31 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 104

10 điều bạn cần biết khi học tiếng Anh hay ngoại ngữ

(2302 chữ, 9 phút đọc)

Nếu bạn là một trong những người học tiếng Anh học đã lâu mà vẫn thất bại, có thể bạn đã mắc phải một số sai lầm trong cách học. Bài viết này tôi muốn tổng kết lại mười điều có thể giúp bạn học tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ nào đó) một cách có hiệu quả hơn. Hy vọng sẽ giúp ích được các bạn.

1. Hãy giỏi tiếng Việt trước đã

Nếu bạn muốn giỏi một ngôn ngữ thứ hai, bạn phải giỏi tiếng mẹ đẻ của mình trước. Đây là điều khoa học đã chứng minh vì các ngôn ngữ có những nguyên tắc chung của nó. Tiếng Việt đối với một đứa trẻ tập nói vẫn là một thứ ngoại ngữ. Và hãy nhớ rằng chúng ta học tiếng Việt từ khi học nói cho tới khi học đại học và vẫn sử dụng nó hàng ngày. Chính vì vậy nếu bạn sử dụng tiếng Việt chưa tốt, viết còn sai chính tả, sử dụng từ sai nghĩa, câu cú lủng củng thì việc bạn học tốt một ngôn ngữ thứ hai là khá khó có thể thành công. Đồng thời khi các bạn yêu tiếng mẹ đẻ của mình thì bạn mới trân trọng một ngôn ngữ khác và có động lực để học tốt nó chứ không đơn thuần xem nó như một món nợ phải trả cho xong.

2. Không bao giờ có chuyện học cấp tốc mà giỏi

Tôi luôn từ chối dạy cho những người có suy nghĩ học cấp tốc trong vòng vài ba tháng hoặc đợi đến lúc không còn cách nào khác mới học nhưng lại muốn điểm cao. Tại sao ư? Bởi vì chính bản thân tôi đã trải qua muôn vàn khó khăn và vấp phải rất nhiều thất bại trong việc học ngoại ngữ và từ khi tôi bắt đầu học cho tới nay, chưa bao giờ tôi ngưng học. Phải nhớ một điều bạn bỏ ra bao nhiêu công sức thì bạn gặt hái được bấy nhiêu thành quả. Nếu bạn chỉ thích bỏ ra một đồng nhưng thu về một núi tiền thì tốt nhất bạn nên mua vé số và hy vọng. Phải quyết tâm bỏ tư tưởng ăn xổi ở thì ra khỏi suy nghĩ thì bạn mới tiến bộ được.

3. Hãy tìm hiểu sự tương quan giữa các ngôn ngữ

Những người không hiểu được hoặc không quan tâm đến sự tương quan và khác biệt giữa tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ thường sẽ mắc những lỗi sau đây khiền họ cho dù học rất nhiều nhưng kết quả đạt được thường chẳng bao nhiêu: Dịch sát nghĩa của từng từ thay vì hiểu ý của một cụm từ, học mẹo một cách mù quáng chứ không dựa trên logic của ngôn ngữ, không tự sửa được các lỗi phát âm hoặc ngữ pháp cơ bản, không biết cách diễn đạt sao cho hợp lý bằng ngoại ngữ… Nhờ thông thạo tiếng Hoa nên tôi hiểu sâu hơn về những từ ngữ Hán Việt dùng để giải thích các thuật ngữ trong tiếng Anh như thế nào là “tân ngữ” (chữ “tân” ở đây là “khách” đối lập với chữ “chủ” trong “chủ ngữ” chứ không phải “tân” là mới), thế nào là “giới từ”… cũng như phát hiện nhiều mối liên hệ thú vị giữa ba ngôn ngữ Anh-Hoa-Việt.

4. Không ngừng luyện tập

Ai cũng biết muốn thành thạo một kĩ năng thì phải luyện tập thường xuyên vì những gì bạn học trên lớp là lý thuyết. Để biến thành kĩ năng sử dụng được, những kiến thức đó phải được sử dụng đi sử dụng lại rất nhiều lần cho tới khi thành thạo như một bản năng. Nhưng đáng tiếc là việc luyện tập là việc đáng chán nhất trên đời vì nó tốn nhiều thời gian và cứ lặp đi lặp lại. Người luyện tập hay có tâm lý sau một vài lần thành công sẽ nghĩ rằng mình đã thành thạo rồi nên không tập nữa và không chịu kết hợp những cái đã học với những cái mới học với nhau nên sau một thời gian rất ngắn, họ sẽ rơi vào tình trạng cái gì cũng biết nhưng chỉ biết sơ sài và không sử dụng được.

5. Luyện tập không chỉ là thời gian mà còn là phương pháp

Có nhiều người bỏ rất nhiều thời gian ra để luyện tập nhưng không có tiến bộ thậm chí càng tập càng dở. Điều này không có gì là khó hiểu vì nếu bạn đã không chuẩn ngay từ đầu thì việc tập luyện nhiều khiến lỗi sai biến thành quán tính càng lúc càng khó sửa. Tôi luôn nhắc nhở các bạn học viên của mình một nguyên lý rất cơ bản nhưng rất ít người chịu làm theo. Khi bạn ngồi trên lớp cho dù bạn hiểu bài 100% đi nữa thì đến khi ra khỏi lớp và đi về nhà, kiến thức của bạn sẽ rơi vãi khoảng 30-40% vì những chuyện khác chi phối. Sau một đêm ngủ dậy, bạn sẽ quên tiếp khoảng 20% những gì đã học và những hoạt động trong ngày khác sẽ khiến bạn bị phân tâm và kiến thức bạn học được hôm trước trở thành khiếm khuyết và tam sao thất bản. Nếu bạn sử dụng kiến thức đó để làm bài tập qua loa để đối phó mà không thèm xem lại lý thuyết để điểm lại những điều quan trọng thì việc làm bài tập của bạn không có lợi ích gì mà trái lại còn có hại. Nhớ là trước khi luyện tập, hãy đảm bảo những gì mình luyện tập là đúng và chính xác.

6. Dấn thân và chịu cực

Học một ngàn quyển sách nhưng chưa bao giờ áp dụng những gì mình học vào đời thực dù chỉ một lần thì cũng không bao giờ thành công được. Sách giáo khoa chỉ dạy được một lượng kiến thức rất nhỏ so với những gì cần thiết để sử dụng tốt một ngôn ngữ và mục đích của các chương trình giáo khoa là giúp bạn thi lấy điểm cao những bài thi không có tính thực tiễn. Các khóa học Anh văn cũng vậy. Cách học tốt nhất là chịu dấn thân cọ sát thực tế chịu bầm dập và chịu thất bại hết lần này tới lần khác. Cũng giống như một người lính phải xông pha hàng trăm trận lớn nhỏ, bị hàng chục vết thương thì mới có cơ hội trở thành một tướng tài. Quan trọng là mỗi lần thất bại bạn có rút ra kinh nghiệm xương máu và không bỏ cuộc hay không.

Việc than thở rằng không có điều kiện thực hành tiếng Anh không khiến cho bạn vì thế mà được thông cảm và cũng chẳng cải thiện được thực tế là bạn vẫn tệ tiếng Anh. Vả lại ở thời đại công nghệ này mà còn nói câu đó thì đó là một lời ngụy biện không hơn không kém. Học tiếng Anh mà một quyển sách tiếng Anh cũng không đọc, một bài hát tiếng Anh đơn giản cũng không hát được, có dịp để nói cũng không chịu nói, có dịp để viết cũng không chịu viết mà chỉ thích làm những dạng bài tập vừa dễ vừa quá quen thuộc để khỏi phải động não thì suốt đời vẫn không sử dụng được tiếng Anh.

7. Hãy để ý đến những chi tiết nhỏ nhất

Điều khiến tôi nản nhất trong việc dạy tiếng Anh của mình là có rất nhiều bạn có thái độ xuề xòa qua loa. Có những điểm quan trọng tôi nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần nhưng các bạn vẫn cứ sai do làm theo quán tính mà không chịu động não suy nghĩ. Có những lỗi cực kỳ dễ sửa nhưng các bạn không chịu khắc phục nên hết khóa học vẫn sai bao nhiêu đó sai hoài. Tôi thường học từ vựng và cách diễn đạt bằng tiếng Anh bằng cách chú ý đến những từ tiếng Anh mà tôi gặp bất cứ nơi đâu: Trên những slogan quảng cáo, trên bao bì của một sản phẩm (tôi thường đọc hết tất cả những gì ghi trên bao bì sản phẩm không bỏ sót chữ nào), các poster phim ảnh hay du lịch… và chú ý những điều thú vị (cách dùng mới của một từ quen thuộc, tiếng lóng, thậm chí là lỗi sai của người khác). Những điều nhỏ nhặt đó không có sách vở hay thầy cô nào có thể dạy bạn mà chỉ có thực tế cuộc sống mới dạy được cho bạn.

8. Hãy rèn luyện sức chịu đựng của mình bằng những thử thách khác

Nếu bạn còn trẻ, có điều kiện gia đình lo cho học hành mà luôn miệng than thở là tiếng Anh khó quá thì rất có khả năng bạn chưa hề chịu cực dù chỉ là một ngày. Hãy thử tự đi làm cả ngày rồi đi học sau một ngày vừa mệt vừa đói. Hãy thức dậy thật sớm để ra phòng gym tập cho đến khi các cơ bắp bạn mỏi nhừ và đau nhức trong từng cử động những ngày tiếp theo để khi bạn giảm hoặc tăng được một kg thì bạn mừng rơi nước mắt thế nào. Hãy thử tập một loại nhạc cụ phổ thông nào đó như guitar chẳng hạn để biết rằng vừa canh cho đúng nhịp phách vừa xác định đúng nốt trên cần đàn vừa chịu cảm giác dây đàn cắt vào những đầu ngón tay đau đớn thế nào để đến khi đánh ra hồn một bản nhạc thì mấy đầu ngón tay bạn cũng gần như nát bét. Lúc đó bạn sẽ hiểu học tiếng Anh không hề khó như bạn nghĩ. Vấn đề là bạn muốn hay không mà thôi.

9. Hãy trân trọng những người thầy có tâm

Nhiều bạn luôn miệng than thở là nhiều giáo viên dạy dở dạy chán nhưng hãy bình tâm suy nghĩ lại trước khi buông lời oán thán. “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân.” Hãy tự hỏi bản thân mình rằng bạn có ham học cấp tốc muốn học ít mà được nhiều, muốn không cần chịu cực mà vẫn giỏi hay không? Có phải bạn ưu tiên chọn những nơi hứa hươu hứa vượn đảm bảo này nọ mà né tránh những lời khuyên hữu ích nhưng bắt buộc bạn phải nỗ lực và chẳng cam kết gì? Có phải bạn chọn cách học mẹo học tủ để thi lấy bằng và từ chối những nơi dạy dỗ đàng hoàng? Hãy nhớ rằng lựa chọn ban đầu là do bạn, bạn chọn gì thì bạn sẽ nhận được điều mà bạn muốn tương xứng. Nhiều bạn đến học với tôi nhưng vẫn giữ thái độ học đối phó học mẹo, bỏ qua những lời khuyên bằng kinh nghiệm xương máu của tôi muốn đốt cháy giai đoạn để đạt kết quả cao thì tôi cũng thực sự bó tay. Một hình ảnh ám ảnh tôi và khiến tôi cảm thấy chua xót là có lần tôi đọc được status gần như năn nỉ các bạn trẻ ở Hà Nội đi học tiếng Anh miễn phí của thầy Thái Bá Tân, một người thầy vừa có tâm vừa có tầm vừa là một nhân cách lớn, kèm theo hình ảnh thầy ngồi buồn trong lớp học vắng hoe vắng ngắt. Các bạn thà bỏ tiền triệu ra đi học những thứ mẹo vặt rác rưởi nhưng lại phụ tấm lòng của những người thầy như thế thì các bạn xứng đáng với những gì các bạn gặt hái được. Nên nhớ rằng để có những bài giảng hay và hiệu quả, những thầy cô đó phải bỏ biết bao nhiêu công sức để chắt lọc nghiền ngẫm nghiên cứu và thậm chí hy sinh thu nhập của mình để đúc kết cho các bạn. Nếu các bạn không trân trọng những điều đó bằng thái độ học tương xứng thì các bạn đừng than vãn gì cả.

10. Nỗ lực bản thân vẫn là quan trọng nhất

Không ai có thể theo bạn cả đời để dạy cho bạn hoặc sửa lỗi sai cho bạn mà chính bạn phải ý thức được điều đó và tìm cách tự học tốt nhất cho mình. Đừng ý lại quá vào một giáo viên nào cả vì họ có những học trò khác không chỉ có riêng bạn. Ngoài ra họ còn có gia đình và cuộc sống riêng chứ không chỉ có việc đi dạy. Đừng nghĩ rằng mình nói chuyện với người nước ngoài thì sẽ tự động giỏi. Người bản ngữ thường sẽ rất ngại sửa lỗi cho bạn và họ cũng cảm thấy phiền vì mỗi lần bạn nói là phải sửa. Bạn bè bạn có giỏi tiếng Anh cách mấy cũng chỉ giúp bạn một thời gian đầu mà thôi. Sau một thời gian đã hết lòng với bạn mà bạn vẫn không chịu để ý tự khắc phục họ sẽ nản và bỏ cuộc vì chính bản thân họ cũng muốn tìm người giỏi hơn để học hỏi. Nhờ vả người khác nhưng chính bản thân mình không chịu cố gắng sẽ khiến người kia cảm thấy bị làm phiền hoặc bị lợi dụng. Chẳng ai đủ rảnh và đủ tốt để giúp ai suốt đời được. Bạn đừng trách người khác vì sự yếu kém của bản thân vì họ không có nghĩa vụ làm cho bạn tốt hơn. Đó là bổn phận của bạn đối với chính mình.

Tác giả: Vien Huynh

*Featured Image: stevepb 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Rồi ta lại mơ về những giấc mộng hồng

0

(730 chữ, 3 phút đọc)

Giấc mộng lầu hồng. Mấy ai trong đời không có một giấc mộng hồng, mơ sẽ mãi mãi yên ấm, an vui, cùng với gia đình, anh em, bạn bè. Thế là, không ai thốt ra nhưng xin hỏi mấy ai phủ nhận mình có thường trực mang theo nỗi lo ấy. Nỗi lo một ngày vật đổi sao dời, nỗi lo đến lúc tiệc vui tàn mất. Nỗi lo ngày kia người sẽ chẳng còn là người, và mọi chuyện dần dần không còn là nó nữa. Nào, cạn một ly cho sự buồn chung của con người chúng ta.

Lo lắng sẽ chẳng giải quyết được gì, họ nói. Phải, như nghèo cũng chẳng sung sướng gì cho cam nhưng người ta vẫn nghèo đấy thôi.

Có phải chúng ta là một giống loài đầy những mâu thuẫn? Ta nói, có hợp thì có tan, có vui thì có buồn, hạnh phúc – đau khổ, mấy sự thật này làm ta nôn nao mãi. Vì ta ham muốn quá nhiều? Vì ta ngạo mạn bởi vị thế hơn hết thảy muôn loài, nên theo đó vũ trụ và các quy luật nên nể nang mình phần nào mới phải? Vì ta, vì ta, vì ta. Vì ta không kiểm soát được tất cả, vì ta thật nhỏ bé với bầu trời đêm đầy sao. Ôi trời đất, so với mấy thứ to đùng ấy, so với trời đất, thời gian ta tồn tại quả thực chỉ như là thoáng qua. Ai biết ta có kịp hiểu ra điều gì nếu trước hết có điều gì đó cần hiểu. Nếu sự có mặt của mình chỉ là thoáng qua, một dấu vết bé ti ti tí, anh kia, chị ấy có ngăn được mình thắc mắc: Chúng ta tồn tại vì điều gì? Và nếu nó thật ra là chẳng vì điều gì cả, là nó là cứ thế xảy ra mà thôi, thì thay vì cuộc đời mình, ta là a là b, thôi thì ta là y là z. Sao cũng được, có khác biệt gì đâu, vì tất cả có nghĩa lý gì đâu, phải không?

Gượm đã! Tiếng đàn lạc nhịp của cô bé phòng bên chiều hôm ấy, hỏi ai có mang một ý nghĩa nào không? Thế còn lần ăn tối cả nhà bữa đó? Hay là nụ cười hom hem của bà già bán rau hôm kia. Ai trả lời cho, ai là người đủ thẩm quyền giải đáp những câu hỏi này? Lăn lộn tới lui giữa bể hư vô mênh mông, rồi sự thật cũng dần hé mở. Không ai cả, mỗi người sẽ phải tự có đáp án của riêng mình. Tất cả những năm tháng, tất cả những trải nghiệm, những niềm vui, niềm đau, những được và mất, những hạnh phúc và bất hạnh … nếu chỉ là thoáng qua không mang một ý nghĩa nào cả, tại sao mấy thứ đó lại luôn đậm nét đến thế – trong mỗi người?

Rồi ta lại mơ về những giấc mộng hồng chứ? Thì cứ mơ thôi, nhưng đừng quên mơ giấc mơ hồng thì ngại lắm thực tại xám. Thật dễ chịu khi nghĩ về khả năng tốt đẹp có thể xảy đến, nhưng nỗi lo lắng biết đâu nó lại không cũng giày vò bấy nhiêu. Anh mong đợi hạnh phúc trọn vẹn thì anh ưa gì nổi bộ mặt bọn khổ sở, dở dang. Hai mặt của một đồng xu. Anh có bao giờ thấy đồng xu nào có mỗi một mặt chưa? Phân tích mấy câu thơ sau:

“Ngẫm đời như thể truyện Hồng lâu
Có lúc yên vui, có lúc sầu
Xuân đến đào tươi, đơm rực rỡ
Đông về tuyết lạnh, buốt thương đau.”

Hừm… Có đó, mất đó. Đến đó, đi đó. Hoặc là như thánh nhân, không vui không buồn, chỉ an lạc chẳng đợi mong gì. Không thì là phàm nhân, đủ vui đủ buồn. Mơ những điều tốt đẹp nhất, cố mà nhớ dù hay quên mất – chấp nhận cả những gì xấu xí. Hiểu mình hiểu đời, can đảm và kiên nhẫn.

Mà tôi biết mấy anh chị rồi. Anh chị sẽ vẫn còn đó mâu thuẫn, nghi ngờ, đau khổ đủ kiểu thôi. Chỉ là bỏ qua cho bản thân những lúc như thế và bước tiếp.


Tác giả: Thanh T

Featured image: Pexels 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Dạy toán ở Việt Nam, sai từ lúc bắt đầu

(1916 chữ, 8 phút đọc)

Tôi tin rằng, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề dù chuyên môn hay nghiệp dư, có lẽ hiếm có lĩnh vực nào dị biệt như toán học và văn chương. Dị biệt ở chỗ, tri thức có thể thụ đắc từ nó hoàn toàn không cần đến sự giáo dục hệ thống. Nói cách khác, toán học và văn chương, hoàn toàn có thể tự học không cần thông qua trường lớp hay hệ thống giáo dục nào. Nhận định như vậy không hẳn ai cũng đồng ý, nhất là với toán học.

Văn chương dễ nhận ra nhất, hầu như rất ít nhà văn nào xuất thân từ một trường chuyên nghiệp về văn chương; những tài năng lớn nhất trong lĩnh vực văn chương thường, xuất thân từ địa hạt xa rời văn chương. Đành rằng, ngày nay trên thế giới vẫn có chuyên ngành văn chương tại Đại học, nơi đào tạo nhà văn và nghiên cứu văn chương; thì thực tế cho thấy, nhà văn chuyên nghiệp rất ít người xuất thân từ chính chuyên ngành của mình trong Đại học.

Riêng toán học, thoạt nhìn, chúng ta khó tin rằng môn toán có thể tự học hoàn toàn; bởi, toán học luôn là môn xương sống cho mọi cấp bậc từ tiểu học đến trung học và cả đại học; những đứa trẻ phải trầy trật dưới điểm số môn toán; toán từng là môn ám ảnh thời đi học của rất nhiều người. Toán, không phải là môn dễ học. Điều đó đúng trong trường hợp, người ta phải học toán theo một trình độ do chương trình đặt ra, họ buộc phải tiêu hoá mớ tri thức trong thời gian ngắn. Còn lại, toán học dù là môn học rất trừu tượng nhưng không quá khó để học được nó, bất kỳ ai có trí thông minh trung bình, một chút nghị lực, một ít đam mê và một quyển sách giáo khoa toán tốt, là hoàn toàn có thể thụ đắc tri thức toán học ở mức độ chuyên ngành mà không cần đến bất kỳ thầy dạy toán nào.

Lịch sử toán học chỉ ra, đây là ngành học có những tài năng trẻ đến rất trẻ, trong số đó, không ít người hoàn toàn tự học dựa trên một quyển sách giáo khoa toán nào đó. Người ta có thể nói, vì đó là những cá nhân xuất sắc nên có thể tự học toán mà không cần sự hỗ trợ của ai. Điều đó vừa đúng vừa sai. Đúng ở chỗ, muốn nghiên cứu bất kỳ phân ngành nào của toán học, tối thiểu, người ta phải biết những phép tính căn bản; mà không một đứa trẻ nào, sinh ra đời tự có phép tính đó trong đầu, chúng cần được học; quan trọng, những phép tính đó ai dạy cũng được. Toán học không phải là phép tính, phép tính chỉ là một công cụ căn bản của toán. Hiểu và thực hành được phép tính trong toán học, đâu cần nhiều trí thông minh, miễn người ta đừng đòi hỏi trẻ em khả năng chưa tương xứng lứa tuổi.

Tôi biết, tự học bao giờ cũng gian nan hơn có người hướng dẫn và một chương trình học được soạn kỹ lưỡng. Đó là lý do mà lối học nhảy cóc trong một số lĩnh vực thường mang lại kết quả hời hợt. Không ai tin một ai đó có thể tự học mà thành bác sĩ, một người tự học đàn vĩ cầm sẽ không thể chơi được nhạc cổ điển với nhiều kỹ thuật phức tạp. Toán học thì khác, nó có ba đặc trưng:

  1. Toán học là thế giới của ý tưởng tuyệt đối với những quy luật chính xác đến lạ lùng, mặc cho trên đời này có tồn tại hình tam giác hay không thì người ta vẫn biết, tổng ba góc tam giác luôn là 180 độ.
  2. Toán học chỉ chứa chân lý và chân lý đó là tuyệt đối, điều này lý giải tại sao khi một định đề trong toán học đã được chứng minh thì không ai ngờ vực nó nữa.
  3. Toán học là sản phẩm của óc lý trí và sức tưởng tượng, nên toán học là sản phẩm gắn liền với khả năng tư duy rất đặc trưng của con người. Như vậy, khả năng toán học là khả năng căn bản và đặc trưng nhất ở người Homo Sapiens, chúng ta có khả năng toán học rất tự nhiên, vì vậy, tôi mới nói chúng ta hoàn toàn có thể tự học toán.

Thực tế không như vậy, nhất là ở Việt Nam, không ai có thể tin một ai đó dựa vào sách giáo khoa để hiểu nội hàm rất trừu tượng trong toán, ở mức độ lý thuyết và, giải quyết một bài toán, ở mức độ thực hành. Theo tôi, lý do chính, ở Việt Nam không có một quyến sách toán giáo khoa tốt. Những quyển sách giáo khoa toán ở Việt Nam, sơ sài đến mức, mỗi năm có hàng trăm quyển sách minh hoạ cho nó; và ngắn gọn đến mức, không ai có thể hiểu nó trừ khi có người giải thích.

Thời gian gần đây, tôi ở nhà một người bạn làm luật sư, em trai anh học một ngành kinh tế tại RMIT và gặp khó khăn về những bài toán kinh tế được học. Tiếp xúc anh, tôi nhận ra anh khá thông minh, suy nghĩ mạch lạc; khi hỏi, thật ngạc nhiên là anh học dở toán và không thích môn học đó. Kinh nghiệm dạy học của mình, tôi biết một đầu óc tư duy mạch lạc là tiền tố quan trọng tiếp cận tri thức toán học. Nhận thấy những bài toán kinh tế mà anh đang giải quyết là những khái niệm liên quan đến giải tích, tôi đưa anh ra nhà sách mua hai quyển Giải Tích của James Stewart mà Việt Nam có chuyển ngữ. Tôi dành hai buổi, mỗi buổi chừng 5-6 tiếng bắt đầu lại những khái niệm căn bản nhất của Giải Tích cho anh.

Buổi đầu tiên, tôi không dạy hay viết bất kỳ gì về phương trình toán học. Thay vào đó, tôi nói rất nhiều về Khái niệm tới hạn (giới hạn). Như mọi quyển sách giáo khoa đúng nghĩa, người ta dành thời gian nhiều để tiếp cận khái niệm. Tôi vẽ 15 hình tròn có cùng bán kính và anh phải vẽ vào đó những đa giác đều nội tiếp hình tròn, trực quan, anh tự nhiên nhận ra Diện tích hình tròn là điểm giới hạn của Diện tích đa giác đều, khi số cạnh n chạy ra vô cực. Tôi mất rất nhiều thí dụ từ, diện tích hình cong, vận tốc, dãy số, tổng sai phân để anh nhận ra điểm mấu chốt của khái niệm giới hạn đều liên quan đến tính động hơn là tĩnh. Từ đó, anh phân biệt được khác biệt căn bản môn giải tích, hình học và đại số là tính động và tính tĩnh. Giải tích nghiêng về động, đó là lý do tại sao kinh tế xã hội học đều cần đến giải tích.

Khi nói về hàm số, tôi nhấn mạnh hàm số như một nhà máy mà hàng hoá tạo ra lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào. Trường hợp đó, hàng hoá gọi là biến số phụ thuộc, nguyên liệu là biến số độc lập. Đại lượng y luôn lệ thuộc vào x. Khác với nhiều người dạy toán, tôi nhấn mạnh cách thức mô tả hàm số là đa dạng, có thể nói bằng lời, có thể bằng những con số, có thể bằng đồ thị và có thể bằng một phương trình. Nhiệm vụ học khái niệm hàm số là khả năng mô tả những bài toán kinh tế, quy chúng về những phương trình đơn giản, tìm hiểu quy tắc phương trình đó chính là luật vận hành trong kinh tế, giải phương trình đó chính là giải bài toán kinh tế. Khái niệm hàm số cho phép chúng ta khái quát hoá một vấn đề thành những đại lượng lệ thuộc lẫn nhau, quy giản nó thành một phương trình, cụ thể nó bằng một hình vẽ. Cho đến ngày nay, giải pháp căn bản cho nhiều vấn đề xã hội là khả năng khái quát và quy giản nó thành điều có thể hiểu, bởi không ai có giải pháp cho điều không thể hiểu.

Nói về khái niệm đạo hàm, tôi nhấn mạnh sự thay đổi quãng đường di chuyển của xe máy với thời gian, từ đó tôi nhắc về khái niệm vận tốc trung bình. Nhưng ở mỗi thời điểm, vận tốc là khác nhau, sự khác nhau đó cho thấy khuynh hướng vận tốc đang tăng lên hay giảm xuống hay giữ nguyên, theo thời gian, tất cả đều hình thành nên khái niệm… vận tốc của vận tốc, mà chúng ta quen gọi là gia tốc, nghĩa là tốc độ gia đổi vận tốc. Tương tự xã hội học, dân số tăng theo mỗi năm, thì liệu, chúng ta có đoán được tương lai dân số sẽ thế nào? Tốc độ gia tăng dân số cho ta biết khi nào dân số tăng nhanh, tăng chậm hoặc âm. Đó là khái niệm đạo hàm, nghĩa là tốc độ biến thiên, hay tốc độ của tốc độ.

Tương tự cho khái niệm tích phân, vi tích phân, tích phân hai lớp, ba lớp, trong hệ trục giải tích, v.v…. Trong vòng hai buổi, số giờ chừng 12 tiếng, anh hoàn toàn hiểu chính xác những khái niệm căn bản nhất giải tích mà không cần đụng nhiều đến phép toán. Tôi dành thời gian để chứng minh những định lý căn bản, những câu chuyện liên quan đến nhà toán học giải tích, vai trò và khám phá của họ. Về mở rộng phạm vi ứng dụng toán học, tôi cùng anh giải quyết bài toán ước lượng số nhân công xây dựng kim tự tháp Khufu dựa trên trọng lượng viên gạch, số viên gạch, thời gian xây, lực dòng nước chảy. Tại sao tôi có thể giải thích quỹ đạo hành tinh theo hình e-lip mà không phải hình tròn. Tôi giúp anh tính chính xác lực nâng trái bóng rổ của anh, rồi từ đó xác địch vị trí lẫn độ cao mà trái bóng sẽ rơi.

Sau hai buổi, anh hoàn toàn có thể tự học Giải tích bằng sách giáo khoa với khả năng giải trọn vẹn trên 80% bài toán. Anh không nghĩ mình có thể giải toán giải tích tốt như vậy; tôi nói, ngay từ đầu bước đến toán anh đã sai đường, tập trung vào những con số, công thức, quỷ thuật lươn lẹo trong cách giải toán; trong khi bản chất toán học là, tập trung vào hiểu khái niệm. Khái niệm hiểu chính xác và vững, giải toán chỉ là công đoạn thoả mãn sự mẫn cảm với những con số mà thôi. Tôi nói thời đại anh may mắn khi sách giáo khoa toán ở Mỹ bắt đầu dịch sang tiếng Việt, anh hoàn toàn tự học toán dựa trên nó.

Dạy toán ở Việt Nam, sai từ lúc bắt đầu.

Tác giả: ICiệt’s Phùng

*Featured Image: Pixapopz

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

Đà Lạt: 9 địa điểm bí mật để thư giãn

5

Tất cả những địa điểm mình giới thiệu dưới đây chỉ vì đây là những nơi mình đã đi qua, đã vì thế mà thêm yêu Đà Lạt. Mình muốn các bạn biết thêm về Đà Lạt, chủ yếu đây là những nơi ít người biết đến, những góc khuất của Đà Lạt.

Những nơi yên tĩnh, ấm cúng, cho mình thấy được cảm giác bình yên đúng nhất của Đà Lạt để các bạn vì thế mà thêm yêu Đà Lạt hơn, quý trọng Đà Lạt hơn; để Đà Lạt không chỉ là nơi đến để check in, để khoe khoang trên mạng xã hội mà còn là nơi nghỉ ngơi, thoải mái và để trân trọng mảnh đất này.

Tất cả những nơi dưới đây mình xin không đề địa chỉ vì mình không muốn biến nó thành những khu du lịch nổi tiếng và để du khách biến nó thành những bãi rác. Ai cũng như mình, cũng yêu và ý thức bảo vệ Đà Lạt các bạn có thể tự tìm đến hoặc liên lạc với mình. Mình không muốn gì từ các bạn, tất cả chỉ đơn giản là chia sẻ.

1. Suối thác “không tên” tại Cầu Đất, Đà Lạt

Với không gian yên tĩnh, suối thác “không tên” tại Cầu Đất, Đà Lạt do bọn mình tự mày mò khám phá. Thác với địa hình ba tầng dưới và bảy tầng trên đẹp tuyệt vời thích hợp cho việc cắm trại, nổi lửa làm thịt nướng. Đường đi hơi khó khăn, từ trung tâm Đà Lạt các bạn đi về hướng Cầu Đất đến chợ Cầu Đất phải rẽ vào con đường nhỏ và đi qua vài vườn cà phê mới vào đến được, cần phải có người hướng dẫn viên đi cùng.

Mình nghĩ nơi này dành cho những bạn thích ở một mình một cõi, hoặc một nhóm muốn tách biệt, không muốn đi những địa điểm nổi tiếng hoặc đã đi Đà Lạt quá nhiều. Đặc biệt nơi đây chưa từng có mặt trên google. Mình chia sẻ cho các bạn thật tâm muốn đi có thể liên lạc với mình vì có đi qua vườn cà phê của người dân nên phải có người dẫn đi.

đà lạt
2
3
4
5

2. Khu du lịch Lavender

Về hướng hồ Tuyền Lâm, hồ rất lớn nên việc chọn góc để ngắm cũng là một nghệ thuật. Mình được bạn bè dắt đến một khu tên Lavender Đà Lạt. Bao gồm khu picnic và khu cà phê. Nếu không chuẩn bị trước đồ cắm trại các bạn có thể đến cà phê thưởng thức một góc của Tuyền Lâm. Nếu vào khu cắm trại các bạn sẽ mất phí 50k/người. Dưới có vườn lavender và những khu picnic được chia sẵn, có lều sẵn.

6
Đây là không gian quán cà phê Lavender
7
Vườn hoa lavender và khung cảnh hồ Tuyền Lâm
8
Một góc hồ Tuyền Lâm nhìn từ khu du lịch Lavender (Nguồn ảnh: Facebook)

3. Cây thông cô đơn

Một trong những địa danh nổi tiếng của Đà Lạt là khu Suối Vàng bao gồm những khu cắm trại, ngắm cảnh như Làng Cù Lần, Ma Rừng Lữ Quán, Thung Lũng Vàng và cây thông cô đơn. Theo mình nên đi xe máy thẳng vào cây thông cô đơn là tuyệt vời nhất. Tuy đã nhiều người biết đến nhưng cảnh ở đây quá đẹp. Thật sự với mình đây là một nơi cảnh rất đẹp, góc nhìn rộng, bao quanh cây cô đơn là hồ Dankia.

Mà phải nói rằng đúng như cái tên cô đơn mình cũng thấy làm lạ vì thường cây thông mọc liền liền nhau thành cả một rừng cây này rớt trái xuống lại mọc lên cây khác nối rễ vào nhau thành rừng mà ở đây lại luôn chỉ có một cây duy nhất. Chỉ khi có người đứng cạnh mới hết cô đơn.

Đối với đường đi đến cây cô đơn mình khuyên các bạn không nên đi vào mùa mưa vì đường rất lầy, và nên đi xe số tuyệt đối không đi tay ga nếu không có thể đến suối vàng thật đấy. Cây cô đơn đi về hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu Suối Vàng đi thêm vài cây số có một đường phía bên phải cứ thế chạy lên đồi.

9
Nguồn ảnh: Long Lê (facebook)

Đối với những bạn không thích đi xa mà chỉ muốn đi vòng vòng trung tâm trong bán kính 10km thì mình có thể gợi ý cho các bạn một số quán cà phê, home có view đẹp, ít khách và yên tĩnh.

4. KONG

Các bạn đến KONG vào mùa mưa, buổi sáng sớm, đường vào hơi lầy nhưng đã đến được quán cà phê này không khác gì tiên cảnh. Không gian quán như được tạo ra bởi thiên nhiên mà chỉ có chút ít bàn tay con người. Sương tràn vào nhà đến tận trưa hoà cùng khói bốc lên từ ly cà phê nóng hổi. Cây dâu đung đưa trong gió, sau những cành dâu là một thung lũng với nhiều nhà kính trồng hoa.

Một căn nhà gỗ nhỏ xinh, KONG cách trung tâm 7km về hướng Trại Mát, Cầu Đất. Ý nghĩa của cái tên KONG cũng được nhiều người thắc mắc và theo mình biết đó chỉ đơn giản là cái không. Là không có gì cả, là vô thường hư không (mình nghĩ vậy). Chủ quán và mọi người ở đây rất quái dị, rất vui tính và thân thiện.

10
Nguồn ảnh: KONG
11
Nguồn ảnh: Minh Nguyen

5. Nhà của thời thanh xuân

Một quán trà mà mình rất thích là quán Nhà của thời thanh xuân. Nhân viên của quán toàn bộ là người điếc. Họ làm đồ handmade như xà bông, socola, ống hút tre, muỗng dĩa gỗ, nến thơm,… rất dễ thương. Vào quán cũng thấy nhẹ nhàng, không quá xô bồ, có rất nhiều loại trà vừa thơm vừa ngon lại ấm người. Quán cách trung tâm tầm 2, 3 km nằm đầu đường Triệu Việt Vương. Có lần vô tình mình nhìn thấy bảng làm việc trong một tuần của quán và rất ấn tượng.

Thứ 2: Ngày lười biếng, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ 7 mỗi ngày một công việc, chủ nhật: Sống như một bông hoa.

Mọi người đến đây uống trà không có giá trên menu. Có một thùng bỏ tiền, các bạn có thể bỏ vào bao nhiêu tùy ý.

12

6. Quán cà phê Xóm Robinson Coffee n’ Tea

Tiếp theo mình muốn giới thiệu với mọi người về quán cà phê Xóm Robinson Coffee n’ Tea của một chú đã lớn tuổi nhưng tâm hồn mãi trẻ xanh. Quán nằm ngay Dinh 2 trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Cũng là nhà gỗ, rộng rãi, thoải mái, yên tĩnh và vắng vẻ.

13
14
15
16
17
Nguồn ảnh: Facebook Xóm Robinson Coffee n’ Tea
 

7. Homestay INDIgo

Cũng nằm trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn là homestay INDIgo home của một nhóm các bạn trẻ, ngoài là homestay các bạn còn làm đồ handmade.

18
Nguồn ảnh: Facebook INDIgo home

8. Ckaffe

Còn dưới đây là Ckaffe quán cà phê nhỏ của mình không gian chủ yếu là cây cối. Cách trung tâm 1 km, gần ga Đà Lạt và trường Cao đẳng sư phạm là hai địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt. Tuy gần trung tâm nhưng quán rất ít khách và yên tĩnh. Mình chỉ nhận đủ số lượng khách quán có thể chứa và không nhận thêm vì mình luôn muốn giữ không gian cho quán.

19

9. Thinh Không

Và ngôi nhà cuối cùng mình muốn giới thiệu với các bạn. Ở đó chỉ đơn giản là một ngôi nhà mà mình biết từ lúc nó chỉ trống hoác không có gì mà nhờ bàn tay hai vợ chồng thiết kế và kiến trúc sư đã biến nó thành một ngôi nhà ấm cúng và đáng yêu. Ngôi nhà diện tích nhỏ nhưng có 4 gian và 1 gác xép nhỏ nhận 1 khách. Điều đầu tiên bước vào phòng khách là tủ sách khổng lồ của anh chị, tranh của anh vẽ và cây đèn có chân được làm từ cành cây nhặt trong rừng về.

Đi qua gian bếp là mứt, rau củ chị tự làm, hàng xóm cho củ gì là chị làm mứt củ đó, cho rau gì là nấu rau đó. Đằng trước có ít sân và vườn cây tự trồng. Xung quanh là nhà vườn, nhà kính,… Nơi này không gần địa điểm du lịch nào, là một khu tách biệt ít người qua lại. Nhà có tên là Thinh Không, theo mình nghĩ thì cũng tương tự như tính không vậy. Buổi tối có đèn vàng, trần thấp nên rất ấm cúng. Ở đây mình quên hẳn rằng mình đang ở xứ Đà Lạt lạnh lẽo.

20
21

Đây là một số địa điểm mình đã rong ruổi khắp Đà Lạt để lượm lặt, một số là của bạn bè. Đà Lạt vẫn còn những nơi rất đẹp, rất mộc mạc, còn những con người mãi mộng mơ như Đà Lạt vậy. Chúc các bạn có chuyến đi đáng nhớ về Đà Lạt và mong những gợi ý của mình sẽ giúp ích cho chuyến đi của các bạn.

Tác giả: Bà Năm

💎 Xem thêm: [Tiểu thuyết] Lên Đà Lạt – Chương 10 – An toàn và tự do (Full)

“Đưa luôn má bên trái cho họ”?

3

(1139 chữ, 5 phút đọc)

“Các con có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng ta bảo các con: Đừng chống trả kẻ ác. Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ.”

Chắc chẳng ai xa lạ với đoạn Kinh Thánh này, đặc biệt là câu: “Nếu ai tát má bên mặt (bên phải), đưa luôn má bên trái cho họ.” Phải chăng đây là lời răn bạc nhược, dạy con người sự phục tùng ngốc nghếch, làm con người trở nên ngu muội của Jesus? Tại sao lại “đừng chống kẻ ác”?

Lần đầu biết tới câu kinh ấy, tôi có chút hoang mang. Tôi biết rằng mình không thể làm theo được. Nếu không, gương mặt tôi sẽ ở trong trạng thái sưng húp quanh năm suốt tháng, đỏ lựng những vết ngón tay của con người – cả người quen và người lạ. Cuộc sống là một chuỗi tương tác, va chạm lẫn nhau không ngừng nghỉ; đến cỏ cây còn biết nghiêng mình tránh bóng tối, hướng ra phía ánh dương để vươn cao đến tận cùng nguồn sống của chúng – thì vì sao con người như chúng ta lại chịu an phận đến thảm thương như vậy?

Quá khó và quá nghịch lý để thực hiện. Câu kinh ấy, tôi cho là ngớ ngẩn, nhưng, vì uy quyền của Kinh Thánh, tôi vẫn cứ đặt nó trong hoài nghi. Tuy nhiên, gần đây tôi nhận ra một điều thú vị: Có vẻ Jesus không đề cập đến hành vi bên ngoài, cũng chưa hẳn ông đã khuyên chúng ta nên nhẫn nhục. Và khi nhìn theo hướng đó, tôi muốn diễn đạt lại câu kinh ấy theo một cách khác, như sau: Hãy chấp nhận vô điều kiện tất cả mọi thứ đến với ta trong đời, mà không sinh bất kỳ tâm niệm phản kháng nào. Người ta thường Thích sướng, Ghét khổ – muốn nhận được nhiều hạnh phúc hơn, và ở chiều ngược lại, họ cố né tránh bất hạnh được ít nào tốt ít đó. Nhưng các con đừng làm vậy. Hãy cư xử với Bất Hạnh bình đẳng như cách các con ưu đãi Hạnh Phúc. Hãy sẵn sàng nhận thêm nó, chung sống với nó và bước đi cùng nó trong tình yêu thương. Như thế, các con sẽ phát hiện ra thiên đường ngay trong chính thế cuộc trần gian này.

Khi con người có thể làm được như vậy, sẽ không còn sự phân biệt giữa Hạnh Phúc và Bất Hạnh. Cả hai đều có giá trị ngang bằng. Và vì cuộc sống là những đan xen vô tận giữa bất hạnh và hạnh phúc, nên nếu ai đón nhận được cả hai thứ ấy với lòng cởi mở, người đó sẽ luôn sung túc, chẳng thiếu thốn điều gì. Lạ lùng là, lúc đó, chẳng còn hạnh phúc hay bất hạnh – chỉ còn một dòng chảy vô tận của cuộc sự sống đang tuôn tràn, rót đầy ta từng giây từng phút. Còn những ai chỉ ưa “hạnh phúc” mà chán ghét “bất hạnh”, người đó sẽ luôn luôn sống trong trạng thái đau khổ tiềm ẩn, vì bất hạnh luôn luôn tồn tại như một sự thật không thể chối bỏ.

Chợt nhớ Bát Nhã Tâm Kinh có viết “Không chẳng khác Có; Có cũng là Không.” Đến tận cùng, mọi cực đối lập đều là một. Chỉ do đầu óc của con người tạo ra các khác niệm trái ngược nhau, rồi bấu víu vào đó và tự làm mình khổ.

Lời Chúa nói không hẳn là về chiếc má thật sự của bạn, nên nếu có ai tát bạn, hãy… né tránh trước đã. Câu chuyện mà Chúa muốn nói, có lẽ là về thái độ nội tâm của bạn.

Khi bị “tát vào má” – cái “má” bên trong: lòng tự trọng của ta, tài sản, địa vị, danh tiếng của ta – thường thường ta sẽ đánh lại. Và khi ấy, ta bị ràng buộc bởi sân hận. Tự nhiên lòng ta trồi sụt trong những đợt sóng cảm xúc. Bị người khác làm tổn thương, nếu ta cố chấp vào sân hận, ta tự làm ta khổ.

Khi bị “tát vào má” – lần này ta không đánh lại nữa. Ta nhẫn nhịn chịu đựng. Vì Chúa khuyên vậy – ta cho là thế. Vì đánh nhau cuối cùng cũng chẳng đem lại lợi ích gì, chỉ làm sự việc tồi tệ hơn. Ta ém nỗi giận dữ trong lòng. Đêm về, ta tiếp tục gặm nhấm nó. Và ta mất ngủ. Chẳng qua cũng chỉ là một hình thức biểu hiện khác của sân hận. Chẳng thà ta đánh lại họ còn hơn!?

Nhưng, nếu ta có được thái độ vui lòng “giơ nốt chiếc má kia ra cho họ tát”, ta được giải thoát khỏi sân hận. Với thái độ ấy, ta có thể tự nhủ rằng: Này, sân hận và mọi tổn thương trên cuộc đời này chẳng phải vấn đề gì đáng sợ. Mọi thứ có giá trị như nhau, dù vui sướng hay khổ cực. Tôi đón nhận tất cả mọi sự xảy đến, với sự chấp nhận vô điều kiện và không phân biệt.

Lúc ấy, có một người thoát vòng kiềm tỏa của sân hận. Lúc ấy, có một người đang chớm chạm vào cánh cửa thiên đường.

Vâng, tất cả mọi điều ấy đều xảy ra bên trong tâm hồn ta. Đó là câu chuyện về thái độ nội tâm, không phải câu chuyện của chân tay và chiếc má. Khi tâm bạn đã trong trạng thái “đưa nốt má bên kia cho họ tát” rồi, đầu óc bạn trong sáng và bình thản, bạn sẽ xử lý tình huống một cách sáng suốt. Bạn thậm chí có thể cho người đó một bài học (nếu bạn thấy cần phải thế) – lòng từ bi đích thực không nhất thiết phải gói gọn trong sự nhún nhường. Nhưng, bạn làm điều đó với sự tự do thì bạn đã thoát khỏi xiềng xích của giận dữ và kích động.

Xin trích lại toàn bộ lời giảng của Jesus về “Đừng chống kẻ ác” như sau:

“Các con có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng ta bảo các con: Đừng chống trả kẻ ác. Nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ. Nếu ai kiện các con ở tòa để lấy áo trong, hãy cho họ lấy luôn áo ngoài. Nếu ai ép các con đi một dặm với họ, đi luôn hai dặm. Ai xin gì thì hãy cho họ. Ai muốn mượn gì thì đừng từ chối.”

Với tâm thế như vậy, bạn sẽ làm “kẻ thù” phải kinh ngạc. Mà thực ra, có kẻ thù nào đâu?

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

*Featured Image: Pexels 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[THĐP Translation™] Làm thế nào để phụ lòng người và liều lĩnh đánh mất tất cả

0

7

[2583 chữ, 9 phút đọc]

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần gia đình sắm một đầu máy VCR hay stereo mới, tôi hay nhấn từng nút điều khiển, cắm và rút từng đoạn dây dẫn, chỉ để xem mọi thứ hoạt động như thế nào. Theo thời gian, tôi nắm được cách chúng hoạt động. Và cũng bởi vậy, chỉ có mình tôi trong nhà là thường xuyên sử dụng các thiết bị này nhất.

Giống như nhiều đứa trẻ thuộc thế hệ millennials, tôi được cha mẹ xem như một dạng thần đồng vậy. Với họ, việc có thể cài đặt đầu máy VCR mà không cần nhìn vào sổ hướng dẫn cũng khiến tôi trở thành một Tesla tái sinh. Bố mẹ vẫn hay lắc đầu, cười ha hả và nói “Làm sao con dùng được thứ đó vậy nhỉ?” còn tôi chỉ biết nhún vai và cũng chẳng thực sự hiểu được câu hỏi. Các nút điều khiển ở sẵn đó rồi, chỉ việc bấm vào và xem điều gì xảy ra. Sau cùng ta cũng sẽ biết được cách bấm đúng nút thôi.

Nhìn lại thế hệ của cha mẹ tôi và cười chứng sợ công nghệ của họ thì thật dễ dàng. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều có những lĩnh vực mà trong đó chúng ta rơi vào tình huống giống như cha mẹ tôi với đầu máy VCR mới: Chúng ta chỉ ngồi nhìn, rồi lắc đầu và nói “Nhưng làm sao lại thế được nhỉ?” Trong khi thực ra rất đơn giản, hãy cứ thực hiện thôi.

vcr-1221156_1280
Photo: InspriredImages

Tôi cũng nhận được email từ nhiều người đặt ra những câu hỏi như vậy suốt. Và trong nhiều năm, tôi không biết phải nói gì với họ cả.

Một cô gái nọ có cha mẹ là những người nhập cư và họ đã tiết kiệm cả đời để chi trả cho cô học trường y. Nhưng bây giờ, khi học trường y cô ấy lại chán ghét nó, không muốn dành cả đời mình làm bác sĩ và muốn bỏ học hơn bất cứ thứ gì. Cô gái cảm thấy bị mắc kẹt – tới mức cô ấy bắt đầu gửi email cho một người lạ trên internet và đặt một câu hỏi ngớ ngẩn, hiển nhiên: “Làm thế nào để tôi bỏ học y?”

Hoặc một anh chàng sinh viên đã thầm yêu cô trợ giảng của mình, và anh ta không dám nghĩ tới chuyện sẽ vượt qua những ranh giới vô hình chắn giữa hai người. Vì vậy, anh ta trăn trở thái quá với từng cử chỉ, từng nụ cười, từng dịp được tán gẫu ngoài lề với cô ấy. Thế rồi anh ta email cho tôi cả một “tiểu thuyết” dài 28 trang kết thúc bằng câu hỏi hiển nhiên và ngớ ngẩn: “Làm thế nào để tôi ngỏ lời với cô ấy đây?”

Hay một người mẹ đơn thân có mấy đứa con đã bỏ học và chúng đang suốt ngày nằm dài trên đi-văng, ăn uống và tiêu tiền của bà, và không biết tôn trọng sự riêng tư của bà. Bà ấy muốn chúng tiếp tục cuộc sống của chúng, và bà tiếp tục cuộc sống của mình. Tuy nhiên, bà ấy quá sợ phải xua đẩy các con mình đi, đến mức đã hỏi tôi: “Làm thế nào để tôi bảo chúng chuyển đi đây?”

Đây là những câu hỏi VCR. Từ ngoài cuộc, câu trả lời rất đơn giản: Chỉ việc đừng nói nữa và hãy làm thôi.

Nhưng từ trong cuộc, từ cách nhìn của mỗi người kể trên, những câu hỏi này dường như phức tạp và mờ mịt vô cùng – những câu đố hiện sinh bí hiểm gói trong một chiếc hộp KFC chứa đầy những khối Rubik.

Những câu hỏi VCR rất khôi hài ở chỗ chúng có vẻ khó khăn đối với những ai đặt câu hỏi, và lại có vẻ dễ dàng đối với những ai không hỏi.

Vấn đề ở đây là những cảm xúc của chúng ta. Hoàn thành giấy tờ để nghỉ học trường y là một hành động đơn giản và hiển nhiên, nhưng phụ lòng cha mẹ bạn thì không. Ngỏ lời hẹn hò một cô trợ giảng đơn giản chỉ là vài câu nói, nhưng chuyện chấp nhận rủi ro bị từ chối và bẽ bàng cực độ thì phức tạp hơn nhiều. Yêu cầu người khác dọn ra khỏi nhà của mình là quyết định rõ ràng, nhưng cảm giác như thể bạn đang bỏ rơi con cái của mình thì không.

Tôi đã vật lộn với chứng lo âu xã hội trong suốt phần lớn thời niên thiếu và thanh niên của tôi. Tôi dành gần như cả ngày để xao nhãng bản thân mình với những trò chơi điện tử, và gần như cả đêm, tôi uống rượu hoặc hút thuốc để gạt đi cảm giác bất an. Trong nhiều năm, ý nghĩ nói chuyện với một người lạ – đặc biệt là nếu người đó đặc biệt hấp dẫn/thú vị/nổi tiếng/thông minh – dường như là không thể đối với tôi. Tôi đã loanh quanh bối rối trong nhiều năm tự đặt ra những câu hỏi VCR ngu ngốc:

“Làm thế nào? Làm thế nào để bước tới và nói chuyện với một người? Làm thế nào người ta có thể làm như vậy chứ?”

Tôi đã giữ đủ kiểu niềm tin tai hại về chuyện này, chẳng hạn như không được phép nói chuyện với ai đó trừ phi có được một lý do thực tế để làm vậy, hoặc rằng phụ nữ sẽ nghĩ tôi là một kẻ hiếp dâm bệnh hoạn nếu tôi chỉ cần mở miệng nói “Xin chào.”

Vấn đề là ngày đó những cảm xúc của tôi đã định nghĩa hiện thực của tôi. Bởi vì cảm giác như mọi người không muốn nói chuyện với tôi, tôi đã trở nên tin rằng mọi người không muốn nói chuyện với tôi. Và do vậy, dẫn đến câu hỏi VCR của tôi: “Làm thế nào để nói chuyện với ai đó?”

Bởi vì không tách bạch được những gì tôi cảm thấy với những gì thực sự diễn ra, tôi đã không có khả năng bước ra khỏi chính mình và nhìn thế giới như nó vốn dĩ: Một nơi chốn giản dị mà trong đó hai người có thể bước đến với nhau bất cứ lúc nào và nói chuyện.

Những rào cản về cảm xúc và chấp nhận mạo hiểm

Trước đây, tôi đã viết nhiều về những suy nghĩ của chính chúng ta thường không đáng tin cậy. Chúng ta có rất nhiều thiên kiến về tri giác và sự thiếu hiệu quả về tinh thần đang diễn ra. Và vì những sai lệch tri giác này, tôi đã có những bài viết về chuyện chúng ta phải cẩn thận trong phán xét người khác, và đừng chấp nhận một niềm tin mà không có chút hoài nghi nào.

Nhưng cảm xúc cũng không đáng tin cậy như bộ não. Trái tim cũng có khả năng khiến chúng ta lầm lạc không kém cái đầu. Chỉ vì một cái gì đó dường như xấu không có nghĩa nó là xấu. Chỉ vì một cái gì đó dường như đáng sợ không có nghĩa nó là đáng sợ. Chỉ vì một người dường như là một tên cà chớn ích kỉ không có nghĩa họ là một tên cà chớn ích kỉ.

Quá thường xuyên, chúng ta để cho mình bị những cảm xúc chi phối. Chúng ta trở nên dung hợp với chúng. Chúng ta là chúng. Điều đó ăn sâu vào chúng ta, tới mức trở thành một phần ngôn từ của chúng ta. Chúng ta nói “Tôi sợ hãi” thay vì “Tôi cảm thấy sợ hãi.” Chúng ta nói “Bạn thật ác ý” thay vì “Có vẻ như bạn ác ý.” Chúng ta xác định cả bản thân, và người khác, với cảm xúc của ta, không có sự tách biệt giữa chúng ta, và từ đó chúng ta vô thức xem cảm xúc của mình như cả bản sắc và số phận của chính mình.

Về nhiệm vụ “làm cuộc sống của bạn đỡ tệ hơn”, đây là một vấn đề cấp báo động 1. Phó thác niềm tin hoàn toàn vào những cảm xúc của chính mình – mà không chút hoài nghi, không hề kiểm chứng – sẽ khơi dậy sự ái kỷ quỷ quái trong chúng ta. Người nào luôn luôn bị ám ảnh bởi cảm xúc và sự thỏa mãn của chính mình cũng là người không thể nhìn ra ngoài bản thân, một người không thể đặt mình vào vị thế quan điểm và cảm xúc của người khác, một người không thể chạm đến những giá trị vượt ra ngoài công trạng và thành quả của họ.

social-anxiety
Khi bạn cho phép những cảm xúc định nghĩa cách bạn nhìn thế giới, bạn trở nên đắm chìm trong chính mình

Văn hóa của chúng ta cổ xúy cho dạng ích kỉ vi tế này – một sự liên tục đồng nhất với những cảm xúc và thèm khát được cảm thấy tốt hơn. Nhưng cảm thấy tốt hơn không nhất thiết là thực sự tốt hơn. Sự nguỵ biện này xuất hiện trong các quảng cáo, trong các bài phát biểu chính trị, trong phim ảnh và văn chương, trong ngành công nghiệp xoay quanh khái niệm tự trợ (self-help) của chúng ta: “Nếu bạn cảm thấy tồi tệ thì đúng là tồi tệ. Nếu bạn cảm thấy tốt thì đúng là tốt”, “Làm theo trực giác”, “Lắng nghe tiếng lòng”, “Tin theo trái tim”, “Hãy sống cho ngày hôm nay”,…

Những lời sáo rỗng này vấy bẩn tâm trí chúng ta và giới hạn chúng ta vào những công việc đơn giản và nhỏ nhoi trong sự hiện hữu tổng thể của chúng ta. Chúng giáng chúng ta xuống những cảm xúc đơn thuần, hoàn toàn bỏ qua bản chất đích thực của chúng ta.

Bạn có thể cảm thấy tức giận với mẹ mình, nhưng cơn giận đó không định nghĩa mối quan hệ của bạn với bà ấy. Bạn có thể cảm thấy lo lắng về việc thay đổi cuộc sống, nhưng sự lo lắng đó không định nghĩa cuộc sống của bạn. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi về việc khẳng định ranh giới của mình, nhưng cảm giác tội lỗi đó không định nghĩa con người bạn là hay bạn muốn trở thành.

Bạn không phải là cảm xúc của bạn. Bạn là một cái gì đó lớn lao hơn thế. Chúng ta phải học cách tự giải phóng khỏi những cảm xúc của chính mình. Chúng ta phải học cách đứng độc lập với những gì chúng ta cảm thấy.

Cái ngày tôi học được cách đứng dậy và đến trò chuyện với người mà tôi muốn cùng trò chuyện đang ở bên kia căn phòng cũng là ngày mà tôi đã học được cách để ngừng nói “Tôi không thể trò chuyện với bất cứ ai”, và thay vào đó nói rằng “Cảm giác tưởng như mình không thể nói cùng ai vậy.” Quyết định đơn giản này, để nhận định cảm xúc của tôi là tách biệt với thực tại, cho phép tôi từ chối cảm xúc đó, để nói “Tôi cảm thấy như không ai muốn trò chuyện với tôi, nhưng cảm giác đó có thể rất sai. Hãy thử xem sao.”

Xin đừng hiểu lầm tôi, những cảm xúc rất quan trọng. Bạn cảm thấy xấu về việc bỏ học trung học và tổn thương cha mẹ bạn là có lý do chính đáng. Cảm giác đó thật tệ.

Nhưng khi lựa chọn những điều để làm với cuộc sống của bạn, cảm xúc không thể là lý do duy nhất. Hãy cảm nhận những cảm xúc của mình nhưng bạn đừng để bản thân bị định nghĩa bởi chúng. Hãy nhận biết cảm giác ấy và rồi hành động dựa trên một điều gì đó lớn lao hơn thế.

Cảm xúc rất hữu ích. Nhưng chúng là những gợi ý sinh học, không phải là giáo lệnh của chúng ta.

Hồi tiểu học, tôi có một giáo viên tên là cô Weeks. Bất cứ khi nào bạn xin phép cô Weeks liệu mình có thể đi vệ sinh được không, cô ấy sẽ cho bạn một cái nhìn hài hước và nói “Tôi không biết, em có thể không?” một cách đầy trịch thượng, như thể bạn đột nhiên mất khả năng đi lại, hoặc là đã thức dậy ngày hôm đó trong cảnh bỗng dưng rụng mất cả hai tay rồi vậy.

Thật khó chịu. Nhưng có một bài học quan trọng trong cách giễu cợt của cô còn đọng lại trong tôi. Chính là thế này: Có một sự khác biệt giữa những gì chúng ta có khả năng làm và những gì chúng ta cho phép mình làm. Chúng ta thường không nhận ra sự khác biệt đó.

Cha mẹ tôi không bao giờ tự cho phép bản thân lọ mọ vào đầu máy VCR bởi vì họ quá sợ mình sẽ phá hỏng một thứ đắt tiền hoặc tự làm xấu mặt. Cũng trong khi đó, cha mẹ tôi chưa bao giờ nhận ra rằng họ vốn luôn hoàn toàn đủ khả năng để sử cái thiết bị cục mịch ấy.

Trong nhiều năm, tôi chưa bao giờ cho phép bản thân mình thoải mái nói chuyện với người khác vì tôi cảm thấy như thể tôi chưa đủ giỏi giang với họ – cũng là cái cảm giác mà tôi đã để cho nó định nghĩa thực tại của tôi và con người của tôi.

Ngày mai, ở một nơi nào đó trên thế giới này, ai đó sẽ bỏ học trường y vì cô ghét nó, dù có làm cha mẹ cô thất vọng vô cùng. Một người khác sẽ bảo những đứa con lười biếng của bà nhấc mông khỏi chiếc đi-văng và chuyển đi. Ai đó sẽ mạo hiểm và ngỏ lời với vị cô trợ giảng quyến rũ của mình. Tất cả những người này sẽ biết về những thất vọng và phán xét sắp xảy ra khi họ làm vậy. Cơ thể họ sẽ đóng băng. Tâm trí họ sẽ hét lên. Tay họ sẽ run rẩy. Họ sẽ cảm thấy như cuộc sống của họ sẽ kết thúc vào ngày hôm đó, và họ sẽ đứng và nhìn khi bầu trời trên đầu họ vỡ tan và sụp đổ.

Nhưng họ cũng sẽ biết, ở một nơi nào đó bên trong chính mình, một cách vô thức hay có ý thức, rằng một điều gì họ cảm thấy sẽ không hẳn nó đúng là như vậy. Rằng những cảm xúc và trăn trở của chúng ta, giống như mọi thứ khác trong thế giới này, rồi sẽ qua đi và tiêu tan. Rằng mặc dù mạo hiểm tất cả mọi thứ, họ cũng không mạo hiểm điều gì cả.

Và bởi vì họ biết điều này, họ sẽ hoàn thành được nó một cách ổn thỏa thôi. Họ sẽ phụ lòng người khác. Họ sẽ nghe thấy những tiếng la hét. Họ sẽ phá vỡ bầu trời và đứng ngẩn ngơ dưới một vầng trăng thinh lặng.

Họ sẽ trở nên hoàn thiện hơn.

Tác giả: Mark Manson
Dịch: Sang Doan
Review: Dương Tùng

*Featured Image: Pexels

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

Có một quê hương để khoe mẽ thì cũng chỉ là một kẻ lang thang

3

[870 chữ, 3 phút đọc]

Quê hương có phải là sự dối trá lạnh lùng mà nhân loại đã tự bày đặt ra trong tâm trí, là danh từ đã ghi dấu ấn mãi mãi trên tờ khai lý lịch cuộc đời được cha mẹ tôi mang ra đóng dấu điểm chỉ. Trên đó vạch rõ biên giới là Huế, là Việt Nam. Sau này văn minh nhân loại đã bổ sung đầy đủ kiến thức vào dấu ba chấm đằng sau bằng Đông Nam Á, rồi châu Á. Cũng có khi tôi muốn rạch ròi hơn nữa, chẳng phải trái đất này cũng là quê hương tôi đó sao? Năm châu bốn bể đều gọi tôi là nhà, anh em sống cùng chung một quả đất đều có chung huyết thống vũ trụ mặc kệ màu da. Ở đâu mà chẳng là quê hương.

Rõ ràng tôi sinh ra không phải là để quan tâm đến ai là kẻ cầm đầu. Chuyện đó chỉ dành cho những nhà sáng tạo cắt máu thề nguyện phụng sự đời đời cho danh từ họ quen gọi bằng hai từ “Quê hương”. Họ đã đặt vào đó quá nhiều tình yêu và đức tin cho một danh từ và tự rạch đường phân cách quê hương họ thành từng mảng riêng biệt. Rồi bày đặt ngôn ngữ riêng, bản sắc văn hóa riêng, tự sáng tạo ra các lề luật nhằm chia cách máu mủ huyết thống anh em. Nếu không có những sự bày đặt vẽ vời đó, người da đen cũng là người da trắng, người phương Đông cũng là người phương Tây, người châu Âu khác gì châu Á, Bắc Nam luôn là anh em sum họp một nhà… Những người bày đặt ra quê hương chỉ toàn là những kẻ dối trá.

Nếu biết mình là anh em thì đã không cần đến những cuộc cách mạng bằng máu của kẻ khác, chiến tranh là cụm từ bị xóa sạch bất khả. Biết là anh em thì giận hờn vu vơ cũng chỉ nên đem lên bàn tròn giải quyết bằng trái tim mỗi người. Một Hitler, một Napoleon, một Thành Cát Tư Hãn thì cũng chỉ là một kẻ mù lòa bước đi trong đêm tối, làm sao có thể lay động cả triệu vì sao trên bầu trời mà không phải đánh rơi một vì sao lẻ loi nào xuống hố thẳm.

Quê hương mà chúng ta vẫn thường gọi tên chỉ là nơi mà tất cả mọi người đều đánh mất anh em của mình, rồi đánh mất luôn cả chính mình trong vũng lầy ấy. Quê hương chỉ là sự dư thừa mà văn minh nhân loại đã bày đặt ra. Xác định vĩ độ trên một quả địa cầu đúc bằng nhựa, tô vẽ lên đó mấy thứ màu sặc sỡ xanh đỏ vàng để phân biệt rồi mang ra bán tràn lan đại hải ngoài đường. Nơi nào chẳng là con sông, nơi nào chẳng phải là cánh đồng, là đại dương, rừng thẳm. Bày vẽ đặt tên rồi tự ý xác định quyền sở hữu. Trái đất này là của chúng ta. Con cá trong Thái Bình Dương là con cá hiền hậu xinh đẹp nhất chẳng thuộc riêng ai mà cũng thuộc riêng tất cả. Ai đó đã đứng ra và thâu tóm tất cả rừng xanh, biển cả, quặng mỏ này là của tôi, bãi bồi đất kia mới là của anh. Tích góp tất cả tài sản để trở nên giàu có rồi trở thành một gã ăn mày nghèo nàn với đống ảo tưởng đó. Ngọn núi này là của anh sao? Có cho hết vào một chiếc túi rồi mang theo bên mình được không?

Tôi đã phải nghe rất nhiều những kẻ sặc mùi lãng mạn thốt ra mấy câu “tôi yêu quê hương của tôi”, “tôi yêu Hà Nội”, “tôi yêu Sài Gòn”, “tôi là người Bắc”, “tôi là kẻ miền Nam”… Chắc người đó đã quên mình luôn được nhân loại gọi tên bằng một danh từ chung khác. Tất cả chỉ là một hình thức để bảo vệ cái tự tôn của những người cầm đầu một bộ lạc. Có một quê hương để khoe mẽ thì cũng chỉ là một kẻ lang thang. Kẻ nào càng muốn tìm nguồn cội của mình trong một danh từ, kẻ đó mãi chỉ là một tên ăn mày đầu đường xó chợ đơn độc trong linh hồn của chính hắn.

Trái đất này là của chúng mình rồi. Màu xanh màu vàng gì thì con người cũng đã chọn nơi đó là quê hương. Tất cả con người đã cùng gặp nhau trong một sự sống, có vui buồn, có khổ đau. Định mệnh gọi tên nhân loại con người từ mấy vạn năm trước, vẫn sẽ mãi gọi tên con người trong mấy vạn năm sau, cũng chỉ là một chữ “Người”. Ai cũng là người và ai cũng tồn tại trên cùng một trái đất quay tròn. Cứ chọn cho mình một quê hương nhưng đừng quên rằng lối đi nào cũng đều dẫn vào một trái tim.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: skeeze

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Ảo ảnh của giận dữ và thù hận

6

[1564 chữ, 6 phút đọc]

Mình nhớ về chú. Chú ở ngay gần nhà mình. Chú nghiện rượu, say sưa rất nhiều. Trong cơn say, chú hay gọi tên người cha đã khuất: “Tại ông! Chỉ tại ông!!!” Chú đi khắp phố và gào những câu đó, giọng lạc đi vì rượu.

Mình hỏi người lớn, vì sao? Người lớn kể, ngày xưa chú học rất giỏi. Ai cũng nghĩ chú sẽ theo con đường tri thức. Nhưng khi học hết cấp 3, bố chú không đồng ý cho chú thi đại học, vì nghĩ việc đó lãng phí. Chú uất nghẹn. Rồi chú vào bộ đội, lăn lộn trên vùng biên giới phía Bắc, vào những ngày vẫn còn xung đột. Chú may mắn sống sót. Xuất ngũ, mang theo một vài thương tích, chú trở về quê kế nghiệp cha mình.

Rồi nghề gia truyền mai một, không theo kịp thời thế, chú rơi vào nghèo túng. Nhìn xung quanh, bạn bè ngày một giàu lên, chú thêm uất hận. Rất nhiều chữ “nếu” hiện lên. Và vì những chữ “nếu” ấy không xảy ra, chú quy trách nhiệm cho người cha đã mất không tạo cho chú cơ hội đi học đại học, mặc dù ông thành người thiên cổ lâu lắm rồi.

Mỗi lúc đau khổ, tuyệt vọng, chú lại lôi hình ảnh người cha quá cố ra oán trách, khi âm thầm, khi gào lên cho cả thế giới nghe thấy, đặc biệt là trong cơn say.

Tương tự như vậy, thỉnh thoảng trong cuộc sống, mình lại gặp những người ôm giữ một mối hận thù sâu nặng với kẻ đã chết từ lâu. Thường thường đối tượng là ruột thịt hoặc thân thiết của họ: Cha, mẹ, mẹ chồng, bà cô, ông chú nào đó… Đêm ngày, trong trí óc, họ dựng cái bóng dáng tưởng tượng ấy dậy và bắt đầu tấn công, nguyền rủa. Đó là điều vô ích, phải không? Người chết thì đã chết, chỉ có một kẻ còn sống đang tự hủy hoại bản thân bằng cách gây ra cuộc chiến “một mất một còn” hết sức vô nghĩa trong nội tâm, với “đối thủ” là một ảo ảnh sinh ra từ ký ức của chính họ. Một ảo ảnh, không hơn không kém.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra nếu “kẻ thù” của chúng ta là người đang còn sống, hay rộng hơn, là cả “xã hội” sinh động vận hành quanh ta. Đối thủ sẽ luôn là ảo ảnh do ta tự tạo, và người tổn thương trước tiên luôn là chính ta.

Giả như có ai đó gây cho ta những tổn thương, thì chuyện đó cũng chỉ xảy ra ngay tại khoảnh khắc ấy, trong bối cảnh ấy. Sau đó, nó kết thúc! Chính ta mới là người chịu trách nhiệm cho việc kéo dài nó ra một cách không cần thiết, tại một địa chỉ mới: Thân thể mình. Đầu ta nóng lên, ta thêm buồn bực, mất tập trung, tim và mạch máu bị ảnh hưởng xấu, dạ dày chờ chực để bị viêm và cơ bắp dần căng cứng theo năm tháng. Để rồi sau đó, một vài người trong số chúng ta sẽ còn mất thêm tiền điều trị vô số bệnh – một khi ta tích lũy những cảm giác ấy đủ lâu. Hận thù như một chất axit mà chúng ta tự rót vào để ăn mòn thân-tâm mình. Không chỉ với những mối thù lớn lao, mà còn gồm cả những ân oán lặt vặt trong cuộc sống.

Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một môn võ công lạ lùng tên gọi “Thất Thương Quyền”. Nguyên lý của môn võ công này là: Để đả thương đối thủ, người luyện phải tự đả thương mình trước. Vì thế, sức mạnh khi đánh ra rất lớn, song tác hại cho bản thân cũng vô cùng. Một thứ võ thuật hại mình hại người, và chỉ những người đã chìm đắm trong thù hận đến mức sẵn sàng đánh đổi tất cả để báo thù – như Tạ Tốn – mới dại khờ đánh cắp nó để mang đi tập luyện. “Thất Thương Quyền” là một ẩn dụ thú vị về sự oán ghét và lòng thù hận. Nhân vật Tạ Tốn là hình ảnh phóng đại của mỗi chúng ta. Ta ghét ai đó, thù ai đó, tự làm tổn hại bản thân trước khi có thể (hoặc chẳng bao giờ có thể) gây ra tác hại cho “kẻ thù”.

Ai mang nhiều hờn giận trong nội tâm sẽ trở thành độc dược với thế giới xung quanh. Họ xua đuổi người khác một cách vô thức. Từ họ tỏa ra một không khí bạo lực mà hầu hết mọi người đều có thể cảm nhận được và thấy e dè, xa lánh. Vòng tròn của những người thân thiết bao quanh họ cũng sẽ thưa vắng dần… cho đến khi chỉ còn một vài người ít ỏi, vì quá thương cảm, ở lại với họ và sẵn sàng chịu đựng những cơn đau mà họ gây ra. Như thế, nạn nhân tiếp theo của long thù hận trong ta lại chính là những người yêu thương ta nhất.

Gần đây, lướt lại Triết Học Đường Phố, mình vô tình được thấy một trích dẫn rất thú vị của đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Khi rơi vào sự kiềm toả của giận dữ hay hận thù thì ta sẽ không còn cảm thấy an vui, cả thể xác lẫn tinh thần. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều thấy được điều này và rồi sẽ chẳng có ai muốn đến gần ta nữa. Ngay cả súc vật cũng tránh xa, chỉ trừ có rận và muỗi mới đến gần để hút máu ta mà thôi!”

Đạt Lai Lạt Ma đủ thẩm quyền để phát biểu như vậy: ông cũng bị tấn công và mất mát không kém ai. Nhưng ông đã không chọn thù hận! Có lúc ta thấy trong các phát biểu, ông thể hiện sự đau xót, giận dữ và bực bội, đặc biệt khi nói về tổ quốc. Nhưng ‘sân hận’ (xin cho mình được phép gọi chung các cảm xúc tức giận, bất mãn, thù hằn, hờn ghét… bằng từ ‘sân hận’ này) không phải trạng thái tinh thần chi phối ông. Nó chỉ thoáng như gió bay. Đạt Lai Lạt Ma, như mình biết, là sự kết hợp hài tuyệt vời giữa trí tuệ tuyệt của một cụ già thông thái và sự hồn nhiên yêu đời của một đứa trẻ.

Cũng như ông, mỗi chúng ta đều có đủ duyên cớ để giữ niềm oán trách, hận thù với một ai đó. Nhìn cuộc đời xem, toàn những sắc màu loang lổ và những điều không như ý. Bức tranh của cái thiện bị vấy bẩn bởi vô số vết đen từ những cây cọ xấu ác. Nếu cần lý do để ghét đời, ta có thể tìm được tới ngàn lẻ một lý do chính đáng.

Nhưng dù những lý do ấy là đúng đắn, thì sao đây? Ta không thể, không bao giờ có thể, thực sự thay đổi cuộc đời bằng những năng lượng tiêu cực như sân hận. Khi bạn coi cuộc đời là kẻ thù, bạn có thể tác động tới nó đấy, nhưng khó lòng theo một chiều hứng tích cực hơn. Nhìn lại chính ta, chắc chắn ta sẽ không bao giờ nghe theo lời khuyên chân thành của một người đang oán ghét mình. Vậy liệu có quá xa xôi không khi ta muốn cuộc sống xung quanh trở nên tươi đẹp hơn, trong khi thâm tâm ta giữ một niềm ghét hờn với nó?

Con người không cần miễn cưỡng hóa thành một “thánh nhân” luôn luôn bao dung và yêu thương người khác. Con người không cần trở nên ngốc nghếch tới mức luôn để cho kẻ xấu lợi dụng, tấn công mình mà không một chút phản kháng, chỉ để cảm thấy “thanh thản”. Bảo vệ bản thân là một điều tất yếu.

Nhưng cũng vì bản thân, nên chăng ta cần nhìn sâu vào sự Giận, Ghét? Để thấy chúng mang tính hủy hoại ghê gớm hơn nhiều “kẻ thù” thực tế ngoài đời, dù kẻ thù đó là xã hội bao la, hay chỉ nhỏ bé như ông sếp nóng tính, cô đồng nghiệp “khó ưa”, hay một người nào đó mà ta vô tình gây gổ trên mạng xã hội?

Bạn cần rút ra bài học để đối phó với những người nguy hiểm: Suy ngẫm, đối thoại, tìm phương án xử lý vấn đề, hoặc tránh xa họ, nhưng không cần góp thêm sân hận vào bài học đó.

Bạn có thể nói rằng sân hận cũng có cái tốt của nó: Đôi lúc nó cho ta động lực phấn đấu để chứng tỏ bản thân với những người từng coi thường ta. Ừm, có thể nó hữu ích trên một số khía cạnh nào đó, nhưng dù đôi khi có chút hiệu năng nhất định, thì mình tin rằng về bản chất, nó vẫn luôn luôn là độc dược. Dù sao đây chỉ là nhận định riêng từ phía mình, và mỗi người có những lựa chọn khác nhau.

Tác giả: Thiếu Lê Tú Anh

*Featured Image: jplenio

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

20 suy nghĩ ngắn về đồng tính

(Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của THĐP.)

(1289 chữ, 5 phút đọc)

  1. Đồng tính khi gặp nhau thường không thành thật, ngay cả khi thành thật nhất cũng có những điều dối trá. Đó không phải căn tính của họ, mà là bản năng, nói dối để tự vệ. Ngày nào, đồng tính vẫn còn là một khái niệm bị soi xét trong xã hội, ngày đó, người đồng tính vẫn không thành thật với người xung quanh, tệ hơn, là với chính họ.

  2. Đập đá thì không thể làm tình.

  3. Người đồng tính có khuynh hướng tụ tập thành một nhóm theo giới tính của mình. Ở đó, họ biến mất hoàn toàn, cái tôi, để đồng hóa vào tập thể. Từ cách nói chuyện, ngữ điệu, cử chỉ, điệu bộ, và cả những chủ đề giao tiếp. Khi đó tính độc lập mất đi, con người bị xóa nhòa, ranh giới giữa riêng và chung không còn. Đồng tính dễ tọc mạch.

  4. Ở sự tụ tập đồng tính, một, để khỏa lấp nỗi cô đơn, hai, để cảm giác có sức mạnh, một thứ sức mạnh tập thể, tự do thể hiện những điều mình muốn, kể cả hành vi lố lăng kệch cỡm. Thứ, mà bình thường họ không dám làm.

  5. Đàn ông có khuynh hướng cá nhân, đàn bà có khuynh hướng tập thể. Do đó, đàn bà thường lắm điều, đặc biệt, khi số người đủ để thành một nhóm, với người Việt Nam, đàn bà luôn có thang âm to khi nói, đặc biệt, cười rồ rộ bàn tán về một ai đó đi ngang. Về điểm này, đồng tính nam kế thừa xuất sắc. Dường như, đồng tính nữ thì… ngược lại.

  6. Chủ đề tâm sự của những người đồng tính khi lần đầu gặp nhau: tôi là nạn nhân của mọi điều.

  7. Chủ đề tâm sự của những người đồng tính khi vài lần gặp nhau: đạo đức, đặc biệt, từ hành vi ứng xử mà người kể luôn là mẫu mực cho hành vi đạo đức.

  8. Chủ đề tâm sự của những người đồng tính sau nhiều nhiều nhiều, lần, gặp nhau: không tin vào tình yêu, nhưng rất thích bàn về tình yêu người khác, đặc biệt, người yêu… cũ.

  9. Người đồng tính khi đủ để thành một nhóm, họ thích làm từ thiện, đặc biệt, đi chùa và ăn chay. Gì cũng được, dường như, hành vi từ thiện kia xuất phát từ khao khát cho tâm hồn được… thanh thản, như thể, đã làm một điều gì tội lỗi và đi chuộc lỗi. Có lẽ, với họ, giới tính là một cái lỗi.

  10. Đồng tính khi nói về người yêu cũ, dù có thành thật mấy, cũng… xào xạo. Nhưng cứ cho là thật, thì, người yêu cũ nào cũng có hai điều: giàu có và trình độ học vấn cao, trừ phi, kể về tình đầu, luôn là câu chuyện: nghèo nhưng biết chia sẻ. Ừ, cứ cho là thật, thì Việt Nam nên tự hào là quốc gia có nhiều người đồng tính giàu và học vấn cao.

  11. Khi nói về người yêu cũ, đồng tính, luôn kể những gì mà họ được chiều chuộng. Điểm này giống đàn bà. Nhưng vượt xa hơn đàn bà ở chỗ, nó nằm ngoài sự thật.

  12. Đồng tính, khi thành một nhóm người hoạt động xã hội. Họ thích gây tác động về hành vi lương thiện, như thể, đồng tính không đi kèm tội ác, như cách mà báo chí đã miệt thị qua những vụ án được dán mác đồng tính. Cần hiểu, đồng tính, tội ác và lương thiện luôn riêng biệt, nhưng, lấy danh tiếng của những người đồng tính nổi tiếng, nhất là những vĩ nhân để biện minh cho đồng tính là tích cực thì… nhảm. Cống hiến của một cá nhân cho nhân loại, đầu tiên là vì tài năng của họ; sau đó, có những kẻ hưởng ké điều đó, gồm: gia đình và quốc gia. Nay, có thêm… giới tính.

  13. Đồng tính thường được khắc họa là những kẻ ưa ghen tuông. Ừa, thì ghen, nhưng trong tình yêu nào mà không có sự ghen tuông? Nhất là, tình yêu luôn mang tính sở thuộc, muốn độc quyền trong tình yêu, tôi yêu người đó và chỉ muốn duy nhất mình được yêu người đó. Vậy, yêu thì phải ghen, không phân biệt giới tính. Khác chăng, là ở cách thể hiện lòng ghen tuông. Với đàn bà, là mưu mẹo; với đàn ông, là hành động. Do đó, đồng tính nam thường ghen bằng hành động, hành động mà vượt kiểm soát, sớm muộn gì cũng có tật nguyền và thần chết.

  14. Đàn bà Đông Á, nhất là Việt Nam, khi thông minh luôn kèm theo thủ đoạn. Đã là đàn bà, mà thông minh, thì họ buộc phải chứng minh sự thông minh đó bằng thủ đoạn. Thủ đoạn đó, nếu được, thì phải dữ tợn và hơn thua đầy lặt vặt. Do đó, đàn bà Việt Nam rất thích thú trong việc bày mưu tính kế, tham kế cho người xung quanh và cả bản thân cho những điều vặt vãnh. Về điều này, đồng tính nam… y chang. Dường như, thông minh và lương thiện, không đi chung trong tư duy đàn bà.

  15. “Mày khôn tao đâu có ngu.” Nói câu đó, kẻ đó tự biến mình thành ngu, vì lú lẫn trong cách đánh giá mà người khác dành cho mình. Đó lại là câu cửa miệng của nhiều người đồng tính mà tôi biết. Nản.

  16. Đồng tính nam thường ít chiều sâu hơn đàn bà trong đánh giá về con người. Đơn giản, đàn ông thường kém hơn đàn bà về cảm nhận, vì vậy, đàn ông dễ chú ý về ngọai hình, trong khi đàn bà thường chú ý về tính cách. Do đó, những phẩm chất: tài năng và trí tuệ ít khi nào là chủ đề của một người đồng tính nói về người đồng tính, hay quan tâm về đồng tính. Nếu có nhận xét về tài năng, trí tuệ; thường… trật. Tình yêu đồng tính ít đi chiều sâu là vậy. Thật lạ, trong tình bạn, thì đàn ông lại sâu sắc hơn đàn bà, và vô cùng chú ý về tài năng, trí tuệ của người bạn. Đồng tính nam không thèm kế thừa điều đó ở đàn ông, nếu có, cũng không áp dụng vào tình yêu.

  17. Sự bấp bênh trong tình cảm, khiến người đồng tính dễ bi quan. Những kẻ bi quan là những kẻ có khả năng tiên liệu về tương lai, nhưng, trật nhiều hơn trúng. Vậy, bi quan để làm gì?

  18. Có lẽ vì bi quan, nên đồng tính và đàn bà giống nhau một điểm: thích coi bói. Xa hơn, thích làm thầy bói.

  19. Nếu nói đồng tính là yếu đuối, không chính xác, ở họ, có một nỗ lực mạnh mẽ. Chống lại sự thật về mình.

20. Có hay không mối quan hệ giữa người làm nghệ thuật và đồng tính? Nhiều người tin là có. Tôi thì không. Nghệ thuật nằm ở tài năng, đồng tính nằm ở nhu cầu. Nếu có, may cho người đồng tính là họ không được kết hôn, áp lực về gia đình giảm đi, không được xã hội thừa nhận, áp lực về trách nhiệm công dân giảm đi. Còn lại, dành cho sở thích. Tài năng luôn có thời gian để phát triển. Tôi nói điều đó là nói nhảm, vì một tài năng lớn, không cần đến giới tính để đỡ lung.

Tác giả: ICiệt Phùng

Featured image: David Shankbone

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

[Tóm tắt] 5 centimet trên giây, Shinkai Makoto – Chuyện tình hoa anh đào

1

[1641 chữ, 6 phút đọc]

5 centimet trên giây là một câu chuyện ngắn nhưng bản thân nó lại gói gọn một phần chuyện đời của chàng trai tên Takaki Toono, bắt đầu từ lúc anh còn là một đứa nhóc lớp Bốn cho đến khi anh đã ngoài 30. Những ngày tháng tuyệt vời của thời thơ bé ập đến bất ngờ như cơn mưa rào khi Takaki gặp được Akari, cô gái này đáng yêu như vệt nắng mùa hạ. Akari là học sinh vừa chuyển đến và Takaki đã từng trải qua cảm giác ấy, vì thế mà cậu liền chủ động kết bạn với cô. Nhờ có rất nhiều điểm tương đồng mà hai người trở nên vô cùng thân thiết, họ gắn bó với nhau suốt ba năm trời cho đến khi Akari buộc phải chuyển đi vì công việc gia đình.

Những ngày tháng có nhau, Takaki luôn xuất hiện cùng Akari ở bất cứ đâu, họ cùng đi học, cùng ăn trưa, cùng trò chuyện. Họ cứ ngỡ rằng sẽ luôn được bên nhau như vậy cho đến tận cùng, nhưng những trái tim nhỏ dại ngày ấy đâu biết rằng cần phải đấu tranh và hi sinh đến mức nào mới có thể biến điều đó thành hiện thực. Ngày nhỏ, bàn tay đâu đủ lớn, đâu đủ mạnh để giữ một người ở lại. Chắc hẳn Takaki đã đau buồn đến tột độ khi nghe tin Akari chuyển đi, và Akari cũng vậy; hai trái tim đang lớn bỗng chốc phải thổn thức, vỡ tan. Những mùa xuân sau này, khi nhìn thấy hoa anh đào đang rơi, Takaki lại bất chợt nhói lòng, trong đầu anh lại vang lên giọng nói trong trẻo: “Vận tốc rơi của hoa anh đào ấy. Năm centimet trên giây.”

Điều khó khăn nhất trên đời này có lẽ là phải từ bỏ một ai đó hay một thứ gì đó vốn dĩ đã trở nên thân thuộc. Vắng đi họ, đời ta lập tức chông chênh, chơi vơi đến lạ. Đã có một lần, hoặc ít nhất là vậy, Takaki tìm về Akari, lúc ấy cậu chỉ mới bước qua tuổi 13, lần này là để từ biệt. Cuộc hẹn bị trễ đến hơn 4 giờ đồng hồ, khi dường như đã quá tuyệt vọng thì Takaki chợt sững sờ vì Akari vẫn đang ngồi đợi mình. Trong đêm đông buốt giá ấy, dưới gốc cây anh đào, hai tâm hồn thuần khiết trao cho nhau nụ hôn đầu đời của họ. Ngay lập tức thời gian và không gian dừng lại, chỉ còn tình yêu, linh hồn và sự mãi mãi.

Những quá khứ tươi đẹp ấy luôn đeo bám tâm trí Takaki, về sau này chúng trở thành một điều gì đó dằn vặt vô cùng. Takaki đã nhận ra cậu muốn bảo vệ Akari đến cuối đời, nhưng hiện thực phũ phàng cho thấy rằng họ không thể bên nhau mãi mãi, không thể nào. Hình ảnh Takaki bất lực đứng nhìn Akari qua khung cửa kính của tàu điện khiến người đọc không khỏi nhói lòng. Thời điểm chúng ta vừa kịp nhận ra một nửa còn lại của đời mình cũng chính là thời điểm chúng ta buộc phải lìa xa họ, khoảnh khắc ấy mấy ai được trải qua và mấy ai kiềm lại được nước mắt của chính mình. “Takaki à, tớ tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi. Nhất định thế!” Cuộc đời Takaki về sau này, liệu có thể được gọi là tốt đẹp hay không thì còn tùy thuộc vào từng người, nhưng riêng tôi chỉ thấy màu sắc của sự u buồn.

Khi Takaki chuyển đến nơi ở mới, cậu gặp được Sumida Kanae, đó là một cô gái thích lướt ván… và thích…Takaki. Tình cảm của cô kéo dài suốt 5 năm trời, cuộc sống của cô trong khoảng thời gian dài đăng đẳng ấy chỉ xoay quanh Takaki. Sumida là hình mẫu chung của những kẻ yêu đơn phương, nhìn vào cô ai cũng sẽ bật cười và thầm nghĩ: “Giống mình quá!” Sumida biết Takaki hay tập bắn cung, vậy là cô bạn luôn giả vờ đi qua nơi cậu ấy luyện tập, chào hỏi vài câu bâng quơ, ngoài mặt luôn tỏ ra bình thản nhưng trong lồng ngực lại nảy tưng. Cô luôn “tình cờ” đến bãi lấy xe cùng lúc với Takaki, khi cậu ta đề nghị cùng về chung thì Sumida sung sướng đến nỗi nếu có đuôi thì cô sẽ quẩy tít lên. Đối với những thứ xung quanh mình, cô sẽ tìm một mối liên hệ nào đó với Takaki.

Sumida ôm khư khư tình cảm của mình chờ cho đến khi cô có thể lướt được trên những con sóng thì sẽ tỏ tình cùng Takaki. Tình yêu của Sumida lúc nào cũng vẹn nguyên như vậy, hồ như Takaki là cả bầu trời của cô, lúc nào cũng muốn ôm trọn vào lòng.

Rồi cũng đến lúc Sumida có thể nói ra lòng mình, nhưng khi ấy bọn họ đã là những học sinh cuối cấp, đang đứng trước những lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời. Cô biết rằng Takaki sẽ rời khỏi nơi đây và có lẽ không bao giờ quay trở lại nữa, vì thế mà cô đã kịp nắm được vạt áo của cậu ta, nhưng lời yêu cứ nghẹn ứ ở cổ. “Không phải ở đây!”, “Không phải ở đây!” Sumida sững sờ nhận ra những câu chữ ấy trong mắt Takaki, bọn họ đi về cùng nhau, rồi Sumida khóc òa.

Nhưng dù gì đi nữa, Sumida đã cho chúng ta thấy sự dũng cảm của mình, giống như nhiều cô gái khác, cô thầm thích một người và trước giờ phút sẽ chia xa cô muốn thổ lộ cùng cậu ta. Tuy chẳng thể thành đôi nhưng sau này cô sẽ chẳng hề nuối tiếc vì điều gì cả, hẳn đó là một sự lựa chọn đúng đắn của tuổi trẻ rồi. Tình yêu của Sumida xuất phát từ tận đáy tim, nơi tất cả sự thuần khiết, chân thành, nồng ấm nhất hiện hữu. Liệu tình cảm giữa Takaki và Akari ngày ấy có được gọi là yêu hay chỉ là cảm giác bỡ ngỡ đầu đời? “Thế nhưng, tôi biết rồi ngày mai, ngày kia và cho mãi về sau tôi chỉ yêu một người, là Toono.”

Về sau, khi đã ngoài ba mươi nhưng Takaki vẫn không thể tìm ra người mà cậu muốn gắn bó đến cuối đời. Trải qua thêm ba mối tình, nếu chúng không đến và đi một cách chóng vánh thì cũng vỡ tan thành trăm ngàn mảnh đau buồn. Người đến rồi lại đi, còn lại mình ta ngụp lặn giữa hàng tá kỉ niệm thời mặn nồng, phải mất bao nhiêu thời gian thì tâm hồn mới chịu cân bằng trở lại?

Công việc của Takaki được mô tả một cách đơn điệu vô cùng, sáng đến công ty, mua một ly cà phê từ máy bán hàng tự động, uống một ngụm rồi bắt đầu gõ lách tách trên bàn phím máy tính, một công việc chẳng đòi hỏi phải giao tiếp gì nhiều giữa những người trong cùng một nhóm. Tối đến, anh lại tựa mình vào khung cửa kính của chuyến tàu điện đêm, về nhà khi trời đã rất khuya. Khi công việc có vẻ đang thăng tiến và năng lực được đánh giá cao thì anh quyết định nghỉ làm, anh dành thời gian ở một mình và cân bằng lại mọi thứ.

Cuộc sống quá đỗi cô đơn của Takaki đã làm tôi đôi phần hoảng sợ, và tôi được biết rằng có rất nhiều, rất nhiều người trẻ cũng như anh, họ có thể kiếm nhiều tiền nhưng họ không hạnh phúc, chuỗi ngày dài lê thê buồn chán ấy chiếm mất tâm hồn họ, làm họ chai sạn cảm xúc và chơi vơi giữa cuộc đời. Họ chẳng khác gì một cái máy được lập trình sẵn, vừa đáng thương vừa đáng trách.

Cuối truyện, cái khoảnh khắc tim anh lóe sáng khi bất giác một người con gái đi ngang qua làm chúng ta khựng lại và thắc mắc: “Cô ấy” là ai? Và cái tin tưởng mãnh liệt rằng nếu anh quay đầu lại thì cô cũng vậy đã chứng tỏ rằng giữa hai người đã từng là một điều gì đó lớn lao lắm. Liệu có phải là Akari? Nhưng ngón áp út bàn tay trái của Akari đã mang nhẫn mất rồi, phải, cô sắp lấy chồng. Những gì về Takaki chỉ còn là hoài niệm tươi đẹp, không hơn không kém. Anh và “cô ấy” lướt qua nhau, quãng thời gian ba năm nếu so với cả đời người cũng có thể xem là một khoảnh khắc, những thứ đã cũ chẳng khác gì một cái lướt qua nhẹ nhàng cả. Chẳng ai đong đếm so đo khoảng thời gian xưa kia làm gì nữa.

Rồi họ đứng lại, ngoáy đầu nhìn nhau, cũ chẳng đồng nghĩa với đã quên, chỉ là cảm giác không vẹn nguyên như ngày đầu nữa thôi. Chuyến tàu cắt ngang tầm nhìn của hai người, đó không phải là khoảng thời gian dài mà họ đã lạc mất nhau hay sao, sẽ chẳng có gì là lạ nếu nói chuyến tàu ấy tượng trưng cho mười mấy năm xa cách giữa hai người. Cuối cùng, Takaki nhận ra rằng phép màu không phải là hai người có thể đi cùng nhau đến mãi mãi, mà chính việc gặp lại “cô ấy” đã là một điều kì diệu lắm rồi.

“Và khi đoàn tàu chạy qua, anh sẽ tiến bước, không còn do dự.”

Tác giả: Luckyking

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2