không gian. Vậy mà, những hạt photon của Aspect, ảnh hưởng lẫn nhau, từ một khoảng cách, không trao đổi tín hiệu qua lại bởi vì nó xảy ra tức thì, hiện tượng này xảy ra nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Và vì thế suy ra được rằng tương tác đã không thể nào di chuyển qua không gian. Thay vào đó tương tác phải thuộc về một miền thực tại mà chúng ta phải nhìn nhận rằng nó chính là miền thực tại siêu việt.

(Tham khảo thêm về khái niệm rối lượng tử, quantum entanglement [2])

[2] Rối lượng tử hay vướng víu lượng tử là một hiệu ứng trong cơ học lượng tử trong đó trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ với nhau, dù cho chúng có nằm cách xa nhau. Rối lượng tử là hiệu ứng được ứng dụng trong các công nghệ như tính toán lượng tử, mật mã lượng tử, viễn tải lượng tử. Hiệu ứng này, được khẳng định bởi quan sát thực nghiệm, cũng gây ra sự thay đổi nhận thức rằng thông tin về một vật thể chỉ có thể thay đổi bằng tương tác với các vật ngay gần nó.[Bách khoa toàn thư mở]

main-qimg-6c6beff61a245b4d7c2bf60a54c0c55a

WIE:  Thật tuyệt vời. Liệu đa số các nhà vật lý sẽ đồng ý với kiến giải đó từ thí nghiệm này?

AG:  Vâng, các nhà vật lý phải đồng ý với kiến giải này. Nhưng tất nhiên là nhiều lần họ sẽ nói như thế này, “À, chắc chắn rồi, thí nghiệm mà. Nhưng mối quan hệ giữa các hạt cơ bản này thật sự không quan trọng. Chúng ta đừng nhìn vào những hệ quả của cái miền siêu việt này, nếu nó có thể được lý giải theo cách đó.” Nói cách khác, họ cố gắng giảm thiểu tối đa tầm quan trọng của sự kiện này và vẫn cố gắng níu bám vào cái ý tưởng rằng vật chất mới là tối thượng. Nhưng trong thâm tâm họ biết, vì bằng chứng quá rõ ràng. Vào năm 1984 hay 85, tại Hội Nghị Vật Lý Hoa Kỳ trong đó tôi có tham gia, có một nhà vật lý đã nói với một nhà vật lý khác rằng, sau thí nghiệm của Aspect, bất kì ai không tin rằng có điều gì đó thật kì lạ về thế giới quanh ta chắc chắn phải chứa đá trong đầu hắn.

WIE:  Vậy là ông đang nói rằng từ góc nhìn của ông, và của nhiều người khác, một cách nào đó hiển nhiên rằng một người phải đem vào cái ý tưởng về một chiều siêu việt để thật sự thấu hiểu chuyện này.

AG: Đúng thế. Henry Stapp, một nhà vật lý tại Đại Học Berkeley [3], California, có nói rõ ràng về vấn đề này trong một trong những bài viết của ông vào năm 1977,  rằng vật nằm ngoài không thời ảnh hưởng lên vật nằm trong không thời. Không có thắc mắc gì về những gì xảy ra trong thế giới vật lý lượng tử khi bạn đang làm việc với những vật thể lượng tử. Tất nhiên, điểm quan trọng nhất là, điểm ngạc nhiên nhất là, chúng ta luôn luôn làm việc với những vật thể lượng tử bởi vì vật lý lượng tử là vật lý (chính xác) duy nhất mà chúng ta có. Thế nên tuy rằng nó hiển nhiên hơn với photon, với electron, với các vật thể hạ vi tế, chúng tôi tin rằng mọi thực tại, mọi thực tại được thể hiện, mọi vật chất, đều được kiểm soát bởi những quy luật giống nhau. Và nếu nó đúng như vậy, thí nghiệm này đang nói với chúng ta rằng chúng ta nên thay đổi quan điểm của mình bởi vì chúng ta, không khác, cũng là những vật thể lượng tử.

[3] UC Berkeley đã có những đóng góp quan trọng về khoa học tự nhiên (với 66 giáo sư và cựu sinh viên đoạt các giải Nobel) và các hoạt động xã hội (phong trào chống Chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960).
Berkeley có hệ thống giáo dục bậc cử nhân rất đa dạng và được xem là trung tâm nghiên cứu của rất nhiều ngành học. Viện đại học đạt nhiều thành tích về vật lý, hóa học và các ngành sinh học trong thế kỷ 20, như sáng chế ra máy cyclotron, cách ly thành công vi khuẩn bại liệt ở người, phát triển khái niệm tia laser, giải thích nguyên lý của quang hợp, thiết kế thí nghiệm chứng minh định lý Bell, tạo ra hệ điều hành BSD Unix, và phát hiện ra 17 nguyên tố hóa học, trong đó có Plutonium, Berkelium và Californium. Viện đại học cũng đạt được nhiều giải thưởng về Toán, giải Nobel Kinh tế và giải Nobel Văn học. Các nhà vật lý của Berkeley nằm trong nhóm khoa học gia phát triển Dự án Manhatttan chế tạo bom nguyên tử trong Thế chiến thứ nhất và bom hiđrô không lâu sau đó.[Bách khoa toàn thư mở]

WIE:  Đây là những khám phá tuyệt vời đã gây cảm hứng đến nhiều người. Đã từng có một số đầu sách cũng cố gắng tạo ra một mối liên kết giữa vật lý và huyền học. Đương cử như cuốn Cái Đạo của Vật Lý (The Tao of Physics) của Fritjof Capra và The Zukav’s The Dancing Wu Li Masters của Gary Zukav, những cuốn sách này đã đến tay rất nhiều độc giả. Trong cuốn sách của ông, ông có nhắc đến rằng có vài điều vẫn chưa được nói đến mà ông cảm thấy rằng những đóng góp của ông là mới mẻ. Ông có thể cho biết thêm về những gì ông đã viết khác với những gì đã được viết trước đó?

AG:  Tôi mừng là anh đã hỏi câu này. Chuyện này nên được làm sáng tỏ và tôi sẽ cố gắng giải thích thật rõ ràng trong khả năng của tôi. Những công trình trước, như Cái Đạo của Vật Lý, đã từng là rất quan trọng trong lịch sử của khoa học. Tuy nhiên, những công trình trước đây, mặc dù là có hỗ trợ khía cạnh tâm linh của loài người, về mặt căn bản tất cả vẫn còn níu giữ những quan điểm vật chất về thế giới. Nói cách khác, họ không thật sự thử thách quan điểm của các nhà duy vật thực dụng rằng mọi thứ đều được tạo ra từ vật chất. Quan điểm đó chưa bao giờ được thử thách bởi bất kì những cuốn sách nào trước đây. Thật sự, cuốn sách của tôi là cuốn đầu tiên thẳng thừng thách thức điều đó và mọi bằng chứng đều được dựa trên những cuộc thí nghiệm khoa học gắt gao. Nói cách khác nữa, quan điểm cho rằng ý thức là nền tảng của thực tại, tất nhiên, đã từng tồn tại trong tâm lý học, chẳng hạn như  tâm lý học siêu thể (transpersonal psychology), nhưng ngoài tâm lý học siêu thể không có một truyền thống khoa học nào và không có một nhà khoa học nào đã thấy được nó rõ ràng.

Nó là một điều may mắn cho tôi khi nhận ra được điều này thông qua vật lý lượng tử, nhận ra rằng mọi nghịch lý trong vật lý lượng tử có thể được giải đáp nếu chúng ta chấp nhận rằng ý thức chính là nền tảng của thực tại. Nên đó chính là đóng góp riêng của tôi và, tất nhiên, điều này mang một tiềm năng biến đổi tầm nhìn, bởi vì bây giờ chúng ta đã có thể hợp nhất một trọn vẹn khoa học và tâm linh. Nói cách khác, với Capra và Zukav – mặc dù là sách của họ rất hay – nhưng họ vẫn bám víu vào cái khuôn khổ vật chất nền tảng, tầm nhìn vẫn không xê dịch, và cũng chẳng có một hòa giải đích thực nào giữa tâm linh và khoa học. Bởi vì nếu mọi thứ tối cùng vẫn là vật chất, mọi tương tác nhân quả phải đến từ vật chất. Và một ý thức thứ cấp cũng chẳng có gì đáng nói. Ý tôi là, nó không thể làm được gì hết. Nên, mặc dù những cuốn sách này công nhận tâm linh, nhưng thực chất tận cùng của nó vẫn đến từ những tương tác vật chất.

Nhưng đó không phải là thứ tâm linh mà Jesus đã nói về. Đó không phải là thứ tâm linh đem đến các nhà huyền môn phương Đông hỷ lạc. Đó không phải là thứ tâm linh một nhà huyền học nhận ra và nói “Bây giờ tôi đã biết thực tại đích thực là gì, nó xua tan mọi bất hạnh một người đã từng có. Nó vô tận, nó là phúc lạc, nó là ý thức.” Những nhận xét hoa mỹ này không thể được đưa ra dựa trên một nền tảng ý thức thứ cấp. Nó chỉ có thể được đưa ra khi một người giác ngộ được bản chất đích thực về nền tảng của thực tại, khi một người chứng ngộ trực tiếp được rằng Một là Tất Cả.

Một con người thứ cấp sẽ không bao giờ có được những nhận thức như thế. Nó sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi nói rằng bạn là Tất Cả. Đó là ý tôi muốn nói. Chừng nào mà khoa học còn giữ cái quan điểm về thế giới vật chất, dù cho bạn có cố gắng dàn xếp những trải nghiệm tâm linh theo lối song song hay theo lối những phản ứng hóa học trong não bộ hay gì đi nữa, bạn vẫn chưa buông bỏ cái khuôn mẫu cũ. Chỉ khi nào bạn thiết lập một nền khoa học dựa trên nền tảng và ý niệm rằng bản chất của thực tại là ý thức, khi đó bạn mới thật sự buông bỏ cái khuôn mẫu cũ và trọn vẹn hòa nhập được với tâm linh. Đó là những gì tôi đã làm trong cuốn sách, và đó là sự khởi đầu. Nhưng hiện nay cũng đã có những cuốn sách khác cũng nhận ra được điều này.

WIE:  Vậy là có những người khác đang chứng thực những ý tưởng của ông?

AG:  Có những người cũng đang bước ra khai sáng và nhìn nhận ý niệm này, rằng tư tưởng này là con đường đúng đắn để giải thích vật lý lượng tử và cũng để phát triển nền khoa học tương lai. Nói cách khác, khoa học hiện tại không những cho ta thấy những nghịch lý, mâu thuẫn, mà còn cho thấy sự thiếu sót của nó trong việc giải thích các hiện tượng nghịch lý và phi thường, ví dụ như tâm lý học siêu hình, siêu linh, ngay cả tính sáng tạo. Và ngay cả những đề tài truyền thống, như khả năng nhận thức hay tiến hóa sinh học, v.v… nó giải thích được những câu hỏi mà các giả thuyết duy vật không thể giải thích.

Cho một ví dụ, trong sinh học có một cái gọi là giả thuyết về các điểm nhấn cân bằng (punctuated equilibrium). Học thuyết này nói rằng tiến hóa không xảy ra một cách đều đặn, như Darwin nhìn nhận, mà  có những kỉ nguyên tiến hóa xảy ra đột ngột, chúng được gọi là những “điểm nhấn”. Nhưng sinh học truyền thống không có giải thích gì về điều này.

Tuy nhiên, nếu chúng ta làm khoa học dựa trên nền tảng của ý thức, chúng ta có thể thấy được trong hiện tượng về tính sáng tạo, tính sáng tạo đích thực của ý thức. Nói cách khác, chúng ta có thể thật sự thấy được rằng ý thức đang hoạt động một cách sáng tạo ngay cả trong sinh học, ngay cả trong sự tiến hóa của các loài. Và chúng ta có thể chám vào những chỗ trống nền sinh học chính quy không thể giải thích bằng những ý tưởng tâm linh, chẳng hạn như ý thức chính là cái tạo ra thế giới.

WIE:  Điều này nhắc cho tôi nhớ đến cái phụ đề của cuốn sách, “Làm Thế Nào Ý Thức Tạo Ra Thế Giới Vật Chất”. Đây hiển nhiên là một ý tưởng táo bạo. Ông có thể giải thích rõ hơn điều này thật sự xảy ra như thế nào theo ý kiến của ông không?

AG:  Thật ra, đây là điều dễ giải thích nhất, bởi vì trong vật lý lượng tử, như tôi đã nói khi nãy, vật thể không được xem như những sự kiện cố định, như chúng ta thường nghĩ vậy. Newton dạy chúng ta rằng vật chất là cố định, chúng có thể được nhìn thấy mọi lúc, di chuyển theo những chiều hướng cố định. Vật lý lượng tử hoàn toàn không hình dung vật thể là như vậy. Trong vật lý lượng tử, vật thể được xem như là những khả năng, những làn sóng khả năng. Đúng chứ? Nên khi câu hỏi được đặt ra, điều gì đã biến đổi khả năng thành hiện thực? Bởi vì, khi chúng ta nhìn thấy, chúng ta chỉ thấy những sự kiện thực tế. Khi bạn nhìn thấy một cái ghế, bạn  thấy một cái ghế thực sự, bạn không thấy khả năng của một cái ghế.

WIE:  Đúng. Tôi hy vọng thế.

AG: Tất cả chúng ta đều hy vọng thế. Cái này gọi là “nghịch lý đo đạc lượng tử” (quantum measurement paradox). Nó là một nghịch lý là vì chúng ta là ai mà thực hiện sự biến đổi này? Bởi vì sau cùng thì, trong khuôn mẫu vật chất chúng ta không hề có bất cứ quyền lực nhân quả nào. Chúng ta không là gì ngoài não bộ, cái được tạo ra từ các nguyên tử và các hạt cơ bản. Nên làm sao mà một bộ não được cấu tạo từ các nguyên tử và các hạt cơ bản có thể biến đổi những khả năng thành hiện thực được? Đây gọi là một nghịch lý. Nhưng với góc nhìn mới, ý thức là nền tảng của thực tại, cái gì biến đổi khả năng thành thực tại? Ý thức thực hiện chuyện đó, bởi vì ý thức không tuân theo vật lý lượng tử. Ý thức không phải là vật chất. Ý thức là siêu việt. Bạn có thấy được góc nhìn biến đổi khuôn khổ ngay đây không – làm sao mà ý thức có thể được cho là tạo ra thế giới vật chất được? Thế giới vật chất trong vật lý lượng tử chỉ là những khả năng. Chính nhờ có ý thức, thông qua sự chuyển đổi từ khả năng thành hiện thực, nó tạo ra những gì chúng ta thấy được biểu lộ. Nói cách khác, ý thức tạo ra thế giới được biểu lộ. 

WIE:  Thành thật mà nói, khi lần đầu tiên đọc được dòng phụ đề của cuốn sách của ông, tôi nghĩ là ông chỉ đang ám chỉ theo nghĩa bóng. Nhưng sau khi đọc cuốn sách, và thời gian ngồi nói chuyện với ông ở đây, tôi cảm thấy chắc chắn rằng ý của ông thiên về nghĩa đen nhiều hơn là tôi tưởng. Có một điểm trong cuốn sách thật sự đã làm tôi đứng sững lại về phát biểu theo lý giải của ông, tổng thể vũ trụ hữu hình chỉ tồn tại trong một miền khả năng tiến hóa vô tận cho tới một điểm, khả nằng về một ý thức, một thực thể có tri giác xuất hiện, và ngay lập tức tại thời điểm đó, toàn bộ vũ trụ trở thành hiện thực, bao gồm luôn cả 15 tỉ năm lịch sử dẫn tới cột mốc đó. Ông thật sự có ý như vậy hay sao?

AG:  Tôi có ý đó theo nghĩa đen. Đây là điều khoa học lượng tử đòi hỏi. Thật sự, trong vật lý lượng tử điều này được gọi là “chọn lựa trì hoãn” (delayed choice). Và tôi đã thêm vào một khái niệm mới, là khái niệm về sự “tự liên quan” (self-reference). Một câu hỏi luôn luôn phát sinh, “Vũ trụ nếu đã tồn tại được 15 tỉ năm, và nếu cần có một ý thức để biến chuyển khả năng thành hiện thực, vậy thì làm thế nào mà vũ trụ đã tồn tại lâu đến thế?” Bởi vì không có ý thức, không có thực thể hữu tri, thực thể sinh học, thực thể từ carbon, trong khối cầu lửa nguyên thủy, cái mà chúng ta cho rằng đã tạo ra vũ trụ, thuyết big bang. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác thì cả vũ trụ vẫn tồn tại dưới dạng những khả năng cho tới khi có một có một sự đo đạc lượng tử có mối liên hệ với chính nó – đây là một khái niệm mới. Một người quan sát là cần thiết để biến khả năng thành hiện thực, và chỉ khi một người quan sát nhìn thấy, chỉ khi đó cái toàn thể mới biểu hiện – bao gồm luôn thời gian.

Hóa ra thì ý tưởng này, một cách rất tế nhị, tinh tế, thật ra đã được tìm thấy trong thiên văn học và chiêm tinh học dưới sự hướng dẫn của một nguyên tắc được gọi là “nguyên tắc nhân quan” (anthropic principle). Và ý tưởng này đã nảy nở trong giới chiêm tinh gia và thiên văn học – rằng vũ trụ có một mục đích. Nó được tinh chỉnh tỉ mỉ, có quá nhiều trùng hợp, dường như rất có thể rằng vũ trụ này đang thực hiện một mục đích gì đó, như thể vũ trụ đang phát triển theo một đường lối mà sẽ có một thực thể có tri giác sẽ xuất hiện tại một điểm.

WIE:  Vậy là ông cảm thấy rằng có một ý nghĩa, mục đích trong cách mà vũ trụ đang tiến hóa; rằng đại khái là nó đã sinh hoa kết trái qua chúng ta, qua loài người?

AG:  À, loài người có thể sẽ không phải là kết quả cuối cùng, nhưng chắc chắn chúng ta chính là những hoa quả đầu tiên, bởi vì từ đây mà khả năng về sự sáng tạo bắt đầu. Thú vật rõ ràng cũng có tri giác, nhưng chúng không sáng tạo như chúng ta. Loài người hiện nay dường như chính là một khuôn mẫu tất yếu, nhưng nó sẽ không là khuôn mẫu cuối cùng. Tôi nghĩ chúng ta có một chặng đường dài tiến hóa chưa xảy ra phía trước.

WIE:  Trong sách ông còn đưa ra một gợi ý xa hơn rằng vũ trụ này đã được tạo ra vì chúng ta.

AG:  Tuyệt nhiên là vậy. Nhưng nó có ý là những thực thể hữu tri, vì những thực thể hữu tri. Và vũ trụ này là chúng ta. Điều đó là rõ ràng. Vũ trụ có ý thức về tự ngã, nhưng ý thức về tự ngã thông qua chúng ta. Chúng ta là ý nghĩa của vũ trụ. Chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ một cách địa lý – Copernicus đã đúng về chuyện đó – nhưng chúng ta là trung tâm ý nghĩa của vũ trụ.

WIE:  Thông qua chúng ta vũ trụ tìm được ý nghĩa của nó?

AG:  Thông qua các cá thể hữu tri. Đó không có nghĩa chỉ là loài người trên trái đất. Mà còn có nghĩa là những cá thể hữu tri trên những hành tinh khác – về điều này tôi chắc chắn là có – và điều đó hoàn toàn tương thích với lý thuyết này.

WIE:  Ngoài là một khoa học gia, ông còn là một người tu hành tâm linh. Ông có thể cho biết điều gi đã mang ông đến với tâm linh?

AG:  Vâng, tôi nghĩ  là trường hợp của tôi cũng khá thông thường, hầu như là một trường hợp cổ điển. Là trường hợp của Phật, người đã nhận ra, ở độ tuổi 29, rằng mọi thú vui của một hoàng tử thật sự chỉ là phí phạm thời gian bởi vì vẫn còn đau khổ trên đời. Đối với tôi thì nó không đến mức như vậy, nhưng vào khoảng 37 tuổi thế giới của tôi bắt đầu rơi rớt thành từng mảnh. Tôi không còn được cung cấp chi phí nghiên cứu; tôi có một cuộc ly hôn và tôi rất cô đơn. Và niềm vui nghề nghiệp tôi thường có khi viết về những nghiên cứu vật lý không còn vui thích gì nữa.

Tôi nhớ có lần khi tham dự một cuộc hội thảo, suốt ngày hôm đó tôi đã loanh quanh tranh cãi với nhiều người. Và tối hôm đó khi tôi một mình, tôi cảm thấy thật cô đơn. Đột nhiên lúc đó tôi bị chứng ợ nóng hành hạ, tôi tọng vào cả một chai thuốc Tums (hiệu thuốc trị ợ nóng) nhưng nó vẫn không hết. Tôi đã nếm được mùi vị của đau khổ; tôi đã khám phá ra đau khổ, theo nghĩa đen. Và khám phá đó đã dẫn tôi đến với tâm linh, bởi vì tôi không còn có thể nghĩ được về điều gì khác nữa. Tôi không còn có thể nghĩ ra được cách nào nữa – mặc dù tôi đã hoàn toàn bác bỏ cái ý tưởng về God vì đã là một nhà vật lý duy vật khá lâu rồi.

Nhiều khi những đứa con tôi hỏi, “Bố có phải là một người vô thần không?” Tôi trả lời đại khái rằng, “Phải.” Và, “God có thật không?” Và tôi nói, “Không, bố không tin vào God.” Những câu đó tôi hay nói thường xuyên. Nhưng vào khoảng thời gian sau này, khi tôi khoảng 37 tuổi, trong không gian đó, nơi God không tồn tại và ý nghĩa của cuộc đời đối với tôi chỉ là sự theo đuổi lý trí thành công trong nghề nghiệp, đã không còn có thể thỏa mãn tôi và mang lại được hạnh phúc. Thật sự thì lúc đó đời tôi chứa đầy khổ đau.

Và tôi đã biết đến thiền. Tôi muốn biết xem có cách nào để ít nhất tìm được sự khuây khỏa không, chứ chưa nói đến hạnh phúc. Nhưng cuối cùng thì thiền định cũng mang lại được hỷ lạc, nhưng phải qua luyện tập. Thêm vào đó, tôi phải nhắc đến việc tôi tái hôn lần nữa, và thử thách của tình yêu cũng đã rất quan trọng. Nói cách khác, tôi sớm khám phá ra rằng sau khi tôi lập gia đình lần thứ hai thì tình yêu lúc đó rất khác biệt so với những gì tôi nghĩ. Tôi khám phá ra được rằng vợ tôi chính là ý nghĩa của tình yêu, và đó cũng là một đóng góp lớn lao cho cuộc sống tâm linh của tôi.

WIE:  Thật thú vị khi biết rằng khi ông hướng đến tâm linh bởi vì khoa học đã không thật sự thỏa mãn được khát khao tìm kiếm chân lý của ông, nhưng mặc dù vậy ông vẫn tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình. 

AG: Đúng vậy. Chỉ là cách làm khoa học của tôi đã thay đổi. Lý do khiến tôi đánh mất sự hào hứng trong khoa học là vì tôi đã biến nó trở thành một cuộc chơi nghề nghiệp. Tôi đã đánh mất tinh thần về cách làm khoa học lý tưởng, là tinh thần khám phá, là óc tò mò, là tinh thần nhận biết sự thật. Nên tôi đã không còn tìm kiếm sự thật thông qua khoa học, và vì thế tôi đã phải tìm đến thiền, nơi tôi tìm được chân lý một lần nữa, chân lý về thực tại.

Nhưng sau cùng bản chất của thực tại là gì? Bạn thấy xu hướng đầu tiên là chủ nghĩa hư vô, không gì tồn tại; Tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng thiền định sớm bảo tôi rằng không, không tuyệt vọng như vậy đâu. Tôi đã có một trải nghiệm. Tôi đã hé nhìn được rằng thực tại thật sự tồn tại. Nó là gì thì tôi không biết, nhưng nó tồn tại. Điều đó đang mang lại động lực cho tôi để trở lại với khoa học để xem tôi có thể làm được gì với nguồn năng lượng mới và phương hướng mới này không, và thật sự tìm kiếm chân lý thay vì tìm kiếm chỉ vì những danh nghĩa nghề nghiệp.

WIE:  Niềm hứng thú mới mẻ về tâm linh này ảnh hưởng đến các hoạt động khoa học của ông như thế nào?

AG: Những gì đã xảy ra là tôi không còn làm khoa học chỉ vì mục đích công bố các bài viết và thực hiện các thí nghiệm cho phép bạn nhận được tài trợ. Thay vào đó, tôi bắt đầu giải quyết những vấn đề thật sự quan trọng. Những vấn đề này ngày nay rất nghịch lý và và rất bất thường. Vâng, tôi không nói rằng các nhà khoa học truyền thống không có một vài vấn đề quan trọng. Cũng có chứ không phải không. Anh thấy đó, khoa học lượng tử là một vấn đề luôn làm trật hướng người ta khỏi những thành tựu nghề nghiệp vì nó là một vấn đề rất khó. Người ta đã cố gắng nhiều thập kỉ nhưng vẫn chưa thể giải đáp được nó. Nhưng tôi nghĩ, “Mình không có gì để mất và mình chỉ đang điều tra về sự thật, tại sao lại không?” Vật lý lượng tử là chuyên ngành tôi biết rõ. Tôi đã nghiên cứu về vật lý lượng tử suốt đời tôi, vậy thì tại sao lại không làm? Đó là lý do dẫn đến câu hỏi, “Nhân tố nào chuyển đổi khả năng thành hiện thực?” và nó đã chiếm hết thời gian của tôi từ 1975 đến 1985, cho tới khi có một bức phá huyền bí xảy ra.

WIE:  Ông có thể mô tả sự bứt phá này không?

AG: Vâng, tôi rất sẵn lòng. Nó đang hiển hiện rõ ràng trong đầu tôi. Có một lần – khi sực bứt phá này xảy ra – vợ tôi và tôi đang ở Ventura, California và một người bạn tâm linh, Joel Morwood, xuống chơi từ Los Angeles, và tất cả chúng tôi đều đi tới nghe buổi thuyết giảng của Krishnamurti. Krishnamurti, tất nhiên rồi, là một nhà huyền môn vĩ đại và cực kì độc đáo. Sau buổi thuyết giảng chúng tôi về nhà và ngồi ăn tối với nhau. Tôi trao đổi với Joel về những ý tưởng mới nhất của tôi về vật lý lượng tử liên quan đến ý thức và Joel đã thách thức tôi rằng, “Ý thức có thể được giải thích chăng?” Tôi đã cố gắng luồn lách đưa ra câu trả lời nhưng Joel đã không nghe gì hết. Anh ta nói, “Anh đang tự bịt mắt mình bằng khoa học. Anh không nhận ra được rằng ý thức là nền tảng của vạn vật.” Anh ta nói một câu đại khái là, “Không có gì khác ngoài God.”

Và đã có một cái gì đó lật úp lại trong đầu tôi mà tôi không thể giải thích được. Đây là một nhận thức tối hậu mà tôi có được ngay giây phút đó. Tôi nhớ rằng tôi đã thức suốt đêm đó, nhìn lên bầu trời và có được một cảm giác thiêng liêng lạ lùng về thế giới, và một sự quả quyết hoàn toàn rằng đây đúng là bản chất của thế giới, bản chất của thực tại, và một người có thể làm khoa học dựa trên nền tảng này. Anh thấy đó, cái ý niệm đang thịnh hành bay giờ – ngay cả với những người như David Bohm [4] – là “Làm sao bạn có thể làm khoa học mà không cho rằng có một thực tại vật chất? Làm sao bạn có thể làm khoa học nếu bạn để cho ý thức quyết định những điều tùy nghi?” Nhưng tôi đã hoàn toàn chắc chắn – không một mảy may nghi ngờ nào kể từ đó – rằng một người hoàn toàn có thể làm khoa học trên nền tảng này. Không những thế, họ còn có thể giải quyết những vấn đề của khoa học ngày nay. Và đó là những gì đang diễn ra. Trong vòng vài tháng mọi vấn đề về đo đạc lý thuyết, đo đạc nghịch lý đã tan biến mất. Kể từ khi đó ý tưởng tiếp nối ý tưởng cứ tuôn trào, và rất nhiều vấn đề đã được giải quyết – vấn đề về hiểu biết, nhận thức, tiến hóa sinh học, chữa bệnh bằng tâm linh. Cuốn sách mới nhất của tôi, Vật Lý của Linh Hồn (Physics of the Soul) là một học thuyết về luân hồi, tất cả đã được giải thích cặn kẽ. Thật là một cuộc hành trình sáng tạo tuyệt vời.

[4] David Bohm: Chuyên gia vật lý lượng tử người Hoa Kỳ. Được công nhận rộng rãi là một trong những nhà vật lý lượng tử quan trọng nhất trong thế kỷ 20.

WIE:  Nhìn từ góc độ ngược lại, ông nói như thế nào về việc bản thân là một nhà khoa học đã có ảnh hưởng thế nào đến sự tiến hóa tâm linh của ông?

AG: À, tôi đã không xem chúng là tách biệt. Sự bao trùm, thống nhất này rất quan trọng đối với tôi. Các giác giả thường  cảnh báo người ta rằng, “Đừng phân tách cuộc đời thành cái này hay cái kia.” Đối với tôi nó đến một cách tự nhiên vì tôi đã khám phá ra những cách thức mới mẻ để làm khoa học khi tôi khám phá ra tâm linh. Tâm linh là bản chất tự nhiên của tôi, kể từ đó bất cứ tôi làm gì, tôi không tách biệt chúng. Trước khi có những công trình của tôi, tôi nghĩ rằng nó vẫn còn rất mơ hồ làm thế nào để kết hợp khoa học và tâm linh.

Mặc dù là những người như Teilhard de Chardin (nhà triết học, thần học người Pháp), Aurobindo [5], hay Blavatsky [6],  đã nhận ra được rằng một nền khoa học như thế sẽ đến, và rất ít người sẽ có thể nhìn thấy nó. Những gì tôi làm là nắn thêm thịt vào tất cả những tầm nhìn ở những thế kỉ trước. Và khi bạn làm thế, khi bạn nhận ra rằng khoa học có thể được dựa trên nền tảng của ý thức, mọi thiếu hụt sẽ không còn nữa. Nói cách khác, thành kiến cho rằng khoa học chỉ mang đến tách biệt sẽ không còn nữa. Khoa học duy vật là một khoa học tách biệt.

Một nền khoa học mới nói rằng thế giới vật chất vẫn tồn tại, nhưng nó chỉ là một phần của tổng thể, không phải toàn bộ. Có tách biệt thì cũng phải có thống nhất. Trong cuốn sách Vũ Trụ Tự Thức của tôi, tôi nói về cuộc hành trình của những vị anh hùng trong thế giới khoa học. Tôi nói rằng, 400 năm trước, với Galileo, Copernicus, Newton và những người khác, chúng ta giương cánh buồm tách biệt và du hành vào hải phận của sự tách biệt, nhưng đó chỉ là phần đầu của chuyến hành trình. Sau đó người anh hùng đã khám phá ra được chân lý và quay trở lại. Đây chính là sự trở lại của người anh hùng và chúng ta đang tận mắt chứng kiến qua tầm nhìn mới này.

[5] Aurobindo: học giả, nhà thơ, triết gia, yogi người Ấn Độ, là một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của triết lý Vệ-đà
[6] Blavatsky: Nhà huyền bí đại tài trong lịch sử văn minh Tây Âu.  Bà cũng là sứ giả trực tiếp của các vị Chân-Sư ngự nơi dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Người sáng lập ra hội Thông Thiên Học.

*********

Tác giả: Tiến sĩ Amit Goswami
Dịch: Nguyễn Hoàng Huy
Featured image: Sadie Pices

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

Alexis Zorba – Con người hoan lạc – Một gã không bao giờ đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống

0

[2420 words, 10 minutes read]

Tôi chưa bao giờ có ý định áp đặt tư tưởng của tôi vào một ai, tôi cũng không đặt bút viết ra những dòng chữ này để thay đổi cách sống của bạn. Như cách tôi yêu quý cha mẹ tôi và vẫn thường nói về họ, đó là cách mà tôi bày tỏ tình yêu thương của tôi dành cho họ. Và hôm nay, tôi muốn chia sẻ tình yêu đó cùng với những ai cũng đang bước đi trên con đường tiến gần hơn đến với người đó. Một nhân vật huyền thoại mà tôi luôn ấp ủ để được kể cho nhau nghe: Alexis Zorba. Một con người hoan lạc đã xuất hiện trong cuộc đời tôi vào giây phút định mệnh tôi cầm trên tay quyển sách. Alexis Zorba – Con người hoan lạc của Nikos Kazantzakis.

Sống giữa một cuộc đời có quá nhiều kinh hãi và bên cạnh mình là những bóng ma. Có bao giờ bạn đứng trơ trọi và trần trụi trong đời sống mình, gượng hết cổ họng hét lớn: “Tất cả mọi sự chỉ là một sự giả tạo.” Bạn muốn trở thành một kẻ sát nhân và giết chết sạch tất cả những lừa dối ngụy trang, nhưng không đủ can đảm để cầm lấy thanh gươm ấy. Bạn không có một điểm tựa, bởi đám đông xung quanh bạn vẫn luôn đứng đó vây bọc lấy đời sống bạn. Làm sao để có thể giải thoát khỏi đời sống tù túng chật hẹp. Mọi thứ đang được rào chắn bởi khuôn khổ định kiến. Không thể nào chiến thắng được những tri thức lý lẽ và xã hội để lên đường tìm kiếm chính mình.

Tôi khởi sinh gieo hạt vào khu vườn sống từ rất rất lâu rồi. Nhưng có lẽ vị thần đã đánh thức tôi dậy, hét lớn vào mặt tôi “Chạy ngay đi.” Có lẽ chính là Zorba.

Đó là một con người có thể bắt các vì sao xoay vần quanh gã. Mặc cho cái đầu của gã trống rỗng đối với những kiến thức vay mượn vì gã không bao giờ đọc sách báo. Đó chỉ là một anh công nhân, không chứa một ý nghĩ nào trong đầu, nhưng vẫn luôn sống mãnh liệt và trọn vẹn với cuộc đời mình. Gã chỉ biết sống chứ không suy nghĩ.

Chính điều đó đã khiến nhà tri thức suốt một đời chỉ biết đến sách vở, chỉ thích nghiên cứu giáo lý Phật giáo, đầu óc chỉ đầy những tư tưởng trừu tượng, nhân vật “tôi” đang kể chuyện trong quyển sách này đã phải cúi đầu ngậm ngùi hổ thẹn với bản thân.

“Giá tôi có thể sống lại cái lúc cơn giận dâng lên trong tôi khi bạn tôi gọi tôi là mọt sách! Lúc ấy tôi nhớ ra rằng tất cả nỗi ghê tởm của tôi với quãng đời mình đã sống được thể hiện trọn vẹn trong cái từ đó. Làm sao tôi, một kẻ yêu đời mãnh liệt đến thế, lại có thể để mình mắc kẹt lâu như vậy trong đống sách nhảm nhí và mớ giấy đen ngòm mực… Tôi kiếm cớ để từ bỏ mớ sách vở, tài liệu và lao mình vào một cuộc đời hành động. Tôi phẫn uất vì nỗi phải mang cái tạo vật khốn khổ ấy trên bảng tên mình.”

Đó là một kẻ trí thức mà chính gã cũng đã cay đắng nhận ra mình là một kẻ tri thức chỉ nghĩ chứ không sống.

Zorba là một gã không bao giờ đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình, bởi vì gã đã sống quá nhiều để nhận ra kẻ nào luôn cố gắng đi tìm thì kẻ đó chỉ đang cố đánh mất. Vậy nên gã biến mình thành bánh xe tự xoay động giữa cuộc sống, hưởng thụ cuộc đời một cách say đắm triền miên. Gã không có tham lam thèm muốn hướng vọng đến những đỉnh cao.

“Tôi đã thôi hẳn không nghĩ đến những gì đã xảy ra hôm qua và thôi tự hỏi mình những gì sẽ xảy đến ngày mai. Điều tôi quan tâm là cái gì đang xảy ra hôm nay, giờ phút này. Tôi nói: Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao ngủ – Được, ngủ cho ngon đi – Mày đang làm gì đó Zorba? – Tao làm việc – Ờ, hãy làm cho ra trò nhé – Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao đang hôn một người đàn bà – Ờ, hãy hôn cho say đắm, Zorba. Và quên hết mọi thứ ngoài cái điều mày đang làm, không có gì khác trên đời ngoài mày và nàng. Cứ tiếp tục đi.”

Còn kẻ tri thức chỉ là một cái xác không hồn bước đi hững hờ trong cuộc đời. Bỗng một ngày nhìn thấy Zorba đã khiến gã như thủy thủ xa bờ lâu ngày trông thấy đất liền, gã vội đứng dậy hét lớn. Điều mà suốt cả đời gã đã mải miết chạy theo một ốc đảo ở sa mạc và không bao giờ tìm được.

“Với tôi, các từ: nghệ thuật, tình yêu, sự trong sáng, đam mê, tất cả đều được người lao động này làm rõ bằng những chữ mộc mạc nhất của tiếng người.”

Alexis Zorba là con người hoàn toàn hồn nhiên giản dị, chỉ biết ăn, uống, ngủ, đi đứng, làm tình, ca hát, nhảy múa và say sưa làm việc. Còn kẻ tri thức quên ăn quên uống, không dám làm tình, suốt ngày nhồi nhét những kiến thức một cách mệt mỏi chán chường để tìm ra mọi bí ẩn của thế gian.

“Tôi bận sống tất cả những bí ẩn đó, theo các ông gọi, nên chẳng còn đâu thì giờ mà viết. Lúc nó là chiến tranh, lúc là đàn bà, khi là rượu, khi là cây đàn santuri, tôi lấy đâu ra thì giờ múa may một cây bút khốn khổ? Vì thế nên việc đó rơi vào tay bọn cạo giấy! Tất cả những kẻ thực sự sống những bí ẩn cuộc đời đều không có thì giờ viết và tất cả những kẻ có thì giờ viết lại không sống trong những bí ẩn ấy.”

Zorba lăn xả vào cuộc đời như một chiến sĩ kiêu dũng lăn vào các cuộc chiến. Gã không muốn đánh mất đi giá trị cuối cùng của một con người khi biến mình thành nô lệ của chính mình. Gã nhảy qua xác chết quá khứ, chỉ biết say sưa điên cuồng hò hét ở hiện tại. Tự chỉ định giới hạn cái thiện và cái ác, sự sống và cái chết của chính mình, không theo một sự rập khuôn nào. Tự biến mình thành quan tòa rồi tự phán xét chính mình cho những lề luật gã tự đặt ra. Dám làm tất cả mọi sự, không dè dặt, không giữ gìn trong khi kẻ tri thức lúc nào cũng sống trong cẩn thận, dè dặt, chín chắn, tâm hồn tràn đầy mặc cảm.

“Tôi còn đầy một bầu nhiệt huyết! Làm sao tôi có thể dừng lại mà xem xét mọi thứ nguyên cớ, lý do này nọ? Muốn suy xét sự việc cho đúng đắn, công bằng, phải chờ đến lúc về già, rụng hết răng và bình tĩnh lại. Khi anh là một lão khọm chẳng còn một cái răng, anh có thể dễ dàng nói: “Mẹ kiếp, các chú nhỏ, đừng có cắn!” Nhưng khi anh còn nguyên ba mươi hai cái răng thì…”

Nói về cuộc đời cùng một kẻ đang còn đau khổ cùng những tri thức lý lẽ vay mượn trong sách vở chỉ làm căng phồng thêm sự trống rỗng của kẻ đó, là một sự quá sức.

“Tôi tự hỏi không biết các hạ có thể nói gì về điều đó. Trong chừng mực tôi có thể nhìn thấy là các hạ chưa bao giờ đói, chưa bao giờ chết chóc, chưa bao giờ trộm cắp, chưa bao giờ phạm tội ngoại tình. Vậy các hạ biết cái quái gì về thế sự? Đầu óc các hạ ngây thơ, da thịt thậm chí chưa bao giờ biết mùi nắng.”

Kazantzakis đã dựng lên một con người hiên ngang bất khuất sống động giữa nền văn minh tri thức thời đại để tát một gáo nước lạnh vào sự độc tôn của lý trí. Chính lý trí đã xây dựng lên quá nhiều ảo tưởng. Chúng biến mình làm vật cản làm chậm bước chân đi của sức sống tràn đầy. Chúng phá hủy sự thơ mộng vốn có trong mỗi con người. Chúng một mực tạo ra những những ảo tưởng và dùng chính những ảo tưởng đó để chống lại lý trí, phá vỡ cuộc sống vốn có tự sẵn thân trong con người. Con người được sinh ra và thuần chủng trong những bản năng vốn có. Lý trí không đủ quyền năng để điều khiển tâm trí con người bước lệch lạc trên những bước chân chao đảo. Con người cần tự hiểu rõ một điều rằng

“Mọi người trên thế gian này đều có một ý nghĩa tiềm ẩn, tôi nghĩ thầm. Con người, thú vật, cây cối , trăng sao, tất cả đều là chữ tượng hình. Bất hạnh cho kẻ nào bắt đầu đọc ra những chữ ấy và đoán được ý nghĩa của chúng…Khi mới thấy, ta đâu có hiểu. Ta tưởng đó quả thật là con người, cây cối, trăng sao. Mãi đến nhiều năm sau, ta mới hiểu thì quá muộn…”

Nhưng không phải vì thế mà con người dùng lý trí để chạy trốn sự thật gan góc ác độc đó. Con người cần phải đối diện để đi qua hết tất cả mọi sự đã được sinh ra để chờ đợi sẵn.

“Trái tim ta hỡi, giống như hạt lúa mì, ngươi cũng phải rụng xuống đất và chết. Đừng sợ. Nếu ngươi không rụng xuống, làm sao cây kết trái được? Làm sao nuôi những kẻ sắp chết đói.”

Sự trốn tránh trong những tri thức lý lẽ, cố biện minh cho một cuộc đời không đáng giá con người. Sống như một con người là khi ta nhận ra

“Đỉnh cao nhất của con người có thể đạt tới không phải là kiến thức, hay đức hạnh, cũng chẳng phải thiện tâm hay chiến thắng, mà là một cái gì đấy vĩ đại hơn, anh hùng hơn và tuyệt vọng hơn: Nỗi sợ thiêng liêng.”

Zorba đích thực là hiện thân của một con người chống đối lý trí. Nhưng nói thế không có nghĩa gã là một tên ngu muội. Vì chúng ta đôi lúc không nhận ra rằng con dao hai lưỡi được giấu kín sau lý trí đã đợi chờ cơ hội quay đầu phản bội trá hình, biến ảo thành thật, thật thành ảo, xoay vần  tâm trí và biến chúng ta thành kẻ dại khờ khi một mực phủ nhận. Lý trí cũng chính là sự ngu muội.

“Thoát khỏi tổ quốc, khỏi các thầy tu, khỏi tiền bạc. Tôi đã sàng lọc, ngày càng sàng lọc bỏ đi nhiều thứ. Bằng cách ấy, tôi làm nhẹ gánh nặng của mình. Tôi đã, nói thế nào nhỉ?.. Tôi đã tìm thấy sự giải thoát tôi thành người.”

Alexis Zorba là một kẻ tỉnh ngộ, là một con người lý tưởng mà Kazantzakis muốn đạt đến. Khi tôi đối diện với con người này, tôi tựa mình như một vì sao đang lao mình vào khoảng không trống rỗng. Bởi tôi nhận ra tôi vẫn còn đang rất đau khổ giữa đời sống này. Tôi chẳng khác gì gã tôi đang kể câu chuyện ấy, đang tự hổ thẹn với chính mình. Nhưng may sao lòng can đảm và những hy vọng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi không còn muốn khom lưng cúi mặt, nghiến răng chịu đựng. Tôi muốn giết chết con người giả tạo trong tôi, sống thực hơn, vượt bỏ cái bóng từng là chính tôi, bay vút lên cao tít và được biến thành con người, vượt bỏ tất cả sự dơ bẩn trong tôi, mặc cho tôi đã tự biến mình thành kẻ thù của đám đông. Tôi không cần biến mình là đồng minh của họ, tôi đã không còn tin tưởng vào họ.

“Tôi chẳng tin vào cái gì, chẳng tin vào ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những người khác, hoàn toàn không phải như thế. Hắn cũng là súc sinh như tất thảy. Nhưng tôi tin vào Zorba vì hắn là kẻ duy nhất nằm trong phạm vi quyền lực của tôi, là kẻ duy nhất tôi hiểu biết. Còn tất cả mọi người khác đều là những bóng ma. Tôi nhìn thấy bằng đôi mắt này, tôi nghe thấy bằng đôi tai này, tôi tiêu hóa bằng bộ lòng ruột này. Tất cả mọi người khác đều là bóng ma. Khi tôi chết, tất cả mọi thứ đều sẽ chết. Toàn bộ thế giới Zorba sẽ chìm xuống đến tận đáy!”

Thực sự tôi không có ý định viết ra những câu chữ này để review cho một quyển sách. Đây không phải là một bài review để các bạn đọc qua rồi ra hiệu sách vồ chụp lấy con người đó, dùng sự thấu hiểu cạn cợt của mình để phán xét đúng sai. Khoảnh khắc tôi và con người hoan lạc này đã gặp nhau, tôi không hiểu căn nguyên lý do, nhưng vì đã gặp gỡ và trót yêu mến, nên các câu chữ đã theo tình yêu đó tuôn trào ra trên từng trang viết. Tôi đã muốn viết nhiều hơn, nhưng có lẽ ngôn từ mộc mạc khô cằn này đôi khi không đủ để nói về một điều mà chúng ta yêu quý. Vậy nên mọi sự chỉ nên dừng lại ở đây.

“Tâm hồn cũng là một con vật có phổi, có lỗ mũi, nó cần dưỡng khí và có thể chết ngạt trong bụi bặm hoặc giữa những chỗ quá uế khí.”

Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ này giữa bạn và Zorba, bạn cũng sẽ tìm ra được một chút dưỡng khí nào đó dành riêng cho chính bạn. Còn tôi, tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày.

Tác giả: Ni Chi

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2