28 C
Nha Trang
Thứ năm, 31 Tháng mười, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Trang chủ Blog Trang 103

Chúng ta sinh ra để sống tầm thường vậy sao?

8

(1261 chữ, 5 phút đọc)

Đã bao lần bạn chậm rãi sắp xếp từng cây bút màu cho vào hộp với suy nghĩ ai rồi cũng phải thế. Đã từng đắn đo lựa chon cho mình những màu yêu thích nhất, cố gắng vẽ ra giấc mơ sặc sỡ tươi tắn trên trang giấy trắng, nhưng có lẽ đã đến lúc chấp nhận số phận của chính mình, chỉ một số màu là còn có thể dùng được, một số màu khác sẽ thỉnh thoảng cần đến, và còn đó những màu không bao giờ có thể phù hợp. Bạn đã sẵn sàng chấp nhận sống một cuộc đời tầm thường như bao con người tầm thường khác?

Bạn đã quá mệt mỏi để nhận ra cuộc đời đang đánh thức bạn khỏi cơn mê ngủ. Càng tỉnh táo bạn càng nhận ra mình đau khổ, lo âu và tuyệt vọng. Ai đó đã giết sạch hết tất cả niềm tin trong bạn, những điều mà bạn tôn thờ và lý tưởng. Bạn đã tin rằng mình đến với trái đất này cùng sứ mệnh cao cả, nhưng sứ mệnh đó giờ cũng chẳng giúp ích được gì. Chúng chỉ càng khiến bạn trở nên vô dụng và vỡ vụn ra thành nhiều mảnh, đang cứa vào linh hồn bạn từng ngày. Niềm tin của bạn đã không còn đủ không khí để thở, chúng ngột ngạt và đang thoi thóp trong lồng ngực chật hẹp. Cảm giác ngộp thở thật đau khổ. Đã có khi bạn tự hào được lựa chọn cho mình một cuộc sống ao ước rồi bàng hoàng nhận ra mình chỉ là sản phẩm dây chuyền của cuộc sống trong những phần số đã được sắp đặt sẵn không thể thay đổi.

Bạn đã từng mơ mộng về một thế giới viên mãn trong tâm trí. Đó là thiên đàng tạo ra  những bản thiên anh hùng ca và bạn là vị anh hùng luôn phất cao ngọn cờ tử vì đạo, chấp nhận hứng chịu đau khổ và hy sinh vì lý tưởng cao đẹp cuộc đời.

Rồi bạn bị cuộc đời tát cho vài gáo nước lạnh. Như thế thì được tích sự gì? Thế giới này không đòi hỏi bạn phải hành động và hy sinh, nó đã tự mãn nguyện với những gì có sẵn tự trong thân nó. Nó đã hoàn toàn hài lòng với những con người sống một cuộc sống như được lập trình trong các cao ốc văn phòng, những quán cà phê, nhà hàng ăn uống hạng sang, mặc áo lông thú và tay xách túi đeo hàng hiệu. Đó mới chính là cái đẹp được cả thế giới tôn sùng. Thời đại của thi ca, tôn sùng những thi hào hay nghệ thuật, đó chỉ là sự cổ hủ lạc hậu của những kẻ dại khờ.

Đã có bao nhiêu người mang trong mình những giấc mơ đó, nhưng rồi cũng phải nói câu tạ từ. Thực tế con người sinh ra chỉ để làm việc quần quật mỗi ngày, đón con tan trường, tối về ngập mặt trong bếp núc nếu là đàn bà, đàn ông được thư giãn trên ghế sô pha ngồi chuyển kênh ti vi, rồi đi ngủ, rồi sáng mai lại thức dậy, sắn áo sắn quần vội vã trên đại lộ cho kịp giờ làm. Bạn từng chọn cho mình một sứ mệnh cao cả hơn, một văn sĩ , một nhà soạn nhạc thiên tài, một nhà cách mạng… nhưng cuộc đời chỉ cho bạn thành một anh nhân viên quèn văn phòng ngồi gõ bàn phím, sắp xếp những đống giấy tờ.

Bạn có tuyệt vọng không? Cũng có thể có, nhưng chẳng phải xung quanh mọi người đều thế. Bạn cũng mất rất nhiều thời gian để đau khổ và tự trách bản thân vô dụng không tự làm chủ cuộc đời mình. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Tự động viên bản thân rằng cuộc đời nhất định có lý khi sắp xếp thứ tự a b c chứ không phải là c b a. Rồi ngậm ngùi chấp nhận cũng có khi những giấc mơ mình từng có đúng là vớ vẩn. Thực tế là cuộc sống mình đang có, ai rồi cũng phải sống với sự sắp đặt, trách móc cũng chẳng được tích sự. Bạn bè mình ai mà chẳng sống hòa bình với thực tế này, cha mẹ mình cũng đã sống như thế, rồi hàng xóm láng giềng.

Có bao giờ bạn đặt tay gối đầu tự hỏi tại sao giấc mơ của mình không phải là điều đúng đắn còn cuộc đời này mới đang nhầm lẫn? Tại sao hàng triệu người trên thế giới đang sống đúng với thực tế, còn mình thì ảo tưởng? Tại sao chúng ta không có quyền được nghĩ hàng trăm hàng nghìn anh chị đang ngồi trong các văn phòng cao ốc, rồi những người không thể theo đuổi giấc mơ, việc họ cố gắng sống những ngày tháng mệt mỏi để kiếm tiền, rồi già đi thảm hại là không sai? Từ bỏ giấc mơ rồi héo mòn đi từng ngày là đúng? Phải chấp nhận phần kiếp đó là đúng? Không thể thay đổi được gì cũng đúng? Có thể chúng ta giàu có trong tiền của vật chất là đúng nhưng tâm hồn mình cô đơn tuyệt vọng chẳng lẽ không sai?

Bạn kinh tởm trước danh vọng tiền bạc, tỏ ra buồn phiền về dáng vẻ bộ tịch của tất cả những người xung quanh, nỗi tuyệt vọng về một xã hội thối nát. Chiến tranh không xảy ra nhưng tâm trí con người có bao giờ bình yên. Rồi chuyện người ta xem trọng bề ngoài hơn cái cốt lõi bên trong. Bất kể ai suy nghĩ thế này đều bị xem là kẻ lệch lạc. Họ không cần thứ âm nhạc phải là âm nhạc, họ chỉ cần cái thế giới xinh đẹp bên ngoài và mục ruỗng đổ nát bên trong, họ cần tiền bạc thay vì tâm hồn, sự đùa nghịch hơn là phải có đam mê.

Thời đại này là một thời đại văn minh. Bất kể điều gì xảy ra cũng đều để phục vụ cho sự bảo tồn và phát triển. Thế giới ngợi ca những gì tốt đẹp hơn, giàu sang hơn, phong phú tiện nghi hơn trong tương lai. Nhưng tương lai là cái gì đó khi con người chẳng còn không khí để thở mỗi ngày. Tất cả những gì gọi là chuẩn mực xã hội mà tất cả mọi người đều phải học thuộc nếu muốn được công nhận là con người cùng những đức hạnh. Tất cả chỉ là dối trá do mấy kẻ đạo đức giả nghĩ ra rồi hô hào đó là giáo dục định hướng.

Vâng, những bài giảng giáo dục định hướng con người sớm biến thành những kẻ hèn mọn, sống tầm thường, miễn sao có nhiều tiền tài và quyền lực. Phải rồi, đó là tiêu chuẩn để được sống là con người. Có những con người đích thực, lại chẳng có gì hết, họ luôn nghèo nàn vật vã mỗi ngày, chỉ sống để chờ đợi cái chết. Cuộc sống này đã luôn như thế và sẽ mãi như thế. Muôn đời này sinh ra những kẻ tầm thường rồi chết tầm thường trong tất cả các nấm mồ. Chỉ cần có ai đó đôi ba lần đến viếng thăm, thắp cho vài ba nén nhang, rồi lặng lẽ lãng quên.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: MichaelGaida 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Giáo dục Việt Nam cần gì?

1

(1595 chữ, 6 phút đọc)

Vào buổi trưa hè tháng Bảy, tôi có hẹn một cô bạn mới quen, đi uống trà trong một con hẻm nhỏ. Điều đặc biệt buổi đầu tiên gặp mặt là, cô ta không hỏi gì nhiều về tôi, ở đâu và làm việc gì. Cô ta hỏi tôi nói về vũ trụ. Nhưng chính câu hỏi ấy, tưởng chừng không liên quan nhưng lại là nguồn cảm hứng để tôi, mở đầu bài viết về những vấn đề của giáo dục hiện tại. Dường như định nghĩa và mục đích về giáo dục, nằm ngoài khả năng nhận thức của tôi. Cứ nghĩ mỗi chúng ta sẽ quan tâm chuyên môn của mình, cho đến khi giữa ranh giới nhà trường và xã hội chỉ mong manh như một vệt nắng, có nghĩa là bạn từ nhà trường chỉ cần bước ra một vệt nắng ấy là xã hội, thì bạn vẫn là bạn, tôi vẫn là tôi, chúng ta tắm vẫn không mặc đồ. Lỗi của giáo dục hay của nhận thức? Điều gì đã làm cho chúng ta lu mờ trước giá trị của sự so sánh đặc biệt và tuyệt vời, thứ gì mới là quan trọng?

Có người hỏi tôi rằng chúng ta nên lựa chọn giáo dục vì lợi ích hay giáo dục vô vị lợi? Liệu nên tập trung phát triển những Ngành Khoa học Xã hội hay Khoa học Tự nhiên mới thực sự đóng góp cho sự phát triển của xã hội và giải pháp nào dành cho giáo dục Việt Nam?

1. Giáo dục vị lợi – Giáo dục vô vị lợi

Tôi định đặt tiền đề của mình là giáo dục vì dân chủ, nhưng ở ngữ cảnh này tôi nghĩ giáo dục vô vị lợi sẽ hợp lý hơn. Không phải là người ở một vị trí nước đôi mà tôi cho rằng cả hai đều quan trọng. Điều mà tôi cần thể hiện là phản biện lại với những quan điểm cực đoan. Tôi không đồng ý khi chúng ta thường nhận rằng chỉ những ngành như Khoa học Tự nhiên như Vật lý, Hoá học, Sinh học mới đem lại những cuộc cách mạng mang tính thời đại, vì ngoài những điều hiển nhiên ấy ra các ngành Khoa học Xã hội như Văn học, Triết học cũng thay đổi thế giới rất nhiều.

Chúng ta không nên nhận thức rằng giáo dục là một công cụ để tăng trưởng kinh tế, như cách tuyên truyền đáng sỉ vả “học tập để thay đổi cuộc đời”, thật ra là một kẻ mộng mơ mà nói không phải lúc nào kinh tế cũng đưa chất lượng của cuộc sống tốt hơn. Như giá trị của cuộc sống vẫn là câu hỏi mà chúng ta đang kiếm tìm.

Giáo dục Mỹ sẽ theo kiểu định hướng chuyên môn, điều khác biệt so với định hướng Bách khoa của giáo dục Pháp. Nhưng để tìm câu trả lời chung của giáo dục vị lợi và giáo dục vô vị lợi vẫn phụ thuộc vào sự thiếu sót của một quốc gia. Lựa chọn phương pháp giáo dục là một sự thay đổi phụ thuộc, không phải là sự đứng nhìn khi chúng ta cứ ngỡ rằng mình ở trên đỉnh, nhưng đỉnh cao vẫn còn nằm ở phía đồi bên kia.

Sẽ khó lựa chọn giữa mô hình giáo dục tăng trưởng kinh tế, mô hình giáo dục tăng trưởng văn hoá hay mô hình phát triển về mặt phản tư chính trị vì mọi sự lựa chọn mang tính tuyệt đối bao giờ cũng đi ngược lại với sự phản tư của chính tôi.

2. Khoa học xã hội – Khoa học tự nhiên

Có một lần cafe với một người bạn, trên tay của cô tay cầm Iphone X. Tôi mới bảo rằng chiếc điện thoại này có công nghệ gì mới không, có nhận diện được Ninja Lead Việt Nam không? Chỉ câu hỏi như vậy cô ta đã giảng cho tôi nghe nguyên câu chuyện về giáo dục, theo tôi nên lựa chọn khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên.

Cô ta nói rằng, chúng ta biết Face ID qua Iphone X của Apple, có nghĩa là chiếc điện thoại sẽ tự động nhân diện khuôn mặt để mở khoá. Mà thật ra trước Apple, Face ID đã được tập đoàn của Jack Ma, một tỷ phú người Trung Quốc nghiên cứu, phát triển và đã áp dụng vô một vài hệ thống siêu thị của họ để thay thế thẻ thành viên. Dựa trên thành tựu đó, chính quyền Trung Quốc đang muốn phát triển hệ thống này để áp dụng vô hệ thống phương tiện giao thông công cộng của họ. Nếu điều đó thành công thì con người sẽ không đóng vai trò trong việc kiểm soát nữa. Đó là một thành tựu tuyệt vời, cho đến khi cô ta kể tiếp.

Ở các thành phố ở các nước Châu Âu, hệ thống phương tiện giao thông công cộng của họ tuy có phần kém hiện đại hơn so với Trung Quốc, chủ yếu người dân không tập trung sinh sống ở các đô thị trung tâm, mà họ chọn những vùng tương đối xa trung tâm. Nên chủ yếu di chuyển bằng các phương tiện công cộng để đi làm, những người dân ở đây khi tham gia phương tiện công cộng, họ đều xếp hàng và mua vé đầy đủ mặc dù không ai kiểm soát vé, họ tự ý thức không cần dùng đến những biện pháp hiện đại.

Chính vì điều này cô bạn tôi đã đặt câu hỏi cho tôi rằng những ngành Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên thì liệu chúng ta nên phát triển ngành nào quan trọng hơn. Thật khó để trả lời cho sự định hình phát triển giáo dục của Việt Nam, vì tôi cho rằng cả hai đều quan trọng và ở trên là một câu hỏi sai. Tôi không thể trả lời một cái chén, cộng một đôi đũa bằng hai cái gì, vì Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau.

Sự lựa chọn phát triển ngành thế mạnh của Việt Nam cũng thế, không thể ưu tiên cho phát triển Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên. Điều mà giáo dục Việt Nam cần quan tâm là phương pháp giáo dục và tính minh bạch của nó.

3. Giáo dục Việt Nam cần quan tâm

Với tôi, giáo dục không có bất kỳ mục tiêu riêng biệt nào cả. Mục tiêu của giáo dục cũng giống như mục tiêu của nghề nghiệp có mục đích. Vì khi chúng ta làm một nghề nào đó có mục đích, thì nó không phải là nghề nghiệp nữa. Giáo dục giống như việc chúng ta trồng một cái cây, sự thành công không phải lúc nào cũng theo kiểu chúng ta trồng như thế nào, tất cả đều bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Ở Việt Nam khi sự chi phối của diễn ngôn đã vô tình làm nhà trường trở thành nơi giam cầm của tri thức, đó là một điều hổ thẹn của của Giáo dục Việt Nam. Chúng ta cần phải phân tách ranh giới giữa chính trị và giáo dục, chớ nên chồng chéo lên nhau vì sự khai phóng là điều cần thiết, nếu muốn biến một giá trị nhỏ, thành một giá trị lơn hơn. Đã đến lúc chúng ta cần phải quan tâm đến giáo dục và một cuộc cách mạng, ngay cả việc giảm tải chương trình cũng là vấn đề mà cần trao đổi, một cách thực tế với hệ thống tiểu học và trung học. Không những thế mà còn bao gồm luôn cả vai trò của sự chi phối triết học và chính trị của Việt Nam trong giáo dục. Đây là điều chúng ta cần phải mạnh dạn lên tiếng để đưa giáo dục về đúng vai trò của nó, nếu tham vọng chúng ta vẫn muốn dân tộc này sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Chúng ta cần một hệ thống minh bạch, cạnh tranh giữa giáo dục công và giáo dục tư, ngay cả việc trao luôn cơ hội cạnh tranh giữa người “được giáo dục” và “bị giáo dục”. Hãy làm sao để những đứa trẻ được giáo dục trên sự tự do phát triển nghề vì đam mê, chứ không phải phát triển nghề có mục đích. Giống như hệ quả của việc mua điểm tại Hà Giang là một thực trạng của tư duy giáo dục Việt Nam, nghề nghiệp có mục đích.

Không cần phải quan tâm thay đổi kỳ thi như thế nào, mà hãy chủ động quan tâm đến phương pháp giáo dục của chúng ta phải thay đổi như thế nào. Khi mà cả nền giáo dục chúng ta không định hình nên được một triết lý giáo dục thì việc giáo dục bao giờ cũng bằng không. Sự mạnh mẽ thừa nhận hay tước bỏ vai trò chi phối bao giờ cũng là điều kiện quan trọng nhất đối với một nền giáo dục muốn tiến đến tính nhân bản và khai phóng.

Vì giáo dục không phải là những con điểm số, không phải chúng ta sẽ làm gì, chhúng ta có bao nhiêu tiền, mà là chúng ta sẽ sống như vậy đã hạnh phúc chưa?

Tác giả: Đỗ Sơn Trà

*Featured Image: lil_foot

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

Tôi như kẻ dại khờ ngồi mơ tưởng tình yêu

0

(716 chữ, 3 phút đọc)

Trái tim tôi khao khát nồng ấm đang nhìn vào ánh mắt anh trong tất cả sự đau khổ vẫn rong ruổi bước theo tôi trên những năm tháng đã trôi qua. Tình yêu, tôi nghĩ về nó như những vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm. Thật rạng ngời chói lóa, nhưng lại rất khó để chạm đến. Đã bao lần tôi ao ước thà đau đớn tuyệt vọng chết trong vòng tay người tình còn hơn là giấc mộng trọn đời không có nổi một người để yêu.

Tôi biết vũng lầy ấy là chất chứa tất cả bùn dơ bẩn, trở ngại mà tôi phải bước qua nếu muốn đến gần anh. Tôi thừa biết tất cả những điều ấy, chỉ có cách duy nhất để bước đến bên anh là tôi phải luôn giả bộ giữ nguyên vẻ ngây thơ. Tôi tự dối lòng mình bằng cách giữ lại sự hồn nhiên của một đứa trẻ mới lớn vừa tập tành biết yêu. Giả vờ quên đi tất cả sự trần trụi của một tình yêu đã từng cứa hàng trăm vết cắt chằng chịt lên trái tim mình. Đây không phải là lần đầu biết yêu, nhưng phải là lần đầu bước đến bên anh bằng tất cả con tim tan vỡ, ngờ nghệch yêu anh bằng tất cả da thịt đã nát rượu nồng say trong hơi men.

Dẫu biết rằng tình yêu chỉ là một thứ ảo diệu đang nồng cháy trong tâm trí. Tình yêu này rồi cũng chỉ đang cố gắng xoay tròn quay chính mình để trở về lại với chính mình. Ngôi sao đó rồi sẽ tắt lịm, ánh sáng đó rồi sẽ tan biến giữa đường bay. Nhưng sao vẫn muốn làm tên mù mò mẫm ánh sáng tình yêu trong sự u mê. Tình yêu, tôi như vì sao lạc lẻ loi đang trơ trụi đứng thèm thuồng bầu trời đêm.

Đã từng có cả nhân loại cười vào mặt mình, chẳng phải thế sao? Họ nói lời khinh bỉ tôi như kẻ điên yêu.

Tình yêu quả thật rất khó khăn, nhưng vì nó khó khăn nên phải chăng nó đẹp. Đó phải chăng là một thử thách cao xa nhất. Hơn cả tình yêu cho chính bản thân mình và tôi mãi là trang giấy trắng tinh khôi  sẽ luôn dễ dàng đánh rơi nó.

Làm sao cho nhịp tim đập xao xuyến trong lồng ngực không phải sống trong cô liêu. Làm sao để mình không phải là kẻ cô đơn lớn dần trong những u sầu ảo mộng tình yêu. Làm sao để mình không còn dại khờ đánh mất mình trong một người khác. Biết rằng mình ngu ngốc nhưng vẫn tình nguyện hiến dâng mình, tất cả cuộc sống giờ đây đều dành cho một người, cảm xúc giờ đây đều dâng trọn cho người tôi yêu.

Lầm lỗi của bao kẻ đang yêu là việc xấn lấy nhau, vồ vập lấy nhau, lãng quên đi sự kiên nhẫn chờ đợi. Tự mình giăng ra vô vàn mớ dây chằng chịt rồi tự buộc lấy thân xác mình trong đó. Tôi có đủ tỉnh táo để nhìn ra mọi sự?

Làm sao để ngày mai mình sẽ không tự đánh mất mình trong tình yêu, rồi đánh mất luôn cả người mình yêu, rồi bao nhiêu chán chường, vỡ mộng ê chề? Ôi tình yêu chẳng khác gì những cơn giông bão dữ dội dài lê thê.

Dẫu biết tình yêu rồi sẽ đè bẹp tâm hồn mình trong ngột ngạt, nó rồi sẽ trở thành con đường đưa lối mình đến hỏa ngục, nhưng đó không phải là điều tệ hại nhất, làm sao có thể chịu đựng nổi nếu mình không được ở bên cạnh người mình yêu?

Đối với tình yêu, tôi biết mình chỉ luôn là kẻ thứ ba, chỉ có tình yêu và người tôi yêu mới là điều nồng nàn, còn tôi là kẻ bơ vơ luôn bị nhấn chìm xuống đáy vực thẳm.

Vậy nên từ giây phút biết yêu anh, tôi nên học cách biết yêu luôn tất cả những gì sẽ làm tan nát trái tim tôi?

Sài Gòn, chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên anh…

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: GLady 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

 

 

 

 

[THĐP Translation™] 40 phương châm cuộc sống giá trị từ Tiến sĩ Jordan Peterson

0

7

(1037 chữ, 4 phút đọc. 427.3k Views – 7.4k Upvotes trên Quora)

“Đây là podcast tôi yêu thích nhất từ trước đến nay.”

— Joe Rogan sau khi trò chuyện cùng Jordan Peterson ⬇️

https://www.youtube.com/watch?v=USg3NR76XpQ

Nhiều bạn đọc bài này cũng biết và yêu mến Tiến sĩ Jordan B. Peterson. Với ai còn chưa biết, tôi sẽ chỉ ra vì sao các bạn nên tìm hiểu về ông. Tiến sĩ Jordan Peterson là một nhà thuyết trình giành nhiều giải thưởng đến từ Đại học Toronto, một nhà tâm lý học lâm sàng, và tác giả của cuốn sách mang tính cách mạng về tâm lý học tôn giáo Maps of Meaning: The Architecture of Belief (tạm dịch: Bản đồ của Ý nghĩa: Cấu trúc niềm tin).

Tuy nhiên, Jordan Peterson được biết đến nhiều nhất thông qua kênh YouTube của ông. Với gần 1.4 triệu người đăng ký, đó quả là một số lượng khó tin bởi vì đa số video của ông có thời lượng trên 1 tiếng, và thuộc những chủ đề rất sâu sắc như triết học, thần thoại học, tâm lý học, và tôn giáo.

Ông là một người đáng để chúng ta chú ý tìm hiểu.

Tại trang  Quora, Jordan Peterson đã nhận được câu hỏi sau:

“Những điều giá trị nhất ai cũng nên biết là gì?”

Thay vì trả lời bằng một tiểu luận dài, ông đã ghi lại 40 phương châm mà tôi trình bày dưới đây. Trước khi đọc, xin các bạn lưu ý rằng những phương châm này không phải là một danh sách những lời khuyên self-help các bạn thường thấy.

Chúng đơn giản. Chúng ngắn gọn. Nhưng mỗi phương châm đều hàm chứa hàng chục năm nghiên cứu và suy ngẫm.

Jordan Peterson đã nói trong video 45 phút bàn riêng về một đoạn trong cuốn sách Bên Kia Thiện Ác của Nietzsche. Miêu tả này cũng là một cách rất hay để suy nghĩ về 40 phương châm trong bài viết này.

“Bên Kia Thiện Ác của Nietzsche không chỉ là một cuốn sách. Đó là một loạt những quả bom. Và mỗi câu là một quả bom. Và mỗi câu đều làm nổ tung những thứ mà người ta thậm chí còn không biết chúng vốn tồn tại.”

Ghi chú: Jordan Peterson có một chương trình phát triển tự thân dựa trên nền tảng khoa học, có tên là Self Authoring (tạm dịch: Tạo tác Bản thân). Các bạn có thể tìm hiểu toàn bộ chương trình ấy tại đây.

Sau đây là danh sách Tiến sĩ Jordan Peterson nói về 40 điều giá trị nhất mọi người nên biết:

  1. Hãy nói sự thật.
  2. Đừng làm những điều bạn thấy ghét.
  3. Hành động sao cho bạn có thể nói sự thật về hành động của mình.
  4. Theo đuổi những gì có ý nghĩa, không phải những gì có lợi.
  5. Nếu bạn phải lựa chọn, hãy là người thực hiện hành động, không phải người được người khác trông thấy thực hiện hành động.
  6. Hãy biết chú ý.
  7. Mặc định rằng người bạn đang lắng nghe có thể biết điều gì đó mà bạn cần biết. Hãy lắng nghe thật chăm chú để người đó chia sẻ hiểu biết ấy với bạn.
  8. Lên kế hoạch và tận tâm thực hiện để duy trì sự lãng mạn trong các mối quan hệ của bạn.
  9. Thận trọng khi chọn người để chia sẻ những tin tốt.
  10. Thận trọng khi chọn người để chia sẻ những tin xấu.
  11. Làm cho ít nhất một điều trở nên tốt hơn tại mỗi nơi bạn đến.
  12. Hãy hình dung về con người mà bạn có thể trở thành, và tiếp theo hãy dành toàn tâm hướng đến mục tiêu ấy.
  13. Đừng cho phép mình trở nên kiêu ngạo hay phẫn uất.
  14. Cố gắng làm cho một căn phòng trong nhà bạn trở nên đẹp nhất có thể.
  15. So sánh bản thân với con người của bạn ngày hôm qua, không phải với một người nào khác trong ngày hôm nay.
  16. Làm việc chăm chỉ hết sức mình trong ít nhất một lĩnh vực, và đợi xem điều gì sẽ xảy ra.
  17. Nếu những kỷ niệm cũ vẫn làm bạn khóc, hãy ghi lại chúng cẩn thận và đầy đủ.
  18. Duy trì các mối liên hệ của bạn với người khác.
  19. Đừng bất cẩn chê bai các định chế xã hội hoặc thành tựu nghệ thuật.
  20. Đối xử với bản thân như với một người mà bạn có trách nhiệm phải giúp đỡ.
  21. Nhờ cậy người khác một chuyện nho nhỏ để người ấy có thể nhờ cậy lại bạn trong tương lai.
  22. Kết bạn với những người mong muốn điều tốt đẹp nhất cho bạn.
  23. Đừng cố gắng cứu giúp người không muốn được cứu giúp, và hãy thật cẩn thận về việc cứu giúp người muốn được cứu giúp.
  24. Không có điều gì được hoàn thành tốt lại là không có ý nghĩa.
  25. Sắp xếp hoàn hảo ngôi nhà của bạn trước khi bạn chỉ trích thế giới.
  26. Ăn mặc như người mà bạn muốn trở thành.
  27. Hãy chuẩn xác trong phát ngôn của mình.
  28. Hãy đứng thẳng lưng, đàng hoàng.
  29. Đừng né tránh điều gì đáng sợ nếu như nó cản đường bạn— và đừng làm những điều nguy hiểm một cách không cần thiết.
  30. Đừng để các con của bạn làm bất kỳ điều gì khiến bạn không thích chúng.
  31. Đừng biến vợ của bạn thành một người giúp việc.
  32. Đừng che giấu những điều không mong muốn trong cảnh mập mờ.
  33. Lưu ý rằng cơ hội lẩn lút ở nơi trách nhiệm đã bị buông bỏ.
  34. Hãy đọc những điều được viết bởi những người vĩ đại.
  35. Nựng một chú mèo khi bạn gặp nó trên đường phố.
  36. Đừng làm phiền bọn trẻ khi chúng đang chơi trượt ván.
  37. Đừng để cho những kẻ bắt nạt thoát khỏi hậu quả chúng đáng phải nhận.
  38. Viết một bức thư gửi chính quyền nếu bạn thấy có điều gì đó cần sửa đổi — và hãy đề xuất một giải pháp.
  39. Hãy nhớ rằng điều bạn chưa biết quan trọng hơn điều bạn đã biết.
  40. Hãy biết ơn, cho dù bạn đang đau khổ.

Tác giả: Jon Brooks – Jordan B. Peterson
Dịch: Dương Tùng
Edit: Nguyễn Hoàng Huy

📌 Ủng hộ dịch giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi trách móc cuộc đời

0

(906 chữ, 4 phút đọc)

Sài Gòn, đã từng có những sớm mai thức dậy, trống rỗng nhận ra mình chỉ là sự dư thừa của tất cả nhân loại.

Sài Gòn, có những ngày sắp xếp lại miền ký ức cũ sau những chán nản mệt mỏi, kiên quyết nói câu tạ từ.

Sài Gòn, có những ngày con thuyền viễn xứ mãi lênh đênh trên những bến bờ xa lạ, nỗi cô đơn triền miên được gói gọn trong ba lô, cứ thế mang vác trong kiếp phận kẻ lang thang.

Sài Gòn, ngày trở về, cúi mặt hổ thẹn nhận ra. Đã từng điên cuồng, đã từng là kẻ nghèo nàn được sung sướng trong cái giàu có trù phú của nơi đây, làm sao để ngắm nhìn mà không thèm thuồng đố kỵ. Rồi như con ong đã hút quá nhiều mật và trở nên chán ngán, vị khách lữ hành ghé tạt qua đã đánh cắp mang đi hết sự nhiệt huyết.

Sài Gòn không hề quên tôi, chưa bao giờ muốn phủ nhận sự có mặt của tôi trong cuộc đời nó. Sài Gòn bảo với tôi rằng tôi là vị lữ khách không hề xa lạ, cách đây nhiều năm chúng tôi đã gặp nhau. Nhưng giờ đây tôi đã không còn là tôi của trước đây. Đã có quá nhiều biến đổi trong tôi.

Tôi bảo rằng tôi từ biệt để mang tàn tro của tôi về nơi hoang dã, sau khi đã đổ lỗi hết cho nó. Tôi một mực khăng khăng không bao giờ còn muốn nhìn thấy nó nữa. Vậy mà giờ đây tôi đứng trước nó và chấp nhận tất cả mọi hình phạt chỉ để được một lần thăm viếng. Tôi bao giờ cũng là một kẻ say rượu bước chao đảo và nói những lời điên khùng.

Tôi bảo tôi muốn sống trong cô đơn, như một con cá bơi lội giữa lòng đại dương dạt dào, tôi muốn biển cả mang tôi đi thả trôi giữa thinh không. Vậy mà giờ tôi lại muốn dạt tấp vào bờ, giờ lại bảo tôi quá yêu quý và nhớ nhung nơi đây. Tôi bao giờ cũng chỉ muốn sống cho thỏa cái dạ trong tôi. Tôi ảo tưởng mình có quyền đến nơi này nơi kia rồi ban phát cho nơi đó sự rách việc mà tôi gọi là tình yêu.

Cuộc sống này cần sự bố thí tình cảm của tôi sao? Tôi có giàu có tình cảm để bố thí?

Không! Tôi chỉ luôn cố gắng làm cho nơi tôi đến có thể mở lòng chấp nhận và cưu mang tôi. Tôi biết bước chân tôi luôn bị nghi ngờ, bởi nó luôn mang vác những âm thanh quá đỗi tịch liêu. Tôi biết rằng tôi chỉ là một kẻ nằm ngủ trong nhà và luôn lắng tai nghe những bước chân bên ngoài. Tôi là kẻ quá sợ hãi những tên trộm đến nỗi bị ám ảnh, và tôi đã ngu xuẩn gán cái tội danh kia cho cuộc đời. Ngu đần hết nói. Tôi đã tự buộc tội cuộc sống, như tôi đã buộc tội cho nơi chôn rau cắt rốn sinh ra tôi. Tôi chỉ là một tên đần giấu mình sau tất cả những ngụy biện. Cứ trách móc đổ lỗi trong khi mình mới là hung thủ cầm dao giết chết chính mình. Đời tôi ngu ngốc nên đã tự hành hạ làm khổ cái thân tôi.

Cuộc sống này là một cái gì đấy tôi cần phải vượt qua. Và phải chăng càng có ý muốn vượt qua thì tôi sẽ càng quay trở lại? Tôi càng muốn hạnh phúc thì tôi chỉ càng đau khổ? Càng hy vọng thì lại càng thất vọng?

Tôi đối với cuộc sống này là gì? Cuộc sống này là gì đối với tôi? Tôi cười nhạo cuộc sống mà không thấy tự hổ thẹn? Cuộc sống này cũng đang cười nhạo tôi với cái sự khờ khệch ảo tưởng đó của tôi. Cứ sống cho tầm thường vào rồi đi chê trách kẻ khác tầm thường. Con người cao cả thì ở trong bùn cũng chẳng hôi tanh mùi bùn, cái sự đó chẳng phải tôi đã từng nghe qua ư.

Hãy trung thành với cuộc sống, trung thành với mặt đất trần gian này. Tôi không tin vào những kẻ nói về cuộc đời, về tất cả mọi sự xung quanh. Cứ bước chậm và cảm nhận từng trong từng hơi thở, cái cây, con đường, một bông hoa, thậm chí là một hạt bụi. Đến bao giờ nhận ra hạt bụi của một Sài Gòn cũng chẳng khác gì hạt bụi Đà Lạt tôi đang ngợi ca. Tiếng còi xe ồ ạt cũng chẳng khác gì tiếng gió hú trên đồi. Bầu trời nơi đâu mà chẳng màu xanh, mây vẫn đang trôi theo gót chân kẻ rong ruổi…

Đừng làm kẻ khinh miệt đời sống, bằng sự hấp tấp vội vã, rồi sẽ bị đánh lừa bởi những mệt mỏi chán chê. Tất cả chỉ càng chứng minh mình là một kẻ nghèo nàn tâm hồn, nhơ bẩn cùng sự tự mãn đáng thương. Đừng ra sức kêu gào tỏ vẻ mình đau khổ. Đó chỉ là một cơn điên cuồng.

Tuy nhiên, sống là đôi khi cũng cần có lúc điên. Và sẽ lúc bạn nên dành thời gian ra để điên.

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: shapkasushami 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Nghịch lý trong việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam

(4450 chữ, 16 phút đọc)

1. Nghịch lý trong việc dạy và học tiếng Anh

Nếu nói về mức độ đầu tư cho việc học tiếng Anh, Việt Nam có thể nói là đứng hàng top 10 trên thế giới vì ít có nước nào lại có mức độ học tiếng Anh lâu và dày đặc như vậy. Cha mẹ cho con học từ cấp một, trường dạy tăng cường tiếng Anh rồi thì các trung tâm khắp nơi mở ra quảng cáo đủ các phương pháp và đủ thể loại giáo viên bản ngữ. Nhưng với mức đầu tư khủng như vậy, trình độ tiếng Anh của người Việt vẫn lẹt đẹt ở mức độ chào hỏi mấy câu xã giao thông thường với phát âm sai trầm trọng. Công nhân viên chức nhà nước hay cán bộ thì toàn là mua bằng tiếng Anh hoặc nhờ người khác đi thi giùm. Các bạn trẻ thì học qua loa cấp tốc để lấy được một cái bằng toeic hay ielts làm bùa hộ thân rồi thôi. Số người sử dụng được tiếng Anh lưu loát để nói và viết tôi nghĩ chưa chắc được 5% dân số.

Trước tiên phải nói đến cách dạy sai. Tiếng Anh là một ngôn ngữ tương đối dễ học so với những ngôn ngữ châu Âu khác vì tính logic của nó rất cao. Tuy nhiên, tính logic này không có nghĩa là chúng ta có thể công thức hóa được ngôn ngữ như đối với toán lý hóa. Việc công thức hóa tiếng Anh và học thuộc lòng thay vì dạy cho học sinh kỹ năng suy luận logic đã khiến cho biết bao nhiêu thế hệ học thuộc lòng và nhai lại như những con vẹt nhưng đến khi cần động não tư duy kết nối những kiến thức đã học thì không ai làm được. Chỉ cần hỏi một câu hỏi lệch ra bên ngoài một chút là coi như thua. Ngay cả các giáo viên dạy tiếng Anh cũng vậy, họ đơn giản là một cái máy học thuộc bài rồi phát lại trên lớp bắt học trò học thuộc theo và lặp lại.

Thứ hai, việc đặt mục tiêu học CẤP TỐC một ngoại ngữ là sai lầm nghiêm trọng. Trên đời này không có chuyện gì có thể học cấp tốc mà có thể sử dụng thành thạo. Tiếng Anh cũng vậy, đây là một ngôn ngữ có chiều sâu và tính khoa học cao. Những trung tâm hay trường học trong suốt bao nhiêu năm nay đánh vào tâm lý lười động não và muốn đạt được kết quả nhanh nhất của người học mà đưa ra chiêu bài học cấp tốc giao tiếp, cấp tốc để lấy bằng hoặc một phương pháp tốn công sức nhất. Tất cả đều là mánh khóe chiêu trò lừa gạt vì người nào học hành nghiêm túc đều hiểu rằng không có cách nào cấp tốc hoặc những mẹo vặt để thành công mà chỉ có KIÊN NHẪN và KHỔ LUYỆN. Hãy nghĩ tới lúc bé các bạn tập nói tiếng mẹ đẻ như thế nào. Phải mất vài năm nói đớt nói ngọng mới có thể phát âm đúng và 12 năm phổ thông vẫn có người viết một câu tiếng Việt cho ra hồn cũng không xong thì lấy đâu ra chuyện học CẤP TỐC mà THÔNG THẠO một ngôn ngữ mới. Nếu không nằm mơ thì cũng là hoang tưởng.

Thứ ba là tâm lý người học ngại khổ ngại cực, ỷ lại dựa dẫm vào giáo viên và sách giáo khoa, thích được học mẹo nhưng không thích động não suy nghĩ. Thích có bằng cấp nhưng không thích học thực lực để có thể sử dụng được và không có động lực tự học. Chính vì vậy học đâu lại quên đấy, tốn bao nhiêu tiền nhưng bản thân không tự nỗ lực thì cũng bằng thừa.

Những bạn nào không chịu học tiếng Anh cho đàng hoàng thì sau này đừng hối hận khi bị cưỡng bức học tiếng Trung Quốc như quốc ngữ!

2. Những sai lầm và ngụy biện thường gặp đối với những người thất bại trong việc học tiếng Anh

Hôm qua có một bạn comment hỏi tôi rằng nếu một ngày học liên tục 4 tiếng tiếng Anh thì bao lâu sẽ giỏi. Tôi định trả lời câu hỏi này trong phần comment của bạn nhưng nghĩ lại thì tôi muốn viết thành một bài đàng hoàng cho mọi người tham khảo. Hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho việc học tiếng Anh của mọi người được hiệu quả.

Những người thất bại trong việc học tiếng Anh sẽ mắc phải những sai lầm và ngụy biện đặc trưng khiến cho việc học của mình không có hiệu quả. Sở dĩ tôi gọi là sai lầm và ngụy biện vì nhiều người không biết cách học nên đổ nhiều công sức vẫn không có kết quả, còn ngụy biện là nhiều người biết cách học đó là sai nhưng vẫn dùng nó để chống chế cho việc thất bại của mình rằng tôi cũng học hành đàng hoàng lắm chứ, đừng trách tôi. Cho dù là ngụy biện hay là sai lầm thì kết quả cũng đều như nhau là thất bại. Chỉ có việc nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi thì mới có sự tiến bộ và thành công.

1. Thời gian là quan trọng nhưng không phải là tất cả

Thứ nhất, học qua loa thì tất nhiên không có kết quả nhưng liệu việc bỏ quá nhiều thời gian để học thì sẽ thành công. Điều này không đúng vì còn tùy thuộc bạn học như thế nào. Nếu ngay từ đầu bạn đã sai nhưng mà bạn cứ nghĩ đó là đúng thì bạn càng tập nhiều bạn càng quen với lỗi sai đó tới khi nó nhập vào tâm thì bạn sẽ rất khó sửa lại.

Thứ hai, nếu bạn chỉ học thụ động là làm những bài tập trắc nghiệm thì có làm hết mấy chục cuốn trắc nghiệm trình độ tiếng Anh của bạn cũng chỉ dừng lại ở chỗ là làm đúng câu hỏi trắc nghiệm chứ không viết hay nói được.

Thứ ba, ai là người sẽ thẩm định sự tiến bộ của bạn, bằng cách nào và sẽ hướng dẫn bạn nâng cao trình độ như thế nào? Ai sẽ cho bạn biết là cách bạn đang học là đúng hay sai, và liệu người đó có sửa đúng cho bạn hay lại chỉ cho bạn một cách sai khác? Nếu không có người hướng dẫn và phương pháp hướng dẫn tốt thì bạn sẽ vẫn dậm chân tại chỗ.

Thứ tư, bạn phân bổ thời gian thế nào? Nếu bạn dồn 4 tiếng một ngày thì chắc chắn hiệu quả không có vì đầu óc chúng ta bị làm việc quá tải khả năng tiếp thu sẽ kém đi. Một tiếng đồng hồ nếu được sử dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là 4 tiếng dùng sai.

2. Tự học tiếng Anh như thế nào cho tốt?

Những người hỏi tôi câu này đều có chung một đặc điểm, ngại đến trường, thiếu kiên nhẫn và không thích học bài bản. “Tự học” là một từ dùng sai về nghĩa vì bản thân bạn học bất cứ một điều gì, có thầy dạy hay không bạn vẫn là “tự học” vì không ai có thể học giùm bạn. Trong tiếng Anh, người ta không dùng cụm từ “tự học” mà gọi là “tự dạy cho mình”. Ví dụ: tiếng Việt chúng ta nói “tôi tự học tiếng Anh” hay “tự học đàn” thì tiếng Anh sẽ nói là “I taught myself English” và “I taught myself to play guitar”. Nếu bạn hiểu đúng nghĩa thì vấn đề sáng tỏ hơn rất nhiều. Khi bạn nói bạn tự học, bạn chỉ thấy rằng mình đổ rất nhiều công sức học nhưng không thấy kết quả chính vì thế bạn đâm nản. Khi bạn nói bạn tự dạy cho mình, bạn phải nhận định lại trình độ của mình như thế nào. Nếu trình độ bạn quá thấp và phương pháp sư phạm thích hợp không có thì bạn không thể tự dạy mình được. Đó là lý do tại sao bạn mua sách vở về đọc rồi mày mò nhưng không có kết quả.

Nếu bạn muốn tự học thành công thì lúc đầu hãy tìm một chỗ học tử tế để học cho chắc nền tảng đồng thời chú ý đến cách phân tích giảng giải vấn đề của giáo viên, ghi chép lại những điểm mấu chốt quan trọng rồi từ đó về nhà dựa vào cái nền đó mà học thêm. Còn bạn chưa có gì trong tay mà đòi tự học thì bạn càng học càng tệ. Đừng để những câu chuyện tuyên truyền thiếu logic kiểu một người nào đó cầm cuối từ điển mỗi ngày học bao nhiêu từ thì trong vòng vài tháng có thể đọc viết và nói thông thạo một ngoại ngữ khiến bạn ảo tưởng về khả năng tự học của mình.

3. Học bao lâu thì giỏi?

Nhiều bạn đến học hỏi với tôi với câu hỏi thường trực, học mấy tháng thì có thể nói được, viết được, nghe được hay thi lấy bằng nọ bằng kia được. Tôi thực sự rất dị ứng với những câu hỏi kiểu đó vì nó chứng tỏ tư duy của người học vô cùng ăn xổi ở thì, chỉ muốn chụp giật cho nhanh, bình thường khi có thời gian thì không chịu học hành cho đàng hoàng, đến khi cần thì cuống lên tìm một chỗ nào đó muốn học với thời gian ngắn nhất để đạt kết quả cao nhất. Đó là hoang tưởng.

Tôi học tiếng Anh từ 4 tuổi, từng làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ Anh văn NVHTN từ năm lớp 12, sang Mỹ học 6 năm chuyên ngành sư phạm Anh, dạy tiếng Anh ở Mỹ. Tôi sử dụng tiếng Anh để nói và viết với thời lượng tương đương với tiếng Việt nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thế nào gọi là giỏi vì càng học càng thấy mình còn quá nhiều cái chưa biết. Nếu bạn chỉ dựa vào thời gian 1 tiếng rưỡi một ngày trên lớp và học trong vòng vài tháng mà giỏi thì cũng giống như bạn cầm số tiền mua xe đạp đòi mua xe Mercedes vậy.

4. Học thuộc lòng công thức và rất chuộng mẹo vặt

Trên đời tôi rất ghét những cách học mẹo nhất là những cách học mẹo của người Việt Nam đối với một ngoại ngữ. Vì sao ư? Vì người Việt mình có tính khôn lỏi nhưng rất hời hợt chỉ nhìn bề mặt vấn đề một cách qua loa rồi chế ra những mẹo vặt linh tinh không có tính khoa học nhưng lại cho đó là quy tắc học bắt học sinh học thuộc lòng. Nên nhớ một quy luật chỉ được công nhận khi nó đúng với 100% các ví dụ cụ thể, chỉ cần 1 ví dụ sai thì quy luật đó cũng không được công nhận. Các mẹo vặt về bản chất là không dựa trên phương pháp suy luận khoa học mà chỉ là sự lắp ghép tùy tiện mà bỏ qua rất nhiều yếu tố quan trọng như sự khác biệt ngôn ngữ. Nhưng người học Việt Nam lại cực kì chuộng dạy và học những mánh khỏe kiểu này vì hai lý do: 1. Nó dễ nhớ chỉ cần thuộc lòng không cần động não. 2. Người học không có thói quen phản biện và suy luận logic và luôn nghe lời thầy cô một cách mù quáng nên những gì giáo viên nói mặc nhiên là đúng. Tôi đã từng vạch ra rất nhiều lỗi sai trong các mẹo học tiếng Anh khiến nhiều giáo viên lâu năm té ngửa vì trước giờ mình đã quá khinh suất trong vấn đề giảng dạy.

5. Làm biếng đầu tư suy nghĩ

Điều làm tôi nản nhất khi dạy tiếng Anh là sự hời hợt và tư duy ăn xổi ở thì của người học. Tôi luôn dặn dò các bạn những nguyên tắc bất di bất dịch để đạt hiệu quả cao. Sau khi học xong một buổi học về nhà nên ôn ngay những điểm cốt lõi trong buổi học đó và dùng tư duy logic liên kết nó với những bài học trước. Trước khi làm bài tập hay luyện tập thì lấy lý thuyết xem lại một lần nữa, đừng làm khi chưa hiểu kỹ lí thuyết. Khi làm bài thì chú ý từng chi tiết nhỏ, không cần nhanh không cần nhiều mà cần làm đâu chắc đó, làm đâu đúng đó. Nếu sai thì ghi chú lại lỗi sai của mình để lần sau không tái phạm. Hầu như mỗi lớp tôi đều nhắc đi nhắc lại những nguyên tắc vàng đó, đưa ra rất nhiều ví dụ minh họa nhưng chỉ có khoảng 20-30% các bạn học viên chịu nghe. Còn lại những người khác vẫn sai những lỗi sai cũ, đến khi hỏi sự liên quan giữa hai vấn đề thì ngồi ngớ ra không biết bắt đầu suy luận từ đâu hoặc đưa ra một câu trả lời vội vã cầu may chứ không dựa trên một cơ sở khoa học nào, Khi tôi giảng lại vấn đề thì cắm cúi ghi chép như thể đó là một điều mới mẻ lắm. Tôi biết các bạn đấy ghi chép thế thôi chứ chẳng bao giờ mở ra xem lại dù chỉ một lần vì nếu chịu xem lại các bạn đó chắc chắn sẽ thấy rằng vấn đề đó có thể đã được chép đầy trong vở hàng chục lần.

6. Lười áp dụng thực tế

Có một nghịch lý rất buồn cười là những bạn học giao tiếp đến khi có cơ hội giao tiếp thì lại kiếm hết cớ này cớ khác để thoái thác. Và khi buộc phải nói thì không hề áp dụng một tí gì những quy tắc phát âm ngữ điệu đã được học mà cứ đọc theo kiểu cũ trước khi đi học. Những bạn học viết thì khi giao cho bài viết về nhà làm thường xuất hiện với nụ cười cầu tài mà tôi thường nói thẳng là “nụ cười vô duyên nhất thế giới” bảo rằng em quên viết, em bận hoặc viết một bài hết sức cẩu thả sai những lỗi chính tả và ngữ pháp cơ bản nhất. Tôi hay nói với học trò rằng: “Các bạn có một tài năng mà tôi rất khâm phục là sai đi sai lại những điểm trọng tâm mà tôi đã dạy rất kỹ và nhấn mạnh hàng trăm lần là không được sai nữa.” Tủ sách tiếng Anh tôi chọn lọc với hàng trăm đầu sách đủ thể loại và đủ trình độ rất ít người quan tâm đụng vào nhưng miệng vẫn cứ xin thầy cho thêm bài tập về nhà làm. Tôi nói luôn là đừng mong tôi cho thêm bài tập về nhà làm vì tôi không muốn tạo cho các bạn tính ỷ lại vào giáo viên. Nếu giáo viên cho bài tập thì làm còn không thì tự mình không tìm được trong khi bây giờ các phương tiện học tiếng Anh phải nói là thừa mứa. Chỉ một kênh youtube thôi các bạn học cả đời còn không hết thì tại sao phải chờ tôi cho thêm bài tập về nhà. Tôi chỉ có thể hướng dẫn gợi ý những nguồn cần thiết còn bạn làm gì với nó là chuyện của các bạn.

7. Không chịu hiểu sự khác biệt của hai ngôn ngữ

Để học tiếng Anh giỏi trước tiên bạn phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Điều này không hề vô lý về tiếng Việt hay tiếng Anh gì cũng là một ngôn ngữ có những cách tư duy ngôn ngữ để tiếp thu. Hơn nữa, học ngôn ngữ không chỉ có từ vựng hoặc phát âm mà là học sự khác biệt về cấu trúc câu, ngữ pháp, cách diễn đạt và văn hóa. Nếu ngôn ngữ nào cũng chỉ đơn giản ráp chữ vào thành câu như nhau thì ai cũng có thể giỏi được vài chục ngôn ngữ chứ không chỉ một hai thứ tiếng. Để giỏi tiếng Anh các bạn phải quan tâm tới sự tương quan và sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt đặc biệt là những vấn đề liên quan tới văn hóa. Tách rời ngôn ngữ ra khỏi văn hóa sản sinh ra nó là cách học kém hiệu quả nhất nếu không muốn nói là sai lầm nhất.

Hi vọng các bạn học viên của tôi đọc kĩ bài này và suy nghĩ những gì tôi vẫn thường nói với các bạn trên lớp để học tốt hơn vì tương lai của bản thân mình. Mục đích dạy tiếng Anh lớn nhất của tôi là hướng dẫn cho các bạn cách học đúng để các bạn sau khi học tôi có thể tự học một mình chứ không quay lại học hoặc tốn tiền đi tìm một nơi khác học lại những kiến thức đã cũ lặp đi lặp lại một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát.

3. Cách dạy tiếng Anh, sai ngay từ đầu!

Năm ngoái có ai đó gửi cho tôi một video clip các giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học miền bắc đã dạy các học sinh phát âm tiếng Anh bằng cách kết hợp những tiếng Anh với quan họ Bắc Ninh, tôi thực sự quá sợ với sáng kiến đó.

Tôi có một người dì ruột trong suốt thập niên 80 dạy tiếng Nga ở trường cấp 2. Đùng một phát vào thập niên 90 tiếng Nga bị loại khỏi chương trình học chính quy do sự sụp đổ của Liên Xô cũ và tiếng Anh được đón chào trở lại sau mười mấy năm bị hắt hủi. Dì tôi được chỉ định đào tạo tiếng Anh cấp tốc để chuyển sang dạy tiếng Anh trong vòng sáu tháng. Không phải chỉ một mình dì tôi mà hầu hết các giáo viên tiếng Nga và tiếng Pháp khác cũng phải được đào tạo cấp tốc chuyển qua tiếng Anh nếu không muốn bị mất việc làm. Không cần phải giải thích nhiều các bạn cũng có thể hình dung ra rằng với sự đào tạo mì ăn liền như thế thì chất lượng đàng hoàng làm sao có được. Dì tôi lúc nhỏ học tiếng Pháp sau khi đi làm thì học tiếng Nga nên có thể nói là có năng khiếu về ngôn ngữ và cũng siêng năng nên việc học tiếng Anh cấp tốc để đi dạy cũng có thể gọi là ổn. Nhưng những vấn đề như phát âm thì không thể nào khắc phục được với nhiều lỗi sai trầm trọng. Ở Sài Gòn còn như vậy, thử hỏi các giáo viên ở tỉnh hoặc vùng sâu vùng xa thì trình độ còn như thế nào nữa. Và tất nhiên hậu quả thì học sinh lãnh đủ.

Không phải chỉ có những giáo viên thế hệ trước không được đào tạo bài bản. Thế hệ sinh viên sư phạm và chuyên ngành Anh ngữ sau này cũng hề khá hơn. Tôi đã từng dạy rất nhiều bạn sinh viên khoa sư phạm Anh nhưng tiếng Anh rất tệ và rất lười, những lỗi phát âm hoặc lỗi ngữ pháp cơ bản nhất cũng không buồn sửa mặc dù được nhắc rất nhiều lần. Các bạn không hề hứng thú với tiếng Anh và cũng không thích nghề đi dạy, chẳng qua điểm đủ xét tuyển vào ngành nào thì học ngành đó thôi. Có một bạn sinh viên năm 3 trường đại học khoa học xã hội và nhân văn chuyên khoa Anh khi tôi bảo giới thiệu về bản thân thì đọc như trả bài thuộc lòng và đến khi nói đến tên trường thì không biết nói như thế nào bằng tiếng Anh mặc dù suốt 3 năm trời ngày nào bạn ấy cũng dắt xe đi ra đi vào cái cổng trường to tổ bố có tên trường bằng hai thứ tiếng Anh-Việt. Và bạn ấy đổ lỗi là do cô chưa dạy nên không biết. Nghĩ đến những sinh viên không trình độ, không kiến thức, cả đam mê hay ý thức tự học cũng không chuẩn bị ra trường làm thầy làm cô, tôi không khỏi rùng mình sợ hãi vì đối với tôi làm thầy mà dạy sai dạy tồi là một tội ác khó có thể tha thứ. Bác sĩ tay nghề kém chỉ vài bệnh nhân chết nhưng giáo viên không có kiến thức thì hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh sẽ bị dạy sai. Và trong số những học sinh đó rồi sẽ có người sau này ra làm giáo viên tiếp tục gieo rắc cái sai đó cho những thế hệ tiếp theo. Đó không phải tội ác là gì?

Thiếu kiến thức, thiếu lòng yêu nghề đồng thời phải đối phó với một chương trình dạy với lượng kiến thức kinh khủng (tôi đọc những cuốn sách giáo khoa và đề thi tiếng Anh lớp 8 lớp 9 mà bật ngửa vì quá nhiều kiến thức ngữ pháp phức tạp) để chạy đua với điểm số thành tích, các giáo viên phổ thông sẽ chọn cách một là dạy qua loa cho càng nhiều học sinh không hiểu càng tốt để đến nhà cô học thêm và được cô chỉ mẹo làm bài mà không cần kiến thức. Không khó để tìm thấy những học sinh điểm trung bình môn tiếng Anh ở trường 8.0 đến 9.0 nhưng mất căn bản trầm trọng. Đó là chưa kể nhiều giáo viên bày cho các học sinh những mẹo nhớ vô cùng ẩu tả phản khoa học để làm sao cho thật nhanh các bài trắc nghiệm. Những thứ ấy một khi vào đầu thì rất khó tẩy ra vì các bạn đã quá quen với chúng đến mức khó có thể nhập cái mới vào được.

Chất lượng kém trong việc giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông cộng với đòi hỏi không tương xứng với chất lượng giảng dạy của chương trình học khiến cha mẹ tìm đủ mọi cách cho con học tăng cường tiếng Anh nếu có điều kiện. Nếu không tin tưởng vào năng lực của các thầy cô trong trường thì họ sẽ mang con đến các trung tâm Anh ngữ. Sinh viên sau một thời gian bỏ rơi tiếng Anh giật mình khi yêu cầu ra trường đòi hỏi bằng TOEIC hoặc IELTS cũng tìm đến cách trung tâm ngoại ngữ để học cấp tốc với hi vọng lấy được cái bằng nộp cho đủ thủ tục. Và những gia đình khá giả có con muốn cho đi du học cũng chọn một trung tâm ngoại ngữ nào đấy để gửi con vào học để thi lấy bằng làm hồ sơ. Nói chung là cấp tốc được thì càng tốt. Các trung tâm ngoại ngữ thường hút học viên bằng hai chiêu trò luôn hiệu quả là có giáo viên nước ngoài và các khóa học cấp tốc. Giáo viên nước ngoài cũng năm bảy loại nhưng bảo đảm những giáo viên bản ngữ Anh, Mỹ, Úc có trình độ sư phạm ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có một thời gian các trung tâm ngoại ngữ không danh không tiếng thuê dân Nga, Pháp thậm chí Nam Tư ba lô sang dạy tiếng Anh bất chấp trình độ miễn sao mắt xanh tóc vàng được. Tôi đã làm việc với rất nhiều giáo viên nước ngoài vừa không có trình độ vừa rất kém về tư cách thậm chí có thể nói là biến thái bệnh hoạn. Một lão già người Mỹ có thói quen tiểu tiện vào bồn rửa mặt trong nhà vệ sinh của các giáo viên khác đến khi dùng camera ghi hình quay lại thì đập bàn văng tục hăm dọa đòi đánh. Một lão khác thì cứ đưa bài cho học viên làm còn mình thì ngồi đọc sách cho tới hết giờ, bài vở không bao giờ chịu chuẩn bị trước khi lên lớp. Còn các lớp luyện cấp tốc thì sao? Bất cứ ai hiểu chuyện cũng đều hiểu rằng không có cách gì để biến không thành có trong một thời gian cực ngắn nhất là kiến thức. Nhưng trên đời này có cầu thì ắt sẽ có cung. Ngày nào vẫn còn những kẻ lười biếng thích ăn xổi ở thì đến lớp để mong được chỉ mánh khóe thi đậu thì những chương trình cấp tốc như vậy vẫn ăn nên làm ra.

Đừng tưởng giáo viên Việt Nam dạy trung tâm sẽ khá hơn giáo viên dạy trường nhà nước. Tôi không vơ đũa cả nắm vì tôi biết có rất nhiều giáo viên lớn tuổi dạy trung tâm rất tận tâm và yêu nghề với kiến thức sư phạm tốt được học trò yêu thích. Nhưng phần lớn họ vẫn mắc phải hai lỗi chính là phát âm và cách giảng bài quá thiên về công thức. Còn các giáo viên trẻ thì chất lượng khó nói được. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ đơn giản nếu mình không giỏi làm những chuyện khác nói thẳng ra là học xong đại học thất nghiệp thì đi học một khóa đào tạo giáo viên cấp tốc TESOL ra đi xin dạy tiếng Anh ở trung tâm là an toàn nhất, vừa có lương cao, vừa đỡ phải cạnh tranh còn mang cái mác giáo viên ngoại ngữ khá oai. Trong giai đoạn 2008-2011, tôi đào tạo hơn một nửa số giáo viên trẻ dạy ở các trường Không gian và dạy TESOL và được mệnh danh là sát thủ vì tôi đánh rớt không thương tiếc những bạn không đủ tiêu chuẩn và không đủ tư cách. Vì điều này mà tôi gặp khá nhiều rắc rối với bộ phận hành chính và marketing vì thử hỏi nếu rớt nhiều như thế ai dám đăng kí học. Nhưng tôi thà làm vậy còn hơn là kí bằng cho một người không đủ trình độ ra đi dạy biết chắc rằng họ không hề có ý thức tự học và lòng yêu nghề.

Tác giả: Vien Huynh

*Featured Image: sasint

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Nếu chúng ta không còn sợ hãi

0

(1565 chữ, 6 phút đọc)

Sợ hãi như một bóng ma tăm tối ẩn nấp trong tâm trí và luôn chực xòe bàn tay đen ngòm nhiều ngón ra để che mắt ta khỏi việc nhìn nhận thế giới một cách trong sáng. Nó làm giảm đi động lực của ta, nó đánh lạc hướng ta khỏi những điều ta cần nhất, nó ngăn cản ta chạm tay vào hiện tại đang sống động trước mắt. Sợ hãi dần hút hết sinh lực của ta và khiến ta rơi vào sự cô quạnh, héo mòn. Mỗi ngày trôi qua, ta càng gần hơn với cái chết.

Khi ta muốn đọc một cuốn sách mới, sợ hãi nhảy ra, cầm lấy đầu óc ta mà rung lên bần bật. Nó bảo rằng: “Đọc sách chỉ tốn thời gian. Đọc sách có khôn ra được ngay đâu. Ngủ đi, hãy đi ngủ cho lành cái đầu. Ôi cái đầu đang rung lên như có động đất đây này, có thấy không hả?” Và thế là ta nhanh chóng gập cuốn sách lại rồi leo lên giường đi ngủ. Còn sợ hãi ghi vào cuốn tiểu thuyết bất tận của nó rằng hôm nay nó đã lừa ta khỏi việc tiếp cận tri thức như thế nào.

Khi ta muốn nói chuyện với một người bạn lâu ngày không gặp, sợ hãi đi vòng quanh ta và người bạn đó một cách đầy bực dọc. Nó bảo ta rằng: “Không cần phải thêm nhiều bạn làm gì, một hai người là đủ rồi. Mà không, chơi một mình thôi cũng được lắm rồi. Hãy quay mặt đi, quay mặt đi chỗ khác ngay đi.” Và ta quay mặt đi chỗ khác, tay chân luống cuống bồn chồn. Còn sợ hãi thôi không đi vòng quanh ta nữa vì người bạn kia cũng đã bỏ đi rồi.

Khi ta viết một bài viết về cuộc sống để chia sẻ với mọi người, sợ hãi bùng lên một mạng lưới đen ngòm phủ lên trước mắt ta. Nó chỉ vào một điểm trên cái lưới đó và bảo rằng: “Đây này, bài viết của mày chỗ này dở tệ, người khác làm sao mà ngửi được chứ.” Nó chỉ và một điểm khác và bảo rằng: “Đây nữa này, người ta sẽ cười vào mặt mày và sẽ loan tin rằng mày là một đứa ngu đần nhưng thích thể hiện. Ôi, mày không phải là thế phải không? Vậy nên đừng công khai bài viết này nữa. Hãy cứ im lặng thôi. Im lặng là bình yên nhất đấy.” Thế là ta vội vàng xé tan những gì mình vừa viết và ngồi thu lu một góc đầy vẻ buồn phiền. Còn sợ hãi lại gài thêm vào cái lưới đen kia một cảnh tượng yếu hèn mà nó vừa thu nạp được. Lần sau ta muốn chia sẻ điều gì, nó sẽ lại lôi cái lưới này ra để diễn trò.

Khi chúng ta thất bại trong công việc, sợ hãi cũng đã chầu sẵn ở đó và cất lời nhanh nhất trong những kẻ cất lời. Nó bảo rằng: “Mày đúng là một kẻ yếu đuối, mày sẽ không làm nên trò trống gì đâu. Mày nên ăn ít đi một bát cơm tối nay và đeo một biển hiệu trước ngực rằng ‘Tôi là kẻ thảm hại nhất quả đất, tôi là một kẻ vô dụng nhất hành tinh.’ Phải như vậy thì mới khôn ra được. Đúng rồi.” Và ta ôm mặt dằn vặt mình như thế, bỏ luôn cả cơm tối. Còn sợ hãi thì kiếm được một bát cơm buồn rầu để đút miệng trong ngon lành.

Khi ta cãi nhau với người thương, sợ hãi cũng tiếp tục ló mặt ra, nó thổi những làn khói lạnh toát vào trái tim ta. Nó bảo rằng: “Đừng nói chuyện với anh ta/cô ta nữa. Họ chẳng bao giờ hiểu mày đâu nên đừng phí thời gian với những kẻ như vậy. Mày chẳng làm sai điều gì cả nên không cần phải làm lành. Họ là những kẻ máu lạnh đểu cáng. Mày hãy ngồi im một mình và khóc cho thỏa lòng đi. Khóc như thế này này.” Và rồi nó cất lên một tiếng khóc sầu bi ai oán, giận hờn miên man. Thấy vậy, ta cũng bật khóc. Ngay lập tức, sợ hãi mỉm cười. Nụ cười của nó chẳng khác gì tiếng khóc thê lương kia cả.

Đấy, sợ hãi sẽ cư xử với ta như vậy vì nó là một sinh vật không có tình người. Nó đeo bám bên cạnh ta và cố gắng tìm cách ngắt ta ra khỏi thế giới càng nhiều càng tốt. Thức ăn của nó là sự lưỡng lự, yếu đuối, ưu phiền, âu lo và giận dữ. Khi ta mềm lòng với nó, nó nuốt chửng ta không thương xót.

Nếu chúng ta không còn sợ hãi tức là ta không còn run rẩy trước cuộc đời, trước những khó khăn, những nghịch cảnh đã, đang hoặc sẽ phải đối mặt. Ta không còn vật vã bởi những khổ đau và trân mình lên chống trả chúng. Ta không tự kìm hãm mình vào trong những trải nghiệm cũ kỹ. Khi không còn sợ hãi, không có gì ngăn cản ta tiến vào thế giới nữa.

Không phải là nó sẽ hoàn toàn biến mất hay sẽ chết cứng thây ở một xó xỉnh nào đó. Không còn sợ hãi nữa tức là nó không còn uy quyền gì với ta nữa, ta vượt lên khỏi nỗi bất an luôn chầu chực trong tâm trí mình. Ta trở nên mạnh hơn nó, bất chấp sự hiện diện của nó. Khi ấy, ta mới có thể kết nối với chính mình và với thế giới. Chính sự kết nối làm gia tăng sinh lực trong ta, dẫn cho dòng sự sống thông chảy đầy sinh động trong những huyết mạch.

Ta bắt đầu mở những trang sách ra và nuốt lấy từng con chữ. Càng đọc, ta càng thấy đầu óc không còn rung lên bần bật nữa vì sợ hãi bị chùn chân khi đứng trước sự quyết tâm của ta.

Ta thoải mái bắt chuyện với người bạn đã lâu không gặp và thấy niềm vui dâng trào trong lòng khi tình bạn chưa hề phai nhạt. Càng trò chuyện, ta càng thấy tin yêu vào con người và cuộc đời. Ta cười, người bạn cũng bật cười hạnh phúc. Còn sợ hãi thì lùi lại một chỗ vì nó bị niềm vui làm cho khiếp đảm.

Ta mạnh dạn chia sẻ những bài viết của mình với mọi người và sẵn sàng đón nhận những lời nhận xét. Quả nhiên có người chỉ ra chỗ ta viết dở, nhưng thay vì đào hố chui xuống cho đỡ xấu hổ thì ta học cách đón nhận được những lời phê bình, những góc nhìn khác biệt và từ đó, ta biết nói lời cảm ơn. Còn sợ hãi chẳng trùm được cái lưới đen lên ta nữa nên đành tự trùm lên đầu chính mình trong tuyệt vọng. Nó đã bị bối rối trước sự dũng cảm và những lời nói chân thành.

Ta quay lại nơi ta đã vấp ngã và tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại. Ta đứng dậy, soi mình vào gương, mỉm cười và bảo rằng từ trải nghiệm này ta sẽ trưởng thành hơn nữa vào ngày mai. Thất bại đó không định nghĩa con người ta. Còn sợ hãi thì nín lặng một góc tường vì lưỡi của nó đã bị cứng lại khi tiếp xúc với sự can trường ta thể hiện.

Ta đến bên người thương để cùng nhau tìm ra lời giải cho mâu thuẫn trước đó. Ta hiểu rằng cái bóng đèn hỏng thì cần sửa cái bóng đèn chứ không phải vứt đi cả ngôi nhà. Ta và người thương sẽ giải quyết vấn đề khó khăn chứ không phải đập vỡ cả một mối quan hệ. Từ đây, sự tin tưởng và đoàn kết giữa hai con người được gia tăng. Có thể ta sẽ vẫn khóc, nhưng là khóc trong vòng tay của người ta yêu. Còn sợ hãi thấy thế thì mỉm cười sung sướng. Nhưng nó bỗng giật mình rằng tại sao mình lại cười đẹp như thế này nhỉ. Sợ hãi soi vào gương thì thấy rằng nó đã bị tình yêu đồng hóa tự lúc nào.

Sợ hãi chưa từng có quyền lực lên ta nếu ta không chối bỏ quyền lực lên chính cuộc đời của mình. Đừng đổ lỗi cho bóng tối làm ta đau khổ, mà hãy đổ lỗi cho chính mình đã nuôi nấng nó từng phút giây bằng cách thỏa hiệp và buông thả. Những tấm màn đen đúa sẽ vẫn tồn tại, nhưng ta phải học cách để trở nên mạnh mẽ và lớn lao hơn chúng. Mạnh đến mức những run rẩy trở nên yếu xìu, lớn đến mức những âu lo trở nên bé xíu. Để rồi đến cuối cùng, chỉ còn ta hạnh phúc với cuộc đời. Sợ hãi vẫn cố gắng chen vào giữa để quậy phá nhưng chẳng ích gì. Vì những chú voi không còn bận tâm đến một hạt bụi.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

*Featured Image: sogard 

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Yersin có phải là người tìm ra Đà Lạt?

5

(1723 chữ, 7 phút đọc)

Trong mỗi căn nhà có từng dấu vết của một con người, những đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Một thành phố cũng vậy, bao giờ cũng ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Vậy nên hôm nay, lật lại từng trang kí ức đang dần bị bào mòn bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên họ thêm một lần, thêm một trăm lần, vạn lần… Lịch sử đời đời nhớ đến họ không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim của mỗi chúng ta, của mỗi con người yêu quý Đà Lạt. Người tôi đang muốn nhắc đến ở đây là Alexandre Yersin. Người được biết đến trong công sức đóng góp ghi tên Đà Lạt vào bản đồ Việt Nam.

Nhưng trước tiên, chúng ta cần biết rằng Alexandre Yersin là ai?

Một đứa trẻ tội nghiệp, từ lúc trong bụng mẹ còn chưa biết đến ánh sáng mặt trời đã phải bịt khăn trắng chịu tang cha. Ba tuần nữa thôi, cha con họ lần đầu tiên được gọi tên nhau trong từng ánh mắt thân thương. Nhưng căn bệnh xuất huyết não đã lạnh lùng tàn nhẫn gieo rắc vào gia đình Yersin muôn vàn đớn đau. Yersin ra đời mà chưa từng biết đến khuôn mặt của cha trong cuộc sống.

Nhưng bi kịch lớn lên không có cha không làm thuyên giảm đi nhiệt huyết say mê nghiên cứu khoa học của Yersin. Được thừa hưởng sự say mê của một người cha là nhà khoa học. Yersin đã nhận lấy sứ mệnh dang dở của cha và tiếp tục viết tên mình trên con đường nghiên cứu. Yersin trở thành một bác sĩ y khoa, một nhà vi khuẩn học và còn là một nhà thám hiểm.

Từ nhỏ đã phải rời khỏi nước Pháp sang Thụy Sĩ để tránh sự bức hại tôn giáo. Đến khi trở lại Paris  hành nghề y thì mới nhập lại quốc tịch Pháp vì nước Pháp thời điểm đó chỉ cho phép công dân cộng hòa Pháp mới đủ điều kiện hành nghề. Đó là một con người lý tưởng và nhiều hoài bão. Là một con người không chịu hài lòng với đỉnh cao học thuật ở Paris mà vứt bỏ tất cả để sang Đông Dương sống cuộc đời trải nghiệm và khám phá, sẵn sàng từ bỏ tương lai xán lạn ở Paris.

“Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời.”

Yersin đặt chân lên Đông Dương, nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các thủy thủ trên một đoàn tàu. Trong những ngày tháng lênh đênh trên biển, bị mê hoặc và sững sờ trước vùng biển tuyệt diệu Nha Trang, Yersin cương quyết khăn gói lên đường đi theo tiếng gọi trái tim.

Lịch sử y khoa thế giới còn mãi nhắc đến ông là người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Người Việt Nam vẫn luôn gọi tên ông với lòng thành kính và tôn trọng nhất. Bởi lẽ Yersin là một bác sĩ chỉ  khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Coi lương y như từ mẫu. Trong một lá thư viết cho mẹ, ông đã nói:

“Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.”

Một huyền thoại sống đang đứng trên đỉnh vinh quang, quyết vứt bỏ tất cả để quay về sống cuộc đời ẩn dật, lập trang trại bắt đầu đời sống nông nghiệp chăn nuôi, sống rất gần gũi và giúp đỡ người dân nghèo tận tụy. Rồi gắn bó cuộc đời mình, vĩnh viễn nằm lại trên những bờ cát trắng mịn dài trải rộng. Tiếng sóng biển Nha Trang đã vỗ về ôm ấp, ru ông vào trong giấc ngủ vĩnh hằng trọn đời.

Đó là một đám tang có đến cả đoàn người đưa tang dài mấy cây số. Không chỉ người dân Nha Trang mà khắp cả nước Việt Nam, cả thế giới mãi yêu quý và biết ơn ông. Không chỉ Đà Lạt, Sài Gòn mà cả Nha Trang cũng đều quá yêu quý ích kỉ mượn tên ông đặt cho nhiều con đường. Đó chắc hẳn sẽ  là người nước ngoài duy nhất được vinh danh nhiều đến thế ở Việt Nam.

Bác sĩ Yersin không phải chỉ dừng chân ở Việt Nam trong vai trò một bác sĩ nhân hậu. Ông còn là một nhà thám hiểm có công vào sự hình thành nên thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, bác sĩ Yersin không phải là người đầu tiên khám phá ra vùng đất cao nguyên lạnh này. Nếu không có những thông tin chính xác, tôi e sợ sẽ có một vài chi tiết nhầm lẫn.

25 năm trước khi bác sĩ Yersin đặt chân đến vùng đất cao nguyên lạnh thì Dinh Điền Sứ Nguyễn Thông của triều đình nhà Nguyễn đã khám phá ra cao nguyên Lâm Viên. Chính ông đã từng báo cáo cuộc khai hoang này lên triều đình nhà Nguyễn, nhưng vì việc thực hiện cuộc di dân lên vùng đất này để khai phá là điều không thể được vì nó đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Thậm chí là ngay cả khi quan Nguyễn Thông tìm ra vùng đất này thì bác sĩ Yersin cũng không phải là người tiếp theo. Trước ông từng có bác sĩ Paul Nesis và Albert Septans cũng đã từng đến cao nguyên Lâm Viên trước Yersin 12 năm, nhưng chuyến đi của họ chỉ được biết trong giới thám hiểm mà không được giới thiệu đến công chúng vì thời kỳ đó nước Pháp vẫn còn bận tâm vào việc chinh phục toàn bộ Đông Dương nên cuộc thám hiểm của họ cũng sớm rơi vào quên lãng.

Cho đến 12 năm sau, bác sĩ Yersin cùng đoàn thám hiểm của mình chui ra từ một khu rừng rậm, đã ngạc nhiên đến sững sờ trước một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú mà họ chưa bao giờ được trông thấy.

“Một cao nguyên rộng lớn, không cây cối, đó đây thấp thoáng những trái đồi thấp, phủ một lớp cỏ xanh mịn màng.”

Bác sĩ Yersin không phải là người thám hiểm ra Đà Lạt, nhưng ông ấy là người có công khai sinh ra khu đô thị này. Người Pháp với âm mưu thu tóm Đông Dương vẫn luôn gặp phải vấn đề oi bức khí hậu của một vùng nhiệt đới. Họ đang cần một nơi để nghỉ hè mà không cần phải quay trở về chính quốc. Chính trị gia người Pháp Paul Doumer, là người toàn quyền Đông Dương lúc đó quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng một nơi có thể thỏa lấp những khó khăn của họ và khi đọc được báo cáo của bác sĩ Yersin về vùng cao nguyên lâm viên, ông đã tỏ ra rất thích thú.

Chính Paul Doumer cũng đã đích thân du hành đến cao nguyên lạnh và rất thích thú trước một đia thế lý tưởng, khung cảnh mát mẻ. Ông rất hài lòng nên đã ngay lập tức ký sắc lệnh thành lập đô thị nghỉ mát Đà Lạt sau khi về Hà Nội. Nhưng dự định đó bị gián đoạn đến tận 10 năm sau khi toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trở về Pháp. Cho đến khi chiến tranh thứ nhất bùng nổ, nhiều người Pháp không thể quay trở về Châu Âu trong kỳ nghỉ thì ý tưởng về một thành phố nghỉ mát trên cao nguyên đó mới được nhớ lại. Công cuộc kiến thiết thành phố lúc đó mới thực sự bắt đầu.

Sống ở một nơi khiến tôi không còn có ý muốn giám sát hay đong đếm thời gian. Tôi có cảm giác nếu dùng thời gian để lãng phí vào những điều vô ích đó thì tôi sẽ lỡ mất rất nhiều điều tốt đẹp. Tất cả mọi thứ thuộc về nơi này đều tác động lên giác quan và lọt vào nhận thức của tôi. Một cảm nhận sâu sắc khác thường khiến tôi luôn thấy thích thú tò mò và muốn khám phá tường tận hơn về nó, rồi muốn kể. Tôi không biết bài viết này viết ra cho ai đọc. Có ai đó sẽ quan tâm về nó khi mà tất cả bạn trẻ đến Đà Lạt chỉ để check in, chụp vài ba bức ảnh, ghé vào những khu du lịch nổi tiếng… Nhưng có một sự bức bách nào đó đã nắm lấy tay tôi, đưa đường dẫn lối tôi trên từng con chữ.

Tôi quá yêu Đà Lạt, nơi tôi đã tham lam gọi tên bằng quê hương thứ hai. Đó là nhà, là mái ấm, là tất cả những ngày thơ mộng nhất tôi sống. Vậy nên tôi đành phải vay mượn nó vào trong những dòng tâm tư của mình. Bởi tôi muốn chia sẻ điều ấy, với những con người cùng có chung tình yêu với tôi, cho những người chưa kịp biết đến để yêu nhưng rồi sẽ vẫn yêu, tôi hy vọng họ sẽ đọc được bài viết này. Và tôi biết, sẽ còn nhiều hơn những bài viết tôi muốn nói về Đà Lạt, trong những ngày sắp đến.

Bài viết sử dụng một số tư liệu tôi đã tham khảo trên Wikipedia, trong khi tôi đang lật mở từng trang trong cuốn sách Yersin – một quyển sách kể về cuộc đời của vị bác sĩ tài hoa nhân đức vẹn toàn này.

Tác giả: Ni Chi

*Featured Image: anle20

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Tôi đã học ngoại ngữ như thế nào?

(2325 chữ, 9 phút đọc)

Một số bạn có inbox muốn tôi chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ của mình. Đây là một vấn đề mà tôi cũng đắn đo rất lâu vì thật lòng không phải tôi muốn giấu giếm gì hết. Đối với các bạn đang theo học tôi, tôi vẫn nhiều chia sẻ và phân tích cách học. Nhưng “kinh nghiệm cũng giống như chiếc bàn chải đánh răng, chỉ có thể cho người kia xem nhưng mỗi người dùng riêng một chiếc, không thể nào dùng chung được.” Mỗi người sẽ có một xuất phát điểm khác nhau, thuận lợi và khó khăn khác nhau và tính cách mỗi người sẽ quyết định về thành công hay thất bại của người đó. Tôi viết bài viết này chỉ với một mục đích chia sẻ những gì đã trải qua cả thuận lợi lẫn bất lợi trong việc học ngoại ngữ cũng như những gì tôi nghĩ là có ích. Nếu ai thấy áp dụng gì thì áp dụng, thế thôi.

Trong bài viết trước của tôi, có một bạn phân tích 3 yếu tố dẫn đến thành công trong việc học ngôn ngữ. Một là ý thức và nỗ lực bản thân. Hai là môi trường thích hợp và ba là người dạy có tâm và có trình độ. Tôi đồng ý về cách nhận định này và sẽ dựa trên ba yếu tố này để phân tích việc học ngoại ngữ của mình để cách bạn dễ theo dõi.

Yếu tố đầu tiên tôi muốn nhắc đến là môi trường. Tôi có được may mắn là sống trong một môi trường đa văn hóa từ bé và điều này tôi nghĩ rằng có ảnh hưởng rất lớn đối với việc học ngoại ngữ của tôi. Gia đình bên nội tôi là người Quảng Đông ở Chợ Lớn, ngoài ba tôi nói được tiếng Việt kha khá, còn lại các cô các bác đều nói được rất ít tiếng Việt. Do đó tôi gần như nói tiếng Việt và tiếng Quảng Đông cùng một lúc khi mới tập nói. Bên ngoại tôi bà ngoại là giáo viên dạy tiếng Pháp trước 1975 nên hay có thói quen dùng tiếng Pháp, dì tôi dạy tiếng Nga. Cả hai đều dạy tôi một ít tiếng Pháp và tiếng Nga từ trước khi vào lớp 1 (tôi không học mẫu giáo một ngày nào cả). Tất cả những điều đó tạo cho một môi trường đa ngôn ngữ khiến tôi có một độ nhạy nhất định về ngôn ngữ. Đến năm 4 tuổi (1985), tôi bắt đầu đi học tiếng Anh vỡ lòng và từ đó trở đi tôi học tiếng Anh gần như song song với tiếng Việt. Và cứ như thế tôi học tiếng Anh rất tự nhiên, không cảm thấy áp lực hay căng thẳng gì cả.

Môi trường thứ hai là một môi trường khắc nghiệt và éo le. Năm 10 tuổi vì một biến cố gia đình mà tôi trôi dạt qua Pakistan và sống bên đó một thời gian thậm chí đi học bên đó một thời gian. Tôi không biết tiếng Urdu nên học ở một trường Công giáo dạy toàn tiếng Anh ở Karachi. Và tôi phải tự bơi để tồn tại trong một môi trường không có một chữ tiếng Việt nào. Thành công đầu tiên trong việc sử dụng tiếng Anh của tôi là dẫn mẹ tôi không biết một chữ tiếng Anh đi lọt qua các cửa khẩu sân bay từ Thái Lan qua Pakistan bằng vốn tiếng Anh cấp 1 của mình rồi từ Pakistan về lại Bangkok rồi về Sài Gòn. Biến cố đó để lại cho tôi nhiều chấn thương về mặt tâm lý rất nặng nhưng ngược lại giúp tôi củng cố trình độ cũng như sự tự tin trong việc sử dụng tiếng Anh.

Về lại Việt Nam đi học dưới mái trường xã nghĩa thân thương, tôi chủ động đăng kí tham gia các cuộc thi tiếng Anh do trường do quận tổ chức chẳng phải vì thành tích mà tôi muốn thử sức mình. Lên cấp 3 tôi thi vào lớp chuyên Anh Minh Khai khi nghe nói có giáo viên nước ngoài đứng lớp. Lớp 11 tôi đi sinh hoạt clb Anh Văn của Nhà Văn Hóa Thanh Niên rồi thi vào làm trong đó với nhiệm vụ là đi đến từng nhóm hướng dẫn cho các hội viên thảo luận đề tài trong tuần và tập cho họ hát bài hát tiếng Anh được in kèm theo chủ đề. Đến khi tôi vừa tốt nghiệp cấp 3 thì tôi được bầu làm phó chủ nhiệm clb Anh Văn sau hai năm đi làm. Và tôi cũng là người nhỏ tuổi nhất trong những người làm việc trong câu lạc bộ. Lúc đó (1998-2001) phong trào học tiếng Anh ở Sài Gòn vẫn rất thịnh hành và các câu lạc bộ tiếng Anh mọc lên như nấm. Duy chỉ có clb tiếng Anh của NVHTN là nổi tiếng nhất với số lượng hội viên lên đến trên 2000 người mỗi buổi sáng chủ nhật. Đó là môi trường thứ ba để tôi rèn luyện tiếng Anh của mình.

Môi trường thứ tư là môi trường đại học sáu năm học bên Mỹ. Trường tôi học nằm xa khu người Việt và tôi gần như là người Việt duy nhất. Ngành học của tôi là sư phạm Anh vốn học ra để dạy ngữ văn Anh (literature) ở các trường trung học Mỹ đòi hỏi trình độ tiếng Anh rất cao. Chương trình học rất nặng gồm những môn tới bây giờ tôi còn ám ảnh như văn học Anh trung đại, cận và hiện đại và văn học Mỹ cận hiện đại. Ngoài ra các môn khác như triết học, tâm lý học, kĩ năng sư phạm đều phải học bằng tiếng Anh. Nói chung trong suốt quãng đời học tiếng Anh, tôi luôn có được những môi trường tốt nhất (cũng có thế nói là khắc nghiệt nhất) để rèn luyện.

Yếu tố thứ hai quyết định là tôi may mắn có những giáo viên dạy tiếng Anh rất tốt, có trình độ, có tâm và có tầm. Có một điều rất lạ là tôi và gia đình đạo Phật nhưng lại rất có duyên với những người đạo Công giáo hoặc Tin Lành. Giáo viên tiếng Anh đầu tiên của tôi năm 4 tuổi là thầy Ý Anh Bùi Trần Lục, một người Bắc 54 nhỏ thó và lanh lợi. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp, thầy Lục đã nói với mẹ tôi rằng: “Chị cho con học tiếng Anh là một quyết định vô cùng đúng đắn!” Đó là năm 1985, thời mà tiếng Anh bị ghẻ lạnh vì ai cũng tôn sùng tiếng Liên Xô. Lớn lên một tí tôi được gửi vào học tiếng Anh tại tu viện nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa góc Điện Biên Phủ (bây giờ là trường Nhật Ngữ Sakura) cho đến 10 tuổi. Các sơ nói tiếng Anh rất hay, rất nghiêm khắc nhưng dạy rất có tâm. Nền tảng căn bản tiếng Anh tôi vững là nhờ công của các sơ trong đó người dạy tôi lâu nhất là sơ Thuận. Nếu bây giờ còn sống, bà cũng phải trên 80 tuổi. Lên cấp 2 người tôi ấn tượng là cô Trinh trường Ngô Tất Tố, Phú Nhuận vì cách dạy sinh động nhất là phát âm của cô khác hẳn với các giáo viên Việt Nam khác. Còn người tôi ngưỡng mộ nhất trong thời gian học cấp 3 là thầy Thảo trường Minh Khai với cách dạy tiếng Anh cực kì vui và ấn tượng. Học với thầy hiểu được rất nhiều nhưng không hề mệt mỏi căng thẳng. Có thể nói đây là người thầy đã khiến tôi muốn trở thành giáo viên Anh Văn. Đó là thời gian các giáo viên vẫn còn có tâm, họ không dạy mẹo dạy chiêu mà truyền đạt kiến thức thực sự. Thầy Lục, sơ Thuận, cô Trinh, thầy Thảo là những giáo viên mà tôi luôn biết ơn cho tới ngày hôm nay.

Yếu tố thứ ba là phương pháp học và nỗ lực bản thân. Tôi trước giờ có một tính rất lạ, cái gì mình thích thì tôi theo đến cùng còn những gì người khác theo nhưng tôi thấy không hợp tình hợp lý thì tôi chẳng thèm quan tâm cho dù ai nói gì đi nữa. Suốt thời gian học phổ thông trung học của tôi là thế, tôi học rất bết bát các môn toán lý hóa nhưng rất siêng học tiếng Anh, sử và văn vì tôi thấy đây mới là những môn giúp ích cho tôi sau này. Điểm tiếng Anh của tôi luôn cao nhất lớp và tôi tham gia bất kì cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh nào từ cấp trường đến cấp quận. Nhưng tôi không học gạo để thi lấy điểm mà học vì kiến thức thực sự. Tôi chú ý đến những lỗi nhỏ trong phát âm và quyết tâm sửa vì tôi rất ghét kiểu phát âm lười biếng ẩu tả của một số giáo viên khiến tiếng Anh trở thành như tiếng Việt. Khi phát biểu trong lớp tôi luôn sửa giọng cho đúng mặc cho bạn bè cười bảo là làm màu hay khoe mẽ. Tôi mặc kệ người khác nghĩ gì vì tôi biết tôi làm gì.

Tôi học tiếng Anh qua bài hát, học qua sách truyện chứ tôi không chỉ dựa vào sách vở. Tôi tập hát cho đúng với cách của những ca sĩ yêu thích và chú ý cách nhấn trọng âm nhả chữ, đài từ và cả cách thể hiện cảm xúc qua bài hát. Lúc đầu do mê The Beatles, tôi tập căng tai nghe những đoạn phỏng vấn của tứ quái để học cách phát âm kiểu Scouse xứ Liverpool. Sang Mỹ, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều chất giọng tiếng Anh khác nhau và tôi tập hết tất cả các accent đó cho thật nhuyễn (trừ giọng Mỹ da đen vì tôi không thích nhạc rap). Có thời gian tôi bỏ ra hơn cả năm chỉ để luyện Cockney accent-loại giọng Anh của dân lao động London vì khoái xem phim bộ phim “Still Crazy” của Anh. Đến khi xem Hugh Grant thì chuyển qua tập nói kiểu posh accent sang chảnh. Sau này có bạn người Ấn Độ, Pakistan và Malaysia, tôi học luôn giọng phát âm tiếng Anh của họ.

Tôi đọc rất nhiều sách tiếng Anh và xem nhiều phim bằng tiếng Anh bên cạnh những sách giáo khoa bắt buộc phải đọc. Hồi còn đi học ở Việt Nam, tôi hay để dành tiền để mua những danh tác tiếng Anh được rút gọn và đơn giản hóa cho sinh viên nước ngoài học để đọc. Sang Mỹ thì tôi đọc về lịch sử, văn học, triết học, tâm lý học, và rất nhiều tài liệu về âm nhạc. Mấy lần tôi có điều kiện chuyển trường sang một nơi có nhiều người Việt sinh sống và học nhưng tôi vẫn quyết định ở lại thị trấn Thibodaux heo hút không có một bóng người Việt để tối đa điều kiện sử dụng tiếng Anh. Tôi không muốn ở Mỹ bao nhiêu năm trời mà lại nói một thứ tiếng Anh chắp vá giả cầy nhất là đi học ngành sư phạm Anh thì đúng là quá nhục.

Bên cạnh tiếng Anh tôi sử dụng tốt tiếng Quảng Đông và Hoa Phổ thông. Tiếng Quảng Đông của tôi là do bác hai dạy từ nhỏ. Đi chơi với bác tôi bắt buộc phải nói tiếng Quảng Đông còn với ba tôi thì ông vẫn nói lúc thì tiếng Quảng Đông lúc thì tiếng Việt. Đến năm 18 tuổi tôi mới chính thức học đọc và viết mặt chữ. Thầy dạy tôi cũng họ Huỳnh là một mục sư Tin Lành là một người có tấm lòng hết sức thiện lương. Thầy bắt tôi học chữ phồn thể chứ không thích tôi viết chữ giản thể của Trung Cộng. Nhờ vốn tiếng Quảng Đông, tôi học tiếng phổ thông rất nhanh. Sang Mỹ thời gian sống với cô tôi, tôi vừa sử dụng tiếng Quảng Đông để giao tiếp với gia đình bên nội, vừa dùng tiếng phổ thông để chỉ dẫn những người bếp Trung Quốc làm ở nhà hàng của cô tôi. Họ từ Phúc Kiến vượt biên sang, ít học và quê mùa tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Quảng Đông cũng không nói được. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ thổ ngữ của họ còn khi phải giao tiếp thì dùng tiếng phổ thông đặt sệt thổ âm Phúc Kiến rất khó nghe. Cô tôi nói tiếng phổ thông đặt sệt tiếng Quảng Đông nên hai bên nói chuyện với nhau như cãi lộn. Thế là họ làm gì, đi đâu, mua gì tôi đều dẫn họ đi làm thông dịch viên bất đắc dĩ. Ở trường thì có bạn bè sinh viên người Trung Quốc tôi cũng không ngần ngại nói chuyện với họ bằng tiếng phổ thông. Nói chung, tôi không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để luyện tập, nghe, nói, đọc viết những ngôn ngữ mà mình học dù chỉ là nhỏ nhất. Tôi thường buộc tôi rơi vào tình trạng phải sử dụng ngôn ngữ đó để sinh tồn vì đó là động lực thúc đẩy tôi phải giỏi ngôn ngữ mà mình sử dụng, còn nếu cảm thấy không giỏi thì không học qua loa. Đó là lý do tại sao tôi không học lại tiếng Pháp và tiếng Nhật mặc dù cũng đã từng học qua một năm vì tôi cảm thấy mình quá bận để có thể theo đuổi chúng một cách nghiêm túc dù rất muốn.

Tác giả: Vien Huynh

*Featured Image: DariuszSankowski

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2 

Ai mới là kẻ yêu đời tha thiết nhất?

3

(1008 chữ, 4 phút đọc)

Cuộc sống là một cái hố trống rỗng, chẳng có gì để tìm kiếm trong đó, nhưng lại có thể đánh mất tất cả. Càng đi tìm chỉ càng bước vào những tư tưởng cô liêu, càng đi tìm chỉ càng nghe thấy những tiếng kêu rên thống khổ, chỉ càng ngửi thấy mùi hương khói thắp lên cho những nấm mồ chôn cất linh hồn của người còn sống. Đi đến đâu cũng chỉ thấy toàn thấy những cái xác lạnh lẽo bước vội đi tìm hơi nóng để được sưởi ấm. Ở đâu cũng toàn là linh hồn suy nhược, lồng ngực chật hẹp, những con mắt đố kỵ. Nhưng hãy cẩn thận, đừng vội buông lơi lời nói, đừng vội vã khạc nhổ khinh bỉ.

Bởi bốn phương tám hướng xung quanh đầy rẫy những tai mắt, bạn phải cố tỏ vẻ mình là người yêu đời trước mặt họ và nói những lời hoa mỹ. Những kẻ với đằng sau cái mặt nạ ngụy trang cũng chỉ là cái lốt của bộ xương tâm hồn đã bị cuộc sống ăn mòn từng khúc da khúc thịt. Chỉ còn lại những mảnh xương mục nát khô héo không che giấu nổi trái tim rỉ máu với vô số vết thương chằng chịt. Thừa nhận đi, như cách những con chiên vẫn thường rửa tội trước thượng đế của họ. Hãy một lần thú nhận bạn cũng đã quá chán ghét cuộc đời này. Hét một lần vào mặt nó, một lần thôi cứ chửi rủa sự thối nát của một kiếp người quá đọa đày.

Nhưng chửi xong rồi thì sao, phải tha thứ, phải yêu thương nó như cha mẹ vẫn chửi rủa đánh đập thậm tệ những đứa con lại luôn dành cho nó tất cả tình yêu mà họ có. Không phải là bổn phận trách nhiệm phải yêu thương, cố tỏ mình quá tử tế với nó, mà là một tình yêu thuần khiết. Yêu và chấp nhận tất cả mọi thói hư tật xấu của người mình yêu. Uống cạn chén rượu say đắng ngắt, uống trọn hết thảy những đớn đau. Bởi không có thiên đàng nào mà không biết đến mùi vị hỏa ngục, không có sự dịu ngọt nào không pha lẫn đắng cay chua chát.

Tôi bảo tôi yêu đời thì chẳng ai tin. Có dùng cả cuộc đời để giải minh cũng chẳng ai tin tôi là đứa yêu đời nhất trần gian. Tôi đã sống trong tất cả những cơn mộng đẹp mà tôi tự dệt ra bằng màu sắc rực rỡ nhất. Họ chỉ nhìn vào đó rồi ngỡ ngàng chúng là màu đen, tôi cố giải thích thì may ra họ nghĩ đó là màu xám. Tôi bảo rằng đến cả hạnh phúc cũng khiếp sợ tôi thì họ cười ngạo nghễ. Họ không tin rằng một người nói những điều bi quan lại là người yêu đời da diết. Chỉ có những kẻ tự nhận rằng mình yêu đời mới chính là kẻ bi quan tự dối trá lường gạt chính bản thân. Và đáng thương nhất là những kẻ thậm chí còn chẳng biết mình đang đau khổ trong tất cả sự gian dối.

Tại sao con người lại phải sống khổ sở như vậy? Sáng nào cũng mở cửa sổ ra để thấy mặt trời rồi vội đóng cửa khi còn chưa kịp gặp mặt trăng. Vội vã, quan trọng hóa mọi sự chẳng được tích sự gì.

Đã có bao nhiêu người sống trước họ và khi họ chết đi vẫn có bấy nhiêu ngươi lũ lượt chết theo. Rồi lại có kẻ khác được sinh ra, rồi cả thế giới lại nói cười hồn nhiên. Chẳng ai là quan trọng để hãnh diện. Ai rồi cũng sống bần tiện, tham lam, tầm thường, khờ khệch, ngu ngốc, xấu xa, hẹp hòi… Tôi cũng chỉ là một sản phẩm nằm trong dây chuyền của cuộc sống này, ngu xuẩn chẳng khác gì.

Nhưng tất cả mọi sự ấy đều quan trọng và cần thiết trong đời sống này. Nếu một cái tôi nhỏ mọn mất đi thì vũ trụ sẽ điên đảo chao ngã ngay tức thì. Muốn sống thì cần phải đặt niềm tin vào tất cả sự hỗn mang đấy, chỉ là đừng nhìn vào đấy những lúc mình mệt mỏi chán chường.

Đừng đi tìm ý nghĩa cuộc sống, cuộc sống này làm gì có ý nghĩa mà đi tìm cho mất công. Chẳng có ai có thể hiểu được gì, khoa học không thể chứng minh, triết học không thể lý luận, lịch sử chỉ là một mớ bòng bong được sắp xếp có trật tự những điều mà các sử gia hoàn toàn chưa bao giờ trông thấy.

Con người đến với cuộc đời để tìm kiếm ý nghĩa sự sống, để rồi bàng hoàng nhận ra càng đi tìm lại càng đánh mất tất cả trong sự tìm kiếm đó. Tại sao chúng ta sống? Hoang mang không biết mình sống để làm gì. Vậy thì đã đến lúc rồi, bắt đầu khạc nhổ nói lời khinh bỉ cuộc đời đi, rồi khinh bỉ luôn cả sự khinh bỉ cuộc đời. Đó là ranh giới mong manh nhất giữa cái khinh ghét và yêu thương. Cứ sống với nhau bằng sự giả tạo ấy mà không mệt mỏi đuối sức sao? Mình sống thật với đời thì đời mới chân thành với mình.

Chiều nay tôi lang thang dưới Sài Gòn. Đã nói bao nhiêu lời khinh bỉ thậm tệ. Mình còn nhớ hãy đã quên tôi cũng chẳng còn bận tâm. Chỉ biết hôm nay nắng Sài Gòn tôi đi giữa khói bụi mịt mùng, ồn ào còi xe, hối hả xô bồ mà thấy lòng bồi hồi quá…

Sài Gòn ngày trở về, tôi tự hỏi, vội vã chốn nhân gian này, Sài Gòn ơi ai mới là kẻ yêu người da diết nhất? Ai mới là kẻ yêu đời tha thiết nhất?

Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố

*Featured Image: Pexels

📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2